Tin khắp nơi – 13/07/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 13/07/2018

Trump chê ‘Brexit mềm’ và khen Boris Johnson

Tổng thống Donald Trump nói Anh có thể “sẽ không nhận được” thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ, nếu cứ tiếp tục với kế hoạch Brexit mới nhất.

Tổng thống Donald Trump không chỉ chê ‘Brexit mềm’ (soft Brexit) vẫn để Anh gần lại EU mà còn khen đối thủ chính trị của Thủ tướng Theresa May là ông Boris Johnson.

Không chỉ có vậy, ông còn nói trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Sun trước khi sang Anh rằng “Boris Johnson có thể thành một thủ tướng tuyệt vời”.

Johnson ra đi trước giờ Trump đến London

Brexit: Số dân Anh xin hộ chiếu EU tăng nhanh

Trump chọn trưởng Hội đồng thương mại

Brexit: Số dân Anh xin hộ chiếu EU tăng nhanh

Trump đàm phán ‘cứng rắn’ với Nato

Ông Boris Johnson vừa tuyên bố rời chính phủ hôm đầu tuần vì bất đồng nghiêm trọng với bà May xung quanh kế hoạch Brexit của bà.

Nay, ông Trump nói tốt hơn cả là Hoa Kỳ sẽ “làm việc thẳng với EU” chứ không với nước Anh.

Đón tiếp long trọng

Thủ tướng Anh đón ông Trump và đệ nhất phu nhân Melania trong bữa tiệc trọng thể ở Cung Blenheim, Oxfordshire tối 12/07 và nêu ra đề nghị ký thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ.

Nhưng những người chống lại bà cho rằng kế hoạch Brexit mới nhất không đưa Anh ra khỏi EU như họ muốn, và Anh nhượng bộ Brussels quá nhiều.

Nay thì vị khách cao cấp nhất nói thẳng ra rằng kế hoạch của Anh, vẫn giữ mối liên hệ khá chặt chẽ về giao thương với EU là Hoa Kỳ cũng không thích phương án đó.

Biên tập viên chính trị của BBC Laura Kuenssberg bình luận hôm 13/07 rằng ông Trump đã “nã phát súng hai nòng” vào bà May.

Câu nói của ông rất quan trọng vì “chính phủ Anh vẫn đang cố bấu víu vào ý tưởng rằng các thỏa thuận thương mại với các nước ngoài EU là một trong số nhiều lợi ích của Brexit”, theo bà Kuenssberg.

Không chỉ công khai ca ngợi ông Boris Johnson, đối thủ chính trị của bà May, Tổng thống Trump còn nói rằng ông buồn khi nghe tin ông Johnson rời chính phủ Anh.

Tổng thống Trump cũng nói với biên tập viên chính trị của tờ The Sun, Tom Newton Dunn tại Tòa Bạch Ốc trước khi sang Anh, rằng ông biết về vụ hình nộm ‘Cậu bé Trump đeo bỉm’ được cho bay lên ở London.

Theo ông Tom Newton Dunn thì ông Trump cảm thấy bị tổn thương vì vụ đó.

Trong bài phỏng vấn được bố trí bởi The Sun để tung ra đúng ngày ông Trump sang Anh, Tổng thống Hoa Kỳ khoe rằng ông đã “khuyên bà May đừng làm như thế” với kế hoạch Brexit mềm.

“Nhưng bà ấy đã chọn cách đi khác,” ông Trump nói.

Theo BBC News trưa 13/07, Phủ Thủ tướng Anh chưa phản ứng gì về những phát biểu của ông Trump trước chuyến thăm công tác (working visit) sang Anh.

Nói với báo chí tại dinh thự công của Thủ tướng Anh ở Chequers, Buckinghamshire ông Trump khen “quan hệ với Anh Quốc đang rất tốt”.

Tuy thế, theo nữ dân biểu đảng Bảo Thủ Sarah Wollaston nói với BBC News trưa 13/07 thì ông Trump “là kẻ chuyên bắt nạt” (bully), với lời phát biểu “xúc phạm” khi sang Anh.

Theo lịch, ông Trump sẽ được Nữ hoàng Elizabeth II đón tại Lâu đài Windsor, nằm về phía Tây Nam London.

Nhưng trong lịch trình, ông Trump không vào trung tâm London, nơi hàng vạn người dự kiến sẽ tuần hành để phản đối ông.

Chiều thứ Sáu 13/07 ông sẽ lên sân golf của ông sở hữu ở Turnberry, Scotland, và sau đó ông sẽ sang Helsinki hội đàm với Tổng thống Nga, Vladimir Putin.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44820446

 

Trump ủng hộ Thủ tướng Anh

vài giờ sau khi chỉ trích kế hoạch Brexit

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu nói ông mong muốn hoàn tất một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Anh, đánh dấu một sự thay đổi đột ngột từ những phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với báo chí khi ông nói chiến lược của Thủ tướng Theresa May sẽ hủy hoại một thỏa thuận như vậy.

Trong một cuộc phỏng vấn được đăng tải chỉ vài giờ trước khi hai nhà lãnh đạo hội đàm, ông Trump đã chỉ trích những kết quả “rất đáng tiếc” của các đề xuất của thủ tướng cho Brexit và các chiến thuật đàm phán của bà khi Anh chuẩn bị rời khỏi Liên minh Châu Âu vào tháng 3 năm sau.

Tuy nhiên, ông Trump sau đó nói bà May đang “làm rất tuyệt.”

“Một khi quá trình Brexit được hoàn tất và có lẽ Anh rời khỏi EU, tôi không biết họ sẽ làm gì, nhưng bất cứ điều gì các bạn làm đều OK với tôi, đó là quyết định của các bạn,” ông Trump nói trong một cuộc họp báo chung với bà May trong khu vườn tại Chequers, tư dinh chính thức của bà ở vùng quê.

“Bất cứ điều gì các bạn làm đều OK với chúng tôi, chỉ cần đàm bảo là chúng ta có thể giao thương với nhau, đó là chuyện quan trọng hơn hết. Đây là một cơ hội tuyệt vời cho hai nước chúng ta và chúng ta sẽ nắm bắt nó trọn vẹn.”

Tuần trước cũng tại địa điểm này, bà May cuối cùng đã đạt được sự đồng thuận từ nội các cho kế hoạch Brexit của bà nhưng trong vòng hai ngày, hai bộ trưởng cao cấp đã từ chức. Ông Trump trước đó trong tuần đã nói rằng những vụ từ chức này khiến Anh rơi vào tình cảnh rối loạn.

Vài giờ sau khi những đề xuất đó được chính thức công bố, ông Trump càng tỏ ra ngờ vực về chiến lược này và đưa ra một tuyên bố gay gắt trong một cuộc phỏng vấn với báo The Sun.

“Nếu họ thỏa thuận kiểu đó thì chúng tôi sẽ làm việc với Liên minh Châu Âu thay vì với Vương quốc Anh, vì vậy nó có thể sẽ hủy hoại thỏa thuận đó,” ông Trump nói. “Nếu là tôi thì tôi sẽ làm khác đi. Thật ra tôi đã bảo Theresa May nên thế nào, nhưng bà ấy không nghe lời tôi.”

Khi được hỏi về cuộc phỏng vấn đó, ông Trump nói rằng ông không chỉ trích thủ tướng và đang hết lời ca ngợi bà, nói rằng bà rất cứng rắn và có năng lực.

“Người phụ nữ đáng kinh ngạc này ngay tại đây đang làm rất tuyệt, rất tốt,” ông nói. “Thật không may, có một bài báo nói chung là viết tốt nhưng nó không đưa vào những gì tôi nói về thủ tướng và tôi đã nói tốt rất nhiều. Cái này gọi là tin vịt.”

Bà May cũng tránh nói về những phát biểu này.

“Chúng tôi đã nhất trí ngày hôm nay rằng khi Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu, chúng tôi sẽ theo đuổi thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-Anh đầy tham vọng,” bà nói. “Thỏa thuận Chequers đạt được vào tuần trước cung cấp một nền tảng cho Donald và tôi theo đuổi một thỏa thuận đầy tham vọng mà có lợi cho cả hai nước khắp nền kinh tế của chúng ta.”

Bà May và ông Trump đều nói về tầm quan trọng của “mối quan hệ đặc biệt” giữa hai nước, điều mà những người ủng hộ Brexit hy vọng sẽ giành được những lợi ích khi Anh rời khỏi EU, cho phép nước này thiết lập quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, nhiều người đã mô tả kế hoạch “thân thiện với doanh nghiệp” của bà May là một sự phản bội mà sẽ giữ nước Anh quá gần với EU, kể cả các nhà lập pháp trong Đảng Bảo thủ của bà vốn bị chia rẽ sâu sắc. Họ cảnh báo rằng bà có thể phải đối mặt với một sự thách thức quyền lãnh đạo.

Trong cuộc họp báo, bà May cũng cảm ơn ông Trump về sự ủng hộ của ông dành cho Anh liên quan tới Nga, nước mà Anh đã quy trách về một vụ tấn công bằng chất độc thần kinh nhắm vào một cựu điệp viên người Nga ở tây nam của Anh vào tháng 3.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-ung-ho-thu-tuong-anh-vai-gio-sau-khi-chi-trich-ke-hoach-brexit/4481485.html

 

Lên án đồng minh,

liệu ông Trump có khiến Mỹ bị cô lập?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu chuyến công du châu Âu kéo dài sáu ngày giữa những lo lắng rõ ràng của các đồng minh về cam kết của ông dành cho liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn là một trong những hòn đá tảng của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ giữa bối cảnh ông Trump có mối quan hệ nồng ấm khó hiểu với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 11/7 ở Brussels, Bỉ, đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh trong khi thượng đỉnh Trump-Putin đầu tiên dự kiến diễn ra ở Helsinki, Phần Lan, được ông Trump cho là ‘cuộc gặp dễ dàng nhất’ đối với ông.

Lâu nay ông Trump đã chỉ trích nặng nề các nước NATO vì đã ‘đóng góp không đủ’ vào ngân sách phòng vệ chung của khối và để Mỹ gánh vác phần lớn bên cạnh vấn đề giao thương với các nước châu Âu mà ông cho là ‘không công bằng với Mỹ’. Nhưng mâu thuẫn lại càng khoét sâungay trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO khi ông Trump cáo buộc nước Đức là ‘tù nhân của Nga’ do nước này mua khí đốt từ Nga.

Trong khi đó, Bắc Kinh đang tận dụng những chia rẽ giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu để lôi kéo những nước này đứng về phía Bắc Kinh và tranh thủ giành lấy quyền lãnh đạo thế giới trên những hồ sơ mà Mỹ thoái lui như biến đổi khí hậu, tự do thương mại hay thỏa thuận hạt nhân Iran.

“Nước Đức bị Nga cầm tù,” ông Trump phát biểu trong một cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ở thủ đô của Bỉ. “Điều đó rất không phù hợp.”

Tổng thư ký Stoltenberg đã phản bác lại ông Trump. Ông nói rằng mặc dù trong liên minh có những khác biệt về ý kiến, ‘chúng ta mạnh hơn khi đoàn kết thay vì chia rẽ’.

Trong một bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal trước khi ông Trump đến Brussels, Tổng thư ký NATO đã viết rằng: “Sau nhiều năm cắt giảm, các đồng minh giờ đây đã ngưng cắt giảm và đã bắt đầu tăng chi tiêu quốc phòng. Năm ngoái, các đồng minh NATO đã tăng cường ngân sách quốc phòng lên mức 5,2 % gộp lại – đó là sự tăng ngân sách lớn nhất trong vòng một phần tư thế kỷ qua. Giờ đây năm 2018 sẽ là năm thứ tư liên tiếp ngân sách quốc phòng tiếp tục tăng.”

Tuy nhiên, trong vòng 17 tháng qua, ông Trump đã làm cho phương Tây mất đi sự đoàn kết và đã đặt nghi vấn về những giá trị của phương Tây một cách ‘đáng giật mình’, theo một bài phân tích trên kênh CNN, do nước Mỹ lâu nay vẫn xem các định chế của châu Âu là giúp nước Mỹ tăng cường sức mạnh và củng cố an ninh của Mỹ.

Ông đã mô tả các đồng minh châu Âu là ‘những kẻ lợi dụng sự hào phóng của Mỹ’ thay vì là đối tác trong nỗ lực của Mỹ tái thiết châu Âu hoang tàn sau Đệ nhị thế chiến và là một liên minh đã đánh bại chủ nghĩa cộng sản trong Chiến tranh Lạnh trong một chiến thắng cho chủ nghĩa tư bản dân chủ tự do.

Trong bài phân tích có tựa đề: “Các đồng minh phương NATO đang tự hỏi liệu phương Tây có chịu đựng nổi nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump hay không”, CNN cho rằng sự tấn công của ông Trump đang mở rộng chia rẽ trong liên minh xuyên Đại Tây Dương và giúp trực tiếp cho điều mà các cơ quan tình báo Mỹ và các cường quốc bên ngoài cho là mục tiêu của Putin để củng cố chế độ chuyên chế của ông bằng cách làm suy yếu các định chế của phương Tây.

“Liên minh xuyên Đại Tây Dương đang ở trong tình trạng xấu nhất trong vòng 70 năm qua, khi mà một vị tổng thống Mỹ ngày càng thỏa thích hành động theo trực giác chủ nghĩa dân tộc dân túy của ông, phát động một cuộc chiến thương mại với Liên minh châu Âu và nhai lại những luận điệu ngoại giao của nhà độc tài Nga mà ông ấy ngưỡng mộ,” bài báo viết.

“Câu hỏi mà mọi người ở đây đưa ra là liệu thế giới có sẽ trông ra sao sau một vài ngày nữa ở đây? Liệu một hệ thống đã bị suy yếu có bị dồn thêm một cú nữa không?” ông Thomas Kleine-Brockhoff, một cựu cố vấn tổng thống Đức, được CNN dẫn lời nói từ Brussels.

Trước khi rời Nhà Trắng đi châu Âu, Tổng thống Trump đã cho thấy tại sao châu Âu có quan ngại như thế, một tháng sau khi ông làm bùng nổ hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada.

“Các nước NATO phải móc hầu bao nhiều hơn, Hoa Kỳ phải trả tiền ít hơn. Thật là bất công!” ông Trump viết trên Twitter.

Sau đó ông Trump phát biểu với các phóng viên rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với Putin sẽ ‘dễ dàng hơn so với cuộc gặp với các đồng minh của Mỹ’ – điều này càng làm tăng lo lắng rằng thái độ thù địch của ông đối với NATO sẽ khiến cho Nga mạnh bạo hơn.

Lời bình luận này cũng ông Trump là một ví dụ nữa cho thấy ông đứng về phía một nhà lãnh đạo mà các đồng minh của Mỹ xem là đe dọa đối với dân chủ, các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016 để giúp Trump giành chiến thắng và là lãnh đạo một bộ máy an ninh nhiều khả năng phải chịu trách nhiệm cho cái chết của một phụ nữ Anh sau một vụ tấn công bằng chất độc thần kinh vào một cựu điệp viên Nga trên đất Anh.

Ông Trump thường hòa điệu với các mục tiêu chính sách đối ngoại của Nga hơn là với các đồng minh NATO – ông đã kêu gọi cho phép Nga gia nhập trở lại vào khối G7 và từ chối loại trừ việc công nhận Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.

Những người bênh vực ông Trump nói rằng việc ông liên tục đòi NATO phải đạt mức chi tiêu quốc phòng ở mức 2% tổng sản phẩm quốc nội chỉ là lặp lại và tăng cường những yêu cầu của những người tiền nhiệm của ông về việc chia sẻ gánh nặng giữa các đồng minh. Có lập luận cho rằng bằng việc ép các đồng minh tăng chi tiêu quân sự, ông Trump thật ra đang làm cho NATO hùng mạnh hơn.

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, các chính phủ châu Âu đã cắt giảm chi tiêu quân sự do họ phải chật vật chi tiêu cho phúc lợi xã hội trong khi sự thiếu vắng một nguy cơ đe dọa sự tồn tại của họ đã khiến quân đội của họ mất dần tính sẵn sàng chiến đấu.

Tuy nhiên lời tuyên bố không có cơ sở của ông rằng các đồng minh các mắc nợ hàng tỷ đô la các khoản đóng góp đã phá hoại sự đoàn kết của liên minh, theo CNN.

Đài này cũng nhắc lại rằng Chương 5 trong Hiến chương NATO về phòng vệ tập thể chỉ được viện đến lần duy nhất để giúp cho Mỹ sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 năm 2001 và các đồng minh của Mỹ đã đổ rất nhiều máu trong các cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan và Iraq.

“Ông ấy chắc chắn đã làm suy yếu đồng minh. Vấn đề bây giờ là liệu khối đồng minh có chịu nổi cho hết nhiệm kỳ của ông ấy hay không. Một phần của điều này tùy thuộc vào ông ấy sẽ còn tại vị được bao lâu,” ông Max Boot, một sử gia và là một phân tích gia an ninh quốc gia, được CNN dẫn lời nhận định.

Một phần là do những chỉ trích từ ông Trump, một phần là sự gia tăng nguy cơ đến từ Nga, từng thành viên NATO đã và đang tăng chi tiêu cho quốc phòng khi mà thời hạn chót phải đạt mức 2% GDP vào năm 2024 đang đến gần.

“Chúng ta sẽ nói về gia tăng chi phí quân sự cao nhất mà các đồng minh của chúng ta thực hiện kể từ Chiến tranh Lạnh,” Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison phát biểu hồi tuần trước trong một cuộc họp báo vốn nhấn mạnh vào những mối đe dọa ‘hung ác’ từ phía Nga.

Theo CNN có hai kịch bản có thể xảy ra ở NATO: Một là, nếu như ông Trump đòi hỏi các đồng minh phải chi tiêu nhiều hơn, và nhẹ nhàng hối thúc những nước còn chậm như Đức phải làm nhiều hơn và tránh đối được đối đầu thì NATO có thể tránh được thiệt hại to lớn. Tuy nhiên kịch bản này đi ngược lại với điều mà lâu nay ông Trump vẫn tin là các đồng minh ‘lợi dụng Mỹ’ và việc ông không thích cách tiếp cận đa phương vốn trái ngược với phương châm ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông.

Nhưng nếu sự thiếu lòng tin lan rộng, thì Nga sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất.

“Nếu điều đó xảy ra, tôi cho rằng liên minh đang gặp khủng hoảng ở mức độ lịch sử,” cựu Đại sứ Mỹ ở NATO Ivo Daalder được CNN dẫn lời nói.

Nhưng cho dù điều gì xảy ra đi nữa, cựu cố vấn của Tổng thống Đức tin rằng ông Trump đã ‘để lại thiệt hại lâu dài cho đồng minh phương Tây’.

“Một liên minh bao gồm phần cứng và phần mềm. Phần cứng là xe tăng, máy bay và tàu chiến. Phần mềm là lòng quyết tâm và đoàn kết. Nếu không có hai yếu tố này thì anh không thể răn đe ai cả,” ông Kleine-Brockhoff nhận định.

Một số chính khách chủ chốt của Mỹ cũng lo ngại Tổng thống Trump đang làm tổn thương NATO.

“Tôi cảm thấy rất bất an với việc này,” Thượng nghị sỹ Bob Corker thuộc Đảng Cộng hòa và là chủ tịch của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, được dẫn lời nói hôm thứ Ba ngày 10/7. “Tác động bất ổn mà nó đang gây ra ở khu vực là to lớn.”

Về phần mình, viết trên Twitter, ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Obama, viết: “Tổng thống Trump khiến bạn bè của chúng ta hóa kẻ thù và biến kẻ thù của chúng ta, vốn tấn công vào nền dân chủ của nước Mỹ, trở thành đồng minh mà ông ấy xun xoe. Tại sao?”

“Tại sao một tổng thống Mỹ mà lần xuất hiện đầu tiên ở NATO hồi năm ngoái đã là một thảm họa lại đến Bỉ năm nay chỉ để chứng minh rằng không ấy không hiểu những liên minh quan trọng đã tạo ra sự khác biệt lớn lao như thế nào đối với an ninh của nước Mỹ và cuộc sống của người dân châu Âu.”

“Tổng thống Trump đang từng bước hủy hoại danh tiếng của chúng ta trên thế giới. Ông ấy phá hoại lợi ích của chúng ta,” ông Kerry viết.

Ông Kerry gọi những bình luận của ông Trump là ‘đáng xấu hổ, phá hoại và đi ngược lại lợi ích của nước Mỹ’ và cho rằng cách tiếp cận của ông Trump đối với NATO đã làm suy yếu một liên minh mà nước Mỹ đã xây dựng để bảo vệ những mục tiêu kinh tế và chiến lược của mình vốn đã cho phép hàng triệu người sống trong tự do.

Châu Âu đang đối phó với sự bùng nổ của chủ nghĩa dân túy vốn thậm chí xảy ra trước khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng hồi năm 2016. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo khu vực đang nhận thức được rằng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc đang thách thức quyền lực của phương Tây.

Những thách thức đó là lý do họ thấy cần phải củng cố khối đồng minh Bắc Đại Tây Dương.

Tuy nhiên giờ đây có một cảm giác mạnh mẽ ở châu Âu rằng ông Trump đang làm điều ngược lại và không có cảm tình với những giá trị của phương Tây như quyền tự do biểu đạt, sự đa dạng và nền dân chủ tự do vốn là cốt lõi của văn minh phương Tây.

Ngay cả trước khi ra tranh cử tổng thống, ông Trump đã không che giấu quan điểm của ông đối với các đồng minh dưới cái nhìn làm ăn – ông xem họ trên khía cạnh tiền bạc nhiều hơn là một cách để Mỹ phát huy sức mạnh và các giá trị chung.

Ông Trump bác bỏ thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran bất chấp những thuyết phục từ các đồng minh châu Âu và điều này đã để lại ấn tượng rằng những ưu tiên an ninh quốc gia của khu vực chỉ là yếu tố phụ so với mong muốn của ông Trump củng cố sự ủng hộ chính trị cho mình.

“Ngài Tổng thống Trump ạ: Nước Mỹ không và sẽ không có đồng minh nào tốt hơn châu Âu. Chúng tôi chi tiêu cho quân sự nhiều hơn Nga rất nhiều và cũng nhiều như Trung Quốc,” Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, vốn là một người chỉ trích thẳng thừng ông Trump, viết trên Twitter, để đáp lại chỉ trích của ông Trump.

“Nước Mỹ yêu quý, hãy trân trọng đồng minh của quý vị,” ông Tusk viết. “Suy cho cùng, quý vị không có nhiều đồng minh lắm đâu.”

Ông Tusk còn kêu gọi ông Trump ‘nghĩ cho rõ ai là bạn bè chiến lược còn ai là vấn đề chiến lược’.

Nhưng trước khi chiếc Không lực Một đáp xuống Brussels, ông Tusk đã có được câu trả lời của ông Trump: “Liên minh châu Âu khiến cho các nông dân và công nhân và các hãng xưởng của chúng ta không thể làm ăn ở châu Âu (ý ông muốn nhắc đến thâm hụt thương mại 151 tỷ đô la), vậy mà họ còn muốn chúng ta vui lòng bảo vệ cho họ thông qua NATO, và vui lòng móc hầu bao ra cho nó nữa. Không có việc đó đâu!,” ông Trump viết trên Twitter.

Các nhà quan sát châu Âu lo lắng trước sự kết nối an ninh với thương mại của ông Trump mà họ cho rằng dựa trên sự thiếu hiểu biết liên minh này hoạt động như thế nào.

“Nếu đó là một mối đe dọa kết nối vấn đề an ninh với thương mại, nó sẽ phá hủy nền tảng của NATO,” ông Stefano Stefanini, cựu đại sứ Ý ở NATO được dẫn lời nói trong một bài phân tích trên Washington Post.

“Nếu người châu Âu đậu một chiếc hàng không mẫu hạm mới toanh ngoài khơi Mar-a-Lago (khu nghỉ mát thuộc sở hữu của ông Trump ở Florida) và vung gậy vào sân golf 18 lỗ, ông Trump sẽ đòi họ trả tiền,” ông Jeremy Shapiro của Hội đồng Đối ngoại châu Âu ví von. “Rốt cuộc, ông ấy không tin vào việc Mỹ sẽ bảo vệ châu Âu, vậy thì tại sao Mỹ phải móc hầu bao ra cơ chứ? Ông ấy chỉ quan tâm nếu nó đem lại lợi nhuận.”

Theo Washington Post thì cuộc gặp thượng đỉnh của NATO sau này sẽ chỉ được xem là hàng thứ yếu so với cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Putin diễn ra sau đó.

“Bởi vì cuộc gặp Trump-Putin diễn ra sau Thượng đỉnh NATO, bất cứ thành tựu gì đạt được ở Brussels cũng sẽ dễ dàng đổ sông đổ biển do những lời hứa hẹn tùy hứng của ông Trump đối với ông Putin,” ông Rachel Rizzo ở Trung tâm An ninh Mỹ Mới ở Washington nhận định.

“Xét trên phong cách đàm phán của ông Trump (như đã thể hiện trong cuộc gặp Trump-Kim), các đồng minh hoàn toàn quan ngại chính đáng rằng ông ấy có thể sẽ nói với Putin rằng ông ấy sẽ rút quân ra khỏi đông Âu hay ngừng tham gia tập chung với NATO như là một cử chỉ thiện chí trao cho Putin. Điều đó sẽ khiến các đồng minh châu Âu luống cuống,” ông Rachel Rizzo nhận định.

Ngoài ra còn có lo sợ rằng ông Trump sẽ công nhận việc Nga dùng vũ lực sáp nhập Crimea của Nga hồi năm 2014. Nếu điều này xảy ra thì nó sẽ hợp thức hóa rất nhiều hành động khác nữa – tức là chỉ cần có sức mạnh, có sức mạnh quân sự quy ước thì anh (như Nga và Trung Quốc) có thể làm bất cứ điều gì anh muốn.

Trong khi đó, ông Trump còn có thói quen mắng mỏ các đồng minh như Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên các vấn đề như thương mại, biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran. Các biện pháp thuế quan mà ông áp đặt lên nhôm và thép châu Âu sẽ kích hoạt một cuộc chiến tranh thương mại với châu lục này.

Theo Washington Post, thì những động thái như vậy gây xói mòn lòng tin của các đồng minh vốn ngày càng tin rằng Tổng thống Trump đang phá hoại trật tự thế giới sau Đệ nhị Thế chiến để theo đuổi những lợi ích ngắn hạn.

Với cách đối xử với đồng minh như trên thì theo tờ báo này chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông Trump thật sự có nghĩa là ‘Nước Mỹ chỉ có một mình’.

https://www.voatiengviet.com/a/l%C3%AAn-%C3%A1n-%C4%91%E1%BB%93ng-minh-li%E1%BB%87u-%C3%B4ng-trump-c%C3%B3-khi%E1%BA%BFn-m%E1%BB%B9-b%E1%BB%8B-c%C3%B4-l%E1%BA%ADp-/4480923.html

 

Trump: NATO ‘mạnh’

nhờ cam kết tăng chi tiêu quốc phòng

Đảo ngược những chỉ trích gay gắt của ông nhắm vào NATO trước đây, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói Liên minh Bắc Đại Tây Dương đang rất mạnh – một phần nhờ những cam kết của các đồng minh của Mỹ sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội. Ông Trump mô tả những hứa hẹn đó là một thắng lợi lớn cho dù cam kết đó đã được đưa ra từ năm 2014.

Sau khi lớn tiếng đe dọa Mỹ có thể rút ra khỏi NATO, hôm 12/7 ông Trump nói không có vấn đề gì trong NATO, ông nói thêm rằng các đồng minh của Mỹ đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng một cách “rất đáng kể”.

Phát biểu vào lúc bế mạc hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels, ông Trump nói: “Chúng ta có những số liệu cao chưa từng đạt được trước đây, hoặc có thể nói là chưa từng thấy trước đây”.

Số liệu mà Tổng thống Trump nói đến – 2% GDP – thực ra là kết quả của các cuộc họp NATO cách đây bốn năm, khi các nước thành viên cam kết sẽ duy trì mức chi tiêu hoặc đạt chỉ tiêu 2% trước năm 2024 – hạn chót này dường như vẫn đứng vững sau các phiên họp của NATO trong tuần này.

Sau phát biểu của ông Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đính chính rằng không có gì thay đổi so với cam kết của NATO trước đây, bất chấp những tuyên bố của ông Trump.

Kênh tin tức France 24 trích lời Tổng thống Macron nói: “Một tuyên bố đã được công bố ngày hôm qua. Tuyên bố ấy rất chi tiết. Văn kiện đó xác nhận chỉ tiêu là tăng ngân sách quốc phòng lên 2% trước năm 2024. Chấm hết.”

Vào tháng Hai năm nay, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay chỉ có phân nửa trong số 29 thành viên của liên minh đang trên đường để có thể thực hiện mục tiêu đó trước năm 2024 – mà theo ông sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 46 tỷ USD. Hiện chỉ có 8 quốc gia được dự kiến sẽ đạt được mục tiêu đó vào năm 2018.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-nato-dang-rat-manh-nho-tang-chi-tieu-quoc-phong/4480230.html

 

Macron bác tuyên bố của Trump về chi tiêu NATO

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bác tin các đồng minh NATO đã đồng ý tăng cường đóng góp tài chính vượt mức 2% GDP.

Đây là một trong những yêu cầu chủ chốt của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đến hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ. Trước đó, ông Trump đã ca ngợi rằng ông ‘đã thành công’ ở hội nghị thượng đỉnh NATO.

“Có một thông cáo được đưa ra vào hôm qua. Rất chi tiết,” ông Macron được AP dẫn lời nói. “Nó xác nhận mục tiêu 2% GDP (mà mỗi thành viên đóng góp cho NATO) vào năm 2024. Chấm hết.”

Ông nói rằng ông không tin rằng việc tăng mục tiêu ngân sách quốc phòng của các nước NATO từ 2% lên 4% như ý Tổng thống Trump đề xuất ‘không nhất thiết là một ý hay’.

Ông Macron cũng bác bỏ tin tức cho rằng ông Trump đã đe dọa rút ra khỏi khối đồng minh NATO.

“Vào lúc này, Tổng thống Trump chưa bao giờ, cả công khai lẫn riêng tư, đe dọa rút khỏi NATO,” ông Macron cho biết.

Trước đó, hôm thứ Năm ngày 12/7, ông Trump đã nói rằng các đồng minh NATO đã đồng ý ‘tăng cường đáng kể cam kết’ đối với liên minh quân sự này sau khi ông phàn nàn với các nhà lãnh đạo đồng minh rằng ông ‘cực kỳ không vui’.

“Đã có tiến bộ rất lớn. Mọi người ai cũng đồng ý tăng cường đáng kể cam kết. Họ sẽ tăng cam kết lên đến mức họ chưa từng nghĩ đến trước đây,” ông Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels.

“Cam kết đã được đưa ra,” ông nói. “Cam kết đã là 2%, cuối cùng nó sẽ tăng lên cao hơn mức đó một chút.”

Về phần mình, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte nói rằng nước ông ‘thừa hưởng những cam kết chi tiêu mà chúng tôi sẽ không thay đổi. Cho nên sẽ không có chuyện tăng thêm ngân sách,” ông Conte được AP dẫn lời phát biểu trong một cuộc họp báo. Tuy nhiên, ông nói rằng vấn đề chia sẻ tốt hơn gánh nặng đóng góp cho liên minh là ‘vấn đề chính đáng’. Ông cũng thừa nhận rằng vấn đề mất cân bằng giữa sự đóng góp của các nước NATO ‘là có thực’.

Ông cũng nói rằng ông không nghe bất cứ lời đe dọa nào của ông Trump là sẽ rút Mỹ ra khỏi NATO như một số báo chí đã đưa.

“Tai tôi không nghe thấy ông Trump đe dọa rời khỏi NATO, cho nên tôi không thể xác nhận thông tin này. Nếu ông ấy có nói gì bên lề thì tôi không biết,” ông Conte được AP dẫn lời nói.

Tổng thống Pháp Macron cũng cho biết các cuộc đàm phán tại Thượng đỉnh NATO là ‘đúng mực và tôn trọng’ mặc dù ông Trump đã viết những dòng tweet nảy lửa phê phán NATO trước và trong khi họp thượng đỉnh.

“Tôi đã đọc những thông điệp dài 140 chữ này,” ông Macron được Reuters dẫn lời cho biết. “Các cuộc tranh luận đã có một không khí khác. Chân thành nhưng không có việc trỏ tay chỉ mặt ai hay thiếu sự tôn trọng gì cả.”

https://www.voatiengviet.com/a/macron-b%C3%A1c-tuy%C3%AAn-b%E1%BB%91-c%E1%BB%A7a-trump-v%E1%BB%81-chi-ti%C3%AAu-nato/4480917.html

 

Mỹ áp thuế hàng Trung Quốc,

thâm hụt thương mại với Bắc Kinh vẫn tăng

Thanh Hà

Cục Hải Quan Trung Quốc ngày 13/07/2018 thông báo thặng dư thương mại với Hoa Kỳ tăng 18 % trong tháng 06/2018, bất chấp chính sách áp thuế của Washington nhắm vào hàng Trung Quốc bán sang Mỹ.

Theo phân tích của hãng thông tấn Mỹ Bloomberg, thặng dư thương mại của Trung Quốc với bạn hàng Mỹ đạt gần 30 tỷ đô la trong tháng Sáu vừa qua là mức cao nhất kể từ năm 1999. Thống kê được thực hiện sau biện pháp đánh thuế nhôm và thép của Trung Quốc do chính quyền Trump ban hành đã có hiệu lực, nhưng trước khi đôi bên đánh thuế 25 % vào một số mặt hàng của nhau.

Vẫn theo Bloomberg, trong sau tháng đầu năm 2018, tổng trao đổi mậu dịch Mỹ-Trung vẫn tăng 13 %. Tuy nhiên Bắc Kinh nhìn nhận nhịp độ tăng trưởng trong ngành xuất-nhập khẩu trong tương lai sẽ giảm sụt, làm “phương hại tới mậu dịch của toàn cầu”.

Các chuyên gia Mỹ báo trước, xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Hoa Kỳ “sẽ giảm trong những tháng tới vì các biện pháp bảo hộ do chính quyền Trump ban hành”. Ngân hàng Nhật Bản Nomura lo ngại, tăng trưởng của Trung Quốc bị chựng lại và điều đó có nguy cơ khiến Bắc Kinh lơ là với hai mục tiêu quan trọng khác là giảm bớt nợ của các công ty Nhà nước, của các chính quyền cấp địa phương và giảm thiểu rủi ro tài chính của giới ngân hàng.

Tại Washington, bộ Thương Mại vừa thông báo ngày 19/07/2018 sẽ bắt đầu xem xét hồ sơ đánh thuế vào xe hơi ngoại quốc nhập vào Mỹ. Biện pháp này gây thiệt hại nhiều hơn cả cho các tập đoàn sản xuất xe châu Âu.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180713-my-ap-thue-hang-trung-quoc-tham-hut-thuong-mai-voi-bac-kinh-van-tang

 

Chiến tranh kinh tế Mỹ-Trung :

 3 mặt trận của Donald Trump

Thùy Dương

Ngày 06/07/2018, Mỹ chính thức « khai hỏa » cuộc chiến kinh tế chống Trung Quốc. Trên trang mạng châu Á Asialyst, chuyên gia Jean-Raphaël Chaponnière giới thiệu bài viết « Trung – Mỹ : 3 mặt trận của cuộc chiến kinh tế mà Trump muốn ».

Jean-Raphaël Chaponnière là nghiên cứu gia của Viện châu Á – thế kỷ 21 (Pháp) và thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Châu Á. Ông cũng là kinh tế gia thuộc Viện Nghiên Cứu Phát Triển Pháp, cố vấn kinh tế của đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng tác giả cuốn sách «Những nền kinh tế mới nổi của châu Á : giữa Nhà nước và thị trường ». (Nhà xuất bản Armand Colin, 2014).

Theo tác giả bài viết, cuộc chiến mới nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc là trên mặt trận thương mại, còn trên mặt trận công nghiệp thì cuộc chiến có thể ngày càng trầm trọng. Và cũng có khả năng cuộc chiến sẽ xảy ra trên mặt trận tài chính.

Nếu tình hình không được cải thiện, chiến tranh kinh tế có thể gây những tác động xấu tương tự khủng hoảng toàn cầu 2008. Rất có thể tổng thu nhập quốc nội GDP của cả Mỹ và Trung Quốc đều mất 4 điểm, châu Âu và các nước châu Á khác có thể thiệt hại nhiều hơn một chút. Cuộc chiến cũng ảnh hưởng tới cả hoạt động của các công ty trên toàn cầu.

Mục tiêu của Mỹ trên mặt trận thương mại là gì ?

Năm 2017, trao đổi hàng hóa Mỹ – Trung đạt tổng giá trị 620 tỉ đô la. Thâm hụt thương mại của Mỹ là 384 tỉ đô la, trong khi thặng dư dịch vụ chỉ đạt 38 tỉ đô la. Quan hệ thương mại song phương không chỉ thể hiện ở lượng hàng hóa trao đổi qua biên giới mà liên quan tới hoạt động của các chi nhánh. Tổng doanh số bán hàng của các chi nhánh của các công ty Mỹ tại Trung Quốc đạt 272 tỉ đô la, cao gần gấp đôi giá trị xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc.

Ngược lại, doanh thu của các chi nhánh Trung Quốc tại Mỹ chỉ là 10 tỉ đô la. Tính cả doanh số này, Deutsche Bank cho rằng thâm hụt thương mại Mỹ – Trung đã giảm từ 111 tỉ đô la vào năm 2008 xuống còn 30 tỉ đô la vào năm 2016, trong khi theo Hải quan Mỹ, thâm hụt thương mại tăng từ 271 tỉ đô la lên tới 384 tỉ đô la vào năm 2017.

Cho dù cán cân thương mại đang dần cân bằng trở lại, bất chấp những lời hứa của Bắc Kinh sau mớ bòng bong ZTE, tổng thống Mỹ Donald Trump và các cố vấn của ông vẫn không « hạ nhiệt ». Nhà Trắng đang « theo đuổi » nhiều mục tiêu khác. Vài tháng trước kỳ bầu cử Quốc Hội giữa nhiệm kỳ, tổng thống Donald Trump muốn chứng tỏ ông giữ lời hứa với cử tri.

Tiếp nối truyền thống của những người tiền nhiệm, từ Reagan tới Georges W.Bush, Obama, ông Trump nâng thuế đối với thép nhập khẩu vào Mỹ. Sự khác biệt là Trung Quốc không phải là nhà cung cấp thép chính của Hoa Kỳ và tổng thống Trump dùng lá bài an ninh quốc gia để tránh không phải thông qua Quốc Hội. Quyết định tăng thuế nhập khẩu thép bị các nhà sản xuất xe hơi chỉ trích nhưng vị tổng thống tỉ phú vẫn dùng an ninh quốc gia làm « lá chắn ».

Mục tiêu thứ hai là các cố vấn của ông Trump muốn ngăn chặn sự trỗi dậy mạnh mẽ của ngành công nghiệp Trung Quốc và tiến hành tăng thuế đối với các sản phẩm nằm trong kế hoạch « Sản xuất chế biến tại Trung Quốc 2025 ». Nhưng tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc cũng đẩy giá hàng hoá sản xuất tại Mỹ lên cao hơn, tác động tiêu cực tới khả năng mua sắm của người dân Mỹ và khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ.

Trên mặt trận công nghiệp, mục tiêu của Mỹ là gì ?

Mục tiêu của các quan chức diều hâu của Nhà Trắng trên mặt trận công nghiệp không chỉ là trừng phạt Trung Quốc. Washington muốn kìm hãm các bước tiến của Bắc Kinh, cản trở việc Trung Quốc đòi chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp từ nước ngoài hay đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Lựa chọn của Mỹ là một sự thay đổi hoàn toàn so với tiến trình toàn cầu hóa.

Nên nhớ rằng Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên đón nhận đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Và chính đầu tư trực tiếp nước ngoài mang tới cho nền công nghiệp Trung Quốc rất nhiều công nghệ. Vào được thị trường Trung Quốc là mơ ước của nhiều tập đoàn nước ngoài, còn Bắc Kinh mở cửa thị trường để đổi lấy công nghệ của các doanh nghiệp này.

Trong nhiều năm, lợi nhuận nếu vào được thị trường Trung Quốc lớn tới mức nhiều tập đoàn nước ngoài chấp nhận chuyển giao công nghệ cho Bắc Kinh. Nhưng từ vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp ngần ngại đầu tư vào Trung Quốc. Một trong các mục tiêu của Hoa Kỳ trong việc giảm thuế doanh nghiệp là nhằm hạn chế các công ty Mỹ đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Theo thăm dò của Phòng Thương Mại Mỹ hồi tháng 12/2017, 6/10 doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc đang muốn rút lui khỏi thị trường Trung Quốc.

Còn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, họ muốn đầu tư ra nước ngoài cũng để tìm kiếm nguồn công nghệ. Từ năm 2014 đến năm 2016, có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Mỹ hơn là các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Trung Quốc. Từ năm 2017, nhất là trong năm 2018, đầu tư vào Mỹ sụt giảm : Bắc Kinh hạn chế cấp giấy phép cho các công ty đầu tư ra nước ngoài vì sợ « chảy máu nguồn vốn ». Sự sụt giảm này phần nào cũng do quan hệ song phương xuống cấp và sự mạnh tay của Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ.

Năm 2017, nhà xản xuất General Motors bán được nhiều xe hơi tại thị trường Trung Quốc (4 triệu xe) hơn là ở Mỹ (3 triệu xe). Đối với nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ, sự phát triển tại thị trường Trung Quốc còn quan trọng hơn cả ở trong nước. Hơn 700 chi nhánh công ty Mỹ ở Trung Quốc có thể trở thành « con tin » trong cuộc chiến kinh tế giữa hai cường quốc. Khai chiến trên mặt trận công nghiệp sẽ ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Hoa Kỳ, còn hơn cả biện pháp tăng thuế.

Nhưng đó cũng là một con dao hai lưỡi. Đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Trung Quốc sẽ sụt giảm mạnh, tác động xấu tới kinh tế Trung Quốc, hiện đang chững lại.

Còn trên mặt trận tài chính ?

Trong xung đột với Mỹ, Trung Quốc có hai loại vũ khí khác : tỉ giá đồng nhân dân tệ và trái phiếu Kho bạc Mỹ. Từ năm 2005, chính phủ Trung Quốc đã tăng giá đồng nhân dân tệ khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới sản xuất những mặt hàng cao cấp hơn. Bị khựng lại do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chính sách tăng giá đồng nhân dân tệ lại tiếp tục cho tới năm 2013. Sau nhiều tháng đồng nhân dân tệ giảm giá, Bắc Kinh lại tăng giá đồng tiền của mình.

Trong hai tháng qua, đồng nhân dân tệ bị giảm giá mạnh nhất. Để tránh hiện tượng chảy máu vốn, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã có các biện pháp hạn chế giảm giá đồng tiền quốc gia. Nhưng liệu Trung Quốc có thể tiếp tục phá giá đồng tiền để bù đắp thiệt hại do Mỹ tăng mức thuế quan nhắm vào hàng Trung Quốc ? Sử dụng loại vũ khí tỉ giá là một lựa chọn nguy hiểm vì có thể gây tác động ngược trở lại đối với lạm phát tại Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ bị Mỹ coi là có hành vi gây chiến.

Trung Quốc hiện vẫn là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Hoa Kỳ, với hơn 1.000 tỉ đô la vào năm 2018. Liệu Bắc Kinh có thể sử dụng vũ khí này để chống Washington ? Việc Bắc Kinh nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ không giúp Trung Quốc gây ảnh hưởng tới cách Hoa Kỳ quản lý nền kinh tế của mình, vì Bắc Kinh chỉ nắm 5% nợ công của Mỹ, trong khi 70% số nợ nằm trong tay các cơ quan liên bang, trong đó có quỹ an sinh xã hội, các nhà băng, doanh nghiệp và người dân Mỹ. Nếu Trung Quốc bán tháo trái phiếu Kho bạc Mỹ mà họ đang có trong tay, kinh tế Mỹ cũng chẳng vì thế mà khó khăn hơn, trong khi chính nền kinh tế Trung Quốc mới bị ảnh hưởng.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180713-chien-tranh-kinh-te-my-trung-3-mat-tran-cua-donald-trump

 

Ông Trump khen thư của ông Kim ‘hay’

Tổng thống Mỹ vừa công bố một bức thư của Kim Jong-un, trong đó lãnh đạo Bắc Hàn bày tỏ hi vọng một “tương lai mới” trong quan hệ song phương.

Ông Trump nói lá thư của ông Kim (ngày 6/7), là “một bức thư rất hay”.

Nhưng bức thư không nhắc đến bất kỳ nỗ lực nào của Bình Nhưỡng trong phi hạt nhân hóa – vấn đề then chốt mà hai nhà lãnh đạo thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử hồi tháng Sáu ở Singapore.

Trong một động thái khác, Hoa Kỳ đã cáo buộc Bắc Hàn vi phạm một lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với các sản phẩm dầu tinh chế.

Hoa Kỳ cho hay Bắc Hàn sử dụng 89 tàu chở dầu để thực hiện các cuộc trao đổi hàng hóa trên biển nhưng không tiết lộ nước nào đang cung cấp bất hợp pháp các sản phẩm này cho Bình Nhưỡng.

Bắc Hàn ve vãn TQ nhưng ‘muốn học VN’

Trump ‘cảm thấy ổn’ với biểu tình ở Anh

Bắc Hàn nói Mỹ hành xử ‘như gangster’

Bắc Hàn vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân?

Tháng 12/2017, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã giới hạn xuất khẩu dầu sang Bắc Hàn ở mức 500.000 thùng/năm.

Trong một diễn biến khác, hôm thứ Năm 12/7, giới chức Bắc Hàn đã không có mặt tại cuộc đàm phán với giới chức Mỹ về việc hồi hương di cốt lính Mỹ chết trong cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-193.

Có gì trong thư của Kim?

Bản dịch tiếng Anh bức thư gồm bốn đoạn được ông Trump đăng trên Twitter hôm thứ Năm.

Trong đó, ông Kim nói: “Tôi đánh giá cao những nỗ lực nhiệt tình và phi thường của Ngài Tổng thống tuyệt vời của các bạn”.

Ông cũng nói rằng niềm tin song phương nên được “tiếp tục tăng cường trong quá trình tiến hành các hoạt động thực tế trong tương lai”.

Trump: Bắc Hàn vẫn là ‘một mối đe dọa’

Bắc Hàn ve vãn TQ nhưng ‘muốn học VN’

Ông Kim nói rằng “kỷ nguyên tiến bộ trong việc tăng cường quan hệ song phương sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán tiếp theo của chúng ta”.

Tổng thống Trump cũng viết trên Twitter: “Bước tiến tuyệt vời được thực hiện”. Ông không giải thích thêm.

Tại hội nghị thượng đỉnh Singapore vào 12/ 6, ông Trump và ông Kim đã ký một văn kiện bao gồm cam kết của Bắc Hàn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Đổi lại, Washington đồng ý ngưng diễn quân sự với Nam Hàn.

Tuy nhiên, giới chỉ trích nhiều lần nói rằng ông Trump không thể đảm bảo bất kỳ cam kết chắc chắn nào từ Bắc Hàn về việc gỡ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tuần trước, Bắc Hàn cáo buộc Mỹ hành xử như ‘xã hội đen’ để buộc Bắc Hàn giải trừ vũ khí hạt nhân sau một vòng đàm phán cấp cao mới.

Tuyên bố của một quan chức ngoại giao Bắc Hàn không được tiết lộ danh tính hoàn toàn khác với tuyên bố chỉ vài giờ trước đó của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người tham dự các cuộc đàm phán.

Ông Pompeo nói có ‘bước tiến’ trong chuyến thăm kéo dài hai ngày tới Bình Nhưỡng.

Căn cứ vào ngày tháng trên thư của ông Kim, có thể thấy nó đã được gửi trước chuyến thăm của ông Pompeo.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44816706

 

Mỹ bị Bình Nhưỡng ‘cho leo cây’

Giới chức Bắc Triều Tiên ngày 12/7 không đến một cuộc họp với Mỹ theo dự trù tại biên giới liên Triều để bàn về việc trao trả hài cốt lính Mỹ thiệt mạng trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, New York Times và Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore hồi tháng trước, ông Kim đã cam kết hồi hương hài cốt lính Mỹ. Tuần trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết sau chuyến đi Bình Nhưỡng của ông rằng các phiên họp ở cấp độ làm việc về vấn đề này sẽ được tổ chức vào Thứ Năm ngày 12/7 hoặc vào khoảng thời gian xung quanh đó ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm giữa hai miền Triều Tiên.

Mặc dù các quan chức Mỹ đã đến Bàn Môn Điếm đúng hẹn, nhưng phía Bắc Triều Tiên lại không xuất hiện, New York Times dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ ẩn danh do tính chất nhạy cảm của vấn đề, cho biết. Một quan chức chính phủ Hàn Quốc yêu cầu được giấu tên cũng xác nhận thông tin này với New York Times.

Hiện chưa rõ liệu các quan chức Mỹ có bị phía Bắc Triều Tiên cố tình ‘cho leo cây’ hay không. Trước đó, Ngoại trưởng Pompeo đã lưu ý rằng cuộc họp được dự định ở làng Bàn Môn Điếm ‘có thể được dời xuống một hay hai ngày’. Điều này cho thấy rằng hai phía chưa chốt lại tất cả các chi tiết trước khi ông Pompeo rời Bình Nhưỡng hôm 7/7.

Khi ông Trump và ông Kim có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ở Singapore hôm 12/6, ông Kim bên cạnh đưa ra lời hứa mơ hồ là ‘làm việc hướng đến phi hạt nhân hóa’ trên bán đảo Triều Tiên cũng đã cam kết trao trả hài cốt binh lính Mỹ được tìm thấy tại những chiến trường lớn ở nước ông, trong đó có ‘hồi hương ngay lập tức những hài cốt đã được nhận dạng’.

Hiện không có bất kỳ cuộc gọi điện thoại hay lời giải thích gì từ phía các quan chức Bắc Triều Tiên là tại sao họ bỏ không dự họp, theo CNN.

Đài này cũng cho biết Ngoại trưởng Mike Pompeo đã phớt lờ câu hỏi của phóng viên đi chung với ông đến Brussels hôm thứ Năm ngày 12/7 về hành động của Bình Nhưỡng rõ ràng là làm bẽ mặt Mỹ.

Diễn biến mới sẽ càng làm gia tăng nghi ngờ về cam kết của Bình Nhưỡng đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Trump đã ca ngợi việc trao trả hài cốt binh sỹ Mỹ là ‘một trong những thành công’ của hội nghị thượng đỉnh với ông Kim ở Singapore.

Sau đó, phía Bình Nhưỡng được mong đợi sẽ trao trả những hài cốt này – được cho là trong khoảng từ 200-250 người đã phục vụ trong quân đội Mỹ – trong những tuần sau cuộc gặp thượng đỉnh. Phía Mỹ đã đưa quan tài và quốc kỳ Mỹ đến làng Bàn Môn Điếm để nhận những bộ hài cốt này.

Hồi tháng trước, ông Trump đã nói rằng phía Bắc Triều Tiên ‘đã trao trả, hay đang trong quá trình trao trả, hài cốt của những anh hùng vĩ đại của chúng ta.’ Tuy nhiên, việc trao trả này vẫn chưa hề diễn ra, theo New York Times.

Sau chuyến đi Bình Nhưỡng vào tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã không chứng minh được đã có tiến triển trong cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa. CNN dẫn một nguồn tin am hiểu sự việc cho biết Nhà Trắng đã cảm thấy cuộc đàm phán đó ‘đã diễn ra hết sức tệ hại’.

Theo nguồn tin này thì Bình Nhưỡng khi đó đã ‘tìm đủ trò đùn đẩy’ và ‘không nghiêm túc về việc tiến về phía trước’. Ngoài ra, ông Pompeo cũng không được gặp ông Kim Jong-un, vốn đã hứa từ trước là sẽ gặp ông khi ông tới Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, khi có mặt ở Brussels để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, cả ông Trump lẫn ông Pompeo đều bày tỏ tin tưởng vào tiến trình ngoại giao với Bắc Triều Tiên bất chấp không có dấu hiệu cụ thể gì về tiến triển.

Ông Trump một lần nữa đã ca ngợi cuộc gặp của ông với ông Kim Jong-un, nói rằng đó là ‘một cuộc gặp tuyệt vời’ và ông và ông Kim đã ‘thiết lập mối quan hệ rất tốt’.

Nỗ lực của Lầu Năm Góc để tìm kiếm và trao trả hài cốt của những quân nhân Mỹ mất tích lâu nay liên tiếp gặp trở ngại do những căng thẳng chính trị xung quanh chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên. Việc hồi hương đang được thương thảo hiện nay sẽ là đợt hồi hương đầu tiên kể từ khi các chuyên gia quân sự Mỹ và các công nhân Bắc Triều Tiên làm việc trong giai đoạn từ năm 1996 cho đến 2005 phát hiện các hài cốt được tin rằng là của trên 220 lính Mỹ.

Tuy nhiên, những nỗ lực tìm kiếm này đã bị dừng lại hồi năm 2005 khi quan hệ giữa hai bên trở nên xấu đi xung quanh chương trình vũ khí hạt nhân và với việc Lầu Năm Góc trở nên quan ngại về sự an toàn của các đội tìm kiếm của họ.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-b%E1%BB%8B-b%C3%ACnh-nh%C6%B0%E1%BB%A1ng-cho-leo-c%C3%A2y-/4480046.html

 

Mỹ đề nghị LHQ ngừng chuyển dầu

vì Triều Tiên vi phạm lệnh trừng phạt

Chính quyền của Tổng thống Trump hôm 12/7 gửi các bằng chứng đến một ủy ban của LHQ, cho rằng Triều Tiên “vi phạm” các lệnh trừng phạt khi vượt qua mức trần hàng năm đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, theo các tài liệu mà CBS News và Washington Post nhận được.

Các bằng chứng đã được văn phòng đại sứ Mỹ Nikki Haley gửi đến LHQ. Bộ tài liệu này kêu gọi ủy ban gửi các bằng chứng đó đến tất cả 193 quốc gia thành viên, đề nghị họ tạm dừng việc “giao hàng bất hợp pháp giữa các con tàu với nhau” và “tăng cường cảnh giác” đối với Triều Tiên mua hàng hóa.

Báo cáo được gửi đến ủy ban trừng phạt bao gồm một biểu đồ về các tàu dầu giao sản phẩm dầu mỏ tinh chế cho chính quyền của ông Kim Jong Un ở Triều Tiên từ ngày 1/1 đến ngày 20/5/2018. Báo cáo ước tính lượng sản phẩm được giao có thể lên tới 1,4 triệu thùng nếu các tàu đều chở đầy đến 90%, như vậy đã vi phạm mức trần là 500.000 thùng được ấn định theo lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Báo cáo của Hoa Kỳ gửi đến LHQ cũng cho biết các “tàu chở dầu Triều Tiên đã cập cảng nước này ít nhất 89 lần, nhiều khả năng là để giao các sản phẩm dầu mỏ tinh chế mua được một cách bất hợp pháp”.

Báo cáo của Mỹ cũng muốn một số quốc gia hành động có trách nhiệm hơn, đặc biệt là Trung Quốc và Nga. Hai nước này đã báo cáo với LHQ rằng họ tiếp tục bán các sản phẩm dầu mỏ tinh chế cho Triều Tiên.

Mỹ nói: “Những hoạt động bán hàng này và bất kỳ việc giao hàng nào khác phải ngay lập tức dừng lại”.

Kèm theo báo cáo của Hoa Kỳ là các hình ảnh “để nhấn mạnh thêm mức độ đáng tin cậy của dữ liệu chúng tôi đưa ra về việc giao hàng của tàu chở dầu”.

Một nhà ngoại giao cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nói với CBS News: “Điều này đáng quan ngại nhưng không gây ngạc nhiên vì các chuyên gia LHQ trước đây đã xác định được một hình thái của Triều Tiên về vi phạm lệnh cấm vận”.

“Trong bối cảnh hiện tại, điều này xác nhận rằng chúng ta cần phải tiếp tục cảnh giác và thực thi nghiêm túc tất cả các điều khoản của các nghị quyết LHQ”, ông nói.

(CBS, Washington Post)

https://www.voatiengviet.com/a/my-de-nghi-lhq-ngung-chuyen-dau-vi-trieu-tien-vi-pham-lenh-trung-phat/4481328.html

 

Mỹ: Hơn phân nửa trẻ em di dân được đoàn tụ gia đình

Chính quyền Trump ngày 12/7 loan báo vài chục trẻ em di dân đã được đoàn tụ với gia đình sau khi bị tách rời khi vào biên giới Mỹ bất hợp pháp từ ngã Mexico. Loan báo được đưa ra vài giờ trước hạn chót tòa đưa ra buộc chính quyền phải trả lời rõ ràng là tuân thủ lệnh của tòa về việc cho đoàn tụ ra sao.

Chính phủ có hạn chót tới 3 giờ chiều cùng ngày để báo cho thẩm phán Liên bang Dana Sabraw tại San Diego có bao nhiêu trẻ em còn chưa được đoàn tụ với cha mẹ và có đạt đúng thời hạn chót để các trẻ em dưới 5 tuổi được đoàn tụ với cha mẹ hay không.

Trong một tuyên bố, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết là có 57 trong số 103 trẻ em đã được đoàn tụ với gia đình, tính đến 7 giờ sáng, ngày 12/7.

Chính phủ nói bốn mươi sáu em khác chưa được sum họp với gia đình vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc cha mẹ có thành tích phạm tội, bị tù hay đã bị trục xuất, cũng như những lý do sức khỏe.

Thẩm phán Sabraw đã yêu cầu Hiệp hội Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) đề nghị các chế tài trong trường hợp chính phủ không tuân thủ hạn chót.

Vào tháng 6, thẩm phán đã ra lệnh chính phủ cho các trẻ em nhỏ nhất đoàn tụ với gia đình trước ngày 10/7 và tất cả các trẻ em phải được đoàn tụ với cha mẹ vào ngày 26/7.

Hai bên sẽ trở lại Tòa vào ngày 15/7 để đưa ra các bước đoàn tụ các trẻ em còn lại.

Chính phủ nói cần phải đảm bảo an toàn cho trẻ bằng cách kiểm tra lịch sử tội phạm của cha mẹ, thử DNA chứng tỏ có liên hệ gia đình và quyết định xem cha mẹ có đủ điều kiện chăm sóc con cái hay không.

Chính quyền ông Trump đã đưa ra chính sách chia cắt các gia đình di dân bất hợp pháp trong khuôn khổ một nỗ lực rộng lớn hơn nhằm chặn đứng dòng di dân trái phép. Tuy nhiên dưới áp lực chính trị mạnh mẽ, chính sách này bị bãi bỏ vào tháng 6 vừa qua.

Không phải tất cả các gia đình bị chia tách tại biên giới đều là những người xâm nhập lãnh thổ Mỹ bất hợp pháp.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-h%C6%A1n-ph%C3%A2n-n%E1%BB%ADa-tr%E1%BA%BB-em-di-d%C3%A2n-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-%C4%91o%C3%A0n-t%E1%BB%A5-gia-%C4%91%C3%ACnh-/4480943.html

 

Trump: Putin là đối thủ, không phải kẻ thù

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/7 gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “đối thủ” chứ không phải “kẻ thù” và bày tỏ hy vọng hai ông sẽ thân thiện với nhau hơn khi họp thượng đỉnh vào tuần tới.

Phát biểu trước khi rời Brussels nơi ông gặp các nhà lãnh đạo NATO, ông Trump nhắc lại nhận định trước đây là cuộc gặp của ông với ông Putin có thể là phần dễ nhất trong chuyến đi của ông bao gồm hội nghị thượng đỉnh với đồng minh quân sự phương Tây và viếng thăm nước Anh.

“Tôi nghĩ chúng tôi sẽ dễ hòa hợp với nhau. Nhưng cuối cùng ông ấy vẫn là một đối thủ đại diện nước Nga. Tôi đại diện nước Mỹ. Do đó trên một phương diện chúng tôi là đối thủ, không phải là bạn bè hay kẻ thù. Ông ấy không phải là kẻ thù của tôi,” ông Trump nói.

“Hy vọng một ngày nào đó, có thể ông ấy là một người bạn. Việc này có thể xảy ra nhưng tôi không biết rõ ông ấy.”

Tổng thống Trump tránh chỉ trích việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 hay gọi ông Putin là một mối đe dọa khi được hỏi. Ông chỉ nói “Tôi không muốn ông là kẻ thù, và tôi đoán đó là lý do tại sao chúng ta có NATO.”

Lời lẽ nồng ấm của ông Trump đối với ông Putin đáng để ý đến so với những chỉ trích mạnh mẽ của ông đối với các đồng minh tại hội nghị thượng đỉnh NATO khi ông liên tục chỉ trích các nước châu Âu vì chi tiêu quốc phòng quá ít.

Tổng thống Mỹ sẽ gặp trực tiếp ông Putin vào thứ Hai 16/7 tại Helsinki mà các nhà ngoại giao NATO nói đây sẽ là một thử thách thật sự về cam kết của ông Trump đối với đồng minh phương Tây.

Ba giới chức cao cấp Mỹ nói với Reuters là không ai tại Ngũ Giác Đài, kể của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, biết được ông Trump sẽ nói gì tại Helsinki.

Một vài giới chức châu Âu nói trong tư cách riêng là họ lo ngại ông Trump có thể bày tỏ sự mong muốn hạn chế các cuộc tập trận của Mỹ tại châu Âu hay giảm bớt binh sĩ Mỹ như ông đã bất thình lình hủy các cuộc tập trận tại Hàn Quốc sau khi gặp lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng trước.

Ông Trump hạ giảm những kỳ vọng về những cuộc thảo luận với ông Putin, nói rằng ông không trông mong có những kết quả cụ thể nhưng ông sẽ nêu lên những bất đồng về Syria, Ukraine và những cáo buộc là Nga can thiệp vào chính trị Hoa Kỳ.

Trả lời câu hỏi về các vấn đề khác sẽ được thảo luận, ông đề cập đến những cuộc tập trận của Hoa Kỳ tại Baltics và vấn đề kiểm soát vũ khí.

Các nhà lãnh đạo NATO đã nêu lên những quan ngại về các hoạt động của Nga. Thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh ngày thứ Tư 11/7 nói Moscow đe dọa ổn định đồng thời bày tỏ “đoàn kết” với đánh giá của Anh trong xác quyết Nga là thủ phạm của cuộc tấn công bằng chất độc thần kinh tại thành phố Salisbury của Anh.

Mặc dầu lo ngại về cuộc gặp Putin-Trump, các nhà lãnh đạo NATO tái xác nhận là đối thoại với Moscow là cần thiết để giải quyết những khác biệt.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-putin-l%C3%A0-%C4%91%E1%BB%91i-th%E1%BB%A7-kh%C3%B4ng-ph%E1%BA%A3i-k%E1%BA%BB-th%C3%B9/4480931.html

 

Obama mất hơn 2 triệu người theo dõi trên Twitter

Cuộc ‘thanh trừng’ các tài khoản giả của Twitter khiến nhiều người nổi tiếng, trong đó có Barack Obama, mất hàng triệu người theo dõi.

Cựu Tổng thống Mỹ Obama chỉ là một trong số nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới mất số lượng lớn người hâm mộ trên Twitter.

Một số cái tên khác gồm có ca sỹ Mỹ Katy Perry, người có số lượng người theo dõi nhiều nhất trên Twitter, và Lady Gaga, mất khoảng 2,5 triệu tài khoản.

Công ty Twitter cho hay họ quyết định làm việc này nhằm hưởng ứng nỗ lực toàn cầu trong ‘xây dựng niềm tin’.

VN: Dùng mạng xã hội buôn bán động vật hoang dã

Google gỡ 7 ngàn YouTube video ‘phản động’?

Một số blogger VN nói Facebook ‘xóa bài vô cớ’

VN ép Facebook, Google chọn quyền riêng tư hoặc tăng trưởng

Chiến dịch này theo sau hoạt động tái giám sát các tài khoản và tin tức giả mạo.

Những tài khoản từng bị khóa do có hoạt động ‘bất thường’ trên Twitter, ví dụ đăng một số lượng ‘bất thường’ nội dung trên Twitter, hoặc không có phản ứng khi được yêu cầu xác định danh tính, sẽ bị đưa ra khỏi danh sách người theo dõi trên Twitter.

Vijaya Gadde, người đứng đầu nhóm pháp lý của Twitter, cho hay mỗi người dùng chỉ mất khoảng 4 người theo dõi.

Tuy nhiên bà cũng cảnh báo rằng những người nổi tiếng hơn sẽ mất ‘một số lượng đáng kể’ người theo dõi.

Điều này không thể đúng hơn vì tài khoản riêng của chính Twitter đã bị mất 7,7 triệu người theo dõi.

Twitter lập luận rằng động thái gần đây nhằm mục đích xây dựng niềm tin của người dùng và phản ánh thực tế rằng số lượng người theo dõi là “con số thật”.

Vào tháng Giêng, Tổng chưởng lý New York cho biết chính phủ đã tiến hành điều tra Twitter với cáo buộc công ty này đã bán hàng triệu người theo dõi ‘giả’ cho người dùng mạng xã hội.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44816705

 

Khảo sát:

Obama được công chúng xem là Tổng thống giỏi nhất

Tổng thống Barack Obama tuy không còn trong Phòng Bầu dục, nhưng nhiều người Mỹ tin rằng ông làm tròn trách vụ nhất trong số các đời Tổng thống mà họ trải qua, theo thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew.

Bốn mươi bốn phần trăm người Mỹ cho rằng ông Obama, phục vụ hai nhiệm kỳ, là Tổng thống giỏi nhất nhì. Tổng thống Bill Clinton đứng hàng thứ hai với 33% và Tổng thống Ronald Reagan kế tiếp với 32%.

Chỉ 19% những người được thăm dò cho rằng đương kim Tổng thống Donald Trump giỏi nhất nhì. Tuy nhiên, tỷ lệ này cũng tương ứng với tỷ lệ của ông Obama trong nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2011. Lúc đó, chỉ 20% xem ông Obama là một trong những Tổng thống giỏi nhất.

Vào tháng 5 năm nay, ông Trump nói chính quyền ông, trong 17 tháng đầu nhậm chức, là chính quyền “thành công nhất trong lịch sử nước Mỹ.”

Nếu so sánh từng thế hệ thì ông Obama được những cử tri trẻ hâm mộ nhất.

Hơn một nửa—62%–những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến những năm đầu thập niên 2000 (18-35 tuổi), còn được gọi là thế hệ Y, cho rằng ông Obama tròn trách vụ xuất sắc nhất trong tư cách Tổng Tư lệnh quân đội. 41% những người thuộc thế hệ X (sinh ra ở giai đoạn 1964-1980) tán đồng và 32% những người sinh sau Thế Chiến Thứ Hai nhất trí như vậy.

Tổng thống Reagan được Thế hệ X và những người sinh sau Thế Chiến Thứ Hai hâm mộ nhất với tỉ lệ lần lượt là 45% và 42%. Chỉ 13% những người thuộc thế hệ Y xếp ông Reagan hạng nhất hay hạng nhì.

(Nguồn Politico/Pew)

https://www.voatiengviet.com/a/khao-sat-obama-duoc-cong-chung-xem-la-tong-thong-gioi-nhat/4480449.html

 

Mỹ truy tố 12 sĩ quan Nga

tấn công tin tặc Đảng Dân chủ năm 2016

Công tố viên Đặc biệt Hoa Kỳ Robert Mueller truy tố 12 sĩ quan người Nga về vai trò của họ trong việc xâm nhập hệ thống máy tính của Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc nhằm đánh cắp tài liệu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Phó Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Rod Rosenstein đang tổ chức họp báo loan báo các cáo trạng.

Bản tin đang được cập nhật.

https://www.voatiengviet.com/a/my-truy-to-12-si-quan-nga-tan-cong-tin-tac-dang-dan-chu-nam-2016/4481537.html

 

Trump chỉ trích dự án ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 :

Nga tố cáo cạnh tranh gian lận

Minh Anh

Hôm qua, 12/07/2018, tại Bruxelles, tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích mạnh mẽ dự án ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. Dự án này có mục tiêu là gia tăng lượng khí đốt của Nga bán cho châu Âu mà không cần phải đi qua hệ thống ống dẫn đặt trên lãnh thổ Ukraina.

Theo nguyên thủ Hoa Kỳ, nước Đức đã hoàn toàn bị Matxcơva kiểm soát, thao túng vì phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Hôm nay, Matxcơva đã có phản ứng, cho rằng tuyên bố của tổng thống Mỹ là một dạng cạnh tranh không lành mạnh, gian dối.

Từ thủ đô Nga, thông tín viên Etienne Bouche cho biết thêm thông tin :

« Theo phát ngôn viên điện Kremlin, ông Dmitri Peskov, tuyên bố của tổng thống Mỹ thể hiện ý đồ bắt buộc các khách hàng châu Âu phải mua khí tự nhiên hóa lỏng đắt hơn của các nhà cung cấp khác. Do vậy, ông Peskov cho rằng đó là một dạng cạnh tranh không lành mạnh.

Khi tiếp tục chỉ trích dự án ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, Donald Trump đã nhấn vào một điểm nhạy cảm. Dự án này đang gây chia rẽ giữa các nước trong Liên Hiệp Châu Âu. Chính quyền Matxcơva thường xuyên bị tố cáo sử dụng việc cung cấp khí đốt vào mục đích chính trị. Lần này, điện Kremlin đáp lại, nhấn mạnh đến khía cạnh kinh tế.

Theo ông Peskov, trong khuôn khổ cạnh tranh kinh tế, chính các khách hàng mới là người đưa ra quyết định lựa chọn nhà cung cấp khí đốt. Phát ngôn viên điện Kremlin cũng đề cao tính khả tín của đối tác Nga trong việc bảo đảm an ninh năng lượng cho châu Âu.

Ông nói : Cho đến lúc này, không một nhà cung ứng nào chứng tỏ được một sự tin tưởng lớn trong việc cung cấp năng lượng thông qua hệ thống ống dẫn khí đốt. Đại diện chính quyền Matxcơva nhấn mạnh, dự án Nord Stream 2 chỉ mang tính thuần túy thương mại.

Hệ thống ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 chạy từ Nga qua biển Baltic, sang tới Đức và dự kiến đi vào hoạt động từ đầu năm 2020 ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180713-trum-chi-trich-du-an-ong-dan-khi-dot-nord-tream-2-nga-to-cao-canh-tranh-gian-lan

 

Nhà hoạt động Anh nói

thân nhân và láng giềng bị đe dọa

Một nhà hoạt động người Anh chuyên lên tiếng bảo vệ tự do cho Hong Kong thông báo rằng mẹ và láng giềng của ông ta bị kẻ lạ gửi thư đe dọa và nhắn bảo ông này phải ngưng hoạt động đó.

Ông Benedict Roger, sáng lập viên của tổ chức Hong Kong Watch trụ sở tại Anh Quốc đồng thời là phó chủ tịch Ủy ban Nhân Quyền của Đảng Bảo Thủ, cho biết như vừa nêu vào ngày 13 tháng 7. Theo nhận định của ông này thì thư đe dọa với yêu cầu chấm dứt chiến dịch kêu gọi bảo vệ tự do cho Hong Kong là đáp trả trực tiếp cho sự lên tiếng của ông.

Ông Benedict Rogers cho biết đã báo cáo vụ việc đến cảnh sát địa phương và Văn Phòng Ngoại giao Nước Anh.

Vào năm ngoái thư đe dọa tương tự trường hợp vừa nêu cũng xảy ra đối với người thân trong gia đình ở Anh của phóng viên Tom Grundy tại Hong Kong. Ông này là  tổng biên tập của mạng báo The Hong Kong Free Press. Ngoài ra thư đe dọa còn được gửi đến nhân viên và cộng tác viên của mạng báo này.

Ông Tom Grundy cho AFP biết là hình thức và văn phong của lá thư đe dọa vào năm ngoái cũng giống thư gửi đến mẹ và láng giềng của ông Benedict Rogers. Ông này nói thêm cảnh sát Hong Kong vẫn đang điều tra vụ việc.

Còn nhà hoạt động Benedict Rogers thì đưa ra nhận định nếu như Đảng Cộng Sản Trung Quốc đứng đằng sau chuyện gửi thư đe dọa như thế thì đó là một bằng chứng thêm nữa cho thấy Bắc Kinh đang vươn tay can thiệp ra ngoài biên giới Hoa Lục. Đây là điều nghiêm trọng.

Người dân đặc khu Hành chánh Hong Kong có được những quyền tự do mà dân chúng Hoa Lục không có. Tuy nhiên càng ngày càng có thêm quan ngại là những quyền tự do như thế ở Hong Kong đang bị đe dọa bởi Bắc Kinh, thông qua những biện pháp bất dung đối với mọi chỉ dấu bất đồng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/british-activist-slams-letter-threats-over-hong-kong-campaign-07132018110132.html

 

Pháp tăng cường an ninh

nhân Quốc khánh và chung kết World Cup 2018

Gia Hưng

Trong buổi họp báo ngày hôm qua, 12/07/2018, giám đốc sở Cảnh sát Paris, ông Michel Delpuech cho biết, 12.000 cảnh sát và nhân viên an ninh sẽ được huy động nhằm bảo đảm an ninh cho thủ đô trong ba ngày 13, 14, 15 tháng Bảy trước thềm Quốc khánh Pháp và trận chung kết Cúp Bóng Đá Thế Giới giữa đội tuyển Pháp và Croitia.

Lãnh đạo cảnh sát Paris phát biểu: “Đừng quên là chúng ta đang sống trong bối cảnh mà khủng bố là một mối nguy hiểm hiện hữu. Mục tiêu của chúng tôi là bảo đảm cho các sự kiện này diễn ra mà không có sự cố.”

12.000 cảnh sát và nhân viên an ninh và 3.000 nhân viên cứu hộ sẽ được triển khai trong nội thành Paris và các vùng phụ cận.

Ngoài mối đe dọa khủng bố, lực lượng cảnh sát cũng sẽ phải đề phòng rủi ro an ninh vào ngày Quốc khánh 14/07 trong các buổi trình diễn bắn pháo hoa tại quảng trường Champs de Mars và diễu hành trên đại lộ Champs-Élysées. Đây cũng là dịp lực lượng cảnh sát phải gia tăng cảnh giác vì không khí náo nhiệt có thể dẫn tới rối loạn tại các nơi công cộng.

Tối Chủ Nhật, 15/07, trận chung kết Cúp Bóng Đá Thế Giới sẽ được chiếu trên một màn hình khổng lồ dưới chân Tháp Eiffel. Dự kiến sẽ có 90.000 cổ động viên trong khu vực “fan zone”.Ông Michel Delpuech cho biết sẽ hạn chế, thậm chí đóng cửa fan zone, nếu nơi đây có quá đông người và ông khuyên người dân nên đến fan zone sớm từ 13 giờ.

http://vi.rfi.fr/phap/20180713-phap-tang-cuong-an-ninh-nhan-dip-quoc-khanh-va-chung-ket-cup-bong-da-the-gioi

 

Úc cấm người nước ngoài thực tập

ở quốc hội vì Trung Quốc

Người nước ngoài đã bị cấm không được làm thực tập sinh cho các đại biểu Quốc hội Úc, người phát ngôn của Thượng viện Úc cho biết hôm 12/7. Quyết định này được đưa ra trong khuôn khổ một cuộc cải cách nhằm ngăn chặn người Trung Quốc tìm cách xen vào chuyện nội bộ của Úc.

Trước đây, mục đích của chương trình thực tập là tạo điều kiện cho những người trẻ có cơ hội hiếm hoi được làm việc cho một nhà lập pháp cấp liên bang trong thời gian 3 tháng. Cơ hội đó được giành cho tất cả mọi người, không phân biệt quốc tịch, miễn sao ứng viên xin thực tập không có tiền án.

Một phát ngôn viên của Chủ tịch Thượng viện Scott Ryan – người phụ trách chương trình cải cách, thông báo tin này:

“Các chương trình thực tập tại tòa nhà Quốc hội Úc giờ chỉ được dành riêng cho các công dân Úc mà thôi.”

Người phát ngôn từ chối bình luận về những lý do dẫn đến thay đổi này, hay phải chăng thay đổi đó là nhằm ngăn chặn sự can thiệp của Trung Quốc.

Vào cuối năm ngoái, Thủ tướng Malcolm Turnbull tố cáo Trung Quốc là xen vào các vấn đề nội bộ của nước Úc, khiến cho quan hệ giữa hai nước – vốn là đối tác thương mại lớn của nhau, trở nên căng thẳng. Trung Quốc phủ nhận cáo buộc đó.

Vào tháng 9 năm ngoái, báo Financial Times cho biết một công dân New Zealand từng là thực tập sinh tại một ủy ban Quốc hội Úc, bị phát hiện là có liên hệ với một trường huấn luyện tình báo quân đội Trung Quốc.

Bài báo đó đã khiến Úc phải xét lại chương trình thực tập cho người trẻ tuổi, dẫn tới kết luận rằng các tiêu chuẩn phải được nâng cấp và thống nhất với các cơ quan bộ sở chính phủ khác.

Sinh viên Trung Quốc thường nộp đơn tham gia chương trình này, và trong nhiều năm qua, đã từng thực tập tại đây.

Một người phát ngôn của Viện Đại học Quốc gia Úc (ANU), nơi cung cấp nhiều thực tập sinh, cho biết họ đã được thông báo về những thay đổi mới trong tiêu chuẩn chọn thực tập sinh từ cuối năm ngoái.

Vài tháng sau, sự thay đổi này mới được phổ biến cho công chúng, khi ANU sửa đổi các điều luật trên trang web của viện đại học này.

Tháng trước, Quốc hội Úc thông qua luật nhằm ngăn chận nguy cơ các chính phủ nước ngoài can thiệp vào chuyện nội bộ Úc, một cải cách mà Thủ tướng Turnbull cho là cần thiết để chống lại những cố gắng của Bắc Kinh xen vào nội tình nước Úc.

Theo luật mới, những người vận động hành lang cho các chính phủ nước ngoài phải đăng ký và sẽ phải chịu trách nhiệm và bị truy tố hình sự, nếu được xét là đã xen vào các vấn đề nội bộ của Úc.

https://www.voatiengviet.com/a/uc-cam-nguoi-nuoc-ngoai-thuc-tap-o-quoc-hoi-vi-trung-quoc/4480054.html

 

Hàn Quốc điều phản lực cơ

chặn máy bay Nga xâm phạm không phận

Ngày 13/7, Hàn Quốc cho biết đã phải điều máy bay quân sự lên để chặn hai máy bay quân sự của Nga đi vào không phận của mình 4 lần trong ngày.

Các máy bay được cho là máy bay ném bom quân sự của Nga đã ở trong Khu vực nhận diện phòng không của Hàn Quốc 3 giờ đồng hồ, Reuters dẫn nguồn lời các giới chức Bộ Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết.

Cả Bộ Tham mưu Liên quân lẫn Bộ Quốc phòng nước này đều từ chối tiết lộ chi tiết về số lượng máy bay quân sự của Hàn Quốc đã được triển khai.

Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận gì về sự kiện này.

https://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-dieu-phan-luc-co-chan-may-bay-nga-xam-pham-khong-phan/4481524.html

 

Đội bóng Thái: Các em sống sót nhờ HLV

Nanchanok WongsamuthBBC News Tiếng Thái

Suốt 5 năm qua, Ekapol Chanthawong đã giành nhiều thời gian làm việc ở đền Wat Phra That Doi Wao.

Huấn luyện viên đội bóng nhí, người bị kẹt trong hang cùng 12 em trai ở miền Bắc Thái Lan, thường dậy sớm mỗi sáng để trông nom bà nội ở thị trấn Tachileik thuộc Myanmar.

Rồi anh vượt qua biên giới Thái – Myanmar sang Thái Lan, nơi anh giúp dọn dẹp và lo liệu các nghi lễ Phật giáo được tổ chức ở ngôi đền này.

Hân hoan khi 13 ‘Heo rừng’ đã được cứu

Thợ lặn Thái chết khi giải cứu đội bóng bị kẹt là ai?

Vì sao đội bóng Thái Lan đi vào trong hang?

Sau đó, khoảng bốn giờ chiều, chương trình tập luyện cho đội bóng bắt đầu, còn các chuyến đi xe đạp trong thành phố Chiang Rai diễn ra vào cuối tuần hay khi không có các sự kiện ở đền.

Sư trụ trì Prakhruprayutchetiyanukan mô tả người huấn luyện viên này là “một người dễ chịu và thân thiện, rất hiếm khi phàn nàn, không ương bướng, không uống bia rượu và không hút thuốc.”

Từ nhà sư thành huấn luyện viên

Nopparat Kantawong, huấn luyện viên trưởng của đội Wild Boars (Heo Rừng), biết gia đình Ekapol từ khi anh còn nhỏ. Họ mất liên hệ khi Ekapol nhập chùa.

Rồi họ gặp lại nhau 5 năm trước.

“Khi đó cậu ấy đã rời chùa rồi. Tôi không nhớ cậu ấy, vì chúng tôi đã mất liên hệ, nhưng cậu ấy tới và tự giới thiệu khi tôi đang tập bóng với các em,” ông Nopparat kể.

“Cậu ấy rất thích tập luyện và yêu trẻ em. Cậu cũng thích làm tình nguyện và tỏ ý muốn làm trợ lý huấn luyện viên. Cậu ấy chính là người gợi ý chúng tôi tập luyện với các em vào thời gian rỗi và tránh cho các em dính vào ma túy và các tệ nạn khác.”

Từ kẻ xấu thành anh hùng

Hôm 23/6, Nopparat Kantawong và 12 thành viên của đội bóng thiếu niên “Heo Rừng” (tuổi từ 11 đến 16) đi xe đạp tới hang Tham Luang ở Mae Sai.

Khi vừa có tin các cậu bé gặp nguy, phản ứng lúc đầu từ công chúng là giận dữ.

Nhiều ý kiến chỉ trích Ekapol vì đã đưa các em vào trong một hang động nguy hiểm.

Nhưng quan điểm đó đã thay đổi nhanh chóng khi những người cứu hộ tới hiện trường chín ngày sau.

Những video quay các em trai do các thợ lặn Anh chia sẻ khiến nhiều người đặt câu hỏi làm sao huấn luyện viên và các em có thể sống được trong hang trong thời gian lâu đến vậy.

Sati và Samadhi

Sư trụ trì Phrakhruprayutchetiyanukan cho rằng sati (chánh niệm – mindfulness) và samadhi (thiền định) là mấu chốt giúp các em sống sót.

Ekapol thành tăng sỹ từ khi anh còn là một tân sư, và đã học hết các cấp của kinh điển Pali – một ngôn ngữ thiêng liêng của nhiều văn bản trong Ấn Độ giáo và Phật giáo Nguyên Thủy.

“Vì huấn luyện viên Ek đã được đào tạo ở tu viện, anh đã học cơ sở của chánh niệm. Những người chưa được học sẽ thấy tuyệt vọng, khóc lóc trong khi chờ có sự giúp đỡ.”

“Nhưng họ càng khóc nhiều, họ càng mất nhiều năng lượng. Huấn luyện viên Ek có thể đã lặng lẽ khóc, để không ai nghe thấy. Nhưng chính việc anh cần bảo vệ 12 bé trai đã tiếp sức cho anh,” vị sư trụ trì nói.

Khoa học thiền

Lực lượng Hải quân Đặc nhiệm Seals của Thái Lan, những người tham gia vào chiến dịch giải cứu, cũng cho rằng thiền có thể là một lời giải thích cho sự sống sót của đội bóng.

Chỉ huy trưởng Apakorn Yookongkaew nói thiền có thể giúp các em bình tĩnh, làm giảm lượng oxy cần dùng.

Thiền là mấu chốt để kiểm soát hơi thở và giảm stress và lo lắng.

Đây là một kỹ thuật được dùng trong môn lặn, để giúp tiết kiệm oxy trên những hành trình dưới nước dài và khó khăn.

Hồi phục trong bệnh viện

HLV Ekapol giờ đây đang phục hồi trong bệnh viện cùng tất cả các em trai được giải cứu từ trong hang.

Các vị phụ huynh nói họ đã tha thứ cho anh, nhưng vị huấn luyện viên trưởng nói Ekapol có thể được yêu cầu quay lại làm sư một thời gian, điều mà người Thái thường làm để chuộc lỗi, hay để lấy lại hay gột rửa tinh thần.

Trên mạng xã hội, tràn ngập những lời ủng hội cho huấn luyện viên.

Một dòng trên Twitter được nhiều người chia sẻ viết rằng Ekapol sẽ là một người bạn trai tuyệt vời, vì anh đã chứng tỏ bản thân có khả năng chăm sóc 12 em nhỏ và giữ bình tĩnh khi chịu sức ép lớn.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44808854

 

Trung Quốc ngăn cản

tưởng niệm nhà ly khai Lưu Hiểu Ba

Minh Anh

Vào ngày này cách nay đúng một năm, 13/07/2017, nhà ly khai nổi tiếng nhất Trung Quốc đã trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh, trong khi vẫn chịu sự giám sát chặt chẽ của công an : đó là nhà trí thức Lưu Hiểu Ba, nhà văn, khôi nguyên giải thưởng Nobel Hòa Bình 2010.

Vào lúc đó, Bắc Kinh đã từ chối cho phép ông ra nước ngoài chữa trị bệnh. Sau khi ông qua đời, chính quyền Trung Quốc tìm mọi cách ngăn chặn việc nhắc đến tên ông Lưu Hiểu Ba, không cho bạn bè và những người ủng hộ tưởng niệm nhà ly khai quá cố.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt tường trình :

« Bắc Kinh đã làm đủ mọi cách để xóa đi những kỷ niệm về nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, người bị coi là kẻ thù của Nhà nước Trung Quốc chỉ vì ông đã đồng ký tên vào bản Hiến Chương 08, một tuyên ngôn kêu gọi dân chủ. Tất cả những ai dám ca ngợi, tưởng niệm ông đều bị chính quyền nghi ngờ, ví dụ như ông Hồ Giai (Hu Jia). Nhà ly khai này muốn đến bên bờ biển, nơi tro cốt của ông Lưu Hiểu Ba được rải cách nay đúng một năm, để tưởng niệm người quá cố. Thế nhưng, ông không thể làm được việc này.

Ông Hồ Giai cho biết: Năm ngoái, chính quyền đã bắt giữ tất cả những ai muốn tưởng niệm Lưu Hiểu Ba, không cho họ đến bên bờ biển, hoặc cấm giơ cao ba ngón tay vì đây là biểu tưởng cho kháng cự, hy vọng và tự do, hoặc cấm mặc áo T-shirt có in hình Lưu Hiểu Ba. Những cấm đoán này tạo ra một bầu không khí khủng khiếp. Ngày Lưu Hiểu Ba qua đời là một thời điểm nhạy cảm. Chính quyền bắt tôi phải rời Bắc Kinh. Công an dẫn giải tôi đi cách xa bờ biển, nhằm ngăn cản tôi tưởng niệm Lưu Hiểu Ba. Thế nhưng, trong phòng khách sạn, nơi có công an giám sát, tôi đã đặt một bó hoa trước bức ảnh Lưu Hiểu Ba và bức ảnh này được đặt trước một chiếc ghế trống. Rồi tôi thắp nến và im lặng nghiêng mình trước bức ảnh của ông.

Nhà ly khai Hồ Giai muốn tiếp tục cuộc đấu tranh của người bạn vì dân chủ và nhân quyền, bất chấp tất cả, thách thức việc chính quyền tìm mọi cách bịt mọi tiếng nói chỉ trích. Trên Vi Bác (Weibo), mạng xã hội Trung Quốc có tới 400 triệu người đăng ký, chính quyền tiến hành kiểm duyệt chặt chẽ và hiệu quả : nếu gõ từ khóa Lưu Hiểu Ba trong mục tìm kiếm, màn hình sẽ hiển thị thông điệp : không tìm thấy nội dung này. »

Hồng Kông : Nhiều nhà đấu tranh tưởng niệm Lưu Hiểu Ba

Tại Hồng Kông, để tưởng niệm nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, hàng chục nhà đấu tranh dân chủ hôm nay 13/07/2018 đã tụ tập trước cửa Văn Phòng Liên Lạc chính phủ Trung Quốc và thắt những dải nơ đen lên song chắn, trước khi có một cuộc tụ tập khác lớn hơn dự kiến diễn ra chiều tối nay.

Trên tường nhà văn phòng đại diện, những người biểu tình treo ảnh khôi nguyên Nobel Hòa Bình, đồng thời kêu gọi trả tự do cho ông Tần Vĩnh Dân. AFP nhắc lại, chính phủ Trung Quốc đã có hai cử chỉ trái ngược. Hôm thứ Ba 10/7, Bắc Kinh đã đồng ý trả tự do cho bà Lưu Hà, để vợ góa Lưu Hiểu Ba đi tị nạn ở Đức. Nhưng ngày hôm sau, chính quyền tuyên án 13 năm tù ông Tần Vĩnh Dân, sau khi ông trải qua 22 năm tù.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180713-trung-quoc-ngan-can-tuong-niem-nha-ly-khai-luu-hieu-ba

 

Công ty Trung Quốc ‘dính líu bê bối ở Malaysia’

Michael BristowBBC News

Chính phủ mới của Malaysia tin rằng các công ty Trung Quốc có thể dính líu vào bê bối tài chính của quỹ đầu tư 1MDB.

Malaysia truy tố cựu thủ tướng

Malaysia đón ông Mahathir trở lại nắm quyền

Bộ tài chính đã tạm ngừng ba dự án xây dựng với các công ty Trung Quốc, liên quan đường ống dẫn dầu và tàu hỏa.

Một viên chức nói với BBC rằng dự án đường ống dầu được dùng để rửa tiền cho chính quyền trước đây của Thủ tướng Najib Razak.

Ông Najib đã bất ngờ thua trong bầu cử hồi tháng Năm.

Hôm 5/7 ông bị truy tố bốn tội với cáo buộc biển thủ 10 triệu đôla từ một chi nhánh của quỹ 1MDB. Ông bác bỏ mọi cáo buộc sai trái về 1MDB.

Cuộc điều tra của bộ tài chính đánh dấu thay đổi lớn trong quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc từ khi ông Najib mất quyền lực.

Hôm 6/7 bộ tài chính cho hay họ đã tạm ngừng ba hợp đồng lớn với công ty Trung Quốc.

Hai trong số đó là dự án đường ống dẫn dầu có giá trị 2,3 tỉ đôla.

Các lãnh đạo mới của bộ tài chính bị sốc khi phát hiện 88% chi phí hợp đồng được dùng để trả cho công ty Trung Quốc quản lý dự án, China Petroleum Pipeline Bureau, nhưng chỉ mới có 13% công việc được hoàn thành.

Tony Pua, một viên chức ở bộ tài chính, nói với BBC rằng việc xây dựng còn chưa bắt đầu, mà mới chỉ có nghiên cứu tư vấn.

Ông Pua nói: “Cả dự án nghe giống lừa đảo. Rõ ràng có dấu hiệu rửa tiền.”

“Chúng tôi chi tiền cho một công ty Trung Quốc và nghi ngờ tiền được chuyển cho các đảng phái liên quan chính phủ cũ.”

Ông nói bộ này tin rằng tiền được dùng để che đắp các khoản nợ liên quan 1MDB, một quỹ do ông Najib thành lập năm 2009.

Ông Pua nói 1MDB nay đã nợ hơn 12 tỉ đôla.

Email gửi cho China Petroleum Pipeline Bureau về cáo buộc của ông Pua đã không được trả lời.

Nhưng sứ quán Trung Quốc ở London hồi âm cho BBC.

“Chúng tôi đã biết về tin tức liên quan. Trung Quốc đã thực hiện hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với Malaysia cũng như các nước khác, theo nguyên tắc cùng có lợi,” một phát ngôn viên nói.

Bộ tài chính Malaysia cũng tạm ngừng dự án đường sắt East Coast Rail Link, của Công ty Xây dựng kết nối Trung Quốc (China Communications Construction Company).

Họ nói chi phí dự án này, 20 tỉ đôla, “phải bị giảm đáng kể thì mới khả thi về tài chính”.

Bộ tài chính nói việc ngừng ba dự án chỉ nhắm vào các nhà thầu liên quan chứ không nhắm vào “nước nào”.

Nhưng chính phủ mới của Malaysia rõ ràng đã có thái độ thay đổi về Trung Quốc.

Thủ tướng mới Mahathir Mohamad chọn Nhật, đối thủ khu vực của Trung Quốc, làm điểm đến nước ngoài đầu tiên.

Tháng Tám, ông Mahathir sẽ thăm Trung Quốc. Tại đó, có thể các hợp đồng bị ngưng sẽ được thương thảo lại.

Nhưng tháng rồi, tờ báo Trung Quốc Global Times cảnh báo Malaysia đừng ép Trung Quốc quá.

Giáo sư Terence Gomez, từ Đại học Malaya, nói quan hệ gần gũi giữa hai nước có từ 2013 đến kỳ bầu cử vừa rồi.

Ông nói thủ tướng Najib Razak đã tìm tới Bắc Kinh để có đầu tư.

Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình sẵn sàng giúp đỡ trong một phần sáng kiến Vành đai Con đường, nhằm kết nối Trung Quốc với châu Á và thế giới.

Ông Gomez nói: “Hai chính phủ, hai chính thể độc đoán, cùng có một đảng khống chế với lãnh đạo mạnh.”

Giáo sư Gomez tin rằng các quan hệ thương mại khác với Trung Quốc vẫn mạnh mẽ.

Ông đề cập thỏa thuận năm 2017 của công ty xe hơi Trung Quốc Geely nhằm mua cổ phần của hãng xe Malaysia gặp khó khăn Proton.

Ông cũng chỉ ra một trong những doanh nhân đầu tiên thăm ông Mahathir khi ông nắm quyền là tỉ phú Trung Quốc Jack Ma.

Nhưng ông có lời cảnh báo cho Trung Quốc, nước đã xây dựng liên hệ kinh tế gắn bó với nhiều chính phủ độc đoán trong khu vực như Việt Nam và Campuchia.

“Trung Quốc sẽ phải thận trọng về diễn biến khu vực. Người dân sẽ không dung thứ chế độ độc đoán vĩnh viễn. Thay đổi có thể xảy ra.”

Có nghĩa là liên hệ của Trung Quốc với các nước cũng có thể đột nhiên thay đổi.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-44806835

 

Tuyển Anh: Đáng khen hay đáng trách?

Phan NgọcGửi cho BBC từ TP.HCM

“Đừng khóc hay đau khổ thêm nữa, những chàng trai trẻ của chúng ta xứng đáng được ngợi khen” – đó là tựa đề một bài viết trên tờ The Guardian của nhà báo Barney Ronay sau thất bại của Anh trước Croatia.

Thành công ngoài kỳ vọng

Dưới góc nhìn của những đánh giá có phần bi quan về Anh trước World Cup, việc Tam Sư lọt vào đến tận bán kết là một thành công.

Trong tay HLV Gareth Southgate ở hành trình trên đất Nga là một đội ngũ kém chất lượng nhất trong nhiều năm qua chinh chiến ở một giải đấu lớn.

Tập thể ấy thậm chí còn không có lấy một thủ lĩnh đích thực nào ở tầm của những David Beckham, Steven Gerrard hay Wayne Rooney trước đây.

Sự bi quan còn bao trùm lấy cả truyền thông Anh, những người vốn luôn thích tô điểm sức mạnh của đội nhà.

Trong muôn vàn những ánh nhìn nghi hoặc như vậy, rõ ràng việc Tam Sư tiến một mạch đến bán kết là thành tích vượt ngoài sự kỳ vọng và xứng đáng được ngợi khen.

HLV Gareth Southgate đã thành công trong việc xây dựng đội bóng thành một tập thể gắn kết cùng lối chơi được định hình rõ nét xuyên suốt giải đấu, còn các cầu thủ thì thể hiện được khát vọng chiến thắng mãnh liệt của tuổi trẻ.

Tuyển Anh vẫn đáng trách?

Thực tế thì việc Anh tiến sâu trên đất Nga cũng được hậu thuẫn nhiều từ sự thuận lợi của nhánh đấu khi Tam Sư không phải đối mặt với ông lớn nào kể từ vòng loại trực tiếp.

Nhìn từ góc độ này, rõ ràng Harry Kane và các đồng đội vừa vứt đi một cơ hội mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ đến lần thứ hai.

Thất bại trước đội tuyển Bỉ ở trận cuối vòng bảng đã vô tình giúp Anh vào nhánh đấu dễ khi chỉ có một đối thủ lớn thật sự là Tây Ban Nha.

Thậm chí đến vòng 1/8, thất bại gây sốc của Tây Ban Nha trước Nga đã mở ra con đường thênh thang hướng đến trận chung kết cho người Anh.

Công bằng mà nói, dù không được đánh giá cao so với thế hệ đàn anh nhưng thầy trò Gareth Southgate vẫn trên cơ so với các đối thủ đã đối đầu như Colombia, Thụy Điển hay kể cả Croatia.

Tam Sư đã tận dụng tốt cơ hội của mình khi lần lượt đánh bại Colombia và Thụy Điển, nhưng đến trận đấu quan trọng nhất với Croatia thì họ đã gục ngã.

Điều đáng nói là Anh có bàn thắng dẫn trước ngay từ đầu trận và nhìn những gì họ thể hiện trong hiệp 1 trận bán kết, ai cũng nghĩ tấm vé vào chung kết gặp Pháp đã nằm trong tay Tam Sư.

Tuy nhiên, sự chùng xuống khó hiểu trong hiệp 2 đã khiến người Anh đánh mất tất cả trong sự tiếc nuối vô tận.

Croatia không hề tạo ra sức ép quá đáng kể lên khung thành Jordan Pickford nhưng họ đã tận dụng tốt những sai lầm cá nhân của Anh để kết liễu trận đấu.

Kết luận

Một đội tuyển Anh không được đánh giá cao nhưng nhờ sức mạnh và khát khao của tuổi trẻ đã có giải đấu đáng nhớ trên đất Nga.

Tuy nhiên, sự non kém về kinh nghiệm đã khiến các học trò của Gareth Southgate gục ngã ở thời khắc quyết định và đánh mất cơ hội “có một không hai” được chơi trận chung kết World Cup sau hơn nửa thế kỷ.

https://www.bbc.com/vietnamese/sport-44823981

 

World Cup : Pháp – Croatia, cặp chung kết trong mơ

Anh Vũ

Năm 1998, thế hệ vàng Les Bleus giành chiếc Cúp thế giới đầu tiên vài ngày sau khi loại đội Croatia ở bán kết. 20 năm sau, vào ngày Chủ Nhật 15/07/2018, tại Matxcơva, một thế hệ cầu thủ áo Lam mới cùng cựu thủ quân vô địch thế giới Didier Deschamps đang khao khát viết tiếp trang sử riêng của họ cho bóng đá Pháp. Đối thủ lần này của họ tại chung kết lại là Croatia.

Tai kỳ World Cup 2018, đội tuyển Pháp hội tụ được một dàn cầu thủ tài năng, cũng có thể gọi họ là thế hệ vàng của bóng đá Pháp. Ngày 12/07/1998, trên sân vận động Stade de France, khi đội trưởng Didier Deschamps cùng đồng đội giương cao chiếc Cúp vàng thế giới đầu tiên, thì các học trò hiện nay của ông khi đó mới ở độ tuổi học sinh tiểu học, lớn nhất là thủ môn Lloris và tiền đạo Giroud cũng chỉ mới 12 tuổi, thậm chí ngôi sao Kylian Mbappé khi đó còn chưa chào đời.

20 năm sau, cuối cùng đội tuyển Pháp với thế hệ cầu thủ trẻ tài năng đẳng cấp thế giới đã bước vào trận chung kết World Cup 2018, sau khi đã đi qua một hành trình chắc chắn, hiệu quả, cùng với những toan tính chiến thuật đầy thuyết phục của nhà cầm quân Deschamps. Việc lần lượt đánh bại các đối thủ lớn Achentina rồi Uruguay và Bỉ đã chứng minh sức mạnh, tính hiệu quả của đội quân áo Lam ở giải đấu năm nay.

Đối thủ cuối cùng của Pháp ở World Cup 2018 lại là Croatia, từng bị thế hệ Les Bleus 1998 loại ở bán kết với tỉ số 2-1, bằng cú đúp của hậu vệ Lilian Thuram. Tuy nhiên, Croatia ở World Cup 2018 là một thế hệ cầu thủ hoàn toàn khác, không thiếu các tài năng quốc tế, nhất là họ thi đấu với ý chí và tinh thần quật cường đáng kinh ngạc.

Đội bóng đến từ quốc gia Đông Âu non trẻ này đã liên tiếp tạo nên những bất lớn. Sau khi hạ đo ván Achentina của Messi 3-0, các cầu thủ Croatia đã có 3 trận loại trực tiếp kịch tính đến nghẹt thở, vượt qua Đan Mạch, Nga và Anh, cả 3 trận họ đều phải thi đấu 120 phút.

Có thể nói các cầu thủ Croatia đã qua những cánh cửa hẹp để đi đến trận chung kết World Cup lịch sử. Họ chỉ còn một trận quyết đấu cuối cùng để hoàn thành phần kết của câu chuyện cổ tích trong bóng đá Croatia.

Gác lại những con số thống kê trong quá khứ, với một Croatia như đã thấy ở 3 trận knock-out và một đội Pháp có chiến thuật linh hoạt với từng đối thủ khác nhau, chắc chắn trận chung kết Pháp – Croatia sẽ là một trận cầu đỉnh cao, đầy căng thẳng và giàu cảm xúc, vì cả hai đội đều đang đứng trước một cơ hội lịch sử để lên tới đỉnh cao bóng đá thế giới.

http://vi.rfi.fr/phap/20180713-world-cup-phap-croatia-cap-chung-ket-trong-mo