Tin khắp nơi – 16/12/2017
Chính quyền Trump ra quy định mới
cho chương trình miễn visa vào Mỹ
Chính quyền Trump hôm thứ Sáu ban hành những quy định mới cho 38 nước tham gia Chương trình Miễn Thị thực Hoa Kỳ, bao gồm quy định họ phải sử dụng dữ liệu chống khủng bố của Mỹ để rà soát hành khách, các quan chức cho biết.
Chương trình này cho phép công dân của chủ yếu là các nước Châu Âu du hành tới Mỹ trong thời gian 90 ngày mà không cần visa. Công dân từ 38 nước được yêu cầu phải có thứ được gọi là sự cấp phép du hành để nhập cảnh Mỹ.
Tổng thống Donald Trump vẫn đang tìm cách thắt chặt những quy định đối với những người muốn đến thăm hoặc sống ở Mỹ bằng một số cách, nói rằng những hạn chế này là cần thiết vì lý do an ninh.
Những thay đổi này sẽ áp dụng cho tất cả các nước trong chương trình. Một thay đổi là họ sẽ được yêu cầu sử dụng thông tin của Mỹ để rà soát hành khách vượt qua biên giới từ một nước thứ ba. Nhiều nước trong chương trình này đã làm như vậy, một quan chức chính quyền cho biết.
Các nước có công dân ở lại lâu hơn thời hạn cho phép trong các chuyến thăm tới Mỹ với tỉ lệ tương đối cao hơn sẽ được yêu cầu thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức công chúng về những hậu quả của việc ở lại quá hạn. Một hình phạt hiện hành là những người ở lại quá hạn một chuyến thăm sẽ không thể du hành mà không có visa tới Mỹ trong tương lai.
Ngưỡng cho tỉ lệ ở quá hạn visa khiến một nước phải mở chiến dịch tuyên truyền công cộng là hai phần trăm, các quan chức cho biết. Trong năm tài chính 2016, trong số các nước thuộc chương trình này, Hy Lạp, Hungary, Bồ Đào Nha, và San Marino, một tiểu quốc giàu có nằm ở trung tâm nước Ý, có tỉ lệ ở quá hạn visa cao hơn hai phần trăm, theo một báo cáo của Bộ An ninh Nội địa.
Tỉ lệ ở quá hạn visa chung cho các quốc gia thuộc Chương trình Miễn Thị thực là 0,68 phần trăm, thấp hơn các quốc gia không thuộc chương trình này, ngoại trừ Canada và Mexico, hiện ở mức 2,07 phần trăm, theo báo cáo.
Các thành viên Quốc hội đã bày tỏ lo ngại về các nguy cơ an ninh của việc ở lại quá hạn visa. Một báo cáo hồi tháng 5 năm 2017 của Tổng thanh tra Bộ An ninh Nội địa cho thấy bộ này thiếu một hệ thống toàn diện để thu thập thông tin về khách rời đi, buộc họ phải dựa vào dữ liệu của bên thứ ba để xác nhận những trường hợp rời đi, mà đôi khi bị lỗi.
Mỹ cũng sẽ bắt đầu thẩm định các nước trong chương trình về các biện pháp bảo vệ của họ chống lại các “mối đe dọa nội bộ” tại các sân bay của họ, đặc biệt là các chuyến bay trực tiếp đến Mỹ.
Mục đích là để bảo đảm các nước này “bảo đảm rằng nhân viên sân bay, nhân viên hàng không, không bị tha hóa hoặc bị buộc tiếp tay đề ra nguy cơ cho các máy bay, đặc biệt là các máy bay hướng đến Mỹ.”
Bắc Hàn ‘tấn công’ giao dịch tiền ảo Nam Hàn
Cơ quan tình báo của của Hàn Quốc tin rằng Bắc Hàn đứng sau các cuộc tấn công tin học vào một giao dịch tiền ảo ở miền Nam, các nguồn cho hay.
Ít nhất 7 triệu đô la tiền kỹ thuật số đã bị đánh cắp trong vụ trộm cắp – mặc dù giá trị số tiền hiện nay đã tăng lên mức 82,7 triệu đô la.
Bitcoin là “mỏ vàng” hay “bong bóng”?
Bitcoin ra mắt trên sàn giao dịch lớn
Mã độc WannaCry liên quan Bắc Hàn?
Tin tặc Bắc Hàn có thể nhắm tới các đồng tiền ảo để trốn tránh các hình phạt tài chính được áp đặt như là hình phạt đối với việc phát triển vũ khí hạt nhân của Bình NhưỡngGiới phân tích
Các tin tặc cũng lấy trộm thông tin cá nhân của khoảng 30.000 người.
Những người này đang giao dịch các loại tiền ảo Bitcoin và Ethereum trên sàn giao dịch điện tử Bithumb.
Dựa vào khối lượng giao dịch gần đây, Bithumb là sàn giao dịch lớn nhất của Hàn Quốc và là một trong năm sàn lớn nhất trên thế giới.
Các nhà phân tích nói tin tặc Bắc Hàn có thể nhắm tới các đồng tiền ảo để trốn tránh các hình phạt tài chính được áp đặt như là hình phạt đối với việc phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
‘Bị nhắm mục tiêu’
Bắc Hàn ‘đánh cắp kế hoạch chiến tranh của Mỹ-Nam Hàn’
Ukraine: ‘Nga đứng sau vụ tấn công mạng’
Cuộc tấn công này được cho là có từ tháng Hai năm 2017, khi máy tính cá nhân của một nhân viên Bithumb bị nhắm mục tiêu – mặc dù việc này chỉ được phát hiện vào tháng Sáu.
Các tin tặc cũng yêu cầu thêm khoảng 5,5 triệu đô la từ Bithumb để đổi lấy việc thông tin cá nhân của những người kinh doanh tiền ảo không bị xóa.
Các nguồn tin trong cơ quan phản gián, Cục Tình báo Quốc gia, cũng nghi ngờ Bắc Hàn đứng đằng sau cuộc tấn công vào một giao dịch khác, Coinis, vào tháng Chín, theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap.
Tuy nhiên, một nỗ lực tấn công tiếp theo trong tháng Mười đã bị cản trở.
Bằng chứng hiện đã được chuyển cho các công tố viên.
Hiện tại, các đồng tiền tệ ảo không được các cơ quan tài chính của Hàn Quốc điều tiết, nhưng họ đang cam kết sẽ tăng cường quy định.
Ba ngày trước, chính phủ Hàn Quốc đã áp đặt mức phạt tổng cộng 55.000 đô la vào Bithumb vì không bảo vệ được thông tin của người sử dụng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hồi tháng 10/2017 nói việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.
Văn bản của Ngân hàng Nhà nước gửi cơ quan báo chí hôm 28/10 khẳng định bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Tuy nhiên việc giao dịch bitcoin trên thị trường “chợ đen” (thông qua môi giới) đã và đang diễn ra tại Việt Nam, theo một nhà quan sát muốn ẩn danh nói với BBC.
Được biết các “cò bitcoin” có tài khoản mua bán trên thị trường thế giới kinh doanh dựa vào ăn chênh lệch tỉ giá giữa bitcoin/usd trên các sàn thế giới với “tỉ giá chợ đen” dựa vào nhu cầu mua bán bitcoin của nhà đầu tư tại Việt Nam.
Hiện chưa rõ có làn sóng “chốt lời” chứng khoán tại Việt Nam, vốn tăng điểm mạnh trong năm 2017, để chuyển qua buôn bán bitcoin hay không.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-42379058
Nam Hàn có bị Trung Quốc xử tệ?
Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in ăn bữa ba món đầu tiên ở Trung Quốc một mình vì Thủ tướng nước chủ nhà, Lý Khắc Cường hủy bữa ăn với khách Hàn Quốc.
Một phóng viên ảnh Nam Hàn theo đoàn tổng thống Moon bị bảo vệ Trung Quốc đánh dập mặt và đẩy ngã xuống đất và bị đá túi bụi tại sự kiện thương mại tại Bắc Kinh.
Phóng viên này đã bị nứt xương mặt và vỡ mạch máu một bên mắt.
Trung Quốc tẩy chay phim Hàn vì tên lửa
Nam Hàn đề nghị đàm phán quân sự liên Triều
Bắc Hàn bác đề nghị Olympic của Nam Hàn
Cùng một đồng nghiệp khác cũng bị đánh nhẹ hơn, anh này đã về Hàn Quốc hôm thứ Sáu để điều trị.
Danh tính của hai phóng viên bị đánh không được tiết lộ.
Thông cáo của Hiệp hội Phóng viên ảnh Nam Hàn (KPPA) đặt câu hỏi: “Liệu đây có phải nghi thức kiểu Trung Quốc khi mời khách đến và đánh họ ngay trong phòng khách?,” tờ Guardian của Anh viết.
Hai việc này khiến phe đối lập Hàn Quốc kêu gọi Tổng thống Moon Jae-in cắt ngắn chuyến thăm.
Báo Hàn cũng nói phía Trung Quốc liên tiếp coi thường ông Moon và ngay phút đầu đã chỉ cử một trợ lý bộ trưởng ra sân bay đón ông.
Tuy thế, ông Moon vẫn tiếp tục chuyến công du và tới cả Trùng Khánh.
Phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đổ trách nhiệm cho phía Nam Hàn thuê bảo vệ người Trung Quốc.
Tổng thống Nam Hàn sẽ thăm Bắc Kinh
So sánh dân quyền Việt Nam và Hàn Quốc
Trung Quốc nói rằng họ đang điều tra vụ phóng viên ảnh Nam Hàn bị đánh.
Chuyến thăm của Tổng thống Moon nhằm cải thiện mối quan hệ bị nguội lạnh sau khi Nam Hàn đồng ý cho Hoa Kỳ đặt hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ của họ để phòng vệ nguy cơ tấn công từ miền Bắc. Trung Quốc nói rằng đây là mối đe dọa đối với an ninh với họ.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42334895
‘Uber dùng tay trong đánh cắp bí mật thương mại’
Uber thiết lập một đội ‘tay trong’ được giao nhiệm vụ đánh cắp bí mật thương mại của đối thủ cạnh tranh, bức thư do một tòa án Mỹ công bố hôm 15/12 tiết lộ.
Đây là bằng chứng quan trọng trong cuộc chiến pháp lý của Uber với Waymo, công ty chế tạo xe tự hành cáo buộc Uber đánh cắp công nghệ của họ.
Bức thư do các luật sư đại diện cho một cựu nhân viên của Uber gửi, làm dấy lên cuộc điều tra nội bộ khi thư được gửi đến Uber hồi tháng 5/2017, nhưng vẫn chưa được công khai đến nay.
Chủ tịch Uber Jeff Jones từ chức
Kiến nghị nghị dừng taxi Uber và Grab ở Hà Nội
Uber đuổi người vì cáo buộc quấy rối tình dục
TPHCM: Taxi công nghệ ‘gấp đôi’ taxi truyền thống
Thông cáo của Uber viết: “Trong lúc tất cả các cáo buộc trong bức thư này không có căn cứ – và, quan trọng hơn, bất kỳ điều gì liên quan nào đến Waymo – dàn lãnh đạo mới của chúng tôi muốn làm rõ rằng hướng sắp tới của chúng tôi là cạnh tranh một cách trung thực và công bằng dựa vào ý tưởng và công nghệ của chúng tôi.”
Những cáo buộc trong bức thư được đưa ra bởi Richard Jacobs, người làm tại Uber cho đến tháng 2/2017. Ông ta nghỉ việc sau một vụ việc mà ông cảm thấy mình bị giáng cấp một cach bất công. Không lâu sau đó, ông đã gửi bức thư cáo buộc hành vi sai trái này.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42334894
Doug Jones, nghị sĩ tân cử bang Alabama là ai?
Thượng nghị sĩ tân cử Doug Jones là ứng cử viên Đảng Dân chủ đầu tiên phá vỡ được gọng kềm của Đảng Cộng hoà tại Alabama, chiếm được chiếc ghế Thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang “bảo thủ nhất nước Mỹ”, thành trì của Đảng Cộng hoà trong suốt hơn 25 năm qua. VOA-Việt ngữ thu thập một số chi tiết về cá nhân và sự nghiệp của “người hùng của Đảng Dân chủ”, Doug Jones.
Ông Jones, 63 tuổi, sinh trưởng tại thành phố Fairfield, một khu của người lao động nằm về hướng Tây Birmingham, nơi mà một thời các nhà máy thép hoạt động mạnh, thổi lên không những cột khói dầy tạo ra một lớp khói mù treo lơ lửng trên thành phố. Cha của ông Jones, và trước đó ông của ông, làm việc tại nhà máy thép. Ông ngoại thì làm việc tại một mỏ than. Cá nhân ông Jones cũng đã từng làm việc tại nhà máy này khi trường không mở cửa.
Hiện là một luật sư hành nghề tự do, ông Jones cư ngụ chỉ cách quê cũ của ông có vài dặm, tại khu ngoại ô Mountain Brook, địa phương được cho là giàu sang nhất bang Alabama, với thu nhập gia đình trung bình ước lượng 255.000/năm, theo Cục Kiểm tra Dân số.
Sự nghiệp chính trị của Doug Jones khởi sự khi ông nhận làm phụ tá cho chính khách Đảng Dân chủ cuối cùng được bầu vào Thượng viện tại Alabama, cố Thượng nghị sĩ Howell Heflin.
Sau khi tốt nghiệp trường luật của đại học Samford vào năm 1979, ông Jones trở thành cố vấn pháp lý trong Ủy ban Tư Pháp của Thượng nghị sĩ Heflin, và cho tới bây giờ vẫn coi ông Heflin như một tấm gương để noi theo.
Ông Heflin viện lý do sức khỏe khi ông từ chức khỏi Thượng viện, và ứng cử viên Đảng Cộng hoà Jeff Sessions được bầu lên thay thế vào năm 1996.
Giờ đây Doug Jones lại giành lại chiếc ghế tại Thượng viện mà ông Sessions bỏ trống khi ông được Tổng thống Donald Trump đề cử làm Bộ trưởng Tư pháp. Cho tới khi ông Jones chính thức nhận nhiệm vụ, người được Đảng Cộng hoà chọn để trám chỗ trống đó là ông Luther Strange.
Thành tích của Doug Jones
Nhiều năm trước khi ra tranh cử vào Thượng viện, Doug Jones đã nổi tiếng trong vụ truy tố hai thành viên của KKK, nhóm khét tiếng là kỳ thị người da đen, về tội đánh bom một nhà thờ Tin Lành ở Birmingham, một tội ác tàn bạo đã giết hại 4 thiếu nữ da đen vào năm 1963.
Một thành viên của KKK bị kết tội trong vụ nổ hồi năm 1977, và một cuộc điều tra mới đang được tiến hành khi Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm ông Jones làm công tố viên ở Birmingham hồi năm 1997. Trong cương vị đó, ông Jones lãnh đạo một đoàn luật sư trong các phiên xét xử mà rốt cuộc đã kết tội Thomas Blanton Jr. vào năm 2001 và Bobby Frank Cherry vào năm 2002.
‘Người hùng’ cứu Đảng Dân chủ
Từ khi Đảng Cộng hoà lên ngôi tại Alabama cách đây nhiều năm, Đảng Dân chủ rơi vào tình trạng hầu như kiệt quệ, hấp hối. Đảng Dân chủ không được nắm chức vụ nào đáng kể và luôn là nhóm thiểu số tại các nghị viện tiểu bang, bất chấp tình hình không mấy sáng sủa đó, ông Jones công khai hỗ trợ một nỗ lực nhằm hồi sinh phong trào dân chủ tại Alabama hồi năm 2013.
Khi một cựu chủ tịch đảng thành lập tổ chức Đa số Dân chủ Alabama để quyên tiền và tuyển ứng cử viên, ông Jones là một trong những nhân vật công khai ủng hộ nỗ lực này.
Mặc dù vậy vào năm sau đó, năm 2014, tương lai của phong trào dân chủ tại Alabama vẫn u ám, cho tới khi ông Trump đắc thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Sự việc này đã thổi một làn sinh khí vào phong trào dân chủ và các tổ chức địa phương, đặc biệt ở quận Shelby, vốn là một thành trì của Đảng Cộng hoà, nơi mà các giới chức nói con số hội viên tăng vọt từ hơn một chục người lên tới hơn 200 người sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.
https://www.voatiengviet.com/a/doug-jones-nghi-si-tan-cu-bang-alabama-la-ai/4165866.html
Động đất mạnh rung chuyển đảo Java của Indonesia,
3 người chết
Một trận động đất mạnh 6,5 độ làm rung chuyển đảo Java của Indonesia ngay trước nửa đêm ngày thứ Sáu. Nhà chức trách báo cáo ba người chết và thiệt hại đối với hàng trăm tòa nhà.
Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết tâm chấn nằm ở độ sâu 92 km, khoảng 52 km về phía tây nam thành phố Tasikmalaya.
Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Indonesia cho hay trận động đất đã kích hoạt hệ thống cảnh báo sóng thần ở phía nam đảo Java, khiến hàng ngàn người di tản khỏi một số khu vực ven biển, nhưng không có sóng thần nào được phát hiện.
Trận động đất có thể cảm nhận được ở tỉnh Trung và Tây Java.
Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn cho cơ quan thiên tai, cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Bảy rằng có ba người thiệt mạng, bảy người bị thương và hàng trăm tòa nhà bị hư hại, bao gồm trường học, bệnh viện, và các tòa nhà chính phủ ở Tây và Trung Java.
Hàng chục bệnh nhân phải được đưa tới nơi an toàn từ bệnh viện ở Banyumas và được cho trú ẩn trong lều, ông nói.
Trận động đất làm rung chuyển những tòa nhà trong vài giây tại thủ đô Jakarta. Một số cư dân trong những tòa nhà cao tầng ở trung tâm Jakarta đã nhanh chóng thoát khỏi căn hộ của họ, theo truyền thông địa phương.
Cơ quan khí tượng thủy văn và địa vật lý của Indonesia cho biết trận động đất mạnh 5,7 độ vào sáng thứ Bảy cũng làm rung chuyển tỉnh Tây Java. Họ nói trận động đất không có tiềm năng gây sóng thần.
Java, hòn đảo đông dân nhất của Indonesia, là nơi cư trú của hơn phân nửa trong tổng số 250 triệu dân của Indonesia.
Lính Israel bắn chết 4,
làm bị thương 160 người biểu tình Palestine
Binh sĩ Israel bắn chết bốn người Palestine và làm bị thương 150 người khác bằng đạn thật hôm thứ Sáu, các quan chức y tế cho biết, trong khi các cuộc biểu tình phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel bước sang tuần thứ hai.
Hầu hết các thương vong là ở biên giới Dải Gaza, nơi hàng ngàn người Palestine tụ tập để ném đá vào lính Israel vượt ra khỏi hàng rào được gia cố. Nhân viên ứng cứu cho biết hai người biểu tình, một người trong số họ ngồi xe lăn, thiệt mạng và 150 người khác bị thương.
Ở Bờ Tây bị chiếm đóng, một khu vực khác mà người Palestine đang mưu tìm một nhà nước cùng với Đông Jerusalem kế cận, các giới chức y tế cho biết hai người biểu tình thiệt mạng và 10 người khác bị thương do trúng đạn của Israel.
Một trong hai người chết là một người đàn ông mà quân cảnh Israel nói là bị bắn sau khi anh ta đâm một thành viên trong đơn vị của họ. Những người chứng kiến nói với Reuters rằng người Palestine này cầm một con dao và đeo thứ giống như đai chất nổ. Một nhân viên ứng cứu Palestine giúp sơ tán người đàn ông này để chữa trị cho biết chiếc đai là giả.
Những người Palestine – và thế giới Ả-rập và Hồi giáo rộng lớn hơn – phẫn nộ về loan báo ngày 6 tháng 12 của ông Trump, đảo ngược hàng thập niên Mỹ duy trì chính sách không chính thức công nhận tư cách của Jerusalem, một thành phố mà cả Israel và người Palestine đều nói là thuộc về họ.
Các đồng minh Châu Âu của Washington và Nga cũng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về quyết định của ông Trump.
Quân đội Israel nói hôm thứ Sáu nói rằng khoảng 3.500 người Palestine đã biểu tình ở gần hàng rào biên giới Gaza.
Tại Bờ Tây, quân đội Israel nói khoảng 2.500 người Palestine tham gia vào những vụ bạo động, lăn lốp xe đang cháy và ném bom lửa vào binh lính và cảnh sát biên phòng.
Israel đã chiếm Đông Jerusalem, một khu vực có nhiều đền thờ Do Thái giáo, Hồi giáo và Kitô giáo, từ Jordan trong cuộc chiến năm 1967 và sau đó sáp nhập nó trong một hành động không được quốc tế công nhận.
Người Palestine hy vọng rằng một phần của thành phố sẽ là thủ đô của một nhà nước độc lập trong tương lai và các nhà lãnh đạo Palestine nói rằng hành động của ông Trump là một đòn nghiêm trọng giáng vào tiến trình hòa bình vốn đã đình trệ.
Lần đầu tiên báo Trung Quốc
hướng dẫn cách phòng vệ bom nguyên tử
Le Courrier International số ra tuần này cho biết « Nỗi sợ nguyên tử lan ra trong báo chí Hoa lục ». Trong lúc căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washington tiếp tục, một tờ báo địa phương Trung Quốc đã đăng hẳn một trang hướng dẫn người dân phải làm như thế nào trong trường hợp bị tấn công nguyên tử. Tờ báo nhận xét, đây là lần đầu tiên báo chí Trung Quốc đề cập cụ thể về vấn đề này.
« Những kiến thức căn bản về vũ khí nguyên tử và các phương tiện phòng vệ », đó là tựa đề bài viết chiếm nguyên một trang báo của tờ Cát Lâm nhật báo (Jilin Ribao) của đảng Cộng Sản tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc. Tờ báo mô tả vũ khí hạt nhân và các tác động lên đồ vật, cây cỏ, sinh vật ; giải thích cụ thể cách thức tự bảo vệ và phải làm gì nếu bị nhiễm xạ. Bài viết nhắc lại số nạn nhân Hiroshima, mô tả trong túi cấp cứu có những gì với những hình vẽ rõ ràng. Một sự kiện vô tiền khoáng hậu, vì báo chí Hoa lục xưa nay vẫn tránh nói về mối nguy này.
Apple Daily ở Hồng Kông cho biết tháng Chín vừa qua, một nhóm người bất chấp lệnh cấm biểu tình ở Cáp Nhĩ Tân (Harbin), thủ phủ Hắc Long Giang (Heilongjiang), ngay sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Bắc Triều Tiên đã xuống đường, mang các biểu ngữ « Phản đối Bắc Triều Tiên thử nguyên tử, gây nguy hại cho ba tỉnh miền đông bắc ». Các video trên mạng xã hội về vụ biểu tình này sau đó đã bị chặn.
Sáng kiến của Cát Lâm Nhật báo đã làm tốn hao nhiều giấy mực cho các báo bạn. Trả lời Tân Kinh báo, tờ Cát Lâm nói rằng nội dung « bình thường » của bài viết do cơ quan y tế cấp cứu của tỉnh soạn thảo. Tân Kinh báo cho rằng tuy chiến tranh lạnh đã kết thúc nhưng bóng ma chiến tranh nguyên tử vẫn chưa tan biến, tuy nhiên không nhắc đến Bắc Triều Tiên. Hoàn cầu Thời báo ngược lại nêu rõ những tiến bộ nhanh chóng và sự xung đột giữa Bình Nhưỡng với Washington.
Nhận định rằng nguy cơ xảy ra chiến tranh đang tăng lên, tờ báo dân tộc chủ nghĩa đề nghị tính toán những hậu quả tại ba tỉnh đông bắc. Đồng thời cố làm giảm tính nghiêm trọng, nói rằng việc phổ biến thông tin về hiểm họa nguyên tử là chuyện bình thường ở Hàn Quốc, Nhật Bản. Hoàn cầu Thời báo trấn an, trong trường hợp tệ hại nhất, nếu chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc bị nguy hiểm trước hết rồi đến Nhật Bản và các đảo Thái Bình Dương của Mỹ, còn Trung Quốc sau cùng.
Tòa Án Hình Sự Quốc Tế
có thẩm quyền xử « tội ác xâm lược »
Sau ba tội danh: tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh và tội diệt chủng, từ nay trở đi sẽ có thêm “tội ác xâm lược” thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI). Quyết định trên đã được 123 nước tham gia CPI nhất trí thông qua tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 15/12/2017.
Việc xét xử « tội ác xâm lược » liên quan đến việc một nước tấn công nước khác đã được bàn thảo từ nhiều năm qua nhưng vẫn gây nhiều tranh cãi và sự dè dặt ở nhiều nước.
Thông tín viên Grégoire Pourtier, từ New York tường trình:
“Đã được dự trù trong các quy chế ban đầu của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, « tội ác xâm lược » vẫn luôn là chủ đề gai góc. Đó là việc xác nhận hành động một nước tấn công chủ quyền của nước khác và chỉ ra các nghi phạm trong số những lãnh đạo.
Từ các cuộc can thiệp trong khu vực Hồ Lớn ở châu Phi, cho đến các vụ can dự quân sự của Nga ở Gruzia hay Ukraina, cho đến những liên minh khác nhau can thiệp vào Lybia hay Syria chẳng hạn…
Rất nhiều trường hợp tiềm ẩn phạm tội ác xâm lược có thể xuất hiện ngay trong đầu mọi người.
Trong những điều kiện đó, nếu có thể tìm thấy một « thỏa thuận » nào đó, thì hãy còn lâu người ta mới có thể thống nhất với nhau để xác định tội danh.
Năm 2010, hội nghị tại Kampala (Uganda) đã cho phép xác định rõ hơn khái niệm « tội ác xâm lược ». Nhưng 89 nước tham gia hội nghị đã không phê chuẩn các điều chỉnh luật được soạn thảo khi đó và 7 năm sau, vẫn còn nhiều nước chưa muốn thông qua.
Anh Quốc, Canada, Nhật Bản hay Pháp yêu cầu là các nước đã không phê chuẩn các quyết định đưa ra tại Uganda sẽ không liên quan đến thẩm quyền mới của CPI.”
Mêhicô : Đạo luật an ninh gây nhiều tranh cãi
Ngày 15/12/2017, Quốc Hội Mêhicô thông qua đạo luật về an ninh nội địa, cho phép quân đội tuần tra trên đường phố trong bối cảnh tội phạm tràn làn. Tổng thống Peña Nieto xem điều luật này là “thiết yếu” vì an ninh quốc gia. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền Mêhicô chỉ trích chính quyền mở rộng quyền hạn của quân đội.
Thông tín viên đài RFI Patrick John Buffe từ Mêhicô tường trình :
” Quân sự hóa Mêhicô trong lúc ngày càng có nhiều các vụ vi phạm nhân quyền. Đây là mối lo ngại lớn mà phe chống đối luật an ninh nội địa đã đưa ra. Thật vậy, luật này cho phép quân đội bảo đảm an ninh công cộng, trong khi đó, thông thường đây là nhiệm vụ của cảnh sát.
Thêm vào đó, bộ luật mới cho phép quân đội tuần tra trong một thời gian vô hạn định. Từ 11 năm qua, quân đội đã mở chiến dịch tấn công các băng đảng buôn ma túy. Trong suốt thời gian đó, các vụ bạo hành ở Mêhicô chẳng những không thuyên giảm, mà còn tăng lên thêm. Đấy là chưa kể nhiều vụ quân đội vi phạm nhân quyền, tra tấn hay hành quyết không qua xét xử, nhiều người mất tích …
Bộ luật mới vừa được thông qua còn cho phép quân đội kiểm soát và vô hiệu hóa mọi hành vi kháng cự. Giới bảo vệ nhân quyền lo ngại điều khoản này mở đường cho các chiến dịch trấn áp người biểu tình, cho dù lập pháp Mêhicô rốt cuộc đã phải công nhận rằng, biểu tình không phải là mối đe dọa đối với an ninh nội địa”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171216-mehico-dao-luat-an-ninh-gay-nhieu-tranh-cai
Sàng lọc vận động viên Nga « sạch »
cho Olympic mùa đông 2018
Hôm 15/12/2015, tại Lausanne, Thụy Sĩ, sau khi được Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế CIO chỉ định, tiểu ban phụ trách chọn lọc các vận động viên Nga « sạch » được quyền tham gia Thế Vận Hội mùa đông 2018 họp phiên đầu tiên.
Phiên họp mở ra dưới sự chủ trì của cựu bộ trưởng thể thao Pháp Valérie Fourneyron. Sau khi loại Nga khỏi Thế Vận Hội mùa đông Pyeongchang 2018 vì bê bối doping và Ủy Ban Olympic Quốc Gia Nga quyết định không tẩy chay Olympic mùa đông 2018, CIO đã thành lập một bộ phận sàng lọc các vận động viên Nga đủ điều kiện tham gia Thế Vận Hội tại Hàn Quốc vào tháng Hai năm tới.
Tiểu ban gồm bốn thành viên, trong đó có các giám đốc điều tra của Cơ Quan Chống Doping Thế giới và phụ trách y tế của CIO, có nhiệm vụ sàng lọc trong danh sách do Ủy Ban Olympic Quốc Gia Nga đề nghị những vận động viên đủ điều kiện tham dự Thế Vận Hội 2018.
Danh sách các vận động viên « sạch » sau đó sẽ được chuyển đến nhóm thực hiện để thành lập một đoàn mang tên « các vận động viên Olympic của Nga » sẽ tham gia thi đấu tại Pyeongchang. Nhóm công tác này không có quyền bổ sung thêm các vận động viên, nhưng lại có thể gạch tên các vận động viên đã được duyệt qua nhóm sàng lọc ban đầu.
Việc chọn lọc danh sách đoàn vận động viên Nga phải hoàn tất chậm nhất ngày 28/01/2018 và dựa trên các dữ liệu thông tin mà Cơ Quan Chống Doping Thế giới và CIO có được về các vận động viên Nga.
Pháp, Mỹ lên án Damas cản trở hòa đàm về Syria
Sau Liên Hiệp Quốc, đến lượt Pháp và Mỹ lên án chính phủ Damas gây cản trở cho đàm phán về hòa bình tại Syria tại Genève.
Cuộc hòa đàm này đã kết thúc hôm 14/12/2017 mà không đạt được bước tiến nào do phái đoàn của Damas từ chối đối thoại với các đại diện của phe đối lập, lần đầu tiên tới Genève trong một phái đoàn duy nhất. Ngay sau đó, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria, Staffan de Mistura đã chỉ trích phái đoàn chính phủ Damas « không thật sự tìm cách mở đối thoại ».
Hôm qua, một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Pháp đã chỉ trích thái độ của chế độ Syria, từ chối tham gia đàm phán từ ngày 28/11. Theo phát ngôn viên này, đây là một « chiến lược gây trở ngại một cách vô trách nhiệm » trong khi Syria đang cấp thiết cần vãn hồi hòa bình, giúp người tị nạn trở về và tiêu diệt khủng bố.
Về phần Hoa Kỳ, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã ra thông cáo lên án thái độ của chế độ Damas, đồng thời kêu gọi những quốc gia ủng hộ tổng thống Bachar al-Assad gây áp lực lên chế độ này để buộc chính quyền Syria ngồi vào bàn đàm phán với phe đối lập.
Cũng trong ngày 15/12/2017, Lầu Năm Góc bày tỏ quan ngại về một hiểm họa mới, ngày càng thường xuyên xảy ra ở Syria : nguy cơ va chạm giữa các máy bay tiêm kích của Nga và của Mỹ.
Theo các quan chức bộ Quốc Phòng Mỹ, trong những tuần qua, các vụ như vậy diễn ra ngày càng nhiều, nhất là hôm 13/12/2017 hai máy bay tiêm kích F-22 đã chặn hai chiếc Sukhoi-25 của Nga, tại một nơi trong không phận Syria mà trên nguyên tắc phi cơ Nga không được xâm nhập. Trước đó, ngày 15/11, hai chiến đấu cơ A-10 của Mỹ suýt nữa đã va chạm vào chiếc oanh tạc cơ Sukhoi-24 của Nga, chỉ bay cách 90 mét.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171216-phap-my-len-an-damas-can-tro-hoa-dam-ve-syria
Liên Hiệp Châu Âu bật đèn xanh
cho đàm phán Brexit giai đoạn 2
Ngày 15/12/2017, tại Bruxelles, lãnh đạo 27 nước Liên Hiệp Châu Âu chính thức thông qua quyết định mở giai đoạn đàm phán mới với nước Anh về tiến trình Brexit bắt đầu từ tháng 3/2018. Đây là giai đoạn đàm phán quan trọng nhằm xác định tương lai quan hệ thương mại giữa Anh Quốc và Châu Âu. Các cuộc đàm phán hứa hẹn sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với giai đoạn một, đã kéo dài suốt nửa năm qua.
Đặc phái viên RFI tại Bruxelles Dominique Baillard tường trình :
“27 nước Liên Hiệp Châu Âu còn 3 tháng để xác định làn ranh đỏ với đối tác Anh Quốc. Tháng 3/2018 tại cuộc họp Hội Đồng Châu Âu, các nước sẽ đưa ra chỉ đạo cụ thể cho trưởng đoàn đàm phán của Liên Âu, ông Michel Barnier. Chỉ từ khi đó, các cuộc đàm phán mới được bắt đầu trở lại với một điều kiện rất nghiêm ngặt.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhắc lại điều kiện đó một cách kiên quyết trong cuộc họp báo chung : Không thể thương lượng về thị trường chung. Phải chấp nhận tất cả các nguyên tắc của nó hoặc là từ thị trường đó. Không có chuyện như Luân Đôn mong muốn là vẫn duy trì tiếp cận thị trường chung, nhưng lại từ chối tự do đi lại của công dân.
Về chủ đề lớn khác của thượng đỉnh là cải cách khu vực đồng euro, tổng thống Macron ý thức được tình hình chính trị hiện nay tại Đức, vì vậy các bên đã có một động thái tối thiểu qua tuyên bố sẽ nghiên cứu vấn đề này và sẽ đề ra lộ trình cải cách vào tháng 6/2018.
Ngay tháng 3 sang năm, bà Angela Merkel và ông Emmanuel Macron cam kết sẽ trình bày dự án chung của hai nước. Về vấn đề Brexit và tương lại của đồng euro, các nước Liên Hiệp Châu Âu mong muốn năm 2018 sẽ là điểm xuất phát mới”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171216-lien-hiep-chau-au-bat-den-xanh-cho-dam-phan-brexit-giai-doan-2
Chính phủ Pháp có nhiều bộ trưởng triệu phú
Ngày 15/12/2017, bản kê khai tài sản của các bộ trưởng trong chính phủ Pháp đã được công bố, cho thấy trong thành phần nội các có nhiều bộ trưởng triệu phú.
Cơ quan cao cấp về minh bạch trong đời sống công (La Haute Aurorité pour la Transparence dans la Vie Publique) đã công bố trên mạng bản kê khai tài sản của các bộ trưởng trong chính phủ của thủ tướng Edouard Philippe.
Người giàu nhất trong nội các chính là bộ trưởng Lao Động Muriel Pénicaud, từng làm việc cho hãng Danone, có khối tài sản tổng cộng 7,5 triệu euro. Đứng thứ hai là bộ trưởng Sinh Thái Nicolas Hulot, với gần 7,3 triệu euro, trong đó có tài sản của công ty tư vấn Eole Conseil của ông.
Bộ trưởng triệu phú đứng hàng thứ ba là bà Françoise Nyssen, bộ trưởng Văn Hóa, kê khai hơn 600 ngàn euro bất động sản và 4 triệu euro giá trị công ty của bà. Thủ tướng Edouard Philippe cũng là một triệu phú với tổng trị giá tài sản khoảng 1,5 triệu euro, nhưng ông cũng đang phải trả góp số tiền vay ngân hàng để mua nhà, hiện còn khoảng 300 ngàn euro.
Bên cạnh những bộ trưởng triệu phú là những bộ trưởng « nghèo » hơn, nghèo nhất chính là thành viên trẻ của nội các, Gérald Darmanin, 35 tuổi, đặc trách Ngân Sách, với tổng trị giá tài sản chỉ vào khoảng 40 ngàn euro. Ngoài chiếc xe công vụ của bộ Tài Chính, ông Darmanin chỉ có một chiếc Citroen cũ, trị giá khoảng 8.000 euro.
Một số bộ trưởng mới vào chính phủ sau cuộc cải tổ nội các tháng 11 vừa qua thì chưa nộp bản kê khai tài sản. Riêng tổng thống Emmanuel Macron trước đó đã công bố tài sản của ông, theo đúng yêu cầu đối với các ứng cử viên tổng thống Pháp.
http://vi.rfi.fr/phap/20171216-chinh-phu-phap-co-nhieu-bo-truong-trieu-phu
BTT : Mỹ rút lại đề nghị “đối thoại vô điều kiện”
Ngày 15/12/2017, là lần thứ 17 trong năm Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp về Bắc Triều Tiên, nhưng lại là lần đầu tiên đại diện của Bình Nhưỡng và Hoa Kỳ đối mặt nhau. Ngoại trưởng Mỹ, Rex Tillerson không đả động đến đề nghị đối thoại “vô điều kiện” với chính quyền Kim Jong Un như từng đề xuất.
Bình Nhưỡng từ chối đề nghị của Washington và khẳng định Bắc Triều Tiên là một “quốc gia nguyên tử”. Thông tín viên đài RFI Marie Bourreau từ New York cho biết thêm :
“Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và đại sứ Bắc Triều Tiên lần đầu cùng có mặt tại một phòng họp. Cuộc họp kéo dài trong hơn hai giờ đồng hồ. Đây là dịp để lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ trình bày rõ hơn về lập trường của Washington sau những thông tin trái ngược trong tuần về khả năng đàm phán vô điện kiện với Bình Nhưỡng. Nhà Trắng đã bác bỏ đề nghị của bộ Ngoại Giao.
Trong phiên họp hôm qua, ông Tillerson tuyên bố : ‘lập trường của tổng thống Mỹ rất rõ ràng. Về phương diện quân sự chúng tôi trong tư thế sẵn sàng, lực lượng quân sự của Mỹ đã sẵn sàng nếu như mọi việc tiến triển theo hướng xấu. Về khả năng đàm phán, Mỹ không chấp nhận những điều kiện tiên quyết, không chấp nhận đòi hỏi của Bình Nhưỡng muốn nới lỏng các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên, nối lại các chương trình viện trợ nhân đạo và xem đó là điều kiện tiên quyết để mở ra đàm phán. Và như tôi từng tuyên bố, các kênh đối thoại của chúng tôi đều để ngỏ. Bắc Triều Tiên biết rõ điều đó. Bình Nhưỡng biết được cánh cửa của Mỹ đặt ở chỗ nào và làm sao để bước qua cánh cửa đó khi Bắc Triều Tiên sẵn sàng đối thoại’.
Lập tức đại sứ Bắc Triều Tiên bên cạnh Liên Hiệp Quốc, Ja Song Nam mạnh mẽ bác bỏ đề nghị này khi khẳng định Bắc Triều Tiên đã là một quốc gia hạt nhân và Bình Nhưỡng sẽ tuân thủ các quy định chống phổ biến vũ khí nguyên tử. Ông nói thêm, cuộc họp lần này chỉ là một động thái tuyệt vọng của Mỹ đang khiếp sự trước sức mạnh của Bắc Triều Tiên”
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171216-bac-trieu-tien-my-rut-lai-de-nghi-doi-thoai-vo-dieu-kien
Nhật Bản : Kỷ lục tăng ngân sách quốc phòng
Tổng cộng 46 tỷ đô la dành cho quốc phòng nhằm tập trung tăng cường hệ thống phòng thủ chống tên lửa trước mối đe dọa ngày càng lớn từ Bắc Triều Tiên. Đây là mức chi tiêu quân sự kỷ lục mới mà Nhật Bản dự trù cho tài khóa 2018.
Theo tờ báo kinh tế Nikkei ấn bản ngày 16/12/2017, mục tiêu tăng ngân sách kỷ lục như vậy là để tăng cường khả năng bảo vệ Nhật Bản trước chương trình tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Cụ thể, ngân sách bổ sung thêm sẽ dành để tài trợ các chương trình triển khai hệ thống bắn chặn tên lửa Aegis Ashore do Mỹ chế tạo.
Tuần trước, bộ trưởng Quốc Phòng Itsunori Onodera đã thông báo kế hoạch mua của Mỹ các loại tên lửa hành trình tầm xa.
Kế hoạch vũ trang của Tokyo đi ngược lại các quy định trong bản Hiến pháp chủ hòa hiện hành, cấm Nhật dùng sức mạnh quân sự, chủ động tấn công hay mở các chiến dịch quân sự ra nước ngoài.
Dự định tăng ngân sách quốc phòng của Nhật được đưa ra trong bối cảnh tình hình trong khu vực Đông Bắc Á gần đây đã có những diễn biến căng thẳng đáng lo ngại do việc Bắc Triều Tiên liên tục phô diễn khả năng tấn công bằng tên lửa đạn đạo, bất chấp các trừng phạt của quốc tế.
Là quốc gia nằm bên cạnh Bắc Triều Tiên, Nhật Bản có lý do để lo ngại về chương trình phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng.
Nếu được Quốc Hội thông qua, đây sẽ là lần tăng chi phí quân sự thứ sáu liên tục dưới thời thủ tướng Shinzo Abe, người đã chấm dứt một thập kỷ cắt giảm ngân sách quốc phòng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171216-nhat-ban-ky-luc-tang-ngan-sach-quoc-phong