Tin khắp nơi – 15/11/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 15/11/2016

Châu Âu lần đầu tiên cho phép

cử “lực lượng phản ứng nhanh” ra nước ngoài

Trọng Thành

Các nước châu Âu buộc phải tăng cường khả năng tự vệ trong bối cảnh Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump có thể cắt giảm mạnh các chi phí quân sự để bảo vệ các đồng minh bên kia Đại Tây Dương. Hôm qua, 14/11/2016, bộ trưởng Ngoại Giao và bộ trưởng Quốc Phòng khối 28 nước đã thông qua chương trình hành động, mà một điểm đáng chú ý là quy định cho phép triển khai các lực lượng phản ứng nhanh ở nước ngoài.

Theo Reuters, kế hoạch vừa được thông qua lần đầu tiên cho phép châu Âu đưa các lực lượng phản ứng nhanh ra nước ngoài, nhằm can thiệp giải quyết khủng hoảng, trước khi Liên Hiệp Quốc cử lực lượng gìn giữ hòa bình. Lãnh đạo ngoại giao châu Âu Federica Mogherini tuyên bố đã nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên về quyền huy động các đơn vị chiến đấu quy mô 1.500 binh sĩ. Trên thực tế, các lực lượng này đã sẵn sàng kể từ năm 2007, nhưng chưa bao giờ được huy động.

Trả lời báo giới, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định : « Điều này cho phép châu Âu tiến thêm một bước trên con đường hướng đến sự tự chủ về chiến lược », hay nói cách khác là độc lập hơn với Hoa Kỳ về quân sự.

Vẫn theo lãnh đạo ngoại giao châu Âu, người chủ trì cuộc họp hôm qua, thì Liên Hiệp không có kế hoạch xây dựng một quân đội chung của toàn châu Âu, mà mỗi nước vẫn giữ nguyên quyền kiểm soát lực lượng quốc phòng của mình.

Các lãnh đạo châu Âu sẽ còn phải chính thức thông qua kế hoạch này vào tháng 12/2016.

Theo một nhà ngoại giao châu Âu, mặc dù các biện pháp mới được nêu ra trong lộ trình này vẫn còn khiêm tốn, nhưng việc thảo ra được kế hoạch nói trên là một diễn biến quan trọng, cho phép các nước châu Âu vượt qua một tâm lý e dè, vốn đã ngăn cản hợp tác quốc phòng của khối, kể từ khi Quốc Hội Pháp bác bỏ một nỗ lực đầu tiên trong những năm 1950.

Khó khăn chủ yếu vẫn là tài chính

Reuters cho biết kế hoạch dài 16 trang vừa được thông qua liệt kê nhiều nhiệm vụ, nhưng khó khăn chủ yếu trong hiện tại vẫn là nguồn tài chính. Liên Hiệp Châu Âu có 22 thành viên tham gia NATO. Hiện tại chỉ có 5 quốc gia đạt mức chi phí quốc phòng theo khuyến nghị của NATO, cụ thể là tối thiểu 2% GDP, ngoài Hoa Kỳ, còn có Anh, Hy Lạp, Ba Lan và Estonia.

Trong thời gian vừa qua, Pháp và Đức đã nỗ lực vận động để châu Âu ra được một kế hoạch hợp tác tăng cường sức mạnh phòng vệ. Hợp tác càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh một chính trị gia thân Nga vừa đắc cử tổng thống tại Bulgaria.

Hiện tại, các lực lượng vũ trang của Liên Hiệp Châu Âu đang đảm nhiệm 17 chiến dịch quân sự và dân sự trên thế giới, từ việc duy trì hòa bình tại Congo đến việc ngăn chặn làn sóng di cư từ Libya vào châu Âu qua Địa Trung Hải, hay kiểm soát việc tôn trọng lệnh cấm vận của vũ khí của Liên Hiệp Quốc…

Vẫn liên quan đến quan hệ châu Âu – Hoa Kỳ về mặt quân sự, hôm nay, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định « chắc chắn » là ông Donald Trump sẽ tôn trọng « toàn bộ các cam kết của Hoa Kỳ » đối với NATO.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161115-lien-hiep-chau-au-thao-ra-lo-trinh-gia-tang-suc-manh-phong-ve

 

Thiên tai gây tổn thất 520 tỉ đô la

và thêm 26 triệu người nghèo mỗi năm

Trọng Thành

Hôm qua 14/11/2016, Ngân Hàng Thế Giới công bố một báo cáo đặc biệt về hậu quả của thiên tai do Biến đổi khí hậu. Báo cáo cho thấy tổn thất về tài chính và con người là « lớn hơn rất nhiều » so những gì mà nhân loại vẫn hình dung. Theo AFP, báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới là một đóng góp quan trọng cho các cuộc thương lượng khó khăn đang diễn ra tại thượng đỉnh Khí hậu COP22, đặc biệt về lĩnh vực tài trợ cho việc thích nghi với Biến đổi khí hậu. Thượng đỉnh diễn ra từ ngày 07/11 đến 18/11/2016.

Theo Ngân Hàng Thế Giới, các thiệt hại do thiên tai hiện nay trên toàn thế giới là 520 tỉ đô la/năm, cao hơn 60% so với ước tính trước đó của Liên Hiệp Quốc (khoảng 300 tỉ). Tính toán của các tác giả báo cáo không chỉ dựa trên các tổn thất « vật chất » (như nhà cửa, đường xá…), mà cả các thiệt hại đối với « đời sống » dân cư (như chi phí cho sức khỏe, thực phẩm, giáo dục…).

Theo người điều phối nghiên cứu này, cần phải đánh giá công bằng mức thiệt hại tài chính nói chung của các nhóm dân cư nghèo nhất, vốn được đánh giá tương đối thấp. Nhóm dân cư 20% người nghèo nhất chịu tổn thất 11% thiệt hại « vật chất » toàn cầu do thiên tai, nhưng chiếm đến 47% thiệt hại về « đời sống ». Ví dụ như thiệt hại « vật chất » do cơn bão Matthew đối với dân Haiti chỉ được đánh giá là 2 tỉ, so với 7 tỉ tại Hoa Kỳ, trong khi đó ảnh hưởng của nó đến đời sống dân cư đảo quốc này thì lớn hơn nhiều. Cơn bão Nargis ập vào Miến Điện năm 2008 buộc một nửa số nông dân nghèo phải bán hết tài sản, kể cả đất đai để trả nợ.

Báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới hôm qua cũng nhấn mạnh là thiên tai đẩy thêm 26 triệu người vào tình trạng nghèo đói hàng năm. Đa số dân cư thuộc nhóm dễ tổn thương nhất không được sự hỗ trợ của người thân, chính quyền hay các tổ chức bảo hiểm.

Ngân Hàng Thế Giới khuyến cáo cần có các biện pháp hỗ trợ mới, đặc biệt về tài chính, để bảo vệ những người dễ tổn thương nhất, bên cạnh các biện pháp cổ điển như : xây dựng công trình kiên cố hơn, tăng cường đê điều, quy hoạch đô thị phù hợp… Về vấn đề này, có một số ví dụ thành công, như Kenya năm 2015 thiết lập hệ thống hỗ trợ tài chính cho 100.000 nông dân trước mùa hạn hán, thông qua qua điện thoại cầm tay.

Việc Donald Trump, lãnh đạo dân túy có quan điểm không thừa nhận Biến đổi khí hậu do con người, đắc cử tổng thống Mỹ cách nay một tuần, gây bàng hoàng trong giới bảo vệ môi trường. Hôm qua, người phụ trách đàm phán khí hậu Hoa Kỳ Jonathan Pershing khẳng định, bất kể chính sách của ông Donald Trump, trên thực tế, phong trào toàn cầu hạn chế Biến đổi khí hậu « đã có được một lực đẩy rất lớn, với thượng đỉnh Paris, và các bên đã đầu tư rất nhiều »vào lĩnh vực này.

Cho đến nay, đã có 109 quốc gia ký kết thỏa thuận Paris. Thỏa thuận có hiệu lực một phần quan trọng do đóng góp của hai nước phát thải nhiều nhất là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng là quốc gia đi đầu về năng lượng tái tạo.

Thành công bước đầu : 3 năm liền khí thải hầu như không tăng

Cũng hôm qua, 14/11/2016, bên lề thượng đỉnh COP22, Global Carbon Project công bố một nghiên cứu cho thấy các nỗ lực hạn chế Biến đổi khí hậu đã có kết quả bước đầu. Trong ba năm vừa qua, mức khí thải gây hiệu ứng toàn cầu gần như chững lại (so với mức tăng thường niên 2,3% trong thập niên 2004-2013). Điều này cho thấy tăng trưởng kinh tế hoàn toàn có thể đi liền với giảm khí thải.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, nỗ lực giảm khí thải cho đến nay là chưa đủ. Cơ quan Khí Tượng Thế Giới OMM cảnh báo nhiệt độ Trái đất đang phá hết kỉ lục này đến kỉ lục khác. Năm 2016 có thể sẽ là năm nóng nhất từ thời tiền công nghiệp đến nay. Cứ với đà hiện nay, nhiệt độ toàn cầu vào 2030 sẽ vượt mức 2°C, và sẽ còn tăng rất nhanh sau đó.

Với mức độ Trái đất nóng nhanh như hiện nay, dân cư nhiều vùng trên thế giới sẽ hết sức khó thích nghi với các hệ quả của Biến đổi khí hậu.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161115-thien-tai-gay-ton-that-520-ti-do-la-va-them-26-trieu-nguoi-ngheo-moi-nam

 

NATO trả giá cho quan hệ Donald Trump-Vladimir Putin ?

Tú Anh

Hâm nóng quan hệ Mỹ- Nga là một trong những luận điểm tranh cử của Donald Trump trong chính sách đối ngoại. Liệu tổng thống mới sẽ bỏ rơi đồng minh, rút quân ra khỏi NATO để làm quà trao đổi với Vladimir Putin . Giới chuyên gia phân tích ra sao ?

Nhà Trắng có chủ nhân mới vào lúc Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tiến hành kế hoạch tăng cường quân lực tại biên giới phía đông của Nga theo yêu cầu của Ba Lan và ba nước Baltic sau vụ quần đảo Crimée của Ukraina bị Matxcơva sáp nhập vào năm 2014.

Trong mùa tranh cử tổng thống Mỹ, Hillary Clinton tố cáo đối thủ Cộng Hoà sẽ triệt thoái toàn bộ quân Mỹ ra khỏi châu Âu. Chiến thắng bất ngờ của ứng cử viên đảng Cộng Hoà đã gây một trận địa chấn. Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO – phải cảnh báo « không phải là lúc để Mỹ và châu Âu đường ai nấy đi ». Trên thực tế, theo nhà bình luận Peter Apps của Reuters, ông Donald Trump không bao giờ tuyên bố như thế mà chỉ nói rằng cơ cấu của NATO hiện nay quá « kềnh càng và tốn kém », do vậy phải xem lại.

Cuối tuần qua, báo Russia Today, tiếng nói của điện Kremlin phấn khởi đưa tin, trích dẫn một nguồn tin báo chí Đức, theo đó NATO khẩn cấp chuẩn bị kế hoạch trong trường hợp Mỹ rút hết quân.

Liệu tân tổng thống Mỹ sẽ nhượng bộ những đòi hỏi của tổng thống Nga đến mức độ nào ? Những dấu hiệu đầu tiên như chủ nhân điện Kremlin đã nhanh chóng chúc mừng ông Donald Trump ngay ngày 08/11 và trao đổi qua điện thoại hôm 14/11, thông báo « bình thường hóa » cho phép suy đoán với Donald Trump, quan hệ Mỹ-Nga sẽ không căng thẳng như với tổng thống George Bush và Barack Obama.

Chính phủ Nga trông chờ rất nhiều ở chủ nhân mới tại Nhà Trắng, nhất là bỏ lệnh trừng phạt sau vụ Ukraina. Tuy nhiên, tuần qua, thủ tướng Dmitri Medvedev thẩm định các biện pháp trừng phạt sẽ tiếp tục có hiệu lực, ít ra trong một thời gian, chắc chắn là phải có lý do.

Theo điện Kremlin, một số viên chức Nga có « tiếp xúc » thường trực với ban tham mưu của ông Donald Trump trong mùa bầu cử. Một số cố vấn của ông Trump đã từng làm việc với tổng thống Ukraina bị lật đổ Viktor Yanukovitch, một đồng minh của tổng thống Putin. Hai bên sẽ có dịp trắc nghiệm mối quan hệ hỗ tương này trong những tháng tới.

Sau bầu cử, giới chức Nga nói đến mở lại hợp tác Mỹ-Nga trên nhiều hồ sơ. Thế nhưng, trong cuối tuần qua, Nga lại đặt thêm điều kiện nếu muốn giảm căng thẳng thì phải giảm lực lượng NATO bố trí ở biên giới.

Thật ra, theo chuyên gia Peter Apps, tính khí « đặc ứng » khó lường của Donald Trump không cho phép suy đoán ông sẽ phản ứng ra sao khi đụng với thực tế. Thêm vào đó, cũng như mọi tổng thống mới đắc cử, phải chờ khi Donald Trump yên vị tại Nhà Trắng mới có thể biết ông sẽ làm gì.

Giới phân tích không quên những lời tuyên bố của tổng thống Obama khi mới lên cũng tuyên bố « xoay trục về châu Á ». Cuối cùng Mỹ lại tăng quân tại châu Âu.

Do vậy, kế hoạch « hiện diện tiền phương » của NATO ở phía đông sẽ được tiếp tục trong năm tới. Nguy cơ xung đột ở Baltic không giảm nhưng cũng khó lường với Donald Trump.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161115-nato-tra-gia-cho-quan-he-donald-trump-vladimir-putin

 

Châu Âu bổ sung danh sách quan chức Syria bị trừng phạt

Hôm qua, 14/11/2016, trong cuộc họp tại Bruxelles, 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã nhất trí bổ sung danh sách các quan chức thuộc chế độ Damas bị trừng phạt. Lệnh trừng phạt được áp dụng từ khi xẩy ra cuộc xung đột tại Syria. Lần này, có thêm đối với 17 bộ trưởng và thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Syria nằm trong danh sách đen.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet gửi về bài tường trình :

« Trong số 18 người có tên trong danh sách được đăng trên Công Báo của Liên Hiệp Châu Âu, có Duraid Durgham, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Syria, bị cáo là buộc trên cương vị lãnh đạo ngân hàng, đã hỗ trợ kinh tế và tài chính cho đến độ Damas. Kể từ khi Liên Hiệp Châu Âu đưa ra những biện pháp trừng phạt kinh tế đầu tiên, vào tháng 05/2011, nhắm vào chế độ Damas, Ngân Hàng Trung Ương Syria là một trong số 69 thực thể hoặc định chế nằm trong danh sách đen.

17 người khác được nêu tên trong danh sách trừng phạt hôm qua đều là những bộ trưởng được bổ nhiệm hồi tháng Bẩy, phụ trách nhiều cơ quan, như bộ Dầu Khí, Thương Mại, Tài Chính hay Giao Thông Vận Tải.

Trong 5 năm qua, tổng cộng đã có 243 người bị trừng phạt, bị coi là phải chịu trách nhiệm về việc trấn áp người dân, ủng hộ chế độ của tổng thống Bachar al Assad hoặc hưởng lợi từ chế độ này.

Trong hội nghị thượng đỉnh gần đây, 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu cũng đã để ngỏ khả năng trừng phạt nhắm vào Nga sau khi tố cáo các vụ oanh kích của không quân Nga và Syria vào Aleppo là tội ác chiến tranh ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161115-chau-au-bo-sung-danh-sach-quan-chuc-syria-bi-trung-phat

 

Miến Điện :Quân đội bị tố cáo

tàn sát người Rohingya ở Arakan

Thu Hằng

Ít nhất 30 người chết trong vòng ba ngày gần đây, tính đến ngày 14/11/2016, tại vùng Arakan (bang Rakhine), phía tây Miến Điện, nơi có đông đảo cộng đồng người Rohingya sinh sống. Con số này nâng tổng số người chết lên thành 86 người (69 người Rohingya và 17 thành viên lực lượng an ninh) chỉ trong vòng một tháng.

Quân đội Miến Điện tiến hành nhiều đợt truy quét có quy mô lớn để tìm một nhóm tội phạm được cho là đã tấn công các đồn biên phòng hồi đầu tháng 10/2016.

Từ Rangoon, thông tín viên RFI Rémy Favre cho biết thêm chi tiết :

« Quân đội có toàn quyền hành động. Họ triển khai máy bay trực thăng và tuần tra trong nhiều ngôi làng để tìm những thành phần được cho là chiến binh Hồi Giáo đã tấn công vào ba đồn biên phòng cách đây hơn một tháng. Theo báo chí chính phủ, chỉ trong ba ngày gần đây, loạt chiến dịch này đã khiến 27 nghi can và 2 quân nhân bị chết. 

Phía bắc vùng Arakan bị phong tỏa. Nhà báo bị cấm hoạt động. Từ nhiều tuần nay, Liên Hiệp Quốc yêu cầu được tiếp cận với người dân bị di chuyển. Vì thế có rất ít nhân chứng tại chỗ, trong khi các mối nghi ngờ đều hướng tới quân đội do ngày càng vi phạm nhân quyền. Tám phụ nữ Rohingya khẳng định đã bị quân nhân Miến Điện cưỡng hiếp.

Sau khi phân tích các hình ảnh chụp từ vệ tinh, tổ chức Human Rights Watch cho biết hơn 400 ngôi nhà tại ba làng Rohingya đã bị thiêu rụi. Tổ chức nhân đạo này yêu cầu mở một cuộc điều tra độc lập.

Chính phủ của cố vấn Aung San Suu Kyi ủng hộ các chiến dịch quân sự tại miền bắc vùng Arakan, nhưng phủ nhận đã vi phạm nhân quyền. Cuối cùng, chính quyền Miến Điện cũng đã yêu cầu quân đội giải trình, kể cả những cáo buộc giết người, bắt giữ cưỡng chế và cướp của. Quân đội vẫn chưa đưa ra câu trả lời.

Chính phủ dân chủ Miến Điện đang gặp khó khăn trong việc xử lý khủng hoảng tại Arakan một cách minh bạch và công bằng ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161115-mien-dien-quan-doi-bi-to-cao-tan-sat-nguoi-rohingya-o-arakan

 

Thị trường châu Á chờ chính sách rõ ràng hơn của ông Trump

Ron Corben

BANGKOK —

Tăng cường bảo hộ mậu dịch và chiến tranh thương mại với Trung Quốc là những lo ngại lớn trong lúc các thị trường châu Á chờ chính sách rõ ràng hơn của chính phủ Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống tân cử Donald Trump.

Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump luôn nói đến việc tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc và tố cáo Bắc Kinh “thao túng tiền tệ” để trục lợi cho xuất khẩu của Trung Quốc.

Các nhà phân tích thị trường và các kinh tế gia ở châu Á nói rằng bất cứ một chính sách bảo hộ mậu dịch nào cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.

Ông Triphon Phumiwasana là một đối tác của công ty tài chánh Hatton Capital Partners ở Thái Lan. Ông nói:

“Điều tôi lo ngại nhất là chính sách bảo hộ mậu dịch trong nghị trình của ông Trump, nhất là đối với Trung Quốc. Một khi Trung Quốc bị tác động sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền cung ứng nguyên liệu cho công xưởng sản xuất của thế giới, và cả dây chuyền cung ứng sẽ chậm lại là điều đáng lo ngại nhất.”

Các nhà phân tích nói rằng nếu ông Trump đi theo chính sách tăng mạnh thuế nhập khẩu, thì hậu quả của nó không chỉ ảnh hưởng đến người lao động và các doanh nghiệp của Mỹ thôi, mà nó còn gây ra một cuộc chiến thương mại.

​Chiến tranh thương mại

Bài xã luận đăng trên Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc số ra hôm thứ Hai nói rằng đe dọa của ông Trump về biểu thuế nhập khẩu rất có thể chỉ là những hô hào để vận động tranh cử mà thôi. Nhưng nếu ông Trump theo đuổi chính sách thuế nhập khẩu đó, Trung Quốc sẽ đáp trả sòng phẳng.

Tờ báo nói thêm: “Đơn đặt mua một loạt máy bay Boeing sẽ được thay bằng máy bay Airbus. Doanh thu từ điện thoại iPhone và xe ô-tô Mỹ trên thị trường Trung Quốc sẽ chịu tổn thất, đậu nành và bắp của Mỹ bán vào Trung Quốc sẽ bị chận lại. Trung Quốc cũng sẽ giới hạn số học sinh du học ở Mỹ.”

Xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc tăng cao rõ rệt trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Barack Obama. Tuy nhiên cùng lúc đó thâm hụt của Mỹ trong trao đổi mậu dịch với Trung Quốc tiếp tục tăng lên những mức kỷ lục mới, vượt quá 365 tỉ đôla trong năm 2015.

Các nhà phân tích nói rằng một chính sách “Mỹ Trước” sẽ có lợi cho doanh nghiệp Mỹ trên sân nhà, nhưng các nhà phân tích cũng xem đó là xu hướng “tự cô lập” của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ của Mỹ với Ðông Nam Á.

Đe dọa của ông Trump sẽ “phạt” các doanh nghiệp Mỹ đưa hàng ra nước ngoài gia công được xem có thể gây ra một tác động tài chánh đáng kể đối với Philippines. Các nhà bình luận nói rằng ngành sản xuất hàng gia công của Philippines thu về tương đương với 10% tổng sản phẩm quốc gia (GDP) của nước này.

Các nhà phân tích thị trường của hãng Capital Economics ở London nói rằng tăng cao biểu thuế đối với hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc “có thể gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Trung Quốc.” Các nền kinh tế chính khác trong khu vực vốn là những nhà cung ứng nguyên liệu cho thị trường Trung Quốc, như Ðài Loan, và Malaysia, cũng sẽ bị tác động.

Các nhà phân tích của Capital Economics nói rằng ông Trump rất có thể sẽ bắt đầu nhiệm quyền tổng thống bằng việc dán cho Trung Quốc nhãn hiệu “thao túng tiền tệ,” và bộ tài chính của hai nước phải nhanh chóng bước vào đàm phán về chính sách tiền tệ.

Bảo hộ mậu dịch và tăng trưởng kinh tế

Ông Daniel Bean, trưởng ban nghiên cứu ngoại hối của Tập đoàn Ngân hàng ANZ ở Sydney, nhận định rằng trong bối cảnh Mỹ là đối tác thương mại chính của châu Á, thì việc tăng cường chính sách bảo hộ mậu dịch có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Ông Bean cũng lo ngại về những chính sách khác của ông Trump đối với Trung Quốc:

“Việc ông Trump rêu rao rằng Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống sẽ không tạo ra một môi trường hợp tác thực sự hữu ích.”

Ông Bean nhận định rằng châu Á đang trong tình trạng không rõ ràng “ít nhất là cho đến ngày nhậm chức của ông Trump vào tháng Giêng tới, và tất nhiên sẽ có rất nhiều câu hỏi đặt ra” mặc dù tăng trưởng kinh tế của Mỹ hiện tại “trông có vẻ hợp lý” và thương mại “vẫn tự do và minh bạch.”

Nhưng ông Derek Scissors, một kinh tế gia và là một học giả của Viện nghiên cứu American Enterprise ở thủ đô Washington, nói rằng vẫn còn quá sớm để suy đoán liệu chính quyền của ông Trump “sẽ ưu tiên cho những chiến lược thương mại hơn hay dứt khoát bảo hộ mậu dịch.”

Ông Bean nói: “Nếu chúng ta chỉ thấy những giới hạn, mà không thấy những sáng kiến mới mở rộng trao đổi thương mại, thì điều đó có nghĩa là chính quyền này theo chủ nghĩa bảo hộ.”

Trên mặt trận thương mại, những mối lo khác còn có việc chính quyền của ông Trump sẽ điều đình lại, thậm chí có thể bãi bỏ hoàn toàn hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn (KORUS).

Các nhà phân tích của Capital Economics nói rằng “việc bãi bỏ hiệp định KORUS sẽ là một cú giáng mạnh vào ngành xuất khẩu của Hàn Quốc, đặt biệt là xe ô tô – ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định tự do thương mại này.

​TPP

Một tiến trình thương mại đã chịu tác động ngay từ cuộc vận động tranh cử là Thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, tức TPP, giữa 12 quốc gia vành đai Thái Bình Dương.

TPP là phần then chốt trong chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama. Nhưng cả ông Trump lẫn cựu đối thủ của ông là bà Hillary Clinton bên Ðảng Dân chủ đều lên tiếng phản đối TPP trong quá trình vận động tranh cử.

Ông Trump hứa sẽ rút TPP lại ngay ngày đầu tiên ông nhậm chức.

Thỏa thuận chung cuộc được 12 quốc gia đúc kết hồi tháng 10 năm 2015 đang chờ chính phủ của mỗi nước thông qua. Tất cả các nước tham gia TPP, trong đó có Việt Nam và Malaysia, là thị trường nhập khẩu đến 44% hàng xuất khẩu của Mỹ và đến 85% nông sản xuất khẩu của Mỹ.

Một báo cáo mới đây của Hội đồng Quan hệ Nước ngoài nói rằng những thay đổi trong các điều khoản của TPP có việc tăng cường bảo vệ tài sản trí tuệ, ủng hộ luật doanh nghiệp cạnh tranh và minh bạch cùng với việc thực thi các tiêu chuẩn về môi trường và lao động.

Mặc dù TPP từng được xem là một “biểu tượng của sự cam kết của Mỹ đối với khu vực Đông Á,” nay vẫn chưa thật sự rõ là nếu ông Trump rút lại TPP, thì hậu quả của nó sẽ như thế nào đối với vai trò của Mỹ trong khu vực.

Một số người tin rằng chấm dứt TPP sẽ có tác dụng khuyến khích cho thỏa thuận Đối tác kinh tế toàn diện trong khu vực của Trung Quốc, gọi tắt là RCEP, và sẽ mở ra cơ hội cho Trung Quốc bước vào một vị trí có nhiều ưu thế hơn để đẩy mạnh các hiệp ước thương mại của họ.

Hệ quả

Việc Washington rút khỏi TPP sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Trung Quốc tùy thuộc vào việc ông Trump làm những gì tiếp theo sau đó.

Ông Scissors của American Enterprise nhận định: “Nếu Mỹ đi xa hơn nữa trong việc bác bỏ TPP rồi bắt đầu bỏ mặc châu Á, thì tất nhiên Trung Quốc sẽ giữ vai trò quan trọng hơn. Tuy nhiên điều đó có thể dẫn đến việc những nước khác như Nhật Bản và Ấn Ðộ sẽ tìm cách đối trọng với Trung Quốc thay vì đẩy mạnh hợp tác.”

Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Quốc tế của Malaysia, ông Mustapa Mohamed, trong phát biểu tại một cuộc họp báo ở Kuala Lumpur, nói rằng sẽ có đến một triệu công việc làm mới được tạo ra nhờ vào hiệp ước TPP. Ông nói: “Nếu không có TPP, thì sẽ không có một triệu công việc làm đó.”

Các kinh tế gia nói ông Trump có thể sẽ tương nhượng một số chính sách, trong đó có vấn đề thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, và thương thuyết lại hiệp ước tự do thương mại với Hàn Quốc.

http://www.voatiengviet.com/a/thi-truong-chau-a-cho-chinh-sach-ro-rang-hon-cua-ong-trump/3596598.html

 

TT Duterte: sẽ không tuân thủ nhân quyền

nếu IS tràn vào Philippines

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 14/11 cảnh báo nếu những phần tử Nhà nước Hồi giáo bị đẩy khỏi Syria và Iraq tới lập căn cứ tại nước ông thì ông sẽ bỏ qua các cam kết nhân quyền để gìn giữ an toàn cho người dân Philippines.

Ông Duterte nói tỉnh Midanao, miền nam Philippines, đã là nơi hoành hành của phiến quân và các băng đảng. Ông lo ngại về “bóng ma của chủ nghĩa khủng bố” và làn sóng các phần tử cực đoan có thể lợi dụng tình trạng bất an ninh ở đây.

Nhân quyền là một vấn đề gay go đối với ông Duterte, người hàng ngày trút giận lên các nhà hoạt động và các chính phủ phương Tây chỉ vì họ quan ngại về cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của ông .

Là một người sinh quán tại Mindanao và từng làm Thị trưởng thành phố Davao trong 22 năm, ông Duterte cho biết phong trào nổi dậy Hồi giáo ở đây trỗi dậy “rất mạnh mẽ” và rằng phiến quân Abu Sayyaf bắt cóc con tin hàng ngày.

Abu Sayyaf đang giam giữ 21 con tin, hầu hết là người nước ngoài. Bất chấp những cuộc tấn công của quân đội truy quét các phần tử này, hoạt động cướp bóc và bắt cóc vẫn tiếp diễn, không suy giảm.

Ông Duterte nói Philippines, Indonesia và Malaysia đang làm việc chặt chẽ với nhau ngăn không cho các phần tử cực đoan nước ngoài xâm nhập vào 3 quốc gia này.

Hôm thứ Sáu tuần trước ông cảnh báo là có thể sử dụng quyền hành pháp để ngăn chặn tình trạng vô luật pháp tại Philippines bằng cách ngưng thi hành thủ tục xét xử theo luật pháp, một bảo đảm pháp lý chống lại các việc bắt giữ tùy tiện.

Hiến pháp Philippines cho phép ngưng áp dụng thủ tục này trong vòng 60 ngày “trong trường hợp bị xâm lăng hay nổi loạn, khi an ninh công cộng đòi hỏi việc này” cũng như cho phép bắt không cần trát tòa và giam không truy tố trong 3 ngày.

http://www.voatiengviet.com/a/tt-duterte-se-khong-tuan-thu-nhan-quyen-neu-is-tran-vao-philippines/3595753.html

 

Pakistan đổ lỗi Ấn Độ pháo kích giết chết 7 binh sĩ

Pakistan nói vụ pháo kích “vô cớ” của Ấn Độ ở khu vực tranh chấp biên giới Kashmir đã giết 7 binh sĩ nước này.

Một thông báo đưa ra hôm thứ Hai của quân đội Pakistan nói vụ việc xảy ra tại khu vực Bhimber dọc theo “Đường Kiểm Soát”, tách biệt khu vực của Pakistan và của Ấn Độ tại vùng Himalaya.

Thông báo nói quân đội Pakistan đã trả đũa và nhắm “hiệu quả” vào các mục tiêu của Ấn Độ, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Chính phủ tại New Delhi hiện vẫn chưa phản hồi các cáo buộc trên.

Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đã gia tăng căng thẳng gần đây. Đã có nhiều cuộc đụng độ quân sự liên tục giữa hai nước ở khu vực Kashmir trong các tuần lễ qua, nhưng cuộc đụng độ hôm thứ Hai là vụ gây tử vong cao nhất mà cả hai bên đã gánh chịu cho đến nay.

Các cuộc đụng độ cũng đã gây thương vong cho thường dân của cả hai bên, buộc hàng ngàn người dân gần Đường Kiểm Soát phải trốn chạy vì sự an toàn.

http://www.voatiengviet.com/a/pakistan-do-loi-an-do-phao-kich-giet-chet-7-binh-si/3595341.html

 

Tòa án Ai Cập lật ngược án tử hình đối với cựu TT Morsi

Một tòa án Ai Cập đã hủy án tử hình đối với cựu Tổng thống Mohammed Morsi và ra lệnh xét lại các tội danh liên hệ đến vụ vượt ngục trong cuộc nổi dậy năm 2011. Cuộc nổi dậy này đã lật đổ ông Hosni Mubarak, lãnh tụ đã cầm quyền lâu năm của Ai Cập.

Tòa phá án hôm thứ Ba cho biết 5 đồng phạm khác cũng sẽ được xét xử lại.

Ông Morsi trở thành tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập vào năm 2012, nhưng ông chỉ nắm quyền được một năm trước khi xảy ra các cuộc biểu tình rầm rộ của quần chúng, tố cáo ông là tìm cách độc chiếm quyền lực và thất bại trong việc cải cách kinh tế. Ông Abdel Fattah el-Sissi, lúc bấy giờ là người đứng đầu quân lực Ai Cập, là người cầm đầu cuộc đảo chánh lật đổ ông Morsi. Ông Abdel Fattah el-Sissi sau đó trở thành tổng thống.

Dưới quyền ông Sissi, chính phủ Ai Cập đã mạnh tay đàn áp tổ chức Huynh đệ Hồi giáo của ông Morsi. Nhóm này từng bị cấm hoạt động dưới thời ông Mubarak, sau đó hồi sinh dưới thời ông Morsi. Nhóm này nay bị liệt vào tổ chức khủng bố và hầu hết các lãnh tụ của nhóm đều bị bắt giữ.

Dù có phán quyết hôm thứ Ba, ông Morsi sẽ vẫn bị cầm tù. Ông bị kết án về ba vụ án khác, trong đó có một vụ dẫn đến bản án 20 năm về tội giết người biểu tình hồi tháng 12 năm 2012 và một án chung thân vì tội gián điệp cho nhóm chủ chiến Hamas của Palestine.

http://www.voatiengviet.com/a/toa-an-ai-cap-lat-nguoc-an-tu-hinh-doi-voi-cuu-tt-morsi/3596694.html

 

EU muốn tăng cường quốc phòng

Các nhà ngoại giao hàng đầu EU kêu gọi tăng cường quốc phòng cũng như tiếng nói châu Âu trong các vấn đề quốc tế khi ông Donald Trump chuẩn bị đảm nhận chức vụ Tổng thống của Hoa Kỳ. Các quan điểm về bảo hộ và cô lập của ông đã khiến nhiều người ở châu Âu lo ngại.

Với rất nhiều câu hỏi xung quanh các kế hoạch chính sách ngoại giao của ông Trump, các ngoại trưởng EU đã đồng ý tại buổi hội đàm ở Brussels về sự cần thiết phải tăng cường vai trò của châu Âu trong các vấn đề thế giới cho đến khi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong tương lai trở nên rõ ràng hơn.

Trong bước đi cụ thể đầu tiên một ngày sau lễ kỷ niệm các vụ tấn công Paris khiến 130 người thiệt mạng năm ngoái, các bộ trưởng đã ký một kế hoạch lớn về an ninh và quốc phòng mới. Nhưng kế hoạch này còn cách xa ý tưởng về một “quân đội EU” với trụ sở quân sự gây phiền nhiễu một số đối tác của EU ở NATO. Kế hoạch này xác định nhiệm vụ chính của châu Âu là ứng phó với các đe dọa bên ngoài, xây dựng khả năng phục hồi an ninh của các đối tác bên ngoài EU và bảo vệ khối 28 quốc gia cùng công dân của họ.

Trong động thái khác hôm thứ Hai, các bộ trưởng tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với thỏa thuận hạt nhân Iran, mà ông Trump gọi là “thỏa thuận tồi tệ nhất trên thế giới”, và cam kết sẽ đàm phán lại. Họ nói “Liên minh châu Âu tái khẳng định cam kết kiên quyết của mình” với một phần của kế hoạch hành động mà các quốc gia nặng ký của EU như Anh, Pháp, và Đức đã thỏa thuận với Iran.

Trong khi tranh cử, ông Trump đã gọi hiệp ước thỏa thuận năm ngoái là “sự hổ thẹn bất xứng” và chống lại giới hạn hạn chế thời gian với việc làm giàu uranium và các hoạt động hạt nhân của Iran.

Nhưng có lẽ vấn đề cấp bách nhất của châu Âu là biết được ông Trump muốn đối phó với Tổng thổng Nga Vladimir Putin như thế nào.

http://www.voatiengviet.com/a/eu-muon-tang-cuong-quoc-phong/3596245.html

 

Các Hồng y bảo thủ

phản đối giáo lý gia đình của Đức Giáo Hoàng

Bốn Hồng y bảo thủ thuộc Giáo hội Công giáo La Mã ngày 14/11 công khai thách thức Đức Giáo Hoàng Phanxicô về một số lời dạy của Ngài trong một tài liệu quan trọng về gia đình, cáo buộc Ngài đã gieo rắc nghi ngờ về những vấn đề đạo lý quan trọng.

2 Hồng y người Đức, 1 người Ý và 1 người Mỹ cho biết họ đã công khai thư gửi Đức Giáo Hoàng vì Ngài không hồi âm.

Trước đây Đức Giáo Hoàng từng có những xung khắc với những người bảo thủ lo ngại là Ngài đang làm suy yếu những qui định của Công giáo La Mã về vấn đề đạo đức như đồng tính luyến ái và ly dị trong khi lại chú trọng đến những vấn đề xã hội như biến đổi khí hậu và bình đẳng kinh tế.

Vấn đề được nêu ra ở đây là những lời giảng dạy của Đức Giáo Hoàng trong một tài liệu 260 trang được gọi là “Amoris Laetitia” (Niềm vui của Tình yêu thương) một tài liệu cột mốc trong nỗ lực của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhằm giúp 1,2 tỉ tín đồ của Giáo hội kết hợp lại nhiều hơn và ít lên án nhau hơn.

Trong tài liệu này, được công bố vào tháng 4 năm nay, Đức Giáo Hoàng kêu gọi Giáo hội bớt nghiêm khắc và tỏ lòng trắc ẩn hơn đối với những thành viên “không hoàn hảo” như những người ly dị và tái hôn. Ngài nói “không ai có thể bị lên án mãi mãi”.

Theo luật của Giáo hội, những người ly dị và tái hôn không được nhận Lễ ban Thánh thể trừ phi họ không quan hệ tình dục với người bạn đời mới, vì trong con mắt của Giáo hội, hôn nhân trước đây của họ vẫn còn giá trị và do đó họ bị xem như sống trong tình trạng phạm tội ngoại tình.

Trong tài liệu, Đức Giáo Hoàng dường như đứng về phía những người cấp tiến. Những người này đề nghị tổ chức “một diễn đàn nội bộ” trong đó các linh mục hay giám mục cùng quyết định với cá nhân đó trên căn bản từng trường hợp một, về việc người đó có thể hoàn toàn hội nhập và nhận Lễ ban Thánh thể hay không.

Những người bảo thủ chống lại việc này và trong thư mở đầu, 4 Hồng y yêu cầu Đức Giáo Hoàng “giải quyết những nghi ngờ vốn làm mất phương hướng và gây khó xử”.

Trong thư gởi cho vài tổ chức truyền thông, bốn Hồng y này nói ngay cả các giám mục cũng đưa ra “những lời giải thích mâu thuẫn” về những qui định liên hệ đến ly dị và tái hôn của tín đồ Công Giáo.

Bốn người đồng ký tên bao gồm Hồng y Raymond Leo Burke, người Mỹ đã bị giáng chức từ một vị trí cao cấp ở Vatican vào năm 2014 và là người thường chỉ trích Đức Giáo Hoàng; Hồng y Walter Brandmuller và Joachim Meisner người Đức; và Hồng y Carlo Caffarra người Ý.

Trong thư, bốn Hồng yêu cầu Đức Giáo Hoàng có lập trường về 5 “điểm nghi ngờ” của họ về một số nội dung trong tài liệu giáo lý của Đức Giáo Hoàng và công bố liệu những điều đó có thay thế các qui định của các Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm hay không.

http://www.voatiengviet.com/a/cac-hong-y-bao-thu-phan-doi-giao-ly-gia-dinh-cua-duc-giao-hoang/3595764.html

 

TT Putin bàn vấn đề Syria với TT Obama ở Peru

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama có thể sẽ thảo luận về những diễn tiến mới tại Syria khi cả hai nhà lãnh đạo đến Peru vào cuối tuần này, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS dẫn lời phát ngôn viên điện Kremlin cho biết như vậy vào thứ Hai.

Theo Phát ngôn viên Dmitry Peskov, hai vị tổng thống có thể gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương mà Peru sẽ chủ trì vào ngày 19 và 20/11.

Ông Peskov khẳng định rằng ông Putin không có kế hoạch ngay lập tức để gặp riêng Tổng thống đắc cử Donald Trump của Hoa Kỳ.

http://www.voatiengviet.com/a/tt-nga-ban-van-de-syria-voi-tt-my-o-peru/3595538.html

 

Chính sách châu Á của chính quyền Trump sẽ ra sao?

Phúc trình mới ra của tổ chức Asia Foundation (Quỹ châu Á) đánh giá rằng ở châu Á có nguy cơ xảy ra khoảng trống lãnh đạo và thậm chí chạy đua vũ khí hạt nhân nếu như Hoa Kỳ rút can dự khỏi khu vực này.

Với việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống, chính sách Á châu của chính phủ Hoa Kỳ được trông đợi sẽ có thay đổi đáng kể.

Asia Foundation là tổ chức phát triển quốc tế phi lợi nhuận với trụ sở đặt tại San Francisco, Hoa Kỳ. Hoạt động sáu thập niên nay, tổ chức này nói cam kết của họ là cải thiện đời sống của người dân Á châu.

Mặt tích cực và tiêu cực

Các tác giả của phúc trình mới ra hôm thứ Ba 15/11 nói tại một số quốc gia, đang có hy vọng là dịch chuyển khỏi chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama thực ra có mặt tích cực.

Nhiều người cho rằng chính sách “xoay trục” của ông Obama chủ yếu chỉ nhằm vào đối trọng với một nước Trung Quốc đang lên và ngày càng hung hăng. Chính sách này dẫn tới tăng đôi chút hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực, mở cửa chính trị ở Miến Điện và cải thiện quan hệ với nước cựu thù Việt Nam.

Về mặt kinh tế, kế hoạch Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) gần như phá sản. Chiến thắng của ông Trump đã xóa đi mọi cơ hội cho việc Mỹ thông qua hiệp định TPP giữa 12 quốc gia.

Ngoài hai điều trên, người ta cũng đang xem xét liệu còn gì trong các hứa hẹn dân túy của ông Trump sẽ trở thành hành động.

Tổng thống đắc cử Trump đã đưa ra ý tưởng rút quân từ Nam Hàn và Nhật Bản ngay cả khi đang có đe dọa từ Bắc Hàn, trừ phi hai nước này chia sẻ bớt gánh nặng phục vụ 80.000 binh lính Mỹ.

Hiện Nam Hàn đóng góp 860 triệu đôla/năm, và thêm 9,7 tỷ đôla cho việc di chuyển căn cứ quân sự Mỹ đi chỗ khác. Nhật Bản đóng góp 2 tỷ đôla/năm, phân nửa ngân quỹ cần để duy trì lính Mỹ ở đây.

Asia Foundation, dựa trên tham vấn các học giả và cựu quan chức 20 quốc gia châu Á, cảnh báo rằng việc rút quân Mỹ sẽ khiến cho Tokyo và Seoul tìm cách tăng cường khả năng tự vệ, ngay cả bằng vũ khí hạt nhân, và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự khu vực.

Trấn an đồng minh

Donald Trump đã sớm đưa ra lời trấn an các đồng minh như lãnh đạo Australia, Nhật Bản và Nam Hàn.

Thứ Năm 17/11 tới ông Trump sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ở New York khi ông này đang trên đường tới tham gia hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương ở Peru.

Trung Quốc chưa thấy tỏ ra bấn động gì lắm về việc Trump thắng cử. Bắc Kinh luôn coi chính sách xoay trục của chính quyền Obama là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng quan ngại về đe dọa áp thuế nặng cũng như trừng phạt vi phạm thương mại và hối đoái từ phía tổng thống đắc cử của Mỹ. Chủ tịch Tập Cận Bình hôm thứ Hai 14/11 đã gọi điện cho Trump và kêu gọi hợp tác giữa hai quốc gia.

Nói chung các tác giả phúc trình cho rằng châu Á sẽ tìm cách ít dựa dẫm vào Mỹ hơn và chọn con đường riêng của mình.

Hiện các cặp mắt đang đổ dồn vào xem Trump sẽ đề cử ai cho các vị trí lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng. Khi đó, ý định của vị tổng thống thứ 45 trong tương quan với châu Á sẽ rõ ràng hơn.

Despite fears of chaos if the U.S. withdraws its military, former South Korean foreign minister, Yoon Young-kwan, there will be “strong reservations” about paying more.

AP-WF-11-15-16 0711GMT

http://www.bbc.com/vietnamese/world-37987776

 

Nga: Bộ trưởng Kinh tế Ulyukayev bị bắt vì nhận hối lộ

Bộ trưởng Kinh tế Nga Minister Alexei Ulyukayev đã bị bắt vì bị cho là có liên quan đến một vụ hối lộ.

Cơ quan chống tham nhũng của Nga, Ủy ban Điều tra (SK), cho biết ông Ulyukayev đã nhận khoản tiền 2 triệu đôla.

Bộ Kinh tế do ông phụ trách đã đưa ra đánh giá tích cực để công ty dầu khí khổng lồ Rosneft mua lại 50% cổ phần của một công ty dầu khí khác, công ty Bashneft.

Ông là quan chức Nga cao cấp nhất bị bắt từ khi Liên Xô tan rã.

“Vụ bắt giữ này là vì ông ta đe dọa cản trở việc chuyển nhượng 50% Bashneft sang Rosneft “, bà Svetlana Petrenko, người phát ngôn của SK, nói với thông tấn xã RIA Novosti.

“Ulyukayev bị bắt quả tang khi ông ta nhận hối lộ”, bà cho biết thêm.

Ủy ban Điều tra SK nói bộ trưởng này sẽ sớm bị kết án.

Nếu bị buộc tội, ông ta có thể chịu án tù trong khoảng từ 8 đến 15 năm. Ông Ulyukayev được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế vào năm 2013. Trước đó, ông đã làm Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga.

Tư nhân hóa lạ lùng

Mới hồi tháng 10, Rosneft, tập đoàn dầu khí lớn do chính phủ Nga quản lý, mua lại 50% công ty Bashneft với giá 330 tỉ rúp (5 tỉ đô la). Bản thân công ty Bashneft cũng là một trong những công ty dầu khí nhà nước lớn nhất.

Nga đang trong giai đoạn trì trệ về kinh tế, chủ yếu vì giá dầu thô giảm, và đã đưa ra danh sách một số công ty nhà nước sẽ được tư nhân hóa làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Theo nguồn tin từ Điện Kremlin, kế hoạch bán công ty Bashneft bị gác lại từ tháng Tám vì có bàn cãi về chuyện công ty nào sẽ mua lại công ty này.

Chủ đề tư nhân hóa gây tranh cãi này trở lại chương trình nghị sự tháng trước, vì chính phủ Nga cần quyên tiền cho ngân sách. Tháng trước ông Ulyukayev hứa là toàn bộ khoản tiền thu được từ vụ bán công ty Rosneft sẽ được đưa vào ngân sách Nga.

Những người theo quan điểm tự do kinh tế đã phản đối dữ dội ý tưởng một công ty dầu khí nhà nước mua lại cổ phần của một công ty dầu khí nhà nước khác. Thương vụ này được coi là chiến thắng của ông Igor Sechin, giám đốc của Rosneft, cố vấn thân cận của Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Mikhail Leontye, người phát ngôn của Rosneft cho hãng tin Tass biết công ty này đã mua laị cổ phần của Bashneft “theo đúng luật Nga, trên cơ sở thương vụ có giá cao nhất được chào bán qua ngân hàng thực hiện”. Ông này còn nói với truyền hình Nga là “thương vụ này không thể có đe dọa bị hủy”.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-37986433

 

Hai dân biểu Hong Kong bị bãi nhiệm vì ủng hộ độc lập

Tòa án Tối cao Hong Kong phán quyết hai dân biểu ủng hộ độc lập ở Hong Kong sẽ không được giữ vị trí trong Hội đồng Lập pháp.

Sixtus Leung và Yau Wai-ching từ chối tuyên thệ trung thành với Trung Quốc vào tháng trước.

Vào tuần trước, Bắc Kinh tuyên bố những người dân biểu nếu đưa ra lời tuyên thệ sẽ không được nhậm chức.

Hàng nghìn người đã biểu tình phản đối trong dịp cuối tuần, gọi đó là một sự vi phạm các quyền độc lập về luật pháp.

Tuy nhiên cũng có các cuộc biểu tình phản đối việc đòi độc lập hơn cho Hong Kong.

Ông Leung nói sẽ kháng án chống lại phán quyết của tòa án, và nói quyết định này có thể ảnh hưởng đến Hong Kong trong vài thập kỷ tới.

“Tôi sẽ sớm bàn bạc về những hành động pháp lý có thể có với các luật sư của mình”, ông Leung nói với South China Morning Post.

Ông Leung nói thêm ông không hối hận về những điều mình đã làm.

Tranh cãi bắt đầu như thế nào?

Ông Leung và bà Yau đều là thành viên đảng chính trị ủng hộ dân chủ có tên Youngspiration. Họ được được bầu vào vị trí dân biểu vào tháng Chín.

Tại buổi lễ nhậm chức hồi tháng 10, hai người đã giương biểu ngữ ủng hộ độc lập cho Hong Kong. Ngoài ra, họ sử dụng ngôn từ được cho là khiếm nhã để chỉ Trung Quốc.

Lời nhậm chức của hai người sau đó bị tuyên bố vô hiệu lực.

Trong lễ nhậm chức của mình, hai người sử dụng tiếng phiên âm Trung Quốc là “Shee-na” – một biến thể của từ Shina, là thuật ngữ được Nhật Bản sử dụng để chỉ Trung Quốc trong giai đoạn thế chiến (thời kỳ Nhật đô hộ Trung Quốc).

Đây được coi là một thuật ngữ mang tính bổ báng đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Leung và bà Yau không phải là người duy nhất thay đổi lời tuyên thệ.

Các nhà chức trách Hong Kong nói có khoảng 15 nhà lập pháp mới nhậm chức cũng từng có một vài thay đổi trong lời tuyên thệ.

Tuy nhiên vẫn chưa rõ những người này phải chịu hình phạt tương tự hay không.

Liệu Bắc Kinh đứng đằng sau động thái này?

Hong Kong đã có trạng thái bán độc lập theo kiểu “một nhà nước, hai chế độ” sau khi được trao trả về Trung Quốc vào năm 1997.

Tuy nhiên, theo Hiến pháp của Hong Kong, được gọi là Luật Cơ bản Hong Kong, quy định rằng Bắc Kinh sẽ có quyết định cuối cùng về việc hiểu luật như thế nào.

Hai ghế dân biểu của ông Leung và bà Yau, từ đảng Youngspiration đã được bỏ trống sau khi hai người này từ chối không tuyên thệ, theo lời thẩm phán Thomas Au là người đưa quyết định không bổ nhiệm nói vào hôm thứ Ba.

Thẩm phán Au nói quyết định của ông là độc lập với phía Bắc Kinh.

Trong khi đó, Li Fei, phó chánh văn phòng của một hội đồng lập pháp cấp cao ở Trung Quốc, cảnh báo rằng sẽ “không có sự tối nghĩa hay khoan dung” trong “thái độ cương quyết và rõ ràng của Bắc Kinh về việc ngăn chặn và dập tắt lực lượng đòi độc lập ở Hong Kong”.

Trung Quốc đã làm điều này chưa?

Đây được coi là sự can thiệp sâu nhất của Bắc Kinh tới nền chính trị Hong Kong kể từ sau thời điểm chuyển giao. Tuy nhiên đây là lần thứ năm họ có động thái quy định lại cách hiểu Bộ Luật Cơ bản Hong Kong.

·Năm 1999, Bắc Kinh quy định những trẻ em sinh ra ở đại lục là con của công dân Hong Kong sẽ không được trao tư cách thường trú ở Hong Kong. Việc này hoàn toàn loại bỏ phán quyết của Tòa tối cao Hong Kong.

·Năm 2004, Ủy bản thường trực đã có buổi tường trình đầu tiên về việc cải tổ chính trị trong kỳ bầu cử cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt và thành viên LegCo (Hội đồng Lập pháp).

·Năm 2005, họ quy định thời gian nhiệm kỳ của vị trí lãnh đạo chủ chốt tham gia tranh cử tại kỳ bầu cử phụ.

·Năm 2011, Tòa tối cao Hong Kong yêu cầu Bắc Kinh làm rõ liệu quan chức Cộng hòa Dân chủ Congo có quyền miễn trừ trên lãnh thổ Hong Kong, nơi họ có thể bị Hoa Kỳ khởi kiện, hay không.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-37986473

 

Phe thân Nga thắng cử ở Moldova và Bulgaria

Bầu cử tổng thống tại Moldova đem lại thắng lợi cho nhân vật thân Nga, ông Igor Dodon, cùng lúc ông Rumen Radev thắng cử ở Bulgaria đang tạo ra phản ứng từ các báo châu Âu, theo BBC Monitoring:

Romania: Trang Evenimentil Zilei tại nước nói cùng ngôn ngữ với Moldova trích cựu tổng thống Traian Basescu “lấy làm tiếc cho quyết định của Moldova”.

Báo Hotnews.ro thì viết đây là dấu hiệu Nga tăng cường ảnh hưởng tại Moldova, “nắm cả Moldova và Bulgaria ngày càng chặt”.

Trang web này cũng cho rằng đây là một xu thế: tân lãnh đạo Moldova “gia nhập hàng ngũ các lãnh đạo Hungary, Serbia, CH Czech Republic và Slovakia” vốn đang thiên về Kremlin.

Ukraine:

Nhà báo Vitaliy Portnitkov nhắn trên Twitter, “Ngày Chủ Nhật thuộc về Điện Kremlin”.

Đài One Plus One nhắc lời ông Igor Dodon, tổng thống tân cử Moldova rằng “Crimea luôn thuộc về Nga”.

Nga:

Đài Rossiya 1 ca ngợi thắng lợi của ông Dodon, gọi đó là “sự ủng hộ cho ông từ đa số người dân Moldova”.

Kênh Rossiya 24 ghi nhận ông Radev, tân tổng thống Bulgaria vừa nói ông phản đối tư cách thành viên NATO của nước ông và muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.

Đức:

Báo Bild chạy tin “Tín đồ của Putin thành tổng thống Bulgaria”.

Trang web của đài ARD đồng ý: “Thắng lợi vang dội tại bầu cử ở Bulgaria: Thêm Moscow, giảm bớt Brussels”.

Đông Nam Âu chuyển hướng?

Trong cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên từ 20 năm, cử tri Cộng hòa Moldova (3,5 triệu dân) đã bỏ 52,18% phiếu cho ông Dodon, người từng là đảng viên cộng sản.

Đối thủ của ông, bà Maia Sandu, theo xu hướng thân châu Âu, được 47,82% phiếu trong vòng hai cuộc bầu cử.

Còn tại Bulgaria, cựu tư lệnh phi công Rumen Radev, thuộc đảng Xã hội Chủ nghĩa, đã được 58% phiếu và thắng cử.

Nay chính thức là Tổng thống tân cử, ông Radev nói ông vẫn muốn “giữ Bulgaria trong NATO” nhưng nói “ủng hộ châu Âu không có nghĩa là bài Nga”.

Thủ tướng Boyko Borisov đã từ chức hôm 13/11/2016 sau khi ứng viên tổng thống ông ủng hộ, bà Tsetska Tsacheva không thắng cử.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-37988448

Các nhân viên cứu hộ đang sơ tán du khách và người dân khỏi thị trấn bị ảnh hưởng nặng do một loạt trận động đất mạnh tại New Zealand.

Bốn máy bay trực thăng đang chuyển người ra khỏi Kaikoura tại South Island sau khi những đợt gió mạnh và mưa lớn trước đó.

Thị trấn nằm phía đông bắc Christchurch, đã bị cô lập bởi lở đất do động đất.

Hàng trăm dư chấn làm rung chuyển khu vực.

Tại thủ đô Wellington, thời tiết khắc nghiệt hôm 15/11 với mưa lớn và lũ lụt.

Hai người thiệt mạng trong trận động đất 7,5 độ Richter xảy ra tại South Island rạng sáng 14/11.

Có ghi nhận một nông dân giải cứu ba con bò bị mắc kẹt trên một hòn đảo nhỏ.

Tư lệnh không quân Darryn Webb, chỉ huy lực lượng liên quân New Zealand, nói với TVNZ rằng họ không vận khoảng 200 người khỏi Kaikoura hôm 15/11.

Ước tính khoảng 1.200 khách du lịch đang có mặt tại thị trấn có dân số chỉ khoảng 2.000 người.

Hai tàu cùng máy bay đang trợ giúp công tác sơ tán, quan chức Quốc phòng New Zealand cho hay.

‘Thiệt hại tỷ đôla’

Thủ tướng John Key cho biết ưu tiên hàng đầu là cung cấp nhu yếu phẩm cho Kaikoura.

Cảnh sát cảnh báo về việc cắt nước và điện trong lúc hàng trăm vẫn đang chờ sơ tán.

Ít nhất 1.000 đang trú tại các điểm tụ họp của người Maori, theo Reuters.

Các thợ lặn và ngư dân địa phương đang giúp đẩy hàng chục ngàn bào ngư và tôm tôm hùm đất trở lại biển.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Simon Bridges nói hôm 15/11 rằng sẽ cần “vài tháng” để nối lại đường sắt và đường bộ dẫn vào Kaikoura.

Các quan chức ước lượng động đất gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ đôla do đường sắt và tuyến đường huyết mạch bị cắt đứt.

Dự án GeoNet dự báo dư chấn sẽ tiếp tục trong vài tháng tới.

Trận động đất đầu tiên xảy ra sau nửa đêm, khiến hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa trong lúc chính quyền ban hành cảnh báo sóng thần.

Những đợt sóng cao khoảng 2m đánh vào bờ và sau đó cảnh báo sóng thần đã được dỡ bỏ.

Cư dân Christchurch và các thị trấn lân cận đổ xô mua nhu yếu phẩm và một số trường học tiếp tục đóng cửa giữa những cơn dư chấn.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-37960852