Tin khắp nơi – 16/09/2019
Đưa “sát thủ chống hạm” tới Thái Bình Dương,
Mỹ gửi thông điệp đanh thép tới TQ
Việc Hải quân Mỹ triển khai tàu chiến tàu duyên được trang bị tên lửa và trực thăng không người lái tới Thái Bình Dương được cho là nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc.
USS Gabrielle Giffords, một tàu chiến tuần duyên tốc độ cao, đã rời cảng San Diego, Mỹ vào đầu tháng này để tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tàu chở theo tên lửa chống hạm (NSM) mới của hải quân Mỹ và một máy bay trực thăng không người lái hỗ trợ.
Theo Raytheon, nhà thầu cung cấp vũ khí chính của quân đội Mỹ, NSM là tên lửa hành trình lướt nhanh trên biển, rất khó bị radar phát hiện và có thể vượt qua các rào chắn phòng thủ của đối phương. Được trang bị trên tàu Gabrielle Giffords, tên lửa NSM kết hợp với trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout có thể theo dõi mọi mục tiêu.
Theo Trung tá John Fage, người phát ngôn của Hạm đội 3 Hải quân Mỹ, các vũ khí trên sẽ tăng cường sức mạnh tác chiến của Hải quân Mỹ.
“Lầu Năm Góc đang xây dựng một lực lượng quân sự có thể hoạt động trên nền tảng bền vững hơn và có khả năng tốt hơn trong việc chiến đấu cũng như đối phó với chiến lược chống tiếp cận, chống xâm nhập của quân đội Trung Quốc”, nhà phân tích quốc phòng Timothy Heath nhận định, đề cập tới hệ thống tàu chiến, máy bay, tên lửa được quân đội Trung Quốc sử dụng để kiểm soát các khu vực tại Thái Bình Dương.
Sát thủ chống hạm
USS Gabrielle Giffords là tàu chiến tuần duyên đầu tiên được trang bị tên lửa NSM. Phát biểu trước ủy ban quân vụ hạ viện hồi đầu năm, các quan chức Hải quân Mỹ cho biết trong tương lai, phần lớn các tàu trong hạm đội tàu chiến tuần duyên ngày càng lớn mạnh của Mỹ, dự kiến gồm hơn 30 tàu, cũng sẽ được trang bị loại vũ khí tối tân này.
Với tầm bắn hơn 180 km, NSM là tên lửa có khoảng thời gian từ thử nghiệm tới triển khai thực tế tương đối ngắn và là sản phẩm hợp tác phát triển giữa Na Uy và Mỹ. Trong khi đó, các tàu chiến tuần duyên của Mỹ có hai phiên bản, được thiết kế để sử dụng trong các chiến dịch tại các khu vực ven biển hoặc các vùng nước nông xung quanh các bờ biển hoặc các đảo.
Việc kết hợp tên lửa NSM với trực thăng không người lái sẽ cho phép tàu USS Gabrielle Giffords nhắm tới cả những mục tiêu nằm ngoài tầm quan sát của radar được trang bị trên tàu chiến này.
Nhà phân tích Carl Schuster, cựu đại tá Hải quân Mỹ, cho biết trực thăng Fire Scout đã mở cho USS Gabrielle Giffords “đôi mắt nhìn xa tận chân trời”
“Khả năng phát hiện mục tiêu quan trọng không kém hệ thống tên lửa. Bạn chỉ có thể đánh trúng những gì bạn phát hiện được”, Carl Schuster nhận định.
Việc triển khai các vũ khí trên các tàu chiến tuần duyên, vốn có kích cỡ nhỏ hơn, sẽ giảm bớt gánh nặng cho các tàu khu trục và tàu tuần dương lớn hơn. Các tàu cỡ lớn vốn được thiết kế để hoạt động tại các vùng biển mở và đang căng mình hoạt động để đáp ứng nhu cầu của quân đội Mỹ.
Các lãnh đạo cấp cao của Hải quân Mỹ từng nhiều lần tuyên bố trong năm nay rằng, họ đã lên kế hoạch triển khai 2 tàu chiến tuần duyên hoạt động bên ngoài Singapore trong năm nay. Ngoài ra, các tàu chiến khác dự kiến cũng sẽ được triển khai khi hạm đội gia tăng số lượng.
“Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều tàu chiến tuần duyên hoạt động tại Biển Đông, giải phóng cho các tàu cỡ lớn đang thực hiện phần lớn các hoạt động tuần tra tại khu vực này”, nhà phân tích Heath nhận định.
Mặc dù Hải quân Mỹ chưa thông báo chính thức tàu USS Gabrielle Giffords sẽ được triển khai tới khu vực nào tại Thái Bình Dương, song có thông tin nói rằng tàu chiến này sẽ tới Singapore, nơi một tàu chiến tuần duyên khác của Mỹ là USS Montgomery đã được triển khai tới dù tàu này không được trang bị tên lửa NSM.
“Sứ mệnh của tàu USS Gabrielle Giffords là tiến hành các chiến dịch an ninh hàng hải, hợp tác an ninh khu vực, hỗ trợ ứng phó thảm họa và duy trì hiện diện hải quân ở bất kể nơi nào và vào bất kể lúc nào”, người phát ngôn Hạm đội 3 cho biết.
Thông điệp quan trọng
Theo nhà phân tích Schuster, việc Mỹ triển khai các tàu và vũ khí hiện đại tới Thái Bình Dương nhằm gửi một thông điệp quan trọng, từ đó có thể “thay đổi cuộc chơi” tại vùng biển Tây Thái Bình Dương – nơi Trung Quốc đang chiếm lợi thế hơn so với Mỹ về tên lửa hành trình.
“Đây là bước đầu tiên để khôi phục lại tình trạng mất cân bằng khi có thêm tàu được triển khai trong những năm tới”, Schuster nhận định.
Theo CNN, các vũ khí này không chỉ gửi thông điệp tới Mỹ mà còn các đối tác của Washington tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm các nước ASEAN đang có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.
Mỹ đang đẩy mạnh vai trò của nước này như một đối tác đáng tin cậy hơn Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt tại Biển Đông. Washington thường xuyên tiến hành các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải nhằm thực hiện cam kết duy trì khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do.
“Các nước ASEAN được hưởng lợi từ sự hiện diện mạnh mẽ hơn của quân đội Mỹ tại Đông Nam Á, trong khi Trung Quốc có thể sẽ ứng phó bằng cách hoạt động cẩn trọng hơn tại Biển Đông”, nhà phân tích Heath nhận định.
Không chỉ thương chiến,
ông Trump đấu TQ còn là vì Chân lý
Trên kênh Fox News, cố vấn chính sách thương mại của Nhà Trắng, ông Peter Navarro đã chỉ trích tờ Wall Street cáo buộc Tổng thống Donald Trump gây suy giảm tăng trưởng kinh tế khi tiến hành thương chiến với Trung Quốc.
Khi được hỏi về tình hình suy giảm kinh tế, ông Navarro nói với người dẫn chương trình Maria Bartiromo trong chương trình hôm 8/9: “Nền kinh tế dưới sự dẫn dắt của ngài Trump, rắn chắc như đá tảng.”
Ông Navarro, tác giả cuốn sách cảnh báo mối đe dọa từ Bắc Kinh mang tên “Chết bởi Trung Quốc” (Dealth by China), nói rằng Cục dự trữ Liên bang là “thứ duy nhất đang kìm giữ nền kinh tế Mỹ” và tuyên bố rằng nó “khiến nước Mỹ mất ít nhất 1 điểm tăng trưởng.”
Ông Navarro phê phán tờ Wall Street chỉ biết Tổng thống Trump mà không nhìn ra mối đe dọa từ Trung Quốc. Ông nói: “Suốt 20 năm qua, tờ báo này chưa bao giờ viết được một bài xã luận về vấn đề Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ của chúng ta, ép buộc chuyển giao công nghệ, giết công dân Mỹ bằng thuốc gây nghiện fentanyl, vì thế, theo quan điểm của tôi, tạp chí Wall Street không thể đủ uy tín để đề cập đến những vấn đề này”.
Nhà kinh tế Navarro tuyên bố: “Nếu người Mỹ ngày càng hiểu rõ những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, thì họ sẽ càng ủng hộ Tổng thống Trump trong các sách lược cứng rắn của ông với Trung Quốc”.Đề cập đến cuộc đối đầu giữa Tổng thống Trump – một người có đức tin sâu sắc, và chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc vốn theo chủ nghĩa vô thần, ông Navarro cho rằng: “Đây không chỉ đơn thuần là một cuộc thương chiến, mà còn là vì Thượng Đế, Quốc gia, người lao động Hoa Kỳ và Chân lý”.
Tổng thống Trump: “đạn đã lên nòng”
tùy thuộc vào kết luận vụ tấn công dầu mỏ Saudi
Vào hôm Chủ Nhật (15 tháng 9), Tổng thống Trump nói trên Twitter rằng Hoa Kỳ có lý do để tuyên bố họ thủ phạm vụ tấn công nhà máy dầu mỏ của Saudi Arabia, đồng thời cho biết đạn của Hoa Kỳ đã “lên nòng”, tùy thuộc vào tình hình sau sự việc.
Hôm thứ Bảy (14 tháng 9), một vụ tấn công nhắm vào cơ sở sản xuất dầu mỏ lớn nhất Saudi Arabia đã ảnh hưởng đến 5% nguồn cung cấp dầu mỏ toàn cầu. Nhóm vũ trang nổi dậy Houthi đã nhận trách nhiệm, và nhóm này được Iran hậu thuẫn. Hoa Kỳ dựa vào số lượng mục tiêu bị tập kích và thông tin khác để cho rằng Yemen không có khả năng thực hiện vụ tấn công vào cơ sở dầu mỏ Saudi Arabia. Thay vào đó, có thể Iran hoặc Iraq đã đứng sau vụ tấn công.
Hoa Kỳ cho biết tuyên bố của Houthi về việc sử dụng 10 máy bay không người lái cho vụ tấn công là không khả thi, khi có đến 19 mục tiêu bị tập kích. Ba chuyên gia quân sự của CNN đã kiểm tra các ảnh chụp từ vệ tinh, cho biết những hình ảnh này có thể củng cố cho tuyên bố của chính quyền Tổng thống Trump, rằng máy bay không người lái có khả năng đến từ Iraq hoặc Iran, nhưng họ cũng khuyến cáo bằng chứng này không đủ mạnh.
Hôm Chủ nhật, Tổng thống Iran, Rouhani đã không đề cập cụ thể vụ tấn công trong bài phỏng vấn của Press TV, nhưng đã cáo buộc Hoa Kỳ đang chỉ thị cho một cuộc chiến tranh bằng cách hỗ trợ UAE và Saudi Arabia, vận chuyển vũ khí và cung cấp thông tin tình báo.
Trước đó, cố vấn cao cấp của Tòa Bạch Ốc Kellyanne Conway cho biết Tổng thống Trump có nhiều phương án để đáp trả cho vụ tấn công vào cơ sở sản xuất dầu mỏ của Saudi Arabia vào cuối tuần này. (Mộc Miên)
Tổng thống Trump và thủ tướng Israel
cân nhắc ký hiệp ước phòng thủ chung
Tin từ Washington, DC – Vào hôm thứ Bảy (14/9), Tổng thống Donald Trump cho biết đã thảo luận với Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu về khả năng thúc đẩy Hiệp ước phòng thủ chung, giúp làm tốt hơn mối quan hệ liên minh giữa hai nước.
Hành động này được cho là sẽ giúp Thủ tướng Netanyahu tiếp tục duy trì quyền lực trong cuộc bỏ phiếu bầu cử sắp tới của Israel. Tổng thống Trump cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục các cuộc thảo luận về vấn đề này vào cuối tháng 9 năm nay, bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Đáp lại, Thủ tướng Netanyahu cảm ơn Tổng thống Trump và khẳng định Israel chưa bao giờ có một người bạn vĩ đại hơn Hoa Kỳ. Ông Netanyahu cũng mong đợi cuộc gặp tại Liên Hiệp Quốc để thúc đẩy Hiệp ước quốc phòng lịch sử song phương.
Thông báo của Tổng thống Trump đưa ra chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử tại Israel diễn ra vào hôm thứ Ba (17/9). Tổng thống Trump trước đó liên tiếp có các bước đi nhằm ủng hộ cho nỗ lực của Thủ tướng Netanyahu trong cuộc bầu cử. Nhiều cuộc thăm dò ý kiến đưa ra dự đoán về một cuộc đua khít khao diễn ra gần 5 tháng sau cuộc bầu cử chưa có hồi kết. Trong cuộc bầu cử đó ông Netanyahu tuyên bố rằng ông là người chiến thắng, nhưng không thành lập một chính phủ liên minh. Đảng Likud của ông Netanyahu đang hoạt động song song với đảng Xanh Trắng của cựu lãnh đạo lực lượng vũ trang
Benny Gantz. Ông Gantz là người tập trung nhiều vào các vụ cáo buộc tham nhũng mà ông Netanyahu phải đối mặt.
Tổng thống Trump trước đây cũng từng có hành động củng cố ứng vị thế của ông Netanyahu trong cuộc bầu cử, khi công nhận yêu sách chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan trước cuộc bầu cử hồi đầu năm nay. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-va-thu-tuong-israel-can-nhac-ky-hiep-uoc-phong-thu-chung/
Hòa Kỳ hậu thuẫn Afghanistan
tiêu diệt hai thủ lĩnh cao cấp của Taliban
Tin từ Kabul, Afghanistan — Vào hôm Chủ Nhật (15/9), lực lượng an ninh Afghanistan vừa giết chết hai thủ lĩnh cao cấp của nhóm phiến quân Taliban.
Lực lượng an ninh Afghanistan được hậu thuẫn bởi lực lượng không quân Hoa Kỳ. Chiến dịch trên được phát động vào tối hôm thứ Bảy (14/9) nhằm chặn đứng các vụ tấn công của Taliban nhắm vào các lực lượng Afghanistan. Theo một viên chức an ninh cao cấp ở Kabul cho hay, các vụ đụng độ đang leo thang sau khi đàm phán giữa Hoa Kỳ và Taliban sụp đổ. Bộ quốc phòng Afghanistan tuyên bố rằng có ít nhất 85 tay súng Taliban bị tiêu diệt trong một chiến dịch kết hợp trên bộ và trên không ở phía nam tỉnh Paktika vào tối thứ Bảy (14/9). Các cuộc đụng độ giữa nhóm phiến quân Taliban và lực lượng Afghanistan gia tăng ở phía bắc tỉnh Samangan. Đây là nơi thủ lĩnh cao cấp Mawlavi Nooruddin của nhóm Taliban bị giết cùng với bốn tay súng trong một cuộc không kích ở quận Dara-e-Soof Payeen.
Tuy nhiên, Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên của nhóm Taliban phủ nhận tin tức trên, và cho hay rằng thủ lĩnh Nooruddin vẫn còn sống.
Trong một diễn biến khác, ông Mullah Sayed Azim, thủ lĩnh quận Anar Dara, phía tây Farah của phiến quân Taliban bị giết trong một cuộc đột kích của lực lượng Afghanistan và lực lượng ngoại quốc. Các viên chức an ninh cao cấp ở Kabul cho biết sẽ triển khai một số chiến dịch chung chống lại lực lượng phiến quân Taliban và ISIS. Mục đích là để ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Afghanistan và dân thường trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 28/9.
Các cuộc giao tranh xảy ra ở một số khu vực của Afghanistan vào tuần trước, sau khi Tổng thống Donald Trump đột ngột hủy bỏ các cuộc đàm phán với Taliban, ngay trước khi hai bên dường như sắp đạt thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-hau-thuan-afghanistan-tieu-diet-hai-thu-linh-cao-cap-cua-taliban/
Trump bênh vực Thẩm phán Kavanaugh
trong cáo buộc sách nhiễu tình dục mới
Tổng thống Mỹ Donald Trump giận dữ bênh vực Thẩm phán Tối cao Pháp viện Brett Kavanaugh, người đang đối mặt với những cáo buộc mới về sách nhiễu tình dục.
Một cựu sinh viên bạn của Thẩm phán Kavanaugh’s nói ông đã để lộ cơ thể của mình tại một bữa tiệc sinh viên và có những hành vi không phù hợp khác ở đó.
Ông Trump lên án giới truyền thông và đảng Dân chủ đối lập.
Trump đề nghị Thẩm phán Kavanaugh nên kiện tội phỉ báng – hoặc bộ Tư pháp Hoa Kỳ nên “giải cứu” ông ta.
Điều trần Kavanaugh – thời khắc quan trọng cho phụ nữ Mỹ
Mỹ: Ứng viên Tối cao Pháp viện bị tố ‘tấn công tình dục’
Phong trào #MeToo liệu có lớn mạnh ở Việt Nam?
MeTooVN: ‘Tôi đã lên tiếng nhưng không ai tin tôi’
Năm ngoái, Thẩm phán Kavanaugh, trong khi được xác nhận làm thẩm phán tại Tối cao Pháp viện, đã phủ nhận cáo buộc của hai người phụ nữ về hành vi sách nhiễu tình dục của ông thời còn đi học.
Christine Blasey Ford đã làm chứng trước Quốc hội rằng ông Kavanaugh đã tấn công tình dục bà vào thập niên 1980, trong khi Deborah Ramirez nói với tạp chí The New Yorker rằng ông vẫy dương vật trước mặt cô tại một bữa tiệc ký túc xá cũng trong thập niên 1980.
Những cáo buộc mới nhất đã được tiết lộ trên tờ New York Times.
Ông Max Stier, người cùng học ở Đại học Yale với thẩm phán Kavanaugh và hiện đang điều hành một tổ chức phi lợi nhuận ở Washington DC đã đưa ra những cáo buộc mới này.
Ông Stier nói ông đã nhìn thấy bạn học cũ của mình “tụt quần dài xuống trong một bữa tiệc say xỉn khác ở ký túc xá, nơi bạn bè đẩy dương vật của ông vào tay một nữ sinh viên”.
Đảng Dân chủ kêu yêu cầu phải điều tra ông thẩm phán.
Thượng nghị sĩ Amy Klobouchar, một thành viên của Ủy ban Tư pháp Thượng viện, người có liên quan đến một cuộc trao đổi căng thẳng với thẩm phán Kavanaugh, tại buổi lễ xác nhận ông vào vị trí thẩm phán của Tối cao Pháp viện đã mô tả quá trình này là một “trò hề”.
“Tôi phản đối mạnh mẽ Kavanaugh dựa trên quan điểm của ông về quyền hành pháp, điều sẽ tiếp tục ám ảnh đất nước chúng ta, cũng như cách ông ta cư xử, bao gồm cả những cáo buộc mà chúng ta đang nghe nhiều hơn ngày hôm nay”, bà Klobouchar nói với ABC.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz nói rằng cáo buộc mới này là kết quả của “nỗi ám ảnh của phe cánh tả trong việc cố gắng bôi nhọ thẩm phán Kavanaugh bằng cách quay lại với những sự kiện đã xẩy ra cách đây 30 năm với các nguồn ẩn danh”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49711967
49,000 công nhân
tại các nhà máy General Motors đình công
Vào hôm Chủ Nhật (15 tháng 9), nghiệp đoàn United Auto Workers (UAW) cho biết khoảng 49,000 công nhân tại các nhà máy General Motors (GM) tại Hoa Kỳ đã đình công vào trước nửa đêm, vì các cuộc đàm phán về một hợp đồng mới đã thất bại.
Khoảng 200 nhà lãnh đạo của nghiệp đoàn đã bỏ phiếu thống nhất ủng hộ cuộc đình công trong cuộc họp vào sáng Chủ Nhật tại Detroit. UAW cho biết họ sẽ đình công nhằm tăng lương cho công nhân, giá chăm sóc sức khỏe phải chăng, chia sẻ lợi nhuận, bảo đảm việc làm, và cho phép những công nhân tạm thời được làm việc dài hạn.
Các nhà lãnh đạo cho biết hai bên đàm phán vẫn còn nhiều mâu thuẫn về một số vấn đề lớn. Và dường như nghiệp đoàn đã không chấp nhận đề nghị của GM, để sản xuất sản phẩm mới tại hai trong số bốn nhà máy mà công ty này dự định đóng cửa. Hiện vẫn chưa rõ hai nhà máy nói trên, một ở Detroit và một ở Lordstown, sẽ thuê bao nhiêu công nhân.
Tổng thống Donald Trump đã liên tục chỉ trích công ty và yêu cầu nhà máy tại Lordstown được mở cửa trở lại. Trong một tuyên bố, GM cũng cho biết đề nghị nói trên bao gồm hơn 7 tỷ mỹ kim tiền đầu tư vào nhà máy ở Hoa Kỳ, và tạo ra 5,400 công việc mới, trong đó công ty sẽ tuyển một số công nhân hiện tại để làm việc. Tuyên bố cũng cho biết đề nghị của công ty còn tăng mức lương và cung cấp lợi ích tốt nhất cho các công nhân, cũng như cải thiện việc chia sẻ lợi nhuận. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/49000-cong-nhan-tai-cac-nha-may-general-motors-dinh-cong/
Thống đốc New York công bố
cấm thuốc lá điện tử có hương vị
Vào hôm Chủ Nhật (15 tháng 9), Thống Đốc New York Andrew Cuomo đã công bố một “lệnh hành pháp khẩn cấp” nhằm cấm việc bán thuốc lá điện tử có hương vị.
Văn phòng của thống đốc cho biết lệnh này sẽ thúc đẩy luật pháp nhằm loại bỏ các hành vi tiếp thị lừa đảo của thuốc lá điện tử đối với người dùng chưa đủ tuổi. Luật cũng tăng tuổi mua thuốc lá điện tử từ 18 đến 21 tuổi. Theo văn phòng thống đốc, cảnh sát tiểu bang New York hiện sẽ hợp tác với Bộ Y tế, để tiến hành các cuộc điều tra bí mật theo Đạo luật Phòng chống Sử dụng Thuốc lá Thanh thiếu niên. Theo lệnh điều hành nói trên, các nhà bán lẻ bán thuốc lá điện tử và các sản phẩm liên quan cho các cá nhân chưa đủ tuổi sẽ phải đối mặt với các hình phạt hình sự cũng như dân sự.
Vào sáng Chủ Nhật, ông Cuomo đã tổ chức một cuộc họp báo với Ủy viên Y tế Tiểu bang New York, Tiến sĩ Howard Zucker. Ông Cuomo cho biết lệnh điều hành mới sẽ có hiệu lực trong vòng hai tuần. Tổng giám đốc cảnh sát tiểu bang sẽ làm việc với ông Zucker để phạt các cửa hàng bán thuốc lá điện tử cho những người dưới 18. Ông Cuomo muốn bắt đầu thi hành lệnh điều hành vào ngày 4 tháng 10.
Ông Cuomo đã chỉ trích quyền lực của ngành công nghiệp thuốc lá điện tử đối với các nhà lập pháp ở Washington. Ông nói rằng New York sẽ hành động độc lập về những vấn đề liên quan đến súng, chất gây nghiện và thuốc lá điện tử. Thống đốc tin rằng những người vận động hành lang trong ngành thuốc lá điện tử có khả năng ngăn chặn những hành động của liên bang, vì “tiền của họ có thể mua Washington.”
Lệnh hành pháp của ông Cuomo được đưa ra sau khi chính quyền Tổng Thống Trump đang cố gắng cấm tất cả các sản phẩm thuốc lá điện tử có hương vị khỏi thị trường. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/thong-doc-new-york-cong-bo-cam-thuoc-la-dien-tu-co-huong-vi/
Liên Hiệp Quốc: Việt Nam nằm trong 10 nước
trả thù người báo cáo vi phạm nhân quyền
Geveva, ngày 16/9/2019: Theo phúc trình thường niên của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterrevà Hội đồng Nhân quyền: Việt Nam là một trong 10 quốc gia nổi bật trong việc trả thù những người báo cáo vi phạm nhân quyền.
Bản phúc trình trên được chuẩn bị bởi Phụ tá tổng thư ký LHQ về nhân quyền Andrew Gilmour, và được ông António Guterres công bố trong buổi khai mạc phiên họp thứ 42 của Hội đồng Nhân quyền tại Geneva vào ngày 9/9 vừa qua.
Trong bản phúc trình này, trong thời gian từ 01/6/2018 đến 31/5/2019, nhà cầm quyền Việt Nam đã trả thù những người báo cáo vi phạm nhân quyền trong 6 trường hợp: 5 người Tây nguyên theo đạo Tin Lành bị trả thù vì đã báo cáo các vi phạm về tự do tôn giáo. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh bị giữ ở phi trường và chiếu khán bị tịch thu sau khi trở về từ Geneva nơi bà lên tiếng cho chồng mình là tù nhân lương tâm Trương Minh Đức. Bà Bùi Thị Kim Phượng bị cấm xuất cảnh trên đường đi Âu Châu vận động cho chồng là tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển. Nhiều giáo dân và linh mục Công giáo bị trả thù vì báo cáo sự bạo hành của hội cờ đỏ và sự bảo kê của nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An. 18 người thuộc nhiều cộng đồng tôn giáo bị cấm xuất cảnh hoặc bị triệu tập để tra hỏi sau khi dự hội nghị về tự do tôn giáo.
Hàng năm, Hội đồng Nhân quyền thu thập chứng cứ về việc trả thù của nhà cầm quyền một quốc gia đối với những người báo cáo vi phạm nhân quyền. Các hành vi hăm doạ hoặc trả thù bao gồm: cấm xuất cảnh, đe doạ, quấy nhiễu, tung chiến dịch bôi nhọ, theo dõi, bạo hành, áp đặt luật lệ khắc nghiệt, bắt và giam độcđoán, tra tấn, ngược đãi, không cho tiếp cận dịch vụ y tế, hoặc sát hại.
Chế độ cộng sản Việt Nam trả thù một cách tàn bạo và có hệ thống những người hoạt động nhân quyền và báo cáo vi phạm nhân quyền, và đã bị nêu tên trong bản phúc trình năm 3 lần trước trong các năm 2014, 2015 và 2016.
Quốc Tuấn
Người Pháp hẹn hò trên Facebook đầu năm 2020
Sau một thời gian dài thử nghiệm, dịch vụ hẹn hò trên mạng xã hội Facebook chính thức ra mắt tại 20 quốc gia trên thế giới. Riêng tại châu Âu, tính năng hẹn hò này nằm trong phiên bản mới của ứng dụng mạng xã hội và sẽ được triển khai tại Pháp nói riêng, tại châu Âu nói chung vào đầu năm 2020.
Một cách chính thức, dịch vụ ‘‘Facebook Dating’’ đã bắt đầu hoạt động kể từ tháng 9 năm 2019 tại Hoa Kỳ và Canada cũng như tại 10 quốc gia khác ở châu Mỹ trong đó có Mexico, Ecuador, Guyana ở Trung Mỹ và các nước quan trọng ở Nam Mỹ như Brazil, Argentina, Chile, Colombia. Riêng tại châu Á, dịch vụ ‘‘Facebook Dating’’ đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ mùa hè năm 2019 và cũng được triển khai tại Thái Lan, Singapore, Lào, Malaysia, Philippines …..
Được dành riêng cho người sử dụng (có mở tài khoản) từ 18 tuổi trở lên, dịch vụ hẹn hò được cài sẵn vào trong phiên bản gần đây nhất của ứng dụng Facebook. Dịch vụ ‘‘hẹn hò’’ này cho phép bạn tạo một hồ sơ riêng cho mình – hoàn toàn khác biệt với trang chính – Một khi đã mở trang riêng để hẹn hò, bạn có thể liên lạc và trao đổi (hay là quyết định không giao lưu) với những người sử dụng khác đã kích hoạt cùng một chức năng.
Xem qua các video clip hướng dẫn, bạn có thể ngay từ đầu mở ra một trang hẹn hò với những dữ liệu hoàn toàn mới, hoặc là sử dụng lại các hình ảnh, video hay thông tin cá nhân có sẵn trên tài khoản Facebook của bạn. Dựa vào các sở thích, sinh hoạt cá nhân hay giao lưu trong một nhóm, Facebook sẽ gợi ý và đề nghị với bạn những thành viên nào mà bạn có thể hẹn hò, kết đôi (match).
Tuy không hề nhắc đến những ứng dụng chuyên về hẹn hò, đặc biệt là tính năng ‘‘lướt’’ màn hình (swipe) của dịch vụ Tinder, nhưng tập đoàn của ông Mark Zuckerberg cho biết là người sử dụng Facebook Dating có nhiều cơ hội để liên lạc với rất nhiều người sử dụng khác chứ không cần phải chờ được gợi ý về chuyện kết đôi (match), có nhiều điểm chung nên ‘‘dễ hợp’’ với nhau.
Nếu bạn quan tâm đến một người nào đó trên trang hẹn hò, dịch vụ Facebook cho phép bạn đăng nhận xét (comment) trực tiếp trên trang của người ấy hoặc đơn thuần hơn, bạn có thể thả tim hay là nhấn nút ‘‘like’’ để cho người ấy biết rằng đang được bạn để ý, quan tâm. Facebook mở rộng các đối tượng hẹn hò, cho phép mỗi người kết đôi với số bạn (chưa quen) của những bạn bè (đã quen).
Còn đối với những người đã là bạn với nhau (trong lòng thầm yêu trộm nhớ nhưng chưa có dịp thổ lộ) bạn có thể dùng tính năng ‘‘Secret Crush’’ để nhắn tin với người ấy về tình cảm chưa nói nên lời của mình. Phía tập đoàn Facebook nhấn mạnh mọi quan hệ ‘‘hẹn hò’’ sẽ ở trong phạm vi ‘‘Facebook Dating’’, chứ không thể chia sẻ trên tài khoản chính cũng như với phần còn lại của Facebook (kể cả Messenger). Mãi tới đầu năm 2020, nước Pháp mới có dịp khám phá một cách trọn vẹn dịch vụ hẹn hò trên Facebook.
Ý thức rằng tính năng ‘‘Dating’’ có nguy cơ bị chỉ trích hay gây thêm tranh cãi, nhất là trong bối cảnh Facebook từng bị vướng vào các vụ tai tiếng liên quan đến việc để lộ các thông tin cá nhân của người sử dụng, tập đoàn này đã muốn trấn an về mức độ an toàn cũng như bảo mật các thông tin được xem là ‘‘nhạy cảm’’ riêng tư của người sử dụng, tránh để cho các dữ liệu này thất thoát ra ngoài phạm vi ‘‘Facebook Dating’’.
Dịch vụ này đảm bảo có thể ngăn chặn hay ‘‘phong toả’’ những người quấy rối bạn và như vậy người sử dụng cảm thấy an tâm hơn. Trong thời gian tới, dự trù từ năm 2020 trở đi tại Pháp, bạn có thể chia sẻ những câu chuyện ngắn ‘‘stories’’ dưới dạng video từ Facebook để cho những người dùng khác biết thêm một số điều về “bạn là ai”. Hiện tại, bạn đã có thể chia sẻ các thông tin đăng trên Instagram trên trang hẹn hò của mình.
http://vi.rfi.fr/phap/20190916-nguoi-phap-hen-ho-tren-facebook-dau-nam-2020
Báo Nhật: Nga có nguy cơ bị TQ ‘vượt mặt’
vì Vành đai Con đường
Nga có nguy cơ bị Trung Quốc ‘vượt mặt’ vì tham gia dự án ‘Vành đai và Con đường’ do Bắc Kinh khởi xướng, tờ nhận định của Nikkei Asian Review ngày 17/8.
Theo tờ báo Nhật Bản, vào đầu tháng 7/2019, Nga đã ‘bật đèn xanh’ cho một dự án hợp tác với Trung Quốc nhằm xây dựng một đường cao tốc bốn làn xe, dài 2.000 km, nối từ khu vực biên giới Kazakhstan đến Belarus.
Vị trí của đường cao tốc cho thấy tầm quan trọng của dự án, với Belarus là cửa ngõ vào châu Âu, trong khi Kazakhstan – một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ – có chung đường biên giới phía đông với Trung Quốc.
Trước đó, Nga đã cố gắng kết nối tuyến đường từ châu Á sang châu Âu, thông qua ‘Đường sắt Xuyên Siberia’. Nhưng điều hạn chế là các tuyến đường của nó đều kết thúc ở thành phố Moscow và các thành phố khác của Nga. Điều này có nghĩa là các xe lửa đi châu Âu phải kết nối với các đoàn tàu khác, để hoàn thành chặng cuối của hành trình.
Sau này, Bắc Kinh đã giành được ưu thế nhờ ‘Đường sắt Cao tốc Trung Quốc’, nối liền rất nhiều nhà ga tại các tỉnh Phú Xuyên và Đại Liên của Trung Quốc với các nhà ga ở châu Âu, và trở thành mạng lưới đường sắt chính kết nối châu Á và phương Tây.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm Nga vào đầu tháng 6/2019, để hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Chuyến thăm này đã bị các hãng truyền thông độc lập chỉ trích với các bài báo như:
“Nga vì lợi ích của Trung Quốc” và “Chính sách địa chính trị và kinh tế của Putin đang biến chúng ta thành một quốc gia phụ thuộc vào Trung Quốc”.
Trong chuyến thăm của ông Tập, hai nước đã ký khoảng 30 thỏa thuận, bao gồm một hợp đồng cho phép gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc xây dựng mạng 5G ở Nga. Ông Tập cũng ca ngợi mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa Trung Quốc và Nga, nói rằng chúng đang ở “mức cao nhất trong lịch sử”.
Trên thực tế, Nga đã bắt đầu cảm thấy mình như ‘đối tác dưới cơ’ với Trung Quốc, do sự bất cân xứng giữa họ và gã hàng xóm châu Á ‘to lớn’, theo Nikkei.
Chuyên gia: ‘Vành đai Con đường’ sẽ thất bại bởi sự vô đạo đức của chính quyền Trung Quốc
Khoảng cách giữa 2 nước ngày càng lớn trong nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế, dân số, quân sự và chính trị. Ví dụ, tổng sản phẩm quốc nội của Nga chỉ bằng 12% của Trung Quốc trong năm 2018, và theo một khảo sát của Viện nghiên cứu Hòa bình uốc tế Stockholm, chi tiêu quân sự của Nga chỉ bằng một phần tư của Trung Quốc.
Mặt khác, Trung Quốc đang thiếu tài nguyên và thèm muốn dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và các sản phẩm lâm nghiệp của Nga. Bắc Kinh cũng đã và đang gửi một lượng lớn công nhân Trung Quốc đến Nga.
Trung Quốc tăng cường làm phim tuyên truyền cho Vành đai – Con đường
Bị phần lớn các nước phương Tây xa lánh và trừng phạt, Nga chủ yếu dựa vào Trung Quốc cho sự thịnh vượng kinh tế của mình. Nhưng Moscow vẫn coi Trung Á là nằm dưới phạm vi ảnh hưởng của mình, nên đã cảm thấy lo lắng trước sự hiện diện ngày càng tăng của ‘đối tác’ Trung Quốc trong khu vực, cả về kinh tế và trên mặt trận an ninh.
Theo Nikkei, để cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc, Nga đã cố gắng cải thiện quan hệ với Mỹ và châu Âu, nhưng vẫn chưa có kết quả.
“Nếu tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, thì việc tạo ra một trật tự mới ở khu vực Á- Âu có thể thấy một Trung Quốc hùng mạnh, thậm chí còn gắn bó chặt chẽ hơn với Nga. Trong bối cảnh này, sẽ là không khôn ngoan khi tiếp tục cô lập Nga trên trường quốc tế”, tờ Nikkei kết luận.
Giá dầu tăng sau khi cơ sở của Ả Rập Saudi bị tấn công
Giá dầu đã đạt mức cao nhất trong bốn tháng qua sau hai vụ tấn công vào các cơ sở của Ả Rập Saudi vào thứ Bảy, đánh sập hơn 5% nguồn cung ứng dầu toàn cầu.
Mở đầu giao dịch, giá dầu thô của Brent đã tăng 19% lên 71,95USD/thùng, trong khi West Texas Middle, tăng 15% lên 63,34 USD.
Giá giảm nhẹ trở lại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho phép lấy dầu từ kho dự trữ dầu Hoa Kỳ.
Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone) đã đánh vào các nhà máy ở trung tâm ngành công nghiệp dầu mỏ của Ả Rập Saudi – cơ sở chế biến dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Tập đoàn dầu Saudio Aramco nói rằng cuộc tấn công gây thiệt hại 5,7 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Có thể mất vài tuần trước khi các cơ sở của Saudi trở lại hoạt động.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cáo buộc Tehran đứng sau các vụ tấn công. Trong khi đó, Iran cáo buộc Mỹ “lừa dối”.
Sau đó, ông Trump nói trong một tweet rằng Hoa Kỳ biết ai là thủ phạm và đã “nạp đạn và lên cò” nhưng chờ nghe tin từ Saudi về cách họ muốn tiến hành.
Tác động gì đến nguồn cung dầu?
Saudi không đi sâu vào bất kỳ chi tiết nào về các cuộc tấn công, nói rằng không có thương vong.
Bộ trưởng Năng lượng, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết một phần của sự sụt giảm sản xuất sẽ được bù đắp bằng cách khai thác các cơ sở lưu trữ khổng lồ.
Vương quốc này là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, vận chuyển hơn bảy triệu thùng mỗi ngày.
“Các nhà chức trách Ả Rập Saudi tuyên bố đã kiểm soát được, nhưng vẫn chưa thể dập tắt được các đám cháy”, ông Abhishek Kumar, giám đốc phân tích của Interfax Energy tại London nói. “Thiệt hại cho các cơ sở tại Abqaiq và Khurais dường như rất lớn, và có thể sẽ mất vài tuần trước khi nguồn cung cấp dầu bình thường trở lại.”
Ả Rập Saudi dự kiến sẽ khai thác nguồn dự trữ để xuất khẩu có thể tiếp tục bình thường trong tuần này.
Tuy nhiên, Michael Tran, giám đốc điều hành chiến lược năng lượng tại RBC Capital Market ở New York, cho biết: “Ngay cả khi việc xuất khẩu bình thường trở lại nhanh chóng, mối đe dọa của việc tấn công 6% sản lượng dầu toàn cầu không còn là giả thuyết, thiên nga đen hay đuôi béo. Chào mừng trở lại của các rủi ro cao. “
Hoa Kỳ cáo buộc gì?
Ông Pompeo nói rằng Tehran đứng sau các vụ tấn công nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể.
Ông bác bỏ tuyên bố của phiến quân Houthi ở Yemen do Iran hậu thuẫn là họ đã thực hiện các vụ tấn công.
Iran cáo buộc Mỹ “lừa dối” và Bộ trưởng Ngoại giao Javad Zarif nói rằng “đổ lỗi cho Iran sẽ không chấm dứt thảm họa” ở Yemen.
Yemen đã có chiến tranh từ 2015, khi Tổng thống Abdrabbuh Mansour Hadi bị nhóm phiến quân Houthis đánh đuổi ra khỏi thủ đô Sanaa. Ả Rập Saudi ủng hộ Tổng thống Hadi và đã dẫn đầu một liên minh các nước trong khu vực chống lại phiến quân.
Trong khi đó, Mỹ từng đổ lỗi cho Iran về các cuộc tấn công khác vào nguồn cung dầu trong khu vực trong năm nay, trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục theo sau quyết định khôi phục các lệnh trừng phạt của ông Trump, sau khi từ bỏ thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt hạn chế các hoạt động hạt nhân của Tehran được ký dưới thời Tổng thống Obama.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49706395
Cơ sở dầu hỏa của Ả Rập Xê Út bị tấn công :
Liên minh Riyad và Washington bị thách thức
Ngày 14/09/2019, hai nhà máy sản xuất dầu của tập đoàn dầu khí quốc gia Ả Rập Xê Út bị tấn công bằng máy bay không người lái (drone) làm sản lượng dầu của nước này giảm đến một nửa. Phe nổi dậy Huthi tại Yemen thừa nhận trách nhiệm, nhưng Iran bị cáo buộc đứng sau giật dây. Tại sao vụ tấn công cơ sở dầu hỏa lại xẩy ra vào lúc này?
Hệ quả trước mắt của vụ tấn công là sản lượng dầu hỏa của Ả Rập Xê Út, quốc gia xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới bị sụt giảm mạnh, giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng thêm 12%. Tổng thống Donald Trump thông báo mở kho dự trữ của Mỹ để đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới. Theo giới quan sát, vụ tấn công cơ sở dầu hỏa của Ả Rập Xê Út mà Iran bị cáo buộc là thủ phạm chính, nhắm ba mục tiêu: kinh tế, quân sự và liên minh giữa Riyad và Washington.
Trên bình diện kinh tế. Vụ tấn công có mục đích đánh thẳng vào « hầu bao » của Riyad. Dầu hỏa chiếm đến 80-90% nguồn thu của nước này. Tuy nhiên trong những năm gần đây, Riyad cũng bắt đầu gặp khó khăn về kinh tế, cán cân ngân sách bắt đầu bị thâm thủng. Từ một nước luôn trong tình trạng bội thu, Ả Rập Xê Út đã bắt đầu đi vay nợ.
Hoàng thái tử Mohamed Ben Salman, khi đề ra chương trình cải cách kinh tế « Tầm nhìn 2030 » trong đó có việc để giảm bớt nợ vay, đa dạng hóa các nguồn thu và Riyad đã có kế hoạch đưa tập đoàn dầu hỏa quốc gia Aramco lên sàn chứng khoán vào năm 2020-2021. Thế nhưng việc hai nhà máy bị tấn công bằng drone làm lộ rõ những yếu kém về an ninh của những cơ sở sản xuất dầu của Ả Rập Xê Út bất chấp hàng tỷ đô la đầu tư vào các hệ thống phòng không tinh vi. Như vậy, tiến trình cổ phần hóa tập đoàn Aramco có nguy cơ bị trì hoãn do các nhà đầu tư bắt đầu cảm thấy bất an.
Thứ hai, khi đánh vào « túi tiền » của Ả Rập Xê Út, phải chăng Iran và các đồng minh của nước này là phe nổi dậy Huthi và lực lượng Shia thân Iran tại Irak còn muốn làm suy yếu năng lực quân sự của Riyad. Tại lò lửa Trung Đông này, Iran và Ả Rập Xê Út là hai kẻ thù không đội trời chung và luôn cạnh tranh nhau về mặt ý thức hệ. Cuộc nội chiến tại Yemen là một minh chứng hiển nhiên.
Cuối cùng, vụ tấn công này còn nhằm « thử lửa » mối quan hệ đồng minh Mỹ – Ả Rập Xê Út. Một mặt, giới phân tích cho rằng Tehera muốn gửi một thông điệp đến Washington, theo đó « Hoa Kỳ sẽ chẳng bao giờ được yên trong khu vực chừng nào người Mỹ vẫn áp đặt trừng phạt kinh tế nhắm vào Iran » như nhận định của tờ Middle East Eye.
Mặt khác, liệu Hoa Kỳ có sẽ thật sự dùng đến giải pháp quân sự chống Iran như tuyên bố của tổng thống Mỹ? Theo ông Donald Trump, chỉ cần Ả Rập Xê Út xác nhận Iran chính là thủ phạm thì Hoa Kỳ « sẵn sàng đáp trả ».
Chỉ có điều thế giới không nên quên rằng, cội nguồn liên minh giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út dựa trên nguyên tắc « dầu hỏa đổi lấy bảo đảm an ninh ». Hiệp ước Quincy năm 1945 cho phép Hoa Kỳ được độc quyền tiếp cận nguồn dầu hỏa đổi lấy việc bảo đảm quân sự cho vương quốc Ả Rập này. Nhưng hiệp ước này cũng có những lúc thăng trầm, và nhất là trong vụ tấn công khủng bố 11/09/2001, Ả Rập Xê Út bị nghi ngờ là hậu thuẫn tài chính cho phe khủng bố cực đoan. Hơn nữa, với việc phát triển khai thác dầu đá phiến, Hoa Kỳ gần như không còn phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu.
Trung Đông sẽ càng trở nên bất định hơn bao giờ hết trước một Donald Trump khó đoán khó lường. Một điều mà giới chuyên gia cùng đồng ý là sau vụ hai nhà máy sản xuất dầu bị tấn công, Ả Rập Xê Út chẳng khác gì vừa bị « đột quỵ »!
Syria : Bachar al Assad tổng ân xá
« khủng bố » và lính đào ngũ
Tổng thống Syria ban hành sắc lệnh tổng ân xá. Sắc lệnh này, lần thứ ba kể từ 2011, liên quan đến tù thường phạm, những người bị cáo buộc đồng lõa với khủng bố và quân nhân đào ngũ.
Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh tường thuật :
Tính từ đầu cuộc chiến vào tháng Ba năm 2011, đây không phải là lần đầu tiên tổng thống Syria Bachar al Assad ban hành lệnh ân xá, nhưng quy mô lần thứ ba này rất lớn.
Sắc lệnh « tổng ân xá » công bố hôm Chủ Nhật dự trù khoan hồng các tù nhân bị cáo buộc tham gia vào một âm mưu khủng bố hoặc không tố giác một hành động khủng bố.
Đối với chính quyền Syria, những ai cầm súng chống Nhà nước, dù là thánh chiến hay nổi dậy thuộc mọi xu hướng, đều bị xem là khủng bố.
Lệnh đại ân xá cũng liên quan đến binh sĩ đào ngũ. Những người đang ở Syria có ba tháng, còn nếu ở nước ngoài thì có sáu tháng để trình diện theo quy định.
Nội dung sắc lệnh ân xá rất chi tiết. Những thủ phạm bắt cóc cũng được ân xá nếu trong vòng một tháng tính từ ngày 15/09/2019 họ thả nạn nhân mà không đòi tiền chuộc mạng. Trừ một số trường hợp đặc biệt, án tù cũng được giảm nhẹ. Án tử hình cũng có thể giảm xuống thành khổ sai chung thân.
Những tù nhân mang bệnh nghiêm trọng hoặc trên 75 tuổi cũng có thể được ân xá. Trái lại, những người can tội gây khủng bố giết chết nhiều nạn nhân sẽ không được khoan hồng.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190916-syria-bachar-al-assad-tong-an-xa-khung-bo-va-linh-dao-ngu
Con cựu Thủ tướng Koizumi:
Ngôi sao đang lên trong chính trường Nhật
Hồi tháng trước, Shinjiro Koizumi, một nhà lập pháp Nhật Bản, con trai thứ hai của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi, trở thành hàng tin chính sau khi ông công bố sẽ cưới một gương mặt truyền hình nổi tiếng và cân nhắc việc nghỉ chăm vợ đẻ khi cặp đôi sinh đứa con đầu tiên.
Đây là một bước đi hiếm thấy tại quốc gia nơi phụ nữ vẫn được trông chờ là sẽ lo chuyện học hành của con cái bất chấp các nỗ lực cải thiện tình trạng bình đẳng giới.
Thế nhưng đó không phải là lần đầu tiên ông Koizumi trở thành tâm điểm chú ý.
Vụ tấn công bằng chất độc sarin ở Nhật 1995
Nga-Trung Quốc ‘tuần tra chung’ gây căng thẳng
Năm anh em Trương Xuyên ‘thay đổi Nhật Bản’
Tới Osaka thăm chùa cổ và ăn bánh Okonomiyaki
Ở tuổi 38, ông Koizumi thường được gọi là Shinjiro để phân biệt ông với người cha, là mục tiêu săn đuổi của truyền thông, và thường được coi là ứng viên nghiêm túc cho vị trí lãnh đạo đất nước.
Và không ngạc nhiên gì khi ông trở lại thành tâm điểm tin tức tuần này, sau khi được nêu danh là bộ trưởng môi trường trong chính phủ mới luân chuyển của Thủ tướng Shinzo Abe, và trở thành bộ trưởng trẻ thứ ba trong nội các Nhật Bản kể từ Đệ nhị Thế chiến đến nay.
Nay, các nhà quan sát đang rất muốn theo dõi xem ông sẽ làm việc thế nào.
Theo Japan Times, ông Koizumi có bằng thạc sỹ ngành khoa học chính trị từ Đại học Columbia ở New York, và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đóng tại Washington.
“Tuy ông Koizumi trẻ trung và có những khi được báo chí đem đến nhiều người hâm mộ,” Japan Times viết, “nhưng những người chỉ trích thấy rằng có những khác biệt về chất lượng giữa những thứ cần được quản lý và việc cần làm được trong vai trò là một bộ trưởng trong nội các”.
Ông Koizumi, người thuộc đảng Tự do Dân chủ cầm quyền, được bầu vào Hạ viện hồi 2009, giành được chiếc ghế mà cha ông bỏ trống. Ông là người thế hệ thứ tư của gia tộc Koizumi nắm vị trí trong quốc hội.
Cho đến nay, chức vụ nổi bật nhất mà ông từng giữ trong chính quyền là thứ trưởng phụ trách công tác tái thiết sau sóng thần ở vùng Tohoku.
Trước đây ông từng tỏ ý rằng chấp nhận một vị trí quan trọng quá sớm sẽ đem đến rủi ro. Nhưng một vài người thân cận quanh ông tin rằng ông đã để ý tới chức thủ tướng, và ông có lẽ sẽ không muốn chờ đợi lâu trong việc chiến đấu giành chức này.
Ông Koizumi thường được đánh giá trong các cuộc thăm dò dư luận ý kiến cử tri đối với các chính trị gia là người được yêu thích nhất cho vị trí thủ tướng.
Việc ông tuyên bố tại tư dinh thủ tướng ở Tokyo về việc sẽ cưới Christel Takigawa, ngôi sao lai Pháp-Nhật 42 tuổi, người nổi tiếng là gương mặt đại diện cho cuộc chạy đua thành công của Tokyo trong việc giành quyền đăng cai Thế vận hội Mùa hè năm tới, đã được đăng tải rộng rãi trên báo chí.
Ông Koizumi ủng hộ việc cho phép sử dụng tên họ riêng sau khi đã kết hôn, điều hiện đang bị luật cấm, và chỉ trích một số truyền thống ở nước này.
Tuy nhiên, ông chia sẻ một số quan điểm bảo thủ của ông Abe, và truyền thông địa phương đã chỉ ra thực tế rằng ông đã tới ngôi đền gây nhiều tranh cãi, Đền Yasukuni ở Tokyo, nơi thờ những người tử trận trong chiến tranh, trong đó có một số người bị coi là tội phạm chiến tranh,
Ông cũng đã xây dựng được hình ảnh bản thân như một nhà cải cách trong đảng của mình, trong lúc thận trọng, không xúc phạm đến các đồng nghiệp lớn tuổi hơn, và cẩn trọng không làm mếch lòng các đồng nghiệp cao tuổi.
Tuy rất bị công chúng chú ý, nhưng ông đã tránh được việc bày tỏ quan điểm trong những vấn đề then chốt.
Có nghỉ chăm con chăm vợ đẻ hay không?
Các chuyên gia nói rằng một khía cạnh cần theo dõi là quan điểm của ông đối với vấn đề điện hạt nhân.
Trong lúc ông Abe – người được trông đợi là sẽ tiếp tục làm thủ tướng cho tới tháng 9/2021 – cương quyết theo đuổi việc này, thì cha của ông Koizumi đã trở thành một người phản đối quyết liệt năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima 2011.
Nhưng sự chú ý ngay vào lúc này nhiều khả năng lại tập trung vào chuyện khác: quyết định của ông trong việc có nghỉ chăm con mới sinh hay không. Nếu ông nghỉ, thì đây sẽ là trường hợp đầu tiên có một bộ trưởng nội các làm vậy.
Tin cho hay ông vẫn đang suy nghĩ chuyện này.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49719457
Kim Jong-un gửi thư mời ông Trump tới Bình Nhưỡng
Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un mời Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến thăm Bình Nhưỡng trong một bức thư được gửi vào tháng Tám, một tờ báo của Nam Hàn đưa tin hôm thứ Hai 16/9, trích dẫn các nguồn tin ngoại giao, theo Reuters.
Đây là bức thư thứ hai ông Trump nhận được từ ông Kim vào tháng trước, trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bị đình trệ giữa hai nước, trước khi Bắc Hàn lại phóng các tên lửa tầm ngắn tuần trước.
Kim Jong-un thị sát tàu ngầm mới
Tân hiến pháp Bắc Hàn nói ông Kim là nguyên thủ
Bắc Hàn nói ‘sẵn sàng đàm phán’, nhưng lại bắn tên lửa
Trong lá thư thứ hai, được chuyển cho ông Trump vào tuần thứ ba của tháng Tám, ông Kim nói ông sẵn sàng gặp ông Trump tại một hội nghị thượng đỉnh khác, một nguồn tin nói với tờ Joongang Ilbo.
Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và phái bộ ngoại giao Bắc Hàn tại Liên Hiệp Quốc đều không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Ông Trump và ông Kim đã gặp nhau ba lần kể từ tháng Sáu năm ngoái để thảo luận về cách giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến các chương trình tên lửa và hạt nhân của Bắc Hàn, nhưng đạt được rất ít tiến bộ.
Hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần cuối tại Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên vào tháng Sáu và đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán đã bị đình trệ kể từ hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai không thành công vào tháng Hai.
Tuần trước, Bắc Hàn đã phóng một loạt tên lửa tầm ngắn chỉ vài giờ sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui nói rằng Bắc Hàn sẵn sàng có các cuộc thảo luận toàn diện cuối tháng này.
Ông Trump sau đó nói rằng ông sẽ sẵn sàng gặp ông Kim một thời điểm nào đó vào cuối năm nay.
Ông Trump cho biết vào ngày 9/8 rằng ông đã nhận được một lá thư rất đẹp, dài ba trang từ ông Kim và nói thêm rằng ông có thể có một cuộc gặp khác với ông Kim.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49711587
Đài Loan cắt đứt quan hệ ngoại giao
với đảo quốc Salomon
Đài Bắc ngưng bang giao với Salomon sau khi được tin chính phủ mới của đảo quốc Nam Thái Bình Dương lộ ý định muốn công nhận Trung Quốc sau 36 năm quan hệ hữu hảo với Đài Loan.
Đích thân ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp thông báo quyết định này vào hôm nay, 16/09/2019. Từ nay, Đài loan chỉ còn được 16 nước công nhận.
Theo AFP, từ khi trở lại chính quyền Salomon vào tháng Tư năm nay, thủ tướng Manasseh Sogavare bị áp lực rất mạnh từ nhiều bộ trưởng cho rằng « chơi với Hoa lục có lợi hơn » vì được nhiều chính trị gia ủng hộ hơn và sẽ được Bắc Kinh trợ giúp về hạ tầng cơ sở nhiều hơn Đài Loan.
Trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho nhà nghiên cứu Mỹ Graeme Smith, thủ tướng Salomon cho rằng Đài Loan không còn hữu ích cho Salomon về kinh tế lẫn chính trị. Bang giao với Trung Quốc còn có thể giúp Salomon thêm trọng lượng trước áp lực của hai cường quốc khu vực. Trường hợp cụ thể được nêu lên là Fidji, nhờ có Bắc Kinh, giảm nhẹ được tác hại do lệnh trừng phạt của Úc và New Zealand ban hành chống cuộc đảo chính năm 2006.
Tìm mọi cách để cô lập Đài Loan, từ năm 2016 đến nay, Bắc Kinh đã giành được 5 đồng minh của Đài Bắc. Trong cuộc chiến ngoại giao mà vũ khí là tiền, Đài Loan không đương cự nổi với chính quyền Hoa lục. Trong số 17 nước còn bang giao với Đài Loan cho đến hôm nay, 6 nước nằm trong vùng Nam Thái Bình Dương. Salomon là quốc đảo đông dân nhất trong số sáu nước.
Salomon chọn bang giao với Đài Loan vào năm 1983, lúc Trung Quốc còn nghèo.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190916-dai-loan-cat-dut-quan-he-ngoai-giao-voi-dao-quoc-salomon
Hồng Kông : Bạo động trong tuần lễ thứ 15
của phong trào phản kháng
Cuộc tuần hành ngày Chủ Nhật 15/092019 tại Hồng Kông lại kết thúc trong bạo động. Sau 100 ngày đấu tranh phản đối Bắc Kinh thu hẹp các quyền tự do của đặc khu hành chính này, sự công phẫn trong một phần dư luận Hồng Kông không thuyên giảm. Chính quyền đặc khu chủ trương mở đối thoại với người biểu tình trong lúc xã hội Hồng Kông bị chia rẽ hơn bao giờ hết.
Thông tín viên Florence de Changy từ Hồng Kông tường thuật lại về tình hình tối qua :
Sau những vụ đụng độ thường thấy giữa những người biểu tình cực đoan nhất với cảnh sát, là hình ảnh cảnh sát dùng hơi cay, vòi rồng và bắn đạn cao su về phía người biểu tình. Điểm nổi bật tối qua là những vụ ẩu đả khốc liệt đã xảy ra giữa người biểu tình với các nhóm mặc áo trắng thuộc những băng đảng côn đồ, như ở khu vực phía đông Hồng Kông mà một y tá thiện nguyện mô tả cảnh tượng. Ông nói: Có những người biểu tình bị đám côn đồ đánh đập. Một số khác thì bỏ đi về phía North Point để phục thù. Cảnh sát đứng đó, không làm gì hết. Không can thiệp.
Một đoạn video cho thấy một sĩ quan cảnh sát bắt tay một người đàn ông mặc áo trắng.
Cách đó không xa, tại khu Causeway Bay, dân cư như thể đang xem một màn trình diễn nghệ thuật trên đường phố : hàng trăm cảnh sát dàn trải kín bên đường, trong lúc không có một bóng người biểu tình nào qua lại. Còn hôm Thứ Bảy, xẩy ra xô xát đánh nhau giữa người dân Hồng Kông và những người người biểu tình ủng hộ Bắc Kinh khiến cảnh sát phải can thiệp. Vào lúc mà chính quyền đặc khu hy vọng mở ra đối thoại, xã hội Hồng Kông ngày càng thể hiện sự chia rẽ sâu sắc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190916-hong-kong-bao-dong-trong-tuan-le-thu-15-cua-phong-trao-phan-khang
TQ lên tiếng vụ khu trục hạm
USS Wayne E. Meyer của Mỹ áp sát Hoàng Sa
South China Morning Post ngày 14-9 đưa tin quân đội Trung Quốc đã lên tiếng sau thông tin khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer của Hải quân Mỹ tuần tra tự do hàng hải (FONOP) gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc VN).
Báo South China Morning Post ngày 14-9 đưa tin quân đội Trung Quốc đã lên tiếng sau thông tin tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer của Hải quân Mỹ tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc Việt Nam) hôm qua (13-9).
Ông Lý Hoa Mẫn (Li Hua Min), người phát ngôn Chiến khu Nam Bộ thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), cho biết quân đội nước này đã triển khai máy bay và tàu quân sự để xác định, theo dõi, phát cảnh báo và “đuổi” tàu khu trục USS Wayne E. Meyer.
Vị này còn phát biểu một cách vô căn cứ rằng chuyến tuần tra trên là “một hành động xâm phạm” và “không có sự cho phép của Chính phủ Trung Quốc”.
“Mỹ đang thực hiện ‘quyền bá chủ hàng hải’ ở Biển Đông trong thời gian dài” – ông Lý Hoa Mẫn tuyên bố.
Vị này còn biện bạch rằng những hành động như vậy đã “làm xói mòn nghiêm trọng” cái gọi là các lợi ích chủ quyền của Trung Quốc, và cho thấy Mỹ “hoàn toàn thiếu chân thật trong việc duy trì hòa bình toàn cầu cũng như an ninh và ổn định khu vực”.
Ông Lý Hoa Mẫn tuyên bố quân đội Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ cái gọi là chủ quyền và an ninh quốc gia của nước này ở Biển Đông.
Trước đó, bà Reann Mommsen, người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, cho biết chuyến tuần tra mới nhất được thực hiện nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc quanh quần đảo Hoàng Sa.
“Việc đơn phương áp đặt bất kỳ yêu cầu thông báo hay cấp phép nào đối với việc qua lại vô hại đều không được luật pháp quốc tế cho phép. Do đó, Mỹ thách thức những đòi hỏi này” – bà Reann Mommsen nhấn mạnh.
Người phát ngôn Hạm đội 7 cho biết Mỹ cũng thách thức tuyên bố năm 1996 của Trung Quốc về cái gọi là “đường cơ sở thẳng” quanh quần đảo Hoàng Sa.
“Trung Quốc rõ ràng đang tìm cách mở rộng khu vực nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thậm chí thềm lục địa nhiều hơn những gì họ được cho phép theo luật quốc tế” – bà Reann Mommsen cảnh báo.
Đây là lần thứ hai tàu khu trục USS Wayne E. Meyer thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông trong khoảng 2 tuần qua. Hôm 28-8, tàu USS Wayne E. Meyer đã áp sát đá Vành Khăn và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng hiện bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trung-Nga, mối quan hệ mong manh
Những sự kiện diễn ra trong tuần qua liên quan tới Trung Quốc và Nga thêm minh chứng cho thấy hai quốc gia láng giềng có một mối quan hệ phức tạp, là “đồng chí” trên một số nhận thức và hành động nhưng lại tồn tại những xung đột lợi ích, tiềm ẩn nguy cơ gây chia rẽ.
Mối quan hệ Trung-Nga tồn tại nhiều điểm đen khiến họ không thể trở thành đồng minh tin cậy đúng nghĩa khi hai nước đều có tham vọng lớn vì thế khó tránh khỏi sự nghi kỵ lẫn nhau, bên cạnh những xung đột lợi ích cốt lõi về lãnh thổ trong quá khứ và hiện tại càng khiến niềm tin giữa họ bị xói mòn.
Mặc dù vậy, Trung-Nga vẫn tìm thấy nhau khi họ có cùng nhìn nhận và bảo vệ những quan điểm ngược lại với các nước dân chủ từ Đông sang Tây. Nhìn chung, họ thường bị cáo buộc ủng hộ những chế độ xã hội hoặc các lực lượng mà phương Tây cho rằng là phản dân chủ và chà đạp nhân quyền.
‘Đồng lòng’ chống lại khát vọng tự do
Các cuộc biểu tình yêu cầu dân chủ của người Hồng Kông tuần qua không có dấu hiệu trùng xuống, bất chấp việc Bắc Kinh tiếp tục “thi triển” các chiêu thức hắc ám mà họ đã từng dùng để duy trì quyền lãnh đạo của họ trong quá khứ.
HKFP đưa tin, vào chiều thứ Bảy (14/9), các nhóm ủng hộ Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc đã được bật đèn xanh để tấn công người biểu tình Hồng Kông và phá các bức tường Lennon có dán thông điệp ôn hòa ủng hộ dân chủ tại các khu phố địa phương. Đến 3h chiều, theo Stand News, cảnh sát được phái đến để lập lại trật tự nhưng họ chỉ bắt những người biểu tình đeo khẩu trang đen, còn những người vẫy cờ Trung Quốc thì được bỏ qua.
Trước đó, theo SCMP, vào chiều tối thứ Sáu, người dân Hồng Kông đã thực hiện một hình thức biểu tình mới, đúng theo triết lý “be water” (hãy như nước) mà họ đã vận dụng suốt nhiều tuần qua khiến giới chức đặc khu lúng túng. Hàng ngàn người biểu tình đã leo lên các điểm cao, xếp thành một chuỗi người dài, sử dụng đèn pin và bút laser để tạo ra một cảnh tượng đẹp mắt nhưng là một thông điệp yêu cầu tự do gửi tới chính quyền đặc khu và Bắc Kinh.
Trong khi đó, nhiều người biểu tình khác tập trung trước trụ sở chính quyền đặc khu hát vàng bài hát “Vinh quang Hồng Kông”, bài hát được xem là “quốc ca” của người biểu tình Hồng Kông với nội dung thúc dục người dân dũng cảm đứng lên để bảo vệ quê hương và những quyền cơ bản của mình. Bài hát này cũng được khoảng 2000 người Hồng Kông hát vang tại một trung tâm thương mại ở quận Sha Tin hôm thứ Tư.
Người Hồng Kông cùng nhau hát vang “quốc ca Hương Cảng” tại một trung tâm mua sắm thuộc quận Sha Tin hôm Thứ Tư, ngày 11 tháng 9 năm 2019. (Ảnh: AP / Vincent Yu)
Vào thứ Hai, Hoàng Chi Phong, một biểu tượng cho phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ của người Hồng Kông đã tới Đức để tìm kiếm sự ủng hộ cho các cuộc biểu tình ở quê nhà của anh. Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thể hiện một phản ứng gay gắt trước việc này, họ đã triệu tập đại sứ Đức để phản đối và đe dọa rằng việc Hoàng Chi Phong được nước Đức đón tiếp sẽ làm ảnh hưởng tới quan hệ giữa hai quốc gia.
Trong một cuộc họp báo ngắn hôm thứ Hai tại London, đại sứ Trung Quốc tại Anh, ông Lưu Hiểu Minh đã không ngần ngại nói rằng nhiều quan chức Anh vẫn thể hiện một “não trạng thực dân” khi đưa ra “những nhận xét vô trách nhiệm để thể hiện sự ủng hộ” đối với những “người biểu tình và những kẻ bạo loạn” ở Hồng Kông.
Những phản ứng của Bắc Kinh trong tuần qua đối với các cuộc biểu tình của người Hồng Kông củng cố thêm bằng chứng cho thấy họ đặc biệt dị ứng với những hoạt động yêu cầu tự do, điều mà chính phủ Nga, được lãnh đạo bởi Tổng thống Putin, cũng không ủng hộ.
Trong tháng 7 và tháng 8 ở Nga đã nổ ra hàng loạt các cuộc biểu tình yêu cầu bầu cử công bằng sau khi hàng ngàn người dân cho rằng Ủy ban bầu cử đã cố tình gạch tên những ứng viên phản đối chính phủ Putin. Để giải tán đám đông, hàng ngàn người biểu tình đã bị bắt giữ, rất nhiều người trong số đó bị đánh đập, thậm chí cảnh sát còn đánh cả những người biểu tình giới tính nữ.
Mặc dù đã dùng “trăm phương ngàn kế” để hạn chế ứng viên của phe đối lập, cuối cùng đảng của thủ tướng Putin vẫn thất bại trong cuộc bầu cử địa phương. Theo BBC, cho dù đã “cải trang” thành ứng viên độc lập, người của ông Putin thuộc đảng Nước Nga Thống Nhất chỉ giành được 25 ghế trong hội đồng thành phố Moscow, giảm từ 40 ghế ở kỳ trước.
Reuters đưa tin, hôm thứ Năm, 4 ngày sau khi đảng Nước Nga Thống Nhất thất bại trong cuộc bầu cử địa phương, những thành viên của phe đối lập ủng hộ nhà hoạt động Alexei Navalny đã bị quấy nhiễu. Văn phòng làm việc của họ bị lục soát với lý do họ là đối tượng trong một cuộc điều tra hoạt động rửa
tiền mà tổ chức Anti-Corruption Foundation, quỹ Chống tham nhũng do ông Navalny sáng lập, bị nghi ngờ dính líu.
Ông Leonid Volkov, một người thân cận với ông Navalny, đã công bố một danh sách các thị trấn và thành phố nơi những người phản đối chính phủ Putin bị quấy nhiễu. “Chính phủ có 2 nhiệm vụ: gây hoảng sợ và tham nhũng”, ông Volkov bình luận, “rõ ràng mục đích của hoạt động này là phá hủy trụ sở của chúng tôi”.
“Putin cực kỳ tức giận và [ông ta] đang giậm chân [tức tối]”, ông Navalny nói về phản ứng của Tổng thống Nga đối với kết quả bầu cử trong một video công bố trên internet hôm thứ Năm.
Mối liên kết không bền vững
Nhìn vào các chuyến thăm qua lại cũng như những phát biểu của lãnh đạo Trung-Nga thì dường như quan hệ giữa hai nước này đang ngày càng chặt chẽ, nhưng có vẻ như đó chỉ là những biểu hiện trên bề mặt.
Vào tháng Ba, một tòa án của Nga đã quyết định tạm dừng việc xây dựng nhà máy nước đóng chai vốn đầu tư Trung Quốc trên bờ hồ Baikal với lý do dự án này gây hại cho môi trường, quyết định của tòa cũng bị ảnh hưởng lớn từ các cuộc biểu tình phản đối dự án của Trung Quốc. Nhưng đây chỉ là một trong những lý do, theo Robert Kaplan, nhà phân tích chính sách đối ngoại tại Eurasia Group, trong lòng người Nga lo sợ Trung Quốc thông qua các dự án đầu tư sẽ giành lấy ảnh hưởng về nhân khẩu học và sự kiểm soát kinh tế theo thời gian ở quê hương của họ.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay, trong khoảng một thập niên qua, các khoản đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Nga đã tăng gấp gần 9 lần, đạt 13,8 tỷ USD vào năm 2017. Theo thống kê, 2/3 số tiền đó rót vào các dự án đầu tư liên quan tới việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của Nga.
Trong một bài phân tích vào tháng 8, tờ báo Nhật Nikkei cho hay, Nga đang hưởng ứng tích cực dự án Vành đai và Con đường gây tranh cãi của Bắc Kinh bằng việc cho nhà đầu tư Trung Quốc xây dựng nhiều tuyến đường ở nước họ. Tuy nhiên Nikkei đánh giá rằng người Nga đã bắt đầu cảm thấy “nhột” khi nhận ra rằng họ là một ‘đối tác dưới cơ’ với Trung Quốc, do sự yếu thế về nhiều mặt trước gã hàng xóm châu Á ‘to lớn’.
Tương quan trên nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế, dân số, quân sự và chính trị, khoảng cách giữa Trung-Nga ngày càng lớn. Ví dụ, tổng sản phẩm quốc nội của Nga chỉ bằng 12% của Trung Quốc trong năm 2018, và theo một khảo sát của Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, chi tiêu quân sự của Nga chỉ bằng một phần tư của Trung Quốc.
Mặt khác, Trung Quốc đang thiếu tài nguyên và thèm muốn dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và các sản phẩm lâm nghiệp của Nga. Bắc Kinh cũng đã và đang gửi một lượng lớn công nhân Trung Quốc tới “công tác” ở Nga. Điều này khiến người Nga không thể không lo lắng và đề phòng sự “xâm lấn hợp pháp” của Trung Quốc.
National Interest hôm thứ Sáu đăng tài một bài viết nói rằng Nga đang tỏ ra tức giận vì Trung Quốc ăn cắp và sao chép toàn bộ thiết kế máy bay phản lực của họ. Tờ báo này dẫn nguồn từ Sputnik cho biết, tiêm kích J-15 của Trung Quốc là bản sao không có giấy phép của máy bay phản lực vận tải Su-33 của Nga. Trung Quốc đã mua một chiếc T-10K-3, nguyên mẫu của Su-33, từ Ukraine và sau đó chế tạo phỏng theo.
Rất khó để tin rằng một mối quan hệ bền vững lại được xây dựng dựa trên sự nghi kỵ. Trung-Nga đang ở trong một mối quan hệ như thế, chính quyền hai quốc gia láng giềng mặc dù thuận nhau trong các hành động bị đánh giá là “bất hảo” như đàn áp tự do, nhân quyền, nhưng giữa họ lại có quá nhiều sự ngờ vực, nên nếu trong tương lai hai quốc gia này bài trừ nhau thì đó cũng không phải điều gì ngạc nhiên.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30403-trung-nga-moi-quan-he-mong-manh.html
TQ chỉ đạo đánh người
và phá hoại bức tường dân chủ ở Hồng Kông
Các cuộc đụng độ đã xảy ra tại một trung tâm mua sắm ở Vịnh Cửu Long của Hồng Kông vào thứ Bảy, trong đó các nhóm thân Trung Quốc tấn công người qua đường và phá hoại bức tường ủng hộ dân chủ ở một số khu phố lân cận, theo HKFP.
Vào khoảng 2 giờ chiều, các nhóm thân Bắc Kinh vẫy cờ quốc gia tại Vịnh Cửu Long và hát quốc ca. Khoảng một giờ sau, các cuộc đụng độ đã nổ ra giữa nhóm này và những người biểu tình ủng hộ dân chủ.
Cảnh sát chống bạo động đã đến vào khoảng 3:30 chiều và bắt giữ một số thanh niên đeo khẩu trang đen. Những người mang cờ Trung Quốc thì không bị bắt, Stand News đưa tin.
Theo RTHK, những người đi mua sắm đã chỉ trích hành động của cảnh sát, họ hỏi tại sao các sĩ quan không bắt giữ những người mang cờ Trung Quốc có liên quan đến các vụ đụng độ.
Các thành viên của nhóm công dân cao tuổi Bảo vệ Trẻ em đã xuất hiện và cố gắng ngăn cản các sĩ quan tiến vào khu vực trung tâm thương mại.
Một người đàn ông sống ở gần đó nói với các nhà báo rằng con trai ông đã bị cảnh sát bắt đi trong cuộc hỗn loạn.
Ông bực mình nói: “Con trai tôi đến trung tâm mua sắm chỉ để mua thức ăn và những thứ khác, sao lại bắt nó? Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. [Cảnh sát] không giải thích cho tôi chuyện gì xảy ra. Không lẽ cảnh sát cứ thấy ai trẻ tuổi là bắt họ?”
Các nhóm thân Trung Quốc cũngđã phá hoại các bức tường Lennon có dán các thông điệp ôn hòa ủng hộ dân chủ tại các khu phố địa phương khác, bao gồm tại Vịnh Cửu Long, Đồi Fortress, Hang Hau và Tiu Keng Leng
Các bức tường Lennon nổi tiếng đã trở thành biểu tượng cho tinh thần phản kháng ôn hòa và khát vọng dân chủ của người dân Hồng Kông. Những tuần trước đó, người dân thế giới đã xúc động khi nhìn thấy video ghi lại hình ảnh một nam thanh niên đứng bảo vệ bức tường, bị đấm vào mặt nhiều lần bởi một người thân Trung Quốc nhưng cậu không hề đáp trả.
Tại Hang Hau, một người đàn ông đang ghi hình những người thân Trung Quốc phá hoại bức tường, lập tức anh bị năm người đàn ông tấn công, dẫn đến thương tích ở chân và bị vỡ mắt kính, Apple Daily đưa tin.
Trên đảo Hồng Kông, một nhóm người mặc áo xanh dương đi xuống phố mang quốc kỳ và hát quốc ca Trung Quốc ở North Point. Tại khu vực Fortress Hill gần đó, một người qua đường đã bị một số người đàn ông trong nhóm tấn công.
Trong một vụ việc khác, khoảng 30 người vẫy cờ Trung Quốc tại Lion Rock vào sáng thứ Bảy, vài giờ sau khi hàng ngàn người Hồng Kông thành lập một chuỗi người trên ngọn núi để thể hiện tình đoàn kết với những người biểu tình ủng hộ dân chủ.
Trong khi đó, khoảng 500 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã tập trung tại Tin Shui Wai vào chiều thứ Bảy. Theo kế hoạch, họ tổ chức một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ nhưng bị cảnh sát ngăn cấm.
Hồng Kông đang trải qua tuần thứ 15 liên tiếp biểu tình để phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc và yêu cầu đảm bảo các quyền tự do, dân chủ cho người dân thành phố.
Các nhà quan sát nhận định rằng chính quyền Trung Quốc khả năng sẽ không dám thực hiện một cuộc đàn áp bạo lực như Thảm sát Thiên An Môn năm 1989, nhưng sẽ dùng đến cảnh sát và các nhóm côn đồ để trấn áp các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Có nguồn tin cho biết khả năng chính quyền cũng sẽ cài cắm mật vụ giả dạng người biểu tình để gây rối, từ đó lấy cớ để đổ tội và đàn áp phong trào dân chủ.
Trung Cộng thừa nhận khó khăn
trong việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên 6%
Tin từ Thượng Hải, Trung Cộng – Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường cho biết, nền kinh tế Trung Cộng “gặp khó khăn để” tăng trưởng với tốc độ 6% trở lên, do tốc độ khởi đầu cao và bối cảnh quốc tế phức tạp.
Nền kinh tế số 2 thế giới phải đối mặt với “áp lực kiềm hãm nhất định”, do tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu cũng như sự phát triển của chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Cộng tăng 6.3% trong nửa đầu năm, và ông Lý Khắc Cường cho biết nền kinh tế “ổn định về mặt tổng thể” trong 8 tháng đầu năm. Các nhà phân tích cho rằng sức tăng trưởng kinh tế của Trung Cộng có thể suy giảm hơn trong tam cá nguyệt này, từ mức thấp nhất (6.2%) trong gần 30 năm qua trong giai đoạn tháng 4 và tháng 6.
Ngân hàng Morgan Stanley cho biết họ hiện đang theo dõi mức thấp hơn trong mục tiêu cả năm của chính phủ, tức khoảng từ 6 đến 6.5%. Đáp lại, chính quyền tăng cường hỗ trợ, và vào ngày 6 tháng 9
thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) lần thứ ba trong năm nay, tung ra 900 tỷ nhân dân tệ (126,35 tỷ mỹ kim) thanh khoản vào nền kinh tế. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/trung-cong-thua-nhan-kho-khan-trong-viec-day-manh-tang-truong-kinh-te-tren-6/
Malaysia – Philippines lại căng thẳng
vì tranh chấp bang Sabah
Sau khi Philippines khi tái khẳng định bang Sabah mà Malaysia đang kiểm soát là lãnh thổ của Manila, Bộ Ngoại giao Malaysia (8/9) đã ra tuyên bố bác bỏ, đồng thời nhấn mạnh Malaysia không công nhận và sẽ không bao giờ xem xét bất kỳ tuyên bố chủ quyền của bất kỳ bên nào với Sabah.
Theo Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Malaysia, “Malaysia không công nhận và sẽ không bao giờ xem xét bất kỳ tuyên bố chủ quyền của bất kỳ bên nào với Sabah”; nhấn mạnh Sabah là một bang của Malaysia và điều này “đã được Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế công nhận” kể từ khi Liên bang Malaysia thành lập 56 năm trước; cảnh cáo bất kỳ tuyên bố nào gián tiếp nhắc đến “các tuyên bố chủ quyền lỗi thời” sẽ bị Malaysia xem là đối đầu. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết, “Malaysia xem trọng tầm quan trọng lớn và giá trị cao trong quan hệ của mình với Cộng hòa Philippines, về mặt song phương và tư cách đối tác trong ASEAN, cũng như xét về tư cách thành viên các tổ chức khu vực và quốc tế khác. Quan hệ Malaysia – Philippines tiếp tục mở rộng và mang lại lợi ích song phương cho hai nước, tương ứng theo đó người dân không đáng nhận những lời nói có tính đối đầu và có hại này”.
Trước đó, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jnr đề cập đến chủ quyền Philippines đối với bang Sabah trong một phiên họp về ngân sách quốc hội. Ông Teodoro Locsin Jnr cho biết: “Kế hoạch của chúng tôi lúc này là giữ mọi thứ như hiện tại. Chúng ta có thể sẽ không bao giờ mở một sứ quán ở Sabah. Thậm chí chỉ chuyện nghĩ tới điều đó đã là hành động phản quốc. Như với trường hợp biển tây Philippines (biển Đông), chúng ta cẩn trọng không có bất kỳ hành động nào mà có thể suy diễn như một sự từ bỏ tuyên bố chủ quyền ở Sabah của chúng ta”.
Giới chuyên gia cho rằng quan hệ song phương Malaysia – Philippines có thể bị tổn thương nếu Philippines cứ tiếp tục tuyên bố chủ quyền ở bang Sabah. Nhà nghiên cứu cấp cao Bunn Nagara (Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Malaysia) cho rằng “các phát ngôn dạng này không đem lại điều gì ngoài nguy cơ làm xấu đi quan hệ”. Cùng quan điểm trên, ông Kamarulnizam Abdullah (chuyên gia người Malaysia về an ninh quốc gia và các vấn đề quốc tế) nhận định, vấn đề Sabah là mâu thuẫn lâu dài hàng thập niên nay trong quan hệ hai nước. Các chính trị gia Philippines thường lôi vấn đề này ra thảo luận để tìm kiếm sự ủng hộ trong nước, đặc biệt những khi gần đến bầu cử. Malaysia đã mệt mỏi với việc chuyện này bị kéo dài qua nhiều năm. Với Malaysia, các chính trị gia Philippines cần phải bỏ qua thay vì cứ nhai đi nhai lại chuyện này. Đây không phải là lần đầu nhưng giờ nó xuất phát từ một nghị sĩ, nên Malaysia phải đưa ra một thông điệp mạnh với Philipipines. Đây là chuyện không thể thương lượng. Nó không có nghĩa một khi chính phủ thay đổi thì chuyện chủ quyền Malaysia có thể được thỏa hiệp và Malaysia sẽ muốn thương lượng về Sabah.
Được biết, tranh chấp chủ quyền giữa Malaysia và Philippines liên quan bang Sabah đã có “lịch sử” lâu đời. Vào cuối thế kỷ thứ 17, một Vương quốc Hồi giáo thiết lập quyền lực trên khu vực phía Đông của bang Sabah (thuộc Malaysia ngày nay), được biết đến với tên gọi Bắc Borneo. Vùng đất này, bao gồm tỉnh Sabah ngày nay và một số đảo nhỏ nằm giữa Malaysia và Phillippines, được quốc vương Brunei ban tặng cho quốc vương Sulu như sự tưởng thưởng vì đã giúp dẹp trừ quân nổi dậy. Đến thế kỷ 18, vương quốc Sulu đã bao phủ gần hết phần đông bắc của đảo Borneo (hòn đảo đang được chia sẻ cho các quốc gia Malaysia, Indonesia và Brunei). Từ năm 1848 đến 1851, người Tây Ban Nha lúc ấy đang cai trị Phillipines đã mở các cuộc tấn công nhằm chinh phục vương quốc Sulu. Ngày 30/4/1851 đánh dấu một bước ngoặt với vùng đất này khi quốc vương Sulu chấp nhận ký vào bản thoả ước với người Tây Ban Nha. Qua đó, quốc vương Sulu vẫn giữ được quyền cai trị và đất đai nhưng toàn bộ vương quốc phải trở thành một phần của Phillipines (thuộc Tây Ban Nha lúc bấy giờ). Ngày 21/1/1878, với sự nhất trí của Anh và Tây Ban Nha, vương quốc Hồi giáo Sulu đã ký một thoả thuận với Công ty Đông Ấn của Anh, cho phép người Anh được sử dụng Sabah trong trao đổi hàng hoá vĩnh viễn để nhận được khoản chu cấp tài chính hàng năm trị giá 5.000 ringgit (đơn vị tiền tệ của Malaysia). Công ty Đông Ấn sau đó đã được sáp nhập vào Công ty Bắc Borneo. Ngày 22/4/1903, quốc vương Sulu ký một văn kiện mới với công ty này. Nội dung cơ bản là “xác nhận nhượng lại một
số đảo xác định” để chính thức trao toàn quyền quản lý các đảo nằm kề Borneo, từ Banggi Island đến Sibuku Bay, cho người Anh. Và mức phí phải đóng hàng năm tăng lên là 5.300 ringgit.
Tới năm 1946, toàn bộ quyền kiểm soát đối với Sabah được chuyển giao cho nước Anh, lúc bấy giờ đang sở hữu hai thuộc địa khác tại khu vực là Malaysia và Brunei. Khi Liên bang Malaysia giành được quyền độc lập từ người Anh năm 1963, vùng đất cũ của người Sulu đã được vương quốc Anh bàn giao cho chính quyền mới của người Mã Lai. Tuy nhiên, trước đó, Phillippines đã cử đại diện tới London để nhắc chính quyền Anh quốc rằng Sabah thuộc về Phillippines theo thoả thuận cũ giữa vương quốc Sulu với chính quyền Tây Ban Nha tại Phillippines. Hơn thế nữa, vào năm 1962, quốc vương Sulu cũng đã tuyên bố chuyển giao quyền quản lý vùng lãnh thổ này (về mặt danh nghĩa) cho Phillipines.
Các nhà phân tích cho rằng, việc tranh chấp bắt nguồn từ nghĩa của từ “padjak” trong thoả ước 1878 giữa vương quốc Sulu và Tây Ban Nha. Theo Anh và Malaysia, từ này có nghĩa là “chuyển nhượng”. Nhưng những người thừa kế của quốc vương Sulu một mực cho rằng nó có nghĩa là “cho thuê”. Tuy nhiên, cho đến nay Malaysia vẫn tiếp tục chi trả khoản tiền tượng trưng trị giá 5.300 ringgit cho gia đình của quốc vương, những người chủ sở hữu mang tính biểu tượng nhưng không có quyền lực chính trị chính thức nào tại đây.
Năm 2003, Phillippines cũng từng đưa tranh chấp này ra trước Toà án công lý quốc tế nhưng bị từ chối vì sự việc không được xem là tranh chấp, trên cơ sở sự từ bỏ quyền sở hữu của quốc vương Sulu qua các văn kiện đã ký. Hơn nữa, khi người Anh trao trả quyền độc lập cho Malaysia, người dân tại bang Sabah đã tiến hành bỏ phiếu và đồng ý thuộc về Liên bang Malaysia. Tranh chấp này vốn là cái gai trong mối quan hệ của hai quốc gia thành viên ASEAN nhiều thập kỷ qua.
Ấn Độ : Tranh cãi
về đề nghị thống nhất ngôn ngữ chính thức
Bộ trưởng Nội Vụ vừa làm dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt khi cho rằng tiếng Hindi lẽ ra phải là ngôn ngữ quốc gia tại Ấn Độ. Phát biểu này đã bị nhiều lãnh đạo vùng, nhất là tại phía nam, chỉ trích mạnh mẽ.
Từ New Dehli, thông tín viên Sébastien Farcis giải thích :
« Ấn Độ là một bức tranh đa dạng về văn hóa và thổ ngữ. Đất nước này có đến 122 ngôn ngữ chính, có chữ viết và nguồn gốc khác nhau. Điều này làm cho Ấn Độ còn phức tạp và không thuần nhất hơn cả châu Âu. Để tôn trọng sự đa dạng này, Ấn Độ không có một ngôn ngữ chung quốc gia mà lại có hai ngôn ngữ được sử dụng chính thức là tiếng Hindi và tiếng Anh.
Tuy nhiên, đảng mang tư tưởng dân tộc, theo Ấn giáo, hiện đang cầm quyền có tham vọng hợp nhất Ấn Độ theo mô hình phía bắc : Biến đất nước thành một quốc gia theo Ấn Độ giáo và nói tiếng Hindi.
Theo bộ trưởng Nội Vụ, Amit Shah, « điều chính yếu là cả nước chỉ cần một ngôn ngữ để tạo thành bản sắc quốc gia. Ngôn ngữ này có thể chỉ là tiếng Hindi, được sử dụng nhiều nhất ».
Đối với nhiều lãnh đạo vùng, đây quả là một sự thóa mạ. Một lãnh đạo vùng nói tiếng Kerala nổi giận : Thật là khó hiểu. Tiếng Hindi không hợp nhất được người Ấn Độ bởi vì đó không là thứ tiếng được đa số người dân sử dụng. Đây chính là một lời tuyên chiến.
Vùng đông nam Ấn Độ cũng có cùng quan điểm. Một lãnh đạo bang Tamil Nadu nhắc lại rằng chỉ có 45% người Ấn Độ nói tiếng Hindi.
Tháng Sáu vừa qua, New Dehli đã thử áp đặt việc dạy tiếng Hindi trên khắp cả nước, nhưng sau đó phải rút lại dự án này vì vấp phải sự phản đối tương tự ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190916-an-do-tranh-cai-xung-quanh-de-nghi-thong-nhat-ngon-ngu-chinh-thuc
Tình báo Úc : Trung Quốc đứng đằng sau
loạt tấn công tin học nhắm vào Quốc Hội
Hãng tin Anh Reuters ngày 16/09/2019 trích dẫn 5 nguồn tin thông thạo từ Cơ Quan Tình Báo của Úc xin được giấu tên quy trách nhiệm cho Bắc Kinh trong loạt tấn công tin học nhắm vào Quốc Hội và ba đảng chính trị lớn tại Canberra trước cuộc bầu cử hồi tháng 5/2019.
Theo các nguồn tin trên, từ tháng 3/2019, một báo cáo của Cơ Quan Tình Báo Mạng ASD đã đưa ra kết luận :” Trách nhiệm thuộc về bộ Công An Trung Quốc“.
Canberra vào tháng 2/2019 cho biết Quốc Hội Úc bị tin tặc đột nhập. Thủ tướng Morsisson nói đến một vụ tấn công “tinh vi và có khả năng là do một chính quyền nước ngoài tiến hành“. Cơ quan tình báo mạng của Úc được giao nhiệm vụ điều tra và đã nhanh chóng phát hiện thêm là không chỉ có Quốc Hội bị tấn công, mà cả ba đảng lớn là đảng Lao Động đối lập, liên minh cầm quyền là Tự Do và Liberal National cũng là nạn nhân của các nhóm tin tặc. Các dân biểu Úc không thuộc ba đảng này bình an vô sự.
Đợt tấn công tin học xảy ra trước khi nước Úc bầu lại Quốc Hội vào tháng 5/2019.
Theo hai trong số năm nguồn tin thông thạo của Úc, giới điều tra đã phát hiện thủ phạm đã dùng mã số từng được Trung Quốc sử dụng trong quá khứ và quả quyết rằng tình báo Trung Quốc thực sự nhắm vào các tổ chức chính trị của nước Úc.
Reuters nhấn mạnh đến thái độ thận trọng của chính quyền Úc trong hồ sơ này. Bộ Ngoại Giao Úc yêu cầu báo cáo của cơ quan tình báo mạng cần được giữ bí mật, tránh làm phương hại đến quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh đặc biệt là quan hệ thương mại. Văn phòng của thủ tướng Scott Morrisson trước mắt từ chối trả lời Reuters về chủ đề nhậy cảm này. Bản thân Cơ Quan Tình Báo Mạng – ASD cũng không bình luận về tin trên.