Tin khắp nơi – 14/11/2016
Tập Cận Bình : “Hợp tác,
con đường duy nhất trong quan hệ Mỹ- Trung”
Theo báo chí Bắc Kinh, trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống tân cử Mỹ, Donald Trump ngày 14/11/2016, hai bên cùng nhấn mạnh đến việc cần tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích chung. Hai ông Tập Cận Bình và Donald Trump đồng ý sẽ sớm gặp nhau.
Trong suốt cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ, ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump đã mạnh mẽ chỉ trích chính sách thương mại và kinh tế của Trung Quốc. Ông coi đó là mối đe dọa đối với việc làm và ngành ngoại thương của Hoa Kỳ. Cũng ông Donald Trump đề nghị đánh thuế đến 45 % vào hàng nhập từ Trung Quốc.
Thắng lợi của ông Trump trong cuộc bầu cử ngày 08/11/2016 khiến nhiều nhà quan sát lo ngại một cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, vào thời điểm Bắc Kinh đang cải tổ kinh tế và cần duy trì tăng trưởng để bảo đảm ổn định về mặt xã hội.
Đài truyền hình Trung Quốc lưu ý, trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai ông Tập Cận Bình và Donald Trump, lãnh đạo Trung Quốc đã nhấn mạnh : « Quá khứ chứng minh rằng hợp tác là sự chọn lựa đúng đắn duy nhất” trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
Ông Tập Cận Bình kêu gọi đôi bên cùng đẩy mạnh hợp tác để bảo đảm “phát triển kinh tế của hai quốc gia và cho toàn thế giới”. Về phía tổng thống tân cử Hoa Kỳ, ông Trump đánh giá cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên với lãnh đạo Trung Quốc đã diễn ra trong « tinh thần tôn trọng lẫn nhau » và tin tưởng là Mỹ và Trung Quốc “cùng xây dựng một mối quan hệ vững chắc” trong tương lai.
Liên Hiệp Châu Âu lo xa quan hệ với Mỹ dưới thời Trump
Trong khi chính sách đối ngoại của chính quyền Trump còn chưa định hình, nhưng các ngoại trưởng của EU tối qua đã họp tại Bruxelles để lo cho mối quan hệ sắp tới với nước Mỹ có thể sẽ thay đổi. Liên Hiệp Châu Âu khẳng định Washington vẫn luôn là đối tác mạnh và sẽ làm sao để Mỹ phải lắng nghe tiếng nói của đồng minh.
Cuộc họp bất thường các ngoại trưởng được tổ chức dưới hình thức một bữa « ăn tối không chính thức » này đã được lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu, bà Federica Mogherini khởi xướng triệu tập ngay sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ với chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump.
Một số ngoại trưởng đã không tham dự như ngoại trưởng Hungary hay ngoại trưởng Anh Boris Johnson, cho rằng cuộc gặp như vậy là vô ích, còn ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault thì lấy lý do bận việc.
Nhìn chung, trước một đối tác mới như Donald Trump, lãnh đạo châu Âu đều đang phân vân chưa biết những tuyên bố hùng hồn của ông Trump trong chiến dịch tranh cử về quan hệ với Nga, về hồ sơ hạt nhân Iran hay về vấn đề biến đổi khí hậu, sẽ trở thành hiện thực ra sao.
Sau cuộc gặp tối qua, nhiều ngoại trưởng cho biết họ không muốn đợi đến khi lá bài đối ngoại của chính quyền Trump ngửa ra thì mới có phản ứng. Bà Mogherini khẳng định Châu Âu muốn có một quan hệ đối tác mạnh mẽ với chính quyền mới của Mỹ.
Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders khẳng định vấn đề cần bàn hiện nay là làm sao để Liên Hiệp tăng cường sức mạnh của mình trên thế giới trong các lĩnh vực an ninh quốc phòng, thương mại, nhập cư hay biến đổi khí hậu.
Tổng thống tân cử Mỹ, trong chiến dịch tranh cử đã tuyên bố ông có thể xem xét lại vấn đề đóng góp tài chính của Mỹ cho khối NATO, hiện đang chiếm 2/3 chi tiêu của liên minh này.
Tương lai của quốc phòng châu Âu là chủ đề nổi cộm trong cuộc họp chính thức các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu hôm nay.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161114-lien-hiep-chau-au-lo-xa-quan-he-voi-my-duoi-thoi-trump
Bulgari : Ứng cử viên thân Nga đắc cử tổng thống
Ông Roumen Radev, ứng cử viên đảng Xã Hội, một người được đánh giá thân Nga, đã giành thắng lợi tại vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Bulgari ngày hôm qua 13/11/2016 với gần 60% phiếu. Ngay lập tức, thủ tướng Boiko Borissov, đang lãnh đạo một chính phủ không chiếm đa số ở Quốc hội, đã nộp đơn từ chức.
Bulgari theo thể chế cộng hòa đại nghị, tổng thống chỉ đóng vai trò nghi thức, tuy có nắm một vài đặc quyền. Các công việc chủ yếu của đất nước chủ yếu do thủ tướng điều hành.
Thông tín viên RFI tại Sofia, Damian Vodenitcharov tường trình:
Gần 60% phiếu bầu cho ông Roumen Radev, đối thủ của ông được 35% phiếu, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu là 50%. Đó là những kết quả chính thức của cuộc bầu cử tổng thống Bulgari.
Roumen Radev, cựu tướng không quân, đã dành chiến thắng quyết định trước bà Tsetska Tsatchéva, chủ tịch Quốc hội và là ứng viên của đảng cầm quyền (Gerb).
Là một người được đào tạo nghiêm túc tại Hoa Kỳ, nhưng ông Radev được đánh giá là một người thân Nga, nhất là sau khi ông kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu bỏ cấm vận Nga. Bản thân ông tự nhận là người « thực dụng » đối với Matxcơva và ông luôn nói đến quan hệ hai nước trong lĩnh vực kinh tế.
Tổng thống Bulgari, trên cương vị tổng tư lệnh quân đội, có những đặc quyền trong lĩnh vực an ninh quốc gia và trong chính sách đối ngoại.
Một cuộc khủng hoảng chính trị tiềm ẩn đã le lói xuất hiện. Thủ tướng Boiko Borissov đã sớm từ chức để « nhường chỗ cho đa số mới », tức đảng Xã Hội, đảng đã ủng hộ Radev.
Cánh tả chỉ thu được 15% phiếu ở Quốc hội bầu năm 2014. Phe này sẽ phải tạo lập một liên minh rộng rãi với các đảng dân tộc chủ nghĩa để thành lập chính phủ. Nếu không, sẽ phải tổ chức bầu cử trước thời hạn. Nếu khả năng này xảy ra, đó sẽ là lần thứ ba trong 3 năm.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161114-bulgari-ung-cu-vien-than-nga-thang-cu-tong-thong
Julian Assange bị thẩm vấn
tại sứ quán Ecuador ở Luân Đôn
Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks, bị biện lý Ecuador thẩm vấn vào sáng hôm nay 14/11/2016 tại đại sứ quán Ecuador ở Luân Đôn.
Trong một thông cáo, Viện Công Tố Stockholm cho biết, tham gia buổi thẩm vấn còn có thẩm phán Ingrid Isgren của Thụy Điển và một thanh tra cảnh sát nước này. Đây là lần đầu tiên Assange bị thẩm vấn về các cáo buộc cưỡng hiếp tại Thụy Điển vào năm 2010.
Ông Per Samuelsson, luật sư người Thụy Điển của Julian Assange, cho hãng tin Pháp AFP biết đợt thẩm vấn dự kiến kéo dài nhiều ngày và ông hy vọng được dự một số buổi thẩm vẩn.
Trong khi tư pháp Thụy Điển tố cáo Assange thường xuyên trốn tránh lệnh triệu tập, thì luật sư Per Samuelsson khẳng định Assange luôn muốn trực tiếp trình bày sự việc với các nhà điều tra để có cơ hội lấy lại danh dự.
Viện Công Tố Stockholm cho biết sẽ lấy mẫu ADN của Assange để phục vụ điều tra nếu ông này đồng ý. Biện lý Thụy Điển đặc trách hồ sơ Assange cho biết việc thẩm vấn nghi phạm sẽ cho phép cuộc điều tra tiếp diễn.
Thụy Điển và Ecuador đã thương lượng từ nhiều tháng nay về điều kiện thẩm vấn. Ecuador đạt được yêu cầu là để cho biện lý Ecuador thẩm vấn, cho dù các câu hỏi có thể do các nhà điều tra Thụy Điển gợi ý.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161114-julian-assange-bi-tham-van-tai-su-quan-ecuador-o-luan-don
Trump đắc cử, cơ hội cho Trung Quốc ?
Donald Trump ở cương vị chủ nhân Nhà Trắng liệu có là cơ hội để Trung Quốc nhổ được những cái gai trong trong quan hệ Bắc Kinh – Washington dưới thời chính quyền Barack Obama hay không ?
Liệu rằng trước một nhà lãnh đạo không có kinh nghiệm như ông Trump, Trung Quốc có dễ áp đặt quan điểm trên những hồ sơ lớn, từ tranh chấp Biển Đông đến dự án triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc ? Liệu rằng chính quyền Trump trong tương lai có còn quan tâm đến những vấn đề nội bộ của Trung Quốc như nhân quyền, tự do tôn giáo của các vùng Tây Tạng, Tân Cương, như trong hai nhiệm kỳ tổng thống Barack Obama hay không ? Những chỉ trích nhắm vào hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP của tổng thống tân cử liệu có là những khoảng trống, tạo cơ hội cho Trung Quốc lôi kéo thêm các đồng minh của Hoa Kỳ vào quỹ đạo của mình hay không ?
Đó là một loạt các câu hỏi được giới phân tích nêu lên sau thắng lợi bất ngờ của ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tờ báo tài chính Nhật Bản Nikkei nhắc lại, trong bức điện chúc mừng ông Trump đắc cử tổng thống gửi đi vào tuần trước, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mong muốn “đôi bên vượt qua được những bất đồng để cùng làm việc chung trong tinh thần xây dựng”, tránh dẫn đến xung đột hay những hành vi đối đầu giữa hai nền kinh tế số một và số hai toàn cầu.
Theo thông lệ, khi chúc mừng thắng lợi của một vị tân lãnh đạo, không mấy ai dùng những từ ngữ như là “xung đột”, “đối đầu” hay “bất đồng”. Nhưng nội dung bức thư của ông Tập Cận Bình gửi đến tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump vừa qua cho thấy Bắc Kinh thẳng thắn công nhận có những khác biệt sâu rộng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và Bắc Kinh mong muốn đôi bên tránh để những bất đồng đó dẫn tới đối đầu.
Cơ hội lấp chỗ trống của Mỹ trong lĩnh vực ngoại giao ?
Nếu như ứng cử viên đảng Dân Chủ, Hillary Clinton đắc cử tổng thống hôm 08/11/2016, có nhiều khả năng bà sẽ tiếp tục đường lối của người tiền nhiệm Barack Obama. Đơn giản là vì bà từng là Ngoại trưởng của ông Barack Obama trong nhiệm kỳ thứ nhất.
Trong nhãn quan của Bắc Kinh, về chính sách đối ngoại, chính quyền mãn nhiệm Obama đã có lập trường cứng rắn trên vấn đề Biển Đông. Bản thân bà Clinton trong cương vị ngoại trưởng Mỹ đã có những buổi làm việc rất gay go với đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì- nay là ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, đặc trách về đối ngoại. Do vậy mọi người đoán trước là nếu đắc cử tổng thống, Hillary Clinton sẽ không dễ thân thiện với Bắc Kinh trên nhiều hồ sơ, từ Biển Đông đến vấn đề an ninh trong khu vực châu Á, từ vấn đề an ninh mạng –cybersecurity, đến những công việc nội bộ của Bắc Kinh như chính sách đàn các nhà bảo vệ nhân quyền Trung Quốc …
Sau thắng lợi bất ngờ của nhà tỷ phú địa ốc New York Donald Trump mối lo ngại trên tạm thời được xua tan, bởi vì tới nay ông Trump tập trung nhiều hơn vào những vấn đề nội bộ của Mỹ. Trên một số các hồ sơ nóng, như hạt nhân Bắc Triều Tiên hay thỏa thuận lịch sử về nguyên tử với Iran, đôi khi tổng thống tân cử của Hoa Kỳ đã có những tuyên bố “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” mà các chuyên gia cần có thêm thời gian để “giải mã” chính sách đối ngoại của ông Trump.
Kinh tế và thương mại : cơ hội hay đe dọa dưới chính quyền Trump ?
Nhìn đến vế kinh tế và mậu dịch, tổng thống thứ 45 tương lai của Hoa Kỳ chủ trương bảo hộ, bài TPP. Donald Trump từng tuyên bố ý định đánh thuế đến 45 % vào hàng nhập từ Trung Quốc, đòi kiện Bắc Kinh trợ giá cho các doanh nghiệp tạo cạnh tranh bất bình đẳng, gây thiệt hại cho kinh tế Hoa Kỳ. Lại cũng ông Trump trong mùa tranh cử vừa qua đòi kiện Trung Quốc thao túng tỷ giá đồng tiền để cạnh tranh bất bình đẳng … cướp đi công ăn việc làm của người lao động Hoa Kỳ. Là một quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên thế giới, đường lối được ông Donald Trump phác họa không là một tin vui với Bắc Kinh.
Nhưng bên cạnh đó nếu như Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP với mục tiêu là làm đối trọng với Trung Quốc bị khai tử, thì liệu đó có là cơ hội để Trung Quốc mở rộng thêm ảnh hưởng kinh tế và thương mại với các đối tác trong khu vực ? Liệu đây có là cơ hội để dự án Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP, một sáng kiến của Bắc Kinh, nhanh chóng được hoàn thành ?
Chỉ riêng trong hai lĩnh vực là ngoại giao và thương mại, Trung Quốc có thể trông thấy một số cơ hội sau thắng lợi của ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump. Có điều, phải đợi thêm hai tháng nữa ông Trump mới chính thức nhậm chức, và từ nay tới đó, các chính sách của ông mới bắt đầu hình thành. Hơn nữa, là một người thực dụng, chưa chắc gì Donald Trump thực hiện những điều cam kết trong cuộc vận động tranh cử. Dù vậy tính bốc đồng của tổng thống tân cử Hoa Kỳ là một mối lo ngại đối với Bắc Kinh.
Nếu như Trung Quốc có thể đoán được những nước cờ của Hillary Clinton, thì ngược lại, giờ đây Bắc Kinh mới thực sự “tìm hiểu” về ông Trump. Không chỉ về mặt ngoại giao, mà còn trên nhiều lĩnh vực khác, Donald Trump là một ẩn số với Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161114-trump-dac-cu-co-hoi-cho-trung-quoc
Hàn Quốc ký thỏa thuận
chia sẻ thông tin quân sự với Nhật
Hôm nay 14/11/2016, bất chấp phản đối mạnh mẽ của các đảng đối lập và lời đe dọa “cách chức hoặc buộc tội” bộ trưởng quốc phòng, chính phủ Hàn Quốc đã ký kết thỏa thuận song phương với Nhật Bản về việc chia sẻ thông tin quân sự.
Theo tờ South China Morning Post, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun nhấn mạnh trong một cuộc họp báo là “ưu tiên nâng tầm quan trọng của an ninh quốc gia” trong các thỏa thuận với Nhật Bản, để đối phó tốt hơn với các mối đe dọa quân sự từ Bắc Triều Tiên.
Nhưng phát ngôn viên bộ Quốc Phòng đã phải trả lời hàng loạt câu hỏi của nhà báo Hàn Quốc. Họ chỉ trích quyết định của chính phủ trong việc ký thỏa thuận với Nhật Bản là quá vội vàng trong khi không nhận được sự đồng thuận đầy đủ của dân chúng.
Trước đó, ông Woo Sang-ho, lãnh đạo Đảng Dân chủ Hàn Quốc, đảng đối lập cho biết “thủ tục cách chức hoặc buộc tội bộ trưởng quốc phòng sẽ được tiến hành” nếu thỏa thuận được ký tắt ngày hôm nay. Phe đối lập hiện chiếm đa số trong Quốc hội Hàn Quốc.
Trong một cuộc họp của các lãnh đạo cao cấp của đảng, ông Woo Sang-ho cũng tuyên bố là Hội đồng bộ trưởng sẽ không bao giờ dung thứ, nếu bộ trưởng Quốc Phòng đơn phương cố gắng thúc đẩy chính sách và đi ngược với nguyện vọng chung.
Năm 2012, Nhật Bản và Hàn Quốc đã sẵn sàng ký thỏa thuận, nhưng Seoul lại trì hoãn vào phút cuối, do dân chúng phản đối mạnh mẽ vì họ không quên thời kỳ chế độ thuộc địa của Nhật Bản trên bán đảo Hàn Quốc trước và trong Đại chiến II.
Các lãnh đạo châu Á “giải mã” Trump
Ông Donald Trump đã tuyên bố sẽ dẹp bỏ hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và đã tỏ ý muốn sửa đổi các liên minh giữa Mỹ với các nước trong khu vực. Thế nhưng, hãy còn quá sớm để kết luận rằng chính sách “xoay trục” của tổng thống Barack Obama đã chết. Đó là nhận định của hãng tin Bloomberg trong một bài viết đăng hôm nay, 14/11/2016, mà chúng tôi xin lược dịch.
Đối với các lãnh đạo châu Á, câu hỏi lớn được đặt ra từ chiến thắng của Trump là không biết Hoa Kỳ sẽ còn đặt trọng tâm kinh tế và chính trị vào châu Á hay không, do nhà tỷ phú đã tuyên bố sẽ thi hành một chính sách ngoại giao ít can thiệp ra bên ngoài hơn.
Các nhà ngoại giao và các nhà phân tích hiện đang đọc kỹ những lời bình luận của ông Trump cũng như của các cố vấn của ông để cố tách bạch chủ trương “nước Mỹ trước hết”, mà ông đưa ra trong lúc tranh cử, với thực tế của việc điều hành đất nước, ngay cả với đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội.
Dựa theo tên tuổi những người sẽ được bổ nhiệm vào các chức vụ chủ chốt, như ông Randy Forbes, bộ trưởng Hải quân tương lai, và dựa trên những tuyên bố của những người thân cận với ông Trump, giáo sư Sam Crane, thuộc trường William College, Massachusetts, cho rằng ông Trump sẽ thi hành chính sách như, thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả tổng thống mãn nhiệm Obama.
Trong một bài viết đăng vào tuần trước, hai cố vấn tranh cử của ông Trump là Alexander Gray và Peter Navarro đã cho rằng chính sách của ông Obama là “giơ cao đánh khẽ”. Họ xem việc triển khai chiến hạm đến Singapore và thủy quân lục chiến đến Úc chỉ là những hành động “làm cho có”. Họ viết rằng với ông Trump làm tổng thống, hải quân Mỹ sẽ được tăng cường để trấn an các đồng minh rằng Hoa Kỳ sẽ vẫn đóng vai trò là người bảo đảm cho trật tự tự do ở châu Á.
Bản thân ông Trump cũng đã nhanh chóng nói chuyện với lãnh đạo các nước Nhật, Hàn Quốc và Úc về cam kết của ông liên quan đến các quan hệ an ninh. Tuy vậy, do là một nhân vật khó lường trước, hiện giờ không thể biết được là ông Trump sẽ làm gì một khi lên nắm quyền.
Theo lời cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, hiện chưa thể đánh giá hết mức độ can dự của ông Trump vào châu Á. Trả lời phỏng vấn vào tuần trước, bộ trưởng điều phối các vấn đề biển của Indonesia Luhut Panjaitan cũng cho rằng hãy còn quá sớm để xét đoán ông Trump, nhưng ông tin là Hoa Kỳ “sẽ nhìn thấy các lợi ích quốc gia của họ”.
Với khẩu hiệu tranh cử là “Làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại”, ông Trump khó mà rút nước Mỹ ra khỏi châu Á-Thái Bình Dương. Sáu trong số 15 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ là nằm ở khu vực này. Đại sứ lưu động của Singapore Bilahari Kausikan, dự báo rằng các nước châu Á sẽ khai thác cuộc tranh đua giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc để hưởng lợi trong khi vẫn duy trì quan hệ với cả hai bên.
Trong thời gian tranh cử, ông Trump đã chỉ trích Nhật Bản và Hàn Quốc không đóng góp đúng mức cho căn cứ quân sự của Mỹ, gây quan ngại là ông sẽ rút quân Mỹ ra khỏi hai nước này. Thế mà, trong cuộc điện đàm sau bầu cử, ông Trump đã nói với tổng thống Park Geun-hye rằng ông đồng ý “100%” về sự cần thiết phải ngăn chận Bắc Triều Tiên.
Tuy vậy, vẫn có nguy cơ là ông Trump gây tổn hại đến các liên minh ở Bắc Á, theo nhận định của Yukio Okamoto, nguyên là một nhà ngoại giao từng cố vấn cho hai lãnh đạo Nhật.
Về Biển Đông, ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc xây một pháo đài ở khu vực này. Tháng 3 vừa qua, ông đã tuyên bố rằng : “Họ làm điều đó tùy thích vì họ không tôn trọng tổng thống của chúng ta và họ không tôn trọng đất nước chúng ta.” Nhưng bối cảnh chính trị nội bộ của nước Mỹ hiện nay khiến người nghi ngờ rằng ông Trump không sẳn sàng can thiệp quân sự vào một cuộc xung đột ở nơi xa xôi như Biển Đông hay Biển Hoa Đông.
Có một lời hứa mà chắc là ông Trump sẽ thực hiện đó là sẽ “khai tử” hiệp định TPP, một hiệp định mà ông cho là sẽ gây tổn hại cho kinh tế Mỹ. Nhưng thủ tướng New Zealand John Key khi trả lời đài phát thanh New Zealand đã cho rằng ông Trump sẽ nhận được cùng ý kiến cố vấn từ bộ Ngoại giao, từ Lầu năm góc và từ bộ Tài chính giống như tổng thống Obama. Lời khuyên đó là Mỹ cần duy trì ảnh hưởng và sự hiện diện ở châu Á và tự do mậu dịch là một cách để đạt được điều đó.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161114-cac-lanh-dao-chau-a-%E2%80%9Cgiai-ma%E2%80%9D-trump
Hàn Quốc: Thẩm vấn 2 cựu cố vấn của tổng thống
Theo AFP, hôm nay 14/11/2016, tư pháp Hàn Quốc đã thẩm vấn hai cựu quan chức chính phủ vì những nghi vấn đã giúp bà “quân sư” của tổng thống Park Geun Hye tiếp cận các hồ sơ quốc sự, trong đó có lần vào thăm phòng làm việc của tổng thống.
Hai cựu quan chức bị thẩm vấn hôm nay là Ahn Bong-Geun và Lee Jae-Man. Cho đến trước vụ bê bối này, họ vẫn là những cố vấn cao cấp của tổng thống được tham dự vào các công việc soạn thảo chính sách với tổng thống. Hai ông bị tố cáo đã giúp bà Choi vào thăm văn phòng của tổng thống và nghiêm trọng hơn là đã cung cấp cho bà bạn thân của tổng thống những tài liệu bí mật Nhà nước.
Truyền hình Hàn Quốc hôm nay đã đưa hình ảnh hai ông lần lượt đến Viện Công Tố tại Seoul để thẩm vấn. Theo truyền thông địa phương, hai nhân vật này trong suốt cả chục năm qua vẫn đóng vai trò là những trợ lý thân tín của bà Park Geun-hye. Khi vụ bê bối bung ra, hai trợ lý thân cận khác của bà Park Geun-hye cũng đã bị tạm giữ để điều tra.
Bà Park Geun-hye, từ nhiều ngày qua đang lao đao vì vụ bê bối “ quân sư” với trung tâm là nhân vật Choi Soon-Sil bị cáo giác đã lợi dụng mối quan hệ thân thiết với tổng thống để vòi vĩnh các công ty lớn tài trợ hàng triệu đô la cho một quỹ mờ ám nhằm thu lợi bất chính.
Bà Choi, năm nay 60 tuổi, đầu tháng này đã bị bắt giữ để điều tra. Bà còn bị tố đã can thiệp vào các công việc Nhà nước. Chỉ là bạn thân của tổng thống, bà Choi Soon-Sil không có chức danh chính thức nào, nhưng đã nhiều lần biên soạn, sửa diễn văn của tổng thống hoặc thậm chí còn bàn thảo với bà Park, cho ý kiến về nhiều chuyện quốc sự.
Vụ bê bối này đã gây làn sóng phẫn nộ chưa từng có ở trong nước. Nhiều ngày qua, hàng triệu người liên tục biểu tình đòi tổng thống Park từ chức vì đã để Choi Soon – Sil giật dây điều khiển như “con rối”.
Theo Hiến pháp Hàn Quốc, tổng thống được quyền miễn trừ tư pháp, chỉ trừ các tội phản quốc. Nhiều người cho rằng rất có thể sau khi rời khỏi chức vụ tổng thống, bà Park Geun-Hye sẽ bị điều tra.
Tổng thống Hàn Quốc
sẽ bị thẩm vấn về bê bối tham nhũng
Các công tố viên Hàn Quốc sẽ thẩm vấn Tổng thống Park Geun-hye trong tuần này liên quan đến vụ bê bối tham nhũng đã làm tê liệt chính quyền của bà và làm bùng ra những cuộc biểu tình khổng lồ đòi bà từ chức.
“Chúng tôi cần phải thẩm vấn tổng thống vào ngày thứ Ba hoặc trễ nhất là thứ Tư,” một quan chức trong văn phòng công tố viên Seoul nói với hãng tin Yonhap.
Bà Park, người mà tỉ lệ ủng hộ đã giảm xuống chỉ còn năm phần trăm, sẽ là tổng thống Hàn Quốc tại nhiệm đầu tiên bị công tố viên thẩm vấn về một vụ án hình sự.
Cuộc điều tra về một kế hoạch lợi dụng ảnh hưởng trị giá nhiều triệu đô la, được cho là của một người bạn lâu năm của tổng thống tên là Choi Soon-sil, đã phá tan hình ảnh nhà lãnh đạo liêm khiết mà bà Park Park đã cẩn thận xây dựng. Những cáo buộc bao gồm việc bà Park gây sức ép lên những tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc để họ quyên góp hàng chục triệu đôla cho những quỹ mà bà Choi kiểm soát.
Các công tố viên cũng đang điều tra bà Choi, người được cho là đã gây ảnh hưởng “như sùng bái” đối với bà Park. Bà Choi bị cáo buộc can dự vào công việc nhà nước, dù bà không giữ chức vụ nào trong chính phủ hoặc được cấp phép an ninh.
Hàng trăm ngàn người biểu tình đã tụ tập trong một cuộc biểu tình rầm rộ ở Hàn Quốc hôm thứ Bảy để đòi Tổng thống Park từ chức.
http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-han-quoc-se-bi-tham-van-ve-be-boi-tham-nhung/3594299.html
Myanmar nói giao tranh dữ dội nổ ra ở bang Rakhine
Cảnh sát Myanmar tuần tra dọc theo hàng rào sát biên giới Bangladesh ở Maungdaw, bang Rakhine, Myanmar, ngày 14 tháng 10, 2016.
Myanmar hôm Chủ nhật cho biết giao tranh dữ dội đã nổ ra ở bang miền tây Rakhine, nơi mà lực lượng chính phủ gần biên giới với Bangladesh vẫn đang truy lùng quân nổi dậy liên quan đến những vụ tấn công mà nhà chức trách nói làm thiệt mạng chín cảnh sát hồi tháng trước.
Một thông cáo của chính phủ cho biết giao tranh mới nhất bùng lên từ một vụ phục kích nhắm vào cảnh sát hôm thứ Bảy do khoảng 60 kẻ tấn công trang bị súng và dao thực hiện. Thông cáo cho biết một binh sĩ và sáu kẻ tấn công thiệt mạng. Thông cáo cũng nói lực lượng chính phủ sau đó đã bắt giữ hơn 30 nghi can.
Thông cáo không xác định những kẻ tấn công là ai, và vẫn chưa có những mô tả độc lập về lực lượng được cho là đã tấn công binh lính của chính phủ. Tuy nhiên, chính phủ đã đứng về phía những người theo Phật giáo ở Rakhine kể từ khi bạo lực nhắm vào người Hồi giáo thiểu số Rohingya nổ ra vào năm 2012.
Những người giám sát và những nhà ngoại giao phương Tây cho biết giao tranh đã tăng mạnh trong những tuần gần đây, và những người mục kích đã cáo buộc binh sĩ trong khu vực cưỡng hiếp và giết chóc người Rohingya và phóng hỏa nhà họ. Những hình ảnh công bố kể từ ngày 9 tháng 10 cho thấy những ngôi nhà bị đốt cháy và những ngôi làng bị san bằng, và đã khơi lên thêm những chỉ trích về những chiến thuật của chính phủ.
Trong một diễn biến có liên quan, báo Myanmar Times bản tiếng Anh vào tuần trước đã ngừng đưa tin về cuộc khủng hoảng ở Rakhine, sau khi một trong những biên tập viên cao cấp của họ bị sa thải về một bài báo cáo buộc quân đội chính phủ cưỡng hiếp tập thể những người phụ nữ Rohingya.
http://www.voatiengviet.com/a/mynamar-noi-giao-tranh-du-doi-no-ra-o-bang-rakhine/3594339.html
New Zealand hứng chịu
hàng loạt dư chấn mạnh sau động đất
Một cơn dư chấn mạnh đã làm rung chuyển đảo Nam của New Zealand vào ngày thứ Hai. Cơn dư chấn xảy ra chỉ vài giờ sau trận động đất mạnh 7,8 độ richter.
Sau khi bay thị sát cùng với Thủ tướng John Key qua khu vực bị ảnh hưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Dân sự Gerry Brownlee cho biết: “Có vẻ như cơ sở hạ tầng chịu thiệt hại lớn nhất”.
Một con đập bị nứt gãy do động đất đã chặn sông Clarence cho đến khi bị vỡ hoàn toàn và đổ một lượng nước khổng lồ xuống vùng hạ lưu, buộc người dân phải di chuyển đến vùng đất cao hơn.
Thủ tướng Key nói ông dự tính tổng thiệt hại ít nhất là “hai tỷ đôla” và sẽ mất “nhiều tháng làm việc”.
Ông John Kirby, Phát ngôn viên của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cho biết các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã đề nghị với Ngoại trưởng New Zealand Murray McCully “có thể yêu cầu bất kỳ sự trợ giúp nào từ Hoa Kỳ.”
Các giới chức New Zealand xác nhận đã có hai người đã thiệt mạng sau khi trận động đất mạnh xảy ra ở khu vực cách Christchurch, thành phố lớn nhất trên đảo Nam của New Zealand, 90 km.
Hàng loạt các cơn dư chấn mạnh đã diễn ra sau cơn chấn động chính.
Trận động đất đã gây thiệt hại cho cả các tòa nhà cách tâm chấn hơn 200 km ở thủ đô Wellington.
Hàng ngàn cư dân vùng duyên hải New Zealand đã phải rời bỏ nhà cửa để chạy lên vùng đất cao hơn sau khi có còi báo động cảnh báo sóng thần ở các thị trấn ven biển của đảo Nam.
Cảnh sát và các nhân viên cấp cứu đã đi đến từng nhà để sơ tán cư dân sống trong các ngôi nhà cạnh bờ biển.
Có những con sóng cao tới hai mét.
Trước đó vào năm 2011, một trận động đất mạnh 6,3 richter ở Christchurch đã giết chết 185 người và gây thiệt hại trên diện rộng.
http://www.voatiengviet.com/a/new-zealand-hung-chiu-hang-loat-du-chan-manh-sau-dong-dat/3595254.html
Đánh bom tự sát ở miền Bắc Iraq, 6 người chết
Một kẻ đánh bom tự sát đã giết chết 6 người và làm bị thương 6 người khác ở gần thành phố Karbala phía nam của Iraq vào hôm thứ Hai.
Bộ Nội vụ nước này cho biết các lực lượng an ninh đã giết chết 5 kẻ tấn công, và kẻ đánh bom tự sát đã tự nổ tung mình bên trong một ngôi nhà sau khi bị bao vây.
Hiện chưa có ai lên tiếng nhận trách nhiệm ngay lập tức về vụ tấn công xảy ra ở Ain al-Tamer, cách Karbala khoảng 50 km. Thành phố này là nơi có một ngôi đền rất quan trọng của người Shiite, những người bị nhóm Nhà nước Hồi giáo coi là kẻ dị giáo. Nhóm này đã nhận trách nhiệm về nhiều vụ tấn công tương tự.
Vụ đánh bom xảy ra khi người Shiite chuẩn bị đánh dấu lễ Arbaeen, kết thúc thời gian để tang 40 ngày kỷ niệm cái chết của cháu trai nhà tiên tri Muhammad, Imam Hussein, vào thế kỷ thứ 7.
Mặc dù các vụ đánh bom thường xuyên xảy ra ở Iraq, nhưng lại tương đối hiếm xảy ra ở phía Nam Baghdad. Các cuộc đánh bom là nguyên nhân gây ra đa số thường dân thương vong vì các hành vi khủng bố và xung đột vũ trang.
http://www.voatiengviet.com/a/danh-bom-tu-sat-o-iraq-6-nguoi-chet/3595083.html
Thủ tướng Úc và Ông Trump
không thảo luận việc tái định cư thuyền nhân
Thủ tướng Australia, ông Malcolm Turnbull cho hay tuần rồi khi gọi điện thoại chúc mừng và thảo luận với Tổng thống Đắc cử Donald Trump của Hoa Kỳ, ông không nói gì đến việc Washington đồng ý nhận định cư một số thuyền nhân đang bị chính phủ Úc tạm giữ ở những đảo quốc Thái Bình Dương.
Tiếp xúc với báo chí tại Canberra, Thủ tướng Turnbull cũng không nói số thuyền nhân sẽ được chính phủ Mỹ nhận định cư là bao nhiêu người, và chương trình định cư này sẽ được thực hiện trước hay sau ngày 20 tháng Giêng 2017, là ngày ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức.
Trong lúc còn vận động tranh cử, ông Trump có nói là cấm cửa không cho người Hồi Giáo vào Mỹ định cư, sau đó chữa lại là không nhận những người đến từ các nước đang có khủng bố hoạt động. Phần đông thuyền nhân mà Úc đang gửi tạm trú ở Thái Bình Dương là người theo đạo Hồi, đến từ Trung Đông, Châu Phi và Châu Á.
Hiện có khoảng 1.300 thuyền nhân đang tạm trú ở 2 đảo quốc Nauru và Papua New Guinea. Tất cả đều bị hải quân Úc chận bắt từ ngoài khơi, và Úc trang trải mọi chi phí cho những người này tạm trú, trong thời gian tìm quốc gia nhận cho họ định cư
Liệu có cạnh tranh
giữa hai lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc?
Hồ Như Ýgửi cho BBC từ TP HCM
Theo truyền thông nước ngoài, trong một vài năm gần đây, cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng quyết liệt, nhất là chỉ còn một năm nữa là đến Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong đó thu hút sự chú ý nhất là cuộc tranh chấp được cho là đang công khai hóa giữa Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Tập Cận Bình và Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường về đường lối phát triển kinh tế.
Trong thể chế độc tài chuyên chế, sự khác biệt và tranh chấp về chính sách kinh tế có thể diễn biến thành những cuộc chiến giành quyền lực chính trị và sau đó là những cuộc thanh trừng đối thủ tàn khốc và gây ra ảnh hưởng to lớn.
Quyền lực ngày càng tăng của Tập Cận Bình
Vì sao TQ sa thải Bộ trưởng Tài chính?
Do đó tranh chấp về đường lối kinh tế của Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường cũng đưa tới những lo âu về tương lai kinh tế Trung Quốc, bị cho là không mấy sáng sủa.
50 năm trước Mao Trạch Đông phát động “Đại cách mạng văn hóa vô sản” với hai mục đích: Một là xóa bỏ danh tiếng xấu của bản thân trên vũ đài lịch sử bởi chủ trương hoang tưởng và năng lực điều hành kinh tế yếu kém khi phát động phong trào Đại Nhảy Vọt và Công Xã Nhân Dân giai đoạn 1958-1961 gây ra hậu quả là nền kinh tế sụp đổ, xảy ra nạn đói lớn làm chết gần 40 triệu người.
Hai là loại bỏ những đối thủ chính trị như Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Bành Đức Hoài… đang không ngừng nâng cao sức ảnh hưởng trong Đảng khi thực hiện chính sách giao khoán nông nghiệp tới tận hộ gia đình, khôi phục kinh tế nông thôn và sức sản xuất sau Đại Nhảy Vọt.
Mao Trạch Đông vốn ít học, năng lực điều hành kinh tế yếu kém, nhưng lại không muốn giao cây gậy quyền lực cho người khác. Mao chủ tịch được đánh giá là một cao thủ về chính trị khi không ngừng tạo ra những phong trào chính trị để triệt hạ đối thủ.
Kinh tế đóng vai trò rõ rệt trong các phong trào chính trị đó.
Tập-Lý chi tranh?
Sự khác nhau trong chính sách điều hành kinh tế của Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường là gì?
Có thể xem Chủ tịch nước kiêm tổng bí thư Tập Cận Bình thuộc phe Đảng, chủ trương ” Đảng trị, quốc hữu hóa nền kinh tế là điều hành qua các chỉ lệnh từ Trung ương Đảng”.
Điều này dường cũng có lợi cho Tập Cận Bình khi muốn gạt bỏ đối thủ chính trị thông qua cuộc chiến chống tham nhũng. Chủ trương này mang hơi hướng nền kinh tế kế hoạch có từ thời Mao Trạch Đông mặc dù Tập cũng rất muốn bản thân được người ta xem là người kế thừa xứng đáng nhất của Đặng Tiểu Bình.
Lý Khắc Cường lại thuộc về phe “kinh tế thị trường và tư doanh hóa nền kinh tế”, chủ trương của Lý phù hợp với lý thuyết kinh tế hiện đại cũng như thực tiễn kinh tế Trung Quốc sau 30 năm cải cách.
Image copyrightAPImage captionKinh tế Trung Quốc gần đây gặp nhiều khó khăn
Trong buổi nói chuyện về cải cách doanh nghiệp nhà nước tổ chức tại Bắc Kinh ngày 7/4/2016, phát biểu của hai người đã lần lượt bộc lộ sự tranh chấp.
Đối với vấn đề ai sẽ là người quản lý nền kinh tế và các doanh nghiệp, Tập Cận Bình chủ trương Đảng lãnh đạo doanh nghiệp thông qua ban bí thư: ” Đảng cần quản lý Đảng, thắt chặt quản lý các cấp Đảng từ trên xuống, tăng cường và cải tiến sự lãnh đạo của Đảng đối với các doanh nghiệp quốc doanh, ra sức phát huy tác dụng cốt lõi của tổ chức Đảng”; “Đảng ủy các cấp cần luôn ghi nhớ trách nhiệm trọng đại là làm tốt quản lý giỏi doanh nghiệp quốc doanh, thúc đẩy nền kinh tế quốc doanh”.
Trong khi đó Lý Khắc Cường lại chủ trương để cho doanh nghiệp tự quản lý: “Thúc đẩy cải cách doanh nghiệp quốc doanh, thúc đẩy xây dựng thể chế, mô hình doanh nghiệp hiện đại và hoàn thiện kết cấu quản lý pháp nhân”; “quảng bá tinh thần doanh nhân”.
Mấy năm gần đây, cỗ xe kinh tế Trung Quốc không ngừng tụt dốc không phanh, tăng trưởng GDP hàng năm từ 13% rớt xuống chỉ còn 6,7% (nếu như loại bỏ những con số được thổi phồng qua báo cáo từ các địa phương thì chỉ số GDP thực tế còn thấp hơn nữa). Đầu tàu kinh tế là các doanh nghiệp quốc doanh có hiệu quả kinh tế thấp, thua lỗ nghiêm trọng, kéo theo cả nền kinh tế Trung Quốc xuống dốc.
Cải cách kinh tế
Vậy thì lối thoát ở đâu? Thực tiễn mở cửa hơn 30 năm đã cho thấy mấu chốt nằm ở cải cách chế độ sở hữu và minh bạch hóa.
Tập Cận Bình chỉ thị phải phát triển lớn mạnh kinh tế nhà nước, nhấn mạnh rà soát, tăng cường quản lý để tăng cường sự tối ưu của doanh nghiệp quốc doanh.
Lý Khắc Cường lại cho rằng chủ trương như vậy là không khả thi. Ông Lý nói: “Doanh nghiệp nhà nước cần tuân thủ quy tắc của thị trường, tinh giảm biên chế nâng cao hiệu suất, loại bỏ công nghệ lạc hậu, hao tốn nhiều năng lượng”. Đây cũng chính là chủ trương thu hẹp dần và loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, hiệu suất thấp bị giới học giả gọi là ” Doanh nghiệp cương thi” – bơm bao nhiêu nhân sâm diệu dược cũng không có tác dụng.
Khó khăn của kinh tế Trung Quốc bắt nguồn từ những chính sách hạn chế động lực của nền kinh tế của Đảng cầm quyền khi thắt chặt tự do cá nhân, dùng “vạn lý tường lửa” để kìm kẹp thông tin, theo dõi người dân, dùng ý thức hệ để nhồi sọ và trói buộc tư tưởng, xâm phạm quyền sở hữu tư nhân, tập trung rót vốn cho các doanh nghiệp quốc doanh, nhà nước can thiệp quá mức vào nền kinh tế.
Khó khăn của kinh tế Trung Quốc bắt nguồn từ những chính sách hạn chế động lực của nền kinh tế của Đảng cầm quyền khi thắt chặt tự do cá nhân, dùng “vạn lý tường lửa” để kìm kẹp thông tin, theo dõi người dân, dùng ý thức hệ để nhồi sọ và trói buộc tư tưởng, xâm phạm quyền sở hữu tư nhân, tập trung rót vốn cho các doanh nghiệp quốc doanh, nhà nước can thiệp quá mức vào nền kinh tế.
Tăng cường tính Đảng trong doanh nghiệp quốc doanh thực tế đã làm cho hiệu suất của những doanh nghiệp này hạ thấp.
Theo thống kê của Viện nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc, từ năm 2007-2013 có tới 190.000 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thường xuyên, bình quân thu nhập ròng tính theo tài sản ở mức -3,6%.
Để so sánh thì ở khối doanh nghiệp tư nhân phi nhà nước tỷ lệ này là 15,7%.
Doanh nghiệp quốc doanh dựa vào những chính sách ưu đãi và trợ cấp của chính phủ, mà thực chất là từ tiền của người dân nộp thuế, lối thoát chính là tự cắt bỏ những nghành hiệu suất thấp, chuyển sang tư nhân hóa. Tuy nhiên với chủ trương phát triển mạnh doanh nghiệp nhà nước, thì chính phủ chèn ép kinh tế tư nhân phát triển.
Mấy năm gần đây, sự phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp tư nhân càng rõ ràng về mặt thuế, đất đai, vay vốn và thuê mướn tài nguyên. Kết quả là đầu tư của tư nhân vào nền kinh tế giảm mạnh theo từng năm.
Tăng cường tính Đảng ở các công ty còn làm giảm tính tích cực của doanh nghiệp, lòng người lo sợ bao giờ sẽ đến lượt mình bị người của Vương Kỳ Sơn ( Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng CSTQ) tới gặp, do đó cán bộ, doanh nhân thi nhau di cư ra nước ngoài, dòng vốn cũng chảy theo.
Đối với nông nghiệp, sự đối nghịch cũng rất rõ ràng qua góc nhìn của hai người đối với vấn đề tập thể hóa nông nghiệp.
Ngày 25/5 trong lần khảo sát tới Hắc Long Giang, Tập Cận Bình nói: “Hợp tác xã nông nghiệp là phương hướng”. Còn Lý Khắc Cường trước đó đã từng phát biểu tại kỳ họp Quốc hội, biểu thị phản đối tập thể hóa nông nghiệp, nói rằng ở thời đại Mao Trạch Đông tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, xảy ra tham ô ăn bớt lương thực, nông dân không đủ ăn, tới khi thực hiện khoán tới từng hộ gia đình, nhà nhà mới được ăn no.
Kinh nghiệm cá nhân
Sự khác biệt trong chủ trương điều hành kinh tế có lẽ liên quan tới bối cảnh giáo dục và kinh nghiệm công tác của từng người.
Ông Lý Khắc Cường bản thân thi đỗ vào Đại Học Bắc Kinh, trong thời gian học thạc sĩ, tiến sĩ thì chịu ảnh hưởng của Lịch Dĩ Ninh, một bậc thầy về tư nhân hóa kinh tế và kinh tế học hiện đại. Ông cũng là người áp dụng phương pháp dùng lượng tiêu thụ điện và những dữ liệu khác để tính toán chỉ số GDP thực tế, ngoài ra còn thúc đẩy cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục để nâng cao hiệu suất của chính phủ, giảm bớt tham nhũng.
Ông Tập Cận Bình thì ngược lại, mới chỉ học đến cấp II rồi sau đó bị đưa về nông thôn trong thời Cách mạng văn hóa. Sau khi Cách mạng văn hóa kết thúc thì bước vào quan trường. Ông không có hứng thú đối với kinh tế thị trường, mỗi khi nhắc tới kinh tế thì từ ngôn ngữ cho tới phương pháp tư duy đều như là từ thời đại Mao Trạch Đông.
Ví dụ bài nói chuyện của ông về tình hình kinh tế tại Bắc Kinh ngày 9/7, khi đề cập xây dựng kinh tế học chính trị xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc, có đoạn: “Kinh tế học chỉ có thể phát triển tại bên trong thực tiễn phong phú, lại cần phải được kiểm nghiệm bởi thực tiễn, cần tăng cường nghiên cứu và tìm tòi, tăng cường tổng kết nhận thức đối với tính quy luật, không ngừng hoàn thiện’.
Trong bài phát biểu tại hội nghị G20 tại Hàng Châu hồi đầu tháng này, ông Tập đã trích dẫn thành ngữ cổ của Trung Quốc là “Khinh quan dịch đạo, thông thương khoan nông” khi bình luận về nền kinh tế toàn cầu. Vì các nét trong từ “nông” rất giống từ “y”, trong từ y phục, ông đã đọc nhầm đoạn cuối của thành ngữ, dẫn đến nó có nghĩa là “trút bỏ y phục” thay vì nghĩa là “nới lỏng chính sách nông nghiệp” (!).
Khi đưa ra một chính sách, đường lối kinh tế nào đó, không nhất thiết phải yêu cầu lãnh đạo quốc gia, chính phủ phải xuất thân từ nghiên cứu kinh tế học chuyên nghiệp.
Quan trọng là người lãnh đạo phải có tư duy kinh tế, không thì hãy buông tay để người có chuyên môn tiếp quản. Năm xưa Triệu Tử Dương tuy chưa qua trường lớp đào tạo kinh tế học nào, nhưng Triệu Tử Dương là người có tầm nhìn, có tư duy sâu rộng. Triệu Tử Dương rất chân thành nghe ý kiến từ người khác, nắm bắt được vấn đề then chốt, đưa ra nghi hoặc để cho người đối diện giải thích. Sau đó từ những ý kiến khác nhau, đem dùng những ý kiến mang tính hợp lý và khả năng thành công cao.
Những người tiền nhiệm của Tập Cận Bình như Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào tuy không hiểu kinh tế nhưng lại thẳng thắn thừa nhận bản thân không biết và buông tay cho cấp phó của mình là Chu Dung Cơ, Ôn Gia Bảo quản lý, qua đó Trung Nam Hải chưa bao giờ xuất hiện tình trạng nội bộ lãnh đạo mâu thuẫn nhau về đường lối kinh tế, nhờ đó có được thành tích kinh tế ngoạn mục.
Trước mắt, chỉ có thông qua biện pháp cải cách thể chế, tăng cường tư nhân hóa kinh tế và thị trường hóa thì mới có thể giải quyết được khó khăn của kinh tế Trung Quốc. Chính sách của Lý Khắc Cường tỏ ra kế tục thành công và kinh nghiệm thực tiễn của 30 năm cải cách mở cửa trong khi con đường của Tập Cận Bình nhấn mạnh yếu tố Đảng trị và mệnh lệnh kinh tế, kế thừa mô hình kinh tế kế hoạch tập trung thời Mao Trạch Đông.
Bài phản ánh văn phong và quan điểm riêng của người viết, hiện sống và làm việc tại TP HCM.