Tin khắp nơi – 17/01/2018
Nam Bắc Hàn ‘chung lá cờ ở Olympics’
Hai đội Nam và Bắc Hàn sẽ diễu hành dưới Cờ Thống nhất tại Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang, theo quan chức Nam Hàn cho biết sau cuộc gặp tại Bàn Môn Điếm.
Cờ được dùng sẽ là Cờ Thống nhất Hàn – Triều, có hình bán đảo Triều Tiên màu xanh dương chứ không phải cờ của Bắc Hàn hay Nam Hàn.
Putin: ‘Không thể nào khiến Bắc Hàn sợ hãi’
Bắc Hàn cáo buộc CIA âm mưu giết Kim Jong-un
Bàn tròn: Sự khác biệt thể chế giữa Nam-Bắc Hàn
Cuộc gặp cao cấp nhất lần đầu giữa hai quốc gia sau một số năm căng thẳng cũng đã đem lại kết quả là Hàn Quốc và Triều Tiên cùng lập một đội khúc côn cầu nữ cho môn thể thao trên băng tại Pyeongchang.
Thế vận hội Mùa Đông ở Pyeongchang sẽ bắt đầu ngày 9/02/2018.
Đây sẽ không phải là lần đầu tiên lá cờ này được đem ra dùng.
Ngay từ 2003, trong cuộc thi tài sinh viên thế giới (World Student Games) ở Daegu, Hàn Quốc, sinh viên hai nước đã vẫy lá cờ chung này.
Sau đó lá cờ trắng có hình bản đồ bán đảo Triều Tiên màu xanh cũng xuất hiện tại nhiều sự kiện khác.
Cho đến nay, một cặp vận động viên trượt băng Bắc Hàn đã vượt qua vòng loại để vào thi tài ở Hàn Quốc.
Trước đó, Ban tổ chức hi vọng việc hai vận động viên này tham dự Thế vận hội và giúp hai nước tiến lại gần nhau hơn.
Thế vận hội Mùa đông 2018 tổ chức ở Pyeongchang là cơ hội để hai miền Nam Bắc Hàn nói chuyện với nhau và điều đó đã xảy ra.
http://www.bbc.com/vietnamese/sport-42721856
Chỉ huy chiến hạm Mỹ va đụng bị truy tố hình sự
Hồ sơ truy tố hình sự đã được nộp lên tòa đối với các sĩ quan chỉ huy hai tàu chiến Mỹ đã va đụng với các tàu thương mại ở Thái Bình Dương hồi năm ngoài làm 17 thủy thủ thiệt mạng.
Trung tá Bryce Benson chỉ huy tàu USS Fitzgerald và Trung tá Alfredo Sanchez chỉ huy tàu USS John S. McCain sẽ bị truy tố tội ngộ sát, không làm tròn nhiệm vụ và gây nguy hiểm cho một con tàu, theo thông cáo của Hải quân hôm thứ Ba, 16/1.
Bảy thủy thủ trên tàu USS Fitzgerald thiệt mạng khi chiếc khu trục hạm này va vào một tàu chở container của Philippines ở ngoài khơi biển Nhật Bản hồi tháng 6/2017. Hai tháng sau đó, 10 thủy thủ trên chiếc USS John S. McCain thiệt mạng khi chiến hạm được đặt theo tên của cha và ông nội của Thượng nghị sĩ John McCain – cả hai đều là độ đốc nổi tiếng – va vào một tàu chở dầu gần Singapore. Hai ông Benson và Sanchez đã bị tạm ngưng công tác sau các tai nạn vừa kể.
Ba sĩ quan khác của tàu USS Fitzgerald, gồm hai đại úy và một trung úy, cũng bị truy tố cùng những tội danh như ông Benson. Một trung sĩ nhất của tàu USS John S. McCain bị truy tố tội không làm tròn nhiệm vụ.
Các sĩ quan bị truy tố này sẽ điều trần tại tòa để được xác định liệu họ có bị đưa ra tòa án binh xét xử hay không.
Ngoài ra, bốn sĩ quan của tàu Fitzgerald và bốn sĩ quan của tàu McCain cũng đối diện với các hình thức kỷ luật hành chánh.
Báo cáo điều tra vụ va đụng do Tham mưu Trưởng Hải quân, Đô đốc John Richardson phổ biến hồi tuần trước cho thấy các tai nạn này “có thể tránh được” và nó đã xảy ra do những tiêu chuẩn lỏng lẻo và sự chuẩn bị kém, trong đó có việc thiếu các kế hoạch an toàn và không tuân thủ chặt chẽ quy trình hàng hải và không thực thi các quy định quan sát, theo dõi cơ bản.
Nhiều sĩ quan cấp cáo khác cũng bị cách chức sau các tai nạn, trong đó có Đề đốc Joseph Aucoin, tư lệnh Đệ thất Hạm đội Thái Bình Dương, hạm đội lớn nhất của Hải quân Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/chi-huy-chien-ham-my-va-dung-bi-tru-to-hinh-su/4211795.html
Cảnh sát Myanmar
bắn chết người biểu tình Phật giáo tại Rakhine
Cảnh sát tại bang Rakhine của Myanmar đã nổ súng vào những người biểu tình Phật giáo, khiến ít nhất 7 người chết.
Suu Kyi đối mặt với áp lực quốc tế
Vụ Rohingya: phóng viên Reuters vẫn bị giam
Giáo hoàng không dùng từ Rohingya ở Myanmar
Vụ bạo lực xảy ra sau khi hơn 4000 người dân tộc theo đạo Phật bang Rakhine tập trung tại thành phố Mrauk U hôm thứ Ba (16/1) để biểu tình phản đối lệnh cấm tổ chức lễ kỉ niệm hàng năm về sự sụp đổ của vương quốc Arakan cổ đại.
Nhiều người bị thương đã được đưa đến bệnh viện.
Myanmar là quê hương của nhiều nhóm thiểu số, một số có liên quan đến những xung đột có vũ trang với chính phủ.
Mrauk U là cố đô của vương quốc cổ đại Arakan, và hàng năm người dân địa phương tại Rakhine kỷ niệm sự chinh phục vương quốc này bởi quân Miến Điện vào 200 năm trước.
Tuy nhiên năm nay chính quyền địa phương từ chối cho phép sự kiện này được diễn ra. Một đám đông lớn đã vây quanh văn phòng chính phủ địa phương để biểu tình, và cảnh sát đã nổ súng khiến nhiều người thiệt mạng.
Theo các nhà chức trách địa phương, ban đầu cảnh sát bắn đạn cao su để giải tán đám đông biểu tình và chỉ sử dụng đạn thật khi người biểu tình bắt đầu ném đá và gạch.
Căng thẳng sắc tộc
Sự việc này chỉ càng làm rắc rối thêm với những nỗ lực của chính phủ trong việc giải quyết cuộc xung đột lớn hơn với tỉnh Rakhine, phóng viên Jonathan Head của BBC Đông Nam Á cho biết.
Hơn 650 ngàn người của một nhóm thiểu số khác, người Hồi giáo Rohingya, đã chạy trốn sang nước láng giềng Bangladesh năm ngoái do đàn áp quân sự.
Cuộc biểu tình hôm thứ ba (16/1) diễn ra cùng ngày với hôm Myanmar thỏa thuận với Bangladesh về thời gian cho phép người Rohingya hồi hương.
Căng thẳng chung giữa người Phật giáo Rakhine và người Hồi giáo Rohingya đã gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Rất nhiều người Phật giáo Rakhine đã tham gia tấn công các ngôi làng của người Rohingya, và lãnh đạo của họ cũng tuyên bố cứng rắn rằng sẽ không cho phép người tị nạn từ Bangladesh trở về, phóng viên BBC cho biết.
Người Phật giáo Rakhine, hay còn gọi là người Arakan là những thế hệ sau của vương quốc Arakan cổ đại nằm bên vịnh Bengal. Vương quốc này đã bị chinh phục bởi Miến Điện năm 1784.
Các dân tộc thiểu số chiếm tới 40% dân số Myanmar, còn được gọi là Miến Điện.
Nhiều trong số đó đã chịu sự ngược đãi dưới tay chính phủ, và một số đã xây dựng những đội quân ly khai.
Xung đột có vũ trang liên tục xảy ra giữa quân đội chính phủ và các nhóm dân tộc thiểu số, mặc dù lệnh ngừng bắn đã được kí kết giữa các bên.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42718036
Hong Kong: Joshua Wong bị phạt tù lần hai
Một tòa án ở Hong Kong tuyên phạt nhà hoạt động Joshua Wong 3 tháng tù giam, án tù thứ hai liên quan đến các cuộc biểu tình đòi dân chủ hồi năm 2014.
Cùng với các nhà hoạt động khác, anh bị buộc tội bất tuân lệnh tòa khi ngăn việc phong tỏa khu vực biểu tình.
Hồi tháng 8/2017, Wong bị án tù sáu tháng cũng với tội danh tham gia các cuộc biểu tình năm 2014.
Hong Kong bỏ tù nhà hoạt động Joshua Wong
TQ kiểm duyệt bài viết ‘tiêu cực’ về Bắc Kinh
Bắc Kinh ra phán quyết ngăn các nhà lập pháp Hong Kong
Cảnh sát HK bắt nhà hoạt động ‘bị bắt cóc’
Wong được xem là thủ lĩnh của các cuộc biểu tình chống lại sự gia tăng ảnh hưởng từ Bắc Kinh.
Được gọi là Phong trào Dù Vàng, những cuộc biểu tình năm 2014 khiến khu trung tâm Hong Kong tắc nghẽn trong gần ba tháng.
Trước phiên tòa, thanh niên 21 tuổi nói anh “không hối tiếc” về vai trò của mình trong các cuộc biểu tình.
Lâm Trịnh Nguyệt Nga: ‘Tôi không phải bù nhìn của Bắc Kinh’
Cuộc gọi ông Trump bà Thái làm Bắc Kinh sửng sốt
Đài Loan vừa mừng vừa lo về Donald Trump
Trang Marriott bị TQ đóng vì ‘Tây Tạng, Đài Loan’
“Họ có thể giam giữ thân thể của chúng tôi nhưng họ không thể giam giữ tâm trí của chúng tôi,” anh nói bên ngoài tòa án.
Wong đã nhận tội, quyết định không kháng cáo.
Tòa bác việc nộp tiền bảo lãnh nhưng có buổi điều trần thứ hai với các luật sư của Wong về vấn đề này.
Nhà hoạt động Raphael Wong bị kết án 4 tháng rưỡi tù giam. Một số nhà hoạt động khác nhận án treo.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42699584
Cựu nhân viên CIA bị bắt giữ
trong vụ ‘gián điệp Trung Quốc’
Một cựu nhân viên CIA vừa bị bắt giữ tại Mỹ với tội nắm giữ thông tin mật trái phép.
CIA nói gì về nguy cơ chiến tranh hạt nhân?
Cuộc bố ráp trụ sở Arcos của Liên Xô tại London
Jerry Chun Shing Lee, công dân nhập tịch Mỹ, bị bắt tại sân bay JFK ở New York hôm thứ hai (15/1), Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.
Ông làm việc cho CIA từ năm 1994 đến 2007, trước khi rời Mỹ đến Hong Kong.
Vụ việc này được cho là có liên quan đến một cuộc điều tra của FBI, bắt đầu từ năm 2012, về sự phá hỏng hoạt động tình báo của CIA tại Trung Quốc.
Trong hai năm trước đó, khoảng 20 người cung cấp tin tức đã bị sát hại hoặc tống giam – một trong những thất bại tồi tệ nhất của tình báo Mỹ trong những năm gần đây.
Nhưng các nhà chức trách không biết nên đổ lỗi cho ai.
Nhiều báo cáo cho rằng các nhà điều tra hiện đang nghi ngờ ông Lee đã giúp Trung Quốc.
Jerry Chun Shing Lee là ai?
Ông Lee, còn được biết đến là Zhen Cheng Li, từng phục vụ quân đội Mỹ từ năm 1982 – 1986, hồ sơ của tòa án cho hay.
Ông bắt đầu làm việc tại CIA từ năm 1994 với chức vụ là sỹ quan cảnh sát. Ông được tham gia vào các nhiệm vụ bí mật và kí nhiều thỏa thuận tuyệt mật.
Khi ông Lee rời CIA năm 2007, “những người biết ông nói rằng ông rời tổ chức một cách khá bất bình sau khi sự nghiệp thăng hoa”, tờ New York Times cho biết.
Ông Lee ở lại Hong Kong và chỉ trở lại Mỹ năm 2012 – theo một báo cáo, sau khi bị nhử bởi một lời mời làm việc giả.
Chuyện gì đã xảy ra trong chuyến thăm đó?
Cuộc điều tra của FBI về việc tại sao Mỹ mất nhiều người đưa tin tại Trung Quốc đạt tới đỉnh điểm vào thời điểm này.
Các mật vụ FBI lục soát phòng khách sạn của ông tại Hawaii và Virginia và tìm thấy hai cuốn sách nhỏ ghi chép những thông tin bí mật, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.
Những cuốn sổ này chứa bút tích của ông về những chi tiết như “tên thật và số điện thoại của các nhân viên CIA”.
Ông Lee rời Mỹ năm 2013 sau khi bị nghi ngờ bởi các đặc vụ FBI, tờ New York Times ghi.
Chỉ tới bây giờ ông mới bị bắt khi quay lại Mỹ một lần nữa.
Không có thông tin rõ ràng về việc liệu ông có biết mình vẫn đang bị theo dõi.
Tội trạng của Lee là gì?
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết ông Lee, 53 tuổi, đã bị buộc tội “nắm giữ trái phép các thông tin quốc phòng và sẽ đối mặt với án tù 10 năm, nếu bị kết án”.
Ông không bị buộc tội làm gián điệp, điều có thể dẫn đến án tử hình. Về điều này, một số thông tin cho rằng Mỹ có thể không muốn công bố thông tin bí mật tại tòa.
Ông Lee xuất hiện tại tòa liên bang Brooklyn hôm thứ ba (16/1) sau khi bị bắt tại sân bay JFK. Ông bị bắt giữ tại đây khi đang chờ chuyến bay tới Virginia, nơi tòa án liên bang đã đưa ra cáo buộc chống lại ông.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42718033
‘Khả năng nhận thức của Trump bình thường’
Các bác sỹ của Nhà Trắng cũng nói ông Donald Trump có sức khỏe tuyệt vời.
“Tôi không hề lo ngại về khả năng nhận thức hoặc chức năng thần kinh của ông ấy”, ông Ronny Jackson cho biết.
Tuần trước, ông Trump trải qua một cuộc kiểm tra sức khoẻ kéo dài ba giờ lần đầu tiên từ khi trở thành tổng thống Hoa Kỳ.
Câu hỏi về sức khoẻ tâm thần của ông Trump
Trump: Sách của Michael Wolff ‘đầy dối trá’
Donald Trump và những lời hứa tranh cử?
Cuộc kiểm tra được tiến hành sau khi có cuốn sách gây nhiều tranh cãi và làm dấy lên suy đoán về sức khỏe tâm thần của tổng thống.
Phát biểu trước các phóng viên trong một cuộc họp báo của Nhà Trắng hôm thứ Ba, bác sĩ Jackson nói sức khỏe tổng thể của Tổng thống là “tuyệt vời”.
Ông nói: “Tất cả các dữ liệu cho thấy tổng thống Mỹ khỏe mạnh và sẽ như vậy trong suốt nhiệm kỳ tổng thống.”
Ông nói thêm: “Ông ấy vẫn tiếp tục tận hưởng những lợi ích đáng kể, lâu dài về sức khỏe tim mạch và sức khoẻ tổng thể do kiêng cữ thuốc lá và rượu.”
Tuy nhiên, bác sĩ Jackson nói rằng ông Trump, 71 tuổi, có thể còn khỏe mạnh hơn với chế độ ăn có hàm lượng chất béo thấp hơn và tập thể dục nhiều hơn.
Hôm thứ Sáu, tổng thống được các bác sĩ quân đội kiểm tra sức khỏe tại Trung tâm Y tế Walter Reed ở Bethesda, Maryland, và thực hiện những bài kiểm tra với kết quả được cho là “đặc biệt tốt”.
Để kiểm tra rối loạn chức năng nhận thức, Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ đã dùng bài Trắc nghiệm đánh giá nhận thức (MoCA)
Bài kiểm tra MoCA đánh giá sự chú ý, tập trung, trí nhớ, ngôn ngữ, tư duy khái niệm, tính toán và định hướng của một cá nhân và các chức năng khác.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42714102
Quốc tế đồng ý tăng mức cấm vận với Bắc Hàn
Hai mươi quốc gia tham dự hội nghị quốc tế về Bắc Hàn tổ chức tại Vancouver đồng ý với đề nghị tăng mức độ cấm vận đối với chính phủ Bình Nhưỡng, đồng thời Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson lên tiếng cảnh báo chiến tranh có thể xảy ra nếu Bắc Hàn không ngưng chương trình chế tạo võ khí hạt nhân.
Trong bản thông cáo chung phổ biến chiều ngày 16 tháng Một, các nước tham dự hội nghị quốc tế Vancouver nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phải gây áp lực ngoại giao và kinh tế đối với Bình Nhưỡng. Thông cáo ghi rõ là áp lực với Bắc Hàn phải mạnh, cứng rắn hơn những quy định đã được Hội Đồng Bảo An thông qua hồi năm ngoái, sau khi Bắc Hàn nổ thử nghiệm hạt nhân và phóng một loạt hỏa tiễn.
Phát biểu tại hội nghị, Nữ Ngoại Trưởng Nam Hàn Kang Kyung-Wha nói rằng một mặt chính phủ Seoul hy vọng sẽ tiếp tục thảo luận với Bắc Hàn để giảm bớt căng thẳng đang xảy ra giữa hai quốc gia, nhưng mặt khác Nam Hàn tán thành ý kiến phải tăng áp lực đối với Bình Nhưỡng.
Ý kiến của Nam Hàn được sự ủng hộ của Nhật Bản. Ngoại Trưởng Nhật Taro Kono nói với đại ý rằng lý do khiến Bình Nhưỡng phải nói chuyện với Seoul là vì Bắc Hàn không thể chịu đựng áp lực của cộng đồng quốc tế. Vì thế, Ngoại Trưởng Nhật Bản kêu gọi mọi quốc gia tiếp tục gây áp lực với Bắc Hàn về ngoại giao cũng như về kinh tế, bảo thêm rằng phải làm mạnh hơn nữa, để buộc Bình Nhưỡng phải chấm dứt những hành động mang tính gây hấn, tạo bất ổn cho hòa bình thế giới.
Về phía Hoa Kỳ, một viên chức hành pháp Mỹ tiết lộ ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis trình bày với các quốc gia tham dự hội nghị Vancouver rằng Washington mong muốn vấn đề Bắc Hàn sẽ được giải quyết bằng thương thuyết ngoại giao, nhưng người điều hành Lầu Năm Góc cũng nói thêm là ngay trong lúc này, giải pháp quân sự vẫn là một trong những giải pháp được Hoa Kỳ cân nhắc.
Điều này được Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson trình bày rõ hơn trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị, cho hay mức đe dọa do Bắc Hàn gây nên ngày một cao hơn, nhấn mạnh chiến tranh có thể xảy ra nếu Bình Nhưỡng không chịu ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết vấn đề.
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ nhắc lại thương thuyết chính là giải pháp tốt nhất cho Bình Nhưỡng, trước khi đưa ra lời cảnh báo nếu giải pháp quân sự được áp dụng, lúc đó Bắc Hàn sẽ là quốc gia lãnh hậu quả.
Ngoại Trưởng Tillerson cũng nhắc lại là trước khi bắt đầu thương thuyết, Bắc Hàn phải chứng tỏ thật tâm muốn giải quyết vấn đề, tức phải ngưng mọi kế hoạch chế tạo võ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Trong khi đó, vào sáng ngày 17 tháng một, trong cuộc thảo luận ở Seoul, Bình Nhưỡng đã đề nghị gửi đoàn cổ vũ hơn 200 người sang miền Nam dự Thế Vận Hội Mùa Đông.
Đầu tuần này trong cuộc thảo luận cũng diễn ra ở Seoul, đoàn đàm phán Bắc Hàn đưa ý kiến muốn gửi dàn nhạc giao hưởng cả trăm người sang miền Nam trình diễn trong dịp Thế Vận Hội diễn ra tại thành phố Pyeongchang từ ngày mùng 9 đến ngày 25 tháng Hai 2018.
Về đoàn vận động viên đại diện cho Bắc Hàn, các viên chức thể thao 2 nước đang bàn thảo với Ủy Ban Olympic Quốc Tế, vì hầu hết lực sĩ Bắc Hàn không hội đủ điều kiện để tranh tài và đã quá thời hạn ghi tên tham dự.
Cho đến lúc này Bắc Hàn vẫn chưa trả lời hai đề nghị của miền Nam, là liệu đoàn vận động viên 2 nước sẽ diễn hành chung trong buổi lễ khai mạc, và hai quốc gia có thành lập chung đội tranh tài môn hockey nữ hay không.
Chính quyền Trump kháng cáo về phán quyết di trú
Ngày 16/1, Bộ Tư pháp Mỹ loan báo sẽ yêu cầu Tối cao Pháp viện đảo ngược phán quyết trong tuần qua của một thẩm phán ngăn Tổng thống Donald Trump chấm dứt một chương trình bảo vệ hàng trăm ngàn di dân đến Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ.
Chính quyền ông Trump sẽ đệ đơn kháng cáo trực tiếp phán quyết của thẩm phán lên Tối cao Pháp viện Mỹ có đa số theo khuynh hướng bảo thủ cũng như kháng án lên Tòa Phúc thẩm số 9 tại San Francisco, Bộ Tư pháp cho biết.
Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa, vào tháng 9 năm ngoái, hủy bỏ chương trình DACA, một chương trình được cựu Tổng thống Dân chủ Barack Obama thiết lập vào năm 2012. Lệnh hủy bỏ DACA của ông Trump có hiệu lực vào tháng 3 năm nay. Một số các Tổng Chưởng lý Tiểu bang thuộc đảng Dân chủ, các tổ chức và các cá nhân đã đệ đơn kiện Tổng thống Trump tại nhiều Tòa án liên bang.
Chính quyền đang thách thức một quyết định ngày 9 tháng 1 năm nay của thẩm phán liên bang San Francisco William Alsup cho rằng DACA vẫn có hiệu lực trong khi các vụ kiện được giải quyết.
Bộ Tư pháp không đệ đơn xin giải quyết khẩn cấp, việc này nếu thành công sẽ khiến phán quyết của thẩm phán chưa có hiệu lực, nghĩa là chương trình DACA vẫn sẽ có hiệu lực trong quá trình tranh tụng.
Kể từ khi chương trình DACA được thi hành, có khoảng 800.000 người trẻ, được gọi là Dreamers, hầu hết gốc Châu Mỹ La Tinh, được bảo vệ không bị trục xuất và được phép làm việc hợp pháp tại Mỹ. Cho đến tháng 9 năm nay, có khoảng 690.000 người trẻ được bảo vệ theo chương trình này.
Phán quyết của ông Alsup được đưa ra vào lúc có những cuộc thương thuyết giữa Tổng thống Trump và các nhà lập pháp Quốc hội về chính sách di trú. Những cuộc thảo luận này thất bại sau khi ông Trump bác bỏ một thỏa thuận lưỡng đảng và gây nên phẫn nộ với tin ông dùng lời miệt thị để mô tả các nước châu Phi trong cuộc họp với các nhà lập pháp về di trú.
https://www.voatiengviet.com/a/chinh-quyen-trump-khang-cao-ve-di-tru/4211188.html
EU: Trung Quốc và Nga là những tin tặc hàng đầu
Cảnh giác khi mở những email có tên ‘Official Data Breach Notification’ hay ‘UPS Label Delivery’ nếu bạn là một giám đốc điều hành, cơ quan bảo vệ mạng của Liên hiệp EU, Enisa, cảnh báo hôm 15/1.
Những tiêu đề thư tín này thường được gởi nhiều nhất trong những email giả hay ‘tấn công giả mạo’ có cài đặt những nhu liệu độc hại vào máy vi tính của nạn nhân vào năm 2017, cùng với ‘IT Reminder: Your Password Expires’, ‘Please Read Important from Human Resources’, và ‘All Employees: Update your Healthcare Info’.
Cơ quan EU có trụ sở tại Hy Lạp ghi nhận trong phúc trình hàng năm là những tội phạm trên mạng nhằm lấy cắp tiền bạc là những ‘tác nhân đe dọa’ “chịu trách nhiệm ít nhất 2/3 những sự kiện được ghi nhận.”
Phúc trình nói tấn công giả mạo, theo ghi nhận, chịu trách nhiệm từ 90-95% những cuộc tấn công thành công trên toàn thế giới” và hầu hết những cuộc tấn công tinh vi nhất nhằm vào các CEO của những công ty lớn.
Những người trong công ty hay trong các cơ quan chính phủ ăn cắp các dữ liệu- là những tác nhân đe dọa lớn thứ hai.
Tuy nhiên, Enisa cho biết những quốc gia cũng đánh cắp thông tin hay tống tiền các nạn nhân, dùng gián điệp mạng, những nhu liệu độc hại và những mánh khóe khác.
Enisa nêu tên Trung Quốc và Nga một vài lần trong các cuộc nghiên cứu của tổ chức này.
Phúc trình của EU nói Trung Quốc là “nước tấn công hàng đầu” về những cuộc tấn công từ chối dịch vụ, làm tê liệt những hệ thống bị nhắm đến bằng cách tràn ngập những hệ thống này bằng dữ liệu. Phúc trình nói 60% những cuộc tấn công này phát xuất từ “đội quân tin tặc Trung Quốc” và 90% những cuộc tấn công nhằm vào các thực thể Hoa Kỳ.
Phúc trình của EU nêu danh tánh 3 tổ chức gián điệp mạng Trung Quốc và Nga APT17389, APT28387, và APT29388 trong số những tổ chức hoạt động tích cực và nguy hiểm nhất trong năm rồi.
(Nguồn ENISA/EU Observer)
https://www.voatiengviet.com/a/eu-trung-quoc-va-nga-la-nhung-tin-tac-hang-dau/4211170.html
Bộ trưởng An ninh Nội địa nói
việc trục xuất ‘Dreamers’ không phải là ưu tiên
Trục xuất di dân đến Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ không phải là ưu tiên hàng đầu của các giới chức thi hành luật pháp liên bang ngay cả khi các nhà lập pháp không thông qua một chương trình bảo vệ những người này, Bộ trưởng An ninh Nội địa nói trong một cuộc phỏng vấn truyền hình ngày 16/1.
Bà Kirstjen Nielsen, phát biểu trước khi có cuộc điều trần tại quốc hội, nói với đài CBS là những người thường được gọi là Dreamers nếu đã đăng ký với nhà chức trách liên bang thì họ sẽ không phải là mục tiêu hàng đầu ngay cả khi Tổng thống Donald Trump hủy bỏ Chương trình DACA.
“Đây không phải là ưu tiên của cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan,” bà Nielsen nói. Nếu bạn là một DACA và tuân thủ việc đăng ký-có nghĩa là bạn không phạm tội và có đăng ký- bạn không phải là đích nhắm ưu tiên của ICE một khi chương trình chấm dứt.”
Dù các giới chức liên bang đã nói họ không nhắm vào các Dreamers, ông Trump đã nới rộng một cách rõ ràng những người bị ưu tiên trục xuất và những người bênh vực di dân nói những DACA mất qui chế của họ gặp nhiều nguy cơ.
Bình luận của bà Nielsen được đưa ra vào lúc ông Trump và các nhà lập pháp đang tranh cãi về một thỏa thuận di dân đang bị phá vở do những nhận xét gây tranh cãi của ông Trump tại một cuộc họp mới đây tại Tòa Bạch Ốc. Những cuộc thảo luận cũng bị bao phủ vì những cuộc thương thuyết về chi tiêu lớn hơn trước việc chính phủ liên bang có thể bị đóng cửa trong tuần này.
Bà Nielson ra điều trần trước Uỷ ban Tư pháp Thượng viện vào lúc 10 giờ sáng ngày 16/1 để thảo luận về việc giám sát Bộ An ninh Nội địa.
Bà Nielson, đề cập đến một cuộc nghiên cứu sắp tới về di dân và khủng bố, nói bà sẽ yêu cầu các nhà lập pháp giúp “lấp các lổ hổng ngăn chúng ta đưa các nghi can khủng bố nổi tiếng và những tội phạm khác ra khỏi nước Mỹ.”
Phúc trình cũng cho thấy các giới chức phải “tiếp tục củng cố điều tra, thanh lọc”cũng như tiếp tục xem xét chặt chẽ những người đang có mặt tại đây,” kể cả những thường trú nhân và những người khác đã nhập quốc tịch,” bà Nielson nói.
Được hỏi điều đó có nghĩa là những cá nhân như thế sẽ bị theo dõi thường xuyên hay không, bà Nielson không cho biết chi tiết nhưng nói: “Dù bạn là công dân, chúng tôi muốn tiếp tục chắc chắn là chúng tôi hiểu bạn là ai và tại sao bạn có mặt tại đây.”
Bà Nielson chắc chắn sẽ bị hỏi về nhận xét của ông Trump tại cuộc họp tuần qua, nơi Thượng nghị sĩ Dân chủ Dick Durbin nói tổng thống có nhận xét miệt thị di dân Haiti và các nước châu Phi. Bà Nielson nói bà không nhớ hay nghe ông Trump dùng từ gây tranh cãi.
Ông Trump nói Thượng nghị sĩ Durbin đang có mặt trong cuộc điều trần ngày 16/1 hiểu sai nhận xét của ông.
Mỹ cảnh giác với hệ thống phòng không của Nga tại Crimea
Hoa Kỳ đang đánh giá ảnh hưởng an ninh của việc Nga vừa triển khai hệ thống phòng không S-400 tại Crimea, một giới chức quân sự Mỹ nói ngày 16/1, cho biết thêm là hệ thống này có thể giúp cho việc phòng không hiện có của Nga mạnh mẽ hơn.
“Điều này không tốt. Đây là điềm không tốt,” một giới chức cao cấp tại Bộ Chỉ huy châu Âu quân đội Mỹ nói với điều kiện dấu tên.
“Chúng tôi chắc chắn chú trọng đến việc này và ý nghĩa của nó như thế nào, liên hệ đến an ninh của Hắc Hải.”
Việc Moscow ngày 13/1 triển khai một sư đoàn phi đạn đất đối không S-400 thứ nhì tại Crimea, lãnh thổ của Ukraine bị Nga sáp nhập vào năm 2014 khiến Liên hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ chế tài Nga.
Nga triển khai sư đoàn S-400 thứ nhất vào mùa xuân năm 2017 gần thị trấn cảng Fedosia. Sư đoàn mới sẽ đặt căn cứ gần thị trấn Sevastopol và sẽ kiểm soát vùng trời giáp ranh với Ukraine, thông tấn xã RIA loan tin.
Giới chức quân đội Mỹ công nhận khó đánh giá mục đích của việc triển khai các phi đạn này. Tuy nhiên bất cứ hệ thống phòng không loại này cũng gia tăng khả năng quân sự của Nga tại Crimea, và tăng cường việc kiểm soát không phận.
Ukraine và các phần tử đòi ly khai thân Nga cáo buộc lẫn nhau trong những ngày gần đây là tăng cường các cuộc tấn công trong vụ tranh chấp này.
3 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong năm nay và khoảng 20 người khác bị thương, theo thống kê của Reuters căn cứ trên dữ liệu hàng ngày của quân đội Ukraine.
Hệ thống phòng không mới, được thiết kế để bảo vệ biên giới Nga, có thể chuyển sang chiến đấu trong vòng chưa đầy 5 phút, thông tấn xã Interfax trích lời ông Viktor Sevostyanov, một cấp chỉ huy trong không lực Nga nói.
Các giới chức Nga đã chỉ trích quyết định của Hoa Kỳ được loan báo vào tháng 12 năm ngoái cung cấp cho Ukraine vũ khí phòng vệ, mà các giới chức nói bao gồm phi đạn chống tăng Javelin.
Washington trong quá khứ cho rằng loại vũ khí này không hữu hiệu trong việc chiếm lãnh thổ và Tướng thủy quân lục chiến Mỹ Joseph Dunford nói trong một chuyến viếng thăm Brussels trong tuần này là động thái này chỉ có tính cách phòng vệ mà thôi.
“Chính phủ chúng ta tin rằng một quốc gia có quyền tự vệ và sự yểm trợ chúng ta cung cấp cho Ukraine trực tiếp chú trọng đến những khu vực có sai biệt về khả năng,” tướng Dunford nói.
https://www.voatiengviet.com/a/my-canh-giac-voi-he-thong-phong-khong-cua-nga-tai-crimea/4210773.html
Thể thao có ý nghĩa thế nào ở Bắc Triều Tiên ?
Bắc Triều Tiên sẽ tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông 2018 Pyeongchang Hàn Quốc từ ngày 9 đến 25 tháng Hai tới. Sự kiện đang mang lại những tín hiệu hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên sau nhiều tháng căng thẳng bị đẩy lên cao độ do các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng và những cuộc khẩu chiến khét lẹt mùi thuốc súng giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
Một lần nữa người ta được chứng kiến, thể thao có thể là phương tiện trung gian hòa giải hữu hiệu. Với Bắc Triều Tiên thể thao luôn là một lĩnh vực rất có ý nghĩa. Chế độ Bình Nhưỡng muốn thể thao phải là biểu tượng cho sự phồn thịnh phát triển của đất nước để chứng tỏ với thế giới bên ngoài. Nhân sự kiện này, cùng tìm hiểu vài nét về thể thao ở đất nước Bắc Triều Tiên
Thể thao : Bộ mặt của chính quyền, xi măng gắn kết xã hội
Chế độ Bình Nhưỡng đặc biệt quan tâm đến phát triển thể thao. Đó là một phần không thể thiếu khai trong lý lịch của công dân Bắc Triều Tiên. Phát biểu trên đài phát thanh Europ1, bà Juliette Morilot, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên và là tác giả cuốn sách « Bắc Triều Tiên qua 100 câu hỏi ( Nhà xuất bản Tallandier) » đã nhấn mạnh như trên. Bà cho biết thêm : « Ở Bắc Triều Tiên, người ta vẫn tuyển chọn từ rất sớm các học sinh có năng khiếu thể thao » để chuẩn bị cho các đội tuyển quốc gia, giống như kiểu người Trung Quốc vẫn làm. Là biểu tượng cho sự hoàn thiện ưu tú, thể thao được dùng như là một thứ xi măng gắn kết xã hội. Chuyên gia Morillot cho biết, « trong đa số các nhà máy mà tôi tới thăm ở Bắc Triều Tiên, hầu như nhà máy nào cũng có một sân bóng dành cho công nhân ». Người Bắc Triều Tiên chơi thể thao nhiều và thích theo dõi thể thao cũng rất đông. Ở Bắc Triều Tiên có cả một kênh tryền hình Cheyuk chuyên cho thể thao.
Năm 2010, lần gần đây nhất thể thao Bắc Triều Tiên tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông tại Vancouver, Canada, hai vận động viên trượt băng, một trong nội dung trượt băng nghệ thuật, một ở trượt băng tốc độ đã là niềm tự hào của đất nước dù không đạt giải nào. Trong quá khứ, môn trượt băng đã mang về hai tấm huy chương lịch sử cho Bắc Triều Tiên : Vận động viên Han Phi-hwa được huy chương bạc trượt băng tốc độ tại Olympic mùa đông Innsbruck 1964 và Hwang Yong-ski đã giành huy chương đồng môn trượt băng tốc độ cự ly ngắn (short-track) tại Thế Vận Hội Albertville 1992. Đến kỳ Thế Vận Hội tới đây, cặp vận động viên trượt băng nghệ thuật Tae-ok và Ju-sik đang là niềm hy vọng vàng của Bắc Triều Tiên dù họ vẫn còn xếp khoảng cách khá xa so với trình độ thế giới.
Vật, Boxe, cử tạ, bóng bàn… thế mạnh của Triều Tiên
Nếu như mới chỉ giành được hai huy chương ở Thế Vận Hội Mùa Đông, thì Bắc Triều Tiên lại gặt hái được không ít thành công ở Thế Vận Hội Mùa Hè, với 54 huy chương các loại, trong đó có 16 danh hiệu vô địch Olympic. Cũng giống như môn trượt băng, môn cử tạ và đấu vật được chú ý phát triển rất mạnh và đã gặt hái được ít nhiều thành công trên đấu trường quốc tế. Trong khi đó các môn như Judo hay bóng bàn thì là những môn mũi nhọn của thể thao Bắc Triều Tiên .
Kỳ Thế Vận Hội thành công nhất của Bắc Triều Tiên đó là Olympic Barcelona 1992. Sau hai lần liên tiếp tẩy chay Thế Vận Hội Los Angeles 1984 và Seoul 1988, Các vận động viên Bắc Triều Tiên đến Barcelona và giành 9 huy chương, trong đó có 4 vàng. Từ đó trở đi, thể thao Bắc Triều Tiên thường xuyên giành được từ 5 đến 7 huy chương trong các kỳ Thế Vận Hội. Gần đây nhất là tại Olympic Rio, các lực sĩ cử tạ Bắc Triều Tiên đã tỏa sáng, giành 4 huy chương. Cử tạ là môn thể thao dành cho các lực sĩ mạnh mẽ, nó thể hiện được hình ảnh của đất nước mà Bình Nhưỡng muốn chứng tỏ với thế giới.
Taekowndo, môn quốc võ của người Triều Tiên
Trong thông cáo chung sau cuộc gặp đầu tiên vừa rồi giữa hai miền để bàn về thể thức tham gia Thế Vận Hội Pyeongchang, người ta có thể thấy : « Phía Bắc Triều Tiên sẽ cử một đoàn của Ủy Ban Olympic Quốc Gia, các vận động viên, một đội nữ hoạt náo viên ( Pom-pom girls), đoàn nghệ sĩ và một đội biểu diễn taekowndo cùng một bộ phận báo chí ».
Cử đội cổ động viên nữ pom-pom girls đến dự Olympic đã là điểm lạ rồi, nhưng đội taekwondo thì có liên quan gì đến Thế Vận Hội Mùa Đông ? Taekwondo đâu phải là môn thể thao mùa đông nhưng đã trở thanh môn võ truyền thống, biểu tượng siêu việt ở Triều Tiên. Taekwondo được truyền tụng là do một vị tướng của miền Nam Triều Tiên sinh ở miền Bắc, tên là Choe Hong-hui sáng tạo ra nhằm tôn vinh thần ái quốc của người Triều Tiên trong cuộc kháng chiến chống Nhật hồi đầu thế kỷ 20.
Năm 1955 , ông Choe đã lập ra Liên Đoàn Quốc Tế Taekwondo. Sau đó ông đến Bắc Triều Tiên trong những năm 1960 để cổ vũ phát triển môn thể thao này. Seoul khi đó đã không hài lòng cho thành lập một liên đoàn khác của môn võ có tên WTF (World Taekwondo Federation), với các luật lệ thi đấu khác, không tập trung nhiều vào khía cạnh tự vệ của môn võ. Giờ đây taekwondo trở thành chiếc cầu nối giữa hai miền Triều Tiên.
Bóng đá, môn thể thao chính… nhất là bóng đá nữ
Môn thể thao đại chúng tuyệt vời bóng đá cũng là môn thể thao chủ yếu ở Bắc Triều Tiên, thu hút đông đảo giới trẻ chơi. Năm 2010, đội tuyển quốc gia bóng đá Bắc Triều Tiên được quyền tham dự Cúp thế giới tại Nam Phi. Tại vòng bảng họ để thua đội Bồ Đào Nha 0-7 nhưng lại cầm cự khá tốt với Brazil, chỉ để thua với tỷ số sát nút 1-2.
Nhưng sau giải đấu lớn đó, bóng đá nam của Bắc Triều Tiên dường như bị mất dần sinh lực và rơi xuống hạng 129 trong bảng xếp hạng của FIFA, ngay cả đấu trường châu lục cũng không để lại dấu ấn nào. Trong khi đó, bóng đá nữ lại tỏa sáng. Đội tuyển bóng đá nữ Bắc Triều Tiên hiệp xếp hạng 11 thế giới, trên cả Tây Ban Nha và Ý.
Bóng rổ, niềm đam mê của Kim Jong Un
Trong vài năm gần đây, mỗi khi nói đến thể thao và Bắc Triều Tiên, có một cái tên vẫn hay được nhắc đến là Dennis Rodman, 5 lần vô địch bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA.
Năm 2013, ngôi sao của làng bóng rổ Mỹ này đã tới Bình Nhưỡng mang theo đội bóng nổi tiếng Harlem Globetrotters tổ chức một trận đấu biểu diễn rầm rộ. Không hẳn nhằm mục đích kéo Bắc Triều Tiên và Mỹ xích lại gần nhau, ngôi sao Rodman chỉ muốn thắt chặt tình bạn thân thiết với lãnh đạo Kim Jong Un.
Chuyên gia Juliette Morilot nhắc lại, Kim Jong Un là người rất mê bóng rổ. Dennis Rodman là thần tượng từ khi Kim Jong Un còn đang du học bên Thụy Sĩ . Kim Jong Un muốn được gặp thần tượng khi lên nắm quyền và giữa hai người có một tình bạn thực sự. Biết đâu một ngày nào đó, người bạn này lại giúp cho Kim Jong Un dựng chiếc cầu nối ra thế giới bên ngoài.
Một sự kiện thể thao rất được chú trọng tại Bắc Triều Tiên là cuộc thi marathon hàng năm tại Bình Nhưỡng. Cuộc thi này bắt đầu từ năm 2000 đã mở cửa đón các vận động viên quốc tế đến tham dự. Từ năm 2014, giải Marathon Bình Nhưỡng mở rộng quy mô cho các vận động viên nghiệp dư. Từ đó đến nay, người Bắc Triều Tiên giành chiến thắng ở tất cả các kỳ giải ở cả nam và nữ. Một cuộc đua sức bền với chiến thắng luôn thuộc về người Bắc Triều Tiên hẳn mang lại nhiều ý nghĩa biểu tượng ngoài thể thao.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180117-the-thao-co-y-nghia-the-nao-o-bac-trieu-tien
Chilê : Giáo hoàng Phanxicô
gặp các nạn nhân bị lạm dụng tình dục
Hôm qua, 16/01/2017, trong chuyến tông du tại Chilê, giáo hoàng Phanxicô đã gặp riêng các nạn nhân bị lạm dụng tình dục trong giáo hội nước này. Công luận Chilê chờ đợi rất nhiều từ cuộc gặp gỡ này sau một loạt các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục của khoảng 80 linh mục trong những năm gần đây.
Từ Santiago, thông tín viên Xavier Lenormand gởi về bài tường trình :
« Không nằm trong chương trình được thông báo, nhưng được chờ đợi rất nhiều, cuộc gặp gỡ giữa giáo hoàng và các nạn nhân lạm dụng tình dục đã không làm ai ngạc nhiên.
Lạm dụng tình dục là một vấn đề lớn của giáo hội Công Giáo Chilê. Một nhóm nhỏ nạn nhân đã được giáo hoàng tiếp riêng. Họ đã kể cho ngài nghe họ đã bị các linh mục lạm dụng tình dục như thế nào. Theo phát ngôn viên của Vatican, giáo hoàng Phanxicô đã cầu nguyện và đã khóc cùng với các nạn nhân đó.
Trong cùng ngày, giáo hoàng Phanxicô đã hai lần công khai nói đến vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em. Trong bài phát biểu đầu tiên, ngài đã xin lỗi về điều xấu xa « mà không gì có thể sửa chữa được ». Giáo hoàng cũng bày tỏ nỗi đau và sự xấu hổ của ngài trước tệ nạn này. Sau đó, trước các linh mục, tu sĩ ở Santiago, ngài đã nhắc lại vấn đề đó.
Cuộc gặp giữa giáo hoàng với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục trong giáo hội Chilê là nhằm cụ thể hóa nội dung bài giảng của ngài trong thánh lễ trước 400 ngàn giáo dân. Trong bài giảng này, giáo hoàng đã kêu gọi mọi người đừng sợ vấy bẩn tay để thúc đẩy hòa giải».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180117-chile-giao-hoang-phanxico-gap-cac-nan-nhan-lam-dung-tinh-duc
Venezuela :
Hạ sát cựu cảnh sát nổi loạn chống chính quyền
Oscar Perez, 36 tuổi, một cựu sĩ quan cảnh sát Venezuela, tài tử điện ảnh trong vai người hùng trừ gian diệt bạo, đã bị an ninh bắn chết. 24 giờ sau cuộc đột kích, bộ trưởng Nội Vụ Venezuela mới xác nhận tin này.
Trong bối cảnh phong trào biểu tình phản đối khủng hoảng kinh tế và đòi tổng thống cánh tả Nicolas Maduro từ chức từ tháng Tư đến tháng 07/2017, làm 125 người chết, đa số do bị đàn áp, Oscar Perez đã bất ngờ hành động một cách ngoạn mục vào ngày 27/06. Viên cựu sĩ quan cảnh sát cướp trực thăng của cảnh sát, bay đến Tòa Án Tối Cao, ném bốn quả lựu đạn và bắn nhiều loạt súng vào bộ Nội Vụ nhưng không gây thương vong.
Từ đó, Oscar Perez bị xem là « khủng bố, là kẻ thù số một » của chính quyền Venezuela.
Theo AFP, ngày 15/01/2018, một lực lượng gồm quân đội và cảnh sát đặc nhiệm bao vây nơi ẩn náu của Oscar Perez ở ngoại ô đông bắc thủ đô Caracas. Trong suốt cuộc tấn công kéo dài nhiều giờ đồng hồ, dân chúng Venezuela hồi hộp theo dõi hình ảnh thu trực tiếp do chính Oscar Perez, xuất thân là cảnh sát khoa học, phát tán lên mạng.
Gương mặt đẫm máu, ông cho biết là muốn đầu hàng nhưng chính quyền từ chối. Trong một đoạn khác, Oscar Perez tuyên bố « thà chết đứng chứ không quỳ lụy trước bạo quyền ».
Kết quả là viên cảnh sát nổi loạn cùng 6 chiến hữu của ông trong đó có một phụ nữ tử thương. Bốn người nữa bị bắt. Phía lực lượng chính phủ có hai người chết và tám người bị thương nặng, theo lời tướng cảnh sát Nestor Reverol, bộ trưởng Nội Vụ. Ngay sau khi tiếng súng chấm dứt, cảnh sát đã sử dụng lựu đạn cay để giải tán một cuộc biểu tình của vài chục người dân sống gần đó ủng hộ Oscar.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180117-venezuela-cuu-canh-sat-noi-loan-chong-chinh-quyen-bi-ban-chet
Hạ viện Anh biểu quyết dự luật về Brexit
« Tôi rất muốn Anh Quốc ở lại với Liên Hiệp Châu Âu ». Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố như trên vào lúc tại Luân Đôn, Hạ Viện Anh chuẩn bị biểu quyết dự luật Brexit trước khi đưa lên Thượng Viện xem xét vào cuối tháng Giêng.
Theo AFP, sau ba tháng tranh cãi gay gắt kể cả trong nội bộ phe bảo thủ, dự luật Brexit của chính phủ Theresa May chắc chắn sẽ được Hạ Viện thông qua trong ngày 17/01/2018.
Văn kiện này, một mặt bãi bỏ ưu thế của luật pháp châu Âu trên luật pháp quốc gia nhưng cùng lúc đưa luật pháp châu Âu vào luật quốc gia để Liên Hiệp Anh có thể sinh hoạt bình thường sau khi rời Liên Hiệp Châu Âu.
Tuy không gặp khó khăn tại Hạ Viện, dự luật Brexit của chính phủ bảo thủ có nguy cơ bị cản trở tại Thượng viện. Đòn phản công và đe dọa xuất phát từ các dân biểu nặng ký của phe hữu cho đến ngày tranh luận cuối cùng. Cựu thẩm phán Dominic Grieve chỉ trích thủ tướng Theresa May « tiền hậu bất nhất » không đưa Hiến chương châu Âu về các quyền căn bản vào luật pháp Anh, do vậy, mâu thuẫn với ý nguyện « canh tân » đảng bảo thủ. Dân biểu Kenneth Clark thì cảnh báo « đừng mơ dự luật Brexit sẽ được Thượng Viện đồng ý một cách dễ dàng ».
Ngoài khó khăn chờ đón tại Thượng Viện, thủ tướng Anh còn phải đương đầu với những đòi hỏi của Bruxelles trong đợt thương lượng về giai đoạn chuyển tiếp trước khi bàn về mối quan hệ thương mại tương lai kể từ tháng 04/2018.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180117-brexit-ha-vien-anh-bieu-quyet-du-luat-roi-lien-hiep-chau-au
Nghi án Nga can thiệp bầu cử :
Steve Bannon ra điều trần trước bồi thẩm đoàn
Ông Steve Bannon, cựu cố vấn chiến lược của tống thống Donald Trump hôm qua 16/01/2018 đã từ chối trả lời các câu hỏi của ủy ban tình báo Hạ Viện Mỹ, về công việc của ông tại Nhà Trắng trong khuôn khổ cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Song song đó, ông Bannon còn bị triệu tập ra trước một bồi thẩm đoàn, trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ Nga can thiệp vào chiến dịch bầu cử Mỹ. Thông tin này được tờ New York Times đưa ra, và nếu là sự thật, thì đây sẽ là lần đầu tiên một người thân cận của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ phải ra điều trần.
Thông tín viên RFI Anne Corpet tường trình từ Washington :
« Theo tờ New York Times, trát tòa dành cho ông Steve Bannon có thể đơn thuần là chiến thuật của công tố viên. Ông Robert Mueller có thể hủy trát đòi đối với cựu cố vấn của ông Donald Trump, nếu ông này chấp nhận bị thẩm vấn riêng. Nói cách khác, nếu Bannon chịu hợp tác.
Trát tòa được gởi đi sau khi cuốn sách « Lửa và cuồng nộ » được phát hành, trong đó Steve Bannon tuyên bố cuộc họp giữa con trai tổng thống với những người Nga hồi tháng 6/2016 là hành động phản quốc. Cựu cố vấn Nhà Trắng còn nhận định rằng không có khả năng con trai Donald Trump không giới thiệu các khách mời Nga cho cha. Trong khi đó ông Donald Trump luôn chối rằng không biết đến cuộc gặp này.
Cho dù Steve Bannon sau đó nói rằng những phát ngôn của ông đã bị hiểu lầm, sự xuất hiện của cuốn « Lửa và cuồng nộ » đã làm ông bị xuống dốc. Đã bị loại khỏi Nhà Trắng, ông còn bị mất tất cả những người ủng hộ, kể cả chức vụ đứng đầu Breibart News, trang web thông tin cực hữu ở Mỹ.
Nhưng Steve Bannon là nhân vật chủ chốt trong chiến dịch tranh cử cũng như thời kỳ chuyển tiếp, có thể nắm trong tay những thông tin quan trọng về quan hệ giữa ê-kíp ông Trump với phía Nga. Ông cũng đã bị ủy ban tình báo Hạ Viện thẩm vấn hôm qua ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180117-ho-so-nga-steve-bannon-phai-ra-dieu-tran-truoc-boi-tham-doan
Tân Nghị Viện Catalunya họp phiên đầu tiên
Tân Nghị viện vùng tự trị Catalunya, do phe độc lập kiểm soát, họp khóa đầu tiên bắt đầu từ ngày 17/01/2017. Hai tháng sau cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, một loạt thủ lĩnh ly khai với Tây Ban Nha bị bắt giam, chủ tịch chính quyền địa phương Carles Puigdemont bị truất phế, chạy sang vương quốc Bỉ lánh nạn, cuộc đọ sức vẫn tiếp diễn.
Qua lập pháp, phe đòi độc lập tìm cách đưa Carles Puigdemont trở lại ghế lãnh đạo trong khi Madrid dứt khóat từ chối. Một lần nữa, phe này xuống đường gây sức ép.
Từ Barcelona, thông tín viên Leticia Farine tường thuật :
« Chúng tôi là những người yêu hoà bình, hãy thả tù chính trị ». Đó là hàng chữ ghi trên biểu ngữ dẫn đầu đoàn biểu tình. Cuộc tuần hành tối thứ Ba được tổ chức để vinh danh hai thủ lĩnh phong trào đòi độc lập Jordi Cuixart và Jordi Sanchez, còn bị tạm giam từ 3 tháng nay.
Bị cáo buộc tội phản loạn vì huy động các cuộc biểu tình đòi Catalunya độc lập, hai nhân vật này có nguy cơ bị toà án tuyên phạt 10 năm tù. Một bản án như thế rất bất công. Jordi Giro, một người biểu tình 57 tuổi, cho rằng « thật là điều phi lý, không thể chấp nhận được trong một nền dân chủ ở thế kỷ 21 mà có tù chính trị, biểu tình ôn hoà bị đàn áp, quyền tự do ngôn luận bị chà đạp chỉ vì chúng tôi muốn bỏ phiếu một cuộc trưng cầu dân ý hợp pháp và bình thường ».
Silvia Gonzalbo, một phụ nữ 55 tuổi, thì cho là tư pháp đã bị chính quyền trung ương mua chuộc : “Chúng tôi xuống đường hôm nay để tố cáo Nhà nước Tây Ban Nha bắt giam người mà không dựa trên một cơ sở pháp lý nào. Nhà nước gì mà không có tam quyền phân lập. Vấn đề Catalunya là chính trị chứ không phải pháp lý. Tôi khó mà chấp nhận làm công dân Tây Ban Nha”.
Ban tổ chức biểu tình cũng muốn vinh danh hai thủ lĩnh khác đang bị giam là cựu phó chủ tịch Catalunya Oriol Junqueras và cựu cố vấn nội vụ Joaquim Forn.
Ngoài đường, nhiều lá cờ Catalunya tung bay trong gió. Cuộc tuần hành kết thúc trong bài hát xem như là « quốc ca » của Catalunya.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180117-catalunya-tan-nghi-vien-don-duong-cho-carles-puigdemont-tro-lai