Tin khắp nơi – 16/02/2020
Bà Pelosi nói các nước chọn Huawei cho 5G
là dung túng chế độ chuyên chế
Lục Du
Hôm thứ Sáu (15/2), Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Nancy Pelosi, kêu gọi các nước không sử dụng thiết bị của Huawei để xây dựng các mạng điện thoại di động mới, cảnh báo rằng dung túng cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc phát triển mạng 5G sẽ là hành động lựa chọn “sự chuyên chế thay vì dân chủ”, theo National Review.
“Trung Quốc đang tìm cách xuất khẩu chế độ chuyên chế kỹ thuật số của mình thông qua gã khổng lồ viễn thông Huawei”, bà Pelosi nói với các cử tọa tại Hội nghị an ninh Munich, cảnh báo rằng chính quyền Trump đã để mắt tới tập đoàn công nghệ bị nghi ngờ làm gián điệp cho Trung Nam Hải.
“Các nước không thể vì để giải quyết vấn đề tài chính mà lại đem cơ sở hạ tầng viễn thông của mình giao cho Trung Quốc”, bà Pelosi nói. “Một sự nhượng bộ thiếu hiểu biết như vậy có thể sẽ chỉ thúc đẩy [Chủ tịch Trung Quốc] Tập [Cận Bình] làm xói mòn các giá trị dân chủ, nhân quyền, sự độc lập kinh tế và an ninh quốc gia”.
“Thay vào đó, chúng ta phải chuyển sang quốc tế hóa” mạng 5G, nữ chủ tịch Hạ viện Mỹ đề nghị.
Vào tháng 11, Ủy ban Truyền thông Liên bang đã ngăn Huawei tiếp cận hàng tỷ đô la tiền hỗ trợ cho việc phát triển hệ thống băng thông rộng xuyên quốc gia vì lo ngại công ty công nghệ Trung Quốc có thể sử dụng cơ sở hạ tầng viễn thông ở Hoa Kỳ để theo dõi và đánh cắp thông tin của người Mỹ, cũng như phát tán virus và phần mềm độc hại khác vào các mạng máy tính ở xứ sở cờ hoa.
Trong tuần này, các quan chức Hoa Kỳ cảnh báo rằng Huawei trong hơn một thập kỷ qua nhiều khả năng đã sử dụng các thủ đoạn hắc ám để truy cập vào các mạng di động và thông tin cá nhân của Hoa Kỳ mà không cần có hiểu biết về cấu trúc của mạng mà họ tấn công.
Theo National Review, tập đoàn công nghệ Huawei có quan hệ chặt chẽ với đảng Cộng sản Trung Quốc, đối tượng mà chính quyền Tổng thống Trump đấu tranh trong cuộc chiến thương mại, với cáo buộc rằng lực lượng cầm quyền ở Trung Quốc đã dung túng cho các hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ trong nhiều năm qua.
Bộ trưởng Esper:
‘Cảnh giác’ với nỗ lực của TQ tác động lên thế giới
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper hôm thứ Bảy 15/2 kêu gọi các nhà lãnh đạo an ninh thế giới “cảnh giác” trước các nỗ lực của Trung Quốc tác động đến các vấn đề thế giới, duy trì các kế hoạch của quốc gia đông dân nhất thế giới để đạt được các mục tiêu của mình bằng mọi cách cần thiết.
“Điều cần thiết là chúng ta với tư cách là một cộng đồng quốc tế phải thức tỉnh trước những thách thức do Trung Quốc thao túng các trật tự đã dựa trên các quy tắc quốc tế lâu đời,” Bộ trưởng Esper tuyên bố tại một hội nghị an ninh quốc tế ở Munich.
Ông Esper nhấn mạnh Hoa Kỳ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc nhưng bày tỏ lo ngại về những gì ông nói là mục tiêu của Trung Quốc hiện đại hóa quân đội từ đây cho đến năm 2035 và thống trị châu Á vào năm 2049.
Ông cáo buộc Trung Quốc xen vào ngày càng nhiều các vấn đề ở châu Âu và các nơi khác bên ngoài biên giới với mục đích “giành lợi thế bằng mọi cách và bằng mọi giá”.
Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc nói ông Esper và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng một “chiến lược bất chính” để giành được sự ủng hộ cho nhà sản xuất thiết bị mạng không dây thế hệ mới Huawei Technologies, “nói dối”.
Ông Pompeo nói: “Chúng tôi không thể để thông tin đi qua các mạng mà chúng tôi không tin tưởng sẽ không bị Đảng Cộng sản Trung Quốc chiếm đoạt. Điều đó không thể chấp nhận được.”
Ông Vương nói: “Hoa Kỳ không muốn thấy sự phát triển và trẻ hóa nhanh chóng của Trung Quốc” và đặc biệt không thích “sự thành công của một quốc gia xã hội chủ nghĩa”. Ông cũng nói rằng “điều quan trọng nhất” là hai siêu cường nên bắt đầu đàm phán với nhau để “tìm cách cho hai nước lớn có những hệ thống xã hội khác nhau sống hòa thuận và tương tác trong hòa bình”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich rằng Trung Quốc đặt ra cả thách thức lẫn cơ hội cho phương Tây. Ông nói rằng Hoa Kỳ và Châu Âu phải đồng ý với nhau một cách tiếp cận thống nhất để giải quyết ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc.
Ông Esper mưu tìm sự ủng hộ của châu Âu đển ngăn chặn Huawei sau khi Anh trước đó vài tuần quyết định sử dụng thiết bị 5G của Huawei. Quyết định của Anh đã giáng một đòn mạnh vào những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm thuyết phục các đồng minh không cho Huawei xây dựng các mạng điện toán cho họ, với lý do đưa ra là Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị của Huawei để làm gián điệp, một cáo buộc mà cả Huawei lẫn các quan chức Trung Quốc bác bỏ.
Ông Esper nói: “Chúng tôi đang khuyến khích các công ty công nghệ và đồng minh của Hoa Kỳ phát triển các giải pháp 5G thay thế và chúng tôi đang làm việc cùng với họ để thử nghiệm các công nghệ này tại các căn cứ quân sự của chúng tôi như chúng tôi đã nói.”
https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-esper-canh-giac-voi-no-luc-cua-trung-quoc/5289952.html
Bê bối CIA dùng Crypto AG
để nghe lén đồng minh, kẻ thù
Bê bối Crypto AG vừa bị tiết lộ đã gây sốc và giận dữ ở Thụy Sĩ và các nước khác.
Tình báo Mỹ: Huawei được an ninh nhà nước TQ tài trợ
Huawei: Anh ra giải pháp ‘dung hòa sức ép Mỹ – Trung Quốc’
Hóa ra suốt nhiều thập niên giai đoạn Chiến tranh Lạnh, tình báo Mỹ và Đức đã dùng thiết bị mã hóa của công ty này để theo dõi các nước.
Từ Chiến tranh Lạnh tới tận thập niên 2000, Crypto AG đã bán hàng cho hơn 120 chính phủ.
Các máy này được mã hóa. Nhưng các tiết lộ đồng trời tuần này cho hay CIA và tình báo BND của Tây Đức đã phá mã và chặn hàng ngàn tin gửi đi.
Trong quá khứ, đây là tin đồn, nhưng bây giờ thì tất cả đều đã biết.
Đó là nhờ điều tra vừa đăng của báo Mỹ Washington Post.
Họ xây dựng trên các bài cũ trước đây của Baltimore Sun, nhưng nay nhờ có thêm tài liệu mới, họ cho hay cùng với Tây Đức, Mỹ đã kiểm soát Crypto AG sau Thế chiến Hai.
Trong Chiến tranh Lạnh, khối cộng sản không dùng máy của Crypto AG.
Nhưng nhờ việc kiểm soát Crypto AG, Mỹ đã tiếp cận được hoạt động của nhiều đồng minh, như hoạt động đàn áp phe cánh tả của các chính quyền độc đoán châu Mỹ Latin khi đó.
Nhiều nước châu Á thời đó cũng mua máy của Crypto AG, như Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật, Pakistan, Malaysia, Indonesia.
Điều tra của Washington Post nói cả Việt Nam cũng mua – tuy không nói rõ đây là Bắc Việt hay Việt Nam Cộng Hòa.
Điều tra không nói rõ liệu nhờ Crypto AG mà CIA có thể nghe lén hoạt động chính trị tại Sài Gòn trước 1975 hay không.
Thời thống trị của Crypto AG đã đi qua, sau khi công nghệ thay đổi gần đây, với việc dùng app trên điện thoại để liên lạc.
Nhưng các tiết lộ mới nhất cho thấy Mỹ đã theo dõi các đồng minh và kẻ thù như thế nào.
Các tiết lộ cũng đặt nghi vấn về chính sách của Mỹ hiện nay với công ty Trung Quốc Huawei.
Như một bài của trang Wired hôm 11/2 viết: “Cộng đồng tình báo sợ Huawei vì một nguyên do căn bản: Trung Quốc sẽ tận dụng mọi lợi thế họ có, giống như Mỹ từng làm trong quá khứ.”
“Khi nói về thiết bị trong trung tâm các mạng không dây của Mỹ, bạn có thể hiểu lo ngại căn bản của chính phủ Mỹ về Huawei. Đặc biệt khi Mỹ cũng có lịch sử về đặt cửa sau vào công nghệ toàn thế giới,” bài của Wired viết.
Những tiết lộ mới nhất cho biết Mỹ chuyển các tin nhắn nghe lén về kế hoạch của Argentina cho Anh biết khi xảy ra chiến tranh đảo Falklands, vì Argentina dùng máy của Crypto.
Năm 1970, CIA và BND của Đức đã cùng mua lại Crypto.
Nhưng sau này, sợ bị phát hiện, BND bán cổ phần công ty lại cho Mỹ đầu thập niên 1990.
Theo tờ Washington Post, CIA tiếp tục kiểm soát Crypto cho tới 2018, rồi mới bán lại cho hai công ty tư nhân.
An toàn của thiết bị Crypto bắt đầu gây nghi ngờ khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tuyên bố Mỹ nghe trộm được giới chức Libya liên quan vụ Libya đánh bom hộp đêm La Belle ở Tây Berlin năm 1986.
Năm 1995, báo Baltimore Sun lần đầu công bố điều tra về tình báo Mỹ và Crypto.
Nhưng kỳ lạ là Iran vẫn tiếp tục mua thiết bị Crypto cho tới nhiều năm sau đó.
Lịch sử công ty Crypto AG
Boris Hagelin, một nhà sáng chế Thụy Điển gốc Nga, tạo ra máy mã hóa Crypto sau khi ông chạy sang Mỹ, khi Đức chiếm Na Uy thập niên 1940.
Máy này cung cấp cho khoảng 140.000 lính Mỹ sử dụng.
Khi Thế chiến Hai chấm dứt, Hagelin sang Thụy Sĩ sống.
Mỹ thuyết phục Hagelin chỉ bán các máy tốt nhất cho những quốc gia được Mỹ chuẩn thuận.
Các máy cũ hơn, mà CIA biết cách thâm nhập, được bán cho các quốc gia còn lại.
Nhưng năm 1970, tình báo Mỹ và Đức mua lại Crypto và kiểm soát hầu hết hoạt động, gồm cả thuê nhân viên, thiết kế và bán hàng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51522565
Hải quân Mỹ
tính mua hàng trăm tên lửa đối phó hạm đội TQ
Đề xuất ngân sách của Hải quân Mỹ năm 2021 bao gồm kế hoạch mua hàng trăm tên lửa để đối phó với sức mạnh của Hải quân Trung Quốc.
Theo Sputnik, đề xuất ngân sách của Hải quân Mỹ cho năm tài khóa 2021 cho thấy sự gia tăng đáng kể về số lượng tên lửa chống hạm cần mua nhằm đối phó với quy mô ngày càng lớn của hải quân Trung Quốc.
Đề xuất của Hải quân Mỹ được đưa ra bao gồm 1.625 tên lửa các loại, bao gồm hàng loạt tên lửa tầm xa. Con số này gấp gần 20 lần so với đề xuất được đưa ra năm 2016.
Trong bài phát biểu trước khi đưa ra đề xuất ngân sách của Hải quân Mỹ, giám đốc phụ trách ngân sách của lực lượng này đã đề cập tới lực lượng hải quân ngày càng mở rộng của Trung Quốc.
“Trung Quốc đã phát triển hạm đội tác chiến của họ lên khoảng 335 tàu nổi, và quá trình này diễn ra trong 10 năm qua khi họ chuyển từ việc xây dựng lực lượng phòng vệ trong nước và hướng tới các vùng biển với vai trò mở rộng trên toàn cầu. Khi chúng ta hướng đến tương lai thương mại toàn cầu mạnh mẽ hơn và sự khó đoán lớn hơn, sức mạnh hải quân Mỹ chưa bao giờ quan trọng đến vậy”, Chuẩn Đô đốc Mỹ Randy Crites cho biết.
Theo Defense News, quân đội Trung Quốc dự kiến sẽ sở hữu 420 tàu vào năm 2035, trong khi kế hoạch của Hải quân Mỹ chỉ tăng lên 355 tàu vào năm 2030.
Quân đội Trung Quốc không chỉ gia tăng về số lượng, mà còn về độ tinh vi của các hạm đội. Bắc Kinh đã cho “nghỉ hưu” nhiều tàu cũ và thay thế bằng cách tàu chiến mới, hiện đại hơn.
Hồi tháng 1, Trung Quốc đã biên chế Nanchang – tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 055 đầu tiên của nước này. Đây được coi là một trong những tàu khu trục tân tiến nhất thế giới, chỉ đứng sau các tàu thuộc lớp Zumwalt của Hải quân Mỹ và là tàu khu trục lớn mạnh nhất tại châu Á.
Năm ngoái, Trung Quốc cũng biên chế tàu sân bay nội địa đầu tiên do nước này tự đóng, đồng thời hoàn tất việc đóng tàu tấn công đổ bộ đầu tiên.
http://biendong.net/bi-n-nong/32952-hai-quan-my-tinh-mua-hang-tram-ten-lua-doi-pho-ham-doi-tq.html
Mỹ đưa “pháo đài bay” B-52 qua eo biển Đài Loan
Mỹ đã điều 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 và một máy bay tiếp dầu bay qua eo biển Đài Loan sau khi Trung Quốc tiến hành diễn tập quân sự ở khu vực này vài ngày trước đó
Sputnik ngày 12/2 dẫn thông báo của cơ quan phòng vệ Đài Loan đưa tin, Không quân Mỹ đã đưa 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 và 1 máy bay tiếp dầu MC-130J Commando II bay qua khu vực eo biển Đài Loan. Phía Đài Loan cho biết các máy bay đã được giám sát kỹ lưỡng trong suốt hành trình.
Không quân Mỹ chưa lên tiếng xác nhận về thông tin nói trên.
Động thái của các máy bay Mỹ diễn ra vài ngày sau khi quân đội Trung Quốc tổ chức các cuộc diễn tập ở eo biển Đài Loan. Bắc Kinh đã đưa máy bay quân sự, tàu khu trục đi qua khu vực eo biển hôm 9/2. Ngày 10/2, không quân và hải quân Trung Quốc tiếp tục tập trận trên khu vực biển ngăn cách giữa đại lục và đảo Đài Loan. Trung Quốc tuyên bố rằng việc họ tổ chức diễn tập ở eo biển Đài Loan là cần thiết với tình hình an ninh hiện tại ở khu vực.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần của lãnh thổ và cảnh báo có thể dùng mọi biện pháp để sáp nhập hòn đảo, kể cả phương án quân sự.
Đây không phải lần đầu Mỹ đưa lực lượng qua eo biển Đài Loan. Bắc Kinh nhiều lần yêu cầu Mỹ tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc” và cảnh báo quan hệ giữa 2 nước có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu Washington không tuân thủ theo nguyên tắc này.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng cường hỗ trợ Đài Loan, bao gồm việc phê chuẩn hợp đồng vũ khí trị giá 10 tỷ USD trong năm 2019. Cơ quan lập pháp Đài Loan cũng đã thông qua việc chi ngân sách 8,2 tỷ USD để mua 66 máy bay chiến đấu F-16V do nhà thầu Lockheed Martin của Mỹ sản xuất.
Thượng viện Mỹ cuối năm ngoái đã thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2020 với mức ngân sách quốc phòng là 738 tỷ USD, bao gồm việc hỗ trợ cho đảo Đài Loan và đánh giá năng lực quân sự của Trung Quốc.
http://biendong.net/bi-n-nong/32950-my-dua-phao-dai-bay-b-52-qua-eo-bien-dai-loan.html
Hoa Kỳ gia tăng áp lực buộc Trung Cộng
tham gia các cuộc đàm phán nguyên tử
Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm thứ Sáu (14/2), Hoa Kỳ gia tăng áp lực buộc Trung Cộng tham gia các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí nguyên tử với Washington và Moscow, và tìm cách vượt qua sự phản đối lâu dài của Bắc Kinh về việc tham gia một cuộc đàm phán tương tự.
Một viên chức cao cấp của chính quyền tổng thống Trump cho biết “Trung Cộng từ lâu cho biết họ sẽ không bao giờ tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang và không tìm kiếm sự tương đương về số liệu với Hoa Kỳ và Nga. Giờ là lúc để Trung Cộng thực hiện điều đó, và chứng minh rằng họ là một tay chơi quốc tế có trách nhiệm”.
Kho vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ và Nga áp đảo so với Trung Cộng. Nhưng sự tích tụ quân sự của Bắc Kinh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương báo động các đồng minh và các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ. Tổng thống Trump tìm cách lôi kéo Trung Cộng tham gia cùng Hoa Kỳ và Nga trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận kiểm soát vũ khí, để thay thế hiệp ước New START 2010 giữa Washington và Moscow sẽ hết hạn vào tháng 2 tới.
Trung Cộng từ chối đề nghị của tổng thống Trump, và tuyên bố rằng lực lượng nguyên tử nhỏ hơn của họ chỉ mang tính phòng thủ và không gây ra mối đe dọa nào. New START duy trì các giới hạn duy nhất còn lại đối với việc bố trí nguyên tử của Hoa Kỳ và Nga.
Một số chuyên gia và các nhà lập pháp gọi đề nghị bao gồm Bắc Kinh trong hiệp ước mới của tổng thống Trump là một “viên thuốc độc” nhằm mục đích triệt tiêu New START và chấm dứt các hạn chế đối với việc bố trí của Hoa Kỳ. (BBT)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-gia-tang-ap-luc-buoc-trung-cong-tham-gia-cac-cuoc-dam-phan-nguyen-tu/
Mỹ đối phó ‘cái ác Nga’ rẻ hơn hai lần TQ
Chính quyền Mỹ đã quyết định xong cách làm thể nào để đối phó với Nga ngay tại biên giới Nga.
Xin được giới thiệu cùng bạn đọc bài viết và phỏng vấn chuyên gia về quyết định mới nhất của Mỹ dành riêng gần 1 tỷ đôla cho cuộc chiến chống Nga do phóng viên báo “Svobodnaia Pressa” Svetlana Gomzikova thực hiện. Bài đăng trên báo này ngày 12/2/2020.
I. Phầndẫncủanhà báoSvetlanaGomzikova:
Chính quyền Tổng thống Donald Trump dự định sẽ dành một khoản chi riêng gần 788 triệu đô la trong năm 2021 cho Bộ Ngoại giao Mỹ để bộ này đối phó với Nga.
Các nội dung chi cụ thể sẽ được xác định rõ trong một chương chi ngân sách riêng trong Dự thảo Ngân sách Liên bang cho năm tới (2021) vừa mới được Nhà Trắng gửi Quốc hội Mỹ mấy ngày trước đây.
Theo dự kiến, một khoản kinh phí 763,8 triệu đô la trong đó sẽ được sử dụng để giúp Châu Âu, Lục địa Á- Âu và khu vực Trung Á củng cố tăng cường an ninh chung và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của các đồng minh Mỹ tại các khu vực này.
Một phần trong khoản chi (763,8 triệu đô la)- sẽ được dành hỗ trợ những nỗ lực của các quốc gia- đối tác của Mỹ trong “công cuộc” ngừng sử dụng các trang- thiết bị quân sự của Nga.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng sẽ thực hiện một dự án loại bỏ “những điểm yếu trong môi trường kinh tế vĩ mô mà Nga đang cố gắng khai thác tận dụng, cụ thể như,- sự phụ thuộc vào năng lượng và thương mại” (của các đối tác- đồng mình của Mỹ-ND).
Ngoài khoản 763,8 triệu đôla nói trên, còn 24 triệu đôla khác cũng đã được đưa vào Dự thảo Luật tài chính mới với nội dung chi là” để chống lại “các chiến dịch tuyên truyền và bóp méo thông tin của Nga”.
Dĩ nhiên, Washington lên kế hoạch không chỉ dùng tiền để chống lại những “ảnh hưởng độc hại” của Nga. Trong danh sách các mối đe dọa chính mà người Mỹ cần đối phó còn có Trung Quốc và Iran, – và tất nhiên, Mỹ cũng sẽ chi tiền để chống lại các mối đe dọa này.
Đặc biệt, để “đấu tranh chống lại” ảnh hưởng của Trung Quốc, Chính phủ Mỹ dự định sẽ chi tới 1,5 tỷ đô la cho các chương trình mục tiêu viện trợ cho nước ngoài trong năm 2021- và thêm 596 triệu đô la nữa – dành riêng cho nội dung (chi) “phối hợp các hoạt động ngoại giao nhằm hỗ trợ chiến lược (của Mỹ) tại các khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”.
Còn với Iran- để hỗ trợ cho các “đối tác quan trọng tại Trung Đông” trong khuôn khổ “cuộc đấu tranh chống lại ảnh hưởng của nước này (Iran)”, Mỹ sẽ chi 337,5 triệu đôla.
II. Phần phỏng vấn các chuyên gia:
1/ Chuyên gia phân tích chính trị Aleksandr Asafov
— “Cuộc chiến chống lại Nga và Trung Quốc” luôn là một bức màn che cực kỳ thuận tiện cho bất kỳ một vụ gian lận chi tiêu ngân sách nào.
Việc phân bổ ngân sách để cung cấp tài chính cho một số dự án khác nhau được che bằng lớp màn “thực hiện các mục tiêu cao cả” nên vì thế nên không cần phải báo cáo thanh quyết toán chi tiết (trước Quốc hội), thành thử, số tiền đó có thể được dành cho những nội dung chi hoàn toàn khác”.
Cũng theo vị chuyên gia này, Mỹ rất giỏi tìm cách giải thích nghe rất lọt tai về viiệc tại sao cùng lúc vừa có thể xây dựng các mối quan hệ (hợp tác) với Nga trên nhiều hướng, lại vừa cần phải tiếp tục tiến hành một “cuộc đấu tranh mạnh mẽ ” chống các “chiến dịch tuyên truyền” của Nga.
2/ Chuyên viên chính Trung tâm nghiên cứu các vấn đề an ninh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, chuyên gia nghiên cứu nước Mỹ Konstantin Blokhin.
— Trước đấy (trước khi trình dự thảo ngân sách trên lên Quốc hội- ND), Chính quyền D.Trump đã đề nghị (Quốc hội Mỹ) tăng ngân sách quốc phòng cho năm tài chính 2021 từ 738 tỷ đô la như hiện nay lên 740,5 tỷ đô la.
Nếu chúng ta tính tới các con số đó (738 và 740,5 tỷ đôla), thì khoản chi hơn 700 triệu đôla mà họ dành riêng để chống lại đất nước chúng ta (Nga), vẫn chỉ là một khoản tiền rất không đáng kể.
Xin nhắc lại rằng bà Victoria Nuland khi còn là trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã từng thừa nhận rằng Mỹ đã đầu tư khoảng 5 tỷ đô la để “hỗ trợ cho nền dân chủ” ở Ucraine. Xin hãy tự hình dung sự khác biệt… (giữa hai con số- hơn 700 triệu đôla và 5 tỷ đôla-ND).
700 triệu đô la, nếu chúng ta xem xét khoản tiền này một cách riêng biệt,- quá bé nhỏ, chỉ là một giọt nước bỏ biển. Do đó, theo tôi, chúng ta nên bắt đầu từ tổng ngân sách quân sự nói chung.
Vâng, các khoản tiền này (ngân sách quân sự) có vẻ như chỉ được dành cho các chương trình mục tiêu và được bố trí thành một nội dung chi riêng.
Nhưng chắc chắn một điều là cái khoản tiền 740 tỷ đôla được đưa vào dự thảo ngân sách quốc phòng mới của Mỹ, người Mỹ cũng sẽ không sử dụng chúng để trồng hoa hồng.
Họ sẽ chi số tiền này để chế tạo các tên lửa tầm trung và tầm ngắn mới. Tăng cường hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Hiện đại hóa tiềm lực vũ khí hạt nhân chiến thuật. Và, tất nhiên, tất cả những cái đó là những mối đe dọa thực sự đối với chúng ta (Nga) …
Hãy tin rằng, điều Washington làm Matxcova bất bình nhất không phải là Mỹ luôn phỉ báng Nga, mà là Mỹ rút khỏi Thỏa thuận về hạn chế các hệ thống phòng thủ chống tên lửa, xé bỏ Hiệp ước INF, mở rộng NATO về Phía Đông và tài trợ cho các cuộc “Cách mạng Cam” ngayy dọc biên giới nước ta (Nga).
Đó là tất cả những gì mà chúng ta phản đối Mỹ.
Vì vậy, cái cần nói tới không phải là cái khoản 700 triệu đô la “quá bèo” này, mà là về ngân sách quân sự lớn kỷ lục 740 tỷ đôla của Mỹ.
“SP”: Vấn dề là ở chỗ biện pháp “đối phó tài chính”đó có giúp ích gì cho việc lành mạnh hóa quan hệ giữa Nga và Mỹ, điều (cải thiện quan hệ) mà đại sứ mới của Mỹ tại Nga John Sullivan coi là một ưu tiên hàng đầu khi trả lời phỏng vấn mới đây?
— Đây là những câu nói cửa miệng của bất kỳ một quan chức ngoại giao Mỹ nào. Ngay cả khi quan hệ Nga-Mỹ đã chọc thủng một đáy mới, bên nào (cả Nga lẫn Mỹ) cũng sẽ đều cao giọng nói về sự cần thiết phải tiến hành đối thoại như vậy cả.
Đấy là chuyện rất bình thường. Nước ta (Nga) muốn cải thiện quan hệ với Mỹ, người Mỹ cũng không muốn lặp lại cuộc khủng hoảng Caribe.
Không một ai muốn chuyện đó cả. Và, cũng dễ hiểu, chúng ta hy vọng rằng dưới thời của Sullivan, một nhà ngoại giao đầy tham vọng, các mối quan hệ giữa chúng ta (Nga- Mỹ) chí ít cũng sẽ không “chuyển ” sang một giai đoạn đối đầu công khai mới.
Tuy nhiên, đừng hy vọng quá nhiều vào một sự cải thiện nào đấy (quan hệ Nga- Mỹ) trong tương lai ngắn hạn và trung hạn.
Cho dù báo cáo của Mueller (Công tố viên đặc biệt Robert Mueller- phụ trách cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 ) chỉ là một quả bong bóng xà phòng và tiến trình luận tội (D.Trump) đã không thành công, tại nước Mỹ luôn tồn tại một sự đồng thuận trong lập trường chống Nga cực kỳ cứng rắn giữa hai đảng- cả các đảng viên Đang Dân chủ lẫn các đảng viên Đảng Cộng hòa đều coi Nga là mối đe dọa.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ liên tục và công khai nói về mối đe dọa này ở mọi nơi, và các chuyên gia từ nhiều trung tâm phân tích Mỹ rút ra các kết luận từ những phát biểu như vậy.
Chủ đề này (mối đe dọa Nga) không rời khỏi màn hình các kênh truyền hình Mỹ và các trang báo Mỹ một giây một phút nào.
Nga được xác định là đối thủ chủ yếu trong tất cả các văn kiện học thuyết của Mỹ. Chính vì vậy mà, theo quan điểm của tôi, vấn đề (cần quan tâm) thậm chí không phải là cố gắng cải thiện mối quan hệ, mà chỉ đóng băng được tình trạng đối đầu như hiện nay (ý nói- không làm cho quan hệ xấu thêm nữa-ND).
Cần phải làm chậm tiến trình “quá mù ra mưa”, không để quan hệ giữa hai nước “trượt xuống” các hố sâu khủng hoảng mới.
Có nghĩa là, nhiệm vụ hiện nay- trên thực tế là ngăn chặn, không để xảy ra một cuộc khủng hoảng Caribe mới. Cả chúng ta lẫn người Mỹ – tôi xin nhắc lại – đều không muốn chuyện này (Caribe 2-0) xảy ra.
Tuy nhiên, do chủ nghĩa bài Nga đã bám rễ quá sâu trong tư duy của giới cầm quyền Mỹ, vì vậy không nên xây dựng ảo tưởng nào đó đặc biệt về chủ đề này.
“SP”: — Văn kiện duy nhất còn có thể ở một chừng mực nào đó kiểm soát vũ khí của Mỹ và Nga- đó là START-3. Nhưng sau một năm nữa, hiệp ước này sẽ hết hiệu lực. Theo ông thì hiệp ước trên có được gia hạn không?
— Rất tiếc, có đầy đủ cơ sở để cho rằng nó (START-3) sẽ không được gia hạn, bởi vì cho đến nay chưa thấy có bất kỳ một xung lực tích cực nào đến từ phía Washington. Trái lại, chúng ta liên tục phải nghe những tuyên bố chỉ trích hiệp ước.
Hãy cùng nhớ lại cái cách mà người Mỹ giải thích lý do khiến họ rút khỏi Hiệp ước INF như thế nào- đó là vì dường như Nga đã không thực hiện thỏa thuận, Nga vẫn thiết kế- chế tạo và đưa vào trang bị các tên lửa tầm trung đã bị cấm (theo INF).
Và vấn đề hoàn toàn không phải là ở chỗ những cáo buộc đó (của Mỹ) tuyệt đối không có cơ sở – vấn đề là ở chỗ Mỹ đã cố tình biến Nga thành bên có lỗi.
Còn với (hiệp ước) START-3, họ đang tìm cách chơi con bài Trung Quốc. Người Mỹ tuyên bố: “Chúng tôi (Mỹ) sẽ ký với các vị (Nga) một thỏa thuận, nếu Bắc Kinh cũng tham gia (thỏa thuận đó).”
Nhưng người Trung Quốc có quan điểm riêng của họ. Bắc Kinh cho biết là Trung Quốc sẽ không tham gia vào bất kỳ một thỏa thuận đa phương nào. (Trung Quốc) nhấn đi nhấn lại một điểm là Nga và Mỹ sở hữu tới gần 98% tổng tiềm lực (vũ khí) hạt nhân trên thế giới.
Và họ (Trung Quốc) cam kết sẽ bắt đầu tham gia các tiến trình đàm phán, chỉ khi mà tiềm lực (vũ khí hạt nhân) của Trung Quốc, Mỹ và Nga tương đương nhau.
“SP”: — Có nghĩa là người Mỹ đã tìm cách rũ bỏ trách nhiệm của mình từ trước…
— Đúng như vậy đấy. Thêm nữa, chúng ta (Nga) đã sẵn sàng và đề nghị gia hạn thỏa thuận này (START-3) mà không cần bất kỳ một điều kiện tiên quyết nào. Đó chính là quan điểm mà Tổng thống của chúng ta (V.Putin) đã công khai tuyên bố không chỉ một lần. Nhưng hiện vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng nào từ phía Washington.
Mà ngược lại, (tổng thống) D.Trump trong các tuyên bố mới đây nhất của mình đã cho thấy rõ ý định của ông muốn kéo Nga và Trung Quốc vào một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới. Có nghĩa là họ muốn thực hiện hại cái thủ đoạn mà R. Reagan đã từng áp dụng với Liên Xô.
Rất dễ hiểu- chúng ta (Nga) không thể đua nổi với Mỹ thep phương thức “một đô la chọi một đô la” được, bởi vì tổng ngân sách của các nước NATO lớn gấp hai mươi lần ngân sách của Nga.
Tổng ngân sách quân sự của họ (NATO)- tới hơn một nghìn (1.000) tỷ đô la. Chính vì vậy mà chúng ta sẽ không đáp trả họ theo phương pháp đối xứng. Câu trả lời của chúng ta trong trường hợp này- đó là siêu vũ khí siêu thanh (M>5) của chúng ta.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32997-my-doi-pho-cai-ac-nga-re-hon-hai-lan-tq.html
Hoa Kỳ có thể rút quân khỏi Afghanistan
sau khi đạt thỏa thuận chấm dứt giao tranh với Taliban
Tin từ Munich/Washington, D.C. –Hôm qua, thứ sáu (14 tháng 2), một viên chức cao cấp cho biết Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận với Taliban về việc giảm giao tranh kéo dài một tuần có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan. Hoa Kỳ khuyến cáo rằng quân Taliban phải tôn trọng các cam kết nếu muốn thỏa thuận được duy trì.
Thỏa thuận được ký kết sau các cuộc đàm phán kéo dài ở thủ đô Doha xứ Qatar và được công bố sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani bên lề Hội nghị An ninh Munich ở Đức. Nếu thỏa thuận này thành công có thể dẫn đến việc quân đội Hoa Kỳ rời khỏi Afghanistan. Theo viên chức chính quyền nói trên, thời hạn 7 ngày vẫn chưa bắt đầu, nhưng thỏa thuận này sẽ sớm có hiệu lực.
Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài trước khi một thỏa thuận hòa bình được ký kết và chấm dứt sự hiện diện quân sự gần hai thập niên của Hoa Kỳ tại khu vực. Các viên chức Hoa Kỳ cũng nói rõ rằng 13,000 binh sĩ của Hoa Kỳ sẽ bị cắt giảm xuống còn khoảng 8,600 trong năm nay, bất chấp một thỏa thuận rút quân có được thực hiện hay không.
Mộc Miên
Hoa Kỳ tăng thuế nhập cảng phi cơ Châu Âu
giữa lúc tranh chấp về chuyện trợ giá
Tin từ Washington, DC – Hôm thứ Sáu (14/02/2020) chính phủ Hoa Kỳ cho biết sẽ tăng thuế nhập cảng phi cơ từ Liên minh Châu Âu (EU) từ 10% lên 15%, tăng áp lực lên Brussels trong cuộc tranh chấp xuyên Đại Tây Dương kéo dài 16 năm về vấn đề trợ giá nhà sản xuất phi cơ.
Văn phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) cho biết vẫn sẵn sàng thương lượng với EU về vấn đề này, nhưng có thể sửa đổi hành động của mình nếu EU áp thuế trả đũa. Mức tăng thuế nhập cảng phi cơ sẽ có hiệu lực vào ngày 18/03/2020. Các viên chức EU muốn đàm phán với Washington nhưng cho biết sẽ không bị bắt nạt để chịu nhún nhường. Nhà sản xuất phi cơ châu Âu Airbus cho biết quyết định của Hoa Kỳ sẽ gây tổn hại cho các hãng hàng không Hoa Kỳ vốn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt phi cơ, và làm phức tạp hóa các nỗ lực để đạt được một thỏa thuận thương lượng với EU trong tranh chấp lâu dài. Airbus cho biết họ sẽ tiếp tục thảo luận với khách hàng Hoa Kỳ để giảm thiểu tác động của rào cản thuế, và hy vọng USTR sẽ thay đổi quyết định, đặc biệt là mối đe dọa về thuế của EU đối với các sản phẩm của Hoa Kỳ trong trường hợp của mình trước khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra quyết định. Hồi tháng 12/2019 USTR đã tuyên bố rằng họ có thể tăng thuế nhập cảng lên 100% và đánh thuế thêm các sản phẩm khác của EU, sau khi WTO quyết định cho phép EU viện trợ cho Airbus và gây thiệt hại cho ngành hàng không vũ trụ Hoa Kỳ.
Vào tháng 10/2019, WTO cho phép Washington áp thuế đối với 7,5 tỷ Mỹ kim hàng nhập cảng hàng năm của EU trong vụ kiện Airbus. Sau đó, Washington đã áp thuế 10% đối với hầu hết các phi cơ Airbus và 25% thuế đối với các sản phẩm từ phô mai đến ô liu và rượu whisky từ ngày 18/10/2019.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-tang-thue-nhap-cang-phi-co-chau-au-giua-luc-tranh-chap-ve-chuyen-tro-gia/
Hoa Kỳ di tản công dân trên du thuyền
bị cách ly tại cảng Nhật bản
Tin từ Tokyo, Nhật Bản – Hoa Kỳ cho biết sẽ gửi phi cơ tới Nhật Bản để đưa công dân trở về từ du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly. Hiện nay, con tàu này là nơi có nhiều ca nhiễm coronavirus nhất bên ngoài Trung Cộng. Hôm thứ Bảy (15/02/2020) Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Tokyo gửi thông báo cho biết: một phi cơ sẽ đến Nhật Bản vào tối Chủ nhật (16/02/2020) để đưa hành khách quốc tịch Mỹ khỏi du thuyền về lại quê nhà để theo dõi thêm.
Các hành khách trên sẽ phải bị cách ly 14 ngày khi về đến Hoa Kỳ, và nếu không lên chuyến bay thì sẽ không thể về nhà trong một khoảng thời gian nữa. Các hành khách này sẽ được kiểm tra tình hình sức khỏe trước khi bay, và chính phủ Hoa Kỳ đang làm việc với Nhật Bản để bất kỳ ai có triệu chứng bệnh sẽ được chăm sóc đúng cách nếu họ không thể lên chuyến bay. Một viên chức chính phủ Nhật Bản nói với phóng viên rằng các quốc gia khác có thể cũng sẽ làm theo trước khi cuộc cách ly kết thúc vào tuần sau. Chiếc du thuyền thuộc sở hữu của công ty Carnival Corp đã bị cách ly kể từ khi cập bến Yokohama hôm 03/02/2020, sau khi một người đàn ông đi từ Hồng Kông trước khi đến Nhật Bản được chẩn đoán nhiễm virus. Trên du thuyền có khoảng 3,700 hành khách cùng nhân viên phi hành. Hôm thứ Bảy (15/02/2020), bộ trưởng Y Tế Nhật Bản Kátunobu Kato cho biết thêm 67 người khác được xét nghiệm dương tính với virus, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 285. Những bệnh nhân dương tính được chuyển đến các bệnh viện Nhật Bản. Đài truyền hình Nhật Bản NHK cho biết trên du thuyền có hơn 400 công dân Hoa Kỳ.
Phi cơ sẽ hạ cánh tại căn cứ không quân Travis ở California rồi sau đó một số hành khách sẽ tiếp tục di chuyển đến căn cứ không quân Lackland ở Texas. Thông báo không nêu rõ những công dân Hoa Kỳ không lên chuyến bay phải đợi bao lâu trước khi họ có thể trở về nhà, chỉ nói rằng quyết định cuối cùng sẽ thuộc về Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-di-tan-cong-dan-tren-du-thuyen-bi-cach-ly-tai-cang-nhat-ban/
Bộ Binh Hoa Kỳ chưa tiến hành bất kỳ cuộc điều tra nào
đối với Cựu Cố Vấn Tòa Bạch Ốc Alexander Vindman
Tin từ Washington, D.C. – Vào hôm thứ sáu (14 tháng 2), Bộ trưởng Bộ Binh Hoa Kỳ Ryan McCarthy cho biết bộ binh chưa tiến hành bất kỳ cuộc điều tra nào đối với Trung tá Alexander Vindman, cựu phụ tá của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), người tham gia điều trần trong phiên tòa luận tội Tổng Thống Trump và sau đó bị Tòa Bạch Ốc sa thải cùng với người anh sinh đôi.
Trước đó vào hôm thứ ba (11 tháng 2), Tổng Thống Trump cho biết bộ binh có thể sẽ xem xét kỷ luật ông Vindman, người đã cung cấp một số lời khai gây thiệt hại nhất trong cuộc điều tra của Hạ viện về các thỏa thuận của Tổng Thống với Ukraine.
Hiện tại, ông Vindman đã trở lại Quân đội và sẽ đầu quân cho một trường đại học quân sự vào mùa hè. Vào tuần trước, Vindman cùng người anh sinh đôi là Yevgeny Vindmand đã được hộ tống khỏi Tòa Bạch Ốc. Tổng Thống Trump cho biết Tòa Bạch Ốc đã gửi Vindman “thuyên chuyển một địa điểm khác và quân đội sẽ giải quyết ông ta theo bất cứ cách nào họ muốn.”
Ông Vindman, cựu chuyên gia hàng đầu của Hội đồng An ninh Quốc gia tại Ukraine, từng điều trần rằng việc Tổng Thống Trump yêu cầu Ukraine điều tra ông Joe Biden và con trai Hunter Biden là “không hợp pháp.” Lời khai của ông Vindman đã dẫn đến việc Tổng Thống Trump bị luận tội tại Hạ Viện. (BBT)
Mỹ điều tra Đại học Harvard và Yale
vì nhận tài trợ ‘mờ ám’ từ Trung Quốc
Duy Nghĩa
Đại học Harvard và Yale đang bị chính phủ Mỹ điều tra vì nhận tài trợ từ chính quyền Trung Quốc và Ả Rập Saudi, theo TheBL hôm 14/2.
Bộ Giáo dục Mỹ đã mở một cuộc điều tra về tính minh bạch của tài trợ nước ngoài mà các trường đại học Harvard và Yale nhận được.
Các quan chức Mỹ nghi ngờ rằng các tổ chức này đã không báo cáo các khoản đóng góp trị giá hàng tỷ đô la, có nguồn gốc từ nước ngoài, trong đó một số khoản đóng góp là đến từ các quốc gia chống lại Mỹ, theo Tạp chí Phố Wall (WSJ).
Theo các mô tả của Bộ Giáo dục Mỹ, các trường đại học được cho là đang trở thành những doanh nghiệp đa quốc gia, hàng tỷ đô la, sử dụng những những quĩ tài trợ không rõ ràng, những khu trường sở nước ngoài và các cấu trúc pháp lý tinh vi khác, để tạo doanh thu.
Các trường đại học trên cả nước ước tính đã nhận được khoảng 6,5 tỷ đô la tiền chưa được báo cáo, được đóng góp bởi các quốc gia như Ả Rập Saudi và Qatar và bởi các hệ thống như chính quyền Trung Quốc.
Theo Fox News, quan tâm đặc biệt là sự tham gia của các thực thể như Học viện Yến Kinh (Yenching) tại Đại học Bắc Kinh, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và các công ty viễn thông khổng lồ dưới ảnh hưởng của chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Các đặc vụ Trung Quốc đã bị buộc tội nhiều lần vì các hoạt động gián điệp trong các lĩnh vực quan trọng nhất của nước Mỹ, đánh cắp các bí mật công nghiệp, và đánh cắp từ các tổ chức khác, cho lợi ích riêng của họ.
FBI tin rằng gián điệp Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ, khi các vụ án gián điệp được điều tra và các vụ bắt giữ, đã gia tăng với tốc độ chưa từng thấy.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, giám đốc FBI Christopher Wray đã báo cáo về gần 1.000 cuộc điều tra, được tiến hành bởi 56 văn phòng của ông, liên quan đến hầu hết tất cả các hoạt động công nghiệp.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã phát biểu tại cuộc họp mùa đông của Hiệp hội Thống đốc Quốc gia (NGA) hôm 8/2 về ảnh hưởng của chính quyền Trung Quốc đối với đất nước.
“Và trong khi những điều này có vẻ như là vấn đề của địa phương đối với một số người, thì hiệu ứng tích lũy là có tầm quan trọng quốc gia và tầm quan trọng quốc tế rất lớn”, ông Pompeo nói.
Ông Pompeo cũng cho biết, “cái gọi là Kế hoạch Ngàn nhân tài” là một kế hoạch tuyển dụng các nhà khoa học và giáo sư để chuyển bí quyết mà chúng ta có ở đây, về Trung Quốc, để đổi lấy những khoản chi trả khổng lồ.
Viện Khổng Tử của Trung Quốc đã có tại gần 500 cơ sở giáo dục đại học trên toàn cầu (Ảnh: SCMP)
Ông Pompeo đề cập đến vấn đề của các Viện Khổng Tử, nơi dường như cung cấp các khóa học tiếng Quan thoại, nhưng lại phục vụ như một công cụ để quảng bá một hình ảnh tích cực của chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Ngoại trưởng Pompeo cũng kêu gọi các thống đốc các bang “hãy bảo vệ an ninh của chúng ta, nền kinh tế của chúng ta”.
Phòng ngừa Covid-19 : Mỹ mở rộng đối tượng xét nghiệm
Thu Hằng
Hoa Kỳ quyết định mở rộng xét nghiệm Covid-19 đối với những bệnh nhân có triệu chứng cúm nhưng không bị ốm hẳn. Ngày 14/02/2020, chính quyền Mỹ thông báo 5 thành phố của Mỹ sẽ tiến hành loại xét nghiệm này.
Thông tín viên RFI Eric de Salves tường trình từ San Francisco :
« Sốt cao, ho, nhức mỏi và đau đầu… đó là những triệu chứng bệnh cúm rất giống với triệu chứng nhiễm Covid-19. Vì vậy, chính quyền Mỹ đã quyết định mở rộng xét nghiệm để phòng ngừa. Người bệnh có những triệu chứng cúm, nhưng lại có kết quả xét nghiệm âm tính với cúm thông thường, sẽ được xét nghiệm thêm Covid-19.
Các trung tâm kiểm dịch và phòng ngừa bệnh tật đã bắt đầu tiến hành kiểu xét nghiệm này ở 5 thành phố tại Mỹ : Los Angeles, San Francisco, Seatle, Chicago và New York, có nghĩa là tất cả những thành phố có những ca nhiễm Covid-19.
Trong những ngày tới, xét nghiệm Covid-19 sẽ được mở rộng sang nhiều thành phố khác. Hiện tại, Mỹ có 15 trường hợp nhiễm virus corona mới. Tất cả đều bị nhiễm khi đến thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc, trung tâm dịch bệnh. Và hơn 600 người được hồi hương từ Trung Quốc hiện vẫn đang bị cách ly.
Năm nay, Hoa Kỳ thẩm định có 26 triệu người bị cúm, một căn bệnh gây chết người hơn cả Covid-19, với khoảng 14.000 ca tử vong chỉ riêng mùa cúm này ».
Mỹ điều hai máy bay hồi hương công dân trên du thuyền Diamond Princess
Hoa Kỳ chuẩn bị hồi hương 380 công dân nước này là những du khách đang bị kẹt trên du thuyền Diamond Princess, bị giữ cách ly ở cảng Yokohama (Nhật Bản) từ đầu tháng 02/2020 do có người nhiễm Covid-19. Tính đến ngày 15/02, có thêm 67 trường hợp bị nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 285 người, trên tổng số 3.700 người gồm du khách và thủy thủ đoàn.
Trong thư gửi đến các công dân Mỹ trên tầu, Washington cho biết có ý định điều hai máy bay vào Chủ Nhật 16/02 nhưng những người có triệu chứng nhiễm Covid-19 sẽ không được lên máy bay. Những người được hồi hương sẽ phải tiếp tục bị cách ly trong vòng 14 ngày khi về đến Mỹ.
Mark Zuckerberg:
Facebook hối thúc có thêm quy định chặt chẽ hơn
Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg kêu gọi nên có thêm quy định về nội dung trực tuyến độc hại, nói rằng quyết định điều gì được xem là tự do phát biểu không phải là vai trò của các công ty như Facebook.
Trích dẫn Trung Quốc, ông Zuckerberg cũng cảnh báo sự kiểm soát quá mức có thể tạo nguy cơ kìm hãm biểu hiện cá nhân.
Zuckerberg đưa ra kêu gọi này trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức.
Những công ty truyền thông xã hội khổng lồ như Facebook đang chịu áp lực ngày càng tăng là phải ngăn chặn sự lan truyền thông tin sai lệch.
Đặc biệt, Facebook bị chỉ trích vì chính sách quảng cáo chính trị.
Mark Zuckerberg phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu yêu cầu từ chức
Zuckerberg hứa một Facebook tôn trọng ‘quyền riêng tư’
Vì sao nhiều Facebook của giới phản biện bị xóa?
Facebook ‘đồng ý hợp tác với VN’
Công ty Facebook đưa ra các chính sách mới cho quảng cáo chính trị tại Mỹ vào năm 2018 và trên toàn cầu vào năm sau.
Các quy tắc này yêu cầu quảng cáo chính trị phải cho thấy tên người trả tiền quảng cáo và một bản sao của quảng cáo được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm công khai trong vòng bảy năm.
Nhưng tuần này Facebook cho biết họ sẽ không bao gồm các bài đăng chính trị được tài trợ bởi các ngôi sao truyền thông xã hội trong cơ sở dữ liệu của mình. Và bài viết của các chính trị gia không phải lúc nào cũng được kiểm tra xem các tuyên bố có đúng hay không, như một phần của chính sách tự do ngôn luận của công ty.
Tại hội nghị, ông nói ông ủng hộ việc kiểm soát.
“Chúng tôi không muốn các công ty tư nhân đưa ra nhiều quyết định về cách cân bằng công bằng xã hội mà không có một quá trình dân chủ hơn,” Zukerburg nói.
Người sáng lập Facebook kêu gọi các chính phủ đưa ra một hệ thống quản lý mới cho truyền thông xã hội, đề nghị quản lý này nên là một sự pha trộn của các quy tắc hiện có cho các công ty viễn thông và truyền thông.
“Trong trường hợp không có loại quy định đó, chúng tôi sẽ tiếp tục làm hết sức mình”, ông nói.
“Nhưng tôi thực sự suy nghĩ về rất nhiều những vấn đề được nêu ra để cố gắng cân bằng những công bằng xã hội khác nhau, nó không chỉ là vấn đề đưa ra câu trả lời đúng, mà là đưa ra một câu trả lời mà xã hội cho là hợp pháp.”
Ông Zuckerberg cũng thừa nhận Facebook chậm chạp khi nhận ra sự phát triển của các “chiến dịch thông tin” trực tuyến phối hợp của các tài khoản của nhà nước như của Nga.
Ông nói thêm rằng các tài khoản bất lương cũng đang trở nên tốt hơn trong việc che dấu tung tích của họ bằng cách che giấu địa chỉ IP của người dùng.
Để giải quyết vấn đề này, ông Zuckerberg cho biết Facebook có một đội ngũ gồm 35.000 người đang xem xét nội dung và bảo mật trên nền tảng này. Với sự hỗ trợ từ AI, ông cho biết hơn một triệu tài khoản giả bị xóa mỗi ngày.
“Ngân sách của chúng tôi [để xem xét nội dung] ngày nay lớn hơn toàn bộ doanh thu của công ty khi chúng tôi bắt đầu bán chứng khoán vào năm 2012, khi mới có một tỷ người dùng,” ông nói.
Trong thời gian ở châu Âu, Zuckerberg dự định sẽ gặp các chính trị gia ở Munich và Brussels để thảo luận về thực hành dữ liệu, quy định và cải cách thuế.
Bất chấp phản ứng dữ dội của công chúng về các vấn đề như quảng cáo chính trị, Facebook cho biết số lượng người dùng những ứng dụng của họ – Facebook, Messenger, Whatsapp và Instagram – vẫn tiếp tục gia tăng.
Đầu tháng này, Whatsapp tuyên bố rằng khoảng hai tỷ người trên toàn thế giới, hơn một phần tư dân số thế giới, sử dụng app này.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51519927
Đợt khí lạnh nhất đổ bộ
miền trung tây và đông bắc Hoa Kỳ-
một cơn bão mới di chuyển vào tây bắc Thái Bình Dương
Một khối không khí lạnh sẽ mang đến mùa đông cho toàn thể khu vực Upper Midwest và Đông Bắc Hoa Kỳ vào sáng thứ bảy (ngày 15 tháng 2). Khối không khí lạnh nhất từ đầu mùa đông đến nay sẽ mang những cơn gió lạnh dưới không độ đến các vùng của New England từ Boston đến Burlington, Vermont.
Nhiệt độ của những cơn gió sẽ xuống thấp đến mức một chữ số vào sáng nay dọc theo Xa Lộ Xuyên Bang I-95 từ thành phố New York đến Philadelphia. Thứ sáu (ngày 14 tháng 2) là lần đầu tiên nhiệt độ tại Chicago xuống âm 0 độ vào mùa đông này, đạt mức -12 độ trong buổi sáng. Nhiệt độ tại khu vực Midwest đã ấm lên đôi chút so với ngày thứ Sáu, nhưng trời vẫn khá lạnh với những cơn gió lạnh dưới 10 độ, thậm chí dưới 0 độ. Trong khi đó, nhiều khu vực tại miền Nam Hoa Kỳ đang hồi phục sau nhiều
đợt mưa lớn từ đầu năm đến nay khiến nhiều con sông có nguy cơ ngập lụt. Chính quyền thành phố Jackson, Mississippi đã ban hành lệnh di tản khẩn cấp cho người dân tại một số khu vực ngập lụt của thành phố. Theo dự báo thời tiết, mực nước tại Pearl River ở thành phố này đang ở mức cao nhất kể từ năm 1983. Jackson chỉ là một khu vực của miền Nam Hoa Kỳ phải đối mặt với lượng mưa cao hơn mức trung bình từ đầu năm 2020 đến nay, cao hơn 1 foot so với trung bình hằng năm.
Bên cạnh đó, một cơn bão khác đang trên đường đến bờ biển Tây Bắc Thái Bình Dương, và một lần nữa, cơn bão sẽ di chuyển khắp đất nước trong vài ngày tới. Sau khi mang mưa đến bờ biển Tây Bắc Thái Bình Dương và dãy núi Cascades, cơn bão sẽ di chuyển vào vùng núi vào tối thứ Bảy đến Chủ nhật và mang tuyết từ dãy Cascades đến dãy Rockies.
Mộc Miên
Venezuela diễn tập quân sự để thể hiện sức mạnh
Thu Hằng
Ngày 15/02/2020, quân đội Venezuela đã tổ chức diễn tập quân sự ở thủ đô Caracas, cũng như trên khắp đất nước. Tổng thống Nicolas Maduro muốn chứng tỏ sức mạnh quân sự trước lời đe dọa của tổng thống Mỹ Donald Trump không loại trừ khả năng can thiệp quân sự vào Venezuela.
Theo phóng viên của Reuters, cuộc diễn tập quy mô lớn được tổ chức sau khi có khoảng 4 triệu tình nguyện viên tham gia lực lượng dân vệ phòng bị. Một trong những nội dung của cuộc diễn tập là chặn « những kẻ xâm lược » tiến vào thủ đô. Hàng trăm quân nhân và dân vệ trên những chiếc xe bọc thép tập đẩy lùi « những kẻ tấn công », do một nhóm xe bọc phép mô phỏng chặn tuyến đường quốc lộ.
Phe đối lập cho rằng cuộc diễn tập này chỉ nhằm che giấu sự suy yếu của quân đội Venezuela trong bối cảnh tình trạng siêu lạm phát đã khiến lương của quân nhân không còn đủ để mua nhu yếu phẩm.
Nicolas Maduro cáo buộc Pháp can thiệp nội bộ Venezuela
Về đối ngoại, trong buổi họp báo với các nhà báo nước ngoài ở Caracas hôm 14/02, tổng thống Nicolas Maduro đã cáo buộc đại sứ Pháp Romain Nadal đã can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela do ông Nadal đã ra sân bay Caracas đón nhà lãnh đạo đối lập Juan Guaido hôm 11/02 sau vòng công du thế giới dù ông Guiado bị cấm rời khỏi Venezuela.
Tổng thống Maduro không loại trừ khả năng trục xuất đại sứ Pháp, như từng áp dụng đối với đại sứ Đức vào tháng 03/2019, dù sau đó, vị đại sứ Đức đã trở lại Caracas.
WHO cho biết phái đoàn sẽ bắt đầu điều tra
về covid19 vào cuối tuần này
Tin từ GENEVA/Luân Đôn – Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết một phái đoàn của WHO tại Trung Cộng sẽ bắt đầu điều tra ổ dịch vào cuối tuần này, và sẽ tập trung vào cách thức coronavirus mới lây lan và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Các viên chức của WHO cho biết nhóm nghiên cứu chung, bao gồm 12 thành viên quốc tế và 12 người đồng cấp của Trung Cộng, sẽ tìm kiếm thêm thông tin chi tiết về cách thức, địa điểm và thời điểm hơn 1.700 nhân viên y tế bị nhiễm virus mới.
Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp sức khỏe của WHO, cho biết ông tin rằng nhóm do WHO đứng đầu sẽ bao gồm các viên chức y tế của Hoa Kỳ, nhưng không đưa ra thông tin chi tiết.
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), với các chuyên gia kỹ thuật được đánh giá cao, thể hiện mong muốn tham gia phái đoàn này. Khi được hỏi về Thế vận hội Olympic Tokyo dự kiến vào tháng 7, ông Ryan cho biết WHO liên lạc thường xuyên với Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và các nhà tổ chức khác về các sự kiện lớn. Nhật Bản là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất ngoài Trung Cộng.
Ông cho biết vai trò của WHO là đưa ra lời khuyên về mặt kỹ thuật để giúp các nhà tổ chức thực hiện đánh giá rủi ro kỹ lưỡng xung quanh một sự kiện. Và quyết định cuối cùng thuộc về quốc gia chủ nhà và các cơ quan tổ chức. (BBT)
https://www.sbtn.tv/who-cho-biet-phai-doan-se-bat-dau-dieu-tra-ve-covid19-vao-cuoi-tuan-nay/
1.669 người chết và hơn 69.000 ca nhiễm
virus corona trên thế giới – Cập nhật
Số người chết vì COVID-19 ở Trung Quốc đã thêm 142 ca trong ngày 15/2, đưa tổng số người tử vong trên thế giới lên 1.669. Đồng thời số người nhiễm vượt quá 69.000 trường hợp.
Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) cho biết có thêm 1.843 trường hợp nhiễm mới và 139 người tử vong vì virus nCoV trong ngày 15/2. Như vậy, tổng số người chết tại địa phương này là 1.596 và 56.249 người nhiễm bệnh.
Ủy ban Y tế Quốc gia sau đó công bố số ca tử vong trên toàn Trung Quốc đại lục tăng 142 ca lên 1.665. Có 2.008 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục lên 68.500. Đồng thời, 9.419 người khỏi bệnh và 11.272 người trong tình trạng nguy kịch.
Toàn thế giới hiện có hơn 69.000 trường hợp nhiễm bệnh, 1.669 người chết và 9.538 người bình phục. Năm ca tử vong được ghi nhận ngoài Trung Quốc đại lục là một người đàn ông Vũ Hán ở Philippines, một người đàn ông ở Hong Kong, một cụ bà ở Nhật Bản, một du khách Trung Quốc ở Pháp, và một người Đài Loan.
Tỉnh Hồ Bắc mới ra lệnh cách ly nghiêm ngặt hơn, yêu cầu tất cả 24 triệu dân cư (bao gồm cả vùng nông thôn) phải ở nhà cho đến khi có thông báo tiếp theo, theo SCMP. Các đám cưới phải hoãn lại, các đám ma phải làm tối giản, cấm tụ tập chơi mạt chược, và các hoạt động giải trí khác,….
Sáu tuần sau khi công bố sự xuất hiện của một loại virus mới gây chết người, các chuyên gia cho biết Trung Quốc vẫn chưa chia sẻ các dữ liệu quan trọng có thể giúp ngăn chặn dịch bệnh.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc lại chỉ trích “một số quốc gia phản ứng thái quá” với dịch bệnh do Covid-19. Ông Vương Nghị cho rằng các nước này đang gây ra “sự hoảng loạn không cần thiết” và cuối cùng “họ vẫn cần phải tương tác với Trung Quốc,” theo Reuters.
Virus corona ở bên ngoài Trung Quốc ra sao?
Ngày 16/2, một tài xế người Đài Loan, 61 tuổi, đã qua đời vì COVID-19. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên vì virus corona ở Đài Loan và thứ 5 bên ngoài Trung Quốc đại lục. Bệnh nhân tử vong là một người đàn ông có bệnh lý tiểu đường và viêm gan B. Người đàn ông này gần đây không đi ra nước ngoài và là một tài xế taxi có khách hàng chủ yếu đến từ Hồng Kông, Ma Cao và Trung Quốc. Một thành viên trong gia đình ông cũng dương tính với COVID-19.
Ngày 15/2, một du khách Trung Quốc đã chết vì virus corona ở Pháp, trở thành ca tử vong đầu tiên vì dịch ở châu Âu. Trường hợp tử vong là một du khách Trung Quốc 80 tuổi, nhiễm virus corona chủng mới và trước đó được nhập viện điều trị ở Paris.
Ngoài Trung Quốc, 28 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có người bị nhiễm nCoV là:
Số ca/Quốc gia:
414 Nhật Bản (gồm tàu Diamond Pricess)
75 Singapore
57 Hongkong
34 Thailand
29 Hàn Quốc
20 Đài Loan
22 Malaysia
15 Úc
16 Đức
16 Vietnam
15 Mỹ
12 Pháp
10 Macau
7 Canada
8 Các tiểu vương quốc Ả rập
3 Italy
3 Philippines
5 Ấn Độ
9 Anh
2 Nga
1 Nepal
1 Campuchia
1 Bỉ
2 Tây Ban Nha
1 Phần Lan
1 Thuỵ Điển
1 Sri Lanka
1 Ai Cập
(Nguồn: Worldometers)Tổng số có gần 780 trường hợp nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc tính đến ngày 15/2. Trong đó, số ca lây nhiễm COVID-19 trên du thuyền Diamond Pricess (Nhật Bản) tăng lên 355 trường hợp.
“Cho đến nay, chúng tôi đã tiến hành xét nghiệm đối với 1.219 người. Trong đó, 355 người được xét nghiệm dương tính. Trong số đó, 73 người không có biểu hiện nhiễm bệnh”, Bộ trưởng Katsunobu Kato nói trên đài truyền hình NHK. Con số này cho thấy mức tăng 70 người từ lần ghi nhận gần nhất.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Sau khi Bộ GD-ĐT có văn bản về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên do dịch corona, tính đến tối 15/2, tất cả 63 tỉnh/thành trên cả nước đã thông báo cho học sinh nghỉ. Trong đó, 56 tỉnh/thành cho học sinh nghỉ đến hết tháng 2.
Trong khi đó, Chủ tịch huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) cho biết, xã Sơn Lôi – một trong 4 xã có bệnh nhân dương tính với virus Corona, 315 người đã ra khỏi địa bàn.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc có công văn hỏa tốc đề nghị các bệnh viện Trung ương, quân đội, cử bác sĩ tham gia hỗ trợ chuyên môn cho các trạm y tế xã trên địa bàn huyện Bình Xuyên.
Vĩnh Phúc là tỉnh ghi nhận số ca nhiễm virus corona mới nhiều nhất cả nước, với 11/16 ca mắc bệnh.
Xem thêm:
Đại dịch virus corona: Người dân Trung Quốc sẽ ra sao?
Thiếu tướng, nguyên TBT báo Quân Đội: “Pháp Luân Công mà Chính phủ phổ biến cho nhân dân thì chỉ có lợi”
https://www.dkn.tv/the-gioi/so-nguoi-tu-vong-do-virus-corona-cap-nhat.html
Dịch Covid-19: Gần 70 ngàn ca nhiễm trên thế giới,
Nhật hơn 400 người dương tính
Tính đến chiều ngày 16-2-2020, đã có gần 70 ngàn người trên thế giới bị mắc viêm phổi cấp do nhiễm virus Corona chủng mới (Covid-19), phần lớn là ở Trung Quốc đại lục.
Số người tử vong vì Covid-19 chỉ riêng ở Trung Quốc là 1665 người, 4 người khác qua đời ở Hồng Kông, Philippines, Nhật Bản và Pháp.
Nhật Bản có tổng cộng 407 người bị dương tính với Covid-19, trong đó có 51 trường hợp trên đất liền bao gồm 1 người chết.
Giới chức Nhật Bản xác nhận thêm hơn 70 người nhiễm mới trên du thuyền 5 sao Diamond Princess bị cách ly ở cảng Yokohama, nâng tổng số người mắc bệnh chỉ riêng trên con thuyền này là 356 người.
Đây là du thuyền từng ghé 2 cảng Việt Nam dịp Tết trước khi được phát hiện có người dương tính với virus Corona ở Nhật.
Mỹ sẽ tổ chức một chuyến bay sơ tán công dân của mình trên du thuyền này sau ngày 16-2, những người trở về sẽ phải bị cách ly ở một khu vực riêng biệt sau khi hạ cánh.
Ở Việt Nam, 52 công dân đầu tiên cách ly tại Lào Cai sau khi trở về từ Trung Quốc đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly vào ngày 16-2.
Theo Bộ Y tế, trong quá trình cách ly, họ được cán bộ y tế theo dõi sức khỏe và được đảm bảo đời sống sinh hoạt đầy đủ trong 14 ngày.
Tính đến tối 15-2, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thông báo cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19.
Trong đó, 56 tỉnh, thành phố cho học sinh nghỉ đến hết tháng 2.
Hồ sơ Libya chiếm trọng tâm Hội nghị An ninh Munich
Hội nghị An ninh Munich diễn ra từ hôm 14/02 với sự tham dự của hàng chục nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ cùng các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng của các nước. Hôm nay, 16/02/2020, diễn ra cuộc họp của các ngoại trưởng. Chủ đề Libya và lệnh cấm vận vũ khí bao trùm hội nghị. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đã được ký từ hôm 12 tháng Giêng, nhưng các cuộc giao tranh vẫn nổ ra thường nhật ở rải rác quanh Tripoli, vũ khí vẫn tiếp tục được chuyển tới Libya.
Thông tín viên Pascal Thibault tại Munich tường trình:
« Ngoại giao không phải là dạo chơi dưỡng sức », 4 tuần sau Hội nghị Quốc tế về Libya tại Berlin, công việc vẫn không tiến triển mấy. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết trong một cuộc phỏng vấn ông muốn cuộc gặp Munich gây áp lực đối với các bên liên quan để chấm dứt các hành động thù địch tại Libya và tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí.
Trong cuộc họp ngày Chủ nhật (16/02) ông Maas mong muốn các ngoại trưởng chứng tỏ rằng cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục các nỗ lực. Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh là quyết định của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm 12/02 vừa qua về việc tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí là điều đáng khích lệ.
Một ủy ban quốc tế chuyên trách theo dõi thực thi thỏa thuận Berlin ký hồi giữa tháng Giêng sẽ phải họp định kỳ hàng tháng dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc và một đồng chủ tịch luân phiên, hiện tại do Đức đảm nhiệm.
Ngoài ủy ban được quyết định tại Berlin gồm các giới chức quân sự của hai bên hiện nay tại Libya, một cuộc đối thoại chính trị sẽ phải được khởi động vào cuối tháng này. Ngày 17/02, các ngoại trưởng của Liên Hiệp Châu Âu sẽ họp tại Bruxelles để nêu lại hồ sơ này. Berlin hy vọng hội nghị sẽ đưa ra một quyết định về các hình thái cụ thể giúp tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí cho Libya.
Virus corona:
Ca tử vong đầu tiên được xác nhận ở châu Âu
Một du khách Trung Quốc đã tử vong ở Pháp sau khi mắc phải coronavirus chủng mới – trường hợp tử vong đầu tiên do căn bệnh ở bên ngoài châu Á.
Nạn nhân là một người đàn ông 80 tuổi từ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, theo Bộ trưởng Y tế Pháp Agnès Buzyn.
Nạn nhân đến Pháp vào ngày 16/01/2020 và được đưa vào kiểm dịch tại bệnh viện ở Paris vào ngày 25/01, bà Bộ trưởng nói.
Virus corona: Ca nhiễm đầu tiên ở châu Phi; Bắc Kinh cách ly dân sau Tết
Bàn tròn BBC: Virus COVID-19 – con số của TQ có đáng tin cậy?
Dịch bệnh và khủng hoảng nội tại có thay đổi triều đại?
Covid-19: Bác sỹ TQ gặp nhiều rủi ro?
Chỉ có ba trường hợp tử vong trước đây đã được báo cáo ở bên ngoài Trung Quốc đại lục – tại Hong Kong, Philippines và Nhật Bản.
Nạn nhân là một người đàn ông 80 tuổi từ tỉnh Hồ Bắc của Trung QuốcBộ trưởng Y tế Pháp Agnès Buzyn
Tuy nhiên, hơn 1.500 người đã chết vì virus ở Trung Quốc, chủ yếu ở Hồ Bắc nơi nó xuất hiện lần đầu tiên.
Hơn 2.641 người được xác nhận như các ca mới là bị nhiễm bệnh, nâng tổng số của Trung Quốc lên 66.492 trường hợp.
Điều gì đã xảy ra ở Pháp?
Vào cuối tháng Giêng, Pháp đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên xác nhận các trường hợp nhiễm virus. Pháp đã có 11 trường hợp được xác nhận về căn bệnh, được gọi chính thức là Covid-19. Sáu người vẫn nằm viện.
Bệnh nhân nam giới cao niên đã tử vong trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện Bichat ở phía bắc Paris, vẫn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp. Ông chết vì nhiễm trùng phổi do coronavirus.
Người con gái 50 tuổi của bệnh nhân này cũng nằm trong số sáu người đang điều trị trong bệnh viện và được xác nhận là có virus, nhưng theo lãnh đạo ngành y tế Pháp, bệnh nhân nữ này đang bình phục.
Năm người còn lại là những người mang quốc tịch Anh, các bệnh nhân này nhiễm virus tại một căn nhà trong khu nghỉ mát trượt tuyết Contamines-Montjoie.
Các nước khác bị ảnh hưởng như thế nào?
Bên ngoài Trung Quốc đại lục, đã có hơn 500 trường hợp tại 24 quốc gia.
Dịch bệnh ở Trung Quốc hiện “nói chung đang trong tầm kiểm soátNgoại trưởng TQ Vương Nghị
Virus corona: Mối nguy từ tiêu thụ tê tê?
Người Việt trụ lại Hàng Châu giữa mùa virus corona
Virus COVID-19: bác sỹ BV Chợ Rẫy ‘chịu áp lực lớn’
Trước đó, Hoa Kỳ nói đang gửi máy bay tới Nhật Bản để sơ tán công dân Mỹ mắc kẹt trên tàu du lịch Diamond Princess, chiếc tàu du lịch đường biển đang bị cách ly tại cảng Nhật Bản.
Trong số 3.700 người trên tàu, 218 người đã thử nghiệm dương tính với virus này. Úc cũng cho biết họ đang xem xét di chuyển công dân của mình ra khỏi con tàu.
Bộ Y tế Ai Cập hôm thứ Sáu, 14/02 xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus corona ở Châu Phi. Ngành y tế Ai Cập mô tả đây là một người nước ngoài, nhưng không tiết lộ quốc tịch của người đó.
Trung Quốc đối phó thế nào?
Bất chấp sự lây lan của virus, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Bảy, 15/02 nói rằng dịch bệnh ở Trung Quốc hiện “nói chung đang trong tầm kiểm soát”.
Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết bên ngoài tỉnh Hồ Bắc, số ca nhiễm mới đã giảm trong 11 ngày liên tiếp. Ông Vương nói cũng đã có sự gia tăng nhanh chóng số người bình phục.
Tuy nhiên, số liệu mới được công bố vào thứ Sáu tiết lộ một số liệu liên quan nhân viên y tế trong nước. Sáu nhân viên y tế đã tử vong và 1.716 người đã bị nhiễm kể từ khi dịch bệnh bùng phát, theo giới chức Trung Quốc.
Chính quyền địa phương đang vất vả tìm cách cung cấp đủ các thiết bị bảo vệ như mặt nạ hô hấp, kính bảo hộ và bộ đồ bảo vệ cho các bệnh viện ở Hồ Bắc.
Trong khi đó, Bắc Kinh đã ra lệnh cho tất cả mọi người trước đó quay trở lại thành phố phải cách ly trong 14 ngày hoặc có nguy cơ bị trừng phạt.
Tổ chức Y tế Thế giới đang bắt đầu một cuộc điều tra tại Trung Quốc vào cuối tuần này về vụ dịch bùng phát.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51507494
Covid-19 : Một người chết tại Pháp,
ca tử vong đầu tiên ngoài châu Á
Thanh Phương
Trong cuộc họp báo ngày 15/02/2020, bộ trưởng Y Tế Pháp Agnès Buzyn thông báo là du khách người Trung Quốc, 80 tuổi, bị nhiễm virus corona mới (Covid-19) và nhập viện tại Paris từ cuối tháng Giêng, đã qua đời tối 14/02.
Đây không chỉ là ca tử vong đầu tiên tại Pháp và châu Âu, mà còn là ca tử vong đầu tiên ngoài khu vực châu Á, kể từ khi dịch bệnh bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, và lan sang nhiều nước khác.
Theo bộ trưởng Buzyn, kể từ khi được đưa vào bệnh viện Bichat ở Paris, tình trạng của bệnh nhân người Trung Quốc này đã nhanh chóng bị suy sụp và từ nhiều ngày qua đã trong tình trạng nguy kịch.
Kể từ ngày 24/01, đã có 11 ca lây nhiễm Covid-19 được phát hiện tại Pháp, bao gồm bệnh nhân người Trung Quốc vừa qua đời. Cho đến hôm 14/02, bốn bệnh nhân đã khỏi và xuất viện, 6 người kia vẫn nằm
viện, trong đó có 5 người Anh bị lây nhiễm ở vùng núi Alpes, nhưng tình trạng sức khỏe không có gì đáng ngại, theo lời bộ trưởng Y Tế Pháp.
Bà Buzyn cho biết người con gái của bệnh nhân Trung Quốc vừa tử vong, một phụ nữ Trung Quốc 50 tuổi, cũng được đưa vào bệnh viện Bichat, sắp tới đây sẽ được xuất viện. Hiện người ta chưa biết bệnh nhân này đã bị lây nhiễm trước khi đến Pháp hay bị lây từ bố trên lãnh thổ nước Pháp.
Cho tới nay, bên ngoài Hoa lục, chỉ mới có 3 bệnh nhân chết do dịch Covid-19 tại Hồng Kông, Philippines và Nhật Bản và có gần 600 ca lây nhiễm được xác nhận.
Bên ngoài nước Pháp, hiện đã có một công dân Pháp nhiễm virus Covid-19, đó là một hành khách 80 tuổi trên chiếc tàu du lịch Diamond Princess, hiện neo đậu tại cảng Yokohama, Nhật Bản. Khi được xét nghiệm hôm 14/02, hành khách người Pháp này đã cho kết quả dương tính với virus Covid-19.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200215-covid-19-phap-co-ca-tu-vong-dau-tien-ngoai-chau-a
HS2: Công ty Trung Quốc hứa
xây đường sắt cao tốc Anh ‘nhanh, rẻ’
Công ty nhà nước Trung Quốc đang muốn được xây tuyến đường sắt cao tốc HS2 quan trọng của Anh.
Việt Nam hủy đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc Nam ‘để loại Trung Quốc’
Đường sắt cao tốc Bắc Nam: Lỗ cũng nên làm?
Quan chức chính phủ Anh thì nói chưa có cam kết gì.
Tập đoàn Trung Quốc hứa hẹn sẽ xây xong chỉ trong vòng 5 năm, giá lại rẻ hơn.
Thủ tướng Anh Boris Johnson mới tuần rồi đã thông qua kế hoạch cho xây đường sắt HS2 vốn gây tranh cãi nhiều.
Một tính toán chính thức của Anh cảnh cáo chi phí sẽ vượt 100 tỉ bảng, trong khi ngân sách đề ra chỉ là 62 tỉ.
Công ty cổ phần Xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC) được cho là hứa hẹn sẽ xây xong chỉ trong 5 năm, với giá rẻ.
Nếu Anh cho phép Trung Quốc có vai trò trong hạ tầng cơ sở, điều này sẽ lại gây tranh cãi, đặc biệt sau khi Anh đồng tình cho Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G.
Một lá thư của CRCC, được báo chí Anh, tiết lộ, hứa hẹn: “Chúng tôi chắc chắn có thể ra chi phí thấp hơn nhiều các dự toán mà chúng tôi được xem.”
“Bạn sẽ thấy cách thức Trung Hoa là tìm kiếm giải pháp, không dừng ở trở ngại và khó khăn.”
CRCC đã chuyển hóa hệ thống giao thông Trung Quốc, tham gia xây phần lớn mạng cao tốc 15.500 dặm của nước này.
Tại Anh, những người ủng hộ siêu dự án HS2 nói đường sắt cao tốc sẽ cải thiện thời gian đi lại, tạo ra việc làm, tái cân bằng nền kinh tế.
Bộ giao thông Anh nói khi xây xong, đường đi London tới Birmingham, hiện là 81 phút, sẽ còn 52 phút.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-51522567
‘Tam quốc cạnh tranh’
trong thời đại bất an và chi tiêu quân sự tăng
Ngày Hội nghị An ninh Munich khai mạc, báo cáo hàng năm của một viện nghiên cứu quốc tế về an ninh, quốc phòng nói chi tiêu quân sự toàn cầu tăng và các nước nay cạnh tranh với nhau ‘qua các biện pháp chỉ dưới mức chiến tranh’.
Hội nghị An ninh Munich khai mạc hôm 14/02 ở thủ phủ bang Bavaria, Đức với các phát biểu phê phán Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc đến từ nước chủ nhà.
Có mâu thuẫn trong Sách trắng Quốc phòng 2019 của VN?
Có phải chính trị Mỹ đã hết thuốc chữa?
EVFTA: Cơ hội đổi mới và thách thức nhân quyền cho Việt Nam?
EU ‘sẵn sàng giúp VN’ về an ninh mạng
Putin khoe vũ khí ‘bất khả chiến bại’
Tổng thống Đức Frank Walter-Steinmeier trong diễn văn khai mạc Hội nghị an ninh quốc tế thường niên ở Munich đã nêu tên ba quốc gia, Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc.
Ông nói cuộc cạnh tranh ‘tay ba’ này đang “đe dọa trật tự toàn cầu và niềm tin”, làm tăng lên sự bất an.
“Mỗi nước đó chỉ nhìn thấy vị trí của mình, và đặt quyền lợi lên trên tất cả các nước khác.”
Nhà lãnh đạo Đức lên án “cách tiếp cận ba đại cường” với ngoại giao quốc tế.
“Ngay cả đồng minh gần gũi nhất của chúng ta là Hoa Kỳ, dưới thời của chính phủ hiện hành, đã bác bỏ ý tưởng về một cộng đồng quốc tế.”
Theo ông Walter-Steinmeier, hậu quả là “chỉ có thêm sự bất tín, thêm vũ khí, ít đi an ninh, an toàn, thậm chí tới cả chỗ có cuộc chạy đua hạt nhân mới”.
Người từng nắm ngành ngoại giao Đức trong sáu năm cũng nhắc lại “Đồng thuận Munich 2014” khi Đức tỏ ý sẵn sàng nhận thêm trách nhiệm an ninh cho chính trị toàn cầu.
Tuy thế, có mặt tại hội nghị, quan chức ngoại giao cao cấp của Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, đã bác bỏ ý kiến rằng nước ông “đi con đường riêng”.
Ông Dương bỏ nói tiếng Trung, chuyển sang tiếng Anh để nhấn mạnh đoạn trong bài diễn văn rằng Trung Quốc vẫn muốn một trật tự đa phương:
“Lịch sử dạy chúng ta rằng chúng ta chỉ có thể đạt giấc mơ của nhân dân bằng việc duy trì đa phương, và cải thiện hợp tác toàn cầu.”
Từ phía Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện (Đảng Cộng hòa) lên tiếng bênh vực cho Tổng thống Donald Trump.
Ông Graham diễn giải ý ông Trump “Nước Mỹ trên hết (America First) chỉ có nghĩa là các đồng minh của Hoa Kỳ cần chia sẻ gánh nặng an ninh.
Chi tiêu quốc phòng ngày càng tăng
Cùng ngày, văn bản của Viện International Institute for Strategic Studies (IISS), mang tên ‘Cân bằng Quân sự’ (Military Balance) vẽ ra bức tranh không sáng sủa về an ninh toàn cầu.
Không chỉ ở các nước ngoài châu Âu, mà tại châu lục luôn nói là trụ cột cho hòa bình sau Thế Chiến 2 và Chiến tranh Lạnh, chi tiêu cho quốc phòng năm 2019 cũng tăng thêm 4,2% so với 2018.
Trong khi đó, năm 2019 ghi nhận 6,6% trong chi tiêu quân sự của cả Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Châu Á là lục địa tăng chi tiêu quốc phòng mạnh nhất, một phần để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong cả một thập niên qua, chi tiêu quốc phòng châu Á tăng 50%, cũng nhờ GDP của nhiều nước tăng lên đáng kể.
‘Military Balance’ cũng chỉ ra các tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ quân sự, nhất là về phương tiện bay không người lái (UAV).
Về mặt chiến lược, cả Nga và Trung Quốc đều như đang trong quá trình phát triển phương tiện bay siêu thanh, và tên lửa siêu âm nhằm hóa giải hệ thống phòng không truyền thống.
Điều đáng lo ngại là nay các nước nay cạnh tranh với nhau qua “các biện pháp chỉ dưới ngưỡng chiến tranh”, theo Military Balance.
Tài liệu này nói đến vụ Nga sáp nhập Crimea; can thiệp vào Đông Ukraine, việc Nga dùng vũ khí hóa học tấn công tại Anh dù Moscow luôn phủ nhận.
Ngoài ra, việc dùng các nhóm ‘thân hữu” của Iran bên ngoài lãnh thổ nước này cũng bị nêu ra.
Cũng trong thời gian qua, giới quan sát đã nêu ra những mối đe dọa khác cho an ninh toàn cầu như cuộc chạy đua vũ trang bằng trí tuệ nhân tạo và chiến tranh mạng.
Mới đây nhất có thêm việc thử nghiệm các loại tên lửa có thể chuyên chở vũ khí nguyên tử và triển khai chúng vào không gian vũ trụ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51508886
Chuyên gia Nga vẽ kịch bản
tàu sân bay Mỹ – Trung đối đầu
Tàu sân bay Mỹ có thể chiếm ưu thế trước chiến hạm Trung Quốc nhờ năng lực trinh sát tầm xa nếu nổ ra xung đột, theo chuyên gia Nga Konstantin Sivkov.
Hải quân Mỹ hôm 12/2 công bố đề xuất ngân sách cho năm tài khóa 2021, yêu cầu đặt mua 1.625 tên lửa các loại, trong đó hơn một nửa là vũ khí chống hạm tầm xa, tăng gấp 10 lần so với đề xuất cách đây 5 năm. Đây dường như là biện pháp nhằm đối phó các nỗ lực tăng cường năng lực hải quân của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Trung Quốc gần đây xây dựng sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân, với tốc độ đáng kể nhằm cạnh tranh với Mỹ trên Thái Bình Dương. Với việc hải quân Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ cho vũ khí diệt
hạm siêu thanh, nhiều người lo ngại tàu sân bay Mỹ sẽ thất thế trước uy lực của loại vũ khí này nếu nổ ra các trận chiến lớn trên biển với Trung Quốc trong tương lai.
Tuy nhiên, Konstantin Sivkov, chuyên gia thuộc Học viện Khoa học Tên lửa và Pháo binh Nga, dự đoán rằng nếu cuộc đối đầu giữa tàu sân bay hai bên nổ ra, Mỹ chắc chắn sẽ giành được lợi thế.
“Vai trò cốt lõi quyết định kết quả các trận hải chiến ngày nay không phải nằm ở sức mạnh và số lượng vũ khí tấn công, mà chính là năng lực trinh sát trong không gian tác chiến. Hải quân Mỹ vượt trội trong phương diện này và có thể áp đảo ưu thế tên lửa chống hạm siêu thanh của Trung Quốc”, Sivkov bình luận trong bài viết trên tạp chí Công nghiệp Quân sự của Bộ Quốc phòng Nga vào cuối năm 2019.
Sivkov chỉ ra rằng trong cuộc đối đầu giữa tàu sân bay Mỹ và Nhật Bản hồi Thế chiến II, đặc biệt là trận Midway, kết quả thắng bại phụ thuộc vào bên nào phát hiện ra tàu sân bay đối phương sớm hơn. Bên phát hiện sớm kẻ địch sẽ chủ động triển khai các đòn tập kích đường không từ xa vào mục tiêu đã bị lộ diện, đẩy đối phương vào tình thế bị động chống đỡ.
Mỹ đang sở hữu lực lượng tàu sân bay lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc mới chỉ biên chế hai tàu sân bay gồm Liêu Ninh và Sơn Đông. Bắc Kinh đang ấp ủ tham vọng đóng thêm ít nhất hai tàu sân bay nhằm triển khai sức mạnh tại Tây Thái Bình Dương, thậm chí xa hơn.
“Trung Quốc thiếu khả năng triển khai sức mạnh tầm xa do thiếu mạng lưới căn cứ ở nước ngoài. Một cuộc chiến tàu sân bay sẽ nổ ra xung quanh những căn cứ trong phạm vi từ 1.500 km từ bờ biển Trung Quốc hoặc lãnh thổ một quốc gia thân thiện với Bắc Kinh trên Ấn Độ Dương”, Sivkov nhận định.
Sự yếu thế của không đoàn trên hạm với chủ lực là tiêm kích J-15 buộc Bắc Kinh tìm cách tác chiến trong tầm bắn của tên lửa diệt hạm phóng từ mặt đất và máy bay đóng quân trên đất liền. Hải quân Trung Quốc cũng phải phụ thuộc vào tàu ngầm, máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 và vệ tinh để định vị nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.
Ngược lại, tàu sân bay Mỹ có thể mang theo máy bay cảnh báo sớm E-2C/D và phi cơ tác chiến điện tử EA-18G, kết hợp với máy bay cảnh báo sớm cất cánh từ căn cứ đồng minh. Sivkov cho rằng lực lượng Trung Quốc chỉ đủ sức xác định vị trí tương đối của tàu sân bay Mỹ, trong khi nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ có thể phát hiện chính xác hướng di chuyển của đối phương.
Chuyên gia Nga cũng đề ra một kịch bản đối đầu giả định giữa hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ và Trung Quốc. “Ở giai đoạn đầu cuộc chiến, các bên đều chịu những tổn thất nhất định. Trung Quốc có thể thiệt hại một hoặc hai tàu ngầm, một tàu mặt nước, hai hoặc ba máy bay trinh sát và 2-4 tiêm kích. Về phía Mỹ, tổn thất nặng nề nhất với họ sẽ là mất một tàu ngầm, một hoặc hai máy bay trinh sát và 4 tiêm kích”, Sivkov cho hay.
Trong giai đoạn tiếp theo, Sivkov ước tính tàu sân bay Trung Quốc chỉ có thể triển khai khoảng 6 tiêm kích tấn công, số còn lại phải làm nhiệm vụ tuần tra phòng thủ. Những chiếc J-15 có thể phóng tên lửa chống hạm nhằm tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa một số tàu khu trục ở vòng ngoài nhóm tàu sân bay Mỹ. Ngược lại, tàu sân bay Mỹ có thể triển khai hơn 30 tiêm kích để tập kích đối phương.
“Mô phỏng tình hình tại thời điểm này cho thấy nhóm tàu sân bay Trung Quốc có cơ hội thuận lợi để tấn công nhưng sẽ mất tới 40-50% tiềm lực. Một loạt bắn với hàng chục tên lửa chống hạm YJ-18 có 20-30% cơ hội loại tàu sân bay Mỹ khỏi cuộc chiến. Hiệu quả phản công của tiêm kích Mỹ đối với tàu sân bay Trung Quốc có thể đạt tới 40-50%”, Sivkov cho hay.
Thiệt hại nặng sẽ buộc lực lượng Trung Quốc phải rút lui. Tàu sân bay Trung Quốc có thể bị vô hiệu hóa, thậm chí bị đánh chìm cùng 4-5 tàu hộ vệ, hai tàu ngầm và hơn nửa số máy bay trên tàu. Nhóm tàu Mỹ sẽ thiệt hại không quá 3 tàu chiến, 20% không đoàn trên hạm. Riêng tàu sân bay Mỹ chỉ bị hư hại nhẹ, thậm chí không hề hấn gì.
“Nói cách khác, nhóm tàu sân bay Trung Quốc sẽ bị đánh bại và mất khả năng chiến đấu. Lực lượng Mỹ sẽ giành chiến thắng mà không mất quá nhiều sức mạnh”, Sivkov nêu quan điểm, khẳng định đây là tình huống phức tạp với nhiều giả định được đưa ra, như mỗi bên chỉ có một tàu sân bay và không sử dụng lực lượng hỗ trợ bên ngoài.
Chuyên gia Nga cho rằng các trận chiến giữa tàu sân bay trong thế kỷ 21 sẽ tương tự mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II, khi máy bay cất cánh từ mặt đất và tàu ngầm chỉ đóng vai trò thứ yếu, còn cuộc chiến thực sự diễn ra giữa các không đoàn xuất phát từ tàu sân bay. “Dù vậy, tên lửa đạn đạo chống hạm, oanh tạc cơ trang bị tên lửa siêu thanh và tàu ngầm hiện đại có thể thay đổi mô hình này”, Sivkov cho hay.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32991-chuyen-gia-nga-ve-kich-ban-tau-san-bay-my-trung-doi-dau.html
Covid-19 : Châu Phi phát hiện trường hợp đầu tiên
Tú Anh
Trường hợp siêu vi corona (Covid-19) lan đến châu Phi được phát hiện vào thứ Sáu 14/02/2020 tại Ai Cập. Người mang siêu vi đến Cairo là một công dân Trung Quốc, trong bối cảnh dịch viêm phổi siêu vi corona chủng mới lây lan cho hơn 500 người ngoài lãnh thổ Hoa lục.
Tin này được Ai Cập thông báo đúng vào lúc Cộng Đồng Tây Phi nỗ lực hợp sức ngăn chận Covid-19. Từ Cairo, thông tín viên Alexandre Buccianti tường thuật :
« Theo bộ Y tế Ai Cập, người bị nhiễm siêu vi corona mang quốc tịch Trung Quốc, nhưng chưa có triệu chứng phát bệnh.
Nhân viên y tế ở phi trường quốc tế Cairo, theo thủ tục, lấy mẫu xét nghiệm mà kết quả sau đó xác nhận có sự hiện diện của siêu vi corona chủng mới. Người Trung Quốc này lập tức được xe cứu thương chở thẳng vào khu cách ly thuộc thành phố Marsa Matrouh, nằm cách Alexandrie 300 cây số về phía tây và đã được nhập viện.
Tất cả những ai có tiếp xúc với người Trung Quốc này đều tự cách ly ở nhà riêng. Cho dù xét nghiệm đầu tiên không có dương tính với Covid-19, nhưng tất cả đang được theo dõi sức khỏe 24 giờ trên 24 trong suốt 14 ngày cho đến hết thời gian ủ bệnh ».
Cộng Đồng Kinh Tế Tây Phi họp đối phó với Covid-19
Với biên giới thiên nhiên rộng mở, dân chúng tự do đi lại, châu Phi là một địa bàn mầu mỡ cho nhiều loại bệnh truyền nhiễm. Lo ngại dịch Covid-19 lây lan, ngày 14/02, một cuộc họp cấp bộ trưởng Y Tế của Cộng Đồng Kinh Tế Tây Phi (15 nước) được triệu tập tại Bamako, thủ đô Mali.
« Với 380 triệu dân, vỏn vẹn có ba phòng thí nghiệm, chống Ebola đã khó, làm cách nào đối phó với những người mang mầm bệnh viêm phổi cấp đến từ Trung Quốc ? ». Bộ trưởng Y Tế Mali, Michel Sidibé, khẩn thiết kêu gọi « hợp lực xuyên biên giới », với những phương tiện thích ứng để phòng dịch.
Thủ lĩnh phiến quân bị tiêu diệt khi Mỹ và Taliban
tại Afghanistan tìm kiếm thỏa thuận chung
Secunder Kermani & Ishtiaq MehsudBBC News, Pakistan
Trong hai tuần qua, ba thủ lĩnh phiến quân người Pakistan đóng tại Afghanistan đã bị ám sát, trong khi một nhóm phiến quân Pakistan khác trở thành mục tiêu trong cuộc đột kích chết chóc của lực lượng đặc nhiệm Afghanistan.
Vụ đàn áp này diễn ra khi các cuộc đàm phán giữa giới chức Mỹ và Taliban Afghanistan, nhằm kết thúc cuộc xung đột kéo dài 18 năm, có vẻ gần đạt được thỏa thuận.
Phương Tây gửi mẫu hạm đến Biển Đông, đối phó TQ
Nhiều lính Mỹ bị thương trong vụ xả súng
Căn cứ Mỹ ở Afghanistan bị tấn công
Một nguồn tin quân sự nói với BBC ông ta tin rằng những vụ ám sát này là kết quả của một hiệp định mật giữa Mỹ và quân đội Pakistan. Pakistan được cho là đóng một vai trò quan trọng trong việc tổ chức các cuộc thảo luận.
Trong các vụ việc mới nhất, Shehryar Mehsud, thủ lĩnh một nhóm ly khai của Taliban Pakistan, đã bị giết tại tỉnh Kunar trong một vụ nổ bom gần nhà riêng.
Ông này có nhiều đối thủ trong lực lượng phiến quân, nhưng họ phủ nhận liên quan tới cái chết của ông, trong khi các thành viên khác thuộc nhóm ly khai nói với BBC họ tin rằng cơ quan tình báo Pakistan phải chịu trách nhiệm về vụ này.
Taliban Afghnistan và Taliban Pakistan là hai tổ chức riêng biệt – tập trung vào tiến hành các vụ tấn công chỉ trong phạm vi mỗi nước.
Nhiều phe phái khác nhau của Taliban Pakistan đã thiết lập căn cứ ở đông Afghanistan, sau khi có các hoạt động quân sự chống lại họ ở Pakistan.
Có cáo buộc rằng các cơ quan an ninh Afghanistan đã xây dựng quan hệ với một số nhóm phiến binh nói trên – nhằm chống lại sự ủng hộ của Pakistan đối với Taliban Afghanistan, nơi đang tiến hành một cuộc nổi dậy kéo dài nhằm hất cẳng chính phủ Afghanistan – vốn được huận thuẫn bởi các lực lượng quân sự do Mỹ lãnh đạo.
Cả hai nước đều chính thức phủ nhận việc hỗ trợ các nhóm phiến quân.
Đầu tháng này, hai chỉ huy cao cấp của Taliban Pakistan bị thủ tiêu trong các tình huống bí hiểm ở Kabul thủ đô Afghanistan.
Trong khi đó, các báo cáo hôm thứ Hai cho hay một cuộc đột kích vào nhóm phiến quân Hizbul Ahrar của Pakistan do quân đội Afghanistan thực hiện đã diễn ra tại tỉnh Nangarhar.
Các thành viên của Hizbul Ahrar bị sốc bởi vụ đột kích, nói trước đó họ tin rằng họ sẽ không bị các lực lượng quân sự Afghanistan nhắm đến, vì họ không thực hiện các vụ tấn công ở Afghanistan.
‘Luật chơi’ có vẻ đang thay đổi
Sự bối rối diễn ra trong đội ngũ phiến quân Pakistan khi nguyên phát ngôn viên cao cấp của Taliban Pakistan dường như đã trốn khỏi trại giam của các cơ quan tình báo Pakistan.
Ehsanullah Ehsan, người nhận trách nhiệm một trong cách vụ tấn công tai tiếng nhất, bao gồm vụ bắn chết nữ sinh Malala Yousafzai, đã đầu hàng năm 2017. Tuy nhiên, ông ta không hề xuất hiện tại tòa, cũng không bị tuyên án.
Một đoạn âm thanh, được cho là của Ehsanullah Ehsan, được công bố tuần trước, khẳng định rằng ông ta đã trốn thoát, bởi giới chức Pakistan không trung thành với các điều khoản của một ‘thỏa thuận’ với ông ta trước đó.
Ông này sau đó nói với các phóng viên rằng ông ta đã tới Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cho tới nay từ chối không đưa thêm thông tin chi tiết, hoặc video cho thấy nơi ông ta đang ở.
Nhiều người Pakistan nghi ngờ việc Ehsanullah Ehsan có thể đã thực sự ‘trốn thoát’, cho rằng thay vì thế ông ta đã được thả như một phần của một thỏa thuận mờ ám.
Không có bình luận nào từ quân đội hoặc chính phủ Pakistan về vụ việc vừa xảy ra.
Tuy nhiên, các phóng viên đưa tin về vụ việc được chỉ đạo phát đi các tuyên bố, được cho là lấy từ ‘các nguồn tin”, rằng Ehsanullah Ehsan đã cung cấp các thông tin vô cùng quan trọng cho các cơ quan an ninh, dẫn tới các vụ tấn công thành công nhắm vào các nhóm phiến quân khác.
Thành viên của các nhóm phiến quân thường đề cập tới ‘các trò chơi’ do lực lượng an ninh khu vực thực hiện. Các quy tắc của các ‘trò chơi này có vẻ đang thay đổi.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51513154
Iran tuyên bố sẽ tấn công Mỹ và Israel
nếu họ mắc “lỗi nhẹ nhất’’
Lãnh đạo Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Hossein Salami hôm thứ Năm (13/2) tuyên bố rằng Iran sẵn sàng tấn công Hoa Kỳ và Israel nếu hai nước này mắc “lỗi nhẹ nhất”.
Tướng Hossein Salami trong bài phát biểu được phát trực tiếp trên truyền hình nhà nước Iran đã nói: “Nếu các người phạm lỗi nhẹ nhất, chúng tôi sẽ đánh cả hai.” Phát biểu của ông Salami vào đúng dịp kỷ niệm 40 ngày mất của chỉ huy Lực lượng Quds Qassem Soleimani.
Tướng Qassem Soleimani, lãnh đạo Lực lượng Quds, thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cùng với chỉ huy phiến quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis đã bị máy bay không người lái của Hoa Kỳ tiêu diệt vào ngày 3/1 ở gần sân bay Baghdad, Iraq.
Theo hãng tin Tasnim, phát ngôn viên Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, ông Ramezan Sharif trước đó đã nói rằng cái chết của Tướng Soleimani sẽ dẫn tới giải phóng Jerusalem.
“Vụ ám sát hèn nhát và điên cuồng của người Mỹ nhắm vào chỉ huy Soleimani và Abu Mahdi al-Muhandis sẽ dẫn tới giải phóng Jerusalem, nhờ ân sủng của Thiên Chúa,” ông Ramezan Sharif nói.
Tuần trước, Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố rằng Iran sẽ ủng hộ các nhóm vũ trang Palestine nhiều nhất có thể và kêu gọi người Palestine hãy thách thức kế hoạch hòa bình Israel-Palestine do Hoa Kỳ soạn thảo.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mới đây đã thông báo kế một hoạch hòa bình Trung Đông, trong đó nhà nước Palestine được hình thành với những điều kiện nghiêm ngặt và cho phép Israel tiếp quản các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây vốn có tranh chấp từ lâu. Các nhà lãnh đạo Palestine đã lên tiếng phản đối kế hoạch hòa bình của ông Trump và gọi đó là sự thiên vị dành cho Israel
Trong một diễn biến liên quan, truyền hình nhà nước Iran hôm 13/2 đã phát sóng cuộc phỏng vấn với lãnh đạo Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah. Ông Sayyed Hassan Nasrallah trong cuộc phỏng vấn này đã nói về mối quan hệ gần với Tướng Soleimani, nhấn mạnh vai trò quan trọng của ông Soleimani trong việc giúp xây dựng kho tên lửa của Hezbollah, cũng như vai trò của ông ta trong các hoạt động quân sự trong cuộc chiến giữa Hezbollah và Israel năm 2006.
Hezbollah là nhóm chiến binh tại Li Băng do Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran thành lập năm 1982. Từ đó, Hezbollah là một phần rất quan trọng của một liên minh quân sự khu vực dưới sự chống lưng của Tehran.
Người Đài Loan đầu tiên tử vong vì COVID-19
Hải Lam
Một tài xế người Đài Loan, 61 tuổi, đã qua đời vì COVID-19. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên vì virus corona ở Đài Loan và thứ 5 bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Ông Chen Shih-chung, người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan hôm 16/2 xác nhận trong một cuộc họp báo rằng bệnh nhân tử vong là một người đàn ông có bệnh lý tiểu đường và viêm gan B. Người đàn ông này gần đây không đi ra nước ngoài và là một tài xế taxi có khách hàng chủ yếu đến từ Hồng Kông, Ma Cao và Trung Quốc. Một thành viên trong gia đình ông cũng dương tính với COVID-19.
Ông Chen nói thêm các nhà chức trách Đài Loan đang cố gắng tìm hiểu xem người này đã bị nhiễm virus như thế nào. “Cho đến nay, chúng tôi chưa thể thu thập lịch sử liên lạc của người đàn ông này, chúng tôi đang tích cực điều tra”, ông Chen phát biểu.
Người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan cho hay vào ngày 17/2, hòn đảo sẽ bắt đầu xét nghiệm tất cả các bệnh nhân có triệu chứng nhiễm COVID-19 và đã ra nước ngoài gần đây.
Đến nay, Đài Loan xác nhận 20 ca nhiễm virus corona. Hòn đảo đã cấm du khách Trung Quốc cũng như người nước ngoài gần đây đến Trung Quốc và đình chỉ hầu hết các chuyến bay đến đại lục. Nhiều trường học kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến cuối tháng 2 để hạn chế sự lây lan của virus corona.
Video: Trung Quốc thắt chặt kiểm duyệt tin tức COVID-19, người dùng mạng xã hội bị trừng phạt
https://www.dkn.tv/the-gioi/tin-tuc-the-gioi/nguoi-dai-loan-dau-tien-tu-vong-vi-covid-19.html
Đức Hồng Y Joseph Zen nói ‘chính quyền Trung Quốc
muốn Vatican quy phục hoàn toàn’
Hương Thảo
Đức Hồng Y Joseph Zen cho rằng Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc đang trong tình cảnh nghiêm trọng vì Bắc Kinh đang dùng mọi biện pháp để có được “sự quy phục hoàn toàn”.
“Họ muốn Vatican quy phục hoàn toàn”, Đức Hồng Y Joseph Zen nói với CNA ở Washington, vào ngày 11/2.
Đức Hồng Y Joseph Zen nói với các nhà lập pháp Hoa Kỳ rằng chính quyền Trung Quốc đã cấm một số nghi lễ Giáng sinh, yêu cầu viết lại Kinh Thánh. Đặc biệt, Đức Hồng Y còn đề cập đến Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, người được cho là có trao đổi riêng với Bắc Kinh và đang cố gắng che giấu “bộ mặt thật” của chính quyền Trung Quốc.
“Tôi đang chiến đấu chống lại Parolin, vì những điều tồi tệ ông ta đã làm”, Đức Hồng Y Joseph Zen nhấn mạnh, ám chỉ một thỏa thuận khiến giáo dân phải đối mặt với cuộc đàn áp của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc trong nhiều năm qua đã cố gắng kiểm soát Giáo hội Công giáo, và vào tháng 9/2018, họ đã đạt được bằng cách ký một thỏa thuận bí mật với Vatican. Đức Hồng Y Joseph Zen nói rằng người Công giáo Trung Quốc đến Hồng Kông, giáo phận của ông, để phàn nàn, nhưng ông không thể làm gì.
“Giờ đây tình hình là như vậy, nói một cách nào đó, nó là vô vọng đối với Giáo hội Công giáo”, Đức Hồng Y Joseph Zen cho biết.
Đức Hồng Y đã từng lên tiếng cảnh báo rằng Vatican không thể cho phép nhà cầm quyền Trung Quốc bổ nhiệm các giám mục Công giáo ở nước này, nhưng lời nói của ông không được để ý đến, và vì vậy ông đã xuất bản cuốn sách “Vì tình yêu đối với giáo dân của tôi, tôi sẽ không giữ im lặng”.
Trước đó, trong một báo cáo của Ủy ban Điều hành Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc (CECC), được công bố vào tháng 1, cho biết các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc đã gia tăng, và cuộc đàn áp người Công giáo ở nước này đã trở nên tồi tệ hơn sau khi Vatican và Bắc Kinh “đạt được thỏa thuận”.
Trước đó, vào ngày 20/7/2019, CECC cũng đã ban hành một tuyên bố kêu gọi chính quyền Trung Quốc chấm dứt cuộc đàn áp đối với Pháp Luân Công.
“Trong hai mươi năm qua, các học viên Pháp Luân Công đã trải qua sự khủng bố và vi phạm nhân quyền không thể chấp nhận được ở Trung Quốc”, Dân biểu James McGovern, Chủ tịch của CECC và Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho biết.
Vào ngày 24/9/2019, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John J. Sullivan đã chỉ trích những cuộc đàn áp khủng khiếp đối với nhân quyền của nhà cầm quyền Trung Quốc trước hơn 30 quốc gia ở New York. Ông cũng nhấn mạnh trách nhiệm của Liên hiệp Quốc và các thành viên về những gì mà người dân Trung Quốc đang phải chịu đựng.
Ông Hạ Bảo Long được bổ nhiệm
là ‘tin xấu’ với Hồng Kông
Triệu Hằng
Một người nổi tiếng với việc phá hủy hàng ngàn thánh giá Cơ Đốc giáo ở các nhà thờ đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu văn phòng của Trung Quốc tại Hồng Kông. Theo các nhà phân tích, đây là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh siết chặt hơn nữa sự kiểm soát đối với thành phố bán tự trị.
Hôm 13/2, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, ông Hạ Bảo Long (Xia Baolong), 67 tuổi, đã được bổ nhiệm làm giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao (HKMAO), thay thế vị trí của ông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming). Ông Hạ được bổ nhiệm trong bối cảnh đang có một cuộc thanh trừng các quan chức ở Hồ Bắc, tỉnh đã bị phá hủy bởi dịch COVID-19
Ông Hạ từng là cấp phó của ông Tập Cận Bình khi ông Tập là bí thư tại tỉnh Chiết Giang từ năm 2003 đến năm 2007. Ông Hạ được biết đến là người có quan điểm cứng rắn trong một chiến dịch vào năm 2014 nhằm phá bỏ hàng ngàn cây thánh giá và nhiều nhà thờ ngầm trong tỉnh.
Sau đó, ông đảm nhiệm vị trí bí thư đảng ủy tỉnh Chiết Giang và giữ chức vụ đó cho đến năm 2017. Vào năm 2018, ông trở thành Phó chủ tịch và Tổng thư ký Ủy ban Toàn quốc Hội nghị hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng việc Bắc Kinh bổ nhiệm ông Hạ cho thấy chính quyền Trung Quốc muốn thắt chặt kiểm soát đối với Hồng Kông và tiếp tục kiềm chế xã hội dân sự.
Willy Lam, giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Trung Văn Hương Cảng (CUHK), cho biết việc ông Hạ được bổ nhiệm là “tin xấu cho Hồng Kông”.
“Điều đó báo hiệu rằng Trung Quốc sẽ đưa Hồng Kông vào sự giám sát chặt chẽ hơn và thắt chặt kiểm soát đối với tất cả các khía cạnh của thành phố”, ông cho biết.
Giáo sư Ying Fuk Tsang, giám đốc của trường thần học thuộc CUHK, cho biết, việc bổ nhiệm một đồng minh thân cận của ông Tập Cận Bình, người luôn thể hiện sự háo hức trong việc thực hiện các mệnh lệnh có nghĩa là ông ta có thể tăng cường kiểm soát ý thức hệ ở Hồng Kông.
https://www.dkn.tv/the-gioi/ong-ha-bao-long-duoc-bo-nhiem-la-tin-xau-voi-hong-kong.html
Trung Quốc vẫn chưa chịu
chia sẻ toàn diện thông tin về virus corona
Steve Baragona | Quý Khải biên dịch 3 giờ tới 825 lượt xem
Sáu tuần sau khi công bố sự xuất hiện của một loại virus mới, rất dễ lây lan và thậm chí gây chết người, các chuyên gia cho biết Trung Quốc vẫn chưa chia sẻ các dữ liệu quan trọng có thể giúp ngăn chặn dịch bệnh, theo VOA News.
“Khi các quốc gia đang cố gắng phát triển các chiến lược kiểm soát của riêng mình, thì họ sẽ cần biết được liệu tình hình ở Trung Quốc hiện đang trở nên tốt hơn hay tệ đi”, PGS Jennifer Nuzzo, một học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ), nói.
Nhưng các dữ liệu đó không có sẵn.
“Chúng tôi vẫn chưa nắm được trong tay những thông tin cơ bản”, cựu giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) Tom Frieden, người hiện đang đứng đầu tổ chức y tế công cộng phi lợi nhuận Resolve to Save Lives, cho biết.
Khi một nhóm chuyên gia từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO đến Trung Quốc để hỗ trợ đối phó với sự bùng phát dịch COVID-19 đang lan ra khỏi thành phố trung tâm Vũ Hán, “chúng tôi hy vọng tình trạng thật sự tại đó sẽ được công khai”, ông Frieden nói. “Vài ngày tới sẽ là thời điểm rất quan trọng”, ông nói thêm.
Bắc Kinh đã không chấp nhận đề nghị của CDC là gửi các chuyên gia hàng đầu đến trợ giúp.
Mike Ryan, người đứng đầu chương trình cấp cứu sức khỏe của WHO, đã không cho biết quốc tịch của các thành viên trong nhóm chuyên gia tại cuộc họp báo hôm thứ Năm (13/2). “Nhưng tôi có thể đảm bảo với mọi người rằng nhóm này là các nhà khoa học hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới và từ tất cả các quốc gia có thể đóng góp cho một nỗ lực chống dịch như thế này”, ông nói.
“Chúng tôi thấy thất vọng vì chưa được mời và vì sự thiếu minh bạch trong các số liệu báo cáo về dịch bệnh của Trung Quốc”, Larry Kudlow, giám đốc Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Trump, nói với các phóng viên hôm thứ Năm vừa qua.
Đằng sau khúc quanh
Trung Quốc đã công bố số trường hợp lây nhiễm mới hàng ngày, nhưng không cho biết ngày các bệnh nhân này lâm bệnh. Điều này rất quan trọng bởi nếu không biết được thời điểm xuất hiện triệu chứng, các nhà dịch tễ học sẽ không thể biết được dịch bệnh này đang gia tăng hay suy giảm. Số các trường hợp lây nhiễm hàng ngày được thống kê chỉ cho biết thời điểm các phòng thí nghiệm xử lý các mẫu bệnh phẩm nhưng không tiết lộ nhiều về quá trình bùng phát dịch bệnh, các chuyên gia cho hay.
Khi các quan chức Trung Quốc thay đổi cách chẩn đoán bệnh vào thứ Năm, sẽ không thể biết được liệu 13.000 trường hợp được Bắc Kinh báo cáo mới có thực sự là số lượng gia tăng các ca lây nhiễm mới hay không vì Bắc Kinh không báo cáo ngày khởi phát triệu chứng. Ông Ryan từ WHO cho biết một số trường hợp được thống kê từ thời điểm bắt đầu dịch bệnh. Nhưng WHO không biết cụ thể là trường hợp nào.
Trung Quốc không thường xuyên công bố dữ liệu về độ tuổi của bệnh nhân và những ca nghiêm trọng nhất. Không rõ có bao nhiêu người được xét nghiệm có kết quả dương tính với COVID-19. Và cũng không biết có bao nhiêu người bị lây nhiễm nhưng không được xét nghiệm (do cơ sở y tế quá tải).
“Chúng tôi biết một số người bị lây nhiễm không được báo cáo, điều này là khẳng định”, ông Frieden cho hay.
“Nhưng liệu con số này gấp 10 lần? Hay 5 lần?” ông đặt câu hỏi. “Chúng tôi không biết được điều này”.
Bỏ sót đáng ngờ
Các nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm rất cao trong bất kỳ đợt bùng phát dịch bệnh nào. WHO thường liệt kê các ca lây nhiễm trong nhóm đối tượng đặc biệt này trong các báo cáo dịch bệnh của mình. Nhưng Bắc Kinh lại báo cáo rất ít về tình trạng của các nhân viên y tế tại đây.
Các nhà nghiên cứu ở Vũ Hán đã công bố một nghiên cứu cho biết 40 trong số 138 bệnh nhân nhập viện là các nhân viên y tế bị lây nhiễm.
“Đây thực sự là dấu hiệu bề nổi đầu tiên cho thấy tình trạng lây nhiễm của các nhân viên y tế trên thực tế đang xảy ra”, PGS Nuzzo từ ĐH Johns Hopkins nhận định. “Điều này, tôi nghĩ, là một thiếu sót rất rõ ràng”.
Một mặt, ông Frieden quy tình trạng thiếu các báo cáo dữ liệu cho “một trải nghiệm ban đầu khó khăn đối với một đợt bùng phát dịch bệnh quá lớn”. Số lượng bệnh nhân đột biến và khổng lồ đã vượt quá khả năng của hệ thống y tế nước này.
Nhưng mặt khác, bên cạnh đó là một câu hỏi quan trọng, “đó là liệu họ có che giấu (không báo cáo) một số thông tin hay không?”, ông nói.
Đỡ hơn SARS
Ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát, chính quyền Trung Quốc đã gây áp lực đối với các bác sĩ đã dám chia sẻ công khai cho công chúng thông tin về căn bệnh mới này.
Chính quyền Bắc Kinh đã hứng chịu chỉ trích trên toàn cầu khi che giấu thông tin trong đợt bùng phát giai đoạn 2002-2003 của hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng.
Lần này, các quan chức WHO đã ca ngợi Bắc Kinh khi báo cáo về sự bùng phát dịch COVID-19 nhanh hơn nhiều so với lần trước và nhanh chóng đăng tải mã gen của chủng virus mới.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố một loạt các nghiên cứu “đẹp đẽ” trên các tạp chí y học hàng đầu phác thảo một số chi tiết quan trọng của căn bệnh này, PGS Nuzzo lưu ý.
“Họ có thể cung cấp số liệu ở mức nhất định, do đó tôi không muốn tô vẽ một hình ảnh về một quốc gia hoàn toàn từ chối chia sẻ số liệu dịch bệnh”, bà nói.
Nhưng những thông tin quan trọng vẫn còn thiếu hụt, và trong một đợt bùng phát nghiêm trọng của một căn bệnh mới như vậy, bà nói thêm, các số liệu nên được chia sẻ càng rộng và càng sớm thì càng tốt.
“Về cơ bản bạn cần nói cho mọi người biết những gì bạn biết”, ông Frieden nói thêm. “Nhưng nếu bạn không biết được điều gì, thì cũng cần cho mọi người biết bạn sẽ tìm ra thông tin đó như thế nào”.
(Bài viết của Steve Baragona đăng trên VOA News ngày 13/2, do Quý Khải dịch và biên tập)
(Nguồn ảnh thumb: ảnh chụp màn hình Youtube/Channel 4 News)
Quốc tế cáo buộc chính quyền Trung Quốc
hạn chế truyền thông đưa tin về dịch COVID-19
Lục Du
Trong khi WHO đánh giá dịch COVID-19 là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với thế giới, thì chính quyền Trung Quốc được cho là đang có hành động kiểm duyệt các nhà báo và các nhà hoạt động nhân quyền đưa tin về sự bùng phát của dịch bệnh này, theo WTSP.
CBS News dẫn thông tin từ Tạp chí y tế Lancet cho hay, chính quyền Trung Quốc đã biết thông tin về chủng mới của virus corona trước khi loại virus gây chết người này được thông báo chính thức hơn hai tuần sau đó.
“Chúng tôi đang [phải] tìm kiếm thông tin về mọi thứ từng tí từng tí một”, Keith Richburg, giám đốc Trung tâm nghiên cứu truyền thông và báo chí của Đại học Hồng Kông, cho biết. “Họ [chính quyền Trung Quốc] không minh bạch chút nào, vào tháng 12 [/2019], như chúng ta biết, có một bác sĩ đã cố gắng đưa ra cảnh báo”.
Trong phát biểu của mình, ông Richburg đề cập tới trường hợp của bác sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên cảnh báo về sự xuất hiện của một loại virus giống với chủng virus gây ra dịch SARS năm 2003, nhưng bác sĩ Lý ngay sau đó đã bị công an mời làm việc và cấm anh phát tán “tin đồn”. Bác sĩ Lý đã qua đời hôm 7/2 ở tuổi 34 sau khi mắc chính loại virus mà anh muốn cảnh báo người dân và chính quyền.
Cũng theo CBS News, hai nhà báo tự do đưa tin về diễn biến của dịch Vũ Hán cũng như các bất cập trong việc phòng chống dịch của chính quyền Trung Quốc đã bị bắt hoặc mất tích.
Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc (CHR), một tổ chức phi lợi nhuận, cho biết hơn 350 người Trung Quốc đã bị bắt giữ vì nói về sự bùng phát của dịch COVID-19 trên mạng.
“Luồng thông tin tự do trên báo chí và trên internet, sự tham gia của xã hội dân sự, cũng như [việc] tạo điều kiện cho các biện pháp phản ứng tức thời [với dịch] là cần thiết, để ứng phó hiệu quả với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu này”, tổ chức CHR nêu quan điểm.
Cán bộ Trung Quốc phải thốt lên ‘Đúng là tạo nghiệt mà,
thật sự đã chết quá nhiều người rồi!
Vũ Dương
Vào ngày 12/2, cư dân mạng đã đăng một video trong đó một cán bộ một tiểu khu thuộc quận Giang Ngạn, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vừa khóc vừa nói về tình hình nhiễm virus corona.
Trong video, có thể nghe rõ giọng một phụ nữ đang nói. Xin dịch và ghi lại toàn bộ như sau:
“Tôi là người phụ trách của một tiểu khu ở Giang Ngạn, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Tôi muốn cho mọi người biết về tình hình dịch bệnh thực sự trong tiểu khu chúng tôi. Thật sự có quá nhiều người bị lây nhiễm ở thành phố Vũ Hán, vượt rất xa con số mà chính phủ đưa ra. Ít nhất có 20.000 bệnh nhân ở thành phố Vũ Hán đang xếp hàng chờ được nhập viện chữa trị.
Tối qua, tôi đã ho suốt cả đêm, nhưng may mắn thay, tôi không bị sốt. Người ta nói rằng bây giờ virus Corona đã biến chủng, không chừng tôi cũng đã bị lây nhiễm rồi. Do đó, tôi muốn nhân lúc mình vẫn còn có thể nói được, mà nói rõ tình huống chân thực của tiểu khu chúng tôi, nếu còn im lặng e rằng có thể sẽ quá muộn màng. Tại sao tôi phải nói? Bởi nếu không nói, tôi cảm thấy có lỗi với cư dân của tiểu khu, và cũng thẹn với lương tâm của chính mình.
Hiện giờ, chính quyền thành phố Vũ Hán đã trao cho tiểu khu quyền bố trí cho các bệnh nhân nhập viện. Tôi thật sự không biết rằng mình nên cười hay nên khóc đây?
Tiểu khu chỉ là một tổ chức xã hội tự quản được người dân lựa chọn, nhưng chính phủ luôn coi chúng tôi là đơn vị cơ bản nhất của cơ quan hành chính khu phố. Tiểu khu trước nay không có bất cứ quyền hành gì, nếu có thì chỉ là nghĩa vụ, nào là kế hoạch hóa gia đình, điều tra dân số, vệ sinh môi trường, v.v…..
Ủy hội tiểu khu từ lúc nào lại có quyền lực lớn như vậy, có thể sắp xếp cho bệnh nhân điều trị y tế? Có thể bố trí bệnh nhân nhập viện? Một tiểu khu thấp cổ bé họng trước nay phải cầu cạnh người khác giờ trở thành cứu tinh của muôn dân, thật quá lố bịch và vô trách nhiệm.
Chính phủ còn tuyên bố rằng bệnh nhân nếu không nhập viện được có thể tìm đến nội các chính phủ, nhưng cần phải đăng ký, và cuối cùng vẫn trở về tiểu khu không có chức không có quyền, cũng không có tiền bạc gì cả? Đây không phải sự dối trá trắng trợn hay sao? Tiểu khu phải giải quyết phòng bệnh cho bệnh nhân thế nào đây? Ai sẽ lắng nghe chúng tôi đây? Chúng tôi phải cách ly và chẩn khám cho những người nghi bị lây nhiễm như thế nào?
Một quyết định siêu việt lạ thường như vậy chính là muốn đẩy mâu thuẫn xuống mức thấp nhất, để bệnh nhân có thể ngập tràn hy vọng mà chạy tới chạy lui, tiêu hao năng lượng và sinh mệnh của họ. Cuối cùng tiểu khu trở thành thùng thuốc nổ cho họ trút giận.
Người nhà của một bệnh nhân ở Bắc Kinh đã giết chết bác sĩ. Tôi tin rằng không lâu nữa cũng sẽ có người giết người đứng đầu của tiểu khu.
Thành thật mà nói, tôi thực sự không hiểu những người lãnh đạo của Trung ương và của thành phố Vũ Hán. Năm ngoái, thành phố Vũ Hán đã có thể tổ chức Thế vận hội quân sự thế giới, lượng lớn binh sĩ như vậy họ đều có thể bố trí được, thế thì bây giờ tại sao họ lại không thể bố trí cho những bệnh nhân? Trung Quốc không phải là rất có tiền sao? Chủ tịch Tập không phải rất hào phóng vung tiền khắp nơi ở nước ngoài sao? Bây giờ sao đùng một cái lại nghèo rớt mùng tơi như vậy?
Vũ Hán đến nay đã bị phòng tỏa 9 ngày rồi (tại thời điểm ngày 1/2). Những ngày tháng sau này mọi người sẽ thế nào đây? Lẽ nào cứ tiếp tục như vậy, để cho người dân Vũ Hán đều chết hết cả? Chủ tịch Tập đã viết rất nhiều sách quản lý đất nước, sao lúc này đây lại không được áp dụng nơi hiện trường? Tôi thật sự rất muốn hỏi ông ấy và thị trưởng Chu, sự thật về virus viêm phổi Vũ Hán là gì? Có thực sự bị rò rỉ bởi Viện nghiên cứu virus?
Tại sao chính phủ Trung Quốc giờ đây lại bất lực như vậy? Lãnh đạo bất lực, mà cấp dưới cũng vô năng.
Hiện giờ, người dân Vũ Hán oán khí ngút trời, giống như một nồi áp suất sắp sửa nổ tung. Nếu cứ như vậy, Vũ Hán thể nào cũng xảy ra chuyện.
Tôi thật sự muốn quỳ trước Chủ tịch Tập và Thị trưởng Chu, các ông làm ơn hãy cứu những bệnh nhân ở tiểu khu. Họ thực sự không thể đợi chờ thêm nữa, và cũng xin các ông đừng giày xéo tiểu khu thêm nữa. Hôm qua, một tiểu khu nhỏ nơi chúng tôi đã có 6 người chết. Thành phố Vũ Hán lại có hơn 1.000 tiểu khu, như vậy rốt cuộc đã có bao nhiêu người đã chết đây! Họ là sinh mệnh, là những người sống rành rành ra đó.”
TQ chưa cho đoàn chuyên gia Mỹ tới chống dịch
Trung Quốc vẫn chưa chấp thuận đề nghị cử chuyên gia hỗ trợ chống virus corona được đưa ra từ 6 tuần trước, giám đốc CDC Mỹ nói.
“Còn rất nhiều điều chúng tôi chưa biết, nên tôi đã đề nghị hỗ trợ trực tiếp bằng cách cử chuyên gia của CDC tới Trung Quốc từ ngày 6/1”, Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) nói với CNN hôm qua.
Tuy nhiên, ông xác nhận rằng CDC tới nay chưa nhận được câu trả lời chính thức từ phía Trung Quốc. “Chúng tôi thực sự tin rằng mình là những người giỏi nhất thế giới trong lĩnh vực này và chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ họ, nhưng họ là một quốc gia độc lập, có quyền quyết định mời chúng tôi tới hay không”, Redfield nói.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar hôm 28/1 cũng tiết lộ rằng Washington đã ba lần, cả trực tiếp và gián tiếp, đề nghị cử chuyên gia CDC tới Vũ Hán để giúp Trung Quốc chiến đấu chống nCoV nhưng không nhận được phản hồi.
“Chúng tôi thực sự muốn giúp họ thu thập thông tin và cũng là giúp chính mình có được nguồn tin nhanh chóng nhất để kịp thời đưa ra các khuyến nghị y tế công cộng phù hợp với Mỹ”, tiến sĩ Redfield cho biết.
Người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere hôm 3/2 cho biết Bắc Kinh đã chấp thuận cho một nhóm chuyên gia CDC tham gia phái đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tới Trung Quốc hỗ trợ chống dịch. Phái đoàn WHO do Bruce Aylward, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, dẫn dắt, đã lên đường hôm 10/2.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/32994-tq-chua-cho-doan-chuyen-gia-my-toi-chong-dich.html
Dịch COVID-19 đưa TQ-Nhật Bản xích lại gần nhau hơn
Những gói hàng Nhật Bản tặng Trung Quốc chống dịch COVID-19 viết thơ cổ bằng tiếng Trung khiến nhiều người Trung Quốc “trào nước mắt”.
Trong khi Trung Quốc chiến đấu chống lại chủng mới của virus Corona (COVID-19), người dân nước này đã nhận được những gói hàng Nhật Bản tặng, trên đó viết những lời chúc bằng tiếng Trung.
Trong số đó, một gói hàng viết câu thơ cổ của một hoàng tử Nhật Bản cách đây khoảng 1.300 năm: “Dù phong cảnh khác nhau, nhưng chúng ta cùng thưởng ngoạn gió trăng dưới cùng một bầu trời”, đã được gửi đến Vũ Hán, tâm dịch COVID-19, cùng với khẩu trang và nhiệt kế hồng ngoại.
Chen Wan, người làm việc tại phòng quốc tế của Đại học Nông nghiệp Hoa Trung ở Vũ Hán, nói: “Nước mắt tôi trào ra khi nhìn thấy dòng chữ trên gói hàng“.
Chen, người thường xuyên giao dịch với người Nhật trong quá trình làm việc, cho hay cô rất biết ơn sự giúp đỡ của Nhật Bản.
“Những lời này đã khích lệ rất nhiều người dân Vũ Hán. Trung Quốc và Nhật Bản đều có nguồn gốc văn hóa Nho giáo và những điều mà người Nhật làm đã khiến tôi cảm thấy Vũ Hán không đơn độc trong cuộc chiến này. Cuối cùng chúng tôi sẽ khống chế được dịch bệnh này vì chúng tôi có tình yêu và tình bạn” – tờ China Daily dẫn lời Chen nói.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói hôm 11.2 rằng Trung Quốc đang thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt ở Vũ Hán và các thành phố khác để chống dịch COVID-19, đồng thời kêu gọi các nước thể hiện tình đoàn kết với Trung Quốc.
XãÔng Toshihiro Nikai, Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do (LPD) cầm quyền của Nhật Bản, nói với truyền thông hôm 10.2 rằng tất cả các thành viên trong đảng LDP sẽ quyên góp mỗi người 5.000 yen (45 USD) giúp Trung Quốc. “Giúp đỡ một quốc gia láng giềng khi họ có chuyện là điều tự nhiên” – ông Nikai nói.
Trước đó, ông Nikai, 80 tuổi, tại một cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Khổng Huyễn Hựu (Kong Xuanyou), đã nói: “Gian nan mới biết bạn bè. Nhật Bản sẽ sát cánh cùng Trung Quốc và sẽ huy động cả nước để hỗ trợ và giúp Trung Quốc chống lại dịch bệnh”.
Trong cùng cuộc gặp, ông Tetsuo Saito, Tổng thư ký Đảng Komeito của Nhật Bản, nói rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của virus và sớm vượt qua dịch bệnh này.
“Khi đối mặt với dịch bệnh, thế giới cho thấy đây là một cộng đồng có tương lai chung”- giáo sư Long Hưng Xuân (Long Xingchun), giáo sư tại Trường Ngoại ngữ, Đại học Sư phạm Tây Trung Quốc, nói.
Giáo sư Long cho biết ông đánh giá cao Nhật Bản ngoài việc gửi tài liệu y tế, còn lẩy thơ cổ để gần gũi hơn với công chúng Trung Quốc và tăng cường tình hữu nghị với Trung Quốc.
Cùng quan điểm với giáo sư Long, giáo sư Hirotake Ran – nhà nghiên cứu Đông Á tại Đại học Musashino ở Tokyo, nói: “Những kết nối văn hóa đã cho thấy sức mạnh trong việc đưa mọi người xích lại gần nhau trong cuộc chiến chung này. Nó khiến mọi người đồng cảm và yêu thương nhau, điều cực kỳ quan trọng tại thời điểm như thế này”.
Ngoài thơ, một kết nối văn hóa khác giữa Trung Quốc và Nhật Bản là thư pháp.
Trong một video được quay tại nhà của mình, cựu Thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama, 96 tuổi, đã viết: “Vũ Hán, jiayou (hãy mạnh mẽ)” bằng thư pháp tiếng Trung và hô vang thông điệp đoàn kết với người dân Trung Quốc.
Lấy cảm hứng từ thơ ca, một cựu Thủ tướng khác của Nhật Bản là Yukio Hatoyama nói trong một video bày tỏ sự ủng hộ của mình: “Tôi muốn gửi thông điệp này đến những người bạn của tôi đang chống lại virus ở Vũ Hán, ở tỉnh Hồ Bắc và trên khắp Trung Quốc. Chúng ta đang ở trong một cộng đồng có tương lai chung và tôi hy vọng mọi người sẽ vượt qua những thời điểm khó khăn này”.
Rebecca Li, một chuyên gia về nghi thức đa văn hóa ở Bắc Kinh, cho biết Nhật Bản là quốc gia gần nhất với Trung Quốc về văn hóa. “Người Trung Quốc đặc biệt cảm động khi thấy thơ cổ in trên các gói hàng quyên góp. Những bài thơ này đều thể hiện tình bạn và thiện chí, khiến mọi người cảm thấy mối quan hệ Trung-Nhật đang tốt đẹp hơn“.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32985-dich-covid-19-dua-tq-nhat-ban-xich-lai-gan-nhau-hon.html
Trí thức TQ
dẫn đầu làn sóng đòi tự do ngôn luận trong bão dịch
Theo báo SCMP hôm 12/2, hàng trăm người Trung Quốc, dẫn đầu bởi các học giả, trí thức đã ký một đơn thỉnh nguyện với 5 yêu cầu gửi Quốc hội, trong đó trọng tâm là yêu cầu bảo vệ quyền tự do ngôn luận cho người dân trong bối cảnh công luận nước này vẫn sục sôi tức giận sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, người bị cảnh sát trừng phạt vì cảnh báo sớm về virus nCoV.
Tự do ngôn luận là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm ở Trung Quốc, nhất là khi Đảng Cộng sản những năm gần ngày càng siết gọng kìm kiểm soát xã hội bằng các công nghệ theo dõi và camera tân tiến. Nhưng cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một bác sĩ trẻ bị công an Trung Quốc phạt vì “lan truyền tin đồn thất thiệt” khi anh cố gắng cảnh báo sớm cho người dân nguy hiểm của dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới gây ra tại thành phố Vũ Hán, đã thổi bùng lên ngọn lửa phẫn nộ và đấu tranh trong công chúng, nhất là giới trí thức.
Bác sĩ Lý Văn Lượng, người được giới y khoa và cộng đồng mạng Trung Quốc gọi là anh hùng, đã mất hôm thứ Sáu tuần trước (7/2) sau khi nhiễm nCoV. Cái chết của anh đã làm dấy lên làn sóng đòi công lý, yêu cầu những quan chức bịt miệng anh phải bị trừng phạt cũng như đòi hỏi quyền tự do ngôn luận rộng lớn hơn cho cả Trung Quốc.
Ngày 30/12, bác sĩ Lý cảnh báo các bạn đại học cũ của mình trong một nhóm chat trực tuyến rằng một căn bệnh giống Sars đã lan ra vài bệnh nhân ở bệnh viện Vũ Hán và toàn bộ những người này đều bị cách ly tại khoa cấp cứu.
Ngay trong ngày hôm đó, chính quyền Vũ Hán thông báo thành phố đã xác nhận 27 trường hợp nhiễm chủng virus mới. Tuy nhiên, bác sĩ Lý và những người chia sẻ thông tin sớm về dịch bệnh này, trong đó có ít nhất 3 bác sĩ khác – đã bị cảnh sát địa phương gọi lên làm việc và ép ký vào đơn cam kết không được tiếp tục tiết lộ thông tin về dịch bệnh.
Theo tờ SCMP, lá thư thỉnh nguyện gửi tới Quốc hội Nhân nhân Quốc gia, liệt kê 5 yêu sách đối với Bắc Kinh: bảo vệ quyền tự do biểu đạt ý kiến của người dân; thảo luận vấn đề này tại cuộc họp Quốc hội kế tiếp; chọn ngày 6/2, ngày mất của bác sĩ Lý làm ngày tự do ngôn luận quốc gia; đảm bảo không có thêm ai bị trừng phạt, đe dọa, thẩm vấn, kiểm duyệt hoặc bắt giam vì lời nói, thư từ hoặc liên lạc hoặc hành động tập trung dân sự; và cung cấp điều trị hợp lý, chăm sóc y tế đầy đủ cho người dân Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc. Rất nhiều người đến từ vùng tâm dịch đã báo cáo họ phải chịu phân biệt đối xử ở những nơi khác ngay tại Trung Quốc khi dịch bệnh lan rộng.
Đây không phải là bức thư đầu tiên của giới trí thức Trung Quốc. Ngay sau khi bác sĩ Lý qua đời, 10 giáo sư ở Vũ Hán đã ký tên vào một lá thư ngỏ yêu cầu chính quyền Bắc Kinh nghiêm túc thực thi các điều khoản về tự do ngôn luận trong hiến pháp, xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho những người cảnh báo sớm về dịch bệnh này.
Thư thỉnh nguyện này ngày càng thu hút được nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng, tuy nhiên một số người ký thư đã bị gây áp lực. Tài khoản Wechat của nhà xã hội học Guo Yuhua và đồng nghiệp của cô, giáo sư luật Xu Zhangrun tại Đại học Thanh Hoa đều đã bị khóa.
Tuần trước giáo sư Xu viết một bức thư chỉ trích rằng việc Bắc Kinh đàn áp xã hội dân sự và tước đoạt quyền tự do biểu đạt của người dân đã khiến cho các nhà khoa học không có khả năng cảnh báo quốc gia về sự bùng phát của dịch nCoV.
Giáo sư Guo thì thừa nhận rằng thư thỉnh nguyện này có thể chỉ là một nghĩa cử khác nhưng “không thể đi quá xa trước khi nó bị chặn lại, nhưng điều quan trọng là chúng ta dám đứng lên”.
“Những ngày này, một người phải dám cất tiếng nói bất chấp tiếng nói của họ có tác dụng thực tế gì hay không”, bà nói.
Giáo sư Guo cũng chỉ trích chính quyền Trung Quốc vì đã đặt ổn định chính trị lên trên việc ngăn chặn dịch bệnh bằng việc kiểm duyệt và chặn họng những người mà họ cho là đang “lan truyền tin đồn”.
“Nếu những cảnh báo được lắng nghe từ sớm hơn, dịch bệnh này đã không lớn đến mức không thể quay đầu như thế này”, bà nói.
Một giáo sư luật khác của Đại học Bắc Kinh Zhang Qianfan, nói với tờ SCMP rằng ông đã ký thư thỉnh nguyện để chiến đấu cho quyền được biết của công chúng, bởi vì đó là chìa khóa để kiềm chế cuộc khủng hoảng y tế hiện nay.
“Chúng ta không nên để cái chết của bác sĩ Lý trở thành uổng phí. Bi kịch của anh không nên làm chúng ta sợ hãi, ngược lại chúng ta hãy dũng cảm lên tiếng, bởi nếu chúng ta im lặng như ve sầu mùa đông thì cái chết sẽ đến càng nhanh”.
“Phải mất thời gian để đánh giá xem liệu sự phẫn nộ của công chúng đối với công tác xử lý dịch bệnh cuối cùng có đe dọa tới tính chính đáng của quyền lực của Bắc Kinh hay không. Yếu tố chính sẽ là thiệt hại mà cuộc khủng hoảng này gây ra cho nền kinh tế quốc gia”.
Trong khi đó, ký giả lâu năm tại Đại Lục Chen Minh nói rằng anh thấy mình buộc phải ký đơn thỉnh nguyện và hành động theo lương tri khi mà Trung Quốc đang trải qua một thời khắc quan trọng có thể thay đổi toàn bộ tương lai đất nước.
“Không có lý do gì để bào chữa cho việc một người trí thức không đứng lên đối mặt với cuộc khủng hoảng quốc gia như thế này, với tác động của nó vượt xa trận động đất chết người ở Tứ Xuyên năm 2008”.
“Nếu có người phải trả giá vì ký đơn thỉnh nguyện bao hàm một loạt các yêu cầu rất hợp tình hợp lý này, thì nó cho thấy rằng lý trị đã bị đánh mất và điều đó sẽ chỉ thêm dầu vào ngọn lửa phẫn nộ của người dân”, ông Chen nói.
Biện pháp “thời chiến” ở TQ?
Chính quyền một thành phố ở Hồ Bắc đã quyết định áp dụng các biện pháp quản lý kiểu “thời chiến” nhằm kiểm soát sự lây lan của virus Covid-19.
Guardian ngày 13/2 đưa tin, thành phố Thập Yển ở Hồ Bắc, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp quản lý “thời chiến” tại quận Trương Loan từ tối ngày 12/2 trong nỗ lực ngăn chặn virus corona chủng mới lây lan.
Cụ thể, quy định nói rằng chỉ những người có hoạt động liên quan tới phòng chống virus mới được phép ra khỏi nhà. Từ ngày 13/2, các tòa nhà sẽ bị “niêm phong”. Các khu dân cư cũng sẽ bị “niêm phong” và theo dõi 24 giờ. Lực lượng an ninh công cộng sẽ được triển khai để thực hiện biện pháp này.
“Người dân không được sự cho phép trước đó sẽ bị cấm ra khỏi nhà ở, khu dân cư”, thông báo của chính quyền cho hay. Những người vi phạm quy tắc sẽ “bị bắt mà không có ngoại lệ”. Chính quyền cũng mở rộng việc tạm dừng hoạt động kinh doanh. Thời gian để các doanh nghiệp hoạt động trở lại là ngày 21/2, theo Guardian.
Theo China Daily, Trương Loan là nơi đầu tiên tại Trung Quốc áp dụng biện pháp quản lý kiểu thời chiến trong nỗ lực ngăn chặn virus Covid-19.
Các phương tiện giao thông không được dùng cho việc kiểm dịch không thể được di chuyển trong và ngoài cộng đồng. Chính quyền nhấn mạnh mọi nhu yếu phẩm sẽ được phía các ủy ban địa phương phân phối và vận chuyển. Nếu công dân cần thuốc khẩn cấp, các ủy ban sẽ giúp mua mặt hàng này.
Trương Loan rộng 657 km2 và có dân số 415.000 người (vào năm 2018). Quy định tại quận này cứng rắn hơn so với các khu vực lân cận khi các nơi khác có quy định về việc hạn chế ra vào các khu dân cư nhưng người dân vẫn có thể ra ngoài để mua nhu yếu phẩm sau khi được kiểm tra nhiệt độ cơ thể.
Xiao Xu, phó lãnh đạo của Trương Loan lý giải rằng biện pháp được áp dụng nhằm tìm ra các nguồn lây bệnh tiềm tàng và giúp những người có mầm bệnh cũng như những ai có tương tác với họ được cách ly và điều trị y tế.
Việc tiếp tục áp dụng hay hủy bỏ quản lý theo kiểu thời chiến sẽ tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh của Trương Loan, thông báo viết.
Theo Global Times, đã có 137 ca nhiễm Covid-19 được báo cáo ở Trương Loan, cao thứ 2 tại thành phố. Tính đến ngày 12/2, có 562 trường hợp tại Thập Yển bị xác nhận nhiễm virus corona chủng mới.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32977-bien-phap-thoi-chien-o-tq.html
Covid-19 còn đáng sợ hơn chiến tranh thương mại.
Ngay cả khi toàn bộ hoạt động trở lại bình thường, thì các công ty cũng phải mất nhiều ngày chờ đợi công nhân đến, bởi lệnh hạn chế di chuyển đang khiến họ bị mắc kẹt kể từ kỳ nghỉ Tết. Các đơn hàng dù đã hoàn thành cũng sẽ bị chất đống, bởi các công ty logistics cũng chưa hoạt động.
Janey Zhang – chủ nhà máy sản xuất ô tại thị xã Thượng Ngu – Trung Quốc, hàng ngày đều theo dõi tin tức cập nhật về tình hình dịch bệnh Covid-19 và nhận cuộc gọi từ các nhân viên đang gặp khó khăn về tiền mặt, họ đều có một câu hỏi chung là khi nào có thể đi làm trở lại.
Zhang – chủ sở hữu của Zhejiang Xingbao Umbrella với khoảng 200 nhân viên, trả lời: “Tôi không biết”. Chị chia sẻ: “Chúng tôi chờ chỉ thị của chính phủ. Nếu chỉ ảnh hưởng đến mình tôi thì tôi có thể thắt lưng buộc bụng trong vài tháng. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài, nền kinh tế Trung Quốc sẽ lao dốc. Đó là một viễn cảnh thực sự kinh khủng.”
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra trên khắp trung tâm sản xuất ở bờ biển phía đông Trung Quốc. Hàng nghìn doanh nghiệp đang ở trạng thái “thấp thỏm”, họ chờ đợi thông tin từ chính quyền địa phương về việc khi nào có thể hoạt động. Ngay cả khi toàn bộ hoạt động trở lại bình thường, thì các công ty cũng phải mất nhiều ngày chờ đợi công nhân đến, bởi lệnh hạn chế di chuyển đang khiến họ bị mắc kẹt kể từ kỳ nghỉ Tết. Các đơn hàng dù đã hoàn thành cũng sẽ bị chất đống, bởi các công ty logistics cũng chưa hoạt động.
Nỗ lực ngăn chặn Covid-19 của Trung Quốc đang gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến tỉnh Hồ Bắc – trung tâm của dịch bệnh. Với quy mô 4,6 nghìn tỷ CNY (660 triệu USD) vào năm 2019, nền kinh tế Hồ Bắc thậm chí còn lớn hơn cả Ba Lan hay Thuỵ Điển, chiếm 4,6% GDP cả nước. Sự gián đoạn trên quy mô lớn diễn ra trong ngành sản xuất sẽ tác động đến cả đất nước, khi 69% hoạt động sản xuất trong GDP bị ngưng trệ do dịch bệnh, theo tính toán của Bloomberg.
Xem thêm các thông tin về Cẩm nang phòng chống dịch nCoV tại đây .
Hơn nữa, Hồ Bắc không phải là trung tâm xuất khẩu, còn các nhà máy nằm ở bờ biển phía đông Trung Quốc lại có mối liên hệ mật thiết với chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, việc các nhà máy đóng cửa có thể gây xáo trộn cho chuỗi sản xuất ở Hàn Quốc và Ấn Độ.
Bloomberg Economics ước tính rằng, nếu dịch bệnh được khống chế hoàn toàn, thì tác động đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ là nghiêm trọng nhưng chỉ trong thời gian ngắn, dự đoán tăng trưởng kinh tế chậm lại ở mức 4,5% trong quý đầu tiên sau đó hồi phục, ổn định ở nửa cuối năm 2020. Với tốc độ như vậy, tăng trưởng cả năm 2020 sẽ ở mức 5,7%, thấp mức 6,1% trong năm 2019. Nếu quốc gia này mất nhiều thời gian để kiểm soát thì ảnh hưởng đối với nền kinh tế sẽ lớn hơn.
David Ni – CEO của Công ty Xuất Nhập khẩu Jiangsu Siborui tại Nam Kinh, chia sẻ: “Chúng tôi đã bỏ lỡ mùa bán hàng cao điểm”. Công ty này mua mâm bánh xe ô tô bằng hợp kim nhôm từ các nhà sản xuất Trung Quốc và xuất khẩu để bán cho các cửa hàng ở Mỹ. Ông Ni cho biết, hiện tại toàn bộ nhà cung cấp của họ đều chưa hoạt động trở lại và cũng không biết rõ khi nào họ sẽ mở cửa lại. Ông nói: “Các chủ nhà máy nhỏ hầu như không thể làm gì ngoài chờ đợi. Dịch bệnh có thể sẽ trì hoãn hoạt động sản xuất trong ít nhất 2 tháng. Hầu hết các nhà máy trong năm nay sẽ không thể kiểm được tiền.”
David Ni tại nhà kho của Jiangsu Siborui ở Anaheim, California.
Tại Ấn Độ, Vinod Sharma – giám đốc điều hành của Deki Electrics, gọi tình hình hiện tại là “hỗn loạn”. Để giải quyết cho việc các nhà máy Trung Quốc đóng cửa, nhà sản xuất tụ điện đang thay đổi, khai thác
các nhà cung cấp Hàn Quốc nhiều hơn. Tuy nhiên, hàng tồn kho sẽ nhanh chóng cạn kiệt vì họ đã quá phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc nhập khẩu các bộ phận.
Đối với các nhà máy ở Trung Quốc – sản xuất hàng hoá cấp thấp hơn như đồ nội thất và điện thoại giá rẻ, Covid-19 là mối đe doạ gần đây nhất trong một loạt những thách thức trong thời gian qua. Trong khi hoạt động với khoản vốn khá thấp vì chi phí nhân công và vật liệu tăng, thì các doanh nghiệp này còn phải chịu “cú đánh” khác từ thuế quan Mỹ áp dụng với 360 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc.
Còn đối với những người khác, thì dịch bệnh này lại là mối đe doạ nghiêm trọng hơn. Zhou Xinqi – chủ của Cixi Jinshengda Bearing Co., cho hay: “Tác động của dịch bệnh thậm chí còn tồi tệ hơn chiến tranh thương mại. Thương chiến chỉ khiến lợi nhuận của chúng tôi sụt giảm. Còn bây giờ chúng tôi thậm chí không kếm được tiền, mất hơn 1 triệu CNY.” 60% trong doanh thu 100 triệu CNY hàng năm của nhà máy là đến từ nước ngoài từ nước ngoài.
Khoảng 90% trong số 300 nhân viên tại Cixi Jinshengda đến từ các tỉnh khác. Do đó, việc di chuyển của họ gặp phải rất nhiều khó khăn vì lệnh hạn chế đi lại. Ông Zhou dự kiến ít nhất đến ngày 25/2 công ty của ông mới có thể mở cửa trở lại.
Trong một cuộc khảo sát với 995 công ty vừa và nhỏ, được thực hiện bởi Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh, 85% cho biết họ sẽ không thể duy trì hoạt động trong hơn 3 tháng với tình hình hiện tại và 30% dự kiến doanh thu sẽ giảm hơn 1 nửa trong năm nay vì dịch bệnh.
Dẫu vậy, một số nơi đã bắt đầu làm việc trở lại. Tại Thượng Hải, khoảng 70% nhà sản xuất đã hoạt động sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, theo thông báo của chính quyền thành phố. Hơn 80% nhà cung cấp dịch vụ thông tin và phần mềm ở thành phố này đã hoạt động bình thường và 70% nhân viên đang làm việc tại nhà, theo cuộc khảo sát.
Hơn nữa, chính quyền địa phương cũng đang nỗ lực để hỗ trợ các doanh nghiệp để bù đắp ảnh hưởng tiêu cực. Giới chức thị xã Nghĩa Ô cho biết sẽ miễn tiền thuê mặt bằng cho các thương nhân từ 1 đến 2 tháng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình hình.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32973-covid-19-con-dang-so-hon-chien-tranh-thuong-mai.html
Đoàn lực sĩ Trung Cộng
rút khỏi World Cup ở Úc do coronavirus
Tin từ MELBOURNE, Úc – Vào hôm thứ Bảy (15/2), các nhà tổ chức cho biết, đội thể dục dụng cụ Trung Cộng chuẩn bị tham gia World Cup vào tuần tới tại Melbourne đã phải rút lui do quyết định hạn chế đi lại của chính phủ Úc nhằm hạn chế sự bùng phát của coronavirus.
Các hạn chế đối với công dân ngoại quốc đến từ Trung Cộng được đưa ra vào đầu tháng Hai năm nay, và vào hôm Thứ Năm vừa qua, lệnh này được gia hạn thêm một tuần nữa. Giám đốc điều hành môn thể dục dụng cụ của Úc Kitty Chiller cho hay rằng những tuần gần đây rất khó khăn đối với tất cả chúng ta nhưng không thể làm gì khác cho các lực sĩ thể dục và viên chức Trung Cộng. Vị giám đốc này cũng tuyên bố bà luôn liên lạc thường xuyên với Hiệp hội Thể dục dụng cụ Trung Cộng và Giám đốc của họ, bên phía Trung Cộng thông báo rằng tất cả các phái đoàn của họ đều khỏe và không có dấu hiệu nhiễm trùng, mặc dù vậy, bà khẳng định rằng tất cả mọi người đều phải tôn trọng các hạn chế đi lại của Chính phủ Úc. Ngoài ra, các lực sĩ Trung Cộng của những môn thể thao khác cũng bị gián đoạn trong việc chuẩn bị cho Olympic.
Sau khi đến Úc vào cuối tháng 1 cho một giải đấu vòng loại Olympic, toàn bộ nhân viên và đội bóng đá nữ Trung Cộng bị giam tại một khách sạn ở Brisbane trong gần hai tuần do hạn chế kiểm dịch. Dịch bệnh coronavirus đã giết chết hơn 1.500 người, chủ yếu ở tỉnh Hồ Bắc trung tâm của Trung Cộng. Số ca nhiễm trùng được xác nhận đã tăng trên 66.000. World Cup sẽ diễn ra từ ngày 20 – 23 tháng 2.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/doan-luc-si-trung-cong-rut-khoi-world-cup-o-uc-do-coronavirus/
Tập Cận Bình nhận
đã sớm trực tiếp chỉ đạo chống dịch Covid-19
Trọng Thành
Lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục cuộc chiến truyền thông lấy lại thế chủ động, trong bối cảnh khủng hoảng do dịch Covid-19 dường như chưa thấy lối ra. Báo chí chính thức Trung Quốc
hôm qua, 15/02/2020, công bố bài phát biểu của ông Tập trong một cuộc họp Bộ Chính Trị ngày 03/02, trong đó Tập Cận Bình nhấn mạnh, ngay từ ngày 07/01 đã trực tiếp chỉ đạo phòng chống virus corona mới.
Đây là lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh thừa nhận ban lãnh đạo tối cao đã biết và trực tiếp chỉ đạo phòng chống dịch ngay từ sớm, đúng một tuần sau khi Trung Quốc thông báo với Tổ Chức Y Tế Thế Giới về một virus lạ gây viêm phổi tại Vũ Hán, và hai tuần trước khi Bắc Kinh chính thức thừa nhận dịch. Thông tin nói trên được truyền thông quốc tế đặc biệt chú ý.
Trả lời báo Mỹ New York Times, tiến sĩ Bùi Minh Hân (Minxin Pei), một chuyên gia về chế độ cộng sản Trung Quốc, Claremont McKenna College, Califonia, nhận xét: tinh thần chính toát lên qua bài phát biểu của ông Tập Cận Bình dường như là động thái thanh minh, ông ta đang tìm cách thay đổi cách tường thuật về diễn biến của cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, cho đến thời điểm đó, đã tỏ ra ”rất bất lợi cho lãnh đạo tối cao”.
Thông tín viên Liu Zhifan từ Bắc Kinh cho biết cụ thể :
Chính trên tờ bán nguyệt san Cầu Thị, của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã xuất hiện thông tin về việc một cuộc họp của Thường Vụ Bộ Chính Trị diễn ra vào ngày 07/01, khi Bắc Kinh cho rằng dịch bệnh đang nằm trong tầm kiểm soát. Bộ Chính Trị là cơ quan quyền lực tối cao trong hệ thống chính trị Trung Quốc, mà ông Tập Cận Bình là người đứng đầu.
Thông tin lạ lùng này cho thấy chủ tịch Trung Quốc rõ ràng là người lãnh đạo cuộc chiến chống virus corona mới ngay từ những ngày đầu tiên. Nhưng điều đó cũng cho thấy là lãnh đạo tối cao Trung Quốc nắm rõ tình hình diễn biến dịch bệnh, trước rất nhiều so với tuyên bố chính thức mà ông Tập đưa ra về dịch bệnh, hai tuần sau đó.
Diễn biến này có thể đặt ra vấn đề trách nhiệm của chủ tịch Trung Quốc trong việc xử lý khủng hoảng. Cho đến nay, dân chúng vốn vẫn đổ dồn chỉ trích vào lãnh đạo thành phố Vũ Hán, do thái độ thụ động trước dịch bệnh, trong lúc hai lãnh đạo tỉnh Hồ Bắc bị cách chức, để thay thế vào đó là một người thân tín của ông Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, với diễn biến mới nói trên, các chỉ trích có thể sẽ hướng nhiều hơn về phía chính quyền trung ương, đã trở thành đối tượng bị lên án, kể từ sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng. Cái chết của người đầu tiên cảnh báo dịch bệnh đã gây nên một làn sóng phẫn nộ chưa từng thấy trong xã hội Trung Quốc, dưới chế độ Tập Cận Bình”.
Dịch bệnh virus Covid-19, tại Trung Quốc, tiếp tục khiến thêm 142 người chết trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số người thiệt mạng lên gần 1.700, theo con số chính thức. Hơn 68.000 người nhiễm virus.
Virus corona phơi bày
những lỗ hổng của ngành y tế Trung Quốc
Minh Anh
Y tá, bác sĩ làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt, thiếu thốn dụng cụ y khoa, hệ thống y tế bất cập… dịch bệnh virus corona mới (Covid-19) làm lộ rõ những lỗ hổng của ngành y tế tại cường quốc thứ nhì thế giới.
Bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong số tám bác sĩ gióng chuông báo động về sự nguy hiểm của chủng virus corona mới, nhưng lại bị chính quyền trấn áp, đã qua đời ngày 06/02/2020 (chứ không phải là ngày 7/2 như thông báo của chính phủ Trung Quốc) do bị nhiễm virus corona mới khi chăm sóc các bệnh nhân.
Cái chết của ông cho thấy rõ những điều kiện làm việc ngặt nghèo của các bác sĩ tại Vũ Hán, tâm dịch bệnh. Theo tường thuật của South China Morning Post, « ít nhất có khoảng 500 bác sĩ và y tá đã bị nhiễm bệnh ». Và theo như cách tính mới được Trung Quốc công bố hôm 13/02/2020, trong số hơn 1.300 người chết, là có 6 bác sĩ.
Là tâm dịch bệnh, Vũ Hán là khu vực gánh hậu quả thiệt hại nặng nề nhất : Số người chết chiếm đến hơn 2/3 trong tổng số và số ca nhiễm là hơn 43%. Trên tuyến đầu chống dịch bệnh, các y bác sĩ ở đây lại phải đối mặt với tình trạng khan hiếm thiết bị y tế và dụng cụ bảo hộ nghiêm trọng, trong khi ngành sản xuất các dụng cụ và thiết bị y khoa chỉ mới hoạt động được có 2/3 công suất.
Làm thế nào có thể ngăn chận dịch bệnh một cách hiệu quả khi mà chính bản thân các bác sĩ cũng không được phòng hộ tốt ? Để tiết kiệm, khẩu trang khử trùng lại, mặc đồ bảo hộ công nhân thay vì là y tế, nếu có chỉ được thay bộ đồ bảo hộ một lần sau mỗi 4, 6, thậm chí là 8 tiếng… theo như xác nhận của một bác sĩ xin giấu tên với AFP.
Trong thời gian trực, các y bác sĩ cũng không có thời gian để ăn cơm, uống nước, kể cả đi toa-lét. Một số người phải mặc tã dành cho người lớn trong suốt những giờ trực bệnh dài dằng dặc. Ngay cả khi bị ốm, nếu phát hiện bị sốt, họ sẽ bị cách ly. Nhưng nếu sau 7 ngày, sốt không còn nữa, bệnh viện hối thúc họ quay trở lại làm việc ngay, theo như tâm sự của một nữ bác sĩ khác, cũng xin giấu tên vì sợ bị trừng phạt.
Dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Sản
Hãng tin Pháp AFP trích dẫn các con số ấn tượng do trợ lý thị trưởng Vũ Hán, ông Hu Yabo, đưa ra để minh họa cho những khó khăn của các y bác sĩ tại Vũ Hán. Trong tổng số 59.900 bộ đồ bảo hộ cần thiết mỗi ngày, giới y tế ở đây chỉ nhận được có 18.500 bộ. Tương tự, đối với loại khẩu trang N95 để phòng virus : nhu cầu mỗi ngày là 119.000 chiếc, nhưng họ chỉ có được 62.200 chiếc.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã huy động các chuyên gia trên toàn quốc để đối phó với dịch bệnh tại Vũ Hán, nhưng các bệnh viện tại đây vẫn bị quá tải. Mỗi một bác sĩ phải tiếp đến 400 bệnh nhân trong vòng 8 tiếng và phải thường xuyên đối mặt « với những bệnh nhân bị nhiễm bệnh rất nặng, hay tình trạng sức khỏe đã bị suy biến và đi đến tử vong rất nhanh ».
Trên mạng xã hội, một số người thổ lộ về điều kiện làm việc tại Vũ Hán, nhưng cũng có nhiều người lại sợ bày tỏ, vì đảng Cộng Sản Trung Quốc giám sát và kiểm duyệt mọi thông tin có khả năng làm dấy lên sự bất mãn của người dân.
Những lỗ hổng này của ngành y tế tại tỉnh Hồ Bắc đã được một nhà báo độc lập, Chen Qiushi tố cáo ngay từ ngày 30/01/2020. Thế nhưng, sự biến mất của nhà báo trẻ tuổi này từ hôm 06/02 đến nay đang khiến cho ủy ban chuyên trách về Nhân Quyền Trung Quốc của Quốc Hội Mỹ phải lo lắng.
Những bất cập trong hệ thống y tế Trung Quốc
Dịch bệnh virus corona mới xảy còn làm lộ rõ những bất cập trong hệ thống y tế Trung Quốc bất chấp những cải tổ sau trận dịch SARS năm 2002-2003.
Chữa trị bệnh tại Trung Quốc là cả một con đường « gian nan khổ ải ». Ngạn ngữ Trung Quốc đã có câu « Bác sĩ càng hiếm và giỏi, giá phải trả càng cao ». Hình ảnh dòng người đông đảo trước cổng bệnh viện chỉ để chờ xét nghiệm xem có nhiễm virus hay không phản ảnh rõ tình trạng quá tải tại các bệnh viện, các cơ sở y tế của Trung Quốc.
Nhà báo Dominique Baillard, trong chuyên mục Kinh Tế Hôm Nay của RFI, trước hết đưa ra các con số ấn tượng cho thấy rõ sự khác biệt về điều kiện chăm sóc và chữa trị bệnh nhân giữa Trung Quốc và các nước phương Tây.Một bác sĩ Trung Quốc phải khám trung bình mỗi ngày khoảng 100 người bệnh.
« Thậm chí là gấp đôi ở một số bệnh viện. Tại Trung Quốc, trung bình có một bác sĩ cho từ 5.000 – 6.000 bệnh nhân, tỷ lệ này tại các nước giầu nằm trong khoảng 1/1.500 – 2.000. Những bệnh viện chuyên khoa chỉ cung cấp 4 giường/1.000 cư dân. Con số này ở Hàn Quốc cao gấp ba. Tại Mỹ, khi mỗi một người dân chỉ trả có 10% chi phí khám chữa bệnh, thì người dân Trung Quốc phải trả hơn 30%.
Tại đất nước tư bản xã hội chủ nghĩa này, chăm sóc sức khỏe thuộc lãnh vực tư nhân. Khi ông Đặng Tiểu Bình mở cửa nền kinh tế đất nước, ông để cho thị trường tự quản lý rủi ro này, nhưng không làm tổn hại mấy đến các năng lực y tế khác. Với việc mức sống của người dân được nâng cao, sức khỏe của người dân Trung Quốc cũng được cải thiện và sự thay đổi đó nhìn chung đã được chấp nhận. 95% người dân Trung Quốc đều mua bảo hiểm bệnh tật ».
Vẫn theo nhà báo Dominique Baillard, ẩn sau những con số ấn tượng đó là một thực tế rất phũ phàng :
« Tùy theo vùng địa lý, quy chế xã hội, thẻ định cư, việc tiếp cận hệ thống y tế là rất bất bình đẳng. Các vùng nông thôn và những người nghèo nhất là những đối tượng kém may mắn nhất, khác xa cả về hình thức lẫn tài chính trong việc chăm sóc sức khỏe. Rồi do khan hiếm bác sĩ, thị trường lấy hẹn khám chợ đen nở rộ và hối lộ là thông lệ thường nhật mới được khám chữa bệnh.
Gần một nửa hộ gia đình bị rơi vào tình trạng nghèo khổ (44% theo số liệu chính thức) đã khuynh gia bại sản vì phải đi vay mượn để chữa bệnh. Sức khỏe đã trở thành đối tượng bị hy sinh cho công cuộc phát triển duy ý chí của đế chế Trung Hoa. Cường quốc thứ hai thế giới này chỉ dành có 5% GDP cho lĩnh vực y tế, trong khi tại Liên Hiệp Châu Âu mức trung bình là 10% ».
« Parasite » đoạt giải Oscar : Kỷ nguyên mới cho điện ảnh Hàn Quốc ?
Ngày 09/02/2020, ban tổ chức giải Oscar, giải điện ảnh danh giá nhất của M,ỹ đã có một quyết định bất ngờ khi trao giải thưởng « phim nước ngoài hay nhất » cho bộ phim « Parasite » của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon Ho.
Vượt qua các bộ phim do những gương mặt gạo cội của làng điện ảnh Hollywood dàn dựng như « 1917 » của đạo diễn Sam Mendes, « The Irishman » của Martin Scorsese, hay như « Once Upon a Time… in Hollywood » của Quentin Tarantino, bộ phim « Parasite » của Bong Joon Ho đã gây bất ngờ khi đoạt bốn giải Oscar : Phim hay nhất, đạo diễn giỏi nhất, kịch bản phim hay nhất và phim nước ngoài hay nhất.
Vì sao việc trao giải Oscar cho « Parasite » khiến nhiều nhà phê bình phải sửng sốt ? Ông Alberic de Gouville, nhà bình luận điện ảnh của kênh truyền hình quốc tế France 24, giải thích :
« Đó thật sự là một bất ngờ lớn. Bởi vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử giải Oscar, một bộ phim được thực hiện bằng một ngôn ngữ không phải là tiếng Anh và được trao giải Oscar ‘‘phim hay nhất’’. Trước đây cũng từng có những bộ phim được nhiều đạo diễn nước ngoài dàn dựng nhưng những bộ phim đó được quay trực tiếp bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, có một trường hợp ngoại lệ năm 2012, đó là phim « The Artist » của đạo diễn Michel Hazanavicius. Bộ phim này cũng được trao giải Oscar, một phim của Pháp, nhưng đó lại là phim câm. Bộ phim hốt hết các giải thưởng là vì giữa những đoạn chuyển cảnh có chú thích bằng tiếng Anh, và cuối phim chỉ có hai từ : My pleasure viết bằng tiếng Anh.
Lần này, đây thật sự là lần đầu tiên một bộ phim được thực hiện hoàn toàn bằng một thứ tiếng nước ngoài, đó là tiếng Triều Tiên ».
Có thể nói, bộ phim bi hài kịch này đoạt giải Oscar đã làm nức lòng người dân Hàn Quốc khi đã lột tả và cho thế giới thấy được những hố sâu ngăn cách giữa các giai tầng xã hội Hàn Quốc. Người nghèo sống bám vào người giầu. Nhưng kẻ giầu cũng ỷ vào người nghèo. Tuy nhiên, với ông Kim Kyoungman, giám đốc đối ngoại Hội Đồng Điện Ảnh Hàn Quốc, thành công này của « Parasite » đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, khởi đầu một kỷ nguyên mới cho ngành điện ảnh Hàn Quốc.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200215-virus-corona-lo-hong-nganh-y-te-trung-quoc
Malaysia: Một du khách Mỹ
trên tàu du lịch vào Campuchia bị nhiễm virus corona
Malaysia hôm thứ Bảy 15/2 cho biết một du khách Mỹ 83 tuổi trên tàu du lịch cập cảng Campuchia vài ngày trước đó có xét dương tính với virus corona chủng mới.
Người phụ nữ Mỹ này từ Campuchia đã đáp máy bay tới Malaysia hôm thứ Sáu 14/2, Bộ Y tế Malaysia cho biết trong một thông báo, và nói thêm rằng chồng bà có xét nghiệm âm tính.
Tàu du lịch Westerdam của hãng Carnival Corp Holland America Inc đã cập cảng Sihanoukville của Campuchia hôm thứ Năm 13/2 sau khi bị một số nước trong khu vực trước đó từ chối cho ghé cảng vì lo ngại những người trên tàu có thể mang virus corona.
Bốn người sống sót sau 32 ngày trôi dạt
ở Thái Bình Dương; tám người thiệt mạng
Tin từ WELLINGTON, New Zealand – Bốn người sống sót sau một tháng trôi dạt ở Thái Bình Dương đang hồi phục ở Quần đảo Solomon vào giữa tuần qua, hôm thứ Tư (12 tháng 2). Chuyến hải hành thử thách cướp đi sinh mạng của tám người bạn đồng hành của họ, bao gồm một em bé.
Theo tin từ AFP, nhóm người này, từ tỉnh Bougainville thuộc Papua New Guinea, cho biết họ sống sót nhờ ăn dừa được tìm thấy trôi nổi trên biển và hứng nước mưa vào một cái bát trong suốt 32 ngày lênh đênh. Tờ Solomon Star News đưa tin rằng nhóm này khởi hành từ Bougainville vào ngày 22 tháng 12, dự định tổ chức lễ Giáng sinh ở Quần đảo Carteret, cách đó khoảng 100km. Một người sống sót tên
Dominic Stally cho biết chiếc thuyền nhỏ của họ bị lật và một số người trong nhóm bị chết đuối. Những người còn lại thành công lấy lại thăng bằng cho chiếc chiếc thuyền, nhưng nhiều người khác thiệt mạng khi cả nhóm trôi dạt ở vùng biển hẻo lánh theo dòng hải lưu. Ông Stally cho biết: một số tàu cá đi qua gần đó mà không nhận thấy nhóm của ông cho đến khi họ được cứu vào ngày 23 tháng 1 ngoài khơi New Caledonia sau khi trôi dạt khoảng 2.000km.
Hãng tin Star News ghi nhận những người sống sót bao gồm hai người đàn ông, một phụ nữ và một bé gái khoảng 12 tuổi. Họ đã được đưa vào bờ ở Honiara vào hôm thứ Bảy tuần trước và được chuyển cho Cao ủy PNG John Balavu để được chăm sóc sau khi được điều trị mất nước cơ thể nghiêm trọng. Những câu chuyện đầy kịch tính về việc sống còn không phải là hiếm ở Thái Bình Dương, nơi hàng ngàn hòn đảo nhỏ bị ngăn cách bởi những đại dương rộng lớn.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/bon-nguoi-song-sot-sau-32-ngay-troi-dat-o-thai-binh-duong-tam-nguoi-thiet-mang/