Tin khắp nơi – 12/03/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 12/03/2018

Sinh viên TQ chăng áp phích phản đối Tập Cận Bình

Trong những ngày gần đây, các áp phích chống ông Tập được viết bằng tiếng Trung và tiếng Anh xuất hiện ở một số trường đại học phương Tây.

Trên áp phích là các thông điệp như ‘không phải chủ tịch nước của tôi’ và ‘tôi phản đối.’

TQ bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho chức Chủ tịch Nước

‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ ghi vào Điều lệ Đảng?

TQ sắp ‘sửa điều lệ Đảng’ và ‘bổ sung’ tư tưởng Tập Cận Bình

Trung Quốc kiểm duyệt gắt gao các chỉ trích về quyết định của nước này dỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho chức chủ tịch nước.

Ai đứng sau những áp phích?

Các áp phích bắt đầu xuất hiện ở một số trường đại học Hoa Kỳ vào tuần trước và sau đó ở Anh, Pháp, Hà Lan, Úc và Canada.

Một tài khoản Twitter @StopXiJinping đăng các liên kết tới các áp phích để tải xuống và khuyến khích mọi người tham gia vào ‘chiến dịch của chúng tôi’.

Chủ tài khoản nói với BBC rằng chiến dịch do sinh viên Trung Quốc hoặc người Trung Quốc tốt nghiệp đại học nhưng đang sống tại nước ngoài thực hiện, nhưng mong muốn ẩn danh.

“Chúng tôi lên tiếng vì chúng tôi thực sự tin tưởng rằng công dân Trung Quốc, trong hay ngoài nước, có quyền bày tỏ ý kiến mà không sợ hãi”, theo dòng thông tin trên tài khoản Twitter này hôm 9/3.

Cụm từ “không phải chủ tịch/tổng thống của tôi” từng được sử dụng trong các bối cảnh khác, như trong chiến dịch của những người phản đối Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43368073

 

Đưa vụ Iran trấn áp nhà báo BBC ra LHQ

Kasra NajiBBC tiếng Ba Tư

Các nhà báo của ban BBC tiếng Ba Tư phát về Iran ra điều trần trước Liên Hiệp Quốc ở Geneva về chiến dịch nhắm vào họ của chính quyền Tehran.

Đài BBC đã đưa ra đề nghị chưa từng có lên Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn tình trạng chính quyền Iran trấn áp, đe dọa và hành hạ các phóng viên BBC Ba Tư và thân nhân trong nước.

Các nhà báo BBC gốc Iran cho hay chính quyền Iran tăng cường chiến dịch bắt bớ, cấm đi lại không chỉ với họ (khi muốn về nước thăm thân), mà với người trong gia đình đang ở Iran.

Bị bỏ tù khi về thăm Iran

Mỹ: Iran ‘khiêu khích đáng báo động’

Đánh vào Lăng Giáo chủ Khomeini và Quốc hội Iran

Iran: Biểu tình sang ngày thứ 5

Lời kêu gọi chính thức với LHQ được nêu ra tại cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva trưa 12/03/2018.

Kể từ sau cuộc bầu cử 2009, Iran bắt đầu nhắm vào các nhân viên và nhà báo của BBC tiếng Ba Tư và nêu ra cáo buộc “các thế lực bên ngoài can thiệp” vào tình hình nước họ.

Lo sợ bị bắt

Vào tháng 10/2017, các nhà báo BBC tiếng Ba Tư đã tụ họp để tưởng nhớ một người họ chưa hề gặp.

Đó là người cha vừa mất của một đồng nghiệp không được về thăm nhà ở Iran sau khi nghe tin ông ốm nặng.

Nhà báo gốc Iran chỉ được tin qua điện thoại một tuần trước đó và như bình thường thì anh có thể lên máy bay về quê hương, đến bên giường bệnh gặp cha.

Nhưng nhân viên của BBC tiếng Ba Tư không thể nhập cảnh Iran vì lo sợ bị bắt, nên điều duy nhất nhà báo nọ có thể làm là nói những lời cuối với cha qua Skype.

Một tuần sau, cha của anh qua đời.

Vì không thể dự lễ tang bình thường, anh đã làm một buổi lễ trong căn phòng nhỏ ở London để mời các bạn bè đồng nghiệp đến dự.

Đây là câu chuyện rất phổ biến trong ban BBC tiếng Ba Tư, nơi trong hơn một thập niên qua, hơn 30 người đã có cha hoặc mẹ qua đời ở Iran mà không thể về để vĩnh biệt.

Các nhà báo BBC tiếng Ba Tư bị chính quyền Iran coi là tội phạm, những kẻ lật đổ, hoặc gián điệp nước ngoài, và họ luôn sống trong nỗi lo lắng về một cú điện thoại.

Đó là tin dữ về một thân nhân lâm bệnh nặng hoặc sắp qua đời, hoặc tin xấu rằng ai đó trong gia đình bị công an gọi lên thẩm vấn.

Dọa giết

Một nữ phóng viên BBC tiếng Ba Tư khác nhận được yêu cầu qua Skype đề nghị cô bỏ việc ở BBC, hoặc hợp tác với an ninh Iran để theo dõi một đồng nghiệp của mình.

Vì tôi từ chối hợp tác, họ đã giam em gái tôi trong xà lim cấm cố 17 ngày liềnPhóng viên BBC gốc Iran

Đổi lại, chính quyền Iran hứa sẽ thả tự do cho em gái 27 tuổi của cô.

Người em gái đã bị an ninh Iran bắt đi lúc nửa đêm sau vụ công an ập vào nhà cha mẹ họ ở Tehran và sau đó bị giam ở nhà tù Evin khét tiếng.

“Vì tôi từ chối hợp tác, họ đã giam em gái tôi trong xà lim cấm cố 17 ngày liền,” nữ phóng viên BBC tiếng Ba Tư cho hay.

Cô đã ghi lại toàn bộ cuộc nói chuyện với các nhân viên an ninh Iran.

Một nữ nhà báo dẫn chương trình truyền hình của BBC về Iran (BBC Persian TV) nhận được emai l nặc danh yêu cầu cô ngưng làm việc ở BBC.

Những kẻ lạ mặt đó cho hay họ biết trường con trai 10 tuổi của cô đi học ở Anh là trường nào.

Một biên tập viên có mẹ già bị một trong nhiều cơ quan an ninh tại Tehran gọi lên thẩm vấn.

Bà được nghe rằng con trai bà có thể bị đụng xe ở London nếu ông tiếp tục làm việc cho BBC.

Người mẹ rất lo lắng về đe dọa kia và cảnh sát chống khủng bố của Anh ở London cũng ngay lập tức vào cuộc để bảo vệ cho nhà báo Iran.

Iran khóa tài sản của mọi nhân viên BBC

Hơn 20 nhà báo của ban BBC tiếng Ba Tư và thân nhân đã bị dọa giết, và đây cũng con số người được cảnh sát Anh bảo vệ.

Sau nhiều năm nhân viên ban tiếng Iran bị trấn áp, BBC nay kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp bằng cách đưa khiếu nại này thẳng lên Liên Hiệp Quốc.

“Đài BBC quyết định có động thái chưa bao giờ có là kêu gọi lên thẳng Liên Hiệp Quốc vì các nỗ lực của chúng tôi nhằm thuyết phục chính quyền Iran chấm dứt sự trấn áp các nhà báo, đã hoàn toàn bị bỏ qua,” Tổng giám đốc BBC, Tony Hall nói.

Lời kêu gọi được đưa ra sau khi chính quyền Iran đẩy chiến dịch nhằm vào các nhà báo của BBC tiếng Ba Tư lên một mức gay gắt hơn.

Phóng viên BBC bị buộc phải ‘thú tội’ ở TQ

Thế giới vụ BBC ‘tăng quy mô lớn nhất’

Luật sư nói gì về vụ Mẹ Nấm?

Iran cáo buộc 152 nhân viên hiện nay và cựu nhân viên, cộng tác viên của BBC tiếng Ba Tư có “âm mưu chống lại an ninh quốc gia”, và mở ra các cuộc điều tra hình sự. Iran cũng đóng băng tài sản của nhiều người trong số các nhà báo.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi Iran chấm dứt mọi hoạt động pháp lý nhằm vào nhân viên, nhà báo BBC và gia đình họ, cũng như các hoạt động chống lại “nền báo chí độc lập, dù của những người làm cho BBC hay nơi khác”.

Chừng 18 triệu người Iran, khoảng 1/4 dân số Iran, thường xuyên nghe và xem các chương trình của BBC tiếng Ba Tư trên mạng internet, radio và truyền hình. Chừng 12 triệu thường xuyên xem kênh BBC tiếng Ba Tư gồm các mục tin tức, thời sự và giải trí, qua vệ tinh.

“Người Iran nghe và xem BBC với số lượng lớn vì họ không thể có tin tức, phân tích đáng tin cậy, bất thiên vị từ truyền thông Iran vốn bị kiểm duyệt nặng nề,” bà Rozita Lotfi, trưởng biên tập ban BBC tiếng Ba Tư nói.

BBC lên án cách Iran đe dọa

Năm 2009, sau cuộc bầu cử ở Iran, khi hàng triệu người đã xuống đường để phản đối “lá phiếu của họ bị đánh cắp”.

Sự thực là câu chuyện có tầm rộng hơn: đây là câu chuyện về các quyền con người cơ bản nhấtTGĐ BBC, Tony Hall

Các cáo buộc về lừa đảo bầu cử dẫn tới nhiều tháng có biểu tình mà chính quyền Iran đã buộc tội Hoa Kỳ, Anh Quốc và các chính phủ nước ngoài, và đài BBC, gây ra.

Phóng viên BBC tại Tehran khi đó, Jon Leyne, bị trục xuất cùng các nhà báo khác làm việc cho truyền thông quốc tế. Nhưng cách trấn áp báo chí thì vẫn tiếp tục sau đó.

Image captionTrụ sở chính của BBC ở London

Vào tháng 10/2017, các báo cáo viên LHQ về tự do ngôn luận và nhân quyền ở Iran đã viết thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Mohammad Javad Zarif nêu ra vấn đề của nhân viên BBC tại ban phát về Iran.

Họ yêu cầu ông bộ trưởng giải thích xem Iran có bằng chứng gì không để nêu ra cáo buộc về âm mưu chống lại an ninh quốc gia mà họ đưa ra để nhắm vào các nhà báo.

Họ cũng yêu cầu bộ trưởng ngoại giao Iran giải thích vì sao làm việc cho BBC lại trở thành mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Sau bốn tháng liền, lá thư không được trả lời.

Cho đến nay, Iran chưa hề phản hồi về các cáo buộc trấn áp. Khi các nhà ngoại giao Anh nêu vấn đề thì các quan chức tương nhiệm của Iran chỉ nói họ vẫn đang điều tra sự việc.

“Đây không chỉ là việc của BBC, vì chúng tôi không phải là cơ quan truyền thông duy nhất bị trấn áp và bị buộc phải xuống thang khi nói về Iran,” ông Tony Hall cho biết.

“Sự thực là câu chuyện có tầm rộng hơn: đây là câu chuyện về các quyền con người cơ bản nhất.”

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43370461

 

Tin giả ‘bay nhanh’ hơn tin thật

Một nghiên cứu về 126.000 tin đồn và tin giả trên mạng Twitter trong 11 năm qua cho thấy chúng lan nhanh và đến với nhiều người hơn so với tin thật.

Các nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) còn phát hiện rằng tin giả mạo thường được người dùng đăng tải lại (re-tweet) nhiều hơn so với robot mạng.

Họ cho rằng lý do có thể là do tin giả “mới mẻ hơn”.

Chủ đề thường bị giả mạo nhiều nhất liên quan đến chính trị.

Một vài chủ đề khác hay bị giả mạo là tin đồn kiểu huyền thoại, bịa như thật, tin kinh doanh, khủng bố, khoa học, giải trí và thiên tai.

Sinh viên TQ chăng áp phích phản đối Tập Cận Bình

Mạng xã hội theo ý thức hệ gì?

Giải ‘Tin tức giả’ của năm 2017

Twitter là hãng cung cấp dữ liệu cho nghiên cứu này.

Hãng này nói với BBC hãng đang nỗ lực “tự kiểm tra” để đo mức độ đóng góp của mình trong các cuộc thảo luận công chúng.

Giáo sư Sinan Aral, một nhà đồng nghiên cứu cho biết: “Tin giả thường mới lạ hơn, và mọi người thường hay chia sẻ những thông tin mới lạ.”

Mặc dù nhóm nghiên cứu không kết luận rằng tính mới lạ giúp tin giả được đăng lại (re-tweet) nhiều hơn, họ nói tin giả mạo có xu hướng tạo ra bất ngờ hơn tin thật, khiến chúng dễ được chia sẻ nhiều hơn.

Giáo sư Aral cùng Tiến sĩ Soroush Vosoughi và Trợ lý giáo sư Deb Roy bắt đầu cuộc nghiên cứu sau vụ đánh bom kinh hoàng tại cuộc đua marathon ở Boston năm 2013.

“Twitter trở thành nguồn thông tin chính của chúng tôi,” Tiến sĩ Vosoughi cho hay.

“Tôi nhận ra rằng… phần lớn các tin tức tôi đọc trên mạng xã hội là tin đồn, là tin giả mạo.”

Nhóm nghiên cứu có sử dụng sáu công cụ chuyên kiểm tra thông tin nhanh, trong đó có Snopes và Urbanlegend để xem những câu chuyện trong nghiên cứu có thật hay không.

Các phát hiện của họ, được đăng trên tạp chí Khoa học (Science), bao gồm:

•Tin giả được đăng lại nhiều hơn 70% so với tin thật

•Tin thật mất thời gian lâu hơn tới 6 lần (so với tin giả) để ‘đến tay’ 1500 người.

•Tin thật hiếm khi có lượng người chia sẻ vượt quá 1000, trong khi tin giả có thể đạt lượng chia sẻ tới 100.000 người.

Chuyện phiếm hay nhất

Giáo sư tâm lý học Geoffrey Beattie đến từ đại học Edge Hill vùng Lancashire, nói với BBC những ai chia sẻ tin tức mà người khác chưa từng biết có một vị trí quyền lực – cho dù tin đó có thật hay không.

“Con người luôn muốn chia sẻ những thông đáng được đưa lên báo – ở một góc độ nào đó, giá trị về sự thật của thông tin ở đây ít được lưu tâm,”

Ông so sánh việc lan truyền tin giả với việc ‘buôn chuyện phiếm’

Ông nói: “Đặc điểm của chuyện phiếm là những chuyện phiếm hay nhất là những chuyện giật gân – mọi người chẳng bận tâm là nó có đúng sự thật hay không,”

“Chúng ta đang bị bão hòa thông tin, do vậy những tin tức cần phải gây bất ngờ hơn, hay ghê rợn hơn để thu hút được sự chú ý.”

http://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-43370411

 

Ông Trump ‘lường trước rủi ro’ khi gặp ông Kim

Giám đốc Cơ quan Tình báo Hoa Kỳ (CIA) Mike Pompeo cho rằng Tổng thống Trump hiểu những rủi ro khi quyết định gặp lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un.

Ông Pompeo nói với đài CBS rằng chính quyền của ông Trump hiểu rõ những thách thức trong việc đối phó với Bắc Hàn.

Ông Trump “không làm điều này để diễn kịch mà để giải quyết vấn đề”, giám đốc tình báo nói với tờ Fox News Sunday.

Ông nói rằng Bắc Hàn cần cuộc đàm phán này vì các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đã khiến kinh tế nước này trở nên tồi tệ.

Ông nói với Fox News: “Chưa bao giờ Bắc Hàn ở vào tình thế mà nền kinh tế của họ có nguy cơ như vậy và lãnh đạo của họ chịu áp lực đến như vậy.”

Chưa có tổng thống Hoa Kỳ nào từng ngồi vào bàn đàm phán với một lãnh đạo Bắc Hàn.

Một hội nghị thượng đỉnh như vậy, cái mà Bình Nhưỡng mong muốn bấy lâu, trước đây được cho là chỉ có khả năng xảy ra sau khi Bắc Hàn có những nhượng bộ đáng kể.

Nhưng nay ông Trump được cho là chấp nhận ngay lập tức lời đề nghị gặp gỡ khi phái đoàn Hàn Quốc chuyển thư tay của ông Kim thứ Năm 8/3, khiến chính quyền của ông Trump bất ngờ.

Tổng thống nói rằng cuộc họp dự kiến có thể mang lại ‘hiệp định vĩ đại cho thế giới’.

Chứng khoán châu Á khởi sắc trước cuộc gặp Trump-Kim

Nga: Trump và Kim cư xử như trẻ mẫu giáo

Trump gặp Kim: Chiến lược của Mỹ hiệu quả

Tuy nhiên, giới chỉ trích cảnh báo nếu các cuộc đàm phán không êm thấm, hai nước sẽ ở trong tình thế tồi tệ hơn trước.

Bắc Hàn trong quá khứ từng vài lần nói sẽ xem xét từ bỏ vũ khí hạt nhân với những điều kiện thích hợp.

Tuy nhiên, các nỗ lực thương lượng các thỏa thuận viện trợ cho việc giải trừ vũ khí thất bại nhiều lần kể từ năm 2003, khi Bắc Hàn rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Chưa có địa điểm và ngày giờ cụ thể nào được công bố, mặc dù thông tin bao đầu cho hay cuộc họp sẽ diễn ra vào đầu tháng Năm.

Làng đình chiến Panmunjom nằm trong khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên có thể là một lựa chọn, Thông tấn xã Hàn Quốc Yonhap cho hay.

Thụy Điển, Thụy Sĩ và Trung Quốc cũng có thể là những nước đăng cai cuộc họp thượng đỉnh được mong đợi này.

Lo ngại Kim có thể ‘lợi dụng’

Các chính trị gia hai đảng chính của Hoa Kỳ đều bày tỏ quan ngại về cuộc họp dự kiến.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Cory Gardner nói với đài CBS rằng ông muốn “những bước đi cụ thể, có thể kiểm chứng được đối với việc phi hạt nhân hoá” trước khi đàm phán diễn ra.

Một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa khác, Jeff Flake, nói với NBC rằng ông hoài nghi liệu phi hạt nhân hóa có phải là một mục tiêu thực tế hay không.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren lo ngại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thiếu nhân sự quen thuộc với các kế sách của Bình Nhưỡng.

“Tôi muốn thấy tổng thống của chúng tôi thành công, bởi vì nếu ông ấy thành công, Mỹ sẽ thành công, thế giới sẽ an toàn hơn”, bà nói.

“Nhưng tôi rất lo lắng rằng họ sẽ lợi dụng ông ấy.”

http://www.bbc.com/vietnamese/43368071

 

Bắc Hàn chưa xác nhận cuộc gặp với Tổng thống Mỹ

Bắc Hàn hiện vẫn chưa xác định chính thức cuộc gặp giữa lãnh tụ Kim Jong Un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Người phát ngôn Bộ Thống Nhất Hàn Quốc, Baik Tae-hyun cho báo chí biết như vậy tại cuộc họp báo hôm 12/3.

Phía Nam Hàn cho hay kể từ cuộc gặp cấp cao giữa đòan đại biểu Nam Hàn với lãnh tụ Bắc Hàn hồi tuần trước, phía Bắc Hàn tỏ ra khá im lặng. Báo chí Bắc Hàn đưa tin về chuyến thăm của đoàn Nam Hàn nhưng không đả động gì đến lời mời gặp của lãnh tụ Kim Jong Un với Tổng thống Donald Trump cũng như thượng đỉnh hai miền sắp tới. Bộ Thống Nhất Nam Hàn cho rằng đây là một sự thận trọng của phía Bắc trước khi tuyên bố lập trường của mình trước cuộc gặp.

Trước đó phía Nam Hàn cho biết hai miền Triều Tiên đã đồng ý sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng tới và sẽ có các cuộc thảo luận để chuẩn bị cho thượng đỉnh này. Dự kiến cuộc gặp sẽ diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm trên biên giới hai miền.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã đồng ý gặp lãnh tụ Kim Jong Un vào cuối tháng năm. Tuy nhiên, địa điểm cuộc gặp hiện vẫn chưa được quyết định.

Trong khi đó, người dẫn đầu đoàn đại biểu Nam Hàn đi Bắc Hàn hồi tuần trước và là người đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia Nam Hàn, ông Chung Eui-yong đã đến Bắc Kinh hôm thứ hai trong chuyến công du một loạt nước bao gồm Nga và Nhật Bản.

Tại Bắc Kinh, ông Chung lên tiếng cảm ơn Trung Quốc đã hỗ trợ tích cực trong quá trình ngoại giao giúp chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Bắc Hàn và Mỹ sắp tới.

Trong cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách vấn đề ngoại giao của Trung Quốc, Dương Khiết Trì, ông Chung nói Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in và chính phủ Nam Hàn tin rằng một loạt những bước tiến đạt được nhằm hướng tới hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là nhờ những hỗ trợ tích cực và đóng góp từ Chủ tịch Tập Cận Bình và chính phủ Trung Quốc.

Trung Quốc hiện là đồng minh ngoại giao duy nhất và là đối tác thương mại quan trọng của Bắc Hàn.

Bắc Kinh từ lâu đã thúc giục Mỹ và và Bắc Hàn bắt đầu các đối thoại song phương về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/nkorean-caution-seen-in-announcing-stance-on-upcoming-summits-seoul-03122018093429.html

 

Liên Hiệp Quốc: Phải nêu vấn đề nhân quyền

 trong đối thoại với Bắc Hàn

Liên Hiệp Quốc hôm 12/3 lên tiếng kêu gọi bao gồm những đàm phán về vấn đề vi phạm nhân quyền vào các cuộc đối thoại an ninh và hạt nhân với Bắc Hàn.

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về vấn đề nhân quyền ở Bắc Hàn, Ojea Quintana nói tại Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc rằng bất cứ những bước tiến nào đạt được trong các đối thoại an ninh sắp tới với Bắc Hàn cũng cần phải đi cùng với việc mở rộng đối thoại về nhân quyền.

Đoàn đại biểu Bắc Hàn tại Liên Hiệp Quốc đã không có mặt ở cuộc họp của Hội đồng nhân quyền.

Tuy nhiên phía Bắc Hàn từ trước đến nay vẫn bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền tràn lan ở nước này.

Ông Theodore Allegra, đại diện của Mỹ tại UN ở Geneva, cũng lên án tình trạng vi phạm nhân quyền ở Bắc Hàn bao gồm việc giết người trái pháp luật, tra tấn, bắt giam người trái phép, cưỡng bức lao động và bạo lực tình dục. Ông cho biết phần lớn những vi phạm này xảy ra ở các trại tù chính trị, nơi ước chừng có khoảng từ 80,000 đến 120,000 người bị giam giữ, bao gồm cả trẻ em.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/un-investigator-human-rights-must-be-party-of-any-talks-with-nkorea-03122018092642.html

 

Thủ tướng Nhật vướng nghi vấn

quan hệ thân hữu trong chính phủ

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và đồng minh thân cận của ông là Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, đang phải đối mặt với sức ép lên cao trong ngày thứ hai, 12/3, vì nghi vấn che dấu một vụ scandal liên quan đến việc sử dụng người thân quen trong một vụ mua bán đất nhà nước được phát hiện đã từ hơn một năm nay.

Hãng tin Reuters hôm 12/3 cho biết hãng này đã có được các bản copy của những tài liệu cho thấy có những thông tin liên quan đến ông Abe, vợ ông và ông Aso bị xóa khỏi hồ sơ của Bộ Tài chính liên quan đến việc bán một khu đất của nhà nước cho một người điều hành trường học có quan hệ với bà Akie, vợ ông Abe.

Trước đó, ông Abe đã bác bỏ cáo buộc rằng ông và vợ mình đã ưu ái ông Moritomo Gakuen trong việc mua bán này và khẳng định nếu có bằng chứng về việc này, ông sẽ từ chức.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bộ Tài Chính, ông Abe nói ông xin lỗi người dân trên cương vị người đứng đầu chính phủ vì những tài liệu đã bị sửa đổi.

Các bằng chứng mà Reuters có được, mặc dù vậy, không chỉ ra được là ông Abe và vợ có liên quan trực tiếp đến vụ mua bán này.

Ông Abe cũng nói ông muốn ông Aso phải cố gắng làm rõ mọi sự việc và đảm bảo những việc này không xảy ra nữa.

Ông Aso nói trong một cuộc họp báo trước đó rằng một số giới chức thuộc bộ tài chính phụ trách vụ mua bán này đã thay đổi hồ sơ để làm cho các hồ sơ này đúng như lời điều trần trước quốc hội trước đó.

Lãnh đạo đảng dân chủ đối lập, ông Yuichiro Tamaki nói với báo giới rằng việc che dấu bằng chứng và làm sai thông tin đã rõ ràng. Ông thúc giục ông Aso phải từ chức và đề nghị quốc hội có buổi điều trần về vấn đề này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/japan-pm-finance-minister-under-fire-over-suspected-cover-up-of-cronyism-03122018092205.html

 

Ngải Vị Vị: Trung Quốc không bao giờ thay đổi

Nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc, nghệ sĩ Ngải Vị Vị hôm thứ hai, 12/3 lên tiếng nói rằng dù lãnh đạo của Trung Quốc có thay đổi thì văn hóa và hệ thống của nước này vẫn vậy.

Nói với đài phát thanh Australia ở Sydney, ông Ngải Vị Vị nói rằng Trung Quốc từ trước đến nay vẫn là một đất nước của vua… cho nên dù lãnh đạo có thay đổi hay không thì nền văn hóa vẫn không thay đổi.

Phát biểu của nghệ sĩ Ngải Vị Vị được đưa ra chỉ một ngày sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua những thay đổi trong hiến pháp cho phép bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức danh Chủ tịch nước, cho phép Chủ tịch Tập Cận Bình được nắm quyền trong thời gian không giới hạn.

Nghệ sĩ Ngải Vị Vị là người đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích vấn đề vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Hồi năm 2011, ông bị chính phủ Trung Quốc giam giữ vì bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề nhân quyền. Ông cũng bị chính quyền thu hộ chiếu trong suốt 4 năm và chỉ trả lại vào năm 2015. Hiện ông làm việc ở Đức và đi khắp thế giới để nói về tình trạng của người tị nạn và di cư.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/chinese-dissident-even-changing-leaders-wont-change-china-03122018091513.html

 

Lãnh đạo tình báo Nam Hàn sang Hoa Kỳ, Nhật, Trung Cộng,

Nga thông báo kết quả hội đàm với Kim Jong Un

Seoul, Nam Hàn. (Reuters)- Giám đốc Tổ Chức Tình Báo của Nam Hàn, ông Suh Hoon hôm nay rời Seoul để sang Nhật Bản gặp thủ tướng Shinzo Abe.

Ông Suh và phó giám đốc của tổ chức này- Nam Gwan-Pyo- dự tính sẽ gặp thủ tướng Abe vào ngày mai 13/03 để thảo luận về kết quả chuyến công du Bình Nhưỡng và Hoa Kỳ.

Theo kế hoạch, người đứng đầu Tổ Chức An Ninh Quốc Gia Nam Hàn- Chung Eui-Yong- hôm nay 12/03 gặp chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình để thông báo nội dung các cuộc đàm phán. Cả hai ông Chung và Suh Hoon vừa trở về lại Seoul sau chuyến bay sang Hoa Kỳ, để chuyển đến tổng thống Trump lời mời tham dự cuộc đối thoại về chương trình vũ khí hạt nhân của Kim Jong Un.

Tổng thống Trump đã đồng ý gặp Kim Jong Un, dự kiến trước cuối tháng 5 tới, mặc dù thời gian và nơi chốn chưa được xác định.

Cũng theo kế hoạch,  ông Chung Eui-Yong dự tính bay sang Nga sau khi kết thúc cuộc họp ở Bắc Kinh, nhưng chi tiết của chuyến đi Nga chưa được loan báo. (Song Châu)

https://www.sbtn.tv/lanh-dao-tinh-bao-nam-han-sang-hoa-ky-nhat-trung-cong-nga-thong-bao-ket-qua-hoi-dam-voi-kim-jong-un/

 

Trung Quốc sắp bay thử thuỷ phi cơ lớn nhất thế giới

Thuỷ phi cơ lớn nhất thế giới do Trung Quốc chế tạo sẽ cất cánh từ mặt nước lần đầu tiên trong chuyến bay thử theo dự trù vào mùa đông năm nay.

Truyền thông địa phương Kinh Môn trích lời ông Zhang Junhua, kỹ sư thiết kế cấp cao của Tổng Công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) nói rằng thuỷ phi cơ AG600 theo kế hoạch sẽ cất cánh từ Hồ Zhanghe ở Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc, trung bộ Trung Quốc vào mùa đông năm 2018.

Thuỷ phi cơ mới này sẽ được trưng bày vào tháng 11 năm nay tại Triễn lãm Hàng không và Không gian Quốc tế lần thứ 12 tại thành phố Châu Hải của tỉnh Quảng Đông, theo Hoàn Cầu Thời Báo.

Với trọng tải cất cánh lên đến 53,5 tấn và tốc độ bay tối đa đạt đến 500 kilômét/giờ, thuỷ phi cơ AG600 có thể ở trên không trong 12 giờ đồng đồ.

Cất cánh từ tỉnh Hải Nam ở miền nam Trung Quốc, thuỷ phi cơ AG600 có thể bay đến bất cứ nơi nào trên Biển Đông, theo Hoàn Cầu Thời Báo.

98% của 50.000 bộ phận lắp ráp thành chiếc AG6000 do các công ty của Trung Quốc cung cấp, theo lời ông Zhang.

AG600 là chiếc máy bay thứ ba trong nhóm các máy bay khổng lồ do Trung Quốc chế tạo, tiếp theo sau máy bay chở hàng Y-20 bay thử lần đầu vào năm 2013, và máy bay chở khách C919 bay thử lần đầu vào năm 2017. Vận tải cơ Y-20 được đưa vào phục vụ không quân Trung Quốc vào tháng 7 năm 2016.

(Theo Hoàn Cầu Thời Báo, Defense World)

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-sap-thu-thuy-phi-co-lon-nhat-the-gioi/4294944.html

 

Báo Trung Quốc công kích

lời chỉ trích ông Tập tại vị vĩnh viễn

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 12/3 công kích những lời chỉ trích việc bỏ phiếu chấm dứt giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch, cho phép Chủ tịch Tập Cận Bình nắm giữ chức vụ vô thời hạn, với tuyên bố rằng chìa khóa dẫn đường của Trung Quốc là đi theo Đảng Cộng sản, theo Reuters.

Quốc hội “nghị gật” của nước này hôm 11/3 đã bỏ phiếu thông qua việc sửa đổi hiến pháp, bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ và bổ sung các điều khoản tăng cường vai trò chi phối của đảng về chính trị.

Trước đó, trên mạng truyền thông xã hội, những người chỉ trích phản bác thay đổi này và so sánh với Triều Tiên, hoặc cho rằng sự sùng bái theo kiểu Mao Trạch Đông đang hình thành. Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ mới vừa đưa ra đề xuất này hồi tháng trước.

Trong một bài xã luận, tờ báo được xem là “lá cải” của nhà nước Trung Quốc, Hoàn cầu Thời báo, nói những lý thuyết chính trị phương Tây chẳng ích gì cho Trung Quốc.

“Chúng ta ngày càng tin tưởng rằng chìa khóa dẫn đường của Trung Quốc phụ thuộc vào việc duy trì sự lãnh đạo mạnh mẽ của Đảng và vững vàng đi theo sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng với đồng chí Tập Cận Bình giữ vị trí nòng cốt”, Reuters trích bài xã luận được đăng trên cả phiên bản tiếng Anh lẫn tiếng Trung của tờ báo.

“Những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự trỗi dậy và suy thoái của các quốc gia và đặc biệt là thực tế phũ phàng rằng hệ thống chính trị phương Tây không thể áp dụng cho các nước đang phát triển, mà còn tạo ra những kết quả tồi tệ”.

Tờ báo chính thống China Daily thì lặp lại quan điểm mà tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đưa ra trước đó rằng bản Hiến pháp sửa đổi này không “hàm ý nhiệm kỳ vô hạn định cho bất kỳ nhà lãnh đạo nào”.

“Nhưng một số người ở phương Tây lại cứ khăng khăng điều ngược lại, mặc dù chỉ qua những suy đoán tưởng chừng là hợp lý mà họ cho là họ biết rõ hơn”, Reuters trích tờ báo bằng tiếng Anh nói.

“Những người như vậy vốn đã có tư tưởng sâu xa chống lại Trung Quốc và đã dự đoán sai hết lần này đến lần khác về Trung Quốc”, tờ báo nói thêm, nhưng không nói cụ thể ai.

“Bài học đau thương”

Tuy nhiên, một số bài báo dòng chính của Trung Quốc chỉ chọn đề cập đến giới hạn nhiệm kỳ được thông qua trong các bài xã luận tán dương những sửa đổi hiến pháp, bao gồm tờ báo chính thức của đảng là Nhân dân Nhật báo, với chú thích đơn giản ở trang nhất là “hoàn thiện hệ thống nhiệm kỳ dành cho chủ tịch”.

Một tờ báo nổi tiếng khác, tờ Beijing Youth Daily, nói rằng thay đổi này là một “sự điều chỉnh”, có thể giúp củng cố sự lãnh đạo toàn diện và bảo vệ quyền lực của đảng, nhưng không công kích những người chỉ trích.

Reuters cho biết nhiều tài khoản mạng xã hội của các cơ quan truyền thông nhà nước lớn đã “khóa” phần bình luận hoặc chỉ cho những bình luận theo hướng ca ngợi đảng được xuất hiện. Tuy nhiên, một số bình luận chống đối đã vượt qua kiểm duyệt để xuất hiện.

“Làm thế nào mà chủ nghĩa xã hội vốn được tán dương lại trở thành một chế độ quân chủ làm luật?” một người dùng trang Weibo, giống như Twitter, viết.

“Tôi thực sự không dám nói bất cứ điều gì về việc này”, một người khác viết trong một bình luận bên dưới bài viết về hiến pháp được đăng trên tài khoản Weibo của nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân. Toàn bộ các bình luận sau đó đã bị xóa.

Chỉ có 2 phiếu “không”, 3 phiếu trắng và 1 phiếu không hợp lệ, trong kết quả bỏ phiếu của gần 3.000 đại biểu quốc hội.

Tổ chức có tên gọi Nhân quyền ở Trung Quốc, đặt trụ sở ở Mỹ, cho rằng có nhiều rủi ro lớn khi cho phép tập trung quyền lực như vậy.

“Việc chấm dứt giới hạn hai nhiệm kỳ đã phớt lờ bài học đau thương của thời đại Mao và một lần nữa đẩy người dân Trung Quốc đến đau khổ, áp bức và thảm họa quốc gia là kết quả của quyền lực vô hạn được tập trung trong tay một con người”, Reuters dẫn lời bà Sharon Hom, giám đốc điều hành của nhóm nhân quyền, nói trong một tuyên bố.

Trên đường phố Bắc Kinh, cũng có những người ủng hộ ông Tập, theo Reuters. Những người này rất yêu thích chiến dịch chống tham nhũng tận gốc của ông cũng như việc ông giúp nâng cao vị thế của đất nước trên trường thế giới.

“Tập Cận Bình đã làm rất nhiều điều có lợi cho mọi người”, Yang Zhen, 35 tuổi, nói. “Tôi nghĩ bất cứ ai làm lợi cho người dân đều có thể tại vị mãi mãi”.

https://www.voatiengviet.com/a/bao-trung-quoc-cong-kich-loi-chi-trich-ong-tap-tai-vi-vinh-vien/4294754.html

 

Vai trò của Trung Quốc

trong đối thoại Mỹ-Bắc Triều Tiên

Thanh Hà

Liệu hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên có đang vuột khỏi tay Trung Quốc với thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong Un dự trù mở ra trước cuối tháng 5/2018 ? Đối thoại trực tiếp giữa Washington và Bình Nhưỡng có đe dọa đến một số quyền lợi của Bắc Kinh trong khu vực ?

Việc ông Kim Jong Un bắt tay nhà tỷ phú người Mỹ Donald Trump trước khi ra mắt ông Tập Cận Bình là kịch bản không mấy ai đã nghĩ đến.

Là điểm tựa chính của chế độ Bình Nhưỡng, Bắc Kinh về mặt chính thức, đánh giá tích cực “thiện chí” của đôi bên. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, nổi tiếng với lập trường dân tộc chủ nghĩa cực đoan, trong bài xã luận cho rằng : “Lợi ích trên hết của Trung Quốc là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và hòa bình. Mục tiêu đó còn quan trọng hơn cả quan hệ giữa Bắc Kinh với Bình Nhưỡng, Seoul hay những tính toán về tầm ảnh hưởng của một quốc gia đối với khu vực”. Vẫn theo tờ báo này, Bắc Kinh nên “bình tĩnh và chừng mực”, chớ nên nghĩ rằng Trung Quốc đang bị gạt ra ngoài hồ sơ này.

Theo giới quan sát, Trung Quốc khá thận trọng trước đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên vì nhiều lý do. Thứ nhất, dù là đồng minh thân thiết nhất, quan trọng nhất của Bắc Triều Tiên cả về mặt kinh tế lẫn ngoại giao, quân sự, nhưng quan hệ giữa Bắc Kinh với Bình Nhưỡng đã phần nào lạnh nhạt, ảnh hưởng của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên qua đó phần nào bị giới hạn hơn so với trong quá khứ. Dấu hiệu rõ ràng nhất là từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền 2013, lãnh đạo hai nước chưa hề có một cuộc họp thượng đỉnh. Thêm vào đó, Trung Quốc liên tục ủng hộ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc để gia tăng các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.

Lý do thứ nhì có thể khiến Bắc Kinh bực mình trước các đòn ngoại giao ngoạn mục của Washington và Bình Nhưỡng là Trung Quốc luôn chủ trương đối thoại đa phương. Trung Quốc đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cùng với Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Mỹ, Nhật và Nga. Một nhà nghiên cứu thuộc đại học ở Vancouver, Canada, được AFP trích dẫn nhấn mạnh : với đàm phán sáu bên, Trung Quốc cảm thấy thoải mái hơn trong vai trò của một nhà trung gian.

Vì vậy, bà Bonnie Glaser, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS, trụ sở tại Washington, nêu lên khả năng Bắc Kinh sẽ đề nghị tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim trên lãnh thổ Trung Quốc, qua đó “tăng thêm xác suất để tiếng nói của Trung Quốc có thêm trọng lượng”. Có điều, chuyên gia Mỹ này ghi nhận : Kim Jong Un khó mà chấp nhận đi dự thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên ở nước ngoài, bởi vì từ khi lên cầm quyền thay cha cuối 2011, nhà lãnh đạo trẻ tuổi từng được đào tạo ở Thụy Sĩ này chưa hề xuất ngoại, kể cả tới Bắc Kinh hội kiến chủ tịch Trung Quốc, như truyền thống có từ đời ông và cha của Kim Jong Un.

Phân tích cho rằng Trung Quốc lo ngại bị gạt ra bên lề trong hồ sơ hạt nhân bán đảo Triều Tiên không được tất cả các nhà quan sát tán đồng. Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Tôn Vân, thuộc Ttrung tâm nghiên cứu về an ninh và hòa bình Stimson của Mỹ, có lẽ Bắc Kinh đang cân nhắc hai mục tiêu. Một mặt, viễn cảnh đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng làm hạ nhiệt tình hình ở Đông Bắc Á, tạm thời xua tan viễn cảnh nổ ra chiến tranh. Nhưng mặt khác, Trung Quốc không thể chấp nhận việc không còn đóng vai trò hàng đầu trong hồ sơ hạt nhân bán đảo Triều Tiên. Do vậy, theo bà Tôn Vân, Bắc Kinh sẽ không khoanh tay ngồi nhìn.

Một chuyên gia thuộc trường Đảng tại Bắc Kinh cho rằng Bình Nhưỡng mà có vũ khí hạt nhân thì Trung Quốc, do là nước láng giềng sát cạnh, bị đe dọa hơn cả. Đó là chưa kể chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể là cái cớ để Nhật Bản, một nước kình địch của Trung Quốc trong khu vực, cũng lao vào một cuộc chạy đua vũ trang. Đó là hai lý do có thể khiến Trung Quốc thực lòng hoan nghênh thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong Un.

Thực ra, còn quá sớm để biết được là đối thoại trực tiếp Mỹ-Bắc Triều Tiên sẽ đem lại những kết quả cụ thể nào, nhưng có lẽ Bắc Kinh không sợ bị gạt ra bên lề như mọi người từng nghĩ. Bởi vì thứ nhất, do là đối tác thương mại chính, là nguồn tiếp liệu dầu hỏa, là đồng minh quân sự lâu đời của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh trong thế cầm dao đằng chuôi.

Thứ hai là nếu đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Donald Trump đạt được một tiến bộ nào đó để quốc tế nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế chế độ Bình Nhưỡng, kinh tế của Trung Quốc sẽ hưởng lợi. Năm 2015, tổng trao đổi mậu dịch hai chiều giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên lên tới 4,7 tỷ đô la ; 90 % các hoạt động xuất nhập khẩu của Bắc Triều Tiên là hướng về Trung Quốc. Cuối cùng, Bình Nhưỡng theo đuổi mục đích lâu dài là chấm dứt sự hiện diện của hơn 28 ngàn lính Mỹ tại Hàn Quốc, sát cạnh Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Đó cũng là một mục tiêu mà Bắc Kinh hướng tới.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180312-vai-tro-cua-trung-quoc-trong-doi-thoai-my-bac-trieu-tien

 

Pháp-Ấn :

Emmanuel Macron thăm thánh địa Ấn Độ giáo

Tú Anh

 

Trong ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm Ấn Độ bắt đầu từ ngày 09/03/2018, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân đã được thủ tướng Narendra Modi mời về thành phố quê hương Benares, thánh địa Ấn Độ Giáo và đi du thuyền trên sông Hằng .

Trước tổng thống Pháp, hai nhân vật châu Á là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Nhật đã đến đây, và vinh dự ngồi trên ghế xích đu của thánh Ghandi, nhà cách mạng đi vào huyền thoại, đã đem lại độc lập cho Ấn Độ bằng cuộc đấu tranh bất bạo động với thực dân Anh.

Theo thông tín viên Sébastien Farcis, chặng Benares rất quan trọng đối với thủ tướng Narendra Modi, một người tỉnh lẽ muốn khách quý nước ngoài nhìn thấy thực trạng đất nước của ông và để cho cả thế giới thấy được mối quan hệ thâm tình của thủ tướng Ấn với lãnh đạo quốc tế.

Benares còn là một địa danh nhiều biểu tượng : đó là thành trì chính trị của thủ tướng Modi, nơi mà cử tri đưa ông lên nghị trường, bước đầu thăng tiến và cũng là một trong những thành phố thánh địa của Ấn Độ Giáo.

Tổng thống Pháp cho đến giờ không nói gì đến tình trạng căng thẳng giữa các cộng đồng dân tộc Ấn. Giới quan sát chờ xem ông sẽ tuyên bố gì trước khi chia tay.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180312-phap-an-emmanuel-macron-tham-thanh-dia-an-do-giao

 

Tân bộ trưởng Nội Vụ Đức :

Sẽ có “kế hoạch quy mô” về người tị nạn

Trọng Nghĩa

 

Trên nguyên tắc, thỏa thuận thành lập một chính phủ « đại liên hiệp » mới tại Đức sẽ được hai bên, Liên minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU-CSU và đảng Dân Chủ Xã Hội SPD ký hôm nay, 12/03/2018, chuẩn bị cho ngày chính thức hoạt động kể từ 14/03. Ngay từ hôm qua 11/03, bộ trưởng Nội Vụ tương lai của Đức, ông Horst Seehofer, thuộc đảng bảo thủ CSU, đã xác định rằng ông sẽ đưa ra một « kế hoạch quy mô » đối với người tị nạn.

Theo Blandine Milcent, thông tín viên RFI tại Berlin, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Đức Bild am Sonntag ra ngày Chủ nhật, ông Horst Seehofer cho biết ý định đẩy nhanh tiến độ xử lý các hồ sơ xin tị nạn và áp dụng một chính sách mạnh mẽ hơn trong việc trục xuất của những người bị bác đơn.

Bộ trưởng Nội Vụ tương lai của Đức muốn tăng số lượng quyết định trục xuất và hứa hẹn sẽ cứng rắn hơn đối với người ngoại quốc phạm tội trên đất Đức.

Quan điểm cứng rắn của ông Horst Seehofer không có gì đáng ngạc nhiên. Trước khi được cử làm bộ trưởng Nội Vụ, ông Seehofer từng là lãnh đạo bảo thủ thường xuyên chỉ trích chính sách di dân của thủ tướng Merkel.

Theo thông tín viên RFI, những lời lẽ cứng rắn đối với người nhập cư như trên chắc chắn sẽ được nghe thấy nhiều hơn trong những tháng tới đây tại Đức, nhằm thu phục trở lại các cử tri bảo thủ của liên đảng CDU/CSU, đã bị lập luận chống nhập cư của phe cực hữu AfD quyến rũ, trong bối cảnh vào mùa thu tới đây, bang Bayern, lãnh địa của đảng CSU, sẽ bầu cử trở lại.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180312-tan-bo-truong-noi-vu-duc-se-co-%E2%80%9Cke-hoach-quy-mo%E2%80%9D-ve-nguoi-ti-nan

 

Ân Xá Quốc Tế tố cáo Miến Điện

xây trại lính trên đất làng Rohingya

Tú Anh

Miến Điện đang xây nhiều căn cứ quân sự tại một số nơi vốn là làng mạc của người Rohingya trước khi bị đốt phá. Trên đây là lời tố cáo của tổ chức Ân Xá Quốc Tế trong bản báo cáo, có ảnh vệ tinh đính kèm, được công bố ngày 12/03/2018. Chính quyền Naypyidaw bị nghi ngờ không có thực tâm đón tiếp người Hồi giáo tị nạn ở Bangladesh hồi hương.

Từ Rangun, thông tín viên Elisa Hunt tường thuật :

“Quang cảnh tại nhiều khu vực đã hoàn toàn đổi khác, không thể nhìn ra. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế mô tả như trên trong bản báo cáo. Cỏ cây bị tàn phá, thay vào đó là hàng rào, bãi đáp cho trực thăng và những toà nhà mới đã mọc lên. Với hình ảnh vệ tinh làm bằng chứng, tổ chức phi chính phủ này cho biết, nhiều căn cứ quân sự đang được xây dựng ở ít nhất ba ngôi làng, trên nền nhà cũ của người Rohingya trước khi làng mạc bị đốt cháy. Nhiều nhân chứng cho biết nhận được lệnh phải bỏ nhà ra đi nhường chổ cho quân đội xây cơ sở mới.

Một nguồn tin khác làm Amnesty lo ngại : trong khuôn khổ kế hoạch phát triển bang Rakhine, bang nghèo số hai của Miến Điện, chính quyền đã cho xây các con đường xuyên qua các ngôi làng cũ của người Rohingya. Ngoài ra, còn có kế hoạch xây trên một ngôi làng cũ của người Hồi giáo, một trung tâm để tiếp nhận những người chạy trốn sang Bangladesh trở về .

Bị tố cáo dùng xe ủi đất san bằng làng mạc của người Rohingya, chính quyền Miến Điện hồi tháng hai đã biện minh đó là để xây lại nhà cửa để đón người hồi hương. Đối với Amnesty International, cho dù bị cấm đến tận nơi quan sát tường tận sự việc, nhưng kết quả điều tra cho phép nghi ngờ ý đồ của chính quyền Miến Điện về điều được gọi là tiến trình “hồi hương”

Được AFP đặt câu hỏi kiểm chứng, phát ngôn viên chính phủ Miến Điện Zaw Htay nhìn nhận là trong các kiến trúc này « có thể có cơ quan cảnh sát », nhưng «không bao giờ có kế hoạch bố trí binh lính trong làng» của người Rohingya.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180312-an-xa-quoc-te-to-cao-mien-dien-xay-trai-linh-tren-dat-lang-rohingya

 

Mỹ lại đe dọa Syria về việc dùng vũ khí hóa học

Trọng Nghĩa

Bất chấp nghị quyết hưu chiến nhân đạo của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, khu vực đông Ghouta vùng ngoại ô thủ đô Syria tiếp tục bị quân đội chế độ Damas tấn công. Trong những ngày qua, có thông tin cho rằng chính quyền Syria lại dùng đến vũ khí hóa học. Hôm qua, 11/03/2018, Washington, qua lời bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis, đã lớn tiếng cảnh cáo chế độ Syria là không nên dùng vũ khí hóa học đánh vào dân thường.

Từ New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier giải thích :

“Vào tháng 4 năm 2017, những bức ảnh về thảm họa do một cuộc tấn công bằng khí độc sarin đã khiến tổng thống Mỹ Donald Trump bị chấn động. Ông đã ra lệnh tiến hành một chiến dịch trả đũa đáng kể nhắm vào một căn cứ không quân Syria.

Nhưng một năm sau đó, chế độ của Bachar al-Assad có vẻ như vẫn sử dụng vũ khí hoá học, cụ thể là chất clo. Nhìn chung, các vụ oanh kích của lực lượng chính phủ Syria nhắm vào phiến quân ở vùng đông Ghouta đã khiến hơn một nghìn người chết trong ba tuần lễ.

Vì vậy, vào hôm qua, 11/03, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã có hai phản ứng. Dù không nói thẳng là sẽ dùng đến quân đội Mỹ, nhưng tướng James Mattis đã cảnh báo chế độ Syria rằng họ sẽ « rất sai lầm » nếu sử dụng vũ khí hóa học đánh vào thường dân.

Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ thái độ tức giận đối với Mátxcơva, vì theo ông, nếu không có Nga thì “Bachar al-Assad không thể trụ lại cho đến giờ”.

Không chỉ bảo vệ chế độ Damas bằng quyền phủ quyết tại Liên Hiệp Quốc và sự hỗ trợ quân sự, mà Nga còn gần như là tòng phạm trong việc sử dụng vũ khí hóa học, thay vì phải ngăn đồng minh dùng đến loại vũ khí này. Ông Mattis nhấn mạnh : Hoặc là Nga bất tài, hoặc là Nga đang hợp tác với tổng thống Syria.

Hôm nay, Liên Hiệp Quốc sẽ đưa ra một bản báo cáo về việc thực thi lệnh ngừng bắn do Hội Đồng Bảo An yêu cầu cách nay 15 ngày. Thất bại rõ ràng trong việc áp dụng hưu chiến có thể thức đẩy Hoa Kỳ can thiệp mạnh hơn.”

Vào lúc Hoa Kỳ cứng giọng đe dọa, quân đội Nga hôm qua loan báo đã di tản được khoảng 50 thường dân Syria ra khỏi vùng chiến sự ở Đông Ghouta, sau khi đàm phán được với các giới chức địa phương.

Hôm nay, nhóm Djaich al Islam, một trong hai lực lượng phiến quân chính ở đông Ghouta, xác nhận việc họ đã đạt một thỏa thuận với phía Nga về việc cho di tản những người bị thương ra khỏi vùng chiến sự.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180312-syria-my-lai-de-doa-damas-ve-viec-dung-vu-khi-hoa-hoc-o-dong-ghouta

 

Hồng Kông : Đối lập dân chủ

bị thua trong cuộc bầu cử bổ sung

Tú Anh

Phe dân chủ Hồng Kông không giành lại được tất cả bốn ghế dân biểu phải bầu lại trong cuộc bầu cử bổ sung hôm chủ nhật 11/03/2018, còn được xem là một cuộc trưng cầu dân ý « ủng hộ hay chống Trung Quốc ». Phe đa số thân Bắc Kinh củng cố thế mạnh. Hôm nay là ngày « buồn thảm » của đối lập, theo nhận định của giới chuyên gia.

Vì sao phe đối lập thất bại ? Từ Hồng Kồng, thông tín viên Florence de Changy phân tích :

“Phe thân Bắc Kinh tại Hồng Kông thành công chiếm được hai ghế dân biểu trong số bốn ghế của phe đối lập. Sau cuộc bầu cử vào tháng 9 năm 2016, có bốn nghị sĩ đối lập bị cáo buộc « không tuyên thệ nghiêm túc » và do vậy bị mất quy chế dân cử. Cuộc bầu cử lại hôm chủ nhật, theo một quy trình do Bắc Kinh chỉ đạo vào tháng 11 năm 2016, bị đối lập Hồng Kông xem là một vụ áp đặt thô bạo.

Khoảng 2 triệu cử tri được mời đi bầu, nhưng tỷ lệ tham gia chỉ có 43%, thấp hơn tỷ lệ đi bầu trong cuộc tổng tuyển cử 2016 đến 15 điểm. Đây là dấu hiệu cho thấy người dân Hồng Kông giảm tinh thần tranh đấu, trong bối cảnh kinh tế khá hơn và tân đặc khu trưởng ít gây tai tiếng hơn người tiền nhiệm.

Kết quả này do vậy gây thất vọng cho phe dân chủ, cho dù chính nhà cầm quyền, không thể chối cãi được, đã làm mọi cách để gây khó khăn cho đối lập, chẳng hạn như bác đơn một số ứng cử viên hoặc chậm trễ ra quyết định chấp thuận .

Về phần phe thân Trung Quốc, họ tập trung vận động trên chủ đề « ổn định và vãn hồi trật tự », để đối chọi với tình trạng rối loạn kéo dài trong suốt nhiều tháng xuống đường của phong trào cách mạng Dù vàng.”

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180312-hong-kong-doi-lap-dan-chu-bi-thua-trong-cuoc-bau-cu-ban-phan

 

Fukushima 7 năm sau thảm họa hạt nhân

Thanh Phương

Hôm qua, ngày 11/03/2018, là đúng kỷ niệm 7 năm thảm họa hạt nhân Fukushima. Cũng như mọi năm, cả nước Nhật đã dừng mọi hoạt động vào đúng 14h46, tức là đúng thời điểm xảy ra trận động đất ngày 11/03/2011, kéo theo sóng thần và thảm họa hạt nhân. Và cũng như mọi năm, một buổi lễ chính thức đã được tổ chức tại Tokyo với sự hiện diện của thủ tướng Shinzo Abe, hoàng tử Akishino và vợ, đại diện cho Hoàng Gia Nhật Bản, cùng với những người sống sót sau thiên tai.

Tổng cộng đã có hơn 18 ngàn người thiệt mạng hoặc mất tích trong trận động đất dữ dội với cường độ 9 và trận sóng thần. Nhưng cũng đã có hơn 3.600 người chết sau đó, đa số là người ở vùng Fukushima, do bị bệnh hoặc tự sát.

Tuy về mặt chính thức, tai nạn hạt nhân Fukushima không gây tử vong cho ai, nhưng nó đã khiến hơn 73.000 người phải tản cư để tránh bị nhiễm phóng xạ.

Trong khi đó, việc khắc phục các hậu quả của tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất kể từ vụ Tchernobyl 1986 sẽ còn kéo dài nhiều năm.

Tình hình của các lò phản ứng tại nhà máy hạt nhân Fukushima

Hiện giờ người ta vẫn tiếp tục việc tháo dỡ nhà máy hạt nhân này và một bước quan trọng mới sẽ bắt đầu trong năm nay, với việc thu dọn nhiên liệu trong hồ chứa của một trong những lò phản ứng của nhà máy.

Phần lõi của ba lò phản ứng từ số 1 đến số 3 đã bị tan chảy khi xảy ra tai nạn và vẫn cần phải được làm nguội liên tục. Công ty Tepco, tức là công ty khai thác nhà máy, vẫn đang xác định vị trí chính xác của nhiên liệu bị tan chảy trong ba lò phản ứng này, để tiếp đến chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc lấy nhiên liệu đó ra.

Hiện giờ, người ta phải dùng robot để đi vào quan sát bên trong các lò phản ứng. Tepco cho biết là còn phải phát triển các phương tiện kỹ thuật để thực hiện việc lấy nhiên liệu ra khỏi các lò phản ứng và họ chỉ có thể bắt đầu làm việc này vào năm 2021.

Tuy nhiên, năm nay Tepco sẽ bắt đầu lấy nhiên liệu ra khỏi hồ chứa của lò phản ứng số 3. Cuối tháng 2 vừa qua, họ đã xây xong một nóc phủ lên hồ chứa để tránh cho chất phóng xạ thoát ra ngoài khi lấy nhiên liệu ra.

Còn tại lò phản ứng số 4, do phần lõi không bị tan chảy, cho nên việc thu dọn nhiên liệu trong hồ chứa của lò phản ứng này đã kết thúc vào cuối năm 2014.

Còn hai lò phản ứng số 5 và số 6 thì không bị hư hại nhiều, cho nên không có nhiều khó khăn đặc biệt.

Xử lý các nguồn nước bị nhiễm phóng xạ

Một khối lượng nước khổng lồ đã được sử dụng để làm nguội các lò phản ứng, ấy là chưa kể lượng nước mưa bị nhiễm phóng xạ khi đi ngang nhà máy hạt nhân. Tổng cộng hiện đã có khoảng 1 triệu mét khối nước nhiễm phóng xạ đang được tích trữ tại khu vực nhà máy, chủ yếu là trong 1 ngàn thùng chứa. Khối lượng nước này gia tăng mỗi ngày. Tuy nhiên, Tepco cho biết là họ đã thành công trong việc giảm nhịp độ tăng khối lượng nước nhiễm phóng xạ.

Từ giữa năm 2017, người ta đã xây một « bức tường băng » để tránh cho nguồn nước chung quanh bị lây nhiễm phóng xạ. Để hạn chế phóng xạ lan ra ra, một bức tường chống thấm đã được dựng lên từ năm 2016 ở phía biển, còn phần đất của nhà máy đã hoàn toàn được bơm đầy bê tông.

Nước nhiễm phóng xạ đã được xử lý một phần, nhưng hiện giờ người ta chưa tìm ra một giải pháp nào để tẩy một trong những đồng vị phóng xạ, đó là tritium. Một số chuyên gia đề nghị là đổ khối lượng nước nhiễm phóng xạ đó ra biển, nhưng chính phủ Nhật chưa lấy quyết định nào. Theo lời ông Satoru Toyomoto, một trong những quan chức đặc trách việc tháo dỡ Fukushima trong bộ Công Nghiệp Nhật, họ đang thảo luận về những phương án khác nhau.

Trữ các chất thải rắn của nhà máy hạt nhân

Công ty Tepco dự trù là sẽ phải trữ 750 ngàn mét khối chất thải rắn từ đây năm 2029, trong đó có một phần là chất thải nhiễm phóng xạ, so với 350 ngàn mét khối năm ngoái. Bốn nhà kho dùng để trữ chất thải rắn đã được xây xong và nhà kho thứ hai đã được khởi công xây dựng vào tháng trước.

Điều kiện làm việc của công nhân tại Fukushima

Khoảng 6000 ngàn người hiện làm việc mỗi ngày tại khu vực nhà máy hạt nhân Fukushima, giảm so với những năm trước. Theo công ty Tepco, điều kiện làm việc của đội ngũ này đang được cải thiện dần dần. Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2017 đến 12/2017, có 58 công nhân bị nhiễm hơn 20 millisievert, mức giới hạn hàng năm đối với những người làm việc tại nhà máy hạt nhân, theo thẩm định của Tepco. Trong thời gian từ 4/2016 đến tháng 3/2017, con số này là 216 người.

Vấn đề là trong nhiều thập niên nữa, Tepco vẫn phải cần rất nhiều nhân viên trình độ cao để làm việc ở nhà máy Fukushima, mà hiện giờ trong giới trẻ Nhật Bản ít ai muốn làm việc trong ngành năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, công ty này khẳng định là nhu cầu về nhân công hiện vẫn « ổn định ».

Công luận Nhật chia rẽ về năng lượng hạt nhân

Kể từ năm 2015, chính phủ Nhật Bản đã cho khởi động lại các nhà máy hạt nhân của nước này, sau khi đã đóng toàn bộ do thảm họa Fukushima. Nhưng người dân Nhật không hoàn toàn tán đồng việc này. Từ Kyoto, thông tín viên Alexandre Barbe gởi về bài phóng sự :

« Thời gian trôi qua, trong tâm trí của người dân Nhật, ký ức về thảm họa này đang dần phai nhạt đi. Ông Kaito tỏ ý lấy làm tiếc : « Tôi có cảm tưởng là mọi người ngày càng bớt ý thức về những gì đã xảy ra, trong khi có rất nhiều việc phải làm trong việc tái thiết. Mọi người phải theo dõi sát tình hình. Bản thân tôi, với tư cách một công dân Nhật, tôi rất muốn làm gì đó cho những vùng bị tai nạn.

Ngoài tái thiết và người tản cư, có một vấn đề đang gây chia rẽ công luận Nhật Bản : xử lý thế nào với các nhà máy điện hạt nhân ? Đối với Yusuke, cần phải khởi động lại các nhà máy đó. Theo anh, nền kinh tế Nhật vẫn phải cần đến năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, phải tính đến các nguy cơ tai nạn hoặc khủng bố, để có một sự cân bằng đúng đắn.

Nhưng đối với cô Seiko, nguy cơ tái diễn thảm họa hạt nhân là quá lớn so với những lợi ích kinh tế. Cô nói : « Tôi đã từng ở Kobe khi xảy ra trận động đất năm 1995 và ở Tokyo khi có động đất năm 2011. Cho nên tôi nghĩ rằng thảm họa này rồi sẽ tái diễn. Nhật Bản có thật sự cần đến năng lượng nguyên tử hay không ? Kể từ sau tai nạn Fukushima, người ta cứ nói là phải tiết kiệm năng lượng và thực tế cho thấy là chúng ta vẫn sống thoải mái như thế trong khi hầu như toàn bộ ngàng năng lượng hạt nhân ngừng hoạt động. Thế thì vì sao phải khởi động lại các nhà máy điện nguyên tử ?

Trong khi chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe muốn tiếp tục khởi động lại ngành năng lượng hạt nhân, chỉ có một phần ba dân Nhật ủng hộ việc này, theo kết quả các cuộc thăm dò.

Do có rất ít tài nguyên thiên nhiên, nếu không có hạt nhân, Nhật chỉ có thể sản xuất được 6% nguồn năng lượng cần thiết, phần chủ yếu là nhập từ nước ngoài. Trong năm 2010, với toàn bộ các nhà máy điện nguyên tử hoạt động, Nhật Bản vẫn chỉ có thể tự túc 20% năng lượng. »

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180312-bay-nam-sau-tham-hoa-hat-nhan-fukushima