Tin khắp nơi – 12/09/2019
Trump hoãn tăng thuế lên hàng Trung Quốc
trước đàm phán
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tạm hoãn việc tăng thuế theo kế hoạch lên 250 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc như là một “cử chỉ thiện chí”.
Trong tweet của mình, ông Trump cho biết mức tăng 5% như dự kiến vào ngày 1/10 sẽ bị hoãn lại trong hai tuần.
Ông nói rằng việc này xuất phát từ yêu cầu của phía Trung Quốc đi kèm với việc Bắc Kinh loại bỏ một số thuế đánh lên hàng hóa của Mỹ.
Trump có đúng về tình trạng mất việc ở TQ?
Thương chiến Mỹ-Trung: ‘Chúng ta đều phải trả giá’
Sự việc xảy ra trước khi hai bên chuẩn bị tổ chức các cuộc đàm phán mới nhằm giải quyết tranh chấp thương mại đã kéo dài.
Tháng trước, Mỹ cho biết sẽ tăng thuế lên tất cả hàng hóa Trung Quốc, bao gồm cả tăng thuế lên 250 tỷ đôla hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ 25% lên 30%.
Hôm thứ Tư, ông Trump cho biết Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He đã yêu cầu ông hoãn lại việc tăng thuế sắp tới từ ngày 1 tháng 10 vì đây là ngày Quốc Khánh của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Trước đó, Trung Quốc đã công bố danh sách 16 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ sẽ được miễn thuế bao gồm thuốc chống ung thư và thức ăn chăn nuôi.
Phần lớn hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc, như thịt lợn, đậu nành và xe hơi do Mỹ sản xuất vẫn sẽ bị đánh thuế nặng.
Căng thẳng gia tăng
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn kẹt trong một cuộc chiến thương mại ‘trầy da tróc vẩy’ trong năm qua đã làm tổn thương các doanh nghiệp và đặt gánh nặng lên nền kinh tế toàn cầu.
Căng thẳng leo thang trong những tháng gần đây và Washington cho biết họ đanh tính áp thuế lên tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vào cuối năm nay.
Trước bối cảnh đó, cả hai bên đang chuẩn bị trở lại bàn đàm phán.
Thương chiến Mỹ – Trung trong 400 từ
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung qua năm biểu đồ
Các cuộc họp sơ bộ dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng này tại Washington trước khi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin và đại diện thương mại Robert Lighthizer gặp ông Liu của Trung Quốc vào tháng 10.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng những cử chỉ mới nhất của Mỹ và Trung đã không mang họ lại gần nhau hơn cho lắm.
“Một thỏa thuận toàn diện vẫn chưa được nhìn thấy trong tương lai gần”, Gary Hufbauer từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết.
“Bắc Kinh đã chuẩn bị cho việc tiếp tục tăng thuế và những lời tuyên bố thù địch cho đến năm 2020. Và Trump không thể lùi bước mà không nhận được một cơn bão chỉ trích từ cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49671753
Triển khai tên lửa đáng sợ tới châu Á,
Mỹ tung con bài giúp “thay đổi cục diện”
Ở đâu đó trên vùng biển Thái Bình Dương, một chiến hạm tàng hình của hải quân Mỹ đang chở theo những loại vũ khí mới mà giới phân tích cho rằng có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh tại các khu vực tranh chấp như Biển Đông.
Tàu USS Gabrielle Giffords – một chiến hạm có hình dáng thon, dài, vận tốc cao và là tàu chiến đấu trên biển (LCS) – đã rời khỏi San Diego vào đầu tháng này, mang theo một mẫu tên lửa Naval Strike Missile (NSM) mới của hải quân Mỹ cùng một trực thăng không người lái để giúp nó khóa mục tiêu.
NSM là mẫu tên lửa hành trình trên biển rất khó bị radar phát hiện và có thể chuyển hướng để tránh các hệ thống phòng thủ của kẻ địch – theo Raytheon, nhà thầu quốc phòng chính của Mỹ đối với loại vũ khí này. NSM bắt cặp với trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout, được sử dụng để phát hiện các mục tiêu.
Theo đô đốc John Fage – phát ngôn viên Hạm đội 3 của hải quân Mỹ – nói rằng các vũ khí này sẽ giúp tăng khả năng tấn công của hải quân Mỹ.
“Lầu Năm Góc hiện đang xây dựng một lực lượng quân sự hoạt động bền vững, có cơ hội chiến đấu và sống sót tốt hơn khi đối đầu với chiến lược bao vậy, đánh chặn đầy nguy hiểm của PLA (Quân đội Nhân dân trung Quốc)” – theo chuyên gia phân tích quốc phòng của Rand Corp Timothy Heath, trong đó nhắc tới chiến thuật sử dụng hỗn hợp chiến hạm, phi cơ và tên lửa của PLA nhằm kiểm soát nhiều phần của Thái Bình Dương.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều tố lẫn nhau đang đẩy nhanh quá trình quân sự hóa khu vực Biển Đông. Hiện Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền (phi lý) với gần như toàn bộ diện tích vùng biển này. Kể từ năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường áp đặt các tuyên bố chủ quyền bằng cách quân sự hóa nhiều bãi cạn và đảo trên khắp Biển Đông và nói rằng hoạt động thường xuyên của hải quân Mỹ trong khu vực cho thấy Trung Quốc cần phải tăng cường khả năng bảo vệ các lợi ích của họ.
“Khi phải đối diện với những chiến hạm và phi cơ quân sự được trang bị vũ khí nhiều đến vậy, làm sao chúng tôi có thể không xây các cơ sở phòng thủ được?” – Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa từng nói tại Đối thoại Shangri-La hồi tháng 6 năm nay.
Tên lửa NSM có gì đáng sợ?
Tàu Gabrielle Giffords là chiếc LCS đầu tiên được triển khai cùng với tên lửa NSM, nhưng phần lớn các chiến hạm trong hạm đội LCS – dự kiến sẽ có số lượng lên tới trên 30 chiếc – đều sẽ được trang bị tên lửa này – giới chức hải quân Mỹ nói trước một tiểu ủy ban vũ trang Thượng viện hồi đầu năm nay.
Mẫu tàu chiến đấu ven biển có 2 biến thể, một là lớp biến thể 3 thân Independence như tàu Gifford và hai là lớp biến thể đơn thân lớp Freedom. Cả hai biến thể này đều được thiết kể để hoạt động ở các khu vực duyên hải hoặc vùng biển nông xung quanh đường bờ biển và các hòn đảo.
Tên lửa NSM từng trải qua một khoảng thời gian thử nghiệm khá ngắn ngủi trước khi được triển khai. Được phát triển bởi công ty Quốc phòng và Không gian Kongsberg của Na Uy, nó đã dược thử nghiệm thành công khi phóng từ tàu chiến đấu ven biển USS Coronado của Mỹ vào năm 2014. Hãng Raytheon sau đó trở thành nhà thầu chính cho Mỹ về loại tên lửa này vào năm 2018.
Điểm ưu việt của NSM chính là có tầm bắn trên 160 km, tức xa hơn 30% so với tên lửa Harpoon mà hải quân Mỹ thường sử dụng để diệt hạm. Thêm vào đó, khả năng phối hợp với trực thăng không người lái cho phép chiến hạm sử dụng NSM khóa mục tiêu nằm ngoài phạm vi phát hiện của radar mặt đất được trang bị trên tàu.
Trực thăng Fire Scout cho phép chiến hạm có được “tầm nhìn rộng hơn”, chuyên gia phân tích Carl Schuster, cựu đại tá hải quân Mỹ, nhận định. “Khả năng khóa mục tiêu cũng quan trọng như hệ thống tên lửa. Bạn chỉ có thể tấn công thứ mà bạn phát hiện được” – ông Schuster nói.
Ngoài ra, việc trang bị NSM cho các tàu tấn công ven biển cỡ nhỏ có thể giúp gỡ bỏ bớt gánh nặng đối với các tàu khu trục cỡ lớn hơn – vốn được thiết kế để chiến đấu ở các vùng nước sâu và khu vực rộng lớn hơn – theo chuyên gia Timothy Heath.
“Tôi cho rằng sẽ có thêm nhiều chiến hạm LCS sẽ vận hành ở khu vực Biển Đông, tháo bỏ gánh nặng cho các tàu cỡ lớn hiện vẫn đang phải làm nhiệm vụ tuần tra trong khu vực này” – ông Heath nói.
Dù hải quân Mỹ không chính thức công bố địa điểm mà tàu USS Gabrielle Gifford đang hướng tới, nhưng nhiều người ngờ rằng đó có thể là Singapore, nơi mà tàu USS Montgomery – cũng là một chiếc LCS nhưng không được trang bị tên lửa NSM – đã được triển khai tới trong mùa Hè năm nay.
“Nhiệm vụ của tàu USS Gabrielle Gifford sẽ là thực hiện các chiến dịch an ninh hàng hải, hợp tác đảm bảo an ninh, cung cấp khả năng phản ứng trước khủng hoảng và duy trì hiện diện hải quân ở bất cứ đâu cần tới nó. Tuy nhiên, chúng tôi không công khai chi tiết cụ thể bởi đó là vấn đề an ninh” – Đô đốc John Fage nói.
Trong năm nay, giới tướng lĩnh hải quân Mỹ từng nhiều lần nói về kế hoạch triển khai 2 tàu chiến đấu ven biển tới hoạt động ở gần Singapore, và sẽ triển khai thêm sau khi hạm đội LCS được hoàn thiện.
Thông điệp mà Mỹ muốn gửi đi là…
Việc triển khai các vũ khí tối tân trên tới Thái Bình Dương của Mỹ đã gửi đi một thông điệp quan trọng và cuối cùng có thể “thay đổi cục điện” trên vùng biển Tây Thái Bình Dương, nơi mà Trung Quốc đang nắm giữ lợi thế 3-chọi-1 xét về số lượng tên lửa hành trình so với Mỹ – ông Schuster nhận định.
“Đây là bước đi đầu tiên hướng tới việc giải quyết sự bất cân bằng sức mạnh đó, và các bước tiếp theo sẽ xuất hiện trong các năm tới đây” – ông Schuster nói.
Các vũ khí này không chỉ gửi tới thông điệp tới Trung Quốc mà còn tới các đối tác của Mỹ tỏng khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
“Hiệu ứng từ việc triển khai này sẽ giúp tăng cường uy tín của Mỹ về sức mạnh đánh chặn trong khu vực” – ông Heath cho hay – “Nó cũng giúp cho quan hệ đối tác với nước Mỹ bớt rủi rỏ hơn, bởi các khoản đầu tư trong việc triển khai này cho thấy rõ cam kết của Mỹ với khu vực”.
Washington trước nay vẫn nỗ lực tạo hình ảnh một đối tác đáng tin cậy hơn là Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là trên Biển Đông – nơi mà họ thường xuyên thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải. Trong khi Trung Quốc – tuyên bố chủ quyền (phi lý) đối với gần như toàn bộ Biển Đông – cáo buộc sự hiện diện của quân đội Mỹ đe dọa hòa bình và sự ổn định trong khu vực.
Hải quân Mỹ lên kế hoạch đồ sộ
nhằm bảo vệ các chiến hạm trên biển
Nếu tên lửa hành trình, hỏa lực từ trực thăng chiến đấu và thậm chí bom của chiến đấu cơ đe dọa các chiến hạm của hải quân Mỹ trên biển, các tướng lĩnh có thể triển khai hàng loạt lớp phòng thủ tức thì bao gồm các tên lửa đánh chặn, hệ thống súng trên boong tàu, tác chiến điện tử và thậm chí là vũ khí laser…để phản ứng.
Sự chuẩn bị của hải quân Mỹ cho kiểu kịch bản này còn bao gồm các hệ thống radar, các bộ cảm biến tầm xa và hoạt động do thám phối hợp từ cả trên không, trên mặt đất và trên biển – tất cả đều nhằm ngăn chặn lập tức các đòn hỏa lực đang tới gần của kẻ địch.
Trên thực tế thì việc xử lý những tình huống bất ngờ như vậy lại phụ thuộc vào một khía cạnh ít được quan tâm đến trong chiến tranh trên biển – đó là chiến tranh thông tin. Mỗi một hệ thống vũ khí phòng thủ đều cần dữ liệu chính xác về mục tiêu để có thể truyền lại cho các hệ thống khai hỏa và tổ hợp cảm biến – vũ khí. Vì lý do này mà hải quân Mỹ đang tập trung hơn vào việc huấn luyện một thế hệ chiến binh thông tin mới được trang bị đầy đủ kỹ năng cần thiết để ngăn chặn các đòn tấn công của kẻ thù ở cả thời điểm hiện tại lẫn trong 20 năm sau.
Theo một bản báo cáo của hải quân Mỹ mới đây, nhiệm vụ này được giao cho Trung tâm Huấn luyện Chiến tranh Thông tin (CIWT) của hải quân, một chương trình đặc biệt nhằm mục đích cải thiện quá trình đồng bộ hóa thông tin chiến tranh với dữ liệu nhạy cảm trên chiến trường được các chuyên gia tình báo tổng hợp. Tính đến nay, trung tâm này đã huấn luyện được trên 21.000 học viên.
“Một chuyên gia tình báo hải quân chịu trách nhiệm theo dõi mục tiêu theo thời gian thực, bảo vệ các chiến hạm trước các mối đe dọa, điều khiển máy tính và các trang thiết bị thông tin liên lạc của hạm đội” – báo cáo nêu rõ. Các mối đe dọa bắt nguồn từ vũ khí công nghệ cao ngày nay cũng làm tăng thêm sự phức tạp của các đòn phản ứng cần thiết.
Và trong kiểu nhiệm vụ phản ứng này – phụ thuộc rất nhiều vào chiến tranh thông tin – các chiến hạm Mỹ thường phải vận tới các vũ khí điện tử và vũ khí mạng tối tân để dập tắt các nguy cơ đang tới gần, gây ra do các vật thể hoặc cấu trúc đang chuyển động. Ví dụ, có rất nhiều đòn tấn công mạng hoặc đòn tác chiến điện tử của kẻ địch cần phải được giải mã hoặc cô lập khỏi các dữ liệu và dải tần số xung quanh.
Việc thu hẹp các tín hiệu điện tử bằng các biện pháp truyền tải có độ chính xác cao chính là một lĩnh vực chủ chốt trong chiến tranh thông tin hiện đại. Một tín hiệu điện tử được phân tán rộng rãi có thể dễ dàng bị kẻ địch phát hiện, từ đó khiến thông tin về địa điểm của một chiến hạm bị lộ. Trong khi, một dải điện từ hẹp lại khó bị phát hiện hơn. Hiện nay, các nhà phát triển công nghiệp, như CACI, đang tìm cách tận dụng các hệ thống tín hiệu tình báo (SIGNT) để đạt được điều đó.
Các đòn tấn công mạng – thường là tấn công phising, tấn công từ chối dịch vụ hay cài mã độc – thường ẩn chứa rủi ro làm sập toàn bộ hệ thống vũ khí được kết nối với nhau. Khả năng nhận diện và dập tắt các đòn tấn công kiểu này hiện đang là chương trình ưu tiên trong khóa huấn luyện thế hệ kỹ sư mới của hải quân Mỹ, bởi trong thời điểm mà các hệ thống vũ khí được liên kết chặt chẽ với nhau như hiện nay, cả điểm mạnh lẫn điểm yếu đều tồn tại song song. Ví dụ, một hệ thống điều khiển vũ khí chỉ cần có một lỗ hổng nhỏ để mã độc xâm nhập là cả hệ thống có thể bị đánh sập.
Mục tiêu chính của hải quân là tìm kiếm và “ngăn chặn” cái gọi là “đường phương vị”, trong đó xác định vị trí, vận tốc và quỹ đạo của đòn tấn công sắp xảy ra. Xác định rõ mục tiêu trên, bản báo cáo của hải quân Mỹ cho hay “CIWT chịu trách nhiệm huấn luyện các kỹ sư mật mã, kỹ sư hệ thống thông tin, chuyên gia tình báo và kỹ sư điện tử. CIWT cũng tổ chức các khóa huấn luyện về chiến tranh mật mã, thông tin, tình báo cho các sỹ quan để giúp họ có đủ kỹ năng ứng phó trong trường hợp xảy ra chiến sự”.
Một trong số các chuyên viên huấn luyện tình báo của CIWT, ông Philip Burrow, cho hay một trong những yếu tố tối quan trọng trong khóa huấn luyện này chính là sử dụng các cơ sở kỹ thuật để nhanh chóng nắm được các thông tin giúp họ “hiểu rõ về địch thủ”.
Hiểu rõ về địch thủ sẽ giúp họ nắm được thông tin cơ sở để tung ra các đòn đánh lạc hướng trong chiến tranh – trong đó vận dụng hàng loạt các vũ khí mạng, vũ khí điện tử, radio hay thậm chí vũ khí động lực học nhằm đánh lạc hướng, gây rối loạn và đánh lừa kẻ địch. Ví dụ, một chiến hạm có thể phát đi một tín hiệu điện tử từ một vị trí giả, khai hỏa vũ khí từ một địa điểm giả hay thiết kế nguyên một chiến hạm “tàng hình” chuyên để vượt mặt các hệ thống radar – giống như trường hợp của tàu khu trục lớp Zumwalt của Mỹ.
Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở thủ đô Afghanistan
bị bắn đạn pháo đúng ngày 9/11
Tin Kabul, Afghanistan – Một trái đạn pháo đã phát nổ tại Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Afghanistan, chỉ vài phút sau khi khu vực này bước vào ngày 11 tháng 9, cũng là ngày tưởng niệm vụ tấn công 9/11 tại Hoa Kỳ.
Khoảng 1 giờ sau đó, tòa đại sứ thông báo tình hình đã an toàn và không có ai bị thương. Một cột khói lớn đã bốc lên tại khu trung tâm thủ đô Kabul không lâu sau nửa đêm. Bên trong tòa đại sứ Hoa Kỳ, các nhân viên được thông báo rằng một trái đạn rocket đã nổ trong khuôn viên tòa nhà. Cơ quan NATO ở gần đó cho biết trụ sở của họ không bị ảnh hưởng.
Đây là vụ tấn công lớn đầu tiên tại thủ đô Kabul kể từ sau khi Tổng Thống Trump đột ngột hủy bỏ các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban. Trước đó, 2 xe bom của Taliban đã phát nổ tại Kabul vào tuần trước, giết chết một số thường dân và 2 binh sĩ NATO, bao gồm cả 1 quân nhân Hoa Kỳ. Tổng Thống Trump nói cái chết của binh sĩ Hoa Kỳ này chính là lý do ông ngừng đàm phán với Taliban.
Ngày 11 tháng 9 là một ngày nhạy cảm tại Hoa Kỳ và cả Afghanistan. Không lâu sau các vụ khủng bố năm 2001 trên đất Mỹ, cuộc tấn công do Hoa Kỳ dẫn đầu đánh vào Afghanistan đã lật đổ chế độ Taliban, chính quyền Hồi giáo đã dung dưỡng Osama bin-Laden, lãnh đạo Al-Qaeda và là chủ mưu vụ tấn công 9/11. Trong gần 18 năm chiến tranh, số lượng binh sĩ Hoa Kỳ tại Afghanistan đã tăng lên đến 100,000 quân, và giảm đáng kể sau khi Bin-Laden bị tiêu diệt tại nước láng giềng Paksitan vào năm 2011. Hiện tại, Hoa Kỳ còn khoảng 14,000 quân tại Afghanistan, và Tổng Thống Trump đang cố gắng giảm con số này vì cho là quá tốn kém.
Hiện chưa rõ khi nào các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Taliban mới khôi phục trở lại. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/toa-dai-su-hoa-ky-o-thu-do-afghanistan-bi-ban-dan-phao-dung-ngay-9-11/
Mỹ kích hoạt hiệp ước phong thủ TIAR với Nam Mỹ
để chống Venezuela
Hôm nay, 12/09/2019, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo là Mỹ đã kích hoạt một thỏa thuận hợp tác quân sự khu vực để đáp trả các « động thái hiếu chiến » của tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Trong một thông cáo, ông Pompeo giải thích, việc kích hoạt thỏa thuận mang tên Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương Liên Mỹ TIAR, là theo yêu cầu của lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido.
Theo ngoại trưởng Mỹ : « Nhiều động thái hiếu chiến gần đây của quân đội Venezuela, được triển khai dọc biên giới với Colombia, cũng như sự hiện diện các nhóm vũ trang phi pháp và tổ chức khủng bố trên lãnh thổ Venezuela, chứng minh là ông Nicolas Maduro không chỉ là hiểm họa cho dân chúng Venezuela, mà còn đe dọa hòa bình và an ninh của các nước láng giềng. »
Tuyên bố của ngoại trưởng Pompeo đã được tổng thống Mỹ chuyển đi nguyên văn trong một tin nhắn Twitter.
Theo thông báo của bộ tham mưu quân đội Venezuela ở Caracas, thừa lệnh của tổng thống Maduro, từ hôm thứ Ba (10/09/2019), 150.000 binh lính Venezuela đã bắt đầu được triển khai ở vùng biên giới dài 2.200 cây số với Colombia để tập trận. Ông Maduro tố cáo láng giềng Colombia đã có « âm mưu » khởi động một cuộc chiến.
Tổng thống Colombia Ivan Duque cho biết là ông không rơi vào bẫy « khiêu khích », và đã gạt bỏ khả năng can thiệp quân sự chống Venezuela.
Hiệp ước TIAR còn được biết dưới tên gọi Hiệp Ước Rio, đã được thông qua từ năm 1947, dự trù những biện pháp khác nhau, từ cắt đứt quan hệ ngoại giao đến việc sử dụng vũ lực.
Trong thông cáo, ngoại trưởng Mỹ còn đả kích chính sách kinh tế thảm hại của ông Maduro, khiến người dân phải bỏ đi sang các nước láng giềng. Theo Liên Hiệp Quốc, đã có 3,6 triệu người Venezuela phải bỏ xứ ra nước ngoài lánh nạn kể từ năm 2016.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190912-my-hiep-uoc-phong-thu-tiar-nam-my-chong-venezuela
Donald Trump không loại trừ khả năng
giảm trừng phạt Téheran
Ngày 11/09/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không loại trừ khả năng giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt nhắm vào Iran, nhằm mở đường cho một cuộc gặp với đồng nhiệm Hassan Rohani.
Trong thời gian gần đây, cụ thể là từ đầu tháng 9 này, tổng thống Mỹ đã nhiều lần gợi lên khả năng tiếp xúc trực tiếp với tổng thống Iran, mà cơ hội có thể là bên lề khóa họp sắp tới của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York. Tuy nhiên, tổng thống Iran Hassan Rohani đã nêu lên một điều kiện tiên quyết là Washington phải giảm nhẹ trừng phạt nhắm vào Teheran.
Khi được hỏi về việc bãi bỏ một phần trừng phạt để đáp ứng điều kiện của Iran cho một cuộc gặp thượng đỉnh, ông Trump không trả lời rõ, chỉ cho biết là « sẽ xem xét » vấn đề này. Tuy nhiên, nguyên thủ Mỹ cũng nhấn mạnh rằng « Iran có tiềm năng to lớn », và nước Mỹ không hề tìm kiếm « một sự thay đổi chế độ » ở Teheran.
Ông Trump xác định rằng Hoa Kỳ « hy vọng đạt được một thỏa thuận, nhưng nếu không được thì cũng không sao », nhưng theo ông « họ cũng muốn đạt được (thỏa thuận) vì chưa bao giờ ở trong tình huống như hiện nay ». Ông Trump đã gợi lên những « khó khăn tài chính rất lớn » của Iran.
Theo hãng tin Bloomberg, trong một cuộc họp mới đây tại Nhà Trắng, ông Trump đã thẳng thắn nhắc đến giả thuyết giảm trừng phạt đánh đổi với một cuộc gặp trực diện với ông Hassan Rohani. Ý tưởng này được bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin ủng hộ nhưng bị cựu cố vấn an ninh John Bolton cực lực phản đối. Việc ông John Bolton ra đi hôm 10/09, có thể tạo điều kiện dễ dàng cho cuộc gặp khó thể tưởng tượng được trước đây.
Hồi đầu tuần qua, ông Trump còn khẳng định : « Tất cả đều có thể xẩy ra » khi trả lời câu hỏi về khả năng một cuộc gặp giữa hai người vào cuối tháng 9 này bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Theo hãng tin Pháp AFP, khả năng ông Donald Trump tạo điều kiện để gặp đồng nhiệm Iran Hassan Rohani là điều rất khả dĩ vì tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ là người rất thích những cái bắt tay lịch sử và luôn muốn đi mạo hiểm đến những nơi mà những người tiền nhiệm chưa bao giờ đi tới. Ví dụ rõ nhất là các cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190912-donald-trump-giam-trung-phat-teheran-qt
Chính phủ Trump sẽ cấm các loại hương vị
dùng trong thuốc lá điện tử
Vào hôm Thứ Tư (11 tháng 9), Tổng Thống Trump cho biết chính phủ liên bang sẽ tiến hành cấm hàng ngàn loại hương vị dùng trong thuốc lá điện tử, như một biện pháp đối phó với sự gia tăng gần đây của việc hút thuốc lá điện tử ở trẻ vị thành niên.
Bộ trưởng Bộ Y tế Alex Azar cho biết Cơ Quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) sẽ công bố các hướng dẫn, để loại bỏ khỏi thị trường tất cả các hương vị thuốc lá điện tử, ngoại trừ vị thuốc lá truyền thống. Tổng Thống Trump cho biết thuốc lá điện tử hiện đã trở thành một vấn đề lớn, và ông muốn các bậc phụ huynh phải biết rõ hơn về việc này.
Những bình luận công khai đầu tiên của Tổng Thống Trump về thuốc lá điện tử được đưa ra khi các cơ quan y tế điều tra hàng trăm bệnh hô hấp được báo cáo ở những người đã sử dụng thuốc lá điện tử và các thiết bị tương tự. Mặc dù vẫn chưa xác định được thiết bị hay thành phần nào là nguyên nhân gây ra các căn bệnh, nhưng đã có nhiều trường hợp mắc bệnh do bệnh nhân sử dụng cần sa trong thiết bị hút thuốc của họ.
Lệnh cấm được chính quyền công bố sẽ chỉ áp dụng cho các sản phẩm thuốc lá điện tử chứa nicotine do FDA phê chuẩn. Theo đài KTLA5, FDA đã có thẩm quyền cấm các loại hương vị dùng trong thuốc lá điện tử kể từ năm 2016, nhưng cơ quan này cho đến nay vẫn chưa thực hiện việc này. Các viên chức của cơ quan cho biết họ đang nghiên cứu liệu các loại hương vị trên có thể giúp người hút thuốc bỏ thuốc lá truyền thống hay không. Tuy nhiên, các phụ huynh, giáo viên và những người ủng hộ sức khỏe đã kêu gọi ban lệnh cấm hương vị trong thuốc lá điện tử, vì cho rằng chúng chính là nguyên nhân gây ra sự bùng nổ nạn hút thuốc lá điện tử ở trẻ vị thành niên Hoa Kỳ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/chinh-phu-trump-se-cam-cac-loai-huong-vi-dung-trong-thuoc-la-dien-tu/
Mỹ: Tòa án Tối cao cho TT Trump
từ chối người tị nạn Trung Mỹ
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ hôm 11/9 cho phép Tổng thống Trump thực thi một quy định mới, vốn sẽ cắt giảm đơn xin tị nạn của các di dân trên biên giới Mỹ và Mexico, mà Reuters nói là một thành tố chính trong chính sách cứng rắn về di dân của ông.
Tòa án nói rằng quy định, vốn yêu cầu phần lớn các di dân muốn xin tị nạn bước đầu tiên phải tìm nơi trú tạm an toàn ở một nước thứ ba mà họ đi qua trên đường tới Mỹ, có thể có hiệu lực trong khi có kiện tụng nhằm thách thức tính pháp lý của quy định này.
Giới chức Mỹ khen ngợi các nước hỗ trợ giảm gánh nặng di dân
Quy định mới cấm hầu như tất cả các di dân nộp đơn xin tị nạn tại biên giới phía nam.
Trong số 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao, hai thẩm phán có tư tưởng tự do Sonia Sotomayor và Ruth Bader Ginsburg không đồng quan điểm.
Theo Reuters, phán quyết trao thắng lợi cho ông Trump vào thời điểm phần lớn chương trình nghị sự về di dân của ông đã bị các tòa án cấp thấp hơn bác bỏ.
Nữ thương gia Trung Cộng bị kết tội xâm phạm
tài sản khu Mar-a-Lago của tổng thống Trump
Tin từ Fort Lauderdale, Florida – Vào hôm thứ Tư (11/9), Yujing Zhang, một nữ thương gia Trung Cộng bị kết án vì tội đột nhập vào câu lạc bộ Mar-a-Lago của Tổng thống Trump, và nói dối với các nhân viên Mật vụ.
Vào hôm thứ Tư (11/9), Bồi thẩm đoàn liên bang gồm 10 nữ, hai nam đưa ra phán quyết sau bốn giờ thảo luận tại Fort Lauderdale, Florida, về vụ án của Yujing Zhang. Nhà tư vấn kinh doanh Thượng Hải 33 tuổi này đang phải đối mặt với án tù lên đến 6 năm khi bị kết án vào ngày 22 tháng 11.
Bị cáo không có phản ứng gì khi bản án được đọc. Sau đó, cô trò chuyện một cách bình tĩnh với các cảnh sát liên bang, thảo luận về những gì sẽ xảy ra với các giấy tờ pháp lý của cá nhân. Cô mỉm cười với những luật sư công đang chờ đợi và được các cảnh sát dẫn ra ngoài.
Cô Zhang tự đóng vai trò là luật sư riêng của cá nhân, sau khi sa thải những luật sư công vào tháng Sáu. Cô bị bắt vào ngày 30 tháng 3 sau khi các nhà chức trách cho biết cô nói dối với một nhân viên Mật vụ, rằng cô đang ở đó để thăm hồ bơi. Điều đó dẫn đến sự nhầm lẫn về việc liệu cô có phải là con gái của một thành viên hay không. Cô được đưa đến sảnh, sau đó thông báo với một nhân viên tiếp tân rằng cô có mặt ở đó cho một sự kiện hữu nghị của Liên Hiệp Quốc vào tối hôm đó, và đến sớm để chụp ảnh. Sự kiện đó bị hủy bỏ và cô Zhang đã được thông báo. (Mộc Miên)
Ông Trump tìm người thay thế John Bolton
Tổng thống Donald Trump ngày 11/9 tuyên bố ông đang cứu xét 5 người “có khả năng rất cao” để thay thế ông John Bolton trong chức vụ cố vấn an ninh quốc gia.
Phát biểu với phóng viên tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump nói ông Bolton, người bị ông cách chức bất thình lình ngày 10/9, đã phạm một số sai lầm trong đó có việc xúc phạm nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bằng cách yêu cầu ông Kim theo “mẫu hình của Libya” và giao nộp tất cả vũ khí hạt nhân”.
Ông Trump nói có nhiều người muốn thay thế vị trí của ông Bolton.
“Có 5 người tôi xem như có khả năng rất cao,” ông Trump nói nhưng không nêu tên ai.
“Chúng tôi sẽ loan báo vào tuần tới, nhưng chúng tôi có một vài người có khả năng rất cao.”
Tổng thống Trump nói ông có mối quan hệ hữu hảo với ông Bolton và hy vọng đôi bên chia tay tốt đẹp, nhưng ông Trump cũng nói thêm là cựu cố vấn an ninh quốc gia đã đi chệnh hướng về vấn đề Venezuela, vốn là một trong những thách thức hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Dù ông Trump và ông Bolton hầu như đồng điệu trong việc đẩy Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ra khỏi quyền lực, nhưng Tổng thống Trump ngày càng mất kiên nhẫn về sự thất bại trong chiến dịch chế tài và ngoại giao do Mỹ lãnh đạo để lật đổ lãnh đạo theo chủ nghĩa xã hội của Venezuela.
Trong số các tên tuổi được đồn đoán có khả năng kế vị ông Bolton có ông Stephen Biegun, đặc sứ Hoa Kỳ về Triều Tiên; Richard Grenell, Đại sứ Mỹ tại Đức; nhà thương thuyết Robert O’Brien; và Phó Ngoại trưởng John Sullivan.
Được hỏi có tính tới việc nới lỏng chế tài Iran để có thể gặp Tổng thống Hassan Rouhani tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc trong tháng này hay không, ông Trump trả lời “Chúng ta sẽ thấy điều gì xảy ra.”
Triều Tiên cáo buộc ông Bolton là kẻ “cuồng tín chiến tranh” và là “cặn bã của nhân loại”.
Ông Bolton từng đề nghị sử dụng lực lượng quân sự để lật đổ gia đình họ Kim và các giới chức Mỹ nói ông chịu trách nhiệm trong thất bại của cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai tại Hà Nội vào tháng 2 năm nay.
Các nỗ lực giao tiếp với Triều Tiên gần như tiêu tan sau khi ông Trump theo lời khuyến nghị của ông Bolton tại Hà Nội trao cho ông Kim một mẫu giấy kêu gọi chuyển giao tức thì các vũ khí hạt nhân và nguyên liệu chế bom cho Mỹ.
Mẫu giấy này cũng cho thấy lập trường lâu nay của ông Bolton là đơn phương phi hạt nhân hóa theo “mẫu Libya” mà Triều Tiên liên tục bác bỏ và các nhà phân tích nói việc này bị ông Kim xem như là nhục mạ và khiêu khích.
Ông Trump cho biết là đã cách chức ông Bolton một ngày sau khi Triều Tiên ra chỉ dấu muốn tái tục các cuộc thương thuyết về phi hạt nhân hóa vốn đang bị chựng lại, nhưng sau đó Bình Nhưỡng lại tiến hành một loạt thử nghiệm phi đạn nữa.
Các nhà phân tích nói việc cách chức ông Bolton có thể giúp tái khởi động các cuộc thương thuyết, nhưng sẽ không giúp mục đích của Washington thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân dễ dàng hơn.
Thêm một phụ tá Tòa Bạch Ốc từ chức
Thêm một phụ tá của Tòa Bạch Ốc từ chức, tổ chức bất vụ lợi do ông đồng sáng lập loan báo ngày 11/9. Quan chức này từng cương quyết cho rằng khí thải CO2 tốt cho hành tinh và đã nỗ lực thành lập một ủy ban chất vấn các phương pháp khoa học về khí hậu dùng trong các phúc trình quân sự và tình báo của Mỹ.
Ông William Happer, giáo sư vật lý đã hồi hưu của trường Đại học Princeton, đã nỗ lực thành lập một ủy ban của Hội đồng An ninh Quốc gia để chất vấn khoa học dùng trong các phúc trình cho thấy biến đổi khí hậu do con người gây ra tạo nên những nguy cơ về an ninh quốc gia.
Ông Happer và những người khác trong Hội đồng An ninh Quốc gia đã bắt đầu các công đoạn để thành lập ủy ban vào tháng 2 năm nay. Tuy nhiên, thiếu sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump nên ý tưởng bị đình hoãn.
Lãnh đạo của ông Happer tại Hội đồng An ninh Quốc gia là ông John Bolton, người bị Tổng thống cách chức hôm 10/9 vì những bất đồng về chính sách đối với Triều Tiên, Iran và Afghanistan. Ông Bolton ủng hộ ủy ban của ông Happer và cố gắng thuyết phục các giới chức quân đội và tình báo rằng đây là một ý tưởng hay.
Liên minh CO2, một tổ chức bất vụ lợi do ông Happer đồng sáng lập vào năm 2015, nói ông sẽ từ chức vào ngày 13/9.
Tổ chức này nói rằng họ được lập ra để nói cho các nhà hoạch định chính sách biết “về sự đóng góp quan trọng của CO2 đối với đời sống và nền kinh tế của chúng ta”. Tổ chức này cho rằng CO2 mà các nhà khoa học đổ lỗi đã làm trái đất ấm dần lên có lợi cho sự phát triển của cây cỏ.
Ông Happer nói với đài truyền hình CNBC vào năm 2014 là CO2 đã bị ác quỷ hóa “giống như việc ác quỷ hóa người nghèo Do Thái dưới thời Hitler.”
Ông Trump liên tục đặt nghi vấn là liệu con người có gây nên biến đổi khí hậu hay không. Ông Trump đã nổi giận với những phúc trình của quân đội và các cơ quan tình báo rằng biến đổi khí hậu gây ra những nguy cơ về an ninh quốc gia. Chính quyền của ông Trump đã theo đuổi những chính sách gia tăng sản lượng dầu mỏ, khí đốt và giảm bớt những giới hạn khí thải của các nhà máy điện, xe cá nhân và xe tải.
Các căn cứ quân sự Mỹ trong đó có căn cứ Lejeune tại North Carolina, đã thiệt hại hàng tỉ đô la từ những cơn bão gần đây. Bão lụt và hạn hán gia tăng vì biến đổi khí hậu có thể gây tổn hại cho quân đội vì phải gia tăng các sứ mạng nhân đạo trên toàn thế giới.
Tàu chiến Canada đi qua eo biển Đài Loan
Chính phủ Canada cho biết họ điều một tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, ba tháng sau một hoạt động tương tự giữa tình hình căng thẳng trong quan hệ Bắc Kinh – Ottawa.
Những hành động này thường khiến Trung Cộng phẫn nộ. Trung Cộng tuyên bố vùng Đài Loan dân chủ và tự trị là một phần của lãnh thổ của họ. Vào tháng Tư, Bắc Kinh lên án quyết định của Pháp về việc gửi một tàu khu trục qua eo biển là bất hợp pháp. Trung Cộng cũng bất bình về việc các tàu hải quân Hoa Kỳ thường xuyên đi qua tuyến đường thủy này.
Chính phủ Canada cho biết tàu khu trục HMCS Ottawa đi qua eo biển Đài Loan vào hôm thứ Hai và thứ Ba. Vào tháng 6, hai tàu Canada cũng đi qua eo biển hẹp ngăn cách Đài Loan với Trung Cộng, nhưng lại phủ nhận việc Canada đang cố gắng đưa ra bất kỳ quan điểm chính trị nào. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết con tàu mới nhất đi qua eo biển theo hướng phía nam, và được theo dõi bởi các lực lượng quân sự Đài Loan.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Cộng tuyên bố rằng Trung Cộng đã không chấp nhận trường hợp ngoại lệ về việc tàu chiến nước ngoài “di chuyển bình thường” qua eo biển Đài Loan.
Quan hệ Canada – Trung Cộng căng thẳng rõ rệt trong năm qua. Do phẫn nộ vì cảnh sát Canada bắt giữ giám đốc tài chính của Huawei Technologies vào ngày 1 tháng 12 theo lệnh của Hoa Kỳ, Trung Cộng chặn việc nhập cảng các sản phẩm thịt và hạt cải từ Canada, và buộc tội hai người đàn ông Canada về hành vi gián điệp. Tuy nhiên, gần đây cả hai quốc gia bổ nhiệm các đại sứ mới tại thủ đô, một dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa hai bên có thể đang cải thiện. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tau-chien-canada-di-qua-eo-bien-dai-loan/
Cuba đối mặt với thiếu hụt nhiêu liệu
vì bị Mỹ trừng phạt
Cuba phải thực thi các biện pháp khẩn để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng trong tháng Chín vì việc chính quyền của TT Trump tìm cách chặn các chuyến hàng chở dầu tới nước này, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel nói hôm 11/9, theo Reuters.
Đảo quốc này phải hạn chế sử dụng nhiên liệu vì tình trạng thiếu hụt, dù một tàu cung cấp nhiên liệu sẽ cập cảng vào ngày 14/9 và một tàu khác sẽ tới vào cuối tháng Chín, ông Diaz-Canel nói trong một cuộc thảo luận bàn tròn trên truyền hình nhà nước.
Ông nói rằng mọi chuyến hàng cho tháng 10 đã được bảo đảm.
Cuba nhờ Canada giúp chấm dứt chế tài của Mỹ lên Venezuela
Nền kinh tế của Cuba đã đối mặt với tình trạng thiếu hụt tiền mặt kể từ năm 2015, sau khi vấp phải tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu từ đồng minh tả khuynh Venezuela.
Điều đó buộc chính quyền Cuba phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Kể từ đó, chính quyền của Tổng thống Trump đã thắt chặt biện pháp trừng phạt Cuba, vốn kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua, nhằm buộc Cuba cải cách và từ bỏ ủng hộ đối với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Anh thừa nhận tác hại
của Brexit không có thỏa thuận với châu Âu
Chính phủ Anh ngày 11/09/2019 đã công bố những kết luận của bản phúc trình « Chiến dịch Yellowhammer », đánh giá các tác động tai hại nhất của kịch bản Vương Quốc Anh rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận, gọi là Brexit No Deal.
Vào tuần trước, Hạ Viện Anh đã bỏ phiếu buộc chính phủ của ông Boris Johnson là phải công bố các chi tiết của bản báo cáo này, được soạn thảo để dự phòng trường hợp Brexit no deal.
Một số trích đoạn của bản báo cáo bị rò rỉ vào tháng 8 vừa qua, nói đến nguy cơ thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men, tình trạng tắc nghẽn tại các hải cảng và việc tái lập biên giới thực sự ở vùng Ireland. Trong lúc đó, việc sẵn sàng đối phó của công chúng và giới buôn bán tại Anh Quốc vẫn « yếu ». Các tài liệu chính thức được công bố hôm thứ Tư (11/09) đã xác nhận các chi tiết nêu trên.
Giao thông qua biển Manche có thể bị xáo trộn trong trường hợp không có thỏa thuận. Có đến 85% xe tải hạng nặng của Anh có thể bị tắc ở hàng rào kiểm soát của hải quan Pháp, dẫn đến việc « giảm 40-60% lưu lượng hiện tại ». Những chậm trễ này sẽ ảnh hưởng đến giao thông không chỉ giữa Dover và Calais ở Pháp, mà cả tại Gibraltar, vùng lãnh thổ thuộc Anh ở phía nam Tây Ban Nha, do có kiểm soát hải quan tại biên giới với Liên Hiệp Châu Âu.
Những gián đoạn này có thể kéo dài ba tháng và « tác động đến việc cung cấp thuốc và thiết bị y tế », cũng như các sản phẩm tươi sống.
Trong ngắn hạn, tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm có thể dẫn đến những phản ứng bất bình nghiêm trọng trong nước, thậm chí là bạo loạn, xô xát cũng có thể nổ ra ở các khu vực đánh cá giữa ngư dân Anh và nước ngoài.
Bản phúc trình đã báo động về « khả năng rối loạn công cộng và căng thẳng gia tăng giữa các cộng đồng dân cư ».
Thiếu hụt, lạm phát và căng thẳng xã hội
Bản báo cáo tuy nhiên không dự báo một tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, nhưng cho rằng người tiêu dùng Anh sẽ có ít hàng hóa để lựa chọn hơn, lạm phát sẽ tất yếu xảy ra và nạn nhân đầu tiên là những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất, tức là các thành phần nghèo khó.
Bản báo cáo còn cảnh báo rằng việc thiếu thuốc thú y cũng có thể hạn chế khả năng phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch trong tương lai, điều sẽ tạo thêm nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng và khả năng tự cung cấp lương thực của đất nước.
Một số khu vực, bao gồm vùng Luân Đôn và miền đông nam Anh Quốc cũng có thể chịu tác hại từ tình trạng thiếu nhiên liệu. Ở những nơi khác, phản xạ tích trữ nhiên liệu để dự phòng bất trắc của người tiêu dùng có thể khiến tình hình trở nên căng thẳng. Việc tăng giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng sẽ đánh trước tiên vào mức sống của những người nghèo nhất.
Ngoài ra, theo tài liệu vừa được công bố, kế hoạch mà chính quyền dự trù để bãi bỏ các biện pháp kiểm soát tại biên giới với Ireland « có thể không bền vững do các rủi ro kinh tế, pháp lý và an toàn sinh học », với khả năng xuất hiện một thị trường chợ đen ở vùng biên giới.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190912-anh-thua-nhan-tac-hai-cua-brexit-khong-co-thoa-thuan-voi-chau-au
Paris sẽ bị xáo trộn lớn
vì ngành chuyên chở công cộng lại đình công
Ngày mai, 13/09/2019, cư dân thủ đô Paris của Pháp sẽ phải rất vất vả với cuộc đình công của ngành chuyên chở công cộng, dự báo sẽ đạt quy mô chưa từng thấy từ 10 năm nay. Các công đoàn kêu gọi đình công để phản đối các cải cách về hưu bổng mà chính phủ đang dự trù.
Theo ban giám đốc của hệ thống tàu điện và xe buýt tại Paris RATP, sẽ có 10 tuyến đường tàu điện métro bị ngưng chạy hoàn toàn (các đường số 2, 3, 3bis, 5, 6, 7bis, 10, 11, 12 và 13). Bốn tuyến còn lại (4, 7, 8 và 9), thì chỉ có xe trong hai khung giờ cao điểm 06g30 -09g30 sáng, và 17g00-20g00, nhưng với rất ít xe, chỉ có 1 chiếc trên 3 hay 1 trên 4 tùy theo tuyến. Ngoài hai khung giờ nói trên, hầu như không một chiếc tàu điện nào hoạt động.
Các tuyến tàu liên vùng RER chạy ra ngoại ô hay các tuyến xe điện Tramway cũng bị hạn chế tương tự. Riêng đối với hệ thống xe buýt, trung bình chỉ một chiếc trên 3 là phục vụ hành khách.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, đây là cuộc đình công quy mô nhất kể từ tháng 10/2007, vào khi ấy cũng liên quan đến vấn đề hưu bổng.
Lần này 7 công đoàn của hãng RATP, trong đó có Unsa, CGT và CFE-CGC, kêu gọi đình công chống cải cách hưu bổng, cứu vãn chế độ lương hưu đặc biệt của ngành. Các công đoàn đã đe dọa rằng cuộc đình công ngày mai chỉ mới là « lời cảnh cáo đầu tiên » đối với chính phủ.
http://vi.rfi.fr/phap/20190912-paris-xao-tron-nganh-chuyen-cho-cong-cong-dinh-cong
Ngoại trưởng Đức:
Tôi sẽ tiếp tục gặp các nhà hoạt động TQ
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói rằng ông sẽ tiếp tục gặp các nhà hoạt động và luật sư nhân quyền Trung Quốc ở cả Đức lẫn khi đi thăm Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh chỉ trích cuộc gặp của ông với nhà hoạt động Joshua Wong của Hong Kong, theo Reuters.
“Khi thủ tướng [Đức] tới Bắc Kinh, bà gặp các nhà hoạt động và luật sư nhân quyền”, ông Maas nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo hôm 12/9.
“Khi tôi tới Bắc Kinh, tôi cũng làm vậy. Và tôi cũng làm vậy ở Berlin. Và tôi sẽ không thay đổi trong tương lai”.
Đại sứ Trung Quốc chỉ trích Đức về cuộc gặp với Joshua Wong
Ông Maas đã trao đổi với nhà hoạt động dân chủ Joshua Wong của Hong Kong tại một cuộc gặp ở Berlin hồi đầu tuần này.
Bắc Kinh sau đó đã triệu đại sứ Đức tới để phản đối.
“Quan điểm cơ bản của chúng tôi về Trung Quốc, một quốc gia, hai chế độ, không thay đổi”, ông Maas nói thêm.
“Chúng tôi ủng hộ quyền của người Hong Kong dưới chính sách này của Trung Quốc”.
Đại sứ Trung Quốc chỉ trích Đức
về cuộc gặp với Joshua Wong
Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Đức và nhà hoạt động Hong Kong Joshua Wong sẽ làm tổn hại mối quan hệ với Trung Quốc, đại sứ của Bắc Kinh ở Berlin nói hôm thứ Tư 11/9.
Đại sứ Trung Quốc nói thêm rằng Bộ Ngoại giao nước này ở Bắc Kinh đã triệu đại sứ Đức đến để phản đối cuộc gặp – thông tin này sau đó được Bộ Ngoại giao Đức xác nhận.
Vào thời điểm Hong Kong đang bị rung chuyển vì các cuộc biểu tình, nhà hoạt động dân chủ Joshua Wong đến Berlin vào tối hôm 9/9 và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã tiếp anh.
“Tôi rất lấy làm tiếc phải nói rằng những gì xảy ra hiện nay sẽ có những hậu quả tiêu cực đối với quan hệ song phương và phía Trung Quốc phải phản ứng”, Đại sứ Ken Wu nói với các phóng viên.
Sau khi đến Berlin, anh Joshua Wong phát biểu rằng Hong Kong là một thực thể lớn đứng giữa thế giới tự do và “chế độ độc tài của Trung Quốc”.
“Sau khi anh ta đến, chúng tôi nhận thấy thật đáng tiếc là một số chính trị gia, và tôi xin nói thằng đó là chính Bộ trưởng Ngoại giao Maas, cũng như một số thành viên của quốc hội Đức đã gặp Joshua Wong”, Đại sứ Trung Quốc nói.
“Chúng tôi không biết các chính trị gia này có mục đích gì. Họ thực sự quan tâm nghiêm túc đến tự do, dân chủ và pháp trị của Hong Kong hay họ muốn đổ thêm dầu vào lửa và tiếp đến là trục lợi chính trị từ điều đó?” Đại sứ Ken Wu nói.
Tranh cãi giữa Đức và Trung Quốc xảy ra vài ngày sau khi Thủ tướng Angela Merkel thăm Trung Quốc. Bà cho biết bà đã phát biểu với các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng bảo vệ nhân quyền là điều không thể thiếu.
“Chủ quyền và an ninh của Trung Quốc phải được tôn trọng. Do đó, tôi khuyên các chính trị gia chớ có ỉm đi các tội ác bạo lực và can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Hồng Kông và Trung Quốc”, đại sứ Trung Quốc nói.
https://www.voatiengviet.com/a/dai-su-tq-chi-trich-duc-ve-cuoc-gap-voi-joshua-wong/5079430.html
Mỹ bán 32 chiến đấu cơ tàng hình F-35 cho Ba Lan
Hoa Kỳ ngày 11/09/2019 loan báo đã chấp nhận bán cho Ba Lan 32 chiến đấu cơ tàng hình F-35 hiện đại có tổng trị giá 6,5 tỉ đô la, bất chấp việc thương vụ này có thể gây thêm căng thẳng với Nga.
Trong hợp đồng, ngoài 32 chiếc phi cơ tiêm kích do Lockheed Martin sản xuất, còn có 33 động cơ Pratt and Whitney, cùng với vũ khí và các thiết bị cần thiết. Thông cáo của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết, Washington muốn « trang bị cho một đồng minh quan trọng của NATO loại tiêm kích hiện đại nhất thế giới, giảm lệ thuộc vào các loại vũ khí lỗi thời của Nga ».
Bộ Ngoại Giao đã chính thức thông báo cho Hạ Viện Mỹ về thương vụ trên. Các dân biểu có 30 ngày để phản đối, nhưng đây là điều chưa từng xảy ra từ nhiều thập niên qua.
Cũng theo thông cáo, F-35 sẽ thay thế các phi cơ tiêm kích Mig-29 và Su-22 của Không quân Ba Lan, và như vậy « sẽ không làm thay đổi thăng bằng lực lượng trong khu vực ».
NATO đã tăng cường năng lực phòng thủ ở Đông Âu, sau khi Nga sáp nhập Crimée và hỗ trợ lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina. Các lực lượng đặc nhiệm được triển khai tại ba nước vùng Baltic và Ba Lan, NATO cũng cải thiện khả năng đáp trả trong trường hợp bị đột kích.
Loan báo trên được đưa ra trong lúc Hoa Kỳ vừa loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 với công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, giúp máy bay không bị các loại radar phát hiện. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là thành viên NATO nhưng lại mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190912-my-ban-32-chien-dau-co-tang-hinh-f-35-ba-lan
RT đăng tin Nga và Trung Quốc
bắt tay lật đổ thế thống trị của đồng dollar Mỹ
Moscow và Bắc Kinh đang hợp tác với nhau trong một biện pháp mới nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của họ vào đồng dollar Mỹ, trong lúc Nga lên kế hoạch phát hành trái phiếu bằng đồng NDT của Trung Quốc, từ đó giúp hai nước né ảnh hưởng từ đòn áp thuế và đòn trừng phạt của Washington.
Trái phiếu bằng đồng NDT dự kiến sẽ được phát hành vào khoảng thời gian cuối năm nay hoặc đầu năm sau, đánh dấu lần đầu tiên mà Nga phát hành trái phiếu chính phủ bằng đồng tiền của Trung Quốc. Dù cho hai đối tác thương mại này đã lên kế hoạch trên từ năm 2016, nhưng kể từ đó đã nhiều lần bị trì hoãn.
Giờ đây, bối cảnh chính trị toàn cầu đã thay đổi đối với cả Nga và Trung Quốc, khiến cho hai nước này càng có động lực hướng tới quan hệ đối tác gần gũi hơn – Anton Bakhtin, chiến lược gia đầu tư thuộc hãng Premier BCS, nói với hãng thông tấn RT trong một cuộc phỏng vấn. Vị chuyên gia nói rằng trong bối cảnh hai nước – cũng như nhiều nước khác trên thế giới – quan ngại về “sự độc tôn của đồng USD”, thì việc phát hành trái phiếu bằng đồng NDT của Nga sẽ là một biện pháp để chống lại xu hướng đó.
“Đó là một bước đi hướng tới phi dollar hóa” – ông Bakhtin nhận định, thêm rằng sẽ cần có thêm thời gian để hoàn toàn tách khỏi đồng bạc xanh của Mỹ – “Thứ hai, động thái trên cũng tạo nên một cây cầu nối giữa Nga và các nhà đầu tư Trung Quốc”.
Khi căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tăng nhiệt, Washington có thể sử dụng sự phụ thuộc vào đông USD của các nền kinh tế khác như thứ vũ khí chiến lược của họ. Đó là lý do mà Trung Quốc đang phải tìm kiếm thêm các công cụ tài chính khác để ứng phó – ông Bakhtin lý giải.
Nga hiện cũng đang chịu các đòn trừng phạt của Mỹ. Các lớp lệnh trừng phạt mới có hiệu lực từ tháng 8 năm nay cấm các ngân hàng Mỹ tham gia vào thị trường nợ công của Nga, bên cạnh một số biện pháp hạn chế khác.
Dù cho Nga ở thời điểm hiện tại vẫn có đủ các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua trái phiếu chính phủ của họ, nhưng Moscow vẫn muốn mở rộng danh sách các chủ nợ nước ngoài. Do giới đầu tư Trung Quốc không mua các loại trái phiếu bằng đồng Rúp của Nga, nên việc phát hành trái phiếu bằng đồng NDT có thể tạo cơ hội mới để các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào nợ công của Nga.
Dù vậy, đợt phát hành trái phiếu mới sẽ không thể thay đổi bất cứ điều gì trong ngắn hạn, mà thay vào đó tạo ảnh hưởng dài hạn, bởi nó “đặt nền móng” cho các khoản đầu tư trong tương lai – theo giới phân tích.
Hong Kong: Người biểu tình chế diễu
quốc ca TQ trong trận bóng đá với Iran
Phong trào phản kháng của Hong Kong đã xuất hiện ở cả sân vận động lẫn trung tâm mua sắm.
Hôm thứ Ba, trước khi trận đấu vòng loại World Cup giữa Hong Kong và Iran diễn ra, phần hát quốc ca Trung Quốc đã bị át đi hoàn toàn bởi tiếng la ó, chế giễu của người biểu tình Hong Kong.
Trong khi đó ở các khu trung tâm mua sắm, người biểu tình cùng nhau hát Vinh quang cho Hong Kong, vốn trở thành một bài hát không chính thức của phong trào.
Tuần trước khi dự luật dẫn độ gây ra tình trạng bất ổn kéo dài nhiều tháng qua cuối cùng đã bị hủy bỏ.
Nhưng điều này vẫn thất bại trong việc chấm dứt tình trạng bất ổn khi những người biểu tình tiếp tục đòi nền dân chủ hoàn toàn và một cuộc điều tra về các cáo buộc bạo lực của cảnh sát.
Vào tối thứ Ba, hàng ngàn người biểu tình đã tập trung tại các trung tâm mua sắm trên khắp Hong Kong để hô khẩu hiệu và hát Vinh quang cho Hong Kong.
Trong khu phố mua sắm Mong Kok, một biển người biểu tình mặc đồ đen được trông thấy đứng ở nhiều tầng khác nhau của khu mua sắm.
Một video khác cho thấy những người biểu tình hô vang “Tiến lên Hong Kong” – cụm từ được sử dụng thường xuyên như một lời cổ động.
Các trung tâm mua sắm đã trở thành của các cuộc xung đột trong những tuần gần đây, với một vụ việc vào tháng Bảy sau khi cảnh sát chống bạo động đụng độ với với người biểu tình trong một trung tâm mua sắm ở quận Sha Tin.
Nhưng những tuần gần đây diễn ra một cách ôn hòa.
Vinh quang đến Hong Kong được sáng tác bởi một nhạc sĩ Hong Kong để đáp lại lời kêu gọi của người biểu tình cho một bài hát riêng.
Lời bài hát bao gồm “Anh có cảm thấy sự giận dữ trong nước mắt của chúng tôi? Hãy đứng lên và lên tiếng” và “kiên trì, vì chúng ta là một”.
Những lời kêu gọi sau đó có thêm một số bài hát khác như “Bạn có nghe người dân hát” từ vở nhạc kịch Les Miserables và bài thánh ca Kitô giáo Hallelujah.
Những bài hát này cũng vang vọng trong sân vận động trong trận đấu Hong Kong – Iran.
Đã có hàng ngàn tiếng la ó phản đối quốc ca Trung Quốc trước khi trận đấu bắt đầu.
Đây là một “thông điệp” rõ ràng cho Bắc Kinh rằng họ không muốn trở thành một phần của Trung Quốc trong tương lai, phóng viên BBC Nick Beake có mặt tại sân cho biết.
Đây không phải là lần đầu tiên người dân Hong Kong la ó quốc ca Trung Quốc nhưng không rõ họ có thể làm điều này trong bao lâu.
Năm 2017, Trung Quốc đã thông qua một đạo luật khiến cho việc coi thường quốc ca là bất hợp pháp, nhưng luật này vẫn chưa được thông qua tại Hong Kong.
‘Quá ít, quá trễ’
Không khí chống đại lục và sự tức giận của người dân Hong Kong đã gia tăng trong những năm gần đây, khi họ thấy đại lục ngày càng can thiệp sau vào các vấn đề Hong Kong.
Điều này đạt đến điểm bùng phát khi quốc hội Hong Kong đề xuất một luật mới có thể cho phép nghi phạm ở Hong Kong bị dẫn độ sang Trung Quốc.
Hàng trăm ngàn người đã tuần hành trên đường phố để phản đối dự luật này, yêu cầu nó phải bị rút bỏ. Chính phủ ban đầu bị đình chỉ vào tháng Sáu, và cuối cùng đã phải rút bỏ hoàn toàn vào đầu tuần này – gần ba tháng sau khi các cuộc biểu tình bắt đầu.
Nhưng những người phản đối đã nói rằng điều này là “quá ít, quá muộn” và yêu cầu của họ đã trở thành lời kêu gọi một loạt cải cách rộng hơn, bao gồm cả lời kêu gọi quyền bầu cử phổ thông.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49658959
Quân đội TQ tới Nga
tham gia cuộc tập trận lớn “Trung tâm – 2019”
Theo đài truyền hình Sao Đỏ của Bộ Quốc phòng Nga, ngày 4 tháng 9, đợt đầu trong số 1.600 binh sĩ và trang thiết bị của quân đội Trung Quốc (PLA) sang tham gia cuộc tập trận quân sự chung đa quốc gia mang tên “Trung tâm – 2019” do Nga tổ chức đã đến khu vực Orenburg của Nga bằng tàu hỏa.
Lực lượng tới Nga tham gia cuộc tập trận quân sự “Trung tâm – 2019” là một lữ đoàn của Tập đoàn quân 76. Tiền thân là một sư đoàn xe tăng của Quân khu Lan Châu. Sau khi cải cách quân đội, lữ đoàn này được trang bị xe chiến đấu bộ binh Type 04A và xe tăng Type 96A.
Sau khi đoàn tàu chở các binh sĩ PLA tới, phía Nga đã tổ chức lễ đón tại nhà ga, các cô gái Nga đã mang bánh mì và muối tặng những người khách từ phương xa tới.
Tốp binh sĩ PLA đầu tiên Quân khu trung tâm của Nga mang theo các xe chiến đấu bộ binh 04A các loại thiết bị công trình nặng khác, có nghĩa là ít nhất một tiểu đoàn hỗn hợp của lữ đoàn đã tới. Sau khi các sĩ quan và binh lính PLA dỡ hàng tại nhà ga xe lửa, Quân khu trung tâm Nga đã đưa các xe vận tải chở tăng để vận chuyển xe thiết giáp và các thiết bị của phía Trung Quốc về thao trường.
Tới Nga tham gia cuộc tập trận lần này là một lữ đoàn tổng hợp hạng nặng của Tập đoàn quân 76, tiền thân là một sư đoàn tăng – thiết giáp của Quân khu Lan Châu. Năm 1969, để đối phó với áp lực nặng nề của việc phòng thủ quốc gia hướng Tây Bắc, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã quyết định thành lập một sư đoàn xe tăng mới trong Quân khu Lan Châu. Sau đó, Quân ủy Trung ương đã điều Trung đoàn xe tăng số 264 của Học viện Xe tăng bọc thép và Trung đoàn huấn luyện Trường xe tăng thứ hai về thuộc Quân khu Lan Châu, kết hợp Trung đoàn xe tăng độc lập số 12 và một số nhân viên, trang thiết bị khác tập hợp thành một sư đoàn xe tăng đơn giản, lấy phiên hiệu là Sư đoàn xe tăng PLA số 12.
Lữ đoàn tổng hợp X tham gia cuộc tập trận “Trung tâm – 2019” được trang bị xe chiến đấu bộ binh 04A và xe tăng 96A. Đây là một trong 4 lữ đoàn hạng nặng mạnh nhất của Tập đoàn quân 76. Từ trước đến nay chịu trách nhiệm bảo vệ cao nguyên phía tây Trung Quốc. Trước đây, lữ đoàn này đã tham gia cuộc diễn tập lớn “Nhảy vọt – 2015” ở Chu Nhật Hòa.
Ngày 20 tháng 8, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, quân đội Nga sẽ tổ chức cuộc diễn tập lớn từ ngày 16 đến 21 tháng 9 mang tên “Trung tâm – 2019”. Điều đáng chú ý nhất về cuộc tập trận này là có sự tham gia của các binh sĩ nước ngoài đến từ từ 7 quốc gia, trong đó có Trung Quốc.
Hãng thông tấn Nga ITAR-TASS dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Để tiến hành các hành động chung, các binh sĩ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Tajikistan và Uzbekistan sẽ tham gia cuộc tập trận quy mô lớn mang tên “Trung tâm – 2019” diễn ra tại 8 thao trường ở Tunguz, Roztoky và Asuluke nằm ở vùng đất Nga thuộc châu Âu. Tham gia cuộc diễn tập có 12.950 binh sĩ (trong đó có 10.700 binh sĩ quân đội Nga, 2.250 quân nhân nước ngoài, riêng Trung Quốc là 1.600 người), 20 ngàn thiết bị quân sự, trong đó có 250 xe tăng, 450 xe bọc thép, xe chiến đấu bộ binh, 200 khẩu pháo và dàn phóng hỏa tiễn, 600 máy bay, 15 tàu chiến và tàu phụ trợ.
Quân đội Nga hàng năm đều tổ chức một cuộc diễn tập Bộ Tư lệnh chiến lược tại một quân khu, cuộc tập trận sẽ huy động tất cả các lực lượng hải, lục, không quân và tên lửa trong quân khu đó tham gia.
Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh, mục đích chính của cuộc diễn tập lần này là không chỉ để kiểm nghiệm trình độ huấn luyện của các đơn vị quân đội Nga, mà còn giúp cải thiện mức độ, khả năng phối hợp với nhau và bảo vệ quyền lợi quốc gia giữa các binh sĩ quân đội Nga và các nước Trung Á.
Năm ngoái, PLA của Trung Quốc cũng đã tham gia vào cuộc tập trận mang tên “Đông Phương – 2018”. PLA đã cử một lữ đoàn tổng hợp hạng nặng với xe tăng 99 loại và một lữ đoàn tổng hợp cỡ trung bình, Không quân thuộc Tập đoàn quân 78 và các loại máy bay chiến đấu JH-7 và J-10 của đơn vị X Không quân, mô phỏng tình huống chiến đấu của một Tập đoàn quân hợp thành Trung Quốc trên một hướng chiến trường, kiểm nghiệm thành quả xây dựng sau khi quân đội thực hiện cải cách thể chế biên chế lục quân.
Theo trang web South China Morning Post của Hồng Kông ngày 22 tháng 8, cuộc tập trận này sẽ được tổ chức thành hai giai đoạn ở Nga, diễn ra tại 8 thao trường huấn luyện ở Biển Caspian, sử dụng 600 máy bay, 15 tàu chiến, 250 xe tăng và hơn 20.000 thiết bị quân sự.
Giai đoạn đầu của cuộc tập trận sẽ bao gồm các cuộc tập trận chống khủng bố, các hoạt động chống tập kích đường không và trinh sát; giai đoạn thứ hai sẽ tập trung vào quản lý lực lượng và các hoạt động tác chiến mô phỏng.
Tin cho biết, ngoài quân đội Trung Quốc và Nga, các quân đội tham gia diễn tập còn có Pakistan, Ấn Độ, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Tajikistan và Uzbekistan. Năm ngoái, Nga đã mời quân đội Trung Quốc tới khu vực phía đông Siberia gần biên giới Trung Quốc để tham gia cuộc tập trận “Đông Phương-2018”. Quy mô của cuộc tập trận đó có tới 300.000 quân tham gia, mức kỷ lục trong lịch sử nước Nga.
Bản tin cho biết, trong những năm gần đây, Trung Quốc và Nga đang nỗ lực tăng cường quan hệ. Ông Alexander Gabuyev, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Carnegie Moscow cho rằng cuộc tập trận này là một mô thức để tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và Nga và là một tín hiệu gửi tới Mỹ.
Ông nói: “Cuộc tập trận này phản ánh xu hướng rộng lớn và dài hạn hơn. Phương hướng là hai quốc gia lớn nhất ở lục địa Á – Âu quan tâm đến lợi ích của nhau và kết thành mối quan hệ đối tác an ninh thực sự. Sự căng thẳng của từng nước với Mỹ đã đóng vai trò xúc tác. Cuộc tập trận mang tính biểu tượng và gửi tín hiệu hai quân đội hợp tác để đạt được sức mạnh tổng hợp”.
Colin Koch, một nhà phân tích quân sự tại Viện S. Rajaratnam School of International Studies thuộc Đại học Công nghệ Nanyang Singapore, cho rằng 6 quốc gia khác tham gia cuộc tập trận cũng quyết định mức độ hợp tác sâu hơn.
Đây là lần thứ 4 quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận “Trung tâm” ở Nga, 3 lần trước là vào các năm 2008, 2011 và 2015.
Theo hãng thông tấn Tây Ban Nha EFE, tham gia cuộc diễn tập “Trung tâm – 2015” là các thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, bao gồm Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan. Năm nay thành phần đã thay đổi, vắng mặt Belarus và Armenia, thay vào đó là Ấn Độ, Pakistan và Uzbekistan.
Vị thế xoay chiều, TQ dồn ép Nga ở 3 khu vực:
Thời cơ Mỹ thi triển kế ly gián đã đến
Cả Nga và Trung Quốc đều là những sức mạnh có thể đe dọa lợi ích toàn cầu của Mỹ và phương Tây – ông Bugajski nhận định.
Khoảng 300.000 lính Nga tham gia tập trận Vostok-2018 cùng 36.000 xe tăng và phương tiện bọc thép, 1.000 chiến cơ, trực thăng, máy bay không người lái, và 80 chiến hạm (Ảnh: VYACHESLAV PROKOFYEV/GETTY IMAGES)
Phân tích trên tờ The Hill ngày 9/9, nhà nghiên cứu Janusz Bugajski – từ Trung tâm phân tích chính sách châu Âu (CEPA) có trụ sở tại Washington – cho rằng không có liên minh thực tế hoặc lâu dài giữa Nga-Trung, mà đây là một quan hệ đối tác nhằm làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ. Như thế, một chính sách “kích động” mâu thuẫn giữa Moskva và Bắc Kinh có thể khiến phương Tây được hưởng lợi.
Trong khi Nga tiếp tục là một đối thủ trong của phương Tây trong tương lai gần, Trung Quốc đang chuyển biến dần thành mối đe dọa về dài hạn.
Theo Bugajski, Moskva có tham vọng thay đổi trật tự khu vực xuyên Đại Tây Dương, song khả năng của nước này bị hạn chế và những vấn đề về thế hệ lãnh đạo tiếp theo có thể khiến Nga đau đầu trong thập niên tiếp theo. Trung Quốc thì đã trở thành một thế lực cạnh tranh toàn cầu ổn định và có nền kinh tế tăng trưởng nhanh, cùng với tầm nhìn lâu dài nhằm vượt qua châu Âu và Mỹ.
GDP Trung Quốc gấp hơn 7 lần so với Nga, và dân số lớn hơn 10 lần người láng giềng. Về mặt quân sự, Bugajski cho rằng Quân giải phóng nhân dân (PLA) cũng đang vượt lên trên quân đội Nga – lực lượng đang phải đối mặt với ngân sách cắt giảm do kinh tế khó khăn vì bị cấm vận.
Trong kích bản xấu nhất với Mỹ, một liên minh giữa hai ông lớn Nga-Trung sẽ củng cố vị thế răn đe của Moskva với phương Tây, và cho phép Bắc Kinh mở rộng phạm vi ảnh hưởng tại châu Âu, đồng thời mở rộng bố trí quân lực của cả hai nước và khiến Mỹ phải phân tán các nguồn lực.
Với kịch bản tích cực hơn, Washington có thể khơi dậy tranh chấp giữa hai đối thủ sừng sỏ và làm suy yếu quan hệ đối tác Nga-Trung, khiến hai nước này phải tái phân bổ nguồn lực nhằm kiềm chế lẫn nhau.
Ba khu vực để chia rẽ Nga-Trung
Bugajski nhận định, có ba khu vực cho phép Washington theo đuổi chính sách chia rẽ: vùng Viễn Đông Nga, vùng Trung Á, và Bắc Cực. Trung Quốc đang cố gắng gia tăng ảnh hưởng tại vùng Sibera và các tỉnh vùng viễn Đông Nga – những địa bàn mà Trung Quốc đã để mất vào tay đế chế Nga trong thế kỷ 19, khi triều đình Thanh suy yếu và Nga hùng mạnh. Vị thế song phương hiện nay đã có sự thay đổi và được điều chỉnh bởi cơ cấu nhân khẩu học cùng tham vọng về kinh tế. Ý đồ “tái kiểm soát” những khu vực ở phía Đông của Nga vừa mang tính biểu trưng, vừa có ý nghĩa quan trọng chiến lược đối với Bắc Kinh.
Dân số Nga đang thưa thớt dần ở Siberia và các khu vực giáp bờ biển Thái Bình Dương, còn mật độ dân số Trung Quốc ở vùng lân cận đang gia tăng. Ở dọc đường biên giới chung, khoảng 4.3 triệu người Nga đang “giáp mặt” 109 triệu người Trung Quốc thường xuyên tìm kiếm đất đai, công ăn việc làm và các nguồn tài nguyên. Dòng nhân lực Trung Quốc đổ vào Nga tăng đều cho thấy Bắc Kinh ngày càng xem nước láng giềng phía Bắc không chỉ là nguồn cung nguyên liệu thô, mà còn là nguồn cung đất đai phục vụ phân bổ dân số bùng nổ trong tương lai.
Ông Bugajski đánh giá, dân số người Hoa tăng trưởng nhanh ở Nga sẽ mở đường cho Trung Quốc trở nên “lấn tới” hơn về mặt chính trị, với danh nghĩa bảo hộ công dân – tương tự như cách Moskva tuyên bố bảo vệ người nói ngôn ngữ Nga tại châu Âu. Với việc sử dụng chiêu bài của chính Nga, Bắc Kinh có thể tranh thủ lãnh thổ và nguồn tài nguyên ở khu vực biên giới để phục vụ phát triển kinh tế trong nước. Trong thế hệ tiếp theo, một phần đáng kể lãnh thổ phía đông dãy Urals của Nga có thể chịu ảnh hưởng lớn của Trung Quốc.
Sự thâm nhập của Trung Quốc có thể gây ra cọ xát với Moskva và khơi dậy một cuộc chạy đua vũ trang dọc biên giới hai nước. Việc phân tán tài sản quân sự Nga tới miền Đông sẽ làm giảm sức ép với châu Âu và hạ nhiệt mối đe dọa từ Moskva với các thành viên/đối tác của NATO. Điều này cũng kiềm chế tham vọng bành trướng của Bắc Kinh và “điều hướng” các nguồn lực của nước này về khu vực biên giới phía Bắc, phía Tây, qua đó củng cố vị thế của Mỹ trong hỗ trợ phòng thủ hai đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, và răn đe hành động của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông Nga.
Vùng Trung Á cũng có thể trở thành một mặt trận lợi ích giữa Nga và Trung Quốc. Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của chủ tịch Tập Cận Bình được thiết kế nhằm lôi kéo các nước dọc tuyến đường thương mại này gia nhập nghị trình kinh tế-chính trị của Bắc Kinh, đồng nghĩa với làm giảm ảnh hưởng của Nga và làm xói mòn liên minh khu vực của Moskva.
Theo Bugajski, Washington cần hành động tích cực hơn trong việc ủng hộ độc lập của 5 nước vùng Trung Á, cũng như thúc đẩy xu hướng cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Moskva. Trong ván cờ chiến lược liên quan đến nguồn cung năng lượng, đầu tư kinh tế và hợp tác quân sự này, Mỹ có cơ hội “chống lưng” có các lãnh đạo khu vực trước sức ép Nga-Trung và tạo đòn bẩy để hai ông lớn khu vực quay sang đối đầu lẫn nhau.
Tại khu vực Bắc Cực, Moskva tính toán rằng họ có thể “thống trị” tuyến hàng hải phương Bắc và có sự tiếp cận độc quyền với nguồn khoáng sản tại đây. Song biến đổi khí hậu, thoái trào của ngành công nghiệp đóng tàu Nga, và sự hiện diện gia tăng của các thế lực khác – gồm Mỹ, Trung Quốc – đã và đang thách thức tham vọng của Kremlin.
“Mỹ cần tăng cường vị thế đối đầu với ý đồ kiểm soát tuyến đường biển ở Bắc Cực của Nga và kiềm chế những năng lực của Trung Quốc,” Bugajski nêu.
Dù Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa qua cho rằng thật sai lầm khi gọi Trung Quốc là “anh cả” của Nga, Bugajski tin rằng Moskva đang trở thành “đàn em” của Bắc Kinh. Theo ông, việc phương Tây đe dọa trừng phạt nghiêm khắc hơn với Nga – bao gồm lĩnh vực xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch – nếu Moskva leo thang sức ép quân sự với các láng giềng châu Âu, sẽ đẩy nền kinh tế Nga phụ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc. Điều này có thể làm gia tăng giận dữ ở Moskva và gây chia rẽ chính trị với Bắc Kinh – mà Mỹ có thể khai thác như một lợi thế chiến lược.
Ông lớn Bê bối của đối tác TQ:
Phạm luật nghiêm trọng, “coi trời bằng vung”?
Công ty Trung Quốc thừa nhận đã vi phạm nghiêm trọng một số điều khoản trong luật lao động địa phương và quy chuẩn của đối tác nước ngoài.
Bản báo cáo mới
Theo CNN, công ty Apple (Mỹ) mới đây đã thừa nhận rằng một trong những nhà máy của đối tác ở Trung Quốc đã vi phạm một số điều luật lao động và hai bên đang tìm cách để giải quyết vấn đề.
Cụ thể, theo báo cáo của China Labor Watch vào ngày 8/9 vừa qua, một nhà máy của Foxconn đã vi phạm luật lao động địa phương và quy chuẩn của Apple trong việc sản xuất dòng điện thoại mới. Để đạt được mục tiêu, nhà máy này đã ép nhân viên làm việc quá giờ, không trả lương làm thêm giờ và thuê bất hợp pháp một lượng lớn người lao động thời vụ.
Báo cáo dài 51 trang đã ghi chép lại chi tiết lời tường thuật của một số nhân viên từng làm việc tại nhà máy của Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Cơ sở này là nơi sản xuất điện thoại thông minh của Apple lớn nhất thế giới, chịu trách nhiệm tới một nửa số lượng iPhone được bán trên toàn thế giới.
Hãng Apple đã nhanh chóng phản đối gay gắt nội dung của bản báo cáo, cho biết hãng đã thực hiện một cuộc điều tra độc lập và cho rằng “hầu hết các cáo buộc đều không đúng”. Tuy nhiên, Apple đã thừa nhận một số vi phạm được nêu ra.
“Chúng tôi xác nhận rằng tất cả các nhân viên đã được bồi thường hợp lí, bao gồm lương làm thêm giờ, tiền thưởng. Tất cả hoạt động làm thêm giờ đều là tự nguyện và không có bằng chứng về cưỡng ép lao động,” công ty này cho biết.
Trả lời CNN, Foxconn nói đã thực hiện một cuộc đánh giá hoạt động ở Trịnh Châu và phát hiện “một số vấn đề của người lao động” nhưng “không tìm thấy bằng chứng về cưỡng ép lao động”.
Trong khi đó, báo cáo của China Labor Watch khẳng định rằng các lao động sinh viên ở đây đã bị buộc phải làm thêm giờ, “hoàn thành những chương trình thực tập không liên quan tới bằng cấp của sinh viên”.
Những sai phạm khác
Apple thừa nhận có một số thực tập sinh phải làm việc thâu đêm ở nhà máy – đây là điều không được phép. Foxconn bổ sung rằng hiện tại “không còn thực tập sinh nào làm việc tại nhà máy”.
Tuy nhiên, báo cáo còn cho thấy nhiều nhân viên đã bị chửi mắng và nhà máy không báo cáo lại những trường hợp bị thương tích trong quá trình làm việc.
Ngày 9/9 (giờ Mỹ), Apple và Foxconn cùng xác nhận rằng số lượng nhân viên lao động ngắn hạn là vấn đề lớn. Luật lao động Trung Quốc quy định rằng lao động ngắn hạn, hay còn gọi là “lao động thời vụ”, không được chiếm quá 10% số lượng nhân viên tại nhà máy. Nhưng hiện tại, số lượng này chiếm tới 50% ở cơ sở sản xuất của Foxconn.
Foxconn thường thuê lao động ngắn hạn để đạt được mục tiêu sản xuất trong giai đoạn cao điểm. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng Foxconn còn thuê người lao động theo hình thức này vì những lí do về tài chính. Báo cáo viết: “Nhà máy không cần phải tăng lương cho họ như những lao động bình thường. Vì vậy, chi phí thuê lao động thời vụ sẽ thấp hơn nhiều so với thuê lao động lâu dài.”
Apple cho biết “tỉ lệ người lao động thời vụ đã vượt quá tiêu chuẩn” của họ và đang tìm cách giải quyết vấn đề.
Bên cạnh đó, việc lao động quá giờ cũng là một vấn đề khác.
“Luật lao động Trung Quốc không cho phép người lao động làm việc quá 36 giờ một tháng,” China Labor Watch cho biết. “Tuy nhiên, trong mùa cao điểm, lao động tại Foxconn phải làm thêm ít nhất 100 giờ một tháng. Có những thời kì người lao động chỉ được nghỉ 1 ngày trong 2 tuần và nhiều người chỉ được nghỉ 1 ngày trong cả tháng”.
Apple và Foxconn đều thừa nhận sai sót này.
Được biết, các cáo buộc đã được đưa ra ngay trước một sự kiện quan trọng của Apple tại California. Trước đây, Apple đã nhiều lần bị chỉ trích vì cách người lao động tham gia sản xuất sản phẩm của hãng bị đối xử tại Trung Quốc. Năm 2010, một loạt vụ tử tử tại nhà máy của Foxconn đã khiến cả hai công ty gặp rắc rối lớn.
Hiện tại, Apple và Foxconn cam kết sẽ kiểm soát tình hình và giải quyết theo hướng tốt nhất, phù hợp với tiêu chuẩn cao trong lao động.
Thương mại Mỹ-Trung : Bắc Kinh hòa hoãn
hay cho Donald Trump uống nước đường ?
Sau nhiều tháng căng thẳng, đối thoại bị đóng băng, Mỹ và Trung Quốc cùng tỏ thiện chí trước ngày trưởng đoàn đàm phán song phương nối lại đàm phán thương mại vào tháng 10 sắp tới. Bắc Kinh đi một bước trước, chìa bàn tay thân thiện vì đã thấm mệt do xung đột thương mại kéo hay đã tìm cách chiều lòng Donald Trump để tiếp tục mặc cả ?
Ngày 11/09/2019 liệu có là một cột mốc quan trọng trong cuộc đọ sức thương mại Mỹ-Trung ? Hôm 11/09/2019, Bắc Kinh công bố danh sách 16 mặt hàng của Mỹ bán sang trị trường đông dân nhất hành tinh được miễn tăng thuế nhập khẩu trong vòng một năm. Quyết định chính thức có hiệu lực từ ngày 17/09/2019.
Lập tức tại Washington tổng thống Donald Trump hoan nghênh một « thay đổi lớn » trong chính sách thương mại của Trung Quốc và đáp lại, nguyên thủ Hoa Kỳ thông báo dời ngày tăng thuế đánh vào 250 tỷ đô la hàng của Trung Quốc. Các sàn chứng khoán từ Âu sang Á thực sự phấn khởi trước viễn cảnh căng thẳng thương mại giữa hai ông khổng lồ kinh tế thế giới « xuống thang ».
Từ mùa xuân năm 2018 khi chính quyền Trump mở ra cuộc chiến thương mại, dùng thuế nhập khẩu như một công cụ lợi hại nhất để thu hẹp thâm thủng mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc, buộc Bắc Kinh đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp của Mỹ và ngừng rút ruột các công nghệ cao của Hoa Kỳ.
Trong 18 tháng qua, Mỹ và Trung Quốc đã nhiều lần thông báo đình chiến, chính tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố đôi bên đang « cận kề » một giải pháp để khai thông bế tắc trên hồ sơ thương mại. Để rồi Washington và Bắc Kinh vẫn dùng những đòn ăn miếng trả miếng và tiếp tục lao vào một cuộc đọ sức bất chấp những cảnh báo chiến tranh thương mại đe dọa đến tăng trưởng của cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc và của toàn thế giới.
Vì vậy, lần này giới phân tích chỉ nói tới một « cử chỉ hòa hoãn » mang tính « tạm thời » của cả đôi bên. Chuyên gia kinh tế Iris Pang, thuộc ngân hàng ING nhận định : Bắc Kinh chứng tỏ « sự thành tâm » trước ngày nối lại đàm phán với Hoa Kỳ vào tháng tới, nhưng cũng có khả năng hành động này là một kế hoãn binh vào dịp mà người dân Trung Quốc được nghỉ phép và thường đi mua sắm.
Vẫn theo bà Iris Pang, 16 mặt hàng Mỹ tạm tha chỉ là một giọt nước trong lúc mà hiện nay có tới trên dưới 5.000 sản phẩm Mỹ trong tầm ngắm của Bắc Kinh. Đậu tương, đậu nành không nằm trong danh sách 16 sản phẩm được Trung Quốc tạm ngưng tăng thuế.
Trong khi đó, ai cũng biết tổng thống Trump vừa khởi động chương trình vận động tái tranh cử và cần trấn an giới nông gia từng bỏ phiếu cho ông. Dù vậy có thể nói, đòn đấu dịu của Bắc Kinh đã đem lại kết quả cụ thể đó là việc Nhà Trắng dời lại hai tuần lễ lệnh tăng thêm 5 % thuế đánh vào 250 tỷ đô la hàng của Trung Quốc.
Trả lời đài truyền hình Mỹ CNBC, chuyên gia James McCormack thuộc cơ quan thẩm định tài chính Fitch ghi nhận thiện chí của cả phía Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc nhằm « hạ nhiệt » tình hình, nhưng ông cho rằng còn quá sớm để « mở rượu ăn mừng kết thúc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ». Trước mắt James McCormack vẫn chưa trông thấy những « giải pháp thực sự » cho phép đóng lại tranh chấp về thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu của thế giới này.
Daniel Gerard thuộc cơ quan tư vấn tài chính State Street Global Exchange đặc trách về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đánh giá không ai biết trước được cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ kết thúc như thế nào, do vậy các nhà đầu tư vẫn hết sức thận trọng với những tuyên bố của cả Washington lẫn Bắc Kinh.
Về câu hỏi đâu là những động lực thúc đẩy Trung Quốc và Hoa Kỳ đấu dịu, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng, đôi bên cùng thấm mệt. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc đã di dời cơ sở sang những nước láng giềng trong khu vực, trong đó Việt Nam và Đài Loan là những điểm đến được nhiều doanh nhân Mỹ đánh giá cao.
Theo báo cáo mới nhất của Phòng thương mại Mỹ tại Thượng Hải công bố hôm 11/09/2019, có tới 26,5 % trong số 333 doanh nghiệp được hỏi cho biết đã « chuyển hướng » các dự án đầu tư mà nhẽ ra là được thực hiện tại Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Thống kê vừa được Bắc Kinh công bố hôm 07/09/2019 cho thấy chỉ số xuất khẩu, động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc, trong tháng 8/2019 giảm 1% so với cùng kỳ năm 2018. Điều khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh lo ngại hơn cả là nếu không nhanh chóng tìm được chìa khóa đối thoại với Donald Trump, thì với đà này từ nay đến cuối năm toàn bộ các sản phẩm của Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ đều có khả năng bị tăng thuế nhập khẩu. Trong khi đó thì khả năng đáp trả của Trung Quốc bắt đầu gặp giới hạn.
Dù vậy lịch bầu cử tổng thống Mỹ và nhất là các chỉ số tăng trưởng của Hoa Kỳ buộc chủ nhân Nhà Trắng phải tìm một ngõ thoát trong cuộc đọ sức với Trung Quốc hiện nay. Sau cùng, cho dù là Washington và Bắc Kinh có san bằng phần nào những bất đồng về mậu dịch, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ đi từ thỏa thuận « ngừng bắn » này đến một thỏa thuận « hưu chiến » khác, hơn nữa ngay từ tháng 3/2018 các nhà quan sát đã ý thức được rằng, thương mại chỉ là cái cớ trong cuộc đọ sức dài hơi giữa hai siêu cường của thế kỷ 21.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190912-thuong-mai-my-trung-bac-kinh-donald-trump-pt
Trung Quốc kêu gọi
Mỹ nối lại đàm phán với Triều Tiên
Trung Quốc hôm 12/9 kêu gọi Hoa Kỳ áp dụng cách tiếp cận tích cực hơn để đáp lại thiện chí của Triều Tiên muốn nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa, và một lần nữa đề nghị giảm nhẹ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng.
Triều Tiên hôm thứ Hai tuyên bố sẵn sàng khởi động lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ vào cuối tháng 9, nhưng cảnh báo rằng các thỏa thuận giữa hai bên có thể chấm dứt, trừ phi Washington có cách tiếp cận tích cực hơn.
Nhưng chỉ sau đó vài giờ, Triều Tiên đã bắn một loạt tên lửa tầm ngắn.
Phát biểu tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh hoan nghênh Triều Tiên về những tín hiệu tích cực gần đây trong nỗ lực nối lại đàm phán với Hoa Kỳ.
“Chúng tôi rất vui mừng khi thấy Triều Tiên và Hoa Kỳ nối lại các cuộc đàm phán theo lịch trình vào cuối tháng,” ông Vương nói trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah.
“Kinh nghiệm cho thấy rằng để đàm phán đạt được tiến bộ thực sự, các mối quan tâm cốt lõi của mỗi bên phải được giải quyết,” nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh nói thêm. “Nếu hai bên chỉ đưa ra các điều kiện tiên quyết, hoặc thậm chí sử dụng áp lực cực độ để khiến phía bên kia phải nhượng bộ đơn phương, thì đàm phán sẽ thất bại.”
“Triều Tiên cho đến nay đã thực hiện những bước tích cực và đã kêu gọi Hoa Kỳ phải dung hòa,” ông Vương nói. “Chúng tôi hy vọng rằng phía Mỹ cũng áp dụng các biện pháp thiết thực trong vấn đề này và nỗ lực giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy đối thoại.”
Tuy nhiên Ngoại trưởng Trung Quốc không đề cập đến các cuộc thử nghiệm vũ khí gần đây của đồng minh Triều Tiên.
Nhưng ông nhắc lại những đề nghị trước đây của Trung Quốc là giảm nhẹ lệnh trừng phạt cho Triều Tiên.
“Chúng tôi tin rằng Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nên xem xét mở một cuộc thảo luận về việc giảm bớt các điều khoản trừng phạt đối với Triều Tiên để nước này khắc phục những khó khăn trong nền kinh tế và cải thiện sinh kế cho người dân.”
Trung Quốc là nước ủng hộ kinh tế và ngoại giao quan trọng nhất của Triều Tiên. Ngoại trưởng Vương Nghị đã đến thăm Bình Nhưỡng hồi tuần trước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gặp nhau tại khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên vào tháng 6 và đồng ý bắt đầu lại các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, cả hai bên cho tới nay vẫn chưa tiến thêm một bước nào trong nỗ lực nối lại đàm phán.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-keu-goi-my-noi-lai-dam-phan-voi-trieu-tien/5080832.html
Tập Cận Bình hứa thỏa thuận khí đốt
nếu Duterte bỏ qua phán quyết tòa án quốc tế
Tin từ Manila – Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết chủ tịch Tập Cận Bình đã đề nghị Manila nếu bỏ qua phán quyết chống lại Bắc Kinh của Tòa án quốc tế, thì sẽ cho Philippines quyền kiểm soát một liên doanh năng lượng của họ ở Biển Đông.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Cộng Hua Chunying đã không đưa thông tin cụ thể trong cuộc họp ngắn giữa hai lãnh đạo hôm thứ Tư (11/09/2019), nhưng ông Tập lưu ý rằng hợp tác sẽ mang lại tiến bộ lớn hơn trong việc khai thác tài nguyên trên biển. Bà Hua cho biết Duterte đã bày tỏ sẵn sàng đẩy nhanh hợp tác khai thác và khai thác dầu khí hàng hải giữa hai nước.
Tòa án ở The Hague đã làm rõ các ranh giới trên biển và các quyền lợi có chủ quyền của Philippines, khiến các yêu sách của Trung Cộng đã vô hiệu đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Trung Cộng không công nhận phán quyết.
Bất kỳ thỏa thuận nào để bỏ qua phán quyết trọng tài và hợp tác với Trung Cộng của Philippines sẽ là một trở ngại lớn cho các bên khác, đặc biệt là Việt Nam và Malaysia, những quốc gia chịu nhiều thách thức từ lực lượng tuần duyên Trung Cộng trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Hoa Kỳ gọi đó là bắt nạt và ép buộc nhằm cản trở đối phương khai thác chính tài nguyên của họ.
Ông Duterte không tiết lộ đã đồng ý với lời đề nghị của ông Tập hay chưa, nhưng cho biết sẽ bỏ qua một phần của phán quyết trọng tài liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế.
Theo ANC, hôm thứ Tư (11/09/2019) Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines, Teodoro Locsin nói rằng một thỏa thuận sơ bộ giữa Trung Cộng và Philippines sẽ tránh nêu rõ quốc gia nào được hưởng quyền khai thác khí đốt. (Mộc Miên)
TT Duterte định “phớt lờ” phán quyết Biển Đông
vì một lời hứa hẹn hấp dẫn của ông Tập?
Sau nhiều lần khẳng định “không từ bỏ” phán quyết Biển Đông, Tổng thống Philippines hôm 10/9 vừa qua đã đưa ra tuyên bố bất ngờ liên quan đến một dự án với Trung Quốc.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang cân nhắc chuyện “phớt lờ” phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông nhằm đẩy mạnh dự án thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc trong khu vực này, truyền thông Philippines đưa tin.
Cụ thể, theo Rappler, hôm 10/9 vừa qua, tại cuộc họp báo sau lễ tuyên thệ của cơ quan báo chí điện Malacañang, đoàn quay phim Malacañang và đoàn phóng viên ảnh Tổng thống, ông Duterte đã phát biểu về vấn đề này.
“Bởi vì điều đó – vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), là một phần của phán quyết trọng tài mà chúng ta [Philippines] sẽ phớt lờ nhằm đẩy mạnh một hoạt động kinh tế” – hãng tin Rappler trích dẫn phát biểu của Tổng thống Duterte.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu các thỏa thuận thăm dò chung trong kế hoạch trên có bao gồm các khu vực trên Biển Đông không bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hay không, ông Duterte đã không nêu thêm chi tiết trong tuyên bố của mình.
Trong khi đó, hãng tin GMA trích lời Tổng thống Duterte cho hay, trong cuộc trao đổi trước đó với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã thảo luận về một dự án thăm dò chung trên Biển Đông.
Theo ông Duterte, ông Tập đã đề nghị phía Philippines phớt lờ phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 mà Trung Quốc luôn khăng khăng không thừa nhận, và “kết nối với các công ty Trung Quốc” trong dự án thăm dò chung trên Biển Đông. Ngoài ra, ông Tập còn hứa sẽ “chia cho Philippines 60%”, còn Trung Quốc sẽ chỉ nhận 40% nếu dự án này đạt được thành quả, theo lời ông Duterte.
Philippines : Trung Quốc muốn hạn chế
các lực lượng nước ngoài tại Biển Đông
Ngoại trưởng Philippines hôm 11/09/2019 cho biết, Trung Quốc trong quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) muốn hạn chế sự hiện diện của quân đội nước ngoài, cũng như việc các công ty ngoại quốc tham gia vào các dự án dầu khí tại Biển Đông.
Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. khi trả lời phỏng vấn kênh ABS-CBN News tiết lộ, việc thương lượng « có lúc đã hết sức gay gắt », vì Bắc Kinh nhất định đòi « không có cường quốc quân sự nước ngoài nào được hiện diện tại Biển Đông », và « nếu các vị muốn khai thác dầu khí thì chỉ có thể làm việc với chúng tôi ».
Cũng theo ông Locsin Jr., tuy nhiên hiện nay Trung Quốc tỏ ra hòa hoãn hơn, không còn kiên quyết đòi loại bỏ sự hiện diện quân sự của nước ngoài, và theo ông, chủ yếu chỉ nhắm vào « các địch thủ của Trung Quốc và một số đồng minh của Philippines ». Ông bày tỏ hy vọng những trở ngại có thể được tháo gỡ trong thời gian tới.
AP cho biết hiện nay cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều chưa đưa ra lời bình luận nào. Bắc Kinh luôn phản đối việc Washington cho chiến hạm tuần tra vì tự do hàng hải trên Biển Đông.
Trung Quốc bị phê phán là chỉ chịu đàm phán với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử sau khi hoàn tất việc xây dựng bảy đảo nhân tạo ở Trường Sa. Thời hạn mà Tập Cận Bình đưa ra để hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử là ba năm cũng được coi là thủ thuật « câu giờ » để quân sự hóa vùng biển này, đặt các quốc gia ven biển trước « việc đã rồi ».
Sự lợi hại của các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây lên được thấy rõ trong vụ bãi Tư Chính : nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc sau khi xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã nhiều lần đến Đá Chữ Thập để tiếp liệu rồi nhanh chóng trở lại bãi Tư Chính để quấy nhiễu.
Đá Chữ Thập là rạn san hô thuộc cụm Nam Yết do Việt Nam đòi hỏi chủ quyền, bị Trung Quốc chiếm đóng năm 1988, nay đã trở thành đảo nhân tạo lớn nhất Trường Sa, với nhiều cơ sở quân sự và đường băng dài trên 3.100 mét dành cho oanh tạc cơ chiến lược duy nhất trong khu vực.
Quân đội Thái Lan ngả vào vòng tay TQ
Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) và hải quân Hoàng gia Thái Lan (RTN) vừa ký hợp đồng, theo đó Trung Quốc sẽ cung cấp cho Thái Lan tàu đổ bộ Type 071E. Theo trang web của quân đội Trung Quốc, đây là lần đầu tiên Trung Quốc xuất khẩu tàu đổ bộ, và rằng việc này phản ánh thành tựu lớn trong quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện.
Theo nhận định của Ian Storey, nhà nghiên cứu của viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, tại Đông Nam Á, Mỹ đang mất dần ảnh hưởng vào tay Trung Quốc và quân đội Thái Lan có thể xem là một ví dụ.
Kể từ cuộc đảo chính quân sự 2014, quan hệ quân sự Thái-Trung không ngừng gia tăng. Với lý do phản đối hành động đảo chính, Tổng thống Barack Obama đã cắt 4,8 tỷ USD tiền tài trợ Thái Lan mua vũ khí và thiết bị quân sự Mỹ cùng các hoạt động tập huấn, hủy bỏ hoặc giảm quy mô các cuộc tập trận chung.
Người Mỹ rút thì đã có ngay người Trung Quốc. Cảm nhận đây là cơ hội gia tăng ảnh hưởng và làm xói mòn quan hệ Mỹ-Thái, Trung Quốc đã tỏ ra rất sốt sắng, như họ từng làm với các nước khác trong tình huống tương tự.
Theo chuyên gia Storeym việc không có tranh chấp trên biển giữa hai nước, không giống nhiều nước Đông Nam Á khác với Trung Quốc, đã giúp tiến trình Trung-Thái xích lại gần nhau diễn ra êm đềm hơn nhiều.
Trung Quốc đã đồng ý cung cấp cho Thái Lan 3 tàu ngầm diesel-điện với giá 1,03 tỷ USD, hợp đồng quân sự lớn nhất của Thái Lan từ trước tới nay, 48 xe tăng chiến đấu VT-4. Thái Lan là nước đầu tiên ở Đông Nam Á đặt mua tàu ngầm từ Trung Quốc.
Trung Quốc đã đưa ra đề nghị chưa nước nào từng đưa ra: cung cấp 3 tàu ngầm S-26T mới cứng nhưng Thái Lan chỉ phải trả tiền hai tàu. Hợp đồng này có các điều khoản bao gồm cung cấp hệ thống chiến đấu, huấn luyện thủy thủ và việc trả tiền được kéo dài trong 10 năm.
RTN đã có kế hoạch trú đóng hau tàu ngầm tại căn cứ hải quân Sattahip ở bờ biển phía đông đất nước, còn tàu thứ ba sẽ đóng gần Phuket ở biển phía tây. Trung Quốc cũng chào thầu xây dựng căn cứ cho các tàu ngầm ở Sattahip và việc này có thể tạo ra một số vấn đề đối với Mỹ khi tàu chiến của Washington thường ghé thăm cảng này.
Tháng 5/2016, Thái Lan đã đặt mua 28 xe tăng VT-4 của Trung Quốc và trong các năm 2017, 2018 đặt mua thê 20 chiếc nữa, tổng giá trị hợp đồng là 280 triệu USD. Thái Lan cũng là quốc gia đầu tiên sau Trung Quốc vận hành xe tăng VT-4.
Kể từ năm 2014, quân đội Thái Lan đã mua một loạt vũ khí Trung Quốc, bao gồm 34 xe bọc thép chở quân, radar dẫn bắn cho pháo binh và tên lửa đất đối không.
Mặc dù vẫn đang sử dụng nhiều vũ khí Mỹ, người Thái vẫn phải thừa nhận đó là những món hàng đắt đỏ đối với họ. Thêm nữa, linh kiện thay thế lại bị hạn chế bởi những lệnh trừng phạt trong tương lai của Mỹ (bởi không ai biết trước tại Thái Lan sẽ còn đảo chính quân sự nữa hay không).
Trong khi đó, các cơ sở sản xuất vũ khí sở hữu nhà nước của Trung Quốc có thể cung cấp các hệ thống vũ khí rẻ hơn và việc bán hàng không bị gắn với những diễn biến chính trị trong nội bộ Thái Lan.
Và sự hợp tác không dừng lại ở mua bán. Ngày càng nhiều sỹ quan và học viên quân sự Thái Lan được cử tham gia các khóa đào tạo do quân đội Trung Quốc tổ chức. Thái Lan tập trận chung với Trung Quốc nhiều hơn bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào.
http://biendong.net/doc-bao-viet/30359-quan-doi-thai-lan-nga-vao-vong-tay-tq.html
Indonesia cáo buộc Việt Nam điều tàu trái phép
vào ranh giới phân chia thềm lục địa hai nước
Giới chức thuộc Bộ ngư nghiệp và các vấn đề trên biển của Indonesia mới đây lên tiếng cáo buộc Việt Nam đã điều tàu tuần duyên trái phép vào ranh giới phân chia thềm lục địa giữa hai nước gần đảo Natuna của Indonesia. Tờ Jakarta Post loan tin này hôm 11/9.
Indonesia và Việt Nam hiện vẫn còn một vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn chưa phân định gần đảo Hòn Cau của Việt Nam và phía bắc đảo Natuna của Indonesia. Hai nước đã đạt được thỏa thuận phân định ranh giới thềm lục địa chính thức vào năm 2003.
Ông Mas Achmad Santosa, người đứng đầu lực lượng chống đánh bắt cá lậu của Bộ ngư nghiệp Indonesia cho biết giới chức nước này đã phát hiện ít nhất 13 tàu tuần duyên Việt Nam ở đường ranh giới trong năm nay.
“Các phân tích của chúng tôi cho thấy đây là những tàu của chính phủ Việt Nam và chúng được đóng tại ngay biên giới phân chia thềm lục địa. Có hai lý do đằng sau việc này: đó là một dạng đe dọa hoặc những tàu này sẵn sàng canh gác cho các tàu cá của Việt Nam hoạt động tại vùng nước chồng lấn”, ông Mas Achmad Santosa nói tại buổi họp báo hôm 9/9.
Giới chức Indonesia cho rằng những tàu này của Việt Nam đã vi phạm Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS). Luật cấm các hoạt động có thể gây hại cho những đàm phán liên quan đến những tranh chấp về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Bên lề Thượng đỉnh ASEAN ở Bangkok vào tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý sẽ đẩy nhanh những đàm phán về phân định vùng đặc quyền kinh tế.
Trong những năm gần đây, chính quyền của Tổng thống Widodo đã gia tăng nỗ lực bắt giữ những tàu cá nước ngoài được cho là đánh cá trộm trong vùng biển của nước này gần đảo Natuna.
Số liệu của chính phủ Indonesia cho biết trong thời gian từ 2014 đến giữa năm 2019, khoảng gần 300 tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng nước của Indonesia đã bị bắt giữ và đánh chìm.
Jakarta đã nhiều lần phản đối chính thức Việt Nam về tình trạng đánh cá lậu. Lần gần đây nhất liên quan đến vụ tàu hải quân Indonesia đụng độ với tàu kiểm ngư của Việt Nam hồi tháng 4 vừa qua. 14 ngư dân Việt Nam và hai tàu cá đã bị phía Indonesia bắt giữ trong vụ đụng độ này.
Trung Quốc và Malaysia
thiết lập cơ chế đối thoại Biển Đông
Trung Quốc và Malaysia đã đồng ý thiết lập một cơ chế đối thoại chung về Biển Đông, nhà ngoại giao hàng đầu của chính phủ Trung Quốc nói hôm 12/9, sau khi gặp ngoại trưởng Malaysia, theo Reuters.
Malaysia từng chỉ trích quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông, nhưng gần đây không mạnh mẽ lên tiếng, nhất là sau khi Trung Quốc đổ hàng tỷ đôla vào các dự án hạ tầng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị nói tại một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah rằng năm nay, căng thẳng ở Biển Đông đã giảm.
Thực hư ExxonMobil ‘bỏ cuộc’ ở Việt Nam vì ‘áp lực’ từ Trung Quốc
Các nước liên quan và Trung Quốc cam kết tiếp tục xử lý phù hợp vấn đề Biển Đông và cùng chung sức bảo vệ hòa bình cũng như ổn định tại đó, ông Vương nói, theo Reuters.
“Để đạt được điều này, hai bên đã đồng ý thiết lập một cơ chế tham vấn song phương về các vấn đề hàng hải, một nền tảng mới để đối thoại và hợp tác cho cả hai bên”, ông Vương nói.
Gọi ông Vương là “anh trai”, ông Abdullah nói rằng cơ chế trên sẽ được bộ ngoại giao hai nước xúc tiến thực hiện.
Theo Reuters, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, quốc gia vốn nợ nần chồng chất. Hai nước cũng có mối quan hệ văn hóa gần gũi.
Đông Timor càng gần Trung Quốc,
ASEAN càng xa Đông Timor
Trải qua 20 năm độc lập, nước Đông Nam Á này vẫn vấp phải nhiều khó khăn và chưa được ASEAN chào đón.
Ngày 30/8/2019, Đông Timor kỷ niệm 20 năm ngày người dân bỏ phiếu tách khỏi Indonesia để trở thành một quốc gia độc lập. Năm 2011, quốc gia Đông Nam Á non trẻ đệ đơn gia nhập ASEAN. Ngày 4-6/9 vừa rồi, ASEAN cử một phái đoàn quan chức cao cấp tới khảo sát năng lực của Đông Timor trở thành thành viên của ASEAN.
Đông Timor không phải là quốc gia nhỏ nhất Đông Nam Á. Với diện tích 14.847 km2, dân số 1,167.242 người, nước này vẫn lớn hơn Brunei (72,11 km2, 411.900 người). Nhưng về tiềm lực kinh tế, vẫn là nước một nghèo hai khó nhất Đông Nam Á.
Ở thời điểm này, Đông Timor đang trải qua bế tắc chính trị, khi Tổng thống Francisco Guterres không chấp nhận 9 bộ trưởng đang bị điều tra tội danh tham nhũng, thành ra khó khăn trong thực thi ngân sách năm 2019 và trình duyệt ngân sách năm 2020.
Mắc kẹt tiền bạc Bắc Kinh
Tại lễ kỷ niệm sự kiện trưng cầu dân ý năm 1999, quan khách nước ngoài nổi bật nhất là Thủ tướng Úc Scott Morrison. Úc – nước láng giềng cách bờ biện Đông Timor 500 km, tìm cách tranh thủ nhưng tỏ ra khó địch lại ảnh hưởng Trung Quốc với các chương trình Vành đai và Con đường (BRI) xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như các khoản vay tín dụng cho các dự án khai thác dầu khí và viện trợ ngân sách. Tiền bạc Trung Quốc đã kéo Đông Timor gần hơn bao giờ hết vào quỹ đạo của Bắc Kinh, nhưng lại đẩy quốc gia này ngày càng xa tư cách thành viên ASEAN.
Giới lãnh đạo Đông Timor bác bỏ ý kiến cho rằng nước này chịu ảnh hưởng tiền bạc của Trung Quốc, nhưng cũng khó che dấu được hai khoản vay khổng lồ: 16 tỷ USD cho Công ty dầu khí quốc gia Đông Timor vay để phát triển các dự án dầu khí ngoài khơi và 50 tỷ USD để phát triển mỏ dầu khí Greater Sunrise nằm trên Biển Timor cách nước này 150 km, cách Darwin 450 km.
Hiệp ước phân định lãnh hải giữa Đông Timor và Úc được ký kết tháng 3/2018 đã tạo điều kiện Đông Timor làm chủ hoàn toàn tài nguyên Biển Timor. Hiệp ước quy định việc phân chia sản phẩm tại Greater Sunrise theo tỷ lệ 80/20 nếu khí đốt khai thác chuyển về Úc hoặc 70/30 nếu chuyển về Đông Timor. Cho đến nay các tập đoàn dầu khí Royal Duch Shell và ConocoPhilips đã rút khỏi đấu thầu vì các nhà thầu Trung Quốc không thể không “nuốt” các dự án nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng tại biển Nam Thái Bình Dương.
Ngay từ những ngày đầu nước Đông Nam Á này độc lập, Trung Quốc đã “xây tặng” dinh tổng thống, trụ sở quốc hội, bộ quốc phòng… Tiền bạc Trung Quốc có thể giữ cho Đông Timor tồn tại ngoài ASEAN.
ASEAN không thống nhất việc kết nạp Đông Timor
Kết nạp một thành viên mới phải được tất cả thành viên ASEAN tán thành theo nguyên tắc đồng thuận.
Năm 2002, Đông Timor được chấp nhận làm quan sát viên ASEAN và tham gia diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Cùng năm, Indonesia ủng hộ Đông Timor gia nhập ASEAN. Tháng 12/2007, Tổng thống José Ramos-Horta tuyên bố, gia nhập ASEAN là ưu tiên hàng đầu của Đông Timor, hy vọng được kết nạp năm 2012. Năm 2009, Thủ tướng Thái Lan tuyên bố ủng hộ Đông Timor gia nhập ASEAN vào năm 2012. Tổng thống Philippines ủng hộ gia nhập vào tháng 6/2013. Năm 2015, Đông Timor đã đáp ứng điều kiện có cơ quan đại diện tại thủ đô 10 nước thành viên ASEAN. Năm 2017, Philippines – đồng minh gần gũi của Đông Timor – làm Chủ tịch ASEAN, có điều kiện để thúc đẩy việc kết nạp Đông Timor, nhưng Singapore nêu rõ nước ấy thiếu nguồn nhân lực. Trong khi Indonesia, Thái Lan, Campuchia, cùng với Philippines, ủng hộ kết nạp Đông Timor, 6 nước thành viên khác không tán thành. Năm 2019, khi Thái Lan làm chủ tịch ASEAN, một cơ hội nữa bị bỏ lỡ.
Trong khi chuyến thăm của phái đoàn khảo sát ASEAN tại Đông Timor là một động thái quan trọng, kết quả cũng chưa có gì chắc chắn. Đa số các nước thành viên chưa tán thành đều cho rằng Đông Timor chưa đủ năng lực để tham gia ASEAN. ASEAN 2020 khác với ASEAN 1995, khi Việt Nam gia nhập tổ chức này.
Mặc dù bày tỏ thiết tha gia nhập ASEAN, sự trì hoãn hết lần này đến lần khác cũng làm cho Đông Timor thất vọng. Ngoại trưởng nước này Soares gần đây nói với truyền thông rằng, nếu ASEAN tiếp tục trì hoãn, tiếp tục khước từ, “Đông Timor có thể sẽ xem xét lại chủ trương xin gia nhập ASEAN”.
Dường như Đông Timor càng xích lại gần Trung Quốc, ASEAN càng xa rời Đông Timor. Vào lúc các quan hệ nước lớn liên quan ASEAN có nhiều bất trắc, tạo ra nhiều điều không chắc chắn, tổ chức khu vực này chưa muốn có thêm một nhân tố không chắc chắn tác động vào nội bộ của mình.
http://biendong.net/bi-n-nong/30324-dong-timor-cang-gan-trung-quoc-asean-cang-xa-dong-timor.html
Tâng bốc TQ lên tận trời xanh,
lãnh đạo đối lập New Zealand không ngờ
phải nhận về cả rổ “gạch đá”
Lãnh đạo đối lập của New Zealand vừa nhận nhiều chỉ trích từ dư luận trong nước, sau khi ông này thể hiện lập trường được cho là “đáng báo động” trong một chuyến thăm Bắc Kinh.
Cụ thể, tuần trước, lãnh đạo đối lập New Zealand Simon Bridges đã có chuyến thăm Trung Quốc kéo dài năm ngày, trong đó bao gồm lịch trình gặp gỡ ông Quách Thanh Côn – một thành viên Bộ Chính trị Trung Quốc.
Theo The Guardian, Ông Quách Thanh Côn trước đây từng là Bộ trưởng Công an Trung Quốc, cơ quan giám sát mọi lực lượng thi hành luật pháp của nước này, trong đó bao gồm lực lượng cảnh sát mật.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông nhà nước CGTN của Trung Quốc, ông Bridges đã chia sẻ rằng sự phát triển và tiến bộ của Trung Quốc khiến ông “rất kinh ngạc”:
“[Trung Quốc] luôn thay đổi… đất nước này luôn phát triển, mọi người có thể cảm nhận được sự thịnh vượng ấy.
Trong vòng 70 năm qua, nền kinh tế của Trung Quốc đã chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục nhất trong lịch sử, và đất nước này cũng đã có nhiều người thoát khỏi cảnh nghèo đói nhất từ trước đến nay.
Tựu chung lại, thì đây là một câu chuyện tuyệt vời, và tôi cho rằng những người dân New Zealand cũng có phần liên quan tới điều này vì chúng ta cũng nằm trong số những người được hưởng lợi trực tiếp từ điều đó”.
Sau đó, ông Bridges còn chia sẻ thêm về điều này trên Facebook cá nhân: “Ngày nay nền kinh tế [của Trung Quốc] đã thay đổi, và họ có quyền tự hào vì đã đưa được hàng trăm triệu người dân thoát khỏi cảnh nghèo đói”.
Ngoài ra, phóng viên của CGTN cũng đã đặt câu hỏi dành cho lãnh đạo đối lập New Zealand về tình hình bất ổn tại Hong Kong. Theo The Guardian, thái độ của ông Bridges gần như trái ngược hoàn toàn với lập trường thận trọng của chính phủ New Zealand, khi ông này một lần nữa khen ngợi Trung Quốc:
“Chúng tôi [New Zealand] hiểu và thừa nhận Hong Kong là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Chúng tôi muốn thấy các bên giải quyết vấn đề theo cách hòa bình. Tôi cho rằng quyết định rút hoàn toàn dự luật dẫn độ gần đây của chính quyền là bước đi rất tích cực”, ông Bridges nói.
Cuộc gặp gỡ đáng ngờ?
Chuyến thăm Bắc Kinh và những phát ngôn gần đây của lãnh đạo đối lập New Zealand đã khiến các chuyên gia về Trung Quốc của nước này lo ngại.
Stephen Noakes, một nhà nghiên cứu cấp cao về chính trị Trung Quốc tại đại học Auckland cho rằng ông Bridges đã “loạn trí” khi đưa ra những bình luận tâng bốc Trung Quốc như vậy. Còn theo David Capie, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Victoria, thì bình luận rằng “việc chính quyền và phe đối lập New Zealand có lập trường và phát ngôn trái ngược nhiều đến vậy là điều đáng báo động”.
Nói về cuộc gặp với cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc, Giáo sư Anne Marie Brady của trường đại học Canterbury, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc, cho biết đây có thể là hành động “bắc cầu” nhằm giúp Bắc Kinh đạt được các cơ hội kinh doanh tại New Zealand, đồng thời cũng giúp ông Bridges nhận được các đặc quyền, đặc lợi từ phía Bắc Kinh.
Phát ngôn viên của lãnh đạo đối lập New Zealand đã từ chối trả lời câu hỏi liệu ông này có biết về mối liên hệ giữa ông Quách và lực lượng cảnh sát mật Trung Quốc hay không; tuy nhiên người này tiết lộ rằng ông Bridges đã tự chi tiền túi cho chuyến thăm Trung Quốc tuần trước.
Phát biểu trước truyền thông trong nước, ông Bridges đã phủ định về việc có thỏa thuận với lực lượng cảnh sát mật Trung Quốc, đồng thời khẳng định rằng chuyến thăm Trung Quốc của ông đã bị hiểu nhầm, và Trung Quốc thực sự là đối tác thương mại đáng giá của New Zealand.
“Mọi người nói rằng ông ấy [Quách Thanh Côn] có liên quan tới cảnh sát mật. Thực tế ông ấy là một trong những quan chức cấp cao hàng đầu Trung Quốc. Tôi rất mong mọi người sẽ có trách nhiệm [khi đưa ra các thông tin như vậy]”, ông Bridges kết luận.