Tin khắp nơi – 15/07/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tấn công ở Nice: ‘Ít nhất 84 người chết’

Ít nhất 84 người chết, trong đó có trẻ em, và nhiều người trong tình trạng nguy kịch sau khi một chiếc xe tải đâm vào đám đông dự lễ mừng ngày Quốc khánh ở thành phố Nice, quan chức cho hay.

Báo chí địa phương nói lái xe tải là một người đàn ông địa phương tên là Mohamed Lahouaiej Bouhlel.

Tin cho hay căn hộ của người này ở Nice đã bị cảnh sát lục soát vào sáng nay.

Tin mới nhất từ bệnh viện nhi Lenval Foundation ở Nice cho biết, nơi này đã điều trị cho khoảng 50 trẻ em và thiếu niên bị thương trong vụ tấn công. Trong số này có hai em đã thiệt mạng sau khi phẫu thuật.

Stephanie Simpson, phụ trách thông tin của bệnh viện, nói với hãng AP rằng các vết thương gồm có dập xương, bị thương ở đầu, và một số em vẫn trong tình trạng “giữa sống và chết”.

Vụ tấn công xảy ra vào lúc khoảng 23:30 giờ địa phương, khi người lái xe tải đâm vào đám đông và tiếp tục lao thêm 2km trên phố đi dạo Promenade des Anglais trước khi bị cảnh sát bắn chết.

Bấm vào đây để đọc lời nhân chứng Nader el Shafei, người có mặt lúc vụ tấn công xảy ra.

Cập nhật trực tiếp

Thông tin về danh tính và quốc tịch của các nạn nhân trong vụ tấn công đang được cập nhật.

Một phụ nữ Nga đã thiệt mạng và một người khác bị thương, theo Hiệp hội Du lịch Nga, thông tin cũng đã được Bộ Ngoại giao Nga xác nhận, và nói thêm rằng có ba công dân nước này hiện vẫn mất tích.

Kênh NBC của Hoa Kỳ đưa tin huấn luyện viên bóng chày Sean Clark và con trai 11 tuổi, Brodie từ Texas cũng trong số nạn nhân thiệt mạng ở Nice, theo “đại diện của gia đình”.

Ngoại trưởng Anh, ông Boris Johnson nói với truyền thông có một công dân Anh bị thương.

Nhân chứng cho biết chiếc xe tải tăng tốc và lượn sang hai bên đường nhằm cố ý đâm thêm nhiều người.

Cảnh sát tìm thấy súng và lựu đạn bên trong xe.

Bấm vào đây để xem thêm ảnh.

Tổng Pháp Francois Hollande gọi đây là vụ tấn công khủng bố.

Từ thứ Bảy, 16/07, Pháp bắt đầu ba ngày quốc tang.

Pháp vẫn trong tình trạng báo động cao sau các cuộc tấn công tháng 11/2015 ở Paris khiến 130 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Tổng thống Pháp cũng tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm ba tháng.

‘Tiếng hò hét’

Vụ tấn công bắt đầu không lâu sau khi màn bắn pháo hoa bên bờ biển ở Nice kết thúc, và là cuối ngày kỷ niệm độc lập của Pháp, Ngày Bastille.

Paddy Mullan, từ Bắc Ireland, nói với BBC rằng ông “chưa từng chứng kiến” nỗi sợ hãi nào như vậy.

Ông tả chiếc xe tải đột ngột xuất hiện và bắt đầu lao vào đám đông.

“Chiếc xe tải leo qua lề đường, phía bên kia đường so với chỗ chúng tôi và sau đó, tất cả những gì chúng tôi nghe được là tiếng đập mạnh, tiếng hò hét,” ông nói.

Video trên mạng xã hội cho thấy nhiều người chạy hoảng loạn trên đường phố.

“Chiếc xe đi zigzag – không thể biết được nó đi về hướng nào,” Wassim Bouhlel, người dân ở Nice nói với truyền thông Pháp.

“Vợ tôi… chỉ cách có một mét…bà ấy chết rồi. Chiếc xe tải đâm qua mọi thứ…cột, cây. Chúng tôi chưa bao giờ thấy điều gì như thế. Một số người bám lên cửa xe và cố dừng nó lại.”

“Đó là một buổi tối bình thường và chúng tôi đi dạo quanh đó,” Joel Fenster nói với BBC. “Bỗng nhiên mọi người bắt đầu chạy, có tiếng hét và còi hụ của xe cảnh sát và cảnh sát hét lên yêu cầu chúng tôi tản đi.

Em nghe tin khi đang trên đường từ chỗ làm về nhà, đây cũng là con đường em đi về mỗi ngày nên rất hoảng sợ. Ngay sau đó cảnh sát đã chặn đường và yêu cầu người dân không di chuyển.Chị Đinh Hường, người Việt ở Nice

“Chúng tôi rất sợ vì không biết điều gì đang xảy ra. Lúc đó tôi chỉ nghe thấy tiếng như tiếng súng và chúng tôi đoán rằng có người cầm súng trên đường”.

Một tấm hình từ Twitter cho thấy nhiều người nằm trên phố.

Người Việt ‘an toàn’

Chị Đinh Hường, một người Việt sống ở Nice, cho hay chị chưa nhận được thông tin nào nói có nạn nhân nào người Việt.

Chị Hường nói với BBC: “Em nghe tin khi đang trên đường từ chỗ làm về nhà, đây cũng là con đường em đi về mỗi ngày nên rất hoảng sợ”.

“Ngay sau đó cảnh sát đã chặn đường và yêu cầu người dân không di chuyển. Mãi tới 2 giờ sáng em mới về đến nhà.”

Theo chị Đinh Hường, tình hình xung quang nơi ở của chị đã bình thường trở lại, không có gì biến động.

Sáng thứ Sáu 15/07, cảnh sát Nice vẫn tiếp tục khám nghiệm chiếc xe tải trắng với phần đầu xe đầy lỗ đạn.

Tình trạng khẩn cấp thoạt đầu dự tính kết thúc ngày 26/7.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160715_attack_in_nice

 

‘Thoạt tiên tôi tưởng là tai nạn’

Nader el Shafei là người Ai Cập, có mặt trên con đường đi dạo ở Nice khi chiếc xe tải dừng chỉ cách anh có một mét. Anh đã quay video cảnh lái xe bị cảnh sát bắn chết.

Sau đây là lời kể của Nader el Shafei:

“Ngay sau khi pháo hoa kết thúc, mọi người vẫn còn trên bờ biển và tôi ở trong số họ, ăn mừng ngày lễ Quốc khánh Pháp.

5 phút sau đó, mọi người đang dịch chuyển về giữa phố thì bỗng nhiên chúng tôi nghe tiếng kêu thét. Tôi thấy một chiếc xe tải tiến về phía tôi.

Tôi đứng ngay trước chiếc xe tải ở trên phố chính và tôi thấy nhiều người nát bét nằm ở dưới gầm.

Chiếc xe dừng trước mặt tôi chỉ khoảng 1 mét, tôi nhìn thấy người lái xe qua cửa sổ.

Thoạt đầu, tôi tưởng đây chỉ là tai nạn và lái xe bị mất điều khiến xe nên đâm vào người khác.

Thủ phạm là ai?

Tôi hét lớn bảo anh ta dừng lại, vì có người nằm dưới xe của anh ta. Thế nhưng lái xe không nhìn ai cả mà quay ngang quay ngử̉a ở bên trong xe một cách hung hãn và lúng túng, như thể đang tìm kiếm gì đó.

Hai tay anh ta vẫn còn trên bánh lái, tôi tưởng anh ta bị mất kiểm soát và tìm cách dừng xe lại.

Thế nhưng anh ta nhặt gì đó lên, trông giống như chiếc điện thoại. Tôi tưởng anh ta tìm cách gọi xe cứu thương.

Bỗng nhiên tôi thấy cảnh sát chạy lại từ đằng sau tôi vì tôi quay mặt về phía người lái xe. Tôi thấy anh ta rút súng và bắt đầu bắn qua cửa sổ.

Lúc đó cảnh sát kéo tôi và bảo tôi chạy đi. Họ nói đi nói lại “degagez” [Chạy đi]. Tôi lùi lại khoảng bốn mét.

Tôi rút điện thoại ra và quay phim cảnh bắn súng cùng những gì đang diễn ra.

Tôi không chạy mà đứng nguyên tại chỗ. Tôi quay phim tất cả mọi thứ cho tới khi cảnh sát bắn chết lái xe.

Người cảnh sát viên nhìn thấy tôi quay video, anh ta chạy tới quát tôi là phải chạy đi. Tôi ngồi thụp xuống vì cảnh sát kêu “nằm xuống, nằm xuống” sau khi có súng nổ và đạn lạc.

Tôi thụp xuống đất nhưng vẫn tiếp tục quay phim bằng điện thoại.

Người cảnh sát lại tiến tới chỗ tôi, kêu tôi và những người khác chạy đi – có lẽ cảnh sát nghĩ rằng chiếc xe tải có chở bom.

Tới lúc đó thì tôi hiểu ra là vụ này thật nghiêm trọng và tôi bắt đầu chạy đi cùng những người khác trên bãi biển.”

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160715_nice_attack_witness

 

Thủ phạm vụ tấn công ở Nice là ai?

Cảnh sát chưa xác nhận danh tính kẻ lái chiếc xe tải màu trắng đâm vào hàng trăm người đón mừng Quốc khánh Pháp trên con đường dọc bờ biển thành phố Nice.

Nhưng đang dần có thêm tin tức về người đàn ông 31 tuổi, được cảnh sát biết nhưng chưa bị ghép vào các nhóm thánh chiến. Ông ta được nêu tên là Mohamed Lahouaiej Bouhlel, mặc dù đây chưa phải là thông tin từ cảnh sát.

Bên trong xe tải, cảnh sát tìm thấy giấy tờ mà dường như cho thấy ông ta là người Pháp gốc Tunisia , hoặc một người gốc Tunisia sống ở Nice.

Trước đây người này từng gặp rắc rối với cảnh sát vì những tội lẻ tẻ, nhưng không bị xem là cực đoan.

Lúc đầu các nhân chứng tưởng ông ta mất kiểm soát chiếc xe, nhưng sau đó rõ ràng thủ phạm cố tình.

“Tôi còn kịp thấy gương mặt kẻ lái xe. Hắn có râu và có vẻ thích thú,” một người nói.

Theo một bản tin, thủ phạm thuê xe tải từ một công ty ở Saint-Laurent-du-Var, một thị trấn phía tây Nice, hai ngày trước đó.

Có tin nói bằng lái, thẻ tín dụng, điện thoại được tìm thấy trong xe tải, và cảnh sát đã lục soát nhà ông ta vào sáng thứ Sáu, ở vùng Abattoirs gần nhà ga Nice.

Mặc dù kẻ tấn công có mang súng, nhưng các vũ khí khác trong xe hóa ra là đồ giả, khiến có câu hỏi thực tế các nhóm thánh chiến có ủng hộ người này ở mức nào.

Nhiều thủ phạm thánh chiến ở Pháp, bắt đầu từ Mohammed Merah ở Toulouse năm 2012, bắt đầu con đường đến với Hồi giáo cực đoan khi chỉ là tội phạm nhỏ lẻ.

Kẻ tấn công ở Nice có vẻ đã đi theo cùng con đường này.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160715_nice_attacker_early_info

 

Trump đã chọn được ứng viên đồng hành

Ứng viên tranh cử tổng thống Donald Trump đã chọn thống đốc bang Indiana là Mike Pence là người ra tranh cử cùng ông với vị trí phó tổng thống, theo truyền thông Hoa Kỳ.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump lên kế hoạch công bố tin này vào hôm thứ Sáu nhưng đã hủy vì vụ tấn công tại Nice, Pháp.

Các nguồn thân cận với chiến dịch tranh cử nói với truyền hình ABC News rằng ông Pence đã chấp nhận đề nghị này.

Tuy nhiên, ông Trump nói với kênh truyền hình Fox News vào hôm thứ Năm rằng: “Tôi chưa có quyết định cuối cùng.”

Ông Trump hy vọng ông Pence có thể giúp ông giành sự ủng hộ từ những người bảo thủ trong đảng Cộng hòa.

Người ta cho rằng các ứng viên khác gồm cựu chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich và Thống đốc New Jersey Chris Christie.

Ông Pence, 57 tuổi, từng là dân biểu 12 năm tại Washington.

Kinh nghiệm lập pháp và vị trí thống đốc bang Indiana của ông có thể giúp ông Trump có thêm lợi thế trong cuộc tranh cử vào tháng 11.

Ông Pence có lập trường mạnh về chống phá thai và ký thành luật một dự luật về tự do tôn giáo bị xem là luật chống người đồng tính.

Ông Trump từng nói ông muốn một người ra tranh cử cùng ông có thể giúp ông làm việc với Quốc hội.

Tuy nhiên ông Trump và thống đốc Indiana khác nhau về quan điểm đối với một số chủ đề chính như ý tưởng cấm người Hồi giáo vào Hoa Kỳ mà ông Trump đề xuất.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160715_trump_running_mate

 

Chứng khoán châu Âu sụt vì vụ tấn công Nice

Chứng khoán tại Anh sụt điểm và đồng bảng tăng giá sau thông báo của Ngân hàng Trung ương Anh giữ nguyên lãi suất.

Vào hôm thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Anh giữ nguyên mức lãi suất cơ bản 0,5% cho dù có tin đồn sẽ giảm lãi suất.

Chỉ số FTSE 100 đứng ở mức 6,632.44, bị mất 22.03 điểm.

Đồng bảng tăng giá 0.19% so với đô la, đổi được $1.3369. Bảng Anh cũng tăng giá 0.08% so với đồng euro, và đổi được €1.2013.

Chỉ số chứng khoán tại các thị trường châu Âu khác cũng giảm sau vụ tấn công tại Nice ở Pháp.

Ngân hàng Trung ương Anh đã công bố các biện pháp nhằm giúp đối phó cho kinh tế hậu Brexit bằng việc nới lỏng quy qui định để cho khối ngân hàng cho vay tới thêm 150 tỷ bảng.

Lãi suất tại Anh đã không thay đổi kể từ khi được hạ xuống mức thấp kỷ lục là 0,5% vào tháng Ba năm 2009, là lúc cao trào của cuộc khủng hoảng tài chính.

http://www.bbc.com/vietnamese/business/2016/07/160715_pound_rises_shares_down

 

Lãnh đạo thế giới bày tỏ thiện cảm đối với nạn nhân vụ khủng bố ở Nice

Các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới đang ngỏ lời chia buồn cùng với các nạn nhân trong vụ thảm sát ngày hôm qua tại Nice và lên án kẻ tấn công.

Tổng thống Barack Obama đưa một tuyên bố lên Twitter tối ngày hôm qua gởi “lời tưởng nhớ và cầu nguyện” đến gia đình của những người bị giết trong cuộc tấn công và đề cập đến Pháp như là “đồng minh lâu năm nhất.”

Tổng thống Obama nói: “Vào Ngày Bastille này, chúng ta nhớ lại về những giá trị kiên cường và dân chủ làm cho Pháp trở thành nguồn cảm hứng của cả thế giới, và chúng ta biết rằng tính chất của Cộng hòa Pháp sẽ bền vững dài lâu sau việc mất mát sinh mạng bi thảm này.”

Ngoại trưởng John Kerry, có mặt tại Pháp để kỷ niệm Ngày Bastille, gọi vụ tấn công là “khủng khiếp,” và nói thêm “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đứng cạnh người dân Pháp trong thời gian bi thảm này.”

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ghi nhận ý nghĩa của thời điểm tấn công và kêu gọi mọi người cùng đứng với Pháp trong thời điểm cần thiết này.

Trong khi tham dự một cuộc họp với các nhà lãnh đạo châu Á và châu Âu tại Mông Cổ, ông Tusk nói “Đây là một nghịch lý bi thảm vì nạn nhân là những người đang kỷ niệm tự do, bình đẳng và bác ái. Chúng ta sẽ đoàn kết với những gia đình các nạn nhân, dân chúng và chính phủ Pháp trong cuộc chiến chống lại bạo động và hận thù.”

Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo đang tham dự hội nghị tại Mông Cổ cho biết ông đã gọi người tương nhiệm của ông tại Pháp để chia buồn. Ông nói: “Chúng tôi rất đau buồn cùng với nhân dân và chính phủ Pháp.”

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói: “Chúng tôi cực lực lên án khủng bố dưới mọi hình thức. Chúng tôi xin chia buồn cùng với gia đình các nạn nhân và chúng tôi sẽ chiến đấu chống lại mọi loại khủng bố.”

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng dùng Twitter gởi một thông điệp đến những người tại Pháp bị ảnh hưởng vì cuộc khủng bố bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.

Trong hai tweet riêng rẽ, ông Trudeau nói: “Người dân Canada lấy làm kinh động trước vụ tấn công tối nay tại Nice. Chúng tôi xin bày tỏ cảm tình đối với các nạn nhân, và sự đoàn kết của chúng tôi đối với dân chúng Pháp.” Một trong hai thông điệp này bằng tiếng Anh, thông điệp kia bằng tiếng Pháp.

Đáp ứng của quốc tế được bày tỏ sau khi một người đàn ông lái một xe tải xuyên qua một con đường đi dạo dọc bờ biển Nice đông đúc người qua lại, làm cho ít nhất 84 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương, một số bị thương nặng.

Nhà cầm quyền tại Pháp đang còn nghiên cứu các chi tiết liên quan đến cuộc tấn công.

Các nhân vật chính trị Pháp cũng bày tỏ đau buồn với người dân Nice sau cảnh tượng khủng khiếp họ phải chứng kiến.

Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trên trang Twitter nói: “Đau buồn vô cùng sâu sắc trước cuộc tấn công tại Nice.”

Thị trưởng Paris Anne Hildalgo viết: “Nhân danh người dân Paris tất cả chúng tôi cùng nhau sát cánh ủng hộ người dân Nice. Các thành phố chúng ta đoàn kết lại.”

http://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-the-gioi-bay-to-thien-cam-doi-voi-nan-nhan-vu-khung-bo-o-nice/3419638.html

 

Các nhân vật chính trị Hoa Kỳ muốn trả đũa các phần tử khủng bố

Cả hai ứng viên tổng thống Hoa Kỳ đều đáp lại vụ tấn công khủng bố ở Pháp đêm thứ năm bằng lời tuyên bố Hoa Kỳ tuyên chiến với các phần tử Hồi giáo quá khích. Tuy nhiên, phản ứng của bà Hillary Clinton có phần hòa dịu hơn so với ông Donald Trump.

Ứng viên của đảng Cộng hòa Donald Trump nói Hoa Kỳ cần phải “cứng rắn” đối với các phần tử khủng bố, và nếu ông lên làm tổng thống, ông sẽ yêu cầu Quốc hội chính thức tuyên chiến với tổ chức Nhà nước Hồi giáo, trong khi bà Clinton của đảng Dân chủ kêu gọi thận trọng và đề nghị thu thập tình báo nhiều hơn chống lại các phần tử khủng bố.

Ông Trump nói với đài truyền hình Fox rằng ông sẵn sàng tuyên chiến với những phần tử khủng bố không rõ là ai và cam kết đưa binh sĩ NATO vào một cuộc “thế chiến.”

Đáp lại yêu cầu của đài CNN bình luận về các nhận định của ông Trump, bà Clinton nói:

“Tôi nghĩ điều rõ ràng là chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh với các tổ chức khủng bố này và những gì bọn chúng đại diện. Đây là một hình thức chiến tranh khác và chúng ta cần phải khôn ngoan về cách thức tiến hành và chiến thắng. Do đó tôi nghĩ chúng ta cần phải cứu xét mọi đường lối có thể được để làm chính điều đó.”

Các nhân vật chính trị trên khắp nước và từ cả hai chính đảng đồng ý với các cảm nghĩ của các ứng viên tổng thống về việc loại trừ những mối đe dọa khủng bố Hồi giáo.

Thống đốc bang Indiana và được đồn đoán sẽ là ứng viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa, ông Mike Pence gọi vụ tấn công là “lời nhắc nhở khủng khiếp về mối đe dọa mà nền văn minh Tây phương phải đối phó.”

Trong một thông cáo, ông Pence nói: “Trong khi chúng ta để tang cùng với nhân dân Pháp, chúng ta phải quyết tâm áp dụng công lý đối với tất cả những kẻ chịu trách nhiệm và đánh bại kẻ thù này của nền văn minh ngay từ gốc rễ.”

Dân biểu Sean Maloney của đảng Dân chủ, đại diện bang New York đăng trên Twitter rằng ông “hết sức đau lòng nghe tin một vụ tấn công khác xảy ra ở Pháp.”

Ông nói: “Chúng ta phải phá tan ISIS và loại trừ vĩnh viễn mối đe dọa khủng bố Hồi giáo quá khích.”

Dân biểu Mike Kelly của đảng Cộng hòa, đại diện bang Pennsylvania nhắn tin trên Twitter rằng ông đang cầu nguyện cho nước Pháp, “Cầu nguyện cho hòa bình, cho sự an toàn, cho quyết tâm, cho lòng can đảm, cho sức mạnh để vĩnh viễn chấm dứt sự độc ác này.”

Nhiều chính trị gia khác đã ngỏ lời chia buồn và bày tỏ thiện cảm đối với các nạn nhân vụ tấn công.

Dân biểu Cheri Bustos của đảng Dân chủ, đại diện bang Illinois nhắn qua Twitter: “Tôi hết sức ghê sợ trước tấn thảm kịch vừa xảy ra ở Pháp. Tôi vô cùng đau xót cho các nạn nhân và gia đình họ.”

Dân biểu Scott Peters của đảng Dân chủ, đại diện bang California nhắn qua Twitter: “Tin thật đau buồn từ Nice vào ngày lễ Quốc khánh Pháp. Chúng tôi thông cảm các gia đình nạn nhân và như thường lệ, sát cánh với dân chúng Pháp đêm nay.”

Đêm thứ năm, một người đàn ông lái xe tải đã tông qua một đám đông người ăn mừng lễ Quốc khánh Pháp ở Nice, làm 84 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

http://www.voatiengviet.com/a/cac-nhan-vat-chinh-tri-my-muon-tra-dua-cac-phan-tu-khung-bo/3419608.html

 

Mỹ tuyên bố hợp tác chặt chẽ với Nội các mới của Anh

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cam kết hợp tác chặt chẽ với nhau như những đồng minh NATO để giải quyết những thách thức và gánh vác trách nhiệm trên khắp thế giới, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trong cuộc điện đàm đầu tiên của hai người, ông Kerry chúc mừng ông Johnson, người vừa mới được bổ nhiệm vào chức vụ ngoại giao hàng đầu của Anh.

Hai bên nhất trí rằng mối quan hệ đặc biệt Mỹ-Anh có vai trò thiết yếu hơn bao giờ hết trước những diễn biến hiện thời của thế giới.

Một thông cáo cho biết ông Kerry nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với cách tiếp cận hợp lý và cẩn trọng trong quá trình Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu, và ngỏ lời đề nghị tiếp tục giao tiếp với Anh trong khi chính phủ Anh vạch ra kế hoạch của mình.

Hai bên cũng bàn về tình hình ở Syria, vùng Trung Đông rộng hơn và đồng ý gặp nhau tại Hội đồng Đối ngoại vào tuần sau ở Brussels.

Phát biểu hôm thứ Năm tại London, ông Johnson cũng cam kết sẽ định hình lại hình ảnh của Anh khắp toàn cầu. Nói về cuộc trưng cầu dân ý Brexit để Anh rời khỏi EU, ông nói rằng nó “hoàn toàn không có nghĩa là rời bỏ Liên minh Châu Âu,” và nói thêm rằng “có một sự khác biệt rất lớn giữa việc rời khỏi EU và quan hệ của chúng tôi với Châu Âu. Tôi nghĩ mối quan hệ này sẽ tăng cường và được phát triển ở mức độ liên chính phủ.”

Trước đó, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz đả kích những quyết định lựa chọn thành viên Nội các của Thủ tướng Anh Theresa May là một “vòng luẩn quẩn nguy hiểm” mà sẽ gây tổn hại cho người Anh trong thời gian gian dài.

Theo ông Schulz, những lựa chọn này là nhằm giải quyết những vấn đề chính trị trong nội bộ đảng hơn là thăng tiến những lợi ích quốc gia của Anh.

http://www.voatiengviet.com/a/my-tuyen-bo-hop-tac-chat-che-voi-noi-cac-moi-cua-anh/3418845.html

 

Quan ngại sốt rét kháng thuốc lan tới Châu Phi

Người ta tiếp tục quan ngại rằng một chủng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc hiện thấy tại Đông Nam Á có thể lây lan sang Châu Phi, nơi chiếm 88% các trường hợp sốt rét trên toàn cầu.

Tỷ lệ các ca bệnh sốt rét mới đã giảm 42% tại Châu Phi kể từ năm 2000.

Thành quả này phần lớn nhờ người dân nằm mùng chống muỗi có xịt thuốc diệt côn trùng, phun thuốc trừ muỗi trong nhà, và tiếp cận tốt hơn với các phương pháp điều trị hiệu quả.

Nhưng tiến bộ đạt được có thể gặp trở ngại bởi làn sóng sốt rét kháng thuốc mới hiện thời ở Châu Á.

Ông Abdoulaye Djimde, người đứng đầu khoa dịch tễ học phân tử và kháng thuốc tại Trung tâm Nghiên cứu-Huấn luyện về Sốt rét ở Mali, cho biết:

“Chúng ta cần lưu tâm… Với các kết nối thường xuyên giữa Châu Á với Châu Phi, các chuyến bay trực tiếp từ gần như ở khắp mọi nơi tới nhiều khu vực của Châu Phi, có nguy cơ du nhập các ký sinh trùng kháng thuốc này và nguy cơ đó ngày càng cao hơn.”

Trong những năm 1970, hàng triệu người Châu Phi nhiễm sốt rét kháng thuốc với dược phẩm hàng đầu lúc bấy giờ là chloroquine và hậu quả thật là thảm khốc.

Tính tới năm ngoái, 5 nước ở Đông Nam Á ghi nhận các trường hợp sốt rét kháng thuốc với phương pháp điều trị mới nhất: liệu pháp phối hợp các thuốc sốt rét gốc Artemisinin hoặc gọi tắt là ACT.

Bà Eunice Misiani thuộc Chương trình Kiểm soát Sốt rét Quốc gia ở Nam Phi.

“Chúng ta cần phải cảnh giác để những gì đã xảy ra với tình trạng kháng thuốc chloroquine không tái diễn. Phải bảo đảm tiến hành các tiêu chuẩn thử nghiệm hữu hiệu một cách thường xuyên mỗi 2-3 năm.”

Thuốc giả vẫn còn là một vấn đề lớn ở Châu Phi. Các loại thuốc giả, rẻ hơn, thường có ít thành phần hoạt chất dược phẩm hơn, dần dà có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc.

Làm sao để bệnh nhân hoàn tất phát đồ điều trị cũng là một điều khó khăn. Nhiều người ngưng dùng thuốc sau một hoặc hai ngày, một khi bắt đầu cảm thấy khỏe hơn.

Ông Hans Rietveld, giám đốc tiếp cận thị trường thuộc công ty dược Thụy Sĩ Novartis, cho biết các bác sĩ ở Châu Phi thường kê toa rộng tay với các loại thuốc chống sốt rét.

Ông Rietveld nói:

“Trước hết phải đảm bảo chẩn đoán đầy đủ trước khi bắt đầu điều trị. Phải chắc chắn là bệnh nhân bị nhiễm sốt rét rồi sau đó mới cho uống thuốc. Đây là một vấn đề tại nhiều quốc gia nơi mà thực hành chẩn đoán trước khi điều trị chưa được lồng vào trong thực hành y tế thông thường.”

Nghiên cứu cho thấy khoảng 40 đến 60% các trường hợp điều trị sốt rét ở Châu Phi thật ra không phải là sốt rét.

Ông Rietveld nói mở rộng việc sử dụng các xét nghiệm chẩn đoán nhanh ở Châu Phi có thể giúp ngăn chặn việc điều trị quá mức cần thiết. Các xét nghiệm tại gia có thể chẩn đoán bệnh sốt rét chỉ bằng một vết chích vào đầu ngón tay.

Công ty Novartis cho biết hiện đang nghiên cứu phát triển hai loại thuốc tiềm năng mới điều trị bệnh sốt rét khác với các loại thuốc gốc Artemisinin.

Nhưng phải mất ít nhất vài năm nữa hai loại thuốc mới này mới được bày bán ra thị trường.

http://www.voatiengviet.com/a/quan-ngai-sot-ret-khang-thuoc-lan-toi-chau-phi/3418826.html

 

Châu Á 25 năm trong mắt một ký giả Mỹ

Steve Herman, Trưởng Văn phòng Đông Nam Á của Đài VOA, hôm 13 tháng 7 đã khép lại 25 năm tường trình tin tức từ Châu Á. Ông đang trên đường quay về Mỹ để đảm nhận nhiệm vụ mới trong vai trò Thông tín viên Ngoại giao Cao cấp thường trú tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Nhân dịp này, ông đã chia sẻ với VOA Tiếng Việt những quan sát và nhận xét của mình về khoảng thời gian ông tác nghiệp ở khu vực này.

Thông tín Steve Herman đã dành 25 năm trong sự nghiệp của mình tường trình tin tức từ khắp mọi miền Châu Á. Ông đã tận mắt chứng kiến sự chuyển hóa về mặt kinh tế, chính trị và xã hội biến khu vực này trở thành nơi phát triển năng động nhất thế giới, và giờ là trọng tâm của chính sách tái cân bằng chiến lược của chính quyền Tổng thống Obama.

Trả lời phỏng vấn VOA Tiếng Việt, thông tín viên Herman cho biết khó có thể đưa ra nhận định mang tính khái quát về sự chuyển hóa của Châu Á bởi vì châu lục này quá rộng lớn và những xã hội ở đây quá đa dạng.

Nhưng ông nói một trong những biến đổi quan trọng nhất là sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu ở nhiều nước, chuyển tiếp từ những xã hội mà trong đó tầng lớp thượng lưu ít ỏi nhưng nắm nhiều quyền thế trong khi đa số người dân sống trong cảnh nghèo túng. Ông nói điều này đã thay đổi ở phần lớn Châu Á nhưng không phải ở tất cả mọi nơi ở Châu Á.

Về mặt chính trị, ký giả Herman nhận xét ở một số nước, xu hướng dân chủ hóa dường như đang đảo ngược:

“Có thể nói rằng điều mà chúng ta đang chứng kiến trong những năm gần đây ở một số nước, những nền dân chủ trên danh nghĩa, là những nhà lãnh đạo độc tài lên nắm quyền. Đa phần họ do dân bầu lên nhưng lại đưa đất nước mình theo đường hướng bảo thủ hơn rất nhiều. Trường hợp của Myanmar (Miến Điện) có thể xem là dân chủ nửa vời trong khi ở Thái Lan, nước đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính quân sự trong những thập niên vừa qua, đang ở trong gian đoạn mà dường như nền dân chủ phải mất một khoảng thời gian, có lẽ nhiều năm nữa, mới quay trở lại.”

Ông Herman cũng nói rằng ở những nước như Việt Nam và Lào có sự đình trệ trong khi ở những nước cộng sản khác đã có những sự chuyển biến.

Một sự thay đổi hết sức to lớn nữa về mặt xã hội, theo nhận định của ông Herman, là khả năng mà người dân ở nhiều nước tiếp cận được thông tin thông qua Internet và điện thoại di động.

Một nghiên cứu mới nhất của công ty theo dõi và nghiên cứu thị trường GfK cho biết truy cập Internet bằng điện thoại thông minh đã trở thành hoạt động hàng ngày của 83 phần trăm người dùng mạng khắp tám thị trường Châu Á trọng điểm, dẫn đầu là Trung Quốc và theo sau là Thái Lan, Indonesia, Singapore và Việt Nam.

Ông Herman nói thế hệ trẻ, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, giờ có nhận thức lớn hơn, am hiểu hơn, và nôn nóng hơn thế hệ cha mẹ của họ. Liệu họ có phải là nhân tố thúc đẩy sự tiến bộ ở Châu Á hay không? Ông Herman nói phải mất nhiều năm nữa thì thế hệ trẻ này mới có thể nắm giữ những vị trí lãnh đạo về chính trị bởi vì truyền thống kính trọng người lớn tuổi và bề trên ở nhiều nước Châu Á.

Trong bài tổng kết nhìn lại trải nghiệm của mình ở Châu Á, thông tín viên Steve Herman viết:

“Những mối tương tác xuề xòa từ eo biển Bosphorus (Thổ Nhĩ Kỳ) cho tới đảo Borneo (Malaysia) đã dạy tôi nhiều điều về Châu Á hơn bất kì hội nghị thượng đỉnh nào khác của những nhà lãnh đạo khu vực mỗi năm, vốn đầy sự phô trương và những lời hứa không giữ được”.

“Xé một miếng bánh mì paraki naan với một trưởng làng người Afghanistan cho tôi sự hiểu biết về những căng thẳng địa chính trị nhất định còn nhiều hơn là những cuộc phỏng vấn với những bộ trưởng chính phủ phát biểu rập khuôn theo kịch bản soạn sẵn.”

Người dân, theo lời ông Herman, chính là đối tượng để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong ông qua mỗi một sự kiện mà ông đã tường trình, đặc biệt là xung đột và thiên tai.

“Và một điều tôi đã chứng kiến ở nhiều nước, dù đó là Philippines, Nepal hay một xã hội đã phát triển như Nhật Bản, nơi hứng chịu trận động đất mạnh 9 độ rồi sóng thần và vụ tan chảy hạt nhân, đó chính là sự kiên cường hết sức to lớn của người dân khi đối diện với nghịch cảnh. Họ thực sự đã có thể hồi phục, chung tay góp sức, không nhất thiết là đợi viện trợ của chính phủ đưa tới. Trong một số trường hợp họ thậm chí còn tỏ ra hài hước nữa. Đó không nhất thiết là phản ứng của người dân ở những xã hội được gọi là tiên tiến hay phát triển.”

Ông Herman cho biết đã đã vài lần đến Việt Nam bằng visa du lịch vì ông nói có được visa nhà báo do Việt Nam cấp là điều cực kỳ khó khăn. Nhưng ông cho biết ông có ấn tượng vô cùng sâu sắc về người dân Việt Nam và rất lạc quan về Việt Nam trong dài hạn, thậm chí nhiều hơn những nước khác.

Ông chia sẻ với VOA:

“Người dân ở đó thật sự rất chăm chỉ và muốn tiến thân. Họ sẵn lòng góp sức làm việc và có những tập hợp kĩ năng hiếm có mà tôi không nhìn thấy ở nhiều nước. Tôi có ấn tượng sâu sắc với nhiều người Việt Nam biết nói tiếng Anh, có bằng cao học và thực sực muốn làm điều gì đó với cuộc đời của mình, cho đất nước và cho xã hội của mình. Và đó là một lý do khiến tôi lạc quan.”

Thông tín viên Steve Herman giờ đã quay trở lại Mỹ để nhận nhiệm vụ mới, nhưng Châu Á đã trở thành quê hương thứ hai của ông. Ông viết những dòng cuối cùng trong bút ký của mình:

“Quê hương của tôi, nơi tôi đang quay trở về, đã trở nên phong phú hơn trong một thế kỷ qua giữa luồng người nhập cư giờ được gọi chung là người Mỹ gốc Á. Lúc này tôi đang thực hiện sự nhập cư tương tự nhưng ngược chiều, tự xem mình là người Châu Á gốc Mỹ – một người mà sẽ mãi mãi cảm thấy mình gắn bó mật thiết với cả hai bờ Thái Bình Dương theo một cách không thể lý giải được.”

http://www.voatiengviet.com/a/chau-a-25-nam-trong-mat-mot-ky-gia-my/3418786.html

 

Ngoại trưởng Mỹ thăm Moscow để thảo luận lệnh ngừng bắn ở Syria

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 14/7 đến thăm Moscow để tìm cách cứu vãn lệnh ngừng bắn ở Syria. Theo Washington Post, ông sẽ nêu đề xuất về hành động quân sự chung chống Nhà nước Hồi giáo và Mặt trận al-Nusra, 1 chi nhánh của al-Qaeda.

Ông Kerry sẽ thảo luận với vị tương nhiệm, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, và có thể gặp Tổng thống Vladimir Putin. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner trước đó nói rằng Moscow đã không thực hiện cam kết của họ trong việc buộc Damascus ngừng các cuộc tấn công vào phe đối lập.

Ông Toner cho biết Nga và Mỹ có khả năng hợp tác. Ông nhắc đến lệnh ngừng bắn ban đầu đã được các bên nhất trí vào cuối tháng 2, mặc dù lệnh này bị vi phạm nhiều lần. Ông nói thêm rằng mặc dù không hoàn hảo, song lệnh ngừng bắn đó đã cứu nhiều mạng sống.

Nhà phân tích về Syria David Lesch thuộc trường Đại học Trinity ở San Antonio, Texas, nói với VOA là ông tin rằng kể từ khi người Nga nhúng tay can thiệp vào tình hình Syria hồi tháng 9 năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Obama ngày càng nhượng bộ các mục tiêu chính sách của Nga tại Syria.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong một cuộc phỏng vấn với NBC hôm 13/7, bày tỏ tin tưởng ông sẽ giành chiến thắng trong vòng vài tháng trong cuộc nội chiến kéo dài đã 5 năm. Ông nói thêm rằng sự can thiệp của Nga đã giúp thay đổi cán cân, tạo đà cho thắng lợi. Ông Assad nói đó là ‘yếu tố quyết định”.

Nhà lãnh đạo Syria nói Moscow chưa bao giờ thảo luận với ông về một sự chuyển tiếp chính trị. Ông nói mối quan hệ “rất thẳng thắn” giữa ông với nhà lãnh đạo Nga Putin bắt nguồn từ mối quan tâm chung là đánh bại khủng bố. Ông cũng thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc rằng ông đã phạm tội ác, ông khẳng định là không có bằng chứng nào để chứng minh lời cáo buộc đó.

http://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-my-tham-nga-thao-luan-lenh-ngung-ban-o-syria/3418702.html

 

Khủng bố ở Pháp và căng thẳng Biển Đông phủ bóng thượng đỉnh Á-Âu

Trọng Thành

Vụ khủng bố đẫm máu tại Nice, thành phố du lịch miền nam nước Pháp, và không khí căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, sau phán quyết của Tòa Trọng Tài, bao trùm thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) lần thứ 11 tại Ulan Bator, Mông Cổ, khai mạc ngày 15/07/2016.

Thượng đỉnh ASEM được tổ chức hai năm một lần, với sự tham gia của lãnh đạo hơn 50 quốc gia, kỷ niệm 20 năm thành lập, dự kiến là một dịp để các quốc gia hai châu lục, tăng cường hợp tác về kinh tế và chính trị. Thế nhưng, vụ khủng bố tối ngày 14/07 tại Pháp đã đảo lộn lịch trình. Thượng đỉnh mở đầu với một phút mặc niệm tưởng nhớ nạn nhân vụ khủng bố trên đại lộ Promenade des Anglais ở Nice, khiến hơn 80 người chết.

Lãnh đạo 51 nước tham dự ASEM ra thông cáo chung, lên án « các hành động tấn công khủng bố, đầy hận thù và hèn hạ », tái khẳng định « cam kết phối hợp chống nạn khủng bố ».

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk tuyên bố : « Đây là một ngày đau buồn với nước Pháp, châu Âu và với tất cả chúng ta tại Mông Cổ ». Ông nhấn mạnh : « Điều bi thảm là chứng kiến vụ thảm sát nhắm vào những con người đang vinh danh tự do, bình đẳng và bác ái (nhân ngày Quốc Khánh Pháp). (…) Chúng ta hãy đoàn kết với nhân dân Pháp và chính phủ Pháp trong cuộc chiến chống bạo lực và thù hận ». Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang), trong một phát biểu ngắn bằng tiếng Trung, tỏ lòng thương tiếc các nạn nhân, và nhắc lại là Bắc Kinh « chống lại mọi hình thức khủng bố ».

Có mặt tại Ulan Bator, ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết, thảm kịch kinh hoàng tại Nice làm dấy lên « một tình cảm đoàn kết tự nhiên » trong giới lãnh đạo các nước Á-Âu tham dự ASEM, đối với nước Pháp. Theo lãnh đạo ngoại giao Pháp, không một nơi nào trên thế giới hiện nay có thể bình yên trước đe dọa khủng bố, thông cáo chung của ASEM về chủ đề này chắc chắn sẽ phải được « tăng cường ».

Biển Đông được đề cập tại ASEM bất chấp Trung Quốc

Biển Đông là chủ đề lớn bất ngờ thứ hai bao trùm ASEM, ít ngày sau khi Tòa Trọng Tài La Haye ra phán quyết, bác bỏ các tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông. Trung Quốc gửi tín hiệu cảnh báo, thượng đỉnh ASEM không phải là « một nơi thích hợp » để thảo luận về vấn đề này. Bất chấp việc Bắc Kinh tức giận, hồ sơ Biển Đông chắc chắn có mặt trong nhiều đối thoại song phương ngày 15 và 16/07.

Tổng thống Philippines Duterte tuyên bố sẽ cử đặc phái viên tới Trung Quốc để « tái khởi động đàm phán », như một cử chỉ hòa dịu. Cùng lúc đó, ngoại trưởng Perfecto Yasay khẳng định sẽ dùng cơ hội tại Mông Cổ, để « thảo luận về một tiếp cận hòa bình, dựa trên luật pháp, của Philippines, và việc các bên tuân thủ quyết định của Tòa Trọng Tài ».

Trả lời AFP ngày 14/07, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh ca ngợi phán quyết của Tòa, và cho biết mọi vấn đề liên quan hiện đang được bàn thảo. Phán quyết La Haye là thắng lợi lịch sử của Philippines, nhưng cũng có thể rất có lợi cho nhiều quốc gia ven bờ Biển Đông, như Việt Nam, Malaysia, Brunei hay Indonesia.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trước chuyến đi Mông Cổ, hy vọng sẽ thảo luận về các tranh chấp, và tầm quan trọng của việc « tìm ra giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế ».« Đối thoại và cam kết tôn trọng trật tự quốc tế, dựa trên luật pháp là điều cần thiết. Các quy tắc ứng xử chung và có thể tiên liệu trước khiến các quốc gia được bảo vệ » là nhận đinh của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160715-khung-bo-o-phap-va-cang-thang-bien-dong-phu-bong-thuong-dinh-a-au

 

Pháp vẫn là mục tiêu ưu tiên của khủng bố Hồi Giáo

Thanh Phương

Vụ tấn công tại Nice ngày Quốc Khánh 14/07/2016 một lần nữa cho thấy Pháp vẫn chưa thoát ra khỏi nguy cơ khủng bố Hồi Giáo.

Trong một cuộc điều trần trước ủy ban quốc phòng của Hạ Viện Pháp mới tháng 5 vừa qua, ông Patrick Calvar, giám đốc Tổng Cục An Ninh Nội Địa – DGSI, cho biết Pháp nay đã trở thành mục tiêu tấn công khủng bố hàng đầu không chỉ của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo – Daech, cũng như của mạng lưới Al-Qaida.

Sau các vụ tấn công bằng vũ khí của những tên khủng bố liều chết, ông Calvar lo ngại là những kẻ tấn công khủng bố sẽ thay đổi phương thức hành động. Giám đốc DGSI nhấn mạnh đến nguy cơ bọn khủng bố đặt chất nổ tại những nơi có đông người để gây một tâm lý hoảng loạn.

Ông Calvar tiết lộ rằng Daech đang dự trù những cuộc tấn công mới, sử dụng những chiến binh tại chỗ, dùng những con đường dễ xâm nhập vào lãnh thổ nước Pháp. Do hiện nay, việc đi vào Syria ngày càng khó khăn và liên minh quốc tế thì gia tăng oanh kích, ngày càng có ít thanh niên Pháp đi sang Syria. Các số liệu mới nhất của bộ Nội Vụ Pháp thẩm định hiện chỉ có 652 quân thánh chiến người Pháp đang chiến đấu ở Syria.

Nguợc lại, ngày càng có nhiều quân thánh chiến người Pháp muốn trở về nước nhưng bị Daech ngăn cản, và đối với tổ chức này, những người muốn rời Syria là những kẻ « phản bội », cần phải xử tử ngay lập tức. Theo lời giám đốc DGSI, có một số người bị Daech xem là phản bội nay muốn đoái công chuộc tội bằng cách trở về tấn công khủng bố nước Pháp. Ngoài ra, còn có nhiều trẻ em trở về nước cùng với các chiến binh người Pháp. Cơ quan DGSI sợ rằng Daech đã huấn luyện những em này thành những kẻ khủng bố tương lai.

Trong một cuộc điều trần khác trước uỷ ban luật pháp của Hạ Viện Pháp, bộ trưởng Nội Vụ Bernard Cazeneuve, thông báo là trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp, được ban hành sau loạt tấn công khủng bố ở Paris ngày 13/11/2015, từ đầu năm đến nay, cảnh sát đã tiến hành bắt giữ 101 người có liên quan đến khủng bố, trong đó có 45 người bị truy tố và 33 người bị tống giam. Theo bộ trưởng Cazeneuve, con số này đủ cho thấy mức độ đe dọa khủng bố đối với nước Pháp.

Khi khai thác máy vi tính của kẻ khủng bố tự sát tại sân bay Bruxelles ngày 22/03, các nhà điều tra biết được là quân khủng bố đã dự trù tấn công vào nhiều mục tiêu ở Pháp, trong đó có khu doanh nghiệp La Défense. Ý định ban đầu của tổ thánh chiến ở Bruxelles là tấn công nước Pháp lần nữa, nhưng cuối cùng họ đã cấp tốc quyết định ra tay hành động ngay tại thủ đô Bỉ.

Tình trạng khẩn cấp ở Pháp trên nguyên tắc sẽ được dỡ bỏ vào ngày 26/07 tới, thế nhưng sau vụ tấn công ngày 14/07 ở Nice, chính phủ đã buộc phải triển hạn thêm 3 tháng. Nhưng vụ tấn công tại Nice cho thấy rất khó mà ngăn chặn những kẻ khủng bố hành động riêng lẻ. Giống như vụ sát hại hai vợ chồng cảnh sát ở Magnaville ngày 13/06/2016, hung thủ không cần ai hỗ trợ mà chỉ ra tay một mình nhân danh tổ chức Daech. Hành động này tuy riêng lẻ nhưng gây tiếng vang rất lớn vì nó nhắm vào một biểu tượng là lực lượng an ninh.

Còn trong vụ tấn công tại Nice, hung thủ đã đánh vào biểu tượng của chính nước Pháp khi cho xe tải cán chết những người đến xem pháo bông mừng lễ Quốc Khánh, ngày lễ của tự do, bình đẳng, bác ái. Hung thủ ở Nice có lẽ cũng đã làm theo lời kêu gọi của Daech, đó là dùng đủ mọi phương tiện, kể cả xe, để giết những người Pháp « vô đạo » càng nhiều càng tốt.

http://vi.rfi.fr/phap/20160715-phap-van-la-muc-tieu-uu-tien-cua-khung-bo-hoi-giao

 

Ý : 4,6 triệu người sống trong cảnh nghèo khó cùng cực

Đức Tâm

Ngày 14/07/2016, Viện Thống Kê Quốc Gia Ý đã công bố bản báo cáo tình hình năm 2015. Theo đó, 7,5% dân số nước này – tức 4,6 triệu người – sống trong cảnh nghèo khó cùng cực, chủ yếu là những cặp vợ chồng có hai con, thiếu niên và giới trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 34.

Từ Roma, thông tín viên Anne Le Nir cho biết thêm thông tin :

« Cần nói rõ ngay là Viện Thống Kê Quốc Gia (Istat) định nghĩa mức độ nghèo cùng cực tại Ý là điều kiện sinh sống của những người không có khả năng mua sắm các vật dụng cần thiết tối thiểu và không có nhà ở một cách tử tế.

Để có thể hiểu được rõ hơn vì sao gần 5 triệu người Ý sống dưới ngưỡng nghèo khó, tức là mức thu nhập dưới 552 euro mỗi tháng, mỗi người, cần phải biết là tại nước này không có chế độ trợ cấp xã hội, tương đương như Thu nhập tối thiểu liên đới giúp hội nhập – RSA – ở bên Pháp. Cho đến nay, tất cả các dự án theo hướng này đều bị bỏ xó.

Thế nhưng, tình hình trở nên khẩn cấp. Trong số những người nghèo khó nhất có nhiều cặp vợ chồng có hai con và những gia đình người nước ngoài nhập cư.

Các số thống kê này, vừa mới được công bố, có nguy cơ tác động tiêu cực đến tỷ lệ được lòng dân của thủ tướng Matteo Renzi, người không ngừng tuyên bố rằng chính phủ của ông tái thúc đẩy phát triển nước Ý.

Nhưng làm thế nào có thể tin vào những thông điệp lạc quan như vậy khi mà một phần mười trẻ vị thành niên sống trong cảnh nghèo khó cùng cực ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160715-tai-y-46-trieu-nguoi-song-trong-canh-ngheo-kho-cung-cuc

 

Một luật sư Trung Quốc bị truy tố tội lật đổ chính quyền

Trung Quốc sẽ truy tố luật sư nhân quyền nổi tiếng Chu Thế Phong (Zhou Shifeng) về tội lật đổ chính quyền sau nhiều tháng giam giữ ông này một cách bí mật. Cơ quan công tố thành phố Thiên Tân ra tuyên bố này trên trang microblog của cơ quan này vào này ngày hôm nay mà không đưa ra thêm bất cứ chi tiết cụ thể nào khác.

Ông Chu là giám đốc thuộc công ty luật Fengrui. Hàng chục luật sư cùng những nhà hoạt động khác có liên quan đến hãng luật ở Bắc Kinh đã bị cảnh sát bắt đi và giam giữ kể từ tháng 7 năm ngoái. Hãng luật đã đại diện cho nhiều khách hàng có tiếng, bao gồm cả nhà hoạt động bất đồng chính kiến người Uighur là Iiham Tohti.

Báo chí nhà nước cáo buộc hãng luật này và các cộng sự đã đại diện những cuộc phản đối bên ngoài các tòa án và chính trị hóa các vụ án bình thường để thu hút sự ý của quốc tế.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/cn-prosecute-prominent-right-lawyer-on-subversion-charges-07152016105215.html