Tin khắp nơi – 17/06/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 17/06/2017

Lính Afghanistan xả súng vào quân đội nước ngoài

Một lính người Afghanistan tấn công quân đội nước ngoài hôm thứ Bảy 17/06 khiến nhiều lính Mỹ bị thương.

Vụ tấn công xảy ra tại căn cứ quân sự ở phía Bắc Afghanistan, một quan chức xác nhận với BBC.

Phát ngôn viên của chỉ huy quân đội Hoa Kỳ, đóng tại thủ đô Kabul đã bác bỏ thông tin trước đó cho rằng một lính Mỹ đã thiệt mạng, nhưng xác nhận một số lượng chưa xác định đã bị thương khi người lính Afghanistan xả súng vào trại Shaheen.

Chiến dịch Resolute Support do Nato dẫn dắt cũng cho biết một lính người Afghanistan đã thiệt mạng và một người khác bị thương trong vụ việc xảy ra vào khoảng 1400 giờ địa phương.

Khu trại đặt tại thành phố Mazar-i-Shariff, là căn cứ của Quân đoàn 209.

Kabul: nổ bom ở đám tang, 4 người chết

Đánh bom tại Kabul: Ít nhất 80 người thiệt mạng

Philippines: Tay súng ngoại quốc về ‘đất mới’ của IS

Một lính người Afghanistan tấn công quân đội nước ngoài tại một căn cứ quân sự khiến nhiều lính Mỹ bị thương.

Vụ tấn công xảy ra tại căn cứ quân sự ở phía Bắc Afghanistan hôm thứ Bảy 17/06, một quan chức xác nhận với BBC.

Một phát ngôn viên của chỉ huy quân đội Hoa Kỳ, đóng tại thủ đô Kabul đã bác bỏ thông tin trước đó cho rằng một lính Mỹ đã thiệt mạng, nhưng xác nhận số lượng chưa xác định đã bị thương khi người lính Afghanistan xả súng vào trại Shaheen.

Chiến dịch Resolute Support do Nato dẫn dắt cũng cho biết một lính người Afghanistan đã thiệt mạng và một người khác bị thương trong vụ việc xảy ra vào khoảng 1400 giờ địa phương.

Khu trại đặt tại thành phố Mazar-i-Shariff, là căn cứ của Quân đoàn 209.

Vụ tấn công xảy ra một tuần sau khi một lính biệt kích người Afghanistan bắn chết ba lính đặc nhiệm Mỹ ở phía Đông nước này. Taliban tuyên bố đứng sau vụ tấn công.

Taliban cũng nhận trách nhiệm vụ tấn công ở Mazar-e-Sharif hồi tháng Tư, khi hơn 100 quân Afghan bị giết hại và bị thương tại căn cứ.

Quân đội cho biết phiến quân nhắm vào những người đã rời khỏi buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu tại đền thờ Hồi giáo của căn cứ và những người khác bị tấn công tại nhà ăn.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40315159

 

Chiến dịch tìm kiếm thủy thủ USS Fitzgerald sau vụ va chạm

Chiến dịch tìm kiếm bảy thủy thủ Mỹ đang diễn ra ngoài khơi Nhật Bản sau khi tàu chiến USS Fitzgerald va chạm với một tàu chở hàng.

Máy bay, tàu và trực thăng của Nhật Bản và Hoa Kỳ được huy động nhưng cho tới nay vẫn chưa có tung tích của những thủy thủ này.

Ba người bị thương đã được chở đi cấp cứu bằng trực thăng, trong đó có sĩ quan chỉ huy tàu.

Mạn tàu chiến bị hư hỏng nặng sau va chạm, nhưng vẫn có thể trở về căn cứ ở Yokosuka với sự hỗ trợ của một tàu kéo khác.

Tàu chiến USS Fitzgerald va chạm với chiếc tàu chở container ACX Crystal khoảng 103 km về phía tây nam Yokosuka khoảng lúc 2 giờ 30 sáng theo giờ địa phương hôm thứ Bảy.

Tàu ACX Crystal mang cờ Philippines và nặng dưới 30 ngàn tấn, nặng hơn tàu USS Fitzgerald khoảng 3 lần.

Phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của BBC từ Tokyo nói vụ đụng tàu xảy ra tại khu vực rất nhiều tàu bè qua lại vì tàu ra vào vịnh Tokyo.

Tuy nhiên USS Fitzgerald là một trong những tàu chiến tân tiến nhất thế giới với các hệ thống radar rất tinh vi.

Thông tin hàng hải cho thấy dường như tàu chở hàng của Philippines đã đột ngột quay đầu khoảng 25 phút trước khi xảy ra vụ đụng độ. Không rõ vì sau tàu này muốn đổi hướng.

Tốc độ di chuyển của tàu ACX Crystal lúc xảy ra va chạm là 27km/h.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40299355

 

Cuba lên án chính sách đảo chiều của Trump

Chính phủ Cuba tức giận việc Tổng thống Hoa Kỳ ngưng các chính sách thời Obama cải thiện quan hệ với Havana.

Tuy nhiên, họ nói sẽ vẫn hợp tác với láng giềng lớn hơn này.

Phát biểu trước đó tại Miami, Florida, ông Trump nói ông sẽ áp dụng lại những giới hạn về đi lại và mậu dịch mà chính quyền Obama từng nới lỏng.

Ông Trump lên án chính sách này là “thỏa thuận hoàn toàn phiến diện”.

‘Lỡ sinh nhật Hồ Chí Minh’ ở Cuba

Người Việt Nam viếng Fidel Castro

Cuba muốn trả nợ cho CH Czech bằng rượu rum

Mỹ chấm dứt miễn visa cho di dân Cuba

Tuy nhiên ông không đảo ngược lại các quan hệ thương mại và ngoại giao chính.

“Chính phủ Cuba lên án các biện pháp mới thắt chặt cấm vận ,” truyền hình nhà nước Cuba nói.

Nhưng họ cũng tái khẳng định “sẵn lòng tiếp tục đối thoại và hợp tác trên tinh thần tôn trọng”.

Tổng thống Trump nói chính sách mới của ông sẽ siết chặt qui định về đi lại và chuyển tiền sang Cuba.

Ông nói về các quan ngại nhân quyền và nói đạt thỏa thuận với chính phủ Castro “tàn bạo” là “khủng khiếp” và “lầm đường”.

Các công ty và công dân Hoa Kỳ cũng sẽ bị cấm làm ăn với mọi doanh nghiệp chịu kiểm soát của quân đội hay lực lượng tình báo Cuba.

“Chúng ta không muốn đồng USD lại giúp cho thể chế quân sự độc quyền khai thác và lạm dụng người dân Cuba,” ông Trump được New York Times dẫn lời nói.

Tuy nhiên, ông Trump sẽ không đóng đại sứ quán Hoa Kỳ tại Havana, tuyến bay thương mại từ Hoa Kỳ sẽ vẫn tiếp tục, và người Mỹ sẽ vẫn có thể quay về Mỹ với hàng hóa mua từ Cuba.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40299356

 

Đài Loan chỉ trích LHQ về việc ngăn đoàn nước này ở Geneva

Bằng những lời lẽ thật cứng rắn, Bộ Ngoại Giao Đài Loan phản đối việc Văn Phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneve không cho 3 sinh viên Đài Bắc và vị giáo sư hướng dẫn họ vào nghe một cuộc tranh luận về nhân quyền.

Thông cáo của Bộ Ngoại Giao Đài Loan phổ biến hôm 16 tháng 6 viết rằng Liên Hiệp Quốc tự hào là một tổ chức đối xử bình đằng với mọi người, không phân biệt sắc tộc, quốc gia hay chính kiến, nhưng hành động của Cao Ủy Nhân Quyền đã đi ngược lại tôn chỉ đó.

Bộ Ngoại Giao Đài Loan cho hay toán sinh viên Đài Bắc và vị giáo sư hướng dẫn họ bị Cao Ủy Nhân Quyền cấm cửa với lý do Đài Loan không phải mà một quốc gia, đòi hỏi những người này phải có chứng minh thư nhân dân do Trung Quốc cấp.

Văn Phòng Cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc không trả lời những câu hỏi liên quan đến chuyện này, nhưng một nhân viên Cao Ủy nói với hãng thông tấn AFP rằng chỉ có công dân các nước thành viên Liên Hiệp Quốc mới được vào phòng hội để nghe tranh luận.

Hiện Đài Loan không phải là thành viên của Liên Hiệp Quốc, được nhiều quốc gia xem là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/taiwan-slams-un-after-students-barred-from-geneve-visit-06162017131137.html

 

LHQ yêu cầu Bắc Hàn làm rõ vụ sinh viên Mỹ

Tại Geneve, ông Tomas Quintana, điều tra viên nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, lên tiếng kêu gọi chính phủ Bắc Hàn giải thích tại sao một sinh viên Hoa Kỳ bị Bình Nhưỡng giam giữ hơn một năm nay lại ở trong tình trạng hôn mê khi được trao trả về cho gia đình.

Người được nói tới là anh sinh viên tên Otto Warmbier, 22 tuổi, bị công an Bắc Hàn bắt giam hồi tháng Giêng 2016 về tội lấy trộm một bức vẽ do nhà nước Bình Nhưỡng in để cổ động dân chúng. Anh này khai rằng chỉ muốn lấy tấm áp phích này để về khoe với bạn bè, nhưng bị tòa Bắc Hàn kêu án 15 năm lao động khổ sai.

Đầu tuần này, anh được Bắc Hàn trả tự do, về lại Hoa Kỳ trong tình trạng hôn mê.

Phía Bắc Hàn nói rằng anh sinh viên Warmbier hôn mê vì bị ngộ độc thức ăn và uống thuốc ngủ. Tuy nhiên toán bác sĩ Mỹ đang chữa trị cho anh lại nói rằng tình trạng hôn mê xảy ra vì anh ta bị thiếu oxygen và thiếu máu trong não.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/un-rights-envoy-urges-north-korea-06162017130143.html

 

Mỹ-Trung họp bàn về Bắc Hàn vào tuần tới

Thứ Tư tuần tới, các vị ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại Washington, để thảo luận về những vấn đề 2 nước cùng quan tâm, đặc biệt chú trọng đến tình hình an ninh bán đảo Triều Tiên và giải quyết chương trình hạt nhân và tên lửa mà Bắc Hàn đang theo đuổi.

Đây là cuộc họp đầu tiên của Đối Thoại Ngoại Giao Và An Ninh Mỹ-Trung, thành hình sau cuộc gặp gỡ hồi tháng Tư vừa rồi ở Florida giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thượng đỉnh vừa nói đã giúp mối quan hệ giữa 2 cường quốc trở nên tốt đẹp hơn, cho dù Washington thường xuyên lên tiếng bày tỏ quan ngại về chuyện Bắc Kinh tự ý xây dựng, cải tạo các hòn đảo, bãi đá mà họ tự ý chiếm giữ ở Biển Đông, cũng như mức tham thủng mậu dịch quá lớn mà Hoa Kỳ phải gánh chịu khi buôn bán với Trung Quốc.

Tin từ Washington cho hay trong cuộc thảo luận sẽ diễn ra vào ngày thứ Tư tuần tới, phía Hoa Kỳ sẽ kêu gọi Trung Quốc nỗ lực hơn nữa để buộc Bắc Hàn phải ngưng ngay chương trình chế tạo võ khí hạt nhân và tên lửa.

Một trong những ý kiến sẽ được Hoa Kỳ nêu ra là tăng mức cấm vận đối với Bắc Hàn, trong đó bao gồm cả việc cấm những công ty Trung Quốc đang giao dịch, làm ăn với chính quyền Bình Nhưỡng.

Thứ Ba vừa rồi khi ra điều trần trước Quốc Hội, Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson có nói đến điều này, tiết lộ Washington đã thảo luận với Bắc Kinh, nhưng không cho hay cuộc thảo luận đã đi tới đâu, kết quả như thế nào.

Cũng cần nói thêm ngoài Ngoại trưởng Tillerson, cuộc thảo luận sắp tới còn có sự tham dự của ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis. Phía Trung Quốc có Ủy Viên Quốc Vụ Viện Dương Khiết Trì và Tướng Phòng Phong Huy, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đôi Nhân Dân Trung Quốc.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/us-china-to-meeton-north-korea-next-wednesday-06162017123633.html

 

Trump cải biên,

nhưng phần lớn giữ nguyên chính sách Cuba thời Obama

Nói rằng ông đang “hủy bỏ thỏa thuận hoàn toàn một chiều của chính quyền trước với chính phủ Cuba,” Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu đảo ngược một số phần trong chính sách mở cửa lịch sử của người tiền nhiệm của ông đối với đảo quốc này. Các biện pháp mới bao gồm thắt chặt các hạn chế về du lịch và cấm những giao dịch tài chính với các thực thể có liên hệ tới các cơ quan tình báo và quân đội Cuba. Tập đoàn quân sự GAESA của Cuba ước tính kiểm soát hơn một nửa nền kinh tế của nước này.

Trong bài diễn văn tại khu Little Havana ở thành phố Miami, với Phó Tổng thống Mike Pence và Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio và các chính trị gia hàng đầu khác người gốc Cuba đứng bên cạnh, ông Trump nói rằng ông đã từng bước thực hiện lời hứa lúc vận động tranh cử giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái ở bang chiến trường Florida này, nơi mà lá phiếu của người Mỹ gốc Cuba đã giúp ông vượt lên dẫn đầu.

“Nước Mỹ đã khước từ những kẻ áp bức người dân Cuba,” ông nói trước một đám đông hò reo trong nhà hát Manning Artime chật cứng và oi bức, được đặt theo tên của người lãnh đạo cuộc xâm lược Vịnh Con heo bất thành. “Tôi tin rằng sự cáo chung sẽ tới trong một tương lai rất gần.”

“Chúng ta sẽ thi hành lệnh cấm du hành. Chúng ta sẽ thi hành lệnh cấm vận. Chúng ta sẽ thực hiện các bước cụ thể để bảo đảm rằng các khoản đầu tư đi thẳng tới người dân để họ có thể mở các doanh nghiệp tư nhân và bắt đầu xây đắp một tương lai tuyệt vời của đất nước họ,” ông Trump nói.

Chính phủ Cuba hôm thứ Sáu nói trong một thông cáo rằng họ “nhắc lại sự sẵn sàng tiếp tục đối thoại mang tính tôn trọng và tiếp tục hợp tác về các vấn đề cùng quan tâm với Mỹ. Thông cáo nói rằng Cuba và Mỹ đã chứng tỏ trong hai năm qua rằng “họ có thể hợp tác và sống cùng nhau một cách lịch sự, tôn trọng những khác biệt và cổ xúy những điều có lợi cho cả hai nước và người dân hai nước.”

Tuy nhiên, Cuba cảnh báo rằng Mỹ “không nên cho rằng Cuba phải nhượng bộ về chủ quyền và sự độc lập của mình, và Cuba cũng không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào như vậy.”

Những chính sách thời Obama giữ nguyên

Các quan chức Nhà Trắng cho biết nhiều thay đổi trong thời kỳ Obama sẽ vẫn được giữ nguyên.

Theo các quan chức cao cấp trong chính quyền, người dân Mỹ vẫn có thể du hành đến Cuba theo những hạng mục được chấp thuận, nhưng việc chấp hành sẽ nghiêm ngặt hơn để bảo đảm du khách tới Cuba thuộc đúng những hạng mục này.

Người dân Mỹ sẽ được phép mang đồ lưu niệm về nhà như rượu rum và xì gà. Các chuyến bay thương mại giữa Mỹ và Cuba sẽ tiếp tục, và quan hệ ngoại giao sẽ không bị ảnh hưởng, dù ông Trump sẽ không bổ nhiệm đại sứ tới Havana.

Cựu Tổng thống Barack Obama đã đình chỉ chính sách được gọi là “chân ướt chân ráo” cho phép người dân Cuba tới được bờ biển của Mỹ có thể nộp đơn xin giấy phép lao động mà cuối cùng có thể được nhập tịch. Sự đảo ngược chính sách của ông Trump sẽ không đụng tới quyết định này.

Sự chống đối chính sách Cuba mới

Ông Obama đề xướng kế hoạch bình thường hóa quan hệ với Cuba và giảm bớt cấm vận thương mại vào năm 2014. Ông lập luận rằng đã đến lúc theo đuổi chính sách giao tiếp với người dân Cuba vì lệnh cấm vận nhắm vào quốc gia cộng sản này kéo dài hàng chục năm qua đã không mang tới thay đổi cho hòn đảo này.

Trong hai năm cuối nhiệm kỳ, ông đã tới Havana để hội kiến Chủ tịch Raul Castro, nhưng không gặp người anh trai Fidel, người đã lãnh đạo cuộc nổi dậy lật đổ nhà độc tài Cuba Fulgencio Batista hơn nửa thế kỷ trước.

Một số quan chức thời Obama chỉ trích quyết định đảo ngược một phần chính sách Cuba, lập luận rằng những chính sách hạn chế hơn sẽ gửi tín hiệu sai lạc cho những người bạn cũng như những đối thủ của Mỹ.

“Chúng ta đã nhìn thấy con đường chắc chắn nhất dẫn tới tiến bộ là thông qua sự giao tiếp. Chúng ta đã thấy điều đó ở Việt Nam, khắp Châu Âu trong Thế chiến thứ hai, ở Iran và Miến Điện, nơi mà ngoại giao từ nhân dân tới nhân dân của chúng ta đã mở đường cho sự thay đổi trên thực địa,” Brett Bruen, người từng là Giám đốc Giao tiếp Toàn cầu của ông Obama, nói.

“Raul Castro và những người nắm quyền ở Havana sẽ không buông lỏng quyền lực của họ vì chúng ta siết chặt sự kiểm soát của mình đối với hòn đảo này,” ông Bruen nói với VOA. “Nó sẽ chỉ cắt đứt những ngả đường dẫn tới cơ hội và củng cố những lập luận họ đưa ra rằng Mỹ không phải là đối tác cho người dân Cuba.”

Carlos Alzhugay, người từng là nhà ngoại giao của Cuba, cho biết bài diễn văn của ông Trump ở Miami là “luận điệu kém cỏi” gợi nhớ tới “những thời điểm tồi tệ nhất trong quan hệ Cuba – Hoa Kỳ.”

đội Tampa Bay Rays của Mỹ và đội tuyển quốc gia Cuba, ở Havana, Cuba, ngày 22 tháng 3, 2016.

Được khen ngợi về nhân quyền

Trong khi thành phần có lợi ích kinh doanh cảnh báo về bất cứ hành động nào mà sẽ làm suy yếu mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Cuba, song những người theo Đảng Cộng hòa ủng hộ mạnh mẽ những quyết định của ông Trump. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Dân biểu Ed Royce, trong một thông cáo gửi cho VOA, nói rằng Mỹ phải đứng về phía người dân Cuba trong cuộc đấu tranh giành lấy những quyền tự do cơ bản của họ.

“Đường hướng mới của Tổng thống Obama với anh em nhà Castro đã dẫn tới thêm sự tàn bạo, đàn áp và những vụ bắt giữ chính trị ở Cuba,” ông Royce viết. “Chính quyền này đã quyết định đúng khi gạt quân đội Cuba ra ngoài lề và đưa nhân quyền và truy cập Internet lên làm những ưu tiên hàng đầu.”

Một số người Mỹ gốc Cuba ca ngợi tính biểu tượng của quyết định đảo ngược chính sách của Trump.

“Chế độ Castro đã không làm gì về nhân quyền,” Mike Gonzalez, người mà khi còn nhỏ ở Cuba đã lén lút nghe những chương trình phát thanh sóng ngắn của Đài VOA cùng với gia đình.

Ông Gonzalez, giờ là một thành viên của viện nghiên cứu chính sách Quỹ Di sản ở Washington, so sánh sự xuất hiện của ông Trump ở Little Havana với bài diễn văn nổi tiếng của Tổng thống Ronald Reagan.

“Bài diễn văn ở Cổng Brandenburg của ông Reagan, nơi ông yêu cầu ông Gorbachev, ‘hãy phá bỏ bức tường này,’ vào năm 1987 đang được tưởng nhớ trong tuần này vì dịp kỷ niệm 30 năm vừa đi qua và nhiều người nói ‘Có, tôi có nghe câu nói đó ở Đông Berlin và nó thật hùng tráng,” ông Gonzalez nói. “Chúng ta không phải là cảnh sát của thế giới, nhưng chúng ta phải nói rõ cho tất cả những bạo chúa rằng chúng ta đứng về phía những người mà họ đàn áp.”

Các quan chức chính quyền cho biết những thay đổi này sẽ không có hiệu lực ngay lập tức. Bộ Tài chính và Bộ Thương mại sẽ có 30 ngày để soạn thảo những quy định mới và sẽ mất một khoảng thời gian không rõ là bao lâu trước khi chúng có thể được thi hành.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-cai-bien-nhung-phan-lon-giu-nguyen-chinh-sach-cuba-thoi-obama/3904598.html

 

Mỹ sắp quyết định tái định cư người tị nạn bị giữ tại Australia

Trong 6 tuần nữa, Mỹ sẽ thông báo cho vài chục người tị nạn bị giữ tại những trung tâm giam giữ ngoài khơi Australia về việc nhận hay không nhận họ vào nước Mỹ.

Reuters dẫn tin từ hai người tị nạn trong diện này cho biết thời hạn đó là thời biểu cụ thể đầu tiên trong công tác sắp xếp trao đổi người tị nạn giữa Hoa Kỳ-Australia vốn gây nên căng thẳng giữa hai đồng minh sau khi Tổng thống Donald Trump gọi đây là “một thỏa thuận ngớ ngẩn” đối với Mỹ.

Các giới chức Mỹ đại diện cho Bộ An ninh Nội địa, tuần này, trở lại đảo Manus của Papua New Guinea, nơi có hai trung tâm giam giữ do Australia quản lý tại Thái Bình Dương để kiểm tra sức khỏe 70 người tị nạn.

Nhóm này vào tháng trước đã hoàn tất những cuộc phỏng vấn “rà soát lý lịch” kéo dài 6 giờ, với những câu hỏi cặn kẽ về những mối liên hệ, gia đình, bạn bè và tương tác, nếu có, với tổ chức hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo.

Sau khi hoàn tất giai đoạn khám sức khỏe, người tị nạn được báo sẽ có quyết định về đơn xin tị nạn của họ trong vòng 6 tuần.

Nhóm này từ các nước Pakistan, Afghanistan và Myanmar.

Phát ngôn viên của Bộ Di trú Australia, Peter Dutton, từ chối bình luận.

Cuối năm ngoái, cựu Tổng thống Barack Obama đồng ý một thỏa thuận với Australia nhận đến 1.250 người tị nạn. Chính quyền Trump nói chỉ tôn trọng thỏa thuận này để giữ mối quan hệ chặt chẽ với Australia, trong điều kiện là người tị nạn qua được các khâu rà soát chặt chẽ.

Đổi lại, Australia hứa nhận những người tị nạn Trung Mỹ từ một trung tâm ở Costa Rica, nơi Hoa Kỳ đã nhận một số lớn người tị nạn trong những năm gần đây.

Thỏa thuận trao đổi này một phần nhằm giúp Australia đóng cửa một trong những trung tâm tạm giữ người tị nạn ngoài khơi với chi phí vận hành tốn kém cùng và bị Liên hiệp quốc và những tổ chức khác chỉ trích về cách đối xử những người bị giam giữ.

Sự chống đối của ông Trump đối với thỏa thuận này từng gây căng thẳng mối quan hệ với đồng minh chính tại châu Á-Thái Bình Dương và một cuộc điện đàm gay gắt với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trước đây trong năm.

Nhượng bộ của ông Trump và một loạt các chuyến viếng thăm cấp cao của các nhân vật có uy tín của Mỹ đã giúp hàn gắn các mối quan hệ giữa hai nước.

Theo chính sách cứng rắn của Australia về di dân, những người tị nạn bị chặn bắt trên biển khi đang tìm cách đến Australia sẽ bị đưa tới các trại thanh lọc tại Manus và đảo Nauru, Nam Thái Bình Dương, kèm với thông báo rằng họ sẽ không bao giờ được định cư tại Australia.

Các tổ chức nhân quyền lên án chính sách ngăn chặn di dân và điều kiện khắc nghiệt trong các trại tạm giữ. Australia nói chính sách ban hành năm 2013 này là cần thiết để ngăn bước người tị nạn sau khi hàng ngàn người bị chết đuối trên biển.

Dưới áp lực, Australia và Papua New Guinea sẽ đóng cửa trung tâm giam giữ Manus vào ngày 31 tháng 10 tới. Từ đây tới đó, Australia hy vọng sẽ tái định cư cho hàng trăm người được xem là người tị nạn.

Những người không được định cư tại Mỹ sẽ được cho cơ hội định cư tại Papua New Guinea hay trở về nước.

Australia đã đề nghị cấp cho những người bị giam giữ 25.000 đô la để tình nguyện trở về nước, nhưng không mấy ai chấp nhận đề nghị này.

https://www.voatiengviet.com/a/my-sap-quyet-dinh-tai-dinh-cu-nguoi-ti-nan-bi-giu-tai-australia-/3904336.html

 

Di dân bất hợp pháp đến Mỹ từ nhỏ được ở lại Mỹ

Tổng thống Trump chính thức đảo ngược lời hứa khi vận động tranh cử rằng sẽ trục xuất những di dân không giấy tờ tới Mỹ từ nhỏ.

Bộ An ninh Nội địa cuối ngày 15/6 loan báo sẽ tiếp tục chương trình thời Tổng thống Obama nhằm bảo vệ những di dân khỏi bị trục xuất và cấp cho họ giấy phép để họ tìm được việc làm hợp pháp.

Một tài liệu trên website của Bộ nói những di dân ghi danh trong Chương trình 2012 Tạm hoãn Trục xuất những người tới Mỹ từ nhỏ “sẽ tiếp tục đủ điều kiện” được gia hạn mỗi hai năm một lần, đồng thời cho biết giấy phép làm việc của họ sẽ không bị chấm dứt trước thời hạn di trú của họ.

Các nhà hoạt động về quyền của di dân ca ngợi quyết định này. Họ là những người từng mạnh mẽ tranh đấu chống lại lệnh cấm du hành của ông Trump và phản đối việc ông Trump đẩy mạnh thi hành các quy định khác về di trú.

Quyết định đảo ngược các lời lẽ chống di dân của ông Trump trong cuộc vận động tranh cử có phần chắc sẽ làm một số người ủng hộ Tổng thống bị thất vọng, những người xem chương trình do cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra là một lệnh ân xá bất hợp pháp.

Trong cuộc vận động tranh cử, ông Trump nhiều lần bày tỏ tán đồng quan điểm đó. Tại một buổi vận động tranh cử mùa hè năm ngoái, ông Trump thề sẽ chấm dứt ngay tức thì chương trình của ông Obama và chỉ trích rằng ông Obama đã bất chấp luật liên bang và Hiến pháp.

Khi nhậm chức, ông Trump đối mặt với một thực tế mới: rủi ro chính trị nếu nhắm trục xuất một nhóm người được nhiều người Mỹ có cảm tình. Trong một số trường hợp, những di dân này không biết là họ có mặt tại Mỹ bất hợp pháp. Nhiều người theo học các trường tại Mỹ từ mẫu giáo.

Được hỏi nhiều lần về ý định của ông đối với chương trình này kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã gợi ý là ông sẽ không nỗ lực trục xuất những đối tượng trong chương trình. Tuy nhiên, các nhà hoạt động di dân vẫn lo ngại là chính quyền vẫn còn có thể hủy bỏ chương trình này.

Quyết định tiếp tục chương trình ảnh hưởng đến khoảng 800.000 người tại Mỹ được đưa ra giữa lúc chính quyền chính thức chấm dứt nỗ lực của ông Obama muốn mở rộng chương trình để bao gồm cả phụ huynh của các em.

Vào năm 2015, ông Obama đề nghị mở rộng chương trình, gọi là chương trình trì hoãn trục xuất phụ huynh của các trẻ em di dân. Ý tưởng đó có thể giúp khoảng 5 triệu người khỏi bị trục xuất và được cấp giấp phép làm việc.

Tuy nhiên, kế hoạch đó không được thi hành vì bị một tòa án Texas chặn lại, theo yêu cầu của liên minh 26 Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang. Tối cao Pháp viện Mỹ bế tắc với 4 phiếu thuận và 4 phiếu chống trong phán quyết về vụ kiện này, nhưng quyết định của chính quyền Trump chính thức chấm dứt vụ kiện.

(Nguồn New York Times)

https://www.voatiengviet.com/a/di-dan-bat-hop-phap-den-my-tu-nho-duoc-o-lai-my-/3904326.html

 

Đức dọa trả đũa chế tài của Mỹ

Đức ngày 16/6 dọa trả đũa Mỹ nếu những chế tài mới đối với Nga do thượng viện Mỹ đề xuất rốt cuộc gây hại cho các công ty Đức.

Dự luật Thượng viện Mỹ thông qua ngày 15/6 với 98 phiếu thuận-2 phiếu chống bao gồm những chế tài mới áp đặt lên Nga và Iran.

Dự luật này cũng dự trù các biện pháp trừng phạt đối với những thực thể hỗ trợ vật chất cho Nga trong việc xây các đường ống xuất khẩu năng lượng.

Berlin lo ngại là luật này có thể mở đường cho việc trừng phạt đối với những công ty Đức và châu Âu liên hệ đến Nord Stream 2, một dự án xây đường ống dẫn khí đốt Nga xuyên qua Baltic.

Trong số những công ty châu Âu liên hệ đến dự án có tập đoàn dầu mỏ và khí đốt Đức Wintershall, Công ty mua bán năng lượng Đức Uniper, công ty Royal Dutch Shell của Hà Lan, công ty OMV của Áo và công ty Engie của Pháp.

Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức mô tả dự luật của Thượng viện Mỹ là một “động thái cá biệt.” Dự luật cần được Hạ viện chấp thuận và Tổng thống Donald Trump ký ban hành.

Ông nói thật “lạ” khi những chế tài nhằm trừng phạt Nga vì bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ có thể dẫn tới những trừng phạt đối với các công ty châu Âu.

Phát ngôn viên Steffen Seibert nhấn mạnh “Chuyện này không thể xảy ra.”

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Bộ trưởng Kinh tế Đức, Brigitte Zypries, nói Berlin sẽ phải nghĩ đến những biện pháp “phản công” nếu ông Trump ủng hộ kế hoạch này.

Phản ứng tức thì của Berlin được đưa ra vào lúc có những căng thẳng sâu đậm trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương do chính sách Hoa Kỳ thay đổi và những ngôn từ đối đầu với châu Âu dưới thời ông Trump.

Tổng thống mới của Mỹ chỉ trích các đối tác châu Âu không đóng góp thêm cho NATO, đồng thời chỉ trích Đức vì thặng dư thương mại với Mỹ. Ông Trump cũng xa rời các đồng minh trong lĩnh vực biến đổi khí hậu với quyết định ra khỏi hiệp ước cột mốc Paris chống lại khí thải nhà kính.

https://www.voatiengviet.com/a/duc-doa-tra-dua-che-tai-cua-my-/3904009.html

 

Mỹ dự định đưa thêm 4,000 quân tới Afghanistan

Hãng tin AP trích lời một quan chức không tiết lộ danh tính trong chính quyền Trump nói rằng Ngũ Giác Đài sẽ điều động thêm gần 4.000 binh sĩ Mỹ sang Afghanistan để giúp nước này trong cuộc chiến chống lại phe nổi dậy Taliban dang có dấu hiệu hồi phục.

Con số 4,000 binh sĩ trùng khớp với các nguồn tin trước đây do các quan chức chính quyền khác của tổng thống Trump đưa ra.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên Ngũ Giác Đài nói với hãng tin Reuters khi được yêu cầu xác nhận bản tin của AP, nói “chưa có quyết định nào được đưa ra” về việc đưa thêm quân sang Afghanistan.

Bản tin AP cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis có thể ra thông báo về quyết định triển khai binh sĩ vào đầu tuần tới.

Một quan chức Mỹ hồi đầu tuần này cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã trao cho ông Mattis quyền được ấn định số quân cần thiết ở Afghanistan.

Lên tiếng trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Ba, Bộ trưởng Mattis nói Mỹ không đạt tiến bộ hướng tới mục tiêu ổn định hóa Afghanistan và ông đã cam kết sẽ trình Quốc hội một chiến lược mới vào trung tuần tháng Bảy.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng thừa nhận rằng chính quyền của Tổng thống Trump đang trong một “giai đoạn không có chiến lược” liên quan đến Afghanistan.

Ông kêu gọi Quốc hội hãy cấp cho Ngũ Giác Đài một ngân sách không phải chỉ là “một giải pháp tiếp tục” và phải “được thông qua đúng thời hạn” để giúp quân đội Hoa Kỳ khôi phục tình trạng sẵn sàng chiến đấu trong khi duy trì vai trò hỗ trợ cho hai cuộc chiến tranh khác nhau.

Thượng nghị sĩ Cộng hoà John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, nói Quốc hội cần thấy một kế hoạch về làm cách nào Hoa Kỳ có thể tiến tới phía trước tại Afghanistan.

Bộ trưởng Mattis cho rằng “chiến thắng” ở Afghanistan có nghĩa là chính phủ Afghanistan có đủ khả năng để ứng phó với mức độ bạo lực của kẻ thù. Ông nói tình thế đó đòi hỏi một “tiềm lực” gồm quân đội Mỹ và lực lượng đồng minh, sẵn sàng chiến đấu nhưng chưa cần sử dụng tới, để huấn luyện quân đội Afghanistan và duy trì khả năng chiến đấu cao.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói Hoa Kỳ không thể phủi tay bỏ Afghanistan, vì những mối đe dọa đối với Hoa Kỳ và nền kinh tế Mỹ phát sinh từ những “vùng lãnh thổ không được cai trị đúng đắn”.

https://www.voatiengviet.com/a/my-dinh-dua-them-4000-quan-toi-afghanistan/3903832.html

 

Putin bất mãn về chế tài mới của Mỹ,

nhưng nói chưa vội trả đũa

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Bảy bày tỏ thất vọng về các chế tài mới mà Mỹ có thể áp đặt lên nước này, nhưng ông nói vẫn còn quá sớm để nói về “những hành động trả đũa.”

“Điều này thực sự sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ Nga-Mỹ. Tôi nghĩ điều này có hại,” ông Putin nói với hãng thông tấn RIA.

Thượng viện Mỹ tron tuần này bỏ phiếu với tỉ lệ gần như tuyệt đối nhằm tăng cường những chế tài nhắm vào Nga để trừng phạt chiến dịch của nước này gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 của Mỹ.

Các chế tài mới, được thông qua hôm thứ Tư, nhắm mục tiêu vào những người Nga dính líu trong những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, cung cấp vũ khí cho chính phủ Syria, tiến hành các hoạt động độc hại trên không gian mạng và giao dịch với các cơ quan tình báo và quốc phòng của Nga.

Các chế tài được đề xuất vẫn phải được Hạ viện chấp thuận và được Tổng thống Donald Trump ký để trở thành luật, và đó là lý do vì sao ông Putin nói ông sẽ chờ xem tình hình sẽ tiến triển như thế nào.

“Chúng ta cần xem tình hình rồi sẽ như thế nào. Đó là lý do vì sao còn quá sớm để phát biểu công khai về hành động trả đũa của chúng ta,” ông Putin nói.

Nhà Trắng chưa cho biết liệu ông Trump sẽ ký kết hoặc phủ quyết luật này hay không, nhưng Ngoại trưởng Rex Tillerson trong một phiên điều trần ở Quốc hội trong tuần này cảnh báo về các biện pháp mà có thể cắt đứt đối thoại với Moscow.

Ông yêu cầu Quốc hội cho chính quyền Trump “sự linh hoạt để gia tăng áp lực” lên Nga, nếu cần thiết trong tương lai.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain, nhân vật chỉ trích Nga hàng đầu ở Thượng viện, cho biết sau cuộc biểu quyết chế tài rằng Mỹ “không có thời gian để lãng phí” trong việc trừng phạt Nga và Mỹ cần gửi một thông điệp mạnh mẽ đến ông Putin rằng “chúng tôi sẽ không dung túng những cuộc tấn công nhắm vào nền dân chủ của chúng ta.”

Ông Putin hạ giảm tính hữu hiệu của những chế tài được đề xuất, nói rằng Nga sẽ phải “điều chỉnh cái gì đó” hoặc “làm thêm điều gì đó,” nhưng các biện pháp trừng phạt mới sẽ không dẫn đến “bế tắc hoặc sụp đổ” ở Nga.

https://www.voatiengviet.com/a/putin-bat-man-ve-che-tai-moi-cua-my-nhung-noi-chua-voi-tra-dua/3904634.html

 

Mỹ cáo buộc công ty Trung Quốc

chuyển tiền cho Bắc Triều Tiên

Trung Quốc ngày 16/6 kêu gọi các chính phủ chớ có nới rộng luật nội bộ áp dụng sang các nước khác sau khi Washington yêu cầu một tòa án tịch thu 1,9 triệu đô la từ một công ty Trung Quốc bị cáo buộc giúp Bắc Triều Tiên né những chế tài tài chánh.

Yêu cầu của Mỹ được đưa ra vào ngày 15/6 giữa lúc chính quyền của Tổng thống Donald Trump nỗ lực gia tăng áp lực lên Bắc Triều Tiên để nước này từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Công ty Mingzheng International Trading Ltd ở thành phố Thẩm Dương đông bắc Trung Quốc đã chuyển tiền cho ngân hàng quốc doanh Bắc Triều Tiên Foreign Trade Bank. Cáo buộc của Mỹ nói ngân hàng này bị cấm tiếp cận hệ thống tài chánh Mỹ, theo những chế tài áp đặt lên Bắc Triều Tiên, đáp lại việc nước này phát triển vũ khí hạt nhân.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói Bắc Kinh “thi hành một cách chặt chẽ và chính xác” các chế tài của Liên hiệp quốc.

Tuy nhiên, vẫn theo lời ông Lục, ngân hàng Foreign Trade Bank không nằm trong danh sách chế tài của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Ông nói: “Trung Quốc chống lại bất cứ nước nào mở rộng cánh tay tài phán qua các nước khác căn cứ trên điều được gọi là luật quốc nội.”

Bất chấp các chế tài, các chuyên gia cho biết Bắc Triều Tiên vẫn dùng những hoạt động mật để có được ngoại tệ và nguyên liệu có thể dùng cho chương trình vũ khí của nước này.

Bắc Kinh là nguồn viện trợ và ủng hộ ngoại giao chính của Bắc Triều Tiên nhưng Trung Quốc đã chứng tỏ ngày càng bất bình với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

Tháng rồi, các giới chức Trung Quốc cho giới chức ngoại giao Mỹ biết Bắc Kinh đã thanh sát và tuần tra chặt chẽ dọc biên giới với Bắc Triều Tiên, theo quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton.

Loan báo ngày 15/6 cho biết công ty Mingzheng International Trading bị cáo buộc chuyển tiền trong tháng 11 và 12, năm 2015, nhân danh Foreign Trade Bank.

“Mingzheng hoạt động như một công ty mặt nổi cho một chi nhánh chìm của Foreign Trade Bank,” loan báo nói. “Chi nhánh này do một người Trung Quốc có lịch sử quan hệ với Foreign Trade Bank điều hành.

Loan báo cũng nói đây là một trong những vụ Hoa Kỳ tịch thu ngân khoản lớn nhất của Bắc Triều Tiên. Loan báo không nêu chi tiết định chế tài chánh nào của Mỹ được Mingzheng International Trading sử dụng.

https://www.voatiengviet.com/a/my-cao-buoc-cong-ty-trung-quoc-chuyen-tien-cho-bac-trieu-tien-/3904338.html

 

Hàng Hàn Quốc sắp mất vị thế tại Trung Quốc?

Hàn Quốc trong vài năm tới có phần chắc sẽ mất vị thế là nước xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Trung Quốc giữa những cạnh tranh leo thang từ Nhật Bản, các nước châu Âu và Hoa Kỳ, theo một cuộc thăm dò ngày 16/6.

Trên 38% trong số 105 nhân viên địa phương làm việc tại các văn phòng của Cơ quan Quảng bá Thương mại-Đầu tư Triều Tiên (KOTRA) ở 17 thành phố của Trung Quốc cho rằng Hàn Quốc chỉ có thể giữ vị trí đầu bảng trong 1 hay 2 năm nữa là cùng.

Cuộc thăm dò do cơ quan quảng bá thương mại của nhà nước thực hiện cũng cho thấy 29,5% tiên đoán Hàn Quốc sẽ giữ vị trí này trong khoảng 5 năm trong khi 27,6% bi quan hơn, nói rằng mọi việc có thể thay đổi trong năm nay.

Nhật Bản được xem như là nước cạnh tranh mạnh mẽ nhất, 76,2% nhân viên được thăm dò cho rằng Nhật là thách thức lớn với Hàn trong lĩnh vực này.

Khoảng 60% những người trả lời nói Hàn Quốc sẽ tiếp tục cạnh tranh về mặt các hàng hóa tiêu thụ trên thị trường Trung Quốc. Những sản phẩm có nội dung văn hóa, các dịch vụ và những hàng hóa trung gian hay bộ phận thay thế cũng được liệt kê như là những hàng hóa cạnh tranh của Hàn Quốc tại Trung Quốc.

49% nói thiết kế là mặt cạnh tranh sắc bén nhất của Hàn Quốc trong khi 26% đề cập đến sức bền và phẩm chất của các sản phẩm.

(Nguồn Yonhap/Korea Herald)

https://www.voatiengviet.com/a/hang-han-quoc-sap-mat-vi-the-tai-trung-quoc-/3904310.html

 

Pháp : Đảng của Macron sẽ giành đa số áp đảo

Thanh Phương

Ngày mai, 18/06/2017, cử tri Pháp sẽ đi bỏ phiếu bầu Quốc Hội vòng hai, với kết quả được dự báo là đảng Cộng Hòa Tiến Bước, của tổng thống Emmanuel Macron, sẽ giành đa số áp đảo ở Quốc Hội mới và các chính đảng truyền thống sẽ gặp thảm bại.

Theo kết quả dự báo, đảng của tổng thống Macron sẽ thu được từ 400 đến 470 ghế trên tổng số 577 ghế dân biểu, tức là một trong những đa số áp đảo nhất trong lịch sử nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, hình thành từ năm 1957.

Trong vòng đầu ngày 11/06 vừa qua, đảng Cộng Hòa Tiến Bước đã về nhất với 32,3% số phiếu, vượt xa cánh hữu ( 21,5% ), cánh cực tả ( 13,7% ), cánh cực hữu ( 13,2% ) và Đảng Xã Hội ( 9,5% ).

Tuy vậy, theo một cuộc thăm dò, có đến 6 phần 10 dân Pháp muốn rằng vòng hai bầu cử Quốc Hội sẽ điều chỉnh kết quả vòng đầu, tức là đảng của tổng thống Macron sẽ có một đa số ít áp đảo hơn là dự báo. Một điều chắc chắc là trong số các nghị sĩ sẽ được bầu lên ngày mai, sẽ có hàng trăm người lần đầu tiên ứng cử Quốc Hội, thậm chí lần đầu tiên làm chính trị.

Mặt khác, sau khi đã đạt mức kỷ lục 51,3% ở vòng đầu, tỷ lệ cử tri không đi bầu ngày mai được dự báo sẽ còn cao hơn nữa, tức là từ 53% đến 54%. Cho nên thủ tướng Edouard Philippe hôm thứ Năm vừa qua đã hô hào cử tri tham gia bỏ phiếu đông đảo ở vòng hai, nhấn mạnh bỏ phiếu « vừa là một quyền, vừa là một nghĩa vụ ».

http://vi.rfi.fr/phap/20170617-phap-dang-cua-macron-se-gianh-da-so-ap-dao

 

Tấn công cảnh sát Israel :

Daech và Hamas cùng nhận là tác giả

Hôm qua, thứ Sáu 16/06/2017, một nữ cảnh sát Israel 23 tuổi đã bị đâm chết trong lúc đang tuần tra tại Jerusalem. Ba kẻ tấn công bị bắn hạ. Không khí mơ hồ bao trùm vụ tấn công. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đứng ra nhận trách nhiệm, nhưng ngay sau đó thông tin này bị tổ chức Palestine Hamas bác bỏ.

Thông tín viên Michel Paul tường trình từ Jerusalem,

« Đây không phải là lần đầu tiên tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nhận trách nhiệm trong một vụ tấn công đẫm máu trên đường phố Jerusalem. Theo Daech, ba kẻ tấn công đã bị cảnh sát Israel hạ sát. 

Daech cảnh báo đây sẽ không phải là lần chót. Hôm 10/04, lực lượng này cũng nhận đứng đằng sau một vụ pháo kích từ bán đảo Sinai (Ai Cập) nhắm vào miền nam Israel. 

Thông báo của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã bị Hamas, phong trào chính trị vũ trang Hồi Giáo kiểm soát dải Gaza, bác bỏ. Theo một thông cáo của Hamas, ba kẻ tấn công thuộc Mặt trận nhân dân giải phóng của Palestine (FPLP) và Hamas. Một người phát ngôn của Hamas khẳng định tuyên bố của Daech là nhằm tung hỏa mù. Đây rõ ràng là một cuộc chiến truyền thông. 

Ngay từ tối qua, thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu đã tổ chức một cuộc hội ý qua điện thoại với lãnh đạo các cơ quan an ninh Israel. Bộ trưởng Nội Vụ Israel Gilard Erdan đề nghị xóa bỏ ngay lập tức quy định nới lỏng an ninh được thực thi trong mùa Ramadan, đặc biệt là việc tạo điều kiện đi lại dễ dàng tại thánh đường Hồi Giáo Al-Aqsa ở Jerusalem. 

Ngôi làng Dir Abou Mashal, phía tây Ramallah, nơi xuất thân của ba kẻ tấn công, đã bị quân đội Israel phong tỏa và tiến hành khám xét ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170617-tan-cong-canh-sat-tai-jerusalem-daech-va-hamas-cung-nhan-la-tac-gia

 

Hỏa hoạn ở Luân Đôn :

Người dân xuống đường phản đối thủ tướng May

Thụy My

Tại Luân Đôn, trong lúc con số nạn nhân vụ hỏa hoạn cao ốc Grenfell không ngừng tăng lên, chiều qua 16/06/2017 nhiều người dân đã phẫn nộ biểu tình trên các đường phố thủ đô nước Anh. Chính quyền khẳng định số người chết là 30, nhưng còn 70 người mất tích, và cảnh sát lo ngại có những nạn nhân sẽ không bao giờ được nhận diện.

Thủ tướng Theresa May bị chỉ trích dữ dội vì chỉ đến hiện trường để gặp các cảnh sát và lính cứu hỏa trong chớp nhoáng, chứ không tiếp xúc với người dân. Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Marina Daras tường trình :

« Không có công lý thì không có hòa bình. Những người biểu tình chiều hôm qua đã tuần hành trên các đường phố của Holland Park và Notting Hill, các khu phố sang trọng của Kensington, để bày tỏ sự phẫn nộ. Các câu khẩu hiệu được hô lớn nói đến công lý và bình đẳng, những giá trị mà theo họ đã bị nhạo báng trong những ngày qua.

Một người cho biết : « Tôi đi biểu tình vì chính phủ không thể phủi tay dễ dàng như thế. Luôn luôn là chúng tôi, những người nghèo, những người da màu, cuộc sống của chúng tôi bị hủy hoại, trong khi những người khác làm giàu. Ngày càng ít trợ cấp cho nhà ở, và chúng tôi phải trả giá bằng cuộc sống của mình. Chúng tôi phải bày tỏ sự giận dữ và tự đi tìm công lý cho chính mình ».

Một cuộc biểu tình khác diễn ra ít lâu sau đó ở Westminster. Lần này, đám đông giơ cao những khẩu hiệu « Công lý cho Grenfell » và đòi hỏi thẳng thừng là bà Theresa May phải từ chức. Một người nói : « Tôi muốn nói với bà thủ tướng, là đừng có đến trà trộn vào đám đông, bà Theresa May à. Thật là đáng xấu hổ ».

Một người biểu tình khác bày tỏ : « Người ta đã chán ngán bà Theresa May, bà ta có quá nhiều sai lầm. Chính quyền của bà phải chịu trách nhiệm về việc không cập nhật các quy định về nhà ở. Lúc nãy bà đã bị đuổi ra khỏi Kensington. Người dân cho rằng thực sự đã đến lúc bà ta phải ra đi ».

Một đám đông xúc động và phẫn nộ, chỉ có thể dịu bớt một khi công lý được thực thi ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170617-hoa-hoan-o-luan-don-nguoi-dan-gian-du-xuong-duong-phan-doi-thu-tuong-may