Tin khắp nơi – 12/10/2019
Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận thương mại ‘một phần’
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã được thỏa thuận ngưng chiến trong cuộc chiến thương mại đã kéo dài 15 tháng với việc chính quyền Trump đình chỉ tăng thuế lên 250 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc, vốn dự kiến sẽ có hiệu lực vào 15/10, và đổi lại Trung Quốc đã đồng ý mua từ 40-50 tỷ đô la nông sản Mỹ.
Nhà Trắng cho biết hai bên đã đạt được một số tiến bộ trên các vấn đề gai góc hơn, bao gồm điều luật lỏng lẻo của Trung Quốc đối với tài sản trí tuệ nước ngoài. Nhưng còn nhiều việc trong các cuộc đàm phán sau để giải quyết những khác biệt chủ chốt, trong đó có cáo buộc rằng Trung Quốc buộc các công ty nước ngoài phải trao các bí mật thương mại để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc cho đến nay đã đạt được thỏa thuận dự kiến chỉ trên nguyên tắc. Không có văn bản nào đã được ký kết.
Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố thỏa thuận ‘đình chiến’ trong cuộc gặp tại Nhà Trắng với nhà đàm phán hàng đầu Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc sau cuộc đàm phán kéo dài hai ngày ở Washington.
“Quý vị là những nhà đàm phán rất ngoan cường,” ông Trump nói với phái đoàn Trung Quốc.
Ông Trump vẫn chưa bỏ kế hoạch áp thuế lên thêm 160 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12 vốn sẽ mở rộng đánh thuế lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ. Đợt đánh thuế này sẽ bao gồm một loạt các mặt hàng tiêu dùng, bao gồm quần áo, đồ chơi và điện thoại thông minh và sẽ tác động trực tiếp đến túi tiền của người tiêu dùng Mỹ.
“Hai nước đang cố gắng xuống thang,” ông Timothy Keeler, luật sư tại công ty luật Mayer Brown và cựu chánh văn phòng tại Phòng Đại diện Thương mại Mỹ, cho biết. “Tôi nghĩ rằng nó phục vụ lợi ích của cả hai bên vì cả hai bên đều bị thiệt hại.”
Giá cổ phiếu đã tăng đáng kể suốt phiên giao dịch hôm 11/10, một phần thị trường đã đoán trước về thỏa thuận thương mại quan trọng. Nhưng sau khi Nhà Trắng công bố sơ thảo của thỏa thuận dự kiến, thị trường đã mất đi một số mức tăng trước đó. Chỉ số công nghiệp Dow Jones, vốn đã tăng hơn 500 điểm trước đó chỉ còn tăng 319 lúc đóng cửa.
Các nhà đàm phán đã không giải quyết tranh chấp về hãng viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc. Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Huawei với lý do hãng này đặt ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ vì thiết bị của họ có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp. Ông Trump đã nói rằng ông sẵn sàng sử dụng Huawei một con cờ để thương lượng trong các cuộc đàm phán.
Ông Derek Scissors, chuyên gia về Trung Quốc tại viện nghiên cứu American Enterprise Institute, cho rằng thỏa thuận này chỉ đơn thuần là ‘tạm nghỉ tranh chấp’.
“Tổng thống đang làm như là ông đã có rất nhiều nhượng bộ của Trung Quốc, nhưng họ không hề,” ông nói.
Ông Gregory Daco, một nhà kinh tế tại Oxford Economics, nhận định rằng thỏa thuận một phần này sẽ không giải tỏa được nhiều sự bất định xung quanh chính sách thương mại vốn đã khiến nhiều công ty Mỹ không dám đầu tư mua sắm thiết bị và mở rộng sản xuất.
“Đối với các doanh nghiệp, thỏa thuận một phần này có nghĩa là ít thiệt hại hơn, chứ phải chắc chắn nhiều hơn,” Daco nhận định.
Ông ước tính rằng chiến tranh thương mại sẽ giảm tăng trưởng của Mỹ khoảng 0,6% vào năm 2020. Thỏa thuận này có thể kéo mức giảm đó xuống còn 0,5%.
Cho đến nay, hai bên đã tiến đến ‘gần như một thỏa thuận hoàn chỉnh’ trên hai vấn đề dịch vụ tài chính và tiền tệ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết.
Phía Trung Quốc đã đồng ý minh bạch hơn về cách họ định giá đồng nhân dân tệ. Họ cũng đồng ý mở cửa thị trường cho các ngân hàng Mỹ và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác, ông Mnuchin nói thêm.
Thương chiến Mỹ – Trung: Mỹ dừng áp thuế bổ sung
với hàng Trung Quốc sau khi đạt thỏa thuận giai đoạn 1
Hoa Kỳ đã đồng tạm dừng áp thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sau hai ngày đàm phán thương mại tại Washington.
Hụt nhân lực khiến VN khó tận dụng cơ hội từ cuộc thương chiến
Trump lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ-Trung
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết, các nhà đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc đã đạt được “thỏa thuận giai đoạn 1,” gồm việc Trung Quốc tăng mua nông sản của Hoa Kỳ, cùng một số phương diện của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như dịch vụ tài chính, tiền tệ.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cũng ca ngợi tiến bộ đạt được qua 2 ngày đàm phán.
Trước đây, Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng áp thuế bổ sung từ 25% lên 30% với khoảng 250 tỉ USD hàng Trung Quốc vào thứ ba (15/10) tới.
‘Một thỏa thuận, với nhiều điểm’
“Chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận, với nhiều điểm, và giờ chỉ còn viết nó xuống,” ông Trump nói và cho biết thêm rằng, các nhà đàm phán sẽ bắt đầu thảo luận về các giai đoạn tiếp sau ngay khi công bố thỏa thuận này.
Ông Trump cũng tiết lộ là ông có thể ký kết thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc tại Chile vào tháng 12.
Thực ra trước đây, Hoa Kỳ cũng từng tuyên bố đạt được tiến bộ trong đàm phán với Trung Quốc về những vấn đề tương tự, chẳng hạn như mua nông sản và ngoại hối và tiền tệ, song xung đột thương mại giữa hai bên tới nay vẫn tiếp diễn.
Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, cho biết một kế hoạch áp thuế khác, dự kiến thực hiện vào tháng 12, hiện vẫn đang được đàm phán.
Theo ông Trump, nhóm vận động hành lang về thương mại tự do cho biết, hoan nghênh lời hứa tăng mua nông sản của Trung Quốc – mà theo ông Trump là trị giá từ 40 tỷ đến 50 tỷ đô la – nhưng lưu ý rằng, các chi tiết vẫn chưa đầy đủ.
“Dù chúng tôi hài lòng khi biết rằng, thuế quan sẽ không tăng, nhưng thỏa thuận này dường như không giải quyết những vấn đề thuế quan mà người nông dân hiện đang phải đối mặt,” Brian Kuehl, giám đốc điều hành của nhóm vận động này cho biết.
“Khi cuộc chiến thương mại nổ ra, người nông dân được hứa rằng, sự kiên nhẫn của họ rồi sẽ được đền đáp. Nhưng đến nay, thỏa thuận mà họ từng được hứa hẹn vẫn chưa thấy đâu.”
Thương chiến kéo dài
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã áp thuế quan đối với hàng hóa trị giá hàng tỷ đô la của nhau trong 15 tháng qua.
Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và ép công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc.
Dồng thời, nước này cũng muốn Trung Quốc giảm trợ cấp cho công nghiệp và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các công ty Mỹ.
Cuộc đàm phán diễn ra tuần này là đàm phán cấp cao đầu tiên trong hơn hai tháng qua.
Đàm phán diễn ra giữa bối cảnh căng thẳng giữa hai nước tăng cao, sau khi đầu tuần trước, Hoa Kỳ đã đưa vào danh sách đen 28 thực thể Trung Quốc mà Hoa Kỳ cho là có “liên quan” đến vi phạm nhân quyền và áp đặt các hạn chế về chiếu khán (visa) cho các quan chức chính phủ Trung Quốc.
Các tập đoàn kinh doanh của Hoa Kỳ, vốn phản đối việc áp thuế bổ sung, cho biết là họ hy vọng bước đột phá này sẽ tạo tiền đề cho một thỏa thuận lớn hơn, tiến tới hủy bỏ các khoản tăng thuế nhập khẩu đã áp dụng.
Ông Trump cho hay, một loạt các vấn đề đang được thảo luận, chia nhỏ cuộc đàm phán ra thành nhiều phần.
“Chúng trở thành một vấn đề lớn đến nỗi, tôi nghĩ rằng, sẽ tốt hơn nếu thực hiện chúng theo từng phần và từng giai đoạn,” ông Trump nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50024900
Không nhiều kỳ vọng
cuộc đàm phán cấp cao Mỹ – Trung vòng 13
Cuộc đối thoại cấp cao ngày 10/10 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung leo thang.
Các cuộc gặp cấp bộ trưởng đầu tiên giữa hai nước trong vòng 2 tháng dự kiến sẽ bắt đầu hôm nay, ngày 10/10. Đàm phán chưa diễn ra, phái đoàn của Bắc Kinh đã có kế hoạch rời Washington ngay trong ngày, dù trước đó dự kiến đối thoại hai ngày, một nguồn tin tiết lộ với SCMP.
Theo SCMP, Trung Quốc đã từ chối nói về vấn đề chuyển giao công nghệ bắt buộc và cũng “đi lòng vòng” xung quanh vấn đề trợ cấp nhà nước trong các cuộc gặp cấp phó cách đây vài ngày. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối giữa hai bên khiến thỏa thuận thương mại chưa thể hoàn tất.
Các nhà đàm phán cấp phó, phía Trung Quốc đứng đầu là Thứ trưởng Tài chính Liao Min, dành thời gian tập trung vào hai lĩnh vực: mua nông sản và bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Nếu tiếp tục không có tiến bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán ngày 10/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tăng thuế đối với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD từ 25 lên 30% vào thứ Ba (15/10).
Các cuộc đối thoại ngày 10/10 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung lên cao. Hôm 7/10, Bộ Thương mại Mỹ thông báo bổ sung 28 công ty và cơ quan chính phủ Trung Quốc, kể cả công ty chuyên camera giám sát an ninh Hikvision, vào danh sách đen. Các thực thể có tên trong danh sách đen sẽ bị cấm mua phụ tùng và linh kiện từ các công ty Mỹ nếu không có sự cho phép của chính phủ nước này.
Thương chiến Mỹ – Trung
có thể gây thiệt hại 700 tỷ USD toàn cầu năm 2020
Tân giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cảnh báo rằng cuộc thương chiến kéo dài giữa 2 nền thương mại lớn nhất thế giới có thể gây thiệt hại 700 tỷ USD toàn cầu trong năm tới, quy mô ngang ngửa nền kinh tế Thụy Sĩ.
Theo Newsweek, bà Kristalina Georgieva, người mới nhậm chức giám đốc điều hành IMF hồi tháng trước, đã đưa ra cảnh báo trên trong bài phát biểu về bức tranh tài chính toàn cầu hôm 8/10. Chuyên gia này cho rằng nền kinh tế toàn cầu đã đi tới giai đoạn đồng loạt phát triển chậm lại. IMF dự đoán 90% thế giới sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm hơn trong năm 2018.
“Hai năm trước, nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu tăng trưởng đồng bộ. Tính bằng tổng sản phẩm quốc nội GDP, gần 75% thế giới chứng kiến đà tăng tốc. Hiện thời, nền kinh tế thế giới đang chứng kiến quá trình đi xuống. Xu hướng giảm đồng loạt này đồng nghĩa với việc tăng trưởng năm nay sẽ hạ xuống mức thấp nhất kể từ đầu thập kỷ này”, bà Georgieva nhận định.
Giám đốc IMF cho rằng bức tranh ảm đạm này đến từ ảnh hưởng quốc tế của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. “Kết quả đã rõ ràng. Tất cả mọi người đều thua trong cuộc thương chiến. Với nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại có thể gây ra sự tổn hại 700 tỷ USD vào năm 2020, ngang với quy mô của toàn bộ nền kinh tế Thụy Sĩ”, bà Georgieva cho hay.
Dự đoán của giám đốc IMF đến sau khi hiệp hội quốc gia về kinh tế kinh doanh Mỹ (NABE) công bố khảo sát hồi đầu tuần cho thấy các chuyên gia tin rằng tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ giảm ở mức dưới 2% (1,8%) vào năm 2020, so với chỉ số 2,9% năm 2018 và 2,3% năm 2019.
Phần lớn các chuyên gia tham gia khảo sát chỉ ra rằng chính sách thương mại là yếu tố gây nguy hiểm lớn nhất cho việc suy thoái kinh tế. Tổng cộng, 53% chuyên gia cho rằng căng thẳng thương mại là yếu tố chủ chốt dẫn tới viễn cảnh ảm đạm về tăng tưởng GDP.
Thương chiến Mỹ – Trung bắt đầu từ năm ngoái đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù 2 bên đang nối lại đàm phán. Gần đây nhất, trong các cuộc họp với Mỹ, các quan chức cấp cao Trung Quốc thông báo số vấn đề họ sẵn sàng đàm phán giảm đáng kể, cho thấy họ đang muốn thu hẹp quy mô đàm phán với Mỹ.
Bloomberg dẫn một nguồn tin nói rằng các vấn đề mà Trung Quốc muốn bỏ qua được cho là cam kết về cải tổ chính sách công nghiệp hay trợ cấp chính phủ, hai trong những yêu cầu “then chốt” của Mỹ để thông qua thỏa thuận.
Trong khi đó, Mỹ vẫn khẳng định quan điểm hướng tới một thỏa thuận toàn diện với Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng sự khác biệt trong quan điểm và hệ tư tưởng có thể trở thành trở ngại cho việc 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ kết thúc cuộc thương chiến căng thẳng.
Mỹ tăng áp lực ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ
tấn công người Kurd
Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tục cuộc tấn công vào các khu vực do người Kurd nắm giữ ở Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Mark Esper cảnh báo về “hậu quả nghiêm trọng” trong khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đưa ra triển vọng về các biện pháp trừng phạt mới.
Quyết định rút quân của Tổng thống Donald Trump làm nảy sinh cuộc xâm nhập và tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Mỹ không ‘bật đèn xanh’ cho cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ”
Thổ Nhĩ Kỳ không kích Syria để chặn người Kurd
Mỹ rút quân khỏi Syria: Trump cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ
Ông Trump ra lệnh rút quân Mỹ ra khỏi Syria
Ông Trump nói rằng ông muốn đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn giữa Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh Nato, và người Kurd.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, tuy nhiên, nói rằng hoạt động quân sự sẽ tiếp tục. Các nhà lãnh đạo người Kurd cáo buộc Mỹ đâm dao sau lưng họ.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc nói các lực lượng Mỹ ở gần thị trấn Kobane – không nằm trong cuộc rút quân của Mỹ – đã nằm dưới tầm hỏa lực pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ vào tối thứ Sáu, 11/10/2019.
Theo hơn Liên Hiệp Quốc, 100.000 người đã rời bỏ nhà cửa kể từ khi cuộc tấn công xảy ra vào hôm thứ Tư, 9 tháng Mười.
Tổng thống Erdogan nói rằng ông muốn tạo ra một “vùng an toàn” ở Syria mà không có các chiến binh người Kurd để người tị nạn Syria có thể sử dụng.
Một mối quan tâm lớn đối với cộng đồng quốc tế là số phận của hàng ngàn tù nhân là nghi phạm thuộc nhóm khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), vốn bao gồm nhiều quốc tịch khác nhau, vốn vẫn được các lực lượng do người Kurd lãnh đạo trong khu vực canh giữ.
Điều gì xảy ra với quân Mỹ?
Hôm thứ Sáu, Lầu Năm Góc nói căn cứ của quân Mỹ gần thị trấn Kobane của Syria – khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ biết là có lực lượng Mỹ hiện diện – đã nhìn thấy đạn pháo từ các vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Tất cả các binh sỹ vẫn nguyên vẹn, đầy đủ và không có thương tích,” một quan chức quân sự thuộc hải quân Mỹ, Brook DeWalt nói trong một tuyên bố. “Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tránh các hành động có thể dẫn đến hành động phòng thủ ngay lập tức”.
Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận cố tình nhắm vào quân Mỹ.
Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo (SDF) – một đồng minh then chốt của Mỹ trong khu vực – đang phải đối mặt nhiều cuộc công kích trên bộ và trên không dọc theo một đoạn biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria kéo dài khoảng 120km, theo các phóng viên.
Hàng chục chiến binh từ SDF và các phe thân Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận cái chết đầu tiên của một binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ và cho biết ba người khác đã bị thương.
Ít nhất 11 thường dân đã bị giết và các nhóm nhân đạo nói con số những người bị ảnh hưởng sẽ gia tăng.
Mỹ đang làm gì với Thổ Nhĩ Kỳ?
Chúng tôi có thể đóng cửa nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu cầnBộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin
Bộ trưởng Quốc phòng Esper nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ đã không từ bỏ các đồng minh người Kurd, mặc dù quan điểm rộng rãi cho rằng quyết định rút quân Mỹ đã kích hoạt cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Người lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo về “hậu quả nghiêm trọng” không xác định đối với Ankara nếu không dừng lại vụ tấn công.
Ông Esper cáo buộc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã thực hiện “hành động bốc đồng” và cảnh báo rằng hoạt động này “gây nguy hiểm cho an ninh của các trại giam tù nhân thuộc Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS)”.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói Tổng thống Trump đã ủy quyền cho các quan chức soạn thảo những gì ông gọi là các lệnh trừng phạt kinh tế “rất quan trọng” đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
“Chúng tôi có thể đóng cửa nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu cần,” ông nói.
Tổng thống Trump nói ngắn gọn về tình hình khi ông chuẩn bị tới dự cho một cuộc tụ họp quần chúng vào hôm thứ Sáu, rằng: “Chúng tôi không muốn họ giết hại nhiều người … nếu chúng tôi phải sử dụng các biện pháp trừng phạt, chúng tôi sẽ làm.”
Trong khi đó tại Quốc hội Mỹ, các nhà lập pháp từ cả hai phái chính trị đang chuẩn bị các biện pháp pháp luật để dồn sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ.
Một dự luật ban hành lệnh trừng phạt đối với các quan chức và ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vụ tấn công đã được Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Eliot Engel, thuộc đảng Dân chủ và dân biểu thuộc ủy ban của đảng Cộng hòa, Mike McCaul đệ trình.
Thổ Nhĩ Kỳ nói gì?
“Hiện đang có những đe dọa từ cả cánh tả và hữu, đòi chúng ta phải dừng lại,” Tổng thống Erdogan hôm thứ Sáu nói: “Chúng ta sẽ không lùi bước.”
Ông Erdogan trước đó đã đe dọa sẽ đẩy một số trong 3,6 triệu người tị nạn Syria, mà Thổ Nhĩ Kỳ đang cho phép tá túc, sang châu Âu, nếu cuộc tấn công bị miêu tả là một cuộc chiếm đóng.
Một cuộc khủng hoảng tị nạn đang phát triển. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc tuần này đưa ra con số 450.000 người có thể bị buộc phải sơ tán.
Theo các nhân viên trên thực địa, đại đa số thường dân đã chạy trốn khỏi Tal Abyad và những người còn ở lại sợ hãi về sinh mạng của họ.
OCHA cho biết vụ bắn phá của Thổ Nhĩ Kỳ đã ảnh hưởng tới các cơ sở hạ tầng dân sự then chốt như các nhà máy nước. Hàng ngàn người trong khu vực Hassakeh có thể mất khả năng tiếp cận đầy đủ với nước sạch, cơ quan này cho hay.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn tạo ra một “vùng an toàn” dài 480km chạy dọc theo đường biên giới bên phía Syria, nhưng nói rằng họ sẽ không tiến sâu hơn giới hạn 32km.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50026621
Công ty Mỹ cung cấp hơi cay
cho Hồng Kông bị chỉ trích
Một công ty Mỹ đang bị chỉ trích ngày càng nặng nề do đã bán cho Hồng Kông hơi cay được cảnh sát sử dụng để đàn áp những người biểu tình đòi dân chủ. Đó là công ty NonLethal Technologies, trụ sở tại bang Pennsylvania, chuyên sản xuất và xuất khẩu các thiết bị kiềm chế đám đông và chống bạo động.
Theo hãng tin Reuters, sau nhiều nghị sĩ Mỹ khác, hôm 10/10/2019, đến lượt thượng nghị sĩ Cộng Hòa của bang Florida Rick Scott đã chỉ trích công ty nói trên, kể từ khi người ta phát hiện cảnh sát Hồng Kông sử dụng các hộp hơi cay mà trên đó có ghi nhãn hiệu NonLethal để đàn áp những người biểu tình đòi dân chủ.
Nhiều nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi ngưng, thậm chí cấm bán hơi cay và các thiết bị chống bạo động của Mỹ sang Hồng Kông, nếu cảnh sát đặc khu này tiếp đàn áp người biểu tình.
Còn về tình hình tại chỗ, theo Reuters, chính quyền Hồng Kông thông báo là ngày 12/10, những quả bom xăng đã được ném vào trạm tầu điện ngầm Kowloon Tong, gây hư hại nghiêm trọng cho trạm này, nhưng không có ai bị thương.
Hàng trăm người biểu tình đeo mặt nạ bất chấp lệnh cấm, trong đó có nhiều thanh niên, đã tuần hành ở khu Kowloon vào lúc xảy ra vụ ném bom xăng vào trạm tầu điện. Hệ thống metro ở Hồng Kông, bình thường vận chuyển khoảng 5 triệu người mỗi ngày, chỉ mới mở cửa trở lại hôm 11/10, sau khi bị đóng cửa hoàn toàn.
Trong khi đó, một nhóm nhỏ tự mệnh danh là « Những người tuần hành tóc bạc », gồm những người lớn tuổi, ngày 12/10 bắt đầu một cuộc tọa kháng dài 48 tiếng đồng hồ trước bộ tư lệnh cảnh sát Hồng Kông, để « bảo vệ tương lai của các thế hệ trẻ hơn » như tuyên bố của họ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191012-cong-ty-my-cung-cap-hoi-cay-cho-hong-kong-bi-chi-trich
NYT: Luật sư riêng của Trump
bị điều tra liên quan tới Ukraine
Các công tố viên liên bang ở khu vực Manhattan của thành phố New York đang điều tra các hành động của luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump, Rudy Giuliani, liên quan đến Ukraine như một phần của vụ án liên quan đến hai cộng sự kinh doanh của ông này là Lev Parnas và Igor Fruman người gốc Ukraine, báo The New York Times đưa tin hôm thứ Sáu.
Hai người đàn ông này, vốn đã giúp ông Giuliani điều tra cựu Phó Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden và con trai Hunter của ông, đã bị bắt giữ hôm thứ Năm về điều mà các công tố viên liên bang gọi là một mưu đồ chuyển tiền bất hợp pháp vào một ủy ban vận động tranh cử ủng hộ ông Trump và các ứng cử viên chính trị khác.
Reuters cho biết khi được hỏi về bản tin của tờ Times, ông Giuliani trả lời: “Tôi không bao giờ làm bất kì công tác vận động hành lang nào cho bất cứ ai. Nếu họ muốn hỏi tôi, tôi sẽ vui lòng chứng minh điều đó. Nhưng họ chưa hỏi.”
Người phát ngôn của Văn phòng công tố viên liên bang Manhattan từ chối bình luận, theo Reuters.
Ông Trump gây khó hiểu về mối quan hệ của ông với ông Giuliani vào ngày thứ Sáu, trả lời câu hỏi liệu ông Giuliani có còn là luật sư cá nhân của ông không rằng: “Tôi không biết.”
Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch đã khai với cuộc điều tra luận tội của Hạ viện nhắm vào ông Trump hôm thứ Sáu rằng tổng thống đã bãi nhiệm bà dựa trên “những tuyên bố vô căn cứ và sai trái” sau khi bà bị ông Giuliani tấn công.
Cuộc điều tra tập trung vào một cuộc điện đàm vào ngày 25 tháng 7, trong đó ông Trump đã thúc giục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy điều tra hai cha con Biden. Ông Joe Biden là đối thủ hàng đầu đang tìm cách đối mặt ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Ông Giuliani đã cáo buộc bà Yovanovitch ngăn chặn các nỗ lực thuyết phục Ukraine điều tra hai cha con Biden.
TT Trump: Không biết 2 doanh nhân gốc Ukraine
bị bắt khi sắp rời Mỹ với vé 1 chiều
Tổng thống Donald Trump phủ nhận việc quen biết hai đối tác kinh doanh gốc Ukraine bị cáo buộc hôm 10/10 vì liên quan đến các kế hoạch chuyển tiền từ nước ngoài vào các chiến dịch chính trị của Mỹ, và bác bỏ một bức ảnh cho thấy tổng thống cùng với một trong những người đàn ông đó tại Nhà Trắng.
“Tôi không biết những quý ông này”, ông Trump được USA Today trích lời nói với các phóng viên ở khuôn viên Nhà Trắng trên đường đến dự một cuộc mít tinh cho chiến dịch tái tranh cử của ông ở Minneapolis.
Các công tố viên cho biết hai doanh nhân gốc Ukraine, Lev Parnas và Igor Fruman, đã giúp luật sư riêng của ông Trump, Rudy Giuliani, gặp một công tố viên Ukraine khi ông Guiliani, từng là thị trưởng thành phố New York, gây sức ép để tiến hành một cuộc điều tra về đối thủ chính trị của ông Trump, Joe Biden. Các quan chức liên bang cho biết ông Parnas và ông Fruman đã bị bắt vào tối ngày 9/10 tại sân bay quốc tế Dulles ở ngoại ô thủ đô Washington khi họ chuẩn bị đáp một chuyến bay ra khỏi Mỹ với vé một chiều.
Vụ bắt giữ diễn ra chỉ một ngày trước khi cả hai người này ra điều trần trước các Ủy ban của Hạ viện Mỹ ở Washington, theo Wall Street Journal.
Ông Trump gạt đi những bức ảnh trong đó cho thấy những người đàn ông gốc Ukraine đó cùng với ông hoặc các thành viên trong gia đình ông. Hôm 21/5/2018, ông Parnas đăng một bức ảnh lên Facebook cá nhân trong đó cho thấy ông cùng với ông Fruman và con trai tổng thống, Donald Trump Jr., tại một bữa ăn sáng tại Beverly Hills Polo Lounge ở California. Chú thích ảnh viết: “Bữa sáng vội vã!!!”. Ông Parnas trước đó đã đăng một bức ảnh của mình với ông Trump tại Nhà Trắng vào ngày 1/5, và mô tả một “bữa tối tuyệt vời và một cuộc trò chuyện còn tuyệt vời hơn”.
“Có thể là có bức ảnh về tôi với họ vì tôi có ảnh với tất cả mọi người”, ông Trump nói với các phóng viên. “Ai đó nói có thể có một bức ảnh hoặc một cái gì đó tại một buổi gây quỹ, hoặc ở đâu đó, nhưng tôi có trong ảnh với tất cả mọi người”.
USA Today trích lời ông Trump nói thêm: “Tôi không biết họ. Tôi không biết gì về họ, tôi không biết họ làm gì… Có lẽ họ là thân chủ của Rudy. Bạn sẽ phải hỏi Rudy. Tôi không biết gì cả”.
Ông Trump phủ nhận điều này trong bối cảnh các thành viên Đảng Dân chủ ở Hạ viện đã bắt đầu tiến hành một cuộc điều tra luận tội để xem liệu ông Trump có lạm dụng quyền lực của mình để ép Ukraine điều tra về ông Biden cho mục đích chính trị riêng hay không. Trong một cuộc điện đàm vào ngày 25/7, ông Trump đã yêu cầu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xem xét về ông Biden nhưng ông Trump khẳng định không có gì sai trái về cuộc gọi đó.
Tổng thống Zelenskiy hôm 10/10 cho biết ông chưa bao giờ gặp các doanh nhân bị bắt là Lev Parnas hoặc Igor Fruman, theo Reuters.
Ông Zelenskiy cũng nói rằng Washington không yêu cầu ông cung cấp bất kỳ tài liệu nào liên quan đến hai doanh nhân này.
Cuộc điều tra luận tội sẽ tới đâu
khi ông Trump bất hợp tác?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang áp dụng chiến lược phong tỏa (stonewall) tức không hợp tác với cuộc điều tra luận tội do phe Dân chủ ở Hạ viện khởi xướng. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng điều này sẽ rủi ro hơn là có lợi cho ông Trump vì nó chỉ càng khiến cho ông Trump đối mặt thêm tội danh mới và quá trình luận tội được đẩy nhanh.
Trong lá thư dài 8 trang gửi cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm 8/10 để thông báo về việc không hợp tác điều tra, luật sư Nhà Trắng Pat Cipollone viết: “Tổng thống Trump và chính quyền của ông bác bỏ những nỗ lực không có cơ sở, vi hiến của quý vị nhằm đảo lộn tiến trình dân chủ… Hành động không có tiền lệ của quý vị đã khiến Tổng thống không còn lựa chọn. Để hoàn thành nghĩa vụ của ông đối với người dân Mỹ, Hiến pháp cũng như nhánh Hành pháp, Tổng thống Trump và chính quyền của ông không thể tham gia vào cuộc điều tra mang tính đảng phái và vi hiến của quý vị trong những hoàn cảnh này.”
Không khai, không nộp
Theo nhận định của nhật báo Guardian thì thái độ bất hợp tác của ông Trump chỉ càng làm trầm trọng thêm các cáo buộc luận tội ông và càng đẩy nhanh quá trình luận tội.
Trái ngược với cách tiếp cận làm lệch hướng và giảm thiểu tối đa thiệt hại của Bill Clinton, ông Trump đã thực hiện phương cách giống lộ trình của Richard Nixon hơn – hai vị cựu Tổng thống đều đã đối mặt với luận tội. “Ông Trump xem đó là cuộc tấn công mang tính sống còn và giữ chặt trận địa như một tay súng trong trận đấu cuối cùng,” bài báo trên tờ Guardian viết.
Đó là một chiến lược không có chỗ cho sai sót, các nhà phân tích nói. Ông Trump cùng một lúc phải dựa vào việc giữ cho công chúng ủng hộ ông và chặn đứng vô số phương cách mà Quốc hội có thể thu thập bằng chứng và quan trọng là duy trì lòng trung thành của cấp dưới – những người sẽ chịu áp lực ngày càng tăng buộc phải ra làm chứng.
Một cuộc thăm dò được công bố hôm 8/10 cho thấy Trump có thể đang tính toán sai về dư luận. Đa số những người được thăm dò hiện ủng hộ cuộc điều tra luận tội với 58% so với tỷ lệ 38% phản đối, theo cuộc thăm dò chung của Washington Post và Schar School. Sự ủng hộ cho cuộc điều tra luận tội đã tăng 20 điểm trong ba tháng, cũng theo cuộc thăm dò.
Bất chấp tất cả, ông Trump tiếp tục tiến tới với chiến lược bất hợp tác với việc chặn vào phút cuối phiên điều trần của Gordon Sondland, đại sứ Mỹ ở Liên minh châu Âu, người đã bay về Washington để nói với Quốc hội những gì ông biết về những nỗ lực của Tổng thống hầu áp lực Ukraine điều tra cựu phó Tổng thống Joe Biden. Đây là điều cốt lõi của cuộc điều tra luận tội.
Việc chặn Sondland ra làm chứng là một phần trong chiến dịch phòng vệ của nhánh hành pháp. Trước đó Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã trễ hạn nộp tài liệu theo yêu cầu của Hạ viện. Hạ viện cũng ra trát cho Nhà Trắng, Bộ quốc phòng, Văn phòng Quản lý và Ngân sách. Phó Tổng thống Mike Pence cũng đối mặt với yêu cầu cung cấp tài liệu.
Ông Rudy Giuliani, luật sư riêng của Trump, đã tuyên bố hôm 8/10 rằng ông sẽ bất chấp trát đòi của Quốc hội và nói: “Lập trường mà tôi phát biểu lúc này cũng là lập trường của chính quyền.”
“Hãy để họ quy cho tôi tội khinh mạn,” ông Giuliani nói với tờ Washington Post. “Chúng tôi sẽ ra tòa. Chúng tôi sẽ thách thức tội khinh mạn.”
Lợi-hại?
Tuy nhiên, sự vắng mặt của ông Sondland cũng sẽ chỉ đẩy nhanh quá trình luận tội, ông Adam Schiff, chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện vốn dẫn đầu cuộc điều tra luận tội, được Guardian dẫn lời nói.
“Không cung cấp nhân chứng, không cung cấp tài liệu – chúng tôi xem đây là thêm một bằng chứng mạnh mẽ nữa cho thấy sự cản trở chức năng của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp,” ông Schiff nói.
Ngay cả khi những nỗ lực bất hợp tác của ông Trump hủy hoại khả năng thu thập bằng chứng của Đảng Dân chủ trong ngắn hạn nó vẫn có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của cáo buộc luận tội nhằm vào ông Trump, ông Bradley P Moss, một luật sư an ninh quốc gia nhận định với tờ Guardian.
“Mặc dù xét trên quan điểm sự việc thực tế sẽ tốt hơn nếu tất cả các nhân chứng có liên quan ra làm chứng và đưa ra các tài liệu liên quan,” ông Moss được dẫn lời nói, “Nhưng nếu Đảng Dân chủ ở Hạ viện tin rằng họ đã có đủ bằng chứng để tiến hành luận tội, họ có thể đơn giản nhét sự từ chối hợp tác đó vào điều khoản ‘cản trở công lý’ bao trùm hết trong quá trình luận tội và đặt nó lên trên tất cả mọi thứ.”
Sự lệ thuộc của ông Trump vào lòng trung thành của cấp dưới cũng có thể là một bước đi sai lầm chiến lược – bởi vì các cựu quan chức đã lên tiếng.
Sau khi từ chức, ông Kurt Volker, cựu đặc phái viên tại Ukraine, tuần trước đã gửi tới Quốc hội các trang tin nhắn trên WhatsApp giữa ông và các nhà ngoại giao khác vốn đã làm hỏng nỗ lực của ông Trump để định hình cuộc đàm phán của ông với Ukraine.
Trong một bài viết trên trang Just Security nhằm so sánh các quá trình luận tội đối với Nixon, Clinton và Trump, bà Sidney Blumenthal, cựu trợ lý của ông Clinton và là nhân chứng phiên tòa luận tội Clinton, lưu ý rằng sự chống đối của Nixon trước Quốc hội đã đẩy nhanh sự sụp đổ của ông.
“Khi phiên xử vụ Watergate ở Thượng viện bắt đầu, vị thế của Nixon trong dư luận bắt đầu bị xói mòn, sự suy sụp này càng được đẩy nhanh theo từng giai đoạn do sự bất hợp tác của Nixon với Quốc hội và tòa án,” ông Blumenthal viết.
Bằng cách phớt lờ trát đòi và chặn điều trần, Nhà Trắng dường như hy vọng sẽ làm chậm lại quá trình luận tội này.
“Phải mất năm tháng điều trần trong nỗ lực luận tội Nixon trước khi sự mức độ ủng hộ của công chúng đối với luận tội đạt 58%, ông Greg Dworkin, biên tập viên của tờ Daily Kos lưu ý. Trong khi đó, quá trình luận tội Trump chỉ mới diễn ra được hai tuần,” tờ Guardian lưu ý.
Bước kế tiếp của Hạ viện?
“Trông như thể cuộc điều tra luận tội của Đảng Dân chủ ở Hạ viện sẽ tập trung ít hơn vào các cáo buộc trong vụ Ukraine mà sẽ đi sâu nhiều hơn vào việc chính quyền của Tổng thống Trump không để Hạ viện điều tra những gì đã xảy ra,” tờ Washington Post nhận định.
Đảng Dân chủ nói rằng tất cả những việc này đã cấu thành tội cản trở công lý và đang ám chỉ rõ ràng điều mà Hạ viện có thể làm để giải quyết vấn đề: luận tội Trump vì đã chặn cuộc điều tra. Họ đã đưa ra cảnh báo rằng họ coi cản trở công lý là lý do luận tội Trump vào tuần trước, sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo ngăn các quan chức Bộ Ngoại giao ra làm chứng.
Theo Hiến pháp Mỹ, luận tội một Tổng thống vì không tham gia vào cuộc điều tra luận tội là điều ‘đáng phải làm’. “Quốc hội sẽ quyết định đâu là ‘tội nặng và hành vi sai trái’ để luận tội. Nếu họ cho rằng việc ngăn Quốc hội thực hiện chức năng giám sát rơi vào phạm vi này, thì họ sẽ luận tội,” Washington Post phân tích và dẫn ra một điều khoản luận tội tương tự nhằm vào Tổng thống Richard M. Nixon mà trong đó nêu lên bốn lần chính quyền Nixon cố tình không tuân thủ trát đòi.
Vì vậy, quá trình luận tội của Trump vẫn có thể tiếp tục ngay cả khi chính quyền của ông không cung cấp tài liệu hay nhân chứng cho cuộc điều tra, cũng theo tờ báo này.
Tuy nhiên chiến lược này có thể có tác động chính trị tiêu cực đối với Đảng Dân chủ, Washington Post cho biết. Đảng này có nguy cơ theo đuổi luận tội mà không có cuộc điều tra toàn diện về những gì ông Trump đã làm. Họ sẽ không có được lợi ích qua các phiên điều trần công khai hoặc thông qua việc có được hoặc công bố các văn bản ngoại giao bí mật để chứng minh tính chính đáng của nỗ lực luận tội.
Theo Washington Post thì tại Điện Capitol, có những dấu hiệu ban đầu cho thấy việc theo đuổi tội danh cản trở công lý với ông Trump sẽ được tiếp nhận giống như luận tội những tội danh khác như lạm quyền.
‘Khủng hoảng Hiến pháp’
Trao đổi với VOA dưới góc độ Hiến pháp, ông Phan Quang Tuệ, nguyên Thẩm phán Luật Hành chính tại Sacramento, California, và từng là Thẩm phán Tòa Di trú Liên bang Hoa Kỳ, nói ông nhìn những gì đang xảy ra trong cuộc điều tra luận tội là ‘khủng hoảng Hiến pháp’ và kêu gọi ‘bảo vệ Hiến pháp’.
Ông nói rằng theo Hiến pháp Mỹ thì Hạ viện ‘có toàn quyền quyết định quy trình và thủ tục luận tội’ chứ nhánh hành pháp, cụ thể là Nhà Trắng, không thể bắt quá trình luận tội đi theo ý của họ.
Vẫn theo lời ông, trước chiến lược ‘không khai, không nộp’ của chính quyền Trump, Hạ viện có thể ‘tiếp tục ra trát đòi nhân chứng và tài liệu’, ‘tiếp tục điều tra từ những bằng chứng từ các nguồn khác’ vì ngoài những bằng chứng lấy từ cơ quan hành pháp (mà chính quyền Trump không chịu giao nộp) còn có lời khai của người tố cáo và của những công dân có thể bị điều tra.”
“Việc ‘stonewall’ (phong tỏa) điều tra của ông Trump có làm chậm lại nhưng không ngăn được cuộc điều tra luận tội vì Hạ viện có toàn quyền,” ông nói và cho biết Hạ viện có thể yêu cầu thẩm phán liên bang đòi hành pháp phải tuân thủ yêu cầu của lập pháp và điều này đã từng xảy ra trong trường hợp luận tội Tổng thống Richard Nixon.
“Tôi nhìn vấn đề dưới khía cạnh của những định chế dân chủ trong Hiến pháp Mỹ có đời sống hơn 230 năm đang bị thử thách. Liệu trình độ dân chủ của người dân Mỹ, cách điều hành và tuân thủ định chế có vượt qua được và bảo vệ định chế dân chủ của Mỹ hay không,” ông nói và cho biết nước Mỹ đang trải qua ‘khủng hoảng Hiến pháp’.
Cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine ra khai chứng chống lại Trump
Cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine hôm 11/10 đã khai trong cuộc điều tra luận tội của Hạ viện về Tổng thống Donald Trump rằng ông đã cách chức bà dựa trên những ‘tuyên bố vô căn cứ và sai lầm’ sau khi bà bị luật sư riêng của ông Trump là ông Rudy Giuliani công kích.
Bà Marie Yovanovitch, người bị đột ngột triệu hồi khi đang là đại sứ Mỹ ở Ukraine hồi tháng Năm, đã có mặt tại phiên lấy lời khai kín, theo các nhà lập pháp Dân chủ, sau khi bà bị Bộ Ngoại giao yêu cầu không xuất hiện theo chỉ thị của Nhà Trắng. Các dân biểu cho biết sau đó họ đã ra trát đòi cho bà và bà đã tuân thủ.
Bà Yovanovitch, theo một bản sao phát biểu mở đầu của bà được Washington Post đăng tải, nói rằng bà đã được một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao nói về ‘một chiến dịch phối hợp chống lại tôi’ và rằng ông Trump đã thúc đẩy cách chức bà từ giữa năm ngoái mặc dù Bộ Ngoại giao tin rằng “Tôi đã không làm gì sai.”
Bà cũng lên tiếng báo động về thiệt hại đối với chính sách ngoại giao của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump và cảnh báo về ‘lợi ích riêng’ đã cản trở các nhà ngoại giao chuyên chứ không phải vì lợi ích chung.
Cuộc điều tra luận tội tập trung vào một cuộc điện đàm vào ngày 25/7 mà khi đó ông Trump đã gây sức ép buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy điều tra một đối thủ chính trị của ông là cựu phó Tổng thống Joe Biden và con trai là Hunter Biden.
Ông Giuliani đã cáo buộc bà Yovanovitch ngăn chặn các nỗ lực thuyết phục Ukraine điều tra nhà Biden. Giuliani cho biết ông đã cung cấp thông tin cho cả ông Trump và Bộ Ngoại giao về Yovanovitch, người mà ông cho rằng đã có thành kiến đối với ông Trump.
Hôm 11/10, ông Giuliani nói: “Tôi làm điều đó với vai trò là luật sư biện hộ cho ông Trump.”
Trong tuyên bố của mình, Yovanovitch nói rằng bà không biết động cơ tấn công bà của Giuliani nhưng các cộng sự của ông ấy ‘có thể cho rằng tham vọng tài chính cá nhân của họ đang bị cản trở bởi chính sách chống tham nhũng của chúng tôi ở Ukraine’.
Đảng Dân chủ đã gọi việc loại bỏ bà Yovanovitch là ‘có động cơ chính trị’.
“Bà là một người phụ nữ dũng cảm,” dân biểu nghị sĩ Dân chủ Michael Quigley ca ngợi bà Yovanovitch trong giờ nghỉ giải lao của buổi khai chứng.
Theo một bản tóm tắt của Nhà Trắng, ông Trump trong cuộc điện đàm với ông Zelenskiy đã mô tả bà Yovanovitch như sau: “Người đàn bà này là tin xấu và những người mà bà ta đang làm việc cùng ở Ukraine là xấu xa.” Ông Zelenskiy đồng ý với Trump rằng bà là ‘đại sứ tồi’ và đồng ý điều tra nhà Biden.
Cháy rừng ở bắc Los Angeles,
ít nhất 16,000 gia đình phải di tản
Hôm thứ Sáu (11/10/2019), chính quyền cho biết gió lớn đã khiến cháy rừng Saddleridge nhanh chóng lan rộng hơn 7,500 acres và phá hủy ít nhất 31 cơ sở hạ tầng ở phía bắc Thung lũng San Fernando, phía bắc Los Angeles.
Chỉ trong 12 tiếng đồng hồ, lửa đã lan 4,700 acres và không thể kiểm soát. Đến 2 giờ chiều, sở cứu hỏa Los Angeles thông báo ngọn lửa đã cháy lan đến 7,542 acres, tương đương hơn 11 dặm vuông. KTLA trích lời sở cảnh sát cứu hỏa, đến tối thứ Sáu, ít nhất 16,000 gia đình phải bắt buộc di tản khi lính cứu hỏa chỉ mới kiểm soát được 13% vụ cháy. Cùng thời điểm, thị trưởng Los Angeles, Eric Garcetti cho biết ít nhất 70,000 người vẫn nằm trong diện di tản .
Nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được điều tra, sau khi có tin báo từ một nhân chứng cho biết lửa đã bùng lên từ một đường dây điện ở Sylmar. Hơn 1,000 lính cứu hỏa vẫn đang chữa cháy ở hiện trường. Lửa lan nhanh khiến chính quyền phải đóng một vài đường xa lộ. Một số khu vực buộc phải di tản ít nhất 23,000 gia đình. Hôm thứ Sáu một số trung tâm di tản đã đầy khiến chính quyền phải mở thêm một số trung tâm ở Thung Lũng San Fernando. Hàng chục ngôi trường ở ba quận phải đóng cửa vào thứ Sáu. Hai bưu điện trong khu vực cũng đóng cửa vì vụ cháy. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/chay-rung-o-bac-los-angeles-it-nhat-16000-gia-dinh-phai-di-tan/
Thẩm phán liên bang chặn kế hoạch
từ chối cấp thẻ xanh
cho người di dân nhận trợ cấp từ chính phủ
Hôm thứ Sáu (11/10/2019), thẩm phán liên bang ở ba tiểu bang đã chặn tạm thời chính sách của tổng thống Trump, từ chối cấp thẻ xanh cho nhiều người di dân nhận trợ cấp y tế, thực phẩm và các quyền lợi khác từ chính phủ.
Quyết định này gây khó khăn cho bước đi cứng rắn nhất của tổng thống bằng việc cắt giảm người di dân hợp pháp, để nhận những trường hợp di dân có tay nghề cao hơn là qua hệ thống bảo lãnh gia đình.
Các phán quyết liên tiếp được đưa ra ở California, New York và Washington bốn ngày trước khi chính sách mới có hiệu lực. Các thẩm phán ủng hộ sự phản đối của 21 tiểu bang và quận Columbia với chính sách này, khi nó được công bố vào tháng Tám.
Quyền giám đốc Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ, Ken Cuccinelli bày tỏ sự tin tưởng rằng chính quyền sau cùng sẽ thắng thế và thông qua được chính sách, với nỗ lực pháp lý để bảo đảm những người định cư tại Hoa Kỳ có đủ khả năng tài chính cho cá nhân.
Tuần trước, tổng thống Trump ra tuyên bố sẽ cấm người di dân hợp pháp vào Hoa Kỳ, trừ khi có bảo hiểm y tế trong vòng 30 ngày kể từ khi nhập cảnh, hoặc có đủ tài chính để trả cho bất kỳ chi phí y tế. Theo Viện Chính sách Di dân, chính sách dự kiến có hiệu lực từ 03/11/2019 sẽ ngăn 375,000 người nhập cảnh hàng năm thông qua việc cấp thẻ xanh từ nước ngoài cho các thành viên bảo lãnh qua diện gia đình. Đây là diện di dân mà nhiều người Việt đã sang định cư tại Hoa Kỳ.
Các phán quyết hôm thứ Sáu (11/10/2019) sẽ tạm ngừng thực thi chính sách từ chối cấp thẻ xanh để chờ giải quyết xong các hồ sơ tòa án. Luật liên bang yêu cầu người di dân phải chứng minh được họ sẽ không trở thành gánh nặng cho quốc gia nếu muốn trở thành công dân Hoa Kỳ vĩnh viễn. Các yếu tố như tuổi tác, tình trạng công việc và khả năng tiếng Anh sẽ được xem xét để xác định liệu họ có khả năng trở thành gánh nặng của công đồng trong tương lai hay không. (Mộc Miên)
Quyền Bộ Trưởng Bộ Nội An Kevin Mcaleenan từ chức
Tin từ Washington D.C, hôm thứ Sáu (11/10/2019), Kevin McAleenan từ chức vị trí quyền bộ trưởng Bộ Nội An, kết thúc nhiệm kỳ sáu tháng với những nỗ lực duy trì sự kiểm soát cơ quan thực thi pháp luật, và an ninh biên giới để thắt chặt kế hoạch di dân nghiêm ngặt của tổng thống Trump.
Tổng thống Trump đã ca ngợi ông McAleenan đã làm việc tuyệt vời với tư cách quyền bộ trưởng Bộ Nội An trong đoạn tweet tối thứ Sáu (11/10/2019). Ông không thông báo người thay thay thế, mà chỉ nói đã có một ứng cử viên tuyệt vời cho vị trí.
Vào tháng 5, tháng đầu tiên ông McAleenan lãnh đạo Bộ Nội An, Hoa Kỳ đã bắt giữ hơn 130,000 người di dân dọc biên giới phía nam. Tuy nhiên từ tháng 6, số người bị bắt giữ đã giảm mạnh còn 50,000 tính đến tháng 9. Cách đây vài tuần, McAleenan đã đạt được thỏa thuận hợp tác tầm trú với El Salvador, Guatemala và Honduras. Các thỏa thuận sẽ cho phép Hoa Kỳ hướng những người tầm trú từ khắp nơi trên thế giới đến các quốc gia này để xin tị nạn, bất chấp bạo lực và nghèo đói hoành hành ở nhiều nơi trong khu vực này.
Vào tháng 9, ông McAleenan đã ra lệnh cho Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ đảo ngược quyết định trục xuất người nhập cư bị bệnh nguy hiểm tính mạng và các trường hợp nhân đạo khác. Ông cũng là một trong số ít các viên chức chính quyền tổng thống Trump công khai bày tỏ sự hối hận về hành vi tách hàng nghìn trẻ em di dân khỏi cha mẹ cuối 2017 và hè 2018, vốn đã bị lên án rộng rãi.
Dưới quyền của ông, Bộ Nội an đã đẩy mạnh chính sách Giao thức Bảo vệ Người di dân (MPP), buộc hơn 50,000 người tầm trú phải ở phía bắc Mexico để chờ duyệt hồ sơ. Nhiều người đã phản đối chính sách vi phạm luật tị nạn của Hoa Kỳ, vì buộc hàng chục nghìn trẻ em phải chờ đợi ở các thành phố gần biên giới nguy hiểm ở Mexico. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/quyen-bo-truong-bo-noi-an-kevin-mcaleenan-tu-chuc/
Brexit : Bruxelles và Luân Đôn tăng tốc đàm phán
để thoát bế tắc
Luân Đôn và Bruxelles đã nhất trí tăng tốc đàm phán để thoát khỏi bế tắc trong hồ sơ Brexit sau buổi làm việc ngày 11/10/2019 tại Bruxelles giữa trưởng đoàn đàm phán của Liên Hiệp Châu Âu Michel Barnier và ông Stephen Barclay, bộ trưởng Brexit của Anh.
Trong khi còn chưa đầy 20 ngày là đến hạn Brexit 31/10, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk không dám chắc là các cuộc đàm phán sẽ thành công, nhưng cho biết sẽ nắm bắt mọi cơ hội. Phía thủ tướng AilenLeo Varadkar nêu lên khả năng từ giờ đến cuối tháng sẽ đạt được một thỏa thuận về những biện pháp liên quan đến việc kiểm soát biên giới, bất đồng chủ yếu giữa Bruxelles và Luân Đôn về Brexit.
Thông tín viên RFI Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles :
« Các cuộc đàm phán vào chiều thứ Sáu (11/10) giữa Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu được miêu tả là « gay gắt » và « mạnh mẽ », nhưng điểm thay đổi thực sự là cuối cùng cũng đã có các cuộc thương thảo. Cho tới giờ, chỉ có những cuộc trao đổi chuyên môn hoặc gặp gỡ chính trị, nhưng dường như Liên Hiệp Châu Âu cho rằng từ giờ có thể đàm phán được với lập trường của chính phủ Anh.
« Chí ít thì cũng đã thử », phía Liên Hiệp Châu Âu tự nhủ trong hậu trường như vậy, dù vẫn hy vọng hình thành được loạt biện pháp kiểm soát an ninh mới cho Ailen . Đề xuất ban đầu của thủ tướng Anh Boris Johnson dường như đã thay đổi và đó chính là điểm cốt lõi cho các cuộc đàm phán này.
Ý tưởng áp đặt kiểm soát thuế quan giữa Bắc Ailen (thuộc Anh) và Cộng Hoà Ailen (thành viên Liên Hiệp Châu Âu) vẫn là trở ngại chính. Mục tiêu của Bruxelles là dịch chuyển các biện pháp kiểm soát này ra đường biên giới trên biển Ailen. Như vậy, Luân Đôn phải từ bỏ ý định đưa Bắc Ailen trở lại liên minh thuế quan của Liên hiệp Anh.
Kết quả các cuộc đàm phán cuối tuần sẽ được đưa ra đánh giá vào thứ Hai (14/10). Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk cảnh báo rằng thời gian rất gấp rút, vì thượng đỉnh châu Âu, diễn ra trong hai ngày 17-18/10, có thể sẽ bàn về thỏa thuận mới nếu đạt được trong cuối tuần này ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191012-brexit-bruxelles-va-luan-don-tang-toc-dam-phan-de-thoat-be-tac
Pháp : Bí ẩn vẫn bao trùm vụ án mạng 8 năm trước
Tối 11/10/2019, một người đàn ông có dấu tay giống của nghi can Xavier Dupont de Ligonnès đã bị bắt tại sân bay Glasgow, Scotland, sau khi đi máy bay từ Paris đến. Nghi can này đã bị truy nã gắt gao trên toàn thế giới, sau vụ sát hại vợ và 4 người con của ông ta. Nhưng kết quả xét nghiệm ADN cho thấy người bị bắt không phải là Xavier Dupont de Ligonnès.
Người đàn ông nói trên đã bị bắt nhờ có sự trao đổi thông tin giữa cảnh sát Pháp và cảnh sát Scotland, dựa trên lời tố giác của một người ẩn danh. Được báo động quá trễ, các nhà điều tra Pháp đã không thể chặn bắt ở sân bay Charles-de-Gaulle, Paris, nhưng họ đã báo ngay cho cảnh sát Scotland để bắt giữ ông ta ở sân bay Glasgow ngay khi máy bay hạ cánh.
Theo một nguồn tin nói với AFP, nghi can lên máy bay với một hộ chiếu Pháp ăn cắp được vào năm 2014 và dường như đã có một thời gian trốn ở Anh. Ngay tối 11/10, các nhà điều tra Pháp đã đến khám xét một căn nhà ở thị trấn Limay, ngoại ô Paris, mà địa chỉ được ghi trên hộ chiếu của nghi can. Trong khi đó, các nhà điều tra khác đã đến Glasgow, mang theo mã ADN của Xavier Dupont de Ligonnès mà họ đang có. Theo một nguồn tin từ cuộc điều tra, kết quả xét nghiệm so sánh ADN hôm nay cho thấy người bị bắt không phải là Xavier Dupont de Ligonnès.
Xavier Dupont de Ligonnès đã truy nã gắt gao trên toàn thế giới từ 8 năm qua sau vụ thảm sát gia đình của ông ở thành phố Nantes, miền tây nước Pháp. Đã rất nhiều lần các nhà điều tra được báo động là nghi can được nhận dạng, nhưng cho tới nay họ không thể xác định được là nghi can đã chết hay còn sống, đã trốn thoát hay đã tự sát.
Lần cuối cùng Xavier Dupont de Ligonnès được nhìn thấy qua camera an ninh là vào ngày 15/04/2011, khi ra khỏi một khách sạn ở Var (miền tây nam Pháp). Sáu ngày sau đó, thi thể của người vợ, 48 tuổi và 4 người con tuổi từ 13 đến 21, được phát hiện, chôn dưới sân nhà.
Xavier Dupont de Ligonnès như vậy là vẫn biệt tăm và bí ẩn vẫn bao trùm vụ án mạng này.
http://vi.rfi.fr/phap/20191012-phap-bi-an-van-bao-trum-vu-an-mang-8-nam-truoc
Pháp : Bắt giữ nghi can
vụ án mạng bí ẩn sau 8 năm truy nã
Tối 11/10/2019, một người đàn ông có dấu tay giống của nghi can Xavier Dupont de Ligonnès đã bị bắt tại sân bay Glasgow, Scotland, sau khi đi máy bay từ Paris đến. Nghi can này đã bị truy nã gắt gao trên toàn thế giới, sau vụ sát hại vợ và 4 người con của ông ta.
Thông tin trên ban đầu được nhật báo Le Parisien loan báo và sau đó đã được hai nguồn tin từ các nhà điều tra Pháp xác nhận, theo hãng tin AFP. Tuy nhiên, các nhà điều tra đang chờ kết quả xét nghiệm ADN để hoàn toàn chắc chắn người vừa bị bắt đúng là Xavier Dupont de Ligonnès, 58 tuổi. Kể từ lúc bị khi bắt, nhân vật này vẫn giữ im lặng.
Nghi can đã bị bắt nhờ có sự trao đổi thông tin giữa cảnh sát Pháp và cảnh sát Scotland, dựa trên lời tố giác của một người ẩn danh. Được báo động quá trễ, các nhà điều tra Pháp đã không thể chặn bắt nghi can ở sân bay Charles-de-Gaulle, Paris, nhưng họ đã báo ngay cho cảnh sát Scotland để bắt giữ ông ta ở sân bay Glasgow ngay khi máy bay hạ cánh.
Theo một nguồn tin nói với AFP, nghi can lên máy bay với một hộ chiếu Pháp ăn cắp được vào năm 2014 và dường như đã có một thời gian trốn ở Anh. Ngay tối 11/10, các nhà điều tra Pháp đã đến khám xét một căn nhà ở thị trấn Limay, ngoại ô Paris, mà địa chỉ được ghi trên hộ chiếu của nghi can.
Xavier Dupont de Ligonnès đã truy nã gắt gao trên toàn thế giới từ 8 năm qua sau vụ thảm sát gia đình của ông ở thành phố Nantes, miền tây nước Pháp. Đã rất nhiều lần các nhà điều tra được báo động là nghi can được nhận dạng, nhưng cho tới nay họ không thể xác định được là nghi can đã chết hay còn sống, đã trốn thoát hay đã tự sát.
Lần cuối cùng Xavier Dupont de Ligonnès được nhìn thấy là vào ngày 15/04/2011 khi ra khỏi một khách sạn ở Var (miền tây nam Pháp). Sáu ngày sau đó, thi thể của người vợ, 48 tuổi và 4 người con tuổi từ 13 đến 21, được phát hiện, chôn dưới sân nhà. Cho tới nay, bí ẩn vẫn bao trùm vụ án mạng này.
http://vi.rfi.fr/phap/20191012-phap-bat-giu-nghi-can-vu-an-mang-bi-an-sau-8-nam-truy-na
Ukraine sống chết trừng phạt Nga, TQ hưởng lợi
Thị phần của Trung Quốc trong tổng khối lượng giao dịch của Ukraine trong quý đầu tiên của năm 2019 là 10,6%, trong khi thị phần của Nga là 9,7%.
Theo số liệu của Ngân hàng Quốc gia Ukraine công bố ngày 8/10, Trung Quốc đã vượt mặt Nga trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Ukraine.
Thị phần của Trung Quốc trong tổng khối lượng giao dịch của Ukraine trong quý đầu tiên của năm 2019 là 10,6%, trong khi thị phần của Nga là 9,7%. Cuối năm 2018, tỷ lệ thị phần của Nga là 11,5% và Trung Quốc là 9,8%.
Trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 3/2019, Ukraine đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 621 triệu USD sang Trung Quốc và nhập khẩu hàng hóa trị giá 1.928 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu sang Nga của Ukraine đạt 592 triệu USD và nhập khẩu là 1,748 tỷ USD.
Sở dĩ kim ngạch thương mại giữa Nga và Ukraine sụt giảm là do các động thái trừng phạt lẫn nhau từ hai bên nhằm vào một số mặt hàng quan trọng.
Hồi tháng 5/2019, Thủ tướng Ukraine Vladimir Groisman tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mới đối với Nga, trong đó cấm nhập khẩu một số hàng hóa nhất định từ Nga và thực thi một số loại thuế đặc biệt.
Phó Thủ tướng thứ nhất của Ukraine là Stepan Kubiv cho biết, lệnh cấm mới sẽ áp dụng cho một số loại loại hàng hóa như hàng hóa công nghiệp, phân khoáng, nông sản, phương tiện vận tải, gỗ dán và một số mặt hàng khác.
Ngoài ra, nội các Ukraine cũng áp đặt thuế đặc biệt đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Nga, bắt đầu từ ngày 1/8/2019. Chính phủ Ukraine ước tính doanh thu bổ sung cho ngân sách nhà nước từ các khoản thuế sẽ lên tới ít nhất 3,7 tỉ hryvnia Ukraine (khoảng 141,2 triệu USD) vào nửa cuối năm 2019.
Theo ông Kubiv, mục đích của các lệnh trừng phạt này là nhằm ngăn chặn việc thoái vốn, cũng như hỗ trợ sản xuất trong nước và tạo thêm việc làm mới cho người Ukraine.
Nội các Ukraine từng mở rộng danh sách các loại hàng hóa Nga bị cấm nhập khẩu vào nước này. Chính phủ Ukraine đã thông qua nghị quyết tương ứng mà không cần thảo luận.
Danh sách các mặt hàng của Nga bị cấm nhập vào Ukraine bao gồm: chai thủy tinh, hộp đựng đồ uống và thực phẩm, nhựa thông, lò xo cho xe tải chở hàng, thiết bị điện cho bộ chuyển đổi sử dụng trong đường sắt tự động hóa.
Trước đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm 18/4 tuyên bố đã ký một sắc lệnh hạn chế xuất khẩu một số loại than đá, dầu thô và các sản phẩm dầu tới Ukraine. “Chúng tôi phải bảo vệ lợi ích của mình. Tôi đã ký một nghị định của chính phủ về chủ đề này”, Thủ tướng Dmitry Medvedev nói.
Nga sẽ chỉ cung cấp cho Ukraine các sản phẩm than đá, dầu thô và các sản phẩm dầu theo một số giấy phép nhất định. Ngoài ra, Moscow cấm nhập khẩu các sản phẩm kỹ thuật, chế tạo máy, công nghiệp nhẹ và gia công kim loại của Ukraine.
Giới quan sát cho rằng, việc Ukraine – Nga trả đũa qua lại với nhau sẽ khiến Ukraine thiệt hại nhiều hơn. Thực tế, những mặt hàng mà Ukraine áp dụng lệnh trừng phạt không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Nga, trong khi Nga lại nắm trong tay mặt hàng mà Ukraine không thể thiếu – khí đốt.
Nền kinh tế Ukraine vốn đã chịu rất nhiều thiệt hại sau khi Kiev hùa theo phương Tây trừng phạt Nga. Do khủng hoảng quan hệ với Nga mà mỗi năm Ukraine mất đi gần một nửa doanh thu xuất khẩu, tức là khoảng 20 tỷ USD trong 5 năm.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30816-ukraine-song-chet-trung-phat-nga-tq-huong-loi.html
Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh chiến dịch Syria-
tù binh ISIS vượt ngục, tấn công người Kurd
Tin từ ISTANBUL/BEIRUT – Vào hôm thứ Sáu (11/10), Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường các cuộc không kích và pháo kích ở đông bắc Syria, trong một cuộc tấn công chống lại dân quân người Kurd.
Cuộc tấn công này đã đặt ra viễn cảnh về một thảm họa nhân đạo, và nghi vấn về chính sách trong khu vực của Tổng thống Trump. Người Kurd, từng chiếm lại các vùng đông bắc Syria từ Nhà Nước Hồi Giáo với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, cho biết rằng cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ có thể cho phép nhóm thánh chiến này tái xuất hiện, khi một số tín đồ của họ trốn thoát khỏi các nhà tù. Trong cuộc tấn công lớn đầu tiên, Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về một vụ đánh bom xe chết người ở Qamishli, thành phố lớn nhất trong khu vực do người Kurd kiểm soát, trong lúc cả khi thành phố bị Thổ Nhĩ Kỳ pháo kích dữ dội.
Người Kurd cho biết 5 chiến binh Nhà nước Hồi giáo trốn khỏi một nhà tù tại đây, và những phụ nữ nước ngoài theo ISIS bị giam giữ trong một trại phóng hỏa đốt các lều, và tấn công lính canh bằng gậy và đá.
Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc tấn công sau khi tổng thống Trump trò chuyện qua điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vào Chủ nhật và rút các binh sĩ Hoa Kỳ từng chiến đấu bên cạnh lực lượng người Kurd. Vào hôm thứ Sáu (11/10), một số sĩ quan quân đội Hoa Kỳ bác bỏ cáo buộc của các nhà lập pháp lưỡng đảng và các nhà phân tích chính sách, rằng chính quyền tổng thống Trump bỏ rơi đồng minh của Hoa Kỳ trước cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng mục tiêu của họ là đánh bại lực lượng dân quân YPG người Kurd, nhóm bị họ xem là kẻ thù vì có liên kết với quân nổi dậy ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong cuộc điện đàm với tổng thống Trump vào cuối hôm thứ Sáu (11/10), tổng thống Pháp Macron cho biết ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc cố gắng chấm dứt cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Pháp và Hoa Kỳ đồng ý duy trì liên lạc chặt chẽ về chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tho-nhi-ky-day-manh-chien-dich-syria-tu-binh-isis-vuot-nguc-tan-cong-nguoi-kurd/
Đông Nam Á đón đầu làn sóng đầu tư
Nhiều nước Đông Nam Á và khu vực lân cận đang cạnh tranh gắt gao nhằm lôi kéo nguồn đầu tư đang rời khỏi Trung Quốc do tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Nhiều ưu đãi, cải cách
Đứng trước thời cơ về làn sóng dịch chuyển của các công ty nhằm tránh tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, nhiều nước Đông Nam Á đã có những biện pháp cạnh tranh để thu hút đầu tư. Indonesia hồi đầu tháng 9 thông báo kế hoạch giảm thuế doanh nghiệp từ 25% xuống 20% từ năm 2021 cùng nhiều kế hoạch cải cách thuế khác. Tại Thái Lan, mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay là 20% và nước này có chính sách miễn thuế trong 13 năm cho các doanh nghiệp mới tại Hành lang kinh tế phía đông và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, chính phủ nước này hồi tháng 9 thông qua gói hỗ trợ giảm 50% thuế thêm 5 năm nữa đối với những dự án đầu tư từ 1 tỉ baht (762 tỉ đồng) trở lên với điều kiện khoản đầu tư được giải ngân trước tháng 12.2021, đồng thời cam kết đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động.
Theo Reuters, Malaysia cũng mới thành lập Ủy ban Quốc gia về đầu tư (NCI) do các bộ trưởng tài chính, thương mại và công nghiệp lãnh đạo nhằm đẩy nhanh thủ tục xem xét và phê chuẩn các dự án đầu tư từ nước ngoài. Thứ trưởng Bộ Thương mại quốc tế và công nghiệp Malaysia Ong Kian Ming giải thích: “Trước đây, việc thông qua các dự án đầu tư mất 3 tháng thì nay chỉ cần 1 tháng. Chỉ trong buổi họp đầu tiên, NCI đã bật đèn xanh cho các dự án đầu tư có tổng trị giá 2,2 tỉ ringgit (12.198 tỉ đồng)”. Ông Ong cho biết thêm nguồn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào Malaysia trong nửa đầu năm 2019 đạt 50 tỉ ringgit, gần gấp đôi so với cùng giai đoạn năm ngoái và dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa trong nửa cuối năm.
Ngoài ra, Đài Loan hay Ấn Độ cũng có các chính sách ưu đãi về thuế, giá cho thuê đất, điện, nước nhằm thu hút đầu tư. Trong khi đó, một số nước khác như Bangladesh, Myanmar hay Campuchia cạnh tranh bằng nguồn nhân công giá rẻ để bù cho những bất lợi về cơ sở hạ tầng
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30797-dong-nam-a-don-dau-lan-song-dau-tu.html
Hong Kong: 750 trẻ em bị bắt giữ
trong các cuộc biểu tình 4 tháng qua
Các quan chức Hong Kong cho biết, có tới một phần ba trong số 2.379 người biểu tình bị bắt trong các cuộc biểu tình diễn ra trong bốn tháng qua dưới 18 tuổi, theo tờ Guardian.
Giao thông Hong Kong đang tạm vãn hồi
Google gỡ bỏ game về người biểu tình Hong Kong
Apple bị cho là gỡ bỏ ứng dụng định vị cảnh sát vì áp lực Bắc Kinh
Tức là có khoảng 750 trẻ em dưới 18 tuổi bị bắt trong bốn tháng bất ổn này, trong đó có 104 em dưới 16 tuổi.
Điều này đã gây ra sự phẫn nộ cho công chúng, giữa khi tình hình vẫn tiếp tục leo thang và chính phủ đang áp dụng các biện pháp ngày càng cứng rắn đối với người biểu tình.
Tờ Guardian dẫn lời ông Matthew Cheung, nhân vật thứ hai trong chính quyền Hong Kong, nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm, rằng thông tin trên gây sốc và đau lòng.
Ông kêu gọi phụ huynh và giáo viên khuyên những người trẻ, răn dạy họ hãy kiềm chế những hành vi bất hợp pháp hoặc bạo lực, để tránh không bị thương hoặc bị bắt.
Ông Kong Tsung-gan, một blogger nổi tiếng viết trên Twitter rằng, “Chính phủ nói đây là chuyện ‘đau lòng,’ nhưng lại không đặt ra câu hỏi vì sao. Tuổi trẻ đang đứng lên. Họ biết rằng, họ đang chiến đấu cho tương lai, chống lại chế độ độc tài.”
“Chủ nghĩa toàn trị sẽ hủy diệt thế hệ tiếp theo của chúng ta. Hãy chống lại nó!” – một người khác cũng bày tỏ trên Twitter.
Hôm thứ ba, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (hay Carrie Lam) cho biết, kể từ tháng 9, sau khi học kỳ mới bắt đầu, có gần 40% những người bị bắt dưới 18 tuổi, trong khi 10% những người bị bắt vào Chủ nhật tuần trước là dưới 15 tuổi.
Kêu gọi tẩy chay Call of Duty vì Hong Kong
South Park “xin lỗi đểu” TQ sau khi bị chặn
Ngày càng nhiều trẻ em bị bắt hoặc bị thương trong các cuộc biểu tình những tuần gần đây.
Hôm 1/10, cảnh sát đã bắn vào ngực một học sinh trung học 18 tuổi, được cho là đã tấn công một cảnh sát.
Một em nhỏ 14 tuổi đã bị một sĩ quan cảnh sát mặc thường phục bắn vào đùi hôm thứ Sáu tuần trước, ở Yuen Long, một thị trấn phía Tây thành phố, trong một cuộc biểu tình chống lại lệnh cấm mang khẩu trang.
Trong một cuộc biểu tình gần đây, một em nhỏ 11 tuổi bị thương phải đưa vào bệnh viện.
Hong Kong cấm người biểu tình đeo mặt nạ?
Hong Kong: Biểu tình ‘tăng vọt’ tiếp sau lệnh cấm đeo khẩu trang
Lý do giới trẻ Hong Kong vẫn quyết tâm biểu tình?
Thứ Sáu tuần trước, bà Carrie Lam đưa ra lệnh cấm mang khẩu trang bằng cách viện dẫn những quy định có từ thời thực dân Anh quốc.
Bà Lâm nói rằng bà quan tâm sâu sắc đến các em học sinh, nhưng bà khăng khăng cho rằng, những người trẻ không nên tham gia vào các cuộc biểu tình. Theo bà, lệnh cấm đeo mặt nạ chỉ nhằm giúp phụ huynh, giáo viên và học sinh nhận ra rằng, các em học sinh không nên tham gia vào các hành vi này.
Các trường học trên khắp Hong Kong đã yêu cầu phụ huynh ký cam kết rằng, họ biết khẩu trang không nên được mang trong hoặc ngoài nhà trường, dù thực tế, lệnh cấm này chỉ áp dụng cho các cuộc biểu tình hoặc hội nghị công cộng.
Đây là sự đổ vỡ hoàn toàn niềm tin của những người trẻ vào chính phủ.Ông Chaneth Chan, Giáo sư khoa học chính trị, Đại học Baptist Hong Kong
Ông Chaneth Chan, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hong Kong, được tờ Guardian trích dẫn cho rằng, chính việc coi những người trẻ xuống đường đấu tranh là tội phạm và là những kẻ gây bạo loạn đã khiến khoảng cách giữa những người trẻ và các quan chức trở nên không thể thu hẹp.
“Đây là sự đổ vỡ hoàn toàn của niềm tin của những người trẻ vào chính phủ. Nó càng trở nên tồi tệ hơn vì bà Carrie Lam không có gì ngoài những biện pháp hà khắc để trấn áp và đe dọa những người trẻ và cha mẹ của họ,” ông nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50025611
Lộ nghi vấn cảnh sát TQ
‘trà trộn’ vào lực lượng cảnh sát Hồng Kông
Trong 3 tháng vừa qua, rất nhiều người biểu tình bị ‘cảnh sát Hồng Kông’ tấn công tại chỗ, xuất hiện nhiều vụ ‘tự sát’, khiến nhiều người cho rằng cách trấn áp biểu tình rất giống với cảnh sát Trung Quốc, theo tờ Secret China.
Hôm 4/10, đài VOA đưa tin ông Lưu Mộng Hùng, thành viên Ủy ban Tư vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc đã nghỉ hưu, đã tiết lộ: “Một cảnh sát Hồng Kông đăng trên Internet nói rằng, không biết vì lý do gì mà cấp trên đã yêu cầu anh ấy giao nộp quân hàm, số hiệu cảnh sát và cho anh ấy nghỉ phép. Khu vực đồn cảnh sát nơi anh ta làm nhiệm vụ, phát sinh một cuộc biểu tình, cấp trên không cho anh ta đi làm. Anh ta nhìn thấy một sỹ quan cảnh sát khác trong khu vực của mình, vẫn đeo mặt nạ khi trở về sau khi thi hành nhiệm vụ. Anh ấy đến chào hỏi nhưng đối tượng lại phớt lờ”.
Ông Lưu nói thêm: “Có đồng nghiệp khác còn nghe thấy, những người này nói tiếng phổ thông trong phòng tắm. Cảnh sát nghi ngờ rằng quân hàm và số hiệu của anh ấy đã cho cảnh sát ĐCSTQ mượn, để trà trộn vào Lực lượng cảnh sát Hồng Kông”.
Viên cảnh sát mà ông Lưu nhắc đến được cho là thuộc cảnh sát quận mới Bắc Hồng Kông.
Tờ Secret China trích lời viên cảnh sát, cho hay: “Sau ngày biểu tình quy mô lớn, bản thân tôi và các đồng nghiệp khác đã được yêu cầu giao nộp quân hàm và số hiệu cảnh sát, để nghỉ phép. Ngay cả khi những cuộc biểu tình có xảy ra trong khu vực của mình, chúng tôi cũng không được đi làm”.
Viên cảnh sát này còn nói thêm: “Tiểu đội Chiến thuật Đặc biệt (STS) sau khi thi hành nhiệm vụ trở về đã không cởi mặt nạ bảo vệ xuống, cũng không nói chuyện, không uống nước. Có đồng nghiệp khác phát hiện một số thành viên STS trao đổi với nhau bằng tiếng phổ thông trong phòng tắm. Tôi nghi ngờ có quân lính của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trà trộn vào Lực lượng cảnh sát Hồng Kông”.
Mặc dù bản thân không tin là quân đội Trung Quốc đã trộn vào lực lượng cảnh sát Hồng Kông, nhưng những sự cố này, đã khiến viên cảnh sát này thêm nghi ngờ.
Tờ Reuters cũng chỉ ra rằng, kể từ tháng 6/2019, số lượng quân đội ĐCSTQ đóng quân tại Hồng Kông ít nhất đã tăng lên gấp đôi. Cái gọi là “thay đổi quốc phòng” vào cuối tháng 9/2019 thực sự là một cuộc gia tăng quân số trá hình, nhiều cảnh sát vũ trang Trung Quốc cũng nhân cơ hội này thâm nhập vào Hồng Kông.
Trong 4 tháng qua, trước việc cảnh sát Hồng Kông đàn áp đẫm máu và tàn khốc những người biểu tình, dư luận cho rằng đây là thủ đoạn trấn áp biểu tình của quân đội và cảnh sát ĐCSTQ, bao gồm vụ thảm sát Nhà ga Thái Tử vào ngày 31/8 và những vụ được cho là “tự sát” hay “không có điểm khả nghi”.
Trung Quốc giảm kỳ vọng vào đàm phán thương mại
Các quan chức Bắc Kinh hạ thấp kỳ vọng vào đàm phán thương mại với Mỹ sau khi 28 thực thể Trung Quốc bị liệt vào danh sách đen.
“Dựa trên tình hình hiện tại, khả năng là trong tuần này, các cuộc đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể kết thúc trong bế tắc”, quan chức Trung Quốc giấu tên cho hay ngày 9/10.
“Đây không phải là việc dễ dàng. Nó đòi hỏi rất nhiều sự chuẩn bị và đồng thuận từ hai phía. Quan hệ thương mại hoặc quan hệ tổng thể giữa hai nước cần thêm thời gian để cải thiện”, quan chức này cho hay.
Nhận định được đưa ra sau khi Bộ Thương mại Mỹ hôm 7/10 liệt 28 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen với lý do các cơ quan, tổ chức này liên quan đến hành vi “vi phạm nhân quyền và ngược đãi” người Hồi giáo tại Tân Cương. Bắc Kinh cáo buộc Mỹ trừng phạt “vô căn cứ” và đang tìm cớ can thiệp nội bộ.
Các quan chức Trung Quốc cho rằng trong khi các cuộc đàm phán cấp thấp trước đây giữa Mỹ và Trung Quốc tạo được không khí tích cực thì động thái nói trên tạo ra bầu không khí tiêu cực.
Giới chức kinh tế và thương mại hàng đầu của hai nước chuẩn bị đàm phán tại Washington trong hai ngày 10 và 11/10, nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài 15 tháng đang đe doạ nền kinh tế toàn cầu. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin có mặt tại đàm phán.
Phát biểu với các phóng viên ở Washington hôm 9/10, Tổng thống Trump lạc quan rằng hai bên có cơ hội tốt để đưa ra một thoả thuận. “Theo tôi, Trung Quốc muốn đạt thoả thuận nhiều hơn tôi muốn”, ông nói. Tuy nhiên giới quan sát cho rằng sẽ không có tiến bộ thực sự đáng kể khi Tổng thống Mỹ quyết tăng thuế đối với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 25% lên 30% vào 15/10.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30791-trung-quoc-giam-ky-vong-vao-dam-phan-thuong-mai.html
Trung Quốc hy vọng
đạt hiệp định thương mại ‘một phần’ với Mỹ
Một tờ báo nhà nước Trung Quốc hôm 11/10 cho biết rằng một thỏa thuận thương mại “một phần” sẽ có lợi cho Trung Quốc và Mỹ, và Washington nên nhận lời đề nghị trên bàn đàm phán. Theo Reuters, điều này cho thấy mục tiêu của Bắc Kinh trong việc làm dịu đi căng thẳng trước khi bị áp thêm thuế quan của Mỹ.
Cả hai bên đã áp thuế hàng trăm tỷ đô la lên hàng hóa của nhau trong cuộc tranh chấp thương mại kéo dài 15 tháng qua, làm rung chuyển thị trường tài chính và làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu khi các công ty phải chuyển sản xuất đi nơi khác.
Trong khi các nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc hôm 10/10 kết thúc ngày đàm phán thương mại đầu tiên trong hơn hai tháng qua, các tập đoàn kinh doanh bày tỏ sự lạc quan rằng hai bên có thể giảm bớt xung đột và trì hoãn việc tăng thuế quan của Mỹ dự kiến có hiệu lực vào tuần tới.
Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, hôm 10/10 cho biết rằng Trung Quốc sẵn sàng đạt được thỏa thuận với Mỹ về các vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm để tránh xích mích dẫn đến bất kỳ sự leo thang nào nữa.
Ông Lưu Hạc nhấn mạnh rằng “phía Trung Quốc đã đến (đàm phán) với sự chân thành lớn”.
Thêm vào đó, tờ nhật báo chính thức của Trung Quốc, China Daily, cho biết trong một bài xã luận bằng tiếng Anh: “Một thỏa thuận một phần là một mục tiêu khả thi hơn”.
Tờ báo viết tiếp: “Nó không chỉ mang lại lợi ích hữu hình bằng cách phá vỡ sự bế tắc mà còn tạo ra khoảng nghỉ vô cùng cần thiết cho cả hai bên để suy ngẫm về bức tranh lớn hơn”.
Vài giờ trước khi cuộc họp dự kiến giữa ông Lưu Hạc và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 11/10, cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Quốc đã lần đầu tiên tiên công bố một thời gian biểu chắc chắn để loại bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài trong các hợp đồng tương lai, chứng khoán và các công ty quỹ tương hỗ.
Trung Quốc trước đây cho biết họ sẽ cởi mở thêm trong lĩnh vực tài chính theo các điều khoản riêng và theo tốc độ của riêng họ, nhưng thời điểm công bố hôm 11/10 cho thấy Bắc Kinh rất muốn thể hiện tiến bộ trong kế hoạch cho phép nước ngoài tiếp cận nhiều hơn trong lĩnh vực này, một trong những yêu cầu của Washington trong các cuộc đàm phán thương mại.
Theo các chuyên gia, một thỏa thuận tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang được coi là biểu tượng của sự tiến bộ trong các cuộc đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mặc dù điều đó sẽ lặp lại nhiều cam kết trong quá khứ của Trung Quốc nhưng sẽ không làm thay đổi mối quan hệ giữa đồng đô la và đồng nhân dân tệ, một vấn đề luôn được xem là khó khăn trong chính quyền Trump.
Phía TQ lên tiếng thận trọng
về kết quả đàm phán thương mại với Mỹ
Các quan chức Mỹ hôm thứ Sáu hứa hẹn sắp có một thỏa thuận “Giai đoạn 1” với Trung Quốc về một loạt các mâu thuẫn từ tài sản trí tuệ tới tiền tệ, nhưng Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của nhà nước Trung Quốc, thể hiện giọng điệu thận trọng hơn.
“Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận mà còn phải đợi thảo ra,” Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng sau hai ngày đàm phán thương mại cao cấp ở Washington, với nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc ngồi trong phòng.
“Có lẽ sẽ mất ba tuần, bốn tuần hoặc năm tuần,” ông nói, lưu ý rằng cả hai chính phủ sẽ cùng có mặt tại Chile để dự một một hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
“Có lẽ sẽ có thỏa thuận vào lúc đó hoặc có thể một lúc nào đó,” ông Trump nói. Ông nói cả hai bên đã đạt được đồng thuận về tài sản trí tuệ và dịch vụ tài chính.
Một bài viết ban đầu trên website tiếng Trung của Tân Hoa Xã, vốn dựa trên chỉ dẫn từ phái đoàn thương mại Trung Quốc, không đề cập đến bất cứ thỏa thuận cụ thể nào hay nói rằng một thỏa thuận có thể sẽ được kí trong vài tuần tới. Đây là phản ứng chính thức đầu tiên từ Trung Quốc sau khi kết thúc cuộc đàm phán.
“Hai bên đã có một cuộc thảo luận trung thực, hiệu quả cao và mang tính xây dựng trong các vấn đề kinh tế và thương mại, dưới sự dẫn dắt quan trọng từ chủ tịch và tổng thống của cả hai nước,” bài báo viết.
“Cả hai bên đã đạt được tiến bộ đáng kể trong nông nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ, tỉ giá hối đoái, dịch vụ tài chính, mở rộng hợp tác thương mại, chuyển giao công nghệ và giải quyết tranh chấp.”
Bài viết kết luận rằng hai bên “đã thu xếp để tổ chức các cuộc tham vấn tiếp sau đó, và nhất trí thực hiện những nỗ lực hướng tới một thỏa thuận cuối cùng.”
Trong một bài bình luận theo sau được đăng lên mạng vào sáng ngày thứ Bảy, Tân Hoa Xã nói rằng vòng đàm phán này đã dẫn đến “tiến bộ hợp lí, thực tiễn” và giúp ngăn xung đột thương mại leo thang và mở rộng. Nhưng bài bình luận cảnh báo rằng vẫn còn những bất định về nhiều vấn đề.
Bài bình luận lưu ý rằng quan hệ Trung Quốc-Mỹ đã trở nên phức tạp hơn và rằng “một số người muốn chính trị hóa các vấn đề kinh tế và thương mại. Tìm kiếm một giải pháp cho các vấn đề thương mại và kinh tế được cả hai nước chấp nhận có thể là một quá trình lâu dài.”
Ấn Độ – Trung Quốc tăng cường hợp tác
chống khủng bố
Tại cuộc họp không chính thức trong hai ngày 11 và 12/10/2019 tại Mahabalipuram, miền đông nam Ấn Độ, thủ tướng Ấn Độ và chủ tịch Trung Quốc cam kết đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố, bài trừ “nạn cực đoan hóa”. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan trong vùng Cachemire gia tăng.
Một quan chức bộ Ngoại Giao Ấn Độ nói đến cuộc trao đổi “rất tích cực và hiệu quả” giữa hai ông Narendra Modi và Tập Cận Bình.
Phía Tân Hoa Xã đưa tin thủ tướng Modi “nhiệt tình” tiếp đón chủ tịch Trung Quốc. Đôi bên đồng ý là Ấn Độ và Trung Quốc cần phải tôn trọng, tìm hiểu lẫn nhau, vì mục tiêu phát triển và bảo đảm thịnh vượng chung.
Thượng đỉnh không chính thức Ấn-Trung diễn ra trong bối cảnh New Delhi và Bắc Kinh trong những ngày qua đã bày tỏ bất đồng về tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan trong vùng Cachemire. Bắc Kinh ủng hộ chính quyền Islamabad và đặc biệt là đang có dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Cachemire, một vùng đất mà New Delhi cũng khẳng định chủ quyền.
Trước khi đến Mahabalipuram, lãnh đạo Trung Quốc đã có buổi làm việc với thủ tướng Pakistan tại Islamabad. Ông Tập Cận Bình đã khẳng định ủng hộ “quyền chính đáng” của Pakistan tại vùng Cachemire. Tuyên bố này khiến New Delhi phẫn nộ. Chính quyền Modi khuyến cáo nước ngoài không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Ấn Độ.
Vào mùa hè vừa qua, quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã xấu đi vì vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại vùng Kadakh, nơi Trung Quốc cũng đòi hỏi một phần chủ quyền lãnh thổ. Từ thập niên 1960, đây vẫn là một trở ngại trong quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191012-an-do-trung-quoc-tang-cuong-hop-tac-chong-khung-bo
Bộ trưởng Úc nói Trung Quốc hành xử tồi tệ
Trung Quốc đang hành xử theo cách không phù hợp với các giá trị của Úc bằng cách tấn công vào các đảng chính trị và các trường đại học Úc – Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton, một quan chức cao cấp trong chính phủ Úc tuyên bố hôm 11/10.
Chính khách Úc ‘ví’ Trung Quốc như phát xít Đức
TQ nói Úc không nên can thiệp Biển Đông
“Vấn đề của chúng tôi không nằm ở người dân Trung Quốc, cũng không phải từ cộng đồng người gốc Hoa tuyệt vời ở Úc, vấn đề ở đây là với Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính sách của họ không phù hợp với các giá trị của chúng tôi” – ông Dutton nói, theo Cơ quan Truyền thông Úc (ABC).
Những năm gần đây, quan hệ giữa Úc và Trung Quốc xấu đi giữa bối cảnh có nhiều cáo buộc nói rằng, Bắc Kinh đang can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước Úc.
Các quan chức Mỹ cũng lo lắng rằng, sự phụ thuộc kinh tế của Úc sẽ ảnh hưởng đến khả năng nước này đứng vững trước Trung Quốc.
Đồng thời, Úc cũng lo ngại trước việc Trung Quốc đang muốn gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương.
Các nhà lập pháp Úc đã tìm cách cải thiện mối quan hệ giữa hai nước bằng cách tránh đưa ra những chỉ trích công khai với Trung Quốc.
Tuy nhiên, lần này thì ông Peter Dutton cho biết Úc sẽ không im lặng, dù quan hệ thương mại giữa hai quốc gia này vẫn rất quan trọng.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, với thương mại hai chiều đạt giá trị hơn 180 tỉ đô la Úc (tức khoảng 122 tỉ Mỹ kim) vào năm ngoái.
ABC trích lời ông Dutton nói với các phóng viên ở Canberra rằng: “Chúng tôi có mối quan hệ thương mại rất quan trọng với Trung Quốc, nhưng chúng tôi sẽ không cho phép các sinh viên đại học [của Úc] bị ảnh hưởng quá mức.”
“Chúng tôi sẽ không cho phép lấy cắp tài sản trí tuệ và chúng tôi sẽ không cho phép các cơ quan chính phủ hoặc các cơ quan phi chính phủ của chúng tôi bị tấn công,” ông Dutton nói, theo ABC.
Ông Dutton cũng chỉ trích Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
“Mối đe dọa là có thật. Chúng tôi đang gặp vấn đề ở Biển Đông, ở Sri Lanka, với việc phát triển cảng biển tại đó.
“Hiện đã có những cuộc thảo luận tại Pakistan và Ấn Độ về những vấn đề này vào lúc này, các vấn đề ở châu Phi cũng vậy. Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Trung Quốc đưa ra, tôi nghĩ những đối thoại thẳng thắn là cần thiết,” ông nói.
Vanuatu bác tin sẽ để Bắc Kinh đặt căn cứ quân sựTQ đưa quân sang căn cứ quân sự Djibouti
‘Vành đai, Con đường’: Thêm ủng hộ, chưa hết nghi ngờ
Ông Dutton cũng bảo vệ quyết định của Chính phủ Úc cấm Huawei, một công ty viễn thông Trung Quốc, cung cấp thiết bị cho mạng di động 5G của Úc.
“Mối đe dọa là có thật. Chúng tôi đang gặp vấn đề ở Biển Đông, ở Sri Lanka…Ông Peter Dutton, Bộ trưởng Nội vụ Úc
Theo ABC, Trung Quốc đã phản ứng lại những lời chỉ trích trên và nói rằng, những bình luận của ông Dutton là một “trò hề độc hại.”
“Chúng tôi bác bỏ một cách có căn cứ những cáo buộc phi lý của ông Dutton đối với Trung Quốc, cáo buộc gây sốc và vô căn cứ,” Đại sứ quán Trung Quốc viết trong một tuyên bố, theo ABC.
“Chúng tôi lên án mạnh mẽ sự ác ý của ông ta đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Những lời nói vô lý như vậy làm tổn hại nghiêm trọng đến sự tin tưởng lẫn nhau giữa Trung Quốc và Úc và phản bội lợi ích chung của hai dân tộc,” tuyên bố viết.
Bắc Kinh trước đây từng phủ nhận việc họ đã tiến hành bất cứ hành vi nào không phù hợp.
Theo Reuters, hồi đầu tháng, tình báo Úc xác định Trung Quốc chịu trách nhiệm về một cuộc tấn công mạng vào quốc hội và ba đảng chính trị lớn nhất của Úc trước cuộc bầu cử liên bang vào tháng 5.
Tuy nhiên, hồi tháng trước, Thủ tướng Úc Scott Morrison từ chối xác nhận liệu Trung Quốc có đứng sau một cuộc tấn công mạng vào Tòa nhà Quốc hội của Canberra trước cuộc bầu cử hay không.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận sự liên quan đến bất kỳ cuộc tấn công mạng nào.
Bên cạnh đó, cũng theo Reuters, tin tặc tấn công vào Đại học Quốc gia Úc (ANU) – một trong những trường đại học uy tín nhất của nước này.
Báo cáo chính thức của Đại học Quốc gia Úc (ANU) cho thấy những lo ngại về việc Trung Quốc có thể sẽ gây ảnh hưởng đến nghiên cứu và sinh viên.
Hồi tuần trước, ANU cho biết rằng, các nhà điều tra của trường vẫn chưa thể xác định được ai chịu trách nhiệm cho vụ tấn công mạng vào đầu năm nay.
Úc: Thượng nghị sĩ sẽ từ chức vì ‘thỏa thuận với TQ’
Úc dự kiến thông qua luật chống nước ngoài can thiệp
Sinh viên nước ngoài đem lại khoảng 35 tỉ đô la Úc một năm cho nền kinh tế Úc, trong đó, sinh viên Trung Quốc chiếm khoảng một phần ba.
Việc các trường đại học Úc phụ thuộc vào nguồn tài chính từ sinh viên nước ngoài đã làm dấy lên lo ngại rằng, các chính phủ nước ngoài có thể gây ảnh hưởng lên đại học Úc.
Do đó, các trường đại học Úc hiện sẽ được yêu cầu làm việc với các cơ quan an ninh nhằm bảo đảm là họ được bảo vệ trước sự can thiệp từ nước ngoài.