Tin khắp nơi – 15/121/2016
Điện Kremlin
phủ nhận tin ông Putin chỉ đạo vụ hack bầu cử Mỹ
Điện Kremlin vừa phủ nhận tin nói Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân chỉ đạo tấn công dữ liệu điện toán Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ.
NBC News hôm thứ Tư trích lời các giới chức tình báo Mỹ nói ông Putin “đã đích thân can dự vào một chiến dịch bí mật của Nga”.
Khi được hỏi về điều này, người phát ngôn Dmitry Peskov của Tổng thống Putin hôm thứ Năm nói rằng đó là điều “phi lý nực cười”.
CIA đã quy cho Nga đã giúp ông Donald Trump thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng trước. Nhưng Moscow đã kịch liệt phủ nhận cáo buộc cho rằng Nga đã chỉ đạo tin tặc tấn công ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Rắc rối các khoản nợ của ông Trump với ngân hàng Đức
WASHINGTON, DC —
Tuần này, tổng thống đắc cử Donald Trump đã trì hoãn một công bố rất được mong chờ về việc ông sẽ giải quyết các mâu thuẫn quyền lợi giữa hoạt động kinh doanh toàn cầu của ông với công việc của ông khi là một tổng thống như thế nào. Những đầu tư tài chính của ông là một mối lo ngại nhưng những khoản nợ của ông lại là một mối lo khác, bao gồm cả những khoản vay từ một ngân hàng của Đức. Thông tín viên Carolyn Presutte của đài VOA tìm hiểu về một mối quan tâm lớn: cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ về chủ nợ lớn nhất của ông Trump – ngân hàng Deutsche Bank của Đức.
Đó là những bất động sản lớn ở những vị trí trung tâm. Các sân gôn. Các tòa nhà trọc trời. Tất cả đều mang những khoản vay thế chấp lớn do Tổng thống đắc cử Donald Trump đứng tên. Ba trong số những bất động sản đó đang được các chuyên gia đặc biệt quan tâm liên quan đến ngân hàng đứng sau các khoản nợ. Đó là 364 triệu đô la vay của ngân hàng Deutsche Bank của Đức.
Cựu luật sư về đạo đức nghề nghiệp của Nhà Trắng Richard Painter cho VOA biết:
“Tôi lo ngại một tổng thống thiếu nợ bất kỳ ai, đặc biệt là thiếu nợ một ngân hàng nước ngoài.”
Hợp đồng vay năm 2014 để xây tòa Tháp Trump ở Chicago có khoản vay thế chấp 69 triệu đô la của ngân hàng Deutsche Bank.
Đài VOA tìm hiểu và được biết có 2 hồ sơ được công khai cho thấy khu nghỉ dưỡng và sân gôn ở Miami của ông Trump có các khoản vay trị giá 125 triệu đô la từ ngân hàng Deutsche Bank. Các hồ sơ này cũng cho thấy khách sạn Trump Hotel ở thủ đô Washington, cách Nhà Trắng chỉ vài khu phố, có khoản vay 170 triệu đô la từ ngân hàng này của Đức.
Ông Painter nói: “Câu hỏi ở đây là liệu tổng thống có thể thiếu nợ các ngân hàng lớn trong khi lãnh đạo các nhà quản lý và thực thi quy định điều hành hệ thống ngân hàng của chúng ta, trong đó có những biện pháp đang được xem xét tiến hành đối với Deutche Bank.”
Một “biện pháp đang chờ xúc tiến” là cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về việc ngân hàng Deutsche Bank mua bán sai quy định các chứng khoán thế chấp trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Bộ Tư pháp Mỹ đang đề nghị phạt 14 tỉ đôla để đóng hồ sơ vụ này lại. Cựu luật sư của Nhà Trắng Richard Painter nói rằng sẽ rất là kỳ quặc nếu vụ này không được giải quyết trước ngày nhậm chức và sẽ được giải quyết bởi những giới chức cấp cao mà Tổng thống Trump bổ nhiệm.
Ông Jan Baran, một chuyên gia về luật chính trị, nói rằng xung đột có thể tránh được nếu được quản lý đúng cách:
“Các vụ việc ở Bộ Tư pháp được xử lý bởi những công tố viên và luật sư chuyên nghiệp của cơ quan này cho dù tổng thống là ai và không có bất kỳ một lý do gì một tổng thống có thể can dự vào.”
Chính phủ Anh và Đức, và Mỹ, cũng đang điều tra ngân hàng Deutsche Bank. Các cơ quan chức năng đang xem xét làm thế nào khách hàng của ngân hàng này có thể chuyển hàng tỷ đô la từ Nga vào Anh thông qua các giao dịch chứng khoán đáng ngờ. Deutsche Bank và bộ Tư pháp Mỹ từ chối bình luận về vấn đề này nhưng một nguồn tin từ Anh khẳng định rằng cuộc điều tra đang được tiến hành.
Trong một loạt những tin nhắn trên mạng Twitter hôm 12/12, ông Donald Trump đã trì hoãn công bố của mình về việc liệu ông sẽ giải quyết các xung đột này thế nào. Ông cho biết ông sẽ rời bỏ các công việc kinh doanh trước ngày nhậm chức để cho các con trai Donald Trump Jr. và Eric Trump điều hành. Ông nói ông “sẽ không thực hiện một thương vụ nào” trong thời gian ông làm tổng thống.
Các chuyên gia tài chính nói với VOA rằng việc từ bỏ (công việc kinh doanh) hoàn toàn là gần như không thể. Và cũng không rõ là liệu ông Trump sẽ tách bạch bản thân khỏi các hành động của chính phủ đối với ngân hàng Deutsche Bank như thế nào. Nhóm điều hành việc chuyển giao quyền lực của ông Trump đã từ chối trả lời các câu hỏi của VOA về vấn đề này.
http://www.voatiengviet.com/a/rac-roi-cac-khoan-no-cua-ong-trump-voi-ngan-hang-duc/3637379.html
Lãi suất tăng lên có thể đẩy thị trường nhà ở Mỹ xuống
WASHINGTON —
Theo như dự đoán, ngân hàng trung ương Mỹ hôm thứ Tư đã tăng lãi suất chính lên 0,25%. Đây chỉ mới là lần tăng thứ hai kể từ cuối cuộc khủng hoảng tài chánh. Các nhà kinh tế nhận định rằng đưa lãi suất trở lại mức bình thường, hoặc tăng lãi suất lên từ mức thấp kỷ lục được duy trì trong suốt mấy năm qua là dấu hiệu nền kinh tế Mỹ hồi phục. Nhưng nhiều chuyên gia khác cho rằng lãi suất tăng có thể đẩy thị trường nhà đất xuống.
Giá nhà đất trên khắp nước Mỹ đã tăng trở lại những mức cao nhất như trước cuộc khủng hoảng. Đối với những người sở hữu nhà nói chung, giá nhà của họ nay bằng với giá của năm 2006, tức thời điểm giá nhà tăng cao trước khi thị trường nhà đất sụp đổ năm 2008. Nhưng xu hướng tăng chỉ mới chớm bắt đầu mà thôi.
Ông Lawrence Yun của Hiệp hội môi giới nhà đất toàn quốc cho biết:
“Thị trường nhà đất rõ ràng đang tăng mạnh hơn. Chúng ta cần phải để cho xu hướng này tiếp tục tạo đà tiến.”
Kinh tế gia trưởng Lawrence Yun của Hiệp hội môi giới nhà đất toàn quốc nói rằng lúc này là thời điểm quan trọng của thị trường nhà đất. Trong 6 năm qua, giá nhà tăng nhanh hơn thu nhập. Và trong tháng vừa rồi, lãi suất cho vay mua nhà thời hạn 30 năm đã tăng lên đáng kể. Ông Yun nói:
“Lãi suất vay mua nhà trước đó đứng ở mức khoảng 3,5% trong suốt năm 2016. Mới đây đã tăng lên hơn 4%, một phần là do thị trường dự đoán FED sẽ tăng lãi suất chính.”
Các giới chức của Cục Dự trữ Liên bang, tức FED, tỏ ý cho thấy sẽ có ba đợt tăng lãi suất nữa vào năm tới. Trang web Finder.com chuyên về quản lý tài chánh cá nhân phân tích rằng lãi suất tăng 0,25% thì phí trả hàng tháng sẽ tăng thêm 50 đôla đối với khoản vay mua nhà 300.000 đôla.
Bà Michelle Hutchison, một chuyên gia tài chánh, nói chi phí tăng như vậy có thể khiến người dự tính mua nhà ngưng kế hoạch của họ lại:
“Khảo sát của chúng tôi cho thấy 60% số người trù tính mua nhà trong vòng 5 năm tới tạm ngưng kế hoạch của họ lại nếu lãi suất tăng trong tháng này. Con số này tương đương với 81 triệu người.”
Ông Lawrence nhận định rằng mặc dù có sự tương quan trực tiếp – lãi suất tăng thì mức cầu giảm – nhưng thời kỳ lãi suất cực thấp đã qua.Ông nói một nền kinh tế cải thiện và dịch vụ cho vay linh hoạt sẽ giúp cân bằng lại thị trường:
“Theo tôi kết cục là lãi suất tăng, nhưng không phải tăng đến báo động, và nếu xét về thị trường việc làm tăng và có thể thị trường tín dụng cũng tăng thì thị trường nhà đất sẽ không nhất thiết sẽ bị ảnh hưởng trong năm 2017.”
Ông Yun nói rằng vấn đề lớn hơn hiện nay là nguồn cung nhà thiếu, nhất là loại nhà giá thấp cho những người mới vào thị trường. Ông Yun nói thiếu nhà giá thấp là một yếu tố nữa khiến những người mua nhà lần đầu và những người trẻ không thể tính đến chuyện mua nhà. Nhiều người trong số đó sẽ thuê nhà vào lúc này, thay vì đầu tư vào ước mơ Mỹ.
http://www.voatiengviet.com/a/lai-suat-tang-len-co-the-day-thi-truong-nha-o-my-xuong/3637322.html
Mỹ yêu cầu Đài Loan tăng chi phí quốc phòng
trước đe dọa từ TQ
Chi phí quốc phòng Đài Loan chưa theo kịp với mối đe dọa từ Trung Quốc và nên gia tăng, một giới chức quốc phòng cao cấp của Mỹ tuyên bố ngày 13/12, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống tân cử Donald Trump gây bão ngoại giao khi chất vấn về chính sách của Mỹ đối với Đài Loan.
Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Abraham Denmark, nói chính sách của chính quyền Obama về “một nước Trung Hoa” vẫn không thay đổi, nhưng khó tiên đoán ý định của ông Trump khi Tổng thống tân cử nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 tới đây.
Ông Trump gây bão ngoại giao vào cuối tuần qua khi chất vấn vì sao Hoa Kỳ lại bị ràng buộc vào chính sách công nhận Bắc Kinh thay vì Đài Loan, vùng lãnh thổ mà Trung Quốc xem là một tỉnh khó trị.
Diễn tiến này xảy ra tiếp theo một phản đối trước đây của Trung Quốc về việc ông Trump điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào ngày 2 tháng 12. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên của một Tổng thống tân cử hay một đương kim Tổng thống Mỹ với lãnh đạo Đài Loan kể từ năm 1979 tới nay.
Một số nhà phân tích cảnh báo ông Trump có thể gây nên một cuộc đối đầu quân sự nếu đẩy vấn đề Đài Loan đi quá xa.
Ông Denmark nói với Diễn đàn Project 2049 tại Washington là trọng tâm chính của chương trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc là thống nhất Đài Loan, bằng vũ lực nếu cần.
Hoa Kỳ là đồng minh chính trị chính của Đài Loan và là nước cung cấp vũ khí duy nhất cho lãnh thổ Đài Loan bị cô lập về ngoại giao.
Ông Denmark cho biết chính phủ đã thông báo cho Quốc hội Mỹ số tiền hơn 14 tỉ đô la bán vũ khí cho Đài Loan kể từ năm 2010 tới nay nhưng không cho biết liệu có thể có thêm thương vụ nào nữa không trước khi Tổng thống Barack Obama rời chức.
Vẫn theo giới chức quốc phòng này, Hoa Kỳ tuân thủ Luật Quan hệ Đài Loan cam kết đảm bảo Mỹ có khả năng bảo vệ Đài Loan. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh là bất cứ quyết định nào cũng phải tùy thuộc vào người dân Đài Loan và trách nhiệm chính vẫn là của Đài Loan.
Đài Loan đã nỗ lực phát triển thiết bị quốc phòng và năm ngoái đã phân bổ ngân sách sơ khởi cho chương trình tàu ngầm, nhưng việc chuyển giao công nghệ vốn thiết yếu cho sự thành công của các dự án đó hiện chưa nhận được hỗ trợ từ công nghệ nước ngoài.
Ông Peter Navarro, cố vấn của ông Trump và là người có lập trường diều hâu đối với Trung Quốc, tác giả nhiều đầu sách và nhiều phim tài liệu cảnh báo về nguy cơ của sự trỗi dậy từ Trung Quốc, đã đề nghị tăng cường quan hệ với Đài Loan kể cả việc hỗ trợ cho chương trình phát triển tàu ngầm của Đài Loan.
Ủy viên Quốc vụ viện TQ gặp cố vấn của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đầu tuần này loan báo Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì đã họp với cố vấn của Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump trong khuôn khổ các nỗ lực của Bắc Kinh muốn thiết lập các mối liên hệ với ông Trump.
Phát ngôn nhân Cảnh Sảng cho hay ông Dương gặp ông Michael Flynn, người ông Trump muốn chọn làm cố vấn an ninh quốc gia, trong chặng dừng chân mới đây tại New York trên đường sang Châu Mỹ Latin.
Dù không cho biết thời điểm cụ thể của cuộc họp, nhưng ông Cảnh nói rằng đôi bên đã trao đổi quan điểm về mối quan hệ Mỹ-Trung và các vấn đề quan tâm chung chính yếu.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Fudan, ông Wu Xinbo, hôm qua nhận xét trên tờ Global Times rằng đây là nỗ lực của Trung Quốc muốn xây dựng các mối liên kết với toán chuyển tiếp của ông Trump, mở đường cho cuộc gặp kế tiếp.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai xác nhận về các cuộc đối thoại giữa Bắc Kinh với toán nhân sự của ông Trump.
Ông Wu cho rằng cuộc gặp vừa qua có lẽ đã được sắp xếp trước khi ông Trump đưa ra chất vấn về chính sách ‘một nước Trung Hoa’ hôm Chủ nhật vừa qua.
Trong cuộc phỏng vấn ngày Chủ nhật, ông Trump nói Mỹ chớ nên bị ràng buộc bởi chính sách ‘một nước Trung Hoa’ và nên dùng Đài Loan làm lá bài mặc cả trong quan hệ với Trung Quốc.
Theo Reuters, Global Times
http://www.voatiengviet.com/a/uy-vien-quoc-vu-vien-tq-gap-co-van-cua-ong-trump/3636533.html
New Zealand tái thiết sau động đất
New Zealand ngày 15/12 loan báo sẽ chi khoảng 1,42 tỷ đô la xây lại đường sá và các tuyến đường sắt nối liền tới khu du lịch nghỉ mát Kaikoura sau khi hệ thống giao thông vận tải chính của khu vực South Island bị động đất phá hủy hồi tháng trước.
Các công ty du lịch và khách sạn ở Kaikoura phàn nàn rằng họ đang chật vật hoạt động vì đường sá bị ngăn trở cản chân du khách tới thị trấn khoảng 2 ngàn dân này để ngắm cá heo, cá voi, và hải cẩu.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Simon Bridges cho hay chính phủ dự định thông qua luật tăng tốc sửa chữa đường sá nhưng sẽ phải mất 12 tháng mới tiếp cận được tuyến đường dọc theo bờ biển.
Chính phủ New Zealand cam kết phục hồi lại Kaikoura sau trận động đất hôm 14/11 mà ngân hàng trung ương ước tính gây thiệt hại sơ khởi nhiều tỷ đô la.
Hiện cư dân địa phương đang sử dụng các tuyến đường khẩn cấp để ra vào thị trấn.
http://www.voatiengviet.com/a/new-zealand-tai-thiet-sau-dong-dat/3637065.html
Ấn sắp thử phi đạn có tầm bắn tới phía Bắc Trung Quốc
Ấn đang sửa soạn thử nghiệm lần cuối phi đạn đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Agni-V (ICBM) có thể đánh trúng tận các vùng phía Bắc Trung Quốc.
Đây là lần thử nghiệm thứ tư và phi đạn này có thể được phóng vào khoảng cuối tháng này hoặc đầu tháng tới, theo báo International Business Times.
Hồi tháng 7, trưởng Cơ quan Phát triển và Nghiên cứu Quốc phòng, S Christopher, loan báo đợt thử nghiệm chót bị đình trệ vì một lỗi kỹ thuật và lúc đó ông cũng dự báo là mọi việc sẽ sẵn sàng vào cuối năm nay.
Nguồn tin này cho hay đây sẽ là đợt thử cuối, phi đạn sẽ được thử tầm hoạt động hoàn toàn trước khi bắt đầu dùng thử.
Một khi phi đạn Agni-V được đưa vào sử dụng, Ấn sẽ trở thành một phần của nhóm các nước có phi đạn với tầm hoạt động trên 5.000-5.500 km. Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, và Anh đều sở hữu phi đạn ICBM.
Phi đạn Agni-V và Agni-IV là công cụ để Ấn nghênh cản các mối đe dọa từ Trung Quốc trong khi các phi đạn như Prithvi, Dhanush, Agni-I, Agni-II và Agni-III nhằm đề phòng đe dọa từ Pakistan.
Theo Times of India, International Business Times
http://www.voatiengviet.com/a/an-sap-thu-phi-dan-co-tam-ban-toi-phia-bac-trung-quoc/3637037.html
Nga muốn có hiệp ước hòa bình với Nhật
Nga muốn thúc đẩy quan hệ song phương với Nhật trên mọi mặt trận và hy vọng đạt một thỏa thuận hòa bình với nước láng giềng phía Đông, một giới chức điện Kremlin loan báo ngày 13/12.
Tuy nhiên, ông Yuri Ushakov nói thêm rằng nhất trí một hiệp ước hòa bình cần một quá trình làm việc ‘kỹ lưỡng.’
Phát biểu được đưa ra với báo giới trước khi Tổng thống Nga, Vladimir Putin, công du Nhật Bản trong tuần này.
Tranh chấp lãnh thổ giữa Tokyo với Moscow về một chuỗi đảo tây Thái Bình Dương do Liên Xô chiếm giữ vào cuối Đệ nhị Thế chiến đã khiến quan hệ ngoại giao đôi bên căng thẳng.
Ông Ushakov cho hay: “Tổng thống nói đất nước chúng tôi không những sẵn sàng mà còn mong muốn giải quyết vấn đề lâu nay này…Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng đây là một quá trình khá dài đòi hỏi quá trình làm việc kỹ lưỡng để tăng cường lòng tin.”
http://www.voatiengviet.com/a/nga-muon-co-hiep-uoc-hoa-binh-voi-nhat/3636588.html
TQ phản đối chế tài đơn phương Bắc Triều Tiên
Trung Quốc sẵn lòng làm việc với cộng đồng quốc tế để thực thi toàn bộ các nghị quyết Liên hiệp quốc đối với Bắc Triều Tiên nhưng phản đối bất kỳ chế tài đơn phương nào nằm ngoài khuôn khổ đó, một nhà ngoại giao cao cấp Trung Quốc tuyên bố với Nhật ngày 14/12.
Nhật Bản và Hàn Quốc tháng này loan báo sẽ áp đặt những chế tài đơn phương mới với Bắc Triều Tiên vì các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của nước này, tiếp sau một nghị quyết gần đây của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đối với quốc gia cô lập này.
Bắc Triều Tiên đã bác bỏ nghị quyết của Liên hiệp quốc nhắm cắt giảm một phần tư lợi tức xuất khẩu hàng năm của Bình Nhưỡng sau khi nước này tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm và cũng là lần lớn nhất vào tháng 9 năm nay.
Bình Nhưỡng nói đây là một âm mưu của Hoa Kỳ nhằm phủ nhận chủ quyền của Bắc Triều Tiên.
Trong cuộc điện đàm với Tổng giám đốc văn phòng lo về các vấn đề châu Á và châu Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Kenji Kanasugi, đặc sứ của Trung Quốc chuyên trách bán đảo Triều Tiên, Vũ Đại Vĩ, nói Trung Quốc luôn luôn thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên qua các cuộc thảo luận.
Vẫn theo lời ông, Trung Quốc cũng hy vọng tất cả các bên có thể tạo điều kiện tái tục tiến trình thảo luận 6 bên trong thời gian sớm nhất, ám chỉ cơ chế đối thoại đã bị trì hoãn liên hệ đến hai bên Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Nga.
Trung Quốc là đồng minh chính duy nhất của Bắc Triều Tiên dù mối liên hệ của hai nước đã căng thẳng nghiêm trọng do những cuộc thử nghiệm phi đạn và hạt nhân liên tục của Bắc Triều Tiên.
Dù đã tán đồng một số vòng chế tài của Liên hiệp quốc, nhưng Trung Quốc đã nhiều lần nhắc lại là những mối liên hệ dân sự và thương mại thông thường chớ nên bị ảnh hưởng.
Trung Quốc từ lâu vẫn lo ngại là cô lập hoàn toàn Bắc Triều Tiên có thể đưa đến việc sụp đổ chế độ này, và đẩy làn sóng các người tị nạn tràn vào vùng đông bắc nghèo khó của Trung Quốc.
http://www.voatiengviet.com/a/tq-phan-doi-che-tai-don-phuong-bac-trieu-tien/3636552.html
Aleppo: Sơ tán ở vùng do phiến quân nắm giữ đã bắt đầu
Bas du formulaire
Mỹ- Nga chỉ trích nhau ở Liên Hiệp Quốc về Aleppo
Một chiến dịch sơ tán ở khu vực do phiến quân nắm giữ tại thành phố Aleppo đã bắt đầu, giới chức Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) cho hay.
ICRC đang đưa 200 người bị thương ra khỏi khu vực này. Một đoàn xe cứu thương và xe buýt cũng được thấy đang hướng vào khu vực đông thành phố để tham gia hoạt động sơ tán chung.
Có kế hoạch đưa chiến binh phiến quân và người dân rời thành phố sớm thứ Tư, nhưng thỏa thuận ngừng bắn đã sụp đổ.
Các lực lượng chính phủ Syria chiếm giữ hầu hết các khu vực còn lại của Aleppo tuần này sau cuộc chiến kéo dài bốn năm.
Cập nhật từ Aleppo
Truyền hình nhà nước Syria nói “4.000 phiến quân và gia đình họ sẽ được sơ tán khỏi các quận phía đông vào thứ Năm”. Họ nói thêm rằng “tất cả các thủ tục sơ tán đã sẵn sàng”.
Một thông cáo từ Trung tâm Hòa giải các bên đối lập ở Syria, thuộc bộ quốc phòng Nga, nói giới chức Syria sẽ bảo đảm an toàn cho tất cả các thành viên của các nhóm chiến binh có vũ khí muốn rời Aleppo.
Một cơ quan truyền thông do Hezbollah (phong trào của người Hồi giáo Shia Lebannon ủng hộ chính phủ Syria) quản lý, nói đã có nhiều “vướng mắc lớn” nhưng “liên hệ thường xuyên giữa các bên có trách nhiệm…dẫn đến thỏa thuận ngừng bắn được củng cố lại để đưa các chiến binh có vũ khí ra khỏi các quận phía đông trong vài giờ tới.”
Phiến quân xác nhận một hiệp định ngừng bắn mới đã bắt đầu có hiệu lực từ 3 giờ sáng giờ GMT và một thỏa thuận mới đã đạt được.
Giám đốc khu vực Trung Đông Robert Mardini của Hội Chữ thập Đỏ cho hay chiến dịch sơ tán của họ “đang diễn ra” và “các nhân viên của chúng tôi an toàn và đang làm những gì họ có thể trên thực địa”.
Các nhà hoạt động chính trị Syria nói thường dân đang lên xe buýt và xe cứu thương.
Khi chiến dịch bắt đầu, một quan chức của lực lượng xe cứu thương ở đông Aleppo nói một đoàn xe cứu thương đã rời thành phố nhưng bị bắn, và ba người trong đoàn bị thương.
Thường dân, người bị thương và binh phiến quân sẽ được đưa đi đâu?
Bộ quốc phòng Nga cho hay các xe buýt sẽ đưa Những thường dân, người bị thương và chiến binh phiến quân đến tỉnh Idlib lân cận, nơi phần lớn lãnh thổ do liên minh phiến quân kiểm soát, trong đó có cả nhóm jihad Jabhat Fateh al-Sham.
Các xe buýt được cho là sẽ rời Aleppo trên con đường đi qua quận Ramousseh do chính phủ kiểm soát ở tây nam Aleppo và hướng về thành phố Khan Touman do phiến quân nắm giữ cách đó khoảng 8km.
Tướng Valery Gerasimov, chỉ huy quân đội Nga phát biểu trong một cuộc họp báo: “Một hành lang nhân đạo đã được thiết lập cho việc sơ tán các chiến binh.”
“Hành lang này dài 21km,” ông nói thêm “6 km nằm trên lãnh thổ Aleppo do quân đội chính phủ kiểm soát và 15km nằm trên lãnh thổ do các nhóm vũ trang bất hợp pháp kiểm soát”.
Hai mươi xe buýt chở khác và 10 xe cứu thương được sự dụng cho chiến dịch sơ tán này, vị tướng cho hay. Một số chiến binh phiến quân dùng xe riêng của họ, lên đến khoảng 100 xe.
Phóng viên Asaf Aboud của BBC tại Aleppo nói chính phủ cho hay các thường dân được sơ tán sẽ có thể lựa chọn đi hay ở lại thành phố.
Có bao nhiêu người còn ở đông Aleppo?
Được cho là còn khoảng 50.000 người ở đó. Trong đó có khoảng 4.000 chiến binh và khoảng 10.000 là gia đình của các chiến binh.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura nói khoảng 30% số người này là từ nhóm jihad trước đây được gọi là Mặt trận al-Nusra.
Những người dân bị sống ở vùng bị bao vây đã phải đối mặt với bom đạn và thiếu thốn lương thực và chất đốt hàng tuần liền.
Các cơ sở y tế trong thành phố giờ chỉ còn là đống đổ nát, khi phiến quân bị dồn vào những khu vực ngày càng thu hẹp sau cuộc tổng tấn công của quân đội chính phủ, với sự hỗ trợ của không lực Nga.
Vì sao thỏa thuận trước thất bại?
Sáng thứ Tư, xe buýt và xe cứu thương đã tới để sơ tán chiến binh phiến quân và gia đình họ – nhưng sau đó lại nhanh chóng bị ngăn không cho vào.
CChính phủ Syria và đồng minh Iran khăng khăng hoạt động sơ tán từ đông Aleppo chỉ có thể xảy ra có di tản đồng thời ở hai làng của người Shia là Foah và Kefraya, hiện đang bị phiến quân bao vây ở Tây Bắc Syria.
Truyền hình Syria nói hôm thứ Năm 29 xe buýt và xe cứu thương đang trên đường đến hai làng này để thực hiện sơ tán ở đó.
Chỉ vài giờ sau thỏa thuận đầu tiên – chủ yếu do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dàn xếp – sụp đổ, các cuộc không kích nối lại trên lãnh thổ do phiến quân nắm giữ
Trong lúc đó, những cuộc biểu tình ủng hộ người dân Aleppo đã diễn ra ở các thành phố trên toàn thế giới, trong đó có Hamburg ở Đức, Sarajevo ở Bosnia và Rabat ở Ma Rốc.
Đèn chiếu trên tháp Eiffel cũng được tắt. Thị trưởng Paris Anne Hidalgo nói bà hy vọng việc làm này sẽ nhấn mạnh cần có “hành động khẩn cấp” để giúp người dân Aleppo.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38328218
Syria sẽ ra sao sau trận Aleppo?
Jonathan MarcusPhóng viên ngoại giao và quốc phòng
Trận đánh giành Aleppo đã kết thúc nhưng cuộc đấu tranh cho tương lai Syria còn tiếp tục. Trên thực tế, tình hình có thể còn hỗn loạn và đẫm máu hơn.
Việc đè bẹp quân nổi dậy ở đông Aleppo là chiến thắng tuyên truyền lớn cho chính phủ tổng thống Bashar al-Assad. Ông nay kiểm soát toàn bộ các trung tâm dân số lớn của Syria.
Aleppo, thành phố đông dân nhất trước nội chiến và là trung tâm tài chính, là phần thưởng to nhất.
Đây không chỉ là thắng lợi của ông Assad mà cho cả nhà bảo trợ Nga và Iran.
Aleppo tự thân nó có thể không có giá trị trên bàn cờ của Moscow. Nhưng thất bại của phe nổi dậy tại đó thể hiện tình hình đã đổi thay ra sao cho tổng thống Assad.
Trước khi Nga can thiệp, tổng thống Asssad lâm nguy, quân đội tan rã.
Các thành tố bên ngoài hỗ trợ chính phủ của ông một phần lớn nhằm bảo đảm cho tham vọng chiến lược của họ. Và những tham vọng này cũng sẽ đóng phần quan trọng để quyết định chuyện gì xảy ra tiếp theo.
Nếu chính phủ có thể củng cố kiểm soát Aleppo, họ sẽ kiểm soát khu vực ta có thể gọi là “phần chính của Syria” – gồm phía tây, các thành phố lớn và vùng biển Địa Trung Hải.
Ông Assad luôn khẳng định quân của ông sẽ tấn công tiếp tục cho đến khi giành lại toàn bộ phần đất của phe nổi dậy.
Nhưng điều này có lẽ chỉ là nói suông.
Quân đội chính phủ về căn bản là yếu, thành công của họ ở Aleppo không nên làm mờ điều này.
Nhiều phần trong quân chính quy Syria đã tan rã thành các dân quân trung thành, thường có những lo toan địa phương hay khu vực. Giao tranh nhiều nơi cũng do các lực lượng được Iran ủng hộ tiến hành – Hezbollah từ Lebanon và nhiều dân quân người Shia Hồi giáo.
Quan điểm của Nga sẽ rất quan trọng. Nga không hẳn là bảo được ông Assad, nhưng có thể tác động đến những phương tiện ông ta có, như vũ khí và không kích.
Liệu Nga có muốn kéo dài chiến tranh trong vùng? Hay Nga sẽ muốn lập ra đường ranh sau khi Aleppo đã được giành lại, tìm kiếm thỏa thuận với chính phủ Trump ở Washington?
Mọi thỏa thuận dĩ nhiên sẽ có nghĩa là Mỹ phải chấp nhận tầm quan trọng của Iran ở Syria.
Tình cảm thân Nga của một số người trong chính phủ mới tại Mỹ sẽ đối lập với thái độ thù nghịch với Iran của một số người được ông Trump chọn vào vị trí quốc phòng và an ninh.
Nhưng Washington không có nhiều lựa chọn. Việc để mất Aleppo là thêm một thiệt hại cho chính sách của Obama giúp đỡ cái gọi là phe đối lập ôn hòa.
Dĩ nhiên Washington muốn quân nổi dậy ôn hòa đánh IS, nhưng nay họ còn chịu sức ép ngày càng lớn của quân chính phủ.
Phe chống Assad đang rất khó khăn. Họ không chỉ thua một trận đánh.
Họ chưa thua cả cuộc chiến, nhưng ngày càng xa rời chiến thắng.
Quan hệ của họ với chính phủ mới tại Mỹ không rõ ràng. Không ai biết ông Trump sẽ làm gì.
Ngoài ra lại còn bi kịch con người tại thành phố Aleppo.
Sau khi giao tranh kết thúc, ta sẽ rõ tầm mức thực của thiệt hại. Aleppo, như nhiều nơi khác tại Syria, cần được trợ giúp nhanh chóng.
Về lâu dài, sẽ là trận chiến lớn để tái thiết.
Nhưng Syria hiện không có tài chính và sức người cho nhiệm vụ đó.
Sau khi Aleppo đã bị giành lại, các phe nhóm sẽ phải đánh giá lại chiến lược của họ.
Nhưng cuộc chiến đẫm máu, đa chiều này, vẫn không hề giảm bớt sự phức tạp của nó.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38330677
Mỹ – Trung – Đài qua năm điểm nóng
Nhân các diễn biến mới nhất quanh các phát biểu của Tổng thống tân cử Donald Trump về chính sách “Một nước Trung Quốc”, BBC điểm lại năm thời điểm quan trọng nhất trong quan hệ Hoa Kỳ với Trung Quốc và Đài Loan.
Năm 1979: Hoa Kỳ công nhận Trung Quốc:
Hoa Kỳ dưới thời của Tổng thống Jimmy Carter đã chuyển quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) sang công nhận Trung Quốc. Đáp lại, Quốc hội Mỹ thông qua Luật Quan hệ với Đài Loan – Taiwan Relations Act, để bắt buộc Hành pháp có động tác bảo vệ Đài Loan nếu bị Trung Quốc tấn công.
Năm 1982:Thông cáo 17 tháng Tám và Sáu Đảm bảo An ninh
Hoa Kỳ thời Tổng thống Ronald Reagan và Trung Quốc ra Thông cáo chung 17 tháng Tám (August 17 Communique’) về quan hệ hai bên liên quan đến Đài Loan.
Trung Quốc muốn Hoa Kỳ cam kết sẽ giảm dần và ngưng bán vũ khí cho Đài Loan. Nhưng sau nhiều tháng thương lượng căng thẳng với sự tham gia trực tiếp của Phó Tổng thống George H. Bush, hai bên đồng ý về ngôn từ khá chung chung của văn bản. Theo đó, CHND Trung Hoa cam kết duy trì hòa bình trong quan hệ xuyên eo biển Đài Loan, và Hoa Kỳ cam kết tôn trọng chủ quyền Trung Quốc và chính sách ‘Một nước Trung Hoa’.
Cùng lúc Tổng thống Reagan đã đưa ra sáu đảm bảo an ninh cho chính phủ Đài Loan.
Còn gọi là Sáu Không, ông Reagan cam kết Hoa Kỳ sẽ:
•Không đặt ra thời điểm ngưng bán vũ khí cho Trung Hoa Dân quốc.
•Không đồng ý tham vấn trước với Trung Quốc về việc bán vũ khí cho Trung Hoa Dân quốc
•Không đóng vai trò trung gian đàm phán giữa CHND Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc
•Không lật lại Luật Quan hệ với Đài Loan
•Không thay đổi chính sách về chủ quyền liên quan đến Đài Loan
•Không gây sức ép lên Trung Hoa Dân quốc để buộc họ đàm phán với CHND Trung Hoa
1995-96: Khủng hoảng xuyên eo biển Đài Loan:
Tháng 6/1995, Trung Quốc bắn thử một loạt hỏa tiễn về phía Đài Loan, rơi xuống vùng biển cách đảo Bành Gia do Đài Loan kiểm soát chỉ 50 km. Bắc Kinh muốn cảnh cáo những người theo xu hướng độc lập ở Đài Loan và phản đối chuyến thăm của ông Lý Đăng Huy sang ĐH Cornell, Hoa Kỳ tháng trước khi ông phát biểu về ‘Tiến trình dân chủ hóa Đài Loan’.
Đài Loan tiếp tục vận động xin gia nhập trở lại Liên Hiệp Quốc trong làn sóng ủng hộ ông Lý ra tranh cử tổng thống.
Tháng 3/1996, căng thẳng không giảm và Trung Quốc bắn hai hỏa tiễn M9 có khả năng chở đầu đạn hạt nhân qua Đài Loan. Một trái bay qua bầu trời gần Đài Bắc và rơi xuống điểm ngoài biển cách Cao Hùng chỉ 30 hải lý.
Ngay lập tức, Tổng thống Bill Clinton điều hai hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Independence tới gần Đài Loan. Tàu USS Nimitz đã đi xuyên qua eo biển để thị uy, cùng lúc Hoa Kỳ ra thông báo nói về nhu cầu “có biện pháp thận trọng”. Sau khi thắng cử tổng thống, Lý Đăng Huy phát biểu ‘hạ nhiệt’ cho căng thẳng xuyên eo biển và tình hình trở lại như cũ.
2002: Xu hướng Đài Loan độc lập:
Tổng thống Trần Thủy Biển của Dân Tiến Đảng tại Đài Loan (thắng cử hai năm trước) có bài phát biểu tại Tokyo, nêu ra chính sách ‘Nhất biên nhất quốc’ (One Country on each side) nhất mạnh vào sự tồn tại song song nhưng riêng biệt giữa Đài Loan và Trung Quốc. Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc yêu cầu giải thích.
Bà Thái Anh Văn, phụ trách chính sách Hoa lục của chính phủ Trần Thủy Biển phải sang Hoa Kỳ giải thích ý của ông Trần không phải là “tuyên bố độc lập”. Hoa Kỳ tái xác nhận với Trung Quốc về chính sách ‘Một nước Trung Quốc’ và rằng Washington phản đối Đài Loan độc lập.
Tuy thế, báo giới quốc tế ghi nhận đây là bước ngoặt về bản sắc Đài Loan với ngày càng nhiều người Đài Loan không muốn theo đuổi cả biểu tượng ‘Trung Hoa Dân quốc’, lẫn về thống nhất với Trung Quốc cộng sản. Họ tuần hành dưới khẩu hiệu tiếng Anh ‘Taiwan is not China’ ( Đài Loan không phải Trung Quốc) để nói cho thế giới biết cảm xúc của mình.
2016: Donald Trump và chính sách ‘Một nước Trung Quốc’:
Ông Donald Trump thắng cử tại Mỹ và đặt câu hỏi về chính sách ‘Một nước Trung Quốc’ sau cuộc điện đàm ‘vô tiền khoáng hậu’ với tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan.
Trung Quốc phản đối và cảnh báo nếu Hoa Kỳ không tôn trọng chính sách ‘Một nước Trung Quốc’, nền tảng của quan hệ Trung – Mỹ, hòa bình xuyên eo biển không được bảo đảm.
Chủ đề quan hệ ba bên Mỹ – Trung – Đài nóng trở lại với các hệ quả chưa ai lường trước hết.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38330462
Trọng tâm công du Nhật của V.Putin :
Hợp tác kinh tế và quần đảo Kuril
Hôm nay, 15/12/2016, tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên, kể từ 11 năm qua, tổng thống Nga chính thức công du xứ hoa anh đào. Về mặt lễ tân ngoại giao, chuyến đi nhằm đáp lễ Nhật Bản vì thủ tướng Shinzo Abe, trong năm 2016, đã hai lần thăm viếng Nga.
Theo giới quan sát, cuộc gặp thượng đỉnh Vlamdir Putin-Shinzo Abe tại Nagato, phía tây Nhật Bản, tập trung vào hai chủ đề chính: Hợp tác kinh tế song phương và hồ sơ tranh chấp lãnh thổ liên quan đến quần đảo Kuril mà Nga đã chiếm giữ từ sau đại chiến thế giới thứ hai.
Từ Tokyo, thông tín viên Frederic gửi về bài tường trình :
Shinzo Abe tiếp Vladimir Putin tại khu nghỉ yên tĩnh ở Nagato, nơi có nguồn suối nước nóng chữa bệnh nổi tiếng. Lãnh đạo Nhật Bản hy vọng là hơi nước nóng trong làn khói mờ lưu huỳnh của khu nghỉ duỡng lộ thiên, nguyên thủ Nga sẽ cảm thấy khoan khoái và sẽ trả lại cho Nhật Bản 2 trong số 4 đảo phía nam Kuril, mà Hồng quân Nga đã chiếm giữ, hai tuần sau khi quân đội Nhật hoàng đầu hàng, năm 1945.
Đổi lại, Nhật Bản sẽ hỗ trợ công nghệ và vốn để phát triển vùng Viễn Đông, nơi tràn ngập các thương nhân Trung Quốc. Putin lo ngại hiện tượng di dân Trung Quốc. Hơn 100 triệu người Trung Quốc sống dọc theo đường biên giới chung với Nga.
Publicité
Publicite, fin dans 13 s
Về phần mình, Shinzo Abe coi Trung Quốc là một mối đe dọa và lo ngại là việc xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc biến thành một liên minh. Do vậy, thủ tướng Nhật Bản rất muốn ký kết một hiệp định hòa bình với Matxcơva.
Thế nhưng, cuộc gặp thượng định tại khu nghỉ có suối nước nóng này không đủ để làm cho tổng thống Putin thở phào khoan khoái vì các tướng lĩnh Nga không muốn nhượng bộ lãnh thổ sau vụ sáp nhập Crimée và vô hiệu hóa Ukraina. Tuy vậy, nguyên thủ Nga cũng sẽ nhận thấy là thủ tướng Nhật Bản sẵn sàng làm phật ý Hoa Kỳ để làm lành với Nga.
70 năm sau khi kết thúc Đệ nhị Thế chiến, Nga và Nhật vẫn chưa ký được hiệp định hòa bình do tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Kuril. Bản thân tổng thống Nga Vladimir Putin cũng coi đây là hiện tượng không bình thường trong quan hệ song phương. Thế nhưng, Matxcơva khó có thể trả lại cho Tokyo hai trong số bốn đảo ở Kuril. Theo chuyên gia Alexandre Gabouiev, thuộc trung tâm Carnegie Matxcơva thì không nên hy vọng là hồ sơ tranh chấp lãnh thổ được giải quyết ngay trong chuyến đi của ông Putin lần này :
Nga không thể trả lại cho Nhật Bản hai đảo lớn và mất đi nhiều lãnh thổ đến như vậy. Vì điều này có nghĩa là Nga đã thua và Matxcơva không thể chấp nhận như thế. Điểm thứ hai, các đảo này có tầm quan trọng chiến lược, bởi vì giữa hai đảo này là eo biển mà các tàu ngầm của Nga phải đi qua khi tiến hành tuần tra ở Thái Bình Dương. Và các vệ tinh của Mỹ không thể phát hiện được.
Điểm thứ ba, Nga đã đầu tư rất nhiều để phát triển hai đảo lớn này và không hề có khả năng là Nhật Bản sẽ bù đắp lại cho Nga những khoản đầu tư.
Về phía Tokyo, người ta có cảm giác là Nhật Bản sẵn sàng thu hồi lại hai đảo nhỏ và ký hiệp định hòa bình, nhưng Nhật Bản không thể từ bỏ ý định lấy lại nốt hai đảo lớn, bởi vì công luận Nhật Bản không thể chấp nhận việc này. Vả lại, Nga cũng không thể chấp nhận là Nhật Bản giữ nguyên ý định đòi lại hai đảo lớn, vì như vậy có nghĩa là tranh chấp lãnh thổ vẫn chưa được giải quyết xong và có thể bùng nổ ra bất kỳ lúc này. Do đó, hiệp định hòa bình, nếu có được ký kết, cũng chẳng có giá trị gì.
Kuril, thách thức lớn quan hệ Nga – Nhật
Hôm nay, 15/12/2016, lần đầu tiên Shinzo Abe tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin tại Nagato, miền nam Nhật Bản, trước khi bước vào các cuộc đàm phán ký kết chính thức ngày mai tại Tokyo. Mục tiêu lớn của cả hai bên là giải tỏa các tranh chấp lãnh thổ, xây dựng một quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược.
Tiếp ông Putin tại quê nhà, nơi nổi tiếng có các suối nước nóng, chắc hẳn ông Abe muốn hy vọng quan hệ Nga Nhật sẽ nồng ấm và gần gũi thân tình hơn. Cuộc gặp thượng đỉnh đã được hai nước dự trù từ năm 2013, nhưng sau đó đã bị hủy vì sự kiện Nga sáp nhập Crimée hồi tháng 3/2014.
Ông Putin và Abe đã khá quen biết nhau, họ đã có dịp gặp nhau tới mươi mười lăm lần kể từ khi ông Abe lên nắm quyền cách đây 4 năm. Tuy nhiên từ 11 năm qua, chưa có một lãnh đạo Nga nào tới thăm Nhật Bản. Chỉ từ đầu năm nay, hai bên liên tục có các cuộc gặp song phương giữa các nhóm công tác chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng còn hơn cả một chuyến viếng thăm cấp Nhà nước này.
Các hồ sơ nào sẽ được đem ra thảo luận trong chuyến thăm này ?
Nói ngắn gọn là quan hệ kinh tế và quan hệ chiến lược, nhưng chương trình nội dung thảo luận lần này của lãnh đạo hai nước rất dày. Lần đầu tiên hai láng giềng lớn ở Đông Bắc Á sẽ ký khoảng ba chục thỏa thuận đối tác làm ăn. Nhật Bản sẽ cung cấp cho Nga những kinh nghiệm trong các lĩnh vực y tế, sức khỏe, các công nghệ môi trường để giúp Nga phát triển công nghiệp hóa vùng Viễn Đông. Dự trù các hợp đồng này có giá trị lên tới 15 tỷ đô la.
Về phần mình, Nga có thể cung cấp cho Nhật các dịch vụ trong lĩnh vực tháo gỡ các nhà máy điện hạt nhân, trong an ninh mạng hay trong các ngành năng lượng chủ chốt. Hai bên có thể sẽ nối lại các cuộc đàm phán về việc mở tuyến đường sắt xuyên Siberi.
Từ năm 2000, ông Putin đã có quyết tâm thực hiện dự án đường sắt khổng lồ kéo dài đến tận Hokaido, đối diện với quần đảo Kuril, vùng lãnh thổ mà hai nước tranh chấp nhau từ lâu và đến giờ lãnh đạo Nga – Nhật cũng muốn giải quyết dứt điểm.
Đâu là những bất đồng xung quanh quần đảo Kuril ?
Tranh chấp quần đảo Kuril là một tồn đọng của lịch sử. Từ năm 1945, Matxcơva và Tokyo tranh chấp nhau 4 hòn đảo trong quần đảo nằm giữa vùng bán đảo Kamtchatka của Nga và hoàn đảo lớn của Nhật Hokkaido. Sống trong vùng quần đảo Kuril chỉ có khoảng 17 nghìn dân.
Với Nga, phần phía nam quần đảo Kuril là của họ đã bị quân đội Thiên Hoàng chiếm từ năm 1855. Sau cuộc chính phục đó và cuộc chiến tranh Nga-Nhật năm 1905, Tokyo đã mở rộng phần chiếm đóng của mình ra tận một nửa đảo Sakhalin. Theo quan điểm của Matxcơva, quần đảo Kuril đã được Hồng quân Liên Xô « giải phóng » ngày 18/08/1945, tức là ba ngày sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng quân đồng minh. Còn theo Nhật Bản, quần đảo Kuril đã bị sáp nhập bất hợp pháp vào Nga năm 1945.
Năm 1956, Tokyo và Matxcơva, bình thường hóa quan hệ hoàn toàn. Liên Xô đã chấp nhận nhượng lại hai hòn đảo Hobomai và Shikotan cho Nhật Bản. Nhưng điều đó cũng chưa giải tỏa hết tranh chấp lãnh thổ. Từ 60 năm qua, bất đồng này vẫn luôn là cản trở lớn khiến hai quốc gia láng giền này chưa thể ký hiệp ước hòa bình.
Dưới thời tổng thống Boris Eltsine, Matxcơva còn dự tính thu hồi hai hòn đảo trên. Tuy nhiên vì nhiều lý do, dự định đó đã không thành. Năm 2004, Putin đã có lần gợi đến khả năng thu hồi 2 hòn đảo.
Có cơ hội nào cho những thỏa thuận hợp tác Nga – Nhật ?
Đa số các chuyên gia thì rất khó có thể đạt được một thỏa thuận vì cả hai, không bên nào chịu nhường lãnh thổ. Theo chuyên gia Nadège Rolland thuộc Văn phòng nghiên cứu châu Á, tại Washington thì : « Điều khiến cho các cuộc thương lượng trở nên phức tạp là nếu Nhật nhượng bộ phần lãnh thổ ở phương Bắc thì với quần đảo Senkaku thì cũng có thể chứ ? »Senkaku là quần đảo nằm ở phía nam do Nhật quản lý nhưng Bắc Kinh vẫn đòi chủ quyền.
Tháng 9 vừa qua, tổng thống Nga đã bác bỏ thẳng thừng ý kiến bán lại các đảo tranh chấp cho Nhật. Năm 2010, chuyến thăm một trong những đảo có tranh chấp trong Kuril của tổng thống Nga lúc bấy giờ là ông Dmitri Medvedev đã khiến Tokyo tức giận. Chưa có gì bảo đảm Tokyo và Matxcơva sẽ ký được hiệp ước hòa bình nhưng hai bên vẫn có thể thỏa thuận với nhau về số phận hai hòn đảo Hobomai và Shikotan.
Ông Abe tìm kiếm gì ở nước Nga ?
Ông Abe muốn tìm kiếm đường vào thị trường Nga rộng lớn cho hàng hóa « Made in Japan ». Nhưng hai vấn đề lớn đối với Nhật Bản là năng lượng và chiến lược. Chuyên gia Nadège Rolland phân tích, ” 90% nguồn cung ứng năng lượng và nguyên vật liệu cơ bản cho Nhật đi qua vùng Biển Đông và Hoa Đông. Nhật đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng vì lo ngại những nước láng giềng lớn của mình lộng hành thao túng các tuyến đường hàng hải” . Đó là lý do để Nhật quan tâm đến dự án đường ống dẫn dầu ở phía bắc qua nước Nga.
Trong bầu không khí căng thẳng với một nước Trung Quốc bá quyền và hưng hăng trên biển, trên không , Nhật Bản phải đặt vấn đề tương quan lực lượng. ToKyo cũng không khỏi lo lo ngại về mối quan hệ đang có vẻ nồng ấm giữa Matxcơva và Bắc Kinh (hai bên vừa ký hiệp định đối tác chiến lược và tiến các cuộc tập trận chung).
« Sự thông đồng quân sự Nga-Trung được củng cố sẽ là điều bất lợi lớn đối với Tokyo. Nhật Bản sẽ phải cùng lúc đối phó với hai mặt trận bắc và nam », chuyên gia Nadège Rolland nhận định và phân tích thêm rằng : « Người ta cũng có thể tưởng tượng kịch bản Trung Quốc và Nga bắt tay nhau để gây áp lực quân sự với Nhật cùng lúc trên cả hai mặt trận đó. Đó là điều đã xảy ra trong những tháng gần đây khi mà mà ở bầu trời phía bắc các máy bay MiG của Nga bay lượn, trong khi đó các tàu tuần duyên Trung Quốc lại dập dìu trong lãnh hải Nhật ở phía nam. Ý tưởng của Tokyo là để tranh kịch bản đó thì phải xích lại gần Matxcơva ». Điều này càng có lý khi mà Hoa Kỳ giảm dần hiện diện ở châu Á như tổng thống tân cử Donald Trump đã đánh tiếng gần đây.
Còn ông Putin cần gì ở người Nhật ?
“ Không có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi liệu Nga có cần đến Nhật Bản hay không”. Đó là phát biểu mới đây của ông Alexander Panov, cựu đại sứ Nga tại Tokyo, trên tạp chí Foreign Policy. Tuy nhiên ông Putin vẫn cần đầu tư của người Nhật để phát triển vùng Viễn Đông. Nước Nga vẫn đang tìm kiếm các hợp đồng. Nga đã ký được các hợp đồng bán vũ khí cho Ấn Độ, Việt Nam, bán dầu lửa cho Trung Quốc.
Ngoài chuyện làm ăn, đến với nước Nhật lần này, ông Putin còn mang tham vọng phá vỡ mặt trận chống Nga của phương Tây cùng các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga sau vụ sáp nhập Crimée. Có thê ông Putin không muốn bó bó buộc tay chân vào một đối tác duy nhất, dù đó là đối tác chiến lược, như Trung Quốc. Con đại bàng Nga hai đầu đang nhìn về châu Á, cùng lúc sang hai hướng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161215-kuril-thach-thuc-lon-quan-he-nga-%E2%80%93-nhat
Mỹ bán thiết bị quân sự
nhưng ngưng trợ giúp nhân đạo cho Philippines
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ hôm 14/12/2016 thông báo chính phủ Hoa Kỳ đã thông qua hợp đồng bán thiết bị quân sự cho Manila với tổng trị giá 25 triệu đô la. Một ngày sau, Washington cũng cho biết tạm hoãn một chương trình trợ giúp phát triển kinh tế do quan ngại tình hình nhân quyền tại Philippines.
Hợp đồng mua thiết bị quân sự bao gồm chi phí mua và lắp đặt hai chiếc ra-đa Sea Giraffe trên tầu chiến của hải quân Philippines, các thiết bị, phương tiện có liên quan và chi phí huấn luyện.
Những chiếc ra-đa này sẽ cho phép hải quân Philippines tăng cường năng lực đảm bảo an ninh hàng hải và củng cố mối quan hệ an ninh khu vực của Mỹ vào thời điểm Washington quan ngại về những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Quyết định này được quốc hội Mỹ thông qua vào lúc quan hệ giữa Hoa Kỳ và Philippines, đồng minh châu Á lâu đời của Washington xuống đến mức thấp nhất. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không ngần ngại chỉ trích và tỏ ra nghi ngờ Washington vì những lời chỉ trích của nhiều quan chức cao cấp Hoa Kỳ trong lĩnh vực nhân quyền.
Việc ông Rodrigo Duterte hôm thứ Ba 13/12/2016 thừa nhận tự tay giết tội phạm để làm gương đã khiến cho Washington quan ngại. Hoa Kỳ hôm nay thông qua lời đại sứ tại Manila thông báo tạm ngưng một chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế và giảm nghèo đói.
Theo tổ chức Millennium Challenge Corporation (MCC), một cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ, « quyết định này cho thấy mối bận tâm đáng kể về vấn đề nhân quyền và tự do của người dân tại Philippines ». Hoa Kỳ chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch bài trừ tội phạm ma túy do tổng thống Duterte phát động. Kể kể từ khi ông lên cầm quyền vào cuối tháng 6/2016, đã có 5000 người bị chết trong khuôn khổ chiến dịch này.
Aleppo thất thủ :
Hồi chuông báo tử cho phong trào nổi dậy Syria
Mới cách đây không lâu, phiến quân Syria còn mơ đến ngày lật đổ được chế độ Bashar al-Assad và nắm quyền kiểm soát toàn thể đất nước. Thế nhưng hiện nay, giấc mơ này đang tan thành mây khói, và theo giới phân tích, được hãng tin Pháp AFP ngày 14/12/2016 tham khảo, sự kiện họ bị đuổi khỏi Aleppo sẽ đánh dấu ngày tàn của phong trào nổi dậy.
Chuyên gia Sam Heller thuộc cơ quan nghiên cứu Mỹ Century Foundation đã tóm gọn suy nghĩ trên khi nhấn mạnh rằng do việc Aleppo, thành phố lớn thứ hai tại Syria, mang giá trị biểu tượng rất cao đối với phong trào nổi dậy thuộc phe đối lập, thất bại của họ tại nơi này sẽ trở thành hồi chuông báo tử, cho dù ngoài Aleppo, lực lượng nổi dạy vẫn còn kiểm soát một số vùng, đặc biệt là gần như toàn bộ tỉnh Idleb ở miền đông bắc.
Trả lời AFP, ông Heller dự đoán là việc để mất Aleppo « có ý nghĩa là phong trào đối lập không còn là một lực lượng có khả năng thách thức chính quyền Damas và giành quyền kiểm soát trên cả nước ».
Hơn một năm sau các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Syria, nối tiếp theo phong trào được gọi là Mùa Xuân Ả Rập tại các nước lân cận, và bị chế độ Bachar al-Assad đàn áp đẫm máu, vào tháng Bảy năm 2012, phong trào nổi dậy Syria đã mở cuộc tấn công vào Aleppo, giành được quyền kiểm soát một phần của thành phố, biến nơi đó thành cứ địa của mình.
Vào khi ấy, phong trào đối lập Syria như diều gặp gió, lại được sự hỗ trợ của một số cường quốc phương Tây, các nước vùng Vịnh, và Thổ Nhĩ Kỳ, cho nên đã tin rằng họ có thể lật đổ chế độ al Assad, và không ngần ngại tuyên cáo với thế giới rằng họ là « đại diện hợp pháp » của người dân Syria.
Thế nhưng, trong những tháng gần đây, đặc biệt là kể từ khi có sự can thiệp quân sự của Nga vào tháng năm 2015, phiến quân Syria đã bị một loạt thất bại trên chiến trường, mà gần đây nhất là tại Aleppo, nơi mà họ đang bị trực xuất hoàn toàn.
Đối với chuyên gia Yezid Sayigh, một trong những nhà nghiên cứu chính của Trung Tâm Carnegie về Trung Đông, thì tình hình đã chuyển biến đến mức « vượt qua điểm mà phe đối lập có thể xoay chuyển cục diện ». Theo nhà phân tích này, phong trào nổi dậy « không còn đủ số chiến binh cần thiết, cũng như không gian địa lý để mở lại một cuộc phản công lớn ».
Các nhà quan sát cho rằng, sau Aleppo, thành trì cuối cùng của quân nổi dậy sẽ là tỉnh Idleb. Có điều là nơi này lại nằm dưới quyền kiểm soát của một liên minh do Mặt trận Fateh al-Sham, một chi nhánh trước đây của Al Qaeda của Syria. Sự hiện diện của thành phần Hồi Giáo cực đoan và lực lượng thánh chiến tại Idled rõ ràng là cản lực đối với các nước phương Tây vẫn muốn giúp đỡ phong trào nổi dậy.
Theo chuyên gia Aron Lund, thuộc Century Foundation, « Một khi bị đánh giá là không thể cứu chữa, phong trào nổi dậy sẽ không còn nhận được một cách vô thời hạn và dào chi viện từ nước ngoài ».Phiến quân hiện cũng còn có mặt ở tỉnh Deraa ở miền Nam và trong khu vực Ghouta, ngoại ô xung quanh Damas. Tuy nhiên, tại cả hai nơi này, họ cũng đều phải lùi bước trước đà tiến của quân chính phủ.
Tóm lại, với sự kiện các vùng lãnh thổ họ kiểm soát ngày càng teo tóp, phe đối lập chính trị ở Syria sẽ ngày càng yếu thế, và ảnh hưởng của họ đang trở thành con số không.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161215-aleppo-that-thu-hoi-chuong-bao-tu-cho-phong-trao-noi-day-syria
Thượng đỉnh EU tập trung vào an ninh, quốc phòng
Hội nghị thượng đỉnh tập trung toàn bộ lãnh đạo các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu mở ra vào hôm nay, 15/12/2016, tại Bruxelles. Trong cuộc họp cuối cùng của năm 2016 này, bên cạnh các vấn đề nhập cư, tình hình Syria, hồ sơ trừng phạt Nga, phần chủ yếu các cuộc thảo luận sẽ tập trung trên vấn đề quốc phòng và an ninh, bên trong cũng như bên ngoài khối.
Theo quan điểm của hai đầu tàu Pháp- Đức, Châu Âu phải gánh vác nhiều hơn nữa trách nhiệm về an ninh của mình. Đây là thông điệp mà thủ tướng Đức cũng như tổng thống Pháp muốn gửi đến các đồng nhiệm Châu Âu.
Paris và Berlin đề nghị một số biện pháp, trong đó có việc thành lập một cơ chế đặc trách quyết định và tiến hành nhanh một số chiến dịch và các nước thành viên phải cam kết dành 2% GDP cho quốc phòng.
Mục tiêu ban đầu của Pháp và Đức là làm thế nào để Châu Âu bớt lệ thuộc vào Mỹ và NATO. Và như chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã khẳng định “Phải phát triển công nghiệp quốc phòng Châu Âu và củng cố thêm quyền tự quyết chiến lược.”
Trong tình hình mà đầu tư vào quốc phòng vẫn do các quốc gia thực hiện riêng lẻ, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu muốn thiết lập một nền tảng cộng nghiệp quốc phòng chung, tránh việc xé lẻ và giảm bớt tốn kém.
Theo ông Juncker, Châu Âu chi tiêu 200 tỷ euro cho quốc phòng, nhưng chỉ đạt có 15% hiệu quả của Mỹ, vì có quá nhiều sản phẩm giống nhau, phối hợp thì quá ít. Ông đề nghị thành lập một quỹ Châu Âu cho quốc phòng để tài trợ việc nghiên cứu và mua chung thiết bị.
Trước mối lo ngại của một số quốc gia như Ba Lan, Paris và Berlin đã trấn an là những đề nghị của mình không chống lại NATO mà là biện pháp hỗ trợ thêm.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161215-thuong-dinh-eu-tap-trung-vao-an-ninh-quoc-phong
Bắc Kinh lấy “vũ khí thương mại” dọa Mỹ
về lập trường với Đài Loan
Bắc Kinh tiếp tục gây căng thẳng với tổng thống tân cử Mỹ sau những phát biểu của ông về Đài Loan. Trong một thông điệp hàm ý đe dọa, hôm qua 14/12/2016, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) đã nhắc nhở Hoa Kỳ rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ mặc cả với Washington về các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Phát biểu trước giới lãnh đạo các tập đoàn Mỹ, đại sứ Trung Quốc cho rằng hai nước cần phải cố gắng củng cố thêm quan hệ song phương, và « các tiêu chí cơ bản của quan hệ quốc tế cần được tôn trọng, không được bỏ qua, và chắc chắn là không thể được xem như là một cái gì đó mà ta có thể đánh đổi ». Nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh : « Chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ không phải là những thứ để mặc cả. Không dời nào ! Tôi hy vọng là mọi người sẽ hiểu điều đó. »
Dĩ nhiên là ông Thôi Thiên Khải tránh nhắc đến « sự cố » tuần trước liên quan đến vấn đề Đài Loan, khi tổng thống Mỹ vừa đắc cử đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ không nhất thiết phải bám vào chính sách tồn tại từ gần bốn chục năm qua theo đó Mỹ công nhận rằng Đài Loan là một phần của « một nước Trung Hoa duy nhất ».
Lời nhắc nhở của đại sứ Trung Quốc tại Mỹ phù hợp với những lời phản đối mới đây của bộ Ngoại Giao Trung Quốc trước những phát biểu của ông Donald Trump về Đài Loan. Bắc Kinh coi đó là lập trường mâu thuẫn với nguyên tắc « một nước Trung Hoa » mà Trung Quốc xem như là « nền tảng chính trị » cho quan hệ Mỹ-Trung.
Trừng phạt Mỹ về thương mại ?
Song song với những lời lẽ ngoại giao, Trung Quốc tiếp tục cho báo chí của mình tung ra những luận điệu hung hăng dọa nạt cả Đài Loan lẫn Mỹ. Vào hôm nay, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, đã không ngần ngại lập lại đòi hỏi dùng võ lực để lấy lại Đài Loan.
Trong một bài xã luận, tờ báo được xem là công cụ khẩu chiến của Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc « cần phải tỏ rõ quyết tâm thu hồi Đài Loan bằng vũ lực. Hòa bình không thuộc về những kẻ hèn nhát ». Vào hôm qua, cũng chính Hoàn Cầu Thời Báo đi đầu trong chiến dịch « nã pháo » vào Mỹ, với một loạt những lời đe dọa trả đũa về kinh tế.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt ghi nhận :
Thương mại Mỹ ở Châu Á cần sự chắc chắn và ổn định. Đây là lời cảnh báo của ông James Zimmermann, chủ tịch Phòng Thương Mại Mỹ ở Trung Quốc. Ông lo ngại rằng Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại nếu ông Donald Trump dám phá bỏ thỏa hiệp có từ gần 4 thập niên nay giữa Washington và Bắc Kinh : « Chỉ có duy nhất một nước Trung Hoa và Đài Loan thuộc về Trung Quốc ».
Đối với tờ Hoàn Cầu Thời Báo thì « Sẽ là một điều nguy hiểm chết người nếu chính quyền Trump phá vỡ ngay chính nền tảng của quan hệ Trung-Mỹ ». Nguy hiểm nhất là đối với các công ty Mỹ. Tờ báo nêu ví dụ : Dây chuyền cà phê Mỹ Starbucks – có đến 2.500 cửa hiệu ở Trung Quốc – sẽ bị mất mát lớn nếu khách hàng Trung Quốc quay sang với đối thủ cạnh tranh Anh Costa Café.
Báo chí chính thức của Trung Quốc đã đề nghị nào là không mua iphone nữa, nào là thay thế máy bay Boeing bằng Airbus. Quả thật là Boeing có lý do để lo ngại trước nguy cơ trả đũa của Trung Quốc : Vào năm ngoái, 1/3 các chiếc Boeing 737 làm ra đã được bán cho các hãng hàng không Trung Quốc.Tập đoàn xe hơi General Motors cũng vậy : Trong số 10 triệu chiếc xe mà hãng này bán ra trên thế giới thì có đến 30% xuất sang Trung Quốc.
Giới đầu tư Trung Quốc cũng đe dọa Trump, như Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin), người giàu nhất ở Trung Quốc. Nhân vật này đã cảnh báo : « Tôi đã đầu tư 10 tỷ đô la ở Mỹ, 20.000 người bên đó làm việc cho tôi và họ sẽ không còn gì để ăn nữa. »
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161215-bac-kinh-tung-vu-khi-thuong-mai-doa-my-ve-lap-truong-voi-dai-loan