Tin khắp nơi – 13/12/2018
Mỹ muốn LHQ cấm Iran chế tạo phi đạn hạt nhân
Mỹ sẽ thúc đẩy Hội đồng Bảo an cứng rắn hơn trong lập trường với Iran để ngăn nước này chế tạo phi đạn đạn đạo có khả năng chuyên chở vũ khí hạt nhân và thực hiện các vụ phóng thử, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu hôm thứ Tư.
Ông Pompeo cũng nói với Hội đồng Bảo an rằng không nên dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran vào năm 2020 và kêu gọi Hội đồng thiết lập “các biện pháp thanh sát và chặn đứng, ở các cảng và trên vùng biển quốc tế, để ngăn những nỗ lực tiếp diễn của Iran tránh né những hạn chế vũ khí.
“Iran đang chứa chấp al Qaeda, hỗ trợ phiến quân Taliban ở Afghanistan, vũ trang những kẻ khủng bố ở Lebanon, tạo điều kiện cho hoạt động buôn bán than bất hợp pháp ở Somalia làm lợi cho al-Shabaab, và huấn luyện cũng như trang bị cho dân quân Shia ở Iraq,” ông Pompeo nói trong cuộc họp về thi hành chế tài của Liên Hiệp Quốc đối với Iran.
Nga và Trung Quốc – vốn là các cường quốc có quyền phủ quyết trong Hội đồng cùng với Mỹ, Pháp và Anh – có phần chắc không ủng hộ các biện pháp do ông Pompeo đề xuất. Vào tháng 2, Nga đã phủ quyết một nỗ lực của phương Tây cho phép Hội đồng Bảo an nêu đích danh Tehran trong một nghị quyết về Yemen.
Không nêu tên nước nào, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia cáo buộc một số thành viên Hội đồng sử dụng cuộc họp ngày thứ Tư “để thảo luận về cái gọi là hành vi trong khu vực của Iran, mà họ mô tả như thể đó là nguồn cơn duy nhất của mọi tai ương ở Trung Đông.”
“Những gì họ không nói tới là bất cứ đề xuất có thực chất nào về chủ đề này và đôi khi chúng ta có ấn tượng rằng mục tiêu duy nhất là leo thang cơn cuồng loạn chống Iran và bêu xấu Iran,” ông Nebenzia nói với Hội đồng.
Một nghị quyết năm 2015 của Liên Hiệp Quốc kêu gọi Iran kiềm chế tới tám năm công tác chế tạo phi đạn đạn đạo được thiết kế để chuyên chở vũ khí hạt nhân. Một số quốc gia cho rằng ngôn từ không có tính bắt buộc.
Mỹ muốn Hội đồng làm cứng rắn thêm biện pháp đó, ông Pompeo nói, để phản ánh ngôn từ trong nghị quyết năm 2010 tránh những cách diễn dịch khác, bằng cách cấm Iran có “hoạt động liên quan đến phi đạn đạn đạo có khả năng chuyên chở vũ khí hạt nhân, bao gồm những vụ phóng sử dụng công nghệ phi đạn đạn đạo.”
Mỹ, Anh và Pháp đã cáo buộc Tehran thách thức những hạn chế hiện tại của Mỹ đối với chương trình phi đạn của Tehran, bằng cách thực hiện các vụ phóng phi đạn đạn đạo. Iran nói phi đạn của họ không được thiết kế để chuyên chở vũ khí hạt nhân.
https://www.voatiengviet.com/a/my-muon-lien-hiep-quoc-cam-iran-che-tao-phi-dan-hat-nhan/4698232.html
Mỹ trừng phạt 3 quan chức Triều Tiên
vi phạm nhân quyền
Hoa Kỳ hôm thứ Hai (10/12) đã áp lệnh trừng phạt đối với 3 quan chức cấp cao của Triều Tiên, bao gồm một trợ lý hàng đầu của lãnh đạo Kim Jong-un, vì những cáo buộc liên quan tới các hành vi vi phạm nhân quyền và kiểm duyệt, Yonhap đưa tin.
Một trong số 3 người bị trừng phạt là ông Choe Ryong-hae, trợ lý hàng đầu của Kim Jong-un, và được cho là quan chức số 2 của Triều Tiên.
Ông Choe là một trong 5 thành viên của Thường vụ Bộ Chính trị, và là Trưởng ban Tổ chức và Định hướng của Đảng Lao Động Triều Tiên, cơ quan đóng vai trò là “công cụ trong việc thực hiện các chính sách kiểm duyệt, và kiểm soát các vấn đề chính trị của tất cả người dân Triều Tiên”, theo Yonhap.
Hai quan chức còn lại bị Hoa Kỳ trừng phạt là Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Jong Kyong-thaek, và Pak Kwang-ho, Trưởng Ban Tuyên giáo của Đảng Lao Động Triều Tiên.
Các lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ thực hiện với 3 quan chức hàng đầu của Triều Tiên bao gồm việc đóng băng tài sản hoặc lợi ích của họ ở Hoa Kỳ và cấm những người này giao dịch với công dân Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Steven Mnuchin, cho biết: “Bộ Tài chính trừng phạt các quan chức cấp cao của Triều Tiên, những người chỉ đạo các bộ phận thực hiện các hoạt động kiểm duyệt tàn bạo do nhà nước bảo trợ, vi phạm nhân quyền và thực hiện các hành vi sai trái khác để đàn áp và kiểm soát dân chúng”.
“Những biện pháp trừng phạt này thể hiện sự ủng hộ liên tục của Hoa Kỳ đối với quyền tự do ngôn luận và phản đối [hành vi] kiểm duyệt vô lý và vi phạm nhân quyền”, ông nói thêm.
Các lệnh trừng phạt hôm thứ Hai được thực hiện dựa trên báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình trạng vi phạm nhân quyền và kiểm duyệt ở Triều Tiên.
Theo báo cáo, ông Jong có liên quan đến việc chỉ đạo các hoạt động kiểm duyệt và lạm dụng quyền lực. Ông Park đã thực hiện nhiều hành vi sai trái khi thực hiện nhiệm vụ “duy trì sự trong sạch về ý thức hệ” cho chính quyền Kim. Còn ông Choe vi phạm nhân quyền vì đưa ra các chỉ đạo kiểm duyệt tư tưởng của đảng viên.
Hoa Kỳ cũng từng thực hiện các biện pháp trừng phạt tương tự đối với Kim Jong-un và em gái của ông, bà Kim Yo-jong dựa trên các báo cáo nhân quyền trước đây.
Tổng thống Trump “tuyên dương” các phản ứng tích cực của Triều Tiên đối với các bước đi trong tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân và nói rằng quý Kim, nhưng trong cuộc họp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in bên lề Thượng đỉnh G-20 ở Argentina đầu tháng này, ông Trump đã thống nhất với ông Moon trong đánh giá về “tầm quan trọng của việc duy trì thực thi mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt hiện có để đảm bảo Bình Nhưỡng hiểu rằng dừng chương trình hạt nhân là con đường duy nhất để có được thịnh vượng và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên”.
Mỹ: Tập đoàn TQ dàn xếp đóng phạt
vì vi phạm chế tài Iran
Tập đoàn Yantai Jereh Oilfield Services đặt tại Trung Quốc đồng ý trả hơn 2,7 triệu đôla để giải quyết các cáo buộc nói rằng họ đã làm làm ăn với Iran vi phạm các chế tài của Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ cho biết hôm thứ Tư.
Bộ nêu ra 11 vụ việc “rõ ràng” mà trong đó tập đoàn này được cho là đã di chuyển những vật phẩm liên quan tới mỏ dầu như phụ tùng thay thế, dây ống cuộn và các bộ máy bơm, và gọi đây là một “trường hợp cực kì tệ hại” vì Tập đoàn Jereh không tự nguyện tiết lộ các vi phạm này.
Không thể liên lạc được đại diện của tập đoàn để yêu cầu bình luận ngay lập tức, Reuters cho biết.
Thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ nói những vi phạm này bao gồm việc xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu những sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ mà cuối cùng nhắm tới người sử dụng ở Iran thông qua Trung Quốc.
Washington đã áp đặt các chế tài đối với Iran về các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân cũng như các hành vi bị cáo buộc là vi phạm nhân quyền của nước này.
Mỹ: Người đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp giảm
Con số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước giảm xuống mức gần thấp nhất trong vòng 49 năm, giảm bớt lo ngại về tốc độ tăng trưởng chậm trên thị trường việc làm và kinh tế.
Theo Bộ Lao động Mỹ hôm 13/12, đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiểu bang giảm 27 nghìn xuống 206 nghìn đối với tuần lễ kết thúc vào ngày 8/12.
Đây là sự sụt giảm lớn nhất kể từ tháng Tư năm 2015. Con số xin trợ cấp hồi giữa tháng Chín là 202 nghìn, mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 1969, theo Reuters.
Tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm còn ở mức 3,7%
Các dữ liệu công bố hôm 13/12 còn cho thấy giá nhập khẩu giảm nhiều nhất trong hơn ba năm hồi tháng 11, trong khi giá các sản phẩm dầu mỏ sụt giảm và giá đôla tăng tác động lên các sản phẩm khác.
Theo Reuters, việc củng cố các điều kiện trên thị trường lao động càng gia tăng các dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ nâng tỷ lệ lãi suất trong cuộc họp bàn về chính sách từ ngày 18 tới 19/12.
Với tỷ lệ lạm phát vẫn được duy trì trong nửa đầu năm 2019, các nhà kinh tế cho rằng sẽ ít có sự gia tăng lãi suất vào năm tới.
Trong khi đó, báo cáo cũng cho thấy giá xuất khẩu giảm 0,9% trong tháng 11, mức giảm nhiều nhất kể từ tháng Một năm 2016, sau khi tăng 0,5% trong tháng Mười.
Bị tù, Cohen đổ lỗi
cho ‘hành động bẩn thỉu’ của Trump
Michael Cohen, cựu luật sư của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng nói rằng sẽ hứng lấy đạn cho sếp, đã đả kích “hành động bẩn thỉu” của ông chủ cũ khi bị tuyên án tù 36 tháng.
Cohen là thành viên đầu tiên trong những người liên quan đến ông Trump bị bỏ tù vì cuộc điều tra về can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016.
Michael Cohen thừa nhận đã nói dối trước Quốc hội, và vi phạm luật tài trợ bầu cử, và trốn thuế.
Tại tòa án ở New York, Cohen, 52 tuổi, đổ lỗi những vi phạm pháp luật của mình cho ông Trump.
Người luật sư nay thất thế nói với Thẩm phán William Pauley hôm thứ Tư rằng ông Trump đã khiến ông “đi theo con đường ma đạo hơn là chính trực”.
Ông nói với tòa án là “nhược điểm của tôi là lòng trung thành mù quáng với Donald Trump” và ông lúc đó ”cảm thấy việc phải che đậy hành động bẩn thỉu của Trump chính là trách nhiệm của tôi”.
Điều tra Trump-Nga: Cohen đưa Mueller vào trong thế giới của Trump
Hai cựu nhân viên chủ chốt của Trump bị kết tội
Trump ‘đã trả lời các câu hỏi’ về Trump-Nga
Cohen sẽ phải ngồi tù ba năm cùng lúc với bản án hai tháng vì tội đã nói dối với Quốc hội về một dự án Trump Tower Moscow, một điều khoản được công tố viên đặc biệt Robert Mueller dàn xếp.
Thẩm phán đã cho Cohen chuẩn bị để đến ngày 6 tháng 3 bắt đầu vào nhà tù Otisville ở ngoại ô New York.
Ngoài án tù, Cohen còn bị tịch thu gần 2 triệu đôla.
Khi rời tòa án, Cohen không dừng lại để trả lời các nhà báo.
Ông Trump phớt lờ các phóng viên khi họ yêu cầu nghe phản ứng của ông sau đó tại Nhà Trắng.
Một thập kỷ đầy ‘bất hạnh’
Phân tích của Anthony Zurcher, phóng viên BBC tại Bắc Mỹ
Nếu có một bài học có thể rút ra từ câu chuyện về hai người cùng có họ Michael, thì bài học đó là những thỏa thuận với công tố viên liên bang phải được thực hiện càng nhanh càng tốt.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump, Michael Flynn, khi đối mặt với văn phòng của công tố viên đặc biệt, đã nhanh chóng hợp tác. Michal Flynn có thể kết thúc với một bản án không bao gồm thời gian ngồi tù.
Michael Cohen, mặt khác, ban đầu đưa ra một cuộc chiến pháp lý. Các công tố viên cho biết ông Cohen chưa bao giờ hết lòng hợp tác với họ. Và bây giờ người đàn ông 52 tuổi đang phải đối mặt với ba năm tù.
Một thông điệp khác từ số phận của hai cộng sự của Trump là các thỏa thuận kinh doanh của ông Trump, chứ không phải việc Nga tìm cách ảnh hưởng cuộc bầu cử của Mỹ, có thể là mối đe dọa pháp lý lớn hơn đối với tổng thống. Theo luật sư của ông Cohen, thân chủ của ông có “bất hạnh” là luật sư cá nhân của tổng thống, đối tác kinh doanh và phải đối phó với mọi vấn đề ông Trump gây ra trong hơn một thập kỷ. Khi các nhà điều tra bắt đầu đào sâu vào hành động của Cohen, họ đã phát hiện ra một loạt các tội có thể bị truy tố.
Theo nhiều nguồn tin, đế chế kinh doanh của ông Trump đang phải trải qua những cuộc điều tra tương tự. Kế toán viên lâu năm của Trump đang hợp tác với các nhà điều tra.
Không ai biết là cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga của ông Mueller sẽ kết thúc ở đâu, nhưng có một điều rõ ràng là – đó không phải là con cá mập duy nhất vây quanh Nhà Trắng.
Michael Cohen phạm tội gì?
Việc tuyên án của Cohen liên quan đến hai vụ án riêng biệt, đến từ toà Khu vực phía Nam New York và cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller.
Ông Cohen đã nhận tội vì vi phạm luật tài trợ tranh cử vì vai trò của ông trong việc thanh toán tiền bạc để mua lấy sự im lặng của những phụ nữ cáo buộc ông Trump gian díu tình cảm với họ.
Một trong những khoản thanh toán đó được thực hiện bởi American Media Inc (AMI), công ty mẹ của National Enquirer, để làm im đi những cáo buộc của một phụ nữ về việc ngoại tình với ông Trump.
Hôm thứ Tư, Bộ Tư pháp cũng tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với AMI là sẽ không truy tố miễn là công ty thừa nhận đã thanh toán 150.000 đô la “liên quan đến chiến dịch tranh cử tổng thống của một ứng cử viên, và để đảm bảo rằng người phụ nữ sẽ không công khai cáo buộc ứng cử viên này trước cuộc bầu cử năm 2016 “.
Nhà xuất bản lá cải này cũng đồng ý tiếp tục hợp tác với các nhà điều tra.
Ông Trump đã thừa nhận các khoản thanh toán mặc dù phủ nhận liên hệ tình cảm, và nói chúng là giao dịch riêng không liên quan đến chiến dịch tranh cử của ông.
Công tố viên đặc biệt đã đạt được thỏa thuận với Cohen về tội nói dối trước Quốc hội khi Cohen bằng lòng hợp tác với cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga.
Luật sư cũ của tổng thống thừa nhận đã nói dối với Quốc hội về một thỏa thuận tài sản của Trump ở Moscow trong thời gian vận động tranh cử năm 2016.
Trong phiên toà tuyên án hôm thứ Tư, luật sư của Cohen, ông Guy Petrillo, nói rằng cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller “có tầm quan trọng quốc gia tối đa, không kém gì vụ điều tra Watergate cách đây 40 năm”, đề cập đến xì căng đan đã hạ bệ Tổng thống Cộng hòa Richard Nixon năm 1974.
Các bản án khác của Cohen về tội trốn thuế và gian lận ngân hàng không liên quan đến tổng thống.
Để đổi lấy một bản án khoan dung hơn, Cohen đã cung cấp thông tin liên quan đến các vi phạm tài trợ tranh cử của mình, bao gồm cả việc âm thầm trả tiền ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels theo lệnh của “ứng cử viên”, theo nghĩa được hiểu ứng cử viên này là ông Trump.
Mối quan hệ giữa Cohen, từng được coi là cánh tay phải của ông Trump và tổng thống đã trở nên căng thẳng trong quá trình xét xử hình sự của Cohen.
Ông Trump, người gọi cuộc điều tra của công tố viên Mueller là “cuộc săn phù thủy”, đã nhiều lần chỉ trích cộng sự cũ của ông kể từ khi Cohen bắt đầu hợp tác với các nhà điều tra.
Ông nói với các phóng viên hồi tháng trước rằng Cohen “yếu đuối” và “không phải là người thông minh lắm”.
Trump bênh Nga trước cáo buộc của FBI
Mỹ sẽ điều tra ‘sự xâm nhập’ chiến dịch Trump
Ai khác bị liên quan?
Trong các diễn biến khác của cuộc điều tra sự can thiệp của Nga, cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Michael Flynn, người thừa nhận đã nói dối với FBI về các cuộc nói chuyện với đại sứ Nga, đã xin được khoan hồng.
Các luật sư của Flynn xin cho thân chủ mình không phải ngồi tù vì đã hợp tác với cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt ngay từ đầu.
Tuần trước, đội ngũ của công tố viên đặc biệt tuyên bố rằng họ sẽ không đề nghị ông Flynn phải ngồi tù vì ông ta đã cung cấp các chi tiết “đáng kể” liên quan đến nhóm vận động tranh cử của Trump và các quan chức Nga.
Cohen, Flynn và cựu giám đốc chiến dịch tranh cử của Trump, Paul Manafort, nằm trong số những phụ tá của tổng thống đang bị điều tra bởi công tố viên Mueller.
Ông Manafort – người đã bị kết án về tội lừa đảo – đã hợp tác với cuộc điều tra.
Nhưng thứ Sáu tuần trước, nhóm của ông Mueller đã công bố một bản ghi nhớ cáo buộc rằng Manafort đã vi phạm thỏa thuận nhận tội, bằng cách nói dối với các nhà điều tra.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46548607
Người Canada có quan hệ với Bắc Hàn
bị Trung Quốc giữ
Thêm một người Canada thứ hai vừa bị tạm giữ ở Trung Quốc với cáo buộc gây hại an ninh quốc gia, trong lúc căng thẳng hai nước dâng cao.
TQ yêu cầu Canada thả Phó chủ tịch Huawei
Apple có bị ảnh hưởng vì vụ bắt lãnh đạo Huawei
Phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt
Đã có xác nhận doanh nhân Michael Spavor bị giữ, trong khi trước đó là nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig.
Trung Quốc đã phản đối Canada sau khi Canada bắt giữ bà giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ.
Bà Mạnh Vãn Chu tạm thời được tại ngoại ở Canada trong khi chờ tòa quyết định có dẫn độ sang Mỹ không.
Trung Quốc đã đe dọa có hậu quả nếu Canada không thả bà Mạnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói ông có thể can thiệp vụ này nếu nó giúp tránh suy thoái quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nhưng ông John Demers, Phụ tá Bộ Trưởng Tư pháp Mỹ, lại nói: “Điều chúng tôi làm tại Bộ Tư pháp là thực thi luật pháp. Chúng tôi không làm thương mại.”
Ông Michael Spavor là doanh nhân Canada sống ở Đan Đông, một thành phố thuộc tỉnh Liêu Ninh, nằm sát biên giới với Bắc Hàn.
Còn ông Michael Kovrig hiện làm cho tổ chức International Crisis Group (ICG).
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nói Canada đã nêu trường hợp ông Kovrig với phía Trung Quốc.
Bộ ngoại giao Canada cũng nói mới hồi đầu tuần, ông Spavor liên lạc với họ vì “ông đang bị giới chức Trung Quốc thẩm vấn”.
Ông Spavor được biết tới vì giúp dàn xếp chuyến thăm của cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman đến Bắc Hàn năm 2013.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46554645
Canada cảnh báo Mỹ không chính trị hoá
vụ dẫn độ Giám đốc tài chính Huawei
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland hôm 12/12 cảnh báo Mỹ không chính trị hóa các trường hợp dẫn độ, sau khi Tổng thống Trump cho biết ông có thể can thiệp vào vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạch Vãn Chu.
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 12/12, Tổng thống Trump cho biết ông có thể sẽ can thiệp vào vụ bắt giữ bà Mạch nếu điều đó có lợi cho các thỏa thuận của Mỹ với Trung Quốc.
“Nếu điều đó có lợi cho những gì chắc chắn trở thành thỏa thuận thương mại lớn nhất từ trước tới nay, một điều hết sức quan trọng và tốt cho an ninh quốc gia, tôi chắc chắn sẽ can thiệp, tôi cho rằng điều đó là cần thiết”, nhà lãnh đạo Mỹ nói, tiết lộ thêm rằng ông đã nói chuyện với Bộ Tư pháp và các quan chức Mỹ về trường hợp của bà Mạch.
Tuy nhiên, bà Freeland khẳng định quy trình pháp lý không nên bị ảnh hưởng bởi các mục đích chính trị.
“Đối tác dẫn độ của chúng tôi không nên tìm cách chính trị hóa quá trình dẫn độ hoặc sử dụng nó cho mục đích khác ngoài việc theo đuổi công lý và tuân theo luật pháp”, Bộ trưởng Ngoại giao Canada nói khi được hỏi về tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ.
Trong khi đó, ông Bruce Heyman, cựu đại sứ Mỹ tại Canada cho rằng đây là một vấn đề pháp lý được thực thi theo đúng luật và tuyên bố của Tổng thống Trump chỉ làm giảm bớt tầm quan trọng của thỏa thuận dẫn độ mà Ottawa ký kết với Washington dưới thời Tổng thống Obama.
Tòa án Canada hôm 11/12 đồng ý để CFO Huawei Mạch Vãn Chu nộp 7,5 triệu USD để được tại ngoại đi kèm một số điều kiện khác.
Mỹ hiện chưa đề cập tới yêu cầu dẫn độ nhưng một khi nó được đưa ra, nếu thẩm phán Canada thông qua yêu cầu này, Bộ trưởng Tư pháp Canada sẽ quyết định có để Mỹ dẫn độ bà Mạch hay không.
Mặc dù Canada là 1 trong hơn 100 quốc gia từng ký kết hiệp ước dẫn độ với Mỹ, buộc nước này phải hợp tác theo những yêu cầu từ Văn phòng Quốc tế vụ (OIA) của Bộ Tư pháp Mỹ, quá trình này có thể sẽ kéo dài trong nhiều tháng và thậm chí là vài năm.
Cũng trong cuộc họp báo hôm 12/12, bà Freeland bày tỏ mối quan tâm sâu sắc tới trường hợp nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig, người bị Bắc Kinh bắt giữ hôm 10/12. Bộ trưởng Ngoại giao Canada tiết lộ một công dân Canada giấu tên khác đã liên hệ với chính quyền cho biết các quan chức Trung Quốc đã tiếp cận và đặt câu hỏi với anh ta.
“Chúng tôi không thể liên lạc với anh ta kể từ đó”, bà này nói thêm.
Giới chức Canada trước đó cho biết không có dấu hiệu cho thấy vụ bắt giữ ông Kovrig có liên quan tới trường hợp của bà Mạch, nhưng một quan chức nước này tin rằng động thái của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang muốn tỏ ra thái độ với Ottawa.
Ông này nói thêm rằng Ottawa đã thông báo cho các nhân viên ngoại giao tại Bắc Kinh và các lãnh sự quán có biện pháp phòng ngừa trong trường hợp Bắc Kinh đưa ra các biện pháp trả đũa.
Canada sẽ thông báo việc dẫn độ
nữ Giám đốc Huawei Mạnh Vãn Chu
Tổng thống Mỹ Trump ngày 11/12 tuyên bố sẽ can thiệp trong vụ việc Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu, nếu điều này phục vụ an ninh quốc gia.
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland tổ chức họp báo ngày 12/12 về các thủ tục dẫn độ đối với nữ Giám đốc tài chính của công ty Huawei Mạnh Vãn Chu. Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông có thể sẽ can thiệp vào việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu.
Văn phòng của Ngoại trưởng Chrystia Freeland cho biết các quan chức chính phủ sẽ có một cuộc họp kỹ thuật về các thủ tục dẫn độ của Canada trước cuộc họp báo của bà Freeland vào chiều 12/12 (giờ địa phương).
Bà Mạnh Vãn Chu vừa được tại ngoại với mức tiền phải trả là 7.5 triệu USD. Nếu tòa án Canada ra phán quyết ủng hộ yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu của Mỹ, bộ trưởng Tư pháp Canada sẽ phải quyết định có tiến hành dẫn độ hay không.
Tổng thống Mỹ Trump ngày 11/12 tuyên bố ông sẽ can thiệp trong vụ việc bà Mạnh Vãn Chu nếu điều này phục vụ các lợi ích an ninh quốc gia hoặc giúp mang lại một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Bắt giữ lãnh đạo Hoa Vi,
Canada đã vội quên bài học năm 2014
Trung Quốc đã có phản ứng ngày càng mạnh mẽ sau vụ Canada bắt giữ giám đốc tài chính Hoa Vi theo yêu cầu của Mỹ và cảnh cáo là chính quyền Ottawa sẽ « gánh lấy hậu quả nghiêm trọng ». Quả thực là Trung Quốc đã không hề dọa dẫm và « nói suông ». Hôm thứ Hai, 10/12, hai công dân Canada đã bị Bắc Kinh bắt giữ. Vụ việc cho thấy một lần nữa Canada lại bị «vướng bẫy» tranh chấp Mỹ – Trung.
Người thứ nhất bị bắt là Michael Kovrig, cựu nhân viên ngoại giao Canada, đang làm việc cho Trung tâm cố vấn International Crisis Group (ICG). Người thứ hai là doanh nhân Canada, Michael Spavor, đang làm ăn tại Trung Quốc.
Phải chăng Canada bắt đầu trả giá cho việc tuân theo các yêu cầu của Mỹ ? Cả Bắc Kinh lẫn Ottawa hiện đều không khẳng định vụ bắt giữ hai nhân vật trên, nhất là với trường hợp ông Michael Kovrig, là « hệ quả » của vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu của tập đoàn Hoa Vi. Nhưng người thân cũng như một số chuyên gia đều cho rằng cả hai vụ việc có liên hệ với nhau.
Theo tờ Bắc Kinh thời báo, ông M. Kovrig « bị nghi ngờ có những hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh Trung Quốc », một cách nói mà Bắc Kinh thường hay sử dụng để buộc tội gián điệp.
Trả lời AFP, ông Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, cho rằng« rõ ràng là chính phủ Trung Quốc muốn gây áp lực tối đa với chính quyền Canada ». Ông cũng lưu ý rằng đây cũng không phải là lần duy nhất Canada rơi vào trường hợp như vậy.
Năm 2014, Trung Quốc đã từng bắt giữ hai công dân Canada, Kevin và Julia Garratt, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ với tội danh hoạt động gián điệp để trả đũa việc Canada tạm giam thẩm vấn ông Su Bin bị nghi ngờ có can dự vào một vụ tấn công tin học cũng theo yêu cầu của phía Mỹ. Vụ việc kết thúc với việc Bắc Kinh lần lượt trả tự do cho hai người trên vài tháng sau khi ông Su Bin chấp nhận đến Mỹ và tuyên bố vô tội.
Ottawa giờ đây một lần nữa bị rơi vào thế kẹt giữa Washington và Bắc Kinh, vốn dĩ đang có nhiều điểm bất đồng về thương mại hay gián điệp mạng. Vẫn theo ông Saint-Jacques, nhà cựu ngoại giao M. Kovrig chắc chắn sẽ là « một nạn nhân » trong cuộc tranh cãi này.
Về điểm này, ông Shaun Rein, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc cũng có cùng quan điểm, nhấn mạnh thêm : « Bắc Kinh muốn chứng tỏ họ là một siêu cường đối thủ của Mỹ và các nước khác nên cân nhắc giữa việc đứng về phía Trung Quốc hay là Mỹ ». Do vậy, theo ông, « nhà cựu ngoại giao là một con tốt và sẽ bị giam giữ cho đến khi nào Mạnh Vãn Châu được trả tự do ».
Chuyên gia Rein cho rằng Trung Quốc đã tỏ ra cao tay khi bắt giữ công dân Canada. Bởi vì, « Quốc Hội Mỹ sẽ không thể la ó hay làm gì được. Các cuộc thương lượng vẫn có thể tiếp diễn vì Bắc Kinh luôn tán đồng với thỏa thuận đúc kết được với Donald Trump nhân thượng đỉnh G20 ».
Tóm lại, nếu không tỉnh táo, thì « trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181213-bat-giu-lanh-dao-hoa-vi-canada-da-voi-quen-bai-hoc-nam-2014
Venezuela: TT Maduro nói ông bị Mỹ âm mưu giết
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cáo buộc Hoa Kỳ âm mưu giết ông và lật đổ chính phủ của ông.
Ông nói với các phóng viên rằng Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton liên quan đến mưu toan này, nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.
Tổng thống Trump gọi nhà lãnh đạo Venezuela là kẻ độc tài và áp các biện pháp trừng phạt.
Mỹ tính đưa Venezuela vào danh sách khủng bố
Một triệu di dân Venezuela nhập cảnh Colombia
Ông Trump từng nhiều lần lên án chủ nghĩa xã hội
‘Tôi không nghĩ Cuba sẽ rời bỏ CNXH’
Đầu tuần này, Mỹ chỉ trích việc hai máy bay ném bom Nga xuất hiện ở Venezuela.
Máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160 của Nga có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Maduro nói gì?
“John Bolton được giao trách nhiệm tổ chức vụ ám sát tôi, triển khai quân đội nước ngoài và áp đặt một chính phủ chuyển tiếp ở Venezuela,” ông nói với các nhà báo tại dinh tổng thống Miraflores.
Người dân Venezuela sẵn sàng chống trả, với sự giúp đỡ của “các quốc gia thân thiện”, ông nói thêm.
Ông Maduro trước đây đã cáo buộc Mỹ cũng như Colombia và phe đối lập Venezuela mưu toan giết mình.
Về việc đưa máy bay ném bom Nga đến Venezuela
Hoa Kỳ ngày càng quan ngại về liên hệ của chính phủ Maduro với Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác có sự khác biệt với chính quyền Trump.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết việc đưa máy bay ném bom Nga đến Venezuela cho thấy “hai chính phủ tham nhũng phung phí công quỹ”.
Chính phủ Nga gọi phát ngôn của ông Pompeo là “hoàn toàn không thích hợp”.
Hai máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Nga hạ cánh tại sân bay Simón Bolívar bên ngoài thủ đô Caracas vào hôm 10/12 cùng với hai máy bay khác của Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino cho biết đây là một phần của cuộc tập trận không quân với đồng minh Nga: “Đây là điều chúng tôi làm với bạn bè, vì chúng tôi có những người bạn trên thế giới bảo vệ các mối quan hệ cân bằng, tôn trọng lẫn nhau”.
Nhà Trắng cho biết được Nga thông báo rằng các máy bay ném bom sẽ rời Venezuela hôm 14/12.
Hơn hai triệu người đã rời khỏi Venezuela từ năm 2014, tức khoảng 7% dân số cả nước.
Venezuela tuyên bố rằng Hoa Kỳ tiến hành cuộc chiến kinh tế để kết liễu gần 20 năm chủ nghĩa xã hội ở nước này.
Hồi tháng trước, Hoa Kỳ xem xét việc bổ sung Venezuela vào danh sách quốc gia tài trợ khủng bố nhưng chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nguồn tin cho hay.
Việc thêm Venezuela vào danh sách này có thể giới hạn sự trợ giúp kinh tế của Hoa Kỳ và áp các hạn chế tài chính đối với một nước đang lâm vào lạm phát dài hạn, người dân bỏ đi hàng loạt, thiếu lương thực và thuốc men trầm trọng, theo Reuters.
Venezuela: Maduro thắng nhiệm kỳ hai
Cuba muốn bỏ Chủ nghĩa Cộng sản
Các cuộc thảo luận về vấn đề này được thúc đẩy trong những ngày gần đây nhờ vận động hành lang của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, người từ lâu thúc giục chính quyền Trump có lập trường cứng rắn hơn chống lại chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Chính quyền Trump đã áp một số biện pháp trừng phạt chống lại chính phủ của Maduro từ năm 2017 vì “xói mòn nền dân chủ”. Ngày 1/11, Tổng thống Donald Trump ký lệnh hành pháp nhằm ngăn Venezuela xuất khẩu vàng.
Maduro, người bác cáo buộc hạn chế quyền tự do chính trị, nói rằng ông là nạn nhân của “cuộc chiến kinh tế” do Hoa Kỳ dẫn dắt.
Khủng hoảng Venezuela qua các khu chợ và nhà xác
Bốn quốc gia hiện có trong danh sách quốc gia tài trợ khủng bố – Bắc Hàn, Iran, Sudan và Syria – được phát hiện “liên tục trợ giúp cho các hành vi khủng bố quốc tế”.
Washington Post, tờ đầu tiên đưa tin về việc Mỹ đang cân nhắc việc thêm Venezuela vào danh sách, cho hay Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận yêu cầu phản hồi về đề xuất này từ các cơ quan khác nhau những ngày gần đây.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết “đang xem xét thông tin từ nhiều nguồn về khả năng dính líu cấp nhà nước của các hành vi khủng bố, đánh giá mức độ tin cậy, xác minh và chứng thực.”
Nhà Trắng từ chối bình luận.
Hồi tháng 8/2018, Ecuador áp dụng quy định mới để ngăn di dân Venezuela nhập cảnh vào nước này mà không cần hộ chiếu, khiến nhiều người bị mắc kẹt ở nước láng giềng Colombia.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46548664
Giáo hoàng bãi chức hai hồng y cố vấn
vì liên quan đến xâm hại tình dục
Hôm 12/12, Giáo hoàng Phanxicô bãi chức hai hồng y khỏi Hội đồng Hồng y Tư vấn vì bị tai tiếng có liên qua đến các cáo buộc xâm hại tình dục, Reuters dẫn nguồn tin từ Vatican cho biết.
Hồng y George Pell của Úc và Hồng y Francisco Javier Errázuriz của Chile đều là đối tượng của các cáo buộc liên quan đến xâm hại tình dục. Tuy nhiên, cả hai ông đều phủ nhận những cáo buộc này.
Ông Laurent Monsengwo Pasinya, Hồng y của Cộng hòa Dân chủ Congo là người thứ ba trong Hội đồng Hồng y Tư vấn gồm 9 hồng y, còn gọi là C-9 do giáo hoàng Phanxicô thành lập, cũng bị bãi chức — ông Greg Burke, phát ngôn viên của Vatican, cho biết.
Ông Burke nói rằng vào tháng 10 Giáo hoàng đã viết thư cho cả ba hồng y này, cảm ơn họ vì những đóng góp của họ.
Hồng y Pell đã nghỉ phép vô thời hạn, không còn đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế Vatican nữa, sau khi bị truy tố liên quan đến các buộc xâm hại tình dục trẻ em ở Úc.
Trong khi đó Hồng y Errázuriz thì bị các nạn nhân xâm hại tình dục ở Chile cáo buộc rằng ông đã bao che cho hành vi lạm dụng tình dục của những chức sắc công giáo khác.
Con số ký giả bị cầm tù trên thế giới
gần ở mức kỷ lục
Con số nhà báo bị tống giam trên thế giới năm 2018 gần ở mức kỷ lục, theo một báo cáo công bố ngày 13/12.
Một phúc trình thường niên của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cho biết, tính tới ngày 1/12, có 251 nhà báo đã bị giam cầm.
Trong năm thứ ba liên tiếp, hơn một nửa số nhà báo sau song sắt là ở Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ai Cập, nơi họ bị cáo buộc tiến hành các hoạt động chống nhà nước, theo Reuters.
Khi được hỏi về các nhà báo bị tống giam, theo Reuters, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng “các biện pháp pháp lý không phải được sử dụng vì nghề nghiệp [nhà báo] của các nghi can hoặc tội phạm đó”.
Tạp chí Time chọn các nhà báo là ‘Nhân vật của Năm’
Theo tổ chức phi chính phủ, thúc đẩy tự do báo chí có trụ sở ở Mỹ, con số nhà báo bị giam giữ vì tội danh “tung tin giả” đã tăng lên 28 người, tăng so với con số 21 năm ngoái và 9 trong năm 2016.
Phúc trình chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thường xuyên coi việc đưa tin tiêu cực là “tin giả” mà Reuters cho rằng cũng được các lãnh đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ và Philippines sử dụng nhắm vào những người chỉ trích mình.
Nghiên cứu của CPJ được công bố đúng vào tuần lễ tạp chí Time thông báo rằng một số nhà báo, trong đó có hai phóng viên của Reuters ở Miến Điện, và ông Jamal Khashoggi, nhà báo Ảrập Xêút bị sát hại ở Thổ Nhĩ Kỳ, là “Nhân vật của năm”.
Tổng số nhà báo bị cầm tù giảm 8% năm 2018 so với con số kỷ lục 272 của năm ngoái, theo CPJ.
Thủ tướng Anh giành thắng lợi
cuộc bỏ phiếu tín nhiệm
Thủ tướng Anh Theresa May giành 200 phiếu trên tổng số 317 phiếu bầu tín nhiệm bà tiếp tục lãnh đạo đảng Bảo Thủ.
Tuy nhiên phóng viên BBC Laura Kuenssberg nói 117 dân biểu Bảo thủ bỏ phiếu bất tín nhiệm là “điều không dễ chịu chút nào” cho Thủ tướng Anh và là “một đòn thực sự” cho uy tín chính trị của bà.
Kết quả được đưa ra vào lúc 21:00 GMT trong tiếng reo hò và vỗ tay từ các Dân biểu đảng Bảo thủ khi chủ tịch đảng này là Sir Graham Brady công bố.
Điều này có nghĩa là bà May sẽ không phải đối diện hình thức bỏ phiếu như vậy trong vòng một năm.
Các nghị sĩ bảo thủ đã bỏ phiếu tín nhiệm từ 18:00 đến 20:00 giờ GMT.
Đồng bảng mất giá sau tin Thủ tướng Anh thắng lợi trong lá phiếu này.
Bảng mất giá 0.44% so với đô la Mỹ, đổi được $1.2602 đô la.
Thách thức đối với vị trí lãnh đạo của bà May được đưa ra sau khi 48 lá thư yêu cầu cho một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm được gửi đi từ các nghị sỹ Hạ viện thuộc đảng Bảo thủ của bà.
Tuy nhiên trước giờ các dân biểu bỏ phiếu bà May nói bà sẽ không ra tranh trong lần tổng tuyển cử tới.
Brexit: Thủ tướng Anh tuyên bố hoãn biểu quyết
Tòa EU nói Anh ‘có thể ở lại dù đã nói chia tay’
Thượng viện Anh thông qua luật Brexit
Thủ tướng Anh dám để Brexit ‘rơi tự do’
Bà May, người đã trở thành thủ tướng kể từ sau khi Vương quốc Anh bỏ phiếu rời Liên hiệp Âu châu năm 2016, đã phải đối mặt với những chỉ trích trong đảng của chính mình về kế hoạch Brexit mà bà đã đàm phán.
Vì Đảng Bảo thủ là đảng lớn nhất trong Hạ viện, bất cứ ai là lãnh đạo của đảng sẽ được dự kiến là thủ tướng.
Đáp lại tin về cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, bà May nói loại bỏ bà “chỉ tạo ra nguy cơ trì hoãn Brexit hoặc làm hại tiến trình này”.
Sáng thứ Tư, thủ tướng Theresa May phát biểu trước số 10 Downing Street nói bà sẽ “chiến đấu’ giành mọi phiếu có thể để tiếp tục tại chức khi bị bỏ phiếu bất tín nhiệm tối 12/12.
Thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng
Theo quy định của đảng Bảo thủ Anh, chỉ cần 15% dân biểu Quốc hội thuộc đảng này cùng yêu cầu thì ban lãnh đạo đảng phải cho tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm về lãnh đạo cao nhất của đảng, người cũng là thủ tướng.
Vì con số nghị sỹ Hạ viện của phe Bảo thủ trong Quốc hội Anh hiện là 315, chỉ cần 48 người yêu cầu, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm phải diễn ra.
Bà Theresa May cần có ít nhất 158 phiếu dân biểu ủng hộ, tức là quá bán để trụ lại.
Sir Graham cho biết ông đã nói với thủ tướng vào tối thứ Ba rằng bà sẽ phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Bà ấy đã tỏ ra rất bình thản và chia xẻ mong muốn là “vấn đề sẽ được giải quyết nhanh nhất có thể”, Sir Graham nói thêm.
Bộ trưởng Tư pháp David Gauke nói với chương trình Today của BBC Radio 4 rằng ông không mong đợi sẽ có một nhà lãnh đạo mới cho đến cuối tháng 1 hoặc tháng 2 – có nghĩa là họ sẽ phải xin EU thêm thời gian để đàm phán Brexit.
“Nếu bà ấy thua tối nay, bất cứ ai là thủ tướng sẽ phải trì hoãn Điều 50. Tôi không thể nào hình dung được làm sao chúng ta có thể rời khỏi Liên hiệp Âu châu vào ngày 29 tháng 3. “
Ông Gauke nói rằng ông “thất vọng” vì những lá thư yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đã được gửi đi, nhưng nói: “Tôi hy vọng rằng thủ tướng sẽ giành chiến thắng tối nay và giành chiến với số phiếu áp đảo.”
Biên tập viên chính trị của BBC, bà Laura Kuenssberg nói rằng việc trì hoãn Brexit là “một lập luận quan trọng mà những người ủng hộ thủ tướng sẽ đưa ra” khi bà phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Nhiều bộ trưởng đã tweet những lời ủng hộ thủ tướng – nhưng Laura Kuenssberg nói rằng đây không nhất thiết là một dấu hiệu cho thấy họ sẽ ủng hộ bà trong cuộc bỏ phiếu, đó là một cuộc bỏ phiếu kín.
Barry Gardiner, phát ngôn viên phụ trách thương mại quốc tế trong ‘nội các đối lập’ của đảng Lao Động nói rằng đảng Bảo thủ đang “đặt việc giải quyết sự phân rẽ của đảng lên cao hơn lợi ích của đất nước”.
Anh Quốc dự kiến ra khỏi EU từ 29/03/2019.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46536702
Khủng bố ở Strasbourg :
Pháp ra sức truy lùng hung thủ
Trên 700 cảnh sát và hiến binh ngày 13/12/2018 tiếp tục truy tìm Cherif Chekatt, kẻ đã sát hại 3 người, 14 người bị thươngtrong đó có 5 người bị thương nặng tại khu chợ Noël Strasbourg tối thứ Ba. Cảnh sát Pháp từ tối qua đã công bố lệnh truy nã, kêu gọi sự hỗ trợ của các nhân chứng.
Thông cáo của cảnh sát quốc gia tối qua cảnh báo đó là « đối tượng nguy hiểm, không nên tự ý tiếp cận », và kêu gọi tất cả những ai có được thông tin giúp xác định được nơi hung thủ đang trú ẩn nên gọi đến số điện thoại 197.
Cherif Chekatt, 29 tuổi, có đến 67 tiền án tiền sự, bị kết án đến 27 lần tại Pháp, Đức và Thụy Sĩ, chủ yếu là tội cướp giựt, từ 10 tuổi đã vi phạm pháp luật và lãnh bản án đầu tiên năm 13 tuổi. Nghi can trở nên cực đoan trong thời gian ở tù, bị cho vào « danh sách S ». Trong vụ khủng bố ở Strasbourg, nhiều nhân chứng nghe hung thủ hô « Allah Akbar » (Thượng đế vĩ đại).
Chekatt từng trốn thoát ba lần trước các quân nhân của chiến dịch Sentinelle và cảnh sát. Do chưa bắt được kẻ khủng bố, khu chợ Noël ở Strasbourg – hàng năm thu hút hai triệu khách – hôm nay tiếp tục đóng cửa. Trường học, hồ bơi… đã hoạt động trở lại, nhưng đường phố khá thưa vắng, các sự kiện tại các địa điểm công cộng bị hủy, các chợ ngoài trời cũng ngưng họp.
Tổng cộng có 720 cảnh sát và hiến binh tham gia truy lùng hung thủ. Thủ tướng Edouard Philippe loan báo triển khai thêm 1.800 quân nhân trong chiến dịch Sentinelle để bảo đảm an ninh, nhất là cho các khu chợ Noël.
Theo đài phát thanh Đức Inforadio-RBB, ngay trước vụ tấn công Chekatt đã nhận được một cuộc gọi từ Đức nhưng không trả lời. Cảnh sát Đức đang tích cực phối hợp với phía Pháp để truy tìm, còn Thụy Sĩ, cách Strasbourg 130 km về phía nam, cũng tăng cường các biện pháp an ninh tại biên giới.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181213-khung-bo-o-strasbourg-phap-ra-suc-truy-lung-hung-thu
Pháp : Chính phủ kêu gọi
phong trào « Áo Vàng » ngừng biểu tình
Nhận thấy tiếp tục các cuộc biểu tình là không còn « hợp lý» và nhất là trong bối cảnh căng thẳng sau vụ tấn công khủng bố tại Strasbourg, chính phủ Pháp, ngày 13/12/2018, kêu gọi những người « Áo Vàng » không nên biểu tình thêm vào thứ Bảy tới tại Paris cũng như các nơi khác trong nước.
Hiện tại chính phủ không sử dụng biện pháp cấm biểu tình. Trên kênh truyền hình CNEWS sáng nay, phát ngôn viên chính phủ Benjamin Griveaux nói rằng « sẽ không có lý gì » người « Áo Vàng » tiếp tục biểu tình và nhất là vào ngày cuối tuần thứ Bảy. Đặc biệt trong bối cảnh tại Strasbourg vừa xảy ra vụ khủng bố, lực lượng an ninh đã phải gồng mình trong 4 ngày cuối tuần vừa qua vì các các cuộc biểu tình bạo động ở các thành phố lớn, giờ cần được tập trung bảo vệ an toàn cho người dân trong dịp lễ hội cuối năm này.
Tổng thư ký công đoàn CFDT, Laurent Berger đồng tình với lời kêu gọi ngừng biểu tình của chính phủ . Một vài nhân vật bên cánh hữu đối lập cũng lên tiếng kêu gọi người « Áo Vàng » ngừng biểu tình.
Sau khi tổng thống Pháp Macron nhượng bộ, đưa ra một số biện pháp cấp bách đáp ứng yêu sách của người biểu tình, nhưng phong trào « Áo Vàng » dường như vẫn không thỏa mãn, tiếp tục huy động. Nhiều khả năng người « Áo Vàng » sẽ lại biểu tình vào thứ Bảy tới. Trong khi đó, một số nhóm « Áo Vàng » vẫn liên tục chiếm giữ các giao lộ ở nhiều nơi trên nước Pháp. Đêm qua, rạng sáng hôm nay, một người « Áo Vàng » 23 tuổi bị thiệt mạng vì tai nạn khi đứng ra chặn xe tải. Từ đầu phong trào đến giờ, như vậy, đã có 6 người chết vì các tai nạn bên lề các cuộc tập hợp.
Pháp : Strasbourg, ổ khủng bố ?
Pháp huy động hơn 700 cảnh sát trong cuộc truy lùng thủ phạm vụ khủng bố tại thành phố Strasbourg Chérif Chekatt. Thủ phủ vùng Alsace, sát với biên giới Đức, chưa thể an tâm cho tới khi nào vô hiệu hóa được nghi phạm này. Khu chợ Giáng Sinh nổi tiếng của thành phố phải đóng cửa thêm một ngày nữa.
Trước hết, về danh tính nghi phạm : cho đến giờ phút này, có những thông tin chính xác nào liên quan tới Chérif Chekatt ?
Theo các nguồn tin chính thức của cảnh sát Pháp, bốn thành viên trong gia đình Chekatt đang bị tạm giữ. Chérif Chekatt, 29 tuổi, sinh trưởng tại thành phố Strasbourg, đã 27 lần bị kết án tại Pháp, Đức, Thụy Sĩ và đã nhiều lần vào tù vì tội trộm cắp. Tại Pháp, Chekatt đã hai lần ngồi tù, mỗi lần là hai năm. Năm 2016, đương sự bị kết án 27 tháng tù tại Đức vì tội ăn trộm và sau hơn một năm thi hành bản án Chérif Chekatt bị trục xuất về Pháp.
Buổi sáng ngày 11/12/2018, vài giờ trước vụ xả súng, cảnh sát Strasbourg khám xét nhà Chérif Chekatt vì nghi ngờ có liên quan tới một vụ trộm cắp. Giới điều tra phát hiện vũ khí trong nhà của Chekatt, nhưng nghi can này bặt vô âm tín.
Từ tháng 5/2016, Chérif Chekatt bị đưa vào danh sách S của những người bị theo dõi vì lý do có thể “đe dọa an ninh quốc gia”. Trước đó, vào tháng Giêng 2016 Chérif Chekatt còn có tên trong danh sách FSPRT. Những người có tên trong danh sách này là “những đối tượng cần theo dõi vì có nguy cơ rơi vào các hoạt động khủng bố”.
Tuy nhiên theo lời nhân vật số 2 trong bộ Nội Vụ Pháp, Laurent Nunez, nghi phạm vụ khủng bố ở Strasbourg vừa qua, chưa bao giờ phải trả lời tư pháp vì lý do tham gia các tổ chức Hồi giáo cực đoan hay các nhóm có âm mưu khủng bố.
Khác biệt giữa danh sách S và FSPRT ?
Danh sách S là một công cụ của cơ quan an ninh DGSI, đặc trách về an ninh quốc nội và các hoạt động phản gián của Pháp và S chỉ là 1 trong số 21 hạng mục mà DGSI theo dõi. Danh sách này cho phép bộ Nội Vụ theo dõi những thành phần cực tả, cựu hữu và những người tham gia vào các tổ chức tội phạm. Những đối tượng bị theo dõi không biết là họ thuộc diện “đe dọa đến an ninh quốc gia”.
Trên nguyên tắc thống kê về những người trong danh sách S được giữ bí mật nhưng nhiều nguồn tin báo chí trích dẫn thông tin từ bộ Nội Vụ cho biết tới cuối 2017, trên toàn quốc có 25.000 người thuộc diện S ; gần 10.000 trong số đó bị theo dõi vì bị nghi ngờ tham gia các tổ chức Hồi giáo cực đoan.
Còn danh sách FSPRT, theo thông báo của phủ thủ tướng Pháp, hiện có 19.745 người có tên trong danh sách này, 77 % là nam giới, 22,7 % là phụ nữ và 5 % là trẻ vị thành niên.
FSPRT nhắm vào những đối tượng bị phát hiện có khuynh hướng đi theo con đường cực đoan, có thể dẫn tới các hành vi khủng bố. Danh sách này được lập ra vào tháng 3/2015 sau loạt khủng bố tại Paris hồi tháng Giêng 2015, nhắm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo và siêu thị của người Do Thái ở Porte de Vincennes.
S hay FSPRT là hai danh sách khác nhau, nhưng có những trường hợp tội phạm khủng bố trên đất Pháp có tên trong cả hai danh sách này. Đây là tường hợp của Khamzat Azimov, thủ phạm vụ tấn công bằng dao gần nhà hát Opéra Paris hồi tháng 05/2018 hay của thủ phạm vụ tấn công tại Carcassonne, miền nam nước Pháp hồi tháng 03/2018. Ngược lại thủ phạm vụ sát hại một cảnh sát ngay trên đại lộ Champs Elysées hôm 20/04/2017 có tên trong danh sách FSPRT nhưng không thuộc diện S như tiết lộ của báo Le Monde.
“Đường dây khủng bố Strasbourg” ?
Thành phố Strasbourg là thủ phủ vùng Alsace, trong khu vực hạ lưu sông Rhin. Con sông này là đường biên giới giữa Pháp và Đức. Theo thị trưởng thành phố, Roland Ries, đây là nơi “10 % những người có tên trong danh sách FSPRT” cư ngụ. Strasbourg và các vùng lân cận là nơi trú thân của khoảng 1.000 “phần tử Hồi giáo cực đoan”.
Không ít nghi can trong các đợt tấn công diễn ra trên đất Pháp đều xuất xứ từ Strasbourg. Trong số này có Azimov. Một trong số những kẻ khủng bố ra tay tại rạp hát Bataclan Paris, hồi tháng 11/2015 sinh ra và lớn lên trong vùng Alsace. Thân nhân của kẻ này bị xét xử vì lý do tham gia đường dây Strasbourg đưa người sang Syria và Irak chiến đấu trong hàng ngũ của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo – Daech.
Một năm sau đó, cũng tại Strasbourg, nhiều người đã bị câu lưu vì lý do chuẩn bị một cuộc tấn công được dự trù vào ngày 01/12/2016 tại thủ đô Paris.
Phải ngược thời gian, trở về với thời điểm những năm 1990-2001 mới hiểu được nguyên cớ nào khiến Strasbourg trở thành “ổ khủng bố, thành sào huyệt của các đường dây thánh chiến”. Vào thời điểm đó, một số thành viên của tổ chức Hồi giáo vũ trang Algeri đã được một số “anh em” trong vùng Alsace này hỗ trợ. Mọi việc đã được phơi bày ra ánh khi chính quyền phá vỡ âm mưu khủng bố nhắm vào khu chợ Giáng Sinh Strasbourg năm 2000.
Kế tới là một người gốc Tchetchenia đã mất tích gần thành phố Strasbourg trong nhiều năm. Chỉ sau loạt khủng bố tại Paris hồi 2015, mọi người mới vỡ lẽ là đương sự đã tham gia tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Thủ phạm vụ tấn công gần Carcasonne vào cuối tháng 3/2018 gốc người Maroc cũng đã lớn lên tại Strasbourg và từng giao du với một băng đảng người Tchetchenia bị cho là “còn nguy hiểm hơn“.
Việc bất đắc dĩ trở thành tụ điểm của các đường dây đưa người sang Trung Đông đặt ra nhiều vấn đề cho thành phố Strasbourg. Một trong những khó khăn đó là thành phố phải quản lý những người từng tham thánh chiến ở Syria và Irak trở về và thứ hai là phải theo dõi các đường dây ngầm của các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Tại sao Strasbourg thường xuyên là mục tiêu tấn công của các nhóm thánh chiến ?
Năm 2000, bốn phần tử cực đoan âm mưu tấn công chợ Giáng Sinh Strasbourg, cả bốn người này thuộc một nhóm Hồi giáo Algeri, thân cận với Al Qaeda. Âm mưu bị phá vỡ nhờ cảnh sát Anh, Pháp và Đức phối hợp chặt chẽ, bốn nghi can bị bắt tại Frankfurt.
Lần này, thủ phủ vùng Alsace kém may mắn. Theo tin cho tới sáng nay, vụ tấn công hôm 11/12/2018 làm 12 người bị thương ; hai người thiệt mạng, người thứ ba trong tình trạng chết lâm sàng.
Chưa biết rõ động cơ nào khiến thủ phạm ra tay, nhưng nhắm vào Strasbourg, là nhắm vào một biểu tượng của Pháp và châu Âu. Đây là nơi đặt trụ sở Nghị Viện Châu Âu, là biểu tượng của sự hòa giải Pháp -Đức sau hai cuộc Đại Chiến trong thế kỷ XX.
Strasbourg là một thành phố cổ kính với Nhà Thờ Đức Bà đã được xây dựng từ năm 1570, một thành phố đa văn hóa, một địa điểm du lịch được ưa chuộng suốt cả bốn mùa. Vào dịp Giáng Sinh, Strasbourg nói riêng, cả vùng Alsace nói chung, là nơi có những khu chợ Noel rất độc đáo, thu hút 2 triệu lượt khách tham quan một năm.
Từ năm 2000, trước đe dọa khủng bố, thành phố đã tăng cường đáng kể các biện pháp an ninh. Ngân sách bảo đảm an ninh cho khoảng 300 gian hàng bằng gỗ được dựng lên trong khu phố cổ của Strasbourg năm ngoái lên tới 1 triệu euro !
http://vi.rfi.fr/phap/20181213-phap-strasbourg-o-khung-bo
Nga vượt Anh để thành
nước bán vũ khí thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ
Nga đã vượt Anh Quốc để thành nhà xuất khẩu vũ khí thứ nhì thế giới năm 2017 chỉ sau Hoa Kỳ, theo đánh giá của Viện Sipri mới công bố.
Việt Nam được Viện Sipri (Stockholm International Peace Research Institute) xếp vào hàng thứ 5 trong 10 quốc gia mua nhiều vũ khí nhất từ Nga năm 2017.
Danh sách 100 công ty chế tạo và xuất khẩu vũ khí và dịch vụ quốc phòng trên thế giới năm 2017 mà Sipri công bố hôm 10/12 nêu ra nhiều con số đáng chú ý.
Theo đó:
Tiền bán vũ khí của các công ty Nga là 37,7 tỷ USD, chiếm 9,5% tổng số 100 công ty nói trên;
Hoa Kỳ đứng đầu với 42 công ty, và doanh thu 226,6 tỷ USD, chiếm 57%
Anh Quốc tụt xuống thứ ba, sau Mỹ và Nga nhưng vẫn là nước bán vũ khí hàng đầu ở Tây Âu;
Doanh thu của vũ khí Anh năm 2017 là 35,7 tỷ USD.
Trong các đại công ty vũ khí, tập đoàn Lockheed Martin của Hoa Kỳ vẫn đứng đầu thế giới, với doanh thu 44,9 tỷ USD năm qua.
Công ty Nga, Almaz-Antey, vào top 10 các nhà sản xuất vũ khí với doanh thu tăng 17% năm 2017, lên 8,6 tỷ USD.
Ukraine có bị Putin tấn công sau vụ đoạt tàu?
Sức mạnh quân sự Trung Quốc ‘vươn ra toàn cầu’
Nato tăng quân sang Đông Âu và Baltic
Vụ Repsol: Việt Nam đừng mong Mỹ quan tâm?
Công ty BAE Systems của Anh hiện đứng thứ tư trong danh sách 100 của Sipri.
Sau các nước trên, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có vị trí cao.
Trong 10 quốc gia bán vũ khí nhiều nhất thế giới, ngoài Mỹ, Nga, Anh còn có Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Israel và Trung Quốc.
Việt Nam mua nhiều vũ khí của Nga
Sipri cũng chú ý đến các nước khách hàng trên thị trường vũ khí.
Cũng theo Viện Sipri, trong năm 2017, Việt Nam bỏ ra 461 triệu USD mua vũ khí của Nga.
Việt Nam đã mua hoặc được trợ giúp vũ khí từ thời Liên Xô và hiện nay vẫn dùng nhiều các loại vũ khí phù hợp với chuẩn kỹ thuật của Nga.
Theo TASS hồi tháng 9/2018 chính phủ Việt Nam nhân chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng sang Nga, đã đặt hàng 1 tỷ USD tiền vũ khí của nước chủ nhà.
TASS trích dẫn ông Dmitry Shugayev, giám đốc cơ quan điều phối kỹ thuật quân sự thuộc chính phủ Nga nói về đơn đặt hàng này.
Nhưng đó là các khoản sẽ được bàn sau về sau, còn tính từ 2009, theo Sipri, Việt Nam đã mua sáu tàu ngầm Kilo trị giá tới 2,1 tỷ USD từ Nga.
Các tàu này đều đã được bàn giao trong giai đoạn 2013-2017.
Trong năm 2017, Việt Nam đặt mua 64 xe tăng T-90S và đang chờ giao hàng.
Các hợp đồng này đưa Việt Nam thứ 5 trong top 10 nước mua nhiều vũ khí nhất từ Nga.
Các nước này, tính từ 1 -10 gồm Ấn Độ, Ai Cập, Trung Quốc, Algeria, Việt Nam, Angola, Kazakhstan, Belarus, Azerbaijan và Bangladesh.
Trong một diễn biến khác trên thị trường vũ khí 2017, hồi tháng 9, Hoa Kỳ tuyên bố trừng phạt Trung Quốc vì mua 10 chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 từ Nga và hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400.
Lệnh trừng phạt Nga được áp đặt sau sự can thiệp của Nga ở Ukraine.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46540672
Nga lắp đặt radar trên đảo tranh chấp với Nhật?
Truyền thông Nga đưa tin quân đội nước này đã thiết lập các trạm radar trên nhiều đảo trong đó có nhóm đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương bắc mà Nhật cũng tuyên bố có chủ quyền.
Hãng tin Interfax hôm 6.11 đưa tin về động thái mới của Nga dựa trên nhiều nguồn tin nhưng không cung cấp chi tiết về các đảo liên quan. Theo hãng tin này, các trạm radar mới sẽ hỗ trợ tăng cường khả năng giám sát các hoạt động quân sự của những quốc gia khác.
Hôm 5.11, Hải quân Mỹ cho tàu USS McCampbell đi vào “vùng lân cận của vịnh Peter Đại đế nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền quá đáng của Nga và duy trì các quyền, sự tự do và sử dụng hợp pháp mà Mỹ và các nước khác được hưởng”, theo CNN.
Vịnh Peter Đại đế nằm trên vùng biển giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên, là nơi có tổng hành dinh Hạm đội Thái Bình Dương thuộc hải quân Nga và thành phố cảng Vladivostok của nước này.
Hồi năm 2016, Nga đã triển khai hệ thống tên lửa chống hạm tới 2 đảo thuộc Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương bắc.
Moscow và Tokyo chưa có phản ứng về thông tin trên.
http://biendong.net/bien-dong/25249-nga-lap-dat-radar-tren-dao-tranh-chap-voi-nhat.html
Nga- Trung sẽ lập lại trật tự thế giới mới?
Báo Mỹ lo Nga- Trung Quốc liên thủ Đông Đại Tây Dương đối đầu Mỹ, NATO.
Tờ The Hill mới đây có bài bình luận của cây viết Jeff Hawn cho rằng, Nga và Trung Quốc có thể không là đồng minh nhưng họ sẵn sàng lập Liên minh Đông Đại Tây Dương để đối phó với Mỹ và liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo đó, tờ báo Mỹ cho rằng, Nga và Trung Quốc có nhiều điều kiện để hợp tác chặt chẽ với nhau. Trước mắt là đối nghịch với các chính sách của Mỹ.
Ông Hawn bình luận, Nga và Trung Quốc đều là “những đế chế cũ coi mình là nạn nhân từ các trò chơi của các nước phương Tây”.
Hai quốc gia có diện tích rộng lớn đứng top đầu thế giới này có khả năng hợp tác cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực nhằm chấm dứt sự thống trị của Mỹ.
Tác giả bình luận, Nga và Trung Quốc có nhiều rào cảnh: sự cạnh tranh ảnh hưởng ở Trung Á, các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong lịch sử, khác biệt về ngôn ngữ, hệ tư tưởng…. họ khó có thể trở thành đồng minh như Mỹ và các thành viên trong khối NATO.
Những mâu thuẫn trong lịch sử, tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Trung Quốc theo ông Jeff Hawn là hoàn toàn có thể bị gạt sang một bên khi xung đột với phương Tây bắt đầu đẩy lên cao trào.
Nga và Trung Quốc hiện đang đối mặt với mối lo ngại về an ninh lãnh thổ, đặc biệt là Mỹ.
“Tại châu Âu, xe tăng Mỹ đồn trú tại các nước vùng Baltic cách khoảng 385 dặm tới Moscow. Ở Thái Bình Dương, Hạm đội 7 của Mỹ đóng tại Nhật Bản cùng hàng ngàn lính Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc.
Cả Nga và Trung Quốc đều coi Mỹ và đồng minh Mỹ đang tìm cách hạn chế những nỗ lực đảm bảo khu vực an ninh chiến lược”.
Nhà phân tích chỉ ra rằng, không chỉ có hợp tác trong việc chống lại tầm ảnh hưởng của Mỹ, Nga và Trung Quốc còn đang nỗ lực hợp tác phát triển kinh tế mà khu vực cho thấy biểu hiện rõ nhất là Trung Á.
Các quốc gia Trung Á là sân sau truyền thống của Nga và là nơi Trung Quốc đẩy mạnh sáng kiến “Vành đai- Con đường”. Cả hai sẽ đều hưởng lợi từ sự phát triển của khu vực, trong hợp tác an ninh và chống khủng bố, ngăn chặn các mối đe dọa thánh chiến.
Trung Á là nơi Trung Quốc và Nga thấy được những lợi ích rõ nhất khi hợp tác. Quân đội của hai nước cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung, nổi bật nhất là cuộc tập trận Vostok 2018 với 3.500 lính Trung Quốc tham gia.
Trong bối cảnh châu Âu bắt đầu dè chừng về gián điệp Trung Quốc, Mỹ tăng cường áp thuế thương mại lên Bắc Kinh và Nga thì chịu nhiều sức ép về trừng phạt trong những năm gần đây thì sự hợp tác chặt chẽ hơn là điều cần thiết.
“Giữa năm 1972 và 1990, chiến lược lớn của Mỹ là kêu gọi đối trọng hai cường quốc này. Vào thời điểm đó cả hai quốc gia đã thúc đẩy sự hợp tác với Mỹ hơn là bắt tay nhau. Trong hai thập kỷ qua, điều này đã thay đổi.
Câu hỏi bây giờ đặt ra không còn là liệu Nga và Trung Quốc đã thành lập liên minh chưa mà phải là họ đã phát triển đến mức độ nào?” – tờ Hill viết.
Bài báo Mỹ đã lột tả được mối lo ngại về một trật tự thế giới mới mà ở đó Mỹ đang là bên bị động trước cái bắt tay của hai siêu cường.
Chiến lược “nước Mỹ trước tiên” của ông Donald Trump đang khiến cả Nga và Trung Quốc khó tiếp cận với Washington hơn là bắt tay hợp tác như những gì mà tác giả tờ báo Mỹ viết.
Vị Tổng thống doanh nhân luôn tìm kiếm các ý đồ chính trị dựa vào những điều khoản có lợi hơn cho mình. Điều này đã khiến Nga và Trung Quốc khó có thể mãi chịu lép vế trong các thỏa thuận và chiều lòng nước Mỹ.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25245-nga-trung-se-lap-lai-trat-tu-the-gioi-moi.html
Hungary : Quốc Hội thông qua
các đạo luật gây tranh cãi
Tối qua, 12/12/2018, khoảng một ngàn người đã biểu tình ở thủ đô Budapest, phản đối chính phủ thủ tướng Hungary Viktor Orban.
Đây là một cuộc biểu tình tự phát, vì trong ngày, Quốc Hội Hungary, do cánh hữu dân tộc chủ nghĩa chiếm đa số, đã thông qua các đạo luật gây tranh cãi mạnh mẽ trong công luận, đặc biệt là việc sửa đổi luật lao động, theo đó, giới chủ có thể yêu cầu người lao động làm thêm đến 400 giờ mỗi năm và ba năm sau mới thanh toán.
Một số bộ trưởng tiết lộ là việc sửa đổi luật lao động là do yêu cầu của các tập đoàn sản xuất xe hơi Đức có nhiều nhà máy tại Hungary.
Từ Budapest, thông tín viên Florence La Bruyère tường trình cuộc bỏ phiếu tại Quốc Hội Hungary.
« Người ta chưa bao giờ thấy tình trạng hỗn loạn như vậy tại Quốc Hội Hungary. Các dân biểu thuộc phe đối lập đã tìm cách ngăn chặn việc bỏ phiếu bằng cách huýt sáo phản đối trong nhiều phút, trong lúc thủ tướng Victor Orban thì có vẻ mặt chế giễu nhưng ông cũng cho gọi các cận vệ vào bên trong Quốc Hội. Phe đối lập đã không thể ngăn cản việc thông qua các đạo luật vì phe cánh hữu của thủ tướng chiếm đa số.
Theo dân biểu đối lập, bà Timea Szabo, thuộc đảng nhỏ Perbeszéd (Đối Thoại), cánh trung, thì có gian lận trong việc bỏ phiếu, bởi vì nhiều nghị sĩ không sử dụng thẻ bỏ phiếu điện tử, theo như quy định.
Bà nói : Cuộc bỏ phiếu hoàn toàn bất hợp pháp ! Người ta không được quyền bỏ phiếu mà không dùng thẻ điện tử, bởi vì một dân biểu của đảng Fidesz rất có thể ấn nút bỏ phiếu thay cho một nghị sĩ khác vắng mặt.
Đạo luật đầu tiên quy định việc thành lập một tòa án tối cao mới bao gồm các thẩm phán do chính phủ bổ nhiệm và kiểm soát. Đây là một đòn giáng mạnh vào sự độc lập của tư pháp. Đạo luật thứ hai cho phép số giờ làm thêm, trong khu vực tư nhân, có thể lên tới 400 giờ mỗi năm. Chủ doanh nghiệp có thể thanh toán số giờ làm thêm này 3 năm sau đó. Đối với giới công đoàn, không thể chấp nhận được quy định này. Hơn 80% người dân Hungary dường như chống lại đạo luật này, được gọi là đạo luật về nô lệ. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181213-hungary-quoc-hoi-thong-qua-cac-dao-luat-gay-tranh-cai-manh-me
Iran cần 500 máy bay dân dụng,
cân nhắc mua phản lực cơ Sukhoi 100
Iran đang cần nâng cấp đội tàu chở khách già cỗi của mình, và cùng lúc tìm cách né tránh lệnh cấm vận do Hoa Kỳ áp dụng đối với Teheran.
Các hãng thông tấn Iran trích dẫn giới chức hàng không cao cấp nhất Iran nói rằng Teheran có thể ủng hộ việc mua siêu phản lực cơ Sukhoi 100, nếu Nga chịu bán các máy bay này cho các hãng hàng không Iran.
Bộ Tài chính Mỹ đã thu hồi giấy phép cho tập đoàn Boeing (BA.N) và Airbus (AIR.PA) bán máy bay chở khách cho Iran sau khi Tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hồi tháng 5 năm nay, và ra lệnh áp dụng lệnh cấm vận đối với Iran.
Hầu hết các máy bay thương mại hiện đại đều có hơn 10% bộ phận do Hoa Kỳ sản xuất, ngưỡng cần được sự phê duyệt của Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
Nhưng các bản tin dẫn lời các quan chức Nga nói rằng Sukhoi đang cố gắng cắt giảm số các bộ phận Mỹ trong máy bay của họ, với hy vọng giành được đơn đặt hàng tới 100 máy bay từ Iran.
Fars, hãng tin bán chính thức của Iran, dẫn lời ông Ali Abedzadeh, người đứng đầu Tổ chức Hàng không Dân dụng Iran, nói:
“Nếu các hãng hàng không Iran muốn sử dụng máy bay Superjet 100 và người bán sẵn sàng bán, thì Tổ chức Hàng không Dân dụng sẵn sàng đưa ra ý kiến chung cuộc về loại máy bay này.”
Ông Abedzadeh nói với Fars rằng loại máy bay này tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và đang bay, do đó không có lý do gì để loại bỏ máy bay này.
Trước khi giấy phép bị thu hồi, hãng hàng không quốc gia IranAir đã đặt mua 200 máy bay chở khách – 100 chiếc Airbus, 80 chiếc Boeing, và 20 chiếc từ nhà sản xuất tuabin Pháp-Ý ATR.
Tasnim, hãng tin bán chính thức của Iran dẫn lời ông Abedzadeh cho hay các hãng hàng không đã có đề xuất mua máy bay, và chính phủ đang cố gắng đề ra những quy định hầu tạo điều kiện cho việc nhập khẩu máy bay. Ông nói:
“Xét thị trường rất lớn của Iran, chúng tôi cần 500 chiếc ngay bây giờ.”
https://www.voatiengviet.com/a/4697863.html
Bắc Kinh hạ nhiệt
trong việc thúc đẩy ‘Made in China 2025’
Bắc Kinh dường như giảm nhẹ cường độ thúc đẩy chính sách công nghiệp ‘Made in China 2025’ vốn từ lâu đã là cái gai đối với Washington trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nỗ lực làm giảm căng thẳng thương mại.
Trong một bản hướng dẫn mới cho chính quyền cơ sở, Bắc Kinh đã bỏ cụm từ ‘Made in China 2025’ – một sáng kiến nhằm đưa Trung Quốc bắt kịp với các đối thủ trên toàn cầu trong các lĩnh vực kinh tế then chốt và đã được thúc đẩy mạnh mẽ kể từ khi được đưa ra hồi năm 2015.
Chiến lược này là cốt lõi trong mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành một siêu cường toàn cầu vào năm 2050 và sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn trong những lĩnh vực như tự động hóa, máy bay và xe hơi năng lượng sạch.
Tuy nhiên, những nỗ lực công khai của Bắc Kinh sử dụng nguồn lực và sự hỗ trợ của nhà nước để thu hẹp khoảng cách công nghệ với các nước đã phát triển khiến phương Tây cảnh giác và phản ứng mạnh mẽ của chính quyền Mỹ.
Trong bản hướng dẫn chính quyền cơ sở vào năm 2016, Quốc vụ viện nói rằng các chính quyền địa phương nào thúc đẩy thực hiện chính sách ‘Made in China 2025’ trong khi vẫn khuyến khích tăng trưởng công nghiệp và nâng cấp khả năng sản xuất nên được ưu tiên hỗ trợ.
Trong bản hướng dẫn mới nhất do truyền thông Nhà nước Trung Quốc tường thuật hôm 12/12, cụm từ ‘Made in China 2025’ đã bị bỏ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tháng 12 đã đồng ý đình lại cuộc chiến thuế quan giữa hai nước trong vòng 90 ngày để tìm giải pháp cho tranh chấp thương mại giữa hai nước. Theo đó, Mỹ sẽ không tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong bản hướng dẫn mới nhất cho chính quyền cơ sở, Quốc vụ viện cũng kêu gọi có thêm nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
Tờ Wall Street Journal hôm 12/12 đưa tin rằng Bắc Kinh có kế hoạch thay thế ‘Made in China 2025’ bằng một chính sách mới để làm giảm tham vọng của Bắc Kinh chiếm thế thượng phong trong ngành sản xuất và sẽ cởi mở hơn với sự tham gia của các công ty nước ngoài vào thị trường trong nước.
Cũng theo tờ báo này thì kế hoạch sẽ được thực thi vào đầu năm tới.
Cũng trong bản hướng dẫn này, Bắc Kinh cũng thay đổi các thứ tự ưu tiên để tập trung nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và xử lý ô nhiễm nguồn nước.
Các dự án cơ sở hạ tầng mới sẽ tập trung vào xây dựng đường sắt và đường bộ mới.
Quốc vụ viện sẽ dành sự hỗ trợ nhiều hơn cho các thành phố, nhất là các thành phố dựa vào các ngành công nghiệp cơ bản, để cải thiện môi trường.
Vụ Hoa Vi : Trung Quốc trả đũa,
bắt điều tra 2 công dân Canada
Ngày 13/12/2018, Bắc Kinh khẳng định hai người Canada bị tình nghi « hoạt động đe dọa an ninh quốc gia » Trung Quốc và đã có các « biện pháp cưỡng chế» với họ.
Tương tự như trường hợp ông Michael Kovrig, đại diện tổ chức phi chính phủ, bị câu lưu hôm 10/12/2018, giờ đến lượt Michael Spavor, một doanh nhân Canada đang làm ăn tại Trung Quốc bị tạm giữ để thẩm vấn.
Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết :
Theo báo chí chính thức Trung Quốc, Michael Spavor bị bắt hôm Thứ Hai vừa qua trong tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc. Ông bị điều tra vì có hành vi xâm hại an ninh quốc gia. Trên một tấm hình selfi mới đăng trên tài khoản Twitter của ông, người ta thấy nhân viên tư vấn, chuyên gia về Bắc Triều Tiên này xuất hiện trước một chiếc máy bay của hãng hàng không Air Koryo trên sân bay Bình Nhưỡng. Đó là nơi ông thường xuyên đi lại, đưa các đoàn quan tâm đến thị trường Bắc Triều Tiên.
Cư ngụ tại Đan Đông, ông là một số hiếm người phương Tây được gặp Kim Jong Un. Spavor được mô tả như là một người móc nối các trao đổi với Bình Nhưỡng. Năm 2005, ông có 6 tháng làm giảng viên Anh ngữ tại Bắc Triều Tiên. Michael Spavor giờ đây lãnh đạo Paektu Exchange, một tổ chức xúc tiến các chương trình trao đổi văn hóa thể thao với Bắc Triều Tiên. Có thể chính ông là người đã đưa vận động viên bóng rổ Mỹ Dennis Rodman đến gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Như vậy đây là vụ bắt giữ thứ hai công dân Canada tại Trung Quốc trong vòng chưa đầy một tuần, sau ông Michael Kovrig đại diện tổ chức International Crisis Group (ICG). Cho đến hôm qua trước các nhà báo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc vẫn khẳng định không có thông tin gì về vụ việc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181213-vu-hoa-vi-trung-quoc-tra-dua-bat-dieu-tra-2-cong-dan-canada
Binh lính hai miền Triều Tiên
qua lại Khu Phi Quân sự
Lính Nam – Bắc Hàn đã có một số cuộc qua lại hữu nghị ở khu vực đường biên, sang phần lãnh thổ của nhau lần đầu tiên kể từ khi hai nước phân chia.
Những người lính bỏ vũ khí tại các chốt kiểm tra ở Khu Phi quân sự (DMZ) dọc theo biên giới.
Đây là một phần trong hoạt động lập lại quan hệ hữu hảo giữa hai bên thời gian gần đây.
Diễn văn đầu tiên của ông Moon ở Bắc Hàn
Kim ngỏ ý muốn gặp Trump lần thứ hai
Hãy tưởng tượng một gia đình Bắc Hàn…
Các hình ảnh ghi lại cho thấy các quân nhân bắt tay nhau trước khi vượt qua đường biên.
Chiến tranh Triều Tiên hồi thập niên 1950 đã khiến bán đảo phân chia thành hai miền, và một hiệp định hòa bình chính thức cho đến này vẫn chưa hề được ký kết.
Là một phần của các cuộc thảo luận giữa hai bên, Tổng thống Moon Jae-in của Nam Hàn và nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Bắc Hàn đã đồng ý dỡ bỏ một số chốt canh phòng ở khu vực được biên được canh gác cẩn mật.
Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp mặt lịch sử hồi tháng Tư, sự kiện dẫn tới cuộc họp thượng đỉnh giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ.
Kể từ tháng 11, cả hai miền Triều Tiên đã cho nổ tung hoặc dỡ bỏ 10 chốt canh biên giới.
Hôm thứ Tư, các thanh sát viên Nam Hàn đã tới thăm từng chốt canh bên phía Bắc Hàn, và các thanh sát viên Bắc Hàn sau đó cũng tới thăm các chốt của Nam Hàn.
“Điều này đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi hai miền chia cắt, binh lính Bắc Hàn và Nam Hàn… vượt qua biên giới một cách thân thiện,” Bộ Quốc phòng Nam Hàn nói trong một tuyên bố.
Cả hai bên vẫn đang có nhiều chốt canh tại khu vực DMZ, cả trên mặt đất lẫn các chốt ngầm bên dưới.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46558082
Bắc Triều Tiên : Cơ sở hạt nhân Punggye Ri
vẫn chưa bị phá hủy hoàn toàn
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap, ngày 12/12/2018, trích dẫn nhận định của các chuyên gia thuộc nhóm 38 North, chuyên theo dõi các hoạt động hạt nhân của Bắc Triều Tiên, cho rằng tại căn cứ thử tên lửa Punggye Ri, một phần đường xá và các công trình hạ tầng cơ sở vẫn còn nguyên vẹn. Do vậy, Bắc Triều Tiên vẫn có thể cho tái khởi động cơ sở này.
Tháng 5/2018 Bình Nhưỡng đã cho đóng cửa cơ sở này trước sự chứng kiến của một nhóm các nhà báo quốc tế. Bắc Triều Tiên coi đó là một cử chỉ thể hiện thiện chí trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong Un, ngày 12/06/2018 tại Singapore.
Về quan hệ Liên Triều, hôm 12/12/2018, truyền thông Bắc Triều Tiên lại tiếp tục chỉ trích Hàn Quốc mua nhiều vũ khí nước ngoài. Theo Bình Nhưỡng, quyết định này của Seoul đi ngược lại tinh thần thỏa thuận quân sự Liên Triều giảm bớt căng thẳng trong quan hệ song phương.
Hàn Quốc vừa qua thông báo ý định mua hệ thống radar Green Pine Block C của Israel, máy bay tuần duyên trinh thám P-8 Poseidon và nhiều thiết bị quân sự khác của nước ngoài.
Theo Rodong Sinmun, nhật báo chính thức của Bắc Triều Tiên, việc Hàn Quốc tích trữ một khối lượng lớn vũ khí thể hiện ý đồ chống lại Bắc Triều Tiên, dưới vỏ bọc đối thoại.
Hồi tháng 9/2018 Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc ký thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự tại khu vực biên giới chung giữa hai nước.
Samsung đóng cửa
một nhà máy sản xuất điện thoại ở Trung Quốc
Hãng điện tử Samsung cho biết sẽ ngưng hoạt động một trong những nhà máy sản xuất điện thoại di động ở Trung Quốc trong bối cảnh doanh thu bán hàng trên thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới xuống thấp giữa lúc sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất điện thoại giá rẻ nội địa ngày càng tăng cao.
Thị phần của hãng điện tử Hàn Quốc ở Trung Quốc đã giảm 1% trong quý I năm nay khi các nhãn hàng Trung Quốc như Huawei vươn lên giành khoảng 15% thị phần của Samsung vào giữa năm 2013, theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint.
“Một phần trong những nỗ lực đang được thực hiện để tăng cường hiệu quả tại các cơ sở sản xuất, hãng điện tử Samsung đã phải đi đến một quyết định khó khăn để ngừng các hoạt động sản xuất của Samsung Electronics Telecommunications Thiên Tân,” Samsung nói trong một thông cáo khi đề cập đến nhà máy ở thành phố Thiên Tân ở phía bắc Trung Quốc.
Nhà máy, với 2.600 công nhân, dự kiến sẽ đóng cửa vào cuối năm nay.
Samsung, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, nói rằng họ sẽ có chính sách đền bù mất việc cho công nhân và cũng sẽ tạo cơ hội cho công nhân chuyển sang làm việc ở những cơ sở khác của Samsung.
Công ty này hiện đang nhắm vào các nước có chi phí sản xuất thấp như Việt Nam và Ấn Độ. Một nhà máy khác của Samsung ở Trung Quốc đặt tại thành phố Huệ Châu của tỉnh Quảng Đông, phía nam của nước này, sẽ vẫn tiếp tục hoạt động.
“Samsung không nhất thiết phải ở lại Trung Quốc bởi vì giá lao động ngày càng tăng cao và thị phần của họ ở Trung Quốc gần như không còn. Họ có thể kinh doanh tốt hơn ở Ấn Độ và Việt Nam,” Greg Roh, một nhà phân tích cấp cao của công ty chứng khoán Hyundai Motor Securities.
Nhà máy ở Thiên Tân của Samsung mỗi năm sản xuất 36 triệu điện thoại thông minh và nhà máy của họ ở Huệ Châu sản xuất 72 triệu điện thoại, trong khi hai nhà máy của Samsung ở Việt Nam sản xuất tổng cộng 240 triệu điện thoại mỗi năm, theo tờ báo Hàn Quốc Electronic Times.
Samsung từ chối tiết lộ chi tiết về công suất của mỗi nhà máy.
Samsung cho biết “Trung Quốc tiếp tục là thị trường quan trọng của” họ và hãng điện tử Hàn Quốc này “vẫn tham gia mạnh mẽ vào các chính sách kinh tế của Trung Quốc bằng cách thúc đẩy tăng trưởng trong ngành công nghiệp linh kiện.”
Miến Điện : Biểu tình tại Rangoon
đòi trả tự do cho hai nhà báo Reuters
Tại Miến Điện, một năm sau vụ bắt giữ hai nhà báo của hãng tin Reuters, hôm 12/12/2018, nhiều nhà hoạt động đã tụ họp biểu tình tại Rangoon đòi trả tự do vô điều kiện cho các nhà báo đồng thời lên án các quyền tự do ngôn luận và báo chí tại nước này bị tụt hậu từ khi đảng của bà Aung San Suu Kyi lên cầm quyền.
Thông tín viên RFI Héloïse de Montety tại Rangoon :
Đám đông dành một phút im lặng, rồi thả các quả bóng đen lên bầu trời. Nhân kỷ niệm một năm hai nhà báo của Reuters Kyaw Soe Ô và Wa Lone bị bắt và kết án 7 năm tù vì tiết lộ các vụ thảm sát người Rohingya, vài chục nhà bảo vệ quyền tự do báo chí và ngôn luận đã tụ họp trên quảng trường trong tâm thành phố Rangoon.
Bà Khin cho biết : « Tôi đến đây để nói rằng nghề làm báo không có tội. Chúng tôi yêu cầu chính quyền trả tự do ngay lập tức cho các nhà báo vì nhiều chứng cứ cho thấy họ không làm gì xấu cả ».
Theo tổ chức bảo vệ tự do ngôn luận Athan, 44 nhà báo và 142 nhà hoạt động đã bị bắt tại Miến Điện từ khi đảng của bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền. Theo Moe Tway, thuộc hiệp hội Generation Wave, tình hình như vậy thật đáng ngại, ông nói: Dưới chính quyền trước, chúng tôi nghĩ đảng của bà Aung San Suu Kyi là phù hợp nhất để bảo vệ nhân quyền và tự do báo chí. Nhưng mọi chuyện không diễn ra như thế. Giờ đây, bà xúc phạm truyền thông và xã hội dân sự. Đó không phải là tín hiệu tốt.
Phiên xử phúc thẩm hai nhà báo sẽ mở từ ngày 24/12 tới. Trong khi chờ đợi, tạp chí Time đã chỉ định hai nhà báo Reuters nói trên trong danh sách các nhân vật của năm 2018.