Tin khắp nơi – 14/07/2016
Bà Theresa May nhậm chức thủ tướng Anh
Sau biến động vì trưng cầu dân ý Brexit, bà Theresa May, Bộ trưởng Nội vụ của Đảng Bảo thủ lên thay ông David Cameron ở chức thủ tướng Anh.
Bà là nữ thủ tướng thứ nhì của Liên Hiệp Vương quốc Anh sau Margaret Thatcher và là thủ tướng thứ 54 của Anh.
Sau khi vào Điện Buckingham chiều 13/07/2016 nhận thư từ Nữ hoàng Elizabeth II ủy nhiệm bà lập tân nội các, bà May dự kiến sẽ công bố tên tuổi các bộ trưởng trong tân chính phủ vào buổi tối cùng ngày.
Dù là người ủng hộ Anh ở lại EU, bà Theresa May đã giữ thái độ khá yên lặng trong cuộc vận động của hai phe ủng hộ và chống lại tư cách thành viên EU của Anh.
Sau đó, bà chấp nhận ý nguyện của quá bán cử tri và trả lời báo chí nói bà sẽ chọn cách đàm phán rút ra khỏi EU sau trưng cầu dân ý Brexit làm sao có lợi nhất cho Anh.
Biến động tại chính trường Anh sau khi ông David Cameron tuyên bố từ chức vì thất bại, không vận động được đa số cử tri chống lại Brexit, nay có vẻ chấm dứt.
Bà Theresa May được cho là ứng viên tạo được sự tiếp nối và ổn định cho cả Đảng Bảo thủ và chính trường Anh.
Sinh năm 1956 ở Eastbourne, vùng Nam nước Anh, bà không học ở các trường tư như các ông Boris Johnson, David Cameron và George Osborne mà học trường công có tuyển chọn (grammar school).
Là con gái của một mục sư Anh giáo, có ông làm hạ sỹ quan Quân đội Anh, và cả hai bà nội và ngoại chỉ là người giúp việc nhà, bà May chỉ thuộc giới trung lưu.
Điều này khiến bà May khác một số nhân vật hàng đầu trong Đảng Bảo thủ cho tới gần đây như David Cameron, George Osborne và Boris Johnson vốn đều có gốc gác quý phái.
Tên khai sinh là Theresa Brasier, bà học Đại học Oxford và quen người chồng tương lai, ông Philip May qua giới thiệu củ̉a bạn học là Benazir Bhuto, người sau làm thủ tướng Pakistan.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160713_theresa_may_new_uk_pm
Nội các mới của Anh: Ai đi, ai ở?
Bà Theresa May đang thành lập tân chính phủ sau khi trở thành Thủ tướng Anh. Bà sẽ công bố toàn bộ nội các trong vài giờ tới nhưng đây là những chức vụ đã được chọn cho tới nay. Danh sách này sẽ được cập nhật khi các vị trí mới được thông báo.
Người trong Nội các…
Bộ trưởng Tài chính – Philip Hammond
Ông Philip Hammond là Ngoại trưởng dưới thời ông David Cameron, từ năm 2014 đến 2016, và trước đó từng là Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Giao thông. Ông thay thế ông George Osborne vào chức vụ Bộ trưởng Tài chính.
Ông Hammond, 60 tuổi, được nhìn nhận tại chính trường Anh là một người đáng tin cậy. Đôi khi bị trêu chọc vì lối nói mà nhiều người coi là tẻ nhạt ông nổi tiếng khi còn là thành viên Bộ Tài chính của đảng đối lập là “máy chém” chi tiêu công cộng của đảng Bảo thủ.
Ông được nhìn nhận là người có đường lối không ưa EU người vẫn nói về chuyện rút khỏi EU nếu EU không cải tổ nhưng lại vận động Ở lại trong cuộc trưng cầu dân ý. Ông nay nắm chức vụ cầm lái nền kinh tế Anh qua giai đoạn sóng gió Brexit này.
Ngoại trưởng – Boris Johnson
Ông Boris Johnson thay ông Hammond ở vị trí Ngoại trưởng. Cựu Thị trưởng London đã dẫn đầu phe vận động Anh rút ra khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý. Trước đây ông chưa từng nắm giữ chức vụ nào trong chính phủ của ông Cameron nhưng chấp nhận lời mời dự họp nội các chính trị. Ông chưa từng nắm giữ một bộ nào.
Ông Johnson, 52 tuổi, có lẽ là một trong những chính trị gia nổi tiếng nhất nước Anh nhưng việc ông được chọn vào chức vụ Ngoại trưởng là một bước tiến lớn so với chức vụ trước của ông.
Bộ trưởng Nội vụ – Amber Rudd
Bà Amber Rudd, 52 tuổi, thay thế bà May vào chức Bộ trưởng Nội vụ. Bà Rudd từng là Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi khí hâu, một vị trí bà mới nắm giữ một năm.
Trong chiến dịch vận động Ở lại EU trước trưng cầu dân ý bà đã cảnh báo trong một cuộc tranh luận trên truyền hình rằng bà sẽ không tin tưởng để ông Boris Johnson lái xe đưa bà về nhà sau một buổi tối đi chơi với nhau.
Từng là một người làm trong ngành ngân hàng đầu tư, đầu tư mạo hiểm và phóng viên tài chính, bà quyết định tham gia chính trường vào những năm ở tuổi trên 40.
Bà nhanh chóng nổi lên rất nhanh sau khi được bầu vào Quốc hội đại diện cho đơn vị bầu cử của Hastings và Rye. Bà được xem là người thân cận của cựu Bộ trưởng Tài chính George Osborne, và từng là thư ký riêng của ông tại Quốc hội trước khi được giao chức vụ Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu năm 2014.
Bộ trưởng Quốc phòng – Michael Fallon
Ông Michael Fallon, 64 tuổi, vẫn giữ chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng. Ông giữ vị trí này từ năm 2014.
Ông là dân biểu đảng Bảo thủ đại diện cho đơn vị bầu cử ở Darlington từ năm 1983 tới năm1992 – ban đầu là dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher – và sau khi rời Quốc hội ông sau đó được tái trúng cử cho đơn vị bầu cử ở Sevenoaks năm 1997.
Từng là Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ, ông từng là Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Bộ Thương mại và trước đó là Bộ trưởng Thương mại và Doanh nghiệp.
Được nhìn nhận là người đáng tin cậy trong chính trường Anh, ông miêu tả mình là một người “miễn cưỡng muốn ở lại EU” sau cuộc trưng cầu dân ý.
Bộ trưởng Y tế – Jeremy Hunt
Mặc dù có những đồn đoán trước đó, Bộ trưởng Y tế Jeremy Hunt được tại nhiệm.
Ông Hunt, 49 tuổi, được đưa vào nắm chức Bộ trưởng Y tế từ thời chính phủ liên minh của Thủ tướng David Cameron, trong hai năm, cũng là thời gian đã London đăng cai Thế vận hội 2012.
Ông được giao chức vụ này sau một cuộc cải tổ nội các năm 2012 và ông miêu tả việc đề bạt này là “một vinh dự lớn nhất cuộc đời tôi”. Gần đây nhất ông Jeremy Hunt vướng vào một cuộc chiến với Hiệp hội Y tế Anh liên quan tới hợp đồng cho các bác sĩ mới ra nghề khiến dẫn tới một loạt các cuộc đình công của giới bác sĩ.
Bộ trưởng Brexit (Ra khỏi EU) – David Davis
Ông David Davis được chọn vào một vị trí mới, “Bộ trưởng Brexit”, chuyên trách đưa Anh Quốc ra khỏi EU. Là một thành viên kỳ cựu của đảng Bảo thủ có đường lối bài EU, ông từng giữ vị trí Phó Thủ tướng đối lập.
Giai đoạn từ năm 2003 tới năm 2008, ông là Bộ trưởng Nội vụ của đảng đối lập dưới thời ông Michael Howard và ông David Cameron.
Ông Davis, 67 tuổi, thua ông David Cameron trong cuộc tranh cử vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ năm 2005.
Các chi tiết về một bộ mới, Bộ Brexit sẽ được công bố nhưng có lẽ sẽ đi đầu trong việc thương thuyết đưa Anh Quốc ra khỏi EU và sẽ phải lọc ra hàng ngàn trang các quy định và luật lệ của EU đã được đưa vào luật của Anh.
Bà Theresa May được tin nói là đã ra chỉ thị tìm một tòa nhà cho Bộ mới này.
Bộ trưởng Tư Pháp – Liz Truss
Bà Liz Truss chuyển từ chức Bộ trưởng Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn sang thay thế ông Michael Gove vào chức Bộ trưởng Tư pháp.
Là một người có bằng về kế toán quản lý, bà trở thành dân biểu của đơn vị bầu cử South West Norfolk năm 2010 và được cử làm Thứ trưởng Giáo dục năm 2012.
Bà lớn lên tại Yorkshire và đi học một trường công ở Leeds, sau đó học đại học ngành triết học, chính trị và kinh tế tại trường Merton College, Đại học Oxford.
Là người có quan điểm xã hội tự do, bà là thành viên của nhóm doanh nghiệp tự do gồm các dân biểu đảng Bảo thủ những người vẫn lập luận đòi bỏ bớt các quy định, luật lệ về kinh tế.
Bộ trưởng Giáo dục – Justine Greening
Bà Justine Greening thay bà Nicky Morgan nắm giữ chức Bộ trưởng Giáo dục. Bà cũng đồng thời là Thứ trưởng phụ trách các vấn đề Phụ nữ và Bình đẳng.
Bà Greening thôi chức Bộ trưởng Phát triển Quốc tế mà bà được đề bạt hồi tháng Mười năm 2011, năm bà 42 tuổi.
Là dân biểu cho khu vực Putney từ năm 2005, bà phụ trách mạng kinh tế của Bộ Tài chính sau cuộc bầu cử năm 2010, thay ông Philip Hammond vào chức Bộ trưởng Giao thông khi ông lên nắm chức Bộ trưởng Quốc phòng.
Tại lễ hội của người đồng tính ở London hôm 25 tháng Sáu, hai ngày sau khi có kết quả trưng cầu dân ý bỏ phiếu Brexit, bà tuyên bố trên Twitter bà đang có quan hệ với một người đồng tính và nói rằng “Tôi vận động Mạnh hơn khi Ở lại, nhưng đôi khi Ra đi lại tốt hơn!”
Bộ trưởng Thương mại Quốc tế – Liam Fox
Ông Liam Fox, 54 tuổi, nhận một chức vụ mới được tạo ra – Bộ trưởng Thương mại Quốc tế. Ông từng là Bộ trưởng Quốc phòng hồi năm 2010 nhưng từ chức năm 2011 vì các cáo giác ông đã để một người bạn thân, ông Adam Werritty, có thể tiếp cận ra vào Bộ Quốc phòng và đi cũng trong các chuyến công du nước ngoài.
Cũng giống ông Davis và là người có đường lối bài EU ông đã chọn bỏ phiếu ra khỏi EU và ông từng ra tranh cử chức lãnh đạo đảng Bảo thủ năm 2005 nhưng đã không thành công.
Mới đây ông lại ra vận động tranh cử chức vụ lãnh đảo đảng thay ông David Cameron nhưng đã bị loại trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, chỉ được 16 dân biểu ủng hộ.
Người đi…
George Osborne
Ông George Osborne bị sa thải khỏi chức Bộ trưởng Tài chính.Ông làm việc trong Bộ Tài chính từ năm 2010 – suốt thời kỳ ông David Cameron là Thủ tướng. Ông Osborne cũng nắm giữ chức Thứ trưởng thứ nhất Bộ ngoại giao từ tháng Năm năm 2015.
Là một đồng minh thân cận của ông Cameron, ông Osborne viết trên Twitter rằng là Bộ trưởng Tài chính là một “vinh dự” và nói thêm: “Những người khác sẽ đánh giá – tôi hy vọng là mình đã để lại một nền kinh tế tốt đẹp hơn khi tôi nhận nó.”
Michael Gove
Ông Michael Gove bị sa thải khỏi chức Bộ trưởng Tư pháp. Từng là phóng viên tờ Times, ông phục vụ dưới thời ông David Cameron ở chức vụ Bộ trưởng bộ Giáo dục trong liên minh chính phủ giữa đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ Tự do.
Ông đã cùng ông Boris Johnson vận động thành công đưa Anh ra khỏi EU – nhưng sau đó ông đã rút sự ủng hộ của ông dành cho ông Boris Johnson ra tranh cử chức lãnh đạo đảng Bảo thủ đồng thời là Thủ tướng. Thay vào đó chính ông ra tranh cử. Ông đã bị loại trong vòng bỏ phiếu thứ hai.
Nicky Morgan
Bà Nicky Morgan sẽ thôi chức Bộ trưởng Giáo dục.
Bà Morgan, 43 tuổi, là một luật sư, đã trở thành dân biểu năm 2010 và bắt đầu tham gia nội các với chức vụ Thứ trưởng phụ trách Phụ nữ và Bình đẳng năm 2013.
Sinh ở London, bà Morgan thay ông Michael Gove giữ chức Bộ trưởng Giáo dục năm 2014. Bà được tin nói là có dự tính ra tranh cử chức lãnh đạo đảng Bảo thủ nhưng cuối cùng đã chọn ủng hộ cho ông Gove, mặc dù chính bản thân bà là người bỏ phiếu Ở lại EU.
Viết trên Twitter, bà nói bà “thất vọng” không được tiếp tục công việc ở Bộ Giáo dục, trước khi chúc mừng người kế nhiệm mình là bà Justine Greening.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160714_uk_may_new_cabinet
Mỹ bỏ tù hacker Trung Quốc
Một doanh nhân Trung Quốc, người nhận tội xâm nhập (hacking) vào các thông tin quân sự nhạy cảm, bị kết án gần bốn năm tù tại Hoa Kỳ.
Tô Bân (Su Bin) thừa nhận đã phối hợp với các hacker trong quân đội Trung Quốc để đánh cắp dữ liệu từ các công ty quốc phòng Mỹ trong thời gian từ 2008 đến 2014.
Ông này bị bắt tại Canada hồi 2014 và bị dẫn độ về Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc liên tục bác bỏ việc có liên quan tới hoạt động tin tặc nhắm vào các công ty hoặc chính phủ nước ngoài.
Ngoài mức án tù 46 tháng, tòa án tại Los Angeles cũng buộc ông Tô phải trả khoản tiền phạt 10 ngàn đô la Mỹ.
“Mức án dành cho Tô Bân là sự trừng phạt thỏa đáng cho vai trò mà ông ta đã thú nhận thực hiện – âm mưu cùng các hacker của Lực lượng Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân tiếp cận trái phép và đánh cắp các thông tin quân sự nhạy cảm của Hoa Kỳ,” Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Jon Carlin nói trong một tuyên bố.
“Tô đã hỗ trợ cho các hacker của quân đội Trung Quốc trong nỗ lực tiếp cận bất hợp pháp và đánh cắp các thiết kế phi cơ quân sự tối tân, là những thứ tối cần thiết cho hoạt động quốc phòng của chúng ta,” ông giải thích.
Lợi ích tài chính
Ông Tô đã thừa nhận tội âm mưu tiếp cận bất hợp pháp tới một máy tính được bảo vệ và vi phạm Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí.
Ông nói ông đã giúp các hacker để nhằm được hưởng các lợi ích tài chính, và thừa nhận đã cho các hacker Trung Quốc thông tin về những cá nhân, công ty và loại công nghệ nào nên nhắm tới.
Ông cũng nhận tội đã dịch các tài liệu bị đánh cắp sang tiếng Trung.
Hoạt động tin tặc nhắm vào thông tin về các phi cơ vận tải và các chiến đấu cơ, sau đó các thông tin đánh cắp được được đem chào bán cho các công ty Trung Quốc.
Trung Quốc và Hoa Kỳ thường cáo buộc lẫn nhau về chuyện ai đứng đằng sau các vụ tấn công tin tặc.
Trong năm 2015, Trung Quốc đã bắt giữ một nhóm các tin tặc sau khi được chính phủ Hoa Kỳ cung cấp danh sách các nghi phạm không gian mạng – những người bị cáo buộc là đã đánh cắp các thông tin về các chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160714_chinese_hacker_sentenced_us_military
‘Bộ trưởng chiến tranh’ của IS bị chết
Một hãng tin có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS xác nhận cái chết của một thủ lĩnh chủ chốt Omar Shishani, người mà Hoa Kỳ nói đã tiêu diệt vào Tháng 3/2016.
Hãng tin Amaq nói Shishani bị thiệt mạng trong cuộc giao tranh trong thị trấn Shirquat, phía nam thành phố Mosul của Iraq.
Lầu Năm Góc nói vào tháng 3/2016 thủ lĩnh này bị chết vì vết thương do cuộc không kích của Hoa Kỳ nhắm vào khu vực đông bắc Syria.
Tên thật của Shishani là Tarkhan Batirashvili nhưng tên này còn được gọi là Omar the Chechen.
Thủ lĩnh thánh chiến với bộ râu đỏ này được cho là cố vấn quân sự thân cận với người đứng đầu Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi.
Thông tin này được xác nhận trên trang web của Amaq, là kênh Tổ chức IS thường sử dụng để công bố thông tin. Hãng tin này cũng chối bỏ việc Lầu Năm Góc xác nhận đã tiêu diệt thủ lĩnh này hôm Tháng Ba.
Amaq nói ông chết khi đang cố đẩy lùi các lực lượng trong chiến dịch chiếm lại thành phố Mosul.
Bản tin không nói rõ khi nào, nhưng thông cáo mâu thuẫn với thông tin Hoa Kỳ đưa ra hôm Tháng 3/2016.
Hoa Kỳ nói cuộc không kích vào ngày 4/3 tiến hành gần khu vực đông bắc thành phố Shaddadi, nơi có tin cho biết Shishani được cử tới để tăng cường lực lượng IS tại địa phương.
Năm ngoái, Hoa Kỳ treo thưởng 5 triệu đô la Mỹ để bắt Shishani.
Hoa Kỳ cho biết thủ lĩnh này nắm nhiều vị trí cao cấp trong quân đội của IS, bao gồm chức vụ “bộ trưởng chiến tranh”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160713_is_omar_shishani_died
Lãi suất ngân hàng Anh giữ mức 0,5%
Ngân hàng Trung ương Anh giữ nguyên mức lãi suất cơ bản 0,5% cho dù có tin đồn sẽ giảm lãi suất.
Trước đó Mark Carney, Thống đốc Ngân hàng, đã tỏ ý rằng Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) sẽ bỏ phiếu để cắt giảm lãi suất trong tháng Bảy hoặc tháng Tám.
Bước giảm lãi suất là nhằm thúc đẩy nền kinh tế Anh sau cuộc bỏ phiếu với kết quả rời EU (Brexit).
Ben Brettell, kinh tế gia tại Hargreaves Lansdown, cho biết: “Ban đầu dự kiến nhiều khả năng là tháng Tám, nhưng với dữ liệu kinh tế xấu đi và thị trường vẫn còn lo lắng, nhiều khả năng là Ủy ban Chính sách Tiền tệ sẽ điều chỉnh để có hành động ngay lập tức.”
Khảo sát cho cả lĩnh vực dịch vụ và ngành công nghiệp xây dựng cho thấy sự sụt giảm mạnh, với ngành xây dựng có chỉ số tồi tệ nhất trong bảy năm tính tới tháng Sáu.
Tuy nhiên, Joshua Mahony, nhà phân tích thị trường tại IG, nói việc thiếu dữ liệu kinh tế kể từ cuộc trưng cầu có thể khiến Ngân hàng Trung ương Anh chưa ra quyết định cắt lãi suất:
“Có một khả năng đáng kể là ông Mark Carney sẽ gây thất vọng bởi việc sẽ trì hoãn cắt giảm lãi suất cho đến cuộc họp vào tháng Tám.”
Howard Archer, kinh tế gia trưởng tại IHS, cho biết Ngân hàng Trung ương Anh có thể sử dụng phương pháp khác như nới lỏng định lượng – được biết đến như việc “in tiền” – cũng như cắt giảm lãi suất. Nới lỏng định lượng đã không được sử dụng từ tháng 11/2012.
Ngân hàng Trung ương Anh đã công bố các biện pháp nhằm giúp đối phó cho kinh tế hậu Brexit bằng việc nới lỏng quy qui định để cho khối ngân hàng cho vay tới thêm 150 tỷ bảng.
Lãi suất tại Anh đã không thay đổi kể từ khi được hạ xuống mức thấp kỷ lục là 0,5% vào tháng Ba năm 2009, là lúc cao trào của cuộc khủng hoảng tài chính.
Một số kinh tế gia tin rằng lãi suất thậm chí có thể được cắt giảm xuống 0% vào tháng Tám năm nay.
http://www.bbc.com/vietnamese/business/2016/07/160713_bank_of_england_to_decide_on_rates_cut
Bắt đầu cử hành tang lễ của các cảnh sát viên bị sát hại ở Dallas
Thành phố Dallas đã bắt đầu cử hành các tang lễ cho 5 cảnh sát viên bị bắn chết tuần trước trong vụ tấn công bắn tỉa tại một cuộc biểu tình chống sự tàn ác của cảnh sát. Các số liệu thống kê cho thấy tính đến giờ này đã có 28 cảnh sát viên bị sát hại vì súng đạn trong năm nay ở Hoa Kỳ, so với con số tổng cộng là 18 trong cả năm 2015. Người biểu tình nói đàn ông da đen bị cảnh sát giết nhiều hơn so với đàn ông thuộc các nhóm chủng tộc khác. Chính phủ và các cộng đồng đang hợp lực để cố gắng chấm dứt sự tổn thất về sinh mạng ở cả hai bên.
Tang lễ của 3 trong số 5 cảnh sát viên bị giết hại đã được tổ chức hôm qua với sự hiện diện của thân nhân, công dân Dallas và các giới chức thi hành công lực trên cả nước. Ông Brandon Shearer, thuộc lực lượng cảnh sát thành phố Salt Lake, phát biểu:
“Điều quan trọng là bày tỏ sự ủng hộ đối với các cảnh sát viên Dallas. Một sự kiện như thế này có thể xảy ra cho nhân viên công lực ở bất cứ nơi nào trong nước, và đã từng xảy ra trước đây. Và chúng tôi chỉ muốn bày tỏ sự ủng hộ đối với họ và để họ biết rằng vì họ mà chúng tôi có mặt ở đây và chúng tôi quan tâm đến họ.”
Hai cảnh sát viên còn lại sẽ được mai táng vào cuối tuần này. Một trong hai người này là ông Patrick Zamarripa. Người em trai của ông, Carlos, bày tỏ ý kiến:
“Anh tôi là một anh hùng, một anh hùng thực sự – chứ không phải là một trong những anh hùng đòi hỏi được tuyên dương. Anh ấy chưa hề yêu cầu được đưa ra trước công chúng, chưa hề đòi khen thưởng. Anh ấy chỉ là một anh hùng thực sự. Anh ấy luôn là người hết lòng dâng hiến.”
Anh Zamarripa nói với đài VOA rằng anh vẫn chưa thể hiểu được vì sao anh của mình lại bị giết, và nói rằng phải tìm ra được một cách để đi tới yên bình. Anh nói tiếp:
“Chúng ta dứt khoát phải tìm ra cách thức để có sự yên bình bởi vì đó là cách duy nhất để chấm dứt bất cứ chuyện gì.”
Một thông điệp tương tự cũng được đưa ra từ phía người con trai của ông Alton Sterling, người đàn ông da đen bị một cảnh sát viên giết ở Louisiana:
“Không nên có thêm những tranh cãi, bất đồng, bạo động và tội ác nữa. Mọi người phải đến với nhau như một gia đình đoàn kết.”
Hôm qua, Tổng thống Barack Obama đã họp với các nhà lãnh đạo cộng đồng, các nhà hoạt động và nhân viên thi hành công lực để thảo luận cách thức giữ an toàn cho công dân và bảo đảm công lý cho tất cả mọi người. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, Josh Earnest, nói cải cách cơ quan cảnh sát ở Dallas đã đạt được hiệu quả trong việc giảm thiểu tỷ lệ tội phạm cũng như con số đơn khiếu nại chống lại cách hành sử của cảnh sát.
Ông Josh Earnest nói: “Vì thế không phải là điều thông thường khi những vấn đề này thường được giả thiết là, ‘chúng ta phải chọn giữa việc bảo vệ dân quyền, bảo vệ quyền của những khối thiểu số, và chống tội phạm có hiệu quả.’ Điều đó không đúng. Đó là một chọn lựa sai lầm.”
Tổng thống Obama và những người khác đã hô hào đoàn kết giữa lúc căng thẳng chủng tộc gia tăng, và các cuộc biểu tình ồ ạt bùng ra vì những vụ nổ súng chết người mới đây.
Mỹ xác định 2 người Nga là ‘phần tử khủng bố toàn cầu’
Mỹ đã ghi tên hai phần tử chủ chiến Nga vào danh sách thuộc thành phần ‘phần tử khủng bố toàn cầu đặc biệt’, liên kết các đương sự với các cuộc tấn công gây chết chóc do nhóm Nhà nước Hồi giáo thực hiện. Có tin một trong hai người đàn ông này đang bị giam giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Hôm 13/7, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu tên của hai kẻ khủng bố toàn cầu này là Aslan Avgazarovich Byutukaev, còn được biết đến với cái tên Amir Khamzat, và Airat Vakhitov, là người có một số bí danh, trong đó có Salman Bulgarsky.
Vakhitov, người sắc tộc Tatar nói tiếng Nga, đã bị các lực lượng Mỹ bắt tại Afghanistan vào năm 2001 và đã bị giam tại trung tâm giam giữ Guantanamo ở Cuba cho đến năm 2004, là khi anh ta được thả ra và trở về Nga.
Tuần trước, VOA nhận được tin là Vakhitov nằm trong một nhóm nhiều nghi phạm đã bị bắt và bị giam giữ tại Istanbul vì bị tình nghi tham gia vào 3 vụ đánh bom tự sát kể cả một vụ tại sân bay của thành phố Istanbul vào ngày 28 tháng 6.
Các nguồn tin ở Istanbul quen biết gia đình Vakhitov nói với VOA vào đầu ngày 14/7 rằng anh ta vẫn đang bị giam do có liên quan đến vụ đánh bom lớn này, làm 41 người chết và 250 người khác bị thương.
Người đàn ông thứ hai bị nhà chức trách Mỹ xác định là phần tử khủng bố toàn cầu là Aslan Byutukayev. Người này được cho là đã từng là thủ lãnh của Nhà nước Hồi giáo ở Chechnya và các nước cộng hòa của Nga gần đó trong khu vực Bắc Caucasus trong năm qua.
Gần đây nhất, ông ta được cho là có liên quan đến một vụ đánh bom lớn được lên kế hoạch thực hiện ở nước cộng hòa Ingushetia vào tháng 11 năm ngoái; âm mưu đó đã thất bại vì lực lượng đặc biệt Nga đã phát hiện ra một lượng lớn thuốc nổ giấu ở rìa một con đường.
Trước khi ông ta hoạt động thay mặt IS, các quan chức Mỹ nói Byutukayev đã chỉ đạo nhiều vụ đánh bom tự sát nhằm vào Nga và các biểu tượng sức mạnh của Nga.
http://www.voatiengviet.com/a/my-xac-dinh-2-nguoi-nga-la-phan-tu-khung-bo-toan-cau/3418040.html
Hiệp định hạt nhân Iran: một năm sau
Một năm trước, các nhà ngoại giao của Iran và nhóm sáu cường quốc thế giới đã xuất hiện sau một cuộc họp tại Vienna, Áo với một hiệp định toàn diện hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt.
Hôm nay, hiệp định có hiệu lực với những kết quả rõ ràng về các thành phần chính trong hiệp định, nhưng vẫn còn có những nghi ngờ ở cả hai bên rằng phía bên kia có thể lợi dụng hiệp định trong khi không làm đúng trách nhiệm của mình.
Phát biểu tại Paris hôm 14/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết vẫn còn những việc phải làm để duy trì hiệp định.
Ông nói: “Chúng tôi cần và sẽ tiếp tục làm việc, chúng tôi có một đại sứ đặc biệt với công việc hàng ngày là lãnh đạo một nhóm có nhiệm vụ đảm bảo rằng các bên tiếp tục tuân thủ hiệp định này, cũng như đảm bảo rằng chúng tôi vẫn tiếp tục có thể giải quyết bất cứ vấn đề gì”.
Ông Kerry nói thế giới có thể tự hào về việc cuộc đàm phán đa phương phức tạp đã mang lại kết quả là làm cho khu vực này ít bất ổn và thế giới an toàn hơn.
Ông Kerry đã phát biểu tại Paris, nơi ông đang tham gia lễ kỷ niệm Ngày Phá ngục Bastille, tức Lễ Quốc khánh của Pháp.
http://www.voatiengviet.com/a/hiep-dinh-hat-nhan-iran-1-nam-sau/3417932.html
Áo kết án kẻ tuyển mộ của IS 20 năm tù
Một tòa án của Áo hôm 13/7 đã kết án 20 năm tù đối với một nhà thuyết giáo Hồi giáo kiêm tuyên truyền về thánh chiến. Tòa tuyên người đàn ông sinh ra ở Serbia có tội vì đã tuyển mộ các thanh niên cho nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Người ta chỉ biết đến người đàn ông 34 tuổi qua bí danh của anh ta là Ebu Tejma. Anh ta bị kết án ngay trước nửa đêm hôm 13/7 tại thành phố Graz ở miền nam. Theo một công tố viên, Tejma đã “tẩy não” hàng chục thanh niên, thuyết phục họ tham gia tổ chức khủng bố ở Syria.
Các công tố viên mô tả Tejma là một “nhân vật chủ chốt” thúc đẩy hoạt động tuyên truyền của IS ở châu Âu và kích động các cuộc tấn công khủng bố. Anh ta bị bắt vào năm 2014 trong một chiến dịch truy quét các mạng lưới thánh chiến ở Áo.
Một người đàn ông khác, với danh tính được xác định là Mucharbek T., cũng bị kết án 10 năm tù vì tuyển mộ người cho IS và tham gia vào các cuộc tấn công ở Syria.
http://www.voatiengviet.com/a/ao-ket-an-ke-tuyen-mo-cua-is-20-nam-tu/3417920.html
Không kích Mỹ hạ sát kẻ cầm đầu vụ tấn công trường học Pakistan năm 2014
Hoa Kỳ xác nhận một cuộc không kích bằng máy bay không người lái ở Afghanistan hạ sát một thủ lĩnh hàng đầu của phe Taliban ở Pakistan, người hoạch định cuộc tấn công vào một trường học Pakistan hồi năm 2014, một trong những vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất ở Pakistan.
Một phát ngôn viên quân đội Pakistan ngày 13/7 cho hay tư lệnh Mỹ phụ trách các lực lượng quốc tế tại Afghanistan, Tướng John Nicholson, đã gọi điện cho người đồng nhiệm Pakistan, Tướng Raheel Sharif, và xác nhận rằng tay khủng bố Umar Narai đã chết trong một cuộc không kích bằng máy bay không người lái tại tỉnh Nangarhar miền Đông Afghanistan.
Narai bị truy nã ở Pakistan vì chủ mưu vụ tấn công của Taliban nhắm vào một trường học do quân đội quản lý tại Peshawar vào tháng 12 năm 2014. Gần 150 người, chủ yếu là những sinh viên trẻ, thiệt mạng trong vụ tấn công bị lên án là đẫm máu nhất nhì trong lịch sử Pakistan do phe chủ chiến thực hiện.
Thủ lĩnh Taliban vừa bị hạ sát cũng bị tố cáo là đã hoạch định vụ tấn công gây thương vong hồi tháng 9 năm 2015 nhắm vào một căn cứ không quân gần Peshawar và vụ tấn công vào một trường đại học không xa thành phố hồi tháng Giêng năm nay. Khoảng 50 người đã thiệt mạng trong hai vụ này.
Một quan chức an ninh Pakistan không muốn nêu tên nói với đài VOA rằng Islamabad hoan nghênh việc diệt trừ trùm khủng bố Narai và nói rằng sự việc chứng tỏ các phần tử chủ chiến Pakistan tháo chạy vì các chiến dịch an ninh đang lưu trú tại Afghanistan.
Nam Triều Tiên, Mỹ xúc tiến thiết đặt lá chắn phi đạn THAAD
Washington và Seoul xúc tiến kế hoạch thiết đặt hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD của Mỹ gây nhiều tranh cãi trên bán đảo Triều Tiên, giữa lúc sự chống đối đang càng lúc càng tăng.
Sự chống đối và những tranh luận về liệu giá trị răn đe phụ trội của việc triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD có đáng để chấp nhận rủi ro làm phật lòng Bắc Kinh và khiêu khích Bắc Triều Tiên hơn nữa, hay không.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên Ryu Je Seung nói:
“Nếu chúng ta đưa vào hoạt động hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD tại Seongju, chúng ta có thể bảo vệ mạnh mẽ hơn sự an toàn của nhân dân chúng ta sinh sống tại khu vực rộng từ phân nửa tới 2/3 đất nước, chống lại các mối đe doạ hạt nhân và phi đạn từ Bắc Triều Tiên.”
Ông Ryu Je Seung còn nói rằng địa điểm của đơn vị đặc trách hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD sẽ bảo vệ các cơ sở quốc gia quan trọng như các nhà máy điện hạt nhân, và các cơ sở lọc dầu, đồng thời tăng khả năng và tư thế sẵn sàng ứng chiến, bảo đảm sức mạnh quân sự của liên minh Mỹ-Nam Triều Tiên.
Những lời đồn đoán rằng hệ thống lá chắn THAAD có phần chắc sẽ được đặt trong khu vực này đã khơi lên các cuộc biểu tình từ các nhóm lo ngại rằng cơ sở quân sự này có thể đặt các cộng đồng địa phương trước hiểm nguy.
Hơn 5000 người biểu tình tại Seongju hôm nay. Khoảng 3000 cư dân tại quận Chilgok ở kế cận đã xuống đường biểu tình chống hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD hôm thứ Bảy vừa rồi.
Có tin cho biết nhiều đoàn thể khác đang lập kế hoạch để mở một kiến nghị hầu tìm cách lật ngược quyết định của quân đội, viện lý do là các tác động về môi trường và kinh tế của việc triển khai hệ thống chắn phi đạn đã chưa được nghiên cứu đúng mức.
Khi đưa ra loan báo của ông hôm thứ Tư 13/7, Thứ trưởng Quốc phòng Ryu nói các cuộc thẩm định cho thấy hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD không có tác động tiêu cực về mặt sức khoẻ cũng như về môi trường trong khu vực, và rằng sự an toàn của cư dân địa phương không hề bị phương hại.
http://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-my-xuc-tien-thiet-dat-la-chan-phi-dan-thaad/3417122.html
Lãnh đạo mới của Đài Loan bác bỏ phán quyết về Biển Đông
Trung Quốc và Đài Loan đang tìm được tiếng nói chung sau khi Tòa Trọng tài quốc tế bác bỏ tuyên bố của cả hai đòi chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông, nơi Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Hôm 13/7, chỉ vài giờ sau khi tòa ra phán quyết, tân Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã điều tàu chiến đi tuần tiễu tại vùng biển có tranh chấp để thể hiện quyết tâm bảo vệ lợi ích đảo quốc. Quyết định triển khai tàu có thể làm tăng căng thẳng ở khu vực.
Về phần Trung Quốc, họ lâu nay nói không công nhận thẩm quyền của tòa và có thể thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hôm 13/7 đã khen ngợi các nỗ lực của Đài Loan trong việc bảo vệ các quyền lợi chung. Đài Loan và Trung Quốc từng là kẻ thù trong một cuộc nội chiến. Ông Lưu nói trong một cuộc họp báo rằng phán quyết gây tổn hại đến các quyền của “mọi người Trung Hoa” và cả Trung Quốc lẫn Đài Loan đều “có trách nhiệm và lợi ích chung phải bảo vệ các quyền hàng hải” ở Biển Đông.
Trong một tuyên bố có nhiều điểm tương đồng với phản ứng của Trung Quốc, bà Thái Anh Văn nói phán quyết không có tính ràng buộc với Đài Loan và đã làm xói mòn các quyền của chính phủ của bà.
Tuyên bố đó đặt bà vào vị trí mâu thuẫn với Mỹ, nước bảo trợ an ninh chính cho Đài Loan. Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc tuân theo phán quyết. Tuyên bố cũng mang lại một sự nhất trí hiếm hoi giữa bà Thái và các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, những người mới đây đã cắt đứt liên lạc do bà từ chối công nhận quan điểm “một Trung Quốc”.
Nguồn: Bloomberg, NY Times
http://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-moi-cua-dai-loan-bac-bo-phan-quyet-ve-bien-dong/3417108.html
Quốc khánh: Pháp đề cao sức mạnh quân đội và đoàn kết quốc gia
Hôm nay, 14/7/2016, theo truyền thống, nước Pháp tổ chức long trọng lễ diễu binh mừng ngày Quốc khánh trong bối cảnh xã hội căng thẳng, mối đe doa khủng bố vẫn hiện hữu và chỉ còn chưa đầy một năm nữa đến cuộc bầu cử tổng thống. Buổi lễ đã thể hiện sức mạnh của quân đội Pháp sẵn sàng trước các mối đe dọa an ninh quốc gia.
Cuộc diễu binh bắt đầu từ 10 giờ sáng nay, giờ Paris, bắt đầu từ quảng trường Etoile đi qua đại lộ Champs Elysées tới quảng trường Concorde. Hơn 3500 người đã tham gia cuộc diễu hành trên đại lộ đẹp và nổi tiếng nhất Paris. Tham gia cuộc diễu binh còn có 212 chiến xa, 55 máy bay và 30 trực thăng.
Nhân kỷ niệm 100 năm trận chiến Somme, một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, 140 lính Úc và 85 New Zeland trong trang phục thổ dân Maoris được mời làm khách danh dự tham gia diễu hành.
Điểm đặc biệt nữa là lần đầu tiên từ năm 1919, lực lượng Hải quan cũng được diễu hành. Tiếp sau họ là đoàn đại diện của giám thị trại giam.
Tổng thống Pháp François Hollande cùng Tổng tham mưu trưởng, tướng Pierre de Villiers và tướng Bruno la Ray, tư lệnh quân sự vùng Paris đã tiến hành nghi thức duyệt danh dự các đơn vị tham gia diễu binh tại quảng trường Etoile chính thức khai mạc buổi lễ.
Kết thúc cuộc diễu binh là màn biểu diễn của phi đội máy bay tuần thám Pháp, gồm 8 chiếc nhả khói 3 màu cờ của Pháp.
Nước Pháp vẫn được đặt trong tình trạng khẩn cấp kể từ khi xảy ra các vụ khủng bố 13/11/2015, để bảo đảm an toàn cho ngày hội hôm nay, khoảng 11.500 cảnh sát, hiến binh đã được triển khai tại Paris. Việc kiểm tra an ninh trong khu vực diễu binh hết sức nghiêm ngặt. Tuy vậy rất đông người dân đã tới dự buổi lễ trong không khí hết sức phấn trấn và tự hào về đất nước.
Tâm điểm lễ hội là cuộc diễu binh diễu hành trên đại lộ Champs Elysées nhưng dư luận đặc biệt chú ý vào cuộc trả lời phỏng vấn của tổng thống Pháp François Hollande trên truyền hình đầu giờ chiều nay.
Mỹ phản đối Bắc Kinh dùng thuế xuất khẩu cạnh tranh bất chính
Hoa Kỳ hôm 13/07/2016 đã phản đối việc Trung Quốc đánh thuế xuất khẩu vào 9 kim loại và khoáng chất, cho rằng đã đi ngược lại các cam kết của Bắc Kinh khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), giúp các công ty của Trung Quốc cạnh tranh bất chính.
Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc cần phải bãi bỏ thuế xuất khẩu từ 5% đến 20% đánh vào antimoine, cobalt, đồng, than chì, chì, oxit manhê, bột đá hóa thạch, tantali và thiếc. Đây là các nguyên liệu chủ yếu cho một số ngành kỹ nghệ Mỹ, như hàng không, xe hơi, điện tử và hóa chất.
Mức thuế hiện nay khiến giá thành nguyên vật liệu tăng lên đối với các doanh nghiệp Mỹ, trong khi các công ty Trung Quốc cạnh tranh không phải mất chi phí này.
Đại diện thương mại Mỹ, ông Michael Froman, tuyên bố : « Loại thuế xuất khẩu này nằm trong mưu toan gian lận của Trung Quốc, để nguyên vật liệu trở nên rẻ hơn đối với công ty trong nước và đắt tiền hơn với chúng tôi ».
Washington nhấn mạnh, lúc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, Trung Quốc đã cam đoan sẽ bãi bỏ thuế xuất khẩu cho tất cả các mặt hàng – trừ những loại nằm trong một danh sách đặc biệt, trong đó không có 9 kim loại và khoáng chất kể trên.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160714-my-phan-doi-trung-quoc-dung-thue-xuat-khau-de-canh-tranh-bat-chinh
Anh : Thủ lĩnh Brexit Boris Johnson trở thành ngoại trưởng
Ba tuần sau cú sốc « Brexit », cựu bộ trưởng Nội Vụ Theresa May chính thức nhậm chức thủ tướng Anh ngày 13/07/2016, sau khi người tiền nhiệm David Cameron từ chức. Điều gây bất ngờ hơn cả là bà Theresa May đã bổ nhiệm người đứng đầu phong trào ủng hộ « Brexit » làm ngoại trưởng.
Tân thủ tướng Anh, 59 tuổi, đã thành lập nội các mới, cùng với một bộ chuyên trách về « Brexit » với người đứng đầu là ông David Davis. Vị dân biểu hoài nghi châu Âu này sẽ chịu trách nhiệm đàm phán việc Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Cựu ngoại trưởng Anh Philip Hammond thay thế ông George Osborne tại bộ Tài Chính. Thế nhưng, điều gây bất ngờ hơn cả là bà Theresa May đã bổ nhiệm cựu đô trưởng Luân Đôn Boris Johnson, người đứng đầu phong trào ủng hộ « Brexit », vào vị trí ngoại trưởng Anh.
Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Muriel Delcroix giải thích :
“Sự trở lại của ông Boris Johnson đã gây ngạc nhiên và dẫn đến nhiều lời bình luận khác nhau trên các nhật báo Anh, như dòng tựa : « Thế giới thân mến… Chúng tôi lấy làm tiếc » trên tờ Daily Mirror với hình ảnh cựu đô trưởng Luân Đôn đội mũ bảo hiểm màu xanh dương, hai tay cầm quốc kỳ Anh và treo lửng lơ trên một dây cáp ; bức hình giờ lan truyền khắp thế giới.
Thế nhưng, nếu nhật báo cánh tả Anh than phiền, vì thấy với quyết định bổ nhiệm này « uy tín của nước Anh chỉ còn treo trên một sợi dây », thì nhật báo Daily Mail, lại hoan hỉ vì có « một chính phủ bảo thủ táo bạo mới » và chạy tựa trên trang nhất « Boris tái xuất ! ».
Về phần mình, tờ Telegraph nhận thấy sự nỗ lực từ phía tân thủ tướng trong việc trấn an những người đã bỏ phiếu ủng hộ « Brexit » với việc bổ nhiệm hai chính trị gia ủng hộ Anh rời Liên Hiệp Châu Âu : ông David Davis trở thành bộ trưởng Đàm Phán « Brexit » và ông Liam Fox, trong cương vị bộ trưởng Thương Mại Quốc Tế.
Cuối cùng, tờ Guardian công nhận nỗ lực của bà Theresa May trong bài diễn văn nhấn mạnh trọng tâm vào các vấn đề công lý xã hội và một nền kinh tế cho tất cả mọi người. Thế nhưng, dòng tựa của bài xã luận : « Tân thủ tướng, vẫn cùng vấn đề » đã tóm tắt ngắn gọn những trở ngại đang đợi bà Theresa May, như tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, đa số tại nghị viện rất hạn chế và một vấn đề nhức nhối : « Brexit » và các cuộc đàm phán để rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu”.
Hãng tin AFP cho biết, ngay sau khi chính phủ mới của Anh được thành lập, tổng thống Pháp François Hollande đã gọi điện chúc mừng tân thủ tướng Theresa May, tối ngày 13/07/2016, đồng thời nhắc lại mong muốn các cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu « cần được xúc tiến nhanh nhất có thể được ».
Trong khi đó, thủ tướng Đức Angela Merkel, ngày 14/07, cho biết đã mời đồng nhiệm Anh tới Berlin để hội đàm, song bà không đưa ra bất kỳ bình luận nào về việc bổ nhiệm tân bộ trưởng ngoại giao Anh.
Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm với hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức vào tối cùng ngày nhậm chức, bà Theresa May cho biết Anh cần thời gian để bắt đầu các cuộc thương lượng « Brexit ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160714-tan-thu-tuong-anh-bo-nhiem-boris-johnson-dung-dau-nganh-ngoai-giao
Tin tặc Trung Quốc tấn công cơ quan giám sát các ngân hàng Mỹ
Các tin tặc được cho là thân chính quyền Trung Quốc đã xâm nhập vào các máy tính của cơ quan giám sát và bảo chứng các ngân hàng Mỹ, kể cả máy của chủ tịch. Đó là kết luận của một ủy ban Quốc hội Hoa Kỳ, được AFP dẫn ra hôm nay 14/07/2016.
Hệ thống máy tính của Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Hoa Kỳ (Federal Deposit Insurance Corporation – FDIC), cơ quan có nhiệm vụ bảo chứng tiền ký thác tại các ngân hàng Mỹ, đã bị tấn công tin học « bởi một chính phủ nước ngoài, có thể là chính phủ Trung Quốc ». Báo cáo của Ủy ban Khoa học thuộc Hạ viện Mỹ, mà đa số thành viên thuộc đảng Cộng Hòa, đã kết luận như trên.
Báo cáo dựa trên một tài liệu thanh tra nội bộ của FDIC cho biết, vụ xâm nhập đầu tiên được phát hiện vào năm 2010, tiếp theo là các vụ khác năm 2011 và 2013. Tổng cộng có 12 máy tính và 10 máy chủ của FDIC đã bị xâm nhập và nhiễm virus do tin tặc cấy vào. Ngay cả máy tính của cựu chủ tịch FDIC cũng bị tấn công.
Hoa Kỳ và Trung Quốc hồi tháng 9/2015 đã thỏa thuận đấu tranh chống tấn công tin học, một trong những bất đồng lớn nhất giữa đôi bên. Washington lên án Bắc Kinh sử dụng những thông tin mà bọn tin tặc cướp được để giúp các công ty Trung Quốc cạnh tranh bất chính.
Tháng 4/2016, đô đốc Michael Rogers, tư lệnh lực lượng chiến tranh mạng của Lầu Năm Góc tuyên bố tin tặc Trung Quốc « vẫn đang lao vào các hoạt động chống lại các doanh nghiệp Mỹ. Vấn đề đặt ra là chiến lợi phẩm của chúng sau đó có được các công ty tư nhân Trung Quốc lợi dụng hay không. Chúng tôi vẫn chưa có được câu trả lời dứt khoát ».
Ủy ban Khoa học Hạ viện chỉ trích FDIC sơ suất về an ninh mạng, tố cáo đương kim chủ tịch Martin Grueberg và tổng thanh tra Fred Gibson về những lỗ hổng an ninh gần đây.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160714-tin-tac-trung-quoc-tan-cong-co-quan-giam-sat-cac-ngan-hang-my
Bắc Triều Tiên sắp có tên lửa phóng từ tầu ngầm
Theo chuyên gia Mỹ, trong vòng một năm nữa, Bắc Triều Tiên có thể sẽ có tên lửa phóng từ tầu ngầm và loại tên lửa này còn làm tăng thêm đáng kể mối đe dọa của chế độ Bình Nhưỡng.
Ngày 13/07/2016, ông Joseph Bermudez, một chuyên gia nổi tiếng về Bắc Triều Tiên thuộc Viện nghiên cứu Mỹ-Triều Tiên, đại học John Hopkins tại Washington, cho biết Bắc Triều Tiên có thể « bắn thử hoặc thực hiện thành công một vụ phóng thử với tầm bắn thật sự từ nay đến 12 tháng nữa ». Vẫn theo chuyên gia này, Bình Nhưỡng sẽ có một tầu ngầm phóng tên lửa, có khả năng mang từ 8 đến 12 tên lửa từ nay đến năm 2020.
Hãng tin AFP trích nhận định của ông Bermudez cho rằng việc Bình Nhưỡng sắp có khả năng phóng tên lửa từ tầu ngầm, chứ không phải từ một căn cứ cố định, sẽ là một thách thức đối với Hoa Kỳ và các đồng minh. Theo ông, « mối đe dọa này mới chỉ trong giai đoạn đầu, nhưng với thời gian sẽ có thể trở thành một mối đe dọa thực sự ».
Từ khi Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 vào ngày 06/01/2016, mối quan hệ giữa hai miền ngày càng căng thẳng. Sau đó, Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa.
Theo giới chuyên gia, Bắc Triều Tiên đang tăng cường nỗ lực để có được loại tên lửa liên lục địa (ICBM) có thể bắn tới lục địa Mỹ.
Tuần trước, Hoa Kỳ thông báo sẽ triển khai hệ thống chống tên lửa THAAD tại Hàn Quốc và đưa tên nhà lãnh đạo Kim Jong Un vào danh sách đen những nhân vật bị trừng phạt vì vi phạm nghiêm trọng nhân quyền. Về phần mình, Bình Nhưỡng coi hành động này là một « lời tuyên chiến ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160714-bac-trieu-tien-sap-co-ten-lua-phong-tu-tau-ngam