Tin khắp nơi – 12/07/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 12/07/2016

TT Obama sẽ đọc diễn văn tưởng niệm 5 cảnh sát viên thiệt mạng ở Dallas

Chris Hannas

Tổng thống Barack Obama ngày hôm nay sẽ đọc diễn văn tại Dallas, Texas tại lễ tưởng niệm 5 cảnh sát viên bị giết trong tuần qua trong vụ tấn công của một tay súng bắn sẻ tại một cuộc biểu tình.

Đây sẽ là lần thứ 11 trong nhiệm kỳ tổng thống mà ông Obama lên tiếng trước một cộng đồng tiếp sau một vụ xả súng giết người hàng loạt.

Cùng có mặt với ông Obama tại Dallas là Phó Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm của ông là cựu Tổng thống George W. Bush. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói tổng thống Obama đã tìm cách an ủi người dân trên toàn nước Mỹ sau cuộc tấn công tại Dallas và những vụ cảnh sát nổ súng bắn chết người Mỹ gốc châu Phi gây nên nhiều cuộc biểu tình tại nhiều thành phố.

Ông Earnest nói: “Tổng thống thừa nhận rằng không chỉ người dân tại Dallas đau buồn, mà mọi người trên toàn nước Mỹ quan tâm đến bạo lực mà nhiều người đã chứng kiến trong tuần qua cũng đau buồn. Và sự thật là đây là bạo lực mà chúng ta đã phải chứng kiến không những trong tuần qua mà còn quá thường xuyên trong vài năm vừa rồi.”

Ông Earnest nói Tổng thống Obama ngày mai cũng sẽ gặp các giới chức thi hành công lực, các nhà hoạt động, các học giả và các lãnh tụ dân quyền tại Tòa Bạch Ốc để cố gắng thúc đẩy đối thoại hầu tìm ra những giải pháp cho sự chia cách giữa cảnh sát và người dân tại nhiều cộng đồng.

Trước lễ tưởng niệm, hơn 1.000 người đã tham dự buổi thắp nến cầu nguyện vào tối ngày hôm qua tại Dallas nơi Cảnh sát trưởng David Brown so sánh các cảnh sát viên đã ngã xuống như những siêu anh hùng.

Ông nói: “Hãy giao cho chúng tôi một công việc, chúng tôi sẽ chú tâm để hoàn thành nhiệm vụ. Do đó nhiệm vụ của chúng tôi ngày hôm nay là gì? Đó là giúp các gia đình hiểu được cách thức làm thế nào chế ngự được thảm kịch này.”

Cộng thêm 5 cảnh sát viên thiệt mạng, còn có 9 cảnh sát viên khác và 2 thường dân bị thương trong cuộc tấn công ngày thứ Năm tuần qua.

Những người cùng làm việc với 5 cảnh sát viên thiệt mạng nói về những đồng nghiệp của họ. Cảnh sát viên Marcie St. John nói với những người tham gia buổi thắp nến cầu nguyện về cảnh sát viên Michael Smith, đồng nghiệp của cô.

Cô nói: “Tôi và những người yêu mến Mike nhiều nhất chọn vinh danh di sản của Mike—vì đây là một sự lựa chọn—không để sự giận dữ lôi kéo chúng tôi vào một nơi tối tăm, mà thay vào đó chúng tôi chọn tiếp tục cuộc tranh đấu của Mike cho điều thiện và không để cái ác thắng thế. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ và phục vụ thành phố tuyệt vời này mà Mike từng yêu mến vô cùng.”

Sáng sớm hôm qua, cảnh sát trưởng Brown nói ông và gia đình ông nhận những lời dọa giết sau vụ nổ súng và cảnh sát lo ngại về sự an toàn của họ. Ông cũng cho biết cảnh sát tại Mỹ đang dưới áp lực phải làm việc quá nhiều.

Ông Brown nói: “Mọi thất bại trong xã hội, chúng ta đều đặt lên vai cảnh sát để giải quyết. Không đủ tiền cho sức khỏe tâm thần, hãy để cảnh sát xử lý. Không đủ tài trợ để giải quyết nạn ghiền ma túy, hãy giao cho cảnh sát xử lý. Tại Dallas, chúng ta có vấn đề chó chạy rong, hãy để cảnh sát đuổi theo chó chạy rông. Các trường học thất bại, hãy giao cho cảnh sát.”

Các nhà điều tra đang tìm hiểu lý lịch của tay súng Micah Johnson, đã thiệt mạng sau khi cảnh sát dùng một rô-bốt có gắn chất nổ để đối phó với ông ta.

Ông Brown nói cảnh sát sẽ “xem xét mọi đầu mối” để đảm bảo tìm ra những người khác có dính líu đến vụ tấn công.

Ông Brown nói thêm là cảnh sát đang xem xét 170 giờ thu hình bằng máy thu hình do các cảnh sát viên mang trên người, cũng như những đoạn phim do những máy thu hình đặt bên trong xe cảnh sát và video do các máy thu hình an ninh thu được từ các cửa hiệu dọc theo đường phố nơi nổ súng xảy ra.

Cảnh sát Trưởng Johnson cũng nói đối với ông dùng rô-bốt giết chết Johnson không phải đặt ra một “vấn đề về mặt đạo đức”. Đây hình như là lần đầu tiên lực lượng cảnh sát Mỹ sử dụng chiến thuật như vầy để chấm dứt một hành vi tội phạm.

Ông Brown nói: “Chúng tôi tin là nghi can này có những kế hoạch khác, anh ta nghĩ là điều anh ta làm là đúng. Anh ta sẽ nhắm tấn công các nhân viên thi hành công lực, bắt chúng tôi phải trả giá về những điều anh ta nghĩ là các nỗ lực của cảnh sát nhằm trừng phạt người da màu.”

Những chất liệu chế tạo bom và một cuốn nhật ký được tìm thấy trong nhà của Johnson trong một vụ lục soát.

Các giới chức thi hành công lực Mỹ nói Johnson không có tiền án hình sự.

Trong một email, quân đội Mỹ xác nhận Johnson là một chuyên viên về mộc và nề trong thời gian phục vụ trong quân đội từ tháng 3 năm 2009 đến tháng 4 năm 2015. Johnson được điều động đến Afghanistan từ tháng 11 năm 2013 đến tháng 7 năm 2014.

Johnson rời khỏi Afghanistan khi một đồng đội khởi tố anh ta vì quấy nhiễu tình dục và nói rằng anh ta cần được cố vấn về tâm thần.

http://www.voatiengviet.com/a/obama-se-doc-dien-van-tuong-niem-canh-sat-vien-thiet-mang-o-dallas/3414831.html

 

Kinh tế Italy có nhiều khó khăn

Kinh tế Italy sẽ không trở lại mức trước khi có khủng hoảng tài chính cho tới giữa thập niên 2020, IMF nói.

Điều này có nghĩa là kinh tế Italy bị xem là bị “mất hai thập niên”.

IMF cho rằng tới giữa 2020 thì các nền kinh tế của các thành viên khu vực dùng euro sẽ lớn hơn khoảng 20-25% so với mức thấy trước năm 2008.

Bình luận IMF được đưa ra vào lúc tổ chức này hạ thấp dự đoán tăng trưởng đối với nền kinh tế lớn thứ ba khu vực dùng euro.

Italy nay được trông đợi tăng trưởng dưới 1% vào năm nay, so với mức 1.1% dự đoán trước đó.

IMF cũng giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Italy cho 2017 từ 1.25% xuống còn 1%.

Italy có tỷ lệ thất nghiệp là 11% trong bối cảnh khu vực ngân hàng bị khủng hoảng và nợ chính phủ chỉ thua Hy Lạp.

Các ngân hàng Italy bị nợ xấu nhiều, và có thể phải cần tới việc bơm vốn vào đáng kể.

IMF nói bất kỳ sự hồi phục kinh tế nào của Italy đều “mong manh và phải mất nhiều năm” và nói thêm rằng nhà chức trách nước này đối diện thách thức vô cùng lớn.

Vào tuần trước, IMF cắt dự báo tăng trưởng đối với eurozone nói chung vì có quan ngại về tác động của lá phiếu dẫn tới Anh Quốc rời EU.

http://www.bbc.com/vietnamese/business/2016/07/160712_italy_economic_woe

 

Phát hiện ‘mức hoạt động cao’ tại địa điểm thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên

Một nhóm quan sát về Bắc Triều Tiên có trụ sở ở Mỹ nói các hình ảnh chụp bằng vệ tinh trong thời gian gần đây cho thấy “mức hoạt động cao” tại địa điểm thử nghiệm hạt nhân của nước Cộng sản Bắc Triều Tiên.

Một phúc trình đăng trên trang web của nhóm 38 North hôm thứ Ba nói những hình ảnh dường như cho thấy những tiếp liệu hay thiết bị được chất đống tại khu phía bắc của địa điểm thử hạt nhân Punggye-ri, nơi Bắc Triều Tiên đã thử nghiệm hạt nhân vào năm 2013 và năm nay.

Nhóm 38 North nói chỉ dựa vào các hình ảnh chụp bằng vệ tinh, “Không thể xác định được liệu đó là các hoạt động bảo trì, đào lắp hay là hoạt động chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm.” Nhưng nhóm này nói rằng rõ ràng là Bình Nhưỡng đang ra sức chuẩn bị cho địa điểm Punggye-ri ở trong “tư thế sẵn sàng” cho bất cứ cuộc thử nghiệm hạt nhân nào sắp tới.

Bắc Triều Tiên đã thực hiện 4 cuộc thử nghiệm hạt nhân lớn kể từ năm 2006, vụ mới nhất là vào tháng Giêng năm nay.

Tháng trước, Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, tức IAEA, của Liên Hiệp Quốc nói các bằng chứng do vệ tinh chụp được cho thấy có phần chắc là Bắc Triều Tiên nối lại hoạt động tại nhà máy ở Yongbyon để sản xuất plutonium từ nhiên liệu đã sử dụng ở lò phản ứng hạt nhân.

Tin tức này khớp với những bằng chứng do nhóm 38 North tìm thấy và loan báo hồi tháng 4 rằng phát hiện khói thải từ nhà máy nhiệt năng ở khu nhà máy tái chế chính ở Yongbyon.

http://www.voatiengviet.com/a/phat-hien-muc-hoat-dong-cao-tai-dia-diem-thu-hat-nhan-bac-han/3414750.html

 

Đánh bom xe gần Baghdad, 11 người chết

Một kẻ tấn công tự sát cho nổ bom xe gần một ngôi chợ ngoài trời đông đúc ở đông bắc Baghdad sáng thứ Ba, làm ít nhất 11 người thiệt mạng và 32 người bị thương tại một khu vực có đa số cư dân là người Hồi giáo Shia.

Kẻ tấn công lái chiếc xe tải nhỏ chất đầy bom và cho nổ vào giờ cao điểm tại khu chợ rau quả ở quận al-Rashidiya. Cảnh sát buộc phải chặn nhiều con đường chính quanh Baghdad sau vụ tấn công.

Chưa có phe nhóm nào tuyên bố đã thực hiện vụ đánh bom xảy ra hôm thứ Hai, nhưng vụ này tương tự như những vụ tấn công mà nhóm Nhà nước Hồi giáo đã thực hiện ở các thị trấn quanh đó trong những ngày gần đây.

Trong hai vụ tấn công khác hồi tuần trước, Nhà nước Hồi giáo, còn gọi tắt là ISIS, đã giết hại hơn 300 người bằng các cuộc tấn công tự sát sử dụng xe bom. Trong vụ tấn công thứ nhất, một chiếc xe tải phát nổ tại một khu thương mại sầm uất ở Karada, một khu vực khác ở Baghdad có đông người Shia. 292 người chết trong vụ đánh bom này. Đó được xem là vụ tấn công đẫm máu nhất tại Iraq kể từ khi Mỹ tiến quân vào nước này năm 2003. Trong vụ tấn công thứ hai xảy ra hôm thứ Năm tuần trước, 37 người thiệt mạng tại một đền thờ ở bắc Baghdad.

Các vụ tấn công của ISIS đã diễn ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter hồi đầu tuần này hứa sẽ phái thêm 560 binh sĩ Mỹ nữa đến Iraq để giúp nước này chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Bộ trưởng Carter nói các lực lượng mới của Mỹ được phái đi sẽ đến Iraq trong vòng vài tuần tới, và chủ yếu sẽ làm công việc di dời một căn cứ không quân trước đó bị ISIS chiếm đến một khu vực mới để phục vụ cho trận chiến tái chiếm Mosul.

http://www.voatiengviet.com/a/danh-bom-xe-gan-baghdad-11-nguoi-chet/3414737.html

 

Phe nổi dậy Syria mở cuộc phản công ở thành phố Aleppo

Các tay súng thuộc phe đối lập ở miền bắc Syria hôm thứ Hai phát động một cuộc tiến công lớn nhắm vào những vùng do chính phủ kiểm soát ở thành phố Aleppo bị chiến tranh tàn phá, vài ngày sau khi quân đội chính phủ chiếm được tuyến đường tiếp liệu duy nhất dẫn vào nửa kia của thành phố do phe đối lập kiểm soát.

Những quan sát viên cho biết chiến dịch của phe nổi dậy bắt đầu vào lúc bình minh trên nhiều mặt trận. Đài Quan sát Nhân quyền Syria ở Anh sau đó cho hay 19 binh sĩ trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công nhắm vào Khu Phố cổ của Aleppo.

Nhưng giám đốc Đài Quan sát Rami Abdel Rahman nói với hãng thông tấn của Pháp rằng cuộc tiến công chính đã bị đình trệ vì vấp phải những đợt không kích nặng nề của chính phủ. Các quan sát viên cho biết những cuộc không kích của chính phủ đã giết chết ít nhất 13 thường dân hôm thứ Hai.

Chiến sự mới nhất theo sau một cuộc phản công thất bại và tối ngày thứ Bảy nhằm mở lại Đường Castello – tuyến đường huyết mạch chính cho 250.000 người cư trú trong khu vực do phiến quân kiểm soát tại thành phố hoang tàn này.

Ngày thứ Hai cũng đánh dấu thời điểm kết thúc của một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài năm ngày được chính phủ Damascus hứa hẹn và sau đó được triển hạn để kỷ niệm tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo khép lại.

Nhưng những nhà quan sát cho biết thỏa thuận ngừng bắn Eid al-Fitr thường xuyên bị vi phạm kể từ khi được loan báo vào thứ Tư tuần trước.

http://www.voatiengviet.com/a/phe-noi-day-syria-mo-cuoc-phan-cong-o-thanh-pho-aleppo/3414541.html

 

Trẻ em Bắc Triều Tiên đào tị trốn chạy tình trạng vô tổ quốc

Brian Padden

Một tổ chức truyền giáo Nam Triều Tiên đang giúp đỡ một số trong hàng ngàn con em của những người Bắc Triều Tiên đào tị sống ở Trung Quốc thoát khỏi tình trạng “không quốc tịch” và cuộc sống nghèo đói, bị lạm dụng.

Mục sư Chun Ki-won của Giáo Hội Durihana tại Seoul đã giúp sắp xếp cho một số con em của những người đào tị và mẹ của chúng tìm đường sang Nam Triều Tiên, nơi mà họ được cấp quy chế tị nạn và quốc tịch.

Tuy nhiên, ông Chun nói chính phủ Nam Triều Tiên có hạn chế một số quyền lợi của những người đào tị như miễn học phí đại học cho trẻ em Bắc Triều Tiên sinh ra ở Trung Quốc.

Ông nói: “Người đào tị thông thường có thể được hoàn trả học phí nhưng các sinh viên của chúng tôi phải tự bỏ tiền ra, nên chúng tôi phải giúp đỡ cho họ”.

Buôn người

Trong lúc việc tăng cường an ninh biên giới đã làm giảm tổng số người Bắc Triều Tiên đào tị trong những năm gần đây, những người có thể vượt biên vào Trung Quốc bây giờ phần lớn là phụ nữ.

Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên cho biết gần 80% số người Bắc Triều Tiên xin tị nạn tại nước này là phụ nữ.

Ông Chun cho biết để đáp ứng nhu cầu cao của việc tìm vợ, người giúp việc nhà hay những người hành nghề mãi dâm ở nông thôn Trung Quốc, những tay buôn bán người đã hối lộ nhân viên biên phòng để cho phép những phụ nữ Bắc Triều Tiên vô vọng được vào Trung Quốc, và thường là rơi vào tình trạng bị lạm dụng, trong đó họ không có quyền lợi và tình trạng hợp pháp.

Ông nói: “Có rất nhiều người muốn mua phụ nữ, và có rất nhiều người Bắc Triều Tiên muốn đào thoát”.

Nhiều người Bắc Triều Tiên đào tị đã sinh con ở Trung Quốc. Năm 2012, Viện Thống nhất Quốc gia Nam Triều Tiên ước tính có khoảng 30.000 con em của những phụ nữ Bắc Triều Tiên đào tị, ở Trung Quốc.

Sống lưu vong

Các tổ chức nhân quyền nói theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc có nghĩa vụ phải bảo vệ những người tị nạn, nhưng Bắc Kinh gán cho những người đào tị Bắc Triều Tiên cái nhãn di trú bất hợp pháp.

Các nhà hoạt động nói trẻ em Bắc Triều Tiên ở Trung Quốc không được xem là công dân và thường không được tới trường hay tiếp cận việc chăm sóc y tế. Và mẹ của chúng sống thường xuyên trong sợ hãi bị trục xuất về Bắc Triều Tiên và bỏ tù.

Han Ye-seul, một đứa trẻ đào tị Bắc Triều Tiên 15 tuổi, nói: “Sống ở Trung Quốc rất nguy hiểm, còn ở đây, tại Nam Triều Tiên, tôi được sống tự do”.

Cô Han và nhiều đứa trẻ được Mục sư Chun cứu giúp đi học ở Trường Quốc tế Durihana tại Seoul, nơi chúng được học các kỹ năng xã hội và giáo dục để có thể hội nhập tốt hơn tại miền Nam dân chủ và thịnh vượng.

Mùa hè này, trẻ em đào tị đang học tiếng Anh với một nhóm đa số là sinh viên Mỹ gốc Nam Triều Tiên đến từ Giáo hội Little Flock ở thành phố New York.

Rất khó phân biệt được hai nhóm trẻ em khi chúng cười và chơi đùa với nhau ở hành lang, nhưng chúng bị cách biệt bởi những thế giới quá khác nhau, nơi xuất phát của chúng.

Cô Yu Eun-kyung, một người Bắc Triều Tiên 20 tuổi, nhớ lại cảnh nghèo đói cùng cực tại quê hương đã khiến gia đình cô phải liều mạng bị tù tội hoặc tệ hơn nữa để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cô Yu nói: “Không có nhiều cỏ trên đường phố. Mọi người ăn cỏ nhiều hơn là thực phẩm”.

Trong những năm 1990, Bắc Triều Tiên trải qua một nạn đói trầm trọng đã giết chết khoảng ba triệu người. Trong khi điều kiện tại quốc gia cộng sản đã được cải thiện, một phần do cải cách thị trường đã đem lại một số khích lệ cho nông dân, tình trạng nghèo khó và thiếu lương thực lan tràn vẫn còn tồn tại.

Một số sinh viên Nam Triều Tiên ở Seoul còn đang hồi phục sau khi bị lạm dụng trong nhiều năm ở Trung Quốc, nhưng em Kim Choon-woo 11 tuổi còn mang những vết thương về thể chất, khi cô bị người cha Trung Quốc đánh đập.

Em Kim cho biết: “Cha tôi làm như vậy vì ông ấy bị bệnh tâm thần.”

Mục sư Chun cho biết cha của Kim đã tự tử vì nghĩ rằng ông đã giết chết con gái. Mục sư Chun nói đa số phụ nữ và trẻ em Bắc Triều Tiên mà giáo hội của ông giúp đỡ đều trải qua một hình thức bị lạm dụng hay ngược đãi.

Kim cho biết thêm rằng mẹ cô đã tái giá ở Nam Triều Tiên và đang rất hạnh phúc tại đây.

Nam Triều Tiên sử dụng thuật ngữ “đào tị” thay vì “tị nạn” cho những người tị nạn Bắc Triều Tiên nhằm hàm ý là họ trốn thoát khỏi hệ thống chính trị cộng sản đàn áp của chính quyền Kim Jong Un, ngay cả khi động cơ của họ là vì kinh tế và các nhu cầu cơ bản của con người.

http://www.voatiengviet.com/a/tre-em-bac-trieu-tien-dao-ti-tron-chay-tinh-trang-vo-to-quoc/3413920.html

 

Nhiều thủ thuật dùng để kiểm duyệt ký giả

Một phúc trình mới cho biết làm báo một cách chuyên sâu, tường tận đang gặp nguy cơ trên toàn cầu, từ các vụ tấn công hành hung cho tới các khoản ngân sách bị cắt giảm đối với các tòa báo. Phúc trình nói sự thật đang bị trấn áp.

Tạp chí Index on Censorship đặt nhan đề bản phúc trình là Nguy hiểm của Sự thật, Sự thật bị Nguy hiểm.

Chủ biên Rachael Jolley cho biết: “Đúng là con dao hai lưỡi, phải không? Tôi nhìn vào các ký giả bị đe dọa từ tất cả mọi lĩnh vực. Rất nhiều kiểu áp lực, không chỉ hình thức bạo lực mà còn cả các kiểu phạt hành chính, áp lực tâm lý. Tôi muốn nói về việc trong giới ký giả chúng tôi có cảm nhận rằng chúng tôi sẽ không phơi bày được sự thật qua năm tháng vì phơi bày ra công chúng sự thật là việc đang trở nên ngày càng nguy hiểm. Không chỉ ký giả bị nguy hiểm mà sự thật cũng đang bị nguy hiểm.”

Các vụ tấn công đối với cánh báo chí bao gồm các vụ sát hại và bắt cóc. Theo Ủy ban Bảo vệ Ký giả, năm ngoái có 73 nhà báo bị giết. Trong lúc chúng tôi thực hiện bài tường thuật này, có 17 ký giả bị sát hại trong năm nay.

Phúc trình của Index on Censorship nói ‘Tại Iraq, cung cấp sự huấn luyện bảo vệ an toàn không chỉ cần thiết mà còn là một trách nhiệm của các cơ quan quan tâm đến các ký giả và những nhà hoạt động trong những khu vực nguy hiểm.’ Vẫn theo báo cáo, ở một số nước như Syria, Afghanistan, và Yemen, các nhà báo kỳ cựu thường cảm thấy khó tác nghiệp.

Phúc trình chỉ ra một xu hướng đang gia tăng trong việc ‘dán nhãn cho ký giả là các phần tử khủng bố hoặc cực đoan để các chính phủ có thể đàn áp hoạt động của họ.’ Luật của một số nước còn cấm chỉ các bài báo chỉ trích quan chức nhà nước.

Chủ bút Jolley cho biết ngoài ra còn có áp lực tài chính từ các khoản ngân sách thu hẹp.

Bà Jolley nói: “Trong một chừng mực, có nguy cơ rằng cách tài trợ cho báo chí đang làm thay đổi báo chí. Các nhà báo ngày càng ít làm các bài tường thuật có chiều sâu, họ bị đặt dưới áp lực viết các tường trình nhanh. Cho nên, đó cũng là lý do vì sao chúng ta không còn thấy các bài phóng sự điều tra chuyên sâu nữa.”

Bà Jolley cho biết các tòa báo ngày nay có ngân sách và đội ngũ nhân viên ít hơn nhiều so với trước. Cho nên, có phần chắc họ không thể làm ra các loạt phóng sự điều tra kiểu từng thấy trong vụ tai tiếng chính trị Watergate ở Mỹ thập niên 70 khiến Tổng thống Nixon phải từ chức hay trong vụ gần đây phanh phui các linh mục lạm dụng tình dục trẻ em. Bà Jolley gọi đây là ‘tình trạng mua chuộc và nghề báo bị đè nén.’

Bà Jolley nói: “Ký giả được cử đi tìm hiểu một câu chuyện, được thật sự thâm nhập vào một cái gì đó, có cơ hội để làm một điều gì đó chẳng hạn như điều nghiên các tài liệu, nghiên cứu các chi tiết và thực sự phơi bày sự thật, những điều như thế ngày càng thưa dần. Tôi muốn nói dĩ nhiên cũng còn một ít ký giả đang làm như vậy, nhưng số lượng và sự dấn thân vào kiểu làm báo đó đang mai một.”

Bà Jolley nói ngay cả phương tiện truyền thông xã hội như Twitter cũng có thể có tác động tiêu cực đến việc tường trình tin tức của báo giới.

Bà cho biết: “Phương tiện truyền thông xã hội, một mặt nào đó, là một sáng kiến tuyệt vời và thú vị, cho chúng ta tìm hiểu thông tin. Nhưng mặt khác, nó cũng được dùng để ngăn chặn thông tin. Ta thấy có những chính phủ rót tiền vào bộ máy quảng bá, nhưng không phải bằng cách thẳng thắn, theo hướng tích cực, mà là bằng cách nhắm vào các nhà báo và tìm cách hủy hoại thanh danh của họ, để tấn công ký giả, đối phó với những bài viết của họ, bôi nhọ hình ảnh của họ cả trong lẫn ngoài nước.”

Chủ bút tạp chí Index on Censorship cho biết nhiều nhà báo đã bị mất vị thế là người quan sát. Bà Jolley nói thậm chí các nhóm chủ chiến như Nhà nước Hồi giáo cũng có phương tiện truyền thông riêng, không cần đến các ngòi bút ký giả.

Ngoài ra, bà Jolley cho biết, ngày càng gia tăng xu hướng làm báo về người nổi tiếng, viết về những người giàu có, tiếng tăm và cập nhật thông tin về họ.

Vẫn theo lời bà, nếu mỗi công dân đòi được biết những gì chính phủ đang làm thì truyền thông báo chí sẽ phải đáp ứng bằng những cái vượt xa hơn là những bài tường thuật tốt.

http://www.voatiengviet.com/a/nhieu-thu-thuat-dung-de-kiem-duyet-ky-gia/3413860.html

 

Thủ tướng Anh sẽ từ chức vào ngày 13/7

Thủ tướng Anh David Cameron cho biết ông sẽ chính thức từ chức vào thứ Tư tới (13/7), mở đường cho Bộ trưởng Nội vụ Theresa May trở thành nhà lãnh đạo kế tiếp của nước này.

Trả lời các phóng viên, ông Cameron nói: “Bà ấy (Theresa May) là một người mạnh mẽ, có năng lực, có thừa khả năng dẫn dắt đất nước trong những năm sắp tới”.

Đương kim Thủ tướng Anh tuyên bố “ủng hộ hoàn toàn” bà Theresa.

Ông cho biết sẽ tới Hạ viện để trả lời các chất vấn, rồi sau đó sẽ nộp đơn từ chức. Ông Cameron nói nước Anh sẽ có tân thủ tướng vào “tối thứ Tư”.

Bà May và Bộ trưởng Năng lượng Anh Andrea Leadsom dự kiến sẽ đối đầu nhau trong cuộc lựa chọn vòng hai của phe Bảo thủ để lên thay thế ông Cameron.

Đương kim thủ tướng tuyên bố từ chức sau khi không thể thuyết phục người dân Anh ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức tháng trước.

Tuy nhiên, sớm hôm nay, bà Leadsom tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua, bỏ lại bà May “một mình một ngựa” trong cuộc đua lên thay thế ông Cameron.

Trong một tuyên bố gửi cho phóng viên, bà Leadsom nói rằng “quyền lợi của đất nước sẽ được phụng sự bằng việc bổ nhiệm ngay một thủ tướng mạnh mẽ và được nhiều người hậu thuẫn”.

Bà nói thêm rằng bà May có “vị thế tốt nhất” để triển khai việc Anh rút khỏi Liên hiệp châu Âu, hay còn gọi là vụ Brexit.

Nếu được xác nhận, bà May sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên ở Anh kể từ sau thời kỳ nắm quyền của cố thủ tướng Margaret Thatcher.

http://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-anh-se-tu-chuc-vao-ngay-13-thang-7/3413749.html

 

Nổ súng ở tòa án Michigan, 3 người chết

Ba người bị bắn chết hôm thứ Hai 11/7 tại một tòa án quận hạt, bang Michigan phía Bắc nước Mỹ.

Cảnh sát địa phương cho biết hai trong số những người thiệt mạng là chấp hành viên tòa án, và người thứ ba là tay súng. Một phó cảnh sát trưởng của quận hạt này cũng bị thương nhưng không đe dọa tính mạng, theo các báo cáo sơ khởi.

Một số thường dân cũng được đưa tới bệnh viện. Cảnh sát cho biết thương tích của họ cũng không đe dọa tới tính mạng.

Vụ nổ súng xảy ra tại tòa án Quận hạt Berrien ở thành phố St. Joseph, bang Michigan. Một bản tin truyền hình từ thành phố Grand Rapids lân cận trích lời Cảnh sát trưởng Paul Bailey nói tay súng là một tù nhân từng bị giam giữ.

Thống đốc bang Michigan, Rick Snyder, cho biết cảnh sát của bang đã bảo vệ được hiện trường vụ án.

Ông Bailey gọi vụ nổ súng một sự kiện “khủng khiếp.” Ông cho biết sở cảnh sát đang điều tra nguyên nhâ

http://www.voatiengviet.com/a/no-sung-o-toa-an-michigan-3-nguoi-chet/3414118.html

 

Ông Trump gọi mình là ‘ứng cử viên của luật pháp và trật tự’

Ứng cử viên tổng thống bên Đảng Cộng hòa Donald Trump hôm 11/7 tuyên bố mình là một “ứng cử viên của luật pháp và trật tự” và nói rằng người Mỹ phải chấm dứt “sự thù địch” đối với cảnh sát và cải thiện đời sống cho người dân ở “nội thành đầy rẫy tội ác.”

“Quá nhiều người Mỹ đang bị kẹt trong nỗi sợ hãi, bạo lực và nghèo túng,” tỉ phú bất động sản này nói trong một buổi vận động tranh cử ở thành phố Virginia Beach của bang Virginia nằm ở bờ đông.

Phát biểu được đưa ra trong lúc người Mỹ vẫn còn chấn động vì vụ bạo lực xảy ra tuần trước, trong đó cảnh sát bắn chết hai người đàn ông người Mỹ gốc Phi ở cự li gần sát, một người ở bang Louisiana và một người ở bang Minnesota. Vài ngày sau đó một tay súng người da đen nhắm mục tiêu tấn công cảnh sát người da trắng để trả thù tại thành phố Dallas, bang Texas, làm năm viên cảnh sát thiệt mạng.

Ông Trump, người sắp trở thành ứng cử viên tổng thống chính thức của Đảng Cộng hòa tại đại hội toàn quốc của đảng vào tuần sau, nói: “Các cảnh sát viên lao vào nguy hiểm mỗi ngày để bảo vệ các cộng đồng của chúng ta và họ thường làm điều đó mà không được ai cảm ơn và bị chỉ trích gay gắt. Chúng tôi ủng hộ các bạn và sẽ luôn sát cánh với các bạn. “

Ông ta nói: “Vụ tấn công nhắm vào cảnh sát Dallas là một vụ tấn công nhắm vào đất nước chúng ta. Cả nước đang tiếc thương và sẽ tiếc thương trong một thời gian rất dài.”

“Cảnh sát và nhân viên chấp pháp của Mỹ là những người ngăn cách nền văn minh khỏi sự hỗn loạn và sự tàn phá đất nước chúng ta như chúng ta đã biết.” Ông Trump nói bất cứ ai muốn hạn chế sự hiện diện của cảnh sát trong những khu phố nội thành chính là đang làm tổn thương những người dễ bị tổn thương nhất của đất nước.

“Đã tới lúc phải chấm dứt ngay bây giờ sự thù địch nhắm vào cảnh sát và tất cả những thành viên lực lượng chấp pháp của chúng ta,” ông nói.

Đồng thời, ông Trump nói “những cái chết bi thảm” ở Louisiana và Minnesota “cho thấy rõ còn phải làm rất nhiều để người Mỹ cảm thấy rằng sự an toàn của họ được bảo vệ. Phải làm. Chúng ta phải cải thiện – tốt hơn, nhạy bén hơn, thông minh hơn.”

Ông ta công kích ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton là “yếu kém, không hữu hiệu và lấy lòng cử tri.”

Ông Trump nói báo cáo của Cục Điều tra Liên bang vào tuần trước về việc bà Clinton xử lý tài liệu mật trên máy chủ email cá nhân thời còn làm ngoại trưởng từ năm 2009-2013 cho thấy bà “hoặc là kẻ nói dối hoặc là năng lực hết sức kém. Cá nhân tôi thì cho là có thể là cả hai.”

Bà Clinton đã phản bác lập luận của giám đốc FBI James Comey cho rằng bà đã “cực kỳ bất cẩn” trong việc xử lý những email của mình.

“Bất cứ thứ gì mà họ gửi cho tôi, họ không cho là bảo mật, và theo quan điểm của tôi không có lý do gì để cho là bảo mật, vào thời điểm đó,” bà cho biết tuần trước trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. “Tôi coi tài liệu bảo mật là thứ phải xử lý nghiêm túc.”

Thượng nghị sĩ bang Vermont, ông Bernie Sanders, người đã tiến hành một chiến dịch tranh cử đầy hứng khởi chống lại bà Clinton nhưng không giành được đề cử của Đảng Dân chủ, dự kiến sẽ công khai tuyên bố ủng hộ bà tại một buổi vận động chính trị chung vào ngày thứ Ba tại bang New Hampshire.

http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-goi-minh-la-ung-cu-vien-cua-luat-phap-va-trat-tu/3414117.html

 

Cha mẹ tay súng Dallas nói con trai họ đổi tính sau khi giải ngũ

Cha mẹ của cựu binh sĩ Lục quân da đen 25 tuổi, người tuần trước bắn chết năm cảnh sát tại thành phố Dallas, bang Texas, cho biết hung thủ thay đổi tính tình sau khi giải ngũ vào năm ngoái.

Delphine Johnson, mẹ của tay súng Micah Johnson, nói với trang tin TheBlaze rằng con trai bà từ một người hướng ngoại ham vui trở thành một “người ẩn dật” sau sáu năm phục vụ trong lực lượng Dự bị của Lục quân Mỹ, trong đó có bảy tháng được gửi sang Afghanistan, nơi Mỹ đã tham chiến suốt 15 năm qua.

Bà và cha của Johnson, James Johnson, cho biết không thể xác định chính xác bất kỳ sự việc cụ thể nào trong thời gian phục vụ quân ngũ khiến con trai họ thay đổi. Bà Delphine Johnson nói con trai bà “yêu đất nước” và “muốn bảo vệ đất nước.”

Tuy nhiên bà nói: “Quân đội không phải như Micah đã nghĩ. Nó rất thất vọng, rất thất vọng. Có thể là lý tưởng mà nó nghĩ về chính phủ của chúng ta, điều mà nó nghĩ là quân đội đại diện, không như kỳ vọng của nó.”

Cha của Johnson cho biết con trai ông, sau khi rời quân ngũ, đã lao vào nghiên cứu lịch sử của người da đen và tìm hiểu về di sản của mình. Trang Facebook của anh ta, giờ đã bị xóa, đăng những hình ảnh cho thấy nắm tay “quyền lực đen” và một lá cờ ba màu đỏ, đen và xanh lá cây, cả hai đều là những biểu tượng của phong trào khẳng định sức mạnh của người da đen. Trang Facebook này cũng cho thấy anh ta ủng hộ Đảng Báo đen Mới, một nhóm từng kêu gọi bạo lực nhắm vào người da trắng.

Gia đình cho biết anh ta chưa bao giờ thể hiện bất kỳ sự thù hận nào đối với người da trắng, nhưng anh ta nói với những người thương thuyết của phía cảnh sát trong vụ nổ súng hôm thứ Năm tuần trước rằng anh ta muốn giết nhiều cảnh sát da trắng nhất có thể để báo thù vụ cảnh sát bắn chết hai người đàn ông người Mỹ gốc Phi vào tuần trước, một ở bang Louisiana và một ở bang Minnesota. Vụ đối đầu ở Dallas kết thúc khi cảnh sát kích nổ một quả bom gắn vào một robot mà họ đưa tới gần địa điểm Johnson tiếp tục thực hiện vụ tấn công.

Cha của Johnson nói ông không tài nào giải thích nổi hành động của con trai ông.

Ông Johnson nói: “Tôi không biết phải nói gì với mọi người để làm cho mọi việc trở nên tốt hơn. Tôi không biết là chuyện này sẽ xảy tới. Tôi yêu con trai tôi bằng tất cả trái tim mình. Tôi ghét những gì nó đã làm.”

Trong khi đó, Cảnh sát trưởng thành phố Dallas, David Brown, cho biết nhà chức trách đang tiếp tục cuộc điều tra về lí lịch của Micah Johnson và diễn biến của vụ việc xảy ra trên đường phố của thành phố lớn thứ chín ở Mỹ.

http://www.voatiengviet.com/a/cha-me-tay-sung-dallas-noi-con-trai-ho-doi-tinh-sau-khi-giai-ngu/3414090.html

 

Dư luận Anh dè dặt chờ thủ tướng mới nhậm chức

Lê Hải

Hãng AFP đưa tin, ngày mai 13/07/16, bà Theresa May sẽ trở thành Thủ Tướng Anh Quốc sau khi đối thủ của bà là bà Andrea Leadsom đưa ra một quyết định gây ngạc nhiên là rút khỏi cuộc đua vào vị trí Thủ tướng.Bà Theresa May đã hứa là sẽ đàm phán với Liên hiệp châu Âu để đạt được thỏa thuận hậu Brexit có lợi nhất cho nước Anh.

Hôm qua 11/07/16, đứng trước Phủ Thủ tướng ở số 10 phố Downing, Thủ tướng Anh David Cameron, người sẽ từ chức sau sự kiện Brexit, đã tuyên bố « Tối thứ Tư chúng ta sẽ có Tân Thủ tướng tại Tòa nhà phía sau lưng tôi ». Ông cho biết thêm là ngày mai, 13/07/16, ông sẽ đệ đơn từ chức lên Nữ hoàng Elisabeth II sau phiên chất vấn trước Quốc Hội và ông sẽ tiến cử bà Theresa May làm người kế nhiệm vị trí Thủ tướng.

Bà Theresa May sẽ trở thành nữ Thủ tướng thứ hai của Anh Quốc, sau bà Margaret Thatcher (1979-1990). Trong tuyên bố công khai đầu tiên sau khi Thủ tướng David Cameron thông báo về việc bổ nhiệm bà vào vị trí thủ tướng, bà Theresa May đã khẳng định muốn Anh Quốc đạt được một thỏa thuận có lợi nhất về việc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc sẽ có một vai trò mới trên thế giới.

Việc bổ nhiệm Tân Thủ tướng Anh diễn ra sớm hơn dự kiến do bà Andrea Leadsom, người ủng hộ Brexit, vào sáng hôm qua 11/07 đã quyết định rút lui khỏi cuộc đua. Quyết định này được đưa ra sau khi bà Andrea Leadsom bị chỉ trích nặng nề về việc khai gian lý lịch và đặc biệt sau khi bà nói là đối thủ Theresa May sẽ không lãnh đạo đất nước tốt bằng bà với lý do là bà Theresa May không có con.

Tình hình nước Anh xoay chuyển vô cùng nhanh chóng trong vòng vài ngày qua, vì theo dự kiến thì lẽ ra đến tận cuối tháng Chín người ta mới biết ai lên làm thủ tướng. Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải giải thích thêm.

Lê Hải : Sau ngày thủ tướng David Cameron thông báo kết quả cuộc trưng cầu dân ý về Liên Hiệp Châu Âu và tuyên bố sẽ rút lui để nhường lại vị trí lãnh đạo cho người khác, thì trong số các nghị sĩ đương chức của đảng Bảo Thủ có 5 người ra ứng cử vào vị trí này. Sau đó là các vòng bỏ phiếu trong nội bộ các nghị sĩ quốc hội. Đến cuối tuần trước thì còn lại hai ứng viên để sắp tới đây 300.000 đảng viên các cấp của đảng Bảo thủ sẽ bỏ phiếu để chọn ra chủ tịch đảng mới để người đó lên làm thủ tướng. Đến thời điểm đó thì người ta tin chắc là nước Anh sẽ có một người phụ nữ lên làm thủ tướng bởi vì cả hai ứng viên cuối cùng đều là phụ nữ. Thế nhưng bà Andrea Leadsom lại có một câu bình luận được báo chí chạy trên trang nhất rằng bà giỏi hơn vì đã làm mẹ. Điều này đã khiến dư luận chỉ trích thái độ không hay khi ám chỉ đến việc đối thủ chính trị không có con. Đến hôm qua thì bà Leadsom tuyên bố rút lui và ngay lập tức thủ tướng David Cameron thông báo sẽ chính thức từ chức trong phiên chất vấn thủ tướng hàng tuần vào thứ Tư này, tức là ngày mai,13/07/2016. Sau đó, ông sẽ nhanh chóng hoàn tất mọi thủ tục để chuyển giao quyền lực. Về mặt nghi thức, thì sau phiên họp, ông Cameron sẽ vào cung điện Buckingham để gặp Nữ hoàng và từ chức, rồi bàn giao tòa nhà thủ tướng ở số 10 Downing Street lại cho người mới. Tương tự vậy, bà Theresa May sẽ vào gặp Nữ hoàng để nhận nhiệm vụ thủ tướng, rồi dọn vào tòa nhà số 10 Downing Street để ở và làm việc. Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì tầm giờ này ngày mai là nước Anh đã có một thủ tướng mới, và cũng là lần thứ hai có một người phụ nữ làm thủ tướng.

RFI : Thời của bà Thatcher làm thủ tướng nước Anh đã làm thay đổi bộ mặt nước Anh, và cùng tổng thống Reagan của Mỹ tạo ra nhiều thay đổi trên thế giới. Như vậy nếu so sánh với Thatcher, hay thủ tướng Đức Merkel, thì bà thủ tướng mới của nước Anh sẽ ra sao?

Lê Hải : Mấy ngày qua trên truyền hình người ta bắt đầu quay các góc của bà Theresa May giống như là những góc quay nổi tiếng quen thuộc gắn với tên tuổi của bà Margaret Thatcher. Và có vẻ như là bà May cũng bắt đầu sửa kiểu tóc và dáng điệu có phần nào giống với bà thủ tướng nổi tiếng khi xưa. Thực ra thì từ sau ngày lên giữ chức vụ bộ trưởng nội vụ từ năm 2010 cho đến nay, bà đã thay đổi nhiều về trang phục và tác phong. Trước đó, bà là người khá sành điệu về thời trang và nổi tiếng với kiểu ăn mặt lòe loẹt đơn giản của giới bình dân. Có thời gian bà cũng giữ chức bộ trưởng chuyên trách các vấn đề phụ nữ; khi đó thì kiểu ăn mặc này cũng được coi là khá phù hợp. Nhưng cuối cùng thì bà đã ngồi lại chiếc ghế bộ nội vụ lâu nhất trong tất cả các đời bộ trưởng trong lịch sử nước Anh. Người ta bắt đầu thấy hình ảnh của một bà bộ trưởng thuộc loại cứng, sẵn sàng có những bước đi mới để giải quyết các vấn đề di dân, di trú, không sợ chỉ trích từ trong nước hay rào cản ở nước ngoài để trục xuất cho xong những đối tượng cần đưa ra khỏi nước Anh. Trong vài năm trở lại đây và mới bắt đầu từ 01/07 vừa qua, luật nhập cư liên tục được thắt lại và đó là kết quả đàm phán với rất nhiều đối tác nước ngoài, cũng như là dàn xếp với các tổ chức phi chính phủ và nhân quyền. Tính ra thì người phụ nữ này đã có một bề dày kinh nghiệm đáng kể. Ngoài 19 năm làm nghị sĩ quốc hội còn có 8 năm làm dân biểu trong chính quyền địa phương, phụ trách giáo dục. Trước đó bà cũng làm việc 6 năm trong Ngân hàng trung ương, và 12 năm làm việc cho cơ quan tài chính chuyên về công nợ quốc tế. Như vậy, điểm khác biệt so với Margaret Thatcher là bà Theresa May cho đến giờ không xây dựng một chủ thuyết chính trị nào rõ ràng. Nhưng nếu xét qua tấm bằng đại học Oxford của bà trong ngành Địa lý nhân văn, thì có thể thấy rằng việc nhanh chóng lập ra một chủ thuyết mới để dẫn dắt đảng Bảo thủ và nước Anh trong những ngày tới không phải là điều gì quá khó khăn đối với người phụ nữ này.
RFI : Dư luận quan tâm nhiều tới các cuộc tranh cãi về lãnh đạo của nước Anh cuối cùng cũng là vì để biết xem nước Anh sẽ rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu như thế nào. Vậy thì khi nào họ sẽ chính thức đệ đơn li dị?

Lê Hải : Trên lý thuyết thì bà Theresa May có thể thông báo ngay trong diễn văn nhậm chức vào tối mai, nhưng một cách chính thức thì có lẽ sớm nhất phải là thứ Tư tuần sau, 20/07/2016, bà mới trình bày cụ thể trong phiên chất vấn thủ tướng hàng tuần đầu tiên của bà, sau khi đã lập đủ nội các và trình làng ở hàng ghế trước trong quốc hội. Sau đó thì bà sẽ gặp các lãnh đạo của Liên Hiệp Châu Âu trong vai trò thủ tướng và rồi người ta mới có lộ trình cụ thể. Cũng cần phải nhắc thêm rằng bà May là người bỏ phiếu muốn nước Anh ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu. Mặc dù bà tuyên bố sẽ thể theo ý nguyện của dân chúng là rút nước Anh ra khỏi tư cách thành viên Liên Hiệp Châu Âu, nhưng có thể thấy con đường đi của bà sẽ là giữ lại những gì có thể giữ để mối liên lạc giữa Anh quốc và châu Âu vẫn còn tiếp tục suôn sẻ, đặc biệt là tư cách trong khối kinh tế chung. Bản thân bà đã tháp tùng thủ tướng David Cameron trong các chuyến đàm phán về cải tổ Liên Hiệp Châu Âu cho nên có lẽ hiện nay, bà là người nắm rõ tình hình nhất để chèo lái con thuyền nước Anh trong giai đoạn này. Dư luận ban đầu từ phía các đối tác có vẻ tốt, vì họ nhận xét bà là người chơi cứng trong đàm phán, nhưng không phải là người khó chơi trong quan hệ, cho nên có thể hi vọng là quá trình ly thân và ly dị của nước Anh với Liên Hiệp Châu Âu sẽ không nặng nề và các bên sẽ không bị thiệt hại đến mức phải khó chịu vì có thể đàm phán qua lại với nhau. Tuy nhiên, với những biến động vô cùng bất ngờ chỉ trong vòng vài tuần qua, thật khó có thể đoán trước được tình hình trong những ngày tới sẽ như thế nào.

RFI : Như vậy tình hình chính trị của nước Anh hôm nay có khó đoán lắm không? Liệu ngày mai có thể nào bà Theresa May sẽ không lên làm thủ tướng?

Lê Hải : Đó cũng là một khả năng, dù vô cùng nhỏ nhưng không thể loại trừ hoàn toàn. Chúng ta cần nhớ rằng con đường đưa bà Theresa May lên làm thủ tướng không hề thông qua lá phiếu của trên dưới 300.000 đảng viên của đảng Bảo thủ từ khắp mọi miền đất nước. Để giúp quí vị thính giả hiểu hơn về qui chế chính trị ở nước Anh, thì mỗi ứng viên khi ra tranh cử dân biểu địa phương bằng tư cách đảng thì cần phải ra điều trần trước hội đồng đảng viên ở cấp địa phương và phải được đa số phiếu thông qua thì mới được đảng viên chịu khó đi vận động phiếu cho bản thân mình. Thường thì mỗi một ghế ứng viên địa phương có khoảng vài chục ứng viên kiểu như vậy. Khi lên cấp ứng viên tranh cử vào nghị sĩ quốc hội thì con số người đăng ký có thể lên đến vài trăm người, rồi loại dần cho đến khi chỉ còn lại vài người để vào phỏng vấn trực tiếp, như trường hợp của bà Theresa May vào năm 1997. Tương tự như vậy, khi ứng cử vào chức chủ tịch đảng thì các vòng xét duyệt càng gắt gao hơn, mà bên trong nội bộ đảng Bảo thủ còn nhiều phe phái khác nhau. Ví dụ như nguyên đô trưởng Luân Đôn là ông Boris Johnson mới cách đây không lâu vẫn còn là nhân vật số hai trong đảng, mà nay kín tiếng chứ không có nghĩa là đã hết các nước cờ chính trị. Chỉ cần một nhân vật nổi cộm trong đảng ra tuyên bố phản đối là mọi chuyện sẽ được xét lại, ví dụ như trong kỳ đại hội đảng toàn quốc vào tháng Chín tới đây. Tuy nhiên, hiện bây giờ có lẽ còn quá sớm để bàn đến những chuyện như vậy, và dư luận đang rất quan tâm đến việc chuyển giao quyền lực vào ngày mai, và phản ứng của thị trường cũng như là các lãnh đạo trên thế giới mà đặc biệt là từ các nước Liên Hiệp Châu Âu trong ngày kia. Đó cũng chính là không khí chung trên báo chí nước Anh trong ngày hôm nay, dồn bài bình luận lại cho sáng thứ Năm tuần này.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160712-du-lua%CC%A3n-anh-de%CC%80-da%CC%A3t-cho%CC%80-thu-tuong-moi-nham-chuc

 

Bắc Triều Tiên duy trì hoạt động tại khu thử nghiệm hạt nhân

Thùy Dương

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy dấu hiệu hoạt động mạnh ở khu vực thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri của Bắc Triều Tiên. Một nguồn tin Mỹ cho AFP biết Bình Nhưỡng tìm cách duy trì hoạt động tại đây để có thể sẵn sàng tiến hành thử nghiệm hạt nhân vào bất cứ lúc nào.

Theo Viện nghiên cứu Mỹ – Triều Tiên thuộc Đại học Johns-Hopkins, các hình ảnh chụp khu thử nghiệm hạt nhân ngầm Punggye-ri ngày 07/07/16 cho thấy có vẻ như các nguyên liệu và/hoặc các trang thiết bị được đặt gần cửa hầm phía bắc khu này. Đây chính là nơi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân vào tháng 01/2016. Vệ tinh cũng ghi nhận một xe cơ giới nhỏ đậu gần khu thử nghiệm và có thể có nhiều xe chuyên dụng trong hầm mỏ ở cửa phía đông nam khu thử nghiệm. Điều này cho thấy đang có nhiều hoạt động trong đường hầm.

Trên trang web của mình, viện nghiên cứu Mỹ – Triều Tiên cho biết : “Không thể xác định được đây là các hoạt động bảo dưỡng, đào đất hay chuẩn bị cho vụ thử nghiệm hạt nhân thứ năm (…) Tuy nhiên rõ ràng là Bắc Triều Tiên muốn đảm bảo rằng khu phức hợp luôn trong tình trạng chuẩn bị và sẵn sàng cho các vụ thử nghiệm nếu Bình Nhưỡng ra lệnh”.

Từ sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư tiến hành ngày 06/01/16 và vụ bắn thử nghiệm tên lửa vào ngày 07/02/16, các căng thẳng không ngừng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.

Hôm qua, 11/07/16, Bình Nhưỡng đã đe dọa sẽ có “hành động cụ thể” chống lại hệ thống bắn chặn tên lửa mà Mỹ sẽ triển khai ở Hàn Quốc và Hàn Quốc coi là quan trọng sống còn với sự an ninh quốc gia của nước này. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố “có đủ các phương tiện và kỹ nghệ tinh vi” để tấn công hệ thống phòng thủ của đối phương. Bình Nhưỡng cũng sẽ « có những biện pháp tương xứng, đủ tàn bạo và đủ mạnh » để chống lại Hoa Kỳ, nước muốn gieo rắc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên khi đặt hệ thống lá chắn trên lãnh thổ Hàn Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160712-bac-trieu-tien-duy-tri-hoat-dong-tai-khu-thu-nghiem-hat-nhan-0

 

Châu Á sẽ nóng thêm sau phán quyết về vụ kiện Biển Đông

Thanh Phương

Tờ Financial Review của Úc hôm nay, 12/07/2016, đã trích dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia châu Á báo động về tác động của phán quyết về vụ kiện Biển Đông lên tình hình châu Á. Những ý kiến này được trích ra từ các cuộc phỏng vấn được trang Asialink của Đại học Melbourne, Úc đăng tải.

Đối với chuyên gia Termsak Chalermpalanupap, thuộc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á- Yusof Ishak, Singapore, việc Tòa Án Trọng Tài Thường Trực bác bỏ bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc sẽ khiến Bắc Kinh thêm giận dữ và càng đẩy nhanh việc bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo tại các vùng đang tranh chấp ở Biển Đông.

Bà Elina Noor, giám đốc nghiên cứu an ninh và chính sách đối ngoại của Viện Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế, Malaysia, cũng quan ngại là sau phán quyết của Tòa hôm nay, căng thẳng ở Biển Đông sẽ gia tăng và trầm trọng thêm, với việc Trung Quốc tiếp tục xây đảo nhân tạo, một hành động theo bà là “vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC”. Bà Elina Noor cũng dự báo Bắc Kinh sẽ tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông và đưa thêm nhiều tàu xâm nhập các vùng đặc quyền kinh tế của những nước tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Về phần mình, ông Ngeow Chow Bing, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Malaya, Malaysia, thì lo ngại là một phán quyết có lợi cho Philipines sẽ đẩy Trung Quốc đến tâm lý “một mình đương đầu với nhiều người”, với Philippines và rồi các nước tranh chấp khác trong ASEAN liên kết với hai đối thủ truyền thống của Bắc Kinh là Mỹ và Nhật tạo thành một mặt trận chống Trung Quốc. Theo vị chuyên gia này, điều đó sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại về địa chính trị.

Cũng quan ngại không kém, ông Suchit Bunbongkarn, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, Thái Lan, dự báo là việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết sẽ có tác động tiêu cực đến an ninh khu vực. Theo ông, phán quyết của Tòa Án Trọng Tài sẽ không giải quyết xung đột mà sẽ làm vấn đề thêm gay gắt.

Từ góc độ của Jakarta, ông Evan Laksmana, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Indonesia, cho biết nước này sẽ theo dõi sát phản ứng của Trung Quốc và sự leo thang căng thẳng có thể xảy ra ở Biển Đông. Dầu sao thì Jakarta sẽ tìm cách khai thác phán quyết ra hôm nay vì phán quyết này củng cố vị thế của Indonesia nếu nước này cũng đệ đơn kiện về những vụ đánh cá trái phép của tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Còn chuyên gia Lee Poh Ping, thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Malaya, thì lo ngại về một phán quyết hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc. Ông cũng sợ rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ dùng phán quyết này để thi hành chiến lược “bao vây” Trung Quốc, với lý do Trung Quốc là một quốc gia “côn đồ”, xem thường luật pháp quốc tế. Trong trường hợp đó, Bắc Kinh sẽ phản pháo bằng cách lôi kéo các nước Đông Nam Á khác.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển và Chiến lược, Philippines, ông Herman Kraft cũng dự đoán là sau phán quyết hôm nay, Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động trên Biển Đông, đi xa hơn những gì mà họ đã làm để xác quyết chủ quyền trước khi có phán quyết. Theo chuyên gia này, nếu Việt Nam và Philipines đáp trả cái mà họ xem như là chiến thuật hù dọa của Trung Quốc, cộng thêm với việc hải quân Hoa Kỳ can dự nhiều hơn, điều này có thể tại ra một môi trường thù nghịch mà trong đó mọi quyết định vội vã có thể dẫn đến khủng hoảng.

Phó chủ tịch Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nayang, Singapore, chuyên gia Ong Keng Yong thì quan ngại cho sự đoàn kết nhất trí của khối ASEAN vì phản ứng của Trung Quốc sau phán quyết hôm nay sẽ gây khó khăn cho việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, việc thực thi DOC trên nguyên tắc sẽ dẫn đến một bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông COC, có tính chất ràng buộc pháp lý hơn. Tân chính phủ Philippines có thể sẽ buộc có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc và điều này sẽ gây mất đoàn kết nội bộ ASEAN, cản trở sự đồng thuận trong việc ra các quyết định của khối này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160712-chau-a-se-nong-them-sau-phan-quyet-ve-vu-kien-bien-dong