Tin khắp nơi – 11/09/2018
Ba bang miền đông Hoa Kỳ di tản
tránh bão Florence
Hôm 11/9, ba bang ở miền đông Hoa Kỳ đã nhận lệnh bắt buộc sơ tán để tránh bão Florence. Dự kiến bão sẽ gây gió mạnh và mưa lớn trong những ngày sắp tới.
Trung tâm Bão Quốc gia Hoa Kỳ (NHC) dự báo bão Florence sẽ đổ bộ vào bang North Carolina hoặc bang South Carolina từ ngày thứ Năm 13/9 đến thứ Sáu 14/9. Bão này được đánh giá là “cực kỳ lớn và nguy hiểm”.
Bão Florence là bão cấp 4 với sức gió tối đa 220 km/giờ và các nhà dự báo thời tiết cho biết bão sẽ mang lại gió mạnh từ thứ Ba 11/9 hoặc thứ Tư 12/9.
Bão cấp 4 có khả năng thổi tung mái nhà, quật ngã hoặc làm tróc gốc cây cối, gây cúp điện lâu dài và dân không thể lưu trú trong nhà trong nhiều tuần lễ, thậm chí nhiều tháng.
NHC đã ra cảnh báo bão cho khu vực ven biển kéo dài từ South Carolina lên qua North Carolina, cho tới khu vực phía nam bang Virginia.
Thống đốc bang South Carolina Henry McMaster đã ra lệnh sơ tán toàn bộ dân cư sống ven bờ biển bang này, ông dự đoán sẽ có tới một triệu người phải rời bỏ nhà cửa để đi lánh bão.
Ở bang North Carolina, Thống đốc Roy Cooper ra lệnh sơ tán dân cư, kể cả tại các đảo Outer Banks.
Thống đốc bang Virginia Ralph Northam cũng ra lệnh sơ tán tại các khu vực dễ bị ngập lụt quanh vùng Hampton Roads, nơi tọa lạc một trong những cảng bận rộn nhất Hoa Kỳ và cũng là địa điểm của căn cứ hải quân lớn nhất thế giới.
Hôm 10/9, Ngũ Giác Đài cho biết đã điều động một toán quân sự tiền trạm tới một trung tâm hỗ trợ khẩn cấp ở thành phố Raleigh, bang North Carolina, để phối hợp với các đối tác liên bang và tiểu bang trong các nỗ lực cứu trợ. Quân đội Hoa Kỳ đã nhận lệnh phải sẵn sàng tham gia các hoạt động để hỗ trợ các bang Virginia, South Carolina và North Carolina.
https://www.voatiengviet.com/a/ba-bang-mien-dong-hoa-ky-di-tan-tranh-bao-florence/4566557.html
Mỹ: North Carolina sơ tán vì bão dữ
Ngày 10/9 các giới chức bang North Carolina ra lệnh cho cư dân tại các đảo chắn ngang bờ biển tiểu bang này sơ tán trước khi bão Florence ập đến. Đây là cơn bão lớn đầu tiên đe dọa miền đông nước Mỹ trong năm nay.
Với sức gió lên đến 185 kilômét/giờ, bão đã mạnh Cấp 3 trên thang Saffir-Simpson gồm 5 cấp vào lúc 11 giờ sáng (giờ địa phương) hôm 10/9, theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia.
Cơ quan này cảnh báo bão Florence sẽ là “một cơn bão lớn cực kỳ nguy hiểm” vào thời điểm đổ bộ vào đất liền tại hai bang North và South Carolina vào ngày13/9.
Tất cả đảo Hatteras được lệnh sơ tán bắt buộc và những phần khác của Outer Banks sẽ phải sơ tán hạn chót là 7 giờ sáng giờ Miền Đông vào ngày 11/9, Cơ quan Quản trị Khẩn cấp quận Dare thông báo.
Sức gió mạnh của bão có thể tàn phá hai bang North và South Carolina vào tối 12/9 và có thể đổ bộ vào đất liền South Carolina và North Carolina vào ngày 13/9, kéo theo mưa lớn có thể gây ngập lụt nhiều nơi tại đông nam nước Mỹ.
Các Thống đốc Virginia, North Carolina và South Carolina đều tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Nước Mỹ đánh dấu 17 năm biến cố 11/9
Người Mỹ ngày 11/9 đánh dấu kỷ niệm 17 năm vụ tấn công khủng bố năm 2001 khiến gần 3.000 người chết.
Tổng thống Donald Trump sẽ tham dự một buổi lễ tại Đài tưởng niệm 11/9 ở Shanksville, Pennsylvania, gần nơi chuyến bay 93 của hãng United Airlines rơi sau khi các hành khách trên chuyến bay đã giành lại quyền kiểm soát máy bay từ những kẻ khủng bố có liên hệ với al-Qaida.
Trong một thông cáo hôm 8/9, Nhà Trắng tuyên bố ngày 7-9/9 là Ngày cầu Nguyện và Tưởng nhớ Quốc gia dành cho các nạn nhân của vụ khủng bố.
“Niềm tin của đất nước chúng ta đã được trắc nghiệm trên các đại lộ ở New York, trên bờ sông Potomac và trên một cánh đồng ở gần Shanksville, Pennsylvania, nhưng sức mạnh của chúng ta không bao giờ suy giảm và sự kiên cường của chúng ta không bao giờ lung lay,” thông cáo cho biết.
Còn tại thủ đô Washington DC, Lầu Năm Góc sẽ tổ chức lễ tưởng niệm đặc biệt cho các gia đình có người thân thiệt mạng khi một chiếc máy bay đâm vào nơi này.
Còn ở New York, hàng trăm người sống sót và gia đình các nạn nhân thiệt mạng sẽ tập trung ở khu vực Ground Zero, nơi tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tọa lạc trước khi hai chiếc máy bay bị cướp đâm vào làm đổ sụp. Hai luồng sáng khổng lồ sẽ được chiếu lên trời để tưởng niệm những người thiệt mạng trong vụ tấn công.
Những vụ không tặc này do 19 kẻ có liên hệ với al-Qaida thực hiện và trở thành vụ tấn công đẫm máu nhất trên đất Mỹ kể từ trận Trân Châu Cảng hồi năm 1977. Biến cố này đã khiến Tổng thống George W. Bush phát động cuộc chiến chống khủng bố và đưa quân vào Afghanistan.
Gần hai thập niên sau, buổi lễ kỷ niệm vẫn đem lại những ký ức đau buồn cho thân nhân những người thiệt mạng.
Con trai của bà Mary Fetchet lúc đó đang làm việc tại Tháp Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới khi chiếc máy bay thứ nhất đâm vào.
“Con trai tôi đã gọi cho chồng tôi để nói rằng nó không sao, và cũng để nhắc cho ông biết nó đang bên trong tháp thứ hai,” Fetchet nói với VOA.
Sau khi chồng bà gọi điện báo cho bà biết con trai họ vẫn còn sống, bà Fetchet đi vào một tòa nhà kết nối với Trung tâm Thương mại Thế giới. Khi bà bước vào trong, bà đã nhìn thấy TV chiếu cảnh chiếc máy bay thứ hai đâm vào tòa tháp còn lại.
Sau đó, bà Fetchett trở về nhà, hy vọng sẽ nhận được điện thoại của con trai , nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra. Đến cuối tháng 9, bà đã tổ chức một lễ tưởng niệm cho Brad.
Sau vụ tấn công, bà cũng tổ chức nhóm quy tụ các nạn nhân sống sót và thân nhân của những người thiệt mạng.
“Tôi ngay lập tức nhận ra rằng các gia đình trên khắp đất nước và trên 90 quốc gia trên thế giới đã gặp trở ngại khi tiếp cận thông tin. Và nhiều quyết định được đưa ra có tác động trực tiếp đến họ,” bà cho biết.
Nhận thức này đã khiến bà thành lập tổ chức từ thiện Tiếng nói của ngày 11/9 để giúp đỡ các gia đình bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công, chẳng hạn như tài trợ cho các nhóm hỗ trợ hay giúp nhận dạng thi hài người thân.
“Chúng tôi đã học được rất nhiều trong vòng 17 năm qua,” bà Fetchet nói. “Các hoạt động khủng bố và bạo lực nhắm vào số đông dường như không có điểm dừng ở đây trên đất Mỹ và ở nước ngoài.”
Các nhóm nhân quyền cảnh báo Mỹ
chớ công kích Tòa án quốc tế
Các nhà hoạt động nhân quyền Afghanistan hôm 11/9 cảnh cáo việc Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ công kích Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đang điều tra các tội ác chiến tranh.
Trong một bài diễn văn hôm 10/9, ông John Bolton tuyên bố Washington sẽ không hợp tác với ICC, tòa án quốc tế có trụ sở đặt tại The Hague, và đe dọa Mỹ sẽ có các biện pháp trừng phạt nếu ICC đặt ra một mối nguy cho chủ quyền và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Bà Sima Samar, người đứng đầu Ủy ban Nhân quyền Afghanistan, nói: “Thật là đáng tiếc bởi vì mang lại công lý cho các nạn nhân sẽ giúp tạo thuận lợi cho tiến trình hòa bình ở Afghanistan. Công lý không phải là một sự xa hoa, mà là một quyền cơ bản của con người.”
Trong thời gian ba tháng kết thúc vào tháng 1/2018, Tòa án Hình sự Quốc tế đã nhận được 1.7 triệu lượt tố cáo tội ác chiến tranh ở Afghanistan, một con số đáng kinh ngạc.
Hồ sơ truy tố dài 181 trang viết vào tháng 11/2017, cho biết “có thông tin với đầy đủ cơ sở hợp lý để tin rằng các thành viên của lực lượng vũ trang Mỹ và các thành viên của Cơ quan tình báo trung ương Hoa Kỳ (CIA) thực hiện các hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo, xúc phạm nhân phẩm, hãm hiếp và bạo lực tình dục đối với các tù nhân bị giam cầm có liên hệ đến cuộc xung đột ở Afghanistan và các địa điểm khác, chủ yếu trong giai đoạn 2003-2004.”
Mỹ gửi quân tiếp viện đến căn cứ quân sự ở Syria
Hơn 100 binh sỹ thủy quân lục chiến Hoa Kỳ vừa được chi viện tới căn cứ quân sự ở al-Tanf, Syria sau khi có thông tin cáo buộc Nga dự định tấn công phiến quân gần khu vực dưới sự kiểm soát của liên minh do Mỹ lãnh đạo.
Trong khi Lầu Năm Góc hiện chưa xác nhận gửi quân tiếp viện đến al-Tanf như một biện pháp đề phòng các nguy cơ nêu trên, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ, Đại úy William Urban trước đó cho biết, các binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ tới Syria để tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật trong nhiều ngày.
Theo ông Urban, lực lượng Mỹ sẽ chứng minh khả năng triển khai nhanh chóng, khả năng kết hợp với các lực lượng trên không và trên bộ để tấn công các mục tiêu trong khả năng khẩn cấp.
Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tiết lộ, cuộc tập trận của Mỹ ở Homs, Syria là thông điệp dành cho Nga.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Joseph Dunford được cho là đã nhận được những thông tin tình báo mới nhất về “các mối đe dọa từ Nga” và nhấn mạnh rằng, quân đội Mỹ ở Syria có quyền tự vệ nếu họ bị tấn công và sẽ không cần xin phép cấp cao hơn trước khi hành động.
Tiết lộ trên được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ gần đây xác nhận, Washington hiện đã quyết định ở lại Syria lâu hơn so với những gì Tổng thống Trump từng tuyên bố. Trước đó, ông Trump bày tỏ ý định muốn sớm rút quân khỏi Syria.
Tới thời điểm này, Bộ Quốc phòng Nga đã không bình luận về các cáo buộc nêu trên.
http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2320151
Mỹ đóng cửa cơ quan ngoại giao Palestine
ở Washington
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh đóng cửa phái bộ ngoại giao của Palestine ở Washington hôm 10/9 với lý do các nhà lãnh đạo Palestine đã từ chối đàm phán hòa bình với Israel. Palestine cáo buộc chính quyền Trump đã phá bỏ nhiều thập niên quan hệ giữa đôi bên.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói động thái mới nhất trong một loạt những bước đi nhắm vào người Palestine được thực hiện sau khi có kết quả xem xét lại văn phòng của Tổ chức Giải phóng Palestine với trọng tâm là ‘không có cuộc đàm phán trực tiếp và thực chất nào với phía Israel’ diễn ra bất chấp đã có cảnh báo trước đây.
Hồi tháng 11 năm ngoái, chính quyền Trump khuyến cáo sẽ đóng cửa văn phòng đại diện ngoại giao Palestine tại Mỹ trừ phi Palestine đồng ý ngồi xuống với người Israel. Tuy nhiên, chính quyền Trump cho đến nay vẫn chưa công bố bản kế hoạch hòa bình mà họ hết lời tán dương dù hứa rằng sẽ công bố.
“Hoa Kỳ tiếp tục tin tưởng rằng đàm phán trực tiếp giữa hai phía là cách duy nhất để tiến về phía trước,” thông cáo của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. “Hành động này không nên bị những kẻ đang tìm cách phá hoại lợi dụng để làm chệch hướng sự cấp thiết phải đạt được một thỏa thuận hòa bình. Chúng tôi không thoái lui khỏi nỗ lực nhằm đạt được một nền hòa bình toàn diện và bền vững.”
Tuyên bố vừa kể cũng nói rằng quyết định đóng cửa phái bộ ngoại giao Palestine nhất quán với những quan ngại từ phía Mỹ về nỗ lực của phía Palestine nhằm thúc đẩy Tòa Hình sự Quốc tế điều tra Israel.
Ông Saeb Erekat, một quan chức chính phủ Palestine nói rằng việc đóng cửa này ‘một lần nữa khẳng định chính sách của chính quyền Trump trừng phạt tập thể nhân dân Palestine, trong đó có việc cắt đứt hỗ trợ tài chính cho các dịch vụ nhân đạo như y tế và giáo dục’.
Hoa Kỳ giảm thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam
Mức thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ được giảm.
Thông tin này được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) loan đi ngày 11 tháng 9; theo đó mức thuế này được giảm rất nhiều, chỉ còn 4,58% so với mức thuế sơ bộ 25,39% mà DOC thông báo ngày 8 tháng 3 năm nay.
VASEP nêu rõ Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa thông báo mức thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) từ ngày 1/2/2016-31/1/2017.
Trước đó, Mỹ đã chọn Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) để điều tra thuế chống bán phá giá tôm. Sau đó quyết định áp dụng mức thuế 25,39% đối với Fimex cũng như các công ty xuất khẩu tôm khác của Việt Nam.
Trước mức thuế này, VASEP đã yêu cầu Bộ Thương Mại Hoa Kỳ nhanh chóng xem xét lại kết quả sơ bộ này và có sự điều chỉnh hợp lý, kịp thời và công bằng cho Công Ty Fimex cũng như các Doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam vì có sai sót trong tính toán.
Tin cho biết, lượng tôm xuất khẩu trong năm 2017 của Việt Nam đi các nước đã tăng mạnh, duy chỉ giảm ở Hoa Kỳ đến 7% do ảnh hưởng thuế chống bán phá giá, chỉ còn 659 triệu đô la Mỹ.
Với mức thuế mới 4,58% như vừa nêu, VASEP cho rằng thị trường xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ hồi phục, có thể đạt được 615 triệu đô la Mỹ cho cả năm 2018.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-tariff-reduction-for-vietnam-09112018080040.html
Nhà Trắng đang chuẩn bị
cho thượng đỉnh Trump-Kim lần 2
Nhà Trắng hôm 10/9 cho biết họ đang lên kế hoạch cho một cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un để đáp ứng lá thư mà ông Kim gửi cho ông Trump trong đó yêu cầu hai bên gặp thượng đỉnh một lần nữa, tờ The Hill cho biết.
Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders không tiết lộ các chi tiết về thời gian và địa điểm của cuộc gặp lần hai và cho biết các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra.
Hai ông Trump và Kim đã gặp nhau lần đầu tiên vào mùa hè vừa qua ở Singapore trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử lần đầu tiên giữa hai cựu thù.
Khi đó, ông Kim đã đưa ra lời hứa mơ hồ sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhưng không đưa ra được thời gian biểu thực hiện lời hứa này sau hội nghị.
Bà Sanders nói rằng yêu cầu của ông Kim là dấu hiệu cho thấy ông Trump ‘đã đạt được thành công to lớn trong chích sách đối với Bắc Triều Tiên cho đến nay và lá thư này là một bằng chứng nữa chứng tỏ bước tiến trong mối quan hệ’.
Bà nêu lên việc giao trả tù nhân Mỹ, hồi hương hài cốt lính Mỹ và việc Bắc Triều Tiên đã không tiếp tục thử nghiệm tên lửa và hạt nhân.
Tuy nhiên các nguồn tin tình báo và quân sự Mỹ cho biết quá trình Bình Nhưỡng giải trừ vũ khí hạt nhân diễn ra rất chậm chạp và có rất ít dấu hiệu cho thấy nước này thật sự muốn từ bỏ kho vũ khí của mình.
Ngay cả một số quan chức trong chính quyền Trump cũng ngày càng nghi ngờ về ý định của Bắc Triều Tiên.
“Khả năng tổ chức một cuộc gặp nữa giữa hai nhà lãnh đạo hiển nhiên là có. Nhưng Tổng thống Trump không thể để cho phía Bắc Triều Tiên bước qua cánh cửa mà ông đang mở sẵn,” cố vấn an ninh quốc gia John Bolton phát biểu trong một bài thuyết trình ở Washington và sáng ngày 10/9.
Trong khi đó, NBC dẫn lời ba quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết chế độ của ông Kim đang tăng cường nỗ lực che giấu các hoạt động hạt nhân bất chấp việc ông Trump liên tục tung ra những tràng khen ngợi dành cho ông Kim trong các cuộc phỏng vấn và trên Twitter.
Theo đó, kể từ cuộc gặp với ông Trump ở Singapore hồi tháng 6, ông Kim đã cho xây các công trình để làm ẩn đi lối vào ở ít nhất một cơ sở cất giữ đầu đạn hạt nhân.
Phía Mỹ cũng phát hiện thấy các công nhân Bắc Triều Tiên đã di chuyển các đầu đạn này ra khỏi nơi cất giấu mặc dù họ không đoán định được những đầu đạn này sẽ được đưa đi đâu.
Các quan chức Mỹ cũng cho biết Bắc Triều Tiên thường xuyên di chuyển các thiết bị đi lòng vòng để gây trở ngại cho việc thu thập thông tin tình báo.
“Kể từ đầu năm 2018, ông Kim đã không hề giao nộp hay tháo dỡ bất kỳ vũ khí hạt nhân nào, nhưng nhiều khả năng đã chế tạo từ 5 đến 9 vũ khí hạt nhân mới. Cho nên ông ấy không đóng băng chương trình hạt nhân và chắc chắn là ông ấy không hề giải trừ hạt nhân. Thật ra, ông ấy đang xây dựng năng lực hạt nhân.” Bruce W. Bennett, một chuyên gia về các vấn đề quân sự đông bắc Á tại RAND Corporation, nhận định.
Trong khi đó, ông Trump vẫn công khai thể hiện sự hết sức tự tin về nỗ lực của ông dùng biện pháp ngoại giao để chấm dứt chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên bất chấp ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục thúc đẩy phát triển hạt nhân và tên lửa.
Sau cuộc gặp ở Singapore, ông Trump đã mạnh dạn tuyên bố rằng: “Không còn mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên nữa.”
Ông đã nói lời cảm ơn ông Kim trên Twitter và tuyên bố có ‘lòng tin không lay chuyển’ vào ông Kim sau khi một quan chức Hàn Quốc cho biết ông Kim muốn giải trừ hạt nhân trước khi ông Trump hết bốn năm nhiệm kỳ. Vị quan chức này còn thuật lại rằng ông Kim đã khẳng định ‘ông chưa hề nói bất cứ điều gì xấu về Tổng thống Trump’.
Trong một cuộc phỏng vấn được phát trên Fox News hôm 7/9, ông Trump nói ‘Kim Jong-un nói những điều rất tốt. Ông ấy nói ông ấy muốn giải trừ hạt nhân trong thời kỳ cầm quyền của Trump.”
“Chúng ta sẽ cùng nhau chứng tỏ rằng mọi người đã sai lầm. Không có gì tốt hơn là đối thoại tốt đẹp giữa hai người rất mến nhau,” ông Trump nói.
Facebook kiểm duyệt Quân Đội Miến Điện,
một cách trừng phạt hữu hiệu
Áp lực quốc tế trên Quân Đội Miến Điện về vụ thanh lọc người Rohingya càng lúc càng tăng. Trong lúc ý tưởng đưa một số tướng lãnh bị cáo buộc là thủ phạm ra trước Tòa Án Hình Sự Quốc Tế ngày càng có thêm hậu thuẫn, thì nhiều quốc gia đã và đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt.
Trong tình hình đó, tuần báo Pháp Courrier International mới đây đã ghi nhận rằng mạng xã hội Facebook đã tung ra một đòn mạnh đối với giới tướng lãnh Miến Điện.
Tân Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc bà Michelle Bachelet ngày 10/09/2018 đã lên tiếng kêu gọi thành lập « một cơ chế » mới để điều tra về nghi án diệt chủng người Rohingya tại Miến Điện và đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước tòa án quốc tế để xét xử.
Vào cùng ngày, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch cũng ra một bản phuc trình, kêu gọi thực hiện công lý chống lại các tội ác quốc tế tại Miến Điện. Trước đó, ngày 06/09, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế La Haye cho biết sẵn sàng thụ lý hồ sơ diệt chủng người Rohingya tại Miến Điện.
Những diễn biến kể trên là hệ quả logic của sự kiện một phái bộ điều tra thực tế độc lập Liên Hiệp Quốc (U.N. Independent International Fact-Finding Mission on Myanmar) do Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thành lập năm 2017, vào tháng 8 vừa qua đã công bố một bản báo cáo khẳng định rằng đã có đủ bằng chứng để truy tố tổng tham mưu trưởng Quân Đội Miến Điện cùng với 5 viên tư lệnh khác về tội ác chống nhân loại và diệt chủng đối với sắc tộc thiểu số Rohingya.
Chính quyền Miến Điện dĩ nhiên là đã bác bỏ mọi cáo buộc của quốc tế, nhưng ngay sau khi báo cáo tóm tắt của phái bộ điều tra Liên Hiệp Quốc được công bố, đã có nhiều quốc gia tuyên bố sẵn sàng đưa các tướng lãnh Miến Điện bị cáo buộc diệt chủng ra trước Tòa Án Hình Sự Quốc Tế.
Trong khi chờ đợi, nhiều nước chủ trương tăng cường các biện pháp trừng phạt nhắm vào các cá nhân và pháp nhân Miến Điện bị buộc vào các tội ác chống nhân loại và diệt chủng.
Facebook ra tay đánh mạnh vào giới tướng lãnh Miến Điện
Trong số các biện pháp đã được áp dụng, tuần báo Courrier International hôm 31/08 vừa qua đã đặc biệt chú ý đến sự kiện Facebook đã mau chóng xóa bỏ tài khoản của lãnh đạo Quân Đội và một số tướng lãnh Miến Điện sau khi những người này bị Liên Hiệp Quốc quy trách nhiệm trong vụ thảm sát người Rohingya.
Trích dịch một bài viết trên tuần báo Miến Điện Frontier Myanmar, xuất bản tại Rangoon bằng hai thứ tiếng Anh và Miến, Courrier International cho rằng dù quyết định của Facebook có muộn màng, nhưng có lẽ đó một trong những biện pháp có hiệu quả hơn hẳn các trừng phạt ngoại giao, kinh tế hay tư pháp khác rất khó thực hiện.
Tính ra, Facebook đã xóa bỏ các trang và tài khoản thuộc 20 nhân vật và tổ chức Miến Điện, đặc biệt là tài khoản của tổng tư lệnh quân đội Miến Điện, tướng Ming Aung Hlaing. Facebook cũng đóng cửa trang của kênh truyền hình mới của quân đội, Myawady.
Ngoài ra 46 trang Facebook và 12 tài khoản đội lốt cơ quan truyền thông và chính luận độc lập hầu « phát tán tốt hơn các thông điệp của quân đội Miến Điện » cũng bị Facebook xóa bỏ.
Trong một thông báo, Facebook cho biết là họ quyết định xóa bỏ tổng cộng 18 tài khoản facebook, 1 tài khoản Instagram và 52 trang Fanspage, liên quan đến 12 triệu người theo dõi.
Để biện minh cho biện pháp này, Facebook đã dựa trên báo cáo của của phái bộ điều tra Liên Hiệp Quốc, xác nhận là các cá nhân và tổ chức nói trên đã vi phạm nhân quyền. Facebook cho biết là muốn « ngăn chặn không để họ sử dụng dịch vụ của Facebook để kích động hận thù, làm tăng thêm căng thẳng chủng tộc hay tôn giáo ».
Báo cáo của phái bộ điều tra Liên Hiệp Quốc đã nhấn mạnh sự kiện quân đội Myanmar biến mạng xã hội thành công cụ tuyên truyền hiệu quả cao; trang nhà của tướng Min Aung Hlaing chẳng hạn, đặc biệt sôi nổi với số lượng người theo dõi rất lớn.
Facebook gần đây bị chỉ trích dữ dội là đã trốn tránh trách nhiệm trong việc kiểm tra nội dung bằng tiếng Miến Điện, nhất là những bài kích động hận thù nhắm vào thiểu số người Hồi Giáo.
Tình trạng này đã kéo dài từ nhiều năm qua, và Facebook đã được báo động ngay từ năm 2013 về hiện tượng Facebook bị lạm dụng để gây hại. Sau đó thì mạng xã hội này cũng nhận được nhiều lời cảnh báo khác, nhưng đã phản ứng quá chậm chạp, một sai lầm giờ đây họ đã phải thừa nhận.
Xóa bỏ các nội dung kích động hận thù: Biện pháp dễ làm nhưng hữu hiệu
Theo Courrier International, việc xóa bỏ các trang kích động hận thù là một biện pháp đơn giản – đơn giản hơn rất nhiều so với việc đào tạo những người kiểm tra nội dung bằng tiếng Miến Điện – nhưng cũng rất táo bạo, vì hẳn sẽ có hệ quả rất lớn.
Facebook phổ biến ở Miến Điện đến mức mà hầu như họ không có đối thủ cạnh tranh. Mạng này là phương thức được coi như là hàng đầu để tiếp cận quần chúng. Người Miến Điện biết rất rõ điều này.
Những sự kiện bạo lực, trấn áp xẩy ra ở bang Arakan vào năm ngoái, 2017, khiến hơn 700 000 người chạy lánh nạn sang Bangladesh, chẳng những không ảnh hưởng gì đến hình ảnh quân đội Miến Điện mà ngược lại còn được tô bóng thêm nữa là khác.
Facebook đã đóng vai trò rất lớn trong vụ việc, vì đã góp phần đưa lãnh đạo quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing lên vị trí hàng đầu trên truyền thông. Vào lúc tài khoản Facebook của ông bị khóa, nhân vật này đã có hơn một triệu người theo. Chỉ có bà Aung San Suu Kyi là có thể bằng ông.
Đối với Courrier International, Facebook vốn đã trở thành phương tiện truyền thông độc tôn tại Miến Điện. Không có mạng xã hội nào khác có thể tranh đua với Facebook ở Miến Điện. Dĩ nhiên là cũng có báo chí và truyền hình của quân đội, nhưng các kênh truyền thông này không thể thay thế Facebook. Hơn nữa người Miến Điện giờ đây đã có thói quen xem tin tức trên điện thoại di động.
Trong bối cảnh đó, việc tước bỏ phương tiện Facebook của tướng Min Aung Hlaing và quân đội, có lẽ là đòn trừng phạt nặng hơn tất những gì mà cộng đồng quốc tế có thể đưa ra nhắm vào họ.
Hiện nay ai cũng nói đến trừng phạt, nhưng kết quả của các biện pháp truyền thống như cấm nhập cảnh hay phong tỏa tài sản ở ngoại quốc chỉ có hiệu quả rất giới hạn : Lãnh đạo quân đội Miến Điện không có tài sản ở Mỹ, và trong ngắn hạn, họ cũng không cần phải đến Mỹ.
Người ta cũng nói nhiều đến việc truy tố, nhưng khả năng này còn xa vời. Ngay cả như khi Tòa Án Hình Sự Quốc Tế ban hành lệnh truy bắt, thực hiện lệnh này hầu như là vô khả thi.
Một vố đau cho ảnh hưởng của quân đội
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Facebook có thực hiện chủ trương mới của mình một cách nghiêm ngặt hay không, vì chắc chắn là lãnh đạo quân đội Miến Điện sẽ tiếp tục sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền.
Một bằng chứng là tài khoản Facebook mà tướng Min Aung Hlaing có trước đây vừa bị xóa đi, thì lập tức một cái mới đã xuất hiện, trước khi biến mất.
Bên cạnh đó, không đầy 48 tiếng đồng hồ sau khi tài khoản Facebook của vị tư lệnh quân đội Miến Điện bị khóa, một tài khoản của ông đã được mở trên mạng xã hội Nga VK, một mạng tự nhận là hiện có hơn 500 triệu người sử dụng. Tính đến ngày 06/09, tài khoản đó đã được khoảng 35.000 người theo.
Đối với Facebook, mạng xã hội này còn phải đưa ra một quyết định nhạy cảm hơn nữa : Đó là tính sao với các tài khoản khác của quân đội Miến Điện, chẳng hạn như của bộ Quốc Phòng, vẫn còn hoạt động.
Ngoài ra, còn nhiều trang được cho là của các tổ chức dân sự của chính quyền, nhưng cũng có thể bị quân đội sử dụng để phổ biến thông điệp của họ.
Có điều những trang này sẽ không phục vụ hữu hiệu quyền lợi của quân đội Miến Điện như những tài khoản vừa bị xóa, vì không được mang vỏ chính thức. Hơn nữa, nếu những trang đó có quá nhiều người theo thì sẽ lại rơi vào tầm nhắm của Facebook.
Tóm lại, theo Courrier International, Facebook đã đưa ra một quyết định rất có trọng lượng vào ngày 27/08/2018 khi kiểm duyệt các tướng lãnh Miến Điện. Ngoài ý nghĩa biểu tượng, đó là một đòn giáng mạnh vào ảnh hưởng của quân đội Miến Điện – và của tướng Min Aung Hlaing nói riêng – trên dư luận Miến Điện.
Liên Hiệp Quốc :
“Chỉ còn 2 năm” để cứu Trái Đất
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Anotnio Guterres ngày 10/09/2018 kêu gọi xã hội dân sự, các doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo trên thế giới “cấp bách hành động vì môi trường“. Đây là “thách thức lớn nhất của nhân loại“. Lời kêu gọi này được đưa ra ba ngày trước hội nghị quốc tế về khí hậu mở ra tại San Francisco, Hoa Kỳ.
Thông tín viên Marie Bourreau từ trụ sở Liên Hiệp Quốc cho biết thêm:
“Ba tháng trước hội nghị quốc tế về môi trường COP24 ở Ba Lan, Antonio Guterres muốn thúc đẩy việc thực thi thỏa thuận khí hậu Paris, giữ cho nhiệt độ của Trái Đất không tăng quá 2°C. Theo giới khoa học, do thiếu quyết tâm Trái Đất sẽ nóng thêm đến 3°C (từ nay đến cuối thế kỷ).
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tuyên bố: nếu không thay đổi lộ trình trước năm 2020, chúng ta có nguy cơ lỡ hẹn với một thời điểm, để có thể còn tránh được hiện tượng biến đổi khí hậu, gây ra những hậu quả mà chúng ta không thể kiểm soát được, và kèm theo đó là những hậu quả vô cùng tai hại cho con người và môi trường thiên nhiên đang nuôi sống chúng ta.
Ông Guterres ghi nhận đã có những tiến bộ trong mục tiêu giảm lượng khí thải carbon. Dù vậy 85 % khi vực sản xuất vẫn cần đến các loại năng lượng hóa thạch. Tiến trình chuyển đổi năng lượng, hướng tới năng lượng tái tạo còn xa vời.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nói tiếp: Ngay cả sau thỏa thuận về khí hậu Paris, đến nay, điều chúng ta vẫn còn luôn luôn thiếu là vai trò lãnh đạo, hiểu được sự cấp bách và một sự dấn thân thực sự để có được một giải pháp đa phương mang tính quyết định. Ông Guterres cho rằng cần phá vỡ cái vòng luẩn quẩn tê liệt để nhanh chóng chuyển hướng sang một nền kinh tế xanh, bởi như ông kết luận, chúng ta đang đứng bên bờ vực thẳm.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180911-lien-hiep-quoc-chi-con-2-nam-de-cuu-trai-dat
Báo cáo LHQ: VN trong số quốc gia
‘lờ’ quyền bảo mật thông tin riêng tư
Chuyên gia về quyền riêng tư kỹ thuật số của Liên Hiệp Quốc hôm 10/9 nói rằng nhiều chính phủ hiện đang bỏ bê hoặc phớt lờ nhiệm vụ bảo vệ các thông tin mã hóa trực tuyến, vốn giúp đảm bảo quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư, theo tin Reuters.
Các quốc gia này bao gồm Nga, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Anh. Theo một báo cáo do báo cáo viên Liên Hiệp Quốc Joseph Cannataci chuẩn bị cho Hội đồng Nhân quyền của LHQ, người dân không thể tin tưởng vào việc các hội thoại trực tuyến của họ sẽ được giữ kín.
Theo báo cáo mà chuyên gia Cannataci viết để trình lên phiên họp kéo dài ba tuần của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bắt đầu vào thứ Hai, thì đã có sự gia tăng mạnh trong hạn chế của các nước đối với việc mã hóa trong 3 năm qua.
“Từ năm 2015, các nước đã tăng cường nỗ lực làm suy yếu các mã hóa được sử dụng trong sản phẩm và dịch vụ truyền thông sẵn có”, báo cáo nói.
Theo báo cáo, các công ty đang chịu áp lực ngày càng tăng buộc phải cài đặt “cửa hậu” trong phần mềm để các quan chức thực thi pháp luật truy cập vào những tin nhắn đã được mã hóa hoặc các thiết bị được bảo mật, dẫn đến tạo điều kiện cho hacker khai thác, mặc dù các chính phủ đã có nhiều công cụ khác mà họ có thể sử dụng để điều tra.
“Nghĩa vụ của nhà nước là tôn trọng và đảm bảo quyền tự do ý kiến và biểu đạt, quyền riêng tư, trong đó có trách nhiệm bảo vệ mã hóa”, Reuters dẫn báo cáo nói.
Báo cáo nói thêm rằng các biện pháp khác làm suy yếu hệ thống mã hóa và bảo mật kỹ thuật số, chẳng hạn như yêu cầu khóa bảo mật cho bên thứ ba và đòi hỏi nội địa hóa dữ liệu, cũng ảnh hưởng đến quyền của người sử dụng.
Báo cáo cho rằng những giới hạn đối với mã hóa là điều cần thiết, hợp pháp và hợp lý, nhưng việc cấm hoàn toàn rõ ràng không đáp ứng những tiêu chuẩn này.
Vẫn theo báo cáo, nhiều quốc gia đã tội phạm hóa việc sử dụng mã hóa, và đưa ra các dẫn chứng như lệnh cấm của Iran năm 2010, “những cấm đoán hình sự mơ hồ” của Pakistan, vốn được xem như để trấn áp các công cụ mã hóa, và việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hàng ngàn công dân vì sử dụng một ứng dụng nhắn tin được mã hóa.
Báo cáo nói các quốc gia khác, bao gồm Nga, Việt Nam và Malawi, thì đòi hỏi phải có sự phê duyệt của chính phủ cho các công cụ mã hóa. Cả Nga lẫn Iran đều đã cấm ứng dụng nhắn tin Telegram, sau khi công ty này từ chối bỏ các khóa mã hóa.
Luật an ninh mạng năm 2016 của Trung Quốc yêu cầu các nhà khai thác mạng phải “cung cấp hỗ trợ kỹ thuật” cho nhà nước và lực lượng công an phụ trách về an ninh quốc gia và thực thi pháp luật, trong khi Uganda và Mexico sử dụng mã độc để theo dõi những người chỉ trích chính phủ.
Luật Quyền lực điều tra năm 2016 của Anh, vốn bị các nhà phê bình gọi là “Luật rình mò”, cũng trao cho chính phủ các quyền mơ hồ có thể ép các nhà khai thác mạng tạo “cửa hậu”, gỡ bỏ mã hóa và hợp tác trên diện rộng trong các biện pháp thâm nhập của chính phủ, vẫn theo báo cáo.
Báo cáo khuyến cáo các quốc gia nên thông qua luật hạn chế cho phép tiếp cận đối với vấn đề mã hóa và ẩn danh.
Tân lãnh đạo cơ quan nhân quyền LHQ
chỉ trích Trung Quốc
Người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên hiệp quốc, bà Michelle Bachelet kêu gọi Trung Quốc cho phép các quan sát viên đến nước này sau khi có những cáo buộc “đáng lo ngại” về những trại cải tạo lớn giam giữ những người Uighurs ở tỉnh Tân Cương.
Lời kêu gọi của bà Bachelet được đưa ra vào lúc cơ quan theo dõi nhân quyền Human Rights Watch báo cáo là người Turk, hầu hết là sắc tộc thiểu số Hồi Giáo Uighurs tại tỉnh Tân Cương bị giam cầm tùy tiện, hàng ngày bị hạn chế hành đạo và “bị nhồi nhét các học thuyết chính trị” trong những vụ đàn áp an ninh rộng lớn.
Một ủy ban nhân quyền Liên hiệp quốc tháng trước cho biết là đã nhận được những phúc trình đáng tin cậy là có đến một triệu người Uighurs có thể bị giam tại những nhà tù dù không qua xét xử tại tỉnh Tân Cương viễn tây của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi trả tự do cho những người này.
Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc về những trại giam và đổ lỗi cho những “yếu tố bên ngoài” gây nên xáo trộn tại khu vực biến động này.
Bà Bachelet, cựu Tổng thống Chilê, trong bài diễn văn đầu tiên tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, nói Hội đồng đã đưa ra ánh sáng “những cáo buộc đáng ngại về những việc giam giữ tùy tiện trên diện rộng người Uighurs và những cộng đồng Hồi Giáo khác trong những trại cải tạo tại Tân Cương.”
Bà nói phúc trình cũng ghi nhận được “những vụ vi phạm nhân quyền tại những vùng khác.” Bà Bachelet kêu gọi chính phủ Bắc Kinh cho phép nhân viên của bà được đi lại trên toàn Trung Quốc. Bà hy vọng các cuộc thảo luận sẽ sớm được bắt đầu.
Chưa có bình luận của phái đòan Trung Quốc tại Hội đồng. Các nước khác sẽ phản hồi bài diễn văn này vào ngày 11/9.
Bà Bachelet hứa sẽ là tiếng nói của các nạn nhân. “Tôi đã là tù nhân chính trị và con gái của tù nhân chính trị. Tôi là một người tị nạn và là một bác sĩ cho cả con em của những người bị tra tấn và bị đưa đi biệt tích,” bà phát biểu trước diễn đàn gồm 47 thành viên tại Geneva.
Bà Bachelet cũng bày tỏ quan ngại về 500 di dân trẻ em bị cách ly với cha mẹ nhưng chưa được chính quyền Mỹ cho sum họp với gia đình.
Bà chỉ trích loan báo của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong tuần qua là sẽ rút khỏi một thỏa thuận của Tòa án giới hạn việc giam giữ trẻ em di dân trong 20 ngày.
Bà yêu cầu Liên minh quân sự do Ả Rập Xê-út lãnh đạo tại Yemen cho thấy sự minh bạch nhiều hơn trong nhưng qui luật chiến đấu và qui trách cho các thủ phạm của các vụ không kích nhắm vào thường dân trong đó có vụ tấn công vào xe buýt làm mấy chục trẻ em thiệt mạng tại Saad trong tháng trước.
Các nhà điều tra nhân quyền độc lập tháng trước báo cáo là một số cuộc không kích của Liên minh tại Yemen có thể là tội phạm chiến tranh.
Các nhà điều tra đã trao cho bà một danh sách mật các nghi can có liên hệ đến tội phạm quốc tế trong cuộc xung dột, bà Bachelet cho biết.
“Sắc lệnh mới đây của hoàng gia Ả Rập Xê-út dường như ân xá cho các binh sĩ Ả Rập Xê-út về những hành động tại Yemen rất đáng lo ngại,” bà nói.
HRW: ‘Nên xét lại việc tổ chức
các sự kiện quốc tế tại Hà nội’
Hai nhà lãnh đạo về nhân quyền tới Việt Nam dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Hà Nội, đã bị Việt Nam cấm nhập cảnh, theo hai hãng thông tấn quốc tế AFP và Reuters. Thông cáo báo chí của Hội Ân xá Quốc tế cho biết, Giám đốc cấp cao Điều phối Toàn cầu của tổ chức này, ông Minar Pimple, đã bị từ chối nhập cảnh hôm 10/9 và ngày hôm trước, 9/9, Tổng thư ký Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế Debbie Stothard cũng bị chặn, không cho nhập cảnh khi bà tới phi trường Nội Bài để dự WEF, sự kiện ngoại giao lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2018. Trong câu chuyện với VOA-Việt ngữ, một đại diện của Tổ chức Human Rights Watch cho biết phản ứng của tổ chức này về diễn biến mới nhất.
Phó Giám Đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, ông Phil Robertson, nói quyết định của Việt Nam, cấm cửa hai nhà lãnh đạo nhân quyền quốc tế hàng đầu là điều “vô cùng đáng hổ thẹn”, phơi bày bản chất đàn áp của chính quyền tại Hà nội. Ông cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền Hà nội đang tiến vào một giai đoạn quyết đoán hơn và trong thời gian tới sẽ tăng cường đàn áp nhân quyền.
“Hành động đó cho thấy Việt Nam đang đi qua một giai đoạn quyết đoán hơn nhiều và sẽ tăng cường đàn áp trong cách ứng xử với cộng đồng quốc tế. Việt Nam đang tìm cách bưng bít, không cho người dân trong nước tiếp cận với bất cứ ý kiến nào về nhân quyền hoặc xã hội dân sự đến từ bên ngoài Việt Nam.”
Ông Robertson nói rằng HRW coi động thái mới nhất của Hà nội là một phần của xu hướng tiêu cực đã bắt đầu từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống tại Hoa Kỳ. Ông Robertson giải thích:
“Chúng tôi coi đây là một phần của xu hướng đã bắt đầu khi Việt Nam nhận ra rằng với sự ra đi của Tổng Thống Obama, Hà nội không còn phải đối phó với sức ép từ Washington nữa, nhất là từ khi ông Trump xé bỏ Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định mà Việt Nam ước ao và vì thế sẵn sàng nhượng bộ về mặt nhân quyền để được tham gia.”
Theo ông Robertson, Việt Nam nhận thức sự lơ là của tân chính phủ Mỹ đối với vấn đề nhân quyền khi Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc được mời tới Toà Bạch Ốc mà Tổng thống Trump không nêu lên vấn đề nhân quyền.
Ông Phil Robertson:
“Vì ông Trump không đề cập gì tới nhân quyền nên nhà cầm quyền Việt Nam và đặc biệt là Bộ Công an, nhận ra một cách rõ rệt rằng họ có thể làm bất cứ điều gì mà không sợ bị trừng phạt. Đó là điều mà họ đang làm, họ đang tìm cách cản đường những người chỉ trích đang tìm hiểu những vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt, họ đang tìm cách ngăn chận thông tin, bịt miệng giới chỉ trích. Năm tới họ sẽ đưa ra luật an ninh mạng và rốt cuộc sẽ chặn luôn cả việc truy cập internet.”
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam cấm cửa các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế. Trong quá khứ một số người nước ngoài đã bị Hà nội cấm nhập cảnh. Tuy vậy ông Robertson nói lần này Hà nội không có lý do chính đáng để chặn bà Stothardt, không cho bà phát biểu tại diễn đàn WEF.
Phó Giám Đốc đặc trách Châu Á của Tổ chức Human Rights Watch nói rằng các tổ chức quốc tế nên xét lại việc tổ chức các sự kiện quốc tế tại Hà nội bởi vì “dường như chính quyền Việt Nam lợi dụng những cơ hội này để kiểm duyệt những người muốn lên tiếng và cấm cửa những người mà nhà cầm quyền Việt Nam cho là có thể đưa ra những bình luận mà nhà nước không thích”.
Ông Robertson tiên đoán Việt Nam sẽ siết chặt hơn chính sách đàn áp trong thời gian sắp tới.
“Chúng tôi không thấy có bất cứ gì ngăn cản Việt Nam tiếp tục đàn áp như thế này, chúng tôi thấy trong thời gian tới Việt Nam sẽ ra những luật lệ gắt gao hơn tại quốc hội, như đạo luật an ninh mạng rất khắt khe sẽ tìm cách buộc các tập đoàn internet như Google và Facebook và các công ty khác hoạt động ở Việt Nam, phải tiết lộ thông tin của người sử dụng.”
Ông nói điều đó cho thấy là Việt Nam tin rằng họ có thể bắt chước theo Trung Quốc để uy hiếp các công ty internet, các nước khác và các tổ chức quốc tế, kể cả Liên Hiệp Quốc, để họ có thể tiếp tục vi phạm nhân quyền mà không phải chịu hậu quả.
Trong khi đó, Hội Ân xá Quốc tế ra thông cáo báo chí ngày 10/9 nói rằng hành động của Việt Nam, cấm đại diện của hội là một “minh chứng cho chiến dịch đàn áp tự do biểu đạt tại Việt Nam”.
Tổng thư ký của Hội Ân xá Quốc tế Kumi Naidoo cho hay ông Minar Pimple trước đó đã dự định sẽ phát biểu về tính đa dạng và đa nguyên tại diễn đàn WEF.
Phó Giám Đốc đặc trách Châu Á của Tổ chức Human Rights Watch nói trước tình hình này, cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân quyền quốc tế phải tiếp tục hậu thuẫn những nhà tranh đấu cho nhân quyền và các tổ chức xã hội dân sự ở trong nước, những người mà ông cho là đã can đảm đứng lên để đòi các quyền căn bản của mình. Ông nói nhà nước càng đàn áp bao nhiêu thì những thành phần đối lập càng phản đối mạnh bấy nhiêu.
“Đó là những người sẵn sàng hy sinh rất nhiều để nói lên quan điểm của họ. Chúng ta phải ủng hộ họ, nhưng chúng ta cũng phải tăng sức ép tối đa với chính phủ các nước, và đặc biệt các tập đoàn internet để họ phải xác minh lập trường một cách rõ ràng, liệu họ hậu thuẫn cho các hoạt động xã hội dân sự, bảo vệ quyền tự do biểu đạt, hay là họ chạy theo đô la, về phe có tiền của và không lý gì đến những gì mà nhà cầm quyền đang làm với chính sách đàn áp giới bất đồng.”
Trên trang Facebook của bà, Tổng thư ký Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế Debbie Stothard cho biết bà đã bị đưa vào ‘danh sách đen’, nhưng bà nói thêm rằng những gì mà bà trải nghiệm “chẳng thấm vào đâu so với những cuộc tấn công nhắm vào các nhà tranh đấu bảo vệ nhân quyền và truyền thông ở Việt Nam.”
Bà nói bà hy vọng là chính phủ Việt Nam rốt cuộc sẽ nhận thức được rằng nhân quyền và tự do là những yếu tố cần có để phát triển kinh tế.
Tổng Giám đốc IAEA lo ngại
về hoạt động hạt nhân của Triều Tiên
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) bày tỏ quan ngại sâu sắc về các dấu hiệu cho thấy các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên.
NHK tường thuật rằng trong một tuyên bố đưa ra tại buổi họp ngày 10/9 tại thủ đô Vienna của Áo, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano bày tỏ lo ngại về những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang vận hành các cơ sở hạt nhân ở tỉnh Nyongbyon trước và sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng Tư năm nay.
Ông nhấn mạnh rằng một toán công tác của IAEA sẵn sàng đóng một vai trò trong việc giám sát chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Hôm 11/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hãy đưa ra những quyết định táo bạo để thúc đẩy tiến trình giải trừ hạt nhân của Triều Tiên, theo tờ New York Times.
Hôm 10/9, Tòa Bạch Ốc tiết lộ rằng Tổng thống Trump đã nhận được một bức thư của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, đề nghị tiến hành một cuộc họp cấp cao thứ nhì sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều Tiên hồi tháng 6. Đây là bức thư thứ tư của ông Kim gửi đến Tổng thống Trump trong năm nay.
Báo New York Times dẫn lời Nhà Trắng cho biết là đang xem xét việc ấn định thời gian cho một hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa ông Trump và ông Kim Jong Un.
NATO lo ngại trước cuộc tập trận quy mô của Nga
Nga mở cuộc tập trận thường niên quy mô lớn, Vostok-2018, kể từ ngày 11 đến 15/09, huy động 300.000 người của Nga, cộng thêm 3.000 lính Trung Quốc và các đơn vị người Mông Cổ. Số lượng binh sĩ tham gia tập trận quả là rất lớn, cao hơn gấp đôi số lính tập trận thời Liên Xô cũ cách đây hơn 35 năm.
Theo ghi nhận của thông tín viên RFI tại Nga, cuộc tập trận Vostok-2018 năm nay nỗi bật trên hai điểm.
Một là quy mô rất rầm rộ, với những con số chóng mặt : gần 300.000 quân, hơn 30.000 chiến xa, khoảng một ngàn máy bay và trực thăng, và hàng chục chiến hạm.
Hai là sự tham gia tích cực hơn của Trung Quốc. Trong quá khứ, Nga và Trung Quốc đã từng có những cuộc tập trận chung, nhưng chưa từng đạt quy mô như lần này.
Đối với cả Nga lẫn Trung Quốc, cuộc tập trận chung cho phép họ phô bày thái độ đoàn kết trước các đối thủ tiềm tàng của mỗi nước : Hoa Kỳ trong trường hợp của Trung Quốc, và NATO trong trường hợp của Nga.
29 nước thành viên NATO rất đề cao cảnh giác. Thông tín viên RFI tại Bruxelles, Pierre Bénazet tường thuật :
Con số 13.000 quân lính mà Nga và Belarus tung vào cuộc tập trận Zapad 2017 (nghĩa là Tây 2017) vào năm ngoái từng làm cho NATO lo ngại thực sự, đặc biệt là Ba Lan và các quốc gia Baltic, vì cuộc tập trận diễn ra ngay trước cửa của họ.
Năm nay con số to lớn triển khai ở Vostok 2018 (tức là Đông -2018), diễn ra xa hơn về phía Đông, cách khoảng 6.000 cây số, gần vùng Alaska của Mỹ, và NATO đã cho thấy trước là họ rất đề cao cảnh giác.
Mátxcơva và NATO đã nối lại các cuộc gặp trong khuôn khổ Hội Đồng NATO-Nga, cho phép hai bên thông báo nhau về các cuộc tập trận lớn được dự kiến. Các tùy viên quân sự của các quốc gia thành viên NATO ở Matxcơva đã nhận được lời mời đến nơi thao diễn với tư cách quan sát viên.
Mối quan ngại của NATO trước một nước Nga « tự tin » hơn có thể được coi là tấm gương phản chiếu thái độ của Nga trước các cuộc tập trân rầm rộ của NATO dự kiến vào mùa thu này ở Na Uy.
Từ khi Crimée bị Mátxcơva sát nhập, NATO và Nga đã lại nghi kỵ lẫn nhau như thời Chiến Tranh Lạnh, một thái độ đặc biệt nổi cộm với các cuộc tập trận cũng như các hoạt động can thiệp của Nga tại Syria.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180911-nato-lo-ngai-truoc-cuoc-tap-tran-quy-mo-cua-nga
Tajikistan: Tượng Lenin được tu sửa
và dựng lại trên bệ
Azim Rakhimov, Shomurod Avezov và Martin MorganBBC Monitoring
Hội đồng Hồi giáo ở một vùng của Tajikistan dùng tiền hiến tặng để tu sửa tượng Lenin, khiến cho truyền thông cả vùng Trung Á ngạc nhiên.
Trang Radio Ozodi của Đài Tự do (Radio Liberty) đưa tin về một pho tượng Lenin từng bị gãy tay ở Shahritus, miền Nam Tajikistan, nay được trùng tu.
Tại quốc gia Trung Á theo Hồi giáo, chủ nghĩa cộng sản và các biểu tượng của nó như Lenin được Liên Xô áp đặt trong 70 năm liền.
Hai năm trước, tượng Lenin ở vùng Shahritus bị đưa đi.
Nhưng gần đây, một số đền Hồi giáo trong vùng đã góp tiền để phục hồi tượng và công viên nơi chỉ còn bệ tượng.
Bà Mehriniso Rajabova từ Hội đồng thành phố Shahritus xác nhận rằng sáng kiến đến từ các vị trưởng lão Hồi giáo:
“Họ cho sửa tượng và dọn dẹp lại công viên, đài phun nước.”
Sơn lại màu vàng
Mỗi đền Hồi giáo thu về tiền hiến tặng bằng 100 USD một tuần để góp vào quỹ tu sửa tượng Lenin, gắn lại tay nhưng sơn thành màu vàng.
Pho tượng Lenin tại Shahritus được dựng năm 1980, và cao nhất vùng Nam Tajikistan.
Đại bàng và thợ săn trên thảo nguyên
Ông Dzerzhinsky được dựng tượng ở VN là ai?
Thăm bảo tàng Lenin duy nhất nằm ngoài nước Nga
Sau khi nước này được độc lập năm 1991, đa số tượng Lenin bị cho là biểu tượng thời Liên Xô và bị kéo đổ.
Ở Liên Xô cũ từng có hai thành phố mang tên Lenin và một là Leninabad ở Tajikistan, từ 1936 đến 1991 nhưng sau được đổi trở lại là Khujand.
Riêng tượng Lenin ở Shahritus đứng được tới năm 2016 rồi bị đưa vào để trong sân ở nhà dân trong làng Obshoron.
Nhưng nay, có vẻ như vì muốn phục hồi một hình ảnh lịch sử, hội đồng Hồi giáo địa phương đã đem Lenin trở lại.
Trên mạng xã hội nhanh chóng có nhiều bình luận.
Có người viết “thật không thể tin được là các tu sỹ Hồi giáo sao lại “tôn thờ ngẫu tượng”, điều không được phép theo đạo Hồi.
Một ý kiến khác thì cho rằng tiền để giúp người nghèo hơn là dựng lại tượng Lenin.
Nhưng cũng có ý kiến trên trang Ozodi như của Muhojir cho rằng nếu không có Lenin thì Trung Á “nay chẳng khác nào Afghanistan”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45483706
Nga mở cuộc tập trận khổng lồ
cùng TQ và Mông Cổ
Nga bắt đầu cuộc tập trận với quy mô lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh tới nay, với sự tham dự của 300 ngàn quân nhân.
Cuộc tập trận diễn ra tại vùng đông Siberia.
Nga mời TQ dự tập trận lớn nhất từ 1981
Nga coi Nato là mối đe dọa an ninh
Nga tập trận Zapad-2017 làm láng giềng lo lắng
Trung Quốc gửi 3.200 lính tới tham gia “Vostok-2018”, cùng nhiều thiết giáp xa và máy bay.
Mông Cổ cũng gửi một số đơn vị tới nơi.
Cuộc tập trận cuối cùng của Nga với quy mô tương tự là từ hồi 1981, trong thời Chiến tranh Lạnh, nhưng lần này cuộc tập trận Vostok có nhiều lính tham gia hơn.
Chương trình kéo dài một tuần diễn ra vào lúc quan hệ giữa Nga và Nato đang trong giai đoạn căng thẳng.
Khi cuộc tập trận bắt đầu, Tổng thống Nga Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một diễn đàn ở Vladivostok và nói “chúng ta có mối quan hệ tin cậy lẫn nhau trong các lĩnh vự chính trị, an ninh và quốc phòng”.
Quan hệ giữa Nga với Nato – liên minh quân sự gồm 29 thành viên mà Mỹ đóng vai trò chính – xấu đi kể từ sau vụ Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine vào Nga hồi 2014.
Trong hôm thứ Ba và thứ Tư (11-12/09/2018), việc lên kế hoạch và công tác chuẩn bị được tiến hành; chiến dịch triển khai thực sự sẽ bắt đầu vào thứ Năm, kéo dài trong năm ngày, Tổng tham mưu trưởng Nga, Tướng Valery Gerasimov được dẫn lời nói.
Bộ Quốc phòng Nga nói 36 ngàn xe tăng, xe bọc thép chở lính và xe bọc thép thuộc lực lượng bộ binh sẽ tham dự Vostok-2018 trong thời gian từ 11 đến 17/09, bên cạnh hơn một ngàn phi cơ.
Cuộc tập trận sẽ trải dài trên năm bãi huấn luyện quân sự, bốn căn cứ không quân và các khu vực ở Biển Nhật Bản, eo biển Bering và Biển Okhotsk. Sẽ có tới 80 tàu hải quân thuộc hai hạm đội của Nga tham dự.
Các cuộc diễn tập không diễn ra tại quần đảo Kuril có tranh chấp ở phía bắc Nhật Bản, Nga nói.
Kênh truyền hình quân đội của Nga, Zvezda, nói rằng ba lữ đoàn dù Nga sẽ giữ vai trò chính trong các hoạt động ở bãi tập quân sự Tsugol nằm gần biên giới giữa Nga với Trung Quốc và Mông Cổ.
Một trong các mục tiêu chính là thực tập việc triển khai nhanh chóng hàng ngàn binh lính, máy bay, xe cộ từ vùng phía tây Nga sang các vùng phía đông, kéo dài hàng ngàn dặm, truyền hình Zvezda tường thuật. Trong số các hoạt động có cả việc thực hành tiếp nhiên liệu cho các chiến đấu cơ trong lúc đang bay.
TQ nói Mỹ ‘kiếm cớ không mời Bắc Kinh tập trận’
Mỹ bỏ TQ, mời VN tập trận lớn nhất thế giới
‘Nga muốn tăng quan hệ quân sự và an ninh với VN’
Quy mô cuộc tập trận Vostok-2018 tương đương với tổng các lực lượng được tung ra một trong những trận chiến lớn nhất thời Thế Chiến II.
Hồi năm ngoái, đã có một cuộc tập trận nhỏ giữa Nga và Belarus.
Vì sao Trung Quốc tham gia?
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói về sự hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực quân sự và tăng cường khả năng của cả hai bên trong việc cùng phản ứng trước “nhiều đe dọa an ninh”, tuy nhiên không nói rõ đó là những đe dọa gì.
Mông Cổ không có biết lý do tham gia.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tại Trung Á là một mối đe dọa lớn cho an ninh Nga.
Trung Quốc đã kiểm soát an ninh và áp dụng chế độ kiểm duyệt nghiêm ngặt tại khu vực Tân Cương có đông người Hồi giáo.
Lithuania lại nêu lo ngại về Nga
Nga ‘cười nhạo’ chiến hạm của Anh
Trung Quốc sẽ ‘diễn tập hải quân ở Biển Đông’
Mỹ: khôi phục Hạm đội Hai để đối trọng với Nga
Tân Cương là nơi thỉnh thoảng xảy ra tình trạng bạo lực trong những năm qua, và sau đó luôn là các cuộc trấn áp.
Trung Quốc cáo buộc các chiến binh Hồi giáo cực đoan và phe ly khai gây ra tình trạng này.
Trong những năm gần đây, Nga và Trung Quốc đã củng cố hợp tác quân sự.
Trong cuộc tập trận chung, hai bên sẽ lập bộ chỉ huy chung hoạt động trên chiến trường.
Điều này đối nghịch với thời Chiến tranh Lạnh, khi mà Liên Xô và Trung Quốc cạnh tranh nhau trong việc giành vị trí lãnh đạo khối cộng sản và đã từng đụng độ nhau ở vùng biên giới.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45475738
Diễn đàn kinh tế Vladivostock :
Nga – Trung Quốc thắt chặt quan hệ
Hôm nay, 11/09/2018, tại Nga, Diễn đàn kinh tế thường niên Vladivostock khai mạc. Tâm điểm của sự kiện là sự có mặt của chủ tịch Trung Quốc cùng với đoàn qua chức hùng hậu. Ông Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp riêng với tổng thống Vladimir Putin để bàn về quan hệ hai nước trong nhiều lĩnh vực.
Đây là cuộc gặp lần thứ 3 trong năm giữa lãnh đạo hai nước. Quan hệ Nga -Trung chưa bao giờ nồng ấm và cần đến nhau như bây giờ.
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh:
« Láng giềng tốt, bạn hữu tốt và đối tác tốt », ông Tập Cận Bình đã nói như vậy về quan hệ Trung Quốc – Nga trong chuyến thăm Mátxcơva hồi tháng 7 vừa rồi. Trong khi mà cuộc chiến thương mại với Mỹ đang căng thẳng, hơn bao giờ hết, đối tác Nga là vấn đề thời sự với Bắc Kinh.
Đến Vladivostock, tháp tùng chủ tịch Trung Quốc còn có các quan chức cao cấp trong đảng của 9 tỉnh Trung Quốc. Mục đích là mở rộng lĩnh vực hợp tác.
Ông Trương Hán Huy, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định trong cuộc họp báo trước thượng đỉnh : Quan hệ của chúng tôi đang bước vào kỷ nguyên mới. Khối lượng trao đổi buôn bán Nga – Trung đã đạt gần 50 tỷ euros trong những tháng qua, tức là tăng 25,8% từ đầu năm đến giờ. Chúng tôi có các dự án lớn về hạ tầng cơ sở, giao thông, đồng thời cả về lĩnh vực công nghệ mới, khoa học và thương mại điện tử.
Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng vì thế sẽ còn phải tăng nhập khẩu đậu tương từ Nga. Trên bình diện chiến lược, diễn đàn kinh tế Vladivostock diễn ra trùng với thời điểm cuộc tập trận chung Vostok. Giải phóng quân Trung Quốc đưa 30 chiến đấu cơ và 3200 quân tinh nhuệ đến tham gia cuộc tập trận Nga-Trung này. Đây là cuộc diễn tập quân sự lớn nhất kể từ sau khi Liên Xô tan rã.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180911-dien-dan-kinh-te-vladivostock-nga-trung-quoc-that-chat-quan-he
Syria, Nga tiếp tục oanh kích Idleb,
nguy cơ thảm họa nhân đạo cận kề
Tại Syria, hơn 30 nghìn dân thường từ đầu tháng này đã chạy khỏi Idleb để tránh các cuộc tấn công của quân đội Nga và Syria. Trong lúc các cuộc oanh kích dữ dội đang tiếp diễn, nhiều dấu hiệu cho thấy quân đội Damas đang chuẩn bị chiến dịch tổng tấn công thành trì cuối cùng của quân nổi dậy. Hiện vẫn còn khoảng ba triệu thường dân kẹt trong tỉnh Idleb. Liên Hiệp Quốc lo ngại trận chiến Idleb sẽ gây « thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất » của thế kỷ 21.
Thông tín viên RFI tại Trung Đông, Paul Khalifeh-Beyrouth :
Các đợt không kích của Nga và Syria nhằm vào Idleb trở lại vào hôm thứ Bảy, ngay sau ngày thượng đỉnh ba bên tại Teheran sau một tháng gián đoạn. Cuộc gặp giữa tổng thống Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ này để bàn về tình hình tại Idleb nhưng không đi đến được thỏa thuận. Mátxcơva và Teheran kiên quyết mở tấn công vào thành trì cuối cùng của quân nổi dậy và thánh chiến. Trong khi đó Ankara ủng hộ giải pháp thương lượng.
Thất bại của cuộc gặp thượng đỉnh dẫn tới leo thang căng thẳng trên thực địa. Máy bay Nga tiến hành hàng chục đợt oanh kích, cùng lúc trực thăng Syria cho thả các thùng thuốc nổ. Hỏa tiễn cũng không ngừng dội xuống.
Các đợt oanh kích tập trung vào khu vực phía nám và tây-nam Idleb gần với tỉnh Hama. Trong khu vực này, quân đội Syria đã tập trung ít nhất hai sư đoàn xe bọc thép với 20 nghìn quân. Các chuyên gia quân sự cho rằng cuộc tấn công trên bộ có thể sẽ bắt đầu từ vùng này. Mục tiêu là chiếm bình nguyên al-Grab, nằm giữa các tỉnh Hama, Idleb và Lattaquié. Mục đích cuối cùng của giai đoạn tấn công đầu tiên này là sẽ là thành phố Jisr al-Chghour ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Chiến trận có nguy cơ thảm khốc khi mà 3 triệu thường dân, trong đó có 1 triệu người bỏ chạy từ các khu vực khác của Syria, đang ở trong Idleb.
Saint-Malo mừng 250 năm
ngày sinh Chateaubriand
Trong tuần qua, Toà thị chính Saint-Malo đã khai trương một tấm bảng kỷ niệm 250 năm ngày sinh của văn hào Pháp François-René de Chateaubriand. Từ đầu tháng 9 cho tới cuối năm nay, Saint-Malo tổ chức khá nhiều sinh hoạt tưởng niệm, do 2018 cũng đánh dấu 170 năm ngày giỗ của Chateaubriand (1768-1848).
Trong chương trình sinh hoạt văn hóa, có lễ trao giải thưởng văn học Combourg-Chateaubriand lần thứ 20. Thị trấn Combourg là một địa danh quan trọng đối với nhà văn Pháp, ông từng sinh ra ở thành phố cảng Saint-Malo nhưng lại lớn lên ở lâu đài Combourg, cách Saint-Malo khoảng 40 cây số về phía nam. Được thành lập cách đây 20 năm (1998), giải thưởng thường niên này thường được trao cho các tác phẩm được xem là có mang ảnh hưởng của Chateaubriand, trong tinh thần hay trong văn phong.
Về phần mình, Hiệp hội bảo tồn di sản Chateaubriand tổ chức trong ba ngày từ 12 đến 15/09 hội thảo chuyên đề ‘‘Chateaubriand và vùng Bretagne’’ tập hợp khá nhiều chuyên gia nghiên cứu chính trị và lịch sử do lúc sinh tiền, ngoài sự nghiệp văn chương (ông từng được bầu làm thành Hàn lâm viện của Pháp năm 1811), Chateaubriand còn là một nhà ngoại giao và chính trị gia. Trong đời, ông từng nắm chức ngoại trưởng, từng được bổ nhiệm làm đại sứ Pháp tại vương quốc Anh, rồi sau đó tại Ý. Hiệp hội bảo tồn di sản Chateaubriand có tổ chức các buổi thăm viếng mộ phần của nhà văn trên cồn đá Grand Bé, nằm ở ngoài bãi biển Plage du Môle, cũng như ngôi nhà Chateaubriand, nơi ông chào đời vào tháng 9 năm 1768.
Một buổi thánh lễ cũng được tổ chức tại Thánh đường Saint-Vincent vào trung tuần tháng 9. Ngay tại nhà thờ này, nhà văn Chateaubriand sau khi vừa chào đời đã được ‘‘rửa tội’’ cách đây đúng 250 năm, đến khi từ trần tang lễ của ông cũng được cử hành tại Thánh đường Saint-Vincent. Thành phố Saint-Malo đã vinh danh ‘‘đứa con yêu quý’’ nhất của mình khi đặt tên Chateaubriand cho một con đường, một quảng trường và cho nhà hát lớn của thành phố, nơi biểu diễn các vở kịch, các đêm hoà nhạc cổ điển với sự tham gia của các thành viên Nhạc viện thành phố Saint-Malo, hầu tái tạo khung cảnh nghệ thuật đàu thế kỷ XIX, thời của hoàng đế Napoléon đệ nhất.
Điều đáng ghi nhận là trong hai ngày 15 và 16/09/2018, nhân Ngày Di sản Châu Âu (Journées Européennes du Patrimoine), hầu hết các nơi chốn gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Chateaubriand sẽ mở cửa đón tiếp công chúng miễn phí. Từ ngôi nhà đầu tiên của gia đình (Hôtel de la Gicquelais) nơi ông sinh ra, cho tới lâu đài Combourg nơi ông lớn lên, hay là bức thành lũy Dinan và phố cổ Plancoët (cả hai đều nằm ở vùng Côtes-d’Armor), nơi ông từng thường xuyên viếng thăm.
Quan trọng hơn nữa là ‘‘ngôi nhà’’ La Vallée aux Loups tọa lạc ở vùng 92 (Hauts de Seine), nay trở thành Viện bảo tàng Chateaubriand (cấp vùng). Đây là một địa danh có nhiều ý nghĩa, do là nơi nhà văn Pháp từng viết nhiều tác phẩm quan trọng, trong thời gian ông ở ẩn (từ năm 1807-1818), sau khi tác giả này viết bài chỉ trích Napoléon đệ nhất. Trong số các tác phẩm được viết tại toà tháp Vellada trong khuôn viên ngôi nhà La Vallée aux Loups, có kiệt tác Mémoires d’Outre-tombe, tập hồi ký này được xem là một trong những quyển sách nổi tiếng nhất trên thế giới của nhà văn Pháp chỉ được xuất bản (theo di chúc) sau ngày Chateaubriand qua đời, tuy tác phẩm bắt đầu được viết kể từ năm 1809 nhưng chỉ thật sự được hoàn tất vào năm 1841. Tác phẩm này cũng được tái bản nhân kỳ sinh nhật năm chẳn.
Cũng nhân dịp này, Sở du lịch Saint-Malo với nhà xuất bản Christophe Penot đã tạo ra một ứng dụng ‘‘Sur les pas de Chateaubriand’’ dành cho điện thoại đi động, đưa khách tham quan đi vòng quanh Saint-Malo, lần theo vết chân của Chateaubriand, hầu khơi gợi tính hiếu kỳ của giới thanh thiếu niên thời nay về nguyên quán cũng như thân thế của nhà văn từng được xem như là gương mặt người đã khai sinh trường phái lãng mạn trong văn chương Pháp.
Có thể nói là với một chương trình sinh hoạt văn hóa khá phong phú dày đặc như vậy, năm 2018 đối với Hội đồng thành phố Saint-Malo được xem như là ‘‘Năm Chateaubriand’’. Một điều cũng khá dễ hiểu, bởi vì trong mắt của người dân địa phương, Chateaubriand là nhân vật đầu tiên đã giúp cho thành phố cảng Saint-Malo nổi tiếng trên bản đồ thế giới.
http://vi.rfi.fr/phap/20180911-saint-malo-mung-250-nam-ngay-sinh-chateaubriand
TQ yêu cầu WTO phạt Mỹ
về tranh chấp thương mại
Trung Quốc vào tuần tới sẽ yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Hoa Kỳ vì Washington không tuân thủ phán quyết trong vụ tranh chấp về thuế bán phá giá mà Trung Quốc đã khởi kiện từ năm 2013, hãng tin Reuters trích dẫn nghị trình buổi họp hôm thứ Ba 11/9 cho biết.
Yêu cầu của Bắc Kinh có phần chắc sẽ dẫn tới một cuộc giằng co pháp lý quanh vụ kiện tụng về những biện pháp trừng phạt và về số tiền phạt.
Theo CNBC, Trung Quốc sẽ vận động để yêu cầu của họ được thông qua tại cuộc họp của Cơ quan Giải quyết tranh chấp WTO, diễn ra vào ngày 21/9.
Năm 2017, Trung Quốc đã vận động thành công để đạt phán quyết của WTO trong vụ tranh chấp đang diễn ra lúc bấy giờ, liên quan đến một số ngành công nghiệp bao gồm máy móc và điện tử, công nghiệp nhẹ, kim loại và khoáng sản, có trị giá xuất khẩu hàng năm lên đến 8,4 tỷ đôla.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-yeu-cau-wto-phat-my-ve-tranh-chap-thuong-mai/4566577.html
Trung Quốc: Mỹ chớ tỏ thái độ
với các nước bỏ Đài Loan
Trung Quốc ngày 10/9 yêu cầu Mỹ chớ có thái độ hay có những nhận xét vô trách nhiệm về những nước bỏ sự ủng hộ ngoại giao đối với Đài Loan tự trị. Bắc Kinh nói rằng ngay chính Washington từ lâu cũng đã thiết lập quan hệ đối với Bắc Kinh.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra bình luận này sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 7/9 tuyên bố đã triệu hồi các nhà ngoại giao cao cấp tại Cộng hòa Dominica, El Salvador và Panama về quyết định của những nước này không còn công nhận Đài Loan nữa.
Washington bày tỏ quan ngại về con số ngày càng nhiều các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan tự trị để nghiêng về Trung Quốc vốn xem Đài Loan như là một tỉnh không có quyền có quan hệ ngoại giao với các nước khác.
El Salvador chuyển hướng trong tháng qua, trong khi Cộng hòa Dominica làm như vậy hồi tháng 5 năm nay và Panama vào năm ngoái.
Phát biểu tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói quyết định có quan hệ ngoại giao với nước nào là chủ quyền của một nước và phải được tôn trọng.
Hoa Kỳ phải có cái nhìn đúng đắn đối với các nước khác thiết lập quan hệ với Trung Quốc, xử lý vấn đề Đài Loan một cách cẩn trọng và thích hợp và không nên “có những bước đi hay lời nói vô trách nhiệm”, ông Cảnh nói.
Tại Đài Loan, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Andrew Lee từ chối bình luận trực tiếp, nhưng nói Đài Loan “liên lạc chặt chẽ” với chính phủ Mỹ về các vấn đề liên hệ đến vị thế quốc tế của Đài Loan.
Hiện nay Đài Loan chỉ có quan hệ chính thức với 17 nước, hầu hết là những nước nhỏ và kém phát triển tại Trung Mỹ và Thái Bình Dương.
Cũng như hầu hết các nước khác, Washington không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan nhưng là nguồn cung cấp vũ khí chính và ủng hộ quốc tế mạnh mẽ nhất đối với hòn đảo dân chủ này.
Vào ngày 5/9, một số Thượng nghị sĩ Mỹ đưa ra dự luật cho phép Bộ Ngoại giao giảm nhẹ các quan hệ với bất cứ quốc gia nào xa rời Đài Loan cũng như ngưng hay thay đổi trợ giúp của Mỹ.
Trung Quốc nghi ngờ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn thúc đẩy nền độc lập chính thức của đảo này, một điều cấm kỵ đối với Bắc Kinh.
Bà Thái nói bà muốn giữ nguyên trạng với Trung Quốc nhưng sẽ bảo vệ dân chủ và an ninh của Đài Loan.
Chủ tịch Tập kêu gọi Nga đoàn kết với Trung Quốc
chống chủ nghĩa bảo hộ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 11/9 nói rằng Nga và Trung Quốc nên cùng nhau chống chủ nghĩa bảo hộ và điều mà ông gọi là “những cách tiếp cận đơn phương đối với các vấn đề quốc tế”.
Reuters dẫn lời ông Tập đưa ra lời kêu gọi này tại một cuộc họp báo ở Vladivostok thuộc miền viễn đông nước Nga sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Nga Vladimir Putin bên bề một diễn đàn kinh tế.
Mặc dù chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc với Hoa kỳ đang leo thang, nhưng ông Tập không hề nhắc tới Washington. Tuy nhiên nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng một môi trường địa chính trị ngày càng trở nên khó đoán hơn đã khiến cho mối quan hệ đối tác giữa Nga và Trung Quốc càng trở nên quan trọng hơn.
Về phần Tổng thống Nga, ông Putin ca ngợi “các mối quan hệ dựa trên lòng tin” với Trung Quốc ngay từ khi bắt đầu cuộc hội đàm song phương với ông Tập, theo AP.
Điện Kremlin đã có những nỗ lực nhằm tạo dựng mối quan hệ gắn bó hơn với Bắc Kinh trong những năm trở lại đây giữ lúc các quan hệ giữa Nga với các nước phương Tây trở nên căng thẳng.
“Chúng ta có một mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau trong lĩnh vực chính trị, an ninh và quốc phòng, và chúng tôi biết rằng bản thân các bạn cũng quan tâm nhiều tới sự phát triển trong các quan hệ giữa Nga và Trung Quốc,” ông Putin nói vào lúc bắt đầu các cuộc hội đàm với ông Tập hôm 11/9.
Trong cùng ngày, Nga và Trung Quốc bắt đầu các cuộc tập trận chung kéo dài bảy ngày. Đây là các cuộc tập trận lớn nhất của Nga tính từ năm 1981. Mục đích cuộc tập trận là để phô trương sức mạnh quân sự và tình hữu nghị giữa các láng giềng châu Á, theo ghi nhận của Finacial Times.
“Như bạn thấy, trong số các khách mời (tại hội nghị), Trung Quốc có phái đoàn đông nhất,” ông Tập nói. “Điều này một mặt cho thấy tính hấp dẫn của diễn đàn này, và mặt khác cho thấy sự hợp tác toàn diện giữa Trung Quốc và Nga trong việc phát triển vùng Viễn Đông.”
Hãng tin AP cho biết hai nguyên thủ Trung Quốc và Nga, được tháp tùng bởi hàng chục bộ trưởng và phụ tá cấp cao, tươi cười chào hỏi nhau ngay trước các cuộc hội đàm. Dự kiến cuộc gặp mặt tay đôi này sẽ gồm các nỗ lực nhằm tăng cường thương mại song phương và đầu tư trong bối cảnh Mỹ đang áp đặt các biện pháp chế tài đối với Moscow, và các mối nguy vì cuộc chiến thương mại giữa Washington với Bắc Kinh.
Ông Putin nói ông hy vọng kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ đạt 100 tỷ USD trong năm nay. Thương mại hai chiều giữa Nga và Trung Quốc đạt 87 tỷ USD trong năm 2017.
Bắc Kinh và Seoul dùng Kim Jong Un
để kềm Washington
Khủng hoảng Bắc Triều Tiên, theo thời gian, mất dần tính chất đơn thuần là một cuộc đọ sức giữa hai phe : một bên là chế độ Bình Nhưỡng và bên kia là Mỹ cùng hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.
Những diễn biến hiện nay cho phép suy đoán các cường quốc Đông Bắc Á khai thác tối đa Kim Jong Un để bảo vệ quyền lợi riêng của mình với mục tiêu ngấm ngầm là hạn chế thế chủ động của Mỹ.
Cách nay hai tuần, Nhà Trắng bất ngờ hủy chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng của ngoại trưởng Mike Pompeo. Tổng thống Donald Trump chỉ trích Trung Quốc « làm cho tình hình rắc rối thêm ». Thế rồi, tình hình tưởng như bế tắc, đã nhanh chóng khai thông. Ngày 05/09 vừa qua, sau khi được đặc sứ của tổng thống Hàn Quốc báo cáo về cuộc gặp với Kim Jong Un, tổng thống Mỹ khen ngợi lãnh đạo Bắc Triều Tiên « tái cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo trong nhiệm kỳ đầu » của chủ nhân Nhà Trắng, tức là vào tháng Giêng 2021 và cũng hứa hẹn lại « chúng ta cùng thực hiện ». Tiếp theo đó, tổng thống Mỹ đón nhận một cách tích cực các hành động khác của Kim Jong Un như là không phô diễn tên lửa liên lục địa trong quốc khánh và nhất là bức thư đề nghị gặp lại tổng thống siêu cường lần thứ hai.
Thái độ « sáng nắng chiều mưa » của Washington mang ý nghĩa gì ? Phải chăng chính quyền Donald Trump không có một chính sách nhất quán đối với Bắc Triều Tiên ?
Theo phân tích của Le Monde trong bài « Bình Nhưỡng tâm điểm của các cuộc cạnh tranh », những tuyên bố giận dữ hay khen ngợi của Donald Trump, những thay đổi đột ngột vào giờ chót, thật ra phản chiếu diễn tiến tình hình trong khu vực. Từ sau cú bắt tay ngoạn mục Trump-Kim tại Singapore ngày 12 tháng 06 năm nay, chế độ khép kín của Bắc Triều Tiên không còn là kẻ thù chung của Mỹ-Nhật-Hàn. Trong ván cờ tranh giành ảnh hưởng địa chiến lược và kinh tế, tất cả các tác nhân liên can đều bị quyền lợi tương đồng hay tương khắc chi phối : xung khắc Mỹ-Trung, tranh chấp Trung-Nhật, hiềm khích Nhật-Hàn. Những bất hòa do quá khứ để lại cộng thêm nước Nga của Vladimir Putin « quạt lửa » càng làm cho phương trình hoà bình cho bán đảo Triều Tiên phức tạp thêm.
« Phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên » là bước then chốt giúp kiến tạo quân bình lực lượng tại Bắc Á nhưng không dễ gì nhanh chóng đạt được đồng thuận trên kho vũ khí của Bình Nhưỡng, chưa tính về kỹ thuật, còn phải mất thêm hàng chục năm để thi hành.
Trong khi chờ đợi, chuyện phải làm là « tái lập tin cậy lẫn nhau » thay thế hiệp định đình chiến 1953 bằng hiệp định hoà bình.
Trung-Hàn : đồng minh khách quan
Thế nhưng từ chuyện « phi hạt nhân hóa » đến « hiệp định hoà bình », không ai hoàn toàn đồng ý với ai. Đối với Mỹ, phi hạt nhân hóa là giải giới vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Đối với Trung Quốc và Hàn Quốc thì phải phi hạt nhân hóa toàn bán đảo. Những ngày gần đây, Washington khẳng định mục tiêu ban đầu « Bắc Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa toàn diện, kiểm chứng được và không thể đảo ngược » trước khi bàn đến hiệp định hoà bình. Trái lại, đối với Bình Nhưỡng, Mỹ phải tôn trọng cam kết Singapore, thiết lập « quan hệ tin cậy lẫn nhau » tức là phải ký một « tuyên bố » hoà bình bước đầu của hiệp định.
Thế giằng co giữa Washington và Bình Nhưỡng chỉ có lợi cho ngư ông Bắc Kinh. Chiến tranh thương mại do Donald Trump phát động càng làm cho Trung Quốc khó mà hợp tác với Mỹ trên hồ sơ Bắc Triều Tiên. Cả Bắc Kinh và Matxcơva đều chống trừng phạt kinh tế. Tuy không muốn Bình Nhưỡng trang bị bom hạt nhân, nhưng điều đó không phải là quan ngại số một của Nga lẫn Trung Quốc. Bắc Kinh chỉ sợ Bắc Triều Tiên sụp đổ với những hệ quả khó lường cho an ninh và phát triển kinh tế của chính Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, nếu không xảy ra chiến tranh, khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên có thể là chất xúc tác tạo ra trật tự địa chính trị mới tại châu Á có lợi cho Trung Quốc. Do vậy, theo nhà phân tích Tôn Vân (Sun Yun), viện nghiên cứu Stimson Center, Hoa Kỳ : Washington khó có thể thuyết phục Bắc Kinh hợp tác trong hồ sơ Bắc Triều Tiên. Chính sách hiện đại hóa hải quân và tên lửa của Trung Quốc sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng trong vùng và ngăn ngừa Mỹ tấn công Bắc Triều Tiên.
Về phần Hàn Quốc, cũng để giảm thiểu hiểm họa chiến tranh mà nạn nhân đầu tiên là dân chúng hai miền Nam Bắc, tổng thống Moon Jae In không ngừng nỗ lực hòa giải với Bình Nhưỡng bằng những thỏa thuận kinh tế và hợp tác công nghiệp và liên lạc ngoại giao.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180911-bac-kinh-va-seoul-dung-kim-jong-un-de-kem-washington
Kim Jong Un
đề nghị thượng đỉnh lần hai với Trump
Tổng thống Donald Trump nhận được một bức thư của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un yêu cầu họp thượng đỉnh lần hai và Tòa Bạch Ốc đang chuẩn bị thời biểu cho cuộc họp này, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders ngày 10/9 nói.
Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về chương trình hạt nhân của Triều Tiên kể từ cuộc họp thượng đỉnh ngày 12/6 vừa qua. Cuộc họp thượng đỉnh này bị chỉ trích vì thiếu chi tiết cụ thể về cách thức và liệu ông Kim có muốn từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân đe dọa Hoa Kỳ hay không.
Hôm 7/9, ông Trump nói với các phóng viên là một thư riêng của ông Kim đã đến tay ông Trump. Phát ngôn viên Sanders cho biết “Đây là một bức thư rất nồng ấm và tích cực.”
“Mục đích chính của bức thư là yêu cầu và xem xét đến một cuộc họp thượng đỉnh khác với Tổng thống mà chúng ta sẵn lòng và đang trong tiến trình điều phối.”
Bà Sanders nói với các phóng viên là bức thư bày tỏ “tiếp tục cam kết chú trọng đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.” Vẫn theo lời bà Sanders, cuộc duyệt binh tại Bình Nhưỡng hôm 9/9 là “một dấu hiệu thiện chí” vì không có phi đạn hạt nhân tầm xa.
Mỹ-Hàn-Triều :
Moon kêu gọi Trump-Kim hãy can đảm
Sau khi Washington thông báo nhận được thư mời thượng đỉnh lần thứ hai của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In kêu gọi tổng thống Donald Trump và chủ tịch Kim Jong Un can đảm lấy « quyết định táo bạo » để phi hạt nhân hóa bán đảo.
« Phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên là một vấn đề phải được giải quyết cơ bản giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên qua các cuộc đàm phán ». Trên đây là tuyên bố của tổng thống Hàn Quốc trong cuộc họp nội các ngày 11/09/2019.
Dường như không muốn để Seoul bị đặt xuống hàng thứ yếu, tổng thống Moon Jae In khẳng định là « trong khi chờ đợi cuộc thảo luận và liên lạc giữa hai bên được kích hoạt, Hàn Quốc phải hành động như là nhà trung gian hoà giải, như yêu cầu của tổng thống Trump và chủ tịch Kim », theo tường thuật của AFP.
Theo tổng thống Hàn Quốc, tiến triển lớn trong hồ sơ hạt nhân chỉ có thể đạt tới được với những nhà lãnh đạo « có tầm nhìn xa và quyết định táo bạo ».
Abe : Tokyo viện trợ nếu Bình Nhưỡng nhượng bộ
Đang có mặt tại diễn đàn kinh tế Vladivostok, thủ tướng Nhật Bản sử dụng kinh tế để thuyết phục Bắc Triều Tiên. Sau khi gặp tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin, thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố chính phủ Nhật sẵn sàng viện trợ cho Bình Nhưỡng « với điều kiện » phải giải quyết vấn đề tên lửa hạt nhân và số phận công dân Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc.