Tin khắp nơi – 16/11/2016
Pháp: Cựu bộ trưởng Kinh tế Macron
ra tranh cử tổng thống
Cựu bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron, 38 tuổi, hôm nay, 16/11/2016, vừa chính thức tuyên bố ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Trong bài diễn văn đọc tại Bobigny, ngoại ô Paris, ông Macron kêu gọi đưa nước Pháp ra khỏi khuôn khổ chính trị cứng nhắc hiện nay để đáp lại những thách đố của một “thời đại mới”.
Cho tới nay chưa bao giờ là một vị dân cử, ông Macron đã được tổng thống Hollande bổ nhiệm vào văn phòng điện Elysée năm 2012 và sau đó vào chức bộ trưởng Kinh tế năm 2014. Nhưng đến tháng 8 năm nay, ông Macron đã từ chức sau khi thành lập một phong trào mang tên “En Marche”, không tả mà cũng không hữu, làm nền tảng cho việc ra tranh cử tổng thống.
Tuy chỉ cách đây 2 năm không ai biết đến, trong một thời gian ngắn cựu bộ trưởng Kinh tế đã trở thành một nhân vật tên tuổi, thu hút được gần 100 ngàn người tham gia phong trào “En Marche”, được tổ chức thành hơn 1.700 ủy ban địa phương, quyên góp được hơn 2,7 triệu euro, và được sự ủng hộ của khoảng 50 nghị sĩ.
Ông Macron lôi kéo chủ yếu là giới trẻ thành thị và giới doanh nghiệp, và nói chung là thu hút những người dân Pháp nào muốn nhìn thấy một gương mặt hoàn toàn mới trên sân khấu chính trị. Tuy chưa đưa ra một chương trình tranh cử nào, cựu bộ trưởng Pháp đã nhận được 49% ý kiến ủng hộ, theo kết quả một cuộc thăm dò gần đây.
Việc ông Macron tuyên bố ra tranh cử tổng thống có thể khiến cho cánh tả bị phân hóa hơn nữa, vào lúc mà các cuộc thăm dò thường xuyên cho thấy là phe này sẽ bị thua ngay trong vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống ngày 27/04 năm tới, trước một phe cựu hữu đang lên tinh thần sau chiến thắng của Donald Trump ở Mỹ và trước một cánh hữu đang quyết tâm giành lại chức tổng thống.
Đặc biệt, việc ông Macron lao vào cuộc đua ngay từ hôm nay càng gây thêm khó khăn cho tổng thống François Hollande, mà uy tín hiện đang xuống rất thấp. Trong vòng một tháng nữa, ông sẽ thông báo quyết định ra tái tranh cử hay không.
Nhưng việc ông Macron, một nhân vật có những quan điểm gần với cánh hữu, cũng sẽ gây khó khăn cho đảng Những người Cộng hòa, vào lúc đảng này chuẩn bị tiến hành bầu cử sơ bộ chọn ứng cử viên tổng thống, với vòng đầu sẽ diễn ra ngày 20/11/2016.
http://vi.rfi.fr/phap/20161116-phap-cuu-bo-truong-kinh-te-macron-ra-tranh-cu-tong-thong
Báo chí Hy Lạp hoan nghênh Obama
Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama kết thúc vào hôm nay, 16/11/2016, hai ngày thăm Hy Lạp, chặng đầu tiên trong vòng công du từ biệt Châu Âu của ông trước khi rời Nhà Trắng. Hôm qua ông đã gặp tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos và thủ tướng Alexis Tsipras. Hôm nay, ông đã thăm Acropolis và đến đọc diễn văn ở trung tâm văn hóa Stavros Niarchos. Bài phát biểu của ông Obama được đánh giá là một “di chúc chính trị“, nêu bật quan điểm của ông về nền dân chủ, vào lúc chủ nghĩa dân túy đang dâng lên khắp nơi.
Chuyến ghé thăm của tổng thống Mỹ mãn nhiệm rất được báo chí Hy Lạp hoan nghênh vì ông đã từng tích cực hậu thuẫn nước này trong thời gian qua.
Thông tín viên RFI, Charlotte Stiévenard, tường thuật từ Athens,
“Tờ báo Hy Lạp cánh trung tả Ta Nea nêu bật những « lời lẽ nồng nhiệt » của Barack Obama đối với đất nước và con người Hy Lạp, trong lúc nhật báo bảo thủ I Kathimerini thì chạy tựa khẳng định ý muốn tiếp tục hỗ trợ Hy Lạp của tổng thống Mỹ.
Cả hai tờ báo dựa trên thông điệp mà ông Obama đã gởi đến Châu Âu, theo đó cần phải giảm nợ cho Hy Lạp, và nhấn mạnh trên tính chất không hiệu quả của việc cắt giảm ngân sách, mà không cùng lúc có các biện pháp vực dậy kinh tế.
Tờ I Avgi, thân cận đảng cánh tả cầm quyền Syriza, cũng đã nêu bật vấn đề này trong hàng tựa : « Bây giờ hãy giảm nợ ».
I Efimerida Ton Syntakton, một tờ báo cánh tả khác chạy tựa : « Ông Obama đã nói điều đó với Tsipras để cho Schauble nghe thấy ». Schauble là bộ trưởng Tài Chính Đức, nước mà ông Obama sẽ ghé thăm kể từ tối nay.
Riêng tờ báo Cộng Sản Rizospastis thì chú ý đến các cuộc biểu tình trước nghị viện Hy Lạp hôm qua cho dù bị cấm. Tờ báo chạy một tựa lớn : « Một câu trả lời ‘’không’’ ròn rã cho các liên minh đế quốc và những cuộc chiến của họ ». Đấy là lời phản đối việc Hy Lạp tham gia NATO, điều đã được ông Obama nêu bật. Tổng thống Mỹ đã khen ngợi Hy Lạp là một trong 5 quốc gia « tôn trọng cam kết dành 2% GDP cho quốc phòng », cho dù đang bị khủng hoảng”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161116-bao-chi-hy-lap-hoan-nghenh-obama
CPI họp Đại hội đồng, trong lúc nhiều nước châu Phi rút
Bắt đầu từ hôm nay, 16/11/2016 đến ngày 24/11, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI) họp Đại hội đồng lần thứ 15 tại La Haye. Phiên họp năm nay diễn ra trong bối cảnh 3 nước châu Phi Burundi, Nam Phi và Gambia vừa thông báo rút khỏi Quy chế Roma, tức văn kiện thành lập Tòa án, có hiệu lực từ năm 2003.
Theo thường lệ, phiên họp hàng năm này là dịp để CPI tổng kết lại các hoạt động, tính toán ngân sách và phác thảo các hoạt động trong năm tới, nhưng phiên họp năm nay diễn ra trong không khí đặc biệt, khi có đến 3 nước vừa thông báo rút khỏi CPI. Bên cạnh đó, nhìn chung là, trong khi các nước nhỏ tham gia CPI tích cực, thì các nước lớn như Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn đứng ngoài thẩm quyền xét xử của Tòa Án Quốc Tế. Một lý do khiến nhiều nước né CPI là, một khi tham gia ký và phê chuẩn Quy chế này, nước đó sẽ được đặt dưới thẩm quyền tư pháp của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế.
Thông tín viên Pierre Bénazet tại La Haye cho biết thêm :
“Cũng như Nga và Trung Quốc, Hoa Kỳ vẫn từ chối ký vào Quy chế Roma, theo đó họ sẽ bị đặt dưới thẩm quyền xét xử của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI). Theo các nhà bình luận, phần lớn lý do là để giúp các quân nhân của họ thường có mặt ở khắp thế giới, vẫn có thể nằm dưới thẩm quyền xét xử của tư pháp Mỹ, nếu bị truy tố. Như vậy trên lý thuyết, CPI không thể xét xử các nhân viên Mỹ.
Trước hết, ta có thể nhấn mạnh là việc viện dẫn tội ác chiến tranh trong các báo cáo của CPI cũng nhằm vào quân đội chính phủ Afghanistan và Taliban. Những đối tượng này có thể bị đưa ra tòa xét xử. Tội ác chiến tranh cũng được nhắc tới trong trường hợp các vụ bắt giữ người bí mật của CIA tại Litva, Ba Lan hay Rumani. Ba nước này đã ký vào Quy chế của Tòa Án, vì thế họ có thể bị khởi tố.
Cũng có thể bà chưởng lý Fatou Bom Bensouda đang tìm cách chứng minh với chính phủ các nước châu Phi rằng CPI không phải là cơ quan tư pháp theo kiểu « thực dân mới », trong khi mà ba nước châu Phi do Gambia khởi xướng vừa thông báo rút khỏi Tòa Án Hình Sự Quốc Tế”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161116-cpi-hop-trong-luc-nhieu-nuoc-chau-phi-rut
LHQ lên án các vi phạm nhân quyền ở Crimée
Trong một nghị quyết được thông qua hôm qua, 15/11/2016, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án những vi phạm nhân quyền tại Crimée, kể từ khi vùng này bị sáp nhập vào Nga năm 2014.
Nghị quyết, do Ukraina đệ trình, với sự ủng hộ của 40 quốc gia, trong đó có Anh, Pháp, Mỹ, đã được thông qua với 73 phiếu thuận, 23 phiếu chống và 76 nước không bỏ phiếu, trên tổng thống 193 quốc gia thành viên Đại hội đồng.
Nước Nga, cùng với Trung Quốc, Syria, Bắc Triều Tiên, Ấn Độ, Nam Phi, Serbia và Venezuela nằm trong số các quốc gia bỏ phiếu chống. Nhiều nước châu Mỹ Latinh và châu Phi đã không bỏ phiếu.
Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án các hành động sách nhiễu, các biện pháp và cách hành xử mang tính kỳ thị của chính quyền Nga ở Crimée đối với người dân vùng này, đặc biệt là người Tatar. Nghị quyết yêu cầu Matxcơva thi hành tất cả những biện pháp cần thiết để chấm dứt các vụ vi phạm nhân quyền nói trên.
Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ còn yêu cầu Nga hợp tác với Cao ủy Nhân quyền LHQ và để cho các chuyên viên của Cao ủy đến điều tra ở Crimée.
Tuy nhiên, quan chức đặc trách về nhân quyền của bộ Ngoại giao Nga Anatoly Vicktorov hôm qua đã khẳng định rằng nghị quyết nói trên không phản ánh tình hình thật sự ở Crimée. Ông Vicktorov chỉ trích các nhà ngoại giao LHQ “lãng phí thời gian để thảo luận về những tài liệu tuyên truyền vô bổ, thay vì tiến hành một cuộc thảo luận sâu rộng về các vấn đề chính trị liên quan đến việc thúc đẩy nhân quyền.”
Trong khi đó, hôm qua, trong cuộc điện đàm với tổng thống tân cử Donald Trump, tổng thống Ukraina Petro Porochenko đã kêu gọi sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, để giúp Ukraina chống lại sự “xâm lược” của Nga và giúp tiến hành các cải tổ quan trọng ở Ukraina.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161116-lhq-len-an-cac-vi-pham-nhan-quyen-o-crimee
Hàn Quốc : Mở rộng điều tra vụ bê bối quân sư
Cuộc điều tra vụ bê bối quân sư của tổng thống Hàn Quốc tiếp tục được mở rộng trong chính phủ của bà Park Geun-Hye. Hôm nay, 16/11/2016, một thứ trưởng bộ Thể Thao phụ trách chuẩn bị Thế vận hội mùa đông 2018 đã bị Viện Công Tố Seoul triệu tập thẩm vấn.
Ông Kim Chong, cho đến cuối tháng trước, vẫn còn là thứ trưởng bộ Thể Thao bị thẩm vấn vì những nghi ngờ đã giúp bà Choi Soon-Sil có được những hợp đồng béo bở trong các công trình chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa đông 2018. Bà Choi Soon-Sil đang là tâm điểm của vụ bê bối chính trị, tiền bạc làm lung lay chính phủ Hàn Quốc, vì những cáo giác lợi dụng là bạn thân của bà Park Geun-Hye đứng đằng sau thao túng nhiều hoạt động của chính quyền, tư lợi bất chính.
Ông Kim còn bị tố cáo đã gây sức ép đối với cựu chủ tịch Ủy ban tổ chức Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang, ông Cho Yang-Ho phải từ chức. Mặc dù khi đó ông Cho đang làm rất tốt công việc của mình, nhưng vì không chấp nhận giao một hợp đồng cho một doanh nghiệp liên quan với bà Choi, nên ông đã bị gây sức ép buộc phải từ chức.
Tư pháp Hàn Quốc cũng muốn tìm hiểu liệu có phải ông cựu thứ trưởng bộ Thể Thao đã đóng vai trò quyết định trong việc tài trợ cho một quỹ thể thao, do cháu bà Choi quản lý.
Hiện tại bà Choi Soon Sil, người được cho là đứng đằng sau thao túng tổng thống, còn phải trả lời về nhiều hoạt động mờ ám có liên quan đến hoạt động của chính phủ. Bản thân tổng thống Park Geun-Hye sắp tới cũng sẽ phải điều trần trước Tư pháp.
Việc tổng thống Park Geun-Hye để một người bạn, có nhân thân đáng ngờ, lợi dụng uy tín để làm việc khuất tất đã khiến dư luận Hàn Quốc hết sức bất bình. Vụ việc nhanh chóng trở thành một bế bối chính trị, tài chính lớn. Trong những tuần qua hàng triệu người Hàn Quốc đã xuống đường đòi tổng thống Park Geun-Hye từ chức.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161116-han-quoc-dieu-tra-vu-be-boi-quan-su-mo-rong
Tổng thống Pháp :
Thỏa thuận Paris về Khí hậu là « không thể đảo ngược »
Một tuần lễ sau chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tổng thống Pháp François Hollande dành cho đài RFI, France 24 và TV5Monde một cuộc phỏng vấn dài về các vấn đề chính trị quốc tế, trong đó cuộc chiến chống biến đổi Khí hậu là một trọng tâm. Phỏng vấn được thực hiện hôm qua, 14/11/2016, tại Marrakech, nơi đang diễn ra thượng đỉnh Khí hậu COP22 (*). Sau đây là phần trích đoạn cuộc phỏng vấn.
Việc ứng cử viên dân túy – có quan điểm phủ nhận thực trạng Trái đất bị hâm nóng do hoạt động của con người – đắc cử tổng thống Mỹ khiến không khí lo ngại bao trùm. Câu hỏi lơ lửng trong đầu rất nhiều người hiện nay là : Liệu Hoa Kỳ có rút ra khỏi Thỏa thuận Paris về Khí hậu ?
Đọc thêm : Thiên tai gây tổn thất 520 tỉ đô la và thêm 26 triệu người nghèo mỗi năm
Cách nay một năm, tại Paris, nhân loại đã đạt được một thỏa thuận được đánh giá là « lịch sử », nhằm mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C so với thời tiền công nghiệp. Đây là lần đầu tiên mà toàn thể cộng đồng thế giới, với 195 quốc gia thành viên và Liên Hiệp Châu Âu, đạt đồng thuận về một vấn đề mang tính sống còn đối với vận mệnh của nhân loại. Thỏa thuận Paris đã đạt được trong gang tấc, nhờ muôn vàn nỗ lực của các chính trị gia, nhà thương thuyết, giới bảo vệ môi trường.
Tổng thống Pháp François Hollande nhấn mạnh :
« … Thỏa thuận Paris, đó là một thỏa thuận mà tôi hết sức mong muốn. Quí vị hãy nhớ lại bối cảnh, với những gì đã diễn ra vào ngày 13/11 năm ngoái (với loạt khủng bố tại Paris và vùng phụ cận). Tất cả các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ đã tham dự. Cộng đồng nhân loại phải đưa ra một quyết định cho tương lai của Hành tinh, cho Khí hậu, hạn chế việc Trái đất bị hâm nóng.
Thỏa thuận tại Paris là không thể đảo ngược được. Đây là điều mà tôi muốn khẳng định rất rõ ràng ở đây, tại Marrakech này ».
Tổng thống Pháp giải thích thêm :
« Thỏa thuận Paris là không thể đảo ngược được về phương diện pháp lý. Hoa Kỳ đã ký kết thỏa thuận này. Nếu Hoa Kỳ muốn ra khỏi thỏa thuận, có những thủ tục phải làm, và những việc này sẽ kéo dài, thậm chí rất dài. Hoa Kỳ có thể quyết định không tôn trọng các cam kết. Điều này sẽ bất lợi cho Hành tinh, bởi Hoa Kỳ là một trong những quốc gia phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính đứng đầu thế giới.
Nhưng trước hết điều này sẽ rất bất lợi cho chính Hoa Kỳ. Về mặt Khí hậu, Hành tinh này không thể chia theo các đường biên giới, các hàng rào dây thép gai. Khi có vấn đề về khí hậu, tất cả mọi người đều liên đới.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã tham gia vào tiến trình chuyển đổi sang mô hình năng lượng tái tạo, thậm chí là chuyển đổi theo hướng bảo vệ sinh thái. Rất nhiều tổ chức đã tham gia, rất nhiều sáng kiến công dân tại Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là một liên bang, có nghĩa có các nhà nước tiểu bang như California, Michigan… Chính quyền những tiểu bang ấy đã đi theo lập trường của thỏa thuận về Khí hậu.
Rút khỏi Thỏa thuận Paris, Hoa Kỳ sẽ thiệt nhiều
Tôi hy vọng rằng Donald Trump sẽ đưa ra những quyết định không nhất thiết phải giống với những quan điểm của ông ấy trong thời gian tranh cử. Nếu ông Trump đưa ra những quyết định đi ngược lại với các lợi ích của Hành tinh, ông ấy sẽ có nguy cơ chuốc lấy hậu quả.
Tôi biết rằng Donald Trump có quan điểm ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ, nhưng nếu Hoa Kỳ không thể tiếp tục trao đổi với thế giới như hiện nay, thì nạn nhân đầu tiên sẽ là các doanh nghiệp Hoa Kỳ… Trong thời gian tranh cử, Donald Trump đã có những tuyên bố nhằm chinh phục cử tri, nhưng bây giờ là những quyết định riêng của ông ấy với tư cách là nguyên thủ.
Tôi tin rằng phong trào hạn chế biến đổi Khí hậu đã khởi sự, nó sẽ không dừng lại. Phong trào đã khởi sự tại chính Hoa Kỳ và trên khắp thế giới. Về Trung Quốc, một trong các quốc gia phát khí thải đứng đầu thế giới, ba người chúng tôi – tổng thống Barack Obama, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tôi – đã có nhiều thảo luận, để làm sao cho Trung Quốc tham gia mạnh mẽ vào thỏa thuận này.
Các vị có cho rằng, liệu Trung Quốc sẽ chấp nhận từ bỏ các cam kết bởi vì Hoa Kỳ không đi tới cùng trong việc tôn trọng thỏa thuận Khí hậu ? Ô nhiễm không khí tại Trung Quốc, đặc biệt là tại các thành phố là rất nghiêm trọng, chính Trung Quốc cũng thực sự muốn chống lại việc Trái đất bị hâm nóng ».
Đọc thêm : Văn minh công nghiệp sụp đổ trong 15 năm tới ?
Khí hậu : Châu Âu sẽ làm nhiều hơn những gì đã cam kết
Riêng về phần đóng góp của Pháp và châu Âu, tổng thống Pháp cho biết :
« Tôi có thể nói với quí vị rằng nước Pháp và châu Âu sẽ đi xa hơn là các cam kết đã được đưa ra. Bởi nước Pháp có trách nhiệm riêng của mình. Người dân Hoa Kỳ có thể quyết định tương lai thông qua tân tổng thống của mình, nước Pháp cũng sẽ có cuộc bầu cử tổng thống.
Nước Pháp có khả năng tự đưa ra quyết định, về quốc phòng, về cuộc chiến chống biến đổi Khí hậu, về cuộc chiến chống khủng bố, về việc tham gia bảo vệ hòa bình tại châu Phi hay Trung Đông.
Riêng về các cam kết chống biến đổi Khí hậu, Pháp sẽ đi xa hơn trong chiến lược hướng đến một nền kinh tế không cacbon. Châu Âu cũng vậy, mà trước hết là Pháp và Đức ».
Cú điện thoại hòa dịu với Donald Trump
Trong cuộc phỏng vấn nói trên, tổng thống Pháp François Hollande nói về ý nghĩa cuộc điện đàm đầu tiên với tổng thống tân cử Mỹ :
« Cú điện thoại mà tôi trao đổi với ông ấy nhằm làm dịu lại không khí. Bản thân ông ấy cũng muốn đối thoại. Nước Pháp và Hoa Kỳ có một tình bạn lâu đời. Có rất nhiều chủ đề mà hai phía có quan điểm chung, dựa trên các lợi ích chung và các giá trị chung của nước Pháp, của châu Âu và Hoa Kỳ.
Tôi và ông Donald Trump đồng ý tiếp tục đối thoại. Các đối thoại sẽ được khởi sự một khi ông ấy chính thức nhậm chức, tức ngày 20/01/2017.
Có một điểm đồng thuận rất rõ ràng giữa chúng tôi, đó là cần phải tiếp tục cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố… ».
Trong cuộc phỏng vấn dành cho RFI, France 24 và TV5Monde, tổng thống François Hollande cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục đối thoại với Nga, và « cần coi tổng thống Nga Vladimir Putin như một đối tác trong các lĩnh vực thuộc lợi ích chung », và « nếu các thỏa thuận Minsk về thiết lập hòa bình tại miền đông Ukraina được Matxcơva tôn trọng, thì các trừng phạt (kinh tế đối với Nga) sẽ được dỡ bỏ ».
Riêng về an ninh châu Âu, tổng thống Pháp một lần nữa thừa nhận trong lĩnh vực này « Liên Hiệp Châu Âu làm chưa đủ ». Ông François Hollande lưu ý : « Châu Âu cần phải tự bảo đảm an ninh của mình về cơ bản » và « không có một lục địa nào có thể bảo vệ được các công dân của mình, nếu không có một lực lượng quân sự riêng ».
Về cuộc bầu cử tổng thống Pháp sắp diễn ra, nguyên thủ François Hollande nhấn mạnh : « Nếu không đoàn kết lại, cánh tả sẽ lỡ hẹn » và « nếu bị phân hóa và chia rẽ, nước Pháp sẽ suy yếu».
—–
(*) Thượng đỉnh Khí hậu COP 22 là cách gọi tắt của Hội nghị các Bên tham gia vào Hiệp ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) lần thứ 22.
Indonesia:
Đô trưởng Jakarta bị truy tố về tội báng bổ đạo Hồi
Không đầy hai tuần sau một cuộc biểu tình rầm rộ của các thành phần Hồi Giáo cực đoan, cảnh sát Indonesia loan báo : Thị trưởng thủ đô Jakarta, một người theo Thiên Chúa Giáo, đã bị truy tố ngày 14/11/2016 về tội báng bổ đạo Hồi và sẽ phải ra tòa giải thích về cáo buộc xúc phạm kinh Koran.
Phát biểu với báo chí, ông Ari Dono, giám đốc cơ quan cảnh sát điều tra, cho biết là chính quyền đã có quyết định như trên sau hơn một tháng điều tra và lắng nghe nhiều nhân chứng và chuyên gia, cho dù các kết luận « không hoàn toàn nhất trí với nhau ». Trong khi chờ đợi phiên tòa mở ra, bị cáo không được quyền rời khỏi Indonesia.
Là người thuộc hai cộng đồng thiểu số – gốc Hoa và Thiên Chúa Giáo – tại một nước Hồi Giáo đông dân nhất thế giới, ông Basuki Tjahaja Purnama, biệt danh Ahok, vào cuối tháng Chín vừa qua, đã thẳng thắn nói rằng việc một số nhà thần học Hồi Giáo (Ulema) giải thích một câu trong kinh Koran, theo đó một người Hồi Giáo không nên chọn một lãnh đạo ngoại đạo, là một sai lầm.
Tuyên bố nói trên đã làm dấy lên những phản ứng dữ dội, đặc biệt trong các thành phần ủng hộ một đường lối cứng rắn của đạo Hồi. Trước quy mô rầm rộ của cuộc tranh cãi, ông Ahok đã xin lỗi công khai, nhưng không làm giảm được thái độ giận dữ của giới Hồi Giáo cực đoan, đặc biệt vào lúc vị đô trưởng đang tiến hành chiến dịch vận động tái tranh cử vào tháng Hai năm tới.
Một cuộc biểu tình của giới ủng hộ đường lối triệt để của đạo Hồi ngày 04/11 vừa qua đã tập hợp được trên 100.000 người tại Jakarta, theo số liệu của ban tổ chức, và kết thúc trong bạo lực. Tổng thống Indonesia Joko Widodo vào hôm sau đã hàm ý cho rằng cuộc biểu tình đã bị một số « lãnh đạo chính trị » lợi dụng trong bối cảnh chiến dịch tranh cử.
Ông Ahok, người kế nhiệm ông Joko Widodo ở chức đô trưởng Jakarta vào cuối năm 2014, là một nhân vật rất được lòng dân. Nhưng do tính tình bộc trực, lời lẽ thẳng thắn, trái với lẽ thường của các chính khách tại Indonesia, ông đã tạo nên rất nhiều kẻ thù.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161116-indonesia-do-truong-jakarta-bi-truy-to-ve-toi-bang-bo-dao-hoi
Bí ẩn kỳ thú về sự « lu mờ » của Trung Quốc – Phần II
Vào thế kỷ XVIII, nước Anh bé nhỏ tiến hành một cuộc cách mạng công nghiệp trong lúc đế chế Trung Hoa khổng lồ bắt đầu đi xuống. Vì sao như vậy ?
Cây bút xã luận của nhật báo kinh tế Les Echos, Jean-Marc Vittori, trong bài viết « Bí ẩn kỳ thú về sự lu mờ của Trung Quốc », ngày 14/10/2016 (cập nhật ngày 20/10), đã viện dẫn đến Marco Polo, Adam Smith, Max Weber và Karl Marx để làm sáng tỏ bức màn bí ẩn. Và giải thích làm thế nào Trung Quốc nhanh chóng bắt kịp các nước khác vào cuối thế kỷ XX.
PHẦN II
Những « hec-ta đất ma » được canh tác tại thuộc địa
Sau giá cả và lương, năng lượng là yếu tố thứ hai giải thích sự « khác biệt vĩ đại ». Sử gia người Mỹ, ông Kenneth Pomeranz, trong tác phẩm « Sự khác biệt vĩ đại » xuất bản cách đây 15 năm, cũng đã tìm cách giải thích vì sao cách mạng công nghiệp chỉ xảy ra ở châu Âu chứ không tại châu Á. Theo các tính toán gây nhiều tranh cãi của ông, thì vùng hạ lưu thung lũng Dương Tử (Yangzi ) và Vương quốc Anh vào thế kỷ XVIII có mức sống ngang nhau. Mô hình canh tác nông nghiệp của vùng Dương Tử và Vương quốc Anh đều sắp hết thời. Dân số tăng trong lúc cả hai đều thiếu đất đai và tài nguyên. Thế nhưng, người Anh đã khai thác hai lợi thế chủ chốt : đó là than đá và thuộc địa. Than đá bổ sung cho củi gỗ để sản xuất năng lượng. Thuộc địa cung cấp bông và đường giá rẻ, qua việc canh tác những « hec-ta đất ma » mà nước Anh nhỏ bé thiếu thốn (đất canh tác tại thuộc địa để bù lại sự thiếu hụt ở chính quốc). Một số nhà nghiên cứu khác, như nhà địa lý học người Mỹ James Blaut còn đi xa hơn theo hướng này. Theo họ, động lực giúp Anh quốc cất cánh là cướp bóc và khai thác nô lệ tại châu Mỹ. Họ phát triển phân tích của Karl Marx, vì Marx cho rằng buôn bán với thuộc địa là một trong những nguồn « tích lũy nguyên thủy tư bản » cho phép xây dựng nhà xưởng luôn luôn lớn hơn và hiệu quả hơn.
Nhưng cướp bóc không thôi cũng chưa đủ để giải thích cho sự «khác biệt vĩ đại ». Bởi vì cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp, trước tiên đó là những phát minh – như máy hơi nước, máy dệt, luyện kim. Cho dù những đột phá khoa học kỹ thuật này có cội nguồn từ những phát minh quan trọng và thường được thực hiện tại Pháp hay tại Đức, ngay cả khi trong lịch sử phát minh này có một vài người Pháp như Joseph Jacquard hay Denis Papin (di cư sang Luân Đôn), thì đa số những người đặt các cột mốc trên con đường dài tiến bộ với các « phát minh nhỏ – micro-inventions » của mình – theo cách nói của nhà sử học Joel Morkyr – đều là người Anh. Ví dụ, trong lĩnh vực máy hơi nước, thì có Thomas Savery, Thomas Newcomen, James Watt. Ngành dệt sợi có John Kay, James Hargreaves, Richard Arkwright, Samuel Crompton, Edmund Cartwright. Và cha con nhà Darby trong ngành luyện kim…. Không có người Trung Quốc nào trong danh sách này.
Hệ thống tập trung quyền lực tại Trung Quốc
Đó chính là vì Trung Quốc không thực sự sống cùng trong một thế giới, trong cái không khí sôi sục bao trùm châu Âu kể từ khi có cuộc cách mạng công nghiệp được khởi đầu từ thời nhà thiên văn Copernic vào thế kỷ XVI. Trong khi đó, với 2000 năm lịch sử, đế chế Trung Hoa đã lựa chọn con đường tiếp nối truyền thống xa xưa thay vì đoạn tuyệt, lựa chọn duy trì nông nghiệp thay vì phát triển thương mại và công nghiệp. Năm 221 trước Công Nguyên, hoàng đế Tần Thủy Hoàng, đã đưa ra một quyết định quan trọng. Tất cả đều thuộc về hoàng đế, kể cả đất đai. Ưu tiên của ông là sự trường tồn trật tự xã hội. Tổ chức thi tuyển dụng các quan chức cao cấp để điều hành đế chế, vốn được phân cấp theo các đơn vị hành chính. Duy chỉ có ngai vàng là cha truyền con nối. Không có giới quý tộc, cũng không có giới phong kiến. Chỉ có hoàng đế, quan chức quản lý hành chính và thần dân là các gia đình. Đương nhiên, trải qua nhiều thế kỷ, các nguyên tắc này cũng bắt đầu gây tranh cãi, khi mà đế chế bị chia năm xẻ bảy – sau khi triều đình nhà Hán sụp đổ vào thế kỷ thứ III, rồi vào cuối thiên niên kỷ đầu tiên. Nhưng triều đại nhà Minh, kể từ năm 1368, rồi nhà Thanh lên cầm quyền năm 1644, đã cai trị đất nước theo phương thức rất tập trung quyền lực.
Vậy mà mô hình cai trị đó đã mê hoặc kinh tế gia Adam Smith. Ông viết : tại Trung Quốc, « nguồn thu của nhà vua chủ yếu là từ nguồn thuế điền (ruộng). Mức thuế này tăng hay giảm tùy theo sản lượng canh tác được hàng năm tăng hay giảm ». Do đó, cần dành ưu tiên cho nông nghiệp, và tất cả những gì có thể hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp và giá nông sản. Nhà vua đầu tư xây đường sá và các công trình thủy lợi để lập ra một « thị trường rộng lớn nhất có thể ». Hối phiếu được phát triển tại châu Âu vào thế kỷ XIV. Thế nhưng trước đó rất lâu, các định chế tại Trung Quốc cho phép chuyển tiền nhưng chỉ chú ý tới yếu tố không gian (từ nơi này sang nơi khác) mà không quan tâm đến yếu tố thời gian (vay trả), hậu quả là không thể tích lũy để đầu tư. Thế nhưng, nhiều nghiên cứu gần đây về giá hạt giống ở thế kỷ XVIII cho thấy là vào thời kỳ đó, thị trường Trung Quốc đang trên đà tan rã, trái ngược với thị trường châu Âu.
Châu Âu thời ấy không có gì là một hệ thống tập trung quyền lực, và đắm chìm trong một cuộc cạnh tranh vừa tàn khốc vừa làm kiệt quệ. Đầu tiên là cạnh tranh giữa các nước với nhau, trong lúc Trung Quốc chỉ lo đối phó với các đợt xâm lăng từ phương Bắc. Cứ ba năm thì Luân Đôn có tới hai năm chiến tranh. Nợ công từ mức 5% tổng sản phẩm quốc nội vào cuối thế kỷ XVII tăng vọt lên hơn 200% sau trận Waterloo, trong khi đó Trung Quốc chẳng hề đi vay mượn. Thế nhưng các cuộc xung đột thường trực này lại trực tiếp hỗ trợ nền kinh tế và tăng trưởng, qua việc thúc đẩy các quốc gia cải thiện kỹ thuật quân sự và các cải tiến này lại trở nên hữu ích cho lĩnh vực dân sự, ví dụ trong vận tải đường biển. Theo phân tích mang tính khiêu khích của hai nhà nghiên cứu Jean-Laurent Rosenthal và R. Bin Wong, thì các cuộc xung đột cũng có những tác động gián tiếp đối với nền kinh tế và tăng trưởng : « Chiến tranh đã làm dấy lên tiến trình công nghiệp hóa trong các thành phố tại châu Âu ; chính sự thành kiến chú trọng đô thị này đã dẫn đến mức đầu tư cao và việc chấp nhận sử dụng máy móc ».
Sức mạnh của giới tư sản Anh quốc
Tiếp đến là cạnh tranh ngay trong lòng các quốc gia. Chính các vị vua khắt khe nhất ở châu Âu cũng phải chung sống với các lãnh chúa, giám mục, thương nhân và thậm chí cả với giới ngân hàng. Tệ hơn nữa, những vị vua này còn vay mượn tiền của họ để chinh chiến. Đổi lại, nhà vua nhượng cho họ nhiều lợi ích. Tại Anh, Nghị viện nắm lấy quyền kiểm soát về tài chính công sau cuộc Cách Mạng Vinh Quang 1688-1689. Giới tư sản mới hình thành đã áp đặt được những thay đổi luật pháp, chính trị, xã hội, cho phép cuộc cách mạng công nghiệp xuất hiện và phát triển. Chính vì lý do này mà nhiều kinh tế gia như Douglass North – giải Nobel năm 1993- cho rằng các định chế chính trị và việc bảo hộ quyền sở hữu đã đóng vai trò trung tâm trong sự trỗi dậy của nước Anh. Một số chuyên gia khác thì nhấn mạnh đến việc các thương nhân có được nhiều quyền tự do hơn trong giao thương hàng hải.
Thế nhưng, cần phải đi ngược thời gian xa hơn nữa thì mới hiểu được khúc mắc chằng chịt về sự khác biệt đó, thậm chí cả trước khi có cuộc cách mạng khoa học tại châu Âu, trong khi tại Trung Quốc không hề có một cuộc cách mạng tương tự. Ít ra là phải trở ngược đến thế kỷ XV, thời điểm mà Trung Quốc và Anh quốc đưa ra những quyết định đối nghịch nhau. Năm 1403, hoàng đế Minh Thành Tổ quyết định xây dựng một hạm đội gồm 200 thuyền buồm, trong đó có một số chiếc dài hơn 100m – dài gấp bốn lần các thuyền châu Âu thời bấy giờ. Hạm đội này đã tiến hành 7 cuộc thám hiểm, đến tận Hồng Hải và duyên hải châu Phi. Nhưng khi Minh Thành Tổ qua đời, căng thẳng dữ dội đã xảy ra trong hoàng cung. Cần phải có kinh phí để đẩy lùi các đợt xâm lăng từ các bộ tộc du mục phương bắc. Năm 1436, hoàng đế Hồng Hi, người kế thừa Minh Thành Tổ đã quyết định dừng các cuộc thám hiểm và ra lệnh phá hủy các thuyền. Để bảo toàn sự thống nhất, Trung Quốc quyết định đóng cửa cho đến tận thế kỷ XIX. Trong khi đó, châu Âu có một sự lựa chọn ngược lại. Câu chuyện nhà thám hiểm Christohpe Colomb là biểu tượng cho sự khác biệt này. Ông là một nhà hàng hải, chứ không phải là vua. Đó là sáng kiến cá nhân chứ không phải của triều đình, cho dù nguồn kinh phí đến từ nữ hoàng Castille. Christophe Colomb muốn khám phá chứ không muốn diễu võ giương oai. Khi mở rộng cánh cửa châu lục ra bên ngoài thế giới, các nhà thám hiểm lớn đã tạo đà phát triển kinh tế tuyệt vời cho châu Âu. Sử gia Fernand Braudel viết : « Châu Âu đã ca khúc khải hoàn trên các hải tuyến hoàn cầu, nối liền nơi này với nơi khác, tạo ra sự hợp nhất thế giới có lợi cho châu Âu ». Và đương nhiên đó là một sự sáng tạo của người Anh.
Thế nhưng sự đối lập giữa tư tưởng chinh phục và ưu tiên ổn định bên trong không chỉ xuất phát từ những quyết định của một vài người. Sự đối nghịch đó có cội nguồn sâu thẳm trong « những giá trị văn hóa » theo cách nói của sử gia người Mỹ David Landes và đây là giải thích sau cùng về sự khác biệt vĩ đại này. Trong tác phẩm Đạo đức Tin lành và tư tưởng về chủ nghĩa tư bản (Ethique protestante et l’esprit du capitalisme), nhà xã hội học Max Weber cho rằng đạo Tin Lành, phát triển mạnh mẽ ở Anh quốc hơn là tại Pháp, đã tạo ra mảnh đất màu mỡ thuận lợi cho cách tân và tích lũy vốn, những điều kiện không thể thiếu cho một cuộc cách mạng công nghiệp. Rồi trong một tác phẩm khác, ít nổi tiếng hơn, Tư tưởng Khổng giáo và Lão giáo (Confucianisme et taoisme), Max Weber cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã có được những giai đoạn thái bình lâu dài, thuận lợi cho việc nẩy nở và phát triển chủ nghĩa tư bản, thế nhưng họ lại thích thưởng ngoạn hơn là hành động, ưu tiên vai trò của gia đình hơn là sáng kiến cá nhân, không ưa thích phát minh vì lo ngại nguy cơ gây rối loạn các tư tưởng truyền thống cổ xưa. Đối với Khổng Tử, sự hiểu biết đến từ ông bà tổ tiên ; nhưng với Socrate, người sống cùng thời với Khổng Tử, thế kỷ thứ IV trước Công Nguyên, thì ngược lại, sự hiểu biết bắt nguồn từ việc thường xuyên xem xét lại vấn đề. Do đó, so với Socrate, triết lý đạo Khổng không chuẩn bị tốt cho sự ra đời của cuộc cách mạng công nghiệp.
Nhưng sự cất cánh thần kỳ của Trung Quốc từ những năm 1980 buộc phải xem xét lại toàn bộ những giải thích trên đây hoặc ít ra là phải điều chỉnh lại cách nhìn. Điều gì cho phép Trung Quốc đuổi kịp sự phát triển này ? Câu trả lời thường hay được đưa ra nhất, đó là việc mở cửa biên giới. Sau hơn nửa thiên niên kỷ cô lập, chính sách « mở cửa » đã được áp dụng, nhưng trong đoạn thứ hai của tiến trình cải cách. Giai đoạn đầu tiên của công cuộc cải cách là cho nông dân được tự do bán số lượng sản phẩm dư thừa sau khi hoàn thành nghĩa vụ chỉ tiêu theo kế hoạch của Nhà nước. Nói một cách khác, giải phóng tư duy doanh nghiệp và quá trình tích lũy nguyên thủy tư bản, cho phép tài trợ các đầu tư trong công nghiệp. Đó chính là điểm mà Trung Quốc đã thiếu để tiến hành cách mạng công nghiệp. Điều này không phải do Ricardo nói ra, mà chính là Schumpeter… và Karl Marx đã bảo vậy.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161115-bi-an-ky-thu-ve-su-%C2%AB-lu-mo-%C2%BB-cua-trung-quoc-phan-ii
Trung Quốc chặn tìm kiếm từ ‘Kim Tam Phì’
Các trang mạng của Trung Quốc một lần nữa chặn việc tìm kiếm từ “Kim Tam Phì”, một biệt danh mà nhiều người Trung Quốc chế giễu gọi lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói không chấp nhận việc chế giễu các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Tuần rồi, người dùng Internet Trung Quốc bắt đầu báo cáo việc tìm kiếm trên các trang web tiểu blog như Twitter, chẳng hạn như trang Weibo và công cụ tìm kiếm Baidu, về cụm từ trên thì đều không có kết quả. Đây là dấu hiệu bình thường cho thấy có điều gì đó đang bị chặn, mặc dù cụm từ này được sử dụng rất phổ biến ở Trung Quốc.
Cụm từ trên đã bị chặn lần gần nhất là hồi tháng 9, sau vụ thử hạt nhân mới nhất của nước láng giềng Bắc Triều Tiên.
Ông Kim bị ghét ở Trung Quốc vì liên tục thực hiện các vụ thử hạt nhân và phi đạn.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quốc Cảnh Sảng nói các báo cáo nói chính phủ cấm việc tìm kiếm cụm từ trên là “không chính xác”.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường nhật, ông Quốc nói:
“Điều tôi muốn nhấn mạnh là Trung Quốc luôn muốn xây dựng một môi trường công luận hợp lý, văn hóa và lành mạnh”.
Trung Quốc “không chấp nhận những ngôn ngữ xúc phạm hay nhạo báng đối với bất kỳ lãnh đạo của đất nước nào”, ông Quốc nói thêm, mà không phân tích chi tiết.
Weibo, công ty sở hữu cả Baidu Inc và Sina Corp, từ chối đưa ra bình luận.
Cơ quan kiểm soát Internet của Trung Quốc cũng không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-chan-tim-kiem-tu-kim-tam-phi/3598423.html
Philippines cảm thấy bấp bênh
sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ
Không khí hoang mang đang bao trùm lên Philippines sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.
Các nhà phân tích và các giới chức Philippines nói rằng việc ông Trump lên làm tổng thống Mỹ có thể mang lại một số thay đổi trong quan hệ giữa hai nước đồng minh lâu đời này, trong đó có các quan hệ về kinh tế và an ninh.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã xích lại gần hơn với Trung Quốc trong những tháng gần đây, đồng thời gây gỗ công khai với Tổng thống Barack Obama. Quan hệ ngoại giao giữa Washington và Manila đã xấu đi sau khi ông Duterte phản ứng mạnh trước những lời chỉ trích của Mỹ về chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu của ông, đã giết chết hơn 4.000 người kể từ khi chiến dịch này bắt đầu hồi tháng 7 năm nay.
Nhưng đầu tuần này ông Duterte bày tỏ hy vọng có thể hợp tác với ông Trump.
Tổng thống Duterte nói:
“Tôi tin chắc là như vậy. Chúng tôi không chống đối gì nhau. Tôi luôn làm bạn với tất cả mọi người, nhất là với một tổng thống, một nguyên thủ quốc gia.”
Tuy nhiên ông Duterte tuyên bố việc ông Trump đắc cử tổng thống sẽ không làm ông thay đổi chính sách đối ngoại độc lập của ông. Ông nói nước ông, một cựu thuộc địa của Hoa Kỳ, kiên quyết bước ra khỏi bóng tối lệ thuộc vào Mỹ, và thậm chí sẽ đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Nga.
Trong một cuộc họp báo mới đây, ông Duterte khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi những gì mà tôi đã khởi sự. Tôi không có thói quen thay đổi những cam kết của mình.”
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói quan hệ Mỹ-Phi “rất dễ chuyển biến” ngay tại thời điểm này.
Ông Lorenzana nói: “Chúng tôi cần biết rõ chính sách đối ngoại của Tổng thống tân cử Donald Trump, ông sẽ lên nhậm chức vào ngày 20 tháng Giêng năm tới. Chúng tôi sẽ chờ xem chuyện gì diễn ra và từ đó sẽ có phản ứng.”
Ông Jaime FlorCruz, giáo sư thỉnh giảng tại Ðại học Peking, nói: “Theo tôi thì chúng ta nên chờ những diễn biến trong 100 ngày đầu làm tổng thống của ông Trump.”
Giáo sư FlorCruz nhận định rằng ông Duterte đang tìm cách “khẳng định với các cường quốc rằng Philippines không phải là một nước lệ thuộc hay một lãnh thổ mở rộng của các nước lớn như họ vẫn nghĩ.”
Ông FlorCruz nói tiếp: “Theo tôi thì đó là một thái độ đúng đắn. Tôi cho rằng miễn là chúng ta đảm bảo mọi thỏa thuận ký với Trung Quốc hay Mỹ sẽ không có những ràng buộc kéo theo thì chúng ta hoàn toàn có thể tự hào rằng chúng ta có một chính sách đối ngoại độc lập.”
Ông Eralr Parreno của Viện Nghiên cứu Cải cách bầu cử và chính trị cho rằng quan điểm mang tính toàn cầu của ông Trump có thể sẽ thay đổi khi ông chính thức lên nhậm chức tổng thống.
Ông Parreno nói: “Hãy chờ cho đến khi ông Trump được Cơ quan Tình báo Trung ương và các cơ quan an ninh báo cáo. Tôi nghĩ rằng quan điểm của ông sẽ thay đổi. Cho đến giờ thì vẫn chưa thể dự đoán được về chính sách đối ngoại của ông Trump.”
Một nhà ngoại giao Philippines không muốn nêu tên trên báo chí nói: “Tôi lo ngại về những tranh chấp trên Biển Đông. Những yếu tố kinh tế có thể sẽ lấn át trong các mối quan hệ Mỹ-Phi. Điều đó có thể sẽ không xảy ra với bà Clinton, nhưng rất có thể sẽ xảy ra với ông Trump vì đó là lợi ích bằng tiền. Tuy nhiên vẫn còn quá sớm chưa thể xét đoán được.”
Nhà ngoại giao này nói thêm: “Có thể quan hệ Mỹ-Trung sẽ nồng ấm hơn bằng cái giá mà Philippines phải trả. Tuy nhiên nhận định của tôi có thể không đúng.”
Tờ Philippine Daily Inquirer có số ấn hành lớn nhất nước hôm thứ Hai đăng bài xã luận nói về “những ảnh hưởng tiêu cực từ các chính sách của Tổng thống Trump” về sản xuất hàng gia công, bảo hộ mậu dịch và di dân.
Bài xã luận nhan đề ‘Trump và kinh tế Philippines’ nói: “Nỗi lo lớn nhất là ngành sản xuất hàng gia công đang nở rộ. Ngành này đang tuyển dụng 1,2 triệu người lao động Philippines và tạo doanh thu 20 tỉ đôla một năm.” Bài viết cảnh báo rằng quan điểm bảo hộ mậu dịch của ông Trump đối với hàng sản xuất gia công “có thể đe dọa đà tăng trưởng của ngành công nghiệp gia công hàng xuất khẩu của Philippines.”
Nhưng Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế của Philippines, ông Ernesto Pernia không quá lo âu về dự đoán đó. Ông phát biểu trong một cuộc họp báo mới đây rằng Tổng thống Duterte chuẩn bị sẵn một kế hoạch xoay trục sang Trung Quốc để đón nhận chính quyền của Tổng thống Trump.
Ông Pernia nói: “Chúng ta có một lưới an toàn được Tổng thống Duterte chuẩn bị trước. Ông đã trông thấy trước, ông có khả năng tiên đoán. Ông đã quyết định xoay trục sang Trung Quốc. Thay vì chỉ phụ thuộc phần lớn vào Mỹ, nay chúng ta đã có thể đa dạng các nước bạn hữu của chúng ta. Do đó chúng ta sẽ không bị sụp đổ nếu quốc gia mà chúng ta lệ thuộc gặp khó khăn.”
Bộ trưởng Tài chánh Carlos Dominguez nói còn quá sớm để có thể xét đoán ảnh hưởng lâu dài của Tổng thống Trump đối với Philippines.
Ông Dominguez nói: “Khi là ứng cử viên và khi là tổng thống là hai người khác nhau. Chúng ta sẽ thấy những chính sách mà Tổng thống Trump sẽ thực hiện. Tôi nghĩ những người kinh doanh trên Thị trường Chứng khoán sẽ hơi lo lắng. Cá nhân tôi không chắc những ảnh hưởng sẽ như thế nào.”
Nhà phân tích chính trị Ramon Casiple nói rằng cả hai nhà lãnh đạo có “tầm suy đoán xuất chúng” và cả hai có thể hợp tác với nhau tốt hơn là giữa ông Duterte với ông Obama. Ông Casiple cũng dự đoán rằng chiến thắng của ông Trump có thể sẽ đặt ra một sự khởi đầu mới trong quan hệ Mỹ-Phi.
TPP sa sút, Malaysia ngả về Trung Quốc
để tăng cường thương mại
Malaysia hôm thứ Ba cho biết họ sẽ tập trung nỗ lực của mình vào một hiệp định thương mại đa quốc gia do Trung Quốc dẫn đầu, trong khi quốc gia Đông Nam Á này chuẩn bị cho sự sụp đổ có thể xảy ra của thỏa thuận Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), do Mỹ lãnh đạo.
Phát biểu được đưa ra sau khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama đình chỉ những nỗ lực để giành được sự chấp thuận của Quốc hội đối với TPP trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức, nói rằng số phận của thỏa thuận này tùy thuộc vào ông Trump và những nhà lập pháp Đảng Cộng hòa.
Bộ trưởng Thương mại Mustapa Mohamed cho biết Malaysia đang tìm cách thúc đẩy thỏa thuận Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – được Trung Quốc mô tả là một phần trong nỗ lực của nước này tiếp cận với Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á 10 thành viên (ASEAN).
“Tình hình kinh tế quốc tế bất định hiện nay đã thúc đẩy và củng cố quyết tâm của các nước RCEP, nằm trong số những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới, để tiếp tục hợp tác chặt chẽ tiến tới hoàn tất thỏa thuận thương mại này,” ông Mustapa cho biết trong một thông cáo.
Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ hủy bỏ TPP trong suốt chiến dịch tranh cử của mình.
Phát biểu của ông Mustapa theo sau một loạt những thỏa thuận song phương trị giá 34 tỉ đôla mà Malaysia và Trung Quốc đã ký kết. Đây được coi là sự dịch chuyển về phía cường quốc châu Á này và rời xa Mỹ.
TPP chỉ có thể xúc tiến được nếu Mỹ, nước “chiếm khoảng 60% GDP của tất cả các nước thành viên TPP,” vẫn là một phần của thỏa thuận này, ông Mustapa cho biết.
Nó chỉ có thể có hiệu lực nếu được phê chuẩn bởi ít nhất sáu nước có GDP chiếm 85% tổng số GDP của 12 nước trong thỏa thuận, ông nói thêm.
“Sẽ không có TPP nếu không có sự tham gia của Mỹ.”
Ông Mustapa cho biết một bức tranh rõ ràng hơn về hiện trạng của TPP dự kiến sẽ hiện ra trong những cuộc thảo luận bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào tuần sau ở Lima, thủ đô của Peru.
Pakistan, Trung Quốc
cùng nhau mở con đường thương mại quốc tế mới
Pakistan và Trung Quốc trong tuần này đã khởi động một con đường thương mại quốc tế mới thông qua cảng Gwadar ở phía tây nam Pakistan trong khuôn khổ một thỏa thuận hợp tác kinh tế trị giá nhiều tỉ đôla giữa hai nước đồng minh thân cận này.
Bắc Kinh đầu tư 46 tỉ đôla theo thỏa thuận Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan CPEC. Thỏa thuận này sẽ đẫn tới việc xây dựng đường bộ, đường xe lửa và mạng lưới thông tin liên lạc và những dự án điện lực tại Pakistan dọc theo con đường nối liền vùng Tân Cương của Trung Quốc và Gwada.
Các giới chức Trung Quốc nói Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan là “dự án thí điểm chính của Vòng Đai và Đường xá” đã được chủ tịch Tập Cận Bình đề nghị trước đây.
Dự án sẽ biến cải cảng nước sâu Gwada với sự trợ giúp tài chính và kỹ thuật của Trung Quốc, thành một cửa ngõ cho nhập khẩu và xuất khẩu từ Tân Cương đến các thị trường quốc tế.
Cảng Gwada nằm vào nơi hội tụ của ba vùng thương mại quan trọng nhất thế giới, vùng Trung Đông giàu dầu mỏ, vùng Trung Á và Nam Á. Cảng này cũng nằm tại cửa Vịnh Ba Tư, bên ngoài Eo biển Hormuz.
Các giới chức Pakistan và Trung Quốc ngày Chủ Nhật tập trung tại cảng để chào mừng đoàn xe tải đầu tiên từ Trung Quốc đến. Các Công-tơ-nơ được đưa lên hai tàu hàng Trung Quốc để từ cảng Gwadar đi đến các nơi khác ở nước ngoài.
Đoàn xe chở hàng vượt qua 3.000km dọc theo xa lộ Karakoram xuyên qua miền tây Pakistan sau khi qua đèo Khunjerab, cửa khẩu cao nhất thế giới.
Các nhà lãnh đạo Pakistan hy vọng hành lang kinh tế này sẽ giúp phát triển và thịnh vượng cho hàng tỉ người dân trong vùng.
Đối với Trung Quốc, con đường Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan sẽ là con đường ngắn nhất để tiếp cận Biển Ả Rập và Ấn Độ Dương. Các tàu thuyền Trung Quốc hiện phải đi ngang que Eo biển Malacca và mất khoảng nửa tháng để chuyên chở hàng hóa đi hoặc đến Trung Quốc.
Tài liệu rò rỉ:
Anh không có kế hoạch toàn diện cho Brexit
Nước Anh không có kế hoạch toàn diện để chuẩn bị cho Brexit và chiến lược để Anh tách ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ không đạt được trong ít nhất sáu tháng do sự chia rẽ trong chính phủ của Thủ tướng Theresa May, BBC và tờ Times trích dẫn nguồn tin từ một bản ghi nhớ bị rò rỉ cho biết.
Tài liệu bị rò rỉ, do một nhà tư vấn soạn cho Văn phòng Nội các, cho biết các cơ quan chính phủ đang làm việc trên hơn 500 dự án liên quan đến Brexit và có thể phải cần thêm 30.000 công chức.
Văn phòng của Thủ tướng May không thừa nhận những tuyên bố đưa ra trong bản ghi nhớ.
“Đây không phải là một báo cáo của chính phủ và chúng tôi không nhận ra những tuyên bố đưa ra trong tài liệu này”, một phát ngôn viên của văn phòng Thủ tướng May nói.
“Chúng tôi đang tập trung vào công việc tiếp tục thực hiện Brexit và đưa quá trình này đến thành công”.
Phúc trình này nói không có một chiến lược Brexit chung vì những sự chia rẽ trong chính quyền, trong đó Ngoại trưởng Boris Johnson, Bộ trưởng Thương mại Liam Fox và Bộ trưởng Brexit David Davis thuộc một phe, và Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond và Bộ trưởng Kinh doanh Greg Clark thuộc phe bên kia.
Tài liệu này cũng cho biết có nhiều khả năng “những nhân vật chủ chốt” trong ngành công nghiệp đã áp lực, “chĩa súng vào đầu chính phủ” để có những bảo đảm tương tự như đối với hãng sản xuất ô tô Nissan rằng hãng này sẽ không bị tác động bởi giải pháp Brexit.
Bà May đã hứa kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, bắt đầu hai năm đàm phán để rời khỏi EU, vào cuối tháng Ba. Nhưng cho đến nay, không đưa ra kế hoạch cụ thể nào về mối quan hệ tương lai giữa nước Anh với khối sử dụng đồng euro.
http://www.voatiengviet.com/a/tai-lieu-ro-ri-anh-khong-co-ke-hoach-toan-dien-cho-brexit/3597053.html
Nga loan báo
các cuộc không kích dữ dội tại 2 tỉnh của Syria
Hôm thứ Ba, Nga cho biết lực lượng không quân của họ đã tiến hành một chiến dịch không kích lớn nhắm vào các tỉnh Idlib và Homs của Syria.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết chiến dịch này có sự tham gia của các chiến đấu cơ xuất phát từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, hàng không mẫu hạm duy nhất của Nga. Tàu này cùng với nhiều tàu khác đã tiến vào vùng biển phía Đông Địa Trung Hải hồi tuần trước.
Truyền thông Nga cho biết các cuộc không kích hôm thứ Ba nhắm vào các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo và của Mặt trận Nusra.
Thông báo được đưa ra giữa lúc các nhà hoạt động Syria báo cáo rằng các cuộc không kích đã tái tục ở khu vực phía đông Aleppo do phe nổi dậy kiểm soát.