Tin khắp nơi – 15/08/2018
Các bang trung tây quan trọng của Mỹ
chọn ƯCV cho bầu cử tháng 11
Thống đốc chuyển giới đầu tiên của Mỹ, nữ dân biểu Mỹ gốc Somali đầu tiên tại Quốc hội và người phụ nữ da đen đầu tiên trong đoàn nghị sĩ của Connecticut, tất cả những điều đó đều có thể sẽ trở thành sự thật sau 4 cuộc bầu cử sơ bộ hôm 14/8.
Nỗ lực của bà Christine Hallquist để trở thành thống đốc chuyển giới đầu tiên của Mỹ đã vượt qua một trở ngại lớn hôm 14/8 khi các đảng viên Dân chủ ở bang Vermont đề cử bà tranh cử trước đối thủ là Thống đốc đương nhiệm Phil Scott, người của đảng Cộng hòa. Hiện bà Hallquist là người chuyển giới công khai đầu tiên được một đảng lớn đề cử chạy đua vào chức thống đốc.
Một điều “đầu tiên” khác là kết quả của đêm 14/8: Tại Quận hạt số 5 của bang Minnesota, đảng Dân chủ đã đề cử Dân biểu Ilhan Omar, một phụ nữ tiến bộ người Mỹ gốc Somali. Có thể bà sẽ cùng với Rashida Tlaib của bang Michigan trở thành những phụ nữ Hồi giáo đầu tiên trong Quốc hội Mỹ.
Giáo viên Xuất sắc nhất Toàn quốc năm 2016, Jahana Hayes, đã đánh bại một đối thủ được đảng Dân chủ ở địa phương ủng hộ để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện sơ bộ ở bang Connecticut. Bà đã trở thành dân biểu Dân chủ da đen đầu tiên trong đoàn nghị sĩ của bang tại quốc hội.
Ở bang Wisconsin, đảng Cộng hòa đã chọn nhà lập pháp tiểu bang Leah Vukmir để tranh cử trước Thượng nghị sĩ Dân chủ Tammy Baldwin, người đang cố gắng giành được nhiệm kỳ thứ hai.
Ông Vukmir được Tổng thống Donald Trump ủng hộ. Ngay trước cuộc bầu cử sơ bộ hôm 14/8, ông Trunp cũng lên tiếng hậu thuẫn thống đốc Scott Walker trong chiến dịch tái cử của ông. Về phía đảng Dân chủ, ông Tony Evers đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng và sẽ đối mặt với ông Walker vào tháng 11.
Các cử tri đảng Cộng hòa đã chọn ông Bryan Steil, cựu phụ tá của Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, làm ứng cử viên của họ để thay thế ông Ryan khi ông nghỉ hưu vào cuối nhiệm kỳ hiện nay. Ông Steil sẽ đối mặt với ứng cử viên đảng Dân chủ Randy Bryce để đại diện cho khu vực cử tri là một ngoại ô của Milwaukee.
Trong cuộc bầu cử tháng 11, tất cả 435 ghế Hạ viện, 35 trong số 100 ghế Thượng viện, và 36 trong số 50 thống đốc sẽ được bầu. Đảng Dân chủ phải giành được 23 ghế trong Hạ viện và 2 ghế trong Thượng viện để giành quyền kiểm soát các viện này.
Tại Minnesota, cựu thống đốc Tim Pawlenty, người đã chỉ trích ông Trump, hôm 14/8 đã không thành công trong chiến dịch nhằm trở lại công việc cũ vì ông đã thua trước ủy viên quận hạt Jeff Johnson trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa. Đảng Dân chủ đã chọn Dân biểu Tim Walz làm ứng viên của họ để tranh chức thống đốc.
Dân biểu Keith Ellison đã được đảng Dân chủ đề cử tranh chức Bộ trưởng Tư pháp bang Minnesota hôm 14/8 sau khi chiến dịch tranh cử của ông bị chấn động bởi những cáo buộc gần đây về bạo lực gia đình. Ông Ellison là người Hồi giáo đầu tiên được bầu vào Quốc hội.
Thượng nghị sĩ Tina Smith đã chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ để tranh cử cho một nhiệm kỳ đầu tiên hoàn toàn là của bà sau khi bà đã nhậm chức để thay thế cho ông Al Franked thuộc đảng Dân chủ, là người đã từ chức vào tháng 12/2017 trong bối cảnh ông bị nhiều cáo buộc về những động chạm tình dục không được hoan nghênh. Bà Smith sẽ đối mặt với thượng nghị sĩ bang của đảng Cộng hòa, Karin Housley.
(VOA, CNN)
Washington tăng áp lực
nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thả công dân Mỹ
sư người Mỹ đang bị cầm tù, một quan chức Nhà Trắng cho biết hôm thứ Ba, trong một cuộc tranh cãi đã khiến quan hệ giữa hai nước đồng minh NATO thêm căng thẳng.
Thông điệp cứng rắn này được đưa ra một ngày sau khi cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton gặp riêng đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Serdar Kilic về vụ việc của mục sư Tin lành Andrew Brunson. Ông Bolton cảnh báo đại sứ rằng Mỹ sẽ không nhượng bộ dù chỉ một chút, một quan chức cao cấp của Mỹ cho biết, theo Reuters.
Quan chức Nhà Trắng này, phát biểu với Reuters với điều kiện ẩn danh, nói tới giờ vẫn “chưa có gì tiến triển” trong vụ việc của ông Brunson.
“Chính quyền sẽ cực kì kiên quyết về chuyện này. Tổng thống 100 phần trăm quyết tâm đưa Mục sư Brunson về nhà và nếu chúng tôi không thấy có hành động trong vài ngày nữa hoặc một tuần nữa thì có thể sẽ có những hành động tiếp theo,” quan chức này nói.
Các hành động tiếp theo có thể sẽ được đưa ra dưới hình thức chế tài kinh tế, quan chức này nói, và cho biết thêm: “Áp lực sẽ tiếp tục gia tăng nếu chúng tôi không thấy kết quả.”
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã xấu đi vì vụ giam giữ ông Brunson, cũng như lợi ích dị biệt của hai nước về Syria. Ông Trump đã tăng gấp đôi thuế nhập khẩu áp đặt lên thép và nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước, góp phần khiến đồng lira tuột dốc thê thảm.
Mỹ cũng đang cân nhắc phạt tiền đối với ngân hàng Halkbank thuộc sở hữu của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ vì bị cáo buộc giúp Iran né các chế tài của Mỹ. Đầu tháng này, Mỹ đã áp đặt chế tài lên hai quan chức hàng đầu trong nội các của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong một nỗ lực nhằm thúc ép Thổ Nhĩ Kỳ phóng thích ông Brunson.
Ông Brunson bị buộc tội ủng hộ một cuộc đảo chính bất thành chống lại ông Erdogan cách đây hai năm, một cáo buộc mà ông phủ nhận. Ông đang bị xét xử về các cáo buộc khủng bố.
Ông Brunson đã kháng án một lần nữa với một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ để ông khỏi phải bị quản thúc tại gia và để dỡ bỏ lệnh cấm đi lại đối với ông, luật sư của ông nói với Reuters hôm thứ Ba.
Sức ép kinh tế của Donald Trump với Thổ Nhĩ Kỳ
dễ bị phản đòn
Tuần qua, bằng đòn tăng thuế đánh vào mặt hàng nhôm, thép, Mỹ bất ngờ gây sức ép kinh tế nặng nề đối với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của khối NATO. Hệ quả là đồng tiền lira của Thổ Nhĩ Kỳ rơi tự do trong vòng vài ngày và gần như sụp đổ cuối tuần qua. Tổng thống Rcep Tayyip Erdogan lên án Washington « đâm dao sau lưng đồng minh » và sẵn sàng lao vào cuộc đọ sức ngoại giao cũng như kinh tế với tổng thống Mỹ Donald Trump.
Quan hệ Mỹ – Thổ trong thời gian qua đã không mấy êm đẹp, nay bùng lên căng thẳng và đang ở mức xấu nhất từ nhiều thập kỷ qua. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cảnh báo hành động của Washington có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải đi tìm « những người bạn mới và những đồng minh mới ». Như đổ thêm dầu vào lửa, ông Erdogan kêu gọi một « cuộc chiến toàn quốc » chống lại « chiến tranh kinh tế » do Donald Trump phát động.
Nhà nghiên cứu chính trị Bayram Balci, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Pháp Ceri, thuộc trường Khoa học Chính trị (Sciences Po), trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Libération số ra ngày 14/08/2018, phân tích : Căn nguyên nào khiến quan hệ đồng minh Mỹ – Thổ trở nên khủng hoảng ? Chiến thuật của tổng thống Mỹ sẽ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đi tới đâu ?
Sau đây là nội dung chính của bài trả lời phỏng vấn Libération của chuyên gia Bayram Balci :
Đâu là khía cạnh chính trị và địa chính trị trong khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ ?
Về mặt kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước một cuộc khủng hoảng sâu sắc với vô số nguyên nhân. Nhưng cuộc khủng hoảng này trở nên trầm trọng từ nhiều ngày qua do gia tăng căng thẳng với Hoa Kỳ. Leo thang căng thẳng mới nhất liên quan đến số phận của linh mục Tin Lành người Mỹ Andrew Brunson, đang bị Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ. Vụ này cũng chỉ là một nhân tố tích tụ bổ sung mà thôi.
Thực tế, quan hệ Mỹ – Thổ đã không ngừng xuống cấp từ nhiều năm nay, cụ thể là từ giữa cuộc xung đột Syria mà trong đó quan điểm về lợi ích của hai bên bắt đầu trái ngược nhau.
Các vấn đề bất hòa tích tụ dần. Trước hết là việc Washington ủng hộ lực lượng người Kurdistan (PYD), một phân nhánh tại Syria của đảng PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị chính quyền Ankara quy kết là tổ chức khủng bố. Trong khi đó, Hoa Kỳ lại coi đây là lực lượng không thể thiếu trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Rồi tiếp đó là vụ giáo sĩ Fethula Gulen, tị nạn tại Hoa Kỳ, nhưng bị ông Erdogan cáo buộc là người cầm đầu vụ đảo chính hụt hôm 15/07/2016. Thổ Nhĩ Kỳ đã cố công vô ích cung cấp cho Mỹ những bằng chứng về sự dính líu của nhân vật này vào vụ đảo chính trên.
Tại sao leo thang căng thẳng vẫn tiếp diễn ?
Bởi vì vấn đề Iran đóng một vai trò chủ chốt trong cuộc khủng hoảng Mỹ – Thổ. Ông Trump hủy thỏa thuận hạt nhân Iran đồng thời muốn gây áp lực để Thổ Nhĩ Kỳ tham gia trừng phạt Teheran. Thế nhưng, trao đổi mậu dịch giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran rất quan trọng cho kinh tế của hai nước. Ankara muốn tiếp tục mua khí đốt của Iran và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và vải sợi sang Iran.
Có phải tính cách của Trump và Erdogan cũng góp phần làm cho quan hệ hai nước trở nên xấu hơn ?
Tổng thống Mỹ sử dụng mọi phương tiện để gây áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã ký quyết định ngừng cung cấp chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng lúc ông cố gắng ngăn cản Ankara mua tên lửa S-400 của Nga. Lợi dụng Thổ Nhĩ Kỳ đang trong tình trạng bấp bênh, hôm thứ Sáu vừa qua, ông Trump đã quyết định tăng thuế hải quan vào mặt hàng nhôm, thép của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông ta nghĩ rằng khi Thổ Nhĩ Kỳ bị suy yếu về kinh tế thì sẽ trở nên ngoan ngoãn hơn về mặt chính trị, hay thậm chí sẽ phải chấp nhận mọi đòi hỏi của Hoa Kỳ. Nhưng ông Erdogan không phải là con người dễ khuất phục. Trái lại, ông ta còn đẩy thêm căng thẳng qua việc cáo buộc Hoa Kỳ gây chiến tranh kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ.
Về mặt kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ bị suy yếu nhưng không hoàn toàn khánh kiệt. Ankara dọa xích lại gần hơn với Nga và Iran. Như thế tức là áp lực của ông Trump đã gây tác dụng ngược. Lẽ ra phải làm cho Thổ Nhĩ Kỳ trung thành hơn với phương Tây thì các áp lực của Mỹ lại đẩy Thổ tới gần trục Matxcơva- Ankara-Teheran.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ liệu có đồng cảm với các phát biểu của ông Erdogan ?
Dư luận Thổ Nhĩ Kỳ có tâm lý chống Mỹ rất rộng rãi nên dễ dàng hưởng ứng lời kêu gọi huy động dân tộc. Trước tình hình kinh tế đang trở nên trầm trọng, người dân bị mất phương hướng muốn tin vào những giải thích cho rằng đó là những mưu đồ chống lại đất nước họ. Hơn nữa, đại đa số người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tin tưởng ông Erdogan.
Trong bối cảnh hiện nay, quan hệ Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ ra sao ?
Phản ứng có ý nghĩa nhất đó là của nước Đức. Bà thủ tướng Angela Merkel đã tuyên bố rằng không ai có lợi trong sự mất ổn định của Thổ Nhĩ Kỳ.
Không chỉ vì quan hệ thương mại giữa Liên Hiệp Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ rất quan trọng, mà Châu Âu cũng không được lợi lộc gì khi Ankara mất ổn định. Châu Âu sẽ dính đòn nếu đất nước này rơi vào tình trạng phá sản khi đó châu Âu không còn giữ được biên giới và kiềm chế được làn sóng người tị nạn.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180815-suc-ep-kinh-te-cua-donald-trump-voi-tho-nhi-ky-de-gay-phan-don
Hàng trăm linh mục ở Pennsylvania
xâm hại tình dục hơn 1000 trẻ em
Hôm 14/8, Tổng Chưởng lý bang Pennsylvania cho biết hơn 300 linh mục Thiên chúa giáo tại bang này xâm phạm tình dục hơn 1.000 trẻ em trong khoảng thời gian 70 năm và đã dùng tín ngưỡng làm vũ khí để bịt miệng các nạn nhân. Hành động tội lỗi vẫn âm thầm tiếp diễn dưới sự che giấu một cách có hệ thống của các chức sắc cấp cao trong nhà thờ.
Hãng tin Reuters trích phát biểu của Tổng Chưởng lý bang Pennsylvania Josh Shapiro tại cuộc họp báo hôm 14/8 nói cuộc điều tra dài 2 năm tìm ra rằng số nạn nhân thực tế có thể lên tới vài nghìn trẻ em bởi nhiều dữ liệu đã bị thất lạc hoặc các nạn nhân không dám lên tiếng.
Tổng Chưởng lý công bố báo cáo dài gần 900 trang ghi chép chi tiết cùng với hình ảnh minh họa các thanh thiếu niên bị các tu sĩ xâm hại tình dục dựa vào các tài liệu mật lưu giữ tại các giáo phận và biên bản thú tội viết tay của các linh mục.
Tổng Chưởng lý Shapiro nói đây được xem là cuộc điều tra toàn diện nhất tại Mỹ về nạn các tu sĩ Thiên Chúa giáo lạm dụng tình dục trẻ em.
Một số giáo phận đã xin lỗi các nạn nhân và nói rằng họ thực hiện các biện pháp để chấm dứt hành vi tội phạm này.
Đứng bên cạnh những người tố giác, Tổng Chướng lý Shapiro mô tả các hành vi lạm dụng tình dục của các linh mục tại 6 trong 8 giáo phận của tiểu bang Pennsylvania, trong đó có một nhóm giáo sĩ ở thành phố Pittsburgh bị cáo buộc đã ra lệnh cho một lễ sinh nam cởi trần truồng và giả làm Chúa Giêsu trên thập tự giá để họ chụp ảnh cậu bé.
Ông Shapiro nói: “Các linh mục đã hãm hiếp các bé trai và bé gái. Họ giấu kín tất cả sự việc mấy mươi năm qua.”
Báo cáo cho biết có tới 301 linh mục đã phạm tội, và một số linh mục trong số này đã chết, hiện tại chỉ có hai linh mục sẽ bị truy tố.
Ông Shapiro nói rằng ông sẽ tranh luận tại một phiên tòa ngày 26/9 sắp tới để công bố danh tính tất cả các linh mục phạm tội ấu dâm.
Ông cho biết bồi thẩm đoàn đã xác định khoảng một nghìn nạn nhân, nhưng ông cho rằng con số này có thể còn nhiều hơn nữa.
Ông Shapiro cho biết rằng một linh mục đã quấy nhiễu cả thảy 5 chị em trong một gia đình nhưng giáo phận đã dàn xếp với gia đình để giữ kín mọi chuyện.
Tổng Chưởng lý nói rằng các giám mục Công giáo đã che đậy việc các linh mục phạm tội ấu dâm và tiếp tục phân bổ các linh mục này về các giáo xứ khác nhau. Ông nói cứ như vậy “họ cho phép các linh mục phạm tội tiếp tục chức vụ tới 40 năm.”
Ông Shapiro còn cho biết thêm rằng một số linh mục đã che đậy hành vi ấu dâm của mình bằng cách “vũ khí hóa đức tin” để bịt miệng các nạn nhân.
Báo cáo còn dẫn lời một số nạn nhân mô tả về quá trình bị xâm hại từ khi còn là những thanh, thiếu niên và dù đã nhiều lần tố giác nhưng chưa bao giờ được xử lý. Chính vì sự che đậy này nên hầu hết cáo buộc lạm dụng khi được phát hiện đều đã quá thời hạn truy tố, theo AP.
Điều đáng chú ý là hành động tội lỗi vẫn âm thầm tiếp diễn dưới sự che giấu một cách có hệ thống của các quan chức cấp cao nhà thờ, trong đó có cả một người hiện đang là hồng y của Địa hạt Washington.
Đại bồi thẩm đoàn cáo buộc Hồng y Donald Wuerl, tổng giám mục địa hạt Washington, lãnh đạo địa hạt Washington, đã che giấu cho các linh mục xâm hại tình dục trẻ em khi ông làm giám mục địa phận Pittsburgh trước đây. Ông Wuerl phản đối các cáo buộc đó.
Dân Cuba háo hức thử nghiệm internet miễn phí
Chính phủ Cuba cho biết là đã cung cấp internet miễn phí trên toàn quốc cho hơn 5 triệu người dùng điện thoại di động vào hôm qua, 14/08/2018, trong một cuộc thử nghiệm kéo dài tám tiếng đồng hồ. Đợt thử nghiệm này nhằm chuẩn bị cho việc cung cấp dịch vụ có thu phí.
Cuba là một trong những nước ở khu vực Tây bán cầu ít được kết nối nhất. Công ty nhà nước ETECSA độc quyền trong lãnh vực viễn thông đã loan báo việc thử nghiệm, đánh dấu sự kiện lần đầu tiên dịch vụ internet được cung cấp trên bình diện toàn quốc.
Tại Cuba, có hàng trăm điểm phát sóng WiFi cho truy cập internet, nhưng mạng lưới này hầu như không có ở tư gia.
Nhà nữ blogger ly khai Yoani Sanchez, được coi là một trong những người tiên phong trong việc dùng mạng xã hội tại Cuba đã khoe rằng cô đã trực tiếp gửi đi một tin nhắn twitter từ điện thoại di động của cô.
Trong một thông điệp khác, cô đánh giá rằng sự kiện hôm qua là một « chiến thắng của công dân ».
Trên đường phố La Habana, người dùng di động cho biết họ rất sung sướng về ngày Internet miễn phí, ngay cả khi một số người phàn nàn rằng kết nối đặc biệt chậm hơn bình thường.
Nhiều người rất thích khi được trực tiếp liên lạc với người thân ở nước ngoài, mà không cần phải đến các điểm WiFi cụ thể. 40% người Cuba có người thân sống ở nước ngoài.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180815-dan-cuba-no-nuc-thu-nghiem-internet-mien-phi
Sập cầu trên xa lộ ở Ý: 26 người thiệt mạng
Một cây cầu trên một tuyến đường cao tốc đã sụp đổ ở thành phố Genoa mạn Tây Bắc nước Ý, làm xe cộ rơi từ trên cao 45 mét xuống đất và làm chết ít nhất 26 người, theo giới chức.
Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini hứa rằng bất cứ ai được tìm thấy có trách nhiệm về sự sụp đổ của cây cầu sẽ bị bắt giữ.
“Tôi đã đi qua cây cầu đó hàng trăm lần,” ông nói.
“Bây giờ, với tư cách một công dân Ý, tôi sẽ làm tất cả mọi thứ để có được tên và họ của những người quản lý chịu trách nhiệm, trong quá khứ và hiện tại, bởi vì không thể chấp nhận được việc gây ra cái chết như thế ở Ý.”
Các hình ảnh video thu được dường như cho thấy một trong những tháp néo giữ cây cầu treo bị sụp đổ trong thời tiết mưa bão.
Tai nạn tàu Ý: ‘Thuyền trưởng mắc lỗi’
Sập cầu ở Mỹ, ít nhất 4 người chết
Xe cộ rơi xuống cùng với những mảnh vỡ của cây cầu vào đường ray và một nhà kho.
Các nhân viên cấp cứu đang cố gắng giải thoát những người bị kẹt trong các xe cộ bị nghiền nát hay từ những đống đổ nát, với sự giúp đỡ của chó nghiệp vụ đánh hơi.
Bộ trưởng Giao thông Danilo Toninelli nói về một “thảm kịch to lớn” và Pháp đã đề nghị giúp đỡ Italy.
Cổ phiếu ở Atlantia, nhà khai thác đường thu phí vận hành ở nhiều đường cao tốc của Ý, đã giảm 6,3% sau khi tin tức sụp đổ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tweet một thông điệp chia sẻ với người dân Italy, viết bằng cả tiếng Ý và tiếng Pháp. Ông nói Pháp sẵn sàng cung cấp bất kỳ viện trợ cần thiết nào.
Cấu sụp đổ thế nào?
Cầu sụp vào khoảng 11:30 giờ địa phương trong cơn mưa lớn. Cảnh sát cho hay đã có một đám mây đậm đặc.
Sập cầu vượt gây nhiều tử vong ở Ấn Độ
Bắt ba người sau vụ sập cầu Ghềnh
“Ngay sau 11:30 là lúc chúng tôi thấy sét đánh vào cây cầu,” nhân chứng Pietro M all’Asa được trích lời nói với hãng tin Ansa của Ý. “Và chúng tôi đã thấy cây cầu rơi xuống.”
Một nhân chứng khác nhớ lại: “Chúng tôi nghe thấy một tiếng ầm đáng kinh ngạc và đầu tiên chúng tôi nghĩ rằng đó là sấm sét rất gần.
“Chúng tôi sống khoảng 5km cách cây cầu nhưng chúng tôi nghe một tiếng động kinh khủng… Chúng tôi rất sợ hãi… giao thông hoàn toàn rối loạn và thành phố tê liệt.”
Một hình ảnh được cơ quan cứu hộ khẩn cấp ở khu vực đăng tải cho thấy một chiếc xe tải mắc ở khúc cuối của phần cầu còn sót lại ngay trước khi rơi xuống.
Các nhân viên cứu hộ hoạt động với quy mô lớn tại hiện trường, theo cơ quan cứu hộ khẩn cấp vùng .
Có trẻ em thương vong
Khi đưa ra con số người chết là 22 trước đó, Thứ trưởng Giao thông Edoardo Rixi nói con số này có khả năng tăng lên.
Một trẻ nhỏ ở trong số những người thiệt mạng và ít nhất 13 người bị thương, người đứng đầu cơ quan dân phòng, Angelo Borrelli, nói.
Cầu Morandi, được xây dựng vào những năm 1960, nằm trên đường cao tốc A10, phục vụ giao thông đường duyên hải Ý và bờ biển phía nam nước Pháp.
Đoạn cầu bị sập dài hàng chục mét, và chạy ngang qua nhịp bắc qua sông Polcevera.
Trước câu hỏi đặt ra liệu có mối quan ngại nào về cây cầu từ trước hay không, Thứ trưởng Giao thông Ý nói:
“Không thể chấp nhận rằng một cây cầu quan trọng như vậy … lại không được xây dựng để tránh sự sụp đổ này”, ông Rixi được hãng tin Reuters trích lời nói.
Việc tái cấu trúc cây cầu đã được thực hiện vào năm 2016, hãng tin này cho hay.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45185412
Nga tranh giành ảnh hưởng
với châu Âu và Trung Quốc tại châu Phi
Sau châu Âu và Trung Quốc, đến lượt Nga đang trở thành một thế lực mới tại châu Phi. Tăng cường đầu tư, bán vũ khí, cử « cố vấn » và điều lính đánh thuê, Nga đẩy mạnh sự hiện diện tại châu Phi, cạnh tranh với châu Âu và Trung Quốc, sau nhiều năm thờ ơ.
Chiến lược trở lại châu Phi được Matxcơva lặng lẽ tiến hành và chỉ được biết đến rõ hơn từ ngày 30/07/2018 khi xảy ra vụ ám sát ba nhà báo Nga đến Trung Phi điều tra về lực lượng lính đánh thuê của công ty Wagner, hiện tham chiến tại Syria.
Lực lượng lính đánh thuê của công ty Wagner, về mặt chính thức, được gọi là « huấn luyện viên dân sự », gồm có 170 người, được Nga cử đến Trung Phi từ đầu năm 2018 cùng với 5 sĩ quan quân đội, trong đó một người làm cố vấn an ninh cho tổng thống Faustin-Archange Touadéra. Mặc dù Trung Phi bị Liên Hiệp Quốc cấm vận vũ khí, Nga đã thuyết phục được Hội Đồng Bảo An vào tháng 12/2017, chấp nhận một ngoại lệ, cho phép Matxcơva cung cấp vũ khí cho nước này để chống các lực lượng nổi dậy có vũ trang.
Trung Phi không chỉ là nước gần đây nhất được Nga hậu thuẫn quân sự. Trong ba năm gần đây, Nga không ngừng tăng cường vị thế tại châu Phi : chuyển vũ khí cho Cameroon để chống lại lực lượng thánh chiến Boko Haram, trở thành đối tác quân sự với Cộng Hòa Congo, Burkina Faso, Uganda và Angola, tăng cường hợp tác hạt nhân dân sự với Sudan, khai thác mỏ với Zimbabwe và công nghiệp nhôm với Guinea.
Ngoài duy trì hợp tác với các nước châu Phi từng có quan hệ lịch sử, như Maroc, Algeria, Ai Cập và Nam Phi, Matxcơva còn tìm kiếm đồng minh mới ở vùng châu Phi Nam Sahara, nơi Nga gần như vắng bóng. Theo đánh giá của nhà sử học Dmitri Bondarenko, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Nga, được AFP trích dẫn : « Châu Phi nằm trong số những ưu tiên của Nga trong chính sách đối ngoại nhưng ngày càng có tầm quan trọng hơn ».
Thực vậy, trong quá khứ, Liên Bang Xô Viết từng rất năng động tại châu Phi trong suốt nhiều thập kỷ, chủ yếu trong cuộc chiến mang ý thức hệ chống phương Tây, ủng hộ các phong trào giải phóng khỏi ách thực dân và cử vài chục nghìn cố vấn đến châu Phi sau thời kỳ thuộc địa.
Liên bang Xô Viết sụp đổ dẫn đến khó khăn về kinh tế và các cuộc đấu đá nội bộ tại Nga trong những năm 1990. Vì vậy, Matxcơva phải dần từ bỏ các vị trí tại châu Phi : đóng cửa nhiều sứ quán và lãnh sự do thiếu ngân sách, ngừng các chương trình tài trợ và giảm bớt quan hệ.
Chỉ đến những năm 2000, điện Kremlin bắt đầu mở lại các kênh ngoại giao và từng bước trở lại châu Phi vì các hợp đồng kinh tế hơn là vấn đề ý thức hệ. Từ năm 2006 đến nay, tổng thống Nga, cũng như các lãnh đạo cao cấp khác, đã nhiều lần công du châu Phi cùng với phái đoàn doanh nhân hùng hậu và kết quả là nhiều hợp đồng đã được hai bên ký kết.
Với lợi thế không phải là một nước từng đô hộ tại châu Phi, Nga hy vọng trở thành một giải pháp thay thế châu Âu và Trung Quốc cho một số nhà lãnh đạo châu Phi, trong đó có nhiều người từng được đào tạo tại các trường đại học Xô Viết. Ngoài ra, Nga không thể bỏ qua châu lục rộng lớn này khi mong muốn trở lại thành một cường quốc thế giới ngày càng rõ nét. Vì vậy, ngoài lợi ích kinh tế, Matxcơva còn quan tâm đến « tiến bộ chính trị », mở rộng ảnh hưởngtại khu vực này.
Nếu như Nga tìm kiếm lợi ích kinh tế, thì các nước châu Phi muốn có « thêm một đối tác, có nghĩa là một kênh đầu tư và phát triển khác, cũng như sự ủng hộ của một cường quốc trên trường quốc tế », theo nhận định của nhà phân tích Nga Evgueni Korendiassov, từng là đại sứ tại nhiều nước châu Phi.
Một số nước châu Phi như Sudan hay Zimbabwe mà châu Âu không muốn hợp tác, từ giờ có thể có « trông cậy » vào Nga, thay vì chỉ biết quay sang Trung Quốc như trước đây. Và điều này mở ra viễn cảnh thay đổi đáng kể trật tự địa chính trị tại châu Phi.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180815-nga-tranh-gianh-anh-huong-voi-chau-au-va-trung-quoc-tai-chau-phi
Thổ Nhĩ Kỳ tăng thuế giữa căng thẳng với Mỹ
Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/8 công bố tăng thuế đối với hàng loạt hàng hóa của Mỹ. Đây là động thái mới nhất trong bối cảnh mối quan hệ đang xấu đi giữa hai nước.
Các mức thuế bổ sung được áp dụng với các hàng nhập khẩu gồm xe cộ, rượu, than đá, gạo và mỹ phẩm.
Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết trên Twitter rằng việc tăng thuế được thực hiện “trong khuôn khổ của nguyên tắc có đi có lại để trả đũa các cuộc tấn công kinh tế có ý đồ của Hoa Kỳ”.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cáo buộc Hoa Kỳ tiến hành một cuộc chiến kinh tế nhắm vào đất nước ông, và hôm 14/8 ông đã đề nghị tẩy chay hàng hóa điện tử của Mỹ.
Khi được hỏi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phản ứng như thế nào với hành động tẩy chay của Thổ Nhĩ Kỳ, Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders đã trả lời trong cuộc họp báo chiều hôm 14/8: “Tôi chắc chắn không có tuyên bố mang tính chính sách về vấn đề này vào thời điểm này”.
Các nguồn tin trong chính quyền ông Trump nói rằng các biện pháp trừng phạt thêm nữa đối với Thổ Nhĩ Kỳ đang được xem xét tích cực. Nhưng bà Sanders từ chối cho biết chính phủ Mỹ có kế hoạch ra sao để gây áp lực nhiều hơn lên Ankara. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỹ đã nhiều lần đã bỏ qua những lời kêu gọi của ông Trump và những người khác đòi trả tự do cho mục sư Kitô giáo Andrew Brunson.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc ông Brunson làm gián điệp và đang quản thúc ông tại gia trong khi chờ xét xử.
https://www.voatiengviet.com/a/tho-nhi-ky-tang-thue-giua-cang-thang-voi-my/4529841.html
Chiến tranh thương mại:
Việt Nam sẽ là nơi Trung Quốc tuồn hàng sang Mỹ
Khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng thêm căng thẳng, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ dùng Việt Nam là nơi để đưa hàng qua Mỹ nhằm tránh thuế xuất cao.
Chính phủ của Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng họ sẽ áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 9. Mức thuế này có thể lên đến 25%. Trung Quốc cũng tung ra biện pháp trả đũa với giá trị tương đương. Bắc Kinh cáo buộc Mỹ “khởi động cuộc chiến tranh thương mại có quy mô lớn nhất lịch sử,” theo Reuters.
Theo đánh giá của hai chuyên gia kinh tế mà VOA tiếp xúc, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc – hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam – sẽ có tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này.
Một trong những ảnh hưởng tiêu cực này là việc Trung Quốc đưa hàng hóa qua ngả Việt Nam để xuất sang Mỹ.
Tiến sỹ kinh tế Phạm Đỗ Chí, người từng có trên 25 năm làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhận định với VOA: “Cái nguy hiểm là hàng của Trung Quốc sẽ tuồn sang Việt Nam để lấy nhãn hiệu Việt Nam nhằm mong giảm thuế vì hiện tại Mỹ chưa áp thuế lên hàng Việt Nam.”
Cùng chung nhận định này, chuyên gia kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Toàn Thắng nói: “Khi xuất khẩu của Trung Quốc không trực tiếp sang Mỹ được nữa thì nếu là doanh nghiệp đương nhiên họ sẽ nghĩ đến giải pháp mượn các nước thứ ba để xuất khẩu sang.”
Mức thuế cao mà Mỹ áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ dẫn đến việc hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam.
Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương
Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, mức thuế cao mà Mỹ áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ dẫn đến việc hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam.
Nhiều hàng hóa gồm quần áo, giày dép và túi xách của Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam một cách bất hợp pháp để được xuất sang Mỹ, VNExpress trích lời Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (AGTEK) Phạm Xuân Hồng nói.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đầu tháng này cũng nhận định rằng chiến tranh thương mại có thể dẫn đến việc doanh nghiệp Trung Quốc dùng Việt Nam để đưa hàng qua Mỹ. Đó là một trong những trường hợp xấu nhất có thể ảnh hưởng đến Việt Nam của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, theo quan chức của Bộ Công thương.
Hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam
Trên thực tế thì việc này đã diễn ra, theo ông Thắng, hiện là trưởng ban Kinh tế Thế giới của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-Xã hội (NCIF) của bộ KH&ĐT. Dẫn chứng việc đầu năm nay Mỹ áp thuế cao lên các mặt hàng tôn của Việt Nam, ông Thắng cho biết đó là vì “người ta cho rằng các doanh nghiệp nhập hàng từ Trung Quốc và sau đó sơ chế một tỷ lệ rất nhẹ và xuất sang Mỹ.”
Mỹ áp đặt các sắc thuế rất cao đối với nhôm nhập từ Trung Quốc, thuế xuất chống bán phá giá lên tới 374% cho phôi nhôm từ Trung Quốc trong khi nhôm Việt Nam chỉ chịu mức thuế trên dưới 5%. Trung Quốc được cho là đang dùng Việt Nam để có thể hưởng thuế xuất ưu đãi này.
Nếu chiến tranh thương mại lan rộng, Mỹ sẽ bắt đầu quay sang đánh thuế một số hàng của Việt Nam, nhất là nếu có bằng cớ là Việt Nam giúp Trung Quốc tiêu thụ hàng của Trung Quốc.
Phạm Đỗ Chí, TS kinh tế
Vào tháng 5, Mỹ công bố sẽ áp thuế nặng lên các mặt hàng thép Việt Nam nhưng được cho là có sử dụng vật liệu từ Trung Quốc. Tuy nhiên sau đó Mỹ nói sẽ áp dụng biện pháp miễn trừ thuế nếu các doanh nghiệp Việt Nam thỏa mãn các yêu cầu của Bộ thương mại Mỹ, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.
Với việc chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng không chỉ nhôm mà các mặt hàng khác của Việt Nam cũng sẽ là mục tiêu áp thuế của Mỹ.
TS Chí, từng có thời gian thỉnh giảng về kinh tế và tài chính tại Đại học American University của Mỹ, nói: “Nếu chiến tranh thương mại lan rộng, Mỹ sẽ bắt đầu quay sang đánh thuế một số hàng của Việt Nam, nhất là nếu có bằng cớ là Việt Nam giúp Trung Quốc tiêu thụ hàng của Trung Quốc.”
Từ trong nước, Chủ tịch AGTEK Xuân Hồng cho rằng Chính phủ Việt Nam cần hành động nhanh chóng để ngăn chặn việc các doanh nghiệp địa phương nhập hàng từ Trung Quốc để xuất sang Mỹ.
Không thể cấm các doanh nghiệp nhập khẩu về và xuất khẩu đi các mặt hàng của họ nhưng chính phủ Việt Nam cần có những biện pháp trừng phạt các doanh nghiệp có hành vi gian lận
Trần Toàn Thắng, Trưởng ban KT-XH của NCIF
Theo TS Thắng, không thể cấm các doanh nghiệp nhập khẩu về và xuất khẩu đi các mặt hàng của họ nhưng chính phủ Việt Nam cần có những biện pháp trừng phạt các doanh nghiệp có hành vi gian lận. Đồng thời ông cũng đề xuất việc đàm phán cụ thể giữa Việt Nam với Mỹ về các ngành hàng có tiềm năng xảy ra việc Trung Quốc tuồn sản phẩm thông qua Việt Nam.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 21,6 tỷ USD và sang Trung Quốc đạt hơn 16,6 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm nay. Đây là hai quốc gia nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam.
Hiện Mỹ đã áp thuế nhập khẩu 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Tổng thống Trump trước đó còn đe dọa áp thuế lên số hàng tổng cộng hơn 500 tỷ USD nếu Trung Quốc trả đũa.
Chính phủ Mỹ đang lấy ý kiến công chúng về chính sách thuế đối với 200 tỷ hàng nhập khẩu Trung Quốc cho đến ngày 30/8. Các phiên điều trần công khai sẽ diễn ra từ ngày 20-23/8, theo thông tin từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ.
Bắc Kinh kêu gọi Mỹ công bằng
với nhà đầu tư Trung Quốc
Trung Quốc hôm thứ Ba kêu gọi Washington chớ lợi dụng sai trái những lo ngại về an ninh để cản trở hoạt động kinh doanh sau khi Tổng thống Donald Trump kí một đạo luật mở rộng thẩm quyền của một ủy ban thẩm định đầu tư.
Luật được ông Trump kí vào ngày thứ Hai mở rộng thẩm quyền của một ủy ban an ninh của chính phủ có nhiệm vụ săm soi các khoản đầu tư nước ngoài. Luật này bắt nguồn từ những than phiền rằng các công ty Trung Quốc đang lợi dụng những lỗ hổng trong luật pháp của Mỹ để thủ đắc một cách sai trái công nghệ và thông tin có thể là nhạy cảm.
“Hoa Kỳ nên đối xử với các nhà đầu tư Trung Quốc một cách khách quan và công bằng và tránh biến việc thẩm định an ninh quốc gia thành một trở ngại đối với hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc và Hoa Kỳ,” một thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc nói.
Các chính phủ khác bao gồm Đức và Anh cũng bất an về mức đầu tư tăng cao của Trung Quốc, vai trò hậu trường của chính quyền Bắc Kinh và việc mua lại công nghệ mà có thể được sử dụng cho mục đích quân sự hoặc được coi là một tài sản kinh tế quan trọng.
Ủy ban an ninh của Mỹ, được gọi là CFIUS, thẩm định các vụ nước ngoài thu mua tài sản của Mỹ để xác định những đe dọa an ninh khả dĩ. Những người chỉ trích nói rằng luật qui định thẩm quyền của cơ quan này, được cập nhật lần gần đây nhất là một thập niên trước, đã lỗi thời và không xét tới các chiến thuật được sử dụng bởi một số công ty Trung Quốc.
Luật được ông Trump kí mở rộng thẩm quyền của CFIUS để bao gồm các thực thể mà có thể sở hữu một cổ phần thiểu số trong một công ty đứng ra mua tài sản. Nó cũng cho CFIUS thẩm quyền ngăn chặn việc đánh mất thông tin cá nhân nhạy cảm.
Luật cũng cho phép CFIUS thẩm quyền tiến hành các cuộc điều tra của riêng mình thay vì đợi bên mua tìm kiếm sự chấp thuận.
Các nhà lập pháp đề xuất luật này năm ngoái bày tỏ lo ngại rằng các công ty Trung Quốc đang sử dụng các liên doanh với các công ty nước ngoài hoặc cổ phần thiểu số trong các liên doanh để tiếp cận công nghệ nhạy cảm.
Tháng trước, một đề nghị từ Trung Quốc mua một công ty điện lực của Đức đã bị chặn lại khi một công ty điện lực quốc doanh đứng ra mua. Các bản tin tức ở Đức cho biết Berlin cũng định sẽ ngăn chặn Trung Quốc mua lại một công ty kĩ thuật nhưng nhà chức trách cho biết đề xuất này đã được rút lại.
Cũng trong tháng trước, chính phủ Anh công bố một đề xuất mở rộng thẩm quyền của họ nhằm ngăn chặn các vụ nước ngoài thu mua tài sản mà đề ra những lo ngại về an ninh. Luật sẽ áp dụng cho các thỏa thuận mà trong đó một bên mua nước ngoài mua lại ít nhất là 25 phần trăm một công ty.
Đức và các chính phủ khác cũng phàn nàn rằng các công ty của họ bị cấm mua hầu hết các tài sản của Trung Quốc giữa lúc các công ty Trung Quốc vung tiền thu mua tài sản khắp toàn cầu trị giá hàng tỉ đôla.
https://www.voatiengviet.com/a/bac-kinh-keu-goi-my-cong-bang-voi-nha-dau-tu-trung-quoc/4528641.html
Giông bão bủa vây ông Tập tại Bắc Đới Hà
Vào đầu tháng Tám, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tề tựu ở khu nghỉ mát Bắc Đới Hà trên bờ biển Hoàng Hải để nhóm họp hội nghị không chính thức thường niên, bầu không khí chính trị trong nước đang trải qua nhiều giông bão.
Tổng bí thư Đảng kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình đang bị bủa vây bởi những thách thức kinh tế, đối ngoại và đối nội chỉ vài tháng sau khi ông dọn đường dỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước để ông có thể cầm quyền lâu đến khi nào ông muốn trong nỗ lực trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông.
Những chỉ trích ngày càng tăng nhằm vào những chính sách của ông Tập đã cho thấy nguy cơ mà ông phải đối mặt từ việc tập trung quá nhiều quyền lực: ông đã biến mình thành mục tiêu đương nhiên để mọi người đổ lỗi.
“Một khi đã tập trung quyền lực, ông Tập phải là người chịu trách nhiệm cho mọi thất bại hay vấp váp trong chính sách,” ông Joseph Cheng, giáo sư về hưu ở Đại học Thành thị Hong Kong và là người quan sát chính trị Trung Quốc lâu năm, nhận định.
Điều đáng lưu ý là ông Tập, vốn từng ngự trị trên trang bìa của những tờ báo của Nhà nước cũng như trên bản tin thời sự của Đài truyền hình trung ương CCTV hàng ngày, trong những tuần gần đây đã thấy ít xuất hiện hơn trước công chúng. “Ông ấy không thể đổ lỗi cho ai hết, cho nên ông ấy đáp trả bằng cách ẩn mình nhiều hơn,” Giáo sư Cheng nói.
Cho đến nay, những thách thức này không được xem là mối đe dọa đối với quyền lực của ông Tập, nhưng đối với nhiều người Trung Quốc, uy tín của chính phủ đang bị phủ bóng đen.
Lo lắng lớn nhất của nhiều người là cuộc chiến mậu dịch với Mỹ mà Tổng thống Donald Trump đã đe dọa áp thuế cao hơn lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị hàng trăm tỷ đô la. Những người chỉ trích cho rằng cho đến nay họ vẫn chưa thấy một chiến dịch mạch lạc của Chính phủ để làm kim chỉ nam cho các cuộc đàm phán với Washington và tránh cho nền kinh tế bị tổn thương. Thay vào đó, Bắc Kinh chọn cách thách thức và áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ.
Đồng thời, vụ bê bối vaccine giả đã làm bùng phát lo ngại lâu nay về tính liêm chính của ngành y tế Trung Quốc và khả năng của chính phủ giám sát những tập đoàn có tầm bao phủ rộng khắp vốn chi phối nền kinh tế Trung Quốc.
“Tín nhiệm là điều quan trọng nhất và sự đánh mất niềm tin của công chúng vào chính quyền sẽ rất tai hại,” ông Trương Minh, giáo sư khoa học chính trị hiện đã nghỉ hưu ở Bắc Kinh, nhận định.
Hồi tuần trước, giới chức đã huy động một chiến dịch an ninh rộng lớn để trấn áp một cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch từ trước ở Bắc Kinh để bày tỏ sự phẫn nộ trước sự sụp đổ bất thình lình của hàng trăm chương trình cho vay trực tiếp giữa các công ty và tổ chức không thông qua ngân hàng. Sự sụp đổ này thể hiện rõ sự bất lực của chính quyền trong việc cải cách hệ thống tài chính để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nhỏ.
Trong khi đó, đại dự án mang dấu ấn cá nhân của ông Tập có giá trị cả ngàn tỷ đô la ‘Vành đai-Con đường’ để kết nối cơ sở hạ tầng và đầu tư với 65 quốc gia đã gặp phải sóng gió khi các quốc gia tham gia bị sốc về cái giá phải trả. Một số người dân Trung Quốc cũng đặt dấu hỏi về việc chính phủ có khôn ngoan hay không khi đổ tiền đổ của ra khắp nơi trong khi hàng triệu người dân Trung Quốc vẫn còn sống trong cảnh đói nghèo – một sự so sánh với ông Trump là đặt đất nước mình lên trên hết.
Điều này phần nào đã gây ra quan ngại về việc ông Tập từ bỏ phương châm đối ngoại thận trọng, thực tiễn ‘Giấu mình chờ thời’ được khởi xướng từ thời ông Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư của công cuộc cải cách kinh tế Trung Quốc vốn đặt nền móng cho sự thịnh vượng tương đối của Trung Quốc ngày nay.
Các lãnh đạo Trung Quốc nhiều khả năng ít nhất là sẽ thảo luận một số những thách thức này tại hội nghị không chính thức ở Bắc Đới Hà thuộc tỉnh Hà Bắc – một tập quán đã có từ thời Mao. Thường là vào thời điểm mùa hè, ông Tập cũng như các thành viên Thường vụ Bộ Chính trị khác sẽ biến mất khỏi truyền thông trong vòng hai tuần lễ để đến Bắc Đới Hà dự họp.
Giọng điệu tương đối khoa trương của ông Tập về sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc trên vũ đài quốc tế ‘không được nhiều người trong đảng đồng tình’, ông Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu các vấn đề châu Phi và phương Đông ở London, nhận định.
Một số người thậm chí còn kêu gọi cho nghỉ việc đối với nhà kinh tế Hồ An Cương, giáo sư Đại học Thanh Hoa và là một trong những người nổi bật chủ xướng lý thuyết về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đã có 27 người tốt nghiệp từ ngôi trường danh giá này đã ký vào thư kiến nghị sa thải giáo sư Hồ.
Sự bất bình đối với việc ông Tập củng cố quyền lực, trong đó có việc Quốc hội hồi tháng Ba dỡ bỏ quy định hạn chế nhiệm kỳ chủ tịch nước trong Hiến pháp và xây dựng sự sùng bái cá nhân xung quanh ông Tập, vẫn còn dai dẳng.
Sự bất bình này được lên tiếng trong bài bình luận đầy than thở có tựa đề ‘Lo sợ hiển hiện, Hy vọng trước mắt’ do giáo sư luật Hứa Chương Nhuận của Đại học Thanh Hoa chấp bút. Ông Hứa cảnh báo rằng: “Một lần nữa người dân trên khắp Trung Quốc… đang có cảm giác bất an, một sự lo lắng ngày càng tăng về hướng đi của đất nước cũng như về an ninh của bản thân.”
“Những lo lắng này đã gây ra một tình trạng như là hoảng loạn khắp nước,” ông Hứa viết và liệt ra tám mối quan ngại của người dân trong đó có kiểm soát chặt chẽ hơn về tư tưởng, trấn áp giới trí thức, viện trợ nước ngoài quá nhiều và ‘Chấm dứt công cuộc cải cách và quay trở lại nền toàn trị’.
Thậm chí táo bạo hơn, ông Hứa kêu gọi khôi phục lại quy định hạn chế nhiệm kỳ chủ tịch nước và đánh giá lại phong trào đấu tranh ủng hộ dân chủ diễn ra ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào năm 1989. Mặc dù ông Hứa được cho là không có ở trong nước và không bị trừng phạt chính thức, một nhà chỉ trích chính phủ lâu năm khác, giáo sư về hưu Tôn Văn Quảng, đã bị công an bắt đưa lên xe kéo đang lúc ông trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ giữa chừng mà khi đó ông đả kích chính sách vung tiền của chính phủ ở nước ngoài.
Một dấu hiệu nữa cho thấy chính quyền ông Tập đang lo lắng là chiến dịch thúc đẩy lòng yêu nước trong giới trí thức – một phương pháp thường thấy khi ý kiến công luận được xem là cần phải được chấn chỉnh.
Phần lớn sự bất mãn đối với ông Tập có thể xuất phát từ sự quản lý được nhìn nhận là kém hiệu quả của chính quyền ông Tập, giáo sư Trương Minh nói.
“Nếu anh muốn làm hoàng đế, anh phải có thành tích vĩ đại,” ông Trương nói. “Ông ấy (ông Tập) vẫn chưa có gì cả, do đó khó mà thuyết phục người dân.”
TQ kêu gọi Malaysia
giải quyết quan ngại bằng đàm phán
Trung Quốc hôm thứ Ba nói Malaysia nên giải quyết bất kì vấn đề nào với các dự án cơ sở hạ tầng nhiều tỉ đôla do Trung Quốc tài trợ thông qua đàm phán, một ngày sau khi nhà lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á này nói với AP rằng chính phủ của ông muốn hủy bỏ những thỏa thuận đó.
Bộ ngoại giao ở Bắc Kinh bênh vực các dự án của Trung Quốc ở Malaysia, nói rằng những thỏa thuận như vậy đã mang lại lợi ích hữu hình cho cả hai nước.
“Bất kì vấn đề nào nảy sinh trong quá trình hợp tác nên được xử lí đúng mực thông qua đàm phán thân thiện,” Bộ nói trong thông cáo được fax cho AP.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói ông muốn duy trì mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc và hoan nghênh đầu tư của nước này, miễn là các dự án đó có lợi cho Malaysia. Nhưng ông đã đưa ra lập trường cứng rắn nhất tới giờ đối với các đường ống dẫn năng lượng do Trung Quốc hậu thuẫn và một dự án đường sắt dọc theo bờ biển phía đông bán đảo của Malaysia mà người tiền nhiệm Najib Razak đã thỏa thuận.
Các dự án này là một phần trong kế hoạch Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để xây dựng các hải cảng, tuyến đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác phục vụ cho thương mại khắp Châu Á, thường được xây cất bởi các nhà thầu Trung Quốc và được tài trợ bằng các khoản cho vay từ các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc. Các dự án Vành đai và Con đường ở Thái Lan, Sri Lanka và các nước khác đã bị phàn nán là quá tốn kém, cung cấp quá ít công ăn việc làm cho các công ty địa phương hoặc có thể tạo điều kiện cho tình trạng tham ô và nhũng nhiễu khác.
Chính phủ mới của Malaysia đã đình chỉ thi công các dự án này và kêu gọi cắt giảm mạnh chi phí đang tăng cao, hiện ước tính là hơn 22 tỉ đôla. Một phần số tiền đó đã được trả và có thể lấy lại.
Trong một cuộc phỏng vấn với AP hôm thứ Hai, ông Mahathir cũng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng việc tàu thuyền di chuyển tự do khắp Biển Đông và nhắc lại lời kêu gọi của ông không để cho tàu chiến nào đóng ở đó.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh “luôn ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực Biển Đông theo luật pháp quốc tế.”
Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á bao gồm Malaysia có những tuyên bố chủ quyền cạnh tranh đối với các đảo và bãi đá ở Biển Đông – cùng với các ngư trường phong phú và các mỏ nhiên liệu hóa thạch tiềm năng xung quanh chúng.
TT Hàn Quốc: sẽ có một ‘bước đi táo bạo’
tại thượng đỉnh với Triều Tiên
Hôm 15/8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết ông và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có một “bước đi táo bạo” trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới để chính thức kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài sáu thập niên chia cắt hai miền Triều Tiên.
Tổng thống Moon đã tuyên bố như vậy trong một buổi lễ ở thủ đô Seoul nhân dịp kỷ niệm 73 năm giải phóng bán đảo Triều Tiên khỏi sự cai trị của quân phiệt Nhật.
Cũng trong tuần này lãnh đạo hai miền đã công bố sẽ gặp nhau ở thủ đô Bình Nhưỡng vào tháng tới. Trong năm nay ông Moon và ông Kim đã gặp nhau hai lần, đều ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm thuộc khu vực biên giới phân cách hai miền.
Ngoài ra, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết chính phủ của ông có kế hoạch bắt đầu một dự án đường sắt chung với Triều Tiên trong năm nay, đồng thời cũng gắn kết việc hợp tác kinh tế hai miền với việc giải trừ hạt nhân ở Triều Tiên.
Hôm 15/8, Tổng thống Hàn Quốc cho biết: “Đây là mục tiêu để tổ chức các buổi lễ đột phá trong năm nay, kết nối lại tuyến đường sắt và đường bộ theo thỏa thuận trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm. Việc kết nối lại tuyến đường sắt và đường bộ là khởi đầu của sự thịnh vượng chung trên Bán đảo Triều Tiên.”
Tổng thống Moon còn cho biết việc chấm dứt “sự ngờ vực sâu sắc” giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ là điều cần thiết trong việc thực hiện thỏa thuận hai miền. Nhưng ông nói thêm rằng việc cải thiện quan hệ hai miền không phụ thuộc vào quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Ông Moon nói thêm rằng ngay cả khi “sự thống nhất chính trị” giữa Triều Tiên và Hàn Quốc là một chặng đường dài, việc thiết lập hòa bình, cho phép đi lại giữa hai miền và hình thành một cộng đồng kinh tế chung “sẽ là sự giải thoát thực sự cho chúng ta.”
New Zealand ra luật
cấm người nước ngoài mua nhà
Quốc hội New Zealand hôm 15/8 thông qua luật cấm nhiều người nước ngoài không thuộc diện định cư mua các ngôi nhà hiện có, động thái này cũng thực hiện cam kết tranh cử của chính phủ do Công đảng lãnh đạo.
Jacinda Ardern, thủ tướng 38 tuổi được ủng hộ rộng rãi của New Zealand, đã vận động trước cuộc bầu cử vào tháng 9 với lời hứa làm giảm giá nhà và giảm tỷ lệ vô gia cư cao, một phần các biện pháp để đạt được các điều đó là cấm người nước ngoài mua nhà.
Việc người nước ngoài sở hữu nhà đã dẫn đến nhiều chỉ trích trong những năm gần đây, khi New Zealand vật lộn với một cuộc khủng hoảng nhà ở, trong đó, mức giá trung vị ở thành phố lớn nhất, Auckland, đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua, và tăng hơn 60% trên toàn quốc.
Mức tăng giá nhà đã giảm dần trong năm qua, một phần do những biện pháp hạn chế của ngân hàng trung ương được áp dụng đối với việc cho vay. Ngân hàng trung ương đã nhận thấy những nguy cơ mất ổn định tài chính của một thị trường quá nóng.
Số liệu do Viện Bất động sản New Zealand công bố hôm 15/8 cho thấy giá nhà trung vị đã giảm 1,8% xuống còn 360.140 đôla trong tháng 7 từ mức của tháng trước, mặc dù giá vẫn cao hơn 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 6, chính phủ đã nới lỏng một chút lệnh cấm được đề xuất, để những người không định cư vẫn có thể sở hữu tới 60% số căn hộ trong các tòa nhà chung cư mới xây, nhưng sẽ không còn có thể mua những căn nhà hiện có nữa.
Các số liệu chính thức cho thấy mức độ mua nhà của nhà đầu tư nước ngoài tương đối thấp – khoảng 3% các giao dịch bất động sản trên toàn quốc New Zealand.
Tuy nhiên, dữ liệu này không thống kê tài sản được mua thông qua các quỹ tín thác, đồng thời cho thấy giao dịch tài sản liên quan đến người nước ngoài tập trung cao ở một số khu vực, chẳng hạn như trung tâm thành phố Auckland và điểm nóng cảnh quan đẹp ở phía nam của Queenstown.
Phần lớn người mua nước ngoài đến từ Trung Quốc và nước láng giềng Australia, theo cơ quan dữ liệu thống kê New Zealand.
https://www.voatiengviet.com/a/new-zealand-ra-luat-cam-nguoi-nuoc-ngoai-mua-nha/4529805.html