Tin khắp nơi – 13/11/2018
Dự kiến Phó TT Pence sẽ công bố
sáng kiến USIDFC trong tuần này
Hôm 13/11, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đến Singapore dự hội nghị cấp khu vực, tái khẳng định cam kết của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc duy trì sự tự do và thông thoáng cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Bà Angela Mancini, người đứng đầu Bộ phận Đông Nam Á Châu Á của Nhóm Nghiên cứu Kiểm soát rủi ro nhận định: “Tất cả mọi người đang dõi theo những gì thực sự sẽ được công bố trong tuần này,” đặc biệt là liệu Hoa Kỳ sẽ đưa ra một giải pháp đối trọng với chiến lược đầu tư Vành đai và Con đường trị giá hàng tỷ đôla của Trung Quốc hay không.
Tại châu Á, Phó Tổng thống Pence có khả năng sẽ công bố một chiến lược của Mỹ tương ứng mang tên Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USIDFC), một cơ quan mới được thành lập theo Đạo luật lưỡng đảng BUILD. Sáng kiến mới trị giá 60 tỷ đôla sẽ hỗ trợ đầu tư tư nhân cho các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới.
Ông Marc Mealy, phó chủ tịch chính sách tại Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN, một nhóm vận động hành lang cho các công ty Mỹ, hy vọng rằng USIDFC sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp Mỹ trở thành “đối tác thương mại đáng tin cậy” cho khu vực Đông Nam Á.
Ông Lim Tai Wei, chuyên viên nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore nói: “Tất cả các nước ASEAN muốn duy trì nền thương mại tự do.”
Tại Nhật Bản, Phó Tổng thống Pence đã hối thúc Thủ tướng Shinzo Abe ký một hiệp định thương mại song phương mà Tổng thống Trump hy vọng sẽ cắt giảm thặng dư mậu dịch của Tokyo với Washington.
Tại Singapore, ông Pence dự kiến sẽ tiếp tục chương trình nghị sự thương mại tự do song phương của Mỹ với một số nước trong khu vực, bao gồm với Việt Nam và Philippines.
Sau khi tham dự các hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, ông Pence sẽ thay mặt Tổng thống Trump dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Port Moresby, Papua New Guinea vào 15/11.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Singapore và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có mặt tại Hội nghị APEC. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng sẽ đến dự hội nghị thượng đỉnh ở Singapore và Hội nghị APEC ở Port Moresby.
Iran : Cố vấn an ninh Mỹ Bolton
muốn trừng phạt tối đa Teheran
Cố vấn an ninh Nhà Trắng John Bolton, vào hôm nay, 13/11/2018, nêu lên ý định “gây sức ép tối đa” đối với Iran sau đợt trừng phạt mới của Mỹ cách đây một tuần.
Phát biểu tại Singapore, ông Bolton đánh giá là chính quyền Iran đang chịu sức ép thực sự và ý định của Hoa Kỳ là gây sức ép mạnh mẽ, không muốn nói là gây sức ép tối đa. Theo ông, Washigton sẽ gia tăng đáng kể việc thực hiện trừng phạt. Tổng thống Donald Trump tin chắc là sức ép kinh tế sẽ buộc Iran chấp nhận điều kiện của Mỹ cho một thỏa thuận mới.
Xin nhắc lại là vào tháng 5 vừa qua, Mỹ đã rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết vào năm 2015, bị cho là quá dễ dãi với Iran. Sau đó, Hoa Kỳ đã áp đặt hai đợt trừng phạt, đợt gần đây là vào đầu tháng 11 này, nhắm vào dầu hỏa và tài chính Iran.
Theo ông John Bolton, Iran đã tìm cách tránh né trừng phạt Mỹ . Ông khẳng định là các nước châu Âu lúc ban đầu đã không chấp nhận việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận nhưng nhiều nước bây giờ đã đi đến kết luận này.
Các quốc gia ký kết thỏa thuận hạt Iran năm 2015 như Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga cố bảo vệ và duy trì thỏa thuận, nhưng điều lo ngại là không cầm chân được Iran.
Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, do bị trừng phạt, tăng trưởng kinh tế Iran sẽ rơi xuống mức âm 1,6% năm nay, và âm 3,6% vào năm tới.
Cơ quan Nguyên tử Quốc tế AIEA đánh giá Iran tôn trọng thỏa thuận.
Cơ quan AIEA vào hôm qua, 12/11/2018, đánh giá là Iran vẫn tiếp tục tôn trọng các điều khoản giới hạn chính trong thỏa thuận đã ký. Theo Reuters, báo cáo hàng quý của AIEA ghi nhận rằng Iran vẫn tôn trọng các quy định về việc làm giàu uranium và lượng dự trữ được phép.
Theo báo cáo này, thì lượng uranium được làm giàu đã được kiểm tra vào ngày 04/11, tức ngay trước đợt trừng phạt mới của Mỹ, và lượng nước nặng được kiểm tra vào ngày 03/11.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181113-iran-co-van-an-ninh-my-bolton-muon-trung-phat-toi-da-teheran
Tiến sĩ Peter Phạm được bổ nhiệm
làm Đặc sứ Hoa Kỳ
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pomper vừa bổ nhiệm Tiến sĩ Peter Phạm làm Đặc sứ Hoa Kỳ tại Khu vực Đại Hồ của châu Phi.
Trong một thông cáo do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra hôm 9 tháng 11, Tiến sĩ Peter Phạm sẽ chịu trách nhiệm điều hợp việc thực thi chính sách của Hoa Kỳ về an ninh xuyên biên giới, các vấn đề chính trị và kinh tế trong khu vực Đại Hồ, chú trọng đến việc tăng cường các định chế dân chủ và xã hội dân sự, cũng như việc trao trả an toàn và tự nguyện người tị nạn và người bị di dời trong đất nước mình.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Heather Nauert cho biết, Tiến sĩ Peter Phạm đang là phó chủ tịch kiêm giám đốc Trung tâm Phi châu tại Hội đồng Đại Tây Dương. Ông mang đến cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kinh nghiệm phong phú của mình về châu Phi nhờ các công việc trước đây như phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Trung Đông và châu Phi (ASMEA) kiêm chủ bút tập san Journal of the Middle East and Africa; phó giáo sư về Nghiên cứu Phi châu tại trường Đại Học James Madison; và thành viên nhóm cố vấn cao cấp của Bộ Tư lệnh Phi châu Hoa Kỳ. Tiến sĩ Peter Phạm sẽ tiếp nối công việc của điều phối viên cao cấp Khu vực Đại Hồ là Đại sứ Larry Wohlers.
Tiến Sĩ Peter Phạm nổi tiếng qua một bài báo gây tranh luận đăng trên tờ New York Times hồi năm 2012, đề nghị nên chia Cộng hòa Dân chủ Congo thành nhiều nước nhỏ hơn. Tình hình tại Congo đang diễn ra gần như những gì Tiến Sĩ Peter Phạm tiên liệu. Cuộc bầu cử tại Congo vào tháng tới đang bị chống đối. Hai ứng cử viên đối lập bị cấm tranh cử. Xung đột nổ ra tại nhiều khu vực trong nước. Các giới chức theo phe đối lập bị cấm lập hội, nhà báo bị bị miệng và xã hội dân sự cũng như người dân thường bác bỏ giải pháp bầu cử bằng máy thay vì lá phiếu bằng giấy. Có nhiều dấu hiệu dự báo rằng kết quả cuộc bầu cử ở Congo sẽ bị phủ nhận, và điều này có thể nhấn chìm khu vực Đại Hồ vào hỗn loạn.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/tien-si-peter-pham-duoc-bo-nhiem-lam-dac-su-hoa-ky/
Đảng Dân chủ khởi động các cuộc điều tra
nhằm vào Tổng thống Donald Trump
Với việc giành quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, phe Dân chủ đã lên kế hoạch điều tra các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trước mắt, các nghị sĩ Dân chủ sẽ điều tra nỗ lực của Nhà Trắng ngăn chặn thương vụ sát nhập AT&T Inc và Time Warner, cũng như khả năng ông Trump thúc ép Cơ quan Bưu chính Mỹ tăng phí dịch vụ chuyển hàng nhằm gây khó dễ đối với Amazon, tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất nước này.
Trao đổi với trang thông tin trực tuyến Axios ngày 11/11, Hạ nghị sĩ Adam Schiff, người nhiều khả năng đảm nhận cương vị Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cho biết các nghị sĩ Dân chủ sẽ xem xét liệu Tổng thống Trump có lạm quyền trong những hành động nhằm vào những công ty trên hay không.
Ông Schiff cho rằng Tổng thống Trump đã bí mật gặp giới chức cơ quan bưu chính nước này nhằm ép buộc tăng giá cước vận chuyển trong hợp đồng với Amazon, động thái mà ông Schiff cho là để trừng phạt Jeff Bezos- Giám đốc điều hành Amazon đồng thời chủ sở hữu tờ Washington Post.
Washington Post cùng kênh CNN của Time Warner là hai hãng truyền thông thường hứng chịu sự chỉ trích của Tổng thống Trump và bị ông chủ Nhà Trắng dán nhãn “tin giả”.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn chương trình “This Week” của kênh ABC, Hạ nghị sĩ Elijah Cummings, người được kỳ vọng trở thành Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Giám sát Chính phủ Hạ viện Mỹ, nêu rõ ủy ban này có thể điều tra khả năng Nhà Trắng áp dụng các biện pháp chống lại AT&T Inc và Amazon.
Ông Cummings cũng tiết lộ thêm kế hoạch điều tra nghi vấn việc Tổng thống Trump chặn đứng kế hoạch di chuyển trụ sở của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) là do điều đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Khách sạn Trump ở gần khu vực này.
Một thành viên khác của Ủy ban Cải cách và Giám sát chính phủ Hạ viện Mỹ cho hay cơ quan này đã mở cuộc điều tra về vấn đề trên, song chính quyền Tổng thống Trump cho tới nay vẫn chưa hồi đáp yêu cầu hợp tác.
Tuy nhiên, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nhấn mạnh đảng Dân chủ sẽ không tiến hành bất kỳ cuộc điều tra vì mục đích chính trị nào mà chỉ cố gắng làm rõ sự thật.
Trước đó, tháng 11/2017, Chính phủ Mỹ đã nộp đơn kiện nhằm ngăn chặn vụ sáp nhập giữa AT&T và Time Warner do cho rằng thương vụ này sẽ gây tổn hại lớn tới quyền lợi của người tiêu dùng Mỹ, có thể khiến hóa đơn dịch vụ truyền hình hằng tháng tăng cao trong khi giảm những lựa chọn mới mang tính đột phá cho người dùng.
Bên cạnh đó, việc kết hợp mạng lưới truyền hình vệ tinh trực tuyến và các kênh ăn khách của Time Warner, AT&T sẽ nghiễm nhiên có thể đẩy mức phí của những kênh truyền hình được yêu thích. Ông Trump cũng đã lên tiếng phản đối thương vụ này trong thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2016.
CNN kiện TT Trump việc cấm phóng viên Jim Acosta
CNN đã đệ đơn kiện Tổng thống Trump và một số trợ lý của ông, yêu cầu cho phóng viên trưởng Jim Acosta được quay trở lại tác nghiệp ở Tòa Bạch Ốc.
Đơn kiện được nộp tại Tòa án Quận Washington DC sáng ngày 13/11, theo CNN.
Trang USA Today cho biết CNN đang tìm cách “phục hồi ngay lập tức” quyền tác nghiệp báo chí tại Nhà Trắng cho ông Acosta.
Cả CNN và Acosta đều là nguyên đơn trong vụ kiện. Có sáu bị đơn bao gồm Tổng thống Donald Trump, Chánh văn phòng John Kelly, thư ký báo chí Sarah Sanders, phó giám đốc nhân viên truyền thông Bill Shine, giám đốc Cơ quan mật vụ, và một viên chức mật vụ được cho là có vai trò trong việc đình chỉ, và rút thẻ nhà báo của phóng viên Acosta.
Nhà Trắng đã rút thẻ nhà báo của phóng viên Jim Acosta của CNN sau khi ký giả này và Tổng thống Donald Trump “đấu khẩu” tại một cuộc họp báo hôm 7/11, khi ông Acosta hỏi Tổng thống Trump về đoàn di dân từ Mỹ Latin đang tiến tới biên giới nam của Mỹ.
Khi phóng viên này tìm cách tiếp tục hỏi thêm, ông Trump nói, “Đủ rồi!” và một nữ trợ lý Nhà Trắng tìm cách lấy micro khỏi tay ông Acosta nhưng không được.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders sau đó ra thông cáo, tố ông Acosta “đặt tay lên một người phụ nữ trẻ chỉ muốn làm tròn nhiệm của một thực tập sinh ở Nhà Trắng”.
Trong khi đó, ông Acosta viết trên Twitter rằng tuyên bố của bà Sanders về việc ông đặt tay lên nữ trợ lý là một sự “dối trá”.
https://www.voatiengviet.com/a/cnn-kien-tt-trump-viec-cam-phong-vien-jim-acosta/4656628.html
Cháy rừng ở California:
Ít nhất 42 người chết, hơn 200 người mất tích
Vào ngày 13/11, các đội tìm kiếm sẽ lần khắp những nơi bị thiêu rụi của thị trấn Paradise, bang California, để tìm kiếm di cốt của các nạn nhân trong lúc nhà chức trách dự đoán con số tử vong sẽ tăng lên trong đợt cháy rừng nguy hiểm nhất của bang này, theo Reuters.
Hỏa hoạn “Camp Fire” vẫn đang hoành hành ở miền bắc California, giết chết ít nhất 42 người. 228 người khác được báo cáo mất tích, theo Cảnh sát trưởng Kory Honea của hạt Butte.
Hai nạn nhân khác chết trong các vụ cháy ở Woolsey. Vụ hỏa hoạn đã phá hủy 435 công trình và khiến khoảng 200.000 người ở vùng núi và chân đồi gần bờ biển Malibu ở miền Nam California, phía tây Los Angeles, phải di tản.
“Camp Fire”, được xếp hạng là hỏa hoạn hủy hoại tài sản nhiều nhất trong lịch sử bagn California, đã thiêu hủy hơn 7.100 ngôi nhà và các công trình kể từ khi bắt đầu hôm thứ Năm ở chân đồi Sierra của hạt Butte, cách San Francisco khoảng 175 dặm (280 km) về phía bắc.
150 nhân viên tìm kiếm cứu hộ đến đây vào ngày 13/11, hỗ trợ cho 13 đội cứu hộ đang làm việc trong khu vực bị hỏa hoạn, Reuters dẫn lời Cảnh sát trưởng Honea cho biết.
Ngoài ra, ông Honea cũng đã yêu cầu quân đội hỗ trợ thêm 3 đội nhà xác di động, một nhóm “an táng trong thảm họa” và một số đơn vị chó chuyên tìm thi thể để hỗ trợ trong việc tìm kiếm di cốt của các nạn nhân. Ba nhóm các nhà nhân chủng học pháp y cũng được mời gọi giúp đỡ, ông Honea cho biết.
Phần lớn tang thương và mất mát xảy ra ở bên trong và xung quanh thị trấn Paradise, nơi ngọn lửa đã thiêu rụi hầu hết các tòa nhà thành tro và những đống đổ nát vào tối thứ Năm, chỉ vài giờ sau khi ngọn lửa bùng nổ. Lệnh sơ tán vẫn còn hiệu lực với khoảng 52.000 cư dân trong các khu vực có hỏa hoạn.
Cảnh sát trưởng Honea cho biết thêm rằng văn phòng ông đã nhận được yêu cầu kiểm tra tình trạng của hơn 1.500 người mà người thân của họ đã bặt tin. Trong số những trường hợp này, có 231 người đã an toàn.
Tối 12/11, nhà chức trách cho biết họ đã tìm thấy thi thể của 13 nạn nhân, làm tăng thêm số người chết là 29 người vào cuối tuần qua.
42 ca tử vong được xác nhận đã đánh dấu số người chết cao nhất trong lịch sử cháy rừng ở California, Reuters dẫn lời ông Honea cho biết. Con số này vượt xa kỷ lục 29 người thiệt mạng trước đó vào năm 1933 trong vụ cháy công viên Griffith ở Los Angeles.
Nhà chức trách đang điều tra nguyên nhân của vụ cháy.
Tập đoàn PG&E, hoạt động ở miền bắc California, và Edison International, chủ sở hữu công ty Southern California Edison, đã báo cáo với các nhà quản lý rằng họ gặp sự cố với đường truyền hoặc trạm biến áp ở những khu vực đã báo cáo, ngay trước khi hoặc gần thời điểm các đám cháy bắt đầu.
Ở nam California, vụ hỏa hoạn Woolsey đã thiêu hủy trên diện tích gần 94.000 mẫu, và khoảng 30% đã được dập tắt trong đêm thứ 12/11, theo Sở Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California.
Sức gió ở miền nam California dự báo sẽ tiếp tục lên đến 40 dặm/giờ (64 km/giờ) vào ngày 13/11, nâng cao nguy cơ làm cho hỏa hoản bùng phát trở lại từ những đống than hồng rải rác.
Sở Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California cho biết 57.000 công trình vẫn còn trong diện nguy hiểm trong vụ hỏa hoạn Woolsey.
Gần 9.000 nhân viên cứu hỏa, nhiều người từ ngoài tiểu bang, đang vật lộn để ngăn chặn ngọn lửa ở Woolsey và một số đám cháy nhỏ ở miền Nam California, cùng với sự hỗ trợ của phi đội trực thăng và máy bay phun nước xuống.
Một số người phải di tản ở Malibu, một cộng đồng duyên hải trong đó có một số nhân vật nổi tiếng của Hollywood, đã được phép trở về nhà nhưng không có điện hay dịch vụ điện thoại di động.
California đã trải qua hai đợt cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử của bang trong vài năm qua. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân phần lớn là do hạn hán kéo dài trên phần lớn miền Tây Hoa Kỳ.
NATO chỉ trích
chương trình hỏa tiễn tầm trung của Trung Quốc
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm nay, 13/11/2018, chỉ trích chương trình phát triển hỏa tiễn tầm trung của Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh tham gia hiệp định quốc tế kiểm soát vũ khí.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình công ZDF của Đức, ông Jens Stoltenberg tuyên bố : « Chúng tôi quan sát thấy Trung Quốc đầu tư rất lớn vào việc chế tạo nhiều loại vũ khí mới và hiện đại, trong đó có các loại hỏa tiễn, và phân nửa số hỏa tiễn của Trung Quốc vi phạm hiệp ước INF, nếu Trung Quốc là nước tham gia ký kết ».
Mời đọc thêm : Mỹ dọa rời INF để thúc Bắc Kinh tham gia Hiệp ước hỏa tiễn tầm trung
Tổng thư ký NATO muốn nhấn mạnh đến Hiệp ước về tên lửa tầm trung (INF) được ký kết năm 1987 giữa tổng thống Ronald Reagan và tổng bí thư Mikhail Gorbatchev. Hiệp ước này nhằm tiêu hủy các loại hỏa tiễn có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường, phóng từ mặt đất, có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.
Ông Jens Stoltenberg nói : « Chúng tôi rất mong mở rộng hiệp ước INF, làm thế nào để Trung Quốc có thể tham gia ». Còn về Nga, ông bày tỏ mối quan ngại các loại hỏa tiễn mới của Matxcơva có thể tấn công các thành phố tại miền trung châu Âu như Berlin.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây loan báo Hoa Kỳ sẽ rút khỏi INF. Washington tố cáo Matxcơva vi phạm hiệp ước, nhưng đồng thời cũng cáo giác các chương trình vũ khí của Bắc Kinh.
Đối với phía Nga, Hoa Kỳ phản đối hệ thống hỏa tiễn mới 9M729, có thể phóng đi từ mặt đất với tầm bắn trên 500 km – cáo buộc này bị Matxcơva bác bỏ. Và trong cuộc đối thoại thường niên về ngoại giao và an ninh Mỹ-Trung lần thứ hai mới đây, Washington đã kêu gọi Bắc Kinh rút các hỏa tiễn bố trí tại các đảo nhân tạo tại Trường Sa. Trước đó trong Đối thoại Shangri-La, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis tố cáo việc Trung Quốc quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông nhằm « đe dọa và cưỡng ép » các nước láng giềng nhỏ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181113-nato-chi-trich-chuong-trinh-hoa-tien-cua-trung-quoc
Dân Paris uống rượu vang nhiều nhất thế giới
Còn vài ngày nữa là tới mùa Beaujolais Nouveau. Cho dù loại rượu này rất thịnh hành tại các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, nhưng tại Pháp người tiêu dùng vẫn thích uống các loại rượu vang khác, nhất là các loại rượu có thể cất giữ được lâu. Về điểm này, Paris là nơi tiêu thụ rượu vang nhiều nhất thế giới.
Gần đây, hệ thống trường đại học chuyên về quản trị kinh doanh Inseec Business School công bố kết quả nghiên cứu do cơ quan Wine & Spirit Institute thực hiện. Thay vì đơn thuần so sánh mức tiêu thụ trung bình tại các thành phố lớn, cuộc khảo sát này tập trung vào mối tương quan giữa hệ thống phân phối rượu vang và lượng tiêu thụ hàng năm. Với 709 triệu chai rượu vang (tương đương với 5,32 triệu hectolít) trong năm 2017, thủ đô Pháp dẫn đầu bảng xếp hạng.
Vùng Ruhrtại Đức gồm 3 thành phố lớn Essen, Dortmund, Duisbourg đứng hạng nhì với 535 triệu chai. Buenos Aires về hạng ba với 485 triệu chai, Milano hạng tư (438 triệu), Luân Đôn hạng năm (390 triệu), New York hạng sáu (366 triệu), Berlin hạng tám (231 triệu). Thành phố châu Á đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng này là Tokyo. Thủ đô Nhật Bản đứng hạng mười với 161 triệu chai rượu vang tiêu thụ trong năm qua.
Theo nghiên cứu của Wine & Spirit Institute, sở dĩ Paris đứng đầu danh sách về lượng tiêu thụ rượu vang, đầu tiên hết là vì thủ đô Pháp là một trong những thành phố lớn tập trung các địa điểm phân phối kinh doanh nhiều nhất thế giới. Tính tổng cộng, tại Paris có đến hơn 20.000 tiệm ăn, quán cà phê hay quán bar. Hệ thống phân phối ở Paris cũng bao gồm 1.315 cửa hàng siêu thị, 1.100 cửa hiệu chuyên bán rượu vang và rượu mạnh. Về mặt kinh doanh, Paris tổ chức hàng năm 1.000 hội nghị quốc tế và hơn 400 hội chợ cũng như triển lãm thương mại. Ngành phân phối rượu vang thường xuyên tham gia tổ chức hay hợp tác tài trợ các sự kiện này. Điều đó giải thích vì sao Paris trở thành nơi tập trung 23.570 địa điểm kinh doanh, mạng lưới phân phối rượu vang được xem là dày đặc nhất trên thế giới.
Qua việc tổ chức hàng năm nhiều hội chợ quốc tế về nghệ thuật ẩm thực, Paris cũng là nơi khởi xướng nhiều xu hướng mới trong cung cách tiêu dùng. Các nhu cầu về rượu vang ‘‘100% bio’’ bảo đảm không có chất bảo quản, các loại rượu mùi ướp hương, các loại champagne dùng để pha chế cocktail, các loại rượu rosé thượng hạng dành cho các tiệm ăn sang hay các nhà hàng năm sao, hầu hết các xu hướng mới từ cách kết hợp chọn lựa thức uống sao cho vừa với thức ăn (wine pairing) cho tới cách trình bày pha chế, từng bắt đầu từ Paris ……
Về cung cách tiêu dùng, dân Paris khi đi ăn ở ngoài tiệm, giữ thói quen dùng một chút rượu vang vào giờ ăn trưa, hầu hết các quán ăn giờ đây đều có bán rượu theo ly, hầu thích ứng với nhu cầu này : cứ trên 4 thực khách, có tới ba dùng rượu vang thay vì uống bia vào bữa ăn trưa. 73% thực khách dùng rượu vang như thức uống khai vị sau giờ làm việc, đại đa số dân Paris (83%) chọn uống rượu vang vào giờ ăn tối, nhịp độ là mỗi tuần ít nhất một lần. Ngoài champagne, họ cũng chọn uống rượu vang trong các dịp lễ lạc, ăn mừng ……
Tại Paris, thực khách cũng như người tiêu dùng có thể mua (hay đặt mua) hầu hết các loại rượu sản xuất ở Pháp, đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Tuy các nước láng giềng đều sản xuất rượu ngon, đặc biệt là Ý hay Tây Ban Nha, nhưng dân Paris khá ‘‘bảo thủ’’ trong cách tiêu dùng : 90% rượu vang được mua là rượu của Pháp. Đặc điểm thứ nhì của thủ đô Pháp so với các thành phố lớn khác là dân Paris thích uống rượu đến từ vùng Bourgogne, trong khi rượu Bordeaux (hay rượu sản xuất tại các vùng phụ cận như Médoc) lại được tiêu thụ nhiều nhất tại các tỉnh thành khác trên khắp nước Pháp.
Vào lúc phong trào ‘‘ăn chay’’ đang làm giảm lượng tiêu thụ thịt bò ở Pháp, thậm chí thay đổi cung cách của người tiêu dùng khi họ đi ăn nhà hàng hay mua thực phẩm ở siêu thị, thì ngược lại, lượng tiêu thụ rượu vang ở Pháp vẫn ở một mức ổn định, cho dù có rất nhiều chiến dịch thông tin kêu gọi ngwofi tiêu dùng bớt uống rượu, hầu bảo vệ sức khỏe hay tăng cường an toàn gaio thông. Khi dùng rượu vang, dân Pháp chủ yếu chọn rượu đỏ (60%), rượu rosé (25%), rượu trắng (12%). Còn về champagne, lượng tiêu thụ thường đạt mức kỷ lục vào mùa lễ cuối năm. Những sinh hoạt lễ lạc quan trọng thường bắt đầu vào trung tuần tháng 11, khi thủ đô Paris kết hoa treo đèn, rực rỡ thắp sáng.
http://vi.rfi.fr/phap/20181113-dan-paris-uong-ruou-vang-nhieu-nhat-the-gioi
Pháp tưởng niệm
các vụ khủng bố Paris ngày 13 tháng 11
Ba năm sau các vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris ngày 13/11/2015, chính phủ Pháp tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân, đi thăm lại sáu địa điểm ở Paris và vùng ngoại ô Saint-Denis, là mục tiêu của cuộc tấn công thánh chiến đẫm máu nhất trong lịch sử nước Pháp.
Tối hôm đó, 9 quân thánh chiến đã tiến hành một loạt vụ khủng bố làm 130 người chết và trên 350 người bị thương.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cùng với bộ trưởng Nội Vụ Christophe Castaner và đô trưởng Paris Anne Hidalgo sáng nay tham dự buổi lễ đầu tiên tại sân vận động Stade de France, nơi ba quân thánh chiến đầu tiên tự kích nổ làm một người chết và mấy chục người bị thương.
Tiếp theo là các quán bar và nhà hàng ở Paris bị xả súng làm 39 người chết : Carillon, Petit Cambodge, Bonne Bière, Comptoir Voltaire, Belle Equipe. Đoạn cuối của hành trình tưởng niệm là nhà hát Bataclan ở quận 11 Paris, nơi 90 khán giả đã bị thảm sát.
Sau đó diễn ra buổi lễ do các hiệp hội nạn nhân Life for Paris và 13onze15 tổ chức trước tòa thị chính quận 11 với diễn văn, âm nhạc và thả bóng bay. Cuối cùng là lễ trao tặng các kỷ niệm chương – “huy chương quốc gia tưởng nhớ các nạn nhân khủng bố” được tổ chức tại điện Matignon.
Lần đầu tiên tổng thống Pháp Emmanuel Macron không tham dự hành trình tưởng niệm này. Tuy nhiên lại có sự hiện diện của đô trưởng Luân Đôn Sadiq Khan để bày tỏ tình đoàn kết trước nạn khủng bố: thủ đô Anh quốc cũng là nạn nhân của nhiều vụ tấn công trong năm 2017 và 2018.
Theo một nghiên cứu trên 190 thường dân (con tin, người bị thương, nhân chứng, thân nhân nạn nhân) được công bố hôm nay, đã ba năm trôi qua nhưng 18% vẫn còn trong tình trạng « rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý » (PTSD theo tiếng Anh, ESPT theo tiếng Pháp), và 20% bị trầm cảm.
http://vi.rfi.fr/phap/20181113-phap-tuong-niem-cac-vu-khung-bo-paris-ngay-13-thang-11
Vụ Khashoggi : Thổ Nhĩ Kỳ phẫn nộ
vì bị Pháp cho là “làm trò chính trị”
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã rất bực tức sau tuyên bố của ngoại trưởng Pháp Jean-Yves le Drian vào hôm qua, 12/11/2018, trên đài France 2, khẳng định rằng ông « không hề hay biết » về những đoạn ghi âm lúc nhà báo Khashoggi bị giết hại trong lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở Istanbul.
Tuyên bố của ngoại trưởng Pháp đi ngược lại các phát biểu của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Trước câu hỏi như thế phải chăng là lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã nói dối, ngoại trưởng Pháp cho rằng: « Đó có nghĩa là có một trò chính trị đặc biệt trong bối cảnh này ».
Ankara đã rất tức giận vì cho là đã cung cấp « tất cả dữ liệu » cho phía Pháp, do đó không thể « chấp nhận » phát biểu của ông Le Drian.
Thông tín viên RFI tại Istanbul, Alexandre Billette, tường thuật :
“Jean-Yves Le Drian « đã đi quá xa ». Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã không dằn cơn tức giận ngày hôm qua sau bài trả lời phỏng vấn của ngoại trưởng Pháp. Ngoại trưởng Mevlüt Cavusoglu còn nhấn mạnh là đồng nhiệm Pháp « thiếu lễ độ… Ngoại trưởng Pháp còn phải học về cách nói với tổng thống nước ngoài ». Ông Cavusoglu cũng nêu câu hỏi : « Họ – tức là Pháp – có gì phải che giấu ? Tại sao lại muốn ém nhẹm vụ việc này ? »
Ankara rất tức giận trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ cho đến giờ muốn dựa vào các đồng minh phương Tây để gây sức ép đối với Ả Rập Xê Út, và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vừa từ Pháp trở về sau khi dự lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến Thứ Nhất hôm 11 tháng 11 vừa qua.
Trong cuộc tranh cãi này với Paris, tổng thống Erdogan đã có thể dựa vào thủ tướng Canada: Ông Justin Trudeau xác nhận là đã nhận được các tài liệu ghi âm mà tình báo Thổ Nhĩ Kỳ chuyển tới. Một viên chức phủ tổng thống ở Ankara đã nhắc lại việc này để chứng minh là những ghi âm liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi có thật và đó là bằng chứng quy tội chính quyền Ả Rập Xê Út.
Những ghi âm này đã được báo chí Thổ Nhĩ Kỳ nêu lên từ tháng 10 và được tổng thống Erdogan xác nhận vào thứ Bảy vừa qua.”
Paris đã lấy làm tiếc, cho đây là một sự « hiểu lầm ». Bộ Ngoại Giao Pháp giải thích là ngoại trưởng le Drian muốn nói là ông không nhận được tất cả thông tin từ phía Thổ Nhĩ Kỳ để có thể nắm được « sự thật hoàn toàn » về vụ Khashoggi, tức là bối cảnh và thủ phạm vụ sát hại.
TT Thổ Nhĩ Kỳ: Ghi âm ‘ghê rợn’
vụ giết nhà báo khiến tình báo Ả Rập sốc
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết các bản ghi âm liên quan đến vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi, mà Thổ Nhĩ Kỳ đã chia sẻ với các đồng minh phương Tây, là “rất ghê rợn” và đã khiến một nhân viên tình báo Ả Rập Xê-út bị sốc khi nghe chúng, Reuters dẫn lại nguồn tin từ truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hôm 13/11.
Ông Khashoggi, nhà báo chỉ trích lãnh đạo trên thực tế của Ả Rập Xê-út — Thái tử Mohammed bin Salman, đã bị giết tại lãnh sự quán của Ả Rập Xê-út sáu tuần trước trong một vụ ám sát mà ông Erdogan nói đã được lệnh từ “cấp cao nhất” của chính phủ Ả Rập Xê-út.
Nói với các phóng viên trên chuyến bay trở về nước cuối tuần qua sau chuyến thăm Pháp, nơi ông đã thảo luận về vụ nhà báo Ả Rập bị sát hại với các lãnh đạo Mỹ, Pháp và Đức trong một dạ tiệc tại Paris, Tổng thống Erdongan cho biết:
“Chúng tôi đã phát các bản ghi âm liên quan đến vụ giết người cho tất cả những ai muốn nghe. Tình báo của chúng tôi không che giấu bất cứ điều gì. Chúng tôi đã mở cho tất cả những người muốn nghe, bao gồm cả Ả Rập Xê-út, Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Anh”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm:
“Các bản ghi âm thực sự rất ghê rợn. Thật vậy, khi nhân viên tình báo Ả Rập Xê-út nghe những bản ghi âm, anh ta đã sốc đến mức nói rằng ‘Người này chắc chắn đã dùng ma túy, chỉ có người sử dụng ma túy mới làm được việc này’”.
Theo Reuters, vụ giết nhà báo Khashoggi đã gây ra phẫn nộ trên toàn cầu, nhưng các cường quốc trên thế giới lại có rất ít hành động chống lại Ả Rập Xê-út, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và ủng hộ cho các kế hoạch của Washington nhằm kiểm soát ảnh hưởng của Iran trên khắp Trung Đông.
Tổng thống Erdogan nói rõ ràng vụ giết người đã được hoạch định trước và lệnh này phải đến từ cấp cao nhất của chính quyền Ả Rập Xê-út. Tuy nhiên, ông không nghĩ đó là Quốc vương Salman, người mà ông “hết sức kính trọng”.
“Thái tử nói rằng ‘Tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết để làm sáng tỏ vụ việc’. Chúng tôi đang kiên nhẫn chờ”.
Ông Erdogan cho biết thêm rằng các thủ phạm của vụ giết người nằm trong nhóm 18 nghi phạm đang bị giam giữ tại Ả Rập Xê-út.
“Cần phải tiết lộ ra ai là người đã ra lệnh cho họ giết người”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói thêm.
Báo Sabah của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hôm 13/11 đưa tin rằng trong hành lý của nhóm Ả Rập Xê-út được phái tới Istanbul vào thời điểm xảy ra vụ giết ông Khashoggi có chứa các ống tiêm, kéo lớn, súng bắn ghim, máy bộ đàm, thiết bị sốc điện và bộ gây nhiễu tín hiệu.
Tờ báo đã công bố hình ảnh chụp X-quang các túi hành lý nhóm người Ả Rập Xê-út đi qua máy kiểm tra an ninh tại sân bay khi họ rời đi.
Tổng thống Erdogan không đưa ra chi tiết về nội dung ghi âm nhưng hai nguồn thạo tin nói với Reuters rằng Thổ Nhĩ Kỳ có rất nhiều bản ghi âm. Trong đó bao gồm cả vụ giết người và lẫn các cuộc hội thoại trước khi diễn ra hoạt động mà Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã phát hiện ra. Điều này đã giúp Ankara kết luận ngay từ đầu rằng vụ giết người đã được hoạch định trước, bất chấp bác bỏ ban đầu của Ả Rập Xê-út là không biết hoặc không dính líu đến vụ này.
Kể từ đó, công tố viên Ả Rập Xê-út Saud al-Mojeb nói rằng vụ giết ông Khashoggi đã được lên kế hoạch từ trước, mặc dù một quan chức khác của Ả Rập Xê-út khẳng định Thái tử Mohammed không biết gì về hoạt động này.
Châu Á, miền đất hứa đang được Nga thăm dò
Lần đầu tiên một nguyên thủ Nga đặt chân đến Singapore. Tổng thống Vladimir Putin tham dự thượng đỉnh ASEAN-Nga và thượng đỉnh Đông Á trong lúc thủ tướng Dimitri Medvedev chuẩn bị sang Papua New Guinea dự thượng đỉnh APEC ngày 14/15/11/2018.
Trong bối cảnh bị áp lực trừng phạt của châu Âu và Mỹ, Matxcơva thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh nhưng cùng lúc đi tìm những đối tác mới ở châu Á để không mất thế độc lập.
Sự kiện chủ nhân điện Kremlin đến Singapore trong tuần này gây ngạc nhiên cho nhiều người, bởi vì chưa bao giờ tổng thống Nga tham gia hội nghị thượng đỉnh Đông Á từ khi nước này gia nhập năm 2011.
Từ trước đến nay, tổng thống Putin chỉ dự các cuộc họp của Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương APEC, nhưng năm nay, trong khi thủ tướng Dimitri Medvedev dự APEC thì tổng thống Putin công du Singapore và tham dự thượng đỉnh Đông Á cùng ngày.
Từ khi Liên Xô sụp đổ, để tái cấu trúc kinh tế, Nga đã bắt đầu hướng về Đông Á, đầu tàu của tăng trưởng thế giới từ thập niên 1990. Tiếp theo đó, vì xung khắc với Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu, nhất là từ 2014 sau vụ Crimée, Nga tập trung vào Trung Á, vùng ảnh hưởng truyền thống. Trong bối cảnh bị Tây phương và Mỹ gia tăng trừng phạt gây sức ép từ sau vụ tai tiếng gián điệp, can thiệp bầu cử Mỹ …, chính quyền Nga phải nỗ lực hơn đi tìm những đối tác mới, cải thiện quan hệ với Trung Quốc qua các định chế kinh tế, an ninh « Hợp Tác Thượng Hải » và « Liên Hiệp Kinh Tế Á-Âu ». Tuy nhiên, theo phân tích của Valdai Club, viện nghiên cứu chiến lược của Nga ở Matxcơva, tổng thống Putin không muốn nước Nga bị biến thành « đối tác đàn em » của Trung Quốc.
Bốn nhu cầu chiến lược
Do vậy, chiến lược « hướng đông » của Matxcơva phải đi xa hơn. Có bốn lý do thúc giục Putin phải đi xuống tận châu Á-Ấn Độ Dương.
Trước tiên là nhu cầu kinh tế: các nước châu Á, nhất là Nhật Bản, có thể giúp Nga phát triển vùng viễn đông thừa đất thiếu dân.
Thứ hai, là khác với Liên Hiệp Châu Âu, các nước Đông Nam Á không đặt vấn đề nhân quyền, không thắc mắc chuyện nội bộ của Nga hay khủng hoảng Ukraina.
Thứ ba là quân sự. Nga xuất khẩu khá nhiều vũ khí cho một số nước lớn trong vùng như Ấn Độ ,Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Bộ tư lệnh lực lượng Viễn Đông được cải tổ, hạm đội Thái Bình Dương được tái tổ chức, nếu được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ sẽ là một lá chủ bài của cường quốc quân sự thứ hai thế giới.
Chiến lược địa-chính trị là lý do thứ tư . Tham dự các diễn đàn của ASEAN là cơ hội để tổng thống Nga phục hồi vị thế trước đây của Matxcơva ở khắp khu vực từ tình hình bán đảo Triều Tiên, bang giao với Nhật và quan hệ với Mỹ bên ngoài khuôn khổ NATO. Nói cách khác, Putin làm một công đôi ba việc: thoát trừng phạt Mỹ, không rơi vào thế bị động với Trung Quốc, cân bằng các cân lực lượng tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Bất trắc?
Theo Anna Maria Romero, một nhà phân tích độc lập ở Singapore, thách thức của tổng thống Nga là làm sao biến vận hội ở phương Đông thành kết quả cụ thể.
Vấn đề còn lại là liệu thực tế có thuận chiều với đường lối bị xem là « duy ý chí » của lãnh đạo Nga hay không?
Trả lời phỏng vấn nhật báo kinh tế Pháp Les Echos , giới doanh nhân cho biết họ quen và thích buôn bán, làm ăn với đối tác châu Âu hơn là với châu Á xa xôi. Châu Âu nếu không là quê hương thứ nhất thì cũng là quê hương thứ hai của một cộng đồng người Nga rất đông đảo.
Ở châu Á cũng thế, một quan chức thân cận với tổng thống Putin than phiền là Tokyo, tuy hứa đầu tư thật nhiều, thủ tướng Shinzo Abe gặp Putin 22 lần, nhưng thực hiện chẳng bao nhiêu. Quần đảo Kuril là cản lực trên đường «đông tiến » của chủ nhân điện Kremlin. Một ẩn số khác là Malaysia. Chưa rõ thủ tướng Mohamad Mahathir sẽ nói gì với tổng thống Nga về vụ MH-17 bị bắn rơi ở Ukraina?
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181113-chau-a-mien-dat-hua-dang-duoc-nga-tham-do
Syria : Assad sửa luật
có thể khiến hàng triệu người mất nhà
Tổng thống Syria Bachar Al Assad, hôm qua 12/11/2018, đã cho sửa đổi một đạo luật gây tranh cãi, có thể làm hàng triệu người bị mất đất đai, nhà cửa.
Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh cho biết thêm chi tiết :
« Đạo luật số 10, còn gọi là « luật tái thiết đô thị », giúp cho chính quyền Syria trưng thu nhà đất của tư nhân để xây những công trình địa ốc đồ sộ. Đổi lại, các chủ sở hữu nhận được cổ phần trong các dự án này.
Thoạt nhìn thì đạo luật có thể được coi là tích cực, vì tạo điều kiện cho việc tái thiết đất nước đã bị tàn phá sau hơn bảy năm chiến tranh. Nhưng phe đối lập, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các nước phương Tây đã cực lực tố cáo, cho rằng nhờ luật này mà chính quyền Syria có thể trưng thu đất đai của hàng triệu người, đặc biệt là trong số năm triệu người tị nạn ở nước ngoài và sáu triệu người phải sơ tán trong nước.
Không phải lúc nào người dân cũng có đủ những loại giấy tờ mà chính quyền đòi nộp, nhiều khi đã bị tiêu hủy trong những trận đánh. Đặc biệt thời hạn ấn định để những người liên quan nộp giấy chứng nhận quyền sở hữu được cho là quá ngắn : chỉ có một tháng, sau khi một vùng đất được quy định là khu phát triển đô thị.
Trong vòng 30 ngày phải thu thập đủ giấy tờ và làm các thủ tục cần thiết : đối với hàng triệu người tị nạn, điều này hầu như là bất khả thi.
Hôm qua, Bachar Al Assad đã phải cho sửa đổi đạo luật có nguy cơ gây đảo lộn về mặt xã hội và dân số rất khó xử lý. Từ nay, thời hạn để nộp bằng khoán nhà đất được kéo dài ra một năm, và các tài liệu phải nộp được đơn giản hóa ».
Israel phóng tên lửa đáp trả Palestin tại Dải Gaza
Hôm 13/11, Israel đã tấn công Dải Gaza sau khi Palestine liên tục phóng rốc-két vào lãnh thổ Israel. Đây là vụ bùng nổ bạo lực tồi tệ nhất kể từ cuộc chiến năm 2014, theo Reuters.
Cuộc không kích từ hôm thứ Hai 12/11 đã giết chết 6 người Palestine, trong đó có 5 dân quân Palestine, và 1 thường dân ở Israel. Cuộc xung đột đe dọa làm gián đoạn các nỗ lực của LHQ, Ai Cập và Qatar điều giải cho một thỏa thuận ngừng bắn dài hạn và châm ngòi cho một cuộc xung đột lớn khác.
Hôm 12/11, Phong trào Hồi giáo Hamas và các phe vũ trang khác đã phóng hơn 400 rốc-két và đạn súng cối qua khu vực biên giới sau khi bất ngờ bắn một một tên lửa trúng một chiếc xe buýt làm một binh sĩ Israel bị thương.
Hamas cho biết họ đang trả thù cho một cuộc đột kích của Israel tại Dải Gaza hôm Chủ nhật 11/11, khi ấy một trong các chỉ huy của Lực lượng Hamas và 6 thuộc hạ thiệt mạng. Một đại tá Israel cũng thiệt mạng trong vụ này.
Trong các cuộc không kích vào hôm13/11, quân đội Israel cho biết họ bắn tên lửa vào một số người Palestine tìm cách vượt qua hàng rào biên giới của Israel.
Tại Gaza, hôm 13/11, các trường học, văn phòng chính phủ và các ngân hàng đã đóng cửa. Các trường học Israel tại các thị trấn gần biên giới cũng không hoạt động.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã triệu tập nội an ninh để thảo luận các động thái tiếp theo của Israel và quân đội nước này cho biết họ đã cử lính đánh bộ và tăng cường quân tiếp viện có trang bị xe bọc thép đến biên giới Gaza.
Một quan chức Palestine cho biết Ai Cập và LHQ đã nỗ lực hối thúc các lực lượng Palestine và Israel phải chấm dứt các vụ tấn công hiện thời và “và ngăn chặn xung đột leo thang.”
https://www.voatiengviet.com/a/israel-phong-ten-lua-dap-tra-palestin-tai-dai-gaza/4656301.html
Thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Singapore
Được bảo vệ an ninh rất chặt chẽ, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33 đã khai mạc chiều nay, 13/11/2018, tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Suntec, Singapore, với trọng tâm là thương mại và Biển Đông.
Từ trung tâm hội nghị, đặc phái viên Thanh Phương gởi về bài tường trình :
« Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN với các nước diễn ra Trung tâm Hội nghị Suntec, ngay sát bên thương xá mang cùng tên. Tuy số quân nhân được huy động ít hơn so với thượng đỉnh lịch sử Donald Trump-Kim Jong Un vào tháng Sáu vừa qua (1.600 so với 2.000 lính), nhưng việc có nhiều lãnh đạo quốc tế có mặt tại Singapore (trong đó có tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên đến thăm Singapore) cũng đặt ra nhiều thách thức tương tự cho nhà chức trách đảo quốc này. Ngoài số quân nhân nói trên, họ phải triển khai đến 5.000 cảnh sát để bảo vệ an ninh trên biển và trên bộ, trong suốt 5 ngày diễn ra nhiều cuộc họp thượng đỉnh khác nhau. Dĩ nhiên là tại khu vực hội nghị, an ninh được tăng cường nghiêm ngặt hơn cả. Kể từ nửa đêm qua cho đến khi kết thúc các cuộc họp thượng đỉnh, khu vực hội nghị được xem là « Khu vực sự kiện đặc biệt an ninh tăng cường » (Enhanced Security Special Event Area). Một số con đường chung quanh trung tâm hội nghị bị cấm lưu thông. Thế nhưng, điều đáng chú ý là mọi hoạt động mua bán trong thương xá ngay sát bên vẫn diễn ra bình thường.
Hiệp định đầu tiên về thương mại điện tử
Vào cuối chiều nay, các lãnh đạo của riêng 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã khai mạc hội nghị thượng đỉnh, với trọng tâm là hội nhập kinh tế khu vực trong ASEAN, một khối được dự báo sẽ là nền kinh tế đứng hàng thứ tư thế giới vào năm 2030. Các lãnh đạo ASEAN cũng sẽ bàn về việc tiến tới ký kết hiệp định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership-RCEP), sẽ quy tụ 10 nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand. Đây sẽ là khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, chiếm đến 39% GDP toàn cầu (theo các số liệu của năm 2017) và chiếm phân nửa dân số hành tinh của chúng ta.
Cũng trong chiều hướng đẩy mạnh hội nhập kinh tế, hôm qua, các bộ trưởng Kinh Tế của ASEAN đã ký kết một hiệp định đầu tiên về thương mại điện tử (e-commerce) nhằm tạo một môi trường thuận lợi hơn cho việc mua bán trên mạng giữa các nước Đông Nam Á. Với số người sử dụng Internet hiện nay đã lên tới 330 triệu và sẽ còn tăng hơn nữa, nền kinh tế trên mạng của ASEAN được dự báo sẽ tăng lên tới 200 tỷ đôla vào năm 2050. Qua việc ký kết hiệp định về thương mại điện tử, các nước ASEAN cũng muốn thể hiện cam kết về một nền mậu dịch tự do và cởi mở trong bối cảnh Hoa Kỳ, nền kinh tế hàng đầu thế giới, nay lại đi theo con đường bảo hộ mậu dịch.
Biển Đông : Dự thảo tuyên bố chung bày tỏ quan ngại
Về mặt an ninh khu vực, dĩ nhiên tình hình Biển Đông vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các lãnh đạo ASEAN. Đây là vùng biển mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền trên 90% diện tích, mặc dù có những khu vực tranh chấp với 4 nước Đông Nam Á. Nếu đúng theo bản dự thảo mà báo chí Nhật có được từ tuần trước, thì trong bản tuyên bố hôm nay, các lãnh đạo Đông Nam Á bày tỏ mối quan ngại về việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông và quân sự hóa các đảo này, xem đấy là những hoạt động “gây phương hại cho sự tin cậy lẫn nhau, cũng như cho hòa bình và ổn định khu vực”. Bản tuyên bố cũng nhắc lại là ASEAN và Trung Quốc đang tiếp tục đàm phán để thiết lập một Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông (COC). Các lãnh đạo Đông Nam Á cũng sẽ có dịp đề cập hồ sơ Biển Đông với thủ tướng Lý Khắc Cường trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc vào sáng mai, trước khi họ họp với lãnh đạo từng nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga.
Đến thứ năm, 15/11, sau Thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ sẽ là Thượng đỉnh ASEAN + 3 và Thượng đỉnh Đông Á, trước khi Singapore chính thức trao quyền chủ tịch luân phiên ASEAN 2019 cho Thái Lan. Trong khi lãnh đạo các nước khác đến Singapore dự thượng đỉnh với ASEAN, thì tổng thống Mỹ Donald Trump lại không có mặt mà cử phó tổng thống Mike Pence đến dự thay ».
Thủ tướng Trung Quốc : Phải ba năm nữa mới hoàn tất COC
Xung khắc chủ quyền tại Biển Đông vẫn là chủ đề nóng. Trong bối cảnh tiến trình đàm phán kéo dài lê thê trong lúc Trung Quốc gần như đã thực hiện xong hàng loạt tiền đồn ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm nay, 13/11/2018, cho là phải « ba năm nữa » mới có thể hoàn tất Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông (COC) và Bắc Kinh « không có tham vọng bành trướng bá quyền ».
Phản ứng lại tuyên bố này, cố vấn an ninh tổng thống Mỹ John Bolton lên án hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.
Trong hồ sơ thương mại khu vực cũng có vấn đề. Theo AFP, dự án Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực không có Mỹ, do Trung Quốc đề xướng, gọi tắt là RCEP, cũng phải dời sang năm 2019.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20181113-khai-mac-thuong-dinh-asean-tai-singapore
Quan niệm mới ”Ấn Độ – Thái Bình Dương” :
Một thách đố với ASEAN
Liệu khối ASEAN có tham gia tiến trình xây dựng một khu vực « Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do », mà Mỹ và các đồng minh đang khởi xướng để tận dụng được cơ chế an ninh mới, đề kháng được các đe dọa từ Trung Quốc, nhưng không bị kẹt trong thế đối đầu giữa hai khối ?
Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ngày càng khẳng định là đầu tầu kinh tế của thế giới, nhưng thách thức lớn đối với khu vực là thiếu đi một kiến trúc an ninh và hợp tác quốc tế. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đi kèm với nhiều đe dọa về an ninh, đặc biệt với các hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Từ hai năm nay, quan niệm mới về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương « rộng mở và tự do », dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó Biển Đông là một tâm điểm, được Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng như Ấn Độ cổ vũ, đang ngày càng thu hút sự chú ý của các quốc gia châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN.
Tuy nhiên, cho đến nay, về vấn đề này, dường như khối ASEAN vẫn đang tìm kiếm một tiếp cận riêng, để vừa tận dụng được các hậu thuẫn của các cường quốc bên ngoài, nhằm ngăn chặn sự lấn lướt của Trung Quốc, nhưng lại vừa không bị kẹt vào thế đối đầu giữa hai khối, một bên là Bắc Kinh, và bên kia là các quốc gia dân chủ, trong đó Hoa Kỳ đóng vai trò trụ cột. Tham gia tiến trình xây dựng khu vực « Ấn Độ – Thái Bình Dương » không ? Và nếu có, thì tham gia như thế nào là một thách đố hàng đầu đối với Hiệp Hội các nước Đông Nam Á hiện nay.
1 – Khu vực « Ấn Độ – Thái Bình Dương » cụ thể là gì ?
Ý tưởng về một khu vực nối liền hai vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương từng được lãnh đạo một số quốc gia thai nghén từ nhiều năm nay. Đặc biệt đáng chú ý có ý tưởng của thủ tướng Nhật Bản, được nêu ra lần đầu tiên vào năm 2007. Trong chuyến công du Ấn Độ, thủ tướng Shinzo Abe đã nhắc đến tác phẩm « Majma ul-Brahrain/Hợp lưu hai biển lớn » của nhà tư tưởng Ấn Độ Dara Shikoh thế kỷ 17, như một ẩn dụ cho khát vọng lâu đời, tìm kiếm liên thông giữa hai thế giới, hai vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, thúc đẩy quan hệ toàn diện Nhật – Ấn.
Tuy nhiên, phải cho đến hồi tháng 12 năm ngoái, dự án này mới bắt đầu có được hình thù cụ thể hơn, với việc lần đầu tiên khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương được đưa vào Chiến Lược An Ninh Quốc Gia của chính phủ Mỹ. Cùng với sự thay đổi này, Ấn Độ được Hoa Kỳ coi như là một đối tác chiến lược hàng đầu. Trong chiến lược mới của Mỹ, khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương xếp số một, đứng trên châu Âu và Trung Đông. Đây là điều mà một số nhà nghiên cứu đáng giá là « thay đổi lớn nhất » so với thời tổng thống tiền nhiệm Obama (1). Về mặt lý thuyết, chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương có thể coi như là một bước tiến mới của chính sách xoay trục sang châu Á của tổng thống Obama.
Mời đọc thêm : “Ấn Độ-Thái Bình Dương”: Trọng tâm Chiến Lược An Ninh mới của Mỹ
Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, được Mỹ và các đồng minh cổ vũ, bao gồm vùng biển phía bắc Ấn Độ Dương và toàn bộ vùng biển giữa Thái Bình Dương, kéo dài đến bờ tây Hoa Kỳ, trong đó Biển Đông nằm ở vị trí trung tâm. Đối với chính quyền Trump, khu vực « dân cư đông đúc nhất và năng động nhất hành tinh về mặt kinh tế » này là nơi cạnh tranh của hai quan điểm đối kháng, một bên cổ vũ cho « tự do », bên kia chủ trương dùng « vũ lực ». Washington chỉ đích danh Trung Quốc như là bên chủ trương dùng vũ lực để thao túng con đường hàng hải chiến lược, với việc « thúc đẩy quân sự hóa tại Biển Đông », thách thức chủ quyền của nhiều quốc gia ven bờ.
2 – Từ đó đến nay, dự án xây dựng một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương như vậy có thêm những diễn tiến gì mới ?
« Tiến trình Ấn Độ – Thái Bình Dương » của Mỹ lấy Bộ Tứ Mỹ-Nhật-Úc-Ấn làm trụ cột (2). Giữa bốn quốc gia nói trên đã có nhiều phối hợp. Nhưng để thật sự có được chân đứng tại khu vực và được sự tin cậy rộng rãi, dự án nói trên phải được sự hậu thuẫn của khối các quốc gia Đông Nam Á, bởi ASEAN được coi là tâm điểm của kiến trúc an ninh khu vực hiện nay. Từ nhiều năm nay, ASEAN là nơi diễn ra các tiếp xúc, đối thoại mở rộng bao gồm các quốc gia Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Nga, các nước Nam Á…. Nếu trong tương lai có một cơ chế an ninh hợp tác quốc tế lớn bao trùm tại khu vực này, thì ASEAN chắc chắn sẽ phải đóng một vai trò trọng yếu (mời xem thêm : « ASEAN sinh nhật 50 tuổi : Bài học cũ để vượt qua thách thức mới » ).
Trong thời gian gần đây, Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á – đang nổi lên như là một đối tác cơ bản cho phép kết nối phần đóng góp của ASEAN với tiến trình xây dựng một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do (2). Vấn đề « Ấn Độ – Thái Bình Dương » sẽ là một trong các chủ đề chính được thảo luận tại Thượng đỉnh Đông Á (East Asia Summit) lần thứ 13, sẽ diễn ra trong hai ngày 14 và 15/11/2018 tại Singapore. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi sẽ trình bày lập trường của Jakarta.
Cần nói thêm là, trước đó, hồi tháng 8/2018, ngoại trưởng Indonesia đã đề nghị triệu tập khẩn một cuộc họp cấp ngoại trưởng của khối, để xác định một lập trường chung của ASEAN đối với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, tuy nhiên, lời đề nghị cho đến nay chưa được hồi đáp. Theo tờ Strait Times, Indonesia đã thảo ra một tài liệu mang tựa đề « Indo-Pacific Outlook », đã được chuyển đến 9 thành viên còn lại của Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Thượng đỉnh Đông Á tại Singapore là cơ hội để các thành viên ASEAN tìm kiếm đồng thuận (3).
3 – ASEAN đối mặt với các thách thức nào trong vấn đề này ?
Trở ngại lớn nhất đến từ phía Trung Quốc. Bắc Kinh sợ rằng « tiến trình Ấn Độ – Thái Bình Dương » sẽ được sử dụng như một phương tiện để lập ra một liên minh chính trị chống Trung Quốc, với trụ cột là Bộ Tứ Mỹ – Nhật – Ấn – Úc, cộng thêm một số thành viên ASEAN. Indonesia và các nước ASEAN sẽ phải rất mềm dẻo để có thể tìm ra một tiếp cận phù hợp, trước hết là vấn đề tên gọi. Các thương lượng cho việc tham gia vào một tiến trình như vậy hiện mới đang trong giai đoạn khởi đầu.
Theo nhiều nhà quan sát, tên gọi Ấn Độ – Thái Bình Dương cần được điều chỉnh để dung chứa được phần đóng góp của các nước ASEAN, với tư cách khu vực nằm ở trung tâm của vùng địa lý nói trên. Trong số các tên gọi, có « ASEAN Inter-Oceanic Concept » của Malaysia, hay « ASEAN’s Indo-Pacific Concept » của Indonesia. Indonesia cũng đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ « tính trung lập » khi tham gia vào tiến trình này (4).
Một thách thức lớn khác đến chính từ phía Hoa Kỳ. Theo một số nhà quan sát, sau khi cổ vũ cho dự án mới này, Washington chưa có thêm các nỗ lực mới để xác định rõ hơn quan điểm, đặc biệt trong quan hệ với các đồng minh và đối tác ASEAN. Công luận ASEAN chờ đợi phó tổng thống Mỹ Mike Pence, khi tham dự Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN vào ngày mai 14/11/2018 tại Singapore, sẽ trình bày rõ tiếp cận của Washington.
Chuyên gia về an ninh khu vực, ông Anthony Milner (5), người Úc, thậm chí còn lo ngại là dự án Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ tàn lụi, vì không được khối ASEAN ủng hộ. Chuyên gia Úc cũng chỉ ra cụm từ Ấn Độ – Thái Bình Dương có điểm yếu là không bao hàm cụm từ « châu Á», vì vậy khó chinh phục được cảm tình của dân chúng tại nhiều nước ASEAN.
Nhà nghiên cứu Pháp Victor Germain (6) trong một bài nhận định trên Asialyst mới đây ghi nhận tình trạng bất lợi hiện nay cho tiến trình xây dựng khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do, khi nhiều quốc gia châu Á hoài nghi về đóng góp thực chất của Mỹ, trong bối cảnh tổng thống Donald Trump vừa quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi 2017, để ngỏ không gian cho Trung Quốc tung hoành.
Tuy nhiên, chuyên gia Pháp Victor Germain cũng dự đoán là, trong bối cảnh nhiều nước ASEAN còn phân vân, các thảo luận trong nội bộ ASEAN sẽ kéo dài, thì tiếp cận của Ấn Độ sẽ có vai trò rất quan trọng. Lập trường của New Delhi – ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, phối kết chặt chẽ với Úc và Việt Nam, nhưng không chấp nhận loại trừ Trung Quốc – ắt hẳn sẽ xóa tan được hoài nghi của nhiều thành viên ASEAN về một khu vực rộng lớn trên biển nối liền hai đại dương, cần được bảo vệ.
Ghi chú
« Mỹ, Nhật và Ấn Độ bắt đầu phác họa trật tự mới trên biển châu Á ?», 16/6/2016.
Xem thêm : « Nhật dùng viện trợ thúc đẩy một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở », 23/2/2018 ; Ngoại trưởng Mỹ đi châu Á để quảng bá chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương, 31/07/2018 ;
« Indonesia và Ấn Độ sẽ xây cảng quân sự ở Ấn Độ Dương», 30/5/2018.
« Time for Asean to drive the Indo-Pacific process: Jakarta Post writers », Strait Times, ngày 7/11/2018.
« Can Indonesia rescue the idea of the ‘Indo-Pacific’, and should it? », trang mạng Aspistrategist, ngày 2/11/2018.
«L’ASEAN est-elle soluble dans “l’Indo-Pacifique” ? », Asialyst, ngày 7/11/2018.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20181113-du-an-an-do-thai-binh-duong-mot-thach-do-voi-asean
Softbank đặt mục tiêu huy động 21 tỷ USD qua IPO
Gã khổng lồ về viễn thông và đầu tư kinh doanh của Nhật Bản, Softbank lên kế hoạch niêm yết mảng điện thoại di động trên sàn chứng khoán Tokyo vào tháng tới. Đây được coi như một trong những ‘phi vụ’ chào bán cổ phiếu công khai lớn nhất trên thế giới.
Softbank đặt mục tiêu huy động 2.400 tỷ yên (tương đương 21 tỷ đô la) thông qua việc niêm yết cổ phiếu.
Theo báo cáo, tập đoàn này sẽ chào bán 1,6 tỷ cổ phiếu với mức giá 1.500 yên/cổ phiếu.
Con số khổng lồ 2.400 tỷ yên (21 tỷ đô la) là một phần trong kế hoạch tách dần ra khỏi mảng viễn thông để đầu tư sang lĩnh vực công nghệ cao.
Nếu nhu cầu của thị trường lớn, tập đoàn này sẽ tiếp tục mở thêm đợt chào bán cổ phiếu công khai và có thể vượt mức kỷ lục IPO 25 tỷ đô la của gã khổng lồ Alibaba.
Dưới sự điều hành của tỷ phú Masayoshi Son, tập đoàn này đã xây dựng được những danh mục đầu tư công nghệ cao.
”Trong vài năm qua, Softbank đã từng bước chuyển mình từ mảng viễn thông sang một tập đoàn thiên về đầu tư mạo hiểm,” Marc Einstein, nhà phân tích của tập đoàn ITR tại Tokyo cho biết.
”Điều mà chúng ta đang nhìn thấy là bước tiến tiếp theo của Softbank với định hướng đó,” ông nói.
Bộ trưởng Nhật trả lại lương vì vụ đất đai
Nhật Bản: Hình mẫu lý tưởng cho VN?
Nhật Bản không bình luận vụ ‘gặp Bắc Hàn ở VN’
Nhật Bản đóng sân bay Kansai vì bão Jebi
Những điều cần biết về Softbank
Softbank khởi điểm là một tập đoàn viễn thông tại Nhật Bản nhưng dần chuyển đổi sang một tập đoàn về đầu tư thông qua các giao dịch và đầu tư khác nhau.
Softbank, được điều hành bởi tỷ phú người Nhật, ông Masayoshi Son, vào năm 2014 đã chuyển sang mảng người máy và phát triển sản phẩm Robot Pepper (robot đầu tiên trên thế giới có thể đọc cảm xúc con người).
Một số phi vụ nổi bật của tập đoàn Softbank bao gồm việc mua lại Công ty ARM Holdings của Anh với giá 24 tỷ bảng Anh (tương đương 30.1 tỷ đô la).
Tập đoàn cũng đầu tư một tỷ đô la vào công ty khởi nghiệp về vệ tinh Oneweb và thiết lập một quỹ đầu tư mạo hiểm với Ả Rập Saudi.
Softbank cũng thể hiện sự ‘khao khát’ lấn sân đầu tư mảng ride-sharing (đi chung xe), hỗ trợ ứng dụng gọi xe Didi Chuxing của Trung Quốc và ứng dụng Grab tại Đông Nam Á. Tập đoàn cũng có cổ phần lớn tại Uber.
Softbank trước đây cũng mua lại hoạt động của Vodafone tại thị trường Nhật và tập đoàn viễn thông Sprint của Mỹ.
Lĩnh vực công nghệ tự lái cũng thu hút đầu tư từ Softbank, bao gồm việc hợp tác với Toyota để phát triển các dịch vụ vận tải bao gồm các dòng xe tự hành.
Jack Ma rút lời hứa tạo 1 triệu việc làm ở Mỹ
Mỹ bắt cựu quan chức Goldman về bê bối tài chính 1MDB
Nhiều công ty Mỹ ‘tính rời cơ sở sản xuất khỏi Nam TQ’
Masayoshi Son là ai?
Ông Son đã thành lập và điều hành Softbank trở thành một trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất trên thế giới.
Là một doanh nhân cũng như là người giàu có nhất tại Nhật, theo Forbes, ông được biết đến vì rất nhạy bén trong việc phát hiện các công ty tiềm năng, các ngành công nghiệp chuyển đổi và các xu hướng mới.
Ông là một trong những nhà đầu tư sớm vào gã khổng lồ Alibaba của Trung Quốc và nhìn thấy tiềm năng lớn trong thương mại điện tử trước nhiều người khác.
”Ông ấy như Steve Jobs hay Bill Gates của Nhật Bản vậy” ông Einstein nói.
Einstein nói ông Son giống như ‘marverick’ (người thường đi trái lại những nguyên tắc của một tổ chức).
Văn hóa kinh doanh của ông cũng thường trái ngược với văn bảo thủ và thận trọng của Nhật Bản.
”Ông kiếm được nhiều tiền hơn bất cứ ai tại Nhật Bản nhưng cũng mất tương đối nhiều,” ông Einstein nói.
”Ông được nhìn nhận là người có tầm nhìn xa trông rộng và không sợ rủi ro.”
Nhưng ông Sơn cũng thu hút sự chú ý trong những tuần gần đây vì mối quan hệ của tập đoàn với Ả Rập Saudi thông qua Quỹ Vision Fund.
Steve Jobs ‘thậm tệ’ trong tự truyện của con gái
Buổi hẹn hò làm ra đời công ty trị giá 10 triệu bảng
Mắc kẹt giữa ‘Chiến tranh lạnh’ Mỹ – Trung
Vì sao việc thực hiện IPO của Softbank quan trọng?
Softbank đặt mục tiêu huy động được 2.400 tỷ yên (21 tỷ đô la) thông qua việc niêm yết cổ phiếu.
Theo báo cáo, tập đoàn này sẽ bán ra 1,6 tỷ cổ phiếu với mức giá 1.500 yên / cổ phiếu..
Các báo cáo cho hay nếu nhu cầu của thị trường lớn, nó có thể kích hoạt một sự “phân bố vượt mức’ 240 tỷ yên.
Đợt chào bán công khai ban đầu này của Softbank có thể đạt gần mức kỷ lục 25 tỷ đô là của IPO vào năm 2014.
Quỹ đầu tư của Softbank sẽ thúc đẩy các làn sóng đầu tư công nghệ tiếp theo của chính họ.
“Họ sẽ huy động được rất nhiều tiền qua đợt IPO này và họ sẽ đầu tư vào tất cả các công ty công nghệ trên toàn thế giới”, ông Einstein nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-46195579
Giao dịch quyền sắc gây sốc của quan tham TQ:
Nữ ứng viên dán cả ảnh nóng vào hồ sơ xin việc
Theo truyền thông Hồng Kông, đệ nhất quan tham ngành tài chính Trung Quốc có cả giao dịch quyền sắc với cả nữ diễn viên nổi tiếng.
Tờ Oriental Daily News (Hồng Kông) mới đây cho biết, sau khi đệ nhất quan tham ngành tài chính Trung Quốc – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn cổ phẩn quản lý tài sản Hoa Dung (gọi tắt là Hoa Dung) Lại Tiểu Dân bị bắt vì nghi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng hồi đầu năm, đến nay tình tiết liên quan đến vụ án của ông này lại tiếp tục được hé lộ.
Theo đó, ngoài số tiền tham nhũng cực lớn, ông này còn có những “giao dịch quyền sắc” gây sốc.
“Những phụ nữa có ‘giao dịch quyền sắc’ với Lại Tiểu Dân, ngoài những phụ nữ bình thường muốn làm việc tại Hoa Dung, còn có cả những người nổi tiếng, bao gồm nữ diễn viên tên tuổi. Có nữ ứng viên khi xin việc, còn cố ý dán thêm “ảnh chân dung toàn thân để lộ số đo ba vòng” vào hồ sơ và gửi cho Lại Tiểu Dân”, báo Hồng Kông dẫn nguồn tin tiết lộ.
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, sau hàng loạt các trường hợp tham nhũng, người dân nước này ngày càng cảm thấy quen thuộc nhàm chán nhưng vụ án của Lại Tiểu Dân đã một lần nữa dậy sóng dư luận.
“Hành vi vi phạm kỷ luật phát luật chấn động của người từng đứng đầu Hoa Dung đã phá vỡ mọi nhận thức của người dân về tham nhũng. Một số kênh truyền thông tiết lộ, nhân viên thi hành án đã thống kế được số tiền ngoại tệ, khi quy đổi ra Nhân dân tệ đã lên tới 270 triệu mà Lại Tiểu Dân giấu tại các bất động sản của y. 270 triệu NDT có cân nặng khoảng 3 tấn, nếu đặt chung lại sẽ có thể tích lớn hơn 3 mét khối”, CCTV cho biết.
Tuy nhiên, kênh truyền thông này cho hay, đây chỉ là “một tảng băng trôi nhỏ” trong cả núi tiền phạm pháp của y.
“Đúng là chỉ có người khác không nghĩ tới chứ không có việc nào y không làm được”, CCTV bình luận.
Trước đó, Tuần san kinh tế Trung Quốc cho hay, Lại Tiểu Dân thường được biết đến với cụm từ “3 một trăm”: Hơn 100 ngôi nhà, hơn 100 mối quan hệ và hơn 100 người tình.
Tuy nhiên, tờ này dẫn nguồn tin quen biết Lại Tiểu Dân tiết lộ, “thông tin hơn 100 người tình chỉ là tin đồn nhưng ông ta đúng là có người tình ở Hồng Kông và ông ta dám nhận hối lộ hàng trăm triệu Nhân dân tệ mỗi lần giao dịch”.
Cũng theo người này, cách quan tham Trung Quốc này thao túng đầu tư cũng khiến không ít người trong ngành tài chính cảm thấy sốc.
Sáng kiến Vành đai và Con đường trên Internet
Trung Quốc đã xuất khẩu sản phẩm giám sát mạng internet mà các nước thiếu dân chủ quan tâm.
Ở Nairobi, thủ đô của Kenya, có tất cả 1800 camera giám sát cuộc sống hàng ngày của thành phố. Mạng lưới camera giám sát công cộng và tư nhân liên tục cung cấp những hình ảnh chính xác cho dịch vụ đám mây. Luồng hình ảnh được phân tích bằng thiết bị thông minh nhận diện các khuôn mặt.
Huawei đã quảng cáo việc thiết lập hệ thống thông minh cho thành phố một cách an toàn của mình. Tội phạm ở Nairobi gần như đã giảm đi một nửa khi hệ thống này được lắp đặt. Bên cạnh việc ngăn ngừa và chống tội phạm, việc sử dụng kỹ thuật thông minh cho còn giúp tiết kiệm nước. Ở một số thành phố, các chuyến xe buýt có thể trả tiền vé bằng thiết bị nhận diện khuôn mặt. Hệ thống cũng có thể dùng để giám sát người dân và giúp giảm chống đối về chính trị.
Trung Quốc thiết lập mạng châu Phi
Các dự án an ninh thành phố của Huawei là một phần trong quyết tâm mạnh mẽ của Trung Quốc nhằm mở rộng kỹ năng công nghệ của họ ra thế giới, nhất là Trung Đông và châu Phi. Tham vọng này được định hình thành dự án được Trung Quốc gọi là con đường tơ lụa kỹ thuật số – “digital Silk Road”. Ba năm trước, Trung Quốc khởi xướng Sáng kiến Một vành đai, một con đường (Belt and Road Initiative – BRI), nhằm xây dựng một cơ sở hạ tầng khổng lồ để vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc ra thế giới. Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, Trung Quốc đặt cho mình mục tiêu xây dựng sự kết nối mạng xuyên biên giới và nâng cao hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truyền thông.
Với danh nghĩa dự án “Con đường Tơ lụa”, ZTE – Công ty truyền thông Trung Quốc đang xây dựng mạng điện thoại di động ở Ethiopia và kéo đường cáp quang ở Afghanistan. Các nước khác có thể kể đến là Nigeria, Lào, Sri Lanka, Sudan và Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Huawei thì đang cam kết đầu tư hơn 1 tỉ USD để nâng cấp mạng Internet ở Cameroon, Kenya, Zimbabwe, Togo và Niger.
Ở Uganda, Trung Quốc còn cung cấp cho hệ thống chính quyền kỹ thuật giám sát mạng xã hội, hay dưới tên gọi chính thức “an ninh mạng chống tội phạm”. Phương tiện Nhận dạng khuôn mặt của Trung Quốc đang được dùng ở các sân bay và các trạm kiểm soát ở biên giới của Zimbabwe.
Phiên bản Internet Tập Cận Bình
Con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Quốc được truyền thông nói đến với các dự án BRI. Dĩ nhiên, về nhiều mặt dự án có tính đổi mới nhiều hơn việc xây dựng hệ thống đường sắt hay cảng biển. Thông qua con đường tơ lụa kỹ thuật số kéo dài, Trung Quốc có thể mở rộng chiến lược mạng lưới internet của mình, trong đó internet trợ giúp việc điều hành, quản lý.
Điểm trung tâm trong chiến lược internet của Trung Quốc là quyền tự quyết định của nhà nước. Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng nói nhiều lần về vấn đề chủ quyền trên internet. Ý tưởng trọng tâm của nó là nhà nước kiểm soát phạm vi của internet giống như giám sát không phận của quốc gia. Bởi vì các đường cáp quang về mặt vật lý chạy trong phạm vi biên giới của quốc gia nên nhà nước có quyền kiểm soát mạng viễn thông đó.
Ví dụ điển hình nhất cho việc kiểm soát đó của Trung Quốc là tường lửa ngăn chặn các trang, các ứng dụng mà chính quyền không muốn người Trung Quốc truy cập và sử dụng. Nhiều cách khác cũng được dùng để kiểm soát người dân xung quanh mạng tường lửa của Trung Quốc. Tháng sáu năm ngoái, luật an ninh mạng mới có hiệu lực ở Trung Quốc, trong đó việc kiểm soát internet của chính quyền được thắt chặt hơn. Ngay trước luật này tổ chức Ngôi nhà Tự do đánh giá về tự do ngôn luận đã xếp Trung Quốc là nước chà đạp lên tự do internet.
Hiện nay tình hình con trở nên tồi tệ hơn. Bên cạnh việc kiểm duyệt thông thường, luật an ninh mạng cũng hạn chế việc giấu tên trên mạng. Nó bắt buộc các công ty tuân thủ và báo cáo về những ngoại lệ trong dịch vụ mạng. Các công ty còn phải cung cấp các trợ giúp kỹ thuật cho nhà chức trách để họ buộc công ty chấm dứt hoạt động trong những trường hợp được coi “đe dọa cao về an ninh”. Các phương pháp mã hóa của viễn thông cần phải được chính quyền Trung Quốc phê duyệt và các nhà quản lý cơ sở hạ tầng mạng phải tiết lộ mã nguồn phần mềm của họ cho cơ quan chức năng khi được yêu cầu.
Những quy định này gây nguy hiểm cho quyền sở hữu trí tuệ của các công ty, nhưng có rất ít lựa chọn thay thế. Tất cả các cơ sở lưu trữ dữ liệu trên mạng phải đặt máy chủ ở Trung Quốc và nếu muốn chuyển dữ liệu ra ngoài phải có sự cho phép. Trường hợp phạm luật đầu tiên đã xảy ra cách đây mấy tháng khi chính quyền phạt các công ty Tencent, Baidu và Sina hàng chục ngàn euro vì phát tán những nội dung bị cấm. Theo chính quyền các nhà cung cấp mạng của các công ty đã cung cấp những tin tức sai sự thật và những hình ảnh khiêu dâm.
Những sản phẩm kiểm soát internet xuất khẩu
Từ việc kiểm soát internet này, Trung Quốc đã xuất khẩu các sản phẩm mà nhiều quốc gia thiếu dân chủ quan tâm. Chẳng hạn, một số nước đang theo Trung Quốc thắt chặt việc kiểm soát internet. Ở Tanzania, chính quyền có quyền chặn việc truy cập các trang có nội dung gây nên “suy nghĩ tiêu cực, hay sự phẫn nộ”. Nigeria yêu cầu lưu giữ dữ liệu của người dân trong phạm vi biên giới quốc gia. Ethiopia, Sudan và Ai Cập lại sàng lọc các thông tin trên mạng một cách kỹ lưỡng.
Nga đã sao chép mô hình Trung Quốc trong việc nhà chức trách được phép xâm nhập mạng và yêu cầu quản lý dữ liệu trong phạm vi nội địa. Việt Nam đã thông qua luật an ninh mạng có khá nhiều điểm giống luật này của Trung Quốc.
Với các kết nối viễn thông liên tục được nâng cấp, mô hình quản trị độc quyền và sự kiểm soát mạng của Trung Quốc là những bước đi đầu tiên. Chuyên gia về phát triển kỹ thuật Trung Quốc, Adam Segal từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ cho rằng Trung Quốc vui lòng giúp đỡ các nước muốn sao chép mô hình của họ. Dĩ nhiên, Trung Quốc không đòi hỏi điều đó.
“NgườiTrung Quốc nhìn thấy con đường tơ lụa kỹ thuật số có khả năng tác động tới việc thảo luận trên internet. Các nước nhận sự giúp đỡ và sử dụng các thiết bị internet của Trung Quốc dường như cũng làm theo cách kiểm soát internet như Trung Quốc”, Segal nói.
Trung Quốc muốn là người thiết kế và lắp đặt
Trung Quốc là công xưởng của các công ty công nghệ hàng chục năm nay. Điều này có thể thấy ở chỗ mặc dù Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế của thế giới, song giá trị vẫn chưa đạt đến đỉnh cao.
“Lợi nhuận vẫn tập trung ở phương Tây”, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, Markus Holmgren, đánh giá.
Trung Quốc muốn thay đổi điều đó. Mệt mỏi với vai trò sản xuất, Trung Quốc đã và đang tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoảng 20% mỗi năm trong vòng hai chục năm. Năm ngoái, Trung Quốc chi khoảng 279 tỉ USD cho việc nghiên cứu và phát triển sản xuất. Con số đó chiếm khoảng 1/5 tổng chi phí cho lĩnh vực này của toàn thế giới.
Việc nghiên cứu được nhấn mạnh do hai lý do quan trọng. Thứ nhất, Trung Quốc muốn giảm sự phụ thuộc của họ vào công nghệ nước ngoài; hai là họ muốn tham dự vào việc xác định hướng phát triển của Internet thế giới. Adam Segal cho rằng Trung Quốc đã có vai trò ngang bằng với Mỹ trong việc định hình internet.
“Thật khó dự đoán rằng công nghệ mới nào sẽ đổi mới và chúng xuất phát từ đâu. Nhưng khi nhìn vào tham vọng và cách thức, tôi nhận thấy hiện nay Trung Quốc đang dẫn đầu”, Segal nói.
Internet sẽ chia làm đôi không?
Internet từ lâu đã là công trình của Hoa Kỳ. Hiện giờ, dự án nâng cấp mạng internet của bộ Quốc phòng Mỹ bao gồm hàng chục tỉ thiết bị. Ở các nước phương Tây, người ta lo ngại sự phát triển của Trung Quốc sẽ khiến internet trở nên mất tính toàn cầu và tính chất mở. Một số người nói về cơ sở hạ tầng của internet. Tháng trước cựu giám đốc điều hành của Google, Eric Schmidt, dự báo rằng internet có thể sẽ bị chia làm hai bộ phận: một do Mỹ cầm đầu và bộ phận khác do Trung Quốc chỉ đạo.
Chuyên gia Adam Segal chỉ ra rằng Internet đã bị phân rẽ. Các ngôn ngữ và văn hóa khác nhau cũng đã dẫn đến sự chia rẽ trên mạng. Ít người Phần Lan vào các trang mạng của người Trung Quốc và hiếm người Trung Quốc vào các trang của người Phần Lan. Sự phân rẽ về mặt kỹ thuật dĩ nhiên diễn ra nhanh hơn, Segal thừa nhận.
Sự nghi ngờ lẫn nhau giữa Trung Quốc và phương Tây thúc đẩy điều đó. Điều này gây nên khó khăn cho các công ty kỹ thuật khi thị trường trở nên khác nhau và nguồn gốc dân tộc bắt đầu có tác động nhiều hơn tới các tiêu chí phân chia. Segal dự báo rằng trong tương lai các công ty sẽ phải sản xuất ra hai sản phẩm: một cho Trung Quốc và một cho thị trường thế giới. Đó là lý do dịch vụ mạng xã hội LinkedIn kiểm duyệt nội dung ở Trung Quốc.
Tám năm trước đây, Google rời khỏi Trung Quốc và đã âm thầm phát triển một công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt cho thị trường Trung Quốc. Dự án có tên “Rồng bay”, đã bị phát hiện khi nó bị phản đối ở các nước phương Tây. Tất cả những điều đó có nghĩa gì đối với người dùng internet thông thường?
“Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy nhiều mạng internet xuất hiện cho những người dùng thông thường với một cách thống nhất và giống nhau. Bạn vẫn có thể gửi email cho bạn bè ở Trung Quốc. Thư có thể bị người ta đọc, nhưng nó vẫn được gửi đến địa chỉ cần gửi đến”, Segal nói.
Những con đường Tơ lụa của Trung Quốc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên nói về việc xây dựng Con đường Tơ lụa mới ở Kazakhstan vào mùa thu năm 2013. Tập Cận Bình, lúc đó lãnh đạo đất nước chưa đầy một năm và phác họa thế giới là nơi tất cả các sản phẩm xuất khẩu đều xuất phát từ Trung Quốc. Con đường Tơ lụa qua Thái Bình dương, nhánh khác xuất phát từ Trung Á qua Trung Đông đến châu Âu. Con đường thứ ba dự kiến dành cho vùng Bắc Cực.
Tháng Ba, năm 2015, Trung Quốc đề xuất sáng kiến Một vành đai, một con đường mà về sau được rút gọn thành Sáng kiến Vành đai và Con đường. Mục đích của dự án là tạo sự kết nối các đường cao tốc và các hải cảng lớn để tạo ra các khu vực tự do thương mại và tăng cường kết nối truyền thông.
Ông Tập gọi đây là “Dự án thế kỷ”. Truyền thông Trung Quốc tán dương dự án này như là “Quà tặng của trí tuệ Trung Quốc ” cho thế giới. Dự án được so sánh với Kế hoạch Marshall của Mỹ dành cho châu Âu sau Thế chiến II. Trên thực tế, dự án Con đường Tơ lụa gồm nhiều dự án nhỏ mà các công ty Trung Quốc đang tiến hành ở nước ngoài. Một số trong các dự án này của nhà nước, một số của tư nhân.
Cho vay không cần đáp ứng yêu cầu nhân quyền
Các dự án Con đường Tơ lụa không phải là đầu tư của chính phủ Trung Quốc, mà là các dự án thực hiện bằng việc cho vay tiền. Để cung cấp các khoản vay, vào tháng sáu năm 2015 Trung Quốc đã thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Các khoản vay không hề ưu đãi, nhưng mặt khác chúng không kèm theo ràng buộc về phát triển dân chủ hay nhân quyền. Vì thế, các dự án của BRI rất phổ biến với các chính quyền độc tài và tham nhũng.
Điều kiện phổ biến là công ty của Trung Quốc được chọn làm đối tác. Các dự án của BRI chấp nhận các công ty xây dựng Trung Quốc, trong đó bảy công ty đã phát triển và nằm trong danh sách mười công ty xây dựng lớn nhất thế giới. Các đòi hỏi về việc trả nợ cũng thường rất nghiêm ngặt.
Ở Sri Lanka khoảng 70 km2 cảng Hambantota xây dựng bằng tiền của Trung Quốc, và cuối năm ngoái các khoản vay Trung Quốc của Sri Lanka quá hạn. Cảng quan trọng nằm trên con đường tơ lụa đến Thái Bình Dương giờ đây đã thuộc về Trung Quốc trong thời gian 99 năm. Trung Quốc có một hợp đồng tương tự về một cảng với Pakistan. Ở Djibouti, Trung Quốc cũng có một cảng và đang lập kế hoạch một cái khác với Myanmar.
Nhiều quốc gia nằm trên con đường tơ lụa là những nước kinh tế yếu kém. Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) đã công bố một danh sách tám nước (Lào, Kyrgyzstan, Maldives, Montenegro, Djibouti, Tajikistan, Mongolia, Pakistan) đang có nguy cơ khủng khoảng lớn về kinh tế vì các khoản nợ từ các dự án BRI. Ví dụ, Montenegro đang xây dựng một đường cao tốc trị giá vào khoảng ¼ GDP của quốc gia. Đường sắt nối Lào và Trung Quốc có chi phí bằng khoảng ½ GDP của Lào.
Tổng cộng, ước tính khoảng 4 ngàn tỉ USD sẽ được chi cho các dự án BRI tại khoảng 70 nước.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/24703-sang-kien-vanh-dai-va-con-duong-tren-internet.html
Bắc Kinh: ‘không ai có thể cản đường
TQ hợp tác tại các đảo Thái Bình Dương’
Hôm 13/11, một nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc nói rằng không một quốc gia nào có thể ngăn chặn sự hợp tác của Trung Quốc với các quốc đảo ở Thái Bình Dương.
Hãng tin Reuters trích lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang (Zheng Zeguang) phát biểu như trên hôm 13/11, vài ngày trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình gặp gỡ với 8 lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương bên lề Hội nghị APEC tại Papua New Guinea vào cuối tuần này.
Ông Trịnh Trạch Quang nói: “Các quốc gia khác không nên cản trở sự hợp tác và sự giao lưu thân thiện của Trung Quốc với các quốc đảo. Tất nhiên, họ không có cách nào cản trở sự hợp tác này.”
Ông nói thêm: “Khu vực các quốc đảo không chịu ảnh hưởng của bất kỳ quốc gia nào. Mọi người nên cùng nhau giúp đỡ các quốc đảo.”
Kể từ năm 2011 cho đến nay, Trung Quốc đã chi 1,3 tỷ đôla cho các khoản vay và viện trợ ưu đãi để trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai tại các đảo quốc Thái Bình Dương sau Australia, gây lo ngại cho các nước phương Tây rằng các quốc gia nhỏ bé này có thể sẽ lâm vào cảnh nợ nần với Bắc Kinh.
Trong khi đó Úc cũng đang tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc tại các quốc đảo đông dân cư ở Thái Bình Dương, nơi có nhiều tài nguyên.
Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết vào tuần trước rằng Úc sẽ cung cấp cho các quốc gia Thái Bình Dương các khoản tài trợ và các khoản vay ưu đãi lên đến 2,18 tỷ đôla để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trung Quốc: Một nhóm sinh viên mác-xít bị bắt
vì ủng hộ công nhân tranh đấu
Một nhóm sinh viên mác-xít loan báo, hơn một chục thành viên đã bị bắt vào ngày thứ Sáu 09/11/2018, vì tranh đấu cho quyền lợi công nhân ở miền nam Trung Quốc. Hôm nay 13/11/2018, có thêm ba thành viên khác bị bắt giữ thô bạo tại Vũ Hán. Khi đàn áp những người tố cáo bất bình đẳng xã hội, Bắc Kinh muốn chận đứng hiện tượng sinh viên tham gia tranh đấu cùng với công nhân trong những năm gần đây.
Thông tín viên Angélique Forget tại Thượng Hải tường trình :
« Trong số hơn một chục sinh viên bị bắt, có năm người vừa mới tốt nghiệp trường đại học Bắc Kinh danh giá. Trong đó có một sinh viên bị bắt ngay trong trường vào nửa đêm, bị đánh đập và tống vào một chiếc xe hơi.
Tất cả đều thuộc một hiệp hội sinh viên, vào mùa hè vừa qua, đã bênh vực một nhóm công nhân ở miền nam Trung Quốc. Những công nhân này tố cáo bị đối xử như nô lệ, và đòi hỏi lập ra công đoàn riêng của mình, thế nên một số sinh viên trong nhóm đã đi đến tận nhà máy để ủng hộ họ. Tuy nhiên các cuộc biểu tình bị đàn áp, và nhiều công nhân bị bắt.
Kể từ lúc đó, phong trào sinh viên lan rộng ra tại nhiều trường đại học nổi tiếng của Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh, vốn lo sợ tất cả những phong trào xã hội, sẵn sàng làm mọi cách để dập tắt tiếng nói của các nhà đấu tranh.
Mời đọc thêm : Trung Quốc : Bắt học « Karl Marx » nhưng cấm thực hành
Thật ra những sinh viên trẻ tuổi này theo chủ thuyết mác-xít đang được Bắc Kinh tuyên truyền rộng rãi. Nhưng trong một nước Trung Quốc của Tập Cận Bình, tốt nhất là đừng nên biến lý thuyết thành hành động. »
Cũng trên lãnh vực nhân quyền, hôm nay 13/11/2018 ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi cộng đồng quốc tế nên tin vào các thông tin chính thức của Bắc Kinh, không nên nghe những « tin đồn » về các trại cải tạo đang giam giữ cả triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181113-trung-quoc-sinh-vien-mac-xit-ung-ho-cong-nhan-tranh-dau-bi-bat
Triều Tiên đang che giấu
các căn cứ phóng tên lửa hạt nhân
Triều Tiên được cho là đang duy trì ít nhất 13 trong số khoảng 20 cơ sở có khả năng phóng tên lửa hạt nhân tới Mỹ.
Báo South China Morning Post dẫn báo cáo của chương trình Beyond Parallel thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington hôm 12/11 cho biết những hình ảnh vệ tinh chụp các khu vực bên trong lãnh thổ Triều Tiên có cơ sở tên lửa và bệ phóng tên lửa được che giấu bằng những tấm bạt ngụy trang.
Beyond Parallel xác định có ít nhất 13 trong số 20 căn cứ tên lửa chưa công bố vẫn đang hoạt động bên trong lãnh thổ Triều Tiên và xem đây là một thách thức đối với các nhà đàm phán Mỹ khi họ đang hy vọng sẽ thuyết phục Lãnh tụ Kim Jong Un từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân, theo Reuters.
Báo cáo xác định vị trí và mô tả chi tiết các các căn cứ này và nói rằng các hình ảnh vệ tinh cho thấy các cơ sở này vừa được cải tiến về mặt bảo dưỡng và cơ sở hạ tầng, mặc dù các cuộc đàm phán quốc tế đang diễn ra về quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Các căn cứ được xác định trong báo cáo của CSIS nằm rải rác ở vùng sâu, vùng xa của Triều Tiên và có thể được sử dụng để lưu trữ các tên lửa đạn đạo được cho là có khả năng tấn công bất cứ nơi nào ở Hoa Kỳ.
Hàn Quốc trấn an về các bức ảnh vệ tinh
căn cứ tên lửa Bắc Triều Tiên
Hôm nay, 13/11/2018, phủ tổng thống Hàn Quốc đã tìm cách giảm nhẹ vấn đề sau khi một trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ công bố các bức ảnh vệ tinh về những căn cứ tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Báo chí Mỹ cáo buộc Bắc Triều Tiên gian dối, còn Hàn Quốc lo ngại sự kiện này cản trở tiến trình đối thoại vốn rất mong manh.
Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình :
« Bắc Triều Tiên duy trì một hệ thống 20 căn cứ tên lửa đạn đạo bí mật. Một báo cáo dài của Trung Tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đã cho biết như trên và công bố các bức ảnh vệ tinh liên quan đến 13 căn cứ này.
Báo chí Mỹ nói nhiều đến bản báo cáo. Tờ The New York Times còn cáo buộc Bắc Triều Tiên rất gian trá trong lúc Bình Nhưỡng đang thảo luận việc tháo gỡ các cơ sở hạt nhân.
Phủ tổng thống Hàn Quốc đã tìm cách giảm nhẹ vấn đề, cho rằng trên thực tế, bản báo cáo không đưa ra điều gì mới cả và nhắc lại là các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã biết đến sự tồn tại của các căn cứ nói trên. Theo chính quyền Seoul, không thể nói là lừa dối khi mà Bắc Triều Tiên không hề ký một thỏa thuận nào liên quan đến các căn cứ này.
Chính quyền Hàn Quốc lo ngại là các tiết lộ mới của bản báo cáo phá hỏng tiến trình đối thoại vốn rất mong manh. Giới quan sát cũng nhắc lại là Bắc Triều Tiên không tự ý tháo gỡ các cơ sở này. Bình Nhưỡng cho rằng các căn cứ tên lửa là cần thiết để bảo vệ đất nước khi xẩy ra các xung đột quy ước, trong lúc không có những bảo đảm an ninh từ phía Hoa Kỳ ».
Ấn Độ và TQ: Cạnh tranh hải quân ở Ấn Độ Dương
Năm 2017, Hải quân Nhân dân Trung Quốc (PLA-N) chính thức khai trương cảng hải quân tại nước ngoài đầu tiên dưới dạng một trạm tiếp tế ở Djibouti. Cho tới gần đây, Bắc Kinh luôn kiên quyết cho rằng họ sẽ không áp đặt ảnh hưởng quân sự trên trường quốc tế giống như Mỹ và các cường quốc khác đã làm.
Giữa những năm 2000, người ta bắt đầu lo ngại về “chuỗi ngọc trai”, tên gọi của chuỗi các cảng có thể được dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự được Trung Quốc xây hoặc đầu tư ở Ấn Độ Dương. Mặc dù có thể những mối lo ngại này hơi bị thổi phồng, nó vẫn có cơ sở. Ngoài Djibouti, việc Trung Quốc phát triển các cơ sở hạ tầng cảng khác ở những khu vực do Trung Quốc kiểm soát, cũng như sự tăng cường hoạt động của PLA-N ở khu vực Ấn Độ Dương, đã khiến nhiều nơi, trong đó có New Delhi, quan ngại về ý định của Bắc Kinh.
Sự gia tăng hoạt động kinh tế và quân sự của Trung Quốc tạo ra tình trạng cạnh tranh quân sự với Ấn Độ tới mức nào? Và nếu cạnh tranh Trung-Ấn gia tăng ở Ấn Độ Dương, tương quan quân sự của cả hai ra sao? Trong một tập sách mới, học giả người Australia David Brewster đã tập hợp một đội ngũ chuyên gia tài ba từ Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước khác để trả lời cho hai câu hỏi này.
Với câu hỏi thứ nhất, nhìn chung, tất cả đều đồng ý rằng cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương chắc chắn sẽ gia tăng. Chuyên gia kì cựu về Trung Quốc John Garver cho rằng Trung Quốc là một “cường quốc tự kỉ” (trang 75) vì họ không thể hiểu được những lo ngại của các nước láng giềng, đặc biệt là Ấn Độ và Nhật Bản. Chuyên gia Jingdong Yuan cũng đồng ý là Trung Quốc có thể làm nhiều hơn để giảm bớt mối lo ngại an ninh chính đáng của Ấn Độ, trong đó có việc minh bạch hơn về hoạt động hải quân. Brewster cũng nhắc đến sự khác biệt về cách Trung Quốc và Ấn Độ đánh giá nhau. Điều này được thể hiện trong hai chương sách về Con đường Tơ lụa Trên biển (MSR) của Trung Quốc, một thành phần then chốt trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Mặc dù chuyên gia người Trung Quốc Zhu Li dẫn quan điểm của Chính phủ Trung Quốc cho rằng Sáng kiến chỉ có mục đích kinh tế và bác bỏ mối quan ngại của Ấn Độ; học giả người Ấn Độ Jabin Jacob cho rằng tính toán chiến lược và chính trị trong nước của Trung Quốc là động cơ chính của MSR. Trong khi đó, You Ji đồng ý rằng Trung Quốc có tính toán quân sự rõ ràng ở Ấn Độ Dương. You Ji lí luận rằng Trung Quốc đang lên kế hoạch tạo “‘ảnh hưởng và răn đe toàn cầu’,… và Ấn Độ Dương là một chiến trường tiềm năng mới” (trang 91). Kế hoạch này bao gồm việc sử dụng các học thuyết quân sự tấn công chủ động vốn giúp giải quyết kịch bản xung đột trên hai mặt trận với Ấn Độ. Quan điểm này của You Ji được chia sẻ bởi nhà phân tích người Ấn Độ Srikanth Kondapalli, người nhấn mạnh nhiều hoạt động chuyển giao vũ khí và phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương. Những phân tích này đều tỏ ra quan ngại về nguy cơ xung đột của khu vực trong tương lai.
Với câu hỏi thứ hai – cán cân quân sự Trung-Ấn ở Ấn Độ Dương – các học giả đều đồng ý rằng mặc dù Trung Quốc đang phát triển mạnh về khả năng quân sự, Ấn Độ vẫn giữ nhiều lợi thế. Phóng viên người Ấn Độ Pramit Pal Chaudhuri cho rằng Ấn Độ đang có sự thay đổi trong tiếp cận đối với Ấn Độ Dương, biến Ấn Độ Dương thành một ưu tiên đối với New Delhi, nhưng cảnh báo rằng quá trình thực hiện sự thay đổi này sẽ khó khăn và mất thời gian. Cựu Đô đốc Hải quân Ấn Độ Raja Menon cho rằng Trung Quốc vẫn kém về khả năng do thám, liên lạc và hậu cần, khả năng tấn công và yểm trợ chiến thuật từ trên không. Sự thiếu hụt này sẽ giới hạn khả năng viễn chinh của Trung Quốc. You Ji phần nào đồng ý với quan điểm của Menon khi nói về các tàu sân bay của Trung Quốc như là một công cụ viễn chinh hữu hiệu trong thời bình. Cụ thể, các máy bay từ tàu sân bay và phi công vẫn còn những hạn chế như thiếu kinh nghiệm bay đêm, thiếu tầm hoạt động tác chiến và thiếu các loại vũ khí tân tiến. Trong khi đó, Darshana Baruah đánh giá cao khả năng trinh sát biển và mạng lưới các đối tác ngày càng lớn của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Abhijit Singh lập luận rằng mặc dù sự hiện diện của Hải quân Ấn Độ ở Tây Thái Bình Dương vẫn còn hạn chế, Ấn Độ đã tăng cường đáng kể tần suất hoạt động ở Đông Nam Á. Các hoạt động này bao gồm các chuyến thăm cảng, phối hợp tuần tra và tập trận hải quân với Myanmar, Thái Lan, Indonesia, Singapore và Việt Nam. Tuy nhiên, Iskander Rehman phản bác lại quan điểm rằng Ấn Độ có lợi thế tương đối so với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Ông cảnh báo rằng tàu ngầm thông thường và tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc có lợi thế cả về số lượng lẫn chất lượng so với tàu ngầm Ấn Độ. Rehman cũng chú ý đến việc PLA-N đang tập trung khả năng kiểm soát mặt biển trong khi Hải quân Ấn Độ đang tập trung khả năng chống tiếp cận xâm nhập bằng tàu ngầm.
Nhìn chung, khó có thể phủ nhận kết luận của Rory Medcalf rằng sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương sẽ không khiến Ấn Độ hoảng sợ, nhưng không có nghĩa là Ấn Độ nên hài lòng. Trung Quốc đã và đang hoạt động mạnh ở các nước ven Ấn Độ Dương. Sự phát triển về năng lực và hỗ trợ tài chính của Trung Quốc cũng sẽ góp phần gia tăng cạnh tranh chiến lược với Ấn Độ ở Ấn Độ Dương, trái với lập luận của Li. Brewster, Garver và Jacob cho rằng những lời khuyên của Yuan nhằm giảm căng thẳng cạnh tranh sẽ không được Bắc Kinh lắng nghe do sự bất đối xứng thông tin, vấn đề tư duy nhận thức của Trung Quốc và các đòi hỏi xuất phát từ mục tiêu đối nội. Mặc dù Chaudhuri, Rehman và Singh đã chỉ ra những điểm yếu của Ấn Độ như thiếu chú ý tới hạm đội tàu ngầm hay hạn chế nguồn lực, Menon và Baruah cũng chỉ ra những điểm mạnh sẵn có của Ấn Độ như vị trí địa lí, diện tích và ngoại giao. Cuốn sách mà Brewster chủ biên dù khó đọc nhưng đã tổng hợp đầy đủ và kịp thời các quan điểm về sự cạnh tranh hải quân đang nổi lên giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/24704-an-do-va-tq-canh-tranh-hai-quan-o-an-do-duong.html
Aung San Suu Kyi bị Ân xá Quốc tế
tước giải thưởng cao nhất
Tổ chức Ân xá Quốc tế sẽ tước giải thưởng cao nhất họ đã trao cho vị lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi – Giải thưởng Đại sứ Lương tâm.
Chính trị gia và người nhận giải Nobel được trao giải này vào năm 2009, khi bà đang bị quản thúc tại gia.
Tổ chức Ân xá Quốc tế nói họ thất vọng sâu sắc về chuyện bà không lên tiếng bảo vệ cho người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi.
Khoảng 700.000 người trong số họ đã chạy khỏi Myanmar sau khi bị quân đội tấn công.
Đây là giải thưởng mới nhất trong một loạt giải thưởng của bà Suu Kyi, 73 tuổi, bị tước mất.
“Chúng tôi thất vọng sâu sắc rằng bà không còn là đại diện cho một biểu tượng của hy vọng, lòng can đảm, và sự bảo vệ nhân quyền bất diệt,” Tổng Thư ký của AI, ông Kumi Naidoo viết trong một bức thư gửi nhà lãnh đạo Myanmar.
“Sự phủ nhận mức độ của thảm họa [chống lại người Rohingya] có nghĩa rất ít khả năng tình hình được cải thiện,” ông Naidoo nói.
Tổ chức này một thời từng ca ngợi bà như một ngọn hải đăng của dân chủ, tuyên bố quyết định của mình nhân dịp kỷ niệm tám năm ngày bà Suu Kyi được thả tự do.
Bà Suu Kyi lên làm người đứng đầu chính quyền không chính thức của Myanmar, một đất nước của đại đa số Phật tử vào 2016.
Kể từ đó, bà đã phải đối mặt với nhiều áp lực quốc tế, kể cả từ Tổ chức Ân xá Quốc tế, về việc buộc phải lên án các sự tấn công tàn bạo của quân đội Myanmar đối với người Rohingya.
Tuy nhiên, bà đã từ chối làm như vậy. Bà cũng đồng tình với việc bắt giữ hai nhà báo Reuters, người điều tra các vụ giết hại người Hồi giáo Rohingya.
Lần cuối cùng bà Suu Kyi nói chuyện với đài BBC là vào tháng 4/2017, bà nói: “Tôi nghĩ rằng thanh trừng sắc tộc là cụm từ quá mạnh để mô tả về những gì đang xảy ra”.
Chính phủ của bà tuyên bố sẽ bắt đầu chào đón các nhóm người tị nạn đầu tiên vào cuối tuần này trong một phần của thỏa thuận với Bangladesh, theo các báo cáo của LHQ và các cơ quan viện trợ.
Cơ quan tị nạn LHQ muốn các gia đình Rohingya có thể trở lại các ngôi làng cũ của họ và tự quyết định nếu họ cảm thấy họ có thể sống ở đó một cách an toàn và được tôn trọng.