Tin khắp nơi – 16/08/2019
Hoa Kỳ nói ngân sách quốc phòng Đài Loan
tăng theo mối đe dọa Trung Quốc
Đại diện Hoa Kỳ tại đảo quốc Đài Loan vào ngày 15 tháng 8 phát biểu rằng Washington mong muốn Đài Bắc tiếp tục gia tăng ngân sách quốc phòng khi mà mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc đối với Đài Loan tiếp tục tăng lên.
AP loan tin dẫn phát biểu của ông Brent Christensen nói rõ Washington không chỉ theo dõi nhiệt tâm của Đài Bắc khi tìm kiếm những công cụ cần thiết nhằm bảo đảm quốc phòng tự vệ, mà còn theo dõi quyết tâm mạnh mẽ phát triển ngành công nghiệp quốc phòng bản xứ của đảo quốc Đài Loan.
Vị đại diện Hoa Kỳ bày tỏ khen ngợi đối với Đài Loan và dự báo ngân sách quốc phòng của Đài Bắc sẽ tiếp tục gia tăng tương ứng với những mối đe dọa mà đảo quốc này phải đối diện.
Theo lời ông Brent Christensen thì kể từ năm 2008, Nhà Trắng đã thông báo cho Quốc Hội Hoa Kỳ lượng vũ khí quân sự bán cho Đài Loan là hơn 24 tỷ đô la. Trong số này gồm khoản 2 tỷ 2 bán trong hai tháng qua. Đó là khoản tiền bán 108 xe tăng MiA2 và 250 hỏa tiễn Stinger. Riêng chính quyền của tổng thống Donald Trump cũng thông báo cho Quốc hội Hoa Kỳ lượng vũ khí bán cho Đài Loan trị giá 4,4 tỉ đô la.
Sang ngày 16 tháng 8, tờ Washington Post loan tin chính quyền của tổng thống Donald Trump đang xúc tiến thương vụ bán tiêm kích F-16 trị giá 8 tỷ đô la Mỹ cho Đài Loan; bất chấp phản đối từ phía Trung Quốc.
Một viên chức Hoa Kỳ và những nguồn tin thân cận khác cho Washington Post biết như vừa nêu. Nếu được phê duyệt đây sẽ là thương vụ bán vũ khí lớn nhất và quan trọng nhất cho đảo quốc Đài Loan suốt nhiều năm qua.
Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ trước những thương vụ vũ khí như thế và gần đây tuyên bố sẽ áp lệnh trừng phạt đối với bất cứ doanh nghiệp Hoa Kỳ nào liên quan đến những thương vụ đó. Lý do được Bắc Kinh nại đến là hoạt động đó gây phương hại đến chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Mới hôm chủ nhật ngày 11 tháng 8, Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa lại cảnh báo sẽ có hành động để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan cũng như Biển Đông.
Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan vẫn cứng rắn đối với đe dọa vừa nêu của Bắc Kinh khi nói sẽ thống nhất Đài Loan kể cả bằng vũ lực.
Bà Thái Anh Văn cho biết đang gia tăng công tác huấn luyện để sẵn sang chuyển đổi sang lực lượng toàn thành phần tình nguyện. Ngoài ra trong 3 năm liên tục vừa qua ngân sách quốc phòng của Đài Bắc đều được tăng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-tai-de-08162019091950.html
Tổng thống Trump
hỏi ý các phụ tá về việc mua Greenland
Vào hôm thứ Năm (15/8), hai nguồn tin thông báo với hãng tin CNN rằng tổng thống Donald Trump đã nhiều lần đề cập đến việc mua Greenland từ chính phủ Đan Mạch, và văn phòng của cố vấn Tòa Bạch Ốc đã xem xét khả năng này.
Sự quan tâm của tổng thống Trump đối với việc mua Greenland được tờ Wall Street Journal đưa tin lần đầu tiên vào hôm Thứ Năm (15/8). Theo tờ WSJ, những nguồn tin trong cuộc cho biết Tổng thống đã nêu lên vấn đề này trong các cuộc họp và bữa tối, đồng thời hỏi ý kiến các phụ tá và lắng nghe về khả năng, cũng như lợi thế của việc sở hữu Greenland. Tổng thống cũng yêu cầu cố vấn Tòa Bạch Ốc nghiên cứu về vấn đề này.
Hai nguồn tin cho biết các phụ tá của tổng thống Donald Trump đã đưa ra ý kiến tương phản về vấn đề này. Một số người ca ngợi rằng đây là chiến lược kinh tế vững chắc, trong khi những người khác đây chỉ là cảm hứng nhất thời. Vùng lãnh thổ tự trị Greenland của Đan Mạch là nơi tọa lạc của Căn cứ Không quân Thule, căn cứ rìa bắc của quân đội Hoa Kỳ, cách khoảng 750 dặm phía trên vòng Bắc cực và được xây dựng vào năm 1951. Trạm thu vô tuyến và radar này có trang bị hệ thống khuyến cáo sớm hỏa tiễn đạn đạo, là hệ thống có thể khuyến cáo các hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa, và có tầm hoạt động lên đến hàng ngàn dặm vào trong lãnh thổ Nga. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-hoi-y-cac-phu-ta-ve-viec-mua-greenland/
Cảnh báo tác động
từ quy định nhắm mục tiêu di dân nghèo tại Mỹ
Kế hoạch của chính quyền Trump không cấp thẻ xanh cho những người bị coi là ‘gánh nặng xã hội’ có phần chắc sẽ dẫn tới kết cục là trẻ em bệnh tật không được chăm sóc, bệnh truyền nhiễm phát sinh nhiều hơn, tỷ lệ vô gia cư tăng cao hơn tại Mỹ, theo phân tích của chính phủ liên bang và giới bảo vệ di dân.
Theo quy định công bố tuần này, chính quyền sẽ không cấp thẻ xanh cho những ai không hội đủ tiêu chuẩn thu nhập hoặc lãnh trợ cấp xã hội như tem phiếu thực phẩm, bảo hiểm sức khỏe Medicaid, hay nhận phụ cấp tiền nhà.
Những nơi cung cấp các dịch vụ phúc lợi xã hội cho biết nhiều di dân đã bắt đầu từ chối các hỗ trợ, cho dù là từ nguồn lực chính phủ hay từ các tổ chức thiện nguyện tư nhân, vì e rằng sẽ ảnh hưởng tới cơ hội được lưu trú tại Mỹ.
“Điều này sẽ dẫn tới kết cục là hàng triệu trẻ không được tiếp cận với chăm sóc sức khỏe, nhà ở, và dinh dưỡng,” bà Kristen Torres, giám đốc tổ chức First Focus on Children, một nhóm cổ súy cho các chính sách hỗ trợ trẻ em, nhận định.
Chính phủ liên bang ước tính khi quy định mới bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15/10, tình trạng di trú của 382 ngàn di dân sẽ được xem xét ngay lập tức. Giới hoạt động bảo vệ di dân e rằng chính sách này sẽ giảm con số di trú hợp pháp xuống còn phân nửa.
Chính Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng thừa nhận rằng hậu quả của chính sách này sẽ làm tăng tình trạng dinh dưỡng không lành mạnh ở trẻ em, thai phụ; tăng nguy cơ bệnh truyền nhiễm; và tăng đói nghèo.
Quy định lãnh trợ cấp không được thẻ xanh
gâ y tranh cãi
Chính quyền Mỹ đầu tuần này loan báo chính sách mới không cho phép di dân đang cư trú tại Mỹ nhận thẻ xanh nếu họ không hội đủ tiêu chuẩn về thu nhập hoặc lãnh phúc lợi xã hội như bảo hiểm sức khỏe, tem phiếu thực phẩm, hay tiền hỗ trợ nhà ở.
Kế hoạch chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10 tới đây nhằm ngăn chặn những người nước ngoài có thể trở thành ‘gánh nặng xã hội’ kéo đến Mỹ, lưu lại và trở thành thường trú nhân vĩnh viễn.
Những người ủng hộ nói quy định mới đảm bảo rằng những người nhập cư có khả năng tự túc, không phụ thuộc vào nguồn lực chính phủ mà dựa vào khả năng bản thân cũng như nguồn lực của các thành viên gia đình, người bảo lãnh, hay các tổ chức tư nhân trong khi giới hoạt động cho rằng chính sách mới nhắm mục tiêu một cách bất công vào những di dân nghèo.
Theo quy định mới, giới hữu trách di trú sẽ được phép săm soi kỹ đương đơn xin thẻ xanh, xem họ có sử dụng một số chương trình từ tiền thuế để xác định người này có thể trở thành ‘gánh nặng xã hội’ hay không.
Một người bị xem là ‘gánh nặng’ khi lãnh từ một loại trợ cấp xã hội trở lên, trên một năm, trong bất kỳ khung thời gian 36 tháng nào.
Quy định mới bắt nguồn từ Đạo luật Di trú năm 1882 vốn cho phép chính phủ Hoa Kỳ từ chối cấp thị thực cho bất kỳ ai có khả năng trở thành một ‘gánh nặng cho chính phủ.’
Đa số dân nhập cư không đủ điều kiện nhận các chương trình trợ cấp chủ yếu cho đến khi nào có được thẻ xanh, tức quy chế thường trú nhân hợp pháp. Tuy nhiên, quy định mới do Bộ An ninh Nội địa loan báo hôm 12/8 đã mở rộng định nghĩa ‘gánh nặng xã hội’ với nhiều loại trợ cấp hơn hầu loại bỏ nhiều đương đơn hơn nữa. Các phúc lợi xã hội đó bao gồm trợ cấp thu nhập tiền mặt như SSI, Chương trình hỗ trợ tạm thời cho gia đình cơ nhỡ, Chương trình trợ cấp dinh dưỡng bổ sung – SNAP, hầu hết các hình thức bảo hiểm sức khỏe Medicaid, và nhiều chương trình phụ cấp tiền nhà.
Luật sư di trú Khanh Phạm từ Texas cho VOA biết quy định mới không áp dụng cho thường trú nhân hợp pháp đang nộp đơn xin thi nhập tịch Mỹ và không ảnh hưởng tới các chương trình nhập cư nhân đạo dành cho người tị nạn, cũng như có những ngoại lệ đối với nạn nhân bị buôn người hay bị bạo hành gia đình.
Các nhà bảo thủ từ lâu bày tỏ quan ngại về việc dân nhập cư được tiếp cận những phúc lợi công cộng dành cho công dân Mỹ vì họ cho rằng việc này làm cạn kiệt nguồn lực và là gánh nặng lên vai người thọ thuế Mỹ.
Chị Thủy Nguyễn, một người Việt vừa cùng gia đình sang Mỹ định cư theo diện đầu tư, cho biết chị hoàn toàn ủng hộ việc siết chặt nhập cư đối với người dùng phúc lợi xã hội bởi, theo chị, điều đó hoàn toàn không công bằng đối với những người đóng thuế tại Mỹ.
“Mặc dù là một người mới tới Mỹ thôi, nhưng theo tôi thì ở một góc độ nào đấy thì việc siết chặt nhập cư đối với những người sử dụng phúc lợi xã hội của Tổng thống Trump là tôi ủng hộ. Vì không lý gì để những người nhập cư không có khả năng hoặc không muốn lao động được hưởng phúc lợi như những người lao động đóng thuế để xây dựng lên những phúc lợi đó. Ví dụ như tôi đi làm và phải đóng mức thuế khá cao nhưng tôi cũng chỉ được hưởng như những người không đi làm, không chịu lao động thì điều đó là không công bằng,” chị Thủy nói.
Tuy vậy, rất nhiều người cũng lo lắng rằng những quy định mới về việc cấp thẻ xanh này sẽ ngăn cản những người nhập cư được sử dụng các dịch vụ theo quyền lợi của họ. Nhiều người lo sợ con cái mình không được tham gia vào những chương trình chăm sóc sức khỏe cần thiết, các chương trình học đường, chương trình dinh dưỡng trẻ em, như chia sẻ của chị Lan Đỗ, một thường trú nhân tại thành phố Falls Church, tiểu bang Virginia.
“Mặc dù tôi không rơi vào đối tượng của Tổng thống Trump vì mình không giàu nhưng cũng không nghèo tới nỗi phải xin các phúc lợi xã hội nhưng tôi vẫn thấy lo lắng vì có nhiều người không đủ khả năng lao động họ sẽ không thể có được những trợ cấp để giúp họ ổn định cuộc sống. Và khi chính sách này được thực thì thì trẻ con dù không phải là đối tượng trực tiếp nhưng sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chính sách này”.
Theo báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học kỹ thuật và Y học quốc gia Hoa Kỳ, vào năm 2017 có 5,5% hộ nhập cư có trẻ em nhận hỗ trợ tiền mặt so với 6,3% hộ gia đình người Mỹ bản địa; có 4% hộ nhập cư sử dụng trợ cấp gia cư so với 5% hộ gia đình người bản địa; nhưng gần 46% hộ nhập cư dùng Medicaid so với 34% hộ gia đình người bản địa.
Thống kê cho thấy có khoảng 800 ngàn thẻ xanh được cấp trong năm 2016. Viện Nghiên cứu Chính sách Di cư cho biết theo hệ thống mới, hơn một nửa số người xin thẻ xanh qua dạng gia đình bảo lãnh sẽ bị từ chối.
https://www.voatiengviet.com/a/qui-dinh-lanh-tro-cap-khong-duoc-the-xanh-gay-tranh-cai/5043981.html
Liên minh châu Âu – Việt Nam:
Giải quyết tranh chấp Biển Đông
bằng biện pháp hòa bình theo luật quốc tế
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh, bà Federica Mogherini khẳng định mạnh mẽ lập trường của EU đối với vấn đề Biển Đông, đặc biệt là cần tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của LHQ năm 1982 (UNCLOS 1982).
Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh, bà Federica Mogherini thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3-5/8/2019. Trong chuyến thăm Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh, bà Federica Mogherini đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
Bà Federica Mogherini bày tỏ vinh dự có chuyến thăm Việt Nam tuy ngắn nhưng thành công; đánh giá cao thiện chí và nỗ lực của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện, sâu rộng, mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài giữa Việt Nam và EU. Bà khẳng định, thời gian tới, các cơ quan lãnh đạo EU có sự thay đổi nhân sự nhưng có điều không đổi là Việt Nam luôn là ưu tiên trong quan hệ đối ngoại với EU. Bà Federica Mogherini bày tỏ kỳ vọng về Hiệp định EVFTA và EVIPA là cơ sở vững chắc cho thúc đẩy quan hệ song phương trong tương lai. Bà cho rằng, việc ký hai Hiệp định này thể hiện sự hài lòng chung mà hai bên cùng chia sẻ, là nội dung quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, là tín hiệu tích cực mà chúng ta gửi ra thế giới về ủng hộ tự do thương mại trong bối cảnh thế giới có biến động phức tạp. Bà đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện quan hệ với EU trên các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, lao động, an ninh mạng… là cơ sở tốt để Nghị viện châu Âu thông qua các hiệp định mà hai bên đã ký kết.
Trong vấn đề Biển Đông, Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ, Việt Nam hoan nghênh lập trường của EU ủng hộ tự do, an ninh và an toàn hàng hải tại Biển Đông; đề nghị EU duy trì lập trường đề cao thượng tôn pháp luật quốc tế, UNCLOS 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không có hành động làm phức tạp tình hình, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông…
Cùng quan điểm trên, bà Federica Mogherini khẳng định mạnh mẽ lập trường của EU đối với vấn đề Biển Đông, đặc biệt là cần tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của LHQ năm 1982 (UNCLOS 1982); bảo đảm quyền tự do hàng hải, hàng không; đây là vấn đề quốc tế cùng quan tâm vì nơi đây là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng cho cả EU cũng như châu Á và toàn cầu.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Bà Federica Mogherini cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian cho cuộc tiếp; đồng thời khẳng định tiếp tục ủng hộ Việt Nam, trong đó vào năm 2020 sắp tới khi Việt Nam đảm nhận vai trò là Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA). Bà Federica Mogherini cho rằng, trong cơ chế Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và Việt Nam đã điều phối với nhau trong nhiều vấn đề, đã thể hiện lập trường của các bên. Do đó, khi Việt Nam đảm nhận các vai trò trên sẽ là cơ hội tốt để EU và các nước thành viên thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam, với ASEAN trong khuôn khổ ASEAN, Liên Hợp Quốc…
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu đánh giá, việc ký kết, phê chuẩn nhiều văn bản pháp lý và tần suất cao các chuyến thăm của lãnh đạo hai bên trong thời gian qua đã thể hiện vị trí ưu tiên của quan hệ song phương trong chính sách đối ngoại của mỗi bên; đồng thời tạo nền tảng ngày càng vững chắc và mở ra nhiều triển vọng mới trong quan hệ Việt Nam-EU trong thời gian tới.
Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, là một quốc gia có biển, Việt Nam đã tham gia UNCLOS 1982; đồng thời khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 trong giải quyết các tranh chấp, bất đồng… Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách Đối ngoại và An ninh Federica Mogherini đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982 đối với quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trên biển. Theo bà Federica Mogherini, nằm trên tuyến đường hàng hải quan trọng, Biển Đông cũng là lợi ích kinh tế, lợi ích về an ninh của nhiều quốc gia, trong đó có Liên minh châu Âu; đây là vấn đề của toàn cầu, được cộng đồng quốc tế cùng quan tâm.
Trong cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh
Bà Federica Mogherini bày tỏ vui mừng lần đầu tiên đến thăm Việt Nam, trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và EU đang có nhiều bước phát triển mới rất tích cực; khẳng định EU coi Việt Nam là đối tác hàng đầu tại khu vực và EU đang triển khai nhiều chính sách và biện pháp cụ thể để phát triển sâu rộng hơn các mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Hai bên đánh giá cao kết quả các tiếp xúc cấp cao trong thời gian qua cũng như việc triển khai hiệu quả quan hệ hợp tác Việt Nam-EU trên nhiều lĩnh vực cụ thể về chính trị, quốc phòng, kinh tế-thương mại, hợp tác phát triển…, đặc biệt là việc hai bên vừa ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Hai nhà lãnh đạo nhất trí cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU đi vào chiều sâu, phát triển sang một giai đoạn mới năng động hơn nữa, tương xứng với tiềm năng và đáp ứng tốt hơn lợi ích của cả hai bên, nhất là khi hai bên sẽ kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và EU (1990-2020). Hai bên sẽ tăng cường hơn nữa trao đổi ở các cấp, triển khai tốt các cơ chế hợp tác, trong đó có việc tiếp tục các công việc của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-EU triển khai Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) sau phiên họp đầu tiên vào tháng 5/2019. Hai bên khẳng định hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một trụ cột quan trọng của quan hệ Việt Nam-EU. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cảm ơn sự ủng hộ của Ủy ban châu Âu và bà Federica Mogherini trong việc thúc đẩy EVFTA và EVIPA. Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini đánh giá việc ký EVFTA và EVIPA là một cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai bên trên cơ sở những lợi ích chung và sự chia sẻ về tầm nhìn hợp tác, cam kết sẽ thúc đẩy các thủ tục phê chuẩn hai Hiệp định này nhằm tạo động lực mới, góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho cả Việt Nam và EU. Hai bên cũng đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế khác cùng quan tâm; hoan nghênh và nhất trí cần tăng cường phối hợp trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương, hợp tác ASEAN-EU cũng như tăng cường đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao sự hỗ trợ của EU và các nước thành viên EU dành cho Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế; đề nghị phía EU tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam để tăng cường năng lực thể chế, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững; đề nghị EU sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU, cùng tích cực triển khai Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Bà Federica Mogherini nhấn mạnh EU sẵn sàng tăng cường hơn nữa hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực trên, cũng như duy trì hợp tác phát triển với Việt Nam.
Về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò của EU trong các vấn đề an ninh và hòa bình quốc tế cũng như lập trường của EU đối với việc duy trì ổn định và bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế tại khu vực và tại Biển Đông, nhất là trong bối cảnh đang có những hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và xâm phạm lợi ích, chủ quyền của các nước, làm cho dư luận khu vực và quốc tế rất lo ngại. Cùng quan điểm trên, bà Federica Mogherini khẳng định lập trường nhất quán của EU ủng hộ tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, nêu rõ việc quân sự hóa và căng thẳng vừa qua tác động tiêu cực đến
hòa bình, ổn định tại khu vực; mong muốn ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được COC có tính ràng buộc pháp lý.
Đáng chú ý, phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm, bà Federica Mogherini cho hay Việt Nam và EU đã hoàn tất đàm phán hiệp định qua đó tạo điều kiện để Việt Nam tham gia các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU, thể hiện vai trò, đóng góp của Việt Nam cùng với EU trong việc ngăn ngừa xung đột trên thế giới mà còn thúc đẩy hơn nữa an ninh toàn cầu. Về vấn đề Biển Đông, Đại diện cấp cao của EU chia sẻ quan ngại của Việt Nam liên quan đến những căng thẳng gia tăng gần đây trên Biển Đông, cho rằng đó không phải là những yếu tố thuận lợi cho môi trường hòa bình, ổn định tại khu vực; tái khẳng định EU ủng hộ tự do hàng hải, hàng không trên biển cũng như tiến trình đi đến kết thúc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý; ủng hộ lập trường theo hướng tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là những quy định của UNCLOS.
Được biết, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 55,8 tỷ USD năm 2018, đứng thứ 5 trong số các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, đồng thời là đối tác cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam với 400 triệu euro giai đoạn 2014-2020. Cuối tháng 6/2019, hai bên đã ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) nhằm nâng tầm hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên; khẳng định cam kết của hai bên ủng hộ thương mại tự do, bình đẳng và minh bạch cũng như nỗ lực thúc đẩy hợp tác liên khu vực Á-Âu.
Sáu nước Châu Âu
sẵn sàng nhận thuyền nhân tàu Open Arms
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte hôm qua, 15/08/2019, đưa ra thông cáo cho biết 6 quốc gia Liên Hiệp Châu Âu, trong đó có Pháp, đã chấp nhận chia sẻ gánh nặng đón thuyền nhân trên chiếc tàu Open Arms. Chiếc tàu Tây Ban Nha này, chở theo 147 thuyền nhân, trong đó có 32 vị thành niên, hôm qua đã được phép cập cảng Lampedusa của Ý, sau khi tòa án Roma đình chỉ sắc lệnh của bộ trưởng Nội Vụ Matteo Salvini chống các tổ chức hỗ trợ thuyền nhân.
Thông tín viên Laxmi Lota từ Bruxelles tường trình :
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte phát biểu : « Một lần nữa, các đồng nhiệm Châu Âu đã chìa tay giúp chúng tôi ».
Trong vài tháng trở lại, đối với những tàu bị chặn cập cảng Ý, cũng vẫn là các nhóm bốn nước luôn chịu đón nhận thuyền nhân. Cụ thể, đó là Pháp, Đức, Bồ Đào Nha và Luxembourg. Lần này có thêm cả Tây Ban Nha và Rumani.
Phải nói rằng chiếc tàu và tổ chức phi chính phủ vận hành tàu đều đến từ Tây Ban Nha. Chính quyền Madrid nhấn mạnh sẽ chấp nhận đón người di dân, với điều kiện các nước châu Âu phải đạt được thỏa thuận phân bổ một cách công bằng.
Trong tháng này, chiếc tàu Alan Kurdi, chở 40 thuyền nhân, đã cập cảng Malta. Một lần nữa Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, và Luxembourg đã chia nhau đón thuyền nhân.
Mặc dù tháng 7 vừa qua, tổng thống Pháp thông báo một cơ chế liên đới tự động, Liên Hiệp Châu Âu hiện vẫn chưa tìm được giải pháp cho vấn đề cứu trợ thuyền nhân trên Địa Trung Hải
Giải pháp tạm thời
Sự hợp tác giữa sáu nước châu Âu nói trên không liên quan tới chiếc tàu Ocean Viking của hai tổ chức Pháp SOS Địa Trung Hải và Y Sĩ Không Biên Giới. Chiếc tàu này hiện chứa 356 thuyền nhân, vẫn lênh đênh giữa đảo Malta và cảng Lampedusa, mà không được cập cảng.
Cũng trong thông cáo của ông, thủ tướng Ý chỉ trích bộ trưởng Nội Vụ Matteo Salvini cứ bị « ám ảnh » với chính sách « đóng cảng » chống các tổ chức cứu hộ thuyền nhân. Ông Salvini đáp lại : « Nỗi ám ảnh của tôi chính là chống mọi hình thức phạm pháp, kể cả nhập cư bất hợp pháp ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190816-sau-nuoc-chau-au-san-sang-nhan-thuyen-nhan-tau-open-arms
Sức mạnh quân đội Anh giảm liên tục trong chín năm
Quy mô các lực lượng vũ trang của Anh đã giảm trong chín năm liên tiếp, số liệu mới của Bộ Quốc phòng cho thấy.
Lục quân, Không Quân và Hải quân Hoàng gia đều suy giảm quân số được đào tạo đầy đủ – với Lục quân có sự giảm sút lớn nhất.
Bộ trưởng quốc phòng Anh có tên theo tàu chiến
Bộ trưởng quốc phòng Anh ‘bay chức’ vì vụ Huawei
Đảng Lao động nói chính phủ đã “làm suy yếu” quân đội Anh – và gọi đó là cuộc “khủng hoảng” tuyển dụng, lưu giữ nhân sự.
Bộ Quốc phòng cho biết các lực lượng vũ trang tiếp tục đáp ứng mọi yêu cầu hoạt động.
Số liệu mới nhất cho thấy Lục quân bị thiếu hơn 7.000 người so với mục tiêu có 82.000 quân nhân của chính phủ,
Trong tháng 7 có 74.440 binh sĩ toàn thời gian đã được huấn luyện đầy đủ, giảm so với số 76.880 năm ngoái.
Không quân và Hải quân giảm quân số ở mức thấp hơn, nhưng cũng không đáp ứng được mục tiêu sức mạnh.
Tổng số nhân sự của Không quân hiện là 29.930 người, so với con số 31.840 phải có, trong khi Hải quân và Thủy quân Lục chiến giảm xuống còn 29.090 so với yêu cầu là cần có 30.600 người.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết họ đã cố gắng nỗ lực cải thiện việc tuyển binh, và nói thêm rằng đơn xin gia nhập quân ngũ tăng lên mức cao nhất trong vòng năm năm.
Lục quân đã khiến dư luận ngạc nhiên với chiến dịch tuyển dụng hồi đầu năm nay, khi sử dụng toàn những hình ảnh mặc định là về thế hệ thiên niên kỷ, dùng các từ như “bông tuyết” và “nghiện selfie”, trên áp phích.
Dữ liệu mới nhất cho thấy 13.520 người đã gia nhập lực lượng vũ trang của Lục quân trong 12 tháng qua, tăng 1.593 so với năm trước.
Tuy nhiên, 14.880 người cũng giải ngũ – tăng từ 14.860 so với năm 2018.
Quan chức theo dõi vấn đề quốc phòng của đảng đối lập, Nia Griffith, cho biết chính phủ đang làm suy yếu quân đội “năm này qua năm khác” và con số binh lính hiện nay đang “nằm dưới mục tiêu của chính chính phủ đặt ra”.
Bà nói: “Các bộ trưởng hoặc đang hoàn toàn phủ nhận khủng hoảng trong việc tuyển dụng và lưu giữ nhân sự, hoặc tích cực ủng hộ việc cắt giảm lực lượng vũ trang xuống mức thấp trong lịch sử.”
Các nghị sĩ Anh đã nhiều lần nêu lên mối lo ngại về việc sử dụng công ty tư nhân Capita trong việc tuyển dụng và nỗ lực rộng hơn để lưu giữ nhân sự.
Capita được trao hợp đồng trị giá 495 triệu bảng cho việc tuyển lính trong năm 2012 – nhưng đã không đạt được mục tiêu tuyển quân hàng năm kể từ đó.
Vào tháng 12 năm ngoái, một báo cáo của Văn phòng Kiểm toán Quốc gia cho thấy trang web tuyển dụng trị giá 113 triệu bảng của Quân đội đã hoàn tất trễ 52 tháng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49368752
Greenland nói với Trump:
Chúng tôi mở cửa làm ăn, không bán đất
Greenland hôm thứ Sáu bác bỏ ý tưởng lãnh thổ này có thể được đem bán sau khi tin tức cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận ở nơi riêng tư với các cố vấn của ông về chuyện mua hòn đảo lớn nhất thế giới này.
“Chúng tôi mở cửa làm ăn kinh doanh, nhưng chúng tôi không bán đất,” Bộ trưởng ngoại giao của Greenland Ane Lone Bagger nói với Reuters.
Ông Trump dự kiến sẽ đến Copenhagen vào tháng 9 và Bắc Cực sẽ nằm trong chương trình nghị sự trong các cuộc họp với thủ tướng của Đan Mạch và Greenland, một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.
Báo The Wall Street Journal là cơ quan tin tức đầu tiên đưa tin về cuộc thảo luận mua Greenland. Reuters cho biết hai nguồn tin nắm rõ tình hình nói rằng ý tưởng này được một số cố vấn xem như lời nói đùa nhưng được những người khác trong Nhà Trắng xem là nghiêm túc.
Các chính trị gia Đan Mạch hôm thứ Sáu đồng loạt dè bỉu ý tưởng này.
“Đây chắc hẳn là trò đùa Cá Tháng Tư. Hoàn toàn không đúng thời điểm,” cựu thủ tướng Lars Lokke Rasmussen nói trên Twitter.
Greenland, một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch nằm giữa Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, lệ thuộc vào hỗ trợ kinh tế của Đan Mạch. Hòn đảo này lo liệu các vấn đề trong nước của riêng mình trong khi Copenhagen lo liệu về chính sách quốc phòng và đối ngoại.
Greenland đang thu hút sự chú ý từ các siêu cường quốc toàn cầu bao gồm Trung Quốc, Nga và Mỹ do vị trí chiến lược và tài nguyên khoáng sản.
Một hiệp ước quốc phòng giữa Đan Mạch và Mỹ có từ năm 1951 trao cho quân đội Mỹ một số quyền đối với Căn cứ Không quân Thule ở bắc Greenland.
Đan Mạch đã từng bán lãnh thổ của mình cho Mỹ. Năm 1917, Đan Mạch bán hết các đảo Tây Ấn của mình với giá 25 triệu đôla cho Mỹ. Mỹ sau đó đổi tên thành Quần đảo Virgin của Mỹ.
Nga, Việt Nam thúc đẩy hợp tác quốc phòng
Theo tin thì chuyến thăm của đoàn cấp cao quân đội Việt Nam được thực hiện theo lời mời của Đại tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên bang Nga.
Mạng Nhân dân, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Việt Nam cho biết, tại chuyến thăm lần nay Nga và Việt Nam đồng ý mở rộng hợp tác quốc phòng trong giai đoạn 2019-2023 và thúc đẩy hợp tác về binh chủng, pháp chế, quân y và đào tạo.
Mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước được đánh giá có nhiều đột phá và phát triển mạnh nhiều mặt thông qua các hoạt động quốc phòng giữa hai nước khi hai bên đã tiến hành hơn 70 hoạt động đối ngoại quốc phòng, 12 hoạt động khung trong năm của hai nước Việt-Nga giai đoạn 2019-2020.
Về phía Nga, Đại tướng Valery Gerasimov nói rằng Việt Nam là bạn bè truyền thống của Nga khi mối quan hệ hai nước được gắn kết từ rất lâu. Nga đánh giá cao tính năng động của các đối thoại cấp chiến lược và thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Ông tin rằng chuyến thăm lần này của Việt Nam sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng, là trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt –Nga.
Đại tướng Nga cũng khẳng định sẽ tiếp tục tham gia vào cấu trúc an ninh khu vực thông qua cơ chế hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM-Plus), bày tỏ mong muốn thiết lập cơ chế hợp tác khu vực tuân theo Hiến chương Liên hiệp quốc, phù hợp luật pháp quốc tế và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN và sự kết nối giữa ASEAN với các quốc gia khác nhằm đảm bảo an ninh, hòa bình và phát triển.
Kyrgyzstan : Cựu tổng thống bị truy tố,
đối lập bị triệt hạ
Tại Kyrgyzstan, cựu tổng thống Almazbek Atambaïev bị bắt giữ, rồi bị truy tố vì tội « âm mưu đảo chính », hôm 13/08/2019. Trong vòng 24 giờ qua, an ninh nước này đã tiến hành hàng loạt vụ bắt giữ nhắm vào những người ủng hộ cựu tổng thống. Một người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các đợt bố ráp của cảnh sát. Các nhà quan sát lo ngại đối lập Kyrgyzstan bị triệt hạ hoàn toàn, quốc gia được coi là « dân chủ nhất » tại vùng Trung Á này có nguy cơ rơi vào tay chế độ độc tài của tổng thống SooronbayJeenbekov.
Thông tín viên Clara Marchaud tường trình từ Bichkek :
« Sau vụ bắt giữ bất ngờ cựu tổng thống Almazbek Atambaiev, không khí yên ắng trở lại tại Kyrgyzstan. Tuy nhiên, đằng sau không khí bình yên giả tạo này là một sự đảo lộn lớn đang diễn ra trên chính trường. Những người ủng hộ cựu tổng thống lần lượt bị bắt, từ viên cố vấn trung thành nhất cho đến những người thân cận trong hàng ngũ đảng cầm quyền của đương kim tổng thống.
Trên thực tế, hai nhân vật này từ lâu cùng thuộc một đảng. Chính cựu tổng thống Atambaiev đã đưa người kế nhiệm trở thành tổng thống trong cuộc bầu cử 2017. Tuy nhiên, tân tổng thống Sooronbay Jeenbekov đã nhanh chóng trở thành đối thủ của người tiền nhiệm.
Một khi nắm quyền, Jeenbekov cách chức nhiều giới chức cao cấp thân cận với cựu tổng thống. Tuy nhiên, hành động phản bội nghiêm trọng nhất là quyết định tước bỏ quy chế miễn trừ của một cựu tổng thống đối với ông Atambaiev và quyết định truy tố ông hồi tháng 6.
Cuộc chiến chính trị giữa Atambaiev vàJeenbekov gây lo ngại cho các nhà quan sát. Kể từ khi độc lập đến nay, cạnh tranh giữa những nhóm quyền lực khiến cho Kyrgyzstan không bị độc tài thống trị. Tuy nhiên, với việc bắt giữ cựu tổng thống Atambaiev, đối lập hoàn toàn bị nghiền nát, quốc gia dân chủ nhất của vùng Trung Á rơi vào bất ổn ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190816-kyrgyzstan-cuu-tong-thong-bi-truy-to-doi-lap-bi-triet-ha
Tư pháp Gibraltar thả tàu dầu Iran,
bất chấp Hoa Kỳ can thiệp
Tòa Án Tối Cao Gibraltar hôm qua, 15/08/2019, đưa ra phán quyết cho thả tàu dầu Iran bị bắt giữ hồi đầu tháng 7. Vào ngày 04/07, nhà chức trách Gibraltar đã bắt giữ tàu Iran Grace 1, chở 2,1 triệu thùng dầu, do nghi ngờ tàu này chở dầu tới Syria, và như vậy là vi phạm lệnh cấm của Liên Hiệp Châu Âu.
Hãng tin AFP trích lời người đứng đầu ngành tư pháp Gibraltar, ông Anthony Dudley cho biết quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền Gibraltar nhận được thông báo từ Teheran đảm bảo rằng tàu Grace 1 sẽ không tới những quốc gia thuộc danh sách cấm của Liên Hiệp Châu Âu.
Hoa Kỳ đã bất ngờ can thiệp vào giờ chót, yêu cầu tư pháp Gibraltar để tàu Grace 1 tiếp tục bị giữ. Theo ông Dudley, nếu không có yêu cầu này từ phía Washington, tàu dầu Iran đã được trả tự do sớm hơn. Tuy vậy, ông cũng cho biết chưa nhận được văn bản yêu cầu chính thức vào từ Hoa Kỳ, và Washington vẫn có thể đệ đơn trì hoãn việc thả tàu Iran, miễn là khi đó tàu này vẫn còn trong hải phận Gibraltar.
Phát biểu trên truyền hình nhà nước Iran, một lãnh đạo Tổ Chức Hàng hải và Cảng biển Iran cho biết tàu Grace 1 sẽ được đổi tên thành Adrian Arya, treo cờ Cộng Hòa Hồi Giáo Iran, thay vì cờ Panama như trước đây, và sẽ ra khơi một khi hoàn tất các công đoạn chuẩn bị.
Mặt khác, Washington hôm qua, 15/08/2019, đe dọa cấm visa nhập cảnh đối với thủy thủ đoàn. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho rằng tàu Grace 1 đã hỗ trợ Vệ binh Cách mạng Iran, tổ chức mà Hoa Kỳ cho là khủng bố.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190816-tu-phap-gibraltar-cho-tha-tau-dau-iran-bat-chap-hoa-ky-can-thiep
Israel cấm 2 nữ dân biểu Hồi Giáo Hoa Kỳ
đến thăm quốc gia
Tin Jerusalem, Israel – Vào thứ Năm, 15 tháng 8, Israel đã ra lệnh cấm không cho 2 nữ dân biểu Dân Chủ ủng hộ Palestine đến thăm nước này, trong hành động có thể làm tăng căng thẳng giữa Thủ Tướng Benjamin Netanyahu và đảng Dân Chủ tại Washington.
Các nữ Dân Biểu Ilhan Omar của Minnesota và Rashida Tlaib của Michigan đều là những người công khai chỉ trích Israel. Tổng Thống Trump trước đó đã viết lên Twitter rằng 2 chính trị gia Hồi giáo này nên bị cấm đến Israel. Chính quyền Israel lâu nay vẫn có thông lệ rằng mọi nhà lập pháp Hoa Kỳ đều có thể đến thăm nước này.
Tuy nhiên, vào thứ Năm, Thủ Tướng Netanyahu ra thông báo chính phủ của ông sẽ không cho bà Tlaib và bà Omar nhập cảnh. Hai nhà lập pháp, cũng là 2 phụ nữ Hồi giáo đầu tiên được bầu vào Quốc Hội Hoa Kỳ, trước đó đã dự định đến Israel vào Chủ Nhật. Thủ Tướng Netanyahu cho biết, chính phủ của ông nhận được kế hoạch làm việc của 2 nữ dân biểu Hoa Kỳ vào vài ngày trước, và nhận ra rằng 2 nhà lập pháp này rõ ràng là đang lên kế hoạch hỗ trợ cho phong trào BDS, một phong trào ủng hộ Palestine, đồng thời tẩy chay và phủ nhận tính hợp pháp của đất nước Israel. Trong bản kế hoạch làm việc, 2 nữ dân biểu gọi điểm đến của họ là Palestine thay vì là Israel, và không gặp bất kỳ viên chức Israel nào trong chính phủ hay trong đảng đối lập.
Đáp lại, nữ Dân Biểu Omar đã gọi quyết định của Thủ Tướng Netanyahu là một sự coi thường, và cáo buộc ông khuất phục trước áp lực từ Tổng Thống Trump. Bà Omar và bà Tlaib từng công khai tuyên bố ủng hộ BDA. Và theo luật Israel, những người ủng hộ phong trào này đều có thể bị từ chối nhập cảnh. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/israel-cam-2-nu-dan-bieu-hoi-giao-hoa-ky-den-tham-quoc-gia/
Bắc Hàn từ chối đàm phán hòa bình với Nam Hàn
Bắc Hàn đã từ chối tiếp tục đàm phán với Nam Hàn, nói quyết định này là “hoàn toàn do các hành động của Nam Hàn”.
Bắc Hàn đã đưa ra một tuyên bố đáp lại bài phát biểu của Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in hôm thứ Năm 15/8.
Trong khi đó, sớm thứ Sáu 16/8, Bắc Hàn đã bắn thử hai tên lửa xuống biển ngoài khơi phía đông, quân đội Nam Hàn cho biết.
Đây là cuộc thử tên lửa thứ sáu trong vòng chưa đầy một tháng.
Sáu ngày trước, Bắc Hàn đã bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào Biển Nhật Bản.
Một loạt vụ bắn thử được tiến hành sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un thỏa thuận trong cuộc họp vào tháng Sáu rằng họ sẽ tái đàm phán phi hạt nhân hóa.
Bắc Hàn đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế vì phát triển vũ khí hạt nhân.
Kim Jong-un thị sát thử tên lửa
Trump lo ngại bãi phóng tên lửa của Bắc Hàn
Bình Nhưỡng bắn ‘tên lửa tầm ngắn’ xuống biển
Tập Cận Bình nói gì trước chuyến thăm Bình Nhưỡng?
Nam Hàn nói gì?
Trong bài phát biểu kỷ niệm sự kiện giải phóng Nam Hàn khỏi ách thống trị của Nhật Bản, Tổng thống Moon tuyên bố sẽ thống nhất bán đảo Triều Tiên vào năm 2045.
Hai quốc gia bị chia tách vào cuối Thế chiến thứ hai.
Tổng thống Moon cho biết mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đang ở “thời điểm quan trọng nhất”, khi các cuộc đàm phán giữa Bắc và Nam dường như bế tắc.
“Một bán đảo Triều Tiên mới, một bán đảo sẽ mang lại hòa bình và thịnh vượng cho chính nó, Đông Á và thế giới, đang chờ chúng ta,” ông nói trong bài phát biểu trên truyền hình.
Phản ứng của Bắc Hàn là gì?
Trong tuyên bố, Bắc Hàn đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đối thoại khi “ngay cả tại thời điểm này, Nam Hàn vẫn tiếp tục tập trận quân sự chung và nói về một nền kinh tế hòa bình hoặc một chế độ hòa bình, họ không có quyền làm như vậy”.
Tiếp tục chỉ trích Tổng thống Moon, tuyên bố có đoạn: “Chúng tôi thậm chí đặt câu hỏi liệu suy nghĩ của ông ta có hợp lý không khi ông đề cập đến ‘các cuộc đàm phán’ giữa Bắc và Nam cùng thời điểm tham gia tập trận với các kịch bản chiến tranh có kế hoạch tiêu diệt hầu hết quân đội của chúng tôi trong 90 ngày.”
“Ông ta thực sự là một người không biết xấu hổ.”
Bắc Hàn đã bày tỏ sự giận dữ trước các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn hiện đang diễn ra, nói rằng hành động này vi phạm các thỏa thuận đạt được với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Moon.
Trước đây, Bắc Hàn đã mô tả các hoạt động này như là một “cuộc diễn tập cho chiến tranh”.
Trong một bức thư gần đây gửi ông Trump, nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un được cho là đã phàn nàn “về các cuộc tập trận quân sự lố bịch và tốn kém”.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2: Từ thù thành bạn
“Sự bế tắc trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa hoàn toàn là lỗi của Nam Hàn khi họ quyết định tổ chức các cuộc tập trận,” người phát ngôn Bộ Thống nhất của Bắc Hàn nói.
“Chúng tôi không còn lời nào để nói với các quan chức Nam Hàn”, vị này phát biểu trên truyền hình của Cơ quan Thông tấn Trung ương Bắc Hàn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49354465
Đài Loan tăng ngân sách quốc phòng
giữa căng thẳng với Trung Quốc
Đài Loan ra mắt ngân sách quốc phòng hôm thứ Năm 15/8, với mức tăng lớn nhất trong hơn một thập kỷ nay giữa bối cảnh căng thẳng quân sự leo thang với Trung Quốc, vốn vẫn coi Đài Loan là lãnh thổ của mình và không loại bỏ giải pháp sử dụng vũ lực để thâu tóm hòn đảo tự trị này.
Bản tin của Reuters tường thuật rằng nội các của Tổng thống Thái Anh Văn đã ký phê chuẩn mức tăng 8,3% đối với các chi tiêu quân sự trong năm bắt đầu từ tháng 1 lên tới 411,3 tỷ Đài tệ – tương đương với 13,11 tỷ USD, mức tăng lớn nhất hàng năm kể từ năm 2008, theo Tổng cục Ngân sách, Kế toán và Thống kê.
Nếu được các nhà lập pháp chấp thuận, một điều khả thi xét đảng Dân chủ Tiến bộ đang nắm quyền kiểm soát quốc hội, thì đây sẽ là mức chi tiêu quốc phòng cao nhất kể từ khi các số liệu bắt đầu được thu thập vào năm 2001, dữ liệu từ Sở thống kê cho thấy.
Tháng 7 vừa rồi, Trung Quốc cảnh cáo họ đã sẵn sàng cho chiến tranh nếu Đài Loan có bất kỳ động thái nào hướng tới giải pháp độc lập cho Đài Loan. Dịp này, Bắc Kinh tố cáo Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan, một trong những điểm nóng trong mối quan hệ Mỹ-Trung, trong đó có chiến tranh thương mại và các lệnh cấm vận của Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan nói trong một tuyên bố:
“Trước mối đe dọa từ kẻ thù và để đảm bảo an ninh quốc gia, ngân sách quốc phòng sẽ tiếp tục tăng trưởng đều đặn.”
Bộ quốc phòng Đài Loan còn cho biết Bộ sẽ chi nhiều hơn để mua vũ khí tiên tiến từ nước ngoài và xây dựng một lực lượng quân sự gồm toàn tình nguyện viên sau nhiều thập kỷ áp dụng chế độ quân dịch cưỡng bức.
Luôn luôn ngờ vực bà Thái Anh Văn là thúc đẩy giải pháp độc lập chính thức cho Đài Loan, Trung Quốc đã tăng cường áp lực quân sự đối với Đài Loan, kể cả các cuộc tập trận xung quanh hòn đảo này, và điều máy bay phản lực bay qua biên giới trên biển ngăn cách hai bên, một động thái mà Đài Bắc cho là có tính cách khiêu khích.
Hoa Kỳ là nước cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan. Hồi tháng 7, Washington đã phê duyệt kế hoạch bán vũ khí trị giá ước tính lên tới 2,2 tỷ đô la cho chính quyền dân chủ Đài Loan.
Washington không có quan hệ chính thức với Đài Loan, nhưng bị ràng buộc về mặt pháp lý phải giúp cung cấp những phương tiện để hòn đảo tự trị này có thể tự vệ.
Tổng Thống Thái Anh Văn đang đối mặt với các đối thủ chính trị khi bà ra tái tranh cử vào tháng 1 sang năm, giữa lúc bà bị chỉ trích về nghị trình cải cách của bà trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường nỗ lực siết chặt Đài Loan, kể cả lệnh cấm du khách Trung Quốc sang Đài Loan du lịch.
Giám đốc Cathay Pacific từ chức,
tỷ phú Hong Kong kêu gọi yêu thương
Giám đốc của Cathay Pacific, Rupert Hogg từ chức sau khi hãng hàng không này bị dính vào các tranh cãi liên quan tới làn sóng biểu tình kéo dài hơn 10 tuần tại Hong Kong.
Trong lúc đó, tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành, một trong những người được xếp hạng giàu nhất thế giới, đăng quảng cáo kêu gọi yêu thương.
Ông Hogg cho biết ông chịu trách nhiệm vì đây là “những tuần thử thách” cho hãng hàng không.
Hong Kong: Hãng Cathay Pacific bị TQ ‘phát động tẩy chay’
Anh Quốc ‘không nên can thiệp vào việc của Hong Kong’
Hong Kong hủy hơn 160 chuyến bay do có biểu tình
Cathay Pacific sơn tên sai trên thân máy bay
Tuần trước, một số nhân viên của Cathay Pacific tham gia vào các cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Dưới áp lực từ Trung Quốc, hãng hàng không có trụ sở tại Hong Kong đã sa thải những người này.
Danh tiếng và thương hiệu bị áp lực
Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Cathay, John Slosar, nói: “Các sự kiện gần đây đã đặt ra câu hỏi về cam kết an toàn và an ninh của Cathay Pacific và tạo áp lực cho danh tiếng và thương hiệu của chúng tôi.”
“Điều này thật đáng tiếc vì chúng tôi luôn đặt sự an toàn và an ninh lên ưu tiên hàng đầu. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc đưa một đội ngũ quản lý mới vào vị trí có thể đặt lại niềm tin và đưa hãng hàng không lên một tầm cao mới.”
Tuần trước, Cathay nói với nhân viên rằng công ty sẽ không ngăn họ tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ hiện đang xảy ra khắp nơi ở Hong Kong.
Tuy nhiên, hôm thứ Hai, ông Hogg cảnh báo nhân viên rằng họ có thể bị sa thải nếu “ủng hộ hoặc tham gia vào các cuộc biểu tình bất hợp pháp”.
Cathay phải đối mặt với áp lực trực tuyến sau khi báo chí nhà nước Trung Quốc kêu gọi tẩy chay hãng hàng không này với hashtag #BoycottCathayPacific, được truyền đi khắp các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc.
Cathay đã được lệnh của Cơ quan Quản lý Hàng không của Bắc Kinh ra lệnh đình chỉ bất kỳ nhân viên nào đã có hành vi bạo lực trong các cuộc biểu tình gần đây, nếu không sẽ không được phép bay vào và bay qua không phận Trung Quốc đại lục.
Cơ quan quản lý hàng không của Bắc Kinh, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) cũng yêu cầu Cathay nộp danh sách nhân viên làm việc trên các chuyến bay đến đất liền hoặc qua không phận của Trung Quốc.
Kêu gọi yêu thương
Trong một diễn tiến liên quan, tỷ phú Lý Gia Thành (Li Ka-shing), người giàu nhất Hong Kong, nói với BBC rằng ông nghĩ chính phủ đã nghe được những thông điệp từ những người biểu tình một cách “to và rõ ràng” và “đang vận hết trí não để tìm giải pháp”.
Tuyên bố trên trùng khớp với một quảng cáo “khó hiểu” trên báo dưới tên của ông Lý, có cụm từ “dưa của Hoàng Đài không thể chịu đựng được nữa”.
Thông điệp của tỷ phú Lý Gia Thành trong quảng cáo chiếm trang nhất các tờ báo lớn ở trung tâm tài chính châu Á khác rõ hơn, kêu gọi công chúng “chấm dứt cơn giận bằng tình yêu” và “chấm dứt bạo lực”.
Các quảng cáo này không bày tỏ sự ủng hộ chính phủ Hong Kong hay Đặc khu Trưởng Carie Lam, mà chỉ nói về sáu tình yêu:
“Yêu Trung Quốc, yêu Hong Kong, yêu chính mình, yêu tự do, yêu sự đồng cảm, yêu luật pháp.”
Tuy nhiên, theo Reuters, trong thông cáo báo chí do phát gửi đi sau đó, ông Lý Gia Thành được trích lời nói: “Ý định tốt nhất có thể mang đến kết quả tồi tệ nhất”, và kêu gọi hãy “Ngừng cơn giận bằng tình yêu.”
Việc giám đốc Cathay Pacific từ chức và kêu gọi yêu thương của tỷ phú Lý Gia Thành xảy ra trong lúc giới biểu tình vẫn đang chuẩn bị cho một cuộc tuần hành ôn hòa vào Chủ Nhật 18/8.
Vào cuối hôm thứ Sáu, người biểu tình vẫn chưa được nhận được thông báo “không phản đối” từ cảnh sát Hong Kong.
Cho đến này hơn 700 người biểu tình đã bị bắt giữ trong các cuộc đụng độ với cảnh sát.
https://www.bbc.com/vietnamese/49368755
Hồng Kông: Cảnh sát khẳng định
tự bảo đảm được an ninh
Biểu tình phản kháng tại Hồng Kông không có chiều hướng suy giảm, chính quyền Trung Quốc trong những ngày gần đây liên tục đe dọa can thiệp bằng vũ lực để lập lại trật tự. Hôm qua, 15/08/2019, cảnh sát Hồng Kông bất ngờ tuyên bố đủ khả năng bảo đảm an ninh của đặc khu hành chính, không cần nhờ đến chính quyền trung ương, và khẳng định hoàn toàn không hay biết về khả năng một can thiệp vũ trang từ Hoa lục.
AFP cho hay, hôm qua, ba chỉ huy cảnh sát Hồng Kông đã trả lời phỏng vấn với một số phóng viên nước ngoài, tại trụ sở cảnh sát Hồng Kông ở khu Wan Chai. Ba lãnh đạo cảnh sát thông báo họ không hề hay biết gì về một kế hoạch của Bắc Kinh đưa lực lượng vũ trang để hỗ trợ cảnh sát đặc khu, ngay cả khi bối cảnh khủng hoảng chính trị có trở nên trầm trọng hơn. Không hề có một thể thức nào cho phép họ đối phó với tình huống có sự can thiệp vũ trang từ Hoa lục.
Một trong ba lãnh đạo cảnh sát Hồng Kông nhấn mạnh là trong tình trạng hiện nay, cảnh sát Hồng Kông hoàn toàn có đủ năng lực, các nguồn lực cần thiết, cùng quyết tâm và tinh thần đoàn kết để tiếp tục nhiệm vụ bảo đảm trị an đặc khu.
Cả ba chỉ huy cảnh sát Hồng Kông chấp nhận trả lời với điều kiện không nêu danh tính, để có thể phát biểu một cách thoải mái về cuộc khủng hoảng chính trị, được coi là nghiêm trọng nhất tại Hồng Kông kể từ năm 1997, tức kể từ khi thuộc địa Anh được trao trả lại cho Trung Quốc.
Ba chỉ huy cảnh sát Hồng Kông cũng thừa nhận là việc chính quyền Bắc Kinh điều động lực lượng vũ trang can thiệp vào Hồng Kông sẽ đặt cảnh sát đặc khu này vào một tình huống chưa từng có.
Huawei để Đài Loan là nước độc lập
trên phần cài đặt điện thoại
Hãng công nghệ Huawei, vốn bị cho là có mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc, hiện bị công kích trong cuộc tranh cãi liên quan tới Đài Loan.
Huawei bị công kích vì bị cáo buộc là phần cài đặt trong sản phẩm điện thoại thông minh của hãng có ngụ ý rằng Đài Loan là quốc gia độc lập.
Thương chiến Mỹ-Trung: ‘Chúng ta đều phải trả giá’
Mỹ cho phép bán hàng cho Huawei ‘có điều kiện’
Mỹ cấm các hãng Trung Quốc ‘làm siêu máy tính’
Bất chấp những phản ứng mãnh liệt trên mạng xã hội, Huawei từ chối bình luận.
Đây là hãng mới nhất, và cũng là một trường hợp không ai ngờ tới, bị ‘dính đạn’ trong kiểu tranh cãi này.
Các hãng lớn trên thế giới như Versace, Coach, Givenchy, và Swarovski đều đối diện với những chỉ trích tương tự trong tuần này do liệt kê Hong Kong, Macau và Đài Loan là các quốc gia hoặc các vùng riêng biệt, không phải là một phần của Trung Quốc, trên các trang web chính thức hoặc trên áo phông mang thương hiệu hãng.
Những sự việc này diễn ra trong lúc tình hình rất nhạy cảm, khi mà Hong Kong đang đối diện với nhiều tuần lễ bất ổn, người biểu tình đòi dân chủ đụng độ với cảnh sát.
‘Xúc phạm quá đáng’
Cho đến nay, Huawei luôn nằm trong tâm điểm chú ý với các cáo buộc là gây rủi ro an ninh quốc gia, điều mà hãng luôn bác bỏ.
Thế nhưng nay người dùng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc tức giận về việc Đài Loan được liệt kê là một quốc gia độc lập trong phần cài đặt ngôn ngữ mặc định trên điện thoại của Huawei, trong phần tiếng Trung phồn thể – thứ ngôn ngữ được sử dụng tại Đài Loan và Hong Kong.
Tại Trung Hoa lục địa, ngôn ngữ được sử dụng là tiếng Trung giản thể.
“Thật quá là xúc phạm. Đây là cách Huawei đền ơn Trung Quốc à?” một người dùng viết trên Weibo.
Trong lúc một số người dùng nói rằng vấn đề này đến nay đã được sửa chữa, nhưng nhiều người vẫn giận dữ về việc công ty không công khai nói về sự việc.
“Các người định phớt lờ [chuyện này] và [các người] không giải thích vì sao chuyện này xảy ra à? Là một người sử dụng sản phẩm Huawei… tôi thấy thật kinh tởm,” một người dùng nói.
Câu chuyện Huawei
Đây là một dạng gây tranh cãi mới mẻ với Huawei.
Hãng đã trải qua nhiều tháng bị soi xét kỹ lưỡng liên quan tới cáo buộc có quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc.
Huawei có thể đột phá vào lâu đài công nghệ 5G?
Hoa Kỳ cho Huawei vào sổ đen từ hồi tháng Năm với lý do hãng gây rủi ro an ninh quốc gia.
Huawei cắt giảm việc làm ở Mỹ sau khi bị vào ‘sổ đen’
Huawei: ‘Chúng tôi trần trụi trước thế giới’
Huawei ký thỏa thuận phát triển 5G tại Nga
Huawei mạnh mẽ phản đối và lặp đi lặp lại rằng họ hoạt động độc lập với chính phủ Trung Quốc.
Huawei cũng đã trở thành biểu tượng cho những căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại, và gần đây hơn là trong lĩnh vực công nghệ.
Hoa Kỳ đã áp các lệnh hạn chế thương mại đối với Huawei, đồng thời tìm cách thuyết phục các đồng minh của mình cấm sử dụng sản phẩm của công ty Trung Quốc này cho các mạng di động thế hệ mới, 5G do có các quan ngại về nguy cơ có thể có đối với an ninh quốc gia.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-49350324
Thương chiến Mỹ-Trung:
Bắc Kinh sẽ trả đũa đợt áp thuế mới nhất
Bắc Kinh hôm 15/8 tuyên bố sẽ trả đũa đợt áp thuế quan mới nhất của Hoa Kỳ đối với 300 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, nhưng cùng lúc kêu gọi Hoa Kỳ hãy tương nhượng để có thể đạt được một thỏa thuận thương mại tiềm năng. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó tuyên bố rằng bất kỳ hiệp ước nào cũng sẽ phải thỏa mãn các điều kiện của Mỹ.
Bộ Tài chính Trung Quốc nói rằng các sắc thuế của Washington, sẽ có hiệu lực vào tháng tới, vi phạm một giải pháp đồng thuận đạt được giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh tháng 6 ở Nhật Bản để giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán.
Trong một tuyên bố riêng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc hy vọng sẽ tìm ra giải pháp tương nhượng thông qua đối thoại và tham vấn trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Tổng thống Trump đang vận động để đươc tái cử vào năm 2020, và năm 2016 đã từng vận động trên hồ sơ kinh tế và lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, hôm thứ Năm cho biết bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải đáp ứng các yêu cầu của phía Mỹ.
Bức tranh thương mại trở nên phức tạp hơn giữa lúc Hồng Kông tiếp tục bất ổn, một vấn đề mà ông Trump hôm thứ Tư gắn liền với bất kỳ thỏa thuận tiềm tàng nào, nói rằng trước tiên ông phải giải quyết tình hình trong lãnh thổ với người biểu tình.
Ông Trump và ông Tập hồi tháng 6 đã đồng ý khởi động lại đàm phán thương mại sau khi các cuộc thương thuyết bị đình trệ hồi đầu năm nay. Nhưng đầu tháng này, chính quyền Trump cho biết sẽ áp thuế đối với 300 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1 tháng 9.
Động thái này đã làm náo động các thị trường toàn cầu và tăng quan ngại trong giới đầu tư về cuộc tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kéo dài sang năm thứ nhì mà chưa có dấu hiệu nào sắp kết thúc..
Trung Quốc đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trả đũa khiến cho giá cổ phiếu toàn cầu dao động mạnh trong ngày thứ năm 15/8 và với giá dầu cũng tuột giá, càng làm tăng thêm lo sợ về nguy cơ suy thoái kinh tế, mặc dù giá chứng khoán tại Hoa Kỳtăng vào lúc mở cửa.
Tổng thống Trump, trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh hôm thứ Năm, đã gạt bỏ những sự lo lắng của các nhà đầu tư. Ông với với đài WGIR:
“Chúng ta đã trải qua một vài ngày tồi tệ…nhưng những ngày tốt đẹp sẽ tới bởi vì chúng ta phải đương đầu với Trung Quốc.”
https://www.voatiengviet.com/a/thuong-chien-my-trung-tq-se-tra-dua-dot-ap-thue-moi-nhat/5043793.html
Trung Quốc có thể
can thiệp biểu tình ở Hồng Kông như thế nào?
Giữa lúc Trung Quốc tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ các cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng tại Hồng Kông, nhiều người tự hỏi liệu Bắc Kinh sẽ làm gì để dập tắt bất đồng của người dân Hồng Kông?
Những hình ảnh về sự xuất hiện của lực lượng bán quân sự Trung Quốc ở Thâm Quyến, sát ranh giới Hồng Kông, đang làm dấy lên suy đoán rằng Trung Quốc có thể sẽ sử dụng lực lượng này để dập tắt các cuộc biểu tình tại đặc khu.
Nhưng BBC viện dẫn Luật Cơ bản Hồng Kông cho biết can thiệp quân sự trực tiếp chỉ có thể xảy ra khi có yêu cầu từ chính phủ của đặc khu.
Trong khi đó, tờ South China Morning Post tường thuật rằng Bắc Kinh đang gây áp lực lên lực lượng cảnh sát Hồng Kông, yêu cầu họ phải có biện pháp chấm dứt các cuộc biểu tình.
Trung Quốc cũng có thể can thiệp chính trị vì Hội đồng Lập pháp của Hồng Kông chỉ có một phần dân chủ, và phần lớn ủng hộ Bắc Kinh, vẫn theo BBC.
Trung Quốc đã thể hiện quyền lực của mình bằng cách từ chối chấp nhận cho Trưởng Đặc khu Carrie Lam từ chức và từ chối không cho bà chính thức rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi, nguyên nhân gây ra các cuộc biểu tình.
Một khả năng khác là Bắc Kinh sẽ nhắm vào các nhà hoạt động, vì ngay cả khi không có luật dẫn độ, Trung Quốc vẫn có khả năng giam giữ từng công dân.
South China Morning Post cho biết một số cư dân Hồng Kông đã bị nhân viên nhập cư Trung Quốc tại biên giới kiểm tra ảnh và tin nhắn trên điện thoại của họ.
Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại về sự can thiệp trực tiếp, BBC cho rằng rằng công cụ hiệu quả nhất của Bắc Kinh có thể là kinh tế. Bắc Kinh có thể nhắm mục tiêu vào nền kinh tế Hồng Kông bằng cách chuyển hướng đầu tư sang các thành phố khác ở đại lục, khiến cho đầu tư phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-can-thiep-hong-kong/5044784.html
Điều quân đội dẹp biểu tình Hồng Kông :
Đòn gió để hăm dọa ?
Sau hơn hai tháng biểu tình bất chấp bạo lực cảnh sát, phong trào phản kháng đòi dân chủ ở Hồng Kông không hề suy yếu, mà hứa hẹn sẽ còn quyết liệt hơn. Chính quyền đặc khu bất lực. Hoa lục dường như đã hết kiên nhẫn, liên tiếp có các động thái đe dọa khiến thế giới lo ngại Bắc Kinh sẽ đưa quân đội trấn áp biểu tình ở Hồng Kông .
Khởi phát từ đầu tháng 6 nhằm chống lại dự luật dẫn độ gây nhiều tranh cãi, phong trào phản kháng đã tiếp diễn dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ các cuộc tuần hành ôn hòa của hơn ba triệu người, đến các cuộc biểu tình, phong tỏa các cơ sở là biểu tượng của chính quyền đặc khu và Bắc Kinh, đến việc người biểu tình làm tê liệt sân bay Hồng Kông trong hai ngày 12 và 13/8 vừa qua. Các yêu sách của người biểu tình không thay đổi và còn mở rộng thêm với quyết tâm đi đến cùng. Các vụ xô xát bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát xảy ra ngày càng dữ dội và thường xuyên.
Không một dấu hiệu nào cho thấy chính quyền đặc khu của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chịu nhượng bộ phong trào phản kháng. Trong khi đó vài ngày qua, Bắc Kinh bắt đầu tỏ ra hết kiên nhẫn. Những hình ảnh hàng đoàn xe quân sự và cuộc diễn tập của lực lượng quân đội chuyên chống bạo động ở ngay sát Hồng Kông, khiến giới quan sát không khỏi lo ngại về khả năng quân đội Trung Quốc được điều động can thiệp lập lại trật tự ở Hồng Kông. Thậm chí để dọn đường dư luận và răn đe người biểu tình, báo chí chính thức Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh có quyền sử dụng vũ lực trấn áp bạo loạn ở Hồng Kông, và xa xôi gợi nhắc sự kiện Thiên An Môn …
Những động thái của Bắc Kinh khiến Mỹ phải lên tiếng, dù đó là công việc nội bộ của Trung Quốc. Cố vấn an ninh của Nhà Trắng John Bolton, trả lời phỏng vấn đài Tiếng nói Hoa Kỳ hôm 15/8, đã nhắc tới viễn ảnh một cuộc đàn áp đẫm máu, giống như với phong trào dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn cách đây 30 năm.
Tuy nhiên, đa số giới quan sát cho rằng, trong hoàn cảnh và thời điểm hiện nay, vẫn không có khả năng Trung Quốc sẽ đưa quân vào Hồng Kông. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 24, Giáo sư Kenneth Chan, thuộc đại học Báp-tít Hồng Kông giải thích : « Có thể Bắc Kinh nghĩ rằng những hình ảnh đó sẽ tạo sự hậu thuẫn vững chắc mà bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đang rất cần để tái lập trật tự ».
« Những tin đồn và hình ảnh triển khai quân đội chỉ là một đòn chiến tranh tâm lý điển hình cho phong cách tuyên truyền của Cộng Sản. » Mặc dù mục tiêu chính của Trung Quốc là răn đe, hăm dọa, nhưng không thể loại trừ khả năng can thiệp quân sự trong trường hợp Bắc Kinh buộc phải làm, theo chuyên gia Steve Tsang của Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Luân Đôn. Ông giải thích : «
Trung Quốc muốn người biểu tình tự trở về nhà hơn. Nhưng nếu Bắc Kinh thấy quyền lực của đảng Cộng Sản bị đe dọa, họ sẽ can thiệp ». Sự răn đe có vẻ hiện thực hơn khi mà Trung Quốc đang chuẩn bị cho một sự kiện lớn, kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày 1/10 tới.
Các lãnh đạo ở Bắc Kinh, luôn ám ảnh với một đại cường Trung Hoa không dễ gì chấp nhận mềm yếu với một phong trào dân chủ tự phát ở vùng đất bán tự trị được gắn với cụm từ « một đất nước hai chế độ ».
Theo nguyên tắc trên, Bắc Kinh để Hồng Kông được tự chủ hoàn toàn về chính trị. Quân đội Trung Quốc có thể can thiệp theo yêu cầu của chính quyền Hồng Kông. Nhìn vào sự thao túng của Bắc Kinh với chính trị Hồng Kông như hiện tại thì chuyện yêu cầu can thiệp của quân đội chỉ là vấn đề mang tính kỹ thuật. Theo ông Steve Tsang, nếu muốn, Bắc Kinh sẽ có ngay đề nghị từ chính quyền Hồng Kông bất kỳ lúc nào. Với Trung Quốc, một bước đi như vậy không phải không có rủi ro.
Các chuyên gia đều cho rằng đó sẽ chỉ là giải pháp cuối cùng, cực chẳng đã. Bởi một sự can thiệp trực tiếp bằng vũ lực sẽ là dấu chấm hết cho nguyên tắc « một đất nước hai chế độ », đảo lộn hoàn toàn hiện trạng địa chính trị trong vùng. Một khi quy chế đặc biệt dành cho Hồng Kông bị tổn hại, môi trường xã hội và kinh tế của vùng đất này sẽ trở nên hỗn loạn.
Cần phải biết là từ năm 1997 Bắc Kinh đã phát triển các lợi ích kinh tế thương mại rất lớn ở vùng đất này. Theo ông Willy Lam, nhà phân tích thuộc Đại học Trung Quốc tại Hồng Kông, giới lãnh đạo Trung Quốc ý thức được rằng để bảo đảm sự phồn thịnh của đất nước, Trung Quốc luôn phải cần một Hồng Kông tư bản theo đúng nghĩa của nó. Đó là chưa nói đến không ít các lãnh đạo Trung Quốc có cổ phần đầu tư trong các ngân hàng, bất động sản, công ty đóng tại Hồng Kông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190816-dieu-quan-doi-dep-bieu-tinh-hong-kong-don-gio-de-ham-doa
Hoa Kỳ ngủ quên, Trung Quốc làm dậy sóng Biển Đông
Những đám mây đen tiếp tục đè nặng lên chân trời Biển Đông, do những hành động khiêu khích của Trung Quốc tại các địa điểm khai thác dầu khí. Cùng với việc đàn áp người biểu tình Hồng Kông gần đây, nhiều nhà quan sát đã phải thốt lên câu dự báo thời tiết vốn dành cho người đi biển : « Ráng đỏ vào lúc bình minh, cần cảnh giác ! »
Tháng trước, trong hội nghị về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức, một số đại biểu đã gây chú ý khi nhấn mạnh vì sao cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, cần phải lên tiếng về việc Trung Quốc xâm phạm khu vực khai thác dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Chuyên gia Bonnie Glaser, giám đốc chương trình China Power, tuyên bố : « Nếu không đáp trả đối với các vụ vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), thì điều này chứng tỏ Bắc Kinh có thể vi phạm luật quốc tế mà không hề bị trừng phạt ».
Nhà báo độc lập James Borton trên trang Geopoliticalmonitor.com nhận định, Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS, làm ngơ trước phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye cách đây ba năm. Bắc Kinh còn xây lên các đảo nhân tạo với tốc độ điên cuồng, chưa nói đến việc quân sự hóa quần đảo Trường Sa, ngang nhiên ban hành lệnh cấm đánh cá, liên tục hủy hoại sinh thái nơi các rạn san hô. Rõ ràng có một thực tế đau lòng : hồi kết của trò chơi này là Bắc Kinh hoàn toàn kiểm soát Biển Đông.
Trên bề mặt, các nhà hoạch định chính sách Mỹ chứng kiến một trận cuồng phong địa chính trị, giống như một cơn bão tố di chuyển rất nhanh, trải dài trên khắp Biển Đông. Các biện pháp ngoại giao mềm dẻo do Việt Nam và Trung Quốc cùng thực hiện hồi đầu năm, trong đó có việc tuần duyên của đôi bên cùng tuần tra chung trên Vịnh Bắc bộ, hay hai chiến hạm của Việt Nam tham gia một cuộc biểu dương lực lượng trên biển nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hải quân Trung Quốc, nay đã bị lu mờ trước tham vọng của Bắc Kinh và yêu sách về nguồn lợi dầu khí ở Biển Đông, đi kèm với vũ lực.
Tác giả phàn nàn, trong khi Trung Quốc tiếp tục phản đối các hoạt động hợp pháp của Hải quân Hoa Kỳ nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, thì Nhà Trắng lại có quan điểm ôn hòa trước các hành động quấy nhiễu của Bắc Kinh.
Bất kể có bao nhiêu ngư dân Việt Nam hay Philippines đã thiệt mạng trên biển khơi, do dân quân biển Trung Quốc tấn công vào những chiếc tàu đánh cá truyền thống của họ, Washington chừng như vẫn không quan tâm, một khi không đụng đến lợi ích quốc gia của Mỹ.
Thế nên đương nhiên là dự luật trừng phạt về Biển Đông và Biển Hoa Đông do hai thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa) và Ben Cardin (Dân Chủ) chủ trì, đã không được thông qua ở Ủy ban Đối ngoại và hiện nay vẫn còn nằm tại Thượng Viện. Dự luật lưỡng đảng này nhằm trừng phạt chế độ Bắc Kinh do những hành động phi pháp của họ, khi yêu sách chủ quyền ở vùng biển xa tắp so với đất liền của Trung Quốc.
Chắc chắn là Trung Quốc cần phải là một bên liên quan có trách nhiệm trong khu vực tranh chấp, nhưng Mỹ cũng thế. Một chiếc tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây ra cuộc đối đầu kéo dài cả tháng qua, đã rời đi vào ngày 7/8, nhưng nay lại tái xuất hiện trong vùng biển Việt Nam.
Lời đáp của Mỹ trên Biển Đông
Nhà báo James Borton đặt vấn đề, Biển Đông không phải là nhân tố trung tâm mang tính chiến lược trong tổng thể quan hệ Mỹ-Trung, mà xung đột nằm ở chỗ mất cân bằng thương mại và đánh cắp sở hữu trí tuệ. Nhưng còn liên minh quốc phòng với Philippines và việc hỗ trợ cho yêu sách chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa thì sao ?
Kori Schake, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, viết trên tạp chí Foreign Affairs : « Hoa Kỳ né tránh thách thức bằng cách đặt lại vấn đề quan hệ liên minh ».
Về sự kiện tại bãi Tư Chính, cho dù không đứng về phía một quốc gia ven biển nào, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vẫn nhấn mạnh rằng : « Các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào việc khai thác dầu khí trên biển đe dọa an ninh năng lượng của khu vực, làm phương hại đến thị trường năng lượng của một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở ».
Việt Nam, một đối tác của Mỹ, cần nhắc nhở Washington là áp lực của Bắc Kinh đã khiến Hà Nội phải ngưng một dự án khí đốt hợp tác với công ty Repsol của Tây Ban Nha, ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hiện nay việc Trung Quốc hà hiếp Việt Nam và các nước đòi hỏi chủ quyền khác vẫn chưa thấy có dấu hiệu giảm bớt.
Khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2020, có lẽ các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần nghĩ đến việc thành lập một đội ngũ về chính sách khai thác đại dương cùng với ASEAN và Trung Quốc, để lập ra một khu vực chung (JDA) tại quần đảo Trường Sa nhằm khai thác tài nguyên.
Trong khi Hải quân Mỹ đưa chiến hạm tiếp tục các chuyến tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP), chính quyền Trump vẫn duy trì sự trung lập trong tất cả các tranh chấp lãnh thổ. Theo tác giả bài viết, Washington cần đóng vai trò giúp ổn định Biển Đông, do Trung Quốc luôn tìm cách áp đặt độc quyền kiểm soát tại khu vực và xa hơn nữa. Một số thành viên của Ủy ban Đối ngoại nhìn nhận là nếu không hành động gì, Trung Quốc sẽ hoàn tất việc thống trị về quân sự và chính trị trong khu vực.
Ông Anders Corr, thuộc Corr Analytics tin rằng tình hình hiện nay trên Biển Đông là cơ hội tuyệt vời cho Washington để bảo vệ nguyên tắc liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế, kéo Việt Nam ra xa khỏi Trung Quốc và xích lại gần Hoa Kỳ hơn, từ chối cho Trung Quốc tiếp cận nguồn dầu khí.
Các mỏ dầu khí rất quan trọng đối với Việt Nam vì cung cấp đến 10% nhu cầu năng lượng, và Hà Nội nhận ra rằng nếu Rosneft rút lui, thì Exxon cũng có thể hành động tương tự đối với dự án Cá Voi Xanh.
Theo nhà sinh thái Garrett Hardin, khi các quốc gia khai thác nguồn lợi chung một cách thái quá khiến cung vượt cầu, làm cho một số hay tất cả những nước khác không còn có thể thụ hưởng nguồn lợi thiên nhiên này, thì đó sẽ là bi kịch. Kịch bản này có thể sắp diễn ra ở Bắc Cực, và đó là lý do vì sao Hoa Kỳ được thúc giục phê chuẩn UNCLOS càng sớm càng tốt, dù muộn còn hơn không.
Trước việc vùng Bắc Cực ngày càng được mở rộng cho phát triển kinh tế và quân sự, theo ông Joe Courtney, chủ tịch tiểu ban Hải lực và Lực lượng can thiệp trực, thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ Viện, « Hoa Kỳ không còn nhiều thì giờ để mất, nếu muốn đề cập đến các thảo luận trong tương lai một cách danh chính ngôn thuận, trên cơ sở đã phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ».
Trong lúc Nhà Trắng hiện nay còn vô số vấn đề phải giải quyết, đây là cơ hội để đào sâu mối quan hệ Mỹ-Trung. Thời gian qua chính quyền Trump có những tuyên bố rất cứng rắn, nhưng hành động thì lại không tương xứng. Các chuyên gia về chính trị chỉ trích Washington, cho rằng không nên loan báo các chính sách có ảnh hưởng đến uy tín, mà lại không sẵn sàng đảm bảo.
Tác giả James Borton kết luận, động thái khởi đầu tốt nhất là Quốc Hội Hoa Kỳ phê chuẩn UNCLOS, và thông qua dự luật trừng phạt về Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190816-hoa-ky-ngu-quen-trung-quoc-lam-day-song-bien-dong
Phó tổng thống Philippines:
Dân đang sợ tổng thống ‘bán mình’ cho TQ
Phó tổng thống Philippines Leni Robredo cho biết người dân lo ngại ông Duterte đang ‘bán mình’ cho Trung Quốc và một ngày nào đó khi nhìn lại, nhiều phần lãnh thổ vốn thuộc về Philippines đã không còn là của nước này.
Phó tổng thống Philippines, bà Leni Robredo mới đây bất ngờ lên tiếng kêu gọi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có lập trường cứng rắn hơn để bảo vệ chủ quyền của nước này ở Biển Đông. Bà cho biết dân chúng Philippines lo lắng ông Duterte đang “bán mình” cho Trung Quốc.
“Tôi hiểu được lý do chính quyền mới của chúng ta (Philippines) ngày càng thân thiết hơn với Trung Quốc. Nhưng tôi cho rằng cần có một lằn ranh rõ ràng khi đề cập tới việc bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của chúng ta” – Hãng tin Bloomberg dẫn lời bà Robredo phát biểu trong một cuộc phỏng vấn ngày 13-8.
Bà Robredo đánh giá: “Tổng thống Duterte đã đưa ra nhiều tuyên bố tạo cảm giác chúng ta đang ưng thuận ngầm với những gì Trung Quốc muốn”.
Lời kêu gọi của bà Robredo được đưa ra trong bối cảnh giới quan sát đánh giá chính quyền Tổng thống Duterte ngày càng nhượng bộ Trung Quốc trong nhiều vấn đề để đổi lấy quan hệ hữu hảo và những gói đầu tư khổng lồ từ Bắc Kinh, đặc biệt là phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan hồi năm 2016 trong vụ kiện Philippines – Trung Quốc liên quan tới Biển Đông.
Về vấn đề này, bà Robredo nói rằng Tổng thống Duterte đã không tận dụng phán quyết của tòa án quốc tế để bảo vệ chủ quyền của nước này.
“Một ngày nào đó khi chúng ta tỉnh giấc thì nhiều phần lãnh thổ của chúng ta đã không còn thuộc về chúng ta nữa” – bà Robredo nói về lo ngại của người dân Philippines.
Phó tổng thống Leni Robredo, 54 tuổi, từng được biết tới là một luật sư và là nhà hoạt động xã hội của Philippines. Bà bước vào chính trường Philippines trong vai trò một nữ nghị sĩ hồi năm 2013. Bà hiện để ngỏ nhiều lựa chọn liên quan tới cuộc đua tổng thống Philippines vào năm 2022.
Theo Hãng tin Bloomberg, bà Robredo đang giữ vai trò vừa là phó tổng thống vừa là lãnh đạo phe đối lập chính ở Philippines. Việc bà đưa ra các phát ngôn chỉ trích ông Duterte không được xem là bất thường khi tại Philippines, vị trí tổng thống và phó tổng thống được bầu riêng biệt.
Bà Robredo cho biết sẵn sàng tham gia tranh cử tổng thống, nhưng sẽ cân nhắc liệu tham gia với tư cách ứng viên chính của Đảng Tự do (LP) đối lập trong cuộc bầu cử sắp tới hay không.
Tháng trước, Tổng thống Duterte từng nói ông không muốn bà Robredo kế nhiệm ông. Ông Duterte miêu tả bà Robredo “không có khả năng điều hành đất nước”.
Dân mạng Philippines những ngày qua sôi sục sau thông tin của phó giáo sư Ryan Martinson đến từ Học viện Hải chiến Mỹ cho biết hai tàu khảo sát là Đông Phương Hồng 3 (Dong Fang Hong 3) và Trương Kiển (Zhang Jian) của Trung Quốc đã hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines từ đầu tháng 8.
Hôm 12-8, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. thông báo sẽ bổ sung Trung Quốc vào danh sách những quốc gia có tàu khảo sát bị cấm hoạt động trong vùng biển Philippines.
Pakistan-Ấn Độ đụng độ ở Kashmir,
ít nhất 5 người thiệt mạng
Tin từ SRINAGAR, Ấn Độ/ISLAMABAD – Trong bài phát biểu Ngày Độc Lập vào hôm thứ Năm (15/8), thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố hủy bỏ tình trạng đặc biệt của Kashmir.
Hiện nay, vẫn có rất ít dấu hiệu cho thấy ông đã nhận được sự ủng hộ của người dân ở Kashmir. Và một cuộc đụng độ với Pakistan làm chết ít nhất 5 người ở biên giới đã làm gia tăng thêm căng thẳng.
Ông Modi cho biết tình trạng hiến pháp của Jammu và Kashmir đã khuyến khích nạn tham nhũng và lạm quyền, đồng thời tạo ra sự bất công cho phụ nữ, trẻ em và các cộng đồng thiểu số. Vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát hiện, cũng đang được Pakistan tuyên bố chủ quyền.
Khi phát biểu từ Pháo đài Đỏ lịch sử ở New Delhi, ông Modi đã công bố chính sách “Một quốc gia, Một Hiến pháp”. Các nhà phê bình cho rằng chính sách này sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ người dân Kashmir, khi họ bị tước mất quyền mua bất động sản trong tiểu bang và quyền ứng tuyển cho các việc làm của chính quyền tiểu bang.
Trong một cuộc đàn áp trong khu vực trong 12 ngày qua, chính quyền đã cắt kết nối internet và điện thoại, thiết lập nhiều chốt chặn trên đường, đồng thời giam giữ hơn 500 nhà lãnh đạo và nhà hoạt động địa phương. Tại thành phố Srinagar của Kashmir, Ấn Độ đã thắt chặt an ninh hơn nữa, và niêm phong nhiều con đường bằng dây thép gai cho một cuộc diễn hành Ngày Độc Lập chỉ được một vài người dân địa phương tham dự. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/pakistan-an-do-dung-do-o-kashmir-it-nhat-5-nguoi-thiet-mang/
Myanmar và Bangladesh đồng ý bắt đầu
hồi hương người Rohingya vào tuần tới
Tin từ YANGON, Myanmar – Vào hôm thứ), các viên chức cho biết Myanmar và Bangladesh sẽ bắt đầu một nỗ lực mới, để hồi hương hàng ngàn người Hồi giáo Rohingya đang trốn chạy khỏi tình trạng bạo lực ở tiểu bang Rakhine của Myanmar.
Hơn 730,000 người Rohingya đã trốn chạy từ Rakhine đến nước láng giềng Bangladesh, sau cuộc đàn áp do quân đội lãnh đạo vào tháng 8 năm 2017. Liên Hiệp Quốc tuyên bố rằng cuộc đàn áp này đã được thực hiện với “ý định diệt chủng”. Nhiều người tị nạn đã từ chối quay trở lại vì lo sợ tình trạng bạo lực gia tăng.
Khi trả lời phỏng vấn với hãng tin Reuters, các viên chức của cả hai nước cho biết tổng cộng có 3,540 người tị nạn đã được Myanmar duyệt để hồi hương, từ một danh sách bao gồm hơn 22,000 người được Bangladesh gửi đến gần đây. Nhóm người tị nạn đầu tiên sẽ quay trở lại Myanmar vào tuần tới.
Những nỗ lực trước đây trong việc thuyết phục người Rohingya quay về Rakhine đã thất bại, do sự phản đối của người tị nạn.
Một viên chức cao cấp của Bangladesh đã thông báo với hãng tin Reuters rằng nỗ lực mới này là một kế hoạch hồi hương “quy mô nhỏ”, đồng thời cho biết thêm rằng sẽ không có bất kỳ ai bị buộc phải về nước. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/myanmar-va-bangladesh-dong-y-bat-dau-hoi-huong-nguoi-rohingya-vao-tuan-toi/
Thủ tướng Úc sẽ thăm chính thức Việt Nam
Thủ tướng Úc Scott Morrison và phu nhân sẽ sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22 đến 24/8, theo lời mời của người tương nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Tin từ Bộ Ngoại giao Hà Nội ngày 16 tháng 8 cho biết chuyến thăm dự kiến của Thủ tướng Úc diễn ra sau hơn một năm kể từ khi Việt Nam và Úc lập quan hệ đối tác chiến lược nhân dịp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Úc hồi tháng 3/2018.
Tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước ký ngày 15/3/2018 nói rõ Việt Nam và Úc sẽ tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau nhằm làm sâu sắc quan hệ song phương, góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực.
Hai nước cũng sẽ cam kết cùng nỗ lực hợp tác nhằm duy trì một khu vực hòa bình, tự cường và bảo đảm các quy tắc, chuẩn mực đã tồn tại nhiều thập kỷ qua.
Báo trong nước trích số liệu của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cho biết Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Úc với gần 13 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương hồi năm 2017.
Hiện Úc là đối tác thương mại lớn thứ bảy và là đối tác chiến lược thứ 16 của Việt Nam.
Các lãnh đạo cao cấp của Úc như Toàn quyền Peter Cosgrove và Ngoại trưởng Julie Bishop đã từng đến thăm Việt Nam vào năm 2018.