Tin khắp nơi – 16/03/2017
Chính quyền Trump
cắt ngân sách Bộ Ngoại giao và viện trợ quốc tế
Toà Bạch Ốc sắp sửa công bố ngân sách hôm thứ Năm 16/3 và Tổng thống Donald Trump đã khẳng định rằng ông có ý định tăng chi tiêu quân sự bằng cách cắt giảm mạnh chi tiêu của Bộ Ngoại giao, viện trợ nước ngoài và những khoản đóng góp của Hoa Kỳ cho các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc. Trong khi một số nhà phân tích nói quyết định cắt giảm như vậy có thể tăng tính hiệu quả của nền ngoại giao Mỹ, nhiều người khác kể cả giới hoạt động bênh vực nhân quyền và một số nhà lập pháp Mỹ nói họ mạnh mẽ chống đối việc cắt mạnh ngân sách của Bộ Ngoại giao và viện trợ quốc tế. Từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Thông tín viên Cindy Saine của Đài VOA gửi về bài tường trình sau đây do Hoài Hương trình bày.
Các nhà ngoại giao và nhân viên khác làm việc tại Bộ Ngoại giao và các đại sứ quán Mỹ trên khắp thế giời đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận những biện pháp cắt giảm ngân sách quy mô, cùng với việc giảm mạnh viện trợ nước ngoài, theo lời chuyên gia về phát triển toàn cầu George Ingram trong cuộc trao đổi với VOA:
“Tôi được nghe là tỷ lệ cắt giảm có phần chắc sẽ ở mức trên dưới 30%, và đề xuất ban đầu của Cơ quan Quản lý Ngân sách (OMB) là 37% nhưng đã gặp sự chống đối của Ngoại Trưởng. Ông nói “đừng cắt 37% trong năm đầu tiên, mà nên trải dài trong vòng 3 năm. Đó là điều mà chúng ta có phần chắc sẽ chứng kiến, ngân sách sẽ bị cắt vào khoảng 30.”
Các tổ chức bênh vực nhân quyền và nhân đạo nói tác động đối với người tị nạn và những nhóm người trong tình huống khó khăn khác trên khắp thế giới sẽ khó lường, theo óng/bà Adotei Akwei của Hội Ân xá Quốc tế nói chuyện với VOA qua Skype:
“Các tổ chức xã hội dân sự, các chính quyền, tôi nghĩ họ đều hết sức quan tâm không những về việc rút đi những tài nguyên hay cắt giảm tài nguyên, mà tôi tin rằng họ vô cùng lo lắng về chỗ trống do sự thiếu vắng sự hiện diện của Mỹ trong tư cách một đối tác, một động lực để cải tiến, sáng tạo, và lẽ đương nhiên trong tư cách là một tiếng nói bênh vực nhân quyền.”
Tuy nhiên một số nhà phân tích nói rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là một cơ quan hành chánh quan liêu có thể được chấn chỉnh với các biện pháp cắt giảm. Ông James Robert thuộc Hội Heritage, trước đây là một nhà ngoại giao, nói với VOA:
“Tôi tin rằng hãy còn rộng chỗ để tái tổ chức và cải tiến Bộ Ngoại giao, tăng tính hiệu quả và biến Bộ này thành một cơ quan hữu hiệu trong tư cách là một đại diện cho nhân dân Mỹ, và một tay chơi ở nước ngoài bởi vì Bộ buộc phải có một hệ thống quyền lực đơn giản hơn, tập trung vào nên chi tiền như thế nào. Như vậy ngân sách sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, và vâng đương nhiên kết quả là sẽ phải có một số sự cắt giảm.”
Chuyên gia phát triển quốc tế George Ingram còn là một nhân viên kỳ cựu tại điện Capitol. Ông nói quốc hội Mỹ sẽ không chấp nhận những khoản cắt giảm quá mạnh tay như thế đối với viện trợ quốc tế và Bộ Ngoại giao. Ông nói:
“Điều mà chúng ta chứng kiến trong tháng trước là lời phản đối ồn ào của các dân biểu và nghị sĩ thuộc cả hai đảng phái, cho rằng cắt giảm quy mô ngân sách cho các vấn đề quốc tế là điều không thể chấp nhận được. Thế cho nên tôi tin rằng chúng ta sẽ chứng kiến những sự chống trả mạnh mẽ tại quốc hội trong năm nay.”
Cuộc chiến toàn cầu để đánh bại tổ chức tự xưng là Nhà Nước Hồi giáo cũng có thể bị phương hại vì những cắt giảm ngân sách quá lớn đối với nền ngoại giao Mỹ, theo lời Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Lindsey Graham.
“Tôi muốn uỷ ban ngân sách của quốc hội hiểu rõ rằng nếu chúng ta thông qua bất cứ ngân sách nào mà cắt giảm tận đáy ngân sách Bộ Ngoại giao, thì chúng ta sẽ không bao giờ thắng cuộc chiến này. Trên thực tế, nhóm Nhà Nước Hồi giáo sẽ được tôn vinh.”
Ngân sách của Tổng thống Trump có phần chắc sẽ là trọng tâm của một cuộc tranh luận vô cùng gay gắt tại điện Capitol, trụ sở quốc hội Mỹ, trong những tháng sắp tới.
http://www.voatiengviet.com/a/chinh-quyen-trump-cat-ngan-sach-bo-ngoai-va-vien-quoc-te/3768975.html
Trump: Phán quyết
chặn lệnh cấm du hành làm Mỹ “suy yếu”
Hai tòa án liên bang Mỹ đã ban hành lệnh cấm tạm thời chống nỗ lực lần thứ 2 của Tổng thống Donald Trump, sử dụng sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế số lượng người được phép vào nước Mỹ.
Một thẩm phán bang Hawaii đã chặn cả lệnh tạm ngưng nhận người tị nạn và lệnh cấm cấp thị thực mới cho người dân đến từ 6 nước có đa số dân theo Hồi giáo. Một thẩm phán liên bang ở Maryland cũng đơn cử phát biểu của ông Trump khi ban hành một lệnh cấm riêng rẽ hôm thứ 5, tuy nhiên phán quyết đó chỉ áp dụng cho phần cấm thị thực của sắc lệnh hành pháp, chứ không áp dụng cho chương trình tị nạn.
Thẩm phán Derrick Watson kết luận rằng thách thức pháp lý của bang Hawaii có cơ may thành công với lập luận cho rằng sắc lệnh hành pháp vi phạm điều khoản thành lập Hiến pháp, đòi hỏi các hành động của chính phủ chủ yếu phải nhắm mục đích phi tôn giáo.
Ông chỉ ra những phát biểu của ông Trump và các cộng sự của ông này trước và sau khi ông được bầu làm Tổng thống vào tháng 11. Chiến dịch tranh cử của ông Trump có lúc kêu gọi nên cấm tất cả những người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, chính sách đó sau này được sửa đổi để kêu gọi phải “kiểm tra kỹ lưỡng” những người đến từ các quốc gia có liên quan đến khủng bố.
“Mối nguy đã rõ, luật pháp cũng rõ ràng, sự cần thiết của sắc lệnh hành pháp của tôi đã rõ. Tôi được bầu lên để thay đổi hệ thống bị hỏng và nguy hiểm của chúng ta, và cách suy nghĩ trong hệ thống chính phủ đã làm cho đất nước chúng ta suy yếu và lâm nguy, đẩy người dân Mỹ vào thế không được bảo vệ.”
Donald Trump, tổng thống Mỹ
Chính quyền của ông Trump nói lệnh cấm du hành là cần thiết để bảo vệ đất nước chống nguy cơ khủng bố. Đề xuất bao gồm một lệnh ngưng nhận bất kỳ người tị nạn nào trong 4 tháng, và đóng băng việc cấp thị thực cho những người đến từ Iran, Syria, Yemen, Libya, Somalia và Sudan trong 3 tháng. Dự kiến lệnh có hiệu lực vào thứ 5 trước khi tòa ra phán quyết đình chỉ việc thực thi lệnh.
Trong sắc lệnh di trú đầu tiên, Iraq có tên trên danh sách các nước bị nhắm mục tiêu, sắc lệnh này còn có một điều khoản miễn trừ các nhóm tôn giáo thiểu số khỏi lệnh cấm.
Tất cả các nước trong danh sách cấm có đa số dân là người Hồi giáo. Thẩm phán Watson bác bỏ lập luận của chính phủ rằng lệnh này không phải là lệnh cấm đối với người Hồi giáo bởi vì các nước trên danh sách cấm không bao gồm toàn bộ tín đồ Hồi giáo trên thế giới.
Bộ Tư pháp, đại diện cho chính phủ trong vụ kiện, nói rằng họ không đồng ý với phán quyết của tòa hôm thứ 4, và cho rằng phán quyết này “thiếu sót trong cả lý luận và phạm vi”.
Một thông báo của Bộ Tư pháp nói: “Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump hoàn toàn nằm trong thẩm quyền hợp pháp của ông là bảo vệ an ninh quốc gia và bộ sẽ tiếp tục bảo vệ sắc lệnh hành pháp tại tòa.”
Tổng thống Trump nói phán quyết của toà án đã khiến Hoa Kỳ bị coi là suy yếu, và tuyên bố ông sẽ tiếp tục cuộc chiến pháp lý.
Nói chuyện với những người ủng hộ tại một cuộc mít tinh ở bang Tennessee, ông Trump nói:
“Mối nguy đã rõ, luật pháp cũng rõ ràng, sự cần thiết của sắc lệnh hành pháp của tôi đã rõ. Tôi được bầu lên để thay đổi hệ thống bị hỏng và nguy hiểm của chúng ta, và cách suy nghĩ trong hệ thống chính phủ đã làm cho đất nước chúng ta suy yếu và lâm nguy, đẩy người dân Mỹ vào thế không được bảo vệ.”
Luật sư về di trú Leon Fresco, từng là phó trợ lý Bộ trưởng Tư pháp dưới thời Tổng thống Barack Obama, nói câu hỏi then chốt trong vụ kiện là quyền của tổng thống cấm nhập cảnh một thành phần nào đó, sẽ bất lợi cho nước Mỹ.
Vào tháng trước, Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 của Hoa Kỳ duy trì một phán quyết tương tự của tòa án cấp thấp để ngăn chặn chính phủ thực thi sắc lệnh hành pháp đầu tiên.
Hawaii nằm trong khu vực tư pháp này, cho nên nếu Bộ Tư pháp kháng cáo, vụ kiện sẽ lại được đưa ra trước Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9.
Các nhóm ủng hộ quyền dân sự, từng phản đối sắc lệnh ban đầu của ông Trump mà họ cho là vi hiến, đang đứng về phía một số tiểu bang, cùng với Hawaii, để thách thức sắc lệnh hành pháp mới của Tổng thống Trump./.
http://www.voatiengviet.com/a/trump-phan-quyet-chan-lenh-cam-du-hanh-lam-my-suy-yeu/3768993.html
Cáo trạng cho các nghi phạm vụ hack Yahoo năm 2014
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ dự kiến sẽ công bố bản cáo trạng đối với những nghi can vụ đánh cắp thông tin cá nhân từ hàng trăm triệu người trong vụ tấn công tin tặc nhắm vào Yahoo hồi năm 2014.
Tin tức cho hay các cáo trạng nhắm vào 4 người, 3 người ở Nga và 1 người ở Canada. Tin tức cũng cho biết có ít nhất 2 sĩ quan an ninh Nga trong số những người bị kết tội.
Vào năm 2014, toán bảo vệ an ninh mạng của Yahoo phát hiện bằng chứng cho thấy một hacker – được chống lưng bởi một chính phủ nước ngoài không nêu tên – đã xâm nhập vào các tài khoản của người sử dụng, nhưng các lãnh đạo điều hành “đã không hành động đầy đủ” khi biết điều đó, theo kết quả điều tra nội bộ. Vào thời điểm đó, Yahoo chỉ thông báo cho 26 người rằng tài khoản của họ đã bị xâm phạm.
Vụ tin tặc đó ảnh hưởng tới ít nhất 500 triệu người sử dụng. Địa chỉ email, ngày sinh, câu trả lời cho các câu hỏi về bảo mật và các thông tin cá nhân khác của họ có thể đã bị đánh cắp.
Ba tháng sau, Yahoo tiết lộ rằng họ đã phát hiện ra một vụ hack khác hồi năm 2013 ảnh hưởng tới khoảng 1 tỷ tài khoản, trong đó có một số cũng đã bị ảnh hưởng trong vụ tin tặc năm 2014.
Cuộc điều tra của công ty về vụ hack không được xử lý đến nơi đến chốn dẫn đến việc Tổng giám đốc điều hành của Yahoo, bà Marissa Mayer, bị cắt tiền thưởng hàng năm, trong khi cố vấn pháp lý của công ty Ronald Bell phải từ chức.
http://www.voatiengviet.com/a/cao-trang-cho-nghi-pham-hack-yahoo-2014/3768991.html
Tillerson: Cần có cách tiếp cận khác đối với Bắc Triều Tiên
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ gặp các nhà lãnh đạo ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc để thảo luận về cách xử lý những mối nguy hạt nhân và tên lửa từ Bắc Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ nói “rõ ràng là cần có một cách tiếp cận khác” sau 20 năm nỗ lực ngoại giao thất bại để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Phát biểu hôm thứ 5 tại Tokyo về chuyến công du đầu tiên của ông tới châu Á trong cương vị nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ, ông Tillerson cho biết lý do ông đến khu vực là để trao đổi quan điểm với Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc về những phương thức khác để tiến tới phía trước.
Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Ngoại trưởng Mỹ nói rằng “Bắc Triều Tiên và nhân dân nước này không có gì phải sợ Hoa Kỳ hoặc các nước láng giềng trong khu vực vì những nước này chỉ muốn sống trong hòa bình với Bắc Triều Tiên. Vì vậy, Hoa Kỳ kêu gọi Bắc Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo và kiềm chế những hành động khiêu khích hơn nữa.”
“Chúng tôi sẽ thảo luận với Trung Quốc về những hành động khác nữa mà chúng tôi tin họ có thể cân nhắc để áp dụng nhằm thuyết phục Bắc Triều Tiên để họ có một thái độ khác về sự cần thiết phải có vũ khí hạt nhân trong tương lai.”
Rex Tillerson, ngoại trưởng Mỹ
Ngoại trưởng Tillerson tái khẳng định cam kết của Mỹ bảo vệ Nhật Bản và các đồng minh khác vẫn “trước sau như một”.
Ông Tillerson sẽ tới Hàn Quốc vào thứ 6 và sau đó dừng chân tại Trung Quốc, nơi chương trình nghị sự của ông bao gồm một cuộc họp với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ hôm thứ 5 cho biết Trung Quốc đóng một vai trò rất quan trọng trong nỗ lực khuyến khích Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và ông đã khuyến khích Trung Quốc thực thi đầy đủ các biện pháp chế tài của LHQ nhằm gây áp lực lên chính phủ Triều Tiên.
Ông Tillerson nói: “Chúng tôi sẽ thảo luận với Trung Quốc về những hành động khác nữa mà chúng tôi tin họ có thể cân nhắc để áp dụng nhằm thuyết phục Bắc Triều Tiên để họ có một thái độ khác về sự cần thiết phải có vũ khí hạt nhân trong tương lai.”
Là nơi quân đội Hoa Kỳ trú đóng và nằm trong tầm bắn của tên lửa Bắc Triều Tiên, Nhật Bản và Hàn Quốc ủng hộ các nỗ lực của Hoa Kỳ để tăng áp lực ngoại giao và kinh tế đối với Bắc Triều Tiên. Một thông báo của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ cho biết 3 đồng minh đã tiến hành các cuộc tập trận hôm thứ 4 trên biển phía đông bán đảo Triều Tiên và phía bắc của Nhật Bản để củng cố khả năng tương tác.
Các cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng Tillerson với chủ tịch Trung Quốc sẽ là nền tảng cho một hội nghị thượng đỉnh giữa ông Tập và Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 4 ở Florida.
Chỉ có một phóng viên duy nhất đi cùng với ông Tillerson sang Châu Á, thay vì một nhóm nhà báo từ các cơ quan truyền thông mà theo truyền thống luôn luôn tháp tùng bộ trưởng Ngoại giao.
Phóng viên Erin McPike của trang web Journal Review có xu hướng bảo thủ, đã được chọn để tháp tùng ông Tillerson trong chuyến công du này. Bị các nhà báo chất vấn hôm thứ 4, quyền phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner nói phóng viên McPike đã được một nhóm người làm quyết định chọn trong một nỗ lực nhằm “tìm kiếm các phương pháp tiếp cận khác để tường trình về chuyến công du của ngoại trưởng”.
Ông Toner trấn an các nhà báo rằng giới truyền thông sẽ ” dễ dàng tiếp cận” ngoại trưởng Tillerson. Ông nói 23 nhà báo, trong đó có 17 người Mỹ, sẽ được tiếp xúc với ông Tillerson vào những thời điểm nhất định dành cho truyền thông.
Nhưng được hỏi liệu phóng viên McPike có sẽ được gặp ông Tillerson trong khi các phóng viên khác không được gặp? Ông Toner không trả lời dứt khoát.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ban đầu giải thích rằng ngoại trưởng Tillerson sẽ không có nhà báo đi cùng vì máy bay đưa ông sang châu Á quá nhỏ. Cuối cùng ông đã đi bằng máy bay Boeing 737, có đủ chỗ cho một nhóm phóng viên của một số hãng tin như thường lệ và các nhà báo này được yêu cầu tự trang trải chi phí du hành.
TQ kêu gọi Mỹ đàm phán, tránh chiến tranh thương mại
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 15/3 đảm bảo với các nhà đầu tư rằng kinh tế Trung Quốc vững, không có nguy cơ tuột dốc mạnh, đồng thời nhấn mạnh sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với toàn cầu hóa và tự do thương mại giữa bối cảnh tinh thần bảo hộ mậu dịch gia tăng.
Ông Lý cũng nhắc lại rằng Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ và kêu gọi đàm phán giữa đôi bên để tìm điểm chung.
“Chúng tôi không muốn thấy chiến tranh thương mại nổ ra giữa hai nước. Điều đó không làm cho nền thương mại của chúng ta công bằng hơn,” ông Lý phát biểu tại cuộc họp báo thường niên cuối phiên họp Quốc hội.
Tân Tổng thống Mỹ chỉ trích Trung Quốc về nhiều vấn đề từ thương mại tới Biển Đông và thái độ mà ông Trump xem là chưa mấy nhiệt tình của Trung Quốc trong việc chế ngự một Bắc Triều Tiên có trang bị võ khí hạt nhân.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã dọa sẽ liệt kê Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ và áp thuế mạnh tay với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, giới chức tại Trung Quốc, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, tỏ ra dịu giọng, thúc giục giải quyết tranh cãi thông qua các cuộc thảo luận.
“Tôi tin rằng bất kỳ khác biệt nào chúng ta cũng có thể ngồi xuống và nói chuyện với nhau, cùng làm việc để tìm ra giải pháp,” Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi.
Trong nhiều năm nay, các doanh nghiệp nước ngoài đã phàn nàn về môi trường kinh doanh xuống dốc ở Trung Quốc, tố cáo các chính sách của chính phủ Trung Quốc thiên vị các công ty trong nước dù Thủ tướng Trung Quốc hứa sẽ đẩy mạnh mở cửa nền kinh tế cho giới đầu tư ngoại quốc.
http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-my-dam-phan-thuong-mai-/3767959.html
Trước giờ có hiệu lực, sắc lệnh di trú của ông Trump bị chặn
Thẩm phán tòa địa hạt liên bang ở Hawaii, Derrick Watson, ngày 15/3 ra lệnh ngưng khẩn cấp sắc lệnh sửa đổi của Tổng thống Donald Trump cấm người từ 6 nước có đa số dân Hồi giáo nhập cảnh Mỹ cũng như tạm ngưng chương trình nhận người tị nạn.
Động thái này diễn ra chỉ vài giờ trước khi sắc lệnh của ông Trump có hiệu lực từ 12 giờ 1 phút sáng ngày 16/3.
Thẩm phán Watson nói tiểu bang Hawaii thấy nhiều phần chắc sẽ thành công trong lập luận cho rằng sắc lệnh của Tổng thống vi phạm một điều khoản trong Hiến pháp Hoa Kỳ cấm kỳ thị tôn giáo.
Những người chỉ trích sắc lệnh di trú cho rằng lệnh này phân biệt đối xử với người theo đạo Hồi trong khi Tổng thống nói chính sách này quan trọng cho an ninh quốc gia.
Đơn kiện của bang Hawaii là một trong số các đơn kiện đang được thụ lý ở các tòa án Mỹ do Tổng chưởng lý các bang và các tổ chức bảo vệ quyền cho di dân đệ nạp.
Sắc lệnh nguyên thủy của Tổng thống Trump hôm 27/1 cũng bị chặn bởi một thẩm phán liên bang.
Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Sean Spicer, không bình luận về lệnh của thẩm phán vừa đưa ra.
http://www.voatiengviet.com/a/sac-lenh-trump-bi-chan/3767942.html
Tin nói Mỹ sắp bán thêm vũ khí cho Đài Loan
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump sắp loan báo bán thêm võ khí cho Đài Loan.
Thông tấn xã trung ương của Đài Loan ngày 15/3 dẫn một bài viết trên trang mạng của Washington Free Bacon trích tin từ các giới chức chính quyền biết về các cuộc thảo luận nội bộ liên quan đến thương vụ mua bán vũ khí cho biết chính quyền ông Trump “đang chuẩn bị cung cấp thêm vũ khí tự vệ tốt hơn cho Đài Loan.”
“Tuy nhiên, gói vũ khí này sẽ không được công bố cho đến sau khi ông Trump gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng tới,” nguồn tin này cho hay.
Tin này được đưa ra sau khi chính quyền Obama hồi tháng 12 năm ngoái ngăn thương vụ 1 tỉ đô la vũ khí cho Đài Loan. Số vũ khí này cần để tăng tiến khả năng phòng vệ của Đài Loan và đã được Bộ Ngoại giao và Ngũ Giác Đài chấp thuận, theo nguồn tin vừa kể.
Được hỏi về khả năng bán thêm các loại vũ khí mới cho Đài Loan, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Gary Ross từ chối bình luận, theo tờ Washington Free Beacon. Tuy nhiên, ông Ross nhận định việc Hoa Kỳ bán vũ khí đã góp phần ổn định tại eo biển Đài Loan bằng cách giúp Đài Loan sự tự tin cần thiết để theo đuổi những tương tác xây dựng với Bắc Kinh.
Trong khi đó, báo New York Times ngày 13 tháng 3 cũng loan tin là chính phủ ông Trump dự kiến “bán cho Đài Loan nhiều loại vũ khí, một hành động chắc chắn làm Trung Quốc nổi giận.”
Các tin tức này xuất hiện trước chuyến thăm châu Á đầu tiên của tân Ngoại trưởng Mỹ, Rex Tillerson. Ông Tillerson sẽ đến Tokyo, Seoul và Bắc Kinh cuối tuần này.
Báo Washington Free Beacon cho biết Đài Loan sẽ là đề tài chính trong cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Tập, cũng như trong chuyến công du Trung Quốc của ông Tillerson.
Nguồn CNA
http://www.voatiengviet.com/a/tin-noi-my-sap-ban-them-vu-khi-cho-viet-nam/3767919.html
Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng lãi suất
Chiều thứ Tư 15/3, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ tăng lãi suất lên đôi chút giữa lúc nền kinh tế đã tạo ra đủ việc làm trong khi lạm phát chỉ tăng nhẹ.
Giới lãnh đạo của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã tranh luận về chính sách lãi suất trong hai ngày qua ở thủ đô Washington, và đa phần các nhà phân tích dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên sẽ tăng lãi suất thêm 0.25%.
Kinh tế gia của Ngân hàng PNC Gus Faucher nói người tiêu dùng đã giúp củng cố nền kinh tế Mỹ giữa lúc có nhiều việc làm hơn trong khi tiền lương gia tăng.
Một cuộc khảo sát mới đây của các nhà lãnh đạo tài chính chủ chốt thuộc Hiệp hội Kế toán Chuyên nghiệp được Chứng nhận quốc tế cho thấy nền kinh tế đạt mức độ lạc quan cao nhất trong nhiều năm qua.
Trước đó trong thời kỳ suy thoái kinh tế, FED đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục nhằm khuyến khích tăng trưởng và giải quyết tình trạng thất nghiệp, nhưng với các dữ liệu kinh tế có dấu hiệu được cải thiện, các chuyên gia đã được thuyết phục rằng nền kinh tế không còn cần được hỗ trợ như vậy nữa.
Đây là đợt tăng lãi suất thứ nhì trong vài tháng qua, và giới phân tích sẽ theo dõi các báo cáo của Fed về mốc thời gian và mức lãi suất sẽ tăng trong năm nay.
Các quan chức dùng lãi suất cao hơn để xoa dịu kinh tế và chống hiện tượng tăng lạm phát có thể ảnh hưởng tới đà tăng trưởng.
Theo các chuyên gia của Wallethub.com, mức lãi suất cao sẽ khiến chủ thẻ tín dụng Mỹ phải chi thêm 1,6 tỷ đô la để chi trả lãi suất trong năm nay. Các chuyên gia làm việc cho trang web tra cứu sử dụng thẻ tín dụng này nói rằng chi phí cao hơn sẽ gây cho khó khăn hơn cho việc thanh toán các hóa đơn. Dự kiến mức chi phí này sẽ tăng cao kỷ lục trễ hơn trong năm nay.
Trang Wallethub cho biết rất khó có thể theo dõi chính xác mức lãi suất chuẩn sẽ ảnh hưởng ra sao đến các khoản vay mua nhà và ô tô, nhưng họ cho biết kinh nghiệm gần đây cho thấy giá nhà và ô tô cũng sẽ trở nên đắt hơn.
Nếu các quan chức duy trì lãi suất quá thấp trong thời gian quá lâu, họ có nguy cơ gây ra một bước nhảy vọt đột ngột mà có thể buộc Fed phải tăng lãi suất cao và nhanh, làm gián đoạn nền kinh tế.
Các giới chức tăng lãi suất để xoa dịu kinh tế và chống lạm phát. Nhìn chung, cơ quan Fed đang cố gắng lèo lái nền kinh tế hướng tới việc kiến tạo tạo ra đủ việc làm trong khi vẫn tăng chỉ số giá lên khoảng 2% mỗi năm.
http://www.voatiengviet.com/a/ngan-hang-trung-uong-my-tang-lai-suat/3767753.html
Các thách thức đầu tiên cho tân ngoại trưởng Mỹ
Tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đang có chuyến công du đầu tiên tới Á châu, nơi căng thẳng ngoại giao có xu hướng gia tăng.
Ông Tillerson, người trước đây chưa có kinh nghiệm về chính trị, sẽ thăm một số quốc gia trực tiếp liên quan khủng hoảng hạt nhân Bắc Hàn.
Trung Quốc với tư cách cường quốc thế giới có thể là chìa khóa cho mọi vấn đề, cũng như cho sự ổn định trong khu vực, thế nhưng quan hệ giữa nước này với Hoa Kỳ đang gặp trắc trở, một phần cũng vì các bình luận của chính ông Tillerson.
Nhiều người nhận xét thử thách đầu tiên của ông trong cương vị ngoại giao không khác gì một thùng thuốc súng.
Cao cấp nhưng kín tiếng
Rex Tillerson giữ hình ảnh vô cùng kín đáo trong tháng đầu tại vị. Suốt sáu tuần liền ông không tổ chức họp báo mà chỉ cung cấp các thông cáo đã viết sẵn.
Ngay cả chuyến đi này ông không có phóng viên tháp tùng như thông lệ.
Thay vào đó, ông Tillerson sẽ chỉ cho phép một phóng viên duy nhất của website bảo thủ Independent Journal Review đi với mình. Lý do Bộ Ngoại giao đưa ra là máy bay quá nhỏ.
Người nữ phóng viên này, Erin McPike, gần đây có viết bài về ông Tillerson tựa đề “Exxon Mobil’s special treatment from the White House” (“Cách đối xử đặc biệt của Nhà Trắng dành cho Exxon Mobil”).
Chuyến đi được xem là tối quan trọng vì ông Tillerson sẽ tìm cách thực hiện ngoại giao cấp cao trong một khu vực đang tranh cãi về các bình luận công khai của ông.
Tổng thống Donald Trump từng tweet rằng cần đối đầu với Trung Quốc và chỉ trích các “cơ sở quân sự” của nước này tại Biển Đông.
Ngoài ra ông tổng thống cũng cho rằng Nam Hàn đã “thu bộn tiền” từ Mỹ trong khi Washington tìm đủ cách bảo vệ Seoul. Ông Trump còn cáo buộc Nhật Bản “lũng đoạn hối đoái”.
Các bình luận như vậy đã gây tình trạng bất an trong khu vực về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.
Vấn đề Bắc Hàn
Ông Tillerson bắt đầu chuyến đi từ Nhật Bản, được cho là chặng dễ dàng nhất trong chuyến công du lần này.
Ông có kế hoạch gặp ngoại trưởng Nhật cũng như Thủ tướng Shinzo Abe – người đã có cuộc gặp “tuyệt vời” với ông Trump.
Đe dọa quân sự từ Bắc Hàn dường như là chủ đề thống lĩnh các cuộc gặp.
Bắc Hàn đang tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân cho dù đã bị chế tài và đe dọa từ cộng đồng quốc tế. Hai vụ thử hạt nhân và hơn 20 lần phóng hỏa tiễn trong một năm đã đẩy căng thẳng lên cao.
Cả Nhật Bản và Nam Hàn, đều là đồng minh và cho phép binh lính của Hoa Kỳ đồn trú, cùng nằm trong tầm che phủ của tên lửa Bắc Hàn.
Chỉ có Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Bắc Hàn, là có thể thay đổi tình hình.
Donald Trump từng chỉ trích Trung Quốc tảng lờ tình hình Bắc Hàn, để cho nó ngày càng tồi tệ.
Thế nhưng những tuần qua Bắc Kinh dường như có những quyết định mạnh mẽ. Đầu tháng Ba, Trung Quốc yêu cầu Bắc Hàn dừng thử hỏa tiễn để giải tỏa khủng hoảng và trước đó trừng phạt bạn đồng minh bằng cách cấm nhập khẩu than.
Ông Tillerson có lẽ sẽ yêu cầu Trung Quốc có thêm hành động nhưng cùng lúc lại phải dàn xếp làm dịu một cuộc cãi cọ khác xung quanh hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Thaad đặt ở Nam Hàn.
Vấn đề Biển Đông
Tranh cãi nổi lên lâu nay quanh chương trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hồi tháng Một, ông Tillerson nói tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện: “Chúng ta cần phải đưa ra những tín hiệu rõ ràng cho Trung Quốc rằng họ cần ngừng ngay việc xây đảo nhân tạo và không được tiếp cận các đảo này.
Ông cũng ví hoạt động của Trung Quốc như việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.
Ông Tillerson nói: “Họ đã chiếm đoạt, kiểm soát hoặc tuyên bố kiểm soát các lãnh thổ không phải thuộc về Trung Quốc”.
Phát biểu của ông có thể sẽ được Nhật Bản và các nước tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc hoan nghênh nhưng lại làm việc thương thảo với Trung Quốc khó khăn hơn.
Về phía Trung Quốc, báo chí nước này cảnh báo ông Tillerson rằng hành động như vậy có thể gây “đối đầu nguy hiểm”, thậm chí “chiến tranh diện rộng”.
Thương mại và chiến thuật
Ngay cả khi ông Tillerson có thể mang bình lặng lại cho vùng Biển Đông và thuyết phục được Bắc Kinh tăng sức ép với Bình Nhưỡng, vẫn còn một vấn đề cần giải quyết thuộc lĩnh vực kinh tế.
Một trong những hành động đầu tiên của Tổng thống Trump là rút ra khỏi đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), được cho là có thể giúp mở mang thương mại với Nhật Bản và 11 quốc gia khác.
Đây là tin mừng cho Trung Quốc, vốn xem TPP như đe dọa cho sức mạnh kinh tế của mình.
Trung Quốc cũng có những vấn đề riêng về chính sách thương mại với Mỹ.
Trong khi vận động tranh cử, ông Trump đề xuất ý tưởng đánh thuế 45% với hàng hóa từ Trung Quốc và hồi tháng 1/2017 đã có cảnh báo rằng hệ thống thương mại hiện thời “có lợi cho Trung Quốc hơn chúng ta”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39290143
Ngoại trưởng Mỹ đi thăm Hàn Quốc giữa cơn chính biến
Tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ đến thăm Nam Triều Tiên trong tuần này, vào thời điểm có những chuyển biến chính trị lớn có thể làm phức tạp mối quan hệ đồng minh giữa Seoul và Washington.
Hàn Quốc đang chìm trong cuộc chính biến tiếp theo sau phán quyết chấp thuận luận tội bà Park Geun Hye, tổng thống bị truất nhiệm vì bị cáo buộc dính líu vào một vụ bê bối tham nhũng hàng triệu đôla.
Các thủ lãnh cấp tiếp đối lập, những người không đồng quan điểm với Hoa Kỳ về các chính sách Bắc Hàn, đang nổi lên và có nhiều khả năng sẽ thắng cuộc bầu cử tổng thống sắp được tổ chức.
Nhưng tân Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ chỉ nhìn thấy sự hợp nhất trong tuần này khi ông đến thăm các lực lượng quân sự Mỹ đang phối hợp với các lực lượng của Nam Triều Tiên trong một cuộc thao dượt quân sự chung có cả hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson chạy bằng năng lượng hạt nhân tham gia trong một cuộc phô diễn sức mạnh để đối lại khả năng tên lửa và hạt nhân đang phát triển của Bắc Triều Tiên.
Bắc Hàn cảnh cáo sẽ tấn công “tàn khốc” nếu hàng không mẫu hạm của Mỹ vi phạm chủ quyền và tư cách của Bình Nhưỡng.
Và Ngoại trưởng Tillerson có lẽ cũng chỉ nghe được những lời ủng hộ chính sách của Mỹ khi ông gặp gỡ với Quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn và Bộ trưởng Ngoại giao Yun Byung-Se. Cả hai giới chức lâm thời theo chủ trương bảo thủ này đều tán đồng quan điểm Mỹ cần tăng mạnh các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Hàn để tăng sức ép buộc lãnh tụ Kim Jong Un giải trừ vũ khí hạt nhân.
Và các giới chức này cũng ủng hộ việc triển khai hệ thống THAAD ở Nam Triều Tiên để làm lá chắn phòng thủ tên lửa chống Bắc Triều Tiên.
Nhiều người theo quan điểm bảo thủ đồng ý với ông Thae Young Ho, cựu phó đại sứ Bắc Hàn ở London cho đển khi đào tị sang Nam Hàn, rằng lãnh tụ Kim Jong Un sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Ông Thae nhận định: “Tôi bảo đảm chắc chắn rằng cách duy nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân cốt lõi của Bắc Triều Tiên là phải loại bỏ chế độ Kim Jong Un.”
Tuy nhiên ông Moon Jae-in, ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Ðảng Dân chủ Triều Tiên muốn đi theo hướng tiếp cận ít đối đầu hơn và thỏa thuận với chính phủ của ông Kim.
Ông Moon phát biểu: “Chúng ta không thể chối bỏ sự thật người cai trị nhân dân Bắc Triều Tiên là ông Kim Jong Un. Chúng ta không có chọn lựa nào khác hơn là phải công nhận ông Kim Jong Un là một đối tác/đối tượng, cho dù chúng ta muốn áp lực và trừng phạt hay muốn đối thoại.”
Mặc dù những nỗ lực trong quá khứ thúc đẩy thay đổi bằng những tương tác kinh tế cuối cùng đã thất bại trong mục tiêu không để cho Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, Bình Nhưỡng thực sự đã chậm lại trong chương trình phát triển hạt nhân, và điều đó ủng hộ cho quan điểm đã đến lúc thử lại đối thoại.
Nhiều người Nam Triều Tiên cũng không tán đồng kế hoạch thiết đặt hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD, trong lúc Bắc Kinh cực lực chống đối kế hoạch đó và tin tức cho hay Trung Quốc đang tăng cường trả đũa bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào các doanh nghiệp của Nam Triều Tiên.
http://www.voatiengviet.com/a/ngaoi-truong-my-di-tham-han-quoc-giua-con-chinh-bien/3767465.html
Đánh giá Quốc phòng Đài Loan
nêu bật mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc
Bắc Kinh tăng cường phát triển quân sự và các hoạt động gần đây của tàu bè và máy bay Trung Quốc xung quanh Đài Loan đề ra mối đe dọa ngày càng lớn đối với hòn đảo tự trị, theo dự thảo báo cáo quốc phòng của chính phủ Đài Loan mà Reuters được xem qua.
Bản đánh giá quốc phòng bốn năm một lần (QDR) công bố năm nay cũng nêu bật tính bất định trong đường hướng chiến lược của Mỹ tại khu vực trong tương lai, tác động khi Nhật củng cố khả năng quân sự và khả năng ‘khủng hoảng xung đột’ tại Biển Đông.
Tài liệu này sẽ được Bộ trưởng Quốc phòng trình bày trước Quốc hội Đài Loan ngày 16/3.
“Hoạt động gần đây của tàu bè và phản lực Trung Quốc xung quanh Đài Loan chứng tỏ khả năng đe dọa quân sự của Trung Quốc tiếp tục gia tăng”, đề cao tầm quan trọng của nhu cầu tự vệ của Đài Loan và tác động tiêu cực tới ổn định khu vực, bản đánh giá viết.
Đây là bản đánh giá đầu tiên kể từ khi Tổng thống Thái Anh Văn lên nhậm chức tháng 5 năm ngoái.
Đánh giá được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường các cuộc diễn tập quân sự hàng không, hàng hải tại các vùng biển bao quanh Đài Loan.
Vẫn theo báo cáo này, “tranh chấp chủ quyền trong khu vực và cạnh tranh chiến lược có thể sẽ còn leo thang, dẫn tới khủng hoảng xung đột tiềm tàng.”
Bản đánh giá cũng lưu ý tới thực tế rằng Nhật Bản đang chuyển dần từ hiến pháp chủ hòa sang tăng cường võ trang và dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng binh sĩ nước ngoài. Báo cáo nói thực trạng này có tác động sâu xa đến tình hình an ninh Châu Á-Thái Bình Dương và Eo biển Đài Loan.
Mỹ vẫn là đồng minh lớn nhất và cũng là nhà cung cấp võ khí lớn nhất cho Đài Loan.
Hai tàu khu trục Hải quân Mỹ hết sử dụng dành cho Đài Loan vừa được bàn giao tuần rồi và dự kiến sẽ được Hải quân Đài Loan đưa vào phục vụ vào cuối tháng 5 tới đây.
http://www.voatiengviet.com/a/danh-gia-quoc-phong-dai-loan-neu-bat-de-doa-tu-trung-quoc/3768383.html
Hàn Quốc trông đợi bầu Tổng thống mới
Hàn Quốc ngày 15/3 loan báo sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống vào ngày 9/5 để chọn ra người kế nhiệm cựu Tổng thống Park Geun-hye bị truất phế tuần trước vì tai tiếng tham nhũng.
Bên công tố viên cùng ngày tuyên bố bà Park sẽ bị triệu tập để thẩm vấn vào thứ ba tuần tới liên quan đến scandal lạm quyền.
Tòa Hiến pháp truất phế bà Park hồi thứ sáu tuần trước, nhưng bà Park khẳng định không làm gì sai.
Tập đoàn Samsung đã bị nêu tên trong vụ tai tiếng của bà Park và các công tố viên đã bắt đầu điều tra hai đại công ty khác là Tập đoàn Lotte và Tập đoàn SK, theo thông tấn xã Yonhap.
Samsung bác mọi cáo buộc. Phát ngôn nhân của hai Tập đoàn SK và Lotte cho biết hai doanh nghiệp này sẽ hợp tác với cuộc điề tra.
Sau khi rời Dinh Ngói Xanh hôm chủ nhật, bà Park nói ‘Mọi chuyện phải chờ thời gian nhưng tôi tin rằng sự thật sẽ được phanh phui.’
Bà Park bị tố cáo thông đồng với người bạn tên Choi Soon-sil áp lực các doanh nghiệp lớn phải đóng góp vào các tổ chức được thành lập để hậu thuẫn các chính sách của Tổng thống và tạo điều kiện cho bà Choi ảnh hưởng vào chuyện nhà nước.
Quyền Tổng thống hiện nay, Thủ tướng Hwang Kyo-ahn, cho biết không có ý định tranh chức Tổng thống.
Những ứng viên hàng đầu hiện nay gồm ông Moon Jae-In, 64 tuổi, nguyên là một nhà lập pháp và cựu lãnh đạo của đảng Dân chủ đối lập vốn đã thất bại trước bà Park trong cuộc bầu cử năm 2012; ông An Hee-Jung, 51 tuổi, người vượt lên vị trí thứ nhì trong các cuộc thăm dò công chúng sau khi cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon quyết định không ra tranh cử, từng là phụ tá của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun và là thống đốc hai nhiệm kỳ của South Chungcheong; nhà lập pháp Ahn Cheol-soo, 55 tuổi, từng là một bác sĩ và một doanh nghiệp về máy tính; và ông Lee Jae-myeong, 52 tuổi, thị trưởng Seongnam, thành viên đảng Dân chủ.
http://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-tong-thong-moi-/3767963.html
Bom thư phát nổ tại văn phòng IMF ở Paris,
một người bị thương
Nguồn tin cảnh sát cho biết một bức thư đã phát nổ khi vừa được mở ra tại văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở trung tâm Paris hôm thứ Năm, khiến một người bị thương nhẹ.
Trên trang Twitter, Sở cảnh sát Paris cho biết một cuộc điều tra đang được tiến hành tại các văn phòng của IMF và Ngân hàng Thế giới sau khi một người bị thương sau vụ nổ một bưu kiện khả nghi.
Một nguồn tin cảnh sát xác nhận với Reuters “phong bì đã phát nổ ngay sau khi được mở ra và một người bị thương nhẹ tại văn phòng của IMF”.
Truyền thông Pháp cho hay người phụ nữ mở phong bì, với địa chỉ gửi tới cho một giới chức cấp cao của IMF, đã bị bỏng tay và mặt.
Các nhà điều tra nói cho biết thiết bị nổ là một “ống xi lanh lớn màu đen, dài khoảng 30cm”. Vụ nổ lớn đến mức làm thủng trần nhà.
Khoảng 150 nhân viên đã được sơ tán khỏi tòa nhà, trong khi nhân viên phòng bị và điều tra có mặt tại hiện trường.
Các giới chức cho biết đã có các cuộc điện thoại đe dọa trước khi vụ nổ xảy ra, nhưng không rõ liệu chúng có liên quan hay không.
Vụ nổ xảy ra vào thời điểm chỉ còn sáu tuần trước cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp, giữa lúc một nhóm du kích vô chính phủ Hy Lạp có tên “Conspiracy of Fire Cells” vừa lên tiếng nhận trách nhiệm về quả bom thư gửi cho Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble hôm thứ Tư.
Thủ tướng Hà Lan Rutte mừng ‘loại trừ chủ nghĩa dân túy’
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói rằng Hà Lan loại trừ “kiểu dạng dân túy sai lầm” trong lúc tuyên bố chiến thắng bầu cử Quốc hội.
Gần như tất cả lượng phiếu đã được kiểm, Đảng trung hữu VVD của ông Rutte dễ dàng đánh bại đảng chống nhập cư của Geert Wilders.
Cuộc đua này được xem là phép thử sự ủng hộ cho các đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc đang thắng thế tại khắp châu Âu.
Ông Wilders khẳng định phong trào “mùa xuân yêu nước” vẫn sẽ xảy ra.
Bầu cử Hà Lan: phép thử cho phe dân túy
Hà Lan trục xuất bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ
Với hơn 90% lượng phiếu được kiểm, VVD giành được 33/150 ghế, mất tám ghế so với quốc hội trước đó.
Đảng Tự do của Geert Wilders (PVV) xếp vị trí thứ hai với 20 ghế, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và đảng D66 cùng được 19 ghế.
Đảng Xanh-Tả được 14 ghế.
Đảng Lao động (PvdA), thất bại khi chỉ giành được 9 ghế.
Số cử đi bầu lên đến hơn 80%, mức cao nhất trong 30 năm và điều này có thể đem lại lợi thế cho các đảng ủng hộ EU và đảng Tự do, các nhà phân tích cho biết
Một số cuộc thăm dò ý kiến trước bầu cử dự báo PVV giành được số ghế nhiều nhất.
Ông Wilders cam kết đưa Hà Lan ra khỏi EU, đóng cửa tất cả các nhà thờ Hồi giáo và cấm Koran.
Trước đó, trong một cuộc tranh luận trên truyền hình, hai ông Rutte và Wilders đã bất đồng về cách thức kiểm soát nhập cư.
Ông Rutte bác bỏ kế hoạch đóng cửa biên giới và nhà thờ Hồi giáo của ông Wilders, nói đây là “giải pháp sai”.
Ông Wilders thì cáo buộc ông Rutte là cho dân nhập cư hưởng dịch vụ y tế tốt hơn là người bản địa.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39288568
Phạt đảng cầm quyền ở Anh 70 nghìn bảng
Ủy ban Bầu cử Quốc gia vừa phạt đảng Bảo thủ hiện đang cầm quyền tại Anh Quốc khoản tiền 70 nghìn bảng vì sai phạm trong phúc trình về chi tiêu tranh cử.
Sau khi nộp lên Ủy ban Bầu cử các báo cáo chi tiêu từ bầu cử bổ sung năm 2014, và bầu cử toàn quốc 2015, giấy tờ của đảng Bảo thủ bị cho là ‘thiếu mất hai khoản tiền’.
Đó là khoản 104 nghìn bảng cho năm 2014 và 118 nghìn cho năm 2015, hoặc bị thiếu, hoặc bị báo cáo không đúng cách.
Đảng Bảo thủ chấp nhận bị phạt và thông báo rằng họ đã “có lỗi hành chính” trong việc ghi lại các chi tiêu.
Chủ tịch điều hành của Ủy ban Bầu cử Quốc gia Anh, bà Claire Bassett nói với kênh BBC Radio 5 live rằng cuộc điều tra về chi tiêu của đảng Bảo thủ lâu hơn cần thiết.
Hé lộ chi tiêu VP Trung ương Đảng – BBC Tiếng Việt
Lý do là có khó khăn trong việc yêu cầu đảng này trình ra các thông tin họ nắm giữ, tới mức Ủy ban Bầu cử phải xin một lệnh của tòa án mới được việc.
Tăng tiền hiến tặng sau trưng cầu dân ý Brexit
Theo luật ở Anh, các đảng chính trị được quyền nhận tiền hiến tặng để vận động tranh cử nhưng phải trình lên Ủy ban Bầu cử mọi chi tiêu sau đó.
Cuộc trưng cầu dân ý Brexit tháng 6/2016 là một cột mốc trong chính trị Anh từ nhiều năm qua và tác động đến việc hiến tặng tiền cho các đảng chính trị.
Theo BBC News hôm 26/11/2016, chỉ ba tháng sau trưng cầu dân ý, đảng Bảo thủ Anh thông báo họ nhận được 2,8 triệu bảng tiền hiến tặng.
Đảng Lao động Anh ngồi ghế đối lập nhận được 2 triệu bảng, còn đảng Tự do Dân chủ được 928 nghìn.
Đảng Anh quốc Độc lập (UKip) thông báo họ nhận được gần 43 nghìn bảng, còn đảng Dân tộc Chủ nghĩa Anh (BNP) được trên 94 nghìn.
Ukip là đảng đem vấn đề rời EU ra làm cương lĩnh tranh cử và hiện nay dù chỉ có một dân biểu trong Hạ viện, họ tiếp tục gây sức ép lên đảng Bảo thủ để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình Brexit.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39290198
Interpol truy nã
4 nghi phạm Bắc Hàn trong vụ ám sát Kim Jong-Nam
Malaysia cho biết cảnh sát quốc tế INTERPOL đã phát lệnh thông báo đỏ, giúp truy lùng 4 người Bắc Hàn bị tình nghi liên quan trực tiếp đến vụ dùng chất độc hóa học ám sát ông Kim Jong Nam, người được nói là anh của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-Un.
Theo giải thích của ông Khalid Abu Bakar, Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia Malaysia, thông báo đỏ được INTERPOL gửi đến các nước thành viên với mục đích cho biết những người muốn bắt giữ và dẫn độ. Bước kế tiếp của INTERPOL là phát lệnh truy nã quốc tế.
Ông Kim Jong-Nam bị giết hôm 13 tháng Hai vừa rồi, khi đang có mặt ở phi trường quốc tế Kuala Lumpur chờ lên máy bay đi Macao. Cảnh sát Malaysia cho biết có 4 người Bắc Hàn can dự vào vụ ám sát, tất cả sau đó đã rời Kuala Lumpur và tình nghi họ đã trở về lại Bình Nhưỡng.
Ngoài 4 người này, cảnh sát Malaysia còn nghi có 4 người khác cũng là công dân Bắc Hàn, có thể đang ẩn núp trong đại sứ quán Bắc Hàn ở Kuala Lumpur.
Trung Quốc gia tăng đòn hiểm
để chống lá chắn THAAD ở Hàn Quốc
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 13/03/2017, một viên tướng Trung Quốc hồi hưu vừa khẳng định rằng Quân Đội Trung Quốc sẽ triển khai hệ thống phá sóng radar của Mỹ ngay trước lúc Hoa Kỳ thiết lập xong lá chắn chống tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Vế đáp trả về quân sự này được tiết lộ vào lúc Bắc Kinh không ngần ngại gia tăng những thủ đoạn hiểm độc, đặc biệt là về kinh tế, nhằm ép Seoul hủy bỏ việc cho Mỹ bố trí tại Hàn Quốc hệ thống chống tên lửa Bắc Triều Tiên.
Đối với Mỹ và Hàn Quốc, lá chắn chống tên lửa THAAD rất cần thiết để bảo vệ Hàn Quốc chống mối đe dọa Bắc Triều Tiên, thế nhưng Bắc Kinh lại cho rằng hệ thống đó có thể nhìn thấu qua màng lưới phòng thủ của Trung Quốc.
Theo tiết lộ của tướng Vương Hồng Quang (Wang Hongguang), nguyên phó tư lệnh Quân Khu Nam Kinh của Trung Quốc, thì quân đội Trung Quốc sẽ triển khai các thiết bị chống radar của mình trước khi mà Hàn Quốc triển khai xong lá chắn của Mỹ.
Với việc các linh kiện đầu tiên của hệ thống THAAD đã đến Hàn Quốc vào tuần qua, Trung Quốc phải « tiên hạ thủ vi cường » vì biết rõ là không thể ngăn được tiến trình lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc, và cũng không thể chờ đợi cơ may là tổng thống sắp tới đây ở Hàn Quốc thay đổi đường lối và ngưng việc triển khai THAAD.
Đối với tướng Vương Hồng Quang, Trung Quốc đã có những biện pháp để vô hiệu hóa radar của THAAD và sẽ hoàn tất việc triển khai các biện pháp này trước khi hệ thống THAAD ở Hàn Quốc đi vào hoạt động.
Bên lề khóa họp Quốc Hội Trung Quốc tại Bắc Kinh, viên tướng này khẳng định : « Không cần phải đợi hai tháng nữa – tức trước khi bầu cử tổng thống mới Hàn Quốc – Trung Quốc đã có sẵn những thiết bị cần thiết, chỉ cần đưa đến đúng địa điểm mà thôi ».
Nhạc Cương (Yue Gang), một cựu đại tá và bình luận gia quân sự cho là Trung Quốc có khả năng phá hủy hoặc vô hiệu hóa hệ thống radar của màng lưới THAAD. Theo nhân vật này, việc phá hủy chỉ có thể xẩy ra khi hai bên có chiến tranh, do vậy hiện nay, lựa chọn của Trung Quốc là tác động đến hoạt động của lá chắn qua công nghệ điện từ. Và theo ông Nhạc Cương, nơi lý tưởng để đặt các thiết bị điện từ là bán đảo Sơn Đông đối diện với Hàn Quốc.
Theo Phó Tiền Tiêu (Fu Qianshao), một chuyên gia về thiết bị không quân, thì Trung Quốc có thể cho máy bay- có người lái hay không – bay sát nơi đặt hệ thống THAAD để làm nhiễu sóng radar. Tất cả các lực lượng quân sự Trung Quốc đều có thể làm việc này.
Về phần mình, tướng Vương Hồng Quang cho rằng mối quan ngại chủ yếu của Trung Quốc không phải chỉ có việc hệ thống THAAD được bố trí ở Hàn Quốc, mà còn là việc Mỹ mở rộng phạm vi, đặt khu vực trong một mạng lưới hệ thống lá chắn tên lửa tinh vi ở Nhật Bản, Singapore, Philippines và có thể cả ở Đài Loan.
Hệ thống THAAD bao gồm radar tinh vi và tên lửa đánh chặn hỏa tiễn có khả năng định vị và phá hủy hỏa tiễn đạn đạo được phóng đến.
Biện pháp bóp nghẹt Hàn Quốc bằng kinh tế
Cùng với biện pháp quân sự, Trung Quốc còn sử dụng biện pháp cố hữu : kinh tế.
Theo trang mạng Hàn Quốc Korea Bizwire, cũng vào ngày 13/03, việc trả đũa kinh tế liên quan đến THAAD không có dấu hiệu thuyên giảm, mà trái lại, còn tăng, với các thông tin cho biết là chính quyền Trung Quốc càng lúc càng đánh vào nhiều tập đoàn Hàn Quốc hơn, kể cả những cơ sở kinh doanh tư nhân.
Với tiến trình triển khai lá chắn tăng tốc, thì các hành vi trả đũa nhắm vào giới kinh doanh Hàn Quốc cũng tăng tốc theo. Một ví dụ điển hình là tập đoàn Lotte của Hàn Quốc. Vì là hãng đã cung cấp mặt bằng cho việc đặt lá chắn, Lotte đã phải gánh chịu hậu quả vô cùng nặng nề.
Thế nhưng không chỉ có Lotte, mà hầu như tất cả các doanh nghiệp Hàn Quốc đã bị một môi trường thù nghịch bao trùm.
Vào tuần qua, một văn phòng của một hãng truyền thông Hàn Quốc đã bị Ủy Ban Quản Lý và Giám Sát Tài Sản của Trung Quốc bất ngờ thanh tra về mặt an toàn. Bình thường ra, cơ quan này không quản lý các công ty tư nhân.
Ngoài ra, còn có việc khuyến khích dân chúng tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc. Một chỉ thị đã được chính quyền gởi đến các trường học ở Bắc Kinh thúc giục học sinh không mua sản phẩm, dịch vụ Hàn Quốc.
Một quan chức tài chính Hàn Quốc cảnh báo là tình hình sẽ tệ hại hơn nữa. Theo ông, « đòn trả đũa kinh tế của Trung Quốc đối với các công ty Hàn Quốc đã bắt đầu bằng việc đóng cửa các cửa hàng của một thương hiệu nhất định, nhưng giờ đây đang chuyển thành một cuộc tấn công toàn diện và có hệ thống hơn ».
Tại Hàn Quốc, theo thông tin báo chí, nhiều quan chức chính phủ cho rằng cuộc trả đũa gần đây của Trung Quốc trong vấn đề THAAD có thể đã vi phạm luật thương mại quốc tế, và Seoul có thể kiện Bắc Kinh ra trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.
Tuy nhiên, phát biểu với các phóng viên tại bộ Ngoại Giao hôm 13/03, bộ trưởng Tài Chính Hàn Quốc Yo Yo-ho đã bác bỏ những lời kêu gọi kiện Trung Quốc, cho rằng hiện không có đủ bằng chứng.
Kích động tinh thần bài Hàn Quốc trong học sinh
Một khía cạnh thâm hiểm trong các biện pháp mà Bắc Kinh dùng để gây sức ép trên Seoul là việc khích động trẻ em tẩy chay sản phẩm Hàn Quốc. Khía cạnh này đã được trang blog The Shangaiist vạch trần trong một bài viết ngày 13/03.
Tác giả bài viết trước hết ghi nhận tình trạng cực kỳ khó khăn mà tập đoàn Lotte của Hàn Quốc – rất mạnh với các siêu thị và cửa hàng ăn nhanh – đang trải qua tại Trung Quốc. Tệ hại hơn chính là việc Lotte đang trở thành đối tượng tấn công của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi Trung Quốc.
Không những Lotte đã bị buộc phải đóng cửa hơn một nửa số cửa hiệu của mình trên toàn Trung Quốc, mà trước các cửa hiệu vẫn còn mở cửa, lúc nào cũng có những người Trung Quốc gọi là « yêu nước » đến biểu tình phản đối và cản trở kinh doanh. Và giờ đây, chính quyền Trung Quốc còn bắt đầu chiến dịch nhồi sọ các học sinh tiểu học về cái hại của các sản phẩm ăn nhanh của thương hiệu Lotte, vốn rất được các em yêu thích.
Một đoạn video mới đây đã ghi lại cảnh các em học sinh tiểu học biểu tình ngoài đường, với các biểu ngữ cũng như các tiếng hô bài Hàn Quốc và chống Lotte. Người ta thấy một giáo viên cùng các em hô những khẩu hiệu như « Lotte, hãy cút khỏi Trung Quốc ! », « Hãy tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc ! », « Phản đối THAAD ! », « Hãy yêu đất nước Trung Quốc ! ».
Vương Đan, một trong những lãnh đạo sinh viên biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, người đã công bố đoạn video trên trên Facebook đã nhận xét : « Đây quả là những hành vi điển hình của thời kỳ trước Cách Mạng Văn Hoá ».
Trong một đoạn video khác, người ta thấy các học sinh tiểu học tập hợp trong một hội trường, thề quyết yêu nước Trung Quốc và tẩy chay hàng ăn nhanh của Lotte.
Còn trên Twitter, có người đã đăng một bức ảnh cho thấy các em học sinh đang được giới thiệu về các món ăn nhẹ Hàn Quốc mà các em không nên mua.
Ngoài Lotte, cơn thịnh nộ của Trung Quốc chống lại THAAD cũng giáng xuống đầu ngành du lịch Hàn Quốc. Hôm 11/03, một chiếc tàu du lịch với 3.400 du khách Trung Quốc đã từ chối đặt chân lên đất Hàn Quốc sau khi cập cảng tại hòn đảo nghỉ mát nổi tiếng Jeju.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170316-trung-quoc-gia-tang-don-hiem-de-chong-la-chan-thaad-o-han-quoc
Những điều mà ngoại trưởng Mỹ phải làm rõ
trong chuyến đi Trung Quốc
Thứ Bảy 18/3/2017, ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ đến Bắc Kinh, sau khi dừng chân tại Tokyo hôm qua (15/3) và thăm Seoul vào ngày mai (17/3). Đây cũng là chuyến viếng thăm Bắc Kinh của một quan chức cao cấp Hoa Kỳ đầu tiên, kể từ khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Theo giới chuyên gia được báo mạng Forbes trích dẫn, có ít nhất 5 vấn đề mà ngoại trưởng Mỹ cần phải làm sáng tỏ về mối quan hệ nhập nhằng và bấp bênh này giữa Washington và Bắc Kinh.
Thứ nhất, cũng như bao quốc gia khác, Trung Quốc trông đợi một lập trường rõ ràng và nhất quán từ ông Trump. Sau cú trao đổi điện thoại với tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, gây căng thẳng cho đôi bên, Bắc Kinh giờ muốn biết xem Hoa Kỳ nghiêm túc đến đâu trong việc giúp đỡ Nhật Bản và Hàn Quốc phòng thủ chống lại chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.
Bắc Kinh cũng tò mò muốn biết Tillerson có ý gì khi hồi tháng Giêng năm 2017 nói rằng nên ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo tại Biển Đông mà nước này đòi hỏi chủ quyền và có tranh chấp với các nước láng giềng. Ngoại trưởng Mỹ còn tuyên bố là “muốn thiết lập một sân chơi bình đẳng cho các lợi ích thương mại và đầu tư của đôi bên”. Trung Quốc rất muốn biết điều đó có ý nghĩa gì cho quan hệ thương mại Mỹ – Trung.
Thứ hai, Bắc Kinh chắc chắn vẫn sẽ bổn cũ soạn lại: Đưa ra những luận điệu và cam kết cũ. Cách tiếp cận này sẽ ngày càng được dùng đến nhiều hơn cho đến khi nào Trung Quốc biết rõ là ông Trump đang dở trò gì tại châu Á. Nghĩa là, Trung Quốc vẫn cam kết gây áp lực lên Bắc Triều Tiên trong hồ sơ hạt nhân, nhưng phản đối Hoa Kỳ và Hàn Quốc cho lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa THAAD. Về căng thẳng trên Biển Đông, Bắc Kinh vẫn lập lại yêu sách chủ quyền tại những đảo mà họ đòi hỏi và kêu gọi hợp tác với bốn nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền lãnh hải. Lãnh đạo đảng Cộng Sản lại sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại Mỹ – Trung đối với các doanh nghiệp và các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ trên cả hai phía ra sao.
Điểm thứ ba chính là quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ – Nhật – Hàn. Ông Rex Tillerson đến Nhật Bản hôm qua 15/3 để trấn an đồng minh trước mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên, cũng như là trước những động thái quân sự của Trung Quốc tại những đảo đang có tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản. Và thứ Sáu này, ngoại trưởng Mỹ sẽ có cuộc gặp đầu tiên với tổng thống tạm quyền Hwang Kyo-Ahn tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trang mạng Forbes trích nhận định của giáo sư Carl Thayer, thuộc Đại học New South Wales, Úc cho rằng việc “việc Hoa Kỳ quay lại tập trung vào vùng Đông Bắc Á và viện dẫn điều khoản số 5 trong Hiệp ước song phương an ninh Mỹ – Nhật sẽ không làm cho Bắc Kinh hài lòng”.
Từ đó, người ta có thể hình dung ra bước đi thứ tư của Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực, kể cả hồ sơ Biển Đông : “Nhã nhặn từ chối mọi nhượng bộ”. Tất cả những lời nhạo báng chỉ trích từ Tillerson hay từ những nước xung quanh đều phải dừng tại đây. Nếu nói về hành động gây hấn trên Biển Đông ư, Trung Quốc sắp có bộ Quy Tắc Ứng Xử với các nước Đông Nam Á. Ủng hộ lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Bắc Triều Tiên ư, Bắc Kinh đồng ý nhưng từ chối gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Như nhận định của ông Sean King, phó chủ tịch Hội đồng Tư Vấn Park Strategies tại New York, những lời phàn nàn của Tillerson về những hồ sơ trên sẽ được lịch sự lắng nghe, nhưng Trung Quốc sẽ “không đưa ra một giải pháp nào khác”.
Và bước cuối cùng là đôi bên sẽ lên kế hoạch cho chuyến công du Hoa Kỳ của chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng Tư sắp tới, dự kiến cho một cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai lãnh đạo Mỹ – Trung kể từ lúc Nhà Trắng có chủ nhân mới. Chuyến đi Bắc Kinh lần này của Tillerson có lẽ để thiết lập một chương trình nghị sự cho cuộc gặp thượng đỉnh nhằm tránh những yếu tố bất ngờ có thể làm tổn hại đến mối quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc.
Đó là những gì giới chuyên gia dự đoán. Tuy nhiên, năm điểm này có thành hiện thực hay không vẫn còn lệ thuộc nhiều vào chính bản thân ông Donald Trump, một người nổi tiếng với những dòng “tweet” gây bất ngờ và những phát biểu đầy khiêu khích. Rex Tillerson chỉ là người thừa hành những gì ông Trump và vị cố vấn chính của tổng thống, Stephen Bannon vạch ra. Đó là chưa kể đến mối đe dọa bị cắt giảm đến 30% ngân sách ngành ngoại giao mà ông Trump đề xuất.
Syria : Quân đội Nga và Mỹ
đối mặt với nhau tại thành phố Manbij
Hôm qua, 15/03/2017, phát ngôn viên của quân đội Mỹ cho giới báo chí biết là lực lượng đặc nhiệm Mỹ và binh sĩ Nga đều có mặt ở phía bắc thành phố Manbij, Syria. Hai bên có thể nhìn thấy nhau, nhưng không nói chuyện trực tiếp với nhau. Bên này đang quan sát các hoạt động của bên kia.
Theo AFP, việc binh sĩ và xe bọc thép của Mỹ và Nga cùng có mặt trên những tuyến đường của thành phố Manbij là một tình huống kỳ lạ trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự tại Syria đã kéo dài từ 6 năm qua.
Phóng viên trong khu vực, Paul Khalifeh tường trình :
« Hàng chục binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm Mỹ và các xe bọc thép được triển khai xung quanh thành phố Manbij từ nhiều tuần qua. Nhiệm vụ của lực lượng này là tạo vùng đệm, ngăn chặn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm đồng minh Syria của Ankara mở một cuộc tấn công vào thành phố Manbij. Liên minh Kurdistan-Ả Rập đã đánh chiếm được thành phố này từ tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Liên minh Kurdistan-Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ thù của nhau, nhưng đều là đồng minh của Mỹ.
Cách nay vài ngày, quân đội Nga tới nơi đây. Các xe bọc thép của Nga đi bảo vệ đoàn xe cứu trợ nhân đạo mà chính phủ Syria gửi với người dân ở Manbij.
Quân đội Mỹ và Nga chỉ cách nhau có vài trăm mét. Theo đại tá John Dorrian, phát ngôn viên của liên minh quốc tế chống thánh chiến tại Irak, hai bên có thể nhìn thấy nhau nhưng không nói chuyện với nhau. Quân đội Mỹ và Nga liên lạc với nhau ở cấp bộ tham mưu trong khuôn khổ thỏa thuận giữa Washington và Matxcơva để tránh các vụ không kích nhầm tại Syria.
Tình hình tại Manbij phản ánh rõ sự phức tạp của cuộc khủng hoảng Syria. Thành phố này và các vùng phụ cận đã bị quân thánh chiến đánh chiếm hồi tháng 11 năm ngoái. Bốn quân đội và một loạt các nhóm nổi dậy theo các xu hướng khác nhau hiện diện tại đây. Chỉ cần một sự cố hoặc một trong các bên đánh giá sai tình hình là có thể làm dấy lên xung đột bất kể lúc nào ».
Cũng trong ngày hôm qua, hai vụ đánh bom tự sát ở Damas, trong vòng chưa tới 2 giờ, đã khiến ít nhất 32 người thiệt mạng.
Còn tại Hoa Kỳ, Lầu Năm Góc hôm qua dự tính điều thêm 1.000 lính sang Syria để tăng cường cho cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo để giành lấy Raqa, thủ phủ của Daech. Tuy nhiên, Washington vẫn lạc quan tin rằng sẽ tìm ra một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng đã bước sang năm thứ Bảy tại Syria.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170316-syria-quan-doi-nga-va-my-doi-mat-voi-nhau-tai-thanh-pho-manbij
Bắc Kinh và Manila ký một thỏa thuận thương mại quan trọng
Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines thông báo, Bắc Kinh vào hôm qua 15/03/2017 đã ký thỏa thuận thương mại với Manila. Theo thỏa thuận thương mại này, các doanh nghiệp Trung Quốc cam kết năm 2017 sẽ mua nhiều loại hàng hóa từ Philippines, từ hoa quả, hải sản cho tới hóa chất … với tổng trị giá lên tới 1,7 tỉ đô la.
Theo AFP, thỏa thuận này cho thấy chiến lược xích lại gần Trung Quốc của tổng thống Phillipines. Ông Rodrigo Duterte muốn ký các thỏa thuận thương mại và thu hút đầu tư Trung Quốc, đặc biệt vào trong các lĩnh vực hạ tầng cơ sở vốn đang trong tình trạng rất tồi tệ tại Phillipines.
Các dân biểu phản đối kế khôi phục án tử hình bị trừng phạt
Cũng tại Philippines, 12 dân biểu bị đảng của tổng thống Phlippines Rodrigo Duterte trừng phạt vì đã bỏ phiếu phản đối khôi phục án tử hình.
Phó chủ tich Hạ Viện Phillippines, bà Gloria Arroyo, người từng giữ chức tổng thống từ năm 2001 đến năm 2010, cùng 11 dân biểu khác giữ các chức vụ khác nhau trong nhiều ủy ban đã bị cách chức. Nhiều phương tiện truyền thông Philippiens đã gọi đây là « một vụ thanh trừng ».
Án tử hình đã bị Philippines bãi bỏ năm 2006. Phe đối lập lo ngại là việc khôi phục án tử hình, cùng với nạn tham nhũng của hệ thống tư pháp của nước này sẽ khiến nhiều người dân vô tội mất mạng.
Tổng thống Duterte thì hy vọng án tử hình sẽ được khôi phục lại vào tháng 05/2017. Ông cho rằng biện pháp này sẽ là một công cụ đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến chống ma túy tại Philippines.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170316-bac-kinh-va-manilla-ky-mot-thoa-thuan-thuong-mai-quan-trong
Pháp : Tám người bị thương
trong vụ xả súng tại trường học ở Grasse
Chính phủ Pháp vừa ra lệnh báo động khủng bố sau khi xẩy ra một vụ xả súng vào giữa ngày hôm nay, 16/03/2017, tại trường trung học Tocqueville, thành phố Grasse, vùng Alpes-Maritimes, miền nam nước Pháp. Trong vụ này, 8 người bị thương nhẹ, trong đó có hiệu trưởng của trường.
Lãnh đạo ngành giáo dục thành phố Nice thông báo trên Twitter : « Tất cả các trường học ở Grasse đều đã đóng cửa ». Quan chức này cũng đã kêu gọi các bậc phụ huynh học sinh giữ bình tĩnh, và không nên tới gần các trường học. Ông trấn an là « các học sinh đều vẫn an toàn ».
Reuters cho biết là một học sinh 17 tuổi – có mang theo vũ khí – đã bị cảnh sát thẩm vấn. Một khẩu súng trường, hai khẩu súng ngắn, hai quả lựu đạn … Đó là một vài trong số nhiều vũ khí mà học sinh này mang theo người khi bị cảnh sát bắt. Theo các thông tin ban đầu từ các điều tra viên, nghi phạm đã hành động một mình.
Một bưu kiện có chất nổ đã phát nổ tại trụ sở Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế
Cũng trong ngày hôm nay, một bưu kiện có cài chất nổ đã được gửi tới Văn phòng đại diện của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế -IMF tại Paris. Bưu kiện phát nổ đã khiến một trợ lý giám đốc bị thương ở mặt và thủng màng nhĩ.
Cảnh sát trưởng Paris, Michel Cadot, giải thích với đài RFI : « đó hoặc là một quả pháo lớn, hoặc là một vật gì đó được chế tạo một cách thủ công. Nhưng không phải là bom ». Bbưu kiện phát nổ khi được mở ra trong phòng thư ký ban lãnh đạo nên chỉ gây ra các hư hại trong căn phòng này.
Reuters cho biết là đơn vị chống khủng bố của Viện Công Tố Paris đã mở một cuộc điều tra về âm mưu ám sát và phá hủy bằng thuốc nổ có liên quan tới khủng bố.
Tổng thống Pháp François Hollande gọi đây là « một vụ khủng bố ». Ông tuyên bố nhà chức trách Pháp sẽ truy tìm đến cùng nguyên nhân và thủ phạm gây ra vụ nổ. Còn Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve ngay lập tức đã ngưng chuyến thăm tại Somme và khẩn cấp đáp trực thăng quay về Paris.
Bầu cử tổng thống 2017 :
Viễn cảnh nào cho nền chính trị Pháp ?
Bất ngờ, đầy kịch tính và bất định, bầu cử tổng thống năm nay có lẽ sẽ không giống với bất kỳ cuộc bầu cử nào trong lịch sử nền Đệ ngũ cộng hòa Pháp. Một cuộc bầu cử chứa đầy những diễn biến bất ngờ dồn dập, vượt ngoài dự đoán của giới chuyên gia.
François Hollande, tổng thống sắp mãn nhiệm thuộc đảng Xã Hội từ bỏ cuộc chơi. Nicolas Sarkozy – cựu tổng thống, Alain Juppé – cựu thủ tướng bên đảng thiên hữu Những Người Cộng Hòa – LR và Manuel Valls, cựu thủ tướng thuộc đảng Xã Hội thiên tả, những gương mặt nổi bật được cho có triển vọng đã bị loại khỏi cuộc đấu sơ bộ dành chức ứng viên tổng thống.
Trong khi đó, Benoit Hamon bất ngờ trúng cử ứng viên đại diện đảng Xã Hội. Emmanuel Macron, thuộc phong trào Tiến Bước, được cho là còn non nớt về chính trị ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ của những chính khách tiếng tăm từ cánh tả cho đến cánh trung. Còn ứng viên đại diện đảng Những Người Cộng Hòa François Fillon thì khốn khổ với vụ tai tiếng chính trị – pháp lý vì bị điều tra vụ tạo việc làm giả cho vợ con. Riêng đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia với ứng viên Marine Le Pen, theo các thăm dò dư luận, lọt vào vòng hai bầu cử.
Ông Gérard Lelerc, cựu tổng biên tập mục Chính trị kênh truyền hình France 2 và France 3 trên trang mạng HuffingtonPost, trong một bài viết đề tựa « Làm thế nào 60 năm diện mạo chính trị Pháp đã vỡ bung chỉ trong vòng vài tuần » cho rằng người dân Pháp năm nay sẽ đi bầu trên những đống đổ nát của cánh tả và hữu.
Theo nhà báo Nguyễn Văn Huy tại Paris, trao đổi với ban tiếng Việt RFI qua điện thoại, cho rằng cánh tả Pháp, nhất là đảng Xã Hội tan nát vì thiếu tư tưởng cách tân, chia rẽ về mặt tư tưởng và vắng gương mặt nổi bật có đủ uy tín để tập hợp thành viên và cử tri. Cánh hữu bị chia rẽ vì lợi ích phe phái và bất đồng chính kiến.
Còn cánh trung thì chìm lặng không hệ tư tưởng, cố gắng bám víu vào những đảng lớn để mà tồn tại. Tất cả những điều đó mở ra một viễn cảnh u ám cho tương lai nền chính trị Pháp với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng phái cực hữu, đứng đầu là đảng Mặt Trận Quốc Gia FN, đe dọa ổn định của Pháp nói riêng và cả Liên Hiệp Châu Âu nói chung.
http://vi.rfi.fr/phap/20170316-bau-cu-tong-thong-phap-2017-vien-canh-nao-cho-nen-chinh-tri-phap