Tin khắp nơi – 14/06/2018
Mỹ muốn Bắc Hàn
‘giải trừ lượng lớn vũ khí’ vào 2020
Hoa Kỳ hy vọng Bắc Hàn sẽ có một “sự giải trừ một lượng lớn vũ khí” từ giờ cho đến cuối 2020, theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo.
Ông Pompeo đưa ra tuyên bố trên trong một chuyến thăm Hàn Quốc, theo sau cuộc họp chưa từng có giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.
Họ đã ký một thỏa thuận đồng ý làm việc hướng tới “việc triệt tiêu hạt nhân hoàn toàn của bán đảo Triều Tiên”.
Nhưng bản tuyên bố chung này đã bị chỉ trích là thiếu thông tin chi tiết về thời gian hay cách thức Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ vũ khí của mình.
Mỹ trấn an đồng minh sau khi hủy diễn tập ở HQ
Trump và Kim thực sự đạt được gì ở Singapore?
Ông Pompeo đến Seoul sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, để trình bày với chính phủ Hàn Quốc về kết quả của cuộc gặp lịch sử.
Ông nói vẫn còn “rất nhiều việc phải làm” với Bắc Triều Tiên, nhưng nói thêm: “việc giải trừ một số lượng lớn vũ khí… Chúng tôi hy vọng có thể đạt được điều này trong hai năm rưỡi.”
Ông cho biết ông tự tin rằng Bình Nhưỡng hiểu được yêu cầu tháo dỡ chương trình hạt nhân của mình để được công nhận một cách thích đáng.
Khi được hỏi bởi các phóng viên vì sao điều này không được ghi rõ trong văn bản được ký tại Singapore, ông Pompeo nói các câu hỏi là “xúc phạm” và “vô lý”.
Tổng thống Trump trước đó tuyên bố Bắc Hàn không còn là mối đe dọa hạt nhân nữa, nhấn mạnh rằng “mọi người bây giờ có thể cảm thấy an toàn hơn nhiều”.
Độ tin cậy của lời tuyên bố đó đang bị nghi ngờ. Đó là bởi vì theo thỏa thuận, miền Bắc vẫn giữ đầu đạn hạt nhân, tên lửa để phóng và không hề đồng ý với bất kỳ quy trình cụ thể nào để loại bỏ chúng.
Bình Nhưỡng đã tuyên bố hội nghị thượng đỉnh như một chiến thắng lớn cho đất nước này.
Những gì đã được thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh?
Hai nhà lãnh đạo cho biết họ sẽ hợp tác xây dựng “các mối quan hệ mới”, trong khi Mỹ sẽ “bảo đảm an ninh” cho Bắc Triều Tiên.
Bình Nhưỡng đổi lại “cam kết làm việc hướng tới hoàn toàn khử hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”.
Sau đó, tại một cuộc họp báo sau cuộc họp, ông Trump nói ông sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Triều Tiên một khi “vũ khí hạt nhân không còn là nhân tố” nữa.
Ông nói ông tin tưởng trực giác của mình rằng ông Kim sẽ giữ lời.
Ông Trump cũng bất ngờ tuyên bố hoãn các cuộc diễn tập quân sự thường xuyên được thực hiện giữa các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc trên bán đảo.
Động thái này – được yêu cầu bởi Bình Nhưỡng – đã được coi là một sự nhượng bộ lớn đối với Bắc Triều Tiên và dường như khiến các đồng minh Mỹ trong khu vực bất ngờ.
Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc sau đó nói cần phải “tìm ra ý nghĩa hay ý định chính xác” sau những phát biểu của ông Trump về việc chấm dứt các cuộc tập trận quân sự chung.
Bản tuyên bố chung đã nhận được phản ứng gì?
Hầu hết các nhà quan sát phương Tây đã nói bản thỏa thuận không có cam kết gì mới từ Bắc Triều Tiên cũng như các chi tiết về việc làm thế nào để có thể đạt được hoặc cách nào xác minh sự phi hạt nhân hóa.
Giới chỉ trích cũng bày tỏ sự thất vọng rằng các hồ sơ dài về tình trạng đàn áp nhân quyền của Bình Nhưỡng không được đề cập.
Chủ tịch Moon Jae-in hôm thứ Ba đã ca ngợi hội nghị thượng đỉnh như một “sự kiện lịch sử”, nói thêm rằng nó sẽ được ghi lại là “[giúp] phá vỡ di sản Chiến tranh Lạnh còn lại cuối cùng trên Trái đất”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nói chuyện với Donald Trump sau hội nghị thượng đỉnh, nói rằng có cuộc gặp có “ý nghĩa to lớn trong việc Chủ tịch Kim rõ ràng đã xác nhận với Tổng thống Trump về việc hủy bỏ hạt nhân hoàn toàn”.
Tuy nhiên, Tokyo cũng cảnh báo rằng cam kết của Bình Nhưỡng về việc khử hạt nhân không có các bước cụ thể và rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục cảnh giác.
Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cho biết Nhật Bản cũng nói “các buổi diễn tập chung của Mỹ-Hàn Quốc và sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc là quan trọng đối với an ninh ở Đông Á”.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã mô tả hội nghị thượng đỉnh Singapore là một “đối thoại bình đẳng” giữa hai bên, thêm rằng “không ai nghi ngờ vai trò độc đáo và quan trọng của Trung Quốc: một vai trò mà Trung Quốc sẽ tiếp tục gánh vác”.
Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả hội nghị thượng đỉnh là một “điểm khởi đầu” nhưng nói “không ai có thể mong đợi hội nghị thượng đỉnh nửa ngày để có thể san phẳng tất cả sự khác biệt Mỹ và loại bỏ sự bất tín sâu sắc giữa hai kẻ thù lâu năm “.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44478334
Hoa Kỳ, Nam Hàn, Nhật thảo luận về tập trận
và phi nguyên tử hóa Bình Nhưỡng
Seoul, Nam Hàn – Hôm Thứ Năm 14 tháng 6, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in tại Seoul, để thảo luận về kết quả của hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un.
Được biết, ngoại trưởng Pompeo đến Nam Hàn vào Thứ Tư 13 tháng 6, dự định tổ chức một cuộc họp ba bên với Nhật Bản và Nam Hàn. Cũng trong ngày Thứ Năm, ông Pompeo tiếp tục có cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Nam Hàn Kang Kyung-wha và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono, nhằm tìm kiếm sự hợp tác giữa ba nước để kiểm soát chặt chẽ, và bảo đảm Bình Nhưỡng hoàn toàn từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử sau hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6.
Trong cuộc đàm phán tại Singapore, lãnh đạo Kim cam kết sẽ phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng ông Kim cũng cho rằng đó là một quá trình dài để hủy diệt hoàn toàn kho vũ khí nguyên tử của nước này.
Ngoài ra, bên phía Nhật Bản còn bày tỏ lo lắng về kế hoạch rút 28,500 binh lính Hoa Kỳ khỏi các cuộc tập trận với Nam Hàn của tổng thống Trump. Tokyo cho rằng những đợt diễn tập này có tác dụng trong việc bảo đảm an ninh cho khu vực Đông Á. Bên cạnh đó, để giải quyết một số vấn đề liên quan đến Nhật Bản sau cuộc hội đàm giữa ông Kim và ông Trump tại Singapore, ngoại trưởng Kono hy vọng sắp xếp được một buổi hội nghị thượng đỉnh giữa Nhật Bản và Bắc Hàn trong chuyến thăm Bình Nhưỡng vào tháng Tám của thủ tướng Abe. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-nam-han-nhat-thao-luan-ve-tap-tran-va-phi-nguyen-tu-hoa-binh-nhuong/
Mỹ bắt đầu thực hiện các công việc
sau Thượng đỉnh với Triều Tiên
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến Seoul để thông báo về kết quả hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên với các quan chức Hàn Quốc. Sau đó, ông sẽ bay đến Bắc Kinh để tham vấn với các quan chức Trung Quốc.
Phát biểu ở Seoul, ông Pompeo cho biết ông mong đợi Mỹ và Bắc Triều Tiên sẽ nối lại liên hệ trong tuần tới hoặc thời gian gần đó.
“Tôi có thể mong đợi nó diễn ra tương đối sớm sau khi chúng tôi về nước,” ông nói. “Tôi không biết chính xác là hình thức gì nhưng tôi rất tin tưởng rằng vào khoảng thời gian nào đó trong tuần tới hoặc thời gian gần đó chúng tôi sẽ bắt đầu giao thiệp.”
Ông Pompeo cũng tìm cách giảm bớt những chỉ trích rằng ông Trump đã cho quá nhiều – bao gồm việc đồng ý gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên và hứa sẽ chấm dứt tập trận chung Mỹ-Hàn – nhưng nhận lại quá ít.
Trong thông cáo chung, Bắc Triều Tiên cam kết ‘sẽ hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.” Cam kết này còn chưa đến mức những lời hứa trước đây của nước này, trong đó có tuyên bố vào tháng Chín năm 2005 mà trong đó Bình Nhưỡng ‘cam kết từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân hiện có.”
Ông Pompeo cho biết hai nước đã đạt được ‘hiểu biết’ trên nhiều vấn đề nhưng không được đề cập trong thông cáo của hai nhà lãnh đạo.
“Còn rất nhiều công việc phải làm ngoài những gì chúng ta có thể thấy trong tuyên bố cuối cùng vốn là điểm mà chúng tôi sẽ bắt đầu khi chúng tôi quay trở lại các cuộc thảo luận,” ông Pompeo nói.
Ông Pompeo, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton “và/hay toàn bộ nhóm” sẽ họp với nhau vào tuần tới để xem xét các chi tiết và để ‘thực hiện công việc’, ông Trumpcho biết hôm 12/6.
Ông Trump nói rằng việc kiểm chứng Bắc Triều Triên giải trừ vũ khí hạt nhân sẽ được thực hiện bằng cách ‘có rất nhiều người ở Bắc Triều Tiên’ nhưng ông không đưa ra chi tiết về làm cách nào Mỹ sẽ xác nhận Bình Nhưỡng giữ lời.
Hàn Quốc đang tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy quan hệ với miền bắc, mặc dù những kế hoạch này vẫn gắn chặt với những tiến bộ đạt được trong các cuộc đàm phán Mỹ-Bắc Triều Tiên.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Bắc Triều TiênKim Jong Un, hai bên đã cam kết có một số bước đi để thúc đẩy hòa giải trên bán đảo Triều Tiên.
Vào những ngày tới đây, các quan chức từ hai miền Triều Tiên sẽ gặp nhau ở cấp độ làm việc để thảo luận một số các bước đi này, bao gồm thiết lập đường dây nóng quân sự, đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên và trao đổi thể thao.
Một số những trao đổi khác, chẳng hạn như các dự án kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng chung, vẫn bị giới hạn do các lệnh trừng phạt của quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng.
“Vấn đề trong hòa giải giữa hai miền Triều Tiên là các lệnh trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ nếu Bình Nhưỡng không thực hiện phi hạt nhân hóa,” ông Shin Beomchul, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, nhận định.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh hôm 12/6, ông Trump nói rằng ‘các lệnh cấm vận sẽ vẫn có hiệu lực’ cho đến khi nào vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên được dỡ bỏ.
Ông Trump cũng nói rằng ông trông đợi đến thăm Bình Nhưỡng và rằng ông đã mời ông Kim đến Nhà Trắng và hai chuyến thăm sẽ diễn ra ‘vào thời điểm thích hợp’.
51% người Mỹ
ủng hộ cách Trump giải quyết vấn đề Triều Tiên
51 phần trăm số người Mỹ nói họ tán thành cách thức mà Tổng thống Donald Trump giải quyết vấn đề Triều Tiên, nhưng chỉ một phần tư nghĩ rằng hội nghị thượng đỉnh của ông trong tuần này với ông Kim Jong Un sẽ đưa tới việc giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên, theo một cuộc khảo sát ý kiến của Reuters/Ipsos công bố hôm thứ Tư.
Trong một tuyên bố chung sau hội nghị tại Singapore hôm thứ Ba, lãnh tụ Triều Tiên cam kết sẽ tiến tới việc giải trừ hạt nhân hoàn toàn bán đảo và ông Trump cam kết Mỹ sẽ đảm bảo an ninh cho nước này. 40 phần trăm những người được hỏi cho biết họ không tin là hai nước sẽ tuân thủ các cam kết của họ.
Thêm 26 phần trăm những người khác cho biết họ tin rằng Mỹ và Triều Tiên sẽ tuân thủ các cam kết của mình, trong khi 34 phần trăm nói rằng họ không biết liệu hai nước có tuân thủ hay không.
39 phần trăm tin rằng hội nghị thượng đỉnh đã làm giảm mối đe dọa chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và nước Triều Tiên có vũ khí hạt nhân; hơn 37 phần trăm những người được hỏi nói rằng họ không tin nó đã thay đổi bất cứ điều gì.
Ông Trump đã theo đuổi điều mà ông gọi là chiến dịch “áp lực tối đa” chống lại Bình Nhưỡng để buộc họ từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình. Ông đã củng cố các chế tài quốc tế để tiếp tục cô lập Triều Tiên và sau đó đồng ý gặp trực tiếp ông Kim sau khi Tổng thống Hàn Quốc thuyết phục ông rằng Triều Tiên cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Cuộc thăm dò ý kiến của Reuters/Ipsos cho thấy tổng thống Đảng Cộng hòa nhận được sự ủng hộ rộng rãi đối với một trong những nỗ lực chính sách đối ngoại lớn nhất của ông, bất chấp những chỉ trích từ các chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân rằng ông Trump giành được ít cam kết cụ thể từ ông Kim hôm thứ Ba về chuyện bãi bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình.
Những người theo Đảng Cộng hòa tỏ ra nhiệt tình hơn nhiều so với những người theo Đảng Dân chủ về những lợi ích tiềm năng của hội nghị thượng đỉnh, theo cuộc khảo sát.
Ông Trump, vừa trở về Washington sáng hôm thứ Tư, đã ca ngợi cuộc gặp với Kim, cuộc gặp đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm với một nhà lãnh đạo Triều Tiên, là một thành công mà đã giúp loại bỏ mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên. Cuộc gặp gỡ dường như thân thiện của họ tương phản rõ nét với những lời xỉ vả qua lại của họ dành cho nhau và những luận điệu hiếu chiến vào cuối năm ngoái trong khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân lớn nhất và những vụ thử nghiệm phi đạn.
Trump tuyên bố
Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân nữa
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư nói Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân nữa và nhà ngoại giao hàng đầu của ông đã đưa ra một khung thời gian đầy hứa hẹn cho một “sự giải trừ lớn,” dù có những hoài nghi ở trong nước rằng Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình sau hội nghị thượng đỉnh.
Ông Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un ra một tuyên bố chung sau hội nghị lịch sử tại Singapore hôm thứ Ba, tái khẳng định cam kết của Triều Tiên “làm việc hướng tới việc giải trừ hạt nhân hoàn toàn bán đảo Triều Tiên” và cung cấp những bảo đảm an ninh của Mỹ cho Triều Tiên.
Truyền thông nhà nước của Triều Tiên ca ngợi hội nghị thượng đỉnh là một thành công, nêu bật loan báo bất ngờ của ông Trump sau hội nghị rằng Mỹ sẽ ngừng các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc, điều mà Triều Tiên lâu nay vẫn tìm kiếm.
Dù không có nhiều chi tiết trong thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh, ông Trump nhấn mạnh tại một cuộc họp báo sau đó rằng ông tin tưởng ông Kim sẽ giữ lời. Ông trở lại Washington sáng thứ Tư và ca ngợi hội nghị này, hội nghị đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm và một nhà lãnh đạo Triều Tiên, là một thắng lợi lớn cho an ninh Mỹ.
“Mọi người giờ có thể cảm thấy an toàn hơn nhiều so với ngày tôi nhậm chức,” ông Trump nói trên Twitter. “Không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Gặp gỡ Kim Jong Un là một trải nghiệm thú vị và rất tích cực. Triều Tiên có tiềm năng to lớn cho tương lai!”
Ngoại trưởng Mike Pompeo, người được ông Trump giao nhiệm vụ lãnh đạo các cuộc đàm phán sau hội nghị, cho biết Mỹ hy vọng sẽ đạt được một “sự giải trừ lớn” từ Triều Tiên trong vòng hai năm rưỡi nữa.
Các nhà lập pháp Đảng Dân chủ chỉ ra rằng Triều Tiên thường đưa ra những tuyên bố tương tự trong quá khứ về chuyện “giải trừ hạt nhân,” trong khi phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo có khả năng tấn công Mỹ.
“Một chuyến đi và “sứ mạng hoàn tất,” Ngài Tổng thống? Triều Tiên vẫn có tất cả các phi đạn của mình, và chúng ta chỉ có một hứa hẹn mơ hồ về việc giải trừ hạt nhân trong tương lai từ một chế độ không thể tin cậy được,” Adam Schiff, thành viên Đảng Dân chủ hàng đầu của Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ nói.
“Triều Tiên là mối đe dọa thực sự và hiện hữu. Và một tổng thống ngây thơ một cách nguy hiểm cũng giống như vậy,” ông viết trên Twitter.
Mỹ lâu nay một mực đòi hỏi một sự giải trừ hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được đối với bán đảo Triều Tiên, nhưng trong tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh, Triều Tiên chỉ cam kết “giải trừ hoàn toàn bán đảo Triều Tiên,” cụm từ mà họ từng sử dụng trong quá khứ.
Triều Tiên thường từ chối giải trừ hạt nhân đơn phương, thay vào đó nhắc đến việc giải trừ hạt nhân cả bán đảo. Chuyện này luôn được diễn giải là một phần trong lời kêu gọi Mỹ loại bỏ “chiếc ô hạt nhân” của mình bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Dù ông Trump tuyên bố mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên không còn nữa, một quan chức cấp cao của Mỹ đặc trách nghiên cứu quân đội Triều Tiên cho biết đánh giá tình báo của Mỹ về mối đe dọa hạt nhân và quân sự do Triều Tiên đề ra đối với Mỹ và các lực lượng đồng minh cũng như căn cứ ở Châu Á và Tây Bắc Thái Bình Dương vẫn không thay đổi, Reuters cho biết.
Những đánh giá như vậy chỉ thay đổi trên cơ sở những thay đổi có thể nhìn thấy được hoặc những thay đổi khác trong trạng thái quân sự của quốc gia này, chẳng hạn như việc di chuyển hoặc loại bỏ vũ khí hoặc binh lính, quan chức này nói với Reuters trong điều kiện ẩn danh.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo khẳng định:
Kim Jong Un phải “phi hạt nhân hóa”
Trong nỗ lực trấn an đồng minh Seoul và Tokyo sau thượng đỉnh Mỹ-Triều, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có một cuộc họp tay ba với đồng sự Hàn Quốc Kang Kyung Ha và Taro Kono ngày thứ Năm 14/06/2018 tại thủ đô Hàn Quốc. Nội dung mơ hồ trong thỏa thuận Trump-Kim và tuyên bố ngưng tập trận chung với Hàn Quốc gây lo ngại cho các đồng minh Đông Bắc Á.
Theo AFP, tại Seoul, ngoại trưởng Mỹ bảo đảm rằng lãnh đạo Bắc Triều Tiên « đã hiểu » là phải nhanh chóng tiến hành phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Một lần nữa, Mike Pompeo nhấn mạnh đây là một tiến trình « toàn diện, có kiểm chứng và không thể đảo ngược ». Trong khi đó, trong văn bản, Kim Jong Un chỉ cam kết phi hạt nhân hóa « bán đảo ».
Ngoại trưởng Mỹ cũng xác nhận là « các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc sẽ bị đình chỉ ». Điều nhượng bộ này với Bình Nhưỡng làm Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại.
Trong cuộc họp báo chung, ngoại trưởng Kang Kyung Ha thận trọng không đề cập đến vấn đề gây tranh cãi này mà chỉ nhấn mạnh « là những cuộc đàm phán tới đây với Bình Nhưỡng sẽ có giá trị quyết định ».
Ngoại trưởng Nhật cũng chia sẻ lo âu của đồng sự Hàn Quốc. Ám chỉ là thỏa thuận Trump-Kim không có một lịch trình chi tiết và cụ thể, ngoại trưởng Taro Kono cho biết trong cuộc họp tay ba tại Seoul là Mỹ-Nhật-Hàn đã « thảo luận thẳng thắn về phương án ép buộc Bắc Triều Tiên thi hành những biện pháp cụ thể ».
Tại Tokyo, thủ tướng Shinzo Abe không giấu thất vọng đối với đồng minh Hoa Kỳ trên hồ sơ an ninh. Ông cảnh báo dân chúng là « Nhật Bản phải đối đầu trực tiếp với Bắc Triều Tiên ».
Hôm nay, nhật báo cánh hữu Yomiuri Shimbum cho biết chính phủ Nhật đang chuẩn bị một cuộc gặp Shinzo Abe-Kim Jong Un, hoặc tại Bình Nhưỡng vào tháng 08, hoặc bên lề Diễn Đàn Kinh Tế vào tháng 09 tại miền viễn đông của Nga. Báo Sankei cũng nhắc lại tuyên bố của Kim Jong Un « bắn tin » với Donald Trump là muốn gặp thủ tướng Nhật.
Trong quan hệ liên Triều, hôm nay, một cuộc họp cấp tướng diễn ra tại Bàn Môn Điếm, lần đầu tiên sau 10 năm gián đoạn. Mục đích, theo hãng tin Yonhap, là để làm giảm căng thẳng quân sự.
Thượng đỉnh Trump-Kim:
Tưởng tượng một gia đình Bắc Hàn…
By Andreas IllmerBBC News
Sau cuộc gặp gỡ lịch sử với lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ xét việc gỡ bỏ lệnh cấm vận với Bắc Hàn, khi nước này đạt được tiến bộ về từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Nhưng lợi ích của sự thay đổi kinh tế này sẽ ảnh hưởng đến những người bình thường ở đất nước nghèo khó bị cô lập với thế giới bên ngoài như thế nào? Điều đó có nghĩa gì đối với một gia đình tiêu biểu ở Bắc Hàn?
Với sự giúp đỡ của một số chuyên gia, BBC đã cố gắng phác ra những nét chính về cuộc sống một gia đình giả định của Bắc Hàn. Gia đình họ Lee. Đây là câu chuyện của họ.
Cha liều chết đi đánh cá
Trước hết, phải nói là rất khó để nói về một gia đình “trung bình” ở Bắc Hàn. Có nhiều tầng lớp xã hội và khác biệt địa phương – và đơn giản là chúng ta không biết nhiều về cuộc sống trong đất nước bị cô lập này.
Nhưng cha của gia đình, ông Lee, giống như nhiều người Bắc Hàn khác, trên nguyên tắc, dựa vào ngành công nghiệp khai thác mỏ để kiếm việc làm.
Khai thác mỏ là một trụ cột quan trọng trong lĩnh vực xuất khẩu của Bắc Hàn và là một nguồn ngoại tệ đáng tin cậy cho chính phủ trong nhiều thập kỷ. Ngoài than đá, Bắc Hàn nói rằng nước họ có trữ lượng đất hiếm và khoáng sản rất lớn.
Chúng tôi được biết từ những người đào thoát và các chuyên gia là thu nhập của hầu hết mọi người dân ở đây là sự kết hợp giữa tiền lương, tiền thưởng và những thứ nhu yếu được nhà nước phân phối như nhà ở hoặc khẩu phần ăn. Nhưng mức lương cơ bản của họ thực tế chỉ là một khoản tiền nhỏ đủ mua gạo nấu cơm cho gia đình trong vài ngày.
Năm 2017, các lệnh cấm vận cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, khoáng sản và đất hiếm – có nghĩa là nhiều mỏ phải cắt giảm sản lượng của họ.
Theo tin chính thức thì không có ”nạn thất nghiệp” trong một nền kinh tế chỉ huy, do đó, ông Lee sẽ không bị sa thải – nhưng thu nhập vốn đã ít ỏi của ông đã nhận được một đòn chí tử.
Vì vậy, ông không có lựa chọn nào khác hơn ngoài việc chuyển sang một con đường bấp bênh mà nhiều người đàn ông Bắc Hàn khác đã làm trong những năm gần đây.
Bằng cách hối lộ để ông chủ khai thác mỏ của mình nhắm mắt làm ngơ – và trả tiền cho quân đội để mượn một chiếc thuyền – ông và bạn bè của có thể đi ra biển bắt cá để bán tại các chợ địa phương.
Truyền thông Bắc Hàn ca ngợi ‘cuộc gặp gỡ lịch sử’
Kỷ nguyên hòa bình cho bán đảo Triều Tiên?
Đó là một kinh doanh nguy hiểm. Ngư dân bị buộc phải mạo hiểm xa hơn và xa hơn nữa ra biển để hy vọng bắt được cá, thường xuyên đối diện với nguy cơ hết nhiên liệu hoặc bị lạc trên biển.
Thỉnh thoảng “những con tàu ma” đầy xác chết trôi dạt lên bờ biển phía tây Nhật Bản – được cho là xác những thủy thủ không thể quay trở lại bờ. Đây là rủi ro mà ông Lee phải gánh chịu trong lúc ra khơi.
Và, mặc dù việc đánh bắt cá cung cấp một nguồn thu nhập đáng kể thay cho lương chính thức cho các doanh nhân như ông, lối làm ăn này cũng bị ảnh hưởng bởi việc Bắc Hàn bị cấm vận.
Giá nhiên liệu đã tăng gấp đôi kể từ mùa Hè năm 2017 khiến cho những chuyến đi biển của ông đắt hơn rất nhiều. Và xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc gần đây đã bị cấm.
Mẹ mang thúng ra chợ
Gia đình họ Lee là một phần của những gì các nhà bình luận gọi là thế hệ Jangmadang. Jangmadang có nghĩa là “thị trường”. Đây là thế hệ trải qua cuộc khủng hoảng và nạn đói của những năm 1990.
Cho đến lúc đó, Bắc Hàn đã cầm cự được với nền kinh tế chỉ huy, nơi tất cả công ăn việc làm và hàng hóa được nhà nước phân phối.
Nhưng trong nạn đói thì cấu trúc đó thất bại. Ước tính từ khoảng vài trăm nghìn đến hàng triệu người bị chết đói.
Bắc Hàn ‘ngưng thử nghiệm tên lửa và hạt nhân’
Trump và Kim thực sự đạt được gì ở Singapore?
Người dân bắt buộc phải tự mình giật gấu vá vai tìm cách mưu sinh, làm phát sinh sự nổi lên của một chủ nghĩa tư bản bản địa đã được chứng minh là không thể đảo ngược.
Mặc dù nền tư bản này nổi lên từ khủng hoảng, nhưng trên thực tế đã mang lại một tư duy mới cho đất nước – với nhiều phụ nữ trở thành doanh nhân, và là những người kiếm tiền chính trong gia đình.
Đó là điều mà vợ của người thợ mỏ biến thành người chài lưới của chúng ta cũng đang xem xét.
Bà Lee đang làm việc trong một nhà máy dệt – một lĩnh vực trước đây phát triển mạnh do xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nhưng lệnh cấm vận đã chấm dứt điều đó và nhiều nhà máy dệt đã bị đóng cửa.
Biết rằng không thể dựa vào công việc hiện tại của mình, bà Lee đã suy nghĩ về một cách kiếm tiền khác: kế hoạch B của bà là góp sức cùng với một vài phụ nữ khác làm đậu phụ ở nhà để mang ra chợ bán.
‘Việc làm trong mơ’ bị đe doạ
Có một con đường sống khác cho gia đình Lee – kiều hối từ một người thân làm việc ở nước ngoài.
Kim, ngôi sao mới nổi trong lớp lãnh đạo 2018
Em trai của bà Lee làm việc tại các công trường xây dựng ở Nga và gửi rất nhiều món tiền mà họ luôn luôn cần về nhà.
Ông em này – cũng thông qua việc hối lộ những nơi cần thiết – để tìm được công việc mà tất cả các đồng nghiệp của ông cho là một công việc chỉ nằm mơ mới có.
Uớc tính có tới 100.000 người Bắc Hàn làm việc ở nước ngoài và mặc dù bị chính phủ thu lấy một phần lớn lương, họ vẫn kiếm được nhiều tiền hơn là làm việc trong nước. Nhưng theo lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc được phê chuẩn vào tháng 12, tất cả công dân Bắc Hàn làm việc ở nước ngoài sẽ phải trở về nhà trong vòng 24 tháng – và không có công nhân mới nào có thể được gửi ra nước ngoài.
Bỏ học
Nếu tình hình tài chính trở nên tồi tệ hơn, gia đình họ Lee có thể phải bảo con gái nghỉ học để có thể ra chợ giúp mẹ bán hàng.
Trẻ em Bắc Hàn thường thì bắt buộc phải đi học 12 năm – nhưng trẻ em trong các gia đình nghèo hơn thường bị cha mẹ bắt rời trường sớm để phụ giúp ở nhà.
Các lớp học đôi khi bị hủy bỏ khi giáo viên cần làm việc ở chợ để kiếm thêm tiền mặt.
Nếu tình hình cấm vận được nới lỏng, gia đình họ Lee sẽ nhận được nhiều nguồn thu nhập vững vàng hơn – cũng như chính phủ Bắc Hàn – và con gái họ hy vọng có nhiều thời gian hơn để học (và chơi) thay vì phải giúp cha mẹ bươn chải với cuộc sống.
Rồi chương trình giảng dạy của trường – hiện đang dạy rằng Hoa Kỳ và Nam Hàn là kẻ thù của Bình Nhưỡng – cũng có thể sẽ thay đổi.
Hầu hết người dân Bắc Hàn nhận thức được rằng thế giới bên ngoài tốt hơn thế giới của họ hầu như về mọi mặt – thông qua các bộ phim hoặc chương trình truyền hình được phân phối bất hợp pháp từ Nam Hàn, hoặc những người lao động trở lại sau một thời gian làm việc và sinh sống ở nước ngoài.
Và lãnh đạo Bắc Hàn lo ngại sự phản đối nội bộ nhiều hơn lo ngại quân đội Mỹ đóng quân ở miền Nam hoặc Nhật Bản – đó có lẽ là lý do tại sao Kim Jong-un rất háo hức muốn thấy các lệnh cấm vận được gỡ bỏ.
BBC tham khảo với Andrei Lankov của Đại học Kookmin, Sokeel Park của tổ chức Liberty ở Bắc Hàn, Fyodor Tertitskiy và Peter Ward của NK News, Andray Abrahamian của Đại học Griffith và Daily NK để phác họa hình ảnh gia đìnhhọ Lee giả định này.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44478263
Cúp Bóng Đá Thế Giới:
Cơ hội vàng để Nga thoát thế cô lập?
Thế Vận Hội Pyeongchang 2018 đã là nhịp cầu để hai miền Nam và Bắc Triều Tiên sưởi ẩm quan hệ, mở đường cho thượng đỉnh lịch sử Singapore giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Nước Nga của Vladimir Putin kỳ vọng cũng sẽ gặt hái được nhiều thành quả ngoại giao ngoạn mục với Cúp Bóng Đá 2018.
Ai cũng biết thành tích của đội tuyển Nga, Sbornaya trên sân cỏ quá khiêm tốn để có thể hy vọng đem về một thắng lợi vẻ vang trên quê hương của huyền thoại Lev Yachine, thủ môn đội tuyển Dinamo Matxcơva.
Mục tiêu mà điện Kremlin hướng tới qua việc tổ chức lễ hội bóng đá lần này là đưa nước Nga trở lại vị trí trung tâm trên bản đồ thế giới. Sau World Cup 2018 liệu sẽ có một thượng đỉnh Donald Trump-Vladimir Putin và liệu rằng phương Tây có giảm bớt lệnh cấm vận với nước Nga ? Matxcơva có trút bỏ được tai tiếng doping ?
Đành rằng nước Nga của tổng thống Vladimir Putin đã ghi được những bàn thắng quyết định trên mặt trận Syria, mở rộng quan hệ với từ Iran đến Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt là bang giao giữa Matxcơva với Bắc Kinh đang được xem là tốt đẹp hơn bao giờ hết.
Nhưng với Hoa Kỳ, từ sau chiến tranh lạnh, quan hệ song phương trong thời kỳ “băng giá”. Với Liên Hiệp Châu Âu thì việc sáp nhập bán đảo Crimée và can thiệp vào miền đông Ukraina vẫn là cái gai trong bang giao giữa Matxcơva với Bruxelles. Cũng nước Nga từ 2014 liên tục đối mặt với các đợt trừng phạt kinh tế của Âu, Mỹ. Từ cuối tháng 3/2018, kênh đối thoại giữa Nga với phương Tây gặp thêm một sự cố sau vụ hai cha con cựu điệp viên Skripal bị đầu độc tại Luân Đôn, Anh Quốc và nhiều nước đồng minh cho rằng điện Kremlin có liên quan đến vụ ám sát hụt này.
Do vậy tổ chức một sự kiện thể thao thu hút hơn 3 tỷ người xem sẽ là cơ hội bằng vàng, để Vladimir Putin đưa ra hình ảnh của một nước Nga vừa năng động, vừa hiếu khách, như ghi nhận của Carole Gomez, chuyên gia thuộc Viện Quan Hệ Chiến Lược IRIS của Pháp về ảnh hưởng của thể thao đối với quan hệ quốc tế.
Chẳng vậy mà điện Kremlin đã không ngần ngại chi ra 680 triệu đô la chỉ để trang bị cho sân vận động ở Saint Petersburg một vòm mái tự động, mở ra đóng vào tùy theo trời mưa hay nắng. Các trạm xe điện ngầm ở Matxcơva đã được tân trang lại, tên các trạm xe được dịch sang tiếng Anh …
Với phí tổn lên tới 70 tỷ đô la, Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018 đi vào lịch sử như mùa thi đấu tốn kém nhất từ trước tới nay. Nhưng đó chỉ là một chuyện nhỏ đối với ông Putin. Bởi nguyên thủ Nga muốn chứng minh với công luận trong nước rằng, tổ chức lễ hội lớn nhất của quả bóng tròn là bằng chứng cụ thể cho thấy, chính sách trừng phạt Nga của phương Tây đã thất bại.
Từ năm 2010 khi nước Nga được chọn đăng cai Cúp Bóng Đá Thế Giới cho tới ngày lễ khai mạc hôm nay, hình ảnh của nước Nga trong mắt cộng đồng quốc tế đã xấu đi rõ rệt. Vì hồ sơ Ukraina nhiều tiếng nói thậm chí đã vận động để Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới rút lại quyền tổ chức World Cup của Nga.
Về mặt đối ngoại, một trí thức Nga phân tích trên tờ báo Sobedednik tại Matxcơva đã nhận định : “Vladimir Putin đang rất cần có được uy tín với quốc tế, và tất cả những gì ông đã làm đều nhằm theo đuổi mục đích ấy”.
Chủ nhân điện Kremlin muốn là thế giới phải nể trọng nước Nga như đã từng nể trọng Liên Bang Xô Viết xưa kia, “Người ta có thể không yêu quý nước Nga, nhưng phải nể trọng, phải sợ Nga”.
Nhìn từ trung tâm nghiên cứu Carnegie tại Matxcơva, công luận Nga không mấy hy vọng rằng Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018 sẽ là chiếc đũa thần, đem lại những “tác động thực sự” cho nước Nga. Dù vậy, World Cup lần này đáp ứng được một trong số những nhu cầu của chủ nhân điện Kremlin ở vào đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ tư. Mục tiêu đó là đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Với ngân sách 70 tỷ đô la cho mùa hội bóng đá 2018 như vừa nói, nước Nga đã trùng tu, xây dựng các sân vận động, hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng tại thủ đô Matxcơva, nâng cấp hệ thống xe lửa … Tất cả những động thái đó cho phép Vladimir Putin “để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử”, như đánh giá của giáo sư Serguei Medvedev, giảng dậy tại trường Cao Đẳng Kinh Tế Matxcơva.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180614-cup-bong-da-the-gioi-co-hoi-bang-vang-de-nga-thoat-khoi-the-co-lap
World Cup: HLV Iran lên án Nike vì lệnh trừng phạt
Huấn luyện viên Iran Carlos Queiros yêu cầu Nike xin lỗi đội tuyển của ông sau khi công ty sản xuất đồ thể thao của Mỹ nói họ không thể cung cấp giầy đá bóng cho các cầu thủ Iran tại World Cup các lệnh chế tài của Mỹ.
Theo một thông cáo của Nike: “Các chế tài của Mỹ có nghĩa là Nike, với tư cách một công ty của Mỹ, không được phép cung cấp giầy cho các cầu thủ của đội tuyển quốc gia Iran tại thời điểm này.”
HLV Queiroz nói đó là một thông cáo không cần thiết và đã yêu cầu Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA ra tay giúp đỡ.
Ông Queiroz nói với Sky Sports rằng: “Đó luôn là một nguồn cảm hứng cho chúng tôi. Thông cáo mới đây nhất của Nike, theo tôi, là không cần thiết.”
Mọi người đều biết về những chế tài này.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi hiệp ước hạt nhân Iran đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới đội tuyển bóng đá quốc gia của nước này ở giải đấu World Cup sẽ diễn ra ở Nga trong những tuần sắp tới. Mỹ đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran và Nike cùng lúc ngừng cung cấp giầy bóng đá cho đội tuyển Iran tại World Cup.
“Họ nên công khai xin lỗi bởi vì hành vi ngạo mạn này chống lại 23 cầu thủ là vô cùng lố bịch và không cần thiết,” HLV đội tuyển Iran nói.
Đội tuyển mà ông Queiroz dẫn dắt sẽ đấu với đội Morocco trong vòng đấu loại ở bảng B.
https://www.voatiengviet.com/a/world-cup-hlv-iran-len-an-nike-vi-lenh-trung-phat/4437331.html
Mèo ‘tiên tri’ chọn đội thắng trận mở màn World Cup
Quý vị có muốn biết đội nào sẽ giành chiến thắng trong trận mở màn World Cup hay không?
Nga sẽ “hạ” Ảrập Xêút, theo chú mèo tên Achilles sống và bắt chuột tại bảo tàng Hermitage ở thành phố St Petersburg.
Chú mèo trắng thoạt đầu do dự giữa hai bát thức ăn có cắm cờ Ảrập Xêút và Nga, nhưng sau đó đã chọn đội chủ nhà, theo Reuters.
Dù chưa biết trận đấu mở màn World Cup 2018 có kết quả ra sao, sự lựa chọn của Achilles đã làm người hâm mộ Nga thở phào.
Reuters đưa tin rằng Nga là một trong những đội bị coi là yếu nhất tại giải vô địch bóng đá thế giới năm nay, dù có lợi thế sân nhà.
Người chủ của Achilles cho biết rằng chú mèo này mất khả năng nghe nên “không bị tác động” trong khi chọn đội thắng cuộc.
Tuy nhiên, người này không nói rằng liệu hình ảnh lá cờ của nước chủ nhà có làm cho Achilles thay đổi sự lựa chọn của mình hay không.
Ngoài Nga và Ảrập Xêút, bảng A còn có Ai Cập và Uruguay.
Các trận đấu tại World Cup năm nay sẽ diễn ra tại 11 địa điểm khắp nước Nga, và giải đấu sẽ kéo dài tới ngày 15/7.
World Cup 2026: Người Mỹ khá thờ ơ trước chiến thắng
Việc tổ chức Cúp Bóng Đá Thế Giới 2026 đã được giao hôm qua 13/06/2018 cho ba nước Mêhicô, Canada và Hoa Kỳ. Tuy quan hệ ngoại giao và thương mại giữa ba nước này đang căng thẳng, nhưng liên minh « United » giành lợi thế khi hứa hẹn trên 10 tỉ đô la. Tại Hoa Kỳ, cho dù tổng thống Donald Trump hoan nghênh chiến thắng, nhưng thông tin này không được báo chí đưa lên trang nhất, và người dân cũng không mấy hồ hởi.
Thông tín viên RFI tại New York Grégoire Pourtet cho biết thêm chi tiết:
« Sáng hôm qua, những hình ảnh duy nhất về bóng đá được một chương trình truyền hình rất nhiều người xem đưa lên sóng, là hình của cầu thủ Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo, đang ở trần. Nữ xướng ngôn viên giải thích vì sao việc Cúp Bóng Đá Thế Giới được khai mạc ở Nga là một sự kiện của hành tinh, và tại sao Hoa Kỳ phải vui mừng vì đã giành được quyền tổ chức giải vào năm 2026.
Cho dù bóng đá tiếp tục phát triển, nhất là với sức bật của các đội nữ và cộng đồng người Mỹ la-tinh, nhưng tính phổ biến của nó vẫn bị các môn thể thao truyền thống Mỹ bỏ xa.
Tuy nhiên tầm quan trọng về kinh tế đủ để Hoa Kỳ lại là ứng viên cho Cúp Bóng Đá Thế Giới từng được tổ chức trên đất Mỹ năm 1994, trong lúc thất bại trước Qatar năm 2010 bị coi như là một nỗi nhục.
Lần này Hoa Kỳ đã chiến thắng, nhưng phải liên minh với Mêhicô và Canada, hai nước mà tổng thống Donald Trump giữ quan hệ lạnh giá. Một dân biểu đối lập mỉa mai : « Nước Mỹ đã thắng khi chúng ta làm việc với bạn bè và láng giềng. Tôi hy vọng người ta sẽ rút ra được bài học này ».
Liên minh chưa bao giờ bất hòa đến thế, nhưng Donald Trump cho rằng có thể nhờ ông mà cán cân đã nghiêng về United. Vào cuối tháng Tư, tổng thống Mỹ đã đe dọa cúp viện trợ đối với những nước nào không bỏ phiếu cho ứng cử viên Bắc Mỹ ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180614-world-cup-2026-nguoi-my-kha-tho-o-truoc-chien-thang
World Cup 2026:
Canada, Mỹ và Mexico giành quyền đăng cai
Vượt qua Morocco với hơn gấp đôi số phiếu (134 so với 65 phiếu), “liên minh” Mỹ, Canada, Mexico giành quyền đăng cai World Cup 2026.
Chiến dịch đăng cai “United 2026”, tạm dịch là “Đoàn kết 2026” của ba quốc gia thuộc khu vực châu Mỹ đã được các nước thành viên trực thuộc Liên đoàn Bóng đá Thế giới FIFA lựa chọn sau cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm 13/06/2018.
Theo kế hoạch, vòng chung kết World Cup năm 2026 sẽ là kỳ World Cup lớn nhất từng được tổ chức – với 48 đội tham dự (thay vì 32 đội như thông lệ) cùng với 80 trận đấu và kéo dài trong vòng 34 ngày.
BBC Game: Đoán đội vô địch World Cup 2018
World Cup 2018: Tây Ban Nha sa thải huấn luyện viên
Sẽ có tổng cộng 60 trận đấu được diễn ra trên lãnh thổ Mỹ.
20 trận còn lại chia đều và tổ chức tại các thành phố tại hai quốc gia Canada và Mexico
Đây là lần thứ ba Mexico được đăng cai giải đấu bóng đá lớn nhất hành tích này (sau lần 1970 và 1986).
Với Mỹ là lần thứ hai (lần đầu năm 1994) còn với Canada thì sẽ là lần đầu tiên. Trong lịch sử Canada mới chỉ đăng cai vòng bảng vòng chung kết bóng đá thế giới cho phái đẹp vào năm 2015.
Sau những bê bối của cựu Chủ tịch Fifa Sepp Blatter liên quan đến việc Nga và Quatar giành quyền đăng cai năm 2018 và 2022, năm nay, dưới quyền của chủ tịch mới ông Gianni Infantino, Fifa đã hứa mang lại một cuộc bầu cử “cởi mở hơn và trong sạch hơn”.
Lần này 22 vị quan chức cấp cao của Fifa sẽ không bỏ phiếu thay như trước. các ứng viên có phần trình bày 15 phút, sau đó, các liên đoàn là thành viên của Fifa được quyền bỏ phiếu.
Carlos Cordeiro, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Mỹ nói rằng chiến dịch World Cup “United” sẽ mang lại khoản doanh thu 14 tỷ USD, và sẽ mang về cho Fifa 11 tỷ USD tiền lời.
Đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử World Cup được tổ chức tại ba quốc gia. Theo dự kiến, trận chung kết sẽ diễn ra trên sân vận động MetLife, với sức chứa lên tới 84953 chỗ ngồi, là sân nhà của hai đội bóng bầu dục New York Giants và New York Jets.
Và cũng vì là năm đầu tiên có ba đội đồng chủ nhà nên đương kim Chủ tịch Gianni Infantino nói Fifa đang xem xét lại việc đội chủ nhà sẽ được đặc cách vào thẳng vòng chung kết – vấn đề này vẫn đang được tiếp tục bàn luận và sẽ đưa ra quyết định trong vài tuần tới.
https://www.bbc.com/vietnamese/sport-44473707
Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết
lên án Israel lạm dụng vũ lựcđối với dân Palestine
Vào hôm Thứ Tư 13 tháng 6, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết cáo buộc Israel sử dụng vũ lực quá mức và vô tội vạ đối với thường dân Palestine, đồng thời kêu gọi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đề nghị một “cơ chế bảo vệ quốc tế” cho người Palestine ở Gaza và Bờ Tây.
Được biết, nghị quyết “Bảo vệ thường dân Palestine” được thông với kết quả bỏ phiếu tại đại hội là 120 phiếu ủng hộ, 8 phiếu chống và 45 phiếu trắng. Nghị quyết này được đưa ra Hội đồng Bảo An lần đầu sau khi có hơn 120 người Palestine thiệt mạng trong các cuộc biểu tình gần biên giới giáp với Dải Gaza trong ba tháng vừa qua. Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 1 tháng 6, Hoa Kỳ đã dùng quyền phủ quyết nghị quyết trên, vì cho rằng bản chất nghị quyết “Bảo vệ thường dân Palestine” là hoàn toàn một chiều, đổ lỗi mọi thứ cho Israel mà không lên án hành vi bạo lực của lực lượng Hamas. Trước cuộc bỏ phiếu lần này, bà Nikki Haley tiếp tục phản đối nghị quyết, và cho rằng hỏa tiễn do Hamas bắn vào Israel là nguyên nhân kích động bạo lực.
Được biết, trước cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Canada Marc- André Blanchard cùng ông Daniel Danon, Đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc, cũng bày tỏ sự ủng hộ việc sửa đổi của Hoa Kỳ. Việc Hoa Kỳ hỗ trợ cho Israel trong đợt tăng cường bạo động gần đây trên biên giới Gaza-Israel nhận được sự chỉ trích của nhiều nhóm nhân quyền. Vừa qua, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết việc Israel sử dụng vũ lực gây chết người chống lại những người biểu tình Palestine ở Dải Gaza trong những tuần gần đây có thể cấu thành tội ác chiến tranh. (Mộc Miên)
Hạ viện Pháp thông qua
dự luật cải cách công ty hỏa xa quốc gia
Paris, Pháp.- Theo Reuters, trong cuộc bỏ phiếu của hạ viện Pháp vào hôm Thứ Tư 13 tháng 6, dự luật về việc thay đổi các chính sách của công ty hỏa xa quốc gia SNCF đã giành được đa số phiếu ủng hộ.
Dự luật này phù hợp với mong muốn của Tổng thống Emmanuel Macron về việc phá vỡ sức mạnh các tổ chức công đoàn và đi đến cải cách nền kinh tế đất nước. Được biết, dự luật vừa được Quốc hội Pháp thông qua sẽ biến hãng SNCF thành một công ty cổ phần, đồng thời loại bỏ độc quyền hàng khách trong nước từ năm 2020. Hơn nữa, dự luật còn có điều khoản về việc chấm dứt các ưu đãi và mức lương hưu đặc biệt dành riêng cho nhân viên hỏa xa.
Kể từ khi Pháp thực hiện quốc hữu hóa vào những năm 1930, đây là lần đầu tiên có một dự luật khiến công ty hỏa xa với quy mô 150,000 nhân viên phải cải cách sâu rộng nhất. Các công đoàn đã đình công gần ba tháng để chống lại dự luật cải cách này.
Dự luật dự kiến sẽ được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện vào Thứ Năm. Tin mới nhất cho biết Thượng Viện Pháp vừa chuẩn thuận dự luật cải tổ công ty đường sắt quốc gia với tỉ lệ áp đảo 245/82. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/ha-vien-phap-thong-qua-du-luat-cai-cach-cong-ty-hoa-xa-quoc-gia/
Sri Lanka: Viên ngọc sắp vào tay Trung Quốc
Trên khắp Đông Nam Á, tại các thành phố cảng và các trung tâm thương mại, sự ảnh hưởng của đồng tiền Trung Quốc ngày càng trở nên rõ nét.
Một khi sáng kiến “Một vành đai, một con đường” khổng lồ của Trung Quốc rót đầu tư vào các dự án, mạng lưới giao thông và thương mại cho hàng hóa nước này sẽ được nâng cao.
Trung Quốc phô trương hải quân
TBT Trọng thăm Trung Quốc ngày 12-15/1
Lotte của Hàn Quốc đành rút khỏi Trung Quốc
Zimbabwe ‘luôn là bạn của Trung Quốc’
Các dự án này tập trung đặc biệt vào Ấn Độ Dương, nơi mà Bắc Kinh tiếp cận bằng cách mua cổ phần kiểm soát tại các cảng dọc theo các tuyến vận chuyển tốt nhất. Chiến lược này được gọi là “Chuỗi ngọc trai”.
Một trong những viên ngọc trai đó là Sri Lanka, nơi mà gần đây Tim Luard đã trở lại và ghi nhận những biến đổi tại đây:
Sau gần 50 năm trở lại Sri Lanka, tôi thở phào nhẹ nhõm khi thấy các đoàn tàu vẫn chạy dọc theo bờ biển của Colombo. Bây giờ hành khách có thể ngồi thoải mái ở các toa, chứ không phải ngồi ở trên nóc tàu như trước kia nữa. Những chiếc áo sơ mi trắng và những chiếc sarong như được cuộn mình trong gió ấm.
Tôi bị đánh thức bởi tiếng nhạc phát ra từ xe bán bánh mì, ở đây gọi là nhạc “paan”. Bữa ăn sáng bao gồm một bát sữa bò với đường thô (jaggery), ít chuối xanh, đu đủ và bưởi. Trên đường, một cặp vợ chồng đi xe máy chở hai con nhỏ chạy băng băng qua một loạt xe tuk-tuk, và chỉ có mỗi người bố đội mũ bảo hiểm.
Tôi đến thăm Bảo tàng Quốc gia để tìm hiểu thêm về văn hóa Sinhalese hai nghìn năm tuổi của hòn đảo xinh đẹp này – một nền văn hóa hấp thụ những tinh hoa nối tiếp từ các nước Ả Rập, Tamil, Malay, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Vương quốc Anh.
Bảo tàng nằm trong một toà nhà màu trắng trang nhã, dưới những tán cây bồ đề hùng vĩ. Bên trong bảo tàng khá thoáng mát và tối. Tượng phật và các bức tranh đá cổ được trưng bày ở phía trước.
Đập ngay vào mắt tôi là một căn phòng với ánh sáng rực rỡ. Đây là phòng triển lãm đặc biệt về “Con đường tơ lụa trên biển” do Bắc Kinh tài trợ.
Triển lãm tái hiện lại con thuyền mà đô đốc Trịnh Hòa thời nhà Minh của Trung Quốc đã dùng để đến thăm Sri Lanka vào thế kỷ 15 và trưng bày đồ gốm sứ có niên đại lâu đời.
Có mấy cô gái Trung Quốc đứng chụm lại chụp ảnh selfie trong căn phòng rồi cười khúc khích.
Sau vài ngày ở Colombo tôi nhận ra rằng những suy nghĩ của tôi về ảnh hưởng của nước ngoài đối với văn hoá Sri Lanka nay đã lỗi thời.
Hầu hết các du khách đến đây là người Trung Quốc. Tôi còn nhìn thấy một số công nhân tay cầm bát đũa đứng bên cạnh một người phụ nữ bán hàng rong bên đường.
Ở đây còn có sân vận động Tổ chim, tháp Hoa sen, các quán bar karaoke, khách sạn và khu căn hộ chung cư. Tất cả đều là của người Trung Quốc.
Galle Face Green là địa điểm lịch sử nổi bật của Colombo. Các gia đình và các cặp đôi đang hẹn hò thường đến đây để thả diều hay đi bộ dọc theo bờ sông. Phía bên này là khách sạn Galle Face nổi tiếng, nơi mà Công tước xứ Ellington và Công tước xứ Cambridge đã từng ở khi đến thăm Sri Lanka.
Ở đây, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy các chú sóc chạy nhảy quanh các ghế sofa khi đang nhâm nhi ly cocktail lúc chiều tà.
Phía bên kia, ngay trên biển, là các cần cẩu và tàu hút bùn phun cát.
Đô thị tô giới của Trung Quốc?
Dường như Thành phố tài chính quốc tế Colombo đã bắt đầu được hình thành trên chính vùng đất hoang sơ rộng lớn này.
Công trường xây dựng khổng lồ này được bao quanh bởi các bảng quảng cáo, tương tự như những gì tôi đã nhìn thấy ở Trung Quốc, cùng với những khẩu hiệu thúc đẩy người dân tiến đến tương lai huy hoàng.
Ví dụ như: “Xây dựng một thành phố đẳng cấp thế giới cho Nam Á”, “15 tỷ đô đầu tư” hay “83.000 việc làm”.
Phụ trách tài chính và xây dựng của dự án là công ty con của một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Doanh nghiệp này đã bị Ngân hàng Thế giới niêm yết sau khi có các cáo buộc tham nhũng.
Doanh nghiệp được thuê đất 99 năm, giống như cách người Anh từng dùng để chiếm hữu ở Hong Kong vậy.
Sau đó, một khu tự trị mới trong thành phố sẽ được thành lập với hệ thống tài chính và tư pháp riêng, giống như các khu vực ngoài lãnh thổ mà các nước phương Tây từng có ở Thượng Hải và các cảng biển khác của Trung Quốc.
Sri Lanka đã rơi vào bẫy nợ và để thoát ra khỏi cái bẫy này, họ buộc phải bán đi tài sản của mình.
Là một phần của đặc khu kinh tế ở phía Nam, làng chài Hambantota vốn yên bình nay đã trở thành một bến cảng container sầm uất.
Đường Tơ lụa, gián điệp trứng tằm và Trịnh Hòa
Ấn Độ – TQ giành ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương
Sri Lanka cho TQ kiểm soát cảng biển quan trọng
Đặc khu kinh tế: ‘Chỉ chỉnh thời gian thuê đất, chưa đủ’
Tôi đến khu vực này cùng với một người bạn Sri Lanka sau chuyến đi dài băng qua những bãi biển và đầm có mọc cây dừa nước.
Trên đường đi chúng tôi đã rất thích thú khi nhìn thấy cả voi, khỉ, rùa và thằn lằn.
Tuy nhiên, con đường xinh đẹp này không kéo dài mãi mà sau đó là đoạn nối là đường cao tốc bốn làn nhàm chán.
Nó dẫn chúng tôi đến một trung tâm hội nghị và một sân bay quốc tế mới. Một người phụ nữ mặc sari cho chúng tôi biết sau nhiều năm mở cửa thì sân bay này mỗi tuần vẫn chỉ có một chuyến.
Cô ấy không phản đối dự án này nhưng dường như người dân địa phương không được hưởng lợi gì cả. Khi chúng tôi đến sân bay, một bảo vệ tiến đến và nói:
“Hai người không được qua đây. Sân bay này đã được bán cho Trung Quốc rồi.”
Bạn tôi nói rằng cô ấy cũng từng bị từ chối như vậy khi đến một nhà hàng Trung Quốc ở Colombo với lý do “nhà hàng không phục vụ khách địa phương.”
Bên cạnh những lo ngại về vấn đề môi trường và những vấn đề khác, hai thoả thuận cảng biển lớn cũng đặt ra câu hỏi nghiêm túc về tính chủ quyền.
Vị trí chiến lược của Sri Lanka trên các tuyến thương mại Đông Tây đã làm cho nó trở thành mắc xích quan trọng trong mạng lưới cảng biển – một phần trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” cũng như kế hoạch vươn ra toàn cầu đầy tham vọng của Trung Quốc.
Trong khi đó, Delhi lo ngại rằng, hòn đảo được gọi là “giọt nước mắt” ngay ngoài khơi Ấn Độ này có thể sẽ trở thành một căn cứ quân sự thù địch trong tương lai.
Một số người Sri Lanka gọi Trung Quốc là thực dân và so sánh họ với người Âu trong quá khứ.
Một người đàn ông cho biết đây là ‘cuộc xâm lăng khôn khéo’ và trong 50 năm nữa có khi đây sẽ là đất nước của người Trung Quốc.
Tim Luard là phóng viên kỳ cựu của BBC World Service, từng sống ở Hong Kong và Trung Quốc. Bài phóng sự’Sri Lanka: Expanding Chinese influence is palpable – locals even barred from some places’ của ông đã phát trên kênh BBC Radio 4 ở Anh trong tháng 5/2018.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44466980
Băng ở Nam Cực tan chảy gấp 3 lần so với trước
Băng ở Nam Cực đang tan chảy với tốc độ đáng báo động, khoảng 3 nghìn tỷ tấn băng đã biến mất từ năm 1992. Một nghiên cứu mới của các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực băng hà cho biết như vừa nêu và được AP loan đi ngày 14 tháng 6.
Các nhà khoa học tính toán, mảng băng ở cực nam trong một phần tư thế kỷ qua đã tan chảy với lượng nước đủ để nhấn chìm tiểu bang Texas của Mỹ xuống độ sâu gần 4 mét. Nói cách khác, tất cả lượng nước tan chảy này đã làm cho đại dương toàn cầu tăng lên 7,6 mm.
Nghiên cứu được công bố hôm 12 tháng 6 trên tạp chí Nature cho biết, từ năm 1992 đến năm 2011, Nam Cực mất gần 76 tỷ tấn băng một năm; từ năm 2012 đến năm 2017, tỷ lệ tan chảy tăng lên hơn 3 lần, tức 219 tỷ tấn một năm.
Giáo sư Isabella Velicogna của Đại học California Irvine, một trong 88 tác giả của nghiên cứu cho biết tình hình đang diễn ra nhanh hơn dự kiến.
Tác giả chính Andrew Shepherd thuộc Đại học Leeds ở Anh cho biết không giống như các nghiên cứu đo lường đơn lẻ, nhóm nghiên cứu vừa nêu xem xét việc băng tan chảy theo 24 cách khác nhau sử dụng 10 đến 15 vệ tinh vũ trụ, cũng như đo đạc mặt đất, không khí và mô phỏng máy tính.
Ông Shepherd khẳng định không có tác nhân nào khác gây ra việc này ngoài biến đổi khí hậu. Ông nói thêm băng ở Nam Cực tan chảy chủ yếu do nước ấm lên kết hợp với gió chuyển dịch gây ra bởi việc đốt than, dầu và khí tự nhiên.
Nghiên cứu cũng chỉ ra hơn 70 phần trăm tình trạng băng tan chảy gần đây diễn ra ở Tây Nam Cực, trong khi Đông Nam Cực được dự báo có khả năng ổn định trong vài thập kỷ tới.
Bà Twila Moon, một nhà khoa học nghiên cứu tại Trung tâm Dữ liệu Băng Tuyết Quốc gia, không nằm trong số các tác giả của nghiên cứu trên, từng nhận xét về tình hình băng tan là ‘rất thảm khốc’.
Quốc hội Mỹ
chưa đồng nhất về vấn đề di dân DACA
Trừ phi Hạ viện Mỹ có thể san bằng những cách biệt, được phép lưu trú tại Mỹ không sợ bị trục xuất đối với các di dân tới Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ (còn được gọi là “Dreamer”) sẽ vẫn còn là ước mơ.
Tình hình không mấy sáng sủa tại Hạ viện tính tới ngày 13/6 trong nỗ lực giải quyết vấn đề tranh cãi lâu nay.
Dreamer là hàng trăm ngàn người trẻ, chủ yếu Hispanic, vào lãnh thổ Hoa Kỳ bất hợp pháp từ thời niên thiếu hiện đang được bảo vệ khỏi bị trục xuất nhờ vào chương trình DACA có từ năm 2012 dưới thời Tổng thống Barack Obama (chương trình hoãn thi hành trục xuất những người tới Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ) mà đương kim Tổng thống Donald Trump muốn chấm dứt.
Ông Trump cho Quốc hội đến ngày 5/3 phải ra luật thay thế DACA, nhưng các nhà lập pháp đã không thu hẹp được những cách biệt quá lớn về vấn đề này và cho đến nay vẫn chưa có dự luật nào bảo vệ Dreamer thay thế DACA.
Hai dự luật dự kiến sẽ được mang ra biểu quyết tại Hạ viện vào tuần tới nhưng phía Cộng hòa cho biết họ sẽ tham khảo ý kiến từ Tòa Bạch Ốc và hiện chưa thấy viễn cảnh nào sáng sủa cho cả hai dự luật này.
Một nhằm giảm mạnh số di dân hợp pháp, xây tường biên giới với Mexico, không cho Dreamer cơ hội nhập tịch Mỹ và một chưa chốt lại nội dung cụ thể.
Dù phe Cộng hòa kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện, quan điểm của bên Dân chủ vẫn rất quan trọng vì họ có thể biểu quyết ngăn chặn bất kỳ dự luật nào tại Thượng viện.
Theo Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/quoc-hoi-my-chua-dong-nhat-ve-van-de-di-dan-daca-/4437790.html
Trump, Iran khẩu chiến về giá dầu
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Iran ngày 13/6 ‘khẩu chiến’ về giá dầu. Ông Trump quy trách nhiệm cho OPEC về giá dầu leo thang và Tehran tố cáo ông châm ngòi cho giá cả biến động sau khi ông Trump hồi tháng trước rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân toàn cầu với Iran.
Khẩu chiến bắt đầu với dòng tin của ông Trump trên Twitter nhắm vào OPEC.
Iran phản pháo rằng ‘Anh không thể chế tài lên hai thành viên sáng lập OPEC mà vẫn đổ lỗi cho OPEC về giá dầu bất ổn.’ Hai nước bị Mỹ chế tài được nhắc tới là Iran và Venezuela.
Giá dầu tăng khoảng 60% trong năm qua sau khi Tổ chức của Các nước Xuất khẩu dầu và một số nước sản xuất dầu ngoài OPEC, kể cả Nga, bắt đầu giảm lượng cung trong năm 2017.
OPEC sắp họp tại Vienna từ ngày 22 đến ngày 23/6, và các nước sản xuất dầu dường như sẽ tăng sản lượng.
Thỏa thuận cung cấp dầu dự trù tiếp tục đến cuối năm nay nhưng kế hoạch tiếp tục vẫn chưa rõ ràng. Mọi chuyện thay đổi sau khi ông Trump hồi tháng 5 tuyên bố Washington rút ra khỏi thỏa thuận 2015 với Iran, qua đó dỡ bỏ chế tài Iran để đổi lấy việc giới hạn chương trình hạt nhân của Tehran.
Hành động của Mỹ gây áp lực các khách hàng Châu Âu và Châu Á ngưng nhập khẩu dầu của Iran hay làm ăn với nước này.
Đối thủ của Iran là Ả Rập Xê Út cũng là nước sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC cùng với Nga, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới cũng là một thành viên trong thỏa thuận, hiện đang tăng lượng cung ứng.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-iran-khau-chien-ve-gia-dau-/4437787.html
Đề xuất tách California thành 3 bang
Cử tri California sẽ có cơ hội bỏ phiếu về đề xuất tách “Tiểu bang Vàng” thành 3 bang riêng biệt trong kỳ tổng tuyển cử vào tháng 11, ABC News dẫn lời các giới chức phụ trách bầu cử cho biết hôm 12/6.
Những người ủng hộ cho sáng kiến mang tên “CAL 3” đã nộp lên 402.468 chữ ký hợp lệ vào hôm thứ Ba, giúp đề xuất này đủ điều kiện để được đưa ra biểu quyết trong ngày tổng tuyển cử ngày 6 tháng 11, theo Văn phòng Tổng thư ký bang California.
Văn phòng không cho biết chính xác có bao nhiêu chữ ký đã được đệ trình, nhưng những người ủng hộ nói rằng bản kiến nghị đã thu hút hơn 600.000 người trên khắp 58 quận hạt của tiểu bang, trong khi theo yêu cầu, chỉ cần có 365.000 chữ ký là đủ điều kiện để được xem xét bỏ phiếu.
Việc đưa thêm đề xuất để bỏ phiếu chỉ là bước đầu tiên trong một quá trình dài mà rốt cục sẽ đòi hỏi Quốc hội phê chuẩn.
Tin cho hay đề xuất do nhà đầu tư mạo hiểm Tim Draper khởi xướng, sẽ chia tách tiểu bang giàu có nhất nước Mỹ thành ba bang mới có số dân tương đương với nhau. Đó là bang Bắc California, California và Nam California, theo đề nghị của sáng kiến CAL 3.
Bắc California sẽ bao gồm các thành phố nằm giữa Bay Area và biên giới với Oregon. Nam California sẽ bắt đầu từ Fresno và bao trùm hầu hết miền Nam. Bang “California” mới sẽ bao gồm Quận Los Angeles và phần lớn miền duyên hải bên dưới Vịnh San Francisco.
Văn phòng Tổng thư ký bang California cho biết vào ngày 28/6, Tổng thư ký Alex Padilla sẽ xác nhận sáng kiến này đủ điều kiện để được đưa ra bỏ phiếu vào tháng 11.
Doanh nhân Draper từng đề xuất sáng kiến tương tự vào năm 2012 và 2014, nhưng tất cả nỗ lực của ông đều thất bại sau khi các giới chức phụ trách bầu cử nói nhiều chữ ký thu thập được không hợp lệ.
Ông Draper cho rằng CAL 3 sẽ “tạo ra một tương lai tươi sáng hơn” cho người dân California, và việc chia tách sẽ tạo ra ba chính phủ riêng biệt, giúp thúc đẩy nền giáo dục, cơ sở hạ tầng và giảm thuế. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng đề xuất có thể sẽ gây hại nhiều hơn là mang lại những điều tốt lành.
https://www.voatiengviet.com/a/de-xuat-tach-california-thanh-3-bang/4437216.html
Ý, Pháp căng thẳng vì vụ từ chối nhận tàu di dân
Ý triệu tập đại sứ của Pháp hôm thứ Tư và giận dữ bác bỏ chỉ trích của Pháp về các chính sách nhập cư của họ. Diễn biến này leo thang một tranh cãi ngoại giao vốn đang nới rộng một trong những chia rẽ chính trị lớn của Châu Âu.
Một ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói Rome đã hành động với “thái độ vị kỉ và vô trách nhiệm” bằng việc đóng các cảng của mình không cho một tàu di dân tiến vào, bộ trưởng kinh tế của Ý hủy một cuộc họp tại Paris với người đồng cấp, và Thủ tướng Giuseppe Conte cân nhắc hoãn cuộc hội kiến với ông Macron hôm thứ Sáu.
“Chúng tôi không cần gì phải học về tinh thần rộng lượng, tình nguyện, chào đón, và đoàn kết từ bất cứ ai,” Bộ trưởng Nội vụ Ý chủ trương cực hữu Matteo Salvini nói với Thượng viện nước này.
Ông Salvini, người cũng là phó thủ tướng và kiêm lãnh đạo đảng Liên đoàn chủ trương chống người nhập cư, kêu gọi Pháp xin lỗi và nói rằng ông không sẵn lòng chấp nhận lời chỉ trích từ một quốc gia thường xuyên chặn di dân ở biên giới chung của hai nước.
Pháp cho biết họ chưa nhận được yêu cầu chính thức nào từ Ý về một lời xin lỗi, và tin rằng cuộc gặp gỡ được lên kế hoạch giữa ông Macron và ông Conte sẽ vẫn xúc tiến.
Đi thăm miền tây nước Pháp, ông Macron ban đầu không trả lời câu hỏi về vấn đề này, nhưng sau đó nói với các phóng viên: “Chúng ta không bao giờ nên để mình bị chi phối bởi cảm xúc, thứ mà một số người thao túng.”
Ông Macron gợi ý rằng Rome đang cố gắng đi ngược lại đường lối của các chính phủ trước đây trong việc từ chối tiếp nhận con tàu này thay vì giải quyết những vấn đề căn cơ là phát triển và an ninh ở quê nhà của những di dân và các đường dây đưa lậu người.
Vụ tranh cãi xoay quanh tàu từ thiện Aquarius, bị cả Ý lẫn Malta từ chối cho thả neo tại cảng của họ. Nó chở theo 629 di dân và hiện đang hướng đến Tây Ban Nha, nơi nó được cho neo đậu an toàn, và được hộ tống bởi hai tàu của Ý.
SOS Mediterranée và Médecins sans Frontières (MSF), hợp tác với Aquarius, đều là những tổ chức từ thiện nổi tiếng của Pháp.
Pháp không đơn độc trong chỉ trích của mình.
Người đứng đầu cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc Filippo Grandi, một người Ý, nói với Reuters rằng việc hai nước Châu Âu từ chối tiếp nhận di dân dễ bị tổn thương là điều “đáng hổ thẹn.”
Việc Châu Âu nên chia sẻ ra sao trách nhiệm tiếp nhận những di dân tìm cách vào khối này từ những vùng chiến tranh và các nước nghèo, phần lớn khắp Châu Phi và Trung Đông, vẫn còn là một vấn đề nan giải.
Nhiều nước đã không đáp ứng được cam kết của họ, được đưa ra trong năm 2015, là nhận một số người xin bảo hộ tị nạn từ Ý và Hy Lạp – cảng đầu tiên mà hầu hết di dân tới trên đường bờ biển dài ven Địa Trung Hải – và chia sẻ chi phí chăm sóc họ.
Đảng Liên đoàn của ông Salvini giành được kết quả tốt nhất của họ trong cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng 3, một phần nhờ cam kết trục xuất hàng trăm ngàn di dân và ngăn chặn dòng người mới đổ đến, và đã lập liên minh với Phong trào 5 Sao chống giới chính thống đương quyền.
Hơn 1,8 triệu di dân đã vào Châu Âu từ năm 2014, và Ý hiện đang cho tá túc hơn 170.000 người xin bảo hộ tị nạn, cũng như khoảng 500.000 di dân chưa đăng ký.
https://www.voatiengviet.com/a/y-phap-cang-thang-ve-vu-tu-choi-nhan-tau-di-dan/4437775.html
Di dân: Pháp-Ý cam kết
tổ chức cứu hộ thuyền nhân lâm nguy
Sau 24 giờ căng thẳng, kể cả bắt chẹt, thủ tướng Ý chấp thuận duy trì cuộc hội kiến với tổng thống Pháp vào ngày thứ Sáu 15/06/2018 tại Paris, sau cuộc điện đàm trong đêm thứ Tư. Hai bên trao đổi ý kiến về vụ con tàu cứu hộ Aquarius đang gây bất đồng trong Liên Hiệp Châu Âu. Theo AFP, một chính sách chung về di dân sẽ được thảo luận nhân thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu vào cuối tháng.
Chính sách hợp tác chung cũng là lập trường của thủ tướng Đức Angela Merkel. Tuy nhiên, một số nhân vật lãnh đạo thuộc phe bảo thủ, đứng đầu là thủ tướng Áo Sebastian Kurz và bộ trưởng nội vụ Đức Horst Seehofer, ngày hôm qua, 13/06, thông báo thành lập “trục” chống di dân bất hợp pháp gồm ba nước Áo, Đức và Ý. Cụ thể ra sao?
Từ Berlin, thông tín viênNathalie Versieux phân tích :
“Kể từ ngày 01 tháng 07, Áo sẽ làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã nói đến « một trục những nước tình nguyện chống di dân nhập cư bất hợp pháp ». Đây là trục của những bộ trưởng châu Âu có những tuyên bố ve vãn phe cực hữu.
Chính phủ Áo, cũng như bộ trưởng bộ nội vụ Đức Horst Seehofer, đồng ý thành lập những trung tâm tạm cư cách ly, trong đó những người xin tị nạn chính trị phải cư trú suốt thời gian chờ cứu xét đơn.
Những trung tâm này, theo thủ tướng Áo, lý tưởng nhất là phải được thiết lập bên ngoài lãnh thổ Liên Hiệp Châu Âu. Báo chí Đức nói đến một số đảo thưa người ở Hy Lạp hay ở Albanie.
Thái độ đồng thanh tương ứng của thủ tướng Áo và bộ trưởng nội vụ Đức sẽ làm suy yếu lập trường của thủ tướng Đức Angela Merkel, người muốn tìm được một thỏa thuận chung trong Liên Hiệp Châu Âu nhân thượng đỉnh vào cuối tháng Sáu này.
Cho đến nay, Angela Merkel luôn bác bỏ những đề nghị siết chặt chính sách đón tiếp người tị nạn mà bộ trưởng Nội Vụ của bà đưa ra. Nhưng trong phe bảo thủ, vị thế của thủ tướng Đức dường như càng ngày càng lẻ loi.”
http://vi.rfi.fr/phap/20180614-di-dan-phap-y-cam-ket-to-chuc-cuu-ho-thuyen-nhan-lam-nguy
Bộ trưởng Đức:
EU cần chống lại nỗ lực chia rẽ của Trung Quốc
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas hôm 13/6 nói Liên minh châu Âu cần phải đưa ra một chiến lược để đối phó với vai trò chính trị và kinh tế ngày càng tăng lên của Trung Quốc, bao gồm cả việc đối phó với các nỗ lực nhằm mục tiêu chia rẽ EU, theo Reuters.
“Chúng ta cần một chiến lược chung để đối phó với tham vọng chính trị quyền lực của Trung Quốc, bao gồm cả việc chống lại những nỗ lực nhắm mục tiêu chia rẽ chúng ta”, Ngoại trưởng Mass nói trước cử tọa ở Berlin liên quan đến những lo ngại về vai trò ngày càng tăng lên của Trung Quốc trong tư cách là môi giới quyền lực ở Trung và Đông Âu .
Ngoại trưởng Đức cũng bày tỏ sự ủng hộ cho đề xuất của Pháp về một lực lượng can thiệp quân sự châu Âu. Ông nói thêm rằng nước Anh cũng nên được mời tham gia ngay cả sau khi đã rời khỏi Liên minh châu Âu.
Donald Trump
chuẩn bị áp thuế lên 1.300 mặt hàng Trung Quốc
Hôm nay 14/06/2018 tổng thống Mỹ tham khảo ý kiến các cố vấn về thương mại, sau đó ông có thể quyết định áp các loại thuế hải quan mới lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Từ giờ cho đến ngày mai 15/06, tổng thống Trump sẽ cung cấp một danh sách các mặt hàng Trung Quốc bị áp thuế. Reuters dẫn các nguồn tin thân cận hồ sơ này nói rằng danh sách đã được rút ngắn đôi chút và có thêm bớt, nhất là các sản phẩm công nghệ. Một quan chức khác cho biết Nhà Trắng nhắm đến 1.300 mặt hàng, có tổng trị giá 50 tỉ đô la.
Hiện chưa thể biết các sắc thuế mới này chừng nào sẽ có hiệu lực, nếu đe dọa của Donald Trump trở thành sự thực. Tuy nhiên, các nhà vận động hành lang trong lãnh vực công nghiệp cho rằng nghị định sẽ được đăng trên Công Báo từ ngày mai, hay trễ nhất là vào tuần tới.
Theo đạo luật năm 1974 mà ông Trump vận dụng để đánh thuế, tổng thống Mỹ vẫn có thể cho hoãn lại việc thi hành trong 30 ngày, thậm chí 180 ngày nếu cơ quan đại diện thương mại Mỹ nhận thấy việc thương lượng với Trung Quốc có tiến triển.
Một nguồn tin khác nói với Reuters là các cố vấn khuyến cáo tổng thống nên áp thuế. Những lời khuyên này được đưa ra trước khi ông Trump lên đường dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada, và cuộc gặp Kim Jong Un ở Singapore. Trở về Washington, tổng thống Mỹ khi trả lời Fox News hôm qua 13/06 đã hứa hẹn sẽ « trừng phạt nghiêm khắc » Bắc Kinh.
Hiện nay, việc đàm phán giữa đôi bên vẫn dậm chân tại chỗ. Hồi đầu tháng, khi đến Bắc Kinh, bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross được Trung Quốc đề nghị sẽ mua thêm 70 tỉ đô la nguyên vật liệu và hàng công nghệ phẩm của Mỹ, nhưng Nhà Trắng bác bỏ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180614-donald-trump-chuan-bi-ap-thue-len-1300-mat-hang-trung-quoc
Nicaragua tổng đình công,
Hội Đồng Giám Mục tổ chức đối thoại
Hôm nay 14/06/2018 là ngày tổng đình công toàn quốc tại Nicaragua, theo lời kêu gọi của phe đối lập, để phản đối tổng thống Daniel Ortega đàn áp phong trào phản kháng, làm trên 150 người biểu tình bị thiệt mạng trong không đầy 2 tháng qua. Giáo hội Công Giáo Nicaragua với ảnh hưởng của mình đã đề nghị 2 bên nối lại đối thoại.
Liên minh công dân vì công lý và dân chủ, tập hợp giới sinh viên, chủ doanh nghiệp và các đại diện của xã hội dân sự, hy vọng sẽ làm đất nước Nicaragua hoàn toàn tê liệt trong vòng 24 giờ, kể từ nửa đêm thứ Tư 13/06 theo giờ địa phương (6 giờ sáng thứ Năm 14/06 GMT), nhằm buộc tổng thống Ortega chấm dứt đàn áp đẫm máu người biểu tình.
Từ ngày 18/04, liên tục nổ ra những cuộc biểu tình đòi hỏi tổng thống Daniel Ortega phải ra đi, và cải cách Hiến Pháp. Chính quyền điều động cảnh sát chống bạo động và dân quân thân chính phủ đàn áp làm 152 người chết và 1.340 người bị thương. Trước tình hình đó, nhiều người biểu tình ôn hòa nay muốn cầm lấy vũ khí.
Sau một thời gian dài ủng hộ tổng thống, giới doanh nhân nay đã cắt đứt quan hệ với ông Ortega vì ông sử dụng bạo lực với người biểu tình. Nhà đấu tranh du kích Daniel Ortega, người đã lật đổ chế độ độc tài Somoza năm 1979, thay bằng chế độ Cộng Sản, cũng bị những đồng chí cũ từ bỏ. Phó tổng thống Rosaria Murillo cũng chính là vợ ông Ortega, hồi đầu tháng kêu gọi đối thoại nhưng không đưa ra đề nghị nào cụ thể.
Nhấn mạnh đến việc « phản kháng một cách hòa bình », Hội Đồng Giám Mục Nicaragua đã đứng ra làm trung gian, kêu gọi chính quyền và đối lập ngồi vào bàn đối thoại từ ngày mai 15/06.
Trong khi chờ đợi tìm ra được một giải pháp, nhiều người dân Nicaragua đua nhau đi mua dự trữ thực phẩm, trước khi cuộc đình công toàn quốc bắt đầu.
Theo ước tính của Quỹ Phát Triển Kinh Tế Xã Hội Nicaragua (FUNIDES), tổng đình công kéo dài sẽ gây thiệt hại trên 900 triệu đô la cho nền kinh tế của đất nước vốn đang khó khăn
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180614-nicaragua-tong-dinh-cong-hoi-dong-giam-muc-to-chuc-doi-thoai
Cuba: Đối lập Cuba kêu gọi cải cách đa đảng
Một nhóm nhà ly khai Cuba kêu gọi chính quyền ghi vào dự thảo Hiến Pháp mới điều khoản nhìn nhận « chế độ đa đảng ». Ủy Ban Soạn Thảo Hiến Pháp mới vừa được nghị viện thành lập vào ngày 09/06/2018. Hiến Pháp 1976 xem đảng Cộng Sản là lực lượng lãnh đạo tối cao, loại trừ mọi tổ chức chính trị khác trong sinh hoạt quốc gia.
Trong cuộc họp báo ngày thứ Tư 13/06/2018, nhà đối lập Manuel Cuesta Morua, đại diện của « Bàn tròn thống nhất hành động », quy tụ nhiều tổ chức chính trị bị La Habana xem là « phi pháp », kêu gọi chính quyền mới « mở cửa », công nhận một chế độ đa đảng. Công dân phải « có quyền đề nghị ý kiến », thay vì chỉ đóng vai trò thụ động chờ được « được Nhà Nước tham khảo », theo tường thuật của AFP.
Đối lập còn yêu cầu tổ chức ứng cử bầu cử tự do cơ quan hành pháp tối cao và chủ tịch, theo lối phổ thông đầu phiếu.Theo đề nghị của đối lập, để tránh nguy cơ can thiệp từ nước ngoài vào nội tình Cuba, công dân có quyền lập đảng nhưng các đảng phái không được phép nhận tài trợ của cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch mới của Cuba, Miguel Diaz-Canel và lãnh đạo đảng Cộng Sản Raul Castro đứng đầu Ủy Ban Soạn Thảo Hiến Pháp do nghị viện « bổ nhiệm ». Dự án cải tổ Hiến Pháp 1976 được giải thích là để « hỗ trợ cho chính sách đổi mới kinh tế, thu hút đầu tư quốc tế, khuyến khích sáng kiến tư nhân » nhưng lãnh đạo đảng Raul Castro cảnh cáo là « không được làm thay đổi tính chất không thể đảo ngược của chủ nghĩa xã hội ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180614-cuba-doi-lap-cuba-keu-goi-cai-cach-da-dang