Tin khắp nơi – 14/02/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 14/02/2017

Bộ trưởng Quốc phòng NATO họp tăng chi ngân sách

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Ba cho biết một cuộc họp quy tụ các bộ trưởng quốc phòng của liên minh sẽ tập trung vào nhu cầu tăng ngân sách quốc phòng.

Nói chuyện với các nhà báo ở Brussels trước cuộc họp, ông Sotltenberg cho biết các nước thành viên đã tăng chi tiêu quốc phòng 10 tỷ đô la hồi năm ngoái, nhưng trong số 28 thành viên NATO, chỉ có 5 nước đáp ứng mục tiêu đề ra, là dành riêng 2% GDP cho quốc phòng.

Trong chiến dịch tranh cử của ông, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chỉ trích các thành viên NATO, nói rằng các nước này không thực thi phần của họ trong việc đóng góp tài chính cho công tác phòng thủ chung. Có lúc ông Trump đe doạ rằng các nước thành viên không chia sẻ gánh nặng quốc phòng, không nên trông đợi là sẽ đương nhiên được Hoa Kỳ bảo vệ.

Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã bày tỏ lập trường ủng hộ NATO, kể cả hai cuộc điện đàm với cá nhân ông, ông Stoltenberg cho biết.

Ông Stoltenberg nói:

“Qua 2 cuộc điện đàm, Tổng thống Trump đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ gánh nặng tài chính một cách công bằng, và rằng những nước chi tiêu ít hơn 2% phải đáp ứng mục tiêu đó. Tôi đồng ý với ông Trump.”

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis sẽ công du đến Brussels vào ngày thứ Ba 15/2 để dự các cuộc thảo luận của NATO.

Ông Stoltenberg nói liên minh NATO mong đợi “có thể ngồi xuống trao đổi với ông Mattis để thảo luận nhiều chủ đề khác nhau, kể cả chia sẻ gánh nặng tài chính, và vai trò của NATO trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.”

http://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-quoc-phong-nato-hop-tang-chi-ngan-sach/3724113.html

 

TT Mỹ và Thủ tướng Canada bất đồng về di dân và an ninh

Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã hé lộ những quan điểm khác biệt hoàn toàn về vấn đề di dân và an ninh biên giới. Những khác biệt đó được nêu bật trong cuộc họp báo hôm thứ Hai sau cuộc thảo luận của hai nhà lãnh đạo. Từ Washington, thông tín viên Mary Alice Salinas của đài VOA có bài tường trình sau đây:

Tiếp theo các nghi thức chào đón thân thiện tại Tòa Bạch Ốc là các cuộc trao đổi gây cấn bên trong Phòng Bầu dục, nhưng các đề tài nóng ấy không xoay quanh vấn đề mậu dịch hay công ăn việc làm.

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ phát biểu:

“Có những cơ hội đang chờ chúng ta phía trước để xây dựng thêm những cầu nối, những cầu nối quan hệ hợp tác và những cầu nối trao đổi thương mại.

Về di dân và an ninh biên giới, Tổng thống Trump có kế hoạch xây một bức tường thành dọc theo biên giới với Mexico, và ông đã ra sắc lệnh, hạn chế nhập cảnh đối với 7 nước có đa số dân là Hồi giáo.

Tổng thống Trump nói:

“Đó là một lập trường hợp lý mà chúng tôi sẽ thực thi triệt để. Chúng tôi sẽ không để cho đất nước của chúng tôi gặp những vấn đề đại loại như quý vị chng71 kiến xảy ra không những ở đây mà khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi không chấp nhận sự thể đó.”

Thủ tướng Trudeau của Canada không đồng ý với quan điểm đó.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách mở rộng vòng tay với di dân và người tị nạn mà không để cho an ninh quốc gia bị tổn hại. Một phần của lý do giúp chúng tôi thực hiện chính sách đó thành công trong năm qua – đón nhận 40.000 người tị nạn Syria — là do chúng tôi đã phối hợp với các đồng minh của mình, đó là Hoa Kỳ và các các đồng minh khác trên khắp thế giới.”

Tuần trước giới hữu trách di trú của Mỹ đã vây bắt hơn 600 người để làm thủ tục trục xuất.

Giới hữu trách nói khoảng 75% trong số những người bị bắt vi phạm các tội hình sự.

Tổng thống Trump phát biểu:

“Tôi đã nói ngay từ đầu là chúng tôi sẽ tống xuất những kẻ xấu, những phần tử thực sự xấu. Chúng tôi sẽ tống chúng ra khỏi nơi này, và đó chính là điều mà chúng tôi đang làm. Tôi biết là rồi đây mọi người sẽ thực sự hạnh phúc, tôi có thể khẳng định với quý vị là ngay trong lúc này, có nhiều, rất nhiều người rất hài lòng.”

Thủ tướng Trudeau nói Canada có một hướng tiếp cận rất khác đối với di dân. Nhưng ông sẽ tiếp tục tập trung vào những lợi ích chung mà hai bên cùng chia sẻ.

“Điều cuối cùng mà người dân Canada muốn tôi làm là xuống đây và lên giọng kẻ cả với một nước khác, về những người mà họ bầu chọn để cai trị đất nước họ. Vai trò của tôi, trách nhiệm của tôi là tiếp tục quản lý đất nước như thế nào để phản ảnh hướng tiếp cận của người dân Canada, và là một tấm gương tích cực cho thế giới.”

Tổng thống Trump nói:

“Chúng tôi muốn mở cửa, một cánh cửa mở rộng và đẹp, và chúng tôi muốn đón mọi người đến đất nước chúng tôi. Nhưng chúng tôi không thể để những phần tử xấu nhập cảnh nước này.”

Bất chấp những khác biệt, hai nhà lãnh đạo đồng ý với nhau rằng hai quốc gia có những liên hệ chặt chẽ với nhau, và mối quan hệ đồng minh của hai nước sẽ tiếp tục bền chặt.

http://www.voatiengviet.com/a/tt-my-va-thu-tuong-canada-bat-dong-ve-di-dan-va-an-ninh/3724097.html

 

Mỹ: Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từ nhiệm

Bas du formulaire

Tại sao cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từ chức?

Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từ nhiệm trong bối cảnh vụ bê bối về liên hệ giữa ông với Nga, truyền thông Mỹ cho hay.

Ông Michael Flynn bị cáo buộc là đã thảo luận về các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Đại sứ Nga trước khi ông Trump nhậm chức.

Ông được cho là đã lừa dối các quan chức về cuộc trao đổi đó.

Trước đó, Nhà Trắng đã được cảnh báo về mối liên hệ giữa cố vấn an ninh quốc gia và Nga, truyền thông Mỹ cho hay.

Việc công dân Mỹ có các hoạt động ngoại giao bị coi là trái pháp luật.

Cố vấn an ninh quốc gia được tổng thống bổ nhiệm để tư vấn về quốc phòng và ngoại giao.

Người phát ngôn Kremlin Dmitry Peskov nói Nga không bình luận về việc ông Flynn từ chức.

“Đây là việc nội bộ của Hoa Kỳ và là việc nội bộ của chính quyền Trump. Chẳng liên quan gì tới chúng tôi,” ông nói thêm.

AP và tờ Washington Post cho hay Bộ Tư pháp đã cảnh báo Nhà Trắng về mối quan ngại của họ.

Họ đặt vấn đề về sự thiếu nhất quán trong những gì ông Flynn phát ngôn về mối liên hệ của ông với đại sứ Nga.

Các cuộc gọi diễn ra vào cuối năm ngoái, trước thời điểm ông Flynn được bổ nhiệm vào chính quyền.

AP cho biết Nhà Trắng đã được cảnh báo về sự tiền hậu bất nhất trong những lời của ông Flynn “nhiều tuần trước”. Chính phủ và ông Flynn không phản hồi về các cáo buộc mới nhất.

Ông Flynn, trung tướng đã nghỉ hưu, thoạt đầu phủ nhận chuyện đã thảo luận về lệnh trừng phạt với đại sứ Nga, và Phó tổng thống Mike Pence công khai phủ nhận những cáo buộc thay cho ông này.

Tổng thống Trump có thể ra lệnh cấm nhập cảnh mới

Phụ tá Trump ‘sai’ khi quảng bá giúp Ivanka

Tuy nhiên, ông Flynn sau đó nói với Nhà Trắng rằng có thể họ đã thảo luận.

Đảng Dân chủ yêu cầu điều tra

Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Adam Schiff nói việc ông Flynn ra đi không chấm dứt được các câu hỏi về sự liên hệ với Nga trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump.

Hai thành viên đảng Dân chủ của các ủy ban tư pháp và giám sát là John Conyers và Elijah Cummings, đã hiêu cầu có phiên điều trần kín của Bộ Tư Pháp và FBI tại Quốc hội về Michael Flynn.

“Chúng tôi tại Quốc hội cần biết ai cho phép ông có các hành động như vậy và tiếp tục cho ông quyền tiếp cận các thông tin an ninh quốc gia nhạy cảm nhất mặc dù biết về các rủi ro này,” thông cáo viết.

Washington Post cho biết cựu quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates báo với Nhà Trắng rằng vị cố vấn an ninh quốc gia “đã tự đặt mình vào tình thế khó khăn” khi trao đổi với người Nga trước khi được phép, và rằng Bộ Tư pháp biết được ông này đã lừa dối ông Pence .

Tháng trước, bà Yates bị ông Trump sa thải sau khi từ chối thực thi lệnh cấm đi lại nhắm vào công dân đến từ bảy quốc gia có đông dân Hồi giáo.

Chiều 13/2, Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói: “Tổng thống đang xem xét vụ việc.”

“Ông ấy đang trao đổi với phó tổng thống cũng như một số người khác về vấn đề ông mà xem là quan trọng nhất – an ninh quốc gia.”

Ông Spicer phát biểu ngay sau khi Cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway cho biết ông Flynn được “tổng thống tin tưởng hoàn toàn”.

Ông Flynn đã xin lỗi phó tổng thống về cuộc trao đổi gây tranh cãi với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak.

Người thay thế

Trung tướng về hưu Joseph Keith Kellogg được bổ nhiệm vào vị trí quyền cố vấn an ninh quốc gia.

Ông có 30 năm kinh nghiệm trong quân đội và từng phục vụ tại Việt Nam, Campuchia, Panama và vùng Vịnh.

Trong cuộc chiến Iraq, ông từng giúp điều hành chính quyền liên quân để cai quảnm đất nước trong năm vào năm 2003-2004 trước khi làm việc cho nhà thầu quân đội, theo Bloomberg.

Gần đây ông cố vấn cho ông Trump về các chủ đề an ninh quốc nội trong chiến dịch tranh cử.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38955096

 

Tướng Petraeus có thể thay Flynn

Tổng thống Trump và các cố vấn hàng đầu của ông sẽ phỏng vấn Tướng hồi hưu David Petraeus trong tuần này. Ông Petraeus có khả năng thay thế Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn, theo báo Washington Examiner.

Ông Trump thường xuyên đề cập đến tướng Petraeus trong các bài phát biểu tranh cử hồi năm ngoái, nói rằng tướng hồi hưu đã bị trừng phạt quá nghiêm khắc vì rò rỉ thông tin mật cho tình nhân, và mang ra so sánh với trường hợp cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, nói rằng bà chỉ bị khiển trách vì đã dùng máy chủ cá nhân trong vụ tai tiếng email.

Ông Trump đã từng xem xét việc chọn ông Petraeus vào vị trí ngoại trưởng. Ông Trump cuối cùng đã gạt ông Petraeus vì sự cố trước đó và những trở ngại có thể gặp phải trong tiến triển được chuẩn thuận tại Thượng viện. Vị trí cố vấn an ninh quốc gia không cần phải thông qua tiến trình này.

Ông Flynn đã trở thành một vấn đề đối với Tòa Bạch Ốc trong những ngày gần đây, sau khi lộ ra tin tức về việc ông đã liên lạc với Nga trước lễ nhậm chức của ông Trump. Bộ Tư pháp Mỹ đã cảnh báo Tòa Bạch Ốc về mối liên lạc này, theo hãng tin AP. Ông Flynn dường như đã nói dối với Phó Tổng thống Mike Pence về các cuộc đối thoại của ông với các giới chức Nga.

Ông Michael Flynn đã từ chức sau khi có những tin tức cho hay ông đã nói dối với những quan chức trong chính quyền của Tổng thống Trump về mối quan hệ giữa ông với đại sứ Nga tại Hoa Kỳ.

Việc ông Flynn từ chức chưa đầy một tháng sau khi chính quyền ông Trump lên nắm quyền cho thấy sự xáo trộn xảy ra sớm trong đội ngũ cố vấn cao cấp của Tổng thống Trump.

http://www.voatiengviet.com/a/tuong-petraeus-co-kha-nang-thay-ong-flyn/3723938.html

 

Mỹ ‘cứng rắn’ bảo vệ đồng minh Nhật – Hàn

Ngũ Giác Đài ngày 13/2 mạnh mẽ lên án việc Bắc Triều Tiên vừa phóng thử phi đạn, đồng thời khẳng định cam kết cứng rắn của Mỹ trong việc bảo vệ nội địa và các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Jeff Davis, tuyên bố trước báo giới rằng “các chương trình võ khí bất hợp pháp” của BắcTriều Tiên là mối đe dọa rõ ràng đối với an ninh quốc gia.

“Chúng ta có thể phòng thủ chống lại tấn công phi đạn đạn đạo từ Bắc Triều Tiên và sẽ làm bất cứ biện pháp nào có thể để ngăn chặn, đẩy lùi các mối đe dọa đối với lãnh thổ và người dân của chúng ta lẫn của các nước đồng minh,” ông Davis nhấn mạnh.

Bắc Triều Tiên loan báo thử nghiệm thành công phi đạn đạn đạo tầm trung tới tầm xa hôm chủ nhật và khoe rằng đạt tiến bộ trong chương trình võ khí đang theo đuổi vốn vi phạm các nghị quyết của Liên hiệp quốc.

Cùng ngày 13/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ đối phó với Bắc Triều Tiên ‘hết sức mạnh mẽ’, nhưng không cho biết chi tiết.

Đại sứ Anh tại Liên hiệp quốc cho biết Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, trước tiên, đã nhất trí ra thông cáo báo chí lên án vụ phóng thử nghiệm phi đạn của Bình Nhưỡng.

http://www.voatiengviet.com/a/my-manh-me-len-an-vu-thu-phi-dan-cua-bac-trieu-tien/3723143.html

 

Ủy ban Hạ viện bác đề nghị truy hồ sơ thuế TT Trump

Ủy ban của Quốc hội trông coi các vấn đề về thuế sẽ không truy tìm hồ sơ khai thuế của Tổng thống Donald Trump bất chấp những lời kêu gọi từ đảng Dân chủ yêu cầu coi lại để xác định xem ông Trump có liên hệ làm ăn nào với các nước, kể cả Nga, hay không.

Chủ tịch Ủy ban Cách thức và Phương tiện thuộc Hạ viện, dân biểu Kevin Brady, một đảng viên cùng đảng Cộng hòa với ông Trump, ngày 13/2 loan báo tin này với lập luận rằng “Nếu Quốc hội bắt đầu dùng quyền hành của mình truy soát hồ sơ khai thuế của Tổng thống thì có gì ngăn cản Quốc hội không làm điều tương tự với các công dân thông thường?”

Ông Brady nhấn mạnh “quyền riêng tư và các quyền tự do dân sự vẫn là các quyền quan trọng trong đất nước này, Ủy ban Cách thức và Phương tiện sẽ không làm suy yếu chúng.”

Đây là hồi đáp trước lời kêu gọi yêu cầu Ủy ban truy lục hồ sơ khai thuế của Tổng thống từ Bộ Tài chính để đánh giá và biểu quyết xem có nên phổ biến cho công chúng biết hay không. Lời kêu gọi xuất phát từ quan ngại rằng đế chế kinh doanh của ông Trump có liên quan đến các công ty quốc doanh Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cùng các lợi ích trải dài từ Nga, Ả Rập Xê Út cho tới Đài Loan, Philippines.

Đi ngược lại với nhiều chục năm tiền lệ trước đây, ông Trump không chịu công bố hồ sơ khai thuế trong các hoạt động kinh doanh cá nhân trước khi đắc cử Tổng thống.

http://www.voatiengviet.com/a/uy-ban-ha-vien-bac-de-nghi-truy-luc-ho-so-khai-thue-cua-ong-trump/3723134.html

 

Sắp có máy bay không người lái chở hành khách

Dubai hy vọng máy bay hành khách không người lái sẽ có mặt thường xuyên trên không phận nước này vào tháng 7 tới.

Ông Mattar al-Tayer, người đứng đầu Cơ quan Cầu đường và Giao thông Dubai, ngày 13/2 loan báo thông tin này tại Thượng đỉnh Chính phủ Thế giới.

Máy bay không người lái Ehang 184 do Trung Quốc chế tạo có hình dạng như quả trứng với 4 chân, mỗi chân có hai động cơ cánh quạt nhỏ.

Hành khách bấm chỉ cần bấm vào màn hình phía trước ghế ngồi địa điểm họ muốn đáp và máy bay sẽ tự động chở họ tới đó.

Máy bay không người lái được một phòng kiểm soát trên mặt đất theo dõi từ xa và có thể bay trong nửa tiếng.

Vào tháng 5 năm ngoái, nhà cầm quyền tiểu bang Nevada (Hoa Kỳ) loan báo sẽ hợp tác với công ty Ehang để thử nghiệm máy bay không người lái 184.

http://www.voatiengviet.com/a/sap-co-may-bay-khong-nguoi-lai-cho-hanh-khach/3722996.html

 

Phản ứng của TT Trump về Bắc Hàn ‘khó hiểu’

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Chủ nhật lên án vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên bằng những ngôn từ thận trọng khiến dư luận không rõ tân tổng thống Mỹ sẽ theo đuổi chính sách nào để kìm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Từ Seoul, thông tín viên Brian Padden của đài VOA gởi về bài tường trình.

Xuất hiện cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe — người tuyên bố hành động phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên là “hoàn toàn không thể tha thứ” — Tổng thống Trump nói “Hoa Kỳ hậu thuẫn Nhật Bản, đồng minh lớn của Mỹ, 100 phần trăm.”

Trong cuộc gặp thượng đỉnh cuối tuần, trong đó hai nhà lãnh đạo đã đi chơi gôn với nhau ở khu nghỉ mát Mar-a-Largo của ông Trump ở Florida, Thủ tướng Abe đã mưu tìm và nhận được sự đảm bảo của Tổng thống Trump rằng Hoa Kỳ duy trì quan hệ đồng minh quân sự đã có từ lâu nay với Nhật Bản.

Các nhà phân tích nói rằng vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên hồi cuối tuần là một thách thức mà Bình Nhưỡng gởi cho tân tổng thống Mỹ.

Ông Daniel Pinkston, giáo sư môn quan hệ quốc tế tại Đại học Troy ở Seoul, nói thông điệp đó là: “Chúng tôi không chịu cưỡng ép, bất cứ vụ tấn công nào nhắm vào chúng tôi sẽ nhận lãnh hậu quả. Chúng tôi có cách của chúng tôi để đáp trả và trừng phạt lại Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực.”

Kể từ khi nhậm chức tổng thống, ông Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã nhấn mạnh rằng Washington tiếp tục cam kết ủng hộ các đồng minh của Mỹ ở châu Á chống lại mối đe dọa hạt nhân đang ngày càng tăng của Bắc Triều Tiên. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Bộ trưởng Mattis là đến Á châu.

Thiếu sót ngoại giao

Tuy nhiên những phát biểu của ông Trump về Trung Quốc và các đồng minh trong khu vực đã gây ra những ngờ vực rằng tân chính quyền Mỹ có thể sẽ làm việc với các nước khác để tăng áp lực lên Bắc Triều Tiên hữu hiệu hơn.

Cụ thể là trong tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ Nhật Bản, ông Trump đã không đề cập đến Nam Triều Tiên.

Ông Bong Young-shik của khoa nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Viện Đại học Yonsei của Seoul nói: “Không đề cập đến Bắc Triều Tiên trong phát biểu về quan hệ đồng minh này cho thấy sự tương phản với chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Obama, cốt lõi của chính sách mà đường lối hữu hiệu nhất để đạt đến mục tiêu tùy thuộc vào kết cấu vững mạnh của mối quan hệ đối tác an ninh tay ba giữa Mỹ, Nhật Bản và Nam Triều Tiên.

Ông Bong phân tích rằng cho dù nếu đó chỉ là một thiếu sót ngoại giao của tân chính quyền Mỹ, sơ sót đó đã khiến Seoul lo ngại rằng Washington ưu tiên cho Tokyo, ngay vào thời điểm mà căng thẳng giữa Nhật Bản và Nam Triều Tiên đang tăng cao liên quan đến những tội ác tàn bạo xảy ra hồi Thế chiến thứ II.

Không chọn hành động quân sự

Phản ứng của Tổng thống Trump đã làm cho nhiều nước an tâm khi ông tức tốc viết trên Twitter hồi tháng 1 rằng “Chuyện đó sẽ không xảy ra!” để đáp lại thông điệp đầu năm của lãnh tụ Kim Jong Un rằng Bắc Triều Tiên chuẩn bị phóng thử phi đạn đạn đạo liên lục địa.

Trong khi một số người bảo thủ ở Washington đã gợi ý rằng chính quyền của ông Trump nên cân nhắc đến một cuộc tấn công “phủ đầu” để ngăn Bắc Triều Tiên phóng thử phi đạn liên lục địa, vụ phóng thử phi đạn mới đây cho thấy điều đó khó như thế nào. Tin nói phi đạn được phóng đi từ một dàn phóng di động có thể di chuyển để tránh bị vệ tinh phát hiện.

Bất cứ một cuộc tấn công quân sự nào của Mỹ nhắm vào Bắc Triều Tiên sẽ có thể khích động trả đũa đổ máu và có thể mở ra xung đột lớn hơn và thậm chí một cuộc chiến hạt nhân.

Ông Harry Kazianis, chuyên gia về quốc phòng của một trung nghiên cứu ở Washington, nói: “Hãy nhìn vào thực tế, Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Do đó sẽ không có việc tiến quân vào để lật đổ chế độ giống như ở Iraq.”

Ông Kazianis nói rằng những chọn lựa của Mỹ dưới chính quyền của ông Trump do vậy sẽ giống như những gì dưới chính quyền của Tổng thống Obama, đó là tăng cường răn đe quân sự bằng vũ khí quy ước để tự về và để đáp lại khả năng hạt nhân đang tăng của Bắc Triều Tiên, và tăng áp lực lên chế độ Kim Jong Un bằng những lệnh chế tài và cô lập ngoại giao.

Washington và Seoul cam kết sẽ nhanh chóng triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD đã khiến Trung Quốc phản đối vì cho rằng hệ thống rada tối tân của THAAD có thể được dùng để theo dõi các nước trong khu vực. Kế hoạch này cũng gặp phải sự chống đối ở ngay ở bên trong Nam Triều Tiên.

Trung Quốc và các biện pháp chế tài

Ủng hộ của Bắc Kinh đối với các biện pháp chế tài quốc tế là hết sức quan trọng bởi vì 90% lưu chuyển thương mại của Bắc Triều Tiên có điểm đến là Trung Quốc hoặc thông qua Trung Quốc. Thế nhưng Bắc Kinh miễn cưỡng thực thi nghiêm ngặt các biện pháp chế tài vì lo rằng nó sẽ gây ra tình trạng bất ổn lớn ở biên giới hoặc dẫn đến việc Bắc Triều Tiên sụp đổ, nơi được xem là khu vực trái độn để ngăn sự gia tăng ảnh hưởng của của Mỹ và Nam Triều Tiên.

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump nói rằng ông sẽ yêu cầu Bắc Kinh kiểm soát Bắc Triều Tiên. Để tăng trừng phạt kinh tế lên Bình Nhưỡng, Mỹ có thể tăng trừng phạt đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc làm ăn với Bắc Triều Tiên. Nhưng những hành động như vậy có thể khiến Bắc Kinh trả đũa kinh tế.

http://www.voatiengviet.com/a/phan-ung-cua-tt-trump-ve-vu-phong-ten-lua-cua-bac-trieu-tien-gay-lo-ngai/3721918.html

 

California: 200.000 người di tản trước nguy cơ vỡ đập

Lệnh sơ tán gần 200.000 người dân sống bên dưới con đập cao nhất nước Mỹ vẫn giữ nguyên hiệu lực vào thứ Hai sau khi người dân bất ngờ nhận được lệnh di tản khi đập nước bị tràn có nguy cơ bị vỡ.

Nhà chức trách đã ra lệnh sơ tán hôm Chủ Nhật vì nước đã tràn đã qua một con đập ở hồ Oroville, bắc California, có thể làm vỡ đập và đổ nước lũ xuống các cộng đồng nông thôn dọc theo sông Feather.

Trong thông báo đăng trên mạng xã hội, cảnh sát trưởng Quận Butte nói: “Lệnh sơ tán khẩn cấp được ban hành cho vùng hạ nguồn Oroville”.

Sở Tài nguyên nước California cho biết trên Twitter vào khoảng 4:30 chiều giờ địa phương rằng nước tràn bên cạnh đập chính được “dự báo sẽ vỡ trong vòng một giờ tới”.

Vài giờ sau đó, tình hình có vẻ như bớt căng thẳng hơn khi đập tràn vẫn không vỡ.

Các cơ quan quản lý nguồn nước của tiểu bang cho biết các nhóm làm việc đã dùng trực thăng để thả đá lấp vào một lỗ thủng rất lớn, và giới hữu trách đã tháo nước để hạ thấp mực nước hồ sau nhiều tuần mưa lớn tại tiểu bang thường xuyên bị hạn hán này.

Vào lúc 10 giờ tối, các giới chức địa phương và tiểu bang cho biết nguy cơ trước mắt đã qua khi nước không còn chảy qua đập tràn nữa, nhưng cảnh báo tình hình vẫn không thể tiên đoán được.

Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên nước Bill Croyle cho biết phần hư của đập tràn không làm ảnh hưởng đến toàn bộ đập nước chính.

Khi được hỏi về các lệnh di tản, ông Croyle nói: “Đó là một quyết định khó khăn”. Nhưng ông nói thêm: “Quyết định đưa ra là đúng đắn”.

Con đập cao nhất nhất nước Mỹ nằm ở thượng nguồn và phía đông Oroville, thành phố có hơn 16.000 dân.

Với chiều cao 770 feet (230 mét), công trình này được xây dựng từ năm 1962 đến 1968, vượt qua đập Hoover cao hơn 40 feet (12 mét) trở thành con đập cao nhất nước Mỹ.

http://www.voatiengviet.com/a/gan-200000-nguoi-di-tan-truoc-nguy-co-vo-dap-nuoc-o-california/3721883.html

 

Nga không mời Mỹ, NATO dự hội nghị Afghanistan

Nga đã không mời Mỹ hoặc NATO tham dự hội nghị do Nga chủ trì tại Moscow trong tuần này trong đó có sự tham dự của các đối tác trong khu vực để bàn về cuộc xung đột ở Afghanistan. Sẽ không có sự góp mặt của bất kỳ một đối tác phương tây nào, bao gồm cả Liên minh châu Âu. Thông tín viên Ayesha Tanzeem của đài VOA tường trình từ Islamabad.

Cuộc họp này là một phần nỗ lực của Nga để lần đầu tiên Moscow giữ một vai trò chủ động hơn ở Afghanistan kể từ khi họ xâm chiếm đất nước này vào năm 1979. Và vai trò này đã gây tranh cãi ngay từ ngày đầu tiên.

Hội nghị lần gần đây nhất về Afghanistan mà Moscow tổ chức là vào tháng 12. Chỉ có Trung Quốc và Pakistan tham dự hội nghị đó. Chính phủ Afghanistan không hài lòng với hội nghị do Nga tổ chức.

Hội nghị lần này có sự góp mặt của Afghanistan cùng với Ấn Độ và Iran nhưng không có Mỹ và NATO.

Nhiều người đang nhìn vào vấn đề này trong bối cảnh căng thẳng tăng cao trong quan hệ giữa Nga và Mỹ.

Trong một cuộc điều trần gần đây tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện, chủ tịch John McCain nói Nga yểm trợ cho Taliban để làm khó cho Mỹ.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích trong khu vực nhìn nhận cuộc họp lần này là một chuyển biến tích cực.

Bà Amina Khan là một chuyên gia của Viện nghiên cứu chiến lược Islamabad.

“Cơ cấu này bao gồm rất cả các đối tác trong khu vực liên quan đến Afghanistan. Chủ nghĩa khủng bố là một vấn đề toàn cầu mà tôi nghĩ các nước trong khu vực cần có vai trò chủ động hơn.”

Nga đặc biệt quan tâm đến sự hiện diện của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở đông Afghanistan. Moscow không muốn ảnh hưởng của họ lan sang cộng đồng người Hồi giáo ở vùng Caucasus giáp với Nga.

Mặc dù vậy, theo cựu đại sứ Afghanistan tại Mỹ Omar Samad, hội nghị lần này không được mong chờ sẽ mang lại một kết quả cụ thể:

“Thực tế rằng 3 nước đã được thêm vào danh sách tham dự hội nghị lần đầu tiên cho thấy nó vẫn còn đang ở giai đoạn khởi điểm trong đó các đối tác đang tìm hiểu nhau và lắng nghe các vấn đề của nhau và tìm cách hiểu được những vấn đề đó. Tôi không thấy sẽ có một kết quả gì lớn từ hội nghị này.”

Một số nỗ lực tương tự đã bị ảnh hưởng bởi sự căng thẳng và không tin tưởng lẫn nhau giữa Pakistan và Afghanistan. Kế hoạch này có thành công hay không sẽ phụ thuộc khả năng thuyết phục của Nga và Trung Quốc đối với Pakistan và Afghanistan để cùng giải quyết những bất đồng.

http://www.voatiengviet.com/a/my-nato-khong-co-mat-trong-hoi-nghi-ve-afghnistan-do-nga-chu-tri/3721794.html

 

Anh trai Kim Jong-un bị giết ở Malaysia

Anh trai của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un vừa bị ám sát tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Cảnh sát Malaysia nói ông đang đợi tại sân bay Kuala Lumpur để bay đi Macau vào hôm thứ Hai thì bị một người phụ nữ dùng khăn vải ấp vào mặt khiến bị bỏng mắt.

Ông dùng một hộ chiếu với tên khác vào thời điểm xảy ra vụ việc.

Nạn nhân mang hộ chiếu tên là “Kim Chol”, sinh 10 /06/1970, nhưng cảnh sát xác nhận ông thực ra là Kim Jong-nam, sinh 10/05/1971.

Cảnh sát Malaysia nói họ đã thông báo cho sứ quán Bắc Hàn về cái chết của ông Kim. Kết quả giảo nghiệm hiện chưa được công bố.

Quan chức cảnh sát Malaysia Fadzil Ahmat xác nhận với hãng tin Bernama của nước này rằng nạn nhân đúng là Kim Jong-nam.

“Khi ông ta đang đợi để bay thì một phụ nữ từ phía sau ấp vải có chất lỏng vào mặt ông,” ông Ahmat nói.

“Sau đó người đàn ông này cố gắng tìm sự trợ giúp từ một nhân viên lễ tân tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur vì mắt ông bị bỏng do chất lỏng này.

“Ít lúc sau thì ông được đưa tới Bệnh viện Putrajaya nơi người ta xác nhận rằng ông đã chết.

“Cho tới nay không có nghi phạm nào nhưng chúng tôi bắt đầu điều tra một số khả năng để tìm đầu mối,” Fadzil Ahmat nói với hãng tin Reuters.

Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ với Kim Jong-un, 46 tuổi, sống phần lớn thời gian tại nước ngoài.

‘Có âm mưu tấn công Kim Jong-nam’

Kim Jong-nam và cuốn sách về Bắc Hàn

Kim Jong-nam phản đối cha truyền con nối

Truyền hình Nam Hàn TV Chosun trước đó nói Kim bị hai người phụ nữ mà họ gọi là hai nữ điệp viên Bắc Hàn đầu độc bằng mũi kim tẩm thuốc độc tại sân bay và hai người này hiện đang lẩn trốn.

Hãng thông tấn Yonhap của Nam Hàn cũng đưa tin này qua Twitter.

Phóng viên Kevin Kim của BBC tại Seoul trước đó cho biết đã điện thoại tới một số nguồn của chính phủ Nam Hàn nhưng chưa nguồn nào xác nhận cái chết của ông Kim Jong-nam tại Malaysia.

Thất sủng

Kim Jong-nam là con ngoài giá thú của Kim Jong-il với bà Sung Hae-rim, một diễn viên gốc Nam Hàn, người đã qua đời tại Moscow.

Ông được cho là theo xu hướng muốn cải cách kinh tế ở Bắc Hàn và do vậy bất hòa với em trai Kim Jong-un.

Năm 2001, ông Kim bị bắt khi tìm cách nhập cảnh Nhật Bản bằng hộ chiếu giả. Lúc đó ông nói với các quan chức là ông định thăm Disneyland Tokyo.

Vụ này khiến ông bị thất sủng với cha. Trước đó có tin ông Kim Jong-il muốn chọn ông làm người kế vị.

Từ đó Kim Jong-nam sống cuộc đời thầm lặng chủ yếu ở nước ngoài, nhất là Macau.

Năm 2012 ông được dẫn lời nói trong một cuốn sách rằng ông cho là em trai của ông, Kim Jong-un, không có tố chất lãnh đạo và Bắc Hàn không ổn định, cần cải cách kinh tế kiểu Trung Quốc.

Trong quá khứ, ông Kim Jong-nam đã từng bị ám sát hụt. Một gián điệp Bắc Hàn bị Nam Hàn bắt năm 2012 nhận là đã từng tham gia một vụ ám sát ông Kim Jong-nam bằng xe hơi nhưng không thành.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38971077

 

Điều tra cái chết đáng ngờ vực của anh trai lãnh tụ Bắc Hàn

Người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un đã bị ám sát hôm thứ Hai tại Malaysia, theo các nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc.

Đài VOA đã liên lạc với Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc, tuy nhiên cơ quan này không xác nhận cũng không phủ nhận tin này.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc tường thuật rằng ông Kim Jong Nam đã bị hai nữ đặc vụ Bắc Hàn chưa xác định danh tính giết chết tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur bằng mũi tiêm tẩm chất độc. Hai nữ đặc vụ này sau đó đã đón xe taxi tẩu thoát.

Cảnh sát trưởng địa phương Abdul Aziz Ali, người dẫn đầu cuộc điều tra, nói với Đài VOA rằng người đàn đang chờ đáp chuyến bay tại phi trường thì lâm bệnh và được đưa vào bệnh viện.

Tới bệnh viện, bác sĩ phát hiện rằng ông đã chết, theo cảnh sát trưởng Aziz Ali.

Ông Ali từ chối, không tiết lộ chi tiết nào, ngay cả tên và tuổi của nạn nhân, nêu lý do là vì đang tiến hành điều tra.

Cho tới khi có kết quả xét nghiệm tại phòng thí nghiệm, thì nguyên nhân gây tử vong vẫn chưa chắc chắn, thoe cảnh sát trưởng Ali.

Ông Ali nói chưa có ai bị bắt giữ liên quan tới ca tử vong này.

Ông Kim Jong Nam từng được coi là người thừa kế sẽ lãnh đạo Bắc Hàn, nhưng ông đã làm phật lòng cha là lãnh tụ Kim Jong Il, sau khi ông bị phát hiện khi tìm cách nhập cảnh vào Nhật Bản bằng hộ chiếu giả vào năm 2001, với mục đích đi thăm Disneyland.

Kể từ đó, Kim Jong Nam sống lưu vong, chủ yếu ở Macau.

Ông Kim Jong Un lên nắm quyền Bắc Hàn sau khi khi cha ông qua đời vào năm 2011.

http://www.voatiengviet.com/a/dieu-tra-cai-chet-dang-ngo-vuc-cua-anh-trai-lanh-tu-bac-han/3724128.html

 

Mỹ và các đồng minh thảo luận về Bắc Hàn

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nam Hàn và Nhật tuyên bố sẽ tăng cường chia sẻ thông tin tình báo sau vụ thử tên lửa đạn đạo của Bắc Hàn.

Trong cuộc hội nghị điện đàm, Mỹ tái khẳng định cam kết đối với an ninh của hai nước đồng minh, thông cáo của Bộ quốc phòng Nam Hàn cho biết.

Thông tấn Nam Hàn Yonhap cũng cho biết các máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và tàu ngầm hạt nhân của Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận tháng tới.

Liên Hiệp Quốc cũng lên án vụ thử tên lửa.

Bắc Hàn bị Liên Hiệp Quốc cấm tiến hành bất kỳ vụ thử nghiệm công nghệ hạt nhân hoặc tên lửa và bị Liên Hiệp Quốc áp 5 lệnh trừng phạt kể từ vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006.

Bắc Hàn tuyên bố thử tên lửa ‘thành công’

Trump giễu tuyên bố thử tên lửa của Bắc Hàn

Liên Hiệp Quốc phản ứng thế nào?

Hội đồng Bảo an nói đây là sự vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và kêu gọi các thành viên “tăng gấp đôi nỗ lực” thực thi lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn.

“Các thành viên của Hội đồng Bảo an lên án mạnh mẽ tất cả các hoạt động liên quan đến tên lửa đạn đạo của Bắc Hàn,” thông cáo của họ cho hay.

Mỹ, Nhật và Nam Hàn kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn.

Sau vụ thử hạt nhân thứ 5 của Bắc Hàn hồi tháng 9/2016, Hội đồng Bảo an đã thông qua một nghị quyết vào tháng 12/2016 mà nếu được thực thi đầy đủ sẽ hạn chế việc xuất khẩu than và kim loại của nước này.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38955097

 

Hong Kong: Cảnh sát bị kết tội đánh người biểu tình

Bảy sĩ quan cảnh sát tại Hong Kong đã bị kết tội đánh đập một người trong cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2014.

Các nhóm, vốn bị buộc tội ‘Cố ý gây thương tích’, đã bị kết tội danh nhẹ hơn là ‘Gây thương tích’.

Tại Hong Kong xảy ra biểu tình lớn vào năm 2014 sau khi Trung Quốc bác bỏ việc tự do đề cử ứng viên để vào ghế lãnh đạo qua bầu cử.

Video truyền hình ghi lại cảnh các cảnh sát đấm đá ông Ken Tsang, người bị còng tay, tại một công viên gần đó.

Biểu tình Hong Kong chấm dứt

Biểu tình Hong Kong- Bắc Kinh đã thắng-

Tòa nói hai trong số những sĩ quan bị kết án không trực tiếp tham gia vào vụ tấn công, nhưng Thẩm phán David Dufton nói rằng “mỗi nhân viên cảnh sát có nhiệm vụ ngăn chặn các hành vi phạm tội”, thậm chí là đồng nghiệp gây ra.

Phán quyết nói ông Tsang bị thương ở mặt, cổ và cơ thể của mình, nhưng không bị “tổn hại nghiêm trọng cơ thể”.

Các sỹ quan cảnh sát có thể đối mặt với án tù ba năm. Một sĩ quan cũng bị kết tội hành hung cho tát ông Tsang hai lần sau đó tại một đồn cảnh sát.

Luật sư bào chữa Lawrence Lok lập luận rằng các cuộc biểu tình đã gây ảnh hưởng tinh thần cảnh sát, và nói rằng một trong những sĩ quan đã bị người biểu tình chửi mắng và tấn công.

Năm ngoái, ông Tsang đã bị kết tội hành hung và chống cự cảnh sát vào buổi tối cùng ngày xảy ra việc ông bị đánh. Ông phun chất lỏng không rõ là nước gì vào cảnh sát và bị kết án tù năm tuần.

Cảnh sát tại Hong Kong thường được tôn trọng và sự cố bạo lực là rất hiếm. Vụ việc ông Tsang bị đánh gây phẫn nộ trong công chúng trong bối cảnh có các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ.

Các cuộc biểu tình vào năm 2014 diễn ra tổng cộng với 79 ngày phản đối do sinh viên lãnh đạo với các vụ phong tỏa đường phố yêu cầu có bầu cử hoàn toàn tự do cho giới lãnh đạo Hong Kong.

Hong Kong là một phần của Trung Quốc kể từ năm 1997, nhưng được hưởng mức độ tự trị cao theo nguyên tắc “một quốc gia, hai thống”.

Tuy nhiên, nhiều người dân Hong Kong quan ngại về những gì họ cho là thực trạng ngày càng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc trong các vấn đề của lãnh thổ này, với một số nhà hoạt động thậm chí còn đòi đứng độc lập với Trung Quốc.

Hiện chưa có ngày tuyên án.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38973011

 

Mỹ- Thái tập trận Hổ Mang Vàng

Thái Lan và Hoa Kỳ hôm nay bắt đầu cuộc tập trận thường niên ‘Hổ Mang Vàng’ vào khi Châu Á vẫn chưa rõ về đường hướng ngoại giao của chính quyền của tân tổng thống Donald Trump.

Đợt tập trận Hổ Mang Vàng giữa Thái Lan và Hoa Kỳ vẫn được diễn ra hằng năm mặc dù quan hệ đôi bên trở nên căng thẳng sau vụ quân đội đảo chánh lật đổ chính quyền dân cử của nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra hồi năm 2014.

Sau khi xảy ra biến cố chính trị đưa quân đội lên nắm chính quyền tại Xứ Chùa Vàng, Hoa Kỳ cho cắt giảm viện trợ quân sự đồng thời kêu gọi Bangkok phải trở lại con đường dân chủ.

Tin cho biết đợt tập trận Hổ Mang Vàng năm nay có sự tham sự của chừng 3600 nhân sự từ phía Mỹ; ngoài ra còn có sự tham dự của các binh sĩ quân đội Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Malaysia.

Trung Quốc và Ấn Độ được cho biết sẽ tham dự vào một số hoạt động diễn tập cứu trợ nhân đạo. Hơn chục nước khác cử đại diện đến quan sát đợt tập trận Hổ Mang Vàng năm nay ở Thái Lan.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/us-thai-kick-off-cobra-gold-war-game-02142017084629.html

 

Thổ Nhĩ Kỳ : Hơn 500 người bị bắt

trong chiến dịch trấn áp đảng PKK

Tú Anh

Trong đợt truy quét « khủng bố », cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt tổng cộng 544 người, trong số này có nhiều cán bộ của đảng Dân Chủ Nhân Dân HDP, ủng hộ người Kurdistan, Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo hãng tin chính thức Anatolie, ngày thứ hai 13/02/2017, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ mở một cuộc hành quân ở 25 tỉnh trên toàn quốc. Tổng cộng, 544 người bị xem là có liên hệ với đảng PKK (Người lao động Kurdistan) một tổ chức đối lập võ trang bị xem là khủng bố, đã bị bắt.

Tuy nhiên, trong số này có một số cán bộ của tổ chức chính trị đối lập hoạt động hợp pháp HDP (đảng Dân Chủ Nhân Dân) có đại diện ở Quốc Hội.

Từ sau vụ đảo chính hụt hồi tháng 07/2016, tổ chức chính trị đứng hàng thứ nhì tại Thổ Nhĩ Kỳ bị chính quyền của tổng thống Erdogan xem là đồng lõa. Nhiều nhân vật lãnh đạo bị cáo buộc có liên hệ với PKK, bị bắt giam và chờ ngày ra toà.

Khủng bố đêm giao thừa : Một người Thổ quốc tịch Pháp bị bắt

Còn theo AFP, cảnh sát Thổ Nhĩ kỳ thông báo bắt được một trong những đầu não vụ tấn công hộp đêm Reina, Istanbul. Xạ thủ, một người Ouzbekistan, tên là Abdulkadir Masharipov, nổ súng giết chết 39 người tối ngày 31/12/2016 bị bắt vài hôm sau đó.

Chủ nhật vừa qua, cảnh sát bắt được một thanh niên mang quốc tịch Pháp, trong người có « hóa đơn thuê căn hộ » cho xạ thủ. Tư Pháp Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ thanh niên này, tên tắt là A.S, là một trong những kẻ lập kế hoạch tấn công. An Ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã tìm được được nhiều hang ổ của Daech qua lời khai của Abdulkadir Masharipov.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170214-tho-nhi-ky-hon-500-nguoi-bi-bat-trong-chien-dich-truy-buc-dang-pkk

 

Trump đe dọa toàn bộ hệ thống quốc tế

mà Hoa Kỳ đã tạo dựng từ năm 1945

Đức Tâm

Chính sách ngoại giao của tân tổng thống Mỹ Donald Trump làm gia tăng các căng thẳng trên thế giới và có xu hướng phá bỏ hệ thống quan hệ quốc tế mà chính Hoa Kỳ đã tạo dựng từ hơn 70 năm qua. Trên đây là nhận định của giáo sư Charles-Philippe David, đại học Québec à Montréal, trong bài trả lời phỏng vấn báo Le Monde số ra ngày 14/02/2017. Ông David là chuyên gia về các vấn đề quốc phòng và chính sách đối ngoại của Mỹ. RFI xin trích dịch bài phỏng vấn.

Liệu các căng thẳng gia tăng trên thế giới mà chúng ta đang chứng kiến có dẫn đến chiến tranh hay không ?

Không bao giờ có thể xác định từ trước hoặc dự báo được một cuộc chiến tranh, cho dù có nhiều yếu tố hoàn cảnh và nội tại góp phần dẫn đến cuộc chiến. Ví dụ, trong lịch sử, quan hệ giữa các cường quốc lớn luôn luôn là thước đo về tình trạng căng thẳng hoặc ổn định trên thế giới. Tuy vậy, đa phần các cuộc chiến tranh là những cuộc chiến tranh chủ ý.Vả lại, rất ít khi kẻ xâm lược lại trở thành kẻ thắng cuộc.

Liệu sẽ có các cuộc chiến tranh khác hay không ? Đương nhiên là có. Nhưng không ai biết là chiến tranh sẽ xẩy ra ở đâu, lúc nào. Không thiếu những nơi có thể xẩy ra chiến tranh : từ Biển Đông đến miền đông Ukraina cho đến Trung Đông. Điều ngạc nhiên của năm 2017 là gì ? Nhà nước nào sẽ sụp đổ ? Sai lầm « chết người » » đẩy hệ thống quốc tế rơi vào một cuộc khủng hoảng là gì ? Trong khi chờ đợi, chắc chắn sẽ xẩy ra các đối đầu địa chính trị, các hành động khủng bố, các vụ bạo lực bên trong các quốc gia, các căng thẳng biên giới.

Vấn đề cần biết là liệu những sự kiện đó có làm căng thẳng leo thang, thậm chí vượt ra ngoài tầm kiểm soát hay không ? Nhất là với việc ông Trump vào Nhà Trắng, tôi lo ngại là chúng ta sẽ cũng sẽ bận tâm – thậm chí còn hơn thế – như lúc George W. Bush làm tổng thống, cách nay hơn 15 năm.

Các cuộc khủng hoảng tái diễn như vậy có thể tác động ra sao đối với hệ thống quốc tế ít nhiều nằm trong tay Hoa Kỳ và Trung Quốc ?

Sau khi Trump và ê-kíp của ông ta nhậm chức, quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới xấu đi. Các tuyên bố bốc đồng của chủ nhân Nhà Trắng, nhất là việc bác bỏ chính sách « một nước Trung Hoa » – để rồi cuối cùng là trong những ngày gần đây thì lại chấp nhận – cũng như các tuyên bố về quan hệ thương mại, tất cả những điều này không hề làm mọi người yên tâm. Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục thực hiện các tham vọng tại Biển Đông cũng như tiến hành tái vũ trang – có một thông tin hầu như không được nhắc đến liên quan đến việc lần đầu tiên trong lịch sử nước này, Trung Quốc có một hàng không mẫu hạm đi vào hoạt động, điều này giúp Trung Quốc nâng cao khả năng triển khai sức mạnh quân sự ra xa hơn. 

Điều trớ trêu nhất trong năm 2017 có thể là cuối cùng các quốc gia sẽ thừa nhận Trung Quốc có vai trò duy trì ổn định, trong lúc vai trò của Hoa Kỳ sẽ bị đánh giá là nguy hiểm hơn. Thậm chí, tôi có thể nói là lần đầu tiên, kể từ sau cuộc xâm lấn Irak năm 2003, Hoa Kỳ gây lo ngại. Hệ thống quốc tế mà Mỹ tạo dựng từ 70 năm qua, bị Trump đe dọa. Đây là một yếu tố nội tại làm cho tình hình thêm trầm trọng và là một nguyên nhân sâu xa gây rủi ro và đe dọa sự ổn định của thế giới.

Người ta thường nói là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dẫn đến chiến tranh kinh tế và đưa đến một cuộc chiến tranh thực sự. Vậy các biện pháp bảo hộ mậu dịch của Trump có mục đích gì ?

Các biện pháp này hoàn toàn đáp ứng các ưu tiên tranh cử của tổng thống Trump và đối phó với những vấn đề của nền kinh tế Mỹ tích tụ từ khoảng hai chục năm nay.Trump đã hiểu điều này và ông ta đã chộp đúng thời cơ. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là một cách nói với các cử tri về « vành đai thép » – tức các tiểu bang Mỹ xung quanh vùng Đại Hồ – rằng có thể quay trở lại thời kỳ trước và khắc phục các thiệt hại do tiến trình toàn cầu hóa và các hiệp định tự do mậu dịch gây ra. Canada và Mêhicô bị nhắm tới, nhưng cả Trung Quốc nữa và trong một chừng mực nào đó là châu Âu. Các hứa hẹn đưa việc làm trở lại nước Mỹ, áp đặt các hàng rào thuế quan, đàm phán lại các hiệp định thương mại, tố cáo hoặc tác động lên các chính sách tiền tệ của các nước như Trung Quốc, tất các những điều này nhằm bù đắp lại những thiếu hụt, khiếm khuyết của nền kinh tế Mỹ. 

Điểm mấu chốt là thông thường chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch không những không thể vận hành được, mà lại làm tăng sự bất ổn và làm suy yếu nền tảng các nền kinh tế quốc gia cũng như kinh tế thế giới. Vả lại, lần cuối cùng mà Hoa Kỳ áp dụng chính sách tự co cụm, thì kết quả không mấy tốt đẹp gì đối với họ.Thực vậy, các đời tổng thống trong thời kỳ giữa hai cuộc đại chiến – cho đến tận thời tổng thống Franklin D. Roosevelt – chắc chắn vừa làm trầm trọng thêm số phận hẩm hui của nền kinh tế Mỹ, cũng như của nền kinh tế châu Âu và là một yếu tố quan trọng làm gia tăng chủ nghĩa toàn trị lan rộng ra toàn thế giới trong thời kỳ đệ nhị thế chiến.

Trên góc độ an ninh-thế giới, liệu chúng ta sẽ chứng kiến một lần nữa sự phân chia thế giới giữa vài siêu cường đứng đầu các khu vực ảnh hưởng ?

Với Donald Trump, thế giới đang ở trong thời kỳ hậu đơn cực và đồng thời đang đi vào thời kỳ hậu-hậu-chiến tranh lạnh. Vai trò lãnh đạo của Mỹ từ 27 năm qua – là thiết yếu, tử tế, đế quốc, bành trướng, bất kể từ ngữ được dùng như thế nào – đã chấm dứt. Tổng thống của thế giới sẽ không còn là tổng thống Mỹ nữa. Nền hòa bình kiểu Mỹ có nguy cơ trở nên độc hại, một dạng « dịch bệnh » Mỹ. Điều này sẽ gây ra những hậu quả to lớn đối với thế giới.

Thế giới sẽ ra sao khi phải đối mặt những nguy cơ xung đột, khủng hoảng nhân đạo, thảm họa môi sinh, trước những đối đầu ngoại giao tất yếu ngăn cản những toan tính tìm kiếm các giải pháp cho những vấn đề chính trị-quân sự và những thách thức chiến lược trong tương lai ?

Nếu xẩy ra phân chia thế giới theo các vùng dưới sự thống trị của các cường quốc lớn, chúng ta sẽ chứng kiến sự tái lập một thế giới đa cực, thống trị bởi Mỹ, Nga và Trung Quốc. Nếu như sự hỗn loạn hoặc suy nghĩ « đèn nhà ai nhà nấy rạng » thắng thế, thì thế giới sẽ vô cực, đánh dấu sự biến đổi của hệ thống quan hệ quốc tế. Trong hai trường hợp nói trên, không có gì sẽ được giải quyết và những ý tưởng gắn bó với chủ nghĩa quốc tế tự do của thời kỳ hậu chiến tranh lạnh không còn gì nữa. Với Donald Trump, thế giới hiển nhiên sẽ đi vào một giai đoạn mới của lịch sử.

Liệu Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO có còn tương lai hay không khi mà Donald Trump đã chỉ trích rồi lại rút bỏ những phê phán này ?

Tôi không tính được số lần mà các nhà quan sát thông báo khối NATO tiêu vong và nhất là kể từ khi chấm dứt chiến tranh lạnh, với những lý như không còn có kẻ thù chung nữa, hoặc do các thành viên của khối này không còn có các giá trị chung để chia sẻ hoặc do thành viên mạnh nhất là Hoa Kỳ mong muốn giải thể khối này bởi vì Washington muốn hợp tác với các đối tác chọn lọc hơn.

Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng, với Donald Trump, lần này, đúng là có nhiều rủi ro, nhưng hoàn toàn không phải vì một trong những lý do vẫn thường được nêu ra. Trong trường hợp của Mỹ và theo nguyên tắc đàm phán trên cơ sở « người nào dùng thì phải trả tiền » Hoa Kỳ dường như sẽ không tự động đứng ra đảm trách việc bảo vệ các đồng minh nào không chịu đóng góp – ít nhất là 3% tổng sản phẩm quốc nội được chi cho quốc phòng.

Lập trường này nguy hiểm và ngoài việc làm giảm thiểu an ninh đối Hoa Kỳ, còn mở đường cho việc tái cơ cấu NATO và địa chính trị châu Âu, đặc biệt là nếu như Nga tranh thủ các cơ hội như tình trạng mất an ninh gia tăng tại các nước Baltic, ở Đông Âu hoặc tại Thổ Nhĩ Kỳ, để tái khẳng định mạnh mẽ các lợi ích của mình. Chắc chắn là NATO sẽ trải qua nhiều năm khó khăn để thuyết phục được Donald Trump rằng khối này hiện nay vẫn hữu dụng, giống như trong suốt 60 năm vừa qua.

Trump đã thông báo muốn giảm bớt cam kết của Mỹ đối với châu Âu. Vậy các nước châu Âu có phương tiện hay không để tiến hành một cách nghiêm túc việc thành lập một khối phòng thủ châu Âu ?

Tôi nghĩ là các điều kiện hiện nay không tốt hơn so với trước đây. Không phải là vì châu Âu có khả năng thì họ sẽ có quyết tâm ! Một khối phòng thủ châu Âu sẽ không xử lý cuộc khủng hoảng tị nạn Syria một cách lộn xộn, như họ đã làm từ hơn một năm nay. Châu Âu sẽ không chấp nhận các chính sách của từng nước nếu như họ phát triển một chính sách chung thực sự. Các nước châu Âu, ở cấp cao nhất, chưa bao giờ có cùng quyết tâm phát triển một khối phòng thủ chung. Theo hướng này, vụ Brexit càng làm gia tăng thái độ lừng khừng và các cuộc bầu cử sắp tới, tại Pháp, ở Đức, sẽ cho thấy những chỉ dấu rõ ràng về cơ may sống sót của Liên Hiệp Châu Âu và dự án xây dựng châu Âu. Điều rõ ràng là trong năm 2017, chúng ta đang đối mặt với một bước ngoặt mang tính quyết định.

Với những chỉ trích của Donald Trump nhắm vào Liên Hiệp Quốc và vai trò của các nước đang trỗi dậy gia tăng mạnh mẽ, liệu Hội Đồng Bảo An có nguy cơ đi vào một thời kỳ « đông cứng » ?

Sự tê liệt của Hội Đồng Bảo An trong cuộc khủng hoảng Syria đã cho thấy sự « giá lạnh » của định chế này, mặc dù đã được « hâm nóng » sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Ngoài ra, việc tổng thống Trump nghĩ đến khả năng cắt giảm 25% đóng góp tài chính của Mỹ cho ngân sách hoạt động duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc cho thấy rõ là nguyên thủ Hoa Kỳ coi nhẹ vai trò của tổ chức này.

Các nhà lãnh đạo khác cần phải xốc vác và thúc đẩy định chế thiết yếu này, ví dụ như thủ tướng Canada Justin Trudeau (ông đã tới thăm Hội Đồng Bảo An ngày 09/02 vừa qua). Nếu không, Hội Đồng Bảo An sẽ lại rơi vào tình trạng hấp hối như trong những năm chiến tranh lạnh và không mang lại bất kỳ hy vọng nào.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170214-trump-de-doa-toan-bo-he-thong-quoc-te-ma-hoa-ky-da-tao-dung-tu-nam-1945

 

Rumani : Quốc Hội chấp thuận

tổ chức trưng cầu dân ý về chống tham nhũng

Trọng Nghĩa

Trước sức ép của làn sóng phản đối dự luật sửa đổi của chính phủ nhằm giảm nhẹ tội tham nhũng, hôm qua 13/02/2017, Quốc Hội Rumani đã bật đèn xanh cho việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về đấu tranh chống tham nhũng.

Quốc Hội đã nhất trí thông qua hoàn toàn một văn kiện theo đó sẽ cho tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về đấu tranh chống tham nhũng tại Rumani.

Phần còn lại, giờ đây, tổng thống Klaus Iohannis có quyền đề xuất ngày tổ chức và nội dung câu hỏi cho cuộc trưng cầu dân ý. Tổng thống Iohannis thuộc phe trung – hữu và là người trực diện phản đối sắc lệnh do chính phủ cánh tả đề xuất nhằm sửa đổi luật giảm nhẹ các tội danh tham nhũng.

Dự luật sửa đổi có nội dung cho phép miễn truy tố hình sự và không áp dụng án tù đối với các vụ việc tham nhũng có số tiền dưới 44.000 euro.

Sắc lệnh gây tranh cãi của chính phủ về sửa đổi luật chống tham nhũng đã làm dấy lên một phong trào biểu tình phản đối trong dân chúng kéo dài hơn chục ngày qua với quy mô lớn chưa từng có kể từ khi chế độ Cộng Sản sụp đổ ở nước này năm 1989. Cho đến ngày hôm qua, các cuộc biểu tình đòi chính phủ từ chức đã kéo dài sang ngày thứ 14.

Gia nhập Liên Hiệp Châu Âu năm 2007, Rumani đã có những cố gắng trong đấu tranh tham nhũng. Năm 2015, 1250 người đã bị đưa ra xét xử vì các buộc tham nhũng ở cấp cao, trong đó có 1 thủ tướng, 5 bộ trưởng và 16 nghị sĩ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170214-rumani-quoc-hoi-ung-ho-to-chuc-trung-cau-dan-y-ve-chong-tham-nhung

 

Hội Đồng Bảo An lên án Bắc Triều Tiên thử tên lửa

Anh Vũ

Một ngày sau khi Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, vào hôm qua, 13/02/2017, đã họp khẩn cấp theo đề nghị của Washington, Tokyo và Seoul.

Tất cả 15 thành viên Hội Đồng Bảo An, trong đó có Trung Quốc, đã nhất trí hoàn toàn thông qua văn kiện lên án vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên là vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, đồng thời đề nghị các nước thành viên tăng cường gấp bội nỗ lực thực thi triệt để các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.

Thông tín viên RFI tại New York, Marie Bourreau gửi về bài tường trình:

Cho dù thông điệp của Hội Đồng Bảo An được nhất trí hoàn toàn, nhưng các nhà ngoại giao vẫn có những khác biệt về cách thức đòi áp dụng triệt để các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng vốn đã được thông qua.

Đại diện Mỹ Nikki Haley đã gửi một thông cáo ngắn gọn sau cuộc họp, trong đó bà khẳng định : Đã đến lúc phải quy trách nhiệm cho Bắc Triều Tiên không phải trên lời nói mà bằng hành động và Bình Nhưỡng cũng như các nước ủng hộ họ phải hiểu rằng các vụ thử như thế là không thể chấp nhận được. Đây là thông điệp rất rõ ràng gửi tới Bắc Kinh.

Trước đó trong ngày, Donald Trump đã hứa đáp trả mạnh mẽ vụ bắn thử tên lửa mới này của Bắc Triều Tiên. Đại sứ Nhật Bản, thì cam đoan là Tokyo không tìm kiếm giải pháp quân sự.

Bắc Kinh, đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng cũng chính thức lên án vụ bắn thử tên lửa đồng thời bày tỏ nguyện vọng không muốn làm trầm trọng thêm căng thăng trên bán đảo Triều Tiên.

Tới đây Liên Hiệp Quốc sẽ ra một báo cáo thẩm định liệu Trung Quốc có áp dụng thực sự các trừng phạt. Thái độ nhún nhường của Bắc Kinh hôm thứ Hai có thể là một tín hiệu tốt nhất từ trước tới nay.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170214-hoi-dong-bao-an-len-an-bac-trieu-tien-thu-ten-lua