Tin khắp nơi – 14/10/2019
Mức thuế đối với hàng nhập cảng Trung Cộng
sẽ tăng trong tháng 12 nếu hai bên
không đạt được thỏa thuận
Vào thứ hai (ngày 14 tháng 10), Bộ Trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cho biết mức thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập cảng Trung Cộng sẽ có hiệu lực vào tháng 12 nếu hai nước không đạt được thỏa thuận.
Trong chương trình “Squawk Box” của đài CNBC, ông Mnuchin cho biết mặc dù ông rất kỳ vọng rằng Hoa Kỳ và Trung Cộng sẽ đạt được thỏa thuận, nhưng nếu không, “chắc chắn mức thuế bổ sung sẽ được áp dụng.” Trước đó, Tổng Thống Trump đưa ra thông báo rằng hai bên đã “đạt được thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1” sau một vòng đàm phán cao cấp ở Washington giữa hai nước. Theo ông Mnuchin, các nhà đám phán hai bên đã thảo luận về quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính – bao gồm tiền tệ và ngoại hối – và các vấn đề cơ cấu rất quan trọng đối với nông nghiệp. Ông Mnuchin cho biết thêm rằng Hoa Kỳ hy vọng Trung Cộng sẽ mua các sản phẩm nông nghiệp trị giá 40 tỷ đến 50 tỷ mỹ kim, và Trung Cộng sẽ hủy bỏ một số rào cản thuế đối với hàng nhập cảng từ Hoa Kỳ. Hôm thứ sáu vừa qua (ngày 11 tháng 10) tại Phòng Bầu Dục, ông Mnuchin cho biết Tòa Bạch Ốc sẽ trì hoãn hạn chót để áp đặt thuế mới lên Trung Cộng sang ngày 15 tháng 12.
Tuy nhiên, Bộ Trưởng Mnuchin cũng hy vọng rằng Tổng Thống Trump và Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình có thể ký kết một thỏa thuận trong cuộc họp dự kiến của họ ở Chile trong vài tuần tới.
Mộc Miên
Dân biểu Patrick Maloney:
‘Bắc Kinh tìm cách bắt nạt Quốc hội’ Mỹ
Trung Quốc từ chối cấp Visa cho một phái đoàn quốc hội Hoa Kỳ. Một quan chức TQ nói với một nhân viên quốc hội rằng Visa sẽ chỉ được cấp nếu họ hủy bỏ một điểm dừng ở Đài Loan, theo tin Bloomberg.
Bloomberg trích dẫn bài xã luận Beijing Tries to Bully Congress (Bắc Kinh muốn bắt nạt Quốc hội) của Sean Patrick Maloney, đảng Dân chủ, dân biểu tiểu bang New York đăng trên Wall Street Journal hôm 13/10:
”Trung Quốc đã có một hành động phi thường đầu tháng này khi từ chối cấp Visa cho một phái đoàn lưỡng đảng của Quốc hội Mỹ. Chúng tôi bị cấm không được vào nước này chỉ vì một lý do duy nhất là dự định đến thăm Đài Loan.”
Qua bài viết, Dân biểu Maloney cho biết ”các quan chức Trung Quốc nhiều lần nói với nhân viên của tôi rằng nếu tôi hủy chuyến đi đến Đài Loan, tôi sẽ được cấp thị thực.”
Và nhận định: ”Đây là hành động ‘tống tiền bằng visa”, được thực hiện để ngăn truyền thống tương tác lâu đời của Quốc hội Hoa Kỳ với Đài Loan, điều đặc biệt quan trọng với giới hạn tự áp đặt của nhánh hành pháp đối với những chuyến công du.”
”Khi chúng tôi nói rõ rằng hủy bỏ việc dừng phái đoàn ở Đài Loan không phải là một lựa chọn, các quan chức yêu cầu tôi đưa ra một tuyên bố tán thành phiên bản “chính sách một Trung Quốc” của Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc đại lục là Trung Quốc có chủ quyền duy nhất, làm yếu đi sự tồn tại chính trị của Đài Loan và cô lập hơn 24 triệu người trên đảo.” Dân biểu Maloney kể.
Trong bài xã luận, Dân biểu Maloney nói ông sẽ tìm cách để Quốc hội củng cố sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho Đài Loan trong những tháng tới, mặc dù không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các nhà lãnh đạo quốc hội hoặc Nhà Trắng đã đồng ý với dự định của ông.
Mỹ hạn chế visa cho TQ vì vấn đề người Uighur
Mỹ liệt 28 tổ chức TQ vào danh sách đen vì người Uighur
Ra trước QH Mỹ Joshua Wong kêu gọi thông qua luật nhân quyền
Trung Quốc và Đài Loan đã được cai trị một cách riêng biệt kể từ khi một chính phủ quốc gia trốn sang Đài Bắc hơn 70 năm trước trong một cuộc nội chiến với phe Cộng sản theo Mao Trạch Đông. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và đã loại trừ lực lượng quân sự để khẳng định quyền kiểm soát đối với nước này.
Sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Đài Loan gần đây đã được mở rộng, với Thượng nghị sĩ tiểu bang Texas Ted Cruz, thuộc đảng Cộng hòa, tuần trước đã trở thành thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đầu tiên tham dự lễ Quốc khánh tại Đài Bắc trong vòng 35 năm.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Cory Gardner, đảng Cộng hòa, tại tiểu bang Colorado và Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu cũng viết một bài bình luận tuần trước trên tờ Hill có trụ sở tại Washington, kêu gọi tăng cường quan hệ Đài Loan – Hoa Kỳ để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng ở Thái Bình Dương.
Phản ứng dư luận
Bài xã luận của Dân biểu Sean Patrick Maloney thu hút nhiều bình luận của độc giả tờ Wall Street Journal.
Độc giả ký tên Xavier Simon viết:
”Chà điều đó [bắt nạt Quốc hội] không quá khó để làm. Bất cứ ai theo dõi C-Span đều biết rằng bộ máy quan liêu hiện đang điều hành Washington thấy là các hành viên của Quốc hội là những người dễ bị hướng dẫn. Người duy nhất không sợ người Trung Quốc hay bộ máy quan liêu là Tổng thống Trump.”
Cuối cùng, chính những bài viết như thế này sẽ tạo ra sự khác biệt, không phải là mối đe dọa mà chúng ta sẽ không thực thi. Không giống như ở Trung Quốc, ở đất nước này, người dân có chủ quyền và chỉ họ mới có thể quyết định họ có muốn mua hàng Trung Quốc hay không. Những gì Tổng thống của chúng ta có thể làm là đàm phán các thỏa thuận tốt nhất có thể cho tất cả chúng ta. Với những bài báo như thế này, chúng ta có thể tự đưa ra quyết định là hàng hóa của người Trung Quốc có xứng đáng được chúng ta ủng hộ hay không.”
Độc giả Corey Glab:
”Rất vui được gặp một dân biểu, đặc biệt là một dân biểu đảng Dân chủ, hiểu được sự xấu xa của nhà nước xã hội chủ nghĩa (phát xít) mạnh nhất thế giới.””
Độc giả Ted Thomas:
”Tôi không thường xuyên đứng lên và vỗ tay cho một người đảng Dân chủ, ngoại trừ trường hợp của ông Maloney…”
”Trung Quốc hiện tuyên bố có một nuke có thể bắn đến lục địa của chúng ta sau 30 phút, và không thể ngăn chặn. Có thể… việc họ có thể phóng những vũ khí như vậy trong tầm vóc quy mô hay không là một câu hỏi khác. Họ có biết tất cả các nuke trong tầu ngầm của chúng ta ở đâu không?”
”Đài Loan tồn tại vì một lý do. Một lý do tốt là thực tế “dân chủ Trung Quốc” (ở trên); lý do khác là để nhắc nhở chúng ta những giá trị của Hoa Kỳ khi bị dưới áp lực trông sẽ như thế nào. Chúng ta có đủ quyết tâm để theo sự dẫn dắt của Đài Loan về Trung Quốc không? Chúng ta có đủ dũng cảm không ?”
Và độc giả Marianne Gilliam góp ý kiến:
”Con trai chúng tôi sống ở Đài Loan. Cậu ấy cùng vợ điều hành một trường dạy tiếng Anh. Chúng tôi đã đến thăm họ nhiều lần. Đài Loan là một đất nước xinh đẹp với những con người thân thiện. Chúng tôi rùng mình khi nghe ngôn ngữ hiếu chiến của Trung Quốc đại lục về sự thống nhất. Người Đài Loan thông minh và ước mong đất nước của họ là một nền dân chủ thịnh vượng. Tôi rất hào hứng khi đọc bài viết này và lời hứa của ông Maloney là sẽ chú ý nhiều hơn đến người bạn quan trọng này ở Viễn Đông. Chúng ta nên nỗ lực để tăng cường mối quan hệ với Đài Loan.”
Bài viết này được chia xẻ trên trang Twitter, cũng thu hút được nhiều lời bình:
Twitter James Millward viết:
”Không cho các phái đoàn của Quốc hội Mỹ vào Trung Quốc không phải là một ý tưởng tốt đảng ĐCSTQ ạ. Họ sẽ không nhìn thấy những điều tốt đẹp ở Trung Quốc để giúp họ hình thành những ý kiến tích cực hơn.”
Twitter Ben Chiu:
“Một ví dụ khác về việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa hiểu những gì có thể áp dụng được ở Bắc Kinh không áp dụng được ở Washington DC. Tất nhiên DC không tránh khỏi có vấn đề này tính ngược lại.”
Và Titter lấy bút hiệu Chiang Kai Shek viết:
Cộng sản độc tài Trung Quốc tiếp tục khai sáng cho người Mỹ về cách họ sẽ bị đối xử nếu Trung Quốc đạt được vị thế siêu cường.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50038278
Cuộc đấu với TQ, liệu ông Trump có thua?
Gây sức ép tối đa để đàm phán, Tổng thống Mỹ hạ dần mục tiêu hòng có được thỏa thuận thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/10 đã đăng tải trạng thái trên Twitter cá nhân công bố về thỏa thuận thương mại một phần đã đạt được với Trung Quốc, ngợi ca đây là “thỏa thuận lớn chưa từng thấy”.
“Thoả thuận tôi vừa đưa ra với Trung Quốc, cho đến thời điểm này, là thoả thuận tuyệt vời nhất và lớn nhất từng đạt được cho những người nông dân yêu nước vĩ đại của chúng ta, trong suốt lịch sử đất nước ta” – ông Trump viết.
Tổng thống Trump cũng gián tiếp nhắc tới con số “khủng” về nông sản mà Trung Quốc đã đồng ý mua trong thỏa thuận thương mại một phần bằng cách đặt câu hỏi cho người nông dân Mỹ rằng, liệu họ có sản xuất đủ số lượng cho khách hàng Trung Quốc hay không.
“Thực tế là, còn có câu hỏi liệu chúng ta có thể sản xuất nổi chừng này nông sản không? Các nông dân của chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời. Cảm ơn Trung Quốc!” – ông Trump bày tỏ.
Trong một trạng thái trước đó, Tổng thống Mỹ cũng công bố về các lĩnh vực còn lại mà Mỹ đã đạt được trong thỏa thuận bao gồm công nghệ, dịch vụ tài chính và 16-20 tỉ USD tiền mua máy bay Boeing. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ khẳng định lợi ích giành cho các nông dân Mỹ là thắng lợi lớn nhất trong thương vụ này.
Nông dân Mỹ đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề sau khi Tổng thống Mỹ phát động cuộc chiến thương mại nhằm vào Trung Quốc. Đòn thuế quan tăng nặng đã khiến Trung Quốc dừng mua nông sản Mỹ trong khi họ đã từng bỏ ra 19,5 tỷ USD để mua nông sản Mỹ (số liệu xuất khẩu nông sản từ Mỹ sang Trung Quốc vào năm 2017).
Thiệt hại đến từ nông dân Mỹ do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại đã khiến Chính phủ phải trợ cấp cho nông dân lên tới 28 tỷ USD, hơn gấp rưỡi con số giá trị xuất khẩu nông sản của Mỹ vào năm 2017.
Trong quá trình đàm phán thương mại Mỹ- Trung Quốc, phái đoàn Trung Quốc nhiều lần hứa sẽ mua thêm nông sản Mỹ để đổi lại các điều kiện khác từ Mỹ đưa ra, như nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Huawei, giảm bớt các yêu cầu về quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, ưu đãi cho các công ty nước ngoài… Tuy nhiên, cam kết của Trung Quốc chưa được thực hiện bằng hành động.
Tổng thống Trump đã nhiều lần nhắc tới đòi hỏi này của Mỹ, đặc biệt quan tâm tới chuyến thăm nông trại ở Trung Mỹ của thành viên phái đoàn Trung Quốc hồi tháng 9 vừa qua.
Tuy nhiên, những gì mà phái đoàn đàm phán thương mại Mỹ muốn nhiều hơn là những cam kết phải được thực hiện, những đề nghị về thay đổi các chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chính sách về tài chính và đầu tư… của Trung Quốc phải được thay đổi.
Trước sự cứng rắn từ cả hai bên, trước cuộc đàm phán ngày 10/10, phía Bắc Kinh phát đi thông điệp mạnh mẽ sẽ có thể đứng dậy khỏi bàn đàm phán bất cứ lúc nào họ nhận thấy phía Mỹ không thiện chí.
Cuối cùng, ông Trump đã đồng ý.
Không thể phủ nhận thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” mang về giá trị xuất khẩu nông nghiệp Mỹ lên tới 40-50 tỷ USD (kéo dài trong hai năm) là một con số ấn tượng, mang tin vui đến cho người nông dân Mỹ – những người được cho là đã mang lại chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.
Thỏa thuận tạm thời này có thể sẽ tiếp tục mang tới những tin vui cho ông Trump trong lần tái tranh cử vào năm 2020, nếu ông biết cách để kiểm soát để Trung Quốc sẽ thực hiện cam kết này.
Một điểm đáng chú ý là so với những kỳ vọng ban đầu mà Tổng thống Trump nêu ra khi khởi động cuộc chiến thương mại, thỏa thuận tạm thời này chỉ bao hàm nội dung rất nhỏ bé.
Cách thức đàm phán “gây áp lực tối đa” để có thỏa thuận có lợi nhất là một nét đặc trưng của ông Trump. Tổng thống Mỹ từng kỳ vọng, những giao dịch đồng USD và nông sản Mỹ sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới buộc phải chấp nhận thay đổi các chính sách của mình.
Tuy nhiên, thỏa thuận thương mại một phần cho thấy những nội dung mơ hồ hơn là những gì ông Trump từng định hướng.
Ngay cả khi Tổng thống Mỹ đang chúc mừng cho thỏa thuận “lớn chưa từng thấy” thì tại Bắc Kinh, tờ Nhật báo Nhân dân – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đưa tin về cuộc đàm phán rằng Bắc Kinh đã bảo vệ lợi ích cốt lõi và không bao giờ đánh đổi các nguyên tắc của mình.
Theo ông Eswar Prasad, cựu lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế Trung Quốc, chuyên gia tại Đại học Cornelk đánh giá rằng, thỏa thuận thương mại được đề cập tới hầu như không giải quyết được bất kỳ nguyên nhân gốc rễ nào của xung đột kinh tế và thương mại giữa hai nước Mỹ- Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Benn Steil thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho rằng, thỏa thuận thương mại một phần là một chiến thắng cho Trung Quốc. Mỹ đã từng đánh thuế hàng hóa Trung Quốc, chắc chắn sẽ tính tới việc Bắc Kinh đáp trả bằng thuế quan vào hàng hóa Mỹ dù họ rất cần nông sản Mỹ.
Washington đã chấp nhận điều này để có thỏa thuận thương mại, ép Trung Quốc thay đổi chính sách kinh tế. Nhưng cuối cùng, Mỹ chỉ có thể bán thêm nông sản cho Trung Quốc, điều mà Trung Quốc mong muốn hơn khi nào hết. Và đây là một mục tiêu quá nhỏ.
“Đậu nành và khí tự nhiên, đó là thứ Trung Quốc muốn, đó không phải là một sự thắng lợi của Mỹ” – ông Benn Steil nhận xét.
Mỹ nhượng bộ cả Huawei ?
Một điểm đáng chú ý của cuộc thỏa thuận thương mại này đã không nhắc tới nới lỏng lệnh cấm với Huawei, đập tan những đồn đoán về khả năng Mỹ sẽ yêu cầu Trung Quốc mua nhiều nông sản hơn để giảm áp lực với Huawei tại thị trường Mỹ. Dường như đây không phải là mong muốn của ông Trump và giới tinh hoa Mỹ.
Đã từng có thông tin giới nghị sĩ Mỹ muốn gây sức ép để Quốc hội can thiệp vào thỏa thuận thương mại Mỹ- Trung nhằm ngăn ông Trump nới lỏng lệnh cấm cho Huawei để đạt thỏa thuận với Trung Quốc, từ đó có tác động đến chương trình tranh cử của ông này cho năm 2020.
Thực tế, việc Mỹ nới lỏng lệnh cấm Huawei đã được đưa ra từ trước khi phái đoàn Mỹ- Trung tiến vào đàm phán.
Cụ thể, Huawei trong thời gian tới sẽ sớm được cấp phép tiếp tục hợp tác với các đơn vị cung ứng linh kiện tại Mỹ. Ngoài ra, dòng smartphone Mate 30 mới nhất của hãng này sẽ sử dụng hệ điều hành Android mã nguồn mở (ASOP) cùng với kho ứng dụng App Gallary.
Các công ty tại Mỹ sẽ có thể được phép cung cấp các linh kiện điện tử cho Huawei, đổi lại Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Mỹ. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ áp dụng với các mặt hàng được cho là không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Thông tin được New York Times tiết lộ, cho thấy ông Donald Trump đã “bật đèn xanh” cho Huawei từ trước khi cuộc đàm phán diễn ra. Tuy nhiên, việc Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt Huawei được đánh giá ở mức độ tương đương với cam kết mua nông sản Mỹ của Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ đã nhận được rất nhiều giấy phép xin miễn trừ cho các công ty Mỹ được tiếp tục bấn hàng cho Huawei nhưng chưa phê duyệt bất cứ giấy phép nào.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30849-cuoc-dau-voi-tq-lieu-ong-trump-co-thua.html
Hollywood lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan
trước Bắc Kinh
Ngày 02/10/2019, tập mới nhất của South Park, bộ phim hoạt hình châm biếm nổi tiếng của Mỹ, ra mắt khán giả. Mang tựa đề “Band in China – Băng đảng tại Trung Quốc”, tập phim kể lại những chuyên khôi hài về nhân vật chính Randy Marsh, qua Trung Quốc để mở rộng kinh doanh cần sa rồi bị bắt, bị đưa đi cải tạo. Với nội dung chế nhạo hệ thống kiểm duyệt tại Trung Quốc, tập phim này đã bị Bắc Kinh cấm chiếu trên toàn bộ mạng lưới Internet tại Trung Quốc.
Hành động kiểm duyệt nhắm vào bộ phim South Park đã diễn ra gần như cùng một lúc với việc truyền hình Trung Quốc hủy bỏ việc phát sóng các trận đấu được dự trù của các câu lạc bộ bóng rổ Mỹ tại Trung Quốc để trừng phạt Liên Đoàn Bóng Rổ Mỹ NBA vì những tuyên bố bênh vực dân chủ tại Hồng Kông.
Trong bài phân tích ngày 10/10 vừa qua, hãng tin Anh Reuters đã nhắc lại các diễn biến kể trên để nhấn mạnh đến một thực tế là trong nhiều năm gần đây, nhiều hãng phim Mỹ đã chấp nhận khấu đầu trước Trung Quốc, tự kiểm duyệt để chiều lòng giới lãnh đạo Bắc Kinh và tiếp cận được thị trường béo bở tại nước này.
Tiến thoái lưỡng nan
Bài phân tích trước hết nêu bật tình thế tiến thoái lưỡng nan của Hollywood, tức là nền công nghiệp điện ảnh Mỹ, phải đi dây giữa một bên là một thị trường khổng lồ với hàng trăm triệu khán giả tiềm tàng, và bên kia là sức sáng tạo của Hollywood, có nguy cơ bị thui chột nếu bị kiểm duyệt.
Theo Reuters, đối với các hãng truyền thông chuyên sản xuất phim ảnh, số lượng vé bán ra tại Trung Quốc là một yếu tố hết sức quan trọng cho lợi nhuận của họ. Quốc gia châu Á này dự kiến sẽ trở thành thị trường phim ảnh lớn nhất thế giới vào năm tới 2020. Một số bộ phim, như phim “Green Book – Quyển Sách Xanh”, phim mới nhất đoạt giải Oscar đã dựa vào đầu tư của Trung Quốc để nâng cao doanh thu khi được đưa lên màn ảnh rộng.
Bên cạnh đó, yếu tố làm sao có mặt được trên thị trường Trung Quốc cũng cực kỳ quan trọng vì lẽ Trung Quốc hiện đang áp dụng một giới hạn là chỉ nhập 34 bộ phim mỗi năm. Sự hạn chế này đã buộc các hãng phim và truyền hình phải uốn nắn các sản phẩm của mình sao cho vừa thỏa mãn được các nhà kiểm duyệt Trung Quốc, vừa không ngăn cản sự tự do sáng tạo của các nhà sản xuất và biên kịch điện ảnh.
Theo ông Stanley Rosen, giáo sư khoa học chính trị tại Đại Học Nam California, thì giới công nghiệp điện ảnh Mỹ đã cố gắng tìm cách kiếm được nhiều tiền nhất bằng cách tiếp cận thị trường Trung Quốc, nhưng không bị phản ứng dữ dội từ phía công luận cũng như khán giả Mỹ.
Đối với hãng Reuters, các tác giả của bộ phim châm biếm “South Park”, trong tập mới nhất của họ, đã không ngần ngại xoáy vào cách tiếp cận đó của Hollywood, cũng như các chính sách của Trung Quốc đánh vào quyền tự do ngôn luận.
Phản ứng của Trung Quốc trước nội dung cực kỳ phê phán của tập phim “Băng đảng tại Trung Quốc”, nghiêm cấm hoàn toàn việc lưu hành tập phim này trên mạng internet được ghi nhận là điều đương nhiên.
Và ở Mỹ, theo ông Lindsay Conner, một luật sư ở Los Angeles, đại diện cho các công ty Trung Quốc tại Hoa Kỳ, thì quyết định kiểm duyệt của chính quyền Bắc Kinh cũng không khiến ai bất ngờ.
Theo ông thì tập mới nhất của bộ phim South Park chính là “một hành vi khiêu khích dữ dội nhất mà người ta có thể làm được. Và phản ứng của giới kiểm duyệt Trung Quốc là điều hoàn toàn có thể dự đoán được”.
Trung Quốc kiểm duyệt quá đáng ?
Theo Reuters, đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc kiểm duyệt và cấm đoán phim ảnh phương Tây.
Một sự kiện đã gây sôi nổi gần đây là quyết định vào tháng 8 năm 2018, khi Trung Quốc cấm nhập cảnh phim “Christopher Robin” của hãng Walt Disney, trong đó có nhân vật truyện tranh Winnie the Pooh, tức là chú Gấu Winnie.
Chính quyền Trung Quốc không đưa ra lý do, nhưng ngay từ năm 2017 trước đó, hình ảnh của Gấu Winnie the Pooh đã bị chặn ở Trung Quốc vì có sự giống nhau giữa ngoại hình của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với nhân vật hoạt hình này. Bên cạnh đó, còn có việc nhân vật Gấu Winnie The Pooh được sử dụng như một biểu tượng của sự phản kháng đối với chính phủ Trung Quốc.
Bộ phim South Park vốn được chiếu trên nhiều kênh truyền hình trực tuyến tại Trung Quốc, một thị trường đối với Hollywood ít quan trọng hơn thị trường phim chiếu rạp. Doanh thu bán vé phim tại Trung Quốc đạt 9 tỷ đô la vào năm 2018. Theo dự báo của công ty tư vấn PwC, thì trong năm 2020, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ và Canada trong tư cách là thị trường phim lớn nhất thế giới, với doanh thu đạt 15,5 tỷ đô la vào năm 2023.
Các công ty Trung Quốc cũng đầu tư một khoản tiền không rõ là bao nhiêu vào các bộ phim riêng lẻ như phim “Green Book”, mà nhà tài trợ là Alibaba Pictures, trực thuộc tập đoàn bán hàng trên mạng Trung Quốc Alibaba.
Tencent Holdings Ltd, một tập đoàn truyền thông xã hội và trò chơi trên mạng của Trung Quốc, sẽ là nhà đồng tài trợ cho bộ phim “Terminator: Dark Fate” sắp tới đây, do hãng phim Mỹ Paramount Pictures thực hiện. Paramount thuộc sở hữu của tập đoàn Viacom Inc, tập đoàn phân phối bộ phim South Park.
Tự kiểm duyệt
Để được Trung Quốc bật đèn xanh, một số hãng phim Hollywood đã không ngần ngại tự kiểm duyệt để tránh bị Bắc Kinh phiền hà.
Có rất nhiều ví dụ về việc Hollywood tự kiểm duyệt trong thời gian gần đây. Trong kịch bản của “Pixels”, bộ phim hài khoa học viễn tưởng ra năm 2015 chẳng hạn, có một cảnh trong đó người ngoài hành tinh thổi tan Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc. Thế nhưng, trong ấn bản phát hành tại Trung Quốc, cảnh này đã bị xóa bỏ.
Giới làm phim Hollywood cũng không ngần ngại ghi lại cảnh thật ở Trung Quốc và thêm vào cốt truyện của mình những đoạn trong đó các nhân vật Trung Quốc là anh hùng. Ví dụ như trong bộ phim “The Martian” năm 2015, cơ quan vũ trụ của Trung Quốc đã trở thành cơ quan đã góp phần cứu một phi hành gia do tài tử Mỹ Matt Damon thủ vai, bị mắc kẹt trên sao Hỏa.
Đối với Reuters, sự cố mới đây liên quan đến Liên Đoàn Bóng Rổ Mỹ NBA đã nêu bật một rủi ro tương đối mới. Với sự phổ biến của các mạng xã hội, có rất nhiều khả năng là các ngôi sao của một bộ phim có thể đưa ra những bình luận làm mất lòng chính quyền Trung Quốc, và điều này sẽ là mối đau đầu cho Hollywood vì rất khó bịt miệng các diễn viên này.
Theo ông Marc Ganis, chủ tịch của Jiaflix, một công ty phát hành phim ảnh trực tuyến ở Trung Quốc thì các hãng phim Mỹ không thể bảo tài tử của họ là không nói thế này hay thế kia… Họ chỉ còn nước hy vọng là diễn viên của họ biết suy nghĩ trước khi bắn đi một tin nhắn Twitter.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191014-hollywood-lam-vao-tinh-the-tien-thoai-luong-nan-truoc-bac-kinh-ok
Mỹ rút 1.000 lính khỏi bắc Syria,
nơi quân Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurdistan
Hôm qua, 13/10/2019, Washington tuyên bố rút 1.000 quân khỏi vùng biên giới phía đông bắc Syria, bốn ngày sau khi quân Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tấn công vào vùng tự trị của người Kurdistan. Bị Mỹ bỏ rơi, lực lượng FDS Kurdistan mời quân đội Syria can thiệp chống xâm lăng.
Theo Reuters, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ thông báo khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ tại vùng biên giới sẽ rút đi, sau khi có thông tin về tình hình chiến sự gia tăng. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS, bộ trưởng Quốc Phòng Mark Espert cho biết thêm là việc lực lượng vũ trang của người Kurdistan quyết định ngả sang Nga và chính quyền Damas, để kháng cự lại chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, là một trong các nguyên nhân khiến chính quyền Donald Trump đưa ra quyết định rút quân nói trên. Hai quan chức Mỹ cho Reuters biết việc triệt thoái quân sẽ diễn ra trong vài ngày tới.
Ngay sau thông báo rút quân của Mỹ, trong một cuộc họp báo hôm nay tại Ankara, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh quyết định ‘‘tích cực’’ của phía Mỹ.
Quân đội Syria bắt đầu triển khai tại biên giới
Khả năng chiến sự sẽ trở nên dữ dội hơn trong những ngày tới, nếu quân đội Syria trực tiếp đụng độ với quân Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm nay, 14/10, một số đơn vị Syria đầu tiên đã áp sát vùng biên giới, có nơi chỉ gần 6 km, theo Đài Quan Sát Nhân Quyền (OSDH). Phóng viên AFP có mặt tại chỗ cho biết nhiều đơn vị Syria cũng đã triển khai tại khu vực phía nam thành phố giáp biên Ras al Ain, nơi chiến sự diễn ra ác liệt. Phía Kurdistan thông báo đã đạt được thỏa thuận với chính quyền trung ương về việc triển khai quân đội tại khu vực này, để hỗ trợ các chiến binh FDS, vào hôm qua.
Về chiến sự tại chỗ, thông tín viên Paul Khalifeh từ Beyrouth cho biết thêm :
‘‘Tal Abyad là thành phố lớn nhất mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm được cho đến nay, kể từ đầu chiến dịch tấn công, khởi sự hôm thứ Tư (09/10). Tuy nhiên, bất chấp việc đào ngũ của nhiều đơn vị Ả Rập trong Lực lượng Dân Chủ Syria (FDS), với người Kurdistan là nòng cốt, các chiến binh Kurdistan vẫn tiếp tục kháng cự mạnh mẽ lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm quân Syria chống Damas, được Ankara hậu thuẫn.
Với hỏa lực mạnh và lực lượng tấn công đông đảo, quân Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã phá vỡ các tuyến phòng ngự của FDS. Hôm qua, Chủ Nhật 13/10, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm binh sĩ Syria chống Damas cũng đồng thời kiểm soát được một xa lộ quan trọng tại vùng đông bắc Syria, vốn nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng FDS, nối liền hai tỉnh Raqqa và Hassake. Lực lượng tấn công đã cắt đứt xa lộ M-4 và tiến sâu vào lãnh thổ Syria đến 30 km.
Việc mất quyền kiểm soát đối với trục đường này đã làm suy yếu khả năng tác chiến của lực lượng FDS Kurdistan, gây khó khăn cho các hoạt động tiếp tế. Các phóng viên ghi nhận hàng chục xe thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai suốt dọc xa lộ này, đường vào duy nhất dẫn đến thành phố Kobani, giáp biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ. Các chiến binh người Kurdistan hiện đang phải đối mặt với tình thế khó khăn tại thành phố Ras al-Ain, bị quân Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm chiến binh Syria chống Damas bao vây’’.
Liên Âu lúng túng
Hôm nay, ngoại trưởng các nước châu Âu – họp tại Bruxelles – rất lo ngại về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria, nhưng thừa nhận đang bất lực trong việc tìm ra biện pháp chung để gây áp lực với Ankara. Theo một số nguồn tin ngoại giao, Paris muốn thúc đẩy một lập trường chung châu Âu, với việc yêu cầu nhanh chóng triệu tập họp bàn về ‘‘cơ chế phối hợp’’ của Liên Âu. Về phần mình, ngoại trưởng Pháp yêu cầu triệu tập cuộc họp của liên quân quốc tế chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, trong đó Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên.
Lãnh đạo ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn thì lưu ý đến khía cạnh hết sức khác thường sau cuộc can thiệp quân sự Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nhấn mạnh đến việc một thành viên NATO bị nhiều nước NATO trừng phạt, bằng việc cấm vận vũ khí (Pháp và Đức đã thông báo ngừng bán vũ khí cho Ankara). Một viễn cảnh đáng lo ngại khác cũng đặt ra : NATO sẽ làm gì, khi Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của khối, trong trường hợp bị quân đội Syria tấn công, yêu cầu NATO kích hoạt điều 5 Hiến chương của khối, coi việc một thành viên NATO bị tấn công là toàn khối bị tấn công.
Mỹ: Biểu tình ở nhiều nơi
kêu gọi phế truất Donald Trump
Trên khắp nước Mỹ đã diễn ra hàng chục cuộc biểu tình kêu gọi phế truất tổng thống Donald Trump. Những người biểu tình hy vọng thổi bùng lên một phong trào để gia tăng sức ép đối với giới chính trị, đặc biệt các nghị sĩ Cộng Hòa, chiếm đa số tại Thượng Viện, hiện tại vẫn ủng hộ tổng thống. Hôm qua, 13/10/2019, hơn 200 người xuống đường tại New York.
Thông tín viên Anaki Loubna tường trình từ New York :
‘‘Donald Trump vào tù…’’, hai trăm người biểu tình đồng thanh hô vang trên đường phố New York. Đối với họ, không còn nghi ngờ gì nữa, tổng thống Mỹ sẽ phải ra đi.
Một người đàn ông cho biết : ‘‘Donald Trump, chính phủ của ông ta và hành xử của ông ta, kể từ khi ông ta đắc cử, là không thể chấp nhận được’’. Một người phụ nữ bày tỏ : ‘‘Nếu chúng ta không lên tiếng ngay bây giờ, khẳng định điều mà Hiến pháp đã nói và những việc này đã xâm phạm Hiến pháp, thì Hiến pháp sẽ không còn giá trị gì !’’.
Trong con mắt của những người biểu tình, thủ tục phế truất mà Hạ Viện đã khởi động, tiếp theo vụ ‘‘Ukrainegate’’ tiến quá chậm. Họ cũng hiểu rằng, cho dù phe Dân Chủ có đi đến cùng, thì về nguyên tắc, rất ít có cơ hội Thượng Viện, với đa số theo đảng Cộng Hòa, sẽ bật đèn xanh cho việc phế truất.
Một người phụ nữ giải thích : ‘‘Hãy làm sao đây để mọi người hiểu rằng các thủ tục được tiến hành theo con đường thông thường sẽ không thể nào đánh bật được ông ta. Chính vì vậy chúng tôi phải hành động’’. Một phụ nữ khác thì bày tỏ tâm trạng thất vọng, vì người Mỹ đã không làm được như người Hồng Kông, không có được hàng nghìn người xuống đường mỗi ngày.
Khi được gợi ý là liệu họ có thể làm gì để thay đổi tình thế trong cuộc bầu cử tới, câu trả lời của những người biểu tình là rõ ràng. Một phụ nữ nhấn mạnh : ‘‘Ông ta đã làm tổn hại toàn bộ cả một hệ thống. Làm thế nào mà chúng ta có thể chắc chắn có được các cuộc bầu cử công bằng đây ?’’. Nhiều cuộc tuần hành tương tự diễn ra tại một số thành phố. Tất cả kêu gọi biểu tình lớn vào thứ Bảy tới’’.
Bộ trưởng Quốc Phòng khẳng định hợp tác với Hạ Viện
Hôm qua, trả lời đài CBS, lãnh đạo bộ Quốc Phòng Mark Esper cho biết ‘‘sẽ làm mọi điều có thể để hợp tác với Hạ Viện’’, do đảng Dân Chủ kiểm soát, trong cuộc điều tra luận tội nhằm tiến tới phế truất tổng tổng thống, bất chấp việc Nhà Trắng vừa ra thông báo ngừng mọi hợp tác với Quốc Hội, với lý do ‘‘điều tra mang tính thiên vị và vi hiến’’.
Hôm thứ Hai tuần trước, 07/10, các dân biểu Hạ Viện phụ trách điều tra đã yêu cầu Lầu Năm Góc cung cấp các tài liệu liên quan đến vụ Ukrainagate. Hạ Viện muốn xác minh nghi vấn về việc tổng thống Trump gây áp lực với Ukraina, nhằm buộc Kiev điều tra về đối thủ chính trị Joe Biden, đặc biệt với cáo buộc đình chỉ viện trợ quân sự Mỹ trong nhiều tuần, để gây áp lực.
Theo AFP, trên thực tế, trước khi Hạ Viện yêu cầu, bộ Quốc Phòng đã thông báo sẽ hợp tác với Quốc Hội trong cuộc điều tra này. Hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng cho biết rõ hơn là, việc Lầu Năm Góc quyết định hợp tác không đồng nghĩa với việc mọi tài liệu liên quan sẽ được chuyển giao cho Quốc Hội, bởi Nhà Trắng giữ quyền quyết định tài liệu nào không được cung cấp.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191014-bieu-tinh-hang-chuc-noi-tai-my-keu-goi-phe-truat-donald-trump-ok
Cựu cố vấn tòa Bạch Ốc về nước Nga
ra điều trần tại Hạ Viện
Tin Washington DC – Vào thứ Hai, 14 tháng 10, các nhà điều tra tại Hạ Viện đã nghe lời khai từ bà Fiona Hill, cựu cố vấn Tòa Bạch Ốc về nước Nga. Buổi điều trần của bà Hill diễn ra một cách riêng tư, và là một phần trong cuộc điều tra luận tội của đảng Dân Chủ đối với Tổng Thống Donald Trump.
Bà Hill, 53 tuổi, là người Mỹ gốc Anh, và là chuyên gia trong các vấn đề ngoại giao. Bà từ chức khỏi chính phủ chỉ vài ngày trước khi Tổng Thống Trump thực hiện cuộc điện thoại với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 25 tháng 7, sự kiện mở màn cho cuộc điều tra luận tội của Hạ Viện. Trong thông báo đăng trên Twitter vào thứ Hai, luật sư của bà Hill nói bà đến điều trần theo thư triệu tập của quốc hội. Bà Hill không tiết lộ gì về những điều bà dự định nói trước các ủy ban Hạ Viện. Tuy nhiên, bà được cho là sẽ kể lại các lo ngại mà bà từng nhắc đến khi chính phủ sa thải cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine là bà Marie Yovanovitch. Bà Hill nhiều khả năng cũng sẽ cho biết suy nghĩ của bà về cách ông Rudy Giuliani, luật sư riêng của tổng thống, và ông Gordon Sondland, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Âu, điều khiển một chính sách về Ukraine bên ngoài sự kiểm soát của Hội đồng an ninh quốc gia. Trước đó vào thứ Sáu, 11 tháng 10, bà Yovanovitch đã có buổi điều trần 9 tiếng đồng hồ tại Hạ Viện.
Vị cựu đại sứ cáo buộc Tổng Thống Trump đã gây áp lực buộc Bộ Ngoại Giao phải sa thải bà, sau khi bà bị giới truyền thông bảo thủ chỉ trích trong suốt nhiều tháng. Nữ chuyên gia ngoại giao này đã phục vụ hơn 30 năm tại Bộ Ngoại Giao, xuyên qua 6 chính phủ Hoa Kỳ.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/cuu-co-van-toa-bach-oc-ve-nuoc-nga-ra-dieu-tran-tai-ha-vien/
Tổng thống Trump ca ngợi
luật sư riêng Rudy Giuliani
Hôm thứ Bảy (12/10), Tổng thống Hoa Kỳ Trump bảo vệ luật sư riêng Rudy Giuliani, và ca ngợi ông là một “huyền thoại chống tội phạm” và là “luật sư tuyệt vời”.
Theo Reuters đưa tin, Tổng thống Donald Trump thực hiện hành động trên, sau khi truyền thông đưa tin về việc các công tố viên đang mở cuộc điều tra liệu cựu thị trưởng New York có vi phạm luật vận động hành lang ở Ukraine hay không. Hôm thứ Sáu (11/10), tờ New York Times đưa tin rằng các công tố viên liên bang ở Manhattan đang điều tra các hành vi của luật sư Giuliani liên quan tới Ukraine.
Cuộc điều tra luật sư Giuliani là một phần của vụ điều tra liên quan đến hai đối tác kinh doanh của luật sư là ông Lev Parnas người gốc Ukraine và ông Igor Fruman người Belarus. Hai người này giúp luật sư Giuliani điều tra cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và con trai Hunter. Ông Lev Parnas và ông Igor Fruman bị bắt hôm thứ Năm (10/10), vì bị tố cáo liên quan đến kế hoạch chuyển tiền bất hợp pháp cho ủy ban bầu cử ủng hộ Tổng thống Trump và các ứng cử viên chính trị khác.
Hôm thứ Sáu (11/10), Tổng thống Trump đã làm cho mọi người phải đặt câu hỏi về mối quan hệ với luật sư Giuliani. Theo đó, khi trả lời câu hỏi liệu ông Giuliani có còn là luật sư cá nhân của Tổng thống Trump hay không, thì ông nói rằng không biết.
Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine Marie Yovanovitch khẳng định với ủy ban điều tra của Hạ viện rằng Tổng thống Trump tìm cách sa thải bà dựa trên “những tuyên bố vô căn cứ và sai lầm”. Ông Giuliani cáo buộc bà Yovanovitch ngăn chặn các nỗ lực thuyết phục Ukraine điều tra cựu phó Tổng thống Hoa Kỳ Biden. Cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump được khởi xướng sau khi có khiếu nại tố cáo rằng trong cuộc điện đàm ngày 25/7, Tổng thống Trump gây sức ép buộc Tổng thống Ukraine phải điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-ca-ngoi-luat-su-rieng-rudy-giuliani/
Cựu cảnh sát được phán vô tội
trong vụ bắn chết người đàn ông da đen
Tin Atlanta, Georgia – Một cựu cảnh sát ở tiểu bang Georgia đã được phán vô tội vào thứ Hai, 14 tháng 10, vào hơn 4 năm sau khi ông bắn chết một người đàn ông da đen bị bệnh tâm thần. Bồi thẩm đoàn tại DeKalb County xác định ông Robert Olsen phạm tội tấn công nghiêm trọng, cho lời khai giả, và vi phạm lời thề cảnh sát, nhưng miễn tội cho ông này đối với 2 cáo buộc giết người.
Ông Olsen bị truy tố trong vụ bắn chết anh Anthony Hill, 26 tuổi, một cựu quân nhân từng tham chiến tại Afghanistan, vào tháng 3, 2015. Vào trước vụ nổ súng, một người dân sống trong khu nhà của anh Hill đã gọi cảnh sát, thông báo về việc một người đàn ông cư xử kỳ lạ, gõ cửa nhiều ngôi nhà, và lăn lộn trên đất mà không mặc quần áo. Ông Olsen đã được điều đến hiện trường. Ngay khi Hill nhìn thấy ông Olsen, anh ta đã lao tới, nhắm vào hướng người cảnh sát. Ông Olsen lập tức bước lui đồng thời ra lệnh cho anh Hill ngừng lại, sau đó ông rút súng và bắn 2 phát vào anh Hill. Bạn gái của nạn nhân cho biết Hill có vấn đề tâm thần và đang cố gắng tìm trợ giúp từ Bộ Các Vấn Đề Cựu Quân Nhân. Anh này đã ngừng dùng thuốc không lâu trước khi bị bắn chết. Trong phiên tòa, các công tố viên cho rằng ông Olsen đã không tuân thủ quy định về việc sử dụng vũ lực, và đã có thể dùng dùi cui để chống lại anh Hill. Trong khi đó, phe biện hộ nói rằng ông Olsen là một nhân viên tốt, và ông chưa bao giờ bị tố cáo là sử dụng vũ lực quá mức trong suốt thời gian làm cảnh sát.
Theo lời các nhân chứng, ông Olsen đã nhiều lần yêu cầu Hill ngừng lại khi anh này lao về phía ông. Sau khi tòa tuyên án, gia đình anh Hill và các nhà hoạt động đi cùng họ đã lắc đầu, tỏ ra không hài lòng với quyết định của bồi thẩm đoàn.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/cuu-canh-sat-duoc-phan-vo-toi-trong-vu-ban-chet-nguoi-dan-ong-da-den/
Nổ súng hàng loạt trong một khu chung cư
ở Chicago khiến 5 người thiệt mạng
Theo tin từ CBS News, vào tối chủ nhật (ngày 13 tháng 10), các thám tử đã phỏng vấn một nghi can nổ súng hàng loạt sau khi 5 người bị bắn chết tại một khu chung cư ở khu vực Dunning phía Tây Bắc thành phố Chicago.
Cảnh sát cho biết vụ nổ súng xảy ra vào 5 giờ 30 chiều ngày thứ bảy (ngày 12 tháng 10), với nghi can là một công nhân xây dựng đã nghỉ hưu 67 tuổi đã tiến vào vào căn nhà của một người hàng xóm và bắn chết 4 người đang ngồi trong nhà. Sau đó, nghi can đã lên lầu 3, tiến vào một căn nhà khác và bắn một người phụ nữ đang sống tại đây. Người phụ nữ này đã được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, nhưng bà đã tử vong tại bệnh viện vào tối thứ bảy. Văn Phòng Y Tế Quận Cook đã công bố tên của hai trong số năm nạn nhân, đó là Tsvetanka Kostadinova và Jolanta Topolska. Các cảnh sát điều tra đã lấy lại khẩu súng ngắn được sử dụng trong vụ tấn công và đang tìm hiểu làm thế nào nghi can có được khẩu súng. Động cơ của nghi can hiện vẫn đang được điều tra.
Một người hàng xóm sống tại khu chung cư, ông Jack Hunter, cho biết có thể nghi can “có vấn đề trong việc kiềm chế cơn giận.” Vào chiều Chủ nhật, cảnh sát đã tiến hành một cuộc thẩm vấn chính thức với nghi can và họ đã trao đổi với các công tố viên từ văn phòng luật sư của Quận Cook để xác định các tội danh của nghi can này.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/no-sung-hang-loat-trong-mot-khu-chung-cu-o-chicago-khien-5-nguoi-thiet-mang/
Chuyên gia cho rằng máy làm chìa khóa
tiểm ẩn nguy cơ an ninh bảo mật
Theo chuyên gia an ninh, các phương thức sao chép chìa khóa tiện lợi đang đe dọa các tòa nhà dùng thẻ từ tính để ra vào. KeyMe, thành lập năm 2012, đã thiết lập chuỗi thiết bị tự hành khắp Hoa Kỳ bao gồm7-Eleven, Bed Bath & Beyond, Safeway, Sears, Rite Aid… cung cấp cách sao chép chìa khóa bằng đồng vừa rẻ vừa dễ dàng thực hiện.
Hiện tại, công ty đang mở rộng khả năng của thiết bị với khả năng sao chép chìa khóa điện tử, chẳng hạn như các loại thẻ từ tính để ra vào văn phòng, nhà cửa hay bãi xe. Nó có thể lập trình thẻ từ tính thành một nhãn dán. Một nhà báo của CBS News chỉ mất 25 Mỹ kim để sao chép một thẻ từ tính vào nhà. Chuyên gia tư vấn bảo mật Jim Elder cho biết KeyMe đã khiến việc sao chép các chìa khóa thẻ từ tính vào các tòa nhà trở nên quá dễ dàng, gây ra những lo ngại về an ninh tiềm ẩn. Nhà phân tích bảo mật Paul Viollis của CBS News cho biết KeyMe có thể giúp tội phạm truy cập vào xe cộ, trường học và các tòa nhà khác bằng chìa khóa từ tính mà không để lại dấu vết. Bất chấp phản ứng dữ dội, người sáng lập và CEO của KeyMe, Greg Marsh tuyên bố rằng các thiết bị này giúp sao chép an toàn hơn bao giờ hết.
Với hàng triệu chìa khóa đã được sao chép, KeyMe có kế hoạch mở rộng đến 10,000 địa điểm tại các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc và các nhà bán lẻ khác. Nhưng trong mắt các chuyên gia bảo mật, công nghệ này có thể mở đường cho các mối đe dọa mới cho các căn nhà trên cả nước.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/chuyen-gia-cho-rang-may-lam-chia-khoa-tiem-an-nguy-co-an-ninh-bao-mat/
Hoa Kỳ tiếp tục rút quân khỏi Bắc Syria –
Susan Rice mô tả là “một Saigon của Trump”
Một viên chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ đang rút quân đội khỏi miền đông bắc Syria giữa lúc Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng chiến dịch tấn công đồng minh của Hoa Kỳ, người Kurd.
Hôm Chủ Nhật (13/10/2019), bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Mark Esper trả lời Fox News rằng tổng thống Trump đã chỉ thị rút quân đội Hoa Kỳ khỏi phía bắc Syria. Nhưng một viên chức nói hãng ABC News rằng Ngũ Giác Đài đang cố thuyết phục tổng thổng để lại một lực lượng Hoa Kỳ ở Syria.
Tuần trước, Tòa Bạch Ốc tuyên bố họ đang rút gần quân đội Hoa Kỳ ra khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria sau cuộc gọi giữa tổng thống Trump và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Quyết định đó đã nhận phản ứng dữ dội từ các nhà lập pháp Cộng Hòa và Dân Chủ. Họ cáo buộc chính quyền tổng thống Trump bỏ rơi đồng minh người Kurd, và mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược Syria.
ABC News cho biết trên chiến trường, bạo lực tiếp tục leo thang, với các lực lượng chiến đấu được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn thực hiện các vụ hành quyết dã man dọc theo đường xa lộ chính. Liên Hiệp Quốc ước tính hơn 100,000 người đã rời bỏ nhà cửa. Những con số này dự kiến sẽ tăng mạnh.
Hãng Associated Press cho biết Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện không kích một đoàn xe người Kurd gần thị trấn biên giới Ras al-Ayn, giết chết chín người trong đó có năm thường dân. Các cuộc không kích khiến các một số chiến binh SDF phải rời bỏ vị trí canh gác các nhà tù ISIS, tạo điều kiện cho nhiều tù nhân ISIS bỏ trốn. Lo ngại rằng các gia đình hoặc lực lượng ISIS sẽ tiến về phía đông, Iraq đã gửi thêm quân đội tới biên giới Syria. Hồi đầu hè, Ngũ Giác Đài đã từng cảnh báo nguy cơ ISIS lại nổi dậy ở Iraq và Syria.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với NPR vào ngày 13 tháng 10, bà Susan Rice- Cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, cựu tại sứ Hoa Kỳ tại LHQ- đã gọi tình huống bỏ rơi đồng minh Kurd là “một Saigon của Trump”, và nói đây là một thảm họa đáng xấu hổ. (Mộc Miên)
Quân cảnh Mexico
chặn đoàn người di dân đến Hoa Kỳ
Hôm thứ Bảy (12/10), quân cảnh Mexico chặn một đoàn lữ hành lên tới 2,000 người di dân từ châu Phi, Caribbean và Trung Mỹ vài giờ sau khi họ tiến vào Hoa Kỳ.
Theo Reuters, những người di dân khởi hành trước bình minh từ Tapachula ở bang miền nam Chiapas gần Guatemala, mặc cho những cuộc đàn áp dân di cư đang diễn ra ở cả hai bên biên giới Hoa Kỳ-Mexico. Nhóm người di dân này đi bộ khoảng 19 dặm (30 km) trước khi bị chặn lại trên một con đường ở Huehuetan, Mexico vào buổi chiều thứ Bảy (12/10).
Theo một nhân chứng của Reuters, khoảng 500 thành viên của cảnh sát quân đội Vệ binh Quốc gia Mexico được trang bị mũ bảo hiểm và áo vest chống đạm chặn đường xa lộ ở cả hai bên làn đường. Các viên chức từ viện nhập cư quốc gia Mexico bắt giữ hầu hết nhóm người trên, đưa họ lên xe buýt trở về Tapachula. Khoảng 150 người di dân quyết định đi bộ quay trở lại.
Nhà hoạt động Irineo Mujica của Tổ chức Pueblo Sin Fronteras đi cùng với những người di dân cho biết, chỉ có một nhóm nhỏ chọn tự quay trở lại. Sự việc trên gợi nhớ đến một chuỗi những đoàn lữ hành bao gồm 7,000 người di dân rời Trung Mỹ hồi một năm trước. Cuộc di dân hàng loạt đó từng thu hút sự chú ý của giới truyền thông, và gây ra một cuộc khủng hoảng với Tổng thống Trump. Ông Trump cho rằng các đoàn lữ hành này là một sự xâm phạm, và yêu cầu Mexico phải làm nhiều hơn để ngăn chặn tiến trình của họ. Chính phủ Mexico hồi tháng 6 vừa qua có ký một thỏa thuận với Hoa Kỳ tuyên bố sẽ hạn chế đáng kể việc di dân sang Hoa Kỳ, nhằm đổi lấy việc Hoa Kỳ gỡ bỏ thuế đối với hàng xuất cảng của Mexico. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/quan-canh-mexico-chan-doan-nguoi-di-dan-den-hoa-ky/
Nữ Hoàng Elizabeth đặt ra ưu tiên
Brexit ngày 31 tháng 10 cho thủ tướng Anh Quốc
Tin từ Luân Đôn, Anh Quốc – Vào hôm thứ Hai (14/10), nữ hoàng Elizabeth đặt ra chương trình nghị sự cho thủ tướng Boris Johnsons, bao gồm Brexit ngày 31 tháng 10, một thỏa thuận mới với Liên minh châu Âu, và một loạt các chính sách trong nước được thiết kế để giành được sự ủng hộ của cử tri trước một cuộc bầu cử được dự kiến.
Theo tin từ Reuters, bài phát biểu của nữ hoàng là tâm điểm của một sự kiện được chuẩn bị kỹ lưỡng ở Westminster, và được dùng để chi tiết hóa tất cả các dự luật mà chính phủ muốn ban hành trong năm tới. Bài phát biểu này được chính phủ soạn cho vị nữ hoàng 93 tuổi. Nhưng, với tình hình Brexit bất định trước một tuần đàm phán quan trọng và một cuộc bầu cử khó lường trong tương lai gần, các đảng đối thủ cho biết ông Johnson đang lợi dụng vị nữ hoàng trung lập về mặt chính trị bằng cách yêu cầu bà đề ra chương trình nghị sự của ông. Bài phát biểu và các ghi chú kèm theo đưa ra một cái nhìn tổng quan về hơn 20 dự luật, bao gồm cả luật bắt buộc phải thực hiện thỏa thuận Brexit – nếu ông Johnson có thể đạt được thỏa thuận với EU trong tuần này. Các kế hoạch của chính phủ bao gồm một phác thảo về hệ thống nhập cư sau Brexit được đề nghị, cải cách tư pháp hình sự, thay đổi y tế và một lời hứa đầu tư nhiều hơn từ công quỹ để kích thích tăng trưởng.
Nhưng tương lai chính trị của ông Johnson và khả năng của ông trong việc thực hiện bất kỳ mục nào trong chương trình nghị sự này không có gì chắc chắn. Ông điều hành một chính phủ thiểu số và không thể giành được một phiếu bầu nào trong nghị viện kể từ khi lên nắm quyền vào tháng Bảy.
Mộc Miên
Pháp đưa ra biện pháp đảm bảo an toàn
cho binh sĩ ở Syria sau khi Mỹ rút quân
Tin từ PARIS, Pháp – Vào hôm Thứ Hai (14/10), Pháp cho biết họ đang thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho nhân viên quân sự và dân sự của họ ở miền đông bắc Syria, khi Hoa Kỳ bắt đầu thu hồi binh sĩ khỏi khu vực, sau cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại dân quân người Kurd.
Theo tin từ Reuters, Pháp là một trong những đồng minh chính trong liên minh chống Nhà nước Hồi giáo do Hoa Kỳ đứng đầu ở Syria và Iraq. Các chiến đấu cơ của họ được sử dụng để tấn công các mục tiêu, và lực lượng đặc biệt trên bộ của họ phối hợp với các chiến binh của người Kurd và Arab.
Vào hôm Chủ nhật, Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ đang chủ động bắt đầu rút khoảng 1,000 binh sĩ khỏi miền bắc Syria. Các viên chức Hoa Kỳ thông báo với Reuters rằng chỉ có thể mất nhiều ngày. Trước đây, các viên chức Pháp tuyên bố rằng một cuộc rút quân của Hoa Kỳ cũng sẽ buộc họ rời đi, vì họ phụ thuộc vào sự hỗ trợ hậu cần của Hoa Kỳ. Vào hôm thứ Năm (10/10), một nguồn tin ngoại giao trong khu vực thông báo với hãng tin Reuters rằng Paris đang chuẩn bị thu hồi hàng trăm lính thuộc lực lượng đặc biệt. Họ đang hợp tác chặt chẽ với các lực lượng do người Kurd lãnh đạo, hiện là mục tiêu tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền bắc Syria. Nhân viên cứu trợ của Pháp cũng có mặt trong khu vực này.
Trong một vấn đề nan giải khác đối với Điện Elysee, hàng chục chiến binh Nhà nước Hồi giáo Pháp cùng hàng trăm phụ nữ và trẻ em Pháp đang bị các nhóm người Kurd giam giữ tại các khu vực gần với cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/phap-dua-ra-bien-phap-dam-bao-an-toan-cho-binh-si-o-syria-sau-khi-my-rut-quan/
Các nhà lãnh đạo Catalonia bị tù tới 13 năm
vì tội xúi giục nổi loạn
Tòa án Tối cao Tây Ban Nha kết án chín nhà lãnh đạo phong trào ly khai của vùng Catalonia từ 9 đến 13 năm tù vì tội xúi giục nổi loạn và do vai trò của họ trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2017.
Ba người khác bị kết tội bất tuân và bị phạt hành chính nhưng không bị kết án tù.
Mười hai chính trị gia và nhà hoạt động đều phủ nhận cáo buộc.
Những người ly khai ở Catalonia đang lên kế hoạch cho phong trào bất tuân dân sự rộng khắp trước phán quyết của tòa.
Catalonia tuyên bố độc lập ‘vào thứ Hai tới’
Tây Ban Nha: Cảnh sát đàn áp trưng cầu độc lập
Ông Puigdemont ra đầu thú cảnh sát Bỉ
Carles Puigdemont, từng là người đứng đầu vùng Catalonia mà đã vắng mặt trong phiên tòa sau khi trốn khỏi Tây Ban Nha trước khi ông có thể bị bắt hồi năm 2017, nói rằng bản án với các nhà lãnh đạo ly khai “tổng cộng 100 năm” là “một sự tàn bạo”.
“Bây giờ hơn bao giờ hết… đã đến lúc phải phản ứng hơn bao giờ hết,” ông viết trên Twitter, và thêm rằng: “Vì tương lai của con em chúng ta. Vì dân chủ. Vì châu Âu. Vì Catalonia.”
Bên khởi tố đã tìm cách kết án Oriol Junqueras, cựu phó chủ tịch của vùng Catalonia và là nhà lãnh đạo cao nhất của phong trào ủng hộ độc lập, lên đến 25 năm tù.
Junqueras chịu bản án lâu nhất, 13 năm tù, vì tội xúi giục nổi loạn và lạm dụng công quỹ.
Những người khác bị tuyên án từ chín năm tù trở lên.
Chín nhà lãnh đạo mà đã bị giam giữ nhiều tháng trước phiên xử, được tha bổng với tội danh nghiêm trọng hơn là nổi loạn.
Ba người còn lại được tại ngoại trước đó.
Sau phán quyết của tòa, những người ủng hộ nền độc lập của vùng Catalonia đã diễu hành ở Barcelona với các biểu ngữ có nội dung “trả tự do cho các tù nhân chính trị” trong khi kêu gọi những người khác “xuống đường biểu tình”.
Cuối tuần qua, hàng trăm người biểu tình đã tập trung tại thành phố.
Năm 2017, cảnh sát và người biểu tình đã đụng độ trên đường phố khi các nhà lãnh đạo ủng hộ độc lập của vùng Catalonia tiến lên với một cuộc trưng cầu dân ý bị tòa án hiến pháp Tây Ban Nha ra phán quyết là bất hợp pháp.
Phán quyết hôm 14/10 được đưa ra sau bốn tháng điều trần.
Trong các cuộc tranh luận kín vào tháng Sáu, các luật sư bào chữa nói với tòa án rằng thân chủ của họ phủ nhận cáo buộc nổi loạn và xúi giục nổi loạn, nhưng thừa nhận bản án nhẹ hơn với tội bất tuân, mà có thể cấm họ giữ các chức vụ công nhưng tránh bị án tù.
12 nhà lãnh đạo vùng Catalonia là ai?
Một số người giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ và quốc hội Catalonia, trong khi những người khác là những nhà hoạt động có ảnh hưởng và là những người ủng hộ văn hóa.
Trước khi phiên tòa kết thúc, 12 bị cáo được dành mỗi người 15 phút để trình bày lập luận của mình trước các công tố viên trong phiên xử cuối cùng hôm 12 tháng Sáu.
Họ nói với tòa án ở Madrid rằng họ là nạn nhân của sự bất công trong một phiên tòa được dưng lên bởi những tội danh “sai trái”.
Phiên tòa kết thúc ra sao?
Các công tố viên lập luận rằng tuyên bố độc lập đơn phương là một cuộc tấn công vào nhà nước Tây Ban Nha và cáo buộc một số người trong bọn họ liên quan đến hành động nổi loạn nghiêm trọng.
Họ cũng nói rằng các nhà lãnh đạo ly khai đã sử dụng sai quỹ công trong khi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý năm 2017.
Các công tố viên cho rằng các nhà lãnh đạo đã tiến hành “một chiến lược được lên kế hoạch hoàn hảo… để phá vỡ trật tự hiến pháp và giành độc lập cho vùng Catalonia” một cách bất hợp pháp.
Forcadell, cựu phát ngôn viên của quốc hội, người đã đọc kết quả trưng cầu độc lập hôm 27/10/2017, cũng bị kết tội cho phép các cuộc tranh luận trong quốc hội về độc lập bất chấp cảnh báo của Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha.
Một số nhà lãnh đạo, phỏng vấn với BBC trước phiên tòa, nói rằng quá trình tố tụng mang bản chất chính trị. Bất kỳ bạo lực nào, họ nói, là từ phía cảnh sát và chống lại cử tri trong một cuộc đàn áp mà trở thành tiêu đề trên khắp thế giới.
Ba tuần sau cuộc bỏ phiếu bị cấm vào năm 2017, quốc hội Catalan tuyên bố nền cộng hòa độc lập.
Madrid can thiệp để áp đặt sự cai trị đối với vùng Catalonia, và một số nhà lãnh đạo Catalan đã bỏ trốn hoặc bị bắt giữ.
Điều gì đằng sau cuộc tranh cãi ở Catalonia?
Những người theo chủ nghĩa dân tộc Catalan từ lâu đã phàn nàn rằng vùng của họ, nơi có lịch sử riêng biệt có niên đại gần 1.000 năm, nộp quá nhiều tiền cho các vùng nghèo hơn của Tây Ban Nha, vì thuế bị kiểm soát bởi Madrid.
Khu vực giàu có này là nơi sinh sống của khoảng 7,5 triệu người, với ngôn ngữ, quốc hội, cờ và quốc ca riêng của họ.
Vào tháng Chín, một cuộc tuần hành ở Barcelona ủng hộ nền độc lập của Catalonia khỏi Tây Ban Nha đã thu hút khoảng 600.000 người tham gia – là một trong những lần có ít người tham gia nhất trong cáccuộc biểu tình hàng năm trong lịch sử tám năm qua.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50041849
Bầu cử thành phố tại Hungary :
Đảng cầm quyền thất bại
Đảng cầm quyền Hungary của thủ tướng Orban để mất thủ đô Budapest trong cuộc bầu cử cấp thành phố ngày 13/10/2019. Theo kết quả kiểm 80 % số phiếu, ứng cử viên đại diện cho các đảng đối lập, Gergely Karacsony đánh bại đô trưởng mãn nhiệm Istvan Tarlos, ứng viên của đảng bảo thủ cầm quyền FIDESZ.
Từ thủ đô Budapest thông tín viên Florence La Bruyère nói đến một vố đau đối với thủ tướng Viktor Orban.
“Ứng viên đại diện cho cánh trung và đảng bảo vệ môi trường, Gergely Karacsony hoàn thành nhiệm vụ : giành lại được thủ đô Budapest từ tay đảng cầm quyền của thủ tướng Viktor Orban. Đây là một thắng lợi vẻ vang của phe đối lập. Phe này giành được đa số tại nhiều quận ở Budapest.
Lần đầu tiên, một số khu vực có truyền thống ủng hộ đảng bảo thủ liên tục điều hành thành phố từ 30 năm qua, đã bỏ phiếu chống lại Viktor Orban. Giới khá giả có khuynh hướng bảo thủ không còn tìm thấy chỗ đứng trong liên minh cầm quyền của ông Orban. Đảng FIDESZ của ông này, với thời gian, ngày càng hiện nguyên hình là một đảng bài châu Âu, đề cao chủ quyền quốc gia và có đường lỗi cực hữu.
Các đảng đối lập cũng đã lập được thành tích tại nhiều tỉnh thành. Lần này, giành được thắng lợi tại 10 thành phố thay vì 3 như trong đợt bầu cử lần trước.
Cho tới nay, phe đối lập bị chia năm sẻ bảy và liên tục bị thất cử nhưng lần nay họ đã tìm ra đồng thuận, thống nhất ủng hộ một ứng cử viên chung. Một liên minh khá rộng rãi đã được thành lập. Đảng cực hữu chẳng hạn đã trực tiếp hay gián tiếp ủng hộ ứng cử viên của bên cánh trung và cánh tả.
Thành tích lần này của phe đối lập cho thấy Victor Orban không còn bách chiến bách thắng, đồng thời phản ánh tâm trạng của người dân Hungary. Nhiều người tại đây chán ngán chính phủ chuyên quyền và tham ô của Viktor Orban”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191014-bau-cu-thanh-pho-tai-hungary-dang-cam-quyen-that-bai
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố
không thoái lui khỏi Syria
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thoái lui trong cuộc phản công nhắm vào các chiến binh người Kurd ở đông bắc Syria “dù bất cứ ai có nói gì”, Tổng thống Tayyip Erdogan được Reuters dẫn lời tuyên bố hôm 14/10.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói thêm rằng cuộc chiến sẽ tiếp tục cho tới khi đạt được “thắng lợi chung cuộc”.
“Chúng tôi quyết tâm tiếp tục chiến dịch tới cùng, mà không bận tâm tới các lời đe dọa”, ông Erdogan nói trong bài phát biểu ở Baku.
“Chúng tôi sẽ quyết tâm hoàn tất điều chúng tôi đã khởi sự. Cuộc chiến của chúng tôi sẽ tiếp tục cho tới khi nào đạt được thắng lợi chung cuộc”.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến quân vào Syria, không kích thị trấn biên giới
Ông Erdogan cũng lên án Liên minh châu Âu và Liên đoàn Ảrập vì đã chỉ trích chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời kêu gọi ngân quỹ quốc tế cho các kế hoạch thiết lập “vùng an toàn” của Ankara ở đông bắc Syria.
Theo Reuters, Tổng thống Trump hiện đối mặt với những lời chỉ trích, kể cả từ những đảng viên Cộng hòa lâu nay vẫn ủng hộ ông, vì đã bật đèn xanh cho ông Erdogan tấn công người Kurd khi quyết định rút một số ít quân Mỹ ra khỏi khu vực biên giới.
Tin cho hay, chính quyền của ông Trump nhiều khả năng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ankara, sớm nhất là trong tuần này.
Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Kurdistan
làm thay đổi « thế cờ » tại Syria
Chiến sự tại Syria lại bước vào một giai đoạn mới. Chủ Nhật ngày 13/10/2019, Damas và lực lượng FDS người Kurdistan tại Syria thông báo đạt được một thỏa thuận liên minh với sự trung gian của Nga. Bước ngoặt này lập lại những thế cờ của một cuộc xung đột dai dẳng kéo dài từ gần chín năm qua.
Đây chính là hệ quả đầu tiên của việc Hoa Kỳ quyết định bỏ rơi đồng minh Kurdistan trong cuộc chiến chống khủng bố. Thông báo quyết định rút quân ra khỏi Syria của Mỹ chẳng khác gì « lộc trời ban » cho Syria.
Tổng thống Bachar al-Assad, mà phương Tây vẫn xem như là « đao phủ » cần phải bị lật đổ, nay « đường đường chính chính » trở lại bàn cờ địa chính trị thế giới. Bị Hoa Kỳ « phản bội » và trước sức tấn công như vũ bão của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng chống thánh chiến người Kurdistan không còn chọn lựa nào khác đành phải thỏa hiệp với chế độ Damas.
Một « thỏa hiệp đau đớn » như tuyên bố của lãnh đạo FDS. Theo đó, Kurdistan phải chấp nhận hai điều kiện chính : Từ bỏ vũ khí và một phần lớn quyền tự trị mà người Kurdistan xây dựng tại vùng đông bắc này.
Với thỏa hiệp này, chế độ Damas có thể tái lập chủ quyền của mình tại vùng lãnh thổ đông bắc, chiếm đến 1/3 diện tích đất nước. Damas thông báo điều hai binh đoàn đến vùng biên giới để ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ « xâm lược ».
Dù vậy, giới quan sát vẫn tỏ ra hoài nghi cho diễn tiến gần đây tại Syria. Chiến sự tại Syria rồi sẽ đi về đâu ? Liệu rằng một cuộc đối đầu trực diện Syria – Thổ Nhĩ Kỳ có thể xảy ra hay không ? Phản ứng của Nga và Iran ra sao ?
Mọi cặp mắt giờ đều đổ dồn về Nga, cho đến lúc này, vẫn làm chủ cuộc chơi tại Syria. Tuy nhiên, với quyết định trên của Mỹ, một câu hỏi được đặt ra : Liệu Matxcơva có thể nào thuyết phục được Ankara hạn chế cuộc tấn công nhắm vào Tall Abyad và Ras al-Ain hay không, tức những vùng có đông người Ả Rập Syria sinh sống ?
Điều này khó xẩy ra. Bởi vì ông Putin cần đến Erdogan trong cuộc chiến mà Damas và Matxcơva tiến hành chống phe nổi dậy đa phần là quân thánh chiến tập trung ở vùng cửa ngõ Idlib, sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở phía tây. Trong khi các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào vùng lãnh thổ do người Kurdistan kiểm soát nằm ở phía đông bắc Syria.
Một hệ quả khác cũng làm cho châu Âu đau đầu : Việc kiểm soát hàng ngàn tù nhân thánh chiến do người Kurdistan giam giữ. Các đợt tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào các khu vực này đã làm phân tán nhiều tên thánh chiến nguy hiểm. Nguy cơ tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo hồi sinh trong khu vực ngày càng lớn. Châu Âu giờ có nguy cơ phải trả giá đắt cho việc phớt lờ lời kêu gọi của đồng minh Kurdistan sớm đưa những tù binh thánh chiến hồi hương.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191014-tho-nhi-ky-tan-cong-kurdistan-syria
Các lực lượng Syria được Nga hậu thuẫn
nhanh chóng “thế chân” sau khi Hoa Kỳ rút lui
Tin từ Beirut/ Ankara – Hôm thứ hai (14/10), các lực lượng Syria do Nga hậu thuẫn tận dụng cuộc rút lui đột ngột của Hoa Kỳ khỏi Syria để tiến sâu vào bên trong khu vực lãnh thổ của người Kurd ở phía nam biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Reuters đưa tin, các cựu đồng minh người Kurd của Washington cho biết, họ mời quân đội chính phủ đến như một biện pháp khẩn cấp để giúp chống lại một cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc chính phủ Syria bố trí lực lượng hôm thứ hai là một chiến thắng lớn đối với Tổng thống Bashar al-Assad và Nga. Nga là đồng minh chính của ông Bashar al-Assad. Nga có được chỗ đứng quân sự trên khắp vùng đất rộng lớn nhất của Syria. Theo thỏa thuận của họ với người Kurd, lực lượng chính phủ đang sẵn sàng để di chuyển vào khu vực biên giới từ thị trấn Manbij đến Derik. Truyền thông nhà nước Syria đưa tin rằng, lực lượng quân đội đã tiến vào Tel Tamer, một thị trấn trên đường xa lộ chiến lược quan trọng M4. Đường xa lộ này chạy theo hướng đông tây khoảng 30 km về phía nam biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Truyền hình nhà nước còn đưa tin về việc người dân chào đón lực lượng Syria tiến vào thị trấn Ain Issa, nằm trên một phần khác của đường xa lộ. Phần lớn đường xa lộ M4 nằm ở rìa phía nam của phần lãnh thổ mà Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu thiết lập một khu vực an toàn bên trong Syria.
Mộc Miên
Bão Hagibis: Nhật Bản phải huy động
lực lượng cứu hộ 110,000 người
Nhật Bản phải triển khai 110,000 binh sĩ và nhân viên cứu hộ sau khi một trong những cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm ập đến, làm ít nhất 31 người thiệt mạng.
Bão Hagibis đã đổ bộ vào phía Nam Tokyo vào thứ Bảy, di chuyển về phía Bắc và gây ra lũ lụt nghiêm trọng.
15 đã người mất tích do cơn bão, đài truyền hình công cộng NHK cho biết.
Ở trung tâm quận Nagano, nước bao quanh các tàu cao tốc nổi tiếng của Nhật Bản trong khi máy bay trực thăng phải bốc đi những cư dân mắc kẹt từ trên các nóc nhà.
Nhật Bản bị trận bão mạnh nhất 25 năm tấn công
Cơn bão khởi đầu cho ngành khí tượng thế giới
Bão Jebi tàn phá nước Nhật, chín người thiệt mạng
Tại thành phố Kawagoe, phía Bắc Tokyo, các phi hành đoàn khẩn cấp đã sử dụng thuyền để giúp đỡ cư dân bị mắc kẹt trong một viện dưỡng lão.
Khoảng 400.000 ngôi nhà bị mất điện với nước chảy cũng ập đến. Dịch vụ xe lửa và các chuyến bay bị hủy bỏ dưới sự đe dọa cơn bão Hagibis đang mạnh trở lại.
Cơn bão đã khiến một số trận đấu bóng bầu dục World Cupbị hủy bỏ nhưng trận đấu quan trọng giữa Nhật Bản và Scotland vẫn diễn ra vào Chủ nhật.Nhật Bản thắng 28-21 và lần đầu tiên lọt vào tứ kết.
Vòng loại cho Giải đua xe Công thức 1 của Nhật Bản cũng bị gián đoạn nhưng cuộc đua đã được tiếp tục.
Đến Chủ nhật, cơn bão đã suy yếu và rời khỏi đất liền nhưng để lại bao đổ nát và tàn phá.
Hàng ngàn sĩ quan cảnh sát, lính cứu hỏa, lính bảo vệ bờ biển và quân đội hiện đang làm việc để tiếp cứu những người bị mắc kẹt bởi lở đất và lũ lụt.
Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản cho biết họ sẽ làm việc tại “những ngôi nhà bị cô lập bởi lũ lụt … và tìm kiếm những người đang bị mất tích.”
Hơn bảy triệu người được khuyến khích rời khỏi nhà của họ ở đỉnh điểm của cơn bão, nhưng người ta cho rằng chỉ có khoảng 50.000 người ở trong các nhà tạm trú.
Thủ đô Tokyo tương đối không bị thiệt hại nhưng các thành phố và thị trấn khác trên toàn quốc bị ngập trong nước.
Ở thị trấn Hakone mức mưa tính ra là hơn 1 mét, tổng số cao nhất từng được ghi nhận tại Nhật Bản trong hơn 48 giờ.
Ở quận Nagano, những con đê dọc theo sông Chikuma bị lún, và nước lũ tràn vào khu dân cư.
Chỉ mới tháng trước, bão Faxai đã tàn phá các khu vực của Nhật Bản, làm hư hại 30.000 ngôi nhà, hầu hết trong số đó chưa được sửa chữa.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50032075
Số người thiệt mạng vì bão lớn ở Nhật tăng cao
Con số người chết vì bão lớn ở Nhật hôm 14/10 đã tăng lên ít nhất 56 người, trong khi 15 người vẫn mất tích, theo Reuters.
Ngoài ra, theo NHK, có ít nhất 211 người bị thương.
Hàng chục nghìn nhân viên cứu hộ, trong đó có các binh sĩ, đã tỏa ra khắp các khu vực bị ảnh hưởng vì cơn bão Hagibis, vốn có nghĩa là “tốc độ” theo thổ ngữ Tagalog ở Philippines.
Có thuyền viên Việt trên tàu chở hàng bị chìm vì bão lớn ở Nhật
Reuters dẫn lời Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng trận bão gây ảnh hưởng trên diện rộng, đồng thời kêu gọi trợ giúp khẩn đối với các nạn nhân của Hagibis.
“Vẫn còn chưa tìm được nhiều cư dân. Những người mặc quân phục đang tham gia các chiến dịch cứu hộ cả ngày lẫn đêm”, ông Abe nói tại một phiên họp khẩn, theo Reuters.
“Thiệt hại trên diện rộng và hơn 30 nghìn người vẫn còn trong tình thế phải được sơ tán. Chúng ta cần phải nhanh chóng hỗ trợ những người bị ảnh hưởng”.
World Cup 2022 : Hai miền Triều Tiên
đối đầu trong lúc bế tắc ngoại giao
Thứ Ba 15/10/2019, hai đội bóng Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc gặp nhau trong khuôn khổ vòng đấu loại World Cup 2022 tại Bình Nhưỡng. Trận đấu diễn ra trong bối cảnh Seoul và Bình Nhưỡng đối thoại hai miền rơi vào bế tắc.
Một trận đấu bảng lịch sử. Bởi vì, đây là lần đầu tiên vòng đấu được diễn ra ở Bình Nhưỡng. Thế nhưng, các bế tắc về ngoại giao đang có những tác động lên việc tổ chức trận cầu. Không như những gì diễn ra trong Thế Vận Hội 2018, lần này, chế độ Bắc Triều Tiên từ chối bàn thảo trực tiếp với Hàn Quốc về cách thức trận lượt về bảng H.
Trận cầu có sẽ được truyền hình trực tiếp hay không ? Đội tuyển Hàn Quốc có thể đến thi đấu được hay không ? Hiện không ai biết rõ câu trả lời. Thứ Sáu, 11/10/2019, phát ngôn viên bộ Thống Nhất Hàn Quốc, cơ quan phụ trách quan hệ với Bắc Triều Tiên thất vọng cho biết là « đã thử thăm dò phía Bắc về những câu hỏi trên qua nhiều kênh khác nhau nhưng chưa được phản hồi ».
Về phía FIFA, cơ quan quốc tế này chỉ đơn giản cho biết « vẫn giữ liên lạc thường xuyên » với hai liên đoàn. Phát ngôn viên của FIFA hy vọng « bóng đá là khả năng duy nhất cho phép hợp nhất mọi người trong tinh thần lễ hội và fair play và chúng tôi thành thật hy vọng là trận cầu sẽ diễn ra ngày 15/10 tại Bình Nhưỡng ».
Theo AFP, nếu trận cầu diễn ra như đúng dự kiến, quốc ca của Hàn Quốc sẽ được cất lên và quốc kỳ của Hàn Quốc cũng sẽ được kéo, đây có sẽ là hai điều hiếm thấy tại Bình Nhưỡng.
Hong Kong: Tập Cận Bình cảnh cáo
“tan xương nát thịt” nếu chia rẽ TQ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc với những người biểu tình ở Hong Kong, rằng bất kỳ nỗ lực nào để chia rẽ Trung Quốc cũng sẽ kết thúc trong cảnh “tan xương nát thịt.”
Biểu tình Hong Kong: Lý do khiến Starbucks bị tấn công
Hong Kong: 750 trẻ em bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình 4 tháng qua
“Bất kỳ thế lực nào bên ngoài chống lưng cho những âm mưu chia rẽ Trung Quốc đều bị nhân dân Trung Quốc xem là ảo tưởng,” ông Tập nhấn mạnh.
Bình luận trên được ông Tập được đưa ra trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Nepal hôm qua 13/10, theo đài truyền hình CCTV của Trung Quốc.
Cũng trong ngày hôm qua, xung đột lại diễn ra giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình trong các cuộc biểu tình ôn hòa tại Hong Kong.
Các trạm giao thông công cộng và các cửa hàng, được xem là thân Bắc Kinh, đã bị đập phá gây hư hại.
Biểu tình đã diễn ra tại một số khu vực trong thành phố. Và trong chiều hôm qua, ít nhất 27 trạm MTR – tức hệ thống tàu điện ngầm của Hong Kong – đã phải đóng cửa.
Cảnh sát nói rằng họ chỉ huy động “lực lượng tối thiểu” để giải tán người biểu tình. Tuy nhiên, cảnh quay video cho thấy, những người đi mua sắm vào dịp cuối tuần cũng bị cuốn trong hỗn loạn.
Trong cảnh quay này, một số người phải hét lên và dường như đã bị thương khi lực lượng công vụ xông vào một trung tâm mua sắm.
Theo hãng tin Reuters, những người đi mua sắm cũng đã đứng về phía người biểu tình và đồng thanh buộc cảnh sát chống bạo động với khiên chắn phải rời khỏi một trung tâm thương mại.
Bom xăng đã được ném vào đồn cảnh sát Mong Kok.
South China Morning Post dẫn lời giới hữu trách cho biết rằng, một sĩ quan cảnh sát bị chém vào cổ và phải vào bệnh viện. Hiện sức khỏe của người này đã ổn định.
Một người đàn ông thứ hai cáo buộc rằng ông ta bị những người biểu tình đánh. Nhưng người ta đã phát hiện trong túi ông ta có một chiếc dùi cui, dẫn tới suy luận rằng ông ta thực ra là một cảnh sát mật.
Cảnh sát được cho là đã bí mật trà trộn vào những người biểu tình nhằm chia rẽ họ.
Ngay trong đêm 13/10, một nhóm những người biểu tình đã kéo bức tượng cao ba mét đặt trên đỉnh ‘Lion Rock’ (tức núi Sư Tử), một ngọn núi nổi tiếng mà từ đó, có thể nhìn xuống đảo Hong Kong từ phía xa.
Bức tượng này được gọi là ‘Lady Liberty’ (Tạm dịch là: Cô gái Hồng Kông Tự do), vốn là một biểu tượng của các cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Thiết kế tượng lấy cảm hứng từ trang phục của người biểu tình Hong Kong, với dấu hiệu đặc trưng là đội mũ bảo hiểm, đeo kính bảo hộ và mang mặt nạ phòng độc.
Bức tượng tái hiện hình ảnh một cô gái, người mà những người biểu tình cho rằng, đã bị thương ở mắt do bị cảnh sát bắn đạn.
Một nhóm gồm vài chục người biểu tình, một số phải mang đèn bão trên đầu, đã kéo đặt bức tượng lên trên đỉnh núi cao khoảng 500m ngay trong cơn giông.
Bức tượng giương cao biểu ngữ màu đen với dòng chữ: “Revolution of our time, Liberate Hong Kong” (tạm dịch là: Cuộc Cách mạng của thời đại chúng ta. Giải phóng Hồng Kông.”
Các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra ở Hong Kong từ tháng 6, nhằm chống lại dự luật dẫn độ, một động thái mà nhiều người lo ngại sẽ làm suy yếu nên từ pháp độc lập của thành phố này và gây nguy hiểm cho các nhà bất đồng chính kiến.
Sau đó, dự luật đã được rút, nhưng các cuộc biểu tình tiếp tục mở rộng với các yêu cầu về thực thi đầy đủ các quyền dân chủ và nhà chức trách phải tiến hành điều tra các cáo buộc về các hành vi đàn áp của cảnh sát với người biểu tình.
Đầu tháng này, chính quyền thành phố sử dụng điều lệ quy định khẩn cấp (ERO) vốn đã có từ thời thành phố này hãy còn là một thuộc địa của Anh, cấm việc đeo mặt nạ, khẩu trang tại các cuộc tụ tập công cộng. Tuy nhiên, những người biểu tình tuyên bố sẽ chống lại quy định này.
Hơn 2.300 người đã bị bắt kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra ở Hong Kong.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50038269
Dân Hồng Kông tiếp tục biểu tình ủng hộ dân chủ
Tin từ HỒNG KÔNG – Các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình vào tối Thứ Hai 14/10 sau một đợt cuối tuần bất ổn khác.
Người biểu tình ném bom xăng, và cảnh sát đáp trả bằng hơi cay và đạn cao su, khi tình trạng bạo lực ở thành phố do Trung Cộng cai trị không hề có dấu hiệu thuyên giảm. Theo tin từ Reuters, các nhà hoạt động cho biết họ dự định tập trung tại Chater Garden ở quận Kim Chung gần trụ sở chính phủ vào lúc 1100 GMT, một ngày sau khi những người biểu tình tràn ngập trên khắp lãnh thổ.
Vào hôm Chủ Nhật (13/10), các cuộc biểu tình ôn hòa rơi vào tình trạng hỗn loạn khi các nhà hoạt động và cảnh sát đụng độ trên khắp trung tâm tài chính châu Á. Trong một trong những sự việc nghiêm trọng nhất, một sĩ quan bị một người biểu tình chém vào cổ và được đưa đến bệnh viện. Cảnh sát cho biết những người biểu tình ở quận Tseung Kwan O của New Territories tấn công hai sĩ quan mặc thường phục và đánh họ liên tiếp vào đầu bằng vật cứng. Các sĩ quan này được đưa đến bệnh viện với nhiều vết thương ở đầu.
Người biểu tình ném hơn 20 quả bom xăng vào một đồn cảnh sát ở khu vực Vượng Giác dọc bến cảng ở Kowloon, và phá hoại các trạm tàu điện ngầm cũng như các doanh nghiệp Trung Cộng đại lục hoặc những doanh nghiệp được xem là thân Bắc Kinh. Những người biểu tình một lần nữa nhắm vào nhà điều hành đường sắt MTR Corp, công ty bị họ cáo buộc thông đồng với chính phủ và cảnh sát bằng cách đóng cửa sớm một số dịch vụ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/dan-hong-kong-tiep-tuc-len-ke-hoach-bieu-tinh-ung-ho-dan-chu/
Quan điểm của giới học giả TQ về Chiến lược
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ hiện nay
Theo giới chuyên gia, học giả Trung Quốc, Mỹ sẽ triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương theo bốn hướng và mục đích là nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.
Nhiều bài viết trên các tạp chí, báo mạng Trung Quốc tập trung phân tích về Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, trong đó cho rằng Mỹ đang triển khai nhiều biện pháp, cách thức khác nhau để chống lại Trung Quốc.
Thứ nhất, Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chuẩn bị ứng phó với xung đột vũ trang bùng phát với Trung Quốc. Điều này ngà càng nổi bật bao gồm nhiều hơn các cuộc tập trận đối kháng mô phỏng môi trường thực chiến, chuẩn bị cho chiến tranh của Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bắt đầu được chú ý đặc biệt khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mở đầu bài phát biểu của mình tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) Đà Nẵng tháng 11/2017 bằng việc bày tỏ sự vinh hạnh được “hiện diện tại Việt Nam, trái tim của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Trong suốt chuyến công du châu Á dài gần hai tuần của mình, Tổng thống D.Trump đã liên tục sử dụng thuật ngữ này như có hàm ý về chiến lược mới của Mỹ ở khu vực vẫn thường được biết đến là châu Á – Thái Bình Dương. Mặc dù hai năm trở lại đây, cọ xát thương mại Mỹ – Trung Quốc trở thành mối quan tâm của cộng đồng quốc tế, nhưng Mỹ vẫn không hề giảm sức ép đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Mỹ tăng cường bố trí quân sự ở Biển Đông để đối với với trường hợp xung đột với Trung Quốc ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Mỹ cũng quan tâm đối phó với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan vì Đài Loan được coi là mắt xích quan trọng của Mỹ trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Thứ hai, Mỹ tìm cách xây dựng hệ thống đồng minh, đối tác nhiều tầng nấc, thúc đẩy cơ cấu an ninh liên kết mạng, tiến tới củng cố sức mạnh kiềm chế quân sự đối với Trung Quốc. Mỹ hy vọng xây dựng một kết cấu bốn vành đai, coi trọng hơn khu vực Nam Á, Đông Nam Á, Nam Thái Bình Dương, mở rộng quan hê an ninh, quân sự. Vành đai thứ nhất gồm các nước Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan. Vành đai thứ hai gồm Singapore, Đài Loan, New zealand, Mông Cổ. Vành đai thứ ba gồm các nước Malaysia, Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh, Papua New Guinea. Vành đai thứ tư gồm các nước Anh, Pháp, Canada. Bốn nước và cũng là các cường quốc về kinh tế, quân sự đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ. Đây là những nước thành viên của nhóm “Đối thoại an ninh bốn bên” (gọi tắt là nhóm “Bộ tứ,” hay “Tứ giác kim cương”) được hình thành từ năm 2007 do sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Quan điểm của chính quyền bốn nước về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mặc dù rất gần với nhau nhưng cũng không hoàn toàn trùng khớp. Trong khi Mỹ cho rằng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực trải từ bờ tây nước này tới bờ tây Ấn Độ thì tầm nhìn của Nhật Bản lại tham vọng hơn khi mở rộng tới tận bờ đông của Châu Phi. Tuy chưa có định nghĩa chính thức của mình nhưng Ấn Độ có quan điểm tương tự Nhật Bản; còn cách nhìn của Australia về cơ bản giống Washington. Một điểm chung nổi bật đó là: dù còn khác biệt về quan điểm nhưng cả bốn nước đều ủng hộ và nhấn mạnh vai
trò trung tâm của Ấn Độ với chiến lược mới. Ấn Độ có tiềm năng và sẵn sàng gánh vác trách nhiệm an ninh khu vực.
Thứ ba, Bộ Quốc phòng Mỹ và các cơ quan trong chính quyền Mỹ tìm cách an ninh hóa vấn đề kinh tế nên chắc chắn có ảnh hưởng tiêu cực đến Sáng kiến “vành đai, con đường” (BRI). BRI bị phương Tây chỉ trích là thiếu minh bạch, chất lượng thấp, xâm phạm lãnh thổ và làm nhiều nước nghèo ngập trong nợ nần. Tuy nhiên, sự tham gia ở mức độ khác nhau của đông đảo các nước trong khu vực vào sáng kiến này cho thấy sức ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc. Mỹ tìm cách gây ra những xung đột về kinh tế, công nghệ để gây sức ép với Trung Quốc, nhằm thay đổi tình trạng công nghiệp quân sự của Mỹ quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Mỹ lo ngại các công ty của Trung Quốc sẽ vượt mặt các công ty Mỹ và chiếm lĩnh chuỗi cung ứng toàn cầu về sản xuất và hàng hóa. Mỹ sẽ gần như không thể cạnh tranh Trung Quốc về đầu tư cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh chính trị trong nước khi gói đầu tư cơ sở hạ tầng nội địa vẫn bế tắc và bức tường biên giới “to với một cánh cửa đẹp” của Tổng thống Trump vẫn chỉ đang dừng lại ở mức hàng rào. Tuy nhiên đóng góp quan trọng nhất của Mỹ sẽ ở khía cạnh hợp tác quân sự. Với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của mình, chính quyền Trump đã đề xuất ngân sách quốc phòng 2019 ở mức 716 tỉ USD, tăng 7% so với đề xuất cho năm 2018 và 13% so với chi tiêu quốc phòng 2017. Ở thời điểm hiện tại, tiềm lực quân sự của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vẫn có ưu thế lấn át. Việc đầu tư mạnh mẽ vào quốc phòng của nước này có lẽ sẽ tạo điều kiện cho mở rộng hợp tác quân sự và hỗ trợ nhiều hơn cho các đồng minh và đối tác trong khu vực.
Thứ tư, Mỹ tiếp tục hoàn thiện, linh hoạt sử dụng các công cụ chính sách khác nhau, nâng cao tính tác động qua lại với đồng minh và đối tác. Đầu tháng 2/2018, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ ý định sẽ đề cử Thống đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ tư lệnh Thái Bình Dương làm Đại sứ Mỹ tại Australia. Harris là người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc và ủng hộ mạnh mẽ việc tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ngay sau chuyến đi tới châu Á của Tổng thống Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Đại sứ Tina Kaidanow, người đứng đầu Vụ các vấn đề Chính trị – Quân sự cũng đã có hai chuyến đi riêng rẽ tới Việt Nam để thảo luận về mở rộng hợp tác quân sự giữa hai nước. Một trong những kết quả rõ rệt nhất là chuyến thăm khiến Trung Quốc nhíu mày của tàu sân bay USS Carl Vinson tới cảng Tiên Sa, Đà Nẵng đầu tháng tháng 3/2018.
Tóm lại, tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương đóng vai trò quan trọng cho dòng chảy dầu mỏ, khí đốt, và hàng hoá trên thế giới. Đây cũng là nơi có hai eo biển quan trọng nhất với tuyến vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông tới Australia và Đông Á. Trung bình mỗi ngày có 17 triệu thùng dầu mỏ được vận chuyển qua Eo biển Hormuz và 15.2 triệu thùng qua Eo biển Mallacca. Mặt khác, đây cũng là vùng biển nổi tiếng bất ổn định với nạn cướp biển và khủng bố. Trong khi đó năng lực hàng hải của các nước trong khu vực vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, việc đảm bảo an ninh cho tuyến huyết mạch của kinh tế thế giới được các quốc gia đặc biệt quan tâm. Bên cạnh các yếu tố về chống cướp biển, khủng bố, hỗ trợ cứu hộ cứu nạn thì còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn tới sự ra đời của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đây cũng là điều mà giới nghiên cứu Trung Quốc lo ngại và đang tìm cách đối phó.
TQ chọc giận kỳ phùng địch thủ ngay trước “giờ G”
New Delhi hôm qua (9/10) đã phản ứng một cách đầy tức giận sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục thể hiện sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Pakistan Imran Khan trong vấn đề Kashmir. Động thái của ông Tập Cận Bình diễn ra chỉ hai ngày trước khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình trong một “hội nghị thượng đỉnh không chính thức”.
Kashmir là khu vực từng là nguyên nhân của hai cuộc chiến tranh giữa hai nước láng giềng Ấn Độ và Pakistan. Việc New Delhi hủy bỏ cơ chế tự trị dành cho vùng Kashmir hồi tháng 8 đã khiến cho cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Pakistan về vấn đề này càng trở nên căng thẳng hơn.
Tại cuộc hội đàm ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Thủ tướng Pakistan Khan rằng Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Kashmir và rằng thực tế đã rất rõ ràng, tờ Tân Hoa Xã đưa tin. “Trung Quốc ủng hộ Pakistan bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình và hy vọng
các bên liên quan có thể giải quyết các cuộc tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình”, ông Tập Cận Bình nói.
Một tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Pakistan nói rằng, Trung Quốc “phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm phức tạp hóa tình hình” trong khi cuộc tranh chấp “nên được giải quyết một cách hòa bình và hợp lý dựa trên Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như các thỏa thuận song phương.”
Những phát biểu trên được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra chỉ hai ngày trước khi Nhà lãnh đạo Trung Quốc có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Modi ở Chennai vào hai ngày cuối tuần này. Những gì ông Tập Cận Bình nói đã thể hiện sự ủng hộ ngầm của Trung Quốc dành cho Pakistan và điều này khiến Ấn Độ tức giận.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã nói: “Lập trường của New Delhi là nhất quán và rõ ràng. Đó là, Jammu và Kashmir là một phần không thể thiếu của Ấn Độ. Trung Quốc biết rõ lập trường của chúng tôi. Các nước khác không có quyền bình luận về các vấn đề nội bộ của Ấn Độ”. Đây là lời đáp trả cứng rắn mà phía New Delhi đưa ra sau những phát biểu của ông Tập Cận Bình.
Diễn biến trên cho thấy, cuộc gặp sắp tới giữa ông Tập Cận Bình và ông Modi khó có triển vọng thành công khi hai nước không tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề.
Trung Quốc và Pakistan có mối quan hệ đồng minh thân thiết trong khi Trung Quốc với Ấn Độ đối đầu nhau trên nhiều mặt trận. Trong nhiều thập kỷ qua, Bắc Kinh luôn lên tiếng và có nhiều hành động bảo vệ Pakistan.
Mới đây, Trung Quốc đã miêu tả việc Ấn Độ hủy bỏ cơ chế đặc biệt dành cho hai khu vực Jammu và Kashmir được áp dụng từ năm 1947 là một điều “không thể chấp nhận” và là mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia Pakistan. Cùng với cuộc tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, Trung Quốc cũng tranh chấp một dải đất ở Kashimi có tên là Aksai Chin.
Ấn Độ và Pakistan đang đối đầu căng thẳng đến mức có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến tranh. Ấn Độ và Pakistan trong những tháng vừa qua đã có những động thái quân sự gây lo ngại rất lớn, trong đó có vụ bắn máy bay của nhau. Vào thời điểm đó, Paksitan đã đóng cửa không phận. Ít nhất 6 sân bay đã bị đóng cửa ở Ấn Độ và một khu vực không phận rộng lớn ở phía bắc thủ đô New Delhi cũng bị đóng, không cho phép các chuyến bay dân sự. Ấn Độ còn cho biết, họ đã xây 14.000 boongker dọc biên giới với Pakistan để chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh. Trung Quốc chắc chắn là nước quan ngại hàng đầu nếu Ấn Độ và Pakistan nổ ra chiến tranh bởi hai nước này nằm áp sát ngay cửa ngõ của Trung Quốc. Một cuộc chiến tranh nổ ra đương nhiên sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến Trung Quốc. Trung Quốc vốn là đồng minh thân thiết của Pakistan.
Trong khi đó, quan hệ giữa Trung Quốc và nước láng giềng Ấn Độ không mấy êm đẹp. Giữa hai nước có cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng ở khu vực biên giới. Ngoài ra, còn tồn tại một cuộc đua ngầm rất mạnh giữa hai nước lớn của Châu Á nhằm tranh giành ảnh hưởng về vị thế trong khu vực cũng như quốc tế. Trong những năm qua, New Delhi nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của họ là nhằm để đối phó với hai nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan.
Ông Tập Cận Bình và ông Modi dường như đã hàn gắn được phần nào mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc khi họ gặp nhau trong hội nghị thượng đỉnh không chính thức đầu tiên ở thành phố Wuhan của Trung Quốc hồi tháng Tư năm ngoái. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, ngoài các sự kiện nóng ở Kashmir, Ấn Độ gần đây còn tăng cường tham gia vào nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Australia và Nhật Bản để đối trọng lại với Trung Quốc. Ấn Độ còn tổ chức tập trận ở bang Arunachal Pradesh – nơi Bắc Kinh và New Delhi đang tranh chấp một phần lãnh thổ ở đó.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30870-tq-choc-gian-ky-phung-dich-thu-ngay-truoc-gio-g.html
Úc đang đàm phán để tăng cường
nguồn cung đất hiếm bên ngoài Trung Cộng
Tin từ MELBOURNE, Úc – Úc đang thúc đẩy các cuộc đàm phán riêng với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn về việc phát triển các dự án khai thác đất hiếm tại địa phương trong nỗ lực thúc đẩy sản xuất bên ngoài Trung Cộng, nước đang thống trị sản lượng nguyên liệu.
Đất hiếm, một nhóm gồm 17 yếu tố cần thiết trong các thành phần cho hệ thống hỏa tiễn và điện tử tiêu dùng, được coi là vũ khí tiềm năng trong cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ – Trung Cộng, khiến nhiều nước tập trung nỗ lực phát triển các nguồn cung cấp mới. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Úc Matt Canavan cho biết các viên chức Úc tổ chức các cuộc đàm phán mới với các đối tác Hoa Kỳ, và đang xem xét cách tốt nhất để giúp các dự án giành được quyền hỗ trợ tài chính, cũng như đạt được các hợp đồng cung cấp dài hạn. Ông Canavan còn cho biết thêm rằng các cuộc thảo luận tương tự được tổ chức vào tháng trước tại Nhật Bản và Nam Hàn.
Hồi tháng 7, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ra lệnh cho Bộ Quốc Phòng thúc đẩy sản xuất một loạt nam châm đất hiếm được sử dụng trong phần cứng quân sự, do lo sợ rằng Trung Cộng có thể hạn chế xuất cảng các sản phẩm này. Các nhà khoa học Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cũng đến thăm các dự án ở Úc trong năm qua, bao gồm cả dự án Browns Range của công ty Northern Minerals.
Vào tháng 8, Lynas, nhà cung cấp đất hiếm lớn nhất bên ngoài Trung Cộng, cho biết họ tổ chức các cuộc hội đàm với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Cơ quan Hậu cần Quốc phòng. Công ty này, với một mỏ ở Úc và nhà máy chế biến ở Malaysia, đang xem xét các kế hoạch xây dựng một cơ sở ở Texas. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/uc-dang-dam-phan-de-tang-cuong-nguon-cung-dat-hiem-ben-ngoai-trung-cong/