Tin khắp nơi – 15/07/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 15/07/2019

Các công ty Mỹ gặp thách thức ‘đáng kể’

khi làm ăn ở Việt Nam

Các công ty của Mỹ vẫn gặp những thách thức “đáng kể”, bao gồm cả tham nhũng, khi tiến hành kinh doanh ở Việt Nam, một thị trường đang thu hút dòng vốn lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo một phúc trình của Hoa Kỳ.

Báo cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao (BNG) Mỹ về đánh giá các môi trường đầu tư nước ngoài cho thấy, măc dù Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn FDI từ nhiều nước, nhưng những thách thức “đáng kể” mà các công ty Mỹ gặp phải trong các hoạt động kinh doanh của họ ở Việt Nam là “sự diễn giải luật không nhất quán, việc thực thi pháp luật bất thường và các luật lệ không rõ ràng”.

XEM THÊM:

Quan chức Việt Nam đòi Mỹ ‘lại quả’ từ các hợp đồng mua vũ khí

Việt Nam thu hút 19,1 tỷ USD vốn FDI trong năm 2018, tăng 9,1% so với năm 2017, trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn cầu giảm gần 1/5, theo báo cáo, trong đó cung cấp thông tin cụ thể về các môi trường kinh doanh của hơn 170 nước để giúp các doanh nghiệp Mỹ cân nhắc trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Việt Nam thiếu một nền tư pháp độc lập, và thiếu sự chia tách quyền lực giữa các ngành của chính phủ.

Báo cáo Môi trường đầu tư của BNG Mỹ

BNG Mỹ nhận định rằng các dòng vốn FDI lớn chảy vào Việt Nam một phần do các cải cách kinh tế đang diễn ra, khi Việt Nam đang có một dân số trẻ và ngày càng đô thị hóa cũng như có nền chính trị ổn định và lực lượng lao động rẻ.

Tuy nhiên, theo báo cáo, vẫn còn có các thách thức đáng kể, bao gồm tham nhũng, một hệ thống cơ sở pháp lý và luật pháp yếu, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ kém, sự thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng, các thực hành lao động hạn chế, và các trở ngại đối với đầu tư cơ sở hạ tầng.

Một khảo sát của các Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) ở khu vực ASEAN được trích dẫn trong báo cáo của BNG Mỹ phát hiện ra rằng, hơn bất cứ quốc gia nào ở Đông Nam Á, các công ty của Mỹ nhận thấy sự thiếu hụt trong thực thi luật pháp một cách công bằng ở Việt Nam, mà điều này ảnh hưởng nặng nề tới khả năng của họ trong việc kinh doanh ở Việt Nam.

Nhận định về đánh giá của BNG Mỹ đối với môi trường kinh doanh ở Việt Nam, Hai Pham, một giám đốc cao cấp của Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN, nói với VOA rằng “các luật lệ

đôi khi được đề xuất và thông qua đã ngăn cản các hoạt động kinh doanh và tạo ra các rào cản thuế và phi thuế quan đối với thương mại.”

Transparent International xếp Việt Nam ở mức 117 trên tổng số 180 quốc gia trên bảng tổng sắp về chỉ số tham nhũng năm 2018.

“Việt Nam thiếu một nền tư pháp độc lập, và thiếu sự chia tách quyền lực giữa các ngành của chính phủ,” báo cáo của BNG Mỹ viết. “Ví dụ, người đứng đầu ngành Tư pháp của Việt Nam đồng thời là một thành viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.”

BNG Mỹ trích dẫn đánh giá của Transparency International nói rằng nguy cơ tham nhũng trong các phán quyết tòa án là đáng kể vì gần một phần năm các hộ gia đình Việt Nam được khảo sát nói rằng họ phải hối lộ khi ra tòa, và do đó, nhiều doanh nghiệp tránh xa các tòa án ở Việt Nam.

Các công ty của Mỹ nhận thấy sự thiếu hụt trong thực thi luật pháp một cách công bằng ở Việt Nam, mà điều này ảnh hưởng nặng nề tới khả năng của họ trong việc kinh doanh ở Việt Nam.

Khảo sát của các phòng thương mại Mỹ (AmCham)

Tiến sỹ kinh tế Phạm Đỗ Chí, người đã tới Việt Nam vài lần trong năm nay cùng với các công ty Mỹ để xem xét cơ hội đầu tư tại TP HCM, hồi tháng 5 nói với VOA rằng “red-tape” (tệ quan liêu) là một trong những cản trở hàng đầu đối với các doanh nghiệp Mỹ khi xem xét đầu tư tại Việt Nam.

Khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) năm 2016 cho thấy, khoảng 66% doanh nghiệp tại Việt Nam phải trả “phí bôi trơn” cho quan chức địa phương.

Tuy nhiên, chuyên gia về Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN, có trụ sở chính ở Washington DC, Hai Pham, nói rằng chính phủ Việt Nam, qua quá trình làm luật, sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên tham gia, bao gồm cả khối tư nhân của Mỹ, để có được một kết quả có lợi cho các bên.

Theo ông Hai Pham, trong khi “các công ty có thể có những khó khăn nhất định, phụ thuộc vào từng ngành kinh doanh do các bộ quản lý, thì ở cấp cao nhất, chính phủ Việt Nam lại tập trung vào việc thúc đẩy kinh doanh và thu hút FDI có chất lượng cao.”

Việt Nam, hiện đứng thứ 69/190 về môi trường kinh doanh theo báo cáo “Doing Business 2019” của Ngân hàng Thế giới, có quan hệ thương mại với hơn 200 nước và có hiệp định đầu tư hai chiều (BIT) với 66 quốc gia.

Hiệp định thương mại 2 chiều (BTA) giữa Mỹ và Việt Nam, ký kết năm 2001, đã biến đổi mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia cựu thù và thúc đẩy quá trình Việt Nam tham gia vào nền kinh tế toàn cầu nhanh chóng hơn, với việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Kể từ khi BTA được ký kết, thương mại song phương Mỹ-Việt tăng từ 2,9 tỷ USD trong năm 2002 lên 54,6 tỷ trong năm 2017, theo Cơ quan Thương mại Quốc tế Mỹ.

Việt Nam đang “cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn hoạt động tại Việt Nam.”

Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn BNG Việt Nam

Cơ quan này đánh giá rằng Việt Nam là một nước hưởng lợi chính từ mối quan hệ thương mại được cải thiện này.

Hiện Việt Nam có mức thâm hụt thương mại 39,5 tỷ USD với Mỹ vào năm 2018, tăng 3,1% so với năm 2017, theo dữ liệu của văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ. Việt Nam hiện đang thứ 17 trong số những bạn hàng thương mại lớn nhất với Mỹ, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 58,9 tỷ USD vào năm ngoái.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng trước cáo buộc Việt Nam là nước “lạm dụng” thương mại với Mỹ nhiều nhất, tệ hơn cả Trung Quốc. Người phát ngôn BNG Lê Thị Thu Hằng sau đó nói với VOA rằng Việt Nam đang “thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu” cũng như “cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn hoạt động tại Việt Nam.”

Khảo sát 2017 của AmCham cho thấy 54% các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động ở Việt Nam thấy rằng môi trường đầu tư nhìn chung sẽ được cải thiện và 72% những doanh nghiệp Mỹ tham gia khảo sát nói sẽ mở rộng kinh doanh ở Việt Nam.

https://www.voatiengviet.com/a/cac-tong-ty-my-gap-thach-thuc-dang-ke-khi-lam-an-o-viet-nam/5001048.html

 

Lý do Mỹ ngần ngại bán tiêm kích F-16 cho Đài Loan

Trung Quốc cảnh báo việc bán F-16 cho Đài Loan là “vượt lằn ranh đỏ”, khiến Mỹ không muốn vội vàng thông qua thương vụ.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 8/7 phê duyệt hợp đồng bán cho Đài Loan 108 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2T Abrams, 250 tên lửa phòng không vác vai Stinger và khí tài đi kèm có tổng trị giá 2,2 tỷ USD, bất chấp Bắc Kinh kêu gọi Washington không bán vũ khí cho Đài Bắc để tránh làm tổn hại quan hệ song phương.

Hồi tháng 3, truyền thông Mỹ dẫn nguồn tin giấu tên trong chính quyền Tổng thống Donald Trump đã âm thầm chấp nhận yêu cầu của Đài Loan mua 60 tiêm kích F-16V “Viper” trị giá 13 tỷ USD. Tuy nhiên, thương vụ này không được nhắc đến thông báo hôm 8/7 của Bộ Ngoại giao Mỹ, sau khi Trung Quốc tuyên bố việc chuyển giao tiêm kích F-16 cho Đài Loan là “lằn ranh đỏ” mà Mỹ không được phép vượt qua.

“Hợp đồng tiêm kích F-16V có vai trò quan trọng hơn nhiều so với thỏa thuận bán xe tăng và tên lửa phòng không mà Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua. Phi đội chiến đấu cơ Đài Loan ngày càng lạc hậu, trong khi năng lực tác chiến không quân của Trung Quốc đang tiến bộ rất nhanh”, chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.

F-16V là phiên bản tiêm kích F-16 hiện đại nhất thế giới, được trang bị nhiều công nghệ hiện đại như radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), máy tính điều khiển thế hệ mới và hàng loạt cải tiến trong buồng lái giúp đối phó nhiều mục tiêu cùng lúc. Phi công cũng được trang bị hệ thống ngắm bắn gắn trên mũ bay, tăng khả năng tác chiến của tên lửa tầm nhiệt AIM-9X.

Đây được đánh giá là sự bổ sung lớn cho lực lượng phòng vệ Đài Loan, vốn đang sở hữu 144 tiêm kích F-16A/B Block 20, 55 chiếc Mirage 2000 mua từ Pháp và 129 chiến đấu cơ nội địa Ching-kuo, tất cả đều được biên chế từ thập niên 1990. Chính quyền hòn đảo đang thực hiện dự án trị giá 5 tỷ USD nhằm nâng cấp phi đội F-16A/B lên chuẩn F-16V với sự hỗ trợ từ Mỹ, 4 chiếc đầu tiên đã được bàn giao cuối năm 2018.

Giới quan sát cho rằng cảnh báo về “lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh dường như là lý do chính khiến Washington chưa muốn thông qua hợp đồng bán F-16, nhằm tránh chọc giận Trung Quốc khi hai nước vẫn đang căng thẳng trong nhiều vấn đề.

“Việc phê duyệt hợp đồng bán F-16 cho Đài Loan có thể phá hoại những cuộc đàm phán giải quyết chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vừa được nối lại, thậm chí còn tệ hơn thế. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhiều lần cảnh báo sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan nếu hòn đảo này tìm cách tuyên bố độc lập”, Rogoway nói thêm.

Kể từ sau hợp đồng bán 150 máy bay F-16 được cựu tổng thống George H.W. Bush thông qua hồi năm 1992, Mỹ không tiếp tục bán tiêm kích hiện đại cho Đài Loan nhằm tránh gây căng thẳng với Trung Quốc. Chính quyền cựu tổng thống Barack Obama từng hủy hợp đồng bán 66 chiếc F-16C/D Block 50 cho Đài Bắc vào năm 2011 do áp lực từ Bắc Kinh.

Một khả năng được nhiều chuyên gia nhắc tới là chính quyền Trump đang sử dụng hợp đồng F-16V làm quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, đồng thời phê duyệt hợp đồng bán xe tăng Abrams và tên lửa Stinger để xoa dịu Đài Loan.

“Điều này giúp Mỹ có thêm lợi thế khi đàm phán, nhưng cũng tạo ra tiền lệ xấu khi cho thấy Washington sẵn lòng hủy bỏ các thỏa thuận mua bán vũ khí đã thông qua để nhận được sự nhượng bộ từ bên thứ ba”, Rogoway đánh giá, cho rằng số phận của hợp đồng F-16V cho Đài Loan sẽ sớm được quyết định trong các cuộc đàm phán thương mại tới đây giữa Mỹ và Trung Quốc.

http://biendong.net/bi-n-nong/29300-ly-do-my-ngan-ngai-ban-tiem-kich-f-16-cho-dai-loan.html

 

Apollo 11:

 ‘Chương trình phát sóng lớn nhất lịch sử truyền hình’

James JeffreyAustin, Texas

Chương trình truyền hình đầy mê hoặc về cuộc đổ bộ xuống Mặt Trăng Apollo 11 cách đây 50 năm đã đem tới cho hàng triệu gia đình những hình ảnh và ý tưởng không thể tưởng tượng được trước đó, và để lại tác động sâu sắc cho văn hóa nhạc pop và tâm lý người Mỹ.

Khi tàu đổ bộ Eagle hạ cánh xuống Mặt Trăng vào ngày 20/7 năm 1969, một máy quay gắn trên tàu đã ghi hình được bước chân đầu tiên và những lời của phi hành gia Neil Armstrong, gửi qua hàng trăm hàng ngàn dặm đến hàng trăm triệu cặp mắt đang dán vào tivi.

Saturn V: Tên lửa đưa con người lên Mặt Trăng

Chinh phục Mặt Trăng: Những người hy sinh vì Apollo

TQ, châu Âu và tham vọng lên Mặt Trăng định cư

Walter Cronkite, đang đưa tin về của sứ mệnh Apollo 11 trên đài CBS, lúc đó đã không nói nên lời. Cuối cùng ông cũng thốt lên, “Con người đã lên đến Mặt Trăng! … Ôi, trời ơi!”

Sau này nhớ lại, ông Cronkite bảo đã hy vọng nói được điều gì đó sâu sắc hơn nhưng thật sự đó là “tất cả những gì tôi có thể thốt ra”.

Tuy nhiên, chất lượng tổng thể của chương trình tường thuật suốt ngày đêm của Cronkite, cùng đội ngũ truyền thông tràn đầy năng lượng và cực kỳ tận tâm, đã ảnh hưởng lâu dài đến nhận thức của công chúng về Appllo 11, và người xem không để ý đến tiểu tiết.

Robert Wussler, nhà sản xuất của Cronkite, nói với tạp chí Variety rằng đây sẽ là “chương trình phát sóng trực tiếp lớn nhất thế giới” trong lịch sử truyền hình.

Thật vậy, khi chương trình lên sóng, nó đại diện cho đỉnh cao của một chiến dịch quan hệ công chúng to lớn bắt đầu từ nỗ lực của Nasa vào năm 1958 và được các nhà báo và chính trị gia Nasa duy trì, bằng cách tìm cách nâng cao nhận thức về sứ mệnh Apollo.

Cronkite, qua những tường thuật này đã được biết đến là “người đàn ông đáng tin cậy nhất ở Mỹ”, lên sóng trong 27/30 giờ của quãng thời gian phi hành đoàn của Apollo 11 hoàn thành nhiệm vụ, mang lại cho ông biệt danh “quần sắt”.

“Cronkite vẫn xuất khẩu thành thơ như chưa bao giờ thấy”, Edward Sills nhớ lại, ông đã theo dõi cuộc đổ bộ mặt trăng khi còn là một thiếu niên trẻ trong phòng khách của mình ở Long Beach, New York. “Anh ta vừa mới trường thuật xong, và chỉ trích cuộc chiến tranh Việt Nam, vì thế có thể tự cho phép mình thoải mái hơn một chút. Apollo 11 là một sự kiện tuyệt vời với một cậu bé 13 tuổi, và Cronkite cũng nhìn nó qua đôi mắt trẻ thơ.”

Sự vĩ đại cũng được ông của Sills mê say ghi nhận. Ông của Sills cũng ngồi xem truyền hình bên cạnh cháu.

“Ông sinh ra vào tháng 10 năm 1893, vì vậy lớn lên từ thời đi ngựa và xe lôi, và đã quá đỗi vui mừng khi chứng kiến thời khắc lịch sử đó,” ông Sills nói. “Sự phát triển của công nghệ thật là khó tin và [Cronkite] đã giải thích nó thật tuyệt vời như thế nào.”

Cronkite trước đây đã theo dõi chương trình tên lửa của Hoa Kỳ khi dưới sự giám sát của Không quân Hoa Kỳ, những người thường tỏ ra thù địch với Cronkite và CBS trong các lần phóng thử nghiệm và tham quan cơ sở vào thập niên 1950.

“Trong những ngày đầu, chúng tôi phải đưa tin chương trình không gian từ ngoài căn cứ [và] không quân không cung cấp cho chúng tôi thông tin trước”, Cronkite kể lại trong cuốn Conversations with Cronkite, trong đó Don Carleton, giám đốc điều hành của Trung tâm Lịch sử Hoa Kỳ Dolph Briscoe, nơi lưu trữ về Cronkite, đã phỏng vấn Cronkite về cuộc đời và sự nghiệp phi thường của ông.

“[Nhưng] tất cả chúng tôi đều biết khi nào một chuyến đi sắp diễn ra, bởi vì chúng tôi đang ở trong nhà nghỉ và những người này sẽ đi ra ngoài, họ sẽ rời đi, họ sẽ rời khỏi quán bar, và rồi đèn sẽ sáng [xung quanh bệ phóng] và chúng tôi biết điều gì đó sắp xảy ra.”

Mỹ muốn dùng tàu vũ trụ Trung Quốc để lên mặt trăng

Trung Quốc đưa tàu thăm dò lên vùng tối của Mặt Trăng

Sau khi thành lập Nasa, chính phủ nhận ra rằng sẽ tốt hơn nếu công chúng ủng hộ tổ chức này.

Đây chính là món quà từ thiên đường cho giới truyền thông, đặc biệt là vào năm 1961 khi Tổng thống John F Kennedy cam kết sẽ đưa một người lên mặt trăng vào cuối thập kỷ này.

“Nasa đã làm một công việc tuyệt vời là tiếp thị sứ mệnh Apollo, cấp tin cho các phóng viên thay vì giấu kín”. Tracy Dahlby tại Trường Báo chí Austin của Đại học Texas nói.

“Họ đã tuyển các phi hành gia như những anh hùng trong phim và truyền thông đã ăn theo nó. Đó là một câu chuyện lạc quan mà họ có thể kể trong thời điểm thống trị của tin tức về Chiến tranh Việt Nam và chính trị hỗn loạn của quốc gia.”

Vào thời của Apollo 11, TV đã đầu tư rất nhiều vào các chương trình không gian. Thậm chí hợp tác sản xuất như trường hợp Ben Wright của Trung tâm Briscoe.

“Lúc đó các hãng phim đã phát triển mạnh kỹ năng của họ,” ông Wright nói. “Mặc dù chưa có công nghệ như chia màn hình, nhưng những gì bạn thấy không khác nhiều so với các bản tin ngày nay, với các phân đoạn hình ảnh và phóng viên ở hiện trường.”

Kế hoạch của CBS News rất phức tạp, tốn kém và có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều địa điểm đưa tin trên ba lục địa. Các tài liệu của CBS từ thời điểm đó đã mô tả tầm quan trọng của viêc đưa tin nhiệm vụ Apollo 11.

“[Mặt trăng là] bước đầu tiên trong nỗ lực của con người để có được cái nhìn toàn cảnh hơn về Trái đất và mối quan hệ của chúng ta với thế giới khác, các yếu tố khác, và cuộc sống khác”, một bản ghi nhớ được viết như lời thơ.

“Chuyến bay Apollo này sẽ được xếp trong lịch sử sánh ngang với những sự kiện trong hàng ngàn năm qua được lưu lại bởi các nhà thơ, nhà sử học và những người vượt qua giới hạn để tìm thấy một lục địa mới, chinh phục đại dương hoặc một vùng cực hoặc đỉnh núi mới.”Nó không chỉ là óc tưởng tượng của giới làm truyền hình đánh cuộc đầu tư của họ vào việc thu hút người xem.

“Sẽ thật tuyệt vời nếu việc chinh phục mặt trăng khiến nhiều người Mỹ tự hào hơn khi họ sống trên quốc gia vĩ đại nhất trên trái đất”, Bob Eckart, một nhân viên bảo hiểm, viết trong một lá thư ngày 15 tháng 5 cho Walter Cronkite, trước khi mô tả một “Bữa tiệc mặt trăng” mà ông và bạn bè đã lên kế hoạch tổ chức, đầy đủ với “bánh quy bụi mặt trăng”, “súp miệng núi lửa” và “ánh trăng” để uống.

CBS, cùng với hai hãng tin khác, NBC và ABC, đã chi tổng cộng 13 triệu đôla cho chương trình, gần bằng số tiền họ đã chi trả cho tháng 11 trước đó cho cuộc bầu cử tổng thống năm 1968.

Nasa đã giúp đỡ các hãng tin rất nhiều. Họ vừa phải tập trung để ‘làm nên lịch sử’, vừa phải lo về ngân sách tương lai, nhưng vẫn làm việc không mệt mỏi để tạo ra các tài liệu nghe nhìn về mặt trăng, hình ảnh và các cập nhật cho truyền thông gần với thời gian thực nhất có thể, (tất cả nằm trong một một bộ công cụ báo chí toàn diện gồm 254 trang).

Kết quả là 94% người sở hữu TV tại Mỹ đã theo dõi sứ mệnh mặt trăng.

“Không có truyền hình, cuộc đổ bộ lên mặt trăng sẽ chỉ là một thành tích ấn tượng – một chiêu trò tốn kém, đối với người hoài nghi,” Joshua Rothman của New York nhận xét. “Thay vào đó, việc được xem trực tiếp, không chỉnh sửa và ở khắp mọi nơi, đã đem đến trải nghiệm chân thực trên toàn cầu.”

Ông Wright nhấn mạnh sự màu nhiệm của việc phát sóng một tin tốt lành giữa sự hỗn loạn của thập niên 1960 ở Mỹ, ngoài các cuộc biểu tình về Chiến tranh Việt Nam còn có các vụ ám sát các nhà lãnh đạo dân quyền và chính trị gia, bạo loạn ở vô số thành phố của Mỹ và một hội nghị quốc gia dân chủ đã rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Một phần khác của sự hấp dẫn, theo John Craft, giáo sư tại Trường Báo chí Walter Cronkite tại Đại học bang Arizona, là cuộc đổ bộ diễn ra trong bối cảnh người Nga đưa vệ tinh Sputnik vào không gian.

“Người Mỹ đã thấy có một sự thách thức đối với vai trò lãnh đạo thế giới của mình”, ông Craft nói. “Vì vậy, đưa người lên mặt trăng giúp chúng ta trở có lại vị trí dẫn đầu.”

Tuy nhiên, trong suốt hành trình đó, sự thể hiện mạnh mẽ, đầy nhiệt huyết Mỹ có thể biến thành bi kịch chỉ trong tíc tắc – và người xem biết điều đó.

“Chương trình TV đưa bạn vào phòng điều khiển Houston, nơi có hàng đống người đổ mồ hôi hột, tự hỏi liệu chuyện này có thành công không, và liệu họ có thể đưa các phi hành gia rời khỏi mặt trăng hay không”.

“Người xem cảm thấy áp lực y hệt như những người ngồi trong phòng điều khiển – bạn có thể coi nó là hư cấu, nhưng xem cả quá trình trong thời gian thực và không biết điều gì sẽ xảy ra khiến mọi thứ kịch tính đến khó tin.”

Ông cũng vạch ra rằng chưa bao giờ có một sự kiện truyền thông nào hấp dẫn người xem như vậy.

“Khi xem chương trình ở Ohio, tôi có thể đi đến cửa sổ và nhìn ra mặt trăng, cùng lúc trên TV chiếu hình một người đàn ông đặt chân lên nó,” ông Craft nói. “Đó sẽ là một khoảnh khắc thật khó để có lại.”

Cronkite đã mô tả cuộc đổ bộ khoảnh khắc Christopher Columbus của Thế kỷ 20 – một thành tích hoành tráng nhưng cũng chứa đựng những tranh cãi của chính nó.

Image captionJames Burke, Cliff Michelmore và Patrick Moore của BBC tường thuật về sự kiện

Các nhà sử học tranh luận về tầm quan trọng của các nhiệm vụ của Apollo của Nasa. So với penicillin hoặc microchip, hạ cánh trên mặt trăng có vẻ là một thành tích phù phiếm.

Về mặt chính trị thế giới vẫn tiếp tục vận hành như trước đây, mặc dù một số nhà bình luận hy vọng cuộc đổ bộ lên mặt trăng sẽ là sự mở đầu cho hòa bình thông qua việc truyền cảm hứng và sáng tạo.

“Sứ mệnh Apollo 11 cũng là một trải nghiệm tuyệt đối trắng,” ông Wright nói, “với rất nhiều người đàn ông mặc com lê nói về những người đàn ông trong bộ đồ vũ trụ một cách rất chân thành, thường trích dẫn bi kịch Hy Lạp”. Phụ nữ hoặc người da màu hầu như không được nhắn đến – ngay cả những bộ đồ của phi hành gia cũng không thể trắng hơn thế, ông lưu ý.

Nó cũng cực kỳ đắt đỏ, vào khoảng 19,4 tỷ đôla, theo báo cáo năm 2009 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội – ước tính khoảng 116,5 tỷ đôla theo tỷ giá hiện nay.

Giới chỉ trích vào thời điểm đó, bao gồm các nhân vật trong các phong trào chống chiến tranh và dân quyền, đã chỉ ra việc một người đàn ông trên mặt trăng thì chẳng mấy có ích cho các trẻ em nghèo ở các thành phố bị lãng quên của Mỹ (ngày nay người ta bẻ lại rằng nghiên cứu khoa học từ chương trình vũ trụ đã mang lại vô số phát triển mà ngày nay chúng vẫn tiếp tục mang lại lợi ích cho cuộc sống hàng ngày).

“Thật dễ quên khi nhìn vào các sự kiện qua tấm gương chiếu hậu, rằng công chúng Mỹ lo ngại về số tiền bỏ ra để đưa một người lên mặt trăng, trong khi chúng ta cũng phải đối mặt với những vấn đề tương tự khi nhìn vào chúng ta ở trái đất,” ông Dahlby nói.

“Báo chí có thể là một công cụ cùn, nhưng tôi nghĩ rằng truyền thông ngày nay, tốt nhất, nên xem xét kỹ lưỡng hơn tất cả các khía cạnh của một câu chuyện lớn như sứ mệnh đặt trên lên mặt trăng – những gì liên quan đến nó, những người liên quan, chi phí – và đây là cách tốt nhất: tường thuật dựa trên dữ liệu và các kỹ thuật mới khác, có nghĩa là một nền báo chí có trách nhiệm có thể đào sâu hơn, nhanh hơn và làm tốt hơn. “

Sau khi hoàn thành sứ mệnh, Nasa đã làm việc cật lực để thúc đẩy các hoạt động và củng cố di sản của mình, nhưng trong những năm 1970, cả công chúng và giới truyền thông bắt đầu đặt câu hỏi về chi phí liên quan đến sứ mệnh thám hiểm không gian.

Tuy nhiên, tác động mang tính văn hóa của việc đặt chân lên mặt trăng đã được chứng minh, một cách sâu sắc, không bàn cãi. “Mặt tối của mặt trăng”, “đại bàng đã hạ cánh” và “một bước đi ngắn của con người, một bước tiến vĩ đại của nhân loại”, vĩnh viễn đi vào từ vựng của Mỹ.

Trong khi đó, niềm đam mê với khoảng không vũ trụ không bị thui chột. Thập niên 1970 chứng kiến sự bùng nổ các mối quan tâm đến khoa học viễn tưởng, ảnh hưởng đến các ngôi sao nhạc rock như Pink Floyd và David Bowie và các nhà sản xuất phim như George Lucas, đạo diễn bộ phim kinh điển “Chiến tranh giữa các vì sao” năm 1977 và Ridley Scott, đạo diễn bộ phim khoa học giả tưởng kinh dị “Alien” ra mắt công chúng năm 1979.

Cuối cùng, những hình ảnh kỳ lạ từ mặt trăng được chụp và phát sóng 50 năm trước tiếp tục vượt qua mọi cuộc tranh luận về lợi ích và chi phí của cuộc thám hiểm mặt trăng.

113 điều về các sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử

“Những phát triển khoa học và công nghệ trong thế kỷ này khiến chúng ta kinh ngạc”, Cronkite hồi tưởng lại trong cuốn Những cuộc trò chuyện với Cronkite.

“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng một sự kiện, một tình tiết sẽ được ghi nhớ, là khi con người thoát khỏi môi trường của mình trên trái đất.”

Sau đó, trở lại với mặt đất trên truyền thông Mỹ, sự xuất hiện của các mạng lưới mới và cạnh tranh gia tăng đã bắt đầu một sự thay đổi không thể chối cãi từ truyền thống cung cấp dịch vụ công sang việc kiếm tiền.

“Có quá nhiều sự cạnh tranh ngày nay, hầu hết các cơ quan truyền thông là doanh nghiệp – bạn cần kiếm tiền và chịu trách nhiệm trước các cổ đông của mình”, ông Craft nói. “Mọi người quên rằng nên có một số mối quan tâm của công chúng đi cùng với điều đó.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48960106

 

Hoa Kỳ có thể nối lại hoạt động kinh doanh với Huawei

Tin từ Washington, DC – Theo Reuters dẫn lời viên chức cao cấp Hoa Kỳ, chính phủ có thể phê duyệt giấy phép cho các công ty để tái khởi động kinh doanh với Huawei sau ít nhất hai tuần nữa.

Diễn biến này cho thấy Tổng thống Trump đã nới lỏng các hạn chế đối với công ty Trung Cộng. Trước đó vào tháng 5, Bộ Thương mại Hoa Kỳ liệt Huawei vào danh sách đen, qua đó, cấm các công ty Hoa Kỳ cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho Huawei. Tuy nhiên, vào cuối tháng trước, sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, Tổng thống Donald Trump tuyên bố các công ty Hoa Kỳ có thể bán sản phẩm cho Huawei. Ngoài ra, trong những ngày gần đây, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết chính phủ sẽ cấp giấy phép kinh doanh với Huawei, nếu an ninh quốc gia không bị đe dọa.

Sự thay đổi của Tổng thống Trump, cùng với quyết định xúc tiến nhanh chóng của Bộ Thương mại, cho thấy cuộc vận động hành lang trong ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử, cùng với áp lực chính trị từ phía Trung Cộng, có thể nối lại hoạt động mua bán kỹ thuật của Hoa Kỳ cho Huawei. Hai nhà sản xuất chip giấu tên của Hoa Kỳ chuyên cung cấp cho Huawei đã nói với Reuters rằng họ sẽ nộp đơn xin giấy phép sau thông báo của ông Ross. Trong số 70 tỷ Mỹ kim mà Huawei đã chi cho việc mua linh kiện vào năm 2018, khoảng 11 tỷ Mỹ kim đã được mua bán với công ty  Hoa Kỳ bao gồm Qualcomm, Intel và Micron Technology.

Trong những tuần qua, các viên chức Hoa Kỳ đã tìm cách đặt ra quy định rõ ràng cho chính sách mới. Theo đó, họ sẽ cho phép kinh doanh kỹ thuật không bí mật có sẵn ở nước ngoài, nếu an ninh quốc gia được bảo vệ. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng Huawei vẫn nằm trong danh sách đen, và quyết định cho phép kinh doanh chỉ là tạm thời. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/hoa-ky-co-the-noi-lai-hoat-dong-kinh-doanh-voi-huawei/

 

American Airlines gia hạn

đình chỉ hoạt động của Boeing 737 Max

Theo tin từ CBS News, vào Chủ Nhật (14 tháng 7), hãng hàng không American Airlines đã thông báo gia hạn lệnh đình chỉ hoạt động đối với phi cơ Boeing 737 Max đến ngày 2 tháng 11.

Mẫu Boeing 737 Max đã bị cấm bay trên toàn thế giới kể từ tháng 3, sau hai vụ tai nạn của Chuyến bay 610 thuộc hãng hàng không Lion Air vào tháng 10, và Chuyến bay 302 của hãng hàng không Etopian Airlines vào tháng 3. Công ty Boeing cho biết mẫu phi cơ này đang được cập nhật phần mềm điều khiển chuyến bay, và chưa được Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) phê chuẩn.

Thông báo hôm Chủ Nhật đánh dấu lần thứ năm hãng hàng không American Airlines gia hạn lệnh đình chỉ. Trước đó vào ngày 24 tháng 3 hãng hàng không này đã thông báo rằng họ sẽ gia hạn lệnh cấm đến ngày 24 tháng 4.

Theo CBS News, American Airlines có 24 phi cơ Boeing 737 Max, hãng này cho biết khoảng 115 chuyến bay sẽ bị hủy mỗi ngày từ nay cho tới ngày 2 tháng 11.  Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với hãng thông tấn AP, Giám đốc điều hành của Delta Airlines, ông Ed Bastian cho rằng việc phi cơ 737 Max được cấp chứng nhận bay trở lại sẽ mất nhiều thời gian hơn ước tính.

FAA cho biết họ đang thực hiện đúng tiến trình, nhưng hiện chưa có lịch trình cụ thể đối với thời điểm cấp chứng nhận bay cho phi cơ 737 Max.

Quyết định gia hạn lệnh đình chỉ đã bắt đầu ảnh hưởng đến Boeing.  Theo CBS News dẫn nguồn dữ kiện của công ty này, vào tuần trước, các đơn đặt hàng cho tất cả mẫu phi cơ 737, bao gồm cả 737 Max đã giảm hơn một nửa tính đến tháng 6. Ngoài ra, Boeing cũng mất một hợp đồng lớn, sau khi hãng hàng không Flyadeal hủy kế hoạch mua 50 phi cơ Boeing 737 Max trị giá 5.9 tỷ Mỹ kim.

Hôm Chủ Nhật, tờ Wall Street Journal đưa tin hoạt động sửa phần mềm bị lỗi của phi cơ 737 Max và các bước tiếp theo  có thể sẽ kéo dài đến năm 2020. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/american-airlines-gia-han-dinh-chi-hoat-dong-cua-boeing-737-max/

 

TT Trump nói với Bộ Tứ Dân biểu Dân Chủ:

‘Hãy về xứ đi’

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14/7 nói với một nhóm nữ dân biểu Dân chủ, đa số đều sinh ra tại Hoa Kỳ, bảo họ ‘hãy quay về xứ sở nơi mấy người ra đi mà giúp chấn chỉnh lại hệ thống cầm quyền hoàn toàn vô hiệu quả, đầy dẫy tội ác của mình đi”, một bình luận bị đảng Dân chủ lên án là có tính cách kỳ thị chủng tộc, theo Reuters.

Trong một loạt ba tweet liên tiếp, TT Trump nói “Thật là nực cười khi thấy các nữ dân biểu đảng Dân chủ thuộc thành phần gọi là ‘cấp tiến’, vốn đến từ các quốc gia nơi guồng máy chính phủ là một thảm họa toàn diện … chỉ bảo người dân Mỹ một cách có ác ý.. về cách nên điều hành chính phủ của chúng ta như thế nào.”

Trong khi ông Trump không đích danh nêu tên ai, nhưng hình như ông muốn đề cập đến 4 nữ dân biểu đang phục vụ nhiệm kỳ đầu tiên trong quốc hội gồm: Alexandria Ocasio-Cortez, đại diện cho New York, cô Ilhan Omar đại diện cho Minnesota, Ayanna Pressley, bang Massachusetts và Rashida Tlaib, bang Michigan – ‘Bộ Tứ’ này hay chỉ trích ông Trump và cả đương kim thủ lãnh Đảng Dân chủ tại Hạ viện.

Trong Bộ Tứ, chỉ có bà Omar xuất thân từ một gia đình đã rời Somalia sang Mỹ tị nạn, là người sinh ra bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Gia đình bà tới Minneapolis năm 1997.

Bà Ocasio-Cortez, từ cùng thành phố New York với Tổng thống Trump, trả lời trên Twitter: “Thưa Tổng thống, đất nước nơi tôi xuất phát, cũng là đất nước mà tất cả chúng ta đều thề sẽ bảo vệ, là Hoa Kỳ”. Bà nói thêm: “Ông tức giận vì ông không thể hình dung ra một nước Mỹ trong đó có chúng tôi. Ông cậy vào một nước Mỹ sợ hãi để tha hồ khai thác”.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, thành viên đảng Dân chủ đại diện bang California, mới đây cũng đối đầu với nhóm Bộ Tứ trong một vụ tranh chấp nội bộ ngày càng gay gắt, lần này đã góp tiếng với các đồng nghiệp Dân chủ khác, bênh vực nhóm 4 nữ dân biểu trong cuộc. Bà Pelosi miêu tả ý kiến của ôngTrump là ‘nặng tính bài ngoại’.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-lai-gau-o-voi-bo-tu-nghi-si-dang-dan-chu/5000039.html

 

Tổng thống Guatemala

hoãn cuộc gặp tổng thống Trump

Tin từ MEXICO CITY, Mexico — Vào hôm Chủ nhật (14/7), Guatemala cho biết họ sẽ hoãn chuyến thăm của Tổng thống Jimmy Morales tới Washington, để thảo luận về việc chỉ định Guatemala là một “quốc gia thứ ba an toàn” cho những người tầm trú, đồng thời nhấn mạnh rằng họ không hề có kế hoạch ký kết thỏa thuận này.

Trong một tuyên bố, Guatemala cho biết cuộc họp giữa ông Morales và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (dự kiến diễn ra trong tuần này) đã bị hoãn lại, cho đến khi Tòa án Hiến pháp Guatemala đưa ra phán quyết về những thách thức pháp lý. Hồi tuần trước, năm cựu viên chức cao cấp đã yêu cầu tòa ngăn chặn mọi thỏa thuận tuyên bố Guatemala là “quốc gia thứ ba an toàn” với Hoa Kỳ. Theo thỏa thuận này, Guatemala sẽ có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu tầm trú của những di dân tiến vào lãnh thổ của họ trên đường đến Hoa Kỳ. Theo Reuters, những di dân từ Honduras và El Salvador tới biên giới Hoa Kỳ-Mexico bằng đường bộ thường tiến vào Mexico qua Guatemala.

Trong tuần qua, việc chỉ định Guatemala là “quốc gia thứ ba an toàn” đã vấp phải sự phản đối ngày càng gia tăng. Nếu được thông qua, thỏa thuận này sẽ định hình lại tình hình di trú trong khu vực.

Một viên chức cao cấp của Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng cuộc họp này hiện đang được lên lịch lại. Viên chức này còn cho biết thêm rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ Guatemala về các bước tức thời cụ thể có thể được áp dụng để giải quyết cuộc khủng hoảng di dân đang diễn ra. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/tong-thong-guatemala-hoan-cuoc-gap-tong-thong-trump/

 

Maracaibo, thành phố tiêu biểu

cho sự xuống dốc của Venezuela

Thụy My

Maracaibo, thủ phủ bang Zulia vốn là thành phố tân tiến nhất của Venezuela, được xây dựng theo kiểu Mỹ với xe hơi và máy lạnh. Ngày nay người dân Maracaibo sống trong một cơn ác mộng đang dần trải rộng trên cả nước.

Người dân thành phố Maracaibo nay không còn gì cả : không có an toàn thực phẩm, không điện, không xăng dầu, ngay cả một tờ báo in để xem tin tức cũng không, vì tờ cuối cùng là Panorama đã đình bản từ hôm 15/05/2019. Dân Venezuela không còn tin vào chính quyền, và cảm thấy bị đặt dưới sự đe dọa thường trực của dân quân và vệ binh quốc gia dưới quyền tổng thống Nicolas Maduro.

Khi bước vào sảnh khách sạn Kristoff để trả lời phỏng vấn báo Pháp Le Figaro, người giảng viên đại học vẫn phải nhìn quanh quất mọi nơi, và đòi hỏi được ẩn danh. Bà lo sợ bị FAES trông thấy. Đó là lực lượng đặc biệt chống tội phạm do Maduro thành lập, có hành tung đáng ngờ, có quyền bắn chết một nghi phạm không thông qua xét xử, nhân danh  chống mafia. Ngay trước khách sạn, FAES trang bị vũ khí hạng nặng lẫn lộn với « colectivo » tức dân quân ; và cả nguyên một tầng lầu của Kristoff đang được các thành viên của Sebin, tức an ninh, chiếm ngụ.

Thành phố xài máy lạnh thả ga nay không điện, nước

Maracaibo là thành phố đầu tiên từ nhiều năm qua phải chịu đựng nạn thiếu thực phẩm, xăng dầu và nạn cúp điện xảy ra hàng ngày. Đây là nghịch lý đối với một thành phố được hưởng lợi từ dầu lửa ngay đầu thế kỷ 20. Cư dân ở đây được ưu đãi nhất nước, người dân Maracaibo luôn cảm thấy mình hơn hẳn so với những đồng bào khác.

Nằm gần hồ nước lớn nhất Nam Mỹ, ở giữa đoạn đường nối thủ đô Colombia là Bogota với thủ đô Caracas của Venezuela, Maracaibo phát triển hết sức nhanh chóng nhờ nguồn lợi dầu lửa.

Juan Romero, một địa chủ, cho biết : « Chúng tôi luôn luôn đi đầu so với cả nước. Maracaibo là địa phương đầu tiên có mạng lưới đường sắt, những con đường trải nhựa, một mạng lưới điện bao phủ toàn thành phố. Tại đây cũng có nền nông nghiệp hiện đại, một hệ thống thu mua sữa bò tươi với việc lắp đặt các tủ trữ lạnh ở các nông trại, các xe tải có hệ thống lạnh và các nhà máy xử lý sữa tươi ».

Khu vực Maracaibo là cột trụ trong việc sản xuất dầu lửa và khí đốt của Venezuela. Có đến 14.000 kilomet đường ống dẫn chạy suốt đáy hồ, hơn một triệu thùng dầu đã được xuất khẩu cách đây 5 năm, từ những giếng dầu ở lòng hồ, phía đối diện thành phố. Hàng trăm giếng dầu này nay trở nên hoang tàn.

Nạn ô nhiễm lan rộng là một trong những thảm họa sinh thái chủ yếu ở châu Mỹ la-tinh : các nhánh của hồ nước bị nhiễm dầu tràn ra từ các giếng dầu bỏ hoang. Maracaibo trở thành một thành phố bị chính quyền trung ương bỏ quên.

Nhà nhân chủng học Paula Vasquer phân tích : « Maracaibo là điển hình cho những thành phố ngốn năng lượng theo kiểu Mỹ. Nó được quy hoạch để tiêu thụ năng lượng vô hạn định, khi người ta cho rằng nguồn lợi thiên nhiên là vô tận. Một ví dụ về sự tiêu thụ quá lố của Venezuela ».

Ở Maracaibo, người ta không đi bộ. Đó là một thành phố dành cho dân đi xe hơi và ngồi phòng máy lạnh. Nhưng ngày nay xe hơi không còn chạy nữa, chúng phải xếp hàng, những hàng xe bất tận kéo dài nhiều cây số. Có thể phải chờ đợi đến 24 tiếng đồng hồ mới đổ được xăng, và cảnh người lái ngủ gục trong xe để chờ đến lượt mình không phải là hiếm hoi.

Còn điện thì được phân phối theo định mức từng khu phố, và chỉ có 12 tiếng đồng hồ một ngày – trên lý thuyết. Việc hạn chế tiêu thụ điện nhằm giảm tải cho mạng lưới truyền tải điện, nay không còn có thể cung cấp lượng điện cần thiết cho các hộ gia đình. Tình hình đã trầm trọng hơn từ tháng Ba, khi xảy ra vụ cúp điện trên toàn quốc. Các thiết bị của nhà máy thủy điện Guri đã bị thiệt hại nặng nề, trong khi đập thủy điện này cung ứng đến 80% lượng điện cho Venezuela.

Maracaibo đặc biệt bị ảnh hưởng nhiều nhất vì vụ này, hầu hết cư dân hơn ba ngày trời không có điện. Khi nhắc đến vụ này, người dân Maracaibo vẫn còn  khủng hoảng vì cơn ác mộng ấy.

Bà Claudia, giảng viên đại học Zulia kể lại : « Dưới sức nóng, tất cả các thức ăn trong tủ lạnh nhanh chóng bị hư, chúng tôi chẳng còn gì để ăn. Cũng chẳng có xăng dầu. Và khi tôi trông thấy những người khác xông vào trung tâm thương mại trước mặt, tôi đã chạy xuống lầu và tham gia việc lấy cắp hàng hóa. Bạn hiểu chứ, chúng tôi đói ! » – bà cố gắng biện minh. Nhiều cửa hàng khác và một khách sạn cũng bị cướp phá.

Juan Berrios, thuộc hiệp hội bảo vệ nhân quyền Codhez, cho biết : « Tôi sống ở tầng 12 một tòa nhà hiện đại. Nước không lên lầu được nữa. Chúng tôi phải dùng xô lấy nước từ các bể chứa ở tầng hầm, xách lên từng bậc thang. Rồi đến khi bể chứa không còn nước, chúng tôi đành phải lấy cắp nước của siêu thị kế bên. Bạn hiểu chứ, chúng tôi không có chọn lựa nào khác ! ».

Các tòa nhà được thiết kế để dùng máy lạnh, nay không có điện, người dân Maracaibo đành mở toang cửa sổ khi ngủ. Nhưng như vậy họ phải chấp nhận nguy cơ : bệnh sốt rét, sốt xuất huyết và chikungunya đã tăng cao.

Dân bận xếp hàng, không có thời gian làm việc

Điều kỳ lạ là một số khu phố luôn có điện. Một kỹ sư điện nháy mắt : « Một số người biết rằng phải chi cho ai để có điện xài ». Nhiều nhà giàu mua máy phát điện, nhưng phải có xăng để chạy máy. Bởi vì khi các trạm xăng có được xăng và những lúc hiếm hoi có điện để bơm xăng, nhân viên từ chối bán dầu trong can hay bi-đông vì luật cấm đoán.

Giải pháp được chọn là mang cả máy phát điện đến trạm xăng, tạo ra những hàng dài máy phát điện, bên cạnh các xe hơi đang xếp hàng. Một giải pháp khác là mua xăng chợ đen, nhưng phải có đô la. Các vụ trao đổi diễn ra tại các căn hộ bốc đầy mùi xăng.

Với những đồng đô la xanh, nay trở thành cần thiết để sống tại Maracaibo, người ta có được tất cả. Theo tờ báo El Nacional, có đến 85% công ty trong thành phố buôn bán trực tiếp bằng đô la, trong một đất nước mà chính quyền kịch liệt chống Mỹ.

Claudia, cư dân Maracaibo cho biết : « Mọi người không làm việc nữa, họ không có thời gian. Vừa phải tìm kiếm thực phẩm, xếp hàng để mua thức ăn, chờ đợi cả chục tiếng đồng hồ để mua xăng, người ta không còn thời gian để làm việc khác. Các thủ trưởng chẳng nói gì khi nhân viên rời cơ quan lúc 14 giờ thay vì 18 giờ, và bản thân các sếp cũng phải vội vã chạy đi mua thịt, mua rau hoặc xăng dầu. Hơn nữa, tại các tòa nhà không mở được cửa sổ do thiết kế để dùng máy lạnh, nhưng lại không có máy lạnh, khó thể ở trong văn phòng quá 4 tiếng đồng hồ ».

Theo François, một doanh nhân Pháp đã sống tại chỗ mấy chục năm qua, « Maracaibo là thành phố hiện đại nhất Venezuela, với phong cách sống rất Mỹ, các kiểu điện thoại di động mới nhất xuất hiện ở đây trước cả Pháp. Người dân thường đi du lịch, và khó thấy được người nghèo ở trung tâm thành phố. Ngày nay khi vừa bước ra đường, chúng ta thấy ngay nhiều cảnh nghèo khổ đáng thương. »

Juan Romero từng nhận định : « Những gì diễn ra ở đây sẽ lan rộng trên toàn quốc ». Dự báo của ông dường như đang biến thành sự thật. Chỉ riêng thủ đô Caracas là còn chưa lâm vào khủng hoảng, nhưng đến bao giờ ?

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190715-maracaibo-thanh-pho-tieu-bieu-cho-su-xuong-doc-cua-venezuela

 

Hạt nhân Iran : Pháp, Anh, Đức

kêu gọi các bên nối lại đàm phán

Thùy Dương

Pháp, Anh và Đức, 3 quốc gia tham gia Hiệp định hạt nhân Iran 2015, hôm qua, 14/07/2019, ra thông cáo chung kêu gọi tất cả các bên ngưng làm căng thẳng leo thang ở Cận Đông và nối lại đàm phán về hồ sơ hạt nhân Iran.

AFP trích dẫn thông cáo được phủ tổng thống Pháp công bố, theo đó, cả ba nước đều lo ngại về nguy cơ thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 thất bại do áp lực của các biện pháp trừng phạt kinh tế Washington nhắm vào Teheran và do việc Iran quyết định không tuân thủ các quy định chính trong thỏa thuận. Pháp, Anh và Đức cũng lo ngại về các cụ tấn công tại vùng vịnh Ba Tư và về an ninh trong khu vực.

Vì thế, chính quyền ba nước châu Âu tham gia Hiệp định hạt nhân Iran 2015 nhấn mạnh là đã đến lúc các nước « hành động một cách có trách nhiệm và tìm cách ngưng leo thang căng thẳng và nối lại đàm phán ».

Trong khi đó, hôm qua 14/07/2019, tổng thống Iran Hassan Rohani tuyên bố Iran sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, nếu Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, ngưng gây sức ép kinh tế đối với Teheran và tham gia trở lại hiệp định hạt nhân ký tại Vienna hồi năm 2015.

Tuy nhiên, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tỏ ra hoài nghi về thiện chí của Iran và cho rằng đề xuất lần này của tổng thống Hassan Rohani cũng giống như đề xuất Iran từng đưa ra với tổng thống Mỹ Barack Obama và ngoại trưởng thời đó là John Kerry. Ngoại trưởng Pompeo cho biết tổng thống Donald Trump sẽ là người ra quyết định cuối cùng, nhưng ông nhấn mạnh là cả nguyên thủ Mỹ và ông đều cho là hiệp định hạt nhân Iran 2015 là điều tồi tệ.

http://vi.rfi.fr/phap/20190715-hat-nhan-iran-phap-anh-duc-keu-goi-cac-ben-noi-lai-dam-phan

 

Tổng thổng Pháp phô trương hợp tác quốc phòng

Châu Âu tại cuộc diễn hành ngày Bastille

Tin từ Paris, Pháp — Vào hôm Chủ Nhật (14/7), tổng thống Pháp Emmanuel Macron phô trương khả năng phòng thủ của châu Âu bằng cách đưa sự hợp tác quân sự của châu Âu vào trọng tâm cuộc diễn hành nhân Ngày Bastille.

Đây là thời điểm Pháp đang có căng thẳng với Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên minh châu Âu bao gồm thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Anh Theresa May cùng tổng thống Macron theo dõi cuộc diễn hành. Đây là cuộc diễn hành được tổ chức hàng năm tại đại lộ Champs Elysees, đánh dấu cuộc tấn công ngày 14/7/1789 vào ngục Bastille trong cuộc Cách mạng Pháp tại Paris.

Sự hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn tại châu Âu là một trong những mục tiêu về chính sách đối ngoại quan trọng của ông Macron. Tổng thống Pháp không có dấu hiệu dao động nào trong tình trạng rối loạn chính trị đang gia tăng ở Đức, và việc Anh Quốc rời khỏi Liên minh châu Âu.

Tại cuộc diễn hành năm 2017, vị khách danh dự mà ông Macron mời đến là Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Tuy nhiên, kể từ đó, mối quan hệ giữa tổng thống Trump và tổng thống Macron bắt đầu rạn nứt, với những căng thẳng về việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định khí hậu Paris và thỏa thuận nguyên tử Iran, cũng như bộ luật mới của Pháp về thuế đối với các nhà khổng lồ kỹ thuật số cũa Mỹ.

Ông Macron cho biết việc hợp tác quốc phòng tại ở Châu Âu là vô cùng cần thiết. Việc xây dựng một châu Âu quốc phòng cùng với liên minh NATO là ưu tiên hàng đầu của Pháp. Ông Macron cũng chính là người thúc đẩy ý tưởng Sáng kiến can thiệp châu Âu (E2I) để thực hiện các nhiệm vụ bên ngoài các tổ chức hiện có như NATO. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/tong-thong-phap-pho-truong-hop-tac-quoc-phong-chau-au-tai-cuoc-dien-hanh-ngay-bastille/

 

Triển lãm Paris :

Marilyn trong mắt 4 nhà nhiếp ảnh

Tuấn Thảo

Sắc đẹp tuyệt trần của Marilyn Monroe càng lộng lẫy kiêu sa trước ống kính của bốn nhiếp ảnh gia tài ba. Lần đầu tiên tại Pháp, một cuộc triển lãm tập hợp các bức ảnh chụp ‘‘sáng giá’’ nhất của bốn nghệ sĩ quốc tế về thần tượng tóc vàng trong thời kỳ huy hoàng của làng điện ảnh Hollywood.

Mang tựa đề ‘‘Divine Marilyn’’ (Marilyn tuyệt trần), cuộc triển lãm diễn ra từ đây cho tới 22/09/2019 tại phòng tranh Galerie Joseph, số 116 đường Turenne, Paris quận 3. Tính tổng cộng 240 bức ảnh chụp được trưng bày trên một diện tích lớn (1.000 m2). Ngoại trừ André de Dienes là người gốc Hungary, ba nghệ sĩ còn lại là Sam Shaw, Milton Greene và Bert Stern đều là người Mỹ.

Điểm chung của bốn nhà nhiếp ảnh này vẫn là họ đều quen thân với ngôi sao màn bạc Marilyn Monroe ở ngoài đời. Sau nhiều năm làm việc chung, quan hệ ban đầu đơn thuần nghề nghiệp đã dần dần nhường chỗ lại cho tình bạn. Họ có dịp gặp nhau trong những lúc nhàn rỗi, chứ không chỉ theo nhu cầu của công việc.

Theo ban tổ chức (cô Ghislaine Rayer và ông Patrice Gaulupeau), một cuộc triển lãm như vậy rất khó thực hiện tại Hoa Kỳ, vì vấn đề tác quyền khá phức tạp. Một sự kiện văn hóa ‘‘ở nước ngoài’’ với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ Mỹ dễ thực hiện hơn. Tuy nhiên, ban tổ chức vẫn phải thuyết phục phía gia đình, cũng như những người thừa hưởng tác quyền, tham gia vào cuộc triển lãm này.

Cuộc phiêu lưu ‘‘điện ảnh’’ của Marilyn bắt đầu trong thời kỳ hậu chiến. Vào năm 1945, André de Dienes được mời để chụp chân dung cho Marilyn năm cô 19 tuổi, đây là những bức ảnh đầu tiên của cô đào trẻ mới vào nghề, trước khi ký hợp đồng dài hạn với một hãng phim lớn (major). Ông hợp tác với Marilyn ít nhất là trong 5 năm đầu.

Vào năm 1951, cuộc gặp gỡ với Sam Shaw, phóng viên nhiếp ảnh của hãng Magnum tạo thêm cho Marilyn sức quyến rũ trong làng nghệ thuật thứ 7. Sam Shaw đã theo dõi và chụp hình cho Marilyn Monroe, hầu như trong suốt quá trình làm phim, từ giai đoạn đứng diễn trước ống kính quay phim, cho tới những lúc nghỉ xã hơi trong hậu trường. Sam Shaw lúc nào cũng muốn chụp Marilyn trong bối cảnh thực tế của đời sống cũng như công việc.

Nhà nhiếp ảnh Milton H. Greene cũng là một mối quan hệ quan trọng khác, đôi bên quen nhau từ năm 1953. Ngoài công việc chụp hình, ông Milton còn là một người bạn tận tình giúp đỡ Marilyn, dìu dắt hướng dẫn cô trong việc lập công ty sản xuất phim, vào thời cô buộc phải hủy hợp đồng với hãng phim 20th Century Fox. Theo lời kể của Joshua Greene, con trai của nhà nhiếp ảnh Milton H. Greene, bố mẹ ông quen Marilyn từ lúc ông mới lên ba. Trong số hơn 300.000 bức ảnh mà ông đã chụp trong đời, có ít nhất là vài ngàn tấm dành riêng cho Marilyn. Joshua nhớ mãi cái khoảnh khắc chơi đùa máy ảnh của bố, trong lúc Marilyn đang thử áo quá chật, khiến cho ngôi sao màn bạc cười ngất.

Còn nghệ sĩ Bert Stern là người chụp hình studio chuyên nghiệp, ông thực hiện bộ ảnh chụp khỏa thân nghệ thuật cuối cùng của Marilyn Monroe. Bộ ảnh chụp cho tạp chí thời trang Vogue gồm hơn 2.500 tấm hình thực hiện trong ba ngày, sau đó trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới do được thực hiện vài tuần lễ trước khi thần tượng điện ảnh người Mỹ qua đời.

Marilyn lộng lẫy sáng ngời trong bộ áo tắm màu trắng, cô đứng trên bãi biển, tóc vàng bay trong gió lộng. Marilyn nhí nhảnh khiêu gợi thời cô đóng phim ‘‘The Seven Year Itch’’ của đạo diễn Billy Wilder, với cảnh phim để đời với luồng gió thông xe điện ngầm thổi tung chiếc váy trắng của người từng được mệnh danh là ‘‘phụ nữ đẹp nhất thế giới’’. Marilyn hồn nhiên nhẹ nhàng trong chiếc áo đầm xanh da trời nhuộm phấn trắng, hay trong chiếc áo body màu lục bảo tựa như một nàng tiên cá.

Trong số 240 bức ảnh chụp, có khá nhiều tác phẩm rất nổi tiếng do đã từng được đăng trên trang bìa các tạp chí, hay được sử dụng thường xuyên trong dòng văn hoá phổ thông. Những bức ảnh quen thuộc với công chúng đến nỗi trở thành một phần của ký ức điện ảnh, để rồi đi vào lòng người hâm mộ nghệ thuật thứ bảy từ lúc nào không hay.

http://vi.rfi.fr/phap/20190715-paris-trien-lam-marilyn-va-4-nhiep-anh-gia

 

Bộ tư lệnh Không gian :

Pháp không thể nằm ngoài cuộc chơi

Minh Anh

Thứ Bảy, 13/07/2019, từ trụ sở bộ Quân Lực Pháp, tổng thống Emmanuel Macron thông báo thành lập bộ tư lệnh Không gian. Theo giới quan sát, với thông báo này, nước Pháp kể từ nay cũng là một tác nhân quan trọng trong cuộc đua trên không gian.

Tại trụ sở bộ Quân Lực Pháp, tổng thống Macron khẳng định nước Pháp phải được trang bị tốt hơn để « bảo vệ không gian » và « bảo vệ các vệ tinh » kể cả bằng hành động. Bộ tư lệnh Không gian đóng trụ sở tại Toulouse và Không Quân sẽ là nòng cốt. Điều này cũng là một lẽ thường tình, do Không Quân Pháp hiện cũng đang gánh vác nhiệm vụ giám sát không gian, thông qua trung tâm tác chiến giám sát quân sự các vật thể không gian (COSMOS).

Thông báo này của tổng thống Pháp củng cố hơn nữa chiến lược về không gian của Paris có từ năm 2010. Vào thời điểm đó, Pháp đã cho thành lập một bộ tư lệnh liên quân về không gian. Nhưng điểm mới trong học thuyết quân sự không gian lần này của Pháp nằm ở chủ trương « tấn công là để phòng ngự ».

Quân đội Pháp, nhất là Không Quân Pháp, sẽ đặc biệt tập trung nghiên cứu và phát triển một loại vũ khí chống vệ tinh dựa trên một công nghệ có tên gọi « quang học tương thích », mục tiêu không phải là để bắn phá vệ tinh của đối thủ, mà khiến cho chúng không còn hoạt động được.

Tổng thống Pháp thông báo dành một ngân sách 3,6 tỉ euro để đổi mới một số vệ tinh nghe – nhìn và radar giám sát không gian. Một mức chi quả thật vẫn còn quá khiêm tốn so với con số 12 và 15 tỉ đô la mỗi năm của Hoa Kỳ, hiện đang sở hữu khoảng 150 vệ tinh quân sự, bên cạnh 30 vệ tinh của Nga và Trung Quốc.

Việc thay đổi học thuyết không gian quân sự cho thấy Pháp đang ý thức rõ sự chậm trễ của nước này so với Nga, Mỹ và Trung Quốc. Ngay từ năm 2017, một báo cáo chiến lược quốc phòng đã báo động về hiện tượng quân sự hóa không gian ngày càng tăng, cũng những mối nguy trước sự phát triển ngành công nghiệp không gian « giá rẻ ».

Do đó, trong cuộc đua này, Pháp cũng không muốn bị gạt ra ngoài cuộc chơi theo như phân tích của ông Bruno Tertrais, chuyên gia Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FDS, trên RFI : « Tất cả các cường quốc quân sự phương Tây đều có nhu cầu đầu tư vào không gian, hiện đang trở thành một địa bàn cạnh tranh chiến lược. Đây cũng là một lĩnh vực đòi hỏi nhiều đầu tư, bởi vì không gian phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.

Từ lâu rồi, không gian phục vụ cho ngành viễn thông, ngày càng được sử dụng cho việc thu thập thông tin. Người ta phải giám sát từ không gian, phải liên lạc từ không gian và do vậy cần phải nắm bắt những gì đang diễn ra trong không gian. Tôi nghĩ đây là một tiến triển tự nhiên của tất cả các lực lượng quân đội hùng mạnh trên thế giới. Do vậy, nước Pháp cũng không thể nào vắng mặt ».

http://vi.rfi.fr/phap/20190715-bo-tu-lenh-khong-gian-phap-khong-the-nam-ngoai-cuoc-choi

 

Quốc Khánh Pháp:

Cảnh sát câu lưu 282 người gây rối trật tự

Thanh Hà

Bộ Nội Vụ Pháp ngày 15/07/2019 thông báo đã câu lưu 282 sau một loạt vụ xô xát trong ngày lễ Quốc Khánh 14 tháng 7 và sau chiến thắng của đội Algeri tại Ai Cập, dành vé vào chung kết Cúp Bóng Đá Châu Phi.

Trong số hơn 280 người bị câu lưu trên toàn quốc, 249 trường hợp bị tạm giữ. Riêng tại thủ đô Paris, 50 người bị câu lưu do xung đột giữa các cổ động viên của đội bóng Algeri với cảnh sát Pháp trên đại lộ Champs-Elysées. Trên con lộ nổi tiếng này, từ đầu giờ chiều qua, nhiều vụ đụng độ đã xảy ra ngay sau lễ diễu binh ngày Quốc Khánh. Một nhóm côn đồ và cả một số người Áo Vàng đã đốt thùng rác, lật đổ các rào cản an toàn. Cảnh sát phải nhanh chóng can thiệp.

Tại thành phố cảng Marseille, cảnh sát vừa phải bảo vệ an ninh cho 15.000 người xem pháo hoa và 4.000 cổ động viên của đội bóng Algeri. Đến khuya một số vụ đập phá và đụng độ với lực lượng an ninh đã xảy ra. Cảnh sát dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông. 12 người bị câu lưu, 8 cảnh sát và hiến binh bị thương nhẹ.

Tối 14/07/2019, trong khu vực thành phố Lyon và ngoại ô, nhân viên cứu hỏa phải dập tắt nhiều đám cháy từ các vụ đốt phá xe.

http://vi.rfi.fr/phap/20190715-phap-canh-sat-cau-luu-282-nguoi-gay-roi-loan-trat-tu-trong-ngay-quoc-khanh

 

Ursula von der Leyen chỉ còn 2 ngày

để thuyết phục Nghị Viện Châu Âu

Thùy Dương

Ngày mai, 16/07/2019, các nghị viên châu Âu sẽ bầu tân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu. Như vậy là bộ trưởng Quốc Phòng Đức, Ursula von der Leyen, chỉ còn hai ngàyđể thuyết phục các nghị viên châu Âu bỏ phiếu cho bà. Nhưng không ai dám chắc là ứng viên người Đức sẽ thu được đủ số phiếu cần thiết.

Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet giải thích :

« 374, đó là số phiếu ủng hộ của nghị viên mà bà Ursula von der Leyen cần có được vào sáng thứ Ba tại trụ sở Nghị Viện châu Âu ở Strasbourg. Nhưng chiến dịch bà khởi động hồi tuần trước chưa thực sự gây tiếng vang. Ursula von der Leyen đã bị các nghị viên phe bảo vệ môi trường và phe cực tả phản đối, các phe nhóm này sẽ bỏ phiếu chống lại bà. Trong khi đó, các nghị sĩ cánh trung – tự do đã quyết định chờ xem bà thể hiện như thế nào trong phiên họp khoáng đại vào sáng thứ Ba rồi mới đưa ra ý kiến.

Việc này không báo hiệu điều gì tốt lành, nhất là vì cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào cuối buổi chiều mai, làm bà mất đi cơ hội thuyết phục các nghị viên mới. Vì thế, hôm nay bà Ursula von der Leyen sẽ phải cố tập hợp mọi người, trước tiên là các nghị viên trong đảng bảo thủ PPE của bà, mà không chắc là sẽ có được sự ủng hộ của tất cả mọi thành viên. Sau đó, bà sẽ phải thuyết phục được nhóm xã hội-dân chủ vốn đòi hỏi bà cam kết bảo vệ Nhà nước pháp quyền.

Nhưng nếu bà hứa như vậy thì có thể sẽ làm mất thiện cảm của các nghị viên Ba Lan thuộc đảng Luật pháp và Công lý (PiS), đảng mà bà có thể cần đến sự ủng hộ. Vấn đề là đảng PiS đã không ủng hộ ông Frans Timmermans, ứng viên vốn cũng đã dùng Nhà nước pháp quyền làm yếu tố chính để thu hút các nghị viên.

Trước mắt, việc giành được chức chủ tịch Ủy ban châu Âu là một bài toán nát óc đối với bà Ursula von der Leyen ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190715-chuc-chu-tich-uy-ban-chau-au-ursula-von-der-leyen-chi-con-2-ngay-de-thuyet-phuc-ngh

 

Nga: Biểu tình phản đối chính quyền

ngăn cản ứng viên đối lập

Minh Anh

Hôm qua, 14/07/2019, khoảng 2000 người đã tập hợp tại trung tâm thủ đô Matxcơva nhằm phản đối chính quyền cản trở các ứng viên độc lập ra tranh cử trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng 9/2019. Hàng chục người đã bị cảnh sát bắt giữ.

Từ Matxcơva, thông tín viên Paul Gogo giải thích :

« Cuộc biểu tình tuy không được cho phép, nhưng đông đảo người dân Matxcơva đã tập hợp để ủng hộ các ứng viên đối lập. Những ứng viên này đều đã bị chính quyền ngăn cản tham gia vào cuộc bầu cử địa phương.

Bầu cử hội đồng thành phố sẽ diễn ra vào tháng 9/2019. Những ứng viên đối lập này, phần đông là những người thân cận với Alexei Navalny, phải có được khoảng 4000 chữ ký trong khu phố của mình, trong vòng một tháng và ngay giữa mùa hè, để được quyền tham gia tranh cử. Một điều hầu như bất khả.

Ông Dmitri Goudkov, một ứng cử viên, cho biết : ʺChúng tôi yêu cầu phẩm giá công dân của chúng tôi phải được nhìn nhận và chúng tôi sẽ xuống đường nếu thấy cần. Chúng tôi sẽ tụ tập mỗi ngày chừng nào điều đó vẫn là thiết yếu, bởi vì đây là đất nước của chúng tôi, là thành phố của chúng tôiʺ

Đi đầu đoàn biểu tình là nữ ứng cử viên Lioubov Sobol, một trong số ít người có được đủ số chữ ký cần thiết. Nhưng cô cũng biết rằng ủy ban bầu cử sẽ tìm mọi cách để bác đơn ứng cử của cô. Các ứng viên đối lập bị gạt ra khỏi các cuộc bầu cử lớn trông chờ rất nhiều vào các cuộc bầu cử địa phương, với nhiều khả năng thắng cử.

Hôm thứ Bảy 13/07, Lioubov Sobol đã bắt đầu tuyệt thực. Kể từ giờ, mỗi ngày, cùng với những người biểu tình, cô sẽ đến trước ủy ban đòi được đăng ký tranh cử cho cuộc bỏ phiếu tháng 9 này ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190715-bau-cu-dia-phuong-bieu-tinh-phan-doi-chinh-quyen-ngan-can-ung-vien-doi-lap

 

Iran tuyên bố sẽ sẵn sàng đàm phán

 nếu Hoa Kỳ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt

Tin từ DUBAI/PARIS — Trong bài phát biểu trên truyền hình vào hôm Chủ nhật (14/7), Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Iran sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ nếu Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và tham gia lại thỏa thuận nguyên tử năm 2015, tức thỏa thuận mà tổng thống Trump từ bỏ hồi năm ngoái.

Chính quyền của Tổng thống Trump từng cho biết họ sẵn sàng đàm phán với Iran về một thỏa thuận sâu rộng hơn đối với các vấn đề nguyên tử và an ninh. Nhưng Iran đã đưa ra điều kiện cho các cuộc đàm phán, rằng trước tiên họ phải được xuất cảng lượng dầu tương tự như trước khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước nguyên tử với các cường quốc thế giới vào tháng 5 năm 2018.

Theo Reuters, các cuộc đối đầu giữa Washington và Tehran trở nên nghiêm trọng. Tổng thống Donald Trump đã từng hủy bỏ kế hoạch không kích của Hoa Kỳ vào Iran hồi tháng trước, sau khi Tehran bắn hạ máy bay không người lái của Hoa Kỳ.

Vào hôm Chủ nhật (14/7), khi kêu gọi nối lại cuộc đối thoại giữa tất cả các bên. Các nước tham gia hiệp ước năm 2015 là Pháp, Anh Quốc và Đức cho biết họ quan tâm về tình hình căng thẳng gia tăng ở khu vực vùng Vịnh và nguy cơ thỏa thuận nguyên tử có thể sụp đổ.

Mặc dù đã kêu gọi đàm phán với các nhà lãnh đạo Iran, nhưng vào hôm thứ Tư (10/7), tổng thống Trump lại tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran sẽ sớm được tăng cường “đáng kể”.(Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/iran-tuyen-bo-se-san-sang-dam-phan-neu-hoa-ky-do-bo-cac-lenh-trung-phat/

 

Hong Kong:

Biểu tình, bất ổn không có dấu hiệu dừng lại

Hàng vạn người ở Hong Kong một lần nữa xuống đường hôm 13, 14/7 khi tình trạng bất ổn kéo dài nhiều tuần không có dấu hiệu dừng lại.

Những cuộc đụng độ dữ dội đã nổ ra giữa cảnh sát và một nhóm người biểu tình ở Sha Tin.

Các cuộc biểu tình là nhằm phản đối dự luật dẫn độ.

Hong Kong: Đụng độ trong cuộc biểu tình hôm 13/7

Biểu tình Hong Kong và một góc nhìn từ Việt Nam

Biểu tình Hong Kong: Công nghệ hỗ trợ biểu tình như thế nào?

Hong Kong bị choáng sau đợt biểu tình

Nhưng bây giờ, người biểu tình thể hiện các yêu cầu lớn hơn về cải cách dân chủ và quan ngại cho các quyền tự do của người dân Hong Kong đang bị xói mòn.

Hong Kong được điều hành theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” nhằm đảm bảo cho thành phố một mức độ tự trị. Lãnh thổ này có tư pháp và hệ thống pháp lý riêng so với đại lục.

Bà Lam ‘muốn từ chức mà không được’

Tờ The Financial Times dẫn các nguồn tin nói rằng Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam tỏ ý muốn từ chức nhiều lần vì các cuộc biểu tình nhưng Trung Quốc không chấp thuận.

Trung Quốc khẳng định bà “phải ở lại để dọn dẹp mớ hỗn độn mà bà đã tạo ra”, một nguồn tin nói.

Một số người biểu tình tại Sha Tin liên tục kêu gọi bà Lam từ chức trong khi những người khác mang theo biểu ngữ đòi độc lập cho thành phố.

“Tôi chưa mệt mỏi vì đi biểu tình, chúng tôi cần đấu tranh cho quyền lợi của mình,” một người biểu tình 25 tuổi nói với tờ South China Morning Post.

Cảnh sát xịt hơi cay vào một số người biểu tình rời khỏi tuyến đường chính thức.

Trong hôm 14/7, các nhà báo tham gia tuần hành phản đối những gì họ nói là cảnh sát ngược đãi các phóng viên.

Sự kiện này diễn ra sau cuộc tuần hành hôm 13/7 phản đối những người buôn hàng từ đại lục.

Hàng ngàn người biểu tình ở Sheung Shui, không xa thành phố Thâm Quyến, ném dù và nón bảo hộ vào cảnh sát khi lực lượng này vung dùi cui và bắn hơi cay.Lâu nay, người buôn hàng từ đại lục trở thành nguồn cơn giận dữ của cư dân Hong Kong, những người cho rằng nạn buôn hàng thúc đẩy lạm phát, đẩy giá bất động sản và trốn thuế.

Cảnh sát kêu gọi người biểu tình kiềm chế bạo lực và rời đi.

Đến khoảng 20:30 giờ địa phương, hầu hết người biểu tình rút lui khi cảnh sát chống bạo động xuất hiện mang theo những tấm khiên lớn được điều đến dọn đường.

Đầu giờ sáng 14/7, chính quyền Hong Kong lên án hành vi bạo lực trong các cuộc biểu tình, và nói thêm rằng họ “đã thực hiện các bước” để giải quyết tình trạng người đại lục tràn qua buôn hàng.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48933008

 

Người biểu tình Hồng Kông

diễn hành ở các vùng ngoại ô đụng độ cảnh sát

Tin từ HỒNG KÔNG – Vào hôm Chủ nhật (14/7), hàng chục ngàn người tập trung tại một vùng ngoại ô lớn của Hồng Kông, do sự phẫn nộ đối với cách chính phủ giải quyết dự luật dẫn độ, làm hồi sinh nỗi lo sợ Trung Cộng thắt chặt quyền kiểm soát, làm xói mòn các quyền tự do của khu vực này.

Các cuộc đụng độ nổ ra khi những người biểu tình ném dù và chai nhựa vào cảnh sát, và phía cảnh sát đáp trả bằng bình xịt hơi cay giữa khung cảnh hỗn loạn bên trong một trung tâm mua sắm cung cấp một số thương hiệu xa xỉ lớn nhất thế giới. Hầu hết những người biểu tình đã giải tán ngay sau đó, khi một nhóm nhỏ hát vang bài thánh ca Kitô giáo “Sing Hallelujah to the Lord”.

Người biểu tình đã diễn hành dưới cái nóng ngột ngạt khoảng 32 độ C (89.6 ° F) ở Sha Tin, một thị trấn nằm giữa hòn đảo Hồng Kông và biên giới với Trung Cộng, và mở rộng các cuộc biểu tình từ trung tâm tài chính ra các quận lân cận.

Hồng Kông quay về sự cai trị của Trung Cộng vào năm 1997 dưới công thức “một quốc gia, hai hệ thống”, bảo đảm quyền tự do của người dân trong 50 năm, bao gồm quyền tự do biểu tình và một nền tư pháp độc lập. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/nguoi-bieu-tinh-hong-kong-dien-hanh-o-cac-vung-ngoai-o-dung-do-canh-sat/

 

Lãnh đạo Hong Kong gọi người biểu tình

là ‘những kẻ bạo loạn’

Hôm 15/7, lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam gọi những người biểu tình đụng độ với cảnh sát vào cuối tuần là những kẻ gây bạo loạn, và bà lên tiếng ủng hộ cảnh sát truy tìm thủ phạm gây ra vụ bạo loạn này, theo Reuters.

Bà Lam phát biểu như trên khi bà đến một bệnh viện thăm ba cảnh sát bị thương trong vụ va chạm với người biểu tình hôm 14/7, khi họ tiếp tục xuống đường phản đối dự luật dẫn độ tội phạm từ Hong Kong sang Trung Quốc lục địa để xét xử.

“Chúng tôi cảm ơn các sĩ quan cảnh sát vì đã duy trì trật tự xã hội một cách tận tụy và chuyên nghiệp, nhưng họ đã phải chịu đựng các cuộc tấn công từ những kẻ bạo loạn đó – những kẻ có thể bị gọi là những kẻ bạo loạn,” bà Lam nói.

Một số nhà hoạt động đã yêu cầu chính phủ tránh sử dụng thuật ngữ “bạo loạn” để nói về các cuộc biểu tình. Tại Hong Kong, tội gây bạo loạn có thể lãnh án lên đến 10 năm tù.

Hàng chục ngàn người đã tham gia cuộc biểu tình hôm 14/7, với nhiều người biểu tình đã ném ô, mũ bảo hiểm và chai nhựa vào cảnh sát trong khi lực lượng này phản ứng lại bằng hơi cay và dùi cui.

Bà Lam cho biết có hơn 10 cảnh sát đã bị thương và 6 người phải nhập viện.

Văn phòng thông tin chính phủ cho biết, có 28 người bị thương, bao gồm cả cảnh sát.

Vào cuối ngày 14/7, cảnh sát trưởng Stephen Lo cho biết, có hơn 40 người đã bị bắt với các cáo buộc bao gồm tấn công cảnh sát và tụ tập bất hợp pháp.

https://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-hong-kong-goi-nguoi-bieu-tinh-la-nhung-ke-bao-loan/5000795.html

 

Đài Loan: Hàn Quốc Du và Thái Anh Văn

 tranh chức tổng thống

Thị trưởng Cao Hùng, Hàn Quốc Du, đã vượt các đối thủ, trở thành ứng viên tổng thống chính thức của Quốc Dân Đảng.

Chỉ 3% người Đài Loan muốn ‘về với Trung Quốc’

Căng thẳng TQ- Đài Loan gia tăng

Ông Hàn Quốc Du sẽ tranh chức tổng thống năm 2020 với đương kim tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, thuộc đảng cầm quyền Dân Tiến.

Kết quả bầu cử sơ bộ trong đảng hôm thứ Hai cho hay ông Hàn đánh bại tỉ phú tập đoàn Foxconn Quách Đài Minh và ba người khác.

Ông Hàn nhận 44,8% phiếu, so với 27,7% phiếu của ông Quách.

Cao Hùng là thành phố ủng hộ độc lập chính thức, ở miền nam Đài Loan, vốn là thành trì của đảng Dân Tiến.

Nhưng ông Hàn Quốc Du lại thắng cử thị trưởng Cao Hùng tháng 11/2018.

Ông Hàn ủng hộ quan điểm rằng chỉ có “một Trung Quốc”, và vì vậy ông được Bắc Kinh xem là thân thiện.

5 ứng viên trong Quốc Dân Đảng đã tranh tài từ tháng 5.

Tuy vậy, theo các thăm dò dư luận, bà Thái Anh Văn hiện vẫn được nhiều điểm hơn so với ông Hàn Quốc Du.

Sự thay đổi trong dư luận về bà Thái bắt đầu từ hồi tháng Giêng, khi bà bác bỏ kêu gọi thống nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48881894

 

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất

kể từ thập niên 1990

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại trong quý thứ hai với tốc độ yếu nhất kể từ đầu thập niên 1990, số liệu chính thức cho thấy.

Trong ba tháng tính đến tháng 6, nền kinh tế chỉ tăng trưởng 6,2% so với một năm trước đó. Kết quả này phù hợp với dự báo.

Trung Quốc đã có những động thái kích thích nền kinh tế trong năm nay bằng cách tăng cường chi tiêu và giảm thuế.

Từ Asanzo đến nền kinh tế ‘lệ thuộc hàng TQ’

TQ định mở khu ‘hàng TQ mác Việt Nam’ ở biên giới

Trung Quốc mạnh miệng nhưng vẫn mở cửa cho Mỹ

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đã chiến đấu với một cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, vốn nặng về thương mại toàn cầu.

Dữ liệu được công bố hôm thứ Hai cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại trong quý thứ hai từ mức 6,4% trong ba tháng đầu năm.

Tỷ lệ tăng trưởng chậm của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về tiềm năng có thể gây hiệu ứng dây chuyền cho nền kinh tế toàn cầu.

Đầu năm nay, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch tăng chi tiêu và cắt giảm hàng tỷ đôla tiền thuế.

Bắc Kinh cũng tìm cách hỗ trợ nền kinh tế bằng cách gia tăng thanh khoản bằng cách giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải giữ trong dự trữ.

Những nỗ lực của Trung Quốc đến khi nước này phải đối phó với cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ.

Trong khi cả hai bên đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại tại hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây tại Nhật Bản, họ đã áp dụng thuế quan đối với hàng hóa trị giá hàng tỷ đôla của nhau, làm tổn thương các doanh nghiệp và phủ bóng lên nền kinh tế toàn cầu.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48986379

 

Bí mật các công ty an ninh của TQ hoạt động ở Trung Á

Với nguồn lực khổng lồ trong tay, các công ty an ninh tư nhân của Trung Quốc đang mở rộng hoạt động ở Kyrgyzstan và nhiều nước Trung Á.

Khi Tổng thống Kyrgyzstan Soornbay Jennbekov đẩy mạnh các nỗ lực để biến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan thành hiện thực, một công ty an ninh tư nhân của Trung Quốc đã ký các thỏa thuận với nội dung bảo vệ các dự án của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc.

Vụ tấn công đại sứ quán Trung Quốc ở Bishkek (thủ đô Kyrgyzstan) năm 2016 đã làm tăng ý thức cảnh giác trong cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc ở Trung Á. Các công ty Trung Quốc hoạt động ở Kyrgyzstan kể từ đó đã bắt đầu thay dần nhân viên an ninh địa phương bằng nhân viên an ninh “nhập khẩu” từ Trung Quốc sang.

Hiện nay có tương đối ít các công ty an ninh tư nhân của Trung Quốc ở Kyrgyzstan, so với con số 400 công ty an ninh tư nhân của Kyrgyzstan. Nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc (khoảng 574) ở Kyrgyzstan đang bắt đầu ưa thích dùng nhân viên an ninh Trung Quốc hơn là người dân địa phương.

Trùm doanh nghiệp an ninh Trung Quốc

Zhongjun Junhong, một nhà cung cấp dịch vụ an ninh tư nhân hàng đầu của Trung Quốc, đã vươn hoạt động sang Kyrgyzstan vào tháng 9/2016. Với 281 nhân viên an ninh, một giấy phép sử dụng vũ khí địa phương, và các thiết bị quân sự mang từ Trung Quốc sang, Zhongjun Junhong nhanh chóng trở thành hãng đi tiên phong ở Kyrgyzstan trong việc cung cấp dịch vụ an ninh quy mô lớn, mô phỏng theo một công ty an ninh Mỹ từng được biết đến với cái tên Blackwater mà từ năm 2011 hoạt động dưới cái tên Academi.

Wu Guohua, một cựu đại tá Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), là ông chủ công ty này. Trong chưa đầy 3 năm, công ty này đã giành được hơn 20 khách hàng Trung Quốc ở Kyrgyzstan, bao gồm các công ty Cầu đường Trung Quốc, Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt Số 5, Cục Sinohydro 16, Huawei, công ty luyện kim loại quý Guanglong, và Tập đoàn Xây dựng Sanmenxia Luqiao.

Đặc biệt, Zhongjun Junhong đã đạt được 1 thỏa thuận với Đường sắt Trung Quốc, theo đó họ sẽ bảo vệ các công trình xây dựng của ngành đường sắt Trung Quốc dọc theo tuyến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan vào tháng 11/2018. Xây dựng đường sắt ước tính sẽ ngốn ít nhất 500 triệu USD.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy thành công nhóm công tác về hợp tác đầu tư và công nghiệp Trung Quốc-Kyrgyzstan trong chuyến thăm gần đây tới Bishkek để dự thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Nhịp độ gia tăng đầu tư Trung Quốc ở Kyrgyzstan không có dấu hiệu chậm lại.

Thị trường béo bở cho các hãng an ninh Trung Quốc

Do nguồn ngân sách nhỏ, các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc trước đây thường phớt lờ các rủi ro về an ninh và lưỡng lự trong việc thuê các hãng an ninh tư nhân. Nhưng vô số các vụ việc bạo lực chống lại các công ty Trung Quốc trên khắp thế giới đã chứng minh thế yếu của các hoạt động đầu tư của Trung Quốc nếu thiếu vắng các biện pháp an ninh tương ứng. Không dựa được vào lực lượng an ninh bản địa ở các nước bất ổn chính trị, các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc bắt đầu trích ngân sách để đầu tư vào thuê các công ty an ninh tư nhân.

Hồi năm 2004, vụ đánh bom nhằm vào công trường 1 dự án cao tốc ở Afghanistan đã làm thiệt mạng 11 công nhân Trung Quốc và khiến 4 người khác trọng thương. Do không có dịch vụ an ninh của Trung Quốc ở đó, công ty Đường sắt Trung Quốc số 14 đã phải sử dụng dịch vụ của Mỹ để bảo đảm an ninh cho các dự án của mình ở quốc gia Afghanistan – động thái này đã kích thích các công ty quốc doanh khác của Trung Quốc ở nước ngoài thuê các chuyên gia an ninh của Mỹ hoặc Anh.

Riêng năm 2014, Viện Charhar ước tính các công ty quốc doanh

http://biendong.net/goc-nhin-moi/29309-bi-mat-cac-cong-ty-an-ninh-cua-tq-hoat-dong-o-trung-a.html

 

Mang cuốc vào vườn hàng xóm ?

Việc tàu thăm dò dầu khí TQ mang tên Haiyang Dizhi 8 thực hiện khảo sát dầu khí ở khu vực bãi Tư Chính là hành động ngang ngược, không thể chấp nhận trong một thế giới văn minh

Tình hình biển Đông vốn phức tạp từ lâu. Hằng năm, không ít thì nhiều, đều có các vụ việc khiến các nước trong khu vực lo ngại.

Chỉ trong vòng một tháng, không lâu sau vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và tàu cá Philippines ở khu vực Cỏ Rong làm dậy sóng dư luận, cộng đồng quốc tế lại một lần nữa lo lắng trước cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm của TQ nhằm vào mục tiêu di động trên biển, vì rằng, động thái này cho thấy TQ dường như đang tiến đến một bước ngoặt trong mục tiêu hiện thực hóa chiến lược biển của họ. Mà chiến lược biển của TQ, ai cũng biết, là biến biển Đông mênh mông thành “ao nhà”.

Sau mỗi lần như vậy, như thường thấy, là những tuyên ngôn có tính trấn an dư luận của TQ – bên có ưu thế về sức mạnh quân sự vượt trội trên biển Đông hiện nay. Các bên còn lại cùng có tuyên bố chủ quyền thì phản đối, bày tỏ sự quan ngại, lo lắng.

Suy cho cùng, họ khó có cách phản ứng nào khác. Yếu hơn về thực lực sức mạnh quân sự so với TQ chỉ là một lý do. Quan trọng hơn, các nước này, về cơ bản đều muốn giữ ổn định tình hình cũng như hy vọng vào một giải pháp hòa bình dựa trên công pháp quốc tế cho vấn đề biển Đông, thay vì dùng súng đạn. Riêng TQ, miệng nói đồng tình, nhưng hành động thì như một kẻ côn đồ thời đại.

Những ngày này, biển Đông lại nóng. Hai bên liên quan đều chưa lên tiếng, nhưng truyền thông Anh, Mỹ, Hồng Kong, Ấn Độ thông tin, ngày 3/7, tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc mang tên Haiyang Dizhi 8 đã đi vào vùng biển gần bãi Tư Chính do Việt Nam kiểm soát để thực hiện một cuộc “khảo sát địa chấn”.

VN không thể không hành động, buộc phải điều các tàu hải giám ra thực địa để bảo vệ chủ quyền chính đáng của mình.

Các báo còn nêu cụ thể, số tàu hải giám của cả hai bên là 6, trong đó, TQ có 2, VN có 4. Xét về số lượng, VN nhiều hơn, nhưng xét về trọng tải, tàu TQ lớn hơn tàu VN nhiều lần và còn được trực thăng hộ tống.

Đà này, không loại trừ, mỗi bên đều sẽ tăng cường số tàu của mình, và nếu thế, chắc chắn, tình hình sẽ ngày một căng thẳng hơn.

Về bãi Tư Chính: Đây là cụm rạn san hô – nơi VN đã tuyên bố chủ quyền và đang kiểm soát. Cơ sở pháp lý của VN khó bác bỏ: bãi Tư Chính nằm ở thềm lục địa phía Nam của nước này, không hề liên quan đến Trường Sa, do vậy, không thể coi là vùng tranh chấp với bất kỳ bên nào.

Tại khu vực này, từ hơn 30 chục năm nay, VN đã xây dựng các nhà giàn, triển khai hoạt động khai thác dầu khí một cách hiệu quả. TQ cũng từng một số lần gây gây hấn với VN, nhưng luôn vấp phải phản ứng mạnh mẽ của VN và dư luận quốc tế.

Như vậy, rõ ràng, việc tàu thăm dò dầu khí TQ mang tên Haiyang Dizhi 8 thực hiện khảo sát dầu khí ở khu vực bãi Tư Chính là hành động ngang ngược. Nó chẳng khác nào một gã tự ý “vác cuốc vào vườn hàng xóm” đào bới –hành động, không thể chấp nhận trong một thế giới văn minh.

Nấp sau sự ngang ngược đó, thâm ý của TQ là muốn mượn danh nghĩa thăm dò để thực hiện ý đồ “biến nơi không có tranh chấp thành nơi có tranh chấp” – một thủ đoạn họ vẫn dùng nhằm âm mưu nuốt gọn một biển Đông mà họ thèm khát bấy nay. Mọi người hẳn còn nhớ, vì quá tin, mất cảnh giác với TQ, tháng 6 năm 2012, bãi cạn Scarborough của Philippines đã bị TQ kiểm soát.

Hành động của TQ không chỉ thách thức dư luận, chà đạp công pháp quốc tế, đe dọa các nước trong khu vực, mà còn có thể đẩy biển Đông vào một cơn sốt nóng mới với hậu quả khôn lường.

Tiếp sau Philippines, nếu thủ đoạn này thành công với VN, có thể coi TQ tiến gần hơn một bước mục tiêu độc chiếm biển Đông của họ. Tuy nhiên, so với các nước khác trong khu vực, VN luôn là nước có cách phản ứng khôn khéo nhưng cũng rất kiên quyết trong bảo vệ chủ quyền.

http://biendong.net/dam-luan/29303-mang-cuoc-vao-vuon-hang-xom.html

 

TQ xác nhận vừa tập trận ở vùng biển giáp Đài Loan

Sau thông tin mới nhất về việc Đài Loan mua nhiều loại vũ khí của Mỹ, quân đội Trung Quốc ngày 14-7 cho biết đã thực hiện các cuộc tập trận về không quân và hải quân dọc bờ biển phía đông nam trong thời gian gần đây.

Trong thông báo ngắn, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thực hiện các cuộc tập trận “gần đây” nhưng không công bố vị trí chính xác của cuộc tập trận. “Đây là hoạt động định kỳ theo kế hoạch hằng năm của quân đội”.

Bờ biển phía đông nam của Trung Quốc là vùng biển tiếp giáp với Đài Loan qua eo biển Đài Loan.

Phản ứng trước việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, ngày 12-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định “việc bán vũ khí cho Đài Loan của Mỹ vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp và quan hệ quốc tế. Nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, Trung Quốc sẽ trừng phạt các công ty Mỹ tham gia vào việc bán vũ khí cho Đài Loan”.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8-7 phê duyệt hợp đồng bán cho Đài Loan 108 xe tăng chiến đấu M1A2T Abrams, 250 tên lửa phòng không vác vai Stinger và khí tài đi kèm có tổng trị giá 2,2 tỉ USD. Đây là lô thiết bị quân sự lớn đầu tiên Mỹ bán cho Đài Loan trong nhiều thập kỷ.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây tăng cường ủng hộ Đài Loan và thường xuyên điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh căng thẳng do chiến tranh thương mại và các vấn đề chiến lược khác.

Theo hãng tin Reuters, thông báo của Bắc Kinh được ra trong bối cảnh bà Thái Anh Văn, lãnh đạo Đài Loan dừng chân ở New York trong chuyến công du đến Carribean.

Chuyến đi của bà bị phía Trung Quốc chỉ trích. Phía Đài Loan cho biết bà Thái Anh Văn có cuộc điện đàm với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và gặp nhiều thượng nghị sĩ và thành viên quốc hội trong thời gian ở Mỹ.

http://biendong.net/bi-n-nong/29301-tq-xac-nhan-vua-tap-tran-o-vung-bien-giap-dai-loan.html

 

Trung Cộng phớt lờ yêu cầu cải cách thương mại của Mỹ,

củng cố mô hình kinh tế quốc doanh

Theo tin từ tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, Trung Cộng đang củng cố mô hình kinh tế nhà nước bất chấp yêu cầu thay đổi từ phía Hoa Kỳ để chấm dứt chiến tranh thương mại.

Trên thực tế, Bắc Kinh ngày càng mở rộng ảnh hưởng đối với các công ty do nhà nước sở hữu, và Đảng cộng sản Trung Cộng ngày càng xâm nhập vào hội đồng quản trị của các công ty tư nhân.

Hôm thứ Hai (15 tháng 7), Ủy ban Giám sát và Quản trị Tài sản Nhà nước (SASAC), cơ quan trực tiếp giám sát hơn 7.3 ngàn tỷ Mỹ kim ngân sách nhà nước, đã tuyên bố rằng China Poly Group, một trong những công ty lớn về công nghiệp, sẽ sát nhập vào Tập đoàn tơ lụa Trung Cộng như một phần của kế hoạch tái cấu trúc chính phủ.

Việc hợp nhất các công ty nhà nước cũng ảnh hưởng đến các công ty thuộc sở hữu của chính quyền địa phương, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực tài nguyên, cảng biển và công nghiệp. Trong nửa đầu năm nay, các cổ phần tại ít nhất bốn công ty niêm yết, bao gồm Hainan Strait Shipping và Maanshan Iron & Steel đã được chuyển từ chính quyền địa phương sang SASAC. Các dữ kiện cho thấy đảng Cộng sản cũng đã len lỏi vào hơn 1.5 triệu công ty không trực thuộc nhà nước trên toàn quốc. Theo ông Li Yiping, giáo sư kinh tế tại Đại học Renmin, Trung Cộng có những đặc điểm chung với các nền kinh tế thị trường, bao gồm các thực thể công ty có quyền sở hữu, và cơ chế thị trường đóng vai trò quyết định trong phân bổ nguồn lực. Dù vậy, trong báo cáo trước Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 2, Văn phòng Đại diện Thương mại nói rằng Trung Cộng đã không chấp nhận các chính sách mở, định hướng thị trường, và việc cải cách công ty nhà nước thực sự không được đề cập đến trong chương trình nghị sự của nước này. Ngoài ra, nhà nước vẫn kiểm soát nền kinh tế, và can thiệp mạnh vào thị trường để đạt được các mục tiêu chính sách công nghiệp. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/trung-cong-phot-lo-yeu-cau-cai-cach-thuong-mai-cua-my-cung-co-mo-hinh-kinh-te-quoc-doanh/

 

TQ dọa cắt đứt quan hệ

với công ty Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan

Chính phủ và các công ty Trung Quốc sẽ cắt đứt quan hệ kinh doanh với các công ty Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan, Reuters dẫn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm 15/7.

Tuần trước, Lầu Năm Góc cho biết, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chấp thuận việc bán vũ khí theo yêu cầu của Đài Loan, bao gồm 108 xe tăng M1A2T Abrams của công ty General Dynamics Corp và 250 tên lửa Stinger do công ty Raytheon sản xuất.

Trước đó, vào ngày 12/7, Trung Quốc nói rằng họ sẽ trừng phạt các công ty Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng không nói rõ chi tiết.

Hôm 15/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan vi phạm luật pháp quốc tế và gây tổn hại đến chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc.

“Chính phủ Trung Quốc và các công ty Trung Quốc sẽ không hợp tác hoặc cũng sẽ không duy trì liên hệ thương mại với các công ty Hoa Kỳ này,” ông Cảnh nói tại một cuộc họp báo hàng ngày hôm 15/7.

“Hiện tại tôi không thể nêu chi tiết. Nhưng hãy tin điều này: Người dân Trung Quốc luôn nói là làm.”

Hôm 14/7, tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng một bài viết trên mạng xã hội WeChat, nêu danh tính các công ty Hoa Kỳ có khả năng bị trừng phạt.

Các công ty này bao gồm Honeywell International Inc., công ty sản xuất động cơ cho xe tăng Abrams, và nhà sản xuất máy bay phản lực tư nhân Gulfstream Aerospace, thuộc sở hữu của công ty General Dynamics. Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với cả công ty Honeywell và công ty Gulfstream, vẫn theo Reuters.

Hôm 12/7, trang Bloomberg trích lời Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị ra cảnh báo đối với Hoa Kỳ rằng Washington “đang đùa với lửa” thông qua việc bán với vũ khí trị giá 2 tỷ đôla cho Đài Loan và tuyên bố sẽ trừng phạt các công ty Mỹ có liên quan.

Hoa Kỳ “hoàn toàn coi thường” Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết trong một cuộc họp báo ngắn tại thủ đô Budapest của Hungary hôm 12/7.

“Chớ có gửi tín hiệu sai cho các lực lượng ly khai ở Đài Loan, chớ có lặp lại các sai lầm và chớ đùa với lửa về các vấn đề liên quan đến Đài Loan,” ông Vương nói.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vốn đã căng thẳng vì một cuộc chiến thương mại mà Bắc Kinh và Washington đều đánh thuế cao đối với hàng nhập khẩu của nhau.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố sẽ trừng phạt các công ty Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Trước đó, Trung Quốc đã công bố các biện pháp như vậy ít nhất hai lần vào các năm 2010 và 2015, nhưng không rõ liệu các lệnh trừng phạt có được áp dụng hay không.

https://www.voatiengviet.com/a/tq-doa-cat-dut-quan-he-voi-cty-my-ban-vu-khi-cho-dai-loan/5000670.html

 

Thủ tướng Thái Lan

tuyên bố chấm dứt sự cai trị của quân đội

Hôm 15/7, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha chính thức từ bỏ vai trò người đứng đầu chính phủ quân sự và nói rằng đất nước này sẽ hoạt động như một nền dân chủ bình thường sau 5 năm chịu sự cai trị của quân đội, theo Reuters.

Ông Prayuth tiếp tục làm thủ tướng với sự ủng hộ của các đảng thân quân đội trong quốc hội và thượng viện do quân đội chỉ định. Ông sẽ lãnh đạo Thái Lan theo một theo hiến pháp mà các nhà phê bình cho rằng đã bóp nghẹt nền dân chủ và tâng bốc vai trò chính trị của quân đội.

Trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, ông Prayuth cho biết, sự lãnh đạo của quân đội đã mang lại thành công trong nhiều lĩnh vực, từ việc xử lý vấn đề đánh bắt cá và buôn người bất hợp pháp, đến việc giải cứu 12 cậu bé và huấn luyện viên bóng đá bị mắc kẹt trong một hang động ngập nước vào năm ngoái.

Từng là người đứng đầu quân đội, ông Prayuth đã nắm quyền trong một cuộc đảo chính năm 2014. Ông nói rằng sự can thiệp khi đó là cần thiết để khôi phục lại trật tự sau 6 tháng diễn ra biểu tình trên đường phố và các cuộc đụng độ bạo lực, nhưng mọi thứ đã trở lại bình thường sau cuộc bầu cử vào ngày 24/3 vừa qua.

“Bây giờ Thái Lan hoàn toàn là một quốc gia dân chủ với chế độ quân chủ lập hiến, với một quốc hội có các thành viên được bầu,” ông Prayuth nói.

Quốc Vương Thái Maha Vajiralongkorn tuần trước đã tán thành nội các dân sự mới của ông Prayuth, được chọn ra từ một chính phủ liên minh gồm 19 đảng, vốn chiếm thế đa số mong manh trong quốc hội Thái.

Vẫn theo Reuters, chính phủ mới sẽ chính thức nắm quyền sau một buổi lễ tuyên thệ vào ngày 16/7. Chính phủ mới cũng sẽ đệ trình các chính sách trước quốc hội vào tuần tới.

 

https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-thai-lan-tuyen-bo-cham-dut-su-cai-tri-cua-quan-doi/5000879.html

 

Ấn Độ hoãn phóng tàu thăm dò Mặt Trăng

vì trục trặc kỹ thuật

Thùy Dương

Đêm 14, rạng sáng 15/07/2019, Ấn Độ đã phải hoãn vụ phóng tàu thăm dò lên Mặt Trăng « vì lý do kỹ thuật » vào giờ chót. Đây là chuyến thăm dò Mặt Trăng lần thứ hai của Ấn Độ. Nếu thành công, Ấn Độ sẽ trở thành nước thứ tư trên thế giới, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc, đưa được tàu thăm dò lên Mặt Trăng.

Từ New Delhi, thông tín viên RFI Antoine Guinard tường trình :

« Đồng hồ đếm ngược đã ngưng lại chính xác là vào 56 phút và 24 giây trước khi tàu thăm dò được phóng theo dự kiến là vào 02h51 hôm nay, giờ địa phương. ISRO, cơ quan nghiên cứu không gian của Ấn Độ đã giải thích trên trang chủ và mạng xã hội Twitter là tên lửa, dự kiến được phóng đi từ căn cứ Sriharikota ở miền nam, đã gặp trục trặc về kỹ thuật. ISRO sẽ sớm thông báo ngày phóng tàu thăm dò Mặt trăng.

Như vậy là chuyến bay thăm dò Mặt Trăng Chandrayaan-2 của Ấn Độ sẽ bị hoãn lại, 11 năm sau lần đầu tiên Ấn Độ phóng một phi thuyền thăm dò lên Mặt Trăng trong chuyến bay Chandrayaan-1. Cuộc thám hiểm lần thứ hai có mục đích đưa một chiếc xe tự hành lên Mặt Trăng vào tháng Chín, đương nhiên là nếu vụ phóng phi thuyền không bị hoãn lại quá lâu. Chiếc xe này sẽ thu thập các mẫu đất trên Mặt Trăng trong vòng 14 ngày, đặc biệt là để giúp các nhà nghiên cứu hiểu hơn về hoạt động địa chấn trên Mặt Trăng.

Nếu thành công, đây sẽ là một niềm tự hào mới của Ấn Độ trong lĩnh vực không gian. Từ 10 năm nay, ISRO đã tạo dựng được uy tín qua các dự án hiệu quả và ít tốn kém. Báo chí Ấn Độ đùa vui nhận xét là chi phí chưa đầy 127 triệu euro cho Chandrayaan 2 còn thấp hơn là ngân sách của một số hãng sản xuất phim lớn ở Hollywood trong những năm gần đây ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190715-an-do-hoan-phong-tau-tham-do-mat-trang-vi-truc-trac-ky-thuat