Tin khắp nơi – 15/12/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 15/12/2018

Sự phối hợp giữa Mỹ và Canada

 trong vụ bắt giám đốc Huawei

Bộ Tư pháp Mỹ phát hiện cơ hội hiếm hoi để bắt Mạnh Vãn Chu hôm 1/12 và họ phải trông cậy hoàn toàn vào sự hợp tác của Canada.

Việc bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính tập đoàn Huawei, Trung Quốc bị bắt ở sân bay Vancouver hôm 1/12 được coi là kết quả của cuộc điều tra do Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng thực thi pháp luật nước này với đồng minh Canada, theo CNN.

Bộ Tư pháp Mỹ được cho là vào cuộc điều tra bà Mạnh Vãn Chu và một số nhân viên tập đoàn Huawei từ đầu năm 2017, sau khi giám sát viên thuộc công ty tư vấn Exiger được họ cử tới ngân hàng HSBC phát hiện một số giao dịch bất thường giữa Huawei với Iran và lập tức báo cáo với nhà chức trách Mỹ.

Các điều tra viên kết luận bà Mạnh đã cố tình lừa dối các ngân hàng quốc tế như HSBC và Standard Charter nhằm sử dụng công ty con Skycom của Huawei để bán nhiều thiết bị máy tính do Mỹ sản xuất cho Iran trong giai đoạn 2009-2014, vi phạm trực tiếp lệnh cấm vận thương mại mà Mỹ áp đặt với Iran.

Thẩm phán tòa án quận Đông New York, Mỹ ký lệnh bắt bà Mạnh từ hôm 22/8 với tội danh vi phạm đạo luật kiểm soát xuất khẩu và các lệnh cấm vận của Mỹ với Iran, sau khi có bằng chứng cho thấy bà đã nói với các ngân hàng quốc tế rằng Skycom là công ty hoàn toàn tách biệt với Huawei, nhằm sử dụng dịch vụ tài chính của họ để xuất khẩu thiết bị do Mỹ sản xuất tới Iran.

“Bà Mạnh và các nhân viên khác của Huawei nhiều lần nói dối về bản chất mối quan hệ giữa Huawei và Skycom cũng như thực tế rằng Skycom hoạt động như một chi nhánh ở Iran của Huawei nhằm tiếp tục sử dụng các dịch vụ ngân hàng”, lệnh bắt của tòa án Mỹ có đoạn.

Phòng công tố quận Đông New York là nơi chuyên truy tố những người nước ngoài “có máu mặt” vi phạm luật pháp Mỹ, trong đó có trùm ma túy El Chapo hay các quan chức FIFA. Trong những vụ như bà Mạnh, phòng công tố này sẽ phối hợp và nhận sự tư vấn từ Phòng Các vấn đề Quốc tế thuộc Cục Hình sự Bộ Tư pháp Mỹ.

Trong nhiều tháng tiếp theo, lực lượng hành pháp Mỹ rất muốn bắt bà Mạnh, nhưng dường như phát hiện mình đang là mục tiêu của cuộc điều tra, giám đốc tài chính Huawei từ tháng 4/2017 đã không còn đến Mỹ thăm con như trước đây nữa. Trung Quốc và Mỹ chưa ký hiệp ước dẫn độ, nên việc yêu cầu Bắc Kinh giao nộp bà Mạnh là bất khả thi.

Điều này buộc Bộ Tư pháp Mỹ xem xét các phương án khác, chẳng hạn như bắt bà ở một nước thứ ba có hiệp ước dẫn độ với Mỹ. Mỹ cũng có thể yêu cầu Interpol phát “thông báo đỏ” đối với bà Mạnh và chờ đợi các diễn biến tiếp theo.

Thời cơ đến với Bộ Tư pháp Mỹ vào cuối tháng 11, khi họ phát hiện bà Mạnh có tên trong danh sách hành khách lên chuyến bay ngày 30/11 của hãng hàng không Cathay Pacific xuất phát từ Hong Kong tới Mexico. Điều đáng chú ý là bà sẽ phải chờ quá cảnh ở sân bay Vancouver, Canada trong 12 tiếng, nơi bà có thể bị cảnh sát Canada bắt và tạo cơ hội để các công tố viên Mỹ dẫn độ bà về nước này xét xử.

Đề nghị bắt người lập tức được Bộ Tư pháp Mỹ chuyển tới Bộ Tư pháp Canada. “Nếu Mạnh không bị bắt ở Canada trong khi chờ quá cảnh, sẽ là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi, trong việc đưa bà tới Mỹ để truy tố”, các quan chức Mỹ nhấn mạnh trong đề nghị bắt người gửi tới Canada.

Các chuyên gia cho biết đề nghị này được gửi đi theo điều khoản “trường hợp khẩn cấp” được quy định trong hiệp ước dẫn độ giữa Mỹ và Canada, cho phép cảnh sát Canada nhanh chóng bắt bà Mạnh trên lãnh thổ của mình theo yêu cầu từ phía Mỹ.

Tờ National Post của Canada cho rằng đề nghị bắt người này của Washington đẩy Ottawa vào tình thế khó xử, vì việc bắt một người nổi tiếng như bà Mạnh nhiều khả năng sẽ khiến Canada hứng chịu các biện pháp trả đũa của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại. Bắc Kinh cũng có thể bắt các doanh nhân, cựu quan chức của Ottawa để đáp trả, gây nên những cuộc khủng hoảng ngoại giao với Canada.

Tuy nhiên, tờ báo này khẳng định Bộ Tư pháp Canada đã hành động đúng đắn khi quyết định hợp tác với phía Mỹ và ra lệnh bắt bà Mạnh, bởi Mỹ và Canada đều là hai quốc gia thượng tôn pháp luật và luôn hợp tác chặt chẽ, liên tục trong lĩnh vực hành pháp xuyên biên giới. Hai nước cũng thường hỗ trợ nhau trong việc bắt và dẫn độ nghi phạm theo hiệp ước được ký từ lâu.

National Post cho rằng nhà chức trách Canada không có cơ sở nào để từ chối lời đề nghị từ phía Mỹ, bởi nước này phải thực hiện đúng nghĩa vụ pháp lý của mình với đồng minh mà không có ngoại lệ. Điều này được thể hiện rõ trong tuyên bố của Thủ tướng Justin Trudeau, trong đó khẳng định không có yếu tố chính trị trong quyết định bắt bà Mạnh bởi Canada “tôn trọng sự độc lập của các tiến trình tư pháp”.

Thẩm phán Canada phê chuẩn lệnh bắt bà Mạnh ngay sau khi nhận được yêu cầu từ phía Mỹ. Giám đốc tài chính Huawei bị bắt khi đặt chân xuống sân bay Vancouver vào trưa 1/12 và thông tin về vụ bắt được đưa ra vài ngày sau đó.

Các chuyên gia pháp lý Canada cho rằng tòa án nước này sẽ làm rõ các cáo buộc đối với bà Mạnh và xem chúng có đủ vững chắc để dẫn độ bà về Mỹ xét xử hay không. Trong thời gian đó, Canada vẫn sẽ tôn trọng nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế và hợp tác với đồng minh thân cận nhất là Mỹ.

Sau ba phiên điều trần, tòa án tỉnh British Columbia của Canada hôm qua đồng ý cho bà Mạnh được tại ngoại với khoản tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD và bà phải chịu sự giám sát liên tục để đảm bảo không bỏ trốn về Trung Quốc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu cho tiến trình pháp lý chống lại bà, khi các phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra và xem xét những cáo buộc chống lại bà. Bộ Tư pháp Mỹ cũng sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao nước này soạn thảo yêu cầu dẫn độ đầy đủ và gửi qua kênh ngoại giao tới Canada trong vòng 45 ngày kể từ ngày bà Mạnh bị bắt.

Nếu nhận thấy các bằng chứng do phía Mỹ cung cấp đủ sức thuyết phục, tòa án Canada có thể đồng ý dẫn độ bà về Mỹ. Bà Mạnh và các luật sư được quyền kháng cáo phán quyết này, khiến tiến trình dẫn độ có thể kéo dài tới vài năm trước khi bà bị đưa về xét xử ở tòa án quận Đông New York.

Trong quá trình này, nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến số phận pháp lý của bà Mạnh. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua khẳng định ông sẽ “làm bất cứ điều gì” để can thiệp vào vụ Mạnh Vãn Chu nếu “nó đem lại lợi ích cho quốc gia” hoặc “giúp ích cho việc hiện thực hóa một thỏa thuận thương mại lớn nhất lịch sử”.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/25258-su-phoi-hop-giua-my-va-canada-trong-vu-bat-giam-doc-huawei.html

 

Ngoại trưởng Mỹ đề nghị

Trung Quốc phóng thích công dân Canada

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 14/12 kêu gọi Trung Quốc phóng thích hai công dân Canada bị Bắc Kinh bắt giữ trong tuần này sau khi một quản lý cao cấp của tập đoàn viễn thông Huawei Trung Quốc bị bắt giữ ở Canada theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ.Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao Mỹ lên tiếng về vụ việc vốn được Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho là sẽ làm leo thang cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.“Hành động bắt giữ bất hợp pháp hai công dân Canada này là không thể chấp nhận được,” ông Pompeo nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm với người tương nhiệm Canada Chrystia Freeland đang ở thăm Washington. “Họ cần phải được trao trả… Chúng tôi yêu cầu tất cả các nước trên thế giới phải đối xử với công dân nước khác một cách đàng hoàng.”

Các quan chức Canada hôm 14/12 đã được phép thăm viếng lãnh sự một trong hai người bị bắt giữ ở Trung Quốc và đang tìm cách liên hệ người thứ hai, Bộ Ngoại giao nước này nói.Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada, doanh nhân Michael Spavor và ông Michael Kovrig, người từng là nhà ngoại giao và hiện là cố vấn cho Tập đoàn Khủng hoảng Quốc tế (ICG), sau khi cảnh sát Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính tập đoàn Huawei.Các công tố viên Mỹ cáo buộc bà Mạnh cung cấp thông tin sai lệch cho các ngân hàng đa quốc gia về các giao dịch có liên quan đến Iran khiến cho các ngân hàng này có nguy cơ vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. Bà Mạnh, vốn là con gái của người sáng lập Huawei, khẳng định mình vô tội.Về phần mình, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng việc Trung Quốc bắt giữ hai công dân của nước ông là ‘không thể chấp nhận được’.“Cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ gây ra tất cả những hậu quả phụ cho Canada và có khả năng là cho toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi rất lo lắng về điều đó,” ông nói trên City TV ở Toronto.Tuy nhiên, Trung Quốc bác bỏ phát biểu của ông Trudeau rằng chính quyền không thể can thiệp vào công việc của tư pháp.Mỹ và Canada cũng đồng ý rằng quá trình dẫn độ bà Mạnh từ Canada sang Mỹ không nên ‘bị chính trị hóa’.“Chúng tôi đều đồng ý rằng điều quan trọng nhất mà chúng tôi có thể làm là đảm bảo pháp trị, đảm bảo tôn trọng quyền của bà Mạnh được xét xử công bằng và rằng quy trình tư pháp hiện nay ở Canada vẫn phải phi chính trị,” Ngoại trưởng Freeland nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.https://www.voatiengviet.com/a/ngo%E1%BA%A1i-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-m%E1%BB%B9-%C4%91%E1%BB%81-ngh%E1%BB%8B-trung-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B3ng-th%C3%ADch-c%C3%B4ng-d%C3%A2n-canada/4701530.html

 

Hoa Kỳ và Nam Hàn bất đồng ý kiến

về chi phí duy trì quân đội Hoa Kỳ

Seoul, Nam Hàn – Vào hôm thứ Sáu (14 tháng 12), hãng tin Reuters dẫn lời một viên chức cho biết, Hoa Kỳ và Nam Hàn đã bất đồng ý kiến về việc Nam Hàn phải chịu phần chi phí lớn hơn trong việc duy trì quân đội Hoa Kỳ, khi quân đội Hoa Kỳ cảnh báo các công nhân Nam Hàn có thể bị thôi việc nếu hai bên không đạt được thỏa thuận.

Trước đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng, Nam Hàn nên san sẻ thêm gánh nặng cho việc duy trì khoảng 28,500 binh sĩ Hoa Kỳ ở Nam Hàn, nơi Hoa Kỳ đã đóng quân kể từ chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Các viên chức cao cấp của cả hai bên đã tổ chức các cuộc đàm phán kéo dài 3 ngày tại Seoul từ thứ Ba, để ký kết một thỏa thuận thay thế cho thỏa thuận năm 2014, vốn sẽ hết hạn trong năm nay. Thỏa thuận mới này yêu cầu Nam Hàn phải trả khoảng 960 tỷ won (850 triệu Mỹ kim) trong năm nay.

Theo các viên chức Nam Hàn, bất chấp 10 vòng đàm phán kể từ tháng Ba, hai bên vẫn không thể đạt được thỏa thuận sau khi Hoa Kỳ yêu cầu Nam Hàn tăng cường chia sẻ chi phí. Lực lượng Hoa Kỳ tại Nam Hàn (USFK) cho biết, họ đang muốn các cuộc đàm phán nhanh chóng đạt được kết quả, nhằm giảm thiểu khả năng đóng góp từ phía Nam Hàn.

Theo Wall Street Journal đưa tin hồi tuần trước, ban đầu, Hoa Kỳ đã yêu cầu Nam Hàn tăng phần của họ lên khoảng 1.2 tỷ Mỹ kim. Nhưng các viên chức Nam Hàn và Hoa Kỳ vẫn chưa công khai xác nhận số tiền này. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/hoa-ky-va-nam-han-bat-dong-y-kien-ve-chi-phi-duy-tri-quan-doi-hoa-ky/

 

Quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật

yêu cầu Trung Cộng mở cửa Tây Tạng

Washington, DC – Theo tin từ hãng thông tấn AFP, Quốc hội Hoa Kỳ vừa bỏ phiếu thông qua dự luật, yêu cầu Trung Cộng mở cửa cho các nhà ngoại giao, ký giả và du khách Hoa Kỳ vào Tây Tạng, đồng thời đe dọa cấm nhập cảnh đối với các viên chức chịu trách nhiệm chính sách phong tỏa Tây Tạng, nếu Trung Cộng không nhượng bộ.

Dự luật này được thông qua sau nhiều năm dấy lên mối lo lắng rằng Trung Cộng đang vi phạm nhân quyền ở vùng đất thiêng Tây Tạng, nơi mà người nước ngoài phải xin giấy phép mới được viếng thăm.

Theo quy định của dự luật mới, hàng năm, Bộ Ngoại giao phải xác nhận Trung Cộng đã mở cửa Tây Tạng hay chưa, cũng như cách chính phủ đối xử với người Tây Tạng. Nếu Bắc Kinh không cho phép công dân Hoa Kỳ tự do ra vào Tây Tạng, Bộ Ngoại giao sẽ cấm nhập cảnh các viên chức Trung Cộng chịu trách nhiệm về chính sách này.

Thượng nghị sĩ Dân Chủ Robert Menendez thuộc Ủy ban Quan hệ Quốc tế Thượng viện cho rằng dự luật thể hiện sự công bằng, vì người Trung Cộng bấy lâu nay đã được tự do nhập cảnh Hoa Kỳ, nhưng công dân Hoa Kỳ lại bị giới hạn nhập cảnh ở Tây Tạng.

Dự luật được thông qua mà không vấp phải sự phản đối nào ở Quốc hội, và có vẻ như Tổng thống Trump sẽ ký thông qua dự luật vì đảng Cộng Hòa cũng thể hiện sự đồng thuận. Tuy nhiên, dự luật này lại xuất hiện giữa lúc Hoa Kỳ và Trung Cộng đang căng thẳng vì chiến tranh thương mại, cùng vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei ở Canada.

Một bài xã luận đăng trên tờ báo Trung Cộng Global Times đã chê trách Dự luật Tây Tạng, và cáo buộc các tiêu chuẩn nhân quyền của Hoa Kỳ. Trong khi đó, ông Matteo Mecacci – chủ tịch cuộc vận động quốc tế cho Tây Tạng – cho rằng dự luật sẽ trở thành một phần của bộ luật Hoa Kỳ và không liên quan đến căng thẳng thương mại. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/quoc-hoi-hoa-ky-thong-qua-du-luat-yeu-cau-trung-cong-mo-cua-tay-tang/

 

Mỹ Trúng Mối Bán Vũ Khí

Vi Anh

Thời TT Trump, Mỹ trúng mối bán vũ khí tiền vô như nước. Kinh tế Mỹ phát triển, thương mại gia tăng, nhưng không có ngành nào bán nhiều, lời nhiều như ngành sản xuất, mua bán vũ khí. Kỹ nghệ sản xuất, mua bán vũ khí cũng giúp cho một số không nhỏ người Mỹ có tiền thêm, tiêu thụ mạnh, làm kinh tế tăng, thất nghiệp giảm.

Những con số của chánh quyền Mỹ và các cơ quan quốc tế nói lên điều ấy. Thương vụ bán vũ khí ấy hiện ở mức kỷ lục 700 tỷ USD. Tập đoàn Boeing doanh thu từ 98 – 100 tỷ USD trong năm 2018, nhờ vào các hợp đồng của Bộ Quốc phòng. Tập đoàn Northrop Grumman, sản xuất vũ khí lớn thứ 5 của Mỹ, 30 tỷ USD. Tập đoàn Lockheed Martin nâng tăng trưởng lên thêm 5% – 6% vào năm 2019. Lockheed Martin, Boeing, General Dynamics, Raytheon và Northrop Grumman đua nhau mua lại một số công ty nhỏ hơn.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8-11-2018 công bố  thương vụ  bán vũ khí của Mỹ cho các chính phủ ngoại quốc đã tăng 33% trong tài khóa 2018 (kết thúc vào ngày 30-9 vừa qua), đạt 55,6 tỷ USD so với 41,93 tỷ USD trong tài khóa 2017. Doanh số trên góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí Mỹ được cấp phép, bao gồm các thương vụ cấp chính phủ và bán hàng trực tiếp, tăng 13% đạt 192,3 tỷ USD trong năm 2018. Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích, việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu vũ khí nói trên là nhờ chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ tháng 4/2018, trong đó gắn việc buôn bán vũ khí thông thường của Mỹ với các lợi ích an ninh kinh tế và quốc gia.

Thương vụ tăng như diều gặp gió, tiền vào đếm không kịp trong thương vụ vũ khí sau khi  chánh quyền Trump nới lỏng những quy định về việc bán hàng hóa, đồng thời yêu cầu các quan chức Mỹ thể hiện trách nhiệm lớn trong việc thúc đẩy kinh doanh tại nước ngoài đối với ngành kỹ nghệ vũ khí của Mỹ. Một số quan chức Chính phủ Mỹ cho biết, TT Trump muốn biến nước Mỹ, vốn đã có ưu thế vượt trội trong buôn bán vũ khí toàn cầu, trở thành một nước xuất cảng vũ khí lớn hơn nữa trên thế giới.

Theo thông lệ và tập tục các chính phủ nước ngoài mua vũ khí từ các công ty Mỹ phải qua hai cửa. Cả hai cửa này đều đòi hỏi Chính phủ Mỹ thông qua. Bộ Ngoại giao Mỹ vừa qua đã cho công bố tóm tắt chính sách Chuyển giao vũ khí thông thường mới (CAT), trong đó nhấn mạnh đến ưu tiên cạnh tranh chiến lược và kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động chuyển giao, mua bán vũ khí.

Cụ thể, Bộ Ngoại giao sẽ đẩy nhanh việc cập nhật danh sách hạn chế. Quy định về buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR) của Mỹ, chuyển danh mục danh sách đạn dược thuộc ITAR sang lĩnh vực của Bộ Thương mại quản lý, cho phép bán vũ khí nhanh hơn thông qua quy trình bán hàng thương mại trực tiếp. Bộ này cũng đang lên kế hoạch tăng số lượng nhân viên giải quyết các vấn đề về xuất cảng vũ khí để giải quyết tình trạng khiếu nại kéo dài của Cục Các Vấn Đề Về Chính Trị

Quân Sự thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ về việc thiếu nhân sự để giải quyết việc bán vũ khí cho ngoại quốc.

Mới đây, dư luận quốc tế cũng lo lắng dõi theo việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp ước Lực lượng nguyên tử tầm trung (INF). Tuy Toà Bạch Ốc vẫn chưa xé bỏ hiệp ước này, nhưng quân đội Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị cho các cuộc cạnh tranh hoả tiễn đạn đạo trong tương lai. Lục quân Mỹ đã đề cập đến kế hoạch phát triển sau khi rút khỏi INF trong lộ trình hiện đại hóa lực lượng này. Một số chuyên gia của Mỹ cho rằng, nếu Mỹ rút khỏi INF thì nhịp độ và cơ hội sử dụng vũ khí nguyên tử của các cường quốc nguyên tử như Mỹ, Nga… sẽ tăng vọt.

Cuộc chạy đua này, nếu xảy ra, sẽ tiếp tục là “bầu sữa” nuôi các tập đoàn sản xuất vũ khí của Mỹ. Dennis Muilenburg, Giám đốc điều hành của Boeing, đã từng nói: “Chúng tôi nhận thấy rằng, ngày càng nhiều các chỉ dấu về việc chi tiêu quốc phòng của Mỹ sẽ duy trì sự ổn định trong dài hạn”.

Trước đó, một trong những chính sách nhằm mở rộng hơn nữa thị trường xuất cảng vũ khí được Chính phủ Mỹ phát huy, đó là áp dụng biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia ký kết hợp đồng lớn mua bán vũ khí với Nga được nêu trong luật Chống Những Đối Thủ Của Mỹ Thông Qua Trừng Phạt (CAATSA).

Theo Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm, trong giai đoạn 2013 – 2017, Mỹ và Nga giữ vị trí hàng đầu trong lãnh vực xuất cảng vũ khí. Trong tổng kim ngạch xuất cảng vũ khí toàn cầu, Mỹ chiếm 34%, Nga là 22%.

Chuyên gia Konstantin Makienko, Phó Giám đốc Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga, nhận định việc Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt với cái cớ Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine và Syria, thực chất là để Mỹ đẩy Nga ra khỏi thị trường vũ khí quốc tế và thực hiện một số toan tính khác chống lại Nga. Cạnh tranh gay gắt giữa Moscow và Washington thể hiện rõ nhất trên các thị trường đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á. Thị phần lớn của Nga ở thị trường vũ khí trong khu vực này (45% – 50%) làm Mỹ khó chịu.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, những chính sách giúp ngành kỹ nghệ quốc phòng của Chính phủ Mỹ có thể sẽ bị ảnh hưởng sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua. Đơn cử, liên quan đến mối quan hệ với Saudi Arabia sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại, Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu ủng hộ đạo luật ngăn chặn các thương vụ buôn bán vũ khí với Riyadh. Dù xem Saudi Arabia là đối trọng với tầm ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông, nhưng nhiều ý kiến của đảng Dân chủ cho rằng, Washington cần đòi hỏi nhiều hơn từ Riyadh.

Điều này thực sự khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều tập đoàn sản xuất vũ khí của nước này lo ngại. Năm 2017, Mỹ và Saudi Arabia đã ký thỏa thuận vũ khí trị giá 110 tỷ USD. TT Trump lo, nếu việc ngừng bán vũ khí cho Riyadh do vụ nhà báo Khashoggi thành hiện thực, quốc gia vùng Vịnh này có thể chuyển sang mua thiết bị quân sự từ Nga và Trung Quốc.

Còn VNCS, chính TT Trump chào mời VNCS mua vũ khí đến dự hội nghị ở Đà nẵng và ra thăm Hà nội. Tin  VOA ngày  01/08/2018 “Việt Nam ‘đặt mua’ gần 100 triệu đôla vũ khí Mỹ”. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ mới khẳng định độc quyền với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Hoa Kỳ trị giá tới 94,7 triệu đôla. Còn một nhà nghiên cứu bình luận với BBC tiếng Việt rằng việc Việt Nam mua vũ khí của Mỹ trị giá gần trăm triệu đôla “là bước tiếp cận đầu tiên” và “mang tính chất phòng thủ”../.(VA)

https://vietbao.com/p123a288677/my-trung-moi-ban-vu-khi

 

Thêm một ứng viên

rút khỏi cuộc đua Chánh Văn phòng Nhà Trắng

Cựu thống đốc New Jersey Chris Christie, người được xem là một trong những ứng viên hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho vị trí Chánh Văn phòng Nhà Trắng, đột ngột rút ra khỏi cuộc đua hôm 14/12 với lý do chưa phải lúc để ông đảm nhận công việc này.Quyết định rút lui của ông Christie khiến cho ông Jared Kushner, con rể và là cố vấn cao cấp của ông Trump, và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer trở thành hai lựa chọn hàng đầu cho vị trí này.Ông Christie đã gặp ông Trump ở Nhà Trắng đêm 13/12 và ngay lập tức trở thành ứng viên hàng đầu trong danh sách lựa chọn của Tổng thống để lấp chỗ bị để trống sau khi Tướng hồi hưu John Kelly rời chức cuối năm nay.

“Được Tổng thống cân nhắc khi ông ấy tìm người để làm tân Chánh Văn phòng Nhà Trắng là một vinh dự,” ông Christie nói trong một thông cáo. “Tuy nhiên, tôi đã nói với Tổng thống rằng hiện giờ không phải là lúc thích hợp cho tôi và gia đình tôi đảm nhận vai trò quan trọng này.”“Do đó, tôi đã yêu cầu ông không giữ tôi trong danh sách xem xét cho vị trí này,” ông Christie nói.Ông Trump không có thời hạn chót để quyết định người thay thế ông Kelly, người đã tuyên bố rời chức vụ hồi tuần trước, và, cũng như lâu nay, có thể thay đổi ý định, một nguồn tin nắm rõ vấn đề nói với Reuters.Phó phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Hogan Gidley cho truyền thông biết cũng có khả năng Tổng thống Trump sẽ yêu cầu Kelly tiếp tục ở lại thêm một thời gian sau thời điểm ông dự định ra đi.“Tổng thống hôm qua đã nói rằng ông có danh sách khoảng năm cái tên,” Gidley nói. “Chúng tôi mong ông ấy sẽ chóng đưa ra thông báo.”Ông Christie từng là cố vấn cao cấp cho chiến dịch vận động của ông Trump hồi năm 2016 sau khi chấm dứt chiến dịch tranh cử của chính ông để giành sự đề cử của Đảng Cộng hòa.Chánh văn phòng Nhà Trắng được xem là một trong những công việc quan trọng nhất ở Washington bởi vì vị trí này phải thực hiện các ưu tiên của Tổng thống và đảm bảo Tổng thống có thông tin để đưa ra quyết định.Tuy nhiên, dưới thời ông Trump, Chánh Văn phòng Nhà Trắng phần lớn là phải kiểm soát thiệt hại và tìm cách xử lý một nhiệm kỳ Tổng thống hỗn loạn. Ông Kelly trụ được một năm rưỡi trong khi người tiền nhiệm của ông là Reince Priebus đã phải ra đi chỉ sau có sáu tháng.Ông Trump đang nghe ý kiến của một số cố vấn cả bên trong lẫn bên ngoài Nhà Trắng để xem xét Kushner, người kết hôn với con gái Ivanka Trump của ông, hai nguồn tin cho biết.Ông Kushner có tham gia vào một số thắng lợi của ông Trump, chẳng hạn như giúp thương thảo lại hiệp định thương mại NAFTA với Canada và Mexico và thúc đẩy đạo luật cải cách nhà tù. Ông có góp phần trong việc xây dựng một bản kế hoạch hòa bình Trung Đông mà vẫn chưa được công bố.Còn ông Lighthizer là người giữ vai trò trung tâm trong chính sách thương mại của ông Trump. Ông thực hiện một trong những lời hứa lớn nhất của ông Trump khi tranh cử là chỉnh sửa lại các thỏa thuận thương mại bằng cách sử dụng thuế quan để mở cửa các thị trường nước ngoài.

https://www.voatiengviet.com/a/th%C3%AAm-m%E1%BB%99t-%E1%BB%A9ng-vi%C3%AAn-r%C3%BAt-kh%E1%BB%8Fi-cu%E1%BB%99c-%C4%91ua-ch%C3%A1nh-v%C4%83n-ph%C3%B2ng-nh%C3%A0-tr%E1%BA%AFng/4701521.html

 

Trump bổ nhiệm giám đốc ngân sách

làm chánh văn phòng tạm thời

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu loan báo bổ nhiệm giám đốc ngân sách của ông là Mick Mulvaney vào vị trí chánh văn phòng Nhà Trắng, nhưng chỉ trên cơ sở tạm thời, sau khi một số ứng viên hàng đầu trong danh sách được cân nhắc từ chối vị trí này.Ông Mulvaney, một nhân vật bảo thủ làm việc năng nổ và từng là dân biểu Hoa Kỳ, sẽ là người thứ ba trong hai năm qua cố gắng mang lại trật tự cho một Nhà Trắng thường xuyên trong tình trạng hỗn loạn. Ông Trump bổ nhiệm ông Mulvaney sau khi hai ứng viên nổi bật khác rút tên trong vòng một tuần lễ.

XEM THÊM:

Thêm một ứng viên rút khỏi cuộc đua Chánh Văn phòng Nhà Trắng

“Nói cho rõ, đã có NHIỀU người muốn trở thành Chánh văn phòng Nhà Trắng,” ông Trump nói trên Twitter. “Mick M sẽ làm việc RẤT TỐT!”

Chánh văn phòng Nhà Trắng được coi là một trong những chức vụ quan trọng nhất ở Washington: người gác cổng cho tổng thống có trọng trách điều khiển các nguồn lực của văn phòng tổng thống để thực hiện các ưu tiên của ông.Chánh văn phòng gần đây nhất – John Kelly, một tướng Thủy quân lục chiến về hưu – đã có một số thành công trong việc tái lập trật tự sau khi ông được bổ nhiệm vào tháng 7 năm 2017, nhưng có mối quan hệ không thuận thảo với ông Trump. Ông Kelly sẽ ở lại đến cuối tháng 12.Là người đứng đầu Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB), ông Mulvaney có kinh nghiệm làm việc với ôn Trump và các phụ tá hàng đầu của ông tại Nhà Trắng.Ông Mulvaney sẽ cầm trịch vào thời điểm mà ông Trump, bị suy yếu vì phe Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử vào tháng trước, đang vật lộn với các cuộc điều tra nhắm vào các doanh nghiệp của ông và các chính sách gây tranh cãi nhất của ông. Ngoài ra, Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đang điều tra xem liệu có sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử Trump năm 2016 và các quan chức Nga hay không.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-bo-nhiem-giam-doc-ngan-sach-lam-chanh-van-phong-tam-thoi/4702124.html

 

Cohen: ‘Trump biết rõ trả tiền bịt miệng là sai’

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến dịch vận động tranh cử hồi năm 2016 đã chỉ thị trả tiền bịt miệng hai phụ nữ và ông biết rõ rằng hành động này là sai trái, ông Michael Cohen, người từng là luật sư riêng của ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC phát sóng hôm 14/12.“Ông ấy ra lệnh cho tôi trả tiền. Ông ấy chỉ thị cho tôi dính vào những vụ này,” ông Cohen nói.Luật sư Cohen tuần này bị kết án tù do những sai phạm về tài chính cho vận động tranh cử và các cáo trạng khác.Tổng thống Trump đã bác bỏ chuyện vụng trộm với phụ nữ nhiều năm trước và đưa ra lời bào chữa bất nhất về khoản tiền bịt miệng này. Hôm 13/12, ông viết trên Twitter rằng ông chưa bao giờ chỉ thị Cohen phạm luật.Ngược lại, ông Cohen, trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi bị kết án hôm 12/12, nói lúc đó ông Trump ‘rất lo ngại ảnh hưởng đến kết quả bầu cử’ nếu cử tri biết việc ông vụng trộm với gái làng chơi, bao gồm một cựu người mẫu Playboy và một cô đào phim khiêu dâm. Ông Cohen nói ông Trump yêu cầu ông trả tiền bịt miệng để giải quyết êm xuôi.

Số tiền này nhằm để ‘giúp ông Trump và chiến dịch tranh cử của ông’, ông Cohen nói thêm.

Luật liên bang Mỹ yêu cầu các khoản đóng góp ‘bất cứ thứ gì có giá trị’ vào chiến dịch vận động đều phải được công bố và một cá nhân đóng góp cho quỹ tranh cử không thể vượt quá 2.700 đô la.

Khi được hỏi liệu ông Trump, khi đó là ứng viên tranh cử, có biết là trả tiền bịt miệng là sai trái hay không, ông Cohen nói trên chương trình ‘Chào buổi sáng nước Mỹ’ rằng ‘Dĩ nhiên là có’.

Hôm 12/12, ông Cohen bị kết án ba năm tù vì đã trả số tiền này cùng các tội danh khác như trốn thuế và lừa gạt ngân hàng, và hai tháng tù về tội nói dối Quốc hội về một dự án xây Tháp Trump ở Nga.

https://www.voatiengviet.com/a/cohen-trump-bi%E1%BA%BFt-r%C3%B5-tr%E1%BA%A3-ti%E1%BB%81n-b%E1%BB%8Bt-mi%E1%BB%87ng-l%C3%A0-sai-/4701504.html

 

Người giữ ghế cho John McCain sắp ra đi

Thượng nghị sỹ Cộng hòa Jon Kyl của tiểu bang Arizona, người được chỉ định để lấp chỗ cho cố Thượng nghị sỹ John McCain, sẽ từ chức vào ngày 31/12, Thống đốc Arizona Doug Ducey cho biết trong một thông báo hôm 14/12.

Ông Kyl chỉ được cho là giữ chỗ tạm thời trong Thượng viện cho đến khi sau cuộc bầu cử giữa kỳ hồi tháng 11.

“Arizona cần người có thể bắt tay vào việc ngay từ ngày đầu tiên và đại diện cho tiểu bang chúng ta với kinh nghiệm và sự tự tin – đó chính là những gì mà Thượng nghị sỹ Kyl đã làm,” ông Ducey cho biết trong một thông cáo.

Ông Kyl, người từng làm Thượng nghị sỹ trong 18 năm trước khi về hưu hồi năm 2013, tháng Tám vừa qua đã được chỉ định giữ chiếc ghế của ông John McCain sau khi ông McCain qua đời vì ung thư não. Vào lúc đó, ông nói rằng ông không muốn ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Ông Kyl lúc đó đang làm việc cho công ty luật Covington & Burling ở Washington với vai trò là nhà vận động hàng lang cho các tập đoàn như Northrop Grumman, JW Aluminum và Qualcomm.

Thống đốc Ducey được cho là sẽ thay ông Kyl bằng một người bên Đảng Cộng hòa – điều này có nghĩa là việc thay người không ảnh hưởng đến cán cân quyền lực ở Thượng viện. Người lên thay sẽ giữ ghế cho đến khi cuộc bầu cử đặc biệt diễn ra vào năm 2020.

Ông Ducey có thể chọn một người Cộng hòa có nhiều khả năng thắng cử để giành ghế trong năm 2020, hoặc là ông có thể chọn ai đó giữ ghế nhưng sẽ không ra tranh cử trong kỳ bầu cử đặc biệt.

Người nhiều khả năng là ứng viên đầu bảng là bà Martha McSally, người đã thua trong cuộc đua cho chiếc ghế Thượng viện còn lại của bang Arizona trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11. Bà McSally thuộc Đảng Cộng hòa và từng là dân biểu, đã bị ứng viên Dân chủ Krysten Sinema đánh bại.

Ông không đưa ra lịch trình chọn người thay thế Jon Kyl.

https://www.voatiengviet.com/a/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-gi%E1%BB%AF-gh%E1%BA%BF-cho-john-mccain-s%E1%BA%AFp-ra-%C4%91i/4701499.html

 

Thẩm phán liên bang phán quyết Obamacare vi hiến

Một thẩm phán liên bang ở Texas hôm thứ Sáu phán quyết rằng Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá phải chăng, thường được gọi là Obamacare, vi hiến dựa trên pháp lệnh của nó bắt buộc mọi người phải mua bảo hiểm y tế. Phán quyết này có thể đưa vụ kiện tụng lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.

Thẩm phán liên bang Reed O’Connor tại thành phố Fort Worth đồng ý với lập luận của liên minh 20 bang nói rằng một sự thay đổi trong luật thuế năm ngoái loại bỏ hình phạt cho việc không có bảo hiểm y tế đã vô hiệu hóa toàn bộ luật Obamacare.

Liên minh các bang thách thức luật này được dẫn đầu bởi Tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton và Tổng chưởng lý bang Wisconsin Brad Schimel, cả hai đều thuộc Đảng Cộng hòa.

Phe Cộng hòa phản đối luật năm 2010 này – thành tựu chính sách đối nội mang dấu ấn của tổng thống Đảng Dân chủ tiền nhiệm Barack Obama – kể từ khi nó ra đời và đã nhiều lần cố gắng và thất bại trong việc bãi bỏ nó.

Ông O’Connor phán quyết rằng theo logic của phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ năm 2012 giữ nguyên Obamacare, pháp lệnh cá nhân (individual mandate), bắt buộc hầu hết người Mỹ phải có bảo hiểm y tế nếu không phải đóng tiền phạt, giờ vi hiến.

Trong phán quyết năm 2012, đa số các thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ kết luận rằng pháp lệnh cá nhân áp đặt một cách bất hợp hiến một quy định bắt người Mỹ phải mua bảo hiểm. Tuy nhiên, một đa số khác kết luận rằng pháp lệnh này ngang như một hình phạt thuế hợp hiến.

Vào ngày thứ Sáu, ông O’Connor phán quyết rằng sau khi Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump kí một luật thuế trị giá 1,5 ngàn tỉ đôla được Quốc hội thông qua vào năm ngoái loại bỏ các hình phạt này, pháp lệnh cá nhân không còn có thể được coi là hợp hiến nữa.

Ông nói bởi vì pháp lệnh cá nhân là một phần “thiết yếu” của Obamacare, toàn bộ luật này, thay vì chỉ pháp lệnh cá nhân, đều vi hiến.

Quyết định của ông O’Connor được đưa ra một ngày trước khi kết thúc thời hạn đăng kí 45 ngày cho bảo hiểm y tế năm 2019 theo luật này.

Khoảng 11,8 triệu người tiêu dùng trên toàn quốc đăng kí tham gia trong các kế hoạch bảo hiểm y tế Obamacare năm 2018, theo Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid của chính phủ Mỹ.

Người phát ngôn của Tổng chưởng lý bang California Xavier Becerra, một trong số các tổng chưởng lý theo Đảng Dân chủ biện hộ cho Obamacare, cho biết họ sẽ kháng nghị quyết định này. Kháng nghị sẽ được đưa ra Tòa án Phúc thẩm Liên bang Khu vực 5.

https://www.voatiengviet.com/a/tham-phan-lien-bang-phan-quyet-obamacare-vi-hien/4702089.html

 

COP 24 : Đêm trắng thương lượng

 để cứu Thỏa thuận Khí hậu Paris

Trọng Thành

Hội nghị Khí hậu COP 24 tại Ba Lan có nguy cơ đổ vỡ, sau hai tuần làm việc không đạt kết quả. Tuy nhiên, đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay, 15/12/2018, đại diện 196 quốc gia tiếp tục nỗ lực thương lượng, với hy vọng đạt được đồng thuận về một lộ trình nhằm thực thi Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015.

Sáng nay, một văn bản dự thảo gần như hoàn chỉnh đã được đưa ra. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi các bên đồng thuận được về một văn bản cuối cùng.

Thông tín viên Angès Rougier tường trình từ Katowice :

« Về nguyên tắc, thỏa thuận phải được thông qua vào hôm nay, 15/12, bởi các văn bản – gần như hoàn tất – đã được đưa ra trong đêm qua. Tuy nhiên, để đạt được sự đồng thuận của 196 quốc gia là một quá trình dài, bởi vì tại Liên Hiệp Quốc, nguyên tắc đồng thuận đòi hỏi nhiều thảo luận, trước khi một văn bản được thông qua.

Sau đây là một số điểm căn bản : Kể từ năm 2020, các quốc gia sẽ phải, cứ hai năm một lần, báo cáo về chương trình cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Nội dung được gửi đến Ban thư ký của Ủy ban Khí hậu Liên Hiệp Quốc, để phân tích và thẩm định.

Ngược lại với Nghị định thư Kyoto, mà Thỏa thuận Paris kế tục, các quốc gia ít phát triển hơn và các đảo quốc nhỏ, cho dù phải tuân thủ cùng các quy định, nhưng có thể yêu cầu một thời hạn bổ sung để nâng cao năng lực và huy động các nguồn lực tài chính cho mục tiêu này.

Cứ 5 năm một lần, căn cứ trên các báo cáo khác nhau này, mà các quốc gia có thể điều chỉnh lại các mục tiêu của mình và nâng cao hơn.

Liên quan đến các thiệt hại do biến đổi khí hậu, các quốc gia công nghiệp hóa không bảo đảm trách nhiệm pháp lý của mình, đã vừa chấp nhận ghi điều này vào phần chú thích. Quyết định này không làm các nước dễ tổn thương nhất vì khí hậu hài lòng. Tuy nhiên, Thỏa thuận Paris ưu tiên mục tiêu dài hạn. Các quốc gia có thể tiếp tục thảo luận về chủ đề này trong các lần họp tới ».

Hội nghị COP 24 diễn ra trong không khí địa chính trị căng thẳng, bất lợi cho vấn đề khí hậu, đặc biệt với sự trỗi dậy của thế đối đầu truyền thống giữa các nước giàu và các nước nghèo. Cho đến trưa nay, một số bất đồng lớn vẫn chưa được giải quyết, trong có vấn đề các cơ chế mua bán quota khí thải.

Brazil đứng đầu nhóm nước ngăn chặn một thỏa thuận trong vấn đề này. Bất đồng về vấn đề cơ chế mua bán quota khí thải có thể sẽ được dời lại để thảo luận vào hội nghị COP 25 năm tới, sẽ diễn ra tại Chili. Brazil là quốc gia đăng cai hội nghị này, nhưng đã hủy kế hoạch hồi cuối tháng trước.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181215-cop-24-dem-trang-thuong-luong-de-cuu-thoa-thuan-khi-hau-paris

 

Anh và EU đang tới rất gần kịch bản

 “Brexit không có thỏa thuận”?

Quyết định trì hoãn cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện Anh ngày 10/12 một lần nữa cho thấy, sự chia tay êm thấm giữa Anh và EU không hề dễ dàng như mong đợi.

Bà Theresa May nói phiên bỏ phiếu quan trọng về thỏa thuận Brexit của bà sẽ hoãn lại bởi nó sẽ “bị bác với tỷ lệ lớn”.

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 11/12 bắt đầu tham vấn các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) để có thể nhận được thêm những đảm bảo đối với thỏa thuận Brexit theo yêu cầu của các nghị sĩ nước này. Có thể nói, quyết định trì hoãn cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện Anh ngày hôm qua đã một lần nữa cho thấy, một sự chia tay êm thấm giữa Anh và Liên minh châu Âu vẫn không hề dễ dàng như mong đợi của hai bên, bất chấp thỏa thuận lịch sử đạt được hôm 25/11.

Đối mặt với thực tế rằng thỏa thuận Brexit không thể chắc chắn vượt qua ải Nghị viện, Thủ tướng Anh Theresa May ngày 10/12 quyết định hoãn vô thời hạn cuộc bỏ phiếu dự kiến trong ngày hôm nay để bắt đầu một vòng thảo luận mới với những người đồng cấp châu Âu.

Ngay từ sáng 11/12, bà Theresa May đã bắt đầu các cuộc tham vấn với các nhà lãnh đạo châu Âu, mà đầu tiên là với Người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte tại La Hay, Hà Lan và sau đó là với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại thủ đô Berlin. Theo một người phát ngôn Chính phủ Anh, bà Theresa May mong muốn có thể “chia sẻ” với đối tác châu Âu về những lo ngại của các nghị sĩ Anh.

Có thể nói, vị nữ lãnh đạo nước Anh đang đứng trước thử thách vô cùng khó khăn khi phải đối mặt với một bên là sự quyết liệt của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, vốn nhiều lần từ chối mở lại các cuộc đàm phán, với một bên là sự phản đối ngày càng tăng tại Nghị viện Anh. Cả phe đối lập và đa số hiện nay đều kêu gọi đàm phán lại thỏa thuận Brexit, đặc biệt liên quan tới giải pháp “chốt chặn an ninh” (backstop), tức là thông qua một sự ưu tiên đặc biệt cho Bắc Ireland nhằm tránh phải quay lại một đường biên giới cứng với Cộng hòa Ireland, một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu.

Ông Jim Shannon, thành viên đảng Hợp nhất Dân chủ Bắc Ireland chia sẻ: “Trong một tuyên bố trước đây, Thủ tướng từng nói rằng, Bắc Ireland sẽ không phải là một sự hi sinh và rằng đàm phán phải có sự thỏa hiệp, song Bắc Ireland là điều tuyệt đối không thể. Nhưng thật đáng tiếc, những bước đi của Thủ tướng không đủ để trấn an các lo ngại và sự ngờ vực đang ngày một lớn”.

Tại Brussels, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã thông báo dành hẳn một ngày trong 2 ngày họp của Hội đồng châu Âu, tức ngày 13/12 tới để thảo luận về Brexit nhằm trả lời những lo ngại của nước Anh. Theo ông Donald Tusk, Liên minh châu Âu sẵn sàng thảo luận cách thức nhằm thúc đẩy Nghị viện Anh thông qua thỏa thuận. Song tái đàm phán lại văn kiện sẽ là điều không thể, bao gồm cả giải pháp “chốt chặn an ninh”.

Giáo sư chính trị châu Âu Anand Menom của Anh cho rằng, các nhà lãnh đạo châu Âu tới nay vẫn tin rằng, Thủ tướng Theresa May sẽ tìm cách đạt được sự nhượng bộ trong tuyên bố chính trị hơn là đối với thỏa thuận hiện nay. Được Anh và Liên minh châu Âu thông qua đồng thời với thỏa thuận Brexit, tuyên bố chính trị, dù không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, song phác thảo những đường nét của mối quan hệ tương lai giữa Anh và Liên minh châu Âu “hậu chia tay”.

Theo Giáo sư Menom, niềm tin của các nước châu Âu là hoàn toàn có cơ sở. Bởi Thủ tướng Theresa May chắc chắn sẽ không chỉ hài lòng với việc nhận được những nhượng bộ, mà phải làm thế nào để Liên minh châu Âu phải ra thông báo rõ ràng rằng, đây là những nhượng bộ duy nhất có thể dù bà Theresa May còn tiếp tục tại vị hay không. Đây sẽ là “một thông điệp không thể rõ ràng hơn” cho những người vẫn còn gièm pha thỏa thuận tại Anh cũng như ảo tưởng về việc đàm phán một thỏa thuận khác.

Bộ trưởng Pháp về các vấn đề châu Âu Nathalie Loiseau cho biết: “Những diễn biến mới đây không thể khiến chúng ta phủ nhận thực tế rằng, thỏa thuận Brexit hoàn toàn có khả năng bị bác bỏ, cũng như thực tế về một sự chia tay không có thỏa thuận. Điều này sẽ gây tổn hại cho cả Anh và Liên minh châu Âu, Một số người đang vẽ lên các kịch bản khác và tại Anh, sự hiểu nhầm vẫn rất lớn”.

Hơn nữa, sau Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu về Brexit và giữa tuần này, Nghị viện Anh sẽ làm việc thêm trong 3 ngày trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ (20/12-7/1/2019). Khoảng thời gian ngắn ngủi này là không đủ để tiến hành một cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit. Đối với giáo sư Anand Menom, quyết định trì hoãn của Thủ tướng Anh có thể là một chiến thuật kéo dài thời gian nhằm gia tăng sức ép đối với các nghị sĩ Anh về lập trường đối với văn kiện, trước kịch bản một Brexit không có thỏa thuận.

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 10/12 cảnh báo, chừng nào các bên vẫn không thể nhất trí được một thỏa thuận, nguy cơ một sự chia tay không vui vẻ sẽ càng tăng. Bản thân Chính phủ Anh cũng đã công bố hàng chục hướng dẫn kỹ thuật giúp người dân chuẩn bị cho kịch bản này. Trong khi đó, Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 11/12 đều chia sẻ quan điểm rằng cần phải tăng cường sự chuẩn bị cho kịch bản “Brexit không có thỏa thuận”.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/25261-anh-va-eu-dang-toi-rat-gan-kich-ban-brexit-khong-co-thoa-thuan.html

 

Anh: Khoảng cách lương giữa giảng viên da trắng

 và nhóm dân thiểu số

Khi Meenakshi Sarkar tìm được công việc là trợ giảng tại trường đại học Leeds, cô thực sự cảm thấy hạnh phúc cho dù đã có cho riêng mình một sự nghiệp kinh doanh thành công tại Ấn Độ.

Nhưng trường đại học này lại đưa cô vào nhóm những người bị trả lương thấp nhất.

100 phụ nữ truyền cảm hứng của BBC năm 2018

Chi phí giáo dục ở nơi nào đắt nhất?

Trẻ em tại Anh ‘thiếu khát vọng nghề nghiệp’

Điều này khiến cô gặp khó khăn lớn về vấn đề tài chính.

Rõ ràng là các đồng nghiệp khác đang được trả nhiều hơn cho một công việc tương đương.

Cô Sarkar dần “chán nản và cảm thấy không được đánh giá đúng thực lực”.

“Tôi cảm thấy như ai đó đang dốc hết sức chạy 100m còn tôi thì như đang chạy ‘vượt chướng ngại vật’ bên cạnh họ vậy,” cô nói.

“Đó không phải là một cuộc đua công bằng.”

Trường hợp của cô Sarkar không phải là hiếm thấy, theo số liệu từ BBC News.

BBC đã gửi những lời đề nghị khảo sát tới tất cả 24 trường đại học trong nhóm Russell Group (nhóm những trường hàng đầu tại Anh) và đã có 22 đơn vị phản hồi.

Tại những trường đại học này, số liệu chỉ ra mức lương trung bình như sau:

52.000 bảng cho những giảng viên da trắng.

38.000 bảng cho những giảng viên da màu.

37.000 bảng cho những giảng viên có nguồn gốc Ả Rập.

Điều này đồng nghĩa những giảng viên da màu hoặc có nguồn gốc Ả Rập tại những trường đại học hàng đầu Anh quốc có mức lương thấp hơn tới 26% so với những đồng nghiệp da trắng.

Nhóm Russell nói họ không thể đưa ra bất cứ bình luận nào về quy trình quyển dụng của các trường đại học trong nhóp này.

Nhưng đại học Leeds cho biết họ rất coi trọng vấn đề này.

“Đây là lý do tại sao chúng tôi cam kết đảm bảo những nhân viên có nguồn gốc da màu và có nguồn gốc dân tộc thiểu sổ được tuyển dụng ở tất cả các cấp độ và chúng ta cũng đang cố gắng để làm giảm đi khoảng cách về mặt lương bổng.”

Anh: Tiết lộ mua bán bằng giả gây sốc

‘Tôi không muốn là nữ giáo sư lịch sử da đen duy nhất của Anh’

Anh Quốc: Phụ huynh “bị đề nghị đóng góp quỹ trường”

Dữ liệu chỉ ra các giảng viên có nguồn gốc dân tộc thiểu số ít có khả năng được đề bạt thăng chức hay được trả lương cao hơn so với nhóm có nguồn gốc da trắng.

Bên cạnh đó, dữ liệu cũng cho thấy khoảng cách về mức lương được thể hiện rõ rệt qua phụ nữ có nguồn gốc dân tộc thiểu số trong nhóm các trường đại học Russell nơi mà các đồng nghiệp nam da trắng nhận được mức lương trung bình 55.000 bảng.

Trung bình, so với những đồng nghiệp nam da trắng:

Phụ nữ da trắng thu nhập ít hơn 15%

Phụ nữ châu Á thu nhập ít hơn 22%

Phụ nữ da màu thu nhập ít hơn 39%

Giáo sư Akwugo Emejulu của trường đại học Warwick, là một trong 26 nữ giáo sư da màu tại Anh quốc.

Bà Emujulu nói bà giành được học hàm giáo sư mặc cho việc đã phải trải qua “phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính” trong suốt sự nghiệp.

“Một trong những lý do giải thích cho sự chênh lệch về lương bổng đó là phụ nữ da màu thường có xu hướng giảng dạy theo hợp đồng ngắn hạn. Điều này khiến họ thường chỉ nhận được một mức lương thấp và ít có cơ hội chuyển sang các vị trí cố định,” bà nói với BBC.

Số liệu của BBC chỉ ra tại Warwick, giảng viên có nguồn gốc dân tộc thiểu số được trả trung bình ít hơn 25% so với đồng nghiệp da trắng, lên tới hơn 14.500 bảng.

Giảng viên da trắng tại Warwick nhận mức lương trung bình 59.000 bảng nhưng trong đó có tới 215 giảng viên được nhìn nhận có nguồn gốc châu Á thu nhập ít hơn 27% còn 25 giảng viên da màu thu nhập ít hơn 39%.

Nhưng các trường đại học cho biết các phân tích của họ về khoảng cách lương bổng chỉ là 15.5%. Họ cũng đồng ý “có nhiều vấn đề cần cải thiện”.

“Tại trường đại học Warwick, chúng tôi đang chủ động tìm kiếm những cách tốt nhất để xác định đâu là những rào cản trong việc giảm khoảng cách về lương bổng cho nhóm giảng viên có nguồn gốc dân tộc thiểu số.”

Số liệu phân tích của BBC từ các trường đại học trong nhóm Russell chỉ ra rằng:

Có nhiều hơn 49.000 nhân viên nguồn gốc da trắng

Ba nghìn người Trung Quốc và Đông Á

Ba nghìn người Ấn Độ và Nam Á

Nhưng chỉ có hơn 600 người da màu và chỉ 250 người từ gốc Ả Rập.

https://www.bbc.com/vietnamese/business-46524049

 

Pháp: Áo Vàng biểu tình ở Paris lần thứ 5

Trọng ThànhTrọng Nghĩa

Hôm nay, thứ Bảy 15/12/2018, nhiều người thuộc phong trào phản kháng “Áo Vàng” tiếp tục đổ về Paris biểu tình, bất chấp một số nhân nhượng của tổng thống và những lời kêu gọi không biểu tình mà chính phủ liên tục đưa ra. Trên toàn quốc, 69.000 nhân viên an ninh – riêng Paris có 8.000 người – đã được huy động để sẵn sàng ngăn chặn các hành động phá phách, bạo động.

Nhìn chung, số lượng người tham gia ngày biểu tình toàn quốc lần thứ 5 của phong trào Áo Vàng sụt giảm mạnh so với những lần trước. Theo số liệu thống kê của bộ Nội Vụ được AFP đưa ra lúc bốn giờ chiều, tổng cộng có 33.500 người biểu tình trên toàn quốc, 4.000 người tại Paris, so với con số 77.000 người, trong đó 10.000 ở Paris cùng thời gian này hồi thứ Bảy tuần trước.

Cho đến cuối giờ chiều, tại Paris, không khí về cơ bản yên bình, ngược hẳn với không khí căng thẳng của hai thứ Bảy trước, không kể một số vụ va chạm lẻ tẻ, lựu đạn cay ném đi, chai lọ gạch đá ném qua ném lại, đặc biệt tại một số khu phố ven đại lộ Champs-Elysées.

Trước 9 giờ 30 phút, những người biểu tình đầu tiên tập hợp về đại lộ Champs-Elysées trong không khí ôn hòa. Trả lời AFP, anh Jérémy, 28 tuổi, một y tá đến từ Rennes, cho biết ý nghĩa của cuộc tuần hành lần này : « Lần trước, chúng tôi đã xuống đường vì vấn đề thuế, nhưng lần này là vì các định chế chính trị. Chúng tôi muốn có dân chủ trực tiếp nhiều hơn ». Một trong các yêu sách chính của người biểu tình Áo Vàng hôm nay là yêu cầu chính quyền « sửa đổi Hiến pháp » để việc trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân (gọi tắt là RIC) có thể được thực hiện dễ dàng hơn nhiều so với hiện nay, theo một thông cáo được một số « đại diện » của phong trào Áo Vàng đọc lên trong các cuộc tuần hành.

Lực lượng hiến binh cơ động đã túc trực sẵn xung quanh Khải Hoàn Môn ngay từ sáng sớm. Đại lộ Champs-Elyséses cấm xe cộ đi lại. Vành đai an ninh cũng được thiết lập xung quanh phủ tổng thống, phủ thủ tướng, Quốc Hội, bộ Nội Vụ và một số cơ sở khác. Paris đóng cửa 40 trạm xe điện ngầm. Nhiều ngân hàng cũng đóng cửa đề phòng cướp phá, nhưng các quán cà phê nhìn chung vẫn mở cửa, không kể một số địa điểm nhạy cảm.

Một dấu hiệu khác cho thấy không khí có phần bớt căng thẳng hơn : Tháp Eiffel và nhiều viện bảo tàng, đóng cửa hồi tuần trước, đã mở cửa hôm nay, cũng như nhiều cửa hàng lớn, vào thời điểm chỉ còn 10 ngày nữa là Noel. Hai cửa hàng túi sách hạng sang nổi tiếng – Louis Vuitton và Longchamp – nằm trong số ít ỏi các cửa hiệu mở cửa trên đại lộ Champs-Elysées.

Tại thủ đô nước Pháp, tổng cộng 8.000 nhân viên an ninh được triển khai, cùng 14 xe bọc thép của hiến binh. Tại vùng thủ đô Ile-de-France, 85 người bị cảnh sát câu lưu và 46 người bị tạm giam, vì mang theo các phương tiện nguy hiểm như búa, bi sắt, quả tạ, xà beng… Số lượng người bị tạm giữ ít hơn hẳn so với con số 554 người bị câu lưu và 335 bị tạm giam vào cùng thời điểm này hồi thứ Bảy tuần trước.

Đây là thứ Bảy lần thứ năm liên tiếp những người Áo Vàng tổ chức các cuộc biểu tình trên cả nước. Hồi V của phong trào phản kháng khiến chính quyền đặc biệt lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh vừa diễn ra vụ khủng bố tại Strasbourg hôm thứ Ba 11/12.

Phát biểu tối hôm qua, quốc vụ khanh bên cạnh bộ Nội Vụ Laurent Nuñez cho biết chính quyền chờ đợi một ngày biểu tình có thể sẽ có ít người tham gia hơn, « nhưng với một số cá nhân kiên quyết hơn ». Cùng với Paris, an ninh được tăng cường đặc biệt tại một số thành phố như Bordeaux và Toulouse, nơi đã xảy ra nhiều bạo lực hồi tuần trước.

Tổng thống Pháp kêu gọi tái lập “sinh hoạt bình thường

Về phần tổng thống Pháp Emmanuel Macron, phát biểu vào hôm qua tại Bruxelles, bên lề hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu, ông đã gián tiếp gởi một thông điệp đến những người Áo Vàng, khi cho rằng « Đất nước chúng ta cần ổn định, cần trật tự và cần trở lại các hoạt động bình thường ».

Trên đường trở về Paris, tổng thống Macron đã ghé thành phố Strasbourg, miền đông nước Pháp để ủy lạo người dân của thành phố vừa phải chịu một cuộc tấn công khủng bố hôm 13/12, ngay giữa khu chợ Giáng Sinh, đã khiến 4 người chết, và cả chục người bị thương, trong đó có một số rất nặng.

Vào đầu buổi tối, tại quảng trường Kleber, ngay khu phố cổ trung tâm của Strasbourg, lãnh đạo Pháp đã nghiêng mình tưởng nhớ các nạn nhân vụ khủng bố, trân trọng đặt một bông hồng trắng trước đài tưởng niệm tạm thời được dựng lên.

Cử chỉ của tổng thống Pháp đã được đám đông hết sức tán thưởng, trái hẳn với những phản ứng gay gắt mà ông phải chịu trong những ngày trước đây. Mặc dù ông Macron đã công bố nhiều biện pháp nhượng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của người Áo Vàng biểu tình, nhưng phong trào vẫn tiếp tục, và một trong những yêu cầu của người xuống đường là đòi tổng thống từ chức.

http://vi.rfi.fr/phap/20181215-phap-ao-vang-bieu-tinh-o-paris-va-nhieu-noi-khac-lan-thu-5-lien-tiep

 

Pháp: Phong Trào ‘Áo Vàng’ Biểu Tình

Đòi Macron Ra Đi

PARIS  –   Phong trào chống chính quyền Macron được gọi bằng tên “áo vàng” định tổ chức biểu tình quy mô ngày Thứ Bảy tuần này với khẩu hiệu đòi TT Macron từ chức.

Trên 100,000 người đã phóng thông điệp hưởng ứng lên mạng.

Biểu tình lớn chọn địa điểm tập trung là đại lộ Champs Élysée giữa trung tâm thủ đô.

Ban tổ chức gồm 15 nhóm đã soạn các yêu sách đưa lên Facebook và báo trước “hành động cho tới khi mọi yêu sách được giải quyết”.

Bản tuyên bố của ban tổ chức nhấn mạnh: mục tiêu tranh đấu là công bằng xã hội, thuế hợp lý, dân chủ thật, bình đẳng, và chuyển tiếp hợp sinh thái… theo trích dẫn của báo Le Parisien.

Cảnh sát trưởng thủ đô cho biết: đã sẵn sàng với mọi tình huống.

https://vietbao.com/p122a288671/phap-phong-trao-ao-vang-bieu-tinh-doi-macron-ra-di

 

Bán Su-35 cho TQ, Nga giáng đòn vào Mỹ?

Nga đã hoàn tất chuyển giao lô 5 chiếc chiến đấu cơ đa năng Sukhoi Su-35 cuối cùng cho Trung Quốc hồi tháng trước trong bối cảnh Washington hồi tháng 9 vừa tung ra các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh vì mua các vũ khí hạng nặng của Nga, trong đó có cả Su-35.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) mới đây đã cho công bố loạt hình ảnh Lực lượng không quân Trung Quốc tiến hành thử nghiệm những chiếc chiến đấu cơ Su-35 mới, trong đó có những màn Su-35 cất cánh, bay theo đội hình, thực hiện các động tác nguy hiểm và tấn công vào các mục tiêu giả định.

Phát biểu trên đài truyền hình CCTV, một phi công của Lực lượng Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLAAF) đã khen ngợi “khả năng hoạt động linh hoạt cực cao” của những chiếc Su-35, cho rằng đặc điểm đó có được là nhờ vào bộ động cơ véc tơ lực đẩy kép của máy bay.

Những chiếc Su-35 của Trung Quốc đóng tại Lữ đoàn Không quân Số 6 ở Suji, tỉnh  Guangdong, phía đông nam Trung Quốc.

Trung Quốc hồi tháng 11 năm 2015 đã ký hợp đồng mua 24 chiếc chiến đấu cơ Sukhoi-35 của Nga. Theo hợp đồng trị giá 2,5 tỉ USD, Nga còn cung cấp cho Trung Quốc các thiết bị mặt đất và các động cơ thay thế. Hợp đồng được thực hiện trong vòng 3 năm.

Trung Quốc đã trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên có trong tay những chiếc chiến đấu cơ thế hệ 4++ của Nga.

Su-35 là một phiên bản hiện đại hóa rất sâu của loại chiến đấu cơ Su-27M – máy bay chiến đấu chủ lực hiện nay của Không quân Nga. Máy bay chiến đấu ưu việt Su-35 hoạt động bằng hai động cơ phản lực 117S có véc-tơ điều khiển cung cấp lực đẩy. Su-35 sở hữu khả năng tấn công hiệu quả vượt trội hơn so với rất nhiều loại chiến đấu cơ tối tân khác cùng loại của phương Tây khi có thể tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu trên không bằng việc sử dụng cả các tên lửa và hệ thống vũ khí có điều khiển và không điều khiển. Cụ thể, máy bay tiêm kích Su-35 thế hệ 4++ có thể cùng một lúc theo dõi 30 mục tiêu, phát hiện mục tiêu ở cách xa 400km và tấn công đồng thời 8 mục tiêu trên không, hoặc cùng một lúc theo dõi 4 mục tiêu và tấn công 2 mục tiêu trên mặt đất.

Máy bay chiến đấu Su-35 được trang bị một khẩu pháo 30mm với 150 viên đạn, và có thể mang tới 8 tấn vũ khí trên 12 giá treo bên ngoài. Loại máy bay chiến đấu tối tân này có thể bay 6.000 giờ với thời gian sử dụng khoảng 30 năm.

Việc Nga bán Su-35 có thể được coi là “phần thưởng” mà Moscow dành cho Trung Quốc vì sự ủng hộ của nước này dành cho Nga trong suốt thời gian khó khăn vừa qua.

Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine đang chứng kiến một cuộc đối đầu Đông -Tây căng thẳng và quyết liệt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mỹ đang dẫn đầu một liên minh phương Tây trong một chiến dịch chống Nga mạnh mẽ. Trong bối cảnh này, Nga đã tìm đến kết thân với Trung Quốc và được Trung Quốc hưởng ứng nhiệt thành.

Mối quan hệ Nga-Trung đã bước sang một giai đoạn bước ngoặt. Giới chức Nga, Trung liên tục miêu tả mối quan hệ giữa hai nước họ chưa bao giờ tốt đẹp như thời điểm này khi hai bên thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao và ký được hàng loạt thỏa thuận hợp tác lớn.

Moscow đã dùng mối quan hệ với Trung Quốc để làm đối trọng với phương Tây, để chống lại sự o ép của phương Tây và để giảm thiểu ảnh hưởng từ những đòn trừng phạt kinh tế nặng nề mà phương Tây đang áp đặt lên Nga. Trong chiến lược này, Moscow đã phải tìm cách ve vãn, lôi kéo Trung Quốc. Su-35 có thể là một “lá bài” để Moscow đổi lấy sự ủng hộ của Bắc Kinh.

Nga từng rất sợ bán những vũ khí tối tân của mình cho Trung Quốc bởi siêu cường vũ khí bị ám ảnh bởi những “quả đắng” mà họ phải hứng từ các hợp đồng bán vũ khí cho Bắc Kinh. Moscow từng cáo buộc Trung Quốc ăn cắp công nghệ từ chiến đấu cơ Su-27 của Nga để chế tạo J-11B của họ. Vì thế, Moscow không tránh khỏi có những hoài nghi về việc Trung Quốc tiếp tục làm điều tương tự với Su-35 của họ.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/25263-ban-su-35-cho-tq-nga-giang-don-vao-my.html

 

Dàn máy bay Nga bị bám đuổi quyết liệt,

Moscow đang bị thách thức cao độ?

Hai chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-160 cùng một chiếc máy bay vận tải An-124 và máy bay Il-62 của Nga đã thực hiện một chuyến bay dài 10.000km từ Nga đến Venezuela. Dàn máy bay này của Nga đã bị các chiến đấu cơ F-16 của Na-uy bám đuổi trên đường đi, Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Chuyến bay của nhóm máy bay quân sự của Nga được thực hiện ở Đại Tây Dương, Biển Barents, Biển Na-uy và Biển Caribbean. “Trong một số đoạn hành trình, những chiếc máy bay ném bom Tu-160 của Nga đã bị bám đuổi bởi những chiếc chiến đấu cơ F-16 của Không quân Na-uy”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Moscow đã chỉ ra rằng, chuyến bay ấn tượng mà lực lượng máy bay chiến đấu của họ vừa thực hiện đã “tuân thủ chặt chẽ các quy định quốc tế về việc sử dụng không phận.”

Những chiếc máy bay của Nga đã hạ cánh ở Sân bay Quốc tế Simon Bolivar bên ngoài thủ đô Caracas của Venezuela ngày hôm qua (19/12). Đội bay của Nga dự kiến sẽ thực hiện các chuyến bay chung với Lực lượng không quân Venezuela.

“Không ai trên thế giới” nên lo sợ về sự hiện diện của các máy bay ném bom của Nga ở Venezuela bởi Caracas và Moscow “là những lực lượng xây dựng hòa bình, chứ không phải chiến tranh”, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela – ông Vladimir Padrino Lopez cho tờ báo địa phương El Universal biết.

Theo lời ông Lopez, một phái đoàn của Nga cũng sẽ đến Venezuela để giúp tối ưu hóa việc sử dụng các phương tiện quân sự của Nga trong quân đội Venezuela.

Các máy bay Nga đã đến Venezuela chưa đầy một tuần sau khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đến thăm Moscow và có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Đây không phải là lần đầu tiên những chiếc máy bay ném bom Tu-160 của Nga (còn được NATO gọi với cái tên Blackjack) được nhìn thấy ở Venezuela bởi máy bay ném bom chiến lược của Nga từng đến Venezuela vào hai năm 2008 và 2013.

Tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết, những chuyến bay như vậy sẽ tiếp tục và các tàu Hải quân Nga sẽ đến thăm các cảng của Venezuela.

Máy bay của Nga và máy bay của các nước thành viên NATO trong những năm gần đây thường xuyên có những cuộc chạm trán nguy hiểm, khiến mối quan hệ vốn đã “cơm không lành, canh không ngọt” giữa hai bên càng thêm căng thẳng.

Những vụ đối đầu trên không kiểu như trên diễn ra thường xuyên kể từ khi mối quan hệ giữa Nga và NATO rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow.

Cuộc chạm trán mới nhất ngày hôm qua khiến tình hình thêm lo ngại khi mà cả Nga và NATO đang phô trương sức mạnh nhằm răn đe lẫn nhau.

Máy bay Tu-160 Blackjack (Tupolev Tu-160) là máy bay lớn nhất và mạnh nhất trong lịch sử máy bay quân sự siêu thanh cũng là chiến đấu cơ nặng nhất thế giới với trọng lượng cất cánh tối đa lớn nhất trong số các máy bay ném bom hiện có. Tu-160 còn là máy bay ném bom có tốc độ cao nhất. Không quân Nga gọi Tu-160 là Thiên nga trắng.

Máy bay Tu-160 được giới quân sự phương Tây mệnh danh là “chiếc dùi cui”. Đây là mẫu chiến đấu cơ siêu âm đa năng, được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Bề ngoài, máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Blackjack có dáng gần giống với máy bay ném bom B-1B Lancer của Không quân Mỹ. Tuy nhiên, khả năng bay của Tu-160 Blackjack khác với B-1B Lancer. Tu-160 có thể bay tác chiến, thâm nhập ở tầm thấp và tầm cao với tốc độ 1,9 Mach (tương đương 2018 km/giờ).

Sức mạnh của TU-160 được thể hiện trong 2 khoang chứa vũ khí khổng lồ có thể mang các loại tên lửa hành trình chiến lược, tên lửa có hướng dẫn tầm ngắn, bom hạt nhân, bom thông thường, địa lôi và thuỷ lôi, với tổng trọng lượng tối đa 40 tấn. Máy bay ném bom hạng nặng này có khả năng thực hiện các chiến dịch tầm xa vì nó có thể tiếp nhận dầu trên không bằng loại máy bay chuyên dụng do Nga chế tạo IL-78 hay ZMS-2.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/25262-dan-may-bay-nga-bi-bam-duoi-quyet-liet-moscow-dang-bi-thach-thuc-cao-do.html

 

Nga: Mỹ cáo buộc Butina làm gián điệp là vô căn cứ

Điện Kremlin hôm 14/12 nói các cáo buộc nhắm vào một phụ nữ Nga, người đã nhận tội ở tòa án Mỹ là làm gián điệp cho Nga, là ‘không có cơ sở’.

Cô Maria Butina hôm 13/12 đã nhận tội ở Washington là cô đã làm việc như là điệp viên của Điện Kremlin để âm mưu xây dựng mối liên hệ với Hiệp hội Súng trường Quốc gia – tổ chức vận động cho quyền sở hữu súng đạn – và thâm nhập vào nội bộ Đảng Cộng hòa để lấy thông tin về cho Moscow.

Phát ngôn nhân Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 14/12 nói rằng chính phủ Nga xem ‘các cáo buộc nhắm vào cô là hoàn toàn không có căn cứ’.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói lời nhận tội của Butina chỉ đơn giản là một phần của gói mặc cả lời khai và rằng cô chỉ thỏa thuận nhận tội để được tự do. Ông cho rằng cô này đã bị tra tấn một kiểu nào đó bởi các quan chức thực thi pháp luật của Mỹ.

Butina hồi tháng Bảy bị buộc tội làm việc bất hợp pháp như là một điệp viên Nga không đăng ký và có âm mưu. Ban đầu cô nói là mình không có tội. Nhưng đến hôm 13/12, cô thừa nhận với thẩm phán liên bang Mỹ Tanya Chutkan rằng cô làm việc cho chính phủ Nga.

Cô Butina đối mặt với án tù năm năm và vẫn bị giam trong nhà lao trong khi chờ đợi tuyên án vào ngày 12/12. Cô có thể bị trục xuất về Nga sau khi thọ án tù ở Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/nga-m%E1%BB%B9-c%C3%A1o-bu%E1%BB%99c-butina-l%C3%A0m-gi%C3%A1n-%C4%91i%E1%BB%87p-l%C3%A0-v%C3%B4-c%C4%83n-c%E1%BB%A9-/4701546.html

 

Chính Thống Giáo Ukraina

họp đại hội thành lập giáo hội độc lập

Trọng Nghĩa

Vào hôm nay, 15/12/2018, đại diện các hệ phái Chính Thống Giáo ở Ukraina họp đại hội thống nhất để lập ra một giáo hội độc lập với Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga, chính thức thoát khỏi 332 năm nằm dưới sự lãnh đạo tinh thần của Giáo Hội Chính Thống Giáo của nước Nga láng giềng hùng mạnh.

Theo chương trình cuôc họp, chức sắc của các hệ phái Chính Thống Giáo tại Ukraina sẽ thống nhất về điều lệ của Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraina độc lập và bầu ra ban lãnh đạo.

Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko tin tưởng rằng kết quả đại hội hôm nay là một cơ may ngàn năm có một.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, hàng ngàn người Ukraina đã tập hợp về Kiev, thủ đô Ukraina, nơi diễn ra đại hội, để biểu thị thái độ ủng hộ việc thành lập một giáo hội Ukraina độc lập với giáo hội Nga.

Hiện có hơn 70% người Ukraina – gần 32 triệu người – xác định rằng họ có đạo, và đa số áp đảo là theo Chính Thống Giáo. Vấn đề là tại Ukraina, có đến 3 hệ phái Chính Thống Giáo khác nhau chính, trong đó có một hệ phái nằm dưới sự kiểm soát của thượng phụ lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga.

Tuy nhiên, từ khi xẩy ra vụ phe thân Nga chiếm miền Đông Ukraine và việc Nga sáp nhập Crimée vào năm 2014, chính phủ Ukraina đã nỗ lực giảm bớt vai trò của Mátxcơva, kể cả trong lãnh vực tôn giáo.

Cuộc họp diễn ra vào thời điểm căng thẳng quân sự leo thang giữa hai nước sau khi Nga bắt giữ ba tàu Hải Quân của Ukraina ở Biển Đen

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181215-chinh-thong-giao-ukraina-hop-dai-hoi-thanh-lap-giao-hoi-doc-lap

 

Con đường đi lên và ngã ngựa

của ‘tỷ phú Vành đai và Con đường’

Diệp Giản Minh, người gắn mác các khoản đầu tư nước ngoài là dự án Vành đai và Con đường, liên quan đến một tổ chức bị cáo buộc hối lộ hàng triệu USD.

Vào giữa những năm 1990, Diệp Giản Minh, sinh năm 1977, có công việc đơn giản trong một khu rừng. 20 năm sau, ông ta đứng trên một đế chế kinh doanh trị giá 44 tỷ USD. Nhưng giờ đây, đế chế đó đã sụp đổ và Diệp đang bị điều tra, theo CNN.

Chưa rõ những chuyện này xảy ra như thế nào. Nhưng có một điều rõ ràng: vào thời kỳ hoàng kim, công ty của Diệp, CEFC China Energy (Công ty Năng lượng Hoa tín), từng tỏ ra có liên quan chặt chẽ đến chính phủ Trung Quốc.

Tài phiệt này dường như là đặc phái viên năng lượng không chính thức của Trung Quốc. Ông đã gặp gỡ các lãnh đạo trên toàn cầu và thậm chí trở thành cố vấn cho một chính phủ châu Âu. Năm 2016, ông đứng thứ hai trong danh sách 40 người dưới 40 tuổi nổi bật của tạp chí Fortune.

Nhưng vào tháng 11 năm ngoái, sự trỗi dậy tưởng chừng không thể bị ngăn cản của Diệp đi đến hồi kết. Công tố viên Mỹ cáo buộc tổ chức phi chính phủ mà ông ta tài trợ đã sử dụng tư cách thuộc Liên Hợp Quốc (LHQ) của mình để hối lộ hàng triệu USD cho các lãnh đạo châu Phi, nhưng Diệp không bị buộc tội.

Khi vụ án diễn ra tại tòa ở Manhattan, thế giới được cung cấp cái nhìn hiếm hoi về mối quan hệ phức tạp giữa doanh nghiệp tư nhân và nhà nước Trung Quốc và một câu chuyện về điều xảy ra khi một công ty Trung Quốc thất bại ở nước ngoài.

Diệp bắt đầu được quốc tế chú ý vào mùa hè năm 2015, sau những thương vụ mua lại khác thường ở Cộng hòa Czech.

Là chủ tịch của CEFC China Energy, Diệp đã mua câu lạc bóng đá lâu đời nhất của Cộng hòa Czech Slavia Praha; một nhà máy bia; cổ phần của tập đoàn hàng không Travel Service; một nhà xuất bản; cổ phần của ngân hàng đầu tư J&T Finance Group và một tòa nhà ở thủ đô Prague dự định được sử dụng làm trụ sở tại châu Âu của công ty.

Tại Cộng hòa Czech, nhiều người đặt câu hỏi về những thương vụ này: Tại sao một công ty năng lượng lại muốn sở hữu một nhà máy bia? Tại sao một công ty Trung Quốc đột nhiên được chào đón ở đất nước từng không mặn mà với quốc gia này?

Từ khi được thành lập vào năm 1993 cho đến năm 2003, Cộng hòa Czech được lãnh đạo bởi Vaclav Havel, người lạnh nhạt với Trung Quốc. Ông thường xuyên gặp gỡ Dalai Lama, được coi là thủ lĩnh của người Tây Tạng, sống lưu vong ở Ấn Độ từ năm 1959. Trung Quốc coi Dalai Lama là một người ly khai và từ lâu phản đối các cuộc gặp của ông với lãnh đạo quốc tế.

Tuy nhiên, mối quan hệ này thay đổi sau khi Milos Zeman đắc cử vào năm 2013. Zeman có quan điểm thân thiện với Trung Quốc và muốn thúc đẩy thương mại giữa Bắc Kinh và Prague. Năm sau, một công ty Czech trở thành công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên cung cấp các khoản vay trên toàn Trung Quốc.

Diệp Giản Minh nhận ra cơ hội.

Ông lặng lẽ trở thành cố vấn kinh tế đặc biệt cho Zeman và điều này chỉ được công bố 6 tháng sau. Miroslav Kalousek, nghị sĩ Czech đối lập, coi vai trò của Diệp trong chính phủ nước mình là “tai tiếng và mang rủi ro an ninh”.

Martin Hala, học giả nghiên cứu Trung Quốc hàng đầu của Czech, nói rằng việc bổ nhiệm này không có ý nghĩa thương mại. Tuy nhiên, động thái gửi một thông điệp rõ ràng từ Bắc Kinh đến cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc hiện có một người bạn vững chắc ở châu Âu.

Điều đó rất quan trọng. Sáng kiến Vành đai và Con đường do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng nhằm xuất khẩu hàng hóa và gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu. Dấu chân ở Cộng hòa Czech cho Trung Quốc một cửa ngõ vào châu Âu và một đồng minh chính trị có giá trị trong Liên minh châu Âu (EU) – đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh.

Stephen Platt, sử gia Mỹ và là giáo sư lịch sử Trung Quốc tại Đại học Massachusetts Amherst, cho biết có nhiều doanh nhân tư nhân thúc đẩy ảnh hưởng của đất nước tại nước ngoài.

“Các doanh nghiệp này giúp lấy đi phần rủi ro và gánh nặng tài chính cho chính phủ Trung Quốc”, ông nói. “Nếu các công ty phá sản,  đó là vấn đề của họ. Còn nếu thành công thì chính phủ có thể tận dụng để thúc đẩy cái nhìn thiện cảm về Trung Quốc và gia tăng ảnh hưởng”.

Khi Zeman gặp Tập Cận Bình ở Bắc Kinh năm 2015, Diệp chụp ảnh với cả hai lãnh đạo. Sự gần gũi của ông với trung tâm quyền lực Trung Quốc chưa bao giờ rõ ràng như vậy.

Các thương vụ ở Czech khiến sự chú ý đổ dồn vào Diệp.

Laban Yu, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư Jefferies Group, kể: “Các nhà báo liên tục gọi cho tôi hỏi: ‘Anh biết gì về vụ này không?”. Yu chỉ biết nhún vai.

Đến năm 2018, CEFC China Energy đã có danh mục đầu tư bất động sản toàn cầu trị giá 3,2 tỷ USD, bao gồm văn phòng ở trung tâm và một căn hộ tại tháp Thế giới Trump ở Manhattan. Công ty đã tuyển dụng gần 50.000 người, được xếp hạng 222 trong danh sách 500 doanh nghiệp theo bình chọn của tạp chí Fortune năm 2017 và năm 2015 đạt doanh thu 40 tỷ USD.

Năm 2016, Diệp từng trả lời phỏng vấn của Fortune và đây là cuộc phỏng vấn duy nhất của ông với truyền thông phương Tây. Đó là cơ hội để Diệp giải đáp các đồn đại về quan hệ với chính phủ.

Trong nhiều năm, đã có những tin đồn lan truyền ở Trung Quốc rằng Diệp là “vương tử” trong giới quân đội. “Vương tử” là cách gọi những lãnh đạo hay người có vai vế là con của các cựu quan

chức đảng cấp cao và có ảnh hưởng. Bản thân ông Tập cũng được coi là một “vương tử” vì bố ông từng là phó thủ tướng.

Tin đồn nói rằng ông của Diệp Giản Minh là cựu bộ trưởng quốc phòng Diệp Kiếm Anh. Tiểu sử của Diệp Giản Minh liệt kê rằng năm 2003 – 2005, ông là phó tổng thư ký Hiệp hội Liên lạc Hữu nghị Quốc tế Trung Quốc (CAIFC) – được cho là cánh tay chính trị của quân đội Trung Quốc, theo một báo cáo của Viện Dự án 2049, tổ chức nghiên cứu các vấn đề an ninh châu Á có trụ sở tại Mỹ. Những điểm tương đồng về phong cách giữa logo của CEFC China Energy và CAIFC càng làm tăng thêm đồn đoán rằng Diệp có quan hệ với quân đội Trung Quốc.

Logo của CEFC China Energy và CAIFC.

Andrew Chubb, nghiên cứu sinh bậc sau tiến sĩ tại chương trình Trung Quốc và Thế giới Columbia-Harvard, đánh giá Diệp muốn mọi người tin rằng CEFC China Energy có liên quan mật thiết đến các cấp cao nhất của chính phủ.

Nhưng khi được hỏi về vấn đề này, Diệp nói với Fortune rằng ông ta không có mối quan hệ với giới quân sự. Trong một email, CAIFC bác bỏ Diệp từng có mặt trong hàng ngũ lãnh đạo của tổ chức này và CAIFC cũng nói rằng họ không có quan hệ với quân đội.

Nhưng từ những ngôi sao màu vàng trong logo cho đến việc tên công ty có chữ Trung Quốc – đặc quyền thường dành cho các doanh nghiệp nhà nước, CEFC China Energy Energy rõ ràng muốn thể hiện họ có quan hệ với chính quyền. Vậy tại sao Diệp lại bác bỏ mối quan hệ này?

Có thể là vì mối quan hệ của Diệp không có sức nặng như nhiều người nghĩ.

Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Quyền lực Trung Quốc tại Washington, cho biết bà đã được giới thiệu với Diệp vào năm 2010 tại Thượng Hải, thông qua một đô đốc Trung Quốc, người đề xuất CEFC China Energy thành lập tổ chức phi chính phủ (NGO) Ủy ban Quỹ năng lượng Trung Quốc tại LHQ. Đô đốc này không phải là người có quá nhiều ảnh hưởng hay giàu có. Bù lại, ông nói tiếng Anh tốt và hiểu các quy trình của phương Tây. Năm sau, NGO của Diệp được LHQ chính thức công nhận.

“Đối với tôi, đó là câu chuyện về cách những người  không thực sự quan trọng có thể làm nên chuyện”, Glaser, người cố vấn cho chính phủ Mỹ về các vấn đề Trung Quốc, nhận xét.

Trong cuộc phỏng vấn với Fortune, Diệp đã kể về con đường thăng tiến của mình: sau thời gian làm kiểm lâm, khi mới ngoài 20 tuổi, Diệp đã mua được tài sản từ một công ty dầu bị đem ra đấu giá sau khi chủ doanh nghiệp trốn khỏi Phúc Kiến. Ông nhấn mạnh rằng các doanh nhân giàu có từ Hong Kong và Phúc Kiến đã cho ông tiền để làm điều đó.

“Lý do họ để một thanh niên ngoài 20 tuổi phụ trách việc này hoàn toàn là bí ẩn”, Chubb đánh giá. Các nhà báo Trung Quốc đã tới nhà của bố mẹ Diệp khẳng định gia đình ông chỉ là những ngư dân bình thường.

Trên một con đường yên tĩnh, rợp bóng cây ở Thượng Hải, tại khu bất động sản đắt đỏ nhất thành phố là khu nhà của CEFC China Energy. Được thiết kế như một cung điện kiểu phương Tây, khu nhà bao gồm 20 biệt thự với những cột đá cẩm thạch trắng. Từng là trụ sở của công ty, tất cả biển hiệu của CEFC China Energy giờ đã bị gỡ khỏi cổng.

Diệp chuyển từ Phúc Kiến đến Thượng Hải vào năm 2009. “Ông ấy thuộc một nhóm người Phúc Kiến phất lên cùng nhau”, Chubb nói.

Những người này bắt đầu phất lên từ khi ông Tập còn làm lãnh đạo ở Phúc Kiến. Họ chuyển đến Thượng Hải trùng với thời gian ông Tập đến Thượng Hải làm lãnh đạo, tuy nhiên, không rõ có sự liên quan giữa hai việc này không.

Tại Thượng Hải, đế chế kinh doanh của Diệp phát triển mạnh. Ông trở thành trung tâm của tập hợp các công ty trị giá hàng tỷ USD có trụ sở tại Cộng hòa Czech, Singapore, Hong Kong, Bermuda và Trung Quốc đại lục. Năm 2011, NGO của công ty ông, Ủy ban Quỹ năng lượng Trung Quốc, được trao tư cách tư vấn tại LHQ. Đó là một điều rất khác thường đối với một công ty năng lượng tư nhân.

Chuyên gia Glaser cảm thấy thấy thật khó hiểu khi một công ty năng lượng Trung Quốc lại tài trợ cho một NGO tại LHQ. Nhiệm vụ chính thức của NGO là phục vụ như một “trung tâm nghiên cứu chiến lược cao cấp” về năng lượng nhưng họ dành hầu hết thời gian để tổ chức các hội nghị về sáng kiến Vành đai và Con đường. Các sự kiện này “phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc”, Glaser nói.

Tuy nhiên, họ đã thu hút được một đám đông ấn tượng. Một cựu lãnh đạo tập đoàn dầu khí, cựu nhân viên ngoại giao Mỹ và Nga, những người nghỉ hưu từ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ và CIA đều xuất hiện tại các sự kiện.

“Tôi đã nghĩ rằng, ồ, họ mời đến những người thực sự cao cấp”, Glaser nói.

Tuy nhiên, nhiều học giả tham dự diễn đàn của NGO này chưa bao giờ nghe nói về Diệp. Họ cho rằng Ủy ban Quỹ Năng lượng Trung Quốc là một cánh tay nối dài của chính phủ Trung Quốc, Hugh White, thuộc Đại học Quốc gia Australia, người đã tham gia vào một sự kiện như vậy vào năm 2015, cho biết.  “Chính tôi vẫn chưa hiểu rõ Ủy ban Quỹ Năng lượng Trung Quốc là gì”.

Tại LHQ, các nhân viên NGO của Diệp đã gặp một số người quan trọng nhất trên thế giới. 4 năm sau khi NGO này có mặt tại New York, doanh thu của CEFC China Energy tăng 25% mỗi năm, theo trang web của công ty.

Khi CEFC China Energy phát triển mạnh, Diệp đã đi khắp thế giới trên chiếc máy bay Airbus riêng của mình, gặp gỡ nhiều lãnh đạo như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger hay cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan.

Đi đôi với kết nối chính trị tốt hơn là những thỏa thuận quốc tế lớn hơn. Năm 2016, CEFC China Energy thiết lập các thỏa thuận thương mại ở Georgia và đạt được thỏa thuận trị giá 680 triệu USD với công ty dầu khí nhà nước Kazakhstan. Năm sau, họ đầu tư 900 triệu USD vào mỏ dầu khổng lồ của Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi.

Trong các thông cáo báo chí, CEFC China Energy gắn mác những khoản đầu tư này là “dự án Vành đai và Con đường”, gắn kết họ với chính phủ Trung Quốc.

“Không có dự án nào mà không đủ điều kiện được coi là Vành đai và Con đường và không có lục địa nào trên hành tinh không có Vành đai và Con đường”, Christopher Balding, phó giáo sư tại Đại học Fulbright Việt Nam, nói.

Balding giải thích rằng do Trung Quốc đang thắt chặt kiểm soát vốn, các công ty nước này gặp khó khăn trong việc chuyển tiền ra nước ngoài. Việc gắn mác các thỏa thuân là dự án Vành đai và Con đường giúp các công ty có được sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc để giao dịch quốc tế và chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc.

Tháng 9/2017, CEFC China Energy đã công bố khoản đầu tư lớn nhất của mình. Công ty dự định mua 14% cổ phần của công ty dầu khí Nga Rosneft với giá 9 tỷ USD – khoản chi khổng lồ chỉ thường thấy ở các công ty nhà nước.

Điều đó khiến nhiều người nhướn mày. “Tôi thắc mắc ai cho họ số tiền đó?”, Laban Yu, tại ngân hàng đầu tư Jefferies Group, bình luận.

Đế chế của Diệp bắt đầu sụp đổ vào ngày 18/11/2017, khi các đặc vụ FBI bắt giữ Patrick Ho Chi-ping, người Diệp đã thuê để lãnh đạo NGO của mình. Patrick Ho bị buộc tội rửa tiền và vi phạm Đạo luật Chống Tham nhũng Nước ngoài.

Ông ta bị cáo buộc đưa hối lộ ba triệu USD cho Tổng thống Chad (quốc gia Trung Phi giáp với Libya) Idriss Deby, và Ngoại trưởng Uganda Sam Kutesa, người khi đó là chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Cáo trạng viết rằng các khoản hối lộ được thực hiện “thay mặt cho một công ty năng lượng có trụ sở tại Thượng Hải” nhưng không nêu tên cụ thể.

Các email và cuộc gọi của CNN tới chính phủ Chad đều không được hồi đáp. Năm ngoái, chính phủ Chad đã ra tuyên bố, gọi cáo buộc này là bịa đặt. Chính phủ Uganda cũng bác tin Kutesa liên quan đến vụ hối lộ còn Patrick Ho từ chối nhận tội.

Các tài liệu của tòa án cho thấy đôi khi một số người tại LHQ coi NGO này là một “cánh tay” của nhà nước Trung Quốc.

Theo các email được đưa ra bởi các công tố viên, Ho được một cộng sự yêu cầu “đề đạt với chính phủ Trung Quốc” cung cấp cho Chad vũ khí quân sự để chiến đấu với phiến quân Boko Haram. Trong email với các cá nhân khác, Ho cũng thảo luận về việc chuyển giao vũ khí cho Libya và Qatar và đề nghị CEFC China Energy có thể giúp một công ty Iran bị trừng phạt chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc.

Trong khi đó, CEFC China Energy ra tuyên bố, nói rằng NGO “không liên quan đến bất kỳ hoạt động thương mại nào của CEFC China Energy”. CEFC China Energy khẳng định họ đã tiến hành các hoạt động kinh doanh “theo đúng luật pháp”.

Cuối cùng, thỏa thuận 9 tỷ USD của CEFC China Energy với Rosneft đổ bể. Hai tháng sau khi thỏa thuận được công bố, Ho bị bắt. Sự kiện này giống như quân bài domino bị đổ, kéo sụp đế chế của Diệp.

Ngày 1/3, hãng tin tài chính Trung Quốc Caixin công bố một cuộc điều tra về tài chính của CEFC China Energy, cho rằng công ty này thực chất rất bấp bênh với những khoản nợ chồng chất. CEFC China Energy nói rằng báo cáo này không đúng sự thật. Tuy nhiên, vài ngày sau, Diệp được cho là bị bắt tại Trung Quốc và không xuất hiện trước công chúng từ đó.

Các nhà phân tích công nghiệp cho biết từ lâu đã có những lời xì xào về sự bấp bênh của CEFC China Energy. Các chuyên gia tin rằng công ty không có nhiều hợp đồng tương xứng với quy mô mà họ thể hiện.

CNN đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Trung Quốc để hỏi về mối quan hệ giữa CEFC China Energy và chính phủ Trung Quốc, vụ bắt giữ Ho ở New York và thông tin Diệp đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời rằng họ không biết gì về những vấn đề kể trên và nhấn mạnh chính quyền luôn yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ luật pháp và quy định của nước sở tại khi hoạt động ở nước ngoài.

Tại Thượng Hải, CNN đã tìm đến 8 công ty con của CEFC China Energy theo các địa chỉ đã đăng ký. Tuy nhiên, họ không thấy bất kỳ công ty nào có dấu hiệu hoạt động. Tại một tòa nhà gần như trống rỗng có một tấm biển đề lời trích dẫn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: “Cánh cửa của Trung Quốc với thế giới sẽ không bao giờ đóng, mà chỉ mở rộng hơn”.

Từng là bên mua lại nhiều tài sản ở nước ngoài, CEFC China Energy giờ trở thành một món hàng. Các công ty nhà nước Trung Quốc hiện nắm quyền kiểm soát nhiều tài sản quốc tế của doanh nghiệp.

Hồi tháng ba, chính phủ Czech đã điều một phái đoàn đến Bắc Kinh để tìm hiểu tung tích của Diệp. Tổng thống Cộng hòa Czech Zeman nói rằng Diệp, người vẫn còn là cố vấn kinh tế của ông, đang bị điều tra tại Trung Quốc vì “nghi ngờ vi phạm pháp luật”. Người phát ngôn của Zeman, nói với CNN rằng nếu Diệp bị kết tội, ông ta sẽ không còn là cố vấn cho Zeman.

Sự sụp đổ của Diệp diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang xử lý các công ty tư nhân nợ nần. Đầu năm nay, Ngô Tiểu Huy, chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Anbang, công ty nổi tiếng vì đã mua khách sạn Wald Waldorf ở New York với giá 1,95 tỷ USD, bị bắt vì tội lừa đảo huy động hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư. Hồi tháng 5, Ngô bị tòa án Thượng Hải kết án 18 năm tù.

Doanh nghiệp tài chính nhà nước CITIC giờ nắm quyền kiểm soát các tài sản tại Cộng hòa Czech của CEFC China Energy. Điều này gây liên tưởng đến một thỏa thuận Vành đai và Con đường có kết cục không tốt đẹp: Sri Lanka phải cho chính phủ Trung Quốc thuê một cảng chiến lược trong 99 năm vì không thể trả nợ năm 2017.

Trong khi đó, tung tích của Diệp vẫn là ẩn số. Cũng chưa có tiết lộ gì về cáo buộc ông này đối mặt ở Trung Quốc.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/25255-con-duong-di-len-va-nga-ngua-cua-ty-phu-vanh-dai-va-con-duong.html

 

TQ đưa tàu thăm dò lên vùng tối của Mặt Trăng

Trung Quốc vừa phóng thành công tên lửa mang theo tàu thăm dò lên vùng tối của Mặt Trăng, nơi không bao giờ đối diện với bề mặt trái đất.

Tàu không gian Chang’e-4 (Hằng Nga 4) sẽ đặt một trạm thăm dò xuống hố thiên thạch Von Kármán, nằm ở phía Mặt Trăng không bao giờ đối mặt với Trái Đất, theo truyền thông Trung Quốc.

Tên lửa Long March 3B, mang theo Chang’e-4, được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Xichang của Trung Quốc.

Tàu thăm dò Chang’e-4 sẽ mở đường cho Trung Quốc để đưa các mẫu đá và đất Mặt Trăng về trái đất phục vụ việc nghiên cứu.

Hố thiên thạch Von Kármán được các nhà khoa học quan tâm vì là hố lâu đời nhất và lớn nhất trên Mặt Trăng – Lưu vực Nam Cực-Aitken. Hố thiên thạch này có thể được hình thành bởi tác động từ một thiên thạch khổng lồ hàng tỷ năm trước.

Tàu không gian sẽ nghiên cứu địa chất của khu vực này và thành phần của đá và đất.

Bản quyền hình ảnh Image copyright Image caption Vùng tối của Mặt Trăng ở xa Trái Đất hơn ‘vùng sáng’, và có nhiều hố thiên thạch hơn

Do hiện tượng “thủy triều”, chúng ta chỉ thấy một “khuôn mặt” của Mặt Trăng từ trái đất. Điều này là do Mặt Trăng chỉ xoay trên trục của chính nó cũng như hoàn thành một vòng quanh quỹ đạo của trái đất.

Mặc dù thường được gọi là “mặt tối”, phía bên này của Mặt Trăng cũng được Mặt Trời chiếu sáng và cũng có các chu kỳ giống như phía mặt gần hơn. “Tối” trong bối cảnh này có nghĩa là “không được nhìn thấy”.

Mặt phía xa của Mặt Trăng trông khá khác với mặt gần – vốn quen thuộc hơn. Nó có lớp vỏ dày hơn, lâu đời hơn và có nhiều hố thiên thạch hơn.

Ngoài ra còn có một vài “vùng trũng” – “biển” tối được tạo ra bởi dòng dung nham – có thể thấy rõ ở phía bề mặt gần hơn hơn của Mặt Trăng.

Hạt giống thử nghiệm

Bản quyền hình ảnh CNSA Image caption Tàu thăm dò Chang’e-3 của Trung Quốc khám phá Mặt Trăng năm 2013

Tác động mạnh vốn tạo ra Lưu vực Aitken Nam Cực có thể cũng xuyên qua lớp vỏ, tác động xuống lớp phủ của Mặt Trăng

Các thiết bị của Chang’e-4 có thể kiểm tra xem giả thuyết này có đúng không, làm sáng tỏ lịch sử ban đầu của Mặt Trăng.

Tàu không gian mang theo hai camera; một thí nghiệm bức xạ do Đức xây dựng được gọi là LND; và một quang phổ kế sẽ thực hiện các quan sát thiên văn vô tuyến tần số thấp.

Ngoài ra, tàu không gian Chang’e-4 còn mang theo 3kg hạt giống khoai tây và rau cải để tiến hành các thử nghiệm sinh học trên Mặt Trăng.

Thí nghiệm “Mặt Trăng sinh quyển mini” được thiết kế bởi 28 trường đại học Trung Quốc.

“Chúng tôi muốn nghiên cứu sự phát triển của hạt giống và quá trình quang hợp trên Mặt Trăng”, Liu Hanlong, giám đốc thử nghiệm và phó hiệu trưởng Đại học Chongqing nói với hãng tin Xinhua của Trung Quốc hồi đầu năm nay.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/25265-tq-dua-tau-tham-do-len-vung-toi-cua-mat-trang.html

 

Trung Cộng ngừng áp thuế lên xe hơi Hoa Kỳ

Bắc Kinh, Trung Cộng – Theo tin từ Reuters, vào hôm Thứ Sáu (14/12), Bộ trưởng Tài chính Trung Cộng cho hay sẽ tạm dừng các rào cản thuế bổ sung, áp dụng với các loại xe và bộ phận xe hơi do Hoa Kỳ sản xuất. Quyết định trên sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tháng, từ ngày 1/1/2019 đến 31/1/2019.

Hành động này của Trung Cộng được đưa ra sau khi cuộc chiến thương mại giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ có dấu hiện dừng lại. Trong một tuyên bố đăng trên trang mạng của Bộ Tài chính Trung Cộng, cơ quan này bày tỏ hy vọng rằng Trung Cộng và Hoa Kỳ có thể đẩy nhanh tiến trình đàm phán dỡ bỏ rào cản thuế lên các mặt hàng của hai bên.

Nhìn chung, số lượng xe hơi nhập cảng giữa hai nước tương đối ít. Quyết định ngưng áp thuế và việc mua bán đậu nành giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ, là những dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại gay gắt giữa hai nước đang dần hạ nhiệt.

Tại Argentina, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đã chấp thuận việc hoãn lại kế hoạch tăng thuế lên hàng hóa của Trung Cộng, số hàng hóa này có giá trị đến 200 tỷ Mỹ kim.

Vào hôm thứ Ba, một viên chức của chính quyền Tổng thống Trump cho biết, Trung Cộng cũng đồng ý cắt giảm thuế đối với xe hơi và bộ phận xe hơi do Hoa Kỳ sản xuất, với mức thuế giảm từ 40% xuống 15%. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/trung-cong-ngung-ap-thue-len-xe-hoi-cua-hoa-ky/

 

Trung Quốc phản đối dự luật của Mỹ về Tây Tạng

Trung Quốc hôm 14/12 kịch liệt phản đối một dự luật có liên quan đến Tây Tạng do Thượng viện Mỹ thông qua mới đây, đồng thời kêu gọi chớ ban hành thành luật.

Tại một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đưa ra tuyên bố này phản hồi việc Thượng viện Mỹ trong tuần này thông qua Đạo luật Tiếp cận Tương hỗ Tây Tạng 2018.

Dự luật giờ được chuyển đến Nhà Trắng cho Tổng thống Donald Trump ký thành luật nhằm tăng cường khả năng tiếp cận Tây Tạng cho các nhà báo, nhà ngoại giao và du khách Mỹ bằng cách từ chối nhập cảnh Mỹ các quan chức Trung Quốc bị xem là chịu trách nhiệm cấm đoán tiếp cận Tây Tạng.

“Dự luật này can thiệp chuyện nội bộ của Trung Quốc và liều lĩnh không thèm đếm xỉa đến sự thực cũng như đi ngược lại những chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế.”

Nhấn mạnh rằng các vấn đề liên quan đến Tây Tạng là chuyện nội bộ của Trung Quốc không nước nào có thể can thiệp, ông Lục nói bất cứ người nước ngoài nào muốn đến thăm Khu Tự trị Tây Tạng đều có thể nộp đơn xin qua các kênh thông thường.

Ông Lục nói đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thăm Tây Tạng mỗi năm để du lịch hay đi làm ăn và rằng gần 40.000 công dân Mỹ đã đến Tây Tạng kể từ năm 2015, trong đó có lãnh đạo phe thiểu số ở Hạ viện, nhiều thượng nghị sỹ và các tổ chức khác.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-qu%E1%BB%91c-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-d%E1%BB%B1-lu%E1%BA%ADt-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-v%E1%BB%81-t%C3%A2y-t%E1%BA%A1ng/4701555.html

 

Tin tặc Trung Quốc

đánh cắp được sơ đồ tên lửa của Hải Quân Mỹ

Trọng Nghĩa

Vào lúc mối quan ngại về gián điệp công nghiệp Trung Quốc tăng cao, nhật báo Mỹ Wall Street Journal ngày hôm qua 14/12/2018 tiết lộ: Tin tặc Trung Quốc đã đột nhập vào mạng tin học của các nhà thầu của Hải Quân Mỹ để đánh cắp hàng loạt thông tin, từ dữ liệu bảo trì chiến hạm cho đến các sơ đồ tên lửa.

Theo các quan chức chính phủ Mỹ và giới chuyên gia, các hành vi này đang thúc đẩy một tiến trình rà soát từ trên xuống dưới các lỗ hổng trong hệ thống an ninh mạng của Hoa Kỳ.

Theo Wall Street Journal, trong vòng 18 tháng qua một loạt sự cố xẩy ra đã bộc lộ nhiều điểm thiếu sót trong việc bảo đảm an toàn dữ liệu, và một số quan chức đã coi đấy là những chiến dịch tấn công mạng hiểm hóc nhất mà thủ phạm có liên quan tới Bắc Kinh.

Theo các quan chức Mỹ, toàn bộ các ngành trong lực lượng võ trang Hoa Kỳ bị tấn công, nhưng các nhà thầu cung cấp cho Hải Quân và Không Quân Mỹ là các mục tiêu ưu tiên của tin tặc muốn đánh cắp dữ liệu về các loại công nghệ học tối tân.

Một quan chức ghi nhận là trong năm vừa qua, các nhà thầu cung cấp cho Hải Quân Mỹ – chính cũng như phụ – đã đặc biệt phải gánh chịu những vụ tấn công đáng ngại, với các dữ liệu bị đánh cắp thường là thông tin cực kỳ nhậy cảm và bí mật về công nghệ quân sự tiên tiến.

Theo một quan chức, một vụ đánh cắp nghiêm trọng được báo cáo vào tháng 6, liên quan đến các sơ đồ chế tạo tên lửa chống hạm siêu âm dùng cho các tàu ngầm Mỹ. Tin tặc đã nhắm vào một nhà thầu có hợp đồng với Trung Tâm Tác Chiến Dưới Biển của Hải Quân Mỹ, trụ sở tại Newport (bang Rhode Island).

Tin tặc cũng đã nhắm vào các trường đại học có phòng thí nghiệm quân sự, đang nghiên cứu phát triển công nghệ tiên tiến dùng cho Hải Quân hoặc các ngành khác.

Trước tình trạng nói trên, bộ trưởng Hải Quân Mỹ Richard Spencer đã yêu cầu rà soát các điểm yếu về an ninh mạng vốn đã tạo điều kiện cho đối phương tiếp cận được các thông tin tối quan trọng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181215-tin-tac-trung-quoc-danh-cap-duoc-so-do-ten-lua-cua-hai-quan-my

 

Nhật thông qua kế hoạch

 biến khu trục hạm thành tàu sân bay

Tokyo khẳng định việc hoán cải chiến hạm Izumo để vận hành siêu tiêm kích F-35B sẽ không đe dọa an ninh các nước khác.

Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) cầm quyền và đảng liên minh Komeito hôm 11/12 phê chuẩn Bản Hướng dẫn Chương trình Quốc phòng do chính phủ đề xuất, trong đó cho phép “tiêm kích vận hành từ các chiến hạm trong biên chế để tăng tính linh hoạt trong nhiệm vụ”, Japan Times đưa tin.

Tokyo muốn nâng cấp khu trục hạm trực thăng JS Izumo thành tàu sân bay có khả năng vận hành tiêm kích tàng hình F-35B, nhằm đối phó với hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Giới quan sát nhận định kế hoạch này báo hiệu sự thay đổi đáng kể trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản.

Tuy nhiên, kế hoạch có thể gây nhiều chỉ trích, do Điều 9 trong Hiến pháp hòa bình của Nhật quy định nước này không được sở hữu các vũ khí mang tính chất tấn công như tàu sân bay. Đảng LDP và Komeito thống nhất soạn thảo tài liệu để bảo đảm chiến hạm Izumo đáp ứng yêu cầu của hiến pháp hiện hành.

Chính phủ Nhật khẳng định các phi đội F-35B sẽ không được triển khai cố định trên chiếc Izumo. “Tàu khu trục Izumo được thiết kế làm chiến hạm hộ tống đa năng, nó sẽ không đe dọa quốc gia nào nếu mang theo tiêm kích”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya cho biết.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó khẳng định việc hoán cải JS Izumo sẽ khiến vai trò của nó chuyển từ phòng thủ sang tiến công và “phục vụ hành động bành trướng quân sự”. Bắc Kinh cảnh báo điều này có thể làm đóng băng quan hệ song phương mới được làm ấm trở lại sau chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi tháng 10.

JS Izumo là một trong hai chiến hạm lớn nhất của Nhật hiện nay. Tàu dài 248 m, có lượng giãn nước đầy tải 27.000 tấn và mang được 14 trực thăng. Nếu được hoán cải, Izumo sẽ có khả năng triển khai tiêm kích tàng hình F-35B mà Nhật dự kiến mua từ Mỹ trong hợp đồng trị giá tới 8,8 tỷ USD.

Quá trình hoán cải Izumo dự kiến rất phức tạp và tốn kém. Tuy nhiên, Tokyo dường như không có lựa chọn khác, do nước này lo ngại việc Bắc Kinh nhiều lần điều tiêm kích và oanh tạc cơ bay qua khu vực phía nam Nhật Bản, cũng như vấn đề tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

http://biendong.net/bi-n-nong/25259-nhat-thong-qua-ke-hoach-bien-khu-truc-ham-thanh-tau-san-bay.html

 

Các vấn đề nảy sinh khi Seoul

chuẩn bị đón tiếp chủ tịch Bắc Hàn

Seoul, Nam Hàn – Theo tin từ Reuters, khả năng Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un sẽ sớm đến thăm Seoul đã gây ra cuộc tranh luận ở Nam Hàn về vấn đề làm thế nào để cho phép công dân bày tỏ quan điểm cá nhân, mà vẫn ngăn chặn được mọi sự sai sót quốc tế.

Để có thể tổ chức được hội nghị thượng đỉnh lý tưởng – đầy những hình ảnh mang lại cảm hứng về sự thống nhất và hòa hợp của hai miền Triều Tiên – Tổng thống Moon Jae-in cần phải cân bằng giữa việc bảo đảm đủ an ninh cho ông Kim và khả năng bị buộc tội thắt chặt ngôn luận để xoa dịu một nhà độc tài.

Không giống như Singapore bị kiểm soát an ninh chặt chẽ, nơi ông Kim đã có một cuộc dạo chơi bất ngờ vào đêm trước hội nghị thượng đỉnh của ông với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào tháng 6, Seoul lại là nơi thường xuyên xảy ra các cuộc biểu tình. Nhiều người Nam Hàn vẫn có cái nhìn mờ nhạt về Bắc Hàn sau chiến tranh 1950-1953 và sau nhiều thập kỷ thù địch, điều này khiến cho nguy cơ chuyến thăm bị gián đoạn tăng cao.

Giờ đây, việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Seoul trong năm nay là dường như bất khả thi, khi mà những nhóm biểu tình bảo thủ nhỏ, thường xuyên tụ tập trên đường phố Seoul để phản đối ông Moon hoặc thúc giục Tổng thống Donald Trump ném bom Bắc Hàn, sẵn sàng phản đối bất kỳ chuyến viếng thăm nào của ông Kim.

Trong một cuộc biểu tình gần đây ở trung tâm thành phố Seoul, người biểu tình đã giơ cao các biểu ngữ có dòng chữ “Hãy trừng phạt Kim Jong Un,” và các nhà tổ chức cho biết họ đang có ý định cố gắng bắt giữ lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/cac-van-de-nay-sinh-khi-seoul-chuan-bi-don-tiep-chu-tich-bac-han-kim-jong-un/

 

Công nhân may mặc Campuchia

lo lắng vì nhà máy có thể đóng cửa

Kayleigh Long và Meta KongPhóng viên Kinh doanh

Sao Run lo lắng rằng nếu nhà máy quần áo nơi cô làm việc đóng cửa cô sẽ không thể tự nuôi nổi bản thân và con trai.

Là một góa phụ 34 tuổi, cô đã làm việc trong lĩnh vực may mặc áo khoác được gần 13 năm tại một cơ sở ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh của Campuchia.

Cộng với thời gian làm thêm cô có thể kiếm được tới 250 USD mỗi tháng, nhưng tương lai của nhà máy nơi cô làm cũng như các nhà máy khác trên đất nước này hiện không chắc chắn do tranh chấp chính trị liên miên giữa EU và Campuchia.

Đảng của Hun Sen ‘thắng lớn’

TQ viện trợ xe bọc thép cho Campuchia

Lãnh đạo đối lập Campuchia Sokha được thả

Ngành sản xuất dệt may của Campuchia bùng nổ trong những năm gần đây, một phần không nhỏ do EU đồng ý miễn thuế xuất khẩu cho nước này vào EU, bắt đầu từ năm 2012.

Điều này dẫn đến khoảng 200 thương hiệu thời trang quốc tế đang sử dụng hơn 600 nhà máy ở Campuchia, bị thu hút bởi cả mức lương thấp của nước này và thực tế là họ không phải trả bất kỳ thuế gì khi xuất sang EU.

Tuy nhiên, trở lại hồi đầu tháng Mười, EU cảnh bảo rằng việc miễn thuế cho Campuchia vào thị trường EU có thể bị chấm dứt nếu chính phủ nước này không cải thiện tự do chính trị và nhân quyền ở trong nước.

Ủy viên Thương mại EU, bà Cecilia Malmstrom nói rằng EU đã tiến hành đánh giá sáu tháng về tình hình ở Campuchia, và trừ khi Phnom Penh cho thấy “những cải thiện rõ ràng và trông thấy, điều này sẽ dẫn đến đình chỉ thương mại” trong vòng 12 tháng.

Bình luận của bà là phản ứng với những gì mà cả EU và Hoa Kỳ coi là hành vi ngày càng chuyên quyền của chính phủ Campuchia của Thủ tướng Hun Sen, người nắm quyền từ năm 1985 đến nay.

Hồi tháng Bảy, Đảng Nhân dân Campuchia của ông giành được tất cả 125 ghế trong quốc hội, được trợ giúp bởi thực tế là đảng đối lập chính – Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNPR) chính thức bị Tòa án Tối cao nước này giải thể vào tháng 11/2017.

Đảng của Hun Sen giành gần hết ghế Thượng viện

‘Campuchia phải công bằng khi tái di cư người gốc Việt’

Phán quyết của tòa án dựa trên khiếu nại của chính phủ Hun Sen rằng CNRP đang âm mưu với Hoa Kỳ nhằm lật đổ chính phủ. CNRP phủ nhận cáo buộc này.

Ken Loo, tổng thư ký Hiệp hội May mặc Campuchia, nói rằng sự đe dọa của EU “làm tăng thêm mối lo” rằng các công ty thời trang quốc tế có thể chuyển hoạt động sản xuất của họ sang các nước khác.

Đây sẽ là điều đáng lo ngại với Campuchia khi bạn xem xét các con số liên quan. Ông Loo cho biết ngành công nghiệp nước này hiện có hơn 700.000 nhân công, trong đó 85% là nữ.

Trong khi đó, số liệu chính thức của EU cho thấy xuất khẩu quần áo của Campuchia sang châu Âu đạt 3,8 tỷ euro (4,3 tỷ USD) trong năm 2017, chiếm 44% tổng xuất khẩu trị giá 9,6 tỷ USD trong năm này.

Không ngạc nhiên khi có những lo ngại về khả năng đóng cửa các nhà máy và nạn thất nghiệp, không chỉ nếu EU bãi bỏ miễn thuế cho Campuchia mà còn đơn giản là hệ quả của mối đe dọa.

George McLeod, nhà phân tích rủi ro chính trị và kinh tế có trụ sở ở Bangkok, nói rằng các công ty quần áo có thể dễ dàng chuyển sản xuất sang Bangladesh, Việt Nam hoặc Indonesia.

Với Sao Run, người phải nuôi một con trai ba tuổi, đây là mối lo thực sự. “Công đoàn nhà máy nói với chúng tôi rằng nhà máy có thể đóng cửa nếu thuế [EU] tăng cao,” cô nói.

“Với tôi, nếu nhà máy đóng cửa, tôi lấy gì để ăn?”

Một công nhân nhà máy quần áo khác, Yon Chansy, 24 tuổi, nói rằng cô biết về mối đe dọa từ EU qua Facebook, và cô cũng đang lo lắng về việc có thể bị thất nghiệp.

“Tôi có thể cân nhắc việc di cư sang Thái Lan nếu tình hình ở nước tôi quá tồi tệ,” cô nói.

Về phần mình, chính phủ Campuchia có thể đang chuẩn bị thỏa hiệp, nhưng liệu có đủ để thấy hay không.

Tuần trước, quốc hội Campuchia (do chính phủ nắm giữ tất cả các ghế) nói rằng họ sẽ xem xét lệnh cấm đối với hơn 100 thành viên của đảng đối lập CNRP, nhưng không đưa ra thời gian biểu cụ thể. Cũng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy liệu bầu cử mới sẽ được tổ chức, hay liệu lãnh đạo của CNRP sẽ thôi bị quản thúc tại gia.

Campuchia ân xá chính trị gia đối lập

Trong khi đó chính phủ đang hạ thấp tầm quan trọng của thị trường EU. Phát ngôn viên Bộ Công nghiệp và Thủ công Mỹ nghệ Oum Sotha nói với BBC rằng “thị trường của Campuchia không chỉ phụ thuộc vào châu Âu, chúng tôi có rất nhiều thị trường.”

Sebastian Strangio, nhà báo và là tác giả cuốn sách “Hun Sen’s Cambodia” (Campuchia của Hun Sen), nói rằng chính phủ Campuchia đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan thực sự về vấn đề EU.

“Vấn đề là ‘những cải tiến rõ ràng và trông thấy’ mà EU đòi hỏi, theo định nghĩa, sẽ làm suy yếu quyền lực của Hun Sen,” ông nói.

“Ông ta sẽ không bao giờ chấp nhận điều này. Do đó, rất khó để thấy hai bên sẽ tìm ra điểm chung như thế nào. Bất kỳ nhượng bộ nào mà chính quyền Campuchia đưa ra sẽ không đạt được những cải cách dân chủ có ý nghĩa.

“Liệu EU sẽ chấp nhận những cải cách mang tính hình thức hay không.”

Nguồn tin từ Ủy ban châu Âu cho rằng khả năng lệnh cấm đảng đối lập Campuchia có thể được dỡ bỏ là “bước tiến tích cực ban đầu”.

“Tuy vậy, điều này cần tạo ra kết quả cụ thể và đáng kể để giảm bớt những lo ngại nghiêm trọng của EU… việc thực hiện tuyên bố này và những thay đổi cụ thể sẽ là một trong số những yếu tố quyết định,” bà bổ sung.

Tieng Ratana, người mẹ với ba con, đang làm việc tại nhà máy quần áo ở phía tây Phnom Penh, nói rằng bà hy vọng chính phủ Campuchia sẽ nghĩ về những người như bà.

“Chúng tôi làm việc rất chăm chỉ, nên tôi thực sự muốn các nhà lãnh đạo của chính tôi nghĩ về những người công nhân trước hết,” bà nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46557295

 

Một luật sư của lãnh đạo Khmer Đỏ Nuon Chea

thiếu giấy phép hành nghề

Trọng Nghĩa

Luật sư đoàn Cam Bốt hôm 11/12/2018 vừa qua đã tiết lộ một tin chấn động. Luật sư bảo vệ cho nhân vật số 2 của chế độ Khmer Đỏ là ông Noun Chea trong Tòa Án xét xử tội ác diệt chủng ở Cam Bốt, rốt cuộc đã hành nghề bất hợp pháp. Nhật báo Hồng Kông hôm nay 15/12 đã cho biết như trên, trích dẫn một tài liệu của luật sư đoàn Cam Bốt.

Theo tờ báo Hồng Kông, thì luật sư có liên can là ông Victor Koppe, người Hà Lan, người biện hộ cho « Anh Hai » Noun Chea trong chế độ Pol Pot. Vị luật sư có thể là đã làm việc trong nhiều năm mà không hề có giấy phép hành nghề hợp lệ.

Nhật báo Hồng Kông đã phát hiện được thông tin này khi đọc được một tài liệu do Luật Sư Đoàn Cam Bốt công bố ngày 11 tháng 12 vừa qua. Theo tờ South China Morning Post, phát hiện này có thể đặt lại vấn đề giá trị của các thủ tục tố tụng của Tòa Án Quốc Tế về Khmer Đỏ do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, đã dẫn đến bản án được đưa ra vào tháng 11 vừa qua.

Theo nguồn tin trên, luật sư Victor Koppe đã bị tòa án bãi nhiệm sau khi phát hiện ra việc ông không được đăng ký hành nghề luật sư ở Cam Bốt khi ông đứng ra đại diện cho thân chủ là Noun Chea nhân phiên tòa vào tháng trước. Tài liệu cho thấy là ông Koppe bị xóa tên khỏi danh sách của Luật Sư Đoàn Cam Bốt từ tháng 8.

Chính Luật Sư Đoàn Cam Bốt đã gởi thơ đến Tòa Án cho biết vụ việc này sau khi thấy ông Victor Koppe vẫn tiếp tục ăn mặc như một luật sư chuyên nghiệp, và tham gia tố tụng tại tòa án sau khi tên của ông bị xóa khỏi danh sách luật sư được phép hành nghề tại Cam Bốt.

Thư của Luật Sư Đoàn Cam Bốt đã được chuyển đến Tòa Án, với dấu ký nhận đề ngày 13 tháng 12.

Vào ngày 16 tháng 11, tòa án đã kết án Noun Chea 92 tuổi, cùng với Khieu Samphan, 87 tuổi, về các tội ác chống nhân loại, tội ác diệt chủng và tội ác chiến tranh. Cả hai thành viên cao cấp nhất còn sống sót của chế độ Khmer Đỏ này đã bị kết án chung thân. Trước đó, năm 2016, Tòa Án Tối Cao Cam Bốt đã y án chung thân đối với hai bị can vì liên quan đến chế độ đã giết chết khoảng 1,7 triệu người

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181215-mot-luat-su-cua-lanh-dao-khmer-do-nuon-chea-thieu-giay-phep-hanh-nghe