Tin khắp nơi – 16/04/2018
Cựu giám đốc FBI: Trump ‘không đủ đạo đức’
Cựu giám đốc FBI James Comey nói Donald Trump “không đủ tư cách đạo đức để làm tổng thống” và rằng ông Trump đối xử với phụ nữ như “miếng thịt”.
Ông Comey sắp ra hồi ký và đã có buổi phỏng vấn truyền hình lớn đầu tiên kể từ khi bị Tổng thống Trump sa thải hồi năm ngoái.
Ông nói với hãng tin ABC News rằng ông Trump nói dối liên tục và có thể đã cản trở công lý.
Trump: Sa thải ‘gã điên’ FBI ‘làm giảm áp lực’
Tổng thống Donald Trump cách chức giám đốc FBI
Quốc hội Mỹ yêu cầu FBI nộp hồ sơ vụ Comey-Trump
Mỹ: Cựu Phó Giám đốc FBI bị sa thải
Nhiều giờ trước khi buổi phỏng vấn được phát sóng, Tổng thống Trump đã công kích ông Comey vì “những lời dối trá”.
Ông Comey nói trên chương trình 20/20 của ABC hôm tối Chủ nhật: “Tôi không bán chuyện về việc ông ta thiếu tư cách đạo đức hoặc ở giai đoạn đầu của chứng mất trí.”
“Tôi không nghĩ ông ấy đủ sức khỏe để làm tổng thống. Tôi nghĩ ông ấy không đủ tư cách đạo đức để trở thành tổng thống.”
“Tổng thống của chúng ta phải thể hiện sự tôn trọng và tuân thủ các giá trị cốt lõi của đất nước này. Điều quan trọng nhất là trung thực. Tổng thống hiện giờ không thể làm điều đó,” ông Comey nói.
Sau khi cuộc phỏng vấn được phát sóng, Đảng Cộng hòa của ông Trump – thông qua Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa – đã đưa ra một tuyên bố rằng việc phổ biến cuốn sách của ông Comey tới công chúng đã cho thấy “lòng trung thành thực sự của ông là với chính bản thân mình”.
“Điều duy nhất tồi tệ hơn cả tiểu sử yếu kém của Comey là ông sẵn sàng nói bất cứ điều gì để bán được sách,” tuyên bố cho hay.
Mâu thuẫn
Đây là đỉnh điểm của mâu thuẫn kéo dài giữa hai người, và tiếp tục được đẩy lên cao trào với việc sắp xuất bản cuốn hồi ký của Comey ‘Sự trung thành cao hơn: Sự thật, dối trá và quyền lãnh đạo’.
Cựu giám đốc FBI đang quảng bá cho cuốn sách.
James Comey điều trần về Donald Trump
Donald Trump lên án James Comey
Donald Trump xác nhận bị điều tra
Trump sa thải ngoại trưởng, thay bằng giám đốc CIA
Tổng thống Trump nói rằng “cuốn sách được nhận xét là không hay” đã đặt ra “những câu hỏi lớn”. Ông cũng gợi ý rằng ông Comey cần phải bị bỏ tù, và trong những ngày gần đây đã bắt đầu ám chỉ ông ta là một “kẻ đáng khinh”.
Câu chuyện bắt đầu từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, khi ông Comey còn là giám đốc FBI, và cuộc điều tra ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton trong việc sử dụng email cá nhân trong thời gian còn là Ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Tháng 7/2016, ông Comey nói rằng bà Clinton “rất bất cẩn” trong việc sử dụng thư điện tử, nhưng FBI sẽ không buộc tội bà.
Tuy nhiên, đến tháng Mười, vài ngày trước cuộc bỏ phiếu, ông đã gửi thư tới Quốc hội nói rằng FBI đang mở lại cuộc điều tra sau khi FBI phát hiện thêm nhiều thư điện tử. Bức thư được công khai – và bà Clinton nói điều này đã giúp Donald Trump thắng cử.
Ngày 6/11, FBI cho biết họ đã hoàn thành việc xem xét lại các thư điện tử mới và sẽ không buộc tội bà.
Khi ông Trump trở thành tổng thống, ông Comey nói ông Trump muốn Comey phải thề trung thành với ông – đây là điều mà tổng thống Trump đã bác bỏ.
Tháng 3/2017, khi cáo buộc mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và Nga được FBI điều tra, có cáo buộc ông Trump đã gây áp lực lớn lên ông Comey phải tuyên bố công khai rằng tổng thống không bị điều tra cá nhân – điều mà sau đó giám đốc FBI nói đã từ chối làm theo.
Clinton: ‘Giám đốc FBI khiến tôi thất bại’
Hillary Clinton đã ‘vô cùng thất vọng’
Email của Hillary Clinton – Sự thật là gì?
Cuộc điều tra FBI và bầu cử Mỹ
Những người Đảng Dân chủ đã đổ lỗi ông Comey cho thất bại của bà Clinton trong cuộc bầu cử, trong khi những người ủng hộ ông Trump cảm thấy ông ta đang nhắm đến việc điều tra tổng thống có liên quan đến Nga.
Trước khi tiết lộ cuộc điều tra mới của Clinton, một nhân viên đã hỏi ông Comey: “Ông có suy nghĩ kỹ rằng điều ông sắp làm sẽ giúp Donald Trump trúng cử tổng thống?”
Ông Comey nói ông trả lời rằng “hạ thấp vụ này sẽ giết chết FBI trong vai trò là một lực lượng độc lập.”
Quanh cuộc điều tra Clinton, ông Comey nói: “FBI đã dẫn dắt cuộc điều tra và tiến hành một cách có thẩm quyền và độc lập. Tôi đánh cược mạng sống với điều đó.”
Ông bị Tổng thống Trump sa thải vào tháng Năm, và chỉ biết được tin này qua tin tức trên truyền hình.
Còn những gì cản trở công lý thì sao?
Hãng tin ABC News đã công bố bản ghi chép đầy đủ dài 42.000 từ về buổi phỏng vấn giữa ông Comey và người dẫn chương trình George Stephanopoulos.
Một đoạn của cuộc phỏng vấn đề cập đến việc sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn vào ngày 13/1/2017 vì nói dối về những liên hệ với đại sứ Nga.
Trump ‘trông đợi’ được thẩm vấn
Cáo buộc Trump-Nga ‘lớn hơn Watergate’
Trump: Điều tra vụ Nga ‘làm tổn hại Mỹ’
Trump bị điều tra ‘khả năng cản trở công lý’
Một ngày sau đó, ông Comey đang ngồi một mình với ông Trump trong Phòng Bầu dục – phó tổng thống và bộ trưởng tư pháp được mời ra ngoài.
Cựu giám đốc FBI khẳng định trong cuộc phỏng vấn rằng ông Trump đã cố gây áp lực buộc ông từ bỏ việc điều tra ông Flynn.
“Tôi coi đó như một chỉ thị,” ông nói với Stephanopoulos. “Ông Trump nói ‘tôi hy vọng ông có thể bỏ qua vụ này’.”
Ông Comey nói đã bỏ qua lời đề nghị này, nhưng thừa nhận rằng đáng lẽ ông nên gợi ý với tổng thống rằng điều đó có thể gây trở ngại cho công lý.
Ông Trump kịch liệt phủ nhận những lời của ông Comey.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43783071
Syria: Nga vẫn nói tấn công hóa học là ‘giả tạo’
Nga khẳng định nước này không can thiệp xóa bằng chứng tại khu vực bị nghi ngờ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria dẫn tới can thiệp quân sự của Mỹ, Anh và Pháp hôm thứ Bảy.
Trả lời phỏng vấn của chương trình Hardtalk trên BBC, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: “Tôi có thể đảm bảo rằng Nga không can thiệp tại khu vực.”
Không kích Syria: Mỹ vẫn ‘lên nòng’
Tên lửa bắn vào Syria và các con số trái ngược
Hoa Kỳ và đồng minh tấn công Syria
Ngoại trưởng Nga tái phủ nhận việc xảy ra sử dụng vũ khí hóa học ở Douma hôm 7/4.
“Tôi không thể bất lịch sự với lãnh đạo của các nước khác nhưng anh trích lời của các nhà lãnh đạo Pháp, Anh và Mỹ và, phải nói thẳng thắn rằng, tất cả bằng chứng họ đưa ra đều dựa trên tin truyền thông và mạng xã hội.”
Nga cảnh báo ‘chiến tranh’ với Mỹ ở Syria
Trump dọa tấn công Syria, mặc Nga phản đối
Truyền thông Việt Nam ‘bênh’ Nga và Syria?
Sự việc này không xảy ra, ông nói. “Điều đã xảy ra là việc đã được dàn dựng,” ông nói thêm.
Ông Lavrov cũng đặt câu hỏi tại sao Mỹ và các đồng minh lại tiến hành các cuộc không kích vào ngày trước khi các thanh sát viên quốc tế có thể tiếp cận khu vực.
Trong các cuộc không kích, ông lặp lại lời khẳng định của Nga rằng hai phần ba trong số hơn 100 tên lửa bắn vào Syria hôm thứ Bảy đã không trúng mục tiêu.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43787205
Macron ‘thuyết phục Trump
không rút quân khỏi Syria’
Tổng thống Pháp Macron nói đã thuyết phục được ông Trump không rút quân khỏi Syria trong khi Nhà Trắng cho hay ông Trump muốn quân đội Mỹ rút sớm.
Trước đó, ông Trump nói Mỹ sẽ ‘sớm rút quân khỏi Syria’.
Hôm thứ Bảy 14/4, Mỹ, Anh, Pháp đồng loạt tấn công nhắm vào các căn cứ của chính phủ Syria nhằm đáp trả lại cáo buộc nước này tấn công hóa học.
Hai ông Trump và Macron được cho là có mối quan hệ thân mật, đã trò chuyện nhiều lần trong nhiều ngày trước khi diễn ra cuộc tấn công.
Không kích Syria: Mỹ vẫn ‘lên nòng’
Nga cảnh báo ‘chiến tranh’ với Mỹ ở Syria
Tên lửa bắn vào Syria và các con số trái ngược
Sau lời bình luận của ông Macron, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói: “Sứ mệnh của Hoa Kỳ không thay đổi – tổng thống đã rất rõ ràng rằng ông muốn quân đội Mỹ rút về càng nhanh càng tốt”.
Nhưng bà nói thêm rằng Hoa Kỳ “quyết tâm tiêu diệt hoàn toàn” nhóm Nhà nước Hồi giáo và ngăn chặn nhóm này quay trở lại.
Trong bài phát biểu thông báo về cuộc tấn công vào tối thứ Sáu 13/4 tại Washington, ông Trump khẳng định: “Mỹ không tìm kiếm sự hiện diện vô thời hạn tại Syria – trong mọi tình huống”.
Hoa Kỳ có khoảng 2.000 quân trên bộ tại miền đông Syria, hỗ trợ liên minh quân đội người Kurd và Ả Rập gọi là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF).
Ông Macron nói gì?
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình, ông Macron nói: “Cách đây chục ngày, Tổng thống Trump nói rằng” Hoa Kỳ nên rút khỏi Syria “. Chúng tôi thuyết phục ông ta rằng cần phải ở lại lâu dài.”
Trong các cuộc điện đàm với ông Trump, ông Macron cũng nói ông “đã thuyết phục ông Trump rằng cần hạn chế các cuộc tấn công vào các khu vực chứa vũ khí hoá học, sau khi sự việc trở nên đôi chút kích động trên Twitter”.
Chia sẻ của ông Trump trên Twitter tuần trước về cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào Syria: “Hãy sẵn sàng, Nga, bởi vì cuộc tấn công sẽ xẩy ra, mới mẻ, đẹp đẽ và ‘thông minh’. Không nên làm bạn với một CON VẬT giết người rồi vui thích vì điều đó. “
Tổng thống Pháp có vẻ có mối quan hệ khăng khít với người đồng nhiệm Mỹ và trong tháng này sẽ có chuyến thăm Nhà Trắng chính thức đầu tiên dưới thời tổng thống Trump.
Ông Macron nói ông từng nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Nga – nước ủng hộ chính phủ Syria – là kẻ đồng lõa.
“Bản thân họ không sử dụng chlorine nhưng về mặt phương pháp, họ đã xây dựng một cộng đồng quốc tế không có khả năng hành động thông qua các kênh ngoại giao để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hoá học”, ông nói.
Ông nói rằng cuộc tấn công Syria hôm thứ Bảy được “thực hiện hoàn hảo” nhưng không phải là tuyên bố chiến tranh ở Syria.
Ông Macron nói ông vẫn muốn đối thoại với tất cả các bên, bao gồm Nga, để cố gắng tìm ra một giải pháp chính trị và sẽ lên kế hoạch tới Moscow vào tháng tới.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43779400
Lỗi website Bắc Hàn
dẫn tới Twitter ‘nói xấu chính phủ’
Một lỗi trên website của nhà nước Bắc Hàn khiến người dùng có thể click vào đó tới một tài khoản Twitter ‘nói xấu’ chính phủ.
Trang web Our Nation School, dạy độc giả triết lý của cựu lãnh đạo Bắc Hàn Kim II-Sung, lẽ ra dẫn đến tài khoản Twitter @Juche_School, nhưng thay vào đó link tới @ Juche_School1 – tài khoản do một người được xác định có tên Cyber Anakin tạo ra, theo báo cáo của website North Korea Tech.
Juche là học thuyết Chủ thể nhấn mạnh tinh thần tự lực cánh sinh của Bình Nhưỡng.
“Tôi thấy tên tài khoản Twitter họ dùng để liên kết trên website bị bỏ trống”, Cyber Anakin nói, “vì vậy tôi tìm cách chơi khăm”. Tài khoản giả mạo này đăng những hình ảnh ‘không hay ho’ của lãnh đạo tối cao Kim Jong-un và chỉ trích tình trạng nhân quyền tồi tệ của Bình Nhưỡng.
Mỹ: Bắc Hàn ‘dùng chất độc VX giết Kim Jong-nam’
Lịch Bắc Hàn không đề sinh nhật Kim Jong-un
Kim Jong-un ‘từng dùng hộ chiếu Brazil giả’
Kim Jong-un lần đầu tiên nói ‘có thể’ họp với Mỹ
Vụ Kim Jong-nam: Sẽ xét xử vào tháng 10
Công dân Bắc Hàn không có quyền truy cập Internet toàn cầu, và Our Nation School nhắm tới đối tượng độc giả bên ngoài Bắc Hàn.
Twitter và các dịch vụ mạng xã hội khác không được phổ biến ở Bắc Hàn.
Vì cái chết của Kim Jong-nam
Cyber Anakin nói với BBC rằng động lực cho các trò ‘chơi khăm’ online là từ cái chết của Kim Jong-nam, anh trai của Kim Jong-un, tại sân bay Kuala Lumpur năm 2017, được cho bị chính phủ Bắc Hàn ám sát.
Hai phụ nữ, trong đó có Đoàn Thị Hương của Việt Nam, đang bị xét xử liên quan tới cái chết của ông này. Nhưng cả hai đều phủ nhận và cho rằng họ bị lừa tham gia vào trò chơi của một chương trình truyền hình thực tế.
Cyber Anakin cũng tuyên bố đã tấn công website của Hiệp hội Hữu nghị Hàn Quốc – trang dành cho Mỹ. Đây là website chuyên đăng các bài viết ủng hộ Bình Nhưỡng và quảng bá các kỳ nghỉ ở Bắc Hàn.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43779401
Nga có thể đã thay đổi hiện trường
vụ tấn công bằng vũ khí hóa học
Một phái viên của Mỹ tại cơ quan giám sát toàn cầu về vũ khí hóa học hôm 16/4 nói rằng Nga có thể đã thay đổi hiện trạng tại hiện trường khu vực bị tấn công vũ khí hóa học ở Douma, Syria.
Hãng tin Reuters trích lời đại sứ Mỹ Kenneth Ward cho biết tại một cuộc họp kín của Tổ chức Cấm sử dụng Vũ khí Hóa học: “Đến nay tổ chức này mới lên án việc Syria sử dụng vũ khí hóa học giết hại hàng chục người dân thì đã quá muộn.”
Ông Ward nói thêm rằng: “Chúng tôi hiểu rằng người Nga có thể đã đến hiện trường vụ tấn công. Chúng tôi quan ngại rằng họ có thể đã làm thay đổi hiện trường, tạo hiện trường giả với ý định ngăn chặn những nỗ lực điều tra, tìm hiệu sự thật của Tổ chức Cấm sử dụng Vũ khí Hóa học (OPCW).”
Các thanh sát viên của OPCW hôm 16/4 đang thăm các địa điểm ở Douma. Họ tìm kiếm các mẫu, phỏng vấn các nhân chứng, và thu thập tài liệu làm bằng chứng để xác định xem Syria có sử dụng vũ khí độc hại hay không.
Hơn một tuần trước đó các nhân chứng và các chính phủ phương Tây cho biết máy bay trực thăng thả bom chứa chất sarin và chlorine làm chết nhiều trẻ em và phụ nữ khi họ tìm cách chạy trốn các cuộc đụng độ giữa phe nổi dậy và quân đội của chính phủ Syria.
Một nguồn tin ngoại giao cho hãng tin Reuters biết các bằng chứng có thể đã bị xoá đi trong khi các nhà điều tra thương lượng với nhà chức Syria tìm cách tiếp cận khu vực này.
Syria và Nga phủ nhận việc có sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn vào Douma, khu vực do phe nổi dậy chiếm giữ ở phía đông thủ đô Damascus.
Luật sư riêng của TT Trump sẽ hầu tòa hôm 16/4
Ông Michael Cohen, luật sư riêng lâu năm của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, dự kiến sẽ xuất hiện tại tòa án liên bang ở Manhattan, bang New York trong ngày thứ Hai 16/4 trong khi ông Cohen đang yêu cầu thẩm phán hạn chế việc Bộ Tư pháp xem xét những tài liệu bị thu giữ trong cuộc đột kích của FBI vào nhà ông hồi tuần trước.
Theo hãng tin Reuters, ông Cohen cũng yêu cầu tòa án cho các luật sư của ông xem các tài liệu đó để họ xác định liệu các tài liệu đó có được bảo vệ theo đặc quyền của luật sư – thân chủ.
Nữ diễn viên khiêu dâm, Stephanie Clifford, người có nghệ danh Stormy Daniels, dự kiến sẽ tham dự phiên toà hôm 16/4 của ông Cohen, ông Michael Avenatti, luật sư của bà Daniels, cho biết hôm 15/4.
Daniels đã được một tờ báo trả 150.000 đôla vào mùa hè năm 2016 theo một thỏa thuận cho phép họ có độc quyền đối với câu chuyện của Daniels, nhưng họ lại không đăng tải câu chuyện. Ông Cohen nói ông trả cho Daniels 130.000 đôla để đổi lấy sự im lặng của cô về tuyên bố cô từng qua đêm với ông Trump.
Vào tối hôm 15/4 các luật sư của ông Trump đã nộp đơn yêu cầu được phép xem lại các tài liệu bị thu giữa tại nhà ông Cohen để xem các tài liệu này có liên quan đến tổng thống hay không.
https://www.voatiengviet.com/a/luat-su-rieng-cua-tt-trump-se-hau-toa-hom-16-4/4349938.html
Mỹ tấn công tên lửa vào Syria
có thể tăng áp lực lên Triều Tiên
Việc Hoa Kỳ mới đây bắn tên lửa vào Syria có thể giúp tăng thêm áp lực đòi Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng cũng có thể khiến Bình Nhưỡng càng gấp rút tăng cường khả năng răn đe bằng vũ khí hạt nhân.
Hôm 14/4 Hoa Kỳ, Pháp và Anh đã bắn 105 tên lửa vào 3 cơ sở vũ khí hoá học của Syria, nhằm trừng phạt vụ Syria sử dụng vũ khí hoá học ở thành phố Douma, làm ít nhất 40 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Chính phủ Syria nhất mực phủ nhận mọi cáo buộc họ đã sử dụng vũ khí hóa học bị quốc tế cấm.
Việc ông Trump sẵn sàng sử dụng vũ lực chống lại Syria còn có tác dụng nhấn mạnh thông điệp “gây áp lực tối đa” lên Bình Nhưỡng của ông, ngoài các lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với hầu hết hoạt động xuất khẩu của Triều Tiên, Mỹ còn có thể hành động quân sự, nếu cần thiết, để buộc ông Kim chấm dứt chương trình hạt nhân.
Cuộc tấn công phối hợp vào Syria cuối tuần qua diễn ra khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính phủ của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đang chuẩn bị cho một gặp thượng đỉnh vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 để thảo luận về việc dỡ bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Trong một bài xã luận vào hôm 16/4, báo Joongang Daily của Hàn Quốc nhận định cuộc tấn công của Mỹ vào Syria là “một lời cảnh báo cho Bình Nhưỡng.” Tờ báo này nói: “Nếu ông Kim muốn trút bỏ nỗi sợ hãi của một cuộc tấn công nhắm vào nước ông, thì ông ấy phải phi hạt nhân hoá.”
Ông Bong Young-shik, một nhà phân tích chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Bắc Hàn tại Đại học Yonsei, cho biết: “Chính quyền của ông Trump không thỏa mãn, trừ khi (Triều Tiên) dỡ bỏ ít nhất một phần các cơ sở hạt nhân và tên lửa.”
Tuy nhiên, cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Syria cũng có thể làm tăng thêm mối quan ngại ở Triều Tiên rằng nếu họ từ bỏ khả năng răn đe bằng vũ khí hạt nhân, họ sẽ dễ bị tấn công hơn.
Kim Hyun-wook, giáo sư khoa Hoa Kỳ học thuộc Học viện Ngoại giao Hàn Quốc, Seoul, nói: “Nếu họ nghĩ rằng chế độ của họ không được đảm bảo, họ sẽ duy trì chương trình hạt nhân.”
Giáo sư Kim cho biết thêm: “Hoa Kỳ có thể lật đổ chế độ Kim Jong Un với lý do Triều Tiên là một nhà nước độc tài hoặc là quốc gia vi phạm nhân quyền, ngay cả khi nước này không còn chương trình hạt nhân.”
Các đồng minh lớn của Mỹ như Nhật, Hàn Quốc và Australia đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cho hành động quân sự kết hợp để trừng phạt Syria.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã phản đối Hoa Kỳ và các đồng minh vì đã thực hiện “hành động quân sự đơn phương” trước khi có một cuộc điều tra khách quan và không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó Nga, một nước đồng minh thân cận của Syria, có quyền phủ quyết.
Mỹ: TT Syria ‘không đáng’ được đối thoại trực tiếp
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley hôm 15/4 tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ không tiến hành bất kỳ cuộc đối thoại trực tiếp nào với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trong cuộc phỏng vấn với chương trình “Face the Nation” của kênh CBS, bà Haley nói rằng tới nay, Syria đã từ chối tham gia vào các cuộc thảo luận đa phương trong tiến trình chính trị do Liên Hiệp Quốc điều giải, đồng thời nói thêm rằng Nga nên “đưa” Syria tới bàn đàm phán.
Nhưng, theo Reuters, nữ đại sứ nói rằng Syria không “xứng đáng” được đàm phán trực tiếp với Washington.
“Chúng tôi sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán trực tiếp nào với Assad”, bà Haley nói.
Chính quyền Washington mới đây cáo buộc quân chính phủ Syria đã tiến hành cuộc tấn công bằng chất độc hóa học, khiến hàng chục người thiệt mạng và dẫn tới cuộc oanh kích của Mỹ, Pháp và Anh.
Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, đại diện ngoại giao của Mỹ ở Liên Hiệp Quốc cũng nói rằng Hoa Kỳ đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vì tiếp tục ủng hộ chính quyền của ông Assad.
Bà cho biết rằng các biện pháp mới sẽ được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin công bố vào ngày 16/4.
Nữ đại sứ cho hay rằng chúng sẽ “đánh trực tiếp vào các công ty có thiết bị liên quan tới Assad và việc sử dụng vũ khí hóa học”.
Người cộng sản Hy Lạp phản đối Mỹ tấn công Syria
Những người theo Ðảng Cộng sản Hy Lạp hôm thứ Hai 16/4 đã biểu tình tại thủ đô Athens đế phản đối vụ Mỹ, Pháp và Anh tấn công Syria. Những người biểu tình tìm cách đập đổ tượng đồng cựu Tổng thống Mỹ Harry Truman ở Athens.
Những người biểu tình dùng cưa sắt tìm cách cắt chân tượng ông Truman và cột dây thừng để kéo tượng xuống trước khi cảnh sát chống bạo động đến hiện trường, dùng hơi cay giải tán đám đông. Bức tượng bị hư hại nhẹ. Hãng thông tấn Reuters nói rằng có ba người biểu tình bị thương.
Mấy trăm người cộng sản Hy Lạp tuần hành đến trước Ðại sứ quán Mỹ, nơi cách bức tượng ông Truman vài kilômét. Đây là cuộc biểu tình thứ ba ở Hy Lạp phản đối các cuộc oanh kích của Mỹ, Anh và Pháp nhắm vào Syria mà phương Tây nói là nhắm vào các cơ sơ vũ khí hóa học của Syria.
Ông Yorgos Perros, một thành viên của liên đoàn PAME thân Ðảng Cộng sản nói: “Những gì chúng tôi làm hôm nay là để ủng hộ phong trào chống Mỹ và chống chiến tranh ở Syria. Bức tượng Truman là biểu tượng của chủ nghĩa đế quốc, của sự hiện diện của Mỹ ở Hy Lạp.”
Tượng đồng ông Truman cao 3,65 mét, cách phủ thủ tướng không xa lắm, thường xuyên là mục tiêu đánh phá của của những người biểu tình chống cái họ gọi là chủ nghĩa đế quốc Mỹ ở Hy Lạp.
Nhiều người tin rằng Mỹ hậu thuẫn chế độ quân nhân cai trị Hy Lạp từ năm 1967 đến 1974, và hậu thuẫn Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đảo Síp năm 1974.
Tượng ông Truman từng được đưa đi phục chế và năm 1986, sau khi bị đánh bom. Ông Truman làm tổng thống Hoa Kỳ từ năm 1945 đến 1953.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-cong-san-hy-lap-phan-doi-my-tan-cong-syria/4350122.html
Tổng thống Putin cảnh báo ‘hỗn loạn’
trên thế giới vì Syria
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 15/4 cảnh báo sự hỗn loạn trên chính trường thế giới nếu các nước phương Tây lại mở các cuộc oanh kích nhắm vào Syria, trong khi có dấu hiệu cho thấy Moscow và Washington muốn xử lý cuộc khủng hoảng được coi là nghiêm trọng nhất trong quan hệ giữa hai nước trong nhiều năm, theo Reuters.
Ông Putin nhận định như vậy trong cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Iran Hassan Rouhani sau khi Mỹ, Pháp và Anh thực hiện các cuộc oanh kích vào Syria hôm 14/4 để đáp trả vụ tấn công bằng khí độc gây nhiều chết chóc trước đó.
Thông cáo do Điện Kremlin công bố nói rằng nguyên thủ hai nước cùng cho rằng vụ không kích của phương Tây gây tổn hại tới cơ hội đạt được một giải pháp chính trị trong cuộc xung đột giữa nhiều bên kéo dài nhiều năm qua, khiến ít nhất nửa triệu người thiệt mạng.
“Đặc biệt, ông Vladimir Putin nhấn mạnh rằng nếu các hành động vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc tiếp diễn, nó sẽ gây hỗn loạn trong quan hệ quốc tế”, tuyên bố của Kremlin có đoạn.
Cả ba nước tham gia oanh kích đều cho rằng vụ tấn công bằng tên lửa không nhằm mục đích lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad hay can thiệp vào cuộc xung đột.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng cuộc tấn công “bất hợp pháp và không thể chấp nhận được”.
Phát biểu của ông Putin được công bố ngay sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tỏ ra dịu giọng khi nói rằng Moscow sẽ nỗ lực hết sức để cải thiện quan hệ với phương Tây.
Theo hãng TASS của Nga, khi được hỏi rằng liệu Nga có sẵn lòng hợp tác với các đề xuất của các quốc gia phương Tây tại Liên Hiệp Quốc hay không, ông Ryabkov nói: “Tình hình chính trị hiện nay rất căng thẳng, không khí hết sức nhiễu loạn, nên tôi không thể đưa ra bất kỳ dự đoán nào”.
Theo Reuters, ông Vladimir Ermakov, quan chức của Bộ Ngoại giao Nga, nói rằng Washington sẽ muốn duy trì đối thoại với Moscow về sự ổn định chiến lược sau các cuộc tấn công.
Trong khi đó, tại Damascus, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad đã gặp với các giám sát viên từ cơ quan giám sát vũ khí hóa học toàn cầu OPCW trong vòng ba giờ đồng hồ với sự hiện diện của các quan chức Nga và một nhân viên an ninh cấp cao của Syria.
Các giám sát viên dự kiến sẽ tới thị sát khu vực xảy ra vụ tấn công bằng khí độc hóa học ở Douma hôm 7/4 mà các tổ chức cứu trợ nói rằng làm hàng chục người chết.
Moscow lên án Mỹ, Pháp và Anh đã không đợi tới sau khi OPCW công bố kết quả điều tra trước khi mở các cuộc oanh kích.
Hậu trường chiến dịch không kích
‘‘các cơ sở hoá học’’ Syria
Chưa đầy một tuần sau khi Syria bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học, đêm 13 rạng sáng 14/04/2018, quân đội ba nước Mỹ-Pháp-Anh mở chiến dịch chớp nhoáng nhắm vào các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, tàng trữ chất độc hóa học của Damas.
Trong bối cảnh kế hoạch của ba nước phương Tây bị Nga – đồng minh của chế độ Assad – đe dọa trả đũa, các không kích diễn ra khá bất ngờ, nhưng đã không gặp phải kháng cự nào từ Nga. Nhiều nhà quan sát ghi nhận chiến dịch Hamilton đã được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Truyền thông Pháp trở lại với hậu trường của chiến dịch, đặc biệt về phía Pháp.
Phóng viên chuyên về quốc phòng của đài Europe 1, Didier François, ghi nhận đây là « một chiến dịch cực kỳ phức tạp, được lên kế hoạch trong vòng hơn một tuần », bởi các nhân tố và các ràng buộc cần phải tính đến rất nhiều. Trong khi tấn công các cơ sở vũ khí hóa học, liên quân Mỹ-Pháp-Anh phải tránh đụng vào các lực lượng Nga và Iran. Nếu xảy ra, căng thẳng có nguy cơ bùng phát thành đụng độ trực tiếp. Độ chính xác của các cuộc không kích như vậy phải rất cao.
Theo nhà báo Europe 1, việc Nga đã « không có phản ứng » gì về mặt quân sự là « một điều tuyệt vời » đối với các quân đội phương Tây. Khâu chuẩn bị ắt hẳn đóng vai trò quyết định để chiến dịch diễn ra suôn sẻ.
Tổng cộng 105 tên lửa đã được bắn vào ba mục tiêu hóa học Syria. Trong đó, 76 tên lửa Hoa Kỳ nhắm vào trung tâm nghiên cứu Barzeh, nơi bị tình nghi là cơ sở nghiên cứu đầu não của binh chủng hóa học Syria, ở phía bắc Damas. 22 tên lửa của ba nước nhắm vào một trung tâm chỉ huy ở Him Shinshar, vùng Homs, và 7 tên lửa Pháp nhắm vào cơ sở tàng trữ vũ khí hóa học cũng ở Him Shinshar. Chiến dịch Hamilton diễn ra trong vòng 30 phút.
Về phía Pháp, trực tiếp tham gia chiến dịch có 5 chiến đấu cơ Rafale, 4 máy bay tiêm kích Mirage-2000, 2 phi cơ cảnh báo Awacs, tàu chống ngầm Aquitaine, nơi phóng lên ba tên lửa hành trình MdCN, có tầm bắn 1.000 km, không kể nhiều máy bay tiếp liệu và tàu ngầm, tàu chiến hộ tống. Lần đầu tiên quân đội Pháp sử dụng loại tên lửa hành trình có tầm bắn 1.000 cây số này, với độ chính xác được đánh giá là « bằng mét ».
Chiến dịch quân sự đầu tiên của Macron
Đối với nước Pháp, đây là lần đầu tiên Paris tiến hành chiến dịch tại nước ngoài kể từ năm 2011, tức từ khi bùng nổ nội chiến tại Syria. Đây cũng là lần đầu tiên tổng thống Pháp Emmanuel Macron, 40 tuổi, chỉ huy một chiến dịch quân sự, kể từ khi lên nắm quyền cách nay một năm. Báo Ouest-France thuật lại một vài nét chính của hậu trường chiến dịch Hamilton.
Quyết định tấn công chính thức được đưa ra vào giữa nửa đêm và 2 giờ sáng ngày 14/04, giờ Paris, khép lại 7 ngày thương lượng ngoại giao căng thẳng, và cũng là thời gian Mỹ-Pháp-Anh xem xét các kịch bản quân sự, nhằm trả đũa việc Damas « vượt lằn ranh đỏ »(Quyết định thực sự được đưa ra khi ba bên tham chiến Mỹ-Pháp-Anh khẳng định có đủ thông tin về việc Damas sử dụng vũ khí hóa học).
Ngày 7/4, một nhóm chuyên gia của tổng thống Pháp bắt đầu xem xét các hình ảnh và video, cho thấy có thể Damas đã một lần nữa sử dụng vũ khí hóa học, cho thấy « lằn ranh đỏ » « có thể đã bị vượt qua ». Đêm cùng ngày, tổng thống Macron lần đầu tiên điện đàm với đồng nhiệm Mỹ Donald Trump để trao đổi thông tin. Ngày 09/04, hai nguyên thủ Pháp – Mỹ điện đàm lần thứ hai, trước cuộc trao đổi qua điện thoại giữa Macron với thủ tướng Anh Theresa May, và một cuộc điện đàm với thủ tướng Đức Angela Merkel hôm thứ Năm, 12/04.
Kể từ ngày 09/04 đến 13/04, tức hôm trước cuộc tấn công, mỗi ngày phủ tổng thống Pháp tổ chức một cuộc họp đặc biệt về chiến dịch Hamilton, với các đại diện của bộ Ngoại Giao và bộ Quốc Phòng, nhằm « phối hợp và tiếp tục đối chiếu, phân tích các thông tin một cách tốt nhất ». Cũng trong tuần qua, bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly đã có khoảng « bảy đến tám lần » điện đàm với tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Joseph Dunford.
Mục tiêu « không gây tổn thất nhân mạng »
Báo Le Parisien dẫn lời một sĩ quan cao cấp Pháp, theo đó việc lựa chọn thời điểm tấn công « vào lúc 3 giờ sáng » (cùng việc trao đổi thông tin trước cho các bên liên quan), hướng đến một mục tiêu chung là « không gây tổn thất nhân mạng », mà chỉ nhằm « phá hủy các cơ sở hóa học », và gửi đến chính quyền Syria « một cảnh báo ».
Về điểm này, tuần báo Le Point, dẫn thông tin báo Mỹ, nhấn mạnh là Hoa Kỳ cho biết phía Nga đã được báo trước về « các hàng lang trên không » sẽ được sử dụng vào cuộc tấn công, nhưng không cho biết cụ thể hơn. Trong một tuyên bố vào 7 giờ sáng ngày thứ Bảy, 14/04, tức vài giờ sau chiến dịch Hamilton, bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly cũng khẳng định « phía Nga » đã « được thông báo trước ».
Như vậy, về mặt lo-gic, chính quyền Syria hoàn toàn có khả năng sơ tán khỏi các địa điểm bị tấn công trước khi chiến dịch diễn ra, điều khiến cho mục tiêu « không thiệt hại nhân mạng » của liên quân trở thành hiện thực. Nhưng cũng vì thế, rất có thể quân đội Syria đã sử dụng các thông tin được tiết lộ để đánh chặn tên lửa tấn công. Khoảng 70 hỏa tiễn bị bắn hạ (trên tổng số 105), theo chính quyền Damas. Hiện tại chưa có đủ thông tin xác nhận tuyên bố này.
Cú điện thoại với Putin một ngày trước chiến dịch
Trở lại với chiến dịch rạng sáng thứ Bảy, 14/04, sáng thứ Sáu, 13/04, gần một ngày trước chiến dịch, nguyên thủ Pháp đã diện đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo nguồn tin Pháp, hai bên đã trao đổi « rất thẳng thắn », « cả hai tổng thống đều không hề bất ngờ trước những gì sắp diễn ra ».
Trong khi đó, các hoạt động chuẩn bị tiếp tục diễn ra trong ngày. « Trước khi xuống trung tâm Jupiter » (tức hầm ngầm chỉ huy nằm dưới phủ tổng thống) để chuẩn bị khởi sự chiến dịch, tổng thống Pháp có hai cuộc trao đổi qua điện thoại cuối cùng với tổng thống Mỹ, và thủ tướng Anh.
Cú điện thoại của nguyên thủ Pháp với tổng thống Nga là một tâm điểm chú ý, bởi phản ứng cuả Nga là quan trọng hàng đầu. Theo Le Parisien, tổng thống Pháp đã không chính thức thông báo về chiến dịch sắp diễn ra, cũng không để lộ ra bất cứ chi tiết nào về cuộc tấn công, nhưng mặt khác đã cố gắng thông tin đủ mức để lãnh đạo Nga « không bị bất ngờ ».
AFP dẫn lời một cộng sự của tổng thống Pháp, theo đó Emmanuel Macron đã nói thẳng với tổng thống Putin là « một cuộc tấn công hóa học đã xảy ra », « lằn ranh đỏ đã bị vượt qua ». Nguyên thủ Nga đáp lại : « Hãy chờ xem, chúng ta đang có một nhóm điều tra trên thực địa ». Và Matxcơva chấp nhận sẽ tiếp tục đối thoại về vấn đề này. Điều quan trọng với Paris là Pháp và Nga tiếp tục các hợp tác nhằm tìm « một giải pháp chính trị » cho cuộc khủng hoảng Syria, sau cuộc không kích chớp nhoáng vào « các cơ sở vũ khí hóa học » chính quyền Damas, sáng thứ Bảy vừa qua.
Nói một cách khác, khi tham gia vào chiến dịch Hamilton, Paris hy vọng tái khởi động « tiến trình chính trị », nhằm tìm lối thoát cho cuộc xung đột đã kéo dài 7 năm.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180416-hau-truong-chien-dich-khong-kich-cac-co-so-hoa-hoc-syria
Pháp: Tổng thống Macron dứt khoát
cải tổ SNCF và đại học
Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định nước Pháp hiện nay nằm ở trung tâm bàn cờ chính trị quốc tế và chính sách đối nội của điện Elysée từ một năm nay là đúng đắn, trước những chỉ trích cực kỳ gay gắt của hai nhà báo trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình, tối Chủ Nhật, 15/04/2018.
Emmanuel Macron vừa tròn một năm lãnh đạo trong bối cảnh trên khắp nước Pháp, nhiều phong trào xã hội xảy ra cùng lúc mà đứng đầu là chiến dịch đình công của nhân viên hỏa xa SNCF và những vụ bãi khóa tại trên dưới 10 trường đại học.
Về nội tình nước Pháp, chủ nhân điện Elysée bác bỏ những chỉ trích ông là tổng thống của người giàu. Chính sách bớt thuế là nhằm mục đích khuyến khích đầu tư tạo công ăn việc làm với kết quả là chưa bao giờ nước Pháp có sức tuyển dụng lao động tăng cao như hiện nay.
Theo vị tổng thống 40 tuổi này, thì khủng hoảng ở SNCF, bệnh viện thiếu nhân viên ý tế, nhà dưỡng lão quá tải, sinh viên bãi khóa, người về hưu bất bình.. không có cùng một yếu tố nhân quả, thậm chí đã tồn đọng từ nhiều chục năm qua. Một cách dứt khoát, tổng thống Macron bác bỏ những lập luận mà ông cho là « thiếu lương thiện trí thức », ông không phải là người gây chia rẽ mà trái lại, tìm cách cải cách đất nước để giải quyết tận gốc những cản lực trầm kha do thiếu nghị lực chính trị trước một thiểu số « từ chối đổi mới ».
Syria : Paris và Washington cùng tần số
Trong lĩnh vực đối ngoại, tổng thống Maron bảo vệ đợt oanh kích Syria đêm thứ Sáu do quân đội ba nước Mỹ-Anh-Pháp phối hợp hành động « ngoài khuôn khổ Liên Hiệp Quốc », nhưng « có tính chính đáng quốc tế » vì chế độ Bachar al Assad vi phạm hiệp ước cấm vũ khí hóa học trong khi Nga tìm cách bảo vệ đồng minh cản trở mọi nỗ lực ngoại giao.
Tổng thống Pháp cho là ông đã thuyết phục được tổng thống Mỹ bỏ ý định rút quân ở Syria về nước.
Thế nhưng, vài giờ sau, phát ngôn viên Nhà Trắng cải chính : tổng thống Trump không đổi ý và muốn các nước đồng minh tham gia đảm nhận trách nhiệm quân sự và tài chính.
Sáng nay, tổng thống Pháp lý giải là « Paris và Washington cùng tần số » : Quân đội Mỹ và Pháp cùng mục tiêu quân sự là tiêu diệt thánh chiến Daech, và khi nhiệm vụ hoàn tất, vai trò quân sự cũng kết thúc. Washington đã nhắc lại nhiệm vụ quân sự này, không có gì phải thêm bớt. Tuy nhiên, Tây phương còn nhiệm vụ nhân đạo và việc xây dựng hoà bình phải tiếp tục lâu dài.
http://vi.rfi.fr/phap/20180416-tong-thong-macron-dut-khoat-cai-to-sncf-va-dai-hoc
Tây Ban Nha : Dân Catalunya lo ngại
cho tương lai của vùng
Hơn 300.000 người đã biểu tình ở Barcelona vào hôm qua, 15/04/2018, yêu cầu trả tự do cho những lãnh đạo đòi độc lập cho vùng Catalunya hiện đang bị chính quyền Madrid cầm tù. Họ cũng nêu lên lo ngại về tương lai của Catalunya.
Thông tín viên RFI Leticia Farine tại Barcelona tường thuật :
Trên quảng trường Tây Ban Nha, người biểu tình đã đồng thanh kêu gọi trả tự do cho 9 nhân vật đòi ly khai bị bắt giam với tội danh “nổi dậy” và đòi để cho 7 lãnh đạo đòi độc lập đang lưu vong được trở về nước.
Từ cuộc bầu cử địa phương ngày 21/12/2017, việc đề cử một lãnh đạo vùng đã thất bại đến 4 lần và tình hình chính trị ở Catalunya hiện bế tắc hoàn toàn.
Đối với Miquel Camps, một kỹ sư 55 tuổi, giải pháp duy nhất là đối thoại giữa chính quyền Tây Ban Nha của ông Mariano Rajoy và lãnh đạo Catalunya. Ông nói : Tôi rất thất vọng và cảm thấy bất lực trước một Nhà nước Tây Ban Nha đứng sừng sững như một bức tường không thể vượt qua và không chịu đối thoại. Tuy nhiên, họ sẽ không thể ngăn chặn được phong trào đòi độc lập cho Catalunya với những biện pháp trừng phạt, với các án tù. Họ phải ngồi lại đàm phán, nếu không thì cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục.
Trong đám đông, Anna Torra, 48 tuổi, không che giấu nỗi lo lắng vì tình hình khó cải thiện : Tôi thật tuyệt vọng, tôi không thấy giải pháp gì trong ngắn hạn. Tôi nghĩ là chính quyền Tây Ban Nha không có ý định làm tình hình ở Catalunya được cải thiện. Họ nghĩ đã kiểm soát được chúng tôi và muốn làm gì thì làm đối với dân chúng Catalunya. Đối với họ, chúng tôi là một thuộc địa đã bị chinh phục rồi.
Nếu phe đòi độc lập không chỉ định được một ứng viên để lãnh đạo vùng trước ngày 22 tháng 5, thì Catalunya tiếp tục nằm dưới quyền bảo hộ của chính quyền trung ương Tây Ban Nha, và một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức vào giữa tháng 7 tới đây.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180416-tay-ban-nha-dan-catalunya-lo-ngai-cho-tuong-lai-cua-vung
Tham gia oanh kích Syria,
Pháp tìm cách trở lại bàn cờ Trung Đông
Mở chiến dịch oanh kích, để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho Syria mà trong đó, nước Pháp phải có tiếng nói. Paris để ngỏ cánh cửa đối thoại với Nga để giải quyết hồ sơ Syria. Đó là mục tiêu điện Elysée đang hướng tới.
Tổng thống Pháp chắn chắn là đã cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định cùng với hai đồng minh phương Tây là Anh và Mỹ mở chiến dịch oanh kích Syria. Trong cuộc trả lời phỏng tối ngày 15/04/2018 ông Emmanuel Macron nhấn mạnh : “Pháp không tuyên chiến với Syria” và hy vọng “thuyết phục được Nga cũng như Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngồi vào bàn đàm phán“.
Về chiến dịch can thiệp tại Syria trong đêm 13 rạng sáng ngày 14/04/2018 theo tổng thống Pháp mọi việc đã “diễn ra tốt đẹp”, “toàn bộ các tên lửa đã bắn trúng mục tiêu và phá hủy khả năng sản xuất vũ khí hóa học” của Syria. Emmanuel Macron nhấn mạnh rằng “tình báo Pháp có bằng chứng chế độ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học” tại Douma cách nay 10 ngày. Ngoại trưởng Pháp, Jean Yves Le Drian trong buổi họp báo cách nay hai ngày cũng đưa ra giải thích tương tự và chiến dịch tấn công là “hành động chính đáng nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm nghiêm trọng luật pháp (…) ngăn chính quyền Damas lặp lại cuộc tàn sát bằng vũ khí hóa học và theo đuổi chiến lược gieo rắc sợ hãi nhắm vào người dân Syria”. Paris đặc biệt nhấn mạnh là chiến dịch oanh kích cùng với hai đồng minh là Mỹ và Anh cuối tuần qua tuyệt đối không “nhắm vào các đồng minh của tổng thống Assad, cũng như thường dân Syria“.
Theo giới phân tích, Pháp đang tính toán nhiều nước cờ. Thứ nhất sát cánh với Anh và Mỹ để tấn công vào kho vũ khí hóa học Syria. Nếu chiến dịch này đã thành công như điều đã được cả Paris lẫn Washington khẳng định, thí ít ra là phương Tây tạm xua tan được rủi ro khối lượng vũ khí hóa học đó có thể rơi vào tay các phần tử khủng bố. Thứ hai, là Emmanuel Macron muốn nhắc nhở nước Nga về một lời hứa của Vladimir Putin tại điện Versailles hồi tháng 5/2017. Vài tuần lễ sau khi nhậm chức, tổng thống Macron đã tiếp đón trọng thể đồng sự Nga và đôi bên cùng cam kết là sẽ ra tay nếu chế độ Damas sử dụng vũ khí hóa học. Vậy đây là thời điểm để Matxcơva cứng rắn hơn với chính quyền Syria.
Mục tiêu thứ ba mà Paris hướng tới là giữ Mỹ ở lại Syria sau khi tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo gần như đã bị tiêu diệt tại Syria và Washington muốn rút quân khỏi khu vực. Theo quan điểm của Pháp, Daech vẫn còn hoạt động tại Syria và sự hiện diện của quân đội Mỹ là một yếu tố quan trọng để kềm hãm tham vọng của các bên liên quan, kể cả với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên trong NATO. Hiềm nỗi, chỉ vài giờ sau khi tổng thống Pháp thông báo đã thuyết phục được tổng thống Donald Trump từ bỏ ý định rút Mỹ ra khỏi hồ sơ Syria, thì Nhà Trắng đã lập tức bác bỏ tin này.
Sau cùng, Pháp đang muốn trở lại bàn cờ Trung Đông. Trên hồ sơ Syria, vai trò của Pháp đã bị lu mờ hẳn từ năm 2013, sau khi bị chính quyền Barack Obama vào giờ chót đã rút lại quyết định đánh Damas, trong lúc Paris tuyên bố đã sẵn sàng. Vai trò của Pháp lại càng mờ nhạt thêm kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào Syria. Trong khi đó, Matxcơva và nhất là Iran thì lại ngày càng trở thành những điểm tựa chính của Damas và là những đối tác then chốt tại Trung Đông.
Vấn đề đặt ra là tất cả các tính toán nói trên của tổng thống Emmanuel Macron bao hàm nhiều rủi ro.
Một là Paris một lần nữa lại bị chỉ trích theo chân nước Mỹ trong lúc Paris muốn đóng vai trò trọng tài giữa Nga và Mỹ để giải quyết khủng hoảng Syria đã kéo dài. Cuối tháng Tư tổng thống Macron công du Hoa Kỳ, tháng Năm ông đến Matxcơva đáp lễ chuyến công du Paris của Vladimir Putin hồi tháng 5/2017. Nghiêng hẳn về phía Washington có thể đặt tổng thống Macron vào thế kẹt. Thêm vào đó, bản thân thân nước Pháp không mấy chia sẻ chính sách Trung Cận Đông của chủ nhân Nhà Trắng, từ quy chế của thành phố Jerusalem đến hồ sơ hạt nhân Iran.
Rủi ro thứ nhì được nhiều nhà phân tích nên lên là tổng thống Macron đang kỳ vọng vào khả năng giữ Mỹ ở lại trên hồ sơ Syria, thuyết phục Washington duy trì hiệp định hạt nhân với Iran. Nhưng liệu rằng trên cả hai hồ sơ này, Donald Trump có chiều lòng nước Pháp hay không ? Trước mắt Pháp đứng về phía Mỹ trên hồ sơ Syria trong lúc mà chiến lược của Washington đối với chế độ Damas còn mù mịt, còn về mặt trận ngoại giao thì các vòng hòa đàm tại Genève, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, hoàn toàn bế tắc.
http://vi.rfi.fr/phap/20180416-tham-gia-oanh-kich-syria-phap-tim-cach-tro-lai-ban-co-trung-dong
Chiến tranh thương mại :
Bắc Kinh và Tokyo tìm cách đối phó với Trump
Chiến tranh thương mại, nếu xảy ra, sẽ làm kinh tế thế giới, trong đó có Trung Quốc và Nhật, trả giá nặng. Với nhận định này, hai nước kình địch tại châu Á cổ vũ cho một « bước khởi hành mới », nhân cuộc « đối thoại kinh tế » Trung-Nhật vào thứ hai 16/04/2018 tại Tokyo, sau gần 8 năm gián đoạn.
Theo AFP, chào mừng chuyến viếng thăm ba ngày của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) kể từ hôm nay, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi hai nước hâm nóng quan hệ và cùng hợp tác trên hồ sơ Bắc Triều Tiên cũng như phát triển « quan hệ chiến lược có lợi cho quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực ».
Hai đại cường kinh tế châu Á đã tìm cách cải thiện quan hệ sau hơn 7 năm căng thẳng vì tranh chấp biển đảo, từ nay có thêm lý do để hợp tác sâu rộng hơn, để đối phó với đe dọa thuế quan của tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thông thạo tiếng Nhật, ngoại trưởng kiêm cố vấn quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị, lo ngại nguy cơ bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa đơn phương, hàm ý chủ trương « nước Mỹ trước tiên » của Donald Trump. Vương Nghị nhấn mạnh đến « mối quan hệ mới, ở khởi điểm mới » cho phép đại cường kinh tế số hai và số ba thế giới mở ra những cơ hội hợp tác mới.
Cùng nhận định « chiến tranh thương mại, dù ai gây ra, cũng sẽ gây tác hại cho thịnh vượng và kinh tế quốc tế », ngoại trưởng Nhật Taro Kono nêu lên viễn ảnh Tokyo tham gia vào dự án « Con Đường Tơ Lụa » của Trung Quốc, nếu « các chuẩn mực quốc tế được tôn trọng ».
Theo Reuters, hồ sơ thương mại chắc chắn sẽ là trọng tâm cuộc họp thượng đỉnh giữa thủ tướng Nhật Shinzo Abe và tổng thống Mỹ Donald Trump, trong tuần này tại Washington.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180416-chien-tranh-thuong-mai-bac-kinh-va-tokyo-tim-cach-doi-pho-voi-trump
Bắc Triều Tiên :
Dân chúng cần lương thực khẩn cấp
10,3 triệu dân Bắc Triều Tiên, trong tổng số 25 triệu, cần được trợ giúp khẩn cấp thuốc men và lương thực. Cuối tuần qua, nhiều cơ quan của Liên Hiệp Quốc tại Bắc Triều Tiên phát động chiến dịch quyên góp khoảng 111 triệu đô la.
Tuy nhiên, chế độ Bình Nhưỡng, bị tố cáo dồn ngân sách hạn hẹp cho chương trình hạt nhân hơn là cứu đói, sẽ không để cho các cơ quan thiện nguyện quốc tế hoạt động dễ dàng.
Từ Seoul, thông tín viên Frédérique Ojardias phân tích :
40% dân Bắc Triều Tiên bị suy dinh dưỡng và thiếu chăm sóc sức khỏe, theo thẩm định của Liên Hiệp Quốc. Cơ quan quốc tế kêu gọi các nước hảo tâm tài trợ chương trình phân phát lương thực cho dân chúng và viện trợ y tế cho các bệnh viện ở Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, các nước tài trợ không mấy sốt sắng đóng góp cho một nước Bắc Triều Tiên khăng khăng ôm lấy chương trình vũ khí nguyên tử. Trong năm 2017, một nhóm vài tổ chức của Liên Hiệp Quốc hoạt động tại phía bắc vĩ tuyến 38 chỉ nhận được một phần ba ngân khoản mong đợi.
Thế mà tình hình vô cùng cấp bách. Cụ thể là 100.000 người dân Bắc Triều Tiên mắc bệnh lao trong năm 2016, trong số họ, nhiều người bị loại vi trùng chống thuốc kháng sinh lây nhiễm. Tổ chức Y Tế Thế Giới xếp Bắc Triều Tiên vào danh sách các quốc gia bị nạn lao hoành hành.
Song chế độ Bình Nhưỡng hạn chế nghiêm khắc mọi tiếp xúc giữa dân chúng và các cơ quan thiện nguyện. Hệ quả là Quỹ Thế Giới Chống Bệnh Lao, trong năm 2018 này, đã ngưng mọi trợ giúp cho Bắc Triều Tiên, vì sợ viện trợ sẽ bị chính quyền thu tóm.
Quyết định này làm cho giới chuyên gia lo ngại dịch bệnh vượt tầm kiểm sóat có thể lây lan sang các nước láng giềng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180416-bac-trieu-tien-dan-chung-can-vien-tro-luong-thuc-khan-cap
Syria : Nhà Trắng khẳng định
”vẫn muốn rút quân sớm”
Mỹ không bỏ ý định triệt thoái lực lượng tại Syria càng sớm càng tốt và sẽ ban hành thêm các biện pháp trừng phạt Nga. Trên đây là hai thông điệp của Washington, 48 giờ sau đợt oanh kích trả đũa Syria hôm thứ Bảy.
Trong cuộc họp báo chiều Chủ Nhật, 15/04/2018, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết « nhiệm vụ của Mỹ tại Syria không đổi, tổng thống muốn lực lượng Mỹ hồi hương càng sớm càng tốt ». Phát ngôn viên Sarah Sanders giải thích thêm : Mỹ quyết tâm tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và tạo điều kiện không để Daech trở lại. Đổi lại, các nước « đồng minh và đối tác phải đảm nhận thêm trách nhiệm quân sự lẫn tài chính ».
Thông điệp có qua có lại này nhằm trả lời một lời tuyên bố của đồng minh Pháp. Trong cuộc phỏng vấn tại Paris, tổng thống Emmanuel Macron cho biết đã thuyết phục được tổng thống Donald Trump « đổi ý, để quân ở lại Syria lâu dài ».
Thông điệp thứ hai nhắm vào Matxcơva. Theo đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, ngày thứ Hai 16/04/2018, chính phủ Mỹ sẽ công bố một loạt biện pháp mới trừng phạt các xí nghiệp Nga có quan hệ với vũ khí hóa học của Syria.
Từ New York, thông tín viên Grégoire Pourtier phân tích :
« Cuối tháng Ba, Donald Trump thông báo ý định triệt thoái lực lượng Mỹ tại Syria. Mười lăm ngày sau, tổng thống Mỹ ra lệnh tiến hành một đợt oanh kích quan trọng nhất kể từ khi xảy ra chiến tranh tại Syria. Quyết tâm co cụm của chủ nhân Nhà Trắng đã đụng phải làn ranh đỏ do chính Donald Trump vạch ra : đó là không thể để chính quyền Damas sử dụng vũ khí hóa học tấn công thường dân. Nhưng nguyên nhân tiềm ẩn rất có thể là vì vai trò của Nga.
Bởi vì Washington không coi Damas là thủ phạm duy nhất. Matxcơva lẽ ra đã phải kiềm hãm chế độ Bachar al Assad, nhưng đã không làm được hoặc không muốn làm ? Biết đâu chính Nga đã tiếp tay với chính quyền Syria thi hành thủ đoạn thảm khốc này ? Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikky Haley đã hàm ý như thế hôm Chủ Nhật.
Khi lưu ý là đã có khoảng 30 vụ tấn công bằng vũ khí hóa học trong một năm qua, đại sứ Nikky Haley thông báo một số biện pháp mới chống Matxcơva : ”Nhiều biện pháp trừng phạt mới sẽ được ban hành, bộ trưởng Tài Chính Mnuchin sẽ loan báo vào thứ Hai (16/04). Các biện pháp trừng phạt này nhắm trực tiếp vào tất cả những công ty có liên quan đến Bachar al Assad và sử dụng vũ khí hóa học. Do vậy, tôi nghĩ rằng tất cả mọi người sẽ cảm thấy tác động, sẽ thấy Hoa Kỳ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ. Hy vọng rằng thông điệp này sẽ được lắng nghe”.
Matxcơva vừa trợ lực cho Assad trên chiến trường, vừa bảo vệ ông ta tại Liên Hiệp Quốc. Thái độ của Nga, liên tục dùng quyền phủ quyết để ngăn chận các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, làm Hoa Kỳ phẫn nộ. Nhưng Washington khẳng định cuộc không kích hôm Chủ Nhật chỉ là phản ứng trả đũa chế độ Syria dùng vũ khí hóa học. Hoa Kỳ không dấn thân sâu hơn vào cuộc chiến.
Vào năm 2013, nước Nga đã lợi dụng cơ hội Mỹ co cụm để phát huy ảnh hưởng để giờ đây trở thành tác nhân số một ở Syria.
Vận động ngoại giao
Sau biểu dương sức mạnh, Mỹ-Anh-Pháp vận động ngoại giao. Một dự thảo nghị quyết do Pháp soạn thảo đã được đưa đến 12 thành viên khác của Hội Đồng Bảo An gồm ba vế : hóa học, nhân đạo và chính trị, kể cả một cơ chế thanh tra vũ khí hóa học.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180416-syria-nha-trang-khang-dinh-%C2%AB-van-muon-rut-quan-som-%C2%BB
Syria: OIAC bắt đầu điều tra
về việc dùng vũ khí hóa học
Ngày 16/04/2018 thanh tra viên của Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học OIAC bắt tay vào việc. Chính quyền Syria liệu đã sử dụng vũ khí hóa học tại Douma – đông Ghouta trong đợt tấm công hôm thứ Bảy 07/04/2017 ? Damas cam kết không gây áp lực, để các nhà điều tra công tác một cách “khách quan và không thiên vị”.
Thông tín viên đài RFI trong khu vực, Paul Khalifeh tường trình.
“Lãnh đạo các nước Ả Rập kêu gọi cho mở một cuộc điều tra quốc tế và lời kêu gọi này được đưa ra đúng vào lúc các chuyên gia thuộc tổ chức OIAC đến Douma, thành phố từng do phe nổi dậy chiếm đóng. Các nhà điều tra thuộc Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học đến Damas từ hôm Thứ Bảy vừa qua, vài giờ sau khi phương Tây oanh kích Syria. Mục tiêu của nhóm chuyên gia này là điều tra về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học được cho là đã diễn ra tại khu vực này.
Thứ trưởng Ngoại Giao Syria, Ayman Soussan, tuyên bố chính quyền Damas sẽ để cho ‘nhóm điều tra thi hành nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp, khách quan, không thiên vị và không bị áp lực’. Vẫn theo nhà ngoại giao Syria này, ‘kết quả điều tra sẽ bác bỏ những luận điệu gian dối chống lại Syria’.
Thứ Bảy vừa qua, tổ chức OIAC trong một thông cáo cho biết ‘các nhà điều tra sẽ tiếp tục triển khai công tác tại Syria để thu thập các sự việc liên quan đến những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Douma.
Công tác của các chuyên gia thuộc OIAC diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Pháp khẳng định có bằng chứng là chế độ Syria đã dùng chất chlore và khí độc sarin tại Douma. Cả Damas lẫn Matxcơva đều bác bỏ những cáo buộc nói trên. Hôm qua, tổng thống Bachar al Assad một lần nữa đã khẳng định là nhờ được Nga hỗ trợ, Syria đã hủy tất cả kho vũ khí hóa học”.
Về mặt ngoại giao, tại thượng đỉnh Liên Đoàn Ả Rập lần thứ 29, họp tại thành phố Dhahran, miền đông Ả Rập Xê Út ngày 15/04/2018, hồ sơ Syria trở thành tâm điểm, bên cạnh những hồ sơ nóng bỏng khác tại khu vực, như là quy chế của thành phố Jérusalem, cuộc nội chiến và thảm họa nhân đạo tại Yemen… Trong thông cáo chung kết thúc hội nghị, lãnh đạo 22 nước thuộc Liên Đoàn Ả Rập kêu gọi “tìm kiếm một giải pháp chính trị” để khép lại xung đột tại Syria.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180416-syria-su-dung-vu-khi-hoa-hoc-thanh-tra-vien-oiac-bat-dau-dieu-tra