Tin khắp nơi – 16/06/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 16/06/2017

Nga nói họ đã tiêu diệt thủ lãnh IS al-Baghdadi,

Mỹ tỏ vẻ hoài nghi

Các nhà phân tích tình báo tỏ ra hoài nghi về tin cho rằng thủ lãnh của Nhà nước Hồi giáo (IS), ông Abu Bakr al-Baghdadi, có thể đã bị giết chết trong một cuộc không kích hồi tháng trước.

Đại tá Ryan Dillon, người phát ngôn của chiến dịch chống IS của Mỹ, nói Hoa Kỳ “không thể xác nhận tin này ngay trong lúc này.”

Quân đội Nga hôm thứ Sáu 16/6 cho hay, một trong những cuộc không kích của Nga ở Syria vào cuối tháng 5 nhắm vào các viên chỉ huy IS có thể đã giết chết thủ lãnh của nhóm khủng bố này.

Một thông báo của Bộ Quốc phòng Nga trên Facebook nói cuộc không kích gần Raqqa, được coi như thủ phủ của Nhà Nước Hồi giáo tự xưng, đã đánh trúng địa điểm cuộc họp có sự tham dự của al-Baghdadi.

Nga nói cuộc không kích đã tiêu diệt các viên chỉ huy cấp cao của IS, ước lượng 30 viên chỉ huy trên thực địa và khoảng 300 vệ sĩ bảo vệ các thủ lãnh IS.

Quân đội Nga nói họ đang kiểm tra nguồn tin bằng “nhiều kênh khác nhau” để xác nhận liệu al-Baghdadi đã bị giết hay không. Theo Bộ Quốc phòng Nga, lúc đó tại cuộc họp, các thủ lãnh IS đang thảo luận kế hoạch rút lui ra khỏi cái gọi là ‘hành lang phía nam’.

https://www.voatiengviet.com/a/nga-noi-ho-da-tieu-diet-thu-lanh-is-al-baghdadi-my-to-ve-hoai-nghi/3903337.html

 

Donald Trump xác nhận bị điều tra

Tổng thống Donald Trump thừa nhận ông đang bị điều tra liên quan cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Viết trên Twitter, ông nói: “Tôi đang bị điều tra vì sa thải giám đốc FBI, bởi một tay bảo tôi hãy sa thải giám đốc FBI.”

Thứ trưởng tư pháp Rod Rosenstein là người viết một hướng dẫn cho Nhà Trắng sử dụng để giải thích việc sa thải James Comey.

Ông Rosenstein nay là người dẫn dắt cuộc điều tra liệu Nga có can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Hồi tháng Ba, bộ trưởng tư pháp Jeff Sessions đã rời khỏi cương vị điều tra này.

Ông Rosenstein sau đó bổ nhiệm cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Robert Mueller làm điều tra viên giám sát cuộc điều tra hình sự.

Biden nói Trump cần ‘trưởng thành’

Cựu giám đốc FBI dẫn dắt điều tra vụ Nga

Đầu tuần này, truyền thông Mỹ nói ông Mueller đang điều tra liệu tổng thống có cản trở công tác hay không.

Dường như ông Mueller định sẽ phỏng vấn giới chức tình báo để hỏi có phải ông Trump sa thải giám đốc FBI James Comey để cản trở điều tra Michael Flynn.

Michael Flynn được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia nhưng nhanh chóng bị sa thải.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40307138

 

Mỹ thu giữ tài sản liên quan vụ Quỹ Nhà nước Malaysia

Hoa Kỳ có biện pháp thu giữ số tài sản trị giá 540 triệu đô la Mỹ từ một doanh nhân người Malaysia tên là Jho Low, vì cho rằng ông này đã đánh cắp từ một quĩ phát triển của nhà nước Malaysia, có tên là 1MDB.

Động thái vừa nêu được một tòa án ở Los Angeles công bố vào ngày hôm 15 tháng 6. Số tài sản thu được bao gồm cả một du thuyền đắt tiền. Theo các công tố viên thì vào năm 2014, ông Jho Low đã dùng tiền của quĩ nhà nước Malaysia để mua mua các loại hàng mắc tiền trong đó có chiếc du thuyền trang bị sân đáp trực thăng, hồ bơi và phòng tập thể dục.

Ngoài ra trong số tài sản còn có các bất động sản ở Luân Đôn, New York và các bức tranh của danh họa Picasso.

Vụ bê bối quĩ nhà nước Malaysia làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thủ tướng Malaysia Najib Razak, với những cáo buộc tham nhũng.

Trong cáo buộc của Bộ tư pháp Hoa Kỳ có nói đến 1 món quà là một xâu chỗi kim cương màu hồng trị giá đến hơn 27 triệu đô la Mỹ được tặng cho vợ một quan chức số 1 của Malaysia, làm người ta nghĩ đến Thủ tướng Razak.

Các quan chức Malaysia nói rằng không có chứng cớ liên quan giữa các tội danh tài chánh đó với quĩ của nhà nước Malaysia 1MDB.

Người đứng đầu cơ quan tư pháp của Malaysia là ông Mohamed Apandi Ali nói rằng không có bằng chứng về việc quản lý sai phạm tiền tại quĩ 1MDB, và ông nói thêm là Kuala Lumpur sẽ tôn trọng pháp luật nếu phát hiện có sai phạm.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/US-moves-to-seize-another-540-mn-06162017122604.html

 

Một số phiến quân có thể đã trốn khỏi Marawi

Quân đội Philippines hôm 16 tháng 6 cho biết một số phiến quân Hồi Giáo ở thành phố Marawi, miền Nam Philippines, có thể đã trà trộn vào những người di tản để ra khỏi thành phố đang có chiến tranh.

Tướng Restituto Padilla nói với báo giới ở Manilna rằng hiện quân đội Philippines đang xiết chặt việc kiểm soát ở các thành phố lân cận là Iligan và Cagayan de Oro để tìm kiếm những kẻ tình nghi mà họ cho rằng có thể sẽ tìm cách gây rối hoặc khủng bố.

Quân đội Philippines cho biết có khoảng 200 tay súng phiến quân, chủ yếu là thuộc các nhóm nổi dậy ở địa phương đã thề trung thành với nhà nước Hồi giáo, cùng một số chiến binh nước ngoài đang cố thủ ở thành phố Marawi. Phiến quân sử dụng dân thường và các nhà thờ Hồi giáo làm các nơi ẩn nấp.

Tướng Padilla cho biết những đồn đãi về khả năng các phiến quân sẽ tấn công các thành phố lân cận dựa trên các thông tin sai do phiến quân loan ra, nhưng trên thực tế khả năng của phiến quân đã bị giảm rõ rệt. Quân đội Philippines cho biết khả năng chiến đấu của những nhóm phiến quân còn sót lại trong thành phố hiện đang yếu đi.

Theo số liệu thống kê của giới chức chính phủ, kể từ khi giao tranh bắt đầu từ hồi cuối tháng 5, đã có hơn 300 người thiệt mạng tại Marawi, bao gồm 225 phiến quân, 59 quân lính chính phủ và 26 dân thường.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/philippines-says-some-militants-may-have-slipped-out-of-embattled-city-06162017120258.html

 

Biểu tình lớn chống chính phủ ở Đài Bắc

Tại Đài Bắc vào ngày 15 tháng 6, hàng chục ngàn cử tri Đài Loan đã tổ chức cuộc biểu tình ngay tại trụ sở Quốc Hội, đòi hỏi Tổng Thống Thái Anh Văn phải từ chức.

Những người biểu tình nói rằng trong năm vừa qua, Bà Thái Anh Văn đã không làm tròn trách nhiệm, không lắng nghe tiếng nói của cử tri, đưa ra những chính sách không được người dân ủng hộ.

Cuộc biểu tình diễn ra trong lúc những cuộc thăm dò chính trị cho thấy uy thế của bà tổng thống Đài Loan đang xuống thấp, đặc biệt sau ngày bà đề nghị giảm tiền hưu trí.

Một việc khác cũng khiến chính phủ của Bà Thái Anh Văn gặp khó khăn là ý kiến công nhận hôn nhân đồng tính, trong khi các cử tri thuộc cánh bảo thủ chống đối.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/large-anti-gov-protesters-held-at-tw-parliament-06152017143001.html

 

Trung Quốc tiếp tục áp lực Đài Loan trong ngoại giao

Viện dẫn lý do chỉ có một nước Trung Hoa và Bắc Kinh là đại diện chính thức, Trung Quốc đang áp lực 5 quốc gia không cho Đài Loan dùng từ Trung Hoa Dân Quốc khi mở văn phòng đại diện.

Tin này được Bộ Ngoại Giao Đài Loan đưa ra ngày hôm 15 tháng 6, nói rõ Bắc Kinh đang gây áp lực với Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập, Bahrain, Ecuador, Jordan và Nigeria, là các nước không có quan hệ ngoại giao với Đài Bắc, nhưng cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện thương mại và văn hóa dưới tên văn phòng đại diện Trung Hoa Dân Quốc.

Đòi hỏi của Bắc Kinh là tất cả mọi quan hệ với Đài Loan đều chỉ được dùng tên Đài Loan hoặc Đài Bắc, nhắc lại đó chỉ là một tỉnh của Trung Quốc chứ không phải là một quốc gia độc lập. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng nhiều lần nói nếu cần, sẽ dùng cả biện pháp quân sự đối với Đài Loan để thống nhất đất nước.

Chưa rõ các nước bị Bắc Kinh áp lực sẽ giải quyết như thế nào.

Cũng cần nói thêm từ Trung Hoa Dân Quốc được sử dụng từ năm 1912, và tiếp tục được dùng sau khi Quốc Dân Đảng bị cộng sản Trung Hoa đánh bại trong cuộc chiến Quốc-Cộng hồi 1949, phải chạy ra Đài Loan.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/tw-says-cn-impertinently-wants-it-to-be-soften-representation-in-5-countries-06152017142722.html

 

Trump hạn chế du lịch, kinh doanh với Cuba

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 16/6 được dự kiến sẽ bắt đầu đảo ngược hành động của Tổng thống tiền nhiệm nhằm tạo điều kiện cho Cuba tái gia nhập cộng đồng thế giới sau hơn một nửa thế kỷ bị cô lập.

Ông Trump sẽ loan báo quyết định tại khu vực Little Havana của thành phố Miami, theo đó lệnh hạn chế du lịch sẽ được siết chặt đối với công dân Mỹ, và lệnh cấm kinh doanh với tập đoàn quân sự GAESA của Cuba sẽ được công bố. Theo ước tính, tập đoàn GAESA kiểm soát hơn phân nửa nền kinh tế của đảo quốc Cuba.

Ông Trump muốn hạn chế các công ty Mỹ làm ăn với các doanh nghiệp có liên hệ với quân đội Cuba. Chính quyền Tổng thống Trump viện các giá trị về nhân quyền để biện minh các biện pháp vừa kể, khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói với các nghị sĩ hồi trong tuần, rằng tình hình nhân quyền ở Cuba không đạt tiêu chuẩn.

Ngoại trưởng Tillerson:

“Các đối thủ chính trị tiếp tục bị bỏ tù, các nhà bất đồng chính kiến tiếp tục bị giam cầm, thành viên của phong trào Phụ nữ Áo Trắng tiếp tục bị sách nhiễu.”

Phụ nữ Áo Trắng là một tập hợp gồm các bà mẹ, chị, con gái, và vợ của các tù nhân lương tâm ở Cuba.

Ông Collin Laverty, người đứng đầu văn phòng tư vấn du lịch – giáo dục Cuba – Mỹ, nói các quy định mới sẽ chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh của Mỹ với Cuba:

Ông Laverty nói:

“Quân đội Cuba tham gia mọi hoạt động, từ vận chuyển hành lý tại sân bay cho đến cung cấp hàng hoá và dịch vụ tại bến cảng cho tàu du lịch, xe buýt, cho thuê ô tô, khách sạn, bến du thuyền … Các công ty đó có tầm ảnh hưởng rộng khắp trên nền kinh tế. Nếu không được kinh doanh với quân đội Cuba, thì điều đó trên cơ bản, có nghĩa là chúng ta không được phép kinh doanh với Cuba.”

Một giới chức trong chính quyền ông Trump nói các biện pháp sẽ được ban hành để hạn chế việc đổ tiền từ Mỹ sang Cuba, và lệnh cấm du lịch hiện hành sẽ được thực thi gắt gao, như vậy kể như sẽ “kết thúc các chuyến du lịch cá nhân”, nghĩa là từ nay người Mỹ muốn sang Cuba chỉ có đi theo đoàn hay nhóm.

Những người ủng hộ chính sách mở cửa đối với Cuba của cựu Tổng thống Barack Obama nói lập lại những hạn chế nghiệm ngặt về du lịch và cấm kinh doanh với Cuba, sẽ lật ngược kết quả được nhắm đến của chính sách mở cửa.

Nhưng việc Tổng Thống Obama nối lại các quan hệ bang giao với Cuba, sẽ không bị tác động bởi các biện pháp của ông Trump.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-han-che-du-lich-kinh-doanh-voi-cuba/3903213.html

 

Đại học châu Á qua mặt đại học phương Tây

Các trường đại học hàng đầu của châu Á hiện được xem như có nhiều uy tín hơn trong số những trường đại học hàng đầu, vượt quá các định chế nổi tiếng của phương Tây, theo bảng Xếp hạng Danh tiếng Thế giới của Times Higher Education.

Trung Quốc là một trong những nước vượt trội. Trường đại học Thanh Hoa lần đầu tiên lọt vào top 15 trường đại học hàng đầu, nhảy 4 bậc để vào vị trí thứ 14. Trường đại học Bắc Kinh cũng lần đầu tiên nằm trong số 20 trường đại học hàng đầu thế giới, lên 4 bậc, xếp thứ 17.

Những trường đại học này qua mặt các trường đại học hàng đầu tại Mỹ và Anh, trong đó có Trường đại học Hoàng gia London, Trường đại học Pennsylvania và Trường đại học Cornell.

Trong khi đó, Trường đại học Hong Kong lần đầu tiên trong 5 năm được xếp vào hạng 40 trường đại học hàng đầu sau khi vượt lên 6 bậc, xếp hạng thứ 39, nghĩa là trên Trường đại học King’s College London, trường đại học British Columbia và Trường đại học LMU Munich.

Tại các nơi khác ở châu Á, Trường đại học Tokyo hiện nổi tiếng hơn Trường đại học Columbia, trong khi Trường đại học Quốc gia Seoul được xem như uy tín hơn Trường đại học California, Davis.

Những trường đại học hàng đầu tại Bỉ, Pháp và Hà Lan cũng xuống hạng giữa lúc các trường đại học tại châu Á trở thành những nhãn hiệu nổi tiếng hơn trên sân khấu thế giới.

Bảng xếp hạng căn cứ vào việc thăm dò ý kiến những người được mời trong số những học giả cao cấp, nổi tiếng. Những người này được yêu cầu nêu tên không quá 15 trường đại học mà họ tin là những trường đại học nghiên cứu và giảng dạy tốt nhất trong lãnh vực của họ, căn cứ trên kinh nghiệm riêng của họ.

Tuy nhiên, kết quả của bảng Xếp hạng các Trường đại học Thế giới gần đây, căn cứ phần lớn vào công tác nghiên cứu, cho thấy có một khoảng cách giữa những thành tích trên quan sát và trong thực tế của những trường đại học hàng đầu của châu lục. Các trường đại học châu Á không được đánh giá cao trong danh sách này, dù có những tiến bộ gần đây.

(Nguồn Times Higher Education)

https://www.voatiengviet.com/a/dai-hoc-chau-a-qua-mat-dai-hoc-phuong-tay-/3902842.html

 

Phó Tổng thống Mỹ

thuê luật sư bảo vệ trong cuộc điều tra Nga-Trump

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thuê luật sư nổi tiếng từng bênh vực các giới chức chính phủ trong các cuộc điều tra cao cấp để hỗ trợ ông trong các cuộc điều tra về liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump với Nga, theo tin từ văn phòng Phó Tổng thống ngày 15/6.

Các cơ quan tình báo Mỹ kết luận Moscow can thiệp vào bầu cử Mỹ năm ngoái để ủng hộ ông Trump.

Ông Trump tháng trước cũng thuê một luật sư riêng trước cuộc điều tra từ các ủy ban trong Quốc hội và cuộc điều tra do công tố viên đặc biệt Mueller dẫn đầu. Ngày 15/6, Tổng thống Trump chỉ trích tin nói ông đang bị điều tra về cản trở công lý, đồng thời mô tả ý kiến cho rằng ban vận động tranh cử của ông thông đồng với Nga là bịa đặt.

Phó Tổng thống Pence chọn luật sư Richard Cullen, chủ tịch công ty luật McGuireWoods. Ông Cullen nguyên là một công tố viên liên bang có quan hệ lâu nay với người vừa bị ông Trump sa thải hôm 9/5 là cựu Giám đốc FBI James Comey.

Cùng ngày hôm nay, Tổng thống Trump lên Twitter bày tỏ phẫn nộ ngụ ý rằng lẽ ra đối thủ của ông bên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, mới là người nên bị điều tra chứ không phải ông.

Trước đó trong ngày, ông Trump viết trên Twitter rằng “Họ bịa ra chuyện thông đồng với Nga, tìm không ra bằng chứng, thế nên giờ họ lại bịa ra câu chuyện về việc cản trở công lý.”

https://www.voatiengviet.com/a/pho-tong-thong-my-thue-luat-su-bao-ve-trong-cuoc-dieu-tra-nga-trump-/3902417.html

 

Trump phản pháo trước tin bị điều tra

Tổng thống Donald Trump ngày 15/6 phản pháo một nguồn tin cho rằng ông đang bị điều tra về việc cản trở công lý, đồng thời chỉ trích ý kiến cho rằng chiến dịch tranh cử của ông thông đồng với Nga làm chệch hướng cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 là ‘bịa đặt.’

Ông Trump viết trên Twitter rằng “Họ bịa ra chuyện thông đồng với Nga, tìm không ra bằng chứng, thế nên giờ họ lại bịa ra câu chuyện về việc cản trở công lý. Hay đấy.”

Báo Washington Post dẫn phát biểu của các giới chức không nêu tên hôm 14/6 cho biết công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang điều tra Tổng thống Trump vì cản trở công lý.

Một nguồn tin thân cận với cuộc điều tra của ông Mueller xác nhận tin này, nói rằng xem xét khả năng truy tố tội danh cản trở công lý là việc “không thể tránh khỏi” căn cứ trên cuộc điều trần của cựu Giám đốc FBI James Comey, dù vấn đề này có thể không phải là trọng tâm chính của cuộc điều tra.

Ông Comey bị cách chức vào ngày 9 tháng 5. Tuần rồi, ông Comeny nói trước một ủy ban Thượng viện rằng ông tin ông Trump sa thải ông để phá hoại cuộc điều tra của FBI về Nga. Ông cũng báo cáo với Ủy ban Tình báo Thượng viện trong cuộc điều trần ngày 8 tháng 6 rằng ông Trump đã chỉ thị ông ngưng điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.

Dù kết quả như thế nào, khả năng bị điều tra về việc cản trở công lý là một cú giáng mới đối với Tổng thống Trump. Năm tháng đầu nhậm chức của ông bị bao trùm bởi những cuộc điều tra từ liên bang và Quốc hội về vấn đề Nga.

Dù mạnh mẽ chỉ trích một số nội dung trong cuộc điều trần của ông Comey, nhưng Tổng thống Trump nói cựu Giám đốc FBI đã minh oan cho ông khi ông Comey khai rằng thời ông còn làm lãnh đạo FBI, ông Trump không phải là đối tượng trong cuộc điều tra về Nga.

Một giới chức ẩn danh cho biết công tố viên đặc biệt Mueller đang điều tra hai đầu mối chính.

Một là có người nào trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, dính líu đến ông Trump hay chuyện làm ăn của ông Trump có những giao dịch bất hợp pháp với các giới chức Nga hoặc với những người có quan hệ với điện Kremlin hay không.

Hai là điều tra xem có hành vi phạm tội nào hay không, ông Trump hay những người khác có tìm cách che đậy việc này hay cản trở cuộc điều tra liên hệ đến họ hay không.

Quá trình này cho phép các nhà điều tra thẩm vấn những khuôn mặt quan trọng trong chính quyền, bao gồm Bộ trưởng Tư pháp Jeff Session, Thứ trưởng Tư pháp Rosenstein, và có thể ngay cả bản thân ông Trump, nguồn tin quen thuộc với cuộc điều tra của ông Mueller cho biết.

Dù Tổng thống đương nhiệm có phần chắc không bị truy tố tội hình sự nhưng cản trở công lý có thể là căn cứ để luận tội truất phế Tổng thống. Những bước như vậy sẽ gặp những trở ngại lớn vì phải được sự chấp thuận của Hạ viện hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Moscow bác bỏ những kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ là Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái để chuyển hướng phiếu bầu có lợi cho ông Trump.

Tòa Bạch Ốc cũng phủ nhận bất cứ sự cấu kết nào. Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích cuộc điều tra, nói rằng đảng Dân chủ không thể khoanh tay khi ông thắng cử.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-phan-phao-truoc-tin-bi-dieu-tra-/3902401.html

 

Vụ biểu tình bên ngoài tòa đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ: 2 người Mỹ bị bắt

Hai người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ vừa bị bắt giữ về cáo buộc cho rằng họ đã tấn công những người biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ sau chuyến viếng thăm Tòa Bạch Ốc của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hồi tháng trước tại thủ đô Washington.

Phóng viên Ban tiếng Thổ Nhĩ Kỳ của VOA quay đoạn video cuộc biểu tình cho thấy các vệ sĩ và một số người ủng hộ ông Erdogan tấn công một nhóm nhỏ người biểu tình. Những người đàn ông mặc bộ vét đậm màu và một số người khác liên tục đá một phụ nữ trong khi cô nằm co trên vỉa hè. Một người khác xiết cổ một phụ nữ và vật cô xuống đất. Một người đàn ông cầm loa liên tục đá vào mặt nạn nhân.

Sau khi các nhân viên cảnh sát cố bảo vệ người biểu tình và ra lệnh cho những người đàn ông mặc complet lui ra, một vài người đàn ông đã né cảnh sát rồi chạy vào công viên tiếp tục tấn công người biểu tình.

Trong một thông báo, các giới chức Sở Cảnh sát thủ đô Washington loan báo ông Sinan Narin đã bị bắt ở bang Virginia về tội tấn công gia trọng và ông Eyup Yildirim bị bắt ở bang New Jersey về tội danh tấn công gây thương tích và tấn công với trường hợp gia trọng

Không rõ hai nghi can này ủng hộ ông Erdogan hay ủng hộ những người biểu tình.

Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ không trưng ra chứng cớ nhưng khẳng định các vệ sĩ của ông Erdogan đã hành động để “tự vệ” trong sự cố này, và còn tố cáo những người biểu tình là có liên kết với nhóm PKK, một nhóm ly khai người Kurd.

https://www.voatiengviet.com/a/vu-bieu-tinh-ben-ngoai-toa-dai-su-tnk-hai-nguoi-my-bi-bat/3901969.html

 

Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng lãi suất 0.25%

Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ tăng lãi suất cơ bản hôm thứ Tư trong bối cảnh có nhiều lo ngại về đà tăng trưởng èo uột, giảm chi tiêu trong giới tiêu thụ và tỷ lệ lạm phát thấp. Tuy nhiên, người đứng đầu Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ còn gọi là Cục Dự trữ Liên bang – gọi tắt là FED, cho biết tăng lãi suất lên 0.25% là một minh chứng về sự tin tưởng của của FED vào tình hình của nền kinh tế Mỹ. Phóng viên Mil Arcega có thêm các chi tiết sau đây.

Bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự Trữ Liên bang, nói tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 16 năm qua, cho thấy nền kinh tế Mỹ không còn cần đến sự giúp đỡ của ngân hàng trung ương.

Bà Janet Yellen nói:

“Quyết định của chúng tôi dần dần tăng lãi xuất cơ bản, phản ánh sự tiến bộ mà nền kinh tế đã đạt được trong thời gian qua, và theo dự kiến hướng tới kiến tạo việc làm tối đa và cùng lúc, đạt các mục tiêu ổn định giá cả.”

Ông Greg McBride thuộc tổ chức Bankrate.com nói qua Skype rằng chính sách tiền tệ của FED trước đây đã đẩy lãi suất xuống mức thấp kỷ lục sau cuộc khủng hoảng tài chính, nhằm ổn định nền kinh tế Mỹ. Trong khi nỗ lực tăng lãi suất mới nhất, lần thứ hai trong năm nay, sẽ có nghĩa là giới tiêu thụ sẽ phải trả tiền lãi cao hơn để mượn tiền.

Nhưng những người khác nói chi phí vay tiền ngân hàng cao hơn sẽ kiềm hãm nền kinh tế một cách đáng kể.

Ông Gus Faucher thuộc Dịch vụ Tài chính PNC:

“Chi tiêu của giới tiêu thụ vẫn khá tốt, các nguyên tắc cơ bản rất vững chắc, chúng ta có thêm nhiều việc làm, tiền lương tăng. Bạn biết đấy, dù lãi suất đang tăng, nhưng hãy còn rất thấp so với trước đây.”

Trong khi lãi suất của FED tăng, tức là lãi suất ngân hàng trung ương áp dụng cho các ngân hàng khác về số tiền vay qua đêm, đã được dự đoán trước, sự suy giảm trong chi tiêu của người tiêu dùng vào tháng trước, đà tăng trưởng kinh tế yếu ớt và lạm phát thấp, đã khiến khó có thể xảy ra thêm một đợt tăng lãi suất thứ ba trong năm nay.

FED dự báo lạm phát sẽ đạt mục tiêu 2% trước cuối năm nay, và nền kinh tế sẽ tăng trưởng với tốc độ 2,2% hàng năm. FED cho biết nếu dự báo trở thành hiện thực, thì FED có kế hoạch giảm dần 4,5 nghìn tỷ USD giữ trong trái phiếu và chứng khoán tài chính … một phần trong những phí tổn để bình ổn nền kinh tế lớn nhất thế giới.

https://www.voatiengviet.com/a/ngan-hang-trung-uong-my-tang-lai-suat-025/3902222.html

 

Bầu cử Quốc Hội Pháp : Làn sóng Macron tiếp tục

Thụy My

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe hôm nay 16/05/2017 kêu gọi cử tri đi bầu đông đảo để tránh tỉ lệ vắng mặt cao vào Chủ nhật tới. Vòng hai cuộc bầu cử Quốc Hội được dự báo là đảng của tân tổng thống Emmanuel Macron sẽ thắng lớn, nhưng số cử tri không đi bầu cũng lên đến mức kỷ lục.

Theo các cuộc thăm dò mới nhất, đảng Cộng Hòa Tiến Bước (REM) của tổng thống Macron và đảng liên minh cánh trung MODEM sẽ giành được từ 440 đến 470 trong tổng số 577 ghế của Quốc Hội, tức là chiếm đa số đến 4/5.

Trong vòng một ngày 11/6, đảng REM mới thành lập cách đây một năm đã bỏ xa các đảng truyền thống với 32,3% số phiếu, đứng trên cánh hữu (21,5%), cực hữu (13,2%), cực tả (13,7%) và đảng Xã Hội cánh tả (9,5%).

Thủ tướng Pháp mong muốn người dân vào Chủ nhật tới khẳng định « ý muốn thay đổi » như đã từng ồ ạt dồn phiếu cho ông Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử tổng thống, và trong vòng một bầu Quốc Hội mới đây.

Tuy nhiên thắng lợi hôm 11/6 đã bị giảm bớt phần vẻ vang, với tỉ lệ vắng mặt kỷ lục là 51,3%, và dự báo trong vòng hai số cử tri đi bầu sẽ còn ít hơn.

Người đứng đầu đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR), ông François Baroin lo ngại « một đa số tuyệt đối có nguy cơ đè bẹp các cuộc tranh luận », và nhấn mạnh, đa số các ứng cử viên do REM đưa ra là những người chưa hề tham gia chính trường, được bầu lên chỉ nhờ có tên ông Emmanuel Macron bên cạnh. Ông Jean-Luc Mélenchon, chủ tịch đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (FI) cảnh báo nguy cơ trong Quốc Hội mới « số dân biểu đối lập còn ít hơn ở Nga ».

Nhiều ứng cử viên thuộc các đảng khác nhau tuần này cũng phàn nàn là các đối thủ REM từ chối tranh luận với họ, cho rằng do chỉ thị của ban lãnh đạo.

Trong vòng một, nhiều chính khách tên tuổi đã bị loại hoặc yếu thế hơn trước các ứng cử viên thuộc đảng của tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp. Trên đường đua hiện chỉ còn lại bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (FN), ông Jean-Luc Mélenchon, và cựu thủ tướng đảng Xã Hội (PS) Manuel Valls.

Đối lập sẽ còn những ai ? Phe hữu bị yếu đi và chia rẽ vì Macron bổ nhiệm thủ tướng thuộc cánh này, dự đoán sẽ giành được 60 đến 80 ghế, đảng Xã Hội và các đồng minh 22 đến 35 ghế, cực tả và cộng sản 14 đến 25 ghế. Đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia chỉ được 1 tới 6 ghế, thấp hơn rất nhiều so với hy vọng trở thành lực lượng đối lập hàng đầu, sau kết quả kỷ lục trong cuộc bầu cử tổng thống.

http://vi.rfi.fr/phap/20170616-bau-cu-quoc-hoi-phap-lan-song-macron-tiep-tuc-0

 

Trừng phạt Nga : Thượng Viện Mỹ

thông qua dự luật giới hạn quyền của tổng thống

Trọng Thành

Trong lúc điều tra về nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016 tiếp tục, hôm qua, 15/06/2017, Thượng Viện Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua dự luật siết chặt các trừng phạt nhắm vào Nga – do các can thiệp tại Ukraina và Syria -, và đặc biệt là một cơ chế, được đánh giá là chưa từng có, nhằm hạn chế quyền lực của tổng thống Donald Trump trong quyết định dỡ bỏ hay không các trừng phạt trong tương lai.

Thông tín viên Anne-Marie Capomaccio tường trình từ Washington,

« Thượng Viện rất kín đáo về cuộc điều tra nhắm vào tổng thống Donald Trump trong nghi án ngăn cản tư pháp. Tuy nhiên các thượng nghị sĩ đã gửi đến Nhà Trắng một thông điệp rõ ràng. Gần như toàn bộ Thượng Viện thông qua một dự luật gia tăng trừng phạt Nga, và giới hạn khả năng can thiệp của tổng thống để dỡ bỏ trừng phạt. 

Lãnh đạo phe thiểu số Dân Chủ tại Thượng Viện Chuck Schumer nhận định : ‘‘Chúng tôi không chỉ bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nhắm vào Nga, vốn đã mưu toan can thiệp vào cuộc bầu cử tại Mỹ… mà chúng tôi còn chuyển các biện pháp trừng phạt hiện tại thành văn bản luật… Qua đó, việc dỡ bỏ các trừng phạt sẽ khó hơn… bởi chúng tôi hy vọng là Quốc Hội chứ không phải tổng thống, mới có quyền phán xử vấn đề này’’. 

Số phận của viên công tố đặc biệt Robert Muller tiếp tục là chủ đề tranh luận. Giới thân cận với tổng thống Trump đã khéo léo để lọt ra ngoài một số thông tin về khả năng ông Robert Muller bị cách chức. Tuy nhiên, thời gian càng trôi đi thì cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp càng tiến gần đến tổng thống hơn, việc cách chức ông Robert Muller cũng càng trở nên khó hơn. Điều này nếu xảy ra chẳng khác nào Nhà Trắng thừa nhận là mình có tội. 

Cựu giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang James Comey cho biết mục tiêu của ông, khi công bố nội dung của một trong các đối thoại với tổng thống, là nhằm tạo ra phản ứng mạnh từ phía các dân biểu và chỉ định một công tố viên đặc biệt trong vụ này. Các nhà quan sát cho rằng qua việc này, cựu giám đốc FBI bị cách chức muốn giăng bẫy tổng thống Trump ».

Dự luật nói trên của Thượng Viện sẽ được chuyển qua Hạ Viện để thông qua, tuy nhiên tổng thống Donald Trump có quyền phủ quyết. Nhà Trắng hiện chưa đưa ra bình luận gì về việc này.

Theo các thông tin báo chí, tổng thống Mỹ đã nằm trong tầm ngắm của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, trong nghi án ông Donald Trump cản trở tư pháp. Hôm qua, tổng thống Trump rất phẫn nộ trước các thông tin này, và một lần nữa khẳng định trên Twitter là giả thuyết về mối thông đồng giữa Nga với các cộng sự của ứng cử viên Donald Trump trong thời gian tranh cử chỉ là chuyện « vớ vẩn ».

Trên thực tế, cuộc điều tra nói trên có ý nghĩa rất quan trọng đối với ông Donald Trump. Nếu cơ quan điều tra tập hợp được đủ các bằng chứng về việc tổng thống Mỹ ngăn cản tư pháp, việc này sẽ mở đường cho thủ tục phế truất. Hồi tuần trước, cựu giám đốc FBI cho biết đã bị tổng thống gây áp lực trong cuộc điều tra về nghi án Nga.

Vẫn liên quan đến nghi án này, hôm qua, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã thuê riêng một luật sư để thay mặt ông trả lời công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Người phụ trách truyền thông của phó tổng thống giải thích là ông Pence hiện phải « tập trung hoàn toàn cho nhiệm vụ thực thi kế hoạch của tổng thống, và hy vọng vụ việc này sẽ được giải quyết nhanh chóng ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170616-trung-phat-nga-thuong-vien-my-thong-qua-du-luat-gioi-han-kha-nang-can-thiep-cua-ton

 

Mỹ ra lệnh bắt 12 cận vệ của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

Thụy My

Chính quyền Mỹ hôm qua 15/06/2017 loan báo đã ra lệnh bắt giữ 12 cận vệ của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ do có hành động bạo lực đối với người biểu tình ôn hòa ở Washington tháng trước. Tin này khiến tổng thống Recep Tayyip Erdogan giận dữ, trong bối cảnh quan hệ giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ trong những tháng gần đây đã xấu hẳn đi.

Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố, đây là « thông điệp rõ ràng cho thấy Hoa Kỳ không dung thứ những cá nhân sử dụng bạo lực để bóp nghẹt tự do ngôn luận và bày tỏ chính kiến một cách hợp pháp ». Ông cho biết : « Bộ Ngoại Giao tiếp tục làm việc với cảnh sát và các cơ quan chức năng, và sẽ quyết định có thêm những biện pháp bổ sung hay không ».

Về phía tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cực lực lên án, hứa hẹn sẽ đấu tranh « cả về chính trị lẫn tư pháp ». Hôm qua ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã cho « mời » – chứ không phải « triệu mời » – đại sứ Mỹ ở Ankara, nhờ chuyển lời rằng quyết định của chính quyền Mỹ là « tệ hại, sai lạc và thiếu căn cứ luật pháp ».

Tối 16/5, những người Kurdistan biểu tình ôn hòa trước tư dinh của đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington, đã bị tấn công thô bạo. Theo cảnh sát trưởng Washington, ông Peter Newsham, đó là các cận vệ của ông Erdogan, được nhận diện qua video và các nhân chứng. Những cận vệ này mặc vét màu sẫm, đánh đập những người biểu tình kể cả khi họ đã ngã xuống đất. Cảnh sát khó can thiệp vì có những người mang súng. Sau vụ này, thượng nghị sĩ John McCain đã đòi trục xuất đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ.

Phía tổng thống Erdogan cáo buộc cảnh sát địa phương « không làm gì » trong lúc « các nhóm khủng bố » đang biểu tình cách ông « chỉ có 50 mét ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170616-my-ra-lenh-bat-12-can-ve-cua-tong-thong-tho-nhi-ky-ok

 

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un luôn sợ bị ám sát

Thụy My

Nhà độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong Un « hết sức lo lắng » về các âm mưu ám sát ông, và sử dụng một số biện pháp để phòng thân. Hãng tin Yonhap hôm nay 16/06/2017 trích dẫn báo cáo của cơ quan tình báo Hàn Quốc trong một phiên họp thu hẹp của Quốc Hội cho biết như trên.

Luôn lo sợ bị các tay súng tấn công vào chiếc xe hơi mà ông sử dụng để di chuyển trên khắp nước, Kim Jong Un còn sợ bị không kích. Jong Un ra đi từ sáng sớm, thường xuyên đổi xe, thay vì chỉ dùng chiếc Mercedes-Benz, và rất siêng năng thu thập tin tức tình báo về các hoạt động « tiêu diệt thủ lãnh ».

Những lo ngại của Kim Jong Un đã tăng lên từ đầu năm nay, khi có tin là Hoa Kỳ và Hàn Quốc đang thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm trừ khử nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng, trong trường hợp chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.

Hồi tháng Ba, các thành viên của biệt đội Navy SEAL – từng đột kích vào nơi trú ẩn của Osama Ben Laden và giết chết trùm khủng bố – đã tập trận với lực lượng đặc biệt Hàn Quốc cùng với đặc nhiệm của lục quân Mỹ (Rangers), lực lượng Delta (Delta Force) và Mũ Xanh (Green Berets). Hoa Kỳ nói rõ rằng các đơn vị này tập luyện các hoạt động nhằm trừ khử các lãnh đạo Bắc Triều Tiên và tiêu diệt khả năng chiến đấu của chế độ.

Vào tháng Năm, Bình Nhưỡng loan tin đã đánh bại một âm mưu của CIA nhằm mua chuộc một người Bắc Triều Tiên « có tư tưởng sai lạc » để ám sát Kim Jong Un bằng một chất sinh hóa, tố cáo Mỹ tiến hành chủ nghĩa khủng bố Nhà nước.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170616-binh-nhuong-kim-jong-un-luon-so-bi-am-sat

 

Panama bỏ Đài Loan theo Trung Quốc:

Hiệu ứng domino tại Trung Mỹ ?

Mai Vân

Ngày 13/06/2017 vừa qua tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đồng nhiệm Panama, bà Isabel Saint Malo de Alvarado, đã mở champagne mừng sự kiện hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Điểm đáng chú ý là trong bản Thông Cáo Chung được công bố, Panama xác định « cắt đứt ngay từ ngày này quan hệ ngoại giao với Đài Loan và cam kết ngưng mọi liên hệ chính thức với Đài Loan ».

Trong mắt giới quan sát,Trung Quốc đã giành được một thắng lợi to lớn, « giựt » được Panama từ tay Đài Loan về phía mình. Bắc Kinh đang giáng cho Đài Loan một bài học với « cú đấm » ngoại giao này.

Giáo sư Lâm Hòa Lập (Willy Lam), Đại Học Hồng Kông nhận thấy thái độ đối đầu của nữ tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn làm cho Bắc Kinh rất bực dọc, và cuộc nói chuyện của bà với ông Donald Trump vào tháng 12/2016, càng thúc đẩy Bắc Kinh « dạy cho Đài Bắc một bài học ».

Trong cuộc tranh giành ảnh hưởng quốc tế mang tính sống còn đối với đảo, thì Đài Loan khó thể chống chọi trước sức mạnh kinh tế, tài chính của Trung Quốc và ngày càng mất thêm đồng minh, những nước còn dám công nhận chính quyền Đài Bắc. Tính trên toàn thể địa cầu, Đài Loan chỉ còn 20 đối tác đứng về phía mình, trong đó có Vatican, các đảo quốc nhỏ ở Nam Thái Bình Dương, và vùng Châu Mỹ Latinh.

Uy lực kim tiền của Trung Quốc

Đối với Panama, Trung Quốc mang lại một nguồn lợi quá lớn. Cùng lúc diễn ra buổi ký kết Thông Cáo Chung về quan hệ ngoại giao Trung Quốc – Panama tại Bắc Kinh, tại xứ Trung Mỹ Panama, tổng thống Juan Carlos Varera đọc diễn văn trên truyền hình để thông báo tin với « toàn thế giới ».

Ông không quên cám ơn Đài Loan, mà theo ông « đã từng là một người bạn lớn của Panama ». Ông Varera tha thiết tỏ lời « biết ơn Đài Loan vì tình hữu nghị và công cuộc hợp tác giúp phát triển Panama khi hai bên còn quan hệ ngoại giao ».

Tuy nhiên tổng thống Panama cũng nhấn mạnh : « Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã luôn đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế Panama ». Hai bên sẽ nghiên cứu những đề án hợp tác về du lịch, thương mại, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục.

Cũng trên đài truyền hình, bộ trưởng Thương Mại Panama, Augusto Arosemena, không quên nhắc lại Trung Quốc là nước thứ nhì sau Hoa Kỳ sử dụng kênh đào Panama, đồng thời là đối tác thương mại thứ tư của Panama, và quốc gia Trung Mỹ này xuất khẩu hơn 50 triệu đô la hàng sang Trung Quốc. Việc thiết lập quan hệ ngoại giao là một giai đoạn quyết định sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho Panama.

Trong năm 2016 vừa qua, Trung Quốc đã chở qua kênh đào Panama 38 triệu tấn hàng hóa, chiếm 18,9% lưu lượng ở đây. Tháng 6 năm ngoái thì cũng một chiếc tàu Trung Quốc là tàu đầu tiên đi qua con kênh đào mở rộng.

Thông báo thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh và « cắt đứt » bang giao với Đài Bắc được đưa ra một tuần sau khi Trung Quốc khởi công xây cảng container và hệ thống khí ở Colon, bắc Panama, trong vùng tự do mậu dịch lớn nhất châu Mỹ Latinh. Hiện thời, nhiều tập đoàn Trung Quốc trong các lãnh vực khác nhau, từ ngân hàng, năng lượng đến hậu cần, viễn thông, công nghệ hoc, đã có mặt những năm gần đây tại Panama.

Đối với ông Arosemena, Panama sẽ có vai trò lớn hơn nữa, « có thể trở nên đầu cầu cho châu Á đến với châu Mỹ Latinh » khi xích lại gần Trung Quốc.

Nicaragua có thể là con domino kế tiếp

Theo nhận định của Margaret Mayers, giám đốc chương trình Trung Quốc – Mỹ Latinh của trung tâm nghiên cứu Inter-American Dialogue tại Washington, châu Mỹ Latinh là một thành trì của Đài Loan với số lượng các quốc gia chính thức công nhận chính quyền Đài Bắc : 11 nước tính cả vùng Caribê. Trước khi Costa Rica cắt đứt quan hệ với Đài Bắc vào năm 2007 để theo Bắc Kinh, thì hầu hết các quốc gia châu Mỹ Latinh đứng về phía Đài Loan.

Nay Panama đột phá, rời bỏ Đài Bắc, 10 năm sau Costa Rica, phải chăng sự kiện đó sẽ tạo nên một hệ quả domino ?

Đối với bà Margaret Mayers, châu Mỹ Latinh là « thành trì » của Đài Loan, nhưng cũng như Panama, dường như các nước châu Mỹ này đã đi đến kết luận là vì quyền lợi quốc gia, họ nên có mối liên hệ mạnh mẽ với Trung Quốc để thu hút đầu tư và cải thiện thương mại.

Bà Mayers cho là bà sẽ không ngạc nhiên nếu Nicaragua hay Cộng Hòa Dominicana thuộc diện quốc gia sắp tới đây, sẽ theo gương Panama. Nicaragua đang có một công trường kênh đào với vốn đầu tư Trung Quốc, cạnh tranh với kênh Panama.

Công trình vĩ đại này, ước tính 50 tỷ đô la, không do chính phủ Trung Quốc mà do một tập đoàn tư nhân Hồng Kông Nicaragua Canal Development (HKND) hỗ trợ. Đề án rất bị người dân phản đối và tiến triển rất chậm từ lúc khởi công vào cuối năm 2014.

Nhưng nhìn chung thì Nicaragua đã đón nhận dễ dàng đầu tư Trung Quốc, cho nên không ai ngạc nhiên khi Nicaragua sắp tới đây rời bỏ Đài Loan.

Một tiến trình đã bắt đầu từ lâu

Theo ghi nhận của Carlos Malamud, chuyên gia vùng châu Mỹ Latinh tại viện nghiên cứu Real Elcano ở Madrid, thì đây là một tiến trình bắt đầu từ lâu : Trong vòng 20 năm qua, số nước công nhận Đài Loan đã giảm lần, trong lúc Trung Quốc đã biết khéo chơi lá bài châu Mỹ Latinh khi nói là không muốn cạnh tranh với Mỹ để kiểm soát vùng sân sau này của Washington.

Các đề án của Trung Quốc hiện nay, theo ông Malamud, mang tính chất kinh tế và không thấy Bắc Kinh có quan điểm mạnh mẽ trên mặt chính trị. Trung Quốc đến vùng Trung Mỹ chậm hơn là khi đến Nam Mỹ, Trung Quốc tập trung vào 3 loại đầu tư : năng lượng, viễn thông, hạ tầng cơ sở.

Thế nhưng thành công ngoại giao với Panama có thể khiến Trung Quốc năng nổ hơn trên bình diện chính trị.

Đối với giáo sư chính trị quốc tế, Matt Ferchen, đại học Thanh Hoa ở Trung Quốc, « cuộc ly dị » giữa Panama và Đài Loan là một thay đổi đáng kể. Nó có thể dẫn đến một sự ganh đua lớn hơn, với chiến lược kinh tế, ngoại giao hung bạo hơn, để chinh phục trái tim ngoại giao của vùng. Đài Loan sẽ tăng cường quan hệ với các đồng minh còn lại để tránh bị thêm những thay đổi sắp tới trên bình diện hậu thuẫn ngoại giao.

Về phần Panama, tuy cắt đứt quan hệ với Đài Bắc, nhưng vẫn có vẻ nuối tiếc và muốn tiếp tục giữ liên hệ kinh tế với Đài Loan. Thứ trưởng ngoại giao Panama, Luis Miguel Hincapié khẳng định là Panama « mong muốn mở văn phòng thương mại ở cả Trung Quốc lẫn Đài Loan (cho dù) điều này tùy thuộc vào quyết định của Đài Loan.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170616-panama-bo-dai-loan-theo-trung-quoc-hieu-ung-domino-tai-trung-my-0