Tin khắp nơi – 14/04/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 14/04/2019

Mỹ nối lại đàm phán với Nhật để giảm thâm hụt thương mại

Thu Hằng

Vấn đề tiền tệ sẽ là một trong những chủ đề nghị sự của cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản diễn ra trong hai ngày 15 và 16/04/2019. Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định thỏa thuận tương lai giữa hai nước sẽ gồm một phần đề cập đến việc hạn chế thao túng tiền tệ.

Phát biểu trước báo giới ngày 13/04 bên lề các cuộc họp của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới, bộ trưởng Mnuchin tái khẳng định « dù là hiệp định thương mại nào, thì luôn có những điều khoản về tiền tệ, như chúng tôi (Hoa Kỳ) đã làm » đối với thỏa thuận tự do thương mại với Canada và Mêhicô.

Ngoài vấn đề tiền tệ, bộ trưởng Kinh Tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer còn bàn về nhiều chủ đề lớn khác trong hai ngày làm việc ở Washington vì theo ông Mnuchin, « thị trường Nhật Bản chưa đủ mở rộng cho hàng hóa của các nhà xuất khẩu Mỹ ».

AFP nhắc lại vòng đàm phán Mỹ-Nhật được tiến hành lần đầu tiên vào tháng 08/2018 tại Mỹ sau khi tổng thống Donald Trump lên án mức thâm hụt thương mại 67,62 tỉ đô la (không kể lĩnh vực dịch vụ) với Nhật Bản. Để tái cân bằng trao đổi mậu dịch, chính phủ Tokyo nghiên cứu mua thêm trang thiết bị quân sự của Mỹ, trong đó có khoảng 150 chiến đấu cơ F-35.

Lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ-Trung

Cũng trong buổi họp báo, bộ trưởng Tài Chính Mnuchin cũng tỏ ra lạc quan về khả năng chấm dứt cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khi phát biểu « đang tiến gần đến vòng đàm phán cuối cùng để tìm ra giải pháp cho các vấn đề » chưa được giải quyết, nhưng ông không nhắc đến một ngày cụ thể.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190414-my-noi-lai-dam-phan-voi-nhat-de-giam-tham-hut-thuong-mai

 

Mỹ không cạnh tranh nổi Huawei,

tìm mọi cách chặn đường?

Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo không chia sẻ thông tin với đồng minh phương Tây nếu cứ chọn sử dụng Huawei.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 10/4 phát biểu tại phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ đã cảnh báo các nước đồng minh rằng, Washington có thể từ chối chia sẻ thông tin với các quốc gia ưa thích việc sử dụng công nghệ của Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc – Huawei.

Việc hủy bỏ hợp tác với các đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ nếu tiếp tục sử dụng sản phẩm Huawei cho thấy sự nghiêm trọng của các sản phẩm công nghệ Trung Quốc đối với vấn đề an ninh.

“Mỹ có thể từ chối chia sẻ thông tin với các quốc gia yêu thích cài đặt công nghệ Huawei trong hệ thống bất chấp việc biết rõ rủi ro gián điệp từ phía chính quyền Trung Quốc là quá cao” – ông Pompeo tuyên bố.

Ông Pompeo cho biết thêm, các chuyên gia Mỹ tin rằng cho đến nay, vẫn chưa có công nghệ nào có thể ngăn chặn các mối đe dọa bảo mật từ thiết bị của Huawei.

Do đó, việc cần làm là cấm mọi cơ quan sử dụng thiết bị của Huawei.

Ngoại trưởng Pompeo khẳng định, các chuyên gia Mỹ đang cố hết sức để giải quyết vấn đề kỹ thuật rất khó khăn đến từ rủi ro công nghệ Trung Quốc trong tương lai.

Lời nhấn mạnh thêm của ông Pompeo về các rủi ro kỹ thuật của Huawei chưa được các chuyên gia Mỹ giải quyết đã cho thấy câu trả lời của Mỹ đối với châu Âu khi các đồng minh EU nói rằng họ sẽ xây dựng các hàng rào kỹ thuật để kiểm soát Huawei.

Nhiều nước châu Âu, bao gồm Đức và Anh đều tỏ thái độ không từ chối đối tác đến từ Trung Quốc theo lời kêu gọi của Mỹ. Đức khẳng định các chuyên gia kỹ thuật của họ đang xây dựng các hàng rào kỹ thuật. Còn một quan chức về an ninh Anh thì khẳng định các rủi ro của Huawei có thể ngăn chặn được.

Trong khi đó, phía Huawei nhiều lần tuyên bố rằng, Washington đang thể hiện thái độ thua cuộc. Mỹ dùng con bài nước lớn để ép đồng minh tẩy chay Huawei khi không thể cạnh tranh với hãng viễn thông này.

“Chính phủ Mỹ có thái độ thua cuộc. Họ muốn bôi nhọ Huawei vì họ không thể cạnh tranh với Huawei” – Chủ tịch tập đoàn viễn thông Huawei Guo Ping lưu ý, bày tỏ hy vọng rằng nhóm Trump sẽ điều chỉnh thái độ trong tương lai gần.

Huawei đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc của Washington rằng, công ty này đã đánh cắp thông tin thương mại và gián điệp thay mặt cho chính phủ Trung Quốc. Huawei khẳng định rằng họ không thấy lý do hợp lý tại sao nên hạn chế xây dựng cơ sở hạ tầng 5G ở bất kỳ quốc gia nào.

Đầu tháng 12/2018, Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu đã bị giam giữ tại Vancouver theo yêu cầu của Mỹ,với nghi ngờ âm mưu vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Vụ bắt giữ đã lôi Trung Quốc và Mỹ kéo dài thêm căng thẳng và bất đồng bên cạnh cuộc chiến thương mại bằng áp đặt thuế quan.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/27403-my-khong-canh-tranh-noi-huawei-tim-moi-cach-chan-duong.html

 

Mạnh tay đánh thuế hàng nhập khẩu Châu Âu,

Mỹ – EU sẽ có “chiến tranh” mới?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ đánh thuế nhập khẩu đối với 11 tỉ USD hàng hóa từ Liên minh Châu Âu (EU). Trước đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã đề cập đến việc áp dụng mức thuế mới đối với nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Châu Âu.

Lý do mà Tổng thống Trump đưa ra cho quyết định của mình đó là do Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) đã đưa ra phán quyết rằng các khoản trợ cấp của EU đối với hãng sản xuất máy bay Airbus đã gây ra “những tác động có hại” cho nước Mỹ.

“Tổ chức Thương mại Thế giới đã phát hiện ra rằng các khoản tiền trợ cấp của Liên minh Châu Âu đối với Airbus mang đến những tác động có hại đối với Hoa Kỳ, và vì vậy chúng tôi sẽ đánh thuế đối với 11

tỉ USD hàng nhập khẩu của Châu Âu! EU đã lợi dụng Hoa Kỳ trong lĩnh vực thương mại trong nhiều năm qua. Điều này sẽ sớm chấm dứt!”, ông Trump viết trang Twitter cá nhân của mình.

Tuyên bố này của Tổng thống Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của nhiều quan chức EU, và họ nói rằng con số 11 tỉ USD mà ông đề cập đến “đã bị thổi phồng quá mức”. Liên minh đang xem xét các biện pháp đáp trả đối với Mỹ khi nước này cũng đã trợ cấp tài chính cho hãng Boeing. Airbus cho biết động thái của Washington là không có cơ sở pháp lý và cảnh báo rằng căng thẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương sẽ trở nên lớn hơn.

Lần đầu tiên Mỹ đệ đơn phàn nàn lên WTO về những khoản trợ cấp bất hợp pháp mà EU dành cho hãng Airbus là vào 15 năm trước. Washington cáo buộc hãng sản xuất máy bay này là đang làm lợi từ trợ cấp chính phủ. Ở chiều ngược lại, Brussels cũng đưa ra cáo buộc tương tự, rằng Mỹ đang trợ cấp bất hợp pháp cho hãng Boeing.

Tuyên bố của ông Trump cũng là diễn biến mới nhất trong tình hình căng thẳng thương mại leo thang giữa Washington và EU, vốn đã bùng nổ sau khi ông Trump lên nắm quyền vào đầu năm 2017.

Sau khi chấm dứt đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với EU, ông Trump đã mạnh tay đánh thuế đối với các mặt hàng nhôm thép nhập khẩu từ EU và một số nước khác. EU cũng đáp trả bằng cách đánh thuế đối với 2,8 tỉ euro hàng hóa từ Mỹ, trong đó có rượu, xe gắn máy, quần bò và nước cam.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/27380-manh-tay-danh-thue-hang-nhap-khau-chau-au-my-eu-se-co-chien-tranh-moi.html

 

Thuế vụ Mỹ muốn có phần

trong tài sản của em bé hoàng gia Anh

Thu Hằng

Nữ hoàng Anh sắp có chắt thứ tư và em bé hoàng gia này sẽ có cả quốc tịch Mỹ. Thuế vụ Mỹ bắt đầu quan tâm tới khối tài sản tương lai của em bé hoàng gia, con của hoàng tử Harry và công nương Meghan Markle.

Theo luật pháp Mỹ, « khi một trong hai phụ huynh mang quốc tịch Mỹ và người đó sống ở Mỹ trong vòng 5 năm, trong đó có ít nhất hai năm sau 14 tuổi, thì đứa trẻ sinh ra sẽ mang quốc tịch Mỹ ». Đây là trường hợp của công nương Sussex Meghan Markle ; trước khi kết hôn với hoàng tử Anh Harry, Meghan Markle sinh sống ở Mỹ và là một diễn viên nổi tiếng.

Như vậy, từ khi sinh ra, tất cả các tài khoản ngân hàng của em bé hoàng gia được cha mẹ chuyển tiền vào để chuẩn bị cho tương lai đều phải khai báo với cơ quan thuế Mỹ. Tương tự với mọi khoản thu nhập có được từ việc em bé hoàng gia trở thành một ngôi sao màn ảnh nhờ danh tiếng của mẹ.

Theo David Treitel, sáng lập viên Americain Tax Returns – một công ty tư vấn cho người Mỹ ở nước ngoài, được AFP trích dẫn, ngoài đời tư của em bé hoàng gia, « cơ quan thuế của Mỹ sẽ có được rất nhiều thông tin về tài sản của đôi vợ chồng hoàng gia Anh » thông qua các bản kê khai và phần khai thuế của Meghan Markle. Cơ quan thuế Mỹ IRS yêu cầu mọi món quà có giá trị tặng cho em bé hoàng gia, mà người tặng không phải là công dân Mỹ, đều phải được khai báo.

Ví dụ, nếu nữ hoàng Anh muốn tặng cho người chắt thứ 4 một cuốn sách vàng trong bộ sưu tập hoàng gia, thì cuốn sách đó phải được khai cho bên sở thuế của Mỹ nếu nó có giá trị trên 100.000 đô la. Tuy nhiên, nếu là quà, tài trợ do công dân Mỹ tặng thì sẽ không phải khai báo.

Năm 2010, đạo luật Foreign Account Tax Compliance Act (FATCA) được thông qua, thay thế quy định « nơi khai thuế » bằng « tiêu chí quốc tịch », mọi công dân Mỹ bắt buộc phải khai thu nhập ở Hoa Kỳ và nộp thuế nếu thuộc diện bị đánh thuế.

Luật mới này đã khiến nhiều người bị « bất đắc dĩ » mang quốc tịch Mỹ « ăn ngủ không yên », như trường hợp của hàng nghìn người Pháp, sinh ra ở Mỹ nhưng về Pháp sinh sống từ rất trẻ, thậm chí không biết tiếng Anh và không có bất kỳ mối liên hệ họ hàng nào ở Mỹ.

Vào cuối năm 2018, Hội Những Người Vô Tình Trở Thành Công Dân Mỹ (Association des Américains accidentels, AAA) của Pháp đã kêu gọi tổng thống Donald Trump « tìm ra một giải pháp » cho trường hợp của họ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190414-thue-vu-my-muon-co-phan-trong-tai-san-cua-em-be-hoang-gia-anh

 

Đảng Dân Chủ bảo vệ dân biểu Ilhan Omar

sau khi Tổng thống Trump tweet về ngày 11 tháng 9

Washington, DC – Theo tin từ CBS News, những ứng cứ viên và các thành viên cao cấp của đảng Dân Chủ đã chỉ trích Tổng thống Trump sau khi tổng thống đăng tải trên Twitter một đoạn video cho thấy những bình luận của dân biểu Dân Chủ Ilhan Omar về cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 cũng như những thước phim quay lại cuộc tấn công.

Theo đài CBS, một số chính khách bảo thủ nổi tiếng và tờ New York Post đã trích dẫn các bình luận mà bà Omar từng đưa ra vào tháng trước, nhằm buộc tội bà đã xem nhẹ cuộc tấn công khủng bố này.

Ngay sau khi bài viết của Tổng thống được đăng tải, thượng nghị sĩ Elizabeth Warren trả lời trên Twitter rằn,g Tổng thống đang kích động bạo lực đối với nữ dân biểu và một nhóm người dân Hoa Kỳ dựa trên niềm tin tôn giáo của họ, và điều này thật đáng hổ thẹn.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cũng viết trên mạng xã hội rằng, bà Omar sẽ không chịu thua sự phân biệt chủng tộc và sự kỳ thị của Tổng thống Trump, và đảng Dân Chủ sẽ ủng hộ bà. Ông Sanders nhấn mạnh rằng những cuộc tấn công nguy hiểm chống lại bà Omar phải ngừng lại.

Bên cạnh đó, các dân biểu Dân Chủ cao cấp bao gồm Jay Inslee, Julian Castro, Beto O’Rourke và thị trưởng thành phố South Bend Pete Buttigieg cũng lên tiếng ủng hộ bà Omar và chỉ trích Tổng thống Trump.

Một số dân biểu Dân chủ tại Quốc hội cũng bảo vệ bà Omar, bao gồm dân biểu Alexandria Ocasico-Cortez, người đã viết trên mạng Twitter vào hôm thứ sáu rằng, “các thành viên của Quốc hội có nhiệm vụ phải đối phó với cuộc tấn công rõ ràng của Tổng thống ngày hôm nay” và “cuộc sống của dân biểu Omar đang gặp nguy hiểm.” (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/dang-dan-chu-bao-ve-dan-bieu-ilhan-omar-sau-khi-tong-thong-trump-dang-tai-mot-tweet-ve-ngay-11-thang-9/

 

Games Of Thrones mùa cuối:

Mùa phim đắt nhất lịch sử phim truyền hình

Sau 22 tháng chờ đợi, tập đầu của mùa phim thứ tám và cũng là mùa cuối cùng của bộ phim truyền hình giả tưởng nhiều tập nổi tiếng Game of Thrones sẽ chính thức ra mắt ra mắt khán giả trong đêm Chủ Nhật 14 rạng sáng thứ Hai 15/04/2019.

Vào ba giờ sáng tại Pháp, GOT sẽ được phát sóng tại Mỹ trên kênh truyền hình HBO và nhiều nước khác. Ra mắt công chúng lần đầu vào năm 2011, bộ phim giả tưởng nhiều tập đã lần lượt chinh phục người xem qua từng mùa. Theo thống kê, chỉ tính riêng tại Mỹ, những tập phim trong trong mùa vừa qua đã thu hút 30 triệu lượt người xem. Còn tại châu Âu, Game of Thrones đã chinh phục được 16,5 triệu người hâm mộ. Một con số kỷ lục tuyệt đối cho một bộ phim truyền hình nhiều tập.

Để có thể kéo dài sự trường tồn cho bộ phim, các nhà làm phim Daniel Brett Weiss và David Benioff đã khéo léo vạch ra những tình huống gây cấn xen lẫn với những gợi nhắc thời sự một cách tài tình. Đặc biệt, bộ phim có được một nguồn ngân sách dồi dào cho phép đoàn làm phim thực hiện những cảnh quay tại những địa điểm đẹp nhất hành tinh.

Mùa phim thứ tám còn là đợt quay có kinh phí cao nhất trong lịch sử phim truyền hình. Mỗi một tập phim dự tính tiêu tốn đến 15 triệu đô la, tức phải ngốn hết 90 triệu cho sáu tập. Theo AFP, các tập phim mùa cuối cũng sẽ dài hơn: 1 giờ 20 phút cho mỗi ba tập cuối, tương đương với bộ phim dài bình thường.

Dù rất được trông đợi, nhưng không vì thế mà bộ phim nổi tiếng này không bị phản đối. Những người chỉ trích lên án hình ảnh bạo lực của bộ phim. Việc các nhà viết kịch bản không ngần ngại bỏ rơi các nhân vật có cá tính, thu hút cảm tình của khán giả, đôi khi để lại một cảm giác sợ hãi hơn là một cảm giác nhẹ nhõm.

Bất chấp việc phải huy động một nguồn nhân lực đông đảo và tài chính tốn kém, Game Of Thrones mùa thứ 8 dự kiến sẽ mang lại một nguồn thu lớn cho các nhà sản xuất. Theo New York Times, hợp đồng chuyển nhượng bản quyền mang lại cho HBO mỗi năm một tỷ đô la. Đây cũng là bộ phim gặt hái nhiều giải thưởng nhất trong mùa giải Emmy Awards năm 2018.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190414-games-thrones-mua-cuoi-mua-phim-dat-nhat-lich-su-phim-truyen-hinh

 

Mỹ vận động lập quỹ hỗ trợ chính phủ Venezuela “tương lai”

Minh Anh

Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép ngoại giao lên chính quyền Maduro qua chuyến công du Nam Mỹ của ngoại trưởng Mike Pompeo với chặng dừng thứ ba ngày 13/04/2019 tại Lima, thủ đô Peru. Mặt khác, Hoa Kỳ vận động các nước lập quỹ tài chính « 10 tỷ đô la » để hỗ trợ chính quyền Venezuela « tương lai » tái thúc đẩy thương mại.

Trong một buổi họp báo ngày 13/04/2019 sau khi kết thúc cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết sáng kiến này đã nảy sinh trong một phiên họp hôm thứ Năm 11/04 vừa qua với 19 đại diện tài chính các nước khác ở Washington.

Trong số các nước có mặt tại phiên họp có Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada, Ý và nhiều quốc gia châu Mỹ Latinh khác như Brazil, Mêhicô, Chilê và Achentina.

Tại phiên họp này, Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế khẳng định sẵn sàng can thiệp để hỗ trợ Venezuela hiện đang phải đối diện với một cuộc « khủng hoảng nhân đạo », theo như phát biểu của tân giám đốc Ngân Hàng Thế Giới, David Malpass.

Tuy nhiên, các định chế này khó thực hiện ngay các dự án trên bởi một lý do rất là đơn giản : Các nước thành viên vẫn còn bất đồng trong việc « phải công nhận chính phủ nào ». Theo AFP, Ý cũng như Mêhicô hiện vẫn không công nhận tổng thống tự phong Juan Guaido.

Maduro tăng cường « sĩ số » dân quân tự vệ

Cũng trong ngày hôm qua, tại Caracas, tổng thống Nicolas Maduro ra lệnh tăng cường quân số của lực lượng dân quân tự vệ ủng hộ chính phủ, sao cho từ đây đến cuối năm đạt mức ba triệu người. Quân số dân quân tự vệ chính thức hiện nay là hai triệu.

Được thành lập vào năm 2008 dưới thời tổng thống tiền nhiệm Hugo Chavez, đạo quân này nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của tổng thống và nhằm mục đích hỗ trợ cho quân đội.

Lãnh đạo phe đối lập, tổng thống tự phong, Juan Guaido, đã kêu gọi quân đội từ bỏ vị lãnh đạo theo xu hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, lời kêu gọi này của ông chỉ được một nhóm ít sĩ quan quân đội ủng hộ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190414-my-van-dong-lap-quy-ho-tro-chinh-phu-venezuela-tuong-lai

 

Chủ tịch Cuba kêu gọi tăng cường quốc phòng

 trước mối đe dọa của Trump

Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel cáo buộc chính quyền Trump đẩy quan hệ Hoa Kỳ-Cuba đến mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ và kêu gọi người Cuba tăng cường quốc phòng và kinh tế.

Theo Reuters, phát biểu bế mạc Quốc hội, ông Diaz-Canel cho biết Hoa Kỳ “đàn áp tài chính hết mức” khiến việc nhập khẩu hàng hóa và tài nguyên thiết yếu của Cuba trở nên khó khăn.

Mỹ cho phép kiện các cơ quan Cuba

Canada giảm nửa nhân viên sứ quán ở Cuba

16 nhân viên Mỹ ở Cuba bị tổn thương thính lực

Hilton không cho đại sứ Cuba thuê phòng

Nền kinh tế Cuba bị đình trệ trong những năm gần đây tương tự đồng minh chiến lược Venezuela, dẫn đến việc các cơ quan nhà nước cắt giảm sử dụng nhiên liệu và năm nay nước này thiếu các hàng hóa cơ bản như bánh mì, thịt gà và trứng.

Việc chính quyền Trump gia tăng các biện pháp trừng phạt cũng khiến Cuba thiếu hụt nguồn tiền.

Bộ trưởng Kinh tế Cuba Alejandro Gil Fernandez trước đó kêu gọi chính phủ thắt lưng buộc bụng hơn nữa và tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho nhập khẩu, vì nguồn ngoại hối giảm và tín dụng cho nguồn cung và đầu tư trở nên khó khăn hơn.

“Xuất khẩu không tăng trưởng theo kế hoạch. Mức đầu tư nước ngoài mà nền kinh tế cần không thành hiện thực,” ông Gil nói.

Cuba phụ thuộc vào nhập khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp nhiên liệu và thực phẩm, và mua vật tư bằng ngoại tệ mà họ kiếm được từ xuất khẩu.

Chính phủ đã vật lộn để giữ tăng trưởng kinh tế và dự báo tăng 1,5% GDP trong năm nay sau mức tăng 1,2% vào năm ngoái.

Chính quyền Trump tuyên bố Cuba chịu trách nhiệm cho sự tồn tại của Tổng thống Venezuela Nicholas Maduro và áp các lệnh trừng phạt mới đối với Cuba, quốc gia Cộng sản mà nền kinh tế vốn đã tê liệt vì bị cấm vận.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47924846

 

Cựu lãnh đạo tình báo quân sự Venezuela đi tù,

chờ phán quyết dẫn độ sang Mỹ

Hugo Carvajal, cựu lãnh đạo tình báo quân đội Venezuela, người mà Washington tin rằng nắm giữ những thông tin có giá trị về Tổng thống Nicolas Maduro, đã bị Tòa án Tối cao Tây Ban Nha bỏ tù vào ngày thứ Bảy trong khi chờ phán quyết về yêu cầu dẫn độ sang Mỹ, một phát ngôn viên của tòa án cho biết.

Là cựu tướng lĩnh và đồng minh thân cận của cựu Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, ông Carvajal bị cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ hôm thứ Sáu theo yêu cầu của Mỹ về các cáo buộc buôn bán ma túy.

Sau khi ông Carvajal bị bắt giữ, Mỹ hôm thứ Sáu ca ngợi sự hợp tác khả dĩ của ông như một lợi ích tiềm năng trong cuộc chiến chống lại ông Maduro, người vẫn nắm quyền kiểm soát phần lớn các lực lượng vũ trang Venezuela và các định chế nhà nước.

Trong phiên tòa điều trần, ông Carvajal phủ nhận những liên hệ với việc buôn bán ma túy và nhóm phiến quân FARC của Colombia và thách thức việc ông có thể bị dẫn độ sang Mỹ, người phát ngôn nói.

Ông Carvajal sẽ chống lại yêu cầu dẫn độ của Mỹ với lí do có những liên hệ ở Tây Ban Nha, nơi gia đình ông hiện đang cư trú sau khi du hành tới đây trước ông.

Ông Carvajal rời Venezuela một tháng trước, đi bằng tàu suốt 16 giờ để đến Cộng hòa Dominica trước khi bay đến Madrid, ông nói với tòa án.

Mỹ giờ phải chính thức hóa yêu cầu dẫn độ của mình và Tòa Thượng thẩm sẽ phán quyết về yêu cầu đó.

Bộ Tư pháp Mỹ ngày thứ Sáu nói rằng họ đã yêu cầu dẫn độ ông Carvajal về các cáo buộc buôn lậu cocaine được đệ trình vào năm 2011 và được công bố vào năm 2014.

Ông Carvajal trước đây đã bị chính phủ Mỹ chế tài vào năm 2008 vì “hỗ trợ về mặt vật chất cho các hoạt động buôn bán ma túy” của nhóm phiến quân FARC của Colombia.

Reuters cho biết một quan chức chính quyền Mỹ nói với hãng tin này vào ngày thứ Sáu rằng ông Carvajal có những thông tin có giá trị về ông Maduro và sẵn lòng hợp tác.

Ông Carvajal đã lên án người kế nhiệm ông Chavez vào tháng 2 và ủng hộ ông Juan Guaido, người mà hồi tháng 1 tuyên bố mình là tổng thống lâm thời của Venezuela.

https://www.voatiengviet.com/a/cuu-lanh-dao-tinh-bao-quan-su-venezuela-di-tu-cho-phan-quyet-dan-do-sang-my/4874656.html

 

Ecuador bị tấn công tin học

sau khi “bỏ rơi” nhà sáng lập WikiLeaks

Thu Hằng

Ecuador, quốc gia cấp quy chế tị nạn cho Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks, cho biết đã trở thành nạn nhân của nhiều vụ tấn công tin học, song không ảnh hưởng đến các website của chính phủ.

Theo thông tin trên mạng Twitter của bộ trưởng Nội Vụ Ecuador Maria Paula Romo, được AFP trích ngày 14/04/2019, « dù xảy ra nhiều vụ tin tặc trong những ngày gần đây, không một website nào của chính phủ » bị xâm nhập.

Vẫn theo bộ trưởng Nội Vụ Ecuador, cùng ngày ông Julian Assange bị đưa khỏi lãnh sự Ecuador ở Luân Đôn (11/04), một người được cho là thân cận với nhà sáng lập WikiLeaks cũng bị bắt vì bị cáo buộc tấn công tin học.

Từ Quito, thông tín viên RFI Eric Samson giải thích :

« Ola Bini bị bắt hôm thứ Năm 11/04 tại sân bay Quito khi chuẩn bị lên máy bay đến Nhật Bản. Nhân vật này mang quốc tịch Thụy Điển, 36 tuổi, được chính quyền Ecuador miêu tả là một « người thân cận » với nhà sáng lập WikiLeaks vì đã đến thăm Julian Assang 12 lần ở sứ quán Ecuador tại Luân Đôn.

Thứ Bẩy 13/04, Viện Kiểm Sát đã truy tố nhân vật này vì bị tình nghi tham gia tấn công vào hệ thống tin học. Bini đã bị tạm giam, toàn bộ tài khoản ngân hàng của ông bị khóa.

Trong buổi họp báo hôm 11/04, dù không nêu danh tính, bộ trưởng Nội Vụ Maria Paula Romo từng nhắc đến sự hiện diện của một nhà hoạt động của WikiLeaks và hai tin tặc người Nga, bị tình nghi tham gia vào kế hoạch « gây bất ổn » cho tổng thống Lenin Moreno.

Có lẽ Bini từng ra nước ngoài, và đến Venezuela với ông Ricardo Patino, cựu ngoại trưởng dưới thời cựu tổng thống Rafael Correa. Vị cựu tổng thống này từng cho rằng người kế nhiệm ông đã phản bội di sản chính trị của ông.

Dường như để trả đũa, nhiều vụ tấn công tin học đã được tiến hành nhắm vào Ecuador. Trong vòng nhiều giờ, bức hình chụp Assange đã hiện lên trên trang chủ của tòa thị chính La Mana

chào mừng người truy cập. Tuy nhiên, theo bộ trưởng Nội Vụ, các website chính phủ không bị ảnh hưởng ».

Ngày 14/04/2019, ông John Shipton, cha đẻ của nhà sáng lập WikiLeaks đã yêu cầu chính phủ Úc hồi hương con trai ông. Ông cho biết bị « sốc » vì tình trạng sức khỏe của Julian Assange khi bị bắt ở Luân Đôn.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190414-ecuador-bi-tan-cong-tin-hoc-sau-khi-bo-roi-nha-sang-lap-wikileaks

 

Anh truy tố nghi phạm buôn người,

phát hiện 29 người Việt trong xe

Tại Anh, bốn người đàn ông bị truy tố tội buôn người sau khi 29 công dân người Việt được tìm thấy trong xe tải.

Tìm ra 15 trẻ em ‘đến từ VN’ trong xe tải ở Anh

Xử tù đường dây đưa người lậu vào Anh

Cảnh sát vùng Devon và Cornwall bắt giữ các nghi phạm người Anh tuổi từ 55 tới 72 sau khi phát hiện người Việt đi vào xe tải, từ một con thuyền ở Newlyn, Cornwall.

Theo cảnh sát Anh, trong 29 người Việt có cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em.

Giới chức nói nhóm người này nay được đưa tới một trung tâm để chăm sóc.

Vào sáng thứ Sáu, cảnh sát được gọi tới Newlyn, Cornwall, sau khi có người phát hiện thấy nhóm người Việt đi vào trong xe tải, từ một con thuyền.

Xe tải này sau đó bị chặn giữ trên đường cao tốc.

Hồi tháng Ba, trong một vụ án khác, một tài xế chở lậu 21 người Việt vào Anh bị kết án tù sáu năm.

Andrut Duma, 29 tuổi, đã đưa nhóm người Việt vào Anh từ Dieppe, Pháp, trước khi bị phát hiện hôm 1/11/2018.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47927495

 

Vụ Pháp bán chiến đấu cơ Rafale cho Ấn Độ

bị thêm một tai tiếng

Trọng Nghĩa

Chính quyền Ấn Độ ngày 13/04/2019 đã cực lực phủ nhận thông tin được nhật báo Pháp Le Monde cùng ngày tiết lộ, gắn liền việc cơ quan thuế vụ Pháp vào năm 2015, đã miễn gần 150 triệu euro tiền thuế cho chi nhánh tại Pháp của tập đoàn Ấn Độ Reliance, với hợp đồng 8,7 tỷ đô la của New Delhi, đặt mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp. Bộ Quốc Phòng Ấn Độ cho rằng không hề có liên quan gì giữa hai vụ này.

Theo báo Le Monde ngày 13/04/2019, chính phủ Pháp vào năm 2015 đã bỏ việc đòi một công ty con của tập đoàn Ấn Độ Reliance Communications là phải đóng một khoản thuế lên đến 143,7 triệu euro (tương đương với khoảng 163 triệu đô la). Quyết định miễn thu thuế này được đưa ra đúng vào lúc Paris và New Delhi đang đàm phán lại việc bán chiến đấu cơ Rafale cho Ấn Độ.

Vấn đề được nêu lên là sau quyết định miễn thuế đó ít lâu, thủ tướng Modi đã thông qua việc đặt mua 36 chiếc Rafale, tất cả đều chế tạo tại Pháp, và hợp đồng ký kết năm 2016 đã chọn tập đoàn Reliance là đối tác tại Ấn của tập đoàn Pháp Dasault. Reliance có rất ít kinh nghiệm trong lãnh vực hàng không, nhưng có chủ nhân là một người thân cận với thủ tướng Modi và đảng BJP cầm quyền tại Ấn Độ.

Theo thông tín viên Sébastien Farcis, tiết lộ mới của tờ Le Monde chắc chắc sẽ bị đối lập Ấn Độ khai thác trong bối cảnh nước này đang tiến hành cuộc bầu lại Quốc Hội mới, và đối lập từ nhiều tháng qua đã tố cáo chính quyền cố tình thiên vị một người thân với thủ tướng Modi để giao cho hợp đồng Rafale béo bở.

Tập đoàn Ấn Độ Reliance Communications, công ty mẹ của chi nhánh tại Pháp bị nêu tên, đã cực lực phủ nhận việc họ được hưởng lợi cơ quan thuế vụ Pháp và các chính trị gia cao cấp ưu ái. Tập đoàn này khẳng định rằng « do việc các yêu cầu của cơ quan thuế vụ Pháp quá đáng và không hợp pháp, cho nên tập đoàn đã giải quyết được trường hợp đó bằng cách tuân thủ luật pháp ».

Chính quyền Pháp thì xác nhận rằng đã đạt thỏa thuận với công ty con của Reliance để giải quyết tranh chấp thuế kể trên, và việc đó đã được tiến hành một cách hoàn toàn hợp pháp.

Tuy nhiên, số tiền thuế được giảm rất lớn: 143 triệu euro tương đương 95% số tiền thuế công ty Ấn Độ phải đóng đã được xóa. Và điều này lại xảy ra vào một thời điểm quan trọng: một vài tháng trước khi Reliance ký hợp đồng với các công ty quốc phòng của Pháp bên lề thương vụ bán máy bay chiến đấu Rafale cho Ấn Độ.

Điều bị coi là thiên vị tỷ phú Ấn Độ Anil Ambani chắc chắn sẽ bị phe đối lập Ấn Độ lợi dụng. Từ nhiều tháng qua, đảng Quốc Đại đối lập đã tố cáo thủ tướng Narendra Modi là đã nâng đỡ, giúp nhân vật này có được hợp đồng.

Và Tòa Án Tối Cao Ấn Độ vừa đồng ý xem xét các tài liệu mà theo những người tố cáo, chứng minh những điểm sai trái đó.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190414-vu-phap-ban-chien-dau-co-rafale-cho-an-do-bi-them-mot-tai-tieng

 

Áo Vàng Pháp hồi 22:

Căng thẳng ở Toulouse, tương đối yên tại Paris

Thu Hằng

Ngày 13/04/2019, lần xuống đường thứ 22 của phong trào Áo Vàng đã thu hút nhiều người tham gia hơn tuần trước : Khoảng 31.000 người biểu tình trên khắp nước Pháp, so với 22.300 người ở hồi 21. Họ muốn gây sức ép với tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong khi ông chuẩn bị đưa ra những thông báo để thoát khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài từ 5 tháng qua.

Thành phố Toulouse, ở miền nam nước Pháp, trở thành « tụ điểm » của phong trào Áo Vàng lần thứ 22 và có khoảng 5.000 đến 6.000 người tham gia, theo ước tính của cảnh sát. Maxim Nicolle (nổi tiếng với biệt danh Fly Rider), Eric Drouet và Priscilla Ludovsky, ba gương mặt đại diện phong trào Áo Vàng, đã tham gia cuộc biểu tình ở Toulouse.

Khoảng 800 cảnh sát được huy động để bảo vệ trung tâm thành phố, đặc biệt là quảng trường Capitole. Tuy nhiên, theo AFP, nhiều vụ đụng độ đã xảy ra giữa người biểu tình và cảnh sát suốt chiều thứ Bẩy 13/04 buộc họ phải sử dụng vòi rồng và hơi cay để giải tán đám đông.

Theo thống kê của cảnh sát, 14 người bị thương (không có ca thương nặng) và 37 người bị tạm giam vì ném chất nổ, đập phá, mang vũ khí và cố tình che mặt (vi phạm luật chống đập phá vừa được tổng thống ban hành).

Tại Paris, đại lộ Champs-Elysée và khu vực quanh điện Elysée và Hạ Viện vẫn tiếp tục bị cấm biểu tình sau khi bị những người tự xưng là « Áo Vàng » đập phá nặng nề hôm 16/03. Xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát đã xảy ra vào buổi chiều ở quảng trường Cộng Hòa, quận 11 Paris. Sở Cảnh Sát Paris cho biết tính đến 18 giờ 30 ngày 13/04, họ đã bắt tạm giam 27 người, kiểm tra an ninh gần 9.500 trường hợp.

Tương tự ở Paris, một số thành phố khác của Pháp đã cấm tụ tập tại những địa điểm nhạy cảm ở trung tâm.

http://vi.rfi.fr/phap/20190414-ao-vang-phap-hoi-22-cang-thang-o-toulouse-tuong-doi-yen-tai-paris

 

Thụy Sĩ: Một mặt trận chống triển khai 5G được hình thành

Minh Anh

Mạng lưới 5G chưa đổ bộ vào châu Âu nhưng làn sóng chống đối bắt đầu nổi lên tại Thụy Sĩ, một trong những quốc gia đầu tiên cho phát triển công nghệ điện thoại di động tân tiến nhất hiện nay. Rủi ro tiềm tàng cho sức khỏe, tác động đến cuộc sống riêng tư là lập luận chính của phe phản đối 5G. Nhiều dân biểu Thụy Sĩ lên tiếng đề nghị hoãn triển khai mạng 5G.

Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche giải thích :

Đối với dân biểu thành phố Genève, Bertrand Buchs, nhất thiết phải đợi thêm một thời gian trước khi triển khai mạng lưới 5G ở Thụy Sĩ. Vị dân biểu này chủ yếu nghi ngờ một tác động ʺhỗn hợpʺ đối với người dân. Ông lưu ý :

« Chúng ta sẽ có một sự kết nối của tất cả các vật dụng mà chúng ta có ở trong nhà. Khả năng phơi nhiễm với các sóng từ trường sẽ gia tăng với cấp số nhân, vào lúc mà chúng ta chưa biết được tác động hỗn hợp được tạo ra. Bởi vì, chưa có một nghiên cứu nào được thực hiện để biết được rủi ro có được ở cấp độ nơi sinh sống ».

Đây chính là lập luận của phe chống 5G. Tại vùng Thụy Sĩ nói tiếng Pháp, các hiệp hội chống 5G nở rộ.

Ngược lại, ông Philippe Royer điều hành cơ quan giám sát bức xạ không ion hóa ở Genève, cho rằng mạng 5G hiện chưa gây ra một vấn đề sức khỏe nào.

« Cần phải chú ý đến tiến triển mạng 5G. Chúng ta chỉ mới có bắt đầu thôi. Các tần số hiện nay rất gần với tần số được sử dụng trong mạng sóng điện thoại di động và wifi. Người ta thấy có xu hướng gia tăng tần số. Tuy nhiên, tại Thụy Sĩ, các mức sóng này vẫn chưa được phủ sóng và do vậy người ta vẫn nằm trong địa bàn cũ. »

Để phủ sóng mạng 5G, Thụy Sĩ sẽ phải lắp đặt thêm 15.000 cột ăng-ten mới. Dù vậy, công nghệ di động cũng đã gây ra một nạn nhân mới: Ngôi sao quần vợt Roger Federer, mà mục quảng cáo cho một nhà khai thác mạng đã nhanh chóng bị các diễn viễn hài kịch nhại lại :

« Nhờ mạng 5G, tôi có thể nấu nước luộc mỳ Ý từ xa. Mạng 5G do Roger thử nghiệm, khẳng định không nguy hiểm. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190414-thuy-si-mot-mat-tran-chong-trien-khai-5g-duoc-hinh-thanh

 

Serbia: Hàng chục ngàn người dân

 tiếp tục biểu tình chống TT Vučić

Thu Hằng

Từ 20 tuần qua, người dân Serbia vẫn xuống đường vào mỗi thứ Bẩy để phản đối tổng thống Aleksandar Vučić và các biện pháp kiểm duyệt truyền thông. Cuộc tuần hành ngày 13/04/2019 có quy mô lớn hơn, rầm rộ hơn, với hơn 50.000 người tham gia, hưởng ứng lời kêu gọi một cuộc tập hợp lớn ở thủ đô Belgrade của phe đối lập.

Thông tín viên RFI Simon Rico tường thuật không khí tuần hành tại Belgrade :

« Dù là từ Novi Sad, Požega, Bor hay Kragujevac, gần như từ khắp Serbia, hơn 50.000 người đã đổ về Belgrade để lên án cách điều hành độc đoán đất nước của tổng thống Aleksandar Vučić. Lần đầu tiên, phe đối lập dân sự đã tổ chức được một cuộc tập trung đoàn kết mang quy mô quốc gia, với mục tiêu là đem lại hơi thở mới cho phong trào phản đối.

Họ vẫn tuân theo khẩu hiệu cũ : tôn trọng các nguyên tắc dân chủ, không gian lận bầu cử và truyền thông được tự do, như giải thích của Srdian, một trong số thành viên của hội công dân 1 trên 5 triệu, khởi xướng phong trào.

Ông nói : « Chúng tôi sẽ tiếp tục những gì chúng tôi đã bắt đầu, giống như một cuộc đua việt dã vậy. Chúng tôi xuống đường và sẽ tiếp tục cuộc chiến để cho thấy rằng đây không phải là một đất nước tự do, một đất nước mà người ta có thể được tự do phát ngôn, chúng tôi sẽ thay đổi điều này !

« Vučić biến đi », « tội phạm », « ông ấy hết thời rồi » : đó là những khẩu hiệu phản đối vị tổng thống kèm theo những tiếng la ó. Ở phía đầu đoàn người tuần hành bao quanh trụ sở Nghị Viện là những chiếc lá cờ Serbia bay phấp phới.

Về phần mình, chế độ của tổng thống Vučić đã tìm cách giảm thiểu quy mô của cuộc biểu tình và, một lần nữa, lại nhấn mạnh đến « tình trạng bạo lực » của phe đối lập dù không một sự cố nghiêm trọng nào được ghi nhận.

Trong khi chính quyền không lùi một tấc, thậm chí còn dự kiến tổ chức một cuộc tuần hành phản công vào thứ Sáu 19/04, dường như Serbia chưa bao giờ lại bị chia rẽ thành hai phe không thể hòa giải được như hiện nay ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190414-serbia-hang-chuc-ngan-nguoi-dan-tiep-tuc-bieu-tinh-chong-tt-vucic

 

Triều Tiên sắp có tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới?

Triều Tiên có thể đang đóng một tàu ngầm mới có năng lực mang theo các tên lửa đạn đạo, báo Hàn Quốc Chosun Ilbo cho hay.

Theo thông tin của bài báo, trong năm 2016, lần đầu tiên cổng thông tin 38 North (chuyên theo dõi Triều Tiên qua các ảnh chụp vệ tinh) đưa tin về khả năng Triều Tiên đang phát triển một loại tàu ngầm mới có năng lực phóng tên lửa đạn đạo. Sau đó, trong khu vực cảng Sinpo, từ vệ tinh, 38 North phát hiện một vật thể có đường kính khoảng 10m, thứ, như phán đoán của các chuyên gia, có thể là một phần thân

tàu ngầm. Tuy nhiên,  kích cỡ của vật thể vượt qua cả những tàu ngầm lớn nhất đang phục vụ trong quân đội Triều Tiên.

“Sinpo là trung tâm phát triển tàu ngầm của Triều Tiên. Nhiều hợp phần tàu ngầm được lắp ráp  ngoài trời rất tương thích với việc phát triển một mẫu tàu ngầm mới”, giám đốc Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc Xin Chong-u, bình luận về những gì đang diễn ra tại khu vực cảng Sinpho.

Theo tờ báo của Hàn Quốc, các tính toán cho thấy với đường kính 10m, lượng choán nước của con tàu có thể ở mức 3.000 tấn và tương ứng với kích cỡ này, nó có thể mang 3-4 tên lửa đạn đạo.

Cho đến nay, theo trang tin quân sự Nga flop.com người ta chỉ biết rằng CHDCND Triều Tiên chỉ có duy nhất một tàu lớp Sipho với lượng giãn nước 2.000 tấn và cũng chỉ có thể mang theo một tên lửa đạo đạo (thường có kích cỡ rất lớn so với các loại tên lửa hành trình). Do vậy, khả năng phát động tấn công chiến  lược từ tàu Sipho là khá hạn chế.

Nếu Bình Nhưỡng đang nỗ lực phát triển một mẫu tàu ngầm mới, việc đó sẽ nâng cao năng lực phát động tấn công chiến lược. Chosun Ilbo viết rằng các tàu ngầm mang tên lửa rõ ràng là khó phát hiện hơn rất nhiều so với các bệ phóng trên mặt đất. Hơn nữa, cần phải tính đến việc, như thông tin hiện có cho thấy, Triều Tiên hiện đang phát triển tên lửa đạn đạo Pukguksong-3 phóng đi từ dưới nước và tầm bắn vượt qua các phiên bản trước đó. Có thông tin nói tên lửa đạn đạo này đạt tầm bắn 2.000km. Tờ báo Hàn Quốc viết rằng nếu một tàu ngầm vượt qua biển Nhật Bản tới Thái Bình Dương, nó có thể tấn công các mục tiêu ở Guam hoặc Haiwaii (Mỹ) với các tên lửa Pukguksong-3.

Chosun Ilbo nói các hình ảnh từ vệ tinh Google Earth hôm 2/3 cho thấy các chi tiết của một vật thể hình ống và các loại vật liệu được cho là phần đầu của tàu ngầm tại xưởng đóng tàu Sinpo, tỉnh Nam Hamgyong.

Những hình ảnh này chưa hề tồn tại ở thời điểm tháng 8/2018. Các bức ảnh cũng cho thấy tình trạng con tàu rất tốt và đã được hạ thủy. “Điều này cho thấy Triều Tiên vẫn đang phát triển tàu ngầm mới và thư nghiệm một loại tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm”, một người phát ngôn của quân đội Hàn Quốc nói. Theo nhận định của phía Hàn Quốc, công việc đóng tàu dường như vẫn đang diễn ra

Năm 2011, có thông tin nói hải quân Triều Tiên đang vận hành khoảng 60 tàu ngầm diesel-điện. Số tàu ngầm này bao gồm bốn tàu lớp  Whiskey do Liên Xô cung cấp. Và có tới 77 tàu ngầm lớp Romeo do Trung Quốc cung cấp. Bảy chiếc Romeo được chuyển giao hoàn chỉnh, số còn lại được lắp ráp tại Triều Tiên. Mỗi tàu Romeo có lượng choán nước 1830 tấn lúc lặn, tốc độ tối đa 24km/h, thủy thủ đoàn gồm 54 người. Tuy vậy, các tàu ngầm Triều Tiên hầu hết là lạc hậu và đang dần bị loại biên.

http://biendong.net/bi-n-nong/27374-trieu-tien-sap-co-tau-ngam-mang-ten-lua-dan-dao-moi.html

 

Kim Jong Un cho Mỹ đến cuối năm

để trở nên linh động hơn

Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un nói sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán với Mỹ đã làm gia tăng nguy cơ căng thẳng nảy sinh trở lại, và ông chỉ hứng thú với chuyện gặp lại Tổng thống Donald Trump nếu Mỹ có thái độ đúng đắn, truyền thông nhà nước KCNA đưa tin ngày thứ Bảy.

Ông Kim nói ông sẽ đợi đến cuối năm nay để xem Mỹ có quyết định trở nên linh động hơn hay không, theo KCNA.

“Điều thiết yếu là Hoa Kỳ từ bỏ phương thức tính toán hiện thời của mình và tiếp cận chúng tôi bằng một phương thức mới,” ông Kim nói trong một bài phát biểu trước Hội nghị Nhân dân Tối cao vào ngày thứ Sáu, KCNA nói.

Ông Trump và ông Kim đã gặp nhau hai lần, tại Hà Nội vào tháng 2 năm nay và Singapore vào tháng 6 năm ngoái. Hai người đã tạo dựng được thiện chí nhưng không đạt được thỏa thuận dỡ bỏ các chế tài để đổi lấy việc Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân và phi đạn của mình.

Trong bài diễn văn, nhà lãnh đạo Triều Tiên nói kết quả tại Hà Nội khiến ông đặt dấu hỏi về chiến lược mà ông theo đuổi vào năm ngoái là giao tiếp quốc tế và đàm phán với Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội đã “khơi lên một câu hỏi canh cánh rằng liệu chúng ta đã đúng khi thực hiện các bước với quyết định chiến lược và giải pháp táo bạo, và gợi lên cảnh giác về sự sẵn lòng thực sự của Mỹ với CHDCND Triều Tiên,” ông Kim nói.

Tại Hà Nội, Mỹ đến “các cuộc đàm phán nghĩ nát óc để tìm ra những cách hoàn toàn không khả thi và họ đã không thực sự sẵn lòng ngồi đối diện với chúng ta và giải quyết vấn đề,” ông Kim nói.

“Nếu họ cứ nghĩ theo lối đó, họ sẽ không bao giờ có thể khiến CHDCND Triều Tiên dịch chuyển dù chỉ một li, mà cũng không đạt được bất kì lợi ích nào dù họ có thể ngồi đàm phán với CHDCND Triều Tiên bao nhiêu lần đi nữa,” ông nói.

“Chúng ta sẽ kiên nhẫn chờ đợi một quyết định táo bạo từ Mỹ cho đến cuối năm nay nhưng tôi nghĩ chắc chắn sẽ khó có được cơ hội tốt như hội nghị thượng đỉnh trước đó,” ông Kim nói thêm.

Ông Kim nói rằng mối quan hệ cá nhân của ông với Trump vẫn tốt, nhưng ông không hứng thú với hội nghị thượng đỉnh thứ ba nếu đó là sự lặp lại hội nghị thượng đỉnh Hà Nội. Trên Twitter, ông Trump mô tả mối quan hệ của hai người là “rất tốt” và nói thêm “từ ‘xuất sắc’ có lẽ chính xác hơn.”

Trong cuộc hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Washington hôm thứ Năm, ông Trump cho thấy ông sẵn sàng cho hội nghị thượng đỉnh thứ ba với ông Kim nhưng nói rằng Washington sẽ giữ nguyên các chế tài đối với Bình Nhưỡng.

Ông Kim nói rằng Mỹ “đang tiếp tục leo thang sự thù địch với chúng ta mỗi ngày trôi qua mặc dù họ đề nghị giải quyết vấn đề này thông qua đối thoại.” Chính sách chế tài và áp lực hiện thời của Mỹ là “một hành động ngu ngốc và nguy hiểm cũng như cố gắng dập lửa bằng dầu,” ông nói thêm.

Tuy nhiên, ông Kim cho biết ông sẽ không ngần ngại kí một thỏa thuận nếu nó xét tới những cân nhắc của cả hai quốc gia.

Mỹ tiếp tục khiêu khích Triều Tiên bằng các cuộc thử nghiệm hệ thống chống phi đạn đạn đạo và tiến hành các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc bất chấp thông báo của ông Trump rằng các cuộc tập trận quy mô lớn sẽ chấm dứt, ông Kim nói.

Tháng trước, một quan chức cao cấp của Triều Tiên đã cảnh báo rằng ông Kim có thể suy nghĩ lại về lệnh cấm phóng phi đạn và thử hạt nhân từ năm 2017 trừ phi Washington đưa ra những nhượng bộ như nới lỏng các chế tài.

https://www.voatiengviet.com/a/kim-jong-un-cho-my-den-cuoi-nam-de-tro-len-linh-dong-hon/4874633.html

 

Ông Kim Jong-un tuyên bố

Triều Tiên không khuất phục các lệnh trừng phạt

Trong phiên họp toàn thể của Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un đã kêu gọi tinh thần tự lực, tự cường toàn dân để “giáng đòn mạnh” vào các thế lực tin rằng Bình Nhưỡng chịu khuất phục các lệnh trừng phạt quốc tế.

“Với sức mạnh và công nghệ phù hợp cùng với nền kinh tế dựa trên các nguồn lực, chúng ta cần giương cao ngọn cờ phát triển kinh tế xã hội một cách nhất quán và giáng một đòn mạnh vào những thế lực cho rằng họ có thể khiến chúng ta phải khuất phục các lệnh trừng phạt”, hãng thông tấn KCNA dẫn phát biểu của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại phiên họp mở rộng của Ủy ban trung ương Đảng Lao động vào hôm qua 10/4.

“Sự tự lực, tự cường và một nền kinh tế độc lập cho nhân dân là nền tẳng của chủ nghĩa xã hội và là nhân tố quyết định số phận sự nghiệp cách mạng của chúng ta”, ông Kim Jong-un nói thêm.

Ông Kim cũng đề cập đến hội nghị thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi cuối tháng 2 tại Hà Nội, song tránh chỉ trích trực tiếp Mỹ cũng như không đề cập đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai hôm 27-28/2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận do bất đồng về vấn đề lệnh trừng phạt. Bình Nhưỡng muốn được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc phá dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyon. Tuy nhiên, Washington chỉ chấp nhận dỡ trừng phạt khi Triều Tiên dỡ bỏ toàn bộ chương trình phát triển hạt nhân và các vũ khí khác.

Trước đó, trong cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên hôm 9/4, ông Kim Jong-un cũng kêu gọi tinh thần tự lực trong “tình hình căng thẳng hiện nay”. KCNA cho biết: “Lãnh tụ tối cao kêu gọi các quan chức cấp cao thể hiện trách nhiệm, sáng tạo và tinh thần cách mạng tự lực, tự cường và phát huy thái độ làm chủ trong cách mạng và xây dựng trong tình hình căng thẳng hiện nay, và tuân thủ đường lối chiến lược mới của đảng”.

Những lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ tiếp tục rơi vào bế tắc sau hội nghị thượng đỉnh không đạt thỏa thuận hồi tháng 2. Mặc dù để ngỏ khả năng nối lại các cuộc đàm phán, song giới chức Mỹ tuyên bố sẽ duy trì chính sách “gây sức ép tối đa” thông qua lệnh trừng phạt cho đến khi Triều Tiên giải trừ hạt nhân.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/27373-ong-kim-jong-un-tuyen-bo-trieu-tien-khong-khuat-phuc-cac-lenh-trung-phat.html

 

Đài Loan Sửa Luật Hỏi Ý Dân

TAIPEI, Đài Loan — Các thành phần thân cộng có thể lợi dụng luật trưng cầu dân ý để đòi hỏi sáp  nhập Đài Loan vào Trung Cộng hay không? Đó là một lý do, chính phủ Đài Loan sửa luật này.

Bản tin RTI ghi nhận về tình hình: Sửa đổi Luật Trưng cầu dân ý, Thủ tướng Đài Loan nói là cần ngăn chặn các cá nhân lợi dụng trưng cầu dân ý để chống lại dân chủ…

Thủ tướng Tô Trinh Xương bày tỏ, cuối năm ngoái, có các cá nhân đã làm giả kết quả vận động xin chữ ký một cách có hệ thống, lợi dụng cơ chế trưng cầu dân ý dân chủ để phản dân chủ, việc sửa đổi luật lần này là nhằm ngăn chặn những hành vi sai trái này.

Ngày 12/04, Thủ tướng Tô Trinh Xương bày tỏ, cuối năm ngoái, có các cá nhân đã làm giả kết quả vận động xin chữ ký một cách có hệ thống, lợi dụng cơ chế trưng cầu dân ý dân chủ để phản dân chủ, việc sửa đổi luật lần này là nhằm ngăn chặn những hành vi sai trái này.

Viện Hành chính cũng đã thông qua dự thảo sửa đổi luật, trong đó thêm vào quy định khi người dân tham gia vào vận động xin chữ ký, cần phải kèm theo bản sao hai mặt của giấy chứng minh thư, nhằm phòng tránh việc người đã chết cũng tham gia ký tên tái diễn. Các giới bên ngoài nghi ngờ rằng, việc sửa đổi này ngược lại sẽ khiến cho những người dân càng không muốn tham gia vào vận động xin chữ ký, đây là cách làm phản dân chủ.

Về việc này, khi trả lời phỏng vấn, Thủ tướng Đài Loan  Tô Trinh Xương bày tỏ, Đảng Dân tiến nỗ lực thúc đẩy trưng cầu dân ý, từ sau khi nắm quyền đã xóa bỏ những hạn chế trong trưng cầu dân ý, ngược lại chỉ có Đảng Quốc Dân xem trưng cầu dân ý là mối nguy hiểm. Thủ tướng bày tỏ, lần sửa đổi luật này là nhằm ngăn chặn hành vi ngụy tạo sai trái. Ông Tô Trinh Xương nói: “ Nhưng lại có người lại lợi dụng cơ chế dân chủ của việc trưng cầu dân ý để ngụy tạo, đến cả người chết cũng có thể ký tên, thậm chí cuối năm ngoái có 3 đề án có đến hơn 10 ngàn người chết ký tên, cho thấy đây là việc lợi dụng cơ chế dân chủ của trưng cầu dân ý để phản dân chủ một cách có hệ thống. Vì vậy, việc sửa đổi luật là để ngăn chặn việc lợi dụng trưng cầu dân ý để quán triệt những hành vi phản dân chủ, cho nên lần này không chỉ là không thêm vào bất kỳ tiêu chuẩn nào, các tiêu chuẩn vẫn như cũ, chỉ là ngăn chặn những hành vi sai trái như ngụy tạo giấy tờ, người chết ký tên lại tái diễn.”

Ngoài ra, dự thảo sửa đổi luật lần này cũng đã tách riêng bầu cử với trưng cầu dân ý, Thủ tướng bày tỏ, nếu như có đến 20, 30 đề án trưng cầu dân ý diễn ra cùng lúc với bầu cử, người dân sẽ phải xếp hàng dài chờ bỏ phiếu như hồi cuối năm ngoái, gây khó khăn cho người dân. Ông Tô Trinh Xương cho biết, dự thảo sửa đổi luật sẽ cải thiện tình trạng này, nhưng sẽ không nâng cao tiêu chuẩn trưng cầu dân ý, xin các giới bên ngoài đừng lý giải sai.

Về việc Đảng Dân tiến dời thời gian việc sơ tuyển ứng cử viên tổng thống, ông Tô Trinh Xương cho biết, Tổng thống Thái Anh Văn và Thủ tướng tiền nhiệm, ông Lại Thanh Đức đều bày tỏ đồng ý phối hợp, Tổ điều phối sẽ tiếp tục làm việc để việc này có thể tiến hành thuận lợi. Ông Tô Trinh Xương cũng kêu gọi những người ủng hộ của hai bên hãy để Đảng Dân tiến có thể phát huy cơ chế dân chủ một cách có hiệu quả, để cho cuộc sơ tuyển này có kết quả tốt đẹp nhất.

https://vietbao.com/a292959/dai-loan-sua-luat-hoi-y-dan

 

TQ thử nghiệm vũ khí laser mới

Mẫu vũ khí laser mới của Trung Quốc có thể được sử dụng trên đất liền hoặc gắn trên các tàu khu trục mới của nước này.

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) mới đây phát phóng sự cho thấy Trung Quốc đang thử nghiệm một hệ thống vũ laser chiến thuật có nhiều nét tương đồng với tổ hợp vũ khí laser thế hệ mới (LaWS) được Mỹ phát triển từ năm 2014.

Theo Sina, vũ khí này dự kiến được triển khai cả trên bộ lẫn trên biển để thực hiện nhiệm vụ phòng không hoặc phòng thủ tầm gần. Các chuyên gia Trung Quốc nhận định vũ khí này có thể còn được lắp đặt trên tàu khu trục Type 055 nhằm thay thế tổ hợp tên lửa phòng không HHQ-10.

Trung Quốc gần đây đầu tư nhiều vào phát triển vũ khí laser trong nỗ lực hiện đại hóa công nghệ và trang thiết bị quân sự. Bắc Kinh hồi tháng 11/2018 lần đầu giới thiệu tổ hợp pháo laser LW-30 tại triển lãm hàng không ở Chu Hải.

Tổ hợp LW-30 bao gồm một xe chỉ huy và liên lạc, xe chiến đấu với pháo laser và thiết bị hỗ trợ, được thiết kế để theo dõi và vô hiệu hóa các phương tiện bay không người lái (UAV), các loại máy bay hạng nhẹ và hệ thống dẫn đường quang điện tử trên vũ khí đối phương. Pháo laser của LW-30 có thể phát chùm tia có công suất lên tới 30 kW, phá hủy mục tiêu ở khoảng cách 25 km.

Hồi tháng 5/2018, Lầu Năm Góc cáo buộc vũ khí laser của Trung Quốc tại căn cứ Djibouti là thủ phạm khiến hai phi công Mỹ bị tổn thương mắt và các sự cố tương tự xảy ra tại khu vực này trong nhiều tuần. Các quan chức Mỹ đã gửi kháng thư qua kênh ngoại giao đến Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/27405-tq-thu-nghiem-vu-khi-laser-moi.html

 

Indonesia: Joko Widodo tìm nhiệm kỳ hai

Khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo được bầu 5 năm trước, cựu doanh nhân kinh doanh đồ nội thất dường như có một sự bứt phá khỏi giới tinh hoa quân sự và chính trị đã nắm quyền lực từ khi chính quyền Suharto sụp đổ năm 1998.

Theo Reuters, hiện tại, ông Widodo, 57 tuổi, muốn có nhiệm kỳ thứ hai trong lúc đang đang dẫn đầu trong hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến ​​trước đối thủ, cựu tướng Prabowo Subianto.

Với nụ cười trên môi, ông lên nắm quyền với làn sóng ủng hộ cho hình ảnh quan chức sạch và làm được việc mà ông xây dựng từ khi còn làm một thị trưởng thành phố nhỏ và sau đó là thống đốc Jakarta.

Indonesia đổi tên một phần Biển Đông, TQ phản đối

Tiếng Indonesia: đơn giản đến bất ngờ

Tổng Bí thư Trọng thăm Indonesia và Myanmar

Indonesia: Gia đình năm người đánh bom đồn cảnh sát

Tuy nhiên, khi nổi bật hơn trên chính trường, Widodo, một người Hồi giáo ôn hòa từ Solo ở Trung Java, đã phải đối mặt các chiến dịch bôi nhọ cáo buộc ông chống Hồi giáo và là người Cộng sản hoặc nợ nần với Trung Quốc. Những cáo buộc này gây thiệt hại ở quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo.

Với tư cách tổng thống, ông có trách nhiệm đáp ứng những kỳ vọng cao rằng ông có thể xử lý một loạt các vấn đề tồn đọng ở Indonesia, trong đó có việc giải quyết các vụ lạm dụng nhân quyền trong quá khứ.

Jokowi, biệt danh của ông ở Indonesia, cũng thừa hưởng một nền kinh tế đã qua giai đoạn bùng nổ, và phải đối mặt với những nhóm lợi ích chống lại cải cách và minh bạch.

Tuy nhiên, trong khi không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7%, ông ghi được dấu ấn về đầu tư cơ sở hạ tầng với việc xây dựng cảng, đường sá và sân bay.

Niken Satyawati, một người bạn của gia đình, người là đồng tác giả một cuốn sách về tổng thống, cho biết Widodo tìm cách mở rộng sự điều hành trong sạch mà ông theo đuổi với tư cách là thị trưởng Solo đến tầm quốc gia.

“Ông là một người bình dị. Và ông vẫn thế,” bà nói và mô tả thêm rằng điểm yếu của ông là “khao khát đáp ứng mong muốn của quá nhiều người”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47924844

 

Máy bay đâm trực thăng ở Nepal, 3 người chết

Một chiếc máy bay loại nhỏ do một hãng hàng không tư nhân điều hành ở Nepal hôm 14/4 đã đâm vào một chiếc trực thăng đang đỗ trong khi chuẩn bị cất cánh tại một vùng đồi núi gần đỉnh Everest, làm 3 người, trong đó có một cơ phó, thiệt mạng.

Theo Reuters, chiếc Twin Otter đâm vào chiếc trực thăng tại sân bay Tenzing Hillary ở Lukla, được biết tới là cửa ngõ tới ngọn núi cao nhất thế giới, cách thủ đô Kathmandu 125 km về phía đông bắc.

Chiếc máy bay, do hãng Summit Air điều hành, không chở hành khách khi nó rời nơi được coi là một trong các sân bay nguy hiểm nhất thế giới vì đường băng ngắn và bao quanh bởi núi.

XEM THÊM:

Máy bay Bangladesh chở 71 người rơi ở Nepal

Các quan chức nói rằng hiện chưa rõ ngay nguyên nhân của vụ tai nạn.

“Hai người tử vong ngay tại chỗ và một người thứ ba qua đời trong khi đang được chữa trị tại một bệnh viện ở Kathmandu”, quan chức sân bay tên Pratap Babu Tiwari nói với Reuters.

Các nạn nhân còn gồm hai nhân viên an ninh đứng gần chiếc trực thăng.

Viên phi công nằm trong số ba người bị thương, trong khi tiếp viên hàng không duy nhất không hề hấn gì.

Các vụ tai nạn hàng không thường xảy ra tại Nepal, quốc gia nơi có 8 trong số 14 đỉnh núi cao nhất thế giới, trong đó có đỉnh Everest.

https://www.voatiengviet.com/a/m%C3%A1y-bay-%C4%91%C3%A2m-tr%E1%BB%B1c-th%C4%83ng-%E1%BB%9F-nepal-3-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%E1%BA%BFt/4875182.html