Tin khắp nơi – 16/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 16/08/2017

Đụng độ Ấn -Trung ở Hy Mã Lạp Sơn

Các giới chức an ninh Ấn Độ cho hay binh sĩ Ân có tham gia một cuộc đụng độ ném đá với binh sĩ Trung Quốc trong một khu vực tranh chấp trên dãy Hy mã Lạp sơn hôm thứ Tư 16/8.

Đụng độ xảy ra khi binh sĩ Ấn ngăn chặn binh sĩ Trung Quốc đi vào khu vực núi non ở Ladakh trong lãnh thổ Kashmir thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ. Cuộc đối đầu kết thúc sau khi hai bên rút lui về vị trí.

Trung Quốc chưa bình luận gì về vụ việc này.

Các lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc đang tiếp tục đối đầu nhau trong cuộc xung đột đã kéo dài hai tháng qua tại một khu đất đang trong vòng tranh chấp giữa Bhutan, đồng minh thân nhất của Ấn Độ, và Trung Quốc. Vụ việc bắt đầu khi quân đội Ấn được triển khai nhằm cản trở một dự án xây đường cao tốc ở Cao nguyên Doklam. Khu vực này còn được gọi là “Cổ gà”, và là vùng có tầm chiến lược quan trọng đối với Ấn Độ.

Một viên chức Ấn Độ nói với BBC rằng ông không thể khẳng định hay phủ nhận nguồn tin của giới truyền thông, nhưng ông nói “đây không phải là lần đầu tiên một chuyện tương tự như thế xảy ra”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố chính thức đòi ” Ấn Độ phải lập tức và vô điều kiện triệt thoái toàn bộ nhân lực và trang thiết bị ra khỏi đất Trung Quốc”, đồng thời khẳng định binh sĩ của họ đang ở trong lãnh thổ Trung Quốc khi đối đầu diễn ra.

Ấn Độ và Bhutan có quan hệ quân sự và kinh tế chặt chẽ với nhau. New Delhi dẫn các hiệp ước với Bhutan, cho phép binh sĩ Ấn Độ có mặt trong khu vực bất chấp Bắc Kinh lớn tiếng đòi Ấn Độ rút ra khỏi khu vực núi non này.

Vụ việc này được cho là cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa hai khổng lồ châu Á. Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã từng đối đầu nhau trong một cuộc chiến ngắn ngủi vào năm 1962.

https://www.voatiengviet.com/a/dung-do-an-trung-o-hy-ma-lap-son/3987875.html

 

Trump: Trong vụ Charlottesville, ‘hai bên cùng có lỗi’

Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc điều mà ông gọi là các nhà hoạt động ‘alt left’ đã tấn công những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng ở Charlottesville.

Hôm 12/8, một người thiệt mạng và 19 người bị thương trong vụ xe tông vào đám đông ở thành phố này.

Sau đó 15 người khác bị thương trong một vụ xung đột khác liên quan đến cuộc tuần hành của phe cực hữu.

‘Alt right’, từ dùng để chỉ những người theo chủ nghĩa dân túy hữu khuynh, là từ đã nhiều người biết.

Còn ‘alt left’ là một cụm từ được những người theo phe hữu khuynh đặt ra và sử dụng để ngụ ý có xu hướng tương tự diễn ra trong phe tả khuynh.

“Có một nhóm ở bên này và một nhóm ở bên kia… Họ tấn công nhau bằng dùi cui. Thật là tồi tệ, thật là khủng khiếp,” ông Trump phát biểu hôm 16/8. “Tôi nghĩ cả hai bên cùng có lỗi. Tôi không nghi ngờ gì về điều đó.”

Phát biểu của ông Trump gây phản ứng trái chiều trong các nhân vật nổi tiếng.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, người thuộc đảng Công hòa, viết trên Twitter: “Chủ nghĩa thượng đẳng da trắng thật ghê tởm. Không thể có sự nhập nhằng đạo đức.”

Tuy nhiên, cựu lãnh đạo Ku Klux Klan, ông David Duke lại cảm ơn Tổng thống Trump đã “trung thực và dũng cảm nói lên sự thật.”

Cựu Tổng thống Barack Obama dẫn lời Nelson Mandela trên Twitter: “Không ai sinh ra lại thù ghét người khác vì màu da của họ.”

Tin tweet này của ông Obama đã trở thành câu được nhiều người thích nhất trên Twitter.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40947691

 

Đêm ‘đẫm máu nhất’

trong cuộc chiến chống ma túy ở Philippine

Cảnh sát Philippine giết chết 32 người trong các cuộc truy lùng tội phạm ma túy trong ngày được cho là có số người chết cao nhất kể từ khi nước này tiến hành cuộc chiến chống ma túy.

Các cuộc truy lùng diễn ra trong hơn 24 giờ hôm thứ Ba tại tỉnh Bulacan ở phía bắc thủ đô Manila.

Cảnh sát nói những người bị giết là các nghi phạm ma túy có vũ trang chống lại cảnh sát.

Ông Duterte: Tôi ném nghi phạm ra khỏi trực thăng

Duterte xác nhận đích thân bắn chết ba người

Cảnh sát Manila dùng xe đâm người biểu tình bài Mỹ

Hàng ngàn người đã bị giết kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte tiến hành cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi của ông vào năm 2016.

Chiến dịch nhằm xóa bỏ tình trạng buôn bán ma túy này đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích nặng nề do con số người chết. Ông Duterte trong quá khứ đã từng cho phép giết người không qua xét xử.

Chiến dịch hôm thứ Ba diễn ra từ nửa đêm hôm trước tới nửa đêm hôm sau, gồm hàng chục vụ bố ráp được tiến hành trên khắp Bulacan, các tường thuật từ địa phương nói. Hơn 100 người bị bắt giữ và cảnh sát đã tịch thu ma túy cùng vũ khí bất hợp pháp.

Các nhóm nhân quyền cáo buộc cảnh sát Philippine là đã có kế hoạch giết người không qua xét xử và trong một số trường hợp đã thu lợi từ đó.

Cảnh sát nói rằng các nghi phạm này bị giết chết khi dùng vũ khí kháng cự cảnh sát, là cáo buộc hiện vẫn đang gây tranh cãi mạnh mẽ.

Ông Duterte đã tạm ngưng chiến dịch bài trừ ma túy hồi tháng Giêng và hứa sẽ “chỉnh đốn” lực lượng cảnh sát, đồng thời tổ chức lại các đơn vị chống ma túy. Chiến dịch được tái tục hồi tháng Ba.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40949585

 

Kazakhstan: Phiên bản “tự nguyện hồi hương” và “thú tội”

Nguyễn Hoàng LinhNhà báo, gửi tới BBC Tiếng Việt từ Budapest

Một công dân Kazakhstan, ông Yerzhan Kadeshov, người đã đệ đơn xin tỵ nạn chính trị tại Hungary từ 4 năm nay vì lý do mình là nạn nhân của một cuộc đấu đá chính trị và không có khả năng được xét xử công bằng tại quê hương, mới đây lại “tự nguyện hồi hương” và “thú nhận” mọi tội lỗi.

Đồng thời và trong mối liên quan với sự kiện ấy, chính quyền Hungary đang bị báo chí đối lập và một số tổ chức bảo vệ nhân quyền, dân quyền chỉ trích là đã nhắm mắt bỏ qua những công ước quốc tế về quyền con người, để “lấy lòng” một xứ độc tài nhưng giàu có ở Phương Đông.

Đó là câu chuyện xảy ra xung quanh Kadeshov và chừng 40 người cùng cảnh ngộ với bị cáo này, những người từ nhiều năm nay nằm trong tầm ngắm của nhà độc tài Kazakhstan – Nursultan Nazarbayev – trong cuộc chiến quyền lực một mất một còn với một địch thủ chính trị khác.

Kadeshov phải trốn chạy khỏi Tổ quốc từ năm 2009 khi làn sóng bắt bớ lên cao, cùng vợ con lang bạt ở Ukraine và đã được nhận quốc tịch nước này, đồng thời từ bỏ quốc tịch gốc. Năm 2012, ông lại phải chạy sang Hungary vì sợ chính quyền thân Nga của Tổng thống Yanukovych cho dẫn độ.

Sau khi bị cảnh sát Hung bắt giữ năm 2014 trên cơ sở lệnh truy nã quốc tế của Interpol do Kazakhstan đề xuất, và dù bị bác đơn xin tỵ nạn vì lý do “an ninh quốc gia”, ông vẫn có thẻ cư trú tại Hungary. Động thái mới đây của ông Kadeshov – xin được dẫn độ và nhận tội, vì thế gây ngạc nhiên lớn.

“Trò chơi vương quyền”

Để hiểu được câu chuyện phức tạp này, cần nhắc lại tình hình chính trị Kazakhstan, một nước cộng hòa cũ thuộc Liên Xô, nơi lãnh tụ Nazarbayev nắm giữ quyền lực từ năm 1984, và muốn thanh toán đối thủ chính của mình là chính khách đối lập, đại thương gia, chủ ngân hàng Mukhtar Ablyazov.

Ablyazov và các đồng sự – là các lãnh đạo, nhân viên ngân hàng – phải trốn ra nước ngoài để tránh bị thanh trừng. Tuy nhiên, với cáo buộc là họ đã biển thủ phi pháp 5 tỷ USD, Nazarbayev đã nhờ Interpol truy nã các nghi can tại nhiều nước như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Cộng hòa Czech.

Tại những quốc gia trên, các bị cáo bị truy nã quốc tế đều bị chính quyền sở tại bắt giữ, tuy nhiên, sau nhiều thủ tục pháp lý kéo dài nhiều năm, không một ai bị dẫn độ về nước. Đây cũng là điều Liên Hiệp Quốc, Cơ quan Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến dụ các chính phủ.

Sau khi trốn khỏi quê hương cùng gia đình, Ablyazov bị tòa án nhiều nước buộc tội tham nhũng ở quy mô lớn, và còn bị bản án tù giam tại Anh. Trước khi thụ án, Ablyazov đã trốn chạy sang Pháp, và mặc dù bị cảnh sát bắt và phải ngồi tù, nhưng ông đã được thả năm ngoái và vẫn được ở lại Pháp.

Đen trắng không rõ ràng

Ở đây, cần nói ngay rằng, như điều thường thấy ở các xứ hậu Xô-viết, địch thủ chính trị của vị tổng thống Kazakhstan không hề được xem là người chuẩn mực. Ngược lại, bị cáo chính Ablyazov vẫn được nhìn nhận không phải là một nhà dân chủ, mà là một chính trị gia làm giàu khéo léo bằng những thủ đoạn chính trị và kinh tế mờ ám.

Từng là Bộ trưởng trong nội các của Nazarbayev năm 1998, nhưng rồi Ablyazov bị truất chức vì cáo buộc tham nhũng. Tuy nhiên, giới quan sát khi đó bình luận rằng, tội chính ông ta không phải là trộm cắp của công, mà vì vị chính khách này có ý muốn tham gia cuộc đua giành ghế Tổng thống.

Đó là điều mà Nazarbayev không thể chấp nhận, và cuộc chiến giữa hai người khởi đầu từ đó. Sau khi ra tù, Ablyazov thành lập đảng đối lập và tuyên bố mình bị tù oan vì lý do chính trị, chứ không phải tham nhũng. Năm 2005, ông trở thành người đứng đầu BTA, ngân hàng lớn nhất của Kazakhstan.

BTA làm ăn rất phát đạt cho tới năm 2008, khi đó ngân hàng này bị tước khỏi tay Ablyazov và công hữu hóa. Quá trình kiểm tra chỉ ra 5 tỷ USD thâm hụt, và nhiều chứng từ cho thấy BTA đã chuyển khoản những khoản tiền rất lớn cho các công ty ngoại biên (offshore) gần gũi với vị chủ ngân hàng.

Tại sao không cho dẫn độ?

Câu hỏi tưởng chừng rất hữu lý ấy, có lời đáp rất đơn giản về mặt luật pháp: cho dù không hề là những thiên thần, nhưng các chính quyền sở tại sở dĩ không trao trả cho Kazakhstan, vì họ quan ngại một cách có cơ sở rằng, nếu bị dẫn độ, các bị cáo sẽ không được xét xử một cách công bằng.

Không chỉ vì nền tư pháp của Kazakhstan không độc lập, lệ thuộc vào “quyết tâm chính trị” của giới lãnh đạo, mà các tổ chức nhân quyền quốc tế còn lo ngại rằng, trong trường hợp bị trao trả, ở quê hương, các đương sự có thể bị tra tấn, bạo hành thể xác, thậm chí phải đối mặt với bản án tử hình.

Đó là lý do khiến trong nhiều trường hợp, các chính quyền đã rất gần với việc trao trả, nhưng rồi lại đình hoãn. Các bị cáo không phải về nước, bởi lẽ các định chế luật pháp quốc tế cấm việc dẫn độ – ngay cả kẻ phạm tội cũng có quyền được xét xử công bằng, nhân phẩm phải được tôn trọng.

Trong bối cảnh đó, việc Hungary “thiên vị” Kazakhstan, xứ sở rất giàu có về các nguồn năng lượng thiên nhiên và khoáng sản, khi chấp thuận cho về nước một nhân vật có liên quan tới những gì được cho là một cuộc thanh trừng chính trị, đã khiến Budapest phải chịu nhiều búa rìu từ công luận và giới bảo vệ nhân quyền.

Sự thông đồng đáng chê trách

Ông Yerzhan Kadeshov chỉ là một bị cáo đứng hàng 4-5 trong vụ việc, nhưng vị tổng thống Kazakhstan vẫn quyết tâm phải đưa ông ta về nước bằng được. Và chính quyền Hungary, ngay từ đầu cũng đã có những động thái thông đồng với Kazakhstan, theo tổ chức nhân quyền quốc tế Quỹ Đối thoại Mở (ODF).

ODF khẳng định rằng, trong thời gian xin tỵ nạn ở Hungary, Kadeshov đã bị đe dọa với sự tiếp tay từ phía Hung. Ông đã không được phía Hung cho tiếp xúc những tổ chức bảo vệ nhân quyền, ngược lại, nhân viên nhà nước Kazakhstan thì được tự do gặp gỡ ông ta.

Thậm chí, trong một dịp như thế, Kadeshov còn được trò chuyện qua điện thoại với vị sếp một thời của ông ta, người cũng từng nhiều năm trốn chạy ở Anh và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sau khi bị dẫn độ về nước thì lập tức nhận mọi “tội trạng”, và kết tội thượng cấp của mình rồi được phóng thích.

Sau cuộc trò chuyện đó, cũng như sau khi trò chuyện với giới ngoại giao Kazakhstan, trung tuần tháng 6 năm nay, Kadeshov đột ngột “nhận tội” và đề nghị nhà đương cục Hungary cho hồi hương. Cho dù trước đó, ông ta luôn phủ nhận tội trạng và khẳng định mình là nạn nhân của ván bài chính trị.

Ván bài được dàn dựng?

Báo chí Hungary đã nhiều lần chất vấn Bộ Nội vụ nước này về số phận của Kadeshov vì có tin cho rằng bị cáo này đã bị dẫn độ về nước, nhưng tới giờ vẫn không nhận được hồi âm. Giữa chừng, truyền thông từ Kazakhstan cho hay, Kadeshov quả thực đã hồi hương, và có ngay lời “nhận tội rửa tiền và biển thủ”.

Hơn thế nữa, cũng giống như vị sếp của mình, Kadeshov khai buộc tội ông chủ ngân hàng Ablyazov, địch thủ chính trị của vị tổng thống Kazakhstan, rằng ông này và các đồng sự đã tổ chức tuồn tiền của ngân hàng ra nước ngoài. Theo giới bình luận, dường như tất cả đều nhuốm màu sắc sắp đặt và ngụy tạo.

Đó là lý do khiến ODF, tổ chức quan sát và bảo vệ nhân quyền, dân chủ và nhà nước pháp quyền tại các xứ thuộc Liên bang Xô-viết một thời và đặc biệt tập trung vào ba nước lớn nhất là Nga, Kazakhstan và Ukraine, đã lên tiếng chỉ trích Budapest vì sự tiếp tay cho một ván bài được dàn dựng.

Câu chuyện của Kadeshov cũng cho thấy xử lý xung đột giữa quyền con người và quyền của một quốc gia muốn được dẫn độ bị cáo là vấn đề không đơn giản và thường chịu nhiều chi phối. Chỉ những chính quyền văn minh, tôn trọng quyền con người mới có khả năng giải quyết rốt ráo vấn đề này…

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-40949582

 

TQ cấm nhập khẩu sắt, than và hải sản từ Bắc Hàn

Trung Quốc sẽ ngừng nhập khẩu than, sắt, quặng sắt và hải sản từ Bắc Hàn.

Động thái này nhằm thực hiện các lệnh trừng phạt mà Liên Hiệp Quốc mới áp dụng cho Bắc Hàn sau khi nước này tiến hành hai vụ thử tên lửa tháng trước.

Trung Quốc chiếm tới hơn 90% mậu dịch quốc tế của Bắc Hàn.

Bắc Kinh cam kết thực hiện đầy đủ các lệnh trừng phạt của LHQ sau khi Mỹ cáo buộc chính quyền Trung Quốc chưa làm đủ để kiềm chế quốc gia láng giềng.

Tác động kinh tế

Các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng được LHQ phê duyệt hồi đầu tháng 8 có thể khiến nước này mất 1 tỷ USD doanh thu hàng năm, theo thống kê mà phái đoàn Mỹ cung cấp cho Hội đồng Bảo an LHQ.

Mặc dù lượng than Trung Quốc nhập khẩu từ Bắc Hàn có trị giá 1,2 tỷ USD năm ngoái, con số này sẽ thấp hơn nhiều trong năm nay vì Trung Quốc đã có lệnh cấm nhập than Bắc Hàn từ hồi tháng Hai, các chuyên gia cho biết.

“Trung Quốc đã nhập khẩu hết hạn ngạch quota cho phép năm 2017 theo các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Vì vậy chúng ta không thấy được tác động thực sự của lệnh cấm, và xuất khẩu than từ Bắc Hàn đến những nước khác là không đáng kể,” ông David Von Hippel, từ Viện nghiên cứu Nautilus có trụ sở ở Oregon, Mỹ, nói.

Tuy nhiên, lệnh trừng phạt sẽ có tác động lớn hơn đối với việc xuất khẩu sắt và hải sản của Bắc Hàn, các chuyên gia nói.

Tuy mang lại nguồn thu từ xuất khẩu nhỏ hơn so với than, nhưng kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng này đều tăng trong năm nay.

Xuất khẩu quặng sắt tăng lên mức 74,4 triệu USD trong 5 tháng đầu năm, gần bằng con số của cả năm 2016. Xuất khẩu cá và hải sản có tổng giá trị 46,7 triệu USD trong tháng 6, tăng so với mức 13,6 triệu trong tháng 5.

Lệnh trừng phạt không áp dụng cho ngành gia công may mặc đang ngày một phát triển ở Bắc Hàn.

Ông Von Hippel nói ngành may mặc có tổng doanh thu gần bằng ngành than, nhưng trên thực tế, lợi nhuận đem về của ngành này nhỏ hơn nhiều vì Bắc Hàn phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.

Trump: Bắc Hàn ‘rắc rối to’ nếu tấn công Guam

Trump ‘thất vọng’ về TQ vụ Bắc Hàn

Trung Quốc và Bắc Hàn tăng mậu dịch song phương

 

Căng thẳng an ninh và thương mại

Lệnh trừng phạt Bắc Hàn được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng giữa Mỹ và Bắc Hàn cũng như căng thẳng về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Sau vài tuần khẩu chiến ác liệt giữa Washington và Bình Nhưỡng, hôm 15/8 lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un đã quyết định ngừng bắn tên lửa vào đảo Guam của Mỹ, theo tin của hãng thông tấn Bắc Hàn KCNA.

Căng thẳng giữa hai bên tạm lắng sau khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo sẽ có “khói lửa và giận dữ thế giới chưa bao giờ chứng kiến” nếu Bình Nhưỡng biến lời đe dọa của họ thành hiện thực.

Hôm thứ Hai 14/8, ông Trump ra lệnh điều tra cáo buộc Trung Quốc ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ Mỹ. Truyền thông nhà nước Trung Quốc coi động thái này là một nỗ lực nhằm buộc Trung Quốc phải có hành động dứt khoát hơn về Bắc Hàn.

Về mặt chính thức thì phía Mỹ bác bỏ việc có bất kỳ liên hệ nào giữa hai vấn đề này, mặc dù Tổng thống Trump trước đây nói ông có thể nương nhẹ hơn với Trung Quốc để đổi lấy sự trợ giúp của nước này trong vấn đề Bắc Hàn.

http://www.bbc.com/vietnamese/business-40947690

 

Ecuador bắt tàu đánh bắt vi cá mập của TQ

Các nhà chức trách ở Ecuador vừa bắt giữ thủy thủ đoàn một tàu đánh cá Trung Quốc bị tình nghi đánh bắt cá mập ở đảo Galapagos.

Tàu Fu Yuan Yu Leng 999 bị phát hiện hôm 13/8 ở quần đảo này, vốn là một khu bảo tồn biển, chở 300 tấn cá.

Hầu hết cá bị đánh bắt là cá mập, bao gồm cả các loài được bảo tồn vệ như cá mập đầu búa.

Khoảng 20 thủy thủ đoàn đang phải đối mặt với án tù 3 năm nếu bị kết tội buôn bán các loài động vật được bảo vệ.

Quần đảo Galapagos là một di sản thế giới được UNESCO công nhận vì sự đa dạng sinh học phong phú trong khu vực.

Bộ trưởng môi trường Ecuador Tarsicio Granizo hôm 15/8 cho biết một thẩm phán trên đảo San Cristobal đã ra lệnh cho đoàn thủy thủ bị tạm giam trong khi chờ xét xử.

“Không nhất thiết tất cả cá đánh bắt là từ khu bảo tồn biển, nhưng việc có nhiều cá là cá mập nhỏ, thậm chí cả cá mập con, cho thấy chúng đã có thể bị đánh bắt từ trong khu bảo tồn,” cơ quan báo chí AFP dẫn lời ông Granizo.

Walter Bustos, Giám đốc Vườn Quốc gia Galapagos, nói với tờ El universo của Ecuador rằng tàu đánh cá là chiếc tàu lớn nhất bị bắt trong khu bảo tồn biển.

Vào năm 2015, cảnh sát Ecuador cũng đã tịch thu khoảng 200.000 vi cá mập dự tính xuất khẩu sang châu Á.

Vi cá mập được cho là cao lương mỹ vị trong ẩm thực Trung Quốc và thường được dùng làm súp tại bữa tiệc. Các nhà phê bình nói rằng nhu cầu về vi cá mập sẽ xóa sổ các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng và thúc đẩy nạn buôn lậu.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40945061

 

Trung Quốc phản đối phúc trình tự do tôn giáo của Hoa Kỳ

Trung Quốc ngày 16 tháng Tám mạnh mẽ phản bác phúc trình thường niên về tự do tôn giáo thế giới 2016 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Theo đó cáo buộc Bắc Kinh tra tấn hành hạ và bỏ tù hàng chục ngàn người dám sống chết vì đức tin của họ, điển hình như người  Uighur theo đạo Hồi, người Tây Tạng theo Phật giáo Mật Tông và những người thực hành Pháp Luân Công.

Những điều vừa nói được ngoại trưởng Rex Tillerson nêu ra khi công bố bản phúc trình về tự do tôn giáo thế giới tại Bộ Ngoại Giao ở Washington DC ngày 15 tháng 8.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, nói rằng Trung Quốc luôn luôn tôn trọng cũng như luôn luôn bảo vệ tự do tôn giáo cho người dân của mình. Nữ phát  ngôn viên này còn nói rằng cái gọi là phúc trình thường niên về tôn giáo của Hoa Kỳ đã bỏ qua những dữ liệu thực tế, cố ý lập lờ giữa đúng và sai để đưa ra những phê bình có tính cách xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo  của Trung Quốc.

Vẫn theo lời bà, Trung Quốc dứt khoát bác bỏ những cáo buộc vi phạm tự do tín ngưỡng mà Hoa Kỳ đưa ra, rằng Washington phải hiểu là nên  quan tâm đến những vấn đề nội tại của mình thì đúng hơn.

Tân Hoa Xã ngày 16 tháng 8 loan đi Anh ngữ hàm ý Hoa Kỳ nên lo giải quyết sự kiện bạo động đáng tiếc vì chủ nghĩa sắc tộc ở Virginia, Hoa Kỳ cuối tuần qua trước khi phê bình chỉ trích Trung Quốc.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/cn-angered-at-us-criticism-of-religious-freedom-08162017114532.html

 

Bắc Hàn theo dõi Mỹ – Nhật diễn tập không quân

Phản lực cơ Nhật Bản và máy bay ném bom của Hoa Kỳ vào ngày 16 tháng 8 tiến hành diễn tập tại không phận tây nam bán đảo Triều Tiên.

Tin từ Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản cho biết cụ thể hai máy bay ném bom B-1B Lancer của Không Quân Hoa Kỳ từ căn cứ Andersen ở đảo Guam cùng các phản lực cơ F-15 của Nhật tham gia diễn tập với mục tiêu được nói rõ là tăng cường khả năng chiến đấu và hợp đồng tác chiến.

Trong mấy tuần qua chiến đấu cơ Hoa Kỳ tiến hành một số lần xuất phát vào Biển Hoa Đông và ngoài hoạt động diễn tập với phản lực cơ Nhật Bản, Không quân Hoa Kỳ còn diễn tập với lực lượng Hàn Quốc.

Cuộc diễn tập phối hợp giữa phía Nhật và Hoa Kỳ diễn ra sau khi Bắc Hàn hôm thứ Hai 14 tháng 8 cho biết xem xét lại biện pháp có cho phóng tên lửa về phía đảo Guam của Hoa Kỳ hay không.

Trong lần xuất hiện đầu tiên sau chừng hai tuần lễ, chủ tịch Kim Jong-Un của Bắc Hàn lặp lại đe dọa sẽ có quyết định quan trọng như đã tuyên bố nếu như Hoa Kỳ vẫn cứ giữ ý định có hành động mà Bình Nhưỡng cho là nguy hiểm đối với Bán đảo Triều Tiên và vùng lân cận.

Hãng tin Reuters loan tin là ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc trong cuộc điện đàm với người tương nhiệm Đức nói rằng căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu giảm nhưng chưa thể hết.

Trên trang chủ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị nói rằng các bên liên quan cần phải có đánh giá đúnng đắn và lựa chọn khôn ngoan đối với lịch sử và người dân.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-japan-conduct-air-drills-as-north-korea-watches-yankees-next-move-08162017112016.html

 

Lãnh tụ dân chủ trẻ Hong Kong sẵn sàng nhận án tù

Anh Hoàng Chí Phong, nhà hoạt động dân chủ Hong Kong, nói rằng anh không hề hối tiếc về hoạt động của mình và chuẩn bị tinh thần để có thể nhận án tù.

Hoàng Chí Phong và hai lãnh tụ trẻ tuổi khác của phong trào Cây Dù Vàng là La Quán Thông, Châu Vĩnh Khang bị một tòa án Hong Kong cáo buộc kích động tụ tập đông người trái phép trong những cuộc biểu tình lớn đòi dân chủ vào năm 2014.

Tuy nhiên lúc đó cả ba người đều chỉ nhận án lao động công ích, nay cơ quan tư pháp Hong Kong nói rằng họ phải nhận hình phạt nặng hơn, và với tội kích động tụ tập đông người trái phép, họ có thể nhận án với mức cao nhất là 5 năm tù giam.

Nếu phải thi hành án này thì anh Hoàng Chí Phong sẽ không thể ứng cử vào cơ quan lập pháp Hong Kong vào năm tới.

Anh nói rằng anh cảm thấy có lỗi với gia đình và người thân, nhưng anh cho rằng người dân Hong Kong sẽ vẫn tiếp tục đấu tranh cho dân chủ.

Xin được nhắc lại là vào năm 2014, hàng chục ngàn sinh viên Hong Kong đã xuống đường phản đối một dự luật bầu cử, theo đó người ra ứng cử làm trưởng đặc khu Hong Kong phải nằm trong danh sách được Bắc Kinh đồng ý.

Trong các cuộc biểu tình này, sinh viên Hong Kong đã dùng những chiếc dù để chống lại hơi cay của cảnh sát, vì thế mang tên phong trào Cây Dù Vàng.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/hong-kong-activists-defiant-in-face-of-possible-jail-term-08162017105512.html

 

Tổng thống Indonesia cam kết

giải quyết chủ nghĩa cực đoan

Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi quốc gia tập trung đối phó với mối nguy cực đoan cũng như bảo vệ hiến pháp tôn trọng sự đa dạng và tự do tôn giáo.

Phát biểu trước Quốc Hội vào ngày 16 tháng 8, một ngày trước ngày Lễ Độc Lập của Indonesia, Tổng thống Joko Widodo đề cập đến sự cần thiết phải giải quyết bất bình đẳng trong nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và giải quyết mối đe dọa đến từ chủ nghĩa cực đoan.

Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh rằng cần phải cùng nhau không chỉ tạo ra nền kinh tế công bằng, mà còn trong phát triển về tư tưởng, chính trị, xã hội và văn hoá.

Bài phát biểu của Tổng thống Joko Widodo được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về mối nguy cực đoan đang gia tăng tại Indonesia. Đây là quốc gia có 85% dân số theo đạo Hồi, số còn lại theo Phật Giáo, Kitô Giáo, Ấn Giáo cùng  một số những tôn giáo khác.

Cảnh sát Indonesia đã thắt chặt an ninh trước kỳ nghỉ Lễ Độc Lập và đã bắt giữ 5 chiến binh Hồi giáo vào hôm 15 tháng 8, tịch thu các hóa chất mà những tay súng bị bắt khai dùng để chế tạo bom tấn công dinh tổng thống.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/indonesia-president-pledges-to-tackle-extremism-wealth-distribution-08162017103639.html

 

Phản đối Thủ Tướng Nhật gửi phẩm vật cúng đền Tử sĩ.

Trung Quốc và Bắc Hàn kêu gọi Nhật Bản phải đối mặt với quá khức chiếm đóng trong chiến tranh Thế giới Thứ hai, sau khi Thủ tướng Shinzo Abe gửi phẩm vật dâng cúng đến đền thờ sĩ tử hôm thứ Ba 15 tháng 8.

Tin từ Reuters  cho hay vị dân cử Masahiko Shibayama, đại diện cho thủ tướng Abe, dâng phẩm vật tại đền nhằm bày tỏ sự chia buồn đối với những người đã hy sinh trong chiến tranh và cầu nguyện cho hòa bình. Ông Abe nói ông rất tiếc vì ông không thể đến thăm đền Yasukuni.

Trước đây, các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Nhật Bản đến đền tử sĩ Yasukuni đã gây phẫn nộ cho Bắc Kinh và Seoul bởi ở đó có thờ 14 vị tướng Nhật Bản bị kết án là tội phạm chiến tranh.

Quan hệ của Trung Quốc với Nhật Bản lâu nay căng thẳng một phần do Bắc Kinh cáo buộc Tokyo không công nhận quá khứ chiếm đóng Hoa Lục trước đây. Nhật Bản cũng chiếm đóng Triều Tiên từ năm 1910-1945.

Việc duy trì quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc vào lúc này được cho là quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh căng thẳng tăng cao sau khi Bắc Hàn thực hiện hàng loạt các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo, rồi đe dọa từ Bắc Triều Tiên tấn công khu vực đảo Guam của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương và lời cảnh báo trả đũa của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/Asian-neighbors-protests-as-jp-mn-sends-offering-to-war-dead-shrine-08152017122930.html

 

Đài Loan tổ chức ‘tiểu thế vận hội’

Đài Loan vào thứ bảy tới đây sẽ khai mạc kỳ thể thao các đại học thế giới mùa hè có tên gọi Universiade.

Hoạt động thể thao kéo dài trong hai tuần và được mệnh danh ‘Tiểu Olympics’ lần đầu tiên được tổ chức tại đảo quốc Đài Loan, qui tụ hơn 7 ngàn sinh viên khắp toàn cầu về tham dự.

Tuy nhiên do điều được nói là ‘nhạy cảm’ từ phía Bắc Kinh, tên của vùng lãnh thổ chủ nhà đăng cai tổ chức phải dùng là Trung Hoa Đài Bắc, rồi quốc kỳ cũng như quốc ca Đài Loan cũng không được dùng trong khuôn khổ thi đấu. Điều này cũng được cho biết là theo qui định của Olympics cũng như của Universiade.

Trong những lễ trao huy chương thì một cờ ‘Trung Hoa Đài Bắc’ đặc biệt sẽ được kéo lên khi có vận động viên của Đài Loan được giải. Tên gọi ‘Trung Hoa Đài Bắc’ là một tương nhượng cho phép Đài Loan được tham dự Thế vận hội Olympics kể từ năm 1984; tên gọi này cũng được Đài Loan sử dụng tại những sự kiện quốc tế khác nhằm tránh phản đối từ phía Trung Quốc.

Tin cho hay một số vận động viên Trung Quốc sẽ tham gia Universade tại Đài Bắc với tư cách cá nhân chứ không theo đội. Động thái này được cho là cách thức tẩy chay; và giới chuyên gia phân tích nhận định là một phần nổ lực từ Bắc Kinh muốn tác động ảnh hưởng lên công luận Đài Bắc qua kênh tiếp xúc phi chính phủ.

Đài Bắc mất ghế tại Liên hiệp Quốc và chuyển sang cho Bắc Kinh đại diện Trung Quốc kể từ năm 1971. Từ đó Bắc Kinh chống lại mọi công nhận chủ quyền của Đài Loan như một quốc gia và thường xuyên gây áp lực quốc tế về vấn đề này.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/tw-or-chinese-taipei-little-olympics-spotlight-cn-row-08152017121526.html

 

Trung Quốc chiếm lại ngôi vị chủ nợ lớn nhất của Mỹ

Mỹ một lần nữa lại nợ tiền Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, số cổ phiếu của chính phủ Mỹ đã tăng 44 tỷ đôla, đạt mốc 1,15 nghìn tỷ đôla trong tháng 6, theo CNN.

Theo Reuters, Trung Quốc đã mua lại 21 tỷ đôla trái phiếu kho bạc kỳ hạn 6 năm vào tháng 6, trở thành quốc gia nước ngoài cho vay lớn nhất của chính phủ Hoa Kỳ.

Nhật Bản từng nắm giữ vị trí chủ nợ lớn nhất của chú Sam trong 8 tháng trước, nhưng Bắc Kinh lại muốn lấy lại danh hiệu là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.

Năm 2016, Trung Quốc bán phá giá trái phiếu của Mỹ để có thể mua lại đồng nhân dân tệ, nhằm chống lại áp lực giảm giá nội tệ do một dòng tiền khổng lồ từ nền kinh tế Trung Quốc sinh ra.

Bộ Tài chính Mỹ xếp Trung Quốc như chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Hoa Kỳ trong phần lớn 9 năm qua.

Sự sẵn sàng của Trung Quốc cho Mỹ vay một khoản tiền khổng lồ làm dấy lên những lo ngại về khả năng đòn bẩy tiềm tàng của Bắc Kinh đối với Washington. Tổng thống Trump tuyên bố ngược lại trong chiến dịch tranh cử của ông, nói rằng cho thấy món nợ ấy mang lại cho Mỹ “rất nhiều quyền lực” đối với Trung Quốc.

Ông Trump tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc trong chiến dịch vận động tranh cử, hứa hẹn sẽ cắt giảm thâm hụt thương mại lên tới 310 tỷ đôla giữa hai nước và đe dọa tăng vọt thuế quan đánh trên hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Trump đã tỏ ra thận trọng hơn từ khi nhậm chức. Tuần này, ông yêu cầu quan chức thương mại hàng đầu của ông xem xét các hoạt động thương mại của Trung Quốc, nhưng không chỉ thị tiến hành một cuộc điều tra chính thức.

Gía trị trái phiếu kho bạc của Mỹ mà Trung Quốc mua đã tăng lên khoảng 95 tỷ đôla kể từ cuối tháng 1 năm nay, nhưng vẫn thấp hơn gần 100 tỷ đôla so với mùa hè năm ngoái.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-chiem-lai-ngoi-vi-chu-no-lon-nhat-cua-my/3988006.html

 

Mỹ, Mexico, và Canada thương lượng hiệp định NAFTA mới

Hoa Kỳ, Mexico và Canada hôm thứ Tư 16/8 mở các cuộc đàm phán để cải cách Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), là hiệp định mà 3 nước đã ký kết vào năm 1994, đã trở thành một mục tiêu bị nhắm tấn công trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump.

Ông Trump mô tả NAFTA là “thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất trong lịch sử”, nó không công bằng và làm tăng mức thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Mexico.

Giải quyết thâm hụt mậu dịch là mục đích chủ yếu của Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán, cũng như việc loại bỏ cơ chế giải quyết tranh chấp mà ba nước sử dụng để giải quyết bất đồng.

Các nhà đàm phán sẽ gặp nhau nhiều lần để cố gắng đề ra những cải cách và hoàn tất đàm phán trước cuối năm nay. Nếu kéo dài sang năm 2018, có lo ngại là tiến trình thương lượng có thể phức tạp hơn do cuộc bầu cử tổng thống ở Mexico và cuộc bầu cử Quốc hội Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland nói trước cuộc hội đàm:

“Chúng tôi nóng lòng trông đợi một cuộc thương lượng có tính xây dựng, mang lại kết quả.”

Bà Freeland phát biểu bên cạnh Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal trước một cuộc họp ở Washington hôm thứ Ba.

Ông Villarreal nói:

“Tôi vẫn nói các nhà thương thuyết không thể bi quan, họ phải thực tế và có một lối tiếp cận tích cực.”

Nói với các nhà báo với điều kiện giấu tên, một giới chức thương mại Mỹ cho biết Hoa Kỳ đang tìm kiếm một “hiệp định thương mại mới cân bằng và đối xứng hơn, có thể hỗ trợ việc làm lương cao cho người Mỹ và phát triển nền kinh tế.”

Ông Gary Hufbauer, một nhà kinh tế thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói với VOA rằng thương lượng lại hiệp định NAFTA sẽ không mang việc làm lại cho ngành chế tạo sản xuất Mỹ.

“Phần lớn các kinh tế gia đều nghĩ điều này không thể xảy ra, nhưng rõ ràng tổng thống tin như vậy, và ông là tổng thống.”

Ông cho biết nội dung thảo luận sẽ là các chủ đề như các doanh nghiệp nhà nước, thương mại điện tử, lao động và môi trường.

https://www.voatiengviet.com/a/my-mexico-canada-thuong-luong-hiep-dinh-nafta-moi/3987839.html

 

Mỹ cam kết ‘vượt khó’ với Trung Quốc

Có nhiều vấn đề khó khăn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nhưng cả hai nước đều cam kết làm việc để vượt qua những khó khăn này, một tướng lãnh hàng đầu của Mỹ ngày 15/8 phát biểu trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh giữa những căng thẳng về Bắc Triều Tiên.

“Tôi nghĩ chúng ta phải thành thật. Chúng ta có nhiều, nhiều vấn đề khó khăn mà không nhất thiết chia sẻ cùng viễn kiến,” Đại tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, nói với Thượng tướng Phòng Phong Huy, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

“Chúng ta cam kết làm việc để vượt qua những khó khăn này,” tướng Dunford nhấn mạnh.

Ông Phòng nói Trung Quốc xem trọng chuyến viếng thăm của tướng Dunford và đã sắp xếp để ông này đi xem một cuộc tập trận.

Hai ông không đề cập đến những vấn đề nào rõ rệt khi phát biểu trước các phóng viên.

Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để kìm chế nước láng giềng cô lập Bắc Triều Tiên, trong khi Trung Quốc nói chính Washington cần nỗ lực nhiều hơn để giảm bớt căng thẳng và nói chuyện trực tiếp với Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã hoãn quyết định phóng phi đạn đến đảo Guam trong khi quan sát thêm những hành động của Hoa Kỳ, truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên loan tin hôm 15/8.

Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nói hai nước cam kết có mối quan hệ quân sự bền vững, nhưng vẫn còn những khác biệt sâu rộng.

Trung Quốc tức giận vì các cuộc tuần tra tự do hàng hải Mỹ thực hiện gần những đảo do Trung Quốc kiểm soát tại Biển Đông và việc Hoa Kỳ tiếp tục bán vũ khí và ủng hộ Đài Loan tự trị, mà Trung Quốc xem như là một tỉnh ly khai.

Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về việc không lực Trung Quốc nghênh cản máy bay của Mỹ và thiếu sự minh bạch trong chi tiêu quân sự của Trung Quốc, nước đang thực hiện kế hoạch hiện đại hóa quân đội.

https://www.voatiengviet.com/a/my-cam-ket-vuot-kho-voi-trung-quoc/3987487.html

 

Mỹ tin sẽ có giải pháp hòa bình với Venezuela

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố tại Buenos Aires ngày 15/8 rằng ông có niềm tin sẽ đạt được một giải pháp hòa bình cho Venezuela thông qua áp lực kinh tế và ngoại giao đối với Tổng thống nước này, ông Nicolas Maduro.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Argentina, Mauricio Macri, ông Pence cho biết đôi bên đã nhất trí trong các cuộc họp kín về nhu cầu duy trì áp lực lên Tổng thống Venezuela về bầu cử và phóng thích tù nhân chính trị.

Hôm qua, ông Pence cho biết ông cùng Tổng thống Colobia, Juan Manuel Santos, thảo luận các biện pháp chế tài khả dĩ đối với Venezuela..

Tháng rồi, Mỹ áp đặt chế tài đối với Tổng thống Venezuela và các giới chức khác sau khi ông Maduro thành lập Quốc hội Lập hiến do những người trung thành với Đảng Xã hội của ông điều hành để bành trướng quyền lực giữa chiến dịch trấn áp các nhóm đối lập chính trị.

Đe dọa của Tổng thống Donald Trump đưa ra hôm thứ sáu về hành động quân sự với Venezuela đã bị khu vực lên án.

Hôm qua, Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố Hoa Kỳ sẽ mang tất cả sức mạnh kinh tế và ngoại giao để được thấy dân chủ phục hồi tại Venezuela và một chế độ thất bại tại đây đe dọa cả người Mỹ.

Ông Pence nói với các phóng viên tại Cartagena, Colombia là “Tổng thống Donald Trump đã nói rõ là chúng ta sẽ không làm ngơ khi Venezuela trở thành một nước độc tài. Một Venezuela không thành công đe dọa an ninh và thịnh vượng của toàn thể tây bán cầu chúng ta và dân chúng Mỹ.”

https://www.voatiengviet.com/a/my-tin-se-co-giai-phap-hoa-binh-voi-venezuela-/3987065.html

 

Mỹ: Đối thoại tùy thuộc Bắc Triều Tiên

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hoãn quyết định bắn phi đạn vào lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương để chờ xem hành động của Mỹ, truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên loan tin ngày 15/8, trong lúc Hoa Kỳ tuyên bố đối thoại hay không tùy thuộc vào ông Kim.

Mỹ và Hàn Quốc đã chuẩn bị tiến hành thêm các cuộc thao dượt quân sự chung khiến Bắc Triều Tiên tức giận. Giới chuyên môn cảnh báo Bình Nhưỡng có thể tiến hành một kế hoạch khiêu khích.

Truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên loan tin ông Kim đầu tuần này đã xem xét một kế hoạch bắn 4 phi đạn nhắm hạ gần Guam.

Ngày 15/8, phản hồi trước quyết định trì hoãn của Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố tùy ông Kim quyết định có muốn ngồi xuống bàn thảo luận với Mỹ hay không.

“Chúng tôi vẫn muốn tìm cách đối thoại nhưng điều đó tùy thuộc ông Kim,” Ngoại trưởng Tillerson nói với báo giới.

Các bức ảnh do thông tấn xã trung ương Bắc Triều Tiên phổ biến cho thấy ông Kim cầm một cây thước chỉ vào một bản đồ vẽ đường bay cho các phi đạn xuất phát từ bờ Đông của Bắc Triều Tiên, bay qua Nhật Bản, hướng tới Guam.

Bình Nhưỡng thường đe dọa tấn công Mỹ và các căn cứ của Hoa Kỳ và trước đây cũng phổ biến các bức ảnh tương tự nhưng không thực hiện.

https://www.voatiengviet.com/a/my-noi-doi-thoai-tuy-thuoc-bac-trieu-tien-/3987063.html

 

Sierra Leone: Bùn lở, gần 400 người chết

Các nhân viên cứu hộ tìm thấy gần 400 xác chết trong vụ bùn lở ở ngoại ô thủ đô Freetown của Sierra Leone, trưởng giám định y khoa cho biết hôm 15/8. Các nhà quàn địa phương hiện đang trong tình trạng quá tải.

Hơn chục ngôi nhà bị chôn vùi khi một sườn núi lún sụp tại thị trấn Regent vào sáng ngày 14/8, một trong những thiên tai gây tử vong nhiều nhất tại châu Phi trong những năm gần đây.

Tổng thống Ernest Bai Koroma yêu cầu cư dân Regent và những khu vực ảnh hưởng khác di tản ngay tức thì để các nhân viên quân sự và những nhân viên cứu hộ có thể tiếp tục tìm kiếm người sống sót.

“Trong khi công tác tìm kiếm còn tiếp diễn, chúng tôi đã thu hồi được gần 400 thi thể, nhưng chúng tôi dự đoán là số này sẽ lên hơn 500,” trưởng giám định y khoa nói với Reuters.

Các cơ quan cứu trợ cho biết có hàng trăm người còn mất tích.

Thi thể đưa đến nhà quàn trung tâm Freetown hiện quá tải, được đặt la liệt trên sàn vì thiếu chỗ, một nhân chứng của Reuters nói.

Để giảm bớt áp lực cho nhà quan, nhà cầm quyền và các nhân viên cứu trợ chuẩn bị chôn người chết tại 4 nghĩa địa khác nhau tại Freetown, bà Idalia Amaya, điều phối viên đáp ứng khẩn cấp của Dịch vụ Cứu trợ Công giáo cho biết.

Phát ngôn viên chính phủ Cornelius Deveaux cho hay công tác chôn cất sẽ được tiến hành vào ngày 17/8.

https://www.voatiengviet.com/a/sierra-leone-bun-lo-gan-400-nguoi-chet/3987104.html

 

Nhật Bản giám sát rạn san hô quý,

đề phòng Trung Quốc đánh bắt trộm

Thùy Dương

Nhật Bản hôm nay 16/08/2017 bắt đầu tiến hành một nghiên cứu về rạn san hô quý hiếm ngoài khơi đảo Kyushu, trên biển Hoa Đông, do nghi ngờ san hô ở đó bị người Trung Quốc đánh bắt trái phép để phục vụ ngành chế tác trang sức.

Một lãnh đạo cơ quan quản lý đánh bắt hải sản cho AFP biết cơ quan này muốn điều tra về tình trạng của rạn san hô quý hiếm tới đầu tháng 09/2017, quan sát bằng một máy quay phim dưới nước và tìm kiếm dấu vết cho thấy san hô bị đánh bắt trộm.

Hồi năm 2015, cơ quan quản lý đánh bắt hải sản cũng đã tiến hành các nghiên cứu tương tự gần đảo Ogasawara và đảo Okinawa, sau khi nhận thấy có rất nhiều tàu Trung Quốc tới đánh bắt san hô trong vùng biển thuộc lãnh thổ Nhật Bản. Gần đây, họ xác định nhiều tàu Trung Quốc gần đảo Kyushu.

« San hô quý hiếm » là cụm từ dùng để chỉ khoảng 30 loài san hô. Từ vài chục năm trở lại đây, san hô quý hiếm được một số quốc gia châu Á đặc biệt ưa chuộng trong chế tác trang sức và đồ lưu niệm.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170816-nhat-ban-giam-sat-ran-san-ho-quy-de-phong-trung-quoc-danh-bat-trom

 

Mỹ Trung đạt thỏa thuận

vể giảm nguy cơ va chạm do hiểu lầm

Thanh Phương

Hôm qua, 15/08/2017, tại Bắc Kinh, lãnh đạo quân sự của Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận nhằm cải thiện sự liên lạc giữa quân đội hai nước trong bối cảnh căng thẳng gia tăng do những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân ( Tổng tham mưu trưởng ) Hoa Kỳ, tướng Joe Dunford và tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, tướng Phòng Phong Huy đã ký thỏa thuận nói trên tại tổng hành dinh của quân đội Trung Quốc.

Theo một thông cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ, thỏa thuận vừa được ký sẽ giúp quân đội hai nước liên lạc với nhau tốt hơn, nhằm giảm nguy cơ xảy ra va chạm do hiểu lầm. Các giới chức Mỹ cho rằng những liên lạc như vậy là rất quan trọng, trong bối cảnh mà khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung đang đối đầu với mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn thường nóng lên do vấn đề Biển Đông, vùng biển mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ. Vào tuần trước, một khu trục hạm của Mỹ lại vào tuần tra trong phạm vi 12 hải quanh Đá Vành Khăn ( Mischief Reef ) mà Bắc Kinh đã bồi đắp thành đảo nhân tạo.

Đây là chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải thứ ba được Mỹ tiến hành trên Biển Đông từ ngày ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, lần đầu tiên cũng quanh Đá Vành Khăn, Trường Sa, và lần thứ hai gần đảo Tri Tôn, Hoàng Sa.

Bộ Quốc Phòng Trung Quốc ngay sau đó đã ra thông cáo lên án cuộc tuần tra nói trên là một hành động “khiêu khích” và tuyên bố “cực lực phản đối” việc Mỹ “quân sự hóa” Biển Đông, làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột trên biển và trên không ở vùng này.

Theo các quan chức Mỹ, trong những tháng gần đây, các chiến đấu cơ phản lực của Trung Quốc đã nhiều lần tiếp cận một cách “không an toàn” các máy bay Mỹ tuần tra ở không phận quốc tế trên vùng Biển Hoa Đông.

Trong vụ xảy ra gần đây nhất, một chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc đã áp sát với khoảng cách chưa tới 90 mét một máy bay do thám EP-3 của Mỹ, buộc chiếc phi cơ này phải bay tránh đi.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170816-my-trung-dat-thoa-thuan-ve-giam-nguy-co-va-cham-do-hieu-lam

 

Tự do tôn giáo: Hoa Kỳ lên án Daech “diệt chủng”

Thanh Phương

Hôm qua, 15/08/2017, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố bản báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo trên thế giới, đặc biệt lên án tổ chức Nhà nước Hồi Giáo phạm tội diệt chủng.

Đây là bản báo cáo đầu tiên về tự do tôn giáo thế giới kể từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống. Bản báo cáo 2016, do Ngoại trưởng Rex Tillerson giới thiệu với báo chí, chỉ trích những vi phạm quyền tự do tôn giáo không chỉ tại những nước như Iran, Trung Quốc hay Soudan, mà còn tại những nước đồng minh của Mỹ như Ả Rập Xê Út, Pakistan hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Báo cáo của bộ Ngoại giao Mỹ năm nay không khác gì nhiều so với báo cáo năm ngoái, nhưng khi giới thiệu báo cáo này, Ngoại trưởng Tillerson đặc biệt nhấn mạnh đến tổ chức Nhà nước Hồi Giáo, lên án lực lượng này phạm đã tội ác “diệt chủng” đối với các thiểu số người Yazidi, người Thiên Chúa Giáo và người Hồi Giáo Shia tại những vùng mà họ chiếm giữ cho tới gần đây ở Irak và Syria.

Ông Tillerson cũng nhân dịp này chỉ trích Iran, quốc gia thù địch với Mỹ, ghi nhận nước Cộng hòa Hồi Giáo này đã dùng những điều luật mơ hồ để xử tử 20 người thuộc các thiểu số tôn giáo vào năm ngoái. Nhưng Ngoại trưởng Mỹ cũng chỉ trích luôn cả một đồng minh của Hoa Kỳ là Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà theo ông, những người Hồi Giáo không thuộc hệ phái sunni không được Nhà nước bảo vệ khỏi nạn kỳ thị và bạo lực.

Ông Tillerson cũng kêu gọi một đồng minh khác của Washington là Ả Rập Xê Út bảo đảm tự do tôn giáo nhiều hơn cho mọi công dân. Cho tới nay, chính quyền Ryad vẫn cấm những nguời không phải là Hồi Giáo hành đạo nơi công cộng và vẫn có chính sách kỳ thị người Hồi giáo Shia.

Ngoại trưởng Mỹ còn lên án những vi phạm quyền tự do tôn giáo ở hai nước đồng minh khác là Bahrain và Pakistan.

Nhưng báo cáo tự do tôn giáo thế giới 2016 của bộ Ngoại giao Mỹ lại không nói về tình hình ở Hoa Kỳ, với việc tổng thống Donald Trump ra sắc lệnh tạm ngưng cấm nhập cư từ 8 nước Hồi Giáo.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170816-tu-do-ton-giao-hoa-ky-chi-trich-ke-thu-lan-dong-minh

 

Brexit : Luân Đôn đề xuất

liên minh thuế quan tạm thời với LHCA

Thùy Dương

Chính phủ Anh muốn ký với Liên Hiệp Châu Âu một thỏa thuận về liên minh thuế quan tạm thời trong vòng 2 năm sau Brexit, để hàng hóa của nước này vẫn được tự do lưu thông trong Liên Hiệp trong khi chờ đợi đạt được các thỏa thuận thương mại mới. Bộ đặc trách các vấn đề về Brexit của Anh Quốc thông báo như trên vào ngày 15/08/2017.

Tuy nhiên, theo hãng tin Pháp AFP, Bruxelles đón nhận đề xuất trên của Luân Đôn một cách lạnh nhạt.

Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Latxmi Lota cho biết thêm chi tiết :

« Một phát ngôn viên của Ủy Ban Châu Âu cho biết các yêu cầu của Anh Quốc sẽ chỉ được thảo luận trong giai đoạn thứ hai. Có quá nhiều việc 27 nước còn lại của Liên Hiệp cần giải quyết và đang chờ được giải quyết.

Ba chủ đề được ưu tiên là : số phận của công dân Liên Hiệp Châu Âu tại Anh Quốc sau khi nước này rời khỏi Liên Hiệp, chi phí khổng lồ mà Anh Quốc phải trả cho Liên Hiệp để ly dị và vấn đề về biên giới với Ireland. Ông Michel Barnier, trưởng phái đoàn thương lượng của Liên Hiệp Châu Âu về Brexit, tóm tắt quan điểm trên Twitter : « Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu càng sớm đạt được đồng thuận trên các hồ sơ này thì chúng ta càng sớm thảo luận được về thuế quan và mối quan hệ trong tương lai.

Trong một thông cáo, Ủy Ban Châu Âu cho biết họ ghi nhận những đề xuất, mong muốn của Anh Quốc, nhưng nhấn mạnh là thỏa thuận về mối quan hệ trong tương lai chỉ có thể có được sau khi Anh Quốc trở thành một nước ngoài Liên Hiệp. Thông điệp của Châu Âu rất rõ ràng : Ly dị trước đã ! Đợt thương lượng tiếp theo về Brexit dự kiến diễn ra vào cuối tháng này. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170816-brexit-luan-don-de-xuat-lien-minh-thue-quan-tam-thoi-voi-chau-au