Tin khắp nơi – 13/05/2018
Nghi phạm vụ Paris ‘sinh ở Chechnya thuộc Nga’
Nghi phạm trong vụ tấn công bằng dao chết người ở trung tâm Paris đêm 12/5 được xác định sinh năm 1997 tại Cộng hòa Chechnya thuộc Liên bang Nga, giới chức cho hay.
Kẻ tấn công giết chết một thanh niên 29 tuổi và làm bị thương bốn người khác tại quận Opéra trước khi bị cảnh sát bắn chết.
Các nhân chứng nói rằng họ nghe ông ta hét lên “Allah Akbar”.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) sau đó tuyên bố một trong những “chiến binh” của họ thực hiện vụ tấn công đêm 12/5.
Pháp bắn nghi phạm tấn công cảnh sát ở Paris
Macron lên án cuộc tấn công mạng ‘quy mô’
Pháp: Ma túy và cồn trong máu nghi phạm
Luật sư ‘không bào chữa’ cho nghi phạm Paris
Vụ này diễn ra tại một khu vực có nhiều hoạt động giải trí ban đêm. Mọi người tháo chạy vào các quán cà phê và nhà hàng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên Twitter (bằng tiếng Pháp): “Nước Pháp một lần nữa lại xảy ra đổ máu, nhưng sẽ không lùi một phân trước kẻ thù của tự do.”
Vụ tấn công diễn ra thế nào?
Kẻ tấn công đâm những người qua đường vào khoảng 21:30 giờ địa phương (19:30 GMT) trên đường Monsigny.
Ông ta định tấn công một số quán bar và nhà hàng, nhưng bị chặn lại.
Cảnh sát tính trấn áp kẻ tấn công bằng roi điện trước khi bắn ông ta chết. Danh tính ông ta chưa được xác định.
Pháp đề cao cảnh giác sau một loạt vụ tấn công. Đã có hơn 230 người thiệt mạng bởi những chiến binh thánh chiến được truyền cảm hứng từ IS trong ba năm qua.
Vụ khủng bố đẫm máu nhất xảy ra vào ngày 13/11/2015, các tay súng và kẻ đánh bom tự sát tấn công nhiều địa điểm khác nhau ở Paris gần như đồng thời – giết tổng cộng 130 người.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-44098052
Tấn công bằng dao ở Paris :
Thủ phạm đã bị tình báo Pháp theo dõi
Thủ phạm vụ tấn công bằng dao tối hôm qua 12/05/2018 tại trung tâm Paris khiến 1 người chết và 4 người bị thương là một người Pháp, sinh năm 1997 tại Argoun, Tchéchnia, có tên trong hồ sơ S – danh sách những phần tử nguy hiểm cho an ninh quốc gia và bị tình báo Pháp theo dõi. Nhiều nguồn tin thân cận với giới điều tra hôm nay cho biết như trên.
Vụ tấn công bằng dao xảy ra vào khoảng 21h tối hôm qua 12/05 tại một khu phố thuộc quận II, Paris, nằm giữa Opéra và La Bourse, đông khách du lịch, rất náo nhiệt, sầm uất tối thứ Bảy hàng tuần, với nhiều nhà hàng, quán bar, nhà hát. Tư pháp cho biết, theo hai nhân chứng, hung thủ đã hô to « Allah Akbar » (Thượng đế vĩ đại) trước khi rút dao đâm chết một người qua đường 29 tuổi. Bốn người khác bị đâm trọng thương và đã được đưa đi cấp cứu, hiện không còn gặp nguy hiểm về tính mạng. Hung thủ đã bị cảnh sát bắn hạ tại chỗ, khoảng 9 phút sau khi gây án.
AFP trích một nguồn tin tư pháp cho biết cha mẹ của thủ phạm đã bị cảnh sát câu lưu. Còn hung thủ chưa từng có tiền án, bị xếp vào danh sách những người gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia cách đây vài tháng, vì có liên hệ với một người đã có chuyến đi sang Syria. Trước đây, cảnh sát chống khủng bố đã từng thẩm vấn hung thủ và sau đó trả tự do. Sau đó, các thông tin về đương sự đã được chuyển sang cho cơ quan tình báo để theo dõi. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra.
Thông qua cơ quan truyền thông Amaq, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công, cho biết hung thủ là một chiến binh của Daech và vụ tấn công trên nằm trong chiến dịch nhắm vào các nước tham gia liên minh quốc tế chống khủng bố tại Iraq và Syria.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên Twitter là « nước Pháp một lần nữa đổ máu, nhưng sẽ không lùi bước trước mọi kẻ thù của tự do ». Thủ tướng Philippe Edouard khen ngợi phản ứng nhanh nhạy của cảnh sát chỉ vài phút sau khi xảy ra vụ tấn công đã hạn chế được những tổn thất có thể sẽ nghiêm trọng hơn thế rất nhiều.
http://vi.rfi.fr/phap/20180513-tan-cong-bang-dao-o-paris-thu-pham-bi-tinh-bao-phap-theo-doi
Indonesia: Đánh bom nhà thờ, chín người chết
Những kẻ đánh bom tự sát tấn công ba nhà thờ ở Surabaya, thủ phủ của tỉnh Đông Java, Indonesia, giết chết ít nhất chín người, cảnh sát cho hay.
Hàng chục người khác bị thương trong các cuộc tấn công xảy ra trong vòng vài phút.
Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm gây ra các vụ này.
Tàn sát cộng sản Indonesia: Mỹ ‘biết nhưng im lặng’
Hòn đảo Indonesia thay đổi lịch sử khoa học
Vụ bắn tàu cá: Indonesia ‘có thông tin khác’
Cảnh sát Jakarta dùng khí cay đối phó biểu tình
Hình ảnh trên truyền hình cho thấy những mảnh vỡ nằm rải rác quanh cửa vào một nhà thờ.
Indonesia, quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất thế giới, chứng kiến sự trỗi dậy của lực lượng dân quân Hồi giáo trong những tháng gần đây.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-44098053
Gia đình 6 thành viên tấn công tự sát ở Indonesia
Một gia đình gồm 6 thành viên đã mở các cuộc tấn công tự sát nhắm vào người Công giáo đi lễ tại ba nhà thờ ở thành phố lớn thứ hai ở Indoesia là Surabaya, làm ít nhất 13 người thiệt mạng và khiến 40 người bị thương.
Reuters dẫn lời cảnh sát địa phương nói rằng gia đình thực hiện các vụ tấn công tự sát nằm trong số 500 người hậu thuẫn Nhà nước Hồi giáo mới từ Syria trở về.
Phát ngôn viên cảnh sát cho biết rằng “người chồng lái một chiếc ôtô chở thuốc nổ đâm vào cổng nhà thờ thứ nhất”, trong khi người vợ cùng hai con gái tự làm nổ tung mình ở nhà thờ thứ hai, còn hai người con khác “dùng xe máy chở bom” tấn công nhà thờ thứ ba.
Hãng tin Anh dẫn lời cảnh sát cho biết thêm rằng hai người con gái ở độ tuổi 9 và 12, và hai người con trai là 16 và 18 tuổi.
Chính quyền đổ lỗi cho tổ chức Jemaah Ansharut Daulah (JAD), vốn được nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo truyền cảm hứng.
Nhà nước Hồi giáo đã tuyên bố nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công, theo Reuters.
Cảnh sát cho biết rằng các vụ tấn công đã làm ít nhất 13 người thiệt mạng và 40 người, trong đó có hai cảnh sát, đã được đưa đi chữa trị tại bệnh viện.
Indonesia, quốc gia với số tín đồ Hồi giáo lớn nhất thế giới, gần đây đã chứng kiến sự trỗi dậy của các nhóm chiến binh hình thành trong nước.
https://www.voatiengviet.com/a/4391821.html
Khi các nhà độc tài sùng bái phế tích
Paul CooperBBC Culture
Cung điện hiện ra phía đường chân trời, với mặt tiền đầy những góc cạnh và những cửa sổ mở toang hoác, quá chói chang để có thể nhìn được dưới ánh nắng như đổ lửa ở Iraq.
Chỉ lái xe một quãng ngắn men lên con đường ngoằn ngoèo hình xoắn ốc để lên đến đỉnh, ta sẽ thấy sườn núi hiện ra với những hòn sỏi rời rạc mọc đầy những cây ô liu và cây cọ vươn mình lên ở nơi từng là một khu vườn sum suê.
Tại sao độc tài lại rất ham làm thơ?
Từ tường thành La Mã tới bức tường Trump
Paris và ‘Con đường Thứ ba’ của thế giới
Đống hoang tàn
Đây từng là một trong những cung điện xa hoa nhất của Saddam Hussein.
Bên trong, chúng ta có thể nhìn thấy dấu vết của sự tinh tế, những lối đi và khung lò sưởi được chạm khắc tuyệt đẹp, ngọn đèn chùm lộng lẫy vẫn còn treo trong phòng lớn ở lối ra vào.
Nhưng giờ đây, các bức tường lỗ chỗ những hình vẽ graffiti và trẻ em địa phương đang đá bóng trong không gian vang vọng.
Trên sàn rải rác những viên thủy tinh của chiếc đèn chùm, và cung điện của một kẻ từng là nhà độc tài hét ra lửa đã trở thành một đống hoang tàn rỗng toác.
Nếu chúng ta bước ra ngoài bao lơn phòng ngủ của nhà độc tài, cả một vùng bằng phẳng trải dài ra trước mặt và một đống đổ nát khác sẽ được thâu vào tầm mắt: một mớ hỗn độn những bức tường vỡ và kiến trúc cổ xưa nằm trải dài cho thấy nơi mà cách nay 2.500 năm, thành cổ Babylon từng thống trị thế giới.
‘Mắt quỷ’: Bí ẩn ngàn năm quyền lực
Bảo tàng quân sự có trung thực?
Quang cảnh ấn tượng đó hiện ra trong tầm mắt không phải là do ngẫu nhiên.
Khách đến thăm cung điện này ắt phải nhìn thấy những tàn tích của Babylon và rút ra sự liên hệ rằng trước mặt họ có sự hiện diện của một nhà thống trị vĩ đại mà di sản còn để lại cho cả ngàn năm sau.
Saddam không phải là nhà độc tài đầu tiên lợi dụng những phế tích cổ đại theo cách này.
Thật ra, mối liên hệ giữa việc lý tưởng hóa những di tích cổ xưa và nhà cai trị độc tài đã có từ lâu đời.
Đó là vì những phế tích không bao giờ là những gì như chúng ta thấy ở bề ngoài: một tập hợp những bức tường sụp xuống trên nền cát. Chúng còn là nơi lưu trữ những ký ức và huyền thoại nữa. Chúng giúp tạo nên những câu chuyện về sự vĩ đại trong quá khứ trở thành điêu tàn trong thời hiện đại và tạo tiền đề cho việc tạo dựng lại những chế độ chuyên chế của quá khứ trong thời hiện đại.
Sự chiếm đoạt những tàn tích như thế cũng đặt ra nguy cơ đối với chúng – và với sự tàn phá di tích cổ xưa ở Palmyra do cái gọi là Nhà nước Hồi giáo làm là một đòn giáng mới nhất, chúng ta cần phải nhớ là những nỗ lực của Saddam, và trước ông ta là Mussolini và Hitler, để ‘gìn giữ’ những di tích thường tước chúng ra khỏi bối cảnh – bao gồm những di tích vốn không thích hợp với thông điệp của nhà nước.
Iraq ngày nay sở hữu một trong bộ sưu tập những di sản khảo cổ phong phú nhất thế giới.
Quan điểm thời Victoria về ham muốn tình dục đồng giới
Sức nóng Hỏa giáo thổi vào Phương Tây
Khi nào việc giật đổ tượng là điều chấp nhận được?
Vùng đồng bằng Lưỡng Hà của hai con sông Tigris và Euphrates làm thành xương sống của đất nước là nơi có những đô thị cổ xưa nhất trên giới, trong đó có Uruk, Ur, Babylon và Nineveh.
Những phế tích này từ lâu đã được các cường quốc thực dân thăm dò và cướp bóc, và các cổ vật được tìm thấy đã được đưa đi để trưng bày trong các bảo tàng nước ngoài.
Vào thế kỷ 19, các bức chạm khắc từ thời Assyria ở Nineveh đã được đưa tới Bảo tàng Anh quốc, và Cổng Ishtar của Babylon bị dỡ mái ngói đem đi dựng lại ở Bảo tàng Pergamon ở Berlin.
Tuy nhiên, sau khi giành được chức tổng thống Iraq, Saddam Hussein quyết định sử dụng những di tích này cho một mục đích khác: để tạo dựng sự tôn thờ sự thượng đẳng của đất nước Iraq với ông ta ở trên đỉnh.
Tăng cường khảo cổ
Để thực hiện được kế hoạch này, khảo cổ học có vai trò quan trọng tối thượng. Thật ra, các nhà khảo cổ học của Iraq nằm trong số những người đầu tiên mà Saddam gặp sau khi ông ta lên nắm quyền vào năm 1968.
“Các cổ vật… là những di tích đáng quý nhất người dân Iraq có được,” ông ta được dẫn lời nói với họ tại cuộc gặp. Những di tích này, ông ta nói, “cho thế giới thấy đất nước của chúng ta… là hậu duệ của những nền văn minh trước đây vốn có đóng góp to lớn cho nhân loại”.
Trong thập niên sau khi Đảng Ba’ath của Saddam nắm được quyền lực ở Iraq, ngân sách chi cho Bộ Cổ vật tăng hơn 80%.
Các di chỉ khảo cổ ở Nineveh, Hatra, Nimrud, Ur, ‘Aqar Quf, Samarra và Ctesiphon đều trải qua sự phục dựng quy mô.
Họ đã phản kháng lại kiểm duyệt ra sao?
Khám phá ‘Kama Sutra’ của thế giới Ả-rập
Tấm hộ chiếu của một quốc gia không tồn tại
Nhưng đối với Saddam, viên ngọc trên chiếc vương miện của Iraq vẫn luôn là Babylon.
Babylon là một trong những đô thị vĩ đại nhất của thế giới từ thế kỷ 18 cho đến thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên.
Đó từng là đô thị lớn nhất thế giới vào hai thời điểm trong lịch sử, và có lẽ là thành phố đầu tiên có số dân vượt 200.000 người.
Nó bị Alexander Đại đế chiếm đóng vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên và có một giai đoạn hưng thịnh ngắn ngủi trước khi nó trở thành trống trơn trong những cuộc chiến sau thời trị vì của Alexander Đại đế. Sau cuộc chinh phục của Đạo Hồi trong thế giới Ả rập vào thế kỷ thứ 7, du khách đến thăm khu vực này mô tả lại rằng nó chỉ còn là tàn tích.
Tái thiết Babylon
Đối với Saddam, đô thị phế tích Babylon luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Ông ta đã ra lệnh thực hiện một kế hoạch đầy tham vọng để tái thiết những bức tường thành của Babylon với chi phí lên đến hàng triệu đô la khi mà cuộc chiến Iran-Iraq đang ở giai đoạn cao trào.
Ông đã cho nâng tường thành lên độ cao không tưởng trong lịch sử là 11,5m và việc này đã hứng chịu chỉ trích từ cộng đồng khảo cổ quốc tế vốn cáo buộc ông ta là đã biến Babylon thành ‘Disney của nhà chuyên chế’.
Trong bước hoàn thiện, Saddam đã cho xây một hí trường theo kiểu La Mã phi lý về mặt niên đại giữa phế tích.
Khi các nhà khảo cổ nói với ông rằng các vị vua cổ đại như Nebuchadnezzari đã cho in tên mình trên những viên gạch xây thành Babylon, Saddam cũng một mực đòi in tên ông ta trên những viên gạch hiện đại dùng trong việc tái thiết.
Choáng ngợp trước những bức tranh do tử tù vẽ
Cung điện dành cho người điên ở London
Tám từ kỳ diệu làm thay đổi thế giới
Những nỗ lực này đã được ông Paul Bremer, lãnh đạo lâm thời của liên quân, người cũng là đại sứ dưới chính quyền mới của Iraq sau khi Saddam bị lật đổ vào năm 2003, mô tả là ‘một sự lệch lạc, một thứ quái đản thế phẩm’.
Trong bối cảnh một chế độ chuyên chế, những phế tích cổ xưa làm thành một khung nền thiết yếu.
Vào năm 1981, Babylon là nơi diễn ra lễ kỷ niệm một năm ngày quân Iraq tiến đánh Iran và các quan chức Iraq lúc đó đã dùng khẩu hiệu Nebuchadnasar al-ams Saddam Hussein al-yawm (ngày hôm qua là Vua Nebuchadnezzar, hôm nay là Saddam Hussein).
Có lúc Saddam cho xây một mô hình khổng lồ của ông ta bằng gỗ dán đang đứng nhìn xuống cổng Ishtar của Baghdar, và trong lễ hội năm 1988, một diễn viên đóng vai vua Nebuchadnezzar đã trao cho Bộ trưởng Văn hóa Iraq một biểu ngữ tuyên bố Saddam Hussein là ‘cháu trai của Nebuchadnezzar’ và ‘người giương ngọn cờ của vùng Lưỡng Hà”.
Mussolini phục hồi Rome
Saddam chỉ đơn giản là làm theo bước của Mussolini.
Ở nước Ý vào đầu thế kỷ 20, người tự phong mình là công tước này đã nhìn thấy những phế tích của thành Rome là một công cụ đặc biệt có sức mạnh.
Mặc dù các chính quyền đi trước cũng tuyên bố họ là người thừa kế của La Mã cổ đại, phong trào phát xít của Mussolini đã đưa lý tưởng này lên một tầm cao mới.
Bản thân Mussolini thường được mô tả trong các văn bản tuyên truyền như là ‘Augustus mới’, gợi lại vị hoàng đế La Mã vốn cho dựng lại phần lớn thành Rome dưới thời trị vì của ông.
“Rome là điểm khởi đầu và điểm tham chiếu của chúng ta,” Mussolini phát biểu trước đám đông trong Lễ kỷ niệm ngày ra đời của Rome vào năm 1922, không lâu sau khi ông ta lên nắm quyền.
“Đó là biểu tượng của chúng ta, hoặc nếu chúng ta muốn, là huyền thoại của chúng ta. Chúng ta mơ về một nước Ý của thời đại La Mã, vốn khôn ngoan và hùng mạnh, có kỷ luật và tinh thần đế quốc. Phần lớn những gì là tinh thần sống mãi của Rome đã hồi sinh trong chính quyền phát xít.”
Tuy nhiên chính phủ phát xít đã gặp phải một vấn đề: từ thời cổ đại, Rome đã phát triển và đè lấp lên những phế tích, nuốt chúng vào cơ thể biến đổi không ngừng của thành phố. Người dân sinh sống giữa ngọn cột và những cây cột đổ nát, dọn chỗ để xây dựng nhà cửa và lấy đá của chúng để xây dựng công trình riêng của mình. Cả thành phố đã phát triển bằng cách che lấp lên những di tích và làm lu mờ di sản mà Chính phủ phát xít muốn dựa vào.
Để giải quyết vấn đề này, Mussolini đã ra lệnh một cuộc đại khai quật, dỡ sạch các nhà cửa và toàn bộ các khu vực và tái định cư những người dân sinh sống ở đó. Ông ta cho khai quật lăng mộ của Augustus và cho xây một quảng trường phát xít xung quanh, cho giải tỏa những công trình tập trung xung quanh Nhà hát Marcellus và cũng đào nền của Đấu trường Colosseum, làm phát lộ một căn phòng dưới lòng đất và dọn sạch nơi từng có cây cỏ xanh tươi.
Để lại cho thế hệ sau
Vào tháng Năm năm 1938, chỉ 16 tháng trước khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ, Hitler đến thăm Rome.
Trong chuyến thăm, Mussolini đã cho nhà độc tài của nước Đức thấy thủ đô của nước Ý đã biến đổi với những phế tích được phát lộ và hoàn tất.
Hitler đi thăm thành phố vào ban đêm, và các kỹ sư của Mussolini đã chiếu sáng những phế tích vừa được phát lộ bằng pháo sáng màu đỏ để chúng càng thêm nổi bật giữa những tòa nhà hiện đại xung quanh.
Hitler đã đi qua tất cả những di tích quan trọng nhất của thành Rome và kết thúc ở đấu trường Colosseum được thắp đèn sáng rực.
Quốc trưởng nước Đức đã bị ấn tượng đúng như Mussolini hy vọng.
Hitler luôn bị cuốn hút trước các di tích. Một bức vẽ Quảng trường phế tích Roman Forum của họa sỹ người Pháp Hubert Robert vào thế kỷ 18 luôn treo trên tường của văn phòng làm việc của Hitler ở Reichstag, tức tòa nhà Quốc hội Đức, và bản thân ông cũng vẽ nhiều di tích trong suốt thời gian ông ta làm họa sỹ.
Hitler thường bày tỏ ác cảm với kiến trúc hiện đại và tình yêu của ông ta đối với những kiến trúc cổ điển của Rome cổ đại. “Nếu Berlin cũng có số phận như Rome,” Hitler than vãn vào năm 1925, “thì một ngày nào đó những thế hệ sau này chỉ có thể chiêm ngưỡng những siêu thị của người Do Thái và khách sạn của các tập đoàn như là như là những công trình ấn tượng nhất của thời đại chúng ta, những biểu hiện văn hóa đặc trưng của thời đại chúng ta.”
Đối với Hitler, di tích của quá khứ là phiên bản lịch sử được lý tưởng hóa, điều mà ông ta hy vọng mình sẽ làm được trong Đệ tam Đế chế. “Hitler muốn nói rằng mục đích của các công trình của ông ấy là truyền đạt thời đại và tinh thần của ông ấy cho hậu thế,” kiến trúc sư trưởng của Đệ tam Đế chế Albert Speer nhớ lại trong hồi ký. “Cuối cùng, tất cả những gì còn lại để nhắc nhở nhân loại về những kỷ nguyên vĩ đại trong lịch sử là những công trình kiến trúc hoành tráng,” ông ta nhận xét.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.
http://www.bbc.com/vietnamese/vert-cul-44069779
Michael Blommberg: người Mỹ đang đối mặt
với tệ nạn không trung thực
New York, New York. (CBS) – Theo cựu thị trưởng thành phố New York, người Mỹ đang phải đối mặt với dịch không trung thực tại Washington. Tình trạng này còn nguy hiểm hơn là khủng bố hay chủ nghĩa cộng sản.
Ông Michael Bloomberg cảnh báo như trên trong bài nói chuyện tại Trường Đại Học Rice ở Texas vào hôm Thứ Bảy 12 tháng 5. Ông cho rằng vô số những lời dối trá trong chính trường quốc gia đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng tới nền dân chủ của Hoa Kỳ. Mặc dù gọi ông Donald Trump là lừa gạt và độc ác nguy hiểm trước cuộc bầu cử, trong cuộc phỏng vấn trước bài nói chuyện, ông Blooberg từ chối nhận xét cụ thể về lịch sử rắc rối với sự thật của tổng thống. Những người kiểm tra thực tế xác định ông Trump đưa ra hàng trăm tuyên bố sai và gây hiểu lầm kể từ khi vào Phòng Bầu Dục.
Trong bài nói chuyện, ông Bloomberg nhắc lại truyền thuyết về vị tổng thống Mỹ đầu tiên George Washington. Khi còn nhỏ, ông đã không thể nói dối khi được hỏi có cắt cây anh đào hay không. Ông Bloomberg hỏi sinh viên tốt nghiệp trường Rice và gia đình họ rằng làm thế nào mà Hoa Kỳ đi từ một vị tổng thống không thể nói dối tới các chính trị gia không thể nói thật. Ông đổ lỗi tình trạng đảng phái cực đoan gây ra sự tha thứ chưa từng có cho sự không trung thực trong chính trường Mỹ. Mọi người bảo vệ đảng phái chính trị của họ hơn là sự thật. Ông cho rằng quốc gia đang chia rẽ hơn bao giờ hết kể từ cuộc Nội Chiến. (Nguyên Trân)
https://www.sbtn.tv/michael-blommberg-nguoi-my-dang-doi-mat-voi-te-nan-khong-trung-thuc/
Tổng thống Trump muốn đàm phán với California
về tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu xe hơi
Washington, DC. (CBS) – Trong cuộc họp với các giám đốc ngành xe hơi, nhắc tới mối quan tâm chính của các nhà sản xuất, Tổng Thống Trump chỉ thị chính phủ của ông tìm hiểu khả năng đàm phán với California để đạt được tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu duy nhất cho toàn quốc.
Tổng thống Trump đã gặp gỡ các giám đốc điều hành hàng đầu ngành xe hơi vào hôm Thứ Sáu 11 tháng 5, để thảo luận về nhiệm vụ của Bộ Trưởng Giao Thông Elaine Chao và giám đốc Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Scott Pruit, thực hiện cuộc đàm phán với các viên chức tiểu bang California. Ngành xe hơi muốn nới lỏng tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu của liên bang, nhưng họ không muốn gây ra một cuộc chiến pháp lý với California. California hiện có quyền áp đặt giới hạn ô nhiễm nghiêm ngặt hơn cho riêng mình. Điều này có thể tạo ra hai tiêu chuẩn riêng biệt tại Hoa Kỳ, buộc các nhà sản xuất xe hơi phải chế tạo hai phiên bản cho mỗi mẫu xe của họ, dẫn tới chi phí tăng.
Một viên chức trong chính phủ của ông Trump cho biết hai cơ quan đã họp mặt và thảo luận với các viên chức tiểu bang California về vấn đề trên. Họ cho biết ông Trump sẵn sàng đàm phán với California, nhưng họ không cho biết chi tiết cụ thể.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders cho biết tổng thống Trump và các nhà sản xuất xe hơi đã thảo luận về cách tốt nhất hướng tới tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu. (Nguyên Trân)
Trừng phạt Iran, Hoa Kỳ có lợi thế xuất cảng dầu
Reuters- Dầu đá phiến hiện đang trở thành một lợi thế mới trên bàn thương lượng liên quan đến lệnh trừng phạt Iran của Hoa Kỳ.
Vào năm 2012, việc trữ lại dầu ở nội địa đã khiến cho Hoa Kỳ không có sức mạnh khi buộc các cường quốc tiêu thụ dầu hàng đầu như Ấn Độ và Trung Cộng trừng phạt Iran. Nhưng đó là chuyện của quá khứ, tình thế bây giờ đã thay đổi. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV vào hôm Thứ Năm 10 tháng 5, ông Jeff Currie, trưởng nhóm nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của tập đoàn Goldman Sachs, cho biết khi lệnh cấm xuất cảng thô được dỡ bỏ, Hoa Kỳ sẽ trở thành một nước xuất cảng dầu lớn như Iran, với sản lượng 2.5 triệu thùng/ngày. Lệnh trừng phạt sẽ làm giảm khả năng sản xuất và xuất cảng dầu của Iran, và nguồn cung bù đắp cho lượng dầu bị hụt mất có thể sẽ được thay thế bởi các đồng minh khác của Hoa Kỳ như Saudi Arabia.
Mặc dù có rất nhiều khía cạnh về địa chính trị khác, tuy nhiên vấn đề về dầu hỏa hiện tại vẫn đang đóng vai trò nòng cốt. Bởi nhu cầu về dầu hỏa luôn là điều thực tiễn và thực sự cần thiết. Vào hôm 11 tháng 5, Bộ trưởng Dầu mỏ Bijan Namdar Zanganeh của Iran phát biểu trên truyền hình nhà nước trung ương, rằng động cơ của Tổng thống Trump chỉ là một trò chơi khăm, nhằm tăng giá dầu đá phiến cho các nhà sản xuất của Mỹ. Ông Zangeneh cũng khẳng định sẽ không có gì đáng chú ý xảy ra đối với việc xuất cảng dầu của Iran. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/trung-phat-iran-hoa-ky-co-loi-the-xuat-cang-dau/
Người vui, kẻ giận
khi ĐSQ Mỹ sắp mở cửa ở Jerusalem
Với việc mở đại sứ quán Hoa Kỳ ở Jerusalem hôm 14/5, khu vực này đang chuẩn bị cho cả những hoạt động chào mừng lẫn những bất ổn.
Các chuyên gia cho rằng quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc dời đại sứ quán Hoa Kỳ khỏi Tel Aviv cũng đồng nghĩa là Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, một quyết định được người Israel khen ngợi song lại làm người Palestine tức giận.
Hoa Kỳ dự kiến sẽ có khoảng 800 khách tại lễ mở cửa đại sứ quán tại Israel hôm thứ 14/5.
Ái nữ của Tổng thống Donald Trump là Ivanka và con rể Jared Kushner sẽ có mặt, trong khi ông Trump phát biểu tại buổi lễ qua đường truyền video.
Hầu hết 850 nhân viên đại sứ quán Hoa Kỳ sẽ ở lại Tel Aviv cho đến khi tòa đại sứ mới được xây dựng ở Jerusalem.
Các chuyên gia cho rằng động thái này phần lớn có tính biểu tượng. Nhưng tính biểu tượng lại quan trọng đối với người Israel và người Palestine, cả hai dân tộc đều coi cổ thành này là thủ đô của họ.
Khaled Elgindy thuộc Viện Brookings lưu ý rằng các chính quyền của cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ đều đã không đồng ý di chuyển sứ quán Hoa Kỳ ở Israel trong 70 năm qua.
Elgindy nói rằng động thái của ông Trump tập trung vào đối nội là chính, cụ thể là lời cam kết khi tranh cử của ông Trump với những người ủng hộ cốt lõi của ông.
Chuyên gia này bình luận: “Chẳng đạt được lợi ích an ninh quốc gia nào khi chuyển đại sứ quán, mà là ngược lại. Tôi nghĩ nó làm mất ổn định khu vực, nó làm tăng mức độ bất ổn và nó cũng làm cho hòa đàm giữa Israel và Palestine trở nên khó khăn hơn nhiều”.
Người Palestine đã phản đối quyết định của ông Trump, và đang kêu gọi phản đối nhiều hơn trong tuần tới. Họ muốn Đông Jerusalem, đã bị Israel chiếm trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967, là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai của họ, và cảm thấy rằng ông Trump đã trao đi mất phần quan trọng nhất trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Các quan chức Palestine hiện không còn chấp nhận Hoa Kỳ là một bên hòa giải, trong khi các nhà lãnh đạo Israel thấy đại sứ quán Hoa Kỳ ở Jerusalem như một giấc mơ từ lâu nay đã trở thành hiện thực.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-vui-ke-gian-khi-dsq-my-sap-mo-cua-o-jerusalem/4391188.html
Triều Tiêu nêu chi tiết về kế hoạch phá dỡ
khu thử hạt nhân trong tháng 5
Triều Tiên hôm 12/5 nêu ra các bước của việc tháo dỡ khu thử hạt nhân của họ, và xác nhận rằng các nhà báo quốc tế, kể cả phóng viên Mỹ và Anh, sẽ được mời theo dõi trong tháng này khi họ dùng thuốc nổ phá các đường hầm của khu thử.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, được hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin. Thông báo được phát ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng cam kết không thực hiện các cuộc thử tên lửa không báo trước hoặc các hoạt động khác khiến các chuyến bay gặp rủi ro, theo một cơ quan về hàng không của Liên Hiệp Quốc.
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un trước đây đã tuyên bố kết thúc chương trình thử hạt nhân của nước này và chủ trương đóng cửa khu phức hợp Punggye-ri. Ông nói hôm 20/4 rằng nước ông đã “hoàn thành nhiệm vụ” kiểm tra năng lực vũ khí của mình.
Tuyên bố hôm 12/5 đưa ra nhiều chi tiết hơn về “các biện pháp kỹ thuật” mà Triều Tiên sẽ tiến hành để tháo dỡ khu thử và “đảm bảo tính minh bạch của việc ngừng thử hạt nhân”.
Các nhà báo quốc tế sẽ được mời đến “đưa tin tại chỗ để thể hiện một cách minh bạch” về cách thức khu thử hạt nhân bị loại bỏ, với một “buổi lễ tháo dỡ” được lên lịch sớm nhất là vào ngày 23/5, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, KCNA cho biết.
Vì mặt bằng có hạn, chỉ có các nhà báo từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh mới được phép vào, theo KCNA.
Đầu tiên, chất nổ sẽ được sử dụng để đánh sập các đường hầm, KCNA cho biết. Sau đó, các lối vào khu thử sẽ bị bịt lại, và tất cả các trạm quan sát, viện nghiên cứu và các vọng gác sẽ bị di dời. Các lính gác và các nhà nghiên cứu sẽ được rút đi, còn khu vực xung quanh địa điểm thử sẽ bị phong tỏa.
Nằm trên địa hình đồi núi ở đông bắc Triều Tiên, Punggye-ri cách Trung Quốc chưa đến 160 km.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc tháng trước nói rằng ông Kim Jong Un dự kiến sẽ đóng cửa khu thử hạt nhân vào tháng 5, sau các cuộc hội đàm mang tính bước ngoặt giữa ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông Kim bác bỏ các nhận định của các nhà khoa học Trung Quốc rằng nhiều phần của khu thử đã bị hư hại nặng nề bởi các vụ nổ trước đó, đặc biệt là do cuộc thử lần thứ sáu và cũng là lần cuối cùng vào tháng 9/2017, nên giờ khu thử không thể sử dụng được nữa.
Những diễn biến mới nhất này diễn ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với các phóng viên rằng ông đã có hội đàm “ấm áp” và “tốt đẹp” với ông Kim. Cuộc hội đàm của ông tại Triều Tiên là một phần của việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh được lên kế hoạch giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim vào ngày 12/6 tại Singapore.
(CNN, AP)
Bắc Triều Tiên :
Một ngọn núi bị sụt do thử hạt nhân
Vụ thử hạt nhân lần cuối cùng vào ngày 03/09/2017 tại Bắc Triều Tiên có cường độ mạnh đến nỗi làm dịch chuyển các sườn núi nơi diễn ra các vụ thử hạt nhân ngầm. Báo Le Figaro ngày 12/05/2018 đăng một nghiên cứu công bố trên tạp chí Science.
Đây là kết quả cộng tác của nhiều nhà khoa học theo sáng kiến của nhóm nghiên cứu trường đại học Nanyang Technical University Singapore. Lần đầu tiên các nhà khoa học đã kết hợp những ghi nhận địa chấn học với các ảnh vệ tinh nhằm hoàn thiện bảng mô phỏng về những gì thật sự đã diễn ra vào ngày 03/09 đó tại trung tâm thử hạt nhân Punggye-ri, đông bắc Bắc Triều Tiên.
Bất chấp bí mật bao phủ hoàn toàn chung quanh chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, cả thế giới nhận thấy là sức công phá của lần thử sau cùng đã tạo ra những dư chấn tương đương với một trận động đất có cường độ 6,3 độ Richter, tức là có cường độ cao hơn những lần thử trước, điều này cho thấy sức mạnh của quả bom ít nhất là khoảng 100 nghìn tấn, tức mạnh gấp từ 5-6 lần quả bom đã san bằng thành phố Hiroshima năm 1945.
Một loạt các câu hỏi được đặt ra : Vụ nổ xảy ra ở độ sâu bao nhiêu, một thước đo quan trọng để tính toán sức mạnh thật sự tỏa ra từ năng lượng hạt nhân ? Phải chăng các dư chấn đáng kể do vụ thử gây ra đã làm hư hại nghiêm trọng nền đất thử của Punggye-Ri ?
Xuất phát từ những nghi vấn trên, giới khoa học đã tiến hành so sánh các hình ảnh không gian ba chiều chụp từ vệ tinh, và thấy là một số vạt bên sườn ngọn núi Mantap, nơi xảy ra các vụ thử ngầm dưới lòng núi đã bị biến dạng có khi đến hơn 3 mét.
Phương pháp so sánh ảnh ra-đa vệ tinh đã được các nhà địa chất-vật lý học sử dụng hơn 25 năm qua để nghiên cứu tác động của các trận động đất và núi lửa. Nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học dùng đến kỹ thuật này để đưa ra các kết quả phân tích một vụ thử hạt nhân.
Ông Sylvain Barbot, giáo sư địa chất-vật lý học người Pháp có tham gia vào chương trình nghiên cứu của Singapore lưu ý là « những lần thử hạt nhân trước của Bắc Triều Tiên chưa đủ mạnh để có thể gây ra những biến dạng có thể đo được bằng kỹ thuật này ».
Nhưng với lần thử sau cùng này, các nhà khoa học nhận thấy núi Mantap cao 2.200 mét đã bị mất đi 50cm chiều cao. Họ còn nhìn thấy rõ các sườn núi bị trượt dài theo chiều ngang, có khi lên đến 3,5 mét ở sườn phía tây và nam. Ông Sylvain Barbot giải thích :
« Các hình ảnh vệ tinh chỉ cung cấp cho chúng tôi về những gì đã xảy ra kể từ sau vụ thử hạt nhân, và do vậy cần phải có thêm nhiều phân tích bổ sung khác, liên quan đến dư chấn động đất, để hiểu rõ hơn chuyện gì đã xảy ra giữa hai giai đoạn trước và sau khi thử ».
Khi phối hợp hai kỹ thuật, so sánh ảnh vệ tinh và đo dư chấn, các nhà khoa học vẽ ra được một kịch bản theo 4 bước. Đầu tiên hết, vụ nổ xảy ra sâu dưới 450m trong lòng núi và làm giật nẩy ngọn núi, phát ra những dư chấn động đất 6,3 độ Richter. Bước thứ hai, sau cú nảy lên tức thì là cột khói sụp xuống theo chiều đứng, ngay phía trên địa điểm vụ thử.
Bước thứ ba, tám phút sau đó, một vụ nổ khác, rất có thể là một đường hầm hay một cái hang ngầm nằm cách nơi xảy ra vụ nổ ban đầu 700m ở phía nam bị sập, gây ra một cơn địa chấn yếu hơn dư chấn ban đầu 60 lần. Sau cùng, giai đoạn thứ tư, lâu hơn, không phát ra các tín hiệu dư chấn nào và được đặc trưng bằng một sự sụt lún dọc theo ngọn núi. Hệ quả là núi Mantap bị mất đi 50cm.
Từ quan sát này, các nhà nghiên cứu khẳng định vụ thử đã được thực hiện ở độ sâu 450m trong lòng núi. Một độ sâu đủ để cho biết quả bom hạt nhân của Bắc Triều Tiên có một sức mạnh là 200 nghìn tấn, cao gấp hai lần so với ước tính ban đầu. Sức tàn phá gây ra mạnh đến mức sự sụt lún của ngọn núi không thể chỉ do việc sụp hầm. Một giả thuyết do chính các nhà nghiên cứu Trung Quốc đưa ra hồi tháng 04/2018.
Trong trường hợp tiến trình phi hạt nhân của bán đảo Triều Tiên mà Kim Jong Un hứa hẹn trước cuộc gặp với Donald Trump tại Singapore vào ngày 12/06/2018 bị thất bại, chế độ Bình Nhưỡng rất có khả năng thực hiện các vụ thử khác ở Punggye-ri.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180513-bac-trieu-tien-thu-hat-nhan-lam-sut-mot-ngon-nui
Mỹ yêu cầu Bắc Triều Tiên chuyển ra khỏi lãnh thổ
một phần kho hạt nhân
Hoa Kỳ yêu cầu Bắc Triều Tiên chuyển ra khỏi lãnh thổ một phần vũ khí hạt nhân, các bộ phận của tên lửa đạn đạo có thể tách rời. Việc vận chuyển trên phải được tiến hành trong những tháng tới, sau khi diễn ra thượng đỉnh Washington-Bình Nhưỡng.
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap hôm nay 13/05/2018 cho biết yêu cầu của Mỹ được đưa ra trong các cuộc thảo luận song phương để chuẩn bị cho thượng định Donald Trump và Kim Jong Un dự kiến diễn ra vào ngày 12/06/2018 tại Singapore. Washington khẳng định sẽ không giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, nếu yêu cầu trên không được đáp ứng.
Dường như Mỹ cho rằng việc Bắc Triều Tiên cam kết ngưng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa là chưa đủ. Bình Nhưỡng còn phải làm nhiều hơn nữa để chứng tỏ thiện chí từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Hiện vẫn chưa có câu trả lời từ chính quyền Kim Jong Un. Nhưng theo nhiều nhà quan sát, rất có thể Bình Nhưỡng sẽ tận dụng việc từ bỏ một phần vũ khí nguyên tử làm « lá bài » cho các vụ thương lượng trong tương lai.
Thông báo về việc Mỹ yêu cầu Bắc Triều Tiên chuyển ra khỏi lãnh thổ một phần vũ khí nguyên tử và các bộ phận tên lửa được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh và cám ơn chế độ Bình Nhưỡng hôm qua 12/05 thông báo chi tiết kế hoạch phá dỡ khu thử nghiệm hạt nhân Punggye Ri. Chủ nhân Nhà Trắng gọi quyết định của Bắc Triều Tiên là « một hành động thông minh và đáng mến ». Seoul cũng ca ngợi thiện chí của Bình Nhưỡng không chỉ thể hiện « bằng ngôn từ, mà bằng cả hành động ». Việc phá dỡ khu thử nghiệm Punggye Ri dự kiến bắt đầu trong khoảng ngày 23 đến 25/05. Bình Nhưỡng cũng mời các phóng viên Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Anh đến theo dõi sự kiện.
Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias cho biết chi tiết:
« Thông cáo của bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên rất cụ thể, rõ ràng. Đầu tiên, các đường hầm của cơ sở hạt nhân Punggye Ri sẽ được san lấp bằng thuốc nổ, các lối vào khu đường hầm sẽ bị chặn, các cơ sở quan sát và trung tâm nghiên cứu trên mặt đất sẽ bị phá hủy. Và cuối cùng, các nhà nghiên cứu và lính gác sẽ được rút hết, và khu thử nghiệm sẽ đóng cửa.
Bắc Triều Tiên cũng hứa sẽ cung cấp cho các phóng viên nước ngoài mọi phương tiện cần thiết: máy bay từ Bắc Kinh, sau đó là tàu chạy tới tận khu thử nghiệm hạt nhân Punggye Ri, và cả trung tâm báo chí. Nhưng Bình Nhưỡng không cho biết có mời các nhà điều tra hạt nhân và nhất là có cho phép các chuyên gia này hoạt động độc lập hay không.
Nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ. Họ cho rằng khi phá hủy cơ sở hạt nhân, mà trước đó không để cho các nhà khoa học lấy mẫu nghiên cứu, có nghĩa là chế độ Bình Nhưỡng đã phá hủy mọi thông tin về các vụ thử nghiệm mà họ đã tiến hành.
Một số khác lưu ý rằng sau 6 lần thử nghiệm hạt nhân, Bình Nhưỡng đã làm chủ được các công nghệ cần thiết và không cần thử nghiệm thêm nữa. Chính vì thế, cần nhìn nhận thông báo của Bắc Triều Tiên một cách thận trọng.»
Iraq tổ chức bầu cử đầu tiên sau chiến thắng IS
Lần đầu tiên kể từ khi các phần tử Nhà nước Hồi giáo bị tiễu trừ hồi năm ngoái khỏi các thành phố, thị trấn và làng mạc có hàng triệu cư dân, giờ đây các công dân Iraq đi bỏ phiếu bầu quốc hội mới và chính phủ mới.
Nhiều cử tri người Kurd không ủng hộ Thủ tướng Haider al-Abadi sau cuộc khủng hoảng chính trị năm ngoái đã dẫn tới việc Baghdad đóng cửa các sân bay của người Kurd và giành quyền kiểm soát đất đai khi đó thuộc về khu bán tự trị.
Đối với nhiều người Iraq khác, ông Abadi là bộ mặt đại diện cho chiến thắng trước IS, và được ủng hộ để làm thủ tướng một lần nữa. Các ứng cử viên hàng đầu khác bao gồm cựu thủ tướng Nuri al-Maliki và ông Hadi al-Amiri, một trong những lãnh đạo của Hashd Shaaby, lực lượng quân sự chủ yếu là người Shia đã hỗ trợ lực lượng Iraq trong cuộc chiến với IS.
Dù ông Abadi được nhiều ủng hộ, vẫn còn quá sớm để nói rằng liệu ông có được bổ nhiệm làm thủ tướng hay không, với thực tế là các bên dự kiến sẽ phải mất hàng tháng đàm phán trước khi một chính phủ ra đời.
Một hệ thống bỏ phiếu điện tử mới quét các lá phiếu và niêm phong các hòm phiếu để ngăn chặn gian lận. “Cho đến nay các thiết bị làm việc hiệu quả và đáng tin cậy”, Serdar Miranbagi, phát ngôn viên của Cao ủy bầu cử độc lập tại Irbil cho biết.
Các nhà quan sát bầu cử cho biết các thiết bị này có lẽ không có khả năng ngăn chặn mọi hành vi gian lận, nhưng hiện thời chúng dường như đang hoạt động tốt.
Các kết quả ban đầu cho thấy tỉ lệ cử tri đi bầu thấp, phản ánh tâm lý vỡ mộng của Iraq về một loạt các chính phủ trước đây đã phải đối mặt với các cuộc chiến, tham nhũng và khủng hoảng kinh tế sâu sắc trong nhiều thập kỷ.
https://www.voatiengviet.com/a/iraq-to-chuc-bau-cu-dau-tien-sau-chien-thang-is/4391232.html
Châu Âu xoay sở
sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận về Iran
Đức, Pháp có quan hệ thương mại đáng kể với Iran và vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận hạt nhân, Anh cũng như vậy, và bộ trưởng ngoại giao của cả ba nước có kế hoạch gặp nhau hôm 15/5 để thảo luận.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết cần phải thảo luận với Tehran về các khả năng để cứu thỏa thuận mà không có Washington tham gia, trong khi Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết các nước EU sẽ đề xuất các biện pháp ngăn chặn trừng phạt lên Ủy ban châu Âu.
Châu Âu lo ngại rằng sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân có thể làm tăng nguy cơ là các cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ trầm trọng hơn.
Ở Iran đang có những chia rẽ về những diễn biến tiếp theo. Giáo sĩ bậc trưởng thượng Ayatollah Ahmad Khatami nói với các tín đồ tại Đại học Tehran hôm 11/5 rằng các quốc gia châu Âu không thể tin cậy được.
Nhưng trước đó,Tổng thống Hassan Rouhani nói hôm 8/5 rằng Tehran sẽ vẫn thực hiện thỏa thuận, chừng nào các điều khoản về trợ giúp vẫn có hiệu lực với các bên ký kết còn lại.
https://www.voatiengviet.com/a/chau-au-xoay-so-sau-khi-my-rut-khoi-thoa-thuan-ve-iran/4391153.html