Tin khắp nơi – 13/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 13/09/2018

Sách về Trump đắt như tôm tươi

Quyển sách ‘bom tấn’ của nhà báo kỳ cựu Bob Woodward viết về Tổng thống Mỹ Donald Trump lan tràn nhanh chóng khi vừa phát hành, hãng tin AP cho biết.

Quyển ‘Nỗi sợ: Trump trong Nhà Trắng’ mô tả Nhà Trắng hỗn loạn dưới thời ông Trump đã bán được hơn 750.000 bản, nhà xuất bản Simon & Schuster loan báo hôm 12/9, một ngày sau khi cuốn sách được bày bán trên các kệ sách.

Với đà này, quyển ‘Nỗi sợ’ gần như chắc chắn sẽ đạt một triệu bản sách bán ra – một cột mốc mà cuốn ‘Lửa và Thịnh nộ’ của tác giả Michael Wolff – một cuốn tường thuật khác về Tổng thống Trump – từng đạt được.

Tốc độ bán này, vốn bao gồm bản in, bản điện tử và bản thâu âm, nằm trong số tốc độ tiêu thụ nhanh nhất đối với một tác phẩm không phải là tiểu thuyết. Hồi năm 2004, cuốn hồi ký ‘My Life’ của cựu Tổng thống Bill Clinton đã bán được hơn một triệu bản chỉ trong tám ngày.

Cuốn ‘Nỗi sợ’ đã bao trùm các trang báo chính trị kể từ khi có tin về nó hồi tuần trước. Trong sách, ông Trump được mô tả là một người dốt nát và dối trá và đội ngũ nhân viên Cánh Tây của Nhà Trắng phải tìm cách giảm tối đa thiệt hại.

Cũng giống như cuốn ‘Lửa và Thịnh nộ’, ông Trump lên án ‘Nỗi sợ’ là ‘láo toét’. Một số cựu quan chức Nhà Trắng từng nói chuyện với Woodward đã tìm cách tránh né sự liên can.

Kể từ khi nổi danh từ những năm 1970 cho cuốn sách tường thuật về vụ Watergate khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức, Bob Woodward đã viết vài cuốn sách bán chạy về các Tổng thống đương nhiệm.

Theo nhà xuất bản Simon & Schuster thì ‘Nỗi sợ’ có nhiều đơn đặt hàng trước hơn bất kỳ cuốn sách nào khác trong lịch sử của họ. Nhà xuất bản này từng phát hành những cuốn sách có tiếng vang như ‘Lịch sử Sống’ của Hillary Clinton và ‘Steve Jobs’ của Walter Isaacson.

https://www.voatiengviet.com/a/s%C3%A1ch-v%E1%BB%81-trump-%C4%91%E1%BA%AFt-nh%C6%B0-t%C3%B4m-t%C6%B0%C6%A1i/4569243.html

 

Stormy Daniels sắp ra sách

 ‘Hé lộ Toàn bộ’ về Trump

Cô đào phim người lớn Stormy Daniels, người nói rằng cô từng có quan hệ tình ái với Tổng thống Mỹ Donald Trump một thập niên trước, hôm 12/9 cho biết cô đang viết một cuốn hồi ký kể lại mối quan hệ tình ái mà cô tố cáo ông Trump đã có với cô và cuộc chiến pháp lý về chuyện này.

Cô Daniels, 39, tên thật là Stephanie Clifford, phát biểu trên chương trình ‘The View’ của kênh ABC rằng cuốn sách của cô nhan đề ‘Hé lộ Toàn bộ’ (Full Disclosure) sẽ được St. Martin’s Press, một nhánh của nhà xuất bản MacMillan, phát hành vào ngày 2/10.

Tổng thống Trump đã phủ nhận về mối quan hệ với cô Daniel.

Cô Daniels cho biết cô viết về công việc của cô cũng như việc kiện tụng ông Trump. Vụ kiện của cô là nhằm để vô hiệu hóa một thỏa thuận không tiết lộ mà cô đã ký trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 trong đó cô cam kết giữ im lặng về điều mà cô gọi là ‘quan hệ thân mật’ với ông Trump.

Trong vụ kiện này, vốn được đưa ra hồi tháng Ba năm nay ở Los Angeles, cô Daniels nói rằng thỏa thuận không tiết lộ là ‘không có giá trị’ và cô có quyền thuật lại công khai mối quan hệ với ông Trump bởi vì ông chưa bao giờ ký thỏa thuận đó.

Luật sư riêng của ông Trump, ông Michael Cohen, đã nhận tội vi phạm luật bầu cử liên bang với việc trả cho cô Daniels 130,000 đô la để buộc cô giữ mồm giữ miệng không tiết lộ những thông tin có hại cho ông Trump trong kỳ bầu cử.

Trong một thông báo, nhà xuất bản St. Martin’s Press nói rằng cuốn sách của Daniels sẽ mô tả ‘những sự kiện dẫn đến thỏa thuận không tiết lộ và những nỗ lực đằng sau hậu trường nhằm dọa nạt cô’.

Hồi tháng Tư, cô Daniels đã kiện ông Trump ra một tòa án ở Manhattan về tội nhục mạ với lý do ông ấy đã công kích sai sự trung thực của cô.

Hồi đầu năm, cô cho biết vào năm 2011 cô đã bị một người đàn ông tấn công ở một bãi đậu xe ở Las Vegas. Người đàn ông này đã đe dọa cô không được kể về mối quan hệ tình dục của cô với ông Trump. Ông Trump đã lên Twitter nói tuyên bố này của cô Daniels ‘hoàn toàn là sự lừa dối.’

https://www.voatiengviet.com/a/stormy-daniels-s%E1%BA%AFp-ra-s%C3%A1ch-h%C3%A9-l%E1%BB%99-to%C3%A0n-b%E1%BB%99-v%E1%BB%81-trump/4569242.html

 

Cựu Tổng thống Bush

vận động cho ứng viên Cộng hòa

Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đang âm thầm củng cố cơ hội cho các ứng viên Cộng hòa ở những nơi mà Tổng thống Donald Trump đang chật vật.

Hôm 12/9, ông Bush đã tổ chức một sự kiện ở Fort Worth, Texas, cho dân biểu Cộng hòa Will Hurd ở địa hạt bầu cử mà ông Trump đã thua trong cuộc bầu cử hồi năm 2016.

Vào ngày 14/9, ông Bush dự định sẽ có mặt ở Florida, tiểu bang mà ông Trump chỉ thắng với khoảng cách nhỏ, để vận động cho Thống đốc Rick Scott trong cuộc đua vào Thượng viện.

Cựu thống đốc Florida Jeb Bush, người cũng sẽ tham dự sự kiện vận động cho ông Scott, đã cho biết trong một email rằng ‘bào huynh của ông đang giúp đỡ cho các ứng viên Thượng viện trên cả nước’.

Một cựu Tổng thống khác là ông Barack Obama cũng đã quay trở lại chính trường sau hai năm ngồi ngoài lề để vận động cho các ứng viên Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.

Đảng Dân chủ đang muốn tận dụng sự không được lòng dân của ông Trump để giành thêm ít nhất là 23 ghế ở Hạ viện để đạt thế đa số. Khi đó, họ sẽ có thể kích hoạt các cuộc điều tra về chính quyền của ông Trump và có thể sẽ bắt đầu quá trình luận tội ông Trump.

Đảng Cộng hòa đang ngày càng lo ngại về khả năng đẩy lùi những ứng viên Dân chủ đang có mục tiêu giành lại Thượng viện để có thể kiểm soát hoàn toàn hai viện Quốc hội.

Ông Trump cũng có sự hiện diện lớn trong quá trình bầu cử. Ông đã cam kết vận động nhiều ngày nhất có thể để giúp Đảng Cộng hòa giữ thế đa số, bao gồm ở tiểu bang Texas, nơi Thượng nghị sỹ đương nhiệm Ted Cruz đang chống đỡ với sự thách thức mạnh mẽ từ đối thủ Dân chủ là Dân biểu Beto O’Rourke.

Ông Trump đã chứng tỏ rằng chỉ cần một dòng tweet, ông có thể làm thay đổi sự ủng hộ của các cử tri Cộng hòa đối với các ứng viên Cộng hòa nào dám chọc tức ông. Tuy nhiên, đối với các ứng cử viên tại các nơi mà cử tri không ưa Trump, điều này đặt họ trong tình thế không dễ chịu.

Do đó mà ông Bush cần phải ra tay, các quan chức ở Washington, Florida và Texas cho biết. Ông làm vậy sẽ tăng cường sự ủng hộ ở các cử tri độc lập và giới nữ vốn muốn Quốc hội vẫn nằm trong tay Đảng Cộng hòa.

Chủ tịch Đảng Cộng hòa ở Florida, ông Blaise Ingoglia, cho biết ông Bush sẽ là một ‘điểm cộng’ cho ông Scott trong nỗ lực đánh bại Thượng nghị sỹ đương nhiệm Bill Nelson của Đảng Dân chủ.

Ông Marc Short, cựu giám đốc pháp lý của Trump và giờ là chuyên viên cao cấp tại Trung tâm Miller của Đại học Virginia, nói rằng hai ông Bush và Trump ‘có nhiều điểm chung hơn những gì công chúng được biết’, chẳng hạn như cả hai đều là người hâm mộ ông Brett Kavanaugh, người mà ông Trump đề cử vào Tối cao Pháp viện.

Ông Trump đã kêu gọi ông Scott ra tranh cử chống lại ông Nelson, nhưng ông Scott vẫn công khai giữ khoảng cách với ông Trump. Hồi tháng Tư, ông đã bỏ qua buổi thảo luận của ông Trump về gói cắt giảm thuế Nam Flordia để rời khỏi tiểu bang đi quyên tiền cho chiến dịch chạy đua của ông vào Thượng viện.

Hồi cuối tháng 7, ông Scott đi cùng Tổng thống Trump trên chuyên cơ Không lực Một khi ông đến thăm Florida. Tuy nhiên, vị thống đốc này đã bỏ qua một buổi tập hợp tranh cử ở Tampa mà thay vào đó tổ chức một buổi gây quỹ ở Clearwater gần đó.

Ông Scott mâu thuẫn với ông Trump về chính sách chia rẽ các gia đình di dân ở biên giới nhưng không chỉ trích gay gắt ông Trump.

https://www.voatiengviet.com/a/c%E1%BB%B1u-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-bush-v%E1%BA%ADn-%C4%91%E1%BB%99ng-cho-%E1%BB%A9ng-vi%C3%AAn-c%E1%BB%99ng-h%C3%B2a/4569240.html

 

Trump ký lệnh trừng phạt can thiệp bầu cử

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư ngày 12/9 đã ký một sắc lệnh hành pháp để bảo vệ các cuộc bầu cử của Mỹ khỏi bị bên ngoài can thiệp bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt lên các quốc gia và các phần tử nào muốn tìm cách can thiệp.

Sắc lệnh này yêu cầu các cơ quan tình báo đánh giá xem liệu một cá nhân hay thực thể bất kỳ nào có hành động can thiệp vào bầu cử Mỹ hay không và chuyển những thông tin đó cho Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa, và sau đó dựa trên đánh giá về tính hợp lý và tác động của thông tin tình báo đó sẽ kích hoạt các lệnh trừng phạt tự động, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats cho biết.

Cộng đồng tình báo sẽ có 45 ngày để đánh giá và sau đó hai cơ quan kia sẽ có 45 ngày để quyết định cần có hành động hay không, ông Coats nói với các phóng viên.

Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính sẽ quyết định các biện pháp trừng phạt bổ sung phù hợp để khuyến nghị và thực thi, ông nói thêm.

Các biện pháp chế tài khả dĩ bao gồm đóng băng tài sản, hạn chế các giao dịch bằng ngoại tệ, hạn chế tiếp cận các định chế tài chính của Mỹ và ngăn cấm công dân Mỹ đầu tư vào các công ty có liên quan, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton cho biết.

Ông còn nói các biện pháp cấm vận sẽ được áp đặt trong khi diễn ra hoặc sau bầu cử tùy thuộc vào chứng cứ thu thập được.

Ông Bolton nói rằng sắc lệnh này là cần thiết để đảm bảo quy trình chính thức cho phép kích hoạt lệnh trừng phạt nhưng ông cũng cho biết ông đang thương thuyết với Quốc hội về việc đưa ra các đạo luật về vấn đề này.

“Chúng tôi nghĩ rằng đây là một bước đi quan trọng của Tổng thống với tư cách là người đứng đầu nhánh hành pháp, nhưng chúng tôi cũng hoàn toàn có chuẩn bị để nói chuyện với các nghị sỹ đã đề xuất đưa ra luật,” ông nói.

Ông Coats nói các biện pháp này được đưa ra để đảm bảo chính quyền làm mọi thứ trong khả năng để ngăn chặn can thiệp bầu cử và thông báo bất cứ hoạt động tình nghi nào trong thời gian từ bây giờ cho đến bầu cử giữa kỳ và sẽ đánh giá toàn diện sau khi bầu cử kết thúc để xem có kích hoạt các biện pháp trừng phạt nếu cần thiết hay không.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-k%C3%BD-l%E1%BB%87nh-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-can-thi%E1%BB%87p-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD/4569237.html

 

Lập pháp Mỹ kêu gọi trừng phạt Trung Quốc

Các lãnh đạo Cộng hòa trong một ủy ban phụ trách các vấn đề về Trung Quốc tại Quốc hội Mỹ hôm 12/9 kêu gọi chính quyền của Tổng thống Donald Trump mở rộng các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc do sự đàn áp của Bắc Kinh đối với người Hồi giáo thiểu số ở Khu tự trị Tân Cương.

Trong một lá thư hôm 12/9, Thượng nghị sỹ Marco Rubio, chủ tịch của Ủy ban Điều hành của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC) và Dân biểu Chris Smith, đồng chủ tịch, đã yêu cầu Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross mở rộng danh sách các cơ quan của Trung Quốc bị cấm mua các thiết bị mà họ có thể dùng để giám sát người dân.

“Do tính chất hoạt động trên khắp quốc gia của bộ máy an ninh của Trung Quốc, chúng tôi tin rằng cần phải mặc định từ chối bán bất cứ thiết bị hay công nghệ nào có thể có góp phần quan trọng và trực tiếp vào hệ thống giám sát và bắt giữ của công an (ở khu tự trị của người Uyghur tại Tân Cương),” hai ông Rubio và Smith viết trong thư.

Hôm 11/9, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng ‘đàn áp ngày càng tồi tệ’ của Trung Quốc đối với người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương trong lúc chính quyền Trump đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao và các công ty Trung Quốc có liên hệ đến các cáo buộc về vi phạm nhân quyền.

Các cuộc thảo luận trong Chính phủ Mỹ về các biện pháp trừng phạt kinh tế khả dĩ để đáp trả lại thông tin về những vụ bắt giữ hàng loạt người Uyghur và những người Hồi giáo khác đang ngày càng nóng lên. Hành động này của Bắc Kinh đã khiến cộng đồng quốc tế lên án.

https://www.voatiengviet.com/a/l%E1%BA%ADp-ph%C3%A1p-m%E1%BB%B9-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-trung-qu%E1%BB%91c/4569231.html

 

Thêm một nhân viên cao cấp của CBS bị sa thải

New York, New York.– Sáng Thứ Tư (12 tháng 9), David Rhodes – chủ tịch hãng truyền thông CBS News thông báo đến toàn thể nhân viên rằng giám đốc kiêm nhà sản xuất chương trình 60 Minutes, Jeff Fager đã rời nhiệm sở.

Ông Rhodes khẳng định quyết định cho thôi việc không liên quan đến cáo buộc ông Fager quấy rối tình dục trong bài viết của phóng viên Ronan Farrow đăng trên tờ The New Yorker. Vài giờ sau đó, CBS News tiết lộ đoạn tin nhắn đe dọa mà ông Fager gửi cho ký giả Jericka Duncan.

Ông Fager nói với Fox News rằng CBS sa thải ông vì ông đã gửi tin nhắn đến một ký giả của CBS, yêu cầu người này viết bài về cáo buộc chống lại ông một cách công bằng. Ông thừa nhận đã dùng lời lẽ gay gắt. Nhưng mọi ký giả đều nhận được các tin nhắn như vậy, chỉ là do CBS không thích cách hành xử đó.

Trong chương trình CBS Evening News phát sóng tối Thứ Tư, ký giả Jericka Duncan đã lên tiếng xác nhận cô là người nhận tin nhắn của ông Fager. Cô Duncan cho biết cô muốn trình bày rõ ràng sự việc vì ông Fager đã công khai đề cập đến đoạn tin nhắn. Cô Duncan kể lại cô đã liên lạc với ông Fager hôm Chủ Nhật để hỏi về cảm nhận của ông liên quan đến bài báo cáo buộc ông trên tờ The New Yorker. Theo lời cô Duncan, nhà sản xuất chương trình 60 Minutes nhắn lại rằng nếu cô viết bài về các cáo buộc thì phải có bằng chứng kèm theo, bằng không cô sẽ bị quy trách nhiệm gây hại cho ông Fager. Đoạn tin nhắn viết rằng có rất nhiều người mất việc vì đã gây ảnh hưởng xấu đến ông Fager, do đó nếu cô Duncan không có bằng chứng khi viết bài thì vấn đề sẽ rất nghiêm trọng.

Sự việc ông Fager bị sa thải xảy ra không lâu sau khi giám đốc CBS Les Moonves bị cho nghỉ việc  hôm Chủ Nhật. Trước đó, có ít nhất 12 phụ nữ đã cáo buộc ông Moonves tội quấy rối tình dục trong nhiều bài báo đăng trên tờ The New Yorker. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/them-mot-nhan-vien-cao-cap-cua-cbs-bi-sa-thai/

 

Dân biểu Cộng Hòa & Dân Chủ đoàn kết

thông qua dự luật cấm ăn thịt chó, mèo

Washington, DC –Trong thời gian qua , dân biểu Cộng hòa và Dân chủ tại Hạ viện vẫn thường tỏ ra bất đồng ý kiến. Gần đây nhất, họ cũng không thể đạt được thỏa thuận nhằm giải quyết việc chính phủ có thể đóng cửa vào cuối tháng này.

Tuy nhiên, hiện nay các dân biểu của hai đảng đã cùng đoàn kết để thông qua dự luật cấm ăn thịt chó mèo. Vào hôm Thứ Tư (12 tháng 9), Hạ viện đã thông qua một dự luật cấm giết mổ, cũng như vận chuyển, buôn bán và sở hữu chó mèo với mục đích ăn thịt. Đạo luật cấm buôn bán thương mại thịt chó mèo năm 2018 được đệ trình bởi dân biểu Cộng Hòa Vern Buchanan, và dân biểu Dân chủ Alcee Hastings, cả hai dân biểu trên đều đại diện cho tiểu bang Florida.

Ông Buchanan cho biết ở 44 tiểu bang hiện nay không tồn tại luật nào về việc cấm tiêu thụ thịt chó mèo. Trước đó, chỉ có 6 tiểu bang là California, Georgia, Hawaii, Michigan, New York và Virginia mạnh mẽ thực thi việc cấm tiêu thụ chó mèo. Ông Buchanan cho rằng việc tiêu thụ thịt chó mèo nên bị cấm hoàn toàn, bởi hầu hết người dân Hoa Kỳ đều yêu những động vật này. Đối với hàng triệu người, chó và mèo là những động vật biết yêu thương và là người bầu bạn.

Sau khi dự luật cấm tiêu thụ thịt chó mèo được thông qua, dân biểu Hastings đã đưa ra bản thảo luận về tầm quan trọng của dự luật này và kêu gọi Thượng Viện chấp thuận. Dự luật này cũng cấm việc mua bán thương mại thịt chó mèo nhằm mục đích tiêu thụ xuyên bang và xuyên quốc gia. Tuy nhiên, trong dự luật nêu rõ, các bộ lạc người da đỏ được cho phép ngoại lệ, và được phép ăn thịt chó mèo trong các lễ tôn giáo.

Mức phạt cao nhất cho việc ăn thịt chó, mèo là 5,000 Mỹ kim. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/dan-bieu-cong-hoa-dan-chu-doan-ket-thong-qua-du-luat-cam-an-thit-cho-meo/

 

Bão Florence suy giảm thành bão cấp 2

và đang tiến gần đến North Carolina

Wilmington, North Carolina – Vào hôm Thứ Năm (ngày 13 tháng 9), Trung Tâm Bão Quốc Gia (NHC) cho biết, mặc dù cơn bão khổng lồ mang Florence đã giảm từ cấp 4 xuống cấp 2, bão Florence vẫn rất nguy hiểm đối với người dân.

Bão Florence vẫn có thể tạo ra những đợt thủy triều cao đến 9 feet, cũng như mang theo lượng mưa lên đến 40 inch đã được tiên đoán tại nhiều khu vực. Trung tâm NHC dự báo lượng mưa tại khu vực vùng ven biển của North Carolina đến vùng Đông Bắc North Carolina sẽ có lượng mưa từ 20 đến 30 inch, với nhiều khu vực lên đến 40 inch. Phần còn lại của South Carolina và North Carolina đến khu vực phía tây nam tiểu bang Virginia sẽ có lượng mưa 6 inch đến 12 inch , với nhiều nơi lên đến 24 inch.

Chiều 13 tháng 9, Thống Đốc tiểu bang Georgia Nathan Deal đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn tiểu bang, sau khi Trung tâm NHC ban hành những dự báo về việc bão Florence sẽ di chuyển về hướng tiểu bang Georgia. Công ty năng lượng Duke Energy dự báo bão Florence sẽ gây ra mất điện diện rộng cho khoảng 4 triệu người dân tại North Carolina và South Carolina. Những đợt mất điện có thể kéo dài suốt nhiều tuần.

Trước khi có dấu hiệu suy yếu thành bão cấp 2, bão Florence được dự báo có thể sẽ trở thành cơn bão lớn nhất từng xảy ra tại North Carolina trong vòng hơn 60 năm qua. Thống Đốc North Carolina cho biết có hơn 300,000 người đã di tản khỏi tiểu bang vào thứ 4. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/bao-florence-suy-giam-thanh-bao-cap-2-va-dang-tien-gan-den-north-carolina/

 

Hoa Kỳ đề nghị mở vòng đàm phán mới với Trung Cộng

Washington DC – Theo một số nguồn tin, chính phủ Hoa Kỳ vừa đề nghị mở vòng đàm phán thương mại mới với Trung Cộng, trong nỗ lực cho Bắc Kinh thêm một cơ hội để giải quyết các mâu thuẫn, trước khi chính phủ Trump đánh thêm thuế lên hàng Trung Cộng nhập cảng.

Các viên chức cao cấp của Hoa Kỳ, dẫn đầu bởi Bộ Trưởng Ngân Khố Steve Mnuchin, mới đây đã gởi thư mời tới những người đồng cấp Trung Cộng, dẫn đầu bởi Phó Thủ Tướng Lưu Hạc, đề nghị mở cuộc họp thương mại song phương. Phía Hoa Kỳ đề nghị thảo luận trong vài tuần tới, và yêu cầu Trung Cộng gởi một phái đoàn ở cấp bộ trưởng. Cuộc đàm phán mới có thể diễn ra ở Washington hoặc Bắc Kinh.

Đề nghị đàm phán được đưa ra trong lúc chính phủ Trump đang chuẩn bị đánh thêm thuế đối với 200 tỷ Mỹ kim hàng Trung Cộng, sau khi đã đánh thuế 50 tỷ Mỹ kim hàng Trung Cộng trong năm nay. Lời mời đàm phán cho thấy các nỗ lực của một số viên chức trong chính phủ, nhằm cố gắng thuyết phục Trung Cộng giải quyết các yêu cầu của Hoa Kỳ, trước khi lệnh đánh thuế được ban hành.

Vào tháng trước, Bắc Kinh đã gởi một phái đoàn cấp trung, dẫn đầu bởi Phó Bộ Trưởng Thương Mại Wang Shouwen, đến Washington. Tuy nhiên, cuộc đàm phán này không có kết quả, và phía Hoa Kỳ cảm thấy rằng Trung Cộng không thật sự muốn giải quyết các vấn đề trọng tâm mà Washington đưa ra. Chính phủ Trump đã yêu cầu Bắc Kinh ngừng hỗ trợ các công ty quốc doanh, đồng thời ngừng ép buộc các hãng Hoa Kỳ phải chia sẻ quyền sở hữu, lợi nhuận, và công nghệ, với các công ty đại lục. Chính quyền Trung Cộng cho đến nay vẫn bác bỏ cáo buộc cho rằng nước này gây áp lực đòi các hãng Hoa Kỳ phải chuyển giao công nghệ. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/hoa-ky-de-nghi-mo-vong-dam-phan-moi-voi-trung-cong/

 

Cali Mở Hội Nghị Khí Hậu Toàn Cầu,

5000 Chuyên Gia, Viên Chức Dự: Vận Động Các Giới

Chống Lại Ảnh Hưởng Biến Đổi Khí Hậu

SAN FRANCISCO  –     Thống đốc Jerry Brown mở hội nghị khí hậu toàn cầu tại thành phố San Francisco trong tuần này – đây là cơ hội để nhà lãnh đạo hành pháp California vận động các chính quyền vùng và các giới phối hợp hành động chống lại các ảnh hưởng tai hại của biến đổi khí hậu.

TT Trump không thi hành các giao ước tại hội nghị khí hậu Paris, không công nhận biến đổi khí hậu cùng trong lúc Lập Pháp không hành động, và miền tây chứng kiến cháy rừng tai hại mùa hè trong 2 năm liên tiếp.

Hôm Thứ Hai, thống đốc Brown ký ban hành 2 biện pháp quan trọng xác nhận vai trò dẫn đầu của California trong sứ mạng quốc tế về hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm.

Nhiều hứa hẹn đã được tính toán trước ngày họp Global Climate Action Summit – nhưng các cam kết từ California và vùng không có ý nghĩa bao nhiêu nếu không có phong trào lớn với sự tham gia của 195 quốc gia để ngưng dùng nhiên liệu hóa thạch mà nay vẫn đang dùng để sản xuất điện và chạy xe.

Khoa học gia Angel Hsu của Data-Driven Yale là 1 phần trong đoàn nghiên cứu của gần 6000 thành phố, quốc gia và vùng, và trên 2000 công ty nói “Chúng ta chưa có được phong trào như thế”.

Giới phân thích nhận biết rằng: vấn đề tùy thuộc vào số hứa hẹn được theo đuổi, thực hành – những cam kết tham vọng hơn có thể khuyến khích chính quyền Trump khai triển các dự kiến của hiệp ước khí hậu Paris 2015.

Khoảng 5000 chuyên gia, viên chức và nhà hoạt động dự hội nghị San Francisco, trong số này có cựu PTT Al Gore, cựu ngoại trưởng John Kerry, giám đốc Starbucks Kevin Johnson, tài tử Alec Baldwin, nhạc sĩ Dave Matthews, bộ trưởng khí hậu Trung Cộng Xie Zhenhua.

Mục tiêu tối hậu của hội nghị này là “trung lập với thán khí carbonic” từ giữa thế kỷ thứ 21, là khí thải gây hiệu ứng nhà kính giảm đủ mức để thiên nhiên có thể hấp thụ hết.

Hội nghị được mong đợi phổ biến khi bế mạc trong ngày Thứ Sáu 1 “tuyên ngôn hành động” để các chính quyền tập trung nỗ lực hướng tới mục tiêu.

Phân tích xác nhận: Hoa Kỳ đã giảm khí thải carbon 14% giữa 2005 và 2016.

https://vietbao.com/p122a285391/2/cali-mo-hoi-nghi-khi-hau-toan-cau-5000-chuyen-gia-vien-chuc-du-van-dong-cac-gioi-chong-lai-anh-huong-bien-doi-khi-hau

 

Thượng Nghị Sĩ Feinstein:

Ứng Viên TCPV Kavanaugh Coi Trump Như Vua

WASHINGTON   –    Nghị sĩ Dianne Feinstein (DC-California) gây áp lực với 2 nữ đồng viện là đảng viên CH để không bỏ phiếu biểu quyết thuận ứng viên TCPV của Trump là Brett Kavanaugh.

Bà giải thích: ứng viên Kavanaugh coi quyền lực của TT như hoàng đế, không thể bị điều tra hay xét xử.

Trong 1 sinh hoạt của Year of the Woman do Hội phụ nữ DC quận Santa Barbara tổ chức hôm Thứ Ba, bà tuyên bố “ông TT này tin rằng ông đứng trên luật pháp và ứng viên Kavanaugh nghĩ rằng TT không thể bị điều tra, xét xử”, theo tường thuật của báo Los Angeles Times.

Bà nhấn mạnh “Kết quả biểu quyết phê chuẩn Kavanaugh tùy thuộc 2 nữ đồng viện là Susan Collins và Lisa Murjowski, cùng là nữ đảng viên CH”.

Nhân dịp này, nghị sĩ Feinstein cũng công kích các ngôn từ, lập luận phe phái cao độ, sai lạc và dối trá của Trump.

Diễn đàn phụ nữ Santa Barbara cũng là cơ hội để nghị sĩ Feinstein vận động tái tranh cử – trong các thăm dò trước, bà Feinstein dẫn đầu nhiều điểm so với ứng viên đối thủ là nghị sĩ tiểu bang Kevin de Leon.

Nhưng, thăm dò gần đây chỉ ra chênh lệch không còn lớn.

https://vietbao.com/p122a285389/2/thuong-nghi-si-feinstein-ung-vien-tcpv-kavanaugh-coi-trump-nhu-vua

 

Hoa Kỳ Và Anh tổ chức

 các cuộc tập trận hải quân ở vịnh Ả Rập

Bahrain.– Vào hôm Thứ Ba (11/9), các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ và Anh Quốc tiếp tục các cuộc tập trận mang tên Mine Countermeasures Exercises, nhằm tập cách đối phó với thủy lôi.

Cuộc tập trận chung được tổ chức tại vùng biển Gulf Sea ngoài khơi bờ biển Bahrain. Cứ 3 tháng một lần, Lực lượng hàng hải liên minh, gồm 33 quốc gia lại thực hiện cuộc tập trận, nhằm duy trì tinh thần sẵn sàng, phòng khi có mối đe dọa đối với các vùng biển quốc tế. Cuộc tập trận bao gồm máy bay trực thăng, tàu chiến, tàu ngầm không người lái và thiết bị giải quyết chất nổ, được sử dụng để xác định và vô hiệu hóa các thủy lôi.

Trong thời gian gần đây, khu vực Biển Đỏ đã chứng kiến sự gia tăng ngày càng nhiều của thủy lôi, do cuộc chiến liên tục giữa phiến quân Houthi của Yemen và liên minh Ả Rập do Saudi dẫn đầu. Vùng biển Gulf Sea cũng là chiến trường của nhiều căng thẳng, vì vùng biển này nằm giữa  Saudi Arabia với đối thủ của họ là Iran. Đây còn là nơi mà phần lớn thương mại hàng hải giao thương giữa vùng Vịnh và Ấn Độ Dương. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/hoa-ky-va-anh-to-chuc-cac-cuoc-tap-tran-hai-quan-o-vinh-a-rap/

 

LHQ tới Miến Điện thẩm định khả năng

hồi hương người Rohingya

Minh Anh

Ngày 12/09/2018, các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc đã có mặt tại phía bắc bang Rakhine, Miến Điện trong khuôn khổ một thỏa thuận đạt được hồi tháng 06/2018 giữa Liên Hiệp Quốc và chính quyền Naypyidaw.

Đây là lần đầu tiên các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc được phép tiếp cận bang này kể từ khi bắt đầu các chiến dịch trấn áp của quân đội nhắm vào sắc tộc thiểu số Hồi Giáo Rohingya.

Từ Rangoon, thông tín viên Eliza Hunt giải thích :

« Chuyến công tác đầu tiên của Liên Hiệp Quốc tại phía bắc bang Arakan, Miến Điện, sẽ kéo dài trong hai tuần và hiện tại chỉ liên quan đến khoảng ba mươi ngôi làng. Trong hai tuần này, các nhóm chuyên gia sẽ tiến hành ʺcông việc thẩm địnhʺ tại khu vực có cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo chung sống.

Mục tiêu của Liên Hiệp Quốc là chuẩn bị cho khả năng hơn 700 000 người Rohingya đang tị nạn ở Bangladesh hồi hương. Nếu như Miến Điện tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận họ, Liên Hiệp Quốc nhiều lần bày tỏ quan ngại về điều kiện hồi hương và các cơ quan quốc tế hay các nhà báo vẫn khó tiếp cận vùng này.

Chuyến đi công tác tới bang Rakhine, mà Liên Hiệp Quốc yêu cầu từ nhiều tuần qua, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng bởi vì bản báo cáo hoàn chỉnh của Liên Hiệp Quốc, với nội dung cáo buộc quân đội Miến Điện phạm tội ác ʺdiệt chủngʺ nhắm vào người Rohingya, sẽ được trình lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong vài ngày tới.

Bà Aung San Suu Kyi có lẽ sẽ không tham dự Đại Hội Đồng. Lãnh đạo Miến Điện, đang bị chỉ trích mạnh mẽ vì sự im lặng của bà trong cuộc khủng hoảng này, đã từng phải hủy chuyến đi New York hồi năm 2017, ngay sau khi bạo lực bùng phát. »

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180913-mien-dien-lhq-bat-dau-cong-viec-danh-gia-kha-nang-hoi-huong-nguoi-rohingya

 

Dự án khu bảo tồn cá voi

 ở Nam Đại Tây Dương bị chặn lại

Các quốc gia chuyên săn cá voi hôm 11/9 bỏ phiếu chống lại một nỗ lực kéo dài suốt 2 thập niên nhằm tạo ra một “thiên đường” ở Nam Đại Tây Dương cho các loài động vật có vú đang bị đe dọa tuyệt chủng. Sự kiện này càng gây thêm chia rẽ trong cuộc họp ở Brazil của Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC) vốn đã nhiều chia rẽ, theo AFP.

Dự án về khu bảo tồn cá voi ở Nam Đại Tây Dương đã nhận được ủng hộ của 39 quốc gia, 25 quốc gia bỏ phiếu chống và một số quốc gia không bỏ phiếu nên không đạt yêu cầu phải có đa số, tức 2/3, ủng hộ từ 89 thành viên của tổ chức.

Bộ trưởng Môi trường của Brazil, ông Edson Duarte, quốc gia đã đề xuất tạo ra khu bảo tồn trong cuộc họp của IWC năm 2001, nói ông rất thất vọng nhưng sẽ tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ trên toàn thế giới.

Nỗ lực xây dựng khu bảo tồn nhằm mục đích tăng lượng cá voi và kiềm chế tình trạng săn cá voi đến mức “nghiêm trọng” của các đội săn cá voi nước ngoài ở Nam Đại Tây Dương, CNN dẫn đề xuất được đệ trình lên IWC cho biết.

Trong số các nước bỏ phiếu chống lại dự án này có cả các quốc gia nổi tiếng về săn cá voi như Nhật Bản, Na Uy và Nga.

Các nhóm hoạt động về môi trường tham dự cuộc họp cũng thể hiện sự thất vọng cay đắng và chỉ trích kết quả này.

Được đồng tài trợ bởi Argentina, Gabon, Nam Phi và Uruguay, dự án lần đầu tiên được thảo luận vào năm 1998 và bắt đầu được biểu quyết kể từ cuộc họp năm 2001 của IWC.

Hiện IWC công nhận hai khu bảo tồn khác là khu bảo tồn Ấn Độ Dương được tạo ra vào năm 1979 và một khu bảo tồn ở vùng biển Nam Đại Dương quanh Nam Cực.

https://www.voatiengviet.com/a/du-an-khu-bao-ton-ca-voi-o-nam-dai-tay-duong-bi-chan-lai/4568871.html

 

Canada sẵn sàng mở thị trường sữa cho Hoa Kỳ

 đế cứu NAFTA

Ottawa, Canada – Hôm Thứ Ba (11/9), hai nguồn tin của Canada cho biết, Ottawa sẵn sàng mở cửa cho Hoa Kỳ một cách hạn chế vào thị trường sữa của Canada, như một sự nhượng bộ trong các cuộc đàm phán để cứu hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA.

Tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump tuyên bố, các cuộc đàm phán thương mại với Canada đang diễn ra tốt đẹp, và Ottawa muốn thực hiện thỏa thuận với Hoa Kỳ. Cũng vào ngày 11/9, ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland trở lại Washington, để tiếp tục cuộc đàm phán với đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer.

Theo Reuters, ngành công nghiệp sữa được bao cấp của Canada là một trong những điểm mấu chốt khiến 2 nước vẫn chưa đạt được thỏa thuận trong đàm phán NAFTA. Trước đó, ông Trump đã ký một thỏa thuận với Mexico, và cảnh cáo rằng ông sẵn sàng loại Canada ra khỏi thỏa thuận đã được sửa đổi, nếu Ottawa không chấp nhận các điều khoản thuận lợi hơn đối với Hoa Kỳ. Ngày 1 tháng 10 sắp tới sẽ là hạn chót cho việc tái đàm phán hiệp định NAFTA.

Ông David Wiens, Phó giám đốc Nhóm vận động những người nông dân chăn nuôi bò sữa của Canada cho biết, nông dân Canada bị mất khoảng 5% thị trường nội địa trị giá khoảng 21 tỷ đô Canada (tương đương 17 tỷ Mỹ Kim). Do đó, rõ ràng là Canada không muốn mở cửa thêm thị trường sữa cho bất kỳ quốc gia nào khác.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định sẽ bảo vệ ngành công nghiệp sữa của Canada. Ông chấp nhận việc không có hiệp định NAFTA, còn hơn là đạt được thỏa thuận bất lợi cho Canada.

Đổi lại nhượng bộ về sữa, Canada có thể yêu cầu Hoa Kỳ nhượng bộ về cơ chế giải quyết tranh chấp trong Chương 19 của hiệp định, cho phép Canada chống lại các thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ mà Ottawa cho rằng không hợp lý. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/canada-san-sang-mo-thi-truong-sua-cho-hoa-ky-de-cuu-nafta/

 

London mất vị trí đầu bảng về tay New York

trong khảo sát tài chính

New York đã vượt qua London để trở thành trung tâm tài chính hấp dẫn nhất thế giới, theo kết quả một cuộc khảo sát được công bố hôm 12/9. Vẫn theo cuộc khảo sát, quyết định của Anh rời khỏi EU (Brexit) khiến các ngân hàng chuyển các công việc ra khỏi London để duy trì việc tiếp cận với thị trường chung châu Âu.

Brexit đặt ra thách thức lớn nhất cho ngành tài chính của thành phố London kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu 2007-2009, vì nó có thể đồng nghĩa là các ngân hàng và các công ty bảo hiểm mất quyền tham gia Liên hiệp châu Âu, khối mậu dịch lớn nhất thế giới.

New York chiếm vị trí số 1, tiếp theo là London, Hong Kong và Singapore trong bảng chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu Z/Yen, chỉ số này xếp hạng 100 trung tâm về các yếu tố như cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận với các nhân viên chất lượng cao.

Chỉ số của London đã giảm 8 điểm so với sáu tháng trước, mức giảm lớn nhất trong số các đối thủ hàng đầu. Các tác giả của cuộc khảo sát cho biết điều này phản ánh sự bất định xung quanh việc Anh rời khỏi EU vào ngày 29/3 năm tới.

Việc xếp hạng, dựa trên các câu trả lời của gần 2.500 người làm việc trong ngành tài chính, cho biết một cách tương đối về mức độ hoạt động hiệu quả của các trung tâm tài chính trên toàn cầu, cứ hai năm một lần.

Con số các ngân hàng nói họ dự định thành lập các công ty con mới ở EU sau Brexit đã tăng lên trong năm qua. Hầu hết các ngân hàng lớn của Mỹ, Anh và Nhật đều cho biết họ sẽ xây dựng các chi nhánh tại Frankfurt, Paris hoặc Dublin.

“London và New York từ lâu đã tranh giành vị trí số một trong bảng chỉ số này, và sự bất định về tương lai Brexit sẽ ra sao có thể là yếu tố tác động đến sự thay đổi vị trí mới nhất giữa hai thành phố”, Miles Celic, giám đốc điều hành của nhóm vận động hành lang TheCityUK nói, “Trong một thế giới cạnh tranh, chúng ta không được phép tự mãn”.

https://www.voatiengviet.com/a/london-mat-vi-tri-dau-bang-ve-tay-new-york-trong-khao-sat-tai-chinh/4568695.html

 

« Xe lửa tự hành » :

Tham vọng của ngành đường sắt Pháp

Nước Pháp dự tính từ đây đến năm 2023 cho vận hành thử mô hình xe lửa chở khách và hàng hóa tự động hoàn toàn. Trong trường hợp được công chúng chấp nhận, mô hình này sẽ được triển khai toàn diện trong những năm sau đó.

Sau « drone volant » (thiết bị bay không người lái) sẽ là « train-drone » (xe lửa tự hành – không có lái tàu). Đây chính là tham vọng mà Công ty đường sắt quốc gia Pháp SNCF đặt ra từ đây cho đến năm 2023. Theo ông Guillaume Pepy, tổng giám đốc SNCF, những mô hình xe lửa chở hàng tự hành đầu tiên sẽ được thử nghiệm từ năm 2021.

Tiếp đến, các mô hình xe lửa chở hàng đường xa và chở khách TER (tầu nhanh liên vùng) tự động hóa hoàn toàn, không người điều khiển sẽ được đưa vào vận hành thử vào năm 2023.

Theo lãnh đạo ngành đường sắt, tự động hóa hoàn toàn sẽ cho phép lưu thông được nhiều tuyến xe lửa hơn, đều đặn hơn trên những tuyến đường có đông người sử dụng, đồng thời giảm bớt được việc tiêu thụ năng lượng, đơn giản bớt các thao tác điều khiển máy móc, việc xoay vòng và đi vào kho bãi.

« Đó chính là những chiếc xe lửa thông minh, có kết nối, đáp ứng được hai thách thức chính : giá thành và chất lượng phục vụ », như tóm lược của ông Guillaume Pepy. Vẫn theo ông Pepy, tính chất công việc cũng sẽ thay đổi theo. « Người ta sẽ chuyển từ vị trí lái xe lửa sang điều khiển từ xa ». Các nhân viên đường sắt tương lai sẽ phải làm chủ được hệ thống này và phải biết can thiệp trong trường hợp xảy ra sự cố.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý là việc triển khai áp dụng loại xe lửa này cho hành khách « sẽ phụ thuộc vào tâm lý chấp nhận xe lửa không người điều khiển ». Bản thân lãnh đạo ngành đường sắt Pháp cũng thừa nhận có phần « hơi sợ » khi đặt chân vào một chiếc máy bay không người lái.

Theo AFP, hiện tại trên thế giới đã có ba nước đang thử nghiệm loại hình xe lửa tự hành này : Úc, Nhật Bản và Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/phap/20180913-tau-khong-nguoi-dieu-khien-duong-sat-phap

 

Quốc Hội Pháp có tân chủ tịch

Thụy My

Như đã đoán trước, ứng viên của đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) cầm quyền, ông Richard Ferrand hôm qua 12/09/2018 đã được bầu làm chủ tịch Quốc Hội ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên, thay thế ông François de Rugy được bổ nhiệm làm bộ trưởng Sinh Thái. Tuy nhiên đây không phải là một thắng lợi vẻ vang, vì ông Ferrand chỉ giành được đa số tương đối.

Với 254 phiếu thuận trên tổng số 353 phiếu, Richard Ferrand không có được sự ủng hộ hoàn toàn trong đảng. Không phải tất cả 311 dân biểu LREM đều bỏ phiếu cho ông. Một số đã bầu cho ứng cử viên đảng cánh trung MODEM – một dấu hiệu cảnh báo. Ông Ferrand tỏ ra khiêm tốn, tuyên bố : « Tôi hoàn toàn ý thức được rằng việc tôi được bầu là kết quả của chính trị thực dụng, hơn là sự đua tranh tài năng ».

Năm nay 56 tuổi, cựu nhà báo và chủ doanh nghiệp Richard Ferrand là người thân tín của tổng thống Emmanuel Macron. Bị một số người trong đảng cho là độc đoán và bị đối lập chỉ trích, nay trở thành nhân vật có vị trí quan trọng thứ tư của nước Pháp, ông hứa hẹn sẽ tôn trọng ý kiến của mọi phía.

Kế hoạch 8 tỉ euro chống nạn nghèo đói

Trên lãnh vực xã hội, đích thân tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay 13/09/2018 trình bày kế hoạch chống nghèo đói tại Bảo tàng Nhân loại ở Paris. Được loan báo từ nhiều tháng qua, kế hoạch này lẽ ra được công bố từ mùa hè nhưng phải dời lại đến nay.

Trong bối cảnh tỉ lệ tín nhiệm của ông Macron bị sụt giảm, sau vụ cựu vệ sĩ Benalla sử dụng bạo lực với người biểu tình và vụ bộ trưởng Sinh Thái Nicolas Hulot từ chức, đây là cơ hội để tô điểm lại hình ảnh của tổng thống. Theo kế hoạch, ngân sách 8 tỉ euro sẽ được chi ra trong bốn năm nhằm ngăn ngừa nạn nghèo khó nhất là trong giới trẻ, và hỗ trợ tìm việc làm

http://vi.rfi.fr/phap/20180913-quoc-hoi-phap-co-tan-chu-tich

 

Hungary tố cáo

« sự trả thù của các chính khách ủng hộ nhập cư »

Thụy My

Tại Budapest, ngoại trưởng Hungary là người đầu tiên phản ứng với quyết định trừng phạt của châu Âu. Hôm qua 12/09/2018 tại Strasbourg, các nghị sĩ châu Âu với đa số áp đảo đã quyết định khởi động điều 7, hướng đến việc tước quyền bỏ phiếu của Hungary.

Đây là một tiến trình hiếm hoi, chỉ mới được sử dụng lần đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái đối với Ba Lan. Ngoại trưởng Peter Szijjarto thẳng thừng tuyên bố, cuộc bỏ phiếu chống lại Hungary chỉ là « một sự trả thù nhỏ nhen của các chính khách ủng hộ nhập cư đang thống trị Nghị Viện Châu Âu ».

Theo ông, sở dĩ Hungary bị trừng phạt là do đã chống lại những ai muốn mở rộng cửa châu Âu cho di dân. Ngoại trưởng Szijjarto nhấn mạnh đến thảm họa nhập cư, nhưng không hề nhắc tới tình trạng vi phạm dân chủ, gây áp lực lên truyền thông, tư pháp và các tổ chức phi chính phủ mà các định chế châu Âu đã tố cáo.

Vấn đề di dân cũng là chiến lược của ông Viktor Orban. Chính nhờ chiến dịch vận động tranh cử kịch liệt chống nhập cư, mà ông đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc Hội hồi tháng Tư, và nay thủ tướng Hungary cho rằng một chiến dịch truyền thông xoay quanh chủ đề tương tự cũng sẽ giúp ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử châu Âu tám tháng tới.

Nhiều tổ chức phi chính phủ Hungary đã hoan nghênh cuộc bỏ phiếu của Nghị Viện Châu Âu, cho rằng quyết định này giúp bảo vệ các quyền công dân Hungary, đông thời là lời cảnh báo cho các chính phủ chà đạp lên dân chủ.

Pháp cổ vũ « một dấu hiệu hết sức mạnh mẽ » của Nghị Viện Châu Âu, Đức nhắc nhở rằng Liên Hiệp Châu Âu là một cộng đồng những giá trị chung mà tất cả các Nhà nước thành viên đều phải tôn trọng. Tuy vậy quyết định hôm qua của Nghị Viện Châu Âu hiện chỉ có giá trị tượng trưng. Đó là vì muốn bước sang giai đoạn trừng phạt cần phải có được sự nhất trí của tất cả nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ trong Liên Âu trong khi Hungary và Ba Lan loan báo hai nước sẽ hỗ trợ lẫn nhau.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180913-hungary-to-cao-%C2%AB-su-tra-thu-cua-cac-chinh-khach-ung-ho-nhap-cu-%C2%BB

 

Giáo Hội Đức « xấu hổ »

vì các vụ xâm hại tình dục

Minh Anh

Giáo hội Công giáo Đức ngày 12/09/2018 đã lên tiếng thừa nhận là hàng trăm linh mục và chức sắc tôn giáo đã có những hành vi xâm hại tình dục nhắm vào trẻ vị thành niên, chủ yếu là các bé trai. Vụ việc được cho là diễn ra trong giai đoạn 1946 – 2014. Giáo hội Đức « xấu hổ » về vụ tai tiếng này.

Từ Berlin, thông tín viên đài RFI, Pascal Thibaut tường thuật :

« Chúng tôi bàng hoàng rụng rời chân tay và xấu hổ. Nhân danh giáo hội Đức, giám mục Stephan Ackermann không tìm cách tô điểm các kết quả nghiên cứu, đã có phát biểu như trên. Công trình này do các giảng viên nghiên cứu đại học độc lập, sẽ được trình bày trong một cuộc gặp của các giám mục Đức vào cuối tháng này. Thế nhưng, báo chí Đức lại tỏ ra nhanh nhậy hơn. 3677 trẻ em, đa số là bé trai dưới 13 tuổi, đã là nạn nhân của các vụ cưỡng hiếp và xâm hại tình dục, ngay bên trong giáo hội Đức, trong giai đoạn từ 1946 đến 2014. Trong gần 1700 trường hợp, thủ phạm là những giới chức của giáo hội.

Chắc chắn những kết quả điều tra này còn chưa phản ánh đầy đủ thực tế. Các nhà nghiên cứu đã không thể tiếp cận được các tài liệu lưu trữ của tất cả các giáo phận Đức. Và nhiều tài liệu đã bị hủy hoặc chỉnh sửa trong quá khứ để che giấu hoặc giảm nhẹ vụ việc.

Báo cáo nhấn mạnh là những nghi can đã không phải lo lắng bị giáo hội trừng phạt nghiêm khắc. Họ được điều chuyển đến những giáo phận khác và các con chiên không biết gì về quá khứ của các linh mục liên quan. Một phần ba những nghi can đã bị những trừng phạt ở mức tối thiểu hoặc không hề có. Trong quá khứ, nước Đức đã bị chấn động bởi những vụ bê bối tương tự. Vụ được biết đến nhiều nhất liên quan đến nhà thờ vùng Ratisbonne nổi tiếng, nơi mà theo bản báo, đã có tới 547 trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục và cưỡng hiếp, trong giai đoạn 1945-1992.»

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180913-giao-hoi-duc-noi-%C2%AB-xau-ho-%C2%BB-vi-cac-vu-xam-hai-tinh-duc

 

Xây dựng mái nhà chung với Tây Âu,

giấc mộng không thành của Nga

Thanh Hà

Tại Vladivostok, Vladimir Putin tiếp đón trọng thể Tập Cận Bình trong khuôn khổ diễn đàn kinh tế. Cách đó không xa chiến dịch thao diễn quân sự quy mô nhất từ khi Liên Xô sụp đổ, Vostok 2018. Những động thái này cho thấy Nga và Trung Quốc đang thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.

RFI Việt ngữ xin giới thiệu bài viết của Hélène Richard đăng trên nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 09/2018 mang tựa đề “Khi nước Nga mơ về châu Âu”.

2014 việc Nga thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina là một cột mốc quan trọng trong căng thẳng giữa Matxcơva với phương Tây, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng.

Hiềm khích bắt nguồn từ cuối thập niên 1990. Thái độ vồn vã của tổng thống Putin với thượng khách Tập Cận Bình nẩy sinh từ giấc mộng không thành để Nga tham gia vào “mái nhà chung châu Âu”.

Tháng 6/2018 khi vừa nhậm chức tổng thống thêm một nhiệm kỳ thứ tư, tổng thống Vladimir Putin đánh giá về Trung Quốc như sau : “Tập Cận Bình là một người bạn tốt và đáng tin cậy”. Hơn bốn năm trước đó, cuối tháng 3/2014, cũng ông Putin không khoan nhượng khi nói về đối tác phương Tây : “Họ đã nhiều lần lừa dối chúng ta, đâm sau lưng chúng ta và đặt chúng ta trước những chuyện đã rồi. Cứ nhìn vào việc NATO mở rộng biên giới sang phía đông, triển khai trang thiết bị quân sự sát biên giới Nga thì rõ”.

1985, Gorbatchev mơ về một “mái nhà chung”

Hélène Richard trở lại với thời điểm 1985, trong chuyến công du đầu tiên ra ngoài khối các nước cộng sản, với tư cách tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô, Mikhail Gorbatchev tại Paris đã kêu gọi các lãnh đạo Tây Âu cùng “xây dựng một mái nhà chung châu Âu”. Nguyên thủ Liên Xô lập lại một ý tưởng của tướng Charles de Gaulle, thành lập một khối châu Âu từ “bờ Đại Tây Dương đến rặng núi Oural”.

Tây Âu và Mỹ đánh giá tích cực sáng kiến của ông Gorbatchev. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Genève, tháng 11/1985 tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và lãnh tụ Liên Xô đồng ý về một điểm : chiến tranh nguyên tử không có lợi cho bất cứ phe nào và thế giới cần tránh để xảy ra kịch bản tai hại đó.

“Tháng 10/1986 tại Reykjavik (thủ đô Iceland) Gorbatchev đưa ra một đề nghị táo bạo : hủy 50 % đầu đạn hạt nhân trong thời hạn 5 năm và giải trừ hẳn số lượng này trong 5 năm kế tiếp. Ronald Reagan đồng ý nhưng vẫn cương quyết tiếp tục theo đuổi chương trình mang tên Sáng Kiến Phòng Thủ Chiến Lược. Đây là một lá chắn trong lĩnh vực không gian mà Liên Xô coi là một lá bài để Mỹ giữ thế thượng phong về mặt quân sự, để rồi về lâu về dài Hoa Kỳ lại lao vào cuộc chạy đua vũ trang (…). Để giải tỏa mối nghi ngờ của Reagan, ông Gorbatchev đơn phương đưa ra thêm những bước nhượng bộ khác. (…) Trong thỏa thuận ký kết ngày 08/12/1987 phía Liên Xô hủy 1.846 tên lửa, số này cao gấp đôi so với phía Hoa Kỳ”.

Nguyện vọng hướng về phương Tây của các nước Đông Âu

1988 cỗ xe kinh tế của Liên Xô bị đe dọa sụp đổ, ông Gorbatchev tiến hành cải tổ. Tại các nước trong khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu, nguyện vọng dân chủ ngày càng lớn. Theo lời nhà ngoại giao thời ấy, Vladimir Loukhin, Matxcơva ý thức được rằng đã đến lúc hai khối Đông-Tây không còn có thể tiếp tục đối đầu với nhau, mà phải cùng nhau xây dựng một tương lai chung, dựa trên một số giá trị nền tảng chung. Đó là tự do, nhân quyền, dân chủ và chủ quyền quốc gia.

Liên Xô nhượng bộ. Còn phương Tây thì đưa ra nhiều hứa hẹn. Bài toán thêm nan giải cho cả đôi bên khi bức tường Berlin sụp đổ.

Ở Matxcơva, Michail Gorbatchev “chủ trương một nước Đức trung lập ( hoặc tham gia cả hai liên minh quân sự – Liên Minh Bắc Đại Tây Dương và khối Vacxava), nằm trong cơ cấu an ninh liên châu Âu trên cơ sở Hội Nghị An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (CSCE), được thành lập năm 1975, trong hiệp định Helsinki”.

Tác giả bài viết trên tờ Le Monde Diplomatique, Helène Richard nhắc lại : “Hội Nghị An Ninh và Hợp Tác Châu Âu là kết quả hai khối Đông -Tây đạt được tại Helsinki năm 1975 theo đó, phương Tây đồng ý về tính bất di bất dịch của các đường biên giới, công nhận sự chia cắt nước Đức và những quyền lợi của Liên Xô ở Trung và Đông Âu. Đổi lại Matxcơva và các nước trong khối Xã Hội Chủ Nghĩa cam kết tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, kể cả tự do tư tưởng, tôn giáo.

Ở vào đầu thập niên 1990, CSCE là định chế duy nhất mà cả Mỹ, Canada, tất cả các thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu và Liên Xô là các thành viên thường trực. Trong mắt Matxcơva tổ chức này là viên gạch đầu tiên cho phép hai khối Đông và Tây Âu xích lại gần nhau”.

Một khối châu Âu “trung lập và phi quân sự hóa”

1990, tham vọng xây dựng một mái nhà chung châu Âu của Michail Gorbatchev đã được Đông và Tây Âu ủng hộ. Tuy nhiên ngay cả các nước trong khối Xã Hội Chủ Nghĩa trước đây cũng đòi rằng đó phải là “một ngôi nhà hòa bình”.

Hélène Richard viết : “Các nhà lãnh đạo mới ở các nước Đông Âu – số này thường là những nhà ly khai trước thời bức tường Berlin sụp đổ, đều có nguyện vọng “hòa hợp” nhưng không có nghĩa là rơi vào vòng kềm tỏa của phương Tây. Tại Tiệp Khắc, tân tổng thống Vaclav Havel đã khiến Washington choáng váng khi kêu gọi hai tổ chức quân sự là NATO và khối Vacxava cùng giải thể và đề xuất rút các lực lượng ngoại quốc khỏi khu vực Trung Âu (…).

Tại Bonn, thủ tướng Helmut Kolh bực mình vì đồng nhiệm Đông Đức, Lothar de Maizière mong muốn một nước Đức “trung lập”. (….) Phải đợi đến tháng 2/1991 Hungary, Ba Lan, và Tiệp Khắc mới từ bỏ ý định củng cố an ninh ở phía sườn Tây thành lập nhóm VISEGRAD, chấp nhận đứng dưới chiếc ô phòng thủ của Hoa Kỳ”.

Về phía Tây Âu, tổng thống Pháp, François Mitterrand chủ trương duy trì NATO đồng thời xây dựng một khối châu Âu hùng mạnh và độc lập với Mỹ. Paris khi đó quan niệm, thống nhất nước Đức, nhưng nước Đức thống nhất ấy phải được đặt trong một “hệ thống an ninh mở rộng, và dành một chỗ đứng cho nước Nga”.

Tránh cô lập Nga, Mitterrand vẽ lại bản đồ châu Âu mà ở đó “12 thành viên Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu là trung tâm”. Nữ thủ tướng Anh, Margaret Thatcher cũng đồng lòng. Luân Đôn khởi động cuộc đàm phán để tiến tới một “Hiệp hội châu Âu mở rộng (…) đón nhận các nước Đông Âu và trong tương lai, kể cả Liên Xô”.

Hy vọng chóng tiêu tan

Mikhail Gorbatchev tưởng chừng giấc mơ hội nhập Liên Xô với Tây Âu trong tầm tay. Vào lúc áp lực kinh tế trong nước ngày càng gia tăng, tại Bonn, thủ tướng Helmut Kohl tái đắc cử, khởi động tiến trình thống nhất Đông và Tây Đức. “Biết Liên Xô cần tiền, ở Hoa Kỳ, tổng thống Bush đề nghị Bonn nên “hào phóng” với Matxcơva. Tây Đức trích 13,5 tỷ DM trong chiến dịch hồi hương quân Liên Xô. Mọi đối thoại với điện Kremlin dễ dàng hơn”.

Trong thỏa thuận giải trừ hạt nhân START năm 1991 Liên Xô dễ dàng chấp thuận “mạnh tay” hủy các đầu đạn nguyên tử theo yêu cầu của phương Tây.

“Có điều, vài ngày sau khi khối Vacxava bị khai tử, tháng 7/1991 tại thượng đỉnh G7 Luân Đôn, Gorbatchev đã ra về tay không, khi ngỏ lời cầu viện 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới giúp đỡ”.

Năm tháng sau đó, đến lượt Liên Xô sụp đổ và cùng với sự kiện lịch sử đó, giấc mơ xây dựng một ngôi nhà chung châu Âu từ bờ Đại Tây Dương đến dẫy núi Oural vĩnh viễn bị chôn vùi.

NATO và Liên Hiệp Châu Âu lần lượt kết nạp các thành viên cũ của khối Xã Hội Chủ Nghĩa.

1993 tổng thống Pháp, François Mitterrand phẫn nộ trước quyết định của NATO kết nạp thêm các thành viên mới ở sườn đông. Tại Washington một số tiếng nói coi đây là một sai lầm. Ngay cả George Kennan, người mà ngay từ năm 1946 đã chủ trương kềm tỏa đà ảnh hưởng của Liên Xô. Năm 1997 chính Kennan đã phải thốt lên rằng việc kết nạp đó là “sai lầm chính trị lớn nhất của Hoa Kỳ từ sau Thế Chiến Thứ Hai (…) Quyết định đó làm phương hại đến sự phát triển của nền dân chủ Nga, và làm sống lại thời kỳ chiến tranh lạnh … Nga bắt buộc xem đấy là một hành vi quân sự và sẽ đi tìm những điểm tựa khác để bảo đảm an ninh và tương lai cho nước Nga”.

Nga bị phương Tây phản bội

Ở vào thập niên 1990, nước Nga đang khổ tâm về tình trạng kinh tế, không thể bảo vệ những quyền lợi của mình trên mặt địa chính trị. Dù vậy phương Tây đã để ngỏ một số cánh cửa. Matxcơva đã thu hồi được các trang thiết bị nguyên tử tại các nước Cộng Hòa Liên Xô cũ, duy trì được chiếc ghế thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An và được mời tham gia câu lạc bộ các nền kinh tế công nghiệp phát triển G7 … Anatoli Adamichine, ngoại trưởng Liên Xô trong thời kỳ 1986-1990 ghi nhận : “Chúng tôi tưởng chừng đã cùng hội cùng thuyền với phương Tây”.

Ban đầu Matxcơva không xem việc NATO mở rộng sang sườn đông như một mối đe dọa mà chỉ lo nước Nga bị cô lập. Mãi đến năm 1999 khi NATO can thiệp vào Nam Tư không có sự đồng ý của Liên Hiệp Quốc mới làm nước Nga thức tỉnh.

Dù vậy Nga vẫn tiếp tục ấp ủ giấc mơ tiến đến gần hơn với châu Âu và phương Tây.

Tác giả bài viết trên tờ Le Monde Diplomatique nhắc lại rằng, năm 2000 khi được chỉ định thay thế Boris Eltsin, Vladimir Putin trong nhiệm kỳ đầu đã tiếp tục con đường “Tây tiến”.

Phát biểu trước Quốc Hội Đức năm 2001, nguyên thủ Nga kêu gọi châu Âu cùng chung sức với nước Nga trên tất cả mọi các lĩnh vực từ kinh tế đến văn hóa và quân sự. Sau loạt khủng bố tại Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 năm 2001, Nga mạnh mẽ đề nghị thành lập một “liên minh chống khủng bố”.

Cuối năm 2001, nước Mỹ của tổng thống George W. Bush bất ngờ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận chống tên lửa đạn đạo ABM từng được Brejnev và Nixon đặt bút ký năm 1972.

Gruzia 2008 là một rạn nứt mới trong quan hệ giữa Nga với phương Tây nhưng Matxcơva vẫn chưa đóng cửa đối thoại khi đề nghị một thỏa thuận an ninh với châu Âu. Bruxelles làm ngơ.

“Bị châu Âu hất hủi, Nga chuyển hướng với dự án hội nhập kinh tế khu vực, bao gồm các nước Cộng Hòa Liên Xô cũ nhưng vẫn không quay lưng lại với Tây Âu ….)”.

Điểm không thể đảo ngược trong quan hệ giữa Matxcơva với Bruxelles là năm 2013 khi Liên Âu lôi kéo Ukraina vào vùng ảnh hưởng của mình.

Ngoại trưởng Serguei Lavrov trong một phát biểu gần đây cho rằng “không còn có thể nhìn quan hệ giữa Nga với Liên Hiệp Châu Âu bằng lăng kính của thời kỳ chiến tranh lạnh”.

Hélène Richard, tác giả bài viết “Khi nước Nga mơ về châu Âu” kết luận : bên cạnh tất cả những yếu tố khiến Nga xa rời Liên Hiệp Châu Âu, thì cũng phải nhìn nhận rằng khủng hoảng trong khu vực đồng euro rồi Brexit, đã khiến Liên Âu trở nên kém hấp dẫn trong mắt Matxcơva. “Crimée là hồi kết của hành trình tiến gần đến với Đông Âu. Nước Nga giờ đây chấp nhận vị thế đơn độc về mặt địa chính trị”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180913-xay-dung-mai-nha-chung-voi-tay-au-giac-mong-khong-thanh-cua-nga

 

Đài Loan : Trung Quốc và Vatican

sắp đạt được thỏa thuận lịch sử

Thụy My

Bộ Ngoại Giao Đài Loan hôm nay 13/09/2018 nhận định một thỏa thuận lịch sử giữa Bắc Kinh và Vatican sắp được ký kết, đồng thời tin tưởng là Đài Bắc vẫn giữ được đồng minh ngoại giao duy nhất tại châu Âu.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Đài Loan Andrew Lee cho biết đã có được những thông tin «từ nhiều nguồn », theo đó một thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc về « các vấn đề tôn giáo » sẽ được ký kết trong khoảng tháng Chín hay tháng Mười.

Ông Lee nhấn mạnh, chính phủ Đài Loan hết sức chú ý đến thỏa thuận trên, nhưng hy vọng sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ với Tòa Thánh. Ông tuyên bố : « Tôi cho rằng thỏa thuận liên quan đến việc hợp tác và trao đổi thuần về tín ngưỡng, không can dự đến các quan hệ ngoại giao. Chúng tôi hy vọng quan hệ với Vatican tiếp tục bền vững lâu dài, cho dù thỏa thuận này được ký kết ».

Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cảnh Sảng hôm nay nói rằng Trung Quốc « đã có những nỗ lực » để cải thiện quan hệ với Tòa Thánh, nhưng không cho biết chi tiết cụ thể.

Vatican lâu nay rất khó tìm được đồng thuận được với Bắc Kinh trên vấn đề phong chức cho các giám mục. Khoảng 12 triệu giáo dân Trung Quốc phải lựa chọn giữa giáo hội Công giáo « yêu nước » do chế độ cộng sản lãnh đạo, và giáo hội ngầm chỉ tuân theo các chỉ thị của Đức giáo hoàng.

Tuy nhiên nhiều người lo ngại một thỏa thuận về vấn đề tôn giáo sẽ kết thúc quan hệ chính thức giữa Đài Loan và Vatican, vào lúc Bắc Kinh tăng cường nỗ lực cô lập hóa Đài Bắc, ra sức khuyến dụ 17 quốc gia hiện đang có quan hệ ngoại giao với đảo quốc.

Từ khi bà Thái Anh Văn lên làm tổng thống, Đài Loan đã bị mất đi năm đồng minh, trong đó chỉ riêng năm nay đã có ba nước cắt đứt quan hệ với Đài Bắc trước mồi nhử kinh tế hấp dẫn của Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180913-dai-loan-trung-quoc-va-vatican-sap-dat-duoc-thoa-thuan-lich-su

 

‘Vành đai và Con đường

lấy tài nguyên của nước đối tác’

Người đứng đầu cơ quan đầu tư quốc tế của Hoa Kỳ đã gia tăng sự chỉ trích với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, và cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng mô hình này để “lấy tài nguyên của các quốc gia đối tác,” theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng.

Ray Washburne, chủ tịch và CEO của OPIC, một cơ quan liên chính phủ Hoa Kỳ, cho rằng Bắc Kinh vẫn chưa hề thay đổi cách vận hành sáng kiến kinh tế của nó, dù đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích.

Thực tế, giới chức Trung Quốc vẫn đang cố gắng tránh né phương diện địa chính trị trong sáng kiến Một Vành đai, Một con đường mà thay vào đó tập trung vào phương diện phát triển kinh tế lâu dài và tạo ra việc làm cho các nước đối tác.

VN tham gia ‘Vành đai, Con đường’ như thế nào?

‘Xa lộ Tự do’ đối trọng ‘Một Vành đai’ của TQ?

Trung Quốc muốn lập ‘Đường Tơ Lụa trên Băng’

Tuy nhiên ông Washburne cho rằng ông “không hề thấy điều này”. “[Trung Quốc] chẳng gì giúp đỡ gì những quốc gia này cả, họ chỉ muốn lấy tài nguyên của các nước này.”

Ông lặp lại các chỉ trích rằng Trung Quốc đang đẩy các nước đối tác vào cảnh nợ nần và dẫn chứng trường hợp cảng Hamabota ở Sri Lanka.

Washburn cũng vừa giới thiệu một dự luật BUILD Act lên Quốc hội Hoa Kỳ, với mục đích gia tăng quan hệ hợp tác kinh tế với Nhật Bản, một cường quốc châu Á cũng lo ngại về sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

BUILD Act được đánh giá là một cách để đối trọng với Một Vành đai, Một Con đường của Tập Cận Bình

Việt Nam, Trung Quốc cam kết tăng cường hợp tác

Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc vừa cam kết gia tăng phát triển quan hệ đối tác chiến lược, theo Xinhua.

Bên lề Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Toàn cầu, Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa.

Ông Hồ Xuân Hoa đề nghị Bắc Kinh và Hà Nội cần “tích cực thúc đẩy sự hợp tác giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc với kế hoạch “Hai hành lang và một vành đai kinh tế” của Việt Nam.

Ông Hồ bàn về việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, kinh tế và thương mại, đầu tư, và phát triển thương mại biên giới để nâng cao mức độ hợp tác kinh tế.

Phó Thủ tướng Trung Quốc cũng khuyến khích thúc đẩy trao đổi khoa học công nghệ, và giao lưu thanh niên giữa hai nước để “để củng cố nền tảng ý kiến xã hội và công chúng cho mối quan hệ thân thiện giữa hai nước.”

Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Trọng thì cho biết “Việt Nam luôn trân trọng tình hữu nghị anh em truyền thống”

Và “sẽ tiếp tục củng cố niềm tin chính trị ở lẫn nhau và tìm kiếm sự hiệp lực chặt chẽ hơn trong chiến lược phát triển giữa hai nước.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45505721

 

Diễn đàn Kinh tế ở Hà Nội:

PTT Trung Quốc lên án chủ nghĩa bảo hộ

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa hôm 12/9 kêu gọi loại bỏ nghĩa bảo hộ và nói rằng chính sách thương mại đơn phương của một số nước đề ra “mối nguy hiểm nghiêm trọng nhất” đối với nền kinh tế thế giới, theo Reuters.

Phát biểu của ông được đưa ra vào thời điểm tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ngày càng tồi tệ. Nước Mỹ được xem là đang sử dụng các biện pháp bảo hộ kinh tế dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á cũng lên tiếng ủng hộ các hiệp ước đa phương tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Hà Nội. Mặc dù vậy, Singapore nhấn mạnh rằng không có sự bảo đảm có đồng thuận lớn về hiệp ước thương mại lớn nhất thế giới mà các nước đang làm việc với Trung Quốc sẽ được ký kết vào cuối năm nay.

“Các biện pháp đơn phương và bảo hộ của một số quốc gia đang làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc, đề ra mối nguy hiểm nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế thế giới”, Reuters dẫn lời ông Hoa nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

“Chúng ta phải loại bỏ một cách dứt khoát chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương và duy trì nền kinh tế thế giới và hệ thống thương mại đa phương”, Phó Thủ tướng Trung Quốc nói thêm.

Tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói ông sẵn sàng áp thuế bổ sung trên hầu hết hàng nhập khẩu của Trung Quốc, đe dọa đánh thuế trên 267 tỷ USD hàng hóa, vượt quá mức thuế dự kiến là 200 tỷ USD trên các sản phẩm của Trung Quốc.

Trung Quốc hôm 10/9 nói sẽ đáp trả nếu Hoa Kỳ thực hiện bất kỳ hành động mới nào về thương mại.

Tổng thống Trump thường chỉ trích về mức thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ, và yêu cầu Bắc Kinh phải cắt giảm ngay lập tức.

Nếu Hoa Kỳ áp đặt mức thuế bổ sung 25% trên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, thì số người thất nghiệp ở Trung Quốc có thể tăng thêm 3 triệu nếu như Bắc Kinh không có bất kỳ biện pháp đối phó nào, theo các nhà phân tích của JP Morgan.

Nếu Washington tiếp tục áp thuế 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc, thì khoảng 6 triệu việc làm ở Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng, nếu Trung Quốc không có bước phản ứng nào và không phá giá đồng nhân dân tệ.

Trong khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiến Long nói ông không chắc sẽ đạt được thỏa thuận trong năm nay về Hiệp định Thương mại Hợp tác Toàn diện Khu vực (RCEP), bao gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng thương mại Singapore cho biết các quốc gia đang nhắm tới việc đạt được thỏa thuận lớn về hiệp ước tại một hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo ở Singapore vào tháng 11, 6 năm sau khi các cuộc đàm phán bắt đầu.

RCEP do Bắc Kinh hậu thuẫn và có thêm động lực mới từ việc Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Trung Quốc không phải là một thành viên.

https://www.voatiengviet.com/a/pho-thu-tuong-tq-len-an-chu-nghia-bao-ho-tai-dien-dan-kinh-te-o-ha-noi/4568890.html

 

Trại cải tạo : Bắc Kinh

chỉ « giáo dục » người Duy Ngô Nhĩ

Thụy My

Một quan chức cao cấp Trung Quốc hôm nay 13/09/2018 khẳng định, chính quyền Bắc Kinh không bức hại người Hồi Giáo ở Tân Cương, mà chỉ « giáo dục » họ để tránh lan truyền các ý tưởng cực đoan, trong lúc các nước châu Âu thất bại trong lãnh vực này.

Đáp trả cáo buộc của Liên Hiệp Quốc theo đó có ít nhất một triệu người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương bị giam giữ trong những nhà tù và trại cải tạo, ông Li Xiaojun, giám đốc thông tin của bộ phận phụ trách nhân quyền thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc khẳng định : « Đó không phải là đối xử tệ hại ». Theo ông, « Trung Quốc chỉ thiết lập các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp, các trung tâm giáo dục ».

Quan chức này nhấn mạnh : « Tuy quý vị không coi đó là cách tốt nhất, nhưng đây có lẽ là câu trả lời cần thiết cho Hồi Giáo cực đoan, bởi vì phương Tây đã thất bại trong việc kiểm soát xu hướng này (…) Hãy nhìn sang nước Bỉ hay Paris, nhìn sang các nước châu Âu khác mà xem. Quý vị đã thất bại ».

Cao Ủy Nhân Quyền, bà Michelle Bachelet hôm thứ Hai 10/9 đã kêu gọi Bắc Kinh cho phép Liên Hiệp Quốc gởi các quan sát viên đến Trung Quốc để kiểm tra những thông tin về các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ, gây giận dữ cho chính quyền Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180913-trai-cai-tao-bac-kinh-chi-%C2%AB-giao-duc-%C2%BB-nguoi-duy-ngo-nhi

 

Việt – Nhật kêu gọi Trump tham gia TPP

Thụy My

Việt Nam và Nhật Bản hôm nay 13/09/2018 kêu gọi Hoa Kỳ quay lại với hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP, mà 11 quốc gia chủ yếu là châu Á đang cố gắng làm sống lại sau khi ông Donald Trump tuyên bố rút lui vào năm ngoái.

Ngoại trưởng Nhật Taro Kono trong Diễn đàn Kinh tế của ASEAN tổ chức tại Hà Nội tuyên bố : « Chúng tôi luôn nghĩ rằng TPP là chọn lựa tốt nhất đối với Hoa Kỳ ». Hưởng ứng lời kêu gọi này, đồng nhiệm Việt Nam, ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh TPP là một « hiệp định ở cấp rất cao ».

Mười một quốc gia ở hai bên bờ Thái Bình Dương hồi đầu tháng Ba đã ký kết một thỏa thuận để hồi sinh hiệp định mà Hoa Kỳ đã bỏ rơi. Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Brunei, Úc, Canada, Chilê, Mêhicô, Peru, New Zealand đã ký tắt văn bản được gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hiệp định TPP được Washington khởi xướng dưới thời tổng thống Barack Obama. Được ký vào tháng 2/2016 sau nhiều năm thương lượng gay gắt giữa 12 nước Thái Bình Dương, TPP lẽ ra sẽ là đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.

Nhưng trước khi văn bản có hiệu lực, ngày 23/01/2017, tổng thống Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định. Thỏa thuận tự do thương mại đầy tham vọng tập hợp 40% GDP và 25% thương mại toàn cầu coi như sụp đổ.

Tuy vậy sau đó tổng thống Mỹ cũng dịu giọng. Tháng Tư năm nay, ông Donald Trump cho biết lại muốn tham gia hiệp định xuyên Thái Bình Dương mới, nếu Hoa Kỳ đạt được những điều kiện tốt nhất.

Việt Nam được cho là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất nếu TPP thành hiện thực.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180913-viet-nhat-keu-goi-trump-tham-gia-tpp

 

Hàn Quốc và Triều Tiên mở văn phòng liên lạc chung

Hai miền Nam và Bắc Triều Tiên sẽ mở một văn phòng liên lạc chung vào ngày 14/9 với mục đích hỗ trợ việc giao tiếp và các mối quan hệ xuyên biên giới.

Bộ Thống nhất của Hàn Quốc hôm 12/9 thông báo rằng văn phòng mới sẽ được mở ở thành phố Kaesong của Triều Tiên, nằm gần đường biên giới chia cắt hai miền hiện vẫn đang là thù địch.

Bộ này nói văn phòng liên lạc sẽ trở thành “một kênh cố vấn và giao tiếp suốt ngày đêm” nhằm “giảm bớt những căng thẳng quân sự và thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.”

Hai nước sẽ phái 20 quan chức đến làm việc tại văn phòng này.

Ý tưởng thành lập văn phòng liên lạc xuất phát từ cuộc họp thượng đỉnh vào tháng Tư giữa lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Văn phòng dự kiến được mở vào tháng trước nhưng bị hoãn lại do một bế tắc giữa Bắc Hàn và Mỹ về tiến trình phá hủy chương trình vũ khí hạt nhân, một lời cam kết mà ông Kim Jong Un đưa ra tại cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore vào tháng Sáu vừa qua.

Tình hình này đã được cải thiện kể từ sau khi một phái đoàn của Tổng thống Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng vào tuần trước và họp với Chủ tịch Kim, người sau đó đã chuyển tới Tổng thống Trump một bức thư ngỏ ý muốn có cuộc gặp lần thứ hai với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ để hội đàm vấn đề trên.

https://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-va-trieu-tien-mo-van-phong-lien-lac-chung/4568821.html

 

Seoul nhấn mạnh cần có kết quả

nếu họp thượng đỉnh Trump-Kim mới

Minh Anh

Ngoại trưởng Hàn Quốc ngày 13/09/2018 tuyên bố một cuộc gặp thượng đỉnh mới giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên nếu diễn ra thì phải mang lại các « kết quả xác thực ». Seoul đã có phản ứng như trên ba ngày sau khi Nhà Trắng cho biết đang nhắm đến một cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Kim mới.

Phát biểu sau phiên họp Diễn đàn Kinh tế Thế giới do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức ở Hà Nội, ngoại trưởng Kang Kyung-Wha cho rằng « Một cuộc gặp thượng đỉnh lần hai phải làm môt số điều gì đó cho phép thúc đẩy đáng kể lịch trình… Cần phải có những kết quả xác thực ».

Hôm thứ Hai, 10/09/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã nhận được bức thư từ lãnh đạo Bắc Triều Tiên đề nghị tổ chức một cuộc gặp lần hai. Bởi vì, kể từ sau thượng đỉnh lịch sử 12/06 ở Singapore, ngoài những hình ảnh gây ấn tượng, đôi bên vẫn chưa đạt được một tiến bộ nào trong việc hòa giải và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tháng Tám vừa qua, nguyên thủ Mỹ còn hủy chuyến công du Bình Nhưỡng của ngoại trưởng Mike Pompeo vì cho rằng chưa có những tiến bộ đáng kể trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên và tiến trình phi hạt nhân hóa vẫn luôn ở điểm chết.

Dù vậy, phía Hàn Quốc vẫn tỏ ra lạc quan cho thượng đỉnh Liên Triều sắp tới, dự kiến diễn ra từ ngày 18-20/9 tại Bình Nhưỡng. Seoul khẳng định vấn đề « phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình cho bán đảo » sẽ là nội dung chính trong chương trình nghị sự giữa hai nguyên thủ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180913-seoul-phan-ung-truoc-kha-nang-mot-thuong-dinh-trump-kim-moi

 

Philippines sơ tán dân trước siêu bão Mangkhut

Ngày 13/9, chính phủ Philippines bắt đầu sơ tán hàng ngàn người dân sinh sống trong khu vực trên đường đi của cơn bão mạnh nhất trong năm nay. Chính quyền đã đóng cửa các trường học, các xe ủi đã được chuẩn bị sẵn để đối phó với các vụ sạt lở đất, các đội cứu hộ và quân đội được đặt trong tình trạng báo động cao tại miền bắc nước này.

Hãng tin AP trích dẫn Trung tâm cảnh báo bão ở Hawaii phân loại cơn bão này là thuộc loại “siêu bão” với sức gió và gió giật rất mạnh.

Dự báo cho biết bão Mangkhut có thể ập vào tỉnh Cagayan ở đông bắc Philippines vào ngày thứ Bảy tới đây. Hôm 13/9, cơn bão đang ở vị trí cách Philippines khoảng 725 km trên Thái Bình Dương với sức gió 205 km/giờ và gió giật lên đến 255 km/giờ.

Với vòng đai mây nước trải rộng trên 900 km, kết hợp với mưa gió mùa, cơn bão có thể mang lại mưa dữ dội gây sạt lở đất và lũ quét, theo các nhà dự báo thời tiết của chính phủ Philippines. Cảnh báo bão đã được nâng lên tại 25 tỉnh trên đảo lớn Luzon ở miền bắc, hạn chế việc đi lại trên biển.

AP dẫn lời trưởng cơ quan Phòng vệ Dân sự Ricardo Jalad cảnh báo hơn 4 triệu người ở các tỉnh Cagayan, Isabela ở vùng đông bắc và các khu vực kế cận có thể bị tác động với sức tàn phá cao nhất tại vùng gần mắt bão rộng tới 125 km.

Gần 48.000 ngôi nhà ở những khu vực có nguy cơ cao này được làm bằng vật liệu nhẹ nên sẽ dễ bị tàn phá bởi những cơn gió dữ dội do bão Mangkhut mang lại.

Thống đốc Cagayan, ông Manuel Mamba, cho biết dân cư ở các làng ven biển và tại các cộng đồng ở phía bắc của đảo, gồm 1,2 triệu dân trong vùng chuyên sản xuất lúa và ngô, đã bắt đầu sơ tán. Tất cả các lớp học đã bị hủy.

Cơn bão đến vào mùa bắt đầu thu hoạch lúa và ngô ở Cagayan, khu vực sản xuất nông nghiệp chính của Philippines, khiến nông dân phải vội vã vớt vát những gì có thể, theo lời ông Mamba. Mối đe dọa đối với nông nghiệp đến giữa lúc Philippines đang nỗ lực đối phó với tình trạng thiếu gạo.

Văn phòng Phòng vệ Dân sự cho biết các tỉnh phía bắc khác cũng đã bắt đầu sơ tán dân hôm thứ Năm tại các khu vực có nguy cơ cao, bao gồm các tỉnh miền núi phía bắc dễ bị mưa và lở đất.

Tổng thống Rodrigo Duterte đã hủy bỏ dự định tham dự cuộc thử nghiệm bắn tên lửa trên tàu hải quân ở tỉnh Bataan phía bắc do bão đang đến gần. Thay vào đó, ông chủ trì phiên họp với các cơ quan đối phó với thiên tai và các quan chức quốc phòng ở Manila.

Tại Guam, nơi bão Mangkhut đã quét qua, người dân thức giấc vào sáng thứ Ba trong cảnh đường phố ngập lụt, cây cối gãy đổ và cúp điện trên diện rộng. Các cơ quan chính phủ đang đánh giá thiệt hại và bắt đầu dọn dẹp đường phố, theo Pacific Daily News.

Khoảng 80% vùng lãnh thổ thuộc Hoa Kỳ này bị mất điện nhưng đã được phục hồi vào sáng thứ Năm.

Bão Mangkhut, từ tiếng Thái nghĩa là măng cụt, là cơn bão thứ 15 trong năm nay đánh vào Philippines.

Philippines được coi là một trong những quốc gia dễ gặp thiên tai nhất trên thế giới, với khoảng 20 cơn bão mỗi năm.

Hồi năm 2013, cơn bão Haiyan đã giết chết hoặc làm mất tích hơn 7.300 người, hơn 5 triệu người ở miền trung Philippines phải di tản.

https://www.voatiengviet.com/a/philippines-so-tan-dan-truoc-sieu-bao-mangkhut/4569919.html

 

Bà Suu Kyi bênh vực

việc Myanmar bỏ tù hai nhà báo

Lãnh đạo Myanmar bà Aung San Suu Kyi bênh vực việc Myanmar cầm tù hai nhà báo Reuters, bất chấp sự lên án của quốc tế.

Bà Suu Kyi nói hai phóng viên Wa Lone và Kyaw Soe Oo đã vi phạm luật pháp và việc giam cầm họ “không có gì liên quan đến tự do ngôn luận”.

Cả hai nhà báo bị kết án vì sở hữu tài liệu của cảnh sát trong khi điều tra việc giết hại những người Hồi giáo Rohingya.

Bà Suu Kyi cũng nói việc quân đội Myanmar ruồng bắt người Rohingya có thể đã được xử lý một cách khác hơn.

Người đoạt giải Nobel Hòa bình – không phải là tổng thống được bầu của Myanmar nhưng được xem hầu như là người thực sự lãnh đạo nước này – đã bị áp lực mạnh mẽ để bình luận về cả cuộc khủng hoảng Rohingya và gần đây hơn là việc Myanmar giam cầm các nhà báo.

Tuần này, một cơ quan có thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc cáo buộc Myanmar “đang có chiến dịch chống lại các nhà báo”.

Giáo hoàng không dùng từ Rohingya ở Myanmar

Reuters công bố cuộc điều tra thảm sát người Rohingya

LHQ: Khủng hoảng Rohingya là ‘thảm họa nhân đạo’

Bà Suu Kyi đã phá vỡ sự im lặng về vấn đề này hôm thứ Năm trong khi tham dự một hội nghị kinh tế quốc tế tại Việt Nam.

Trong một bài phát biểu, bà nói đây là trường hợp duy trì luật lệ và cho rằng nhiều nhà phê bình đã không thực sự đọc bản án.

Hai nhà báo này có “mọi quyền kháng cáo phán quyết của toà và chỉ ra tại sao bản án sai”, bà nói.

“Bà ấy không hiểu rằng ‘luật pháp’ thực sự có nghĩa là tôn trọng bằng chứng được trình bày tại tòa án, hành động được đưa ra dựa trên luật được xác định rõ ràng và cân đối, và sự độc lập của tư pháp với ảnh hưởng của chính phủ hoặc lực lượng an ninh”, Phó Giám đốc Châu Á Phil Robertson nói.

“Trong tất cả những điều kiện này, vụ xử các nhà báo Reuters đều không đáp ứng được.”

‘Bị cảnh sát cài’

Hai nhà báo của Reuters bị kết án bảy năm tù vào ngày 3 tháng 9 vì vi phạm luật bí mật của Myanmar trong khi điều tra vụ thảm sát người Rohingya bởi quân đội tại một ngôi làng có tên Inn Din.

Trong các phiên tòa trước, cả hai nhà báo đều cho rằng họ tuân thủ đạo đức truyền thông, và rằng họ bị ‘cảnh sát cài’.

Hai nhà báo Wa Lone, 32 tuổi, và Kyaw Soe Oo, 28 tuổi, đã thu thập bằng chứng về việc hành hình 10 người đàn ông trong làng Inn Din ở miền bắc Rakhine, Myanmar vào ngày 2/9/2017.

Theo Reuters, một nhóm nam giới người Rohingya, chạy trốn các vụ bạo lực, đến một bãi biển – nơi họ bị tách biệt riêng ra và giết chết.

Ít nhất hai người đàn ông đã bị dân làng – là các Phật tử- đánh chết, số còn lại bị quân đội bắn chết.Vào ngày 12/12, hai nhà báo được mời đến ăn tối với hai nhân viên cảnh sát – những người trao cho họ các tài liệu về vụ thảm sát.

Họ bị bắt khi vừa rời nhà hàng.

Họ bị buộc tội “sở hữu các tài liệu quan trọng và bí mật của chính phủ liên quan đến chính quyền và lực lượng an ninh của Rakhine”. Cảnh sát cho biết thông tin đã được “mua bất hợp pháp với ý định chia sẻ với truyền thông nước ngoài”.

Luật sư của hai nhà báo cho hay việc này đã được cảnh sát Myanmar dàn xếp vì muốn trừng phạt họ do đã đưa tin về vụ thảm sát.

“Chúng tôi không làm gì sai và những cáo buộc là vô căn cứ,” Wa Lone nói tại tòa tuần trước.

Một cảnh sát đứng ra làm chứng, nói ông được ra lệnh cài các tài liệu vào các nhà báo.

Người Rohingya đã đối mặt với việc bị phân biệt đối xử ở Myanmar trong nhiều thập niên, bị xem là những người di cư bất hợp pháp và có vấn đề từ Bangladesh.

Cuộc khủng hoảng mới nhất nổ ra khi một cuộc đàn áp quân sự tàn bạo đã được đưa ra để trừng phạt một nhóm chiến binh Rohingya tấn công một số đồn cảnh sát.

Kể từ năm ngoái, ít nhất 700.000 người Rohingya đã trốn khỏi bạo lực Myanmar, còn được gọi là Miến Điện.

Vào tháng Tám, một bản tường trình của LHQ cho biết lãnh đạo quân sự hàng đầu ở Myanmar phải được điều tra về tội diệt chủng ở bang Rakhine và tội ác chống lại loài người ở các khu vực khác.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45506003

 

Bà Suu Kyi một lần nữa

không dự họp đại hội đồng LHQ

Người đứng đầu chính phủ Myanmar Aung San Suu Kyi sẽ không tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vào tuần tới, theo ghi nhận của truyền thông hôm 12/9, trong bối cảnh có những lời kêu gọi cần phải buộc các lực lượng an ninh của Myanmar chịu trách nhiệm về những cáo buộc phạm những tội ác chống lại người Hồi giáo Rohingya.

Khôi nguyên giải Nobel Hòa bình Suu Kyi là người đứng đầu chính phủ dân sự trong vai trò đặc biệt là cố vấn nhà nước nhưng bà cũng đồng thời là Bộ trưởng Ngoại giao của Myanmar.

Bà Suu Kyi sẽ không tham dự phiên họp Đại hội đồng sắp tới, theo 7Day Daily – một tờ báo hàng đầu của Myanmar – trích dẫn nguồn tin của một quan chức Bộ Ngoại giao nước này.

Thay vào đó, hai bộ trưởng cấp cao trong chính phủ của bà, Kyaw Tint Swe và Kyaw Tin – những nhà ngoại giao lâu năm từng ủng hộ chính phủ quân nhân trước đây của Myanmar – sẽ tham dự và “giải thích những diễn biến gần đây của tiến trình hòa nhập và hợp tác với các tổ chức quốc tế,” theo quan chức của Bộ Ngoại giao nói trên – thư ký thường trực Myint Thu.

Reuters gọi điện tới văn phòng của ông Myint Thu hôm 10/9 nhưng không được trả lời. Người phát ngôn chính phủ Zaw Htay từ chối bình luận về vấn đề này.

Bà Suu Kyi tránh công du nước ngoài trong lúc ngày càng có nhiều lời kêu gọi bà phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng đã đẩy khoảng 700.000 người Rohingya di tản khỏi Myanmar vào năm ngoái khi họ bị các lực lược an ninh chính phủ đàn áp.

Bà Suu Kyi cũng đã không đến dự cuộc họp Hội đồng của LHQ cách đây một năm, ngay sau khi bạo lực bùng ra và trước đó bà được kỳ vọng là sẽ tới dự.

Chính phủ của bà Suu Kyi kiên quyết phủ nhận các cáo buộc đàn áp trong chiến dịch này và cam kết sẽ tiếp nhận những người Rohingya quay trở lại.

Tuy nhiên áp lực từ cộng đồng quốc tế lên chính phủ Myanmar tiếp tục tăng và cuộc khủng hoảng người Rohingya sẽ là một chủ đề chính tại các cuộc thảo luận của Đại hội đồng.

Một nhóm điều tra độc lập của LHQ tháng trước cho biết rằng có bằng chứng cho thấy “mục tiêu diệt chủng” của quân đội Myanmar.

Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) cho biết họ có thể điều tra các tố giác rằng người Rohingya bị Myanmar trục xuất sang Bangladesh. Myanmar nói ICC không có quyền hạn để làm việc này vì Myanmar không phải là một thành viên của tòa án này nhưng ICC nói họ có thể xử các hành động xảy ra ở Bangladesh – quốc gia là thành viên của ICC.

Người đứng đầu về nhân quyền của LHQ Michelle Bachelet hôm 10/9 ủng hộ các lời kêu gọi thành lập một nhóm điều tra mới, cùng với khả năng có một cuộc điều tra của ICC, để thu thập bằng chứng và khởi tố trong tương lai về những tội ác đối với người Ronhingya.

https://www.voatiengviet.com/a/ba-aung-san-suu-kyi-mot-lan-nua-khong-du-cuoc-hop-dai-hoi-dong-lhq/4568753.html