Tin khắp nơi – 13/07/2017
Trump gặp Macron bàn về Syria và chống khủng bố
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tới Pháp hôm thứ Năm 13/7 để dự lễ mừng ngày Quốc khánh Pháp, còn gọi là ngày Phá ngục Bastille. Trong một sự kiện trong ngày, các binh sĩ Mỹ và Pháp sẽ cùng diễn hành trên đại lộ Champs Elysées danh tiếng ở Paris.
Đối với nhà lãnh đạo Mỹ, chuyến công du Pháp hai ngày có thể là một khoảng thời gian lánh mặt ngắn ngủi để ông tránh sự đeo đuổi của giới truyền thông về cáo buộc là có những liên kết giữa ban vận động tranh cử của ông với người Nga. Tuy nhiên, dự kiến ông Trump sẽ phải đối mặt với một số câu hỏi tại một cuộc họp báo ở Paris vào cuối ngày thứ Năm liên quan đến cuộc tiếp xúc giữa con trai của ông, là Donald Trump, Jr., với một luật sư Nga hồi năm ngoái. Donald Jr. đã phổ biến những email cho thấy ông tin rằng mục đích của cuộc gặp gỡ là để thảo luận về những tài liệu có thể gây tổn hại cho chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ, và là đối thủ chính trị của cha ông.
Trước các lễ lạc mừng ngày Quốc khánh, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ cố gắng tìm một số điểm chung với tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron về các vấn đề như Syria và chống khủng bố, trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai ông cho tới nay tương đối khá căng thẳng.
Vào tháng 5, hình ảnh ông Macron đã được đưa lên những hàng tít lớn của báo chí trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO, khi tân Tổng thống Pháp 39 tuổi, dáng điệu thư sinh, bắt tay thật chặt với Tổng thống Trump trong “một một cuộc đấu vật tay”, theo mô tả của báo chí.
Trong chuyến công du lần này, mục tiêu của Tổng thống Trump là để chứng tỏ chính quyền của ông vẫn duy trì mối quan hệ với các đồng minh truyền thống châu Âu. Giống như ông Trump, ông Macron mới đắc cử và lên nắm quyền trong tư cách một người chưa từng tham gia chính trị. Giới phân tích cho rằng cuộc gặp sắp sửa diễn ra sẽ là một cuộc gặp xã giao lịch sự, mặc dù khó có thể giấu được những khác biệt quan điểm sâu xa giữa hai nhà lãnh đạo.
Ông Timothy Stafford, một nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại Mỹ tại Hiệp hội Henry Jackson, một tổ chức về chính sách có trụ sở tại Anh, nhận định:
“Đây sẽ là một cuộc gặp gỡ không mấy thoải mái, bởi vì người Pháp không chỉ bầu chọn một tổng thống hầu như là trái ngược hẳn với ông Trump, mà nơi người Pháp còn có một mối ác cảm sâu sắc về quyết định của chính quyền Trump, rút ra khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.”
Nhiều người Pháp, trong đó có ông Macron, vô cùng thất vọng trước quyết định này, chủ yếu vì Pháp đã bỏ bao nhiêu công sức ra để chủ trì hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu năm 2015, và coi thỏa thuận này là một thành tựu to lớn.
Đây là chuyến công du nước ngoài thứ ba của ông Trump kể từ khi lên nhậm chức. Cả ba chuyến đi đều đến Châu Âu.
Đối với ông Trump, chuyến đi Paris và sự tham gia của ông vào một sự kiện nổi bật có sự tham dự của các nhà lãnh đạo toàn cầu khác là một cách để chứng tỏ nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông vẫn tham gia trong các vấn đề thế giới, trong khi cổ vũ cho các lợi ích của người Mỹ.
Đối với ông Macron, đây là một cơ hội để khẳng định ông là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, có khả năng đối phó và ảnh hưởng đến các cường quốc lớn. Hôm thứ Năm, báo Le Figaro ở Paris chạy dòng tít: “Macron muốn Trump tái xuất hiện khỏi tình trạng cô lập.”
Vào ngày thứ Sáu 14/7, Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania sẽ tham gia lễ kỷ niệm Ngày phá ngục Bastille và kỷ niệm 100 năm ngày Hoa Kỳ tham gia Thế chiến I.
Ngay sau khi chuyên cơ Air Force One đáp xuống sân bay Orly ở thủ đô Paris, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã họp với các nhân viên sứ quán Mỹ và các quan chức quân sự Mỹ.
Cuối ngày thứ Năm, trước khi đến điện Élysée để gặp ông Macron, ông Trump sẽ tham quan Điện Invalides, một khu phức hợp quân đội lịch sử bao nơi có một viện bảo tàng quân sự, và ngôi mộ của Hoàng đế Napoléon Bonaparte.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-gap-macron-ban-ve-syria-va-chong-khung-bo/3942496.html
Thượng viện Mỹ điều trần để chuẩn thuận tân giám đốc FBI
Người được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử ra đứng đầu Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI), ông Christopher Wray, tại buổi điều trần chuẩn thuận chức vụ tại Thượng viện hôm 12/7, khẳng định kim chỉ nam hướng dẫn các hoạt động của cơ quan FBI, chỉ là “sự thật, luật pháp và việc theo đuổi công lý”.
Ông Wray là một luật sư bào chữa và cựu giới chức Bộ Tư pháp. Ông đang phải đối mặt với nhiều câu hỏi từ các thành viên của Ủy ban Tư pháp Thượng viện. Một số thành viên muốn ông Wray bảo đảm rằng ông có thể hoạt động một cách độc lập, và không bị sự chi phối của Tòa Bạch Ốc.
Trong phát biểu khai mạc, một thành viên trong Ủy ban, bà Dianne Feinstein, nói FBI phải tiếp tục hoạt động độc lập, không chịu áp lực chính trị.
“Giám đốc FBI không phục vụ tổng thống, ông phải phục vụ Hiến pháp, pháp luật và nhân dân Mỹ”, bà Feinstein nói.
“Vì vậy, giám đốc FBI phải là một nhà lãnh đạo trung thực và mạnh mẽ để có thể chống lại bất kỳ âm mưu can thiệp chính trị nào”.
Nếu được chuẩn thuận, ông Wray sẽ thay thế ông James Comey, người đã bị Tổng thống Trump sa thải giữa lúc ông đang dẫn đầu cuộc điều tra của FBI về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Ông Trump đang phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng về những cáo buộc cho rằng ban vận động tranh cử của ông đã cấu kết với các quan chức Nga nhằm giúp ông giành chiến thắng trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc. Cáo buộc còn cho rằng ông Trump có thể đã “cản trở công lý” khi sa thải ông Comey.
Các nhà lập pháp có phần chắc sẽ chất vấn ông Wray làm thế nào có thể hoạt động dưới quyền một tổng thống đã từng yêu cầu người tiền nhiệm, là ông Comey, phải trung thành với cá nhân ông. Ông Comey là người chiếm được cảm tình của nhiều người trong cơ quan thi hành công lực lớn nhất nước Mỹ.
Các nhân viên FBI và các luật sư từng làm việc với ông Wray miêu tả ông là một người tận tâm và kín đáo, có khả năng tránh những ảnh hưởng chính trị.
Ông Wray cũng có thể phải đối mặt với các câu hỏi về mối quan hệ giữa ông với ông Comey và ông Robert Mueller, một cựu giám đốc FBI được Bộ Tư pháp chỉ định làm chuyên gia tư vấn đặc biệt phụ trách cuộc điều tra về Nga. Ông Wray làm việc tại Bộ Tư pháp vào năm 2004 khi ông Comey là Phó Bộ trưởng Tư pháp và ông Mueller là Giám đốc FBI.
Cuộc điều trần diễn ra giữa lúc có những phát hiện mới về những tiếp xúc giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga hồi năm ngoái.
Con trai lớn của ông Trump, Donald Trump Jr., hôm thứ Ba (11/7) công bố một loạt email cho thấy ông đã gặp một luật sư Nga hồi tháng 6 năm ngoái để thảo luận về những thông tin được tin là bất lợi cho ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton. Các email được công bố cho thấy Trump Jr. được cho biết là những thông tin ấy là một phần trong một chiến dịch của chính phủ Nga nhằm giúp cha ông, Donald Trump, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Cộng đồng tình báo Mỹ đã kết luận rằng Nga đã xen vào cuộc bầu cử Mỹ bằng cách tung ra một chiến dịch đưa tin giả liên quan đến bầu cử trên các phương tiện truyền thông xã hội Mỹ và xâm nhập vào các hồ sơ trên máy tính của ông John Podesta, người đứng đầu chiến dịch tranh cử của bà Clinton.
Tổng thống Trump nhiều lần lặp đi lặp lại rằng các cuộc điều tra này là một ‘trò săn lùng phù thủy’. Trong một Tweet vào sáng sớm thứ Tư, ông khen ngợi con trai về một cuộc phỏng vấn trên truyền hình đêm thứ Ba.
https://www.voatiengviet.com/a/thuong-vien-my-dieu-tran-de-chuan-thuan-tan-giam-doc-fbi/3941637.html
Nhân vật được đề cử đứng đầu FBI
cam kết không để Toà Bạch Ốc chi phối
Người được Tổng thống Donald Trump đề cử để lãnh đạo Cơ quan Điều tra Liên bang – FBI cam kết sẽ cưỡng lại bất kỳ áp lực chính trị nào từ Tòa Bạch Ốc, ông còn bày tỏ ủng hộ cuộc điều tra đang được tiến hành bởi công tố viên đặc biệt về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Thông tín viên Michael Bowman của VOA tường trình về cuộc điều trần hôm 12/7 trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện của ông Christopher Wray, người có triển vọng lên thay ông James Comey, cựu Giám đốc FBI đã bị ông Trump sa thải.
Hai tháng sau khi Tổng thống Trump bất ngờ sa thải giám đốc FBI James Comey, và vài tuần sau khi ông Comey điều trần trước quốc hội, nói rằng Tổng thống Trump đã gây áp lực với ông về cuộc điều tra liên quan tới Nga, các nhà lập pháp nhận được cam kết rõ ràng từ người được đề cử lên thay thế ông Comey.
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, đảng Dân chủ, đại diện bang California, và là thành viên của Ủy ban Tư Pháp Thượng viện, nói:
“FBI phải tiếp tục là một cơ quan thực thi pháp luật độc lập, không bị ảnh hưởng chính trị. Sự độc lập đó phải bắt đầu ở cấp lãnh đạo cao nhất.”
Người được đề cử vào chức vụ đứng đầu FBI, ông Christopher Wray, là một luật sư từng làm việc cho Bộ Tư pháp. Ông cho biết Tòa Bạch Ốc dưới quyền ông Trump cho tới nay không buộc ông phải cam kết trung thành, và ông sẽ từ khước, nếu được yêu cầu như vậy.
Ông nhấn mạnh:
“Tôi sẽ không bao giờ cho phép công việc của FBI bị điều khiển bởi bất cứ điều gì khác ngoài sự thật, luật pháp và việc theo đuổi công lý.”
Ông Wray nói ông không ở trong vị thế để có thể bình luận về quyết định sa thải ông Comey, nhưng thấy có vấn đề trong cách Tổng thống Trump miêu tả cuộc điều tra của biện lý đặc biệt Mueller vào vai trò của Nga:
“Tôi không cho rằng của điều tra của giám đốc Robert Mueller là một cuộc “săn lùng phù thủy”.
Ông Wray nói ông không có lý do để nghi ngờ sự đánh giá của cộng đồng tình báo về vai trò của Nga, xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Buổi điều trần diễn ra một ngày sau khi con trai cả của tổng thống Trump phổ biến một loạt email, bày tỏ sự háo hức của ông muốn có trong tay những tài liệu do Nga cung cấp có thể gây tổn hại cho bà Hillary Clinton, đối thủ của cha ông trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm ngoái.
Một thành viên khác trong Uỷ ban Tư pháp Thượng viện, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, đảng Cộng hòa, đại diện bang South Carolina, nói:
“Đây là điều mà tôi muốn ông nói với mỗi chính trị gia: nếu nhận được một cuộc gọi từ ai đó đánh tiếng rằng một chính phủ nước ngoài muốn giúp ông bằng cách triệt hạ uy tín của một đối thủ, thì phải báo cáo ngay cho FBI.”
Ông Christopher Wray tỏ vẻ đồng tình:
“Bất kỳ mối đe dọa hoặc nỗ lực nào nhằm can thiệp vào các cuộc bầu cử của chúng ta, đến từ bất kỳ nước nào hay thực thể phi nhà nước nào cũng là điều mà FBI muốn biết.”
Ông Christopher Wray trước đây đã giữ nhiều chức vụ tại Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống George W. Bush.
Các nhóm vận động cho các quyền tự do dân sự cho biết tên ông xuất hiện trong các tài liệu liên bang, có liên quan đến các kỹ thuật thẩm vấn nâng cao, mà giới chỉ trích coi như tra tấn.
Lưu Hiểu Ba, người được giải Nobel Hòa bình, vừa qua đời
Ông Lưu Hiểu Ba là ai?
Ông gần đây được đưa từ nhà tới bệnh viện để điều trị bệnh ung thư.
Ông Lưu bị kết án 11 năm tù vì viết và phát tán trên mạng thư kêu gọi chấm dứt chế độ độc đảng tại Trung Quốc.
Chính phủ các nước phương Tây và các tổ chức nhân quyền trên thế giới đã kêu gọi Bắc Kinh để ông được ra nước ngoài chữa bệnh, nhưng Trung Quốc khước từ.
Ông là một trong những gương mặt chính trong phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn hồi 1989.
Đối với nhiều người ông Lưu Hiểu Ba là một anh hùng nhưng lại là một kẻ xấu trong con mắt của chính phủ đất nước ông.
Đức cáo buộc TQ kiểm soát việc điều trị Lưu Hiểu Ba
Lưu Hiểu Ba có thể không qua khỏi?
Nhà hoạt động chính trị, người được tặng giải Nobel Hòa bình năm 2010, được miêu tả là “biểu tượng quan trọng nhất” cho cuộc đấu tranh vì nhân quyền tại Trung Quốc.
Tuy nhiên giới chức trách Trung Quốc miêu tả ông là một tội phạm có mục đích “lật đổ nhà nước”, và đã nhiều lần bỏ tù ông vì những phản đối của ông.
Ông Lưu Hiểu ba, 61 tuổi, từng là giáo sư đại học, được chẩn đoán bị ung thư gan giai đoạn cuối và đã được đưa ra khỏi nà tù để chữa bệnh.
Nổi tiếng với những quan điểm chính trị cứng rắn và những chỉ trích đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Lưu liên tục vận động cho một đất nước Trung Quốc dân chủ và tự do hơn.
Một trong những khoảng khắc có tính quyết định làm nên sự nghiệp hoạt động của ông là trong giai đoạn diễn ra vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Là một giáo sư đại học trẻ từ vùng đông bắc Trung Quốc, khi đó ông đang thỉnh giảng tại đại học Columbia ở New York. Ông đã bay về Bắc Kinh để tham gia các cuộc biểu tình của sinh viên mà sau đó đã bị đàn áp đẫm máu khi giới chức trách điều quân đội tới dập tắt các cuộc biểu tình.
Ông Lưu và một số người khác được nhìn nhận là đã cứu vài trăm người biểu tình khi các nhà hoạt động đã thành công trong việc thương thuyết với quân đội cho phép những người này rời khỏi quảng trường an toàn.
Mặc dù được đề nghị cho đi tị nạn ở Úc, ông đã từ chối và chọn ở lại Trung Quốc. Ông sau đó đã bị bắt trong một cuộc đàn áp của chính phủ và được thả năm 1991.
Sau khi được ra tù, ông Lưu đã vận động việc thả những người bị cầm tù vì vai trò của họ trong phòng trào dân chủ Thiên An Môn, và chính ông đã bị bắt lại và bị kết án ba năm lao động cải tạo.
Năm 1996, trong khi vẫn đang ở trong tù, ông kết hôn với bà Lưu Hà, người từ đó cũng trở thành mục tiêu của giới chức trách.
Ông tiếp tục các hoạt động đấu tranh thậm chí cả khi giới chức trách ngăn cản ông làm việc trên cương vị là một giảng viên đại học và cấm sách của ông tại Trung Quốc.
Năm 2008, ông và một nhóm trí thức đã giúp soạn thảo ra một cương lĩnh mang tên Hiến chương 08.
Tài liệu này đã kêu gọi một loạt những cải tổ dân chủ ở Trung Quốc bao gồm một Hiến pháp mới và một nền dân chủ tư pháp. Hiến chương cũng gọi các tiếp cận của Đảng Cộng sản Trung Quốc với hiện đại hóa là “một thảm họa”.
Có lẽ đây là giọt nước cuối cùng vào ly nước đã đầy đối với chính phủ Trung Quốc. Hai ngày trước khi Hiến chương được công bố trên mạng, cảnh sát đã tới lục soát nhà ông và bắt ông đi.
Ông bị tạm gia một năm trước khi bị đưa ra tòa. Vào ngày Giáng sinh năm 2009, ông bị kết án 11 năm tù.
Giải Nobel Hòa bình gây tranh cãi
Năm sau, ông Lưu được tặng giải Nobel Hòa bình và được những người trao giải ca ngợi vì “cuộc đấu tranh lâu dài bất bạo động” của ông.
Trung Quốc đã có phản ứng đầy giận dữ. Ông Lưu đã khôgn đuợc phép dự lễ nhận giải và truyền thông thế giới đã đưa tin với bức ảnh chiếc ghế dành cho người nhận giải bị bỏ trống.
Trong bao lâu sau khi được tặng giải thưởng này, bà Lưu Hà, vợ ông, cũng bị quản thúc tại gia, bị cách biệt không được nhận những trợ giúp của gia đình và những người ủng hộ. Giới chức trách Trung Quốc không bao giờ giải thích tại sao họ lại giới hạn việc đi lại của bà.
Tới ngày 23 tháng Năm năm 2017, khi còn ba năm tù, ông Lưu bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan và được đưa ra điều trị tại một bệnh vện ở tỉnh Thẩm Dương ở đông bắc Trung Quốc.
Mặc dù bị tù đày nhiều lần, ông Lưu vẫn luôn hy vọng có một nước Trung Quốc dân chủ.
“Tôi vẫn luôn mạnh mẽ tin rằng những tiến bị chính trị của Trung Quốc sẽ không ngừng lại và tôi với niềm lạc quan sâu sắc, mong muốn được thấy một đất nước Trung Quốc tự do trong tương lai,” ông nói trong một tuyên bố được đưa ra sau phiên tòa xử ông hồi năm 2009.”
“Vì không có thế lực nào có thể ngăn chặn được đòi hỏi của con người được có tự do và Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành một quốc gia được điều hành bởi luật pháp, nơi nhân quyền là trên hết.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40532990
Thế giới phản ứng sau cái chết của Lưu Hiểu Ba
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson hôm thứ Năm 13/7 lên tiếng về cái chết của nhà tranh đấu cho nhân quyền Trung Quốc Lưu Hiểu Ba.
“Hôm nay tôi cùng với người dân ở Trung Quốc và trên khắp thế giới để tang Khôi nguyên giải Nobel hòa bình năm 2000 Lưu Hiểu Ba. Ông qua đời trong khi đang thọ án tù lâu năm chỉ vì đã lên tiếng thúc đẩy cải cách dân chủ một cách ôn hòa. Ông Lưu đã cống hiến trọn đời mình ra tranh đấu để đất nước và nhân loại được tốt đẹp hơn, theo đuổi công lý và tự do.”
Ngoại Trưởng Tillerson nói thêm:
“Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến bà Lưu Hà, vợ ông Lưu Hiểu Ba, và tất cả những người thân yêu của ông. Tôi kêu gọi nhà nước Trung Quốc hãy phóng thích bà Lưu Hà khỏi tình trạng bị quản thúc tại gia, và cho phép bà ra nước ngoài, theo nguyện vọng.
Người đứng đầu Ủy ban Nobel ở Na Uy nói chính quyền Trung Quốc phải “chịu trách nhiệm nặng nề” về cái chết của khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba.
Bà Berit Reiss-Anderssen nói:
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc ông Lưu Hiểu Ba không được thuyên chuyển đến một cơ sở y tế nơi ông có thể được điều trị đúng mức trước khi căn bệnh trở nặng không cứu chữa được. Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm nặng nề về cái chết quá sớm của ông Lưu.”
Ông Lưu, một học giả Trung Quốc sau này trở thành một nhà bất đồng chính kiến, tranh đấu cho dân chủ, qua đời ở tuổi 61, vì bệnh ung thư gan.
Các nhóm bênh vực nhân quyền nhanh chóng lên tiếng ca ngợi những thành tựu và di sản của ông Lưu trong khi kêu gọi cộng đồng quốc tế điều tra cái chết của các nhà hoạt động dân chủ trong thời gian bị cầm tù, và kêu gọi Trung Quốc ngưng đàn áp các nhà hoạt động.
Bà Sophie Richardson, Giám đốc đặc trách Trung Quốc của Tổ chức Human Rights Watch nói:
“Ngay giữa lúc căn bệnh của Lưu Hiểu Ba trở nặng, chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục cách ly ông với gia đình, đồng thời không cho ông được tự do chọn cách điều trị. Sự kiêu ngạo, sự độc ác, và sự cố chấp của nhà nước Trung Quốc thật sự gây sốc, nhưng sự nghiệp tranh đấu của ông Lưu cho một nước Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và dân chủ sẽ tiếp tục.”
Người đứng đầu Tổ chức Nhân quyền LHQ, Hoàng Thân Zeid bin Ra’ad Zeid al-Hussein, bày tỏ “nỗi đau buồn sâu sắc” trước cái chết của ông Lưu Hiểu Ba, nói rằng phong trào nhân quyền đã mất đi một “nhà vô địch kiên định.”
Ông Salil Shetty, Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói ông Lưu Hiểu Ba đã để lại một di sản vô tận cho Trung Quốc và cho cả thế giới.
https://www.voatiengviet.com/a/the-gioi-phan-ung-sau-cai-chet-cua-luu-hieu-ba/3942869.html
Cuộc sống đặc chất Mỹ của điệp viên KGB, Jack Barsky
Brian WheelerBBC News, Washington DC
Chuyện Nga từ lâu nay đã cái cắm “điệp viên chờ thời” tại Mỹ không phải là điều gì bí mật – những người đàn ông, đàn bà không khác gì những người Mỹ bình thường với cuộc sống nếu nhìn từ bê ngoài thì hoàn toàn là bình thường.
Thế nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như một trong số họ lại không muốn trở về?
Jack Barsky là một cậu bé 10 tuổi đã chết vào năm 1955, được chôn tại nghĩa trang Mount Lebonon ở ngoại ô Washington DC.
Song đây cũng là cái tên của một điệp viên kỳ cựu của KGB – người đàn ông Đông Đức 67 tuổi, có tên khai sinh là Albert Dittrich, hiện đang ngồi cạnh tôi.
Đây là một trong những cựu điệp viên cuối cùng của KGB được các đặc vụ sắn gián điệp Mỹ tìm thấy. Hiện Barsky vẫn đang tiếp tục sống ở một vùng ngoại ô ở Mỹ.
Câu chuyện điệp viên của Barsky là một cuộc hành trình rất dài và thú vị, bắt đầu từ thời Chiến tranh Lạnh.
Vào giữa thập niên 1970, Albert Dittrich khi đó đang theo đuổi ước mơ trở thành giáo sư hóa học tại một trường đại học ở Đông Đức thì được KGB (cơ quan mật vụ Nga) phát hiện tài năng và rồi được gửi đến Moscow để đào tạo trở thành một “người Mỹ chính cống”.
Nhiệm vụ của ông là sống dưới danh tính giả là một công dân sống trong lòng đất nước của “kẻ thù tư bản”.
“Tôi đã được gửi đến Mỹ để trở thành công dân quốc gia này, sau đó thiết lập các mối quan hệ ở nơi đây và nhận lệnh từ các quan chức cấp cao”, ông nói.
“Đó là quyết định mạo hiểm ngốc nghếch”, Dittrich nói về quyết định thời trẻ của mình, nhưng thừa nhận “đó là một hành trình đầy hấp dẫn đối với một thanh niên trẻ tuổi kiêu ngạo và thông minh” như ông – người luôn bị hấp dẫn với việc được di chuyển ra nước ngoài và sống một cuộc sống “bên trên pháp luật”.
Mạng lưới điệp viên Nga cài cắm ở Mỹ
Đặng Tiểu Bình ‘hiểu rõ lãnh đạo VN’ hơn Liên Xô
Các nữ điệp viên Bắc Hàn nổi tiếng
Người suốt đời mang hộ chiếu Liên Xô
Danh tính giả – ‘Biến vào hư không’
Ông đến New York vào mùa thu năm 1978, ở tuổi 29 dưới cái tên William Dyson và mang hộ chiếu Canada. Hành trình đến Mỹ của ông phải đi qua nhiều nơi từ Belgrade đến Rome qua Mexico rồi sau đó quá cảnh ở Chicago.
Danh tính Dyson lập tức ‘biến mất vào hư không’ khi ông đến Mỹ và bắt đầu cuộc sống mới với cái tên khác – Jack Barsky.
Đó là cách Albert Dittrich trở thành Jack Barsky – một người không quá khứ, không giấy tờ tùy thân – ngoại trừ một giấy khai sinh thu thập mà một nhân viên Đại sứ quán Liên Xô tại Washington lấy được. Ông này là người đã để mắt phát hiện ra ngôi mộ cậu bé này khi đi dạo ở nghĩa trang Mount Lebanon.
Barsky vô cùng tự tin, nói giọng Mỹ gần như hoàn hảo và mang trong mình 10000 USD.
Để tránh bị nghi ngờ về giấy tờ tùy thân cũng như việc không có số an sinh xã hội, ông tạo dựng một câu chuyện bi kịch cuộc đời. Theo đó, ông nói với mọi người rằng mình có tuổi thơ khốn khó lớn lên tại New Jersey và sớm bỏ học từ năm cấp 3.
Sau khi làm việc tại một trang trại trong vòng nhiều năm, ông nói mình quyết định tìm kiếm cơ hội đổi đời tại thành phố New York.
Ông thuê một phòng ở khách sạn Manhattan, bắt đầu tham gia các hoạt động địa phương và đăng ký các loại giấy tờ tùy thân như thẻ thư viện, giấy phép lái xe và thẻ an sinh xã hội trong vỏ bọc mới.
Vì không có bằng cấp nên Barsky khá khó khăn trong việc tìm kiếm một công việc đàng hoàng. Mặc dù nhiệm vụ là tiếp cận tầng lớp tinh hoa ở Mỹ, thời gian đầu Basky chỉ có thể làm một nhân viên đạp xe đi giao hàng ở Manhattan.
Bộ ba những nhà lãnh đạo khai tử Liên Xô
Cháu nội Stalin nghĩ gì về ông mình?
Nhiệm vụ bất khả thi
“Làm nhân viên giao bưu kiện hóa ra lại là công việc giúp tôi rất nhiều trong việc tiếp xúc được với nhiều người trong khi không ai mảy may quan tâm đến việc tôi là ai và đến từ đâu,” ông nói trong bài phỏng vấn với BBC.
Basky chủ yếu quan sát và tự mình tập trung vào việc hòa nhập với cuộc sống ở Mỹ hơn là nghe theo những lời hướng dẫn từ những nhà ngoại giao Xô Viết hoặc là những điệp viên KGB nằm vùng khác.
“Một ví dụ là, cấp trên khuyên tôi nên tránh xa những người Do Thái. Điều này là bất khả thi. Ở New York, số lượng người Do Thái nhiều hơn ở Israel rất nhiều,” ông nói thêm.
Là một tân binh của KGB, Barsky rất háo hức khi bắt tay vào những nhiệm vụ bí mật của một điệp viên thực thụ. Ông cũng dành nhiều thời gian rảnh lang thang trên đường phố New York để cảnh giác và theo dõi trước bất kỳ điệp viên Mỹ nào có thể đang theo dấu mình.
Hàng tuần, Barsky cập nhật thông tin mới về Moscow qua sóng ngắn radio, các văn bản được mật mã hóa hoặc các cuộn vi phim được đặt kín ở một số góc trong công viên New York. Đổi lại ông cũng nhận tiền mặt và hộ chiếu giả ở nơi đây mỗi khi thiếu tiền hoặc trở về Liên Xô.
Hai năm một lần Barsky trở lại Đông Đức để đoàn tụ với người vợ Gerlinde và con trai Matthias – những người không biết gì về thân phận thực sự của ông.
Họ vẫn nghĩ là ông làm một nhiệm vụ tối mật với thù lao hậu hĩnh tại Baikonur Cosmodrome ở Kazakhstan.
Mọi thứ dường như tiến triển thuận lợi với Jack Barsky, ngoại trừ việc ông này chưa có được hộ chiếu chính thức của Mỹ.
Không phải ông chưa từng cố gắng làm điều đó.
Tuy nhiên, trong lần đi đăng ký hộ chiếu, trong bảng khai yêu cầu ông phải kê khai tên trường cấp 3 ông từng theo học, Barsky không thể điền vào mục này vì việc xác minh sẽ khiến thân phận ông bị lộ.
Sợ bị lộ, ông vớ lại chỗ giấy tờ và bỏ ra khỏi phòng đăng ký, giả đò như tức giận về cách làm ăn quan liêu này.
Quá khứ vàng son điệp viên Xô Viết
Vì không có hộ chiếu tại đất nước nằm vùng, Jack Barsky sẽ chỉ được giao những nhiệm vụ cấp thấp và không thể phát triển sự nghiệp.
Trong quãng thời gian tại đất nước mới, ông từng được giao nhiệm vụ theo dõi thái độ của chính quyền Mỹ trong sự kiện máy bay chiến đấu của Liên Xô bắn rơi một máy bay Hàn Quốc hồi năm 1983 – điều làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô ngày đó.
Jack Barsky sau này cũng được chuyển hướng nhiệm vụ sang sao chép các công nghệ mới của nền công nghiệp đang phát triển của nước Mỹ.
Với Moscow thì việc ông hiện diện ở Mỹ, đi lại tự do mà giới chức Hoa Kỳ không hay biết gì đã là quá đủ.
Tuy nhiên, quá khứ vàng son của đặc vụ chìm dười thời Đức Quốc Xã góp phần cho thắng lợi của Liên Xô không còn có vai trò trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh của Basky.
Barsky sau này biết rằng ông là một phần trong chiến dịch “làn sóng điệp viên thứ ba” của Liên Xô tại Mỹ – hai chiến dịch trước đã thất bại. Từ những thông tin mà Barsky sau này nói với FBI, nhiều người tin rằng vẫn còn nhiều những cái tên nằm vùng khác của Liên Xô tiếp tục hoạt động trong thập niên 80 và về sau.
BBC dẫn lời Jack Barsky trong một cuộc phỏng vấn gần đây cho biết, ông dự đoán có khoảng 10-12 điệp viên khác có nhiệm vụ cùng thời với ông.
Một số đã trở về nước, số khác có thể vẫn tiếp tục sống bí mật tại Mỹ.
Tối hậu thư của KGB
Vì không thể có hộ chiếu Mỹ và nhận các nhiệm vụ cao cấp hơn, Jack Barsky sau này tốt nghiệp chương trình học chuyên về máy tính tại đại học Baruch, sau đó ông trở thành lập trình viên một công ty bảo hiểm Met Life ở New York.
Cũng giống như nhiều điệp viên nằm vùng khác, Barsky bắt đầu nhận ra rằng hầu hết những gì ông được nhồi nhét về xã hội tư bản phương Tây – như một hệ thống “ma quỷ” đang trên bờ sụp đổ cả về mặt kinh tế lẫn xã hội – đều là những lời nói dối.
Cuộc sống của ông dần hòa nhập như một người Mỹ bình thường.
Sau những ngày tháng sống trong cô đơn, năm 1985, ông kết hôn với một người nhập cư bất hợp pháp từ Guyana và cả hai đã có với nhau một cô con gái.
Vậy là ông nay có hai gia đình với hai danh tính, và ông biết rằng sẽ đến lúc ông phải lựa chọn một trong hai.
Ông cảm thấy có một mái nhà tại công ty bảo hiểm Met Life nơi mình làm việc.
“Tôi được đào tạo để căm thù con người và nền văn hóa nước Mỹ. Nhưng mọi người và các đồng nghiệp của tôi ở đây đều giúp đỡ tương trợ nhau trong cuộc sống. Tôi không thể ghét bỏ họ được,” Basky chia sẻ.
Một gia đình yên ấm, một cuộc sống bình ổn đã khiến Jack Barsky bắt đầu phân vân về việc tiếp tục là một điệp viên hay từ bỏ tất cả để sống cuộc sống bình yên nơi đây.
Biến cố lớn vào năm 1988 cuối cùng đã khiến ông phải quyết định lựa chọn.
Sau 10 năm hoạt động bí mật, Jack Barsky nhận được ám hiệu nguy hiểm từ KGB, yêu cầu ông cần phải trở về nước ngay lập tức. Moscow khi đó nhận được thông tin nói rằng FBI đã phát hiện ra chân tướng thật sự của ông.
Jack Barsky được lệnh lấy các giấy tờ tùy thân khẩn cấp mang quốc tịch Canada để nhanh chóng rời khỏi nước Mỹ khi khả năng ông bị bắt giữ và giết hại là rất cao.
Tuy vậy, Jack Barsky đã suy nghĩ trong suốt một tuần với câu hỏi trong đầu: Liệu ông có muốn rời xa con gái Chelsea của mình mãi mãi?
Thế nhưng KGB không còn kiên nhẫn khi liên tục thúc giục. Một buổi sáng, trên chuyến tàu trên đường đi làm, Basky nhận được tin nhắn cuối cùng.
Tối hậu thư KGB đưa ra cho ông là chỉ được phép lựa chọn hoặc trở về nhà (Liên Xô), hoặc nhận án tử.
Sau đó Jack Barsky đã đưa ra quyết định cuối cùng đầy khó khăn đó là ở lại nước Mỹ cùng gia đình.
“Tôi gửi một bức thư về Moscow nói rằng tôi sẽ không đào ngũ, tôi cũng không tiết lộ những bí mật. Tôi chỉ muốn biến mất và sống tốt,” cựu điệp viên Liên Xô nói với BBC.
Giấc mơ Mỹ
Jack Barsky bắt đầu sống trong những ngày tháng lo sợ. Nhưng thời gian trôi đi, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn.
“FBI đã không gõ cửa. KGB cũng không làm bất cứ điều gì,” ông kể lại.
Ông dần quên đi những lời đe dọa trước đó và có một cuộc sống bình thường giống như bao gia đình trung lưu khác ở nước Mỹ, trong một ngôi nhà mới thoải mái ở ngoại ô New York.
Sống trong giấc mơ Mỹ – một giấc mơ mà nhiều người mong ước, nhưng cảm xúc của Jack Barsky cho đến hiện tại vẫn còn nhiều nỗi giằng xé.
“Lòng trung thành của tôi với chủ nghĩa cộng sản và nước Nga vẫn còn rất mạnh mẽ. Việc tôi từ chức có thể gọi là một cuộc ‘đào tẩu nhẹ nhàng’ – mà bắt nguồn từ việc tôi có con ở đây.”
FBI bắt đầu có thông tin về Jack Barsky vào năm 1992 sau khi thu thập được các hồ sơ của KGB từ chuyên viên lưu trữ có tên Vasili Nikitich Mitrokhin – người biết rõ về danh tính của những điệp viên bí mật.
FBI đã theo dõi Jack Barsky trong hơn ba năm, thậm chí trở thành hàng xóm của ông chỉ để theo dõi xem ông có thực sự là một điệp viên KGB hay không, và nếu có, thì ông có còn hoạt động cho KGB hay không.
Cuối cùng trong một cuộc cãi nhau với người vợ, ông đã thú nhận tất cả, rằng mình là một điệp viên nằm vùng, và nội dung cuộc cãi vã đã bị FBI nghe lén.
Chỉ chờ có vậy, Reilly – một mật vụ của FBI đã chặn đón ông trên đường trở về nhà vài ngày sau đó. Jack Barsky bị thẩm vấn và yêu cầu cung cấp tất cả thông tin về hoạt động của ông và KGB.
Cựu điệp viên Liên Xô nghĩ rằng những ngày tháng hạnh phúc bên gia đình đã kết thúc, ông có thể bị giam giữ tại một nhà tù nào đó.
Mặc dù vậy, may mắn đã đứng về phía Jack Barsky, sau khi vượt qua được bài kiểm tra nói dối, ông được thả tự do khi không còn mang lại giá trị cho FBI. Bên cạnh đó, ông cũng được tạo điều kiện để trở thành một công dân Mỹ đích thực.
Mật vụ Reilly sau này cũng trở thành bạn đánh golf với Barsky, thậm chí ông còn đến thăm cha mẹ già của cựu điệp viên Liên Xô và giữ bí mật về thân phận thật sự của ông.
Mikhail Gorbachev có ân hận vì để mất Liên Xô?
Vì những hoạt động tình báo cho Liên Xô, Jack Barsky cũng phải mất 10 năm thử thách mới được trở thành công dân chính thức của Mỹ.
Ông đã kết hôn lần thứ ba với một phụ nữ trẻ và đi theo Thiên Chúa giáo.
Câu chuyện của Jack Barsky đã thu hút sự chú ý của công chúng nước Mỹ khi ông tiết lộ cuộc sống bí mật của mình trên chương trình thời sự vào năm 2015.
“Cuộc đời với hai thân phận khác nhau đã đeo bám tôi. Không nhiều người quen được với điều này. Tôi không nói rằng mình đã có những ngày tháng phi thường, nhưng ít ra tôi đã vượt qua nó”, cựu điệp viên Liên Xô chia sẻ với BBC.
“Được sống cho đến bây giờ vẫn là một điều cực kỳ may mắn.”
Không có được hộ chiếu của Mỹ – Jack Barsky đã thất bại trong nhiệm vụ mà KGB giao phó, nhưng trớ trêu thay, đến những ngày tháng cuối đời, ông lại được chính FBI giúp hoàn thành mong muốn của mình.
“Biết đâu một ngày gặp lại cấp trên của mình tôi có thể tự hào để nói sau tất cả, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ,” cựu điệp viên Liên Xô nói.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40505929
Cựu Tổng thống Lula của Brazil bị kết tội tham nhũng
Cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva bị kết án về cáo buộc tham nhũng và bị phạt chín năm rưỡi tù.
Thẩm phán ra phán quyết ông có thể chưa phải thụ án ngay vì còn chờ kháng cáo.
Ông Lula bác bỏ cáo buộc rằng ông đã nhận hối lộ dưới dạng một căn hộ trong một vụ bê bối tham nhũng liên quan đến công ty dầu khí nhà nước Petrobras.
Ông nói rằng vụ xử có động cơ chính trị và đã phủ nhận mạnh mẽ bất kỳ hành vi sai trái nào.
Đây là vụ xử đầu tiên trong số năm tội trong cáo trạng đối với ông.
Tranh cử lần nữa?
Ông Lula ngồi ghế tổng thống tám năm cho đến năm 2011 và đã tỏ ra muốn ra tranh cử lần nữa vào năm tới cho Đảng Lao động cánh tả.
Hôm thứ Tư, một thẩm phán kết tội ông nhận hối lộ từ công ty kỹ thuật OAS dưới dạng một căn hộ nhìn ra biển để đổi lại việc ông giúp giành các hợp đồng với công ty dầu khí nhà nước.
Trong một tuyên bố, các luật sư của ông Lula khẳng định ông vô tội và nói rằng họ sẽ kháng cáo.
“Trong hơn ba năm, ông Lula đã bị điều tra vì động cơ chính trị. Không có bằng chứng đáng tin cậy nào qui kết ông có tội được đưa ra, và rất nhiều bằng chứng chứng mình ông vô tội đã bị bỏ qua rất trắng trợn,” các luật sư của ông viết.
Lãnh đạo Đảng Lao động, Thượng nghị sĩ Gleisi Hoffmann, cũng lên án phán quyết và nói đây là hành động nhằm để ngăn chặn ông Lula nắm quyền.
Bà Hoffmann nói rằng đảng của bà sẽ phản đối quyết định này.
Phóng viên BBC Katy Watson ở Rio nói ông Lula vẫn còn là một chính trị gia được mến mộ và án tù sẽ chia rẽ Brazil mạnh mẽ.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40590795
Nhật phản đối tàu vũ trang Bắc Hàn
Tin từ Tokyo cho hay Nhật Bản đã gửi công hàm ngoại giao cho Bình Nhưỡng, để phản đối việc một tàu cá có võ trang Bắc Hàn tìm cách gây hấn với tàu kiểm ngư Nhật.
Vụ việc xảy ra từ hôm thứ Sáu tuần trước, nhưng vào ngày 13 tháng 7 mới được chính phủ Nhật tiết lộ.
Trích dẫn tin từ chính phủ, tờ Sankei Shimbun xuất bản tại Tokyo cho hay tàu đánh cá Bắc Hàn xuất hiện trong khu đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, lại còn chĩa súng đe dọa tàu của Nhật.
Bản tin không cho biết phản ứng của kiểm ngư Nhật như thế nào, nhưng theo lời ông phát ngôn viên chính phủ Yoshihide Sugar, chiếc tàu Nhật Bản cấp tốc rời khỏi khu vực để tránh xáo trộn.
Mậu dịch Trung Quốc-Bắc Hàn
tăng trong 6 tháng đầu năm 2017
Trung Quốc nói mậu dịch với Bắc Triều Tiên đã tăng trong sáu tháng đầu năm 2017, so với cùng kỳ năm trước.
Cục Quản lý Hải quan Trung Quốc hôm thứ Năm 13/7 thông báo thương mại với Bắc Triều Tiên, kể cả hàng tiêu dùng, đã tăng 10,5%, đạt 2,5 tỷ đôla trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6, với kim ngạch xuất khẩu tăng lên 29,1% trong thời gian này.
Những số liệu vừa kể có thể đẩy mạnh hơn nữa những lời kêu gọi, đòi Bắc Kinh gây áp lực với Bình Nhưỡng, đồng minh kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc, để Bình nhưỡng phải hạn chế chương trình thử vũ khí hạt nhân và tên lửa của họ.
Bất chấp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chỉ trích các quan hệ thương mại ngày càng tăng của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng, Trung Quốc nói nhập khẩu từ Bắc Triều Tiên đã sụt giảm, và họ cũng đang tuân thủ các biện pháp chế tài mà LHQ áp đặt lên Bắc Triều Tiên.
TQ nói tôn trọng lệnh trừng phạt của LHQ với Bắc Hàn
Mặc dù chính phủ Bắc Kinh đang áp dụng một số biện pháp cấm vận với Bình Nhưỡng, nhưng trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Bắc Hàn vẫn tăng hơn 10% trong 6 tháng đầu năm 2017.
Tin này được Bắc Kinh đưa ra ngày 13 tháng 7, kèm theo lời giải thích với nội dung nhấn mạnh Bắc Kinh tuân thủ đúng quy định cấm vận đối với Bắc Hàn mà Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã đặt ra, đồng thời khoản tiền Bình Nhưỡng thu được khi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc không liên quan gì đến số tiền chính phủ Bắc Hàn dùng để phát triển chương trình võ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn được xem là nguyên nhân gây nên căng thẳng tại Bán Đảo Triều Tiên.
Trong thời gian gần đây, chính phủ Hoa Kỳ thường xuyên kêu gọi Trung Quốc phải tăng mức cấm vận với Bắc Hàn, song song với việc làm áp lực ngoại giao và kinh tế để Bình Nhưỡng ngưng ngay những hành động gây bất ổn định.
Đài Loan
tố hàng không mẫu hạm Trung Quốc đi vào vùng ADIZ
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc đã đi vào khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan vào sáng thứ Tư khi trên đường trở về từ Hồng Kông và đang bị theo dõi, Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Đài Loan nói thêm rằng không có lý do để phải báo động.
Vẫn theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, tàu Liêu Ninh đã rời Hồng Kông vào trưa thứ Ba, trước khi tiến vào khu vực phòng thủ của Đài Loan, bằng cách đi theo hướng bắc qua phía tây của eo biển Đài Loan.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết Đài Loan vẫn theo dõi tình hình và phát hiện không có gì bất thường nên mọi người không nên hoảng sợ.
Tàu Liêu Ninh, do Liên Xô đóng, là chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc. Tàu Liêu Ninh đến Hồng Kông để tham gia các sự kiện đánh dấu kỷ niệm 20 năm vùng lãnh thổ này được nước Anh trao trả lại cho Trung Quốc.
Đây là lần thứ tư trong những tháng gần đây, tàu Liêu Ninh đi vào khu vực gần Đài Loan trong các hoạt động mà Bắc Kinh nói là các cuộc tập trận thường lệ.
Hồi đầu tháng này, Đài Loan đã khẩn cấp điều máy bay phản lực lên đeo bám chiếc hàng không mẫu hạm này khi tàu sân bay này đang trên đường tới Hồng Kông.
Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ quyền sử dụng vũ lực để buộc Đài Loan, mà Trung Quốc coi như một tỉnh ly khai của mình, một ngày nào đó sẽ thuộc quyền kiểm soát của Bắc Kinh.
Campuchia cấm xuất cát ra nước ngoài
Chính phủ Campuchia cấm xuất cảng cát ra nước ngoài.
Đây là nội dung một nghị định của chính phủ Phnom Penh được ký vào ngày 10/07 vừa qua, theo đó cấm xuất khẩu cát từ tỉnh duyên hải Koh Kong ra nước ngoài. Việc mua bán và khai thác cát trong nước vẫn tiếp tục.
Các nhà hoạt động môi trường ở Campuchia hoan nghênh nghị định này nhưng nghi ngờ tính hiệu quả của nó vì trước đây đã từng có lệnh cấm như vậy, nhưng hoạt động xuất khẩu cát vẫn được tiến hành.
Giới hoạt động môi trường tại Xứ Chùa Tháp cũng nói rằng họ muốn cấm hoạt động khai thác cát trên toàn quốc, trong đó có việc hút cát trên sông Mekong, chứ không chỉ cấm khai thác cát biển tại tỉnh Koh Kong mà thôi như trong lệnh cấm của chính phủ.
Người ta cho rằng hoạt động khai thác cát tại bờ biển và trên các dòng sông sẽ ảnh hưởng nặng nề đến môi trường thiên nhiên của Campuchia.
Cát khai thác được ở Campuchia được xuất khẩu sang Singapore dùng cho nhiều công trình xây dựng ở đó.
Tình hình tương tự cũng xảy ra ở Việt Nam, chính quyền và người dân đang phải vất vả chống lại nạn khai thác cát lậu trên các dòng sông để xuất khẩu ra nước ngoài. Hoạt động này, theo các nhà khoa học đang làm xói lở các bờ sông, và đe dọa đồng bằng sông Cửu Long trước hiện tượng xói mòn và lún chìm khi nước biển dâng cao.
Nghị sĩ Cộng hòa hối thúc thông qua dự luật chăm sóc sức khỏe
Thủ lãnh khối đa số tại Thượng viện Hoa Kỳ, ông Mitch McConnell, dự tính cho ra mắt phiên bản sửa đổi dự luật chăm sóc sức khỏe với các đồng nghiệp của ông trong đảng hôm thứ Năm 13/7, giữa lúc ông đang tìm cách thúc đẩy một trong những mục tiêu lập pháp hàng đầu của đảng Cộng hòa và của Tổng thống Donald Trump.
Hồi tháng trước, ông McConnell rút lại dự luật này sau khi biết dự luật không có đạt được sự ủng hộ cần thiết tại Thượng viện do đảng Cộng hòa nắm đa số.
Trong tuần này ông Trump đã lên tiếng hối thúc các thành viên đảng Cộng hòa ở Thượng viện hãy hoàn thành dự luật chăm sóc sức khoẻ trước khi quốc hội bước vào kỳ nghỉ hè hàng năm vào tháng 8.
Hôm thứ Tư, trả lời phỏng vấn của Christian Broadcasting Network, ông Trump nói ông sẽ “nổi giận” nếu một dự luật chăm sóc sức khoẻ không được thông qua.
Ông McConnell đã hoãn lại hai tuần thời gian bắt đầu nghỉ họp quốc hội để các nhà lập pháp có thêm thời gian chuẩn bị cho dự luật.
Lời chỉ trích chính của đảng Cộng hòa đối với Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá phải chăng, còn được gọi là Obamacare, là chương trình này ‘quá tốn kém’ và ‘không công bằng’ khi đòi mọi người dân phải mua bảo hiểm y tế, nếu không, sẽ phải nộp mức tiền phạt.
Một số nghị sĩ muốn xoá bỏ luật Obamacare càng nhiều càng tốt, trong khi những người khác muốn duy trì những phần phổ biến của Obamacare, bao gồm tiền tài trợ bảo hiểm cho người nghèo.
Tháng Năm vừa qua, Hạ viện Mỹ thông qua việc bãi bỏ Obamacare với số phiếu xít xao.
Ông Trump thoạt đầu hoan nghênh việc thông qua dự luật ở Ha viện tại một cuộc mít tinh ở Tòa Bạch Ốc, nhưng sau đó ông chê bai dự luật này là “không rộng lượng”, và vận động Thượng viện phê chuẩn phiên bản sửa đổi “nhân ái hơn.”
Cảnh sát Chicago
sẽ chịu trách nhiệm về xáo trộn tại phi trường
Nhiều tháng sau khi một video được đưa lên mạng cho thấy một hành khách của United Airlines bị lôi ra khỏi máy bay được nhiều người xem và gây phẫn nộ trên toàn thế giới, các giới chức hàng không Chicago ngày 12/7 nói những vụ xáo trộn trong tương lai tại phi trường sẽ được cảnh sát thành phố giải quyết chứ không phải nhân viên an ninh hàng không.
Việc cưỡng bách một hành khách rời khỏi máy bay vào ngày 9/4 để nhường chỗ cho nhân viên của hãng hàng không bay đến Louisville là “hoàn toàn không chấp nhận được,” Ủy viên Sở Hàng không Chicago Ginger Evans nói trong một phúc trình dài 12 trang.
Những thay đổi chính sách khác được phát họa trong phúc trình gồm có việc bỏ từ “cảnh sát” khỏi đồng phục và xe của an ninh hàng không trong những tháng tới. “Vai trò của họ là thi hành nhiệm vụ an ninh, chứ không phải nhiệm vụ cảnh sát,” bà Evans viết trong phúc trình.
Một chương trình huấn luyện được nâng cấp cho an ninh hàng không cũng sẽ được thi hành, theo phúc trình cho biết.
Ông David Đào, một bác sĩ người Mỹ gốc Việt 69 tuổi, bị thương khi an ninh hàng không Chicago lôi ông ra khỏi chuyến bay 3411 của United Ailines tại Phi trường Quốc tế O’Hare. Ông Đào và United Airlines đạt được thỏa thuận trong việc giải quyết vấn đề này, nhưng nội dung không được tiết lộ.
Vào tháng 5 năm nay, bà Evans xin lỗi vì thái độ của nhân viên của bà và nói với một tiểu bang thương mại Thượng viện là vấn đề của ông Đào được giải quyết như vậy là “một điểm đáng buồn sâu sắc và là một vụ tấn công vào cá nhân.”
Bà Evans nói trong phúc trình là Chicago “tăng gấp đôi những nỗ lực để củng cố các chính sách, thủ tục và huấn luyện nhằm đảo bảo những việc như thế sẽ không bao giờ xảy ra nữa.”
Sở hàng không đã ngưng chức 4 nhân viên trong vụ này, nhưng không nói họ sẽ bị kỷ luật gì. Một phát ngôn viên của sở từ chối cho biết thêm chi tiết.
Video được phổ biến sâu rộng trên mạng hình ảnh ông Đào bị lôi trên đường đi trong khoang máy bay phản lực của United khiến công chúng phẫn nộ vào kêu gọi Washington ban hành những qui chế chặt chẽ hơn đối với ngành hàng không.
Hãng United thổi bùng thêm ngọn lửa giận giữ với phản ứng công khai đầu tiên của Tổng giám đốc Oscar Munoz. Một số người xem nhận xét của ông Munoz như một cách đổ lỗi cho hành khách. Hội đồng Quản trị của United Airlines đã đảo ngược một thỏa thuận trước đây cử ông Munoz làm chủ tịch công ty vào năm 2018.
Động đất mạnh 5,8 độ Richter ngoài khơi Bắc Triều Tiên
Một trận động đất hiếm hoi mạnh 5,8 độ Richter xảy ra ngoài khơi Bắc Triều Tiên tại Biển Nhật Bản ngày 13/7, nhưng không gây thiệt hại gì, Cơ quan Thăm dò Địa chất Mỹ USGS cho biết.
Một trận động đất mạnh cở này là bất thường đối với khu vực, nhưng không phải là không xảy ra trước đây, nhà địa chấn học Julie Dutton nói với Reuters. Bà nói thêm là trận động đất cuối cùng xảy ra tại khu vực này của Biển Nhật Bản là vào năm 1994.
Bắc Triều Tiên gây ra những cơn địa chấn khi nước này thử bom hạt nhân dưới lòng đất, nhưng bà Dutton nói không có gì cho thấy trận động đất này là do con người gây ra. Tất cả những vụ thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên đều được tiến hành trên đất liền.
Một phát ngôn viên Ngủ Giác Đài nói những dấu hiệu sơ khởi cho thấy trận động đất không phải là hậu quả của một vụ thử nghiệm hạt nhân.
Trận động đất xảy ra vào sáng sớm ngày 13/7 ở độ rất sâu, khoảng 538 kilômét dưới đáy biển và không gây ra thiệt hại nào. Trung tâm của trận động đất cách thành phố Chongjin của Bắc Triều Tiên 112 kilômét về phía Đông Nam.
Trận động đất này sơ khởi được ghi nhận là mạnh 6.0 độ Richter nhưng sau đó được xét lại là 5,8 độ.
https://www.voatiengviet.com/a/dong-dat-manh-gan-6-do-richter-ngoai-khoi-bac-trieu-tien/3942208.html
TQ: không buộc di dời
khi một khu vực Tây Tạng là di sản thế giới
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/7 nói không có và sẽ không bao giờ có việc cưỡng bách tái định cư một cao nguyên tại khu vực có nhiều người Tây Tạng cư trú được Liên hiệp quốc công nhận là di sản thế giới, sau khi có sự lo ngại của nhiều tổ chức Tây Tạng.
Những tổ chức này cho rằng việc công nhận di sản thế giới của UNESCO có thể cho phép nhà cầm quyền Trung Quốc, di dời cư dân khỏi khu vực có tên là Hy Nhĩ (Hoh Xil), tại tỉnh Thanh Hải và đe dọa môi trường và văn hóa du mục tại đây.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một tuyên bố gởi cho Reuters nói việc liệt kê vào danh sách di sản thế giới của tổ chức văn hóa Liên hiệp quốc trong tuần qua cho thấy cộng đồng thế giới “ủng hộ hoàn toàn” sự thành công của chính phủ trong việc bảo vệ môi trường Hy Nhĩ.
Đơn của chính phủ Trung Quốc xin được UNESCO công nhận Hy Nhĩ là di sản thế giới cho thấy quyết tâm của chính phủ tôn trọng hoàn toàn những ước muốn, văn hóa truyền thống, tín ngưỡng tôn giáo và đời sống của người dân du mục sinh sống tại đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm “Chính phủ Trung Quốc trong quá khứ, hiện tại và tương lai sẽ không có việc cưỡng bách di dời cư dân nào trong khu vực Hy Nhĩ.”
Khu vực này có độ cao hơn 4.500 mét và là nơi cư ngụ của một vài chủng loại động vật đặc hữu cũng như là con đường di trú của loài linh dương Tây Tạng có nguy cơ tuyệt chủng.
Các tổ chức nhân quyền Tây Tạng cho rằng việc chỉ định của UNESCO có thể làm gia tăng những nỗ lực của Trung Quốc di dời những người du mục vào định cư tại các làng xã.
Trung Quốc thường xuyên bác bỏ những chỉ trích của những tổ chức nhân quyền và lưu vong cáo buộc Bắc Kinh dẫm đạp các quyền văn hóa và tôn giáo của người dân Tây Tạng và nói rằng việc cai trị của Trung Quốc đã mang lại thịnh vượng cho một vùng trước đây có thời thụt lùi so với những nơi khác.
Bên cạnh vùng được Trung Quốc gọi là Vùng Tự trị Tây Tạng, còn có những cộng đồng rộng lớn Tây Tạng tại những tỉnh lân cận như Thanh Hải, Cam Túc, Tứ Xuyên và Vân Nam.
Những vụ rối loạn xảy ra thường kỳ chống Trung Quốc tại những khu vực của người Tây Tạng, đặc biệt là vào năm 2008, khi những cuộc biểu tình do các nhà sư lãnh đạo trở nên bạo động với việc các người bạo loạn đốt cửa hàng và nhà cửa của người dân, nhất là của người Hán đa số mà nhiều người Tây Tạng xem như là những người ngoại nhập đe dọa văn hóa của họ.
Russia Gate:
Nga bác bỏ mọi cáo buộc liên quan, Trump bảo vệ con trai
Sau loạt tiết lộ thông tin của Donald Trump Junior, con trai cả của tổng thống Mỹ, về nghi án Nga cung cấp thông tin bất lợi cho bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, ngày 12/07/2017, tổng thống Donald Trump khẳng định cuộc gặp giữa Donald Junior với nữ luật sư Nga không mang lại cho ông bất kỳ lợi ích nào. Về phần mình, Nga tiếp tục bác bỏ mọi cáo buộc liên quan
Theo AFP, Donald Trump đánh giá nghi án nhóm làm việc của ông trong đợt vận động tranh cử tổng thống 2016 « thông đồng » với điện Kremlin là lập luận « không lôgic ». Ông chủ Nhà Trắng còn khẳng định, ngược lại Nga sẽ có lợi hơn nếu bà Hillary Clinton chiến thắng.
Đánh giá con trai là « người có phẩm cách lớn và tôi hoan nghênh sự minh bạch », tổng thống Trump còn khuyến khích mọi người xem buổi phỏng vấn Donald Junior trên đài Fox News. Theo thông tín viên RFI Grégroire Pourtier, tổng thống Mỹ luôn nhắc lại mình là nạn nhân của vụ « truy tìm phù thủy » lớn nhất trong lịch sử chính trị Mỹ.
Trước những tài liệu mới được tiết lộ cáo buộc Nga nhúng tay vào cuộc bầu cử Mỹ 2016, ngày 12/07, Matxcơva, thông qua phát ngôn viên điện Kremlin, khẳng định nữ luật sư Natalia Vesselnitskaïa không có bất kỳ quan hệ nào với chính phủ Nga. Ông Dmitri Peskov thậm chí so sánh vụ thư điện tử của Donald Junior là « một bộ phim truyền hình kéo dài quá lâu, đang cạnh tranh với những bộ phim nổi tiếng nhất của Mỹ ».
Hiện đang công du Bruxelles, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov khẳng định chỉ biết đến vụ việc thông qua truyền hình. Và theo ông, vụ việc này không có căn cứ.
Căn cứ quân sự Trung Quốc ở Djibouti:
5 lý do Ấn Độ phải lo lắng
Ngày 11/07/2017, Trung Quốc bắt đầu chính thức đưa quân sang Djibouti, một nước nhỏ ở châu Phi và là nơi có căn cứ quân sự đầu tiên của Bắc Kinh ở hải ngoại. Giới quan sát cho rằng dự án này của Trung Quốc làm cho Ấn Độ lo ngại. Tờ Hindustan Times của Ấn Độ đưa ra năm lý do giải thích.
Thứ nhất, Djibouti nằm ở cực tây Ấn Độ Dương, nhưng có một lợi thế chiến lược quân sự, làm cầu nối giữa vùng Trung Đông với Châu Phi. Với việc cho phép Trung Quốc mở căn cứ quân sự tại đây, Djibouti có khả năng trở thành một viên ngọc khác của “chuỗi trân châu” trong số các liên minh quân sự của Bắc Kinh.
Giới quân sự Ấn Độ lấy làm lo ngại vì chuỗi ngọc này có khả năng bao vây Ấn Độ. Ở một mức độ nào đó, có thể thấy “Chính Sách Hướng Đông” của New Dehli được xem như là hành động đáp trả “chuỗi trân châu” Trung Quốc.
Thứ hai, Trung Quốc những năm gần đây đã gia tăng các hoạt động quân sự tại Ấn Độ Dương, khu vực mà New Dehli xem là vùng ảnh hưởng của mình. Trong vòng hai tháng gần đây, Ấn Độ ghi nhận khoảng hơn một chục tầu chiến Trung Quốc, kể cả tầu ngầm, khu trục hạm và các tầu dọ thám đến hoạt động trên vùng Ấn Độ Dương, buộc New Dehli phải tăng cường việc giám sát vùng biển chiến lược này.
Thứ ba, vì Ấn Độ Dương là nơi trung chuyển đến 80% lượng dầu thế giới và 1/3 lượng hàng hóa toàn cầu, Trung Quốc lý giải cần phải bảo đảm an ninh cho nguồn cung ứng năng lượng và vận chuyển hàng hóa dọc theo trục giao thông hàng hải quan trọng này.
Nhưng Ấn Độ Dương những năm gần đây còn là một sân chơi lớn giữa các cường quốc hòng tìm kiếm một vai trò lớn hơn trên chính trường quốc tế. Trong chiều hướng đó, để cạnh tranh với Ấn Độ, Trung Quốc cũng tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng ở các quốc gia trong vùng Ấn Độ Dương, qua việc đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng, xây dựng cầu cảng, đường bộ và đường sắt.
Thứ tư, Trung Quốc tuyên bố căn cứ tại Djibouti chỉ là một “cơ sở hậu cần” và Bắc Kinh không có tham vọng bành trướng hay tham gia vào bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang nào, bất kể có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, tờ Global Times, cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc không ngần ngại khẳng định rằng chẳng có gì là sai trái nếu như đấy quả thực là một căn cứ quân sự. “Đương nhiên, đây là căn cứ quân sự đầu tiên của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân ở hải ngoại và chúng ta sẽ đóng quân ở đó”, tờ báo viết.
Cuối cùng, việc bố trí một căn cứ quân sự ở Djibouti một lần nữa khẳng định các nỗ lực của Bắc Kinh tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương. Khu vực này nằm trong sáng kiến “Một Vành Đai, Một Con Đường – OBOR ” đầy tham vọng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm xây dựng một con đường tơ lụa mới.
Một dự án mà Ấn Độ không là một tác nhân chính, trong khi mà đối thủ của Ấn Độ, là Pakistan, vốn dĩ có tranh chấp lãnh thổ với nước này tại vùng Kashmir, lại nằm trong dự án Hành Lang Kinh Tế Trung Quốc – Pakistan, một phần của OBOR. Một dự án mà New Dehli cho rằng thách thức vấn đề chủ quyền của Ấn Độ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170713-can-cu-quan-su-trung-quoc-o-djibouti-5-ly-do-an-do
Ấn Độ phát triển tên lửa
có thể tấn công toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc
Hãng tin Ấn Độ PTI ngày 13/07/2017, đã trích dẫn một bài báo trên số tháng 7 và 8 của tạp chí điện tử After Midnight cho biết: 2 chuyên gia hạt nhân hàng đầu của Mỹ nhận định rằng mục tiêu trọng yếu trong chiến lược phát triển tên lửa hạt nhân của Ấn Độ hiện nay là Trung Quốc chứ không phải Pakistan như trước đây, và New Delhi đang chế tạo những loại tên lửa có khả năng tấn công bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Trung Quốc từ các căn cứ đặt ở miền nam Ấn Độ .
Theo hai ông Hans M Kristensen và Robert S Norris, Ấn Độ hiện đã sản xuất đủ plutonium dùng cho khoảng 150-200 đầu đạn hạt nhân, nhưng dường như chỉ mới chế tạo từ 120-130 đầu đạn.
Về các tên lửa mang đầu đạn nguyên tử, hai chuyên gia Mỹ liệt kê trước tiên loại Agni-2, có thể được phát triển để nhắm vào các mục tiêu ở miền Tây, miền Trung, và miền Nam Trung Quốc. Agni-2 là bước cải tiến mới của Agni-1 – loại tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân với tầm hoạt động trên 2.000 km.
Ngoài ra, tên lửa Agni-4 của Ấn Độ sẽ đủ khả năng từ phía đông bắc Ấn Độ tấn công hầu hết các mục tiêu trên lãnh thổ Trung Quốc, kể cả Bắc Kinh và Thượng Hải.
New Delhi cũng đang phát triển Agni-5 – gần đạt tới chuẩn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), đủ khả năng phóng đầu đạn hạt nhân tới nơi cách xa trên 5.000 km.
Đối với hai chuyên gia Mỹ : « Tầm bắn xa hơn sẽ cho phép Quân Đội Ấn Độ bố trí các căn cứ Agni-5 ở miền Trung và miền Nam nước này, cách rất xa lãnh thổ Trung Quốc ».
Hai chuyên gia hạt nhân Mỹ cho rằng New Delhi hiện đang vận hành 7 phương tiện có thể mang đầu đạn hạt nhân: 2 máy bay, 4 tên lửa đạn đạo phóng đi từ mặt đất và 1 tên lửa đạn đạo phóng từ biển, nhưng « có ít nhất 4 hệ thống nữa đang trong quá trình phát triển…, với các tên lửa tầm xa phóng từ đất liền và từ biển, có thể được triển khai trong vòng 1 thập kỷ tới ».
Ý chỉ trích châu Âu thiếu nỗ lực trong hồ sơ di dân
Vào hôm qua, 12/07/2017, nước Ý một lần nữa đã lên tiếng chỉ trích tình trạng thiếu liên đới trong Liên Hiệp Châu Âu về hồ sơ người nhập cư.
Phát biểu nhân một cuộc họp tay ba với tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel tại Trieste bên lề hội nghị thượng đỉnh giữa Liên Hiệp Châu Âu và các quốc gia vùng Balkan, thủ tướng Ý Paolo Gentiloni đã công khai than phiền trước việc chỉ có một vài nước, đứng đầu là Ý, phải đứng mũi chịu sào trong vấn đề tiếp nhận làn sóng nhập cư đến bằng đường biển, trong lúc các nước khác lại thiếu nhiệt tình trong việc chia sẻ gánh nặng.
Lời tố cáo của thủ tướng Ý được đưa ra trong bối cảnh đã có hơn 4.600 người vượt biên được cứu vớt ngoài khơi Libya và đưa về Ý.
Từ Roma, thông tín viên RFI Anne Lenir nêu bật gánh nặng tiếp đón người nhập cư mà chính quyền Ý đang phải chịu :
Sau nhiều ngày yên ắng, tình hình lại căng thẳng lên. Hơn 3000 người đã được cứu vớt ngoài khơi Libya.
Ở Sicilia, tàu của tổ chức phi chính phủ MOAS đã đến cảng Trapani với 422 người, trong đó có nhiều trẻ em đi một mình. Trong lúc một chiếc tàu tuần duyên Ý, đã vớt được 482 người khác, thì cập bến cảng Pozzalo.
Nhiều tàu khác cũng hướng về bờ biển phía nam Ý. Trong số này có chiếc Aquarius của tổ chức SOS Méditerranée. Tàu chở 800 thuyền nhân sẽ đến cảng Brindisi, vùng Pouilles, trong ngày thứ Sáu. Trong số người nói trên có một phụ nữ vừa hạ sinh một bé trai mà bà đặt tên là Christ.
Chính quyền Ý phải gấp rút tìm ra giải pháp đón tiếp những người này vì những trung tâm đón tiếp cư hiện đã quá tải. Một công việc càng khó khăn khi vấn đề nhập cư kéo theo căng thẳng xã hội và chính trị sôi bỏng hơn, nhất là tại những vùng phía bắc Ý.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170713-y-to-cao-chau-au-thieu-no-luc-giai-quyet-van-de-nguoi-di-dan-ok
Mỹ muốn đàm phán lại thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc
Tổng thống Donald Trump ngày 12/07/2017 đã yêu cầu bộ trưởng Ngoại Thương Mỹ triệu tập một cuộc họp với các đại diện Hàn Quốc để bàn về thỏa thuận thương mại « Korus ». Hoa Kỳ muốn đàm phán lại văn bản này với hy vọng giảm bớt thâm hụt thương mại của Mỹ.
Theo thông cáo của bộ trưởng Ngoại Thương Mỹ, Robert Lighthizer, cuộc họp có thể diễn ra vào tháng 08/2017 tại Washington, và ngày cụ thể sẽ được ấn định sau, với mục đích là « bắt đầu tiến trình đàm phán để xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với Mỹ và đưa ra các điều chỉnh cần thiết cho thỏa thuận ».
Tổng thống Trump từng đánh giá thỏa thuận thương mại Mỹ-Hàn là « kinh hoàng ». Còn trong bức thư gửi đến bộ trưởng Thương Mại Hàn Quốc, ông Robert Lighthizer chỉ ra « những vấn đề liên quan đến quyền được vào thị trường Hàn Quốc của hàng hóa Mỹ ».
Ngày 13/07, Seoul tỏ ra nghi ngờ về thông báo của chính quyền Mỹ, đồng thời nhắc lại rằng thỏa thuận thương mại song phương chỉ có thể thay đổi với đồng thuận từ hai phía. Bản thông cáo của bộ Thương Mại Hàn Quốc nhấn mạnh, « trước hết, cần phải nghiên cứu, phân tích và đánh giá tác dụng của Korus để xác định xem liệu thỏa thuận này có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân đối thương mại hay không ».
Thương mại chỉ là một mặt trong quan hệ liên minh chặt chẽ giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Dù là đồng minh quan trọng để kiềm chế Bắc Triều Tiên, Seoul vẫn không phải là trường hợp ngoại lệ trong danh sách cần xét lại các thỏa thuận thương mại bất lợi cho Mỹ của chính quyền Trump.
Fin publicité dans 14 s
Theo đánh giá của Washington, từ khi có hiệu lực vào tháng 03/2012, thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc đã tăng gấp đôi : từ 13,2 tỉ đô la vào năm 2011 lên thành 27,6 tỉ đô la năm 2016, trong khi Hàn Quốc đưa ra con số 23,2 tỉ đô la.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170713-hoa-ky-muon-dam-phan-lai-thoa-thuan-thuong-mai-voi-han-quoc
Quốc khánh Pháp: Trump tìm tiếng nói chung với Paris
bất chấp nhiều bất đồng
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Pháp sáng 13/07/2017, bắt đầu chuyến công du chính thức theo lời mời của đồng nhiệm Emmanuel Macron nhân lễ Quốc Khánh Pháp 14/07 và đánh dấu 100 năm Hoa Kỳ tham gia Thế Chiến thứ nhất. Nguyên thủ hai nước sẽ vượt qua những bất đồng để tìm tiếng nói chung trong một số hồ sơ quan trọng, đặc biệt là chống khủng bố và cuộc chiến tại Syria.
Về những điểm chung và điểm bất đồng giữa hai nguyên thủ, thông tín viên RFI Grégroire Pourtier tại Washington phân tích :
« Macron-Trump là cặp đôi Pháp-Mỹ khó thành hiện thực cách đây một năm. Đúng là cả hai đều được bầu vào chức vụ cao nhất ngay trong lần đầu tham gia tranh cử tổng thống nhưng phong cách của họ hoàn toàn đối lập nhau, và không phải chỉ do khoảng cách tuổi tác, tổng thống Mỹ 71 tuổi và tổng thống Pháp 39 tuổi.
Tại Hoa Kỳ, Macron được xem là người cản đường chủ nghĩa dân túy trỗi dậy tại châu Âu, trong khi Trump và khẩu hiệu « Nước Mỹ trên hết » lại là biểu tượng ngược lại. Cái bắt tay đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo rất cứng rắn, và được bình luận rất nhiều ở Hoa Kỳ. Mọi người đều biết hai nguyên thủ bất đồng về hồ sơ thương mại quốc tế và môi trường : Tổng thống Trump đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về khí hậu.
Thế nhưng, ngay khi không muốn nhượng bộ nhau, nguyên thủ Pháp-Mỹ tỏ ra sẵn sàng làm dịu mối quan hệ cá nhân. Nhà Trắng đã nhanh chóng chấp nhận lời mời của chính phủ Pháp, vì ngay cả khi có bất đồng, Paris và Washington cũng có những lợi ích và mục đích chung.
Tổng thống Trump chỉ trích Pháp về cuộc chiến chống khủng bố. Còn chiến tranh tại Syria là điểm bất đồng giữa cựu tổng thống Pháp François Hollande và đồng nhiệm Mỹ Barack Obama. Cả hai vấn đề này sẽ là chủ đề nghị sự chính của Donald Trump và Emmanuel Macron.
Buổi làm việc dự kiến kéo dài ít nhất là 1h15, sau đó sẽ có một cuộc họp báo chung. Có thể trong cuộc họp báo này, phóng viên của Mỹ lại kéo tổng thống Trump trở về hiện thực với những rắc rối nội bộ ».
Theo chương trình, chiều thứ Năm 13/07, tổng thống Mỹ được đón tiếp long trọng tại điện Invalides và thăm mộ hoàng đế Napoléon, sau đó là cuộc hội đàm tại phủ tổng thống Elysée. Sau đó, tổng thống Mỹ và phu nhân được mời ăn tối tại nhà hàng sang trọng Jules Verne trên tháp Eiffel. Ngày mai, tổng thống Mỹ tham dự lễ diễu binh nhân Quốc khánh Pháp 14/07 trên đại lộ Champs Elysée với sự tham gia của quân nhân Mỹ.
Phu nhân Melania Trump và Brigitte Macron sẽ thăm Nhà thờ Đức bà Paris, sau đó đi du thuyền trên sông Seine.
AFP dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ cho biết tổng thống Trump và phu nhân « rất háo hức đến thăm một cặp vợ chồng như nhà Macron tại Thành phố Ánh sáng ».
Chuyến công du Paris giúp tổng thống Mỹ tạm gác sang một bên những rắc rối liên quan đến con trai cả Donald Junior trong vụ « Russia Gate ». Tuy nhiên, cuộc gặp giữa nguyên thủ hai nước cũng được đánh giá là không dễ dàng gì. Cả hai phải vượt qua những điểm bất đồng để tìm tiếng nói chung trong một số hồ sơ quốc tế quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh : « Chống khủng bố và bảo vệ lợi ích trọng yếu quốc gia », được tổng thống Emmanuel Macron đánh giá là điểm chung quan trọng giữa hai nước khi trả lời phỏng vấn báo Pháp Ouest-France và tập đoàn truyền thông Đức Funke, ngày 13/07.
http://vi.rfi.fr/phap/20170713-quoc-khanh-phap-trump-tim-dong-thuan-voi-paris-bat-chap-bat-dong-ok