Tin Khắp Nơi – 12/05/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Khắp Nơi – 12/05/2017

Nhiều người biểu tình phản đối Trump sau khi sa thải ông James Comey người đang dẫn dắt cuộc điều tra Trump-Nga

 

Trump kiên quyết phủ nhận ‘bị FBI điều tra’

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khẳng định ông không bị điều tra, và nói viên giám đốc FBI ông sa thải là một kẻ “khoe khoang” và “phô trương”.

Ông Trump cũng nói với NBC News rằng chính ông là người ra quyết định cách chức James Comey.

Ông Comey đang là người dẫn đầu cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái và khả năng cấu kết giữa các thành viên trong chiến dịch tranh cử của Trump và Moscow.

Tổng thống Donald Trump cách chức giám đốc FBI

Obama đã cảnh báo Trump về Flynn

Donald Trump và những lời hứa tranh cử? 

Ông Trump nói cuộc điều tra là một “trò lố bịch,” một tuyên bố mâu thuẫn trực tiếp với người kế nhiệm ông Comey.

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sau vụ việc sa thải giám đốc FBI, ông Trump nói với NBC News hôm 11/5 rằng ông đã hỏi ông Comey về cuộc điều tra.

Trump Comey
Image captionTrump có một mối quan hệ yêu-ghét với Comey trong suốt một năm qua

“Tôi nói, nếu có thể, anh có thể cho tôi biết ‘Tôi có đang bị điều tra’ không? Ông ta nói: Ông không bị điều tra.”

Tổng thống cũng có vẻ gạt bỏ lời giải thích ban đầu của Nhà Trắng rằng ông đã sa thải ông Comey theo lời khuyên của các quan chức cấp cao.

“Ông ta là một kẻ khoe khoang. Một kẻ phô trương. FBI vốn đang rối loạn. Tôi đã tính sa thải Comey. Quyết định của tôi,” ông Trump nói.

“Tôi đã định sa thải ông ta dù có được đề nghị hay không.”

Nhà Trắng cho rằng cuộc điều tra về cáo buộc liên quan đến Nga “có lẽ là một những điều nhỏ nhặt nhất” mà FBI đang làm.

Nhưng quyền giám đốc FBI Andrew McCabe nói hôm 11/5 rằng đây là “một cuộc điều tra vô cùng quan trọng”.

Tại buổi điều trần với Ủy ban Tình báo Thượng viện, ông McCabe cũng gây nghi vấn với tuyên bố của Nhà Trắng rằng ông Comey đã mất đi sự tín nhiệm của nhân viên.

“Tôi có thể tự tin nói rằng hầu hết các nhân viên đều có một quan hệ tích cực và sâu sắc với giám đốc Comey,” ông McCabe nói.

Vị quyền giám đốc FBI kiên quyết sẽ không cập nhật với Nhà Trắng về tình hình của cuộc điều tra và sẽ thông báo với Ủy ban Thượng viện nếu như có bất kỳ nỗ lực ngăn cản nào.

Nhưng hôm 11/5, ông Trump nói rằng ông không muốn cuộc điều tra dừng lại.

“Thực tế, tôi muốn cuộc điều tra được xúc tiến nhanh hơn,” tổng thống nói với NBC.

“Tôi chẳng có gì liên quan đến Nga cả,” ông nói. “Tôi không hề có mối đầu tư ở Nga. Tôi không sở hữu bất động sản ở Nga. Tôi không dính dáng đến Nga.”

“Không có sự cấu kết nào giữa tôi, chiến dịch vận động của tôi và Nga,” ông nói thêm.

Ông Trump cũng đăng trên Twitter gần đây và nói rằng cáo buộc Nga-Trump là “một sự lừa bịp.”

www.bbc.com/vietnamese/world-39893174

 

Sáng kiến ‘Một vành đai, một con đường’

Chủ Nhật ngày 14/5, 28 nhà lãnh đạo từ các nước trên thế giới sẽ tụ hội về Bắc Kinh để thảo luận một kế hoạch khổng lồ với đầu tư hàng trăm tỷ đô la để cải thiện các liên kết thương mại toàn cầu.

Sáng kiến ‘Một Vành đai, Một Con đường’ nhằm thúc đẩy các tuyến giao thông giữa châu Á, châu Phi và châu Âu – là tối quan trọng đối với Chủ tịch nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, có những quan ngại rằng nó che giấu những tham vọng khác của Trung Quốc ở nước ngoài.

www.bbc.com/vietnamese/media-39902237

 

Con Đường Tơ Lụa Mới : Ý đồ mở rộng thế lực của Trung Quốc gây lo ngại

Lãnh đạo 28 quốc gia và quan chức cấp cao từ nhiều nước khác sẽ tề tựu về Bắc Kinh trong hai ngày 14-15/05/2017 để tham gia một hội nghị thượng đỉnh về sáng kiến Con Đường Tơ Lụa đầy tham vọng của Trung Quốc. Phía Trung Quốc loan báo sẽ có cả trăm nước cử đại diện đến tham dự hội nghị. Tuy nhiên, theo giới quan sát, nhiều chính phủ, từ Washington, Matxcơva cho đến New Delhi, Jakarta, vẫn không tránh khỏi lo ngại trước ý đồ chính trị của Bắc Kinh thông qua vỏ bọc kinh tế, thương mại của sáng kiến này.

Nhiều quốc gia cho rằng khi thúc đẩy việc xây dựng « Con Đường Tơ Lụa Mới », một chuỗi hải cảng cùng với các tuyến đường sắt và đường bộ, để mở rộng giao thương trong một vòng cung trải rộng từ châu Á, qua châu Phi và châu Âu, mục tiêu thâm sâu của Bắc Kinh là bành trướng ảnh hưởng chính trị của riêng Trung Quốc, bào mòn ảnh hưởng của các đối thủ.

Một số nước khác thì lo ngại Trung Quốc có thể làm suy yếu các chuẩn mực về nhân quyền, môi trường và các tiêu chuẩn khác trong việc cấp tín dụng, hoặc là để cho các nước nghèo nhận trợ giúp của Trung Quốc bị nợ nần chồng chất.

Ấn Độ là một trong những nước nghi ngờ Trung Quốc. New Delhi không hài lòng với việc các công ty Nhà nước Trung Quốc đến hoạt động tại vùng Kashmir hiện do Pakistan kiểm soát, nhưng đang có tranh chấp với Ấn Độ. New Delhi xem việc công ty Trung Quốc có mặt ở Kashmir là một sự tán thành của Bắc Kinh đối với quyền kiểm soát của Pakistan.

Ngay cả Nga cũng không tránh khỏi nghi ngại, cho dù về danh nghĩa, Nga là đồng minh thân cận của Trung Quốc – tổng thống Vladimir Putin là một trong những lãnh đạo cường quốc hiếm hoi đến tham dự hội nghị thượng đỉnh về Con Đường Tơ Lụa Mới. Theo giới phân tích, Matxcơva đặc biệt quan ngại trước khả năng Bắc Kinh làm suy yếu ảnh hưởng của Nga ở vùng Trung Á bằng cách nối Uzbekistan và các nước Trung Á khác vào kinh tế Trung Quốc vốn năng động hơn Nga.

Bản thân tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 06/2016 đã tìm cách chống đỡ sáng kiến Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc bằng cách đề xuất một « Đại Dự Án Á-Âu », trong đó Bắc Kinh dẫn đầu về kinh tế, còn Matxcơva lo mảng chính trị và an ninh. Theo hai chuyên gia Ba Lan Marcin Kaczmarski và Witold Rodkiewicz thuộc một trung tâm tham vấn tại Vacxava, sáng kiến đó cho phép điện Kremlin « duy trì được cái mã bề ngoài là họ vẫn nắm quyền chủ động chính trị trong khu vực ».

Tại khu vực Đông Nam Á, nước lớn nhất ASEAN là Indonesia, dù có quan hệ tốt với Trung Quốc, cũng thận trọng với các tham vọng chiến lược của Bắc Kinh, đặc biệt sau khi Trung Quốc phớt lờ dư luận để bồi đắp các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông với mục tiêu áp đặt chủ quyền rộng khắp của Bắc Kinh.

Theo Christine Tjhin, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế ở Jakarta, giới tinh hoa chính trị Indonesia lo ngại rằng Trung Quốc có thể lên làm « bá chủ khu vực ».

Sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc dĩ nhiên cũng gióng lên những tiếng chuông báo động tại Hoa Kỳ. Theo hãng tin Mỹ AP, một số nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích chính trị cho rằng Bắc Kinh đang cố tạo ra một mạng lưới kinh tế chính trị lấy Trung Quốc làm tâm điểm, đẩy Mỹ ra khỏi khu vực và viết lại các quy tắc về thương mại và an ninh.

Điều oái oăm là bất chấp các nhận định đó, từ ngày lên cầm quyền, tân tổng thống Mỹ Donald Trump đã mặc nhiên để cho Trung Quốc tự do tung hoành, khi rút Hoa Kỳ ra khỏi khối Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, được cho là một công cụ tốt, khả dĩ để cản trở được Trung Quốc.

vi.rfi.fr/…/20170512-con-duong-to-lua-moi-y-do-mo-rong-the-luc-cua-trung-quoc-g…

 

Hoa Kỳ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại

Ông Trump ban đâu fđe dọa sẽ coi Trung Quốc là một “kẻ lũng đoạn tiền tệ” và áp dụng thuế quan thương mại với hàng hóa Trung Quốc, nhưng sau đã có quan điểm nhẹ nhàng hơn.

Ông cũng nỗ lực kết nối các cuộc thảo luận thương mại Mỹ-Trung với các quan ngại quanh tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn, và thúc giục Bắc Kinh gây áp lực nhiều hơn lên Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận thương mại được công bố, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu nói không nên chính trị hóa các vấn đề kinh tế.

www.bbc.com/vietnamese/business-39872818

 

Pháp-Mỹ-Anh-Nhật hoãn tập trận chung ở đảo Guam vì sự cố

Lẽ ra vào ngày 12/05/2017, quân đội Pháp, Mỹ, Anh và Nhật Bản bắt đầu một cuộc tập trận đổ bộ ở khu vực đảo Guam của Mỹ ở vùng Thái Bình Dương, nằm ở phía bắc Philippines. Thế nhưng, kế hoạch bị dời lại sau khi một chiếc tàu đổ bộ của Pháp bị mắc cạn.

Theo hãng tin Anh Reuters, cuộc tập trận đã dự trù tung quân lính từ tàu chở trực thăng Mistral của Pháp, đổ bộ lên bờ biển đảo Guam của Mỹ. Cuộc tập trận cũng sẽ huy động lính thủy quân lục chiến Mỹ, phi cơ trực thăng Anh Quốc và Nhật Bản cùng với tàu thuyền đổ bộ xuất phát từ chiếc Mistral của Pháp.

Cuộc tập trận bốn bên này được mô tả như một hoạt động phong trương lực lượng quân sự của 4 nước, nhằm làm đối trọng với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Đại úy Jeff Grimes, tham mưu trưởng lực lượng Hải Quân Mỹ trong khu vực, giải thích là cuộc tập trận góp phần củng cố quan hệ đối tác giữa bốn nước trong khu vực và « làm cho những người có thể không đồng ý với chúng ta hiểu là chúng ta ở trong tư thế sẵn sàng vào bất cứ lúc nào ».

Thế nhưng, cuộc tập trận đã bị đình chỉ sau khi một tàu đổ bộ Pháp bị mắc cạn. Một cuộc tập trận khác, với nội dung đổ bộ bằng trực thăng, cũng bị đình chỉ theo lời một phát ngôn viên Nhật Bản.

Cho đến giờ, chưa ai biết là cuộc tập trận, dự trù kéo dài một tuần sẽ được khởi động lại vào lúc nào. Theo kế hoạch, trên nguyên tắc, 4 nước sẽ đưa lực lượng đến tập trận tại đảo Tinian gần Guam.

Tàu Mistral đã rời Pháp vào tháng Hai để qua châu Á tập trận. Tàu này đã ghé cảng Sasebo của Nhật trước khi đến Guam. Mistral có thể chở theo 35 trực thăng, 4 xuồng đổ bộ và hàng trăm binh sĩ.

vi.rfi.fr/chau…/20170512-phap-my-anh-nhat-hoan-tap-tran-chung-o-dao-guam-vi-su

 

Bầu cử Pháp : Rạn nứt giữa đảng Cộng Hòa Tiến Bước và đồng minh

Đảng MoDem không hài lòng với danh sách các ứng cử viên Quốc Hội, mà đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống tân cử Emmanuel Macron công bố ngày 11/05/2017. Đây là rạn nứt đầu tiên của đảng này với đối tác chính trị quan trọng nhất, là đảng cánh trung MoDem – Phong Trào Dân Chủ của ông Bayrou.

Năm ngày sau khi Emmanuel Macron đắc cử tổng thống, chính trường Pháp lại bị chia rẽ vì cuộc bầu cử Quốc Hội sắp mở ra trong hai ngày 11 và 18/06/2017. Đảng Cộng Hòa Tiến Bước ngày 11/05/2017 công bố danh sách 428 ứng viên. Trong số này, Cộng Hòa Tiến Bước chỉ dành cho đảng cánh trung MoDem của François Bayrou 90 ứng viên thay vì 120 như đã cam kết ban đầu. Lãnh đạo MoDem phản đối, họp khẩn ban lãnh đạo vào tối 12/05 và yêu cầu Cộng Hòa Tiến Bước giải thích.

Trong danh sách 428 ứng cử viên ra tranh cử Quốc Hội dưới màu áo của đảng Cộng Hòa Tiến Bước, 24 người là đại biểu mãn nhiệm. Hơn 100 ứng viên là thành viên của đảng cánh tả Xã Hội ủng hộ đa số của tổng thống tân cử Macron. Khoảng 48% ứng viên trong danh sách của đảng Cộng Hòa Tiến Bước thuộc xã hội dân sự, thậm chí chưa từng tham gia hoạt động chính trị.

Trên tổng cộng 577 ghế ở Quốc Hội, đảng Cộng Hòa Tiến Bước mới chỉ đề cử 428 ứng viên, cố tình để ngỏ 150 chỗ. Theo giới quan sát, khoản này nhằm chiêu dụ một số các chính khách của cả hai đảng truyền thống, Đảng Xã Hội cánh tả và đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa.

Cũng ngày 11/05, đa số của tổng thống tân cử Macron cho biết, không kết nạp cựu thủ tướng đảng Xã Hội Manuel Valls, nhưng không đề cử ứng cử viên trong vùng Essonne chống lại ông Valls.

Trước mắt, xung đột nội bộ trong các đảng phái chính trị truyền thống tả hữu, cực tả và cực hữu đang dâng cao. Hiện tượng Emmanuel Macron và phong trào chính trị do ông khởi xướng đang vẽ lại toàn cảnh chính trị Pháp. Đem lại những gương mặt mới cho Quốc Hội sắp tới và đổi mới hoạt động chính trị Pháp là ưu tiên của êkip Macron. Theo thăm dò dư luận do viện Harris Interactive thực hiện, có tới 76% người được hỏi tán đồng danh sách các ứng viên do đảng Cộng Hòa Tiến Bước đề xuất.

vi.rfi.fr/phap/20170512-bau-cu-quoc-hoi-phap-ran-nut-giua-nen-cong-hoa-tien-buoc.

 

Nước Pháp có tân tổng thống, Nga “chờ xem”

Ngay sau chiến thắng của Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng chiến thắng của người đứng đầu phong trào En Marche! (Tiến Bước!). Tuy nhiên, trong thời gian vận động tranh cử tại Pháp, tổng thống Putin được cho là ủng hộ ứng viên phong trào cực hữu Pháp Marine Le Pen, người mà ông đích thân đón tiếp tại điện Kremlin.

Ngoài ra, Nga cũng bị nghi ngờ đứng sau hàng loạt vụ tin tặc nhằm phá hoại cuộc vận động của ứng viên Macron, như đã từng làm với ứng viên Dân Chủ Mỹ Hilary Clinton vào năm 2016.

Ứng viên phong trào Tiến Bước ! đã đắc cử tổng thống Pháp cho nhiệm kỳ 2017-2022. Phản ứng của giới chính trị gia và truyền thông Nga ra sao đối với kỳ bầu cử tổng thống Pháp vừa qua ? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với thông tin viên Hoàng Dung từ Matxcơva.

 

Thông tín viên Hoàng Dung_Matxcơva12/05/2017Nghe

 

RFI : Báo chí và công luận Nga quan tâm như thế nào đến đợt vận động tranh cử tổng thống Pháp vừa qua, đặc biệt là bà Marine Le Pen thuộc đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, được cho là thân Nga và còn được đích thân tổng thống Putin tiếp đón tại điện Kremlin ? 

Hoàng Dung : Trong đợt vận động tranh cử tổng thống Pháp vừa qua, báo chí Nga đặc biệt quan tâm đến cuộc bầu cử ở Pháp. Bởi vì Pháp vẫn luôn là một đồng minh quan trọng của Nga trong khối Liên Minh Âu Châu. Trong nhiều năm qua, Pháp có các chính sách khá ủng hộ và không chống đối lại chính sách của Nga. Cho nên, Nga rất quan tâm trong thời gian tới ai sẽ là người đứng đầu nước Pháp và như vậy, sẽ rất quan trong trong việc nhận được sự ủng hộ của nước Pháp trong tương lai hay là không. Vì vậy, báo chí và chính giới Nga đã dành cho cuộc bầu cử này sự quan tâm đặc biệt.

Và sự quan tâm này còn vì một nguyên do khác là do người ta không thể nào xác định được trước khi kết quả của cuộc bầu cử được công bố ai sẽ là tân tổng thống của nước Pháp. Vì thế, sự quan tâm lại càng được chính giới và báo chí bàn cãi và quan tâm trong suốt thời gian trước cuộc bầu cử. Ngoài ra, còn có nhiều quan điểm và sự ủng hộ cho những ứng cử viên khác nhau trong số những ứng viên tổng thống Pháp lần này.

RFI : Giống như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, tin tặc Nga, được cho là do Matxcơva giật dây, bị cáo buộc nhiều lần tấn công phong trào Tiến Bước! của tổng thống tân cử Pháp trong đợt vận động tranh cử. Phản ứng của Nga ra sao về những cáo buộc trên ? 

Cũng như trong lần bị cáo buộc tham gia gây ảnh hưởng đối với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Nga dường như không bận tâm lắm đến cáo buộc này vì họ luôn cho rằng Nga có rất nhiều kẻ thù, cũng như Mỹ và các nước Âu châu không muốn Nga có sự ảnh hưởng đối với chính trường trên thế giới.

Đối với dân chúng Nga và báo chí, họ thấy thú vị vì lần này bỗng dưng Nga lại có vai trò đặc biệt quan trọng như thế. Không phải tự nhiên và dễ dàng gì mà ảnh hưởng được đến đường hướng chính trị của một nước lớn như Mỹ và Pháp. Cho nên, dân chúng có vẻ rất thích thú khi bị cáo buộc như vậy. Mặt khác, báo chí cũng bình luận rằng, như vậy, Nga có ảnh hưởng không nhỏ đối với thế giới bằng cách này hay cách khác.

RFI : Xin chị cho biết phản ứng của chính phủ và báo chí Nga về kết quả cuộc bầu cử tổng thống Pháp vừa qua ? Ông Macron được đánh giá như thế nào ?

Ông Macron, trước cuộc bầu cử tổng thống, không được chính giới Nga ủng hộ lắm. Nói cách khác là họ rụt rè về thái độ của ông ở cương vị tổng thống. Trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp, báo chí và chính giới Nga dành sự ủng hộ nhiều hơn cho ông Fillon, cựu thủ tướng Pháp. Sau đó, vị trí thứ hai là dành cho bà Marine Le Pen, đã được đích thân tổng thống Nga tiếp đón tại điện Kremlin.

Ông Macron là một người hoàn toàn mới, như một nhân vật hoàn toàn mới trên chính trường nước Pháp. Nhất là những quan điểm của ông ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu đã làm cho nước Nga hoàn toàn dè dặt. Nhưng nước Nga cũng không e ngại ông Macron, vì họ cho rằng kết quả cuộc bầu cử tổng thống Pháp lần này là dấu hiệu cho thấy nước Pháp muốn thay đổi và cần thay đổi giống như nước Mỹ đã bầu chọn cho ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Vì vậy, họ đang chờ đợi xem nước Pháp sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian tới.

RFI : Ông Macron là người gắn bó và ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu, trong khi đó Nga và khối này đang có quan hệ căng thẳng. Vậy Nga sẽ có chính sách quan hệ ra sao với Liên Hiệp và với Pháp khi ông Macron đắc cử tổng thống ?

Chính sách đối ngoại của Nga trong thời gian qua đã cho thấy Nga vẫn cố gắng tìm vị trí riêng của mình, có một ảnh hưởng đối với đường lối của châu Âu nói riêng và của thế giới nói chung. Bên cạnh đó, Nga cũng không muốn đối đầu, mà muốn tìm sự hợp tác trong khía cạnh đôi bên cùng có lợi, nhưng phải là bình đẳng và không bị phụ thuộc vào Liên Minh Âu Châu.

Trong thời gian tới, Nga tiếp tục đường hướng như vậy trong vấn đề đối ngoại với Liên Minh Âu Châu. Vì thế, Nga cũng sẽ cố gắng để thiết lập một mối quan hệ ngoại giao bình đẳng với nước Pháp dù là với vị tổng thống nào giữ cương vị này trong thời gian tới.

Liên Minh Âu Châu đưa ra chính sách cấm vận đối với Nga tính đến nay đã được ba năm. Nhưng không vì thế mà người Nga đầu hàng. Ngoài ra, nước Nga là một nước rất đặc biệt, như nhận xét của một nhà ngoại giao nổi tiếng của Nga : « Không thể nào hiểu nước Nga bằng lý trí. Chỉ có thể yêu quý nước Nga bằng trái tim ».

Nước Nga càng bị khó khăn, càng bị dồn vào chân tường, tinh thần dân tộc của họ lại càng vừng mạnh và họ lại vượt lên. Cho nên, mặc dù bị cấm vận trong ba năm qua, nhưng người Nga không vì thế mà nản lòng, cũng không vì thế mà chê trách hay lên án tổng thống và chính phủ. Đây là một tính cách đặc biệt Nga. Vì thế, trong thời gian tới, chính sách của Liên Minh Âu Châu, dù cấm vận hay không cấm vận, trên thực tế không ảnh hưởng gì đối với chính sách của nước Nga.

vi.rfi.fr/phap/20170512-nga-de-chung-macron-nhung-duy-tri-ngoai-giao-binh-dang-..

 

Bắc Hàn gửi thư phản đối đến Quốc hội Hoa Kỳ

Quốc hội Bắc Hàn đã gửi thư cho Quốc hội Hoa Kỳ, để phản đối việc Hạ Viện Mỹ thông qua dự luật quy định thêm nhiều biện pháp cấm vận và chế tài đối với chính quyền Bình Nhưỡng.

Theo thông tấn xã nhà nước Bắc Hàn KCNA, thư được gửi sang Hoa Kỳ sáng ngày 12/5, nhưng không nói rõ có gửi qua ngã ngoại giao hay không.

Hiện giờ Bình Nhưỡng và Washington không trao đổi quan hệ trực tiếp, nên mọi trao đổi thường được gửi qua trung gian là Đại sứ quán Thụy Điển tại Bắc Hàn.

KCNA cũng tiết lộ một phần nội dung lá thư của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Bắc Hàn, chỉ trích quyết định của Hạ viện Mỹ là một hành động tàn ác đối với nhân loại.

Xin nhắc lại hôm thứ Năm tuần trước, Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua dự luật gia tăng mức cấm vận và chế tài đối với Bình Nhưỡng, trong đó chủ đích nhắm thẳng vào kỹ nghệ vận tải đường biển của Bắc Hàn, cáo buộc Bắc Hàn xem công nhân như nô lệ.

Dự luật đã được đưa sang Thượng Viện, chờ thông qua.

www.rfa.org/vietnamese/…/nkorea-sends-protest-to-us-congress-05122017085957.ht