Tin khắp nơi – 13/10/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 13/10/2020

Bầu cử Mỹ:

Trump trở lại chiến dịch tranh cử ở Florida

Tổng thống Donald Trump đã trở lại ‘đường đua’ chưa đầy hai tuần sau khi xét nghiệm dương tính với virus corona.

Hàng ngàn người tập trung tại một sân khấu ngoài trời ở Sanford, Florida, nơi một Trump đầy thách thức dừng chân lần đầu trong bốn địa điểm của chiến dịch vận động được lên kế hoạch trong bốn ngày tới ở các bang ‘chiến trường’.

Tổng thống Trump và đối thủ Joe Biden đang cạnh tranh ráo riết khi chỉ còn ba tuần nữa là đến cuộc bầu cử ngày 3/11.

Bầu cử Mỹ: Nhà Trắng tổ chức sự kiện ‘siêu lây nhiễm’ Covid-19

Hôm thứ Hai, ông Biden phát biểu tại Ohio, một tiểu bang khác.

Cuộc thăm dò cho thấy ông Biden dẫn trước ông Trump ít nhất 10 điểm trên bình diện quốc gia. Tuy nhiên, vị trí dẫn đầu của ông Biden ở một số bang chính lại hẹp hơn – như ở Florida, nơi ông dẫn trước 3,7 điểm, theo mức điểm trung bình của các cuộc thăm dò do Real Clear Politics đối chiếu.

Các chiến trường như “Sunshine State” là rất quan trọng để thu thập 270 phiếu đại cử tri đoàn cần thiết để giành được Nhà Trắng, mà không được xác định bởi một số phiếu phổ thông đơn giản.

Ông Trump có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 khoảng 11 ngày trước và được đưa vào Trung tâm Y tế Quân đội Walter Reed một ngày sau đó.

Nhưng vào Chủ nhật, bác sĩ riêng của ông Trump nói ông không còn nguy cơ lây truyền Covid-19 cho người khác, và các xét nghiệm gần đây nhất của ông đều âm tính trong nhiều ngày liên tiếp, dù ông Trump không cho biết ngày nào.

Cử tri trung thành của Trump đến gặp người đàn ông của mình

Nomia Iqbal, BBC News, Sanford, Florida – Tường thuật tại hiện trường

Những khẩu hiệu thường thấy: “Bốn năm nữa!” được hô vang khi hàng trăm người xếp hàng để vào một sân khấu ngoài trời nơi tổng thống xuất hiện vào tối nay.

Mọi người được kiểm tra nhiệt độ và được phát khẩu trang. Những người tham dự không nghĩ rằng còn quá sớm để tổng thống ra ngoài tiếp xúc với cử tri. Họ nói rằng họ ngưỡng mộ ông Trump vì điều đó. Một người đàn ông nói với tôi rằng ông ta đến từ New York và đã coi Florida là quê hương – giống như “người hùng của ông ta” – Donald Trump.

Nhóm vận động tranh cử của Trump đang ném mọi thứ vào Florida – thua ở đây sẽ khiến việc trở lại Nhà Trắng của ông Trump gần như là không thể.

Cuối tuần qua, con trai cả Donald Trump Jr của ông Trump đã kết thúc chuyến đi quanh Florida bằng xe bus, với chủ đề “Những người chống lại chủ nghĩa xã hội” – chủ yếu nhắm đến các cử tri gốc Tây Ban Nha. Hơn 100 người gốc Venezuela, Puerto Rico và Việt Nam ngồi kề vai, một số đeo khẩu trang, theo dõi bài phát biểu của ông Trump Jr tại Orlando. Cùng tham gia chuyến đi với ông Trump Jr là võ sĩ người Mỹ gốc Cuba Jorge Masvidal, một ngôi sao lớn ở đây.

Phó Tổng thống Mike Pence gần đây đã đến thăm “The Villages” – một ngôi nhà hưu trí nổi tiếng để vận động những cử tri già bỏ phiếu.

Dù tổng thống Trump và một số người ủng hộ ông ở đây có vẻ không lo ngại về virus corona, nó đã ảnh hưởng nặng nề đến Florida, với hơn 15.000 ca tử vong. Đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden đến đây vào thứ Ba. Nhóm của ông Biden tập trung vào cách xử lý đại dịch của chính quyền và có kế hoạch thực hiện một chiến dịch lặng lẽ hơn nhưng mạnh mẽ hơn ở các khu vực ngoại ô quan trọng mà họ hy vọng sẽ giúp lật ngược tình thế ở bang này.

Tổng thống nói gì ở Florida?

Trong lần xuất hiện đầu tiên sau khi chẩn đoán mắc và phục hồi từ Covid-19, một Trump được tiếp thêm sinh lực đã trở lại các chủ đề quen thuộc của chiến dịch và các phát biểu chống lại ông Biden. Ông chào mừng sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, sự thành lập Không lực Hoa Kỳ và việc ông đề cử thành công hai thẩm phán của phe bảo thủ vào Tòa án Tối cao – với người được đề cử thứ ba, Thẩm phán Amy Coney Barrett, sẽ ra điều trần trước Thượng viện tuần này – là những thành tựu quan trọng.

Trước đám đông vài nghìn người – nhiều người không đeo khẩu trang – ông phản bác kế hoạch kéo dài thời gian phong tỏa được các đảng viên Dân chủ ủng hộ, và tìm cách cật vấn sức khỏe tinh thần của ông Biden.

Nhắc đến sự hồi phục của bản thân sau Covid-19, ông Trump nói: “Họ nói rằng tôi đã miễn dịch – tôi cảm thấy rất mạnh mẽ. Tôi sẽ bước ra đây và hôn mọi người. Tôi sẽ hôn những người đàn ông và phụ nữ xinh đẹp, Tôi sẽ trao cho bạn một nụ hôn nồng nhiệt.”

Không có gì ngạc nhiên khi Sunshine State là nơi ông Trump trở lại với chiến dịch vận động của mình.

Ông ấy muốn và cần chiến thắng ở Florida, tiểu bang mà ông chỉ chớm chiến thắng vào năm 2016. Đây cũng là quê hương của ông. Là một người New York, ông Trump đã biến mình thành cư dân Florida vào tháng Chín năm ngoái.

Mặc dù ông đứng sau trong các cuộc thăm dò trên toàn quốc, nhưng các cuộc đua sát nút ở các bang quan trọng có nghĩa là ông vẫn có thể giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử bằng cách chiếm được các bang quan trọng có nhiều cử tri đoàn.

Cuộc vận động của tổng thống cho thấy rất ít dấu hiệu ông Trump đã trở nên khuất phục sau khi bị nhiễm virus trong những tuần qua. Và các sự kiện vào cuối tuần ở Pennsylvania, Iowa và Bắc Carolina không cho thấy những thay đổi trong cách tiếp cận của ông đối với các biện pháp phòng ngừa virus.

Giới chỉ trích chê bai ông vì không khuyến khích mọi người đeo khẩu trang hoặc tuân thủ các hướng dẫn giãn cách xã hội.

Ông Biden trong khi đó đã công kích cách tiếp cận của tổng thống, nói rằng “Tổng thống Trump đến Sanford hôm nay không mang theo gì ngoài hành vi liều lĩnh, lời nói gây chia rẽ và nỗi sợ hãi”.

Ông Biden đã thực hiện một cách tiếp cận thận trọng hơn để vận động, với hai điểm dừng ở Ohio vào thứ Hai. Ông sẽ có mặt ở Florida vào thứ Ba.

Cập nhật thăm dò cuộc đua Trump-Biden

Trump ‘không còn rủi ro lây nhiễm Covid’

Cập nhật thăm dò cuộc đua Trump-Biden

Làm thế nào để tránh ‘vết xe đổ’ tranh luận Trump-Biden

Điều gì sẽ xảy ra nếu Trump bệnh quá nặng để làm tổng thống?

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54519908

 

Ông Trump âm tính với Covid nhiều ngày,

hiện đang trên đường vận động tranh cử

Lục Du

Bác sĩ Nhà Trắng Sean Conley hôm thứ Hai (12/10) thông tin, Tổng thống Trump có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus Vũ Hán trong nhiều ngày và “không gây lây nhiễm cho người khác”, theo Reuters.

Trong một biên bản được Nhà Trắng công bố chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Trump tiếp tục tổ chức các cuộc vận động tranh cử, Bác sĩ Sean Conley cho biết tổng thống Mỹ có kết quả âm tính với Covid trong nhiều ngày liên tiếp, kết quả được khẳng định thông qua bộ xét nghiệm nhanh của Abbott Laboratories.

Ông Conley cho biết, các xét nghiệm âm tính và các dữ liệu lâm sàng và phòng thí nghiệm khác “cho thấy sự thiếu hụt việc nhân lên của virus” trong trường hợp của Tổng thống Trump.

Trong khi đó, vào cùng ngày, ông Trump đã tổ chức một cuộc vận động tranh cử đầu tiên sau khi bình phục Covid tại tại Sân bay Quốc tế Orlando, Sanford, Florida. Tiếp theo ông sẽ tới các cuộc vận động tranh cử ở các bang Pennsylvania, Iowa, North Carolina và Wisconsin.

“Hiện tại tôi đã vượt qua nó [Covid]. Họ nói rằng tôi đã được miễn dịch. Tôi cảm thấy mình thật sung sức”, ông Trump nói với hàng nghìn người ủng hộ phía dưới khán đài ở Florida. “Tôi sẽ hôn những chàng trai và phụ nữ xinh đẹp. Tôi sẽ trao cho các bạn một nụ hôn nồng nhiệt”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/ong-trump-am-tinh-voi-covid-nhieu-ngay-hien-dang-tren-duong-van-dong-tranh-cu.html

 

Ông Biden phát biểu trước 30 chiếc xe ô tô

Triệu Hằng

Tờ New York Post đưa tin, ông Joe Biden đã có bài phát biểu trước khoảng 30 chiếc xe ô tô của những người ủng hộ đậu trong phạm vi “giãn cách xã hội” hôm thứ Hai.

Ông Biden, 77 tuổi, đã đưa ra những nhận xét về nền kinh tế trước Nghiệp đoàn Công nhân ôtô Mỹ (UAW), trong bãi đậu xe trống một nửa.

Trong phát biểu kéo dài 25 phút của mình, đôi khi ông Biden cũng “trật bánh” bởi những người ủng hộ Tổng thống Trump, những người này đứng ở góc phố gần đó và hô lớn “4 năm nữa” khi ông Biden cất tiếng.

New York Post bình luận: “ông Biden không nhất thiết phải nhận được sự chào đón nồng nhiệt của những người ủng hộ ông Trump xếp hàng dọc đường đến hội trường công đoàn và vẫy cờ “Trump 2020″ đông hơn nhiều so với những người hâm mộ ông Biden”.

Trong khi đó, cách khoảng 140 dặm, ở Columbus, ông Mike Pence phát biểu với hàng trăm người ủng hộ, New York Post dẫn tin từ các phóng viên hiện trường.

Vào dịp kỷ niệm 528 năm Christopher Columbus đến châu Mỹ, ông Pence cáo buộc rằng ông Biden đã nhượng bộ với “những tiếng nói cấp tiến muốn hủy bỏ nền văn hóa của chúng ta và xóa bỏ lịch sử của chúng ta”.

“Chúng ta sẽ không cho phép đất nước của chũng ta và tất cả lịch sử và văn hóa của đất nước bị tước đoạt khỏi chúng ta. Đó là một lý do nữa tại sao chúng ta cần thêm bốn năm của Tổng thống Trump tại Nhà Trắng”, ông Pence nói trước sự cổ vũ của đám đông.

https://www.dkn.tv/the-gioi/ong-biden-phat-bieu-truoc-30-chiec-xe-o-to.html

 

Người dân Mỹ mang cờ Trump

để ‘chào đón’ Biden tới Ohio

Thanh Hải

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã đến Toledo, Ohio, hôm 12/10 để vận động tranh cử, song sự kiện này đã bị gián đoạn bởi một nhóm người ủng hộ Tổng thống Donald Trump tụ tập gần đó.

Phóng viên Marianna Sotomayor của NBC News đã chia sẻ trên Twitter đoạn video cho thấy ông Biden đang phát biểu trên sân khấu trong khi một nhóm những người ủng hộ Tổng thống Trump cách đó chỉ một dãy nhà.

Ông Biden có vẻ bất bình khi tiếng còi xe inh ỏi xung quanh và những người ủng hộ Tổng thống Trump đã hô vang “bốn năm nữa” ở phía xa.

Họ cũng hô vang “Hoa Kỳ” và “Trump”. Những người ủng hộ còn xếp hàng dọc đường và hô vang “Trump” khi đoàn xe của Joe Biden tiến vào Toledo.

Breitbart cho biết thêm, trong cuộc vận động tranh cử vào hôm 12/10, ông Biden tuyên bố Trump đã “làm thất vọng” người dân Mỹ. Bình luận của vị cựu phó Tổng thống đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ những người không ủng hộ Biden trong tiểu bang.

Samantha Hollings, một người gốc Toledo, đã đi từ Athens tới Ohio để tham gia sự kiện “chào mừng” ông Biden đến tiểu bang.

“Mẹ tôi đã gọi điện và có ý tưởng chào đón Joe Biden đến tiểu bang của chúng tôi bằng cách cầm các biển hiệu và cờ của Trump bên ngoài khi ông ấy đi ngang qua”, Hollings nói với Breitbart News sau khi cuộc vận động kết thúc. “Chúng tôi cùng với bạn bè của mình muốn Biden thấy rằng Ohio ủng hộ Trump”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/nguoi-dan-my-mang-co-trump-de-chao-don-biden-toi-ohio.html

 

Ông Trump tuyến bố sẽ công khai bằng chứng

khiến đối thủ bất lực

Phụng Minh

Ông cho biết “…đặc biệt vì đây có thể là tội ác chính trị lớn nhất trong lịch sử của chúng ta. Hãy bắt đầu!!!”

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tuyên bố vào Chủ nhật (11/10 theo giờ Mỹ) rằng các tài liệu mới liên quan đến vụ bê bối Russiagate sẽ sớm được công bố đến công chúng.

Ông Trump trước đó hứa sẽ giải mã mọi thông tin liên quan đến vụ “Russiagate” (nghi vấn giàn dựng việc có sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016). Cựu cố vấn đặc biệt Robert Mueller nhận thấy sau cuộc điều tra rằng chiến dịch Trump đã không “có mối liên hệ với Nga” trong cuộc bầu cử.

Hôm Chủ nhật, tổng thống nói với Maria Bartiromo trong chương trình của Fox News rằng các tài liệu tiết lộ những việc mà nhóm vận động tranh cử của Obama và Hillary đã làm liên quan tới vụ “Russiagate” sẽ sớm được công bố.

Ông nói rằng việc công bố những tài liệu này sẽ là điều chưa từng có.

“Không ai nghĩ rằng những thứ được tiết lộ sẽ được tiết lộ. Các bạn thấy điều gì đã xảy ra“, Tổng thống Trump nói – “Mọi người sẽ bị sốc“.

“Chúng tôi khiến họ bị sốc và khiến họ bất lực“, ông nói với người dẫn chương trình.

Người dẫn chương trình Bartiromo hỏi liệu tài liệu mới là về FBI hay Hillary Clinton. Ông Trump trả lời rằng đó là về “mọi thứ”.

“Hillary Clinton là kẻ nói dối. Tôi sẽ không gọi bà ta là ‘Kẻ nói dối’ mà không có lý do“, ông nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo trước đó cũng đã cho biết hôm thứ Sáu (9/10) rằng Bộ Ngoại giao có thể công bố nhiều email từ vụ bê bối máy chủ lưu trữ email riêng của Hillary cho công chúng trước cuộc bầu cử.

Ông Trump đã tweet vào ngày 6/10 rằng ông đã cho phép giải mã tất cả các tài liệu liên quan đến Russiagate, đồng thời kêu gọi khởi tố những người liên quan đến cuộc điều tra. Bởi vì “họ đã phạm tội ác với tôi và chính phủ này!“

“Tôi đã ủy quyền hoàn toàn cho việc giải mã tất cả các tài liệu liên quan đến vụ án tội phạm chính trị lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ-Russiagate“, ông nói, “Vụ bê bối email của Hillary Clinton cũng vậy (được giải mã và công bố) mà không cần chỉnh sửa“.

Trump sau đó nói thêm: “Tất cả thông tin về Russiagate đã được tôi giải mật từ lâu. Thật không may cho đất nước chúng ta, mọi người hành động quá chậm, đặc biệt vì đây có thể là tội ác chính trị lớn nhất trong lịch sử của chúng ta. Hãy bắt đầu!!!“, theo Epoch Times.

https://www.dkn.tv/the-gioi/ong-trump-tuyen-bo-se-cong-khai-bang-chung-khien-doi-thu-bat-luc.html

 

Nhà Trắng tiến đến việc bán vũ khí tối tân

cho Đài Loan

Thanh Phương

Nhà Trắng đã tiến thêm một bước trong việc bán 3 vũ khí tối tân cho Đài Loan qua việc gởi đến Quốc Hội Hoa Kỳ các hợp đồng để yêu cầu phê chuẩn, theo hãng tin Reuters hôm qua, 12/10/2020, trích dẫn 5 nguồn tin nắm rõ tình hình. Trong bối cảnh sắp đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ 3/11, hành động này của Washington chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh giận dữ.

Theo các nguồn tin được Reuters trích dẫn, các chủ tịch của Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện và Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện đã được thông báo là 3 hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan đã được bộ Ngoại Giao Mỹ thông qua.

Tại Hoa Kỳ, bộ Ngoại Giao là cơ quan giám sát việc bán vũ khí cho nước ngoài.

Các vũ khí được dự trù bán cho Đài Loan bao gồm súng phóng rocket trang bị cho xe, do hãng Lockheed Martin sản xuất, tên lửa không đối địa tầm xa, do Boeing sản xuất và các bộ phận cảm biến trang bị cho các máy bay tiêm kích F-16 của Đài Loan để chuyển trực tiếp các hình ảnh và dữ liệu cho các trạm dưới đất.

Theo Reuters, các nghị sĩ Mỹ, nói chung vẫn ủng hộ Đài Loan và lên án các hành động của Trung Quốc đối với hòn đảo này, sẽ không chống lại việc bán các vũ khí cho Đài Bắc.

Khi được hỏi về thông tin nói trên, đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt việc bán vũ khí cho Đài Loan và cắt đứt quan hệ quân sự với Đài Bắc, nếu không sẽ « gây tổn hại nghiêm trọng quan hệ Mỹ-Trung và hòa bình, ổn định ở hai bờ eo biển Đài Loan. »

Reuters nhắc lại là trong những tuần gần đây, chính quyền Donald Trump đã loan báo hợp đồng bán 66 chiếc F-16 mới cho Đài Loan, gởi một phái đoàn cao cấp của bộ Ngoại Giao Mỹ đến thăm Đài Bắc, đồng thời dự trù một cuộc đối thoại mới về kinh tế với Đài Loan, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ, y tế, năng lượng và các lĩnh vực khác.

Bắc Kinh : Mỹ gởi hàng chục máy bay do thám đến gần Trung Quốc

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, trong một báo cáo được công bố hôm qua, một cơ quan tham vấn ở Bắc Kinh, South China Sea Strategic Situation Probing Initiative (SCSPI) cho biết là trong tháng 9 vừa qua, ít nhất 60 máy bay của Mỹ đã tiến hành các chuyến bay do thám gần Trung Quốc, trong đó có 41 chiếc bay trên vùng Biển Đông, 6 chiếc trên vùng Biển Hoa Đông và 13 chiếc trên vùng Hoàng Hải.

Tuy nhiên, thông tin của SCMP không cho biết rõ có bao nhiêu lần máy bay Mỹ do thám trong tháng 9 và mỗi lần có bao nhiêu máy bay.

SCSPI, một cơ quan có sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc, còn dự báo là Mỹ đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công từ xa trong tương lai vào các mục tiêu trên Biển Đông.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201013-nh%C3%A0-tr%E1%BA%AFng-ti%E1%BA%BFn-%C4%91%E1%BA%BFn-vi%E1%BB%87c-b%C3%A1n-v%C5%A9-kh%C3%AD-t%E1%BB%91i-t%C3%A2n-cho-%C4%91%C3%A0i-loan

 

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam

 tăng cao nhất trong lịch sử

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 8 vừa qua, theo dữ liệu mới công bố chỉ vài ngày sau khi chính quyền Tổng thống Trump công bố một cuộc điều tra có thể dẫn tới việc áp thuế lên hàng nhập khẩu từ quốc gia Đông Nam Á này.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng 11% giữa tháng 7 và tháng 8 vừa qua với mức thâm hụt lên đến gần 7,6 tỷ USD, và là mức tăng 38,9% so với cùng kỳ 1 năm trước đó, theo dữ liệu của chính phủ Mỹ.

Đây cũng là mức thâm hụt cao nhất trong lịch sử thương mại hàng hoá giữa Mỹ và Việt Nam kể từ năm 1992, 3 năm trước khi Mỹ và Việt Nam bình thường hoá quan hệ ngoại giao. Thống kê của Cục Điều tra Dân số Mỹ cho thấy trao đổi thương mại giữa Mỹ và Việt Nam bắt đầu có mức thâm hụt đầu tiên vào tháng 1/1995 với giá trị xuất khẩu hàng hoá của Mỹ sang Việt Nam thấp hơn giá trị nhập khẩu hàng Việt Nam vào Mỹ ở mức 1 triệu USD trong một tháng.

Thông báo về mức thâm hụt thương mại kỷ lục này được đưa ra sau khi Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu hai cuộc điều tra riêng biệt đối với việc sử dụng gỗ được cho là khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp và thao túng tiền tệ của Việt Nam.

Với việc sử dụng Mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đang sử dụng cơ chế tương tự như trong việc khởi điểm hàng loạt các loại thuế quan trị giá hàng tỷ USD trong cuộc chiến thương mại đối với hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ từ tháng 7/2018.

USTR không đưa ra một thời gian biểu nào cho cuộc điều tra này nhưng cuộc điều tra đối với Trung Quốc diễn ra trong bảy tháng. Hôm 8/10, cơ quan này công bố hai cuộc điều tra trên trang Công báo Chính phủ, trong đó yêu cầu ý kiến đóng góp của công chúng đến hết ngày 12/11, sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ 3/11.

Tuy nhiên nếu xác định được rằng Việt Nam định giá thấp tiền đồng và trong quá trình này làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh của Mỹ thì các loại thuế quan có thể được áp dụng lên hàng hoá Việt Nam khi nhập vào Mỹ.

Việt Nam nằm trong số các quốc gia có mức thặng dư thương mại lớn với Mỹ, và điều này khiến Tổng thống Donald Trump hồi năm ngoái cáo buộc Việt Nam là nước “lạm dụng” thương mại “tồi tệ” hơn cả Trung Quốc.

Thống kê của Cục Điều tra Dân số Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam là hơn 55,7 tỷ USD trong năm 2019, tăng hơn 16,2 tỷ USD so với năm ngoái. Mức thâm hụt thương mại hơn 39,4 tỷ USD của năm 2018 tăng 3,1% so với năm trước đó. Thống kê này cũng cho thấy thâm hụt trong thương mại giữa Mỹ và Việt Nam không ngừng tăng sau mỗi năm kể từ khi Mỹ bắt đầu ghi nhận con số âm hơn 101 triệu USD trong cán cân thương mại với Việt Nam trong toàn bộ năm 1997.

Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer hồi tháng 7/2019 cảnh báo Việt Nam phải có biện pháp cắt giảm thặng dư thương mại trong bối cảnh chính quyền Trump tiếp tục tăng cường áp lực lên quốc gia Đông Nam Á để cân bằng cán cân thương mại với Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng từng phản hồi với VOA tiếng Việt về chỉ trích của Tổng thống Trump về “lạm dụng thương mại,” nói rằng chính quyền Hà Nội đang “thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu” cũng như “cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn hoạt động tại Việt Nam.”

Việt Nam được cho là đang nỗ lực làm “hài hoà hoá” cán cân thương mại với Mỹ bằng cách nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng của Mỹ từ năm ngoái, một phần vì Trung Quốc ngừng nhập hàng hoá Mỹ trong bối cảnh thương chiến. Việt Nam cũng vừa phê duyệt một dự án điện khí hoá lỏng (LNG) của tập đoàn ExxonMobil của Mỹ ở Hải Phòng trị giá hơn 5 tỷ USD để sử dụng LNG nhập khẩu từ Mỹ. Trước đó, một công ty liên doanh của Mỹ với Việt Nam, LNG Chân Mây, cũng đang có kế hoạch đầu tư tới 6 tỷ USD vào một dự án điện ở Việt Nam để tìm cách thu lợi nhuận từ nhu cầu điện tăng cao của quốc gia Đông Nam Á cũng như giúp thu hẹp thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.

https://www.voatiengviet.com/a/tham-hut-thuong-mai-cua-my-voi-viet-nam-cao-nhat-trong-lich-su/5619537.html

 

Mỹ mở văn phòng FBI tại Campuchia

Cơ quan Điều tra Liên bang Hoa Kỳ – FBI sẽ thành lập văn phòng tại trụ sở chính của Cảnh sát Quốc gia Campuchia để giúp truy lùng các tội phạm Mỹ, vào một thời điểm khi mà Washington đang tìm cách hàn gắn lại các quan hệ căng thẳng với một đồng minh thân thiết của Trung Quốc.

Văn phòng này có nhiệm vụ hỗ trợ cảnh sát Campuchia trong các nỗ lực nhằm bắt giữ các tội phạm tại đào người Mỹ và chống khủng bố, người phát ngôn của cảnh sát Campuchia Chhay Kim Khoeum nói hôm thứ Ba 13/10.

“Trước đây, chúng tôi hợp tác trên căn bản từng trường hợp một, giờ đây chúng tôi có một văn phòng thì mục tiêu là để đẩy nhanh công việc,” ông Kim Khoeun nói với Reuters.

Ông nói ông không biết tới lúc nào thì văn phòng FBI sẽ được thành lập.

Trong một tuyên bố qua email gửi cho Reuters, đại sứ quán Hoa Kỳ tại Pnom Penh từ chối bình luận về văn phòng FBI, nhưng nói hai bên đã thiết lập quan hệ.

“Một toán đặc nhiệm hỗn hợp Mỹ-Campuchia được thành lập để chống các tội ác đối với trẻ em, nạn rửa tiền, và tội phạm tài chính giờ đã đi vào hoạt động. Hợp tác giữa các cơ quan thi hành công lực của chúng tôi giúp cho cả hai nước an toàn hơn,” tuyên bố viết.

Hai nước đã đạt được một thỏa thuận để thành lập toán đặc nhiệm hồi năm ngoái. Toán này cũng sẽ điều tra tội ác có tổ chức, nạn rửa tiền và tham gia truy lùng những kẻ tại đào đang bị truy nã quốc tế, đại sứ quán Mỹ tại Pnom Penh cho biết.

Các quan hệ giữa Campuchia với Hoa Kỳ đã trở nên lạnh nhạt trong mấy năm gần đây, chính phủ Campuchia giận dữ vì bị Washington chỉ trích về việc giải tán đảng đối lập chính, và bắt giữ giới hoạt động và các chính khách đối lập.

Tuần trước, Ngũ Giác Đài bày tỏ quan tâm về việc Campuchia san bằng một trụ sở chiến lược của hải quân được Mỹ tài trợ. Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói mục đích là để tân trang trụ sở này.

Campuchia liên tục bác bỏ tin tức cho rằng nước này đã có một thỏa thuận bí mật với Trung Quốc, đồng minh kinh tế và ngoại giao lớn nhất của Pnom Penh, để cho Trung Quốc đóng quân tại căn cứ này.

https://www.voatiengviet.com/a/my-mo-van-phong-fbi-tai-campuchia/5619663.html

 

Mỹ tạm ngưng thử vaccine Covid

do có tình nguyện viên ốm bệnh

Hãng Johnson & Johnson vừa tạm dừng việc thử nghiệm vaccine Covid-19 để điều tra lý do vì sao một trong những người tham dự bị ốm bệnh.

Công ty nói rằng một cuộc rà soát độc lập sẽ kiểm tra xem các triệu chứng không giải thích được của người này có liên quan gì tới mũi tiêm thử nghiệm hay không.

Hộ chiếu miễn dịch có giúp việc đi lại trở nên an toàn?

Covid-19: Tạm ngưng thử nghiệm vaccine Oxford

Virus corona: Vaccine của Nga có dấu hiệu đáp ứng miễn dịch

Covid-19: Anh tiếp tục đặt hàng 60 triệu liều vaccine

Hãng đã ngưng tuyển người tham gia giai đoạn thử nghiệm thứ ba, trong lúc thận trọng cân nhắc tình hình.

Hãng nói, với các cuộc thử nghiệm lớn với hàng chục ngàn tình nguyện viên tham dự, sẽ có thể xảy ra tình trạng một số người ốm bệnh trong thời gian nghiên cứu.

Hãng nói vì những lý do riêng tư, họ không thể đưa thêm chi tiết về người bị ốm bệnh.

Chụp lại video,

Bao giờ mới có vaccine Covid-19?

“Chúng tôi cũng đang tìm hiểu thêm về bệnh tình của người này, và điều quan trọng là phải nắm được đầy đủ dữ kiện trước khi chúng tôi có thể chia sẻ thêm thông tin,” hãng nói trong một tuyên bố.

Đây không phải là lần đầu tiên việc thử nghiệm vaccine Covid-19 bị tạm ngưng.

Một người tham dự thử nghiệm của Đại học Oxford Anh Quốc cũng đã bị ốm bệnh không rõ lý do, nhưng sau đó việc thử nghiệm được cho là an toàn để tái tục. Tuy nhiên tại Mỹ, các nhà quản lý Hoa Kỳ vẫn đang trong quá trình thảo luận với Astra Zeneca, hãng sản xuất vaccine tham gia nghiên cứu này với Đại học Oxford.

Có gần 180 loại vaccine khác nhau đang được thử nghiệm trên toàn cầu, nhưng chưa có loại nào hoàn tất các thử nghiệm lâm sàng.

Vaccine của Johnson & Johnson và của Đại học Oxford phối hợp với Astra Zeneca đang trong giai đoạn thử nghiệm đi được xa hơn so với một số loại khác.

Cả hai loại vaccine này đều sử dụng virus cảm lạnh thông thường đã được chỉnh sửa để tạo ra hệ miễn dịch chống lại Covid-19.

Thử nghiệm của Johnson & Johnson bắt đầu tuyển người tham dự từ cuối tháng Chín, với mục tiêu sẽ áp dụng trên 60.000 tình nguyện viên ở hơn 200 địa điểm khác nhau tại Hoa Kỳ cũng như tại Nam Mỹ và Nam Phi.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54524892

 

Ứng viên thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ

 ra điều trần trước Thượng viện

Thanh Hải

Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ hôm 12/10 bắt đầu bốn ngày điều trần chuẩn thuận ứng viên thẩm phán Tòa án Tối cao Amy Coney Barrett do Tổng thống Trump đề cử.

Theo Reuters, phiên điều trần bắt đầu với bài phát biểu từ các thành viên Ủy ban Tư pháp Thượng viện. Ứng viên Barrett sẽ được lên tiếng sau khi cả 22 thượng nghị sĩ trong Ủy ban phát biểu.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, chủ tịch Ủy ban, mở đầu bằng lời tưởng nhớ cố thẩm phán Ruth Ginsburg và khẳng định bà Barrett sẽ là “người kế nhiệm xứng đáng”. Ông nói: “Đây sẽ là một tuần dài với đầy tranh cãi. Hãy thể hiện tinh thần tôn trọng. Hãy đặt ra nhiều thử thách. Hãy nhớ rằng cả thế giới đang theo dõi”.

Bà Barrett đeo khẩu trang đen, ngồi đối mặt với Ủy ban Tư pháp Thượng viện. Chồng và 7 người con của bà ngồi phía sau, tất cả cũng mang khẩu trang.

Ứng kiến Barrett dự kiến phải trả lời nhiều câu hỏi từ các thượng nghị sĩ trong suốt hai ngày, trước khi quá trình điều trần kết thúc vào ngày 15/12. Cuộc điều trần là bước then chốt trước khi Thượng viện Mỹ bỏ phiếu vào cuối tháng 10 để quyết định có bổ nhiệm bà Barrett vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ hay không.

Thượng nghị sĩ Graham cho biết đảng Cộng hòa đang nắm 53 ghế tại Thượng viện, so với 47 ghế của đảng Dân chủ, điều này khiến bà Barrett gần như chắc chắn sẽ trở thành tân thẩm phán Tòa án Tối cao.

https://www.dkn.tv/the-gioi/ung-vien-tham-phan-toa-an-toi-cao-my-ra-dieu-tran-truoc-thuong-vien.html

 

Thượng Viện Mỹ mở điều trần

thông qua thẩm phán Tối Cao Pháp Viện

Anh Vũ

Hôm qua, 12/10/2020, Thượng Viện Mỹ mở phiên điều trần với bà Amy Coney Barrett , người được tổng thống Donald Trump đề cử làm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện. Ngay trong phiên đầu tiên, vị thẩm phán cực bảo thủ 48 tuổi này đã phải đối mặt với những chỉ trích dữ dội của các thượng nghị sĩ Dân Chủ vì họ không đòi hoãn được việc bổ nhiệm này sau kỳ bầu cử tổng thống.

Thông tín viên RFI tại San Francisco Eric de Salve gửi về bài tường trình:

“Cáo buộc gay gắt nhất chống lại bà Amy Coney Barrett là của bà Kamala Harris. Họp qua truyền hình, liên danh của ứng viên tổng thống Joe Biden nói ngay “cuộc điều trần này lẽ ra đã bị hoãn lại” và “ việc này gây nguy hiểm đến sức khỏe nhiều người, như thế là vô trách nhiệm”.

Trong phòng họp, thực tế có hai thượng nghị sĩ Cộng Hòa bị dương tính với Covid-19 cách đây 10 hôm. Một trong hai người đó là ông Mike Lee, thượng nghị sĩ của bang Utah không đeo khẩu trang đến tham dự buổi điều trần thông qua thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, do Donald Trump chỉ định. Hồ sơ này đang gây tranh cãi, khi chỉ còn 21 hôm nữa đến ngày bầu cử tổng thống.

Ứng viên phó tổng thống Mỹ của đảng Dân Chủ nói tiếp: “ quy trình này không hợp pháp”. Vị thẩm phán bảo thủ thứ ba do Donald Trump chỉ định, 48 tuổi này sẽ làm thay đổi lâu dài tương quan lực lượng ở Tối Cao Pháp Viện.

Với việc bổ nhiệm này, “quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi người và quyền nạo thai bị đe dọa”, bà Kamala Harris tỏ lo ngại. Bà nhấn thêm, “ vị thẩm phán này ngày càng muốn cắt bớt bảo hiểm y tế của hàng triệu người Mỹ và ngay cả giữa đại dịch”.

Đeo khẩu trang ngồi nghe chỉ trích, bà Amy Coney Barrett cố gắng bình tĩnh. “ Một thẩm phán phải áp dụng luật pháp như đã ghi chứ không phải như mong muốn nào đó”, bà mẹ của 7 đứa con nói. Trong phòng cũng có một số người con ngồi sau bà.  

Phe Dân Chủ biết là không thể đảo ngược được quy trình trước một đa số Cộng Hòa đều nhất trí với sự lựa chọn của Donald Trump. Thượng Viện sẽ phải bỏ phiếu thông qua chức danh của bà Amy Coney Barrett chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống 03/11 tới”.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201013-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-vi%E1%BB%87n-m%E1%BB%B9-m%E1%BB%9F-%C4%91i%E1%BB%81u-tr%E1%BA%A7n-th%C3%B4ng-qua-th%E1%BA%A9m-ph%C3%A1n-t%E1%BB%91i-cao-ph%C3%A1p-vi%E1%BB%87n

 

Những kẻ bạo loạn ở Portland

 lật đổ hai bức tượng cố tổng thống Mỹ

Thanh Hải

Những người biểu tình bạo loạn ở thành phố Portland, bang Oregon tối 11/10 đã lật đổ bức tượng của các cố tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln, đồng thời tấn công Bảo tàng Xã hội Lịch sử Oregon.

Sở cảnh sát Portland khoảng 10:30 tối (giờ địa phương) cho biết: “Chúng tôi đã nhận được báo cáo về việc cửa sổ bị vỡ ở nhiều tòa nhà. Cuộc tụ tập đã được tuyên bố là một cuộc bạo động”.

Theo Epoch Times, nhiều người trong đám đông mặc đồ đen, đeo khẩu trang che khuất khuôn mặt, theo phong cách được ưa chuộng bởi mạng lưới Antifa vô chính phủ, cực tả. Một số thành viên Antifa được biết đến đã có mặt. Mặt trận Giải phóng Thanh niên PNW, một nhóm liên kết với Antifa, nói trên phương tiện truyền thông xã hội, “Ê này Portland. Đó là cách chúng tôi [tận tình] làm điều đó. Không cảm thấy tuyệt vời vì điều đó sao?”.

Đoạn video cho thấy những kẻ bạo loạn sử dụng dây xích để kéo tượng tổng thống Roosevelt xuống đất. Tượng Abraham Lincoln gần đó cũng chịu chung số phận.

Người phát ngôn của Thị trưởng và Ủy viên Cảnh sát Ted Wheeler, một đảng viên đảng Dân chủ, đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Epoch Times cũng cho biết rất ít hình ảnh và video có sẵn từ hiện trường. Những người tổ chức sự kiện đã kêu gọi mọi người không quay phim những gì đã xảy ra. Ngay cả báo chí có uy tín cũng ngày càng tránh chụp những bức ảnh cho thấy bộ mặt của những kẻ bạo loạn sau khi bị đe dọa trong những tháng gần đây.

https://www.dkn.tv/the-gioi/nhung-ke-bao-loan-o-portland-lat-do-hai-buc-tuong-co-tong-thong-my.html

 

FBI đã cố gắng xác minh

vụ ‘bê bối Nga – Trump’ như thế nào?

Bình luậnDu Miên

Một tài liệu FBI mới được giải mật cho thấy những bước cơ quan này đã thực hiện để cố gắng xác minh bộ hồ sơ giả mạo khét tiếng của Steele, vốn cáo buộc ông Trump ‘thông đồng’ với Nga trong cuộc bầu cử 2016.

Bộ tài liệu giải mật bao gồm một loạt bảng biểu dài 94 trang, cho thấy các nhà điều tra chủ yếu dựa vào thông tin từ các nguồn mở, bao gồm cả từ các bài báo, làm bằng chứng hỗ trợ một số cáo buộc trong bộ hồ sơ. Chính cựu điệp viên Anh Christopher Steele đã biên soạn, thay mặt cho Đảng Dân chủ Hoa Kỳ (DNC) và chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton năm 2016.

Bộ tài liệu cũng trích dẫn thông tin từ các cơ quan chính phủ khác về một số tuyên bố của ông Steele. Phóng viên Catherine Herridge của CBS News là người đầu tiên công khai những tài liệu điều tra này.

Các báo cáo từ văn phòng cố vấn đặc biệt và tổng thanh tra Bộ Tư pháp cuối cùng đã lật tẩy cáo buộc gây chấn động nhất của cựu diệp viên Anh: rằng chiến dịch của ông Trump năm 2016 đã tham gia vào một “âm mưu hợp tác được hoạch định kỹ càng” với chính phủ Nga.

Ông Steele là một cựu sĩ quan MI6 – Cục Tình báo mật của chính phủ Anh. Bản thân ông cũng cáo buộc rằng, chính phủ Nga đang tống tiền ông Donald Trump bằng một video quay cảnh ông với gái mại dâm ở Moscow vào năm 2013. Ông Trump đã kịch liệt bác bỏ cáo buộc này, đồng thời, những người đi cùng ông trong chuyến đi này cũng đã phủ nhận sự việc trên.

FBI chủ yếu dựa vào thông tin của ông Steele như một phần của cuộc điều tra về mối quan hệ khả dĩ giữa chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump với chính phủ Nga. Cơ quan tình báo Mỹ gọi “vụ Bê bối Nga-Trump” này là “Crossfire Hurricane”. Văn phòng này đã trích dẫn thông tin từ cựu tình báo viên Steele trong các đơn xin cấp Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISA) chống lại ông Carter Page – cựu cố vấn thuộc ủy ban tranh cử của Tổng thống Donlad Trump.

Tổng thanh tra của Bộ Tư pháp chỉ trích FBI gay gắt vì đã cắt xén hồ sơ, giấu diếm, không cung cấp đầy đủ thông tin cho tòa án FISA. Các phần thông tin bị lược bỏ bao gồm các chi tiết từ cuộc phỏng vấn mà nguồn tin chính của ông Steele đã cung cấp cho FBI vào tháng 1/2017.

Nguồn tin này đến từ ông Igor Danchenko. Ông này đã nói với FBI vào tháng 1/2017 rằng, ông ấy cung cấp cho ông Steele những tin đồn và những lời đàm tiếu mà ông có được từ 6 nguồn phụ, hầu hết trong số họ là người Nga. Ông Danchenko là một nhà phân tích Nga sống ở Washington, D.C. còn ông Steela là người điều hành một công ty tình báo ở London. Ông đã nói với FBI rằng, ông không xác minh lại thông tin của mình khi cung cấp cho ông Steele.

Tài liệu giải mật từ FBI cũng trích dẫn những cáo buộc chưa được xác minh từ một bản ghi chú do ông Cody Shearer – một cộng sự lâu năm của bà Clintons – biên soạn. Ông Shearer cũng tuyên bố rằng, các cơ quan tình báo Nga có một cuốn băng ghi lại cảnh “nhạy cảm” của ông Trump.

Ông Steele có được bản ghi chú từ một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ lúc bấy giờ là ông Jonathan Winer, và cung cấp nó cho những người trung gian liên hệ với FBI vào ngày 19/10/2016. Các bảng biểu là những bằng chứng đầu tiên cho thấy, văn phòng FBI đã xem xét các cáo buộc từ hồ sơ của ông Shearer.

Bộ tài liệu liên tục trích dẫn một bài báo được xuất bản vào ngày 23/9/2016 nhắc đến  một cáo buộc rằng, ông Carter Page đã có một cuộc họp với 2 người trong Điện Kremlin vào tháng 7/2016.

Ông Steele và tác giả của bài báo đó – Michael Isikoff – đã thừa nhận rằng, bản thân ông Steele là nguồn gốc chính của câu chuyện đó.

FBI không tiết lộ rằng ông Steele là nguồn tin của nhà báo Isikoff trong các bảng biểu  được giải mật, hay trong các đơn yêu cầu giám sát ông Carter Page.

Còn nhiều khía cạnh khác chưa được tiết lộ trước đây của “vụ Bê bối Nga-Trump”, đã dần lộ rõ trong bộ tài liệu mới giải mật này.

Bộ hồ sơ cho biết, vào ngày 14/1/2017, một nguồn tin mật của FBI đã báo cáo với cơ quan tình báo này rằng, một người không rõ danh tính “vốn sẵn sàng đào tẩu sang Hoa Kỳ” đã “tuyên bố có các đoạn băng [gây sức ép] với Tổng thống Donald Trump”.

Tài liệu cũng tiết lộ rằng, FBI đã mở một cuộc điều tra các tội danh trốn thuế và rửa tiền chống lại ông Paul Manafort vào ngày 13/1/2016, vài tháng trước khi ông tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Du Miên

Theo Daily Caller

https://www.ntdvn.com/the-gioi/fbi-da-co-gang-xac-minh-be-boi-nga-trump-nhu-the-nao-85144.html

 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước

 ngừng sử dụng biện pháp phong tỏa

để kiểm soát vi rút ĐCSTQ

Đặc phái viên của Tổ chức Y tế Thế giới về COVID-19 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới ngừng sử dụng lệnh phong tỏa như một biện pháp hàng đầu để kiểm soát sự lây lan của vi rút viêm phổi Vũ Hán, thường được gọi là coronavirus chủng mới.

David Nabarro nói với tờ The Spectator trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào ngày 8/10: “Tổ chức Y tế Thế giới không khuyến cáo sử dụng biện pháp phong tỏa để kiểm soát loại virust này”. “Lần duy nhất chúng tôi tin rằng biện pháp phong tỏa là hợp lý khi chúng ta cần có thời gian để tổ chức lại, tập hợp lại, cân bằng lại các nguồn lực, bảo vệ các nhân viên y tế đang kiệt sức, nhưng nhìn chung, chúng tôi không khuyến cáo sử dụng biện pháp này”.

Ông Nabarro chỉ ra những thiệt hại khôn lường của biện pháp phong tỏa trên toàn thế giới, đặc biệt đối với những nhóm dân số nghèo hơn.

“Hãy xem những gì đã xảy ra với ngành du lịch, chẳng hạn như ở vùng biển Caribe hoặc Thái Bình Dương, khi mọi người không đi nghỉ lễ nữa. Hãy xem điều gì đã xảy ra với những tiểu nông trên khắp thế giới khi thị trường của họ bị sụt giảm. Hãy xem điều gì đang xảy ra với các mức nghèo đói. Có vẻ như tỷ lệ đói nghèo trên thế giới sẽ tăng gấp đôi vào năm tới. Có vẻ như  tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em ít nhất sẽ tăng gấp đôi vì trẻ em không được ăn ở trường và cha mẹ nghèo của chúng không có tiền để nuôi con,” ông Nabarro nói.

“Đây thực sự là một thảm họa khủng khiếp toàn cầu”, ông nói. “Và vì vậy chúng tôi thực sự kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo thế giới: Hãy ngừng sử dụng lệnh phong tỏa như một biện pháp kiểm soát chính, hãy phát triển các hệ thống kiểm soát dịch bệnh hữu hiệu hơn, hãy làm việc cùng nhau và học hỏi lẫn nhau, nhưng hãy nhớ rằng – lệnh phong tỏa có thể đem đến hệ quả khôn lường, và điều đó đang khiến những người nghèo trở nên nghèo hơn rất nhiều.

Ông Nabarro không phải là nhà khoa học duy nhất phản đối biện pháp phong tỏa. Một số nhà khoa học y tế hoặc sức khỏe cộng đồng và các bác sĩ đã ký vào bản Tuyên bố Great Barrington, trong đó tuyên bố rằng “các chính sách phong tỏa hiện nay đang tạo ra những tác động tàn phá trước mắt và về lâu dài đối với vấn đề sức khỏe cộng đồng”.

Các bên ký kết bao gồm: “Tiến sĩ Martin Kulldorff, giáo sư y khoa của Đại học Harvard, một nhà thống kê sinh học, và nhà dịch tễ học chuyên về phát hiện và giám sát các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm và đánh giá độ an toàn của vắc xin; Tiến sĩ Sunetra Gupta, giáo sư Đại học Oxford, một nhà dịch tễ học có chuyên môn về miễn dịch học, phát triển vắc-xin, và mô hình hóa toán học về các bệnh truyền nhiễm; và Tiến sĩ Jay Bhattacharya, giáo sư Y Khoa trường Đại học Stanford, bác sĩ, nhà dịch tễ học, nhà kinh tế học sức khỏe, và là chuyên gia về chính sách y tế công cộng tập trung vào các bệnh truyền nhiễm và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương”.

Tuyên bố nêu rõ, “Cách tiếp cận nhân văn nhất cân bằng giữa rủi ro và lợi ích để đạt  được miễn dịch cộng đồng là cho phép những người có nguy cơ tử vong thấp được sống cuộc sống bình thường để họ có khả năng miễn dịch với virus thông qua lây nhiễm tự nhiên, đồng thời bảo vệ tốt hơn những người có nguy cơ cao nhất”.

Ngoại trừ một vài trường hợp, hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới đều áp dụng lệnh phong tỏa để ứng phó với sự bùng phát của virus, giống với cách làm của chính quyền Trung Quốc. Biện pháp này  chưa từng có tiền lệ. Thụy Điển, một quốc gia không áp dụng lệnh phong tỏa, có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với một số quốc gia và địa phương sử dụng các biện pháp hạn chế này.

Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump đã giao quyền quyết định cho các thống đốc bang về việc áp dụng các biện pháp phong tỏa. Cuối cùng, hầu hết các tiểu bang đều ban hành biện pháp này.

https://www.ntdvn.com/the-gioi/to-chuc-y-te-the-gioi-who-keu-goi-cac-nuoc-ngung-su-dung-bien-phap-phong-toa-de-kiem-soat-vi-rut-dcstq-84939.html

 

Châu Âu phản đối Thổ Nhĩ Kỳ

đưa tàu thăm dò trở lại Đông Địa Trung Hải

Anh Vũ

Ankara thông báo đưa tàu thăm dò địa chất Oruc Reis trở lại hoạt động trong vùng Đông Địa Trung Hải từ “12 đến 20 tháng 10”. Athens và Paris coi quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ là bước “leo thang nghiêm trọng” đe dọa hòa bình khu vực.

Hôm nay, 13/10, ngoại trưởng Đức Heiko Maas kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ “chấm dứt gây căng thẳng và khiêu khích” tại Đông Địa Trung Hải, nơi Ankara vừa đưa trở lại tàu thăm dò khai thác khí đốt, có nguy cơ làm dấy lên khủng hoảng với Hy Lạp. Hôm nay, lãnh đạo ngoại giao Đức đã tới Hy Lạp và Chypre để thảo luận về vấn đề này.

Berlin hiện đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ không nên bằng các quyết định đơn phương đóng cánh cửa đối thoại với Hy Lạp vừa được mở ra cách đây không lâu.

Hôm qua, Hy Lạp đã lên tiếng coi quyết định khởi động lại nghiên cứu địa chấn trong Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ là bước “leo thang nghiêm trọng” đe dọa hòa bình khu vực. Trong khi đó, Paris ngỏ ý hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng cam kết, không gây thêm khiêu khích và thể hiện rõ thiện chí đối thoại, theo tuyên bố hôm qua của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Pháp, bà Agnès von der Muhll.

Diễn biến mới này sẽ được đề cập đến trong cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu EU vào thứ Năm và thứ Sáu tới tại Bruxelles.

Sau gần một tháng hoạt động, giữa tháng 9 tàu thăm dò Oruc Reis đã về bờ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khi đó đã tuyên bố việc rút tàu về để tạo cơ hội cho thương lượng ngoại giao. Nhưng lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ giải thích thêm, tàu Oruc Reis về bờ chỉ để bảo trì như dự kiến và sẽ quay trở lại hoạt động trong Địa Trung Hải.

Châu Âu cũng đã nỗ lực thúc đẩy Athens và Ankara thương lượng trong tháng trước để tháo ngòi nổ khủng hoảng. Đầu tháng 10, trong một cuộc họp thượng đỉnh, EU dọa sẽ trừng phạt Ankara nếu Thổ Nhĩ Kỳ không chấm dứt các hoạt động thăm dò địa chất trong các vùng biển mà Hy Lạp và Chypre đòi chủ quyền. Quyết định vừa rồi sẽ càng làm quan hệ Ankara- Bruxelles thêm căng thẳng.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201013-ch%C3%A2u-%C3%A2u-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3-%C4%91%C6%B0a-t%C3%A0u-th%C4%83m-d%C3%B2-tr%E1%BB%9F-l%E1%BA%A1i-%C4%91%C3%B4ng-%C4%91%E1%BB%8Ba-trung-h%E1%BA%A3i

 

EU nhất trí trừng phạt Nga vì vụ Navalny

Thanh Hải

Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) thống nhất đề xuất được Pháp và Đức đưa ra, trong đó kêu gọi trừng phạt Nga vì vụ đầu độc lãnh đạo đối lập Alexei Navalny.

Hãng tin Reuters ngày 12/10 dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết: “Ngoại trưởng 27 nước thành viên Liên minh châu Âu đã ủng hộ kế hoạch của Pháp – Đức nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người Nga bị nghi ngờ liên quan tới vụ đầu độc nhà phê bình Điện Kremlin Alexei Navalny bằng chất độc thần kinh”.

Ông Navalny, lãnh đạo 44 tuổi của đảng Liên minh Nhân dân Nga đối lập, bất tỉnh khi đang trên chuyến bay từ Siberia đến Moskva hôm 20/8, sau đó được đưa tới Berlin để điều trị.

Bệnh viện Charite ở Berlin hôm 23/9 thông báo ông Navalny được xuất viện, cho biết ông có thể phục hồi hoàn toàn, nhưng vẫn còn quá sớm để đánh giá những tác động lâu dài có thể xảy ra.

Phía Đức tuyên bố ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok, hai phòng thí nghiệm độc lập tại Thụy Điển và Pháp cùng Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học sau đó cũng đưa ra kết luận tương tự. Tuy nhiên, Nga liên tục khẳng định đây là cáo buộc “vô căn cứ”.

Theo Reuters, tốc độ thúc đẩy lệnh trừng phạt này cho thấy EU đang tỏ ra cứng rắn hơn với Moskva. Tổ chức này từng mất gần một năm để thống nhất những biện pháp cấm vận nhằm vào Nga sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal tại Anh hồi năm 2018.

https://www.dkn.tv/the-gioi/eu-nhat-tri-trung-phat-nga-vi-vu-navalny.html

 

Thủ tướng Anh phác thảo

hệ thống ba cấp hạn chế Covid-19

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã vạch ra một hệ thống ba cấp để áp đặt các hạn chế mới đối với các khu vực ở Anh có số lượng ca nhiễm virus gia tăng: trung bình, cao và rất cao.

Ông Johnson buộc phải hành động khẩn cấp bởi sự gia tăng báo động các trường hợp lây nhiễm mới trên khắp nước Anh.

Theo SCMP, ngày 12/10, tại khu vực xung quanh thành phố Liverpool, Tây Bắc nước Anh, nơi Tổng thống Johnson tuyên bố mức độ rủi ro cao nhất, thì các quán rượu và phòng tập thể dục phải đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.

Ngoài ra, các thành viên của các hộ gia đình khác nhau ở các vùng này không còn được phép gặp nhau, dù trong nhà hay ngoài trời.

Ở các khu vực có mức cảnh báo cao thứ hai, lệnh cấm tụ họp cũng được áp dụng cho các khu vực trong nhà, nhưng các cuộc họp bên ngoài vẫn được phép.

Còn cảnh báo trung bình đã áp dụng cho hầu hết nước Anh, thì giới hạn số lượng người có thể gặp cùng một lúc là 6 người, và có lệnh giới nghiêm 10 giờ tối cho các quán rượu và nhà hàng.

Các chính phủ phát triển của Scotland, Wales và Bắc Ireland đặt ra các quy tắc y tế của riêng họ, và thường có các quy định thậm chí còn khắc nghiệt hơn so với Anh.

Hiện Anh ghi nhận tổng số hơn 617.000 ca nhiễm, trong đó có hơn 42.800 ca tử vong.

An Bình tổng hợp

https://etviet.com/theatlantic/thu-tuong-anh-phac-thao-he-thong-ba-cap-han-che-covid-19.html

 

Covid-19 : Pháp có thể

ban hành lệnh giới nghiêm tại một số vùng

Thanh Phương

Hôm nay, 13/10/2020, tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì một cuộc họp Hội đồng Quốc phòng về y tế, để xem xét các biện pháp mới nhằm ngăn chận làn sóng thứ hai của dịch Covid-19. Theo báo chí Pháp, không loại trừ khả năng lệnh giới nghiêm sẽ được ban hành tại những vùng « báo động tối đa ».

Cũng như tại nhiều nước châu Âu khác, tình hình dịch Covid-19 tại Pháp đang ngày càng xấu đi rõ rệt, với số bệnh nhân nằm trong các khoa hồi sức hôm qua đã vượt ngưỡng 1.500 lần đầu tiên kể từ ngày 27/05. Riêng tại vùng Paris, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 trong các khoa hồi sức nay đã lên tới 42%.

Đánh giá tình hình hiện nay « rất khó khăn » trước nguy cơ làn sóng dịch thứ hai, hôm qua, trên đài phát thanh France Info, thủ tướng Jean Castex đã không loại trừ khả năng phong tỏa khoanh vùng. Thủ tướng Pháp tuyên bố phải bằng mọi cách tránh phong tỏa toàn diện trở lại, vì hậu quả của biện pháp này sẽ vô cùng nặng nề.

Trong khi đó, nhiều tờ báo ở Pháp đã nêu lên khả năng lệnh giới nghiêm sẽ được ban hành tại những thành phố thuộc diện « báo động tối đa », tức là bị dịch nặng nhất. Đây là biện pháp mà nhiều chuyên gia kêu gọi nên thi hành, trong đó có chủ tịch Viện Hàn lâm Y khoa Quốc gia Jean-François Mattéi. Trong văn bản đề ngày 22/09, Hội đồng khoa học cố vấn cho chính phủ về phòng chống Covid-19 cũng dự trù phương án ban hành lệnh giới trong 15 ngày tại một số thành phố.

Hiện giờ, chính phủ Pháp một mặt thi hành các biện pháp hạn chế đối với một số lĩnh vực kinh tế, mặt khác kêu gọi tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân Pháp. Tổng cộng có 9 thành phố (Aix-Marseille, Paris, Lyon, Grenoble, Saint-Etienne, Lille, Toulouse và Montpellier) đang được đặt trong tình trạng « báo động tối đa », với việc đóng cửa các quán bar và áp dụng những yêu cầu nghiêm ngặt hơn trong các nhà hàng. Sau Hội đồng Quốc phòng về y tế hôm nay, tổng thống Macron sẽ phát biểu trên đài truyền hình vào 8 giờ tối mai và có thể sẽ thông báo các biện pháp mới.

Anh Quốc : Đóng cửa các quán rượu ở Liverpool

Hôm qua, thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo đóng cửa các quán rượu ở thành phố Liverpool và khởi động lại 3 bệnh viện dã chiến được dựng lên vào mùa xuân vừa qua, để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân mới. Với hơn 42.800 người chết, số tử vong cao nhất châu Âu và gần 618.000 ca nhiễm, nước Anh hiện đang đối đầu với một làn sóng lây nhiễm mới trên toàn lãnh thổ và trong mọi lứa tuổi.

Ý ban hành các biện pháp hạn chế mới

Hôm nay, chính phủ Ý công bố sắc lệnh do thủ tướng Giuseppe Conté ký, có hiệu lực trong 30 ngày, liệt kê các biện pháp hạn chế mới ở nơi công cộng cũng như nơi riêng tư, nhằm kềm chế đà bùng phát trở lại của dịch Covid-19 tại nước này. Cụ thể, kể từ 21 giờ, các quán bar và nhà hàng không được phục vụ khách không ngồi tại bàn. Các lễ hội ngoài trời cũng như tại những nơi đóng kín bị cấm, số khách mời đến nhà không được quá 6 người. Đám cưới và lễ rửa tội cũng không được quy tụ quá 30 người.

Trung Quốc : 3 triệu người được xét nghiệm chỉ trong 2 ngày

Hôm nay, ủy ban y tế của thành phố Thanh Đảo thông báo là trong gần 2 ngày, 3 triệu người đã được xét nghiệm Covid-19 ở thành phố này, nơi mà chính quyền đã quyết định xét nghiệm cấp tốc toàn bộ 9 triệu dân sau khi phát hiện một ổ dịch nhỏ tại đây. Thông cáo của ủy ban cũng cho biết là đã có được kết quả của hơn 1 triệu xét nghiệm và cho tới nay chưa phát hiện ca dương tính nào.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20201013-covid-19-ph%C3%A1p-c%C3%B3-th%E1%BB%83-ban-h%C3%A0nh-l%E1%BB%87nh-gi%E1%BB%9Bi-nghi%C3%AAm-t%E1%BA%A1i-m%E1%BB%99t-s%E1%BB%91-v%C3%B9ng

 

Pháp: Bảo tàng Nantes hủy hợp tác

và tố cáo Trung Quốc áp đặt quan điểm

Mai Vân

Trong một động thái hiếm hoi, ngày 12/10/2020, Viện Bảo Tàng Lịch Sử thành phố Nantes ở miền tây nước Pháp đã chính thức ra thông báo cho biết quyết định dời một cuộc triển lãm về Thành Cát Tư Hãn dự trù mở cửa ngày 17/10 tới đây.

Điều còn hiếm thấy hơn nữa là viện bảo tàng này đã nói rõ lý do: Đối tác Trung Quốc của cuộc triển lãm đã đòi viện bảo tàng Nantes là phải sửa đổi nội dung cuộc triển lãm theo chỉ thị của Bắc Kinh nếu muốn được cho mượn các hiện vật.

Trong một bản thông cáo báo chí, ông Bertrand Guillet, giám đốc Viện Bảo Tàng Lịch Sử thành phố Nantes cho biết là dự án cuộc triển lãm về lịch sử của Thành Cát Tư Hãn và Đế Chế Mông Cổ đã bắt đầu được xúc tiến từ nhiều năm nay với sự hợp tác của Viện Bảo Tàng Nội Mông ở Hohhot (còn gọi là Hô Hòa Hạo Đặc, Hô Thị hay Thanh Thành theo tiếng Trung), thủ phủ khu tự trị Nội Mông ở Trung Quốc.

Triển lãm bị hoãn vì thái độ cứng rắn của Trung Quốc

Từng được dự kiến khai mạc vào ngày 17 tháng 10 năm 2020, cuộc triển lãm đã bị dời lại một lần do cuộc khủng hoảng Covid-19, và lần này sẽ bị hoãn cho đến tháng 10 năm 2024, “do lập trường cứng rắn của Bắc Kinh vào mùa hè vừa qua đối với dân tộc thiểu số Mông Cổ tại Trung Quốc”.

Giám đốc viện bảo tàng Nantes không ngần ngại nêu bật hai đòi hỏi quá đáng mà phía Trung Quốc buộc phía Pháp phải đáp ứng. Trước hết là yêu cầu từ chính quyền trung ương Trung Quốc, đòi loại bỏ một số từ ngữ, không được dùng trong cuộc triển lãm, trong đó có các từ Genghis Khan – Thành Cát Tư Hãn, Empire – Đế Chế –  Mongol – Mông Cổ.

Sau đó, trong bước thứ hai, vào cuối mùa hè vừa qua, phía Trung Quốc đã thông báo việc sửa đổi nội dung của triển lãm kèm theo yêu cầu được quyền kiểm soát tất cả các sản phẩm mà viện bảo tàng Pháp làm ra cho cuộc triển lãm, từ những ghi chú, bản đồ, cho đến các catalogue và thông cáo báo chí.

Theo ông Guillet, bản nội dung tóm lược (synopsis) mới về cuộc triển lãm, do cơ quan di sản ở Bắc Kinh soạn thảo để thay vào chỗ dự án ban đầu mà Trung Quốc đã “kiểm duyệt”, đặc biệt bao gồm các yếu tố mà Bắc Kinh viết lại một cách thiên lệch nhằm xóa bỏ hoàn toàn lịch sử và văn hóa Mông Cổ, thay thế bằng một cách diễn giải mới theo quan điểm chính thống của Bắc Kinh.

Giám đốc Viện Bảo Tàng Lịch Sử thành phố Nantes kết luận: “Tất nhiên, sau lời khuyên từ giới sử học và chuyên gia…, chúng tôi đã quyết định đình chỉ cuộc triển lãm nhân danh các giá trị nhân văn, khoa học và đạo đức mà chúng tôi bảo vệ”.

Chi tiết về các thủ đoạn áp đặt quan điểm chính thống của chế độ Bắc Kinh trên cuộc triển lãm tại Pháp đã được giám đốc viện bảo tàng tại Nantes nêu rõ khi trả lời phỏng vấn của báo chí Pháp.

Cấm dùng từ Thành Cát Tư Hãn và Mông Cổ !

Áp lực đầu tiên được Trung Quốc tung ra vào tháng 7 khi cơ quan phụ trách di sản quốc gia Trung Quốc (tên chính thức là Cục Văn Vật Quốc Gia Trung Quốc – State Administration of Cultural Heritage SACH) đòi hỏi là ban tổ chức cuộc triển lãm ở Nantes là phải xóa bỏ các từ ngữ “Thành Cát Tư Hãn”, “Mông Cổ” và “Đế Chế” trong tên gọi cuộc triển lãm.

Trả lời tạp chí Le Journal des Arts ngày 12/10, ông Guillet xác nhận là “đã có những cuộc thảo luận nội bộ lớn về chủ đề này”, và Viện Bảo Tàng Nantes rốt cuộc đã chiều theo ý Bắc Kinh: “Chúng tôi tự nhủ rằng nếu đó chỉ là vấn đề từ ngữ thì chúng tôi có thể nhượng bộ một cách ngoại giao trong khi vẫn duy trì các từ ngữ bị Trung Quốc cấm trong giai đoạn sau đó”.

Kết quả là tên gọi cuộc triển lãm đã được đổi thành “Đứa Con của Trời và Thảo Nguyên – Fils du ciel et des Steppes”, thay vì “Thành Cát Tư Hãn, sự hình thành của Đế Chế Mông Cổ từ Trung Hoa đến Châu Âu – Gengis Khan, la naisance de l’Empire Mongol – De la Chine à l’Europe”.

Thế nhưng Bắc Kinh vẫn chưa hài lòng, và cơ quan di sản Trung Quốc vào tháng 8 đã đưa thêm một loạt yêu sách mới, đòi phía Pháp phải thay đổi hẳn nội dung cuộc triển lãm.

Nội dung triển lãm phải “được phép” Trung Quốc !

Một hợp đồng hợp tác mới đã được gởi đến Viện Bảo Tàng Lịch Sử thành phố Nantes, quy định rằng tất cả nội dung và bản catalogue của cuộc triển lãm, đặc biệt là các bản đồ địa lý, phải được sự “cho phép” từ phía Trung Quốc.

Tên gọi của cuộc triển lãm không còn bất kỳ từ ngữ nào gợi đến Mông Cổ, nơi đã trở thành miền “thảo nguyên vùng Hoa Bắc”. Nhưng tệ hại hơn cả là khi chỉ còn ba tháng trước ngày triển lãm khai mạc, một tài liệu bằng tiếng Hoa đã buộc phía Pháp phải chấp nhận một kịch bản mới cho cuộc triển lãm.

Trong tài liệu đó, Nguyên Thượng Đô (Yuan Shangdu), thủ đô của Đế Quốc Mông Cổ trở thành “thủ đô của thảo nguyên”, những yếu tố liên quan đến giao lưu văn hóa giữa Đế Quốc Mông Cổ và phương Tây hoàn toàn biến mất, trong lúc người dân Mông Cổ được gọi là “người Nguyên” hoặc được đề cập dưới cụm từ chỉ họ là “dân tộc thiểu số” ở Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Tính chất nghèo nàn và “đại Hán” của nội dung do Bắc Kinh áp đặt

Một học giả đã cộng tác với viện bảo tảng Nantes trong việc thiết kế cuộc triển lãm đã ghi nhận tính chất nghèo nàn về mặt khoa học của kịch bản mà Bắc Kinh áp đặt, không hề đề cập đến bất kỳ công trình nghiên cứu khoa học nào hoặc các địa điểm khai quật khảo cổ, và mang “giọng điệu thiên vị về chính trị, được viết theo quan điểm lấy người Hán làm trung tâm”.

Tức nước vỡ bờ, Viện Bảo Tàng Lịch Sử thành phố Nantes cho biết không thể chấp nhận việc viết lại lịch sử đó. Cuộc triển lãm do đó đã bị dời lại, cho dù công việc chuẩn bị đã gần như là hoàn tất. Chỉ dời lại thôi vì Nantes sẽ hợp tác với viện Bảo Tàng Lịch sử Montreal (Canada) để tiếp tục dự án ban đầu, với các hiện vật mượn từ nơi khác. Triển lãm sẽ mở ra năm 2023 ở Québec và năm 2024 tại Nantes.

Bài học của Nantes cho Hollywood

Theo các nhà quan sát, động thái của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh công luận thế giới ngày càng bất bình trước chủ trương “diệt chủng văn hóa” mà Trung Quốc tiến hành ở Tân Cương, Tây Tạng, và bắt đầu áp dụng tại Nội Mông.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng không ngần ngại gây sức ép buộc mọi đối tác nước ngoài phải nói tốt cho chế độ, tự kiểm duyệt khi đề cập đến Trung Quốc, phục tùng các đòi hỏi chính trị của Bắc Kinh.

Thái độ dứt khoát của Viện Bảo Tàng Lịch Sử thành phố Nantes, không chấp nhận hành vi “kiểm duyệt” của Bắc Kinh, có thể là một bài học cho giới làm phim tại Hollywood chẳng hạn, vào tháng 8 vừa qua, đã bị PEN America tố cáo là đã phục tùng các đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh để có thể chen chân vào thị trường Trung Quốc.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20201013-ba%CC%89o-ta%CC%80ng-pha%CC%81p-va%CC%A3ch-tr%C3%A2%CC%80n-thu%CC%89-%C4%91oa%CC%A3n-b%C4%83%CC%81c-kinh-ki%C3%AA%CC%89m-duy%C3%AA%CC%A3t-%C6%A1%CC%89-ngoa%CC%80i-n%C6%B0%C6%A1%CC%81c

 

Rượu vang Pháp chế biến tại Tháp Eiffel

Tuấn Thảo

Tháng 10 tại Pháp, theo truyền thống là mùa của các hội chợ rượu vang. Dân Pháp mua rượu để dùng trong các bữa ăn hàng ngày cũng như mua các chai thượng hạng để trữ trong nhiều năm, để dành cho các dịp lễ lớn. Thế nhưng có một loại rượu bạn không thể nào mua được ở ngoài chợ : đó là rượu vang sản xuất ngay tại Tháp Eiffel. 

Thoạt nghe có vẻ như một trò đùa, nhưng thực tế là kể từ mùa hè  năm 2019, ban quản lý Tháp Eiffel đã cho lắp đặt một ‘‘xưởng cất rượu’’ ngay ở tầng một của ngọn tháp. Mục tiêu là chế biến rượu vang ngay tại chỗ, thay vì chuyển nhượng thương hiệu, đơn thuần bán lại logo Tháp Eiffel, cho phép các doanh nghiệp chuyên về ẩm thực gắn thương hiệu này trên các chai rượu vang của họ.

Ban quản lý Tháp Eiffel đã hợp tác với công ty La Winerie Parisienne để tự sản xuất hiệu rượu vang chính gốc của mình, do toàn bộ quá trình sản xuất rượu vang được thực hiện ngay tại xưởng chế biến nằm ở trên tầng một của ngọn tháp, cách mặt đất khoảng 60 thước. Để thực hiện điều này, trước hết phải đưa toàn bộ máy móc và dụng cụ lên tầng trên. Từ máy ép nho tươi, máy lọc nước ép sao cho bớt cặn, các thùng thiết có cài bộ phần điều hòa nhiệt độ trong tiến trình lên men ban đầu tự nhiên, cho tới các thùng gỗ sồi để ủ rượu vang cho đợt lên men thứ nhì, hương và sắc của rượu vang được định hình trong giai đoạn quan trọng này.

Theo anh Adrien Pélissié, đồng sáng lập công ty La Winerie Parisienne, toàn bộ êkíp sản xuất đã buộc phải thích ứng với những hạn chế về mặt kỹ thuật. Tháp Eiffel đã được xây dựng cách đây hơn một thế kỷ, chiếc thang máy dù đã được hiện đại hóa, nhưng về kích thước vẫn chỉ cao và rộng có 3 mét, điều đó đã buộc ban tổ chức thiết kế lại đa số các dụng cụ máy móc sao cho vừa với thang máy chở hàng. Việc lắp đặt một xưởng rượu ở độ cao 57 mét cũng đặt ra một số vấn đề khác như thời tiết biến đổi thất thường, các thùng thiết trữ rượu có bộ phận điều chỉnh nhiệt độ nên không sao nhưng các thùng gỗ sồi lại phải có độ dày cao gấp đôi mức bình thường, nhiều dụng cụ cũng được cách nhiệt, để tránh cho gió lạnh ở độ cao không ảnh hưởng tới tiến trình ủ rượu.

Đây không phải là lần đầu tiên công ty La Winerie Parisienne lắp đặt các xưởng rượu ngay tại những địa điểm ‘‘lạ thường’’ ngay giữa chốn  đô thị. Vào năm 2015, công ty này đã thành lập một hầm sản xuất rượu ở Paris quận 11. Sau đó, họ mở một vườn trồng nho nằm gần lâu đài  Versailles, vùng ngoại ô phía Tây cách Paris khoảng 35 cây số. Nhờ khí hậu ôn hòa, phong thổ thuận lợi, các mùa nho đầu tiên đã bội thu về mặt khối lượng, ngon về chất lượng. Công ty này đã thuyết phục ban quản lý Tháp Eiffel dùng giống nho trồng tại vườn trái cây của nhà vua ‘‘Domaine de la Bouche du Roi’’ để chế biến ngay trên tầng một loại rượu vang mang thương hiệu chính gốc của Tháp Eiffel.

Theo ông Patrick Branco Ruivo, giám đốc của tập đoàn quản lý và khai thác Tháp Eiffel (SETE), kế hoạch sản xuất rượu vang ngay tại chỗ đã được xúc tiến từ tháng 10 năm 2019, sự hợp tác này cũng là một cách để quảng bá các ngành nông nghiệp, trong đó có việc trồng nho ở vùng Île-de-France (tức thủ đô Paris và các vùng phụ cận). Cả hai đối tác đã chọn loại rượu vang đỏ làm từ Merlot, khá dễ uống với nhiều món ăn khác nhau nhờ hương thơm thanh mát của các loài trái cây màu đỏ tươi (kể cả trái lý và dâu tây), mùi vị vẫn mượt mà nhờ đậm chất tannin ở đầu môi, nói cách khác loại rượu này có thể dùng được ngay hay để cất giữ trong vòng vài năm nữa. Cũng như vườn nho ở đồi Montmartre, việc sản xuất rượu vang tại Tháp Eiffel mang tính biểu tượng hơn là chế biến một sản phẩm với mục đích kinh doanh đại trà.

Điều đó cũng giải thích vì sao loại rượu vang mang thương hiệu Tháp Eiffel có giá tương đối cao. Từ các thùng gỗ sồi, ban quản lý đã cho rượu vào trong 600 chai đầu tiên, mỗi chai được bán riêng với giá gần 40 euros, tức cao hơn gấp 5 lần giá bình thường. Còn loại bán trong hộp thượng hạng ‘‘deluxe’’ dành cho giới sưu tầm lên tới hơn 80 euros một hộp, ngoài rượu còn có thêm một buổi tham quan có chuyên viên hướng dẫn và nếm rượu tại vườn nho Domaine de la Bouche du Roi.

Nếu phải so sánh, thì một buổi tham quan có nếm rượu champagne của hiệu Ruinart, tức là một trong những hiệu sâm banh nổi tiếng nhất của Pháp, là khoảng 70 euros một người. Thế nhưng, thực khách lại được nếm thử 4 loại champagne ngon và đắt tiền, trong đó có hai niên hiệu thượng hạng thuộc vào hàng millésime của những năm 2004 và 2006. Trong khi đó, các hộp rượu vang Tháp Eiffel được bán với giá thật cao, phần lớn cũng vì mức sản xuất bị hạn chế ngay từ đầu và hiện chỉ có vài trăm chai rượu vang được tung ra thị trường Pháp. Khách hàng chỉ có thể đặt mua qua mạng chính thức của Tháp Eiffel và trang web của Domaine de la Bouche du Roi. Nếu thành công, rất có thể cả hai đối tác sẽ bắt tay sản xuất nhiều hơn nữa trong những năm tới. Có như vậy, thì thương hiệu rượu vang của Tháp Eiffel mới hy vọng được phổ biến rộng rãi, nhắm vào xuất khẩu  khẩu hay khách nước ngoài hơn là thị trường nội địa.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20201013-r%C6%B0%E1%BB%A3u-vang-ph%C3%A1p-ch%E1%BA%BF-bi%E1%BA%BFn-t%E1%BA%A1i-th%C3%A1p-eiffel

 

Cyprus tạm ngưng chương trình ‘hộ chiếu vàng EU’

Cyprus sẽ ngừng chương trình cấp quốc tịch và và đảm bảo quyền đi lại không cần chiếu khán trong khối EU cho những người đầu tư tối thiểu 2 triệu euro vào nước này.

Quyết định được đưa ra sau khi phóng viên của hãng Al Jazeera ghi hình được cảnh các quan chức Cyprus dùng chương trình này để hỗ trợ một người giả vào vai doanh nhân Trung Quốc từng phạm tội hình sự.

Làm sao để ‘quan chức, sĩ quan’ VN không tẩu tán tài sản và mua hộ chiếu ngoại?

Nhà giàu Việt và trào lưu mua hộ chiếu ngoại ‘vì tương lai con em’

Quốc hội VN ‘sẽ bãi nhiệm tư cách ĐBQH’ của ông Phạm Phú Quốc

Cyprus tước ‘hộ chiếu vàng’ đã trao cho 26 người

Một trong những người bị ghi hình là là Chủ tịch Quốc hội Demetris Syllouris. Ông này nói sẽ tạm thời từ chức cho tới khi cuộc điều tra hoàn tất.

Ông Syllouris, quan chức nắm vị trị cao cấp thứ hai trong hệ thống chính trị Cyprus, nói rằng ông tạm ngừng nhiệm vụ ngay sau khi chính phủ tuyên bố ngưng chương trình đầu tư lấy quốc tịch, là tuyên bố được đưa ra sau phiên họp khẩn cấp hôm thứ Ba.

Chụp lại video,

Kiếm hộ chiếu EU bằng cách bất hợp pháp có dễ không?

Cyprus, quốc gia gia nhập EU hồi năm 2004, hiện đang có chính sách cấp hộ chiếu cho các công dân không thuộc khối EU, nếu họ đầu tư tối thiểu 2 triệu euro vào nước này.

Trong số những người nước ngoài tới đây “mua” hộ chiếu có cả người Việt Nam.

Hồ sơ điều tra do Al Jazeera công bố có nhắc tới tên Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc, khiến ông này bị giới chức Việt Nam xem xét bãi nhiệm tư cách dân biểu “do có hai quốc tịch”.

Hồi năm ngoái, Ủy hội Âu Châu yêu cầu các quốc gia thành viên EU phải siết chặt kiểm tra đối với các công dân ngoài khối EU được cấp quốc tịch thông qua đầu tư.

Ủy hội nói chương trình này có thể bị lợi dụng để tránh thuế và rửa tiền.

Ủy hội nói thêm rằng những người nộp đơn có thể lấy được quốc tịch của Cyprus, qua đó có được quốc tịch EU “mà trên thực tế là không bao giờ cư trú tại quốc gia thành viên này”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54526455

 

Quan hệ Đông Âu – Trung Quốc:

Từ ‘trăng mật’ đến ‘vỡ mộng’

Đại Hải

Sau thời gian quan hệ tưởng chừng như mật ngọt với Trung Quốc, các nước Đông Âu đã nhận ra rằng chính quyền Trung Quốc không chỉ không có cùng giá trị, mà ngay cả các hứa hẹn về kinh tế cũng không đáng tin cậy. Hiroyuki Akita, cây bút của Nikkei Asian Review đã có một bài bình luận về chủ đề này.

Hai năm trước, Trung Quốc vẫn được coi là một đối tác kinh doanh đầy hứa hẹn ở khu vực Đông Âu. Tuy nhiên, sự kỳ vọng của các quốc gia này về sự hỗ trợ mà Trung Quốc có thể mang lại đã bắt đầu chuyển thành thất vọng.

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung ngày càng leo thang, Nhật Bản, Australia, các quốc gia châu Âu và các đồng minh khác của Mỹ, đang bàn bạc chương trình nghị sự về hợp tác với Trung Quốc. Việc các nước Đông Âu tách khỏi Trung Quốc cho thấy sự hạn chế về tầm ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh và các dấu hiệu khả quan về cách Mỹ, Nhật Bản và châu Âu có thể cạnh tranh với Trung Quốc về ảnh hưởng địa chính trị.

Sự thất vọng về chính quyền Trung Quốc đang lan rộng ở Đông Âu. “Thời kỳ trăng mật” của mối quan hệ hai bên, vốn được duy trì thông qua các mối quan hệ kinh tế, dường như sắp kết thúc. Sự phân chia thế giới lưỡng cực, một bên là Mỹ, Nhật, châu Âu và bên kia là Trung Quốc có khả năng gia tăng hơn.

Sự nồng nhiệt dành cho Trung Quốc đã gia tăng ở Đông Âu cách đây 8 năm, khi 16 quốc gia trong khu vực thành lập diễn đàn hợp tác kinh tế với Trung Quốc có tên “16+1”. 16 quốc gia bao gồm 11 thành viên Liên minh châu Âu. Kể từ 2012, các nhà lãnh đạo của diễn đàn gặp nhau hàng năm để trao đổi về thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia với Bắc Kinh. Diễn đàn trở thành “17+1” vào năm 2019 khi có thêm Hy Lạp tham gia.

Tuy nhiên, sự tách rời khỏi Trung Quốc hiện đang lan rộng ở Đông Âu, dẫn đầu là Cộng hòa Séc. Bắc Kinh đã tức giận khi ông Milos Vystrcil, chủ tịch Thượng viện Séc, có chuyến công du đến Đài Loan cuối tháng 8. Vào tháng 1, Praha, thủ đô của Séc, chính thức mối quan hệ “thành phố kết nghĩa” với Đài Bắc, thủ đô của Đài Loan, sau khi cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh.

Ngoài ra, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Romania và Estonia đã đồng ý hợp tác với Mỹ về bảo vệ an ninh mạng 5G, cho thấy họ sẽ theo bước Washington trong việc áp đặt các hạn chế đối với nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc là Huawei. Không chỉ vậy, Romania đã hủy hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân với một công ty Trung Quốc vào tháng 6.

Theo các chuyên gia ngoại giao, các động thái trên cho thấy sự thất vọng giữa các quốc gia Đông Âu về hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

Bắc Kinh đã đề xuất các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng lớn cho khu vực như một phần của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, nhưng thực tế không được như mong đợi.

“Kể từ năm 2012, Trung Quốc đã khởi động nhiều dự án đầu tư vào [các nước Trung và Đông Âu], chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, ngoại trừ Balkan, hầu hết các dự án vẫn chưa thành hiện thực”, Rudolf Furst, nghiên cứu viên cao cấp tại Học viện Quan hệ Quốc tế

Praha cho biết. “Do đó, kỳ vọng về hợp tác kinh tế với Trung Quốc đã giảm dần ở phía Trung và Đông Âu”, vị chuyên gia nhận định.

Từ năm 2000 đến năm 2019, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Đông Âu chỉ đạt dưới 1/10 khoản đầu tư trực tiếp của nước này vào EU. Điều này khiến cho Tổng thống Séc Milos Zeman, một nhà lãnh đạo tự nhận là thân Trung Quốc, cũng phải thất vọng về Bắc Kinh.

Thứ hai, khi quan hệ hai bên ngày càng sâu sắc, các nước Đông Âu ngày càng lo ngại về khả năng Bắc Kinh can thiệp vào các vấn đề nội bộ và an ninh quốc gia. Một giám đốc điều hành tại chi nhánh của Huawei ở Warsaw (Ba Lan) đã bị bắt vì tình nghi làm gián điệp cho Trung Quốc vào tháng 1/2019.

Một điều đáng lưu ý là Bắc Kinh đang nhanh chóng mở rộng mạng lưới gián điệp ở Cộng hòa Séc. Cơ quan tình báo Séc vào tháng 11 năm ngoái cho biết, bên cạnh Nga, Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa với nước này.

Một công ty hàng đầu của Trung Quốc bị nghi ngờ đã cung cấp các khoản tiền đáng ngờ cho các quan chức hàng đầu của chính phủ Séc, một thành viên quốc hội nước này cho biết.

Các nước Đông Âu đã tiến đến “cánh cửa dân chủ” từ năm 1989. Mặc dù các nước này có thể bị thu hút bởi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, nhưng họ không đứng về phía ĐCSTQ.

Tình hình cũng tương tự ngay cả ở Hungary, nơi Thủ tướng Viktor Orban đang củng cố vị trí chuyên quyền của mình. Một chuyên gia chính trị Hungary cho biết, mô hình độc tài của Bắc Kinh khó có thể chấp nhận được đối với Hungary, ít nhất thì quốc gia châu Âu này vẫn tổ chức bầu cử. Ông cho biết thêm rằng, nếu không có những tiến bộ trong hợp tác kinh tế thì việc Hungary thiết lập mối quan hệ bền  chặt với Trung Quốc trở nên vô nghĩa.

Anh, Đức và Pháp vỡ mộng về Trung Quốc sớm hơn các nước Đông Âu, không chỉ vì các vấn đề nhân quyền, an ninh quốc gia mà còn vì các hạn chế áp đặt đối với các công ty nước ngoài của Bắc Kinh đã khiến môi trường làm ăn với Trung Quốc trở nên khó khăn.

Một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 2/2020 bởi Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc cho thấy môi trường kinh doanh đã trở nên khó khăn hơn đối với 49% công ty EU hoạt động tại nước này so với một năm trước đó.

Kể từ khi bùng phát Covid-19, chính quyền Trung Quốc đã thúc đẩy cái gọi là “ngoại giao khẩu trang” với Tây Ban Nha và Ý, hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Động thái này được coi như một phần của “nỗ lực tuyệt vọng” để níu giữ mối quan hệ với các nước châu Âu. Bằng cách vận chuyển vật tư y tế như khẩu trang bảo hộ đến châu lục này, Bắc Kinh đã tìm cách đánh bóng hình ảnh của mình trên trường quốc tế, tỏ ra là một nhà lãnh đạo có trách nhiệm. Thế nhưng dư luận ở châu Âu vẫn chưa cải thiện theo hướng có lợi cho chính quyền Trung Quốc.

“Nhận thức của người châu Âu về Trung Quốc ngày càng xấu đi do một số vấn đề, và Covid-19 chỉ đang đẩy nhanh xu hướng này. Tôi không dự đoán rằng [quan hệ giữa] châu Âu và Trung Quốc sẽ trở lại như trước đây trong tương lai gần”, Valerie Niquet, thành viên cấp cao tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược của Pháp cho biết.

Cây bút Hiroyuki Akita bình luận, Đức và các nước châu Âu khác, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, dường như không có lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh như Mỹ. Nhưng nếu Mỹ, châu Âu và Nhật Bản thúc đẩy các chính sách phù hợp hơn với Trung Quốc, thì cơ hội hợp tác ba bên để đối phó với Bắc Kinh sẽ mở rộng trong các lĩnh vực ngoại giao, an ninh và kinh tế. Mặc dù quan hệ giữa Mỹ và châu Âu có phần căng thẳng dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump, nhưng ít nhất họ cần phải xây dựng lại chính sách hợp tác đối với Trung Quốc.

https://www.dkn.tv/the-gioi/quan-he-dong-au-trung-quoc-tu-trang-mat-den-vo-mong.html

 

Belarus cho phép cảnh sát sử dụng

vũ khí chiến đấu khi các cuộc biểu tình tiếp diễn

Tin từ MOSCOW, Nga – Vào hôm thứ Hai (12/10), Bộ Nội vụ cho biết cảnh sát Belarus hiện sẽ được phép sử dụng vũ khí chiến đấu trên đường phố nếu cần thiết, khi lực lượng an ninh một lần nữa đụng độ với những người biểu tình muốn Tổng thống Alexander Lukashenko từ chức sau cuộc bầu cử gây tranh cãi vào ngày 9 tháng 8.

Theo đoạn video lan truyền trên mạng xã hội, những người biểu tình hô vang “Fascists” trong cuộc đối đầu căng thẳng với các nhân viên lực lượng an ninh đội mũ trùm đầu, những người đáp trả bằng súng bắn pháo sáng và một bình xịt không xác định. Âm thanh của một vụ nổ có thể được nghe thấy khi khói xám bao trùm không khí tại hiện trường.

Hiện vẫn chưa có báo cáo tức thời về các trường hợp thương tích hoặc bắt giữ. Sau đó, một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ xác nhận rằng cảnh sát sử dụng súng bắn pháo sáng và hơi cay để giải tán một cuộc biểu tình.

Hàng chục nghìn người Belarus biểu tình vào mỗi cuối tuần kể từ cuộc bầu cử, trong đó ông Lukashenko được tuyên bố là người chiến thắng. Các đối thủ của ông tuyên bố rằng cuộc bỏ phiếu này bị gian lận, một cáo buộc bị phủ nhận bởi ông Lukashenko, người nắm quyền 26 năm và hiện đang yêu cầu Nga cung cấp hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ khác để giữ vững quyền lực.

Các cuộc đụng độ vào hôm thứ Hai xảy ra sau khi hàng nghìn người tham gia “cuộc diễn hành của những người hưu trí” ở thủ đô Minsk. Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu và vẫy cờ trắng có một sọc đỏ, biểu tượng của phe đối lập ở Belarus. (BBT)

https://www.sbtn.tv/belarus-cho-phep-canh-sat-su-dung-vu-khi-chien-dau-khi-cac-cuoc-bieu-tinh-tiep-dien/

 

Belarus, Thượng Karabakh và Kyrgyzstan :

Vladimir Putin trong thế cờ bí

Minh Anh

Belarus, rồi đến Thượng Karabakh, và bây giờ là Kyrgyzstan, những cuộc khủng hoảng nối tiếp, gây tình trạng bất ổn tại « sân sau » của Nga.. Hơn bao giờ hết, ảnh hưởng của Nga tại khu vực bị thách thức mạnh mẽ khi có sự can dự của nhiều tác nhân mới.

Năm 2020 này là một năm đại hạn của Vladimir Putin ? Đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành khiến giá dầu tụt giảm thê thảm, nền kinh tế lao đao, có nguy cơ gây ra những bất ổn chính trị-xã hội, nước Nga của ông Putin giờ phải đối mặt với những bất ổn đến từ những « nước ngoài cận kề Nga ».

Belarus khai màn bằng chuỗi biểu tình và các cuộc trấn áp hàng tuần sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 09/8 bị tố cáo có gian lận. Cuối tháng Chín, xung đột giữa Armenia và Azerbaijan, hai cựu thành viên Xô Viết, nổ ra tại vùng Thượng Karabakh. Đầu tháng 10/2020, cuộc bỏ phiếu lập pháp cũng bị tố có gian lận đang nhấn chìm Kyrgyzstan trong hỗn loạn những ngày qua.

Belarus, Armenia và Kyrgyzstan, ba ổ bất ổn đều là đồng minh chính trị và quân sự của Nga, là những thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), được thành lập sau ngày Liên Xô sụp đổ. Nếu như những yếu tố nội bộ là nguồn cội chính, thì đối với một số chuyên gia được Le Figaro trích dẫn, tại những « điểm nóng » này còn thấp thoáng bóng dáng của nhiều tác nhân bên ngoài.

Tại Belarus thì có Litva và Ba Lan, xung đột tại Thượng Karabakh thì có Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng tại Kyrgyzstan thì có một sắc thái khác, theo ông Rouslan Poukhov, giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ khi trả lời tờ Moskovski Komsomolets : Đó là một cuộc chiến địa chính trị giữa Nga và Trung Quốc.

Chỉ có điều, áp lực mỗi lúc một gia tăng nhưng phạm vi hành động của Matxcơva thì hạn hẹp. Xung đột tại Thượng Karabakh giống như là trận phục thù của tổng thống Erdogan. Khuấy động Nam Kavkaz, nguyên thủ Thổ muốn đẩy Nga ngồi lại đàm phán để có được những nhân nhượng trên nhiều mặt trận khác – Syria và Libya – mà Ankara và Matxcơva hậu thuẫn cho các phe vũ trang đối lập nhau.

Trong nước cờ này, nguyên thủ Thổ tỏ ra cao tay khi dùng đến các lá bài tài chính đối với Nga. Ông Ivan Skorrikov, một chuyên gia về các nước Liên Xô cũ giải thích với Le Figaro :

« Đường ống dẫn dầu đi từ Hắc Hải, Turkish Stream, gồm hai nhánh : Một nhánh cung cấp cho thị trường nội địa Thổ Nhĩ Kỳ, nhánh kia là đường ống trung chuyển để đến các nước Đông-Nam Âu. Ngoài ra, còn có một dự án đường ống dẫn cạnh tranh khác : Thổ Nhĩ Kỳ-Azerbaijan. Nếu  Nga trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách ngắt đường ống cung cấp khí đốt, xem như Nga tự trừng phạt mình. Các đối tác châu Âu sẽ rơi vào tình trạng không có khí đốt và như vậy xem như Nga trao thị phần của mình cho Azerbaijan ».

Đó là chưa kể đến hợp đồng xây dựng trung tâm khai thác hạt nhân Akkuyu của Nga dự kiến đưa vào hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023, hay như hợp đồng bán tên lửa S-400 đã được giao nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn phải thanh toán 55% số tiền còn lại.

Tại Belarus – quốc gia vùng đệm có biên giới với NATO và Liên Hiệp Châu Âu, nước Nga lo sợ phương Tây gia tăng ảnh hưởng khi ủng hộ mạnh mẽ việc bác bỏ chế độ tổng thống Loukachenko. Khi hậu thuẫn tổng thống Belarus, ông Putin đang gánh lấy rủi ro đẩy phe đối lập đi đến việc bài Nga.

Cuối cùng, tại Kyrgyzstan, một ván cờ lớn khác không kém phần phức tạp cũng đang đợi chủ nhân điện Kremlin ngay trong chính sân sau của mình. Kyrgyzstan – một trong những nước được Trung Quốc sử

dụng để mở rộng ảnh hưởng thông qua dự án Những Con đường Tơ lụa Mới. Một phần ba GDP của Kyrgyzstan lệ thuộc các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Dù Nga có những căn cứ quân sự tại khu « sân sau » này, nhưng những gì đang diễn ra cho thấy ảnh hưởng của Matxcơva cũng không mấy gì rõ ràng. Đã đến lúc nước Nga phải cập nhật lại « phần mềm ngoại giao » của mình. Thế mới biết, Vladimir Putin, cao thủ cờ vua cũng không ngờ có ngày rơi vào thế bí !

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201013-belarus-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-karabakh-v%C3%A0-kyrgyzstan-vladimir-putin-trong-th%E1%BA%BF-c%E1%BB%9D-b%C3%AD

 

Thượng Karabakh : Nga kêu gọi

thực thi « nghiêm ngặt » lệnh ngừng bắn

Minh Anh

Chiến sự vẫn diễn ra dữ dội giữa phe ly khai người Armenia và quân đội Azerbaijan tại Thượng Karabakh trong ngày 12/10/2020 bất chấp lệnh ngừng bắn đưa ra cách nay vài hôm. Ngoại trưởng Nga, Serguei Lavrov, trong cuộc gặp với đồng nhiệm Armenia, kêu gọi các bên tham chiến « tuân thủ nghiêm ngặt » lệnh ngưng bắn.

AFP cho biết, lời kêu gọi được đưa ra vào dịp ngoại trưởng Armenia đến Matxcơva để gặp gỡ các nhà trung gian hòa giải, nhóm Minks thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), do ba nước Nga, Pháp và Mỹ đồng chủ trì. Trước đó, ngoại trưởng Azerbaijan cũng đã tham dự một cuộc họp tương tự diễn ra hồi tuần trước tại Geneve (Thụy Sĩ).

Cũng trong ngày hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã có những trao đổi về tình hình quân sự tại chỗ. Tính đến ngày hôm nay gần 500 người đã thiệt mạng ở cả hai phía trong các cuộc giao tranh, trong đó khoảng 60 người là thường dân. Bất chấp lệnh ngưng bắn đạt được hôm thứ Bảy 10/10, chiến sự vẫn diễn ra gay gắt giữa các bên.

Từ Goris, đặc phái viên Régis Genté giải thích nguyên nhân vì sao lệnh ngưng bắn bị vi phạm :

Thị trấn Hadrut, ở đông nam Thượng Karabakh, là một trong những nơi mà lệnh ngưng bắn dường như hoàn toàn không được tuân thủ. Thị trấn chưa tới 4.000 dân này nằm trên một trục đường chiến lược nối liền những vùng “lãnh thổ bị chiếm đóng” ở phía nam Thượng Karabakh và thủ đô Stepanakert. Hơn nữa, phe nào chiếm được những ngọn đồi xung quanh Hadrut sẽ có lợi thế quân sự, kiểm soát được nhiều thành phố và vị trí chiến lược của Karabakh.

Chính vì thế mà tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliev, tối thứ Sáu 09/10/2020 đã nhắc đến việc chiếm được Hadrut như một “thắng lợi lịch sử”. Quả thật, chiếm Hadrut là một trong những mục tiêu của cuộc chiến mà Baku khởi động ngày 27/09/2020, qua đó, ông Aliev hy vọng có thể buộc Armenia đàm phán quy chế tương lai của Thượng Karabakh và những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Do vậy, từ 48 giờ qua, các cuộc giao tranh đã trở nên dữ dội hơn chung quanh thị trấn Hadrut, các bên tham chiến điều động các lực lượng đặc nhiệm được trang bị nhiều vũ khí, giằng co chiếm giữ các vị trí trong và xung quanh thị trấn, Theo nhiều nguồn tin, các trận đánh dường như diễn ra khốc liệt với nhiều tổn thất nhân sự.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201013-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-karabakh-nga-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-th%E1%BB%B1c-thi-nghi%C3%AAm-ng%E1%BA%B7t-l%E1%BB%87nh-ng%E1%BB%ABng-b%E1%BA%AFn

 

Hàn Quốc và Mỹ

phân tích tên lửa đạn đạo mới của Triều Tiên

Thanh Hải

Giới chức quân đội Hàn Quốc đang phân tích chi tiết tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới nhất được Triều Tiên trình diễn trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên ngày 10/10.

Theo Yonhap, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 12/10, người phát ngôn Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) của Hàn Quốc, Đại tá Kim Jun-rak, nêu rõ: “Giới chức tình báo Hàn Quốc và Mỹ đang phối hợp chặt chẽ để phân tích các vũ khí mà Triều Tiên công bố, trong đó có một loại vũ khí được cho là tên lửa đạn đạo tầm xa mới.”

Ông Kim Jun-rak cho biết vẫn còn quá sớm để cho rằng đây là tên lửa có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân bởi những gì Triều Tiên giới thiệu chỉ là vẻ bên ngoài.

Trong khi đó, một quan chức quân đội khác xác nhận: “Hiện chưa thể phân biệt rõ tên lửa mới này là thật hay chỉ là mô hình, và loại tên lửa mới này cho đến nay dường như chưa từng được thử nghiệm.”

Trước đó, trong cuộc duyệt binh ngày 10/10, Triều Tiên đã ra mắt một mẫu ICBM hoàn toàn mới, cùng với loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới và các hệ thống vũ khí hiện đại khác.

Bệ phóng tên lửa kiêm xe chở (TEL) của mẫu ICBM mới có đến 11 trục, 22 bánh xe. Trang tin NK News cho rằng đây có thể là mẫu ICBM cơ động trên bộ lớn nhất từng được chế tạo.

https://www.dkn.tv/the-gioi/han-quoc-va-my-phan-tich-ten-lua-dan-dao-moi-cua-trieu-tien.html

 

Giới trẻ Hong Kong kêu gọi thế giới chú ý

việc 12 người Hong Kong bị dẫn độ về Trung Quốc

Bình luậnNgọc Trân

Chiều ngày 11/10, tổ chức sinh viên Hong Kong Xianxue Sizheng (tạm dịch: Hiền học tư chính) đã tổ chức buổi triển lãm ảnh với chủ đề về phong trào “Phản đối dự luật dẫn độ về Trung Quốc” của Hong Kong, và kêu gọi công luận tiếp tục chú ý đến hoàn cảnh của 12 công dân Hong Kong hiện đang bị giam giữ tại đại lục.

Hai tổ chức sinh viên Xianxue Sizheng và Tianshui Connection đã phối hợp tổ chức một buổi triển lãm nhiếp ảnh với chủ đề “Ước nguyện ban đầu – Bốn mùa không đổi”. Các bức ảnh được trưng bày đến từ các nhiếp ảnh gia Hồng Kông với nội dung liên quan đến phong trào phản đối Luật dẫn độ về Trung Quốc đại lục.

Vương Dật Chiến, người triệu tập nhóm Xianxue Sizheng cho biết: “Chúng tôi hy vọng thông qua buổi triển lãm nhiếp ảnh này có thể đánh thức mọi người, để mọi người hồi tưởng lại con đường trước đây chúng ta đã từng đi qua. Tôi hy vọng mọi người sẽ không quên ước nguyện ban đầu của mình và tiếp tục bước tiếp trên con đường phản kháng này”.

Những tấm thiệp ước đã được cung cấp tại buổi triển lãm để người dân bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với 12 người Hong Kong bị dẫn độ về Trung Quốc.

Ngũ Kiện Vỹ, người sáng lập Tianshui Connection nói: “Ngoài việc sử dụng sức mạnh của mạng lưới Internet trước đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp cận với nhiều người dân thuộc các tầng lớp khác nhau ở các khu vực khác nhau, để họ biết đến vấn đề nhân quyền của 12 công dân Hong Kong nảy. Cùng với việc thể hiện sự quan tâm đến họ, tôi cũng hy vọng có thể đem đến cho những người bạn láng giềng một cơ hội để biểu đạt ý kiến.”

Một người Hong Kong giấu tiên cho biết: “Chính phủ Hong Kong và đại lục đã âm mưu gài bẫy để bắt giữ 12 người Hong Kong. Chúng tôi nhất định sẽ tiếp tục quan tâm đến họ, tiếp tục lên tiếng ủng hộ họ và cố gắng hết sức để vấn đề này trở nên nổi bật hơn, để tất cả các phương tiện truyền thông quốc tế đều biết đến chuyện này.”

Phía tổ chức Xianxue Sizheng cho biết, mặc dù cảnh sát có can dự vào hoạt động này, nhưng do phản ứng mãnh liệt của người dân, Xianxue Sizheng vẫn sẽ tổ chức các buổi triển lãm ảnh ở những khu vực khác nhau trong thời gian tới.

Ngọc Trân

Theo NTDTV tiếng Trung

https://www.ntdvn.com/trung-quoc/gioi-tre-hong-kong-tiep-tuc-keu-goi-su-chu-y-doi-voi-viec-12-nguoi-hong-kong-bi-dan-do-ve-trung-quoc-84814.html

 

Tập Cận Bình tới gần Hồng Kông,

cả thành phố siết chặt an ninh như lâm đại địch

Vũ Dương

Khách sạn InterContinental bị trưng dụng đã khẩn cấp đưa ra thông báo tạm thời đóng cửa.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình sẽ thăm Thâm Quyến trong tuần này để kỷ niệm 40 năm thành lập Đặc khu Kinh tế Thâm Quyến. Đây cũng là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình đến Thâm Quyến, nơi nằm bên kia sông với Hồng Kông kể từ sau khi phong trào “Phản đối Luật dẫn độ” diễn ra trên khắp Hồng Không.

Tờ báo Hoa Nam buổi sáng đã dẫn lại lời của nguồn tin nội bộ Bắc Kinh cho hay, ông Tập Cận Bình sẽ thăm Thâm Quyến trong tuần này để tham gia lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Đặc khu Kinh tế Thâm

Quyến. Ông Tập cũng sẽ hội kiến Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và Đặc khu trưởng Ma Cao Hạ Nhất Thành (He Yicheng).

Theo báo cáo, buổi lễ dự kiến ​​diễn ra vào thứ Năm (15/10), nhưng ông Tập Cận Bình có thể đến tỉnh Quảng Đông sớm nhất là vào thứ Ba. Báo cáo dẫn nguồn tin cho biết, mọi công việc chuẩn bị phải được hoàn tất trước thứ Hai (12/10).

Theo báo cáo của trang Apple Daily Hồng Kông, ông Đinh Tiết Tường (Ding Xiexiang), Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ và những người phụ trách liên quan khác, ngày trước đã đến Quảng Đông để chuẩn bị cho chuyến công du phía nam của Tập Cận Bình.

Theo các báo cáo, núi Liên Hoa – biểu tượng của Thâm Quyến đã đóng cửa với khách du lịch hôm 10/10.Một thông báo khẩn cấp từ Khách sạn InterContinental cũng xuất hiện trên mạng, cho biết khách sạn tạm thời đóng cửa từ ngày 10/10 đến ngày 14/10 do “yêu cầu tiếp đón đặc biệt của chính phủ”. Người ngoài không được phép vào khách sạn. Một số hoạt động kinh doanh theo lịch trình ban đầu trong khách sạn cũng buộc phải hoãn lại.

Ngoài ra, các khu vực ở Quảng Đông cũng đã ban hành “lệnh cấm bay”, cấm sử dụng thiết bị bay không người lái trong thành phố. Cơ quan hành chính Thâm Quyến đã ra thông báo, nêu rõ từ hôm Chủ Nhật 11/10 đến khuya thứ Bảy (17/10), tất cả cá nhân và đơn vị toàn thành phố không được phép sử dụng các loại thiết bị bay không người lái, như: flycam, máy bay điều khiển từ xa…

Tại buổi lễ kỷ niệm lần này, ngoại giới dự kiến ​​ông Tập Cận Bình sẽ nhắc lại cam kết của Bắc Kinh đối với chính sách “mở cửa ra bên ngoài”.

ĐCSTQ hiện đang đối mặt với sự cô lập chưa từng có từ cộng đồng quốc tế. Quan hệ Mỹ – Trung đang trong tình trạng gần như tuyệt giao hoàn toàn, khiến Trung Quốc đứng trước cuộc khủng hoảng chưa từng có về công nghệ và mậu dịch. Bản thân ông Tập Cận Bình cũng đang phải đối mặt với những chỉ trích và áp lực từ nội bộ ĐCSTQ.

Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới miền nam lần này diễn ra vào khoảng hai tuần trước khi Phiên họp toàn thể lần thứ Năm của Ban Chấp hành Trung ương khóa 19 được tổ chức tại Trung Nam Hải vào ngày 26/10.

Gần đây, tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã nhấn mạnh rằng, “sử dụng tiêu dùng hộ gia đình làm động cơ chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc”. Các nhà phân tích chỉ ra rằng, điều này có nghĩa là nhấn mạnh vào chính sách kinh tế “tuần hoàn nội địa” mà ông Tập Cận Bình đang ra sức thúc đẩy.

Đặc khu kinh tế Thâm Quyến được thành lập vào ngày 26/8/1980. Trước đây mỗi lần tròn 10 năm thành lập, các lãnh đạo đảng hiện thời là ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào đều đến thăm Thâm Quyến. Lần gần đây nhất ông Tập Cận Bình đến thăm Thâm Quyến là vào tháng 10/2018.

https://www.dkn.tv/the-gioi/tap-can-binh-toi-gan-hong-kong-ca-thanh-pho-siet-chat-an-ninh-nhu-lam-dai-dich.html

 

Thế giới đang thay đổi thái độ với Trung Quốc

Đỗ Tiến Sâm

Trung Quốc gần đây đang thúc đẩy mạnh mẽ chủ nghĩa bành trướng và tận dụng mọi vũ khí có được để mở rộng “đế chế biển”, song cùng lúc đó, những thách thức mà họ phải đối mặt cũng ngày một gia tăng.

Cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng mạnh mẽ trước các hành vi chèn ép của Trung Quốc. Cho đến hay, dù cộng đồng quốc tế chưa tỏ rõ thái độ lựa chọn bên trong các tranh chấp ở Biển Đông, song tình hình đang có những biến chuyển nhất định, xuất phát từ những hành vi hung hăng không ngừng của Trung Quốc ở vùng ngoại biên và “vai trò” đầy nghi ngờ của quốc gia này trong việc lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19). Theo một cuộc thăm dò dư luận được Viện Pew tiến hành tại 14 quốc gia, những quan điểm tiêu cực về Trung Quốc về cơ bản đã và đang trên đà tăng.

Những hành vi hăm dọa và cưỡng ép không thể phủ nhận của Trung Quốc ở Biển Đông khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt lưu ý, nhất là trong bối cảnh đã sẵn có những lo ngại về nguy cơ mất đi sự cân bằng chiến lược trong khu vực. Ủy ban Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) ước tính khoảng 80% khối lượng và 70% giá trị thương mại toàn cầu được trung chuyển tại Biển Đông. Và đó là lý do vì sao Trung Quốc muốn thâu tóm toàn bộ khu vực với chiêu bài tuyên bố chủ quyền mập mờ dựa theo cái gọi là “Đường 9 đoạn”.

Những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt gia tăng bởi nhiều yếu tố. Trước hết, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã gây ra những tổn hại nhất định cho lợi ích kinh tế của Trung Quốc. Từ trước khi đại dịch bùng phát, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã tìm cách rời khỏi Trung Quốc. Tính đến tháng 4/2020, đã có khoảng 56 doanh nghiệp chuyển hoạt động khỏi nền kinh tế này. Việc Trung Quốc bị cho là thiếu trách nhiệm dẫn tới sự lây lan của dịch bệnh cũng là yếu tố khiến có thêm các doanh nghiệp có ý định chuyển tới những quốc gia khác.

Thứ hai, việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia tại Hong Kong càng làm gia tăng rủi ro cho cuộc chiến thương mại, vốn đang ở trong một giai đoạn cực kỳ nhạy cảm.

Thứ ba, Đài Loan đang phản kháng rất mạnh trước sự hung hăng của Trung Quốc, và Mỹ cũng đã thông qua hợp đồng bán tên lửa Patriot cho hòn đảo tự trị này.

Thứ tư, những cuộc thảo luận về tăng sức bền cho chuỗi cung ứng, sự dư thừa và tái cấu trúc, đều là những điều khiến Trung Quốc lo ngại. Việc nhiều doanh nghiệp chuyển đổi cơ sở có thể không gây thiệt hại nhiều cho Trung Quốc xét ở các góc độ kinh tế, song sẽ hủy hoại đáng kể hình ảnh Trung Quốc với tư cách một trung tâm sản xuất toàn cầu.

Thứ năm, dự án trọng điểm Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận liên quan đến các động cơ kinh tế không trong sáng. Nhiều quốc gia hiện giờ cho rằng BRI thực chất là một bẫy nợ. Dịch COVID-19 càng làm trầm trọng hơn những tác động này. Khoảng 40% các dự án bị ảnh hưởng và khoảng 35% khác chịu tác động một phần, bất chấp thực tế chính phủ Trung Quốc đã có những nỗ lực tổ chức hội nghị trực tuyến để thúc đẩy dự án.

Những hành vi hung hăng không ngừng của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông đã khiến nhiều quốc gia phải điều chỉnh mối quan hệ để kiềm chế đối tác này. Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đang xúc tiến thành lập nhóm Bộ Tứ, và dự kiến có thể là Bộ Tứ mở rộng với những thành viên khác như Hàn Quốc hay các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Dù không phải là một liên minh quân sự, song tiềm lực ngoại giao của cơ chế này chắc chắn sẽ là rất đáng kể.

Nhóm Bộ Tứ là các quốc gia cùng chung tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và toàn diện, được xây dựng trên cơ sở công bằng, đa cực, tôn trọng luật pháp và thông lệ quốc tế. Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia nhận thấy sự cần thiết của một cấu trúc an ninh mới cho toàn bộ khu vực nhằm phục vụ lợi ích của tất cả các bên. Việc hiện thực hóa khái niệm này, đang ngày càng nhận được nhiều sự thừa nhận của dư luận quốc tế, sẽ giúp kiềm chế và ngăn Trung Quốc hủy hoại cán cân chiến lược.

Rất dễ nhận thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận Trung Quốc của 4 quốc gia trong nhóm Bộ Tứ. Khác với sự chần chừ trước đây trong vấn đề Biển Đông, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia hiện giờ đều công khai ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016, phán quyết này khiến các yêu sách của Trung Quốc trở nên phi pháp.

Những thay đổi trong chính sách của Mỹ là điều rất đáng chú ý. Nhiều nhà quan sát dự đoán Mỹ sẽ tiến hành thêm các cuộc tập trận quân sự với các cường quốc bên ngoài và cả các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Những lợi ích của Mỹ tại Biển Đông đảm bảo rằng dù chính quyền Mỹ có thay đổi hay không, cách tiếp cận với vấn đề này sẽ không có gì thay đổi.

ASEAN đã có cách tiếp cận thống nhất trước các hành vi hung hăng của Trung Quốc. Trước đây, khối này vẫn luôn chia rẽ trong những vấn đề nhạy cảm liên quan tới Trung Quốc, tuy nhiên mọi chuyện đã thay đổi khi Việt Nam giữ ghế Chủ tịch luân phiên.

Tất cả những yếu tố kể trên đang tạo dựng một môi trường không có lợi cho Trung Quốc, song chưa có dấu hiệu nào cho thấy quốc gia này sẽ thay đổi cách tiếp cận của mình. Trên thực tế, có những vấn đề nội bộ đang khích lệ thái độ hung hăng của Trung Quốc. Sự thù địch giúp Tập Cận Bình trấn áp những tiếng nói bất đồng. Dự án “Giấc mộng Trung Hoa” đòi hỏi nhà lãnh đạo này phải thể hiện những thành tựu trong việc kiểm soát hoàn toàn cái gọi là “Đường 9 đoạn”.

Trước yêu cầu của tình hình hiện nay đòi hỏi các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực Biển Đông và các cường quốc bên ngoài phải gia tăng áp lực với Trung Quốc bởi những hành vi chèn ép và hung hăng mà Bắc Kinh thúc đẩy khiến khu vực trở nên bất ổn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nhiều chuyên gia hối thúc chính phủ Việt Nam cần đưa ra sáng kiến, ví dụ như đề xuất với các quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp biển Đông cần thúc đẩy một hệ thống triển khai các cuộc tuần tra chung để bảo vệ tàu đánh cá, và xây dựng các cơ chế đảm bảo quyền lợi cho ngư dân. Thêm nữa, gần đây, nhiều chuyên gia phương Tây cho biết khả năng Việt Nam sẽ sử dụng biện pháp pháp lý để chống lại các hành động hung hăng của Trung Quốc tại vùng EEZ của chính mình. Việt Nam có thể học hỏi những gì Philippines đã làm với vụ kiện Trung Quốc tại Toà Trọng tài. Đây có thể chỉ là động thái mang tính biểu tượng mạnh mẽ nhưng đủ sức gia tăng áp lực đòi hỏi Trung Quốc kiềm chế những hành vi gây hấn của họ tại biển Đông.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/the-world-has-change-their-attitute-towards-china-10122020115954.html

 

Ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo

các nước Đông Nam Á không nên ngả theo Mỹ

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 13/10 lên tiếng cảnh báo các nước ASEAN không nên ngả theo Mỹ vì phải cảnh giác trước chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương của Hoa Kỳ mà ông Vương Nghị cho là một nguy cơ về an ninh trong khu vực.

Theo Reuters, ông Vương Nghị phát biểu điều này trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Malaysia nhân chuyến công du của ông tới các nước Đông Nam Á.

Chúng ta (Trung Quốc và Malaysia) đều coi khu vực Biển Đông không nên là nơi để các cường quốc cạnh tranh nhau bằng các tàu chiến”, Ngoại trưởng Vương Nghị nói.

Trung Quốc và ASEAN có đầy đủ khả năng và sự khôn ngoan cũng như trách nhiệm để duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực Biển Đông”, ông Vương Nghị nói tiếp.

Trung Quốc trong các tháng gần đây đã gia tăng các các cuộc tập trận liên tiếp ở Biển Đông, trong khi cáo buộc Washington đang tìm cách làm mất ổn định tình hình khu vực khi điều tàu chiến vào tuần tra ở Biển Đông.

Trong phát biểu của mình tại họp báo, ông Vương Nghị đã miêu tả Mỹ là một đối tác không đáng tin cậy đối với các nước Đông Nam Á và đang khơi dậy một cuộc đối đầu chiến tranh lạnh. Vì vậy, Ngoại trưởng Vương Nghị nói các nước cần phải cảnh giác cao trước chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương của Mỹ.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-warns-asian-countries-to-be-vigilant-on-us-strategy-in-region-10132020085014.html

 

Hợp tác với Trung Quốc – Bài học từ Philippines

Nguyễn Hải Đăng

Philippines ăn trái đắng

Tại cuộc hội thảo tương tác về quan hệ song phương vào tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Huang Xilian cho biết, lãnh đạo Trung Quốc và Philippines nhất trí hoãn tranh chấp trên biển, điều tiết tình hình thông qua tham vấn song phương và tăng cường đối thoại. Các thỏa thuận này cần được thực hiện một cách mạnh mẽ từ cả 2 bên, tạo động lực cho việc duy trì và tăng cường quan hệ giữa các nước.

Thông báo này thu hút sự chú ý của giới quan sát, vì nó được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, trong bài phát biểu qua video tại phiên họp lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA), tái khẳng định cam kết của ông đối với phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, từ chối quyền lịch sử của Trung Quốc đối với khu vực biển nằm trong đường lưỡi bò tại Biển Đông.

Sau khi lên nắm quyền vào giữa năm 2016, ông Duterte đã thể hiện lập trường mềm mỏng hơn một cách đáng kể đối với các tranh chấp hàng hải giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông, mục đích là nhằm đổi lấy các mối quan hệ thương mại và tài chính sâu sắc hơn với Bắc Kinh. Tuy nhiên, gần 4 năm sau những cam kết ban đầu của Trung Quốc về các khoản đầu tư trị giá 24 tỷ USD, chưa có một dự án cơ sở hạ tầng lớn nào được thực hiện, trong đó bao gồm một dự án đường sắt được hứa hẹn dành cho đảo Mindanao, quê hương của Tổng thống Duterte. Trong khi đó, Trung Quốc đã mở rộng dấu ấn quân sự và các cuộc triển khai dân quân của họ ở các vùng biển tranh chấp, khiến lực lượng quốc phòng của Philippines phải chịu tủi nhục. Giờ đây, khi Philippines phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế được cho là tồi tệ nhất trong lịch sử của mình, có những lo ngại mới về điều mà một số người coi là các khoản đầu tư “săn hàng hạ giá” của Bắc Kinh, khi các công ty và doanh nghiệp Trung Quốc đang nhắm vào những tài sản bị tịch biên trong một loạt lĩnh vực chiến lược khác nhau. Tùy theo các thỏa thuận được thông qua, có nguy cơ các thương vụ mua lại của Trung Quốc làm tổn hại, thậm chí gây nguy hiểm cho sự hợp tác an ninh với các đồng minh quan trọng của Philippines như Mỹ, nước quan ngại sâu sắc về các nguy cơ gián điệp mà hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông của Trung Quốc đặt ra. Cho đến nay, phần lớn các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Philippines tập trung vào những sòng bạc trực tuyến mờ ám và các dự án có giá trị nhỏ mang tính biểu tượng, chẳng hạn như dự án tài trợ cầu Sông Pasig, và tất cả đều do các công ty và công nhân Trung Quốc chi phối.

Trong quá khứ, hai dự án lớn do Trung Quốc điều hành có tên gọi Dự án mạng Internet băng thông rộng quốc gia NBN-ZTE và Dự án đường sắt North rail đã vướng vào bê bối tham nhũng lớn và có các dấu hiệu bất thường trong khâu đấu thầu. Các nhà kỹ trị hàng đầu của Tổng thống Duterte, cụ thể là Bộ trưởng Tài chính Sonny Dominguez, đã đề ra các biện pháp bảo vệ gồm đấu thầu cạnh tranh và ưu tiên những dự án chung với các nhà đầu tư và cơ quan đa phương khác để ngăn chặn sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Giờ đây, khi ông Duterte mệt mỏi tìm kiếm các khoản đầu tư mới trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế chưa từng có ở Philippines, các công ty trực thuộc nhà nước Trung Quốc đang đưa ra những cam kết có thể mang lại những tác động an ninh lớn đối với Philippines. Trong chiến lược được một số ý kiến gọi là “chiến lược cải bắp kinh tế”, các công ty do Bắc Kinh hậu thuẫn đang tìm cách tiếp cận những dự án nhạy cảm liên quan đến các cơ sở hạ tầng trọng yếu, bao gồm cả viễn thông và các cơ sở cảng biển. Họ cũng được cho là đang theo đuổi những dự án kinh doanh ở các địa điểm nhạy cảm, đặc biệt là những nơi gần các trung tâm chỉ huy quân sự lớn của Philippines. Xu hướng đó đã được thấy trước đây ở các sòng bạc do Trung Quốc đầu tư tại thủ đô Manila, nhiều trong số đó nằm gần các cơ sở cảnh sát và quân đội.

Trong những tuần gần đây, ít nhất 2 dự án lớn do Trung Quốc hậu thuẫn lầm dấy lên những hồi chuông cảnh báo ở Philippines. Phó Đô đốc Hải quân Philippines Giovanni Carlo Bacordohas gần đây đã bày tỏ quan ngại về vị trí mà ông cho là “gần một cách nguy hiểm” của một dự án trị giá hàng tỷ USD do Trung Quốc đứng đầu, thậm chí có thể lấn át một trung tâm chỉ huy và kiểm soát hải quân. Dự án Sân bay Quốc tế Sangley do Trung Quốc tài trợ – có thể cải tạo gần 75% Vịnh Canacao và có tầm quan trọng rất lớn đối với các hoạt động của Hải quân Phillipines (bao gồm cả ở Biển Đông) – đang được điều hành bởi một chi nhánh của Công ty Xây dựng Viễn thông Trung Quốc (CCCC). Công ty này gần đây đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen vì liên quan đến các hoạt động cải tạo “bất hợp pháp” ở Biển Đông. Với quy mô lớn của dự án, nó có thể buộc các cơ sở hải quân của Philippines phải ra khỏi khu vực. Theo một quan chức, ít nhất, sự can dự của Trung Quốc cũng có thể gây ra rủi ro đối với tính toàn vẹn trong thông tin liên lạc quân sự của Philippines, đặc biệt là trong trường hợp xảy ra sự cố bất ngờ. Những công ty Trung Quốc gần đây cũng đã tìm kiếm các khoản đầu tư gần các bờ biển ở phía Bắc của Đài Loan, các cơ sở quân sự có vị trí chiến lược ở Subic và Clark, địa điểm cũ của các căn cứ quân sự nước ngoài lớn nhất của Mỹ và gần bãi cạn Scarborough đang tranh chấp, cũng như căn cứ không quân Bautista ở Palawan, gần quần đảo Trường Sa tranh chấp ở Biển Đông.

Đầu tháng này, sau một năm trì hoãn, quân đội Philippines cuối cùng đã chấp thuận yêu cầu của Công ty Viễn thông Dito mới thành lập về việc “xây dựng các cơ sở trong những doanh trại quân đội và các kho quân sự” trên các tháp liên lạc nằm trong các khu vực quân sự. Công ty viễn thông mới này, một liên doanh với Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc (China Telecom) thuộc sở hữu nhà nước và là đồng minh kinh doanh trung thành của Tổng thống Duterte, phụ thuộc rất nhiều vào các khoản đầu tư và kỹ thuật của Trung Quốc. Một báo cáo nội bộ của quân đội Philippines được đăng tải trên báo chí địa phương đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ gián điệp tiềm tàng từ Trung Quốc. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cảnh báo rằng hợp tác chia sẻ thông tin tình báo và an ninh có thể bị ảnh hưởng vì những mối quan ngại về an ninh thông tin liên lạc. Nhà ngoại giao Mỹ cũng đã kêu gọi các đồng minh tránh xa những khoản đầu tư viễn thông của Trung Quốc (Huawei là nhà cung cấp chính của China Telecom).

Cho đến nay, Tổng thống Duterte luôn sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ địa chính trị với Trung Quốc, từ việc từ chối cho quân đội Mỹ tiếp cận các căn cứ quan trọng gần Biển Đông cho đến việc từ chối chủ động viện dẫn phán quyết của Tòa trọng tài tại La Haye năm 2016, theo đó bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông, để cải thiện quan hệ và thu hút các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng. Thế nhưng, Philippines vẫn không nhận được bất kỳ nhượng bộ lớn nào từ Trung Quốc ở Biển Đông. Những đề xuất trước đó về việc cùng rút lui và thành lập khu bảo tồn biển ở bãi cạn Scarborough đang tranh chấp gay gắt – nơi đang nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc – đã sụp đổ. Thay vì lên kế hoạch cho các hoạt động thăm dò năng lượng chung trong khu vực, Trung Quốc còn tăng cường quân sự hóa các đảo tranh chấp, đồng thời triển khai một đội tàu của lực lượng dân quân xung quanh các thực thể do Philippines kiểm soát, bao gồm cả đảo Thị Tứ chiến lược, nơi Manila duy trì các binh sĩ quân đội.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

“Kinh nghiệm đau thương” từ Philippines sẽ là bài học quan trọng cho Việt Nam – nước láng giềng đang có quan hệ gần gũi với Trung Quốc. Tháng 11-2017, hai nước Việt – Trung đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Kể từ năm 2004, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ðến nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ tám, thị trường xuất khẩu lớn thứ năm và là thị trường nhập khẩu lớn thứ chín của Trung Quốc trên thế giới. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc đạt 106,7 tỷ USD, tăng hơn 3.300 lần so năm 1991. Trong 11 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 105,75 tỷ USD, tăng 8,71% so cùng kỳ 2018. Tính đến hết tháng 11-2019, Trung Quốc có 2.739 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, tổng số vốn 16,1 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số 132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Nhìn vào các con số trên, chúng ta tưởng chừng thấy hợp tác với Trung Quốc chỉ mang lại lợi ích. Tuy nhiên, các hành động của Trung Quốc gần đây, đặc biệt trên biển Đông cho thấy họ không phải là một đối tác hợp tác. Thay vào đó, nước này cho đến nay vẫn lựa chọn gia tăng các hành động quyết đoán trong việc giải quyết tranh chấp với Việt Nam. Hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ thay đổi quan điểm của mình dưới thời Tập Cận Bình. Chính vì vậy, Hà Nội cần cập nhật chiến lược biển Đông cùng các bài học trong hợp tác với Trung Quốc của Philippines để có thêm lựa chọn trong việc đối phó với Trung Quốc một cách có hiệu quả hơn.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/cooperation-with-china-lesson-from-philippines-10132020102555.html

 

Úc lo ngại khả năng Trung Quốc cấm vận than đá

Anh Vũ

Theo AFP, sau khi nhiều hãng truyền thông đưa tin Trung Quốc có thể hạn chế nhập khẩu than đá của Úc trong lúc nền kinh tế nước này đang lao đao vì đại dịch, Canberra hôm nay, 13/10/2020 đã yêu cầu Bắc Kinh giải thích rõ sự việc.

Bộ trưởng Thương Mại Úc Simon Birmingham cho biết qua các kênh ngoại giao đã đề nghị Trung Quốc cho biết rõ có phải Bắc kinh đã chỉ thị cho các tập đoàn trong nước dừng mua than của Úc. Nếu đúng thì đó có thể là biện pháp trả đũa thương mại trong bối cảnh quan hệ song phương đang xấu đí.

Trên kênh truyền hình Sky News, bộ trưởng Úc cho biết đã « trao đổi với ngành công nghiệp và đã liên lạc với chính quyền Trung Quốc về những tin đồn trên ».

Tuần qua đã lan truyền thông tin nói rằng các công ty thép và cung ứng năng lượng Trung Quốc dưới sự kiểm soát của Nhà nước đã nhận được « chỉ thị miệng » không được mua than của Úc nữa.

Quan hệ Trung Quốc và Úc gần đây trở nên căng thẳng trong nhiều vấn đề, đặc biệt khi thủ tướng Scott Morrison đã ủng hộ đề nghị của Mỹ mở điều tra về dịch virus corona xuất phát từ Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc cấm vận than đá, kinh tế Úc vốn lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu nguyên vật liệu cơ bản và đang bị suy thoái vì khủng hoảng dịch, sẽ bị hậu quả rất nặng nề.

Các quan chức Úc cho biết ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc liên lạc với các đồng nghiệp Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ hai nước đang ngày càng xấu đi.

Là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, đầu năm nay Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu thị bò của 4 nhà cung cấp Úc, áp thuế trên 80% đối với lúa mạch nhập từ Úc. Tiếp đó, tháng 6, Bắc Kinh kêu gọi khách du lịch và sinh viên Trung Quốc tránh đến Úc. Mới đây Bắc kinh mở điều tra chống phá giá nhằm tăng thuế nặng đối với rượu vang Úc.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201013-%C3%BAc-lo-ng%E1%BA%A1i-kh%E1%BA%A3-n%C4%83ng-trung-qu%E1%BB%91c-c%E1%BA%A5m-v%E1%BA%ADn-than-%C4%91%C3%A1