Tin khắp nơi – 11/06/2018
Vấn đề Biển Đông và Triều Tiên
trong Tuyên bố chung G7
Tuyên bố chung của lãnh đạo 7 nước công nghiệp phát triển (G7) hôm 9/6 đề cập đến hàng loạt các vấn đề quan trọng như cam kết sẽ đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ, xóa bỏ rào cản thương mạị, đặc biệt có nhấn mạnh đến hai chủ đề nóng của khu vực châu Á: là vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và vụ tranh chấp Biển Đông.
Tuyên bố chung của G7 đưa ra tại Charlevoix, tỉnh Quebec của Canada, dài 8 trang có đoạn:
“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Triều Tiên từ bỏ tất cả vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và tên lửa đạn đạo một cách hoàn toàn, có thể được kiểm chứng và không thể đảo ngược, cũng như các chương trinh hạt nhân và các cơ sở liên quan.”
Tuyên bố của G7 kêu gọi tất cả các bên duy trì áp lực mạnh để buộc Triều Tiên thay đổi tiến trình sản xuất vũ khí hạt nhân và thực hiện các bước để giải trừ hạt nhân.
“Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Triều Tiên tôn trọng quyền làm người của người dân và lập tức giải quyết vấn đề bắt cóc người.”
Nhóm 7 cường quốc thế giới bày tỏ quan tâm sâu sắc về vấn đề tranh chấp Biển Đông:
“Chúng tôi lo ngại về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, và một lần nữa phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào có thể gây thêm căng thẳng và bất ổn trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên không theo đuổi việc quân sự hóa tại các khu vực có tranh chấp.”
Tuy nhiên, hôm 9/6 tại hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ Donald Trump không tán thành, và không ký vào tuyên bố chung của nhóm G7, viện lý do là “tuyên bố sai trái” của Thủ tướng Canada Justin Trudeau về việc Mỹ áp thuế lên hàng nhập từ Canada.
https://www.voatiengviet.com/a/van-de-bien-dong-va-trieu-tien-trong-tuyen-bo-chung-g7/4433641.html
Cố vấn Larry Kudlow:
thủ tướng Canada “phản bội” tổng thống Trump tại G7
Washington DC – Sau một kết thúc đầy kịch tính tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Quebec, vào cuối tuần qua, cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc Larry Kudlow nói rằng Thủ Tướng Canada Justin Trudeau “phản bội” Tổng Thống Trump. Ông Kudlow nhận xét lẽ ra ông Trudeau “phải biết rõ hơn” thay vì chỉ trích ông Trump và chính phủ của ông, vì áp đặt mức thuế nhập cảng lên thép và nhôm, sau khi lãnh đạo G7 ký tên vào lá thư chung của cộng đồng này.
Xuất hiện trong chương trình “Face the Nation” vào hôm qua, ông Kudlow nói ông rất kính trọng Thủ Tướng Canada Trudeau, đã cùng làm việc với nhau trong suốt hai ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy. Nhưng sau khi Tổng Thống Trump ra phi trường để chuẩn bị cho chuyến đi Singapore, ông Trudeau tổ chức một cuộc họp báo, bắt đầu xúc phạm Hoa Kỳ, tấn công Tổng Thống Trump. Theo CBS News, tại buổi họp báo, ông nói rằng thuế nhập cảng của chính phủ Trump sỉ nhục, và đất nước Canada sẽ không chấp nhận việc bị đánh thuế nhập cảng, do đó họ sẽ có biện pháp trả đũa kể từ ngày 1 tháng 7.
Sau phát biểu của ông Trudeau, ông Trump rút lại sự ủng hộ đối với tuyên bố chung cuối cùng của G7. Trên Air Force One bay từ Washington DC tới Singapore, ông Trump nhắn tin rằng đã chỉ thị cho đại diện của Hoa Kỳ không tán thành những điều khoản trong lá thư chung. Ông Kudlow nhấn mạnh rằng tấn công ông Trump là phản bội G7, và chắc chắn sẽ bị ông Trump phản công. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/co-van-larry-kudlow-thu-tuong-canada-phan-boi-tong-thong-trump-tai-g7/
TT Mỹ tiếp tục đả kích các đồng minh G7
Như chưa hết nguôi giận vì bị chỉ trích tại thượng đỉnh G7, sáng nay, 11/06/2018, từ Singapore, tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục tung tin nhắn Twitter đả kích các đồng minh của Mỹ trong nhóm G7, đặc biệt trên hai vấn đề bất đồng thương mại và chi phí quân sự.
Đối tượng bị ông Trump tấn công dữ dội nhất vẫn là thủ tướng Canada Justin Trudeau, chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G7 lần này bị ông tố cáo là « không trung thực ». Nhắm vào mức thuế quan của Canada đánh vào sữa nhập khẩu từ Mỹ, ông Trump khẳng định : « Thương mại công bằng nên được gọi là thương mại ngu ngốc nếu nó không có đi có lại ».
Trong những tin nhắn Twitter tiếp theo, tổng thống Mỹ đánh vào tất cả các đối tác thương mại khi đặt câu hỏi là tại sao trong tư cách là tổng thống Mỹ, ông lại phải cho phép các nước khác tiếp tục tìm kiếm thặng dự mậu dịch, điều đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, « trong khi nông dân, người lao động và người nộp thuế của nước Mỹ lại phải trả giá đắt và bất công ? » .
Một lời đả kích quen thuộc cũng được ông Donald Trump nhắc lại : « Trong thực tế Hoa Kỳ đang trả gần như toàn bộ chi phí của NATO dùng để bảo vệ chính những quốc gia đã lừa đảo Mỹ về thương mại ». Theo ông Trump, Liên Hiệp Châu Âu phải chi phí nhiều hơn cho quân đội. Trên vấn đề này, ông Trump đặc biệt nhắm vào Đức, bị cho là chỉ bỏ ra 1% GDP cho NATO, trong khi Hoa Kỳ phải gánh 4% của một khối GDP lớn hơn nhiều.
Lời kết luận của tổng thống Mỹ cũng rất gay gắt : « Xin lỗi, chúng tôi không thể để cho bạn bè, hoặc kẻ thù, lợi dụng trong thương mại. Trước tiên, chúng tôi phải chăm lo cho người lao động Mỹ ! » .
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180611-tu-singapore-tt-my-donald-trump-tiep-tuc-da-kich-cac-dong-minh-g7
TT Trump lạc quan về thượng đỉnh Singapore
Hôm 11/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un ở Singapore có thể “diễn ra tốt đẹp” giữa lúc quan chức hai nước gặp nhau để thu hẹp những khác biệt quan điểm về làm cách nào để chấm dứt sự đối đầu về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Hãng tin Reuters tường thuật rằng ông Trump và ông Kim đã tới đảo quốc Singapore hôm 10/6 để dự cuộc hội kiến mặt đối mặt đầu tiên, đây cũng là lần đầu một nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và một lãnh đạo Bắc Hàn gặp nhau kể từ sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Các quan chức hai bên đã gặp nhau trong hai tiếng đồng hồ để thảo luận về chương trình nghị sự cho cuộc gặp Trump-Kim sẽ diễn ra vào ngày hôm sau, Thứ Ba 12/6.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết cuộc họp hôm 11/6 giữa hai bên có nêu “nội dung chi tiết” tuy nhiên hiện chưa biết kết quả cụ thể là gì.
Trong một buổi cơm trưa với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ông Trump bày tỏ thái độ tích cực về cuộc gặp thượng đỉnh.
Ông nói:
“Chúng tôi sẽ có một cuộc gặp đặc biệt thú vị vào ngày mai, tôi nghĩ cuộc gặp này sẽ diễn ra rất tốt.”
Ngỏ lời Thủ Tướng Singapore, nhà lãnh đạo Mỹ nói: “Chúng tôi đánh giá cao sự hiếu khách, tính chuyên nghiệp và tình bằng hữu của ông … Ông là bạn của tôi.”
Trong khi đó ông Kim vẫn chưa xuất hiện và được bảo vệ nghiêm ngặt tại khách sạn St. Regis. Hãng tin Reuters còn cho biết là hiện cũng chưa thấy bóng dáng bà Kim Yo Jong, em gái ông Kim, người tháp tùng ông Kim trong chuyến công du đến Singapore.
Một số người dân Singapore bày tỏ bực bội vì những biện pháp an ninh tăng cường của chính phủ để bảo đảm an ninh cho cuộc gặp thượng đỉnh gây ra ùn tắc giao thông, và họ cũng bày tỏ bất bình vì chính phủ Singapore chi quá nhiều tiền bạc cho sự kiện này.
Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore tiêu tốn 20 triệu đôla Singapore -tương đương với 15 triệu đôla Mỹ- cho hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim, trong đó hơn phân nửa là chi phí bảo đảm an ninh.
Ông Trump và Kim lưu trú tại hai khách sạn khác nhau trong khu vực phố Orchard nổi tiếng của Singapore, nơi tọa lạc của nhiều tòa nhà cao cấp, các cao ốc dùng làm văn phòng và cũng là địa điểm của các trung tâm mua sắm sang trọng.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-lac-quan-ve-thuong-dinh-singapore/4433369.html
Thủ tướng Singapore hội đàm,
mừng sinh nhật tổng thống Trump
Singapore – Hôm 11 tháng 6 tính theo giờ Singapore, Tổng Thống Trump đã gặp Thủ Tướng Singapore Lý Hiển Long tại Istana, trước cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un.
Chính phủ Lý Hiển Long cũng làm ông Trump bất ngờ bằng một buổi lễ mừng sinh nhật sớm. Sinh nhật lần thứ 72 của tổng thống Hoa Kỳ là vào ngày Thứ Năm 14 tháng 6.
Theo Reuters, cả ông Trump lẫn ông Kim đều có mặt tại đảo quốc nhiệt đới này vào tối Chủ Nhật. Vấn đề nguyên tử hóa trên bán đảo Triều Tiên là nguyên nhân biến hai quốc gia Mỹ-Bắc Hàn trở thành kẻ thù của nhau trong hơn 6 thập niên, kể từ cuộc chiến tranh Đại Hàn năm 1950 tới năm 1953. Giờ đây, các viên chức đang làm việc về chương trình nghị sự của hai ông Trump- Kim, trước khi hai lãnh đạo gặp nhau vào Thứ Ba 12 tháng 6 theo kế hoạch.
Khi được một phóng viên hỏi ông cảm thấy như thế nào về hội nghị thượng đỉnh với ông Kim, Tổng Thống Trump trả lời ông cảm thấy “rất tốt”. Trong một tin nhắn gởi đi sáng nay, tính theo giờ địa phương, ông Trump viết rằng ông cảm thấy tuyệt vời khi có mặt tại Singapore, cảm nhận được bầu không khí phấn khởi ở đây. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/thu-tuong-singapore-hoi-dam-mung-sinh-nhat-tong-thong-trump/
Truyền thông Bắc Triều Tiên rầm rộ loan tin
về thượng đỉnh Trump-Kim
Trong một động thái hiếm hoi, các phương tiện truyền thông lớn của Bắc Triều Tiên ngày 11/06/2018 đồng loạt đưa tin về chuyến công du của lãnh đạo nước này qua Singapore, họp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ.
Sự kiện này được giới quan sát đánh giá là tín hiệu tích cực cho triển vọng hội nghị thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong Un mở ra ngày mai.
Cơ quan thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA đã không tiếc lời ca ngợi thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên là một hội nghị « lịch sử », mở ra trong một « thời đại đã thay đổi » và được đặt « dưới sự chú ý và kỳ vọng lớn lao của toàn thế giới ». Vấn đề « phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên » cũng được KCNA nêu bật.
Thay đổi lớn được ghi nhận là lần đầu tiên hãng thông tấn Bắc Triều Tiên gọi đương kim tổng thống Mỹ bằng tên đầy đủ của ông, kể cả tên lót ở giữa. Theo hãng AFP, một quan chức Nhà Trắng đã đánh giá sự việc trên là « một dấu hiệu đáng lạc quan ».
Ngoài hãng thông tấn Nhà Nước, tờ báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao Động đang cầm quyền ở Bắc Triều Tiên cũng đã dành hai trang đầu tiên và đăng 16 bức ảnh về chuyến đi của ông Kim Jong Un, bao gồm cả ảnh ông bước lên chiếc Boeing 747 hãng Trung Quốc Air China để đi Singapore.
Đây cũng là lần đầu tiên mà truyền thông chính thức của Bắc Triều Tiên xác nhận thời gian và địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh với Mỹ, điều vẫn được giữ kín cho đến hôm nay.
Đối với thông tín viên RFI Frédéric Ojardias tại Seoul, sự kiện truyền thông Bắc Triều Tiên rầm rộ đưa tin trước về hội nghị rất đáng ngạc nhiên :
« Lãnh Tụ Tối Cao » đã bay qua Singapore để gặp gỡ Donald Trump : Vào sáng nay, đài truyền hình Nhà Nước Bắc Triều Tiên đã loan báo tin trên một cách đắc thắng. Trang Nhất tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao Động Triều Tiên đăng ảnh chụp ông Kim Jong Un leo lên chiếc phi cơ Air China đưa ông đến Singapore.
Thông tin minh bạch công khai như trên rất đáng ngạc nhiên : Thông thường, các phương tiện truyền thông ở Bình Nhưỡng đều tránh đề cập trước đến các chuyến đi của lãnh đạo Bắc Triều Tiên để tránh bất kỳ bối rối nào trong trường hợp xẩy ra vấn đề.
Đối với báo chí chính thức Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Un sẽ thảo luận với tổng thống Mỹ về vấn đề « hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo », cũng như về khả năng « thiết lập quan hệ mới », phản ánh xu thế « thay đổi của thời đại ».
Tại Hàn Quốc, dư luận vẫn chia rẽ. Nhật báo bảo thủ Joongang đã gợi đến một cuộc « đọ sức gay gắt » giữa hai lãnh đạo Mỹ-Triều, và tỏ ý nghi ngờ về khả năng miền Bắc sẽ thực sự đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân một cách không thể đảo ngược.
Tờ báo trung tả Hankyoreh trái lại thì tin chắc rằng hai lãnh đạo Trump và Kim « càng tuyên bố cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc càng sớm, thì tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên càng đi nhanh ».
Cái nhìn trên đây có phần quá lạc quan, nhưng lại là dấu hiệu cho thấy kỳ vọng lớn lao mà người dân Hàn Quốc phải đặt vào một cuộc họp được mệnh danh là « thượng đỉnh của thế kỷ. »
Khi loan tin về chuyến công du của ông Kim Jong Un, hãng KCNA, cũng cho biết thành phần phái đoàn Bình Nhưỡng đến Singapore bao gồm ngoại trưởng Ri Yong Ho, bộ trưởng Quốc Phòng No Kwang Chol, em gái nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đồng thời là trợ lý thân cận Kim Yo Jong, cũng như ông Kim Yong Chol, phó chủ tịch Ủy Ban Trung Ương đảng Lao Động Triều Tiên, người từng qua Mỹ tiếp xúc với tổng thống Trump tại Nhà Trắng hồi đầu tháng.
Thượng đỉnh Trump – Kim :
Bắc Triều Tiên trong thế thượng phong ?
24 giờ trước thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên tại Singapore, RFI mời nhiều chuyên gia phân tích về những đòi hỏi của mỗi bên, tính khả thi của những yêu sách đó và những chờ đợi từ phía Trung Quốc, Nhật Bản cũng như Hàn Quốc.
Trả lời Heike Schmidt, thông tín viên đài RFI từ Bắc Kinh, chuyên gia chuyên gia Triệu Thống (Zhao Tong) Viện Carnegie đại học Thanh Hoa một lần nữa nhắc lại tính toán của Kim Jong Un :
“Chiến lược rất rõ ràng của phía Bắc Triều Tiên gồm hai giai đoạn : một là nhanh chóng làm chủ công nghệ chế tạo tên lửa hạt nhân. Mục tiêu đó đã hoàn thành vào cuối năm 2017. Do vậy giờ đây Bình Nhưỡng bước sang giai đoạn hai. Cho tới giờ, mục đích của Bắc Triều Tiên là vẫn giữ vũ khí hạt nhân và trên cơ sở đó phát triển quan hệ hữu hảo với cộng đồng quốc tế.
Bắc Triều Tiên không hề có ý định từ bỏ vũ khí nguyên tử ngay vào thời điểm này hay trong tương lai gần. Bình Nhưỡng cần những loại vũ khí ấy để phòng thân. Bắc Triều Tiên không có thể tin vào những bảo đảm về an ninh của một nước thứ ba nào. Mọi bảo đảm ấy đều có thể dễ dàng bị hủy bỏ. Để tồn tại, Bắc Triều Tiên cần có vũ khí hạt nhân. Đành rằng chính ông Kim Jong Un đã cam kết phi hạt nhân hóa, nhưng không đưa ra một lịch trình cụ thể nào để thực hiện lời hứa đó”.
Thượng đỉnh Singapore bảo đảm cho chế độ Bình Nhưỡng không sợ bị Hoa Kỳ tấn công. Chuyên gia Triệu Thống, Viện Carnegie đại học Thanh Hoa-Bắc Kinh giải thích :
“Mỹ không thể rời thượng đỉnh Singapore và mở chiến dịch tấn công Bắc Triều Tiên. Bởi vì trong thời gian gần đây, Bình Nhưỡng đã cải thiện đáng kể quan hệ với các cường quốc trong khu vực, từ Hàn Quốc đến Nga và Trung Quốc. Bắc Triều Tiên cũng đang nỗ lực đưa ra hình ảnh của một đối tác có trách nhiệm trên trường quốc tếnhư là cam kết chấm dứt khiêu khích về mặt quân sự, mở cửa ra thế giới bên ngoài để làm ăn …
Trong bối cảnh đó không một ai đứng về phía Washington nếu Hoa Kỳ tấn công Bắc Triều Tiên. Đặc biệt là nếu như Bình Nhưỡng vĩnh viễn ngưng thử tên lửa và thử bom nguyên tử thì không có hy vọng gì là Nga và Trung Quốc ủng hộ việc quốc tế gia tăng trừng phạt Bắc Triều Tiên. Chốt lại, tôi nghĩ chiến lược của Mỹ gây áp lực với Bắc Triều Tiên đã đi tới tận cùng. Washington không thể đi xa hơn được nữa. Điều đó có nghĩa là có khả năng là Hoa Kỳ bắt buộc phải chấp nhận trước mắt, Bắc Triều Tiên không phi hạt nhận hóa”.
Trung Quốc luôn là điểm tựa vững chắc nhất của Bắc Triều Tiên, hài lòng trước viễn cảnh tình hình khu vực lắng dịu sau thượng đỉnh Singapore với hứa hẹn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Chuyên gia thuộc viện Carnegie đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, Triệu Thống cho biết thêm :
“Tôi nghĩ là Trung Quốc ủng hộ một cách rõ rệt tiến trình phi hạt nhân hóa này, bởi vì Bình Nhưỡng đã từng đe dọa cả Bắc Kinh khi mà Trung Quốc nghiêm khắc áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng, gây thiệt hại cho kinh tế Bắc Triều Tiên.
Bắc Kinh thực sự đã lo ngại là tình hình trong khu vực xấu đi và trong trường hợp đó tên lửa Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa đối với an ninh của Trung Quốc.
Ngoài ra Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân, là cái cớ để Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản triển khai hệ thống phòng thủ trong khu vực, ngay sát cạnh Trung Quốc. Bắc Kinh luôn nghi ngờ ba quốc gia này. Nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng hệ thống phòng thủ của Mỹ-Nhật- Hàn có chủ đích kềm tỏa Trung Quốc. Theo chiều hướng đó, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là một tin vui đối với Bắc Kinh”.
Ngoài Trung Quốc, Nhật Bản cũng chờ đợi nhiều ở thượng đỉnh Kim – Trump lần này. Tokyo, đồng minh chiến lược của Mỹ, lo ngại Washington “bán rẻ” an ninh của Nhật Bản để bằng mọi giá chính thức chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Ông Ryo Sahashi, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Châu Á đại học Kanagawa- Yokohama trả lời nhà báo RFI Christophe Paget :
“Qua Twitter và những tuyên bố của tổng thống Trump, tôi nghĩ là nguyên thủ Mỹ không hiểu gì về hiệp định hòa bình lịch sử này cả. Nhưng có nhiều khả năng Bắc Triều Tiên sẽ đề cập tới chủ đề này tại Singapore. Bình Nhưỡng muốn Mỹ giảm sự hiện diện quân sự tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Cũng có thể là Bắc Triều Tiên muốn Hoa Kỳ giảm thiểu ô dù hạt nhân luôn cả tại Đông Nam Á.
Có thể là Donald Trump không biết rõ các chi tiết của vấn đề (…) Nếu như Donald Trump chấp nhận những gì có thể làm suy yếu liên minh giữa Mỹ và Hàn Quốc, Nhật Bản thì đây là một mất mát lớn về mặt chiến lược đối với chính Hoa Kỳ (…) Ở vào thời điểm này, Donald Trump đang đi những nước cờ cả về mặt chiến lược lẫn ngoại giao, nhưng ông lại không có một tầm nhìn xa về chiến lược “.
Chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại trường ngoại giao Mỹ, Fletcher trả lời thông tín viên của đài RFI từ Washington Anne Corpet cũng nói tới cái bẫy tại thượng đỉnh Singapore mà tổng thống Trump cần tránh :
“Bắc Triều Tiên đã vi phạm tất cả các thỏa thuận quốc tế, nhưng tại sao từ năm 1971 tới nay, Bình Nhưỡng liên tục đòi ký hiệp định hòa bình ? Bởi hiệp định hòa bình sẽ bắt buộc phải xét lại tính chính đáng của sự hiện diện quân sự Mỹ tại Hàn Quốc.
Nếu như các bên đạt được hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, thì không còn cần tới sự hiện diện của quân đội Mỹ. Mỹ rút đi sẽ làm suy yếu liên minh Mỹ-Hàn. Vấn đề không chỉ liên quan đến việc là có bao nhiêu lính trong vùng, mà chính là khi mà lính Mỹ có mặt tại đây bằng xương, bằng thịt, thì nếu xảy ra chiến tranh, Hoa Kỳ sẽ bước lên tuyến đầu,tiêu diệt chế độ nhà Kim.
Bắc Triều Tiên biết rõ rằng Mỹ rút đi rồi, Bình Nhưỡng sẽ rộng đường hành động, sẽ rảnh tay hơn để sách nhiễu Hàn Quốc. Đây chính là cái bẫy Bắc Triều Tiên giăng ra để Hoa Kỳ rút khỏ khu vực này”.
Cuối cùng, trả lời nhà báo RFI Yelena Tomitch, giáo sư Myung Lim Park, đại học Yonsei Hàn Quốc và cũng là cố vấn của tổng thống Moon Jae In, nhận định dù muốn hay không thượng đỉnh Singapore mới chỉ là điểm khởi đầu, tiến trình giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên trong kịch bản khả quan nhất, cần ít nhất 5 năm :
“Để từ bỏ kho vũ khí nguyên tử, Kim Jong Un bắt buộc phải tháo gỡ hoàn toàn và một cách có thể kiểm chứng được các cơ sở hạt nhân. Để làm được điều này, thì thứ nhất, các bên phải ký được một thỏa thuận bất tương xâm. Thứ hai là Mỹ và Bắc Triều Tiên phải bình thường hóa quan hệ, và thứ ba là cộng đồng quốc tế giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.
Điều kiện tiên quyết để đạt được tất cả các bước tiến này là một hiệp định hòa bình với Bắc Triều Tiên. Tất cả những điểm vừa nêu đều hết sức nhậy cảm và khó đạt được. Bởi vì tiến trình phi hạt nhân hóa đòi hỏi thời gian và sẽ diễn ra trong nhiều giai đoạn. Bước đầu tiên hết là một thỏa thuận ngưng các vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân. Tôi nghĩ chỉ riêng khâu này đòi hỏi phải mất ít nhất là 5 năm”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180611-thuong-dinh-trump-kim-bac-trieu-tien-trong-the-thuong-phong
Thượng đỉnh Trump-Kim :
Quan điểm của phái đoàn Mỹ và Bắc Triều Tiên
Ngày mai 12/06/2018, tại Singapore, tổng thống Donald Trump sẽ gặp chủ tịch Kim Jong Un. Hai phái đoàn Mỹ và Bắc Triều Tiên, ngày hôm nay, đã tranh thủ công bố quan điểm của mình, và tiếp tục việc soạn thảo thông cáo chung cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử này.
Từ Singapore, đặc phái viên RFI Anne Corpet tường trình :
« Hai phái đoàn Mỹ và Bắc Triều Tiên gặp nhau sáng nay trong vòng hai tiếng đồng hồ và trên mang xã hội Twitter, ngoại trưởng Mỹ đánh giá các cuộc trao đổi này là đi vào thực chất và chi tiết. Tuy nhiên, khi ra khỏi khách sạn Ritz, nơi đã diễn ra cuộc trao đổi với phái đoàn Bắc Triều Tiên, trưởng phái đoàn Mỹ đã không phát biểu gì và vào thẳng xe hơi. Các cuộc đàm phán từ nhiều tuần qua vẫn chưa đạt được đồng thuận về nội dung bản thông cáo chung kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh và đây là chủ đề chính mà các nhà đàm phán hai bên tiếp tục làm việc với nhau.
Phía Mỹ muốn đưa vào văn bản cụm từ phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Họ cũng muốn có một lịch trình cụ thể. Về phần mình, Bắc Triều Tiên dường như muốn nhấn mạnh đến việc thiết lập một văn phòng liên lạc của Mỹ tại Bình Nhưỡng. Thời gian gấp rút, nhưng cả hai phía tiếp tục bày tỏ sự lạc quan.
Trong một twitt vào sáng nay, Donald Trump cho biết ông vui mừng có mặt tại Singapore và tuyên bố cảm thấy sẽ có nhiều điều sôi động. Theo báo chí Hàn Quốc, lãnh đạo Bắc Triều Tiên dường như đã mời tổng thống Mỹ tới Bình Nhưỡng vào tháng Bảy tới.
Hôm thứ Sáu tuần trước, tổng thống Mỹ đã tuyên bố không loại trừ khả năng mời Kim Jong Un tới Nhà Trắng. Và cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba này có thể vào tháng Chín, tại Washington. Đương nhiên, các cuộc gặp nói trên chỉ có thể được tổ chức nếu như thượng đỉnh đầu tiên vào ngày mai diễn ra một cách tốt đẹp ».
Đường đến thượng đỉnh Trump – Kim
rải đầy « Tweet »
Con đường đi đến thượng đỉnh lịch sử giữa tổng thống Mỹ, Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un, dự kiến diễn ra ngày 12/06/2018 tại Singapore không được êm thắm như « nhung lụa ». Đó là một quãng đường dài gieo đầy những dòng tweet dọa dẫm không ngừng và một sự chuyển hướng tình thế ngoại giao không thể ngờ.
Nhân sự kiện quan trọng này, kênh truyền hình France 24 nhìn lại 9 tháng « lời qua tiếng lại »không kém phần gay cấn, và đầy tính bất ngờ giữa hai vị lãnh đạo này.
Vào tháng 9/2017, có lẽ không một ai nghĩ là gần một năm sau, sẽ có một thượng đỉnh lịch sử và đầy hy vọng hòa bình giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và người đầy quyền lực của Bắc Triều Tiên Kim Jong Un dự kiến diễn ra vào ngày 12/06 tại Singapore.
Cả hai nguyên thủ trước đó còn lời qua tiếng lại sỉ vả lẫn nhau thông qua trung gian là các cơ quan truyền thông. Căng thẳng giữa hai nước thể hiện rõ qua hình ảnh của những dòng tweet không mấy gì mang tính ngoại giao mà ông Donald Trump đã tuôn ra.
« Lão già khọm » đối lập với « chó con dại »
Ngày 17/09/2017, tổng thống Mỹ là người đầu tiên khai hỏa, khi gọi Kim Jong-Un là « người hỏa tiễn » trên mạng xã hội ưa dùng của ông. Một lời lẽ suồng sã có chút gì đó khinh thường đánh giá tầm mức đe dọa của lãnh đạo Bắc Triều Tiên chỉ ở mức người phóng tên lửa. Hai tháng sau vụ thử thành công một tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên, trên lý thuyết có thể chạm tới lãnh thổ Hoa Kỳ, thông điệp của Donald Trump đã rõ hơn : Kim Jong Un trước hết là một mối nguy cần phải chế ngự.
Vài ngày sau, Bình Nhưỡng hồi đáp… cũng cùng một giọng điệu. Kim Jong Un cho rằng tổng thống Mỹ có vấn đề sức khỏe tâm thần, sử dụng một thuật ngữ khiến hãng thông tấn Bắc Triều Tiên khó khăn diễn dịch. Hãng này đã dùng đến thuật ngữ ít khi được dùng đến – «dotard » – tương đương với « một trạng thái lão suy mà triệu chứng là hiện tượng suy thoái năng lực tâm thần », theo như định nghĩa của tự điển trên mạng Merriam-Webster.
Một lời đáp trả dành cho Trump không mấy gì làm cho ông thích thú về lời bóng gió đến tuổi tác của ông. Thế là, tổng thống Mỹ đã đi theo những lời dạy của nhà triết học người Đức Arthur Schopenhauer, trong mưu mẹo sau cùng của tác phẩm « Nghệ thuật luôn có lý » (“L’art d’avoir toujours raison”) khuyên hãy là « nhắm cụ thể vào một người, lăng nhục và bất lịch sự ».
Chủ nhân Nhà Trắng đã không ngần ngại hỏi : « Tại sao Kim Jong Un lại sỉ vả tôi khi xem tôi là «ông già », trong khi mà tôi chưa bao giờ nói ông ta là « nhỏ thó và mập ù »? Và để bổ sung cho mục nói về trạng thái tâm thần, ông Donald Trump còn viết thêm rằng Bắc Triều Tiên được lãnh đạo bởi một « kẻ điên bỏ đói và giết công dân mình » không chớp mắt.
Tháng 11/2017, leo thang khẩu chiến nhường chỗ cho một hành động khiêu khích đạn đạo mới của Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng phóng thử một loại tên lửa mới, trên lý thuyết, đặt cả phần lãnh thổ phía bắc nước Mỹ trong tầm bắn của kho vũ khí hạt nhân Bình Nhưỡng.
Trước đó, vào tháng 8/2017, ông Donald Trump đã từng hứa khởi động « lửa và cuồng nộ »nhắm vào Bắc Triều Tiên nếu Kim Jong Un vẫn khăng khăng phô trương sức mạnh hạt nhân. Ông đã thực hiện lời hứa…. nhưng trên mạng Twitter và trên truyền thông. Tổng thống Mỹ châm ngòi lửa tràn đầy những lời sỉ vả mới : « rocket man » trở thành « little rocket man » và từ chính miệng của ông, Kim Jong Un không hơn gì « một con chó con dại » (« Sick puppy »).
Tweet thóa mạ : Một công cụ ngoại giao ?
Cuộc đấu khẩu tiếp diễn cho đến năm 2018. Năm mới được mở màn bằng cuộc chiến các nút bấm. Trong bài diễn văn đầu năm, Kim Jong Un đã khẳng định rằng nút bấm hạt nhân luôn trong tầm tay để phóng các tên lửa có khả năng bắn tới Hoa Kỳ. Donald Trump đáp lại rằng « nút bấm của ông to hơn, mạnh hơn và hoạt động tốt ».
Tương lai đối thoại dường như mù mịt. Nhưng đó là vì chưa nghĩ đến Thế Vận Hội Mùa Đông tại Hàn Quốc vào tháng 2/2018. Sự kiện này đã tạo thuận lợi cho sự xích lại gần giữa hai nước Triều Tiên – một đội hình khúc côn cầu chung và cuộc tiếp xúc của em gái Kim Jong Un với các lãnh đạo Hàn Quốc – đã mở đường cho thượng đỉnh Liên Triều hồi tháng 4/2018.
Không khí căng thẳng hạ nhiệt lan tỏa trên bán đảo Triều Tiên và Donald Trump có ý định được tham gia. Ông ấy đã yêu cầu tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhấn mạnh đến vai trò của Washington trong thành công ngoại giao này, nhân kỳ gặp Kim Jong Un. Seoul, đồng minh hữu hảo của Hoa Kỳ đã thực hiện ngay.
Giọng điệu trên Twitter vì thế cũng thay đổi. Quên đi những lời chửi rủa, tên lãnh đạo Bắc Triều Tiên giờ thể xuất hiện đầy đủ trong các dòng tweet của Donald Trump. Khi mà thông tin thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên được đưa ra vào ngày 09/03/2018, người ta lại thấy một Donald Trump rất ư là khiêm tốn đã cảm ơn và hoan nghênh Kim Jong Un về sáng kiến này.
Chủ nhân Nhà Trắng cũng không quên nhấn mạnh rằng cách tiếp cận khủng hoảng Bắc Triều Tiên của ông đã thành công đến mức cao hơn cả cách làm của những người tiền nhiệm. Về điểm này, vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược. Một số người trước đây chỉ trích dữ dội về chính sách đối ngoại của Donald Trump, nay thừa nhận là việc phối hợp tăng cường trừng phạt kinh tế và dọa dẫm đã mang lại kết quả.
Ông Ian Bremmer, giám đốc trung tâm Eurasia Group từng khẳng định với Washington Post : « Việc Bắc Triều Tiên mở cửa trong suốt Thế Vận Hội, thượng đỉnh Liên Triều và khả năng cuộc gặp Trump – Kim là kết quả có được phần lớn do cách tiếp cận của tổng thống Mỹ ».
Vai trò của Seoul
Phương pháp này còn có một tên : « Học thuyết của kẻ điên », được phổ biến rộng rãi thời tổng thống Mỹ Richard Nixon, vào đầu những năm 1970. Mục đích là làm cho thế giới tin vào tính chất khó lường về chính sách đối ngoại của Mỹ để thúc giục các bên trở lại bàn đàm phán trên thế mạnh. Và như vậy, những lời lẽ quá đáng của Donald Trump trên Twitter dường như là một đòn ngoại giao bậc thầy.
Vẫn trên tờ Washington Post, ông Charles K. Armstrong, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên, trường đại học Columbia, cho rằng nói như vậy là quá đề cao Donald Trump. Theo ông, Bắc Triều Tiên dường như chưa bao giờ xem xét nghiêm túc các đe dọa của Hoa Kỳ và họ tin rằng các vị tướng lĩnh sẽ ngăn cản tổng thống Mỹ bấm chiếc « nút to » đó.
Ngược lại, theo trang mạng The Atlantic, những ai giảm nhẹ vai trò của Donald Trump trong việc Bình Nhưỡng thay đổi thái độ thì nhấn mạnh đến vai trò của tổng thống Hàn Quốc. Ông Moon Jae In có lẽ đã biết cách tận dụng thái độ hung hăng của Mỹ để đóng vai trò người hòa giải tốt khi chìa bàn tay với Kim Jong Un.
Cuối cùng, số khác cho là hành động biểu dương lực lượng của người này và chính sách mở rộng vòng tay của người kia chỉ là thứ yếu. Dường như chính do thảm họa thiên nhiên đã đẩy Kim Jong Un đến con đường đối ngoại. Mùa thu năm 2017, hai nhóm nhà khoa học Trung Quốc khẳng định ngọn núi nơi diễn ra các vụ thử hạt nhân chính đã bị sụp sau đợt thử mới nhất do các nhà khoa học Bắc Triều Tiên tiến hành.
Sự cố không được Bình Nhưỡng xác nhận này có lẽ đã buộc chế độ ngưng chương trình hạt nhân. Không còn giải pháp nào khác, Kim Jong Un dường như đã quyết định lao vào cuộc phiêu lưu ngoại giao.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180611-duong-den-thuong-dinh-trump-kim-rai-day-%C2%AB-tweet-%C2%BB
Trung Quốc treo nửa tỷ USD
tiền thuê cảng biển của Sri Lanka
Trung Quốc từ chối chi trả 585 triệu USD còn lại trong thỏa thuận thuê cảng Hambantota của Sri Lanka sau khi dự án này bị chính quyền Sri Lanka phản đối vì sử dụng trái mục đích cam kết.
Trước đó vào tháng 12 năm 2017, Sri Lanka đã bàn giao cho Trung Quốc quyền kiểm soát cảng biển Hambantota với hợp đồng thuê trong vòng 99 năm trị giá 1,12 tỷ USD.
Các lãnh đạo phe đối lập của chính phủ Sri Lanka chỉ trích rằng đây không phải là thỏa thuận thuê mà là bán cảng Hambantota cho Trung Quốc. Đồng thời, Sri Lanka phản đối mục đích biến cảng này thành một trung tâm giải trí theo như ý tưởng của Công ty Cổ phần Hải Cảng Thương mại Trung Quốc. Cơ quan Quản lý cảng biển Sri Lanka cũng nhấn mạnh cơ sở hạ tầng của Hambantota không nên dùng cho mục đích du lịch giải trí.
Tờ SundayTimes của Sri Lanka vào hôm 10 tháng 6 xác nhận phía Trung Quốc từ chối trả số tiền nửa tỷ USD còn lại trong hợp đồng vì mâu thuẫn trên với phía Sri Lanka, và nói chỉ chi trả khi vấn đề được giải quyết.
Một dự án khác nhận đầu tư từ Trung Quốc tại Sri Lanka cũng gặp trục trặc là sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa, nơi đang bị gọi với cái tên sân bay ‘trống rỗng’ nhất thế giới. Hãng hàng không duy nhất hoạt động tại đây là Fly Dubai cũng đã hoãn các chuyến bay của hãng này trong tuần qua vì lý do thương mại và an toàn.
Tây Ban Nha ra tay
giúp tàu cứu di dân trôi dạt trên Địa Trung Hải
Tây Ban Nha hôm thứ Hai ra tay giúp chiếc tàu cứu 629 di dân trôi dạt trên biển Địa Trung Hải sau khi tàu này, Aquarius, bị Ý và Malta cấm cập cảng.
Tàu Aquarius trước đó cứu vớt những người di dân từ các thuyền cao su bơm hơi và bè ở ngoài khơi Libya hối cuối tuần rồi. Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai cảnh báo là tàu cứu người đã cạn lương thực và đồ tiếp tế.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là tránh một thảm họa nhân đạo và cung cấp một nơi chốn an toàn cho những người di cư, theo đúng nghĩa vụ quốc tế của mình về nhân quyền
Văn phòng tân Thủ Tướng Tây Ban Nha :
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, chỉ mới nhậm chức hơn một tuần trước, đã chỉ thị cho chiếc thuyền được cập cảng Valencia ở phía đông Tây Ban Nha, văn phòng Thủ Tướng cho biết trong một thông báo.
Thông báo của Văn phòng Thủ Tướng Sanchez viết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp tránh một thảm họa nhân đạo và cung cấp một cảng an toàn cho những người này, theo đúng các nghĩa vụ của chúng tôi về nhân quyền”
Tàu Aquarius đã cứu vớt những người di dân, trong đó có 123 trẻ vị thành niên không có người đi kèm, 11 trẻ em khác và bảy phụ nữ mang thai, đang trên đường tới nước Ý, tuy nhiên Bộ trưởng Nội vụ mới của nước này, một nhân vật có lập trường cực hữu, đã cấm không cho tàu Aquarius cập cảng và đề nghị tàu nên chuyển hướng sang Malta.
Malta cũng cấm tàu cứu người cập cảng, và quy trách nhiệm cho Ý vì chính lực lượng tuần duyên Ý đã giám sát cuộc giải cứu. Đảo quốc Malta nhỏ bé viện lý do họ đã nhận nhiều người tị nạn hơn nước Ý, tính trên đầu dân.
Thủ Tướng Tây Ban Nha Sanchez, một chính khách có khuynh hướng xã hội vừa lật đổ người tiền nhiệm có lập trường bảo thủ qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sau một vụ bê bối tham nhũng. Ông đề nghị cho tàu Aquarius cập cảng sau khi thị trưởng của Valencia và Barcelona cho phép tàu neo đậu tại các bến cảng của hai thành phố này.
Trọng tài có quyền hủy trận đấu ở World Cup 2018
Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) nhấn mạnh rằng các trọng tài sẽ có quyền hủy trận đấu tại World Cup ở Nga sắp tới, nếu đám đông khán giả có thái độ phân biệt chủng tộc.
Quốc gia chủ nhà năm nay đã cam kết kiểm soát tình trạng này, nhưng hiện vẫn còn quan ngại từ các cầu thủ.
Hậu vệ da màu của đội tuyển Anh Danny Rose tuần trước cho biết rằng anh đã nói người thân trong gia đình mình không nên tới World Cup lần này vì anh sợ họ bị phân biệt đối xử, theo Reuters.
World Cup năm nay sẽ kéo dài từ 14/6 tới 15/7 tại 11 thành phố của Nga trong đó có Moscow, St Petersburg và Sochi.
Tổng thư ký của FIFA Fatma Samoura nói rằng liên đoàn bóng đá thế giới nghiêm túc xem xét vấn đề phân biệt đối xử.
FIFA cho biết rằng lần đầu tiên trong giải đấu 88 năm tuổi này, một nhóm giám sát tình trạng phân biệt chủng tộc sẽ có mặt trong mỗi trận đấu.
Nhóm ba giám sát viên này sẽ theo dõi thái độ của các cổ động viên của cả hai đội cũng như những người trung lập.
FIFA nói rằng các trọng tài có thể can thiệp vào chuyện này thông qua tiến trình ba bước, theo Reuters.
Các trọng tài có quyền ngưng trận đấu và yêu cầu các cổ động viên chấm dứt thái độ phân biệt.
Sau đó, họ có thể tiếp tục ngừng trận đấu nếu chuyện phân biệt vẫn tiếp tục, và rốt cuộc sẽ hủy trận đấu, nếu cần.
Các ONG vận động công luận
về tình trạng nhân quyền tại Nga
Sắp đến ngày khai mạc giải bóng đá thế giới, hôm 10/06/2018, hàng trăm người đã biểu tình tại Matxcơva để đánh động công luận về tình trạng nhân quyền tại Nga. Các tổ chức phi chính phủ đặc biệt chú ý tới số phận nhà đạo diễn phim Ukraina Oleg Sentsov, đang tuyệt thực trong tù từ ngày 14/05. Ông bị tư pháp Nga bỏ tù với tội danh khủng bố và buôn lậu vũ khí.
Từ Matxcơva, thông tín viên Daniel Vallot gửi về bài phóng sự về cuộc biểu tình này :
« Những người biểu tình trải ngay trên nền đất bức ảnh đen trắng rất lớn chụp chân dung ông Oleg Sentsov. Những nhà tranh đấu này cho biết họ ngày càng lo ngại cho tình trạng sức khỏe của nhà đạo diễn người Ukraina.
Một người biểu tình nói : Chúng tôi có mặt tại đây để giúp đỡ Oleg Sentsov và hỗ trợ ông. Chúng tôi muốn cho toàn thế giới thấy rằng điều không thể chấp nhận được ở thế kỷ 21 này là vẫn có các tù chính trị.
Chỉ còn bốn ngày nữa là khai mạc giải bóng đá thế giới, nhiều tổ chức phi chính phủ mong muốn thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế tới hoàn cảnh của các tù chính trị tại Nga. Đối với Dmitri Goudkov, cựu dân biểu và là một trong những chính khách nổi bật thuộc phe đối lập, thì cần tranh thủ sự kiện này để gây áp lực đối với chính quyền Nga và tổng thống Vladimir Putin. Ông cho biết : Oleg Sentsov đã bắt đầu cuộc tuyệt thực cách nay 28 ngày. Nếu ông ta qua đời và điều này có thể xẩy ra, thì đó sẽ là một vấn đề lớn đối với chính phủ và đối với giải bóng đá thế giới. Do vậy, tôi hy vọng là giải bóng đá thế giới sẽ có tác động đến tình hình nhân quyền hiện nay và các nhà lãnh đạo sẽ quyết định thả các tù chính trị hoặc đánh đổi lấy các tù nhân Nga tại Ukraina.
Liệu có thể tính tới việc trao đổi tù nhân giữa Kiev và Matxcơva hay không ? Sau khi gạt bỏ khả năng này, tổng thống Putin lại cho biết là các cuộc thảo luận với chính quyền Ukraina đang diễn ra. Thời gian hối thúc. Theo luật sư của ông Oleg Sentsov thì ông đã được chuyển tới trạm y tế của nhà tù và tình trạng sức khỏe của ông ngày một xấu đi ».
Ý không cho tàu cứu thuyền nhân cập bến
Tân chính phủ Ý đã tỏ thái độ dứt khoát trên vấn đề nhập cư và đã ra lệnh cho tổ chức vớt thuyền nhân ở Địa Trung Hải – SOS Méditerranée – là không được đưa con tàu Aquarius hiện chở hàng trăm thuyền nhân, tiến về bờ biển Ý.
Ngày hôm qua, 10/06/2018, bộ trưởng Nội Vụ Ý Matteo Salvini đã yêu cầu Malta đón ngược trở lại những người này, và đe dọa đóng cửa cảng của Ý nếu Malta không chấp nhận.
Chiếc tàu chở 629 thuyền nhân với số lương thực chỉ đủ trong vài giờ, đang lênh đênh ngoài biển khơi, giữa Malta và Sicilia. Theo tổ chức SOS Méditerranée, số thuyền nhân trên được cứu trong 6 chiến dịch cứu vớt trong đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ Nhật vừa qua, trong số này có hơn 100 trẻ em và cả phụ nữ mang thai.
Câu trả lời của Malta rất dứt khoát. Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại cũng hôm 10/06/2018 với thủ tướng Ý, thủ tướng Malta từ chối không nhận số thuyền nhân được cứu.
Thủ tướng Ý Conte đã hậu thuẫn cho bộ trưởng Nội Vụ có xu hướng chống nhập cư trong quyết định trên. Bộ trưởng về Hạ Tầng Cơ Sở Danilo Toninelli, chịu trách nhiệm về các cảng tại Ý cũng đồng quan điểm.
Ông Toninelli lấy làm tiếc là nước Ý phải « một mình gánh vác làn sóng nhập cư », và cũng nói thêm là đã cử các đơn vị cứu cấp y tế đến tàu Aquarius.
Tình trạng chưa từng xẩy ra này đã gây nên quan ngại không chỉ nơi giới hoạt động nhân đạo, mà cả nơi một số thị trưởng ở Ý, như ở Napoli, Palermo hay Messina. Họ tố cáo bộ trưởng Salvini « vi phạm quyền con người và công ước quốc tế », và đề nghị mở cảng ở các thành phố trên cho tàu Aquarius và những thuyền nhân đã được cứu.
Ý không rời bỏ vùng sử dụng đồng Euro
Cũng ngày 10/06/2018, tân bộ trưởng Tài Chính Giovanni Tria cho biết là tân chính quyền đã « nhất trí » giữ nước Ý ở lại vùng đồng Euro.
Trả lời nhật báo Ý Corriere Della Sera, bộ trưởng Tria khẳng định « quan điểm của chính phủ rất rõ ràng và đồng nhất. Không hề có bất kỳ thảo luận nào trên một đề nghị nào về việc rời khỏi vùng đồng euro… Không những chúng tôi không muốn ra khỏi khối, mà chúng tôi còn sẽ hành động để không ai có thể nghi ngờ về sự có mặt của Ý ».
Tuy nhiên ông Tria cũng cho là cách thức hoạt động của đồng tiền chung phải thay đổi.
Theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây, từ 60% đến 70% người Ý không muốn ra khỏi khối đồng tiền chung châu Âu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180611-y-khong-cho-tau-cuu-thuyen-nhan-cap-ben
Quần đảo Kuril :
Nhật phản đối Nga đặt hệ thống dây cáp ngầm
Tokyo ngày 11/06/2018, phản đối gay gắt Nga dự kiến đặt dây cáp quang giữa đảo Nga Sakhaline và quần đảo Kuril mà hai nước tranh chấp. Theo phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga « rất đáng tiếc là một đề án như vậy được thực hiện trong khuôn khổ một hành động chiếm đóng không cơ sở hợp pháp của Nga ».
Nhật báo Sankei Shimbun vào cuối tuần vừa qua đã tường thuật là Nga dự kiến đặt cáp quang giữa đảo Sakhaline và 4 đảo Kuril phía Nam mà Nhật gọi Lãnh Thổ Phương Bắc. Các đảo này bị Liên Xô sát nhập sau Thế Chiến 2, nhưng Nhật vẫn đòi chủ quyền. Vấn đề này đã khiến hai bên không ký được hiệp ước hòa bình từ 70 năm qua.
Báo Sankei còn nói rõ thêm là phía Nga đã thông báo cho Tokyo về đề án sẽ do công ty Trung Quốc Hoa Vi đảm trách.
Ông Suga giải thích là Tokyo đã phản đối qua ngả ngoại giao với Nga và Trung Quốc, và cũng sẽ « kiên trì đàm phán với Nga ».
Vấn đề tranh chấp về các đảo Kuril vẫn không đi đến đâu mặc dù tổng thống Nga Putin và thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã nhiều lần liên lạc với nhau và đề cập đến việc khai thác kinh tế chung ở các đảo.
Đối với Nga các đảo này mang tính chiến lược, vì cho phép tàu chiến, tàu ngầm hạm đội Thái Bình Dương của Nga có được ngõ ra vào thường xuyên ở Thái Bình Dương nhờ một eo biển có thể qua lại thông suốt ngay cả trong mùa đông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180611-quan-dao-kouriles-tokyo-phan-doi-nga-dat-he-thong-day-cap-ngam
Bắc Triều Tiên hướng tới mô hình kinh tế Trung Quốc,
chứ không phải Mỹ
Tổng thống Trump đã hứa rằng Bắc Triều Tiên sẽ trở nên “rất giầu có” nhờ đầu tư của Mỹ nếu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, theo giới phân tích, mô hình mà Bình Nhưỡng muốn đi theo là kinh tế thị trường do Nhà nước kiểm soát kiểu Trung Quốc chứ không phải nền kinh tế tư bản kiểu Mỹ.
Mô hình kinh tế thị trường Trung Quốc do Nhà nước kiểm soát là cải cách được Đặng Tiểu Bình ủng hộ mạnh mẽ. Đặng Tiểu Bình trở lại chính trường, lãnh đạo Trung Quốc vào năm 1978, khi Trung Quốc vừa mới thoát khỏi 27 năm “hỗn loạn”dưới thời Mao Trạch Đông : đó là giai đoạn mà chủ nghĩa tư bản bị cấm, các doanh nghiệp và tài sản tư nhân bị Nhà nước tịch thu và đặt dưới quyền sở hữu tập thể.
Các cải cách triệt để của Đặng Tiểu Bình được coi là nền tảng của phép lạ kinh tế Trung Quốc trong 40 năm qua, với những thay đổi rất lớn, kinh tế tăng trưởng một cách phi thường. Nhưng điều quan trọng nhất là đảng Cộng Sản Trung Quốc không những duy trì được quyền lực mà còn tăng cường kiểm soát đất nước.
Theo các chuyên gia, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đã và đang ngày càng hướng đến mô hình kinh tế của Trung Quốc. Từ tháng 03/2018, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã hai lần sang Bắc Kinh gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong khi đó, một phái đoàn cấp cao của Đảng Lao Động Bắc Triều Tiên, hồi tháng 05/2018, đã có chuyến tham quan 11 ngày tại các trung tâm công nghiệp chuyên về ứng dụng công nghệ cao trong giao thông đô thị và những đột phá khoa học mới nhất của Trung Quốc.
Phái đoàn cấp cao nói trên tới Trung Quốc chỉ một vài tuần sau khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố ngưng thủ nghiệm hạt nhân và tên lửa, đồng thời hứa “xây dựng kinh tế xã hội”.
Truyền thông Trung Quốc đánh giá đó là thông báo về “mở cửa và cải cách” của Bắc Triều Tiên, khiến làn sóng đầu tư vào bất động sản tại thành phố biên giới Đan Đông được đẩy mạnh.
Reuters trích dẫn Jeon Kyong Man, kinh tế gia thuộc Viện Hội nhập Xã Hội Hàn Quốc, theo đó “Kim Jong Un đối thoại với Donald Trump chỉ là để thoát khỏi sự trừng phạt của Mỹ, mọi chuyện tiếp theo sẽ là giữa Kim Jong Un và Tập Cận Bình”.
Bắc Kinh là đồng minh quan trọng nhất và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng. Kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011, quan hệ thương mại song phương càng được củng cố. Giao thương với Trung Quốc chiếm 90% tổng trao đổi thương mại của Bắc Triều Tiên.
Theo Adam Cathcart, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc – Bắc Triều Tiên tại Đại học Leeds ở Anh Quốc, sự đình trệ trong tăng trưởng kinh tế ở vùng đông bắc Trung Quốc cũng thúc đẩy Bắc Kinh phát triển mạnh mẽ quan hệ kinh tế với Bắc Triều Tiên.
Còn theo giới chuyên gia thuộc công ty cổ phần chứng khoán Đông Hưng (Dongxing Securities) ở Bắc Kinh, mô hình chuyển dịch từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường của Trung Quốc thu hút Bình Nhưỡng vì nó đi kèm theo sự ổn định chính trị, kinh tế và xã hội. Nếu tính tới vị trí địa lý, hệ thống kinh tế, quy mô thị trường và giai đoạn phát triển kinh tế, thì sự hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên có những lợi thế không thể thay thế được.
Tuy nhiên, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc – Bắc Triều Tiên Cathcart cho rằng tiến trình tự do hóa kinh tế của Bắc Triều Tiên sẽ chậm : Bình Nhưỡng muốn cẩn trọng vì việc nới lỏng các quy định về tiền tệ và di cư có thể khiến các rủi ro chính trị gia tăng.
Vẫn theo chuyên gia Cathcart, ngoài hình mẫu Trung Quốc, Bắc Triều Tiên cũng có thể nhìn vào các mô hình kinh tế khác, vốn có sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà Nước, chẳng hạn như Việt Nam, hoặc cơ cấu kinh doanh kiểu các đại tập đoàn chaebol của Hàn Quốc, vốn khá gần với “chế độ độc tài về vốn”.
Hồi tháng 04/2018, sau thượng đỉnh Liên Triều tại Bàn Môn Điếm, tờ báo Hàn Quốc Maeil Kyungjae trích lời một quan chức cao cấp tiết lộ, theo đó lãnh đạo Kim Jong Un đã nói với tổng thống Moon Jae In về ý định tiến hành cải cách theo mô hình của Việt Nam, vừa phát triển kinh tế, vừa duy trì quyền lực của đảng Cộng Sản và duy trì quan hệ hữu hảo với Hoa Kỳ.