Tin khắp nơi – 15/12/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 15/12/2017

Trung Quốc tăng tốc xen vào nội tình nước khác, kể cả Mỹ

Trọng Nghĩa

Trong một bài viết ngày 12/12/2017, nhật báo Mỹ The Washington Post đã tiết lộ sự kiện là Trung Quốc mới đây đã thản nhiên yêu cầu Quốc Hội Mỹ không thông qua các dự luật mới có tác dụng tăng cường quan hệ Hoa Kỳ-Đài Loan. Động thái can thiệp thô bạo của Bắc Kinh đã gây phẫn nộ trong giới lập pháp Mỹ.

Ngày 14/12/2017, bộ Ngoại Giao Trung Quốc chính thức lên tiếng phản đối « mọi hình thức quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ với Đài Loan », cho rằng dự định của Mỹ cho chiến hạm ghé cảng Đài Loan là một hành động « can thiệp vào công việc nội bộ » của Trung Quốc. Tuyên bố trên đây là một bước leo thang mới của Bắc Kinh trong cố gắng gây áp lực buộc Washington từ bỏ việc thực thi một đạo luật Mỹ về quan hệ đối với Đài Loan.

Điều được các nhà quan sát ghi nhận là lần này, Trung Quốc đã có thái độ hung hăng hẳn lên, đe dọa khởi động chiến tranh với Đài Loan nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng. Một điểm khác thường khác là Bắc Kinh không ngần ngại đe dọa cả Quốc Hội Mỹ về nguy cơ bang giao Mỹ-Trung bị tổn hại nếu cứ thông qua dự luật có liên quan đến Đài Loan.

Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch bành trướng ảnh hưởng

Trong một bài viết ngày 12/12/2017 mang tựa đề « Trung Quốc đe dọa Quốc Hội Hoa Kỳ về việc vượt qua “làn ranh đỏ” trên vấn đề Đài Loan – China threatens U.S. Congress for crossing its ‘red line’ on Taiwan », biên tập viên Josh Rogin, chuyên trách hồ sơ đối ngoại và an ninh quốc gia của nhật báo Mỹ The Washington Post đã tiết lộ sự kiện là Trung Quốc mới đây đã thản nhiên yêu cầu Quốc Hội Mỹ không thông qua các dự luật mới có tác dụng tăng cường quan hệ Hoa Kỳ-Đài Loan.

Nhà báo Mỹ đã tỏ ý rất ngạc nhiên trước « chiến dịch gây áp lực hiếm hoi » đó của Trung Quốc, xem đấy là một dấu hiệu mới nhất phản ánh việc Bắc Kinh đang đẩy mạnh chiến dịch bành trướng ảnh hưởng chính trị tại các quốc gia trên thế giới. Việc Trung Quốc gây sức ép trên các nước khác không đáng ngạc nhiên lắm, nhưng lần này điều đáng nói là đối tượng bi Trung Quốc nhắm vào lại là Hoa Kỳ !

Theo Josh Rogin, vào lúc cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện đang xem xét dự luật về ngân sách quốc phòng năm 2018 (National Defense Authorization Act), trong đó có các điều khoản liên quan đến Đài Loan, đại sứ quán Trung Quốc ở Washington đã chính thức gởi một kháng thư đến các nghị sĩ hàng đầu của Mỹ, đe dọa rằng nếu Quốc Hội Lưỡng Viện Mỹ thông qua các luật lệ này, điều đó sẽ dẫn đến những « hậu quả nghiêm trọng » cho quan hệ Mỹ-Trung.

Động thái của Trung Quốc đã gây phẫn nộ nơi nhiều nhà lập pháp Mỹ ở cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, cũng như các cộng sự viên của họ. Tất cả đều đánh giá rằng hành động đó vừa không thích hợp vừa phản tác dụng.

Chính đại sứ Trung Quốc tại Mỹ gởi thư phản đối

Theo lá thư mà nhà báo Josh Rogin đã được đọc, do chính đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) viết vào tháng Tám, thì phía Bắc Kinh đã bày tỏ « mối quan ngại sâu sắc » về « Luật Giao Lưu với Đài Loan – Taiwan Travel Act », « Luật An Ninh Đài Loan – Taiwan Security Act » và các điều khoản liên quan đến Đài Loan trong cả hai phiên bản tại Hạ Viện và Thượng Viện của luật về quốc phòng năm 2018.

Lá thư khẳng định rằng các biện pháp nêu lên trong các dự luật đó là những hành vi « khiêu khích đối với chủ quyền, sự thống nhất và nề an ninh quốc gia của Trung Quốc », « đã vượt qua “làn ranh đỏ” bảo vệ tính chất ổn định của quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ. »

Bức thư đã được gửi đến lãnh đạo của các ủy ban phụ trách đối ngoại và quân vụ tại Thượng Viện và Hạ Viện Mỹ, kêu gọi các nhân vật này sử dụng quyền hạn của mình để ngăn chặn các điều khoản liên quan đến Đài Loan trong các dự luật.

Theo nhà báo của tờ Washington Post, nhiều nghị sĩ và các cộng sự viên của họ đã thẩm định rằng lời đe dọa mà Trung Quốc đưa ra về các « hậu quả nghiêm trọng » cho quan hệ Mỹ-Trung là một điều bất thường, và không đúng chỗ.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio (đảng Cộng Hòa, tiểu bang Florida), người bảo trợ cho Luật Giao Lưu với Đài Loan – vốn yêu cầu gia tăng số lượng quan chức Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan và quan chức Đài Loan sang Hoa Kỳ – cho rằng Mỹ « nên tiếp tục tăng cường quan hệ với Đài Loan và không cho phép Trung Quốc tác động hoặc gây áp lực, can thiệp vào các lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và các đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực ».

Từng xen vào nội bộ nước khác, nay đã dám xen vào nội bộ Mỹ !

Còn dân biểu Eliot L. Engel, thành viên cao cấp của đảng Dân Chủ trong Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ thì chia sẻ với nhà báo Josh Rogin rằng lá thư của đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải nổi bật với giọng điệu đầy tính đe dọa. Theo dân biểu này « Trung Quốc thường có những động thái nặng tay như vậy với các nước khác trên thế giới…, và thật thú vị khi giờ đây, họ thấy rằng họ có thể dùng thủ đoạn hù họa và gây áp lực mơ hồ như vậy với Quốc Hội Mỹ ».

Vấn đề đã nổi cộm hẳn lên khi hai Ủy Ban Quân Vụ của Hạ Viện và Thượng Viện thương lượng với nhau về dự luật quốc phòng bắt buộc phải thông qua ngay. Phiên bản do Thượng Viện đề xuất có một số điều khoản rất mạnh mẽ liên quan đến Đài Loan, được thượng nghị sĩ Tom Cotton thuộc đảng Cộng Hòa, tiểu bang Arkansas đưa vào.

Nội dung các điều khoản này cho phép chiến hạm Đài Loan ghé thăm các căn cứ quân sự Mỹ, và ngược lại cho tàu Mỹ ghé cảng Đài Loan ; mời Đài Loan tham gia cuộc tập trận quân sự quốc tế« Red Flag » và gia tăng cung cấp phương tiện quốc phòng của Mỹ cho Đài Loan. Phiên bản Hạ Viện nhẹ nhàng hơn, để cho chính quyền Mỹ được linh hoạt hơn trong việc áp dụng.

Khi hai viện Quốc Hội họp lại với nhau, các nhà lập pháp và các trợ lý sẽ phải dung hoà hai phiên bản. Đó là một cuộc đàm phán tế nhị, và các trợ lý rất ghét những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ảnh hưởng trên cuộc đàm phán.

Trợ lý của một thượng nghị sĩ Mỹ cho biết : « Việc đưa ra những lời đe doạ như vậy và vạch ra “những làn ranh đỏ” đối với ngành lập pháp Mỹ vừa không hữu ích, vừa thiếu tính xây dựng đối với mục tiêu tạo dựng một mối quan hệ mà cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều cần ».

Theo trợ lý này, khi cho rằng phía Mỹ đã vượt qua « làn ranh đỏ » chỉ vì đã đưa ra một dự luật, chính phủ Trung Quốc dường như muốn nói rằng việc họ can thiệp vào tiến trình chính trị nội bộ của Mỹ là một điều thích hợp.

Một số trợ lý khác tại Quốc Hội Mỹ còn cho rằng không có đại sứ quán nào khác dám sử dụng biện pháp đe doạ như là một chiến thuật nhằm gây ảnh hưởng lên Nghị Viện Mỹ, nhất là khi thông qua một văn bản chính thức. Hầu hết các đại sứ quán khác đều tìm cách xây dựng các mối quan hệ và thuyết phục các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ ủng hộ những gì họ tin tốt cho lợi ích đất nước họ. Thế nhưng Trung Quốc lại không làm như vậy.

Trung Quốc đã từng thành công ở nơi khác

Đối với The Washington Post, trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã có cả một chiến lược toàn cầu nhằm gây ảnh hưởng trên tiến trình ra quyết định của các quốc gia khác. Bây giờ thì chiến lược này mới được ghi nhận tại Mỹ.

Dan Blumenthal, cựu quan chức đặc trách châu Á tại Lầu Năm Góc, hiện làm việc tại viện nghiên cứu American Enterprise Institute, xác định « Đây là một chiến dịch gây ảnh hưởng chính trị tập trung và dài hạn, đã tồn tại từ lâu nhưng rõ ràng là đã trở nên thô bạo hơn ».

Theo chuyên gia này, sức ép của Trung Quốc trên các định chế, tổ chức tại các nước khác mang rất nhiều hình thức. Ví dụ, các phái đoàn chính phủ Trung Quốc thường gây áp lực trên các thống đốc tiểu bang Mỹ bằng cách đe dọa cắt bỏ các lợi ích kinh tế nếu những người này tiếp xúc với đức Đạt Lai Lạt Ma, kẻ thù của Trung Quốc.

Tại Úc, hiện đang có một cuộc tranh luận rất lớn về áp lực của Trung Quốc đối với trên các trường đại học Úc, buộc các trường này thay đổi chương trình giảng dạy sao cho phù hợp với đường lối tuyên truyền của Trung Quốc. Còn ở Tây Ban Nha, chính quyền Madrid đã làm dấy lên tranh cãi khi thay đổi luật để hạn chế việc truy tố các nhà lãnh đạo nước ngoài vì vi phạm nhân quyền. Việc thay đổi này bị cho là bắt nguồn từ sức ép của Trung Quốc…

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171215-trung-quoc-tang-toc-xen-vao-noi-tinh-nuoc-khac-ke-ca-my

 

Tòa Bạch Ốc nhắm xóa sổ diện bảo lãnh thân nhân

Trà Mi-VOA

Chính quyền: Đề nghị-Chuẩn bị-Hành động

Tòa Bạch Ốc đang tiến hành chiến dịch vận động công luận chống lại chính sách cho phép bảo lãnh thân nhân sang Mỹ định cư trước khi tiến hành ‘cú đẩy toàn lực’ vào năm sau hướng tới một thể thức di trú dựa vào năng lực xứng đáng.

Trước vụ tấn công khủng bố đầu tuần này tại New York do một di dân gốc Bangladesh thực hiện, chính quyền của Tổng thống Trump đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc vận động này bằng cách thu thập dữ liệu để củng cố lập luận rằng hệ thống di trú hiện hành không những có nhiều kẽ hở, mà còn nguy hiểm và gây hại cho người lao động Mỹ.

Tuần này, các giới chức Tòa Bạch Ốc cho AP biết dữ liệu cho thấy cần phải thay đổi hệ thống di trú ngay lập tức.

Vấn đề di trú dự kiến sẽ được nhấn mạnh trong bài phát biểu về Tình trạng Liên bang của Tổng thống vào ngày 30/1 tới đây.

Tòa Bạch Ốc cũng lên kế hoạch cho các bài diễn văn khác của Tổng thống và thúc đẩy nhấn mạnh vấn đề này trên mạng lưới truyền thông bảo thủ.

Chính quyền Trump bắt đầu chiến dịch này từ thứ năm, đăng lên truyền thông xã hội, nhấn mạnh các số liệu như dữ kiện Bộ An ninh Nội địa cho thấy gần 9,3 triệu trong số gần 13 triệu di dân tới Mỹ từ 2005 tới 2016 là diện bảo lãnh thân nhân. Trong thập niên qua, cứ 15 di dân chỉ có 1 người nhập cư Mỹ nhờ kỹ năng.

Trong khuôn khổ chiến dịch thu hút đồng thuận từ công chúng, sắp tới, hành pháp Mỹ dự định sẽ công bố báo cáo nêu bật số di dân phạm tội tại Mỹ đang bị giam giữ trong các nhà tù, đánh giá những hồ sơ tòa án tồn đọng về di trú và những trì trệ trong tiến trình xét duyệt các đơn xin tị nạn, cùng phúc trình về điều mà chính quyền Trump gọi là sự liên hệ giữa di dân và khủng bố.

Những người chỉ trích từng chất vấn về việc trước đây chính quyền dựa vào những số liệu đôi khi gây ngộ nhận.

Đề nghị gạt bỏ chương trình di trú diện bảo lãnh thân nhân là một thay đổi quan trọng nhất đối với hệ thống di trú Mỹ trong 30 năm nay.

Đề nghị này có thể xóa bỏ các diện bảo lãnh ‘ăn theo’ như anh chị em, ba mẹ, hay con cái trên 21 tuổi, luật sư Khanh Phạm từ Texas, người có chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực di trú, cho VOA Việt ngữ biết.

Thay vào đó, dân nhập cư Mỹ được đánh giá, tuyển chọn theo một hệ thống thang điểm dựa trên khả năng học vấn và chuyên môn. Bbiện pháp này ngày càng được các nước ứng dụng nhiều hơn, kể cả Anh quốc.

Công luận: Ủng hộ vs Phản đối

Công chúng Mỹ hiện chia rẽ sâu sắc về các kiểu cải cách mà Tổng thống Trump đang cổ súy.

Cuộc thăm dò của đại học Quinnipiac hồi tháng 8 cho thấy 48% cử tri phản đối đề xuất mà Tổng thống Trump ủng hộ: cắt giảm số di dân bất hợp pháp trong tương lai xuống còn phân nửa và ưu tiên cho các di dân có kỹ năng nghề nghiệp hơn là những người có bà con thân nhân ở Mỹ. 44% những người được hỏi ủng hộ ý kiến này.

Tòa Bạch Ốc hy vọng Quốc hội bắt tay vào vấn đề di trú vào đầu năm 2018.

Ông Trump đã đề ra những tiêu chí tổng quát về những gì ông trông đợi trong dự luật cải cách di trú để đổi lấy việc cấp quy chế hợp pháp cho hơn 700 ngàn di dân được cha mẹ mang sang Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ. Các nội dung ông Trump mong muốn cải cách bao gồm xây tường biên giới chặn di dân lậu, tăng cường thực thi luật nghiêm hơn, và tiến tới hệ thống di trú dựa trên thang điểm xứng đáng.

Liên đoàn Cải cách Di trú Mỹ, FAIR, tổ chức vận động hạ bớt tỷ lệ dân nhập cư, vừa khởi sự chiến dịch vận động trên truyền thông cảnh báo về điều mà họ gọi là mối nguy của chương trình nhập cư theo diện bảo lãnh thân nhân và chương trình xổ số visa định cư Mỹ. Trong 1 tháng rưỡi qua, tổ chức này đã chi gần 1 triệu đô la cho chiến dịch vận động của mình.

Tuy nhiên, ông Guillermo Cantor, giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Di trú Mỹ, cho rằng chính quyền Trump phớt lờ những lợi ích của hệ thống di dân theo diện bảo lãnh thân nhân.

Ông nói nghiên cứu cho thấy các thân nhân được bảo lãnh mang tới Mỹ kỹ năng, sự hỗ trợ cùng các lợi ích khác chẳng hạn như phụ giúp trông trẻ.

“Xã hội này được thành lập trên các giá trị gia đình,” ông Cantor lập luận rằng chuyện đoàn tụ với cha mẹ, anh chị em, đối với nhiều người đã trở thành thường trú nhân hay công dân Mỹ, là hết sức hệ trọng.

Luật sư Khanh Phạm nói dù những đề nghị của ông Trump chưa thành luật nhưng các nỗ lực vận động giới lập pháp chớ xóa bỏ chương trình định cư ‘ăn theo’ nên bắt đầu từ bây giờ, từ cách gửi gắm nguyện vọng qua những tiếng nói đại diện cho dân tại Quốc hội, vốn là cách vận hành lâu nay của hệ thống dân chủ Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/toa-bach-oc-nham-xoa-so-dien-bao-lanh-than-nhan-/4164394.html

 

EU-Anh sẽ đàm phán Brexit giai đoạn hai

Các lãnh đạo EU và Anh đồng ý để đàm phán Brexit bước vào giai đoạn tiếp theo, theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk.

Điều này có nghĩa là hai bên sẽ có thể tiến tới hoạch định quan hệ lâu dài EU-Anh Quốc sau Brexit, trong lĩnh vực thương mại và an ninh.

Brexit: Số dân Anh xin hộ chiếu EU tăng nhanh

Theresa May: ‘Ba triệu công dân EU được ở lại Anh’

Brexit: Anh cần ít nhất 3 năm ‘chuyển tiếp’

Thủ tướng Anh ký thư kích hoạt Brexit

Vấn đề được bàn thảo ngay vào tuần sau là các điều kiện liên quan đến thời kỳ chuyển tiếp sau khi Anh ra khỏi EU vào cuối tháng 3/2019.

Chủ tịch Ủy hội châu Âu, Jean-Claude Juncker cảnh báo rằng quá trình này sẽ “khó hơn rất nhiều”.

Ông Donald Tusk thì nhắn trên mạng Twitter về cuộc họp 27 lãnh đạo EU hôm thứ Sáu ở Brussels.

Ông chúc mừng Thủ tướng Anh, bà Theresa May đã đạt được bước tiến quan trọng trong quá trình Brexit.

Bà May đã bay sang Brussels để có mặt trong cuộc họp với lãnh đạo EU.

Đây là lần thứ ba trong vòng hai tuần bà sang gặp các quan chức EU để cứu vãn quá trình đàm phán về Brexit có nguy cơ đổ vỡ thứ Hai tuần trước.

Hôm 04/12 hai bên đã không đạt được đồng ý về vấn đề biên giới EU và Vương quốc Anh ở vùng Bắc Ireland, khiến bà Theresa May phải từ Brussels trở về London để bàn với đảng DUP của Bắc Ireland trong chính phủ Anh.

Nay vấn đề này đã được khai thông, ít nhất là về ngôn từ.

Liên quan đến các quy định của EU trong giai đoạn chuyển tiếp từ tháng 4/2019, văn bản vừa công bố của EU nói:

“Vì trong quá trình chuyển tiếp, Anh Quốc tiếp tục tham gia liên minh thuế quan và thị trường chung EU, nước này sẽ tiếp tục tuân thủ các chính sách thương mại của EU.”

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42369224

 

Tổng thống Peru tuyên bố không từ chức

Tổng thống Peru Pablo Kuczynski nói ông sẽ không từ chức dù có các cáo buộc tham nhũng liên quan đến tập đoàn Odebrecht của Brazil.

Phát biểu trên truyền hình cuối ngày thứ Năm, và đứng cạnh các thành viên nội các, ông bác bỏ mọi cáo buộc về hành vi sai trái.

Nơi người lao động xin làm việc không công

Jacinda Ardern khác hẳn các lãnh đạo APEC

Che Guevara trách Fidel Castro ‘hèn’

Chính sách châu Á mới của Trump?

Trung Quốc vui vì Mỹ bỏ TPP

Vụ bê bối liên quan đến Odebrecht đang lan ra các nước Nam Mỹ với lời khai từ quan chức tập đoàn này nói họ trả cho ông Kuczynski 5 triệu USD tiền “tư vấn” khi ông giữ chức trong chính phủ nhiệm kỳ trước.

Phe đối lập Peru kêu gọi tổng thống từ chức ngay lập tức.

Theo lời khai từ Odebrecht, công ty này chuyển khoản tiền 5 triệu USD vào công ty Westfield Capital Ltd, do ông Kuczynski.

Ông thừa nhận vào thời điểm đó, ông làm chủ công ty nhưng “không quản lý”.

Hoa Kỳ đã phạt Odebrecht 3,5 tỷ USD vào năm ngoái vì trao hối lộ cho quan chức nhiều nước trong khu vực Nam Mỹ.

Hồi tháng 8/2017 tại CH Dominican đã có biểu tình phản đối tổng thống Danilo Medina, người cũng bị cáo buộc nhận hối lộ từ tập đoàn Odebrecht.

Cựu tổng thống Brazil bị thẩm vấn

Bạn có thể mua được quốc tịch những nước nào?

Khủng hoảng Venezuela: Nam Mỹ lên án Trump

Người Việt bỏ 3 tỉ đôla mua nhà ở Mỹ

Gần đây nhất, Phó Tổng thống Ecuador, ông Jorge Glas bị xử 6 năm tù cũng vì liên quan đến án hối lộ và Odebrecht.

Công tố viện Ecuador nói ông Glas nhận 13,5 triệu USD tiền từ tập đoàn xây dựng khổng lồ của Brazil.

Các khoản “phí tư vấn” trở thành cách bơm tiền vào tài khoản của các quan chức, lãnh đạo.

Vụ việc liên quan đến thời gian 10 năm trước, khi ông Kuczynski làm bộ trưởng kinh tế Peru.

Gần đây nhất, ông Pablo Kuczynski đã đại diện cho Peru sang dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam.

Từng làm thủ tướng

Sinh năm 1938 trong gia đình di dân châu Âu, ông Pablo Kuczynski có cha là công dân Đức gốc Ba Lan ở Poznan, mẹ người Pháp.

Ông đã tốt nghiệp ngành kinh tế, Đại học Oxford ở Anh, và trở thành một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, chuyên về khu vực châu Mỹ Latinh.

Từng nắm chức vụ tại Ngân hàng Quốc gia Peru, ông sang Mỹ tỵ nạn sau một cuộc đảo chính quân sự vào thập niên 1960.

Ông trở về Peru và tham gia chính trị, trở thành thủ tướng trong các năm 2005-06.

Ông đắc cử tổng thống và lên cầm quyền từ tháng 7/2016.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42365331

 

Anh Quốc tịch thu thuốc ‘cổ truyền’ làm từ cao hổ cốt

Trong một kho chứa ở gần sân bay Heathrow, Anh Quốc, nơi để tang vật các vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép, ngoài những thứ thường thấy như lông thú, ngà voi… còn một nhóm các sản phẩm rất đặc biệt.

Đó là những thứ được làm từ động vật hoang dã, và được nhiều nơi ở Á châu, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, coi là “thuốc cổ truyền”, chẳng hạn như cao hổ cốt nấu với nhung hươu.

Thuốc “dân gian” được tin là phương pháp trị bệnh thần kỳ ở một số nền văn hoá dù rằng công dụng của chúng rất ít được ghi nhận bởi ngành dược phẩm chính thống.

Bảo vệ động vật hoang dã: ‘VN không thể làm ngơ’

Người Việt buôn lậu ngà voi bị bắt ở Malaysia

VN gửi DNA sừng tê buôn lậu cho Nam Phi

Thuốc cổ truyền đa phần là hợp pháp, được phép mua bán, sử dụng. Tuy nhiên, phần không hợp pháp chiếm tới 42% vụ bắt giữ liên quan đến động vật hoang dã tại EU… theo báo cáo của tổ chức TRAFFIC.

Tại Hoa Kỳ, thuốc “cổ truyền” đứng thứ ba về khối lượng các sản phẩm hoang dã bị tịch thu, chỉ sau thịt và vây cá mập.

“Các loại thuốc và thảo dược chúng tôi tịch thu lần này không chỉ gồm các loại thuốc Á châu, là thứ mà chúng tôi từng bắt khá nhiều, mà còn cả các sản phẩm đến từ các nước như Hoa Kỳ, như thực phẩm tăng lực, chất bổ trợ thể hình,” ông Jan Sowa, Sỹ quan cao cấp thuộc Lực lượng Biên phòng Anh, nói.

Theo Liên Hiệp Quốc, thị trường thuốc bất hợp pháp toàn cầu có giá trị tới 3,4 tỉ USD.

Các nước Đông Nam Á, điển hình là Trung Quốc và Việt Nam dẫn đầu về cả xuất khẩu và nhập khẩu.

Các vụ bắt giữ động vật và các sản phẩm hoang dã bị buôn bán cũng thường xảy ra tại các nước Á châu như Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam…

Mới đây, hôm 8/12/2017, tổ chức Wildlife Justice Commission có trụ sở tại Hà Lan tuyên bố họ vừa gửi cho chính phủ Việt Nam một bộ hồ sơ mới về mạng lưới tội phạm buôn bán rất chuyên nghiệp ở nước này, mà theo họ nói là đã buôn bán các hàng hóa trị giá lên tới trên 15 triệu USD.

Mua bán sừng tê, ngà voi ở Nhị Khê

Chào bán da hổ nguyên tấm tại làng Nhị Khê

‘VN chưa quyết liệt chống buôn lậu động vật’

Trước đó một năm, cũng tổ chức này đã tiến hành phiên điều trần công khai đầu tiên tại The Hague về đường dây buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm chủ yếu là sừng tê và ngà voi tại Nhị Khê, ngoại thành Hà Nội, trị giá lên tới hơn 50 triệu đô la.

Tuy nhiên đang có sự tăng mạnh trong hoạt động xuất khẩu từ phương Tây, do nhu cầu từ giới trung lưu ngày càng tăng mạnh tại Trung Quốc.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42367345

 

Anh có háo hức chờ ngày 19/05 năm 2018?

Điện Kensington vừa công bố ngày làm lễ cưới của Hoàng tử Harry và cô Meghan Markle sẽ là 19 tháng 5 năm 2018.

Tháng trước, Hoàng tử thứ của Thái tử Charles đã công bố lễ đính hôn với diễn viên Mỹ 36 tuổi.

Dự kiến đám cưới hoàng gia này sẽ không lớn như đám cưới của anh trai Harry là Hoàng tử William với cô Catherine Middleton hồi tháng 4/2011.

Đám cưới của Harry và Meghan sẽ chỉ tổ chức trong nhà nguyện Thánh George tại lâu đài Windsor, và Hoàng gia Anh sẽ chi trả toàn bộ phí tổn.

Công chúa Hollywood sẽ nhận họ gì?

Hoàng tử Harry và vị hôn thê thăm Nottingham

Meghan sẽ thành công dân Anh thế nào?

Trước đó, ‘đám cưới thế kỷ’ của Hoàng tử William diễn ra trong nhiều địa điểm ở London, bắt đầu bằng lễ trong Tu viện Westminster Abbey, sau là cuộc rước dâu tới Thánh đường St Paul’s Cathedral.

Chi phí cho đám cưới đó lên tới trên 30 triệu USD, chủ yếu là tiền trả cho chi phí an ninh.

Nhưng bộ váy áo của cô dâu Kate Middleton, người được phong Nữ Công tước Cambridge trước buổi lễ, cũng lên tới 434 nghìn USD, theo trang CBS News.

Lần này trước đám cưới với Harry, Meghan Markle còn dự một lễ khác là lễ rửa tội để vào Anh Giáo.

Nữ hoàng Anh kỷ niệm 70 năm ngày cưới

Hoàng tế Philip sẽ ngưng các hoạt động giao tế

Hoàng tử William và Kate ‘sắp có con thứ ba’

Vợ chồng Hoàng tử William được bồi thường vì ảnh ngực trần

Lễ đính hôn chính thức của họ đã được làm tại Nottingham vào ngày 1/12 vừa qua.

Theo báo Anh, Meghan Markle cũng sẽ phải thực hiện các thủ tục nhập cư để có thể sang Anh định cư và làm việc.

Một số tờ báo tin rằng đám cưới hoàng gia thứ nhì trong thế kỷ 21 của Anh cũng được công chúng chờ đợi như một sinh hoạt đem lại niềm vui.

Ngoài ra cũng đang có các ước tính khác nhau xem đám cưới hoàng gia giúp thủ đô London thu từ du lịch bao nhiêu tiền.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42369225

 

Phái viên Bắc Hàn dự cuộc họp Hội đồng Bảo an

để bàn về khủng hoảng Triều Tiên

Phái viên ngoại giao Bắc Hàn tại Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ tham dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an vào hôm thứ Sáu ngày 15 tháng 12. Cuộc họp này cũng là nơi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói ông sẽ đưa ra cách giải quyết vấn đề đối phó với cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Theo nguồn tin, Đại sứ Bắc Hàn Ja Song Nam sẽ có bài phát biểu hiếm hoi trước Hội Đồng Bảo An. Cuộc họp được tổ chức sau chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Phụ Tá Tổng Thư Ký Jeffrey Feltman.

Theo AFP, phát ngôn viên của phái bộ ngoại giao Bắc Hàn tại Liên Hiệp Quốc cũng khẳng định trong email với hãng tin này rằng đại sứ Ja Song Nam sẽ tham dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an.

Vào hôm thứ sáu, ông Joseph Yun, phái viên hàng đầu của Hoa Kỳ về vấn đề Bắc Triều Tiên, cho biết rằng một “đối thoại thực sự” là điều cần thiết để đánh giá những gì Bình Nhưỡng mong muốn từ việc đẩy nhanh chương trình võ khí hạt nhân.

Ông Joseph Yun đưa ra nhận định này sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson bất ngờ tuyên bố mở ra cánh cửa đàm phán trực tiếp với Bắc Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết.

Trước đó, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng quan điểm của Hoa Kỳ là không thay đổi và khẳng định Bắc Hàn phải ngừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa.

Bắc Hàn đã nhiều lần chỉ trích và tẩy chay các phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ vì cho này tổ chức này là một công cụ của Hoa Kỳ với mục đích tăng cường các biện pháp chế tài đối với Bình Nhưỡng, nhằm buộc Bắc Hàn từ bỏ chương trình võ khí hạt nhân.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/north-korea-s-envoy-tillerson-to-attend-un-meeting-12152017082913.html

 

Người Rohingya thà chết còn hơn trở lại Myanmar

Chỉ một số ít người Hồi giáo Rohingya đang lánh nạn tại Bangladesh mong muốn được trở lại quê hương của họ ở Myanmar.

Hãng tin AFP đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với một số người Rohingya tại các trại tạm cư ở Bangladesh và nhiều người trong số họ chia sẻ rằng họ không muốn trở lại cuộc sống bị đàn áp ở Myanmar.

Một phụ nữ tên Mohammad Syed cho biết cô nghi ngờ Myanmar sẽ thực hiện những lời hứa hẹn mà họ đưa ra. Khi người Rohingya trở về, họ sẽ tiếp tục bị tra tấn và giết hại.

Người phụ nữ khác tên Dolu cũng đang tạm trú tại các khu tị nạn ở Banglasdesh đã gọi những cam kết của Myanmar là một cái bẫy. Cô nói rằng trước đây Myanmar đã từng hứa hẹn như vậy nhưng rốt cuộc họ vẫn biến cuộc sống của người Rohingya thành địa ngục.

Cô Dolu tuyên bố rằng cô thà sống ở một trại tạm cư hơn là trở về quê quán bởi vì ở đây cô có đồ ăn thức uống, có chỗ che mưa che nắng và cầu nguyện một cách tự do.

Bản tin của AFP cũng trích dẫn lời một người đàn ông tên là Aziz Khan, 25 tuổi, đang lánh nạn tại quận Cox’s Bazar, đưa ra điều kiện đó là chỉ khi nào Myanmar công nhận người Rohingya là công dân và cấp cho họ thẻ căn cước thì lúc ấy họ mới trở về.

Nếu không, họ thà chết ở Bangladesh còn hơn.

Hơn 650.000 người Rohingya đã chạy sang Bangladesh để trốn khỏi cảnh đàn áp, hãm hiếp, giết chóc ở bang Rakhine, Myanmar. Tại những trại tạm cư, họ phải sống trong điều kiện thiếu thốn lương thực, bệnh tật triền miên và không đảm bảo vệ sinh.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/rohingya-rather-die-than-return-to-oppression-in-myanmar-12152017081446.html

 

Thủ tướng Hun Sen thách thức Mỹ và Liên minh Châu Âu

Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen hôm thứ Sáu 15 tháng 12 nói với một nhóm vận động viên tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia rằng ông thách Liên minh Châu Âu (EU) và Hoa Kỳ đóng băng tài sản của các nhà lãnh đạo Campuchia ở nước ngoài.

Hun Sen nói thêm là ông không có tiền ở nước ngoài và bất kỳ hành động nào của EU và Mỹ sẽ không làm hại ông.

Thách thức này được cho là để phản ứng lại những quyết định cứng rắn của Hoa Kỳ và EU trước việc chính phủ Phnom Penh đàn áp đối lập, những hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự và truyền thông.

Hiện tại cả Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu đều chưa có bản đề nghị về phương án đóng băng tài sản các nhà lãnh đạo Campuchia ở nước ngoài. Ý tưởng này do một số nhà lập pháp đề ra.

Đại sứ quán Hoa Kỳ hiện không đưa ra bình luận về lời thách thức của Thủ tướng Hun Sen. Đại sứ EU George Edgar vào hôm thứ Sáu cũng cho biết khối EU chưa có quyết định về những bước tiếp theo của biện pháp phong toả tài sản.

Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã cắt kinh phí cho cuộc bầu cử 2018 ở Campuchia. Một động thái khác nữa là đầu tháng 12, Chính phủ Hoa Kỳ quyết định không cho một số viên chức Cambodia nhập cảnh vào Mỹ, để phản đối việc Phnom Penh đàn áp đối lập và báo chí. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rõ dây là phản ứng trực tiếp của Washington trước những hành động chính phủ Mỹ gọi là “phản dân chủ” của chính quyền Phnom Penh.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/cambodia-s-hun-sen-challenge-eu-and-us-to-freeze-assets-12152017082001.html

 

Mỹ bãi bỏ quy định về internet ban hành dưới thời Obama

Mỹ hôm thứ Năm bãi bỏ các quy định đã được áp dụng hai năm nay về “sự trung lập net” bảo đảm quyền truy cập internet bình đẳng để thay bằng các chính sách giảm những quy định đối với các nhà cung cấp dịch vụ internet lớn và trao cho họ quyền hành rộng lớn để quyết định người dùng có thể truy cập nội dung web nào.

Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) do phe Cộng hòa kiểm soát biểu quyết với tỉ lệ 3-2 thông qua kế hoạch được thăng tiến bởi chủ tịch ủy ban Ajit Pai, được bổ nhiệm vào vị trí này bởi Tổng thống Donald Trump, để “điều chỉnh một chút” việc quản lý các công ty viễn thông lớn và chấm dứt điều mà ông nói là việc chính phủ liên bang “quản lý vi mô” internet.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói chính quyền Trump “ủng hộ những nỗ lực của FCC, đồng thời Nhà Trắng vẫn và sẽ luôn ủng hộ internet tự do và công bằng.”

Thành viên Đảng Dân chủ của FCC Mignon Clyburn, một trong hai người bất đồng quan điểm, nói cơ quan này đang “giao chìa khóa internet” cho “một nhóm ít các đại công ty trị giá hàng tỉ đôla.”

Ngay sau cuộc biểu quyết, các quan chức ở bang New York và bang Washington tuyên bố họ sẽ đệ đơn kiện thách thức quyết định này.

Những thay đổi gây tranh cãi của ông Pai đảo ngược những chính sách năm 2015 mà cựu Tổng thống Barack Obama ủng hộ. Việc đảo ngược những quy định về sự trung lập net đối xử bình đẳng với mọi lưu lượng web đã thu hút hàng trăm cuộc biểu tình của công chúng và hơn một triệu cuộc gọi tới các thành viên Quốc hội bày tỏ sự chống đối với kế hoạch của ông Pai.

Quyết định này bãi bỏ những hạn chế mà đã ngăn các nhà cung cấp băng thông rộng như Comcast, Verizon và AT&T chặn hoặc thu phí các dịch vụ mà họ không thích và ngăn 50 bang của Mỹ ban hành những quy định của riêng mình.

Ông Pai nói kế hoạch của ông sẽ chấm dứt những quy định không cần thiết và giúp thêm nhiều người Mỹ tiếp cận được internet. Kế hoạch này sẽ cho các nhà cung cấp dịch vụ internet lớn quyền chặn các ứng dụng cạnh tranh, làm chậm lại các dịch vụ cạnh tranh và cung cấp kết nối internet nhanh hơn cho các công ty sẵn lòng trả thêm tiền.

“Trước năm 2015, trước khi những quy định này được áp đặt, chúng ta đã có internet tự do và rộng mở,” ông Pai nói với NBC trước cuộc biểu quyết. “Đó cũng là tương lai theo một phương sách dựa trên thị trường, được điều chỉnh chút ít. Người tiêu dùng được lợi, doanh nghiệp được lợi. Mọi người trong nền kinh tế internet đều lợi hơn với một phương sách dựa trên thị trường.”

Tim Berners-Lee, kỹ sư người Anh và là người sáng tạo World Wide Web, phản đối sự thay đổi chính sách này của Mỹ. Ông nói trên nền tảng trực tuyến Medium trong tuần này, “Sự trung lập net – nguyên tắc các nhà cung cấp dịch vụ internet đối xử bình đẳng với tất cả lưu lượng truy cập – là nền tảng của internet như chúng ta biết ngày nay.”

Ông Berners-Lee nói với những quy định của ông Pai, “Các nhà cung cấp dịch vụ internet sẽ có quyền quyết định bạn có thể truy cập website nào và tốc độ mà mỗi website này sẽ tải là bao nhiêu. Nói cách khác, họ có thể quyết định công ty nào thành công trên mạng, những tiếng nói nào được lắng nghe — và tiếng nói nào bị dập tắt.”

https://www.voatiengviet.com/a/my-bo-quy-dinh-ve-internet-ban-hanh-duoi-thoi-obama/4164844.html

 

EU kêu gọi trừng phạt Campuchia

Quốc hội châu Âu bỏ phiếu để cứu xét đình chỉ quy chế ưu đãi thương mại “Tất cả trừ vũ khí” dành cho Campuchia để tiếp cận thị trường Liên minh Châu Âu (EU). Đây là một động thái để đáp trả việc Campuchia quay trở lại với chế độ độc tài.

Quyết định này có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho Campuchia. Phân nửa lượng hàng hóa mà nước này sản xuất được xuất khẩu sang thị trường EU, chủ yếu là các mặt hàng may mặc và giày dép.

Hơn nửa triệu người Campuchia đang làm việc trong hai ngành công nghiệp này.

Trong buổi họp hôm thứ Năm, một đề nghị được chấp thuận để lên án quyết định của Phnom Penh, giải tán đảng đối lập trong nước. Các nghị sĩ EU kêu gọi Ủy viên thương mại Cecilia Malmström hãy “xem xét ngay” đặc quyền miễn thuế quan và không hạn ngạch của Campuchia đối với thị trường chung châu Âu thông qua cơ chế “Tất cả trừ vũ khí” (EAB)

Kiến nghị có đoạn viết: “… Nếu Campuchia có hành động không đúng với nghĩa vụ của mình theo quy định của EBA, thì những ưu đãi về thuế quan mà Campuchia đang được hưởng sẽ tạm thời bị thu hồi.”

Các nghị sĩ kêu gọi cơ quan hành động đối ngoại của EU lập ra một danh sách các cá nhân chịu trách nhiệm về quyết định giải tán đảng đối lập Campuchia và các vụ vi phạm nhân quyền khác, để trong tương lai có thể trừng phạt những người này, như hạn chế cấp thị thực và đóng băng tài sản.

Nhà lập pháp của EU Charles Tannock nói với quốc hội rằng việc giải tán Đảng Cứu Quốc Campuchia và tống giam ông Kem Sokha, thủ lãnh đảng này, là một “đòn giáng” lên nền dân chủ và là “động thái tiêu biểu của một bạo chúa”.

Ông Tannock nói: “Người dân Campuchia, sau chế độ diệt chủng Khmer Đỏ trong thế kỷ qua, xứng đáng được hưởng dân chủ, họ xứng đáng được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn.”

Hoa Kỳ và EU đều ngưng tài trợ cho cuộc bầu cử của Campuchia vào năm tới, trong khi Washington ghi tên hàng chục quan chức chính phủ nước này vào danh sách hạn chế thị thực như một phản ứng chống chiến dịch đàn áp phe đối lập, xã hội dân sự và truyền thông của chính phủ Campuchia hiện nay.

Thụy Điển đã đình tất cả các chương trình viện trợ mới cấp chính phủ cho Campuchia trừ giáo dục hoặc nghiên cứu.

Hôm thứ Tư (13/12), trong chuyến thăm không được thông báo tới Phnom Penh, Phó Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phụ trách khu vực Đông Nam Á Patrick Murphy nói với các phóng viên rằng Washington đang xem xét các biện pháp khác chống lại chế độ đương quyền ở Campuchia.

Tại phiên điều trần của Quốc hội để thảo luận các biện pháp chế tài hôm thứ Ba 12/12 tại Washington, nhà lập pháp Brad Sherman của đảng Dân chủ, đại diện tiểu bang California, nói Hoa Kỳ và Nhật Bản cần phối hợp hành động chống lại chế độ Hun Sen.

Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen đã gạt sang một bên những lời đe dọa của các chính phủ phương Tây sẽ trừng phạt nước ông, cho rằng các chính phủ phương Tây không còn có ảnh hưởng gì nhờ sức mạnh kinh tế đang lên và sự hào phóng của Trung Quốc.

Trong một bài phát biểu hôm thứ Sáu (15/12), ông Hun Sen một lần nữa lên tiếng thách thức EU và Mỹ phong tỏa tài sản của các quan chức đảng ông và tuyên bố ông không có tiền ở ngoài nước.

“[Anh] không cần phải đe dọa. Hãy thực hiện đi. Nếu anh giỏi thì hãy làm điều đó đi. Hãy (xem) anh làm điều đó, ” ông Hun Sen nói.

Đề cập đến một bài viết trên tờ Bưu Điện Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen nêu ra một sự thiếu hành động cụ thể từ năm nghị quyết trước đây của EU cho thấy động thái như vậy có ít tác động.

“Mặt khác, EU cần có sự nhất trí,” ông Hun Sen nói, ám chỉ đến yêu cầu phải có một sự thống nhất của 28 quốc gia thành viên để EU thông qua các quyết định liên quan đến các vấn đề ngoại giao.

Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmström đã không trả lời yêu cầu bình luận của VOA. Đại sứ EU tại Cambodia George Edgar cho biết trong một trả lời bằng email rằng Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu và Cao ủy châu Âu sẽ xem xét nghiêm túc các khuyến nghị trong Nghị quyết nhưng từ chối bình luận thêm.

Thủ tướng Hun Sen cũng cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ phớt lờ luật pháp của các chính phủ của họ nếu các biện pháp trừng phạt thương mại áp đặt lên Campuchia.

“Không phải tất cả mọi người chỉ theo những gì anh muốn làm – biện pháp chế tài của anh, yêu cầu của anh,” ông nói.

Mỹ và EU chiếm phần lớn lượng xuất khẩu của Campuchia – trị giá hàng tỷ đô la – trong khi Trung Quốc đang có thặng dư thương mại lớn với vương quốc nhỏ bé này.

Đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia gần đạt mức 1 tỷ USD vào năm ngoái – vượt qua tất cả các quốc gia khác – trong khi Bắc Kinh cũng cung cấp hàng trăm triệu đô la tiền viện trợ và các khoản vay giành cho cơ sở hạ tầng trị giá nhiều tỷ đô la. Hơn 60% các nhà máy may mặc của Campuchia thuộc sở hữu của Trung Quốc.

Chiến dịch đàn áp kéo dài của ông Hun Sen đối với các lãnh đạo đối lập được hậu thuẫn bằng những cáo buộc rằng họ đã âm mưu với Mỹ để lật đổ ông ta trong một cuộc cách mạng màu.

Thủ tướng Campuchia đã không đưa ra được bằng chứng đáng tin cậy nào để củng cố thuyết âm mưu này và các nhà quan sát nói chế độ của ông đã tiêu diệt đối thủ trước kỳ bầu cửa vì họ hoảng sợ trước các kết quả thăm dò tốt của đảng đối lập CNPR trong 2 cuộc trưng cầu trước đây.

https://www.voatiengviet.com/a/eu-keu-goi-trung-phat-campuchia/4165353.html

 

Tàu Mỹ có thể ghé Đài Loan, Trung Quốc phản đối

Trung Quốc đã đệ công hàm phản đối chính thức với Mỹ hôm thứ Năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành luật một dự luật mà có thể tạo điều kiện cho tàu chiến hải quân Mỹ đến thăm đảo Đài Loan tự trị.

Ông Trump hôm thứ Ba ký dự luật ngân sách quốc phòng cho phép khả năng có các chuyến thăm lẫn nhau của các tàu hải quân giữa Mỹ và Đài Loan. Nếu một chuyến thăm như vậy xảy ra, đó sẽ là chuyến thăm đầu tiên kể từ khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào năm 1979 và thiết lập quan hệ với Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói với các phóng viên ở Bắc Kinh rằng mặc dù một số phần của luật này liên quan đến Đài Loan không có tình ràng buộc về mặt pháp lý, những phần này vi phạm chính sách “Một Trung Quốc” và “cấu thành sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.”

Ông Lục nói Bắc Kinh phản đối bất kỳ trao đổi chính thức, liên lạc quân sự hay thương vụ vũ khí nào giữa Mỹ và Đài Loan.

Căng thẳng trong khu vực đã leo thang trong những ngày gần đây sau khi một nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc cảnh báo Bắc Kinh sẽ xâm lược Đài Loan nếu tàu chiến Mỹ ghé thăm hòn đảo này, nơi mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của họ.

Máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã thực hiện các cuộc tuần tra xung quanh Đài Loan hôm thứ Ba. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng những hình ảnh cho thấy các máy bay ném bom được trang bị phi đạn hành trình.

Phát ngôn viên của tổng thống Đài Loan, Hoàng Trọng Ngạn, nói với các phóng viên tại Đài Loan hôm thứ Tư rằng bộ quốc phòng đã phản ứng ngay tức thì về các cuộc tuần tra. Ông Hoàng nói Đài Loan “có thể bảo đảm rằng không có bất kỳ mối lo ngại nào về an ninh quốc gia, và mọi người có thể yên tâm.”

Quân đội được trang bị tốt của Đài Loan nhận được vũ khí chủ yếu là từ Mỹ nhưng đã thúc đẩy để có những vũ khí tiên tiến hơn để đáp lại điều mà họ coi là mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc. Mỹ có nghĩa vụ phải cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đã xấu đi kể từ khi lãnh đạo Đảng Dân Tiến của Đài Loan, Thái Anh Văn, đắc cử tổng thống vào năm 2016.

Trung Quốc tin rằng bà Thái muốn tuyên bố độc lập chính thức, một bước đi mà Bắc Kinh sẽ kịch liệt phản đối.

Đài Loan tách khỏi Trung Quốc vào năm 1949 sau cuộc Nội chiến Trung Quốc. Dù Đài Loan coi mình là một quốc gia có chủ quyền, hòn đảo này chưa bao giờ chính thức tuyên bố độc lập.

Bắc Kinh vẫn xem Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc và đã nói rằng Đài Loan sẽ được quy phục dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.

https://www.voatiengviet.com/a/tau-my-co-the-ghe-dai-loan-trung-quoc-phan-doi/4164839.html

 

Trung Quốc: Không được để chiến tranh nổ ra

trên bán đảo Triều Tiên

Cuộc khủng hoảng về hạt nhân Triều Tiên phải được giải quyết bằng đàm phán, chứ không phải chiến tranh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố ngày 14/12 trong khi Tổng thư ký Liên hiệp Antonio Guterres cảnh báo về mối nguy có thể miên hành vào chiến tranh.

Lời phát biểu của ông Tập được đưa ra trong cuộc gặp Tổng thống Hàn Moon Jae-in sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hồi thứ ba tuần này đề nghị bắt đầu đàm phán trực tiếp với Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết.

Tòa Bạch Ốc hôm thứ tư nhấn mạnh không thể tổ chức thương thuyết cho tới khi nào Triều Tiên cải thiện hành vi.

Tổng thống Nga, Vladimir Putin nói đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ là một tín hiệu tốt, đồng thời khuyến cáo rằng bất kỳ hành động tấn công nào của Mỹ đối với Triều Tiên đều mang lại hậu quả tàn khốc.

Thứ sáu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson sẽ tham dự cuộc họp cấp bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tại New York. Dịp này, ông Tillerson dự kiến thúc đẩy các nước duy trì áp lực do Mỹ dẫn đầu, thông qua các biện pháp chế tài, để buộc Bình Nhưỡng bỏ chương trình võ khí hạt nhân.

Triều Tiên thử phi đạn đạn đạo liên lục địa tiên tiến nhất hôm 29/11 mà họ nói rằng có thể bắn tới lục địa Mỹ, bất chấp áp lực quốc tế và chế tài của Liên hiệp quốc.

Hoa Kỳ khẳng định mọi phương án đối phó với Triều Tiên đã được tính tơi kể cả hành động quân sự.

Đón tiếp Tổng thống Hàn Quốc tại Đại Sảnh đường Nhân dân, Chủ tịch Tập Cận Bình nói mục tiêu giải giới hạt nhân bán đảo Triều Tiên phải được tuân thủ, chớ để xảy ra chiến tranh hay xáo trộn, theo truyền thông Trung Quốc.

Trung-Hàn có cùng quan tâm là duy trì hòa bình và Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Seoul để phát huy đàm phán, hỗ trợ hai miền Nam-Bắc Triều Tiên cải thiện quan hệ, ông Tập nêu rõ.

Tổng thống Hàn Quốc nói không thể dung chấp chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và đôi bên sẽ hợp tác áp dụng chế tài và áp lực lên Triều Tiên, truyền thông Hàn Quốc loan tin.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-noi-khong-duoc-de-chien-tranh-no-ra-tren-ban-dao-trieu-tien-/4164400.html

 

Nhật Bản bắt ba người buôn lậu lương thực

sang Bắc Triều Tiên

Thu Hằng

Hai người Nhật Bản và một người Hàn Quốc đã bị bắt ngày 14/12/2017 vì bị cáo buộc buôn lậu thực phẩm bằng đường biển sang Bắc Triều Tiên. Hoạt động của họ vi phạm các nghị quyết trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Cảnh sát nghi ngờ hai doanh nhân Nhật Bản và một công dân Hàn Quốc làm việc cho một doanh nghiệp vận tải đã chyển 1.530 kiện lương thực, trị giá khoảng 7,16 triệu yen (tương đương 53.600 euro), bằng tầu biển từ cảng Yokohama (Tokyo) sang Bắc Triều Tiên, thông qua trạm trung chuyển Singapore vào năm 2014.

Theo truyền thông địa phương, được AFP trích dẫn, sáng sớm 14/12, cảnh sát Nhật Bản đã phong tỏa một doanh nghiệp Tokyo và trụ sở của một hội thương mại, thành viên của Tổng Hội người Triều Tiên tại Nhật Bản, bị cho là sứ quán Bắc Triều Tiên trá hình.

Nhật Bản cấm mọi hoạt động trao đổi thương mại với Bắc Triều Tiên trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt vì Bình Nhưỡng phát triển chương trình nguyên tử và bắt cóc công dân Nhật.

Các vụ bắt cóc công dân Nhật sang Bắc Triều Tiên cũng là một chủ đề nhạy cảm ở Nhật Bản. Chính quyền Tokyo vẫn nghi ngờ gián điệp Bắc Triều Tiên đã bắt cóc vài chục người trên lãnh thổ Nhật Bản trong những năm 1970-1980.

Nhân chuyến công du của tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhật Bản vào tháng 11/2017, thủ tướng Shinzo Abe đã hứa đóng băng mọi tài sản của Bắc Triều Tiên tại quốc đảo này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171215-nhat-ban-bat-ba-nguoi-buon-lau-luong-thuc-sang-bac-trieu-tien

 

Châu Âu vẫn bất đồng trên hồ sơ tị nạn và nhập cư

Minh Anh

Chiều hôm qua, 14/12/2017, tại thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu ở Bruxelles, lãnh đạo các nước thành viên đã đề cập đến vấn đề hạn ngạch tiếp nhận dân nhập cư và tị nạn và hồ sơ này vẫn gây bất đồng giữa các nước thành viên.

Từ Bruxelles, thông tín viên Quentin Dickinson tường trình :

« Cho dù có cuộc thảo luận thẳng thắn và quyết liệt, như người ta vẫn thường nói, được tổ chức kín vào tối hôm qua, 14/12 và không có biên bản tường trình, lập trường của các nước vẫn không hề thay đổi trong hồ sơ tị nạn và việc đón nhận họ. Bốn nước Trung Âu vẫn không muốn đón nhận người tị nạn, nhưng đề xuất là sẽ đóng góp 35 triệu euro vào việc đưa những người muốn nhập cư đã sang tới Libya quay trở lại Nam Sahara châu Phi.

Các nước Bắc và Tây Âu rất muốn là tình đoàn kết được thể hiện qua cách thức đóng góp tài chính này nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Họ nói rằng mỗi nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu cần phải đón nhận ít nhất vài trăm người nhập cư.

Bất đồng giữa các nước dường như mang tính trừu tượng hơn là những gì diễn ra thực tế, vì cuộc thảo luận này chỉ liên quan đến một phần khiêm tốn trong các đợt di dân đã được châu Âu ghi nhận trong ba năm qua. Đó là những người tị nạn, nạn nhân của các vụ truy bức chính trị, tôn giáo hay sắc tộc. Đương nhiên, không có việc định hạn ngạch đón nhận những người nhập cư trái phép, không hề phải đối mặt với những nguy cơ, đe dọa gì tại đất nước của mình.

Thái độ của phong trào dân túy bài ngoại cố tình đánh đồng người tị nạn với dân nhập cư bất hợp pháp đã cản trở cuộc thảo luận trong khi mà chính người dân Hy Lạp và Ý vẫn tiếp tục trả giá đắt cho vị thế địa lý của họ, vì là cửa ngõ của châu Âu. »

Theo lịch trình, hôm nay, hội nghị thượng đỉnh châu Âu bàn về cải cách khu vực đồng euro và hồ sơ Brexit.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171215-chau-au-van-bat-dong-tren-ho-so-ti-nan-va-nhap-cu

 

Liên Hiệp Quốc: Damas làm đàm phán Genève thất bại

Minh Anh

Tại Genève, vòng đàm phán lần thứ tám về Syria đã kết thúc tối 14/12/2017, sớm hơn dự kiến một chút. Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura tỏ ra cay đắng vì « một cơ hội bằng vàng bị bỏ lỡ ». Ông cáo buộc phái đoàn chế độ Bachar Al Assad đã làm cho cuộc thương lượng lần này thất bại.

Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche cho biết thêm thông tin :

« Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura cố tỏ ra lạc quan một chút. Ông đã hoài công khi khẳng định rằng hai tuần lễ được gọi là thảo luận không phải là vô ích. Trên thực tế, đó là một sự thất bại, không hề có kết quả gì. Tiến trình chuyển đổi chính trị cũng không được đề cập đến: phái đoàn của chế độ Bachar Al Assad không hề muốn thảo luận điều gì ngoài việc chống khủng bố.

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura thừa nhận : Chúng tôi đã không đạt được đồng thuận để đàm phán. Nói một cách khác, các cuộc thương lượng thực sự đã không diễn ra. Tôi không thấy phía chính phủ Damas thực sự tìm kiếm đối thoại. Nếu các vị hỏi tôi về việc này, thì tôi trả lời rằng đó là một cơ hội lớn bị bỏ lỡ. Một cơ hội bằng vàng vào lúc các chiến dịch quân sự dường như đã kết thúc.

Người ta coi hành động của Damas giống như cản phá bóng trong bóng đá. Đây là lần đầu tiên, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc, cho dù là với ngôn từ ngoại giao, đã quy trách nhiệm cho một bên cụ thể làm đàm phán thất bại. Giờ đây, ông Staffan de Mistura rất muốn tổ chức một vòng đàm phán mới vào tháng Giêng năm tới. Thế nhưng, không có gì chắc chắn là vòng đàm phán này sẽ diễn ra. »

Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út “vô tình” cung cấp vũ khí cho Daech

Các loại vũ khí chủ yếu do Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út cung cấp cho quân nổi dậy ở Syria đều rơi vào tay của quân thánh chiến khủng bố. Đây là kết luận của một cuộc điều tra kéo dài trong vòng ba năm do tổ chức phi chính phủ Conflict Armament Research (CAR) vừa công bố, qua việc phân tích hơn 40 000 mẫu vũ khí.

CAR khẳng định Washington và Riyad đã cung cấp vũ khí « đương nhiên là cho các lực lượng đối lập Syria ». Tổ chức này giải thích trong phần lớn các trường hợp, Hoa Kỳ không có quyền gởi đến quân nổi dậy loại các loại vũ khí có được từ các nhà cung cấp châu Âu, chủ yếu là từ Rumani và Bulgari.

Sau đó, các loại vũ khí được cung cấp cho quân nổi dậy ở Syria đã rơi vào tay của quân khủng bố Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech. Báo cáo của CAR nhấn mạnh rằng điều đó đã « vô hình chung cho phép Daech có được một số lượng quan trọng đạn dược chống xe bọc thép ».

Theo AFP, đây không phải là trường hợp đầu tiên. Hoa Kỳ, Pháp cũng như là Anh Quốc đã cung cấp vũ khí cho Quân đội Tự do Syria ngay từ đầu cuộc xung đột. Nhóm thánh chiến Al-Nosra (có liên hệ với Al-Qaida) đã chiếm hữu vũ khí vài ngày sau đó.

Nguồn cung còn đến từ những phiến quân nổi dậy được Hoa Kỳ huấn luyện tại Jordani. Nhiều người trong số này đã đào thoát cùng với vũ khí và quân trang để rồi gia nhập quân thánh chiến

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171215-lien-hiep-quoc-damas-lam-that-bai-vong-dam-phan-geneve

 

Hàn Quốc tăng thêm 7% ngân sách quốc phòng năm 2018

Minh Anh

Trang mạng Hàn Quốc KBS ngày 14/12/2017 loan báo: Quốc Hội nước này trong tuần rồi đã thông qua quyết định tăng thêm 7% ngân sách quốc phòng cho năm 2018. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2009. Như vậy, ngân sách cho quốc phòng sẽ là hơn 34 tỷ euro. Mức tăng này phản ảnh rõ sự quan ngại của chính quyền Seoul trước những tiến bộ gần đây trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trả lời câu hỏi của KBS, ông Moon Seong-mook, chuyên gia Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Gia, có nhận xét như sau :

« Tổng thống Moon Jae-In nhấn mạnh đến nhu cầu duy trì một lực lượng quân đội hùng hậu để đáp trả mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Chính phủ đang chuẩn bị lấy lại quyền kiểm soát tác chiến từ quân đội khi có chiến sự, một sự kiểm soát hiện được giao phó cho đồng minh Hoa Kỳ. Hàn Quốc cũng sẽ có khả năng tiến hành các chiến dịch quân sự chung trong tương lai. Trong chiều hướng này, Hàn Quốc phải sở hữu các năng lực phòng thủ. Từ đó cho thấy rõ tầm quan trọng của việc tăng chi tiêu quân sự ».

Vẫn theo KBS, gần 2 tỷ đô la đặc biệt sẽ được dành cho chương trình gọi là « kế hoạch phòng thủ 3 trục ». Theo đó, một kế hoạch bao gồm hệ thống « Kill Chain », dùng để tấn công phủ đầu lên các điểm phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên; trục thứ hai là bắn chặn tên lửa Bắc Triều Tiên và trục cuối cùng gồm những chiến dịch đáp trả ồ ạt sau khi bị kẻ thù phía bắc tấn công.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171215-han-quoc-tang-them-7-ngan-sach-quoc-phong-nam-2018

 

Nhiều đại học Úc bị tố

“chia sẻ” công nghệ quân sự với Trung Quốc

Tú Anh

Trung Quốc có thể dùng vũ khí Úc đánh lại Úc. Lỗi này là do thái độ thụ động của bộ Quốc Phòng Úc, theo tố giác của giới chuyên gia Úc được ABC loan tải trong bản tin 15/12/2017. Sau khi giới chính trị bị tai tiếng để cho Bắc Kinh mua chuộc, đến lượt giới khoa học gia Úc bị tố gián tiếp giúp quân đội Trung Quốc canh tân khả năng tác chiến.

Peter Jennings, giám đốc viện nghiên cứu chiến lược (ASPI) của Úc, từng là cố vấn chiến lược của bộ quốc phòng Úc, cho rằng có nhiều xác suất là các đại học Úc đã chia sẻ công nghệ khoa học với Trung Quốc một cách bất hợp pháp. Do vậy cần phải nhanh chóng điều tra sâu rộng để biết vì sao các nguyên tắc kiểm soát nghiêm ngặt không được áp dụng ? .

Giáo sư Clive Hamilton, đại học Charles Sturt, đã phát hiện hàng trăm dự án nghiên cứu chung giữa các nhà khoa học Úc và các tướng lãnh Trung Quốc. Nhân vật trung tâm của mạng lưới hợp tác đáng ngờ này là tướng hai sao Dương Học Quân (Yang Xue Jun), tân ủy viên trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc, chủ nhiệm một cơ quan nghiên cứu quốc phòng Trung Quốc.

Một số đại học Úc có chương trình nghiên cứu công nghệ mũi nhọn, như trí thông minh nhân tạo, điện toán, công nghệ tự động có thể ứng dụng vào quân sự. Được ABC đặt câu hỏi, giáo sư Clive Hamilton dự đoán là một số kiến thức mà Trung Quốc thu thập được từ mối hợp tác này đang được quân đội Trung Quốc nghiên cứu để cải tiến khả năng tác chiến.

Theo ông, thì một ngày nào đó, quân đội Trung Quốc sẽ dùng công nghệ Úc đánh lại Úc trên chiến trường. Chính sách hợp tác Úc-Trung cần phải được xét lại, vì nó tác hại đến mối quan hệ quốc phòng giữa Úc và đồng minh số một trong vùng là Hoa Kỳ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171215-nhieu-dai-hoc-uc-bi-to-%C2%AB-chia-se-%C2%BB-cong-nghe-quan-su-voi-trung-quoc

 

Bắc Triều Tiên:

Phong tỏa hàng hải là “hành động chiến tranh”

Thu Hằng

Ngày 14/12/2017, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ có những biện pháp tự vệ « không thương tiếc » nếu Hoa Kỳ áp dụng phong tỏa hàng hải, vì đó sẽ là « một hành động chiến tranh », theo lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên.

Hãng thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA dẫn lời vị quan chức này cho biết thêm quyết định phong tỏa hàng hải sẽ là « sự vi phạm rõ ràng » chủ quyền và danh dự của Bắc Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đưa ra một « biện pháp vô cùng nguy hiểm hướng đến chiến tranh hạt nhân » khi tìm cách áp đặt lệnh phong tỏa.

Sau khi Bắc Triều Tiên bắn thử một tên lửa liên lục địa vào ngày 29/11, Washington kêu gọi thắt chặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế, trong đó có phong tỏa hàng hải, cấm vận dầu hỏa và cấm xuất khẩu nhân công Bắc Triều Tiên, được coi là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, sức ép đang gia tăng với Bắc Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin đã nói chuyện qua điện thoại ngày 14/12, theo khởi xướng của Nhà Trắng. Hai nhà lãnh đạo « đã nhắc đến chuyện làm việc cùng nhau để giải quyết tình hình rất nguy hiểm tại Bắc Triều Tiên », theo thông cáo của Nhà Trắng, được AFP trích dẫn.

Cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Nga-Mỹ đã được ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hoan nghênh và cho đấy là một « tiến bộ » « viễn cảnh » của việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu ngày 16/12 tại Bangkok, ông Joseph Yun, đặc phái viên của Mỹ về Bắc Triều Tiên, nhấn mạnh đến « mở cửa đối thoại » với Bình Nhưỡng, kết hợp giữa « ngoại giao và trừng phạt », theo đường lối của ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

Ông Joseph Yun đang công du Thái Lan để thuyết phục Bangkok cô lập Bắc Triều Tiên. Là một trong những nước Đông Nam Á còn duy trì quan hệ thương mại quan trọng với Bình Nhưỡng, chính quyền Bangkok quyết định « sẽ không còn hoạt động xuất-nhập khẩu giữa Thái Lan và Bắc Triều Tiên từ nay đến cuối năm 2017 ». AFP nhắc lại thống kê của bộ Ngoại Giao Thái Lan, trong vòng 9 tháng đầu năm 2017, thương mại song phương đạt 1,6 triệu đô la, giảm 94% so với cùng kỳ năm 2016.

Một phái đoàn của bộ Quốc Phòng Nga đang có mặt ở Bình Nhưỡng để tham gia cuộc họp đầu tiên của hội đồng quân sự hỗn hợp Nga-Bắc Triều Tiên kể từ khi hai nước ký hiệp định ngăn ngừa các hoạt động quân sự nguy hiểm ngày 12/11/2015. Trang Sputnik, trích thông tin từ trang Facebook của sứ quán Nga tại Bắc Triều Tiên, cho biết « phái đoàn của bộ Quốc Phòng Nga sẽ ở lại đến ngày 16/12 ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171215-bac-trieu-tien-%C2%AB-phong-toa-hang-hai-%C2%BB-la-%C2%AB-hanh-dong-chien-tranh-%C2%BB

 

Paris mở cửa xưởng đúc tiền cổ nhất nước Pháp

Minh Anh

Đồng franc Pháp đầu tiên « Franc a cheval » (1360) cân nặng 3,88 grammes vàng, có hình vua Jean II le Bon. Một đồng vàng Louis (1640) in hình vua Louis XIII chứa chưa đầy 4 grammes vàng. Nhưng một đồng vàng Napoleon có mệnh giá 20 francs, có đến gần 6g (5,805 vàng ròng)… Hay thú vị hơn nữa là những công cụ dập tiền từ thời Trung Cổ cho đến ngày nay. Đó là những vật trưng bày trong số vô vàn những báu vật được Monnaie de Paris hay còn gọi Bảo Tàng Đồng Tiền Paris lần đầu giới thiệu với công chúng.

Mở cửa chính thức vào ngày đầu tháng 11/2017, Monnaie de Paris dẫn dắt người xem cùng khám phá một góc nhìn khác về lịch sử nước Pháp : Đồng tiền và Nghệ thuật đúc tiền.

Jacques-Denis Antoine : Người thổi hồn cho Monnaie de Paris

Nằm đối diện với bảo tàng Louvre đồ sộ bên kia sông Seine, Monnaie de Paris là một định chế cổ nhất nước Pháp, được thành lập vào năm 864 dưới thời trị vì của vua Charles le Chauve. Nhưng phải đợi đến tận năm 1775, định chế này mới chính thức đóng đô tại số 11, Quai de Conti ngày nay.

Đến tham quan Monnaie de Paris, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt người xem là kiến trúc lộng lẫy của cả một cung điện có diện tích 48.000m2, nằm ngay bên bờ sông Seine, giữa lòng khu phố sang trọng và đẹp nhất của Paris. Nhìn từ bên ngoài, không một ai có thể ngờ rằng nơi đây từng là một nhà xưởng dùng để đúc dập tiền của nước Pháp và là nhà xưởng duy nhất còn lại tại Paris. Cảm giác ngạc nhiên đó lại càng tăng lên bội phần khi được nhìn thấy những đường nét trang trí, chạm khắc sang trọng và tinh xảo bên trong tòa nhà.

Chuyện kể rằng Monnaie de Paris có được vẻ đẹp kiêu sa như ngày nay là nhờ vào bàn tay phù phép tài nghệ của ông Jacques-Denis Antoine, một người chưa bao giờ theo đuổi một chương trình đào tạo chính thống về kiến trúc. Là con trai của chủ xưởng mộc lớn, Jacques-Denis Antoine đã bắt đầu sự nghiệp bằng nghề thợ mộc và tự học thêm về nghành kiến trúc.

Cho đến khi chính thức trở thành một chủ hãng xây dựng có tuyên thệ, ông bắt đầu trình làng nhiều dự án kiến trúc của mình. Tiếng tăm của ông từ ấy dần lan xa. Đến năm 1765, Jacques-Denis Antoine đã vượt qua nhiều kiến trúc sư tiếng tăm thời ấy dành quyền thiết kế và xây dựng dự án Hotel de Monnaie, ban đầu dự kiến dựng tại quảng trường Concorde ngày nay.

Nhưng rồi cuối cùng, cũng chính ông đã quyết định chọn Quai de Conti để đặt viên đá đầu tiên cho tòa nhà Monnaie de Paris. Trong suốt thời gian giám sát thi công, đích thân ông tự chọn từ nhà thầu, nhà cung cấp nguyên vật liệu cho đến những nghệ nhân tài giỏi nhất lúc bấy giờ.

Chính sự kết hợp hài hòa những đường nét tổng thể, nét sang trọng của hoa văn trang trí và sự hoàn hảo của quá trình thực hiện đã mở rộng cửa cho Jacques-Denis Antoine trở thành thành viên Viện Kiến Trúc Hoàng Gia, và mang đến cho ông nhiều công trình danh giá trên khắp châu Âu.

Đúc và Dập Tiền : Khoa học và Nghệ Thuật

Theo dòng thời gian, Monnaie de Paris đã trải qua nhiều lần trùng tu sao cho phù hợp với quá trình phát triển của khoa học và kỹ thuật trong ngành đúc dập tiền. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Monnaie de Paris được dùng làm bảo tàng. Lần đầu tiên là bảo tàng nước Pháp dưới thời vua Louis-Philippe năm 1831, Bảo tàng các loại huy chương vào cuối thế kỷ XIX, hay như Bảo tàng nước Pháp qua lăng kính nghề đúc tiền vào cuối những năm 1980.

Giờ đây, sau sáu năm đóng cửa trùng tu, bảo tàng Đúc Dập Tiền Paris đã chính thức mở cửa lại cho công chúng dưới một lớp áo mới, một góc nhìn mới. Theo giải thích của ông Victor Hundsbuckler, quản đốc bảo tàng với ban Việt ngữ đài RFI, bảo tàng mới lần này mang đến cho người xem một cái nhìn đầy đủ, đa dạng hơn và phổ quát hơn về lịch sử ngành tiền tệ :

« Nhìn lại lịch sử, bảo tàng ngày hôm nay muốn được phổ quát và đa dạng hơn. Nghĩa là chúng tôi muốn đặt công việc đúc dập tiền trong một khái niệm mang tính toàn cầu, mang đậm tính chất lịch sử, vượt ra ngoài khuôn khổ cung điện Đồng tiền Paris. Các loại đồng tiền trên thế giới, với những kho báu, không hẳn là của nước Pháp và chúng tôi muốn phác họa lại một ngành lịch sử, bao gồm cả khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, kinh tế… »

Tham vọng này của Monnaie de Paris đã thể hiện rõ qua cách bố trí không gian triển lãm và những báu vật được trình bày. Từ việc giải thích cho người xem những kim loại được dùng để đúc tiền và được sử dụng ra sao tại mỗi nước. Kỹ thuật đúc và dập tiền qua mỗi giai đoạn lịch sử. Nhưng trước đó là khâu thiết kế mẫu mã, tạo hình nổi trên đồng tiền như thế nào.

Nhưng để có thể thực hiện tham vọng này, Monnaie de Paris gặp không ít khó khăn. Trong số đó, làm thế nào thể hiện được đầy đủ ý nghĩa lịch sử của ngành đúc và dập tiền thông qua hơn 2.000 lô báu vật được trưng bày nhưng không làm mất đi nét thanh tao, trang nhã và lộng lẫy của không gian kiến trúc, đây quả là một thách thức lớn cho các nhà tổ chức. Ông Victor Hundsbuckler cho biết tiếp :

« Khó khăn thứ nhì là việc tái tạo các phần kiến trúc hợp lý, tìm lại bản vẽ gốc. Để làm việc này thì trước tiên cần tiến hành rà soát, kiểm kê để xác định rõ xem những bộ phận nào có giá trị kiến trúc. Bởi vì trong thế kỷ 19 và 20, người ta đã xây thêm hoặc cải tạo sắp xếp lại và những phần này vẫn được giữ nguyên. Thế nhưng, khi sửa sang, cải tạo lần này, thì đó chỉ là những phần lai ghép xấu xí được xây dựng thêm, đính ghép với lâu đài.

Như vậy, sau khi giải quyết xong khó khăn đầu tiên này, chúng tôi đang hoàn tất giai đoạn hai, trong khu vườn, tháo bỏ những phần lai ghép xấu xí đó. Có một khối lượng rất lớn gạch đá vụn cần vứt bỏ. Chúng tôi đang giải phóng toàn bộ mặt bằng diện tích khu vườn để tái tạo khu vườn như trước đây.

Chúng tôi vui vì tìm lại được bản vẽ kiến trúc của (Jacques–Denis) Antoine, nhưng đồng thời cũng có nhiều khó khăn vất vả trong việc quản lý dự án vì có hàng trăm, hàng ngàn tấn gạch đá bê tông cần phá bỏ, nhất là khi cần nâng cao mặt bằng.

Ví dụ, trong khu vực lâu đài, có một nhà thể thao được xây dựng trong những năm 1950. Do vậy, cần phải gia cố tạm thời các phần lâu đài để sao cho việc phá bỏ khu nhà thể thao không làm yếu kết cấu lâu đài. »

Monnaie de Paris : Niềm kiêu hãnh của nước Pháp

Với những nỗ lực vượt bậc trong vòng 6 năm qua, khách tham quan có thể tận mắt chiêm ngưỡng những báu vật vô giá của bảo tàng. Từ những dụng cụ đúc và dập tiền chính thống thô sơ cho đến những loại dụng cụ tinh vi hơn. Nhưng đó cũng có thể là những loại dụng cụ để làm tiền giả. Trên góc nhìn lịch sử, công nghệ chế tạo tiền giả chính là động lực chính thúc đẩy sự tiến bộ và giúp cho kỹ nghệ đúc tiền ngày càng được hoàn thiện và tinh vi hơn.

Không chỉ có đúc và dập đồng tiền, Pháp còn nổi tiếng với kỹ nghệ đúc huy chương. Công nghệ này bắt đầu phát triển dưới thời Napoleon, đem lại cho Pháp một nguồn thu không nhỏ trong việc đúc huy chương, làm đồ trang sức cho các hoàng tộc châu Âu.

Nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là bốn kho báu được Monnaie de Paris lần đầu giới thiệu với công chúng. Trong số này có kho báu Huế, chiến lợi phẩm mà Pháp thu được dưới thời thực dân. Những thỏi vàng và bạc được Monnaie de Paris trang trọng sắp theo hình chữ S. Chủ đề này, RFI Tiếng Việt sẽ trình bày trong một tạp chí tới đây.

Sừng sững bên bờ sông Seine từ hơn hai thế kỷ rưỡi qua, Monnaie de Paris chứng kiến biết bao thăng trầm của nước Pháp. Nhưng làm thế nào định chế này có thể bảo vệ toàn vẹn các báu vật và di sản của mình trước bao biến cố lịch sử ?

« Tôi xin trả lời câu hỏi này qua việc giải thích về thiết kế và kiến trúc của lâu đài hồi thế kỷ 18. Chúng tôi đã mở 6 cửa ra vào khu vực lâu đài, nhưng trước đây chỉ có một lối ra vào mà thôi. Có nghĩa là hiện nay, có nhiều cửa mở ra phố Guenegaud. Du khách có thể vào qua cửa này để tới khu vực cửa hàng bán sách, đồ lưu niệm hoặc đi qua sân để vào bên trong, tham quan từng phần của lâu đài.

Trước đây, đó là những cửa giả, đằng sau là những bức tường đá. Bởi vì vào cuối thế kỷ 18, đây là nơi tích trữ tiền và vàng và cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Có một đội lính Thụy Sĩ bảo vệ, giống như lính Thụy Sĩ đang bảo vệ tòa thánh Vatican hiện nay. Vào thời kỳ đó, tất cả các lâu đài hoàng gia đều có lính gác Thụy Sĩ.

Trong suốt quá trình tồn tại, lâu đài luôn luôn được bảo vệ chặt chẽ. Bởi vì việc đúc, dập tiền là một trong những chức năng quan trọng, cơ bản của Nhà nước. Đồng tiền đánh dấu giới hạn quyền lực, là cơ sở cho hoạt động kinh tế và thị trường tài chính của một quốc gia. Chính vì những lý do này mà ngay cả khi có thay đổi chế độ, thì đồng tiền vẫn được giữ nguyên. »

Vẫn theo ôngVictor Hundsbuckle, đó là vì nhằm bảo đảm sự tồn tại liên tục của một Nhà nước :

« Ngay cả khi có Công Xã Paris, những người cách mạng cũng chú ý đến việc để cho khu vực lâu đài đúc tiền không bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng chính trị xã hội, không có nguy cơ bị dân chúng tràn vào xâm chiếm, đập phá. Có thể nói, nơi đây luôn luôn được bảo vệ chặt chẽ. »

Trong bối cảnh Pháp bây giờ là một thành viên của khối đồng tiền chung châu Âu và công nghệ tin học phát triển mạnh mẽ, nhu cầu sử dụng đồng tiền tăng, nhà xưởng đặt tại Quai de Conti không còn thích hợp, nay được dời về Pessac.

Theo tiết lộ của Monnaie de Paris, mỗi ngày xưởng đúc tiền Pessac của Pháp đóng gói 6 triệu đồng tiền. Mỗi một phút máy dập 800 cú.  Năm 2016, Pháp phát hành 1,3 triệu đồng tiền. Và nước Pháp đúc và dập tiền cho 44 quốc gia. Với những con số ấn tượng này, chú Gà Trống Gaulois biểu tượng nước Pháp đã có thể tự hào về kỹ nghệ đúc và dập tiền của mình.

http://vi.rfi.fr/phap/20171215-paris-mo-cua-xuong-duc-tien-co-nhat-nuoc-phap