Tin khắp nơi – 13/11/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 13/11/2016

Sóng thần ập vào New Zealand

Một trận động đất mạnh 7,8 độ richter đã làm rung chuyển miền trung New Zealand sáng sớm 14/11 (giờ địa phương), gây thiệt hại trên diện rộng và dẫn tới một trận sóng thần, theo Cơ quan thăm dò địa chất của Hoa Kỳ.

Hàng nghìn người sinh sống dọc theo bờ biển phía đông của nước này đã phải sơ tán lên những vùng đất cao, sau khi chính quyền cảnh báo về những đợt triều cường có thể cao tới 5 mét.

Bà Sarah Stuart-Black, quan chức của Bộ Phòng vệ Dân sự New Zealand, được Reuters trích lời nói: “Những đợt sóng đầu tiên đã ập tới, nhưng chúng tôi biết rằng còn quá sớm để nói về những tác động. Điều chúng tôi quan ngại là những gì sắp xảy ra. Những đợt sóng sắp tới có thể lớn hơn trước”.

Trận động đất có tâm chấn ở cách Christchurch 91 km về phía đông bắc. Đây là nơi hứng chịu trận động đất mạnh 6,3 độ richter hồi tháng Hai năm 2011, làm 185 người chết cũng như gây ra thiệt hại nặng nề.

Cảnh sát New Zealand cho biết đang điều tra các thông tin về một tòa nhà đổ sập tại thị trấn nghỉ mát nằm ở ven biển Kaikoura.

Cơn chấn động đầu tiên và các đợt hậu chấn sau đó có thể cảm nhận được ở hầu khắp New Zealand.

Theo Reuters, một loạt các dư chấn xảy ra sau đó, và một số có cường độ tới 6,1 độ richter.

Cơ quan Geonet của New Zealand đã thông báo cường độ trận động đất mới nhất là 7,5 độ richter, từ mức 6,5 độ mà cơ quan này công bố trước đó.

Bộ Phòng vệ Dân sự cho biết còn quá sớm để đánh giá thiệt hại về của cũng như thương vong về người.

http://www.voatiengviet.com/a/song-than-ap-vao-new-zealand/3594047.html

 

Venezuela :

Chính phủ và đối lập đạt được thỏa thuận tối thiểu

Tú Anh

Sau 10 ngày « hưu chiến », chính phủ xã hội Venezuela và đối lập trung hữu đã gặp nhau trong hai ngày thứ sáu và thứ bảy vừa qua với sự bảo trợ của Toà Thánh Vatican để tránh một biển máu. Thỏa thuận đầu tiên là dành ưu tiên giải quyết tình trạng khan hiếm thực phẩm và thuốc men. Vấn đề trưng cầu dân ý bị để qua một bên. Hai bên hẹn gặp lại vào ngày 06/12.

Từ Caracas, thông tín viên Julien Gonzales phân tích :

Một lần nữa, đối lập đòi hỏi rất nhiều nhưng kết quả đạt được chẳng bao nhiêu. Ưu tiên số một của liên minh đối lập là đòi mở lại tíen trình trưng cầu dân ý truất phế tổng thống cánh tả hoặc là tổ chức bầu tổng thống trước thời hạn.

Hai yêu sách này không có trong bản tuyên bố chung.

Thế mà liên minh đối lập đã đe dọa sẽ bỏ bàn hội nghị nếu không có kết quả cụ thể. Đối lập cho biết họ đòi được phía chính phủ phải tôn trọng quyền độc lập của quốc hội.

Phe tổng thống Venezuela cũng tỏ ra « lạc quan ». Mối quan ngại chính của tổng thống Nicolas Maduro là « chống phá hoại kinh tế » được ghi trong bản tuyên bố chung.

Tổng thống cánh tả đã lập tức phổ biến trên mạng xã hội thông điệp « đạt được thỏa thuận tốt để củng cố tổ quốc ».

Ngày đàm phán lần tới là 06/12.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161113-venezuela-chinh-phu-va-doi-lap-dat-duoc-thoa-thuan-toi-thieu

Bí ẩn kỳ thú về sự « lu mờ » của Trung Quốc – Phần I

Minh Anh

Vào thế kỷ XVIII, nước Anh bé nhỏ tiến hành một cuộc cách mạng công nghiệp trong lúc đế chế Trung Hoa khổng lồ bắt đầu đi xuống. Vì sao như vậy ?

Cây bút xã luận của nhật báo kinh tế Les Echos, Jean-Marc Vittori, trong bài viết « Bí ẩn kỳ thú về sự lu mờ của Trung Quốc », ngày 14/10/2016 (cập nhật ngày 20/10), đã viện dẫn đến Marco Polo, Adam Smith, Max Weber và Karl Marx để làm sáng tỏ bức màn bí ẩn. Và giải thích làm thế nào Trung Quốc nhanh chóng bắt kịp các nước khác vào cuối thế kỷ XX.

PHẦN I

Một bên là quốc đảo xa lắc xa lơ với 6 triệu dân, tức là bằng dân số của Liban bây giờ, ở đó, một vương quân không được thần phục tiến hành nhiều cuộc chiến tranh tàn phá tốn kém, mức lương của người lao động cao kìm hãm các hoạt động, công nghệ thì cổ điển. Bên kia là một đế chế rộng lớn bao la nằm ở ngay trung tâm cái thế giới văn hóa của mình, có tới 260 triệu dân, tức là nhiều hơn dân số Brazil bây giờ, có đường biên giới hầu như được bình định, bộ máy cai trị hoạt động, thuế thu đầy đủ, có truyền thống phát minh từ lâu đời… Thế rồi trong có vài thập niên, một bên đã thay đổi nền kinh tế, làm đảo lộn thế giới và áp đặt quyền uy của mình đối với bên kia. Theo bạn thì đó là bên nào ? Cái quốc đảo nhỏ bé đấy.

Đó là vào giữa thế kỷ XVII, một thời điểm quan trọng, khi cuộc cách mạng công nghiệp đang hừng hực diễn ra, sản xuất thép và vải sợi được cơ giới hoá với việc sử dụng các loại máy mới và làm chủ được nguồn năng lựợng. Chính vào thời điểm đó, Anh quốc cất cánh còn Trung Quốc thì tuột dốc. Ấy vậy mà cũng vào lúc đó, đế chế châu Á mê hoặc châu Âu. Adam Smith, người sáng lập ngành khoa học kinh tế, đưa ra tấm gương mô hình kinh tế Trung Quốc dựa trên ưu thế của ngành nông nghiệp. Thậm chí, đồng nghiệp của ông là Francois Quesnay viết đến 100 trang ca tụng Chủ nghĩa chuyên chế Trung Hoa (Despotisme de la Chine) – vì thế ông còn được mệnh danh là « Khổng tử của châu Âu ». Và quả thực là đế chế Trung Hoa thời đó gây nhiều mơ tưởng. Còn Marco Polo, vào cuối thế kỷ XVIII, sau chuyến thám hiểm trở về, đã bị choáng ngợp vì sự phong phú ngoài sức tưởng tượng những phát minh quan trọng như giấy bạc ngân hàng, hoặc thành phố đông dân gấp 10 lần thành phố Venise quê hương của ông, được quy hoạch theo « một sơ đồ đẹp và tuyệt vời đến nỗi không có cách nào để tả được ». Trung Quốc lúc bấy giờ đã phát minh ra la bàn, thuốc nổ và nghề in, ba phát minh mà sau này theo quan điểm của Karl Marx kiến tạo nên kỷ nguyên công nghiệp. Trung Quốc năm 1500 có mức thu nhập đầu người cao hơn Anh quốc.

Vậy mà mọi thứ đã đảo lộn sau thế kỷ XVIII. Năm 1842, nước Anh, về mặt quân sự, đã đánh bại nước Trung Hoa trong cuộc chiến tranh thuốc phiện đầu tiên. Vào lúc đó, thu nhập đầu người tại Anh cao gấp 6 lần so với tại Trung Quốc. Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu của một « thế kỷ nhục nhã ». Trung Quốc trở nên đồng nghĩa với tình trạng trì trệ, như Charles Dickens từng viết : « Hàng ngàn năm đã trôi qua kể từ khi Trung Quốc đóng chiếc thuyền đầu tiên, thế mà chiếc thuyền được hạ thủy gần đây nhất cũng chẳng có gì tốt hơn ». Phải đợi đến cuối thế kỷ XIX, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Trung Quốc mới liếc nhìn sang hướng tây. Một trí thức Trung Quốc, ông Nghiêm Phục (Yan Fu) mới dịch Adam Smith ra tiếng Hoa để cho mọi người « hiểu rõ nguồn cội của sự giàu có » phương Tây. Năm 1913, một nghị viện đoản thọ, theo mô hình phương Tây, được thiết lập tại Trung Quốc. Năm 1980, thu nhập đầu người tại Anh cao hơn 30 lần so với tại Trung Quốc. Phải đợi đến lúc này, Đặng Tiểu Bình, người kế thừa mãi về sau này của các vị hoàng đế, mới quyết định phải đuổi kịp phương Tây, với một nhịp độ chóng mặt chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Hiện nay, tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc tính theo đầu người đã bằng 1/3 của Anh quốc.

Hai quốc gia đối mặt với nhau

Nhưng chuyện gì đã xảy ra trong nửa cuối thiên niên kỷ vừa qua giữa nước Anh nhỏ bé và nước Trung Quốc rộng bao la ? Tại sao một nước thì tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên, còn nước kia lại không ? Đó chính là ẩn số của sự « khác biệt vĩ đại », quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử kinh tế. Nói đúng ra, thế kỷ XX không phải là tâm điểm của ẩn số. Vào thời kỳ đó, sự tương phản giữa hai nước thật là dữ dội. Anh quốc đã có những định chế chính trị ổn định, các thị trường hoạt động hiệu quả (lao động, vốn, hàng hóa…), các ngành công nghiệp năng động, các ngân hàng mạnh. Tuy nước Anh trải qua nhiều thử thách (các cuộc chiến tranh thế giới, vai trò bá chủ thế giới rơi vào tay Hoa Kỳ, khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, kinh tế trì trệ trong những năm 1970 buộc nước này xin IMF trợ giúp), nhưng nền kinh tế Anh quốc có tăng trưởng mạnh và sức bật đáng kinh ngạc. Người Anh vững chãi đi theo hướng hiện đại hóa nền kinh tế, ngược hẳn với người Trung Quốc. Năm 1912, sau khi hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi (Puyi), thoái vị lúc 6 tuổi, đất nước Trung Hoa đã bị rúng động hơn bao giờ hết kể từ thiên niên kỷ đầu tiên sau Công Nguyên. Nào là các cuộc đối đầu giữa các lãnh chúa, Nhật Bản xâm lược, rồi Mao Trạch Đông lên cầm quyền, tập thể hóa nhà xưởng và đất đai, cuộc « Đại Nhảy Vọt » dẫn đến nạn đói giết chết hàng chục triệu người dân, các cuộc thanh trừng trí thức, và cuối cùng là Cách Mạng Văn Hóa…. Tiến trình nhanh chóng công nghiệp hóa bị thất bại. Hậu quả là nền kinh tế và cả đất nước đông dân nhất hành tinh đều lay lắt.

Thế nhưng trước đó, vào cuối thế kỷ XVIII, tình hình khác hẳn. Hai quốc gia không quay lưng lại với nhau, mà đối mặt với nhau. Ở đỉnh cao huy hoàng sau những chiến thắng chống Napoleon, Anh quốc thống trị thế giới bằng vũ khí, nhà xưởng và tàu chiến. Thu nhập tính theo đầu người tăng từ 0,3%/năm lên hơn 1%. Đế chế Trung Hoa bao la cung cấp cho Anh quốc nguyên liệu rẻ tiền. Hạm đội hoàng gia Anh nã pháo vùng Quảng Đông buộc đế chế Trung Hoa phải mở cửa biên giới. Đầu tiên là thị trường thuốc phiện mà thực dân Anh đưa từ Ấn Độ sang, rồi sau đó rộng ra hơn là thương mại quốc tế. Karl Marx kể lại như sau : « Hàng ngàn chiến thuyền của Anh và Mỹ giong buồm thẳng tiến về Trung Quốc (…) Ngành công nghiệp Trung Hoa sụp đổ trước sự cạnh tranh của việc dùng máy móc thay sức người ». Đà thăng tiến của Luân Đôn dẫn đến sự suy tàn của Bắc Kinh. Thắng lợi của nước Anh đã làm lung lay đế chế nhà Thanh có từ bao đời, dẫn đến sự sụp đổ của triều đại này vài thập niên sau đó. Tại một quốc gia bị rối loạn như vậy, không thể đầu tư, xây dựng nhà máy, hiện đại hóa kinh tế. Nhưng phải ngược dòng thời gian xa hơn nữa thì mới hiểu được những động lực của sự « khác biệt vĩ đại » này. Chính trong quá khứ xa xôi đó, bức màn bí ẩn lại thêm dày đặc, các con số trở nên kém thuyết phục, các nhà sử học đối đầu với nhau một cách dữ dội. Tất cả những điều đó xóa bỏ các xác tín về dân số, năng lượng, cạnh tranh…

Trung Quốc tự giam hãm

Ngay từ năm 1780, Thomas Bentley đưa ra giải thích về cuộc cách mạng công nghiệp. Nhà công nghiệp Anh này, lúc đó làm việc với Josiah Wedgwood trong một xưởng sản xuất đồ sứ, đã giải thích sự phát triển của máy móc tại Anh quốc như sau : « Khi giá lao động tại một quốc gia tăng nhiều hơn so với các nước đối thủ, thì quốc gia có chi phí lao động cao đó sẽ bị mất thị trường và suy tàn nếu như họ không tìm cách bù lại giá lao động cao bằng cách dựa vào những phát minh máy móc quan trọng ». Thế mà mức lương tại Anh lại tăng. Nước Anh sau trận « đại dịch hạch – hắc tử bệnh » giết chết gần phân nửa dân số nước này vào giữa thế kỷ XIV, nguồn lao động đã trở nên khan hiếm và đắt đỏ. So với những nơi khác, nước Anh có nhiều phụ nữ phải làm việc ở trang trại và các lãnh chúa buộc họ không được có con, và điều đó lại kềm hãm mức tăng dân số. Và do vậy, giá lao động cũng như giá thực phẩm lại càng đắt đỏ. Ngược lại, Trung Quốc thời kỳ đó lại bị giam hãm trong cái bẫy malthus – phương tiện nuôi dân tăng không kịp theo mức tăng dân số. Bởi vì, theo như giải thích của Montesquieu, ở đó « phụ nữ có khả năng sinh nở cao và dân số tăng nhanh đến mức đất đai cho dù được canh tác như thế nào, hầu như không đủ để nuôi sống người dân ».

Sử gia kinh tế người Anh, ông Robert Allen bổ sung vào bức họa : Tại Vương quốc Anh, « lương nhân công quá cao và giá năng lượng quá rẻ ». Bởi vì dưới lòng đất có nguồn than đá dồi dào dễ khai thác cũng như dễ vận chuyển đến các thành phố lớn, nằm dọc theo các bờ sông – trái ngược với nhiều thành phố của Pháp từ lâu đời đã nằm trong các khu vực phòng thủ. Khi vua George IV lên ngôi vào năm 1820, nước Anh nhỏ bé tiêu thụ than đá nhiều gấp 5 lần so với toàn bộ phần còn lại của châu Âu ! Đối với Allen, « cuộc cách mạng công nghiệp đã được phát minh tại Anh quốc vào thế kỷ XVIII bởi vì đó là nơi phù hợp, trong khi chưa chắc cuộc cách mạng này là có ích nếu xẩy ra ở các thời kỳ khác và tại những nơi khác ». Về điểm này, Trung Quốc ngày nay mới là quốc gia xuất khẩu và tiêu thụ hàng đầu thế giới. Nhưng vào thế kỷ XVIII, rất khó cho Trung Quốc khai thác than đá với những kỹ thuật thời bấy giờ và các khu quặng mỏ lại rất xa chốn đô thị.

(Còn nữa)

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161113-bi-an-ky-thu-ve-su-%C2%AB-lu-mo-%C2%BB-cua-trung-quoc-phan-i

 

Daech sử dụng thiếu niên ôm bom khủng bố : 52 người chết

Tú Anh

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech nhận là kẻ chủ mưu vụ khủng bố một nhà thờ Hồi giáo ở Pakistan vào đêm thứ bảy làm 52 người chết, 105 người bị thương trong số 600 tín đồ. Một thiếu niên, từ 16 đến 18 tuổi bấm ngòi nổ quả bom mang trên người vào giữa lễ hội tôn giáo.

Khủng bố xảy ra tại Baloutchistan, một thành phố Pakistan xa xôi nằm gần biên giới với Afghanistan. Ngôi đền thờ của hệ phái Soufi, thờ giáo chủ Sha Noorani, bị Taliban và một vài nhóm cực đoan xem là tà giáo.

Tổ chức Daech, qua cơ quan tuyên truyền Amaq, phổ biến tấm ảnh của một thiếu niên và thông báo « chiến sĩ » này đã ra tay.

Theo mô tả của một viên chức cảnh sát Pakistan, thủ phạm là một thiếu niên từ 16 đến 18 tuổi.
Baloutchistan là nơi xảy ra nhiều vụ khủng bố trong thời gian qua trong bối cảnh các phe thánh chiến tranh giành ảnh hưởng tại Pakistan.

Tháng 8, bệnh viện của tỉnh bị đặt bom làm 70 người chết. Tháng 10, trường huấn luyện cảnh sát bị tấn công tự sát : 60 người chết.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161113-daech-su-dung-thieu-nien-om-bom-khung-bo-52-nguoi-chet

 

Miến Điện: Nhiều ngôi làng Rohingya bị đốt phá

Tú Anh

Hình ảnh vệ tinh công bố hôm 13/11/2016, cho thấy ít nhất 400 cột khói bốc lên từ ba ngôi làng của người Rohingya theo đạo Hồi ở bang Rakhine, Miến Điện. Vùng cực bắc Rakhine bị quân đội phong tỏa từ một tháng nay sau vụ một số đồn biên giới với Bangladesh bị tấn công. Giới phân tích lo ngại chính quyền dân sự không kiểm sóat được phe quân nhân.

Theo AFP, quân đội Miến Điện đã giết chết hàng chục người và bắt hàng chục người khác trong chiến dịch truy lùng thủ phạm tấn công một số đồn biên giới vào ngày 09/10/2016.

Theo nguồn tin quân đội, một cuộc phục kích mới xảy ra hôm thứ bảy 12/11 làm 2 binh sĩ và 6 phiến quân tử thương. Đối với chính phủ Miến Điện, tình hình bất ổn tại Rakhine do những người Rohingya cực đoan có liên hệ với Hồi Giáo cực đoan ở nước ngoài gây ra.

Tuy nhiên, giới quan sát nghi ngờ phe quân đội lợi dụng tình trạng bất an để truy bức người Hồi Giáo.

Hình ảnh vệ tinh do tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch( HRW ) công bố hôm nay cho thấy ít nhất 400 cột lửa khói bốc lên từ ba ngôi làng của sắc dân Rohingya hôm thứ năm 10/11. HRW xem đây là bằng cớ nhà dân bị đốt hàng loạt.

Brad Adams, giám đốc châu Á của Human Rights Watch, thẩm định « mức độ tàn phá rộng lớn hơn chúng tôi nghĩ ». Tổ chức nhân quyền quốc tế yêu cầu chính phủ dân sự để cho Liên Hiệp Quốc điều tra và đem lại công lý cho các nạn nhân mà cho đến nay vẫn không được xem là công dân Miến Điện.

Bạo lực tại Rakhine là một thách thức cho chính phủ của bà Aung san Suu Kyi.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161113-mien-dien-nhieu-ngoi-lang-rohingya-bi-dot

 

Hàn Quốc:

Công tố Seoul thẩm vấn tổng thống vào tuần tới

Tú Anh

Trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ tai tiếng chính trị gây chấn động Hàn Quốc từ ba tuần nay, chưởng lý toà án Seoul sẽ thẩm vấn tổng thống Park Geun Hye vào thứ ba tới. Chủ tịch tập đoàn Hyundai bị hỏi cung trước đó, từ tối thứ bảy đến sáng chủ nhật 13/11/2016.

Theo hãng Yonhap, viện công tố Seoul đã gửi đến phủ tổng thống Hàn Quốc một trát mời và đang chờ « trả lời chân thành » từ tổng thống Park Geun Hye. Nguồn tin của tư pháp ngày 13/11 cho biết muốn lắng nghe tổng thống vào ngày « thứ Ba hoặc thứ Tư ». Tư pháp Hàn Quốc muốn biết tổng thống Park Geun Hye có dùng uy tín tổng thống để thuyết phục giới doanh nhân nộp tiền cho « quân sư » của mình hay không.

Trong đêm thứ bảy sáng chủ nhật , viện công tố đã thẩm tra chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn xe hơi Hyundai, Chung Mong-Koo và một số lãnh đạo doanh nghiệp khác của Hàn Quốc. Người được xem là thừa kế của chủ nhân tập đoàn Samsung, Lee Jae Yong, cũng bị điều tra vào sáng nay 13/11.

Theo báo chí Hàn Quốc, Hyundai và Samsung đã đóng góp khoảng 70 triệu đô la cho các quỹ do bà Choi Soon Sil thành lập. Samsung còn bị nghi ngờ chi trả cho con gái của bà Choi tiền « học cỡi ngựa » tại Đức, khỏang 2,8 triệu euro.

Vụ tai tiếng lãnh đạo Hàn Quốc bị bà Choi Soon Sil, một nữ quân sư có tài « phù thủy » và cũng là bạn thân, mê hoặc, lạm dụng uy thế, làm tiền các doanh nhân, đang làm cho chiếc ghế của bà Park Geun Hye lung lay. Thứ bảy vừa qua, ít nhất có đến 260.000 ngàn người và có thể lên đến 1 triệu người xuống đường đòi tổng thống từ chức.

Các hiệp hội « phù thủy, đồng bóng » Hàn Quốc (khoảng 300.000 người) cũng phản ứng mạnh. Họ ký thỉnh nguyện thư yêu cầu báo chí đừng gọi bà Choi là « phù thủy » làm thiệt hại hình ảnh nghề nghiệp của họ : cầu nguyện cho linh hồn người chết được siêu thoát  và giúp cho người sống được may mắn.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161113-han-quoc-tong-thong-bi-cong-to-seoul-tham-van-vao-tuan-toi

 

Taliban nhận trách nhiệm

vụ đánh bom ở Afghanistan, giết 4 người Mỹ

Một kẻ đánh bom tự sát nghi là người của phe Taliban đã kích nổ bom mang trên người bên trong căn cứ không quân Bagram của Mỹ ở Afghanistan, giết chết ít nhất 4 người Mỹ và làm bị thương hơn 17 người, gồm 16 quân nhân Mỹ và một binh sĩ Ba Lan.

Một thông cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói kẻ tấn công tự sát đã giết 2 binh sĩ Mỹ và hai nhân viên hợp đồng Mỹ làm việc tại căn cứ này.

Theo các nguồn tin Afghanistan, vụ tấn công xảy ra bên ngoài phòng ăn của căn cứ không quân Bagram. Kẻ đánh bom đã giả dạng thành một người lao động làm việc tại căn cứ không quân Bagram, nằm về hướng Bắc thủ đô Kabul.

Trong một tin nhắn trên trang Twitter, Lãnh đạo Afghanistan Abdullah Abdullah nói ông “lên án vụ đánh bom tự sát ở Bagram và sát cánh đoàn kết cùng các gia đình và bạn hữu của những người bị sát hại và bị thương hôm nay”.

Trong một thông báo, Đại tướng Mỹ John Nicholson, người lãnh đạo lực lượng NATO tại Afghanistan, xác nhận tin này. Ông nói:

“Ngày 12/11, một thiết bị nổ đã được kích nổ tại căn cứ không quân Bagram gây ra nhiều thương vong. 4 người đã chết trong cuộc tấn công, khoảng 14 người bị thương.”

Ngỏ lời trực tiếp với quân thù, Đại Tướng John Nicholson, Tư lệnh của lực lượng USFOR-Q và sứ mệnh Hỗ trợ Quyết tâm ở Afghanistan, nói:

“Đối với những kẻ nhắm vào các lực lượng liên minh và thường dân Afghanistan để tấn công, sứ mạng Hỗ trợ Quyết tâm và lực lượng USFOR-A sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu của mình là Huấn luyện, Cố vấn, Hỗ trợ để giúp các đối tác của chúng ta để tạo ra một tương lai tươi đẹp hơn cho Afghanistan.”

Người phát ngôn của Taliban, Zabihullah Mujahid, đã nhận trách nhiệm về cuộc tấn công, và cho biết là kẻ đánh bom đã xâm nhập hàng ngũ nhân viên làm việc tại căn cứ Bagram trong nhiều tháng trước khi thực hiện ý định.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói nhà chức trách đang theo dõi vụ việc để xác định xem liệu có cần đề ra những bước để cải thiện an ninh hay không. Ông cam kết rằng các lực lượng Mỹ sẽ không nao núng và sẽ tiếp tục với sứ mạng bảo vệ tổ quốc và giúp Afghanistan bảo đảm tương lai của chính họ.

http://www.voatiengviet.com/a/taliban-nhan-trach-nhiem-vu-danh-bom-o-afghanistan-giet-4-nguoi-my/3593467.html

 

Quân đội Iraq ‘chiếm lại thành cổ từ tay IS’

Quân đội của chính phủ Iraq nói họ đã lấy lại được Nimrud là thành cổ từ thời lưỡng hà (Assyria) bị các chiến binh của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm giữ từ hai năm qua.

Hồi tháng 3/2015, giới chức và các sử gia đã lên án IS phá hủy các địa điểm khảo cổ, có niên đại thuộc thế kỷ 13 trước Công nguyên.

Cơ quan văn hóa của Liên Hiệp Quốc đã mô tả hành động như một tội ác chiến tranh.

IS nói các đền thờ và tượng là các “thần tượng giả” cần phải được đập vỡ.

Các binh sỹ từ sư đoàn thiết giáp số 9 đã giải phóng thị trấn Nimrud hoàn toàn và treo cờ Iraq trên các tòa nhà sau khi gây thiệt hại về người và thiết bị đối với Nhà nước Hồi giáo tự xưngTuyên bố của quân đội Iraq

Nimrud nằm cách khoảng 30km về phía đông nam của thành phố Mosul, đô thị lớn mà các lực lượng của chính phủ Iraq đang tìm cách lấy lại từ tay IS.

Một tuyên bố của quân đội Iraq nói:

“Các binh sỹ từ sư đoàn thiết giáp số 9 đã giải phóng thị trấn Nimrud hoàn toàn và treo cờ Iraq trên các tòa nhà sau khi gây thiệt hại về người và thiết bị đối với Nhà nước Hồi giáo tự xưng.”

Phá hủy nhà cửa

Trong khi đó, các nhà hoạt động nhân quyền cáo buộc các lực lượng người Kurd ở Iraq đã phá hủy nhà cửa của người Ả-rập theo dòng Sunni tại ít nhất 20 ngôi làng và thị trấn trong các khu vực đặt dưới sự sự kiểm soát của IS.

Theo Tổ chức Quan sát nhân quyền (Human Rights Watch), một số làng của người Sunni đã gần như bị phá hủy hoàn toàn.

Tổ chức này nói mức độ dường như lên tới mức của một mô hình phá hủy trái phép hàng loạt nhà cửa và các công trình xây dựng khác.

Image copyrightGETTY IMAGESImage captionTổ chức văn hóa của Liên hợp quốc từng bày tỏ Một quan chức Thứ trưởng trong chính phủ người Kurd ở khu vực, Dindar Zebari, phủ nhận đã có chính sách hay chỉ đạo nào cho việc phá hủy nhà cửa của người Ả-rập theo dòng Sunni.

Thay vào đó, ông Zebari nói với BBC, khu vực của người Kurd là nơi ẩn náu an toàn cho gần hai triệu người Ả-rập theo dòng Sunni.

Ông nói thêm rằng một số người dân ở những khu vực bị phá hủy đã hỗ trợ hoặc trở thành thành viên của IS.

Thiệt hại về nhà cửa là hậu quả của các cuộc không kích hoặc đặt bom trong các ngôi làng khi các chiến binh IS rút lui, quan chức này cho hay.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-37966467

 

Doanh nhân TQ ‘đầu thú sau 15 năm chạy trốn’

Một doanh nhân, trong danh sách 100 người bị truy nã hàng đầu của Trung Quốc, đã về nước đầu thú sau 15 năm trốn chạy, theo tuyên bố của chính phủ Trung Quốc ngày 12/11.

Ông Yan Yongmin, cựu chủ tịch một công ty dược phẩm, đã gặp cảnh sát và được đưa về Trung Quốc sau khi có hợp tác của New Zealand, theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc.

Tin tức trước đây nói ông này trốn sang Úc năm 2001 sau khi bị cáo buộc tội biển thủ và lừa đảo.

Sau đó ông ta trở thành công dân New Zealand với tên mới William Yan.

Báo China Daily nói đã có 33 người trong danh sách 100 người bị truy nã hàng đầu được đưa về Trung Quốc.

11 người trong danh sách này được cho là đang sống ở New Zealand, điểm đến số ba của những nghi phạm Trung Quốc sau Mỹ và Canada, theo tạp chí Caixin.

Báo chí Trung Quốc nói tòa án ở New Zealand hồi tháng Tám đồng ý cho tịch thu tài sản của ông Yan, trị giá 43 triệu đôla New Zealand.

Còn tạp chí Caixin nói trước đó, chính phủ Úc cũng thu giữ 2,8 triệu đôla Mỹ từ ông Yan.

http://www.bbc.com/vietnamese/business-37965534

 

Dân Venice biểu tình vì ‘thiếu chỗ ở’

Hàng trăm người dân ở Venice đã biểu tình để nêu bật vấn đề dân cư không thể sống tại đây dù đông khách du lịch.

Người phản đối treo khẩu hiệu trên chiếc cầu nổi tiếng Rialto và một số người mang vali làm biểu tượng của việc phải ra đi.

Người địa phương nói họ phải rời Venice vì giá thuê cao, thiếu chỗ ở trong lúc nhiều căn hộ được dùng để cho du khách thuê với giá cắt cổ.

Dân số Venice nay chỉ còn 55.000 so với 175.000 năm 1951.

“Venice đang mất đi 1.000 dân cư mỗi ngày,” theo lời Matteo Secchi, dẫn đầu hội venessia.com tổ chức cuộc tuần hành.

“Chúng tôi đang biến thành Pompei, thành phố mà người ta đến thăm, trầm trồ nhưng chẳng có ai sống ở đó.”

http://www.bbc.com/vietnamese/world-37964887