Tin khắp nơi – 13/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 13/10/2017

Hoa Kỳ, Hàn Quốc chuẩn bị tập trận hải quân lớn

Hoa Kỳ và Hàn Quốc sẽ tiến hành đợt tập trận hải quân qui mô lớn vào tuần tới. Đây là hoạt động phô trương sức mạnh chống lại Bắc Hàn khi Bình Nhưỡng tiếp tục cho tiến hành thử tên lửa và nguyên tử bất chấp mọi Nghị quyết cấm vận mà Hội Đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ra.

Hải quân Hoa Kỳ loan tin này vào ngày 13 tháng 10. Theo thông cáo của Hạm đội 7 thì hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và hai khu trục hạm của Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận với các tàu chiến của hải quân Hàn Quốc.

Thời điểm theo kế hoạch của đợt tập trận là từ ngày 16 đến 26 tháng 10. Hai phía sẽ diễn tập tại khu vực Biển Nhật Bản và Hoàng Hải nhắm tăng cường thông tin liên lạc, khả năng phối hợp tác chiến cũng như đối tác.

Tin cho biết thêm vào ngày 13 tháng 10, tàu ngầm USS Michigan đến tại cảng Busan sau chỉ ít ngày khi tàu ngầm USS Tuscon rời cảng, nơi tàu đến thăm 5 ngày.

Thông cáo về đợt tập trận mới giữa Hải quân Hoa Kỳ và Hàn Quốc chắc chắn sẽ làm Bắc Hàn nổi giận vì Bình Nhưỡng luôn lên tiếng cảnh báo về những đợt tập trận phối hợp giữa hai đồng minh Hoa Kỳ và Hàn Quốc.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-south-korea-prepare-to-launch-major-naval-exercises-10132017084523.html

 

Mỹ đồng sáng lập UNESCO rồi bỏ hai lần

Ngoài chuyện tiết kiệm ngân sách của Mỹ đóng cho UNESCO từ ngày thành lập, quyết định rút khỏi tổ chức này của chính quyền Donald Trump còn có ba lý do.

Theo lời Đại sứ Nikki Haley của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc thì UNESCO chuyên công kích giá trị Phương Tây, bài xích Israel và nâng các nhà độc tài lên vị trí trang trọng (dictators to prominent positions).

Quyết định rút khỏi UNESCO của Hoa Kỳ sẽ có hiệu lực từ ngày cuối cùng của năm 2018, theo công bố của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Thành lập ngày 16/11 năm 1945 ở London, Anh Quốc, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (The United Nations Organization for Education, Science and Culture (UNESCO) là kết quả của các ý tưởng đề cao giao lưu văn hóa trong Thế Chiến 2 qua Hội nghị Các Bộ trưởng Giáo dục (CAME), có từ 1942.

Nhưng UNESCO cũng trải qua không ít thăng trầm.

Ứng viên VN rút khỏi cuộc đua lãnh đạo Unesco

Không được Stalin mến mộ

Theo nghiên cứu đã công bố của Ilya Gaiduk, Moscow dưới thời Stalin rất nghi ngờ cơ chế UNESCO kết nối các dân tộc thông qua văn hóa và giáo dục ‘theo kiểu tư bản chủ nghĩa’.

Đây là lý do Liên Xô tẩy chay UNESCO ngay từ ngày có cuộc họp đầu tiên tại London do Hoa Kỳ và Anh chủ trì để bàn việc thông qua Hiến chương UNESCO.

Sau khi thành lập và có trụ sở đặt tại Paris, Pháp, phải một năm sau, ngày 4/11/1946, Hiến chương UNESCO mới được 20 quốc gia thông qua.

Đó là các nước Úc, Brazil, Canada, Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch, Tiệp Khắc, Đan Mạch, CH Dominican, Ai Cập, Pháp, Hy Lạp, Ấn Độ, Li Băng, Mexico, New Zealand, Na Uy, Ả Rập Saudi, CH Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ và Anh Quốc.

Giữ quan điểm về văn hóa khác hẳn Phương Tây, Liên Xô không chỉ đứng ngoài mà còn buộc các nước Đông Âu cộng sản không được tham gia UNESCO, và những nước đã tham gia thì phải rút ra.

Vì thế mới có chuyện Tiệp Khắc, Hungary và Ba Lan phải rút khỏi UNESCO trong các năm 1952-53.

Bản thân Liên Xô chỉ gia nhập UNESCO sau khi Stalin qua đời năm 1953.

Tính toán của lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrushchev là dùng diễn đàn UNESCO để mở rộng ảnh hưởng của Moscow ở châu Âu ‘tư bản’, và các nước Thế giới thứ ba.

Vì thế, chính sách của Liên Xô nay xoay sang ‘càng nhiều thành viên cộng sản càng tốt’.

Năm 1954, cùng Liên Xô có cả hai cộng hòa Belarus và Ukraine, vốn không có chủ quyền riêng, vì nằm trong Liên Xô, cũng gia nhập UNESCO.

Moscow cũng khuyến khích tất cả các quốc gia vệ tinh của khối Đông Âu vào tổ chức này.

Chọn cả hai hay chỉ một trong hai?

Tư cách thành viên của UNESCO không tránh khỏi việc trở thành chủ đề chính trị quốc tế và quan hệ giữa các thể chế khác biệt ý thức hệ.

Đông Đức chỉ gia nhập UNESCO năm 1972 sau khi chính sách ‘Ostpolitik’ của Thủ tướng Tây Đức, Willy Brandt đưa ra khái niệm ‘hai quốc gia của một dân tộc Đức’, và hai nước công nhận lẫn nhau.

Đến 1990, Đông Đức sát nhập vào CHLB Đức nên tư cách thành viên riêng tại UNESCO chấm dứt.

Khác với Đông và Tây Đức, hai quốc gia Trung Hoa không chấp nhận lẫn nhau.

Trung Hoa Dân quốc mà nay là Đài Loan từng là quốc gia đồng sáng lập UNESCO, nhưng sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được công nhận là thành viên LHQ năm 1971 thì Đài Loan cũng mất vị trí trong UNESCO.

Nam và Bắc Hàn đều là thành viên UNESCO nhưng tham vọng ‘được vinh danh’ cho món kim chi của hai nước đem lại câu chuyện kỳ quái.

Sau khi công nhận kim chi Hàn Quốc là ‘di sản phi vật thể thế giới’, UNESCO cũng phải cấp cho kim chi của Bắc Triều Tiên danh hiệu tương tự dù sự khác biệt giữa hai loại kim chi này không đáng kể.

Vào tháng 7/1951, Quốc gia Việt Nam dưới thời Quốc trưởng Bảo Đại và Thủ tướng Trần Văn Hữu chính thức gia nhập UNESCO, và tư cách thành viên này được duy trì bởi Việt Nam Cộng Hòa đến 1975.

Nước Việt Nam thống nhất gia nhập UNESCO năm 1987.

Từng bỏ UNESCO rồi quay lại

Quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi UNESCO và không đóng 500 triệu USD vào quỹ của tổ chức này không phải là mới.

Từ 1985 đến 2003, Hoa Kỳ đã một lần nằm ngoài UNESCO.

Năm 1985, chính phủ Mỹ, nước đóng góp 25% ngân sách của UNESCO (374 triệu USD một năm) nói tổ chức này cần cải tổ vì bị ‘chính trị hóa’ bởi Liên Xô và phe cộng sản.

Sau đó, Hoa Kỳ rút ra, tạo khủng hoảng không nhỏ về ngân khoản cho UNESCO.

Một năm sau, chính phủ Anh của Margaret Thatcher cũng tuyên bố rút với lý do tương tự, bất chấp một nghị quyết của Hạ viện, và lời kêu gọi của Thủ tướng Đức Helmut Kohl muốn Anh ở lại UNESCO.

Anh đóng mỗi năm 4,6% ngân sách của UNESCO, và khoản tiền vào năm 1986 là 9,75 triệu USD.

Đến năm 1997, Anh Quốc vào lại UNESCO.

Tại châu Á, Singapore là nước từng rút khỏi UNESCO ‘vì lý do kinh tế’.

Đảo quốc thuộc ASEAN rút khỏi UNESCO từ 1986 đến 2007 dù chỉ đóng trước đó chưa tới 100 nghìn USD một năm.

Có vẻ như Singapore dưới thời ông Lý Quang Diệu từng tin rằng việc tham gia UNESCO không đem lại lợi ích gì cụ thể.

Ai làm Tổng Giám đốc UNESCO?

Trong 10 Tổng Giám đốc của UNESCO từ ngày thành lập đến nay, các nhân vật chính đều có thành tích cao trong văn hóa, giáo dục hoặc có sự nghiệp ngoại giao quốc tế.

John Wilkinson Taylor (1906 – 2001) là người Mỹ duy nhất từng lãnh đạo UNESCO, ở vị trí tạm quyền, giai đoạn rất ngắn, 1952-1953.

Trước bà Irina Bokova người Bulgria, Tổng Giám đốc nhiệm kỳ hiện nay và sắp hết, lãnh đạo UNESCO là ông Kōichirō Matsuura, nhà ngoại giao Nhật Bản.

Ông là người Đông Á đầu tiên giữ chức này, và được tái đắc cử, tổng cộng 10 năm, từ 1999 đến 2009.

Bà Irina Bokova là con gái Tổng biên tập báo Đảng Cộng sản ở Bulgaria, ông Georgi Bokov.

Bà từng học tại Moscow và là đảng viên cộng sản cho đến 1990, làm việc trong Bộ Ngoại giao Bulgaria thời XHCN, và là nghị sỹ quốc hội thời hậu cộng sản.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41611762

 

UNESCO sẽ chọn lãnh đạo mới sau khi Mỹ rút

Cơ quan văn hóa Liên hiệp quốc sẽ chọn một lãnh đạo mới có khả năng hồi sinh vận mệnh của UNESCO trong ngày thứ Sáu 13/10 khi Mỹ và Israel tuyên bố rút khỏi cơ quan này.

Người được chọn cần phải khôi phục sự xác đáng của cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ các di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới mà trong thời gian qua đang bị chao đảo bởi xung đột và mâu thuẫn khu vực và thiếu tiền.

Sau các vòng bỏ phiếu kín trong 4 ngày qua tại trụ sở của UNESCO ở Paris, cựu bộ trưởng văn hóa Qatar, ông Hamad bin Abdulaziz al-Kawari được chọn vào vòng bầu chọn chung cuộc theo trù liệu sẽ diễn ra vào chiều thứ Sáu 13/10. Ông al-Kawari sẽ tranh cử với một trong hai người giành được quyền vào vòng chung quyết chiều thứ Sáu là bà Moushira Khattab, một nhà ngoại giao và chính trị gia Ai Cập, hoặc là bà Audrey Azoulay, cựu bộ trưởng văn hóa Pháp.

“Hơn bao giờ hết, UNICEF cần một dự án quy tụ các nước thành viên với nhau, xây dựng lại lòng tin và dẹp bỏ những chia rẽ chính trị,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp, bà Agnes Romatet-Espagne phát biểu trước cuộc bỏ phiếu chọn người lên thế bà Irina Bokova, một người Bulgaria đã lãnh đạo cơ quan này từ năm 2009. Hoa Kỳ có trách nhiệm đóng một phần năm ngân sách cho UNESCO, nhưng Washington đã ngưng khoản tài trợ đó kể từ năm 2011, khi cơ quan văn hóa Liên hiệp quốc này công nhận Palestine là một thành viên đầy đủ. Hôm thứ Năm 12/10, Mỹ loan báo rút khỏi UNESCO với cáo buộc cơ quan này có thành kiến chống Israel. Israel cũng theo Mỹ tuyên bố rút khỏi UNESCO.

Đại biện lâm thời Mỹ tại UNESCO, ông Chris Hegadron nói với hãng tin Reuters: “Đáng tiếc rằng cơ quan này đã trở thành nơi bị chính trị hóa làm mất đi ý nghĩa của những công việc được ủy nhiệm cho UNESCO. Nó trở thành nơi thành kiến chống Israel, và thật đáng tiếc là chúng tôi chọn quyết định rút khỏi UNESCO vào thời điểm này.”

Việc một người Qatar tranh cử với một người Ai Cập chức lãnh đạo UNESCO, cuộc bầu chọn đã gặp phải những trở ngại bởi những mâu thuẫn hiện đang diễn ra giữa Doha và các nước Ả Rập láng giềng vốn đã làm căng thẳng các mối quan hệ ngoại giao, thương mại và giao thông. Các nước Ả Rập cáo buộc Qatar hỗ trợ khủng bố, điều mà Doha phủ nhận.

https://www.voatiengviet.com/a/unesco-se-chon-lanh-dao-moi-sau-khi-my-rut/4069045.html

 

Một lãnh đạo tập đoàn Samsung từ chức

Ông Kwon Oh-hyun, giám đốc điều hành kiêm phó chủ tịch Samsung Electronics, đã quyết định từ chức.

Trước đó, người thừa kế tập đoàn Samsung Group đã bị tống giam vì tội tham ô hồi tháng Tám.

Ông Kwon Oh-hyun đang là một trong ba giám đốc điều hành của Samsung Electronics.

Samsung bị cho là đang ở trong khủng hoảng lãnh đạo.

Samsung: Lee Jae-yong bị đề nghị 12 năm tù

Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong lĩnh án 5 năm tù

Samsung Electronics là một trong các công ty quan trọng nhất của Samsung Group.

Tập đoàn này có khoảng 60 công ty con, là một trong những “chaebol” gia đình tại Hàn Quốc.

Hồi tháng Tám, người thừa kế Lee Jae-yong bị kết án 5 năm tù.

Ông Lee bị tố cáo đóng góp 41 tỉ won (36 triệu đôla) cho các quỹ phi lợi nhuận của Choi Soon-sil, bạn của cựu tổng thống Park Geun-hye, để đổi lại lợi ích.

Ông đang kháng án.

Tuy vậy, khó khan lãnh đạo có vẻ chưa làm công ty suy giảm lợi nhuận.

Samsung Electronics dự kiến sẽ đạt lợi nhuận kỷ lục trong ba tháng tính tới cuối tháng Chín.

Điện thoại mới Note 8 của Samsung đã nhận được các đơn đặt hàng cao nhất.

http://www.bbc.com/vietnamese/business-41596406

 

Cháy rừng California: 31 người chết

Số người thiệt mạng do cháy rừng ở Bắc California đã lên tới 31 trong lúc giới chức cảnh báo tình hình có thể xấu đi.

Hàng trăm người vẫn đang mất tích do ít nhất 22 đám cháy hoành hành ở vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng của tiểu bang này.

Hơn 8.000 lính cứu hỏa đang vận lộn với lửa.

Các đám cháy rừng đã hủy hoại hơn 3.500 ngôi nhà trên diện tích hơn 68.800 hecta và khiến 25.000 người phải sơ tán.

17 người đã thiệt mạng ở Quận Sonoma, 8 người ở Quận Mendocino, 4 người ở Quận Yuba và 2 người ở Quận Napa, các quan chức cho biết.

Đây là đợt cháy rừng gây nhiều thương vong nhất ở California kể từ năm 1933, khi 29 người chết ở Griffith Park, Los Angeles.

Gió mạnh làm lửa lan nhanh, nhưng gió đã giảm trong mấy ngày qua. Tuy nhiên, dự báo thời tiết nói sức gió sẽ mạnh lên vào tối thứ Sáu 13/10.

VN tăng cứu trợ sau mưa lụt chết 54 người

Thanh Hóa: Bí thư phường nói về ảnh đi bè

“Sẽ còn lâu chúng ta mới qua khỏi tình trạng khẩn cấp này,” ông Mark Ghilarducci, giám đốc phụ trách các lực lượng khẩn cấp tiểu bang California nói với báo giới.

Trưởng lực lượng cứu hỏa Kem Pimlott cảnh báo “gió giật và chuyển hướng suốt cuối tuần này.”

Cảnh sát trưởng Quận Sonoma ông Rob Giordano nói các đội cứu hộ cùng chó nghiệp vụ đang rà soát các khu nhà bị cháy trụi.

“Chúng tôi tìm thấy xác người còn nguyên vẹn, cũng như xác người cháy thành than,” ông nói.

Hiện chưa rõ nguyên nhân gây cháy rừng hôm Chủ Nhật tuần trước 8/10, nhưng các quan chức nói các đường dây điện bị gió cuốn đổ có thể là nguyên nhân.

Một trong những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng sinh mạng nhất là quanh thị trấn Calistoga, Quận Napa, nơi toàn bộ 5.000 người dân trong vùng đã được ra lệnh đi sơ tán.

Thanh Hóa: Bí thư phường nói về ảnh đi bè

Geyserville, thị trấn 800 dân và khu Boyes Hot Springs, cả hai đều thuộc Quận Sonoma, cũng đã được sơ tán.

Lửa cháy bốc cao làm khói và tro bụi bay tận đến San Francisco, cách đó khoảng 80 km, và đến một số thành phố và thị trấn nằm xa hơn nữa ở phía Nam.

Ít nhất 13 trang trại trồng nho ở Thung lũng Nâp đã bị hủy hoại, tổ chức thương mại của người trồng nho nói.

Các trang trại trồng cần sa ở Quận Mendocino có thể bị thua lỗ hàng triệu USD vì nhiều trang trại không có bảo hiểm. Các doanh nghiệp trồng cần sa không mua bảo hiểm được vì cần sa vẫn là chất cấm theo luật liên bang của Mỹ.

Mặc dù dùng cần sa theo tính chất giải trí được bang California hợp pháp hóa năm 2016, thị trường cần sa bán lẻ ở bang này phải đến tháng 1/2018 mới mở cửa.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41608371

 

Lãnh tụ Aung San Suu Kyi ‘kinh hoàng’

về vụ khủng hoảng Rohingya

Lãnh tụ Miến Điện Aung San Suu Kyi bị sốc vì những hình ảnh kinh hoàng của những người Hồi giáo Rohingya bị nạn.

Một cố vấn không muốn nêu tên của bà nói với các phóng viên như vậy vào ngày 13 tháng 10, và nói thêm là bà Suu Kyi quyết tâm giải quyết vụ khủng hoảng này, có điều là phải cẩn thận đừng làm cho tình hình tồi tệ hơn.

Đây được cho là lần đầu tiên bà Suu Kyi thể hiện thái độ của bà về cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Miến Điện, kể từ khi bà liên tục bị chỉ trích là không làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Xin nhắc lại tin nói là đã có đến nửa triệu người Hồi giáo Rohingyia, vốn sống ở bang Rakhine miền Tây Miến Điện phải chạy sang Bangladesh lánh nạn. Họ nói bị thanh lọc sắc tộc ở quê nhà. Hàng trăm người thiệt mạng trên đường chạy loạn vì thuyền bị lật khi đi qua con sông biên giới.

Những người Hồi giáo này bị nhà nước Miến Điện xem là những người nhập cư bất hợp pháp mặc dù họ đã sống nhiều đời tại bang Rakhine. Quân đội Miến Điện luôn bác bỏ rằng họ đang thực hiện một chiến dịch nhằm loại trừ hẳn người Rohingya ra khỏi Miến Điện, mà nói rằng họ chỉ đang chống lại bọn khủng bố.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/myanmars-aung-san-suu-kyi-appalled-at-rohingya-crisis-10132017100051.html

 

Chín nhà hoạt động dân chủ Hong Kong

bị cáo buộc tội miệt thị

Một tòa án Hong Kong vào ngày 13 tháng 10 cáo buộc chín nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tội hình sự bất tuân lệnh tòa khi từ chối không rời cuộc biểu tình đợt ‘Chiếm đóng’ năm 2014 khiến cho nhiều đường phố tại đặc khu này bị tắc nghẽn.

Cáo buộc vừa nêu liên quan đến một lệnh tòa yêu cầu giải tỏa một trại biểu tình tại khu Mong Kok sau gần 79 ngày chiếm đóng để đòi hỏi quyền dân chủ thực sự cho Hong Kong.

Thẩm phán Andrew Chan cho biết 9 người bị cáo buộc lúc bấy giờ từ chối không rời khỏi nơi chiếm đóng mặc dù được viên chức hữu quan cảnh báo nhiều lần.

Hong Kong được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997 theo qui định ‘Một Quốc gia, Hai thể chế’ bảo đảm cho đặc khu mức độ tự trị cao và những quyền tự do mà ở Hoa Lục người dân không có được.

Tuy nhiên, việc can thiệp ngày càng sâu của Bắc Kinh khiến nhiều nhà hoạt động tại Hong Kong mạnh mẽ đấu tranh để bảo vệ những quyền tự do tại đặc khu hành chánh Hong Kong.

Sau đợt biểu tình vào năm 2014, vừa qua có chừng 100 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tại Hong Kong bị tòa kết án. Tình trạng này gây quan ngại về nền pháp trị từng được xây dựng dưới thời Anh Quốc quản trị Hong Kong.

 Lãnh đạo Hong Kong lên tiếng vụ cấm công dân Anh nhập cảnh

Đặc khu trưởng Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, vào ngày 13 tháng 10 lên tiếng bác bỏ cáo buộc Trung Quốc kiểm soát vấn đề nhập cư vào đặc khu hành chánh này.

Tuyên bố của đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga được đưa ra sau khi xảy ra vụ nhà hoạt động người Anh, ông Benedict Rogers, bị ngăn chặn không cho nhập cảnh vào Hong Kong hôm ngày 4 tháng 10 vừa qua.

Sau đó phía Anh yêu cầu Hong Kong giải thích lý do và rồi Bắc Kinh chính thức đưa ra phản đối ngoại giao với London.

Ông Benedict Rogers là nhà hoạt động nhân quyền, ông này là một đảng viên Đảng Bảo thủ Anh.

Lãnh sự quán Anh tại Hong Kong lên tiếng bày tỏ quan ngại và kêu gọi chính quyền Bắc Kinh tôn trọng mức độ tự trị của đặc khu này theo qui định lâu nay.

Đại sứ quán Trung Quốc tại London, trong email trả lời cho hãng tin Reuters, vào chiều tối ngày 12 tháng 10, lặp lại quan điểm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng đó là chuyện chủ quyền của Hoa Lục trong việc cho hay không cho một người nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/nine-hong-kong-democracy-activists-found-guilty-of-criminal-comtempt-10132017093113.html

 

Tổng thống Đài Loan sẽ thăm các đồng minh

Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, sẽ công du ba quốc gia đồng minh Thái Bình Dương, khi mà ngày càng có quan ngại Trung Quốc gây áp lực đối với những nước nhỏ đang công nhận chính quyền Đài Bắc.

Bộ Ngoại giao Đài Loan vào ngày 13 tháng 10 thông báo tổng thống Thái Anh Văn sẽ đi thăm ba quốc đảo tại Thái Bình Dương gồm Marshall, Tuvalu và Solomon từ ngày 28 tháng 10 cho đến 4 tháng 11.

Đó là ba quốc đảo trong số 6 đồng minh hiện nay của Đài Loan tại Thái Bình Dương.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Đài Loan thì đây là chuyến công du đầu tiên của nữ tổng thống Thái Anh Văn đến các nước đồng minh tại Thái Bình Dương kể từ khi bà này lên nhậm chức vào năm ngoái.

Điều này cho thấy quyết tâm củng cố mối quan hệ của Đài Bắc với những quốc gia đồng minh, dù nhỏ bé.

Bộ Ngoại giao Đài Loan từ chối không cho biết điểm quá cảnh của chuyến công du sắp tới của tổng thống Thái Anh Văn; nói rõ đó là một vấn đề ‘tế nhị’ vào thời điểm ngay sau Đại hội 19 đảng cộng sản Trung Quốc.

Chuyến công du ra nước ngoài gần nhất của tổng thống Thái Anh Văn là vào tháng giêng vừa qua khi bà đến thăm những nước đồng minh Trung Mỹ. Lúc đó bà quá cảnh qua Hoa Kỳ. Trung Quốc lên tiếng yêu cầu Washington ngăn không cho tổng thống Đài Loan quá cảnh nước Mỹ; tuy nhiên yêu cầu đó không được đáp ứng.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-south-korea-prepare-to-launch-major-naval-exercises-10132017084523.html/taiwan-president-to-visit-pacific-allies-amid-china-pressure-10132017090417.html

 

Vợ chồng con tin Mỹ-Canada rời Pakistan

sau 5 năm trong tay Taliban

Các giới chức quân đội Pakistan cho biết một cặp vợ chồng Mỹ-Canada và ba con nhỏ của họ đã rời Pakistan hôm thứ Sáu 13/10 để trở về phương Tây sau 5 năm bị phe Taliban cầm giữ.

Ra tay hành động sau khi được nhận được tin mật báo của tình báo Mỹ, các binh sĩ Pakistan đã giải cứu được bà Caitlan Coleman, công dân Mỹ 31 tuổi, và chồng bà, công dân Canada Joshua Boyle, 33 tuổi, từ khu vực bộ tộc Kurram gần biên giới giáp ranh với Afghanistan hôm thứ Tư.

Tổng thống Donald Trump ca ngợi tin gia đình con tin này được giải cứu khỏi tay của mạng lưới Haqqani, một tổ chức khủng bố có liên hệ với phe Taliban.

Tổng thống Trump nói:

“Sự hợp tác của chính quyền Pakistan là một dấu hiệu cho thấy họ tôn trọng ý kiến của Hoa Kỳ, muốn họ làm nhiều hơn để giữ gìn an ninh cho khu vực. Tôi muốn ngỏ lời cảm ơn chính quyền Pakistan. Tôi muốn cảm ơn chính phủ Pakistan, đất nước Pakistan. Họ đã tận lực làm việc trong vụ này và tôi tin là họ đã bắt đầu tôn trọng Hoa Kỳ trở lại. Điều đó rất quan trọng. Tôi tin là ngay trong lúc này, rất nhiều quốc gia đã bắt đầu tôn trọng Hoa Kỳ một lần nữa. Tôi hy vọng sẽ được chứng kiến sự hợp tác tương tự trong tinh thần làm việc theo nhóm để bảo đảm các con tin còn lại được phóng thích, cũng như trong các chiến dịch hỗn hợp tuong lai của hai nước chúng ta.”

Ngũ Giác Đài không cho biết chi tiết về họ đã làm thế nào để bảo đảm bà Coleman và gia đình bà được trả tự do, mà chỉ nói đây là “một dấu hiệu tốt” cho các quan hệ Mỹ-Pakistan.

Trung tướng Kenneth McKenzie – lãnh đạo Ban tham mưu liên quân Hoa Kỳ nói:

“Tôi chỉ muốn nói thêm rằng một trong những yếu tố trong chiến lược Nam Á mới của chúng ta có vấn đề khu vực hóa chiến lược mà Bộ trưởng Quốc phòng đã nói đến. Chúng tôi coi việc Pakistan và các lực lượng quân đội của nước này giải cứu các công dân Mỹ ở Pakistan, là một diễn biến thuận lợi theo hướng đó. Chúng tôi coi đây là một điều hết sức tích cực mà Pakistan đã thực hiện để đi tới phía trước.”

Hai vợ chồng Coleman và Boyle bị mất tích trong khi đi cắm trại ở Afghanistan vào năm 2012. Nhóm Taliban ở Afghanistan sau đó nhận trách nhiệm đã bắt cóc cặp đôi này.

Lúc bị bắt cóc, bà Coleman đang mang thai, ngoài đứa bé này, thêm 2 đứa con khác đã ra đời trong thời gian hai vợ chồng bị giam cầm.

https://www.voatiengviet.com/a/vo-chong-con-tin-my-canada-roi-pakistan-sau-5-nam-trong-tay-taliban/4068930.html

Nghi vấn về gia đình con tin Mỹ-Canada

được giải cứu ở Pakistan

Sự trở về của một gia đình 5 người, vợ Mỹ chồng Canada, được trả tự do sau 5 năm bị giam cầm như con tin của mạng lưới Haqqani, một nhóm Taliban chuyên bắt cóc người, là chuyện đáng mừng, và lập tức Tổng thống Trump đã lên tiếng ca ngợi sự hợp tác của chính quyền Pakistan trong vụ việc này.

Tuy nhiên, ngay cả trước khi gia đình Coleman-Boyle ra phi trường để trở về với thế giới phương Tây, đã có nhiều nghi vấn được đặt ra về cặp đôi này. Chẳng hạn như, tại sao gia đình Coleman-Boyle không trở về Hoa Kỳ, khi mà một máy bay quân sự Mỹ đã chờ sẵn ở phi trường Islamabad để đưa họ sang Đức khám sức khỏe, rồi sau đó bay về Mỹ?

Một giới chức quân sự Mỹ cho biết một toán đặc nhiệm của quân đội Hoa Kỳ chuyên về con tin đã bay sang Pakistan hôm thứ Tư, chuẩn bị đưa gia đình Coleman về nước. Tuy nhiên sáng sớm hôm sau, trong khi gia đình đang đi bộ ra máy bay chờ sẵn, Boyle từ chối lên máy bay.

Một giới chức Mỹ khác cho biết ông Boyle sợ bị Mỹ “câu lưu” vì những liên hệ gia đình. Vợ cũ của Boyle là Zaynab Khadr, con gái của một nhà kinh tài phục vụ cho mạng lưới khủng bố al-Qaida. Zaynab còn là chị của Omar Khadr, từng bị giam ở nhà tù của Mỹ ở vịnh Guantanamo. Ông Ahmed Said Khadr, cha của hai chị em, từng ở nhà Osama bin Laden, thủ lãnh của al-Qaida, torng một thời gian ngắn khi Omar còn là một đứa trẻ.

Các giới chức Mỹ đã gạt sang một bên giữa lý lịch này và vụ Boyle bị bắt cóc, nói rằng đây là một sự trùng hợp, và Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định cả ông Boyle lẫn vợ, bà Coleman không bị truy nã về bất cứ tội liên bang nào.

Trước đó, quân đội Pakistan nói gia đình Coleman sẽ trở về nguyên quán, nhưng tới chiều tối 11/10, hai vợ chồng nói với các giới chức Mỹ rằng họ muốn đáp máy bay thương mại sang Canada, và sau cùng lên máy bay của chính phủ Pakistan, bay sang Anh quốc. Hiện chưa rõ liệu, hoặc bao giờ, thì cặp vợ chồng này mới về Mỹ.

Một số độc giả cũng thắc mắc về làm thế nào vợ chồng con tin này có thể sinh ra thêm 2 đứa con nữa trong thời gian bị Taliban bắt làm con tin, và giờ có 3 mặt con, kể cả đứa bé còn trong bụng mẹ khi hai vợ chồng bị bắt cóc?

Bị bắt cóc:

Năm 2012 hai vợ chồng thực hiện một chuyến du lịch “Tây ba lô” qua các nước Nga, Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan, nhưng sau đó họ tới Afghanistan, một nước không nằm trong hành trình đã lên kế hoạch lúc ban đầu. Coleman và Boyle mất tích vào tháng 10 năm 2012 trong khi đang đi cắm trại ở Afghanistan, lúc đó bà Coleman đã mang thai nhiều tháng.

Tổ chức Taliban ở Afghanistan nhận trách nhiệm bắt cóc họ. Tin sau này cho biết vụ bắt cóc xảy ra ở tỉnh Wardak, một cứ địa của Taliban ở vùng Tây Nam thủ đô Kabul. Các giới chức Mỹ nói hai vợ chồng bị mạng lưới Haqqani, một nhóm khủng bố có liên kết với Taliban, cầm giữ.

Nhóm chủ chiến này đã công bố hai băng video trong thời gian các con tin bị cầm giữ, và đòi đánh đổi tù nhân của họ với tự do cho gia đình Coleman-Boyle.

Một trong số các tù nhân mà nhóm chủ chiến này đòi thả có tử tù Annas Haqqani, em trai của Sirajuddin Haqqani, thủ lãnh mạng lưới Haqqani kiêm Phó thủ lãnh Taliban. Annas Haqqani đang chờ bị hành quyết trong một nhà tù ở Afghanistan.

Một giới chức cao cấp của Taliban được phóng viên VOA tiếp xúc, nói rằng bà Coleman và ông Boyle đã “cải đạo sang đạo Hồi” trong thời gian bị giam cầm.

Được giải cứu

Người phát ngôn của quân đội Pakistan, Trung Tướng Asif Ghafoor nói với VOA rằng sự hợp tác giữa các giới chức Mỹ và Pakistan là thiết yếu cho sự thành công của chiến dịch giải cứu con tin..

“Chúng tôi lập tức điều quân ngay sau khi được tin của các giới chức Mỹ vào khoảng 4 giờ chiều hôm thứ Tư (giờ địa phương). Quân Taliban đang chở các con tin trên một chiếc xe chạy ở vùng biên giới, bên phía Pakistan. Chúng tôi chạy theo và giải cứu an toàn các con tin.”

Tin này đã được công bố giữa lúc bà Lisa Curtis, Giám Đốc Hội đồng An ninh Quốc gia đặc trách Nam và Trung Á đến thăm Islamabad, dẫn đầu phái đoàn cấp cao của Mỹ trong cuộc đàm phán với các giới chức Pakistan để tái xét quan hệ song phương và bàn về các vấn đề hai nước cùng quan tâm.

Washinton từ lâu tố cáo Islamabad là duy trì những mối liên hệ với mạng lưới Haqqani và quân Taliban để kéo dài cuộc xung đột tại nước láng giềng Afghanistan. Các giới chức Pakistan bác bỏ cáo buộc đó và nói vụ giải cứu con tin thành công hôm 11/10 là một minh chứng nói lên quyết tâm chống khủng bố của Islamabad và quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ.

https://www.voatiengviet.com/a/nghi-van-ve-gia-dinh-con-tin-my-canada-duoc-giai-cuu-o-pakistan/4069296.html

 

Trump chính thức đề cử tân Bộ trưởng An ninh Nội địa

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/10 chính thức đề cử đương kim Phó Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc, Kirstjen Nielsen, làm Bộ trưởng An ninh Nội địa.

Bà Nielsen trước đây từng làm chánh văn phòng cho ông John Kelly, người hiện làm Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc cho Tổng thống Trump, khi ông Kelly còn làm Bộ trưởng An ninh Nội địa đầu tiên dưới thời Trump.

Tổng thống Trump nói với đề cử này, bà Nielsen sẽ trở thành cựu nhân viên đầu tiên của Bộ này quay lại làm lãnh đạo cả Bộ.

Bà Nielsen là ‘tay trái tay mặt’ của ông Kelly và là một chuyên gia về chính sách an ninh quốc gia.

Trước đây, bà từng làm trợ lý đặc biệt cho cựu Tổng thống George W. Bush.

Nhận đề cử của Tổng thống Trump, bà Nielsen nói bà hy vọng sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn mà người Mỹ kỳ vọng và xứng đáng có được.

Đề cử của Tổng thống phải chờ được Thượng viện biểu quyết xác nhận.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-chinh-thuc-de-cu-tan-bo-truong-an-ninh-noi-dia-my-/4068151.html

 

Trump ký lệnh làm suy yếu Obamacare

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Năm ký một sắc lệnh nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn để dân Mỹ có thể mua các chương trình bảo hiểm y tế tối giản, sử dụng quyền hành Tổng thống của ông làm lung lay Obamacare sau khi các thượng nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội không hủy bỏ được đạo luật chăm sóc y tế 2010 này.

Ông Trump ban hành sắc lệnh hành pháp nhắm mục tiêu cho phép các doanh nghiệp nhỏ hợp lực với nhau vượt ra ngoài ranh giới của bang để mua các chương trình bảo hiểm y tế rẻ hơn, ít bị quản lý hơn cho nhân viên của mình với ít phúc lợi hơn. Tuy nhiên, những lựa chọn bảo hiểm mới này có thể tới năm 2019 mới được ứng dụng, và sắc lệnh Tổng thống vừa ban có thể đối mặt với những thách thức pháp lý từ các Tổng chưởng lý theo Đảng Dân chủ từ các tiểu bang.

Đây là bước đi cụ thể nhất của ông Trump để lật ngược Obamacare kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1 với lời hứa bãi bỏ chính sách đối nội mang dấu ấn của Tổng thống Barack Obama.

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện cáo buộc ông Trump “một tay phá tan tành hệ thống chăm sóc y tế của chúng ta.”

“Không bãi bỏ được luật này ở Quốc hội, Tổng thống giờ đang phá hoại hệ thống này,” ông Schumer nói.

Hạ viện hồi tháng 5 đã thông qua một đạo luật của phe Cộng hòa để bãi bỏ Obamacare. Nhưng những nỗ lực của các thượng nghị sĩ Cộng hòa trong Thượng viện nhằm bãi bỏ và thay thế Obamacare đã thất bại vào tháng 7 và tháng 9, một phần vì dự luật được đề xuất sẽ khiến hàng triệu người Mỹ mất bảo hiểm y tế.

Các nghị sĩ Cộng hòa gọi Obamacare, vốn mở rộng bảo hiểm y tế cho 20 triệu người, là sự can thiệp thái quá của chính phủ vào vấn đề chăm sóc y tế của người Mỹ, và đã hứa hẹn sẽ bãi bỏ nó suốt bảy năm qua.

Sắc lệnh của ông Trump làm suy yếu Obamacare một phần bằng cách cho phép người ta tiếp cận các kế hoạch bảo hiểm y tế không bao gồm các phúc lợi thiết yếu như thai sản và chăm sóc y tế trẻ sơ sinh, thuốc theo toa, và điều trị sức khoẻ tâm thần và cai nghiện.

Obamacare, tên chính thức là Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá Phải chăng, bắt buộc hầu hết các chương trình bảo hiểm y tế của doanh nghiệp nhỏ và cá nhân phải cấp những phúc lợi đó.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-ky-lenh-lam-suy-yeu-obamacare/4068154.html

 

Tổng thống Trump sắp ra chiến lược mới với Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/10 sẽ đưa ra một chiến lược đối đầu hơn với Iran trong bài diễn văn mà có phần chắc nội dung sẽ là một đòn giáng mạnh đối với thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với quốc tế và sẽ khiến quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh Châu Âu phức tạp hơn.

Các giới chức Mỹ cho hay theo dự kiến Tổng thống Trump sẽ công bố không xác nhận thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 vì thỏa thuận này không nghiêng về lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Trước đây, ông từng hai lần xác nhận thỏa thuận này nhưng các phụ tá Tổng thống cho hay ông không muốn xác nhận thêm lần thứ ba.

Tuy nhiên, cũng có thể Tổng thống thay đổi ý định giờ chót trước khi đề ra hướng tiếp cận mới của chính phủ Trump với Iran trong bài diễn văn tại Tòa Bạch Ốc lúc 12:45 trưa 13/10, giờ miền Đông Hoa Kỳ.

Công bố của Tổng thống Trump không xác nhận thỏa thuận Iran không có nghĩa là Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận này, nhưng Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định xem có tái ban hành trừng phạt với Tehran. Những chế tài đó bị đình chỉ chiếu theo thỏa thuận giữa Iran với 6 cường quốc dưới thời Tổng thống Obama.

Các thanh sát viên quốc tế cho hay Iran tuân thủ thỏa ước, nhưng ông Trump nói Tehran vi phạm tinh thần của thỏa thuận và chưa làm gì để kìm chế chương trình phi đạn đạn đạo cũng như chưa làm gì hạn chế yểm trợ tài chính và quân sự cho Hezbollah và các nhóm cực đoan khác.

Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc John Kelly nói phương án của Mỹ sắp tới là bắt tay với các đồng minh ở Trung Đông để chế ngự các hoạt động của Iran.

Các nước đồng minh Châu Âu cảnh báo quyết định mới của Mỹ sẽ gây rạn nứt giữa các nước về vấn đề Iran.

Lãnh đạo Anh, Pháp đã thúc giục Mỹ tiếp tục xác nhận thỏa thuận Iran vì tinh thần đoàn kết đồng minh.

Ngoại trưởng Đức kêu gọi EU đoàn kết trong vấn đề này. Ông Sigmar Gabriel nói “Chúng ta phải cho người Mỹ thấy rằng hành xử của họ trong vấn đề Iran sẽ khiến Châu Âu có quan điểm chung với Nga và Trung Quốc chống lại Mỹ.”

Ký kết bởi Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Liên hiệp Châu Âu và Iran, thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 dỡ bỏ chế tài cho Tehran đổi lại việc Iran đình chỉ chương trình hạt nhân.

Theo Reuters

https://www.voatiengviet.com/a/trump-sap-ra-chien-luoc-moi-voi-iran/4068140.html

 

Bộ Tư pháp ra ‘tối hậu thư’ cho các thành phố ‘chứa chấp’

Bộ Tư pháp Mỹ vừa ra thông báo với năm địa phương: phải chấm dứt các chính sách ‘chứa chấp’ di dân bất hợp pháp trước ngày 27 tháng này.

Bộ nói thành phố Chicago thuộc bang Illinois; New Orleans ở bang Louisiana; New York trực thuộc bang New York; Philadelphia thuộc Pennsylvia, và Hạt Cook thuộc Illinois không tuân thủ một điều khoản trong luật cấm các định chế nhà nước ngăn cản công việc của nhân viên di trú.

Bộ Tư pháp nói các địa phương được gọi là ‘nơi ẩn náu an toàn’ cho di dân bất hợp pháp thường không hợp tác với các giới chức liên bang trong việc thông báo tình trạng di trú của những người bị bắt giữ có liên quan tới hoạt động tội phạm.

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions ngày 12/10 tuyên bố những nơi theo chính sách ‘chứa chấp’ cũng có quan điểm rằng bảo vệ những người nước ngoài phạm tội quan trọng hơn bảo vệ những công dân Mỹ tuân thủ luật pháp hay bảo vệ pháp quyền.

Bộ trưởng Sessions kêu gọi tất cả những ‘thành phố ẩn náu an toàn’ xem lại, cân nhắc lại các chính sách gây phương hại an toàn cho cư dân nội địa

Bộ Tư pháp chưa cho biết cụ thể nếu các địa phương này không tuân thủ yêu cầu trước thời hạn chót 27/10 thì hậu quả sẽ ra sao. Bộ trưởng Sessions từng tuyên bố ngân quỹ liên bang sẽ bị rút lại đối với các địa phương ‘chứa chấp.’

https://www.voatiengviet.com/a/bo-tu-phap-ra-toi-hau-thu-cho-cac-thanh-pho-chua-chap-di-dan-bat-hop-phap/4068134.html

 

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ thúc bỏ chính sách bảo hộ tị nạn

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions ngày 12/10 tuyên bố các chính sách cho phép người nhập cư xin bảo hộ tị nạn tại Mỹ có nhiều bất cập và bị “lạm dụng và gian lận tràn lan.”

Trong bài phát biểu tại Văn phòng Điều hành về Duyệt xét Nhập cư, ông Sessions nói quá nhiều người nhập cư đã lợi dụng những quy định này, và hối thúc Quốc hội thông qua luật siết chặt việc cung cấp bảo hộ tị nạn.

Cải tổ hệ thống bảo hộ tị nạn của Mỹ nằm trong danh sách những đề xuất di trú Tòa Bạch Ốc gửi cho Quốc hội cuối tuần qua mà Tổng thống Donald Trump muốn có, để đổi lại, sẽ có sửa đổi lập pháp cho chương trình Hành động Trì hoãn đối với Người đến Mỹ từ nhỏ (DACA). Hầu hết các nguyên tắc, bao gồm việc trấn áp dòng trẻ em vị thành niên từ Trung Mỹ không người dìu dắt đổ vào Mỹ, có phần chắc sẽ không được phe Dân chủ chấp nhận.

Ông Sessions không thông báo bất kỳ sự thay đổi chính sách cụ thể nào trong bài phát biểu của ông nhưng kêu gọi Quốc hội hành động.

Ông nói rằng có những “lỗ hổng” trong luật cho phép những người nhập cư được phóng thích trong khi đợi thẩm phán nghe hồ sơ, những người mà các quan chức liên bang xác định có “nỗi sợ khả tín” về việc hồi hương.

Ông cũng cố xúy áp đặt và thi hành những biện pháp trừng phạt đối với những đơn xin bảo hộ tị nạn “vô căn cứ,” nâng các chuẩn mực về bằng chứng trong các cuộc phỏng vấn thẩm định “nỗi sợ khả tín”, và mở rộng khả năng trả người xin bảo hộ tị nạn sang một nước thứ ba an toàn.

Sau khi họ vượt qua được cuộc thẩm duyệt “nỗi lo sợ khả tín”, nhiều người biến mất và không bao giờ xuất hiện để dự phiên tòa di trú của họ, ông Sessions nói.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-tu-phap-my-thuc-bo-chinh-sach-bao-ho-ti-nan/4068139.html

 

Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ trích Trump

Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ quan ngại về tương lai nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump với nhận xét rằng Hoa Kỳ đang ngày càng ‘ích kỷ’ và ‘theo chủ nghĩa dân tộc’.

“Tổ tiên của quý vị thật sự coi trọng tự do, quyền tự do, dân chủ, những điều đó,” lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng nói với Washington Post ngày 11/10.

“Vị Tổng thống hiện nay, ngay từ đầu ông ta nhắc tới ‘Nước Mỹ trên hết’. Tôi nghe không được hay lắm,” Ngài tiếp lời.

Tiếp đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ trích các chính sách của chính quyền Trump về hiện tượng hâm nóng toàn cầu, nói rằng ông Trump thiếu lưu ý về vấn đề này.

“Đương kim Tổng thống không lưu tâm nhiều tới sinh thái.” “Tuy nhiên, dân Mỹ bầu chọn ông ấy, tôi phải tôn trọng điều đó.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma không phải là lãnh đạo tôn giáo đầu tiên phê phán các chính sách và luận điệu của Tổng thống Trump.

Đức Giáo Hoàng Francis cũng ‘xích mích’ với ông Trump về vấn đề di dân và biến đổi khí hậu.

Vị chủ chăn Công giáo đã gặp Tổng thống Trump trước đây trong năm. Ngài lên tiếng chỉ trích ông Trump khi ông Trump loan báo hồi tháng trước chấm dứt chương trình DACA bảo vệ những ai tới Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ khỏi bị trục xuất. Đức Giáo Hoàng nói Tổng thống nên xem lại quyết định này nếu tự cho mình là người cổ súy sự sống.

Tổng thống Trump chưa gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma dù dân biểu Jim Sensenbrenner, trong một lá thư năm ngoái, từng thúc giục ông việc này.

Theo The Hill/ Washington Post

https://www.voatiengviet.com/a/duc-dat-lai-lat-ma-chi-trich-trump-/4068126.html

 

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ngày 12/10 loan báo sẽ ngưng cấp visa cho công nhân xuất khẩu lao động từ Triều Tiên giữa lúc căng thẳng dâng cao liên quan đến tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Quyết định của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất được đưa ra sau khi Kuwait và Qatar có những thay đổi chính sách tương tự, hạn chế khả năng Triều Tiên ‘xoay sở’ với các biện pháp chế tài và kiếm nguồn ngoại tệ từ lao động xuất khẩu sang các nước Trung Đông.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng cấm các công ty Triều Tiên hoạt động tại bất kỳ đâu trong số 7 tiểu vương quốc cũng như chấm dứt chương trình đại sứ không thường trú với Triều Tiên.

Trước đó, Kuwait, vào tháng 9, đã thông báo với đại sứ Triều Tiên ở Kuwait rằng ông ta có 1 thán để rời khỏi đây và Kuwait cũng ngưng cấp visa cho tất cả công dân Triều Tiên.

Qatar cũng cho biết không còn cấp visa cho lao động xuất khẩu từ Triều Tiên nữa.

Tin nói Hàn Quốc và Nhật Bản đã áp lực các nước Trung Đông cấm cửa công nhân Triều Tiên vì dòng kiều hối từ những người này trực tiếp làm lợi cho chế độ Kim Jong Un.

https://www.voatiengviet.com/a/cong-nhan-xuat-khau-cua-trieu-tien-bi-khuoc-tu-visa-/4068121.html

 

Chiến lược chống cực đoan hóa ở Châu Âu hậu ISIS

Liệu sự sụp đổ của nhóm khủng bố Nhà Nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq, và sự cáo chung của cái gọi là ‘vương quốc Hồi giáo’ của họ, có tạo ra sự khác biệt nào trong việc tuyển mộ chiến binh cho IS và cực đoan hóa giới trẻ sinh sống tại Âu Châu? Và liệu thất bại quân sự của IS có giảm các cuộc tấn công khủng bố thuộc loại “sói đơn độc” ở phương Tây?

Câu hỏi này cần được nêu lên hơn bao giờ hết khi mà các lực lượng do người Kurd dẫn đầu và được Hoa Kỳ yểm trợ đang tiến gần tới chỗ xóa sổ Nhà Nước Hồi giáo ở Raqqa, ‘thủ đô của Nhà Nước Hồi giáo’ ở Syria. Tuy nhiên các giới chức Bỉ và Pháp không tin là những vụ giết chóc sẽ chấm dứt ở Châu Âu, ít nhất trong tương lai có thể thấy được.

Các nhà phân tích nói ý niệm về một vương quốc Hồi giáo tỏ ra hữu ích trong việc quảng cáo cho nhóm khủng bố IS, giúp họ tuyển mộ cảm tình viên ở nước ngoài, và cho phép nhóm IS nhấn mạnh sự khác biệt giữa họ với al-Qaida, nhóm khủng bố tranh giành ảnh hưởng với IS, vốn vẫn chống đối việc thành lập một vương quốc Hồi giáo. Tổ chức al-Qaida mới đây đã châm biếm thủ lãnh IS, Abu Bakr al-Baghdadi, tự phong cho mình làm vua trị vì vương quốc Hồi giáo.

Các nhà phân tích nói một trong những cách để IS có thể sống còn và tiếp tục đóng vai trò nổi hơn al-Qaida, là mở các cuộc tấn công thường xuyên tại các nước phương Tây, nếu có thể làm được.

Tháng trước, al-Baghdadi tái xuất hiện sau 11 tháng không ra mắt công chúng, khi ông ta phát tán một băng thu âm, châm chọc Hoa Kỳ và chiêu dụ các phần tử thánh chiến tập hợp chống chế độ Syria, đồng thời nhấn mạnh IS vẫn hiện diện bất chấp là đang nhanh chóng mất đi những vùng lãnh thổ từng nằm dưới quyền kiểm soát của họ. al-Baghdadi đã góp tiếng với Abu Mohammad al-Adnani, người cầm đầu bộ phận tuyên truyền của IS (đã bị giết chết), khi tuyên bố “duy trì lãnh thổ không quan trọng bằng duy trì ý chí chiến đấu”.

Tuy nhiên ông Baghdadi phần lớn tập trung vào việc vinh danh các cuộc tấn công nhắm vào phương Tây. Ông nói: “Hoa Kỳ, Châu Âu và Nga đang sống trong tình trạng hồi hộp, lo sợ bị khủng bố.”

Phát biểu hồi tháng 8, sau khi IS bị đánh bật ra khỏi thành phố Mosul bên Iraq, và trong khi các lực lượng do người Kurd dẫn đầu khởi sự cuộc tấn công, tái chiếm Raqqa, Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron nói cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo là “ưu tiên hàng đầu” của Pháp, ngay bây giờ và trong thời gian dài sắp tới.

Các giới chức Pháp và Bỉ nhận xét nhóm IS rất sáng tạo và bất chấp các nỗ lực nhằm giảm thiểu quy mô hoạt động của họ trên mạng, IS vẫn có thể phổ biến những tài liệu tuyên truyền, mà họ linh động sửa đổi tùy theo hoàn cảnh để kích động ủng hộ viên, thử nghiệm những ý kiến mới và uốn nắn câu chuyện sao cho phù hợp với chiến lược của mình.

Nhà nghiên cứu Charlie Winter nói đối với IS, chiến tranh truyền thông vẫn luôn luôn quan trọng, và được đặt ngang hàng với những thắng lợi trên thực địa ở Syria và Iraq.

Trong một bài tham khảo viết cho Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu tiến trình Cực đoan hóa và Bạo lực Chính trị của King’s College ở London, ông Winter lưu ý rằng đối với IS, việc sản xuất các tài liệu tuyên truyền và phát tán thông tin có lúc được xem là quan trọng hơn cả chiến dịch quân sự thánh chiến.

Ngay cả khi đang mất gần hết lãnh thổ, IS vẫn phát động chiến tranh thông tin, vẫn tuyển mộ người và kích động bạo lực.

Nhà nghiên cứu Winter nói:

“Cộng đồng quốc tế cũng phải sáng tạo và có óc chiến lược như vậy trong lối tiếp cận của mình để chống chiến tranh thông tin của IS.”

Các giới chức và giới phân tích khuyến cáo: vấn đề cực đoan hóa nói chung vẫn in như cũ so với trước những thất bại quân sự của IS trên chiến trường. Cựu Thủ Tướng Pháp Manuel Valls miêu tả hiện tượng cực đoan hóa là “một mô hình xã hội chết người.”

Không chỉ có nước Pháp là gặp khó khăn trong cuộc đấu tranh để tìm hiểu tiến trình cực đoan hóa, và phát triển những phương thức hiệu quả để chống cực đoan hóa. 16 năm sau các cuộc tấn công ngày 11/9, chính quyền các nước phương Tây vẫn chưa nắm vững các cơ chế có thể biến một người bình thường thành một kẻ cực đoan, và tại sao một số người tin tưởng vào viễn kiến của các nhóm thánh chiến, tới mức sẵn sàng tham gia các cuộc tấn công giết người, trong một số trường hợp.

Nhà xã hội học Farhad Khosrokhavar, Giáo sư Trường Cao đẳng Khoa học Xã hội, một trường đại học danh giá ở Paris, lo lắng rằng hiện tượng cực đoan hóa vẫn được các chính quyền coi như một thách thức về mặt an ninh thuần túy. Ông nói chính quyền các nước không tìm hiểu đủ sâu về hệ quả lâu dài của tình trạng một người bị gạt ra ngoài lề xã hội, loại ra ngoài vòng pháp luật.

Vai trò của internet và các nhóm truyền thông xã hội kín trong việc hình thành tư duy ủng hộ thánh chiến, tạo ra những nhóm tôn sùng một ‘anh hùng của bóng tối’, chỉ mới bắt đầu được tìm hiểu.

Các yếu tố tâm lý cũng rất quan trọng. Tại một hội nghị ở London hồi năm ngoái, ông Khosrokhavar nêu bật sự kiện một số đáng kể kẻ tấn công thánh chiến đã được chẩn đoán là mắc bệnh trầm cảm, hoặc các chứng bệnh tâm thần khác.

Nhưng các nỗ lực nhằm tìm hiểu thấu đáo hơn chủ nghĩa cực đoan hóa thường vấp phải sức kháng cự từ giới lãnh đạo chính trị, đặc biệt khi họ phải đối mặt với sức ép phải chặn đứng các cuộc tấn công khủng bố. Ông Valls nổi tiếng vì đã từng tuyên bố ông đã quá mỏi mệt với “những lý do xã hội, xã hội học, và văn hóa” để biện minh cho phong trào thánh chiến. Ông từng phán: “Giải thích là xóa bỏ trách nhiệm.”

Nước Pháp, nước mà kể từ năm 2015 đã nhiều lần trở thành địa điểm nơi xảy ra một loạt cuộc tấn công khủng bố, với 240 mạng sống bị cướp mất, khoảng 350 phần tử cực đoan đang bị giam cầm trong các nhà tù, gần 6000 phần tử chủ chiến nằm trong danh sách bị cảnh sát theo dõi, và thêm 17,000 người khác bị xếp loại vào thành phần được coi như một “mối đe dọa tiềm tàng”.

Các số liệu này không cao đến như vậy ở Bỉ, nhưng quốc gia nhỏ bé này đóng một vai trò lớn hơn kích cỡ của nó khi nói đến phong trào thánh chiến ở Châu Âu. Tính trên đầu người, Bỉ đóng góp nhiều chiến binh cho IS và các nhóm thánh chiến khác, hơn bất cứ nước Âu Châu nào khác.

Cả hai nước Pháp và Bỉ đã gặp nhiều khó khăn khi tìm cách thành lập các chương trình chống cực đoan hóa hữu hiệu. Pháp chỉ phát động chiến dịch chặn đứng cực đoan hóa trong giới trẻ bất mãn chỉ cách đây 2 năm, trễ hơn so với nhiều nước Âu Châu. Nhưng các nỗ lực của nước này đã vấp phải khó khăn, và một kế hoạch để mở 13 trung tâm chống cực đoan hóa tại 13 quận của Paris đã bị bỏ ngang, sau khi một trung tâm thí điểm bị đóng cửa hồi đầu năm nay giữa một cuộc tranh cãi về các phương pháp được sử dụng.

https://www.voatiengviet.com/a/chien-luoc-chong-cuc-doan-hoa-o-chau-au-hau-isis/4067833.html

 

Rohingya: Aung San Suu Kyi trình bày kế hoạch

trước khi LHQ họp kín

Thu Hằng

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp kín vào tối 13/10/2017 về tình trạng người Rohingya tại Miến Điện, theo khởi xướng của Pháp và Anh Quốc. Một hôm trước sự kiện này, ngày 12/10, bà Aung San Suu Kyi đã trình bày những đường hướng chính trong tiến trình mang tên « Sáng kiến quốc gia để cứu trợ nhân đạo, tái định cư và phát triển tại vùng Rakhine ».

Bài diễn văn được cố vấn quốc gia Miến Điện trình bày trên truyền hình, bằng tiếng Miến Điện, chứ không phải bằng tiếng Anh như lần đầu tiên phát biểu về cuộc khủng hoảng người Rohingya.

Ngoài nhấn mạnh đến sự thống nhất của Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi đề ra ba mục đích chính đối với tình hình tại bang Rakhine : « Hồi hương những người đã trốn chạy sang Bangladesh và cung cấp hỗ trợ nhân đạo một cách hiệu quả ; tái định cư những người này ; mang lại cho vùng sự phát triển và thiết lập ổn định lâu dài ».

Về vấn đề người tị nạn, bà Aung San Suu Kyi cho biết Miến Điện « đang đàm phán với chính phủ Bangladesh về việc hồi hương những người hiện đang có mặt tại quốc gia này ».

Unicef kêu gọi EU giúp Bangladesh quản lý người Rohingya

Trong khi đó, ông Edouard Beigbedder, đại diện của Unicef tại Bangladesh đã đến Bruxelles từ ngày 12/10 để báo động với Liên Hiệp Châu Âu về tình trạng của người Rohingya, đồng thời đề nghị Bruxelles hỗ trợ.

Hiện có khoảng hơn 800.000 người Rohingya vượt biên sang Bangladesh, trong đó 80% là phụ nữ và trẻ em. Dù không có đủ tiềm lực tài chính, quốc gia Nam Á này đã không đóng cửa biên giới đối với người Rohingya hay xua ngược họ trở lại Miến Điện như từng làm hồi tháng 08/2017.

Thông tín viên RFI Laxmi Lota cho biết Unicef cần 70 triệu euro để xây dựng các công trình hạ tầng cần thiết nhằm tiếp nhận người tị nạn Rohingya, trong đó những nhu cầu cấp bách nhất là về y tế, dinh dưỡng, nước và công trình vệ sinh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171013-rohingya-aung-san-suu-kyi-trinh-bay-ke-hoach-truoc-khi-lhq-hop-kin

 

Mỹ: Tù nhân trở thành lính cứu hỏa tại California

Thu Hằng

Hỏa hoạn tiếp tục hoành hành tại bang California, Mỹ khiến ít nhất 31 người thiệt mạng và gần 500 người bị mất tích theo thống kê mới nhất ngày 12/10/2017. Khoảng 77.000 ha và 3.500 công trình đã bị thiêu rụi trong những đám cháy bắt đầu từ Chủ Nhật 08/10.

Lực lượng cứu hỏa nhận được sự hỗ trợ đáng kể của khoảng 553 tù nhân tình nguyện chống« giặc lửa » ở phía bắc San Francisco. Đặc phái viên RFI Eric de Salve tường trình từ Calistoga, thuộc hạt Napa :

« Giữa lò lửa California, họ đang tìm cách dập những đám cháy trong trang phục mầu da cam. Curtis và những người bên cạnh lại không phải là những người lính cứu hỏa mà là tù nhân, được chính quyền tạm cho ra khỏi tù để chiến đấu với lửa.

Curtis nói : « Đúng, tôi là một tù nhân. Được đến đây cứu hỏa là chút cơ hội cảm nhận tự do mà tôi có được. Tôi thấy phấn khích nhưng… xin lỗi nhé, tôi phải đi đây, có nhiều việc phải làm lắm ! »

Trên ngọn đồi làm mồi cho lửa, lửa vẫn tiến dần. Cả lính cứu hỏa và tù nhân vừa cứu được một ngôi nhà khỏi Bà Hỏa chỉ trong gang tấc.

Ông Paul, phụ trách điều phối chiến dịch, cho biết : « Đúng, chúng tôi có một nhóm 20 tù nhân, cả đàn ông lẫn phụ nữ, đang giúp chúng tôi đối đầu với hỏa hoạn. Chúng tôi vừa để mất một kho chứa nhưng đã cứu được ngôi nhà, giờ thì ngôi nhà đã được an toàn ».

Các chiến dịch này nhằm ngăn lửa lan đến thành phố Calistoga, nằm ở phía dưới và chỉ cách có 2 km, hiện đang bị lửa vây quanh.

Ít nhất 31 người bị chết trong đợt hỏa hoạn lịch sử tại California, để đảm bảo an toàn, khoảng 5.000 dân thành phố Calistoga đã được sơ tán. Thành phố nổi tiếng về du lịch giờ chìm trong bụi tro và vắng như một thành phố ma ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171013-my-tu-nhan-tro-thanh-linh-cuu-hoa-tai-california

 

Pháp và Mỹ tăng cường hợp tác chống tài trợ khủng bố

Thụy My

Bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire và bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin hôm qua 12/10/2017 đã thỏa thuận tăng cường hợp tác đấu tranh chống tài trợ cho khủng bố. Thông cáo chung cho biết : « Khủng bố cần phải bị diệt trừ. Chúng tôi tấn công vào tất cả các kênh và mọi nguồn tài trợ cho khủng bố ».

Gặp gỡ bên lề hội nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington, hai bộ trưởng đã quyết định hợp tác chặt chẽ « trong việc nhận diện các cá nhân và định chế cần tấn công ». Bên cạnh đó còn « tăng cường các phương tiện và công cụ cho Nhóm hành động tài chính quốc tế (GAFI) ». Nhóm này tập hợp 35 nước, phụ trách chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.

Không chỉ tăng cường năng lực và hỗ trợ kỹ thuật, Pháp và Mỹ cũng không loại trừ việc trừng phạt các nước không chịu áp dụng các tiêu chuẩn của GAFI.

Ngoài ra, bộ trưởng Kinh Tế Pháp cũng đòi hỏi các tập đoàn kỹ thuật số Google, Apple, Facebook và Amazon (gọi tắt là GAFA) phải đóng thuế đầy đủ hơn cho châu Âu, bình đẳng với các doanh nghiệp khác.

Các tập đoàn này thường bị cáo buộc sử dụng các thủ thuật để chuyển lợi nhuận trên toàn châu Âu về các nước có mức thuế thấp như Ireland hay Luxembourg để hưởng lợi. Trong hội nghị các bộ trưởng Tài Chính châu Âu tại Talinn cách đây một tháng, Pháp đã đề nghị đánh thuế trên doanh thu tại từng nước chứ không tính theo lợi nhuận.

http://vi.rfi.fr/phap/20171013-phap-va-my-tang-cuong-hop-tac-chong-tai-tro-khung-bo

 

Sa mạc: Hậu cứ vững chắc

của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech ?

Mai Vân

Trong thời gian gần đây, thông tin về việc Daech liên tục thất thủ ở Irak cũng như Syria trước những cuộc tấn công của liên minh do Mỹ dẫn đầu hay quân đội Syria được Nga và Iran hậu thuẫn, đã rộ lên, thể như lực lượng thánh chiến không còn chỗ đứng, sắp đến hồi tiêu vong. Tuy nhiên giới quan sát rất thận trọng, cho rằng tuy tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo khó lật ngược được thế cờ, nhưng họ không dễ bị tiêu diệt và sa mạc là hậu cứ giúp họ có thể vươn lên trở lại.

Ngày 12/10/2017, theo thông tin của lực lượng Hezbollah tại Liban, được Reuters trích dẫn, quân đội Syria được đồng minh Nga và Iran hỗ trợ, đã giành lại được quyền kiểm soát tại nhiều khu vực ở thành phố Al Mayadeen, phía đông Syria, một căn cứ quan trọng của Daech, nơi mà ban tham mưu của họ đã chuyển về.

Cũng hôm qua, một lực lượng chống thánh chiến khác được Mỹ hậu thuẫn đã bao vây quân của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở khu vực cuối cùng ho kiểm soát ở Raqqa, trước đây được xem là ‘thủ đô’của Daech ở Syria.

Ở bên kia biên giới, phía Irak, quân đội Irak đã chiếm lại được một thành trì của Daech, thành phố Hawija, phía bắc, và chuẩn bị tấn công vào cứ địa cuối cùng của thành phần thánh chiến ở vùng biên giới với Syria.

Bị thất bại liên tiếp, Daech vẫn còn khả năng đột kích

Tính từ trung tuần tháng 9 đến nay Daech đã mất hầu hết những vùng quan trọng đã chiếm giữ : đầu tháng 10, họ bị đánh bật khỏi tỉnh Hama ở Syria. Hai tuần trước đó, họ bị mất Raqqa, sau khi bị đánh bại ở Mossoul và Tal Afar ở Irak. Ở những nơi khác thì họ ráng cố thủ. Vấn đề là trong toàn cảnh đó, Daech vẫn còn khả năng tấn công bất ngờ gây thiệt hại nhân mạng không nhỏ ở cả Irak lẫn Syria.

Giới quan sát đã ghi nhận là từ khi Daech thông báo thành lập ‘vương quốc’, mà trong thời cực thịnh bao trùm một nửa Syria và một phần ba Irak, tình báo quốc tế cũng như cac chuyên gia đã không ước tính được chính xác lực lượng chiến binh Daech gồm bao nhiêu người, cũng như số tử vong của họ.

Theo Paul Kalifeh, thông tín viên RFI trong khu vực, thì vào tháng 7/2014, lãnh đạo quân sự phương Tây đưa ra con số từ 7.000 đến 15.000 chiến binh dưới tay của lãnh tụ Daech Abu Bakr al-Baghdadi. Vào tháng Giêng 2016, ông Jean-Yves Le Drian, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp thời ấy, nói đến 35.000 chiến binh trong đó 12.000 là người ngoại quốc.

Ông Le Drian còn cho biết thêm là có 22.000 người tử vong từ khi liên minh quốc tế chống Daech do Mỹ dẫn đầu bắt đầu chiến dịch không kích vào mùa hè 2014.

Đến tháng 12/2016, một viên chức Lầu Năm Góc nêu lên con số 50.000 chiến binh Đaech, trong lúc bộ Quốc Phòng Nga thì cho biết là lực lượng Nga đã hạ sát 40.000 quân ‘khủng bố’ từ tháng 9/2015. Qua tháng 3/2017, lãnh đạo liên minh quốc tế, tướng Mỹ Stephen Towsend tuyên bố có từ 12 đến 15 nghìn chiến binh Daech ở Irak và Syria.

Nhìn chung, thực lực chính xác của Daech vẫn là một ẩn số. Từ tháng 3 vừa qua, họ đã mất nhiều tỉnh thành, làng mạc và những vùng sa mạc rộng lớn ở Syria. Hàng ngàn chiến binh thánh chiến đã chết, bị thương hay bị bắt. Thế nhưng tổ chức này vẫn tiếp tục chiến đấu, kháng cự lại một cách mãnh liệt trước các cuộc tấn công của quân đội Irak, Syria và các đồng minh. Thậm chí lực lượng thánh chiến vẫn còn sức tấn công chớp nhoáng, chiếm lại một số nơi bị mất hay ngăn chặn đà tiến của đối thủ.

Thực lực Daech bị đánh giá quá thấp

Theo nhận định của một chỉ huy lực lương Hezbollah xin giấu tên thì số lượng mặt trận mà Daech mở ra và tính chất các chiến dịch quân sự cho thấy là thực lực của họ quân thánh chiến bị đánh giá quá thấp :

« Để kiểm soát được một vùng lãnh thổ có quy mô như ‘vương quốc’ của Daech, đồng thời chống lại tất cả các láng giềng, và kể cả những nhóm thánh chiến khác, thì phải có dưới tay ít nhất 100.000 người. Và vào năm 2015, lúc Daech cực mạnh, thì quân số của họ quả là như vậy, với 1/3 đến từ nước ngoài. Chỉ cần nhìn quân đội Syria thì thấy : Có một lực lượng đông gấp 3 lần, thế mà Damas đã rất khó khăn trong việc đối phó với bấy nhiêu mặt trận ! ».

Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã xây dựng được một lực lượng cơ giới, rất linh động nhờ kho vũ khí lấy được lúc chiếm các thành phố lớn như Mossoul, Ramadi cùng nhiều thành phố khác ở Irak và Syria, tịch thu về gần 4000 xe quân sự trong đó có cả xe tăng và 2000 xe gíp Humvee hiện đại của Mỹ, trọng pháo, súng phóng rocket, hàng trăm tấn đạn dược… Họ còn lấy được cả hỏa tiễn Scud mà họ đã phô trương khi chiếm được Mossoul cách đây hơn 3 năm, vào mùa hè 2014.

Bị thiệt hại năng nề trước các chiến dịch oanh kích của liên minh quốc tế và Nga cũng như của không quân Irak và Syria, Daech đã mất 90% lãnh thổ chiếm đóng, các ‘thủ đô’ Mossul ở Irak và Raqqa ở Syria.

Tại Syria, Daech còn kiểm soát được một vùng ước tính rộng khoảng 20.000 km vuông, ở phía đông sông Euphrate, chạy từ thành phố Al-Mayadeen đến Bou Kamal ở biên giới với Irak, và trải dài sang Irak đến các thành phố Qaim và Rawa.

Quân thánh chiến còn kiểm soát được một số nơi ở sa mạc phía đông tỉnh Homs và thung lũng Yarmouk, gần đồi Golan do Israel kiểm soát, khu vực Hajar al-Aswad, phía nam thủ đô Damas và vùng Doumeir, đông bắc thủ đô Syria.

Rút lui về sa mạc

Trả lời câu hỏi của Paul Khalifeh, Elias Farhat, một cựu tướng lãnh quân đội Liban, nhận định là « cho đến giờ Daech không dự kiến ngưng cuộc chiến, mà ngược lại còn quyết định chiến đấu đến cùng. » Theo nhân vật này, đó không phải là một cuộc chiến tuyệt vọng mà là đi theo một chiến lược được cân nhắc kỹ lưỡng. Mục tiêu trên mặt quân sự là giáng những đòn gây tổn thất nghiêm trọng cho đối phương trước khi rút khỏi một thành phố hay một vùng lãnh thổ để lui về vùng sa mạc.

Theo tướng Farhat, « Daech đã tàng trữ trong sa mạc một lượng vũ khí, đạn dược, chất nổ quan trọng, có cả nước uống và lương thực. Họ đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tiêu hao lâu dài. »

Lãnh tụ Daech Abou Bakr al-Baghdadi, đã rút về vùng sa mạc ở Irak năm 2010, sau thất bại của al-Qaida trong các thành phố trước chiến dịch của Mỹ và lực lượng bộ tộc suni do Mỹ huấn luyện. Và ông ta đã kiên trì xây dựng lại lực lượng để 4 năm sau chinh phục Irak và Syria.

Chiến lược rút về sa mạc dường như lại đang được thực hiện ở Irak và Syria. Cho nên theo ông Farhat, « sau khi bị bại ở một thành phố, những chiến binh còn sống, không bị bắt, hầu như biến mất. Thật ra họ đã rút về sa mạc nơi họ có các căn cứ và các kho vũ khí được che giấu. »

Một lực lượng 10 ngàn chiến binh Daech ở Syria

Đối với tướng Elias Farhat con số 10.000 chiến binh Daech còn hoạt động ở Syria, mà tình báo Nga đưa ra vào tháng 9, rất đáng tin : « Ở Irak, họ không đông như thế, nhưng họ vẫn còn một hệ thống chỉ huy và kiểm soát rất hữu hiệu, cho nên họ có thể thực hiện những hoạt động quân sự quan trọng như chuyển quân và thiết bị. »

Hệ thống chỉ huy này là một mối đau đầu đối với lực lượng Nga đã chưa tìm ra được phương cách để vô hiệu hóa.

Do việc họ vẫn có thể nhận và thực hiện các chỉ thị ở hiện trường, quân thánh chiến vào cuối tháng 9 đã mở cuộc tấn công bất ngờ nhắm vào quân đội Syria và đồng minh dọc theo xa lộ Palmyre – Deir Ezzor trên hàng chục cây số, làm gần 200 người chết trong hàng ngũ đối phương.

Có điều, theo ông Farhat, chiến lược đó, tuy làm chậm được đà tiến của quân đội Syria ở Deir Ezzor, nhưng sẽ không đảo ngược được xu hướng cuộc chiến « sẽ dài lâu hơn, gây thêm nhiều nạn nhân. Nhưng Daech không thể thay đổi tương quan lực lượng ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171013-sa-mac-hau-cu-vung-chac-cua-to-chuc-nha-nuoc-hoi-giao-daech

 

Nhóm G7 sẽ tăng cường áp lực kinh tế trên Bình Nhưỡng

Trọng Nghĩa

Nhân cuộc họp bên lề hội nghị các bộ trưởng tài chánh nhóm G20 tại Washington ngày 12/10/2017, lãnh đạo tài chánh khối 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới – gọi tắt là G7 – đã đồng ý hợp tác với nhau để phá tan mọi mưu toan của Bắc Triều Tiên nhằm né tránh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Phát biểu với báo giới, thứ trưởng Tài Chánh Nhật Bản phụ trách đối ngoại ông Masatsugu Asakawa cho biết là nhóm G7 đã cam kết gây sức ép kinh tế tối đa trên Bắc Triều Tiên để cắt đứt nguồn thu nhập của chế độ Bình Nhưỡng và ngăn chặn các hành vi lạm dụng hệ thống tài chánh quốc tế.

Theo hãng tin Anh Reuters, sự kiện các bộ trưởng tài chánh G7 tiết lộ việc họ đã họp kín với nhau là một việc rất hiếm hoi, và điều đó cho thấy quyết tâm của các nền kinh tế phát triển, sẵn sàng gia tăng áp lực trên Bắc Triều Tiên sau những hành động khiêu khích, coi thường công đồng quốc tế gần đây của nước này.

Tháng 9 vừa qua, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhận lần thứ sáu. Loạt trừng phạt mới này đã cộng thêm vào những biện pháp được ban hành trước đó và đã được nhiều nước tuân theo.

Malaysia đình chỉ hoàn toàn việc nhập hàng Bắc Triều Tiên

Một trong những dấu hiệu rõ nhất phản ánh tình trạng ngày càng bị cô lập của Bình Nhưỡng là sự kiện Malaysia, nước được xem là bạn bè thân thiết nhất của Bắc Triều Tiên, đã ngừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu hàng hóa Triều Tiên kể từ tháng 6 vừa qua, góp phần vào nỗ lực quốc tế nhằm chặn nguồn tài trợ cho chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Theo Reuters, số liệu thống kê Malaysia cho biết là trong tháng 6, tháng 7 năm nay, nước này không nhập khẩu bất cứ hàng hóa nào từ Bắc Triều Tiên, sau khi đã nhập khẩu gần 5 triệu đô la trong 5 tháng đầu năm.

Cần nói thêm là ngoài lý do chung là chấp hành nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, Kuala Lumpur còn có lý do riêng để trừng phạt Bình Nhưỡng : Vào tháng Hai đầu năm, người anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un là ông Kim Jong Nam đã bị ám sát ngay tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, tình nghi là theo lệnh của Bình Nhưỡng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171013-nhom-g7-dong-y-tang-cuong-ap-luc-kinh-te-tren-binh-nhuong

 

Bắc Triều Tiên: Động đất ở khu thử hạt nhân Punggye-Ri

Thu Hằng

Một trận động đất cường độ 2,9 độ đã xảy ra sáng sớm 13/10/2017 gần khu vực thử hạt nhân Punggye-Ri, nơi Bắc Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân mạnh nhất hôm 03/09.

Trận động đất xảy ra lúc 4 giờ 41, giờ địa phương (16 giờ 41 giờ quốc tế ngày 12/10), ở độ sâu khoảng 5 km. Theo Viện Khảo Sát Địa Chất Mỹ US Geological Survey (USGS), tâm chấn của trận động đất nằm ở phía bắc khu Punggye-Ri, nơi thực hiện các vụ thử hạt nhân gần đây của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Viện USGS hiện vẫn chưa thể xác định được một cách chắc chắn nguyên nhân là do con người hay tự nhiên.

Còn website của Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc, được AFP trích dẫn, cho rằng trận động đất này là hiện tượng tự nhiên và « không gây bất kỳ thiệt hại nào ».

Mỹ-Hàn chuẩn bị tập trận hải quân chung

Mỹ và Hàn Quốc sẽ thể hiện sức mạnh quân sự răn đe đối với chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Từ ngày 16 đến 26/10/2017, Hải Quân hai nước sẽ cùng tiến hành một đợt tập trận có quy mô lớn. Theo thông báo ngày 13/10 của Hạm Đội 7 của Mỹ, tầu sân bay USS Ronald Reagan và hai tầu khu trục sẽ tham gia đợt tập trận cùng với chiến hạm của Hàn Quốc.

Hãng tin AFP nhận định, chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ phản ứng tức giận vì đợt tập trận sắp tới của Mỹ và Hàn Quốc. Đầu tuần này, hai oanh tạc cơ siêu thanh hạng nặng B-1B Lancers của Mỹ cùng với máy bay của Nhật Bản và Hàn Quốc đã bay trong khu vực để tiến hành cuộc thao diễn đầu tiên vào ban đêm.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171013-bac-trieu-tien-dong-dat-o-khu-thu-hat-nhan-punggye-ri