Tin khắp nơi – 14/07/2017
TT Trump, Macron tìm cách thu ngắn khác biệt,
nhưng không hứa hẹn về khí hậu
Luis Ramirez
Tổng thống Trump không hứa hẹn sẽ thay đổi quyết định về việc rút Mỹ ra khỏi hiệp ước khí hậu Paris. Đó là điểm gây ra những vụng về trong ngày đầu chuyến thăm Pháp của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ. Nhưng ông Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tập trung tìm tiếng nói chung trong những vấn đề như Syria và chống khủng bố.
Với những bất đồng lớn với Pháp về vấn đề khí hậu và thương mại, những khác biệt vẫn bao trùm chuyến thăm hữu nghị của Tổng thống Trump đến Paris.
Chuyện rắc rối về Nga với cuộc vận động tranh cử của ông đeo bám nhà lãnh đạo Mỹ xuyên Ðại tây dương, và ông còn phải đối diện với những quan ngại của Pháp về quyết định của ông rút Mỹ ra khỏi hiệp ước khí hậu Paris.
Tổng thống Trump nói: “”Một điều gì đó sẽ xảy ra liên quan đến hiệp ước khí hậu Paris. Chúng tôi sẽ xem xét có thể làm gì, và chúng tôi sẽ thảo luận về vấn đề này trong khoảng thời gian tới. Và nếu có gì đó thì tốt, và giả như không có gì thì cũng vẫn tốt.”
Tổng thống Pháp nói: ” Về vấn đề khí hậu, chúng tôi hiểu những khác biệt giữa hai bên. Chúng tôi đã chia sẻ vấn đề này nhiều lần, và tôi nghĩ điều quan trọng chúng tôi sẽ xem có cách nào để tiến tới trong vấn đề này hay không. Tôi tôn trọng quyết định của Tổng thống Trump.”
Không khí thân thiện bao trùm ngày đầu của chuyến thăm, và hai nhà lãnh đạo hình như sẵn sàng cho một khởi đầu lạc quan.
Tổng thổng Trump phát biểu: “Hoa Kỳ tiếp tục cam kết đi đầu trong mục tiêu bảo vệ môi trường trong khi chúng tôi tiếp tục tiến tới trong vấn đề an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế. Quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia, và tôi xin nói thêm là giữa hai chúng tôi, luôn bền chặt.”
Pháp đón chào Tổng thống Trump bằng những nghi thức đặc biệt mà họ chỉ dành cho những vị khách quý nhất.
Tổng thống Mỹ cũng đến viếng lăng Napoleon ở Les Invalides.
Chuyến thăm này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với Tổng thống Macron. Ông cần phải chứng tỏ mình là một nhà lãnh đạo cừ khôi, có thể làm việc được với giới lãnh đạo mới của Mỹ, bất chấp những bất đồng lớn giữa hai bên.
Trong ngày thứ Sáu 14/7, Tổng thống Trump sẽ dự các nghi thức mừng Ngày Bastille với một ý nghĩa đặc biệt đối với Mỹ trong năm nay, nhân đánh dấu 100 năm Mỹ tham gia Chiến tranh Thế giới thứ Nhất.
Trung Quốc và Bắc Hàn tăng mậu dịch song phương
Mậu dịch song phương giữa Trung Quốc và Bắc Hàn tăng hơn 10% trong sáu tháng đầu năm 2017, người phát ngôn hải quan hôm 13/7 nói, mặc cho các lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế khi Bình Nhưỡng theo đổi vũ khí hạt nhân.
Tổng trao đổi mậu dịch từ Tháng Một đến Tháng Sáu tăng 2,25 tỷ đôla, tăng 10.5% cùng kỳ năm ngoái.
Phát ngôn viên hải quan Huang Songping nói Trung Quốc xuất khẩu sang Bắc Hàn 1,67 tỷ đôla, tăng 29,1% trong khi nhập khẩu từ Bắc Hàn giảm 13,2% xuống còn 880 triệu USD.
Phát biểu tại cuộc họp báo về số liệu mậu dịch nói chung của Trung Quốc nửa đầu năm nay, ông Huang nói Trung Quốc đang thực thi rất chặt chẽ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên ông nói một số chính sách cấm vận không bao gồm việc cung cấp hóa phẩm thiết yếu và nhân đạo cho người dân Bắc Hàn.
Tên lửa Bắc Hàn: Hoa Kỳ nói sẽ dùng vũ lực
Lính biên phòng đói và Bắc Hàn lung lay?
Nga và Trung Quốc kêu gọi Bắc Hàn ‘kiềm chế’
Ông Huang cũng nói mức gia tăng xuất khẩu chủ yếu là vải vóc và “các sản phẩm sử dụng nhiều lao động,” không nằm trong danh sách LHQ cấm vận.
Số liệu giao thương được công bố trong bối cảnh chính quyền Hoa Kỳ của Tổng thống Donald Trump bắt đầu mất kiên nhẫn với Trung Quốc sau khi Washington coi là Bắc Kinh không muốn gây áp lực lên Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Tổng thống Trump đăng trên Twitter vào tuần trước rằng “Mậu dịch giữa Trung Quốc và Bắc Hàn tăng gần 40% trong quý đầu tiên. Trung Quốc đang hợp tác với chúng ta đây sao — nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng.”
Ông Trump cũng đăng vài dòng tweet khác: “Hoa Kỳ đang phải đối mặt với một số thỏa thuận mậu dịch tệ nhất trong lịch sử. Tại sao chúng ta phải tiếp tục giao dịch với những nước không giúp đỡ chúng ta.”
Trung Quốc chiếm đến 90% trao đổi mậu dịch chính thức với Bắc Hàn và là nguồn cung cấp dầu lớn nhất cho Bình Nhưỡng.
Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ hôm thứ Ba nói rằng lượng than Trung Quốc nhập khẩu từ Bắc Hàn giảm mạnh kể từ tháng Hai để tuân theo các lệnh thanh trừng phạt của LHQ.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40604082
Trung Quốc bác các chỉ trích về cái chết của Lưu Hiểu Ba
Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, nơi trao giải Nobel Hòa bình, bị lãnh sự Trung Quốc ở Oslo từ chối nhận đơn xin cấp visa.
Bà Berit Reiss-Andersen muốn đến Trung Quốc dự lễ tang ông Lưu Hiểu Ba, người được trao Nobel Hòa bình năm 2010.
Ủy ban Nobel Hòa bình đã tuyên bố Bắc Kinh „chịu trách nhiệm nặng nề” cho cái chết của ông.
Họ cũng nói họ lo ngại cho tình hình của người vợ, bà Lưu Hà, đã bị quản thúc từ 2010.
Trong khi đó, Trung Quốc bác bỏ các chỉ trích của cộng đồng quốc về việc không cho phép nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của nước này, Lưu Hiểu Ba được chữa trị căn bệnh ung thư gan ở nước ngoài.
Trung Quốc nói rằng đây là vấn đề nội bộ và các nước khác “không có thẩm quyền để đưa ra những bình luận không đúng đắn.”
Nhà hoạt động, từng kết án tù 11 năm và qua đời ở một bệnh viện Trung Quốc ở tuổi 61.
Lưu Hiểu Ba, người được giải Nobel Hòa bình, vừa qua đời
Ủy ban Nobel từng trao giải Nobel Hòa bình cho ông năm 2010, nói Trung Quốc “chịu trách nhiệm nặng nề” cho cái chết của ông Lưu.
Bắc Kinh đang bị gây áp lực để trả tự do cho ông, nhà thơ Lưu Hà, đang bị quản thúc tại gia.
Ông Lưu qua đời “một cách thanh thản” chiều 13/7, bên cạnh người vợ và những họ hàng khác, bác sĩ chính của ông, Teng Yue nói.
Lời cuối của ông cho bà Lưu Hà là “Hãy tiếp tục sống tốt.”
Trong một thông cáo báo chí, giới chức cho biết ông Lưu bị suy đa cơ quan.
Quốc tế lên án Trung Quốc
Ủy ban Nobel cho rằng sự ra đi của ông là “quá sớm” và việc Trung Quốc không cho phép ông đi nước ngoài chữa trị là “vô cùng đáng buồn.”
Đức, một trong những quốc gia cân nhấc là một lựa chọn cho ông Lưu, hối hận rằng việc di chuyển đã không diễn ra, Ngoại trưởng Sigmar Gabriel nói.
“Trung Quốc có trách nhiệm trà lời một cách nhanh chóng, công khai và rõ ràng vì sao không phát hiện ra bệnh ung thư này sớm hơn,” ông nói thêm trong một thông cáo.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cũng nói Trung Quốc đã “sai” khi từ chối cho ông Lưu đi nước ngoài.
Trong một thông cáo chính thức đầu tiên kể từ cái chết của ông Lưu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Việc giải quyết vụ việc của ông Lưu là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, các quốc gia khác không có thẩm quyền để đưa ra những lời bình luận không đúng đắn,” theo thông tấn xã Xinhua hôm 14/7.
Ông Lưu Hiểu Ba là ai?
Trong một thông cáo chính thức đầu tiên kể từ cái chết của ông Lưu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Việc giải quyết vụ việc của ông Lưu là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, các quốc gia khác không có thẩm quyền để đưa ra những lời bình luận không đúng đắn,” theo thông tấn xã Xinhua hôm 14/7.
Tháng trước, quan chức Trung Quốc cho biết ông Lưu bị ung thư gan và đã chuyển ông từ nhà tù sang một bệnh viện ở đông bắc Thẩm Dương, nơi ông bị giám sát an ninh nghiêm ngặt.
Trong những ngày cuối đời, các nước phương Tây thúc giục Trung Quốc cho phép ông Lưu được chữa trị ở nước ngoài, nhưng Bắc Kinh từ chối.
Các chuyên gia y tế Trung Quốc nói ông quá yếu để di chuyển tuy nhiên các bác sĩ phương Tây không đồng tình với nhận định trên.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40604087
Đòi tòa Hà Lan xử lấy lại xác ướp sư đưa về lại TQ
Dân làng ở Trung Quốc hôm thứ Sáu đã đưa ra trước một tòa án ở Hà Lan đòi lấy lại một bức tượng Phật có chứa xác ướp 1000 năm tuổi bị cáo giác là đã bị đánh cắp.
Thi thể của vị sư này, có thể thấy bên trong tượng Phật, bị lấy đi từ một chùa ở làng Dương Xuân, một làng nhỏ thuộc tỉnh Phúc Kiến, hồi năm 1995.
Dân làng nói một nhà sưu tầm người Hà lan, người họ đang kiện, đã mua bức tượng này ở Hong Kong năm 1996.
Kể từ đó người ta không biết gì về bức tượng này cho tới khi tượng được trưng bày ở Budapest năm 2015.
Những năm gần đây Bắc Kinh nỗ lực tìm cách đòi lại các di vật mà họ nói là đã bị đánh cắp.
Nhưng cho tới nay ít thành công qua con đường tòa án.
Trường hợp mới nhất này khá phức tạp bởi thực tế là nhà sưu tầm Hà Lan, ông Oscar van Overeem, được cho là đã đổi lấy bức tượng đó với một người buôn bán đồ cổ khác chưa được công bố danh tính và đã đưa cho ông này một vài cổ vật Phật giáo vào cuối năm 2015.
Hiện bức tượng này đang ở đâu còn chưa được rõ.
Bức tượng Phật, vẫn được biết với cái tên “Chương Công Tổ sư Ngọc tượng nội thân đại Phật”, được lưu giữ ở ngôi chùa này hàng thế kỷ qua và được người dân tại đây thờ cúng.
Dân làng đã đem giấu tượng có xác ướp ở nhà mình và thậm chí đem chôn ngoài ruộng trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc vào những năm 1960 và 1970, theo tờ reported the South China Morning Post.
Bức tượng được chiếu X quang cách đây vài năm và nó cho thấy có thi hài của một nhà sư mà người ta cho là 1000 năm tuổi.
Dân làng có thể chứng minh họ là con cháu của nhà sư, luật sư của họ, ông Jan Holthuis, nói với hãng tin AFP.
Ông cho biết họ lập luận rằng theo luật Hà Lan, “một người không được phép sở hữu cơ thể được biết của một người khác.
“Chúng tôi cũng có đủ bằng chứng để chứng minh rằng tuợng thực sự là đã bị đánh cắp từ ngôi chùa,” ông Holthuis nói thêm.
Theo China News Service của nhà nước Trung Quốc, nhà sưu tầm người Hà Lan này đang bác lại tuyên bố này trên cơ sở đơn kiện do các ủy ban của làng xã – những cơ quan không được công nhận là nguyên đơn hợp pháp theo luật của Hà Lan.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40609049
Người dân ASEAN ít tin vào chính phủ
Công dân thuộc khu vực 5 nước ASEAN cảm thấy không có mấy lý do để tin tưởng vào chính phủ của họ.
Kết quả khảo sát Chỉ số về Cảm nghĩ Chính trị do Tạp chí Tài chính Kinh tế, Financial Times, thực hiện cho giai đoạn quí 2 năm nay và được truyền thông loan đi ngày 13 tháng 7 nêu ra như vừa nêu.
Theo kết quả đưa ra thì chỉ số này đã giảm ở ba trong năm quốc gia được khảo sát. Malaysia và Philippines có tăng: Malaysia tăng 1,5 điểm lên gần mức 32; Philippines tăng 2,1 điểm lên mức 55,5. Tuy nhiên chỉ số tăng của Malaysia ít hơn so với một năm trước.
Còn tại Việt Nam, chỉ số này đã giảm 1 điểm xuống 57,2 điểm. Một lý do dẫn đến điều này được đưa ra là do bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng bị bãi chức hồi tháng 5 vì làm thất thoát tài chính tại doanh nghiệp dầu khí quốc doanh PetroVietnam, thời điểm ông làm chủ tịch từ năm 2009-2011.
Tình trạng tham nhũng và quản trị kém tại Việt Nam và Indonesia khiến chỉ số giảm. Thái Lan giảm 3,9 điểm xuống mức hơn 51 một chút.
Khảo sát Chỉ số về Cảm nghĩ Chính trị do Financial Times thực hiện dựa vào phỏng vấn 5 ngàn người dân tại các nước Indonesia, Philippines, Thai Lan, Malaysia và Việt Nam.
Các nhà lập pháp Hồng Kông chống Bắc Kinh
bị miễn nhiệm
Tòa tối cao đặc khu Hồng Kông ngày 14 tháng 7 ra phán quyết không công nhận quyền đại biểu của 4 nhà tranh đấu cho dân chủ, lấy lý do những đại biểu này đã không đọc đúng lời tuyên thệ nhậm chức mà tất cả các đại biểu đều phải đọc trước khi chính thức làm việc, hay có những hành vi sai trái khi đọc lời tuyên thệ nhậm chức.
Phán quyết của Tòa tức khắc bị phe ủng hộ dân chủ lên tiếng phản đối, cho rằng Bắc Kinh đã sử dụng hệ thống tư pháp Hồng Kông để chận đứng mọi hoạt động cổ võ cho dân chủ ở đặc khu.
Phán quyết được Tòa đưa ra chỉ 2 tuần lễ sau khi Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Hồng Kông, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Hồng kong được Anh Quốc trao trả cho Hoa Lục.
Trong bài diễn văn đọc tại Hồng Kông, Chủ Tịch Tập Cận Bình nói rõ rằng Bắc Kinh không chấp nhận và không tha thứ cho bất kỳ ai có ý định thách thức quyền uy của Bắc Kinh hoặc muốn Hồng Kông tuyên bố độc lập, tách rời khỏi Hoa Lục.
Bạn bè thân thiết
vẫn chưa liên lạc được với Vợ Ông Lưu Hiểu Ba
24 tiếng đồng hồ sau tin nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba từ trần, bạn bè thân thiết với ông cho hay vẫn chưa liên lạc được với vợ ông là bà Lưu Hà.
Ông Lưu Hiểu Ba, 61 tuổi, mất ngày 13 tháng 7 ở Bệnh Viện Số Một Thẩm Dương vì chứng ung thư gan. Ông bị bắt giữ từ năm 2008, sau đó bị tòa kêu án 11 năm tù, cáo buộc ông tội âm mưu lật đổ chính quyền, cho dù ông chỉ lên tiếng đòi hỏi dân chủ, công bằng xã hội.
Đến năm 2010, ông được trao giải Nobel Hòa Bình, và cũng từ đó, vợ ông là bà Lưu Hà bị chính quyền Bắc Kinh giam lỏng.
Nhiều chính phủ nước ngoài và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đã lên tiếng bày tỏ sự thương tiếc trước cái chết của ông, đồng thời kêu gọi chính phủ Trung Quốc cho bà Lưu Hà và người thân trong gia đình bà được quyền tự do đi lại, cũng như quyền được tiếp xúc với bạn bè. Nhưng như đã nói, đến giờ vẫn chưa ai có thể liên lạc được với bà.
Cũng cần nói thêm vào sáng ngày 14 tháng 7 trong cuộc họp báo thường lệ ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng phản đối mạnh mẽ những lời bình phẩm mà các nước khác đã đưa ra về cái chết của khôi nguyên Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba, cho rằng không một quốc gia nào được quyền can dự vào chuyện nội bộ của Hoa Lục.
Trong cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng chỉ trích việc Nữ Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn kêu gọi Bắc Kinh đổi mới chính trị, kèm theo lời đe dọa với nội dung cho rằng phát biểu của người đang lãnh đạo chính quyền Đài Bắc có thể tạo anh hưởng bất lợi cho mồi quan hệ song phương.
Phát ngôn viên Cảnh Sảng của Trung Quốc cũng nói ông không có tin tức gì về bà Lưu Hà, nhưng cho biết thêm trong trường hợp bà này muốn xuất ngoại, mọi thủ tục, quyết định sẽ được giải quyết theo đúng với luật pháp Trung Quốc.
Tin mới nhất chúng tôi thu thập được cũng cho hay thì hài ông Lưu Hiểu Ba đã được đưa từ bệnh viện về nhà quàn Thẩm Dương, nhưng ngày giờ cử hành lễ tang vẫn chưa được công bố.
Hơn 150 người bạn của ông đã ký tên trong bản thư ngỏ phổ biến trên mạng, kêu gọi mọi người cùng ký tên để đòi chính phủ Bắc Kinh đồng ý cho dân chúng tham gia lễ tang của nhân vật được ca ngợi là biểu tượng dân chủ của Hoa Lục.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/liu-xiaobo-update-07142017111749.html
HK chuẩn bị trừng phạt mới
đối với công ty TQ dính líu Bắc Hàn
Hoa Kỳ trong vòng những tuần tới có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các ngân hàng nhỏ cũng như các công ty Trung Quốc khác đang kinh doanh với Bình Nhưỡng. Hai quan chức cấp cao của Mỹ cho biết tin này hôm 14 tháng 7.
Một trong hai quan chức này cho biết ngay lúc này các ngân hàng lớn của Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng.
Theo ghi nhận của Reuters, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và các trợ lý cấp cao của ông tỏ ra thiếu kiên nhẫn đối với phản ứng của Trung Quốc về vấn đề Bắc Triều Tiên, đặc biệt kể từ khi xảy ra cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên hồi tuần trước do Bình Nhưỡng tiến hành.
Các quan chức Mỹ cũng cảnh báo rằng Trung Quốc có thể phải đối mặt với áp lực kinh tế và thương mại, điều mà Tổng thống Trump chưa áp dụng kể từ khi nhậm chức vào tháng 1 năm nay.
Cựu Tổng thống Phi Benigno Aquino có thể bị kết tội
Cơ quan chống tham nhũng Philippines vào ngày 14 tháng 7 có lệnh tiến hành vụ kiện hình sự đối với cựu Tổng thống Benigno Aquino liên quan đến cuộc đột kích không thành công cách đây hai năm nhắm vào các phiến quân dẫn tới cái chết của 44 biệt kích cảnh sát.
Vụ đột kích nhằm bắt giữ hai tay súng có liên quan đến tổ chức khủng bố al- Qaeda ở đảo Mindanao miền Nam Philippines thất bại khi các biệt kích thuộc Lực lượng Hành động Đặc biệt bị phiến quân phục kích áp đảo. Đây cũng được xem là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nhiệm kỳ làm tổng thống của ông Aquino.
Thanh tra Conchita Carpio Morales nói với hãng Reuters rằng ông Aquino cần bị truy tố vì ông này đã cho phép cảnh sát trưởng Alan Purisima – một nhân vật bị phía Thanh tra đình chỉ công tác vì các cáo buộc tham nhũng, tham gia vào việc lên kế hoạch và thực hiện cuộc tấn công.
Viên thanh tra này cho biết thêm là những nhân vật bị đình chỉ như vậy không được phép thực hiện bất kỳ hoạt động công nào hay can thiệp vào công việc của nhà nước.
Người dân thế giới vẫn coi Mỹ là nền kinh tế hàng đầu
Một nghiên cứu mới được công bố hôm 13 tháng 7 của Trung tâm Nghiên cứu Pew tại Hoa Kỳ cho thấy phần đông người dân thế giới vẫn cho Mỹ là nền kinh tế hàng đầu thế giới bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ hiện vẫn còn thấp hơn so với Trung Quốc hay Ấn Độ.
42% số người được hỏi ở 38 nước cho biết Hoa Kỳ hiện vẫn là nền kinh tế dẫn đầu thế giới trong khi chỉ có 32% số người được hỏi chọn Trung Quốc. Phần lớn những người chọn Mỹ là cư dân ở khu vực châu Á, hạ Sahara ở châu Phi và Mỹ Latin. Trong khi đó ở 10 nước thuộc liên minh châu Âu, tỷ lệ người chọn Mỹ là nền kinh tế hàng đầu thế giới tương đương với tỷ lệ người chọn Trung Quốc. Ở Australia, số người chọn Trung Quốc cao hơn số người chọn Mỹ.
Khi được hỏi về các nhà lãnh đạo Nga, Mỹ và Trung Quốc, phần đông người dân thế giới đều không có đánh giá tích cực. 53% số người được hỏi nói họ không tin rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể làm điều đúng cho thế giới. 59% không có long tin vào Tổng thống Nga Vladimir Putin. Có đến 74% người được hỏi nói họ không tin vào Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mối thiện cảm của người dân thế giới đối với nước Mỹ cũng giảm đáng kể trong năm đầu tiên của Tổng thống Trump. Có 49% số người được hỏi có cái nhìn tích cực đối với Hoa Kỳ. Con số này là 47% đối với Trung Quốc.
Trung Quốc nhận được nhiều ý kiến tích cực từ các nước vùng hạ Sahara hơn so với các vùng khác ở thế giới. Tuy nhiên số người dân ở các nước châu Á trong đó có Việt Nam có cái nhìn tích cực về Trung Quốc cũng giảm đi. Hoa Kỳ vượt lên trên Trung Quốc về hình ảnh liên quan đến tự do cá nhân. 54% số người được hỏi nói rằng họ tin chính phủ Mỹ tôn trọng các tự do cá nhân của con người. Chỉ có 25% số người được hỏi nói họ tin vào chính phủ Trung Quốc.
Cuộc điều tra được tiến hành trên 41,953 người ở 38 quốc gia từ 16 tháng 2 đến 8 tháng 5 năm 2017.
Mỹ: Du học sinh có thể phải xin visa lại hàng năm
Bộ An ninh Nội địa Mỹ đang xem xét đề nghị đòi hỏi hơn 1,4 triệu du học sinh quốc tế đang học tập tại Hoa Kỳ mỗi năm phải đăng ký lại visa.
Đề nghị này là một phần trong kế hoạch tăng cường an ninh quốc gia bằng cách giám sát kỹ hơn lượng sinh viên quốc tế, theo tờ Washington Post.
Tờ báo dẫn hai giới chức không muốn nêu tên cho hay kế hoạch yêu cầu thay đổi quy định có thể mất tối thiểu tới 18 tháng và cần sự hợp tác của Bộ Ngoại giao.
Bộ Ngoại giao cấp visa, Bộ An ninh Nội địa quản lý và kiểm soát những ai ra vào nước Mỹ.
Nguồn tin này cho hay các giới chức Bộ An ninh Nội địa nêu quan ngại rằng visa dành cho du học sinh hiện mang tính ‘mở ngõ’ quá đà.
Theo báo cáo mới đây của cơ quan này, năm ngoái 2,8% du học sinh và những người cầm visa theo diện trao đổi du học sinh-nghiên cứu sinh đã ở lại Mỹ quá hạn visa, cao hơn gấp đôi tỷ lệ du khách tới Mỹ ở lại quá hạn.
Phát ngôn nhân của Bộ An ninh Nội địa, David Lapan, được dẫn lời cho hay: “Bộ đang cân nhắc nhiều biện pháp đảm bảo các chương trình di trú của Mỹ kể cả các chương trình về du học sinh học tập tại Mỹ, vận hành theo cách cổ súy lợi ích quốc gia, tăng cường an ninh quốc gia và an toàn công cộng, đảm bảo tính hội nhập của hệ thống di trú Mỹ.”
Mỗi năm có hơn 1 triệu du học sinh học tập tại Hoa Kỳ, đóng góp hàng tỷ đô la cho kinh tế Mỹ.
77% trong số này đến từ Châu Á, đông nhất là từ Trung Quốc và Ấn Độ.
https://www.voatiengviet.com/a/du-hoc-sinh-tai-my-co-the-phai-xin-visa-lai-moi-nam-/3943397.html
Mỹ: Hơn 400 y bác sĩ bị bắt vì gian lận bảo hiểm
Các công tố viên Mỹ cho biết đã bắt giữ 412 y bác sĩ bị tố cáo tham gia đường dây gian lận bảo hiểm y tế, khai gian với bảo hiểm tổng cộng 1,3 tỷ đô la.
Trong số những người bị truy tố gồm bác sĩ, y tá, dược sĩ có 120 người bị tố cáo kê toa thuốc giảm đau nhóm opioid không cần thiết cho bệnh nhân. Các nghi can cũng bị tố cáo khai báo không thành thật với Medicare, RICA về quá trình điều trị không cần thiết về mặt y tế hoặc khai khống.
Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions ngày 13/7 tuyên bố đây là hoạt động gian lận bảo hiểm y tế lớn nhất bị phát hiện trong lịch sử Mỹ.
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đang tiến hành rút bằng hành nghề hoặc cấm hoạt động 295 y bác sĩ.
Các vụ bắt giữ vừa kể là kết quả chiến dịch của Lực lượng đặc nhiệm bài trừ gian lận Medicare. Từ năm 2007 tới nay, lực lượng này đã truy tố hơn 3500 y bác sĩ gian lận bảo hiểm lên tới 12,5 tỷ đô la khai khống.
https://www.voatiengviet.com/a/hon-400-y-bac-si-my-bi-bat-vi-gian-lan-bao-hiem-/3943396.html
Mỹ yêu cầu các nước
cung cấp thông tin về ứng viên xin visa
Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ yêu cầu tất cả các nước cung cấp dữ liệu đầy đủ giúp rà soát các ứng viên xin visa nhập cảnh Hoa Kỳ để quyết định xem một du khách nào đó muốn vào Mỹ có đề ra nguy cơ khủng bố hay không.
Theo văn kiện Reuters có được, các nước không tuân thủ quy định mới này hoặc không tiến hành các bước thực hiện trong vòng 50 ngày có thể sẽ đối mặt với chế tài du lịch.
Văn thư gửi tới các trụ sở ngoại giao của Mỹ ngày 12/7 là bản đánh giá toàn cầu về quá trình rà soát theo sắc lệnh sửa đổi hôm 6/3 của Tổng thống Trump tạm thời cấm nhập cảnh người từ 6 nước có đa số dân theo Hồi giáo.
Văn bản đưa ra một loạt các tiêu chuẩn Mỹ sẽ yêu cầu các nước thực hiện bao gồm phải ban hành hoặc có kế hoạch tích cực ban hành passport điện tử và thường xuyên báo cáo các trường hợp mất cắp passport với Interpol.
Văn kiện cũng yêu cầu các nước cung cấp bất kỳ thông tin nhận dạng nào khác về ứng viên xin visa, yêu cầu các nước không ngăn trở chuyển giao thông tin cho chính phủ Hoa Kỳ về các du khách tới Mỹ .
“Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ đề ra các tiêu chuẩn về những thông tin cần cung cấp từ tất cả các nước đặc biệt hỗ trợ cho việc rà soát di trú và du khách tới Mỹ,” văn kiện mà Reuters trích thuật nêu rõ.
Trump:
Cuộc gặp giữa Trump con với luật sư Nga là bình thường
Tổng thống Donald Trump ngày 13/7 tiếp tục bênh vực cuộc gặp giữa con trai ông với một luật sư người Nga, mô tả đó là một tập tục thông thường trong lúc vận động tranh cử và khăng khăng rằng “không có gì xảy ra” sau cuộc gặp tháng 6 năm ngoái ấy.
Ông Trump phát biểu như vậy ở Paris trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dù một ngày trước, chính người được ông chọn lãnh đạo FBI tuyên bố rằng nên thông báo cho nhà chức trách về những yêu cầu gặp mặt với các cá nhân người nước ngoài lúc vận động tranh cử. Trước lời tuyên bố của ông Trump hôm nay, con trai ông nói sẽ suy nghĩ lại về hành vi của mình trong quyết định tham dự cuộc gặp đó.
“Ai cũng đồng ý tham dự cuộc gặp gỡ đó thôi,” ông Trump nói. “Đó là tìm hiểu thông tin, nghiên cứu về đối phương.”
Con trai Tổng thống tuần này công bố những email từ năm 2016 trong đó cho thấy anh có vẻ hăm hở chấp nhận thông tin từ chính phủ Nga có thể gây tổn hại cho chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton. Những email này được gửi trước khi diễn ra cuộc gặp giữa ông Trump Jr. với một luật sư người Nga mà cả Paul Manafort, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, và con rể của Tổng thống, Jared Kushner, đều tham dự tại tòa nhà Trump Tower.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, người theo đảng Cộng hòa, hôm thứ Năm cho biết ông sẽ yêu cầu ông Trump Jr. ra khai chứng trong cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử 2016 và sẽ trát buộc ra khai chứng nếu cần thiết. Những ai từ chối ra khai chứng đôi khi bị các ủy ban của Quốc hội khép tội khinh mạn.
Các cơ quan tình báo Mỹ quy trách chính phủ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái bằng hoạt động tấn công tin tặc để làm lợi cho ông Trump và gây tổn hại cho bà Hillary Clinton, đối thủ bên đảng Dân chủ. Các ủy ban của Quốc hội cũng như Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đang điều tra sự can dự này.
Trump muốn đàm phán lại
hiệp định thương mại với Hàn Quốc
Chính quyền Trump đang mưu tìm các cuộc hội đàm có thể đưa đến việc tái đàm phán hiệp định tự do thương mại với Hàn Quốc.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer hôm thứ Tư nói trong một bức thư gửi tới Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Joo Hyung-hwan rằng Mỹ muốn gặp để thảo luận về “những chỉnh sửa và bổ sung có thể có” đối với hiệp định đã đi vào hiệu lực cách đây năm năm dưới thời Tổng thống Barack Obama. Các điều khoản của hiệp định thương mại này kêu gọi đàm phán bắt đầu trong vòng 30 ngày.
Ông Obama dự đoán rằng hiệp định sẽ tăng lượng hàng xuất khẩu của Mỹ vào Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Trong khi đó, lượng hàng xuất khẩu của Mỹ sang Hàn Quốc đã sụt giảm từ năm 2011 tới 2016, và thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Hàn Quốc tăng từ 13,2 tỉ đôla lên 27,6 tỉ đôla trong cùng khoảng thời gian này.
Chính quyền Trump nói rằng cách biệt thương mại ngày càng lớn này là do các rào cản của Hàn Quốc đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, đặc biệt là trong thị trường xe hơi. Nhưng các nhà phân tích khác trích dẫn ra nguyên do là nền kinh tế của Hàn Quốc đang ì ạch và lưu ý rằng lượng hàng xuất khẩu của các nước khác sang Hàn Quốc giảm còn nhiều hơn nữa.
Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích những thỏa thuận thương mại trong quá khứ và đã bắt đầu một nỗ lực thương thuyết lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ với Mexico và Canada.
Báo Nhật:
Trung Quốc yêu cầu gia đình Lưu Hiểu Ba hỏa táng thi hài
Nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu gia đình của người đoạt giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba phải hỏa táng thi hài của ông và rải tro ngoài biển vì họ không muốn ông được chôn ở nơi mà những ta có thể tới tụ tập tưởng niệm, theo báo Asahi Shimbun của Nhật Bản.
Tờ báo này dẫn lời những người ủng hộ gia đình ông Lưu cho biết nhà chức trách đã liên lạc với tang gia vào ngày 13 tháng 7 và đưa ra yêu cầu này.
Tuy nhiên, gia đình đã từ chối và yêu cầu hoàn trả thi hài của ông Lưu, Asahi cho biết.
Bất kỳ huyệt mộ hay tượng đài nào dành cho nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng này được dựng lên ở Trung Quốc có thể trở thành điểm tụ tập của những người tiếc thương.
Bắc Kinh lo ngại rằng các cuộc tụ tập như vậy có thể đưa tới những lời chỉ trích chính phủ.
Do đó Bắc Kinh có phần chắc sẽ tìm cách kiểm soát cả đám tang của ông Lưu.
Nhà hoạt động Hồ Gia cũng nói với báo The Guardian của Anh rằng nhà chức trách đang làm áp lực đòi gia đình ông Lưu nhanh chóng hỏa táng thi hài của ông. Người thân chỉ được phép tổ chức “một buổi lễ tiễn biệt đơn giản, dưới sự giám sát nghiêm ngặt,“ ông Hồ nói.
Trong khi đó hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho biết giới chức an ninh Trung Quốc đã quản thúc tại gia những người ủng hộ ông Lưu hôm thứ Sáu.
Nhà hoạt động Hồ Gia nói với Kyodo rằng cảnh sát Trung Quốc đã tăng cường an ninh ở nhiều nơi trong nước mà có thể nổ ra hoạt động biểu tình và quản thúc những người ủng hộ của nhà bất đồng chính kiến 61 tuổi này qua đời hôm thứ Năm.
Peru ra lệnh tạm giam
cựu tổng thống Humala để điều tra tham nhũng
Cựu tổng thống Peru Ollanta Humala và vợ Nadine Heredia nói chuyện với báo chí khi rời trụ sở của Đảng Quốc Gia Peru ở Lima nơi họ gặp các luật sư hôm 13/7. Các công tố viên của Peru yêu cầu bắt giữ nhà cựu lãnh đạo này và vợ ông ta vì tộ rửa tiền và những cáo buộc âm mưu liên quan đến một vụ tham nhũng dính líu tới công ty xây dựng Odebrecht của Brazil.
Một quan tòa Peru ra lệnh bắt giữ cựu tổng thống Ollanta Humala, 55 tuổi, và vợ ông ta hôm thứ 5 (13/7) trong khi họ đang bị điều tra về tội rửa tiền và những cáo buộc âm mưu có liên quan tới một vụ lùm xùm dính líu tới công ty xây dựng lớn của Brazil, Odebrecht.
Thẩm phán Richard Concepcion ra lệnh tạm giữ ông Humala và vợ của ông là bà Nadine Heredia phòng ngừa họ tẩu thoát, trong khi các công tố viên chuẩn bị hồ sờ truy tố.
Lệnh của tòa được đưa ra sau khi công tố viên German Juarez cho rằng hai ông bà Humala có âm mưu tẩy thoát khỏi Peru để lẩn trốn pháp luật và gây trở ngại cho cuộc điều tra đã kéo dài gần 3 năm.
Những cáo buộc chống lại ông Humala được đưa ra sau buổi điều trần của một cựu lãnh đạo Odebrecht, người đã khai rằng ông ta đóng góp bất hợp pháp 3 triệu USD vào chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2011 của ông Humala.
Cựu tổng thống Humala và vợ Heredia cũng bị cáo buộc đã nhận tiền từ cố tổng thống Venezuela Hugo Chavez trong một lần tranh cử tổng thống không thành công trước đây.
Các công tố viên cho rằng ông Humala, người vừa kết thúc nhiệm kỳ tổng thống năm 2016, không bao giờ công khai các khoản tiền đóng góp và cặp vợ chồng này cùng thông đồng dùng số tiền đó cho mục đích cá nhân.
Ông Humala phủ nhận những cáo buộc đó và gọi chúng là không có cơ sở.
Vào tháng 2, cũng quan tòa này đã ra lệnh bắt giữ một cựu tổng thống khác của Peru, Alejandro Toledo (nhiệm kỳ 2001-2006), vì những cáo buộc tương tự. Peru tin rằng ông Toledo đang sống ở tiểu bang California của Mỹ và đã yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump dẫn độ ông cho Peru để ông Toledo đối mặt với những cáo buộc nhận hối lộ trong một cuộc điều tra tham nhũng có quy mô lớn của khu vực.
Những khoản hối lộ của công ty Odebrecht bao gồm khoảng 29 triệu USD được chi trả ở Peru cho các dự án được tiến hành trong thời gian ông Toledo và 2 người kế nhiệm – Humaka và Alan Garcia – làm tổng thống.
Các giới chức hàng đầu ở khắp châu Mỹ Latin bị cáo buộc ăn hối lộ khoảng 800 triệu USD từ công ty Odebrecht. Công ty này thừa nhận những khoản hối lộ này khi ký một thỏa thuận nhận tội với Bộ Tư pháp Mỹ vào tháng 12/2016.
Một vụ việc tương tự có dính líu tới cựu tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, người vừa bị kết tội hôm thứ 4 (12/7) và nhận án 9 năm 6 tháng tù giam vì nhận hối lộ từ một công ty xây dựng khác của Brazil.
Trung Quốc xóa sạch
mọi hình thức tỏ lòng thương tiếc đối với Lưu Hiểu Ba
Những người làm công tác kiểm duyệt của Trung Quốc ra sức xóa bỏ hình ảnh những ngọn nến, thông điệp ‘hãy an nghỉ’ và những lời thương tiếc khác dành cho ông Lưu Hiểu Ba khỏi mạng xã hội trong khi họ tìm cách dập tắt thảo luận về cái chết của nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng này.
Nhà hoạt động dân chủ 61 tuổi qua đời hôm thứ Năm vì ung thư gan dưới sự canh gác dày đặc của công an tại một bệnh viện ở thành phố Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc — nhưng phần lớn người Trung Quốc vẫn không hay biết gì về cái chết của ông hoặc thậm chí không biết ông là ai.
Tìm kiếm tin tức về cái chết của ông trên công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc không cho kết quả nào. Mạng xã hội Weibo, một dạng Twitter của Trung Quốc, chặn việc sử dụng tên ông và chữ viết tắt “LXB” của tên ông (Liu Xiaobo).
Thậm chí cả những hình thức bày tỏ sự tiếc thương ít gây chú ý nhất trên Weibo cũng bị xóa bỏ.
Một người dùng đăng dòng chữ “RIP” (viết tắt của ‘Rest In Peace’ nghĩa là ‘hãy an nghỉ’) được khuyến cáo rằng nó đã bị xóa “vì vi phạm những quy định và luật pháp có liên quan” dù không hề nhắc tên Lưu Hiểu Ba.
RIP giờ là một trong số những cụm từ tìm kiếm bị chặn trên mạng truyền thông xã hội của Trung Quốc.
Người dùng đăng những emoji (biểu tượng thể hiện cảm xúc) hình ngọn nến lên Weibo cũng bị xóa. Khi truy cập vào mạng Weibo trên máy tính cá nhân, biểu tượng này không còn nằm trong số những lựa chọn biểu tượng cảm xúc nữa.
Tuy nhiên, với ứng dụng di động Weibo, biểu tượng ngọn nến vẫn còn nhưng những nỗ lực đăng nó lên đều bị chặn và kích hoạt một thông báo nói rằng “nội dung bất hợp pháp!”.
Từ “cây nến” trong tiếng Trung Quốc cũng bị cấm.
Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ Internet thông qua một hệ thống kiểm duyệt được gọi là “Phòng Hòa Trường Thành” (Bức tường lửa dài) và theo dõi chặt chẽ nội dung nhạy cảm trên mạng truyền thông xã hội.
Những bình luận ca ngợi nhà bất đồng chính kiến này đã bị dọn sạch khỏi các trang mạng xã hội.
“Ông ấy là người dũng cảm trong thời đại này, lịch sử sẽ nhớ tới ông ấy dù sống hay chết,” một người sử dụng đăng lên Weibo nhưng sau đó bị xóa.
Một người khác nói: “Ông, người vừa giải phóng, đã làm cho thế giới khác biệt, chúng tôi, những người vẫn còn trong tù, kính cẩn chào ông.”
Trung Quốc phản pháo chỉ trích của quốc tế
liên quan tới Lưu Hiểu Ba
Trung Quốc hôm thứ Sáu phản pháo những chỉ trích của thế giới sau khi họ bác bỏ di nguyện của ông Lưu Hiểu Ba, người đoạt giải Nobel Hòa bình vừa qua đời, về việc rời khỏi Trung Quốc và cũng đang đối mặt với áp lực trả tự do cho góa phụ của nhà tranh đấu dân chủ này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Bắc Kinh đã chính thức trình công hàm ngoại giao phản đối Mỹ, Pháp, Đức và Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về “những phát biểu vô trách nhiệm” của họ về ông Lưu Hiểu Ba, nhắm mục tiêu vào giải Nobel của ông.
“Trao giải thưởng cho một người như vậy đi ngược lại những mục đích của giải thưởng này. Đó là một lời báng bổ đối với giải thưởng hòa bình,” hãng tin AFP dẫn lời phát ngôn viên này trả lời phóng viên trong một cuộc họp báo. Ông cũng đả kích Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vì những phát biểu của bà về ông Lưu và về lời kêu gọi của bà cho dân chủ ở Trung Quốc, nói rằng hành vi của bà là “rất nguy hiểm,” theo Reuters.
Mỹ và Liên minh Châu Âu đã bày tỏ lòng thương tiếc đối với ông Lưu Hiểu Ba trong khi hối thúc chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình để cho góa phụ của ông, nhà thơ Lưu Hà, người đã bị quản thúc tại gia từ năm 2010, được rời khỏi đất nước này.
Reuters dẫn lời một số người bạn của bà Lưu cho biết họ không thể liên lạc được với bà, người đang mắc chứng trầm cảm, hoặc xác nhận được bà đang ở đâu.
Một số nỗ lực đang được thực hiện để nhà chức trách Trung Quốc cho phép bà và người em trai của bà, người đang bị giam giữ 11 năm tù, được rời đi, theo lời một nhà ngoại giao phương Tây nói với Reuters. Tuy nhiên không rõ liệu họ sẽ thành công hay không.
Hãng tin này cho biết một số nguồn tin ngoại giao cũng nói rằng trước khi chồng nhập viện, bà Lưu Hà đã bày tỏ nguyện vọng được đi Đức trong những cuộc điện đàm với đại sứ quán Đức.
Phát ngôn viên Cảnh Sảng nói ông không có thông tin gì về bà Lưu Hà, nhưng nói rằng việc nhập cảnh và xuất cảnh của công dân Trung Quốc sẽ được xử lý theo luật pháp.
Trong khi đó, Đức bày tỏ sự tiếc nuối rằng Bắc Kinh đã phớt lờ đề nghị của họ đón ông Lưu sang chữa trị, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tưởng nhớ ông như một “chiến binh tự do.” Anh đả kích Trung Quốc vì ngăn ông Lưu ra nước ngoài chữa bệnh.
Trưởng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Zeid Ra’ad Al Hussein, nói ông Lưu “bị tống giam vì đã đứng lên vì niềm tin của mình.”
Một số phản ứng toàn cầu về cái chết của ông Lưu Hiểu Ba tương đối lặng lẽ, nêu bật vị sự trỗi dậy của Trung Quốc như một siêu cường về kinh tế và ngoại giao trên trường quốc tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ca ngợi ông Tập tại một cuộc họp báo chung ở Paris và chỉ bày tỏ nỗi tiếc thương ông Lưu trong những phát biểu sau đó.
Trong một dấu hiệu cho thấy sự tự tin ngày càng tăng của Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của nhà nước Trung Quốc nói trong một bài xã luận bằng tiếng Anh rằng “phương Tây đã ban cho Lưu vầng hào quang mà sẽ không tồn tại lâu.”
Botswana bất chấp Trung Quốc, tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma
Các quan chức Botswana ngày 13/7 loan báo sẽ tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng, vào tháng sau. Điều này có nguy cơ khơi lên sự tức giận của Trung Quốc, một nước đầu tư lớn vào nền kinh tế của quốc gia Châu Phi này.
Đức Đạt Lai Lạt Ma dự kiến sẽ diễn thuyết về nhân quyền tại thủ đô Gaborone vào ngày 17 tới 19 tháng 8 và cũng sẽ hội kiến Tổng thống Botswana trong chuyến đi này.
Đức Dalai Lama, người đang sống lưu vong ở Ấn Độ, lâu nay bất đồng với Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng. Trung Quốc gọi ông là kẻ phản động và ly khai. Đức Dalai Lama, người đoạt Giải Nobel Hòa bình vào năm 1989, nói ông mưu tìm nhiều quyền hơn cho Tây Tạng, bao gồm tự do tôn giáo, và nền tự trị thực thụ cho người dân Tây Tạng.
Nước láng giềng Nam Phi đã từ chối cấp visa cho Ngài ba lần kể từ năm 2009. Các đảng đối lập ở Nam Phi và Tổng giám mục Desmond Tutu nói điều này cho thấy tầm mức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Pretoria.
Nhu cầu nguyên liệu tăng nhanh của Trung Quốc đã biến nước này trở thành một trong những nước đầu tư lớn nhất ở Châu Phi và đối tác thương mại lớn nhất của Nam Phi. Các công ty nhà nước của Trung Quốc đã được trao các hợp đồng lớn để xây dựng đường sá, đập nước, nhà máy điện và sân bay ở Botswana.
https://www.voatiengviet.com/a/botswana-bat-chap-trung-quoc-tiep-duc-dat-lai-lat-ma/3943312.html
Phiến quân Hồi giáo bắn chết 4 cảnh sát Pakistan
Bốn nhân viên cảnh sát đã bị một nhóm phiến quân Hồi giáo bắn chết ở tây nam Pakistan hôm thứ Năm 13/7.
Một phát ngôn viên của chính quyền tỉnh Baluchistan cho biết toán cảnh sát đang đi tuần tra như thường lệ ở thủ đô Quetta thì bị nhiều phần tử vũ trang tấn công, chúng nã súng liên tục vào xe của họ trước khi tẩu thoát. Trong số những người thiệt mạng có cảnh sát trưởng Mubarak Shah.
Một phe ly khai của quân Taliban ở Pakistan tự xưng là Jamaatul Ahrar, đã nhận trách nhiệm về cuộc tấn công này. Ngoài ra, Nhà nước Hồi giáo, thông qua hãng thông tấn Amaq của họ, cũng tuyên bố nhận trách nhiệm về cuộc tấn công cảnh sát ở Quetta hôm thứ Năm.
LHQ vào đầu tuần này đã chỉ định nhóm Jamaatul Ahrar là một tổ chức khủng bố toàn cầu, nói rằng nhóm này hoạt động từ Nangarhar, một tỉnh ở miền đông của nước láng giềng Afghanistan.
https://www.voatiengviet.com/a/phien-quan-hoi-giao-ban-chet-4-canh-sat-pakistan/3943225.html
Lưu Hiểu Ba, người bất đồng trực ngôn
Ông Lưu Hiểu Ba, nhà tranh đấu cho nhân quyền Trung Quốc bị bỏ tù, vừa qua đời trong một bệnh viện Trung Quốc sau một thời gian chống chọi với bệnh ung thư. Nhà văn đồng thời là nhà hoạt động 61 tuổi, đã được trao giải Nobel Hoà bình năm 2010 vì “đấu tranh lâu dài và bất bạo động cho các quyền làm người cơ bản ở Trung Quốc”. Ngay cả những ngày cận kề cái chết, ông vẫn là đối tượng của nhiều tranh luận. Phóng viên Natalie Liu của đài VOA ở Washington cho biết thêm thông tin.
Ông Lưu Hiểu Ba, 61 tuổi, qua đời tại một bệnh viện ở Thẩm Dương, nơi ông được chuyển đến từ nhà tù để được điều trị ung thư giai đoạn cuối. Những ngày cuối cùng của ông gắn liền với một cuộc tranh cãi trong công chúng về việc Bắc Kinh từ chối yêu cầu của gia đình ông, xin phép đưa ông sang Hoa Kỳ hoặc Đức để được chăm sóc.
Từ lâu, ông Lưu đã nổi danh là một nhà bất đồng chính kiến trực ngôn. Là một giảng viên đại học và nhà văn nổi tiếng về phê bình văn hoá Trung Quốc truyền thống, sự nghiệp đầy hứa hẹn của ông đã rẽ sang một bước ngoặt lớn khi ông tham gia cuộc biểu tình quy mô do sinh viên dẫn đầu tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.
Sau cuộc đàn áp dữ dội của quân đội, trong sự cố được gọi là vụ thảm sát Thiên An Môn, ông bị quy là thành phần tội phạm “bàn tay đen” và bị bỏ tù.
Sau khi được phóng thích năm 1991, ông tiếp tục kêu gọi cải cách chính trị.
Ông Lưu Hiểu Ba nói:
“Nếu có tiến bộ gì về xã hội và chính trị yso6 Trung Quốc trong 20 năm qua, tất cả là nhờ các công dân đã thúc đẩy sự thay đổi. Rốt cuộc, thay đổi sẽ xảy ra khi mà các vấn đề vẫn tồn tại và có đủ những người quan tâm”.
Năm 2008, ông Lưu và các nhà bất đồng chính kiến khác đã công bố một văn kiện có tên Hiến chương 08. Văn kiện kêu gọi chấm dứt chế độ độc đảng của Trung Quốc và thành lập một nước cộng hòa dân chủ mới.
Ông Lưu Hiểu Ba nói:
“Đối với những người trong sô chúng ta trong phong trào chống đối dưới các chế độ độc tài, một phần công việc của chúng tôi là phải đối mặt với cảnh sát, và đi tù. Như vậy, một nhà bất đồng chính kiến không chỉ cần học cách chống lại áp bức, mà còn phải đối phó với các cuộc trấn áp, và bị cầm tù”.
Ông Lưu bị kết án 11 năm tù hồi năm 2009. Một năm sau, tên tuổi của ông được toàn thế giới biết đến.
Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Thorbjorn Jagland:
“Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định trao giải Nobel Hoà bình năm 2010 cho ông Lưu Hiểu Ba vì đã đấu tranh lâu dài và bất bạo động vì nhân quyền cơ bản ở Trung Quốc”.
Giải thưởng ghi nhận vai trò của nhiều người Trung Quốc ở trong lẫn ngoài Trung Quốc trong việc xác lập nhân quyền phổ quát.
Ông Lưu Hiểu Ba nói:
“Nhà cầm quyền có quyền lực trong tay, họ có thể bắt giữ người, chúng ta không có quyền lực như vậy, nhưng chúng ta có thể nói chúng ta không ủng hộ điều này, chúng ta chống đối điều này”.
Khi ông Lưu qua đời, ông còn 3 năm nữa nữa mới mãn hạn tù. Người vợ chung sống với ông trong 21 năm, bà Lưu Hà, đề cập tới cuộc đời của hai vợ chồng trong một bài thơ:
“Ta thích vẽ cây, vì sao vậy?
Vì thích hình ảnh cây đứng thẳng
Người nói sống mà đứng thẳng hẳn rất mệt mỏi
Ta trả lời đúng thế
Nhưng ta vẫn phải như vậy”
Gia tăng các vụ ‘chạm trán’ trên không giữa Nga, NATO
Nga đã tăng đáng kể các hoạt động quân sự trên không phận chung quanh các nước thành viên NATO Tây Âu, theo một phúc trình mới. Phúc trình này cảnh báo rằng chiến thuật này có thể gây nguy hiểm cho máy bay dân dụng.
Các lực lượng NATO ở châu Âu năm ngoái đã điều máy bay chiến đấu lên chặn máy bay Nga tiếp cận vùng trời của họ gần 800 lần. Theo nhóm phân tích của Hội Henry Jackson ở London, con số này cao gần gấp đôi so với năm 2014.
Phúc trình của nhóm kêu gọi cải thiện trao đổi thông tin và áp dụng các quy tắc rõ ràng hơn về các cuộc chạm trán giữa các cường quốc Tây Âu và Moscow để tránh nguy cơ xảy ra những sự cố nguy hiểm.
Chiến thuật thường diễn ra trong thời Chiến tranh Lạnh, đã được Moscow phục hồi kể từ khi mối quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng xấu đi sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, và xua quân vào đông Ukraine hồi năm 2014.
Tác giả của phúc trình, ông Andrew Foxall, nói chiến thuật của Nga có một phần là tuyên truyền.
Hoạt động hải quân của Nga cũng gia tăng ở Biển Baltic và Bắc Đại Tây Dương, đặc biệt là xung quanh căn cứ ở Scotland của hạm đội tàu ngầm hạt nhân Anh.
https://www.voatiengviet.com/a/gia-tang-cac-vu-cham-tran-tren-khong-giua-nga-nato/3942909.html
ADB : Biến đổi khí hậu
là một tai họa đối với Châu Á–Thái Bình Dương
Theo báo cáo công bố ngày 14/07/2017 của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á ADB và Viện Nghiên Cứu Potsdam PIK, biến đổi khí hậu đe dọa ổn định và thịnh vượng kinh tế trong vùng châu Á Thái Bình Dương.
Hiện tượng trái đất bị hâm nóng dẫn tới thiên tai, từ bão lụt đến hạn hán và nhất là đe dọa cả các rạn san hô trong khu vực. Vẫn theo báo cáo nói trên châu Á Thái Bình Dương là một khu vực có mức độ “rủi ro cao“. Báo cáo nói trên kêu gọi các quốc gia trong vùng, đẩy mạnh đầu tư, chống biến đổi khí hậu và mạnh mẽ ủng hộ thỏa thuật môi trường Paris.
Báo cáo của ADB và viện nghiên cứu Potsdam cho biết thêm, nhiệt độ đang tăng thêm 8 độ C tại Tajikistan, Afghanistan, Pakistan và khu vực đông bắc Trung Quốc. Hậu quả còn tai hại hơn nữa nếu cộng đồng quốc tế thụ động trên hồ sơ này.
Châu Á Thái Bình Dương là khu vực có tới 2/3 dân cư địa cầu cư ngụ và 9 trong số 15 nước trong vùng bị xem là những nơi bị hiện tượng trái đất đang nóng lên đe dọa
Venezuela : Hội Đồng Giám Mục
tiếp tục phản đối việc bầu Quốc Hội lập hiến
Tại Venezuela, Giáo hội Công Giáo tiếp tục phản đối dự án lập Quốc Hội lập hiến của tổng thống Nicolas Maduro. Tuần trước, Hội Đồng Giám Mục Venezuela đã lên tiếng tố cáo một chế độ « độc tài ». Tuần này, Giáo hội kêu gọi chính phủ từ bỏ dự án Quốc Hội lập hiến, được dự kiến bầu vào ngày 30/07 tới.
Theo thông tín viên RFI Julien Gonzalez, tại Caracas, Hội Đồng Giám Mục Venezuela khẳng định, « Quốc Hội lập hiến chỉ làm cho cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng ». Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục, đức ôngVictor Basabe, nhấn mạnh : Dự án Quốc Hội lập hiến có mục đích áp đặt chế độ độc tài. Mục tiêu của dự án này là nhằm thiết lập một Nhà nước xã hội chủ nghĩa, theo tư tưởng Marx và độc tài quân sự, xóa bỏ sự độc lập của các định chế quyền lực, đặc biệt là quyền lập pháp.
Để người dân có dịp bày tỏ ý kiến về dự án Quốc Hội lập hiến, phe đối lập tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức, vào ngày 16/07. Giáo hội Công giáo Venezuela đã kêu gọi người dân tham gia cuộc trưng cầu dân ý này
Bắc Triều Tiên:
Vì sao trừng phạt của Liên Hiệp Quốc vô hiệu ?
Ngày 04/07/2017, Bắc Triều Tiên đã làm thế giới sửng sốt khi thử nghiệm thành công một tên lửa xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên, có khả năng đe dọa bang Alaska của Mỹ. Đây là một bước tiến mới trong chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, vẫn phát triển, mặc dù quốc gia này đã bị Liên Hiệp Quốc áp đặt đến 6 loạt trừng phạt từ lúc thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên vào năm 2006. Thực tế này cho thấy là cấm vận của Liên Hiệp Quốc đã không có hiệu quả.
Trong bài viết ngày 11/07/2017 mang tựa đề « Tại sao trừng phạt của Liên Hiệp Quốc thất bại trong việc dẹp yên mối đe dọa Bắc Triều Tiên – Why UN sanctions fail to tame North Korean menace », thông tín viên nhật báo Singapore The Straits Times tại Nhật Bản, Walter Sim, đã trả lời rằng : Đó là vì Bình Nhưỡng đã biết khéo léo luồn lách qua các khe hở của luật lệ.
Nhận xét đầu tiên là cho đến nay, trừng phạt của Liên Hiệp Quốc chủ yếu nhắm vào các hoạt động chuyển tiền cũng như buôn bán khoáng sản, đất hiếm của Bắc Triều Tiên. Thế nhưng dù có được tăng cường mỗi khi Bình Nhưỡng leo thang, các biện pháp này vẫn không hiệu quả.
Không những Bắc Triều Tiên có những thị trường mới, mà còn xây dựng được những chương trình nghiên cứu và phát triển riêng cho mình mà theo các chuyên gia, thường bị đánh giá thấp hơn là thực tế. Một dấu hiệu cho thấy thành quả mà Bắc Triều Tiên đã đạt được là sự kiện Bình Nhưỡng đã bán một hệ thống phòng không trị giá 6 triệu đô la Mỹ cho Mozambique, bán các loại rocket và tên lửa dẫn đường cho Sudan, theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc vào tháng Hai vừa qua.
Một nền kinh tế tự cung tự cấp
Bắc Triều Tiên cũng đã thành lập cả một mạng lưới che mắt, sử dụng thị trường đen ở khắp nơi, dùng các công ty bình phong để chuyển ngân, chuyển người, chuyển hàng hóa qua các biên giới, vẫn theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc.
Từ lâu bị xem là một nước nghèo nàn, thực ra Bắc Triều Tiên đã xây dựng được cho mình một nền kinh tế tự cung, tự cấp, làm lợi cho tầng lớp giàu có của họ. Vào tháng Tư vừa qua, Bình Nhưỡng đã phô trương một khu dinh thự hạng sang, trong bối cảnh các thành phần nhà giàu mới ở Bắc Triều Tiên, dù chưa đông, nhưng lắm tiền của, được ghi nhận là không ngần ngại phô bày những chiếc điện thoại thông minh hay những vật dụng xa xỉ.
Đối với giới quan sát, đấy là những dấu hiệu cho thấy một nền kinh tế tự nuôi dưỡng được mình, có khả năng tài trợ cho chương trình nghiên cứu và phát triển hỏa tiễn và hạt nhân, mặc dù đời sống dân chúng bình thường nhìn chung rất khổ cực.
Số liệu về kinh tế Bắc Triều Tiên rất hiếm, nhưng báo New York Times đánh giá vào tháng Tư là tăng trưởng hàng năm ở mức từ 1 đến 5%.
Trung Quốc là trụ cột của kinh tế Bắc Triều Tiên, năm ngoái, chiếm ít nhất là 90% thương mại của Bắc Triều Tiên. Trao đổi song phương đã tăng gần 40% trong quý đầu năm nay so với cùng thời kỳ năm ngoái, như theo lời của tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 05/07.
Trừng phạt có trọng điểm thiếu hiệu quả
Bắc Kinh, từ lâu bị chỉ trích không làm hết trách nhiệm kềm hãm Bình Nhưỡng, đã giải thích là chỉ áp dụng những biện pháp trừng phạt do Liên Hiệp Quốc quy định mà chính Bắc Kinh cũng đã bỏ phiếu thông qua.
Vào tháng Hai, Trung Quốc thông báo ngưng nhập than Bắc Triều Tiên cho phần còn lại trong năm. Trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đặt một ngưỡng trần cho lượng than nhập từ quốc gia này, « nhưng đó không kể những chuyến hàng phục vụ cho cuộc sống (người dân Bắc Triều Tiên) và không sản sinh lợi nhuận cho chương trình tên lửa và hạt nhân ».
Ông Katsuhisa Furukawa, một cựu chuyên gia Liên Hiệp Quốc giám sát vấn đề trừng phạt Bắc Triều Tiên, đã nêu bật là thương mại với Bắc Triều Tiên nói chung không bị Hội Đồng Bảo An cấm, mà chỉ là những biện pháp « trừng phạt có trọng điểm hầu ngăn ngừa việc di chuyển người, hàng hóa, công nghệ và vốn liếng liên quan đến vũ khí, cộng thêm một ít hàng xa xỉ».
Trao đổi thương mại vẫn tiếp tục giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên và không bị trở ngại. Giới báo chí mô tả cảnh xe tải nối tiếp nhau tuần qua ở thành phố giáp ranh Đan Đông, trên cầu Hữu Nghị bắc ngang sông Áp Lục.
Bên cạnh Trung Quốc, Bắc Triều Tiên còn trao đổi thương mại với Nga, hai bên đã ký thỏa thuận tăng trao đổi lên 1 tỷ đô la từ đây đến 2020, và xây dựng đường xe lửa nối liền vùng biên giới Nga với thành phố Rajin, Bắc Triều Tiên. Vào tháng Năm, một tuyến phà được khai trương, nối liền Vladivostok và Rajin.
Theo bà Anwita Basu, chuyên gia tham vấn về Bắc Triều Tiên, lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc không ngăn được kinh tế Bắc Triều Tiên trở nên một loại « thú tự sản sinh ». Bà nhận định : « Nghe qua có vẻ kỳ quặc, nhưng đó là một nền kinh tế có thể tồn tại và thịnh vượng mà không lệ thuộc vào phương Tây và cũng không phải là một nền kinh tế tư bản tân tự do ».
Luồn lách qua những kẻ hở
Bắc Triều Tiên đã bị tố cáo rộng rãi là có những phương thức bất chính để tránh né trừng phạt. Báo cáo Liên Hiệp Quốc tố giác Bình Nhưỡng sử dụng công ty giả mạo và tàu mang cờ nước ngoài.
Như vào năm ngoái chẳng hạn, Ai Cập đã chận giữ tàu Jie Shun, thuyền trưởng là người Bắc Triều Tiên và treo cờ Cam Bốt. Cam Bốt từ đấy đã gạch tên chiếc tàu khỏi danh sách.
Theo giới chuyên gia, một cách kín đáo hay công khai, những quốc gia như Trung Quốc hay Nga, và những vùng như Đông Nam Á, châu Phi hay Trung Đông, đã được Bắc Triều Tiên sử dụng như những tuyến vận chuyển. Nguồn « bò sữa » của Bắc Triều Tiên còn là đường dây buôn lậu ma túy ở Đông Nam Á và vũ khí ở vùng Nam Sahara, châu Phi
Bắc Triều Tiên còn được cho là ngồi trên một lượng kim loại quý trị giá 6.000 tỷ đô la Mỹ, nhưng chưa rõ là họ đã xuất cảng bao nhiêu.
Giới quan sát ghi nhận là trong nhiều năm trời, Bắc Triều Tiên đã sáng tạo vô số phương thức để lách các biện pháp trừng phạt, bên cạnh các cách hợp pháp mà họ có. Họ đã sử dụng những phương thức đó để thu thập công nghệ học cho chương trình tên lửa và hạt nhân.
Theo chuyên gia Furukawa, Bình Nhưỡng đã trở thành « chuyên nghiệp trong việc che giấu các giao dịch trái phép vào giữa các thương vụ hợp pháp ». Bình Nhưỡng chẳng hạn có thể nhập máy tính và máy công cụ mà một phần linh kiện có thể sử dụng cho chương trình hạt nhân. Ví dụ như trong lần bắn thử nghiệm tên lửa xuyên lục địa tuần qua, Bắc Triều Tiên đã dùng đến loại xe do Trung Quốc bán trước đây để kéo gỗ.
Theo David Cohen, một cựu phó giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA, được báo Washington Post trích dẫn, thì quả là « một sai lầm khi nghĩ rằng Bắc Triều Tiên là một vương quốc khép kín, cắt đứt với bên ngoài, không tiếp cận được với Internet ». Theo chuyên gia này, Bắc Triều Tiên bị nhiều bất lợi, nhưng điểm quan trọng nhất là chương trình hạt nhân và tên lửa cho nên các thành phần ưu tú của đất nước đều được huy động vào công việc này.
Năng lực xoay sở
Theo các chuyên gia, sở dĩ Bắc Triều Tiên có khả năng tiếp tục phát triển chương trình vũ khí của họ đó là nhờ kinh nghiệm thu góp được từ thời Chiến Tranh Lạnh.
Cựu chuyên gia Liên Hiệp Quốc Katsuhisa Furukawa, giải thích là từ thời Chiến Tranh Lạnh, Bắc Triều Tiên nổi tiếng là rất có khả năng trong việc lần ngược thiết kế của những vật dụng và công nghệ gốc nước ngoài đặc biệt là từ Liên Xô trước đây, để từ đó chế tạo ra những mặt hàng mới.
Năng lực đó cũng đã được áp dụng vào việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân và Bình Nhưỡng hiện có một lượng dự trữ uranium và plutonium được cho là đủ để chế tạo ít nhất 20 quả bom hạt nhân.
Bình Nhưỡng đã 5 lần thử nghiệm hạt nhân, 2 lần vào năm ngoái. Vụ thử lần thứ 5 vào tháng 9 có sức công phá mà theo các chuyên gia, mạnh hơn quả bom thả xuống Hiroshima vào năm 1945.
Ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Triều Tiên có thể chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm thứ sáu khi đào một đường hầm ở nơi thử nghiệm có thể chịu được sức nổ mạnh gấp 14 lần cuộc thử nghiệm trước.
Các chuyên gia cũng ghi nhận là việc Bắc Triều Tiên cứ thản nhiên thử tên lửa cho thấy là họ còn một số lượng không ít trong kho.
Di sản Chiến Tranh Lạnh, thu thập thông tin có hệ thống
Hỏa tiễn xuyên lục địa bắn thử tuần qua được cho là rất giống với thiết bị mà Nga sử dụng vào cuối thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.
Chuyên gia Furukawa cho là từ thời Chiến Tranh Lạnh Bắc Triều Tiên thu thập một cách có hệ thống tất cả những thông tin khoa học và công nghệ học tiên tiến từ mọi nơi trên thế giới, bao gồm cả những nhà khoa học, kỹ sư có kỹ năng tiên tiến ở nước ngoài.
Theo ông, cho đến giờ thì chưa biết có bao nhiêu quốc gia còn đón những nhà nghiên cứu Bắc Triều Tiên, nhưng điều chắc chắn là những năm gần đây Bắc Triều Tiên đã rải ra nước ngoài một cách có hệ thống, nào là nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nào là sinh viên đến các viện nghiên cứu, định chế nước ngoài, trong các lãnh vực liên quan đến hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo, trong đó có Ấn Độ, Ý và dĩ nhiên là Nga.
Bong Young Shik, thuộc viện nghiên cứu về Bắc Triều Tiên, đại học Yonsei trả lời The Straits Times phân tích là mô hình cơ bản hỏa tiễn Bắc Triều Tiên đến từ Iran trong lúc công nghệ mới hơn đến từ Trung Quốc.
Nhà phân tích về An Ninh Lý Minh Giang, trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam tại Singapore, cũng nêu bật quan hệ gần gũi giữa Bắc Triều Tiên với Iran và Pakistan.
Đối với Narushige Michishita, thuộc viện National Graduate Institute for Policy Studies,Tokyo, tiến bộ nhanh chóng của Bắc Triều Tiên cho thấy rõ ảnh hưởng nước ngoài, nhưng đáng nghi nhất không ai khác là Trung Quốc và Nga.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170714-bac-trieu-tien-vi-sao-trung-phat-cua-lien-hiep-quoc-vo-hieu
Tại Paris, Trump và Macron
tỏ thái độ đồng thuận trên nhiều hồ sơ
Trong cuộc họp báo ngày hôm qua 13/07/2017, tại Paris, tổng thống Mỹ Donald Trump và nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron đã không tiếc lời ca ngợi quan hệ song phương. Tổng thống Mỹ khẳng định mối quan hệ vững chắc với nước Pháp. Còn tổng thống Pháp thì nói đến quyết tâm của hai nước cùng làm việc với nhau và gọi Donald Trump là một người bạn.
Trước đó, nguyên thủ hai nước đã gặp riêng, rồi sau đó hai phái đoàn Mỹ-Pháp tiến hành đàm phán. Hai bên nhấn mạnh đến sự đồng thuận song phương trên nhiều vấn đề được coi là ưu tiên, nhưng tránh đề cập đến bất đồng trong hồ sơ biến đổi khí hậu.
Tổng thống Pháp tuyên bố là hai nước hoàn toàn đồng thuận nhằm diệt trừ khủng bố. Nguyên thủ Mỹ khẳng định nước Pháp có khả năng tuyệt vời trong cuộc chiến này.
Về hồ sơ Irak và Syria, Emmanuel Macron cho biết là ngoài việc chống khủng bố, hai nước mong muốn tìm kiếm một giải pháp chính trị và để làm việc này, một « nhóm tiếp xúc » về Syria sẽ được thành lập, bao gồm đại diện 5 thành viên Hội Đồng Bảo An và các nước trong khu vực.
Về phần mình, Donald Trump hoanh nghênh thỏa thuận hưu chiến ở miền nam Syria và nhấn mạnh sự cần thiết phải đối thoại với Nga.
Liên quan đến những bất đồng, tổng thống Pháp khẳng định tôn trọng quyết định của Donald Trump rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris 2015. Đáp lại, tổng thống Mỹ nói sẽ xem xét mọi việc sắp tới ra sao và có thể sẽ nói chuyện về hồ sơ này trong thời gian tới.
Khi được hỏi về lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, cả hai tổng thống Mỹ và Pháp đều có những lời lẽ ca ngợi nguyên thủ Trung Quốc nhưng tránh đề cập đến việc nhà ly khai, giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba qua đời.
http://vi.rfi.fr/phap/20170714-tai-paris-trump-va-macron-to-thai-do-dong-thuan-tren-nhieu-ho-so-ok
Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu :
Kiev muốn tiến nhanh, Bruxelles tìm cách kìm hãm
Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu – Ukraina, ngày hôm qua, 13/07/2017, tại Kiev đã kết thúc với kết quả tương đối khiêm tốn. Hai ngày sau khi Bruxelles phê chuẩn hiệp định đối tác liên kết với Kiev, chính quyền Ukraina muốn thúc đẩy nhanh tiến trình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, nhưng khối này tỏ ra thận trọng.
Từ thủ đô Ukraina, thông tín viên châu Âu, Stéphane Siohan giải thích :
Trên ảnh chụp chung kết thúc hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu – Ukraina, các khuôn mặt đều tươi cười. Tổng thống Ukraina Petro Porochenko đã nhấn mạnh đến việc bãi bỏ thị thực nhập cảnh Schengen và gần 100 ngàn người Ukraina dường như đã được hưởng biện pháp này, trong khi đó, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Juncker và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk khẳng định là trong ba năm qua, Ukraina đã đạt được các tiến bộ hướng về Liên Hiệp Châu Âu còn nhiều hơn hai thập niên trước.
Nhưng nếu đọc kỹ ẩn ý của thông cáo chung kết thúc thượng đỉnh, người ta cảm nhận thấy rằng Kiev và Bruxelles không đạt được đồng thuận trên tất cả các vấn đề.
Thực vậy, trong hội nghị thượng đỉnh lần này, Petro Porochenko đã đề nghị châu Âu vạch ra một lộ trình cho Ukraina. Có nghĩa là ghi vào thông cáo chung một điều khoản liên quan đến triển vọng Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.
Thế nhưng, từ nhiều tuần qua, Bruxelles đã thương lượng với Kiev về nội dụng các cuộc đàm phán trong tương lai và theo nhiều nguồn tin ngoại giao, có ba nước với Hà Lan dẫn đầu, dường như đã từ chối có một văn bản cụ thể về triển vọng của Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.
Mặt khác, Liên Hiệp Châu Âu dường như yêu cầu Petro Porochenko hãy đẩy mạnh hơn các cải cách nội bộ và đấu tranh chống tham nhũng, trước khi đi xa hơn trong các cuộc đàm phán về việc gia nhập khối này ».
Tàu Trung Quốc kín đáo theo dõi Mỹ thử tên lửa tại Alaska
Đài truyền hình Mỹ CNN ngày 14/07/2017 dẫn một nguồn tin quân sự cho biết, một tầu dọ thám Trung Quốc đã neo đậu ngoài khơi Alaska theo dõi vụ thử tên lửa THAAD mới đây của Mỹ.
Nguồn tin này đã được phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Phòng Không Không Gian Bắc Mỹ, hạm trưởng Scott Miller xác nhận trong một thông báo. Ông cho biết đó là một tầu “liên lạc” hay “dọ thám”.
Vẫn theo thông báo này, chiếc tầu trên của Trung Quốc hoạt động một cách hợp pháp trên vùng biển quốc tế và chưa gây ra một mối lo ngại nào về an ninh, nhưng lưu ý là hiếm khi Trung Quốc tiến hành một hoạt động như thế tại vùng biển này.
Giới chức quân sự Mỹ chưa rõ ý định của tầu dọ thám Trung Quốc. Nhưng sự hiện diện của chiếc tầu này trùng khớp với thời điểm quân đội Hoa Kỳ tiến hành thử hệ thống lá chắn tên lửa THAAD tại Alaska. Hôm thứ Ba 11/07, Hoa Kỳ tuyên bố thử nghiệm thành công bắn chặn tên lửa.
Trung Quốc từ lâu nay vẫn luôn phản đối Hoa Kỳ triển khai THAAD trên bán đảo Triều Tiên, cho rằng hệ thống này rất có thể được sử dụng nhắm vào tên lửa Trung Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc và giới chức quân sự Mỹ khẳng định THAAD chỉ nhằm để bắn chặn tên lửa Bắc Triều Tiên.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170714-tau-trung-quoc-ngam-ngam-theo-doi-my-thu-ten-lua-tai-alaska-ok
Pháp mừng Quốc khánh 2017 với Mỹ là khách mời danh dự
Paris hôm nay, 14/07/2017 đã tưng bừng cử hành lễ Quốc khánh với buổi duyệt binh truyền thống trên đại lộ Champs-Elysées. Đúng 100 năm sau ngày sang châu Âu tham chiến bên cạnh đồng minh trong cuộc Thế Chiến Thứ I, Mỹ đã trở thành khách mời danh dự của Pháp trong lễ kỷ niệm năm nay.
Trên khán đài danh dự ở quảng trường Concorde, Paris, tổng thống Mỹ Donald Trump hiện diện bên cạnh đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron để xem duyệt binh, trong lúc một đơn vị lính Mỹ có vinh dự mở đầu đoàn quân đi xuôi từ Khải Hoàn Môn xuống Concorde, và trên bầu trời Paris, phi đội biểu diễn F-16 của Không Quân Mỹ khoe tài cùng đội Patrouille de France của Pháp.
Cuộc diễn binh năm nay quy tụ hơn 3.700 quân nhân, 211 chiếc xe đủ loại trong đó có 62 chiếc môtô, 241 con ngựa, 63 phi cơ và 29 chiếc trực thăng.
Để vinh danh nước Mỹ, một đơn vị được mệnh danh là « Sammies », tên đặt cho lính Mỹ tham gia Thế Chiến Thứ Nhất, đã đi đầu đoàn diễn binh. Trước đó, cũng xẻ dọc đại lộ Champs-Elysées là phi đội 6 chiến đấu cơ F-16 Thunderbirds của Mỹ, cùng 2 chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor đã bay tiếp, theo sau đội bay biểu diễn Patrouille de France của Pháp.
Lần sau cùng mà một tổng thống Mỹ tham dự lễ Quốc khánh Pháp là vào năm 1989, với tổng thống Mỹ thời ấy là George H. Bush được mời đến Paris nhân kỷ niệm 200 năm Cách Mạng Pháp.
Fin publicité dans 96 s
http://vi.rfi.fr/phap/20170714-phap-mung-quoc-khanh-2017-voi-my-la-khach-moi-danh-du
Khải Hoàn Môn Paris và ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt
L’Arc de Triomphe de Paris – Khải Hoàn Môn Paris là một trong những công trình nổi tiếng nhất của nước Pháp, không chỉ bởi Khải Hoàn Môn là công trình có kiến trúc vòng cung lớn nhất thế giới, vô cùng tráng lệ, mà còn vì đó là một biểu tượng lịch sử danh tiếng bậc nhất của Pháp, nơi đã chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử đất nước.
Khải Hoàn Môn nằm ở quận 8 của Paris, chính giữa quảng trường Charles de Gaulle (trước đây là quảng trường Ngôi Sao), điểm giao nhau của 12 đại lộ, trong đó có Champs – Elysées – vốn được vinh danh là đại lộ đẹp nhất thế giới. Cao 50m, rộng 45m và có bề dày 22m, tính cả phần móng sâu gần 9m dưới lòng đất, Khải Hoàn Môn Paris có trọng lượng 100.000 tấn. Muốn tới chân Khải Hoàn Môn, từ đại lộ Champs-Elysées và đại lộ Grande Armée, du khách phải đi theo một đường ngầm dưới lòng đất có tên Passage du Souvenir (Lối Đi Kỷ Niệm).
Công trình vinh danh đạo quân Napoléon
Ý tưởng xây Khải Hoàn Môn Paris là của Hoàng đế Napoléon Đệ Nhất. Phóng viên Stéphane Bern, chuyên gia về các công trình lịch sử cho biết : « Ngày nay, Khải Hoàn Môn là một biểu tượng quốc gia. Mỗi ngày, hàng chục ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới tới chiêm ngưỡng Khải Hoàn Môn. Tuy nhiên, dự tính ban đầu của Napoléon là dựng một công trình có hình con voi khổng lồ để tôn vinh chiến thắng của đạo quân Napoléon.
Ngày 02/12/1805 là ngày kỷ niệm một năm Napoléon làm Hoàng Đế và cũng là ngày Napoléon thắng trận Austerlitz – trận đánh có thể coi là chiến thắng vang dội của triều đại Napoléon. Sau thắng lợi lẫy lừng Austerlitz, Hoàng đế Napoléon yêu cầu cho xây một khải hoàn môn để vinh danh chiến thắng của các đạo quân Pháp. Napoléon hứa với các binh lính là họ sẽ trở về dưới một cánh cổng khải hoàn.
Khi tham khảo các công trình của một kiến trúc sư Pháp ở thế kỷ 18, Napoléon đã tự đặt câu hỏi tại sao không cho dựng một khải hoàn môn hình con voi. Ở bên trong con voi sẽ đặt một viện bảo tàng – bảo tàng về lịch sử đế chế, lịch sử các đạo quân. Vòi voi sẽ là đài phun nước để lấy nước tưới cho khu vườn của điện Elysée.
Nhưng tất nhiên, điều khiến Napoléon quan tâm là tính biểu tượng của con voi. Nó khiến người ta liên tưởng tới các cuộc chinh phục ở thời cổ đại. Nhưng nhờ lời khuyên của các cố vấn, Napoléon đã quyết cho xây một khải hoàn môn theo kiểu truyền thống và rất hoành tráng theo phong cách La Mã cổ đại.
Viên đá đầu tiên được đặt vào đúng ngày sinh nhật của Napoléon, ngày 15/08/1806. Nhưng Hoàng Đế không có cơ hội nhìn thấy công trình hoàn tất. Việc thi công chậm trễ đã khiến phải đến 30 năm sau, Khải Hoàn Môn mới được khánh thành, dưới thời trị vì của vua Louis-Philippe. »
Truyền thống đoàn quân đi dưới Khải Hoàn Môn có nguồn gốc từ thời La Mã cổ đại, theo đó các đạo quân La Mã trở về từ các cuộc chinh chiến sẽ phải đi qua một « cánh cổng thần kỳ »cho phép binh lính gột rửa hết những năng lượng hủy diệt bên trong mỗi người trước khi họ tiến vào bên trong thành phố yên bình.
Tại Pháp, trước Hoàng đế Napoléon, các vị vua Louis XIV, Louis XV cũng đã cho dựng Khải Hoàn Môn ở nhiều thành phố như Lille, Montpelier, Nancy … Và Hoàng Đế Napoléon đã tiếp nối truyền thống La Mã cổ đại và theo bước chân của vua Louis XIV, Louis XV trong việc dựng Khải Hoàn Môn Paris.
Ban đầu, Napoléon muốn đặt Khải Hoàn Môn tại một nơi mang tính biểu tượng cao là quảng trường Bastille – nơi từng diễn ra sự kiện chiếm ngục Bastille vào ngày 14/07/1789 trong Cách Mạng Tư Sản Pháp. Tuy nhiên, bộ trưởng Nội Vụ Champagny đã thuyết phục được Hoàng đế xây Khải Hoàn Môn ở quảng trường Ngôi Sao – nơi có tầm nhìn rất đẹp.
Còn lý do phải mất 30 năm mới hoàn thành Khải Hoàn Môn không chỉ là vì tiến độ thi công chậm chạp vì còn vì sự kiện Napoléon bại trận tại Nga năm 1812 và Hoàng Đế phải thoái vị năm 1814.
Tới triều đại của vua Louis XVIII và vua Charles X, hai người anh em của vua Louis XVI, việc thi công Khải Hoàn Môn mới được tiếp tục. Nhưng vua Louis XVIII và Charles X không muốn vinh danh đạo quân của Napoélon, người họ coi là kẻ thù nên muốn Khải Hoàn Môn trở thành công trình vinh danh dòng họ vua Louis XVI. Nhưng đến đời vua Louis-Philippe, đã từng chiến đấu trong đạo quân của Napoléon và thời Cách Mạng nên đã quyết giữ nguyên mục đích ban đầu của công trình là nhằm vinh danh Đại Quân Napoléon. Vậy là sau 30 năm, trải qua triều đại của Hoàng đế Napoléon, 3 đời vua và 5 đời kiến trúc sư, cuối cùng thì Khải Hoàn Môn cũng được khánh thành vào ngày 29/07/1836.
Theo truyền thống La Mã cổ đại, các khải hoàn môn được trang trí bằng các công trình chạm khắc, phù điêu miêu tả các trận đánh nổi tiếng, mặt ngoài 4 trụ Khải Hoàn Môn Paris được trang trí bằng 4 công trình điêu khắc lớn với chủ đề Xuất Quân, Khải Hoàn, Kháng Chiến và Hòa Bình. Các tác phẩm chạm khắc ở mặt trong các trụ miêu tả các trận đánh nổi tiếng thời Cách Mạng Tư Sản Pháp và Đế chế Napoléon. Phía dưới có khắc tên các nhân vật quan trọng trong giai đoạn lịch sử đó. Ngoài ra, còn có nhiều tác phẩm mô tả các sự kiện lớn của Cách Mạng Tư Sản Pháp và Đế chế.
Nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của nước Pháp
Từ một công trình mà khởi đầu là biểu tượng cho Đại Quân Napoléon, Khải Hoàn Môn Paris đã trở thành nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của nước Pháp. Năm 1840, 19 năm sau khi Napoléon từ trần trên đảo Saint-Hélène, nơi ông sống lưu đày suốt 6 năm cuối đời, vua Louis-Philippe đã cử hoàng tử Joinville tới đảo Saint-Hélène đưa linh cữu Napoléon về Pháp. Và linh cữu Napoléon đã được rước đi qua dưới mái vòm Khải Hoàn Môn để tới nhà thờ Saint-Jérôme. Sau này, lăng mộ Napoléon được đặt chính thức tại điện Invalides, nơi có bảo tàng Quân Sự Pháp.
Ngày 01/06/1845, nhà nước Pháp tổ chức lễ quốc tang cho đại thi hào Victor Hugo với 2 triệu người tham dự. Đêm trước đó, quan tài của Victor Hugo đã được đặt cả đêm dưới mái vòm Khải Hoàn Môn để dân chúng tới tỏ lòng tôn kính. Thi hài của ông hiện để tại điện Panthéon – đền thờ các vĩ nhân Pháp.
Mộ Chiến Sĩ Vô Danh và « ngọn lửa thiêng »
Sau hai cuộc Thế Chiến, quân đội Đồng Minh đều diễu hành qua Khải Hoàn Môn để ăn mừng chiến thắng.
Trong Thế Chiến Thứ Nhất, 1.400.000 lính Pháp đã ngã xuống, 3.6 triệu người bị thương và 500.000 bị cầm tù. Chính quyền dựng đài tưởng niệm liệt sĩ ở khắp các thành phố. Ngày 23/01/1921, mộ Chiến Sĩ Vô Danh được đặt dưới vòm Khải Hoàn Môn để tôn vinh tất cả những người lính đã hy sinh để bảo vệ nước Pháp trong Thế Chiến Thứ Nhất.
Năm 1923, vào lễ kỷ niệm kết thúc Thế Chiến Thứ Nhất, ngày 11/11, để tôn vinh những người đã hy sinh để bảo vệ tự do cho nước Pháp, bộ trưởng Chiến Tranh André Maginot thắp « ngọn lửa thiêng » trên tượng đài Chiến Sĩ Vô Danh. Đó là lần đầu tiên ngọn lửa thiêng được thắp trên mộ Chiến Sĩ Vô Danh.
Kể từ đó cho tới nay, ngọn lửa thiêng dưới Khải Hoàn Môn chưa bao giờ tắt, kể cả trong giai đoạn 1940-1944, Paris bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Hàng ngày, nghi lễ tiếp lửa trên mộ Chiến Sĩ Vô Danh được tiến hành vào 18h30 với sự tham gia của đại diện các hiệp hội Cựu Chiến Binh Pháp, hội Chữ Thập Đỏ …
Ngày 14/05/2017, sau lễ nhậm chức ở điện Elysée, cũng như theo truyền thống ngày Quốc khánh Pháp 14/07, tân tổng thống Emmanuel Macron đã tới Khải Hoàn Môn đặt vòng hoa tưởng niệm trước mộ Chiến Sĩ Vô Danh và thực hiện nghi lễ tiếp lửa thiêng liêng. Ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt đó tượng trưng cho niềm hy vọng vào tương lai và niềm tin vào vận mệnh của nước Pháp.
http://vi.rfi.fr/phap/20170714-khai-hoan-mon-paris-va-ngon-lua-thieng-khong-bao-gio-tat