Tin khắp nơi – 14/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 14/10/2017

UNESCO chọn lãnh đạo mới

Cơ quan văn hóa Liên hiệp quốc ngày 13/10 chọn cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp, Audrey Azoulay, làm tân lãnh đạo UNESCO, trao cho bà chìa khóa vực dậy tương lai của cơ quan này sau khi Mỹ rút chân.

Sau vòng bỏ phiếu thứ năm, bà Azoulay chiến thắng sít sao trước ứng viên Hamad bin Abdulaziz al-Kawari của Qatar và xác nhận cuối cùng sẽ tùy vào sự chuẩn thuận của 195 thành viên trong UNESCO vào ngày 10/11 tới đây.

“Trong thời khủng hoảng này, chúng ta hơn bao giờ hết cần hỗ trợ, tăng cường và cải tổ UNESCO thay vì bỏ rơi tổ chức này,” bà Azoulay phát biểu với báo giới và cho biết bà sẽ hiện đại hóa tổ chức.

“Nếu tôi được xác nhận, điều đầu tiên tôi sẽ làm là phục hồi tính nhiệm cho UNESCO, phục hồi lòng tin của các thành viên và hiệu năng để có thể vận hành,” bà Azoulay nói.

Như vậy, bà Azoulay, người sẽ thay thế bà Irina Bokova người Bulgaria lãnh đạo UNESCO từ năm 2009 tới nay, sẽ phải tìm cách mang lại sức sống mới cho Tổ chức Văn hóa Khoa Học Giáo dục Liên hiệp quốc có trụ sở tại Paris này.

Mỹ đúng ra cung cấp 1/5 nguồn quỹ tài trợ cho UNESCO, nhưng đã đình trệ từ năm 2011 khi UNESCO chấp nhận Palestine làm thành viên toàn diện.

Ngày 12/10 Mỹ tuyên bố chia tay UNESCO, tố cáo tổ chức này thiên vị chống lại Israel. Israel cũng tuyên bố sẽ rút ra khỏi UNESCO.

Theo Reuters

https://www.voatiengviet.com/a/unesco-chon-lanh-dao-moi-/4069831.html

 

WeChat Trung Quốc dùng từ xúc phạm chủng tộc

Ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc WeChat đã phải lên tiếng xin lỗi sau khi phần mềm này sử dụng từ một từ phản cảm về người da đen.

Khi gõ “người nước ngoài da đen” bằng tiếng Trung, ứng dụng WeChat sẽ tự động dịch thành chữ ‘n*gger’ một từ khiếm nhã dùng để gọi những người Mỹ da đen.

Công ty này đổ lỗi cho các thuật toán gây ra lỗi dịch thuật này.

Vụ việc này được phát hiện bởi Ann James, một người Mỹ da đen sống ở Thượng Hải, khi cô nhắn tin cho các đồng nghiệp Trung Quốc của mình để nói rằng cô đến trễ.

TQ chặn WhatsApp trước Đại hội Đảng

TQ kiểm duyệt bài viết ‘tiêu cực’ về Bắc Kinh

Họ đã phản kháng lại kiểm duyệt ra sao?

Cô James, người dùng tính năng dịch của WeChat để đọc phản hồi bằng tiếng Trung đã nhận được câu trả lời: “‘N*gger’ đến muộn.”

Hốt hoảng, cô kiểm tra cụm từ tiếng Trung – “hei laowai” – với một đồng nghiệp và biết rằng đó là một cụm từ biểu hiện ý nghĩa trung lập chứ không có ý nghĩa miệt thị.

WeChat thừa nhận lỗi này đối với trang tin tức Sixth Tone của Trung Quốc, nói rằng: “Chúng tôi rất xin lỗi về bản dịch không phù hợp. Sau khi nhận được phản hồi của người dùng, chúng tôi ngay lập tức khắc phục vấn đề.”

Phần mềm của ứng dụng sử dụng trí thông minh nhân tạo vốn tích hợp từ khối lượng tin nhắn khổng lồ để chọn ra bản dịch tốt nhất.

Chúng dựa trên ngữ cảnh, do đó đôi khi nó sử dụng các cụm từ xúc phạm khi nói về điều gì tiêu cực.

Một cửa hàng địa phương ở Thượng Hải đã kiểm tra ứng dụng và thấy rằng khi được sử dụng để chúc mừng sinh nhật một người nào đó, cụm từ “hei laowai” được dịch là “người nước ngoài da đen”.

Nhưng khi một câu bao gồm các từ tiêu cực như “trễ” hoặc “lười biếng”, nó lại dùng từ mang tính xúc phạm phân biệt chủng tộc.

Gần một tỷ người sử dụng WeChat, cho phép người dùng chơi trò chơi, mua sắm trực tuyến và thanh toán mọi thứ cũng như gửi tin nhắn. Nó giống với một ứng dụng trò chuyện phổ biến, WhatsApp, nhưng chịu sự kiểm duyệt.

Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Toronto đã phân tích các thuật ngữ bị chặn trên WeChat vào tháng Ba và phát hiện các cụm từ bị chặn bao gồm “Trả tự do cho Tibet” và những từ đề cập đến Lưu Hiểu Ba, nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng của Trung Quốc.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41619922

 

Ông Trump ‘ra đòn’ với thỏa thuận hạt nhân Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/10 giáng một đòn mạnh vào thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 bất chấp phản đối của các cường quốc khác, không xác nhận Tehran tuân thủ thỏa thuận và cảnh báo có thể sẽ kết liễu thỏa thuận này.

Thay đổi chính sách này được loan báo trong bài diễn văn mà qua đó ông chi tiết hóa một phương án đối đầu hơn với Iran vì các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Tehran cũng như sự hậu thuẫn của nước này đối với các tổ chức cực đoan ở Trung Đông.

Nhà lãnh đạo Mỹ tố cáo Iran không đáp ứng tinh thuần thỏa thuận hạt nhân và cho biết mục tiêu của ông là phải làm sao bảo đảm Tehran không bao giờ thủ đắc võ khí hạt nhân.

Ông Trump không rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận, nhưng để cho Quốc hội có 60 ngày để quyết định nên hay không tái ban hành trừng phạt kinh tế với Iran vốn được tháo dỡ chiếu theo thỏa thuận 2015.

Quyết định hôm nay làm leo thang căng thẳng với Iran và đặt Washington vào thế bất đồng với các nước khác cùng tham gia ký kết thỏa thuận như Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, và Liên hiệp Châu Âu.

Quan điểm cứng rắn của ông Trump với Iran làm Tehran phẫn nộ nhưng lại được Israel hoan nghênh.

Quyết định của Tổng thống Trump về Iran là một phần trong cách tiếp cận của ông đối với các thỏa thuận quốc tế, với phương châm ‘Nước Mỹ trên hết’ vốn là lý do khiến ông Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp ước biến đổi khí hậu Paris và Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP.

Theo Reuters

https://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-ra-don-voi-thoa-thuan-hat-nhan-iran-/4069828.html

 

Iran thách thức Tổng thống Trump

2015 giữa Iran với 6 cường quốc, Tổng thống Iran, Hassan Rouhani, tuyên bố Tehran có thể rút chân nếu thỏa thuận tiếp diễn không phục vụ lợi ích quốc gia Iran.

Thách thức Tổng thống Trump, ông Rouhani khẳng định Tehran sẽ tăng đôi nỗ lực mở rộng khả năng quốc phòng kể cả chương trình phi đạn đạn đạo bất chấp Mỹ áp lực đình chỉ.

Trước đó, Tổng thống Trump loan báo ngưng xác nhận thỏa thuận quốc tế về hạt nhân Iran và cảnh báo có thể sẽ kết liễu thỏa thuận này.

“Không Tổng thống nào có thể hủy bỏ một thỏa thuận quốc tế…Iran sẽ tiếp tục tôn trọng thỏa thuận chừng nào thỏa thuận ấy còn phục vụ lợi ích của chúng tôi,” Tổng thống Iran nhấn mạnh trong bài diễn văn được truyền hình trực tiếp và nói thêm rằng lời lẽ của ông Trump đầy những xúc phạm và tố cáo giả dối chống lại người dân Iran.

Tổng thống Trump chưa rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân mà để Quốc hội có 60 ngày để quyết định xem nên hay không nên tái áp đặt chế tài kinh tế với Tehran vốn được dỡ bỏ chiếu theo thỏa thuận ký kết năm 2015 để Iran ngưng phát triển bom hạt nhân.

“Đất nước Iran chưa từng và sẽ không bao giờ cúi đầu trước bất kỳ áp lực nước ngoài nào…Thỏa thuận Iran không thể nào tái thương lượng,” Tổng thống Iran tuyên bố.

Thay đổi trong chính sách Mỹ được Tổng thống Trump loan báo trong bài diễn văn mà qua đó ông chi tiết hóa một phương án đối đầu hơn với Iran vì các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Tehran cũng như sự hậu thuẫn của nước này đối với các tổ chức cực đoan ở Trung Đông.

Nhà lãnh đạo Mỹ tố cáo Iran không đáp ứng tinh thuần thỏa thuận hạt nhân và cho biết mục tiêu của ông là phải làm sao bảo đảm Tehran không bao giờ thủ đắc võ khí hạt nhân.

Theo Reuters

https://www.voatiengviet.com/a/iran-thach-thuc-tong-thong-trump-/4069827.html

 

Ứng viên được Trump đề cử bị phản đối

Các nhóm bảo vệ môi trường ngày 13/10 chỉ trích việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn người từng viết bài nói rằng CO2 không phải là chất gây ô nhiễm làm ứng viên của một ủy ban Tòa Bạch Ốc chuyên phụ trách về môi trường.

Tòa Bạch Ốc ngày 12/10 loan báo ông Trump đề cử bà Kathleen Hartnett White, một cựu giới chức quản lý môi trường hàng đầu của Texas vào Hội đồng của Tòa Bạch Ốc về Chất lượng Môi trường. Hội đồng này đề ra các mục tiêu chính sách môi trường của chính quyền Trump.

Bà White, hiện là thành viên nghiên cứu cao cấp của Viện Chính sách Công Texas, từng đặt nghi vấn về quan niệm cho rằng đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra những gia tăng nguy hại về nhiệt độ toàn cầu. Trong bài thể hiện quan điểm trên Austin American-Statesman ngày 20/6/2016, bà White nói khí tự nhiên đã bị ‘vu khống sai lệch’ và rằng chúng ta nên biết đó là loại ‘khí của cuộc sống’.

Chủ tịch Nhóm Làm việc Môi trường, Ken Cook, ngày 13/10 tuyên bố với quan niệm đó, bà White có thể tạo điều kiện “cho việc cướp bóc tràn lan các chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.” Nhóm này tự xưng là một tổ chức phi đảng phái, phi lợi nhuận nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.

Nhóm môi trường mang tên Sierra Club gọi bà White là ‘kẻ biện hộ cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.’

Một phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc nói bà White với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực môi trường, là ứng viên hoàn toàn đủ điều kiện cho vị trí Tổng thống vừa đề cử.

Đại đa số các nhà khoa học tin rằng khí thải CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính góp phần gây biến đổi khí hậu, khiến mực nước biển dâng cao, gây hạn hán và bão lớn thường xuyên.

Bà White không phải là ứng viên đầu tiên được ông Trump đề cử gia nhập chính quyền của ông phản đối sự đồng thuận về mặt khoa học này. Hồi tháng 3, ông Scott Pruitt, điều hành Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, từng tuyên bố ông không tin là CO2 là nguyên nhân chính làm cho trái đất ấm dần lên.

Theo Reuters

https://www.voatiengviet.com/a/ung-vien-duoc-tong-thong-trump-de-cu-bi-phan-doi-/4069823.html

 

APEC 2017 với những vấn đề sẽ nêu

Lan Hương, RFA

Sáng ngày 12/10, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS diễn ra buổi hội thảo bàn về nội dung và kế hoạch cho Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tại Việt Nam tháng 11 tới đây. Buổi hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Hạ viện Hoa Kỳ, đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ và các chuyên gia về APEC.

APEC năm nay theo kế hoạch sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam, với 63 thành viên từ 21 nền kinh tế của châu Á.

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Phạm Quang Vinh nhận định rằng APEC đã mang lại nhiều thành tựu tích cực cho sự phát triển của Việt Nam trong suốt 30 năm qua. Tuy nhiên ông cho rằng APEC năm nay sẽ phải đối diện với nhiều thách thức do những thay đổi trong khu vực và trên thế giới:

Những thách thức này bao gồm sự phát triển của công nghệ, sự phát triển năng động của khu vực trong đó có các tầng lớp cấu trúc khác nhau trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và mối quan tâm về toàn cầu hóa như các ưu tiên khác nhau được các chính phủ khác nhau đặt ra.

Ngoài ra ông cũng cho rằng sự thay đổi về địa chính trị trong khu vực và thế giới cũng là một thách thức cho APEC năm nay. Theo ông đây là một vấn đề ảnh hưởng đến chiến lược và kinh tế của khu vực.

Về các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên thảo luận trong APEC, ông Vinh tiết lộ:

Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và hòa nhập, chúng tôi sẽ đề cập đến những cải cách cơ cấu; Cải tiến, phát triển nguồn nhân lực trong thời đại kỹ thuật số, ví dụ như xây dựng một cộng đồng bền vững và hòa nhập, và hội nhập kinh tế khu vực sâu hơn. Đồng thời chúng tôi cũng sẽ bàn bạc việc hướng tới các mục tiêu, tầm nhìn sau năm 2020 và hướng tới FTA (Hiệp định Tự do Thương mại) ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và hỗ trợ cho hệ thống thương mại và kết nối đa phương.

Thứ ba là củng cố khả năng cạnh tranh và đổi mới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSMBs) trong thời đại kỹ thuật số, cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp này vào chuỗi giá trị toàn cầu, tương tác số, và đổi mới.

Chúng tôi sẽ đề cập đến những cải cách cơ cấu; cải tiến, phát triển nguồn nhân lực trong thời đại kỹ thuật số, ví dụ như xây dựng một cộng đồng bền vững và hòa nhập, và hội nhập kinh tế khu vực sâu hơn.
– Đại sứ Phạm Quang Vinh

Một ưu tiên nữa ông Vinh nêu ra đó là việc tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo ông, Việt Nam đang phải đối mặt với mực nước biển dâng cao vì vậy rất cần sự trợ giúp từ quốc tế.

Liên quan đến vấn đề này, ông cho biết APEC sẽ thảo luận về an ninh lương thực, quản lý tài nguyên, phát triển nông thôn/đô thị, đầu tư vào nông nghiệp, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm,…

Đại sứ Matthew J. Matthews, Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách APEC nói rằng việc Tổng thống Trump tham gia APEC năm nay thể hiện cam kết tham gia vào sự phát triển kinh tế khu vực châu Á của Hoa Kỳ.

Ông cho biết các lĩnh vực Hoa Kỳ sẽ ưu tiên bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới này:

Chúng tôi phối hợp với Việt Nam, Nhật Bản và các thành viên APEC khác để nhấn mạnh và triển khai những ưu tiên bao gồm thương mại kỹ thuật số, cải cách cơ cấu, các điều kiện thuận lợi cho thương mại, khả năng cạnh tranh của ngành dịch vụ và vấn đề phụ nữ tham gia phát triển kinh tế.

Có nhiều vấn đề kinh tế cần quan tâm nhưng chúng tôi nhấn mạnh đến những yếu tố này vì chúng tôi tin rằng đây là những yếu tố chính để tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào thế kỷ XXI.

Theo ông Matthews, sự tương tác giữa Mỹ và APEC quan trọng vì đã mang lại 2,8 tỷ khách hàng, 60% tổng GDP toàn cầu. Kim ngạch thương mại và dịch vụ hai chiều 2015 năm đạt 2,9 ngàn tỷ đô la. Tổng đầu tư của Hoa Kỳ vào khu vực là 845 tỷ đô và đem lại 4,2 triệu công ăn việc làm cho người Mỹ và con số này sẽ tăng lên nếu Washington tiếp tục phối hợp với APEC.

Về thương mại kỹ thuật số ông nhận xét rằng đây là ngành có nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng ẩn chứa nhiều thử thách. Các công ty Mỹ ngày càng lo ngại về hàng rào thương mại kỹ thuật số và muốn các quốc gia có thể hợp tác để xóa bỏ những hàng rào này để họ có thể tối ưu hóa khả năng trao đổi thương mại:

Những hàng rào này bao gồm yêu cầu bắt buộc địa phương hóa, các giới hạn về dòng chảy tự do của dữ liệu,…sẽ ngăn cản phát triển xuất khẩu trong lĩnh vực năng động này.

Chúng tôi muốn nhân cơ hội tham gia vào APEC để chỉ ra những hàng rào này và đưa ra những giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số và khuyến khích các nền kinh tế cam kết duy trì cố định một không gian mạng miễn thuế.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết năm 2014 Hoa Kỳ xuất khẩu khoảng 400 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ trong lĩnh vực thương mại kỹ thuật số.

Bộ này cũng cho biết nền thương mại kỹ thuật số tạo ra hơn 8 ngàn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu và kéo theo ngành kinh doanh truyền dữ liệu đạt 2,8 nghìn tỷ USD.

Theo ông Matthew, phụ nữ tham gia phát triển kinh tế là một trong những ưu tiên của APEC năm nay, là do hiện tại phụ nữ chiếm một nửa dân số thế giới nhưng tỷ lệ đóng góp vào nền kinh tế còn rất hạn chế:

Mục tiêu là xóa bỏ những rào cản khiến phụ nữ cảm thấy mặc cảm về khả năng hay ngăn cản họ trong việc theo đuổi những cơ hội tham gia phát triển kinh tế.

Về cải cách cơ cấu, ông cho biết APEC sẽ thảo luận về cách thức tăng cường tính minh bạch liên quan đến vấn nạn tham nhũng trong phát triển kinh tế.

Nước chủ nhà Việt Nam cũng là một quốc gia có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng trong khu vực. Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2016 cho biết Việt Nam xếp thứ 2 về tham nhũng trong khu vực châu Á, chỉ sau Ấn Độ.

Mục tiêu là xóa bỏ những rào cản khiến phụ nữ cảm thấy mặc cảm về khả năng hay ngăn cản họ trong việc theo đuổi những cơ hội tham gia phát triển kinh tế.

– Matt Matthews

Trả lời phỏng vấn đài RFA, ông Yasuhiko Yoshida, Chuyên gia cao cấp về APEC, đồng thời cũng là Phó Cục trưởng Cục Chính sách Thương mại thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết về sự khác biệt giữa APEC năm nay so với các năm khác:

Năm ngoái chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu chiến lược toàn diện. Đây sẽ là cơ sở để chúng tôi thực hiện tự do hóa đầu tư và thương mại tại châu Á. Vì vậy chúng tôi đã sẵn sàng để bàn thảo về các vấn đề chiến lược và hiểu sâu hơn về các vấn đề như dịch vụ kỹ thuật số chẳng hạn. Đây sẽ là một cơ hội lớn cho các nền kinh tế thành viên APEC để thảo luận về các lĩnh vực kinh tế một cách kỹ lưỡng như chuyện đầu tư chẳng hạn.

Khi được hỏi rằng là một quốc gia thành viên, ông nhận thấy APEC lần này có ý nghĩa như thế nào với nước chủ nhà Việt Nam, ông Yoshida cho biết:

Đây là một cơ hội lớn cho Việt Nam khi là nước chủ nhà, dẫn đầu buổi hội nghị. Chúng tôi đang bàn bạc với Việt Nam về cách đạt hiệu quả về hội nhập kinh tế khu vực. Đặc biệt với Việt Nam, chúng tôi đã hợp tác để thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ trong nước và giúp đỡ Việt Nam thúc đẩy cơ sở hạ tầng. Chúng tôi đang hoàn thành quá trình bình duyệt nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng. Và chúng tôi cũng sẽ đào tạo xây dựng năng lực cho người Việt.

Cục đầu tư Nước ngoài của Việt Nam cho biết trong nửa đầu năm 2017, Nhật Bản là quốc gia có nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam lớn nhất, đạt 5,08 tỷ đô la, chiếm 26,45 % tổng vốn đầu tư. Hiện Nhật đang mở rộng đầu tư công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, và ở một số khu kinh tế như Đồng Nai, Nhật chủ yếu đầu tư công nghiệp hỗ trợ.

Vừa qua, nhà Trắng đã ra thông cáo cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ tới dự APEC tại Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm châu Á kéo dài từ ngày 3/11 đến ngày 14/11.  Trong chuyến đi này, Tổng thống Trump cũng sẽ thăm các quốc gia Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc.

Theo kế hoạch mà ông Đại sứ Việt Nam Phạm Quang Vinh chia sẻ thì từ ngày 8/11 đến 10/11 Việt Nam sẽ buổi giao lưu giữa các nước thành viên APEC. Sau đó là buổi đối thoại giữa Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC) và các lãnh đạo APEC vào chiều ngày 10/11. Tiếp đó hội nghị giữa các lãnh đạo APEC sẽ diễn ra trong cả ngày 11/11.

Chủ đề của buổi hội nghị này sẽ là phát triển sáng tạo, công ăn việc làm ổn định trong thời kỳ kỹ thuật số. Phần thứ hai là những động cơ phát triển thương mại, đầu tư và kết nối kỹ thuật số. Và phần cuối là nuôi dưỡng một tương lai chung.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/issues-covered-in-apec-2017-10132017132830.html

 

Đài Loan đẩy mạnh công nghệ quốc phòng nội địa

Tổng thống Đài Loan nhấn mạnh sự cần thiết đối với đảo quốc này phải củng cố công nghiệp quốc phòng trước những mối đe dọa đến từ Hoa Lục.

Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn đã đẩy nhanh công nghiệp quốc phòng, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không, tàu ngầm và an ninh mạng. Hồi tháng 6, chính phủ của bà Thái Anh Văn đã thiết lập một cơ quan đặc biệt để lãnh đạo nỗ lực tăng cường an ninh mạng, bao gồm dự án nghiên cứu về công nghệ điện từ.

Bà Thái Anh Văn nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ quốc phòng bản địa trong bài diễn văn ngày Quốc khánh hôm thứ Ba 10/10.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động xây dựng nền công nghiệp quốc phòng của chúng ta thông qua trao đổi kỹ thuật.”

Bà nói:

“Trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi quyết tâm chế tạo các máy bay và tàu ngầm của chính chúng ta, lĩnh vực này sẽ tạo ra nhiều việc làm mới.”

Tổng Thống Đài Loan miêu tả chiến tranh không gian ảo là “mối đe dọa ngày càng tăng”, bà cảnh giác rằng Đài Loan “phải chuẩn bị tốt hơn” để đối phó với mối đe dọa này.

Máy bay huấn luyện và tàu ngầm

Đài Loan đang chế tạo một máy bay huấn luyện và đóng một tàu ngầm để giúp hoàn thành mục tiêu của Tổng thống Thái Anh Văn, đó là phát triển một lực lượng quân đội tự lực hơn trong bối cảnh nhiều nước sẽ ngần ngại bán các loại vũ khí này cho Đài Loan vì sợ làm phật lòng Trung Quốc.

Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan Chen Chung-chi, thì đảo quốc này đang chuẩn bị đưa vào sử dụng máy bay huấn luyện tiên tiến thế hệ thứ hai, để nâng cao kỹ năng của phi công.

Chính quyền Đài Loan cũng hy vọng có thể thay thế hai tàu ngầm mua của Hà Lan trong những năm 1980, vì các tàu này đã quá cũ kỹ, và được sử dụng trong thời gian quá dài.

Tháng 2 năm nay, Bộ yêu cầu Viện Khoa học và Công nghệ Chung-Shan của Đài Loan hãy bắt tay làm việc để chế tạo nhiều máy bay huấn luyện 66 XT-5 Blue Magpie. Theo kế hoạch các máy bay này sẽ được đưa vào sử dụng năm 2020, thay thế một đội tàu quá cũ kỹ.

Tăng cường kế hoạch phòng thủ bản địa

Đây là nỗ lực mới nhất của Đài Bắc để thúc đẩy công nghiệp quốc phòng bản địa như là một cách tự bảo vệ chống lại Trung Quốc.

Trung Quốc vẫn coi đảo quốc tự trị Đài Loan như một phần thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.

Với một lực lượng quân đội hùng mạnh hạng ba thế giới, Trung Quốc từng đe dọa sẽ chiếm Đài Loan bằng vũ lực, nếu cần.

Áp lực ngoại giao của Trung Quốc trên khắp thế giới cũng khiến nhiều chính phủ tránh, không bán vũ khí cho Đài Loan, mặc dù Hoa Kỳ vẫn phê chuẩn các thỏa thuận tương tự.

https://www.voatiengviet.com/a/dai-loan-day-manh-cong-nghe-quoc-phong-noi-dia/4069530.html

 

Bắc Triều Tiên chuẩn bị bắn tên lửa (báo chí)

Thanh Hà

Nhật báo Donga Ilbo ấn hành tại Seoul số ra ngày 14/10/2017 trích dẫn một nguồn tin từ chính quyền của Hàn Quốc về khả năng Bắc Triều Tiên chuẩn bị bắn tên lửa. Kế hoạch được Bình Nhưỡng dự trù vào thời điểm cuộc tập trận chung Mỹ Hàn mở ra từ ngày 16 đến 26/10/2017.

Theo nguồn tin trên, Washington và Seoul lo ngại Bình Nhưỡng sẽ thử loại tên lửa liên lục địa Hwasong 14 hay 12, có tầm bắn tới lãnh thổ Mỹ như vùng Alaska, hay đảo Guam trong khu vực Thái Bình Dương.

Tờ báo ấn hành tại Seoul này còn nêu lên một khả năng thứ ba, đó là Bắc Triều Tiên sẽ thử nghiệm tên lửa tầm trung Hwasong -13, có thể bắn sang tới bờ Tây nước Mỹ. Trước mắt, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc từ chốn bình luận về tin trên.

Trong khi đó theo tiết lộ của tờ báo Nhật Bản, Asahi Shimbun, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc đang “rà soát lại một cách triệt để chiến lược phòng thủ” để đối phó với khả năng bị Bắc Triều Tiên tấn công. Kế hoạch này đã được trình lên Quốc Hội hôm 12/10/2017 và chiến lược phòng thủ mới của Hàn Quốc dự trù sẽ được thực hiện kể từ tháng 12/2017.

Trong bối cảnh căng thẳng đó trên bán đảo Triều Tiên, lực lượng Không Quân Mỹ trong vùng Thái Bình Dương (Pacaf), ngày 13/10/2017 cho biết điều nhiều loại máy bay, trực thăng, chiến đấu cơ … đến Seoul dự triển lãm hàng không, tổ chức tại Hàn Quốc từ ngày 17 đến 22/10/2017.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171014-bac-trieu-tien-chuan-bi-ban-ten-lua-bao-chi

 

Bầu cử cấp vùng:

Một cuộc trắc nghiệm chính trị tại Venezuela

Thanh Hà

Lần đầu tiên từ sau bầu cử Quốc Hội Lập Hiến hồi tháng 8/2017 gây chia rẽ sâu rộng trên chính trường Venezuela, ngày mai 14/10/2017, cử tri nước này lại được kêu gọi bầu lại lãnh đạo cấp vùng. Đây là một cuộc trắc nghiệm đối với cả tổng thống Maduro lẫn phe đối lập.

Venezuela lún sâu vào khủng hoảng cả về mặt chính trị, kinh tế lẫn xã hội. Tường trình của đặc phái viên Marie Normand có mặt tại thành phố Maracaibo, bang Zulia. Đây là nơi người dân phải đối mặt với những khó khăn kinh tế nghiêm trọng nhất :

Chỉ cách dinh thự của thống đốc bang Zulia có vài bước, khoảng 100 người đang đứng xếp hàng trước một cơ quan hành chính, dưới trời nắng nóng khốc liệt. Một phụ nữ buông miệng chửi thề. Bà đã đứng xếp hàng từ 5 tiếng đồng hồ để có được một tờ giấy chứng nhận, đó là chìa khóa cho phép bà xuất ngoại.

Bên cạnh người phụ nữ này là một người đàn ông, được thuê để đứng xếp hàng. Trong túi ông ta có rất nhiều những mẫu đơn đã khai sẵn chỉ cần được đóng một con dấu. Nào là giấy khai sinh, chứng chỉ, bằng cấp, học vị. Ông nói ngày nào cũng có rất nhiều giấy tờ để đợi được đóng dấu. Nhờ vậy mà kiếm được đến 20.000 đồng bolivar, đó là tiền để mua bánh mì, mỗi khoanh bánh tốn 700 bolivar. Vì vậy mà dân chúng ở đây muốn đi khỏi Venezuela.

Một nữ doanh nhân, Yamily Vergel Leon đang tìm đường sang Mỹ. Cô cho biết đường phố Maracaibo từ nhiều tháng qua ngày càng vắng bóng người, nhất là giới sinh viên, thầy cô giáo. Họ đi rồi lấy ai thay thế ?

Linda Maria Govea tìm cách để bằng nha sĩ của bà được công nhận và để được cấp một chứng chỉ hành nghề tương đương. Bà sinh ra trên vùng đất này nhưng đang tìm cách sang Colombia đoàn tụ với con trai. Bà nói, trong 15 năm hành nghề bà có nhiều bệnh nhân nhưng giờ đây mọi người đều đã đi hết cả, không đủ sống.

Với bà nha sĩ này, cuộc bầu cử cấp vùng ngày mai là một trò hề. Linda Maria lưỡng lự không biết có đi bầu hay không, nhưng có lẽ cũng sẽ phải đến phòng phiếu để lương tâm không bị cắn rứt. Bởi đây là việc cuối cùng bà sẽ làm trước khi rời khỏi thành phố và đất nước này.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171014-bau-cu-cap-vung-mot-cuoc-trac-nghiem-chinh-tri-tai-venezuela

 

Cựu tổng thư ký LHQ yêu cầu Hội Đồng Bảo An

áp lực trên Miến Điện

Thanh Hà

Điều trần trong một phiên họp kín trước Hội Đồng Bảo An ngày 13/10/2017 với tư cách chủ tịch ủy ban bảo vệ quyền của người Hồi Giáo Rohingya, cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã kêu gọi gia tăng áp lực trên chính quyền Miến Điện để người tị nạn Rohingya tại Bangladesh sớm được trở về nguyên quán, chấm dứt khủng hoảng nhân đạo.

Thông tín viên RFI từ trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, Marie Bourreau, tường trình :

Ông Kofi Annan đã ghi nhận một điều : không có kế hoạch B nếu như chính quyền Miến Điện từ chối các đề xuất của Liên Hiệp Quốc nhằm khép lại khủng hoảng cả về mặt chính trị lẫn nhân đạo đã đẩy hơn nửa triệu người Rohingya sang Bangladesh. Cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nói tới nhu cầu cần có ‘một lộ trình rõ ràng và phải có sự đồng thuận của chính quyền Miến Điện’, nếu không khủng hoảng này sẽ kéo dài trong nhiều năm.

Trước mắt, các nhà ngoại giao kêu gọi Naypyitaw chấm dứt các vụ bạo hành, cho phép và không gây trở ngại cho các tổ chức nhân đạo đến hiện trường, bảo đảm an ninh cho thường dân. Thế nhưng đòi hỏi này không được toại nguyện do vấp phải sự chống đối từ phía Nga và Trung Quốc.

Ngoài ra, ông Annan còn yêu cầu quốc tế công nhận quy chế của người Rohingya và phải công nhận quyền của số này được trở về nguyên quán. Quốc tế không thể để người tị nạn Rohingya sống mãi trong các trại tạm cư ở Bangladesh.

Tới nay, Miến Điện vẫn viện cớ là tình hình rất ‘phức tạp’, cho dù đã tỏ thiện chí khi khẳng định là muốn cộng tác với Liên Hiệp Quốc. Trong cuộc họp kín hôm qua tại Hội Đồng Bảo An, Miến Điện có cử một quan chức đến dự.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171014-rohingya-cuu-tong-thu-ky-lhq-yeu-cau-hoi-dong-bao-an-tang-ap-luc-voi-mien-dien

 

Phủ TT Philippines

cải chính tuyên bố của ông Duterte về LHCÂ

Duy Anh

Phát ngôn viên của tổng thống Philippines Rodrigo ngày hôm qua 13/10/2017, đã lên tiếng xác định rằng không có chỉ thị nào được đưa ra về việc trục xuất các nhà ngoại giao châu Âu, và lời đe dọa trục xuất các đại diện ngoại giao châu Âu được ông Duterte công khai tuyên bố trước đó, chỉ là một phản ứng sai lầm trước thông tin báo chí.

Lời cải chính được đưa ra sau bài diễn văn của ông Duterte hôm 12/10, chỉ trích mạnh mẽ các nước châu Âu muốn khai trừ Philippines khỏi Liên Hiệp Quốc, đồng thời dọa trục xuất đại diện ngoại giao của các nước này trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, tổng thống Philippines đã không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.

Ngay sau đó, ông Ernesto Abella, phát ngôn viên của tổng thống, đã ra thông cáo xác nhận lời đe dọa trục xuất, thế nhưng hôm qua, trước báo giới, quan chức này đã lên tiếng cải chính, tuyên bố không có bất kỳ một mệnh lệnh nào được đưa ra để thực thi việc trục xuất các đại diện ngoại giao.

Việc các nghị sĩ châu Âu viếng thăm Manila và lên án cuộc chiến chống ma túy đẫm máu do ông Duterte khởi xướng từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, đã khiến tổng thống Philippines phẫn nộ và đáp trả bằng bài phát biểu gay gắt kể trên.

Theo phát ngôn viên của phủ tổng thống, ông Duterte đã bày tỏ thái độ với những gì ông đọc được, và điều này cũng « giống như điều mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác sẽ làm trong tình huống có sự xâm phạm chủ quyền quốc gia ». Ông Abella cho rằng đây là một bài học cho chính quyền Manila về « sự cần thiết của việc tường trình và tiếp nhận thông tin có phản biện. »

Liên Hiệp Châu Âu chưa bao giờ có ý kiến đòi khai trừ Philippines ra khỏi Liên Hiệp Quốc. Đại diện Châu Âu tại Philippines cho biết, chuyến thăm của các nghị sĩ Châu Âu không mang tính chất chính thức.

Tổng thống Philippines muốn có một “chính phủ cách mạng”

Cũng liên quan đến cuộc chiến chống ma túy đang bị phản đối, tổng thống Duterte hôm qua đã nêu lên khả năng xây dựng một « chính phủ cách mạng » cho tới cuối nhiệm kỳ, nhằm chống lại những chiến dịch « gây bất ổn ».

Đương kim tổng thống Philippines đã nêu ví dụ của người tiền nhiệm, bà Corazon Aquino, đã cách chức các dân biểu, giải tán Quốc Hội và thiết lập chính phủ cách mạng, sau khi lãnh đạo cuộc nổi dậy giành quyền lực từ tay nhà độc tài Ferdinand Marcos. Cho tới nay, cảnh sát Philippines thông báo đã giết 3850 tên tội phạm, tuy nhiên hàng nghìn người khác đã bị sát hại trong những tình huống không rõ ràng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171014-phu-tt-philippines-cai-chinh-tuyen-bo-cua-ong-duterte-ve-lhca

 

Các cường quốc lo ngại cho hiệp định hạt nhân Iran

vừa bị TT Mỹ đe dọa

Ngay sau lời đe dọa của tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/10/2017 là sẽ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân ký kết với Iran « bất cứ lúc nào », từ Liên Hiệp Quốc đến Liên Hiệp Châu Âu, cũng như các cường quốc đã kết ước với Iran, tất cả đều lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại, và hy vọng rằng văn kiện quốc tế dày công thương thuyết nhằm ngăn chặn việc Iran sở hữu bom nguyên tử, sẽ được duy trì.

Trong một phản ứng mang tính chất biểu tượng rất cao, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Anh Theresa May, ba nước Tây Âu đã trực tiếp đàm phán với Iran, đã ra một thông cáo chung với lời lẽ ngoại giao nhưng kiên quyết, nhấn mạnh rằng ba nước vẫn thiết tha với thỏa thuận đã ký kết, đồng thời kêu gọi các bên « thực thi đầy đủ » hiệp định này.

Tổng thống Pháp còn đi xa hơn khi gọi điện nói chuyện với đồng nhiệm Iran Rohani để đảm bảo với Iran về « sự gắn bó của Pháp » với thỏa thuận năm 2015 và loan báo khả năng ông sẽ công du Iran.

Liên Hiệp Châu Âu, qua lời bà Federica Mogherini, người đặc trách ngoại giao, đã cảnh báo về nguy cơ hủy hoại « một thỏa thuận đang vận hành tốt và hiệu quả đúng theo mong đợi ».

Nga, một cường quốc khác đã đàm phán hiệp định hạt nhân với Iran thì không ngần ngại tố cáo chiến lược tự cô lập Hoa Kỳ của ông Trump trên hồ sơ này.

Dĩ nhiên là Iran đã phản ứng dữ dội. Ông Hassan Rohani, tổng thống nước này đã cho rằng Hoa Kỳ hơn bao giờ hết đã bị cô lập do thái độ chống Iran.

AIEA : Iran tôn trọng thỏa thuận hạt nhân 2015

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng tỏ ý « hết sức hy vọng » là hiệp định hạt nhân Iran được duy trì. Một cách cụ thể hơn, Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế  (IAEA) của Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại Vienna (Áo) đã phản bác lập luận của tổng thống Mỹ theo đó chính quyền Teheran đã không tôn trọng thỏa thuận đã ký kết. Trong bản thông cáo công bố hôm qua, AIEA khẳng định Teheran hoàn toàn tôn trọng thỏa thuận đã được Iran và cộng đồng quốc tế thông qua năm 2015. Thông tín viên Isaure Hiace, từ Vienna cho biết thêm chi tiết:

« Giám đốc Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA, Yukiya Amano, đã lập tức phản ứng sau tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Trong một thông cáo, ông Amano khẳng định, Teheran tôn trọng những điều đã cam kết và AIEA đã thanh tra các cơ sở hạt nhân Iran một cách công bằng và khách quan.

Từ tháng 1/2016, Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA được giao trọng trách giám sát các cơ sở hạt nhân của Iran trong khuôn khổ thỏa thuận đạt được từ tháng 7/2015. Hoa Kỳ đã nhiều lần nghi ngờ về khả năng của cơ quan quốc tế này.

Về điểm đó, ông Yukiya Amano trả lời với phía Mỹ rằng, hiện tại AIEA đang sử dụng phương pháp thanh tra đáng tin cậy nhất trên thế giới trong trường hợp của Iran. Số lượng thanh tra viên tại hiện trường ngày càng gia tăng, và số ngày công tác tại Iran cũng đã tăng lên.

Tóm lại, theo Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế, Iran có thái độ hợp tác. Quốc gia này thậm chí còn cam kết mở rộng quyền hạn cho các thanh tra viên quốc tế tại các cơ sở hạt nhân của mình. Ông Yukiya Amano kết luận : Cho đến nay, AIEA có thể đến hoạt động tại bất kỳ địa điểm nào cần giám sát ».  

Hạt nhân Iran : Giọng điệu gay gắt của Donald Trump

Đúng như dự đoán, trong bài phát biểu khoảng 20 phút hôm qua, tổng thống Hoa Kỳ đã dành cho chính quyền Iran những lời lẽ gay gắt nhất. Tuy nhiên ông Trump tránh nêu khả năng Mỹ rút lui khỏi thỏa thuận mà quốc tế đã đạt được với Teheran vào tháng 7/2015.

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật:

« Hôm nay, tôi thông báo là chúng ta không thể và chúng ta sẽ không chứng nhận cho Iran ». Khi đọc hết bài diễn văn với giọng điệu rất gay gắt, tổng thống Trump giáng một đòn mạnh : ông từ chối xác nhận là Teheran đã tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân Iran.

Lãnh đạo Nhà Trắng một lần nữa nhắc lại rằng đó là một thỏa thuận « tệ hại nhất » mà Washington từng ký kết với một nước.

Thế nhưng khi cần đưa ra một quyết định, Donald Trump lại đùn đẩy trách nhiệm cho Quốc Hội. Lập pháp Hoa Kỳ có 60 ngày để quyết định xem có đề xuất những biện pháp mới để trừng phạt Iran hay không.

Tổng thống Trump chủ trương Hoa Kỳ cần có những biện phát trừng phạt mạnh mẽ để bảo đảm rằng Teheran không bao giờ có được vũ khí hạt nhân và không có phương tiện phát triển chương trình tên lửa đạn đạo.

Trước mắt nước Mỹ không chính thức nêu lên khả năng rút lui khỏi thỏa thuận đã đạt được cách nay hơn 2 năm giữa Iran và cộng đồng quốc tế. Có điều, tổng thống Trump lên giọng hù dọa khi tuyên bố « nếu như chúng ta không tìm ra được một giải pháp với bên Quốc hội và những đồng minh của Hoa Kỳ, thì thỏa thuận này sẽ bị khai tử. Với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ, tôi có thể hủy bỏ thỏa thuận với Iran bất cứ lúc nào ».

Phản ứng nhanh hơn bên lập pháp, bộ Tài Chính Mỹ ngay hôm qua lập tức thông báo sẽ có những biện pháp trừng phạt nhắm vào các quan chức thuộc lực lượng Vệ Binh Hồi Giáo Iran.

Như thông tín viên RFI tại thủ đô Washington vừa nói, Quốc Hội Mỹ giờ đây có 60 ngày để quyết định về khả năng ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran.

Đảng Dân Chủ đương nhiên chống lại giải pháp này, còn đảng Cộng Hòa thì đang bị chia rẽ : một phần lo ngại thái độ cực đoan của Mỹ là động lực thức đẩy Iran phát triển vũ khí hạt nhân, một số khác thì quan tâm đến quyền lợi kinh tế của các tập đoàn Mỹ. Họ lo ngại Hoa Kỳ bị cô lập và nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ bị gạt khỏi thị trường Iran.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171014-cac-cuong-quoc-lo-ngai-cho-hiep-dinh-hat-nhan-iran-vua-bi-tt-my-de-doa

 

Hàn Quốc: “Á quân” thế giới về chỉnh sửa sắc đẹp

Minh Anh

Lễ Chuseok, là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng của người dân Hàn Quốc nói riêng, và người dân Triều Tiên nói chung. Người nông dân tạ ơn tổ tiên đã mang đến một mùa màng bội thu trong năm. Nếu lễ Chuseok là dịp để con cháu tề tựu về thăm ông bà, đấy cũng dịp cho các viện thẩm mỹ « hốt bạc ».

Tạp chí M của Le Monde, số ra cho hai ngày cuối tuần 07-08/10/2017, cho biết nhiều quý cô, quý bà tận dụng mấy ngày nghỉ lễ để chăm chút nhan sắc : nâng mũi, nâng má, gọt cằm hay cắt mí mắt…

Tuần báo đưa ra những con số thống kê ấn tượng : khoảng 1,2 triệu ca phẫu thuật thẩm mỹ đã được thực hiện trong năm 2015 ; cả nước có tổng cộng hơn 1.300 viện thẩm mỹ, trong đó có hơn 670 viện là ở Seoul. Với con số trên, Hàn Quốc xếp thứ ba trên thế giới, đứng sau Hoa Kỳ và Brazil.

Đặc biệt là thủ đô Seoul, điểm thu hút đông đảo khách hàng đến từ khắp châu Á, thậm chí có cả Mỹ và Trung Đông. Bộ Y Tế Hàn Quốc cuối tháng 9/2017 tiết lộ là cứ 100.000 du khách nước ngoài, thì có 35% người Trung Quốc, 13,4% người Mỹ và 7,3% người Nhật đến Hàn Quốc để giải phẫu thẩm mỹ. Nguồn thu từ dịch vụ này đã tăng vọt gấp 4 lần, từ 5,7 tỷ won (tương đương 4,2 triệu euro) năm 2009 lên 221 tỷ won (163 triệu euro) năm 2017.

Tuần báo cho biết là những kỳ nghỉ lễ không chỉ là mùa cao điểm của du lịch mà cho cả lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp. Để có một cuộc hẹn, những người có nhu cầu, đa phần là dân công sở, đều phải đăng ký trước từ hai đến ba tháng. Điều gì đã biến Hàn Quốc thành thiên đường của ngành thẩm mỹ viện ?

Ông Jung Young-Choon, giám đốc viện Hershe, một trong những viện thẩm mỹ nổi tiếng ở Seoul giải thích với tuần báo M : « Trong xã hội Hàn Quốc, có nhan sắc là một lợi thế để kiếm việc làm vàmộtngười chồng tốt. Chính vì những lý do này mà nhiều bậc phụ huynh không ngần ngại thúc giục con mình dùng đến giải pháp phẫu thuật thẩm mỹ ».

Một số người còn mua dịch vụ này để làm quà tặng cho con cái. Vẫn theo giải thích của ông Jung với phóng viên tuần báo : « Tại Hàn Quốc có ba điều quan trọng : giàu có, giáo dục và ngoại hình. Thường giàu có là do nguồn gốc gia đình. Học hành đòi hỏi nhiều nỗ lực. Nhưng với ngoại hình, nếu người ta biết tiết kiệm, họ vẫn có thể làm được điều gì đó, để trở thành người hoàn hảo trong con mắt người khác ».

Chính vì những lập luận trên mà giờ đây việc dựa vào các phẫu thuật thẩm mỹ không có gì phải giữ bí mật. Người dân Seoul giờ quá quen thuộc với hình ảnh nhiều người phụ nữ rời thẩm mỹ viện mặt phủ đầy các vết băng bó.

Singapore : Người máy mát-xa

Đến với Singapore, du khách năm nay sẽ được tận hưởng một dịch vụ chữa bệnh khác chắc là không kém phần hấp dẫn : Đi mát xa do người máy thực hiện.

Emma, tên của người máy đã bắt đầu công việc từ đầu tuần này tại một bệnh viện tư ở Singapore. Trên thực tế, Emma chỉ là một cánh tay đòn, ở đầu trục được gắn những thiết bị giống như là lòng bàn tay và ngón cái của bàn tay.

Sản phẩm do công ty khởi nghiệp AiTreat chế tạo. Hệ thống Emma tiến hành mát xa theo kỹ thuật « tui na » của Trung Quốc. Nhờ vào các thiết bị cảm nhận, cũng như là trí thông minh nhân tạo, Emma có thể đo lường mức độ rắn chắc của cơ và gân của bệnh nhân.

Theo AFP, với 68 đô la Singapore (42 euro), các bệnh nhân của bệnh viện chữa trị theo y học cổ truyền của Trung Quốc được tận hưởng một giờ chăm sóc sức khỏe, bao gồm : 30 phút mát xa trên cơ thể tùy theo vị trí chỗ đau bằng người máy, 5 phút do một thầy thuốc thực hiện và 20 phút châm cứu.

Tuy nhiên, bà Calista Lim, một bác sĩ làm việc tại đây lưu ý, rô-bốt không thể thay thế người, mà chỉ giúp giảm áp lực công việc do số lượng bệnh nhân quá đông. AFP lưu ý là việc sử dụng công nghệ cao tại Singapore còn giúp các bệnh viện ở đây đối phó với tình trạng thiếu nhân lực, do việc ngày càng khó kiếm một thầy thuốc mát xa giỏi.

Indonesia : Một ứng dụng để dự báo núi lửa phun trào

Nhìn sang nước láng giềng Indonesia, quốc gia có gần 130 núi lửa vẫn còn đang hoạt động. Một nhóm các nhà khoa học trong năm đã đưa ra một trình ứng dụng để dự báo núi lửa phun trào và những nguy cơ thảm họa thiên nhiên khác nhau trên khắp quần đảo.

Số người sử dụng ứng dụng trên đã tăng vọt từ tháng 9 này, khi nguy cơ núi lửa Agung tại Bali phun trào trở lại. Hơn 10 000 lượt tải ứng dụng về Android và hơn 800 000 người xem trên trang mạng của ứng dụng. Joel Bronner, thông tín viên đài RFI tại Indonesia cho biết thêm thông tin về ứng dụng này :

« Ứng dụng được đặt tên là Magma Indonesia và đây là ứng dụng đầu tiên dành riêng cho núi lửa. Chương trình phần mềm này bao gồm một bản đồ cho thấy rõ các ngọn núi lửa với nhiều mầu sắc khác nhau.

Từ mầu xanh lá cây là « không có gì để báo động » cho đến mầu đỏ, chỉ rõ mức độ cảnh báo cao nhất. Bản đồ này cho phép thấy sơ qua tình trạng núi lửa trên khắp quần đảo Indonesia – nằm rải từ đông sang tây trên gần 5 000 km.

Ví dụ, trên bản đồ này hiện có hai núi lửa mầu đỏ. Một bên là Sinabung, nằm trên đảo Sumatra, đã phun trào vào cuối tháng 9 này. Bên kia là Agung, ở đảo Bali, có nguy cơ hoạt động trở lại làm gần 150 000 người phải đi sơ tán.

Ngoài núi lửa ra, các dữ liệu còn liên quan đến sạt lở đất và những trận động gần đây cũng có sẵn trong ứng dụng. Và nếu có rủi ro sóng thần ư, một lần nữa chương trình này cũng cung cấp thông tin ».

Ứng dụng Magma Indonesia có thể báo động trực tiếp đến người sử dụng trong trường hợp khẩn cấp mà không cần phải đợi thông tin từ chính quyền. Ý tưởng của ứng dụng này là nhằm tiết kiệm thời gian và thúc đẩy nhanh hơn nữa việc phổ biến thông tin.

Bên cạnh việc báo động khẩn cấp, chương trình phần mềm này còn mang ý nghĩa giáo dục. Các nhà lập trình hy vọng mang đến cho người dân những hiểu biết về thực tế địa chất liên quan đến những chuyển động đang diễn ra trên mặt đất và trong lòng đất.

Trên thực tế, Indonesia trên thực tế là điểm hội tụ của nhiều mảng địa chất, biến quần đảo này thành một vùng có rất nhiều núi lửa, xứng đáng với biệt danh là « vành đai lửa ». Cuối cùng, theo Joel Bronner, ứng dụng này còn là một nguồn cung cấp thông tin cập nhật nhất về an toàn cho tất cả những ai thích leo lên một trong vô số núi lửa của Indonesia.

Hoa Kỳ : Donald Trump bị chỉ trích « tứ bề »

Tại Hoa Kỳ, có lẽ chưa có đời tổng thống nào lại bị chỉ trích « tứ bề » như dưới thời ông Donald Trump. Từ việc bị đại diện Bắc Triều Tiên sỉ vả nặng lời trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, bị các cầu thủ bóng bầu dục phản ứng, giờ đến lượt giới âm nhạc cũng bắt đầu lên tiếng phê phán Donald Trump.

Lần này chính là ca sĩ nhạc rap, Eminem. Trong một đoạn video được phát nhân lễ trao giải thưởng của đài truyền hình Mỹ, Eminem, hiện dẫn đầu số đĩa nhạc Rap bán ra tại Mỹ, đã có một chuỗi lời hát không nhạc nhắm vào tổng thống Donald Trump. Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet tường thuật :

« Trước cơn bão, trời thường yên, biển thường lặng », Eminem đã bắt đầu như thế khi nhắc lại những lời lẽ mập mờ của Donald Trump thường hay sử dụng. Đoạn video được quay dưới một hầm để xe. Ca sĩ nhạc rap mặc một áo khoác đen có mũ choàng, dây đeo cổ bằng vàng, và xả cơn giận nhắm vào tổng thống, ‘kẻ tấn công tự sát vẫn có khả năng là một con thiêu thân hạt nhân’.

Eminem còn nhiều lần nhắc lại tranh luận về việc Donald Trump chỉ trích các cầu thủ bóng bầu dục Mỹ. « Người ta chỉ tập trung vào chuyện này thay vì phải nói đến Porto Rico, hay như cải cách về quản lý vũ khí. Tất cả những thảm kịch đó làm ông nhàm chán, ông chỉ thích dấy lên bão tố trên mạng Twitter ».

Không những thế, Eminem còn chỉ trích cả lối sống của ông Donald Trump. Anh hỏi : « Ông nói rằng ông giảm thuế cho dân, nhưng ai sẽ trả chi phí cho những chuyến đi quá đáng của ông, những chuyến đi về giữa những tư dinh và sân golf nhà ? ».

Cuối những tràng nhạc rap, Eminem mời gọi các fan hâm mộ hãy chọn lựa giữa tổng thống và anh, khi nói rằng : Ủng hộ Trump chính là lằn ranh đỏ !

Đoạn video được nhiều người xem trên các trang mạng xã hội. Eminem nhận được tin nhắn ủng hộ từ các cầu thủ bóng bầu dục. Nhưng các cử tri của Donald Trump cũng có phản ứng nói rằng họ sẽ không nghe ca sĩ nhạc rap nữa. »

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171014-han-quoc-%C2%AB-a-quan-%C2%BB-the-gioi-ve-chinh-sua-sac-dep