Tin khắp nơi – 16/05/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 16/05/2016

Sinh viên TQ ‘mua dinh thự triệu đô Canada’

Người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã phản ứng đầy ngờ vực trước các tường thuật nói một sinh viên Trung Quốc đã mua dinh thự trị giá 31,1 triệu đôla Canada (24 triệu đôla Mỹ) tại Vancouver.

Bất động sản nằm bên bờ biển vùng Port Grey có năm phòng ngủ, nằm trong khuôn viên rộng 0,7ha đất, truyền thông địa phương nói.

Giấy tờ sở hữu nhà đất cho thấy một người có tên là Chu Điền Vũ (Tian Yu Zhou) sở hữu 99% khối bật động sản này, và là “sinh viên”, theo nội dung tường thuật.

Phùng Thúy (Cui Feng), một nữ doanh nhân, được ghi là người sở hữu 1% còn lại.

Hiện nghề nghiệp của hai người này vẫn chưa được kiểm chứng một cách độc lập.

Vancouver thường được xếp hạng cao trong bảng đánh giá các thành phố đáng sống nhất thế giới, nhưng mức giá nhà ở ngày càng trở nên đắt đỏ ở địa phương và tình trạng thiếu nhà cho thuê đang được coi là một cuộc “khủng hoảng”, theo đánh giá của thị trưởng thành phố.

‘Tiền lấy từ đâu ra’?

Chính trị gia địa phương, David Eby, người chỉ trích chính sách nhà đất của Vancouver nói với tờ báo địa phương Province rằng thật “vô cùng lạ là một sinh viên lại có thể có khả năng mua một bất động sản xa hoa trị giá nhiều triệu đô la”.

Người dùng mạng xã hội tại Trung Quốc cũng đặt câu hỏi làm thế nào mà một sinh viên lại có thể mua nổi một dinh thự rộng 1.356 mét vuông ở vị trí nhìn ra biển tuyệt đẹp như vậy.

“Giá nhà ở Greater Vancouver đã biến động mạnh trong những năm qua, trong lúc British Columbia là tỉnh có mức lương trung bình thấp nhất và giá cả thì cao nhất Canada,” người dùng Weibo lấy tên là The First One Who Leaves East for West (Người Đầu tiên bỏ Đông sang Tây), nói.

“Cho nên hầu hết người mua hẳn phải là người đến từ nước ngoài. Câu hỏi lúc này là tiền lấy từ đâu ra?”

Một số người đồn đoán rằng việc mua bán có thể là cách để giấu “tiền bẩn” ở bên ngoài Trung Quốc, giữa lúc nước này đang có hoạt động trấn áp tham nhũng. Không có bằng chứng nào cho thấy việc mua bán cũng như khoản tiền đằng sau là bất hợp pháp.

Nhiều công dân mạng chỉ ra rằng trong lúc khối bất động sản này có thể là một trong những tòa nhà đắt giá nhất thành phố, nhưng tính theo mét vuông thì vẫn rẻ hơn nhiều nhà sang trọng tại Thượng Hải hoặc Bắc Kinh, nơi đang có bong bóng mà nhiều người e là sắp vỡ, khiến việc mua nó là hoạt động đầu tư hợp lý chứ không chỉ là khoản giá trên trời như người ta nghĩ.

Các nhà quan sát khác cũng chỉ ra rằng việc đồng nhân dân tệ mất giá so với đồng đôla Canada và tăng trưởng đang bị chững lại của nền kinh tế Trung Quốc khiến cho cú đầu tư mua nhà như thế là cách giữ tiền tốt hơn.

Giá bất động sản tại Vancouver trong những năm gần đây tăng vọt, mà người ta cho là một phần do dòng tiền ồ ạt đô vào từ nước ngoài, thường là từ Trung Quốc, nhât là ở khu vực phía tây thành phố.

Thanh Phương

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160516_china_student_purchase_vancouver_mansion

 

Hồng Vệ Binh TQ nhớ về Cách mạng Văn hóa

Khi cuộc Cách mạng Văn hóa diễn ra ngày 16 tháng Năm năm 1966, Ngải Hoa 16 tuổi. Bà tham gia Hồng Vệ Binh và là một trong nhiều thanh niên đã tới thăm quê hương của Mao Trạch Đông. Năm mươi năm sau khi cuộc cách mạng do lãnh tụ Cộng sản khởi đầu để diệt trừ những đối thủ của mình, Ngải Hoa nay sống tại London kể lại cuộc Cách mạng Văn hóa đã ảnh hưởng tới cuộc đời bà như thế nào.

Tôi là Ngải Hoa. Tôi đang học năm đầu trung học khi cuộc Cách mạng Văn hóa bắt đầu. Chúng tôi đang tập quân sự khi bất ngờ bị gọi trở lại trường. Chúng tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Bão tố tràn qua

Các lớp học bị đình chỉ và cô/thầy hiệu trưởng bị xếp vào diện Băng đảng Đen (một từ được dùng với những người bị coi là muốn đi theo con đường tư bản). Chúng tôi được nói là một số người chống lại Chủ tịch Mao, vì thế chúng tôi cần phải tham gia Hồng Vệ Binh để bảo vệ mao.

Chỉ có học sinh ở những gia đình tốt mới có thể tham gia Hồng Vệ Binh, những người từ gia đình xấu không được phép. Vì tôi được xem là xuất thân từ gia đình tôi nên tôi tham gia Hồng Vệ Binh.

Tôi nhớ một người bạn học có lần dẫn tôi và một cô bạn khác vào một “phòng tra tấn” để “giáo dục chúng tôi” vì chúng tôi chưa đủ cấp tiến.

Tôi đã rất kinh hoàng trước những gì mình nhìn thấy. Trong phòng là một phụ nữ cao tuổi, được nói là vợ của một địa chủ. Tóc bà bị cạo trọc một bên và mặt bà sưng vù. Bà bị buộc phải uống nước từ xô nước ở bên cạnh mà người ta để mấy dụng cụ để đánh người ở trong đó.

Tôi tự nhủ thật giống như một cảnh trong phim cách mạng (trong đó những người cộng sản bị tra tấn), nhưng tôi đã không dám nói gì.

Một vài ngày sau bà cụ chết. Bà nhảy lầu tự tử khi không ai để ý. Xác của bà được phủ bằng những tấm áp phích in chữ to và bị vứt lên một chiếc xe kéo. Người ta đưa xác bà tới nghĩa trang để hỏa táng.

Tôi cũng nhớ thầy giáo dạy tiếng Trung của chúng tôi khi đó trên 60 tuổi. Ông rất giỏi và thích làm thơ. Sau khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu, sinh viên tố cáo ông tội thành lập hội thơ phản cách mạng: ông đã tự tử bằng cách treo cổ lên khung cửa một lớp học. Cho tới ngày nay chúng tôi vẫn nói về ông.

Một trong những chú bác của tôi là một người nuôi ong; ông đã là đối tượng bị tấn công dữ dội vì tội muốn làm giàu; họ đã buộc vào cổ ông một chiếc cối đá lỗ trong các cuộc diễu hành đấu tố. Cuối cùng ông đã tự tự.

Năm đó tôi mới 16 tuổi. Tôi nghĩ đánh người là không đúng nhưng thế giới điên loạn cả và bạn không được phép có suy nghĩ riêng của mình.

Khi mà ngày càng nhiều những người ở vị trí cao cấp bị thanh trừng, tôi bắt đầu thấy ngờ vực. “Tại sao lại nhiều cán bộ xấu như vậy?” tôi tự hỏi.

Sau đó cha tôi bị buộc tội là phản bội và ông bị thẩm vấn.

Làm việc ở nông trường

Tới năm 1968, chính phủ bắt đầu đưa thanh niên về nông thông vì không còn có các lớp học đều đặn ở trường và cũng không có công ăn việc làm ở thành phố. Năm 1969, tôi tới một nông trang của quân đội.

Cuộc sống ở đây rất khó khăn. Thời tiết lạnh cóng và chúng tôi thường không có đủ ăn. Chúng tôi phải tập thể dục, làm việc trên nông trang và tập bắn súng trường. Một năm sau tôi gia nhập quân đội.

Tôi nhớ đã tới thăm chú/bác tôi trước khi tôi về nông trường. Chúng tôi phải làm những thủ tục nhất định. Mỗi buổi sáng trước khi bữa sáng cô, chú, người em họ và tôi phải đứng trước một tấm ảnh chân dung Chủ tịch Mao kính chúc ông sống lâu và tay giơ cao cuốn Mao Tuyển.

Nếu em họ tôi làm gì sai thì cô tôi bảo cậu ta phải đi báo cáo với Chủ tịch Mao và xin nhận lỗi. Sau này tôi nhận ra rằng vì bà xuất thân từ một gia đình tư sản bà phải cận thận hơn rất nhiều.

Cách mạng Văn hóa kéo dài 10 năm và chúng tôi đã chứng kiến những điều thật khủng khiếp mà đáng lẽ những thanh niên ở tuối chúng tôi không phải chứng kiến, trong đó có việc một trong những người bạn học của tôi đã tự vẫn rồi bố mẹ của bạn cùng lớp tự vẫn và nhiều cái chết khủng khiếp khác.

Tôi đã thấy những điều mà sự điên rồ của tuổi thanh niên đã làm vì thế tôi không còn quan tâm thích thú gì với bất cứ phong trào quần chúng nào sau những gì mình đã chứng kiến. Tôi từ chối không tôn sùng bất cứ ai.

Tôi cũng nhận ra rằng chúng ta phải tự suy nghĩ cho chính mình, không thể chỉ tin vào những gì người khác bảo mình. Chúng ta phải suy nghĩ độc lập.

Tôi đã có những trải nghiệm nghiệt ngã nhưng tôi trở thành một con người chăm chỉ lao động và lạc quan.

Thanh Phương

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160516_china_red_guard_cultural_revolution

 

Tổng thống Philippines muốn khôi phục án tử hình

Tổng thống vừa đắc cử của Philippines, ông Rodrigo Duterte nói ông dự định sẽ khôi phục án tử hình, trong lần bình luận đầu tiên với phóng viên từ hôm bầu cử cuối tuần trước.

Ông cho biết thêm ông dự định sẽ trao quyền bắn – giết cho lực lượng an ninh với những nghi phạm trốn chạy trong các cuộc bắt giữ và những nghi phạm liên quan đến tội phạm có tổ chức.

Hiện vẫn chưa rõ liệu ông có thể thông qua và ban hành các luật định này không, nhưng nhiều phân tích cho thấy ông đã thành công trong lập trường cứng rắn chống tội phạm.

Ông sẽ tuyên thệ nhậm chức ngày 30/6 cho nhiệm kỳ sáu năm.

Mặc dù kết quả bầu cử chính thức vẫn chưa được công bố, ông Duterte có kết quả dẫn đầu không thể tranh cãi. Ông cần sự ủng hộ của Quốc hội thông qua kế hoạch của mình.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại thành phố miền nam Davao hôm Chủ Nhật 15/5, ông Duterte được trích dẫn nói ông muốn dần có quan hệ thân cận hơn với Trung Quốc, và ông cởi mở để đối thoại trực tiếp về xung đột khu vực ở Biển Đông.

Philippines đã đưa một trong số những tranh chấp trong khu vực này ra tòa trọng tài Hague.

Thành tích gây tranh cãi

Thành tích của ông Duterte trong việc trấn áp tội phạm khi làm thị trưởng thành phố Davao khiến người ta gọi ông với biệt danh “Người trừng phạt”. Thành phố này một thời từng khét tiếng với tình trạng vô pháp.

“Những gì tôi sẽ làm là thúc giục Quốc hội thông qua án tử hình treo cổ”, ông Duterte nói với phóng viên.

Philippines bỏ án tử hình vào năm 2006.

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160516_philippines_death_penalty

 

Daech mất dần quyền kiểm soát, chuyển sang thế bị động

Ngày 15/6/2016, một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ tại Jordani cho biết các chiến binh của Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech đã chuyển sang thế bị động và diện tích lãnh thổ mà tổ chức này kiểm soát đang giảm dần.

Đặc phái viên chống Daech của tổng thống Barack Obama, ông Brett McGurk, cho biết như trên trong một cuộc họp báo. Tổ chức Daech đang kiểm soát thành phố Mossul ở phía Bắc Irak, và thành phố Raqqah ở phía Đông Syria, nhưng không có ưu thế tuyệt đối trên thực địa sau khi bị mất quyền kiểm soát thành phố Ramadi ở Irak.

Liên quân quốc tế chống Daech đang nỗ lực chiếm lại Mossul và Raqqah bằng các cuộc không kích chớp nhoáng và chính xác, được tiến hành hầu như mỗi ngày. Một minh chứng là gần đây liên quân đã xác định được và tấn công một địa điểm cất giấu tiền mặt của Daech ở Mosul, gây thiệt hại cho Daech hàng trăm triệu đô la. Hậu quả là Daech bị khủng hoảng nguồn tài chính, giảm một nửa lương trả cho các chiến binh.

Tâm lý hoang mang của các thành viên Daech đã khiến tổ chức này thực hiện các cuộc hành quyết nơi công cộng, rồi đưa lên mạng Internet.Thứ Bảy vừa qua, lực lượng Daech ở Allepo đã đưa lên Internet một video tuyên truyền cho thấy hai thiếu niên người Pháp hành quyết hai con tin bằng súng.

Hôm nay, 16/05/2016, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và liên quân do Mỹ chỉ huy đã tấn công các mục tiêu của Daech ở phía Bắc thành phố Aleppo, làm thiệt mạng 27 chiến binh.

Khánh Bình

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160516-daech-mat-dan-quyen-kiem-soat-chuyen-sang-the-bi-dong

 

Eurovision 2016 : Nga tức giận trước chiến thắng “chính trị” của Ukraina

Bài hát “1944” của thí sinh Ukraina Jamala tại Eurovision 2016 đã khiến Matxcơva phẫn nộ.DR

Nữ ca sĩ người Ukraina Jalama đã giành chiến thắng trong cuộc thi âm nhạc Eurovision 2016 với bài hát “1944” nhắc lại sự kiện người Tatar bị chính quyền Staline lưu đày khỏi bán đảo Crimée. Ngay sau khi nữ ca sĩ Ukraina được vinh danh, Matxcơva đã tức giận phản đối và cho rằng đây là chiến thắng mang đầy mầu sắc “chính trị” trong khi thí sinh của Nga được đánh giá có nhiều khả năng giành giải nhất.

Trên mang Twitter, chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại của Hạ Viện Nga, Alexei Pouchkov, viết : « Eurovision đã bị biến thành cuộc chiến chính trị ».

Chủ đề địa-chính trị thường xuyên hâm nóng cuộc thi Eurovision hàng năm và đặc biệt giữa Nga và Ukraina. Mối quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên căng thẳng, trong khi đó, tại cuộc thi năm 2016, cả thí sinh Nga và Ukraina đều được đánh giá là những ứng viên nặng kí.

Chính vì vậy, theo AFP, không có gì ngạc nhiên khi Matxcơva tức giận khi thấy thí sinh Nga Serguei Lazarev, thường xuyên đứng đầu bảng bình chọn của khán giả truyền hình và các nhà cá cược, lại bị đối thủ Ukraina vượt qua và cuối cùng Nga bị xếp ở hạng thứ 3.

Thượng nghị sĩ Nga Frantz Klintsevitch phát biểu với các hãng thông tấn : « Không phải nữ ca sĩ Ukraina Jamala và bài hát 1944 của cô giành chiến thắng tại Eurovision 2016, mà là chính trị đã giành thắng lợi ở bộ môn nghệ thuật này ». Ông cũng kêu gọi Nga tẩy chay cuộc thi Eurovision 2017 sẽ được tổ chức tại Ukraina. Đúng theo truyền thống, nước giành giải nhất vào năm trước sẽ được đăng cai tổ chức cuộc thi năm sau.

Ngay tối Chủ nhật 15/05, truyền hình nhà nước Nga cũng lên tiếng phản đối và cho rằng đây là kết quả « bị chính trị hóa một cách công khai ». Đài truyền hình Nga căn cứ vào việc thí sinh Serguei Lazarev đứng đầu các cuộc bình chọn của khán giả truyền hình, trong đó có cả khán giả Ukraina, thế nhưng kết quả trên lại bị đảo ngược vì phiếu của ban giám khảo.

Tờ báo Nga nổi tiếng Komsomolskaïa Pravda đăng một bài viết trên website của mình với hàng tựa lớn : « Ban giám khảo phương Tây đã đánh cắp chiến thắng của Lazarev như thế nào ? »

Trong khi đó, Jamala được hàng trăm người chào đón nồng nhiệt tại sân bay Kiev với băng rôn « Crimée là của Ukraina ! ». Nữ ca sĩ 32 tuổi không cầm được nước mắt và xúc động nói rằng kết quả của cuộc thì cho thấy câu chuyện của cô, lịch sử của người Tatar ở Crimée, lịch sử của Ukraina và hơn cả là nỗi đau, đã được lắng nghe.

Luôn phủ nhận mọi chủ đề « yêu nước » trong bài hát của mình, Jamala cho rằng cuộc thi âm nhạc Eurovision « luôn mang chút sắc thái chính trị, vì có rất nhiều nước trình diễn trên cùng một sân khấu. Dù sao, khi bạn đại diện cho một mầu cờ, điều đó đã mang tính chính trị rồi ».

Thu Hằng

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160516-eurovision-2016-nga-tuc-gian-truoc-chien-thang-chinh-tri-cua-ukraina

 

Tân tổng thống Philippines muốn quan hệ thân thiện với Trung Quốc

Ngày 15/5/2016, tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông muốn có quan hệ thân thiện với Trung Quốc và khẳng định sẵn sàng đối thoại trực tiếp về các tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.

Tuyên bố với báo chí, ông Duterte cũng cho biết ngày 16/05 gặp đại sứ Trung Quốc, đại sứ Nhật Bản và một đại sứ khác ở quê nhà Davao. Tuy nhiên, ông Duterte cho biết đại sứ Mỹ không có trong cuộc gặp lần này.

Tân tổng thống Philippines cho biết sẽ tiếp tục đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra giải quyết theo hướng đàm phán đa phương, nhưng nếu các thương lượng thất bại, ông sẽ chuyển sang đàm phán song phương. Trong nhiệm kỳ sáu năm của cựu tổng thống Aquino, quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã xấu đi một cách nhanh chóng, do các tranh chấp ở Biển Đông.

Trung Quốc đòi chủ quyền hầu hết Biển Đông, ngay cả phần giáp với bờ biển của Philippines, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác. Năm 2012, Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough, một khu vực giàu tài nguyên thủy sản nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Chính quyền Aquino ngay sau đó đã ký một hiệp ước quân sự mới với Hoa Kỳ và kiện Trung Quốc ra Tòa Án Trọng Tài Thường trực. Thêm vào đó, ông Aquino muốn đa phương hóa các tranh chấp vì sợ Philippines bị nguồn lực và sức mạnh của Trung Quốc lấn át.

Trung Quốc đã phản ứng giận dữ với những chiến thuật của ông Aquino, yêu cầu đàm phán song phương với Philippines, nhưng tuyên bố rằng sẽ không không từ bỏ một phần lãnh thổ nào.

Khánh Bình

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160516-tan-tong-thong-philippines-muon-quan-he-than-thien-voi-trung-quoc

 

Nga Pháp Mỹ làm trung gian hoà giải cho vùng Thượng Karabakh

Ngày 16/05/2016, tại Vienna, Ngoại trưởng Mỹ, Nga và quốc vụ khanh Pháp đặc trách châu Âu tìm cách thuyết phục tổng thống hai nước Armenia và Azerbaidjan củng cố lệnh ngưng bắn ở vùng Thượng Karabakh, nằm giữa biên giới hai nước, sau các trận đánh đẩm máu hồi tháng 4.

Theo AFP, tổng thống Armenia, Serge Sarkissian và đồng nhiệm Azerbaijan, Ilham Aliev, và các nhà lãnh đạo ngoại giao Mỹ Jonh Kerry, Nga Serguei Lavrov và quốc vụ khanh Harlem Désir của Pháp đang có mặt tại thủ đô nước Áo.

Tổ chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE, đề xuất sáng kiến này kêu gọi các bên trong cuộc họp hôm nay 16/05 khẩn cấp « làm giảm căng thẳng dọc theo giới tuyến ».

Cuộc chiến giữa hai nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ đã làm 30.000 người thiệt mạng. Sau lệnh ngưng bắn ký kết vào năm 1994, chiến sự bùng nổ trở lại vào tháng tư vừa qua, làm 110 binh sĩ và thường dân đôi bên tử thương.

Theo AFP, mục tiêu trước mắt là làm giảm căng thẳng ở vùng giới tuyến tại khu vực có đa số là dân Armenia, nhưng cộng đồng quốc tế xem là lãnh thổ của Azerbaidjan.

Armenia được Nga ủng hộ trong khi Azerbaidjan có Thổ Nhĩ Kỳ sau lưng.

Tú Anh

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160516-nga-phap-my-lam-trung-gian-hoa-giai-xung-khac-vung-thuong-karabakh

 

Liên Hoan Cannes : “Nỗi đau của Đá”, hành trình tìm tình yêu hoàn hảo

Được trình chiếu ngày 15/05/2016 trong khuôn khổ các phim tranh giải tại Liên Hoan Cannes 2016, bộ phim Nỗi đau của đá thể hiện được tài năng của nữ đạo diễn người Pháp Nicole Garcia và cách diễn xuất hoàn hảo, hết mình của diễn viên Marion Cotillard trong vai cô thôn nữ Gabrielle.

Marion Cotillard luôn muốn thử nghiệm những tâm trạng chưa từng được trải nghiệm, có lẽ vì thế, nữ diễn viên hóa thân tài tình trong bộ phim Nỗi đau của Đá với vai diễn Gabrielle, một cô thôn nữ mong manh, nhưng đầy đam mê, sống tại vùng Provence trong những năm 1950.

Grabrielle như bị giam lỏng trong vùng nông thôn nhỏ bé và buồn tẻ, nơi mẹ cô làm chủ một trang trại. Người ta không đếm xỉa đến những đam mê, những khát vọng của cô. Gabrielle luôn buồn bực, tức giận một cách vô cớ. Trong người cô, từ tâm hồn đến thể xác, luôn có một nỗi đau vô hình ngự trị. Cô khao khát nhục dục. Và người ta tưởng cô điên!

Để thoát khỏi đứa con không bình thường, mẹ cô gả chồng cho cô, đúng hơn là bán cô cho José, một công nhân thời vụ người Catalan. Gabrielle chấp nhận lấy người làm công, với một điều kiện không ngủ với chồng. Và người chồng tương lai đừng bao giờ yêu cô. Điều mà ông chấp nhận !

Để chữa căn bệnh kì lạ đang gặm nhấm trong Gabrielle (Nỗi đau của Đá), người ta gửi cô tới một nhà điều dưỡng. Tại đây, cô thôn nữ gặp André Sauvage, một thanh niên trẻ, một cựu chiến binh bị thương tưởng đã bỏ mạng tại Đông Dương. Sự xuất hiện của Gabrielle đã mang chàng thanh niên quay về với cuộc sống…

Trở về nhà sau đợt điều trị, với cái thai trong bụng, Gabrielle không hiểu tại sao những bức thư tình đầy đam mê cuồng nhiệt của cô không có hồi âm. Bí mật mà mãi sau này cô mới phát hiện ra…

Được chuyển thể từ tiểu thuyết của Milena Agus (2006), Nỗi đau của Đá được đánh giá là một bi kịch phiêu lưu theo đúng phong cách của đạo diễn Nicole Garcia, nhưng được thể hiện xuất sắc hơn, thanh lịch hơn và xúc động hơn bộ phim Un weekend sur deux (tạm dịch: Một cuối tuần trên hai, 1990) cũng của đạo diễn Nicole Garcia, theo nhận xét của tờTelerama.

Thu Hằng

Nguồn : http://vi.rfi.fr/phap/20160516-lien-hoan-cannes-noi-dau-cua-da-hanh-trinh-di-tim-tinh-yeu-hoan-hao

 

Malaysia cấm nhà hoạt động đi lãnh giải thưởng nhân quyền

Cũng như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nhà tranh đấu Malaysia, bà Maria Chin Abdullah được tổ chức nhân quyền và dân chủ Hàn Quốc « May 18 Memorial Foundation » chọn trao giải thưởng Gwangju năm 2016. Tuy nhiên, cả hai đều không thể sang Seoul lãnh giải. Kuala Lumpur bị lên án chà đạp nhân quyền.

Theo AFP, bà Maria Chin Abdullah, lãnh đạo Liên Minh vì Bầu Cử Trong Sạch và Công Bằng, cho biết vào tối Chủ nhật 15/05 bị chính quyền của thủ tướng Najib Razak chận lại, không cho đi Hàn Quốc thay mặt hiệp hội để lãnh giải thưởng nhân quyền. Điều bất thường là chính quyền Malaysia không giải thích lý do tại sao không cho đi.

Bà Maria Chin Abdullah gọi đây là một hành động « tuyệt vọng » của một chính phủ muốn bám quyền bằng mọi giá. Giới phân tích nghi ngờ thủ tướng Najib Razak trả thù nhà hoạt động dân chủ vì Liên Minh vì Bầu Cử Trong Sạch và Công Bằng là một trong những tổ chức hàng đầu gây áp lực kêu gọi thủ tướng Malaysia phải từ chức và để tư pháp làm sáng tỏ vụ 4 tỷ đôla trong ngân hàng đầu tư 1MDB « bị thất thoát ».

Theo AFP, sự kiện nhà hoạt động bị cấm xuất ngoại gây phản ứng mạnh trên các mạng xã hội. Nữ dân biểu lãnh đạo đối lập Wan Azizah Wan Ismail kêu gọi biểu tình chống thái độ mà bà gọi là « đáng khinh bỉ » của chính phủ.

Tổ chức nhân quyền Hoa Kỳ Human Rights Watch thẩm định « đây là một hành động trả thù mang tính chính trị » và kêu gọi Malaysia nhanh chóng hành động phù hợp với luật pháp quốc tế.

Giải thưởng « Nhân quyền và Dân chủ Gwangju » của Hàn Quốc mang tên thành phố Gwangju, nơi mà phong trào dân chủ nổi dậy vào tháng 5 năm 1980. Tuy bị đàn áp đẫm máu, nhưng phong trào này là khởi điểm của tiến trình dân chủ hóa Hàn Quốc bốn năm sau đó. Cuối cùng, nhà lãnh đạo Kim Dae Jung, sau nhiều năm tù giam, đắc cử tổng thống thứ 8 của Hàn Quốc vào năm 1998.

Trong số các nhân vật được trao tặng giải thưởng cao quý danh cho những người có công « đóng góp, thúc đẩy nhân quyền, dân chủ và hòa bình » có bà Aung San Suu Kyi năm 2004, và năm 2016 là bác sĩ Nguyễn Đan Quế và bà Maria Chin Abdullah.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, 20 năm tù trong chế độ cộng sản Việt Nam, sáng lập Cao Trào Dân Chủ, đồng chủ tịch Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam. Ông hiện sống tại Sài Gòn, cửa nhà luôn bị canh giữ.

Tú Anh

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160516-malaysia-bi-to-cam-nha-hoat-dong-di-lanh-giai-thuong-nhan-quyen

 

Biển Đông : Trung Quốc khoe hậu thuẫn của các nước Ả Rập

Theo các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc, lập trường của Bắc Kinh về Biển Đông ngày càng có thêm hậu thuẫn. Gần đây nhất là tuyên bố ủng hộ của nhiều nước Ả Rập, cũng như của đảng bảo hoàng Funcinpec tại Cam Bốt.

Theo Tân Hoa Xã, trong bản thông cáo được công bố tại hội nghị ngoại trưởng của Diễn Đàn Hợp tác Trung Quốc – Ả Rập, tổ chức tại Doha (Qatar), các quốc gia Ả Rập tham dự diễn đàn đã cho biết rằng họ hậu thuẩn nỗ lực của Trung Quốc để giải quyết các bất đồng về lãnh thổ và hàng hải thông qua đối thoại hữu nghị và thương thuyết.

Các quốc gia này cũng nhấn mạnh trên việc tôn trọng quyền tối thượng của các nước có chủ quyền, cũng như của các thành viên Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, là được chọn phương thức giải quyết tranh chấp.

Bản tin của đài truyền hình Trung Quốc CCTV còn nói rõ thêm là các nước Ả Rập cũng tuyên bố ủng hộ chính sách « đàm phán trực tiếp để giải quyết tranh chấp Biển Đông ». Vấn đề là không thấy các nguồn tin trên kể rõ tên các nước đã ủng hộ Trung Quốc.

Dẫu sao thì Bắc Kinh đã loan báo hậu thuẫn của một số nước Ả Rập trong bối Trung Quốc đang rốt ráo tìm kiếm sự ủng hộ của càng nhiều nước càng tốt nhằm vô hiệu hóa tác động của phán quyết sắp tới đây của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về Biển Đông, được dự đoán là sẽ bất lợi cho Bắc Kinh.

Cũng trong khuôn khổ tìm kiếm sự ủng hộ đó, Bắc Kinh đã được đảng bảo hoàng Cam Bốt Funcinpec của hoàng thân Ranariddh hậu thuẫn. Cũng Tân Hoa Xã loan tin cho biết là đảng này « ủng hộ quyết định của Trung Quốc bác bỏ thủ tục trọng tài (quốc tế) trên vấn đề Biển Đông, do Philippines đơn phương khởi xướng ». Đảng Funcinpec cũng thúc giục hai bên giải quyết tranh chấp qua đàm phán song phương ».

Trọng Nghĩa

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160516-bien-dong-trung-quoc-khoe-hau-thuan-cua-cac-nuoc-a-rap

 

Hồng Kông “dán keo” đường phố đón một lãnh đạo Hoa lục

Trong tuần này, chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc Trương Đức Giang đọc diễn văn tại một quảng trường ở Hồng Kông. Chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp an ninh, dựng rào cản chung quanh và “đổ keo” trên đường phố lát đá.

AFP hngày 16/05/2016 cho biết nhân vật lãnh đạo số ba của Hoa lục đến Hồng Kông trong tuần này trong bối cảnh Bắc Kinh mỗi ngày mỗi kềm chế các quyền tự do của người dân địa phương, gây phẫn nộ trong công luận theo dân chủ.

An ninh đã được tăng cường sau khi báo chí Trung Quốc loan tin bắt được một thanh niên bị xem là có quan hệ với phe dân chủ, mua máy bay điều khiển bằng hệ thống vô tuyến, để phá hoại chuyến viếng thăm của chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc.

Ngoài hàng rào được dựng lên chung quanh quảng trường tiếp thượng khách Hoa lục, chính quyền Hồng Kông còn cho đổ keo trên mặt đường và trên lề đường. Họ giải thích là để « ngăn ngừa phá hoại ». Tuy nhiên, theo AFP, mục đích thật sự có lẽ là để phòng người dân nổi giận lấy đá ném vào chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc.

Trong những lần xung đột với cảnh sát gần đây nhất, tức là vào tháng 04/2016, người biểu tình chống Trung Quốc đã cạy đá ném vào lực lượng an ninh.

Tú Anh

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160516-hong-kong-dan-keo-duong-pho-don-mot-lanh-dao-hoa-luc

 

Bầu cử Mỹ : Donald Trump không chịu công khai thu nhập

Tại Hoa Kỳ, người kể như là ứng viên tổng thống duy nhất của đảng Cộng Hòa Mỹ, ông Donald Trump vừa từ chối công bố bản khai thu nhập của mình. Ngày 13/05/2016, viện cớ mình đang bị kiểm tra thuế, nhà tỷ phú này cho biết là trước mắt ông không tiết lộ bản khai thu nhập của mình.

Theo thông tín viên RFI, Anne Marie Capomaccio, tại Washington, các đối thủ của ông Trump trong đảng Dân Chủ đã tố cáo một hành vi gian lận, trong lúc phe ủng hộ ông cho rằng việc đó không ảnh hưởng gì đến uy tín của ông.

« Không có điều luật nào buộc một ứng viên tổng thống phải công bố bàn khai thu nhập, nhưng đây là truyền thống từ hàng thập niên tại Hoa Kỳ. Khi muốn tranh chức đại biểu dân cử, người ta phải công khai hóa tài liệu cho phép hình dung được tài sản của ứng viên, thông qua tỷ lệ đóng thuế.

Với cách nói thẳng thông thường của ông, Donald Trump đã trả lời một nhà báo đài ABC hỏi chi tiết về thu nhập của ông như sau : « Điều đó không liên quan gì đến ông, ông sẽ thấy rõ khi tôi công bố tài liệu. Tôi đang cố hết sức để đóng ít thuế nhất ». Ông Trump tỏ vẻ rất bực mình và tự cho rằng ông là nạn nhân của một bộ máy hành chính, truy bức ông với lần kiểm tra thuế không biết là thứ mấy.

Phía đảng Dân Chủ thì cho là bản khai này sẽ chứng minh tính chất không lương thiện của ứng viên đảng Cộng Hòa. Ngược lại êkíp vận động tranh cử của nhà tỷ phú thì khẳng định rằng những người bỏ phiếu cho ông Trump không quan tâm đến bản khai tài sản của ông.

Nếu nhìn lại sáu tháng vận động tranh cử của ông Donald Trump, với thái độ thái quá ngày làm tăng sức thu hút của ông, và những tràng pháo tay vang dội khi ông hô to « Tôi rất giàu có », thì có lẽ êkíp của ông Trump nói đúng. »

Tú Anh

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160516-bau-cu-my-donald-trump-khong-chiu-cong-bo-ban-khai-thu-nhap

 

Liên Hoan Cannes : Còn quá khép kín với phải đẹp

Vắng những bóng hồng trên thảm đỏ, Liên Hoan Phim Cannes không thể trở thành tủ kính của các hiệu kim hoàn hạng sang hay các nhà thiết kế thời trang cao cấp năm châu. Vậy mà Festival Điện Ảnh Cannes lại bất công với phái đẹp hơn ai hết. Sau 68 mùa liên hoan, Jane Campion là nữ đạo diễn duy nhất tới nay đoạt Cành Cọ Vàng, nhờ The Piano, năm 1993.

1 Cành Cọ Vàng và 2 Giải Thưởng Lớn

Thậm chí trong mùa Liên hoan 2012, không một nữ đạo diễn nào có tên trong danh sách 21 bộ phim được chọn ở hạng mục chính thức để tranh Cành Cọ Vàng.

Kể từ khi được thành lập năm 1967, phải đợi mất 40 năm, Giải Thưởng Lớn – Grand Prix của ban giám khảo Cannes mới được trao tặng cho nữ đạo diễn Nhật Naomi Kawase, năm 2007 với Khu rừng của Mogari (Mogari no mori). Phải đợi thêm 7 năm nữa, đến 2014, nhà làm phim người Ý Alice Rohrwacher mới được vinh danh nhờ bộ phim về chương trình truyền hình thực tế Le Meraviglie, làm thay đổi khung cảnh và nhịp sống của cả một Ngôi làng kỳ diệu.

Đành rằng, kể từ năm 1895 sau phát minh của anh em nhà Lumière, điện ảnh ra đời, thế giới làm phim vẫn là vương quốc do các đấng mày râu ngự trị. Nhưng khó có thể tin rằng, từ khi phái đẹp nhập cuộc, thì chỉ có ít người làm được phim hay !

Hiếm khi phụ nữ được mời làm chủ tịch ban giám khảo

Nữ giới bị gạt ra ngoài bảng vàng phải chăng do chức chủ tịch ban giám khảo cũng là độc quyền của đấng mày râu? Trong 69 mùa Festival, mới chỉ có 11 lần phái đẹp được mời làm chủ tịch ban giám khảo. Trong đó, nữ diễn viên Pháp Jeanne Moreau là một ngoại lệ, vì bà đã hai lần được vinh dự này.

Thế nhưng, cũng cần nói là trong số 10 nữ chủ tịch ban giám khảo Liên Hoan Phim Quốc Tế Cannes, thì chỉ có hai vị là nữ đạo diễn. Đó là trường hợp của nhà làm phim New Zealand, Jane Campion (2014) từng là tác giả của bộ phim The Piano, và đạo diễn kiêm viết kịch bản, diễn viên người Na Uy Liv Ullmann, năm 2001.

Xa hơn một chút, có nhà văn Pháp nổi tiếng Françoise Sagan, tác giả của Buồn ơi Chào Mi(Bonjour tristesse) năm 1979. Đừng quên rằng ngoài tài viết văn, Sagan còn là một nhà soạn kịch bản.

Bốn lần khác mà phái đẹp được vinh dự giữ chức chủ tịch liên hoan Cannes là năm 1965, với nữ diễn viên Olivia de Havilland, khuôn mặt hiền hậu của Melanie Hamilton, chị chồng của Scarlett O’Hara trong bộ phim Cuốn Theo Chiều Gió (Gone with the Wind). Năm sau đến lượt hoa hậu người Ý Sophia Loren giữ vai trò trọng yếu này. Kế tới là những ngôi sao điện ảnh của thế giới như Michèle Morgan, năm 1971 ; Ingrid Bergman, năm 1973 ; Jeanne Moreau, trong hai mùa liên hoan 1975 và 1995 ; và cô đào Isabelle Huppert năm 2009.

96% phim tranh giải là của phái nam

Sẽ bất công nếu đổ lỗi cho các vị chủ tịch ban giám khảo đã ưu đãi nam giới. Trong số 1.688 bộ phim được chọn để tranh Cành Cọ Vàng, chỉ có vỏn vẹn 4% là những tác phẩm của các nhà làm phim thuộc phái đẹp. Vậy phải chăng bất bình đẳng nam nữ đó, là do sơ sót của ban tổ chức ?

Từ năm 1946 tới nay đã 27 mùa Festival, không hề có một nữ đạo diễn nào được mời tham gia ở Hạng Mục Chính Thức (Sélection Officielle). Phải đợi đến tận đầu thế kỷ XXI, từ năm 2000 trở đi, tài năng của phụ nữ trên bầu trời điện ảnh mới được nhìn nhận một cách « xứng đáng hơn » .

Dù vậy, trong 16 năm trở lại đây, đã ba lần (2005, 2010 và 2012) Hạng Mục Chính Thức khép kín cửa với các nhà làm phim nữ. Để an ủi các bậc hồng quần hy sinh nhiều cho nghệ thuật thứ 7, có thể nói là một vài tên tuổi đã thành danh trong làng điện ảnh như Naomi Kawase đã bốn lần được chọn để tranh Cành Cọ Vàng : ba lần với bà Jane Campion hay đạo diễn Pháp Nicole Garcia.

Những tên tuổi làm nên thành công của Festival 2016 ?

Trong chương trình Sélection Officielle năm nay, có tất cả ba nữ đạo diễn được mời tham dự. Người thứ nhất là nhà làm phim Anh Andrea Arnold, từng hai lần đoạt Giải Thưởng của Ban Giám Khảo (Prix du Jury) vào năm 2006 và 2009 với Red Road và Fish Tank. Lần này Andrea trở lại thành phố biển với Mật ngọt Hoa Kỳ (American Honey).

Về phía đạo diễn Maren Ade, 39 tuổi, cô chuẩn bị cho ra mắt ban giám khảo do đạo diễn George Miller làm chủ tịch bộ phim Toni Erdmann. Maren Ade là một người từng có kinh nghiệm trong làng điện ảnh Đức. Năm 2009 cô từng đoạt Gấu Bạc của Liên Hoan Phim Quốc Tế Berlin với Kẻ nào khác (Alle Anderen).

Nhưng người từng trải hơn cả trong số ba nữ đạo diễn cùng tranh Cành Cọ Vàng là Nicole Garcia, 70 tuổi. Ngoài sự nghiệp diễn viên trải dài trong 50 năm qua, bà đã chuyển qua đứng đằng sau ống kính từ năm 1986 và đã hoàn thành tất cả là chín tác phẩm. Năm nay, Nicole Garcia đến Cannes với Mal de pierres tạm dịch là Nỗi đau của Đá. Đó là câu chuyện của một thiếu nữ thoát ly gia đình, bỏ lại sau lưng cuộc sống trưởng giả để sống với một người lính trẻ, bị thương trong chiến tranh Algeria.

Thanh Hà

Nguồn : http://vi.rfi.fr/phap/20160516-lien-hoan-phim-cannes-cau-lac-bo-con-qua-khep-kin-voi-phai-dep

 

Mỹ, Hàn, Nhật tập trận chung nhằm đối phó Bắc Triều Tiên

Ngày 16/05/2016, một quan chức của Seoul cho biết, lần đầu tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ có cuộc tập trận chung chống tên lửa vào tháng tới. Hoạt động này nhằm bảo vệ Mỹ và đồng minh trước những mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Cuộc tập trận sẽ diễn ra ở vùng biển gần Hawaii vào ngày 28/06/2016, trước cuộc tập trận đa quốc gia RIMPAC do Hoa Kỳ chỉ huy.

Theo quan chức của Seoul, buổi huấn luyện sẽ bao gồm việc phát hiện và lần theo một tên lửa giả định của Bình Nhưỡng, nhưng không bao gồm việc đánh chặn. Hoa Kỳ sẽ dùng một máy bay như tên lửa giả định, rồi cả ba nước theo dõi tên lửa giả định này từ các tàu chiến của họ qua hệ thống chống tên lửa Aegis.

Sau khi Bắc Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa vào tháng 02/2016, đề xuất tập trận chung chống tên lửa đã được đưa ra trong cuộc gặp quân sự ba bên Mỹ-Hàn Quốc-Nhật Bản.

Vụ phóng tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng đã bị quốc tế lên án mạnh mẽ và Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã siết chặt lệnh cấm vận đối với Bình Nhưỡng.

Hiện nay, các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm Bắc Triều Tiên sử dụng các công nghệ tên lửa đạn đạo. Bình Nhưỡng khẳng định đã đạt nhiều tiến bộ trong việc phát triển tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, có thể bắn tới lục địa Mỹ.

Khánh Bình

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160516-my-han-nhat-tap-tran-chung-nham-doi-pho-bac-trieu-tien

 

Nghi án Olympic Tokyo 2020 : Thủ tướng Nhật hứa hợp tác với Pháp

Theo hãng thông tấn Nhật Jiji, thủ tướng Nhật Shinzo Abe vào ngày 16/05/2016 đã cam kết hợp tác hoàn toàn với ngành tư pháp của Pháp, đã điều tra từ tháng 12 năm 2015 về những khoản tiền không rõ ràng trong việc trao cho Tokyo quyền tổ chức Thế Vận Hội Mùa Hè 2020.

Theo hãng tin Jiji, thủ tướng Nhật đã nói rõ tại Quốc Hội : « Tôi đã ra lệnh cho bộ Giáo Dục và Thể Thao hợp tác hoàn toàn với các thẩm phán Pháp trong cuộc điều tra… Bộ trưởng Hiroshi Hase đã nói với Ủy Ban Thế Vận Nhật Bản và ủy ban trước đây phụ trách việc đăng cai hợp tác trong điều tra ».

Những khoản tiền mờ ám được chi ra đã gây nghi vấn về khả năng Tokyo giành được quyền đăng cai Thế Vận Hội Mùa Hè 2020 nhờ đút lót. Nghi án này đang là trọng tâm cuộc điều tra mở ra tại Paris cuối năm 2015 và được giao cho ba thẩm phán Pháp.

Các khoản tiền đáng nghi, tổng cộng lên đến 1,8 triệu euro, đã được chuyển về tập đoàn Black Tidings liên quan đến Papa Massata Diack, con của cựu lãnh đạo ngành điền kinh thế giới Lamine Diack.

Trong một thông cáo tuần qua, viện công tố Pháp cho biết là việc chuyển tiền này là được tiến hành hai lần, trong tháng 7 và tháng 10/2013, dưới đề mục « Tokyo 2020 Olympic Game Bid », từ một tài khoản mở tại một ngân hàng Nhật và chuyển đến tập đoàn Black Tidings ở Singapore.

Chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Nhật, Tsunekazu Takeda, đã khẳng định vào hôm thứ Sáu 13/05, là những khoản tiền đã được rót là để « trả thù lao chính đáng cho một công ty tham vấn ». Đặt trụ sở tại Singapore, Black Tidings có một trong những dịch vụ là cố vấn về marketing.

Về phía chính phủ Nhật, người phát ngôn Yoshihide Suga đã hứa là Nhật sẽ « kiểm tra » vụ việc. Một lãnh đạo Nhật ngành thể thao xin giấu tên còn cho AFP biết là lãnh đạo ở tòa đô chính Tokyo và của Ủy Ban Thế Vận Nhật trong thời gian đầu có thể bị thẩm vấn qua điện thoại.

Chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Nhật, Takeda, ngày 16/05 đã nói trước các dân biểu là ông không biết có mối quan hệ giữa tập đoàn Black Tidings và Papa Massata Diack. Ông Takeda nhấn mạnh là có hợp đồng với một công ty tham vấn là chuyện « khá phổ biến » và đây là điều quan trọng nếu muốn thành công, và những khoản thù lao nêu trên hoàn toàn chính đáng.

Riêng ông Papa Masseta Diack thì hoàn toàn phủ nhận việc nhận tiền để giúp Tokyo giành được quyền tổ chức Thế Vận Hội. Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Kyodo cuối tuần qua từ Dakar, nhân vật này khẳng định là «không có nhận tiền gì cả, ai muốn điều tra thì cứ điều tra, tôi không có gì để giấu cả».

Trọng Nghĩa

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160516-nghi-an-olympic-tokyo-2020-thu-tuong-nhat-hua-hop-tac-voi-phap

 

Trung Quốc đổ hàng tỷ đô la vào thị trường bất động sản Mỹ

Một nghiên cứu được công bố ngày 16/05/2016 cho biết, trong số những người nước ngoài, người Trung Quốc mua nhà ở Mỹ nhiều nhất năm 2015, nhằm tìm sự an toàn cho tài sản của họ.

Nghiên cứu của Asia Society và Rosen Consulting Group cho biết năm vừa qua, người Trung Quốc tăng nhanh việc mua bất động sản nhà ở và bất động sản thương mại ở Mỹ. Trong năm năm gần đây, tổng số tiền mua lên đến 110 tỷ đô la. Điều này đã góp phần vực dậy thị trường bất động sản của Mỹ, bắt đầu khủng hoảng vào năm 2006, dẫn đến khủng hoảng tài chính 2008.

Mặc dù Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ dòng vốn ra, nghiên cứu này dự báo trong vòng năm năm tới, con số này sẽ gấp đôi, lên đến 218 tỷ đô la.

Bất động sản nhà ở thu hút người Trung Quốc nhiều hơn là bất động sản thương mại, với 93 tỷ đô la so với 17 tỷ đô la. Người Trung Quốc mua nhà ở nước ngoài, nhất là Mỹ, là để đảm bảo tài sản, hoặc muốn có được visa cư trú dạng EB-5, hoặc là đầu tư với nguồn tiền chủ yếu của cá nhân

Giới giàu có Trung Quốc thích mua nhà ở những thành phố như New York, Los Angeles, San Francisco, Seattle, và gần đây là Chicago, Miami, Las Vegas. Giá nhà trung bình người Trung Quốc mua là 832 ngàn đô la, so với những nhóm người nước ngoài khác là 499,6 ngàn đô la.

Dữ liệu của nghiên cứu được lấy từ các nguồn công khai và thị trường bất động sản. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng con số thực còn lớn hơn nhiều, vì không thể xác định các giao dịch qua những công ty bình phong, cũng như các quỹ đầu tư không xác định được nguồn tiền đầu tư từ đâu.

Khánh Bình

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160516-trung-quoc-do-hang-ty-do-la-vao-thi-truong-bat-dong-san-my

 

Tình trạng khẩn cấp bắt đầu có hiệu lực tại Venezuela

Khủng hoảng Venezuela bước vào một giai đoạn mới với tình trạng khẩn cấp đi vào hiệu lực kể từ hôm nay 16/05/2016. Sự bất mãn của dân chúng và ttình trạng cạn kiệt nhu yếu phẩm đe dọa chế độ của tổng thống Nicolas Maduro. Theo một sĩ quan tình báo Mỹ được Washington Post trích dẫn thì một cuộc khủng hoảng đang đến gần.

Để đối phó với khủng hoảng kinh tế khiến vật giá leo thang đến 180% trong năm 2015, tổng thống Nicolas Maduro quyết định triển khai « tình trạng đặc biệt và khẩn cấp kinh tế », ban hành hồi tháng giêng, thêm 90 ngày, có hiệu lực kể từ hôm nay.

Tổng thống Venezuela không thông báo chi tiết, nhưng quân đội được lệnh tổ chức « thao diễn phối hợp với dân quân », ngày 21/05, đề phòng bất trắc mà ông cho là xuất phát từ « bên ngoài lẫn bên trong » Venezuela, ám chỉ Hoa Kỳ và đối lập.

Ngày thứ bảy, quân đội ra thông cáo « chống lại mọi chiến dịch phá hoại uy tín và khiêu khích từ nước ngoài ».Cùng lúc đó, tổng thống Maduro ra lệnh « tịch thu nhà máy, xí nghiệp » và bắt giam các doanh nghiệp mà ông cho là « tư sản phá hoại » gây tê liệt kinh tế quốc gia.

Tình hình kinh tế Venezuela tồi tệ từ thời tổng thống quá cố Hugo Chavez, đã tuột dốc một cách nghiêm trọng từ ba năm nay. Năm 2015, tổng sản luợng quốc gia bị sụt 5,7%. Năm 2016 dự kiến không tốt hơn nhưng cộng thêm lạm phát có thể lên đến 700%.

Đối lập cánh hữu huy động biểu tình và lấy chữ ký tổ chức trưng cầu dân ý cách chức tổng thống. Do tình trạng thiếu lương thực, nhiều vụ cướp siêu thị, hàng quán đã xẩy ra.

Tuy bị mất lòng dân, 7 trên 10 muốn ông từ chức, tổng thống Nicolas Maduro, xuất thân là tài xế xe buýt và thành viên công đoàn cương quyết nắm quyền cho đến hết nhiệm kỳ 6 năm, vào năm 2019.

Tú Anh

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160516-tinh-trang-khan-cap-bat-dau-co-hieu-luc-tai-venezuela