Tin khắp nơi – 17/01/2017
Chương trình viện trợ nước ngoài bấp bênh
khi TT Obama mãn nhiệm
Steve Herman
BỘ NGOẠI GIAO —
Các chương trình viện trợ được chính phủ Obama ưa chuộng để trợ giúp các nước khác, chẳng hạn như chương trình viện trợ để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và chương trình ngừa thai có thể bị đe dọa sau lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ trong tuần này. Điều chắc chắn hơn có lẽ là tất cả các chương trình viện trợ nước ngoài sẽ bị săm soi kỹ hơn bởi tân tổng thống và một ngoại trưởng vốn nổi tiếng trên doanh trường là chỉ chú trọng vào lợi tức kinh doanh.
Trong cuộc điều trần để được chuẩn thuận, các thượng nghị sĩ chất vấn ông Rex Tillerson, người được đề cử vào vị trí bộ trưởng ngoại giao, về cách làm thế nào để tránh viện trợ nước ngoài của Mỹ, nước cấp viện lớn nhất thế giới, không bị bòn rút hoặc không bị các chế độ tham nhũng đánh cắp.
Ông Tillerson đặt lại câu hỏi: “Nếu chúng ta cấp viện trợ cho một nước nơi mà chúng ta biết là có nhiều rủi ro, thì chúng ta có thể làm gì khi trao lại khoản viện trợ đó?”
Đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump và chính quyền của ông thì ưu tiên có lẽ là cấp viện trợ cho các nước để củng cố quyền sở hữu bất động sản, thúc đẩy pháp quyền và chống tham nhũng.
Ông James Roberts, chuyên gia của tổ chức Heritage Foundation, nhận định: “Quá nhiều viện trợ nước ngoài do các nước phương tây như Mỹ và các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) – cung cấp, rốt cuộc chỉ củng cố quyền lực của các chế độ tham nhũng.”
Một số chương trình viện trợ vẫn gây phẫn nộ cho các nhân vật bảo thủ tôn giáo gần như chắc chắn sẽ bị Tòa Bạch Ốc và lưỡng viện Quốc hội xem xét lại dưới chính phủ do Ðảng Cộng hòa kiểm soát.
Bà Amanda Glassman, chuyên gia của Trung tâm Phát triển Toàn cầu, nhận định: “Chắc chắn là có nhiều lo lắng, nhất là trong các lãnh vực kế hoạch hóa gia đình và y tế sinh sản, và đặc biệt trong các lãnh vực như chương trình phòng chống- điều trị HIV-AIDS.”
Nhưng theo ngoại trưởng sắp mãn nhiệm, thì Mỹ thậm chí còn phải tăng mức viện trợ cao hơn con số hiện nay là 34 tỉ đôla trong năm tài khóa này. Ông John Kerry muốn có một chương trình viện trợ quy mô kiểu như “Kế hoạch Marshall”, để bảo đảm phát triển các chương trình giáo dục cho những những thành phần dễ bị các phần tử cực đoan Hồi giáo tuyên truyền và tẩy não.
Ngoại trưởng John Kerry nói: “Có khoảng một tỉ rưỡi trẻ em chưa tới 15 tuổi trên thế giới. Trong đó có trên 400 triệu em không được cắp sách tới trường, đó là một vấn đề lớn cho tất cả chúng ta.”
Trải qua nhiều chính quyền khác nhau, các nỗ lực ngoại giao, phát triển và viện trợ nước ngoài nhận đều được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng. Các nhà ngoại giao Mỹ ở một mức độ nào đó vẫn tỏ ra lạc quan rằng chính quyền mới cũng sẽ tiếp tục xem các chương trình viện trợ nước ngoài là phục vụ các lợi ích an ninh và kinh tế của Mỹ.
Thêm nhiều nghị sĩ Dân chủ
tuyên bố tẩy chay lễ nhậm chức tổng thống
Ít nhất 30 thành viên thuộc Đảng Dân chủ trong số 535 nhà lập pháp dân cử trong Quốc hội Mỹ đã tuyên bố sẽ tẩy chay lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày thứ Sáu này.
Tranh cãi nổ ra hôm thứ Sáu tuần trước khi Dân biểu John Lewis, người đã phục vụ trong Hạ viện Hoa Kỳ suốt ba mươi năm qua, nói với đài NBC News rằng ông sẽ không tham dự lễ nhậm chức của ông Trump vì ông không xem “tổng thống đắc cử là một tổng thống chính danh.”
“Tôi cho rằng người Nga tham gia vào việc giúp người đàn ông này đắc cử, và họ đã giúp hủy hoại tư cách ứng cử viên của Hillary Clinton,” ông Lewis nói.
Ông Trump phản pháo bằng hai dòng tweet vào sáng sớm thứ Bảy đả kích nghị sĩ Dân chủ này không dành nhiều thời gian hơn “cho việc cải thiện và giúp đỡ khu vực của ông ta, đang trong tình trạng tồi tệ và lụn bại (chưa kể tội phạm đầy rẫy) thay vì phàn nàn một cách sai trái về kết quả bầu cử.”
“Toàn nói, nói, nói – không có hành động hay kết quả gì,” ông Trump viết trên Twitter.
Dân biểu John Lewis đại diện khu vực bầu cử bao gồm những khu giàu lẫn nghèo của thành phố Atlanta, bang Georgia. Ông được đồng nghiệp cả hai đảng hết sức kính trọng trong Quốc hội, một phần không nhỏ là vì vai trò của ông trong phong trào đấu tranh đòi quyền dân sự trong những năm 1960. Khi còn trẻ, ông Lewis đã giúp dẫn đầu cuộc tuần hành lịch sử ở Washington vào năm 1963, và đã bị đánh đập và bỏ tù vì phản đối tình trạng phân chia chủng tộc ở miền nam của Mỹ.
Vài giờ sau những dòng tweet của Tổng thống đắc cử, số lượng nghị sĩ Dân chủ xác nhận họ sẽ không tham dự lễ nhậm chức tăng lên từ con số vài người lẻ tẻ đã tuyên bố sẽ không tham dự từ trước khi tranh cãi nổ ra.
“Khi bạn sỉ nhục Dân biểu John Lewis thì bạn sỉ nhục nước Mỹ,” Dân biểu Yvette Clarke, một trong năm dân biểu bang New York tẩy chay sự kiện này, nói.
Dân biểu bang California Ted Lieu thì quả quyết: “Đối với tôi, quyết định cá nhân không dự lệ nhậm chức khá đơn giản: Tôi đứng cùng Donald Trump, hay tôi đứng cùng John Lewis? Tôi đang đứng cùng John Lewis.”
Về phần mình, ông Trump hôm thứ Hai đã gặp gỡ một trong những người con trai của lãnh tụ dân quyền Martin Luther King, Jr. trong ngày lễ mang tên ông.
Martin Luther King III cho biết ông xem cuộc gặp gỡ này “mang tính xây dựng” và đã hối thúc ông Trump về sự cần thiết phải cải tổ quyền đầu phiếu để gia tăng sự tham gia của nhiều cử tri hơn.
FBI bắt vợ của tay súng tấn công hộp đêm Orlando
Nhà chức trách Mỹ nói rằng vợ của tay súng tấn công hộp đêm ở Orlando Omar Mateen đã bị bắt về tội cản trở công lý.
Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch hôm thứ Hai xác nhận việc bắt giữ Noor Salman gần thành phố San Francisco, nơi mà cô đang sống cùng với đứa con trai của mình. Các công tố viên nói cô Salman sẽ ra tòa lần đầu tiên vào ngày thứ Ba ở thành phố Oakland gần đó, bang California.
Cô Salman trước đó đã bị cảnh sát điều tra gắt gao kể từ khi người chồng quá cố của cô xả súng trong một hộp đêm mà người đồng tính hay lui tới ở thành phố Orlando, bang Florida vào tháng 6 năm 2016, giết chết 49 người và làm bị thương hơn 50 người khác trong một vụ tấn công được cho là lấy ý tưởng từ những kẻ cực đoan Nhà nước Hồi giáo.
Mateen, 29 tuổi, bị cảnh sát bắn chết sau một vụ đối đầu kéo dài ba giờ tại địa điểm này.
Cảnh sát Orlando và FBI đã tnỗ lực điều tra xem liệu cô Salman đã biết trước âm mưu của chồng hay không.
Giới chức chấp pháp nói cô Salman đã đi cùng chồng ít nhất là một lần tới hộp đêm Pulse ở Orlando trước vụ tấn công. Cô cũng đã thừa nhận đi cùng anh ta khi anh ta đi mua đạn.
Tuy nhiên, cô nói với báo New York Times vào năm ngoái rằng cô không biết mục đích của chuyến đi tới hộp đêm là gì. Cô cũng nói cô không có lý do gì để nghi ngờ đạn mà chồng cô mua mấy ngày trước vụ giết người là để dùng trong vụ thảm sát. Cô nói anh ta thường hay mua đạn như vậy mà cô cho là liên quan tới công việc của anh ta làm bảo vệ an ninh.
Cô Salman còn củng cố thêm tuyên bố vô tội của mình bằng việc lưu ý rằng cô đã mua cho chồng một tấm thiệp mừng Ngày của Cha, mà cô định sẽ tặng cho anh ta khi anh ta trở về nhà vào tối ngày 12 tháng 6. Luật sư của cô lập luận rằng hành động mua tấm thiệp củng cố câu chuyện của cô rằng cô không hay biết về vụ tấn công xảy ra tối hôm đó.
Cô Salman trước đó khai với nhà chức trách rằng chồng cô hay đánh đập cô và rằng anh ta giữ kín những hoạt động cá nhân của mình.
http://www.voatiengviet.com/a/fbi-bat-vo-cua-tay-sung-tan-cong-hop-dem-orlando/3678685.html
Oman nhận 10 tù nhân từ Guantanamo
Hôm thứ Hai, Oman cho biết đã chấp nhận 10 tù nhân từ nhà tù quân sự của Mỹ tại Vịnh Guantanamo, Cuba.
Tên và quốc tịch của các tù nhân không được công bố.
Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama nhậm chức vào tháng 1 năm 2009, ông tuyên bố sẽ đóng cửa nhà tù ở đông nam Cuba. Ông nói cơ sở giam giữ này không phản ánh các giá trị Mỹ, vì nhiều người trong số các tù nhân ở đây đã bị giam giữ trong nhiều năm mà không qua xét xử, và một số người đã bị tra tấn.
Các nhà quan sát nói nhiều tù nhân có thể sẽ được phóng thích trong những giờ phút cuối cùng của chính quyền Obama.
Nhưng tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói ông không nghĩ sẽ có thêm bất kỳ tù nhân Guantanamo nào được phóng thích.
Tổng thống đắc cử Donald Trump nói trong chiến dịch vận động của ông rằng ông sẽ không đóng cửa Guantanamo vì ông muốn “chất đầy nó bằng những kẻ xấu xa”.
Guantanamo đã được Hoa Kỳ thuê dài hạn từ trước cuộc cách mạng cộng sản của ông Fidel Castro. Nơi này đã được chỉ định làm trung tâm giam giữ bởi cựu Tổng thống George W. Bush sau các cuộc tấn công khủng bố năm 2001, giết chết gần 3.000 người ở New York và Washington. Trại được dành để giam giữ các tù nhân bị Hoa Kỳ và các đồng minh trong cuộc chiến chống al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác ở Trung Đông và Afghanistan bắt.
Lúc cao điểm, có đến 779 tù nhân bị giam giữ tại Guantanamo. Khi ông Bush trao chính quyền lại cho ông Obama, con số này đã giảm xuống còn khoảng 500 tù nhân. Ông Obama đã mạnh tay hạ giảm số tù nhân, trả một số tù nhân về nước để truy tố, gửi một số người khác tới các nước thứ ba để tái định cư và phóng thích những người không qua xét xử. Hiện nhà tù này còn chưa tới 50 tù nhân.
Tuy nhiên, mục tiêu của ông Obama là đóng cửa hoàn toàn nhà tù này đã bị cản trở bởi một loạt các trở ngại về chính trị và pháp lý.
http://www.voatiengviet.com/a/oman-nhan-muoi-tu-nhan-tu-guantanamo/3678175.html
Người Tây Tạng ở Thụy Sĩ
biểu tình phản đối sự có mặt của chủ tịch TQ
Những người biểu tình Tây Tạng ở Thụy Sĩ nói họ cảm thấy thất vọng với chính phủ Thụy Sĩ vì đã gây khó khăn cho họ khi họ biểu tình phản đối chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hôm 16/1, các quan chức Thụy Sĩ đã cho những người Tây Tạng 2 giờ đồng hồ để biểu tình trước khi ông Tập Cận Bình tham gia một sự kiện chính thức đón tiếp ông ở Bern. Khoảng 32 người biểu tình Thụy Sĩ gốc Tây Tạng bị bắt giam khi họ hô các khẩu hiệu chống Trung Quốc bên ngoài trụ sở quốc hội Thụy Sĩ ở Bern. Cảnh sát nói những người biểu tình đã vượt ra khỏi phạm vi khu vực cho phép.
Một thành viên của Hiệp hội Thanh niên Tây Tạng có tên Migmar Dhakyel nói với VOA:
“Tình hình bên trong Tây Tạng đang tồi tệ đi từng ngày. Người dân của chúng tôi đang bị đàn áp, họ đang bị cầm tù, người Tây Tạng đang bị chính phủ Trung Quốc sát hại và trong tư cách là những công dân Thụy Sĩ, chúng tôi thực sự quan ngại về việc chính phủ của chúng tôi, chính phủ của chính chúng tôi đối xử với chúng tôi như thế, không cho phép chúng tôi biểu tình và còn trao đổi thương mại với một chính phủ độc tài như Trung Quốc. Vì vậy chúng tôi tới đây để nói về vấn đề nhân quyền, chúng tôi ở đây để nói về Tây Tạng.”
Theo cảnh sát thành phố Bern, họ đã ngăn chặn một thanh niên Tây Tạng khoảng hơn 20 tuổi khi anh tìm cách tự thiêu. Văn phòng Tây Tạng ở Thụy Sĩ nói tất cả những người bị bắt đã được trả tự do cùng ngày.
Người đứng đầu hiệp hội Tây Tạng tổ chức các cuộc biểu tình phàn nàn rằng sự do dự của chính phủ Thụy Sĩ trong việc cấp giấy phép sẽ ảnh hưởng tới các cuộc biểu tình đã được dự kiến cho ngày 17-18/1.
Chủ tịch Cộng đồng Tây Tạng ở Thụy Sĩ, Tenzin Nyingpo, nói các quan chức đồng ý cho phép họ biểu tình vào ngày 18/1 khi ông Tập thăm trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva.
Ông Nyingpo nói chính quyền giờ đây yêu cầu ông hoặc là hủy bỏ cuộc biểu tình hôm 18/1, hoặc chỉ được biểu tình sau khi trụ sở Liên Hiệp Quốc hết giờ làm việc.
Thụy Sĩ là một trong những nước tiếp nhận người tị nạn Tây Tạng vào đầu thập niên 1960 khi nhiều người Tây Tạng chạy sang Ấn Độ để thoát sự chiếm đóng của Trung Quốc tại nước họ.
Ngày nay có khoảng 3.500 người Tây Tạng sống ở Thụy Sĩ, theo một trang web của Cộng đồng Tây Tạng ở Thụy Sĩ.
Ông Tập Cận Bình theo dự kiến sẽ là chủ tịch nước đầu tiên của Trung Quốc tham gia Diễn đàn kinh tế ở Davos.
Tin nói nghi phạm
vụ thảm sát đêm giao thừa ở Istanbul đã bị bắt
Tin tức của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho hay một nghi can đã bị bắt trong vụ tấn công một hộp đêm ở thành phố Istanbul giết chết 39 người vào ngày 31 tháng 12.
Báo The Hurriyet Daily News cho biết Abdulkadir Masharipov bị câu lưu hôm thứ Hai tại quận Esnyurt của Istanbul. Bản tin cho biết con trai của anh ta có mặt gần đó.
Tin cũng nói rằng nghi phạm đang được cho thực hiện một số xét nghiệm y tế.
Cuộc truy lùng Masharipov đã được tiến hành trong mấy ngày qua, với những bản tin của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước xác định người đàn ông mang quốc tịch Uzbekistan này là nghi phạm chính. Hơn 40 công dân nước ngoài khác đã bị cảnh sát câu lưu điều tra trong khi họ truy lùng nghi phạm vụ tấn công.
Báo Hurriyet, trích dẫn nguồn tin cảnh sát, tuần trước đưa tin Masharipov đến Istanbul vào ngày 15 tháng 12 từ tỉnh Konya ở miền trung để chuẩn bị cho vụ tấn công.
Vụ tấn công đêm giao thừa năm mới là vụ tấn công thứ ba trong năm qua nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan đến những người đến từ Trung Á với những mối liên hệ với những kẻ cực đoan Nhà nước Hồi giáo.
Các nhóm nổi dậy chống Damas quan trọng
sẽ tham gia hòa đàm
Các tổ chức đối lập võ trang Syria tuyên bố đồng ý tham gia đàm phán với chính quyền Damas vào tuần tới tại Kazakhstan. Trong khi đó Daech bao vây phi trường quân sự Deir Ezzor, cắt đôi lực lượng phòng thủ, sau khi kiểm soát phần lớn thành phố ở miền bắc Syria.
Theo bản tin AFP ngày 17/01/2017, Mohammad Allouche, một thủ lĩnh của tổ chức võ trang Jaich al-Islam (quân đội Hồi giáo), rất mạnh ở ngoại ô thủ đô, cho biết tất cả các nhóm đối lập đều đồng ý tham dự hòa đàm vào tuần tới. Nhân vật này cho rằng phe đối lập « muốn tội ác của chính quyền Syria và các đồng minh » của chế độ này phải chấm dứt. Hòa đàm là một giải pháp.
Thủ lĩnh nhóm Sultan Mourad, hoạt động ở phía bắc Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ cũng xác nhận quyết định này.
Tại Astana, hai phe thù địch sẽ đàm phán trực tiếp dưới sự bảo trợ của Nga và Iran, đồng minh của chính quyền Syria và bên kia là Thổ Nhĩ Kỳ, ủng hộ đối lập.
Theo tổng biên tập báo al-Watan, thân tổng thống Syria, hội nghị ở thủ đô Kazakhstan theo quan điểm của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn trái ngược với chủ trương của Liên Hiệp Quốc trong các đợt đàm phán, thất bại, ở Genève. Mục tiêu lần này là giải quyết xung đột võ trang trước khi bước qua tiến trình đàm phán chính trị.
Trên chiến trường, Daech, lực lượng không tham gia hòa đàm, tiếp tục đánh. Lực lượng trung thành với tổng thống Bachar al Assad ở thành phố Deir Ezzor, phía bắc Syria, bị đe dọa nghiêm trọng sau ba ngày xung đột đẫm máu. Khu vực thành phố bị bao vây với 200.000 dân có nguy cơ không được tiếp liệu nếu phi trường quân sự lọt vào tay Daech.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170117-cac-nhom-noi-day-chong-damas-hoa-dam-qt
Nga: Còn sớm để xem xét phát biểu
đổi trừng phạt lấy cắt giảm vũ khí của ông Trump
Hôm thứ Hai, Nga nói còn quá sớm để nhận xét về các đề xuất chính sách từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người đề xuất trong một cuộc phỏng vấn với báo chí rằng ông sẽ ủng hộ việc bãi bỏ lệnh trừng phạt Nga để đổi lấy một thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói với các nhà báo: “Chúng ta hãy chờ đợi cho đến khi ông nhậm chức trước khi chúng tôi đưa ra đánh giá về bất kỳ sáng kiến nào”.
Ông Trump đã đưa ra phát biểu trên trong một cuộc phỏng vấn chung với báo The Times của London và báo Bild của Đức.
Ông đã chỉ trích sự can thiệp của Nga tại Syria và lặp đi lặp lại điều đã nói trong chiến dịch vận động của ông về NATO rằng liên minh này là “lỗi thời” và nhiều thành viên đã không đóng góp phần của họ. Nhưng ông cũng nói rằng “NATO rất quan trọng đối với tôi”.
Tại Brussels hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói phát ngôn của ông Trump đã gây “bất ngờ và lo lắng” giữa các nước thành viên NATO.
Đức nói phát biểu NATO ‘lỗi thời’ của ông Trump
khơi lên lo ngại
Bộ trưởng Ngoại giao Đức hôm thứ Hai cho biết phát biểu của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump rằng NATO đã lỗi thời khơi lên lo ngại khắp liên minh 28 thành viên này.
Phát biểu sau cuộc hội kiến tổng thư ký của liên minh Jens Stoltenberg tại Brussels, ông Frank-Walter Steinmeier nói rằng nhận định của ông Trump mâu thuẫn với những quan điểm được thể hiện bởi người được ông chọn làm bộ trưởng quốc phòng James Mattis. Ông cũng bày tỏ “sự kinh ngạc” về nhận định này. “Hôm nay tôi đã nói chuyện với không chỉ ngoại trưởng các nước trong khối EU mà còn với ngoại trưởng các nước trong NATO và có thể báo cáo rằng căng thẳng vẫn chưa lắng dịu,” ông Steinmeier nói với báo giới khi được hỏi về cuộc phỏng vấn của ông Trump hồi cuối tuần với báo Bild của Đức và Times of London của Anh.
“Rõ ràng những phát biểu của Tổng thống đắc cử Trump, rằng ông ấy xem NATO là lỗi thời, được nhìn nhận bằng nỗi lo lắng,” ông nói.
Ông Trump, người sẽ được tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào ngày thứ Sáu này, nói rằng NATO đã lỗi thời vì liên minh này đã không phòng vệ được trước những vụ tấn công khủng bố.
Ông cũng nói rằng ông luôn dành “nhiều sự tôn trọng” cho Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhưng chỉ trích quyết định của bà hồi năm 2015 cho phép làn sóng một triệu di dân nhập cảnh là một “sai lầm thảm họa” mở cửa cho những vụ tấn công khủng bố.
Từ những năm 1950 NATO vẫn được xem là nền tảng của hệ thống phòng thủ tây Âu, mở rộng khu vực hoạt động của mình trong thời hậu Chiến tranh Lạnh đến sát biên giới của Nga trước sự tức tối của nước này. Hiệp ước thành lập liên minh quy định các nước thành viên phải xem một cuộc tấn công nhắm vào bất kỳ nước nào là một cuộc tấn công nhắm vào tất cả các nước.
Một phát ngôn viên Điện Kremlin của Nga cho biết ông đồng ý với ông Trump rằng NATO, được các quan chức Nga mô tả là tổ chức thù địch còn sót lại từ thời Chiến tranh Lạnh, đã lỗi thời.
Tiền Anh lên giá một chút
cùng diễn văn Brexit của Thủ tướng Anh
Giá đồng tiền Anh Quốc nhích lên một chút ngày thứ Ba 17/01/2017 ngay khi Thủ tướng Theresa May đọc bài diễn văn quan trọng nhất, vạch ra hướng đi cho nghị trình Anh rời Liên hiệp châu Âu, tức Brexit.
Điểm quan trọng nhất bà May nêu ra là Anh Quốc chắc chắn sẽ rời thị trường chung châu Âu.
Nhưng bà nói Anh tìm kiếm một thỏa thuận về thuế quan với 27 nước còn lại trong EU.
Chi tiết này ngay lập tức thu hút nhiều bình luận về khả năng Anh có còn ở lại trong hiệp định thuế quan chung với EU hay không, và nếu có thì theo mô hình này.
Ra khỏi thị trường chung
Bà May cam kế làm việc hết mình với các đối tác thuộc EU để “có thương mại tự do” nhưng Anh Quốc “sẽ không còn nằm trong thị trường chung châu Âu”.
Đồng bảng sau ngày sụt giá mạnh hôm thứ Hai đã nhích lên được 1,222 USD, tức 1,4% trong giao dịch lúc trưa, giờ London.‘Anh rời EU nhưng không bỏ châu Âu’
Bà May nhấn mạnh “Anh Quốc rời EU nhưng không rời khỏi châu Âu” và nêu ra 12 mục tiêu cho quá trình rút khỏi Liên hiệp châu Âu.
Từ điển Oxford có thêm từ Brexit
• Công dân các nước EU tiếp tục được hoan nghênh tại AnhTheresa May
Bà cũng nêu ra các lĩnh vực như an ninh, quốc phòng mà Anh sẽ tiếp tục làm việc gần gũi với các nước EU.
Các điểm chính trong nghị trình Brexit của bà Theresa May:
Anh Quốc sẽ kiểm soát biên giới và không chấp nhận tự do đi lại và cư trú theo cách của EU
Luật châu Âu và các nghị định đã tồn tại sẽ được đưa vào hệ thống luật Anh
Nghị viện Anh sẽ có quyền bỏ phiếu về thỏa thuận cuối cùng khép lại quá trình Brexit
Công dân các nước EU tiếp tục được hoan nghênh tại Anh
Anh Quốc ra khỏi thị trường chung châu Âu
Tòa Công lý châu Âu sẽ không có quyền phán xử với Anh
Anh sẽ tìm kiếm các hiệp định thương mại trên thế giới
Thủ tướng Anh nói với 27 nước còn lại trong EU:
“Chúng tôi sẽ tiếp tục là đối tác đáng tin cậy, là đồng minh đầy ý nguyện, và bạn bè thân thiết.
Chúng tôi muốn mua hàng hóa của các bạn và bán cho các bạn hàng hóa của mình.
Chúng tôi muốn trao đổi thương mại với các bạn càng tự do thoải mái bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, và hợp tác với bất cứ ai để tạo môi trường an toàn cho tất cả, để có mối giao hảo tiếp tục thật thịnh vượng.“
Theo phóng viên chính trị của BBC Laura Kuensberger bình luận trực tiếp về bài diễn văn của bà May thì “trong vòng sáu tháng tới, các bộ trưởng của chính phủ Anh phải làm việc hết sức” nhằm cụ thể hóa các nét chính trong chương trình đàm phán rời EU của Anh.
Dự kiến bà May sẽ chính thức kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon trước ngày cuối cùng của tháng 3/2017, mở đường cho quá trình đàm phán này.
Sau bài phát biểu tại London, bà May nhận trả lời một số câu hỏi từ báo giới Anh và châu Âu, gồm cả phóng viên tờ Le Figaro, Pháp, và sau đó rời cuộc họp báo.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38652766
Tập Cận Bình hiện diện lần đầu ở Davos
Chủ tịch Trung Quốc nói về vai trò của Bắc Kinh trong kinh tế toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Sự hiện diện của ông Tập, lần đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tại phiên họp thường niên của giới chính khách, kinh doanh và ngân hàng tại Davos, diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh chưa rõ về chính sách mậu dịch và thương mại của Hoa Kỳ khi Tổng thống đắc cử Trump nhậm chức.
Nhà sáng lập ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab nói sự hiện diện của ông Tập là một chỉ dấu của sự thay đổi từ thế giới đơn cực do Hoa Kỳ khuynh đảo sang một hệ thống đa cực hơn trong đó các cường quốc như Trung Quốc sẽ đóng một vai trò lớn hơn.
“Chúng ta có thể hy vọng rằng Trung Quốc trong thế giới mới này sẽ đóng vai trò chủ động và trách nhiệm hơn,” ông Schwab nói.
Một mặt theo dự kiến ông Tập sẽ không đưa ra thông điệp “ăn miếng trả miếng” với ông Trump ở Davos, mặt khác ông Tập đã nói về việc bảo hộ mậu dịch là không tốt cho hợp tác kinh tế toàn cầu.
Phóng viên kinh tế BBC Kamal Ahmed cho rằng thông điệp của ông Tập sẽ nhiều khả năng không nhượng bộ, tức là ông sẽ nói rằng mậu dịch tự do trên toàn cầu mang lại thịnh vượng và động thái đi ngược lại sẽ chỉ làm tổn hại tới tăng trưởng kinh tế, cho châu Á cũng như các nền kinh tế phương Tây.
Với việc thiếu vắng các gương mặt lãnh đạo khác, đáng phải nói tới là thủ tướng Đức Angela Merkel, Trung Quốc đưa tới Davos một phái đoàn hùng hậu nhất từ trước tới nay.
Jack Ma, sáng lập viên của tập đoàn Alibaba và Vương Kiện Lâm, một trong những người giàu nhất Trung Quốc và là Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Đại Liên Vạn Đạt, đều có mặt ở Davos lần này.
Hoa Kỳ có thể “hướng nội” nhưng Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng.
“Việc cổ vũ mạnh tại WEF, như thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á để đối trọng với Ngân hàng Thế giới do Hoa Kỳ bảo trợ, việc phục hồi “Con tường Tơ lụa”, tuyến hành lang mậu dịch từ Á châu sang Trung Đông và vươn tới Âu châu, tất cả đều qui về một mối là tham vọng của ông Tập Cận Bình muốn mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc,” theo phóng viên kinh tế BBC Kamal Ahmed.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-38652896
MH370:
Gia đình nạn nhân nói dừng tìm kiếm là ‘vô trách nhiệm’
Gia đình các nạn nhân chuyến bay MH370 nói quyết định dừng cuộc tìm kiếm xác máy bay đã mất tích hồi tháng Ba 2014 là “vô trách nhiệm”.
Nhóm Voice370 nói cuộc tìm kiếm phải được mở rộng hơn – đó là “một trách nhiệm không thể chối cãi đối với công chúng sử dụng các chuyến bay”.
Chuyến bay MH370 mất tích khi đang bay từ Bắc Kinh đến Kuala Lumpur với 239 người trên khoang.
Hơn 120.000 km vuông trên Ấn Độ Dương đã được tìm kiếm mà không mang lại kết quả. Các mảnh vỡ thân máy bay đã được tìm thấy ở một số nơi xa như Madagascar.
Nhưng chỉ có 7 mảnh vỡ được xác định chắc chắn hay gần như chắc chắn thuộc về chiếc Boeing 777 này.
Có 227 hành khách thuộc 14 quốc tịch khác nhau và 12 nhân viên tổ bay trên chuyến bay này. 153 người trong số này là người Trung Quốc.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Richard Wescott, Phóng viên Giao thông của BBC bình luận:
Cuộc tìm kiếm dưới biển phát hiện ra núi lửa mới, các mỏ neo và xác tàu đã bị lãng quên từ lâu. Hệ thống định vị siêu âm dưới nước rà soát một vùng đáy biển còn ít được biết đến hơn bề mặt của mặt trăng. Đại dương hé lộ nhiều bí mật nhưng không có bí mật của MH370.
Đã có nhiều lần có tin mừng hụt. Có lần đội tìm kiếm liên lạc với thủ tướng Úc và nói ông hãy chuẩn bị ra tuyên bố về kết quả tìm kiếm. Nhưng khi họ đưa một camera xuống nước để xem xét một vật có hình thể lạ, họ chỉ tìm thấy một xác tàu khác.
Các chuyên gia tìm kiếm bằng tàu phải chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất trên trái đất. Không có trực thăng nào có thể đến những nơi họ đang tìm kiếm.
Họ đã cố hết sức để tìm lời giải cho bí mật này, nhưng họ không tìm được gì.
Tiếp theo là gì?
Các gia đình nạn nhân phải chịu nỗi đau lớn khi không có câu trả lời. Đã hơn hai năm trôi qua kể từ khi chuyến bay mất tích và họ sẽ vận động để cuộc tìm kiếm được tiếp tục. Các phân tích khoa học mới cho thấy nơi chuyến MH370 rơi có lẽ chệch sang phía Bắc của địa điểm tìm kiếm hiện tại. Có khả năng các công ty tư nhân sẽ trả chi phí cho một cuộc tìm kiếm mới. Có thể là Boeing?
Nhưng hiện giờ cuộc tìm kiếm MH370 còn chưa có hồi kết, và câu trả lời còn để ngỏ cho những “nhà lý thuyết” trên Internet điền vào chỗ trống.
Những bí ẩn như thế này sẽ không bao giờ được lãng quên.
Khi tuyên bố dừng cuộc tìm kiếm, Úc, Malaysia và Trung Quốc nói “chúng tôi không phát hiện được thông tin mới nào để xác định địa điểm cụ thể của máy bay này” mặc dù đã có nhiều cuộc nghiên cứu.
Họ vẫn còn hy vọng trong tương lai sẽ có được thông tin mới.
Tuy vậy, nhóm Voice370, một nhóm hỗ trợ các gia đình nạn nhân, nói cuộc tìm kiếm phải được mở rộng thêm trên vùng rộng 25.000 km vuông ở phía Bắc địa điểm tìm kiếm hiện nay, theo khuyến cáo từ một báo cáo của Cục An toàn Giao thông Úc tháng 12 năm ngoái.
“Dừng ở thời điểm này là vô trách nhiệm, và thể hiện sự thiếu lòng tin vào các số liệu, công cụ và khuyến nghị của đội ngũ chuyên gia do chính các nước này đề cử.”
Một báo cáo hồi tháng 11/2016 nói chuyến bay này có lẽ đã “hạ độ cao nhanh” xuống Ấn Độ Dương.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38650476
Campuchia:
Hủy tập trận với Mỹ không liên quan đến Trung Quốc
Bộ Quốc phòng Campuchia nói rằng Trung Quốc không liên quan gì đến việc Phnom Penh quyết định ngưng chương trình huấn luyện chung với Hoa Kỳ trong 2 năm tới.
Trả lời hãng thông tấn AFP, phát ngôn viên Chhum Socheat của Bộ Quốc Phòng Campuchia nói rằng chương trình huấn luyện với binh sĩ Mỹ phải hủy bỏ vì binh sĩ Campuchia phải bảo vệ an ninh cho cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng Sáu sắp đến, nói rõ đây là quyết định của Phnom Penh, không hề có chuyện bị áp lực hay ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Trước đó, các giới chức quốc phòng Campuchia có nói là ngoài việc bảo vệ an ninh để tổ chức bầu cử, binh sĩ nước họ còn phải tham gia vào chương trình bài trừ ma túy, nên không có thì giờ để tập trận chung với Mỹ.
Cuộc tập trận thường niên mang tên Angkor Sentinel được quân đội Hoa Kỳ và Campuchia thực hiện liên tục trong 7 năm qua. Trước ngày loan báo hủy bỏ chương trình huấn luyện chung với Hoa Kỳ trong 2 năm tới, binh sĩ Campuchia đã tham dự cuộc tập trận chung với binh sĩ Trung Quốc.
Quân đội Đài Loan tập trận nhằm đối phó với Trung Quốc
Hôm nay, Đài Loan bắt đầu cuộc tập trận kéo dài 2 ngày, nhằm đo lường khả năng chiến đấu của binh sĩ trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công.
Các bản tin được những hãng thông tấn nước ngoài gửi từ Đài Bắc cho thấy cuộc tập trận diễn ra ở miền trung của Đài Loan, với sự tham dự của không quân, thiết giáp và pháo binh.
Trong cuộc họp báo để nói về cuộc tập trận, phát ngôn viên Trần Trung Cát của Bộ Quốc Phòng Đài Loan nói rằng quân đội có những biện pháp tích cực để đối phó với tình hình ở eo biển Đài Loan và tại Biển Đông. Ông còn kêu gọi dân chúng Đài Loan an tâm, vì ngày nào quân đội cũng tăng cường đào tạo để bảo vệ an ninh quốc phòng.
Cuộc tập trận diễn ra trong lúc căng thẳng Bắc Kinh-Đài Bắc đang tăng cao. Tuần trước, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc đi ngang qua eo biển Đài Loan, dù không vào hải phận nhưng ở trong vùng nhận dạng phòng không của Đài Bắc.
Chủ tịch Trung Quốc
khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos
Thứ Ba 17/01/2017, ngày khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên tại Davos, trung tâm trượt tuyết nổi tiếng của Thụy Sĩ. Trước 3000 doanh nhân, kỹ nghệ gia, lãnh đạo các đại tập đoàn và chính trị, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi « tái cân bằng toàn cầu hóa kinh tế » trong bối cảnh nạn thất nghiệp làm xu hướng bảo hộ mậu dịch thắng thế tại Mỹ và châu Âu.
Từ Davos, đặc phái viên Mounia Daoudi tường thuật :
” Ban tổ chức không tiết kiệm phương tiện đến mức dời ngày khai mạc Diễn đàn kinh tế thường niên sớm hơn một tuần lễ để lãnh đạo Trung Quốc có thể tham dự mà không bị xáo trộn chương trình đón Tết âm lịch.
Ông Tập Cận Bình sẽ đọc diễn văn khai mạc. Bên cạnh chủ tịch Trung Quốc có nhiều đại gia Trung Quốc như Mã Vân, sáng lập viên đại công ty thương mại trên mạng Alibaba hay Trương Á Cần, chủ tịch Bách Độ (Baidu), công cụ tìm kiếm đối thủ của Google.
Mặc dù kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng khá vững chắc, 6,7% trong năm 2017 theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế trong giai đoạn biến chuyển và phải đương đầu với nhiều thử thách mà nghiêm trong nhất là nợ của các xí nghiệp, chiếm gần 170% tổng sản lượng quốc gia GDP. Ông Tập Cận Bình đến Davos để cam kết với thế giới về quyết tâm cải cách nền kinh tế thứ hai của địa cầu.
Trung Quốc tham gia Davos với một phái đoàn hùng hậu để khẳng định sức mạnh mậu dịch, qua kiên trì xây dựng mạng lưới « con đường tơ lụa mới ». Lãnh đạo Trung Quốc cũng nhân cơ hội này để tự quảng cáo vai trò bảo vệ tự do thương mại trong ngôi đền toàn cầu hóa là Davos vào thời điểm Hoa Kỳ, theo đà chiến thắng của Donald Trump, tỏ dấu hiệu co cụm trong khi châu Âu phải đối phó với hệ quả Brexit.
Thường xuyên bị các đối tác thương mại tố cáo chính sách hỗ trợ xuất khẩu bất chính, Bắc Kinh muốn bảo vệ tầm nhìn về một nền kinh tế toàn cầu hóa phân phối đồng đều. Lập luận này không phải là nghịch lý duy nhất tại Davos. “
Trong phần phát biểu, chủ tịch Trung Quốc kêu gọi thực hiện toàn cầu hóa kinh tế một cách « cân bằng » để kinh tế thế giới « vững bền hơn, chia sẻ đồng đều hơn ». Theo ông Tập Cận Bình, không thể vì nạn thất nghiệp, di dân và khủng hoảng tài chính mà tìm cách cản trở tự do đầu tư, tự do thương mại và trao đổi công nghệ. Lời chỉ trích gián tiếp nhắm vào chủ nhân mới tại Nhà Trắng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170117-davos-trung-quoc-dien-dan-kinh-te-the-gioi-davos-qt
Donald Trump tìm cách đưa các nhà báo ra khỏi Nhà Trắng
Chỉ ít hôm trước lễ nhậm chức tổng thống của ông Donald Trump tại Nhà Trắng, các nhà báo thuộc Hiệp Hội Phóng Viên Nhà Trắng (White House Correspondents’ Association) rất lo ngại trước tin ê kíp của tổng thống đắc cử không loại trừ việc xóa bỏ phòng họp báo trong Nhà Trắng, cũng như quy chế hiện diện thường trực của báo giới tại phòng Bầu Dục, tức văn phòng của tổng thống Hoa Kỳ. Hiệp Hội Phóng Viên Nhà Trắng liên tục theo sát đưa tin về các hoạt động của tổng thống Mỹ kể từ cuối thế kỷ XIX, với mục tiêu bảo đảm minh bạch.
Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio cho biết cụ thể,
« Donald Trump không giấu thái độ thù địch đối với truyền thông. Cuộc họp báo hôm 11/01 là một ví dụ, một nữ phóng viên của kênh truyền hình CNN đã bị ngăn không cho đặt câu hỏi, và thậm chí bị đe dọa trục xuất.
Ngay hôm sau vụ việc này, thư ký Nhà Trắng tương lai thông báo đang xem xét việc rời vị trí của phòng họp báo của tổng thống. Lý do chính thức là do phòng ốc không đủ tiêu chuẩn : phòng họp chỉ có 50 chỗ ngồi, các nhà báo phải chen chúc nhau trong buổi họp báo hàng ngày. Trên thực tế, điểm được coi là bất lợi cho một phòng họp báo lại có một tiện ích hiển nhiên. Đó là phòng này nằm ở cánh tây của Nhà Trắng, ngay sát văn phòng của người phát ngôn.
Ê kíp Trump cũng không che giấu ý định mở rộng cơ sở họp báo này để có thể đưa vào thánh địa của nền chính trị Mỹ cả các phương tiện truyền thông có thái độ ủng hộ Donald Trump, như một số trang mạng và blogger được coi là thuộc phe của tổng thống tân cử.
Tuy nhiên, do bị phản đối mạnh, các cố vấn của tổng thống tân cử khẳng định là hiện tại chưa có gì được quyết định. Phòng họp báo có thể vẫn ở vị trí cũ, nhưng điểm họp báo hàng ngày có thể sẽ phải di chuyển, để cho phép tiếp nhận cả những gương mặt mới ».
Reuters hôm thứ Bảy, 14/01/2017, cho biết, ê kíp của Donald Trump có ý định chuyển phòng họp báo hiện nay sang Trung tâm báo chí của Nhà Trắng hoặc tòa nhà Hành pháp Eisenhower, nằm sát Nhà Trắng.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170117-ong-trump-tim-cach-dua-cac-nha-bao-ra-khoi-nha-trang
Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung :
kịch bản ít có khả năng xảy ra
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa : Vì cần Mỹ để kiếm lời, Bắc Kinh sẽ đấu dịu với chính quyền Trump. Là người thực dụng, tổng thống tương lai của nước Mỹ chơi trò “dọa” trước, “dụ” sau để mặc cả với Trung Quốc. Viễn cảnh Hoa Kỳ dưới chính quyền Trump khai chiến với “cơ xưởng sản xuất của thế giới” ít có khả năng xảy ra.
Lý do thứ nhất, đành rằng đã hứa với cử tri đánh thuế 45% hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ, nhưng điều đó không cấm cản doanh nhân Trump, trước khi đắc cử đã làm ăn rộng rãi với Trung Quốc. Theo như điều tra của hãng tin Pháp AFP, năm 2016 tập đoàn Trump đăng ký để giữ bản quyền đối với 45 sản phẩm mang dấu ấn nhà tỷ phú địa ốc New York, và hiện có tới 72 mặt hàng có nhãn hiệu Trump đã lưu hành trên xứ của ông Tập Cận Bình.
Lý do thứ hai khiến cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế số 1 và 2 trên thế giới không xảy ra do Mỹ là “con bò sữa” của các nhà đầu tư, của giới sản xuất và xuất khẩu Trung Quốc. Về điểm này, nhìn từ California, chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa nhấn mạnh : cả về thương mại lẫn tài chính, Trung Quốc lệ thuộc nhiều vào Mỹ hơn là Hoa Kỳ cần đến “cơ xưởng sản xuất của thế giới”.
Nguyễn Xuân Nghĩa : Xin nói về bối cảnh trước. Thứ nhất, Trung Quốc hết là chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ từ tháng 11/2016. Ngôi vị đó thuộc về Nhật Bản. Thứ hai, Bắc Kinh là chủ nợ của Hoa Kỳ khi mua công khố phiếu Mỹ vì :
Thứ nhất, không có cách đầu tư nào an toàn và có lợi hơn khi các thị trường Eurozone, Nhật Bản, Anh, hay Thụy Sĩ không an toàn bằng hoặc lại quá nhỏ.
Thứ hai là mua công khố phiếu Mỹ làm phân lời và lãi suất Hoa Kỳ giảm khiến dân Mỹ càng dễ mua hàng rẻ của Trung Quốc.
Thứ ba, trong quá khứ có lúc Bắc Kinh tưởng mình nắm trong tay vũ khí tài chánh khi là chủ nợ của Mỹ nhưng đấy là ảo giác. Năm qua, Bắc Kinh bán ra 11% số đầu tư vào công khố phiếu và trái phiếu Hoa Kỳ mà chẳng làm thị trường Mỹ nhúc nhích.
Thứ tư, theo thống kê sau cùng của Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ tính đến cuối tháng 10/2016, Bắc Kinh nắm trong tay 1.150 tỷ đô la công khố phiếu, và nếu kể thêm các loại trái phiếu hay chứng khoán tư doanh thì đến tháng 6/2016, họ nắm tổng cộng 1.840 tỷ đô la, con số thật ra không đáng kể so với tổng số công trái Hoa Kỳ là gần 20 ngàn tỷ Mỹ kim.
Thứ năm, từ gần bốn ngàn tỷ Mỹ kim vào đầu năm 2015, dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh đã mất 20% và tính đến tuần qua thì chỉ còn ba ngàn mốt thôi. Họ đang bị nạn tẩu tán tài sản. Sau cùng, kho đạn của Trung Quốc hết còn dồi dào như trước nhưng tỷ trọng Mỹ kim trong kho đạn ấy vẫn cao nhất sau quyết định kiểm soát tư bản vào tuần qua, và khó chịu nhất đối với Trung Quốc là vẫn phải ràng giá đồng bạc vào tiền Mỹ, mà trị giá đô la lên hay xuống lại chẳng do Bắc Kinh quyết định. Chính Trung Quốc mới bị mất thế chủ động. Với các đấng con trời tại Bắc Kinh thì chuyện đó rất quan trọng.
Chính quyền Trump và ông khổng lồ Trung Quốc
Nguyễn Xuân Nghĩa : Ta hãy nhìn vào trận thế kinh tế giữa hai nước nếu chính quyền Donald Trump thực hiện những điều đã nói khi tranh cử : Đầu tiên, khi đôi bên khai chiến về mậu dịch thì cả hai đều bị thiệt hại, nhưng Trung Quốc bị nặng hơn vì cần kinh tế Mỹ hơn là kinh tế Mỹ cần Trung Quốc. Lý do đơn giản là kinh tế Trung Quốc lệ thuộc vào xuất cảng nhiều hơn, gấp đôi nước Mỹ khi so với tổng sản lượng. Thống kê tuần qua cho thấy xuất cảng của Trung Quốc đã giảm trong hai năm liền và đấy là điều rất đáng ngại, trong khi ấy kinh tế Mỹ không cần hàng rẻ của Trung Quốc bằng kinh tế Bắc Kinh cần sản phẩm cao cấp của Mỹ.
Mỹ không để bị bắt bí
Nguyễn Xuân Nghĩa : Trong trận đánh này, Bắc Kinh có thể chiếm một lợi thế là giữ vị trí gần như độc quyền về đất hiếm, hay kim loại quý cần thiết cho công nghiệp cao cấp, vì sản xuất chừng 89% của sản lượng toàn cầu, nhưng kinh tế Mỹ vẫn có nguồn cung cấp khác ngay trong nước và đã khởi động việc này sau 15 năm lãng quên khi thấy Bắc Kinh dùng đất hiếm để bắt bí Nhật Bản mấy năm trước.
Hoa Kỳ còn dư công xuất về kỹ nghệ chế biến và có thể tìm ra thị trường xuất cảng khác nếu Bắc Kinh đóng cửa thị trường của mình. Thứ nữa, lãnh đạo Bắc Kinh đang có nhiều vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị trong nội bộ nên chưa chắc đã muốn gây chiến với Mỹ, trong khi ban tham mưu do ông Trump bổ nhiệm đều đầy kinh nghiệm đàm phán và luật pháp để sẵn sàng lâm chiến.
Cho nên, lần đầu tiên từ gần 40 năm nay, Bắc Kinh gặp một chính quyền liều lĩnh hơn tám đời tổng thống Mỹ ! Chính vì vậy mà tôi nói ngược : Bắc Kinh tìm cách dàn xếp để tránh chiến tranh mậu dịch với Hoa Kỳ. Các kinh tế gia Âu-Mỹ cứ sợ sự hung hãn của Donald Trump thật ra chẳng hiểu gì một doanh gia có máu con buôn còn lạnh lùng hơn đám lãnh đạo lý tài của Bắc Kinh.
Cuộc đọ sức với các đại gia ngành công nghệ xe hơi
Một hồ sơ khác đang gây chú ý trong những ngày cuối cùng trước khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng đó là khả năng can thiệp của chính quyền Mỹ đối với ngành công nghiệp xe hơi. Ford từ bỏ dự án đầu tư 1,6 tỷ đô la vào Mêhicô, dùng một phần khoản tiền nói trên để nâng cấp nhà máy đã có sẵn tại Flat Rock, bang Michigan, với mục đích tạo thêm 700 chỗ làm cho người lao động Mỹ. Quyết định này được đưa ra vài giờ sau khi tổng thống tương lai của Hoa Kỳ dọa một đại gia trong ngành xe hơi khác là GM với vỏn vẹn thông điệp trên Twitter : “Hoặc là sản xuất tại Mỹ, hoặc là đóng thuế”.
Không chỉ thị uy với các hãng xe Mỹ, ông Trump còn dọa luôn cả các tập đoàn xe hơi ngoại quốc : nạn nhân đầu tiên của ông là Toyota, kế tới hãng xe Đức BMW cũng trong tầm ngắm của Donald Trump. Đấy chỉ là những lời hăm dọa suông hay ông Trump có phép lạ đem lại việc làm cho công nhân Mỹ ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Từ khi thắng cử và trước khi nhậm chức, Donald Trump đã vừa dọa vừa dụ cả chục tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ không chỉ trong ngành xe hơi mà trong nhiều địa hạt khác và thực tế thì có đạt kết quả biểu kiến, về hình thức, khi các doanh nghiệp này đều nhượng bộ. Số việc làm thật ra không nhiều nhưng cho thấy một luật chơi khác.
Luật chơi ấy có phần “dọa” vì lấy quan điểm quần chúng và tinh thần ái quốc làm áp lực khiến các tổ hợp lớn sợ bị mang tiếng là ham làm giầu mà không thương người lao động. Mặt bên kia của luật chơi là phần “dụ”, bằng đòn bẩy thuế khóa qua kế hoạch cải tổ thuế khóa rộng lớn để giảm thuế cho doanh nghiệp loại vừa và nhỏ và để khuyến khích các tập đoàn lớn hồi hương khoảng 2.500 tỷ đô la đầu tư ở hải ngoại nhờ sẽ được thuế suất thấp hơn.
Trump, một thách thức đối với bên Lập Pháp và truyền thông ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Kỹ nghệ chế biến của Mỹ có năng suất rất cao nên sản xuất nhiều hơn mà cần ít nhân công hơn vì vậy vấn đề là khoa học và tổ chức sản xuất chứ không phải là vì mậu dịch. Do đó, việc đem lại việc làm cho công nhân Mỹ chỉ có giới hạn chứ không thể giải quyết theo kiểu ép buộc như vậy mà còn phải đi cùng chánh sách giáo dục, đào tạo và huấn nghệ.
Tuy nhiên, Quốc Hội Mỹ cũng do dân bầu ra và năm tới có 435 dân biểu và hơn 30 nghị sĩ cần tái tranh cử và sợ thất cử nếu không làm gì cho giới lao động, người thất nghiệp và dân nghèo. Khi phóng các thông điệp qua Twitter như “người khùng”, thật ra Donald Trump muốn nói thẳng với quần chúng qua đầu truyền thông báo chí và các chính trị gia để dùng đòn bẩy của quần chúng gây sức ép với giới chính trị sẽ phải xin phiếu cử tri !
Cũng phải nói đa số Cộng Hòa không ưa tinh thần bảo hộ mậu dịch như ông Trump làm bộ chủ trương, nhưng bên Dân Chủ thì nhiều người hậu thuẫn chủ trương bảo hộ và đồng ý với việc chính quyền can thiệp vào doanh trường vì mục tiêu xã hội ông Trump vẫn còn đòn bẩy, dù chưa thể tạo ra phép lạ.
Nếu ông Trump đạt một số kết quả khả quan trong năm nay thì qua năm tới ta mới thấy hết đòn phép kinh tế chính trị của nhân vật kỳ lạ này. Nếu không, Donald Trump chỉ là tổng thống một nhiệm kỳ và qua năm 2020 ta mới thấy một tổng thống khác sẽ phải giải quyết những vấn đề quá lớn của nước Mỹ đã khiến ông Trump đắc cử. Đây mới chỉ là giai đoạn khởi đầu mà thôi.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170117-chien-tranh-thuong-mai-my-trung-tc-kt