Tin khắp nơi – 15/07/2018
World Cup 2018 :
Dân Pháp háo hức mong chờ chiến thắng
Hôm nay, 15/07/2018, hàng chục triệu người trên khắp nước Pháp sẽ dán mắt vào màn ảnh truyền hình kể từ 17 giờ (giờ Pháp) để hồi hộp theo dõi trận chung kết Cúp Bóng đá Thế giới Pháp – Croatia tại Matxcơva, với hy vọng là các tuyển thủ áo Lam sẽ giành được ngôi sao thứ hai, sau khi đã lần đầu tiên đoạt chức vô địch thế giới cách đây đúng 20 năm.
Nói chung, sau khi tỏ vẻ dè dặt, thậm chí bi quan về khả năng của đội tuyển quốc gia, công chúng Pháp đã ngày càng tin tưởng vào cơ may chiến thắng của những chú gà trống Gaulois.
Để phục vụ cho khán giả Paris, ngày 15/07/2018, một fanzone khổng lồ đặt tại khu Champs de Mars trước tháp Eiffel, với một màn ảnh cực lớn và nhiều màn ảnh lớn khác, với sức chứa tối đa 90 ngàn người. Sở Cảnh sát Paris đã khuyến cáo fanzone này sẽ được mở cửa ngày từ 13 giờ và khi nào đủ số 90 ngàn người thì họ sẽ đóng lại, không tiếp nhận thêm nữa, để bảo đảm an toàn cho mọi người. Tháp Eiffel dĩ nhiên cũng đóng cửa hôm nay, không đón du khách.
Từ khu vực fanzone Champs de Mars, đặc phái viên Minh Anh tường trình:
” Mặc áo mầu lam đội tuyển Pháp, tay cầm cờ hay cờ khoác trên vai, vòng hoa giấy mầu cờ xanh trắng đỏ trên cổ, cùng với tiếng hò reo và tiếng kèn, ALLEZ LES BLEUS và quốc ca Pháp đã vang khắp khu vực Champs de Mars, và trên các tuyến tầu điện ngầm đổ về khu vực fanzone.
Đến 17g trận đấu mới mở màn, nhưng các cổ động viên Pháp đã lũ lượt đổ về khu vực fanzone Champs de Mars để kịp vào xí chỗ ngay từ lúc trưa chờ đến giờ mở cửa cho công chúng là 13g.
Cũng tương tự giới phóng viên đến đưa tin cũng được yêu cầu có mặt từ 12g.
Hầu hết các tuyến metro đổ về Champs de Mars đông đúc người ngay từ lúc trưa. Cổ động viên hầu hết là giới trẻ.
Vì lý do an ninh, để vào được khu vực fanzone, cổ động viên được yêu cầu không mang túi xách, nước uống. Một hàng rào an ninh nghiêm ngặt đã được dựng cách xa mấy trăm mét. Quý vị có thể nghe tiếng hò reo của các cổ động viên đang xếp hàng chờ qua cổng kiểm soát an ninh được chia làm hai nam và nữ riêng biệt.
Một điều chắc chắn là đây cũng là dịp hốt bạc cho các tiểu thương cung cấp cờ, hoa, mũ hay kèn đến cổ vũ đội nhà.”
Để bảo đảm an ninh tối đa, tránh các tai nạn và nhất là tránh các vụ tấn công khủng bố bằng xe, các con đường chung quanh Champs de Mars bị cấm lưu thông từ 3 giờ sáng cho đến 23 giờ ngày 15/07. Phạm vi bị cấm lưu thông sẽ được mở rộng hơn nữa trong trường hợp đội Pháp chiến thắng, đặc biệt là để các cổ động viên có thể đi bộ từ Champs de Mars đến đại lộ Champs Elysées để ăn mừng chiến thắng. Đại lộ đẹp nhất thế giới của Paris sẽ bị cấm lưu thông cho đến nửa đêm.
Những ai không vào được fan zone ở Champs de Mars thì có thể tản ra những fan zone khác trong thủ đô Paris. Tổng cộng, 230 fan zone được dựng lên trên khắp nước Pháp để những người hâm mộ bóng đá có thể hòa nhịp với cổ động viên Pháp có mặt tại Matxcơva, cổ vũ tinh thần cho đội quân của huấn luyện viên Didier Deschamps. Các quán cà phê, quán bar chắc chắn cũng sẽ đông nghẹt khách đến xem bóng đá trong bầu không khí cũng cuồng nhiệt không kém các fan zone. Những người khác thì tập hợp gia đình, bạn bè về nhà để cùng xem trận chung kết một cách thoải mái hơn.
Để bảo đảm an ninh cho các cuộc tập hợp đông đảo này, tổng cộng 110 ngàn cảnh sát và hiến binh tiếp tục được huy động trên toàn quốc, như đã được huy động trong ngày Quốc Khánh hôm 14/07.
Để khích lệ tinh thần đội tuyển quốc gia, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay đến Matxcơva để theo dõi trận chung kết. Trước đó, ông Macron sẽ hội đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin ở điện Kremlin.
Đội tuyển Pháp : Tự tin nhưng thận trọng
Cách đây 20 năm, Didier Deschamps, đeo băng thủ quân, đã đứng giữa các đồng đội giơ cao chiếc Cúp Vô địch Thế giới tại sân vận động Stade de France. Hai mươi năm sau, Deschamps có sẽ lại giơ cao chiếc cúp vàng này cùng các tuyển thủ mà ông dẫn dắt ? Dĩ nhiên là ở Pháp ai cũng mong chờ điều đó.
Theo kết quả một cuộc thăm dò của nhật báo Le Journal du dimanche, có đến 84% dân Pháp tin tưởng là đội áo Lam sẽ giành được ngôi sao thứ hai. Các tuyển thủ Pháp tuy cũng tin tưởng nhưng tỏ ra rất thận trọng trước một đối thủ đáng gờm là Croatia.
Các tuyển thủ của quốc gia thuộc Nam Tư củ này gặp bất lợi ở một điểm là có thời gian nghỉ ngơi ít hơn một ngày so với đội tuyển Pháp, do đấu bán kết sau một ngày, mà trong hai trận liên tiếp đều đã phải đấu hiệp phụ, nên hao mòn sức lực nhiều hơn. Thế nhưng, họ vẫn là những đối thủ lợi hại, nhất là hai tiền vệ Luka Modric và Ivan Rakitic.
Thủ môn kiêm thủ quân đội tuyển Pháp Hugo Lloris nhìn nhận rằng, khi đến được chung kết như vậy, dù đã phải đá hiệp phụ hai trận liên tiếp, các tuyển thủ Croatia đã chứng tỏ họ có tiềm năng « không thể tin được » cả về thể lực lẫn tinh thần.
Không quên bài học đau đớn thua Bồ Đào Nha ( 0-1vào hiệp phụ ) trong trận chung kết Euro – 2016, huấn luyện viên Didier Deschamps hạ lệnh cho đội quân của ông với ba từ ” bình thản”, “tin tưởng” và “tập trung”. Ông cho rằng để chuẩn bị tốt nhất cho trận hôm nay, phải biết « pha trộn » đúng mức ba phẩm chất đó.
Nói chung, đội tuyển Pháp có thể dựa vào những cột trụ như tiền vệ N’Golo Kanté, rất năng động, vào Hugo Lloris, một trong những thủ môn xuất sắc nhất Cúp Thế giới lần này, vào hậu vệ Raphael Varane, rất vững chắc trong vị trí này, và vào tiền đạo Griezmann, tuy không sáng chói như trong giải Euro, nhưng đã nhiều lần đóng vai trò quyết định.
http://vi.rfi.fr/phap/20180715-world-cup-2018-dan-phap-hao-huc-mong-cho-chien-thang
Chung kết World Cup: Pháp thắng Croatia 4-2
Pháp vô địch World Cup 2018 sau khi thắng Croatia 4-2 trong trận chung kết trên sân Luzhniki, Moscow ngày Chủ nhật 15/7.
Pháp giành chức vô địch đầy thuyết phục với 4 bàn thắng ghi được nhờ công của Griezmann, Mbappe, Pogba và một bàn phản lưới nhà của Mandzukic,
Hai bàn thắng danh dự của Croatia thuộc về Mandzukic và Perisic.
Những cơn mưa nặng hạt đã rơi trong lễ trao giải hòa cùng với pháo hoa của nước chủ nhà như muốn chúc mừng chiến tích lẫy lừng của Pháp.
Đồng thời cơn mưa như thay cho những giọt nước mắt của các cầu thủ Croatia khi họ đã gục ngã ở bậc cuối cùng của nấc thang lên thiên đường.
Trận chung kết đã diễn ra rất sôi nổi với các pha ăn miếng trả miếng của cả hai đội
Croatia đã phải nhận một gáo nước lạnh ở phút thứ 18. Trong một pha bóng hỗ trợ phòng thủ, tiền đạo Mario Mandzukic đã không may đánh đầu phản lưới nhà từ đường đá phạt của Griezmann.
Cú chạm đầu của Mandzukic đã đi vào lịch sử với tư cách là pha phản lưới nhà đầu tiên trong một trận chung kết World Cup. Đây cũng là pha phản lưới thứ 12 tại World Cup 2018.
Nhà báo Lê Thành Lương gửi cho BBC từ trong sân thi đấu trận chung kết ở Moscow: “Các cầu thủ Croatia đã giành được quyền kiểm soát bóng từ chân cầu thủ Pháp, ngay bên sân Pháp vài lần. Sắc bén hơn và rõ ràng là những người đang nắm quyền chủ động!”.
Dù bị dẫn trước khá sớm nhưng Croatia vẫn chứng minh được mình là đội bóng khó chịu như thế nào từ đầu giải tới giờ bằng cách gỡ hòa chỉ 10 phút sau đó, nhờ cú sút quyết đoán của Perisic.
Nhưng Pháp cũng chỉ mất đúng 10 phút để tái thiết lập lợi thế dẫn trước sau khi VAR xác nhận bóng đã chạm tay một cầu thủ của Croatia trong vòng cấm.
Thật trớ trêu người để chạm tay chính là người hùng Perisic và trên chấm phạt đền, Antoine Griezmann đã không mắc một sai lầm nào ghi bàn thắng thứ 4 của mình tại World Cup năm nay.
Pháp đã có 6 phút thi đấu rất khởi sắc trong hiệp hai, từ phút 59 đến phút 65 và có hai bàn thắng nhờ những cú sút quyết đoán của Mbappe và Pogba.
Suýt chút nữa thì sai lầm ngớ ngẩn của Hugo Lloris 4 phút sau đó đã thắp sáng lại hy vọng làm nên điều kỳ diệu cho Croatia.
Nhưng thời gian còn lại của trận đấu là không đủ để đội bóng áo caro đỏ trắng có thể làm nên được bất ngờ và phải chịu nhận kết quả chung cuộc 4-2.
Dù sau thỉ Modric cùng đồng đội đã có một kỳ World Cup thi đấu rất thành công và đã lần đầu đưa đội bóng của đất nước vỏn vẹn 4.7 triệu dân lọt tới trận đấu cuối cùng.
Còn về phần tuyển Pháp, phải nói rằng thế hệ vàng năm nay của họ đã hội tụ đủ mọi yếu tố về tài năng, phong độ cũng như không thể thiếu được một chút may mắn.
Về phần danh hiệu cá nhân. đội trưởng Modric của Croatia đã giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải trong khi số 10 của Pháp là Mbappe cũng nhận giải Cầu thủ trẻ hay nhất.
Một lần nữa, xin chúc mừng những chú Gà Trống đã trở thành tân vương của FIFA World Cup 2018 !
Đội Pháp: Hugo Lloris (đội trưởng); Benjamin Pavard, Raphael Varane, Samuel Umtiti, Lucas Hernandez; Paul Pogba, N’Golo Kante; Kylian Mbappe, Antoine Griezmann, Blaise Matuidi; Olivier Giroud
Huấn luyện viên: Didier Deschamps
Đội Croatia: Danijel Subasic; Sime Vrsaljko, Dejan Lovren, Domagoj Vida, Ivan Strinic; Luka Modric (đội trưởng), Marcelo Brozovic, Ivan Rakitic; Ante Rebic, Mario Mandzukic, Ivan Perisic
Huấn luyện viên: Zlatko Dalic
Trọng tài: Néstor Pitana
World Cup bất ngờ
Nhà báo Lê Thành Lương nhận xét: “Đây là World Cup của những nỗi buồn, tranh cãi, cơ hội bỏ lỡ, những bàn thắng đẹp và khoảnh khắc cảm xúc bùng nổ muộn màng.”
“Những đội bóng nhỏ khiến đối thủ lớn phải run rẩy. Mexico và Hàn Quốc khiến ĐKVĐ Đức về nhà ngay vòng bảng.”
“Tuyển Nga tiễn Tây Ban Nha. Nhật Bản đánh bại Colombia – chiến thắng đầu tiên của một đội bóng châu Á trước một đối thủ Nam Mỹ trong lịch sử World Cup.”
“Senegal vượt qua Ba Lan, trong khi Ma rốc, Iran và Iceland cầm hòa Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Argentina bằng những kết quả ấn tượng.”
“World Cup lần này quá thành công ở khâu tổ chức, khán giả, cảm xúc, những trận đấu hay, bàn thắng đẹp và ngớ ngẩn. Nước Nga đã thành công ngoài mong đợi với chiến dịch truyền thông này. FIFA cũng đỡ áp lực sau những bê bối đã xảy ra và yên tâm duy trì công nghệ VAR cũng như nâng số đội dự World Cup lên 48.”
Chúng tôi xin trích lời nhà báo Lê Thành Lương hiện đang có mặt trên sân Luzhniki, Nga để thay cho lời kết: “Cơn mưa nặng hạt cũng sẽ làm nguội những cái đầu nóng Croatia. Tất cả sẽ lặng lẽ ra về dưới mưa lạnh. Không ai muốn quậy phá với thời tiết này. Và nước chủ nhà càng yên tâm vì thời điểm nhạy cảm đang qua đi một cách an bình!”
https://www.bbc.com/vietnamese/sport-44841386
Bỉ giành huy chương đồng,
Anh thua tâm phục khẩu phục
Bỉ hạ Anh 2-0 một cách thuyết phục trong trận đấu tranh giải ba sau những bàn thắng của Meunier và Hazard.
Những bất ngờ liên tiếp giúp Anh rộng cửa vào chung kết
World Cup 2018: Các con phố mang tên Tuyển Anh
Dù đều đã thua ở bán kết nhưng không có nghĩa là hai đội đánh giá thấp tính quan trọng của trận tranh giải ba này.
Ở trong trận đấu này, HLV Southgate đã có 4 sự thay đổi khác nhau là hậu vệ Danny Rose, Phil Jones cùng tiền vệ Delph và Loftus-cheek được đưa ra sân.
Tuy nhiên chính sự thay đổi này làm cho đội bóng của vị HLV 47 tuổi này phải chịu lép vế trong hiệp một.
Ngay ở phút thứ 4, chính Danny Rose là người không thể theo kèm Thomas Meunier, để cho hậu vệ cánh này xâm nhập và đệm lòng cận thành, mở tỷ số trận đấu – Jones cũng mắc lỗi vị trí trong bàn thua này.
Xuyên suốt cả hiệp một, các pha tấn công của Anh cũng không được sắc nét như các trận đấu trước khi các pha bóng ban bật rất nhiều lần đi sai địa chỉ hoặc đi vào “ngõ cụt”.
Việc cả hai tiền vệ sáng tạo là Delle Alli và Lingard đều bị cất trên băng ghế dự bị phần nào đã lý giải được sự bế tắc này.
HLV Southgate cũng đã sớm nhận ra điều này và ngay chỉ khi vào đầu hiệp hai, Lingard cùng Rashford đã được tung vào sân thay cho Rose và Sterling nhằm làm mới hàng công.
Ngay lập tức tuyển Anh đã thi đấu khởi sắc hơn, các tình huống tấn công cũng có nét hơn và nhiều cơ hội đã được tạo ra.
Nhưng trong một ngày mà hàng thủ Bỉ đã thi đấu quá tập trung thi các pha hãm thành của Anh đều đã bị hóa giải.
Đáng chú ý nhất là tình huống mà Eric Dier đã lốp bóng qua được Courtois nhưng đã bị chính người đồng đội của mình ở Tottenham là Toby Alderweireld cản phá ngay trên vạch vôi.
Đó là cơ hội tốt nhất mà Tam Sư đã tạo ra trước khi Eden Hazard dứt điểm lạnh lùng trong tình huống đối mặt với Pickford trong tình huống phản công chớp nhoáng ở phút 82.
Tiếng còi kết thúc vang lên cùng với việc Lukuku đã không thể ghi thêm được bàn thắng nào nữa thì Harry Kane nhiều khả năng sẽ là chủ nhân của danh hiệu chiếc giày vàng năm nay khi chỉ còn Griezmann và Mbappe có thể đuổi kịp anh nhưng họ đều xếp sau chân sút sinh năm 1993 này tận 3 bàn.
Hướng về trận chung kết
Trận tranh giải ba đã kết thúc và chỉ không đầy 24 tiếng sau đó trận đấu được chờ đợi nhất sẽ chính thức được bắt đầu.
Croatia lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào trận chung kết khi thành tích tốt nhất của họ từng làm là lọt đến vòng bán kết và đã để thua chính trước Pháp 20 năm về trước tại France 1998 khi Pháp chính là đội lên ngôi năm đó.
Việc lọt đến trận chung kết cũng là một kỷ lục của Croatia khi đất nước này trở thành nước thứ 2 có dân số ít nhất, sau Uruguay lọt đến trận đấu cuối cùng của World Cup.
Chắc chắn rằng Modric cùng đồng đội sẽ muốn kỷ lục này thêm phần long trọng hơn bằng cách đạt được cúp vàng gianh giá – nhưng đó sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Đối thủ của họ, tuyển Pháp, đang rất hừng hực khí thế khi đã lọt vào hai trận chung kết lớn liên tiếp (lần trước là CK Euro 2016).
https://www.bbc.com/vietnamese/sport-44835547
TT Pháp: Ông Putin tổ chức World Cup ‘hoàn hảo’
Nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron hôm 15/7 chúc mừng Tổng thống Nga Putin đã tổ chức “hoàn hảo” World Cup.
Ông Macron và phu nhân Brigitte gặp lãnh đạo Nga tại điện Kremlin trước trận chung kết giữa Pháp và Croatia tại sân vận động Luzhniki ở Moscow.
Tổng thống Pháp nói với ông Putin rằng ông muốn “chúc mừng” nguyên thủ Nga đã tổ chức giải đấu một cách “tốt đẹp”, theo AFP.
“Để tổ chức một cách an toàn và mọi thứ hoàn hảo là một thách thức, nên xin chúc mừng ông vì điều đó”, ông Macron nói.
Trước ông Macron, nhà lãnh đạo Nga đã gặp người đồng nhiệm Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic.
Bà Grabar-Kitarovic cũng chúc mừng ông Putin đã tổ chức thành công giải đấu và coi đó là một “hình mẫu”.
Nhà lãnh đạo Croatia cũng trao cho ông Putin một chiếc áo có in tên ông với con số 9.
Theo Reuters, trước đó, một nguồn tin trong văn phòng tổng thống Pháp nói rằng ông Macron dự tính thảo luận với ông Putin về các vấn đề liên quan tới Syria, Iran và Ukraine.
Các tổ chức nhân quyền từng kêu gọi lãnh đạo các nước phương Tây tẩy chay World Cup ở Nga vì sự can dự của Moscow ở Syria.
Lãnh đạo nhiều nước và các ngôi sao
đến Nga xem trận chung kết
Tổng thống nước Nga chủ nhà, Vladimir Putin cùng với nhiều nhà lãnh đạo các nước có mặt trên sân vận động Loujniki tại Matxcơva hôm nay 15/07/2018 dự trận chung kết Cúp bóng đá thế giới giữa hai đội tuyển Pháp và Croatia. Bên cạnh đó còn có các nhân vật tên tuổi khác.
Thông báo của điện Kremlin cho biết tổng thống Putin dự lễ bế mạc World Cup 2018 và dự kiến trận chung kết. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Croatia, bà Kolinda Grabar-Kitarovic cũng hiện diện để cổ vũ đội tuyển nước mình. Bên cạnh đó quốc vương Qatar, Tamim Ben Hamad Al Thani, nước chủ nhà World Cup 2022 cũng có mặt.
Một số nhà lãnh đạo khác cũng được chờ đợi, như chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas, tổng thống các nước Gabon, Sudan, Belarus, Moldova, Armenia, thủ tướng Hungary và Kizghiztan.
Ca sĩ kiêm diễn viên Mỹ Will Smith, đồng tác giả ca khúc chính thức của World Cup lần này là « Live it up » biểu diễn trong lễ bế mạc Cúp bóng đá thế giới 2018. Ca sĩ nổi tiếng Mick Jagger, lãnh đạo nhóm Rolling Stones, vốn đã dự trận bán kết ở Saint-Peterbourg, lần này cũng không bỏ qua trận chung kết.
Trên khán đài còn có siêu sao điền kinh Usain Bolt, người chạy nhanh nhất thế giới. Hai cầu thủ Pháp Laurent Koscielny và Dimitri Payet không dự World Cup được vì bị chấn thương, cũng sẽ là khán giả trận chung kết Pháp-Croatia.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180715-lanh-dao-nhieu-nuoc-va-cac-ngoi-sao-den-nga-xem-tran-chung-ket
Trump ‘khuyên Anh kiện EU’
Tổng thống Mỹ Donald Trump khuyên Thủ tướng Anh Theresa May hãy kiện EU thay vì đàm phán.
Hội nghị Trump-Putin sẽ vẫn diễn ra
Trump chê ‘Brexit mềm’ và khen Boris Johnson
Bà Theresa May tiết lộ chi tiết này với BBC, sau chuyến thăm Anh của ông Trump.
“Ông ấy bảo tôi rằng tôi nên kiện EU, chứ đừng đàm phán.”
Bà May nói thêm rằng ông Trump cũng khuyên bây giờ khi bà đã tham gia đàm phán, bà không nên bỏ cuộc.
Bà Theresa May đang bảo vệ cho lập trường Brexit của chính phủ, sau khi một số bộ trưởng từ chức để phản đối.
Bà nói cơ sở đàm phán Brexit hiện nay sẽ giúp Anh có những thỏa thuận thương mại với các nước khác, chấm dứt việc đi lại tự do và thẩm quyền của Tòa Công lý châu Âu.
Bộ trưởng phụ trách Brexit David Davis và Ngoại trưởng Boris Johnson đã từ chức, chỉ trích rằng kế hoạch của bà May không đáp ứng nguyện vọng của cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ ra khỏi EU năm 2016.
Nhưng bà May vẫn khẳng định kế hoạch của bà là cách duy nhất để việc ra khỏi EU đem lại lợi ích cho Anh quốc.
Tổng thống Donald Trump nói với báo The Sun rằng các đề xuất của bà May “có lẽ sẽ giết chết” thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Nhưng chỉ vài giờ sau, ông lại nói thỏa thuận thương mại Mỹ – Anh “hoàn toàn có thể xảy ra”.
Người Anh bỏ phiếu ra khỏi EU trong một cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016.
Theo lịch trình, Anh sẽ ra khỏi EU vào tháng 3/2019.
Nhưng giới chính khách và doanh nhân ở Anh vẫn chia rẽ về hình thức của Brexit.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44838813
5 điểm chính từ bản cáo trạng
truy tố các sĩ quan Nga can thiệp bầu cử
Phó Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein phát biểu trong cuộc họp báo loan báo cáo trạng nhắm vào 12 sĩ quan tình báo quân đội Nga được cho là đã tổ chức một hoạt động trên mạng quy mô lớn nhằm can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, tại Bộ Tư pháp, Washington, ngày 13 tháng 7, 2018.
Vào lúc một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bước vào chặng cuối trong năm 2016, 12 sĩ quan tình báo quân đội Nga khắp Moscow đã tiến hành một chiến dịch tấn công tin tặc quy mô lớn nhằm khuynh đảo cuộc bầu cử.
Đó là cáo buộc được đưa ra trong một bản cáo trạng công bố hôm thứ Sáu nói rằng những sĩ quan này đã phát triển những mã máy tính độc hại được gọi là malware, xâm nhập các máy tính của Đảng Dân chủ và âm thầm theo dõi trong khi các nhân viên Đảng Dân chủ gõ bàn phím nhập mật khẩu.
Người Nga đã đánh cắp các tập tin bí mật của phe Dân chủ. Họ chụp lại màn hình. Họ sử dụng email giả mạo để lừa các nhân viên của Hillary Clinton đưa mật khẩu cho họ.
Và rồi, bản cáo trạng nói, người Nga đã tung những thông tin bị đánh cắp ra cho cả thế giới xem.
Dưới đây là những điểm chính trong bản cáo trạng:
Vụ xâm nhập tin tặc dính líu tới các cấp cao nhất của chính phủ Nga
Bản cáo trạng cho biết Tổng cục Tình báo của Bộ Tổng Tham mưu Lực lượng Vũ trang Liên bang – được gọi là GRU – đã chỉ đạo nhiều đơn vị “tiến hành các hoạt động trên mạng quy mô lớn” để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Một trong những đơn vị này nằm trên một con đường không có gì đáng chú ý ở khu ngoại ô Khimki của Moscow, trong một tòa nhà mà người bên trong GRU gọi là “Tháp,” theo bản cáo trạng. Một đơn vị khác nằm gần trung tâm Moscow, không xa trụ sở Bộ Quốc phòng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn khẳng định rằng Nga không dính dáng tới việc tấn công tin tặc hay bất kì nỗ lực nào nhằm can thiệp vào các cuộc bầu cử của Mỹ. Nhưng GRU là một phần của bộ máy nhà nước, và sự tham gia của họ cho thấy ông Putin đã can dự sâu vào nỗ lực này.
Vụ xâm nhập tin tặc là một hoạt động tinh vi
Theo bản cáo trạng, hoạt động xâm nhập tin tặc của Nga chính xác đến độ họ có thể xác định được những máy tính cụ thể bên trong cánh vận động tranh cử Đảng Dân chủ ở Hạ viện, Ủy ban Vận động tranh cử Quốc hội Đảng Dân chủ và Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc chứa những thông tin liên quan đến cuộc bầu cử. Họ đã có thể lục tìm trong các máy tính này những thuật ngữ nhất định, như “Hillary,” “Cruz” và “Trump.” Họ cũng sao chép các thư mục, bao gồm thông tin gây tổn hại về đối phương và kế hoạch hoạt động trên thực địa.
Người Nga che giấu sự can dự của họ thông qua các địa chỉ email và danh tính giả tạo và một mạng lưới các máy tính đặt khắp thế giới – kể cả ở Mỹ. Họ trả tiền cho cơ sở hạ tầng của mình bằng cách sử dụng tiền ảo bitcoin.
Trump kêu gọi Nga tấn công tin tặc Clinton – Và họ đã làm như vậy
Bản cáo trạng nói người Nga sử dụng “spearphishing” — một kĩ thuật dùng để đánh cắp mật khẩu hoặc truy cập vào máy tính — trong suốt mùa hè năm 2016 để xâm nhập máy tính của các cá nhân có liên hệ tới ban vận động Clinton.
Một nỗ lực được nhắc tới trong bản cáo trạng dường như được thực hiện chỉ vài giờ sau khi ông Donald Trump kêu gọi người Nga tìm kiếm các email của bà Clinton. Vào sáng ngày 27 tháng 7 năm 2016, ông Trump có một bài phát biểu mà trong đó ông nói “Nga, nếu các bạn đang lắng nghe,” ông rất muốn xem qua hàng ngàn email mà bà Clinton nói là riêng tư mà bà đã xóa thời bà còn làm bộ trưởng ngoại giao.
Vào tháng 9, những người Nga này liên lạc với nhân vật này một lần nữa và nhắc tới một tài liệu bị đánh cắp từ Ủy ban Vận động tranh cử Quốc hội Đảng Dân chủ và được đăng lên mạng. “Bạn nghĩ gì về thông tin về mô hình số lượng cử tri đi bỏ phiếu cho đảng dân chủ suốt toàn bộ chiến dịch tranh cử tổng thống.”
Người này trả lời, “khá là chuẩn,” theo bản cáo trạng.
Người Nga đánh cắp thông tin cử tri
Bản cáo trạng nói người Nga đã xâm nhập website của một ủy ban bầu cử cấp bang và đánh cắp thông tin của khoảng 500.000 cử tri, bao gồm tên, địa chỉ, số an sinh xã hội, ngày sinh và số bằng lái xe. Họ cũng đã xâm nhập một đơn vị chuyên cung cấp phần mềm dùng để xác minh thông tin đăng ký cử tri trong các cuộc bầu cử toàn quốc.
Các quan chức liên bang cho biết các địa điểm bầu cử cấp bang tại ít nhất 18 bang đã bị người Nga vào lùng sục. Bản cáo trạng thêm các văn phòng quận hạt — đặc biệt là ở các bang Georgia, Florida và Iowa — vào một danh sách các địa điểm quản lí bầu cử mà người Nga được nói là đã đột nhập để “xác định những lỗ hổng.”
Các quan chức Bộ An ninh Nội địa nói không có bằng chứng về bất cứ kết quả bầu cử nào bị can thiệp trong những vụ xâm nhập hồi năm 2016.
Trump đổ lỗi cho Obama
về phản ứng của Mỹ vụ Nga tấn công tin tặc
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Bảy phê phán chính quyền Obama đã không phản ứng đủ quyết liệt về chuyện Nga tấn công tin tặc các mục tiêu của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ — là những vụ tấn công trên mạng được xác định trong bản cáo trạng truy tố 12 sĩ quan tình báo quân đội Nga hôm thứ Sáu.
Phản ứng đầu tiên của ông Trump về những cáo buộc của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller nhắm vào các quan chức chính phủ Nga được đưa ra trong những dòng tweet mà tổng thống gửi đi từ khu resort đánh golf của ông ở Scotland, hai ngày trước một hội nghị thượng đỉnh ở Phần Lan với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Những chuyện bạn nghe về 12 người Nga ngày hôm qua diễn ra dưới thời chính quyền Obama, không phải chính quyền Trump,” ông Trump viết trên Twitter. “Tại sao họ không làm gì về chuyện đó, đặc biệt là khi tin cho biết Tổng thống Obama đã được FBI báo cáo vào tháng 9, trước cuộc bầu cử?”
12 sĩ quan Nga bị cáo buộc tấn công tin tặc phe Dân chủ năm 2016
Bản cáo trạng công bố hôm thứ Sáu nói những người Nga này đã xâm nhập vào các máy tính của ban vận động tranh cử tổng thống của Hillary Clinton và Đảng Dân chủ và phát tán hàng chục ngàn email trao đổi liên lạc cá nhân như một phần trong một âm mưu rộng lớn của Điện Kremlin nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ mà cuối cùng ông Trump giành chiến thắng.
Các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận Moscow khi đó đang nhắm mục tiêu giúp đỡ ban vận động của ông Trump và gây tổn hại cho nỗ lực tranh cử của bà Clinton.
Ông Trump tuần trước nói trong chuyến đi tới Châu Âu rằng ông chắc chắn sẽ “cương quyết” nêu vấn đề can thiệp bầu cử với ông Putin tại hội nghị của họ, dù ông nói thêm ông không trông đội ông Putin sẽ thừa nhận việc đó. Các thượng nghị sĩ Dân chủ hàng đầu hôm thứ Bảy đã viết thư yêu cầu ông Trump hủy bỏ hội nghị này “nếu ông không sẵn lòng đưa chuyện Nga tấn công cuộc bầu cử của chúng ta lên làm vấn đề hàng đầu mà ông sẽ thảo luận.”
Bản cáo trạng 29 trang nêu ra cách thức mà người Nga bày mưu đột nhập những tài khoản email chủ chốt của Đảng Dân chủ, bao gồm những tài khoản của chủ tịch ban vận động tranh cử của bà Clinton, John Podesta, Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc và Ủy ban Vận động Tranh cử Quốc hội Đảng Dân chủ, từ mấy tháng trước khi người Mỹ đi bỏ phiếu vào tháng 11 năm 2016.
Những email bị đánh cắp, nhiều email gây tổn hại về chính trị cho bà Clinton, xuất hiện trên trang WikiLeaks vào giai đoạn cuối của chiến dịch tranh cử.
Các cáo buộc nói rằng các bị cáo Nga, sử dụng một nhân vật được biết tới với cái tên Guccifer 2.0, vào tháng 8 năm 2016 đã liên lạc với một người có liên hệ tới ban vận động Trump để đề nghị giúp đỡ. Các cáo buộc nói trong cùng một ngày mà ông Trump, trong một bài diễn văn, thúc giục Nga tìm ra những email bị thất lạc của bà Clinton, các tin tặc Nga đã lần đầu tiên tìm cách đột nhập các tài khoản email được sử dụng bởi văn phòng cá nhân của bà.
Ông Mueller không cáo buộc các cộng sự của ban vận động Trump có dính líu trong nỗ lực tấn công, không cáo buộc có người Mỹ nào liên lạc với những người Nga này dù biết họ là nhân viên tình báo hoặc rằng bất kì phiếu bầu nào đã bị thay đổi vì vụ xâm nhập.
Nhà Trắng đã xoáy vào những điểm đó trong một thông cáo mà không hề lên án Nga về chuyện can thiệp bầu cử.
Ông Trump thường xuyên bày tỏ sự ngờ vực về việc Nga dính líu vào vụ tấn công tin tặc trong khi bị phe Dân chủ cáo buộc là tìm cách kết thân với ông Putin. Ông Trump, vài giờ trước khi bản cáo trạng được công bố, phàn nàn rằng cuộc điều tra Nga đang trói tay ông trong việc cải thiện quan hệ với Nga.
Điện Kremlin một lần nữa phủ nhận họ tìm cách xoay chuyển cuộc bầu cử. “Nhà nước Nga chưa bao giờ can thiệp và không có ý định can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ,” cố vấn ngoại giao của ông Putin, Yuri Ushakov nói.
Nga bác bỏ bản cáo trạng của Hoa Kỳ, nói
đó là hành động phá rối cuộc họp Trump-Putin
Moscow, Nga- Bộ Ngoại giao Nga đang kịch liệt phản đối bản cáo trạng của Hoa Kỳ về việc 12 điệp viên tình báo quân sự Nga bị cáo buộc đã xâm nhập vào các tài khoản của đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử năm 2016 của Hoa Kỳ.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng hành động cáo buộc này là nhằm mục đích hỏng bầu không khí trước hội nghị thượng đỉnh Putin -Trump sẽ diễn ra ở Helsinki, Phần Lan. Nga đổ lỗi cho các lực lượng chính trị có ảnh hưởng của Hoa Kỳ, cho rằng các lực lượng trên phản đối việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, nên đưa ra lời vu khống trắng trợn. Điện Kremlin phủ nhận việc chính phủ Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ.
Bất kể bản cáo trạng, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders cho biết cuộc họp Trump-Putin vẫn sẽ được tiến hành.
Sau một cuộc họp báo với Thủ tướng Anh Theresa May hôm Thứ Sáu 13/07, ông Trump cho biết sẽ đề cập đến vấn đề can thiệp bầu cử với tổng thống Putin.
Phía Tòa Bạch Ốc chủ yếu phản ứng về việc bản cáo trạng của bồi thẩm đoàn không hề buộc tội bất kỳ người Hoa Kỳ nào, và không có bằng chứng cho thấy sự can thiệp nêu trên có ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Ngoài ra, bản cáo trạng này cũng né tránh việc lên án các hành vi bị cáo buộc của Nga.
Trong khi đó, một vài thành viên của Hạ Viện và Thượng Viện đã kêu gọi ông Trump hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh với ông Putin, hoặc ít nhất là xem xét lại việc gặp tổng thống Nga. Thượng Nghị Sĩ Liên Bang John McCain của Arizona nói ông Trump nên hủy cuộc họp. (Mộc Miên)
Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà sản xuất dầu mỏ
lớn nhất thế giới vào năm 2019
Theo dự đoán của cơ quan Thông Tin Năng Lượng -Energy Information Administration (EIA), Hoa Kỳ sẽ vượt qua Saudi Arabia và đang bắt kịp Nga để trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới sau hơn bốn thập kỷ, khi sản lượng dầu của Hoa Kỳ tăng lên thành 11.8 triệu thùng/ ngày trong năm 2019.
Hồi tháng trước, các nước xuất cảng dầu mỏ trong đó bao gồm cả Nga và OPEC đã thống nhất cắt giảm lượng dầu mỏ, thúc đẩy giá dầu thế giới tăng cao. Gần đây, Tổng thống Trump đã thúc giục nước Saudi Arabia tăng sản lượng nhằm kìm hãm đà tăng giá dầu mỏ. Do đó, tiên đoán của EIA vẫn có thể thay đổi nếu Saudi Arabia và Nga đồng loạt tăng sản lượng dầu trong tương lai.
Theo số liệu của Bộ Năng Lượng, Hoa Kỳ từng có sản lượng dầu mỏ cao nhất thế giới cho đến khi Liên Bang Xô Viết cũ và Saudi Arabia vượt qua Hoa Kỳ vào thập niên 70. Cuối thập niên 1980, sản lượng dầu của Liên Xô đã gấp đôi Hoa Kỳ. Nhờ vào các tiến bộ kỹ thuật trong khai thác dầu mỏ và sự sụp đổ của Liên Xô, Hoa Kỳ đã dần bắt kịp với Nga và Saudi Arabia.
Theo số liệu hồi năm ngoái, trong một ngày, Nga có thể sản xuất 10.3 triệu thùng dầu, Saudi Arabia sản xuất 10 triệu thùng còn Hoa Kỳ xếp thứ ba với 9.4 triệu thùng. Kể từ tháng 2 năm nay, sản lượng dầu trung bình một ngày của Hoa Kỳ đã chạm ngưỡng 10 triệu thùng. Con số này tăng lên 10.9 triệu thùng một ngày hồi tháng 6. Bộ Năng lượng cho biết sản xuất của Hoa Kỳ đã vượt qua sản lượng dầu của Saudi Arabia trong tháng 2 và tháng 3.
Theo tiên đoán của EIA, sản lượng dầu trung bình một ngày của Hoa Kỳ trong năm 2018 là 10.8 triệu thùng và sẽ tăng lên 11.8 triệu thùng trong năm 2019. Lúc đó, Hoa Kỳ sẽ vượt qua Nga, dẫn đầu về sản lượng dầu trên toàn thế giới. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-se-tro-thanh-nha-san-xuat-dau-mo-lon-nhat-the-gioi-vao-nam-2019/
Mỹ và Bắc Triều Tiên
thảo luận về việc hồi hương hài cốt lính Mỹ
Các viên chức quân sự Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên hôm nay 15/07/2018 gặp gỡ tại Bàn Môn Điếm để tổ chức việc đưa về nước hài cốt của những lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến Triều Tiên. Đây là một phần trong thỏa thuận từ cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng tháng trước.
Hãng tin Yonhap dẫn nguồn từ một viên chức Hàn Quốc cho biết các đại diện quân sự đôi bên đã bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán sáng nay. Các hình ảnh truyền hình cho thấy những chiếc xe mang bảng số quân đội Mỹ hướng về vùng phi quân sự, và theo báo chí, trong những tuần lễ gần đây khoảng mấy chục quan tài đựng hài cốt lính Mỹ đã được đưa về phía nam biên giới hai nước Triều Tiên.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trong tháng này đã đến Bình Nhưỡng để bàn bạc về các chi tiết trong thỏa thuận Trump-Kim, trước đó cho biết cuộc gặp diễn ra vào thứ Năm 12/7. Tuy nhiên trong ngày hôm đó phía Bắc Triều Tiên đã đề nghị dời sang Chủ nhật.
Ông Pompeo nói rằng cuộc tiếp xúc với Kim Yong Chol, cánh tay mặt của Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng trong hai ngày 6 và 7/7 là tích cực, nhưng phía Bắc Triều Tiên lại đáp trả gay gắt, tố cáo « các yêu cầu đơn phương và tham lam » cũng như « phong cách găng-tơ » của Hoa Kỳ.
Về phía tổng thống Mỹ một lần nữa lại tỏ ra lạc quan, với hành động hiếm thấy : công bố một lá thư « rất lịch sự » của Kim Jong Un, tuy lá thư này được gởi một ngày trước những Bình Nhưỡng đưa ra lời đả kích.
Hai nước Triều Tiên đứng chung ê-kíp trong giải bóng bàn quốc tế ở Daejeon
Về quan hệ liên Triều, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên sẽ đứng cùng ê-kíp trong giải bóng bàn quốc tế mở rộng tổ chức tại Daejeon tuần tới, tranh giải đôi nam, đôi nữ và hỗn hợp.
Theo Yonhap hôm nay 15/07/2018, tám vận động viên nam và tám vận động viên nữ của Bắc Triều Tiên, trong đó có Kim Song I từng đoạt huy chương đồng đơn nữ tại Thế vận hội Rio, sẽ cùng chung đội ngũ với Hàn Quốc. Đây là lần thứ ba những cây vợt của hai nước Triều Tiên cùng thi đấu chung, sau giải vô địch thế giới năm 1991 và 2018. Đội bóng bàn nữ liên Triều năm 1991 tại Nhật Bản đã gây ngạc nhiên khi loại đương kim vô địch Trung Quốc, đoạt huy chương vàng.
Nicaragua :
Tiếp tục biểu tình đòi tổng thống từ chức
Sau cuộc tuần hành hôm thứ Năm và tổng đình công vào ngày thứ Sáu làm tê liệt phần lớn đất nước Nicaragua, người dân thủ đô Managua hôm qua 14/07/2018 lại xuống đường để đòi tổng thống Daniel Ortega phải từ chức. Người biểu tình cáo buộc ông Ortega trách nhiệm về cái chết của 270 người kể từ đầu cuộc khủng hoảng, và việc đàn áp đối lập, cũng như tấn công đẫm máu vào giới sinh viên cuối tuần này.
Theo AFP, khoảng 200 sinh viên trốn trong một giáo đường đã bị lực lượng dân quân che mặt bao vây, xả súng AK 47 và tung lựu đạn, thậm chí hai lần toan đốt nhà thờ. Hai sinh viên bị bắn chết và 14 sinh viên khác bị thương.
Thông tín viên Patrick-John Buffe trong khu vực cho biết thêm chi tiết :
« Với những tiếng kèn inh ỏi và những lá cờ Nicaragua hai màu xanh trắng, một đoàn xe khổng lồ gồm xe hơi, xe tải và mô tô đã diễu qua các khu phố bình dân của thủ đô Managua, để một lần nữa đòi ông Daniel Ortega phải ra đi.
Những người biểu tình cũng đòi hỏi phải chấm dứt đàn áp, như trong vụ tiến công dã man vào các sinh viên cố thủ trong trường đại học tự trị quốc gia Managua mới đây.
Sau khi bị cảnh sát chống bạo động và dân quân vũ trang hùng hậu tấn công, các thanh niên này đã trốn vào một giáo đường. Tại đây họ bị bao vây trong nhiều tiếng đồng hồ, và hai sinh viên bị thương nặng đã tử vong. Nhờ vào sự can thiệp của các giám mục sáng qua, các sinh viên mới được sơ tán, đưa vào thánh đường Managua và được an toàn.
Đoàn xe biểu tình nhằm vinh danh các sinh viên, nhắc nhở rằng họ không phải là tội phạm, là sự kiện mới nhất trong phong trào phản kháng được tổ chức từ hôm thứ Năm 12/7 để gây áp lực lên tổng thống Daniel Ortega. Câu hỏi còn lại bây giờ là mặc cho bạo lực đẫm máu, liệu có thể tái lập cuộc đối thoại giữa các nhà đối lập và chính quyền trong những ngày sắp tới hay không ».
Cuba sẽ công nhận
sở hữu tư nhân theo hiến pháp mới
Cuba sẽ chính thức công nhận tài sản tư nhân lần đầu tiên theo hiến pháp mới với một số thay đổi sâu rộng, truyền thông nhà nước cho hay.
Việc sang nhượng tài sản bị cấm sau khi Fidel Castro lên nắm quyền vào năm 1959, nhưng được cho phép sau khi sửa đổi luật vào năm 2011.
Hiến pháp mới của quốc gia cộng sản sẽ tái khẳng định rằng kế hoạch tập trung và doanh nghiệp nhà nước là yếu tố then chốt cho nền kinh tế.
Tân chủ tịch Cuba ‘ra đời sau Cách mạng’
Cuba: Con trai của Fidel Castro tự sát
Hơn 100 người chết trong tai nạn máy bay Cuba
Hai cái nhìn của người Việt về Castro
Dự kiến Quốc hội sẽ phê chuẩn hiến pháp mới vào tuần tới.
Dự thảo hiến pháp sau đó sẽ được trưng cầu dân ý vào cuối năm nay.
Nếu được thông qua, hiến pháp mới sẽ thay thế bản hiện tại đã được đảng Cộng sản phê chuẩn năm 1976.
Theo các cải cách được đề xuất, đảng Cộng sản Cuba sẽ vẫn là lực lượng chính trị lãnh đạo nước này, báo Granma đưa tin.
Nhưng các chủ tịch sẽ bị giới hạn cầm quyền trong hai nhiệm kỳ 5 năm liên tiếp và quyền lực chính trị sẽ được san sẻ giữa chủ tịch và thủ tướng.
Raul Castro lên án chính sách của Trump
Người Việt Nam viếng Fidel Castro
Hiến pháp mới sẽ cấm phân biệt giới tính, dân tộc hoặc kỳ thị người khuyết tật. Các nhóm LGBT hy vọng hiến pháp mới cũng sẽ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
Từ năm 2010, Cuba đã trải qua một loạt các đợt cải cách nhằm thúc đẩy kinh tế.
Quốc hội đã đề xuất một số cải cách hiến pháp vào tháng trước – gồm giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch và hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
Lần cải cách hiến pháp gần đây nhất là vào năm 2002 quyết định rằng đặc tính xã hội chủ nghĩa của hệ thống chính trị ở Cuba là “không thể đảo ngược”.
Mục đích của các đề xuất cải cách là để hợp hiến việc mở cửa kinh tế trong khi vẫn duy trì hệ thống xã hội chủ nghĩa “không thể đảo ngược”.
Chủ tịch Miguel Díaz-Canel tuyên bố hồi tháng trước rằng cựu chủ tịch Raúl Castro sẽ dẫn dắt những chiến dịch cải cách.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44836862
Ukraina mua 55 máy bay trực thăng của Airbus
Ukraina mua 55 máy bay trực thăng dân sự của tập đoàn Airbus với trị giá 555 triệu euro nhằm tăng cường cho đội hình phi cơ của bộ Nội Vụ. Bản hợp đồng được đánh giá là lịch sử và chưa từng có trong quan hệ thương mại Pháp-Ukraina được ký tại Kiev ngày 14/07/2018 trước sự chứng kiến của thủ tướng Ukraina Volodymyr Groissman và các đại diện của tập đoàn Airbus.
Theo thông tín viên Stéphane Siohan tại Kiev, bốn trong số máy bay trực thăng Super Puma sẽ được giao cho Ukraina vào cuối năm 2018 :
« Để cải thiện tình hình an ninh dân dự, Ukraina đã chọn kết hợp với châu Âu. Một lựa chọn được tướng Mykola Tchichotkin, giám đốc Cục tình trạng khẩn cấp Ukraina, giải thích :
« Phần lớn số máy bay trực thăng của chúng tôi phụ thuộc vào các nhà cung cấp của Liên bang Nga. Vì vậy, chúng tôi quyết định kết hợp với tập đoàn Airbus và với nước Pháp để có thể cung cấp cho các đơn vị khác nhau, như Cục tình trạng khẩn cấp Nhà nước, Vệ binh Quốc gia Ukraina, cảnh sát quốc gia và lực lượng biên phòng ».
Chính phủ Ukraina đã chi 32 triệu euro để mua những chiếc trực thăng này và phi công của Ukraina được đào tạo tại một trung tâm bảo dưỡng cách không xa thủ đô Kiev. Đây cũng là điểm được ông Bruno Even, tổng giám đốc Airbus Helicopters, nhấn mạnh khi trả lời báo giới :
« Ngoài việc giao máy bay trực thăng, chúng tôi còn muốn thiết lập hợp tác trong nhiều lĩnh vực hoạt động trong tương lai. Chính vì vậy, chúng tôi tổ chức hướng dẫn về kỹ năng bảo trì, đào tạo và kỹ năng mô phỏng tình huống. Những công việc này sẽ góp phần vào thành công trong việc phát triển kỹ năng tại Ukraina ».
Những chiếc Super Puma đầu tiên sẽ được giao cho phía Ukraina vào trước cuối năm nay. Cả hai đối tác trong hợp đồng đều trấn an là những chiếc trực thăng này sẽ không can thiệp vào lĩnh vực quân sự ».
http://vi.rfi.fr/phap/20180715-ukraina-mua-55-may-bay-truc-thang-cua-airbus
Đài Loan chế tạo tàu ngầm
để tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia
Đài Bắc, Đài Loan – Hiện nay ưu tiên quốc phòng chính của Đài Loan là nâng cấp các tàu ngầm cũ và chế tạo đội tàu mới.
Do đó, các công ty ngoại quốc cạnh tranh nhau để nhận được dự án đóng tàu trên hòn đảo này. Sau khi Hoa Kỳ đồng ý chuyển công nghệ chế tạo tàu ngầm của nước này cho Đài Loan hồi Tháng Tư, sáu công ty ngoại quốc đã đệ trình bản thiết kế của họ cho chương trình tàu ngầm quốc phòng (IDS) của Đài Loan. Đài Loan tiết lộ họ dự tính chế tạo 8 tàu ngầm diesel-điện mới và nâng cấp 4 tàu ngầm hiện có. Trong số 4 tàu cũ, có 2 chiếc đã được sử dụng trong khoảng 30 năm và hai chiếc còn lại khoảng 70 năm. Vào năm 2016, Quân đội Đài Loan đề nghị một chương trình trị giá hơn 12 triệu Mỹ Kim liên quan đến việc kéo dài tuổi thọ của các tàu ngầm thêm 15 năm nữa, đến năm 2030.
08 tàu ngầm diesel-điện cũng là dự án sản xuất tàu đầu tiên của đảo quốc này. Theo kế hoạch, dự án đóng tàu mới sẽ hoàn thành vào năm 2025, cho nên việc nâng cấp tàu cũ là rất cần thiết để Đài Loan vẫn có thể duy trì sức mạnh quân sự trong thời gian chờ đợi việc sản xuất tàu mới.
Trong những tháng gần đây, Đài Loan khẩn cấp thực hiện các chương trình nâng cấp quân sự, vì Bắc Kinh thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận và hoạt động quân sự quanh đảo. Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn, cần phải được sáp nhập với Trung Cộng đại lục, sẵn sàng dùng vũ lực nếu cần thiết.
Trong tuần này, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã đặt hàng mua 108 chiếc xe tăng chiến đấu M1A2 Abrams do Hoa Kỳ sản xuất. Một viên chức cao cấp của Đài Loan cho biết, hòn đảo này cần phải nâng cấp các loại vũ khí hiện có để có thể tự bảo vệ mình. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/dai-loan-che-tao-tau-ngam-de-tang-cuong-kha-nang-phong-thu-quoc-gia/
Giao tranh lại bùng nổ ở biên giới Gaza – Israel
Gaza – Quân đội Israel cho biết, máy bay của Israel đã tấn công các mục tiêu quân sự ở Dải Gaza, đồng thời phía Palestine cũng đã phóng hàng chục quả bom và hỏa tiễn đáp trả Israel vào hôm Thứ Bảy 14/07.
Vụ đáp trả hỏa lực diễn ra sau một loạt các cuộc tấn công trả thù luân phiên của quân đội Israel và các nhóm vũ trang Palestine trên biên giới Gaza – Israel. Trong vài tháng vừa qua, tình trạng bạo lực trong khu vực này đã bùng phát một cách đáng báo động. Reuters dẫn lời một viên chức Palestine không tiết lộ danh tánh cho biết, Ai Cập và quốc tế khác đã liên lạc với Israel và Gaza nhằm khôi phục lại tình trạng bình ổn. Hiện nay, Phía thủ đô Cairo vẫn chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
Quân đội Israel cho biết họ đã tấn công hơn 40 mục tiêu thuộc nhiều nhóm chiến binh Hamas, nhóm Hồi giáo kiểm soát vùng Gaza. Các cuộc tấn công này được Israel mô tả là những chiến dịch có phạm vi rộng nhất kể từ cuộc chiến tranh Israel – Gaze năm 2014. Nhiều vụ nổ dữ dội đã làm rung chuyển các ngôi nhà ở Gaza. Nhiều người đã nhìn thấy khói đen bay lên sau các vụ nổ. Các chiến binh Hamas đã bắn trả hơn 50 quả đạn súng cối và hỏa tiễn về phía Israel, khiến nước này phải bật còi báo động và đưa người dân chạy trốn đến nơi trú ẩn.
Tuy nhiên, có vẻ như cả Israel và Hamas đều không có ý muốn tiếp tục giao tranh. Hiện vẫn chưa có tình trạng thương vong nghiêm trọng ở hai bên biên giới. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/giao-tranh-lai-bung-no-o-bien-gioi-gaza-israel/
Cái giá phải trả khi đổi tên đất nước
Chris BaraniukBBC Capital
Vào hôm thứ Năm ngày 19/04, một trong những người đứng đầu chế độ quân chủ chuyên chế cuối cùng còn tồn tại trên thế giới có bài diễn văn trước đám đông tại một sân vận động nhỏ ở vùng nam Phi.
“Các quốc gia châu Phi trên con đường giành độc lập đã quay trở lại với những tên cổ mà họ từng có trước thời thuộc địa,” Quốc vương Mswati III nói với những người có mặt. Vào thời điểm đó, ông vẫn là vua của Swaziland, nhưng Swaziland nay đã không còn tồn tại nữa.
“Cho nên từ nay, đất nước sẽ chính thức được biết đến với tên gọi eSwatini.”
Cái giá phải trả khi đất nước thay đổi chữ viết
Chín thứ gây kinh ngạc vì đắt hơn vàng bạc
Để có tư duy linh hoạt và biết xử lý vấn đề
Swaziland thì, ông nói thêm, thường xuyên bị nhầm với một quốc gia có cái tên tương tự, Switzerland (Thụy Sĩ), khi được nhắc đến ở nước ngoài.
Dẫu cho cái tên eSwatini, có nghĩa là “Ngôi nhà của người dân Swazi”, thường được dùng ở trong nước và không phải là sáng tạo mới mẻ gì, nhưng việc công bố đã khiến cho người dân nước này cảm thấy ngạc nhiên – thế giới bên ngoài cũng thấy vậy.
Sự thay đổi được luật hóa này khiến nhiều người tự hỏi là nó sẽ có hiệu lực ra sao, bằng những hình thức gì. Quả thực, việc đổi tên sẽ khiến cho nước này mất đi khoảng 1,5 triệu dân.
Giống như nhiều nước khác ở châu Phi, miền đất eSwatini nằm trọn trong lục địa. Nước này, chung biên giới với Mozambique và Nam Phi, đã phải vật lộn để tự định hình trong kỷ nguyên hậu thuộc địa. Vua Mswati III chọn đúng ngày đánh dấu 50 năm chấm dứt sự cầm quyền của Anh để ra quyết định đổi tên đất nước.
Điều này hẳn cũng phải có tầm quan trọng nào đó đối với cá nhân ông, bởi 19/04 cũng là ngày ông tròn 50 tuổi. Tổ phụ ông, Vua Mswati II, sống hồi thế kỷ 18, là người đã được dùng tên để đặt cho nhân dân eSwatini lần đầu tiên.
Ngày nay, eSwatini là một đất nước chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Chừng 70% dân số sống phụ thuộc vào việc làm nông, nuôi trồng các thứ để lấy nguồn thực phẩm nuôi sống gia đình.
Củ cải đường và mía cũng như đường tinh luyện chiếm hơn một phần năm tổng xuất khẩu cả nước.
Về tấm bản đồ đặt tên cho Châu Mỹ
Người dân nước nào làm việc nhiều giờ nhất?
Thụy Điển ‘từ lề trái sang lề phải’ chỉ sau một đêm
eSwatini không nghèo như một số quốc gia châu Phi khác nhưng bị phụ thuộc vào nền kinh tế Nam Phi và phải đương đầu với một số thách thức, trong đó có việc tỷ lệ người trưởng thành nhiễm HIV cao nhất thế giới.
Việc tuyên bố đổi tên gây ra những tranh cãi. Nhưng Bheki Makhubu, phóng viên và là biên tập viên của tạp chí địa phương The Nation nói rằng người dân nước này đã quen với việc quốc vương gọi đất nước là eSwatini.
Tuy nhiên, việc ông chính thức tuyên bố đổi tên thể hiện hoàn hảo về cách thức ông trị vì đất nước, Makhubu nói. “Ông ấy làm những gì mà ông ấy thích.”
Một số người thậm chí còn cảm thấy nhà vua coi đất nước eSwatini như thể tài sản riêng của mình, Makhubu nói, và mô tả rằng tình thế quả là ”kinh khủng”.
“Chúng tôi [nhân dân] bị kẹt trong chuyện đó,” ông nói thêm.
Tuy nhiên, việc đổi tên đất nước không phải là hành động nông cạn gì, theo luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ ở Nam Phi, đồng thời là một blogger, Darren Olivier.
“Có một giá trị trong đó, cái giá trị bên trong về chuyện danh tính và trong ý nghĩa của nó đối với người dân,” ông nói.
“Đồng thời là việc phải trả giá – trả giá một cách hiện hữu khi thay đổi danh tính.”
Bí ẩn dưới lòng hoang mạc Israel
Những phụ nữ góa không chốn nương thân
Người Hàn Quốc cấm kỵ khoe cái tôi?
Giống nhiều người khác, Olivier băn khoăn tự hỏi chính xác thì cái giá mà eSwatini phải trả sẽ là gì.
Ngay sau khi Vua Mswati III ra thông cáo, Olivier đăng một bài viết trên blog trong đó ông ước tính nước này sẽ tốn khoảng 6 triệu đô la cho việc đổi tên.
Ông tính toán dựa trên thu nhập chịu thuế và không chịu thuế của cả nước là khoảng 1 tỷ đô la. Với một công ty lớn thì việc lên ngân sách marketing trung bình tốn chừng 6% thu nhập, ông nói. Như vậy, con số tương đương sẽ vào khoảng 60 triệu đô la trong trường hợp này, và ngân sách dành cho việc đặt lại nhãn hiệu thường chiếm khoảng 10% tổng chi phí marketing. Do đó, sẽ tốn khoảng 6 triệu đô la cho nhà nước eSwatini.
Như Olivier chỉ ra, với một quốc gia nhỏ như vậy thì đó “không phải là khoản không đáng kể”.
Ông thừa nhận rằng ước tính của ông chủ yếu dựa trên giả định về cách thức thay đổi nhãn hiệu của các công ty và mang tính tham khảo, bởi không ai biết là thần dân của Vua Mswati III sẽ phải chịu mức chi phí là bao nhiêu.
“Giấy tờ hành chính, trang web, biểu tượng trên các tòa nhà chính phủ, các cơ quan chính phủ – có rất rất nhiều khoản chi to lớn, và cần phải đặt câu hỏi từ ngay lúc ban đầu rằng liệu điều này có thực sự cần thiết không,” Jerremy Sampson, giám đốc điều hành phụ trách vùng châu Phi của hãng chuyên về marketing, Brand Finance, nói.
Tại quốc gia Nam Phi láng giềng, các thay đổi đối với tên đường phố thuộc địa ở thành phố Pretoria đã ngốn hết hàng triệu rand.
Hồi giữa thế kỷ 20, nhà lãnh đạo Kenya tuyên bố rằng tên các đường phố ở đây cần phải đổi sang kiểu tên không dính dáng đến thời thuộc địa. Tiến trình này đã phải thực hiện trong nhiều năm. Và thậm chí ở Berlin, các tên phố ở Khu châu Phi có liên hệ với lịch sử thuộc địa cũng bị đánh dấu là cần phải xóa bỏ. Một trong những cái giá phải trả cho chủ nghĩa hậu thuộc địa là gánh nặng tài chính đi kèm với việc tẩy xóa quá khứ.
Các cơ quan chính phủ đã gửi ra các thông điệp theo đó nói việc đổi tên sẽ không gây gián đoạn và sẽ không tốn kém lắm.
Bộ Nội vụ eSwatini nói việc đổi tên sẽ được thực hiện từ từ để hạn chế phí tổn. Chẳng hạn như các mẫu giấy của chính phủ có in tiêu đề “Swaziland” sẽ không bị vứt bỏ. “Sẽ cần một thời gian mới sử dụng cho hết số giấy đã có,” Bộ trưởng Nội vụ, Hoàng thân Tsandzile Dlamini nói trong các bài tường thuật trên truyền thông.
Nhiều khả năng là vì lý do thực tế, nhà vua cũng đã nỗ lực bảo vệ giá trị của các tài liệu pháp lý trong đó có nêu đến cái tên Swaziland.
Thông báo chính thức mà giới chức công bố nói rằng bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào hay hợp đồng pháp lý nào dẫn chiếu đến Swaziland sẽ đều được hiểu là dẫn chiếu đến eSwatini. Việc bảo hộ pháp lý này đương nhiên sẽ bảo vệ cho các doanh nghiệp nước ngoài khỏi phải tiến hành hàng loạt các thay đổi trong tài liệu công ty.
Khi tôi liên hệ với Cơ quan Cao ủy Swazi, đại diện ngoại giao của Swazi trong khối Thịnh vượng chung ở London để xin bình luận, một nữ phát ngôn viên nói rằng việc đổi tên “không ảnh hưởng tới bất kỳ chính sách và thỏa thuận nào của chúng tôi.”
Tôi hỏi liệu Cao ủy Vương quốc Swaziland có đổi tên hay không.
“Thực sự thì,” bà đáp, “cơ quan chúng tôi nay có tên là Cao ủy Vương quốc eSwatini.”
Tuy nhiên, chữ ký cuối email vẫn dùng tên cũ. Thậm chí ngay cả trang web chính phủ khi đó vẫn đang dùng tên gọi Swaziland.
Nhưng việc thay đổi đã hiển hiện đây đó. Đáng chú ý là cơ quan quản lý du lịch của eSwatini đã tự đổi tên mình. Đây là điều quan trọng, bởi cũng như bất kỳ cơ quan quản lý du lịch nào khác, đây là cách thức mà đất nước thể hiện mình ra với thế giới bên ngoài, và nó tạo cho những người sống bên ngoài đất nước này cảm giác họ nên gọi nước này bằng cái tên eSwatini chứ không phải là Swaziland nữa.
Vậy còn bản đồ và các bảng biểu thì sao? Nhà địa chất học Peter Jordan từ Học viện Khoa học Australia nói rằng có sự khác biệt giữa tên một quốc gia sử dụng ở trong nước (endonym – nội danh) và một tên mà người ngoài dùng để gọi nước đó (exonym – ngoại danh). Chẳng hạn như tên nội bộ người Đức dùng để gọi họ thì là từ Deutschland, trong khi từ dùng chung với bên ngoài thì là Germany hoặc Allemagne.
“Không cần phải thay đổi nhiều lắm,” Jordan giải thích “khi Swaziland đổi tên dùng trong nước, bởi bản đồ thế giới và các bản đồ khác thì thể hiện bằng loại tên ngoại danh.”
Có lẽ đây là lý do khiến Google Maps chẳng hạn vẫn dùng tên Swaziland tuy đây là loại dịch vụ kỹ thuật số và có thể cập nhật vô cùng nhanh chóng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm này. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại eSwatini nhanh chóng đổi tên, và thậm chí còn cập nhật cả tài khoản Twitter của họ.
Cuối cùng thì việc các cá nhân và tổ chức trên thế giới chọn cái tên Swaziland hay eSwatini nhiều khả năng sẽ chỉ là do lựa chọn cá nhân. Nhưng ở bên trong đất nước đó thì việc thay đổi tên chính thức thực sự có tầm quan trọng to lớn hơn nhiều. Và không phải mọi người đểu cảm thấy thuyết phục rằng đó là cách sử dụng tốt công quỹ.
“Chúng tôi phản đối việc đổi tên […] Đó không phải là kết quả của một tiến trình tham vấn minh bạch,” Mlungisi Makhanya, tổng thư ký Phong trào Dân chủ Thống nhất Nhân dân (PUDEMO), một đảng đối lập theo đường lối chủ nghĩa xã hội ở Swazi, nói.
Makhanya nói rằng về nguyên tắc, ông không có vấn đề gì với việc đổi tên, nhưng nói việc đó lẽ ra cần phải được lên kế hoạch thực hiện một cách minh bạch hơn. Ông nói ông và những người khác cảm thấy lo lắng về những phí tổn sẽ phải gánh chịu, nhưng nhiều người sợ hãi không dám nói ra.
“Rất khó để nói vào lúc này [là việc đó sẽ gây tốn kém bao nhiêu],” ông nói, và vô cùng lo lắng rằng chi phí có thể lên tới hàng trăm triệu lilageni [đồng nội tệ của eSwatini]. Ngân hàng Trung ương Swaziland gần đây đã đổi tên thành Ngân hàng Trung ương eSwatini, ông nêu ra, nhưng các đồng tiền xu và tiền giấy thì chưa, và sẽ cần thay đổi phù hợp.
Nhưng những người khác thì hoàn toàn không đồng ý.
Andrew Le Roux là chủ tịch Liên đoàn Chủ sử dụng lao động và Phòng Thương mại Swaziland. “Có sự hiểu nhầm to lớn về nhà vua, theo đó cho rằng ngài là một kiểu tay chơi quân chủ châu Phi,” Le Roux nói với tôi, và tự mô tả bản thân là một người làm việc rất cần mẫn.
Việc thay đổi danh tính quốc gia là một cơ hội cho người dân Swazi trong việc xác định họ là ai, họ muốn thể hiện mình ra thế giới như thế nào, Le Roux nói.
Nhiều doanh nghiệp có chữ “Swaziland” đi kèm trong tên. Tôi hỏi liệu có bất kỳ áp lực chính thức hay về mặt pháp lý nào trong việc phải thay đổi phần nội dung này không, và Le Roux nói rằng không.
Và ông nhắc tới mối quan tâm của quốc tế tới quốc gia này sau tuyên bố đổi tên. “Việc đổi tên đã tạo ra nhiều hoạt động tìm kiếm thông tin trực tuyến hơn bất kỳ tên nào khác về Swaziland trong vài năm qua,” ông nói.
Đây rõ ràng là chủ đề mở đầu cho một cuộc trò chuyện. Liệu các nước khác có nhìn vào eSwatini như một quốc gia mới, một địa điểm mà họ cần phải tới làm ăn với không? Có thể.
Nếu vậy, sự thay đổi có thể về lâu về dài sẽ tự bù đắp cho các phí tổn phát sinh. Nhưng đương nhiên là không có gì đảm bảo rằng điều đó sẽ xảy ra, và khó trách cứ những ai cho rằng việc đổi tên đã làm giảm bớt sự quan tâm tới một số các vấn đề nghiêm trọng cần chính phủ xử lý.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.