Tin khắp nơi – 15/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 15/09/2018

Trump ‘ra lệnh đánh thêm thuế lên hàng TQ’

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra chỉ thị bắt đầu tiến hành mức thuế quan tiếp theo đối với hàng hóa Trung Quốc.

Các mức thuế dự kiến sẽ áp dụng cho khoảng 200 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm các linh kiện điện tử và hàng tiêu dùng như túi xách.

Tuy nhiên vẫn chưa rõ khi nào mức thuế nhập khẩu mới này, dự kiến có thể cao tới 25%, đi vào hiệu lực.

Tin cho hay các quan chức vẫn đang làm việc với danh sách sản phẩm cuối cùng.

‘Chiến tranh thương mại thành hiện thực’

‘Chiến tranh thương mại từng dẫn đến Thế chiến’

Chiến tranh thương mại, thuế và chủ nghĩa bảo hộ

Tin tức trên được công bố vào hôm thứ Sáu, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có thông báo chính thức nào.

Từ hồi mùa hè năm nay, Tổng thống Trump đã ra lệnh cho các nhân viên của ông bắt đầu chuẩn bị vòng đánh thuế quan mới, khiến cuộc chiến thương mại leo thang.

Ông Trump đã nhiều lần ẩn ý rằng ông sẵn sàng áp đặt các mức thuế mới, mặc dù đã nhận được nhiều cảnh báo từ các chuyên gia kinh tế và sự phản đối từ cộng đồng doanh nghiệp.

Hôm 7/9, ông Trump cho biết mức thuế quan đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD “có thể diễn ra rất sớm” và nói thêm rằng mức thuế 267 tỷ USD khác cũng sẽ sẵn sàng đi vào hiệu lực bằng một “chỉ thị ngắn” nếu ông Trump muốn.

Nhà Trắng và văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ không trả lời các yêu cầu bình luận.

Bloomberg News, hãng tin đầu tiên đưa tin về quyết định của tổng thống, cho biết tuyên bố chính thức đã bị trì hoãn khi giới chức đang điều chỉnh danh sách hàng hóa cuối cùng.

Các cuộc đàm phán vào đầu năm nay để giải quyết tình trạng thuế quan ăn miếng trả miếng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nhưng đã không đem lại kết quả.

Một số quan chức trong chính quyền đang cố gắng đưa ra các cuộc thảo luận về việc giảm nhẹ cuộc chiến thương mại, nhưng ông Trump cho biết hôm thứ Năm rằng Mỹ đang “không chịu bất kỳ áp lực gì” để mà phải chấp nhận một thỏa thuận.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45532404

 

Ngoại trưởng Mỹ đả kích người tiền nhiệm

vì gặp các quan chức Iran

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Sáu đả kích người tiền nhiệm của ông, John Kerry, vì gặp gỡ các quan chức Iran trong các cuộc hội đàm ngầm và cáo buộc ông “chủ động làm suy yếu” chính sách của chính quyền Trump đối với Tehran.

“Những gì mà Ngoại trưởng Kerry đã làm là không thỏa đáng và chưa từng có,” ông Pompeo nói trong một cuộc họp báo, nói thêm rằng ông Kerry “không nên có kiểu hành vi đó. Nó không nhất quán với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, như tổng thống này đã chỉ đạo. Nó cực kì không thích hợp.”

Chỉ trích gay gắt của ông Pompeo nhắm vào ông Kerry được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc cựu ngoại trưởng này thực hiện “các cuộc gặp gỡ bất hợp pháp với chế độ Iran rất thù địch” trong một dòng tweet vào tối muộn.

Ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi một thỏa thuận hạt nhân với Iran mà ông Kerry đã đàm phán giữa Iran và sáu cường quốc thế giới hồi năm 2015. Chính quyền Trump đã tỏ lập trường cứng rắn với Tehran trong khi quyết định tái áp đặt các chế tài lên Iran vốn đã được dỡ bỏ kể từ khi các bên đạt được thỏa thuận.

Ông Kerry, trong một cuộc phỏng vấn trên radio với Fox News khi ông đi quảng bá cho cuốn sách mới ấn hành của mình, cho biết ông đã gặp Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif “ba hoặc bốn lần” kể từ khi nhiệm kì của ông kết thúc vào tháng 1 năm 2017.

“Ngài Tổng thống, ông nên lo lắng hơn về cuộc gặp của Paul Manafort với Robert Mueller hơn là tôi gặp Ngoại trưởng của Iran,” ông Kerry nói trên Twitter không lâu sau phát biểu của ông Pompeo, nhắc đến cựu chủ tịch ban vận động tranh cử của ông Trump, người mà hôm thứ Sáu đã đồng ý hợp tác với các nhà điều tra liên bang điều tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016.

“Chẳng có gì bất thường cả, huống hồ là không thỏa đáng hay là không phù hợp, về việc các nhà ngoại giao tiền nhiệm gặp gỡ những người tương nhiệm nước ngoài,” một phát ngôn viên của ông Kerry nói trong một phát biểu. “Điều không thỏa đáng và chưa từng có là đài diễn giảng của Bộ Ngoại giao bị chiếm cho những trò lố chính trị,” ông nói.

Trong các cuộc phỏng vấn tuần trong tuần này, ông Kerry cáo buộc chính quyền Trump theo đuổi chính sách thay đổi chế độ ở Iran.

Ông Pompeo phản bác, nói rằng đó không phải là ý định của chính quyền.

“Đây là một cựu ngoại trưởng giao tiếp với nhà nước bảo trợ khủng bố lớn nhất thế giới và theo lời ông ta … ông ta đã nói chuyện với họ,” ông Pompeo nói. Ông nói thêm: “Ông ta đang bảo họ cứ đợi cho đến khi chính quyền này đi. Bạn không thể tìm thấy tiền lệ cho chuyện này trong lịch sử Mỹ.”

https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-my-da-kich-nguoi-tien-nhiem-vi-gap-cac-quan-chuc-iran/4572445.html

 

Cựu phụ tá Manafort của Trump đổi ý,

hợp tác trong cuộc điều tra Nga

Cựu chủ tịch ban vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump, Paul Manafort sẽ hợp tác với cuộc điều tra liên bang về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016, các công tố viên cho biết hôm thứ Sáu. Đây là một sự đảo ngược lập trường đầy kịch tính mà sẽ gây thêm trở ngại chính trị cho tổng thống Mỹ.

Sau nhiều tháng từ chối hỗ trợ cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về sự can thiệp của Nga và sự thông đồng khả dĩ giữa các thành viên của ban vận động Trump và Moscow, ông Manafort cuối cùng đã đạt thỏa thuận nhận tội và đồng ý hợp tác để được giảm bớt các cáo buộc.

Không rõ ngay tức thì những thông tin nào về ông Trump mà ông Manafort có thể cung cấp cho các công tố viên.

Nhưng thông báo hôm thứ Sáu là một cú giáng chính trị vào nhiệm quyền tổng thống của ông Trump trước ngày 6 tháng 11, ngày bầu cử Quốc hội giữa kì mà sẽ định đoạt phe Cộng hòa có kiểm soát được Quốc hội hay không.

Tùy thông tin nào mà ông Manafort cung cấp, sự hợp tác của ông cũng có thể hướng sự chú ý rõ nét hơn vào ông Trump hoặc gia đình của ông và các cộng sự của ông trong một cuộc điều tra đã phủ bóng lên nhiệm quyền tổng thống của ông, mà ông coi là “cuộc săn lùng phù thủy” (hàm ý ông bị bức hại chính trị).

Ông Manafort, 69 tuổi, tuyên có tội tại một tòa án liên bang ở Washington hôm thứ Sáu đối với hai tội danh âm mưu chống lại Hoa Kỳ và âm mưu cản trở công lí. Ông trở thành cựu quan chức ban vận động Trump nổi bật nhất đã thừa nhận phạm tội và là người thứ năm liên quan đến ông Trump tuyên có tội trước những cáo buộc hình sự.

“Chuyện này hoàn toàn không liên quan gì đến tổng thống hay chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông ấy,” phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói. “Chuyện này hoàn toàn không liên quan.”

Rudy Giuliani, luật sư đại diện ông Trump trong cuộc điều tra Nga, nói trong một thông cáo:

“Một lần nữa cuộc điều tra đã kết luận thỏa thuận nhận tội không liên quan gì tới Tổng thống Trump và ban vận động Trump. Lí do: Tổng thống không làm gì sai trái.”

Ông Manafort được bãi bỏ những cáo buộc khác nhưng có phần chắc ông vẫn sẽ phải ngồi tù. Diễn biến này đánh dấu sự sa cơ thất thế đáng kinh ngạc đối với người từng là một triệu phú thường sát cánh bên ông Trump khi ứng cử viên Đảng Cộng hòa này chiếm lĩnh chính trường Mỹ như vũ bão vào năm 2016.

Thẩm phán khu vực tư pháp liên bang Amy Berman Jackson nói ông Manafort đã đồng ý hợp tác với ông Mueller bằng cách trả lời các cuộc phỏng vấn – trong đó ông từ bỏ quyền có luật sư hiện diện – cũng như cung cấp các văn bản và tài liệu.

Ông Manafort cũng đồng ý khai chứng trước bất kì đại bồi thẩm đoàn nào và trong bất kì phiên tòa xét xử nào ở Washington hay ở nơi khác.

Dù quyết định hợp tác, ông Manafort vẫn có thể phải đối mặt với 10 năm tù giam vì hai cáo buộc chỉ riêng ở Washington. Vào tháng 8, ông Manafort đã bị kết tội tại bang Virginia về những cáo buộc trước khoảng thời gian ông quản lí ban vận động Trump và có liên quan tới công tác của ông với các chính trị gia thân Nga ở Ukraine. Ông vẫn chưa bị tuyên án trong vụ đó.

Ông Manafort đã kiên quyết từ chối hợp tác với ông Mueller ngay cả khi bồi thẩm đoàn ở Virginia kết tội ông trốn thuế đối với khoản thu nhập 16 triệu đôla mà ông kiếm được khi làm tư vấn chính trị ở Ukraine để tài trợ cho lối sống xa hoa của ông, và sau đó nói dối các ngân hàng để vay 20 triệu đôla.

Tháng trước, ông Trump đã ca ngợi cựu phụ tá này vì đã không bắt tay thỏa thuận với các công tố viên, như cựu luật sư cá nhân Michael Cohen của ông đã làm.

“Thật nể người đàn ông dũng cảm này!” ông Trump viết trong một dòng tweet.

Việc lựa chọn bồi thẩm đoàn theo lịch trình bắt đầu vào ngày thứ Hai trong một phiên tòa thứ hai xét xử ông Manafort về các cáo buộc bao gồm âm mưu rửa tiền, âm mưu lừa đảo Hoa Kỳ, không đăng ký làm đại diện nước ngoài và can thiệp lời khai nhân chứng.

https://www.voatiengviet.com/a/manafort-dat-thoa-thuan-nhan-toi-se-hop-tac-voi-cuoc-dieu-tra-nga/4571979.html

 

Giuliani: Tổng thống không có gì lo lắng

trước thoả thuận nhận tội của Manafort

(The Hill) – Luật sư Rudy Giuliani cho rằng, Tổng thống Trump không có gì phải lo lắng về quyết định hợp tác với các nhà điều tra từ ông Paul Manafort.

Sau ba tuần bị truy tố 8 tội danh hình sự tại toà liên bang ở Virginia, cựu Chủ tịch vận động tranh cử của ông Trump vào hôm nay nhận hai tội danh âm mưu chống Hoa Kỳ, và cản trở công lý. Ông ta cũng thừa nhận có tội 10 cáo buộc gian lận thuế vẫn còn lơ lửng ở Virginia, và đồng ý hợp tác “bất cứ vấn đề nào và tất cả mọi vấn đề” với các công tố viên.

Theo ông Giuliani, nếu Manafort có chứng cớ buộc tội ông Trump thì ban điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller “sẽ được ông ta nhận tội âm mưu mà sẽ bao trùm luôn cả tổng thống.”

Giuliani cũng chỉ trích ban điều tra của ông Mueller, cụ thể nêu danh công tố viên Andrew Weissman, đã thất bại trong việc gạt bỏ những ý kiến cho rằng, ông Manafort có thể hợp tác chống lại tổng thống. “Một trong những việc họ nên làm nếu có đạo đức là cắt bỏ những suy đoán,” Giuliani nói, và ông bảo rằng vẫn thường xuyên làm như vậy khi còn làm công tố viên liên bang nếu có suy đoán sai lầm trên truyền thông về một trong những vụ ông ta đang đảm trách.

Phát ngôn nhân Toà Bạch Ốc Sarah Sanders nhanh chóng vạch khoảng cách giữa Tổng thống và Manafort. “Việc này hoàn toàn không có gì liên quan đến Tổng thống hay chiến thắng của chiến dịch tranh cử năm 2016,” Sanders ghi trong thông báo, “Hoàn toàn không liên quan gì hết!”

Ông Giuliani đưa ra một tình huống tương tự làm rõ quan điểm của mình liên quan đến những tội mà ông Manafort nhận. “Nếu hai người phạm tội cướp nhà băng thì người ta sẽ không có chuyện nhận tội gian lận thuế thu nhập. Như vậy làm sao có lý được?” luật sư tư của Tổng thống nói. “Rồi khi đưa ra xét xử, và phía biện hộ bảo, anh không nhận tội cướp nhà băng nhưng anh nói người của tôi làm phải không?”

Tuy nhiên, một số chuyên viên pháp lý lại chỉ trích phân tích này. Luật sư chuyên đại diện cho các thân chủ từ lưỡng đảng, ông Mark Zaid cho rằng, ý kiến của ông Giuliani “vô nghĩa.” “Những thông tin buộc tội mà Manafort có thể biết, nhấn mạnh vào ‘có thể,’ có thể không phải là một hoạt động hình sự mà bản thân ông ta dính líu tới,” luật sư Zaid nói.

Khi được hỏi có hay không khả năng ông Manafort có thể hợp tác chống lại Tổng thống, thậm chí ngay cả khi nhận tội những cáo buộc không liên quan gì, Giuliani đáp: “Trên nguyên tắc thì mọi thứ có đều có thể, nhưng tôi biết chuyện này sẽ không xảy ra.”

Ông Giuliani từ chối bình luận liệu có bất cứ cuộc họp bàn nào về khả năng tổng thống ân xá cho Manafort.

Hương Giang (The Hill)

https://www.baocalitoday.com/hoa-ky/giuliani-tong-thong-khong-co-gi-lo-lang-truoc-thoa-thuan-nhan-toi-cua-manafort.html

 

Thư tố cáo Kavanaugh có hành vi tình dục sai trái,

Dân chủ chuyển FBI

Washington (New York Times)  — Phó Chủ tịch Ủ ban Tư pháp Thượng viện Dianne Feinstein vào hôm thứ 5 đã chuyển thông tin liên quan đến thẩm phán  Brett M. Kavanaugh – người được Tổng thống Donald Trump đề cử vào ghế thẩm phán Tối cao Pháp viện – sang cho các nhà điều tra liên bang.

Bà Thượng nghị sĩ không công bố vấn đề gì, tuy nhiên, theo hai viên chức thông thạo sự việc cho hay, chuyện liên quan đến hành vi tình dục sai trái của thẩm phán Kavanaugh với một người phụ nữ khi cả hai còn học trung học.

Thông báo được bà Feinstein (California) gởi ra chỉ một tuần trước khi Uỷ ban Tư pháp Thượng viện bỏ phiếu chuẩn thuận ứng cử viên của Tổng thống. “Tôi có nhận được thông tin từ một cá nhân tỏ ra quan ngại về sự đề cử ông Brett Kavanaugh vào Tối cao Pháp viện,” Thượng nghị sĩ Dân chủ ghi trong thông báo. “Người này yêu cầu được giữ bí mật danh tánh, từ chối xuất hiện hay nhấn mạnh vấn đề cụ thể hơn, và tôi tôn trọng quyết định này.  Tuy nhiên, tôi chuyển vấn đề sang cho các nhà điều tra.”

Thông tin về sự việc ban đầu đến văn phòng Dân biểu Anna Eshoo (Dân chủ – California), sau đó bà Eshoo đã gởi thư cho bà Feinstein, kèm theo lời tố cáo  từ tác giả. Nhận được lá thư này từ văn phòng dân biểu Eshoo trong mùa hè năm nay, Thượng nghị sĩ thông báo cho các đồng nghiệp Dân chủ trong Uỷ ban Tư pháp về sự tồn tại cũng như nội dung của lá thư vào tối thứ Tư nhưng không chia sẻ bản sao lá thư. Một số đồng nghiệp đã khuyên nữ Thượng nghị sĩ nên chuyển tố cáo này sang FBI.

Toà Bạch Ốc ngay lập tức hồi đáp. “Trong suốt  thủ tục chuẩn thuận, Thẩm phán Kavanaugh đã có 65 cuộc gặp gỡ với các thượng nghị sĩ trong đó có bà Feinstein, hơn 30 giờ điều trần, trả lời hơn 2000 câu hỏi công khai cũng như tại một buổi điều trần kín. Mãi cho đến đêm trước ngày chuẩn thuận, Thượng nghị sĩ Feinstein hay ai đó đã nêu ra bóng ma ‘thông tin mới’ về ông ấy,” phát ngôn nhân Toà Bạch Ốc Kerri Kupec nói. Trong khi đó, “Thượng nghị sĩ Schumer hứa ‘sẽ phản đối sự đề cử thẩm phán Kavanaugh với tất cả mọi thứ tôi có trong ta’ và dường như ông ta đang thực hiện lời hứa này bằng cách trì hoãn chuẩn thuận.”

Phụ tá Lãnh tụ Thiểu số  Thượng viện Chuck Schumer (New York) cho hay, ông chưa được xem lá thư của bà Eshoo nhưng tin là Uỷ ban đang giải quyết vấn đề đúng đắn.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ John Cornyl (Texas) – lãnh đạo đứng hàng thứ hai của Cộng hoà tại Thượng viện – lại tỏ ra hoài nghi. Bà Feinstein chưa chia sẻ lá thư với Chủ tịch Uỷ ban Charles E. Grassley (Iowa), và ông Grassley bảo, vấn đề này không gây ảnh hưởng đến thời khoá biểu của ông.

Judicial Crisis Network – tổ chức bảo thủ hậu thuẫn chuẩn thuận ông Kavanaugh – lên án hành động của bà Feinstein, cho rằng đây là nỗ lực trong tuyệt vọng nhằm trì hoãn và ngăn chặn không cho thẩm phán Kavanaugh vào Tối cao Pháp viện.

Bà phó Chủ tịch thực hiện bước đi này sau khi  Uỷ ban Tư pháp Thượng viện do Cộng hoà kiểm soát bỏ phiếu phản đối các nỗ lực của Dân chủ vào hôm thứ 5 đòi tống trát đòi tài liệu và lời khai liên quan đến thời gian khi thẩm phán Kavanaugh làm phụ tá cho Tổng thống George W. Bush.

Dân chủ tố cáo ông Kavanaugh trốn tránh và gây hiểu lầm Uỷ ban trong suốt 4 ngày điều trần chuẩn thuận vào tuần trước. Họ đưa ra một loạt đòi hỏi về thông tin trọng tâm vào một số vấn đề vẫn diễn ra, trong đó có quan điểm của thẩm phán Kavanaugh về quyền lực hành pháp, và mối quan hệ của ông ta với cựu phụ tá Thượng nghị sĩ Cộng hoà, người đã trộm tài liệu từ Thượng viện Dân chủ.

Lẽ ra, Uỷ ban Tư pháp Thượng viện sẽ bỏ phiếu chuẩn thuận ông Kavanaugh vào hôm nay, tuy nhiên, Dân chủ dựa vào quy định đã dời việc bỏ phiếu sang tuần sau.

Hương Giang (Theo New York Times)

https://www.baocalitoday.com/hoa-ky/thu-cao-kavanaugh-co-hanh-vi-tinh-duc-sai-trai-dan-chu-chuyen-fbi.html

 

Nhà Trắng gợi lên khả năng

sẽ có thượng đỉnh Trump-Kim lần 2

Thụy My

Nhà Trắng hôm qua 14/09/2018 đã gợi ra khả năng tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

AFP dẫn lời ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua cho biết Hoa Kỳ « vẫn luôn quyết tâm thực thi các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ». Ông nói : « Chúng tôi tin rằng đó là trung tâm nỗ lực của tổng thống Trump để thuyết phục chủ tịch Kim, rằng phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên là điều cần thiết ».

AP nhận định trong những tuần lễ gần đây rõ ràng là Donald Trump có ý định gặp lại Kim Jong Un, và ông Kim từng nói với Nhà Trắng là mong muốn được đối thoại trực tiếp thêm với tổng thống Mỹ.

Việc nhà độc tài tàn bạo, lãnh đạo một đất nước bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới được đón tiếp ngay tại quê hương Yankee có vẻ là ảo tưởng, nhưng hãng tin Mỹ nhắc nhở không có nhà phân tích nào đoán được sẽ diễn ra cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim tại Singapore hồi tháng Sáu.

Ông Trump từng bị chỉ trích là cuộc gặp thượng đỉnh Singapore chỉ là một sự lãng phí thời gian, hoặc tệ hơn nữa là làm chậm lại nỗ lực giải trừ nguyên tử. Nếu gặp lại trên « sân nhà »New York, có thể sự kiện này sẽ làm giảm bớt chú ý về các rắc rối mà tổng thống Mỹ đang vướng phải. Đối với Kim Jong Un, sự xuất hiện tại Singapore đã giúp đánh bóng hình ảnh của nhà độc tài, lần này sẽ không bỏ lỡ cơ hội tỏ ra là một nhà lãnh đạo cởi mở.

Tuy nhiên, song song đó, Hoa Kỳ vẫn đề nghị họp khẩn tại Hội Đồng Bảo An thứ Hai 17/9 tới để thảo luận về việc thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Ngoại trưởng Mike Pompeo và đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley tố cáo các vụ vi phạm như chuyển dầu lửa cho các tàu Bắc Triều Tiên, tuyển dụng lao động người Triều Tiên, hàm ý nói về Nga.

Trong khi đó, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In chuẩn bị sang Bình Nhưỡng gặp gỡ Kim Jong Un lần thứ ba. Phía Hàn Quốc hôm qua gặp các đại diện Bắc Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm để bàn bạc chi tiết, và một phái đoàn tiền trạm của Seoul ngày mai 16/09 sang Bình Nhưỡng bằng đường bộ, sau đó tổng thống Hàn Quốc sẽ bay sang gặp đồng nhiệm Bắc Triều Tiên trong tuần tới.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180915-nha-trang-goi-y-ve-thuong-dinh-trump-kim-lan-thu-hai

 

Bị Nga ‘dọa’, Mỹ vội điều tàu sân bay tới Trung Đông

Trong tháng 8, Nga đã điều một lực lượng lớn tới Địa Trung Hải giữa lúc có tin nước này cùng đồng minh Syria chuẩn bị tổng tấn công vào Idlib, thành trì cuối cùng của quân nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Tổng thống Donald Trump cảnh báo chính phủ Syria không thực hiện chiến dịch chống lại người dân của mình, và Nhà Trắng tuyên bố Washington “cùng các đồng minh sẽ phản ứng nhanh chóng và thích đáng” trước bất một cuộc tấn công vũ khí hóa học nào ở Idlib.

Mỹ đã hai lần oanh kích các mục tiêu của chính phủ Syria vì lý do này.

Quân đội Mỹ hiện diện ít trong khu vực, với vài chục binh sĩ làm nhiệm vụ cố vấn cho quân nổi dậy ở miền bắc Syria. Theo CNN, phía Nga đã hai lần cảnh báo Washington rằng quân đội Nga cùng với các đơn vị Syria chuẩn bị tấn công vào khu vực có lính Mỹ.

Chiến hạm mà Mỹ triển khai tới Trung Đông là USS Essex, một tàu sân bay tấn công đổ bộ mang theo nhiều chiến cơ tàng hình F-35B. Đây là một con tàu có tốc độ di chuyển nhanh, trong khi F-35B có thể bay xa 880km từ tàu này và các đặc điểm tàng hình sẽ giúp chúng khó bị kẻ thù phát hiện.

Một trận chiến trực tiếp giữa Nga và Mỹ về Syria là khó xảy ra, vì cả hai bên đang hợp tác cùng nhau để tránh một cuộc xung đột vô tình. Hai nước cũng không muốn leo thang xung đột về Syria thành một cuộc chiến toàn diện.

http://biendong.net/bi-n-nong/23557-bi-nga-doa-my-voi-dieu-tau-san-bay-toi-trung-dong.html

 

Mỹ lo sợ bão Florence gây lũ quét chết người

Dự báo thời tiết cảnh báo về nguy cơ lũ quét gây chết người ở một số nơi tại Bắc và Nam Carolina, và ở Virginia do bão Florence gây ra.

Florence đã được hạ xuống từ siêu bão xuống bão nhiệt đới, nhưng vẫn tiếp tục đổ mưa xuống khu vực Bờ Đông, quật đổ cây cối và gây hư hại nhà cửa.

Siêu bão Măng Cụt đã ập đến Philippines

Nhật Bản đóng sân bay Kansai vì bão Jebi

Bão từ từ quần đảo ở các bang miền đông, với sức gió 105kmh.

Có năm người thiệt mạng do bão, và hàng ngàn người đã phải ở trong các khu tạm trú khẩn cấp.

Các cảnh báo sơ tán được đưa ra cho 1,7 triệu người trong khu vực.

Toàn bộ năm người thiệt mạng do bão đều ở Bắc Carolina.

Bão đầu tiên đổ bộ vào Wrightsville Beach, Bắc Carolina vào sáng thứ Sáu, là trận bão thuộc hạng một.

“Thảm họa ngập lụt” dự kiến sẽ xảy ra tại các vùng ở cả Bắc và Nam Carolina, Trung tâm Dự báo Bão Quốc gia nói vào cuối ngày thứ Sáu, giờ địa phương.

Một số nơi ở Bắc Carolina đã bị các trận sóng cao tới 10 feet (3 mét) đổ xuống.

Thống đốc Bắc Carolina Roy Cooper nói trận bão nhiều khả năng “sẽ tiếp tục quần đảo dữ dội trong vài ngày” và mô tả mức độ dữ dội của nó là “sự kiện nghìn năm có một”.

Florence được cho là sẽ đổ xuống 18 nghìn tỷ tấn nước mưa xuống đất Mỹ, nhà khí tượng học Ryan Maue viết trên Twitter.

Tin tức nói gần 800 ngàn người bị mất điện tại Bắc Carolina. Giới chức cảnh báo rằng việc khôi phục hệ thống điện có thể phải mất vài ngày, thậm chí hàng tuần lễ.

Cư dân đối phó với bão

Hơn 20 ngàn cư dân đã tới trú tại các khu vực tránh bão tạm, và giới chức nói những ai vẫn đang ở trong đường đi của bão hãy ở nguyên tại chỗ.

Tại Jacksonville, Bắc Carolina, giới chức trong đêm thứ Năm đã cứu được hơn 60 người từ một khách sạn bị sập trong bão.

Các khu vực tại New Bern, Bắc Carolina, nơi có hơn 30 ngàn người, bị chìm dưới làn nước cao 10 bộ (hơn 3 met) hôm thứ Sáu, sau khi các dòng sông nước dâng tràn bờ.

Cajun Navy, một nhóm cứu hộ tình nguyện, nằm trong số những người di chuyển bằng thuyền bè quanh thị trấn để giúp những người bị mắc kẹt.

Giới chức cảnh báo người dân không đi lên phần áp mái của căn nhà để chạy lụt, trừ khi họ có thể dỡ mái leo lên trên.

Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu nói Tổng thống Donald Trump sẽ tới khu vực vào tuần tới trừ phi chuyến đi của ông gây gián đoạn cho các nỗ lực dọn dẹp và cứu hộ.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45533548

 

4 người chết

khi Bão Florence quét qua hai bang Carolina

Bão Florence ập vào hai bang North và South Carolina của Mỹ hôm thứ Sáu, quật ngã cây cối, trút mưa ngập đường phố và khiến bốn người chết trước khi giảm tốc xuống mức mà sẽ khiến ngập lụt kéo dài nhiều ngày trong vùng này.

Những trường hợp tử vong đầu tiên trong cơn bão, trong đó có một người mẹ và em bé thiệt mạng vì cây đổ trúng ngôi nhà gạch của họ ở Wilmington, North Carolina, được công bố khoảng tám giờ sau khi Florence ập vào bờ. Cha của đứa bé được đưa đến bệnh viện.

Tại Quận Pender, North Carolina, một người phụ nữ lên cơn đau tim và chết vì các mảnh vỡ chắn đường khiến các nhân viên y tế không thể tiếp cận. Một người thứ tư thiệt mạng ở Quận Lenoir trong lúc đang cắm dây máy phát điện, văn phòng của thống đốc cho biết.

Sau khi đổ bộ, Florence đã giảm tốc xuống mức mà nó sẽ khiến cả khu vực này ngập lụt trong nhiều ngày. Triều cường bão – bức tường nước mà bão đẩy vào từ Đại Tây Dương – “đã tràn ngập” thành phố New Bern tại hợp lưu của sông Neuse và Trent, Thống đốc North Carolina Roy Cooper nói.

“Gửi những người trên đường đi của cơn bão, nếu bạn có thể nghe thấy tôi, xin ở yên trong nơi trú ẩn,” ông nói tại một cuộc họp báo ở thành phố Raleigh, nói thêm rằng Florence sẽ “tiếp tục giày xéo khắp bang trong nhiều ngày tới.”

Nhà chức trách cho biết hơn 60 người, bao gồm nhiều trẻ em và thú nuôi, phải được sơ tán khỏi một khách sạn ở thành phố Jacksonville, North Carolina, sau khi những cơn gió mạnh khiến một số chỗ trên mái nhà sập xuống.

Hơn 722.000 hộ dân và cơ sở kinh doanh bị mất điện ở North và South Carolina vào đầu ngày thứ Sáu, các quan chức của các cơ quan công ích cho biết. Các công ty công ích nói hàng triệu người dự kiến sẽ mất điện và quá trình phục hồi có thể mất vài tuần.

Florence trước đó được phân loại là bão Cấp 3 với sức gió 240 km/giờ vào ngày thứ Năm nhưng đã hạ xuống Cấp 1 trước khi vào bờ. Dự báo nó sẽ di chuyển qua một số vùng ở đông nam North Carolina và miền đông South Carolina trong ngày thứ Sáu và thứ Bảy, sau đó sẽ đi về phía tây cả hai bang Carolina lên hướng bắc và qua trung tâm dãy núi Appalachia vào đầu tuần sau, Trung tâm Bão Quốc gia cho biết.

Dự báo cơn bão sẽ suy yếu đáng kể vào cuối tuần

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-chet-khi-bao-florence-quet-qua-hai-bang-carolina/4572449.html

 

Venezuela: Tổ chức các nước châu Mỹ

không loại trừ can thiệp quân sự

Thụy My

Tổng thư ký Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ (OAS/OEA), ông Luis Almagro hôm qua 14/09/2018 tuyên bố không loại trừ « một cuộc can thiệp quân sự »vào Venezuela để lật đổ chính phủ của ông Nicolas Maduro, người chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng dẫn đến khủng hoảng nhân đạo và di dân.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại thành phố Cúcuta, ngõ chính vào Colombia của di dân Venezuela, nhà lãnh đạo OEA nêu ra tình trạng « vi phạm nhân quyền », « tội ác chống nhân loại ». Ông Almagro nhấn mạnh : « Trước những đau khổ của người dân, trước làn sóng di dân do chính quyền Caracas gây ra, trước hết cần có những động thái ngoại giao, nhưng chúng tôi không loại trừ bất kỳ giải pháp nào ».

Kết thúc chuyến thăm Colombia ba ngày nhằm tìm hiểu về dòng người Venezuela di cư, tổng thư ký OAS cáo giác « sự độc tài » của tổng thống Nicolas Maduro vì đã từ chối nhận viện trợ nhân đạo và phủ nhận tình trạng người dân lũ lượt ra khỏi đất nước. Ông khẳng định chính quyền Venezuela sử dụng « nạn nghèo đói, thiếu thốn thuốc men làm công cụ đàn áp để áp đặt ý đồ chính trị lên người dân ».

Trước đó một hôm, ông Luis Almagro tuyên bố cuộc khủng hoảng di dân Venezuela chỉ có thể được giải quyết bằng một chính phủ dân chủ. Tổng thư ký OAS cũng hoan nghênh Colombia đã tiếp nhận hơn một triệu người Venezuela chạy sang, trong đó 820.000 người đã được hợp thức hóa. Theo Liên Hiệp Quốc, trong số 2,3 triệu người Venezuela sống ở nước ngoài, có trên 1,6 triệu người ra đi từ năm 2015 do khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng.

Thăm Bắc Kinh, Maduro chỉ nhận được những lời hứa

Trong khi đó, tổng thống Venezuela, ông Nicolas Maduro đang công du Trung Quốc bốn ngày với hy vọng được Bắc Kinh viện trợ tài chính. Hôm qua 14/09/2018, thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Venezuela, tuy nhiên báo chí Hoa lục không nhắc đến khoản viện trợ mới nào.

Trong ngày viếng thăm đầu tiên, ông Maduro đã đến viếng lăng Mao chủ tịch, khấu đầu ba lần trước xác ướp của Mao. Rất hiếm nguyên thủ ngoại quốc thăm lăng Mao Trạch Đông, nhà độc tài đã gây ra cái chết cho vài chục triệu người dân với « Bước nhảy vọt vĩ đại »  « Cách mạng văn hóa ». Nguyên lãnh đạo Cuba Raul Castro là người cuối cùng đến đây vào năm 2005.

Trong mười năm gần đây, Trung Quốc đã bơm trên 50 tỉ đô la vào nền kinh tế Venezuela, qua các hợp đồng đổi dầu lửa lấy tín dụng.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180915-oea-khong-loai-tru-can-thiep-quan-su-vao-venezuela

 

Tàu chiến Nga tập trận rầm rộ ở Biển Bering

sát lãnh thổ Mỹ

Các tàu chiến của Nga đã tổ chức các cuộc tập trận ở Biển Bering phân cách Nga với bang Alaska của Mỹ, một phần trong các cuộc diễn tập quân sự lớn nhất của Moscow kể từ khi Liên bang Soviet sụp đổ, theo những hình ảnh video do Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm thứ Sáu.

Cuộc diễn tập Vostok-2018 (Đông-2018), kéo dài đến ngày 17 tháng 9, đang diễn ra ở vùng Siberia và vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông của Nga, với sự tham gia của gần 300.000 binh sĩ, hơn 1.000 máy bay quân sự và hai hạm đội hải quân.

Cuộc diễn tập diễn ra giữa lúc căng thẳng tăng cao giữa phương Tây và Nga. NATO cho biết họ sẽ theo dõi sát cuộc diễn tập, cũng như Mỹ, nước có sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ Quốc phòng Nga chiếu các đoạn video vào ngày thứ Sáu cho thấy tàu khu trục Phó Đô đốc Kulakov của Hạm đội phương Bắc và tàu đổ bộ Alexander Obrakovsky tham gia một hoạt động cứu hộ giả lập ở Biển Bering.

Những đoạn video khác cho thấy hàng chục lính nhảy dù nhảy từ máy bay và đu dây xuống từ máy bay trực thăng ở lãnh thổ Zabaikalsk phía đông thuộc vùng Siberia.

Bộ cũng chiếu các đoạn video cho thấy phi đạn được phóng từ hệ thống phi đạn không đối không tầm xa S-300 và hệ thống phi đạn tầm trung Buk.

Tổng thống Vladimir Putin đã thị sát các cuộc tập trận hôm thứ Năm. Ông tuyên bố trong một bài phát biểu trước binh sĩ là sẽ củng cố quân đội Nga và cung cấp cho quân đội vũ khí và trang thiết bị thế hệ mới.

Ông Putin nói Nga là một đất nước hòa bình sẵn sàng hợp tác với bất kì quốc gia nào quan tâm đến quan hệ đối tác, nhưng nhiệm vụ của một người lính là sẵn sàng bảo vệ đất nước và các đồng minh của Nga.

https://www.voatiengviet.com/a/tau-chien-nga-tap-tran-ram-ro-o-bien-bering-sat-lanh-tho-my/4572442.html

 

Vostok-18:

Chiến hạm Nga tập trận trên Biển Nhật Bản

Thụy My

Các chiến hạm Nga tham gia cuộc tập trận đại quy mô Vostok-18 hôm nay 15/09/2018 diễn tập trên Biển Nhật Bản, bất chấp những quan ngại của Tokyo về các công trình quân sự của Nga trong khu vực.

Đây là một phần của Vostok-18, chương trình tập trận lớn nhất từ trước đến nay của Nga, kéo dài từ ngày 11/09 cho đến 17/09. Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu cho biết cuộc tập trận huy động 300.000 binh lính, 36.000 xe quân sự, 1.000 chiến đấu cơ và 80 chiến hạm. Hoạt động này cũng diễn ra tại Xibêri và Viễn Đông, với sự tham gia của quân Trung Quốc.

Hôm nay lực lượng thủy quân lục chiến Nga diễn tập chiếm vùng duyên hải tại một bán đảo ở Primorye, với sự yểm trợ của không quân và pháo binh. Thiếu tướng Dimitri Kovalenko nói với các nhà báo : « Điểm đặc biệt của cuộc tập trận này là huy động cả hải quân và không quân, các chiến hạm thuộc hạm đội Thái Bình Dương, quân chủng pháo binh, công binh và các bộ phận chuyên môn khác ».

Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về việc Nga xây dựng các công trình quân sự trong khu vực, đặc biệt là tại quần đảo Kuril do Nga chiếm đóng từ sau Đệ nhị Thế chiến, trong đó Tokyo đang đòi hỏi chủ quyền bốn đảo. Hai nước chưa bao giờ ký hiệp ước hòa bình vì vướng mắc này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khi thị sát cuộc tập trận hôm thứ Năm 13/9 đã hứa hẹn tăng cường sức mạnh cho quân đội, cung ứng các « vũ khí và thiết bị kỹ thuật hiện đại nhất », vào lúc căng thẳng đang tăng lên giữa Washington và Matxcơva.

Hôm qua 14/09, các chiến hạm Nga đã tập trận tại Biển Bering, vùng biển chia cắt Nga với tiểu bang Alaska của Mỹ. Bộ Quốc Phòng Nga công bố hình ảnh khu trục hạm Kulakov thuộc Hạm Đội Phương Bắc và tàu đổ bộ Alexander Obrakovsky tham gia hoạt động cứu hộ tại Biển Bering. Những hình ảnh khác cho thấy lính nhảy dù được trực thăng thả xuống tại đông Xibêri, các hỏa tiễn địa-không tầm xa S-300, hỏa tiễn tầm trung Buk.

Trước đó, hôm thứ Năm 13/09, Lầu Năm Góc đã phản đối việc hai oanh tạc cơ Tu-95 « Bear » của Nga được hai chiếc Su-35 yểm trợ bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở phía đông tiểu bang Alaska. NORAD (Bộ chỉ huy an ninh hàng không Hoa Kỳ-Canada) đã cho hai phi cơ tiêm kích F-22 bay lên ngăn chận. Chỉ huy trưởng, tướng Terrence O’Shaughnessy, tuyên bố dù đang chống đỡ bão Florence, lực lượng Mỹ vẫn hoàn toàn có khả năng đáp trả mọi cuộc tấn công.

Về phía Đức, thủ tướng Angela Merkel đang thăm lực lượng Đức thuộc NATO đóng tại Litva hôm qua 14/09 tuyên bố sẽ tăng cường năng lực phòng vệ để đối phó với cuộc chiến song đôi (gồm chiến tranh quy ước và chiến tranh mạng) do Nga tiến hành.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180915-chien-ham-nga-tap-tran-tren-bien-nhat-ban

 

Syria: Những nỗ lực quốc tế cuối cùng

để cứu vãn Idlib

Thụy My

Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua 14/09/2018 cho biết đang thảo luận với tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột Syria để cố gắng tránh một cuộc tấn công của Damas vào tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của phe nổi dậy ở miền tây bắc. Do bất đồng giữa Ankara với Matxcơva, nên cuộc tấn công vẫn chưa tiến hành.

Một hội nghị thượng đỉnh giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ diễn ra vào thứ Hai tới tại Sotchi, bên bờ Hắc Hải. Tuần trước tại Teheran, trong cuộc gặp ba bên Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara vẫn chưa đạt được một thỏa thuận ngưng bắn tại Idlib.

Các viên chức Thổ, Nga, Anh, Pháp hôm qua tại Istanbul đã nhìn nhận mọi cuộc tấn công vào phe nổi dậy ở Idlib sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng, cần phải tìm cho được một giải pháp.

Tuy nhiên hãng tin Interfax dẫn lời ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov từ Berlin tuyên bố Nga vẫn tiếp tục oanh kích Idlib nếu thấy cần thiết, nhưng vẫn chừa ra hành lang nhân đạo cho thường dân chạy trốn. Còn hãng tin RIA dẫn nguồn từ điện Kremlin nói rằng tổng thống Vladimir Putin đã bàn bạc với Hội đồng An ninh Quốc gia Nga về tình hình Idlib.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180915-syria-nhung-no-luc-quoc-te-cuoi-cung-de-cuu-van-idlib

 

Vụ Skripal: Hà Lan từng trục xuất

hai nghi phạm gián điệp Nga khác

Trọng Nghĩa

Hai nghi phạm gián điệp Nga đã bị bắt tại Hà Lan và bị trục xuất về nước vào mùa xuân vừa qua vì bị tình nghi âm mưu đánh cắp dữ liệu bằng cách xâm nhập vào mạng của một phòng thí nghiệm Thụy Sĩ có liên hệ đến cuộc điều tra về vụ đầu độc ông Skripal bằng chất Novitchok. Theo truyền thông địa phương và một số nguồn tin chính thức vào hôm qua, 14/09/2018, âm mưu đã được phát hiện nhờ sự phối hợp giữa các cơ quan tình báo Thụy Sĩ, Hà Lan và Anh Quốc.

Theo tờ báo Hà Lan có uy tín NRC Handelsblad, 2 nghi phạm này đã bị cơ quan tình báo quân sự Hà Lan MIVD bắt hồi đầu năm. Tờ báo Hà Lan đã tiến hành một cuộc điều tra cùng với nhật báo Thụy Sĩ Tages-Anzeiger.

Theo NRC, hai điệp viên người Nga đã có đầy đủ phương tiện cần thiết để thâm nhập vào mạng lưới tin học của phòng thí nghiệm Spiez gần thủ đô Thụy Sĩ Bern vào tháng 03/2018.

Đây là viện nghiên cứu của Thụy Sĩ chuyên tìm ra các phương thức tự bảo vệ chống lại các mối đe dọa hạt nhân, hóa học và sinh học, bao gồm chất độc thần kinh Novitchok.

Phòng thí nghiêm Spiez đã được Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hoa Học trao nhiệm vụ phân tích các mẫu xét nghiệm thu thập được tại Salisbury, miền Nam Anh Quốc, nơi mà cựu điệp viên Nga Serguei Skripal và cô con gái bị đầu độc bằng chất Novitchok.

Theo tờ NRC, hai nghi phạm gián điệp Nga cũng thuộc cơ quan tình báo Quân Đội Nga GRU, nhưng không phải là hai người bị tình nghi là đã ra tay hành động tại Anh Quốc, cũng là điệp viên của GRU.

Đại sứ quán Nga ở Bern đã khẳng định thông tin trên là hành động vu khống, nhằm tạo ra bầu không khí chống lại Nga.

Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, trong một cuộc họp báo ở Berlin, cũng gạt phăng những cáo buộc trên, cho rằng « ai có thể tin được rằng một vụ việc nghiêm trọng như thế mà lại không có ai biết vào lúc xẩy ra».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180915-vu-skripal-ha-lan-tung-truc-xuat-hai-nghi-pham-gian-diep-nga-khac

 

Thỏa thuận Trung Quốc-Vatican gây lo ngại

dù chưa được xác nhận

Trọng Nghĩa

Nhật báo Mỹ Wall Street Journal số ra ngày 14/09/2018 vừa trích dẫn hai nguồn thạo tin khẳng định rằng từ nay đến cuối tháng, Trung Quốc và Tòa Thánh Vatican sẽ ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, kết thúc một cuộc đấu tranh lâu dài giữa chế độ Cộng Sản Bắc Kinh và Giáo Hội Công Giáo về việc chọn các chức sắc Công Giáo tại Trung Quốc. Dù chưa được bên nào xác nhận, nhưng thỏa thuận này đã làm dấy lên một số dư luận quan ngại.

Theo nhật báo Mỹ, thỏa thuận gây tranh cãi sẽ bao gồm hai vế chính: Lần đầu tiên, Bắc Kinh công nhận chính thức rằng Giáo hoàng là người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc. Đổi lại, đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ chính thức công nhận bảy giám mục Trung Quốc đã bị rút phép thông công vì đã được chính quyền Bắc Kinh chỉ định nhưng lại không có sự chấp thuận của Vatican.

Cả hai phía Tòa Thánh và Trung Quốc đều không xác nhận thông tin của tờ báo Mỹ. Phát ngôn viên Vatican Greg Burke cho biết là đối thoại giữa Toà Thánh và Trung Quốc vẫn tiếp diễn và “không có gì khác để nói thêm vào lúc này”.Còn trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 14/09, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng một mặt từ chối xác nhận thông tin, một mặt khác nói rằng Bắc Kinh chân thành trong nỗ lực tìm kiếm quan hệ tốt hơn với Vatican.

Cho dù vậy, các phản ứng đối với thỏa thuận này được cho là sẽ rất mâu thuẫn với nhau. Một số cho rằng Trung Quốc đã thành công trong thương thuyết với Vatican, giúp Bắc Kinh xích lại gần phương Tây hơn, trong lúc những người khác cảnh báo về một thất bại quan trọng cho nguyên tắc tự do tôn giáo.

Ông Francesco Sisci, một người Ý giảng dạy môn quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết: “Đó là một bước nhỏ của Trung Quốc hướng tới việc công nhận một số khuôn khổ của thế giới phương Tây”. Thế nhưng, theo chuyên gia này, động thái của Bắc Kinh “không đi đến mức công nhận những gì ở phương Tây gọi là tự do tôn giáo, mà chỉ là một mức độ của quyền tự chủ tôn giáo.”

Theo Wall Street Journal, nhiều người khác, trong đó có một số nhà ngoại giao Mỹ thì rất quan ngại trước việc đức giáo hoàng nhường cho một chế độ độc tài vô thần quyền ảnh hưởng mạnh mẽ lên sự lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo.

Theo một nguồn tin được nhật báo Mỹ trích dẫn, thì thỏa thuận Vatican-Trung Quốc tuy nhiên vẫn có thể bị gác qua một bên hay bị trì hoãn do các sự kiện không lường trước được.

Hai bên tiến gần đến việc ký kết mặc dù Bắc Kinh gần đây đã tăng cường đàn áp các nhóm Thiên Chúa Giáo và các nhóm tôn giáo khác, thông qua nhiều biện pháp, trong đó có việc đóng cửa nhà thờ, phá hủy và xóa bỏ các biểu tượng tôn giáo như thánh giá hay mái vòm của đền thờ Hồi Giáo.

Thỏa thuận sắp ký cũng có nguy cơ làm dấy lên những lời chỉ trích nhắm vào đức Giáo hoàng, vốn đang bị công kích về cách xử lý các vụ lạm dụng tình dục trẻ em của những chức sắc Công Giáo.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180915-thoa-thuan-trung-quoc-vatican-gay-lo-ngai-du-chua-duoc-xac-nhan

 

Siêu bão Măng Cụt đã ập đến Philippines

Cơn bão mạnh nhất thế giới năm nay, Siêu bão Măng cụt, đang đánh dồn dập vào bờ biển phía bắc của Philippines với những cơn gió mạnh và mưa lớn.

Theo các báo cáo, siêu bão Măng Cụt đã làm vỡ cửa sổ và làm sập đường dây điện trên đảo Luzon trước bình minh 15/9.

Hơn bốn triệu người đang ở trong khu vực di chuyển của siêu bão, với tốc độ gió 200km/h với những cơn gió rít lên tới 330km/h.

Hàng ngàn người ở Philippines đã được sơ tán trước cảnh báo siêu bão sẽ gia tăng cường độ.

Cơn bão lớn nhất được ghi nhận ở Philippines là Siêu bão Hải Yến 2013, đã giết chết hơn 7.000 người và ảnh hưởng tới hàng triệu người khác.

Biến đổi khí hậu ‘tác động nhiều đến phụ nữ’

Dù lượng CO2 giảm, ‘Trái đất nóng lên’ vẫn đe dọa

Thông tin mới nhất

Cơn bão đổ bộ vào Baggao, ở phía đông bắc của Philippines, vào khoảng 01:40 giờ sáng giờ địa phương vào thứ Bảy.

“Về sức mạnh, bão Măng cụt là cơn bão nhiệt đới mạnh nhất trong năm nay,” Tổ chức khí tượng thế giới cho biết.

Bão được dự báo sẽ tiếp tục đi về phía Tây, đi qua Hồng Kông vào chiều Chủ Nhật.

Chính quyền Hồng Kông đã cảnh báo kêu gọi người dân ở trong nhà khi cơn bão đến gần, và các chuyên gia thời tiết cho rằng đây có thể là cơn bão nhiệt đới mạnh nhất để tấn công lãnh thổ này trong nhiều thập kỷ.

Các cơn bão dự kiến sẽ suy yếu thành một áp thấp nhiệt đới vào thứ Ba.

Philippines đã ban hành cảnh báo ở hàng chục tỉnh, và hoạt động du lịch biển và hàng không đã bị hạn chế. Các chuyến bay đã bị hủy bỏ, các trường đóng cửa và lực lượng quân đội đang chờ đợi trong tư thế sẵn sàng.

Các nhà chức trách cũng cảnh báo rằng mưa lớn có thể gây ra lở đất và lũ quét.

Ảnh hưởng ở Việt Nam

Theo báo Thanh niên, dự kiến Chủ nhật ngày 16/9, siêu bão Măng Cụt sẽ đến vùng vịnh Bắc Bộ và gây mưa lớn ở các tỉnh phía Bắc và bắc Trung bộ và có thể tạo đợt sóng cao từ 3-7m.

Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão này.

Siêu bão này có vùng gió mạnh rộng tới 500-700km, ảnh hưởng gần như toàn bộ vùng biển Vịnh Bắc Bộ.

Đối với vùng ven sông, ven biển, chính quyền địa phương phải sơ tán người dân đến nơi an toàn trước 5 giờ chiều 16/9.

Có phải do nóng lên toàn cầu?

Mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và bão nhiệt đới là một mối quan hệ phức tạp.

Bão được hình thành khi không khí được làm nóng bởi nước biển ấm. Vì vậy, khi nhiệt độ của nước biển tăng lên, dự báo cường độ của các cơn bão sẽ tăng lên trong tương lai.

Một bầu không khí nóng hơn cũng có thể chứa nhiều nước hơn, vì vậy điều này sẽ khiến các cơn bão đổ kéo thêm nước vào các khu vực bị ảnh hưởng.

Nhưng có rất nhiều yếu tố tác động đến các hiện tượng này, rất khó để có thể đưa ra một khẳng định rõ ràng từ dữ liệu.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45532403