Tin khắp nơi – 13/11/2019
Phái đoàn Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đến thăm Nam Hàn
về vụ tăng chi phí đóng quân
Tin từ SEOUL, Nam Hàn – Yêu cầu 5 tỷ mỹ kim để đáp ứng chi phí lưu trú của quân đội Hoa Kỳ, cùng căng thẳng giữa Seoul và Tokyo đe dọa hủy hoại sự hợp tác trong khu vực sẽ được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự, khi các viên chức quốc phòng cao cấp của Hoa Kỳ đến thăm Nam Hàn trong tuần này.
Theo Reuters, việc tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump yêu cầu Seoul gia tăng chi phí cho sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ như một sự răn đe đối với Bắc Hàn làm lung lay niềm tin của Nam Hàn đối với liên minh an ninh với Washington. Tổng thống Donald Trump đưa ra ý tưởng rút quân đội Hoa Kỳ khỏi bán đảo Triều Tiên, nơi vẫn còn trong tình trạng chiến tranh sau thỏa thuận ngừng bắn trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-53.
Hồi tuần trước, một nhà lập pháp Nam Hàn cho biết rằng các viên chức Hoa Kỳ yêu cầu tối đa 5 tỷ mỹ kim mỗi năm, nhiều hơn năm lần so với những gì Seoul đồng ý chi trả trong năm nay theo thỏa thuận từng năm, cho việc đóng quân của 28,500 binh sĩ Hoa Kỳ. Các viên chức Hoa Kỳ vẫn chưa công khai xác nhận con số, nhưng trước đây tổng thống Trump tuyên bố rằng sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở trong và xung quanh Nam Hàn là “sự bảo vệ trị giá 5 tỷ mỹ kim”.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, cho biết công chúng Hoa Kỳ cần một lời giải thích vì sao Nam Hàn và Nhật Bản “rất giàu có và thịnh vượng” lại không thể tự vệ, và tại sao binh sĩ Hoa Kỳ được bố trí ở đó. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/phai-doan-bo-quoc-phong-hoa-ky-den-tham-nam-han-ve-vu-tang-chi-phi-dong-quan/
Mỹ muốn kèm điều kiện về tự do tôn giáo
khi viện trợ nước ngoài
Các trợ lý của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang soạn thảo kế hoạch nhằm ràng buộc viện trợ của Hoa Kỳ cho các nước với cách họ đối xử với các nhóm tôn giáo thiểu số, tờ Politico dẫn lời hai quan chức Nhà Trắng cho biết hôm 12/11.
Kế hoạch này dự kiến sẽ bao gồm viện trợ nhân đạo của Mỹ và cũng có thể sẽ được mở rộng để gồm cả viện trợ quân sự. Nếu đề xuất này trở thành hiện thực, nó có thể có tác động lớn đến viện trợ của Mỹ cho nhiều quốc gia, từ Iraq đến Việt Nam.
Việc chính quyền Mỹ chỉ xem xét kế hoạch này thôi cũng cho thấy Nhà Trắng ưu tiên tự do tôn giáo đến mức nào, một trọng tâm mà những người chỉ trích cho rằng thật sự là nhằm huy động nhóm Cơ Đốc Phúc âm vốn là lực lượng ủng hộ chủ chốt của ông Trump, tờ Politico nhận định.
Nhưng các chuyên gia về viện trợ của Mỹ cảnh báo rằng chọn quốc gia để trừng phạt có thể là một công việc rất khó khăn, không chỉ vì một số nước vốn là đối tác hoặc đồng minh của Mỹ có thành tích tự do tôn giáo tồi tệ.
‘Vẫn đang được soạn thảo’
Hai quan chức Nhà Trắng đã xác nhận với Politico những điểm cơ bản của bản kế hoạch này. Họ nhấn mạnh rằng ý tưởng vẫn đang trong giai đoạn đầu và sắc lệnh hành pháp vẫn đang được soạn thảo. Điều này có nghĩa là câu hỏi về liệu nó có bao gồm viện trợ quân sự hay không vẫn chưa được trả lời. Một quan chức cho rằng áp đặt chế tài cũng đang được cân nhắc như một phương pháp trừng phạt. Vị quan chức còn lại cho biết ý tưởng này một phần dựa trên các điều luật hiện có của Hoa Kỳ nhằm hạn chế viện trợ cho các quốc gia có thành tích tồi tệ trong phúc trình hàng năm của Mỹ về nạn buôn người.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9, Tổng thống Trump đã tỏ dấu hiệu rằng chính quyền của ông sẽ tiếp tục ưu tiên vấn đề tự do tôn giáo.
“Thật khó tin, nhưng 80% dân số thế giới sống ở các quốc gia nơi tự do tôn giáo đang gặp nguy hiểm trầm trọng hoặc thậm chí hoàn toàn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật,” ông Trump nói. “Người Mỹ sẽ không bao giờ mệt mỏi trong nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy tự do tôn giáo.”
Trong số các nước bị USCIRF, tức Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, đánh giá là đàn áp tôn giáo nặng nề nhất, có từ đồng minh như Ả rập Xê-út cho đến kẻ thù của Mỹ như Iran.
Các đại diện của Hội đồng An ninh Quốc gia, Hội đồng Chính sách Nội địa, Bộ Ngoại giao và văn phòng Phó Tổng thống Mike Pence đã tổ chức các cuộc họp lặng lẽ để thảo luận về sắc lệnh hành pháp này nhưng ông Trump vẫn chưa nhìn thấy nó, Politico dẫn lời các quan chức Nhà Trắng cho biết.
Vai trò của ông Pence có thể là một điểm gây tranh cãi. Ông là tín đồ Kitô giáo cực kỳ bảo thủ và là đầu mối liên lạc chính với thành phần ủng hộ Trump thuộc phái Phúc âm. Và trong khi thông điệp của ông Pence nhìn chung được truyền đạt là sự cần thiết về tự do tôn giáo cho tất cả mọi người – chẳng hạn như ông đã chỉ trích sự ngược đãi của Trung Quốc đối với người Uighur theo Hồi giáo – những người chỉ trích nói rằng ông Pence tập trung nhiều nhất đến các tín đồ Kitô. Ông Pence cũng đang phải đối mặt sự săm soi về vai trò của ông trong việc chuyển viện trợ cho các nhóm Cơ đốc giáo ở nước ngoài.
Khi được yêu cầu bình luận về thông tin này, thư ký báo chí của ông Pence, Katie Waldman, nói: “Phó Tổng thống luôn tự hào ủng hộ tự do tôn giáo cả trong nước và ngoài nước.”
Một nhà lãnh đạo phái Phúc âm gần gũi với Trump nói với điều kiện giấu tên đã ca ngợi ý tưởng này là điều cần thiết trong thời gian dài.
Sẽ không hiệu quả?
Jeremy Konyndyk, một cựu quan chức viện trợ cao cấp trong chính quyền Obama, được Politico dẫn lời cho rằng tùy thuộc vào mức độ khắt khe mà chính quyền Trump diễn giải khái niệm ‘tự do tôn giáo’, kế hoạch này có thể động đến những lo ngại an ninh quốc gia về bảo vệ một số đồng minh. Chẳng hạn như Ai Cập và Ấn Độ đều có vấn đề về tự do tôn giáo nhưng cả hai đều nhận viện trợ của Mỹ.
Ai Cập, nơi cộng đồng Thiên chúa giáo thiểu số đã phàn nàn về sự phân biệt đối xử của người Hồi giáo chiếm đa số, nhận được xấp xỉ 1,4 tỷ đô la Mỹ tiền viện trợ mỗi năm vì mục đích an ninh. Còn Ấn Độ, nơi căng thẳng giữa người Hồi giáo và người theo Ấn giáo đang gia tăng, đã nhận được hàng chục triệu đô la tiền viện trợ của Mỹ trong những năm gần đây, dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy.
Ngoài ra, ‘cũng không có nhiều bằng chứng hoặc kinh nghiệm cho thấy rằng việc đặt điều kiện cho viện trợ thực sự vô cùng hiệu quả trong việc đạt được mục tiêu của nó,’ ông Konyndyk nói thêm. Ông nói rằng ngay cả luật chống buôn người cũng có thành công rất hạn chế trong việc đẩy lùi tệ nạn này.
Một vấn đề nữa là các chính phủ không phải là thực thể duy nhất đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số, ông Konyndyk nói thêm. Thường thì xung đột tôn giáo là vấn đề xã hội hoặc văn hóa mà chính phủ có kiểm soát rất hạn chế.
“Một cộng đồng sẽ không ngừng bức hại một cộng đồng khác bởi vì những chỗ khác của đất nước sẽ bị cắt giảm viện trợ,” ông phân tích.
Một khả năng rất có thể xảy ra là bất kỳ sắc lệnh hành pháp nào về việc này cũng sẽ bao gồm một điều khoản cho phép Tổng thống miễn trừ cho quốc gia nào đó với lý do phục vụ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Chính quyền Trump nhìn chung không thích việc viện trợ nước ngoài. Ông Trump đã nhiều lần đề nghị cắt giảm đáng kể viện trợ nhưng đã bị Quốc hội chặn lại.
‘Phù hợp nguyện vọng’
Trao đổi với VOA, Đạo hữu Lương Xuân Dương, tín đồ đạo Cao Đài từng là nạn nhân bị đàn áp tôn giáo ở Việt Nam hiện đang sống ở Mỹ, nói ông hoan nghênh động thái này của chính quyền ông Trump.
Ông nói điều này nếu thực sự xảy ra thì nó sẽ ‘phù hợp với nguyện vọng mà tôi đã đề đạt với Tổng thống Trump trong cuộc gặp ở Tòa Bạch Ốc hôm 17/7’.
Trong cuộc gặp này, ông Dương đã nói với ông Trump rằng “Xin Ngài Tổng thống giúp đỡ cho Việt Nam có tự do tôn giáo và nhờ Ngài đưa Việt Nam vào danh sách CPC (quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo) và ông Trump trả lời rằng ‘Tôi hiểu’.”
Ông Dương nói ông không lo ngại những đối tượng được hưởng viện trợ nhân đạo ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách này bởi vì, theo lời ông, viện trợ nước ngoài được chính phủ Việt Nam ‘sử dụng không cho thuần túy mục đích nhân đạo’.
“Tôi ở Việt Nam từng chứng kiến họ chia chác tiền viện trợ cho những người nào phục vụ lợi ích của họ. Họ biến viện trợ nhân đạo đó thành phương tiện củng cố bộ máy quyền lực của họ,” ông Dương nói.
Nhà hoạt động vì quyền tự do tôn giáo này cho rằng chính phủ Việt Nam không ngại chuyện mất số tiền viện trợ bằng việc ‘sợ bị mất hình ảnh trong công luận quốc tế’.
“Các quốc gia khác nhìn vào và nói rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo, là một quốc gia tệ hại – họ sẽ cân nhắc khi muốn viện trợ cho Việt Nam,” ông giải thích.
Ông đưa ra dẫn chứng về các biện pháp chế tài của Mỹ đã làm cho Hà Nội chùn bước là trong giai đoạn 2004-2005, khi Việt Nam còn trong danh sách CPC, họ ‘rất nhân nhượng với các hoạt động tôn giáo của chúng tôi’.
“Qua năm 2006 khi họ được đưa ra khỏi CPC thì họ lại đàn áp khốc liệt hơn, tinh vi hơn,” ông nói.
Về cáo buộc ‘chống phá nhà nước’ mà chính quyền Việt Nam thường dành cho các nhóm tôn giáo độc lập cổ súy cho tự do tôn giáo, ông Dương nói “Khái niệm xâm phạm an ninh quốc gia là một khái niệm rất mơ hồ.”
“Nhà cầm quyền Việt Nam lập ra các tổ chức tôn giáo quốc doanh để phục vụ lợi ích chính trị của Đảng Cộng sản. Nếu các nhà tu hành chân chính không theo thì bị gán ghép là chống lại nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia,” ông nói.
“Bản thân tôi chưa từng hoạt động cho bất kỳ tổ chức hay đảng phái chính trị nào cả. Tôi chỉ yêu cầu nhà nước tôn trọng quyền tự do hành đạo của nhánh Cao Đài năm 1926,” ông nói thêm và cho biết ông bị bỏ tù 30 tháng vì hoạt động của mình.
Lý do Mỹ-Trung phải ‘sống chết’
đạt được thỏa thuận bước một
Bộ Trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho rằng, ‘thỏa thuận một phần’ sẽ còn một chặng đường dài nhằm giải quyết sự mất cân bằng thương mại toàn cầu.
Nhà báo chuyên viết về những vấn đề kinh tế và thương mại châu Á, ông Anthony Rowley tuần trước đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Bộ Trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, về việc sẽ cần bao nhiêu thời gian để ‘thỏa thuận bước 1’ giúp giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư phục hồi sự tự tin sau cuộc thương chiến do Tổng thống Trump phát động. Câu trả lời của ông Ross rất đơn giản và khá lạc quan.
“Tôi rất lạc quan. Mỹ và Trung Quốc ít nhất sẽ đạt được ‘thỏa thuận bước 1’ cùng nhau, và vẫn còn một chặng đường dài nhằm giải quyết sự bất ổn. Mọi người đã lo ngại cuộc tranh cãi thương mại này sẽ kéo dài trong nhiều năm và tạo ra sự bất ổn. Nếu Mỹ-Trung giải quyết được những vấn đề trong ‘thỏa thuận bước 1’, điều này sẽ giúp mọi người bình tĩnh hơn, bởi họ sẽ thấy được điểm kết thúc thương chiến đang ở trong tầm mắt”, tờ SCMP trích dẫn lời ông Ross cho biết.
Ngoài ra ông Ross cũng cho rằng, vấn đề thương chiến Mỹ-Trung được coi là nguyên nhân khiến cho giới doanh nghiệp và đầu tư mất đi sự tự tin vào kinh tế toàn cầu là sai lầm. “Tôi không nghĩ về việc đổ lỗi cho những vấn đề Mỹ-Trung gây ra sự sụt giảm thương mại là đúng. Như ở châu Âu vẫn có nhiều điểm yếu kinh tế cơ bản, cũng như sự bất ổn đang ngày càng tăng từ vấn đề Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu). Ngoài ra, bất ổn chính trị ở một số quốc gia Mỹ La-tinh cũng có phần”.
Từ sự giảm nhập khẩu hàng hóa được báo cáo bởi Viện Tài chính Quốc tế cho tới “việc sụt giảm kinh tế theo cách đồng bộ hóa” do Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra, cùng lời cảnh báo từ Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) rằng, thương chiến đang phá vỡ sự cân bằng của nền kinh tế toàn cầu và sự tăng trưởng trong tương lai.
Cụ thể, báo cáo của UNCTAD nêu rõ rằng, “chính những khoản thuế đang gây tổn hại kinh tế của cả hai nước”, ngay cả khi Mỹ-Trung tìm cách chuyển hướng xuất nhập khẩu từ các nước khác. “Thiệt hại của nước Mỹ tới từ việc giá hàng hóa sẽ cao hơn đối với người tiêu dùng nước này, trong khi lượng hàng hóa xuất khẩu giảm đáng kể lại là vấn đề của phía Trung Quốc”.
Lý do Mỹ-Trung phải ‘sống chết’ đạt được thỏa thuận bước một
Giáo sư về chiến lược và thương mại toàn cầu Michael Witt cho rằng, sự toàn cầu hóa đang giảm mạnh trong một thập kỷ vừa qua. “Kể từ năm 2008, đã có một sự sụt giảm chậm trong thương mại và giảm
mạnh ở lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, đồng thời các quy định cho thương mại toàn cầu cũng đã được thắt chặt. Dường như nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đi theo con đường này”, ông Witt viết trong một bản báo cáo gần đây.
Cũng trong bản báo cáo này, hiện có rất nhiều quan điểm khác nhau về việc tất cả những vấn đề trên sẽ diễn ra như thế nào. Theo những người thuộc “chủ nghĩa giải phóng”, khi kinh tế toàn cầu mất đi sự cân bằng, thì đây có thể sẽ chỉ là một sự chắp vá của các mối liên kết kinh tế dưới dạng các hiệp định thương mại song phương và khu vực. Khi tình hình trở nên tồi tệ, thì điều này sẽ dẫn tới sự tái xuất hiện của các khối kinh tế với sự hạn chế về tiền tệ, lẫn cả thương mại.
Còn với những người theo “chủ nghĩa hiện thực”, kết quả sẽ là Mỹ sẽ mất đi sự bá chủ trên toàn cầu, nhưng vẫn đủ sức đối chọi với Trung Quốc. Hoặc Trung Quốc sẽ nổi lên như một cường quốc trên toàn cầu, với đồng Nhân dân Tệ thay thế đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế, đồng thời những thể chế mới do Trung Quốc đưa ra sẽ thay thế những thể chế cũ.
Anthony Rowley dựa trên những dữ liệu từ UNCTAD, cùng bản báo cáo của ông Witt đã đưa ra kết luận rằng, phạm vi hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia sẽ giảm đáng kể, trong khi những rủi ro và chi phí cho việc kinh doanh trên trường quốc tế sẽ tăng mạnh. Sự mất cân bằng toàn cầu sẽ có tác động đáng kể và gây tốn kém cho nhiều hoạt động kinh tế đa quốc gia.
Chiến hạm Mỹ đi qua eo biển Đài Loan,
lần thứ 9 trong năm 2019
Một chiến hạm Mỹ lại vượt eo biển Đài Loan vào hôm qua 12/11/2019 – một động thái chắc chắn khiến Trung Quốc nổi giận. Chuyến hải hành lần thứ 9 trong năm nay của tàu chiến Mỹ qua eo biển Đài Loan được thực hiện vào lúc tại Hoa Kỳ, tổng thống Mỹ Donald Trump lại lên tiếng tố cáo Trung Quốc gian lận trong địa hạt thương mại.
Phát biểu với đài truyền hình Mỹ Fox News, nữ trung tá Reann Mommsen, phát ngôn viên Hạm Đội 7 của Mỹ xác nhận : «Tuần dương hạm có trang bị tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville (CG 62) đã thực hiện một chuyến đi bình thường qua eo biển Đài Loan hôm 12/11, phù hợp với luật pháp quốc tế».
Đối với phát ngôn viên Mỹ, hoạt động của chiến hạm USS Chancellorsville chứng minh cam kết của Mỹ với một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, và hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động «ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép».
Đây là lần thứ 9 hải quân Mỹ cho tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan trong năm 2019 này, và lần đầu tiên từ tháng 9 đến nay. Chuyến đi được thực hiện vào lúc bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper chuẩn bị thăm bốn quốc gia châu Á bao gồm Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.
Phía Trung Quốc chưa có phản ứng về hoạt động của tàu Mỹ, nhưng những lần trước đây, Bắc Kinh đều lên tiếng tố cáo Washington một cách gay gắt. Bắc Kinh coi việc đi qua eo biển là vi phạm chủ quyền Trung Quốc, trong khi Mỹ và nhiều quốc gia khác xem tuyến đường này là vùng biển quốc tế.
Lục quân Mỹ-Trung sẽ cùng nhau tập huấn cứu hộ trong 10 ngày
Giới quan sát đã ghi nhận một sự trùng hợp. Vào hôm qua, trang web chính thức của quân đội Trung Quốc đã loan báo việc một số đơn vị lục quân của Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng tham gia 10 ngày diễn tập cứu hộ và cứu nạn tại Hawai từ ngày 14 cho đến ngày 24/11.
Theo tuần báo Mỹ Newsweek, vào năm ngoái, đã diễn ra một đợt tập huấn cứu hộ tương tự giữa hai quân đội Mỹ-Trung.
Donald Trump: “Không nước nào gian lận giỏi hơn Trung Quốc”
Cũng liên quan đến quan hệ Mỹ-Trung, tổng thống Mỹ Donald Trump lại lên tiếng đả kích Bắc Kinh, cho rằng « Không nước nào gian lận giỏi hơn Trung Quốc ».
Theo tin của đài truyền hình Mỹ CNBC, ông Trump đã đưa ra lời tố cáo kể trên khi phát biểu tại Câu Lạc Bộ Kinh Tế New York vào hôm qua 12/11. Theo tổng thống Mỹ, « kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, không một nước nào đã lũng đoạn hay trục lợi trên lưng kinh tế Mỹ nhiều hơn Trung Quốc ».
Tổng thống Mỹ nói tiếp : « Tôi không muốn dùng từ ngữ ‘gian lận’, nhưng rõ ràng là không nước nào gian lận giỏi hơn Trung Quốc ». Và như thông lệ, ông Trump đổ lỗi cho những người tiền nhiệm mà theo ông phải chịu trách nhiệm về việc ký các thỏa thuận cho phép Trung Quốc « thao túng » kinh tế Mỹ.
Dù đả kích Trung Quốc, nhưng tổng thống Mỹ hôm qua tiếp tục cho rằng Washington và Bắc Kinh « sắp » đạt được thỏa thuận thương mại, nhưng không cho biết chi tiết cụ thể.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191113-chien-ham-my-di-qua-eo-bien-dai-loan-lan-thu-9-trong-nam-2019
Hillary Clinton ‘chịu áp lực rất lớn’ để tranh cử năm 2020
Hillary Clinton tuyên bố bà “chịu áp lực rất lớn” ra tranh cử để thách thức Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm tới.
Bà cựu ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ từ chối khẳng định là mình sẽ không làm thế, nói với BBC: “Không bao giờ nói không bao giờ.”
Bà Clinton, 72 tuổi, nói rằng bà ”luôn luôn nghĩ” không biết mình sẽ là một tổng thống như thế nào nếu đánh bại ông Trump năm 2016.
Ai đang dẫn đầu cuộc đua vào Nhà trắng của đảng Dân chủ?
Bầu cử 2020: Tỷ phú Michael Bloomberg muốn thách thức Trump
Bà Clinton nói việc Anh không công bố báo cáo về Nga ‘đáng xấu hổ’
Mười bảy ứng cử viên đảng Dân chủ đang vận động để được đại diện cho đảng trong cuộc tranh cử năm 2020.
Nói chuyện với Emma Barnett của BBC Radio 5 Live Emma Barnett khi đang ở Anh trong một chuyến đi quảng bá sách, bà Clinton được hỏi liệu bà có ra tranh cử nữa không.
Cựu bộ trưởng trưởng ngoại giao, thượng nghị sĩ tiểu bang New York và đệ nhất phu nhân Mỹ trả lời: “Tôi luôn luôn nghĩ là mình sẽ là một tổng thống như thế nào, sẽ làm gì khác đi và những điều đó có nghĩa gì với đất nước của tôi và thế giới.
“Vì vậy, tất nhiên tôi nghĩ về điều này, lúc nào cũng nghĩ về nó. Nghĩ về việc có thể làm điều đó, và đừng quên, bất cứ ai đắc cử lần sau sẽ có một nhiệm vụ lớn là phải cố gắng phục hồi mọi thứ đã bị phá vỡ.”
Bị hỏi dồn là liệu bà có quyết định ra tranh cử vào phút cuối hay không, bà Clinton nói: “Tôi, như tôi nói, không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ nói không bao giờ.”
“Tôi chắc chắn sẽ nói với bạn rằng, tôi chịu áp lực rất lớn từ nhiều, rất nhiều, rất nhiều người là hãy nghĩ đến chuyện đó.”
“Nhưng tính đến thời điểm này, ngồi ở đây trong studio này nói chuyện với bạn, điều đó tuyệt đối không nằm trong kế hoạch của tôi.”
Bà Clinton đã không nói rõ ai đang gây áp lực cho bà trong việc tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng lần thứ ba.
Cuộc phỏng vấn ở London diễn ra khi bà đến đây để quảng cáo cuốn ‘The Book of Gutsy Women”mà bà đồng sáng tác với con gái, Chelsea Clinton.
Cuộc đua của đảng Dân chủ vẫn chủ yếu vẫn còn chưa rõ nét ngay trong lúc cuộc bầu cử sơ bộ lần tiên để xem ai sẽ là người đối đầu với Donald Trump đang sắp xảy ra tại tiểu bang Iowa vào tháng Hai.
Nhận xét về những gì được cho là nhược điểm của Joe Biden, ứng cử viên đang dẫn đầu của đảng Dân chủ đã thúc đẩy cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg điền hồ sơ để xúc tiến việc bước vào cuộc đua.
Cựu Thống đốc tiểu bang Massachusetts Deval Patrick, một đồng minh thân cận của cựu Tổng thống Barack Obama, cũng được cho là đang cân nhắc việc ra tranh cử. Nhưng đã quá thời hạn để nộp đơn xin ứng cử của đảng Dân chủ ở một số tiểu bang, bao gồm cả New Hampshire, nơi cũng bỏ phiếu sơ bộ vào tháng Hai.
Hạn chót nộp đơn cho Alabama đã hết hạn vào tuần trước và hạn chót cho trung tâm chính trị trước đây của bà Clinton, tiểu bang Arkansas là thứ Ba.
Một số trong số 14 tiểu bang sẽ bỏ phiếu cho ngày gọi là Siêu thứ Ba vào tháng 3 có thời hạn nộp đơn vào tháng tới.Tin đồn chính trị về việc liệu bà Clinton có thể tham dự cuộc đua vào Nhà Trắng hay không tiếp tục được đưa ra ở Washington DC.
Một số suy đoán này đã do chính gia đình nhà Clintons tiếp sức.
Tháng trước khi ông Trump thách bà Clinton tham gia cuộc đua tổng thống, bà đã vặn lại trong một dòng tweet: “Đừng cám dỗ tôi. Hãy làm việc của ông đi.”
Trong một sự kiện của Đại học Georgetown ở Washington DC vào tháng 10, cựu Tổng thống Bill Clinton đã nói về vợ, lúc đó đang ngồi bên cạnh: “Bà ấy có thể sẽ hoặc không bao giờ ra ứng cử cho bất cứ vị trí nào.”
Ai sẽ đối đầu với Trump năm 2020?
Vẫn còn hơn một năm nữa mới đến ngày bầu cử, nhưng cuộc đua để trở thành người đại diện đảng Dân chủ thách thức ông Trump đã diễn ra từ lâu.
Cuộc thăm dò mới nhất cho thấy bà Warren và ông Biden là những người đi đầu, trong khi ông Sanders cũng là một ứng cử viên được nhiều người ưa chuộng. Nhiều ứng cử viên khác tương đối xa lạ bên ngoài thế giới của Washington DC.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50400432
Các thẩm phán bảo thủ Tối Cao Pháp Viện
có thể chấm dứt chương trình DACA
Tin từ Washington, DC – Vào Thứ Ba (ngày 12 tháng 11), các thẩm phán bảo thủ thuộc Tối Cáo Pháp Viện có vẻ đã sẵn sàng cho phép chính quyền Tổng Thống Trump chấm dứt Chương trình Hoãn Trục Xuất Người Di Dân Tới Hoa Kỳ Lúc Vị Thành Niên DACA ,hiện đang bảo vệ 660,000 người di dân tại Hoa Kỳ khỏi bị trục xuất.
Theo thẩm phán Sonia Sotomayor, một trong những thẩm phán tự do của Tối Cao Pháp Viện, cho biết nếu chương trình DACA bị hủy, “cuộc sống của nhiều người sẽ bị hủy hoại”. Các thẩm phán tự do đã nhiều lần lập luận rằng chính quyền Tổng Thống Trump vẫn chưa đưa ra đủ lý do để chấm dứt DACA, và vẫn chưa xem xét đến sự gián đoạn cá nhân, kinh tế và xã hội có thể xảy ra nếu quyết định này được thông qua. Tuy nhiên, theo KTLA5, không có dấu hiệu cho thấy 5 thẩm phán bảo thủ của Tối Cao Pháp Viện có ý định sẽ ngăn chặn quyết định của chính quyền. Tối Cao Pháp Viện được dự kiến sẽ đưa ra quyết định vào tháng 6 năm sau, trong lúc cao điểm của chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020.
Tổng thống Donald Trump đăng tải trên Twitter rằng những người nhận DACA không nên tuyệt vọng nếu các thẩm phán đứng về phía ông, cam kết rằng “một thỏa thuận sẽ được thực hiện với Đảng Dân Chủ để bảo vệ họ khỏi trục xuất.” Nhưng những lời cam kết hợp tác với Đảng Dân Chủ trước đây của Tổng Thống Trump các giải pháp dành cho những người di dân đã không mang lại kết quả.
Cũng trong tin nhắn, Tổng Thống Trump nói rằng một số người nhận DACA “là những tội phạm đáng sợ,” tuy chương trình này cấm những người từng bị kết án tham gia. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/cac-tham-phan-bao-thu-toi-cao-phap-vien-co-the-cham-dut-chuong-trinh-daca/
Luận tội Trump:
Điều trần công khai chiếu trên truyền hình
Các quan chức trong chính phủ TT Trump đang chuẩn bị đối phó với lời khai chứng của hai quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ – William Taylor, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Ukraine hiện nay, và George Kent, người phụ trách các vấn đề Ukraine. Cả hai quan chức này đều nói rằng ông Trump đã áp lực Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy mở một cuộc điều tra về một trong những đối thủ tiềm tàng của ông Trump bên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020: cựu Phó Tổng thống Joe Biden, nếu muốn Mỹ giải ngân 391 triệu đô la viện trợ quân sự mà chính quyền Ukraine ở Kyiv cần để chống lại phe ly khai thân Nga ở đông Ukraine.
Các thành viên đảng Cộng hòa dự định sẽ gay gắt chất vấn lối diễn giải của hai quan chức ngoại giao này về ý định của Tổng thống Trump trong việc đối phó với Ukraine. Họ nhấn mạnh ông Trump có ” hoài nghi chính đáng và hợp lý” về tình trạng tham nhũng ở Ukraine, và rằng quyết định của ông Trump giữ lại khoản viện trợ quân sự là “hoàn toàn hợp lý”.
Trong một cuộc điện đàm với TT Zelenskiy vào cuối tháng 7, ông Trump yêu cầu nhà lãnh đạo Ukraine hãy “giúp ông một việc”, là điều tra ông Biden và công việc của con trai ông, Hunter Biden, tại một công ty khí đốt của Ukraine, và Ukraine chứ không phải Nga, đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, như kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ.
Một thông tư nội bộ của đảng Cộng hòa lưu hành tại Điện Capitol phác họa bốn biện pháp chiến lược để bênh vực ông Trump:
Thứ nhất, cuộc điện đàm hôm 25 tháng 7 “cho thấy là không có điều kiện nào được đặt ra, hay có bằng chứng nào cho thấy ông Trump đã áp lực Tổng thống Ukraine”; thứ hai: cả ông Zelenskiy và ông Trump sau đó đều khẳng định là không có áp lực trong cuộc điện đàm; thứ ba: tại thời điểm đó Kyiv không biết là viện trợ quân sự của Hoa Kỳ đã bị giữ lại, và thứ Tư, Tổng thống Trump đã giải ngân khoản viện trợ quân sự đó vào ngày 11/9 trong khi Ukraine không mở cuộc điều tra nào về cha con ông Biden.
Theo thông tư nội bộ của Đảng Cộng hoà thì.”Bốn điểm chính vừa nêu đã phơi bày câu chuyện luận tội của đảng Dân chủ, rằng Tổng thống Trump đã mang khoản viện trợ quân sự cho Ukraine và khả năng gặp gỡ tổng thống Mỹ tại Toà Bạch Ốc, để áp lực Tổng thống Ukraine tiến hành điều tra đối thủ chính trị của ông Trump.”
Trong khi đó Tổng thống Trump tiếp tục chỉ trích cuộc điều trần luận tội ông.
“Một trò lừa bịp luận tội tổng thống của bọn Dân chủ vô tích sự!” Tổng thống Trump viết trên Twitter.
Đây là cuộc điều trần luận tội thứ tư trong lịch sử 243 năm của Hoa Kỳ. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện giám sát cuộc điều trần luận tội có khả năng truất phế Tổng thống Trump, Nghị sĩ Adam Schiff, nói với 435 nghị sĩ tại Hạ viện rằng các phiên điều trần được truyền hình trên khắp nước” là nhằm đưa sự thật ra ánh sáng trước người dân Mỹ.”
Ông Schiff nói 3 nhà ngoại giao Mỹ sắp ra làm chứng, ông Taylor, ông Kent và bà Marie Yovanovitch, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Kyiv sẽ ra điều trần vào ngày thứ Sáu, là những người “đã tận tâm phục vụ đất nước chúng ta trong nhiều thập kỷ, và tôi tin rằng người dân Mỹ và tất cả các thành viên của Quốc hội sẽ được trực tiếp nghe chính các quan chức này nói lên những gì họ đã trải nghiệm và chứng kiến.”
https://www.voatiengviet.com/a/luan-toi-trum-dieu-tran-cong-khai-chieu-tren-truyen-hinh/5163225.html
Doanh nhân Trung Quốc xâm nhập Mar-a-Lago
bị đề nghị 18 tháng tù
Các công tố viên liên bang Mỹ đề nghị bản án 18 tháng tù giam cho một nữ doanh nhân Trung Quốc bị cáo buộc xâm nhập bất hợp pháp vào câu lạc bộ Mar-a-Lago của Tổng thống Donald Trump và nói dối với các Nhân viên Mật vụ.
Phụ tá Chưởng lý Rolando Garcia nói trong một bản ghi nhớ của Tòa án là ông đồng ý với những hướng dẫn kết án là bà Yujing Zhang nhận án tù từ 0 đến 6 tháng khi bà bị kết án vào ngày 22/11 tại Fort Lauderdale.
Tuy nhiên ông Garcia yêu cầu thẩm phán Roy Altman kết án bà Zhang nặng hơn vì không những bà nói dối với nhân viên mật vụ sau khi xâm nhập vào câu lạc bộ Palm Beach của Tổng thống Trump vào ngày 30/3 mà còn khai gian về tài chánh khi giấu giếm khoảng 50.000 đô la.
Bà Zhang là một cố vấn gốc Thượng Hải, 33 tuổi. Bà tự mình biện hộ không cần luật sư. Bà bị giam không được tại ngoại và không thể tiếp xúc để yêu cầu bình luận.
Người đứng đầu thượng viện Bolivia
đảm nhận chức tổng thống lâm thời
Tin từ LA PAZ/MEXICO CITY – Vào hôm Thứ Ba (12/11), người đứng đầu Thượng viện của Bolivia, bà Jeanine Anez, đảm nhận chức tổng thống lâm thời, sau khi cựu tổng thống Evo Morales từ chức và tuyên bố tiếp tục cuộc chiến chính trị của ông khi lưu vong ở Mexico.
Theo Reuters, bà Anez, 52 tuổi, đảm nhận vai trò lãnh đạo trước các nhà lập pháp khác trong Quốc hội, viện dẫn một điều khoản hiến pháp quy định rằng bà sẽ là người tiếp theo lên nắm quyền sau khi ông Morales và phó tổng thống của ông, ông Alvaro Garcia, từ chức vào hôm Chủ nhật (10/11).
Một phiên họp quốc hội dự kiến chính thức bổ nhiệm bà bị tẩy chay bởi các nhà lập pháp từ đảng MAS cánh tả của ông Morales, người cho rằng hành động này sẽ là bất hợp pháp. Hiện vẫn chưa rõ liệu hành động này có thể dập tắt tình trạng bất ổn ở thủ đô La Paz và các thành phố khác.
Đoạn video hôm Thứ Ba cho thấy cảnh sát chiến đấu với những người ủng hộ ông Morales ở thành phố Cochabamba, và những người biểu tình đeo mặt nạ kêu gọi một cuộc nội chiến. Một thượng nghị sĩ cùng đảng của ông Morales kêu gọi các cuộc biểu tình bắt đầu vào hôm thứ ba cho đến khi ông trở lại để hoàn thành nhiệm vụ vào tháng 1.
Tại Washington, một viên chức cao cấp của chính quyền tổng thống Trump cho biết sự ra đi của ông Morales thực sự là một bước tích cực để bắt đầu xoa dịu tình hình ở Bolivia. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nguoi-dung-dau-thuong-vien-bolivia-dam-nhan-chuc-tong-thong-lam-thoi/
Tại Diễn Đàn Paris về Hòa Bình,
Pháp hô hào đẩy mạnh hợp tác đa phương
Liên tiếp trong 3 ngày từ 12 đến 14/11/2019, Diễn Đàn Paris về Hòa Bình lần thứ hai diễn ra tại thủ đô nước Pháp với sự tham gia của 30 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ, trong đó có khoảng mười lãnh đạo từ châu Phi.
Phát biểu khai mạc diễn đàn vào hôm qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng kêu gọi phát huy tính chất đa phương trong hợp tác, chống lại xu hướng đơn phương đang đe dọa hệ thống quốc tế.
Theo tổng thống Pháp, thế giới đang trải qua « một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy trong hệ thống quốc tế », do đó các nước cần phải bảo vệ « con đường hợp tác cân bằng, đó là chủ nghĩa đa phương ». Theo ông Macron, « châu Âu là nơi trên thế giới biết rõ nhất cái giá phải trả về sự không hợp tác » và là nơi có thể đóng vai trò « đệ tam nhân đáng tin cậy giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ». Tổng thống Pháp cho rằng « sự phân chia (thế giới) giữa một số thế lực bá quyền, sản sinh ra nỗi thất vọng » và không thể lâu bền.
Trước lúc Diễn Đàn Paris khai mạc, chính tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã có tuyên bố khá bi quan: « Thế giới đang rạn nứt. Ngày nay quốc gia nào có thể hằn gắn các vết nứt đó nếu tách rời khỏi phần còn lại của thế giới ? ». Ông Guterres đã nêu lên năm thách thức lớn bao trùm mọi lãnh vực từ kinh tế, công nghệ, cho đến xã hội, địa chính trị… và nguy cơ thế giới chia làm hai giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Đối với ông Guterres chỉ có một giải pháp là hợp tác giữa các quốc gia, các tập đoàn công nghiệp, những tác nhân quốc tế cũng như địa phương.
Diễn đàn Paris về hòa bình là sáng kiến của tổng thống Pháp, tổ chức lần đầu tiên vào năm ngoái 2018, trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 100 năm ngày Đệ Nhất Thế Chiến kết thúc. Mục tiêu được nêu bật của Diễn đàn là thúc đẩy hợp tác và hành động tập thể cho một thế giới hòa bình. Bên cạnh các lãnh đạo quốc gia, tham gia diễn đàn còn có giới lãnh đạo tập đoàn, tổ chức quốc tế, xã hội dân sự. Ban tổ chức chờ đợi khoảng 6.000 người tham dự diễn đàn lần thứ hai này.
Riêng trong lãnh vực chống tin tặc, trong một bàn tròn của Diễn Đàn vào hôm qua, ông Jean Baptiste Lemoine, quốc vụ khanh bộ Ngoại Giao Pháp đã hoan nghênh sự kiện 73 quốc gia và gần một ngàn tập đoàn và tổ chức phi chính phủ đã ký tên vào Lời kêu gọi Paris về việc bảo đảm an ninh trên không gian mạng, được đưa ra vào năm ngoái.
http://vi.rfi.fr/phap/20191113-tai-dien-dan-paris-ve-hoa-binh-phap-ho-hao-day-manh-hop-tac-da-phuong
Moscow lên án Mỹ ‘săn lùng’ người Nga
sau vụ nghi can bị Israel dẫn độ sang Mỹ
Ngày 13/11, Nga lên tiếng cáo buộc Washington săn lùng công dân của họ trên khắp thế giới, và cho biết đã phản đối chính thức với Washington về việc Israel dẫn độ một nghi can Nga sang Mỹ, nơi ông này phải đối mặt với hàng loạt tội danh nghiêm trọng, theo Reuters.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng Alexei Burkov, 29 tuổi, đã được dẫn độ sang Mỹ và ra tòa lần đầu tiên nhờ sự hợp tác của Israel, nơi nghi can này bị bắt vào năm 2015.
Burkov bị cáo buộc nhiều tội danh, bao gồm gian lận trên mạng, xâm nhập máy tính, đánh cắp danh tính và rửa tiền, Reuters dẫn tuyên bố cho biết.
Burkov phủ nhận mọi hành vi sai trái trên. Hiện nghi can này đang phải đối mặt với khả năng ngồi tù vài chục năm nếu bị kết tội.
Tự nhận là một chuyên gia an ninh mạng, Burkov bị cáo buộc điều hành một trang web có tên Cardplanet. Trang mạng này chuyên bán số thẻ rút tiền và thẻ tín dụng. Rất nhiều trong số đó đã bị đánh cắp thông qua việc xâm nhập máy tính của công dân Hoa Kỳ, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.
Dữ liệu bị đánh cắp có nguồn gốc từ hơn 150.000 thẻ thanh toán bị xâm nhập đã dẫn đến hậu quả hơn 20 triệu đô la mua hàng gian lận đã được thực hiện bằng các thẻ tín dụng của Mỹ, tuyên bố cho biết thêm.
Burkov cũng bị cáo buộc điều hành một diễn đàn trực tuyến, nơi các tội phạm mạng tinh nhuệ mua và bán dịch vụ và hàng hóa ăn cắp.
Trong một tuyên bố được đăng trên mạng xã hội hôm 13/11, Đại sứ quán Nga tại Hoa Kỳ đã lên án việc dẫn độ Burko.
Cựu thủ tướng Hungary :
Không ai ngờ Bức màn sắt sụp đổ nhanh đến thế
Cựu thủ tướng cải cách của Hungary, ông Miklos Németh, 71 tuổi, đã tiết lộ với AFP những chuyện hậu trường của việc tháo gỡ Bức màn sắt năm 1989, dẫn đến sự sụp đổ của Bức tường Berlin và khối cộng sản tan rã.
Điều gì đã khiến ông cho tháo dỡ Bức màn sắt kể từ mùa xuân năm 1989 ?
Bức tường do Liên Xô xây dựng đã quá cũ kỹ. Các nhà lãnh đạo đơn vị biên phòng đòi hỏi chúng tôi quyết định về số phận của nó. Họ đề nghị ba giải pháp : hiện đại hóa, xây dựng lại toàn bộ với công nghệ nhập khẩu từ phương Tây, hay tháo dỡ và xem xét lại việc giám sát biên giới – phương án cuối cùng này được ưa chuộng nhất.
Nếu đập ra rồi xây lại sẽ tốn kém một ngân sách khổng lồ, mà chúng tôi thì không có tiền. Từ tháng 11/1988, tôi đã bỏ khoản cải tạo bức tường ra khỏi dự chi ngân sách, vì bản thân tôi cũng thích phương án thứ ba.
Đó còn là một quyết định mang tính nguyên tắc. Bức tường này lỗi thời rồi. Budapest và Vienna là ứng viên đồng tổ chức Triển lãm hoàn vũ năm 1992, thế thì thông điệp nào chúng tôi muốn gởi đến thế giới ? Tôi tự hỏi bức tường sẽ gây ra những tác động nào đối với du khách Nhật Bản, Hàn Quốc, khi họ cầm theo máy ảnh, từ Vienna qua biên giới để đến Budapest. Làm yếu đi các chế độ cộng sản cứng rắn cũng là lợi ích của chúng tôi, các nước cải cách – Hungary và Ba Lan.
Và những gì đã diễn ra ?
Ngay từ cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai, tôi đã thông báo cho thủ tướng Áo Franz Vranitzky là bức tường rào sẽ bị phá bỏ. Tháng Ba, tôi đi gặp ông Gorbachev với rất nhiều hồ sơ lớn, trong đó có sự hiện diện của khoảng 100.000 quân Liên Xô tại Hungary, và những hỏa tiễn nhắm vào Pháp, Ý. Tôi cũng nêu ra quyết định của Trung ương Đảng là sẽ tổ chức bầu cử đa thành phần, và chúng tôi sẽ phá hủy bức tường, sẽ không còn hàng rào ngăn cách Áo-Hung.
Ông Gorbachev đã phản ứng như thế nào ?
Ông ấy nói : « Đối với tôi thì không thành vấn đề một khi biên giới vẫn được canh phòng, đó là trách nhiệm của các bạn ». Câu này rất quan trọng.
Tôi cũng hỏi : « Mikhail, anh sẽ phản ứng thế nào nếu kết quả bầu cử dẫn đến một chính quyền mà các anh hoàn toàn không thích ? Bởi vì sau 40 năm độc đảng, chúng tôi sẽ bị người dân bỏ rơi. Anh sẽ làm gì với 100.000 quân và số hỏa tiễn nguyên tử này ? »
Mikhail Gorbachev vỗ vào chiếc ghế bành và nói : « Khi nào mà anh còn thấy tôi ngồi ở chiếc ghế này, vụ năm 1956 (Hồng quân đàn áp cuộc nổi dậy Budapest) sẽ không tái diễn ».
Ông chỉ đơn giản yêu cầu tôi đừng tiết lộ một lời nào, ngay cả với Bộ Chính trị. Chúng tôi siết tay cam kết. Tuy vậy tôi cũng nói rằng cần Mikhail làm một động thái là rút bớt quân, và ông đã thực hiện hôm 25/4, cho rút đi 10.000 lính Liên Xô. Ông ấy nói cứ tin tưởng vào ông, lòng tin mang lại lòng tin.
Ông không sợ bị nuốt lời ?
Trong cả năm 1989 tôi quan sát con người ấy, và tự hỏi, liệu ông sẽ thành công hay không, sẽ bị một nhân vật cứng rắn khác hất cẳng hay không. Trong chuyến bay trở về, một trong những cộng sự nhận xét rằng nếu tôi nói những lời tương tự 5 hay 10 năm trước đó với Matxcơva, hướng đến của máy bay chúng tôi sẽ là Xibêri. Tôi đáp, chính vì đây là một giai đoạn mới nên phải tranh thủ tình hình.
Và ông đã tiến hành như thế nào ?
Từ tháng Tư, lực lượng biên phòng đã bắt đầu tháo dỡ Bức màn sắt ở phía Rajka. Chúng tôi chọn điểm này vì dễ nhìn thấy, với lại ở đó có quân Liên Xô và nhân viên KGB nhiều nhất.
Đó là một thử nghiệm ?
Vâng. Đến giữa tháng Tư, có ba, bốn kilomet tường đã bị tháo dỡ. Và Gorbachev đã giữ lời hứa : đường điện thoại đỏ không hề reo lên, đại sứ Liên Xô không thấy xuất hiện. Thế nên chúng tôi tiếp tục.
Như vậy việc phá bức tường không phải bắt đầu vào ngày 2 tháng Năm như loan báo ?
Vào thời điểm đó, hai phần ba tường rào đã bị phá hủy. Hôm 2 tháng Năm, quyết định này được công khai và cả thế giới đều đưa tin, nhất là truyền hình Tây Đức. Và Matxcơva vẫn không có phản ứng.
Còn những nước cộng sản khác thì sao ?
Tổng bí thư Đông Đức Erich Honecker lập tức nhận ra có chuyện gì đó đã xảy ra, và ngoại trưởng cùng với phó thủ tướng nước này liên tục bay sang Matxcơva để yêu cầu các đồng chí Liên Xô can thiệp. Nhưng tôi biết rằng Gorbachev sẽ không nhúc nhích. Tôi cũng nhận được những phản đối từ các ông Jivkov (Bungari), Jakes (Tiệp Khắc), Ceaucescu (Rumani). Trong một hội nghị của các nước Hiệp ước Vacxava cuối tháng Bảy, họ đã đòi hỏi tổ chức một cuộc họp khẩn, nhưng không có Hungary và Ba Lan, để nói về trường hợp chúng tôi, làm thế nào « giúp đỡ » vì ở chỗ chúng tôi vô sản quốc tế và chủ nghĩa Mác-Lê đang sụp đổ.
Tôi ngồi đối diện với Gorbachev, và không bao giờ quên ông đã nháy mắt với tôi như thế nào, hơn nữa đã bị camera quay được. Bài diễn văn của ông không có một chữ nào phản đối, cứ như chẳng hề có chuyện gì.
Và sau đó ?
Mọi việc diễn ra rất nhanh. Khi ngoại trưởng Áo Alois Mock đề nghị một buổi lễ mang tính biểu tượng, cùng cắt hàng rào biên giới với đồng nhiệm Hungary, Gyula Horn vào cuối tháng Sáu, tôi trả lời rằng đó là một ý tưởng hay. Chỉ có một vấn đề nhỏ : đó là chẳng còn tường rào nào nữa. Chúng tôi đã phải dựng lại Bức màn sắt ! Tất nhiên là không phải tường thật, chỉ có 200-300 mét lưới thép thôi.
Lúc đó người dân Đông Đức bắt đầu tràn qua ?
Đầu tháng Tám có khoảng 10 đến 20.000 người, rồi lên 40-50.000, và nhiều hơn nữa. Những lều trại dựng tạm mọc lên khắp nơi, tất cả đều không muốn quay về Đông Đức. Và họ biết rằng sẽ không bị chúng tôi trục xuất.
Các ông xử lý ra sao ?
Không thể nào đáp ứng nổi nhu cầu của 60-70.000 người Đông Đức. Nền kinh tế chúng tôi rất tệ hại. Tôi biết mình phải có một quyết định quan trọng. Tôi chủ động gọi cho ông Kohl vào đầu tháng Tám, và cuối cùng chúng tôi đã gặp gỡ hôm 25/8 ở lâu đài Gymnich gần Bonn. Tôi nói nếu ông ấy sẵn sàng tiếp đón bấy nhiêu người, thì chúng tôi sẽ mở cửa biên giới.
Thủ tướng Tây Đức phản ứng thế nào ?
Khi nghe tôi nói vậy, những giọt nước mắt bỗng lăn dài trên má người đàn ông cao lớn này, rồi ông nhanh chóng trấn tĩnh được. Ông Kohl hỏi tôi Gorbachev có chấp nhận không, tôi nêu ra ba, bốn ví dụ cho thấy chúng tôi không cần xin phép Gorbachev. Kỷ nguyên Brejnev đã kết thúc. Tổng thống Mỹ George Bush (cha), thủ tướng Anh Margaret Thatcher, tổng thống Pháp François Mitterrand…tất cả đều muốn biết điều gì đã xảy ra và ông Gorbachev nghĩ gì.
Có lo ngại nào không ?
Mọi người đều khủng hoảng, và nói thật là tôi cũng sợ Matxcơva sẽ nuốt lời. Nhưng tôi bảo ông Kohl : «Cho dù vẫn còn quân Liên Xô ở Hungary, hãy tin vào phân tích của chúng tôi, họ sẽ không can thiệp». Rõ ràng là chúng tôi đang đến gần một thời điểm lịch sử, thế giới sắp ngả sang một hướng mới.
Dù đã thỏa thuận giữ bí mật, hôm sau ông Kohl vẫn gọi cho Gorbachev. Ông Gorbachev nói phía Hungary là người tốt, nên tin tưởng thủ tướng Miklos Németh. Từ lúc đó đã có thể bắt đầu chuẩn bị kể cả với Áo, nhất là vấn đề lọc ra hàng trăm nhân viên Stasi – khi chúng tôi mở cửa biên giới, họ có thể xâm nhập. Quyết định tổ chức cuộc « picnic liên Âu » đã được đưa ra từ đầu tháng Tám.
Ông có hình dung được tác động của quyết định ấy ?
Ai nói rằng biết trước được, người ấy đã dối trá. Tôi không thể tin rằng có một người nào đó đoán trước được hai, ba tháng sau Bức tường Berlin sẽ sụp đổ. Không hề có ai nghĩ rằng mọi việc diễn biến nhanh như thế. Một năm sau, nước Đức thống nhất. Để đạt được điều đó, một loạt những ngôi sao may mắn đã chiếu mệnh – phải có Bush cha, Gorbachev, và cách thức mà ông Kohl đã đi dây giữa hai cường quốc.
Còn Hungary ?
Người Hungary chúng tôi đã đóng vai trò mà số mệnh đã định ra. Quyết định mở cửa biên giới không phải do một người đưa ra, mà là của quốc gia, dân tộc.
Nếu phải làm lại ?
Tôi cũng sẽ làm y như thế. Tôi hãnh diện là định mệnh đã khiến tôi có mặt vào thời điểm ấy.
Ông vẫn giữ liên lạc với ông Gorbachev ?
Tất nhiên, chúng tôi vẫn liên lạc chặt chẽ cho đến nay.
Ông cảm thấy thế nào khi đương kim thủ tướng Viktor Orban vào năm 2015 lại dựng lên một bức tường để chống di dân ?
Tôi không tin vào những bức tường. Chúng có thể thiết thực trước mắt. Nhưng ngoài Vạn lý Trường thành, tất cả những bức tường khác, kể cả tường mà ông Trump đang cho xây, sẽ rơi vào lãng quên của Lịch sử. Vì trong thế giới ngày nay, các vấn đề không thể giải quyết được bằng những bức tường.
NATO, Syria, thánh chiến :
Trọng tâm chuyến đi Mỹ của TT Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 13/11/2019 tại Nhà Trắng sau nhiều tuần căng thẳng, đặc biệt với việc Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Hai nguyên thủ sẽ đề cập đến Syria, tù nhân thánh chiến và Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Về Syria, phát biểu tại Ankara ngày 12/11 trước khi lên đường đến Washington, tổng thống Erdogan khẳng định Hoa Kỳ chưa hoàn toàn tuân thủ cam kết với Thổ Nhĩ Kỳ về việc rút lực lượng Kurdistan khỏi « vùng an toàn » ở bắc Syria giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ông sẽ yêu cầu Washington phải làm nhiều hơn để thực hiện thỏa thuận ngừng bắn được hai bên thống nhất hôm 17/10.
Ngoài ra, chính quyền Ankara thông báo sẽ trao trả một tù binh thánh chiến người Mỹ, hiện bị giữ tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp vì theo ông Erdogan, « đây không phải là vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ ». Danh tính của tù nhân này không được tiết lộ, cũng như việc nhân vật này được trả về nơi nào.
Theo AFP, điểm bất đồng thứ ba là việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Trump, phát biểu trên đài CBS hôm 10/11 : « Chúng tôi rất phẫn nộ. Không có chuyện, giữa khối NATO, lại đi nhập khẩu vũ khí của Nga ».
Hoa Kỳ : Mối đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ
Dù hai nước đang trải qua giai đoạn sóng gió, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng sẽ « tìm được thỏa thuận với ông Trump để cải thiện mối quan hệ » song phương. Tuy nhiên, xã hội Thổ Nhĩ Kỳ lại tỏ ra ngờ vực đối với Washington, theo phóng sự của thông tín viên RFI Anne Andlauer :
« Trong ba năm gần đây, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng rắn giọng nhắm vào phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ. Động cơ của nỗi oán giận này có rất nhiều, bắt đầu từ việc Mỹ ủng hộ lực lượng Kurdistan tại Syria.
Tuy nhiên, nếu như ông Erdogan tự cho phép mình hàng tuần chỉ trích Washington, đó là vì ông biết rằng những lời lẽ đó giúp ông chiến thắng về mặt chính trị. Ngay cả những người đối lập với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhận thấy điều đó, như ông Oktay, bán hàng xén ở Istanbul :
« Ngay khi xảy ra một thảm kịch trên thế giới, chị có thể chắc chắn rằng Hoa Kỳ đứng đằng sau, với sự hỗ trợ của lực lượng tại chỗ. Tôi không ủng hộ chính phủ đang cầm quyền ở nước tôi, nhưng nếu như có một điểm mà tôi luôn ủng hộ, thì đó là phải cứng rắn chống lại Hoa Kỳ ».
Theo kết quả thăm dò hàng năm của trường đại học Kadir Has, 20% người Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng quan hệ với Washington là yếu tố gây ra vấn đề chính trong chính sách đối ngoại của nước họ. Kết quả này tăng gấp đôi so với năm 2018. Hơn 80% người được thăm dò thậm còn cho rằng Mỹ là mối đe dọa hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây cũng là nhận định của ông Ercan, một người bán xe hơi : « Hoa Kỳ ủng hộ tất cả những kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ. Ví dụ như những kẻ làm đảo chính năm 2016, hiện vẫn được tự do đi lại ở Mỹ, hoặc như lực lượng Kurdistan ở Syria đã nhận được nhiều tấn vũ khí từ Mỹ. Ông Erdogan có vẻ có quan hệ tốt với ông Trump. Vấn đề ở chỗ bầu không khí chống Thổ Nhĩ Kỳ ngự trị ở Washington, đặc biệt là ở Nghị Viện Mỹ ».
Tâm lý chống Mỹ này có nguy cơ gia tăng thêm nếu như các thượng nghị sĩ Mỹ, theo bước các dân biểu ở Hạ Viện, bỏ phiếu trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì đã tấn công vào Syria».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191113-nato-syria-thanh-chien-trong-tam-chuyen-di-my-cua-tt-tho-nhi-ky
Thủ tướng Nhật
chưa thể sửa đổi hiến pháp hòa bình của quốc gia
Tin từ TOKYO, Nhật Bản – Thủ tướng Shinzo Abe trở lại nắm quyền từ bảy năm trước, cam kết củng cố quốc phòng Nhật Bản để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Cộng, và hướng đến việc sửa đổi hiến pháp hòa bình. Giờ đây, khi đang trên đường trở thành thủ tướng tại chức lâu nhất Nhật Bản, ông Abe làm tròn lời hứa đầu tiên của ông. Nhưng lời hứa thứ hai vẫn chưa được hoàn thành.
Điều đó có nghĩa là Nhật Bản, quốc gia bị tổng thống Trump chỉ trích về một liên minh an ninh “không công bằng”, có thể gặp phải những giới hạn trong việc đóng vai trò là đồng minh chính thức của Hoa Kỳ. Tổng thống Trump thậm chí còn đề nghị thay đổi hiệp ước an ninh hai chiều đóng vai trò là nền tảng cho liên minh, vào thời điểm Trung Cộng đang tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực, và Bắc Hàn đang tiếp tục theo đuổi các chương trình nguyên tử và hỏa tiễn.
Dưới quyền điều hành của ông Abe, Nhật Bản tăng 10% chi tiêu quốc phòng sau nhiều năm suy giảm, mở rộng khả năng quân sự để thể hiện sức mạnh ra nước ngoài. Trong một sự thay đổi lịch sử vào năm 2014, chính phủ của ông đã diễn giải lại hiến pháp cho phép quân đội Nhật Bản chiến đấu ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai. Nhưng việc nhà lãnh đạo bảo thủ này không thể sửa đổi Điều 9 của hiến pháp cho thấy sự cảnh giác công khai về việc đưa binh sĩ vào vòng hiểm nguy ở xứ lạ, và nỗi lo sợ bị vướng vào các cuộc chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/thu-tuong-nhat-chua-the-sua-doi-hien-phap-hoa-binh-cua-quoc-gia/
Hong Kong: Cảnh sát nói
bạo lực đẩy nền pháp trị đến ‘bên bờ sụp đổ”
Bom xăng và đạn hơi cay phủ lấp bên ngoài sân trường đại học Trung Hoa ở Hong Kong
Nền pháp trị của Hong Kong đã bị đẩy đến “bên bờ sụp đổ hoàn toàn” sau hơn 5 tháng biểu tình, cảnh sát thành phố này cảnh báo.
Cảnh báo trên được đưa ra khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát trên toàn thành phố hôm thứ Ba.
Tại Đại học Trung văn Hong Kong, cảnh sát đã bắn hơi cay và đạn cao su vào những người biểu tình dựng rào chắn trong khuôn viên trường.
Trước đó một ngày, khoảng 1.000 người biểu tình đã tập trung tại trung tâm tài chính thương mại của Hong Kong trong giờ ăn trưa để chặn đường.
Người biểu tình, mặc trang phục công sở, được nhìn thấy hô vang: “Đấu tranh cho tự do, sát cánh với Hong Kong!”
Các cuộc biểu tình diễn ra chỉ một ngày sau khi thành phố này chứng kiến sự leo thang bạo lực rõ rệt, với cảnh sát bắn đạn thật vào ngực một người biểu tình. Một người ủng hộ Bắc Kinh thì bị những người biểu tình chống chính phủ đổ xăng thiêu sống.
Vào chiều thứ Ba, phát ngôn viên cảnh sát Kong Wing-cheung đã tấn công người biểu tình, nói rằng họ có “vô số ví dụ về những kẻ bạo loạn sử dụng bạo lực ngẫu nhiên và bừa bãi đối với những người vô tội”.
“Nền pháp quyền của Hong Kong đã bị đẩy đến bờ vực sụp đổ hoàn toàn khi những kẻ bạo loạn đeo mặt nạ liều lĩnh leo thang bạo lực với hy vọng họ sẽ cũng thoát,” ông nói với các phóng viên.
Vị sĩ quan nói thêm rằng cuộc tấn công bằng xăng và phóng hỏa một người ủng hộ Bắc Kinh hôm thứ Hai đang bị điều tra theo tội âm mưu giết người.
Phát biểu tại cùng một hội nghị, sĩ quan Li Kwai-wah bảo vệ quyết định của viên cảnh sát nổ súng vào người biểu tình hôm thứ Hai.
“Chúng tôi phát hiện ra rằng đồng nghiệp của chúng tôi không chỉ phải đối mặt với mối đe dọa từ một người, thay vào đó là một nhóm người có kế hoạch có tổ chức đang cố gắng đánh cắp khẩu súng,” ông nói.
“Trong một tình huống như thế này, chúng tôi tin rằng cảnh sát của chúng tôi đang phản ứng theo hướng dẫn, để bảo vệ chính họ cũng như những người xung quanh họ.”
Cả người biểu tình và người ủng hộ ủng hộ Bắc Kinh vẫn ở bệnh viện, trong tình trạng nguy kịch.
Điều gì đã xảy ra hôm thứ Ba?
Đụng độ nổ ra tại Đại học Trung Hoa Hong Kong, khi cảnh sát bắn hơi cay để giải tán sinh viên, trong khi tại Đại học Thành phố có một cuộc tranh cãi giữa sinh viên và cảnh sát chống bạo động kéo dài đến tối.
Cảnh sát tiếp tục sử dụng hơi cay để cố gắng giải tán những người biểu tình đang ném gạch và bom xăng. Hàng trăm người biểu tình vẫn đang ở Đại học Trung Hoa Hong Kong.
Các sinh viên đã dựng các rào chắn trên các đường phố trong và xung quanh khuôn viên Đại học Thành phố để ngăn cảnh sát xâm nhập. Có thời điểm, một chiếc xe tải được sử dụng để làm rào chắn đã bị đốt cháy.
Sinh viên tại Đại học Bách khoa Hong Kong cũng đã cố gắng dựng rào chắn giao thông gần khuôn viên trường.
Vào buổi sáng, các dịch vụ đường sắt bị đình chỉ và đóng cửa đường đã dẫn đến ùn tắc giao thông kéo dài trong giờ cao điểm. Vào buổi trưa, những người biểu tình di chuyển vào khu thương mại trung tâm của thành phố cho một cuộc biểu tình bằng flash mob.
Các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra trong ngày. Một cây thông Giáng sinh bên trong trung tâm mua sắm Festival Walk đã bị những người biểu tình đốt cháy trong khi những người khác được trông thấy đập vỡ lan can kính bằng búa.
Các ga tàu đã bị đóng cửa trên toàn thành phố.
Hình ảnh cảnh sát Hong Kong bắn vào ngực một người biểu tình đã được livestream trên Facebook
Tám trường đại học đã tuyên bố họ sẽ hoãn các lớp học vào thứ Tư.
Sau các cuộc biểu tình hôm thứ Hai, 260 người bị bắt đưa con số người bị bắt lên hơn 3.000 người kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng Sáu.
Sinh viên thề họ sẽ không đầu hàng
Grace Tsoi, BBC Thế giới vụ, tại Đại học Trung văn Hong Kong
Mặt đất rải đầy gạch. Không khí tràn ngập mùi hơi cay. Những ngọn lửa phừng lên ở khắp khuôn viên trường. Hàng trăm người biểu tình, hầu hết trong số họ mặc đồ đen, tạo thành một dòng người băng qua đống gạch và bom xăng để ra tiền tuyến.
Một trong những trường đại học tốt nhất ở Hong Kong đã trở thành một chiến trường sau một ngày đụng độ dữ dội giữa các sinh viên, những người luôn đi đầu trong các cuộc biểu tình chống chính phủ và cảnh sát.
Các sinh viên Đại học Trung văn đã tăng sức kháng cự từ sáng. Vào thứ Hai, cảnh sát dường như thay đổi chiến lược bằng cách triển khai lực lượng đến các khu học xá. Các sinh viên nói với tôi rằng cảnh sát không được phép ở đó.
Ban quản lý của trường đại học đã cố gắng giải toả tình hình. Nhưng phó hiệu trưởng Rocky Tuan cũng bị xịt hơi cay khi đang đàm phán với cảnh sát.
Hàng chục sinh viên đã bị thương, trong đó có ít nhất một người bị bắn một vật vào mắt. Đêm còn dài và sinh viên thề sẽ không đầu hàng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50400428
Hong Kong hỗn loạn,
người biểu tình phong tỏa các trường đại học
Người biểu tình chống chính phủ Hong Kong làm tê liệt một phần của trung tâm tài chính châu Á sang đến ngày thứ ba vào hôm 13/11. Hệ thống giao thông ngưng trệ, trường học và doanh nghiệp phải đóng cửa giữa lúc cảnh sát cảnh báo về tình trạng gia tăng bạo lực có thể lên đến mức chết người
Theo tường thuật của Reuters, khoảng 1.000 người biểu tình đã chặn các con đường ở khu vực trung tâm thương mại của thành phố vào giờ ăn trưa. Vẫn đeo mặt nạ (hiện đang bị cấm) và mặc trang phục công sở, họ diễu hành và ném gạch trên những con đường của những cửa hàng sang trọng nổi tiếng và bất động sản đắt tiền nhất thế giới.
“Hiện giờ là ngày 4 tháng 6 năm 1989”, một hàng chữ được viết nguệch ngoạc trên kính của cửa hàng thời trang Georgio Armani, ám chỉ đến cuộc đàn áp của quân đội Trung Quốc đối với những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh trước đây.
Cảnh sát chống bạo động tìm cách giải tán đám đông tụ tập gần sàn giao dịch chứng khoán. Các nhân viên cảnh sát dùng dùi cui đánh người biểu tình và vật mấy người xuống đất.
Người biểu tình và cảnh sát đụng độ nhau suốt đêm thứ Ba (12/11) ở các trường đại học, chỉ vài giờ sau khi một sĩ quan cảnh sát cấp cao nói rằng thành phố do Trung Quốc cai trị “đã bị đẩy đến bờ vực sụp đổ hoàn toàn”.
Người biểu tình tức giận về hành động mà họ coi là sự tàn bạo của cảnh sát và sự can thiệp của Bắc Kinh về các quyền tự do, điều mà họ đã được bảo đảm theo hệ thống “một quốc gia, hai hệ thống” khi cựu thuộc địa của Anh được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997.
Trung Quốc phủ nhận có sự can thiệp và đổ lỗi cho các nước phương Tây, trong đó có Anh và Mỹ, đã kích động ở Hong Kong.
Nhiều trường đại học vẫn trong tình trạng căng thẳng vào ngày 13/11 khi các sinh viên dựng rào chắn. Một số người ngồi trên cầu để cảnh giác trong khi những người khác kiểm tra người ra vào.
Cảnh sát chống bạo động triển khai thành nhiều hàng, một số ngồi trong xe tải, theo dõi các sinh viên nhưng không tìm cách đàn áp. Theo Reuters, các cuộc biểu tình thường trở nên dữ dội hơn khi màn đêm buông xuống.
Cục Giáo dục Hong Kong cho biết tất cả các trường học sẽ đóng cửa vào thứ Năm (14/11). Một số trường đại học cho biết họ sẽ sử dụng chương trình học trực tuyến và các phương pháp kiểm tra khác trong những tuần còn lại của học kỳ.
Hôm thứ Ba đã xảy ra những cảnh hỗn loạn suốt đêm tại trường đại học danh tiếng là Đại học Trung Quốc, với những vụ nổ, khói, tiếng la hét, hơi cay và đạn cao su bắn ra trong khi nhiều người bị thương.
Cảnh sát cho biết họ đã giúp một nhóm sinh viên đại lục chạy trốn khỏi khuôn viên trường Đại học Trung Quốc bằng thuyền vào thứ Tư sau khi họ bày tỏ lo ngại về sự an toàn của mình.
Ở những nơi khác, các nhà hoạt động đã chặn đường, đốt cháy nhiều phương tiện giao thông, ném bom xăng vào đồn cảnh sát và đập phá một phần của một trung tâm mua sắm lớn.
Bạo lực nổ xảy ra sau khi cảnh sát bắn một người biểu tình ở cự ly gần vào hôm thứ Hai và cảnh sát nói “những kẻ bạo loạn” đã đổ xăng lên một người đàn ông và đốt ông ta trong vụ bạo động tồi tệ nhất kể từ khi các cuộc biểu tình xảy ra hồi tháng Sáu.
Tình trạng hỗn loạn đã làm hàng ngàn người bị chậm trễ và phải xếp hàng chờ tại các ga tàu điện ngầm trên toàn thành phố vào đầu ngày thứ Tư, sau khi một số dịch vụ đường sắt bị đình chỉ và nhiều tuyến đường bị đóng.
Cảnh sát cho biết đã có 142 người bị bắt kể từ thứ Ba, nâng tổng số người bị bắt giữ lên hơn 4.000 người.
Cơ quan quản lý bệnh viện Hong Kong cho biết 81 người đã bị thương kể từ thứ Hai, với hai người trong tình trạng nghiêm trọng.
Một số tuyến tàu, nhà ga và tuyến xe buýt bị đóng vì hư hỏng cơ sở, Reuters dẫn thông tin từ nhà điều hành MTR, đồng thời cho biết thêm rằng toàn bộ mạng lưới tàu sẽ đóng cửa trước 10 giờ tối, sớm hơn hai giờ so với bình thường.
Nhiều ngân hàng, cửa hàng trong các khu thương mại sầm uất đã đóng cửa vào thứ Tư, trong khi Câu lạc bộ đua ngựa Hong Kong đã hủy bỏ các cuộc đua vào buổi tối.
Thị trường chứng khoán Hong Kong giảm 2%, xuống mức thấp trong vòng ba tuần trong phiên giao dịch sáng sớm, thấp hẳn so với các khu vực khác ở châu Á. Sự sụt giảm xảy ra sau khi Trưởng đặc khu Hong Kong, bà Carrie Lam, nói rằng những người biểu tình đang cố gắng làm tê liệt thành phố là “cực kỳ ích kỷ”.
Hồng Kông vẫn căng thẳng,
chính quyền ra lệnh đóng cửa trường học
Tình hình Hồng Kông sáng nay, 13/11/2019, vẫn hỗn loạn sau một đêm xung đột chưa từng thấy giữa người biểu tình phản kháng, sinh viên và cảnh sát tại một khu đại học.
Cảnh sát đã rút lui trong đêm. Sáng nay nhiều ga tàu điện đã phải đóng cửa, hàng chục tuyến xe buýt đã phải ngưng chạy, trong lúc xung đột tiếp tục diễn ra ở nhiều khu phố tại Hồng Kông.
Thông tín viên RFI tại Hồng Kông, Florence de Changy cho biết tình hình hiện tại :
Tại một số khu phố Hồng Kông, người dân khi thức dậy sáng nay có thể nghĩ rằng đã có một trận mưa gạch và mảnh vỡ đủ loại vào tối qua.
Các đại lộ ở khu phố Cửu Long – vùng rất đông dân cư, đối diện với đảo Hồng Kông trên phần đất liền – một số đường cao tốc bình thường rất đông xe buýt đưa người đi làm, cũng như trên nhiều đoạn của con đường duy nhất bao quanh Hồng Kông, tất cả đều đầy những mảnh vỡ đủ loại mà mục tiêu là để cản trở lưu thông.
Người ta có thể thấy nào là rào cản, cột đèn bị chặt gẫy, biển chỉ đường, nào là các loại hộp nhựa, thậm chí có cả đinh. Giao thông đã bị xáo trộn nghiêm trọng và một số đường hầm chính bị ngăn chận.
Vào giờ cơm trưa, hàng trăm nhân viên văn phòng, người đi đường, số đông không đeo mặt nạ, cũng đã tràn ra đường, trên các con đường khu Trung Hoàn, bày tỏ thái độ bực tức trước sự ngoan cố của chính quyền không chịu nhượng bộ, mà cũng không làm gì để đưa Hồng Kông thoát ra khỏi bế tắc hiện nay.
Những người cực đoan đã đập phá cửa kính của Ngân Hàng Viễn Thông, một trong những ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc.
Vào lúc tình hình cứ mỗi giờ mỗi xấu đi thêm, chính quyền Hồng Kông vừa thông báo đóng cửa các trường học vào ngày mai, thứ Năm.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191113-hong-kong-van-cang-thang-chinh-quyen-ra-lenh-dong-cua-truong-hoc
Chiến thuật cài cắm “đường lười bò”:
TQ đang phá hoại văn minh nhân loại
Để hiện thực hóa yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông theo “đường 9 đoạn”, Trung Quốc đã, đang sử dụng chiến dịch cài cắm “đường lưỡi bò” vào tất cả các sản phẩm văn hóa, khoa học công nghệ. Hành động này là chiến dịch tâm lý chiến lừa dối, tồi tệ của Trung Quốc.
Thủ đoạn tinh vi của Trung Quốc
Trung Quốc luôn nuôi tham vọng độc chiếm Biển Đông và trong những năm gần đây công khai tham vọng này bằng việc công bố yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp bao trùm gần 90% diện tích Biển Đông cũng như đẩy mạnh việc cải tạo trái phép các bãi đá trong khu vực thành các đảo nhân tạo làm căn cứ để hiện thực hóa điều này. Song song với những hành động sai trái nói trên, giới chức Trung Quốc cũng có những bước chuẩn bị hết sức tinh vi để truyền bá những thông điệp sai trái về yêu sách chủ quyền của nước này ra khắp thế giới với mục tiêu từng bước thay đổi quan điểm của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này. Từ năm 2015, trước những quan ngại của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Giới chức Trung Quốc liên tục đẩy mạnh việc tuyên truyền về cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông bất chấp phản ứng quyết liệt của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, EU, Nhật Bản, Ấn Độ… và các nước trong khu vực. Mới đây nhất, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngang nhiên lặp lại quan điểm nói trên của giới chức Trung Quốc khi tuyên bố: “Các hoạt động của Trung Quốc ở những vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông là hợp pháp, chính đáng và không có gì phải giải thích”. Đáng chú ý, “những vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông” mà ông Cảnh Sảng đề cập lại có cả khu vực bãi Tư Chính vốn nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia ven biển nhưng lại đưa ra tuyên bố đi ngược hoàn toàn với hành động sai trái của nước này.
Để thực hiện mục tiêu trên, Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền bí mật thông qua những thông điệp được nước này cài cắm hết sức tinh vi bất cứ lúc nào có thể. Hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp được Trung Quốc cài cắm ở mọi nơi: từ cái áo, quả địa cầu, bản đồ, bản đồ digital (trên định vị các phương tiện), phim ảnh, sách giáo trình… cho thấy Trung Quốc không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để phổ biến các yêu sách phi lý trên Biển Đông.
Mới đây nhất, thông tin về việc bộ phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ” (tên tiếng Anh là Abominable) do DreamWorks Animation Studio (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc) đồng sản xuất có tới 2 đoạn và 4 cảnh phim xuất hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông khiến cộng đồng quốc tế phản ứng gay gắt. Tại Việt Nam, bộ phim này sau đó bị dừng chiếu và thu hồi. Đáng chú ý, Pearl Studio thuộc sở hữu của China Media Capital, một tập đoàn lớn của Trung Quốc được thành lập với mục tiêu gây dựng “đế chế truyền thông toàn cầu” để “quảng bá những giá trị Trung Quốc ra khắp thế giới”. China Media Capital từng nhận được khoản đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD từ các tập đoàn lớn của Trung Quốc như Alibaba và Tecent để hiện thực hóa mục tiêu này. Đây không phải là lần đầu tiên “đường lưỡi bò” xuất hiện trên các sản phẩm văn hóa, thể thao, giải trí mang tính toàn cầu. Trước đó gần 1 tuần, cộng đồng mạng quốc tế phát hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trên một đồ họa của kênh thể thao hàng đầu thế giới ESPN giới thiệu về lãnh thổ Trung Quốc trong chương trình SportCenter. Dù ESPN sau đó lên tiếng nhận lỗi và thanh minh rằng việc sử dụng đồ họa nói trên “là sai lầm vô ý” và ESPN sửa sai bằng “một tấm bản đồ hoàn toàn khác” không bao gồm “đường lưỡi bò”, giới quan sát cho rằng, điều này cho thấy “ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với các hãng truyền thông và giải trí lớn có tác động đến cộng đồng quốc tế để truyền bá thông điệp đầy sai trái của mình”.
“Tâm lý chiến” theo kiểu của Bắc Kinh
Giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc cài cắm hình ảnh “đường lưỡi bò” vào các vật phẩm văn hóa như phim ảnh, sách, bản đồ có thể xem là một cuộc chiến tâm lý. Trung Quốc muốn thông qua hành vi trên để nhắc lại với người dân và thế giới rằng họ từ chối phán quyết của Tòa Trọng tài và họ bám lấy câu chuyện viễn tưởng của riêng mình rằng tin giả của họ là thật.
Giáo sư Carl Thayer khẳng định, Việt Nam cần tạo ra mặt trận thống nhất chống lại chiến tranh tâm lý, ngăn chặn thông tin sai lệch của Trung Quốc về Biển Đông. Theo Giáo sư Carl Thayer, chiến tranh tâm lý hay chiến dịch cài cắm “đường lưỡi bò” trong các sản phẩm lưu hành rộng rãi chỉ là một trong nhiều mặt trận nhằm mục đích cuối cùng, chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc. Hình thức tuyên truyền này không chỉ được sử dụng đối với Việt Nam, mà còn ở nhiều nước khác trong khu vực, thậm chí cả ở Australia. Hiện nay, trên nền tảng công nghệ thông tin, cho phép thực hiện các hình thức chiến tranh mới trên không gian mạng và cả chiến tranh tâm lý nữa. Đây là một mặt trận mới và rất nguy hiểm.
Trung Quốc rất biết cách phát triển các chiến thuật mới, nhằm cài đặt hình ảnh đường lưỡi bò, thể hiện những yêu sách phi lý, bất hợp pháp của họ về vấn đề Biển Đông. Để đối phó với chiến dịch tâm lý chiến “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam, cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông cần chứng minh và chỉ rõ cho nhân dân trong nước và cộng đồng thế giới biết cụ thể về chiến dịch tuyên truyền (về đường lưỡi bò) này của Trung Quốc; đồng thời cần nói rõ cho người dân và cộng đồng quốc tế biết về quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề này. Ngoài ra, Việt Nam, cũng như Australia và các nước trong khu vực cần phối hợp tốt hơn nữa, để đáp trả lại cuộc chiến tâm lý và đấu tranh loại bỏ các thông tin sai lệch về Biển Đông từ phía Bắc Kinh.
Trong khi đó, Giáo sư Julian Ku tại Đại học Hofstra, New York, Mỹ, nhận định, Trung Quốc có thể làm điều này bởi, “nhiều cá nhân và tập đoàn nước ngoài không quá quan tâm đến những tranh chấp ở Biển Đông hay bản đồ ‘đường lưỡi bò’ và dễ dàng để lọt những chi tiết này”.
Trước những hành vi phi pháp của Trung Quốc, nhất là việc đẩy mạnh dùng hình ảnh “đường lưỡi bò” để đánh lừa cộng đồng quốc tế, Bộ Ngoại giao Mỹ (4/11) công bố Báo cáo “Một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung”, trong đó nhấn mạnh, các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua cái gọi là “đường 9 đoạn” là bất hợp pháp, không có giá trị pháp lý và gây thiệt hại đối với các quốc gia khác. Báo cáo trên cho biết, “các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua cái gọi là ‘đường 9 đoạn’ phi lý là không có cơ sở, bất hợp pháp và không hợp lý. Các đòi hỏi chủ quyền này, vốn không có giá trị pháp lý, lịch sử hoặc địa lý, lại gây ra các thiệt hại thực tế đối với các quốc gia khác”; đồng thời khẳng đinh “thông qua các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại nhằm áp đặt ‘đường 9 đoạn’, Bắc Kinh đang cản trở các quốc gia thành viên ASEAN tiếp cận với các nguồn dự trữ năng lượng trị giá 2,5 nghìn tỷ USD, đồng thời góp phần vào sự mất ổn định và nguy cơ xung đột”. Không những vậy, Washington khẳng định Mỹ hợp tác cùng các nước trong khu vực để duy trì tự do hàng hải và tận dụng nhiều biện pháp khác nhau để tất cả các quốc gia có thể cùng chia sẻ lợi ích từ biển. Washington kêu gọi các nước liên quan cần giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng những biện pháp hòa bình, không cưỡng ép và phải dựa trên luật pháp quốc tế.
Nhìn chung, cộng đồng quốc tế và các nước có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông cần tỉnh táo để nhận diện thủ đoạn cài cắm hết sức tinh vi của nước này trong quá trình truyền bá thông tin sai trái về cái gọi là “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông”; có phản ứng thích hợp và kịp thời để ngăn chặn hành vi này của Trung Quốc.
TQ tích cực tổ chức các diễn đàn quốc tế
để tuyên truyền về các lập luận yêu sách chủ quyền
Trong những năm qua, giới chức Bắc Kinh tích cực tổ chức các hội nghị, diễn đàn gắn mác quốc tế từ cấp trung ương, chính thức đến cấp địa phương,bộ ngành, không chính thức để thông tin, phổ biến dư luận, đặc biệt là các lập luận biện minh của nước này về các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
“Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh” đối trọng với “Diễn đàn Shangri-la”
Diễn đàn này được Trung Quốc khởi xướngtừ năm 2006, do Viện Khoa học quân sự và Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc đứng ra tổ chức, lúc đầu đây chỉ là cuộc hội thảo học thuật quốc tế mang tên “Diễn đàn Hương Sơn” với 50 học giả quốc tế tham gia, tiến hành 2 năm một lần. Từ năm 2014, sau khi ông Tập Cận Bình chủ trì Quân ủy đã phê chuẩn nâng cấp “Diễn đàn Hương Sơn” lên thành một diễn đàn bán chính thức, trở thành diễn đàn đối thoại về quốc phòng và an ninh quốc tế thường niên do Trung Quốc tổ chức có nhiều quốc gia tham dự nhất (trừ năm 2017 không tổ chức được với lý do Viện Khoa học quân sự Trung Quốc đang tái cơ cấu).
Từ năm 2018, Bắc Kinh đổi tên “Diễn đàn Hương Sơn” thành “Diễn đàn Hương Sơn, Bắc Kinh” với sự có mặt của 500 đại biểu đến từ 67 quốc gia và 7 tổ chức quốc tế, trong đó có gần 50 quan chức cấp Thứ trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, hơn 80 chuyên gia, học giả nước ngoài và gần 40 chuyên gia, học giả Trung Quốc về vấn đề quốc phòng và an ninh quốc tế. Lần đầu tiên Triều Tiên đã cử đoàn tham gia do Thứ trưởng Bộ các Lực lượng vũ trang, Đại tướng Kim Heng Long dẫn đầu. Theo trang tin Đa Chiều, về vấn đề Biển Đông, Ngụy Phượng Hòa lúc đó đã cho rằng việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân
tạo ở Biển Đông một cách phi pháp là “thực thi quyền tự vệ của quốc gia có chủ quyền, không liên quan đến quân sự hóa”. Ông ta ám chỉ Mỹ khi nói, Trung Quốc “phản đối quốc gia ngoài khu vực giương chiêu bài tự do hàng hải để tới Biển Đông thể hiện vũ lực và tiến hành khiêu khích, làm gia tăng tình hình căng thẳng trong khu vực”.
Đến nay, Trung Quốc đã tổ chức tổng cộng 9 lần diễn đàn này. “Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh” lần thứ 9 năm 2019 được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Bắc Kinh từ ngày 20-22/10, với chủ đề là “Duy trì trật tự quốc tế và xây dựng hòa bình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Bốn chủ đề lớn của diễn đàn là: Quan hệ giữa các nước lớn và trật tự quốc tế; Quản lý và kiểm soát rủi ro an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Lợi ích và an ninh chung của các nước vừa và nhỏ: Hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế và ổn định toàn cầu. Các chủ đề của 8 nhóm thảo luận trong diễn đàn là: Đổi mới khái niệm an ninh; Xây dựng cơ chế tin cậy lẫn nhau; Cấu trúc an ninh châu Á – Thái Bình Dương; Tình hình an ninh hàng hải; Quốc tê hợp tác chống khủng bố: Tình thế an ninh mới ở Trung Đông; Đổi mới công nghệ và an ninh quốc tế; Trí tuệ nhân tạo và chiến tranh trong tương lai. Trong bối cảnh Trung Quốc phải đối mặt với làn sóng dư luận phản đối, chỉ trích ngày càng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, trong mỗi dịp diễn ra “Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh”, Bắc Kinh đều đưa nội dung liên quan đến biển đảo, hàng hải và chủ quyền lãnh thổ vào chương trình chủ đề thảo luận của diễn đàn. Trung Quốc lồng ghép vấn đề Biển Đông vào cả 4 chủ đề là “Đổi mới khái niệm an ninh”; “Xây dựng cơ chế tin cậy lẫn nhau”; “Cấu trúc an ninh châu Á – Thái Bình Dương” và “Tình hình an ninh hàng hải”. Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ngang nhiên tuyên bố các đảo ở Biển Đông là “một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc”. Tân hoa xã trích phát biểu của ông Ngụy Phượng Hòa chuyển lời của Chủ tịch Trung Quốc tới các quan chức hiện diện tại diễn đàn rằng “Chủ tịch Tập đã đặt hy vọng cao trên diễn đàn và chỉ ra hướng cho các bên tham gia cùng xây dựng sự đồng thuận về hòa bình và tăng cường hợp tác an ninh”. Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa nói, Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới “chưa tái thống nhất hoàn toàn”. Ông Ngụy nhấn mạnh “các đảo ở Biển Đông và đảo Điếu Ngư là những phần lãnh thổ không thể thay đổi của Trung Quốc. Chúng tôi thậm chí sẽ không cho phép lấy đi một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại”.
Cũng trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa lặp lại quan điểm “Trung Quốc là một quốc gia yêu chuộng hòa bình. Chúng tôi không công nhận hay chấp nhận logic rằng một cường quốc mạnh mẽ ắt sẽ tìm kiếm quyền bá chủ. Sự phát triển của Trung Quốc không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với bất kỳ quốc gia nào khác… Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ hay sự bành trướng hay thiết lập phạm vi ảnh hưởng”. “Tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều bình đẳng và đều có quyền độc lập lựa chọn con đường phát triển của riêng mình. Việc nhúng tay vào các vấn đề khu vực, can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, khơi dậy các cuộc cách mạng màu và thậm chí cố gắng lật đổ các chính phủ hợp pháp của các quốc gia khác, là nguồn gốc thực sự của các cuộc chiến tranh và thảm họa khu vực”, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nói thêm. “Không ai và không thế lực nào có thể ngăn chặn toàn bộ Trung Quốc thống nhất. Chúng tôi cam kết thúc đẩy hòa bình phát triển quan hệ eo biển xuyên Đài Loan và hòa bình thống nhất đất nước”, ông Ngụy nói. Trong khi Trung Quốc có thể thoải mãi nói về những điều mà nước này muốn tuyên truyền để bao biện cho những hành động sai trái của nước này ở Biển Đông thì các phát biểu khác của khách mời, diễn giả đề được Ban tổ chức khống chế.
Diễn đàn Cấp cao Hợp tác quốc tế về “Vành đai, con đường”
Năm 2019, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 2 sẽ được tổ chức từ ngày 25-27/4 tại Bắc Kinh, thu hút sự tham gia của khoảng 5.000 đại biểu tham dự các hoạt động của Diễn đàn, trong đó có lãnh đạo của hơn 90 tổ chức quốc tế và quan khách từ hơn 190 nước. Đặc biệt, Diễn đàn có sự tham dự của Nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của 37 quốc gia và 2 lãnh đạo tổ chức quốc tế. Các hoạt động chủ yếu của Diễn đàn bao gồm 12 cuộc hội thảo và một diễn đàn dành cho các nhà doanh nghiệp vào ngày 25/4, Lễ khai mạc và hội nghị cấp cao trong ngày 26/4, hội nghị bàn tròn các nhà lãnh đạo cấp cao trong ngày 27/4. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự lễ khai mạc và có bài phát biểu quan trọng mang tính định hướng, đồng thời chủ trì hội nghị bàn tròn các nhà lãnh đạo cấp cao. Diễn đàn lần thứ hai này được cho là dịp để Trung Quốc tái khẳng định tầm quan trọng và thành quả của sáng kiến “Vành đai, con đường” cũng như sự ủng hộ của quốc tế đối với sáng kiến này, đồng thời đánh dấu “Vành đai, con đường” chuyển mình sang một giai đoạn mới sau gần 6 năm thực hiện. Thông qua việc phổ biến về sáng kiến “Vành đai, con đường”, Trung Quốc đã tuyên truyền về hình ảnh nước lớn có trách nhiệm và đóng góp cho hoà bình, phát triển của thế giới nhằm giải
toả những nghi ngại của các nước về sự phát triển của Trung Quốc, trong đó có việc nước này theo đuổi ý đồ độc chiếm ở Biển Đông.
“Đối thoại Bắc Các” về Biển Đông, Hoa Đông
Đây là diễn đàn thường niên do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, Đại học Bắc Kinh đứng ra tổ chức với sự hợp tác của Hội ngoại giao nhân dân Trung Quốc. Tham dự đối thoại thường có các cựu chính khách, nhà chiến lược của các nước như cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Zoellick, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Menon, cùng với người phụ trách một số cơ quan nghiên cứu và chuyên gia, học giả Trung Quốc. Cựu ủy viên quốc vụ, viện trưởng danh dự Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, Đại học Bắc Kinh, ông Đới Bỉnh Quốc cũng đã tham dự hội nghị. Ngoài tổ chức hội nghị kín, ban tổ chức còn tổ chức giao lưu với các học giả trẻ Trung Quốc. Hội nghị tập trung thảo luận về tình hình an ninh toàn cầu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay, đồng thời trao đổi ý kiến sâu sắc về cách thức Trung Quốc phát huy “vai trò mang tính xây dựng” tích cực hơn trong an ninh quốc tế và quản lý toàn cầu.
“Diễn đàn nghiên cứu Biển Đông”
Diễn đàn nghiên cứu Biển Đông năm 2014 đã được tổ chức tại Đại học Nam Kinh từ năm 2014. Tại diễn đàn này, Trung Quốc mời khoảng 100 chuyên gia, học giả đến từ 43 đơn vị trong đó có Bộ Ngoại giao, Cục hải dương quốc gia và các viện nghiên cứu khoa học của các trường đại học lớn Trung Quốc đã tiến hành thảo luận học thuật về các vấn đề như ngoại giao Biển Đông và hợp tác xung quanh, quyền lợi biển và luật biển quốc tế, hoạt động trên biển ở Đông Á thời cổ đại và con đường tơ lụa trên biển. Trung Quốc tập trung tuyên truyền theo chủ đề như tăng cường ý thức biển hiện đại, xây dựng quan niệm biển hiện đại; tăng cường hợp tác khu vực trên mọi phương hướng (toàn phương vị), xây dựng chỗ dựa chiến lược, cải thiện môi trường địa-chính trị, kinh tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông; tăng cường thực lực, bảo vệ quyền lợi biển; tăng cường nghiên cứu và vận dụng luật biển quốc tế. Trung Quốc cho rằng, (cái gọi là) bảo vệ chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc (trên thực tế, cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam) đã bị thách thức bởi các loại nhân tố địa-chính trị và địa-kinh tế, trong ứng phó tranh chấp cần thông qua các phương thức như tăng cường xây dựng năng lực, nâng cao ý thức biển và mở rộng hợp tác quốc tế để quản lý, kiểm soát tranh chấp Biển Đông, để Biển Đông thực sự trở thành biển hòa bình, biển hợp tác, biển phồn vinh”. Diễn đàn nghiên cứu Biển Đông do Trung tâm sáng tạo hiệp đồng nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc của Đại học Nam Kinh đứng ra tổ chức.
Đằng sau những tuyên bố, phát ngôn của TQ
về thời hạn đàm phán COC vừa qua?
Giới lãnh đạo Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố rằng nước này mong muốn việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với ASEAN sẽ kết thúc trong vòng ba năm tới, nhằm góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Tuy nhiên, đằng sau những hứa hẹn hòa nhoáng đó lại là những bước đi đầy tính toáncủa nước này mà các nước cần thận trọng.
Giới chuyên gia, học giả các nước cho rằng Trung Quốc tin rằng mình đang đàm phán với ASEAN ở thế trên cơ. Vì vậy việc Trung Quốc chọn thời hạn ba năm để hoàn tất COC không phải là ngẫu nhiên, mà có một số lý do chính.
Một là, năm 2021 là thời điểm tân tổng thống Mỹ sẽ nhậm chức, sau bầu cử năm 2020. Do đó, Chính quyền Mỹ sẽ phải tập trung vào các vấn đề nội bộ hơn là quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông. Kể cả trong trường hợp ông Donald Trump tái cử hay một nhân vật chính trị khác lên làm tổng thống Mỹ thì Washington sẽ phải tập trung vào các vấn đề đối nội.
Hai là, Tổng thống Philippines Duterte, người ưu tiên cải thiện quan hệ với Trung Quốc, sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào 2021 và tân tổng thống sẽ phải thể hiện quan điểm khác với ông Duterte. Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổ chức khảo sát xã hội (Social Weather Stations) của Philippines trong tháng 9 năm nay, có đến 84% người tham gia khảo sát không muốn từ bỏ yêu sách của Manila ở Biển Đông.
Ba là, 2021 là năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP). Việc đàm phán COC nhằm bảo đảm lợi ích của Bắc Kinh và gia tăng hình ảnh trên trường quốc tế sẽ giúp ích cho CCP và quyền lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nếu Bắc Kinh theo đuổi cơ hội địa chính trị này, trở thành một nhân tố quan trọng nhất trên thế giới vào 2021, thì đảng cầm quyền sẽ giành được sự ủng hộ lớn của người dân.
Bốn là, Trung Quốc đưa ra thời hạn ba năm cho COC vì nó là một cách dễ dàng, không mất gì để tiếp tục trì hoãn đàm phán với các nước. Chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ dẫn ra bản thảo đơn nhất COC mà ASEAN và Trung Quốc thống nhất đầu năm nay, trong đó cho thấy hai bên chưa bắt đầu thảo luận về bất cứ vấn đề khúc mắc nào. Do đó, ông nhận định Bắc Kinh sẽ không sẵn lòng thỏa hiệp về bất cứ điều gì khi cảm thấy mình đang chiếm ưu thế ở Biển Đông. Theo chuyên gia CSIS, mục đích của Trung Quốc là giữ cho ASEAN tiếp tục thảo luận, khiến các nước cùng có tranh chấp ở Biển Đông như Philippines và Việt Nam gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm các biện pháp khác trong đàm phán và phân xử tranh chấp. Trong khi đó, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát ở các vùng biển và trên không, đến khi COC trở thành một vấn đề không còn quan trọng.
Năm là, trong bối cảnh Trung Quốc đang vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ của các nước về những hành động ở Biển Đông và việc nước này tìm cách chi phối, trì hoãn COC thì việc nước này đưa ra thời hạn ba năm đã phần nào giảm sức ép dư luận, ít nhất là đối với những nước có quan điểm trung lập hoặc đã nghiêng về Trung Quốc có cớ để tiếp tục ủng hộ Bắc Kinh và khẳng định lập trường đối với người dân và các nước. Đối với ASEAN, cũng được xem là một tiến triển tích cực.Cần phải nhắc lại rằng Trung Quốc và các nước ASEAN năm 2002 ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong đó cam kết tuân thủ các nguyên tắc của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Đến năm 2013, các bên khởi động đàm phán COC và thông qua thỏa thuận khung vào tháng 8/2017. Tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 (AMM 51) ở Singapore đầu tháng 8/2018, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được dự thảo văn bản đơn nhất về COC.
Sáu là, nếu Trung Quốc chưa cảm thấy mình kiểm soát được tình hình trong ba năm, họ sẽ trì hoãn tiếp việc hoàn thành COC. Vì vậy, các nước thành viên cần tránh bị Bắc Kinh lợi dụng sự bất đồng trong nội khối để chia rẽ. Các quốc gia cũng lưu ý không nên để mình “bị bắt nạt” mà đồng ý với các điều khoản của Trung Quốc. Mặt khác, các nước liên quan ở ngoài khu vực như Mỹ, Nhật, Australia và châu Âu cần tăng cường áp lực ngoại giao về kinh tế với Trung Quốc nếu còn tiếp tục bắt nạt các nước khác và vi phạm luật pháp quốc tế. Cách duy nhất để thay đổi dự định của Trung Quốc là các nước cùng có yêu sách trong ASEAN cần hợp tác để thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh, tạo dựng một quan điểm chung trong đàm phán COC và yêu cầu Trung Quốc thảo luận thực chất.
Bộ trưởng Quốc phòng TQ và Mỹ: Điện đàm
về Biển Đông, Đài Loan, Hồng Công và Tân Cương
Trong cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (5/11), hai bên đã cam kết duy trì mối quan hệ quân sự bền vững và tăng cường hợp tác trên cơ sở những quan điểm đã được nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump thống nhất.
Tân Hoa xã của Trung Quốc cho biết, trong hội nghị truyền hình giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Trung, hai bên đã tiến hành thảo luận về hàng loạt vấn đề nóng hiện nay như tình hình Biển Đông, vấn đề Đài Loan, biểu tình ở Hồng Công và khu tự trị Tân Cương. Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tái khẳng định quan điểm của Trung Quốc về những vấn đề trên, đồng thời nhấn mạnh cuộc đối thoại là một phần trong hoạt động tăng cường quan hệ bền vững giữa quân đội Mỹ – Trung dựa trên những điểm mà ông Tập và ông Trump đã thông qua trong cuộc gặp tại Osaka hồi tháng Sáu; cho rằng quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi là lựa chọn đúng đắn duy nhất đối với Mỹ và Trung Quốc để cùng vươn tới. Quân đội hai nước cần làm tốt công việc triển khai những quan điểm mà hai nhà lãnh đạo đã thông qua và tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ liên quân thành yếu tố ‘bình ổn’ các mối quan hệ song phương. Một số quan chức quân đội Trung Quốc cho rằng cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Trung là nhằm cải thiện quan hệ hợp tác và tránh “những hiểu lầm” giữa quân đội hai
nước. Trong đó, Biển Đông hiện là một trong những chủ đề khiến mối quan hệ Mỹ – Trung rơi vào cảnh bất hòa.
Trong khi đó, Bộ trưởng Esper cho biết, ông “quan tâm tới việc xây dựng một mối quan hệ mang tính tích cực, định hướng có kết quả nhằm ngăn chặn và giải quyết khủng hoảng, giảm thiểu nguy cơ hiểu nhầm hoặc tính toán sai cũng như tăng cường toàn bộ mối quan hệ hai bên”; khẳng định, cuộc thảo luận là “thiết thực và hiệu quả”. Ngoài ra, hai bên sẽ cho tổ chức thêm các cuộc đối thoại kiểu này.
Trước đó, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ John Richardson và Tư lệnh hải quân Trung Quốc Thẩm Kim Long (9/7) cũng đã điện đàm trao đổi về những biện pháp giảm các nguy cơ xung đột ở Biển Đông. Cuộc điện đàm diễn ra ngay sau khi Mỹ tố cáo Trung Quốc (30/6) bắt thử tên lửa đạn đạo diệt hạm trên Biển Đông, hai nước đã tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm trao đổi, thảo luận về tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại đều đặn trong việc giảm nguy cơ tính toán sai lầm từ mỗi bên, qua đó tránh cuộc xung đột tiềm tàng trên Biển Đông. Tham mưu trưởng hải quân Mỹ John Richardson cho biết nhấn mạnh hải quân Mỹ vẫn sẽ nhất quán trong sự hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở thông qua việc gửi đi các thông điệp, cũng như qua các chiến dịch của Mỹ trên biển cũng như trên không.
Được biết, trong những năm gần đây vấn đề Biển Đông luôn là vấn đề căng thẳng nhất trong quan hệ Mỹ – Trung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ và Trung Quốc luôn tiến hành tranh giành ảnh hưởng và quyền kiểm soát khu vực Biển Đông, biến khu vực này thành bàn đạp để giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Từ trước đến nay, Mỹ luôn có quan điểm cho rằng lợi ích của Mỹ tại Biển Đông nằm trong lợi ích đa dạng và trải rộng của Mỹ tại Đông Á/Tây Thái Bình Dương với tư cách là một cường quốc khu vực và toàn cầu. Trong đó, lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ bao gồm: (1) Bảo vệ lãnh thổ Mỹ, người dân Mỹ, đồng minh và lợi ích của Mỹ; (2) Ổn định khu vực và loại bỏ bất kỳ cường quốc vượt trội hay nhóm cường quốc nào sẽ đe dọa hay cản trở cơ hội hay lợi ích của Mỹ; (3) Phát triển khu vực và thúc đẩy tự do thương mại và mở cửa thị trường; (4) Đảm bảo một thế giới ổn định, an toàn và phi hạt nhân; (5) Thúc đẩy các giá trị toàn cầu, như quản lý tốt, dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo; (6) Đảm bảo tự do hàng hải, điều kiện tiên quyết để ổn định khu vực và bảo vệ lợi ích của Mỹ. Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump (18/12/2017) đã công bố Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017. Chiến lược mới là sự kết hợp chặt chẽ 4 lợi ích quốc gia cốt lõi, bao gồm: bảo vệ đất nước và người dân Mỹ; thúc đẩy phát triển thịnh vượng; thúc đẩy hòa bình thông qua sức mạnh và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Mỹ và đồng minh nhiều lần lên tiếng khẳng định duy trì “khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở cửa và tự do”; thường xuyên điều động tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược. Trong năm 2019, Mỹ đã 7 lần thực hiện chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông. Cụ thể: (1) Hải quân Mỹ (7/1) đã cử tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình lớp Arleigh Burke USS McCampell tuần tra đảm bảo tự do hàng hải (FONOPS) trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, Lincoln và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm thể hiện thái độ cứng rắn và quyết tâm chống lại các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Rachel McMarr (07/1) cho biết, hoạt động tuần tra trên nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh và “bảo vệ quyền tiếp cận những tuyến đường hàng hải trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”; cho biết “các lực lượng của Mỹ hoạt động trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương một cách thường xuyên, trong đó có Biển Đông và mọi chiến dịch đều được thực hiện đúng với luật pháp quốc tế, thể hiện quyết tâm của Mỹ hoạt động tại vùng trời, vùng biển và bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Điều này được áp dụng với Biển Đông và nhiều nơi khác trên thế giới”. (2) Hạm đội 7 (11/2) đã cử hai tầu khu trục hạm có gắn tên lửa hành trình USS Spruance và USS Preble tuần tra vùng 12 hải lý bãi đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Người phát ngôn Hạm đội 7 Mỹ Trung tá Clay Doss cho biết, hoạt động của hai tàu khu trục trên tuân thủ luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và thách thức những tuyên bố quá đáng về chủ quyền trên biển của Trung Quốc; nhấn mạnh “tất cả các hoạt động này đều tuân thủ luật pháp quốc tế và chứng thực rằng Mỹ sẽ bay, dong buồm và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép không chỉ ở Biển Đông mà còn ở các nơi khác trên toàn cầu”. (3) Mỹ (19/5) điều tàu USS Preble (DDG-88) trang bị tên lửa Tomahawk đã đi dọc theo bãi cạn Scarborough ở Biển Đông nhằm
thách thức những yêu sách của Trung Quốc tại khu vực này. (4) Hải quân Mỹ (6/5) điều hai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Preble và USS Chung Hoon tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Người phát ngôn Hạm đội 7 của Mỹ Clay Doss cho biết, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Preble và USS Chung Hoon tiền hành tuần tra tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, song hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Theo ông Clay Doss, hai tàu trên đã thực hiện qua lại vô hại trong vùng biển quốc tế nhằm “thách thức các tuyên bố hàng hải quá mức” và “bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến đường thủy theo luật pháp quốc tế”. (5) Hải quân Mỹ (28/8) đã điều tàu khu trục USS Wayne E. Meyer áp sát đá Vành Khăn và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm thể quyền qua lại vô hại trong vùng biển quốc tế và thách thức yêu sách chủ phi pháp của Trung Quốc đối với vùng biển này. (6) Hải quân Mỹ Mỹ (13/9) điều khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer áp sát khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Người phát ngôn Hạm đội 7 Hải quân Mỹ Reann Mommsen (13/9) khẳng định sự xuất hiện của tàu USS Wayne E. Meyer là lời thách thức của Mỹ với hành động hạn chế quyền qua lại vô hại của Trung Quốc cũng như không thừa nhận tuyên bố của Bắc Kinh đối với cái gọi là đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa. Theo thông tin trên, tàu khu trục USS Wayne E. Meyer đã di chuyển gần các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, một động thái thách thức chủ quyền vô lý mà Trung Quốc tự đặt ra. (7) Bộ Quốc phòng Mỹ (9/2019) cũng đã điều tàu sân bay USS Ronald Reagan thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ không cho biết thời gian chấm dứt hoạt động tuần tra của tàu USS Ronald Reagan.
Trung Quốc ‘khó lòng tự mình phát triển mạng 6G’
Tham vọng phát triển mạng viễn thông 6G của Trung Quốc có thể là nỗ lực để tránh lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài trong tương lai nhưng Trung Quốc khó có thể tự xây dựng mạng 6G mà không có sự hợp tác với các nước, một chuyên gia về viễn thông cho biết.
Hồi đầu tháng 11, nhà chức trách Trung Quốc loan báo đã thành lập những tổ nghiên cứu để triển khai phương án phát triển mạng 6G, tức là mạng viễn thông thế hệ thứ 6, chỉ vài ngày sau khi mạng 5G chính thức được tung ra ở đất nước đông dân nhất thế giới.
Trong lúc này, đại đa số dân số thế giới vẫn còn kết nối với mạng 4G và rất ít nước có mạng 5G như Trung Quốc, chứ đừng nói đến đang hướng đến mạng 6G.
‘Nghiên cứu sơ bộ’
Theo tin tức từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, Cục Công nghệ nước này đã chính thức thành lập một nhóm các chuyên gia để nghiên cứu về kết nối internet di động thế hệ tiếp theo, tức mạng 6G.
Tin này được công bố trong buổi lễ ra mắt mạng 6G tại Bắc Kinh hôm 3/11, theo trang mạng Chinanews.com.
Theo đó, tổng cộng có 37 chuyên gia viễn thông đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và tập đoàn có mặt trong tổ này với nhiệm vụ được giao là phác thảo sự phát triển của mạng 6G và chứng minh tính khả thi về mặt khoa học của nó.
Ông Vương Hy, Thứ trưởng Cục Công nghệ, được dẫn lời nói rằng Cục này cầnlàm việc với các chuyên gia để thiết kế một kế hoạch nghiên cứu cụ thể cho mạng 6G và thực hiện nghiên cứu sơ bộ.
Trao đổi với VOA, GS-TS Đỗ Văn Thành, người đang nghiên cứu về mạng 5G và an ninh cho tập đoàn viễn thông Telenor của Na Uy, nói rằng đây chỉ mới là tuyên bố sẽ nghiên cứu thôi chứ ‘chưa có gì cụ thể hết’.
“Họ chỉ mới chú trọng vào vấn đề hành chánh, tức sắp xếp như thế nào để công việc được tốt đẹp.”
“Trung Quốc muốn cho thấy họ đã xong mạng 5G rồi. Bây giờ cho dù có hay không sự hỗ trợ của các nước khác thì họ cũng có thể bắt tay vào xây dựng mạng 6G,” ông Thành nói và cho rằng đây là ‘sự biểu dương lực lượng của Trung Quốc’.
“Có thể đây là đòn chính trị trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ,” ông nói. “Họ muốn phát triển công nghệ của mình để tránh bị trừng phạt. Bây giờ họ bị trừng phạt trong công nghệ 5G thì họ chuyển sang làm 6G.”
Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, bị Mỹ đưa vào danh sách đen hạn chế giao dịch và Washington cũng kêu gọi các quốc gia đồng minh loại trừ Huawei trong các kế hoạch phát triển mạng 5G.
Theo Tiến sĩ Thành, ‘hiện giờ thế giới còn chưa biết thế nào về mạng 6G do chưa có định nghĩa gì hết’.
“Mạng 6G còn rất phôi thai cho nên về phương diện kỹ thuật thật ra chưa có định nghĩa gì hết,” ông nói và cho biết cách nay 6 tháng, Phần Lan mới chính là quốc gia khởi xướng mạng 6G khi mời các nước Na Uy, Đức, Pháp và Mỹ tham dự vào dự án nghiên cứu mạng 6G.
Theo định nghĩa rất sơ khai thì mạng 6G có thể là ‘nhằm để cho tất cả mọi người trên thế giới đều có thể vào được mạng’.
Mặc dù mạng 5G là mạng điện thoại cầm tay nên có thể phục vụ cho tất cả các dụng cụ, thiết bị từ nhà máy sản xuất cho đến xe hơi, đồng hồ điện, lò sưởi, thiết bị y tế… nhưng hiện tại ‘chỉ cung cấp kết nối được cho khoảng 40% dân số thế giới’, ông cho biết và chỉ ra những nhiều nơi ở Nam Mỹ hay châu Phi chưa có kết nối Internet.
‘Khó một mình một chợ’
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có đi theo đường hướng này cho mạng 6G theo định nghĩa của nhóm nghiên cứu ở Phần Lan hay không, Giáo sư Thành nói ‘họ phải đi theo xu hướng chung’.
“Trên phương diện viễn thông, tức là kết nối với nhau, cần có sự đồng ý và hợp tác với nhau. Một qua gia tự định hướng thì sẽ bị cô lập,” ông giải thích.
“Trước đây Nhật Bản hay Hàn Quốc họ phát triển mạng lưới điện thoại cầm tay đầu tiên 1G, 2G, 3G khác rất nhiều so với phương Tây và Mỹ,” ông dẫn chứng. “Nhưng qua đến mạng 4G, 5G thì đã rất giống nhau.”
“Do đó, tôi nghĩ rằng qua đến mạng 6G cũng phải có sự hợp tác với nhau.”
“Hơn nữa là nếu thiết bị làm khác nhau thì giá thành sẽ bị đẩy cao, còn nếu giống nhau hết thì một người có thể sản xuất cho toàn thế giới. Như vậy sẽ có lợi hơn,” ông nói thêm.
Mặc dù với việc triển khai mạng 6G sớm này Trung Quốc cho thấy họ không muốn lệ thuộc vào ai nhưng trong đường dài, ông Thành cho biết, ‘trước sau gì Trung Quốc cũng phải hợp tác với các nước khác’.
“Nếu họ thật sự có ý định làm một mình thì họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn,” ông nói và cho biết các chi tiết kỹ thuật cần phải được thỏa thuận với nhau thì mạng của Trung Quốc mới có thể kết nối với các nước.
Với lại, Trung Quốc sở dĩ giàu lên được là ‘nhờ bán hàng cho khắp các quốc gia khác’ chứ không phải chỉ bán cho thị trường nội địa của họ, ông Thành nói. Mặc dù với thị trường khổng lồ trên 1,4 tỉ dân Trung Quốc hoàn toàn có thể phát triển 6G chỉ riêng cho thị trường của họ.
Theo chuyên gia này, trong thế giới hiện nay ‘không có bất cứ quốc gia nào có đủ khả năng tự túc về công nghệ’ nên bắt buộc cần phải có sự hợp tác phát triển mạng 6G.
Riêng về mạng 5G, vốn cũng chỉ mới vừa được triển khai ở Trung Quốc, ông Thành nói rằng ‘cần phải 2 năm nữa’ thì mạng này mới phổ cập được trên thế giới.
Ông chỉ ra hạn chế của mạng 5G là ‘đắt tiền’ và ‘đòi hỏi cao về kỹ thuật, về khả năng công nghệ’ nên chỉ có các nước phát triển mới triển khai được.
“Do đó cần mạng 6G để có thể bành trướng ra các nước nghèo và cung ứng hết cho toàn thế giới,” nhưng vì 6G ‘còn quá mới’ trong khi mạng 5G vẫn chưa triển khai xong, nên hiện nay các quốc gia vẫn còn chú trọng vào mạng 5G, GS-TS Đỗ Văn Thành phân tích.
Trung Quốc triển khai 5G
Trung Quốc chỉ mới tung ra các gói dữ liệu 5G của họ hôm 31/10 thông qua ba nhà mạng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc là China Mobile, China Unicom và China Telecom, tờ Daily Mail của Anh cho biết.
Theo đó, đây là công tác triển khai mạng 5G lớn nhất thế giới. Quốc gia này sắp sửa kích hoạt hơn 130.000 trạm phát sóng vào cuối năm nay để hỗ trợ cho mạng 5G, cũng theo tờ báo này.
Các kỹ sư Trung Quốc cũng đã xây dựng một ‘thị trấn 5G thông minh’ ở gần Thượng Hải, nơi cư dân có thể tải xống phim truyền hình, phim điện ảnh hoặc trò chơi với tốc độ ấn tượng là 1,7 GB mỗi giây.
Tín hiệu 5G được phát đến các ngõ ngách của thị trấn Ô Trấn rộng 27 dặm vuông với hơn 140 máy phát vốn mới đi vào hoạt động.
Theo Daily Mail, Trung Quốc cũng đang trên lộ trình hoàn thành nhà ga tàu cao tốc được trang bị mạng 5G với sự hợp tác của hãng công nghệ khổng lồ Huawei.
Mạng 5G ‘siêu nhanh’ sẽ được trang bị cho nhà ga Thượng Hải Hồng Kiều, một trong những đầu mối giao thông tấp nập nhất châu Á với lưu lượng khoảng hành khách khoảng 60 triệu mỗi năm.
Hành khách đến ga sẽ có thể tải phim có độ phân giải cao có dung lượng 2 GB trong chưa đầy 20 giây, theo Huawei.
Để so sánh, sẽ mất ba phút và 20 giây để tải xuống cùng một bộ phim trên mạng 4G tiêu chuẩn.
5G mạnh như thế nào?
Kể từ khi điện thoại di động được phát minh vào năm 1980 để cho phép dữ liệu tương tự được truyền qua các cuộc gọi điện thoại, hệ thống G đã được thành hình.
Kể từ đó, khả năng và năng lực truyền dữ liệu của mạng di động đã tăng ồ ạt.
Nhiều dữ liệu có thể được truyền từ điểm này sang điểm khác thông qua mạng di động nhanh hơn bao giờ hết.
Mạng 5G dự kiến sẽ nhanh hơn 1.000 lần so với mạng 4G hiện hành.
Trong khi sự chuyển đổi từ 3G lên 4G là ích lợi nhất cho việc lướt web và làm việc trên thiết bị di động, bước nhảy lên 5G sẽ làm cho tốc độ truyền dữ liệu nhanh đến mức y như thời gian thực.
Điều đó có nghĩa là các hoạt động trên thiết bị di động sẽ nhanh như mạng internet văn phòng.
Nhiều khả năng có thể trở thành hiện thực nhờ vào mạng 5G, chẳng hạn như phiên dịch đồng thời nhiều ngôn ngữ trong một cuộc họp qua truyền hình; xe tự lái có thể tải phim, nhạc và thông tin chỉ đường từ đám mây; một bộ phim dung lượng 8GB có thể được tải xuống trong 6 giây…
Mạng 5G dự kiến sẽ nhanh và hiệu quả đến mức có thể bắt đầu chấm dứt thời kỳ của các thiết bị có dây. Đến cuối năm 2020, ước tính sẽ có 50 tỷ thiết bị kết nối vào mạng 5G.
Tuy nhiên, đối với các quốc gia đang phát triển, chính sự lan rộng của kết nối mạng giá rẻ bằng công nghệ đời cũ 4G mới ảnh hưởng đến cuộc sống hàng tỷ người trong những năm tới, chứ không phải mạng 5G, Reuters dẫn khảo sát của nhánh nghiên cứu của tập đoàn công nghệ viễn thông GSMA cho biết.
Ở các thị trường mới nổi như Nigeria, Mexico, Ấn Độ hay Indonesia, sự kết hợp giữa điện thoại thông minh Android và dữ liệu giá rẻ sẽ đem đến tiềm năng tăng trưởng.
GSMA dự báo rằng vào năm 2025 sẽ có 59% kết nối di động toàn cầu sử dụng mạng 4G.
“Đối với phần đông những quốc gia này, mạng 5G vẫn chưa xuất hiện,” ông Tim Hatt, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của GSMA Intelligence, được Reuters dẫn lời nói.
Tập Cận Bình đến Hy Lạp
để củng cố đầu cầu thâm nhập vào LHCA
Chủ tịch Trung Quốc vào hôm nay 13/11/2019, đã kết thúc ba ngày công du Hy Lạp, nơi ông đã được chính quyền của tân thủ tướng Kyriákos Mitsotákis trải thảm đỏ nghênh tiếp. Nhân chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc, hai bên đã ký hơn một chục thỏa thuận và hợp đồng trong lãnh vực cảng biển, năng lượng và cả ngân hàng.
Giới phân tích ghi nhận mối quan tâm đặc biệt của Trung Quốc đối với Hy Lạp, từ năm 2008 đến nay đã đầu tư hơn 1 tỉ euro vào quốc gia Nam Âu này, một con số sẽ còn gia tăng trong thời gian tới đây. Vì sao Bắc Kinh lại hữu hảo và hào phóng với Hy Lạp như vậy ? Đó là vì Athens, bị lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế đã phải quay sang tìm sự giúp đỡ của Trung Quốc, và Bắc Kinh đã nhân dịp này tung tiền thu phục một thành viên Liên Hiệp Châu Âu để biến nước này thành đầu cầu giúp Trung Quốc thâm nhập sâu vào thị trường châu Âu.
Theo nhận xét của ông Jean-François Dufour, giám đốc công ty tư vấn DCA Chine-Analyse với đài truyền hình Pháp France 24, Bắc Kinh kể như đã đạt được mục tiêu chiến lược mong muốn ở Hy Lạp. Nhờ được Athens trao cho quyền khống chế hải cảng Pirée, Trung Quốc đã có được một cửa ngõ đưa hàng Trung Quốc tiến thẳng vào thị trường châu Âu qua ngã Địa Trung Hải, với chỉ tiêu là đưa được 10% hàng Trung Quốc nhập vào châu Âu qua cảng này.
Theo chuyên gia Dufour, cảng Pirée đã trở thành trung tâm hậu cần chính của Trung Quốc trong vùng Địa Trung Hải.
Vấn đề đặt ra là Trung Quốc được cho là sẽ không dừng lại ở Hy Lạp, mà sẽ dùng Hy Lạp làm tấm gương, chiêu dụ một số quốc gia Liên Hiệp Châu Âu khác, để kéo dài và mở rộng Con Đường Tơ Lụa mới của Trung Quốc ra khắp châu Âu.
Từ Hy Lạp qua Bồ Đào Nha
Trong bối cảnh một số nước Tây Âu, như Pháp và Đức chẳng hạn, đã bắt đầu có quan điểm dè dặt hơn đối với Bắc Kinh và Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc, Bắc Kinh rất cần tôn Hy Lạp lên thành một điển hình hợp tác tốt đẹp, để có thể khuyến dụ các nước khác. Cuộc chiến thương mại với Mỹ đã khiến Bắc Kinh nhận thức ra sự cần thiết của thị trường châu Âu để tiêu thụ sản phẩm Trung Quốc.
Thành công với Hy Lạp được nêu bật sẽ giúp Tập Cận Bình xóa nhòa tiếng xấu thường xuyên được nêu lên trong thời gian gần đây với trường hợp Sri Lanka, theo đó các khoản đầu tư của Trung Quốc chỉ phục vụ lợi ích của Bắc Kinh và có thể khiến các quốc gia con nợ của Bắc Kinh bị mất một phần chủ quyền của mình.
Vào tháng Ba vừa qua, Trung Quốc đã tuyên bố tăng cường quan hệ kinh tế với Ý, tăng đầu tư vào Bồ Đào Nha và các nước Trung và Đông Âu như Hungary, Cộng hòa Séc, Croatia, Serbia chẳng hạn.
Theo đài FranceInfo, trường hợp Bồ Đào Nha rất đáng chú ý vì nước này đang lâm vào tình huống giống như Hy Lạp trước đây: Khi đất nước gặp khó khăn về tài chính, chỉ có Trung Quốc đồng ý tài trợ. Bắc Kinh đã đầu tư hơn 6 tỉ euro vào Bồ Đào Nha, đặc biệt là trong lãnh vực lưới điện, ngân hàng và bảo hiểm. Do đó, Trung Quốc gián tiếp nắm giữ một phần ngành vận tải hàng không và bệnh viện của Bồ Đào Nha.
Tóm lại theo FranceInfo, Bồ Đào Nha và Hy Lạp ngày nay đã thực sự trở thành những con ngựa thành Troie của Trung Quốc ở châu Âu.
Tác hại đối với Liên Hiệp Châu Âu
Đối với chuyên gia Jean-Francois Dufour, việc Trung Quốc khống chế được Hy Lạp và Bồ Đào Nha có thể đe dọa châu Âu.
Thật vậy, thông điệp của Tập Cận Bình gửi đến các nước châu Âu khác có thể bị các khoản vay của Trung Quốc cám dỗ là : « Đối mặt với những thiếu sót về chính trị và kinh tế của Liên Âu, có một mô hình thay thế là Trung Quốc ».
Ngoài ra, tiền của Trung Quốc cũng có thể làm suy yếu chính sách đối ngoại thuần nhất của châu Âu. Năm 2017 chẳng hạn, một kiến nghị của châu Âu tại Liên Hiệp Quốc để tố cáo Trung Quốc vi phạm nhân quyền đã bị Hy Lạp chặn lại.
Theo chuyên gia Dufour, Athens có lẽ đã không nghe lệnh trực tiếp từ Bắc Kinh, nhưng nước này có thể là đã «không còn cảm thấy tự do chỉ trích Trung Quốc như trước khi nhận đầu tư của Trung Quốc».
Câu hỏi đặt ra: điều gì sẽ xẩy ra nếu một nước có trọng lượng hơn trong Liên Hiệp Châu Âu như Ý, sẽ theo gương Hy Lạp hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc ?
Tỉnh nghèo của Campuchia bất ngờ có sân bay hiện đại:
TQ bị nghi có “ý đồ mờ ám”
Mỹ đã bày tỏ mối quan ngại đối với sự xuất hiện bất thường của một sân bay mới ở Campuchia.
Sân bay mới
Từ một khu vực chẳng mấy ai biết tới, tỉnh Koh Kong – một vùng nông thôn ở tây nam Campuchia – lại đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Tại đây, một đường băng dài khoảng 3.200 mét đang được xây dựng ngay tại một khu nghỉ dưỡng do công ty Trung Quốc phát triển. Điểm đáng chú ý là khu vực này chỉ cách thủ đô Phnom Penh 6 tiếng lái xe.
Mỹ đã bày tỏ quan ngại quyết liệt đối với viễn cảnh Trung Quốc sẽ sử dụng đường băng cho mục đích quân sự. Campuchia đã ngay lập tức phủ nhận thông tin này. Giữa bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đối đầu
nhau về thương mại, an ninh và những vấn đề khác, người dân ở tỉnh Koh Kong theo dõi tình hình với những cảm xúc lẫn lộn.
Để đến được khu công trường, các phương tiện phải đi qua Công viên Quốc gia Botum Sakor. Hồi giữa tháng 8, nhiều xe tải chở theo nguyên vật liệu xây dựng đã đi qua đây.
Một tấm biển hiệu mới chỉ đường tới sân bay đã được dựng lên. Trên biển sử dụng ba loại ngôn ngữ: tiếng Campuchia, tiếng Trung Quốc và tiếng Anh.
Tỉnh nghèo của Campuchia bất ngờ có sân bay hiện đại: Trung Quốc bị nghi có ý đồ mờ ám – Ảnh 1.
Một đường băng bí ẩn xuất hiện gần một khu nghĩ dưỡng do công ty Trung Quốc xây dựng ở Campuchia. Ảnh: Tomoya Onishi
Đường băng thẳng tắp được hoàn thiện khoảng hơn 2 tháng trước. Các công trình nhà ga sân bay được dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm 2020.
Koh Kong, tỉnh tây nam Campuchia, chỉ có dân số khoảng 100.000 người. Ngoài nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, vùng này không có ngành công nghiệp trọng điểm nào.
Năm 2008, chính phủ Campuchia kí một thỏa thuận cho phép tập đoàn Union Group của Trung Quốc thuê một khu đất nhìn ra biển trong 99 năm. Theo đó, một khách sạn 5 sao, một sân golf, một sân bay quốc tế và một số các cơ sở khác sẽ được xây dựng trên diện tích 450km2. Ngoài ra, một cảng nước sâu cũng nằm trong kế hoạch.
Sân bay tại Koh Kong đã thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng quốc tế bởi quy mô của nó. Đường băng 3.200 mét đủ dài để các máy bay hành khách cỡ lớn như Airbus A380 cất cánh và hạ cánh.
Thậm chí, đường băng này còn dài hơn con đường dài 3.000 mét ở Sân bay Quốc tế Phnom Penh. Nó cũng dài hơn con đường 2.500 mét ở sân bay Siem Reap. Tuy vậy, so với các đường băng khác trong khu vực, sân bay tại Koh Kong chưa phải quá lớn. Tại Bangkok, sân bay Suvarnabbhumi có các đường băng dài 3.700 mét và 4.000 mét.
Nghi ngờ của Mỹ
Với đường băng mới tại Koh Kong, dự kiến Campuchia sẽ đón được 10 triệu lượt du khách 1 năm ở khu vực này.
Tuy nhiên, dự án này chưa chắc đã đem lại lợi nhuận. Chính vì lí do đó tháng 11 năm ngoái, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tỏ ý quan ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng cơ sở này vì mục đích quân sự.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen phản hồi rằng việc cho phép một cơ sở quân sự nước ngoài xây dựng tại Campuchia là vi hiến.
Hiện tại, mặc dù chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc sẽ tận dụng các cơ sở hạ tầng tại Campuchia cho mục đích quân sự, nhưng trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã bồi đắp trái phép đảo nhân tạo trên Biển Đông. Bắc Kinh cũng xây nhiều cơ sở hạ tầng ở Sri Lanka và tại Maldives ở Ấn Độ Dương.
Bằng cách đầu tư trải dài, Trung Quốc đang cố gắng tăng cường tầm ảnh hưởng trên khắp các khu vực châu Á.
Một nông dân 39 tuổi sống gần sân bay mới cho biết: “Đây là nơi không thể bắt được sóng điện thoại. Nhưng giá đất ở đây đã tăng 10 lần so với 2-3 năm trước đây”.
Sự hiện diện của Trung Quốc tại Campuchia đang trở nên ngày càng rõ nét hơn trong những năm gần đây, đặc biệt tại thành phố cảng Sihanoukville.
Tại vùng trung tâm của Sihanoukville, không khó để bắt gặp hàng loạt casino và khách sạn có biển hiệu ghi chữ Trung Quốc. Trong tổng số dân khoảng 300.000 người ở tỉnh Sihanoukville, khoảng 1/3 là người Trung Quốc.
Khoảng 95% trong số 436 nhà hàng ở Sihanoukville và 150/156 khách sạn ở đây nhận vốn đầu tư từ Trung Quốc.
“Thị trấn này đã trở thành địa bàn của Trung Quốc. Nhưng điều đó chẳng giúp cải thiện gì cho đời sống của chúng tôi cả,” một nhân viên khách sạn Sihanoukville nói.
Trong khi đó, từ đầu năm tới nay, hơn 1.000 người Trung Quốc đã bị bắt giữ vì buôn bán ma túy và các hoạt động phạm pháp khác tại Campuchia.
Lãnh đạo đối lập: Cambodia đang đùa với lửa
khi quá thân cận với Trung Cộng
Tin Kuala Lumpur, Malaysia – Lãnh đạo đối lập Cambodia, ông Sam Rainsy, vào thứ Ba, 12 tháng 11, cảnh báo rằng việc chính phủ Phnom Penh ngày càng thắt chặt quan hệ với Trung Cộng sẽ đe dọa đến quyền lợi của người dân và phá hoại nền dân chủ quốc gia.
Lên tiếng tại Kuala Lumpur sau chuyến thăm quốc hội Malaysia, ông Rainsy nói chính phủ của Thủ Tướng Hun Sen đang đùa với lửa khi trở nên quá thân cận với Trung Cộng. Ông Rainsy, người đồng sáng lập đảng Cứu quốc Cambodia CNRP, nói rằng Cambodia nên giữ thế trung lập và không cho Trung Cộng xây dựng các cơ sở có thể chuyển đổi nhanh thành căn cứ quân sự. Vào 1 ngày trước đó, chính trị gia này cũng khuyến cáo về làn sóng người Trung Cộng đến định cư tại Cambodia, cho rằng Trung Cộng đang biến Cambodia thành một thuộc địa của nước này. Ông Rainsy cho rằng, Thủ Tướng Hun Sen phải chịu trách nhiệm cho việc đẩy Cambodia vào thế phụ thuộc Bắc Kinh.
Trung Cộng trong những năm gần đây đã gia tăng phát triển quan hệ với Cambodia, bằng cách đổ tiền đầu tư vào khu kinh tế miễn thuế ở Sihanoukville và tài trợ các dự án hạ tầng.
Ông Rainsy hiện đang có mặt tại Malaysia, sau khi Thái Lan vào tuần trước từ chối không cho ông quá cảnh tại đây, với lý do rằng ông Rainsy định về Cambodia để vận động chống lại chính quyền Hun Sen. Ông Rainsy cùng một số lãnh đạo lưu vong khác của đảng CNRP đã thề sẽ gây áp lực để được quyền quay về nước.
Vào Chủ Nhật, Cambodia đã bỏ lệnh quản thúc tại gia đối với ông Kem Sokha, lãnh đạo đảng CNRP, vào 2 năm sau khi ông bị truy tố tội phản quốc. Tuy nhiên, ông Sokha vẫn bị cấm không được hoạt động chính trị và không được rời quốc gia. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/lanh-dao-doi-lap-cambodia-dang-dua-voi-lua-khi-qua-than-can-voi-trung-cong/
Indonesia cấm
lãnh đạo đối lập Campuchia bay đến Jakarta
Ngày 13/11, hãng hàng không Malaysia Airlines cho biết họ không cho cựu lãnh đạo đối lập Campuchia, ông Sam Rainsy, lên một chuyến bay từ Kuala Lumpur đến thủ đô Jakarta của Indonesia, theo chỉ thị của chính quyền Indonesia, Reuters đưa tin.
Tự sống lưu vong ở Pháp, ông Rainsy đã đến Malaysia từ cuối tuần qua, sau dự định ban đầu của ông là trở về quê hương vào thứ Bảy để phản đối nhà cầm quyền độc tài Campuchia là Thủ tướng Hun Sen.
“Hãng hàng không Malaysia Airlines đã không cho hành khách nói trên lên máy bay theo chỉ thị của chính quyền Indonesia”, Reuters dẫn tuyên bố của hãng hàng không Malaysia trả lời câu hỏi của hãng tin Anh về việc liệu ông Rainsy có bị cấm lên máy bay hay không.
Khi được hỏi về tuyên bố của hãng Malaysia Airlines, ông Sam Fernando, người phát ngôn của Tổng cục Di trú Indonesia, nói rằng “không có yêu cầu từ chối nhập cảnh đối với ông ấy từ phía Cục Di trú”.
Ông Denny Abdi, giám đốc bộ phận Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Indonesia thì nói “Chúng tôi không biết ông ấy đến Jakarta”.
Ông Rainsy từng tuyên bố ông dự định quay trở lại Campuchia vào thứ Bảy, ngày quốc khánh của Campuchia, để thực hiện điều mà Thủ tướng Hun Sen mô tả là một âm mưu đảo chính nhằm chống lại sự cai trị của ông trong hơn ba thập niên qua.
Ông Rainsy đã bị chặn lại ở Paris khi chuẩn bị lên chuyến bay của hãng hàng không Thái (Thai Airways) đến Bangkok hôm thứ Năm. Sau đó, ông đã bay tới Malaysia và nói rằng ông muốn hỗ trợ cho phe đối lập Campuchia trong khu vực.
Dân biểu Liên bang Australia lên tiếng
về bản án đối với ông Châu Văn Khảm
Dân biểu Chris Hayes tại Australia vào ngày 13 tháng 11 ra thông cáo báo chí nêu ý kiến về bản án 12 năm tù mà tòa Việt Nam tuyên cho công dân Úc gốc Việt Châu Văn Khảm hôm 11 tháng 11.
Thông cáo báo chí phát đi nêu rõ quan điểm của dân biểu Chris Hayes là “thật đáng buốn, tình trạng vi phạm nhân quyền tiếp tục diễn ra trong cộng đồng thế giới; tuy nhiên chúng ta không thể tiếp tục làm ngơ đối với thực trạng đó.”
Theo dân biểu Chris Hayes của Australia thì chính phủ Việt Nam cho thấy họ không muốn tuân thủ việc thượng tôn pháp luật và sính biện pháp đàn áp, bỏ tù, lưu đày những ai chỉ vì cổ xúy cho những quyền con người căn bản nhất; đó là các quyền tự do biểu đạt, quyền hội họp, quyền thực thi tín ngưỡng- tôn giáo; và quan trọng nữa là quyền được bình đẳng trước pháp luật.
Dân biểu Chris Hayes nhắc lại rằng chính phủ Việt Nam duy trì độc quyền chính trị, ủng hộ hệ thống tư pháp vận hành theo ý muốn của nhà nước và không thực thi công lý công tâm, không thiên vị.
Thông cáo báo chí của dân biểu Chris Hayes nêu rõ rằng trường hợp của ông Châu Văn Khảm, 70 tuổi, đặc biệt đáng quan ngại vì hiện ông phải đối mặt với sức khỏe suy kiệt trong nhà tù và từng phải nhập viện hai lần kể từ khi bị giam giữ ở Việt Nam từ hồi tháng giêng năm nay.
Vào ngày 11/11, ông Châu Văn Khảm, công dân Úc gốc Việt 70 tuổi, bị tuyên phạt 12 năm tù giam, trục xuất về Úc sau khi chấp hành xong án tù. Hai người cùng ra tòa với ông Khảm là ông Nguyễn Văn Viễn, 48 tuổi, thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, và anh Trần Văn Quyền, 20 tuổi, lần lượt bị tuyên 11 năm và 10 năm tù.
Cả ba người này bị buộc tội ‘Khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 113 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Dù đây là “phiên tòa công khai”, tuy nhiên lực lượng an ninh thành phố Hồ Chí Minh ngăn cản thân nhân của ba nhà hoạt động dân chủ tham dự.