Tin khắp nơi – 13/07/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 13/07/2016

Hàn Quốc loan báo địa điểm đặt lá chắn phi đạn THAAD

Các giới chức quốc phòng Nam Triều Tiên cho hay một hệ thống phòng thủ phi đạn tân tiến do Mỹ chế tạo sẽ được thiết đặt tại quận Seongju ở miền nam nước này.

Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên hôm thứ Tư ra thông báo nói rằng hệ thống phòng thủ phi đạn gọi tắt là THAAD sẽ được thiết đặt tại khu vực núi non nằm cách thủ đô Seoul khoảng 296 kilômét về hướng đông nam. Cơ quan này nói rằng địa điểm Seongju được chọn “tăng khả năng chiến lược bảo vệ cho những cơ sở thiết yếu của quốc gia, như các nhà máy điện hạt nhân, các cơ sở lọc dầu cũng như lực lượng liên quân Mỹ-Hàn.”

Thông báo này hoàn tất tiến trình thương thuyết với Washington khởi sự từ sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư hồi tháng Giêng và một số vụ phóng thử phi đạn tầm xa có liên quan.

Thỏa thuận triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD khiến Bình Nhưỡng giận dữ, và đã lên tiếng đe dọa hôm thứ Hai là sẽ “có hành động cụ thể” để tấn công hệ thống phi đạn này một khi nó được triển khai. Hệ thống mới này cũng bị Trung Quốc và Nga mạnh mẽ phản đối. Các nước đó tin việc triển khai phi đạn THAAD sẽ cho phép Hoa Kỳ mở rộng lợi thế quân sự trong khu vực.

Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun Hye hôm thứ Hai nói rằng hệ thống THAAD chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là tự vệ trước khả năng phi đạn đạn đạo đang ngày càng tăng của Bắc Triều Tiên.

Nhưng việc triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn này cũng gặp phải sự phản đối gay gắt của một số người Nam Triều Tiên về khả năng gây độc hại cho sức khỏe và môi trường. Những cuộc phản đối diễn ra tại Seongju hồi sáng thứ Tư sau khi hãng thông tấn Yonhap loan tin trước khi có công bố chính thức việc chọn địa điểm để triển khai phi đạn THAAD.

Hệ thống phòng thủ phi đạn này theo trù liệu sẽ triển khai với đầy đủ chức năng hoạt động trước cuối năm nay.

http://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-loan-bao-dia-diem-dat-la-chan-phi-dan-thaad/3416333.html

 

Xung đột giữa văn hóa truyền thống và EU tăng cường ở Ba Lan

Luis Ramirez

Không giống như một số quốc gia trung và đông Âu khác, Ba Lan vẫn chưa chứng kiến một nỗ lực lớn đòi rời khỏi Liên minh Châu Âu sau sự kiện Anh bỏ phiếu rời đi, nhưng những phong trào dân tộc chủ nghĩa ở nước này, với ảnh hưởng tiếp tục gia tăng, đang kêu gọi cải tổ sâu rộng EU. Những lời kêu gọi chủ yếu do những người trẻ tuổi khởi xướng, những người thuộc thế hệ tự do hậu cộng sản. Một nghịch lý là những người này có quan điểm thường mang tính truyền thống và bảo thủ hơn nhiều so với những thế hệ trước từng chịu đựng khổ sở dưới tay Đức Quốc xã và sau này là sự đàn áp của chế độ cộng sản.

Tại một cuộc tụ tập thể hiện tinh thần dân tộc, ký ức về sự đàn áp thời cộng sản vẫn còn gây nên nỗi thống khổ.

Thế kỷ 20 đã không nhân từ với đất nước Ba Lan. Sự chiếm đóng của Đức Quốc xã đã xóa sổ gần như hoàn toàn cộng đồng người Do Thái ở Ba Lan, nơi mà xã hội từng mang tính đa sắc tộc, đa văn hóa. Sau đó, chủ nghĩa cộng sản Soviet đàn áp cuộc tranh luận và tấn công văn hóa truyền thống của đất nước.

Ba Lan nằm ở Châu Âu, và ấn tượng mà nước này để lại cũng là một nước Châu Âu. Nhưng một phong trào dân tộc chủ nghĩa đang trỗi dậy nhắm mục tiêu vào nỗ lực của EU định ra hạn ngạch người tị nạn và thúc đẩy quyền của giới LGBT, điều mà một số người Ba Lan cảm thấy là mối đe dọa đối với văn hóa truyền thống.

Lập trường đó bị ông Pawel Kasprzak bác bỏ. Ông từng là thành viên của phong trào Đoàn kết năm 1980 dẫn tới sự sụp đổ của chế độ cộng sản. Giờ đây ông vận động chống lại những hành động của đảng cầm quyền nhằm hạn chế tòa án hiến pháp. Ông nhìn thấy một sợi dây liên kết với tuyên truyền của Nga, kẻ thù lịch sử của Ba Lan.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng chuyện đó cực kỳ nguy hiểm. Tôi tự hào nói rằng chúng tôi thuộc về phương Tây, nhưng chúng ta ở phương Tây đang đánh giá thấp mối đe dọa này. Tôi nghĩ mối đe dọa này thực sự nghiêm trọng.”

Những người Ba Lan trẻ tuổi thường có một cái nhìn khác về sự tự do so với cha mẹ của họ.

Phong trào Kukiz 15, bao gồm phần lớn là người trẻ tuổi, có lập trường còn quyết liệt hơn đảng cánh hữu cầm quyền. Chủ trương của họ là ngăn chặn người tị nạn.

Pawel Szramka, một nghị sĩ thuộc phong trào này, cho biết: “Chúng tôi nói thẳng nói thật. Chúng tôi không màng tới sự tế nhị về mặt chính trị. Chúng tôi nói những gì mình nghĩ. Chúng tôi không dùng những lời hoa mỹ đắp lên những vấn đề đơn giản.”

Chủ nghĩa tư bản và tỉ lệ thất nghiệp tăng nhanh không kìm hãm trong năm 1990 cũng đã góp phần định hình tư tưởng của giới trẻ. Những nhà phân tích nhìn thấy một nghịch lý.

Nhà xã hội học Rafal Pankowski nhận định: “Đối với những người đích thân trải nghiệm Thế chiến thứ Hai, như sự chiếm đóng của Đức Quốc xã, cuộc diệt chủng Holocaust, rồi thời kỳ chế độ độc tài ở Ba Lan, nền cai trị chuyên chế, toàn trị. Họ thường có xu hướng trân trọng những quyền tự do dân sự hơn so với những người trẻ tuổi, những người không có trải nghiệm đó.”

Đối với những người trẻ tuổi mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, chủ nghĩa tự do xã hội của Châu Âu hiện đại là kẻ thù.

Cô Edyta Luty, một người mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trẻ tuổi, nói:

“Tôi nghĩ rằng văn hóa của chúng tôi là niềm hy vọng cho Tây Âu vì văn hoá Tây Âu đang hấp hối.”

Không giống như những nơi khác ở Châu Âu, sự kiện Brexit đã không khơi gợi cảm hứng cho một nỗ lực thúc đẩy Ba Lan rời khỏi Liên minh Châu Âu, nhưng nó đã thúc đẩy những lời kêu gọi cải tổ để EU bớt can thiệp sâu. Một cuộc xung đột của hai nền văn hóa đang diễn ra trên chiến trường lịch sử này giữa Đông và Tây Âu.

http://www.voatiengviet.com/a/xung-dot-giua-van-hoa-truyen-thong-va-eu-tang-cuong-o-ba-lan/3415655.html

 

Thủ tướng Anh được ca ngợi trong lần xuất hiện cuối cùng trước Hạ viện

Thủ tướng Anh sắp từ nhiệm David Cameron đã xuất hiện lần cuối cùng trước Hạ viện, nơi ông được cử tọa đồng loạt đứng lên vỗ tay để hoan nghênh thành tích của ông sau 6 năm làm Thủ tướng.

Buổi chất vấn Thủ tướng bình thường rất ồn ào đã trở thành một cuộc họp mặt hữu nghị hôm thứ Tư 13/7, khi ông Cameron được ca tụng vì đã giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp, tài trợ cho Dịch vụ Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia, và cải thiện các cơ hội giáo dục. Phu nhân Thủ tướng, bà Samantha và các con của ông bà, có mặt trên hàng ghế khán giả dành cho công chúng.

Ông Cameron hần như cam kết với công dân các nước thành viên EU đang sống ở nước Anh, rằng họ sẽ không bị buộc phải rời nước này khi vương quốc Anh rút ra khỏi khối EU.

Ông nói chính phủ đang cật lực làm việc “để thực hiện điều mà dân chúng muốn, đó là bảo đảm với các công dân khối EU, rằng các quyền của họ sẽ được tôn trọng.”

Ông Cameron sẽ chính thức đệ đơn từ chức lên Nữ Hoàng Elizabeth Đệ nhị tại Điện Buckingham cuối ngày thứ Tư.

http://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-anh-duoc-ca-ngoi-trong-lan-xuat-hien-cuoi-cung-truoc-ha-vien/3416622.html

 

Ngoại ô Baghdad rúng động vì vụ đánh bom tự sát thứ nhì trong 2 ngày

Các giới chức Iraq cho hay ít nhất 8 người thiệt mạng và 11 người bị thương hôm thứ Tư trong một vụ tấn công tự sát bằng xe bom tại một chốt kiểm soát của cảnh sát ở bắc thủ đô Baghdad, chỉ mới một ngày sau một vụ đánh bom tự sát đẫm máu tương tự xảy ra tại cùng một quận.

Tin nói kẻ tấn công đã đâm chiếc xe gài chất nổ vào chốt kiểm soát của cảnh sát ở quận al-Rashidiya, nằm ở mạn đông bắc thủ đô Baghdad, nơi có đa số cư dân là người Hồi giáo Shia. Nhóm Nhà nước Hồi giáo ngay sau đó ra tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công.

Trong vụ tấn công hôm thứ Ba, ít nhất 12 người thiệt mạng khi kẻ tấn công tự sát kích nổ chiếc xe bom gần một chợ rau quả đông người. Cảnh sát đã chặn các đường chính quanh Baghdad sau vụ tấn công.

Tuần trước đã xảy ra hai vụ tấn công bằng đánh bom tự sát do nhóm Nhà nước Hồi giáo thực hiện ở Iraq khiến hơn 300 người thiệt mạng.

http://www.voatiengviet.com/a/ngoai-o-baghdad-rung-dong-vi-vu-danh-bom-tu-sat-thu-nhi-trong-2-ngay/3416608.html

 

Venezuela: quân đội kiểm soát hải cảng, khủng hoảng kinh tế trầm trọng 

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm thứ Ba giao thêm nhiệm vụ lớn lao cho tổng tư lệnh quân đội, Đại tướng Vladimir Padrino, yêu cầu ông chịu trách nhiệm phân phối thực phẩm, thuốc men và đưa quân đội đến kiểm soát 5 hải cảng chính của nước này.

Trong lúc đất nước bị khủng hoảng bao trùm này đang lún sâu hơn nữa vào cuộc khủng hoảng kinh tế, Tổng thống Maduro phát động một chiến dịch mới diệt trừ tham nhũng và quản lý sai trái đã làm cho Venezuela thiếu thốn nhu yếu phẩm.

Tổng thống Maduro giao cho tướng Lục quân Efrain Velasco trách nhiệm giám sát Cơ quan quản lý hải cảng – là cơ quan có thẩm quyền quản lý trực tiếp 5 hải cảng của Venezuela tại Guanta, La Guaira, Puerto Cabello, Maracaibo và Guamache.

Trong lúc các cuộc biểu tình phản đối tình trạng khan hiếm thực phẩm và dân chúng phải xếp những hàng dài trước các cửa hàng đang trở nên ngày càng thường xuyên hơn, ông Padrino nói rằng ông hy vọng quyết định để quân đội chịu trách nhiệm việc phân phối sẽ giúp hạ giảm một phần tình trạng bất ổn và nạn hôi của. Nhưng ông nói rằng ông không muốn quân sự hóa đất nước.

Đại tướng Padrino hôm thứ Ba phát biểu: “Tôi không muốn thấy quân đội can thiệp vào những lãnh vực không mang tính quân sự, nhưng đây là vấn đề an ninh quốc gia và bảo vệ tổ quốc.”

Tình hình tài chánh đáng báo động của Venezuela hồi đầu tuần này bị thêm một đòn nặng đáng kể nữa, khi công ty sản xuất các mặt hàng nhu yếu phẩm Kimberly-Clark có trụ sở ở Mỹ quyết định ngưng hoạt động nhà máy sản xuất của họ ở Venezuela, và ngân hàng Citibank đóng các tài khoản vãn lai để giao dịch với nước ngoài của Venezuela.

Chính phủ của Tổng thống Maduro tiếp quản cơ sở sản xuất của Kimberly-Clark hôm thứ Hai và giao cho công nhân của nhà máy quản lý với hứa hẹn sẽ đưa Venezuela tiếp tục tiến về phía trước, bất kể “có hay không có Kimberly.”

http://www.voatiengviet.com/a/venezuela-quan-doi-kiem-soat-hai-cang-khung-hoang-kinh-te-tram-trong/3416419.html

 

Tàu vũ trụ Juno gởi về ảnh chụp sao Mộc từ quỹ đạo đầu tiên

Tàu thám hiểm không gian xa Juno của NASA vừa gởi về ảnh chụp Mộc tinh đầu tiên kể từ khi Juno đến được hành tinh khí khổng lồ này.

Cơ quan không gian của Hoa Kỳ vừa phổ biến bức ảnh hôm 12/7 cho thấy ba trong số bốn mặt trăng lớn nhất bay quanh sao Mộc, đó là Io, Europa và Ganymeade.

Juno tiến vào quỹ đạo bay quanh Mộc tinh hồi tuần trước sau hành trình 5 năm, dài 2,8 tỉ kilômét. Các nhà kiểm soát dưới đất đã chủ động cho ngưng hoạt động máy chụp hình JunoCam của tàu thám hiểm cùng với các thiết bị khác như là một biện pháp đề phòng khi Juno bay qua vùng bức xạ cực mạnh của Mộc tinh.

Tàu thám hiểm sẽ ở đó trong 20 tháng để khám phá hành tinh thứ năm và là hành tinh lớn nhất của thái dương hệ, giúp các nhà khoa học xác định việc hình thành hệ mặt trời của chúng ta, và tìm kiếm những dấu hiệu của bề mặt cứng bên dưới lớp mây bao phủ khí quyền của hành tinh này.

Máy chụp ảnh JunoCam theo trông đợi sẽ gởi về những bức ảnh có độ phân giải cao của sao Mộc vào cuối tháng Tám, khi tàu thám hiểm bay ngang qua ở cự ly gần Mộc tinh nhất lần kế tiếp.

http://www.voatiengviet.com/a/juno-goi-ve-anh-chup-sao-moc-tu-quy-dao-dau-tien/3416593.html

 

Tổng thống Mỹ hối thúc người dân nhận lãnh trách nhiệm cá nhân

Zlatica Hoke

Tổng thống Barack Obama và người tiền nhiệm George W. Bush đã đến tham dự lễ tưởng niệm 5 cảnh sát bị giết hại tại Dallas. Tổng thống ca ngợi các nhân viên công lực về công tác khó nhọc mà họ đang làm để giữ an toàn cho cộng đồng, nhưng ông cũng lưu ý rằng các thành kiến vẫn còn tồn tại và phải được giải quyết.

Tổng thống Obama đã thực hành quá đủ cho bài phát biểu hôm thứ Ba tại Dallas. Ông đã từng an ủi những người đưa tang ở Orlando, Florida hồi tháng trước… ở Charleston, South Carolina trong năm ngoái… và một vài vụ khác trước đó.

“Tôi đã phát biểu tại quá nhiều buổi lễ tưởng niệm trong nhiệm kỳ tổng thống này.”

Ông nói xã hội đặt quá nhiều gánh nặng lên vai cảnh sát và nhận lãnh quá ít trách nhiệm về những hành động của mình.

“Chúng ta có thể kiểm soát cách thức chúng ta phản ứng với thế giới. Chúng ta có thể kiểm soát cách thức chúng ta đối xử với nhau”.

Cựu Tổng thống George W. Bush cũng tìm cách kêu gọi mặt tốt nơi mọi người.

“Chúng ta biết rằng chúng ta có được một đất nước nhân đạo, công bằng mà chúng ta muốn xây dựng, một đất nước mà chúng ta thấy trong những giấc mơ đẹp nhất, chính là nhờ vào sự bảo vệ của những người mặc đồng phục, nam cũng như nữ.”

Bên ngoài Hí viện Dallas, nơi tổ chức lễ tưởng niệm, một số người ca ngợi chuyến thăm của Tổng thống Obama.

Ông Robertson: “Tôi rất vui vì chúng tôi có một tổng tư lệnh là người dành thời gian để đến và an ủi một thành phố đã gánh chịu một tấn thảm kịch khủng khiếp.”

Nhưng nhiều người cho rằng người Mỹ gốc Phi châu là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tái hiện.

Bà Morgan: “Tôi cảm thấy rằng có những thứ đã diễn ra từ lâu. Tôi đã có kinh nghiệm bản thân, chồng tôi và những người tôi quen biết cũng vậy, nhưng tôi cảm thấy chúng ta cần phải truyền bá tình thương chứ không phải thù hận. Không có lý do gì để những người cảnh sát này bị giết hại”.

Một thành viên của Mạng lưới Hành Động Thế hệ mới nói:

“Chúng ta muốn đoan chắc rằng tổng thống và các giới chức công cử sẽ giải quyết tình trạng này, không vội vàng nhưng chủ động trong tình huống này, và thay đổi các luật lệ và chính sách gây bất bình trong cộng đồng cả nước”.

Một số người hồi tưởng lại những thời kỳ tốt đẹp hơn.

Ông Fusilier: “Tôi đã 75 tuổi và tôi nhớ thời gian khi đây là một quốc gia gắn bó. Mọi người đều yêu nước. Tôi hy vọng chúng ta có thể trở lại như trước. Tôi nghĩ nếu mọi người có thể hiểu về nơi mà mỗi chúng ta xuất phát, có lẽ chúng ta có thể bắt đầu hàn gắn.”

Nhưng như lời một người đàn ông Mỹ gốc Phi châu nói với đài VOA, việc hàn gắn khó có thể đạt được.

Ông Evans: “Bởi vì những diễn biến, và lịch sử cũng như bối cảnh, và những hành động sai trái đã mắc phải, mọi thứ đều có thể bùng ra rất mau chóng.”

http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-my-hoi-thuc-nguoi-dan-nhan-lanh-trach-nhiem-ca-nhan/3416571.html

 

Tổng thống Obama vinh danh 5 viên cảnh sát thiệt mạng ở Dallas

Tổng thống Barack Obama đã vinh danh năm viên cảnh sát thiệt mạng trong một buổi lễ tưởng niệm tại thành phố Dallas, nói rằng tình trạng bạo lực hồi tuần qua đã phơi bày “đường nứt sâu nhất trong nền dân chủ của chúng ta” trong khi đồng thời cũng nhấn mạnh rằng đất nước không bị chia rẽ như một số người tuyên bố. Tổng thống yêu cầu người dân Mỹ cố gắng tìm kiếm điểm chung trong khi ông nỗ lực thống nhất một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề quan hệ chủng tộc giữa lực lượng chấp pháp và những cộng đồng sắc dân thiểu số mà họ phục vụ.

Vụ tấn công hồi tuần trước nhắm vào cảnh sát Dallas do một cựu binh sĩ Lục quân người da đen thực hiện – người tức giận về việc cảnh sát bắn chết hai người đàn ông da đen ở bang Louisiana và Minnesota – đã thổi bùng lên cuộc tranh luận khắp cả nước về thiên kiến chủng tộc trong giới chấp pháp.

Trong bài diễn văn đề cập tới nhiều vấn đề, từ việc tri ân những nhân viên chấp pháp cho tới thiên kiến chủng tộc ở Mỹ, ông Obama nói ông hiểu rằng người dân khắp Dallas và khắp cả nước đang đau buồn.

Tổng thống vinh danh năm sĩ quan cảnh sát bị sát hại và kêu gọi sự đoàn kết và niềm hy vọng.

Ông nói: “Tôi hiểu cảm giác của người Mỹ lúc này, nhưng Dallas, tôi ở đây để nói rằng chúng ta phải khước từ sự tuyệt vọng như thế.”

Ông kêu gọi đất nước nói chuyện “một cách thẳng thắn và cởi mở” về tình trạng quan hệ chủng tộc hiện thời, nói rằng đại đa số cảnh sát “xứng đáng nhận được sự tôn trọng, không phải sự khinh miệt của chúng ta.”

Mặc dù quan hệ chủng tộc đã cải thiện đáng kể ở Mỹ trong những thập niên gần đây, ông nói thêm, “nước Mỹ, chúng ta biết rằng thiên kiến vẫn còn, chúng ta biết điều đó.”

Năm chiếc ghế được để trống để đại diện những viên cảnh sát đã ngã xuống trong một buổi lễ tưởng niệm đông người và xúc động tại Trung tâm Nhạc giao hưởng Morton Meyerson ở Dallas.

Thị trưởng Dallas Mike Rawlings tuyên bố: “Họ là những người kiến tạo hòa bình áo xanh; họ đã hy sinh vì lý tưởng đó. Linh hồn của thành phố chúng ta bị đâm thủng khi những sĩ quan cảnh sát bị phục kích trong một vụ tấn công hèn hạ.” Ông nói thêm, “Hôm nay phải là ngày chúng ta đoàn kết.”

Phó Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm của ông Obama, cựu Tổng thống George W. Bush, cũng tham dự buổi lễ tưởng niệm.

Ông Bush lên án “sự thù hận” đằng sau vụ tấn công và kêu gọi sự đoàn kết, niềm hy vọng và lòng khoan dung. Cựu tổng thống kêu gọi người Mỹ “tôn vinh hình ảnh của Chúa mà chúng ta nhìn thấy ở nhau.”

Trước buổi lễ tưởng niệm, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho biết Tổng thống Obama tin rằng nước Mỹ phải hết lòng ủng hộ cảnh sát và thừa nhận “thực tế là sự bất bình đẳng chủng tộc” vẫn còn tồn tại ở Mỹ.

Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống muốn an ủi người dân khắp cả nước sau những sự kiện khiến cảm xúc trào dâng trong những ngày gần đây, bao gồm hai vụ nổ súng chết người riêng rẽ ở hai thành phố Baton Rouge và St Paul.

Trong khi đang trên đường tới Dallas, ông Obama đã gọi điện thoại cho gia đình của cả hai người đàn ông bị cảnh sát bắn chết, Alton Sterling và Philando Castile, để chia buồn thay mặt người dân Mỹ.

Ngày thứ Tư, ông Obama sẽ gặp những quan chức chấp pháp, những nhà lãnh đạo dân quyền, những nhà hoạt động, những học giả và những nhà lãnh đạo chính trị trên khắp cả nước để thảo luận về cách thức khôi phục lòng tin trong những cộng đồng, nơi mà căng thẳng tồn tại giữa giới chấp pháp và người dân mà họ tuyên thệ bảo vệ.

http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-obama-vinh-danh-nam-vien-canh-sat-thiet-mang-o-dallas/3415650.html

 

70 năm bộ áo tắm « hở rốn » bikini

Thanh Hà

Với bộ áo tắm 2 mảnh hở rốn, năm 1962, ngôi sao điện ảnh Ursula Andress trong phim James Bond đã « đốt cháy » màn ảnh lớn. Nếu có dịp ghé qua thành phố Lyon, từng nổi tiếng về tơ lụa trong quá khứ, từ ngày 9 đến 24/07/2016 quý vị nhớ ghé thăm triển lãm ở La Sucrière, để cùng nhìn lại 70 năm « cuộc cách mạng bikini ».

Tháng 7 năm 1946, kỹ sư người Pháp Louis Réard thiết kế bộ áo tắm 2 « nhỏ nhất thế giới » và ông đã đặt cho bộ đồ ngộ nghĩnh đó cái tên là « bikini », lấy tên từ một hòn đảo nhỏ trong cụm đảo Marshall ở Thái Bình Dương. Đây là nơi quân đội Mỹ sử dụng để thử nghiệm bom nguyên tử.

Thực ra những bộ áo tắm hai mảnh đã có từ lâu, nhưng chưa ai dám khiêu khích thiết kế áo tắm « hở rốn ». Réard đã thực sự đem lại một làn gió mới, nếu không muốn nói đến một cuộc « cách mạng » với bộ áo tắm rất « mini ».

Ngày 05/07/1946 diễn viên múa rất khêu gợi Micheline Bernardini là người đầu tiên « khoe rốn » ở hồ tắm Molitor, Paris, trong kỳ thi « nữ vận động viên bơi lội kiều diễm nhất ».

Mãi đến những năm 1950 những bộ áo bikini vẫn còn bị cấm xuất hiện trên các bãi biển của Tây Ban Nha, Ý hay Bỉ. Nhưng rồi, năm 1953, « thần vệ nữ » của làng điện ảnh Pháp, cô đào Brigitte Bardot khoe mình trong một bộ bikini trắng trên bãi biển ở Cannes khi cô đến dự Liên hoan phim quốc tế.

Tiếp theo đó là những ngôi sao của nghệ thuật thứ 7 khác như Marilyn Monroe hay Ava Gardner đã trở thành những sứ giả của bộ áo tắm bikini.

Năm 1962, bộ áo hở rốn được ông kỹ sư Louis Réard thiết kế, thực sự tạo nên một cơn sốt, sau khi được cô đào Mỹ Ursula Andress khoác lên mình và hình ảnh đó đã đi vòng quanh thế giới qua bộ phim Dr No, kình địch của điệp viên 007 James Bond. Hai mảnh áo tắm cỏn con này đã trở thành một biểu tượng của sự quyến rũ, khêu gợi.

Bộ áo tắm của Ursula Andress do một ông thợ may Ấn Độ may vội, và sau này đã được bán đấu giá và đã được một nhà sưu tập nào đó mua vào với cái giá 55.000 euro.

Trước đó nữa, năm 1960, cũng bộ áo tắm hở rốn của Réard đã đi vào âm nhạc với ca khúcItsy bitsy petit bikini. Bản nhạc này thành công vượt bực trên khắp thế giới. Đến năm 1968 trong bối cảnh thanh niên và giới công nhân Pháp liên tục xuống đường chống lại một xã hội quá bảo thủ thời đó, bộ áo tắm bikini đã trở thành biểu tượng của những người muốn được «giải phóng » và đoạn tuyệt với các thế hệ đi trước.

70 năm qua, áo tắm bikini được xem là người bạn đồng hành để phụ nữ tắm nắng, cho nước da thêm giòn. Mỗi năm có gần 15 triệu bộ bikini được tiêu thụ chỉ riêng tại Pháp. Quê hương của cha đẻ bộ áo tắm hở rốn này là thị trường số 1 châu Âu !

http://vi.rfi.fr/phap/20160713-70-nam-bo-ao-tam-%C2%AB-ho-ron-%C2%BB-bikini

 

Đối thoại Nga – NATO tại Bruxelles

Hôm nay, 13/07/2016, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO và Nga tiến hành đối thoại tại Bruxelles. Cuộc họp này diễn ra 3 ngày sau khi NATO họp thượng đỉnh tại Vacxava, Ba Lan, quyết định tăng cường lực lượng ở sườn phía đông nước Nga. Đây là một trong những chủ đề mà Nga muốn thảo luận với NATO.

Từ Matxcơva, thông tín viên Muriel Pomponne gửi về bài tường trình :

« Cuộc họp ngày hôm nay giữa NATO và Nga đã được quyết định trước khi diễn ra thượng đỉnh NATO tại Vacxava. Nga mong muốn thảo luận về an ninh không phận vùng biển Baltic. Nga và NATO tố cáo nhau xâm phạm không phận vùng này khi các máy bay của hai bên đều tắt bộ phát đáp tín hiệu. Đó là thiết bị điện tử cho phép các radar nhận diện các máy bay và tránh va chạm.

Trong chuyến thăm Phần Lan gần đây, tổng thống Nga đã tuyên bố ủng hộ việc chấm dứt các chuyến bay quân sự không bật bộ phát đáp trên không phận vùng Baltic.

Nga cũng muốn đề cập tới hồ sơ lá chắn tên lửa mà Hoa Kỳ triển khai tại Đông Âu. Matxcơva coi đây là một mối đe dọa đối với sự ổn định chiến lược của châu Âu.

Cuộc họp ngày hôm nay cũng là dịp để NATO thông báo cho Nga các quyết định mà khối này đã thông qua trong cuộc họp thượng đỉnh tại Vacxava.

Hai bên đều đồng ý là sẽ thảo luận về hồ sơ khủng hoảng Ukraina và việc thực hiện thỏa thuận Minsk. Ngoài ra, Nga và NATO cũng có thể nối lại quan hệ hợp tác song phương về an ninh tại Afghanistan ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160713-nga-muon-thao-luan-ve-viec-nato-tang-cuong-luc-luong-o-dong-au

 

 

Nhật hoàng ‘định thoái vị’

Nhật hoàng Akihito đã thông báo cho Cục Hoàng gia biết ý định thoái vị của ngài để truyền ngôi cho Hoàng thái tử, theo đài Nhật NHK.

Vị hoàng đế 82 tuổi, gặp nhiều bệnh tật những năm gần đây, được cho là không muốn tại vị nếu phải giảm bớt công việc.

Nhật hoàng đã tại vị 27 năm, và việc thoái vị là chưa từng xảy ra trong lịch sử Nhật Bản hiện đại.

Hoàng thái tử Naruhito, 56 tuổi, là người kế vị theo quy tắc.

Nhật hoàng Akihito kế vị cha, Hirohito, năm 1989.

Ngài được kính trọng vì đã tách hoàng gia ra khỏi quá khứ dân tộc chủ nghĩa thời Thế chiến Hai.

Năm 2011, ngài có động thái hiếm xảy ra khi có phát biểu trên truyền hình sau thảm họa động đất ở Fukushima.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160713_japan_emperor_to_abdicate

 

Hạ tầng là sức mạnh kinh tế Trung Quốc?

Bryan Lufkin

Trung Quốc chi nhiều hơn cho hạ tầng so với Bắc Mỹ và Tây Âu gộp lại. Đó là kết quả của một nghiên cứu mới đây được công bố bởi công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company. Việc Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều cho đường bộ, đường sắt, cảng (và mọi thứ khác để xã hội hoạt động đều đặn) có vai trò định hình nhiều cho kinh tế toàn cầu trong những thập niên tới.

“Đầu tư cho cơ sở hạ tầng thực tế đã giảm xuống ở một nửa các nước G20,” Jan Mischke, chuyên viên lâu năm của Viện Toàn cầu McKinsey và người tham gia soạn báo cáo này, nói. Nguyên nhân chính là do suy thoái toàn cầu năm 2009. Nhưng nó không ngăn được Trung Quốc.

Từ năm 1992 đến 2013, Trung Quốc chi 8,6% GDP để xây dựng đường bộ, đường sắt, sân bay, cảng biển, và các dự án phát triển khác có vai trò thiết yếu để đảm bảo vận chuyển hàng hóa và di chuyển con người và duy trì nền kinh tế vững mạnh. Với Tây Âu con số này chỉ là 2,5%, và là 2,5% tính gộp Mỹ và Canada.

“Báo cáo này là lời cảnh tỉnh quan trọng về hiểm họa thiếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng,” Robert Puentes, một thành viên kỳ cựu đặc trách về chính sách thủ đô của Viện Brookings tại Washington, nói. “Sự tăng tiến mạnh của nền kinh tế Trung Quốc là bắt nguồn từ những việc đầu tư này cho cơ sở hạ tầng.”

Cơ sở hạ tầng của Châu Âu và Bắc Mỹ đang cũ đi nhanh chóng. Nó cần được thay thế, nâng cấp và an toàn hơn. Tăng đầu tư cũng có nghĩa là ổn định nhiều hơn về môi trường, thêm công ăn việc làm, và sự đổi mới mà nó thúc đẩy công nghệ mới phát triển.

Thí dụ năm ngoái một nghiên cứu của Bộ Vận Tải Mỹ cho hay có hơn 61.000 cầu “bị yếu về kết cấu”; năm 2014 Phó Tổng Thống Joe Biden đã mô tả sân bay LaGuardia của New York là sân bay của “thế giới thứ ba.” Năm 2013 chính phủ Anh thông báo một kế hoạch cơ sở hạ tầng 100 tỷ bảng Anh, và nói rằng Anh đã “hàng thế kỷ nay là tiên phong trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng,” nhưng trong những thập niên gần đây đã để “kỷ lục hãnh diện này tuột khỏi tay.”

Nghiên cứu mới đây khẳng định rằng, dựa trên xu thế đầu tư hiện tại, thế giới có những thiếu hụt chính yếu về cơ sở hạ tầng: Thế giới sẽ cần phải đầu tư 3,3 tỷ USD mỗi năm cho 15 năm tới để tiến kịp với dự báo tăng trưởng kinh tế.

Khi nói thế, tất nhiên rằng Trung Quốc cũng sẽ chi tiêu rất nhiều cho nhiều phương thức hơn để đưa người dân từ điểm A đến điểm B. Những thị trường đang nổi lên như Ấn Độ và Trung Quốc đang tìm cách xây dựng từ đầu, không chỉ cải thiện những cái đã có. Báo cáo thậm chí nói rằng 60% nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới sẽ ở các nền kinh tế đang nổi lên như Trung Quốc, Đông Âu, Châu Mỹ La Tinh và Trung Đông.

Nhưng Puentes lưu ý, khi nhìn vào các con số trong báo cáo, rằng các nước khác nhau chi tiêu những khoản tiền khác nhau vào những việc khác nhau. Thí dụ, ở Mỹ luật pháp yêu cầu phải chi tiêu một khoản bắt buộc cho một vài chương trình nhất định, như bảo hiểm xã hội (là một chương trình phúc lợi của liên bang).

“Nếu Mỹ không chi cho phúc lợi xã hội và quốc phòng thì tỷ lệ của cơ sở hạ tầng so với tổng số sẽ cao hơn,” Puentes nói.

Jan Mischke đồng ý như vậy. Trung Quốc sẽ cần phải đầu tư nhiều hơn hàng năm từ GDP, và Mỹ và Châu Âu sẽ phải đầu tư ít hơn vì đã có sẵn nhiều cơ sở hạ tầng. Vấn đề là gì? “Trung Quốc thực tế đã đầu tư nhiều hơn cần thiết, và Mỹ, rất ít hơn cần thiết,” Mischke giải thích. “Mặc dù đầu tư vượt mức, nhưng nhu cầu của Trung Quốc cho tương lai vẫn rất lớn. Cơ hội then chốt đối với Trung Quốc là triển khai vốn cho những lĩnh vực ra nhiều sản phẩm hơn như nghiên cứu và đổi mới, và nâng cao hiệu xuất và hiệu quả của việc chi tiêu.”

Nhân đây phải nói rằng Trung Quốc là nơi sản xuất ra tàu điện từ đầu tiên, là một tàu siêu nhanh thay thế bánh xe bằng đệm từ và đạt tốc độ tối đa là 430 Km/giờ. Nó có từ năm 2004 và đại diện cho công nghệ tương lai mà phần lớn các nước khác chỉ giám mơ tưởng, ngay cả tại lúc này.

Trung Quốc đã triển khai kinh doanh cơ sở hạ tầng gây ấn tượng này. Năm ngoái, Trung Quốc ký hợp đồng 32 tỷ bảng với Brasil và 5,2 tỷ bảng với Anh để xây dựng cơ sở hạ tầng mới ở những nước này, như đường sắt và nhà máy điện.

Puentes nói điểm then chốt của việc xây dựng các chương trình cơ sở hạ tầng to lớn này là ở sự phối hợp đầu tư công và tư, phối hợp “quan hệ đối tác thực sự giữa cơ quan chính phủ, công ty tư nhân, cơ quan tài chính và công chúng. Đó là cách mà ngày nay nhiều nước đã phát triển thành công cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới,” ông nói.

Thí dụ, hệ thống tàu đường sắt của Nhật là một mẫu hình về sự cân bằng quan hệ công tư dẫn đến sự phát triển một khuôn khổ giao thông rộng khắp và đáng tin cậy. Mạng lưới đường sắt lan rộng khắp nơi là kết quả của sự kết hợp tiền đầu tư cá nhân với vốn nhà nước trong nhiều năm.

Trong khi đó tại thị trường đang nổi lên của Ấn Độ (xếp thứ nhì theo nghiên cứu của McKinsey, sử dụng 4,9% GDP cho cơ sở hạ tầng) thì các công ty tư nhân trong việc xây dựng đường là nhiều hơn bắt đầu từ giữa những năm 2000.

Tuy nhiên, trong tương lai. vấn đề sẽ tiến triển phức tạp hơn. Có rất nhiều công nghệ mới mà nó sẽ làm rối loạn cách thức mà chúng ta làm đường, gửi hàng, và đi lại. Thí dụ, xe tự lái và đưa hàng bằng máy bay tự lái, là những thực tế đang được nhanh chóng thực hiện, và sẽ làm cản trở cách chúng ta phân bổ tiền cho các dự án di chuyển.

Tuy nhiên, có một điều là chắc chắn. Với việc cơ sở hạ tầng đang cũ dần một cách nhanh chóng ở một số trong số những nước giàu nhất thế giới, kể cả Mỹ và Anh, thì việc hướng nhìn về phía Đông để tìm mẫu hình tốt có thể sẽ là cách quyết định chi tiêu thông minh nhất.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Auto

http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/07/160713_chinas-secret-to-economic-power-its-roads-and-rails_vert_autos