Tin khắp nơi – 12/05/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 12/05/2018

LHQ được tiếp cận Bắc Hàn ‘ở mức chưa từng có’

Người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hiệp quốc (WFP) tin rằng có “tâm lý lạc quan” trong giới lãnh đạo Bắc Hàn, sau khi, theo lời ông nói, ông được phép tiếp cận ở mức chưa từng có vào quốc gia này.

David Beasley đã có hai ngày ở thủ đô Bình Nhưỡng và hai ngày ở bên ngoài thành phố, có các nhân viên chính phủ Bắc Hàn đi kèm.

Ông nói nước này đang rất nỗ lực trong việc đáp ứng được các tiêu chuẩn dinh dưỡng, và tình trạng đói khát không còn cao như hồi thập niên 1990.

“Có cảm giác như đang bước sang một trang sử mới,” ông nói với BBC.

Quan hệ giữa Bắc Hàn và thế giới đã có những biến chuyển đầy kịch tính trong thời gian gần đây.

Hồi năm ngoái, chính quyền Bình Nhưỡng tiến hành một loạt các vụ thử hạt nhân và hỏa tiễn.

Thế nhưng tháng tới, nhà lãnh đạo Bắc Hàn, ông Kim Jong-un, sẽ gặp ông Donald Trump.

Đây sẽ là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ gặp một nhà lãnh đạo Bắc Hàn.

Tin xác nhận cuộc gặp được đưa ra sau những cuộc hội đàm mang tính cột mốc giữa Bắc và Nam Hàn, và vài giờ sau khi ba công dân Mỹ bị Bắc Hàn giam giữ được thả, cho phép trở về nhà.

Liên hiệp quốc đã chứng kiến những gì tại Bắc Hàn?

Ông David Beasley tới thăm Bắc Hàn trong thời gian 8-11/5. Chuyến đi bao gồm cả việc tới thăm các dự án do WFP tài trợ – gồm một nhà trẻ tại tỉnh nam Hwanghae và một nhà máy sản xuất bánh quy tại tỉnh Bắc Pyongyan.

Ông nói với chương trình Today của kênh phát thanh BBC Radio 4 rằng cảnh đồng ruộng mà ông nhìn thấy ở vùng nông thôn phản ánh thực tế là chỉ có khoảng một phần năm diện tích đất đai là có thể trồng trọt được.

Ông nói: “Một trong những điều gây ấn tượng mạnh nhất mà tôi nhìn thấy ở vùng nông thôn – đang là mùa xuân, họ đang trồng trọt – là không hề có máy móc gì. Họ dùng bò để kéo cày, và có cả đàn ông lẫn đàn bà làm việc ngoài đồng.”

“Mọi thứ rất quy củ, từng chút rác bẩn đều được dọn sạch bằng cào, bằng cuốc, xẻng, và họ trồng cây ra đến tận rìa đường, trên bờ sông, họ tận dùng từng chút đất, bởi đa phần ở đây là núi.”

“Tôi không thấy cảnh chết đói như ta từng thấy trong nạn đói hồi thập niền 1990, đó là tin tốt lành. Nhưng liệu có vấn đề đói khát không, có tình trạng suy dinh dưỡng không?”

Hồi tháng trước, Liên hiệp quốc yêu cầu có 111 triệu đô la viện trợ để giúp đỡ người dân Bắc Hàn.

Hoa Kỳ đã đề nghị giúp đỡ tái thiết Bắc Hàn, với điều kiện Bình Nhưỡng phải giải trừ hạt nhân.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44093928

 

Hoa Kỳ nói muốn giúp tái thiết Bắc Hàn

Mỹ sẽ giúp xây dựng lại nền kinh tế Bắc Hàn nếu Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói.

Mỹ sẽ “làm việc với Bắc Triều Tiên để đạt được sự thịnh vượng ngang bằng với những người bạn Hàn Quốc của chúng tôi,” ông nói với các phóng viên hôm thứ Sáu.

Ông Pompeo, vừa mới trở về từ Bình Nhưỡng, cho biết ông đã có cuộc đàm phán “tốt” với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.

Ông Kim và Tổng thống Donald Trump sẽ gặp nhau tại Singapore vào ngày 12/6.

Bắc Hàn thả ba tù nhân Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ đến Bắc Hàn trước cuộc gặp lịch sử

Gina Haspel: ‘Đe dọa đến từ Iran, Bắc Hàn, Nga và TQ’

Kim Jong-un ‘thích chính sách Đổi Mới’ của VN

Hai nhà lãnh đạo, những người trước đây có những lời lăng mạ và đe dọa lẫn nhau, tuyên bố sẽ gặp nhau khi cuộc hội đàm lịch sử giữa Bắc Hàn và Nam Hàn vào tháng Tư.

Ông Pompeo đã nói gì?

“Nếu ông Kim chọn con đường đúng đắn, sẽ có một tương lai tràn ngập hòa bình và thịnh vượng cho người dân Bắc Hàn,” ông nói sau cuộc hội đàm hôm thứ Sáu tại Washington với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha.

Ông Pompeo đã thúc giục Bình Nhưỡng có “hành động táo bạo để nhanh chóng phi hạt nhân hóa”.

Trong chuyến thăm bất ngờ của ông đến Bắc Triều Tiên tuần này, Bình Nhưỡng đã thả ba tù nhân Mỹ.

Kinh tế Bắc và Nam Hàn chênh lệch ra sao?

Cuộc sống hàng ngày ở hai nước khác biệt rất nhiều.

Sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào 1953, Nam Hàn, một đồng minh của Hoa Kỳ, đã chấp nhận một triết lý tư bản. Nó đã phát triển thành một trong những quốc gia giàu có nhất châu Á.

Một sự thúc đẩy công nghiệp do chính phủ tài trợ trong những năm 1960 đã dẫn đến các tập đoàn khổng lồ như Samsung và Hyundai.

Số liệu quan trọng:

Dân số: Hàn Quốc có 51,2 triệu dân ; Bắc Triều Tiên có 25,4 triệu

GDP: Hàn Quốc 1,4 ngàn tỷ USD ; Bắc Triều Tiên ít hơn 20 tỷ USD

Tuổi thọ: Hàn Quốc 82 năm ; Bắc Triều Tiên 70 năm

Bắc Hàn áp dụng hệ thống cộng sản, nhưng chủ nghĩa tư bản đang len lỏi vào đất nước này.

Có một số thứ có thể mua – nhưng chỉ người giàu có mới thể mua. Đa số người dân ở Bắc Triều Tiên sống trong nghèo đói.

Kim Jong-un trước đó cũng từng tuyên bố rằng sự phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu của chính quyền.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44092007

 

Cựu thủ tướng Malaysia bị cấm ra nước ngoài

Cựu thủ tướng Najib Razak bị cấm rời khỏi Malaysia, các quan chức di trú nói.

Tuyên bố được đưa ra sau khi ông Najib nói vợ chồng ông định đi nghỉ ở nước ngoài vào thứ Bảy.

Hồi đầu tuần, liên minh Barisan Nasional của ông, vốn đã nắm quyền trong một thời gian dài, bất ngờ thất bại trong cuộc tổng tuyển cử trước cựu thủ tướng Mahathir Mohamad.

Malaysia đón ông Mahathir trở lại nắm quyền

Chuyện gì đã xảy ra ở Malaysia?

Bầu cử Malaysia: Phe đối lập giành thắng lợi lịch sử

Bầu cử Malaysia: Mahathir Mohamad tái xuất?

Ông Najib đã bị buộc tội bỏ túi riêng 700 triệu đôla từ một quỹ đầu tư nhà nước hồi 2015, tuy sau đó đã được giới chức nói là không phải.

Hôm 10/5, ông Mahathir Mohamad tuyên thệ nhậm chức thủ tướng mới của Malaysia, trở thành nhà lãnh đạo được bầu chọn cao tuổi nhất thế giới, 92 tuổi.

Ông nói sẽ có một cuộc điều tra kỹ lưỡng về các cáo buộc tham nhũng bao gồm cả trường hợp liên quan đến quỹ đầu tư nhà nước.

Trong một tin đăng trên Twitter, ông Najib nói ông được cơ quan di trú thông báo ông và gia đình không được phép đi ra nước ngoài.

Ông không nêu lý do vì sao giới chức ra quyết định đó, nhưng nói ông sẽ tuân thủ.

Ông cũng tuyên bố rời khỏi chức chủ tịch của liên minh Barisan Nasional và chức chủ tịch đảng United Malay National Organisation của ông.

Người ta tin rằng vợ chồng ông Najib định bay đến Jakarta, thủ đô Indonesia.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-44081447

 

Tiêm kích tàng hình Mỹ

chặn oanh tạc cơ Nga ngoài khơi Alaska

Các chiến đấu cơ F-22 của Mỹ đã chặn hai oanh tạc cơ Tu-95 “Bear” của Nga ở không phận quốc tế ngoài khơi bờ biển Alaska hôm 11/5, theo Bộ Tư lệnh Phòng vệ Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD).

Các máy bay ném bom tầm xa của Nga đã bay vào Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Mỹ, có bề rộng khoảng 320 km tính từ bờ biển phía tây của Alaska.

Trong một tuyên bố, Phát ngôn viên NORAD và USNORTHCOM (Bộ Tư lệnh phương bắc của Mỹ), Thiếu tá Lục quân Canada, Andrew Hennessy, cho biết: “Vào khoảng 10 giờ sáng, giờ miền đông Hoa Kỳ, 2 máy bay chiến đấu F-22 của NORAD đóng ở Alaska đã chặn và nhận dạng trực quan 2 máy bay ném bom tầm xa TU-95 ‘Bear’ bay trong Vùng Nhận dạng Phòng không gần bờ biển phía tây Alaska, phía bắc Quần đảo Aleutian”.

Các máy bay của Nga đã bị “những chiếc F-22 chặn và theo dõi cho đến khi các máy bay ném bom rời khỏi ADIZ dọc theo chuỗi đảo Aleutian hướng về phía tây”, và chúng hoàn toàn không đi vào không phận của Mỹ, theo tuyên bố.

Lần cuối diễn ra việc các máy bay phản lực Mỹ chặn máy bay Nga là ngày 3/5/2017.

(Fox News, CNN)

https://www.voatiengviet.com/a/tiem-kich-tang-hinh-my-chan-oanh-tac-co-nga-ngoai-khoi-alaska/4391069.html

 

Ngoại trưởng Pompeo: Mỹ hy vọng

Triều Tiên trở thành ‘đối tác thân cận’

Mỹ mong muốn Triều Tiên trở thành một “đối tác thân cận” và không phải kẻ thù, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói hôm thứ Sáu, lưu ý rằng Mỹ trong lịch sử thường trở thành bạn tốt với những đối thủ cũ.

Ông Pompeo cho biết ông đã nói với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un về hy vọng đó trong chuyến thăm ngắn ngủi của ông tới Bình Nhưỡng trước đó trong tuần này. Trong chuyến thăm, ông đã hoàn tất những chi tiết về hội nghị thượng đỉnh ngày 12 tháng 6 sắp tới giữa ông Kim và Tổng thống Donald Trump và thuyết phục Triều Tiên phóng thích ba người Mỹ bị cầm tù ở nước này.

Ông nói rằng cuộc nói chuyện với ông Kim hôm thứ Tư là “nồng ấm,” “mang tính xây dựng,” và “tốt đẹp” và ông đã nói rõ rằng nếu Triều Tiên loại bỏ vũ khí hạt nhân của mình một cách vĩnh viễn và có thể kiểm chứng được, thì Mỹ sẵn lòng giúp đỡ quốc gia nghèo khổ này vực dậy nền kinh tế và mức sống ngang bằng nước láng giềng Hàn Quốc thịnh vượng.

Ông không nêu tên các nước đối thủ khác, nhưng ông Pompeo và những người khác thường lưu ý rằng Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tái thiết Nhật Bản và các cường quốc Châu Âu sau Thế chiến thứ hai. Với sự trợ giúp của Mỹ, những quốc gia đó đã phục hồi từ sự tàn phá của cuộc xung đột.

“Nếu Triều Tiên có hành động táo bạo để nhanh chóng giải trừ hạt nhân, Hoa Kỳ sẵn sàng làm việc với Triều Tiên để đạt được sự thịnh vượng ngang bằng với người bạn Hàn Quốc của chúng ta,” ông nói với các phóng viên trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đang thăm Mỹ.

Bà Kang ca ngợi cuộc gặp gỡ sắp tới giữa ông Trump và ông Kim ở Singapore là một cơ hội “lịch sử,” nhưng cũng lưu ý thêm một số hoài nghi. Giữa lo ngại Triều Tiên sẽ đòi Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc, bà Kang nhấn mạnh sự hiện diện của quân đội Mỹ ở đó phải là “một vấn đề đối với liên minh Mỹ-Hàn Quốc trước nhất và trên hết.”

Bà nói sự hiện diện của quân đội Mỹ ở miền Nam trong 65 năm qua đã đóng “một vai trò thiết yếu cho việc răn đe,” cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Do đó, bà nói bất kỳ thay đổi nào về quy mô của các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc không nên nằm trên bàn đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh.

Kể từ khi ông Trump công bố kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với ông Kim, nghi vấn đã liên tục được nêu lên về việc liệu hai nhà lãnh đạo có cùng một mục tiêu khi họ nói về chuyện “giải trừ hạt nhân” hay không. Đối với Mỹ, chuyện này có nghĩa là miền Bắc phải từ bỏ vũ khí hạt nhân mà họ đã chế tạo. Nhưng Triều Tiên đã nói rằng họ sẵn sàng đàm phán bây giờ bởi vì họ đã thành công trong việc trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, khơi lên hoài nghi rằng miền Bắc có thực sự sẵn lòng từ bỏ những vũ khí đó hay không.

Ông Pompeo nói sẽ cần một sự giải trừ hạt nhân “hoàn toàn” và “có thể kiểm chứng được” mà sẽ loại trừ Triều Tiên như một mối đe dọa cho miền Nam, Mỹ và phần còn lại của thế giới. Ông nói sẽ cần một chế độ thanh sát và giám sát quy mô lớn để đảm bảo sự tuân thủ của Triều Tiên.

“Tôi nghĩ rằng có sự đồng thuận hoàn toàn về những mục tiêu cuối cùng là gì,” ông Pompeo nói, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết.

https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-pompeo-my-hy-vong-trieu-tien-tro-thanh-doi-tac-than-can/4390476.html

 

Campuchia lên án đề xuất chế tài

của dân biểu Quốc hội Mỹ

Campuchia hôm 11/5 lên án đề xuất của một nghị sĩ Mỹ về các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Thủ tướng lâu năm Hun Sen và các quan chức nước này, và nói rằng đề xuất đó đã phá hủy uy tín của Hoa Kỳ, theo Reuters.

Ông Ted Yoho, Chủ tịch Ban châu Á-Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, hôm 10/5 cho biết “Đạo luật Dân chủ Campuchia năm 2018” là nhằm trừng phạt tài chính, ngoài các hạn chế visa mà Washington đã đưa ra hồi năm ngoái, đối với các giới chức Campuchia vì đã “phá hoại dân chủ” bằng việc đàn áp những người chỉ trích ngay trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng Bảy tới.

Phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan nói rằng đề xuất trên “xúc phạm” Campuchia và là chính sách đối ngoại “tồi tệ” của Hoa Kỳ.

“Ông ấy đã soạn thảo dự luật trong một văn phòng từ phía bên kia thế giới… việc đó phá hỏng uy tín của Mỹ”, phát ngôn viên Phay Siphan nói với Reuters.

Quan hệ giữa Campuchia và Hoa Kỳ trở nên căng thẳng gần đây vì Mỹ chỉ trích chính phủ Campuchia đàn áp người bất đồng chính kiến, khiến Thủ tướng Hun Sen phẫn nộ với nỗ lực của Mỹ “phá hoại” chính quyền của ông.

Hoa Kỳ phủ nhận cáo buộc can thiệp vào chính trị Campuchia.

Hồi tháng 12, Hoa Kỳ nói sẽ hạn chế nhập cảnh đối với những người tham gia vào hành động phá hoại dân chủ của Campuchia, bao gồm giải thể đảng đối lập chính và cầm tù lãnh đạo đảng này.

Giới hạn thị thực của Mỹ là biện pháp cứng rắn nhất trong số các quốc gia phương Tây đối với Campuchia kể từ khi ông Hun Sen khởi động cuộc đàn áp những người chỉ trích.

Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ chưa bỏ quy chế ưu đãi thuế quan đối với ngành may mặc của Campuchia, bất chấp những kêu gọi từ các nhóm nhân quyền.

Cả EU và Hoa Kỳ đều rút lại các khoản tài trợ dành cho cuộc bầu cử tháng Bảy ở Campuchia, khi ông Hun Sen hy vọng sẽ kéo dài thêm ba thập niên cầm quyền của ông.

Dân biểu của đảng Cộng hòa Yoho nói trong một tuyên bố rằng người dân Campuchia đang “khát khao dân chủ”.

Ông Yoho nói biện pháp này sẽ “đẩy lùi sự phá hoại dân chủ của chế độ Hun Sen… bằng cách áp dụng các lệnh trừng phạt tài chính lên những người thực hiện công việc đáng khinh này”.

Sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với các dự án lớn đã cho phép Hun Sen gạt bỏ những chỉ trích của phương Tây về việc đàn áp.

Trung Quốc đã “vượt mặt” Mỹ trong việc chi tiền vào đất nước từng bị tàn phá vì chiển tranh giữa các siêu cường trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Dòng tiền của Bắc Kinh đã đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng có thể nhìn thấy rõ ràng, mà lại không đòi hỏi phải có bất cứ cải cách chính trị nào.

https://www.voatiengviet.com/a/campuchia-len-an-de-xuat-che-tai-cua-dan-bieu-quoc-hoi-my/4390066.html

 

Triều Tiên sẽ tháo dỡ khu thử hạt nhân ngày 23-25/5

Triều Tiên lên kế hoạch tháo dỡ địa điểm thử hạt nhân của họ trong khoảng thời gian từ ngày 23 đến 25/5, tùy theo điều kiện thời tiết, để giữ cam kết về ngừng thử hạt nhân, truyền thông nhà nước cho biết hôm 12/5.

Hãng thông tấn trung ương của nước này cho biết cuộc tháo dỡ bãi thử hạt nhân sẽ bao gồm cả việc đánh sập tất cả các đường hầm ở đó bằng thuốc nổ, bịt các lối vào và dỡ bỏ tất cả các trạm quan sát, các tòa nhà nghiên cứu và các chốt gác.

Các nhà báo từ các nước khác, trong đó có cả Hoa Kỳ và Hàn Quốc, sẽ được mời tham dự sự kiện này.

https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-se-thao-do-khu-thu-hat-nhan-ngay-23-25-thang-5/4391080.html

 

TQ im tiếng về chuyện liệu Tập

có gặp Trump, Kim ở Singapore không

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Sáu từ chối bình luận về các bản tin cho hay Chủ tịch Tập Cận Bình có thể gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore vào tháng sau.

Một số cơ quan truyền thông đưa tin ông Tập có thể đến Singapore khi ông Trump và ông Kim gặp nhau vào tháng 6, nói rằng các nhà lãnh đạo của ba nước ký hiệp định đình chiến Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 có thể tụ hội về đó để nhất trí thay thế hiệp định đình chiến này bằng một hiệp định hòa bình chính thức.

Khi được hỏi về chuyện này tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng từ chối bình luận.

Ông Cảnh chỉ nói rằng Trung Quốc hy vọng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên “sẽ trở thành một bước quan trọng để đạt được sự ổn định lâu dài trong khu vực.”

Ông Trump hôm thứ Năm nói rằng ông sẽ gặp ông Kim vào ngày 12 tháng 6 tại Singapore trong một nỗ lực để giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên bị chia cắt.

Tại một hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt vào ngày 27 tháng 4, ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhất trí theo đuổi “giải trừ hạt nhân” bán đảo và phấn đấu chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Cuộc chiến đó kết thúc với một thỏa thuận đình chiến được ký vào ngày 27 tháng 7 năm 1953 bởi Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc do Mỹ dẫn đầu, Triều Tiên và Trung Quốc.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-im-tieng-ve-chuyen-lieu-tap-co-gap-trump-kim-o-singapore-hay-khong/4390475.html

 

Sau một tuần thảo luận, Hoa Kỳ-Canada- Mexico

vẫn không đạt thỏa thuận về NAFTA

Sau cuộc họp kéo dài không đầy nửa giờ, đại diện cho phái đoàn Canada và Mexico tổ chức họp báo để cập nhật tình hình, nói rằng giữa họ vẫn còn những khác biệt quá lớn. Ngoại Trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết các viên chức sẽ tiếp tục ở lạiWashington để làm việc, trong khi các bộ trưởng sẽ trở về nhà để xin thêm ý kiến. Bà Freland cam đoan các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục cho tới khi họ có được một thỏa thuận tốt. Áp lực có được một thỏa thuận tăng lên trong tuần này, sau khi ông Ryan cho biết ông cần nhận được thông báo về một NAFTA mới vào ngày 17 tháng 5, để Quốc Hội Hoa Kỳ tổ chức buổi bỏ phiếu thông qua.

Tất cả đồng ý sẽ sớm tiếp tục cuộc đàm phán, trước thời hạn chót mà Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Paul Ryan ấn định.

Sự thất bại trong việc  có được một thỏa thuận nhanh chóng cho thấy sự bất ổn của Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ, mà Tổng Thống Trump từng gọi là “một thảm họa kinh khủng”. Trong thời gian vận động tranh cử, ông Trump thường chỉ trích hiệp định NAFTA 1994, gọi đó là nguyên nhân khiến người Mỹ bị mất việc làm vì tiền công lao động ở Mexico quá rẻ. Ông cũng thường đe dọa sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận, nếu hai thành viên Canada và Mexico không đồng với với thay đổi mà Hoa Kỳ đề nghị. (Nguyên Trân)

https://www.sbtn.tv/sau-mot-tuan-thao-luan-hoa-ky-canada-mexico-van-khong-dat-thoa-thuan-ve-nafta/

 

Tổng thống Trump công bố kế hoạch mới

nhằm giảm giá thuốc

Washington DC. (Reuters) – Vào Thứ Sáu 11 tháng 5, trong cuộc họp báo tại Vườn Hồng ở Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Trump đã chỉ trích các hãng dược, các hãng bảo hiểm, và hệ thống phân phối thuốc, vì đã khiến các loại thuốc kê toa gần như nằm ngoài tầm với của nhiều người dân Hoa Kỳ.

Tổng Thống Trump cho biết, chính phủ của ông sẽ hành động để loại bỏ giới trung gian trong ngành kỹ nghệ dược phẩm, những người đang làm giàu trên tiền thuế của người dân, và sẽ tìm cách đưa giá thuốc trở về mức hợp lý. Washington hiện đang cân nhắc các chiến lược tập trung vào việc giúp mở cửa và tăng tính cạnh tranh của thị trường dược phẩm, nhằm giảm chi phí cho người tiêu thụ. Ông Trump nói, nhiều nước khác đang sử dụng dược phẩm có mức giá rẻ hơn so với Hoa Kỳ, điều này là không công bằng và cần phải chấm dứt.

Chính phủ Trump cũng công bố bản báo cáo 44 trang có tựa là American Patient First, liệt kê chi tiết các biện pháp mà nhà chức trách định thực hiện để giảm giá thuốc. Theo Bộ Trưởng Y Tế Alex Azar, một số các biện pháp được đề nghị là buộc các hãng dược tiết lộ chi phí sản xuất thuốc trong các quảng cáo, đồng thời gia tăng quyền lực của chính phủ trong việc thương lượng giá thuốc, nhất là các loại thuốc trong chương trình Part D của Medicare. Đồng thời, Bộ Y Tế cũng đề nghị phát miễn phí các loại thuốc đại trà cho người cao tuổi, bắt buộc các chương trình giảm giá thuốc phải được chuyển trực tiếp tới bệnh nhân thay vì bên trung gian, và đặt ra giới hạn chi trả tối đa để người cao tuổi không phải tốn kém quá nhiều vì giá thuốc. (Ngô Bảo)

https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-cong-bo-ke-hoach-moi-nham-giam-gia-thuoc/

 

Bắc Kinh vẫn né trách nhiệm

10 năm sau động đất Tứ Xuyên

Thụy My

Một lễ kỷ niệm nho nhỏ được tổ chức tại một trường học bị sụp đổ ở thị trấn Ánh Tú (Yingxiu), một trong những khu vực bị thiệt hại nhiều nhất. Tuy nhiên, không có truyền thanh, truyền hình trực tiếp. Kênh CCTV chỉ chiếu hình ảnh các trường học và những tòa nhà mới được xây dựng, mà không nhắc đến những người chết và bị thương. Được biết trong số nạn nhân, có đến 5.335 em học sinh, xác của một số em hãy còn bị vùi lấp dưới những tòa nhà mới này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gởi thư đến một hội nghị về động đất tổ chức nhân dịp này, hứa hẹn « cải thiện khả năng dự báo thảm họa », nhưng không có lời chia buồn nào.

Trong khi gia đình các nạn nhân cho đến nay vẫn bị khủng hoảng vì trận động đất tàn khốc, chính quyền lại coi đây là cơ hội để tuyên truyền. Báo chí nhà nước Trung Quốc hôm nay đầy những bài viết ca ngợi việc tái thiết khu vực bị nạn đã chứng tỏ « sức mạnh của Đảng và Nhà nước ». Một bài của Tân Hoa Xã còn nói rằng nhờ sự chỉ đạo sáng suốt của ông Tập Cận Bình mà Tứ Xuyên đã vực dậy được sau thảm họa, bất chấp thực tế là bốn năm sau đó ông Tập mới lên nắm quyền.

Sau trận động đất năm 2008 làm 7.000 trường học ở Tứ Xuyên bị sụp đổ, một làn sóng phẫn nộ đã dấy lên, tố cáo những « trường học đậu hũ », có chất lượng tồi vì nạn tham nhũng. Các nhà đấu tranh và phụ huynh tìm cách điều tra các vụ xây dựng gian dối này, nhưng chính quyền đã buộc họ im tiếng bằng cách bắt giam, sách nhiễu. Một trong những người tổ chức điều tra là nghệ sĩ Ngải Vị Vị nay phải sống lưu vong.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180512-trung-quoc-muoi-nam-sau-tran-dong-dat-tu-xuyen-chinh-quyen-van-tranh-ne-trach-nhiem

 

Liên Hiệp Quốc tìm 10 tỷ đôla

cho giáo dục trên thế giới

Thụy My

Hôm qua, 11/05/2018, Liên Hiệp Quốc, Ngân Hàng Thế Giới và bốn ngân hàng phát triển khu vực đã khởi động một dự án quyên góp 10 tỷ đôla để hỗ trợ cho giáo dục trên thế giới, trước tình trạng cách biệt ngày càng lớn về cơ hội học hành của trẻ em trên hành tinh của chúng ta.

Hiện giờ có khoảng 260 triệu trẻ em không được đến trường, trong đó có 10 triệu em là người tị nạn, theo thống kê của một ủy ban về giáo dục, được thành lập vào năm 2015 để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này .

Theo cựu thủ tướng Anh Gordon Brown, nay là đặc sứ Liên Hiệp Quốc về giáo dục trên thế giới, nếu xu hướng này tiếp diễn, từ đây đến năm 2030, phân nữa trẻ em sống trên hành tinh của chúng ta, tức khoảng 400 triệu em, sẽ không được hưởng bất cứ một hình thức giáo dục nào sau năm 11 tuổi.

Trong một cuộc họp báo tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc tại New York, ông Gordon Brown cảnh báo: “ Hố sâu lớn nhất trên thế giới hiện nay là giữa phân nữa tương lai của chúng ta sẽ được giáo dục và phân nữa kia sẽ bị gạt ra bên lề ».

Liên Hiệp Quốc đã đề ra mục tiêu là từ đây đến năm 2030, toàn bộ trẻ em trên thế giới sẽ được học hết cấp tiểu học và trung học. Nhưng theo lời tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, hiện hãy còn xa mới đạt được mức tài chính cần thiết để hỗ trợ giáo dục ở các nước nghèo.

Ủy ban về giáo dục hiện đang thảo luận với 20 nước tài trợ để vận động các nước này đóng góp vào quỹ hỗ trợ giáo dục trên thế giới. Các nước tài trợ đầu tiên có thể sẽ là những nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, các nước vùng Vịnh, Hàn Quốc và Nhật Bản.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180512-lien-hiep-quoc-tim-10-ty-dola-cho-giao-duc-tren-the-gioi-ok

 

Su-35 của Trung Quốc tập trận bao vây Đài Loan,

Hoa Kỳ quan ngại

Thụy My

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm qua 11/05/2018 đã bày tỏ quan ngại về sự thiếu minh bạch của Trung Quốc, và một lần nữa phản đối nỗ lực thay đổi hiện trạng tại eo biển Đài Loan. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bắc Kinh cho oanh tạc cơ và chiến đấu cơ tập trận bao vây Đài Loan, trong đó có Su-35 hiện đại lần đầu tham gia.

Theo CNA, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khi trả lời báo chí Đài Bắc cho biết : « Hoa Kỳ luôn quan ngại vì sự thiếu minh bạch về khả năng quân sự đang tăng lên của Trung Quốc, cùng với các ý đồ chiến lược liên quan. Hoa Kỳ phản đối các hành động đơn phương của bất kỳ bên nào nhằm thay đổi hiện trạng, kể cả việc dùng vũ lực hoặc bất cứ hình thức cưỡng bức nào khác ».

Reuters dẫn thông cáo của không quân Trung Quốc nói rằng hôm qua các máy bay ném bom H-6K, cùng với các phi cơ trinh sát, đã bay thao dượt quanh Đài Loan nhằm « tăng cường khả năng chiến đấu ». Đây là lần đầu tiên chiến đấu cơ Su-35 được huy động đến eo biển Ba Sĩ (Bashi) nằm giữa Philippines và Đài Loan, một trong các eo biển nối Biển Đông với Thái Bình Dương.

The Diplomat cũng dẫn nguồn từ không quân Trung Quốc cho biết cụ thể, một phi đội đã bay qua eo biển Miyako (nằm giữa các đảo Miyako và Okinawa của Nhật) rồi qua eo biển Ba Sĩ vòng quanh Đài Loan, còn một phi đội khác bay theo hướng ngược lại rồi quay về căn cứ.

Tham gia cuộc diễn tập đường dài này, bên cạnh các phi cơ tiêm kích hạng nặng tầm xa Su-35S còn có các oanh tạc cơ H-6K (Tây An H-6), phi cơ tiêm kích J-11 (Thẩm Dương J-11), máy bay vận tải quân sự tầm trung Shaanxi Y-8 (Thiểm Tây Y-8), máy bay trinh sát điện tử Tupolev Tu-154MD, KJ-2000 (Không Cảnh).

Phát ngôn viên quân đội Trung Quốc hôm qua tuyên bố : « Không quân có quyết tâm, sự tự tin và khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ ». Phát ngôn viên này khẳng định không quân Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các phi vụ đường dài, phù hợp với lịch tập luyện.

Để đáp trả, Đài Loan đã cho các chiến đấu cơ phản lực đa nhiệm F-16 Fighting Falcon lên bảo vệ không phận. Về phía Nhật Bản cũng điều các máy bay chiến đấu lên ngăn chận.

Trước đó, vào ngày 26/04/2018, Bắc Kinh cũng đã huy động oanh tạc cơ và chiến đấu cơ bay vòng quanh Đài Loan để « thực tập tác chiến chống lại các lực lượng đòi độc lập ».

The Diplomat lưu ý, trong trường hợp có xung đột với Đài Loan hay Nhật Bản, nếu khống chế được eo biển Miyako và Ba Sĩ, Trung Quốc sẽ gây trở ngại cho sự can thiệp của bên thứ ba (như Hoa Kỳ chẳng hạn).

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180512-trung-quoc-lan-dau-cho-su-35-tap-tran-bao-vay-dai-loan-hoa-ky-quan-ngai-ok

 

Iran vận động ngoại giao

để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân

Thanh Phương

Hôm nay, 12/05/2018, Ngoại trưởng Iran Mohamad Javad Zarif bắt đầu một chuyến công du nhằm cố cứu vãn thỏa thuận hạt nhân 2015, sau khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận này. Chặng dừng chân đầu tiên của ông là Trung Quốc.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Angélique Forget gởi về bài tường trình :

« Khi đến Bắc Kinh, ông Mohammed Javad Zarif biết rằng ông sẽ thảo luận với một quốc gia đồng minh. Trung Quốc đã tham gia rất nhiều vào các cuộc đàm phán để đạt đến việc ký kết thỏa thuận 2015 tại Vienna, cho nên đương nhiên là Bắc Kinh đã cực lực chỉ trích việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận. Ngoại trưởng Trung Quốc đã tuyên bố : « Chúng tôi sẽ tiếp tục mọi nỗ lực để bảo toàn và thi hành hiệp định ».

Bằng chứng là vào cuối tuần qua, Trung Quốc đã khánh thành tuyến xe lửa chở hàng hóa giữa thành phố Bayannur, miền bắc Iran với Teheran. Việc khánh thành tuyến xe lửa này được xem như là một thông điệp nhắn gởi ông Donald Trump rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục làm ăn, buôn bán với Iran bất chấp các trừng phạt của Hoa Kỳ.

Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với Iran đã tăng mạnh. Trung Quốc mua rất nhiều dầu hỏa của Iran, đồng thời đầu tư rất nhiều vào ngành năng lượng của nước này.

Iran còn có một vai trò thiết yếu trong dự án đại quy mô của Trung Quốc xây dựng những con đường tơ lụa mới. Bắc Kinh sẽ không để cho Washington áp đặt ý muốn. Hồ sơ Iran chắc chắn sẽ nhanh chóng trở thành vấn đề gây bất đồng mới giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ. »

Sau Bắc Kinh, Ngoại trưởng Iran sẽ đến Matxcơva, sau đó là đến Bruxelles để vận động Nga và Liên Hiệp Châu Âu.

Trong khi đó, hôm qua, trưởng nhóm thanh tra viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA, ông Tero Varjoranta đã từ chức. Nhưng trong thông cáo, phát ngôn viên của AIEA không giải thích lý do vì sao ông Varjoranta từ chức. AIEA chính là cơ quan được giao trách nhiệm giám sát việc thi hành thỏa thuận hạt nhân Iran.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180512-iran-van-dong-ngoai-giao-de-cuu-van-thoa-thuan-hat-nhan-ok

 

Vì sao Donald Trump

chọn giải pháp cứng rắn nhất đối với Iran ?

Thụy My

Les Echos hôm nay 11/05/2018 phân tích « Vì sao Donald Trump chọn giải pháp cứng rắn nhất đối với Iran », nhấn mạnh việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định hạt nhân 2015 đã mở ra một thời kỳ bất định lớn lao.

« Thỏa thuận tệ hại nhất lịch sử, khủng khiếp, nguy hiểm ! ». Hôm thứ Ba 8/5, rốt cuộc ông Donald Trump đã quyết định từ bỏ thỏa hiệp giữa Iran với sáu cường quốc (gồm năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cộng thêm Đức), được ký kết hôm 14/07/2015 tại Vienna.

Hiệp định này là kết quả của 12 năm trời đàm phán gay go, nhằm giới hạn năng lực làm giàu uranium của Iran để không thể sử dụng vào mục đích quân sự. Đổi lại, Iran được gỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt của quốc tế, mở ra con đường bình thường hóa quan hệ với các nước và thúc đẩy nền kinh tế.

Nhưng vì sao tổng thống thứ 45 của Mỹ lại chọn giải pháp cực đoan nhất khi ra khỏi hiệp định Vienna, khi tái áp dụng những trừng phạt mạnh mẽ nhất, và đòi hỏi các công ty nước ngoài rút khỏi Iran ?

Theo Les Echos, nhà tỉ phú Mỹ có nhiều lý do, mà trước hết là chính trị. Ông quyết phá tất cả những gì mà người tiền nhiệm Barack Obama đã làm, như Hiệp định Khí hậu Paris. Thứ đến là nội dung của hiệp ước nguyên tử Iran chỉ giới hạn ở các hoạt động hạt nhân mang mục đích quân sự, mà không liên quan đến việc chế tạo hỏa tiễn đạn đạo. Theo IISS (Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế), một số hỏa tiễn của Iran về lý thuyết có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Hơn nữa, thời hiệu của hiệp định được ấn định là 10 năm, khiến những gì diễn ra sau 2025 vẫn là một dấu hỏi. Hiệp định cũng không đề cập đến các hành động của Iran bị cáo buộc là nhằm gây bất ổn thế giới Ả Rập, như ở Irak, Yemen, Liban, Syria, với hàng trăm cố vấn của lực lượng đặc biệt Al Qods và dân quân Hezbollah được triển khai. Lo ngại, Ả Rập Xê Út đã xích lại gần Israel.

Trên lý thuyết thì việc Mỹ lại trừng phạt chỉ có tác động tương đối, vì Washington vẫn duy trì cấm vận trong một số lãnh vực khác. Thế nhưng đây là một đòn nặng cho thủ tướng Đức Angela Merkel, đồng nhiệm Anh Theresa May, tổng thống Pháp Emmanuel Macron – cả ba nhà lãnh đạo cho đến phút chót vẫn cố gắng làm tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi ý kiến.

Rủi ro lớn nhất cho châu Âu thuộc về lãnh vực kinh tế : Trump ra thời hạn sáu tháng cho các doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Iran. Chưa ai quên số tiền phạt 9 tỉ đô la mà Hoa Kỳ áp đặt đối với ngân hàng Pháp BNP Paribas năm 2014.

Tương lai giờ đây tùy thuộc Iran : Teheran đang cân nhắc xem có nên ở lại với hiệp định hay không. Đối với tổng thống cải cách Hassan Rohani, đây là một thất bại, còn phe cứng rắn gồm giáo sĩ và Vệ binh Cách mạng lâu nay vẫn phản đối thỏa thuận. Tất cả nay sẽ do giáo chủ Ali Khamenei quyết định.

Trong trường hợp Iran lại làm giàu uranium hơn mức độ cho phép năm 2015, quốc tế không có nhiều lựa chọn vì Donald Trump vẫn chưa có đề nghị gì về một « thỏa thuận tốt hơn » với Teheran.

Về quân sự, Israel không thể tái diễn các vụ không kích, như hồi năm 1981 đánh vào lò phản ứng hạt nhân Osirak ở Irak, hay vào Syria năm 2007. Các địa điểm nguyên tử của Iran được giấu rất kỹ, đôi khi dưới những hầm ngầm vô cùng kiên cố, chỉ có siêu bom của Mỹ mới đạt tới. Trong một khu vực bất ổn như Trung Đông, một cuộc tấn công quân sự vào Iran có thể dẫn đến một cuộc xung đột lớn. Cuộc chiến do Irak của Saddam Hussein đánh vào Iran (1980-1988) là một thảm kịch đã làm cho 800.000 người chết.

Bây giờ chỉ còn trông cậy vào kế hoạch B : châu Âu hy vọng thuyết phục được Iran tôn trọng hiệp định, nếu có được sự hỗ trợ của Trung Quốc và nhất là Nga, đồng minh cơ hội của Iran. Bởi vì nguy cơ chính là một cuộc chạy đua hạt nhân tại Trung Đông. Liệu Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Vịnh có chịu khoanh tay đứng nhìn trước một Iran sở hữu bom nguyên tử ?

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180511-vi-sao-donald-trump-chon-giai-phap-cung-ran-nhat-doi-voi-iran