Tin Khắp Nơi – 17/05/2017
Dù còn những quan điểm khác biệt, hai vị tổng thống cam kết tăng cường quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ – EPA
Erdogan ‘không chấp nhận liên minh Mỹ – người Kurd’
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sau hội đàm tại Washington rằng ông sẽ không bao giờ chấp nhận một liên minh giữa Hoa Kỳ với lực lượng người Kurd đang chiến đấu ở Syria.
Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông nói: “Tại khu vực của chúng tôi sẽ không có chỗ cho các tổ chức khủng bố”.
Ông đề cập đến dân quân YPG người Kurd, sau khi Hoa Kỳ quyết định tăng cường vũ trang cho nhóm này đầu tháng 5/2017.
Dù vậy, hai nhà lãnh đạo cam kết tăng cường quan hệ song phương.
Quân nổi dậy Syria đe dọa tẩy chay đàm phán
IS nhận đã tấn công hộp đêm Istanbul
Tổng thống Trump nói: “Chúng tôi có một mối quan hệ tuyệt vời và chúng tôi sẽ làm cho quan hệ ấy tốt hơn nữa.
Ông Trump cũng “nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh Nato của Mỹ và nhu cầu làm việc cùng nhau để đối phó với chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức”, thông cáo của Nhà Trắng cho hay.
Thổ Nhĩ Kỳ xem YPG, Lực lượng Bảo vệ Người Kurd, là những kẻ khủng bố và muốn ngăn họ chiếm thêm lãnh thổ ở Syria.
Ông Erdogan cho biết: “Hoàn toàn không thể chấp nhận việc xem xét YPG-PYD (Liên minh Dân chủ người Kurd) làm đối tác trong khu vực và điều này sẽ chống lại thỏa thuận toàn cầu mà chúng ta đạt được.”
Ankara nói rằng YPG là một nhánh của đảng Lao động người Kurd (PKK) mà họ cho là bất hợp pháp.
Hoa Kỳ cho rằng YPG khác với PKK và cũng là đối tác chính trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS).
www.bbc.com/vietnamese/world-39934447
Trump tiết lộ tin mật : Mỹ sẽ khó hợp tác tình báo với đồng minh ?
Sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ tin mật cho hai quan chức Nga cao cấp có thể khiến cho các đồng minh của Mỹ ngần ngại trong việc chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ. Hệ quả trên đây đã được hầu hết các nhà quan sát nêu bật trong hai ngày gần đây, sau khi vụ việc được Nhà Trắng công nhận, nhưng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng.
Như để chứng minh rằng hệ quả của sự kiện trên sẽ rất nghiêm trọng, vào hôm qua 16/05/2017, một quan chức châu Âu đã xác định với hãng tin Mỹ AP rằng nước ông có thể sẽ dừng việc chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ. Một nhân vật thứ hai, ông Burkhard Lischka, một nghị sĩ có uy tín tại Đức hiện nay cũng đánh giá rằng việc tổng thống Mỹ tiết lộ những thông tin nhạy cảm « rất đáng lo ngại. »
Vào hôm nay, đến lượt báo chí Israel nhất loạt lên tiếng khẳng định rằng các tiết lộ của ông Trump cho phía Nga đe dọa trực tiếp các điệp viên của Israel đang hoạt động trong vùng Cận Đông, vì các tin này có thể đến tai Iran, kẻ thù của Nhà Nước Do Thái.
Một tờ báo Israel còn trích dẫn một nguồn tin chính thức cho rằng kể từ nay, nước này sẽ phải rà soát lại các thông tin mình thu thập được để xem các tin nào thì cung cấp cho Mỹ được, các tin nào thì không.
Tóm lại theo như nhận xét của AP, trong nhiều tháng trời, các đồng minh của Mỹ từng lo lắng tự hỏi là có thể tin tưởng được nơi tổng thống Mỹ Donald Trump để trao cho ông những bí mật thuộc loại nhậy cảm nhất hành tinh hay không ? Với vụ tiết lộ tin mật mới đây, ông đã cung cấp cho đồng minh những lý do để lo lắng, đe dọa việc thực hiện một cách đúng đắn các thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo giữa Mỹ với các đồng minh.
Hãng tin Pháp AFP đã trích lời cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, cũng là cựu giám đốc cơ quan CIA Leon Panetta, cảnh báo rằng hành vi của ông Trump có nguy cơ tác hại đến quan hệ giữa các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ với các đồng minh.
Phát biểu trên đài tuyền hình Mỹ CNN, ông Panetta cho rằng tổng thống Mỹ « không thể nào cứ tiếp tục tiết lộ thông tin mật, mà không gây ra một số vấn đề nghiêm trọng trong cộng đồng tình báo ».
Theo ông Panetta, thông tin mật mà ông Trump tiết lộ cho người Nga, đã được một quốc gia Trung Đông cung cấp, và nước này từng cho biết rõ là « họ không muốn Mỹ chia sẻ thông tin này » cho một nước khác. Hệ quả, theo viên cựu giám đốc CIA, là quốc gia đó « có thể đình chỉ việc cung cấp cho Hoa Kỳ bất kỳ loại thông tin tình báo nào hệ trọng đối với an ninh của họ ».
Douglas Smith, cựu trợ lý bộ trưởng An Ninh Nội Địa, cũng tự hỏi là một chính phủ nước ngoài sẽ cảm thấy như thế nào khi những thông tin mà họ cho là cực kỳ nhạy cảm, mà họ đã khổ nhọc bí mật thu thập, lại bị Mỹ đưa ra cho một thế lực nước ngoài không phải là bạn bè.
Tóm lại, tương lai hợp tác tình báo giữa Mỹ và các đồng minh, một nhân tố tối quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố đã bị hành động của chính tổng thống Hoa Kỳ đe đọa.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cảnh báo là hành động của ông Trump đã « gửi đi một tín hiệu đáng lo ngại đến các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trên khắp thế giới, và có thể làm suy yếu thái độ sẵn sàng chia sẻ thông tin tình báo với nước Mỹ trong tương lai ».
vi.rfi.fr/…/20170517-trump-tiet-lo-tin-mat-my-se-kho-hop-tac-tinh-bao-voi-dong-mi..
Pháp : Công bố thành phần chính phủ mới
Sau khi phải lùi lại một ngày, thành phần tân chính phủ Pháp được công bố vào lúc 15 giờ chiều nay, 17/05/2017. Dưới quyền thủ tướng cánh hữu Edouard Philippe là một ê kíp tập hợp nhiều đại diện của các đảng phái chính trị lớn, tả, hữu, trung và xã hội dân sự.
Lẽ ra thành phần nội các đã được công bố từ chiều qua, nhưng cuối cùng tổng thống mới Macron đã quyết định lùi lại 24 giờ, vì lí do cần có thêm thời gian để kiểm tra lại tình trạng tài chính, thuế khóa liên quan đến các thành viên chính phủ được tuyển lựa để tránh các xung đột lợi ích có thể xảy ra sau này.
Thành phần chính phủ đa xu hướng chính trị nói trên có tác động mạnh đến các đảng phái chính trị truyền thống, vừa bị thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống, giờ đang muốn phục thù ở kỳ bầu cử Quốc Hội.
Chính cuộc tuyển lựa chính phủ đa dạng như vậy đã làm xáo động nội bộ đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa. Từ hôm thứ Hai, hơn một trăm dân biểu của cánh hữu đã ký tên vào văn bản kêu gọi đáp lại sự cởi mở của tân tổng thống, nói một cách khác là hãy để những người của đảng Những Người Cộng Hòa tham gia tân chính phủ.
Bên cánh tả, đảng Xã Hội sau thất bại nặng nề ở bầu cử tổng thống nay càng bị suy yếu. Nhiều thành viên của đảng ủng hộ ông Macron ngay từ ngày đầu, giờ cũng có chân trong chính phủ mới.
Danh sách tân chính phủ bao gồm 9 bộ trưởng nam và 9 bộ trưởng nữ, hai quốc vụ khanh nam và hai quốc vụ khanh nữ, bảo đảm nguyên tắc cân bằng giới tính, theo cam kết của tổng thống.
Danh sách thành phần chính phủ
Bộ trưởng Quốc Vụ, bộ trưởng Nội Vụ : ông Gérard Collomb
Bộ trưởng Quốc Vụ, bộ trưởng Sinh Thái và Đoàn Kết : ông Nicolas Hulot
Bộ trưởng Quốc Vụ, bộ trưởng Tư Pháp : ông François Bayrou
Bộ trưởng bộ Quốc Phòng : bà Sylvie Goulard
Bộ trưởng bộ Châu Âu và Ngoại Giao : ông Jean-Yves Le Drian
Bộ trưởng bộ Quy Hoạch Phát Triển : ông Richard Ferrand
Bộ trưởng bộ Y Tế và Xã Hội : bà Agnès Buzyn
Bộ trưởng bộ Văn Hóa : bà Françoise Nyssen
Bộ trưởng bộ Kinh Tế : ông Bruno Le Maire
Bộ trưởng bộ Lao Động : bà Muriel Penicaud
Bộ trưởng bộ Giáo Dục : ông Jean-Michel Blanquer
Bộ trưởng bộ Nông Nghiệp và Thực Phẩm : ông Jacques Mézard
Bộ trưởng bộ Tài Chính Công : ông Gérarld Darmanin
Bộ trưởng bộ Đại Học, Nghiên Cứu và Cách Tân : Frédérique Vidal
Bộ trưởng bộ Hải Ngoại : bà Annick Girardin
Bộ trưởng bộ Thể Thao : bà Laura Flessel
Bộ trưởng Giao Thông, trực thuộc bộ trưởng Quốc Vụ, bộ trưởng Sinh Thái và Đoàn Kết : bà Elisabeth Borne
Bộ trưởng chuyên trách Các Vấn Đề Châu Âu : bà Marielle de Sarnez
Quốc Vụ Khanh trực thuộc thủ tướng
– phụ trách Liên Hệ với Quốc Hội, kiêm phát ngôn viên chính phủ : ông Christophe Castaner
– phụ trách Bình Đẳng Nam Nữ : bà Marlène Schiappa
– phụ trách Người Tàn Tật : bà Sophie Cluzel
– phụ trách Kỹ Thuật Số : ông Mounir Mahjoubi
vi.rfi.fr/phap/20170517-pháp-thành-lạp-chính-phủ-mói-khién-bàn-cò-chính-trị-them..
Brazil phá vỡ mạng lưới nhập lậu cá bẩn Trung Quốc
Hai tháng sau tai tiếng thịt bẩn nhập từ Trung Quốc, ngành vệ sinh an toàn thực phẩm Brazil lại bị nghi ngờ tham nhũng trong một vụ mới. Ngày 16/05/2017, cảnh sát Brazil đã phá vỡ một mạng lưới nhập khẩu cá bẩn, được bơm nước và hóa chất để tăng trọng lượng của cá.
Nhân viên vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc bộ Nông Nghiệp tại bang Santa Catarina (nam Brazil) bị tình nghi nhận hối lộ « nhắm mắt làm ngơ » để các doanh nghiệp địa phương đưa cá bẩn nhập từ Trung Quốc vào thị trường.
Bản thông cáo của cảnh sát liên bang cho biết « Nước và hóa chất được bơm vào cá để tăng trọng lượng của cá », đồng thời cáo buộc « sự bảo trợ bất chính » của các nhân viên tham nhũng đối với các doanh nghiệp phạm pháp.
Rất nhiều mẫu xét nghiệm « được lấy từ năm 2015 đến 2017 » chứng minh hành động gian dối trên, theo tuyên bố của cảnh sát trưởng Mauricio Todeschini với hãng tin AFP. Ông cũng nhấn mạnh là các doanh nghiệp trên « bán sản phẩm trên khắp Brazil ».
Ngoài mạng lưới này, cảnh sát Brazil cũng đã phá vỡ một mạng lưới tham nhũng khác liên quan đến công chức của bộ Nông Nghiệp. Những người này bị cáo buộc nhận hối lộ để « trì hoãn, thậm chí là hủy các đơn phạt » đối với các doanh nghiệp phạm pháp. « Những người liên quan sẽ bị cách chức ngay lập tức », theo thông báo của bộ trưởng Nông Nghiệp Blairo Maggi, hiện đang công du Ả Rập Xê Út.
Tháng 03/2017, chính quyền vệ sinh thực phẩm Brazil cũng bị dính vào một tai tiếng lớn liên quan đến thịt bẩn từ Trung Quốc. Theo các nhà điều tra, khoảng 1 triệu đô la được đưa hối lộ từ năm 2010 đến 2016 tại Brazil. Quốc gia Nam Mỹ này hiện đang chịu lệnh cấm vận hoàn toàn hay một phần từ khoảng 20 quốc gia.
vi.rfi.fr/chau-a/20170517-brazil-pha-vo-mang-luoi-nhap-lau-ca-ban-trung-quoc
Nam Hàn muốn nối lại đường dây nóng với Bắc Hàn
Chính phủ Nam Hàn muốn nối lại đường dây nóng với Bắc Hàn, bị gián đoạn từ năm ngoái sau khi Bình Nhưỡng nổ thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo.
Điều này được ông Lee Duk-Haeng, phát ngôn viên Bộ Thống Nhất Hàn Quốc đưa ra hồi sáng nay, trong cuộc họp báo thường kỳ ở Seoul.
Ông Lee cũng cho hay Bộ Thống Nhất đang tìm phương cách để nối lại đường dây, nhưng nói rõ rằng chưa có quyết định sẽ dùng phương cách nào để bắt lại liên lạc với phía Bình Nhưỡng.
Về nguyên tắc, đường dây điện thoại nóng giữa Seoul và Bình Nhưỡng vẫn hoạt động, nhưng phía Bắc Hàn không trả lời những cuộc gọi của các viên chức miền Nam.
Ý kiến nên nối lại đường dây diện thoại liên Triều được Seoul nói tới cùng lúc với việc Tân Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in lên tiếng cảnh báo nguy cơ xung đột quân sự với Bắc Hàn có thể xảy ra.
Thông cáo do Phủ Tổng Thống Nam Hàn phổ biến cho thấy Tổng Thống Moon nhìn nhận chương trình chế tạo tên lửa và võ khí hạt nhân của Bắc Hàn đang tiến rất nhanh, nhưng ông tin tưởng miền Nam có đủ khả năng để chận đứng bất kỳ nguy cơ gây chiến nào đến từ phía miền Bắc.
Tân Tổng Thống Nam Hàn cũng nhắc lại điều ông nói ngay sau ngày nhậm chức là sẵn sàng gặp lãnh tụ Bắc Hàn, nhưng nói rõ cuộc gặp chỉ diễn ra với điều kiện Bình Nhưỡng phải ngưng theo đuổi chế tạo võ khí hạt nhân và đình chỉ ngay những hành động gây rối.
Được biết sáng nay, đặc sứ Nam Hàn là ông Hong Seok-hyun đã rời Seoul để sang Washington, thảo luận với các quan chức Mỹ về tình hình bán đảo Triều Tiên và các biên pháp đối phó.
Cùng lúc đó, tin ghi nhận được từ giới ngoại giao làm việc tại Liên Hiệp Quốc cho hay Hoa Kỳ tiếp tục bàn thảo với Trung Quốc về những biện pháp cấm vận sẽ áp dụng với Bình Nhưỡng.
Hôm qua, Đại Sứ Mỹ Nikki Haley nhắc lại rằng thế giới không chấp nhận, cũng không để yên cho Bắc Hàn tiếp tục có những hành động đe dọa ổn định, hòa bình.
Bà Đại Sứ Haley còn cảnh báo trước là không chỉ trừng phạt Bắc Hàn, Hoa Kỳ sẽ có biện pháp cứng rắn với tất cả những quốc gia hay công ty thương mại làm ăn với Bình Nhưỡng.
www.rfa.org/vietnamese/…/north-korea-crisis-update-05172017101318.html
Lào: Quốc tế phản đối án tù cho các nhà bất đồng chính kiến
Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền phản đối việc chính phủ Lào mới tuyên phạt những bản án nặng nề đối với 3 nhà bất đồng chính kiến.
Trong thông cáo phổ biến tại Paris, Pháp, Liên Đoàn viết rằng bản án đưa ra hồi tháng trước ở Vientaine là bằng chứng xác nhận chính phủ Lào không tôn trọng lời cam kết thực thi nhân quyền đã ký với cộng đồng thế giới.
Trước đó, Tổ Chức Ấn Xá Quốc Tế cũng đưa ra nhận định tương tự, cho rằng chính phủ Lào dùng bản án với mục đích bịt miệng những người không có cùng quan điểm với nhà nước.
Ba nhà tranh đấu được nói tới là các ông Somphone Phimmasone, Soukan Chaithad và Lodkham Thammavong. Cả 3 bị bắt ở Bangkok và dẫn độ về Lào hồi đầu năm ngoái, sau khi đăng những bài viết chỉ trích chính phủ Vientaine.
Tháng Năm năm ngoái, cả 3 người này xuất hiện trên truyền hình, nhìn nhận phạm lỗi gây bất ổn an ninh quốc gia.
Tháng trước, họ bị tòa Vientaine kêu án từ 12 đến 20 năm tù.
www.rfa.org/…/lenghthy-jail-sentences-for-three-laos-critics-05162017111713.html
Trung Quốc: Nên trách Mỹ về vụ WannaCry
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 17/5 chỉ trích Hoa Kỳ cản trở những nỗ lực ngăn các mối đe dọa mạng toàn cầu sau khi một phần mềm có tên “WannaCry” tấn công hơn 300.000 máy vi tính trên toàn cầu trong những ngày gần đây.
Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ phải bị chỉ trích phần nào về các cuộc tấn công này, tờ China Daily nói. Các cuộc tấn công vừa kể nhắm vào hệ thống điều hành của Microsoft Corp và làm ảnh hưởng khoảng 30.000 tổ chức của Trung Quốc, tính đến ngày 13/5.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng cuộc tấn công của phần mềm độc hại WannaCry bắt đầu hôm 12/5 có liên hệ với những cuộc tấn công trước đây của các hoạt động tin tặc do Bắc Triều Tiên điều hành, sử dụng một công cụ của NSA bị rò rỉ trên mạng hồi tháng trước, theo Microsoft.
Vụ việc xảy ra trong lúc Trung Quốc chuẩn bị thực thi luật an ninh mạng trên diện rộng mà các tập đoàn doanh nghiệp Mỹ cho rằng sẽ đe dọa hoạt động của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc với luật lệ gắt gao về lưu trữ dữ liệu và những đòi hỏi theo dõi nghiêm ngặt.
Giới hữu trách an ninh mạng của Trung Quốc đã liên tục thúc đẩy “cân bằng” thích hợp hơn trong việc quản lý các trang mạng toàn cầu, chỉ trích sự thống trị của Hoa Kỳ.
Trung Quốc từng tuyên bố việc phổ biến các tin giả trên các trang mạng xã hội của Mỹ, hầu hết bị cấm tại Trung Quốc, là lý do nên siết chặt quản lý mạng toàn cầu. .- VOA
Mỹ: Số di dân lậu bị bắt tăng 40%
Các vụ bắt giữ di dân bất hợp pháp tại Mỹ tăng gần 40% trong 100 ngày làm việc đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, sau các sắc lệnh mở rộng phạm vi các đối tượng bị nhắm mục tiêu vì phạm luật di trú, theo số liệu chính phủ công bố ngày 17/5.
Quyền giám đốc Cơ quan Thực thi Hải quan và Di trú (ICE), Thomas Homan, loan báo số vụ bắt giữ cơ quan này thực hiện từ ngày 22/1 tới cuối tháng tư năm nay tăng lên thành 41.318 trường hợp so với con số 30.028 vụ cùng kỳ năm ngoái.
2/3 số người bị bắt có vi phạm hình sự. Số các di dân không phạm tội nào khác ngoài tội cư trú bất hợp pháp bị bắt tăng vọt hơn 150%, từ 4.200 người cùng kỳ năm ngoái lên thành 10.800 người kể từ đầu năm tới nay.
Đây là kết quả từ hướng dẫn mới đây của Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly thực thi các sắc lệnh hành pháp của ông Trump về di trú và an ninh biên giới.
“Những người vào Mỹ trái phép là phạm pháp, đó là hành vi hình sự,” ông Homan nói, đồng thời cho biết thêm những di dân nào đề ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia hoặc có tiền án hình sự là mục tiêu ưu tiên mà cơ quan ICE nhắm tới ngoài những người đã bị thẩm phán di trú ra lệnh trục xuất dù không phạm một tội nào khác.
Số vụ trục xuất dưới chính quyền Trump sụt 12% so với thời ông Obama cùng thời gian năm ngoái, ông Homan nói.
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới, số người bị bắt vì vượt biên từ biên giới Mexico từ đầu năm tới nay cũng giảm.
www.voatiengviet.com/a/my-so-di-dan-lau-bi-bat-tang-/3855006.html
Ông Trump sẵn sàng dùng phương án giao tiếp với Triều Tiên
Tổng thống Donald Trump nói với đặc sứ của Tổng thống Hàn Quốc rằng ông sẵn sàng giải quyết khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên thông qua giao tiếp với điều kiện thích hợp, Reuters dẫn tin từ thông tấn xã Yonhap của Hàn Quốc ngày 17/5.
Dù tuyên bố có thể xảy ra xung đột lớn với Bắc Triều Tiên và rằng mọi phương án đều được bàn tới, nhưng ông Trump tỏ ra muốn giải quyết cuộc khủng hoảng một cách ngoại giao và ôn hòa, có thể là thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ra tranh cử với phương châm tiếp cận Bình Nhưỡng ôn hòa hơn, nhưng ông nhấn mạnh miền Bắc phải thay đổi thái độ khăng khăng phát triển võ khí trước khi có thể đối thoại.
Đặc sứ của ông Moon tại Washington, ông Hong Seok-hyun, cho biết Tổng thống Mỹ nói rằng sẵn sàng ‘giao tiếp’ để kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Hong thuật lại, Tổng thống Trump nói áp lực sẽ là tiền đề trong cách tiếp cận với Bình Nhưỡng.
Một nhà ngoại giao cao cấp của Bình Nhưỡng tuyên bố Bắc Triều Tiên sẵn sàng đàm phán với Washington dưới điều kiện thích hợp.
www.voatiengviet.com/a/ong-trump-san-sang…phuong…giao…tien-/3854999.htm
Cựu Giám đốc FBI tham gia điều tra liên hệ Nga-Trump
Cựu Giám đốc FBI , Robert Mueller, ngày 17/5 được chỉ định làm công tố viên đặc biệt trong cuộc điều tra về các nỗ lực của chính phủ Nga gây ảnh hưởng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 và các vấn đề liên hệ,” theo thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ.
Sự việc diễn ra khi ngày càng xuất hiện nhiều yêu cầu đòi mở một cuộc điều tra đặc biệt về vụ Nga bị cáo giác tìm cách lung lạc kết quả bầu cử Mỹ có lợi cho ông Trump.
Áp lực ngày càng đè nặng lên Tổng thống Trump sau khi ông sa thải cựu Giám đốc FBI, James Comey, vào tuần trước. Ông Comey là người dẫn đầu cuộc điều tra Nga do FBI thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein cho biết chỉ định ông Muller làm công tố viên đặc biệt trong vụ này do thấy cần thiết để người dân Mỹ tin tưởng hoàn toàn vào kết quả chung cuộc, chứ không nhằm truy tìm tội phạm hay truy tố, vì ông chưa quyết định về những việc đó.
www.voatiengviet.com/a/3854968.html